"Người đi một nửa hồn tôi mất
một nửa hồn tôi bỗng dại khờ"
(Hàn Mặc Tử)
Có câu ngạn ngữ từ Châu Mỹ Latinh đã từng nói rằng: "Không ai ngèo đến nỗi không có gì để cho đi, và cũng không ai giàu đến nỗi không cần nhận lãnh từ người khác bất cứ điều gì". Bước vội vã trong cuộc đời rồi chợt dừng lại, tôi thấy câu nói ấy quả thật chí lí. Trong kiếp sống này, con người được sinh ra là để dành cho nhau, để tương trợ, để đỡ nâng và để cảm thông yêu thương. Vì thế không ai dám vỗ ngực mà nói rằng: "Chẳng cần ai, tôi vẫn sống!" Chính Thiên Chúa, trong ý định sáng tạo nhiệm mầu của mình, Ngài cũng tạo nên con người có đôi, như là dấu hiệu của sự liên đới trong cộng đồng con người. Vì thế có thể nói: Ơn gọi làm người là ơn gọi hướng đến tha nhân...
Hôm nay, tôi không đi ...theo một phong trào, cũng chẳng phải vì ước muốn khám phá vùng đất lạ nơi tôi chưa bao giờ bước tới. Nhưng tôi bước lên chuyến xe sáng sớm lúc 3h30 này, bởi ...tôi muốn đi theo tiếng gọi của Đấng tạo hóa, tiếng gọi giục giã tôi tìm về với ơn gọi đích thực của cuộc sống: hướng đến tha nhân. Vậy, đâu là những "tha nhân" mà hành trình này sẽ đưa tôi tới? Đó là những ông bà, anh chị em đang bị xã hội lãng quên, bị loại bỏ, bị xa lánh nơi mảnh đất xa vắng, quanh năm phủ trắng khói sương mang tên Quỳnh Lập thuộc tỉnh Nghệ An, đến được đây từ quốc lộ 1 người ta phải đi sâu vào con đường dài uốn lượn cong cong dọc theo triền núi đá và vòng quanh qua một ngọn đồi đến một cổng chào lớn: Trại phong Quỳnh Lập.
Xem HìnhNgồi trên xe, cảnh vật chập chờn trong sương sớm trôi vội vã sau lưng. Cố ngoảnh lại để nhìn cho kĩ từng ngọn đồi bị khai thác nham nhở đang rên rỉ trong những tia nắng sớm yếu ớt! Nhìn mà thấy xót xa! Chúng ta đã làm gì đấy!?! Mẹ trái đất đang cầu cứu cách tuyệt vọng trước lòng tham vô đáy của con người- của những kẻ chỉ biết nhận lãnh mà không biết cho đi, chỉ biết vun vén cho bản thân mà không biết dựng xây, trồng xới! Hậu quả là những thiên tai khủng khiếp nơi dẻo đất khô cằn này, âu cũng là do lòng tham ấy mà nên... Nghĩ đến thiên nhiên, tôi cũng tìm một nẻo đường để trở về với lòng mình! Biết đâu, trong kiếp sống này lại chẳng thiếu những lúc tôi cũng chỉ mải miết tìm cách vun vén cho mình, mà quên đi biết bao nhiêu anh chị em đang cần đến tôi. Không phải chỉ là vật chất, nhưng đơn giản thôi: một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một thái độ ân cần! Một chút nữa thôi... hành trình sẽ đưa tôi đến với họ.
|
Xe vừa dừng bánh trước cổng trại phong Quỳnh Lập, cảm xúc trước tiên của tôi ấy là bất ngờ pha lẫn xúc động! Tất cả mọi người nơi đây đã chờ đón chúng tôi từ bao giờ! Những hàng ghế ngay ngắn được xếp xung quanh một chiếc bàn được trải khăn hoa trang trọng, từng ánh mắt lấp lánh niềm vui hiện diên trong từng khuôn mặt. Tất cả như muốn nói lên tấm lòng chân thành của con người nơi đây chào đón chúng tôi. Tôi tưởng mình sẽ là người mang đến niềm vui cho họ, tôi tưởng sự hiện diện của chúng tôi sẽ an ủi họ phần nào... nhưng không, với tôi chính họ mới là người mang đến cho tôi nhiều hơn là tôi cho đi. Tôi mang đến cho họ một nụ cười trìu mến thì họ mang đến cho tôi một kho tàng về tinh thần lạc quan và tình yêu cuộc sống này. Dẫu có bệnh tật, dẫu cuộc sống thường này chẳng thiếu những đắng cay tủi hờn, dẫu cái chết có cần kề bên vai, họ vẫn hát... vẫn say sưa với cuộc sống này. Chúng tôi giao lưu với họ qua những bài hát điệu múa đơn sơ, các cụ cũng đáp lại chúng tôi bằng những bài hát rất mượt mà. Cụ ông Đặng đã gần 90 tuổi mắc bênh tim và tay cũng cụt gần hết ngón rồi, (nghe giọng cụ hát, tôi đoán cụ là người Bắc) đã gửi đến chúng tôi bài hát "Hà Nội mùa thu" rất ấm áp nhẹ nhàng. Qua từng lời hát mà cụ hát, tôi như thấy được cả một khoảng trời quê hương mà cụ ước ao có ngày trở về đang dâng đầy. Sau chương trình văn nghệ, món quà gửi tặng các cụ là một cặp bánh chưng và một phong bì lì xì. Món quà tuy chẳng là bao, nhưng nó chứa đựng tình cảm của biết bao người: đó là những ân nhân gần xa ở Hà Nội, từ Vùng Bắc Đức và Lincoln (USA), cha Phaolô Phạm Văn Tuấn, anh Hòa và còn biết bao bàn tay âm thầm đóng góp...
|
Tiếp đó chúng tôi được đến thăm các gia đình người phong, mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, mỗi mảnh đời là mỗi số phận đáng thương khác nhau. Có người đau khổ vì bệnh tật, có người buồn bã vì bị con cái bỏ rời, có người buồn vì ước mơ năm xưa chẳng thành. Tôi muốn bước chậm lại cùng họ, để lắng nghe, để chia sẻ... Nghe rất nhiều, thấy rất nhiều nhưng ấn tượng nhất ấy là lúc tôi đến thăm các cụ neo đơn, già cả đang nằm liệt giường. Sơ Nguyễn Thị Nguyện đang phục vụ nơi đây dẫn đoàn dẫn chúng tôi đến trước một căn phòng đóng cửa kín mít, trước khi mở cửa Sơ Nguyện hơi ái ngại nói với chúng tôi: "Trong này có một mùi hương mà chúng con coi đó là nước hoa đấy!", nói rồi Sơ thản nhiên đẩy cửa bước vào. Một mùi khai khó chịu xộc vào mũi, bước chân khẽ chững lại một giây rồi mạnh mẽ bước vào... Ở góc nhà tối tăm ẩm thấp là hai kiếp người hẩm hiu đang nằm co ro trong chiếc chăn bông nhàu nát. Thấy ánh sáng, một cụ từ từ ngồi lên nói chuyện với chúng tôi, cụ đã già nên mắt đã mờ đục tai cũng chẳng nghe thấy gì. Còn một cụ thì dường như đã liệt hoàn toàn. Cụ chỉ nằm đây, gầy xác xơ như bộ xương khô... Nghe thấy tiếng Sơ Nguyện dẫn đường, cụ khẽ rên rỉ: "Sơ ơi! Đau lắm! Sơ ơi...!" Âm thanh mong manh ấy không hiểu sao lại có sức mạnh khoét sâu đến thế! Chợt thấy sống mũi cay cay, tôi biết mình sắp khóc... Ước chi tôi có thể ôm lấy cụ vào lòng, có thể xoa dịu bớt đi những vết hằn của khổ đau đã in vết trong cuộc đời cụ. Cha Phaolô Tuấn không ngần ngại đặt tay lên đầu và ân cần chúc lành cho cụ vì là bệnh nhân Công Giáo. Trông thật cảm động. Nơi nhưng con người đau khổ ấy, tôi thấy một Đức Ki-tô chịu đóng đinh đang hiện diện sống động. Nếu như Đức Ki-tô chịu đóng đinh "vì Người mang thương tích, mà ta nay được chữa lành" thì chính những kiếp người khổ đau này cũng đã ôm hết đau thương của nhân loại trong những thương tích nơi thân xác mình, để nhờ đó chính tôi được sống một cuộc sống an bình. Bởi thế, tôi cũng như bạn, chúng ta đều mang ơn họ - những con người khổ đau.
|
Bước lên xe trở về Hà Nội mà lòng vẫn vấn vương nơi đây lắm, chỉ muốn:
"Dừng lại chút nữa chút nữa thôi
Cho tôi được gần gũi mọi người
Cho cuộc đời thôi bớt vội
Cho kiếp sống bớt nổi trôi."
Chút nữa thôi, tôi lại trở về với cuộc sống thường ngày, với những lắng lo học hành bài vở. Nhưng xin nguyện để trong trái tim hình bóng mọi người, để luôn luôn hướng về, để luôn nhớ cầu nguyện...
Lời cuối cùng, con xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Cha Phaolô Phạm Văn Tuấn đến từ Đức quốc- người cha đáng kính của chúng con. Cha là mẫu gương sáng cho chúng con noi theo về lòng bác ái yêu thương. Em cũng xin cảm ơn Anh Hòa- người anh cả thân yêu của Bồ Câu Trắng chúng em. Cha và Anh đã lo lắng và mọi tạo điều kiện cho chúng con từ nhiều năm qua được đến với những anh chị em bệnh nhân phong. Qua mỗi chuyến hành trình, chúng con đều cảm nhận được rất nhiều ơn ích thiêng liêng, chúng con thấy lòng mình được mở rộng hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Nguyện xin Chúa ban tràn đầy phúc lộc của Người trên Cha Phaolô Tuấn, những vị Ân Nhân xa gần và anh Hoà, để mọi người luôn bình anh và hăng say trong sứ mạng của mình, đó là đem tình thương của Chúa đến cho mọi người.
Bồ Câu Trắng Hàng Bột