Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha đã rời Roma lúc 9 giờ 25 và đến phi trường thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 15 giờ chiều tức là 13 giờ tính theo giờ Roma. Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng 30 người và 70 ký giả quốc tế.
Cộng hòa Georgia chỉ rộng 70 ngàn cây số vuông với dân số 4 triệu rưỡi dân cư trong đó gần 84% là tín hữu Chính Thống giáo, khoảng 10% theo Hồi giáo, số tín hữu Công Giáo là 112 ngàn người, tương đương với 2.5% dân số toàn quốc. Họ sống tại thủ đô Tbilisi và miền nam của Georgia, đa số thuộc nghi lễ la tinh và Armeni, nhưng cũng có một cộng đoàn nhỏ các tín hữu nghi lễ Canđê. Tổng cộng tại nước này, Công Giáo có 32 giáo xứ, 2 Giám Mục, 14 linh mục triều và 14 linh mục dòng, hai tu huynh và 37 nữ tu. Ngoài ra có 12 đại chủng sinh và 2 tiểu chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo ở Georgia chỉ có 2 trường mẫu giáo và một trường cao đẳng.
Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu. và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả đối với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Công đồng Liên Chính Thống Giáo hồi cuối tháng 6 năm 2016 ở đảo Creta bên Hy Lạp, giống như Giáo Hội Chính Thống Nga.
Từ trên máy bay bước xuống, Đức Thánh Cha đã được tổng thống Giorgi Margvelashvili cùng với phu nhân chào đón cùng với Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị và một số quan chức và chức sắc, đặc biệt là hai vị Giám Mục Công Giáo, một thuộc nghi lễ la tinh và một thuộc nghi lễ Armeni. 2 em bé trong y phục cổ truyền của Georgia dâng tặng Đức Thánh Cha một rổ nho, một sản phẩm nổi bật của nước này. Sau nghi thức chào cờ, duyệt qua hàng quân danh dự và giới thiệu các thành phần hai phái đoàn, Đức Thánh Cha đã vào phòng khánh tiết hội kiến với Tổng thống, trước khi về phủ tổng thống vào lúc 3 giờ rưỡi để chào thăm chính thức.
2. Đức Thánh Cha cổ võ sống chung hòa bình giữa các dân tộc tại Cộng hòa Georgia đồng thời tôn trọng công pháp quốc tế về chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi gặp gỡ Tổng thống, các giới chức chính quyền, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của cộng hòa Georgia. Đây là hoạt động đầu tiên của ngài trong chuyến viếng thăm thăm Cộng Hòa Georgia và Azerbaigian trong 3 ngày cho đến chiều tối Chúa Nhật 2-10.
Sau khi gặp gỡ tổng thống và gia đình ông, Đức Thánh Cha đã tiến ra khuôn viên danh dự tổng thống để gặp gỡ 400 người gồm các quan chức chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội dân sự và văn hóa.
Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, tổng thống cám ơn sự ủng hộ của Tòa Thánh dành cho đất nước Georgia, đặc biệt trong thời kỳ bị Nga tấn công hồi năm 2008. Ông cũng nhắc đến những quan hệ giữa Vatican, Giáo Hội Công Giáo và Georgia qua dòng lịch sử và đề cao vai trò của Georgia không những thuộc về nền văn minh Âu Châu, nhưng còn là một trong những nước kiến tạo nền văn minh này. Sau cùng ông cho biết 20% lãnh thổ của Georgia vẫn còn bị chiếm và 15% dân chúng là người tị nạn. Những vùng bị những người gốc Nga chiếm đóng. Dầu vậy, Georgia không tìm kiếm sự đụng độ, nhưng chỉ tìm con đường giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của ngoại bang và tiến đến hòa bình!
Lên tiếng sau lời chào mừng của tổng thống Cộng hòa Georgia, Đức Thánh Cha đã đề cao lịch sử ngàn đời và nền văn hóa cổ kính của đất nước này. Georgia như chiếc cầu thiên nhiên giữa Âu và Á châu, một bản lề giúp cho việc giao thông và tương quan giữa các dân tộc được dễ dàng, khiến cho việc thương mại và đối thoại giữa các dân tộc cũng như sự đối chiếu tư tưởng và kinh nghiệm giữa các thế giới khác nhau có thể thực hiện được.
3. Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền, lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã tới tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia để viếng thăm.
Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng quí trọng đối với Giáo Hội Chính Thống Georgia và kêu gọi từ bỏ những thành kiến đối với nhau, để cùng trở thành những người loan báo Tin Mừng của Chúa. Đức Thánh Cha nói:
“Thưa Đức Thượng Phụ, quả là một niềm vui lớn lao và một ân sủng đặc biệt được hiện diện với ngài, và với các vị Giáo Đô đáng kính, các Tổng Giám Mục và Giám Mục, thành viên của Thánh Công Đồng. Tôi xin kính chào Thủ tướng Chính phủ và tất cả qúi đại diện của thế giới học thuật và văn hóa.
Với chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một vị Thượng Phụ Georgia tại Vatican, ngài đã mở ra một chương mới trong các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính thống Georgia và Giáo Hội Công Giáo. Vào dịp đó, ngài đã trao đổi với Giám Mục Rôma nụ hôn hòa bình và cam kết cầu nguyện cho nhau. Nhờ cách này, đã có sự tăng cường các mối quan hệ đầy ý nghĩa vốn tồn tại giữa các cộng đồng của chúng ta từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo.
Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng tình yêu của Chúa nâng chúng ta lên, cho phép chúng ta vượt lên trên những hiểu lầm trong quá khứ, lên trên các tính toán của hiện tại và các lo sợ đối với tương lai.
4. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã đến thăm cộng đoàn tín hữu Assiro-Canđê vào lúc 6 giờ chiều tại Nhà thờ Công Giáo Canđê thánh Simon Bar Bassae cách đó 8km. Thánh Simon Bar Sabbae sống vào thế kỷ thứ 10 và thuộc về Giáo Hội Coptic bên Ai Cập. Đây là hoạt động cuối cùng của ngài trong ngày đầu tiên 30-9 tại Georgia.
Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho hòa bình tại Syria và Iraq, đồng thời cầu xin Chúa giải thoát các tín hữu khỏi mọi tội lỗi và sự ác.
Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được Đức Thượng Phụ Louis Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê và các Giám Mục thuộc Giáo Hội này từ Iraq tới, tiếp đón nồng nhiệt và rước vào Nhà nguyện Mình Thánh Chúa. Ngài cầu nguyện chung với khoảng 300 tín hữu hiện diện cho hòa bình tại Iraq và miền Trung Đông. Nhiều người mặc y phục truyền thống của dân tộc mình và cũng có cả một số tín hữu tị nạn từ Trung Đông.
Đức Thánh Cha đã dâng một số lời nguyện. Trong lời nguyện đầu, Đức Thánh Cha nói:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, đã giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, nguồn gốc gây ra mọi chia rẽ và mọi sự ác; chúng con tuyên xưng sự sống lại của Chúa,đã cứu chuộc con người khỏi nô lệ thất bại và sự chết; chúng con mong đợi Chúa đến trong vinh quang, làm cho Nước Công chính, vui mừng và an bình được viên mãn.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ cuộc khổ nạn vinh quang của Chúa, xin Chúa thắng sự cứng cỏi trong tâm hồn chúng con, chúng ta tù nhân của oán ghét và ích kỷ; nhờ quyền năng phục sinh của Chúa, xin kéo các nạn nhân của bất công và đàn áp ra khỏi tình trạng của họ; vì lòng trung tín của việc Chúa đến, xin làm cho nền văn hóa chết chóc phải tủi hổ và làm cho chiến thắng của sự sống được chiếu tỏa rạng ngời.
Sau cùng Đức Thánh Cha cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria Nữ Vương hòa bình.
Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha còn chào thăm từng vị trong Hội đồng của Giáo Hội Công Giáo Canđê. Khi ra bên ngoài thánh đường, ngài còn thả một chim bồ câu trắng, tượng trưng cho hòa bình, trước khi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 2 cây số rưỡi để dùng bữa tối và nghỉ đêm.
5. Sáng Thứ Bẩy, 1 tháng 10, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại sân thể thao Meskhi của thủ đô Tbilisi cho các tín hữu. Trong bài giảng lễ, ngài nói đến tầm quan trọng của phụ nữ, trích dẫn từ các bài viết của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, là vị thánh được Giáo Hội mừng kính trong ngày.
Ngài cũng nói đến sứ mệnh “khẩn cấp” phải mang và tiếp nhận sự an ủi của Thiên Chúa. Theo ngài, Giáo Hội là “nhà an ủi”.
Đức Thánh Cha nói:
Trong số nhiều kho tàng của xứ sở này, một kho tàng nổi bật là tầm quan trọng của phụ nữ. Như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay, từng viết: “họ yêu mến Thiên Chúa đông hơn đàn ông nhiều” (Tự Truyện, Thủ Bản A, VI). Ở đây, ở Georgia này, có rất đông bà nội bà ngoại và các bà mẹ không ngừng bảo vệ và truyền lại đức tin đã được gieo vãi trên lãnh thổ của Thánh Nino này; và họ mang nước mát trong của lòng Chúa ủi an đến cho man vàn các hoàn cảnh khô cằn và tranh chấp.
Điều trên giúp chúng ta biết đánh giá cao vẻ đẹp của sứ điệp Thiên Chúa trong bài đọc thứ nhất: “Như bà mẹ ủi an con mình, Ta cũng sẽ ủi an con như thế” (Is 66:13). Như bà mẹ vác lấy gánh nặng và âu lo của con cái mình thế nào, Thiên Chúa cũng vác lấy tội lỗi và các rắc rối của ta như vậy. Đấng biết chúng ta và yêu thương ta vô hạn lưu ý tới lời ta xin và lau khô các dòng lệ của ta. Mỗi lần nhìn ta, Người đều xúc động và trái tim Người trở nên dịu dàng, với một tình yêu từ thẳm sâu hữu thể Người, vì dù có thể làm bậy đến đâu, ta vẫn là con cái của Người; Người muốn ôm lấy chúng ta vào cánh tay Người, che chở chúng ta, giải thoát ta khỏi nguy hại và sự dữ. Ta hãy để những lời sau đây của Chúa vang vọng trong trái tim ta: “Như người mẹ uỉ an thế nào, Ta cũng sẽ ủi an con như vậy”.
Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ an ủi chúng ta trong trái tim của chúng ta mà thôi; qua tiên tri I-sai-a, Người nói thêm: “Ngươi sẽ được an ủi ở Giêrusalem” (66:13). Ở Giêrusalem, nghĩa là, ở kinh thành của Thiên Chúa, ở trong cộng đồng: chính khi chúng ta hiệp nhất, hiệp thông, sự an ủi của Thiên Chúa hành động trong chúng ta.
Tuy nhiên, có một điều kiện cơ bản để tiếp nhận sự an ủi của Thiên Chúa, và Lời Người hôm nay nhắc chúng ta nhớ điều này: trở thành nhỏ bé như trẻ em (xem Mt 18: 3-4), được “giống như một đứa trẻ ngủ yên ở vú mẹ” (Tv 130: 2). Để nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cần sự bé nhỏ này trong trái tim: chỉ những em bé mới có thể được ôm ấp trong cánh tay mẹ các em mà thôi.
Tôi muốn tóm tắt các suy nghĩ này bằng một vài lời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh chúng ta kính nhớ hôm nay. Thánh nữ cho thấy “con đường nhỏ” của bà dẫn tới Thiên Chúa, đó là “sự tín thác của một bé thơ ngủ thiếp không hề sợ hãi trong vòng tay Cha mình”, vì “Chúa Giêsu không đòi hỏi các hành động vĩ đại của chúng ta, nhưng chỉ đơn giản đòi ta phó mình và biết ơn” (Tự Truyện, Thủ Bản B ).
6. Ban chiều cùng ngày, lúc gần 4 giờ, ngài đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu, rồi gặp những người được các nhân viên từ thiện của Giáo Hội giúp đỡ, tại khuôn viên trước trung tâm từ thiện của các tu sĩ dòng thánh Camilliano.
Sau cùng, lúc quá 6 giờ, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Nhà thờ chính tòa Thượng Phụ Svetutskhoveli ở Mtsckheta .
Sáng Chúa Nhật lúc sau 7 giờ Đức Thánh Cha từ giã toà Sứ Thần Toà Thánh để đi xe ra phi trường Tbilisi cách đó 26 cây số. Đức Thánh Cha đã được tổng thống Cộng hoà Georgia và Đức Thượng Phụ tiếp đón. Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra long trọng. Máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh rời phi trường Tbilisi để trực chỉ Baku cách đó 448 cây số.
Sau 1 giờ 20 phút bay chiếc A321 của hãng hàng không Alitalia đã hạ cánh tại phi trường quốc tế Heydar Aliyev của thủ đô Baku. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có phó thủ tướng Azerbaigian, và linh mục Vladimir Fekete, giảm quản giáo phận. Đức Tổng Giám Mục Marek Solczýnski Sứ Thần Toà Thánh ở trong đoàn tuỳ tùng vì ngài cũng là Sứ Thần tại Georgia.
7. Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe về nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm cách đó 23 cây số để dâng thánh lễ cho tín hữu.
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm được xây năm 1909, năm 1931 bị người Bônxêvích phá huỷ. Cộng đoàn tín hữu nảy sinh năm 1992. Họ viết thư về Toà Thánh để xin một linh mục. Năm 2002 sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II tổng thống Heydar Aliyev tặng Giáo Hội một mảnh đất để xây nhà thờ. Nhà thờ đã được khánh thành năm 2007 với sự tham dự của Đức Hồng Y Bertone, hồi đó là Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Nhà thờ thuộc trung tâm Salesien, gồm 6 linh mục, 3 tu huynh và một thanh niên Azero đang theo học để làm Phó tế. Đây là trung tâm giáo dục trẻ em và người trẻ, và cung cấp thực phẩm cho người nghèo và người tỵ nạn. Bên cạnh đó cũng có các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta hoạt động cho người già và dân nghèo, và từ năm 2015 cũng có thêm các nữ tu Salesien nữa.
Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng latinh, Các bài đọc và thánh ca gồm nhiều thứ tiếng khác nhau. Hàng trăm tín hữu khác đã theo dõi thành lễ ở bên ngoài nhà thờ.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nêu bật hai khía cạnh của cuộc sống kitô là đức tin phục vụ.
Cuối thánh lễ Linh Mục Vladimir Fekete, giám quận tông toà Baku, đã cám ơn Đức Thánh Cha vì món quà lớn là chuyến viếng thăm của ngài. Là người yêu thương dân nghèo và những nguởi bị bỏ rơi, và hiểu ý nghĩa các từ kỳ thị, gạt bỏ ngoài lề xã hội và nghèo túng là gì, Đức Thánh Cha đang nỗ lực chỉ cho mọi người thấy có thể thay đổi các thực tại này thành thương xót, lòng tốt, sự khoan nhượng và tất cả mọi từ khác diễn tả tình bác ái.
Đức Thánh Cha đã đọc kinh truyền tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau thánh lễ Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã dùng bữa trưa với cộng đoàn các cha Salesien.
8. Lúc 3 giờ chiều Đức Thánh Cha từ giã nhân viên và các cộng sự viên của trung tâm, rồi đi xe tới Dinh tổng thống để thăm xã giao tổng thống Hham Heydar Aliyev, và gặp các giới chức chính trị, ngoại giao đoàn và giới chức xã hội dân sự.
Tổng thống đã tiếp đón Đức Thánh Cha tại cửa dinh nơi diễn ra lễ nghi tiếp đón. Sau khi chụp hình lưu niệm tổng thống và Đức Thánh Cha đã lên thư phòng ở lầu một để đàm đạo với nhau. Tiếp đến tổng thống giới thiệu gia đình, vợ ba con, ba cháu với Đức Thánh Cha, hai bên trao đổi quà tặng.
Khoảng 4 giờ rưỡi chiều Đức Thánh Cha đi thăm đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong cho nền độc lập quốc gia, cách đó 8 cây số. Đài kỷ niệm này được xây năm 1998 trên vùng đất gọi là “Đại lộ các vị tử đạo” biểu tượng cho cuộc chiến đấu cho tự do và sự vẹn toàn của lãnh thổ quốc gia. Năm 1918 các binh sĩ Azeri và Thổ Nhĩ Kỳ tử trận trong cuộc bảo vệ thành phố đuợc chôn cất tại đây. Đây cũng là nơi người dân Azeri biểu tình chống quân đội liên xô hồi năm 1990. Những người đã bị tàn sát trong dịp đó cũng được chôn cất nơi đây. Các binh sĩ tử trận trong chiến tranh Nagorno-Karraback năm 1992-1994 cũng được chôn cất ở đây.
Xe chở Đức Thánh Cha dừng trước đài kỷ niệm. Đức Thánh Cha đã đặt một vòng hoa tại đài kỷ niệm trước sự hiện diện của ông thị trưởng thành phố.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đến Trung tâm Heydar Eliyev cách đó 8 cấy số để găp gỡ 1000 quan khách thuộc giới lãnh đạo chính trị ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự và các cơ cấu khác.
Trong diễn văn tại đây, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến những người tỵ nạn và những người chịu khổ đau vì các xung đột đẫm máu, và ngài cầu mong cộng đồng quốc tế biết trợ giúp họ đồng thời cho phép một khởi đầu mới cho hoà bình ổn định trong vùng. Đức Thánh Cha kêu gọi dùng mọi phương thế để đạt tới một giải pháp thỏa đáng. Ngài xác tín rằng với sự trợ giúp của Thiên Chúa và với thiện chí của mọi phiá vùng Caucaso sẽ có thể trở thành nơi, qua việc đối thoại và thương thuyết, các tranh chấp và khác biệt sẽ được thắng vượt để cho vùng đất là cánh cửa giữa Đông Tây này cũng trở thành một cửa rộng mở cho hoà bình và là một thí dụ giúp giải quyết các xung khắc cũ và mới.
9. Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 5:30 chiều, Đức Thánh Cha đã đến đền thờ Heydar Aliyev để gặp gỡ Sceico của người Hồi vùng Caucaso là ông Allashukur Pashazadeh.
Ông đã từng theo học bên Uzbekistan, rồi tại Học viện Imam Albukhari Tashkent. Sau đó ông trở thành thư ký điều hành Hội đồng Hồi vùng Caucaso, rồi được bầu làm chủ tịch. Ông cũng đã là thành viên Quốc hội đầu tiên của Azerbaigian và là thành viên ban cố vấn tôn giáo của tổ chức UNESCO và của Ủy ban đối thoại liên tôn và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao tặng Huy chương “Thánh Giorgio” của Vaticăng.
Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha khẳng định chính các tôn giáo có một nhiệm vụ lớn là đồng hành với con người trong việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống, giúp nó hiểu rằng các khả năng hạn hẹp của con người và các của cải trần gian này không được trở thành các điều tuyệt đối.
Ngài bày tỏ hy vọng rằng trong đêm đen của các xung khắc mà chúng ta đang trải qua, các tôn giáo là các bình mình của hoà bình, hạt giống của tái sinh giữa các tàn phá chết chóc, các tiếng vọng của đối thoại vang lên không mệt mỏi, các con đường của gặp gỡ và hoà giải để đến nơi mà các cố gắng làm trung gian chính thức xem ra không đem lại kết quả. Nhất là trong vùng Caucaso thân yêu này, mà tôi đã ước ao đến thăm như người hành hương hoà bình, ước chi các tôn giáo là các phương thế tích cực giúp thắng vượt các thảm kịch của quá khứ và các căng thẳng hiện tại
Sau khi từ giã đại diện các tôn giáo Đức Thánh Cha đã đi xe ra phi trường từ giã Azerbaigian để về Roma. Lễ nghi từ biệt đã diễn ra đơn sơ. Phó thủ tướng đã tiễn Đức Thánh Cha tới chân thang máy bay. Máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh lúc 7 giờ tối giờ đia phương và về tới Ciampino lúc 10 giờ tối giờ Roma, kết thúc chuyến công du thứ 16 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài.