Cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Nam Hàn và Chủ Tịch Bắc Hàn được nhiều người hết lời ca ngợi. Họ cho rằng chưa có lãnh đạo Cộng Sản nào, nhất là lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, so sánh được với lãnh tụ Bắc Hàn, người mà chỉ mấy tuần trước họ hết lời chửi rủa, làm như con người trước là con người giả, con người khi gặp Tổng Thống Nam Hàn mới là con người thực!

Thiển nghĩ lãnh tụ Cộng Sản nào thì cũng thế thôi. Có tin hay không là tin Tổng Thống Nam Hàn, chứ cái anh Ủn Cộng Sản thì đừng vội tin, hãy cứ nên nghe Ông Nguyễn Văn Thiệu của Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa: đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy xem những gì Cộng Sản làm. Cho đến khi nó thực sự dẹp kho nguyên tử với sự giám sát của quốc tế, thì mới nên khen.

Nhưng ai cũng phải tin thiện chí của Tổng Thống Nam Hàn. Ông nói là nói tự tấm lòng, hay tự xác tín của ông. Nói theo Victor Gaetan của tập san Foreign Affairs số gần đây, phương thức hành động của ông mô phỏng theo phương thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Theo Ký Giả trên, đầu tháng Tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng Twitter để chỉ trích nhà lãnh đạo Nam Hàn về "việc hòa hoãn" với Bắc Triều Tiên. Trong một lời nói móc Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in mấy ngày trước đó, Trump cũng đã cảnh báo rằng “Nói chuyện không phải là Giải Pháp!” khi nhắc đến ý thích của Ông Moon muốn đàm phán với Bình Nhưỡng. Có thể tổng thống Nam Hàn rất tập chú vào các cuộc đàm phán không chỉ vì các cam kết lúc bầu cử, mà còn vì niềm tin tôn giáo của Ông nữa. Ông Moon vốn là một người Công Giáo thực hành Đạo, và mặc dù bản sắc tôn giáo không phải lúc nào cũng là lăng kính thích hợp để đánh giá việc ra quyết định chính trị, nhưng nó có thể có liên quan trong trường hợp này.

Trong bốn năm làm giáo hoàng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn nhấn mạnh tới những cách đúng đắn và sai lầm trong việc giải quyết các xung đột quốc tế. Khó có bất kỳ tín hữu nào có thể thoát khỏi các hệ luận của nền “ngoại giao gặp gỡ”, một nền ngoại giao coi là ưu tiên việc đối thoại và các cuộc gặp gỡ thể lý giữa các bên đối lập để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, sự tin tưởng và cùng tập trung vào lợi ích chung. Nền ngoại giao gặp gỡ đã gặt hái được nhiều thành quả: Đức Phanxicô vừa kết thúc một chuyến tông du tại Colombia, nơi ngài điều hướng một hiệp ước hòa bình giữa chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) mà Giáo hội đã đứng ra làm môi giới. Một số nguyên lý Kitô giáo chủ yếu đã rất quan trọng trong việc đạt được hiệp ước, trong số đó có việc tránh trả thù, phát triển một cảm thức đoàn kết, và thực hành sự tha thứ triệt để. (Lúc ngài thăm Nam Hàn 3 năm trước đây, Đức Phanxicô kêu gọi phải tha thứ, “cánh cửa dẫn tới hòa giải”). Phương thức này được sử dụng bởi Tòa Thánh năm 2014 khi làm chủ nhà cho các nhà đàm phán Mỹ và Cuba ở Rôma nhằm đạt được một thỏa thuận ngoại giao mới sau 18 tháng bế tắc. Ở Nam Hàn, các chính sách của Ông Moon cũng phù hợp với nền ngoại giao gặp gỡ, đặc biệt với điều được các nhà thần học Công Giáo gọi là “hòa bình công chính”, một công thức thay thế cho công thức nổi tiếng của Thánh Thomas Aquinas là “chiến tranh công chính”, có tính nhất quán hơn với chủ trương bất bạo động của các sách Tin Mừng. Cuộc gặp gỡ đích thực có mục đích nhân bản hóa các đối thủ dưới con mắt của phía bên kia, linh hứng cho các đối thủ để họ tạo ra các thỏa hiệp nhằm từ bỏ sự phục thù. Một nền hòa bình công chính không có người chiến thắng hay kẻ thua cuộc. Các nhận xét của Ông Moon trên CNN ngày 14 tháng 9, trong đó ông bác bỏ bất cứ việc triển khai vũ khí hạt nhân nào ở nước ông cũng có thể được hiểu là phát xuất từ một khuôn khổ Công Giáo.

Mặc dù các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ thường gắn nhãn hiệu "cấp tiến" hoặc "khuynh tả" cho Ông Moon, nhưng rất khó xếp loại Ông bằng các thuật ngữ chính trị của Mỹ. Ông là một người yêu hòa bình (peacenik), điều này đúng, nhưng Ông cũng là một người bảo thủ xã hội, ví dụ như trong sự chống đối công khai của Ông đối với hôn nhân đồng tính. Thật ra, cách tốt nhất để hiểu tổng thống Nam Hàn là thông qua đức tin Công Giáo của ông.

CHÍNH SÁCH HÒA GIẢI

Được bầu vào tháng 5 năm ngoái, Ông Moon đã thay thế Tổng thống Park Geun-hye sau khi bà này bị đàn hặc và bị loại khỏi chức vụ trong một vụ bê bối giống như vở kịch nhiều màn khuấy động khắp nước. Hơn một triệu người đã kêu gọi Bà Park từ chức lúc các cuộc biểu tình công khai lên cao nhất chống lại việc bà can dự vào một mạng lưới tham nhũng tinh nhuệ nhiều đời. Ngược lại, sự nghiệp của Ông Moon dường như không bị vấy đục bởi tham nhũng và được đánh dấu bằng một cam kết suốt đời đối với dân chủ. Bởi vì ông bị bỏ tù năm 1975 vì đã phản đối cha của Bà Park, cựu Tổng Thống Park Chung Hee, và bị giam một lần nữa bởi nhà độc tài quân sự cuối cùng của Nam Hàn, Chun Doo-huan, Ông Moon bị cấm làm việc như một thẩm phán hoặc công tố viên, và trở thành một luật sư nhân quyền, hoạt động bên ngoài hệ thống.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Ông, hòa giải với Bắc Triều Tiên thông qua đối thoại là một trong những chính sách đặc trưng của ông. Bà Park cũng đã hứa sẽ cải thiện mối liên hệ với miền Bắc, nhưng ít có kết quả. Các cuộc điều tra ý kiến công chúng luôn cho thấy một mong muốn phổ biến là đàm phán song phương - 77 phần trăm ủng hộ trong một cuộc thăm dò hồi tháng Sáu. Hầu hết mọi người ngày càng tin rằng việc cô lập Bình Nhưỡng đã thất bại, một kết luận trí tuệ được củng cố bởi xác tín xúc cảm cho rằng một dân tộc đơn nhất đã bị chia cắt một cách giả tạo. Gia đình của Ông Moon là hiện thân của sự sai khớp này: Ông sinh ra trong một căn nhà tồi tàn trên Đảo Geoje, ngoài khơi bờ biển phía đông nam Nam Hàn, ba năm sau khi mẹ ông chạy trốn khỏi miền Bắc trên một tàu chở hàng của Mỹ với 14.000 người tỵ nạn khác trong cuộc Di Tản Hungnam.



Trong diễn văn nhậm chức ngày 10 tháng 5, Ông Moon đã cống hiến đời mình cho hòa bình. Ông nói rằng ông sẵn sàng "bay đến Washington, Bắc Kinh và Tokyo, nếu cần, và tôi cũng sẽ đến Bình Nhưỡng, nếu có điều kiện". Ông cũng đã lên kế hoạch để cùng nhóm của Ông bay đến một nơi khác. Trong vòng hai tuần sau khi nhậm chức, Ông Moon đã cử một phái viên đến Rôma để gặp Đức Phanxicô và Quốc Vụ Khanh Vatican là Đức Hồng Y Pietro Parolin. Tại các cuộc hội họp kéo dài vài ngày, Đức Tổng Giám Mục Hyginus Kim Hee-joong, chủ tịch hội đồng giám mục Nam Hàn, và các thành viên trong nhóm của tổng thống đã tìm kiếm sự ủng hộ của Tòa thánh cho việc hòa giải trên bán đảo. Một cách bất thường, Đức Giáo Hoàng đã tiếp Đức Cha Kim hai lần trong tuần. Việc mời Vatican can dự vào vấn đề này không những chỉ có tính biểu tượng: Sự liên minh này còn cung cấp cho Ông Moon một mạng lưới tài nguyên rộng lớn và kín đáo để khám phá các giải pháp phi quân sự, trong đó, có nhóm lớn gồm các giám mục Nhật Bản và Nam Hàn cũng như sự hỗ trợ từ giới lãnh đạo Công Giáo tại Đài Loan và Hồng Kông. Dưới thời Đức Phanxicô, Vatican đã tạo được đường liên lạc cấp cao với Bắc Kinh và cung cấp cho Hán Thành những nguồn thông tin và phân tích độc lập đối với Washington. Mặc dù vẫn chưa được quảng cáo rùm beng công khai, Rôma và Bắc Kinh đã phát triển một mối quan hệ có tính chức năng chưa từng có dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Hồng Y Parolin.

Công chúng Nam Hàn không hề cảm thấy bị xúc phạm bởi cuộc tiếp xúc của Ông Moon với Vatican. Ngược lại, Đạo Công Giáo đang phát triển trong nước nhanh hơn bất cứ nơi nào khác ở Châu Á. Hiện nay, 11% người Nam Hàn là người Công Giáo (khoảng 5.6 triệu người), một con số đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua. Nhìn chung, các Kitô hữu chiếm gần 30 phần trăm dân số. Người Công Giáo đại diện vượt bực trong các ngành nghề ưu tú (các kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, nhà báo), một phần vì Giáo hội liên hệ chặt chẽ với phong trào dân chủ từng chấm dứt nền cai trị quân phiệt vào năm 1987. Theo một cuộc thăm dò năm 2015 của người Nam Hàn, Công Giáo là tôn giáo được kính trọng nhất trong nước, tiếp theo là Phật giáo.

Việc nối vòng tay lớn với Đức Phanxicô cũng cung cấp cho Ông Moon một loại tường thuật khác liên quan đến những gì đang bủa vây đảo bán này, và cách làm thế nào để thoát khỏi sự hủy diệt hỗ tương. Kể từ bài diễn văn bất hủ “Trục Tội Ác” của Tổng thống George W. Bush vào năm 2002, Bắc Triều Tiên vốn bị mô tả bằng các thuật ngữ chỉ ma quỷ; bức biếm họa của Trump nhằm chế giễu Kim Jong Un như một kẻ điên cuồng muốn tự sát là đỉnh cao của lối suy nghĩ này. Theo Tin Mừng, Đức Phanxicô luôn kêu gọi phương Tây hãy xem xét các tội lỗi của chính mình trước đã. Tuy không nêu tên, Đức Giáo Hoàng luôn bày tỏ nghi ngờ việc những người có lợi ích tài chính trong việc buôn bán vũ khí (chủ yếu là Hoa Kỳ và Đức đối với Nam Hàn) lại có thể bảo trợ hòa bình một cách chân thực. Ngài đã không ngừng chỉ trích "cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh" được thúc đẩy bởi các thương gia buôn bán vũ khí. (Ngài và các cố vấn hàng đầu của ngài đã tỏ ra hết sức nản lòng khi Hoa Kỳ công bố vụ bàn vũ khí cho Saudi Arabia hồi đầu năm nay). Giáo Hội Công Giáo từ lâu không chỉ phản đối việc sử dụng mà cả việc sở hữu vũ khí hạt nhân nữa. Đức Phanxicô bác bỏ hệ thống an ninh dựa trên sợ hãi, coi nó không thỏa đáng vì nó chỉ làm tăng sự bất tín, làm cho chiến tranh trở thành điều có thể quan niệm được, và không hữu hiệu chống lại các mối đe dọa như khủng bố, chiến tranh mạng, thảm họa môi trường và nghèo đói. Trong bối cảnh này, các nhận xét của Ông Moon khi cho rằng Nam Hàn sẽ không bao giờ đáp ứng các khiêu khích của Ông Kim bằng cách triển khai hoặc phát triển vũ khí hạt nhân, có thể được đọc như một chủ trương có nguyên tắc, do đức tin thúc đẩy.

Đối với Hoa Kỳ, nhãn quan tôn giáo của Ông Moon khá phức tạp. Giáo Hội Công Giáo vốn khẳng định ba chủ trương đối với Nam Hàn, khá có tính phản đề đối với chính sách của Hoa Kỳ. Đầu tiên, nó chống lại việc xây dựng quân sự. Các giáo sĩ Công Giáo ở Nam Hàn từng là đối thủ lớn tiếng của hệ thống Phòng Thủ Khu Vực Ở Độ Cao (THAAD), một hệ thống được thúc đẩy bởi Washington. “THAAD là vũ khí chiến tranh. Bạn không thể phò hòa bình nếu bạn đang chuẩn bị cho chiến tranh”, Moon Paul Kyu-Hyn, một linh mục dòng Tên và lãnh đạo phong trào hòa bình của đất nước, từng nói như thế. Thứ hai, Vatican phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế vì nó coi loại áp lực này như làm hại người dân thường hơn nhiều so với giới ưu tú, và làm cứng ngắc hơn nhiều bất đồng. Cuối cùng, nó thúc đẩy nhiều nước có liên hệ với miền Bắc, coi nó như chiến lược gia khả thi và đạo đức duy nhất. Tổng giám mục Kim, đặc phái viên của Tổng thống Moon đi hội kiến với Đức Giáo Hoàng, đã từng nhấn mạnh rằng muốn chân thực, đàm phán phải được bắt đầu mà không cần điều kiện tiên quyết.

Đường dẫn đến hòa bình

Ở Nam Hàn, tiếp xúc qua biên giới là điều bất hợp pháp từ nhiều thập niên qua. Ngay cả việc ca ngợi Bắc Triều Tiên cũng có thể dẫn đến việc bị bắt theo Luật An ninh Quốc gia nghiêm ngặt của quốc gia. Ông Moon Paul Kyu-Hyn, chẳng hạn, bị bỏ tù năm 1989 và trải qua ba năm tù vì đã đi du lịch qua Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, hạt giống của nền hòa bình công chính đang nở rộ trên bán đảo. Ba tháng trước, một đội vô địch taekwondo từ phía Bắc đã là đội thể thao đầu tiên đến thăm Nam Hàn trong mười năm. Hầu hết các nhà thờ Thiên chúa giáo của Nam Hàn khuyến khích việc trao đổi các vận động viên, sinh viên, và các nhóm văn hóa và chuyên nghiệp – và cả Ông Moon, người cũng hỗ trợ việc viện trợ nhân đạo mở rộng hơn nữa cho Bắc Triều Tiên. Dĩ nhiên, không ai quên sự tham gia của Bắc Hàn vào Thế Vận Hội Mùa Đông ở Nam Hàn và cái ôm hôn lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Cao Cấp nhất Bắc Nam.

Các tổ chức Công Giáo và Kitô giáo khác đang giúp đặt nền móng cho hòa bình thông qua việc bác ái và các hình thức tương tác tích cực khác. Các Hiệp sĩ Columbus, tổ chức Công Giáo quốc tế lớn nhất, gần đây đã trao giải thưởng trị giá 100.000 đô la cho Cha Gerard Hammond. Ngài là một nhà truyền giáo người Mỹ, có trụ sở tại Hán Thành từ năm 1960 và đã đến thăm Bắc Triều Tiên sáu tháng một lần trong hơn 25 năm qua để giúp điều trị bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc. Việc làm của ngài được hỗ trợ bởi Quỹ Eugene Bell, một tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế nhân đạo ở Bắc Triều Tiên. Người sáng lập của nó, Stephen Linton, là cố vấn và dịch giả của Mục Sư Tin Lành người Mỹ Billy Graham, người đã đích thân gặp Tổng thống Nam Hàn Kim Il Sung vào năm 1992 và năm 1994. Con trai của Graham, Franklin, tiếp tục công việc của cha mình như một người ủng hộ lớn tiếng đối với việc bắt tay với cấp lãnh đạo Bắc Triều Tiên, thậm chí còn khuyên cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2013 nên mời Chủ Tịch Kim đến Hoa Kỳ dự một trận bóng rổ.

Cả Đức Phanxicô lẫn Hội đồng Thế giới Các Giáo hội Thệ Phản đều đã ủng hộ việc thống nhất trong hòa bình hai miền Bắc và Nam. Viễn kiến Kitô giáo này, được sự hỗ trợ của Ông Moon, có thể trở thành đối trọng chính cho sự thù địch bất tận và nỗi sợ hàng ngày về một cuộc Armageddon hạt nhân. Như Scott Sagan lý luận trong số Foreign Affairs tháng 11 / tháng 12 năm 2017, chiến lược tốt nhất của Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên là kiên nhẫn và cương quyết tự chế. Các mối đe dọa của chiến tranh phòng ngừa đã trở nên khiêu khích một cách vô trách nhiệm. Trong khi đó, Nam Hàn và láng giềng phía bắc của nó có thể bắt đầu các thao tác xây dựng lòng tin, một cuộc xây dựng có thể, trong nhiều năm, thay đổi được động lực của cuộc xung đột và tạo ra không gian cho hòa giải. Ông Moon đã vun sới các cộng đồng hỗ trợ, bao gồm cả Vatican; các cộng đồng này mong muốn khuyến khích đức tin của ông trong đối thoại. Ông không hề nao núng: “Tôi sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá”, Ông Moon tuyên bố hồi tháng trước. "Tôi muốn tất cả người Nam Hàn tin tưởng một cách xác tín rằng sẽ không có chiến tranh." Nhiệm kỳ tổng thống của Ông Moon, chỉ một năm trước đây, là điều không thể tưởng tượng được, khiến cho sự nổi bật của ông ngày nay dường như, có thể nói như thế, có tính quan phòng, và giải pháp hòa bình là điều có thể tin được.