Vào dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời ngày 15/8/2019, hai người chúng tôi đại diện nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đã đến giáo xứ An Sơn, giáo hạt Tam Kỳ, giáo phận Đà Nẵng để cùng hiệp ý mừng bổn mạng giáo xứ, phát học bổng cho các em học sinh tại giáo họ An Trường thăm một vài nơi của tỉnh Quảng Nam.
Xem Hình
Đây là lần thứ hai chúng tôi đến tỉnh Quảng Nam: lần đầu là huyện Nam Giang sát biên giới nước Lào, lần này là huyện Thăng Bình gần biển.
Giáo xứ An Sơn ở thôn An Phước, xã Bình An huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng nam, thuộc miền trung trung bộ, là giáo xứ lâu đời nhất của giáo phận Đà Nẵng vì đón nhận Tin Mừng vào khoảng năm 1625, có một số cha ông được phúc tử đạo. Ban đầu, nơi đây là rừng núi âm u, dân cư thưa thớt, sống thành từng cụm nhỏ, sinh sống bằng việc trồng trọt và khai khẩn đất hoang; sau có dân di cư từ miền Bắc vào lập nghiệp cùng dân bản xứ mà làm cho nơi này hình thành và phát triển. Người dân gọi nơi đây là làng Phụ Sơn, sau đổi là làng An Sơn cho đến ngày nay. Có một số chứng tích đức tin còn lưu giữ đến ngày hôm nay (Có đền kính thánh tử đạo vì ở thời điểm có phong trào Cần Vương, ngay tại giáo xứ An Sơn, vào ngày 10/10/1885 với trận đánh Hà Đông, phủ Tam Kỳ, quân Văn Thân đã sát hại trên 60 người giáo dân, bằng cách thiêu sống hoặc ném xuống giếng. Hiện trong khuôn viên nhà thờ có 5 ngôi mộ tử đạo; một ngôi mộ gồm 36 hài cốt bị thiêu cháy. Các hài cốt được cải táng trong khuôn viên trước nhà thờ nên gọi là Gò Thánh...) đã minh chứng rằng giáo xứ An Sơn có dòng lịch sử giai đoạn từ năm 1625 đến năm 2012. Nếu đọc hết lược sử giáo xứ An Sơn, với tài liệu của giáo phận, nhiều người có thể dâng trào cảm xúc về một hành trình đức tin của một giáo xứ nằm giữa cánh đồng này.
Vừa đến giáo xứ, chúng tôi chỉ chào hỏi cha sở Anton Nguyễn Thanh Vũ ít phút rồi chuẩn bị đến giáo họ An Trường, cách đó chín cây số, là một trong bốn giáo họ (Phú Hòa, Phụng Loan, Sơn Tây, An Trường) của giáo xứ.
Giáo họ An Trường mới được chỉnh trang trong lòng nhà thờ và sân rộng được lát si-măng cứng cáp. Ông biện tên là Nguyễn Sanh đưa cho chúng tôi danh sách 37 em học sinh. Các em đều nhận được phong bì tiền học, tập vở và một gói kẹo nhưng các em cấp 1 và 2 còn nhận được quyển truyện tranh Kinh Thánh, truyện các thánh nữa. Vùng này rất hiếm khi có đoàn công tác nào đến chia sẻ nên các em tỏ ra lạ lẫm và lộ vẻ mừng rỡ rõ ràng. Có một số em lo việc dâng hoa trong thánh lễ tối nay nên các phụ huynh đến nhận dùm. Công việc diễn ra nhịp nhàng, vui vẻ như mọi năm.
Ở vùng sâu vùng xa, giáo xứ nào cũng có những gia đình khó khăn, vì thế sau khi các em học sinh ra về, hai ông biện dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt trong giáo họ. Xin phép chỉ đưa một hai hình ảnh về việc chia sẻ này.
Chiều tối, đến phần chúng tôi lạ lẫm về cách sinh hoạt giáo xứ. Trước khi thánh lễ vọng mừng Mẹ Lên Trời, cha xứ và giáo dân đi gần một cây số đến đài Đức Mẹ. Sau đó rước kiệu Đức Mẹ đi từ đồi cao xuống trước sân nhà thờ để hiệp dâng thánh lễ kính bổn mạng. Ánh nến nối dài khi trời đã sẩm tối, vừa trang nghiêm vừa sốt sắng, các giáo họ lần lượt dâng hoa trước thánh lễ; đơn sơ thôi nhưng đẹp nhẹ nhàng và ấm cúng làm sao! Trong lời mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ giới thiệu chúng tôi là quí khách, song chúng tôi ngại ngùng, chỉ muốn âm thầm ẩn mình.
Khi thánh lễ sắp kết thúc, một chị đã nhanh nhẹn mời một số cụ già có gia đình neo đơn, những chị có gia cảnh vất vả để giới thiệu cho chúng tôi và việc chia sẻ kín đáo ở góc sân nhà thờ diễn ra gọn gàng, tốt đẹp. Giúp học sinh nghèo là việc làm hằng năm của nhóm Bông Hồng Xanh nhưng chia sẻ cho các cụ già bao giờ cũng làm chúng tôi vui lạ thường.
Sáng sớm ngày lễ 15/8, chúng tôi hiệp thông cùng giáo xứ khi cha chánh xứ và giáo dân làm thành đoàn rước với tiếng chiêng trống vang lên giữa khoảng không gian tươi đẹp của buổi sáng. Cộng đoàn đi từ cuối sân vào trong thánh đường, bắt đầu hiệp dâng thánh lễ mừng kính trọng thể. Chúng tôi thầm nghĩ, nhiều Kitô hữu trên thế giới đều có thể vui và hạnh phúc vì có thêm một “người Mẹ trên trời”, để cậy dựa và được yêu mến, ngoài người mẹ huyết thống mà ai cũng nặng ơn yêu thương suốt cuộc đời.
Ở miền trung có nhiều cảnh đẹp, trong đó có cụm đảo Cù Lao Chàm với 8 hòn đảo là Hòn Lao, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông và có khoảng 3.000 cư dân sinh sống trên đảo. Chúng tôi được một chị trong giáo xứ An Sơn cùng du lịch ra thăm thú cụm đảo đó. Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 16 km, đã được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vì là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An ngày xưa...
Chiếc canô lớn, màu sắc tươi tắn, hài hòa, lao đi giữa làn nước biển trong vắt. Cảnh đẹp trên đảo làm chúng tôi thấy thú vị, lòng dâng trào tình yêu quê hương. Nhiều người thường khoe là đã đi Tây đi Tàu, nhưng chúng tôi rất thích cảnh đẹp trên quê hương đất nước Việt này. Bữa ăn trưa trên đảo làm chúng tôi hiểu được rau củ quả, hải sản ở đây thật rẻ, người dân hiền lành. Đi quanh đảo, chúng tôi thấy một ngôi chùa đã có từ 261 năm, có lẽ vì thế mà hầu hết cư dân đảo này theo đạo Phật và thờ ông bà, một giếng cổ và eo biển đẹp, nước màu ngọc biếc.
Trong chuyến đi này, chúng tôi còn ghé thăm một làng chài ven biển. Ở đây có một chút gì ngộ nghĩnh khi có những chiếc thuyền, chiếc thúng được sơn, vẽ, trang trí cũng khá đẹp; tranh còn được vẽ trên tường của những ngôi nhà, vẽ những con người sống trong ngôi nhà ấy...Người ta gọi đây là làng Bích Họa Tam Thanh, rất nổi tiếng, nằm trong dự án Mỹ Thuật cộng đồng của người Hàn Quốc.
Buổi tối, trở về ngôi nhà thờ nằm giữa cánh đồng, chúng tôi thấy trời tối om, ánh đèn của chiếc xe bốn chỗ đưa đón chúng tôi chiếu sáng con đường xi-măng nhỏ. Làng quê thật thanh bình!
Sáng ngày thứ sáu 16/8, chúng tôi mới quây quần ở nhà khách cùng với cha xứ và quí ông trùm, chuyện trò đó đây. Được biết, khu vực quanh nhà thờ hầu hết là người có đạo, đa số là người bản xứ thuần nông. Kiếm ra đồng tiền ở đây rất khó dù rằng giá xăng dầu và mì gói đều có giá như các tỉnh thành khác. Người dân sống cần kiệm, khuôn mặt phảng phất một nét khắc khổ giống nhau. Vì khó khăn, nhiều thanh niên và người trung niên ở tỉnh này đi vào miền nam kiếm sống nên mật độ dân số rất thưa, ngoài quốc lộ mà xe gắn máy lưu thông rất ít, trên đường làng quê chẳng có nhiều hàng quán. Cha xứ kể, dù nghèo nhưng mọi người có lòng tự trọng, đến nhà thờ đều cố gắng tươm tất và với một tấm lòng thành.
Trong chuyến công tác này, những điều mắt thấy, tai nghe, cảm xúc khi gặp gỡ khiến lòng chúng tôi ấm lên, Chúa đã dẫn chúng tôi đến đúng nơi, đúng chỗ - một nhà thờ mà cách thành phố Tam Kỳ 15 km, cách thành phố Đà Nẵng 65 km. Quả là giáo xứ An Sơn, có lược sử lâu đời với những minh chứng đức tin, là nơi qui tụ dân Chúa trong niềm tin và niềm vui an bình.
Maria Vũ Loan
Xem Hình
Đây là lần thứ hai chúng tôi đến tỉnh Quảng Nam: lần đầu là huyện Nam Giang sát biên giới nước Lào, lần này là huyện Thăng Bình gần biển.
Vừa đến giáo xứ, chúng tôi chỉ chào hỏi cha sở Anton Nguyễn Thanh Vũ ít phút rồi chuẩn bị đến giáo họ An Trường, cách đó chín cây số, là một trong bốn giáo họ (Phú Hòa, Phụng Loan, Sơn Tây, An Trường) của giáo xứ.
Giáo họ An Trường mới được chỉnh trang trong lòng nhà thờ và sân rộng được lát si-măng cứng cáp. Ông biện tên là Nguyễn Sanh đưa cho chúng tôi danh sách 37 em học sinh. Các em đều nhận được phong bì tiền học, tập vở và một gói kẹo nhưng các em cấp 1 và 2 còn nhận được quyển truyện tranh Kinh Thánh, truyện các thánh nữa. Vùng này rất hiếm khi có đoàn công tác nào đến chia sẻ nên các em tỏ ra lạ lẫm và lộ vẻ mừng rỡ rõ ràng. Có một số em lo việc dâng hoa trong thánh lễ tối nay nên các phụ huynh đến nhận dùm. Công việc diễn ra nhịp nhàng, vui vẻ như mọi năm.
Ở vùng sâu vùng xa, giáo xứ nào cũng có những gia đình khó khăn, vì thế sau khi các em học sinh ra về, hai ông biện dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt trong giáo họ. Xin phép chỉ đưa một hai hình ảnh về việc chia sẻ này.
Chiều tối, đến phần chúng tôi lạ lẫm về cách sinh hoạt giáo xứ. Trước khi thánh lễ vọng mừng Mẹ Lên Trời, cha xứ và giáo dân đi gần một cây số đến đài Đức Mẹ. Sau đó rước kiệu Đức Mẹ đi từ đồi cao xuống trước sân nhà thờ để hiệp dâng thánh lễ kính bổn mạng. Ánh nến nối dài khi trời đã sẩm tối, vừa trang nghiêm vừa sốt sắng, các giáo họ lần lượt dâng hoa trước thánh lễ; đơn sơ thôi nhưng đẹp nhẹ nhàng và ấm cúng làm sao! Trong lời mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ giới thiệu chúng tôi là quí khách, song chúng tôi ngại ngùng, chỉ muốn âm thầm ẩn mình.
Khi thánh lễ sắp kết thúc, một chị đã nhanh nhẹn mời một số cụ già có gia đình neo đơn, những chị có gia cảnh vất vả để giới thiệu cho chúng tôi và việc chia sẻ kín đáo ở góc sân nhà thờ diễn ra gọn gàng, tốt đẹp. Giúp học sinh nghèo là việc làm hằng năm của nhóm Bông Hồng Xanh nhưng chia sẻ cho các cụ già bao giờ cũng làm chúng tôi vui lạ thường.
Sáng sớm ngày lễ 15/8, chúng tôi hiệp thông cùng giáo xứ khi cha chánh xứ và giáo dân làm thành đoàn rước với tiếng chiêng trống vang lên giữa khoảng không gian tươi đẹp của buổi sáng. Cộng đoàn đi từ cuối sân vào trong thánh đường, bắt đầu hiệp dâng thánh lễ mừng kính trọng thể. Chúng tôi thầm nghĩ, nhiều Kitô hữu trên thế giới đều có thể vui và hạnh phúc vì có thêm một “người Mẹ trên trời”, để cậy dựa và được yêu mến, ngoài người mẹ huyết thống mà ai cũng nặng ơn yêu thương suốt cuộc đời.
Ở miền trung có nhiều cảnh đẹp, trong đó có cụm đảo Cù Lao Chàm với 8 hòn đảo là Hòn Lao, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông và có khoảng 3.000 cư dân sinh sống trên đảo. Chúng tôi được một chị trong giáo xứ An Sơn cùng du lịch ra thăm thú cụm đảo đó. Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 16 km, đã được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vì là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An ngày xưa...
Chiếc canô lớn, màu sắc tươi tắn, hài hòa, lao đi giữa làn nước biển trong vắt. Cảnh đẹp trên đảo làm chúng tôi thấy thú vị, lòng dâng trào tình yêu quê hương. Nhiều người thường khoe là đã đi Tây đi Tàu, nhưng chúng tôi rất thích cảnh đẹp trên quê hương đất nước Việt này. Bữa ăn trưa trên đảo làm chúng tôi hiểu được rau củ quả, hải sản ở đây thật rẻ, người dân hiền lành. Đi quanh đảo, chúng tôi thấy một ngôi chùa đã có từ 261 năm, có lẽ vì thế mà hầu hết cư dân đảo này theo đạo Phật và thờ ông bà, một giếng cổ và eo biển đẹp, nước màu ngọc biếc.
Trong chuyến đi này, chúng tôi còn ghé thăm một làng chài ven biển. Ở đây có một chút gì ngộ nghĩnh khi có những chiếc thuyền, chiếc thúng được sơn, vẽ, trang trí cũng khá đẹp; tranh còn được vẽ trên tường của những ngôi nhà, vẽ những con người sống trong ngôi nhà ấy...Người ta gọi đây là làng Bích Họa Tam Thanh, rất nổi tiếng, nằm trong dự án Mỹ Thuật cộng đồng của người Hàn Quốc.
Buổi tối, trở về ngôi nhà thờ nằm giữa cánh đồng, chúng tôi thấy trời tối om, ánh đèn của chiếc xe bốn chỗ đưa đón chúng tôi chiếu sáng con đường xi-măng nhỏ. Làng quê thật thanh bình!
Sáng ngày thứ sáu 16/8, chúng tôi mới quây quần ở nhà khách cùng với cha xứ và quí ông trùm, chuyện trò đó đây. Được biết, khu vực quanh nhà thờ hầu hết là người có đạo, đa số là người bản xứ thuần nông. Kiếm ra đồng tiền ở đây rất khó dù rằng giá xăng dầu và mì gói đều có giá như các tỉnh thành khác. Người dân sống cần kiệm, khuôn mặt phảng phất một nét khắc khổ giống nhau. Vì khó khăn, nhiều thanh niên và người trung niên ở tỉnh này đi vào miền nam kiếm sống nên mật độ dân số rất thưa, ngoài quốc lộ mà xe gắn máy lưu thông rất ít, trên đường làng quê chẳng có nhiều hàng quán. Cha xứ kể, dù nghèo nhưng mọi người có lòng tự trọng, đến nhà thờ đều cố gắng tươm tất và với một tấm lòng thành.
Trong chuyến công tác này, những điều mắt thấy, tai nghe, cảm xúc khi gặp gỡ khiến lòng chúng tôi ấm lên, Chúa đã dẫn chúng tôi đến đúng nơi, đúng chỗ - một nhà thờ mà cách thành phố Tam Kỳ 15 km, cách thành phố Đà Nẵng 65 km. Quả là giáo xứ An Sơn, có lược sử lâu đời với những minh chứng đức tin, là nơi qui tụ dân Chúa trong niềm tin và niềm vui an bình.
Maria Vũ Loan