Theo 'CNA / EWTN News' ngày 23 tháng 5, thì nhiều nhân vật ủng hộ nhân quyền đã cho rằng việc Tổng thống Barack Obama bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam là hấp tấp, vì Việt Nam đã không có thành tích nào chứng tỏ họ cải tiến về mặt nhân quyền.
Nhóm vận động Human Rights Watch bày tỏ rằng họ đã thất vọng nghiêm trọng về thoả thuận này. "Tổng thống Obama đã thưởng cho Việt Nam một điều mà họ không xứng đáng", là lời cuả ông John Sifton, giám đốc về chính sách cuả khu vực châu Á cuả nhóm, trong một tuyên bố ngày 23 tháng 5.
Sau khi Hoa Kỳ đã áp lực Việt Nam "trong nhiều năm" để cải thiện "nhân quyền", ông tiếp tục, họ đã không đáp ứng một cách cụ thể nào. "Họ không hề bãi bỏ bất kỳ một luật lệ đàn áp nào, cũng không thả tù nhân chính trị bằng bất kỳ một số lượng đáng kể nào, cũng không hề đưa ra bất kỳ một lời hứa hẹn đáng kể nào," ông nói.
Nhiều tuần trước khi ông Obama đến Việt Nam, những người hoạt động nhân quyền đã cổ động là Hoa Kỳ phải đổi lấy những nhượng bộ về nhân quyền với bất kỳ thỏa thuận nào từ phía Hoa Kỳ. Thậm chí Dân Biểu Chris Smith (R-N.J.) đã đòi hỏi là chuyến đi sẽ không được thực hiện, trừ phi chính phủ Việt Nam thả những tù nhân tôn giáo ra. "Không nên có một thoả thuận nào cho đến khi có những cải thiện đáng kể, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam," ông nói.
Trong cuộc họp báo hôm thứ hai, Tổng thống Obama nói rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất phát từ "một tiến trình dài dòng của việc bình thường hóa với Việt Nam."
Nhân quyền, ông tiếp tục, đã "không trực tiếp gắn liền" với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận, và ông thú nhận rằng "đây là một vấn đề mà hai bên vẫn có sự khác biệt." Chủ tịch Nhà Nước Việt Nam là ông Trần đại Quang thì nói, qua một thông dịch viên, là "quan điểm trước sau như một của nhà nước và chính phủ Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. "
Toà Bạch Cung, trong cuộc họp báo ngày thứ Hai, bào chữa rằng họ có thúc đẩy Việt Nam cải thiện. "Trong sự kiện thường niên là cuộc Đối thoại Nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam từ ngày 25-cho tới 26 Tháng tư, Hoa Kỳ đã kêu gọi Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân lương tâm và ngừng quấy rối các cá nhân sử dụng quyền tự do cơ bản của họ, là tự do phát biểu, hội họp, và tôn giáo."
Tuy nhiên, những người ủng hộ nhân quyền nói đó là những từ ngữ rỗng tuyếch không hề được hỗ trợ bởi hành động của chính quyền.
Gần ngày thăm viếng của tổng thống HK, chính phủ VN đã thả một linh mục Công Giáo và tù nhân tôn giáo nổi tiếng ra, Cha Nguyễn Văn Lý, hai tháng sớm hơn bản án cuả Ngài. Tuy nhiên, "chính phủ VN lại xúc phạm ông tổng thống bằng cách quấy rối và bắt giữ nhiều người bất đồng chính kiến vào ngày hôm qua và hôm nay," ông Sifton cho biết hôm thứ Hai.
Việc thả cha Lý ra không là "một bước đột phá lớn", Dân biểu Smith cảnh báo như thế.
Nhìn một cách tổng quát, thì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn là "tàn khốc" ("Dire") , Human Rights Watch báo cáo, vì Chính phủ Cộng sản "duy trì độc quyền chính trị" và phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền tràn lan như tra tấn, tịch thu tài sản "mà không đền bù thỏa đáng, "và bỏ tù các người cổ võ cho nhân quyền và dân chủ.
Riêng về tự do tôn giáo, thì đó là "một sắc thái phức tạp", theo báo cáo hằng năm cuả Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, và vì có nhiều bằng chứng chính phủ đã ngược đãi một số tôn giáo, ủy ban đã khuyến cáo coi VN là một "quốc gia cần quan tâm đặc biệt" từ năm 2001.
Theo thuật ngữ cuả Bộ Ngoại giao, thì việc chỉ định đó là dành cho các nước "mà chính quyền đã thực hiện hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm có hệ thống, nghiêm trọng và liên tục của tự do tôn giáo."
Việt Nam bị đặt vào tiêu chí này bởi vì chính phủ đã sách nhiễu, bỏ tù, và hành hung nhiều thành viên của một số tôn giáo. Sự việc đã kéo dài nhiều năm và không có dấu hiệu dừng lại, bản báo cáo giải thích.
Mặc dù chính phủ Việt Nam có cho phép mở cửa một số nhà thờ mới và một trường đại học Công Giáo mới, và "Quan hệ giữa chính phủ Việt Nam và Vatican đã cải thiện vào năm 2015", bản báo cáo cũng cho biết không phải tất cả mọi người Công Giáo đều được hưởng sự tự do tôn giáo như vậy.
Có nhiều báo cáo cho biết nhiều trường Công Giáo đang bị chính quyền đe dọa sẽ phá bỏ, và "người Công Giáo, kể cả các nữ tu" đã bị hành hung trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Các vị mục sư Tin Lành khác và nhiều linh mục đang bị chính quyền giam cầm, tra tấn, hoặc đe dọa; Một số nhà hoạt động cũng vẫn còn bị quấy nhiều ngay sau khi họ ra khỏi tù.
Việt Nam đang có từ 100-150 "tù nhân lương tâm", họ bị giam cầm vì niềm tin tôn giáo của họ.
Bà vợ của một luật sư nhân quyền đang bị cầm tù, bà Vũ Minh Khánh, đã viết lời điều trần trước Tiểu ban Hạ Viện về 'châu Phi, Y tế Toàn cầu, Nhân quyền Toàn cầu, và các tổ chức quốc tế' vào ngày 10 tháng tháng 5, rằng chồng bà bị bắt giữ trong năm 2007 vì "Tội tuyên truyền chống nhà nước."
Sau khi đã chấm dứt hạn tù - bốn năm tù giam và bốn năm câu lưu tại gia - ông đã bị bắt trở lại vào tháng Mười Hai vừa qua và có thể bị kết án từ 3-20 năm tù nữa, theo lời khai cuả bà.
"Chồng tôi đã bị giam giữ gần 5 tháng rồi, nhưng tôi không nhận được một thông tin nào về ông ấy," theo lời bà viết, ông ta không được liên lạc với luật sư và gia đình. Bà nói thêm rằng "nếu trong thực tế chồng tôi đã bị tra tấn về thể chất hoặc về tinh thần, hoặc thậm chí bị lừa với những thông tin sai sự thật, thì tôi cũng không được biết."
Bây giờ thì thỏa thuận về vũ khí đã xong rồi, vấn đề là Mỹ phải làm việc với nó "để tạo động lực cho Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền," ông Sifton nhấn mạnh.
"Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ cần phải nói cho Hà Nội một cách rõ ràng rằng những cuộc mua bán một loại vũ khí cụ thể nào đó cũng vẫn có thể bị hạn chế nếu chính phủ VN không bắt đầu thả tù nhân chính trị ra, bãi bỏ các bộ luật đàn áp đang sử dụng để truy tố họ, và chấm dứt những quấy rối và hạn chế nhắm vào những người bất đồng chính kiến và nhà báo. "