Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa,
những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.
Dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.
Đức công chính của họ tồn tại đến muôn đời. (Tv 112, 1-3)
Nhân ngày lễ kính trọng thể Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Tông huấn Redemptoris custos - Người chăm sóc Đấng Cứu Thế của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II để hiểu hơn về danh xưng “Đấng Công Chính” của Thánh Cả và để củng cố đức tin của chúng ta trong bối cảnh đầy âu lo và thách đố như tình hình hiện nay.
“Ông Giuse, chồng bà, là người công chính.” (Mt 1,19)
Tông huấn Redemptoris custos đã trình bày một cách cô đọng dung mạo và sứ mạng của Thánh Giuse (Chương I) trước hết như một “người bảo vệ mầu nhiệm Thiên Chúa” (Chương II), sau như một mẫu gương tuyệt hảo cho giới lao động bình dân chân chính (Chương IV). Tông huấn còn đưa ra những lập luận vững chắc để chứng minh rằng nền tảng cho tất cả những đức tính anh hùng đó chính là một đời sống nội tâm ưu việt mà Thánh Giuse đã trải qua (Chương V). Chúng ta sẽ chỉ tập trung đào sâu Chương III của Tông Huấn để tái khám phá lại ý nghĩa danh xưng Đấng Công Chính mà chúng ta hay dùng để nói về Thánh Giuse. [1]
Khi thuật lại gốc tích của Đức Giêsu Kitô, Thánh Sử Matthêu đã ghi lại ít là 2 thông tin bổ ích liên quan đến vấn đề chúng ta đang muốn tìm hiểu. Trước hết, Thánh Giuse là chồng của Đức Maria vì hai người đã thành hôn với nhau. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Thứ hai, Thánh Giuse được nhắc đến như “người công chính” (Mt 1:19) và vì là người công chính, Thánh nhân đã không muốn tố giác Maria nhưng chỉ định tâm lìa bỏ bà một cách kín đáo (x. Mt 1. 18-25). Ở đây, bối cảnh xuất hiện của tính từ “công chính” rõ ràng là bối cảnh luật pháp vì liên quan đến cuộc hôn nhân của Giuse mà Maria, và cũng là bối cảnh luân lý vì gắn liên với sự kiện Maria có thai khi hai người chưa về chung sống. Có lẽ vì vậy mà chúng ta hay cắt nghĩa đức “công chính” của Thánh Giuse theo nghĩa là vừa công minh vừa chính trực. Nếu hiểu như vậy thì câu 19 Chương 1 Tin Mừng theo Thánh Matthêu quả thật khó hiểu. Khi nhận ra vợ có dấu hiệu vi phạm luật Do Thái lúc bấy giờ, và nếu Giuse là một người công tâm, ngay thẳng thì đúng ra ông phải tố giác bà mới đúng. Liệu người không tuân giữ luật như Giuse có thể được coi là “công chính”?
Luật Thiên Chúa người công chính ghi tạc vào lòng. (Tv 37, 31)
Lật lại những trang Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thấy chỉ có Thiên Chúa mới là “Đấng Công Chính” (Đanien 9,7; Tv 40, 10). Thiên Chúa được ví như “đèn trời soi xét” (Tv 4:2) vì Người rất mực chính trực, công minh (x. Tôbia 3, 2; Tv 22, 32; Cn 8, 20). Dân Israel hằng tuyên xưng rằng “Thiên Chúa chúng ta thực là ngay thẳng, nơi Người chẳng có chút bất công” (Tv 92, 16). Ở những nơi khác trong Cựu Ước, đức công chính hay được nhắc đến theo nghĩa tương đương với đức công bằng. Khi đó, công chính ít nhiều liên quan đến quy tắc ứng xử giữa người với người: “Các ngươi không được làm diều bất công khi xét xử cũng như khi đo đạc cân đong” (Lê-vi 20, 35 & x. Đnl 25, 1&15). Người công chính theo nghĩa Kinh Thánh Cựu ước là người chu toàn bổn phận một cách trung thành và tận tụy. Ở đây bổn phận đối với Thiên Chúa hiểu cách cụ thể nhất là tuân thủ lề luật của Người. Ví như tác giả Thánh Vịnh số 1 đã nói: “Hạnh phúc thay người chẳng ghe theo lời bọn ác nhân, […] nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2). Thánh Vịnh 37 còn làm sáng tỏ hơn khi nói rằng: “Kẻ gian ác vay mà không trả, người công chính thông cảm và cho không. [Họ] thông cảm và cho vay mượn. Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan, và lưỡi họ nói lên điều chính trực. Luật Thiên Chúa họ ghi tạc vào lòng.” (x. Tv 37, 21-31) Phần thưởng dành cho người công chính thì rất nhiều nhưng có lẽ hạnh phúc nhất vẫn là được chính Thiên Chúa bảo vệ chở che: “Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi. Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gẫy” (Tv 34, 20-21).
“Ông đã trở nên công chính nhờ lòng tin.” (Rm 4:13)
Kinh Thánh Cựu Ước không chỉ mô tả người công chính đơn giản là người tuân thủ luật Chúa mà trên hết là những người tìm kiếm thánh ý Chúa. Những người đón nhận huấn lệnh của Thiên Chúa bằng con tim chan chứa niềm thành kính tin yêu. Ví như trong sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa đã thưởng cho Tổ Phụ Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời nhiều như cát bãi biển là vì “ông đã tin Đức Chúa” (St 15,6). Thánh Phaolô tông Đồ đã nhắc đến gương công chính của Abraham trong thư người viết cho các tín hữu Rôma và điều đặc biệt là đoạn thư đó đã được chọn để công bố trong thánh Lễ Kính Thánh Giuse. “Anh em thân mến, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Apraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.” (Rm 4,13) Như vậy, chúng ta phần nào hiểu được lý do tại sao Thánh Giuse được mệnh danh là Đấng Công Chính.
Thánh Giuse là người công chính là nhờ người đã tin. Tin Mừng thuật lại: “Khi tỉnh dậy, Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà mình” (Mt 1, 24). Hành vi này của Thánh Giuse vừa diễn tả đức tin mạnh mẽ của người đối với Thiên Chúa vừa cho thấy người yêu mến Thiên Chúa đến mức nào. Tông Huấn Redemptoris custos ghi nhận hai loại tình yêu được hôn nhân giữa Mẹ Maria và Thánh Giuse tượng trưng cho: Tình yêu hôn nhân và tình yêu tận hiến. “Sự trinh khiết hoặc độc thân vì Nước Trời không những không mâu thuẫn với phẩm giá của hôn nhân mà còn giả định và xác nhận nó. Hôn nhân và đồng trinh là hai cách diễn tả và sống mầu nhiệm duy nhất Giao ước của Thiên Chúa với dân Người. […] Qua sự tự hiến hoàn toàn, Thánh Giuse biểu lộ tình yêu độ lượng Người dành cho Mẹ Thiên Chúa, và tặng cho bà “món quà tự hiến” của một người chồng. Mặc dù Giuse đã quyết định rút lui để không can dự vào kế hoạch Thiên Chúa đang diễn ra nơi Mẹ Maria, Người tuân theo mệnh lệnh rõ ràng của thiên thần và đón Mẹ Maria về nhà mình, trong khi vẫn tôn trọng việc Mẹ chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi. Đàng khác, từ cuộc hôn nhân với Mẹ Maria, thánh Giuse nhận được phẩm giá đặc thù và quyền hành của mình đối với Chúa Giêsu.” (Redemptoris custos, #20). Nói tóm lại, ngay từ đầu, Thánh Giuse đã tỏ ra mình là người công chính vì Người đón nhận thánh ý Thiên Chúa với sự “vâng phục đức tin” (Redemptoris custos, #21).
Giờ đây khi chúng ta đọc lại trình thuật Tin Mừng liên quan đến việc Thánh Giuse muốn định tâm lìa bỏ Đức Maria khi hay tin Mẹ có thai. Chúng ta mới hiểu rõ hơn vì sao trong hoàn cảnh đó, Giuse vẫn được coi là công chính. Là bởi vì Giuse không chỉ chu đoàn luật Chúa về mặt ngôn từ nhưng người đã hiểu được tinh thần của lề luật và áp dụng cách triệt để nhất có thể. Khi được hỏi “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?” Đức Giêsu thản nhiên đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi [và phải] yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” (x. Mt 22, 36-40; Mc 12, 28-31; Lc 10, 25-27). Thánh Giuse đã chu toàn cách trọn vẹn giới luật Chúa ban khi người tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần của thánh luật đó là mến Chúa yêu người. Thánh Giuse đã chứng minh cho chúng ta thấy những gì Thánh Phaolô dạy thật chí lý: “Yêu Thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Phần thưởng Chúa ban cho bậc chính nhân thì không ai diễn tả thấu nhưng rõ ràng nơi Thánh Giuse, chúng ta đã nhận thấy tỏ tường rằng người đã vượt qua mọi gian nan một cách bình an. Người vượt thắng phong ba vì “Thiên Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” (Tv 1, 6).
Dòng dõi người công chính được Chúa thương giáng phúc
Có lẽ vì vậy, trước phong ba bão táp, chúng ta đực mời gọi chạy đến cùng Thánh Giuse, chạy đến với Đấng bảo trợ đặc biệt cho những ai lâm cảnh khó khăn. Tình thế lúc này không đơn giản chỉ là những vụ khó khăn của cá nhân hay của một vài người nơi này nơi khác, mà là cả thế giới, cả Giáo Hội như đang lâm vào những thách đố vô cùng lớn lao. Thế giới quằn quại trước dịch bệnh nguy hiểm, còn con thuyền Hội Thánh thì chao đảo vì những căn bệnh tinh thần vô cùng nghiêm trọng. Tại Nước Ý, nơi đang được xem là tâm dịch Covid-19 của toàn thế giới chỉ sau Trung Quốc, Hội Đồng Giám Mục địa phương đã ra thông báo kêu gọi tín hữu khắp cả nước cầu nguyện xin ơn bàu cử của Thánh Giuse, cụ thể là việc lần chuỗi Mân Côi và thắp nến sáng tại cửa sổ lúc 21 giờ ngày 19 tháng 3, vào đúng ngày lễ kính Thánh Quan Thầy Hội Thánh. (Theo Viet Vatican News, 18.03.2020) Ite ad Joseph – “Hãy đến cùng Giuse” (St 41:55) là lời kêu gọi khẩn thiết dành cho chúng ta trong lúc này là vì “trên trời Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin.” (Kinh khấn Thánh Giuse bảo trợ những vụ khó khăn).
Các vị chủ chăn kêu gọi chúng ta chạy đến với Thánh Giuse trước là vì Cha Thánh có không nỡ chối từ những lời cầu xin chính đáng của con cái người, như Thánh nữ Têrêsa Avila, Tiến Sĩ Hội Thánh, đã nhiều lần cảm nghiệm và chia sẻ trong các bút tích của người. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn của việc sùng kính Thánh Giuse đã được trình bày cách trang trọng ngay trong những hàng đầu tiên của tông huấn Người chăm sóc Đấng Cứu Thế: “Dựa vào Tin Mừng, các Giáo Phụ từ những thế kỷ đầu đã nhấn mạnh rằng, như Thánh Giuse đã thương yêu chăm sóc Mẹ Maria và vui vẻ tận tuỵ nuôi dưỡng Đức Giêsu Kitô thế nào, thì Ngài cũng coi sóc và bảo vệ Nhiệm Thể của Đức Kitô, là Giáo Hội, mà Mẹ Maria là hiện thân và khuôn mẫu [của Giáo Hội] như thế ấy” (Redemptoris custos, #1). “Giáo Hội đã phó thác nơi Thánh Giuse hết tất cả mọi lo âu kể cả những hiểm nguy đang đe doạ gia đình nhân loại” (Redemptoris custos, # 31).
Thánh Giuse tiếp tục chăm sóc con cái người không gì khác hơn qua chính gương sáng nhân đức của người. Chúng ta vừa khẩn nguyện kêu cầu thánh Giuse vừa suy gẫm nhân đức của Đấng Công Chính để mẫu gương của Thánh nhân gợi hứng cho chúng ta biết hối cải và mỗi ngày một mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương người thân cận như chính mình (x. Lc 10, 27).
-----
[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Redemptoris custos, Vatican, 15.08.1989: http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/apost_exhortations/documents/hf_jp-ii_exh_15081989_redemptoris-custos.html
Bản dịch Việt Ngữ: http://daminhtamhiep.net/2012/10/tong-huan-nguoi-trong-nom-dang-cuu-the/