Ai sẽ là vị Giáo Hoàng tương lai?

LOS ANGNELES - Sau tang lễ chôn cất đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, giờ đây cả thế giới đang tò mò muốn biết chân tướng vị Giáo Hoàng tương lai là ai? Các Đức Hồng Y mà nhiệm vụ chính của các ngài là có trách nhiệm bầu lên vị Giáo Hoàng tương lai, các ngài đang suy nghĩ gì? Đang nhắm bầu cho ai?

Thực ra có câu nói từ lâu như thế này là: “Khi vào Cơ Mật Viện thì là Giáo Hoàng, lúc đi ra lại là Hồng Y”. Có nghĩa là những người thường được tiên đoán làm giáo hoàng trong quá khứ thường không được đắc cử như các “chuyên viên” tiên đoán, chỉ trừ một vài trường hợp là đúng mà thôi! Thế nên nghệ thuật “tiên đoán” và “tính toán” xem ai làm Giáo Hoàng, chỉ có mục đích tìm hiểu khả năng và nội lực của các vị có danh tiếng và khả năng nhất trong Hồng Y Đoàn mà thôi.

Vào ngày thứ Bảy hôm nay 9/4/2005 trong một cuộc hội nghị 130 vị hồng y tại Vatican, các ngài đã đồng thanh quyết định với nhau là sẽ không tiếp xúc với báo chí nữa, sẽ giữ sự im lặng, để rồi các ngài có thời giờ cầu nguyện và suy nghĩ về việc tuyển chọn Giáo Hoàng tương lai. Hành động yên lặng này, phát ngôn viên Tòa thánh Joaquin Navarro-Valls gọi là một “hành động trách nhiệm”. Ông cũng xin các nhà báo vì lịch thiệp hãy thôi không phỏng vấn các hồng y trong giai đoạn này. Đây là một tiền lệ từ trước đến nay chưa xẩy ra, nhưng cũng có thể vì muốn bảo đảm tính cách vô tư trách bị ảnh hưởng bởi các nguồn tư duy từ mọi phía, đồng thời muốn bảo mật truyền thống bầu cử kín từ ngàn xưa của Giáo Hội.

Lần bầu Giáo Hoàng lần này sẽ có 115 vị hồng y thuộc 52 quốc gia tham dự cuộc bầu cử. Có 2 vị lý do ốm đau không tham dự được là ĐHY Jaime L Sin của Phi luật tân và ĐHY Alfonso Antonio Suarez Rivera của Mễ Tây Cơ.

Vì Đức Gioan Phaolô II sau 455 năm được bầu làm Giáo Hoàng không phải là người Ý đại lợi, nên từ đó cũng không giới hạn là phải người Ý mới làm Giáo Hoàng. Tuy dù gần đây có dư luận có lẽ ngôi Giáo Hoàng sẽ trở lại trong tay vị hồng y người Ý. Một số khác lại nghĩ là nên bầu cho một vị tại Nam Mỹ với số người Công giáo đông nhất hoàn cầu và muốn làm sốn lại truyền thống Công giáo tại Nam Mỹ. Và số người khác thì cho rằng còn có các vị có khả năng tại Á châu và Phi châu chẳng hạn.

Một vài tiêu chuẩn cho vị Giáo Hoàng tương lai:

Qua một số lời tuyên bố của các đức hồng y, chúng ta có thể thấy được những tiêu chuẩn mà các vị hồng y chọn người kế vị Đức Gioan Phaolô II như sau:

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 8/4/2005 với LM Trần Công Nghị có nói về một số những đức tính và có thể cũng là những tiêu chuẩn của đa số các hồng y khác. Đức Hồng Y Mẫn trả lời như sau: “Trong tâm trí của tôi là chọn một Gioan Phaolô thứ III, mang những nét tương tự giống như Gioan Phaolô thứ II. Đó là một sứ giả Tin Mừng không mỏi mệt, đó là một Mục Tử nhân lành, tân tụy và hy sinh cho đoàn chiên, và một vị Lãnh Đạo Tinh Thần vừa khiêm tốn, phục vụ vô vị lợi, và vừa kiên trì xây dựng nền văn hóa sự sống văn minh tình thương cho các dân tộc, cho xã hội loài người. Đó được coi như là những đức tính và những tiêu chuẩn đối với riêng tôi”.

Đức Hồng Y George Pell của tổng giáo phận Sydney, Perth, Úc châu cho biết: vị Tân Giáo Hoàng phải là một Thày Dạy và là một Nhà Truyền Giáo trong tinh thần Gioan Phaolô II Cao Cả. Tuy nhiên, Đức Hồng Y bày tỏ âu lo là Hồng Y Đoàn sẽ khó lòng tìm ra một vị với tất cả những tài năng như vị Giáo Hoàng vừa quá cố. ĐHY Pell còn nhận định rằng: “Đức Gioan Phaolô, theo những tiêu chuẩn của Giáo Hoàng, đã rất trẻ, rất năng động và hiện diện trước công chúng rất thành công với sự bén nhạy về ngôn từ. Chúng ta không thể kỳ vọng nhiều như thế nơi mọi vị Giáo Hoàng. Nếu một vị Giáo Hoàng có tuổi hơn, chúng ta sẽ không thấy ngài thực hiện nổi nhiều chuyến tông du như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II”. Đức Hồng Y Pell cũng nhận định rằng vấn đề cai quản Giáo Hội Hoàn Vũ và tương quan với các Giáo Hội địa phương chỉ là chuyện thứ yếu. Vấn đề lớn lao hơn mà vị Tân Giáo Hoàng phải đối phó là “kêu gọi chúng ta vượt qua con người mình để nên giống hình ảnh Thiên Chúa” và “tạo cho chúng ta hy vọng để đương đầu với sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta”.

ĐHY Karl Lehmann mới đây tuyên bố với báo Zeitung rằng: “cuộc bầu lần này chủng tộc và bối cảnh của vị hồng y sẽ đóng một vai trò trong việc chọn vị giáo hoàng, tuy vậy không có ai là rõ ràng ưu thế cả, và cũng không có liên hiệp nhóm nào vững mạnh cả”. Ngài nói tiếp: “Các hồng y phải qua các cuộc bỏ phiếu, qua các cuộc tiếp xúc và luận bàn để tiến tới một sự đồng thuận”.

Ngoài ra một trong những vấn đề mà hiện nay các giám mục thế giới quan tâm nhiều là vấn đề tập quyền tại Giáo Triều Vatican hay là mở rộng “Quyền Liên Kết Hiệp thông giữa Các Giám Mục” (collegiality)? Đây là danh từ mà Công đồng Vatican II đã đưa ra. Vấn đề là các giám mục hay Hội Đồng Giám Mục các quốc gia có được toàn quyền quyết định những vấn đề có tính cách chỉ liên quan tới các giải pháp thuộc khu vực địa phương trong những điều kiện và tình thế của địa phương đó hay không. Một số hồng y cho rằng bàn giấy Giáo Triều tập trung qúa nhiều quyền hành và nghĩ rằng nên để cho các giám mục địa phương được phần nào tự lập. chẳng hạn về vấn đề phụng tự, huấn luyện linh mục và ngay cả vấn đề tháo gỡ hôn nhân, v.v...

ĐHY Stephen Fumio Hamao, người Nhật, hiện nay là Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Dân, trong năm vừa qua phát biểu rằng: "người Âu châu cho rằng Châu Âu là trung tâm của thế giới. Và họ phải nhận ra sự thực này là họ không biết gì về Á châu cả”.

Trước khi bàn về danh sách các vị “papabile - có thể là Giáo Hoàng”, chúng ta cũng nên nhận định rằng có một số các vị hồng y được gọi là “đại cử tri” nghĩa là có tầm mức ảnh hưởng và dủ nếu các ngài không được chọn làm giáo hoàng, nhưng các vị này có tầm mức ảnh hưởng lớn trên các vị hồng y khác, đó là các vị hồng y sau đây: ĐHY Carlo Maria Martini của Ý, ĐHY Jean Marie Lustiger của Pháp, ĐHY Joseph Ratzinger người Đức và ĐHY Miloslav Vlk người nuớc Cộng Hòa Tiệp Khắc.

Các vị Giáo Hoàng tương lai thường được nhắc tới là:

Âu châu: Tettamanzi 65 tuổi (Ý), Scola 63 tuổi (Ý), Sodano 71 tuổi (Ý), Ruini 68 tuổi (Ý), Antonelli 61 tuổi (Ý), Ratzinger 78 tuổi (Đức) Danneels 67 tuổi (Bỉ), Puljic 59 tuổi (Bosnia) Schönborn 60 tuổi (Áo); Nam Mỹ: Hummes 70 tuổi (Brazil), Bergoglio 69 tuổi (Argentina), Carrera 63 tuổi (Mexicô), Maradiaga 62 tuổi (Honduras); Phi Châu: Arinze 72 tuổi(Nigeria); Á châu: Dias 68 tuổi (Ấn Độ).

  • ĐHY Dionigi Tettamanzi 65 tuổi người Ý. Ngài là Tổng giám mục thành Milan được nhiều người nhắc tới nhất. TRước đây làm trong bộ Ngoại giao Tòa Thánh. Là vị hồng y được tiếng là bảo thủ nhưng trung dung. Có thể là vị hồng y được đồng thuận từ nhiều phía. Hiện ngài là Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, và trước đây là Tổng thư ký của Hội Đồng, nên quen hấu hết các Đức Giám Mục Ý. Ngài cũng là một thần học gia luân lý. Trong kỳ họp thượng Hội Đồng Giám Mục Âu Châu vừa qua rất được nhiều giám mục ưa chuộng vì đưa ra đường lối tích cực và lạc quan chứ không phải là giọng điệu bi quan yếm thế khi nói về Âu châu. ĐHY Tettamanzi cũng là tác giả văn kiện về Gia Đình và Đạo Đức Sinh Học của ĐGH. Gần đây các đề tài trọng yếu của vị Hồng Y này hướng tới các đề mục như là: toàn cầu hóa, chủ thuyết giới giầu cai trị trong chính quyền (plutocracy) và độc quyền truyền thông đại chúng. Có hai tổ chức đang ảnh hưởng tới đường lối của ĐHY Tettamanzi là Cộng Đoàn Thánh Egidio và tổ chức Opus Dei.


  • ĐHY Joseph Ratzinger 78 tuổi, ngài có tài ngoại ngữ nói nhiều thứ tiếng. Tuy là quá tuổi hồi hưu, nhưng theo ý muốn của ĐGH vị hồng y này cũng không thể nào thiếu được tại Giáo Triều. Nếu ĐHY Sodano quan trọng về chính sách và đường lối ngoại giao chính trị của Tòa Thánh, thì ĐHY Ratzinger chính là người cầm cân nảy mực về giáo lý và giáo huấn đức tin của Giáo Hội. ĐHY Ratzinger đã ở vị trí này trong 23 năm qua trong chức vụ Trưởng Thánh Bộ Đức Tin. Hiện nay trong số 117 vị hồng y còn đủ điều kiện bầu Giáo Hoàng tương lai thì chỉ còn lại 3 vị là không do Đức Gioan Phaolô cất đặt lên mà thôi. Đức Ratzinger là một trong 3 vị trước đây đã chọn Karol Wojtyla lên làm Giáo Hoàng vào năm 1978. Dù có tuổi nhưng địa vị và thế giá của ngài không suy giảm tại Vatican. Và ngài được số hồng y các hồng y thuộc Phi châu và Á châu ngưỡng mộ. Tuổi tác của ngài không là ngăn trở cho việc làm giáo hoàng. Đức Gioan XIII (Angelo Giuseppe Roncalli) được chọn làm giáo hoàng lúc 77 tuổi và có công triệu tập Công Đồng Vatican II, được coi là một cuộc cách mạng trong Giáo Hội cho thế kỷ 20. Những người ủng hộ ĐHY Ratzinger muốn rằng vị hồng y này làm Giáo Hoàng để sửa sai những thất bại mà cuộc cách mạng Công Đồng Vatican II đã tạo nên và hướng dẫn Giáo Hội trên một con đường vững chãi. Tuy vậy ĐHY Ratzinger bị giới cấp tiến không mấy hài lòng vì đường lối cứng rắn. Ngài có khả năng nối kết truyền thống Đồng và Tây trong giáo Hội. Tuy là bảo thủ, nhưng cũng có tinh thần cởi mở.


  • ĐHY Francis Arinze 72 tuổi, người Nigeria thuộc Phi châu. Ngài từng được coi là ứng cử viên Giáo Hoàng nặng kí. Hiện trong nhiều năm qua đã giữ nhiều chức vụ tại Vatican: Như Đối Thoại Liên Tôn, và hiện nay đứng đầu Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Cuộc đời trở lại đạo Công giáo của ngài là một cảm hứng cho nhiều người. Ngài là người đã từng có kinh nghiệm về giao tế và đối thoại với các tôn giáo khác, nhất là Hồi Giáo. Đó là một trong những điều mà vị giáo hoàng tương lai nhất thiết phải đối diện.


  • ĐHY Claudio Hummes, năm nay 70 tuổi, tổng giám mục thành São Paulo, nước Brazil, rất được khối các hồng y Nam Mỹ kính trọng. Khói Nam Mỹ có tất cả 21 hồng y. Ngài trước đây là Cha Dòng Phanxicô, sinh ra tại Brazil và cha mẹ là người gốc Đức. Ngài thường lên tiếng mạnh mẽ về công bằng xã hội, nhiệt liệt bênh đỡ quyền lợi của người nghèo. Về quan điểm thần học rất bảo thủ, nhưng lại cấp tiến về các vấn đề xã hội và nhân quyền. Các vị lãnh đạo Nam Mỹ muốn rằng Giáo Hội phải để tâm hơn nữa trong việc chống nạn nghèo đói và ngăn chặn việc phát triển mạnh mẽ của Tin Lành và các giáo phái Thánh Linh đang thu hút và lấy đi dần các tín đồ Công Giáo tại Nam Mỹ. Vào tháng 3 năm nay, Ngài tuyên bố rằng: “Cần phải liên kết với người nghèo”. Tuy vậy ngài cũng rất thận trọng và giữ khoảng cách với nền “thần học giải phóng”một phong trào có tính cách công lý xã hội trong thập niên 1970. Phong trào này chính Đức Gioan Phaolô cho là quá gần kề với chủ thuyết Cộng Sản.


  • ĐHY Godfried Daneels, năm nay 71 tuổi người Bỉ. Ngài trước đây thường được nhắc tới rồi có một thời không được nhắc tới, nhưng sau Thượng Hội Đồng Giám Mục Âu Châu thì người ta thấy rõ tài năng của vị hồng y này: hoạt bát, thông thái, nhiệt tình. Ngài là một trong 3 vị được chọn để trình bày cho đức Giáo Hoàng Giaon Phaolô II về những quyết định tổng kết của Hồi Đồng. Trong các bài diễn văn, Ngài nói truyện về các vấn đề đương đại của Châu Âu và khẳng định rằng dù bên ngoài xem ra có những thế lực xấu qủi ma đang ảnh hưởng, thế nhưng trong đó cũng phát sinh yếu tố tốt, vì từ đó Giáo Hội nhận diện lại mình, vì thế đã đổi hướng nhìn của các giám mục châu Âu. Ngài cũng quan niệm rằng, trào lưu phóng khoáng và có tính cách rút lui hiện nay, nếu ta biết nhìn ra cũng học được cái tốt. Vì nói cho cùng Giáo Hội cần cổ võ ước muốn của con người là muốn được hạnh phúc - Chúa Kitô đến mang sự sống tràn đầy cho con người. Ngay cả khi Giáo Hội mất đi tài sản và quyền lực hay thế đứng trong xã hội hiện nay, thì đó cũng dậy cho chúng ta biết khiêm nhường. Ngài chủ trương phân quyền và bớt đi tính cách tập quyền tại giáo triều Vatican. Một điểm yếu của ĐHY Daneels là trong giáo phận của Ngài vì thiếu kiểm soát chặt chẽ nên đã xẩy ra các vụ linh mục lạm dụng tính dục.


  • ĐHY Oscar Andrés Rodríguez Maradiaga, năm nay 62 tuổi, Ngài giống Đức Gioan Phaolô II đầy nhiệt huyết và nghị lực. Ngài biết lái máy bay và tập thể thao hằng ngày. Ngài hiện là Tổng giám mục giáo phận Tegucigalpa, thuộc nước Honduras. Ngài có tài ngôn ngữ, nói rất nhiều thứ tiếng. Ngài là tiếng nói trung dung của Nam Mỹ. Ngài cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Liên Mỹ Châu La Tinh. Chính ngài là người đã đưa ra các chương trình làm thăng tiến đời sống công bình xã hội tại Nam Mỹ, chống độc tài và cổ võ cho nhân quyền. Hồng Y Maradiaga thường lên tiếng ủng hộ việc các nước giầu tha nợ cho các nước nghèo. Ngài cho rằng một trong những trách vụ của ngài là lên tiếng về các xung khắc giữa nền kinh tế toàn cầu hóa và hằng triệu dân nghèo sống trong các nước chậm tiến.


  • ĐHY Christoph Schonborn, năm nay 60 tuổi. Là tổng giám mục thành Vienna, nước Áo. Ngài là ngôi sao trẻ đang lên và có rất nhiều tương lai. Được phong làm hồng y lúc mới có 54 tuiổi. Tuy dù ở tuối rất trẻ nhưng nhiều người nhắc tới Ngài. Là một giáo sư thần học tín lý và nhà trí thức và phong cách của ngài làm nhiều người để ý và kính trọng, vì Ngài rất đạo đức. Ngài kêu gọi người Công Giáo Tây Phương nên nói lời xin lỗi và tha thứ vì trước đây đã im lặng về những đau khổ gây ra cho Giáo hội Đông Phương. Ngài có nhiều kinh nghiệm về đối thoại Liên Tôn. Được coi là một người hòa giải.


  • ĐHY Giovanni Battista Re, 71 tuổi người Ý. Đức hồng Y Re đã từng nắm những vị trí quan trọng trong cơ cấu đầu não của Tòa Thánh Vatican. Là vị hồng y có tài quản trị. Tuy không có nhiều kinh nghiệm về mục vụ, nhưng về đối ngoại và việc triều chính ở Vatican thì ngài rất quen thuộc. Sau khi rất thành công trên trường ngoại giao của Tòa Thánh, ngài rất được ĐGH Gioan Phaolô II tín nhiệm và trở thành cố vấn tín cẩn của Đức Giáo Hoàng. Hiện đang iữ Bộ quan trọng tại Vatican là bổ nhiệm các giám mục trên thế giới.


  • ĐHY Angelo Sodano, năm nay 78 tuổi, người Ý. Làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Chính ĐGH Gioan Phaolô II là người chuyên ủy quyền cho Giáo Triều (Curia Roma) điều hành Giáo Hội. Và với hiện tình sức khỏe ngày càng kém đi thì sự ủy quyền này càng ngày càng trở nên rộng rãi hơn. Cho nên quyền của ĐHY Sodano và nhân viên thân cận của ngài càng trở nên rõ rệt. Theo chỉ thị của ĐGH thì các vị hồng y trong giáo triều phải hồi hưu lúc 75 tuổi, nhưng dù năm nay đã 78 tuổi, ĐHY Sodano vẫn còn tại chức trong Bộ trọng yếu này.


  • ĐHY Camillo Ruini, năm nay 74 tuổi, người Ý. Một trong những điều mà ĐGH Gioan Phaolô II đặt tầm quan trọng rất tích cực là “bảo vệ sự sống chưa sinh ra”, và đó cũng chính là điều đức Ruini quan tâm. Một trong những mặt trận hàng đầu của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là bảo vệ sự sống và chắc chắn vấn đề này sẽ được tiếp nối trong triều giáo hoàng kế tiếp, hơn cả vấn đề đối thoại Liên Tôn và một số các quan tâm khác. Nếu trong cuộc bầu giáo hoàng kế tiếp mà ĐHY Ratzinger không được chọn, thì chắc chắn ảnh hưởng của Hồng Y Ratzinger hợp tác với ĐHY Ruini sẽ tạo ra một ảnh hưởng lớn lao trong việc chọn lựa người kế tiếp. Cả hai vị hồng y này đều xác tín là sự tương quan giữa Giáo Hội và thế giới tân tiến ngày nay sẽ được quyết định bởi điều mà hai vị gọi là “thánh đố về nhân chủng”, có nghĩa là cuộc chạm trán giữa cái nhìn Kitô giáo về con người và cái nhìn hạ con người xuống chỉ coi như là một thành phần của thiên nhiên mà thôi.


  • ĐHY Angelo Scola, 63 tuổi người Ý và là giáo chủ thành Venice. Về phía tổ chức Opus Dei thì ĐHY Scola là người được tín nhiệm nhất. ĐHY Scola cùng với ĐHY người Áo là Cristoph Schönborn, cùng một quan điểm với khuân của ĐHY Ratzinger, không những về khả năng trí thức mà còn về đường hướng. ĐHY Scola có ảnh hưởng sâu rộng với các hồng y vượt ngoài biên giới Ý đại lợi, cũng bởi vì gần đây có xuất bản tờ đặc san bằng 5 ngôn ngữ có tên là “Ốc Đảo” (Oasis) bao gồm cả tiếng A-rập và Urdu. Tờ báo này được gửi miễn phí tới tất cả các vị hồng y và giám mục trong vùng thuộc Trung Đông và thế giới Hồi giáo tại Á châu nữa. D(HY Angelo Scola là một nhà trí thức, biết nhiều ngôn ngữ và viết sách râ1t nhiều, trong đó bàn về y sinh học. Và đây là vấn đề mà chắc chắn vị giáo hoàng tương lai phải đương đầu với.


  • ĐHY Jorge Mario Bergoglio, năm nay 68 tuổi, người Argentina, Nam Mỹ. Ngài là TGM của thành Buenos Aires. ĐHY Bergoglio được coi là người có đời sống nội tâm cao độ kết hợp với khả năng quản trị uy quyền. Tuy nhiên sức khỏe ngài không được tốt lắm.


  • ĐHY Norberto Rivera Carrera, năm nay 63 tuổi, là tổng giám mục thành Mexico City, một giáo phận lớn nhất thế giới với 19 triệu dân. Ngài rất tích cực trong các vấn đề xã hội. Lên tiếng mạnh mẽ về nhân quyền. Với tuổi 63 cũng được coi là quá trẻ cho việc bầu vử lần này.


  • ĐHY Ivan Dias 68 tuổi và hiện là Tổng giám mục Bombay, Ấn Độ. Là một trong 11 hồng y Á châu tham dự Cớ Mật Viện bầu giáo hoàng lần này. Đã làm việc tại Vatican 30 năm trong ngành ngoại giao trước khi về lại quê hương phục vụ. Nói nhiều ngôn ngữ. Ngài du lịch rộng rãi trên thế giới. Đã làm trong Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh và rồi làm sứ thần Tòa Thánh tại Đan Mạch, Thụy Điển, Norway, Iceland, Phần Lan, Indonesia, Mauritius, Triều Tiên và Albania. Được coi là một torng các ứng cử viên Giáo Hoàng của thế giới đang phát triển.


  • Ngoài ra còn có ĐHY Ennio Antonelli, Tổng giám mục thành Florence và ĐHY Tarcisio Bertone 70 tuổi, tổng giám mục thành Genoa cũng được nhắc tới. Cả hai là chuyên viên giáo luật và là thư ký Thánh Bộ Đức Tin.


Sở dĩ không đưa ra tên tuổi bất cứ vị hồng y người Hoa Kỳ nào là có nhiều lý do:

1/ Vì Hoa Kỳ là một cường quốc về chính trị và kinh tế, nên đa số các vị hồng y thuộc các quốc gia khác không muốn thấy Hoa Kỳ trong vị thế lãnh đạo Giáo Hội.

2/ Người Công giáo Hoa Kỳ chỉ có 6% so với dân số Công giáo thế giới, nên cũng không có ảnh hưởng gì.

3/ Các vấn đề mà Giáo Hội Hoa Kỳ quan tâm thường có tính cách địa phương và không là mẫu số chung của các quốc gia khác, tỉ dụ như vấn đề cho linh mục lập gia đình, cho phụ nữ làm linh mục, cho giáo dân lãnh vai trò quan trọng trong giáo hội, v.v...Những vấn đề này có khi còn đi ngược lại trào lưu của Công giáo thế giới.

4/ Đa số các vị hồng y Hoa Kỳ tuy rất giỏi về quản trị và rất có khả năng mục vụ, nhưng một cách chung người ta nghĩ rằng các ngài không có có cái nhìn bao quát về toàn thể các quốc gia trên thế giới (vì các ngài có sẵn các chuyên viên để sử dụng). Thêm vào đó, trừ ra một vài vị như ĐHY Francis George, Egan, Stanford và Rigali, còn các vị khác không nói được nhiều ngoại ngữ như đa số các hồng y các quốc gia khác.