Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ Tư 20 tháng 9, một bộ phim do Đức Thánh Cha đóng vai chính đã được chiếu thử tại Vatican.
Cuốn phim có tựa đề là “Beyond the Sun”, là một bộ phim về những trẻ em trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa và ý nghĩa của cuộc sống. Tất cả tiền thu được từ phim này sẽ được chuyển đến các tổ chức bác ái để giúp những trẻ em đang gặp khó khăn ở Á Căn Đình, là quê hương của Đức Giáo Hoàng.
Nhà sản xuất phim Andrea Iervolino nói với tờ The Guardian rằng quay phim Đức Giáo Hoàng là một kinh nghiệm choáng ngợp trong đời làm phim của ông. Ông nói:
“Mỗi năm chúng tôi làm từ 8 đến 10 bộ phim với những ngôi sao điện ảnh lớn ... Đây không chỉ là một bộ phim. Đây là điều rất đặc biệt.”
Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện trên màn hình tổng cộng 6 phút ở giữa và cuối của bộ phim.
Các chuyên viên thu hình và đạo diễn phải mất một ngày để sắp xếp máy móc, và các thiết bị chụp, nhưng việc quay phim cuối cùng chỉ mất vài phút.
Sau khi quay phim xong, Đức Giáo Hoàng nói với đoàn làm phim: “Hãy cầu nguyện cho tôi”
Iervolino cho biết bộ phim cho thấy Đức Thánh Cha là một “người của công chúng”, khi dạy cho các em cách đọc Phúc Âm.
Bộ phim sẽ được công chiếu chính thức vào dịp Giáng Sinh năm nay.
2. Một đoạn trong bộ phim “Beyond the Sun”
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Quý vị và anh chị em đang xem một đoạn trong cuốn phim “Beyond the Sun”.
Trong phim Đức Thánh Cha nói với các trẻ em:
“Đừng nghĩ đến sách Phúc Âm như một quyển sách khổng lồ. Sách Phúc âm rất là gọn nhỏ. Nhưng chúng con phải đọc một cách chậm rãi, từng chút một. Và các con nên đọc cùng với một người có thể giải thích bất cứ điều gì các con không hiểu.
“Cha cũng khuyên những người lớn nên luôn mang theo một sách Phúc Âm nhỏ với họ trong túi của họ, trong xách tay của người phụ nữ, chẳng hạn, bởi vì - trên tàu điện ngầm hoặc trên xe buýt, hoặc khi chờ đợi bác sĩ, biết đâu chúng ta có thể đọc một chút. Đừng coi sách Phúc Âm như một vật trang trí trong nhà.”
Ngài nói thêm: “Hãy nói chuyện với Chúa Giêsu ... Hãy nói với Chúa điều gì đang xảy ra với các con. Chuyện gì xảy ra hôm nay. Nói với Ngài những điều các con thấy, những điều các con không hài lòng, nơi trường học hoặc ngoài phố, hoặc trong gia đình của các con ... Chúa Giêsu đang chờ chúng con, Ngài đang tìm kiếm các con, mà các con không nhận ra ... Hãy tìm Ngài, và đó là cách các con sẽ tìm thấy Ngài. Hãy dám làm điều đó.”
3. Liên Hiệp Quốc cho biết chế độ nô lệ không phải là chuyện cổ tích nhưng là một thực tại trên thế giới
Hôm thứ Tư 20 tháng 9, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, một nghiên cứu về tình trạng nô lệ thời hiện đại đã được công bố. Đây là kết quả điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế, gọi tắt là ILO, và chương trình Walk Free Foundation, cùng hợp tác với Tổ chức Di dân Quốc tế (gọi tắt là IOM). Nghiên cứu này đã cho thấy quy mô kinh hoàng của chế độ nô lệ hiện đại với hơn 40 triệu người trên thế giới hoàn toàn không có chút tự do hay nhân quyền nào trong năm 2016.
Nghiên cứu này cũng xác nhận rằng khoảng 152 triệu trẻ em, từ 5 đến 17 tuổi, là đối tượng của lao động trẻ em.
Các ước tính mới cũng chỉ ra rằng phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chế độ nô lệ hiện đại, chiếm gần 29 triệu người, hay 71 phần trăm trên tổng số những người nô lệ trên thế giới. Phụ nữ tiêu biểu cho 99 phần trăm nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong ngành mại dâm và 84 phần trăm bị cưỡng bức kết hôn.
Nghiên cứu cho thấy trong số 40 triệu nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, khoảng 25 triệu người đã bị cưỡng bức lao động, và 15 triệu người đã bị cưỡng bức kết hôn.
70.9% lao động trẻ em là trong ngành nông nghiệp. 17.1% lao động trẻ em làm việc trong các ngành dịch vụ, trong khi 11.9 phần trăm lao động trẻ em làm việc trong ngành công nghiệp.
4. Bối cảnh chuyến viếng thăm Giáo Hội Nhật của Đức Hồng Y Fernando Filoni
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Kitô giáo đến với Nhật Bản nhờ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm, và đặc biệt là các linh mục dòng Tên, chẳng hạn như Thánh Phanxicô Xaviê. Người Công Giáo đã thành lập nên thành phố Nagasaki, có thời được xem là trung tâm Kitô giáo quan trọng nhất ở vùng Viễn Đông. Đó là nơi xuất phát các đoàn truyền giáo đến toàn vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.
Trong bối cảnh đó, đạo thánh Chúa đang chết dần mòn tại quốc gia này. Số tín hữu Công Giáo tại Nhật chỉ có 450 ngàn người, tương đương với 0.36% trong tổng dân số 120 triệu người. Các cuộc trở lại Công Giáo rất hiếm và cộng đoàn tại đây có nguy cơ tàn lụi. Trong năm 2016, chỉ có 1 người trẻ gia nhập chủng viện. Trong số 1,800 Linh Mục đang hoạt động tại Nhật, có 519 vị tức là gần 1 phần 3 là người nước ngoài. Cả nước có 13 giáo phận và 3 tổng giáo phận.
Khác với quốc gia lân bang là Nam Hàn, ý thức về nghĩa vụ truyền giáo tại Nhật không cao và có nhiều điều lấn cấn. Trong những năm qua, Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản đã phản đối và cấm một số phong trào đã được Tòa Thánh chấp nhận, như Con đường Tân Dự Tòng, vì cho rằng các thành viên phong trào này quá hăng hái hoạt động truyền giáo, không hợp với tinh thần văn hóa của Nhật.
Chính vì thế, Đức Thánh Cha đã cử Ðức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, thực hiện một cuộc viếng thăm Giáo Hội tại Nhật bản trong 9 ngày, từ 17 đến 26 tháng 9 năm 2017.
5. Tại Nagasaki, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc tranh biện gay gắt về nhu cầu truyền giáo tại Nhật
Trong diễn từ hôm thứ Ba 21 tháng 9 tại Nagasaki, Đức Hồng Y Filoni đã có một bài diễn văn “nẩy lửa” trước các Giám Mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh của tổng giáo phận Nagasaki.
Mở đầu, Đức Hồng Y nói Giáo Hội Nhật Bản, cần phải “tiếp tục sứ vụ truyền giáo cho những người không phải Kitô hữu”. “Anh chị em, các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân phải đặt vào mắt những người không phải Kitô hữu bản sắc của Chúa Giêsu qua cuộc sống của chính anh chị em. Anh chị em phải tiếp cận họ với sự kiên nhẫn và tình bạn và phải cảm nghiệm với lòng biết ơn rằng các hoạt động tông đồ như vậy là các công việc được thực hiện bởi Ân Sủng, nghĩa là từ Thiên Chúa”.
Đức Hồng Y đặc biệt nhấn mạnh tính chất khẩn cấp phải thực hiện sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội trong giai đoạn này của đất nước, khi tất cả mọi niềm tin tôn giáo đang phôi pha nhanh chóng trong xã hội hiện sinh Nhật Bản.
Trích dẫn Thánh Phaolô Tông Đồ, Đức Hồng Y nhận xét rằng căn tính Kitô dường như chẳng mấy khi tương hợp với nền văn hóa được xiển dương trong xã hội. Ngay cả ở Nhật Bản, những bách hại kinh hoàng trước đây cho thấy “việc sống các đòi buộc của Tin Mừng là một thách đố, bởi vì điều này không phải lúc nào cũng phù hợp với một nền văn hoá trong đó người ta ưa chuộng sự thống nhất và hài hòa”. Các phản ứng tương tự cũng đã từng xảy ra “ở Giêrusalem, cũng như ở Rôma và Hy Lạp vào thời các thánh Tông Đồ, và không chỉ trong những năm đầu của Giáo Hội”, bởi vì “đức tin nơi Đức Kitô luôn luôn bị coi, trong mọi xã hội truyền thống, như một ‘cuộc cách mạng’”.
Bất kể những đe doạ và sự phản đối của những người coi Kitô giáo là “một yếu tố ngoại lai đe dọa sự hòa hợp của xã hội”, sứ vụ truyền giáo đối với các tín hữu Kitô phải “là một niềm đam mê, nó giống như một tình yêu áp đảo. Bạn không thể kiểm soát nó, nó chi phối cả cuộc đời bạn. Không có lý trí nào, làm dịu lại hay giết chết được nhiệt tình này”
6. Căng thẳng tại Kathmandu nhân dịp Tết Dashai cuả Ấn Giáo
Tết Dashai cuả Ấn Giáo đã bắt đầu hôm 21 tháng 9 và kéo dài trong 15 ngày. Căng thẳng trong dịp Tết Dashai đã dâng lên rất cao giữa các tín hữu Phật giáo và Ấn giáo.
Theo ước tính thì sẽ có đến một triệu dê, cừu, trâu và chim chóc bị giết trong dịp Tết này. Máu tươi của chúng được dùng để tưới lên các bức tượng cuả các vị thần Ấn giáo và lên cả những bực thềm của các đền thờ. Mùi hôi tanh nồng nặc cả một vùng xung quanh các đền thề Ấn giáo.
Đối với các Phật tử, là những người chống lại tất cả các hình thức sát sinh, Tết Dashai của Ấn Giáo được coi là một điều vừa đáng kinh sợ, vừa sỉ nhục niềm tin của họ.
Do đó, những ngày tết Dashai đã bắt đầu ở Nepal với nhiều cuộc biểu tình của các Phật tử và các nhà hoạt động cho quyền động vật.
Lo sợ xung đột có thể xảy ra, chính phủ đã tăng cường an ninh một cách đáng kể xung quanh tất cả các ngôi đền. Cảnh sát và cả quân đội bao quanh các đền thờ Ấn giáo để giữ trật tự.
7. Ðức Thánh Cha lo âu vì thái độ chống người di dân đang gia tăng tại Âu Châu
Ðức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo âu và đau buồn vì những dấu hiệu bất bao dung, kỳ thị và bài người nước ngoài ở nhiều miền của Âu Châu, kể cả trong các cộng đoàn Công Giáo.
Ngài nói lên lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22 tháng 9 dành các vị Giám đốc toàn quốc về mục vụ di dân và tị nạn thuộc các nước Âu Châu về Roma tham dự cuộc gặp gỡ do Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu tổ chức.
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng thái độ bất bao dung, kỳ thị và bài người nưc ngoài thường do sự nghi kỵ và sợ hãi người khác, sợ cái gì khác biệt và người ngoại quốc. Ngài nói: “Ðiều làm tôi càng bận tâm hơn nữa là nhận xét đau buồn khi thấy các cộng đoàn Công Giáo chúng ta ở Âu Châu cũng không tránh được những phản ứng tự vệ và loại bỏ, được biện minh bằng một thứ “nghĩa vụ luân lý” phải bảo tồn căn tính văn hóa và tôn giáo nguyên thủy.”
Bác bỏ lập luận đó, Ðức Thánh Cha nói: “Giáo Hội phổ biến trong mọi đại lục là nhờ sự “di cư” của các thừa sai xác tín về đặc tính hoàn vũ sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, nhắm đến mọi người nam nữ thuộc mọi nền văn hóa. Trong lịch sử Giáo hội không thiếu những cám dỗ của chủ trương loại người khác và bảo vệ thành trì văn hóa, nhưng Chúa Thánh Linh luôn giúp chúng ta khắc phục những cám dỗ ấy, bảo đảm một sự liên tục cởi mở đối với người khác, sự cởi mở ấy được coi như một cơ hội cụ thể để tăng trưởng và được phong phú”.
Ðức Thánh Cha đề cao những khía cạnh tích cực của làn sóng nhập cư vào Âu Châu như cơ hội để thực thi đặc tính Công Giáo, phát triển tinh thần đại kết và liên tôn cũng như là cơ hội để loan báo Tin Mừng”
8. Ðức Thánh Cha Phanxicô thành lập Học viện mới về Hôn nhân và Gia đình.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một Học viện giáo hoàng mới để học hỏi về hôn nhân và gia đình, thay thế Học viện do Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào năm 1981.
Ðược công bố trên báo L'Osservatore Romano hôm thứ Ba 19 tháng 09, Tự sắc “Summa Familiae cura” (Hết lòng chăm sóc cho gia đình) với chữ ký của Ðức Thánh Cha ngày 08 tháng 09 năm 2017 nêu rõ Viện Thần học Giáo hoàng về Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II được thành lập nhằm đẩy mạnh nỗ lực của hai Thượng Hội đồng Giám mục gần đây và Tông huấn Amoris Laetitia.
Ghi nhận tầm quan trọng của Học viện ban đầu, là Học viện này được thành lập sau Thượng hội đồng về Gia đình năm 1980 - Ðức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các Thượng Hội đồng năm 2014 và 2015 đã mang lại một nhận thức mới về “những thách đố mục vụ mới mà cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi phải đáp ứng”.
Những thay đổi về nhân học và văn hoá hiện nay, theo Ðức Thánh Cha, đòi hỏi “một cách tiếp cận đa dạng và phân tích”, không thể “giới hạn trong các hoạt động mục vụ và truyền giáo” của quá khứ.
Thay vào đó, Ðức Thánh Cha nói, chúng ta phải có khả năng diễn giải đức tin của chúng ta trong một bối cảnh mà trong đó các cá nhân ít được nâng đỡ hơn trước đây khi họ phải đối mặt với các thực tại phức tạp của đời sống gia đình. Trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, Ðức Thánh Cha nói, chúng ta phải xem xét những “ánh sáng và bóng tối ấy của đời sống gia đình” với óc thực tiễn, sự khôn ngoan và tình yêu.
Cũng như học viện trước, học viện mới sẽ tiếp tục hoạt động như một bộ phận của Ðại học Giáo hoàng Latêranô, và gắn liền với Tòa Thánh qua Bộ Giáo dục Công Giáo, Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống và Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.
Tự sắc Summa Familiae cura có hiệu lực ngay lập tức. Các sinh viên theo học và tốt nghiệp tại Học viện mới sẽ được cấp bằng cao đẳng, cử nhân và tiến sĩ về hôn nhân và gia đình.
9. Ðức Thánh Cha tái lên án nạn lạm dụng trẻ em.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tái lên án nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên là tội ác, đồng thời mời gọi toàn thể Giáo Hội tích cực bài trừ tệ nạn này.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21 tháng 9, dành cho Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em gồm 18 người, nhóm họp tại Roma trong những ngày này dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Y Chủ tịch Sean O'Malley, cũng là Tổng Giám Mục giáo phận Boston.
Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “Tai tiếng lạm dụng tính dục thực là một sự tàn hại kinh khủng cho toàn nhân loại, nó làm thương tổn bao nhiêu trẻ em, người trẻ và những người lớn dễ bị tổn thương tại tất cả các nước và trong mọi xã hội. Cả Giáo Hội cũng đã trải qua kinh nghiệm rất đau thương. Chúng ta cảm thấy tủi hổ vì những tội lạm dụng do các thừa tác viên thánh chức phạm, những người mà lẽ ra họ phải là những người đáng tín nhiệm nhất”.
Ðức Thánh Cha cũng thẳng thắn nói rằng “Lạm dụng tính dục là một tội ác đáng kinh tởm, hoàn toàn trái nước và mâu thuẫn với điều mà Chúa Kitô và Giáo hội dạy chúng ta.. Một lần nữa tôi lập lại rằng Giáo hội, ở mọi cấp độ, sẽ áp dụng các biện pháp một cách nghiêm ngặt nhất đối với những người đã phản bội ơn gọi và lạm dụng các con cái của Thiên Chúa. Các biện pháp kỷ luật mà các Giáo Hội địa phương đã chấp nhận phải được áp dụng cho tất cả những người làm việc trong các tổ chức của Giáo Hội. Tuy nhiên trách nhiệm đầu tiên chính là của các Giám Mục, Linh Mục, và tu sĩ là những người đã nhận ơn gọi từ Chúa, dâng hiến đời mình để phục vụ, cảnh giác bảo vệ tất cả những trẻ em, người trẻ và người lớn dễ bị tổn thương”.
10. Thiên tai kinh hoàng tại Mễ Tây Cơ
Ngày 7 tháng 9 vừa qua, một trận động đất ‘cực mạnh’ với cường độ 8.1 đã xảy ra khiến nhiều vùng đã bị cô lập. Việc tiếp cứu cho các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn khiến cho Liên Hiệp Quốc lo ngại rằng nhiều người có thể sẽ chết vì đói.
Chưa hết, một trận động đất khác vừa xảy ra giữa ban ngày, cụ thể là vào lúc 2h trưa ngày 19 tháng 9, ngay sau khi thành phố Mexico City vừa kết thúc lễ tưởng niệm biến cố động đất kinh hoàng 32 năm trước làm 5000 người thiệt mạng 5000 và 50,000 người khác bị thương.
Theo tin sơ khởi thì đã có ít nhất 217 người chết ở Mexico City trong đó có ít nhất 25 trẻ em trong một trường học bị sụp đổ, và ít nhất 15 người đang tham dự Thánh Lễ đã thiệt mạng khi một nhà thờ bị lật nhào ở bang Puebla.
Chiếc vòm của nhà thờ thánh Giacôbê Tông Đồ đã bị nứt và đổ xuống trên đầu cuả một gia đình đang tham dự lễ rửa tội cho đứa con gái.
Ít nhất 11 người đã thiệt mạng, trong đó có đứa bé được rửa tội. Linh mục chánh xứ đang rửa tội cho cháu bé cũng bị chôn vùi trong đống đổ nát nhưng may mắn được cứu sống.
Sau trận động đất, người dân thị trấn Atzala đã làm việc suốt đêm để tìm kiếm cơ thể nằm bên dưới đống đổ nát của ngôi nhà thờ xây từ thế kỷ 17.
Ngay sau trận động đất, Tổng giáo phận Puebla đã phát hành một bản tuyên bố chia buồn đến các gia đình của những người tử nạn.
Tổng giáo phận Puebla cho biết trong giáo phận có 163 nhà thờ bị hư hỏng.
Tổng giáo phận kêu gọi người dân “bình tĩnh, lưu ý đến những chỉ dẫn của chính quyền, trong tình đoàn kết với những người đang cần giúp đỡ và không gây ra những hành động nguy hiểm không cần thiết cho chính mình và cho người khác .”
11. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ trước hai vụ động đất kinh hoàng
Các giám mục cuả Mễ Tây Cơ đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết và khấn nguyện xin đức Bà Guadalupe cầu bầu và an ủi. Các giám mục Hoa Kỳ cũng bày tỏ phân ưu và ở Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xúc động cầu xin mọi người hãy thông công cầu nguyện.
“Chúng tôi cùng đau buồn với những nạn nhân của trận động đất xảy ra hôm nay, 19 tháng 9 năm 2017, ở nhiều nơi trong nước”. Đức Tổng Giám Mục José Francisco Robles Ortega Guadalajara, chủ tịch Hội đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ, và Đức Giám Mục Phụ Tá Alfonso G. Miranda Guardiola Monterrey, tổng thư ký, đã cho biết như trên trong tuyên bố đưa ra hôm 20 tháng 9.
Lên tiếng ca ngợi những nỗ lực cứu hộ để giải cứu những nạn nhân, bản tuyên bố viết tiếp “Một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến tình đoàn kết của người Mễ Tây Cơ, trước những những đau khổ của anh chị em của họ.”
“Hôm nay hơn bao giờ hết, chúng tôi kêu mời toàn thể dân Chúa hãy hợp nhất trong tình tương trợ cho các anh chị em đang phải hứng chịu các tai ương xảy ra khắp nước,” ... “Chúng tôi xin Mẹ chả chúng ta, Đức Bà Guadalupe, hãy ban ơn yên ủi và nhờ sự cầu bầu cuả Mẹ, giúp chúng ta và tăng cường chúng ta, trong việc xây dựng lại đất nước.”
Tại giáo phận Puebla, Caritas và các ủy ban mục vụ của giáo phận ra thông báo rằng họ đang phân phối thực phẩm, vệ sinh cá nhân và tã cho các trung tâm tạm trú địa phương.
12. Phản ứng của Đức Thánh Cha trước các vụ động đất kinh hoàng tại Mễ Tây Cơ
Tại Vatican trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 20 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối ưu tư và kêu gọi các tín hữu trên thế giới cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
“Trong thời điểm phiền muộn này, tôi muốn được gần gũi và cầu nguyện với tất cả mọi người dân Mễ Tây Cơ yêu quý. Tất cả chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa để xin Ngài ôm vào lòng những người vừa mất đi mạng sống, an ủi những người bị thương tích, gia đình của họ và tất cả những người bị ảnh hưởng,”
Đức Thánh Cha cũng cầu xin Đức Trinh nữ Guadalupe “gần gũi với quốc gia Mễ Tây Cơ yêu quý” trong giớ phút khó khăn này.
Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gởi tiền giúp vào những nỗ lực cứu trợ động đất ở Mễ Tây Cơ nhằm trợ giúp những người sống sót và gia đình của các nạn nhân.
Ngân khoản đóng góp ban đầu là 150,000 Mỹ Kim đã được gởi qua Cơ Quan Phát Triển Nhân Sự của Tòa Thánh. Số tiền này được chia cho những nổ lực cứu trợ cấp thời trong các giáo phận bị thiệt hại nặng nhất trong cơn động đất.
Sự đóng góp này nói lên sự quan tâm, gần gũi của Đức Giáo Hoàng đối với những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, là một phần nhỏ hỗ trợ tài chánh được gởi đến Mễ Tây Cơ qua các hội đồng giám mục và các tổ chức Caritas.
Các giám mục Hoa Kỳ cũng gửi lời chia buồn với người dân Mễ Tây Cơ.
“Một lần nữa, lòng chúng tôi trĩu nặng vì các anh chị em bên Mễ Tây Cơ, ngày hôm nay đã phải chịu thêm một trận động đất thảm khốc,”. Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo Galveston-Houston, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết như trên ngay hôm 19 tháng 9.
Ngài nói thêm: “Chúng tôi kết hiệp cùng họ trong lời cầu nguyện và tình đoàn kết, và cùng nhau van nài đến lòng từ mẫu cuả Đức Bà Guadalupe, là đấng hay an ủi và giàu lòng thương xót”.
13. Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ viếng thăm một trung tâm phục hồi chức năng ở Rôma
Chiều thứ Sáu 21 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một chuyến thăm bất ngờ đến một trung tâm phục hồi chức năng ở Rome dành cho các bệnh nhân bị các chứng bệnh về thần kinh.
Một tuyên bố của văn phòng báo chí Tòa thánh cho biết chuyến viếng thăm này là một sự tiếp nối sáng kiến ”Thứ Sáu của Năm Thánh Lòng Thương Xót” mà Đức Thánh Cha đã đưa ra để khuyến khích các cử chỉ liên đới thực tế với những ai đang trong tình cảnh khó khăn.
Trung tâm phục hồi chức năng Santa Lucia, nằm về phía nam của thành phố Rome, nổi tiếng về việc chăm sóc các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần do tai biến mạch máu não, bệnh tủy xương, chứng Parkinson và chứng đa xơ.
Đến nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã được nồng nhiệt chào đón bởi ban giám đốc và nhân viên của trung tâm, cũng như các bệnh nhân và các thành viên trong gia đình họ. Đức Thánh Cha đã dành thời gian để nói chuyện và cười đùa với nhiều đứa trẻ. Ngài đặc biệt chú ý đến các phương pháp giúp các trẻ em có thể cử động bình thường trở lại.
Ngài cũng gặp những bệnh nhân lớn tuổi hơn, từ 15 đến 25 tuổi, nhiều người trong số họ bị các khuyết tật nghiêm trọng do tai nạn xe cộ.
Trước khi rời khỏi trung tâm, Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm một phòng tập thể dục phục hồi chức năng cho người già và sau đó dành vài phút cầu nguyện trong một nhà nguyện trong trung tâm này.
14. Xu hướng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện đang tăng mạnh
Các sách lễ Công Giáo được in công phu trên những tờ giấy thượng hạng càng ngày càng khó bán vì số người sử dụng điện thoại cầm tay thay cho các sách lễ đang tăng mạnh tại Hoa Kỳ. Một nghiên cứu mới của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ, gọi tắt là CARA của Đại học Georgetown đã cho biết như trên.
Nghiên cứu này cho thấy xã hội Hoa Kỳ đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thiết bị điện tử để tiêu thụ thông tin. Số lượng báo in đang giảm mạnh và lần lượt bị thay bằng các trang tin trực tuyến, có khả năng chuyển tải thông tin tức thì và bao gồm cả các videos, là điều báo in không thể làm được. Sách bìa cứng cũng được thay thế bằng sách điện tử. Ngay cả sách giáo khoa và sách dành cho trẻ em cũng đang được chuyển qua sử dụng kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, khả năng truy cập vào các tác phẩm thời danh của các tác giả được yêu thích với giá $0.99, thậm chí là miễn phí, khiến cho sách in không còn có khả năng cạnh tranh với sách điện tử.
Chỉ trong năm 2016, chỉ tính trên hệ điều hành Android, tại Hoa Kỳ đã có thêm ít nhất 350 chương trình ứng dụng, mà từ chuyên môn gọi là apps, dành cho giới Công Giáo bao gồm các kinh nguyện hàng ngày, các kinh nguyện dành cho Giờ Kinh Phụng Vụ, những bài suy niệm, những bài chú giải Kinh Thánh, hạnh tích các thánh, giáo lý Công Giáo, và cả các thánh lễ. Hầu hết, các chương trình ứng dụng này là miễn phí.
Vì thế, ngày càng có nhiều người Công Giáo tại Hoa Kỳ sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện.
15. Những tiện lợi và hạn chế của sách kinh điện tử
Lợi ích lớn nhất của sách kinh điện tử là sự tiện lợi. Rõ ràng, mang theo một cuốn sách kinh hàng ngày hoặc cuốn Kinh Thánh bất tiện hơn nhiều so với mang theo điện thoại cầm tay, là thiết bị dù sao cũng phải mang theo bên người. Tiến sĩ Mark Gray của Đại học Georgetown cho biết nhiều người được phỏng vấn nói họ dùng điện thoại cầm tay để cầu nguyện hàng ngày khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Cameron Garden viết trên tờ Catholic Herald rằng ngay cả trong chốn riêng tư như trong nhà, ông cũng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện. Nhiều ứng dụng Công Giáo bao gồm những chức năng giúp tìm kiếm nhanh hơn rất nhiều so với sách in. Hơn thế nữa, nội dung lại được cập nhật không ngừng.
Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận rằng sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện làm cho nhiều người phân tâm. Để bước vào trạng thái cầu nguyện sâu sắc, chúng ta cần một trái tim yên tĩnh. Chúng ta không thể thực sự cầu nguyện nếu não chúng ta vẫn trong một cơn bão xoáy của sự phân tâm và lo lắng. Nhiều người cảm thấy các thiết bị điện tử tạo ra một sự bồn chồn trong tâm hồn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng màn hình kích thích bộ não của chúng ta hơn là làm cho chúng ta bình tĩnh, và đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia về giấc ngủ khuyên bạn nên tránh sử dụng điện thoại cầm tay ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
Báo cáo cũng ghi nhận cho đến nay rất ít người Mỹ dùng điện thoại cầm tay để cầu nguyện trong nhà thờ.
Ý kiến của chị Maria Heather có thể tiêu biểu cho ý kiến chung của nhiều người.
“Tôi sử dụng điện thoại cầm tay để cầu nguyện tại nhà, trên xe điện, xe bus nhưng tôi không dùng nó trong nhà thờ. Những người xung quanh không biết tôi đang cầu nguyện hay đang check mail. Tôi không muốn gây gương mù cho người khác,” chị nói.