Lúc 7 sáng thứ Sáu 8 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Hôm nay tại Ý, người Công Giáo cử hành ngày lễ “Supplica alla Madonna di Pompei”, ngày “Khẩn Cầu cùng Đức Bà Pompei”. Ngày lễ này được cử hành hàng năm vào ngày 8 tháng Năm là ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Pompei vào năm 1876. Ngày Khẩn Cầu cùng Đức Bà Pompei cũng được tổ chức vào đúng 12 giờ trưa trước ảnh Đức Bà Pompei vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10.
Hôm nay cũng là ngày Hồng Thập Tự thế giới. Vì thế, trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Đức Bà Pompei cầu bầu cho những người làm việc trong Hội Hồng Thập Tự
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay là Ngày Hồng Thập Tự thế giới và cũng là ngày Trăng Lưỡi Liềm Đỏ. Chúng ta cầu nguyện xin Đức Bà Pompei cầu bầu cho những người làm việc trong các tổ chức xứng đáng này. Xin Chúa ban phép lành cho công việc của họ đang làm với rất nhiều thành quả tốt đẹp.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan trong đó Chúa Giêsu an ủi các môn đệ Ngài: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Phúc Âm: Ga 14, 1-6
“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con”. Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ diễn ra trong Bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu buồn và mọi người đều buồn. Chúa Giêsu nói Người sẽ bị một trong số họ phản bội nhưng đồng thời Người lại bắt đầu an ủi các môn đệ mình. Chúa an ủi các môn đệ Người và ở đây chúng ta thấy cách Chúa Giêsu an ủi.
Chúng ta có nhiều cách an ủi, từ cách xác thực nhất, từ cách gần gũi nhất đến cách nặng về hình thức nhất, như những bức điện chia buồn: ‘Đau buồn sâu sắc vì..” Nó không an ủi ai cả, nó là đồ giả, đó là kiểu an ủi của các nghi thức.
Nhưng chính Chúa an ủi chúng ta như thế nào? Biết rõ điều này là rất quan trọng, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ phải trải qua những khoảnh khắc đau buồn – chắc chắn rồi – cho nên chúng ta phải học cách nhận thức ra sự an ủi thực sự của Chúa.
Trong đoạn Tin Mừng này chúng ta thấy rằng Chúa luôn luôn an ủi trong sự gần gũi, với sự thật và hy vọng. Đây là ba đặc điểm trong cách Chúa an ủi chúng ta. Ngài cận kề thân mật, không bao giờ xa cách. “Thầy ở cùng các con” là câu rất đẹp Chúa Giêsu thường nói với chúng ta. Nhiều lần Chúa hiện diện trong im lặng nhưng chúng ta biết rằng Ngài ở đó. Ngài luôn ở đó. Sự gần gũi là phong cách của Thiên Chúa, chính vì thế Ngài đã nhập thể, để đến gần chúng ta. Chúa an ủi chúng ta trong sự gần gũi với chúng ta. Và Ngài không sử dụng những từ trống rỗng, ngược lại: Ngài thích im lặng. Sức mạnh của sự gần gũi, của sự hiện diện. Và Ngài nói rất ít. Nhưng đầy thân mật, cận kề.
Một đặc điểm thứ hai trong cách Chúa Giêsu an ủi chúng ta là sự thật: Chúa Giêsu là sự thật. Người không nói những điều nặng phần nghi thức nhưng dối trá: “Không, đừng lo, không sao đâu, mọi thứ sẽ ổn thôi, sẽ không có gì xảy ra, mọi cái sẽ qua đi, yên tâm đi, mọi thứ sẽ qua” Ngài nói lên sự thật. Ngài không che giấu sự thật. Bởi vì ngay trong đoạn văn này, chính Người đã nói: “Thầy là sự thật”. Và sự thật là: “Thầy sẽ ra đi”, nghĩa là: “Thầy sẽ chết”. Chúng ta đang đối mặt với cái chết. Đó là sự thật. Và Ngài nói điều đó đơn giản, nhẹ nhàng, không làm tổn thương ai: chúng ta đang đối mặt với cái chết. Ngài không che giấu sự thật.
Đặc điểm thứ ba trong sự an ủi của Chúa Giêsu dành cho chúng ta là hy vọng. Ngài nói, vâng, đó là một thời gian tồi tệ. Nhưng đừng để trái tim các con xao xuyến: hãy có niềm tin vào Thầy, bởi vì trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Chúa trở lại mỗi khi có ai đó trong chúng ta trên đường rời khỏi thế giới này. “Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy”: đó là hy vọng. Người sẽ đến và đưa tay ra cho chúng ta và mang chúng ta đi. Người chẳng bao giờ nói: “Không, anh em sẽ không đau khổ, không có gì đâu”. Ngài nói sự thật: “Thầy ở cùng anh em,” đây là sự thật: đó là một khoảnh khắc tồi tệ, nguy hiểm, và cái chết. Nhưng đừng để trái tim anh em xao xuyến, hãy bình yên. Sự bình yên là cơ sở của mọi sự an ủi, bởi vì Thầy sẽ đến và chìa tay ra cho con và đưa con đến nơi Thầy sẽ đến.
Thật không dễ dàng gì để nhận thức ra chúng ta đang được Chúa an ủi. Nhiều lần, trong những lúc khốn cùng, chúng ta tức giận với Chúa và không để Ngài đến và nói với chúng ta với sự ngọt ngào này, với sự gần gũi này, với sự hiền lành này, với sự thật này và với hy vọng này.
Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin cho chúng ta ân sủng biết học cách để mình được Chúa ủi an. Sự an ủi của Chúa là trung thực, không lừa dối. Đó không phải là gây mê, không phải. Nhưng là sự gần gũi, là sự thật và nó mở ra những cánh cửa hy vọng cho chúng ta.
Source:Vatican News