Huấn dụ của ĐGM Phaolô trong Thánh lễ Truyền chức Linh mục: "Sứ vụ linh mục tại vùng đất nghèo"
Mấy ngày vừa qua, bầu khí của Tòa Giám mục Xã Đoài bận rộn, nhộn nhịp, vui tươi khác thường. Quả thật, đây là dịp họa hiếm với ba sự kiện nối tiếp nhau: Lễ Bế mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, Lễ trao ban Thánh chức Linh mục cho 39 Phó tế và Đại Hội Giới Trẻ lần thứ XIV của Giáo Tỉnh Hà Nội. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy niềm vui như được nhân lên và biểu hiện rõ rệt trên khuôn mặt của cộng đoàn Dân Chúa, vì đây là lần đầu tiên, trong lịch sử giáo phận Vinh, chúng ta cử hành nghi thức Truyền chức vụ Linh mục cho con số tân chức đông đảo như thế.
Theo công đồng Vatican II, nhờ bí tích Rửa tội, tất cả các Kitô hữu trở thành môn đệ của Đức Kitô như nhau và bằng nhau. Do đó, tất cả thành viên của cộng đoàn Dân Chúa đều lãnh nhận chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả như nhau. Nhưng, cũng do ý muốn của Đức Kitô, từ giữa lòng Dân Thiên Chúa, một số người được mời gọi để đảm nhận chức tư tế thừa tác, làm thầy dạy và người chuyển giao các mầu nhiệm cho giáo dân.
Các Phó tế hiện diện ở đây là thành phần của cộng đoàn Dân Chúa, là con cháu, người anh em, họ hàng, bạn hữu của chúng ta. Họ đã đồng hành với nhiều người trong chúng ta trên một quãng đường đời hay trên những con đường quê hương hoặc con đường nghề nghiệp. Nhưng rồi họ đã được Thiên Chúa mời gọi từ giữa lòng cộng đoàn Dân Chúa nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của chính cộng đoàn. Chính từ đó, đã nẩy sinh một mối tương quan sinh động, vừa khác biệt nhau, vừa tương đồng và hỗ trợ nhau, giữa chức tư tế cộng đồng của tất cả các tín hữu với chức tư tế thừa tác của các linh mục. Nói cách khác, giáo sĩ và giáo dân, chúng ta có chung ơn gọi và căn tính của người môn đệ Đức Kitô, nhưng đồng thời cũng có sự khác biệt về “năng quyền bí tích”, vai trò phục vụ Hội Thánh và cách thế loan báo Tin Mừng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả một cách rất thâm thúy và chính xác mối tương quan sinh động, bao hàm sự bổ sung, liên kết và hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo Hội. Ngài nói: Cùng với hàng giám mục, các linh mục “phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi linh mục sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, linh mục chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới” (Niềm Vui TM, số 31).
Thật ra, khi lãnh nhận chức tư tế thừa tác, các linh mục được trao ban một "năng quyền bí tích". Tuy nhiên, Đức Kitô không bao giờ đồng hóa năng quyền bí tích với quyền hành trần thế, bởi vì năng quyền bí tích là để phục vụ nhu cầu tôn giáo của Dân Thiên Chúa, chứ không nhằm thống trị họ. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã cặn kẽ giải thích: "Chức tư tế thừa tác là phương tiện Chúa Giêsu dùng để phục vụ dân Ngài, nhưng phẩm giá cao cả của chúng ta bắt nguồn nơi phép rửa tội mà mọi người có thể lãnh nhận. Việc đồng hoá linh mục với Đức Kitô là đầu - nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng - không có nghĩa là đặt linh mục lên trên những người khác. Trong Giáo Hội, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác” (...). Điểm cốt lõi của chức năng này không phải là quyền lực hiểu như là sự thống trị, nhưng là năng quyền để cử hành bí tích Thánh Thể; đây là nguồn gốc quyền bính của chức linh mục, luôn luôn là phận vụ phục vụ Dân Chúa" (số 104).
Bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, cho chúng ta thấy thái độ dứt khoát của Đức Kitô trước tham vọng quyền bính trần thế của các môn đệ, khi Ngài thẳng thắn phản bác thỉnh nguyện của Giacôbê và Gioan: "Anh em biết: thủ lãnh các dân tộc thì dùng uy mà trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm tôi tớ anh em. Cũng như Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20, 25-28).
Các tiến chức thân mến, trong giây phút linh thiêng và huyền nhiệm này, cha muốn cùng với các con lặp lại lời thánh Phêrô tông đồ nhắn nhủ chúng ta: "Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã trao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ lãnh nhận triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát" (1 Ph 5, 2-4).
Hôm qua, chúng ta đã long trọng bế mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Chắc chắn mọi người đã rõ bế mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót không bao giờ có nghĩa là chúng ta đã hoàn thành sứ vụ yêu thương và chấm dứt câu chuyện “lòng Chúa Thương Xót” để từ nay bắt đầu chuyện khác. Lý do đơn giản là vì “lòng thương xót là căn tính của Thiên Chúa và. .. là cánh cửa đích thực của chân lý Kitô giáo” (ĐTC Phanxicô). Theo thánh Thomas Aquino, “thực thi lòng thương xót là một phẩm tính của Thiên Chúa và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ quyền năng của mình”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: Lòng thương xót không những là con đường tốt nhất, mà là con đường duy nhất trên hành trình Kitô giáo.
Năm Thánh đã cống hiến cho chúng ta cơ hội ngàn vàng để lãnh nhận ơn sủng và được cảm nghiệm sâu sắc hơn mầu nhiệm lòng thương xót. Do đó, khi bế mặc Năm Thánh chính là lúc chúng ta phải can đảm lên đường làm chứng tá cho lòng thương xót. Giữa một xã hội còn đầy bất công, bạo lực, hận thù, gian ác, vô tâm, ích kỷ… chính chúng ta phải nhập tâm Lời Chúa: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.
Các tiến chức thân mến, vì các con đã được mời gọi lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, các con phải mặc lấy tâm tình của Đức Kitô và tận tâm phục vụ Dân Thiên Chúa theo mẫu gương của Người. Ước mong sao, trước nỗi đau và nỗi khổ của anh chị em nhân loại, các con luôn có cùng một thái độ, tâm tình và sự quan tâm của Đức Kitô. Các con cũng phải cố gắng thi hành nhiệm vụ thánh hóa trong Đức Kitô. Vì thừa tác vụ linh mục sẽ giúp hoàn thành lễ tế thiêng liêng của tín hữu, hiệp cùng lễ tế của Đức Kitô, vậy các con phải ý thức việc các con làm, phải noi theo điều các con thực hiện, nghĩa là khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, các con phải cố gắng chế ngự thân xác khỏi nết xấu và tiến bước trong đời sống mới.
Khi cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, khi dâng lời ca ngợi tạ ơn và cầu nguyện trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, không những thay cho dân Thiên Chúa mà còn thay cho toàn thế giới, các con hãy nhớ mình được tuyển chọn giữa loài người, để thay thế họ, chu toàn những việc thuộc về Thiên Chúa. Vậy, các con hãy luôn hân hoan chu toàn nhiệm vụ của Đức Kitô Thượng Tế trong đức mến chân thật và đức tin chân truyền. Đừng bao giờ tìm kiếm tư lợi, nhưng hãy chỉ mưu cầu những gì thuộc về Đức Giêsu Kitô. Tuyệt đối đừng bao giờ dùng biện pháp “treo các bí tích” vì lý do xã hội, kỷ luật hay để bảo vệ hương ước hoặc bất cứ tập tục nào. Khi người tín hữu trong Giáo Hội đủ những điều kiện luật định thì họ có quyền yêu cầu chúng ta trao ban bí tích cho họ.
Một bí tích gắn kết đặc biệt với lòng thương xót là bí tích giải tội. Sách Giáo Lý Công Giáo viết: "Khi cử hành bí tích giải tội, linh mục hoàn thành thừa tác vụ của Đấng Chăn Chiên Lành trên đường tìm con chiên lạc, của người Samaria Nhân Hậu đang băng bó các vết thương, của Người Cha đang chờ đợi đứa con trai hoang đàng và chào đón anh trên đường trở về, và của Thẩm Phán công minh và vô tư phán xử vừa công chính vừa xót thương. Linh mục là dấu chỉ và khí cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân "(số 1465).
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta nên học hỏi từ các thánh và các cha giải tội tốt thái độ cảm thông, dịu dàng và nhân ái đối với các tội nhân. Với các cha giải tội thiếu kiên nhẫn, luôn “mạnh tay” với các tội nhân, la mắng họ, Đức Thánh Cha Phanxicô lo sợ rằng “đó là cách Thiên Chúa sẽ cư xử với các vị”. Theo Đức Thánh Cha, “sự toàn vẹn của việc xưng tội không phải chỉ là một vấn đề toán học. Bao nhiêu lần? Cách nào? Khi nào? Đôi khi người ta cảm thấy ít xấu hổ khi xưng thú một tội hơn là phải nêu rõ số lần họ vi phạm tội đó. Chúng ta phải để mình được đánh động bởi tình huống của người ta, một tình huống có khi hỗn tạp, gồm cả việc làm riêng của họ, lẫn sự yếu đuối của con người, tội lỗi và những giới hạn không thể nào vượt qua được. Chúng ta phải giống như Chúa Giêsu, Đấng đã xúc động sâu xa khi thấy người ta và các vấn đề của họ, và cứ liên tục chữa bệnh cho họ, cả khi họ "không yêu cầu thích đáng".
Cuối cùng, không thể không nhắc đến hành động đặc biệt của lòng thương xót đối với người nghèo đói, bệnh tật, bị loại trừ, bị áp bức. Đức Thánh Cha Phanxicô đã kể nhiều lần câu chuyện xảy ra ngày ngài được bầu làm giáo hoàng: Trong khi hầu như biết chắc ngài đã được bầu, và người ta vẫn đang còn đọc tiếp các lá phiếu cuối cùng, một Hồng Y đến bên ngài, ôm ngài và nói: “Đừng quên người nghèo!”. Ngài coi đó chính là sứ điệp đầu tiên Chúa gửi cho ngài. Thật vậy, những người nghèo khổ, khuyết tật, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội hay bị loại trừ vì bất cứ lý do nào… luôn luôn là đối tượng của tình yêu ưu tiên của Giáo Hội. Trải qua hơn 2000 năm, bất chấp các thiếu sót của nhiều chi thể, Giáo Hội vẫn không ngừng hoạt động để cứu trợ, bảo vệ và giải phóng họ.
Chỉ mươi phút nữa thôi, các con sẽ lãnh nhận chức linh mục để phục vụ cộng đoàn Dân Chúa tại vùng đất nghèo, lại thường xuyên hạn hán, lụt lội. Trong giờ phút linh thiêng này, với tư cách Giám mục giáo phận Vinh, cha muốn nhắn nhủ các con: Đừng quên người nghèo, đừng quên các nạn nhân của thiên tai và nhất là các nạn nhân của “nhân tai”. Nếu các con không thể làm gì để giảm nỗi khổ đau và bất hạnh của họ, ít nhất đừng chất thêm gánh nặng trên những đôi vai gầy ấy.
Xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và hướng dẫn các con trên những bước đường mục vụ khó khăn và đầy bất trắc, để bất chấp những yếu đuối của bản thân, cũng như những áp lực của xã hội, các con luôn phấn đấu trở thành những linh mục như lòng Chúa mong ước và cộng đoàn Dân Chúa trông đợi.
Xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng xuống trên các thân nhân, ân nhân và thân hữu của các Tân Linh mục. Nguyện xin Chúa chúc lành cho quý cha, quý chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ và tất cả ông bà anh chị em đã về đây để hiệp thông với Giáo phận trong Thánh lễ đặc biệt này.
Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Giám Mục GP. Vinh
Theo công đồng Vatican II, nhờ bí tích Rửa tội, tất cả các Kitô hữu trở thành môn đệ của Đức Kitô như nhau và bằng nhau. Do đó, tất cả thành viên của cộng đoàn Dân Chúa đều lãnh nhận chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả như nhau. Nhưng, cũng do ý muốn của Đức Kitô, từ giữa lòng Dân Thiên Chúa, một số người được mời gọi để đảm nhận chức tư tế thừa tác, làm thầy dạy và người chuyển giao các mầu nhiệm cho giáo dân.
Các Phó tế hiện diện ở đây là thành phần của cộng đoàn Dân Chúa, là con cháu, người anh em, họ hàng, bạn hữu của chúng ta. Họ đã đồng hành với nhiều người trong chúng ta trên một quãng đường đời hay trên những con đường quê hương hoặc con đường nghề nghiệp. Nhưng rồi họ đã được Thiên Chúa mời gọi từ giữa lòng cộng đoàn Dân Chúa nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của chính cộng đoàn. Chính từ đó, đã nẩy sinh một mối tương quan sinh động, vừa khác biệt nhau, vừa tương đồng và hỗ trợ nhau, giữa chức tư tế cộng đồng của tất cả các tín hữu với chức tư tế thừa tác của các linh mục. Nói cách khác, giáo sĩ và giáo dân, chúng ta có chung ơn gọi và căn tính của người môn đệ Đức Kitô, nhưng đồng thời cũng có sự khác biệt về “năng quyền bí tích”, vai trò phục vụ Hội Thánh và cách thế loan báo Tin Mừng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả một cách rất thâm thúy và chính xác mối tương quan sinh động, bao hàm sự bổ sung, liên kết và hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo Hội. Ngài nói: Cùng với hàng giám mục, các linh mục “phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi linh mục sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, linh mục chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới” (Niềm Vui TM, số 31).
Thật ra, khi lãnh nhận chức tư tế thừa tác, các linh mục được trao ban một "năng quyền bí tích". Tuy nhiên, Đức Kitô không bao giờ đồng hóa năng quyền bí tích với quyền hành trần thế, bởi vì năng quyền bí tích là để phục vụ nhu cầu tôn giáo của Dân Thiên Chúa, chứ không nhằm thống trị họ. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã cặn kẽ giải thích: "Chức tư tế thừa tác là phương tiện Chúa Giêsu dùng để phục vụ dân Ngài, nhưng phẩm giá cao cả của chúng ta bắt nguồn nơi phép rửa tội mà mọi người có thể lãnh nhận. Việc đồng hoá linh mục với Đức Kitô là đầu - nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng - không có nghĩa là đặt linh mục lên trên những người khác. Trong Giáo Hội, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác” (...). Điểm cốt lõi của chức năng này không phải là quyền lực hiểu như là sự thống trị, nhưng là năng quyền để cử hành bí tích Thánh Thể; đây là nguồn gốc quyền bính của chức linh mục, luôn luôn là phận vụ phục vụ Dân Chúa" (số 104).
Bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, cho chúng ta thấy thái độ dứt khoát của Đức Kitô trước tham vọng quyền bính trần thế của các môn đệ, khi Ngài thẳng thắn phản bác thỉnh nguyện của Giacôbê và Gioan: "Anh em biết: thủ lãnh các dân tộc thì dùng uy mà trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm tôi tớ anh em. Cũng như Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20, 25-28).
Các tiến chức thân mến, trong giây phút linh thiêng và huyền nhiệm này, cha muốn cùng với các con lặp lại lời thánh Phêrô tông đồ nhắn nhủ chúng ta: "Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã trao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ lãnh nhận triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát" (1 Ph 5, 2-4).
Hôm qua, chúng ta đã long trọng bế mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Chắc chắn mọi người đã rõ bế mạc Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót không bao giờ có nghĩa là chúng ta đã hoàn thành sứ vụ yêu thương và chấm dứt câu chuyện “lòng Chúa Thương Xót” để từ nay bắt đầu chuyện khác. Lý do đơn giản là vì “lòng thương xót là căn tính của Thiên Chúa và. .. là cánh cửa đích thực của chân lý Kitô giáo” (ĐTC Phanxicô). Theo thánh Thomas Aquino, “thực thi lòng thương xót là một phẩm tính của Thiên Chúa và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ quyền năng của mình”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: Lòng thương xót không những là con đường tốt nhất, mà là con đường duy nhất trên hành trình Kitô giáo.
Năm Thánh đã cống hiến cho chúng ta cơ hội ngàn vàng để lãnh nhận ơn sủng và được cảm nghiệm sâu sắc hơn mầu nhiệm lòng thương xót. Do đó, khi bế mặc Năm Thánh chính là lúc chúng ta phải can đảm lên đường làm chứng tá cho lòng thương xót. Giữa một xã hội còn đầy bất công, bạo lực, hận thù, gian ác, vô tâm, ích kỷ… chính chúng ta phải nhập tâm Lời Chúa: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.
Các tiến chức thân mến, vì các con đã được mời gọi lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, các con phải mặc lấy tâm tình của Đức Kitô và tận tâm phục vụ Dân Thiên Chúa theo mẫu gương của Người. Ước mong sao, trước nỗi đau và nỗi khổ của anh chị em nhân loại, các con luôn có cùng một thái độ, tâm tình và sự quan tâm của Đức Kitô. Các con cũng phải cố gắng thi hành nhiệm vụ thánh hóa trong Đức Kitô. Vì thừa tác vụ linh mục sẽ giúp hoàn thành lễ tế thiêng liêng của tín hữu, hiệp cùng lễ tế của Đức Kitô, vậy các con phải ý thức việc các con làm, phải noi theo điều các con thực hiện, nghĩa là khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, các con phải cố gắng chế ngự thân xác khỏi nết xấu và tiến bước trong đời sống mới.
Khi cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, khi dâng lời ca ngợi tạ ơn và cầu nguyện trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, không những thay cho dân Thiên Chúa mà còn thay cho toàn thế giới, các con hãy nhớ mình được tuyển chọn giữa loài người, để thay thế họ, chu toàn những việc thuộc về Thiên Chúa. Vậy, các con hãy luôn hân hoan chu toàn nhiệm vụ của Đức Kitô Thượng Tế trong đức mến chân thật và đức tin chân truyền. Đừng bao giờ tìm kiếm tư lợi, nhưng hãy chỉ mưu cầu những gì thuộc về Đức Giêsu Kitô. Tuyệt đối đừng bao giờ dùng biện pháp “treo các bí tích” vì lý do xã hội, kỷ luật hay để bảo vệ hương ước hoặc bất cứ tập tục nào. Khi người tín hữu trong Giáo Hội đủ những điều kiện luật định thì họ có quyền yêu cầu chúng ta trao ban bí tích cho họ.
Một bí tích gắn kết đặc biệt với lòng thương xót là bí tích giải tội. Sách Giáo Lý Công Giáo viết: "Khi cử hành bí tích giải tội, linh mục hoàn thành thừa tác vụ của Đấng Chăn Chiên Lành trên đường tìm con chiên lạc, của người Samaria Nhân Hậu đang băng bó các vết thương, của Người Cha đang chờ đợi đứa con trai hoang đàng và chào đón anh trên đường trở về, và của Thẩm Phán công minh và vô tư phán xử vừa công chính vừa xót thương. Linh mục là dấu chỉ và khí cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân "(số 1465).
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta nên học hỏi từ các thánh và các cha giải tội tốt thái độ cảm thông, dịu dàng và nhân ái đối với các tội nhân. Với các cha giải tội thiếu kiên nhẫn, luôn “mạnh tay” với các tội nhân, la mắng họ, Đức Thánh Cha Phanxicô lo sợ rằng “đó là cách Thiên Chúa sẽ cư xử với các vị”. Theo Đức Thánh Cha, “sự toàn vẹn của việc xưng tội không phải chỉ là một vấn đề toán học. Bao nhiêu lần? Cách nào? Khi nào? Đôi khi người ta cảm thấy ít xấu hổ khi xưng thú một tội hơn là phải nêu rõ số lần họ vi phạm tội đó. Chúng ta phải để mình được đánh động bởi tình huống của người ta, một tình huống có khi hỗn tạp, gồm cả việc làm riêng của họ, lẫn sự yếu đuối của con người, tội lỗi và những giới hạn không thể nào vượt qua được. Chúng ta phải giống như Chúa Giêsu, Đấng đã xúc động sâu xa khi thấy người ta và các vấn đề của họ, và cứ liên tục chữa bệnh cho họ, cả khi họ "không yêu cầu thích đáng".
Cuối cùng, không thể không nhắc đến hành động đặc biệt của lòng thương xót đối với người nghèo đói, bệnh tật, bị loại trừ, bị áp bức. Đức Thánh Cha Phanxicô đã kể nhiều lần câu chuyện xảy ra ngày ngài được bầu làm giáo hoàng: Trong khi hầu như biết chắc ngài đã được bầu, và người ta vẫn đang còn đọc tiếp các lá phiếu cuối cùng, một Hồng Y đến bên ngài, ôm ngài và nói: “Đừng quên người nghèo!”. Ngài coi đó chính là sứ điệp đầu tiên Chúa gửi cho ngài. Thật vậy, những người nghèo khổ, khuyết tật, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội hay bị loại trừ vì bất cứ lý do nào… luôn luôn là đối tượng của tình yêu ưu tiên của Giáo Hội. Trải qua hơn 2000 năm, bất chấp các thiếu sót của nhiều chi thể, Giáo Hội vẫn không ngừng hoạt động để cứu trợ, bảo vệ và giải phóng họ.
Chỉ mươi phút nữa thôi, các con sẽ lãnh nhận chức linh mục để phục vụ cộng đoàn Dân Chúa tại vùng đất nghèo, lại thường xuyên hạn hán, lụt lội. Trong giờ phút linh thiêng này, với tư cách Giám mục giáo phận Vinh, cha muốn nhắn nhủ các con: Đừng quên người nghèo, đừng quên các nạn nhân của thiên tai và nhất là các nạn nhân của “nhân tai”. Nếu các con không thể làm gì để giảm nỗi khổ đau và bất hạnh của họ, ít nhất đừng chất thêm gánh nặng trên những đôi vai gầy ấy.
Xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và hướng dẫn các con trên những bước đường mục vụ khó khăn và đầy bất trắc, để bất chấp những yếu đuối của bản thân, cũng như những áp lực của xã hội, các con luôn phấn đấu trở thành những linh mục như lòng Chúa mong ước và cộng đoàn Dân Chúa trông đợi.
Xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng xuống trên các thân nhân, ân nhân và thân hữu của các Tân Linh mục. Nguyện xin Chúa chúc lành cho quý cha, quý chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ và tất cả ông bà anh chị em đã về đây để hiệp thông với Giáo phận trong Thánh lễ đặc biệt này.
Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Giám Mục GP. Vinh