Sách Nơ-khê-mi-a kể rằng sau khi dân lưu đầy được trở về Giê-ru-sa-lem, ngày ông Nơ-khê-mi-a và kinh sư Ét-ra tổ chức long trọng công bố lại Luật Giao Ước, toàn dân nghe đọc và giải thích Luật thì khóc lóc.
9Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng : “Hôm nay là ngày thánh hiến cho ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc.” Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật. 10Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng : “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của ĐỨC CHÚA là thành trì bảo vệ anh em. (Nkm 8, 9-10)
Tin Mừng Chúa Phục Sinh là Tin Mừng lớn nhất, có sức bật, biến đổi và lan truyền. Hãy nhìn các phụ nữ đã ra viếng mộ từ sáng sớm, được thiên sứ báo tin mừng, họ trở về như thế nào : « Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. » (Mt 28, 8)
1- Niềm vui của Chúa trong Cựu Ước
Để dễ đi sâu vào Niềm Vui của Chúa trong Tân Ước, chúng ta hãy nhìn lại Niềm vui của Chúa được diễn tả thế nào trong Cựu Ước.
Đọc lại từ sách Sáng Thế, chúng ta thấy niềm vui của Chúa khi có con người được mẹ sinh ra. Người đàn bà đầu tiên sinh đứa con đầu tiên thì reo lên : Con người ăn ở với E-và, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói : ‘Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người ‘ (St 4, 1). Khi đứa con thừa tự sinh ra cho ông Áp-ra-ham sau bao năm mỏi mòn trông đợi, thì tiếng cười vang lên trên môi miệng hai ông bà và lan tới mọi người nghe biết, khiến ông đặt tên cho con là I-xa-ác, nghĩa là « CƯỜI » (St 17, 17 ; 18, 9-15 ; 21, 6-7).
Niềm vui lớn hơn nữa khi dòng dõi của Áp-ra-ham được giải thoát khỏi ách nô lệ bên Ai-cập, niềm vui bừng lên thành lời ca, điệu múa :
Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en hát mừng ĐỨC CHÚA bài ca sau đây…
Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron, cầm lấy trống ; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa. 21Bà Mi-ri-am xướng lên rằng :
“Hãy hát mừng ĐỨC CHÚA,
Đấng cao cả uy hùng (Xh 15, 1.21).
Ngược với niềm vui của Chúa là niềm vui dân tự mua lấy bằng ngẫu thần tay họ làm ra, đưa tới trác táng :
Ông [A-ha-rôn] lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói : “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” 5Thấy vậy, ông A-ha-ron dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to : “Mai có lễ kính ĐỨC CHÚA !”
6Ngay hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi.
Niềm vui hân hoan bừng lên với tiếng cười rộn rã, khi dân lưu đầy được trở về Đất Hứa :
Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
2Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
“Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay !”
3Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui (Tv 126/125, 1-3)
Từ khi có « Nhà Thiên Chúa » thì có niềm vui đi lên Nhà Thiên Chúa :
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA !”
Niềm vui này làm nảy sinh lời nguyện chúc bình an và bền vững :
Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng : “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
7tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.”
8Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng : “Chúc thành đô an lạc.”
9Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô. (Tv 122/121, 1.6-9)
Thánh vịnh 104/103 chuyển cho chúng ta niềm vui khi nhìn ngắm công trình tạo dựng của Thiên Chúa:
Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.
34Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui của tôi ở nơi CHÚA. (Tv 104/103, 33-34).
Niềm vui của Chúa, niềm vui trong Chúa là niềm vui do ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện và bảo đảm:
Còn những người trú ẩn bên Chúa, ước chi họ đều được hỷ hoan
và reo vui mãi tới muôn đời.
Chúa bảo vệ những người mến yêu Danh Thánh, nhờ Ngài, họ phấn khởi mừng vui.
(Tv 5, 12; x. Tv 9, 15; 14/13, 7; 21/20, 2.7; 33/32, 21; 35/34, 9)
Niềm vui ơn cứu độ theo sau đau khổ trong gian truân:
Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ,
để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con (Tv 51/50,10.14)
Niềm vui sinh con, niềm vui được giải thoát hay niềm vui ngày mùa đều có chung một bước trước đó:
Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng. (Tv 126/125, 5-6)
Thánh vịnh 131/130 cho chúng ta một chuỗi những tình huống của niềm vui reo hò sau cảnh gian truân:
Ước chi họ dâng lễ tế tạ ơn Chúa,
cất tiếng hò reo, tường thuật việc Chúa làm. (Tv 107/106)
Điều này đưa chúng ta tới tâm tình trẻ thơ trong thánh vịnh 131/130:
2hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
3Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm (Tv 131/130, 2-3).
Trong thời sự những năm gần đây có hai bức hình mà tôi vẫn ghi nhớ như sự minh họa thánh vịnh này. Trong một trận động đất bên Nhật, nhân viên cứu hộ thấy có một người phụ nữ phục trên sàn dưới ngôi nhà đã sập. Khi họ nhấc được bà lên thì bà đã chết, nhưng dưới ngực bà đứa con vẫn ngủ yên. Bà đã kịp để lại trên điện thoại di động một tin nhắn cho con : « Nếu con tôi sống sót, xin hãy nói với nó rằng mẹ yêu con lắm ! ». Bức hình thứ hai là trong một cơn lũ lụt bên Mỹ, một nhân viên cứu hộ bồng một bà mẹ người gốc Việt-nam lội qua nước lũ, đưa ra nơi an toàn. Trên tay bà mẹ em bé vẫn ngủ yên.
Niềm vui của Chúa cho chúng ta sự bình an thanh thản trong mọi hoàn cảnh :
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
3Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
4dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thuỷ triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì. (Tv 46/45, 2-4).
2- Niềm vui của Chúa trong Tân Ước
Trong Tân Ước, Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta thấy niềm vui sinh con và niềm vui ơn cứu độ ngay ở hai chương đầu.
Niềm vui của các hiền sĩ đã lần bước theo ánh sao, tới Giê-ru-sa-lem bỗng rơi vào mê hồn trận của vua Hê-rô-đê, rồi lại được ánh sao dẫn tới tận nhà để gặp thấy Hài Nhi mà họ tìm bái lạy :
« Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. » (Mt 2, 9-10)
Niềm vui của hai ông bà già Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét và láng giềng cùng thân thich :
« Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. » (Lc 1, 14)
« Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (Lc 1, 41-44)
« Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. » (Lc 1, 58)
Niềm vui thiên sứ mời Đức Ma-ri-a đón nhận :
« Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà » (Lc 1, 28)
Niềm vui làm Đức Ma-ri-a bật lên tiếng ngợi khen và tấm trí hớn hở vui mừng :
46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. (Lc 1, 46-47)
Niềm vui lớn cho toàn dân mà những người chăn chiên đón nhận :
« 10Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : 11Hôm nay, một Đấng Cứu Độ u đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa » (Lc 2, 10-11)
Niềm vui làm cho ông Si-mê-ôn thỏa lòng đến nỗi không còn muốn gì khác trên trần gian, chỉ muốn được ra đi :
29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ “ (Lc 2, 29-30).
Nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn. Điệu vui còn lẫn cung sầu.
Mát-thêu kể tiếp, ông Giu-se sẽ bị đánh thức giữa đêm khuya để lập tức lên đường « đem Hài Nhi và mẹ người trốn sang Ai-cập… vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi » (Mt 2, 13). Lu-ca cũng kể tiếp chuyện năm trẻ Giê-su tròn mười hai tuổi : « Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con ?... Nhưng ông bà không hiểu lời Người đã nói » (Lc 2, 49-50).
Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu đi rao giảng, Lu-ca sẽ cho chúng ta thấy lời thiên sứ đã báo cho các người chăn chiên thành sự như thế nào : « Tin mừng cho toàn dân » (Lc 2,10).
« Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau : “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ !” (Lc 5, 26)
« Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Một vị ngôn sứ vĩ đại v đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” 17Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận » (Lc 7, 16-17)
Nhưng niềm vui ấy lại cũng sớm phủ mây sầu, vì các kinh sư và người Pha-ri-sêu sớm rình rập… « để tìm được cớ tố cáo Người », rồi khi thấy Người chữa kẻ bại tay trong hội đường, ngày sa-bát, « họ đã giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không. » (Lc 6, 7.11).
Bao giờ niềm vui mới trọn vẹn ?
Tất cả các sách Tin Mừng đều cho thấy rằng niềm vui ấy chỉ trọn vẹn khi bừng lên như mặt trời mọc lên vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, sau khi mây sầu đã thành đêm đen cuốn Đức Giê-su vào trong mộ, Người đã trỗi dậy và ra khỏi mồ. Đến đây chúng ta hãy đọc kỹ hơn Tin Mừng Gio-an, vì sách này cho thấy chính Đức Giê-su nói về niềm vui Người đem cho môn đệ mà « không ai lấy mất được » (Ga 16, 22).
3- Niềm vui của Chúa là thành lũy của ta.
Niềm vui của Chúa, không phải niềm vui của bất cứ ai khác. Niềm vui của Chúa Phục Sinh, đã chiến thắng cả thập giá và cái chết, để ở với chúng ta, mãi mãi đầy yêu thương dịu dàng, làm đầy tâm trí và con tim của chúng ta như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã hát lên :
« Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi » (Lc 1, 46-47).
Không có thành lũy nào con người xây dựng trên trần gian này có thể cho người ta sự an toàn tuyệt đối. Vạn Lý Trường Thành đã không chặn nổi vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn, hay bước tiến quân của Mãn Châu. Nhà họ Vương « thâm nghiêm kín cổng cao tường » cũng chẳng ngăn được bước chân nàng Kiều qua nhà Kim Trọng ban đêm. Bức tường tu viện càng không phải là thành lũy, nó chỉ thách đố người ở trong bốn bức tường và khích cho Xa-tan leo tường vào tấn công, nhất là với các phương tiện thông tin điện tử ngày nay, mà không « bức tường lửa » hay kỷ luật tu viện nào ngăn được.
Thành lũy cuối cùng là lòng con người. Lòng dân Việt đã ngăn được vó ngựa quân Mông Cổ. Tướng nhà Minh đã mở cổng Vạn Lý Trường Thành cho đoàn quân Mãn Châu tiến vào. Lòng dân Việt đã đuổi được quân Mãn Thanh khỏi biên giới. Vì thế Chúa đặt NIỀM VUI làm thành lũy ngay trong lòng chúng ta.
Khi đứa trẻ đang vui sướng, hạnh phúc trong tay mẹ hiền, đố ai dụ được nó theo mình bằng bất cứ một thứ gì trên trần gian này.
Niềm vui của Chúa là niềm vui do chính sự hiện diện của Chúa, Đấng tự ban mình làm kho tàng, làm tất cả của chúng ta, như Chúa đã đề nghị với người thanh niên giàu có trong Tin Mừng (x. Mc 10, 21 ; Mt 19, 21 ; Lc 18, 22). Đó mới là thành lũy an toàn. Khi lòng chúng ta đầy niềm vui của Chúa thì không còn khoảng trống nào cho bất cứ một thứ gì chen vào. Khi Đấng hiện diện với ta và trong ta để cho ta niềm vui, là Đấng đã « chiến thắng thế gian », đã chiến thắng mọi thứ cám dỗ, mọi thứ buồn phiền, lo lắng sợ hãi, thì niềm vui của ta không ai lấy được và không gì đánh đổi được : « Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách » (Hr 2, 18). « Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội » (Hr 4, 15).
Thánh Phê-rô đã tuyên xưng : « Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời » (Ga 6, 68)
Thánh Phao-lô sẽ làm chứng : « Người quả quyết với tôi : “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. 10Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12, 9-10).
Nhưng niềm vui ấy được chính Chúa Giê-su ví như niềm vui của người mẹ sinh con :
« Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian »
Và Chúa cam kết : « Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được (Ga 16, 20-22).
Niềm vui của người mẹ là « một con người đã sinh ra trong thế gian », còn niềm vui của môn đệ là được gặp lại để ở mãi với Thầy của mình, Đấng đã trải qua cái chết để thành Chúa Phục Sinh, và không bao giờ sợ cách ngăn nữa, vì « cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người » (Rm 6, 9). Người thật sự là « Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta [Em-ma-nu-en] từng ngày và mãi mãi cho đến tận cùng thời gian. » (Mt 28, 20)
Niềm vui này đi đôi với Bình An, như em bé ở trong tay mẹ, dù nước lũ hay đất rung, núi lở, nhà sập, vẫn cứ bình an. Sự bình an này cũng là của Chúa, không ai trên trần gian này ban cho chúng ta được :
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27).
Bình an của Chúa giữ cho lòng chúng ta “đừng xao xuyến, đừng sợ hãi”, như lời Thánh vịnh:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
3Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
4dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thuỷ triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì. (Tv 46/45, 2-4).
Xa-tan chẳng còn lối nào để chen vào làm chúng ta xao xuyến sơ hãi được nữa. Đó là sự bình an thanh thản mà Chúa Giê-su đã sống trong cuộc khổ nạn, khiến đối phương lúng túng (x. Mt 26, 63 ; Mc 14, 60-61 ; Lc 22, 67-69 ; 23, 10), Hê-rô-đê cụt hứng (x. Lc 23, 8-11), Phi-la-tô ngẩn ngơ (x. Ga 19, 9-11).
Niềm vui và bình an của Chúa bảo vệ chúng ta, vì Xa-tan chỉ giỏi trò « nước đục thả câu ». Nước trong thì mọi thứ mồi câu đều bị lộ. Nó là thầy chia rẽ, như người Rô-ma đã nói : « Chia để trị ». Niềm vui và bình an của Chúa giữ lòng chúng ta không bị phân tán vì xao xuyến, buồn sầu, sợ hãi ; nếu cộng đoàn giáo xứ, họ đạo, tu sĩ của chúng ta không chia rẽ, rối ren, thì Xa-tan chỉ đứng ngoài mà khóc.
3.1 Niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh vốn không tách rời nhau, là thành trì của chúng ta. Chúa Phục Sinh đã ban cả hai cùng một trật :
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (Ga 20, 19-20)
3.2 Niềm vui và bình an của Chúa cho chúng ta sức mạnh để thi hành sứ mạng
Trong bữa Tiệc Ly Chúa đã sai các ông đi : “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại » (Ga 15, 14)
Nhưng khi Chúa Phục Sinh đến với các ông thì « nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. » Chúa ban cho họ niềm vui và bình an để họ có thể ra đi : « Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”
Lý do là vì sứ mạng Chúa trao gắn liền với gian truân thử thách : « Vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. (Ga 15, 18-20)
Họ như đứa bé sợ ma lấy mền trùm kín, vì nếu « người Do Thái » muốn bắt họ thì cánh cửa nơi họ ở có hơn gì cái mền trên đầu đứa bé ! Vì thế mà khi Chúa đến, Chúa đứng giữa họ, nói với họ rồi cho họ xem tay còn vết đinh, và cạnh sườn còn vết giáo đâm (x. Ga 20, 19-21). Vết đinh vết giáo trở thành dấu vết để nhận diện, xác định căn cước của Chúa Phục Sinh. Chúa cho họ thấy quả thật họ đang gặp lại Người như Người đã hứa, và họ được niềm vui và sự bình an của Chúa Phục Sinh mà không ai lấy mất được. Bây giờ họ hiểu được lời Chúa đã nói : « Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16, 33)
Sau khi đã ban niềm vui và bình an, Chúa mới nhắc lại sứ mạng:
Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em ». (Ga 20, 21).
Chúa còn ban thêm một điều Chúa nhắc đi nhắc lại khi nói với họ sau bữa ăn cuối cùng :
Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ » (Ga 20, 22-23).
Sứ mạng của họ là đưa người ta vào trong Giao Ước Mới mà Chúa đã công bố trong bữa ăn cuối cùng, khi ban Điều Răn Mới, và thiết lập khi đổ máu và trao hơi thở trên thập giá. Ơn tha tội là hiệu quả sự hiện diện của Thánh Thần để đưa người ta vào Giao Ước Mới (x. Gr 31, 33-34; Ed 36, 22-28).
Thánh Thần biến đổi người ta để có thể sống Giao Ước Mới, và sinh hoa trái ngọt ngào, như thánh Phao-lô giải thích:
Còn hoa quả của Thần Khí là: « Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, 23hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. 24Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. 25Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. » (Gl 5, 22-25)
3.3 Trong Thầy anh em được bình an. Tương quan của chúng ta với Chúa Phục Sinh không chỉ là hiện-diện-đối-diện, nhưng là ở trong, như Chúa đã nói sau bữa ăn cuối cùng:
Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
9“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (Ga 15, 4-9)
Để ở lại trong Chúa, thì phải ở lại trong Tình Yêu của Chúa, mà cách ở lại trong tình yêu của Chúa là ở lại trong Lời Chúa (x. Ga 8, 31) và để cho “Lời Chúa ở lại trong” ta (x. Ga 15, 7). Lời Chúa có thể ví như cuống rốn nối chúng ta với Chúa, và Chúa là LỜI “từ ban đầu vân ở nơi Thiên Chúa”, “ở trong lòng Chúa Cha và hằng hướng về Chúa Cha” (Ga 1, 1.18) nối chúng ta với Chúa Cha.
Các ngôn sứ trong Cựu Ước là những người “đứng trước mặt Thiên Chúa”, như Ê-li-a và Ê-li-sa tự xác nhận (x. 1V 17, 1; 18, 15; 2V 3, 14; 5, 16)
- bản dịch xuôi của chúng tôi [CGKPV] là phục vụ, nhưng như thế là đã giới hạn ý nghĩa âm vang của động từ này -
Thiên Chúa sẽ phán với ngôn sứ Giê-rê-mi-a:
Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng.
Hãy đứng dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.
Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ;nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.
18Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. (Gr 1, 17-18)
Thánh vịnh 16/15 khẳng định:
Trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi (câu 11).
Chúa Phục Sinh là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 28,20), chúng ta không chỉ ở trước mặt Người, ở bên Người, mà ở trong Người nữa. Đời sống của chúng ta là “nhờ Người, với Người và trong Người”.
Trong Cựu Ước kinh sư Ét-ra mời dân đang khóc lóc hãy vui lên, Hội Thánh ngày nay cũng mời chúng ta vui lên ngay giữa Mùa Vọng và Mùa Chay va3w khi công bố lễ Phục Sinh. Lễ Phục Sinh và mùa Phục Sinh là mùa của “Vui sướng tràn trề, hoan lạc chẳng hề vơi”.
Dân Ít-ra-en cho đến nay vẫn mừng lễ Vượt Qua hàng năm để nhớ nguồn gốc của mình. Năm nay trùng hợp với ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh đúng như Tin Mừng Gio-an.
Chúng ta mừng lễ Phục Sinh cũng là để nhớ mình đã được cứu chuộc bằng giá nào (x. 1Pr 1, 17-19), nhờ thế biết mình là ai và nhớ mình đã cam kết sống như thế nào. Mầu Nhiệm Phục Sinh là khởi đầu cuộc sống của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta. Chúng ta gia nhập Hội Thánh và bắt đầu cuộc sống Ki-tô hữu bằng Phép Rửa. Tuyên lại lời hứa khi chịu phép Rửa trong đêm Vọng Phục Sinh, là chúng ta cam kết lại bắt đầu:
Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? 4Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. 5Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” (Rm 6, 3-5)
Niềm vui của chúng ta có ba chiều, ta vui vì Chúa đã sống lại và đang ở với ta, vui vì chính chúng ta đã được sống lại với Chúa và đang sống đời sống mới, và vui vì niềm hy vọng Chúa sẽ đến đem chúng ta vào trong vinh quang với Chúa.
Thánh Phao-lô đã cho chúng ta thấy và mời gọi chúng ta sống niềm vui ấy trong bức thư viết từ cảnh ngục tù, gởi tín hữu Phi-lip-phê: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng vì Chúa” (Pl 3,1).
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! 5Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. 6Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 4, 4-7)
Những lời thánh Phao-lô nhắn nhủ có chút âm vang lời kinh sư Ét-ra kêu gọi dân chúng. Thánh Phao-lô chan chứa niềm vui của Chúa, và nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi “vui lên” khi đang chìm trong tăm tối của ngục tù, chứ không phải lúc thịnh vượng vinh quang.
Trong thư Rô-ma, thánh Phao-lô ca khúc khải hoàn và giải nghĩa cho chúng ta nền tảng của niềm vui, bình an và hy vọng:
Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương laị, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)
Trong thư thứ hai Cô-rin-tô, thánh Phao-lô liệt kê những gian truân Ngài đã trải qua, lúc nào cũng trong vui tươi và tin tưởng:
Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. 8Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; 9bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. 10Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. 11Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi (2Cr 4,7-11)
Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, 8khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành ; 9bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống ; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết ; 10coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có ; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả. (2Cr 6, 7-10; x. 12, 23-33).
Thánh Phao-lô đã đích thân trải nghiệm rằng “Niềm vui của Chúa là thành trì của chúng ta” và lời thánh vịnh:
Con yêu mến Ngài, lạy CHÚA là sức mạnh của con;
3lạy CHÚA là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con;
lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ. (Tv 18/17, 2-3)
Lời thánh vịnh phong vương cũng áp dụng cho chúng ta:
Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngài
đã tôn phong ngài vượt trổi các đồng liêu, và xức cho dầu thơm hoan lạc. (Tv 45/44, 8-9).
Giê-ru-sa-lem, ngày thứ Sáu Tuần Thánh 2019,
ngày Dọn Lễ Vượt Qua, 14 tháng Nissan năm 5779 từ khi Tạo Dựng (x. Ga 19,31)