Sau khi máy bay của ngài đáp xuống phi trường Vilnius, Lithuania, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được Nữ Tổng Thống nước này đón tiếp tại Dinh Tổng Thống. Tại đây, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các thành viên chính phủ, ngoại giao đoàn, các đại diện xã hội dân sự. Nhân dịp này ngài đã đọc bài diễn văn đầu tiên trong chuyến viếng năm 3 nước thuộc vùng Baltic. Sau đây là nguyên văn bài diễn văn



Thưa Bà Tổng thống,
Quí thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Qúi Đại diện xã hội dân sự,
Quí nhà chức trách,
Quí Bà và Quí Ông,

Thật là một nguồn vui và hy vọng được bắt đầu cuộc hành hương đến các nước Baltic ở Lithuania, một nước, như Thánh Gioan Phaolô II thích nói, là "một nhân chứng thầm lặng cho một tình yêu nồng nàn đối với tự do tôn giáo" (Diễn văn trong buổi lễ chào đón, Vilnius, ngày 4 tháng 9 năm 1993).

Thưa Bà Tổng thống, tôi xin cảm ơn bà vì những lời chào đón thân ái được bà ngỏ với tôi nhân danh chính bà và nhân dân của bà. Trong ngôi vị bà, tôi muốn chào thăm tất cả nhân dân Lithuania, những người, hôm nay đây, mở cửa nhà mình và quê hương mình. Tôi xin ngỏ tình yêu và lời cám ơn chân thành của tôi với tất cả qúi vị.

Chuyến viếng thăm này diễn ra trong một thời điểm đặc biệt quan trọng trong đời sống của đất nước quí vị đang kỷ niệm 100 năm ngày tuyên bố độc lập.

Một thế kỷ được đánh dấu bằng nhiều thử thách và đau khổ mà quí vị phải chịu đựng (giam giữ, trục xuất, thậm chí tử đạo). Cử hành 100 năm độc lập có nghĩa là dừng lại đôi chút, khôi phục ký ức trải nghiệm để tiếp xúc với tất cả những gì đã lên khuôn quí vị như một quốc gia và tìm bí quyết giúp quí vị biết nhìn vào các thách thức hiện tại để dự phóng cho tương lai trong bầu khí đối thoại và hợp nhất giữa mọi cư dân, không trừ một ai. Mỗi thế hệ đều được kêu gọi lãnh quyền làm chủ các cuộc đấu tranh và thành tựu của quá khứ và tôn vinh ký ức của cha ông trong hiện tại. Chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao; điều chúng ta biết là ở mọi thời đại, chính "linh hồn" đã xây dựng nó và giúp nó biến đổi mọi tình huống đau đớn và bất công thành các cơ hội, và giữ cho sống động và hữu hiệu gốc rễ đã tạo ra hoa trái ngày nay. Và dân tộc này có một "linh hồn" mạnh mẽ đã giúp họ khang cực và xây dựng! Bản quốc ca của quí vị hát: “Xin cho con cái anh em rút tỉa được sức mạnh từ quá khứ", để nhìn hiện tại một cách dũng cảm.

"Xin cho con cái anh em rút tỉa được sức mạnh từ quá khứ".

Trong suốt lịch sử của nó, Lithuania đã có khả năng làm chủ nhà, chào đón và tiếp nhận người của các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau. Mọi người đều tìm được một nơi để sống trên các lãnh thổ này: người Lithuania, người Tartars, người Ba Lan, người Nga, người Bạch Nga, người Ukraine, người Armenia, người Đức ...; người Công Giáo, người Chính Thống, người Thệ Phản, người Công Giáo Cổ, người Hồi Giáo, người Do Thái giáo...; họ sống với nhau và sống trong hòa bình cho đến khi xuất hiện các ý thức hệ toàn trị, các ý thức hệ đã phá vỡ khả năng tiếp rước và hòa hợp các dị biệt bằng cách gieo rắc bạo lực và ngờ vực. Rút tỉa sức mạnh từ quá khứ có nghĩa là phục hồi gốc rễ và giữ cho sống động lối sống chân chính và độc đáo nhất trong quí vị và những điều vốn giúp quí vị phát triển chứ không đầu hàng như một quốc gia: khoan dung, hiếu khách, tôn trọng và liên đới.

Nhìn vào khung cảnh thế giới chúng ta đang sống, nơi các tiếng nói gieo rắc chia rẽ và mâu thuẫn ngày càng gia tăng – cấp phương tiện cho bất an và xung đột nhiều lần - hoặc tuyên bố rằng cách duy nhất có thể có để đảm bảo an ninh và sự tồn tại của văn hóa hệ ở cố gắng xóa bỏ, dẹp bỏ hoặc trục xuất người khác, người Lithuania qúi vị có một hạn từ độc đáo để đưa ra "điều chỉnh các dị biệt cho ăn khớp với nhau". Qua đối thoại, cởi mở và hiểu biết họ có thể trở thành một cây cầu kết hợp giữa Đông và Tây Âu. Đây có thể là thành quả của một lịch sử trưởng thành, một thành quả mà qúi vị, trong tư cách một dân tộc, đã cung cấp cho cộng đồng quốc tế và cách riêng cho Liên Hiệp Châu Âu. Quí vị đã phải chịu đựng "bằng da thịt của qúi vị" các mưu toan nhằm áp đặt một mô hình duy nhất, một mô hình sẽ làm mất đi các dị biệt với kỳ vọng tin rằng các đặc quyền của một ít người nằm trên phẩm giá người khác hoặc lợi ích chung. Đức Bênêđictô XVI đã khéo léo chỉ ra điều này: "Ước muốn lợi ích chung và làm việc cho nó là một yêu sách của công lý và bác ái [...]. Chúng ta càng yêu thương nhau hữu hiệu hơn nếu chúng ta càng phấn đấu nhiều hơn cho ích chung, đáp ứng các nhu cầu thực sự của nó"(Thông điệp Caritas in Veritate, 7). Tất cả các xung đột đang phát sinh sẽ tìm được các giải pháp lâu dài với điều kiện chúng bắt nguồn từ sự chú ý cụ thể tới người ta, đặc biệt là những người yếu nhất và bắt nguồn từ cảm quan được mời gọi "mở rộng cái nhìn của họ để nhận ra một lợi ích lớn hơn mang lại lợi ích cho mọi" (Tông huấn Evangelii gaudium, 235).

Theo nghĩa này, rút tỉa sức mạnh từ quá khứ có nghĩa là lưu ý đến những người trẻ hơn, những người không những là tương lai, mà còn là hiện tại của quốc gia này, nếu họ mãi hợp nhất với nguồn gốc của dân tộc. Một dân tộc trong đó người trẻ tìm được chỗ để lớn lên và làm việc sẽ giúp họ cảm thấy họ là những người chủ động trong việc xây dựng cơ cấu xã hội và cộng đồng. Điều này sẽ làm mọi người có khả năng ngẩng đầu nhìn ngày mai một cách đầy hy vọng. Người Lithuania họ mơ ước thủ vai trong cuộc tìm kiếm liên tục nhằm cổ vũ các chính sách có thể khuyến khích việc tham gia tích cực của những người trẻ nhất trong xã hội. Không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là hạt giống hy vọng, vì nó sẽ dẫn đến một tính năng động trong đó "linh hồn" của dân tộc này sẽ tiếp tục tạo ra tính hiếu khách: hiếu khách đối với khách lạ, hiếu khách đối với giới trẻ, đối với giới già, những người vốn là ký ức sống động, đối với người nghèo, và nhất định hiếu khách đối với tương lai. Thưa bà tổng thống, tôi cam đoan với bà rằng, cho đến nay, bà có thể tin cậy vào cam kết và việc làm đồng bộ của Giáo Hội Công Giáo, để lãnh thổ này có thể hoàn thành ơn gọi của nó là làm cây cầu hiệp thông và hy vọng.