Phỏng dịch từ Hannah Brockhaus (CNA)

Vatican, ngày 18 Tháng 12 năm 2019:- Một bộ phim mới cuả Netflix, “The Two Popes” (Hai Giáo Hoàng) đã tưởng tượng ra những cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và Đức Hồng Y Jorge Bergoglio trong giai đoạn 8 năm, nằm giữa hai cuộc mật nghị, năm 2005 bầu ĐGH Benedict và năm 2013 bầu ĐGH Phanxicô.

Nhân vật GH Benedict XVI do Anthony Hopkins thủ vai, và nhân vật Hồng Y Bergoglio, vị Giáo hoàng tương lai, được Jonathan Pryce đóng.

Mặc dù hãng phim nói rằng bộ phim là một tác phẩm hư cấu (không có thực), nhưng vị đạo diễn lại cho rằng ít ra nó thể hiện nhiều giá trị của ĐGH Phanxicô, theo như sự hiểu biết của ông. Tuy nhiên nhiều nhà phê bình đã nhấn mạnh rằng bộ phim không mô tả chính xác hai vị Giáo hoàng và thêm vào đó lại phản ánh một cách thiển cận ý thức hệ cuả cả hai vị.

“Những nét hời hợt mô tả ĐGH Benedict XVI như là một người chỉ biết phản ứng cứng nhắc và về ĐGH Phanxicô là một nhà cách mạng cải cách, thì ít liên quan đến thực tế của hai vị đó. Đó chỉ là do nhu cầu của nhà soạn kịch muốn có những pha xung đột và những câu chuyện đặt ưu tiên lên ý thức hệ giải phóng tiến bộ.” Theo lời Phó Tế Steven Greydanus, một nhà phê bình phim ảnh và là người sáng lập ra trang webfilms.com.

Bộ phim “The Two Popes” đề nghị một giả thuyết như sau, theo thày Greydanus, “ĐGH Benedict là đại diện cho tất cả những gì sai trái cuả Giáo hội trong quá khứ, còn Đức Phanxicô là tất cả những gì chúng ta cần cho một Giáo hội tương lai. Đức Benedict là vị giáo hoàng vô vọng, đầy tham vọng bị Thiên Chúa bỏ rơi, trong khi Đức Phanxicô là một mục tử có căn cơ, trổi vượt, đã được Chúa chọn để dẫn dắt chúng ta đến tương lai.”

“Đặt hai vị GH Benedict và Phanxicô như là biểu tượng của hai phe đối lập, mỗi phe chống lại mọi thứ cuả phe khác, thì không chỉ là bất công cho cả hai vị giáo hoàng, mà còn duy trì một mô hình phân cực, giáng cấp các hoạt động cuả Giáo hội vào những cuộc xung đột, và cuối cùng giảm giá trị cuả chính Giáo hội,” thày Greydanus lưu ý.

“Chúng ta nên nói về tham nhũng nhưng cũng nên so sánh với những cải cách thực sự, nói về bí mật mà so với truyền thông cởi mở, đặc quyền so với trách nhiệm, tinh thần bộ lạc so với tinh thần đoàn kết,” Thày nói tiếp.

“Còn so sánh hai chủ nghĩa bảo thủ và tự do là sử dụng một cái khuôn thước đã lỗi thời và mù quáng, không thể giải thích được những thách thức rất nghiêm trọng mà Giáo hội phải đối mặt ngày nay,” thày Greydanus nói.

Chính vị đạo diễn của bộ phim, ông Fernando Meirelles cũng nói rằng ông cố ý tạo ra một sự phân cực giữa ĐGH Benedict và ĐGH Phanxicô.

“Ngay từ lần đầu tôi đọc kịch bản, thì đối với tôi, điều đó là rất rõ ràng: tôi có một vị giáo hoàng tốt và một vị giáo hoàng tồi tệ,” ông đạo diễn nói.

“Tôi rất tương ý với ĐGH Phanxicô, nhưng đặc biệt tôi không biết gì nhiều về ĐGH Benedict.”

Trên bình diện chính trị, vị đạo diễn cho biết bộ phim có chủ ý trình bày cương lĩnh của ĐGH Phanxicô. Theo ông Meirelles, cương lĩnh này bao gồm sự giúp đỡ người nghèo, xây dựng những nhịp cầu thông cảm, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, và giải quyết sự chênh lệch kinh tế ngày càng tăng.

“Tôi rất ngưỡng mộ ông ấy vì điều này,” Meirelles nói.

Nhưng nhiều nhà phê bình và học giả cho rằng bộ phim, qua cái nhìn của người đạo diễn, đã quá nặng tay và không thực tế trên các chương trình của vị giáo hoàng.

Giáo sư Jorge Milan, dạy môn thông tin thính thị tại Đại học Giáo hoàng ở Rome, nói rằng bộ phim cho thấy HY Ratzinger là bảo thủ: đôi khi trông rất nhàm chán, luôn luôn rất nghiêm túc thậm chí có vẻ tức giận, trong khi ĐGH Phanxicô được đánh bóng là một nhân vật tiến bộ và thông cảm.

GS Milan giải thích rằng, nói chung, đó là một sự phân cực chính trị trên thế giới, mọi thứ được đặt ở bên phải hoặc bên trái.

Cũng thế, Giáo sư Enrique Fuster, giảng dạy về truyền thông tại Đại học Giáo hoàng, nói rằng rõ ràng Đức Phanxicô được cho là vị giáo hoàng tốt bụng, trong khi GH Benedict là một người không tốt.

Loại chân dung như vậy thì không công bằng cho ĐGH Benedict, GS Fuster nói.

Bộ phim đã đề ra một khuôn mẫu đi quá xa, GS Fuster nói, nhất là cho rằng sự tiếp cận của ĐGH Benedict trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội là quá yếu ớt và hời hợt.

Một cảnh ngắn ngủi trong phim đã cho thấy như vậy, đó là cảnh ĐGH Benedict XVI có vẻ như thú nhận với Đức Hồng Y Bergoglio là Ngài đã biết chuyện vị linh mục sáng lập ra Legionaries of Christ, là Marcial Maciel Degollado, đã lạm dụng tình dục, nhưng lại không hành động ngay hoặc chờ đợi quá lâu.

“Đây vừa là sai lầm mà vưà là bất công,” GS Fuster nói.

Trên thực tế, với tư cách là Hồng Y trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin, HY Joseph Ratzinger đã khởi xướng cuộc điều tra theo giáo luật về LM Maciel, và với tư cách là giáo hoàng, đã loại ông ta ra khỏi chức vụ linh mục vào năm 2006. Ngoài ra, còn có nhiều hành động chống lạm dụng nữa của GH Benedict. trước và trong thời gian làm giáo hoàng.

Thày Greydanus giải thích rằng tất cả các bộ phim hư cấu, kể cả những bộ phim dựa trên những người có thật, đều rất coi thường sự thật.

Và bởi vì kịch tính phụ thuộc vào xung đột, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi bộ phim nói quá đáng về sự khác biệt giữa hai vị GH Benedict và Phanxicô.

Nhưng tạo ra khác biệt quá mức thì phải thêm những điều giả dối vào, thày Greydanus nói.

Một thí dụ là bộ phim miêu tả Đức Hồng Y Ratzinger có tham vọng làm giáo hoàng, đó là một sự giả dối quá đáng, thày Greydanus lưu ý.

Vì ngay cả nhà biên kịch của bộ phim, ông McCarten, trong cuốn sách bàn về những điều có chứng cớ của văn bản The Two Popes, cũng đưa ra bằng chứng cho thấy chức giáo hoàng là điều cuối cùng mà HY Ratzinger muốn, và trong hơn một thập kỷ, ngài chỉ muốn được nghỉ hưu và cống hiến mình cho việc nghiên cứu và biên soạn.

Giáo sư Milan cũng đặt vấn đề với vai diễn GH Benedict XVI như là một người hay giận dữ và la hét và đã trải qua một khoảnh khắc bị mất sự kết hợp với Chúa trước khi đưa ra quyết định từ chức giáo hoàng.

Thày Greydanus đồng ý với GS Milan như trên. Bất cứ ai đã đọc HY Ratzinger trong những năm qua đều biết rằng Ngài đối thoại như thế nào với những quan điểm trái ngược.

Diễn tả Ngài như một nhân vật cáu kỉnh, đa nghi không chỉ là một bức tranh biếm họa vô duyên mà đôi khi còn được phóng đại thêm nhờ vào tài diễn xuất của Hopkins.

Giáo sư Milan nói thêm rằng ông sẽ nói với những người muốn xem bộ phim rằng họ sẽ xem một bộ phim có nhiều việc biạ đặt.

Trong khi ông cho rằng bộ phim cũng có những điểm thú vị, và kết thúc có xây dựng, nhưng ông khuyên người Công Giáo không nên xem bộ phim này.

Ông đạo diễn Meirelles thì cho biết sau khi ông nghiên cứu bộ phim và sau khi xem diễn xuất của Hopkins, ông đã nhận ra là ĐGH Phanxicô và ĐGH Benedict XVI thực sự không khác nhau mấy như ông đã nghĩ lúc ban đầu, nhưng ông vẫn thích cách tiếp cận của Giáo hoàng Phanxicô hơn, là thực sự liên kết với thế giới, nhìn vào những gì xung quanh mình.

Là người Brazil, ông Meirelles được biết nhiều nhất với vai trò đạo diễn bộ phim "Thành phố của Chúa" năm 2002, mô tả một khu ổ chuột ở Rio de Janeiro. Ông nói rằng ông là người Công Giáo nhưng đã ngừng tham dự thánh lễ khi còn nhỏ.

Không phải vì tôn giáo mà ông đã chấp nhận làm đạo diễn cho bộ phim, mà là vì chính trị, ông tuyên bố; “Tôi nghĩ rằng [Giáo hoàng Phanxicô] hiểu thế giới theo cách tôi nghĩ.”

Ông Đạo diễn nói rằng bộ phim cũng còn có các yếu tố tinh thần và cá nhân nên được xem xét.

Ở cấp độ cá nhân, đó là cuộc trò chuyện giữa hai người đàn ông không đồng ý nhau về hầu hết mọi thứ, trên hầu hết các điểm. Nhưng họ phải đi đến một điểm chung vì họ là một phần của cùng một tổ chức.

Còn yếu tố tinh thần của bộ phim là ý tưởng rằng, ngay cả khi bạn tin vào Chúa hay một vị thần linh khác, thì tại một thời điểm nào đó bạn sẽ mất sự kết nối, một đêm tối của tâm hồn, một buổi tập yoga mà không có tập trung.

Ý tưởng về việc không nghe thấy tiếng Chúa, tất nhiên có tác dụng không nhỏ với người Công Giáo, nhưng nó cũng có tác dụng với bất kỳ ai có bất kỳ niềm tin nào, ông nói.

Bộ phim pha trộn nhiều cảnh có thực lấy ra từ lịch sử, để tạo ra một cảm giác như thật, nhưng đây không phải là một bộ phim tài liệu hay tiểu sử, ông Meirelles giải thích rằng bộ phim có lúc được gọi là “Giáo hoàng” để tập trung vào câu chuyện cuả Đức Phanxicô. Nhưng trong những tháng cuối cùng, tên phim đã được thay đổi.

Một phần lớn bộ phim “The Two Popes” chú trọng về những khoảnh khắc quan trọng trong quá khứ cuộc sống cuả ĐGH Phanxicô ở Buenos Aires, như những dịp khi ngài cảm nhận ơn gọi đi tu vào Dòng Tên, và những khi ngài hành động hoặc không không hành động trong thời cai trị của chính quyền Argentina ở cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80.

Có những đoạn phim có vẻ hiện thực, như sự ham thích nước uống Fanta cuả GH Benedict. Và một số hội thoại được chuyển thể từ các bài viết hoặc phát biểu thực sự của hai vị giáo hoàng, Nhưng các trích dẫn đó đã được sử dụng ngoài ngữ cảnh và không đồng bộ với dòng thời gian thực sự.

Ông Jonathan Pryce thủ vai HY Jorge Bergoglio là một người xứ Wales. Ông cũng ngưỡng mộ các chính sách của ĐGH Phanxicô, ông nói: “Thông thường tôi sẽ lưỡng lự với câu hỏi 'mình có thực sự muốn đóng vai một giáo hoàng không?' nhưng với bộ phim này, tôi thực sự muốn đóng vai vị giáo hoàng này với kịch bản này, với đạo diễn này.”

Ông Pryce cho biết ông trưởng thành trong giáo phái Tin lành.

“Đây là vị giáo hoàng đầu tiên tôi cảm thấy đang nói chuyện đồng điệu với tôi về phương diện chính trị,” ông nói. “Mặc dù tôi cũng chú ý hoặc nghe thấy những vấn đề tôn giáo từ ngài, nhưng đó là một việc không thể tránh được. Tôi thích cái ý tưởng rằng ngài là một người tiến bộ và là một nhà xã hội, mà đối với tôi, chủ nghĩa xã hội là một hình thức Kitô giáo ... nguyên lý của Kitô giáo là nguyên lý xã hội chủ nghĩa,” ông Pryce nói.

Đức Hồng Y Peter Turkson, bộ trưởng Tòa thánh về thúc đẩy phát triển con người toàn diện, cũng đã xem bộ phim trong buổi ra mắt ngày 11 tháng 12.

Ngài đã không đưa ra một bình luận nào về bộ phim, khi được hỏi về nó tại một cuộc họp báo ngày 12 tháng 12, ngài gọi nó chỉ là một cách giải thích.

ĐHY Turkson nói rằng trong khi ông Pryce trông khá giống Hồng Y Bergoglio, và diễn tả các điệu bộ khá tốt, nhưng ngài nghĩ ông Hopkins không thành công trong vai Giáo hoàng Benedict.

“Người thủ vai ĐGH Benedict hơi quá mạnh khoẻ, quá mạnh mẽ. Nếu bạn coi cuốn phim, bạn sẽ thấy điều đó ngay. Đức Giáo Hoàng Benedict là người yếu đuối hơn, nói năng nhẹ nhàng hơn,” ĐHY Turkson nói.

Một bảng quảng cáo lớn cho bộ phim “The Two Popes” đã được lên giàn bên ngoài tòa nhà thuộc quyền sở hữu của Vatican ngày 17 tháng 12. Tòa nhà nằm trên đường chính trước Quảng trường Thánh Phêrô, là tài sản ngoài lãnh thổ của Vatican và được kiểm soát bởi Tu hội Truyền giáo của các dân tộc, còn được gọi là Propaganda Fide.

Mặc dù ĐHY Turkson và một số quan chức khác của Vatican đã xem bộ phim này trong các buổi chiếu riêng tư, Toà Thánh Vatican vẫn chưa công khai bình luận về nó.

“The Two Popes” sẽ phát hình trên Netflix bắt đầu từ ngày 20/12.