Ngày 29-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy tỏa sáng
LM Inhaxiô Trần Ngà
08:24 29/12/2010
Suy niệm Lễ Hiển Linh

Hôm ấy, đang khi vị linh mục giảng tĩnh tâm cho gần 500 thanh niên trong một hội trường rộng lớn về đề tài “hãy làm gương sáng”, thì điện bị cúp trong toàn khu vực (cúp điện theo chiến thuật!). Cả hội trường chìm trong bóng tối.

Bấy giờ ngài bật lên một que diêm, giơ cao lên và cất tiếng hỏi: “Các Bạn có thấy ánh sáng từ que diêm nầy không?”

Mọi người trong hội trường đáp lại: “Thưa có”

Vị linh mục tiếp: “Dù bóng tối phủ dày nhưng chỉ cần ánh sáng của một que diêm thôi cũng đủ cho nhiều người chung quanh nhìn thấy. Như thế, ánh sáng của việc tốt, dù nhỏ bé thôi, cũng có thể tỏa ra trước mắt nhiều người trong một xã hội dẫy đầy bóng tối.”

Sau đó, ngài mời gọi những ai mang theo hộp quẹt trong túi, hãy bật cho lửa sáng lên. Nhiều người hưởng ứng. Thế là bóng tối bị đẩy lùi, cả hội trường sáng lên bởi rất nhiều ánh lửa nhỏ từ các hộp quẹt của những người hiện diện.

Bấy giờ vị linh mục tiếp: “Nếu mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện một việc tốt mỗi ngày thì cuộc đời chúng ta sẽ tỏa sáng như những đốm lửa trên tay chúng ta đây. Nhờ đó bóng tối của thói hư tật xấu và của tệ nạn đang bao trùm thôn xóm sẽ dần dần bị đẩy lùi.”

Hôm xưa, nhờ ánh sáng của ngôi sao lạ rực sáng lên ở phương đông, các nhà chiêm tinh mới lần theo ánh sao, tìm đến thờ lạy Chúa Hài Nhi. Hôm nay, mỗi người tín hữu theo Chúa Ki-tô phải trở thành những ánh sao mới để dẫn lối cho bao người tìm về với Chúa.

Lời Chúa trong sách tiên tri I-sai-a được trích đọc vào thánh lễ hôm nay vang lên như một lời mời gọi tha thiết, thúc giục chúng ta hãy toả sáng.

“Hãy đứng lên, bừng sáng lên ! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.
Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.”
(I-sai-a 60,1)

Ngoài ra, qua thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, thánh Phao-lô nhân danh Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tỏa sáng: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Philip 2,15)

Phải tỏa sáng cách nào?

Trước hết là bằng cách phát huy nếp sống đẹp: đẹp trong lời ăn tiếng nói, đẹp trong cách cư xử giao tế với người chung quanh, nhưng đẹp nhất là có lòng bác ái, yêu thương, tôn trọng và sẵn sàng phục vụ những người chung quanh… Ai thực hiện được những điều đó, thì họ là những ánh sao dẫn đường về với Chúa, về với Chân Thiện Mỹ. Thế giới và xã hội rất cần những ngôi sao như thế để soi đường dẫn lối cho bao người.

Như giọt sương mai

Những giọt nước bẩn đọng lại đây đó trên những lá cây bên đường không thể tỏa ra chút ánh sáng nào; thế nhưng những giọt sương mai còn đọng lại trên các ngọn cỏ lại trở nên long lanh tuyệt đẹp dưới ánh bình minh.

Vậy thì các tín hữu cần loại trừ khỏi cuộc sống mình những tệ nạn và thói hư tật xấu, bấy giờ tâm hồn họ sẽ trở nên trong sáng như những hạt sương mai.

Kế đó họ cần học hỏi và để cho Lời Chúa thấm đẫm tâm hồn. Một khi Tin Mừng Chúa Ki-tô được chiếu giọi tận đáy sâu tâm hồn thì Ánh Sáng Tin Mừng sẽ làm cho họ trở nên lấp lánh giữa cuộc đời, như ánh sáng mặt trời ngời sáng trên những giọt sương mai.

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con tỏa sáng, dù không như ánh sao giữa bầu trời đêm thì ít nữa cũng như một cây nến sáng trong gia đình, để nhờ gương lành việc tốt của chúng con, gia đình, thôn xóm chúng con được bừng sáng, vì “gần mực thì đen, gần đèn ắt phải sáng.”
 
Chúa hiển linh cho người có lòng ngay
PM. Cao Huy Hoàng
08:26 29/12/2010
Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Hiển Linh 2010

Tiên Tri Isaia đã thị kiến toàn cảnh của ngày Cứu Thế:

“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”. (Is 60, 1-3)

Và hôm nay, toàn cảnh ấy đã hiển hiện:

“Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”

Ba đạo sĩ theo ánh sao đến Belem, rất rõ mục đích: đến để bái lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Họ không đến vì một mục đích nào khác. Mục đích ấy chứng tỏ thiện tâm của họ, nên họ xứng đáng lãnh nhận Bình an Giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Chưa nói đến lễ phẩm quí giá thì tấm lòng của họ đã là một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Trong khi đó, Herode nói, nghe thật dễ thương, thật khả tín: “Các khanh hãy đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho trẫm, để cả trẫm cũng đến triều bái Người”. Thoạt nghe, tưởng như ông là người có lòng ngay. Nhưng chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ lòng của ông. Và nếu ba đạo sĩ không tỉnh táo lắng nghe và đọc được dấu chỉ của Chúa, thì chắc chắn họ đã lầm, và họ cũng theo đường cũ mà về báo lại cho Herode biết rồi. Herode không có thiện tâm thiện chí đến để triều bái Người như lời ông nói, nhưng ông sẽ nói một đường làm một nẻo, vì trong ông có một âm mưu thực hiện ý đồ đen tối là tẩy chay Đấng Cứu Thế. Ông không gặp được Chúa, không gặp được ơn cứu độ.

Ở một Giáo xứ kia, trong sinh hoạt thiếu nhi chiều 25 có câu đố có thưởng, thế này: “Khi Chúa Giêsu sinh ra, ca đoàn các Thiên Thần hát bài gì?” Có em đáp: “bài Mùa Đông Năm Ấy”. Cô GLV lắc đầu. Em khác: “thưa cô, bài Đêm Đông Lạnh Lẽo”. “Hổng phải thưa cô, bài Nơi Belem”. Cô lắc đầu. Một em khác “ Thưa cô, bài Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời, Bình An Dưới Thế Cho Người Lòng Ngay”. “Đúng rồi, mời em lên đây”. Cô có thêm câu hỏi phụ: “ca đoàn Thiên Thần có bao nhiêu ca viên” “24 ca viên thưa cô”. “Sao em biết 24?” “Thưa cô, đêm canh thức có 24 thiên thần múa bài này”. “À há! Em nào có đáp án khác?” “Thưa cô 15”, “thưa cô 50”…”100”… “thưa cô quá nhiều không đếm nổi…...vô số…. “. Vỗ tay mừng các em.

Câu chuyện của ba đạo sĩ đến thờ lạy Chúa là câu chuyện tình của Thiên Chúa bao dung rộng lượng. Ngài không hẹp hòi giấu cất ơn cứu độ cho dân riêng của Ngài, mà sẵn lòng ban phát cho mọi dân nước, sẵn lòng tỏ bày tình thương của Ngài, sắn lòng hiển linh một tình yêu vô hình đã thành hữu hình trong dung nhan một hài nhi đơn sơ, nghèo hèn, bé nhỏ.

Nhưng, câu chuyện Ba đạo sĩ đến thờ lạy Chúa còn là câu chuyện của những người có lòng ngay. Họ khiêm tốn tìm đến Chúa, họ thành tâm thờ lạy Chúa, họ cung kính dâng lễ vật lên Chúa, và họ đã được quà tặng giáng sinh là bình an tâm hồn- đúng như lời sứ thần hát: “bình an dưới thế cho người lòng ngay”

Chỉ người có lòng ngay: đơn sơ, khiêm tốn nhìn nhận thân phận con người của mình luôn cần có sự can thiệp của thần linh, mới tiếp nhận được ánh sáng diệu kỳ của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và ánh sáng ấy, khơi dậy nơi họ niềm tin, tình yêu mến, lòng cậy trông và nhất là khát vọng được cứu độ.

Chỉ người có lòng ngay, biết sống theo lẽ phải, biết yêu chuộng sự thật, biết tôn trọng công lý, biết thăng hoa phẩm giá con người đúng tầm cao của một thụ tạo tuyệt mỹ, biết xây dựng bình an thật trong tâm hồn và trong cuộc sống, biết thương cảm, biết sẻ chia, biết cứu độ mới có thể nhận ra ánh sáng mới, con đường mới, và được Chúa ban phúc cho nhìn thấy ánh vinh quang của Người.

Chỉ người có lòng ngay mới đón nhận được ánh sáng Hiển Linh của Chúa.

Chỉ người có lòng ngay, mới có bình an thật của Chúa.

Vâng, và chỉ người có lòng ngay mới có thể reo lên rằng: “Khắp cùng cùng bờ cõi địa cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa chúng ta”, “mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa” (Tv 71,11). “Hãy ca mừng Chúa vì Ngài “giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay người quyền thế, cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ, thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, cứu mạng sống của người cùng khổ” (Tv 71).

Lời ca tụng ấy dành cho Thiên Chúa chúng ta thật là chính đáng.

Mấy ngày trước Lễ Giáng Sinh, khắp các nhà thờ đều rộn ràng “mừng Chúa Giáng Sinh”. Chính quyền các cấp cũng được chỉ thị từ trên và họ đã đến các nhà thờ để “mừng Lễ Giáng Sinh”, một lẵng hoa, chút quà cáp, lời thăm hỏi và chúc mừng Lễ Giáng Sinh… đàng hoàng, lịch sự, dễ thương, khả tín lắm…. Nhưng, đó có phải là tín hiệu vui rằng “ mọi dân nước đều thờ lạy Chúa” không? Hay chỉ là một cử chỉ hoàn toàn mang tính xã hội. Đã vậy, nhân cơ hội này, có người còn mừng quá hứa rằng sẽ đồng hành với xã hội mà xây dựng một thành phố văn minh, một đất nước giàu mạnh theo đường lối của thế gian; lại có người hứa và đã chuyển lời thăm hỏi, chúc mừng “lễ Giáng Sinh” đến mọi thành phần dân Chúa.

Tôi bỗng nhớ chuyện trang trí trong những ngày lễ. Thỉnh thoảng tôi vẫn còn thấy trước các tiền đường những băng-rôn như thế này: “Hân Hoan Mừng Lễ Giáng Sinh” “Hân Hoan Mừng Lễ Phục Sinh” “Hân Hoan Mừng Lễ Hiện Xuống”…. Một vài cụ già đã phàn nàn: “mừng Lễ Giáng Sinh hay Mừng Chúa Giáng Sinh? Đời quá vậy! Có Đạo đâu! Sao không dám Hân Hoan Mừng Chúa Giáng Sinh?” Tôi chưa kịp hiểu ý các cụ.

Nay nhân lễ Chúa Hiển Linh và suy niệm đoạn Tin Mừng này, tôi mới ngộ ra chúng ta mừng nhiều lễ quá, mà không có gì mừng Chúa cả. Lễ bỗng trở thành ngày hội, lễ hội có tính cách xã hội nhiều hơn là tâm linh. Thế thì tâm tình “đến thờ lạy Chúa” bị ngộ độc tự bao giờ mà phải nhường lại tất cả cho cái hình thức bên ngoài mà thôi như thế, còn bên trong, rỗng tuếch. Chúng ta có lòng ngay chưa, khi thực hiện các công việc mà không có ý để “thờ lạy Thiên Chúa”, nhưng để cho thiên hạ biết rằng chúng ta có tự do. Tốn cả bạc triệu lo làm hang đá, mà hang đá chỉ đẹp vào ban đêm nhờ ánh đèn điện đủ sắc màu sặc sỡ, còn ban ngày thì nhìn chẳng được. Nó có là cái thực của hang đá trong lòng chúng ta không?

Người lòng ngay không thể đi theo lối gian tà, không thể chấp nhận để cái gian tà nó hiên ngang tiến bước. Gian tà bước ngoài đường, nhìn thấy đã ngán, nay lại bước thẳng vào trong nhà ta, thì còn gì để nói.

Vẫn biết rằng ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người vì Thiên Chúa không hẹp hòi, không giấu cất, như Thánh Phaolô khẳng định: “Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần lời hứa của Người trong Đức Giêsu Kitô” (Eph 3, 5-6), nhưng, có phải hết thảy dân ngoại đều đang có lòng ngay đâu, có thành tâm thiện chí gì đâu! Cũng phải tỉnh táo như các đạo sĩ mà nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa để biết âm mưu của Herode rồi tìm đường khác mà về chứ. “Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2,12).

Tin mừng Lễ Chúa Hiển Linh trong cuộc sống thường ngày các tín hữu, là nhận ra Chúa đang hiển linh trong từng lá cây ngọn cỏ, từng giọt sương mai, từng bữa cơm, trong từng mái ấm, trong từng hơi thở, từng phút sống tràn đầy ân sủng bởi Thiên Chúa. Từ đó, Đức Tin, Cậy, Mến phát xuất từ lòng đơn sơ ngay thật sẽ bền bỉ nhờ bởi đức khôn ngoan của Chúa Thánh Thần soi chiếu, làm sung mãn đời sống tâm hồn.

Đời sống đạo không chỉ là những rộn ràng lễ hội bên ngoài, nhưng phải là đời sống biết thờ lạy Chúa, tôn vinh Chúa, cảm tạ Chúa mọi lúc mọi nơi. Tất cả vinh quang dành cho Thiên Chúa chúng ta.

Lạy Chúa, Chúa ban bình an cho người có lòng ngay. Xin cho chúng con quyết tâm không đi theo lối gian tà, và luôn được ánh sáng Belem chiếu dọi: “đến để thờ lạy Thiên Chúa” đã hiển linh nơi Hài Nhi Giêsu khiêm cung, đơn sơ, thạt thà, nghèo hèn, bé nhỏ, với ước mong được ơn bình an và niềm vui cứu độ. A men
 
Tính phổ quát của ơn cứu độ
LM Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:27 29/12/2010
Lễ Hiển Linh

Kế hoạch của Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu độ (x.1Tm 2,3-4). Thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định về tính phổ quát của ơn cứu độ rằng: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Eph 3,5-6). Như thế, ơn cứu độ không dành riêng cho một ai, cho một dân tộc nào. Họp mừng lễ Hiển linh hay là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân, Hội Thánh muốn khẳng định với chúng ta rằng ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, mọi thời, mọi hoàn cảnh, đồng thời cảnh báo chúng tránh xa thái độ cao ngạo độc quyền chân lý, và mặt khác dạy ta cần tích cực sẻ chia cho tha nhân kho tàng ân sủng mình đã lãnh nhận theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Ơn cứu độ là dành cho mọi người. Ngôn sứ Isaia loan báo cảnh huy hoàng rực rỡ của Giêrusalem và chư dân Đông Tây, sẽ tay bế tay bồng dìu nhau đến thờ lạy, ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa (x. Is 60,3-5). Thiên Chúa là Đấng công bình và đầy tình lân ái. Người tỏ mình cho mỗi người mỗi cách khác nhau tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của họ. Chúa công bình vì Người tỏ mình cho tất cả mọi người, chẳng trừ một ai. Chúa lân ái nên Chúa tỏ mình bằng nhiều cách thế để mỗi người theo mỗi hoàn cảnh có thể gặp được Người.

Với những người chăn chiên cừu, vốn ít học nhưng đơn sơ chất phác, thì lời loan báo của vị Thiên Sứ cùng với tiếng hát của đoàn cơ binh Thiên Thần trong ánh sáng huy hoàng quả là một sứ điệp không gì bằng. Dòng lịch sử minh chứng cho ta sự thật này: Chúa Kitô, Mẹ Maria thường hiện ra với những người thôn quê, nghèo hèn nhiều hơn là với những người trí thức, học cao, hiểu rộng hay người ở chốn thị thành. Với các nhà đạo sĩ Đông phương, thì sự xuất hiện một ánh sao lạ trên bầu trời hẳn là một lời mời gọi thiết thực với những “chuyên gia thiên văn”. Còn với các kinh sư, các Thượng tế Do thái giáo, thì thử hỏi có gì quan trọng cho bằng Thánh Kinh. Chúng ta không quên việc họ thường mang Lời Chúa được ghi trên các dải vải đính ở tay áo. Thế thì một duyên cớ để họ đọc lại lời của Ngôn sứ Mikêa: “Phần người, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mk 5,1), quả là một lời mời gọi hay nói cách khác, là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách tuyệt vời cho họ. Rồi với Vua Hêrôđê, một vị vua trần thế vốn tham quyền cố vị, thì câu hỏi của các nhà đạo sĩ Đông phương: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu?”, thật là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách đúng đối tượng.

Thiên Chúa luôn tỏ mình ra với mọi người theo cách thức Người chọn, phù hợp với từng người theo từng hoàn cảnh, số phận khác nhau của họ. Như thế, ta có thể nói là bất cứ ai cũng đều có thể tìm gặp chân lý, đều có thể tìm đến cội nguồn hạnh phúc vĩnh cửu theo khả năng, hoàn cảnh của mình. Giáo lý Công giáo khẳng định rằng ngoài phép rửa bằng nước còn có phép rửa bằng máu và bằng lòng mến. Thánh Công đồng Vatican II dạy chúng ta: “Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ của Đức Kitô, tham dự bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết mà thôi (MV số 20). Ơn cứu độ là dành cho muôn dân, vì thế chúng ta có thể rút ra một vài hệ luận như tất yếu sau:

Không được phép độc quyền chân lý: chân lý không thuộc riêng một ai, một tập thể nào. Khi ta độc quyền chân lý cách này cách khác là khi ta tự biến mình thành ngẫu tượng. Cần phải bỏ dần thái độ cao ngạo tự tôn của một thời quá khứ khi ta đồng hoá mọi niềm tin, tôn giáo khác ta đều là lầm lạc, là ma quỷ, bụt thần… Là Kitô hữu chúng ta cần phải minh định rằng “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Kitô” (x.Ga 14,6). Tuy nhiên cũng cần cảnh giác thái độ tự tôn cho rằng “ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ”, một thái độ thiếu tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (x.Ga 3,8). Khi ta có thái độ độc quyền chân lý là lúc ta tưởng như mình đã nắm trọn vẹn chân lý và hữu ý hay vô tình ta đã rơi vào chước cám dỗ của Satan ngày xưa khi cám dỗ tổ tiên loài người: Cứ ăn trái cấm này đi thì hai ông bà sẽ nên như Thiên Chúa, biết được điều lành điều dữ (x. St 3,5). Biết phân biệt điều lành điều dữ là việc tốt, việc phải làm và đáng làm. Sự lầm lạc của con người không phải ở chỗ tìm cách phân biệt điều lành điều dữ, nhưng là ở chỗ lấy bản thân mình làm điểm quy chiếu để phân định điều dữ, điều lành. Và sự thường điều gì hợp với mình, có lợi cho mình thì sẽ được xem là lành và ngược lại những gì không có lợi thì bị cho là điều dữ. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền minh định điều gì là thiện, sự gì là ác, vì chính Thiên Chúa là Đấng dựng nên mọi sự từ hư vô.

“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (Ga 6,45). Thiên Chúa tỏ mình cho mỗi người mỗi cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên để nhận biết Thiên Chúa, phần phía con người cũng cần có sự đáp trả cân xứng. Một vài thái độ đáp trả cần có đó là:

Một tâm hồn biết lắng nghe: đây là thái độ khiêm nhu chân thành, luôn khao khát tìm về chân, thiện, mỹ. Người có tâm hồn biết lắng nghe là người có tấm lòng thành trước những những gì là chính đáng, là phải đạo. Các nhà đạo sĩ Đông phương và những người mục tử thôn dã lúc bấy giờ là những người có tấm lòng thành. Tấm lòng thành ở đây được hiểu như là sự hướng thượng và hướng thiện. Quân vương Hêrôđê chắc chắn không có tấm lòng thành. Các thượng tế, kinh sư ở thành Giêrusalem lúc bấy giờ thì ta không dám quả quyết nhưng chắc chắn họ thiếu động thái lên đường, ra đi.

Một động thái lên đường, ra đi: Khi đã nhận ra tiếng nói của chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu, thì cần phải lên đường, ra đi. Chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu đòi hỏi chúng phải ra đi khỏi cái vị thế hiện tại. Không một ai ở trần gian này có thể nắm được tình yêu vĩnh cửu hay chân lý toàn thiện. Tất thảy đều ở phía trước, chính vì thế cần phải lên đường, ra đi. Các thượng tế và kinh sư ở thành Giêrusalem năm nào dù đã nhận ra Ánh Sáng cứu độ nhưng vì họ đã không lên đường nên không thể gặp được Đấng Cứu Thế. Trái lại khi nhận được dấu chỉ mời gọi, các đạo sĩ Đông phương và các mục tử đã biết lên đường, ra đi. Ra đi là chấp nhận từ bỏ. Lên đường là chấp nhận hy sinh và gian khó. Có một cái khó mà không dễ gì vượt qua hay từ bỏ, đó là những tập tục hay truyền thống mang tính nhân loại. Chúng dễ nhận ra sự thật này nơi nhiều người biệt phái, luật sĩ, tư tế thời Chúa Giêsu, khi Người công khai rao giảng tin mừng.

Chân lý đã thực sự hoàn hảo và đầy đủ nơi Chúa Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x.Col 1,15; Dt 1,1-2). Nhưng chúng ta, dù là giáo dân hay giáo sĩ, dù là thần học gia hay “xứng với bậc tông đồ” thì cũng chỉ nhận biết chân lý kiểu như thấy trong tấm gương đồng. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cor 13,12).

Ra khỏi tháp ngà tự mãn cho rằng đã nắm được trọn vẹn chân lý, ra khỏi tháp ngà độc quyền chân lý là cách thế tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Hiển linh, Chúa tỏ mình cho muôn dân cách thiết thực, hữu hiệu và khả tín. Không ngừng kiếm tìm và đón nhận chân lý là một thái độ khiêm nhu vừa có tính giải thoát và tính truyền giáo. Sự thật không chỉ giải thoát chúng ta, mà còn có sức cuốn hút những tâm hồn thiện chí. Và như thế sự thật sẽ làm cho chúng ta xích lại gần nhau, làm cho chúng ta nên một bằng cách thánh hiến chúng ta (x.Ga 17,17)

Mừng mầu nhiệm Chúa Hiển Linh, ước gì chúng ta mãi luôn nuôi dưỡng cái tấm lòng thành nơi chúng ta bằng thái độ khiêm nhu biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần không chỉ trong Thánh Kinh, trong các cử hành Phụng vụ, trong lời dạy của Hội Thánh…mà còn trong các biến cố lịch sử, trong các nét đẹp thánh thiêng nơi các niềm tin, tôn giáo ngoài Công giáo, nơi các nghĩa cử cao đẹp của những người chưa tin hay chưa nhận biết Thiên Chúa. Lắng nghe không phải để đứng nhìn mà để can đảm lên đường tìm kiếm và đón nhận chân lý. Sự thật toàn vẹn luôn ở phía trước, vì đã có đó nhiều điều mà ngay các Tông đồ cũng vẫn chưa thấu hiểu. Chính Thánh Thần là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,12-13). Người là Đấng đang mãi hoạt động cho đến ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Không ai có thể trao ban điều mình không có. Tích cực tìm kiếm và đón nhận chân lý là tiền đề tất yếu để ta chia sẻ cho tha nhân hồng ân cứu độ.
 
Ngôi sao Phương Đông
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:28 29/12/2010
Lễ Hiển Linh

“Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem miền Giuđê thời Vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,1-2). Các nhà chiêm tinh Đông phương nhìn thấy ngôi sao xuất hiện và lên đường tìm kiếm. Họ đã tìm ra Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ hang lừa. Đó chính là vị Cứu tinh mà Israel từ lâu mong đợi. Vị Cứu tinh chào đời tại Bêlem như lời Ngôn sứ Mikha đã loan báo “Phần ngươi, hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị lãnh tụ chăn dắt dân Israel” (Mk 5,1). Các nhà chiêm tinh vui mừng tôn kính dâng lễ vật bái thờ Người.

Ngôi sao xuất hiện ở phương Đông được ông Bilơam tiên báo: “Một Vì Sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). Các nhà chiêm tinh đến từ vùng đất phương Đông, quê hương của Bilơam. Ngôi sao họ nhìn thấy vốn là dấu hiệu chỉ vương quyền. Ngôi sao nhắc lại lời sấm chúc phúc của Bilơam thuở xưa nói về triều đại Đavít và về chính Đấng Mêsia.

Câu chuyện lời chúc phúc của Bilơam rất ly kỳ được kể trong Sách Dân Số chương 22-24.

Trên đường tiến về miền đất hứa, dân của Môsê đã giao tranh với nhiều lân bang. Đoàn dân nhỏ bé ấy lại có sức mạnh đánh đâu thắng đó. Các nước lân bang đều run sợ. Người Môáp khiếp sợ. Vua người Môáp sai sứ đến với Bilơam thuộc đất dân Ammon để xin ông này nguyền rủa dân Israel “may ra nhờ thế ta có thể đánh bại được nó và đuổi nó ra khỏi lãnh thổ của ta”. Các sứ giả lên đường tìm gặp Bilơam để trao cho ông lời sấm “chúc dữ” dân Israel. Bilơam mời các sứ giả nghỉ qua đêm để ông thỉnh ý Đức Chúa. Sáng hôm sau, Bilơam nói cùng các sứ giả rằng ông không thể làm theo yêu cầu của vua Môáp được. Nhưng đến lần thứ hai, dưới tác động của Thiên Chúa “cứ chỗi dậy, đi với chúng, nhưng chỉ được làm điều Ta bảo ngươi”, ông chấp nhận ra đi với các sứ giả vua Môáp. Bilơam đến miền đất dân Môáp để chúc dữ cho dân Israel trên lưng một con lừa cái và đi cùng với hai chú tiểu đồng. Trên đường đến với vua Môáp, con lừa của Bilơam thấy Thần sứ của Thiên Chúa đứng cản đường cùng với thanh gươm cầm sẵn trong tay. Thấy thế, con lừa cái bèn tránh đường đi xuống ruộng. Bilơam đánh đập con lừa và bắt nó phải đi trên đường. Khi đến con đường mòn hai bên đều xây tường, con lừa cái khi thấy Thần sứ liền ép sát vào tường làm cho chân của Bilơam bị cọ sát trầy xước. Tức giận ông lại đánh con lừa cách thậm tệ. Nhưng đến khi đến đoạn đường hẹp không thể nào đi được nữa vì Thần sứ chận đứng, con lừa đành phải nằm bẹp xuống chân ông Bilơam. Thấy vậy, Bilơam càng tức giận. Ông nổi nóng dùng gậy tới tấp đánh con lừa. Đến lúc này, con lừa lên tiếng: “Tôi đã làm gì ông mà ông đã đánh tôi đến ba lần”. Bilơam nhìn lên thì thấy Thần sứ Thiên Chúa thì run sợ. Theo hướng dẫn của Thần sứ Thiên Chúa, Bilơam đến với vua Môáp nhưng không phải để chúc dữ cho dân Israel mà là chúc phúc. Trong bài diễn văn chúc phúc đó, Bilơam đã tiên báo về Ngôi sao xuất hiện trong nhà Giuđa: ”Một Vì Sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24, 17).

Một ngôi sao lạ ở phương Đông xuất hiện trên bầu trời đầy sao.Các nhà chiêm tinh nhận ra ngôi sao lạ. Họ tin rằng có một vị vua mới sinh ra ở đất Do thái. Họ lập tức khởi hành, lên đường tìm kiếm. Con đường đi của họ dẫn qua sa mạc, bụi bặm, nóng bức và giá lạnh. Ðó là một con đường đầy chông gai khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Họ luôn nhìn lên ngôi sao dẫn đường và tiến bước.

Khi đến thủ đô Giêrusalem, các nhà chiêm tinh dò hỏi tông tích của vị tân vuơng. Nghe tin ấy vua Hêrôđê bối rối liền triệu tập các thượng tế và kinh sư lại hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Vua phái các vị ấy đi và dặn “xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi để tôi cùng đến bái lạy Người”. Họ ra đi “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại”. Họ mừng rỡ vô cùng. Họ gặp Hài Nhi, liền sấp mình bái lạy, với lòng thành họ dâng tiến lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược.

Câu chuyện Phúc âm tuyệt đẹp. Ba nhà chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế theo ánh sao lạ. Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây lửa để dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về Đất hứa thì Người cũng có thể dùng ngôi sao lạ để dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến Bêlem để gặp Đấng Cứu Tinh.

Nhưng sự thật vô cùng trớ trêu là khi vị Cứu tinh xuất hiện sau bao thế kỷ chờ đợi thì Dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm. Các thượng tế, các kinh sư có thái độ dửng dưng thụ động. Họ rành rẽ Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế nhưng họ chẳng cất bước đến Bêlem. Còn Hêrôđê thì hốt hoảng bối rối, sợ ngai vàng bị lung lay nên tìm cách loại trừ với mưu mô cạm bẫy.

Tấn bi kịch cuộc đời Hài Nhi bắt đầu, bị người đồng hương từ khước, bị tẩy chay, bị giết chết. Chỉ có các nhà chiêm tinh hăng hái lên đường lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm. Họ đã làm tất cả miễn sao gặp được Đấng Cứu Tinh. Cho dù Đấng ấy chẳng uy nghi ngự trong lâu đài điện ngọc nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận, xin được bái kiến và dâng lễ vật quý giá với cả tấm lòng thành.

Phụng vụ đọc câu chuyện tuyệt đẹp này trong ngày Lễ Hiển Linh “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại”. Các nhà chiêm tinh là dân ngoại, họ đại diện cho mọi dân tộc, họ khao khát tìm kiếm ơn cứu độ. Sau này Chúa Giêsu đã xác định: từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop trong nước trời.

Các thượng tế và các kinh sư thông hiểu Thánh Kinh, họ giảng giải thật hay cho Hêrôđê, nhưng chỉ là lý thuyết. Họ tìm Đấng Cứu Thế trong sách vở nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những người chuyên nghiên cứu sách vở đầy sự uyên bác thông thái, nếu không lên đường, không thao thức tìm kiếm thì chẳng bao giờ gặp được Thiên Chúa.Trái lại, những tâm hồn đơn sơ, khó nghèo như các mục đồng, hay cởi mở và khao khát chân lý như các nhà chiêm tinh lại được diễm phúc gặp gỡ Người vì họ đã dám mạo hiểm lên đường tìm kiếm, bước đi theo các dấu chỉ.

Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình ra cho nhân loại qua những dấu chỉ tự nhiên của trời đất, qua từng biến cố lịch sử, qua Lời Người trong Thánh Kinh, qua sự hiện diện của Dân Chúa là Giáo hội, qua các bí tích. Muốn gặp được Thiên Chúa, nhất thiết phải nổ lực tìm kiếm. Cho dầu có những thử thách, cam go, những hiểm nguy cạm bẫy, vẫn luôn kiên trì trong đức tin, bền đổ trong lòng mến.

Hôm nay, không có ngôi sao đông phương nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa. Chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp tìm gặp Người. Đó là ánh sáng của Lời Chúa "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.". Bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ trở nên ngôi sao dẫn đường cho nhiều người tìm đến Thiên Chúa. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15).

Tại sao các Kitô hữu được gọi là các vì sao ? Thánh Gioan giải thích: “Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta”(1Ga 4,12). Nói cách khác, Thiên Chúa của chúng ta là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Người muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của chúng ta. Nói cách khác nữa, khi chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,18). Cho nên cách sống yêu thương của người Kitô hữu làm cho người ta nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian như vòm trời tăm tối, và khuyến khích các Kitô hữu hãy sống yêu thương để có thể thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời ấy.

Trong đời sống xã hội hôm nay, có rất nhiều ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật, đủ mọi lãnh vực. Ngôi sao nhạc Rock, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao bóng đá…thôi thì đủ các loại sao ! Có những người chưa xứng đáng là “sao” mà cũng tự nhận mình là sao, thậm chí có những người vênh váo tự phong mình là “siêu sao” !

Trong phạm vi tôn giáo, ta thấy có những Kitô hữu âm thầm sống bác ái yêu thương, chiếu tỏa nhân đức cho những người chung quanh, nhưng chỉ dám nhận mình là tôi tớ vô dụng ( Lc 17,10). Thời nay, Mẹ Têrêxa Calcutta với tấm lòng yêu thương bao la cũng là một vì sao chiếu sáng trên vòm trời.

Ngôi sao đông phương dẫn các nhà chiêm tinh đến gặp Chúa Hài Nhi và tiến dâng lệ vật. Chúng ta nhờ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn trên hành trình cuộc đời. Lời Chúa là ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp chúng sáng lên niềm tin. Chính Chúa Giêsu là ngôi sao mai dẫn chúng ta đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến. Người Kitô hữu tiếp nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu để chiếu lên làn ánh sáng hy vọng, ánh sáng tin yêu, ánh sáng công bình bác ái. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là những ánh sao cụ thể soi đường truyền giáo.
 
Áng sáng cứu độ
Phanxicô Xaviê
09:35 29/12/2010
Lễ Hiển Linh là lễ bày tỏ tình yêu cứu độ của Chúa cho nhân loại, không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp. Mọi người đều được qui tụ quanh Chúa Giêsu để trở thành một dân tộc duy nhất, thành Giáo Hội của Chúa. Hiển Linh có nghĩa là tỏ sự linh thiêng cho mọi người biết hay còn gọi là biểu lộ. Sau các mục đồng Do Thái, nay đến lượt các đạo sĩ phương Đông, có lẽ là các nhà chiêm tinh học Babylon hoặc Ba Tư được mạc khải về Chúa Hài đồng Giêsu. Thiên Chúa, theo lời giải thích của Thánh Phaolô, muốn cho ánh sáng mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Giêsu được thắp lên nơi tất cả mọi dân tộc trên thế giới.

700 năm trước, Isaia đã tuyên sấm sự tỏ mình ra của Chúa cho nhiều dân tộc, như chính Thánh Matthêu đã nhắc lại: ”Chư dân sẽ lần lượt tìm về sự sáng của Người. Và các vua Chúa hướng về ánh sáng bình minh của Người”. Thiên Chúa tỏ mình ra dưới hình thức một Vương Quốc lý tưởng, mà lời Thánh vịnh 71 nói đến, trong đó có hòa bình và công chính, trăm họ được an cư lạc nghiệp, kẻ nghèo hèn, kẻ bị áp bức được giải thoát. Đó cũng là hình ảnh một Giêrusalem tương lai, được đặt trong ánh sáng huy hoàng của thời Đấng Messia mà Tiên tri Isaia cho thấy trước. Những người Do Thái đi lưu đày trở về. Họ phải xây dựng lại thành đô và đền thờ, khi ấy dân các nước từng đoàn sẽ tiến về qui tụ nơi thánh Thánh Giêrusalem, hướng về ánh sáng chiếu tỏa từ thánh Thánh. Giêrusalem đích thực mà Tiên tri Isaia tiên báo chính là Giáo Hội được Chúa Giêsu thiết lập. Nơi Giáo Hội, mọi dân tộc trên thế giới sẽ lần lượt được qui tụ để trở nên dân của Chúa. Trong đoạn trích thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô cũng làm nổi bật một trong những yếu tố căn bản của mầu nhiệm mà ngài đã lãnh nhận để loan báo cho thề giới: Mọi dân tộc trên trái đất đều được mời gọi đến lãnh nhận hồng ân cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô. Và hôm nay, ánh sáng Tin Mừng, được biểu trưng bằng ngôi sao dẫn đường, đã tỏa chiếu trên các dân tộc khác ngoài Do Thái.

Trình thuật về hành trình đi tìm kiếm Vua Do Thái mới sinh của các nhà đạo sĩ đến Bethleem mang một ý nghĩa tôn giáo quan trọng: thái độ của những nhà đạo sĩ và những người Do Thái là bài học cho đời sống đức tin của người Kitô hữu. Một mặt chúng ta nhận ra tình yêu thương của Chúa không giới hạn nơi một dân tộc mà lan tràn khắp mọi dân nước. Mặt khác, Chúa có những cách thế để mạc khải tình yêu cứu độ của Ngài. Điều quan trọng là thái độ đón nhận của mỗi người chúng ta.

Trước hết, theo trình thuật của Tin Mừng Mt 2,1-12, Thiên Chúa đã hiện diện và tỏ mình khiêm hạ nơi một hài nhi nằm trong máng cỏ, với tất cả sự khó nghèo, cơ hàn, mà các đạo sĩ dõi theo ánh sao lạ đã tìm gặp. Từ ánh sao lạ, các ông đã nhận thấy một điều kỳ diệu về hài nhi, cho nên dù vẻ bên ngoài có nghèo hèn, tồi tàn, các ông vẫn tin đó là Vua, vẫn vào triều bái và dâng lễ vật. Theo dõi hành trình của các đạo sĩ, từ lúc khám phá ra ánh sao lạ cho đến khi gặp được Hài Nhi Giêsu, chúng ta thấy nơi hành trình ấy là một hành trình của đức tin. Khởi sự là nhận ra ánh sáng của Chúa (qua ngôi sao), rồi lên đường theo ánh sáng ấy. Vượt qua những gian nan khó khăn, thử thách thậm chí cả sự nguy hiểm đến tính mạng. Các đạo sĩ vượt đường xa trắc trở, có lúc mất ánh sáng của ngôi sao, gặp phải lòng người dối trá (Hêrôđê). Hành trình đức tin của người Kitô hữu cũng đòi hỏi chúng ta phải bỏ mình lên đường, đi theo Chúa chắc chắn sẽ phải trải qua sóng gió thử thách. Nhưng như các đạo sĩ gặp được Chúa, bái lạy và dâng lễ vật, rồi các ông được hướng dẫn theo đường khác mà về. Đích điểm của hành trình đức tin là gặp được Chúa và biến đổi cuộc đời trở nên tốt lành, thánh thiện, xứng đáng là con cái Thiên Chúa và là môn đệ của Chúa Giêsu.

Đường lối khiêm hạ luôn là đường lối mà Thiên Chúa chọn lựa để tỏ mình cho nhân loại. Chính cuộc đời Chúa Giêsu từ khi sinh ra, lớn lên ẩn dật ở Nagiarét, rồi công khai rao giảng cho đến khi gục chết nhục nhã trên thập giá đã cho thấy rõ đường lối tỏ mình của Thiên Chúa. Đường lối ấy ngày nay vẫn được Giáo Hội trung thành thực thi: khó nghèo, khiêm hạ, bất bạo động với tất cả tình yêu là những phương thế hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. Các đạo sĩ nhờ vào ánh sao lạ đã tìm đến với Chúa Giêsu. Ngày nay xã hội đang bị nhiều bóng tối bao phủ: bóng tối của chiến tranh, hận thù, của bạo lực và các tệ nạn, đã khiến nhiều người sa ngã bước vào con đường lầm lạc. Họ sẽ tìm thấy ánh sáng của Chúa ở đâu để thoát khỏi bóng tối ấy. Nếu không phải bằng gương sáng đời sống yêu thương, khiêm hạ của chính mỗi người Kitô hữu và của toàn Giáo Hội. Xin Chúa cho chúng ta ý thức trách nhiệm mang ánh sáng của niềm tin, niềm hy vọng và niềm vui trong cuộc sống đến với mọi người. Để từ ánh sáng này, họ sẽ nhận ra và đi theo ánh sáng Tin Mừng của Chúa.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Sau Lễ Hiển Linh
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
19:08 29/12/2010
Thứ hai sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Mt 4,12-17.23-25

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa yêu trần gian nên đã mang lấy thân phận con người. Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất, để phục hồi những gì đã bị thương tổn bởi tội của Adam. Chúa đến để mời gọi chúng con quay trở về với Chúa. Chúa giúp chúng con trở về với tình trạng ban đầu là tình trạng ân sủng, không bị thương tổn do tội lỗi gây ra.

Tình thương của Chúa dành cho chúng con như người mục tử tìm kiếm con chiên lạc. Chúa yêu quý chúng con hơn mọi loài đến nỗi có thể đánh đổi tất cả như người phụ nữ đã vui mừng tìm được đồng bạc đã mất. Vì Chúa đến không phải để kêu gọi người công chính mà là vì người tội lỗi. Chúa không muốn ai phải hư vong. Chúa muốn mọi người đều được hưởng sự sống bất diệt bên Chúa.

Chúng con xin cảm tạ tình thương Chúa. Xin cho chúng con biết trở về với Chúa qua hành vi sám hối. Sám hối để dừng lại những lối đường tội lỗi mà chúng con đã mở ra vì đam mê xác thịt, vì tham lam danh vọng. Sám hối để chúng con sửa chữa lại những rạn nứt của tình người mà chúng con đã gây ra. Xin giúp chúng con biết thực lòng quay trở về với Chúa. Xin cho chúng con được ơn hoán cải để thay đổi cách sống cho phù hợp với tin mừng của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là nguồn sống đời đời. Xin giúp chúng con đừng vì những đam mê thấp hèn mà xa lìa sự sống đời đời là chính Chúa. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Mc 6,34-44

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !

Tình yêu Chúa thật bao la vô bờ. Trái tim Chúa luôn nhạy cảm trước nhu cầu của nhân loại. Năm xưa Chúa đã chạnh lòng xót thương đoàn người lam lũ bơ vơ, không người chăn dắt. Chúa đã quy tụ họ lại, giảng dạy cho họ và Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ.

Lạy Chúa, chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, mà Chúa đã biến hóa nhiều thật nhiều đến nỗi phân phát đầy đủ cho trên năm ngàn người ăn no nê mà vẫn còn dư đầy. Chúa thật là Thiên Chúa, đầy quyền năng. Chúng con xin tán dương Chúa. Đây là một sự kiện chứng tỏ lòng yêu thương nhân hậu của Chúa đối với nhân loại. Chúa luôn quan tâm săn sóc cuộc sống của con người từ vật chất đến tinh thần. Những người được Chúa nuôi ăn năm xưa, là những người nghèo khổ, họ đói khát cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ nhiệt thành đi theo Chúa để nghe Chúa giảng dậy và họ được Chúa bồi dưỡng không chỉ bằng lời Chúa mà con được Chúa ban cho của ăn dư đầy.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con tin rằng, nguồn lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng con hôm nay, đó chính là Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa chính là Đấng tác tạo nên chúng con, là sức sống của chúng con, là nguồn cậy trông, là tình yêu vô bờ bến. Chúa đã hiện diện trong phép Thánh Thể để nói lên lòng Chúa yêu thương chúng con biết bao. Cũng như ngày nào năm xưa, tình yêu ấy được ban phát cho năm ngàn người đi theo Chúa, bên Chúa họ được no đầy phần hồn cũng như phần xác. Tình yêu đó vẫn tiếp tục đong đầy cho cuộc đời cho chúng con hôm nay. Xin cho chúng con được no đầy ân phúc của Chúa. Chúng con hứa sẽ cố gắng sống theo ý Chúa, và biết tìm đến với Chúa, để bên Chúa chúng con mãi mãi được no say tình Chúa như họ. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Mc 6,45-52

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã xuống thế làm người để giao hòa trời với đất. Chúa đi vào trần gian để gieo hạt giống Nước trời giữa nhân loại chúng con. Chúa đến trần gian để ban nguồn ơn cứu độ và bình an, hạnh phúc cho muôn loài thọ tạo. Xin giúp chúng con luôn vững lòng cậy trông vào Chúa dù bước đi trong những khó khăn của giòng đời.

Lạy Chúa, cuộc đời con người thường được ví như cuộc ra khơi đầy sóng gió. Con thuyền cuộc đời cứ chòng chành khiến chúng con sợ hãi muốn buông trôi theo vòng xoáy của tiền tài, danh vọng hay lạc thú. Có biết bao sự dữ bủa vây tư bề, tưởng như Chúa đã bỏ rơi chúng con. Có biết bao nỗ lực đến vô vọng trước bao nguy khốn, khiến chúng con đánh mất niềm tin nơi bản thân. Xin Chúa hãy giúp chúng con tin tưởng vào tình thương của Chúa, Một tình thương bền vững như lời Chúa đã từng nói: “cho dù cha mẹ có bỏ con, nhưng tình Chúa sẽ theo con suốt cuộc đời”. Xin giúp chúng con đừng bao giờ tuyệt vọng trước những sóng gió cuộc đời, nhưng luôn hy vọng vì một ngày mai tươi sáng mà Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, các môn đệ Chúa năm xưa đã khó nhọc khi phải chèo chống một mình. Nhưng khi có Chúa, sóng gió im lặng. Thuyền đến bến bình an. Xin cho chúng con biết nương tựa vào Chúa trong cuộc sống hôm nay. Amen

Thứ năm sau Chúa nhật lễ Chúa hiển linh

Lc 4,14-22a

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin thờ lạy và ngợi khen Chúa. Chúng con thật cảm động vô cùng, vì Chúa là một vì Thiên Chúa cao sang quyền thế, lại tự nguyện đến ở với loài người chúng con. Tự chọn cho mình một cuộc sống khó nghèo hơn chúng con. Sinh ra trong cảnh đơn nghèo và dành trọn cuộc đời sống cho người nghèo và vì người nghèo.

Hôm nay Chúa vào hội đường, không phải để rao giảng nhưng để lắng nghe lời các ngôn sứ nói lên ý định của Chúa Cha. Chúa sai tôi loan báo tin mừng cho người nghèo khó, băng bó vết thương cho những người sầu khổ, tật nguyền, loan tin mừng cứu độ đến cho muôn người. Thực vậy, Chúa đã đi vào dòng đời để cứu vớt những kẻ cơ hàn. Chúa đã dùng cuộc đời mình để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao con người khốn khổ lầm than. Chúa đã khai mở năm hồng ân để thi ân giáng phúc cho nhân loại chúng con. Chúng con xin tri ân và ngợi khen Chúa. Xin Chúa hãy giúp chúng biết bước theo chân Chúa để ra đi xây dựng cho thế giới này ngày một tốt hơn. Cho đói nghèo, dịch bệnh không còn là nỗi lo sợ trên cuộc sống của con người. Cho hoa công lý nở rộ khắp muôn nơi. Cho tình con người luôn liên kết với nhau hầu cùng nhau xây dựng thế giới này ngày một tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng, xin giúp chúng con biết sống thánh trong đời sống của mình để giới thiệu một vì Thiên Chúa thánh thiện và đầy yêu thương cho nhân thế. Xin dùng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, dẫn đưa Hội Thánh Việt Nam ra đi loan báo Tin Mừng, cách thích hợp trong thời đại mới. Xin dẫn bước chúng con trên khắp nẻo đường trần gian, để rao giảng tin mừng cứu độ bằng tất cả đời sống, và hướng cuộc lữ hành dương thế của chúng con, tiến về thành đô ánh sáng trên trời. Xin cho các môn đệ của Chúa được tỏa sáng nhờ biết yêu thương những kẻ nghèo hèn và những người bị áp bức. Xin cho họ biết liên đới với những kẻ khốn cùng và quảng đại sống đời bác ái yêu thương. Xin cho họ biết khoan dung với mọi người hầu chính họ cũng được hưởng lòng Cha tha thứ khoan dung. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Lc 5,12-16

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tình yêu. Chúa đã mang tình yêu đến để chữa lành những thương đau, tật nguyền cho nhân thế. Tình yêu Chúa đã hồi phục nhân phẩm, địa vị của những con người bất hạnh, hèn kém do đói khổ, tật nguyền. Chúng con xin dâng lên Chúa tâm hồn và thân xác chúng con. Xin Chúa thương gìn giữ hồn xác chúng con mãi vẹn tuyền.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời thường “có bệnh vái tứ phương”. Kẻ có bệnh thường hoang mang lo lắng và mong cho tìm gặp thầy gặp thuốc. Chúng con xin dâng lên Chúa những ai đang đau khổ vì bệnh tật, những ai đang thất vọng vì cơn bệnh kéo dài. Xin tình yêu Chúa chạm đến thân xác họ và ban bình an cho hết thảy những ai đang mang gánh nặng nề của bệnh tật. Xin Chúa là Đấng đến để phục hồi những gì đã hư mất, xin phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhận. Xin thương cho mọi người tìm được niềm an vui nơi lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa, những người bệnh năm xưa đã vui mừng khi được Chúa xót thương chữa lành, họ đã hết lòng ca ngợi Chúa. Xin cho chúng con biết ca ngợi Chúa mỗi ngày khi nhận ra ân huệ sự sống là quà tặng vô song mà Chúa đã tặng ban cho chúng con. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Ga 3,22-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng lớn lao vô cùng nhưng lại chọn nhập thể trong thân phận mong manh của kiếp người. Chúa là Đấng quyền uy vô cùng lại chọn sự khiêm nhường yếu đuối trong vóc dáng của hài nhi nhỏ bé. Chúa đã sống nhỏ bé, khiêm nhường để dạy chúng con biết tự hủy chính mình hầu nên một với tha nhân. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa để biết tự hủy mình đi để sống hài hòa với tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời thánh Gioan thật đẹp. Cái đẹp hệ tại là ngài ý thức mình chỉ là sự phản chiếu ánh sáng của Chúa. Tựa như ánh trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Thánh Gioan đã khiêm nhu nhận mình chẳng là gì trước mặt Chúa, và chỉ mong Chúa được lớn lên còn mình thì nhỏ bé đi. Chúa được tỏa sáng còn mình thì lu mờ đi. Xin cho chúng con cũng biết nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu làm mất vẻ đẹp của hình ảnh Chúa. Xin cho chúng con biết nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của mình để nhờ đó chúng con phản chiếu sự thánh thiện tinh tuyền của hình ảnh Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng soi dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết phản chiếu sự thánh thiện, yêu thương và bác ái trên muôn mọi nẻo đường chúng con đi. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 29/12/2010
THANG TRÈO THÀNH

N2T


Năm đầu của thời Tam quốc, Sở Huệ vương muốn khôi phục lại bá quyền của nước Sở, nên sau khi ông ta mở rộng quân đội, việc thứ nhất làm là phải công đánh nước Tống.

Hồi ấy Sở Huệ vương trọng dụng Công Thâu Ban người nước Lỗ rất giỏi nghề thợ mộc, cũng chính là Lỗ Ban. Sau khi Công Thâu Ban làm đại phu nước Sở thì giúp Sở Huệ vương thiết kế công cụ để công đánh thành trì, so với loại xe có thang thì nó còn cao hơn, nhìn thì quả thật nó cao có thể chạm đến trong mây, cho nên gọi nó là “thang mây” hoặc là “thang trèo thành”.

Tin chế tạo thang trèo thành truyền ra bên ngoài nên các nước chư hầu rất lo lắng, đặc biệt là nước Tống càng cảm thấy đại họa sắp giáng xuống trên đầu, may là lúc ấy Mặc Tử phản đối chiến tranh nên muốn đưa ra phương pháp phá hoại cái thang trèo thành, mới thuyết phục được Sở vương bỏ ý nghĩ đánh nước Tống, ngăn chặn được một cuộc chiến tranh.

(Mặc Tử, Thâu Ban)

Suy tư:

Ngày xưa, người ta biết chế tạo cái thang rất cao để trèo thành công đánh các thành trì của đối phương, đó là nhu cầu thực tế của chiến tranh, thang càng cao thì trèo thành càng dễ, công đánh thành trì có hy vọng hơn.

Ngày nay, khoa học kỷ thuật ngày càng tiên tiến, nên người ta không cần cái thang trèo thành khi chiến tranh xảy ra, nhưng người ta chế tạo vũ khi bắn trúng mục tiêu càng xa thì càng tốt, từ quốc gia này tấn công quốc gia khác mà không cần phải dùng thang trèo thành, mức độ sát hại cũng ghê gớm hơn nhiều, đó chính là những hỏa tiển liên lục địa, những hỏa tiền tầm xa tầm ngắn.v.v...

Người Ki-tô hữu có một cái thang để lên trời rất hợp với mọi thời đại, đó là chuổi Mân Côi, chuổi Mân Côi chính là cái thang siêu cao siêu xa để người Ki-tô hữu có thể lên tới trời cao, tức là thiên đàng. Cái thang ấy chính Đức Mẹ Maria đã ban cho loài người để cứu các tội nhân khỏi trầm luân trong hỏa ngục, cải hóa người tội lỗi trở về với Chúa, thánh hóa bản thân mình và cứu thế giới khỏi những tai họa xảy ra...

Chuổi Mân Côi chính là cái thang siêu cao siêu xa rất hợp với mọi thời đại, người Ki-tô hữu ai đã dùng nó thì thấy công hiệu thật phi thường, và ma quỷ luôn tháo chạy rút lui khi nghe người Ki-tô hữu lần chuổi Mân côi.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:15 29/12/2010
N2T


11. Chỉ có nhớ đến tội lỗi thì mới có thể làm cho con người thêm khiêm tốn, và từ khiêm tốn mới có thể được phục hồi sự giao hảo với Thiên Chúa nhân từ, trở thành người công chính.

(Thánh Kessog)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mừng Chúa Giáng Sinh trên quê hương Đất Thánh Bếthlelem
Dominic David Trần
07:52 29/12/2010
BETHLEHEM, trên lãnh thổ Palestine ngày 24/12/2010 trong hình chụp của Thông Tấn Xã AFP-AP cho thấy một bé gái đang thắp một ngọn nến trong Nhà Thờ Chúa Giáng Sinh (Church of the Nativity) nơi mà mọi tín hữu Thiên Chúa Giáo đều đã tin rằng đó là nơi Đức Chúa Giêsu KiTô đã giáng sinh xuống trần gian. Nhà Thờ này nằm trong Thành phố Bếthlehem thuộc về lãnh thổ Tây Ngạn.

Trong ngày Lễ Vọng Giáng Sinh, Thứ Sáu 24/12/2010 nơi nơi trên Thánh Điạ đã chuẩn bị để đón mừng Chúa Giáng Sinh. Hàng mấy chục ngàn khách du lịch, tín hữu và Giáo sĩ Tu sĩ đã tập hợp tại thành phố để long trọng cử hành Lễ Vọng Chúa Giáng sinh.

Các Ban Nhạc của Nam Hướng Đạo Sinh đã cử hành lễ nhạc tại Công Trường Máng Cỏ vốn nằm ngay bên ngoài cửa Nhà Thờ Chúa Giáng Sinh. Theo truyền thống của mọi tín hữu Thiên Chúa Giáo xác định đây chính là nơi Đức Chúa Giêsu đã giáng sinh và được đặt nằm trên máng cỏ của một chuồng bò và ngựa cách đây hơn 2000 năm. Trong khi các tín hữu và khách hành hương kính cẩn nguyện kinh và thắp nến bên trong Nhà Thờ Chúa Giáng Sinh thì các cảnh sát viên người Palestine phải triển khai lực lượng tuần phòng quanh Thành phố Bếthlehem để gìn giữ hoà bình chung quanh Thánh Địa này.

"Đây chính là nơi Đức Chúa Giêsu đã Giáng Sinh và từ nơi đây Chúa đã bước vào thế giới người phàm và cùng chia xẻ thân phận con người của chúng ta. Bởi vậy tôi muốn đến chính tận nơi đây để nguyện cầu và theo chân Chúa Giêsu KiTô từ nơi đây bước đi vào thế giới loài người." Đó là lời tuyên bố của bà Mary Healy, một tín hữu du khách từ thành phố Independence thuộc tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ người đã có bốn lần đến viếng thăm Thánh Địa Bếthlehem.

Vị giáo sĩ cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo Rôma tại Thánh Địa đã đến Bếthlehem trong cuộc rước theo truyền thống từ Giêrusalem ngay sau giữa buổi trưa. Thượng Phụ Giáo Chủ LaTinh Fouad Twal sau đó đã long trọng cử hành Thánh Lễ Nửa Đêm tại Nhà Thờ Chúa Giáng Sinh là Đại Lễ cao điểm của các

ngày nghỉ và lễ hội trong Vùng Thánh Địa.

Ngay khi bước chân vào Thánh Địa Bếthlehem, Đức Thượng Phụ Twal đã bày tỏ các ước muốn theo truyền thống của ngài là cầu xin cho " Hòa Bình, Yêu Thương và Hiệp Nhất giữa chúng ta".

Thế nhưng vì Đại Lễ Mừng Giáng Sinh được cử hành trong một ngày mùa đông ấm áp một cách trái mùa khác thường, khi mà nhiệt độ ngoài trời leo gần đến 20 độ Celcius, nên Đức Thượng Phụ đã thêm vào ý cầu nguyện thứ tư vào trong ước nguyện, " mong mọi người hiệp ý kính xin Thiên Chúa thương ban cho Thánh Địa có mùa Đông, có thêm nhiều cơn mưa bên cạnh các ước nguyện Hòa Bình, Công Lý và Nhân Phẩm cho mọi người."

Những cơn mưa thu và ngày đông gía rét tại Thánh Địa như thường lệ trong vùng Thánh Địa gần đây đã trở thành mùa thu ấm và khô hanh - hiện gây thêm các nỗi e sợ rằng đại hạn sẽ làm cho tình hình các khu vực thiếu nước, cháy rừng, khô hạn lại càng thêm xấu hơn trong năm 2011 sắp tới.

Sau những tuần lễ liên lỉ cầu nguyện trước đây; theo lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ và các vị lãnh đạo tôn giáo khác trong vùng Đất Thánh; tuần trước mới chỉ có một cơn mưa nhỏ rơi xuống.

Đức Thượng Phụ LaTinh Fouad Twal, vị đại diện Giáo Hội Công Giáo Rôma tại Thánh Địa, khoác bộ phẩm phục màu tím hồng và đội mũ trắng hồng tím; đã vẫy tay chào mừng một đám rất đông các tín hữu hành hương, các giáo sĩ tu sĩ và cư dân vùng Thánh Địa đang đứng chờ ngài bước qua Công Trường Máng Cỏ bước vào Nhà Thờ Chúa Giáng Sinh.

Vì tình hình xung đột bằng bạo lực giữa Do Thái và Palestine giảm xuống rất nhiều trong thời gian qua; cho nên số lượng du khách đến thăm viếng Thánh Địa trong những năm gần đây đã tăng lên một cách đều đặn và 2750 phòng của khách sạn trong Bethlehem đã hầu như chắc chắn được du khách giữ chỗ cho cả tuần Lễ Giáng Sinh. Hiện nay có nhiều khách sạn đang được xây cất và chờ hoàn thành.

Đã có chừng 90,000 du khách đến kính viếng Thành phố Bếthlehem suốt trong mùa Giáng Sinh năm nay, vượt qua mức 70,000 du khách của năm ngoái; theo như số liệu ước lượng của Chính phủ Do Thái. Phần lớn du khách đến Bếthlehem từ vùng lân cận Giêrusalem.

Nhưng những cuộc chiến đẫm máu đã để lại vết hằn thù chiến tranh của nó trên Thánh Địa. Các du khách muốn đến thăm Thành Phố Bếthlehem bắt buộc phải bước qua một cổng sắt khổng lồ được người Do Thái dựng nên để dùng làm cánh cổng biên giới ngăn cách giữa Giêrusalem và Bếthlehem trong một làn sóng tấn công của người Palestine vào bên trong lãnh thổ Do Thái.

Ngay khi đang bước qua cánh cửa ghi dấu hận thù này, Đức Thượng Phụ LaTinh Twal đã tuyên bố rằng; "các tín hữu Thiên Chúa Giáo chỉ chiếm đúng bằng 2% dân số Palestine nhưng đã phải chịu đựng thống khổ ở cùng mức và có khi phải đau đớn nhiều hơn so với những người Paestine theo đạo Hồi giáo." Ngài nói thêm; " Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người chúng ta. Nếu Thiên Chúa muốn, Chúa sẽ ban cho chúng ta một hình ảnh cao qúy để cho thế giới đang thao thức tìm kiếm sự hiệp nhất, tình yêu, hy vọng và chính trực. "

Không khí vui mừng của ngày Đại Lễ Giáng Sinh tuy vậy cũng bị giảm đi một chút ít khi các cơ quan thẩm quyền Do Thái tuyên bố là có 2 người khách hành hương quốc tịch Ý đã bị chết ngay trong buổi chiều ngày Thứ Sáu 24/12 khi xe hơi của họ đâm vào một trụ điện đường gần khu vực biển Galilê ở miền Bắc Do Thái. Lại có thêm 3 người phụ nữ quốc tịch Ý ở độ tuổi 50 đang đi xe vào Thánh Địa để mừng Đại Lễ Giáng Sinh cũng phải vào bệnh viện. Zaki Heller, phát ngôn viên của Cơ quan Cấp Cứu Do Thái đã tuyên bố như trên.
 
Tên các tư tế Ai cập khắc trên bình gốm
Trầm Thiên Thu
09:46 29/12/2010
AI CẬP - Hội đồng tối cao cổ vật Ai cập (SCA - Egypt's Supreme Council of Antiquities) cho biết: Những mảnh gốm cho thấy vài chục tên các tư tế Ai cập đã phục vụ tại đền thờ thần cá sấu.

Những chữ khắc cho thấy từ thời đế quốc Rôma, những mảnh gốm nhỏ được các nhà khảo cổ Ý phát hiện ở phía Tây đền thờ thần cá sấu Soknopaios tại Soknopaiou Nesos, một ngôi làng Ai cập ở đảo Fayoum.

Gọi là ostraca do tiếng Ai cập là ostrakon (nghĩa là “vỏ sò”), những mảnh bình có khắc chữ “rất hữu ích trong việc giải thích việc thực hành tôn giáo và khoa nghiên cứu chữ Ai cập kiểu Hy La”.

Mario Capasso, giáo sư khoa nghiên cứu văn bản trên giấy cói (Papyrology) thuộc ĐH Salento, nói: “Chúng tôi thấy 150 ostraca. Đa số được khắc tên các tư tế đã phục vụ tại đền thờ. Có một tên là Satabous”. Theo GS Capasso, người cùng hướng dẫn khai quật với GS Paola Davoli, GS phụ giảng khoa Ai cập học tại ĐH Salento, mỗi ostraca được dùng trong một loại thùng để xác định chức vụ tôn giáo trong đền thờ.

Được thành lập bởi vua Ptolemy II Philadelphus (309–246 TCN) vào khoảng năm 250 TCN, tại Soknopaiou Nesos, “đảo Soknopaios”, các học giả biết đó là nơi nổi tiếng về giấy cói (papyri) và các vật liệu khắc khác.

Có người ở khoảng 5 thế kỷ, nơi này đạt tới đỉnh cao hồi thế kỷ I và II (sau CN) nhờ con đường buôn bán lớn. Nó bị bỏ hoang từ giữa thế kỷ III (sau CN). Các ostraca được lưu trữ tại một sân ở trước đền Soknopaios.\



(Theo Discovery News)
 
ĐTC: Luôn để cho Thiên Chúa hướng dẫn và nắm chặt lấy tay Chúa mà tiến bước
Linh Tiến Khải
15:58 29/12/2010
Luôn luôn để cho Thiên Chúa hướng dẫn, cả thường khi không tương ứng với các chương trình của chúng ta. Hãy tín thác nơi sự Quan Phòng của Thiên Chúa và nắm chặt lấy tay Người mà tiến bước. Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta một mình.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời khích lệ như trên trước 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến cuối cùng trong năm 2010, trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 29-12-2010.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một thánh nữ sống vào thế kỷ XV, nhưng ít được biết đến: đó là thánh nữ Caterina thành Bologna, một phụ nữ có nền văn hóa sâu rộng, nhưng rất khiêm tốn, chuyên chăm cầu nguyện, luôn sẵn sàng phục vụ, quảng đại trong hy sinh và tràn đầy niềm vui trong việc đón nhận thập giá với Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói về tiểu sử của thánh nữ như sau: Sinh tại Bologna ngày mùng 8 tháng 9 năm 1413, thánh nữ là con gái đầu lòng của bà Benvenuta Mammolini và ông Giovanni de' Vigri, một qúy tộc giầu có và học thức vùng Ferrara, Tiến sĩ luật và là giảng sư tại Padova, nơi ông hành nghề ngoại giao cho Bá tước Ferrara là Niccolò III d' Este. Hồi còn bé Caterina sống trong nhà ông bà tại Bologna, và được giáo duc bởi các người thân, nhất là thân mẫu một phụ nữ có đức tin rất mạnh mẽ. Năm lên 10 tuổi Caterina cùng mẹ về sống tại Ferrara, và được đưa vào trong nhà của bá tước Niccolò III d'Este như là nữ tiểu đồng cho Margherita là con gái ngoại hôn của bá tước. Niccolò III là người có cuộc sống cá nhân không gương mẫu, nhưng lại rất biết lo lắng cho ích lợi tinh thần, luân lý và việc giáo dục dân chúng.

Caterina không bị ảnh hưởng của cuộc sống giầu sang, nhưng lại trở thành bạn tâm tình của Margherita và làm giầu cho gia tài văn hóa của mình. Cô học nhạc, hội họa, vũ, tập làm thơ và sáng tác văn chương, chơi vĩ cầm và trở thành chuyên môn trong nghệ thuật tiểu họa và mô phỏng, cũng như học tiếng Latinh. Caterina học mọi sự một cách dễ dàng, say mê và kiên trì, nhưng lại có cung cách hành xử rất thận trọng, khiếm tốn, duyên dáng và lich thiệp. Cô có một đặc tính ngoại thường đó là tâm trí luôn hướng về các sự trên trới. Năm 1427 khi mới 14 tuổi, sau vài biến cố xảy ra trong gia đình, Caterina quyết định bỏ cuộc sống sang trọng để gia nhập nhóm phụ nữ trẻ thuộc các gia đình quyền qúy chung sống đời tận hiến cho Thiên Chúa. Tuy có các dự tính khác cho con gái, nhưng thân mẫu Caterina ưng thuận sự lựa chọn của con với đức tin.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: chúng ta không biết cuộc sống thiêng liêng trước đó của Caterina. Bút tích của chị cho biết chị ”được ơn thánh soi sáng bước vào việc phục vụ Thiên Chúa, với lương tâm ngay thẳng và lòng nhiệt thành lớn lao, được khích lệ cầu nguyện đêm ngày, và dấn thân chinh phục mọi nhân đức mà chị nhận thấy nơi người khác, không vì ghen tương, nhưng để làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là Đấng chị trao đặt hoàn toàn tình yêu của chị” (Le sette armi spirituali, VII, 8, Bologna 1998, tr.12). Giai đoạn sống mới này của chị có nhiều tiến bộ thiêng liêng, nhưng cũng có nhiếu thử thách khổ đau nội tâm và nhất là các cám dỗ của ma qủy. Chị trải qua đêm đen đức tin đến như tuyệt vọng (ibid., VII, tr.12-29), và bị cám dỗ không tin vào Thánh Thể. Nhưng sau bao nhiều thử thách, Chúa an ủi chị bằng cách cho chị một thị kiến giúp hiểu sự hiện diện thật sự của Ngài trong bí tích Thánh Thể, một sự hiểu biết mà chị không thể diễn tả ra được bằng lời nói (ibid., VIII, 2,tr.42-46). Cũng trong cùng thời gian này cộng đoàn bị chia rẽ vì có người muốn theo linh đạo của thánh Agostino, người khác lại muốn theo linh đạo của thánh Phanxicô.

Giữa năm 1429-1430 chị phụ trách nhóm là Lucia Mascheroni quyết định thành lập đan viện Agostino, trong khi Caterina với các chị khác chọn sống theo luật của thánh nữ Clara thành Assisi. Vì ở gần nhà thờ Chúa Thánh Thần cạnh tu viện của các tu sĩ dòng Phanxicô nên các chị có thể thường xuyên tham dự các lễ nghi phụng vụ cũng như được trợ giúp về mặt thiêng liêng. Các chị cũng được nghe thánh Bernardino thành Siena giảng (ibid., VII, 62,tr..26). Chính trong năm 1429 Caterina sống kinh nghiệm đi xưng tội xin Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi và được thị kiến Chúa tha hết mọi tội cho chị. Kinh nghiệm này khích lệ chị vươn lên để quảng đại đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa (ibid., IX,2, tr.46-48).

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn du: Năm 1431 Caterina được thị kiến cảnh phán xét sau hết. Cảnh các người bị trầm luân khiến cho chị gia tăng các lời cầu nguyện và hy sinh hãm mình để cứu các kẻ tội lỗi. Ma qủy tiếp tuc tấn công chị, nhưng chị lại càng hoàn toàn phó thác mình cho Chúa và Đức Trinh Nữ Maria hơn (ibid., X,3, tr.53-54). Chị kể lại trận chiến đấu đó để dậy dỗ các chị em khác và những người muốn bước theo con đường hoàn thiện, và muốn họ đề phòng các cám dỗ của ma qủy thường ẩn nấp sau các dáng vẻ lừa dối để khơi dậy các nghi ngờ về đức tin, không chắc chắn về ơn gọi và tình dục.

Đề cập tới tác phẩm tự thuật và giáo huấn của chị mang tựa đề ”Bẩy khí giới tinh thần”, chứa đựng các giáo huấn rất khôn ngoan và có óc phân định sâu xa Đức Thánh Cha nói:

Từ bút tích của chị tỏa ra sự trong trắng niềm tin của chị nơi Thiên Chúa, sự khiêm nhường sâu xa, sự đơn sơ của con tim, nhiệt huyết truyền giáo, nỗi đam mê đối với ơn cứu rỗi của các linh hồn. Chị nhận diện 7 khí giới trong cuộc giao đấu chống lại sự dữ, chống lại ma qủy: thứ nhất là chăm chỉ lo lắng làm việc thiện; thứ hai, tin rằng một mình chúng ta sẽ không bao giờ làm được điều gì thật sự tốt lành; thứ ba, tín thác nơi Thiên Chúa, và vì tình yêu Người, không bao giờ sợ hãi chiến đấu chống lại sự dữ, trong thế giới cũng như trong chính con người chúng ta; thứ bốn, thường xuyên suy niệm các biến cố và các lời nói của Chúa Giêsu, nhất là cuộc khổ nạn và cái chết của Người; thứ năm, luôn nhớ rằng chúng ta phải chết; thứ sáu, khắc ghi trong ký ức các hạnh phúc của thiêng đàng; thứ bẩy, quen thuộc với Thánh Kinh, luôn mang Thánh Kinh trong tim để nó hướng dẫn mọi tư tưởng và hành đông của mình. Thật là một chương trình sống tốt đẹp, đối với cả chúng ta ngày nay nữa!

Tuy quen với nếp sống giầu sang trước kia, nhưng trong tu viện Caterina làm những việc khiêm hạ nhất như giặt giũ, nấu bếp, làm bánh, và chăm sóc súc vật. Chi chu toàn mọi sự, kể cả những việc khiêm hạ nhất, với tình yêu thương và sự vâng lời mau chóng, nêu gương sáng cho các chị em khác. Theo chị không vâng lời là sự kiêu căng tinh thần tiêu diệt mọi nhân đức khác. Vì vâng lời, chị nhận làm giáo tập. Sau đó chị giữ nhiệm vụ canh cổng, khiến chị thường phải ngưng cầu nguyện để trả lời cho những ai tới gọi cổng tu viện. Đối với chị tu viện là nơi cầu nguyện, hy sinh, thinh lặng, vất vả và tươi vui. Khi viện mẫu qua đời, các bề trên nghĩ ngay đến chị, nhưng chị xin các vị mời các nữ tu Clarist tỉnh Mantova hiểu biết các hiến pháp và quy luật hơn. Năm 1456 dan viện được yêu cầu mở một nhà tại Bologna. Chị Caterina vâng lời nhận nhiệm vụ viện mẫu tu viện mới với 18 nữ tu và nệu gương cho chi em trong cuộc đời đan tu.

Chị Caterina được ơn chia sẻ các khổ đau của Chúa Kitô bằng cách thanh thản đương đầu với mọi khó khăn, lo lắng, bị khinh khi và hiểu lầm. Vào đầu năm 1463 các tật nguyền gia tăng, chị quy tụ các nữ tu lại để báo cho họ biết chị sắp qua đời và xin họ trung thành tuân giữ luật lệ. Sau khi lãnh các bí tích cuối cùng, chị trao cho cha

giải tội cuốn ”Bẩy khí giới tinh thần” và bắt đầu hấp hối: mặt chị xinh đẹp và rạng rỡ. Chị trìu mến nhìn các chị em bao quanh, gọi tên Chúa Giêsu ba lần và êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày mùng 9 tháng 3 năm 1463. Chi Caterina sẽ được Đức giáo Hoàng Clemente XI tôn phong hiển thánh ngày 22 tháng 5 năm 1712. Nhà nguyện cảu tu viện Mình Chúa Kitô tại Bologna còn giữ thi hài không hư nát của chị.

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, với lời nói và cuộc sống của mình, thánh nữ Caterina thành Bologna mạnh mẽ mời gọi chúng ta luôn luôn để cho Thiên Chúa hướng dẫn, cả thường khi không tương ứng với các chương trình của chúng ta; tín thác nơi sự Quan Phòng của Thiên Chúa là Đấng không bao giờ bỏ chúng ta một mình. Trong viễn tượng đó, dù sống xa chúng ta nhiều thế kỷ thánh nữ Caterina rất tân tiến và nói với cuộc sống chúng ta. Cũng như chúng ta, thánh nữ đau khổ vì bị cám dỗ, đau khổ vì bị cám dỗ không tin, bi cám dỗ về tình dục, và phải chiến dấu khó khăn trên con đường thiêng liêng, cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi, và sống trong đêm tối đức tin. Nhưng trong mọi cám dỗ đó thánh nữ luôn cầm tay Chúa, không rời Ngài và không bỏ Ngài. Thánh nữ cũng nói với chúng ta rằng hãy can đảm lên, cả trong đêm đen của đức tin, cả trong các nghi ngờ có thể xảy ra, đừng rời bàn tay Chúa, hãy bước đi trong tay trong tay Chúa và tin vào lòng lành của Thiên Chúa.

Còn có một khía cạnh khác trong cuộc đời của thánh nữ: đó là sự khiêm nhường sâu xa: chị là một người không muốn là ai hay là cái gì đó; không muốn lộ diện, không muốn cai quản. Chị muốn phục vụ, thi hành ý muốn của Thiên Chúa, phụng sự người khác. Nhưng chính ở điểm này thánh nữ Caterina đáng tin cậy trong quyền bính, bởi vì người ta có thế thấy rằng đối với chị quyền bính chính là phục vụ tha nhân.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài cầu chúc giới trẻ luôn biết bước đi trên con đường khiêm nhường, mà con Thiên Chúa đã chọn cho mình khi đến trần gian. Đức Thánh Cha mong các anh chị em đau yếu có thể tìm thấy niềm ao ủi nơi sự hiện diện của Chúa, đặc biệt trong những lúc khó khăn. Ngài xin cho các cặp vợ chồng mới cưới luôn được hướng dẫn bởi gương sống của Thánh Gia và được Thánh Gia bầu cử.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Top Stories
Cattolici critici per la presenza del presidente vietnamita alle conclusioni del Giubileo
Asia-News
07:44 29/12/2010
Nguyen Minh Triet è noto per le sue posizioni a favore dell’aborto e responsabile delle violazioni alla libertà religiosa. In passato nessuna autorità civile ha mai parlato in cerimonie religiose. “Come mai l’ateo Triet può dare ‘un’omelia’ in una messa?”. Strumentalizzate le parole del papa per esigere la sottomissione dei vescovi al regime.

Hue (AsiaNews) – La diocesi di Hue ha annunciato che alle cerimonie conclusive del Giubileo della Chiesa vietnamita sarà presente anche Nguyen Minh Triet, presidente della Repubblica del Vietnam. Secondo i media statali egli prenderà la parola e terrà un discorso, insieme ad altri vescovi e allo stesso legato papale, card. Ivan Dias, prefetto della Congregazione per l’evangelizzazione dei popoli.

Proprio ieri la Sala stampa vaticana ha pubblicato la lettera di Benedetto XVI al card. Dias in cui lo nomina inviato speciale per le celebrazioni. Il Giubileo è iniziato il 24 novembre 2009, festa dei martiri vietnamiti, e si concluderà il 4-6 gennaio 2011 al santuario mariano nazionale di La Vang (v. foto). L’anno dei festeggiamenti ricorda i 350 anni dalla fondazione del primo vicariato apostolico in Vietnam e i 50 anni dalla istituzione della gerarchia della Chiesa locale.

Molti cattolici vietnamiti, in patria e all’estero, sono però rattristati che a una cerimonia religiosa prenda la parola il presidente, noto per la sua sfida ai principi morali della Chiesa cattolica (v. aborto). Inoltre, essi vedono il presidente come responsabile di tutte le violazioni alla libertà religiosa che avvengono nel Paese: espropri di terreni, parrocchie e monasteri; violenze fisiche contro i cristiani; manipolazioni delle nomine episcopali.

Alcuni siti internet cattolici ricordano che in passato nessun leader del Sud Vietnam (come Ngo Dinh Diem o Nguyen Van Thieu, entrambi cattolici) hanno mai preteso di parlare alle cerimonie pubbliche. “Come mai – si chiede un sito – l’ateo Triet può dare ‘un’omelia’ in una messa?”.

Il sospetto di alcuni è che l’invito a Triet viene dalle pressioni del cosiddetto “Comitato cattolico di solidarietà del Vietnam”, l’organizzazione nata nel ’75, incaricato di stabilire una Chiesa indipendente.

Per ora non si conosce il contenuto del discorso di Triet, ma i cattolici temono che egli sfrutterà la frase che Benedetto XVI ha pronunciato il 27 giugno 2009, in occasione della visita ad limina dei vescovi vietnamiti. In essa il papa affermava che “un buon cattolico è un buon cittadino”. Stralciata dal suo contesto, la frase è stata usata spesso in questi due anni per esigere dai vescovi e dai fedeli una completa sottomissione alle autorità del regime.

Nella lettera al card. Dias, il papa esprime soddisfazione per l’impegno della Chiesa vietnamita nell’evangelizzazione del Paese, che è capace di portare anche un maggiore sviluppo a tutto il popolo.
 
Catholics criticise presence of Vietnamese President at conclusion of Jubilee Year
Asia-News
07:45 29/12/2010
Nguyen Minh Triet is known for his pro-abortion positions and responsible for violations of religious freedom. In the past, no civil authority has ever spoken in religious ceremonies. "Why can the atheist Triet give a 'sermon' in a mass?". Manipulated the words of the pope to demand the submission of the bishops to the regime.

Hue (AsiaNews) - The diocese of Hue has announced that Nguyen Minh Triet, President of the Socialist Republic of Vietnam, will attend the closing ceremony of the Jubilee Year of the Church of Vietnam. According to state media he will speak and deliver an address, along with other bishops and the papal legate, Cardinal. Ivan Dias, prefect of the Congregation for the Evangelization of Peoples.

Just yesterday, the Vatican press office released a letter from Benedict XVI to Cardinal. Dias where he was appointed him special envoy to the celebrations. The Jubilee Year began November 24, 2009, the feast of Vietnamese martyrs, and will end on January 4 -6, 2011 at the national shrine of La Vang (see photo). The year of celebration recalls the 350 years since the foundation of the Apostolic Vicariate in Vietnam and 50 years since the establishment of the local Church hierarchy.

Vietnamese Catholics both at home and abroad alike have expressed their shock and sadness to the honour the archdiocese has granted to a person who always acts in defiance of the Church’s fundamental moral principles. (see Abortion). Moreover, they see the president as responsible for all violations of religious freedom occurring in the country: expropriation of land, parishes and monasteries, physical violence against Christians; manipulation of Episcopal appointments.

Some Catholic websites recall that in the past no leader of South Vietnam (such as Ngo Dinh Diem and Nguyen Van Thieu, both Catholics) have ever claimed to speak at public ceremonies. "Why - asks one website – is the atheist Triet being allowed to give a 'sermon' in a mass?".

The suspicion of some is that the invitation to Triet is the result of pressures from the " Catholic Committee of Solidarity in Vietnam”, the organization founded in '75, in charge of establishing an independent Church.

For now, the content of Triet’s speech is unknown, but Catholics fear that he will use the phrase that Benedict XVI expressed in June 27, 2009, during the Ad Limina visit of the Vietnamese bishops. In his discourse the pope said that "a good Catholic is a good citizen." Severed from its context, the phrase has often been used in these two years to demand the bishops and faithful complete submission to the authorities of the regime.

In the letter to Card. Dias, Pope Benedict welcomes the commitment of the Vietnamese Church in the evangelization of the country, which is capable of bringing greater development to the whole people.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Đoàn CGVN tại Tiệp Khắc Đại hội kỵ 5 Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh
Trương Đình Danh
08:00 29/12/2010
TIỆP KHẮC - Như “ đến hẹn lại lên „ hàng năm cứ vào dịp lễ Giáng Sinh về là tất cả anh chị em Công Giáo Việt Nam trên toàn lãnh thổ Cộng Hòa Tiệp lại nô nức trở về thủ đô Praha để tham dự Đại Hội mừng lễ Chúa Giáng Sinh.

Xem hình ảnh

Năm nay Đại Hội được tổ chức tại Hotel OLŠANSKA- ŽIŽKOV – PRAHA 3 Từ chiều ngày 24 đến chiều 26. 12. 2010. Bao nhiêu ngày mong đợi và thao thức, anh chi em Công Giáo Việt Nam đã hội ngộ tại Hotel trong bầu không khí ấm áp của tình người, hỏi thăm nhau, hăng hái cùng giúp Ban Tổ Chức những phần việc còn lại và đó cũng là dấu chỉ của sự đoàn kết, là sức mạnh thành công mà Đại Hội mong muốn với chủ đề Thiên Chúa Là Tình Yêu (Ga I 4;8)

Tối 24 là lúc mà tất cả mọi người cùng nhau ôn lại Mầu Nhiệm Chúa Giáng Sinh, qua các hoạt cảnh, qua lời trích dẫn từ Kinh Thánh, ngay từ buổi đầu của tội Nguyên Tổ, và tội lỗi của loài người qua hoạt cảnh (Cain giết Aben) đức tin mạnh mẽ của tổ Phụ Abraham qua Hoạt cảnh (Abraham hiến tế Isaac) cho đến khi lời hứa được thực hiện qua hoạt cảnh (Truyền Tin). Tất cả như lắng đọng lại, khoảnh khắc trang nghiêm và suy niệm trở về Cửu ước.

Sáng 25 Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh và là ngày trọng tâm của Đại Hội, sau Thánh lễ là các giờ hội thảo chung, năm nay cũng quy tụ được hơn ba trăm người tham dự, và trong số đó cũng có người không cùng tín ngưỡng. Nhưng các giờ hội thảo vẫn hòa chung trong tinh thần xây dựng và rất sôi nổi.

Tối đến là chương trình văn nghệ mừng Đại Hội, những nghệ sĩ không chuyên, ca sĩ nghiệp dư, nhưng cũng làm cho khán giả một đêm thư giản thoải mái, qua các giọng ca, bản nhạc hòa tấu, màn trình diễn thời trang Giáng Sinh đặc biệt và qua hài kịch (giáo sư Củ chuối,…)

Ngày 26 ngày bế mạc Đại Hội Liên Cộng Đoàn vinh dự được đón tiếp đức Hồng Y Miloslav Vlk đến tham dự và chủ tế thánh lễ bế mạc. Trong bài giảng Ngài cũng khen ngợi tình thần sống đạo của toàn thể anh chị em Công Giáo Việt Nam Ngài nói: “ Anh chị em đã tổ chức một thánh lễ thật long trọng với nhiều màu sắc rực rở, có quy mô mà các Giáo Xứ của chúng tôi khó có thể làm được…”. và Ngài cũng nhắn nhủ tới mỗi người là “ Khi chúng ta kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh không phải là để nhớ lại những biến cố đã qua 2000 năm, mà chúng ta nên sống trong tâm tình đón Chúa Giáng Sinh trong tâm hồn chúng ta mỗi ngày, trong suốt cả năm… „.

Kỳ Đại Hội V đã khép lại, nhưng thiết nghĩ còn đọng lai trong mỗi người dư âm và hy vọng rằng mỗi người khi trở về với công việc thường ngày biết đem tinh thần của Đại Hội sống và làm chứng cho Đức Tin. Hẹn gặp lai anh chị em trong Đại Hội kỳ tới.
 
Lễ thánh Gioan tông đồ tại giáo họ Trại Ngà thuộc giáo phận Bắc Ninh
Peter Nguyen,OP
08:23 29/12/2010
TRẠI NGÀ: Vào lúc 9 giờ ngày 27.12.2010, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc ninh đến dâng thánh lễ mừng kính thánh Gioan tông đồ bổn mạng giáo họ Trại Ngà thuộc giáo xứ Xuân Hòa, giáo phận Bắc ninh. Trước khi bắt đầu thánh lễ đức cha đã cử hành nghi thức làm phép tượng đài Đức Mẹ và làm phép chuông.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, chỉ ngay sau niềm vui của ngày lễ Giáng sinh, giáo họ nhỏ bé Trại Ngà lại vinh dự được đón đức cha, quí cha, quí nam nữ tu sĩ và đông đảo quí khách từ các giáo họ và giáo xứ lân cận. Hôm nay cũng là dịp để toàn thể giáo dân có dịp tạ ơn Thiên Chúa về muôn ơn lành Chúa đã ban cho giáo họ. Một giáo họ tưởng chừng đã chết nay đã hồi sinh, mà hồi sinh mạnh mẽ.

Xem hình ảnh

Giáo họ Trại Ngà hiện nay có 75 nhân danh, thuộc giáo xứ Xuân Hòa. Trước năm 1954, Trại Ngà là một họ đạo sầm uất có nhà cha, nhà Mụ Đaminh, có nhà giáo lý, và nhà thờ được xây dựng năm 1927. Sau biến cố lịch sử 1954, đa số giáo dân Trại Ngài di cư vào niềm Nam, ở lại giáo họ lúc đó chỉ còn có 4 gia đình. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc gìn giữ và sinh hoạt đức tin, thậm chí cuối thập niên 70 và thập niên 80 giáo dân còn không được đến nhà thờ, và các công trình nhà cha, nhà giáo lý, nhà Mụ đều bị trưng thu và nhà thờ đã có lúc bị biến thành nhà kho hợp tác xã. Giáo dân thì ít, với những thử thách đức tin tưởng chừng giáo họ không còn tồn tại nữa. Nhưng bốn gia đình nhỏ bé này vẫn âm thầm cầu nguyện, và can đảm kiên trì đấu tranh để gìn giữ và đòi lại nơi thờ phượng. Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương giáo họ Trại Ngà vì Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng ai có lòng yêu mến Chúa bao giờ. Cuối cùng, nhà thờ của giáo còn tồn tại cho đến ngày hôm này và giáo họ vẫn giữ được một ít đất đai của nhà thờ.

Năm 2008 dân họ bắt đầu đại trùng tu nhà thờ đã bị hư hỏng nặng, đầu năm 2009 tiến hành xây tháp chuông và năm 2010 xây Đài Đức Mẹ, đến nay cả ba công trinh trên đã hoàn thành.

Trong thời kinh tế phát triển, giáo họ Trại Ngà sống ngay kề thành phố Bắc Ninh, kinh tế đi lên, đời sống đạo cũng có nhiều ảnh hưởng nhiều. Xung quanh giáo họ đã có các trường cao đẳng, các khu công nghiệp mọc lên, bởi vậy giáo dân góp phần đón tiếp và phục vụ những người di dân đến đây học tập và làm ăn, trong đó có rất đông người Công giáo. Cũng vậy, nhờ vào những người di dân Công giáo mà giáo họ Trại Ngà trở nên trung tâm sinh hoạt tôn giáo và đời sống tôn giáo của giáo họ phát triển rất nhanh. Thật vui mừng vì đời sống đức tin một ngày một đi lên của giáo họ Trại Ngà.

Dưới đây là bài cám ơn của vị đại diện giáo họ:

Ngày lễ bổn mạng hôm nay thật là một ngày hồng phúc với giáo họ Trại Ngà, một giáo họ nhỏ bé về con số và còn yếu kém về nhiều mặt. Nhưng trong tâm tình mục tử nhân lành, đức cha vẫn ưu ái nâng đỡ giáo họ. Cho dù trong dịp đại lễ Giáng Sinh đức cha rất bận rộn và vất vả nhưng hôm nay đức cha vẫn hiện diện để dâng lễ lễ bổn mạng cho giáo họ, không những vậy ngài còn làm phép đài Đức Mẹ và làm phép chuông.

Hôm nay quả là một ngày trọng đại của giáo họ Trại Ngà nhỏ bé “Xưa nay hiếm” được đức cha, quí cha, quí nam nữ tu sĩ và đông đảo các thành phần tham dự như vậy. Tạ ơn Chúa đã ban cho họ giáo chúng con hồi sinh trong đức tin. Tất cả mọi điều Thiên Chúa đã làm cho giáo họ Trại Ngà, chúng con xin mượn lời Thánh vịnh để ca tụng Ngài:

Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (TV 136)

Giờ đây, nhờ tiếng chuông thúc giục, nhờ cậy vào lời cầu khấn quyền thế của Đức Maria, chúng con tin tưởng đời sống tôn giáo, đời sống đức tin của chúng con sẽ thêm vững chắc và thăng tiến.

Kết thúc thánh lễ,đức cha chúc mừng Giáng Sinh và năm mới 2011 tới dân họ, tới quí khách và quí ân nhân. Ngài nói chúng ta cần phải xóa bỏ đi những vết tích làm đau thương lòng người và phải xây dựng cuộc sống bằng tình thương, tình bác ái, tình nhân loại và hãy chung sống hòa bình với nhau.

Sau thánh lễ, tất cả quý khách cùng chung vui bữa cơm thân mật với giáo họ. Mọi người điều phấn khởi như ngày hội của làng vì ngày hồi sinh đức tin của giáo họ thực sự bắt đầu khởi sắc:

Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người (TV 98)
 
Thông báo của Ban Diễn Nguyện dịp Đại Lễ Bế mạc Năm Thánh
Ban Diễn Nguyện
08:35 29/12/2010
THÔNG BÁO CỦA BAN DIỄN NGUYỆN DỊP BẾ MẠC NĂM THÁNH
(Nếu được, chúng con xin Quý Cha, Quý Bề Trên phổ biến thông báo này cho Cộng Đoàn vào Chúa Nhật tới. Chúng con chân thành biết ơn)

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ,
Kính thưa Quý Anh Chị em hành hương về La Vang trong dịp Bế Mạc Năm Thánh,

Theo chương trình, Cộng Đoàn Hành Hương chúng ta sẽ có một buổi canh thức bên Mẹ La Vang vào lúc 19g30 tối 05/01/2011 tại Lễ đài chính. Ban Diễn Nguyện chúng con sẽ cố gắng làm sao để buổi canh thức thật sự là một buổi cầu nguyện cộng đồng.

Vậy, để buổi canh thức (trong đó có phần Suy Tôn Thánh Thể) được thật sốt sắng và sinh động, chúng con thiết tha kính mời Cộng Đoàn Hành Hương tham gia tích cực bằng cách:
Xin mỗi người mang theo một cây nến nhỏ
và nhất là, hãy cùng cất cao tiếng hát và làm cử điệu đưa cao nến sáng.

Chúng con tin tưởng cách riêng các Cộng Đoàn Tu sĩ, và các Hội Đoàn là những hạt nhân tích cực nhất sẽ khuyến khích cộng đoàn cùng tham gia.

Hầu hết các bài hát đều quen thuộc, như Hãy Vùng Đứng, Hang Bêlem, Kinh Hoà Bình, Lạy Chúa... Bao Ngày Tháng, Con Quỳ Gối, Này Con Là Đá, Tantum ergo và Cùng Mẹ Ra Khơi.

Sau đây là nội dung tổng quát
ĐÊM DIỄN NGUYỆN LỄ HIỂN LINH
Chủ đề: CÙNG MẸ ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG


Phần mở đầu: Một thoáng La Vang (CĐ St. Paul de Chartres)
Với Mẹ La Vang, Cộng Đoàn hành hương chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thiên Chúa tỏ mình.

I. Thiên Chúa hứa: (Giáo phận Huế)
Is 9,1: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.
Is 60,1: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi”.


II. Thiên Chúa ở giữa con người: (Giáo phận Huế)
Is 9, 5: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu chúng ta, một người con đã được ban tặng cho ta; Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình”.

III. Con người đón nhận và sống Tin Mừng: (CĐ St. Paul de Chartres, Tây Nguyên, Gp. Huế)
Con người thờ lạy Hài Nhi, Ngôi Lời Thiên Chúa và là Tin Mừng.
Con người sống Tin Mừng qua việc phục vụ


IV. Thiên Chúa ở với con người (Suy tôn Thánh Thể): (CĐ St. Paul de Chartres, Gp. Huế)
Thánh Thể, đỉnh cao và sức mạnh của tình yêu

Phần kết thúc: Hội Thánh Việt Nam cùng Mẹ đi loan báo Tin Mừng: (Ca Đoàn Tổng Hợp cùng tất cả các diễn viên)
Cùng Mẹ ra khơi.

Ban Diễn Nguyện chúng con xin chân thành cám ơn Quý Cha cùng Cộng đoàn Hành hương.
Xin Mẹ La Vang chúc lành cho tất cả chúng ta.
 
Đêm Yêu Thương tại mái ấm Roa - Nam Hưng
Mặc Trầm Cung
09:42 29/12/2010
Noel đã về khắp mọi nơi trên thế giới, mỗi nơi đều có một nét đặc trưng đón Noel tùy theo phong tục tập quán của dân tộc, của địa phương mình đang sinh sống. Trên khắp nẻo đường quê hương Việt Nam, bầu khí rộn rã vui Noel cũng đã được người dân đón nhận và chuẩn bị từ vài tuần trước. Không chỉ những người theo đạo Thiên Chúa giáo mà cả những người không cùng niềm tin tín ngưỡng cũng đã hòa nhịp vào bầu khí vui tươi, trang trọng và linh thiêng này. Người có đạo thì đi tham dự thánh lễ, người ngoại giáo thì tham gia vào các buổi lễ hội ngoài đường phố hoặc theo bạn bè đến các nhà thờ để hiệp thông hoặc chiêm ngắm hang đá. Kèm theo đó là những cuộc vui chơi mà mỗi người, mỗi gia đình đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.

Xem hình ảnh

Có những gia đình vợ chồng con cái cùng chở nhau trên một chiếc xe gắn máy dạo quanh khắp phố phường ngắm nhìn các hang đá được trang trí đủ kiểu, đủ màu sắc. Có những đôi tình nhân, trẻ có, già có dìu nhau chậm rãi trên các hè phố, như để ôn lại những kỷ niệm của tình yêu trong bầu khí trong lành và lãng mạn của đêm Noel. Và cũng có những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng cho đúng nghĩa là “say Noel” của một số các bạn trẻ trong các vũ trường, các quán nhậu hay tại các gia đình và đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Nhưng song song theo đó, có những bạn trẻ đã chọn cho mình một cuộc chơi Noel thật “thánh thiện”, thật ý nghĩa và thiết thực. Có những bạn đã đến thăm hỏi và chia sẻ những phần quà với những người lang thang, cơ nhỡ ngoài đường phố, mà vì một lý do nào đó đêm Noel họ không được đoàn tụ với gia đình. Có những bạn trẻ thì cùng nhau đến các Mái Ấm nơi có các cụ già neo đơn, các em mồ côi, các em có những hoàn cảnh đặc biệt đang sống nương nhờ nơi Mái Ấm và lòng hảo tâm của mọi người.

Đêm 25/12/2010 vừa qua, có một số các bạn trẻ, trong nhóm Lời Yêu Thương các bạn còn rất trẻ, là những sinh viên của các Trường Đại Học Hoa Sen - Đại Học Y Phạm Ngọc Thạch - Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, có bạn là bác sĩ mới ra trường, có bạn đã là Giảng viên của trường đại học, các bạn không cùng tôn giáo, có bạn theo đạo Thiên Chúa giáo, có bạn theo Phật giáo, có bạn theo đạo Cao Đài, nhưng các bạn có cùng chung một nỗi thao thức của con tim, và cùng hành động theo sự thúc đẩy của con tim mách bảo. Các bạn đã chọn cho mình một phong cách chơi Noel thật S-Teen, nhưng đầy ý nghĩa. Các bạn cùng nhau đến Mái Ấm Rosa – Nam Hưng ở số 58/8, ấp Thống Nhất 2, xã Tân Thới Nhì, Huyện Hóc Môn, TP. HCM. Nơi đây, có các em bé mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt, được chăm sóc và nuôi dưỡng bởi các Nữ tu Đa Minh Rosa Lima- Miền Mân Côi. Các bạn đã đến chia sẻ niềm vui cho 30 em đang sống tại Mái Ấm Rosa, và các em tại lớp học Tình Thương thuộc giáo xứ Nam Hưng, không chỉ là bằng những phần quà mà còn có cả một chương trình văn nghệ được dàn dựng thật công phu và chu đáo không kém phần sinh động mang chủ đề: “CÙNG NHAU TRAO YÊU THƯƠNG” Trong đêm nay còn có sự hiện diện của một số mạnh thường quân, những người tốt bụng trong giáo xứ.

Theo dõi toàn bộ chương trình mới thấy hết tinh thần nhiệt tình và tấm lòng yêu thương của các bạn trẻ trí thức. Sự điều phối chương trình, phân công, sắp xếp, từng việc, từng người rất khoa học. Chương trình được thực hiện nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ của nhiều người, trong đó có những bạn phụ trách chính cho từng công việc như:

Bác sĩ trẻ Phan Thị Lan Viên, khoa siêu âm, bệnh viện Chợ Rẫy – Trưởng nhóm phát quà và phụ trách phần Dẫn Chương Trình.
Bạn Nguyễn Hoàng Chiêu Anh. Giảng viên Trường đại học Hoa Sen đảm trách vai trò là Cố vấn chính của chương trình.
Bạn Nguyễn Ngọc Hương, sinh viên Trường đại học Hoa Sen – Điều phối chung.
Bạn Nguyễn Mạnh Nam, sinh viên Trường đại học Hoa Sen – Trưởng nhóm trò chơi.
Bạn Nguyễn Ngọc Duyên, sinh viên Trường đại học Hoa Sen – Trưởng nhóm ẩm thực.
BS Phan Thị Lan Viên trịnh trọng khai mạc và tuyên bố lý do chính cho Đêm Giáng Sinh được tổ chức tại Mái Âm Rosa - Nam Hưng hôm nay.

Trong bầu không khí ấm áp, yêu thương đón mừng Noel về, đón mừng hồng ân của Đức Chúa Trời lan toả khắp nơi nơi, cho ta cảm giác bình yên, cho ta cảm thấy yêu thương mình hơn, yêu thương người hơn… Mùa Giáng Sinh không đơn thuần chỉ là ngày lễ kỷ niệm mà còn có một ý nghĩa rất đặc biệt, đón mừng một mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đón mừng sự giao hòa giũa trời và đất, đón mừng một tình yêu của Thiên Chúa ngỏ lời cùng nhân loại. Tình yêu đó không bị đóng gói, không bị khép kín mà được triển nở trong tâm hồn của mỗi chúng ta và được lan tỏa đến những người xung quanh. Chính vì thế, để Mùa Giáng Sinh năm nay được thật nhiều ý nghĩa chúng ta cùng sống trong bầu khí của tình yêu và cùng trao cho nhau tình yêu đó.

Thật xúc động khi các bạn có một nghi thức truyền lửa ấm cho nhau. Tất cả bóng đèn đều tắt, chỉ còn lại một ánh lửa nơi cây nến nhỏ trên tay Sr Thủy, người phụ trách Mái Ấm, từ ánh lửa đó được truyền đến mọi người. Trong màn đêm lung linh những ngọn nến nhỏ cháy sáng, đã tạo nên một bầu khí thật sự ấm áp nơi tâm hồn mỗi người, vì không ai còn cảm thấy bị cô đơn, bị lạc lõng, bị bỏ rơi.

Trong lúc truyền lửa cho nhau, BS Lan Viên, với một chất giọng thật ngọt ngào và truyền cảm đã vang lên giữa màn đêm tĩnh lặng

Khi cái lạnh len lỏi trên từng ngõ phố, khiến chúng ta bất chợt nhận ra…A, mùa đông đã về. Nhưng mùa đông năm nay dường như không còn lạnh nữa với các em.. Tất cả chúng ta đã thắp lên ngọn lửa yêu thương. Hãy truyền cho nhau những ngọn lửa yêu thương này để ngọn lửa ấy lớn mãi, lớn mãi…Nó sẽ là động lực, nó sẽ tạo niềm tin trên bước hành trình của chúng ta.

Chúng ta tin rằng các em nơi đây luôn được bao bọc che chở trong vòng tay ấm áp yêu thương của các Sơ Đaminh và mọi người. Các em hãy tin rằng bên các em luôn có người sẵn sàng ôm các em thật chặt khi các em cần một vòng tay, ngay khi các em cần chơi, có ngươi cùng chơi với các em, thậm chí khi các em khóc cũng có người đến bên các em để chia sẻ.

Các em hãy tin rằng mình sẽ đủ bản lĩnh, đủ tự tin để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và luôn có người dõi theo từng bước trưởng thành ấy của các em. Con đường đi phía trước còn dài, còn dài lắm, biết ra sao ngày mai trên con đường của các em đang đi, liệu có được bằng phẳng, êm ái không? Nhưng, cho dầu ra sao, chúng ta tin rằng với sự bảo bọc và vô vàn tình thương của mọi người dành cho các em, với tình keo sơn gắn bó của anh, chị, em trong Mái Ấm cũng như sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng, các em sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời các em.

Chúng ta hãy cùng hứa: luôn cố gắng sống hết mình để trở thành những người có ích cho xã hội các bạn nhé, các em nhé.

Một chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”, và các trò chơi được hướng dẫn của các bạn sinh viên, xen kẽ phần phát quà của Ông Già Noel, đặc biệt là phần trình diễn thời trang tự chế của các em tại Mái Ấm Rosa đã tạo cho bầu khí đêm nay thật vui nhộn và ấm áp lạ thường. Những tràng pháo tay tán thưởng sau mỗi tiết mục cứ vang dội. Những tiếng cười giòn vang, sảng khoái khi tiết mục múa Trống Cơm bị “vỡ đội hình”, vì trong khi tập dượt các em hướng về Sr Thủy là trung tâm, nhưng khi trình diễn Sr Thủy lại đi ngồi ở vị trí khác, cho nên các em cứ hướng về Sr Thủy mà diễn, chẳng cần biết đâu là sân khấu, đâu là khán giả, quay lung tung, mất phương hướng. Ấy thế mà các em lại không bỏ sót bất cứ động tác nào, nhạc hát tới đâu, các em diễn tới đó cho đến hết bài. Các “phó nhòm” muốn canh chụp một “pô” hình ưng ý cũng khá vất vả, nhưng cũng rất vui vì đã làm cho tiếng cười như giòn giã hơn, vang dội hơn.

Tất cả vì yêu thương, các bạn trẻ mong muốn đem đến cho các em niềm vui và những nụ cười, hầu làm vơi đi phần nào những nỗi buồn, những thiếu thốn, những mất mát mà các em đang gánh chịu. Đêm nay các bạn trẻ đang đóng vai trò là một sứ giả của tình thương, loan tin vui an lành đến với những mảnh đời kém may mắn. Như lời của Sr Thủy, phụ trách Mái Ấm Rosa chia sẻ:

Đối với người Công giáo, ngày Lễ Giáng Sinh không phải là một ngày lễ hội, mà là một ngày đánh dấu một biến cố Sứ điệp của tình thương, biến cố đó không đến một lần trong quá khứ rồi thôi, mà vẫn còn tiếp diễn trong lịch sử, qua mọi thời đại và cho đến hôm nay. Chúng ta đón mừng Lễ Giáng Sinh là đón nhận chính Sứ Điệp Tình Thương đó để đưa vào cuộc sống của chúng ta, đưa vào cuộc đời, đến với những người kém may mắn, những người bất hạnh chung quanh chúng ta. Chính sự hiện diện của các bạn trẻ sinh viên tại Mái Ấm Rossa đêm nay đã nói lên ý nghĩa quan trọng đó của ngày Lễ Giáng Sinh.

Các em thật háo hức và reo hò khi Ông Già Noel xuất hiện với bao quà trên vai, từng em được Ông tặng quà. Các em mở quà tại chỗ, có em được đôi giầy mới, có em được chiếc áo thun mới, có em được sách vở, bút viết, có em lại được đồ chơi. Món quà tuy đơn sơ, nhỏ bé nhưng chứa đựng cả tấm lòng yêu thương của các bạn sinh viên và các nhà hảo tâm. Nhìn các em vui mừng, sung sướng, tươi cười khoe quà với nhau, những người làm chương trình cũng cảm thấy ấm áp một niềm vui.

Kết thúc chương trinh là bữa tiệc Réveillion, các món ăn được chính tay các bạn sinh viên chế biến. Các món ăn tuy rất đơn sơ, giản dị, nhưng vừa thưởng thức món ăn vừa trò chuyện, hỏi thăm về hoàn cảnh và cuộc sống của nhau đã đem lại cho Mái Ấm Rosa đêm nay một bầu khí thật ấm cúng và chan chứa tình thương. Trước khi ra về, mọi người cùng chụp chung với nhau một tấm hình kỷ niệm để đánh dấu một Mùa Giáng Sinh An Lành và Hạnh Phúc.

Chia tay nhau ra về, cùng trao nhau những lời chúc tốt đẹp, mà âm hưởng của một đêm Giáng Sinh vẫn vang vọng trong tâm hồn mỗi người.
 
Đại Hội Gia Đình Năm Thánh 2010 TGP Sài Gòn: Nơi cổ võ cho tình yêu và sự sống
Nguyễn Hoàng Thương
09:58 29/12/2010
Đại Hội Gia Đình Năm Thánh 2010 TGP Sài Gòn: Nơi cổ võ cho tình yêu và sự sống

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. (St 1,27)


Từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, có Nam, có Nữ để con người trở nên một gia đình và trong ý định của Thiên Chúa, con người làm chủ trời đất, sinh sôi nảy nở và sống dồi dào trong sự hiệp thông, yêu thương như đã có từ muôn thuở nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng sự cao ngạo của loài người đã làm cho con người vướng vào tội lỗi, từ đời nọ đến đời kia, gia đình trở nên tan vỡ, tình thương không được thể hiện trọn vẹn trong gia đình qua dòng lịch sử và ngày càng tan tác qua những vấn nạn thời đại hôm nay như ly dị, ngoại tình, sống thử, phá thai… Thiên Chúa đã phải cứu chuộc các gia đình bằng chính cái chết trần trụi trên thập giá của Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Cái chết của Chúa Kitô vẫn chưa làm loài người bừng tỉnh để sống chu toàn bổn phận của mình trong gia đình, và vì vậy công cuộc loan báo Tin Mừng qua gia đình vẫn luôn cấp thiết cho Giáo Hội, cho ý thức trách nhiệm của mỗi Kitô hữu nơi đời sống gia đình mình.

Trong chiều hướng mời gọi các gia đình hãy xây dựng gia đình mình theo ý định của Thiên Chúa, Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã tổ chức Đại Hội Gia Đình Năm Thánh 2010 với chủ đề “Gia đình ơi, hãy trở về” (FC 17) quy tụ khoảng 5.000 người đến với nhau trong bầu khí gia đình tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận để hướng mọi người xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện.

Bầu trời âm u chiều 26/12/2010 tưởng chừng như sẽ có cơn mưa nặng hạt nhưng lại trở nên bừng sáng để đón tiếp các gia đình đến tham dự Đại Hội ngay từ 4 giờ chiều. Đến với Đại Hội ngoài các cặp gia đình đi cùng với con cái mình còn có các gia đình ba, bốn thế hệ, các gia đình mừng kỷ niệm hôn nhân vào dịp Lễ Thánh Gia và cả các gia đình mừng ba mươi, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi năm sống đời hôn nhân. Anh Đại, hoạt náo viên đã làm không khí Đại Hội trở nên sôi nổi với những bài múa cử điệu trên nền nhạc là các bài hát về gia đình như “Ba ngọn nến lung linh”, bài hát chủ đề “Giai điệu mái ấm”.

Trong lời tuyên bố khai mạc Đại Hội, cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn cho hay ý nghĩa của Đại Hội Gia Đình là để cử hành tình thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng là gia đình của Thiên Chúa, đã đến cư ngụ ở trần gian trong mầu nhiệm con Thiên Chúa nhập thể làm người, mang lấy thân phận làm người trong một gia đình, gia đình Thánh Gia: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngài cũng nhắc rằng Lễ Thánh Gia là dịp để mọi người tạ ơn Thiên Chúa về muôn ơn lành Chúa ban cho nhân loại và cho từng gia đình. Qua đó các gia đình được kêu gọi trở về với bản thiết kế ban đầu mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã dựng nên. Gia đình còn được mời gọi trở về với cái nôi ban đầu mà Thiên Chúa muốn, gia đình là giáo hội tại gia, là chiếc nôi của sự sống. Trong ý nghĩa đó, Đại Hội Gia Đình cùng nhau ôn lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Trường Ca ơn Cứu Độ bằng âm nhạc, vũ điệu, kế đến mọi người cùng nhìn lại thực tế đời sống gia đình qua các chứng từ với những đấu tranh, những khó khăn, sự bền bỉ để vẫn còn giữ vũng niềm tin của mình và cuối cùng là Thánh Lễ tạ ơn.

Bản hợp xướng Trường Ca Ơn Cứu Độ của nhạc sĩ Vũ Đình Ân được ca đoàn tổng hợp gồm 430 ca viên biểu diễn dưới sự chỉ đạo của Nhạc trưởng Nguyễn Bách với sự minh họa của vũ đoàn Phương Việt đã thể hiện sự hoành tráng và công phu trong dàn dựng chương trình. Khởi đi từ chương 1 “Ngôi Lời Nhập Thể”, từ biến cố Truyền Tin, bằng sự đáp trả xin vâng của Đức Maria để công trình Cứu Độ được thực hiện, bản trường ca tiếp tục miêu tả lịch sử thời thơ ấu của Chúa Kitô qua đức vâng phục của Thánh Giuse. Gia đình Thánh Gia được hình thành khi các Thiên Thần ca hát báo tin cho các mục đồng tin vui trọng đại. Gioan Tẩy Giả xuất hiện để dọn đường và Simêon trong đền thờ nói tiên tri về số phận của Đấng Cứu Thế. Chương một được kết thúc bằng việc 3 vị đạo sĩ dưới sự dẫn đường của những vì sao lạ đến dâng Hài Nhi Giêsu những lễ vật gồm vàng, nhũ hương và mộc dược. Với âm thanh trầm bổng mang đậm sắc thái dân tộc để trình thuật câu chuyện giáng thế, dàn hợp xướng với phần minh họa, cùng sự lĩnh xướng của các ca sĩ Mai Thảo, Xuân Trường, Trần Ngọc đã làm cho người xem, người nghe ôn lại Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong không khí tràn ngập của Mùa Giáng Sinh chỉ mới diễn ra ngay ngày hôm trước.

Chương 2, Loan báo Tin Mừng được bắt đầu qua mệnh lệnh của Chúa Giêsu “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, Chúa Giêsu đã nhận 12 Tông Đồ khi nói rằng lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Phép lạ đầu tiên nơi Tiệc cưới Cana một lần nữa nhắc nhớ con người hãy vâng phục Thiên Chúa như Đức Maria đã làm. Cuộc đời công khai loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu được diễn tả lại với người đàn bà bị xuất huyết đã 12 năm được Đức Giêsu chữa lành vì đức tin của bà. Tiếp đến là dụ ngôn Người gieo giống, Phép lạ Chúa làm bánh hóa ra nhiều để nhắc nhở mọi người yêu mến Bí tích Thánh Thể. Chúa cũng đã chữa người câm điếc bằng cách đặt ngón tay và bôi nước miếng, chữa 10 người phong cùi nhưng chỉ một người Samari quay lại cám ơn, chữa người mù xin Chúa thương xót. Sau lời giảng dạy Giới răn yêu thương: yêu Chúa, thương người, chương 2 của Bản Trường Ca kết thúc bằng dụ ngôn nén bạc để nhắc nhở mọi người biết cách sống với những gì được Chúa trao phó.

Trong không khí của Giáng Sinh, ông già Noel đã xuất hiện trình diễn bài hát Silent Night bằng 12 thứ tiếng cùng với phần hóa trang của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Và để tri ân tác giả và đạo diễn bản Trường Ca ơn Cứu Độ đã đem lại cho Đại Hội những giây phút ôn lại Tin Mừng bằng âm nhạc, hình ảnh sống động, Ban Tổ Chức đã trao tặng vòng hoa cho Nhạc sĩ Vũ Đình Ân và Cha Tiến Lộc, chính là ông già Noel của đêm hội.

Hai người dẫn chương trình Minh Khoa và Đông Quân, cũng là một cặp gia đình, tiếp tục đưa đại hội về với không khí gia đình và những giây phút thư giãn với bài hát cử điệu kêu gọi sống đời yêu thương trong gia đình như Chúa Kitô: “Cha là ánh sáng, Mẹ là tình thương. Luôn ấp ủ con hằng ngày. Hãy yêu như Giêsu. Hãy yêu như Giêsu. Yêu nhau không bờ bến. Hãy thương trong bao dung. Hãy thương trong bao dung. Thương nhau trong bến bờ”.

Rất nhiều vấn nạn xã hội đã xâm nhập vào đời sống gia đình, nếu cha mẹ không có phương thế bảo vệ bằng cách giáo dục những giá trị nhân bản cho con mình từ thưở nhỏ thì chúng sẽ dễ bị sa ngã vào những cạm bẫy xã hội, một trong những vấn nạn làm nhức nhối gia đình chính là nghiện ma túy, hiện nay đã có hơn 200 ngàn người nghiện. Dưới sự dẫn dắt của Nữ tu Maria Hồng Quế, chị Loan đã chia sẻ chứng từ của một người mẹ có con nghiện ma túy. Từ 1997, con chị đã vướng vào ma túy do bạn bè rủ rê, đâm ra trộm cắp trong nhà và không chịu cai nghiện, cuộc sống gia đình chị lâm vào khủng hoảng, kể cả đức tin. Nhưng qua lời cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa của chị Loan, đến năm 2002, con chị mới chịu cai nghiện. Chị đã cảm nghiệm ơn Chúa càng lớn lao khi có một cô gái đã đến đồng hành với con chị trong quá trình cai nghiện và tháng 10/2003 họ đã thành hôn với nhau, nay đã có hai con và có cuộc sống tương đối hạnh phúc.

Vở kịch ngắn “Ai khổ” với nội dung đặt vấn đề quan điểm sống thử và trách nhiệm đối với thai nhi, một trong những vấn đề nan giải khi gia đình Công Giáo gặp phải tình huống này. Vở kịch kể về một gia đình Công Giáo có người con gái mang thai, gia đình người bạn trai ngoại đạo đã chấp nhận đến xin cưới nhưng ông bố nhất quyết không chịu. Ông bố là người chịu trách nhiệm chính cho kinh tế gia đình, có chức vụ, địa vị nên không chấp nhận được tin con gái mang thai trước hôn nhân. Do công ăn việc làm nên đời sống đức tin của ông đã nhạt nhòa, ông dễ dàng đưa ra giải pháp tưởng chừng đơn giản nhưng thật đau lòng là bảo con gái phá thai. Dưới sự tác động của ông nội cô gái, tức ba của ông, với phân tích thiệt hơn, phân tích đời sống đức tin trong việc bảo vệ sinh linh bé nhỏ chính là cháu nội ông, ông đã chấp thuận để con gái ông được cưới chàng rể và bảo vệ thai nhi cho nó được ra đời trong tình thương đùm bọc của cha mẹ, ông bà. Tiểu phẩm do nhóm kịch IDECAF biểu diễn thật sống động pha chút dí dỏm nhưng có những khoảng lặng cần thiết để người xem suy niệm trong lòng trước một vấn nạn sống thử, phá thai và cách hành xử của những người làm cha mẹ khi phải đối diện với vấn đề này.

“Con không có lời ru

Đưa con vào cuộc đời

Để con được làm người

Con không còn tiếng khóc chào”


Những hình ảnh nạo phá thai khi các bào thai 4 tuần, 10 tuần, 20 tuần, 22 tuần, 24 tuần tuổi với những hình ảnh từng bộ phận cơ thể đỏ hỏn đã được hình thành của các hài nhi, những mảnh chân, mảnh tay, cái đầu được gắp ra tạo khoảng lặng kinh khủng tưởng chừng nghẹt thở cho Đại Hội. Bầu khí trở nên ngột ngạt hơn khi những con số phá thai được nói đến với thực trạng đau lòng là ngày nay cả những người trẻ Công Giáo cũng phá thai và Việt Nam trở thành “cường quốc” phá thai khi đứng thứ 3 thế giới về nạn phá thai. Những hình ảnh, những con số được đưa ra nhằm nhắc nhở và là lời kêu gọi khẩn thiết các gia đình Công Giáo, và cả xã hội bảo vệ sự sống như Đức Thánh Cha đã chú trọng đến vấn đề này khi dành một ngày vào đầu mùa Vọng cầu nguyện cho việc bảo vệ sự sống. Ban Tổ Chức Đại Hội không ngừng đưa ra kêu gọi cầu nguyện bảo vệ sự sống để những đứa con được ra đời theo thánh ý Thiên Chúa.

Để hóa giải bầu khí ngột ngạt, gia đình bác sĩ Hoàng Anh Khôi đã chia sẻ chứng từ bảo vệ sự sống của gia đình mình. Khi vợ anh là chị Nguyệt Quỳnh mang thai đứa con thứ hai, sau khi đi siêu âm được báo là quái thai do vừa chích ngừa rubela mới một tháng mà mang thai. Dù anh là một bác sĩ hiểu rất rõ tình trạng có thể xảy ra đối với bào thai, nhưng với niềm tin vào Thiên Chúa, anh chị đã quyết định giữ lại bào thai và sống những ngày khó khăn trong cầu nguyện tín thác. Cuối cùng, họ đã sinh ra một đứa con lành lặn và hiện anh chị có được ba đứa con kháu khỉnh, sống hạnh phúc với đời sống cầu nguyện, họ luôn dạy con trẻ cầu nguyện cảm tạ và ngợi khen Chúa hằng ngày.

Thiên Chúa ban tặng để gia đình sinh ra những người con kháu khỉnh dễ thương, nhưng nuôi dạy như thế nào để những người con đó lớn lên, trưởng thành, trở thành những người hữu ích cho xã hội và những Kitô hữu tốt sống theo Tin Mừng, Ban Tổ Chức đã trình chiếu đoạn clip tóm lược cách giáo dục con cái bằng tình yêu thương trong gia đình dựa vào bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Thành phỏng theo bài thơ của Dorothy Law Nolte “Nếu hôm nay trẻ em…”: “…Nếu hôm nay trẻ em được tôn trọng và đối xử một cách công minh, trong môi trường gia đình cũng như tại trường học…mai ngày, khi lớn lên, các em sẽ là những người có khả năng thực thi hòa bình và bênh vực công lý; Nếu hôm nay trẻ em được nuôi dưỡng trong bầu khí an toàn và hạnh phúc… mai ngày, khi lớn lên, các em sẽ biết gieo vãi Tình Người, chói sáng và trung thực, trên khắp mọi nẻo đường của Quê Hương và Nhân Loại; Nếu hôm nay trẻ em được chấp nhận, nhìn nhận và tán đồng trong những công việc và ý kiến của mình… mai ngày, khi lớn lên, các em sẽ là những người có tâm hồn tự trọng và tự tin; Nếu hôm nay trẻ em được đón nhận và yêu thương vô điều kiện, từ lúc vừa chào đời…mai ngày, khi lớn lên, các em sẽ trở thành những sứ giả của Tình Thương, trong mọi môi trường và hoàn cảnh của cuộc sống”.

Trước khi bước vào Thánh Lễ kính Thánh Gia, bài hát Ba ngọn nến lung được gia đình Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thức cùng các gia đình phụ họa đã hâm nóng thêm tình cảm gia đình và chuẩn bị tâm hồn để tham dự Thánh Lễ sốt sắng.

Ngay từ lúc khai mạc Đại Hội Gia Đình Năm Thánh 2010, Đức Cha Phụ Tá TGP Sài Gòn Phêrô Nguyễn Văn Khảm và cha Tổng Đại Diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh đã chăm chú theo dõi mọi hoạt động trong Đại Hội. Và cao điểm của Đại Hội, Đức Cha Phêrô đã Chủ tế và giảng lễ cho cộng đoàn hiện diện. Trong bài giảng, ngài nói rằng khi chọn Chúa Nhật trong tuần bát nhật Giáng Sinh để mừng Lễ Thánh Gia, Hội Thánh nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đã chọn cách xuống thế làm người trong một gia đình. Vì thế, mầu nhiệm nhập thể gắn liền với mầu nhiệm gia đình, từ đó nhắc nhở trách nhiệm làm người con trong gia đình của mỗi người.

Đức Cha cũng nhắc nhở mọi người chiêm ngắm sự mong manh của Hài Nhi Giêsu để thấy được sự mong manh của xã hội, của thế gian hôm nay, nhất là đối với vấn đề phá thai, sự sống bị đe dọa, cả đối với thai nhi và những người mẹ, các bà mẹ phá thai bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý, luôn ray rứt tâm hồn và đau khổ trong cuộc sống. Bên cạnh đó, những đứa trẻ bị bỏ rơi cũng là một thực tế rất đau lòng, rồi tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội đe dọa đến sự sống thể lý và tinh thần. Ngài nói rằng đó là sự bất lực của con người tự nhiên, vì thế cần tìm đến sức mạnh nơi Thiên Chúa, để nương tựa vào Chúa.

Đức Cha cho hay Đại Hội Dân Chúa vừa qua nhấn mạnh đặc biệt đến hàng linh mục và đời sống gia đình, và đã đề cập đến vấn đề này trong Sứ Điệp của Đại Hội Dân Chúa: “Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục, vì thế ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành”; “Các gia đình công giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện”.

Kết thúc bài giảng, ngài mời gọi các gia đình noi gương Thánh Gia cố gắng chu toàn gia đình mình để góp phần xây dựng nền văn hóa sự sống, văn minh tình thương như là cách loan báo Tin Mừng tốt đẹp nhất trong xã hội hôm nay.

Sau Thánh lễ, Đức Cha Phụ Tá đã trao quà mừng cho các bác có 40, 50, 60 hôn nhân và Ban Phép Lành Tòa Thánh cho Đại Hội. Với ánh nến trên tay, hàng ngàn người trong các gia đình được sai đi để lan tỏa vào xã hội, vào cuộc sống qua đời sống Kitô giáo nơi gia đình mình.

Xin được kết thúc bài viết với lời mời gọi của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn: “Hãy trở về với họa ảnh tình yêu ban đầu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, tức là trở về với Thiên Chúa Tình Thương. Trở về nhà Cha, vì Cha đang mòn mỏi mong chờ (Lc 15, 11-32). Trở về nhà Cha, nhà của chúng ta, vì chỉ ở đó ta mới thực sự sống, thực sự hạnh phúc. Nơi đó, Ba Ngôi Thiên Chúa đang chờ và những trái tim non nớt đang cần chúng ta sưởi ấm. Hãy trở về để trở thành chứng tích Tình Yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa giữa trần gian”.

Ngày 28 tháng 12 năm 2010,
 
Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Chí Hòa mừng Bổn mạng Lễ Mẹ Thiên Chúa
Maria Vũ Loan
11:20 29/12/2010
SAIGÒN - Chiều ngày thứ tư, 29/12/2010, hội Các Bà Mẹ Công Giáo, giáo hạt Chí Hòa đã long trọng mừng kính bổn mạng - lễ Mẹ Thiên Chúa, tại nhà thờ Chí Hòa, Sài Gòn.

Xem hình ảnh

Có nhiều lý do khiến Ban Điều Hành tổ chức chương trình sớm hơn. Trước đó một ngày, các hội viên của 17 giáo xứ trong hạt làm giờ sám hối, đi chặng đàng Thánh Giá tại quảng trường La Vang trong khuôn viên giáo xứ Chí Hòa.

Chiều nay, màu áo trắng như đẹp hơn khi được điểm xuyết màu xanh dương của khăn quàng. Các bà có mặt khá sớm để chuẩn bị cho việc cung nghinh Đức Mẹ, đón quí Đức Cha, quí cha và quí khách.

Bỗng một cơn mưa to bất ngờ ập xuống khiến các bà trong ban tổ chức có phần lúng túng một chút, nhưng rồi tất cả những người tham dự đã vào thánh đường và bắt đầu chương trình một cách khá nhịp nhàng. Lời mở đầu nói lên tâm tình đơn sơ, phó thác của những người mẹ đang gian truân giữa dòng đời, mong được nhiều hồng ân để đủ sức lo toan những vất vả, qua sự bầu cử của Đức Maria.

Sau đó, các hội viên lần chuỗi Năm Sự Vui một cách sốt sắng. Lời dẫn vào thánh lễ đồng tế cũng rất hay, nói về sự hiện diện của Đức Maria trong cuộc đời Chúa Giêsu.

Bài giảng của Đức Cha Phêrô đi vào lòng quí bà là một lời nhắn nhủ sâu sắc suy từ nội dung bài Tin Mừng hôm nay. Đức Mẹ đem Chúa Giêsu lên đền thánh với hai lý do: thứ nhất là luật qui định phụ nữ sau khi sanh con một thời gian phải được thanh tẩy; thứ hai là các con đầu lòng của gia đình Do Thái (trong cựu Ước) được cứu sống là nhờ Chúa; vì thế khi sinh con đầu lòng phải dâng cho Chúa, đem lễ vật dâng lên rồi đem con về. Đức Mẹ dù biết mình đang nuôi con Thiên Chúa nhưng vẫn thực hiện đúng luật vì trong mầu nhiệm Giáng Sinh, con Thiên Chúa đã xuống thế làm người chính là để chia sẻ thân phận con người.

Đức Cha chủ tế còn giúp các bà mẹ nhận ra các con của quí bà được sống là do Chúa ban, điều này diễn tả một chân lý quan trọng: Thiên Chúa là chủ sự sống. Con cái là sự sống do Chúa ban thì chúng phải được đón nhận như một thứ quà tặng. Nếu Thiên Chúa là chủ sự sống thì chúng ta không được quyền phá thai. Từ ý này, Đức Cha chủ tế dẫn giải khá chi tiết vì sao quí bà không được phá thai dù trong xã hội người ta đang tìm cách hợp pháp hóa, bình thường hóa và nhân đạo hóa việc phá thai.

Cuối bài giảng là hình ảnh Đức Maria chịu đau khổ, Đức Cha đã gửi đến quí bà những lời nhắn nhủ rất thực tế.

Sau đó, như bao thánh lễ khác, là phần cảm ơn, tặng hoa và tiệc mừng. http://www.youtube.com/watch?v=ErbMGatCdnY

Có tham dự tiệc mừng mới thấy các bà mẹ Công giáo nhiều tài năng. Các bà mẹ ở giáo xứ Mẫu Tâm thì hát đồng ca bài Tình Chúa Yêu Con, các bà mẹ giáo xứ Nam Hòa trình diễn thời trang áo dài, bà mẹ của giáo xứ Vinh Sơn 6 thì đơn ca quan họ có múa minh họa, bà mẹ giáo xứ An Lạc múa với áo tứ thân và nón quai thao qua bài Ru Mẹ.

Mừng bổn mạng hôm nay còn có cha linh hướng CBMCG hạt Chí Hòa, cha quản hạt và quí cha. Quan khách là quí tu sĩ nam nữ, những vị trong Hội Đồng Mục Vụ các xứ và những thân hữu gần xa, tạo nên một bầu khí đông vui, chan hòa.

Với cách sống tự tu sửa bản thân, nêu gương sáng cho con cái, chia sẻ không phân biệt tôn giáo, hỗ trợ cộng đoàn tu sĩ, trợ giúp ơn gọi, chăm sóc người già neo đơn bất hạnh, giúp các bà mẹ trẻ không phá thai, cộng tác với xã hội trong công việc...và với sự nhiệt tình, sốt sắng, liên kết chặt chẽ, các Bà Mẹ Công Giáo hạt Chí Hòa sẽ còn nhiều thăng tiến trong các hoạt động của hội.
 
Giám mục Bắc Ninh thăm viếng mục vụ giáo hạt Tây Nam
Xương Giang
11:26 29/12/2010
BẮC NINH: Vào lúc 7g00 sáng ngày 28/12/2010, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt rời tòa giám mục Bắc ninh đi thăm viếng mục vụ và dâng lễ Các Thánh Anh Hài cho các họ Bến Cốc, Thống Nhất và Bến Xây thuộc giáo hạt Tây Nam - giáo phận Bắc ninh.

Xem hình ảnh

Giáo họ Bến Cốc thuộc giáo xứ Nội Bài I, cách tòa giám mục Bắc ninh khoảng 50 Km và cách phi trường Nội Bài 5 Km về hướng Tây Nam. Trong ngày lễ Các Thánh Anh Hài, đức cha cùng với quí cha đến giáo họ dâng lễ khởi công xây dựng nhà thờ mới, đồng thời dâng lễ cầu nguyện cho những người phá thai và những ai góp tay vào việc phá thai.

Nghĩa trang thai nhi giáo họ Bến Cốc được thành lập từ 7 năm trước do một số giáo dân nhiệt tình, ngay từ khởi sự đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt (lúc đó là cha Đạt) hết sức nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ chương trình bảo vệ sự sống này. Được biết, nghĩa trang thai nhi ở Bến Cốc là nghĩa trang thai nhi đầu tiên ở Miền Bắc. Sau 7 năm miệt mài thu lượm và chôn cất, đến nay Nhóm bảo vệ sự sống của Bến Cốc đã chôn cất được 15,200 thai nhi.

Ngỏ lời với cộng đoàn trong bài giảng, đức cha Cosma trích lại sứ điệp Đại Hội Dân Chúa là “xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương”, đồng thời ngài kêu gọi những ai đang có ý định phá thai, cùng những người đã và đang góp phần vào công việc phá thai hãy dừng ngay lại, để các trẻ em vô tội được quyền sinh ra như bao con người khác. Ngài cũng mời gọi mọi người Kitô hữu và những người thành tâm thiện chí cùng nhau góp sức để ngăn chặn “ nền văn hóa sự chết”.

Cuối thánh lễ, đức cha và cộng đoàn ra nghĩa trang thai nhi để cầu nguyện cho công việc bảo vệ sự sống, đặc biệt đức cha ẵm và chụp ảnh với một em bé mới 6 tháng tuổi, em đã được Nhóm bảo vệ sự sống giáo họ Bến Cốc cứu sống, vì mẹ em đã định phá bỏ bào thai khi em còn trong lòng mẹ.

Buổi chiều, đức cha ngược lên giáo xứ Thống Nhất để dâng lễ mãn tang cho bà cố Anna là thân mẫu cha tổng đại diện Giuse Trần quang Vinh. Sau thánh lễ, đức cha đã đi thăm bà cố của thầy Huyên và dì Hằng ở họ Thống Nhất, và bà cố cha Trọng ở họ Bá Cầu.

Buổi tối, đức cha xuôi về giáo họ Bến Xây thuộc giáo xứ Phúc Yên, dâng lễ cầu nguyện cho ông cố cha Phanxicô Xavier Nguyễn Huy Liệu và 37 người khác cùng bị mất do bom B52 thả đúng vào làng Bến Xây vào đêm ngày 28/12/1972.

Trong thánh lễ, đức cha đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho “hòa bình” trên thế giới, bởi vì “hòa bình” là sứ điệp chính trong ngày lễ Giáng sinh và cũng là ước vọng của toàn thể nhân loại.

Tiếp đến, đức cha mời gọi thân nhân của 38 người đã mất cách nay đúng 38 năm, hãy quên đi hận thù và “tha thứ” cho những người vì vô tình hay cố ý mà giết hại những thân nhân của mình, bởi vì “tha thứ và hòa giải” là một trong những nội dung chính trong Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Ngài cũng kêu mời giáo dân Bến Xây hãy nói “không” với “văn hóa sự chết” để xây dựng “nền văn minh sự sống và văn hóa tình thương” nơi gia đình và xứ họ.

Sau một ngày làm việc miệt mài, đức cha và phái đoàn trở về trong vui tươi, những câu chuyện cười trên xe làm quyên đi tất cả mọi mệt nhọc sau một ngày làm việc hết công xuất. Như thường lệ, khi về đến đường Mân Côi (đường Bắc Ninh- Nội Bài) phái đoàn lại cùng nhau lần chuỗi Mân Côi cùng với Đức Mẹ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Đức cha đã trở về tòa giám mục lúc 10g00 đêm, kết thúc một ngày thăm viếng mục vụ tràn đầy vui tươi và phấn khởi
 
Caritas Bắc Ninh chia sẻ Niềm vui Giang Sinh cùng trẻ khuyết tật
Nt. Ana Lương Thi Hồng
11:34 29/12/2010
BẮC NINH: Đúng 7 giờ sáng ngày 21/12/2001, cha giám đốc Caritas Bắc Ninh cùng chị thư ký văn phòng và chị Yên Tu Hội Thánh Tâm hiện đang phục vụ tai trại phong Quả Cảm lên đường đi tới các trung tâm nuôi dạy các em khuyết tật trong giáo phận Bắc ninh để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh cùng các em.

Điểm đầu tiên mà cha giám đốc và nhóm đặt chân đến là Trung tâm nuôi dưỡng các cháu khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc mau da cam tại phường Mỹ Độ, Thành phố Bắc Giang. Trung tâm này được vợ chồng chị Thúy thành lập cách đây hơn một năm. Hiện tại, Trung tâm có 20 cháu đang được nuôi dưỡng và dạy nghề.

Điểm kế tiếp phái đoàn đến là trường nuôi dạy các em mồ côi và câm điếc tại thành phố Bắc Ninh. Hầu hết các cháu tại trung tâm này đang theo học văn hóa, một số ít là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Bởi vậy, ngoài một phần quà mừng Giáng sinh, các cháu đang đi học còn được nhận thêm bút vở để hỗ trợ cho việc học hành kỳ II sắp tới.

Rời trường nuôi dạy các cháu mồ côi và câm điếc lúc 11 giờ phái đoàn tới Nhà Tình Thương Hương La, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Đây là trung tâm nuôi dạy các cháu khuyết tật của các chị em Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh.

Tại đây, cha giám đốc cùng phái đoàn đã gặp gỡ, thăm hỏi và tặng quà cho các cháu.

Tưởng cũng nên biết, Nhà Tình Thương Hương La được thành lập các đây hơn 100 năm. Trải qua thời gian dài, với nhiều khó khăn, có những lúc Nhà Tình thương chỉ còn lại một vài người. Mãi tới năm 2001, nhận thấy những nhu cầu cần thiết của biết bao người đau khổ, bị bỏ rơi vì bệnh tật và hòa cảnh khó khăn. Đúc Cha Cố Giuse Nguyễn Quang Tuyến đã cho khôi phục lại Nhà Tình Thương và trao trách nhiệm trông coi cho Tu Hội Đức Mẹ Hiệp.

Hiện tại trung tâm đang nuôi dạy 21 cháu bại liệt và 2 cụ già cô đơn không nơi nương tựa. Hầu hết các cháu chỉ nằm tại chỗ, không thể tự phục vụ, nên công việc phục vụ của các sơ tại đây là hết sức khó khăn và cực nhọc.

Phái đoàn rời nhà Tình Thương Hương la và trở về lúc 3 giờ 30 chiều, kết thúc một ngày công tác, các thành viên trong chuyến đi đều cảm nhận được sự thiệt thòi, mất mát của những con người kém may mắn đang rất cần sự chia sẻ, nâng đỡ của mọi người trong xã hội. Và ai nấy cũng hy vọng rằng qua những món quà mà các cháu đã nhận được, tuy nhỏ bé nhưng cũng phần nào nói lên tình yêu thương, sự quan tâm mà quí ân nhân đã gửi tới các cháu nhân dịp lễ Giáng Sinh.
 
Một thoáng La Vang
Ban Thông Tin Đại lễ
16:08 29/12/2010
LA VANG - Hôm nay, ngày 29 tháng 12, còn đúng 6 ngày nữa là Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ long trọng diễn ra tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Chúng tôi đã có dịp tận mắt nhìn thấy quang cảnh chuẩn bị thật là hăng say, hào hứng và đầy cố gắng quên mình của Quý Cha cùng mọi thành phần dân Chúa tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ.

Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là những lều trại trắng tinh được dựng lên làm nơi ăn, chốn nghỉ cho Quý Linh mục, tu sĩ và các thành phần Dân Chúa từ các miền Đất nước cũng như hải ngoại sẽ về tham dự đại lễ này. Tuy là lều trại, nhưng xem lại rất kiên cố, vững vàng và đàng hoàng. Vì nó được dựng trên những dàn sắt chắc chắn, làm nơi che mưa, che nắng thật lý tưởng. Xung quanh những lều trại kiên cố ấy, còn có những dãy lều trại bằng vải dù, trắng, xanh tung lên, tung xuống nhè nhẹ, nhấp nhô theo làn gió, khiến tôi cảm nhận như những đôi cánh của các Thiên Thần đang che chở, gìn giữ con dân Đất Việt về đây quây quần bên Mẹ Chí Thánh. Những dãy nhà vệ sinh tươm tất, sạch sẽ bao quanh bên ngoài bìa của các lều trại. Mỗi dãy nhà đều có một bồn chứa nước lớn, theo Cha Phạm Xứ, người phụ trách chuẩn bị nước cho các nhà vệ sinh này cho biết: những ngày qua, hai máy chạy nước liên tục hoạt động, đưa nước lên chứa đầy hết các bồn này đến nỗi cháy máy luôn, giờ phải đem đi cuốn lại, để tiếp tục lo cung cấp nước thật đầy đủ cho dịp Đại lễ.

Một số anh Huynh trưởng ở Giáo xứ An Vân, Phú Hậu...cũng đang tích cực sơn quét, vẽ vạch trật tự...Tiếng máy cắt cỏ xè xè, tiếng chổi quét lá xào xạc, tiếng động cơ xe cẩu, tải cát, lấp đất...làm rộn cả một khung trời La Vang. Tốp thợ xây lễ đài cũng hối hả, tất bật. Tốp thợ làm giàn giá cho ca đoàn đứng hát lễ cũng luôn tay nện búa, hàn sắt... Những giáo dân trong xứ La Vang Chính cũng tuôn đến đất Mẹ, tích cực tham gia vào các công việc, người thì cào cát, đẩy cát, khiêng cát...san bằng khoảng đất rộng trước lễ đài. Nhờ lớp cát mịn màng phủ lên khoảnh đất đỏ đọng nước mưa sền sệt, đã vừa tạo nên sự khô ráo, sạch sẽ, vừa làm cho khoảnh sân rộng, đẹp thêm lên. Chúng tôi thấy có những ông bà cũng khá cao niên nhưng vẫn hăng say làm việc. Chẳng hạn, Mệ Tài năm nay đã 72 tuổi, lưng còng, ốm yếu, vậy mà đôi tay gầy guộc vẫn cầm lấy một cái trang, cào cát. Chúng tôi khen Mệ giỏi quá, Mệ cười tươi đáp lời rằng: việc của Chúa, việc của Mẹ mà, phải cố gắng làm chứ.

Vâng, Mệ Tài nói rất đúng, vì niềm tin, lòng sùng kính mến yêu Chúa và Mẹ Maria mà tất cả chúng ta, những người công giáo, chúng ta sẽ dồn hết mọi nỗ lực, cố gắng góp công, góp của, góp tài năng, trí tuệ, sức khỏe để hy vọng một Đại Lễ được diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi biết rằng không chỉ có những người đang hiện diện hôm nay, tại Linh Địa Mẹ đây là đang chuẩn bị cho dịp Đại lễ, mà còn rất nhiều người khác từ khắp các miền đất nước cũng đang quảng đại, âm thầm ra sức chuẩn bị cho dịp Đại lễ. Chẳng hạn Quý Linh mục, các Dòng tu nam nữ tại Giáo phận Huế, tại khắp nơi cũng đang cộng tác đắc lực vào các ban ngành chuẩn bị, nào là ban Phụng tự, Thánh nhạc, Diễn nguyện, Âm thanh, Ánh sáng, Trang trí, Trật tự, Ẩm thực, Y tế...Ai ai cũng sẵn sàng, ai ai vui vẻ phục vụ.

Xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa ban muôn phúc lành cho mỗi người, mỗi gia đình tương xứng với lòng rộng rãi và sự nhiệt tâm hăng say góp phần cho việc tổ chức Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam này. Ước gì Niềm Vui Thánh Thiện của Chúa luôn mang lại Sức Sống mới cho mọi tâm hồn dấn thân phục vụ Nước Trời hôm nay.

(Nguồn: tonggiaophanhue.net)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chia Tài Sản
Tuyết Mai
12:34 29/12/2010
Trong vấn đề chia tài sản cho con cái, chắc bạn hỏi lộn người rồi đó!. Các con tôi giờ chúng còn nhỏ lắm và ông xã tôi là người lo tất cả mọi việc trong nhà từ A – Z. Nếu bạn hỏi ý kiến của tôi thì tôi xin được trả lời theo sự suy nghĩ rất yếu kém của tôi để bạn phần nào được thỏa mãn!?. Theo tôi thì trong nhà đứa con nào yếu nhất, nghèo nhất, sẽ được tôi cho nhiều nhất; y như Thiên Chúa thương yêu con cái trần gian của Ngài vậy!. Trong Phúc Âm Chúa luôn dậy chúng ta làm thế và Ngài luôn xót thương kẻ nghèo khó.

Điển hình nhất là trong gia đình tôi có 3 cháu nhỏ. Cháu gái lớn nhất của tôi năm nay đã 22 tuổi rồi, nhưng sự suy nghĩ, học hành, và cách sử xự, trong gia đình hay ngoài xã hội như một đứa con gái ngây thơ chưa biết mùi đời là gì; bởi đó mà chúng tôi làm cha mẹ chăm sóc cho cháu rất là đặc biệt; đặc biệt hơn cả hai em của nó; và chỉ hơn những đứa trẻ sanh ra (đặc biệt) special ed. So với hai em, cháu học hành cũng chậm cho nên 22 tuổi rồi mà mùa tới này mới ỳ ạch lên được đại học 4 năm (Cal Fullerton). Cháu được trường chọn cũng nằm trong trường hợp thật đặc biệt vì tài khóa của mùa tới trường đang gặp nguy khó của tài chánh và họ cũng đã thông báo trên tờ báo chính có tên Register; thế mà cháu được chọn vào với số điểm trung bình mà thôi! Cảm tạ Chúa rất nhiều. Vì cháu không được thông minh lắm (so với cái khôn của con người), luôn cần sự chăm sóc đặc biệt của cha mẹ, nên chúng tôi không cho cháu nhiều tiền để giữ, tuy dù cháu có đi làm giúp một nửa cái check cho gia đình; và cũng hoãn việc cho cháu lấy bằng lái xe; việc này cháu cũng bao lần khó chịu và làm trận làm thượng với cha mẹ. Vấn đề ở đây là chúng tôi không muốn cháu lái xe mà không có trách nhiệm, rủi ro cọ quẹt hay đụng vào xe người ta thì phiền lắm cho chúng tôi, vì chúng tôi không có dư giả gì như người ta, thầy hiểu chứ!?. Thầy có biết rằng cứ mỗi cái check cháu làm ra đưa cho ba cháu thì ba cháu chỉ trích ra cho cháu $20 tiền để túi mà thôi! Mà đó là cứ hai tuần một cháu được xài có bấy nhiêu thôi!. Phần còn lại thì ba cháu lấy một nửa để xài linh tinh trong nhà như gas, điện, nước, điện thoại, chẳng hạn! Một nửa là để dành trong saving gởi trong nhà băng cho cháu; với tiền lương rất khiêm nhường của cháu. Chúng tôi rất hãnh diện về cháu vì đi đến đâu hay làm chỗ nào, cũng được mọi người yêu mến cháu; từ già đến trẻ đều khen cháu ngoan, dễ thương, nói được tiếng việt đủ để hiểu, như một thiên thần của Chúa; và như bạn cũng rất thương và khen cháu.

Còn cháu gái thứ hai của tôi, thua chị 2 năm nhưng tất cả mọi thứ cháu biết tự lo; mùa tới này là cháu năm thứ tư của đại học Calstate Long Beach rồi!. Vì học khá nên cháu được đài thọ cho ăn, học, và ở trong trường do chính phủ giúp cho những học sinh giỏi, con nhà nghèo, của chương trình Fiancial Aid; giúp cả có việc làm trong trường (Work Study). Cháu này thì không giúp cha mẹ một đồng bạc nào, tuy dù có nói xa nói gần, nhưng cháu cũng vẫn làm ngơ và giả điếc vậy!. Tuy thế chúng tôi hai vợ chồng, cũng không thèm hỏi, vì cháu có tánh hay so sánh cùng bạn bè đồng trang lứa. Nào là chúng bạn nó có xe có cộ, có trương mục riêng trong nhà băng, và v.v.v…… Cháu cũng rất hay đổ thừa nên chúng tôi rất ngại không muốn làm gì để sau này nó đổ lỗi là vì cha mẹ thế này hay cha mẹ thế kia; mà vì phải phụ giúp gia đình, đã làm chậm chạp tiến trình học hành của cháu, hay vì thế mà nó bỏ dở chuyện học hành, để không có tương lai. Tánh cháu gái này rất thích sống bên ngoài và xa gia đình, để được thoải mái, tự do, và muốn làm gì thì làm; không bị cha mẹ theo dõi và làm phiền. Mặc dù thế chúng tôi cũng cố gắng hết sức để mà dụ cháu nó về mỗi cuối tuần để sống với gia đình và buộc cháu phải đi Lễ, chứ không nó cũng xù luôn bạn ạ, như biết bao nhiêu gia đình đang phải buông tay chịu thua đám trẻ bây giờ. Cháu này nó thích tự cánh sinh, thì tiền nó làm ra bao nhiêu thì nó giữ nó xài; xài hết thì phải tự lo kiếm việc làm mà lo cho chính mình. Cháu này thì nếu chúng tôi có của như bạn cũng sẽ không để lại cho nó nhiều đâu!.

Còn thằng con trai út của chúng tôi, năm nay mới 14 tuổi, ăn chưa no lo chưa tới, còn trong tầm lo lắng và nuôi nó ăn học thật kỹ càng. Ngày nào cũng phải check và phụ giúp bài làm ở nhà (home works) của nó. Chồng tôi rất khắt khe trong vấn đề học tập của con nên rất thường xuyên check điểm trên hệ thống computer của trường; vì ông tin rằng con trai tương lai của ổng phải ít nhất có bằng cấp 4 năm đại học hoặc cao hơn nữa! Để sau này còn gánh vác cả một gia đình của nó. Con trai không thể không có nghề nghiệp mà có thể lo cho một gia đình tương đối với xã hội khó khăn của ngày mai. Thằng chó này của chúng tôi hiện ngay lúc này thì cũng chẳng làm gì cho nên trò, ngoài ăn, học, chơi game, và đang tập tành có bạn gái nữa đấy! Việc này chúng tôi giao thẳng cho chị ba của nó, để dòm chừng khuyên bảo, và răn đe nó.

Chung quy thương con cũng phải tùy hoàn cảnh của mỗi đứa chứ không thể chăm sóc hay chia của đồng đều cho được bạn ạ!. Hỏi bạn chứ sao gọi là đồng đều khi mà đứa thì luôn bệnh hoạn, luôn cần có thuốc, và người chăm sóc?. Còn đứa thì nhà cao cửa rộng, có xe chiến xe tên hiệu, có tiệm, có tiền nhiều để chất đầy trong nhà băng (dư ăn dư để). Đứa thì còn độc thân chưa nghề nghiệp vững chắc, tình yêu thì còn đang tìm, khó khăn khi phải tự lập cánh sinh, xe thì cũ cũng làm cho mấy cô chê, v.v…… tiền bạc luôn là nan đề của nó!.

Bạn à! đấy là ý kiến thô thiển của tôi, dựa theo cách sống trong gia đình của chúng tôi mà thôi! Chứ chúng tôi chẳng bao giờ có được cơ hội như bạn mà chia của cho các con. Nhưng không vì thế mà tôi ganh tỵ hay buồn cho thân phận của tôi đâu vì mỗi người đều có một lối sống riêng, gia đình riêng, cá tánh riêng, mục đích riêng, và cách nhìn riêng. Chẳng những tôi không buồn mà còn mừng cho bạn thật nhiều; vì nếu thế giới ai cũng có của ăn của để như bạn thì sẽ rất hiếm thấy có những người không nhà, không cửa, không nơi nương tựa, và tất cả sẽ sống trong an vui trong hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc chính vẫn là dựa trên nền tảng và giáo huấn của Chúa Giê su Kitô, Chúa nhân lành và luôn xót thương chúng ta. Amen.
 
Mái ấm gia đình là ….
Tuyết Mai
18:03 29/12/2010
Hôm nay đã là … tây rồi bạn nhỉ! Chắc bạn rất nôn nóng để về thăm cậu con trai thân yêu và gia đình bên quê nhà. Nhà nào cũng có một mái ấm bạn ạ! Dù mái ấm ấy nó có như thế nào do mình đã lựa chọn và tạo nên. Một mái ấm gia đình không giản đơn để có nếu mình không biết chăm sóc và xây đắp cho nó; mái ấm gia đình cũng giống y như một miếng vườn nhà của bạn mà thôi! Phải bỏ bao nhiêu công sức tiền của để vun trồng vào nó; tốn bao nhiêu thời giờ vất vả từ lúc tinh sương cho đến chiều tà. Thời gian chờ đợi để chúng đơm hoa kết trái không phải được đếm từng ngày, mà là từng những năm tháng dài, chúng ta chịu cực khổ với nó. Con cái thì như bông như trái vậy thưa bạn!. Bạn trồng chúng vì bạn muốn trồng và thích được trồng. Bạn có thú thích được ngắm hoa ngay tại vườn nhà thay vì đi mua ngoài chợ?. Bạn thích có trái để ăn ngay tại vườn nhà thay vì mua chúng từ chợ. Chúng ta thường nghe nói câu: “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” là thế! Vì dẫu sao cũng do chính bàn tay chúng ta làm ra. Hoa trái chúng cho được bao nhiêu thì chúng ta hưởng bấy nhiêu!. Không nên so sánh hoa trái của nhà bên cạnh được, vì nhà người ta giầu có. Sự giầu có của họ đã bỏ biết bao nhiêu tiền để tìm những hoa quả thật hiếm, thật xa xôi, thật chọn lựa, mới có được hạt giống tốt, nên mình không thể nào so sánh cho được bạn nhé!.

Ở đời con người ta thường sống chết vô căn là vì có tánh hay so sánh, hay ganh ghét, hay đố kỵ, và hay chê bai người khác. Có được mái ấm như gia đình tôi bây giờ mà bạn thường khen và ganh tỵ, cũng chẳng sung sướng gì đâu thưa bạn! Vì trong nhà nếu có người được sung sướng thì người kia phải cực khổ. Bạn cứ nghiền ngẫm câu nói của tôi mà coi xem có đúng không!?. Trong gia đình tôi thì chỉ có mình tôi là chịu cực, chịu hy sinh, tha thứ, nhẫn nại, chịu đựng, kiên nhẫn và nhất là muốn được làm mọi việc để được phục vụ, làm đẹp lòng Chúa. Sự chịu đựng của tôi chắc hẳn Thiên Chúa thấu suốt được điều đó; mà người sung sướng nhất trong gia đình của tôi phải nói là ông xã của tôi. Vì tôi được Thiên Chúa ban thêm cho có sức chịu đựng nên tôi đã chịu đựng cho qua những tháng ngày khủng hoảng của chồng tôi. Vì hiểu được cả hai là một, nên những gì chồng tôi phải trải qua, tôi đều phải cố gắng hứng chịu đến ba phần tư; còn một phần tư kia tôi phải dậy dỗ các con và luôn giải thích cho chúng hiểu vì sao ba của chúng khó khăn, khó chịu, và khó chìu. Gia đình là phải “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; phải là chín bỏ làm mười; phải cùng nhau nhìn về một hướng; phải biết tôn trọng cá nhân và sự suy nghĩ của mỗi người; rồi cùng tìm giải quyết tốt đẹp cho mọi vấn đề có tính cách xây dựng chung; tránh nghĩ và dành quyền lợi cho mình; và v.v….

Nhưng nói thì dễ hơn thực hành nhiều phải không bạn thân của tôi ơi!. Được như thế phải nói là có Chúa luôn tiếp xức cho tôi và gia đình luôn được Ngài chúc phúc, nhất là Chúa Thánh Linh. Không gì trải qua từng Ngài mà chúng tôi không được Ngài nâng đỡ, ủi an, hướng dẫn, và phù trợ. Không nhờ Ngài thì gia đình chúng tôi không thoát qua khỏi những cơn sóng gió, bão táp của cuộc đời, mà bao nhiêu người gặp phải. Không nhờ Ngài ban ơn thì chính tôi đã phải bỏ cuộc bao nhiêu lần rồi, vì quá sức dồn ép và quá sự chịu đựng của tôi. Nào là nghịch cảnh do bên ngoài đem tới. Nào là sự khác biệt của cả hai rất rõ rệt, rất khó ở nếu tôi không cố gắng tu tâm tu đức, và không quên khuyên bảo chính mình mỗi ngày, là ý muốn riêng tư của mình là sai???. Được như gia đình chúng tôi theo con mắt đức tin của Thiên Chúa thì gia đình chúng tôi hiện rất hạnh phúc. Tuy không tiền của dư giả như người ta, nhưng vợ chồng luôn cố gắng sống hòa thuận vì tôi giỏi chìu chồng; con cái rất ngoan ngoãn nếu so sánh với con cái người ta; chúng cũng cố gắng lắm để bỏ cái tham muốn của riêng chúng, mà chìu theo ý của cha mẹ. Tuy không nhiều nhưng đó cũng là sự thiệt thòi rất nhiều qua cái hy sinh của chúng và để thua bạn thua bè.

Hôm nay biết bạn sẽ rất bận rộn vì phải chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Nói chứ thường trên đời ít ai biết nhìn chính mình, để cảm tạ Thiên Chúa ban cho muôn vàn hồng ân, mà chỉ nhìn bề ngoài của người khác mà thèm thuồng được như thế! Cũng như chính tôi đây thấy bạn mà thèm muốn cũng được đi theo, xem chuyến về quê nhà (VN) nó sung sướng thoải mái như thế nào!?. Sự thèm muốn này chẳng riêng gì tôi, nhưng cũng của rất nhiều người bên Mỹ cũng muốn hằng năm được về thăm lại quê nhà; nhưng không thường xuyên 3 lần trong một năm như bạn vậy đâu! Nhưng không ai có thể và không ai dám về; vì về VN rất tốn kém và vì chẳng khác nào con cá bị mắc cạn, mà gặp phải kiến lửa. Không người bảo trợ (sponsor) thì chỉ có chết mà thôi! Không chết kiểu này cũng chết vì kiểu khác, nếu bạn hiểu ý tôi muốn nói gì chứ!?. Được như bạn là trường hợp thật đặc biệt vì có nhà ở hai nơi. Tôi thì ra đi từ khi 14 tuổi, nên cũng không có kỷ niệm gì mấy! Có về thì chỉ thèm được có người dắt đi đây đi đó như đi với bạn vậy!. Ăn được những món ăn thuần túy của người Việt; nhất là những trái cây mà thuở nhỏ thích được ăn, thế thôi!.

Chúc bạn một chuyến đi an lành và thượng lộ bình an; chắc về đó bạn sẽ không rảnh để thư cho tôi??. Bạn đang có hạnh phúc trong tầm tay, mong bạn ráng tận hưởng những gì bạn có mà đừng so sánh với người khác. Quả trên đời ít ai biết nhìn nhận cái hạnh phúc của chính mình đang có mà lại thích đi so sánh và muốn có cái (tưởng là hạnh phúc) của người khác.
 
Tin Đáng Chú Ý
Chuyện buồn trên đất Mỹ
Lữ Giang
20:04 29/12/2010
Tài liệu của Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố cho thấy hàng năm có khoảng 14.500 đến 17.500 người bị buôn bán bất hợp pháp vào Mỹ và phần lớn trong số này được sử dụng vào các hoạt động tình dục hay bị cưởng bức lao động. Các chuyên gia tin rằng con số này có thể cao hơn 5 lần.

Tài liệu của free-international.org ước lượng tại Hoa Kỳ hiện có khoảng 200.000 người phải sống và làm việc như nô lệ. Khoảng 100.000 đến 300.000 trẻ em ở Mỹ có rủi ro bị buôn làm nô lệ tình dục mỗi năm. Tuổi 13 được coi là tuổi trung bình đi vào mãi dâm tại Hoa Kỳ.

Số nạn nhân được buôn vào Mỹ phát xuất từ khắp nơi trên thế giới: Phi Châu, Á Châu, Ấn Độ, Đông Âu, Mỹ Châu Latin, Nga, Canada và nhiều nơi khác. Tài liệu của Hội Luật Gia về Di Dân Hoa Kỳ ước lượng: Nam Á và Thái Bình Dương đã đưa vào Mỹ mỗi năm từ 5000 đến 7000 nạn nhân. Mỹ Châu Latin, Âu Châu và vùng Á - Âu: Mỗi nơi từ 3500 đến 5.500 mỗi năm.

HỌ ĐẾN MỸ BẰNG CÁCH NÀO?

Họ đến Mỹ bằng nhiều phương thức khác nhau, có thể nói là thiên hình vạn trạng. Sau đây là một số vụ điển hình.

Ngày 17.8.2006, Cơ quan Thi Hành Luật Pháp về Di Trú và Hải Quan Mỹ (U.S. Immigration and Customs Enforcement - ICE) đã phá một đường dây đưa phụ nữ Nam Hàn vào Mỹ để khai thác tình dục tại nhiều thành phố ở Mỹ như New York, Washington DC và Philadelphia. Kết quả có 31 nghi can đã bị bắt. Khoảng 70 phụ nữ Nam Hàn tham gia đường dây này đã bị ICE và các cơ quan điều tra tạm giữ để thẩm vấn xem họ có phải là những nạn nhân của bọn buôn người và kinh doanh tình dục hay không. Đa số những người này được đưa thẳng từ Nam Hàn sang Mỹ bằng giấy tờ giả, một số được nhập cảnh qua ngả Canada hoặc Mexico. Mỗi người phải trả cho các tên cầm đầu hàng chục ngàn USD dưới hình thức vay nợ và cam kết sẽ phải hành nghề mại dâm để trừ nợ dần.

Đường dây này bị phát giác vì cách đó 15 tháng một cặp vợ chồng người Nam Hàn ở hạt Queens, New York, bị bắt và truy tố vì đưa hối lộ 125.000 USD cho 2 viên cảnh sát địa phương để che giấu hoạt động chứa mại dâm. Hai viên cảnh sát nhận hối lộ này cũng đã bị bắt. Từ vụ này cảnh sát phanh phui ra vụ vừa nói. Những đối tượng cầm đầu và 70 phụ nữ Hàn Quốc nói trên bị buộc các tội buôn người, bán dâm và nhập cảnh trái phép.

Trước đó một ngày, một đường dây mại dâm gồm 240 gái gọi và 2 nghi can cầm đầu người Israel đã bị phá và bắt giữ tại California.

Cô Katya lại đến từ Nga. Cô đọc được một quảng cáo trên báo và gọi đến số điện thoại cho sẵn để kiếm một công việc như là vú nuôi của một gia đình giàu có tại thành phố New York. Họ đã làm giấy tờ và mua vé máy bay đưa cô sang Mỹ. Thế nhưng khi đến phi trường JFK ở New York, hai tên người Mỹ gốc Nga đã ra đón cô tại phi trường, lấy thông hành của cô và cho cô biết cô đã nợ chúng số tiền về chuyển vận và chổ ở. Cô có hai lựa chọn: hoặc là nhảy thoát y tại New Jersey hay làm việc tại phòng xoa bóp ở Brooklyn.

Cô Kika đến từ Venezuela. Một người đàn ông Hoa Kỳ đã qua Venezuela, làm quen và hứa hôn với cô, rồi làm giấy tờ đưa cô về New York, sau đó tịch thu giấy thông hành và tiền của cô, và đòi cô phải trả nợ số tiền di chuyển đi đến Mỹ. Sau đó, hắn buộc cô phải làm việc trong một nhà thổ với các cô gái bị bắt làm nô lệ khác. Khi cô chống cự, hắn đã đánh cô bị thương tích nặng. Cô cho biết đêm đầu tiên cô đã phải làm tình với 19 tên đàn ông.

Sau 3 năm dài sống trong địa ngục trần gian, cô lại chứng kiến người bạn của cô đã bị bọn chủ nô giết hại một cách dã man, vì cô ta đã từ chối làm tình với một tên chuyên buôn bán và vận chuyển những người làm nô lệ tình dục.

Khi cảnh sát đến, họ đã đối xử với Kika như là một tên tội phạm, chứ không phải là một nạn nhân. Cô làm chứng về việc người bạn gái của cô bị sát hại, và cô không hề nhận được một sự hổ trợ nào cả từ chính quyền, vì cô thuộc loại không có lý lịch rõ ràng và không nói được câu tiếng Anh nào.

Sandro, 32 tuổi, được đưa từ Mexico sang. Anh cho biết lúc đó anh đang ở trong một trại tạm trú ở Tijuana, gần sát biên giới Mexico và Mỹ. Một người tuyển dụng đến tiếp xúc với anh và bảo anh cùng đi tới biên giới Mexico - Mỹ để “xem tình thế như thế nào”. Khi họ tới gần biên giới, người tuyển dụng này biết rõ về thời điểm thay ca tuần tra ở biên giới, đã đẩy Sandro sang phía bên kia đường biên giới và bảo anh chạy nhanh đi. Anh được những kẻ buôn người Mexico ở phía Mỹ đón và hướng dẫn anh đi tới một nơi được coi là “ngôi nhà an toàn” và buộc anh phải làm thuê để có chỗ ngủ và bị buộc quan hệ tình dục khoảng 20 lần. Sau đó, anh bị họ áp tải tới một “ngôi nhà an toàn” khác ở San Diego, và buộc làm nô lệ tại gia. Ít lâu sau, anh bị buộc phải làm việc ở một công trường xây dựng suốt cả ngày và phải nộp tiền lương của mình cho những kẻ buôn người. Anh tiếp tục bị lạm dụng tình dục. May mắn, anh được nhân viên chống buôn người của Mỹ cứu thoát và cấp giấy phép cho anh lưu trú tạm thời tại Hoa Kỳ.

Khi mới 15 tuổi, Claudia gặp một chàng trai hấp dẫn tại một bữa tiệc và người đó sau này trở thành bạn trai của cô. Cô nói: "Người này kể cho tôi nghe rất nhiều về nước Mỹ và đề nghị tôi cùng làm ở nhà máy quần áo với anh".

Anh ta đã đưa Claudia sang Mỹ và đến thành phố New York. Tại đây, cô nhanh chống nhận ra rằng người bạn trai đó chỉ là một mắt xích trong đường dây mại dâm. Anh ta ép cô phải bán dâm, đánh đập cô và đe dọa sẽ giết bố mẹ cô ở quê nhà nếu cô kháng cự hoặc trốn. Ngày đầu tiên cô phải làm việc thật khủng khiếp: ngủ với 20 người đàn ông liên tục!

Suốt nhiều tháng trời, cô dành dụm tiền khách cho, mỗi lần chỉ vài USD, để có thể trốn đi. Cô bí mật hỏi những người đồng cảnh ngộ, nhưng lớn tuổi hơn, về đường tới bến xe buýt gần nhất.

Khi thấy số tiền đã đủ để đi xe buýt, Claudia chạy đến bến xe và mua chiếc vé tới thành phố mà cô cũng không biết tên. Giờ đây, khi đã được tự do nhiều năm, Claudia vẫn chưa thoát khỏi những cơn ác mộng và cuộc sống của cô vẫn hằn vết sẹo.

Ông CdeBaca, người giám sát nạn buôn người thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ, cho biết nhiều đường dây bán dâm bị truy tố trên khắp nước Mỹ. Những tay ma cô lừa phụ nữ Mexico bằng hứa hẹn về việc làm thu nhập cao ở Mỹ. Nhưng khi đến nơi, họ bị ép làm nô lệ tình dục. Bọn buôn người biết nạn nhân không tìm đến cơ quan cảnh sát vì họ là những người nhập cư bất hợp pháp. Đôi khi chúng còn đe dọa tố cáo nạn nhân với cơ quan di trú!

Đau buồn hơn là nạn buôn người lại xẩy ra cho chính người Mỹ và ở ngay trên đất Mỹ. Trường hợp của Theresa Flores ở vùng ngoại ô Detroit là một trường hợp điển hình. Cô đã viết cuốn “An American Teens story of Modern Day Slavery.” (Câu chuyện của các thiếu niên Mỹ về chế độ nô lệ thời hiện đại), tường thuật lại trường hợp cô bị bắt làm nô lệ tình dục như thế nào.

Ở tuổi 15, Flores sống ở một ngôi nhà cao cấp ở Beverly Hills, Detroit, Michigan, và đi học ở Birmingham Groves High School. Cô mô tả mình như là một "cô gái Công giáo tốt đẹp" đã bị lừa và bị bắt làm nô lệ tình dục trong hai năm.

Cô cho biết câu chuyện bắt đầu khi cô gặp một cậu lớn hơn cô ta, sau đó anh ta đề nghị lái xe đưa cô từ trường về nhà. Một hôm anh ta đưa cô đến nhà anh ta thay vì về nhà cô. Cô cho biết anh ta mời cô uống nước, và một lát sau khi uống, cô thấy căn phòng bắt đầu quay. Cô tin rằng cô đã bị đánh thuốc mê. Cô nói:

"Anh ấy đã có cơ hội, thời điểm để đánh thuốc mê tôi. Người anh em họ của anh ta ở đó mà tôi không biết. Rồi họ chụp hình (khỏa thân) tôi và xử dụng những tấm hình đó được để hăm dọa tôi.”

“Nếu cô không chịu, chúng tôi sẽ xúc phạm gia đình cô. Tôi sẽ cho cha cô xem những tấm hình này. Tôi sẽ phổ biến những tấm này nơi trường học của cô. Tôi sẽ đưa những tấm hình này cho linh mục ở nhà thờ”. Đó là những điều họ thường dùng để đe dọa tôi.

Đêm hôm đó họ đã hiếp dâm tập thể cô và kể từ đó cô trở thành “tù nhân’ của một nhóm tội phạm ma túy. Chúng sử dụng cô như một gái mại dâm, bắt cô làm việc kiếm tiền cho chúng, thậm chí còn dùng làm “phần thưởng” cho những thành viên trong băng nhóm.

Cô nói cô không có cách lựa chọn nào khác. Cô cho biết họ đã hảm hiếp cô liên tục trong hai năm cho đến khi cô được chuyển ra khỏi Beverly Hills.

Hiện nay bà Flores đã 44 tuổi, có chồng và ba con. Bà đã đứng ra thành lập phong trào chống nạn buôn người, cảnh cáo các phụ huynh và thanh thiếu niên Mỹ về các trò xảo trá mà bọn buôn người thường dùng để gài bẩy săn bắt người.

Các nhà hoạt động chống tội buôn người cho biết các vụ buôn người ở Mỹ đã diễn ra ở nhiều dạng khác nhau, liên quan đến cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Hoạt động chính của bọn tội phạm là buôn bán lao động bất hợp pháp. Thường nạn nhân được sử dụng vào những công việc trong gia đình hoặc những việc nặng nhọc trong nông nghiệp. Phụ nữ và trẻ em bị ép buộc tham gia vào những hoạt động tình dục. Tuy nhiên, ngày nay các vụ buôn người ngày càng phổ biến trong lãnh vự doanh nghiệp như nhà hàng, thẩm mỹ viện, v.v. Các chủ giam thường khống chế nạn nhân bằng cách giữ giấy tờ và dùng bạo lực.

CHƯA TÌM RA GIẢI PHÁP

Những câu chuyện buôn người điển hình mà chúng tôi đã kể lại trên đây là tình trạng đang xẩy ra ở tại một cường quốc, nơi đang phát động mạnh chiến dịch chống buôn người và giám sát tình trạng buôn người trên thế giới. Ở những nơi khác tình trạng còn bi thảm hơn.

Một thí dụ cụ thể, ngày 27.9.2010, Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Di Cư Quốc Tế (International Organization for Migration - IOM) báo động tình trạng buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở khu vực Mỹ Châu Latin và Caribe đã tăng mạnh hàng năm trong suốt thập kỷ qua.

Tổng số nạn nhân của nạn buôn người ở Mỹ Châu Latin lên tới 250.000 người mỗi năm, đem lại nguồn lợi bất hợp pháp cho các tổ chức buôn người tới 1,35 tỷ USD hàng năm.

Tổ chức Liên minh chống buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Mỹ Châu Latinh và Caribe (CATW- LAC) cho biết trong thập kỷ này có tới 5 triệu phụ nữ và trẻ em đã rơi vào mạng lưới tội phạm buôn người và 10 triệu người khác có nguy cơ trở thành nạn nhân của chúng.

Liên Hiệp Quốc xác định Mỹ Châu Latin vừa là nguồn, vừa là điểm đến của nạn buôn người, một loại tội phạm đang tác động nghiêm trọng đến các nước như Brazil, Colombia, Cộng hòa Dominicanan. Bà Ana Hidalgo, một viên chức của IOM ở Mỹ Châu Latin cho rằng phản ứng của khu vực này đối với nạn buôn người hiện nay chỉ mang tính hình thức. Hầu hết các nước Mỹ Châu Latin đều đã ban hành luật chống buôn người và phê chuẩn Nghị Định Thư của LHQ ngăn chặn và trừng trị tội phạm buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nhưng những nước này vẫn chưa xây dựng các kế hoạch để thực hiện các luật quốc gia và quốc tế về chống buôn người.

Nghị Định Thư của Liên Hiệp Quốc về ngăn chận và trừng phạt nạn buôn người, nhất là phụ nữ và trẻ em, có hiệu lực kể từ ngày 25.12.2003, đã coi những hành vi sau đây đều là “buôn người”: Tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận người, bằng cách: đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưởng ép, bắt cóc, lừa đảo, xí gạt, lạm dụng quyền lực, dùng biếu xén, tiền bạc hay các lợi ích để được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát người khác, với mục đích khai thác vào tệ nạn mãi dâm, sách nhiễu tình dục, buộc lao động, phục dịch, làm nô lệ hay tương tự nô lệ, hoặc để lấy các bộ phận cơ thể.

Những trường hợp nói trên, dù có sự đồng ý của nạn nhân, vẫn bị coi là buôn người.

Vào năm 2000, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân của Nạn Buôn NgườI” (Trafficking Victims Protection Act), thế nhưng các cơ quan thi hành lại không nhận được sự tài trợ đầy đủ về ngân sách. Không đủ tiền tương đồng với công việc phải làm, không đủ các nhân viên thi hành luật pháp, các cơ quan chống buôn người chỉ có thể theo dõi những vụ lớn mà thôi.

Luật cho phép các nạn nhân buôn người ở lại Mỹ nếu họ tố giác thủ phạm, nhưng đáng tiếc là không phải tất cả các cộng đồng nhập cư và công dân Mỹ biết điều đó.

CẦN SỰ TIẾP TAY CỦA NHIỀU NGƯỜI

Lịch sử cho thấy nạn buôn người cũng như sự nghèo đói, đã bám sát nhân loại từ khi đang sống theo từng bộ lạc cho đến ngày nay, nó không trừ bất cứ quốc gia nào, từ những nước nghèo nhất thế giới như Bangladesh, Lào cho đến những nước giàu nhất thế giới như Mỹ, Đức, Úc, v.v., nó chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Việc chống buôn người cũng như sự nghèo đói đã và đang được cải tiến dần theo đà văn minh của nhân loại, nhưng cách buôn người cũng ngày càng tinh vi hơn. Tệ nạn này chỉ chấm dứt khi không còn loài người nữa.

Chúng tôi xin nhắc lại, trong bài diễn văn đọc ngày 14.6.2010, bà Ngoại Trưởng Clinton đã nhấn mạnh: “Sự lạm dụng nhân quyền này là phổ quát, và không ai có thế nói họ không bị dính dấp tới hoặc không có trách nhiệm đối đầu với nó.”

Ngày 28.12.2010
 
Văn Hóa
Tình Yêu Giáng Sinh
Đa-Minh Trần & Dominic David Trần
07:51 29/12/2010
Lời dẫn nhập suy niệm: Đạo Công Giáo có thể được thể hiện bởi một động từ: " YÊU " từ lời tuyên bố Nguồn mạch của Đức Tin và Đức Ái qua 1 Gioan 7-12; ". .. Vì Tình Yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa... Ai không yêu thương là không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu* Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình Yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau...."

Thơ từ Tin Mừng Phúc Âm theo thánh Mattthêu (9:13)

TA yêu kẻ khó như mình,
MUỐN ai cũng vậy thêm tình yêu thương.
LÒNG lành trao tặng muôn phương,
NHÂN hòa hoan hỉ sẽ thương nhau nhiều.
TỪ bi sinh tốt bao chiều,
KHÔNG còn vấp phạm những điều giới răn.
MUỐN cho hết thảy muôn dân,
CỦA mình đem tặng tha nhân làm qùa.
TẾ dâng chín bệ Thiên Tòa,
LỄ là Kính Chúa - Lễ hòa Yêu Thương.
 
Lạy Mẹ là mùa xuân
Hiền Lâm
18:06 29/12/2010
Lạy Mẹ là mùa xuân:
Là nắng hồng tươi mới,
Là mưa rơi tưới gội,
Là gió thoảng chiều hôm.

Lạy Mẹ là mùa xuân:
Là hoa đào tươi nở,
Là bông mai đương trổ,
Là khóm huệ trắng ngần.

Lạy Mẹ là mùa xuân:
Mùa tình yêu hiệp nhất,
Mùa giao hoan trời đất,
Mùa ấm áp tình thân.

Lạy Mẹ là mùa xuân:
Là mẫu gương Thánh Thất,
Là Nữ Vương trời đất,
Là Mẹ Đấng Tình Quân.

Lạy Mẹ là mùa xuân:
Là mẫu gương lao động,
Là niềm vui cuộc sống,
Trong ẩn dật âm thầm.

Lạy Mẹ là mùa xuân
Con hướng nhìn về Mẹ
Thì thầm con kể lể
Những mẩu chuyện đầu năm.

Xin Mẹ là mùa xuân
Cho đời con đổi mới,
Cho con yêu ơn gọi
Yêu cuộc sống âm thầm.

Xin Mẹ là mùa xuân
Nguyện dủ tình thương đoái
Trông xem đoàn con cái
Giữa kiếp đời lê dân.

Xin Mẹ là mùa xuân
Thương cầu thay nguyện giúp
Lên chúa Cha thương xót
Cho con thoát biển trần…
 
Ông Si-mê-on nói tiên tri
Ngô xuân Tịnh, CVK
18:09 29/12/2010
Lc 2,33-35



Cha và mẹ Hài Nhi kinh ngạc
Si-mêon mặc khải về Người

Ông còn chúc tụng hai người
Với Maria ông nói những lời như sau



Thiên Chúa đã đặt vào cháu bé
Một nguyên cớ để người Ich Diên
Hoặc là vấp ngã xuống liền
Hay là chỗi dậy đứng lên vì Người



Cháu dấu hiệu người đời chống báng
Ý thâm sâu phải rạng tỏ ra
Cho bà cháu bé chính là
Lưỡi gươm sắc bén tim bà đâm thâu


Bà An-na nói tiên tri
Lc 235-38



An-na lại cũng là ngôn sứ
Con Po-nư-sen chi tộc A-se
Đời bà sống kiếp phu thê
Bảy năm chồng sớm đi về bên kia



Sau khi chồng lìa đời bà đã
Ở góa vậy cho đến bây giờ
Nay bà đã tuổi tám tư
Đền thờ luôn ở phượng thờ Chúa trên



Cùng lúc ấy bà liền tiến lại
Bên Hài Nhi cảm tạ Chúa trên
Về Hài Nhi bà nói lên
Là Ơn-Cứu-Độ Chúa trên đáp lời
cho người mong mỏi mòn hơi:
Gia -liêm cứu chuộc Chúa Trời trao ban



 
Maria, Mùa Xuân Thánh Ân
Giuse Nguyễn Hữu Đạt
18:16 29/12/2010
Áo xuân Ai khoác quê ta
Xa xa dải núi nối ba miền liền
Đất cằn, sỏi đá, bình nguyên…
Dáng mềm tha thướt vuông viền sắc hương ?

Đẹp tươi vui tận rẫy nương
Hồng hồng tuổi hát vũ ca mộng thường
Đào, mai khoe nụ, đẫm sương
Mướp, bầu, cà, bí mượt mường bản xanh.

Về xuôi, phố xá thị thành
Xe lăn nhộn nhịp, loanh quanh, vội vàng
Bao người chuẩn bị Tết sang
Quên mùa thu với đông nhường dần tan ?
Không gian quyện lẫn thời gian
Thời gian như cũng dâng lần niềm vui
Phục sinh muôn đóa ngọt bùi
Nhuộm trong mọi nỗi khổ buồn cũ xưa
Lung linh, lấp lánh, tình đưa
Em ơi, em vẫn như vừa thuở nao
Thương ai nuốt vội ngọt ngào
Đôi khi mắc thẹn ngượng trao mỉm cười !

Về đây, chốn ấy còn tươi
Hư hao đôi chút đã nguôi nguội rồi
Tháng năm chinh chiến tơi bời
Giờ Xuân chỗi dậy, xứ tôi rộn ràng
Giáo đường chuông rót nhịp vang
Báo tin khoảnh khắc thiêng liêng vô ngần
Thiên đình ngự cõi địa trần
Hồn ôm ấp sợi tơ vàng thánh ân.


(Bùi Thái-Biên Hòa) Xuân 2011

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ghế Vắng
Lê Trị
21:58 29/12/2010
GHẾ VẮNG

Ảnh của Lê Trị

Không có em

biển rì rào gợi nhớ

sóng dâng trào

đánh mất bụi thời gian

nỗi dày vò

là vết thẹo không tan

như ngày tháng

âm thầm... gọi nhớ...

(Trích thơ Của E. Trần)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền