Như đã tường trình, phần cuối cùng Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon bàn về những vấn đề mục vụ thực tiễn cho vùng này. Trong những Gợi Ý của phần này, người ta lưu ý tới một vấn đề từng được thảo luận rộng dài trong Giáo Hội mấy năm qua, nhất là từ thời giáo hoàng của Đức Phanxicô: vấn đề phong chức linh mục cho những viri probati (những người đàn ông có vợ nhưng sống 1 cuộc sống xứng đáng).
Đã có nhiều nhận định xoay quanh Gợi Ý trên của Tài Liệu. Trước khi tường trình một số nhận định ấy, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn Gợi Ý của chính Tài Liệu Làm Việc:
I.Từ Tài liệu Làm việc
Chương III: Cử hành đức tin, một phụng vụ hội nhập văn hóa
“Việc truyền giảng Tin Mừng trong niềm vui trở thành vẻ đẹp trong phụng vụ, như một phần trong quan tâm hàng ngày của chúng ta muốn truyền bá sự tốt lành” (Evangelii Gaudium, 24)
124. Hiến chế Sacrosanctum Concilium (37-40, 65, 77, 81) đề nghị rằng phụng vụ nên được hội nhập văn hóa nơi các dân tộc bản địa. Tính đa dạng văn hóa chắc chắn không đe dọa tính hợp nhất của Giáo Hội; đúng hơn, Giáo Hội phát biểu tính Công Giáo chân thực của mình bằng cách trưng bày “vẻ đẹp trên khuôn mặt đa dạng của mình” (Evangelii Gaudium 116). Đó là lý do tại sao “chúng ta phải bạo dạn đủ để khám phá ra các dấu chỉ mới và các biểu tượng mới, các xương thịt mới để hiện thân và thông truyền lời Chúa, và các hình thức khác của vẻ đẹp vốn được trân qúy trong các khung cảnh văn hóa khác...” (Evangelii Gaudium 167). Không có sự hội nhập văn hóa này, phụng vụ có thể bị giản lược thành “món đồ ở viện bảo tàng” hay “tài sản của một ít người ưu tuyển” (Evangelii Gaudium 95).
125. Việc cử hành đức tin phải được tiến hành một cách hội nhập văn hóa để nó trở thành một biểu thức cho kinh nghiệm tôn giáo của riêng người ta và trở thành sợi dây hiệp thông trong cộng đoàn cử hành. Một nền phụng vụ hội nhập văn hóa cũng sẽ là một bảng thăm dò đối với các tranh đấu và hoài vọng của các cộng đồng và là một lực đẩy có tính biến đổi hướng tới một “lãnh thổ không có sự ác”.
Các Gợi Ý
126. Nên lưu ý các điều sau đây:
a) Một diễn trình biện phân là điều cần thiết liên quan đến các nghi lễ, biểu tượng, và phong thái cử hành các nền văn hóa bản địa khi tiếp xúc với thiên nhiên, những điều cần được tích nhập vào các nghi thức phụng vụ và bí tích. Điều cần là chú ý để nắm bắt ý nghĩa đích thực của các biểu tượng, một ý nghĩa vượt lên trên thẩm mỹ và văn hóa dân gian, đặc biệt trong bí tích khai tâm Kitô Giáo và Hôn Phối. Có gợi ý cho rằng các cử hành nên có tính lễ hội, với âm nhạc và điệu múa của riêng họ, sử dụng ngôn ngữ và trang phục bản địa, trong hiệp thông với thiên nhiên và cộng đồng. Một phụng vụ biết đáp ứng nần văn hóa riêng của họ để trở thành nguồn cội và đỉnh cao đời sống Kitô hữu của họ (xem Sacrosanctum Concilium 10) và liên kết với các tranh đấu, đau khổ và niềm vui của họ.
b) Các bí tích nên là nguồn sống và thuốc chữa ai cũng với tới được (xem Evangelii Gaudium 47), nhất là người nghèo (xem Evangelii Gaudium 200). Chúng ta được yêu cầu vượt quá các cứng ngắc về kỷ luật vốn có tính loại trừ và tha hóa, và thực hành một nhậy cảm mục vụ biết đồng hành và tích nhập (Amoris Laetitia 297, 312).
c) Các cộng đồng thấy khó có thể cử hành bí tích Thánh Thể vì thiếu linh mục. “Giáo Hội rút tỉa sự sống của mình từ Thánh Thể” và Thánh Thể xây dựng Giáo Hội. Do đó, thay vì để các cộng đồng không có Thánh Thể, cần phải có sự thay đổi trong các tiêu chuẩn lựa chọn và chuẩn bị các thừa tác viên được phép cử hành bí tích Thánh Thể.
d) Phù hợp với việc “tản quyền lành mạnh” trong Giáo Hội (Evangelii Gaudium 16), các cộng đồng yêu cầu các Hội Đồng Giám Mục thích ứng các nghi thức của bí tích Thánh Thể theo nền văn hóa của họ.
e) Các cộng đồng yêu cầu đánh giá cao hơn, đồng hành và cổ vũ lòng đạo đức mà người nghèo và những người đơn sơ vốn dùng để phát biểu đức tin của họ qua hình ảnh, biểu tượng, truyền thống, nghi lễ và các á bí tích khác. Tất cả các điều này diễn ra nhờ các hiệp hội của cộng đồng biết tổ chức các biến cố như cầu nguyện, hành hương, thăm viếng các đền thánh, và rước kiệu cũng như các lễ hội cử hành thánh quan thầy. Đây là bằng chứng của túi khôn và nền linh đạo từng tạo nên một nguồn cứ liệu thần học (theological locus) thực sự có tiềm năng truyền giảng Tin Mừng (xem Evangelii Gaudium 122-126).
Chương IV: Tổ chức các cộng đồng
...................................
Các khoảng cách địa dư và mục vụ
128. Ngoài tính đa nguyên văn hóa tại Amazon, các khoảng cách cũng tạo ra một thách thức mục vụ nghiêm trọng không thể giải quyết bằng các phương thế máy móc và kỹ thuật mà thôi. Các khoảng cách địa dư làm xuất hiện cả các khoảng cách văn hóa và mục vụ nữa; thành thử “thừa tác mục vụ thăm viếng” cần nhường bước cho “thừa tác mục vụ hiện diện”. Điều này đòi giáo hội địa phương tái cấu hình mọi chiều kích của nó: các thừa tác vụ, các bí tích, thần học và các dịch vụ xã hội.
Các Gợi Ý
129. Các gợi ý sau đây từ các cộng đồng gợi nhớ các khía cạnh của Giáo Hội sơ khai khi đáp ứng các nhu cầu của mình bằng cách tạo ra các thừa tác vụ thích đáng (Cv 6:1-7; 1 Tm 3:1-13):
a) Các thừa tác vụ mới để đáp ứng hữu hiệu hơn các nhu cầu của các dân tộc vùng Amazon:
1. Cổ vũ các ơn gọi nơi các đàn ông và đàn bà bản địa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc mục vụ và bí tích. Việc đóng góp chủ yếu của họ nằm trong phong trào hướng tới một việc truyền giảng Tin Mừng chân chính theo quan điểm bản địa phù hợp với các thói quen và phong tục của họ. Đây sẽ là việc người bản địa truyền giảng cho người bản địa theo một nhận thức sâu sắc nền văn hóa và ngôn ngữ của họ, có khả năng thông đạt sứ điệp Tin Mừng bằng sức mạnh và sự hữu hiệu của những người có chung một bối cảnh văn hóa với họ. Điều cần là chuyển dịch từ một “Giáo Hội thăm viếng” sang một “Giáo Hội hiện diện”, một Giáo Hội biết đồng hành và hiện diện qua các thừa tác viên xuất phát từ chính các cộng đồng của họ.
2. Trong khi quả quyết rằng sống độc thân là một hồng phúc đối với Giáo Hội, có yêu cầu cho rằng, đối với các khu vực xa xôi hẻo lánh nhất trong vùng, nên nghiên cứu khả thể truyền chức linh mục cho các người cao niên, ưu tiên là người bản địa, được cộng đồng của họ kính trọng và chấp nhận, dù họ đang có một gia đình vững ổn, để bào đảm có sẵn các bí tích để đồng hành và nâng đỡ đời sống Kitô hữu.
..................................
II. Các nhận định
Dù việc phong chức linh mục cho các viri probati đã được nhiều lần nêu ra và thảo luận rộng rãi, thiển nghĩ cũng nên hiểu ý nghĩa của gợi ý này trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng về vùng Amazon.
Ba điểm đặc thù của Gợi Ý
Ở đây, John Allen (https://cruxnow.com/news-analysis/2019/06/18/understanding-the-debate-over-married-priests-at-the-amazon-synod/) cho rằng có ba điều thiết ý cần lưu ý:
Thứ nhất cuộc tranh luận tại Thượng Hội Đồng Amazon không phải về việc liệu Giáo Hội Công Giáo có nên có các linh mục có vợ hay không. Vì Giáo Hội Công Giáo vốn đã có các vị như thế này rồi. Hai mươi ba Giáo Hội Đông phương hiệp thông với Rôma vốn có các linh mục có vợ và tại một số Giáo Hội Tây Phương vẫn có các cựu mục sư Thệ Phản trở lại Công Giáo và được tiếp tục cuộc sống có vợ trong tư cách linh mục Công Giáo.
Thứ hai, cuộc thảo luận lần này rất khác với cuộc thảo luận về các linh mục có vợ tại Hoa Kỳ hay Tây Âu vì nó không có tính ý thức hệ. Ở Tây Phương, các người Công Giáo cấp tiến gây áp lực để có hàng giáo sĩ có vợ dựa trên cơ sở cho rằng sống độc thân là điều không tự nhiên và nuôi dưỡng các trục trặc tính dục, thậm chí còn liên kết nó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.
Các nhà tranh đấu ấy đôi khi cũng cho rằng vì tạo ra một đẳng cấp những người đàn ông không lập gia đình, việc sống độc thân đã góp phần vào chủ nghĩa giáo sĩ trị, ưu quyền, và sống xa lìa các cuộc tranh đấu của các gia đình bình thường và rất nhiều biểu hiện bệnh hoạn khác.
Ở Amazon, thuần túy chỉ vì nạn thiếu linh mục, nên tín hữu “đói” Thánh Thể mà Thánh Thể vốn là nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Nhưng tỷ lệ linh mục/giáo dân rất khác nhau trong Giáo Hội: ở Hoa Kỳ chẳng hạn 1 linh mục trông coi 1,300 giáo dân; ở Châu Mỹ La Tinh, tỷ lệ ấy là 1 trên 7,000,; ở vùng hạ Sahara, 1 trên 5,300; ở vùng Caribbean, 1 trên 8,300; riêng ở vùng Amazon, tỷ lệ ấy có khi lên đến 1 trên 16,000 hay 17,000.
Thành thử đối với các Giám Mục của vùng này, vấn đề phong chức cho các viri probati không hề là vấn đề cánh tả/cánh hữu vì nhiều vị Giám Mục này là những vị đứng hàng đầu về bảo thủ thần học và chính trị.
Thứ ba, cuộc tranh luận lần này cũng vẫn chỉ là một cuộc tranh luận không hơn không kém. Không hề có kết luận dọn sẵn rằng gợi ý viri probati sẽ được đa số ủng hộ. Vả lại, Thượng Hội Đồng Giám Mục chỉ là một định chế tư vấn và Đức Giáo Hoàng có toàn quyền muốn sử dụng công trình của nó thế nào tùy ý, tuy ngài hết sức lắng nghe.
John Allen cho rằng đây không phải là lần đầu vấn đề này được đem ra thảo luận. Nó vốn đã được nêu lên trong rất nhiều Thượng Hội Đồng, dù không được ghi trong nghị trình chính thức như lần này.
Tạo tiền lệ?
Nói thế rồi, John Allen cho rằng dù việc cho phép các viri probati chịu chức linh mục chỉ giới hạn vào 1 vùng địa dư nào đó, nó cũng đã tạo ra một tiền lệ và chẳng bao lâu sau các nhà tranh đấu tại các nơi khác bắt đầu yêu cầu được hưởng cùng một đặc ân.
Nhận định ấy cũng đã được George Weigel (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2019/01/nothing-about-us-without-us) từ đầu năm nay nói tới. Weigel cho rằng theo Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng Amazon, gợi ý này chỉ hạn chế đối với vùng Amazon mà thôi. Nhưng gợi ý này nếu thành sự hoàn toàn thì chắc chắn sẽ trở thành một tiền lệ và các giáo phận tại các nơi khác sẽ dựa vào tiền lệ này, để trình bầy các lý do khẩn cấp khác hòng yêu cầu được phong chức cho các viri probati của riêng họ. Dần dần luật độc thân của linh mục sẽ không còn.
Weigel cho rằng lo ngại của ông có cơ sở. Vì trong một cuộc phỏng vấn cuối năm ngoái, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, nhấn mạnh rằng Thượng Hội Đồng Amazon không chỉ thảo luận các vấn đề môi trường mà thôi, nhưng sẽ còn thảo luận “các chủ đề Giáo Hội nữa” và sẽ làm thế một cách khiến Amazon trở thành “một mô hình cho toàn thế giới”. Ông tin chắc việc phong chức linh mục cho các viri probati của vùng Amazon sẽ có nhiều hậu quả lớn cho toàn thể Giáo Hội.
Lo ngại của Allen và Weigel càng có cơ sở hơn khi ta nhớ lại sự kiện: trên đường từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Panama trở lại Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói với các nhà báo trên chuyến bay rằng dù ngài tin luật độc thân linh mục “là một hồng phúc đối với Giáo Hội” và ngài “không nhất trí” biến nó thành nhiệm ý, nhưng ý niệm phong chức cho các viri probati có thể được coi là một khả thể ở các khu vực thực sự có nhu cầu mục vụ. Lấy Các Đảo Thái Bình Dương làm thí dụ, Đức Phanxicô nói rằng “đó là một điều để suy nghĩ về việc khi nào có nhu cầu mục vụ”.
Trong cuộc họp báo để công bố Tài liệu Lam việc, Cha Miguel Yanez, giáo sư thần học luân lý người Á Căn Đình tại Đại Học Gregorian, đã trấn an mọi người khi nhấn mạnh rằng tại Thượng Hội Đồng, các giám mục có thể bác bỏ ý niệm này hoặc các ngài có thể đề nghị nó với Đức Giáo Hoàng; và Đức Giáo Hoàng có thể bác bỏ nó.
Tuy nhiên, Inés San Martín (https://cruxnow.com/church-in-europe/2019/06/05/cardinal-kasper-says-francis-will-allow-married-priests-if-bishops-request-it/) tường trình rằng theo Đức Hồng Y Walter Kasper, 1 lý thuyết gia rất thân cận của Đức Phanxicô, nếu các Giám Mục tham dự Thượng Hội Đồng Amazon yêu cầu việc phong chức cho các người đàn ông có gia đình, Đức Phanxicô sẽ chấp thuận.
Thành thử trấn an của Cha Yanez không đánh tan nghi ngại của những người như Sandro Magister (http://247.libero.it/bfocus/625807/0/the-amazon-train-has-pulled-out-next-stop-germany). Ông này nhắc lại lời của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Panama trở về Rôma một cách kỹ lưỡng hơn khi thêm “và nhiều nơi khác” vào danh sách những vùng xa xôi hẻo lánh cần có các linh mục viri probati, dù cho biết thêm: Đức Giáo Hoàng có nhắc đến chủ trương của Đức Cha Fritz Lobinger khuyên chỉ nên trao cho các linh mục loại này nhiệm vụ “thánh hóa” mà thôi, nghĩa là cử hành các bí tích chứ không có nhiệm vụ cai quản như đại đa số các linh mục hiện nay.
Sông Rhine chẩy vào Amazon?
Magister cho rằng đàng sau ý niệm phong chức cho các viri probati là một số lớn giáo phẩm Đức mà Đức Cha Lobinger là một và vị thứ hai là Đức Hồng Y Walter Kasper.
Về ảnh hưởng Đức tại Thượng Hội Đồng Amazon, Edward Pentin (http://www.ncregister.com/blog/edward-pentin/pre-amazonian-synod-study-meeting-held-in-rome) tường trình rằng ngày 25 tháng Sáu vừa qua, tại Vatican, có cuộc họp riêng của một số giáo phẩm để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Amazon. Dù cuộc họp này do Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Vùng Amazon, tắt là REPAM, một mạng lưới do 9 Giáo Hội trong vùng lập ra, tổ chức nhưng có sự tham gia khá đông của các vị lãnh đạo Giáo Hội Đức hoặc gốc Đức, trong đó, có Đức Hồng Y Walter Kasper; Đức Cha Erwin Kräutler, người vốn ủng hộ việc truyền chức linh mục cho đàn ông có vợ và cho cả phụ nữ nữa và được Đức Giáo Hoàng cử làm chuyên viên cố vấn cho Thượng Hội Đồng Amazon (có người cho ngài góp phần soạn thảo Tài liệu Làm việc); Đức Cha Franz-Josef Overbeck, chủ tịch ủy ban Châu Mỹ Latinh của Hội Đồng Giám Mục Đức, từng giúp đỡ tài chánh cho các Giáo Hội Mỹ Latinh (tháng rồi, ngài cho rằng Thượng Hội Đồng sẽ dẫn Giáo Hội tới một “điểm không trở lại” và do đó, “không điều gì sẽ còn như trước đây”)
Pentin cho rằng không tham dự viên nào của cuộc họp nổi tiếng về phương diện giáo lý chính thống nhất là linh mục Hubert Wolf, một người từng được mệnh danh là “chống lại luật độc thân cả về lý thuyết lẫn thực hành”.
Pentin cho rằng có nghịch lý ở đây vì dù Tài liệu Làm việc hô hào phải lắng nghe Amazon, nhưng tiếng nói của Amazon khá yếu trong khi tiếng nói Đức và là Đức cấp tiến đang lấn lướt mọi tiếng nói khác. Người ta thoáng thấy bóng dáng của điều Đức Phanxicô vốn gọi là chủ nghĩa thực dân ý thức hệ: dùng viện trợ ép người ta theo ý thức hệ của mình. Pentin thì cho rằng Sông Rhine đang chẩy vào vùng Amazon, nói theo linh mục người Mỹ Ralph Witgen khi tường trình về Công đồng Vatican II với cuốn "The Rhine Flows into the Tiber” có ý nói đến ảnh hưởng Đức đối với Công đồng này.
Ưu tư này, theo Pentin, đã được Đức Hồng Y Gerhard Müller phát biểu như sau “chúng ta thấy rằng đây không phải là một ảnh hưởng tốt vì Giáo Hội đang xuống dốc tại Đức”.
Ngài nói thêm “Họ [các nhà lãnh đạo Giáo Hội Đức] không ý thức được các vấn đề có thực chất [trong Giáo Hội ngày nay] và họ nói đến nền luân lý tính dục, luật độc thân và linh mục phụ nữ, nhưng họ không nói gì tới Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, ơn thánh, các bí tích, và đức tin, đức cậy và đức mến, các nhân đức đối thần”.
Lạc giáo?
Đức Hồng Y Gerhard Müller không phải là vị giáo phẩm Đức cao cấp nhất của Giáo Hội lên tiếng lo âu. Một vị Hồng Y Đức khác, mạnh mẽ hơn, lên tiếng tố cáo các gợi ý của Tài Liệu Làm việc là lạc giáo. Đó là Đức Hồng Y Walter Brandmüller, một trong bốn vị Hồng Y “dubia” ngày nào và là nhà giáo sử học nổi danh.
Trên LifeSite News và Kath.net, Đức Hồng Y cho phổ biến bài viết của ngài tựa là “Một Phê phán đối với Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Amazon” trong đó, ngài nhấn mạnh “Cần phải quả quyết ngay bây giờ một cách nhất quyết rằng Tài liệu Làm việc mâu thuẫn với giáo huấn ràng buộc của Giáo Hội ở những điểm có tính quyết định và do đó phải được kể là lạc giáo”.
Ngài cho rằng việc tổ chức 1 Thượng Hội Đồng tại 1 vùng có số dân nhỏ nhoi, chỉ bằng nửa Mexico City, “khiến người ta hoài nghi các ý định đích thực” đứng đàng sau hội nghị này.
Ngài tra vấn tại sao gần 3 phần 4 chủ đề của Tài Liệu ít liên quan gì tới “các Tin Mừng và Giáo Hội”, toàn những “rất tích cực đánh giá các tôn giáo tự nhiên, gồm cả các thực hành chữa bệnh của người bản địa và những điều tương tự, thậm chí các thực hành huyền thọai tôn giáo và các hình thức thờ cúng”. Ngài cho rằng Giáo Hội đâu có chuyên môn gì để đề cập tới những vấn đề như thế. Bàn về những vấn đề như thế, Thượng Hội Đồng sẽ vượt quá các ranh giới của mình và là một hành vi cao ngạo của giáo sĩ, một điều chắc chắn các nhà cầm quyền nhà nước phải bác bỏ.
Sau đó, ngài chỉ trích Tài liệu Làm việc đã thúc đẩy việc “bãi bỏ luật độc thân” và du nhập “chức linh mục phụ nữ”. Về việc “bãi bỏ luật độc thân”, Đức Hồng Y không đưa ra luận điểm nào chi tiết; và về nữ linh mục, ngài chỉ dựa vào lời Đức Gioan Phaolô để bác bỏ.
Truyền giảng hay cử hành bí tích?
Linh mục Roger Landry (http://www.ncregister.com/blog/fatherlandry/evangelizing-the-amazon-and-the-gift-of-priestly-celibacy), cho rằng hiển nhiên có những nhu cầu mục vụ to lớn để truyền giảng Tin Mừng và phục vụ vùng rộng lớn Amazon, nhưng truyền chức cho người có vợ có phải là giải đáp thích đáng với tình hình này hay không? Ngài có một số phản ứng như sau:
Thứ nhất, các vị Thánh của các xứ truyền giáo, tức Thánh Phanxicô Xaviê và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nói gì về gợi ý này? Phạm vi truyền giáo của một mình Thánh Phanxicô Xaviê không thua gì Vùng Amazon, gồm Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và Nhật Bản. Nhưng theo ngài, lý do duy nhất khiến nhiều người ở vùng này không trở thành Kitô hữu vì không có ai làm họ trở thành Kitô hữu và ngài nghĩ đến việc “rảo khắp các đại học của Âu Châu, nhất là Paris, và khắp nơi kêu gào như 1 người điên, kéo chú ý của những người có học nhiều hơn đức ái” đến giúp ngài trong việc truyền giáo. Ngài không bao giờ gợi ý thay đổi tập tục độc thân giáo sĩ của Giáo Hội để làm việc đó.
Thánh Têrêxa Hài Đồng cũng thế. Được 1 linh mục truyền giáo ở Phi Châu mà ngài nhận làm em thiêng liêng hỏi làm thế nào mà sau 1,800 năm sau khi Chúa sống lại mà vẫn còn hàng triệu người tại châu lục này chưa nghe tên Chúa Giêsu, vị tiến sĩ trẻ nhất của Giáo Hội chỉ vắn gọn trả lời: vì các Kitô hữu khác không làm gì cho việc này cả.
Cả hai vị đều cho rằng thuốc chữa không phải là hạ thấp tiêu chuẩn mà là mời gọi người ta đi truyền giáo.
Kêu gọi truyền chức cho đàn ông có vợ là thái độ bi quan và nản lòng đối với tính hữu hiệu của việc cầu xin Chúa Mùa Gặt sai nhiều thợ gặt đến vùng Amazon.
Theo Cha Landry, điều hay hơn có thể là hàng giám mục của Amazon kêu gọi mọi giáo phận trên thế giới và mọi dòng tu mỗi thập niên gửi 1 linh mục tới giúp truyền giảng Tin Mừng cho Amazon.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn nói Giáo Hội không có 1 việc truyền giáo, mà là một việc truyền giáo, và mỗi người chúng ta phải nhìn nhận rằng “tôi là 1 việc truyền giáo trong thế giới này”. Nay là lúc chứng tỏ điều này.
Thứ hai, việc phong chức cho những người đàn ông lớn tuổi sẽ ra sao? Vì thiếu trầm trọng các hạ tầng giáo dục, phần lớn người trong vùng Amazon không có được 1 nền giáo dục thoả đáng, có phẩm chất. Chúng ta không nói đến các bằng tiến sĩ hoặc cả cử nhân nữa về thần học hay bất cứ môn nào khác. Chúng ta chỉ dám nghĩ đến việc truyền chức cho những người có giáo dục bật tiểu học, đủ để có thể đọc Kinh Thánh và Sách Lễ.
Lịch sử Giáo Hội chứng tỏ việc ấy không hẳn là ý tưởng hay. Trong các thế kỷ trước khi các chủng viện được thiết lập ở Âu Châu, các người đàn ông chỉ tự tập việc 1 thời gian với hàng giáo sĩ địa phương, dự 1 kỳ khảo hạch, và rồi được thụ phong, chỉ đủ khả năng đọc tiếng Latinh, chứ đừng nói đến việc hiểu nó. Các tai tiếng do hàng giáo sĩ được huấn luyện nghèo nàn ấy đã góp phần làm nhanh hơn Phong Trào Cải Cách Thệ Phản.
Thánh Bernardine thành Siena, vị tu sĩ vĩ đại dòng Phanxicô thế kỷ 15, than phiền tình huống của khá nhiều linh mục dù có thể cử hành các bí tích, nhưng không có khả năng làm bất cứ điều gì khác. Ngài nói rằng nếu 1 làng kia trong 1 thế hệ chỉ có việc giảng thuyết tốt mà không có các bí tích, hay chỉ có các bí tích mà không có giảng thuyết, thì điều khôn ngoan hơn là có giảng thuyết...
Điển hình đó có thể thích hợp với tình huống tại Amazon. Người ở các vùng xa xôi theo Phái Ngũ Tuần đâu phải vì Ngũ Tuần có các bí tích (họ có đâu) mà vì Ngũ Tuần cho người vùng ấy lời Chúa, huấn luyện họ biết cầu nguyện và cho họ một cộng đồng đức tin. Người Công Giáo, theo Cha Landry, cũng nên làm như thế, dù không có linh mục. Có khôn ngoan hay không đi truyền chức cho những người chỉ biết cử hành Thánh Lễ và giải tội nhưng không đủ giáo dục và huấn luyện để giảng dạy hữu hiệu?
Thứ ba, việc này có nghĩa gì đối với Giáo Hội hoàn vũ? Ở đây, Cha Landry muốn nói lên cùng 1 ưu tư như John Allen và George Weigel trên đây. Nghĩa là tạo nên 1 tiền lệ để nhiều nơi khác noi theo. Đến nỗi luật trừ nay thành luật chung. Chức linh mục nói chung biến thái. Lúc ấy, các linh mục vẫn giữ độc thân vì Nước Chúa sẽ bị coi là tham vọng vì, cũng như trong các Giáo Hội Đông phương, chỉ các linh mục độc thân mới được chọn làm giám mục. Về phương diện truyền giáo: các linh mục độc thân chỉ cần một thông báo ngắn là “khăn gói” lên đường, do đó, dễ phải đảm nhiệm các việc nặng nề. Có linh mục có gia đình nào lại muốn rời bỏ khu vực đô thị nơi cần thiết cho việc học của con cái? Rồi khi độc thân không còn được coi trọng nữa trong một xã hội bị ám ảnh bởi tình dục, đâu là dấu chỉ tiên tri cho thấy đức trong sạch là điều có thể, hân hoan và mang lại sức sống trong mọi bậc sống nữa?
Dù vậy, bình tâm mà xét, gợi ý để thảo luận không nhất thiết phải biến thành quyết định của Đức Giáo Hoàng. Điển hình là việc nghiên cứu của cả một ủy ban giáo hoàng về chức phó tế phụ nữ đã mang đến kết luận là không có bằng chứng hiển nhiên về thánh chức này và do đó, Đức Phanxicô đã cho ngưng cuộc nghiên cứu. Vả lại, Thượng Hội Đồng Amazon không phải chỉ có các giám mục vùng Amazon và Đức, mà còn nhiều vị khác đại diện cho Giáo Hội hoàn vũ. Kinh nghiệm cho hay tiếng nói của các vị này không còn lu mở như ngày nào.