2. Chứng từ của các trích đoạn chọn lựa từ Cựu Ước

66. Trong rất nhiều các bản văn Kinh thánh, chúng ta chọn một số cuốn sách có lưu ý đến sự đa dạng trong các thể loại văn chương, và đến đặc điểm quyết định của chúng đối với chủ đề được bàn. Nhiều chủ đề trung tâm sẽ được nghiên cứu. Chúng liên quan đến Thiên Chúa và sự cứu rỗi, như đã được chứng thực trong các câu chuyện về sáng thế (St 1-2), mười giới răn, các sách lịch sử và các sách tiên tri, các Thánh vịnh, Diễm ca và các trước tác khôn ngoan. Mặc dù Cựu Ước là một sự chuẩn bị cho đỉnh cao mạc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, việc xem xét chiều rộng, sự đa dạng và phong phú của các bản văn của nó đã dẫn chúng ta đến chỗ nghiên cứu một số lượng lớn các đoạn văn Cựu Ước, nếu chúng ta so sánh độ lớn của chúng với các bản văn Tân Ước sẽ được nghiên cứu. Ý định của chúng ta ở đây là chứng tỏ cách các bản văn khác nhau đóng góp vào sự mặc khải của Thiên Chúa và sự cứu rỗi mà Người mang tới, và do đó giúp đào sâu việc thấu hiểu các khái niệm này.



2.1 Những câu chuyện về sáng thế (St 1-2)

67. Những trang đầu của Kinh thánh, tức các trang có những câu chuyện thường được gọi là "trình thuật sáng thế" (St 1-2), chứng thực đức tin vào một Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc và là kết thúc của mọi sự. Trong tư cách "những trình thuật sáng thế", chúng không tìm cách chứng tỏ sự khởi đầu của thế giới và con người đã xẩy ra "cách" nào, nhưng chúng nói về Đấng Tạo Hóa và mối liên hệ của Người với sáng thế và với tạo vật. Người ta sẽ phạm các sai lầm nghiêm trọng khi đọc các câu chuyện cổ xưa này theo con mắt đương thời và coi chúng như các quả quyết về việc dựng nên thế giới và con người “cách nào”. Cần phải thách thức việc đọc như vậy để làm sáng tỏ một cách thỏa đáng hơn ý định của các bản văn Kinh thánh, và để tránh đưa các tuyên bố của chúng cạnh tranh với kiến thức khoa học tự nhiên của thời đại chúng ta. Điều này không mâu thuẫn với ý định của Kinh Thánh là truyền đạt sự thật, vì sự thật của các câu chuyện trong Kinh thánh về sáng thế liên quan đến sự gắn bó chặt chẽ, nặng ý nghĩa, về thế giới tạo dựng, như Thiên Chúa đã đặt để nó. Nhờ cấu trúc soạn thảo rất công phu của nó, trình thuật đầu tiên về nguồn gốc (St 1,1-2,4a) mô tả, không phải cách thế giới đã trở thành như thế nào, mà là tại sao và vì mục đích gì mà thế giới đã được tạo ra như nó hiện nay. Bằng một văn phong thi ca và dùng các hình ảnh đương thời của mình, tác giả của St 1,1-2,4a cho thấy: Thiên Chúa là nguồn gốc của vũ trụ và con người. Thiên Chúa Sáng Tạo, mà Kinh thánh nói đến, hướng về tạo vật để bước vào mối liên hệ với nó, đến nỗi cả cách tạo dựng ra nó, như đã được mô tả trong Kinh thánh, cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ này. Khi tạo ra con người "theo hình ảnh của chính mình" và giao cho họ sứ mệnh chăm sóc sáng thế, Thiên Chúa biểu lộ ý muốn cứu độ nền tảng của Người.

Các yếu tố căn bản của sự hiện hữu nhân bản nằm ở tâm điểm câu chuyện ở St 1, đạt đến đỉnh cao trong lời khẳng định có tính nhân học rằng con người là "hình ảnh của Thiên Chúa", nghĩa là phụ tá của Người trong việc sáng tạo. Theo câu chuyện, công việc đầu tiên của Thiên Chúa sáng tạo bao gồm việc tạo ra thời gian (xem St 1:3-5), được sắp đặt bởi sự xen kẽ ánh sáng và bóng tối. Câu chuyện không tìm cách mô tả một cách chính xác thời gian hệ ở điều gì. Khi phân chia các công trình sáng tạo khác nhau thành sáu ngày, Người không tìm cách khẳng định, như một sự thật của đức tin, rằng thế giới thực sự được hình thành trong sáu ngày, trong khi vào ngày thứ bảy, Chúa nghỉ ngơi. Đúng hơn, câu chuyện tìm cách cho thấy rằng có một trật tự và một mục đích trong việc sáng thế. Con người có thể và phải tự lồng mình vào trật tự này, để, qua diễn biến từ việc làm qua nghỉ ngơi, họ nhận ra rằng thời gian mà Thiên Chúa đã sắp đặt gúp họ tự hiểu về mình như một tạo vật mang nợ ơn mình hiện hữu nơi Đấng Tạo hóa.

Qua mọi công trình sáng tạo, chính ý nghĩa của toàn bộ sáng thế được triển khai và mục đích của nó được biểu lộ. Như đã nói, toàn bộ câu chuyện đều hướng về con người. Do đó, câu chuyện sáng thế không tìm cách đưa ra một định nghĩa vật lý về khái niệm không gian, mà là trình bày nó như một "không gian sống" của con người và chứng tỏ ý nghĩa của nó. Nhiệm vụ "khuất phục" trái đất (St 1:28) thực sự là một ẩn dụ nói lên trách nhiệm của con người đối với không gian sống của họ, vốn có chung giữa họ và các động vật và thực vật.

Hai câu chuyện về nguồn gốc (St 1:1-2,4a; St 2: 4b-25) giới thiệu toàn bộ Qui điển Kinh thánh Do Thái, và cả Kinh thánh Kitô giáo nữa. Sử dụng những hình ảnh khác nhau, chúng tìm cách phát biểu cùng một sự thật: thế giới tạo dựng là một ơn ban của Thiên Chúa và là dự án của Người nhắm phúc lợi của con người (xem St 2:18), như đã được chứng tỏ bởi việc sử dụng thường xuyên tĩnh từ "tốt" (xem St 1: 4-31). Vì thế, nhân loại được định vị trong một "liên hệ sáng thế" với Thiên Chúa: ơn ban nguyên thủy và nhưng không của Tạo hóa kêu gọi đáp trả của con người.

2.2 Mười Điều Răn (Xh 20:2-17 và Đnl 5:6-21)

68. Hai bản Mười Điều Răn của Xh 20:2-17 và Đnl 5:6-21 giới thiệu các bộ sưu tập lập pháp khác nhau được tập hợp lại, một mặt, trong các sách Xuất hành, Lêvi và Dân số (xem Xh 19: 1-Ds 10:10) và mặt khác, trong sách Đệ nhị luật (xem Dt 12-26). Các bản văn này có hình thức một diễn từ của Chúa (GIAVÊ), ngỏ với Israel hoặc ở ngôi thứ nhất hoặc qua trung gian Môsê. Hình thức văn chương này mang lại cho các bản văn này một tư thế thẩm quyền rất mạnh mẽ. Các bản Mười Điều Răn đặt thành tương quan bản tóm tắt đức tin của Israel (Xh 20,2 = Đnl 5,6) – có nhắc đến những câu chuyện Xuất hành - và mặt khác, tập hợp các quy định về văn hóa và đạo đức. Hai bản Mười Điều Răn có nhiều điểm chung với nhau, và, đồng thời, mỗi bản đều có một đặc điểm thần học chuyên biệt: trong khi bản Mười Điều Răn của Xh 20 chủ yếu triển khai một nền thần học về sáng thế, thì bản Mười Điều Răn của Đnl 5 chủ yếu nhấn mạnh đến nền thần học cứu rỗi.



Nhờ cấu thành các tổng hợp thần học rất công phu, hai bản Mười Điều Răn có thể được coi như "các bản tóm tắt" kinh Tôra, và cung cấp các chìa khóa thần học cho phép ta giải thích chúng cách chính xác.

a. Cấu trúc văn chương của hai bản Mười Điều Răn

Việc trình bầy các bản Mười Điều Răn (Xh 20,2 = Đnl 5,6) định nghĩa Thiên Chúa (GIAVÊ) như Thiên Chúa Cứu thế trong lịch sử: Thiên Chúa của Israel tự làm cho mình được biết đến bằng công trình cứu rỗi mà Người thực hiện cho dân Người. Bài trình bày có tính thuật chuyện này về Thiên Chúa của Israel như vị cứu tinh dân Người đã tóm tắt toàn bộ phần thứ nhất của sách Xuất hành: công thức tự xưng mình của Chúa trong Xh 3:14 - "Ta là Đấng Ta là/sẽ là" – dẫn nhập một câu chuyện dài về việc giải phóng Israel (xem Xh 4-14). Chúa mặc khải căn tính thực sự của Người bằng cách mang đến cho dân Người ơn cứu rỗi. Do đó, ơn của Thiên Chúa tạo nền tảng cho các quy định lập pháp được tập hợp trong các bản Mười Điều Răn. Ơn của Thiên Chúa này bao gồm việc giải phóng ban cho Israel, giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Các luật của các bản Mười Điều Răn lần lượt nói lên các phương thức Israel đáp trả hồng ơn của Thiên Chúa: Israel, được Thiên Chúa giải phóng, giờ đây, phải bước vào con đường tự do này, bằng cách từ bỏ các ngẫu tượng và sự ác (về điểm này, xin xem Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng, Kinh thánh và Luân lý: Các Gốc rễ Kinh thánh của hành động Kitô hữu, 2008, số 20).

Phần đầu tiên của bản văn trình bày các điều cấm liên quan đến việc thờ ngẫu tượng, tạo hình ảnh, và mời gọi tuân giữ một chủ nghĩa độc thần nghiêm ngặt (xem Xh 20:3-7 = Đnl 5:7-11). Từ bỏ các ngẫu tượng dẫn đến việc chấp nhận một sự thờ phượng độc quyền dành riêng cho Chúa và chấp nhận một giao ước dứt khoát với Người: Chúa là vị cứu tinh duy nhất của dân, là Thiên Chúa duy nhất đích thực.

Hai Điều Răn tích cực của Mười Điều Răn liên quan đến ngày Sabát và việc kính trọng cha mẹ (xem Xh 20:8-12 và Đnl 5:12-16). Ngày Sabát có thể được định nghĩa là "cung thánh của Thiên Chúa" trong thời gian và lịch sử. Qua việc tôn trọng ngày Sabát, Israel chứng tỏ rằng chỉ có Chúa mới có thể mang lại ý nghĩa cho lịch sử của con người.

Phần cuối của bản văn bản Mười Điều Răn liên quan đến việc thiết lập mối tương quan đúng đắn với người lân cận (xem Xh 20:13-17 và Đnl 5:17-21). Sự kiện từ bỏ bất cứ dự án cướp bóc hay thèm muốn nào đối với người lân cận là điều kiện không thể miễn chước để xây dựng một cộng đồng thực sự, và làm chứng cho khả thể chiến thắng của tình yêu huynh đệ đối với bạo lực.

b. Bình luận và các hệ luận thần học

69. Các bản Mười Điều Răn đề xuất cho Israel một con đường để tuân phục Luật được Thiên Chúa mặc khải tại Sinai (Hôrép). Dự án của Thiên Chúa kêu gọi đáp ứng của con người, trong bối cảnh một giao ước (xem Xh 24:7-8, Đnl 5:2-3).

Trong Tôra, các lề luật tiếp theo sau Mười Điều Răn, triển khai nội dung của nó. Việc cấm thờ ngẫu tượng là chủ đề quán xuyến (leitmotiv) của Đệ Nhị luật, trong khi lời kêu gọi sống cuộc sống huynh đệ được khai triển trong Luật thánh thiêng (Lv 17-26) và lên tuyệt đỉnh ở lời mời gọi yêu người lân cận, nghĩa là, không những các thành viên của cộng đồng Israel, mà cả người xa lạ thường trú nữa (xem Lv 19:18.34).

Các bản Mười Điều Răn cho thấy cách Thiên Chúa Tạo Hóa cũng tỏ mình ra như một vị cứu tinh trong lịch sử và mời tất cả các thành viên của cộng đồng, đến lươt họ, tham gia luận lý học cứu rỗi này bằng cách thực thi một nền đạo đức cộng đồng đòi hỏi khắt khe. Giao ước với Thiên Chúa Tạo Hóa và Cứu Tinh dẫn các tín hữu đến chỗ "sống phù hợp với sự thật".

Các bản Mười Điều Răn cung cấp một chìa khóa giải thích toàn bộ Tôra, và có thể nói, tạo nên một "giáo lý" cho cộng đồng Israel. Giáo lý này cho phép người Do Thái khẳng định đức tin của họ vào một Thiên Chúa đích thực duy nhất, bằng cách giáp mặt với những thách thức của lịch sử và tham gia vào đời sống cộng đồng huynh đệ, bằng cách từ bỏ các chiến lược quyền lực và bạo lực. Nói cách khác, các bản Mười Điều Răn kết hợp sự khẳng định một sự thật liên quan đến chính Thiên Chúa (Người là Đấng Tạo Dựng và Cứu Tinh), và một sự thật liên quan đến các phương thức của một cuộc sống công chính và ngay thẳng. Mối tương quan của Israel với Thiên Chúa xem ra không thể tách rời khỏi mối tương quan với người lân cận, đó là nơi tuyệt hảo để biểu lộ việc các tín hữu tuân theo sự thật đã được mặc khải.

Kỳ tới: 2.3 Các sách lịch sử