Ngày 27-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Hai 28/12: Quyền sống của trẻ em và thai nhi? Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:04 27/12/2020


PHÚC ÂM: Mt 2, 13-18

“Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.

Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Đó là lời Chúa.
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thánh Gia 27/12/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
06:08 27/12/2020


BÀI ĐỌC I: Hc 3, 3-7. 14-17a

"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".

Trích sách Huấn Ca.

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).

1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Đáp.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa. - Đáp.

3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Cl 3, 12-21

"Về đời sống gia đình trong Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Cl 3, 15a. 16a

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.

PHÚC ÂM:: Lc 2, 22. 39-40

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Đó là lời Chúa.
 
Thánh Gia
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
12:30 27/12/2020
LỄ THÁNH GIA THẤT: THÁNH GIA (Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,22-40)

Chúa Giêsu là Ngôi Lời hiện hữu từ đời đời. Ngài đã hạ xuống thế làm người và sống trong một gia đình có cha có mẹ. Chúng ta gọi là gia đình Thánh Gia. Vì có Chúa Giêsu là Đấng Thánh cư ngụ. Chúa Giêsu đã chấp nhận kiếp người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Chúa đã đi vào thời gian và không gian của lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu đã dùng 33 năm để hoàn tất sứ mệnh mà Chúa Cha đã trao phó. Ba mươi ba năm là một khoảng thời gian ngắn so với đời đời, nhưng là thời gian hồng ân Thiên Chúa đã viếng thăm và chia sẻ phận người. Đức Maria và thánh Giuse đã được thông phần vinh dự của Chúa Con. Ngàn đời mọi người sẽ khen Mẹ có phúc và thánh Giuse là người cha công chính: Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con (Hc 3,2).

Chúa Giêsu không làm phép lạ để biến đổi những ngày tháng ẩn cư thành những ngày lễ hội. Ngài sống rất âm thầm và sống rất thật với số phận của con người. Sống trong một gia đình, Ngài đã chia sẻ mọi vui buồn sướng khổ của cuộc đời. Chiêm ngưỡng Mẹ Maria trìu mến và chăm sóc con trong yêu thương. Nhìn Giuse lao động kiếm thêm hạt cơm manh áo. Cõ lẽ Chúa Giêsu cũng không đòi hỏi gì hơn nơi cha mẹ trong cuộc sống gia đình. Yêu thương là chấp nhận. Chúa đã chấp nhận tất cả kiếp sống làm người. Chúng ta có thể quan sát mọi sinh hoạt trong cuộc sống đời thường của gia đình chúng ta. Chính Chúa cũng đi vào cuộc sống của gia đình với tất cả mọi mọi khía cạnh từ sự phát triển thân xác, tinh thần, liên hệ, cư xử, học hỏi, nghề nghiệp và những khó khăn trong cuộc sống. Cũng như các gia đình khác, Thánh Gia cũng có khi hân hoan vui sướng, khi lo lắng, khi vất vả và cả lúc buồn phiền. Từng ngày sống là từng góp nhặt kinh nghiệm để giúp nên hoàn thiện.

Chúng ta tin rằng Đức Maria và Giuse đã sống những chuỗi ngày bình an. Chúa Giêsu đã làm gì trong lứa tuổi đôi mươi? Chúa Giêsu cũng đã trải qua từng lứa tuổi với bạn bè, tham dự các sinh hoạt cộng đồng, học hỏi văn hóa nơi trường lớp và cầu nguyện, suy gẫm nơi hội đường. Sinh hoạt của làng quê Nazarét có lẽ rất thanh thản và an bình. Cảnh vùng quê có đồi núi, đồng cỏ, ruộng rẫy và vườn tược. Chúa sống vào thời kỳ không có chiến tranh nên cuộc sống dân làng thật thanh bình. Ba mươi năm sống trong gia đình, Chúa Giêsu đã quan sát và học hỏi biết bao kinh nghiệm sống trong môi trường của miền quê Nazarét.

Những Lời Chúa giảng được rút ra ngay trong cuộc sống đời thường từ nơi nhà bếp tới nhà trên, trong nhà ngoài ngõ, vườn trước ruộng sau, sông biển núi đồi, làng xóm phố thị… mọi nơi mọi chỗ. Chúa Giêsu đã đưa các sinh hoạt hằng ngày vào Tin Mừng của Nước Trời. Chúa dùng các tỉ dụ, dụ ngôn, ẩn dụ để nói về Nước Trời như hoa cỏ đồng nội, chim trời cá biển, nắm men đấu bột, vá áo cũ vải mới, rượu cũ bầu mới, hạt cải nẩy mầm, trái nho ép rượu, hạt giống tung gieo, lưới thả dưới biển, mẻ cá ngập tràn, lựa cá tốt xấu, nướng cá trên lò, đồng bạc bị mất, tìm viên ngọc quý, kho tàng chôn dấu, chuồng chiên, chủ chiên, chăn chiên, thịt chiên… Chúa thấu hiểu mọi cảnh huống của cuộc đời. Chúa còn quan tâm hơn nữa đến đời sống thể xác và tinh thần của đồng loại. Chúa chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền, kẻ câm điếc, mù lòa, phong cùi lở loét, những người bị quỷ ám, kẻ lầm lạc tội lỗi, người sa cơ lỡ thế và những kẻ sám hối ăn năn. Chúa đã đến với họ bằng trái tim yêu thương và lòng xót thương vô bờ.

Chúa Giêsu dành thời gian 30 năm chung sống và trưởng thành trong cảnh gia đình. Tam thập như lập. Năm 30 tuổi, Chúa đã ra rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đức Maria cùng dõi bước theo Con trên mọi nẻo đường. Mẹ không huênh hoang tự đắc, Mẹ khiêm nhượng núp sau bóng Chúa. Mẹ hiện diện đó để nâng đỡ ủi an, phục vụ và chăm lo đời sống cho Chúa cùng đoàn tông đồ. Mẹ luôn luôn hiện diện sát cánh để liên kết và khích lệ. Nhất là sau khi Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh và về trời. Đức Maria tiếp tục sứ vụ truyền rao tin vui cùng với các tông đồ.

Mỗi người chúng ta đều có ơn gọi riêng. Ơn gọi làm cha, làm mẹ và ơn gọi làm con cái. Mỗi người hãy chu toàn bổn phận mình trong sự liên đới với người khác. Mỗi người trong gia đình thánh đã hoàn tất sư vụ trong ơn gọi riêng của mình. Thánh Giuse chu toàn trách nhiệm làm cha nuôi của Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế. Đức Maria trong vai trò đồng công chuộc tội. Mẹ đã đứng dưới chân thập giá dâng người Con Yêu lên Chúa Cha như của lễ hiến tế đền tội.
 
Khởi sự lại trong ân sủng
Lm. Minh Anh
16:04 27/12/2020
KHỞI SỰ LẠI TRONG ÂN SỦNG
“Ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thiên Chúa là tình yêu, Ba Ngôi Thiên Chúa là một gia đình tình yêu. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo thành Adam, Eva vốn là một gia đình tình yêu đầu tiên; thế nhưng, gia đình đó đã ngã sa và Thiên Chúa phải làm lại từ đầu. Người khởi sự lại với gia đình Abraham, Sara; để từ đó, phát xuất gia đình Thánh Gia hôm nay Giáo Hội mừng kính, một gia đình kiểu mẫu, mực thước cho các gia đình trong nhân loại: Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu, Đấng ‘khởi sự lại trong ân sủng’ cũng là Đấng mà “Ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người”.

Chúng ta cùng về lại với gia đình đầu tiên của nguyên tổ ở vườn địa đàng. Đẹp biết bao, hạnh phúc biết bao! Thuở hồng hoang ấy, ngày ngày Adam, Eva nhởn nhơ dạo chơi với Thiên Chúa giữa bao cảnh vật tốt lành; thế nhưng, nghe lời ma quỷ dụ dỗ, nguyên tổ đã đánh mất mối tương quan tốt đẹp, mọi sự gãy đổ. Giận quá, Thiên Chúa đuổi hai người ra khỏi địa đàng, trần trụi, tủi hổ. Nhưng vì là tình yêu, nên Thiên Chúa vẫn thương, vẫn yêu, Người ban cho họ lời hứa “miêu duệ đạp nát đầu con rắn”; và để họ bớt xẩu hổ, Người kịp mặc cho họ những chiếc áo che thân vì họ đang loã thể. Rời chốn bồng lai, họ đánh mất thiên đàng!

Vậy mà Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Người đã làm lại; Người tìm một gia đình khác, Abraham và Sara, chúng ta vừa nghe trong bài đọc hôm nay. Đó là một gia đình đầy lòng tin; vâng lời Chúa, ông bà đã ra đi đến một nơi không biết trước và ở tuổi xế chiều, Abraham vẫn tin vào lời hứa Chúa cho con đống cháu đàn, đông như sao trời, nhiều như cát biển; để rồi từ gia đình này, Thiên Chúa sẽ có một gia đình khác tuyệt vời hơn là gia đình Thánh Gia hôm nay chúng ta chiêm ngắm; với đứa con của gia đình đó, Thiên Chúa sẽ ‘khởi sự lại trong ân sủng’.

Nếu các thiên thần đã đuổi nguyên tổ ra khỏi địa đàng làm sao thì với gia đình Thánh Gia, cửa thiên đàng rộng mở thể ấy để các thiên thần ca hát trong đêm Con Thiên Chúa làm người; và nếu Eva đã nghe theo lời ma quỷ để sự chết đi vào trần gian thì với Đức Mẹ, con người vâng phục, sự sống ân sủng của Thiên Chúa đã vào trần gian qua Đấng Mẹ cưu mang; chính Chúa Giêsu sẽ ‘khởi sự lại trong ân sủng’; Thánh Giuse thế chỗ Adam, thay vì nghe lời xúi bẫy của ác thần, ngài sẽ nghe lời sứ thần Chúa dạy để ý định của Người được thành toàn.

Và nếu gia đình nguyên tổ xưa đã trần trụi tủi hổ ra đi khỏi chốn địa đàng thì Thánh Gia trong hang lừa máng cỏ, dù nghèo khó, trần trụi… các ngài không tủi hổ nhưng vui mừng giữa tiếng tung hô của các thiên thần, “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Với gia đình Thánh Gia, những gì đã mất, nay tìm lại được; những gì tủi hổ nay là hân hoan; và những gì thất sủng, nay là ân sủng. Hài Nhi Giêsu đã ‘khởi sự lại trong ân sủng’, đem con người về lại với Thiên Chúa; Chúa và người đã giao duyên; trời và đất đã giao hoà.

Ngày kia, một tiều phu vào rừng; tình cờ, ông nhặt được một chú sư tử con. Ông đem nó về nuôi chung với những con dê con. Tháng ngày qua, sư tử con lớn lên và nó tưởng mình là dê, nó kêu be be như dê. Cho đến một ngày, khi đàn dê đang ăn cỏ thì từ trên mõm đồi, sau hốc đá, một con sư tử khổng lồ đang trườn mình quan sát; đó là sư tử cha. Nhìn xuống chân đồi, thấy con mình ngây ngô giữa đám bạn bè, được canh chừng bởi những con chó hung dữ, ruột gan sư tử cha quặn thắt. Ngày này qua ngày khác, nó quan sát… cho đến một ngày, điều phải đến đã đến. Một buổi sáng, đàn dê đang nhảy nhót, thì từ đỉnh đồi, nó lao xuống như một mũi tên và tựa ánh chớp, nó vồ lấy sư tử con và cắp đi trước sự khiếp sợ của đàn dê. Nó đem sư tử con đến một bờ sông; ở đó, nó dỗ dành, khuyên bảo, nhưng ‘dê con’ một mực vùng vằng. Nó tức giận, hỏi sư tử con, “Mày là ai?”, “Tôi là dê”; “Không, là sư tử!”. Nó lôi sư tử con đến bờ, soi mặt mình trong nước và hỏi, “Xem mặt mày có giống mặt tao không?”; sư tử con bảo, “Giống”. Nó dịu giọng nói cho sư tử con rằng, “Con không phải là dê, nhưng là sư tử, thuộc dòng dõi chúa sơn lâm, vua các con thú”. Và nó tập cho sư tử con ngẩng cao đầu, nhảy những bước dài, không còn kêu be be nhưng gầm vang, tiếng nó rung chuyển cả một khu rừng.

Anh Chị em,

Như sư tử cha đã liều mình cứu con, Chúa Giêsu cũng liều mình xuống thế để cứu con người, nói cho con người rằng, khuôn mặt của nó là khuôn mặt Thiên Chúa vì nó là hình ảnh của Người; Ngài xuống thế, phục hồi địa vị làm con của con người, nói cho con người rằng, phẩm giá của nó thật cao trọng và để mỗi người nghe được tiếng nói của Cha, “Con là con rất yêu dấu của Ta”. Ngài đến với nhân loại, không bằng con đường nào khác, nhưng bằng con đường gia đình; cùng với một người cha, một người mẹ, Chúa Giêsu làm nên gia đình Thánh Gia. Trong gia đình ấy, ai ai cũng đều “tuân thủ mọi điều luật của Chúa” như Tin Mừng hôm nay ghi nhận. Mặc dù hành vi này ám chỉ việc Chúa Giêsu được dâng hiến trong đền thờ theo luật, nhưng nó còn cho thấy mọi khía cạnh trong cuộc sống các ngài, các đấng hằng sống đẹp lòng Chúa Cha, Đấng ‘khởi sự lại trong ân sủng’ mọi điều. Và đây là mẫu mực cho mọi cuộc sống gia đình, cũng như cuộc sống cá nhân mỗi người chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng ‘khởi sự lại trong ân sủng’ mọi công trình của Chúa, xin tái tạo trong con trật tự Chúa muốn. Xin cho con biết noi gương Thánh Gia hầu có thể luôn sống trong ân sủng Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 27/12/2020

5. Mình tôi không những không khó chịu khi kêu danh Đức Chúa Giê-su Ki-tô, mà còn phải hướng dẫn tội nhân quay đầu trở lại, để lau sạch nước mắt của Ngài đã đổ ra vì tội lỗi của con người.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:23 27/12/2020
20. MŨI ĐỎ MŨI TRẮNG

Lúc quan trung lang họ Viên làm quan ở kinh thành, đến tháng chín thì mặc áo vải bông rất dày, chúng tôi nói với ông ta:

- “Như thế thì nóng lắm, muốn chảy mũi đỏ (ý nói là chảy máu cam) sao?

Em ông ta là Tiểu Tu nói:

- “Không mặc thì lại để chảy mũi trắng (ý nói chảy nước mũi) à !”

(Tuyết Đào Hìa Sứ)

Suy tư 20:

Người bệnh, nhất là bệnh cảm nóng hay cảm thương hàn thì đều rất sợ gió và sợ lạnh, nên phải mặc áo bông dù trời nóng, bằng không thì sẽ bị sổ mũi, đó là chuyện bình thường của người bị bệnh; nhưng chuyện không bình thường là có những người khỏe mạnh nhưng lại cứ sợ gió sợ bệnh, nên dù trời nóng hay trời lạnh cũng mặc...áo gió che kín đầu, bệnh của họ là bệnh tưởng tượng đến nỗi trở thành...ấn tượng.

Trong đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng có những người mang bệnh...tưởng tượng như vậy, họ tưởng tượng ra một Thiên Chúa luôn trừng phạt mọi người, nhất là người tội lỗi, thế là họ đem Thiên Chúa làm thành ông kẹ để dọa những người nhẹ dạ; họ tưởng tượng ra một Thiên Chúa thích ở trong một thánh đường thật đẹp đẽ lộng lẫy, thế là họ “bai bai” nhà thờ mái tôn vách ván nghèo khó của giáo xứ mình, để đến những nhà thờ khác đẹp to lớn hơn để đi lễ đọc kinh; lại còn có người tưởng tượng ra một Thiên Chúa thích nịnh, thế là họ ngày ngày rỉ rả câu: “lạy Chúa Giê-su con yêu mến Chúa” nhưng họ lại luôn nói hành nói xấu tha nhân, họ luôn tìm cách để triệt hạ bôi xấu anh chị em.

Trời nóng trời lạnh là do Thiên Chúa an bài, nhưng mặc áo bông hay mặc áo mỏng là do chính bản thân khỏe hay yếu, khoe khoang hay kiêu ngạo của mình mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Ba 29/12 –Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân – Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Minh-Ước SJ
Giáo Hội Năm Châu
22:32 27/12/2020


Video bắt đầu lúc 7g tối thứ Hai 28/12/2020

PHÚC ÂM: Lc 2, 22-35

“Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa”, và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là “một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con”.

Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.

Đó là lời Chúa.
 
Chứng nhân lặng lẽ
Lm. Minh Anh
22:59 27/12/2020
CHỨNG NHÂN LẶNG LẼ
“Người ta nghe tiếng khóc than nức nở,
đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất ngạc nhiên khi nói, trước cả cái chết của Têphanô, vị thánh phó tế, các trẻ sơ sinh thời Chúa Giêsu giáng thế là những chứng nhân tử đạo đầu tiên của Ngài; bằng chứng là Giáo Hội tôn kính các Thánh Anh Hài như các vị thánh tử đạo. Thật bất ngờ, những trẻ này nói với chúng ta nhiều điều nhân dịp Giáng Sinh, dẫu đó là những ‘chứng nhân lặng lẽ’ không mấy ai chú ý.

Trước hết, các trẻ này nói rằng, ‘Kìa, sự độc ác của con người sâu xa đến mức, khi ai đó muốn duy trì quyền lực, họ có thể cướp đi mạng sống của người khác!’. Thế nhưng, chính những trẻ thơ này lại âm thầm nhắc cho chúng ta về một thực tế khác rằng, ‘Có một nơi mà các chế độ chuyên chế không thể ngự trị; bởi lẽ, sẽ có một vị Vua trị vì thần dân Ngài bằng tình yêu; Vương Quốc Ngài không thể bị đánh bại bởi sự ác’. Những trẻ thơ này là sứ giả của Vương Quốc đó, Vương Quốc tình yêu của Giêsu. Các bé thơ này đã được kêu gọi để đưa ra một chứng tá lặng lẽ, gãy gọn, nhưng đầy sức mạnh về một cuộc chiến mà Vua Giêsu sẽ đích thân nghinh chiến vì tình yêu; các em là những ‘chứng nhân lặng lẽ’ đã đi trước Ngài; mẹ các em sẽ gặp lại con mình, bồng ẵm chúng mãi mãi vào một ngày nào đó trước sự chứng kiến của vị Vua đầy yêu thương.

Tiếp đến, các trẻ này đã đọc trước Kinh Lạy Cha mà vị Vua của họ sẽ dạy cho các môn đệ của Ngài, “Nước Cha trị đến!”; đây là tiếng khóc, tiếng nài van, cũng là lời cầu nguyện đầu tiên của những tâm hồn thánh thiện thơ bé. Một ngày nào đó, Tân Vương của họ sẽ trị vì trong Nước Cha; nhưng trước đó, sẽ có một cuộc chiến khủng khiếp giữa Ngài với quyền lực sự dữ; các trẻ này là những ngôn sứ quyền năng tiên báo bi kịch lịch sử của nhân loại cũng như cuộc chiến giữa vị Vua ánh sáng và ác thần của bóng tối; thư Thánh Gioan hôm nay nói, “Thiên Chúa là sự sáng, nơi Người không có sự tối tăm nào”.

Sau cùng, tiếng khóc của các thơ nhi này còn là một lời cầu nguyện mạnh mẽ được Chúa Cha nhậm lời vì Người đã lắng nghe; tiếng khóc của các em, những ‘chứng nhân lặng lẽ’ này đã khơi dậy trong trẻ Giêsu ước muốn hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc các linh hồn. Thật tuyệt vời! Ngài sẽ trị vì bằng cách hiến trọn đời mình đến nỗi chết trên thập giá như một quà tặng ân sủng cho những trẻ này và cho vô số các linh hồn qua muôn thế hệ sau Ngài và cả trước Ngài.
Hoài niệm những hài nhi vô tội cách đây hơn 2,000 năm, chúng ta nhớ các hài nhi vô tội hôm nay, hàng triệu thai nhi trên thế giới phải chết mỗi năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, “Chúng ta thường xuyên nghe nói về những bước tiến nhảy vọt kỹ thuật phục vụ con người, nhất là y khoa. Tuy nhiên, bác ái và lòng nhân là những thứ mà hình như ngày càng vắng bóng hơn”.

Trong một bữa tiệc khoản đãi tại toà bạch ốc, đệ nhất phu nhân Hillary Clinton hỏi nhỏ một thực khách cùng bàn, “Bà nghĩ sao, khi mãi đến hôm nay chúng ta vẫn chưa có một phụ nữ làm tổng thống?”; người phụ nữ nhỏ thó đồng bàn không chần chừ trả lời, “Có lẽ bởi vì người phụ nữ ấy đã bị bóp chết ngay từ lúc còn là bào thai”. Đúng là câu trả lời của một vị thánh! Người phụ nữ nhỏ thó ấy không ai khác là Mẹ Têrêsa. Và ngày 22/01/1994, trong bữa điểm tâm truyền thống, cũng tại toà bạch ốc, Mẹ được mời làm diễn giả. Trước vợ chồng Bill Clinton cùng quan khách, Mẹ dõng dạc nói, “Tôi tin rằng, thủ phạm tồi tệ nhất đang huỷ hoại nền hoà bình thế giới là nạn phá thai, đó là cuộc chiến trực tiếp giết hại trẻ thơ vô tội, mà kẻ giết người chính là mẹ của chúng. Nếu nhẫn tâm chấp nhận để người mẹ ra tay sát hại con mình, làm sao chúng ta có thể nói cho người khác đừng giết nhau?”. Những tràng pháo tay từ phía cử toạ đang nhất loạt đứng lên biểu tỏ lòng ngưỡng mộ, ngoại trừ vợ chồng Bill; ông bà không đứng lên, cũng chẳng hề vỗ tay.

Anh Chị em,

Để duy trì quyền lực người ta có thể giết chết những người khác; để duy trì Vương Quốc tình yêu, Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống Ngài. Là môn đệ Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta được mời gọi mỗi ngày, dâng lời cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến”, đồng thời, như một ‘chứng nhân lặng lẽ’, chúng ta ra sức bảo vệ quyền lợi trẻ em; bảo vệ quyền sống, quyền học hành và quyền vui đùa của các thiên thần; đó chính là con em của chúng ta, xóm giềng của chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn dành những gì tốt nhất của bản thân con cho các trẻ thơ Chúa trao cho con; xin cho đời con luôn là ‘chứng nhân lặng lẽ’ của tình yêu Chúa, Đấng luôn yêu mến và đề cao trẻ thơ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
First Things: Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Kinh Thánh
Đặng Tự Do
02:49 27/12/2020

Nina Shea là giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, và là một luật sư quốc tế về nhân quyền.

Trong bài “China’s Threat to the Bible”, nghĩa là “Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Kinh Thánh”, cô cho chúng ta thấy lòng ao ước truyền giảng Tin Mừng của Liên Hiệp Các Hiệp Hội Kinh Thánh Quốc Tế đã bị cộng sản lợi dụng như thế nào, và đâu là những mối đe dọa khi mà ngày nay hầu hết các nhà xuất bản Kinh Thánh, vì muốn giảm giá thành, đã lệ thuộc vào một công ty của Trung Quốc trong việc in sách Kinh Thánh.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

China’s Threat to the Bible

By Nina Shea

Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Kinh Thánh


Kinh Thánh là cuốn sách bán chạy nhất tại Hoa Kỳ. Trong 20 cuốn sách bán chạy nhất trong năm tại Mỹ, số sách Kinh Thánh được bán ra nhiều hơn 19 cuốn sách kia cộng lại. Tuy nhiên, một công ty của Trung Quốc gần như độc quyền về việc in Kinh Thánh, có nghĩa là nếu xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng - chẳng hạn vì các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc - thì sự thiếu hụt Kinh Thánh ở Mỹ sẽ lập tức xảy ra. Điều này gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả quyền tự do tôn giáo cơ bản của các Kitô hữu tại Hoa Kỳ cũng như an ninh quốc gia của Mỹ.

Hàng năm, hơn 20 triệu cuốn Kinh Thánh Tin lành và Công Giáo được đưa ra thị trường bởi các công ty xuất bản Kinh Thánh lớn nhất Hoa Kỳ. Nhưng ít ai biết rằng hầu hết những cuốn Kinh Thánh này đều được in tại Trung Quốc, bởi công ty in ấn Hữu Hảo (Amity, 友好) (Các nhà xuất bản Kinh Thánh không in ở Trung Quốc bao gồm InterVarsity Press [IVP], St. Ignatius Press, St. Benedict Press, Cambridge University Press, RL Allan & Son, và Schuyler Bibles.) Do các quyết định của các nhà xuất bản của Mỹ, các Kitô hữu Mỹ rơi vào một tình trạng oái oăm là phải lệ thuộc, về mặt cung ứng Kinh Thánh, vào quốc gia đàn áp Kitô hữu khét tiếng nhất thế giới. Khi Trung Quốc tăng cường đàn áp tôn giáo tại quê nhà và được tình báo Hoa Kỳ coi là “mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay”, chuỗi cung ứng Kinh Thánh này ngày càng bấp bênh. Tuy nhiên, các nhà xuất bản Kinh Thánh không hề có kế hoạch sử dụng một nhà máy in nào khác để thay thế.

Tình trạng của chuỗi cung ứng này đã được thử nghiệm vào năm 2019, khi chính quyền của Tổng thống Trump đề xuất mức thuế thương mại rộng rãi để cân bằng tốt hơn quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Kế hoạch này, cố nhiên, bao gồm thuế quan đối với Kinh Thánh. Các nhà xuất bản Kinh Thánh của Mỹ đã cùng với Bắc Kinh vận động hành lang rầm rộ để chống lại biện pháp này. HarperCollins Christian Publishing, gọi tắt là HCCP, hiện là nhà xuất bản Kinh Thánh lớn nhất thế giới (sau khi mua lại Zondervan và ThomasNelson), sử dụng công ty in ấn Hữu Hảo để in hầu hết các cuốn Kinh Thánh của mình, cũng như Tyndale House, nhà xuất bản Kitô Giáo thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất của Mỹ. Vào năm ngoái, trước Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành HCCP là ông Mark Schoenwald đã tố cáo mức thuế đề xuất. Ông ta gọi đó là “thuế Kinh Thánh” và lập luận rằng nó sẽ buộc công ty của ông phải giảm doanh thu và ngừng xuất bản một số ấn bản Kinh Thánh. Phản ứng lại, chính quyền Tổng thống Trump đã nhanh chóng miễn thuế cho Kinh Thánh khỏi mức thuế quan đánh vào Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo có liên quan đến việc xuất bản cũng vận động hành lang, cho rằng thuế quan sẽ hạn chế quyền của Tu chính án thứ nhất. Stan Jantz, chủ tịch của Hiệp hội các nhà xuất bản Tin lành, tuyên bố rằng thuế quan sẽ gây “thiệt hại đáng kể cho khả năng tiếp cận với Kinh Thánh”. Ông tuyên bố trước Ủy ban Thương mại rằng “nhiều người tin rằng thuế quan như vậy sẽ đặt ra một giới hạn thực tế đối với tự do tôn giáo”. Russell Moore, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo & Đạo đức của Công ước Baptist Miền Nam, khẳng định rằng “các mức thuế đề xuất sẽ ảnh hưởng đến khả năng của tất cả các Kitô hữu trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo của họ ở Hoa Kỳ”. Mục sư Ben Mandrell, Giám đốc điều hành của LifeWay Christian Resources, tuyên bố: “ Tôi rất lo lắng rằng Lời Chúa sẽ bị bắt làm con tin trong một cuộc tranh chấp thương mại quốc tế. Những tháng vừa qua đã củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc đưa Kinh Thánh đến những người cần. Nhiệm vụ của chúng tôi được xây dựng dựa trên sự vâng lời Chúa Kitô, bất kể đề xuất chính sách nào từ Washington DC”

Không khó để tưởng tượng rằng nếu chính phủ Trung Quốc gây một chút áp lực lên chuỗi cung ứng, các nhà xuất bản Kinh Thánh của Mỹ sẽ khởi động ngay các cuộc vận động hành lang chống lại các chính sách có các cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc. Và như thế họ tự biến mình thành một thứ quyền lực mềm trong bàn tay thao túng của Bắc Kinh. Mối đe dọa thuế quan đã kết thúc, nhưng Kinh Thánh vẫn tiếp tục gặp rủi ro - hầu hết là từ các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải từ Washington. Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe lưu ý rằng nhiều công ty nổi tiếng của Trung Quốc chỉ là một chiêu bài “ngụy trang cho các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Công ty in ấn Hữu Hảo không phải là ngoại lệ. Nó được liên kết với Hội đồng Kitô Giáo Trung Quốc, gọi tắt là CCC, và chịu sự giám sát và hướng dẫn trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2018.

Vào những năm 1980, Giám mục Đinh Quan Huấn (Ding Guangxun, 丁光訓), của Anh giáo Trung Quốc, khi đó là chủ tịch CCC, đã đề xuất thành lập công ty in ấn Hữu Hảo như một liên doanh giữa Quỹ Hữu Hảo mới của ông và Liên Hiệp Các Hiệp Hội Kinh Thánh Quốc Tế, gọi tắt là UBS, để cung cấp Kinh Thánh cho các nhà thờ Trung Quốc. Lòng yêu mến truyền bá Tin Mừng của UBS đã bị lợi dụng. UBS đã đồng ý và chi ra toàn bộ vốn khởi nghiệp, máy in, và giấy in Kinh Thánh, là những thứ mà UBS tiếp tục cung cấp cho Kinh Thánh tiếng Trung. Những cuốn Kinh Thánh được in ra ở đây được xuất khẩu ra nước ngoài đem lại một số tiền khổng lồ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở Trung Quốc không mấy ai được phép giữ Kinh Thánh, đó là một thứ hàng quốc cấm ở một số địa phương. Năm 1988, chủ tịch CCC đã đặt nền móng cho công ty in ấn Hữu Hảo ở Nam Kinh. Ngày nay, nhà máy của công ty in ấn Hữu Hảo ở Nam Kinh rộng 85,000m2, hoạt động liên tục 24 giờ 7 ngày trong tuần và là nhà máy in Kinh Thánh lớn nhất thế giới. Nó tự hào đã in hơn 200 triệu cuốn Kinh Thánh (với 25 triệu cuốn Kinh Thánh bìa cứng hàng năm) bằng hơn 130 ngôn ngữ, cho 147 quốc gia.

Hữu Hảo vừa rẻ vừa hiệu quả với công nghệ in hiện đại và các máy in được mua lại với giá rẻ mạt từ các công ty nước ngoài. Nhưng danh tiếng của Hữu Hảo có thể sẽ sớm bị ảnh hưởng lớn, vì các chỉ thị gần đây của bọn cầm quyền Trung Quốc. Tại quê hương Nam Kinh của Hữu Hảo, vào năm 2018, Bắc Kinh tuyên bố khởi động kế hoạch dịch lại hoặc diễn giải lại Kinh Thánh của Hiệp Hội Kinh Thánh Trung Quốc đáng kính cho phù hợp với các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một phần trong một kế hoạch 5 năm, mới được phát động nhằm “Trung Quốc hóa” Kitô Giáo. Các chuyên gia Kitô Giáo Trung Quốc có lý do để lo sợ rằng phiên bản sắp ra mắt sẽ loại bỏ sách Khải huyền và bóp méo các bài học đạo đức thông qua các bài bình luận Kinh Thánh mới. Một thí dụ điển hình là câu chuyện Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình trong chương 8 Phúc Âm theo Thánh Gioan. Câu chuyện này đã được sửa đổi trong sách giáo khoa Trung Quốc năm 2020 (được sử dụng trong các trường trung học dạy nghề do bọn cầm quyền điều hành) để xuyên tạc rằng Chúa Giêsu đã ném đá người phụ nữ.

Hữu Hảo đã phản ứng như thế nào trước những chỉ thị đáng báo động này? Nó đã tài trợ cho một sự kiện kỷ niệm, được dành riêng cho “chủ đề Kinh Thánh Trung Quốc và nhu cầu Trung Quốc hóa Kitô Giáo”. Tại đó, các quan chức trong Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, CCC, cùng với UBS, đã chụp ảnh chung đang tham gia trong một điệu nhảy vòng tròn, nâng ly chúc mừng công ty và được chiêu đãi như VIP. Hữu Hảo có kế hoạch in những cuốn Kinh Thánh mới, bị bóp méo. Chúng sẽ là phiên bản Kinh Thánh duy nhất được đảng cộng sản chấp thuận, phủ nhận quyền tự do tôn giáo đối với hàng chục triệu tín đồ Kitô Giáo Trung Quốc. Điều này được đưa ra sau các quy định cách đây hai năm nhằm kiểm duyệt Kinh Thánh trên Internet Trung Quốc, cấm thanh niên tham gia các buổi lễ tại các nhà thờ và các trại học hỏi Kinh Thánh, đồng thời cho phép đốt các quyển Kinh Thánh mà không cần có sự cho phép của nhà nước.

Cho đến nay, không có sự phản đối gay gắt nào từ các nhà xuất bản Mỹ. Họ đã không sử dụng đòn bẩy của mình để ngăn chặn cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các nhà thờ tại gia. Họ cũng không dùng nó để đòi trả tự do cho Mục sư Vương Nghị của Giáo hội Giao ước Mưa Sớm (Early Rain Covenant Church - 早雨圣约教堂), và hiện đang thụ án 9 năm tù; người bán sách Kitô Giáo Trần Úc (Chen Yu, 陈郁) bị kết án đến bảy năm tù vào tháng 10 vừa qua; và nhà đấu tranh cho dân chủ Công Giáo Jimmy Lai (Lê Trí Anh, 黎智英), là người có thể phải đối mặt với án tù chung thân ở Hương Cảng.

Mặc dù họ bắt đầu với mục đích tốt, nhưng các nhà xuất bản hiện đang bị ràng buộc. Việc bảo vệ chuỗi cung ứng này sẽ trở nên không thể thực hiện được khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát. Các nhà xuất bản Kinh Thánh Hoa Kỳ có thể bảo vệ tốt nhất quyền của Tu chính án thứ nhất của người Mỹ — và danh tiếng của chính họ — bằng cách chuyển ngay việc in ấn của họ ra khỏi Trung Quốc.


Source:First Things
 
Các học giả Kinh Thánh nói Thánh Giuse đã từng thất nghiệp. Ai không có công ăn việc làm hãy chạy đến với ngài
Đặng Tự Do
04:44 27/12/2020


Trong tình trạng thất nghiệp hàng loạt vẫn còn cao khi đại dịch coronavirus kéo dài, hai linh mục học giả Kinh Thánh khích lệ người Công Giáo tìm đến Thánh Giuse như một đấng bầu cử đặc biệt.

Trích dẫn cuộc chạy trốn của Thánh Gia sang Ai Cập, Cha Donald Calloway, một nhà văn chuyên viết các sách thiêng liêng về việc sùng kính các thánh, cho biết Thánh Giuse “rất đồng cảm” đối với những người đang chịu cảnh thất nghiệp.

“Bản thân ngài lúc này lúc khác đã từng thất nghiệp, chẳng hạn như trong chuyến lánh nạn sang Ai Cập”, vị linh mục nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. “Thánh Gia đã phải thu dọn mọi thứ trong một thời gian ngắn và đến một đất nước xa lạ mà không có gì cả. Các ngài không có kế hoạch về điều đó”.

Cha Calloway, tác giả của cuốn sách “Tận hiến cho Thánh Giuse: Những điều kỳ diệu của Người Cha Linh hồn của chúng ta”, là một linh mục Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Ohio.

Ngài khẳng định rằng Thánh Giuse “một lúc nào đó chắc chắn khá lo lắng: làm sao ngài đi tìm việc ở nước ngoài, trong hoàn cảnh không biết tiếng, không biết người?”

Vào cuối tháng 11 vừa qua, khoảng 20.6 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, theo các báo cáo gần đây. Nhiều người khác đang làm việc tại nhà trong điều kiện hạn chế đi lại do coronavirus, trong khi vô số công nhân phải đối mặt với nguy cơ nhiễm coronavirus ở nơi làm việc và mang nó về nhà cho gia đình.

Cha Sinclair Oubre, một người ủng hộ nhiệt thành tầng lớp lao động, cũng nghĩ rằng chuyến lánh nạn sang Ai Cập là thời kỳ thất nghiệp của Thánh Giuse — và cũng là thời kỳ cho thấy một tấm gương về các nhân đức.

“Ngài vẫn tập trung: luôn cởi mở, tiếp tục vật lộn với cuộc sống, mà không bị suy sụp. Ngài đã có thể xây dựng kế sinh nhai cho mình và gia đình”, Cha Oubre nói. “Đối với những người thất nghiệp, Thánh Giuse cho chúng ta một gương mẫu không để mặc cho những khó khăn trong cuộc sống đè bẹp tinh thần của mình, nhưng phải tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và thêm vào đó là sự quan tâm của chính chúng ta, củng cố thái độ và đạo đức làm việc mạnh mẽ hơn”.

Cha Oubre là người điều hành mục vụ của Mạng lưới Lao động Công Giáo và là giám đốc Tông đồ Biển của giáo phận Beaumont, chuyên phục vụ những người đi biển và những người khác sinh sống bằng các công việc trên biển.

Theo Cha Calloway, hầu hết mọi người trong cuộc sống đều là những người lao động, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc.

“Họ có thể tìm thấy một mô hình nơi Thánh Giuse Thợ”, ngài nói. “Bất kể công việc của anh chị em là gì, anh chị em có thể mang Chúa vào trong công việc của mình và điều đó có thể mang lại lợi ích cho anh chị em, gia đình anh chị em và xã hội nói chung”.

Cha Oubre cho biết có nhiều điều để học hỏi từ việc suy tư về công việc của Thánh Giuse, là đấng đã nuôi dưỡng và bảo vệ Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu. Ngài cũng là một mô hình thánh hóa thế giới.

“Nếu Thánh Giuse đã không làm những gì ngài đã làm, không có cách nào Đức Trinh Nữ Maria, một thiếu nữ đang mang thai khi chưa chính thức kết hôn, có thể sống sót trong môi trường đó”, Cha Oubre nói.

“Chúng ta phải nhận ra rằng công việc chúng ta làm không chỉ dành cho thế giới này, nhưng chúng ta có thể làm việc để giúp xây dựng Nước Chúa. Công việc mà chúng ta làm là chăm sóc các thành viên trong gia đình và con cái của chúng ta và giúp xây dựng các thế hệ tương lai từ đó”.

Cha Calloway cảnh báo chống lại “những ý thức hệ về công việc”.

“Nó có thể nô lệ hóa chúng ta. Mọi người có thể biến thành những người nghiện công việc. Có một sự hiểu lầm về ý nghĩa của công việc”, ngài nói.

Thánh Giuse đã coi trọng công việc “bởi vì, với tư cách là người được chọn làm cha của Chúa Giêsu trên trần gian này, ngài đã dạy Con Thiên Chúa cách thức lao động chân tay. Ngài được giao trách nhiệm dạy con Thiên Chúa làm thợ mộc và điều hành công việc”.

“Chúng ta làm để sống chứ không phải sống để mà làm. Nói cách khác, chúng ta không được kêu gọi trở thành nô lệ cho một thương nghiệp, hay tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong phạm vi hạn hẹp công việc của mình, nhưng phải làm sao để công việc của chúng ta tôn vinh Chúa, xây dựng cộng đồng nhân loại, trở thành nguồn vui cho mọi người. Thành quả lao động của anh chị em là để bản thân và người khác được hưởng, nhưng không được làm tổn hại đến người khác hoặc tước đi mức lương vừa phải hoặc buộc họ phải làm việc quá sức của họ, hoặc tạo ra có những điều kiện làm việc chà đạp phẩm giá con người”.

Cha Oubre đã tìm thấy một bài học tương tự. Ngài nói rằng “công việc của chúng ta phải luôn hướng tới việc phục vụ gia đình, cộng đồng, xã hội của chúng ta và thế giới”.


Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/12: 3 từ ngữ để gia đình hạnh phúc
Đặng Tự Do
07:44 27/12/2020


Chúa nhật 27 tháng 12 là Chúa Nhật Lễ Thánh Gia. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta biết như sau về việc Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi trong kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vài ngày sau lễ Giáng sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta hướng mắt nhìn về Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thật tuyệt khi suy ngẫm về sự thật rằng giống như tất cả trẻ em, Con Thiên Chúa muốn có sự ấm áp của một mái gia đình. Chính vì thế, gia đình của Chúa Giêsu, gia đình Nadarét là mẫu gương của các gia đình, trong đó tất cả các gia đình trên thế giới có thể tìm thấy điểm quy chiếu chắc chắn của họ và là một nguồn cảm hứng chân thật. Cuộc sống phàm nhân của Con Thiên Chúa đã nảy mầm tại Nadarét, vào lúc Người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong cung lòng trinh nguyên của Đức Maria. Thời thơ ấu của Chúa Giêsu diễn ra trong niềm vui giữa những bức tường hiếu khách của ngôi nhà Nadarét, được bao quanh bởi lòng từ mẫu của mẹ Maria và sự chăm sóc của thánh Giuse, nơi ngài, Chúa Giêsu có thể nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa (x. 2).

Noi gương Thánh Gia, chúng ta được mời gọi khám phá lại giá trị giáo dục của đơn vị gia đình: gia đình đòi hỏi phải được đặt trên nền tảng của tình yêu luôn tái tạo các mối quan hệ bằng cách mở ra những chân trời hy vọng. Trong gia đình, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thành khi gia đình là nhà cầu nguyện, khi tình cảm nghiêm túc, sâu sắc và trong sáng, khi sự tha thứ chiếm ưu thế hơn lời nói, khi sự khắc nghiệt hàng ngày của cuộc sống được xoa dịu bằng sự dịu dàng dành cho nhau, và bằng sự thanh thản tuân theo thánh ý Chúa. Bằng cách đó, gia đình mở ra niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết trao ban với niềm vui. Đồng thời, trong gia đình, chúng ta tìm thấy năng lượng tinh thần khi mở lòng ra với người khác, phục vụ anh em của mình, cộng tác để xây dựng một thế giới ngày càng mới mẻ và tốt đẹp hơn; do đó, có khả năng trở thành người đưa ra các kích thích tích cực. Gia đình truyền giáo bằng gương sống. Đúng vậy, trong mỗi gia đình đều có những vấn đề, và đôi khi có cả những cuộc cãi vã. “Thưa cha, con đã cãi nhau với người này, người kia trong gia đình…” - chúng ta là con người, chúng ta yếu đuối, và tất cả chúng ta đều có lúc đi đến chuyện chiến đấu với nhau trong gia đình. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: nếu chúng ta chiến đấu trong gia đình, đừng kết thúc một ngày mà không làm hòa. “Vâng, tôi đã có một cuộc chiến”, nhưng trước khi một ngày kết thúc, hãy làm hòa. Và bạn có biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh kéo dài đến tận ngày hôm sau rất nguy hiểm. Nó không giúp ích gì. Và rồi, trong gia đình có ba chữ, ba chữ mà chúng ta luôn phải giữ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “ xin lỗi”. “Xin phép”, để không xâm phạm cuộc sống của người khác. “Tôi có thể làm điều đó không? Làm như thế có được không?”. Hãy xin phép chứ đừng gây áp lực. “Xin phép” là từ đầu tiên. Từ thứ hai là “cảm ơn” vì rất nhiều sự giúp đỡ, rất nhiều sự phục vụ mà chúng ta thực hiện trong gia đình. Luôn luôn cảm ơn. Lòng biết ơn là máu của một tâm hồn cao thượng. Hãy cảm ơn. Và sau đó, câu khó nói nhất là “Xin lỗi”. Bởi vì chúng ta luôn làm những điều xấu và không ít lần có ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì điều chúng ta làm. “Tôi xin lỗi”. Đừng quên ba từ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “xin lỗi”. Nếu trong môi trường gia đình có ba chữ này thì gia đình đó ổn.

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng đến tấm gương truyền giáo trong gia đình, đề xuất cho chúng ta lý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia, mà ngày 19 tháng Ba tới đây là kỷ niệm 5 năm công bố. Và sẽ có một năm kéo dài từ 19 tháng Ba, 2021 đến 19 tháng Ba, 2022 để suy ngẫm về Amoris Laetitia và đó sẽ là cơ hội để đào sâu nội dung của tài liệu này.

Những suy tư này sẽ được cung cấp cho các cộng đồng và gia đình trong Giáo hội, để đồng hành với họ. Từ giờ trở đi, tôi mời mọi người tham gia các sáng kiến sẽ được cổ vũ trong năm đó và sẽ được điều phối bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống. Chúng ta giao phó cuộc hành trình này với các gia đình từ khắp nơi trên thế giới cho Thánh Gia Nadarét, đặc biệt là cho Thánh Giuse, người chồng và người cha ân cần.

Cầu xin cho Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà chúng ta giờ đây hướng về trong kinh Truyền Tin, xin cho các gia đình trên toàn thế giới ngày càng bị cuốn hút bởi lý tưởng Phúc Âm của Thánh Gia, để trở thành men cho một nhân loại mới, và cho một tình liên đới cụ thể và phổ quát

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm và cá nhân các tín hữu, những người đang theo dõi buổi đọc kinh Truyền Tin qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến những gia đình đã mất đi một hay nhiều người thân trong những tháng gần đây hoặc bị thử thách do hậu quả của đại dịch. Tôi cũng đang nghĩ đến các bác sĩ, y tá và tất cả các nhân viên y tế, những người dấn thân rất lớn khi đứng trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của vi rút đã gây ra những hậu quả kinh hoàng đối với cuộc sống gia đình.

Và hôm nay tôi giao phó mọi gia đình cho Chúa, đặc biệt là những gia đình bị thử thách nhiều nhất bởi những khó khăn của cuộc sống và bởi những vết thương của sự thiếu cảm thông và chia rẽ. Nguyện xin Chúa Hài Đồng, giáng sinh tại Bết-lê-hem, ban cho mọi người sự thanh thản và sức mạnh để hiệp nhất bước đi theo đường ngay nẻo chính.

Và đừng quên ba từ này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc sống hiệp nhất trong gia đình: “xin phép” – để tôn trọng người khác chứ không xâm phạm - “cảm ơn” - cảm ơn lẫn nhau trong gia đình - và “xin lỗi” khi chúng ta làm một điều xấu. Và hãy ghi nhớ điều này “xin lỗi” - sau khi anh chị em đã chiến đấu - hãy nói trước khi một ngày kết thúc: hãy làm hòa trước khi trời tối.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ và đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt!


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Một năm đặc biệt để làm chứng cho tình yêu gia đình
Thanh Quảng sdb
19:34 27/12/2020
Một năm đặc biệt để làm chứng cho tình yêu gia đình

Thánh bộ về người Giáo dân, Gia đình và Đời sống đang đề xuất các sáng kiến thiêng liêng, mục vụ và văn hóa để đồng hành cùng các gia đình đang khi họ phải đối diện với những thách thức hiện nay. Dự án nhằm hỗ trợ các giáo xứ, giáo phận, trường học và các hội đoàn trong việc kỷ niệm Năm “Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình” (Amoris Laetitia Family), đã được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố.
(Tin Vatican - Adriana Masotti)

Ngày 19 tháng 3 năm 2021, kỷ niệm một năm Tông huấn Amoris laetitia được chào đời, một Tông huấn bàn về niềm vui và vẻ đẹp của tình yêu gia đình, nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khai mạc Năm “Niềm Vui Tình Yêu Gia đình” (Amoris Laetitia Familia), và sẽ kết thúc vào ngày 26 tháng 6 năm 2022 nhân dịp mừng Đại Thế giới Quốc tế được nhóm họp tại Roma. Đức Thánh Cha sẽ tham dự Đại hội này.

Gia đình, một Giáo hội tại gia
“Trải nghiệm đại dịch đã làm nổi bật vai trò trọng tâm của gia đình như là một Giáo hội tại gia, và cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ cộng đoàn với các gia đình”. Thánh bộ cho hay trong công bố về Năm Gia Đình. “Thông qua các sáng kiến về thiên liêng, mục vụ và văn hóa được đưa vào các kế hoạch trong Năm “Niềm Vui Tình Yêu Gia đình” (Amoris Laetitia Familia), Đức Thánh Cha Phanxicô dự định công bố cho tất cả các Giáo hội địa phương khắp nơi trên thế giới, mời gọi mỗi người hãy trở nên chứng nhân của tình yêu gia đình.”

Các công cụ giúp kích hoạt cộng đồng
Công bố cho hay Thánh Bộ sẽ chia sẻ các nguồn lực về “linh đạo gia đình, việc đào tạo và hoạt động mục vụ để chuẩn bị cho các cặp bước vào đời hôn nhân, những giáo huấn về tình yêu, và về sự thánh thiện vợ chồng và gia đình sống theo đoàn sủng của Bí tích Hôn nhân trong đời sống thường ngày." Ngoài ra, các Đại hội chuyên đề Quốc tế cũng sẽ được tổ chức, “để nghiên cứu sâu xa hơn nội dung và ý nghĩa của Tông huấn liên quan đến các vấn đề mang tính thời sự cấp thiết ảnh hưởng đến các gia đình trên toàn thế giới.”

Mục tiêu của Năm “Niềm Vui Tình Yêu Gia đình” (Amoris Laetitia Familia)
Trước khi chính thức khai mạc Năm Gia Đình vào tháng Ba 2021, Thánh Bộ chuẩn bị một tập tài liệu giải thích các mục tiêu và sáng kiến của Năm “Niềm Vui Tình Yêu Gia đình” (Amoris Laetitia Familia) và đưa ra những gợi ý cụ thể cho các giáo phận và giáo xứ.

Năm “Niềm Vui Tình Yêu Gia đình” (Amoris Laetitia Familia) nhằm truyền bá thông điệp của Amoris laetitia, và chính trong mục đích đó, các tiêu đề của Năm sẽ được học hỏi. Đầu tiên là chia sẻ nội dung của lời khuyên tổng quát, để giúp mọi người “cảm nghiệm Tin Mừng về gia đình như một niềm vui tràn đầy của con tim và cuộc sống (Amoris laetitia # 200).” Tập tài liệu này cho hay, “Một gia đình biết khám phá và trải nghiệm niềm vui như một món quà, và trở thành một món quà cho Giáo hội và xã hội,‘ có thể trở thành ánh sáng đen đêm tối của thế giới’ (Amoris laetitia # 66).”

Mục tiêu thứ hai là công bố giá trị quý giá của bí tích hôn phối, bí tích này “tự nó có một sức mạnh biến đổi tình yêu con người”.

Các mục tiêu xa hơn bao gồm việc tạo điều kiện cho “các gia đình trở thành những tác nhân tích cực của việc tông đồ gia đình,” và làm cho “những người trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo chân lý của tình yêu và sự trao hiến chính mình.”

Cuối cùng, là lời mời gọi mở rộng tầm nhìn và hành động trong việc chăm sóc mục vụ cho gia đình trong năm, để nó có thể trở nên xuyên suốt hơn và bao gồm tất cả các thành viên trong gia đình, bao gồm các cặp vợ chồng, trẻ em và giới trẻ, người già và những người trong hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Những đề xuất cụ thể
Thánh bộ cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về các sáng kiến có thể được thực hiện trong các giáo phận và giáo xứ trong suốt cả năm, bao gồm tăng cường các chương trình chuẩn bị hôn nhân và đồng hành với các cặp hôn nhân mới cưới trong những năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, và tổ chức các cuộc họp mật chia sẻ cho các bậc cha mẹ về cách nuôi dạy con cái... Tập tài liệu này gợi ý “tổ chức các cuộc họp để chia sẻ và thảo luận về vẻ đẹp và những thách thức của đời sống gia đình, việc này sẽ giúp mở rộng tầm nhìn cả về nhận thức giá trị của gia đình trên bình diện xã hội; cũng như trong việc tạo ra các mạng lưới mục vụ cho gia đình được tốt đẹp hơn cả về nhân lực lẫn nhưng chia sẻ và chứng tá của chính họ, hầu có thể đồng hành với những người đang gặp khó khăn.” Tập tài liệu này cũng đề cập đến sự quan tâm và chăm sóc cần được thể hiện cho các cặp vợ chồng đang gặp khủng hoảng.

Người cao tuổi cũng là một đối tượng cần được chăm sóc mục vụ, vì họ mong muốn “thoát vượt được ‘cái nền văn hóa đào thải, loại bỏ’ và sự thờ ơ của xã hội”; trong khi mục vụ giới trẻ được tập chú “vào các sáng kiến được đề xứng và thảo luận trước các vấn đề gia đình, hôn nhân, trinh khiết, cởi mở với cuộc sống, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, nghèo đói và tôn trọng tạo vật (xem Amoris laetitia # 40).” Tài liệu này cũng khuyến nghị đặc biệt lưu ý đến trẻ em trong Năm.

Sự hộ tương giữa gia đình và Giáo hội
Một khía cạnh đặc biệt được đặc biệt chú ý tới trong bối cảnh của Năm “Niềm Vui Tình Yêu Gia đình” (Amoris Laetitia Familia) là mong muốn có sự tham gia nhiều hơn của các cặp vợ chồng trong các cơ cấu giáo phận và giáo xứ để thiết lập việc chăm sóc mục vụ gia đình và đào sâu việc đào tạo các nhân viên mục vụ, chủng sinh và linh mục để giúp họ lo cho các gia đình, đáp ứng được những thách thức của thế giới ngày nay. “Vì mục đích này,” mà Thánh Bộ nhấn mạnh tới “điều quan trọng là nhấn mạnh tới sự hỗ tương giữa 'Giáo hội gia đình-tại gia' và Giáo hội (Amoris laetitia # 200), để mỗi bên có thể khám phá và đánh giá nhau như một món quà không thể thay thế.”

Một gợi ý khác là “thúc đẩy ơn gọi truyền giáo trong các gia đình (xem Amoris laetitia # 201, 230, và 324) bằng cách tạo ra các cuộc học hỏi bàn về các sáng kiến truyền giáo và phúc âm hóa (ví dụ, vào dịp trẻ em lãnh nhận các bí tích khai tâm (Rửa tội, Xưng tội, Rước lễ, Thêm xức) và giới trẻ chuẩn bị hôn nhân, hoạc các dịp kỷ niệm hoặc những mốc điểm phụng vụ quan trọng.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Mân Côi Bùi Chu và dân tộc H’mông chung chia niềm vui Giáng Sinh
Nt: M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, FMSR
11:10 27/12/2020
Ngày 25 – 26.12.2020, 28 Nữ Tu thuộc Hội Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu cùng với 2 Bác Sĩ Hà Nội đã tới Nhà thờ Giáo xứ Đồng Hẻo, bản Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

6g30’ sáng ngày 25.12.2020, 28 chị em Mân Côi đã rời trụ sở chính của Hội Dòng với những tâm tư, hành động và khung cảnh ngày Lễ Chúa Giáng Sinh quen thuộc để đi tới vùng ngoại biên. Hai chiếc xe khách và xe tải đã đưa chị em với gói hành trang là tinh thần khao khát, phấn khởi, nhiệt thành, các công cụ phục vụ cho chương trình diễn nguyện và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh, quần áo lạnh, thực phẩm, thuốc uống và những dụng cụ dùng cho việc khám bệnh phát thuốc đến với anh chị dân tộc H’mông thân thương. Vượt qua chặng đường xa thăm thẳm, đồi núi chập chùng, sau gần 9 giờ đồng hồ trên xe và đi bộ qua những con đường đồi núi, cuối cùng chị em đã tìm được đích đến.

Xem Hình

Nhà thờ Đồng Hẻo, điểm quy tụ của những người H’mông đơn sơ, hiền lành, chất phác, vui tươi, gần gũi và dễ mến. Tại Đồng Hẻo, chị em được lãnh nhận và trao ban tình thương yêu, bác ái của những người con Chúa trong niềm vui Giáng Sinh qua các chương trình: Hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh, khám bệnh phát thuốc miến phí, trao tặng các phần quà, thăm viếng khích lệ bà con đau yếu tại các bản và đặc biệt là Thánh Lễ mừng Chúa Giáng Sinh và Thánh Lễ kính Thánh Stephano tử đạo tiên khởi.

Đến với cộng đồng người H’mông, chị em được chìm ngập trong bầu khí phụng vụ thánh thiêng và sốt sắng với các Thánh Lễ bằng 2 thứ tiếng do cha Giuse Vũ Quốc Hội chủ tế, thầy phó tế Giuse Má A Cả và cộng đoàn phụng vụ đông đảo gồm các nữ tu và cộng đoàn Giáo xứ, hiệp nhất, đa văn hóa và đa ngôn ngữ.

Lễ Giáng Sinh đã trở thành ngày lễ hội của tất cả mọi người trên thế giới, không biệt sang hèn, lương giáo. Giáng Sinh về gợi nhớ và mời gọi con người chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận cúi xuống để tôn vinh con người bằng sự nhập thể của Ngài. Con Thiên Chúa đã hạ sinh nơi cánh đồng Belem trong khung cảnh rất đơn sơ, nghèo hèn để làm gương và mời gọi người Kitô hữu sống thanh thoát, giản dị và không thể trở thành người xa lạ, vô cảm, dửng dưng đối với những anh chị em kém may mắn hơn mình.

Đức Kitô đã trở nên nghèo khó để cứu chuộc những người nghèo khó và bị bỏ rơi. Do đó, Kinh Thánh mời gọi chúng ta hãy trở nên những khí cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến những người nghèo. Đó chính là lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”. Và “đi ra vùng ngoại biên” bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên... Đây cũng chính là một phương thế giúp người Kitô hữu sống thông điệp Giáng Sinh, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi và hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã gieo vào nơi tâm hồn nhiều người những kỷ niệm đáng nhớ. Đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những khung cảnh thực tế đời thường, những lối sống lầm than, cực khổ của người thân cận nơi trần thế sẽ thắp lên ánh sáng và lối sống của Tin Mừng, của lẽ phải.

Cảm thương, chạnh lòng và ưu tư cho cuộc sống cơ cực lầm than truyền kiếp của người H’mông, cách riêng của những ông chồng bà vợ trẻ và các thiếu nhi là tâm tư của mọi người và mỗi người trong đoàn khi chứng kiến và tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, ngay trong lúc này, chúng ta đã và đang cảm nhận niềm vui giáng sinh trước lối sống giản dị, đơn sơ và vô cùng lạc quan của họ. Đó là bài học cho những người đã dám “đi ra vùng ngoại biên”. Chính cách mà anh chị em H’mông hưởng ứng, cổ vũ và nhiệt tình tham gia trong chương trình văn nghệ mừng Chúa Giáng Sinh, sự khát khao được chia sẻ những món quà vật chất, sự chăm sóc y tế trong chương trình khám bệnh phát thuốc hiện rõ trên khuôn mặt, qua lời nói, nụ cười và những hành động của anh chị em H’mông thay cho muôn vàn điều muốn nói.

Kết thúc chuyến đi, tạm biệt anh chị em H’mông vào buổi chiều tà ngày 26 và trở về tu viện vào gần sáng ngày 27.12.2020, mỗi chị em Mân Côi đã và đang mang trong mình nhiều quà tặng Giáng Sinh từ những người dân tộc thiểu số. Chính cung cách, lối sống và thái độ thân thiện của họ là những quà tặng giáng sinh vô giá và tiếp thêm nghị lực sống cho chị em trong đời sống tu trì cũng như trong khi thi hành sứ mạng mà Hội Dòng trao ban nơi mỗi người.

Giáo xứ Đồng Hẻo là một Giáo xứ nghèo khổ và cơ cực về đời sống vật chất nhưng mãnh liệt về đời sống tinh thần và đức tin. Đây là một Giáo xứ thuần H’mông. Giáo xứ có 1.692 nhân danh được chia làm 6 Giáo họ: Đồng Hẻo, Khe Chất, Pin Pé, Khe Kẹn, Khe Nhao và Lang Lao, tọa lạc trên 6 bản khác nhau. Năm 2020, Giáo xứ có 66 người được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, trong số đó có 9 người lớn và 55 trẻ em. Từ gần 1 năm nay, Giáo xứ đã may mắn nhận được sự phục vụ, chăm sóc mục vụ của Thầy Giuse Má A Cả - vị phó tế đầu tiên người H’mông trong hàng ngũ tư tế của Giáo phận Hưng Hóa.

Ước mong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, của Chân Lý Cứu Độ, và là Nguồn Bình An đã và đang chiếu soi nơi Giáo xứ Đồng Hẻo sẽ thúc đẩy nhiều tấm lòng quảng đại, thành tâm thiện chí và sẵn sàng trao ban niềm vui ơn Cứu Độ cho những anh chị em nghèo khổ tại những bản làng này, hầu đời sống của những anh chị em H’mông của chúng ta mỗi ngày được nâng cao về mọi phương diện.

Nt: M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, FMSR
 
Lễ Giáng Sinh tại San Jose, California trong mùa đại dịch
Thái Phạm
11:39 27/12/2020
 
Giáo Hạt Tam Kỳ - Giáo Phận Đà Nẵng Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2020
Tô-ma Trương Văn Ân
21:46 27/12/2020
Tối Chúa nhật Lễ Thánh Gia 27 / 12 / 2020, tại Giáo xứ An Sơn ( thôn An Phước - xã Bình An- huyện Thăng Bình- tỉnh Quảng Nam) Giáo Hạt Tam Kỳ đã tổ chức Chương trình HOAN CA MỪNG CHÚA GIÁNG SINH, với chủ đề: Đồng Hành Với Người Trẻ Trong Đời Sống Gia Đình.

Các Giáo xứ của Giáo Hạt Tam kỳ, đa phần thuộc vùng sâu vùng xa, địa bàn rộng, khoảng cách giữa các Giáo xứ rất xa, nhưng vẫn có 12 Giáo xứ và Giáo Họ Biệt lập có tiết mục tham dự Chương trình Hoan ca. Đây là lần thứ II, Giáo Hạt tổ chức Chương trình này ( lần I vào Lễ Thánh Gia 2019 tại Giáo xứ Tam Kỳ).

Xem Hình

Cha Phao lô Maria Trần Quốc Việt – Đại Diện Đức Giám Mục – Hạt Trưởng - Quản xứ Tam Kỳ, trong lời khai mạc Chương trình Hoan ca, đã mời gọi cộng đoàn tham dự, dâng lời tạ ơn Chúa vì niềm vui gặp gỡ, với bao ơn lành của Thiên Chúa trong Mùa Giáng sinh.

Có 22 tiết mục, với nhiều thể loại ca múa hát, Hợp xướng, đồng diễn, múa đương đại, kịch …. Được công diễn với nội dung phong phú. Những điệu vũ hoan ca và lời tạ ơn Thiên Chúa đến làm người để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Những lời nguyện cầu: lòng người an bình, quê hương thái hòa, tình yêu và lòng thương xót Chúa trong mỗi người, lan tỏa đến anh chị em xung quanh với những mảnh đời bất hạnh khó khăn. Sự ước ao và cố gắng hy sinh để đem Tình Chúa sưởi ấm bao tâm hồn băng giá vì dịch bệnh, vì chia ly do đi làm ăn xa và rất nhiều biến cố đau thương mất mát khó khăn của cuộc đời, nhất là các gia đình trẻ, mà mỗi người phải là Tình Yêu Chúa Giáng Sinh đến với Anh chị em xung quanh nơi mình đang sống. Tất cả ý hướng đó được các tiết mục của Chương trình Hoan ca thể hiện trong từng chị tiết.

Trong lời cám ơn kết thúc Chương trình, Cha An-tôn Nguyễn Thanh Vũ – Quản xứ An Sơn, đã cám ơn Cha Hạt trưởng và Quý Cha, Quý tu sỹ, Hội đồng mục vụ, Ca đoàn và cộng đoàn các Giáo xứ trong Giáo hạt. Cha cũng không quên cám ơn Chính Quyền và tất cả những Người bằng nhiều cách khác nhau đã giúp cho Chương trình Hoan ca được thành công tốt đẹp. Đây là dịp nối kết các Giáo xứ nhất là các bạn trẻ, các ca đoàn, các Hội đồng mục vụ Giáo xứ trong tình hiệp nhất chia sẻ, hướng tới sự đồng hành với các bạn trẻ trong đời sống gia đình, là một phần của Mục vụ loan báo Tin Mừng.

Tô-ma Trương Văn Ân
 
Lễ Giáng Sinh tại giáo hạt Tây Ninh, GP Phú Cường
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
22:16 27/12/2020
GIÁNG SINH AN LÀNH VÀ AN TOÀN TRONG BÌNH AN CỦA CHÚA HÀI ĐỒNG

Sau những ngày sống trong niềm hy vọng chờ đợi, đêm nay, trên khắp toàn thế giới, mọi Kitô hữu cùng hân hoan vui mừng đón Đấng Cứu độ sắp sinh ra đời và trong không khí đón mừng Chúa Giáng sinh, từ chiều 24/12/2020 đông đủ các vị trong Hội đồng Giáo xứ, các đoàn thể, giáo dân và các em thiếu nhi, rất nhộn nhịp và vui mừng gì: "Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít." (Lc 2,11)

Xem Hình

Ngay từ những ngày đầu tháng 12, giáo xứ đã nhộn nhịp chuẩn bị đón Giáng sinh. Các Hội đoàn, các Giáo khu đã không quản ngại mưa dầm nắng gắt để chăng đèn kết hoa trong ngoài nhà thờ và làm hang đá. Không chỉ dừng lại ở bầu khí đón mừng Giáng sinh bên ngoài nhưng từ trong nội tâm mỗi người cũng được giáo xứ chuẩn bị hết sức chu đáo, để giúp cộng đoàn đón một mùa Giáng Sinh trọn vẹn và có ý nghĩa; giáo xứ đã tổ chức giúp cộng đoàn tích cực lãnh nhận bí tích hòa giải và cùng với nhân loại hoài niệm biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, qua việc Ngồi Tòa của Cha Chánh xứ Gioan Võ Hoàn Sinh đến tận 16g00 ngày 24 tháng 12.

Từ buổi chiều ngày 24/12, khắp các ngả đường, mọi người không kể lương giáo đã bắt đầu ra đường dù rằng bầu trời đã đỗ mưa nặng hạt kéo dài từ lúc 16 giờ chiều kéo dài cho đến tận giờ khai mạc Đêm điễn nguyện Mừng Chúa Giáng sinh. Nhưng không khí Giáng Sinh vẫn nhộn nhịp, vui tươi được nhân loại khám phá ra bởi một lẽ họ tìm thấy được sự an bình nơi gia đình Thánh: Hài nhi Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse và trên hết là hồng ân cứu độ của Chúa Giêsu Hài Đồng nhờ vậy con người đến gần với nhau hơn.

Thánh lễ Vọng Giáng Sinh đêm nay do cha Chánh xứ Gioan Võ Hoàn Sinh chủ tế, hiệp thông trong thánh lễ còn có đông đảo cộng đoàn dân Chúa khắp nơi hiện diện.

Đêm nay, chúng ta hân hoan mừng Đấng Cứu Độ của chúng ta là Đức Giê-su đã giáng trần, đó là một tin vui trọng đại, tin vui này được các Thiên Thần của Thiên Chúa loan báo cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ, này Tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Thiên Chúa”.

Chúng ta hãy nhìn vào hang đá thì sẽ thấy được sự khó nghèo của Con Thiên Chúa giáng trần làm người: chỉ có một vài mục đồng đến viếng thăm, một vài con bò hà hơi sưởi ấm cho hài nhi Giê-su, tất cả chỉ có thế, nghèo nàn khổ cực, nhưng ở đó lại chứa chan ấm áp tình người chứ không hề giả dối như con người trần thế.

Trước khi thánh lễ vọng Giáng sinh bắt đầu là phần Ca nhạc Mừng Chúa Giáng sinh và chào đón Đại biểu Chính quyền địa phương các cấp từ Tỉnh đến Phường, cũng như các Tôn Giáo Bạn đến chia vui và chúc mừng. Dẫn đoàn đại diện Chính quyền là Ông Phạm Hồng Thái, Phó Bí thư trường trực Tỉnh Uỷ. Trong bầu khí Mừng Chúa giáng sinh Đại diện chính quyền tỉnh Tây Ninh cũng đã ghi nhận những đóng góp của Bà con giáo dân trong thời gian qua, và mong rằng thời gian tới Bà con giáo dân tiếp tục cống hiến công sức trí tuệ vào sự phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh nhà, nhất là tạo ra nhiều hơn nữa các tác phẩm Nghệ thuật qua việc trang hoàn và trang trí hang đá Bêlem.

Thay mặt Giáo xứ, Cha Gioan Võ Hoàn Sinh, chuyển lời chúc mừng Giáng sinh đến Quý vị Chính quyền các cấp, cũng như cám ơn Quý Chính quyền đã tạo điều kiện cho hoạt động của Giáo xứ trong thời gian qua.

Trong bài chia sẻ Lời Chúa, cha Gioan Võ Hoàn Sinh đã giúp cộng đoàn cảm nhận được những tâm tình mùa Giáng Sinh, bằng lời giảng hết sức thuyết phục Cha đã gợi lại cho cộng đoàn hình ảnh Ngôi Hai nhập thể và giáng trần như thế nào. Và với việc Thiên Chúa đã nhập thể xuống thế làm người, là gì: Thiên Chúa muốn mang đến tình yêu thương của Mình đến với Nhân loại. Và quả thật như vậy, với việc Ngôi Hai nhập thể làm Người, cũng chính là Thiên Chúa mong muốn Thiên Chúa ban bình an xuống cho mọi người qua hình ảnh Hài nhi Giê su nhập thể làm người và Cha cũng mời gọi Bà con Giáo dân cũng chia sẽ niềm vui mừng hôm nay đến với Bà con đang bị hạn chế do Dịch Covid 19 đã không thể tổ chức Mừng Chúa giáng sinh như chúng ta.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Cha chánh xứ hết lòng cám ơn sự đóng góp của mọi người trong công cuộc chuẩn bị cho Giáng Sinh, Đêm Thánh ca Giáng sinh và đại lễ Giáng Sinh nói chung, Cha cũng cám ơn tất cả các ban ngành đoàn thể trong Giáo xứ đã cộng tác không ngại khó khăn, đồng thời Cha cũng nói lời chúc mừng Giáng sinh đến cộng đoàn trong và ngoài giáo xứ. Sau lời cám ơn, cha chánh xứ mời gọi Cộng đoàn đón nhận phép lành cuối lễ.

Sau phép lành cuối lễ, nhiều người vẫn còn lưu luyến ở lại bên Hài nhi Giêsu, ở lại bên nhau để gửi đến cho nhau những lời ngỏ tình yêu mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để cứu độ nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng con như những người chăn chiên Bêlem xưa kia, xin cho mỗi chúng con cũng biết chiêm ngắm Chúa với đôi mắt đầy ngạc nhiên nhưng chân thành và luôn suy niệm trong lòng, luôn biết cởi mở, sẻ chia … để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, là những người đã nhìn thấy ánh sáng nơi máng cỏ Giáng Sinh ấy “dân tộc bước đi trong tối tăm, đã nhìn thấy luồng sáng lớn”. Giữa một xã hội tràn ngập nền văn hóa của sự thờ ơ, thường xuyên quay lưng với tha nhân một cách tàn nhẫn, xin Chúa Giêsu Hài Đồng giúp chúng con biết thay đổi cách sống, luôn biết cảm thông, đầy lòng từ bi và thương xót, và biết nhìn ra Chúa hài đồng qua các trẻ sơ sinh bị người lớn bỏ rơi ở đầu đường; xó chợ ở trong các Thùng rác và dưới cống rảnh … vì chính những lúc chúng con đóng kín tâm hồn mình với tha nhân là những lúc chúng con sẽ không nhìn thấy ánh sáng của Ngôi Hai Thiên Chúa đang ở giữa chúng con, như lời Cha Gioan đã chia sẽ với chúng con là: “...... nếu chúng ta không “Thiện Tâm” thì chúng ta sẽ không đón nhận được “Bình an” của Thiên Chúa”

Kết thúc thánh lễ, mọi người hân hoan ra về cùng đoàn tụ với gia đình bên những người thân yêu cùng nhau cảm tạ ơn Chúa, chia sẻ yêu thương trên bữa tiệc nhỏ dưới những ánh đèn lung linh, hay ở ngoài trời bên hang đá Bêlem lạnh lẽo nhưng ấm áp tình người.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban Truyền thông Giáo phận Phú Cường.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Gia đình trường học cho đời sống làm người.
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
11:43 27/12/2020
Cách đây một thế kỷ, năm 1920 Đức Giáo Hoàng Benedictô XV. đã thiết lập trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo lễ mừng kính Gia đình Thánh gia và được mừng kính vào Chúa nhật liền sau lễ Chúa Giêsu giáng sinh.

Lễ mừng kính nhớ đến gia đình Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse là gương mẫu cho các gia đình trong nếp sống đạo đức gìn giữ thuần phong mỹ tục văn hóa xã hội.

Sau chiến tranh thứ nhất trên thế giới (1914-1918), đời sống xã hội xảy ra nhiều biến dạng thay đổi đưa đến bất công trong đời sống xã hội. Với đà phát triển đô thị hóa, kỹ nghệ hóa dẫn đưa đến hậu qủa sự mất thăng bằng hay bị xóa bỏ quên lãng căn rễ nguồn gốc đời sống văn hóa xã hội, nhất là về phương diện đạo đức. Vì thế lễ mừng kính này nhấn mạnh nhắc nhở hình ảnh Gia đình thánh gia là gương mẫu cho các gia đình Công Giáo.

Lễ mừng Gia đình Thánh gia nhắc nhớ chỉ vạch hướng đi cho các gia đình Công Giáo như mẫu gương học hỏi để có thể chống lại sự mất mát đổ vỡ gía trị đời sống hôn nhân cùng đời sống gia đình trong bối cảnh đời sống xã hội trên đường tục hóa bị đẩy ra bên lề.

Đó là lý do thiết lập ngày lễ mừng kính Gia đình Thánh gia cách đây một thế kỷ. Nhưng những lý do đó không ngừng đứng lại hay không còn nữa. Trái lại vẫn hằng tiếp tục xảy diễn ra dưới những dạng thức khác nhau. Vì thế ngày lễ mừng kính Gia đình Thánh gia vẫn luôn có giá trị cùng cần thiết nhắc nhở chỉ hướng là gương mẫu về cung cách nếp sống đạo đức, nếp sống văn hóa xã hội con người với nhau trong xã hội, trong gia đình.

Là con người, ai cũng cần một quê hương, cần sự gắn bó là thành phần thuộc về nhau, cần sự tin tưởng cùng tình liên đới. Điều này chỉ có gia đình mới có thể trao ban cho, khi cùng chung sống với nhau và cho nhau. Nói cách khác con người nhận được những điều đó nơi gia đình cùng sống với nhau và cho nhau.

Gia đình luôn là bến bờ mà con người mong ước tìm đến để có, cho dù nhiều khi sự trông mong không đạt được tròn đầy như mong muốn.

Giáo hội đã nhìn nhận gia đình là trường học giúp con người sống phát triển lòng nhân đạo tình người về nhiều khía cạnh.

Con cái của cha mẹ và cha mẹ của con cái luôn gắn bó với nhau suốt cả đời sống, cho dù có ai đã qúa vãng thành người thiên cổ ra đi trước. Họ vẫn hằng gắn bó nhớ nhung nhau, với lòng biết ơn, đến những kỷ niệm không thể quên được đã cùng nhau chung sống trải qua từ lúc thơ ấu còn trẻ cho tới lúc tuổi gìà, lúc khoẻ mạnh cũng như lúc yếu đau bệnh nạn, lúc thành công cũng như khi gặp bước đường thất bại, nụ cười hạnh phúc và dòng nước mắt đau khổ, cùng chung vui hưởng niềm vui hạnh phúc và cùng chung cộng khổ chịu đựng an ủi nâng đỡ nhau.…

Ngày lễ mừng kính Gia đình Thánh gia, ngoài ba Vị thánh, phúc âm còn nói tới hai nhân vật khác nữa: Ông Simeon và nữ tiên tri Hanna.

Hai vị trọng tuổi này, theo như phúc âm thuật lại, đã luôn hằng trông chờ đợi làm sao trong đời được tận mắt nhìn thấy Đấng Cứu Thế, tận tay bồng ẵm vị cứu tinh Israel. Và ngày trông mong chờ đợi đã tới cho họ.

Cha mẹ hài nhi Giêsu đã đem con mình đến đền thờ Jerusalem dâng cho Thiên Chúa, như tập tục chỉ dậy. Ngay nơi cửa đền thờ Thiên Chúa, hai vị cao niên này đã nhận ra hài nhi Giêsu là Đấng cứu thế, là vị Cứu tinh của Israel. Nên họ đã trong vui mừng hân hoan cảm động xin được bồng ẵm hài nhi Cứu Thế Giesu trên tay mình. Và đã cảm động nói lên tâm tình ca ngợi Chúa, đã cho mình được thỏa lòng mong chờ tận mắt nhìn thấy, tận tay bồng ẵm Đấng Thánh là vị cứu tinh Israel. Thật là hạnh phúc cho đời họ không còn gì bằng hơn nữa. (Phúc âm Thánh Luca 2, 22-38).

Hai Vị cao niên này không có tâm tình sống trở ngược về qúa khứ. Nhưng họ sống trông mong chờ đợi hướng về đời sống tương lai.

Cảm nghiệm vui mừng thần thánh này, như hai vị tiên tri Simeon Hanna ngày xưa, các bậc cha mẹ nhất là những vợ chồng đã phải cầu xin khấn nguyện chờ đợi lâu hằng năm trời mới nhận được tin vui mừng có con chào đời, lúc đó cháy bừng lên ngọn lửa niềm vui hạnh phúc khôn tả trong tâm hồn họ, và tuôn chảy trào ra nơi khoé mắt dòng nước mắt thần thánh hạnh phúc hòa lẫn trong tâm tình biết ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho họ hoa qủa phúc lộc có con.

Mừng lễ Gia đình thánh gia, một tâm hồn đạo đức đã có suy tư “ Mừng lễ Chúa giáng sinh làm người, Thiên Chúa nói, con người đã trở thành gia đình của Ngài. Vì Ngài đã trở thành người, và như thế tình yêu của Ngài được thể hiện qua bàn tay bàn chân con người. Thiên Chúa rất mong muốn là người cha của con người để lo cho con người.

Thiên Chúa muốn cùng đồng hành với trên con đường đời sống, bất kể đi đến nơi nào. Thiên Chúa hy vọng con người tin tưởng nơi Ngài, và đặt bàn tay họ vào bàn tay của Ngài, để cùng nhau sống làm việc hướng về một tương lai với niềm hy vọng, niềm tin và tình yêu.

Con người là con yêu qúi của Thiên Chúa. Thiên Chúa tin tưởng con người, vì Ngài ban cho con người sự sống. Xin hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Điều đó mang lại niềm vui hạnh phúc cho đời sống!“

Lễ mừng kính gia đình thánh gia
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Cách thức đeo khẩu trang: Những điều nên và không nên
Vietnamese Social Service in Minnesota
16:55 27/12/2020
 
Cách phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cho bản thân và cộng đồng
Vietnamese Social Service in Minnesota
17:00 27/12/2020
 
Văn Hóa
Việt Nam - Mùa Vọng Và Giáng Sinh Giữa Cơn Đại Dịch
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
17:39 27/12/2020
Năm 2020 có lẽ là năm không may mắn từ những ngày đầu năm khi con Virus có tên Vũ Hán đã xâm nhập khiến cả thế giới phải gánh chịu đến bây giờ. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi vào trước những ngày Giáng sinh, chính phủ nước Anh phải công bố đóng cửa biên giới và khuyến cáo mọi người không được bước ra ngoài để ngăn ngừa con virus bị biến thể ấy dù thế giới vừa mới công bố đã có vắc-xin và đang tiêm ngừa cho một số người. Tình hình giới nghiêm và lochdown tại Mỹ và các quốc gia u châu khiến cho những ngày cuối cùng của năm 2020 thêm ảm đạm, và người ta mong chờ một phép màu của Đêm Giáng Sinh.

Từ đầu mùa Vọng đến lễ Giáng Sinh năm nay người dân Việt Nam vẫn sống trong thấp thỏm vì họ sợ một cơn giãn cách xã hội khác sẽ đến và mọi người vẫn còn lo ngại đến những chỗ đông người, nhất là những cuộc hội họp hay thánh lễ. Cũng vì thế mà mùa Vọng năm nay được đánh dấu là một mùa Vọng buồn đúng nghĩa dù các nơi cũng chuẩn bị làm hang đá đế đón mừng Chúa Giáng Sinh nhưng chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó vì không biết có được tổ chức hay không!

Tại Giáo phận Nha Trang, Đấng Bản quyền khuyến cáo mọi thành phần dân Chúa không nên tổ chức thánh ca, diễn nguyện hay hoạt cảnh mà chỉ nên làm trong phạm vi nhà thờ, và phải kết thúc thánh lễ sớm để mọi người có thể về với gia đình và cử hành bữa ăn chung với người thân trong gia đình. Buồn hơn nữa là những ngày trước lễ Giáng Sinh trời mưa không ngớt nên đường xá trơn trợt và những ngọn gió mạnh do ảnh hưởng bão cứ thổi lên làm bay tung tóe những hang đá ngoài trời vừa mới dựng tạm lên. Những ngày vọng Giáng sinh mà đường phố du lịch Nha Trang vắng ngắt vì người Nha Trang ngại đi ra ngoài và khách du lịch cũng không dám đến vì vẫn còn lo sợ Covid.

Nhà Dòng chúng tôi cũng theo chiều hướng đó vì cũng là thành phần trong giáo phận, và anh em chỉ quây quần với nhau trong các giờ kinh và thánh lễ mỗi ngày để cầu cho thế giới mau thoát khỏi cơn đại dịch và cũng hạn chế nhận khách từ bên ngoài để tránh những phiền phức nếu có chuyện xảy ra.

Trung tuần tháng 12 cũng là những ngày bận rộn, một mặt phải lo ‘chống Covid’, mặt khác phải làm các thủ tục ngoại giao vì nhà Dòng có trụ sở chính tại Nha Trang. Các ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp đến thăm viếng mừng Chúa Giáng Sinh như là một thủ tục có từ lâu đời để tạo mối tương quan dù hai phía vẫn còn có điều gì đó chưa hiểu nhau. Đây là năm đầu tiên trong vai trò phụ trách Nhà Chính của Dòng nên chúng tôi phải tạm đóng vai chủ nhà để đón tiếp các vị khách mời khác chính kiến, không cùng ý thức hệ nhưng cùng sống chung một bầu trời và cùng dẫm trên lòng đất mẹ. Với tất cả lòng tôn trọng và cởi mở, chúng tôi cũng muốn nói với họ rằng chúng tôi rất yêu nước Việt và muốn làm gì đó cho người dân Việt sống đúng nhân phẩm của một con người, và cũng mong họ là những người thừa hành quyền bính xã hội cũng biết làm cho người dân bớt cơn cực và tự do hành đạo như hiến pháp đã ban hành. Chúng tôi cũng muốn được yên ổn để làm việc nhưng sự yên ổn ấy phải thực sự chứ không giả tạo và nếu còn những nút thắt thì cố mà tháo cởi để chúng ta có thể sống thật với nhau hơn vì chính sự thật mới giải phóng chúng ta.

Nhìn chung năm nay họ đến thăm viếng khá đầy đủ và cởi mở hơn dù họ biết chúng tôi mới từ xa về. Họ biết chúng tôi rất rõ vì họ có đầy đủ các ban ngành vừa hồng, vừa chuyên và chúng tôi cũng muốn sống sao để dĩ hòa vi quí và cố gắng sống đúng vai trò và trọng trách của mình để họ không cảm thấy khó xử, vì nếu chúng tôi làm điều sai trái hay hành xử căng thẳng thì cũng khó cho họ và bản thân mình cũng không hề muốn. Vẫn biết thế nhưng về phương diện ngoại giao chúng tôi vẫn có thể gặp nhau và tay bắt mặt mừng, và có thể nói chuyện với nhau như những đối tác.

Chúng tôi cũng có một bữa tiệc mừng với những ân nhân, bạn hữu và đại diện chính quyền, ban ngành các cấp để nói lên lời tri ân và mừng lễ sinh nhật Con Thiên Chúa làm người dù nhiều khách dự tiệc không cùng tôn giáo. Ai nấy đều cảm thấy vui và ấm cúng với không khí của Nhà Dòng vì những tu sĩ Công Giáo không phải là những người có trái tim lạnh lẽo nhưng là một trái tim nồng cháy có thể lan tỏa tình yêu thương và sưởi ấm những tâm hồn lạnh giá như vị Chúa của họ.

Những người di dân Việt Nam ở Malaysia từ nhiều tháng nay không có thánh lễ vì Covid nên họ đã xin chúng tôi dâng lễ trực tuyến mừng Giáng Sinh và cũng là dịp để họ làm hòa với Chúa vì từ lâu họ không được xưng tội. Chúng tôi đã sắp xếp để họ có một thánh lễ trực tuyến Vọng Giáng Sinh và cầu xin Chúa Hài Đồng xuống ơn lành cho anh chị em xa xứ đang khát khao được mừng Sinh Nhật của Ngài và xin Ngài ban ơn bình an trong tâm hồn.

Dù trời mưa bão trước những ngày Giáng sinh, chúng tôi vẫn cùng nhau đến một trung tâm Mái Ấm của Dòng khá xa Nhà Chính của Dòng, nơi đang cưu mang những em bé bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn để chung vui với các em và những vị ân nhân đang âm thầm đóng góp công, sức và tiền của để nuôi dạy các em khôn lớn thành người. Các em cảm nhận được điều đó nên học hành ngày càng tấn tới và ngoan hơn nhằm đáp lại tình thương của Nhà Dòng và những vị ân nhân. Những bài ca, điệu vũ về Noel của các em do các Nữ tu trẻ thuộc Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh truyền giáo tập luyện đã làm cho đêm gặp gỡ vui hơn trước khi đón mừng sinh nhật Chúa.

Đúng ngày Giáng Sinh là một ngày mưa tầm tã từ sáng đến chiều nên chỉ ai có việc mới đi ra ngoài. Chúng tôi tranh thủ ngày này để đi thăm bà Cố của một linh mục đàn em vừa mới qua đời để cùng hiệp thông và đồng cảm với người anh em vừa mất mẹ. Người anh em này đã chuẩn bị tâm lý và được gần mẹ trong những ngày mẹ lâm bệnh nên khá bình tĩnh để lo hậu sự cho mẹ. Bản thân chúng tôi khi nhắc đến chữ Mẹ là cảm thấy mủi lòng vì chưa được một ngày chăm lo cho mẹ khi mẹ ốm đau, và ngày mẹ ra đi đột ngột khi chúng tôi còn làm việc truyền giáo ở một đất nước xa xôi cũng không có bên cạnh để lo cho mẹ. Dấu ấn về mẹ luôn hằn sâu trong ký ức nên khi nghe tin một người mẹ của ai đó vừa nằm xuống là trong lòng cảm thấy nhói đau.

Chúng tôi cũng ghé thăm một bà mẹ trẻ chưa tròn 50 tuổi nhưng bị ung thư và đang thoi thóp thở Ôxy chờ lưỡi hái tử thần. Cùng với gia đình, chúng tôi đọc kinh phó mình cho người hấp hối này mà lòng quặn thắt vì chị đang chờ hai đứa con nhỏ thi học kỳ vào đúng ngày lễ Giáng sinh. Khi còn giúp xứ cách đây hơn 20 năm thì bà mẹ trẻ này cũng là học viên giáo lý của chúng tôi, nhưng giờ đây chúng tôi chứng kiến người người học trò ấy sắp ra đi mà mình không làm được gì ngoài lời cầu nguyện. Nghĩ lại thân phận loài người mỏng manh thật và chúng tôi chỉ biết phó dâng linh hồn chị cho Chúa. Khi vừa về lại Nhà Dòng thì chúng tôi được nghe tin chị đã qua đời trong sự bình an! Xin Chúa Hài Đồng đoái thương linh hồn Maria vừa mới qua đời đúng ngày sinh nhật của Ngài và cũng xin đoái thương gia đình và hai đứa con thơ của chị vừa mất mẹ.

Cũng trong những ngày bát nhật lễ Giáng Sinh, chúng tôi được mời giảng tĩnh tâm cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá vùng Nha Trang. Các nữ tu này đang mục vụ tại các giáo xứ, các trường mầm non và vùng truyền giáo lương dân. Hàng tháng các Soeurs thường tụ họp tại một cộng đoàn nào đó trong vùng để tĩnh tâm và cũng là dịp để gặp gỡ, chia sẻ với nhau trong tinh thần gia đình. Lần này họ tập trung tại một cộng đoàn bên cạnh Nhà Chính của chúng tôi và mời chúng tôi chia sẻ về đời sống truyền giáo vì họ biết chúng tôi có chút ít kinh nghiệm về truyền giáo ở nước ngoài. Chỉ một cùng Nha Trang mà các chị có đến 40 thành viên khấn trọn, hơn cả một Tỉnh Dòng quốc tế của các nữ tu ngoại quốc nơi chúng tôi làm việc mới thấy được ơn gọi Việt Nam còn rất dồi dào và các nữ tu khiêm nhường ấy nay sẵn sàng xông pha trên mọi mặt trận. Tuy nhiên, công bình mà nói ở Việt Nam các Soeurs ít được coi trọng hơn các linh mục dù nhiều nữ tu làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn các linh mục. Chúng tôi không dám so sánh vì mọi so sánh đều khập khiễng nhưng chúng ta cần phải đánh giá lại và phải biết tôn trọng và đối xử công bằng với mọi thành phần dù họ là linh mục, nữ tu hay giáo dân.

Hôm nay giáo hội mừng lễ Thánh Gia Thất trong tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh. Nhiều giáo xứ, cộng đoàn tu trì chọn Thánh Gia Thất làm bổn mạng như muốn nói lên vài trò của những thành viên trong gia đình rất quan trọng và cần phải được tôn trọng và đánh giá đúng chứ không nên giữ nguyên não trạng ‘trọng nam, khinh nữ’. Sáng nay chúng tôi dâng thánh lễ tại một giáo xứ của Dòng thuộc ngoại ô thành phố và đây là lần đầu tiên cha xứ tổ chức cho những đôi hôn nhân có số tròn để chúc mừng. Trong bài chia sẻ, chúng tôi đã nhấn mạnh đến sự thánh thiêng trong đời sống gia đình mà mẫu gương là gia đình Nazaret. Ước mong những thành viên trong gia đình luôn chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình để giáo xứ, giáo hội, xã hội và thế giới này ngày một tốt hơn vì gia đình là nền tảng của xã hội. Xin Chúc mừng các gia đình, nhất là những gia đình Công Giáo biết noi gương Thánh Gia để nước Chúa mau hiển trị và mọi người luôn sống trong bình an và ân sủng Chúa.

Nha Trang, ngày 27 tháng 12 năm 2020,

Lễ Thánh Gia Thất,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
 
VietCatholic TV
Ông già Noel khuyết tật gây xúc động ở Brazil. Ba Vua dạy ta điều gì sau một năm khổ vì đại dịch?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:17 27/12/2020


1. 'Ông già Noel khuyết tật' đang giúp đỡ những người nghèo ở Brazil

Jose Ivanildo Leandro da Silva là giáo dân của tổng giáo phận Brasilia từ lâu đã được biết đến như một nhà hoạt động bác ái tích cực của tổng giáo phận, bất kể anh là một người bị cụt cả hai chân.

Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy anh di chuyển một cách khó khăn trên một tấm ván trượt của mình. Với phương châm tàn nhưng không phế, anh trượt trên miếng ván này để xin mọi người đóng góp cho quỹ giúp đỡ những trẻ em khó khăn nhất của thành phố.

Anh nói:

“Mỗi ngày tôi đều đến đây để quyên góp và nhờ mọi người giúp đỡ chi phí nhà ở cho các em cũng như thu góp các đồ chơi, quần áo và thức ăn.”

Người dân địa phương ai cũng biết đến với những nỗ lực từ thiện bất kể các khó khăn về di chuyển của anh nên mọi người quảng đại giúp đỡ.


Source:Reuters

2. George Weigel: Các nhà Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến trình thuật Phúc Âm về các nhà Đạo sĩ, là những người theo ánh sao Bethlehem, đã đến triều bái Chúa Giêsu Hài Đồng.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

What the Magi Teach Us?

by George Weigel

Các nhà Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?


Trong số những hoài nghi kinh niên của giới khoa bảng, một số đoạn Tin Mừng bị cắt, băm và tung lên ném xuống trên sàn phòng mổ xẻ để bị chụp mũ là “thần thoại”. Thường xuyên nhất là câu chuyện về các Đạo sĩ, là “các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người’” (Mt: 2:2)

Thế giới học thuật có một thói quen thật đáng tiếc là xem xét các văn bản cổ với một sự nghi ngờ đầy ngạo mạn. Trong cuốn Chúa Giêsu thành Nagiarét: Các trình thuật về thời thơ ấu, Đức Joseph Ratzinger, cũng là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã tránh được cái thói quen ấy và đưa ra một cái nhìn khác. Ngài viết, các Đạo sĩ không phải là những nhân vật thần thoại trong “một bài suy niệm được trình bày dưới vỏ bọc của những câu chuyện”. Đúng hơn, “Thánh Matthêu đang kể lại một sự kiện lịch sử có thật”, nhưng đó là “lịch sử được tư duy và giải thích về mặt thần học”. Đó là lý do tại sao câu chuyện của các Đạo sĩ giúp chúng ta “hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm của Chúa Giêsu”.

Các Đạo sĩ dạy chúng ta điều gì?

Đầu tiên, họ định vị Chúa Giêsu trong câu chuyện dài của nhân loại, trong thời gian và địa điểm thực, khi trình bày sự kiện những người hành hương kỳ lạ này đã tiếp xúc với Vua Hêrôđê, mà chúng ta biết nhiều về triều đại tàn bạo của ông ta. Tham chiếu đến Xê-da Au-gút-tô trong Luca 2:1 cũng thực hiện chức năng “định vị” tương tự. Khi bắt đầu câu chuyện về Chúa Giêsu, Thánh Matthêu và Thánh Luca nói với độc giả của các ngài (vào thời đó, có lẽ là những thính giả hơn là các độc giả) rằng Chúa Giêsu thành Nagiarét không phải là hình ảnh của trí tưởng tượng tôn giáo gây sốt của ai đó. Chúa Giêsu có thật như thực tại diễn ra.

Thứ hai, các Đạo sĩ là những nhà hiền triết, những thầy tu và những nhà thiên văn. Cho nên, những thành tựu về phương diện hoán cải của các Đạo sĩ có một ý nghĩa vượt ra ngoài các bằng chứng. Đức Bênêđíctô XVI lưu ý rằng những thành tựu này nhắc nhở chúng ta rằng “sự khôn ngoan về tôn giáo và triết học” có thể là “động lực để đi đúng hướng” trong cuộc sống: nghĩa là, trí tuệ của con người, đối với những người có tâm hồn và trái tim rộng mở, cuối cùng có thể dẫn dắt họ đến với Chúa Kitô.

Là những người có sự cởi mở sâu sắc nếu chưa được thỏa mãn với đấng thiêng liêng, các Đạo sĩ, là những “người kế vị của Áp-ra-ham”, đã cất bước trên một cuộc hành trình để đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những triết gia, họ cũng là “những người kế tục của Socrates và thói quen đặt câu hỏi của ông trên và vượt ra ngoài sự khôn ngoan thông thường để có thể hướng đến chân lý cao hơn”. Như vậy những nhân vật bí ẩn này (được mô tả trong nhà nguyện Bethlehem của Đền Thờ Đức Bà Cả của Rôma với các quần áo nhiều màu sắc, có những chấm lớn trên đó) là ‘tiền thân’, là ‘những người dọn đường cho những người tìm kiếm sự thật, mà chúng ta thấy trong mọi thời đại’ - ít nhất là trong số những người có sự khiêm tốn để có thể từ chối một cái nhìn chật chội, duy vật về thế giới và đặt ra câu hỏi “Chẳng lẽ tất cả trên đời này chỉ có thế thôi sao?”

Thứ ba, việc các Đạo sĩ không phải là người Do Thái nhắc chúng ta nhớ đến sứ mệnh truyền giáo ad gentes, “cho muôn dân”, được gắn liền ngay từ đầu với thực tại về Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thế được mong đợi từ lâu của người Do Thái. Những người đầu tiên trong dân ngoại nhận ra “vị vua mới sinh của dân Do Thái” là những người có trí tuệ và khoa học. Điều này dạy chúng ta một bài học quan trọng khác: Mọi sự thật đều dẫn đến một Sự thật. Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô khẳng định rằng mọi rung động tôn giáo đích thực của con người đều “liên quan đến việc tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa thật và do đó ‘triết học’, theo nghĩa nguyên thủy của từ này, là lòng yêu mến sự khôn ngoan”. Sự khôn ngoan thanh tẩy “kiến thức khoa học”, vì sự khôn ngoan không cho phép “khoa học” bị hạn chế trong chiều kích duy lý nội quan: Sự khôn ngoan nhắc khoa học rằng có nhiều sự thật hơn là các phương trình, công thức, và dữ liệu.

Thứ tư, các Đạo sĩ “từ phương Đông” — địa điểm của bình minh — là biểu tượng cho sự khởi đầu mới. Do đó, họ là những du khách đúng lúc vào cuối một năm tồi tệ mà lịch sử dường như đã mất đi phương hướng. Đức Bênêđíctô một lần nữa nhắc chúng ta rằng: Các Đạo sĩ “đại diện cho cuộc hành trình của nhân loại hướng về Chúa Kitô”, trong đó câu chuyện về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của con người có một khởi đầu mới mẻ. Các Đạo sĩ “khởi đầu một cuộc rước được tiếp tục trong suốt lịch sử... họ đại diện cho khát vọng bên trong của tinh thần con người, động lực của các tôn giáo và lý trí của con người hướng về Ngài”, Đấng duy nhất có thể làm cho “tất cả mọi thứ trở nên mới mẻ” (Kh 21: 5) - ngay cả giữa đại dịch và giữa chính trị của nền văn hóa sự chết.

Cuối cùng, các đạo sĩ tiên báo lời dạy của Thánh Phaolô rằng Chúa Giêsu Kitô là chủ tể của vũ trụ cũng như chủ tể của lịch sử. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô viết, Giáo Hội sơ khai đã phải đương đầu với những thách thức của đủ loại “thần thánh trung gian” được cho là phụ trách vũ trụ và cuộc sống của chúng ta — không khác gì thách thức đặt ra ngày nay bởi một sự tin cậy rộng rãi về tử vi. Do đó, công trình thần học của Thánh Matthêu liên quan đến câu chuyện của các nhà thông thái tạo nên một điểm cốt yếu, mà như lời của Đức Bênêđíctô, “không phải ngôi sao quyết định số phận của hài nhi; nhưng hài nhi mới là người chỉ đạo ngôi sao”. Thiên Chúa là chủ tể: không phải các ngôi sao, các hành tinh, hay các lực lượng ngẫu nhiên khác.

Vì vậy, xin chào mừng một lần nữa, Caspar, Melchior và Balthasar. Thời đại hoang mang của chúng tôi rất cần đến các ngài.


Source:First Things