Dân Làng Hồ là cuốn sách viết về buổi đầu gian khó trong hành trình truyền giáo lên cao nguyên của các giáo sĩ phương Tây nhưng hoàn toàn dễ đọc và quan trọng hơn, người ta còn có thể tìm thấy tại đây khá nhiều thông tin khác liên quan đến địa lí, nhân văn của khu vực này, hồi thế kỉ 19. Có lẽ trước hết đó sự hấp dẫn bởi các câu chuyện rải dọc theo những con đường lên cao nguyên hoặc cụ thể hơn là những lối đi giữa bao la rừng rậm và hiểm nguy mà những nhà truyền giáo đã lần mò, khai phá và kể lại. Chuyện lớn chuyện nhỏ đều có. Sự giao thương giữa “Trung Châu” thời kì đó với miền Thượng thấp thoáng đằng sau những trang viết tưởng chừng ít liên quan đến việc này, có thể giúp độc giả hình dung ra phần nào cuộc sống của đồng bào dân tộc miền đất nguyên sơ ngày ấy. Những miêu tả, nhận xét về cây cỏ, muông thú, về số dân, các nhóm sắc tộc và hoạt động mưu sinh, việc rèn đao kiếm, khai thác mỏ,… của các cộng đồng xưa - mà ngày nay đã có sự thay đổi đáng kể - thực sự mang lại cho người đọc những tri thức quí, nhiều khi đáng ngạc nhiên.
Nói đến công cuộc truyền giáo không thể không chạm đến văn hóa hay cụ thể hơn là tín ngưỡng dân gian, những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Cho dù được trình bày trên quan điểm của những “người đi loan báo tin mừng”, sách vẫn cung cấp cho độc giả nhiều hiểu biết liên quan đến các cộng đồng người nguyên thủy Tây Nguyên mà ngày nay không phải muốn là còn có thể tìm thấy, khi các làng buôn ngày càng được hiện đại hóa. Nhiều người từng biết các tộc người thiểu số có hàng loạt tục kiêng cữ, cấm đoán – một phần những qui định bất thành văn là sức mạnh “pháp lí” của công đồng; nhiều người từng biết tục bóp trứng gà (phải là trứng gà đang ấp thì mới dễ bóp bể) của các thầy cúng/bói/phù thủy nhưng có lẽ tìm hiểu và sớm ghi chép lại rõ ràng như tác giả hồi ký này thì chưa nhiều, nếu không muốn nói là hiếm hoi. Cạnh những chuyện có phần lạ lùng với hôm nay, dường như người đọc chợt thoáng thấy bóng dáng văn hóa Chămpa, khi tác giả kể: “Một pho tượng đàn ông, không biết làm bằng kim loại gì, cao độ một mét, chân tay được đúc rất nghệ thuật (...) Tượng nằm ngay giữa rừng và một vài vật khác nữa đều được làm bởi những bàn tay khéo léo hơn anh em Ba Na rất nhiều, khiến chúng tôi tin rằng trước kia ở xứ này đã có một giống dân khác từng sinh sống, văn minh hơn người dân tộc hiện thời”. Hoặc hãy đọc một đoạn khác, viết khá trữ tình về việc làm bếp của người Ba Na: “Trước hết, nên biết rằng bếp nấu của một ngôi nhà người dân tộc được cấu tạo hoàn toàn sơ sài. Người ta làm một cái khuôn ở giữa nhà và đổ đất đầy vào đó. Không có vấn đề đặt ống khói; ở xứ này, khói cũng tự do bay như không khí vậy. Khói muốn nô đùa, tùy thích nhảy múa khắp mọi ngõ ngách trong nhà và thoát ra đâu tùy nó. Việc đặt bếp nấu gồm việc bỏ vào khuôn gỗ nắm đất đầu tiên, sau đó đốt lửa mới”…
Trích lời giới thiệu của Nguyễn Quang Tuệ