Các Thánh Tử Đạo thăng hoa văn hoá Việt Nam : Lời Mở Đầu


"Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa,

Bài ca thấm nhuộm máu hồng,

từng đoàn người anh dũng tiến lên hy sinh vì Tinh yêu" (Hoàng Khánh và Kim Long)


Ba mươi năm đã trôi qua, kể từ khi Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tôn phong Hiển Thánh 117 vị Tử Đạo Việt-Nam (1988-2018). Chúng ta có thể nói rằng đó là một trong những sự kiện khắc ghi trong lịch sử Giáo Hội trải qua hơn hai ngàn năm. Điều đặc biệt, đó còn là một mốc son chói lọi cho trang sử vàng của Giáo Hội Việt-Nam, bởi chính các thánh Tử Đạo là những hạt giống được chôn vào lòng đất và từ những hạt giống ấy đã nảy sinh ra một Giáo Hội Việt-Nam như ngày hôm nay. Máu của các ngài đã đổ ra để trở thành nguồn mạch tinh khiết, nguồn mạch ấy đã tuôn chảy trong lòng đất quê hương Việt nam, và cũng nhờ vào nguồn mạch ấy mà hạt giống Tin Mừng đã phát sinh và triển nở không ngừng trên quê hương dân Việt, một dân tộc được mệnh danh là “Con Rồng Cháu Tiên” hay “Dòng Giống Lạc Hồng”.

Chính vì thế, một khi chúng ta là người Việt “máu đỏ da vàng”, chúng ta vẫn là những người thừa hưởng kho tàng Đức Tin mà các Thánh Tử Đạo đã để lại và chúng ta không thể không ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh của các ngài, những con người tay cầm cành thiên tuế hiên ngang tiến ra pháp trường để hiến thân vì một Tình yêu, Tình yêu của Đức Kitô. Dù sống ở nơi đất khách quê người, nhưng chúng ta không thể bỏ qua những trang sử vẻ vang mà Giáo Hội Việt Nam đã trải qua. Chúng ta hãy luôn hướng lòng về nơi đất Mẹ để chiêm ngắm niềm tin kiêu hùng của các Thánh Tử Đạo, để từ đó chúng ta noi gương và bắt chước các ngài mà sống niềm tin của chúng ta trong xã hội hôm nay.

Trong Thư Mục vụ gửi Cộng đồng dân Chúa ngày 13.10.2017 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các ngài đã nhấn mạnh rằng: "Nhân dịp này, chúng tôi muốn hướng anh chị em tới một gia đình lớn hơn là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trải dài trong suốt bề dày lịch sử truyền bá đức tin. Năm 2018, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm Toà Thánh nâng 117 vị Tử Đạo lên hàng hiển thánh. Đây là một dấu son trong lịch sử và là niềm tự hào của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh dũng, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25). Thật vậy, trong lễ phong thánh tại Rôma, ngày 19.6.1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nhắn nhủ: "Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt-Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô".

Kỷ niệm biến cố phong Thánh Tử Đạo là dịp để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài, sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng và nhân ái. Để kỷ niệm biến cố quan trọng này, chúng tôi (các Giám mục Việt Nam) sẽ bàn thảo và đưa ra những đề nghị, nhằm hướng tới một chương trình bao gồm cử hành, học hỏi và sống đức tin. Cử hành để tạ ơn Chúa, tôn vinh các bậc Tiền Nhân và xin các ngài bầu cử cho Giáo Hội và Quê Hương; học hỏi để hiểu biết cuộc đời và ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các ngài; sống đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa".

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Phong Hiển Thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Giáo xứ Việt Nam Paris cho xuất bản Quyển 3 của bộ sách "Các Thánh Tử Đạo Thăng Hoa Văn Hóa Việt Nam" để giúp các độc giả hiểu biết hơn về đời sống các Thánh Tử Đạo mà chúng ta tôn kính và thấm nhuần cái triết lý sống của các ngài, hay nói cách khác, thấm nhuần tư tưởng và niềm tin của các ngài. Chính tư tưởng và niềm tin ấy đã trở thành nguồn động lực thúc đẩy lòng nhiệt huyết của các ngài để hiên ngang tiến ra pháp trường và chấp nhận án tử cho một tình yêu duy nhất, chính là Đức Kitô. Nếu gương sáng của các ngài đã làm vẻ vang Giáo Hội Mẹ Việt Nam và làm thay đổi bao lòng người, thì gương sáng đó cũng phải được phản chiếu trên khuôn mặt mỗi người chúng ta dù ở bất cứ phương trời nào khi chúng ta mang danh là Kitô hữu. Nếu sự hy sinh của các ngài đã làm thăng hoa đức tính nơi người Công Giáo Việt Nam, thì sự hy sinh của các ngài cũng phải là nguồn động lực cho chúng ta dấn thân, phục vụ hầu biến đổi xã hội ngày nay thêm yêu thương và đoàn kết.

Chúa Giêsu đã nói: "Anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời". (Mathêô 5,13-16),

Ước gì lời Chúa Giêsu trên đây vẫn luôn vang vọng trong tâm tư của mỗi người chúng ta để làm thăng tiến đời sống thiêng liêng cá nhân mình để rồi từ đó, chúng ta hiên ngang rao truyền Lời Chúa và luôn hy sinh làm chứng cho Chúa Kitô như các Thánh Tử Đạo xưa kia.

Lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô,

ngày 29 tháng 6 năm 2018

Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf