Ngày 26-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con người của cứu rỗi
Lm. Minh Anh
01:44 26/12/2021
CON NGƯỜI CỦA CỨU RỖI
“Cha mẹ không biết Con phải lo việc của Cha Con sao?”.

Charles Swindoll nói, “Sự bận rộn huỷ hoại các mối quan hệ; nó thay thế nồng nàn bằng hời hợt; nuôi sống bản ngã, nhưng lại bỏ đói con người bên trong; lấp đầy một lịch làm việc, nhưng phá vỡ một gia đình! Cứ bận rộn như thế, mãi mãi không bao giờ bạn là một ‘con người của cứu rỗi!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ Thánh Gia Thất mời gọi chúng ta khởi đi từ những gì căn bản nhất trong gia đạo để chiêm ngắm một gia đình thánh; trong đó, những ‘con người của cứu rỗi’ hướng đến một ‘gia đình cứu rỗi’ rộng lớn hơn. Một ý tưởng tích cực trái ngược với cảnh báo của Charles Swindoll.

Bài đọc Huấn Ca cho biết nền tảng đạo đức của một gia đình; ở đó, “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Ngài củng cố trên đoàn con”; bài đọc gần như chỉ nói đến đạo làm con, “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng”. Sang bài đọc thứ hai, giáo huấn của thánh Phaolô càng cụ thể và chi tiết hơn; trong đó, những đức tính không thể thiếu để mỗi thành viên gia đình có thể sống các mối tương quan đẹp ý Thiên Chúa, “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái!”. Thánh Vịnh đáp ca xem đó là một gia đình kính sợ Chúa, “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người!”. Thế nhưng, tất cả dường như chỉ để chuẩn bị cho một gia đình cứu rỗi gồm những ‘con người của cứu rỗi’ mà Thiên Chúa kỳ vọng.

Để hiểu rõ ý nghĩa của hai cụm từ ‘gia đình cứu rỗi’ và ‘con người của cứu rỗi’, Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện lạc mất Con trong đền thờ. Sau ba ngày tìm kiếm, Maria và Giuse gặp lại Con; những lời của Con đã khiến hai đấng bối rối; thế nhưng, đây là những lời giúp chúng ta hiểu ra, ‘con người của cứu rỗi’ là gì, “Cha mẹ không biết Con phải lo việc của Cha Con sao?”. Luca viết tiếp, “Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nazareth, và vâng phục hai người”. Chính sự vâng phục ấu thời của trẻ Giêsu lại chuẩn bị cho sự vâng phục mang tính cứu rỗi mai ngày. Giáo Lý Hội Thánh số 532 viết, “Sự vâng lời của Chúa Giêsu đối với cha mẹ hợp pháp của Ngài đã hoàn thành trọn vẹn điều răn thứ tư; đó là hình ảnh của việc Ngài vâng phục Cha trên trời như con thảo. Sự vâng phục thường nhật của Ngài đối với thánh Giuse và Đức Maria công bố, đồng thời, báo trước sự vâng phục của Thứ Năm Tuần Thánh, “Không phải theo ý Con”. Sự vâng phục trong cuộc sống ẩn dật của Ngài đã khởi đầu công trình tái lập những gì Ađam đã phá đổ vì bất tuân phục”.

Học giả Công Giáo, cha Raymond Brown, giải thích, “Sau khi nghe những lời ấy, Đức Maria không nói thêm một lời nào, nhưng ghi nhớ tất cả để suy đi nghĩ lại trong lòng. Đó là một gợi ý về những gì sẽ xảy ra sau này một khi Chúa Giêsu ‘ở trong nhà Cha’ của Ngài; và sứ mệnh của Ngài thì lớn hơn bất kỳ mối quan hệ huyết thống nào. Mẹ Maria hiểu ra điều này! Mẹ là hình ảnh mẫu mực cho chúng ta về ý nghĩa của việc lắng nghe Lời Chúa và sống nó như một môn đệ của Chúa Giêsu”.

Anh Chị em,

Ai trong chúng ta mà lại không muốn trở nên một ‘con người của cứu rỗi’, được lớn lên trong một ‘gia đình cứu rỗi?’. Qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa đóng ấn và ban ơn; chúng ta không thiếu một ơn nào, hầu hoàn thành tất cả những gì mà Ngài có thể trông chờ. Trong mọi đấng bậc, Thiên Chúa đặt mỗi người chúng ta vào một vị trí không thể thay thế; đó có thể là một gia đình, một lớp học, hay một cộng đoàn; thậm chí, có thể là một trại cải tạo hay một nhà tù. Tất cả chúng ta có chung một sứ mệnh, được kêu gọi trở nên một ‘con người của cứu rỗi’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con luẩn quẩn với những bận tâm tầm thường; xin giúp con ý thức, con được gọi cho một sứ mệnh, một ‘con người của cứu rỗi’ mà Chúa muốn con trở thành!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 27/12: Tình yêu nhận ra Chúa. Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
04:25 26/12/2021

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Sáng sớm ngày Phục Sinh, bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy đi gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

Đó là lời Chúa
 
Thánh Gia là Nhà 333
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:23 26/12/2021

THÁNH GIA LÀ NHÀ 333

Gia đình Thánh Gia có 3 Đấng: Đức Mẹ, Thánh Giuse, Chúa Giêsu. Phúc Âm kể chuyện Đức Mẹ và Thánh Giuse sau 3 ngày tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ. Chúa Giêsu phát triển toàn diện 3 lĩnh vực thể, trí, tâm. Thế nên xin chia sẻ Thánh Gia là nhà 333.

1. Nhà 3C. Thánh Gia là nhà 3C: Cậy Chúa, Cùng nhau, Chăm con.

- Cậy Chúa. Cả nhà hàng năm siêng năng sốt sáng đi hành hương đền thờ Giêrusalem. Cả nhà luôn mau mắn lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Cả nhà đặt Chúa trên hết.

- Cùng nhau. Vợ chồng cùng nhau lên đền thờ, cùng nhau đi tìm con chứ không đổ tội trách móc nhau. Gia đình trải qua vui buồn sướng khổ đều cùng có nhau.

- Chăm con. Vợ chồng dẫn con lên đền thờ, tìm con, hỏi con, nghe con, dạy con, chăm sóc con trẻ Giêsu phát triển toàn diện 3 lãnh vực thể, trí, tâm.

2. Người 3T. Bài Phúc Âm kết luận: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.” Trẻ Giêsu phát triển toàn diện 3T.

- Thể lý. Nhà nghèo mà trẻ Giêsu ngày thêm cao lớn chứng tỏ được ăn uống, chăm sóc đầy đủ.

- Trí tuệ. Ngày thêm khôn ngoan, chứ chẳng phải có lớn mà không có khôn.

- Tâm hồn. Ngày thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Như thế cả tâm linh tin tưởng vào Thiên Chúa lẫn tâm lý tình cảm với người ta đều vẹn cả đôi đàng.

Quả thật, Thánh Gia đích thực là nhà cho mọi gia đình noi theo. Lạy Thánh Gia 3 Đấng, cầu cho chúng con. Amen.
 
Thà Giết Lầm !
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:53 26/12/2021
Thà Giết Lầm !

(Lễ Các Thánh Anh Hài – 28/12 -1Ga 1,5-2,2 – Mt 2,13-18)

Hằng năm đến ngày Lễ kính các Thánh Anh Hài (28/12), chúng ta ít nhiều vừa xót xa, vừa phẩn uất về sự độc ác của bạo vương Hêrôđê. Khi nghe các đạo sĩ Đông phương đến thờ lạy vị minh quân Do Thái mới ra đời thì lòng Hêrôđê chắc chắn xao động. Triệu tập các Thượng tế và kinh sư trong dân để tìm hiểu nơi Đấng Thiên Sai ra đời và cặn kẻ hỏi các đạo sĩ về ngày giờ “ngôi sao lạ” xuất hiện và dặn rằng khi đã tìm thấy Hài Nhi thì về báo lại để vua cũng đi triều bái là một kế hoạch thâm độc của vua Hêrôđê hầu khử trừ mầm mống người mà như cách nghĩ của ông là sẽ lật đổ ngai vương của mình,. Thế nhưng khi các đạo sĩ không trở lại vì được báo mộng là Hêrôđê có dã tâm thì ông hôn quân này đã quyết ra tay tàn bạo để diệt trừ hậu họa dù cho có rất nhiều trẻ em phải chết oan.

Lịch sử thế giới cho thấy chuyện người độc tôn trên ngai cao của mình đã từng sử dụng mọi thủ đoạn ác độc để bảo vệ quyền bính của mình mà không ngại ra tay kiểu “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” là chuyện không hiếm. Cũng đã từng có đó nhiều bạo vương giết cả người thân, giết cả ngay con ruột của mình chỉ vì chiếc ngai, mà Hêrôđê là một trong những số đó. Sự tàn ác của một cá nhân như hôn quân hay nhà độc tài thì rất dễ bị kết án và thiết nghĩ ngay chính bản thân những người ấy cũng khó yên lương tâm và thời gian cũng chẳng thể kéo dài.

Tuy nhiên nếu sự tàn độc được nhân danh tập thể, nhân danh chủ nghĩa hay niềm tin tôn giáo thì thật đáng sợ khi những người ra tay khử trừ “đối thủ”, người khác niềm tin, khác chính kiến, khác chiến tuyến cách tàn bạo kiểu giết lầm hơn bỏ sót thì họ dễ tự trấn lương tâm và hậu quả thì thường lâu dài và khó khắc phục. Đã và đang có đó nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhân danh sự ổn định chính trị, trật tự xã hội hay nhân danh sức khỏe người dân mà sẵn sàng “mạnh tay trên mức cần thiết”, thậm chí là “vi phạm nhân quyền” khiến cho không ít người, nhất là những người thấp cổ bé phận mắc cảnh phải “bị giết lầm còn hơn bỏ sót”.

Không dám mạo phạm các tôn giáo ngoài Kitô giáo về hiện thực này. Chân thành nhìn lại quá khứ của chính mình thì lịch sử Giáo Hội Công Giáo cũng vướng vết nhơ này, chẳng hạn các tòa án trừ tà và sự loại trừ nhau bằng án “tuyệt thông” giữa anh em cùng tin vào Chúa Kitô của một thời đã qua. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khiêm nhu thành thật xin lỗi công khai về những sai lỗi của Giáo hội. Hy vọng rằng bài học lịch sử luôn nhắc nhớ chúng ta cẩn trọng.

Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định rằng “mục đích không thể biện mình cho phương tiện”. Dù không hành xử kiểu “giết bỏ” nhưng có đó tình trạng muốn được việc, muốn duy trì sự “hiệp nhất” (hay đồng nhất!) mà áp dụng các quy chế, luật lệ trong các tập thể cách đổ đồng, cào bằng thì có thể làm hại những mảnh đời bất hạnh, nghèo hèn, kém may mắn. Đây là một sự lầm đáng tiếc dường như đang tồn tại đó đây.

Là Kitô hữu, dứt khoát không thể chấp nhận mọi hình thái “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Để chiến đấu chống lại chước cám dỗ này, chúng ta phải làm ngược lại đó là “thà thương lầm còn hơn bỏ sót”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta
Lm. Đan Vinh
20:53 26/12/2021

LỄ MẸ THIÊN CHÚA A.B.C
Ds 9,1-6; Gl 4,4-7; Lc 2,15-21
ĐỨC MA-RI-A MẸ CHÚA GIÊ-SU VÀ MẸ CHÚNG TA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 2,15-21.

(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17). Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. (21) Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ Cắt Bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su. Đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng Mẹ.

2. Ý CHÍNH: CHÚA GIÊ-SU LÀ CON MẸ MA-RI-A

Các mục đồng liền vội vã lên đường đi tìm Đấng Cứu Thế theo dấu chỉ thiên sứ vừa cho biết (x Lc 2,12), và họ đã gặp được Hài Nhi mới sinh, cùng với cha mẹ Người là hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a (c 16). Sau đó tới ngày thứ tám, là lễ Cắt Bì và Hài Nhi được đặt tên là Giê-su, đúng như lời thiên thần truyền tin cho trinh nữ Ma-ri-a (x Lc 1,31).

3. CHÚ THÍCH:

- C 8-9: + Trong vùng ấy có những người chăn chiên...: Sau khi bà Ma-ri-a sinh con trong cảnh khó nghèo tại thành Bêlem, các mục đồng vốn là những kẻ nghèo hèn sống bên lề xã hội Do thái và luôn bị khinh dể, vì không có điều kiện tuân giữ Luật pháp Mô-sê. Giờ đây họ đã được ưu tiên đón nhận Tin Mừng về Đấng Cứu Thế đã ra đời.
- C 10-14: + “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại...”...: Qua đó cho thấy những người nghèo khó, đau khổ và bị bỏ rơi đang bị thua thiệt thì giờ đây lại được Chúa ưu tiên loan báo tin vui cứu độ (x Mt 5,3.5.7).
- C 16: + “Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”: Ở đây, Lu-ca kể theo thứ tự tư nhiên: Ma-ri-a, Giu-se và Hài Nhi. Nhưng nếu theo thứ tự siêu nhiên thì phải kể: Hài Nhi Giê-su, Ma-ri-a và Giu-se. Vì Hài Nhi là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, rồi đến Đức Ma-ri-a là Đấng thánh được chọn làm Mẹ của Đấng Thiên Sai, nên phải kể ra trước Giu-se.
- C 19: + Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng: Ma-ri-a để tâm suy gẫm để tìm ra ý nghĩa của những sự kiện xảy ra trong cuộc đời Chúa Giê-su, từ đó khám phá ra thánh ý Thiên Chúa muốn Mẹ phải làm gì để đáp lại tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
- C 21: + Làm lễ Cắt Bì: Cắt bì là cắt một ít da thừa nơi bộ phận sinh dục của bé trai. Luật Mô-sê quy định lễ Cắt Bì phải được thực hiện vào ngày thứ tám sau khi đứa trẻ sinh ra (x Lv 12,3). Người thực hiện phải dùng dao bằng đá (x Gs 5,2). Việc chảy một ít máu tượng trưng “máu giao ước” giữa Đức Chúa với dân Ít-ra-en (x Xh 4,26). Qua nghi lễ này đứa trẻ được chính thức gia nhập vào dân riêng của Đức Chúa và được cha mẹ đặt tên cho, như trình thuật về lễ đặt tên của Gio-an Tẩy Giả (x Lc 1,59-63).
- C 21: +Tên gọi Giê-su: Khi hiện ra trong giấc mộng, thiên thần đã lệnh cho Giu-se đặt tên cho con trẻ sắp sinh ra là Giê-su, nghĩa là Đấng Cứu Thế, và lời giải thích ý nghĩa của tên gọi sau đó: “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội của họ” (Mt 1,25).

4. CÂU HỎI:

1) Người chăn chiên là hạng người nào trong xã hội Do Thái?
2) qua sự kiện các mục đồng nghèo khó được loan báo Tin Mừng trươớc tiên, cho thấy tình thương cứu độ của Thiên Chúa như thế nào? 3) Lu-ca kể ra ba nhân vật trong gia đình thánh gia theo thứ tự tự nhiên, đang khi nếu xét về đức tin thì lẽ ra phải kể tên các Đấng theo thứ tự thế nào?
4) Cắt Bì là gì? Ai được chịu phép Cắt Bì? Được chịu khi nào và nhằm mục đích gì?
5) Tên Hài Nhi Giê-su do ai ra lệnh? Tên ấy nghĩa là gì? Theo Tin Mừng Mat-thêu (x Mt 1,21.25) thì ai được thiên thần ra lệnh phải đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su và tên Giê-su có ý nghĩa thế nào?

II SỐNG LỜI CHÚA:

1) LỜI CHÚA:
Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,27)

2) CÂU CHUYỆN: MẸ MA-RI-A HẰNG CỨU GIÚP NHỮNG KẺ NGUY KHỐN

Trưa ngày 12 tháng 10 năm 1972, một chiếc phi cơ chở 45 giáo viên và học sinh đi từ Mông-tê-viu đến Săng-chi-a-gô nước Chi-Lê thi đấu thể thao đã bị rớt khi băng qua dãy núi Ăng-đét và vỡ ra nhiều mảnh. Có 28 học sinh còn sống sót. Khi màn đêm buông xuống, 28 học sinh còn sống sót kia ngồi tụm lại bên nhau trong một khoang máy bay. Cũng may, trên phi cơ vẫn còn một số đồ ăn như thịt nguội, bánh mì và rượu vang... và một chiếc ra-đi-ô cát-xét. Nhờ chiếc ra-đi-ô này mà họ có thể theo dõi cuộc cứu hộ đang triển khai tại các quốc gia trong vùng. Sau tám ngày, họ nghe được các đoàn cứu hộ báo cáo không thể tìm ra chiếc máy bay gặp nạn và không hy vọng hành khách nào còn sống sót. Thế là các nạn nhân hiểu rằng: họ có sống sót được hay không là do quyết tâm của chính họ.

Ít ngày sau, thêm 12 người nữa theo nhau qua đời vì bệnh viêm màng phổi vì không thể chịu đựng được giá rét khủng khiếp. Đoàn người còn lại 16 người. Bây giờ họ chỉ còn biết trông chờ phép lạ. Thế là cả 16 học sinh này quyết định họp nhau cầu nguyện vào mỗi buổi tối. Vào khoảng 9 giờ tối, khi trăng bắt đầu mọc trên triền núi, thì mọi người ngồi quây quần đọc chung kinh Mân Côi. Giờ kinh được tiếp tục bằng lời cầu tự phát và các bài thánh ca. Cuối cùng kết thúc bằng kinh Hãy Nhớ để nài xin Mẹ Chúa Trời thương cứu giúp. Những buổi cầu nguyện như thế trở thành nguồn động lực lớn lao giúp các học sinh hy vọng sẽ được cứu thoát. Thấm thoát đã sang tuần lễ thứ tám. Thời tiết bắt đầu bớt băng giá. Hai cậu khỏe nhất trong bọn và có kinh nghiệm leo núi quyết định sẽ leo xuống núi cầu cứu. Cuộc hành trình của họ vô cùng khó khăn nguy hiểm. Cũng may họ tìm được một cuộn dây thừng bằng ny-lông và dùng làm dây an toàn để leo xuống vách núi đá trơn trượt. Chỉ cần bất cẩn một chút là cả hai sẽ lao xuống vực thẳm. Mọi người còn lại đều hợp ý cầu xin Mẹ Ma-ri-a nâng đỡ cho hai bạn được an toàn. Chín ngày sau, hai cậu đã xuống được đến một trạm kiểm soát ở dưới chân núi, và vài tiếng đồng hồ sau, đã có hai chiếc trực thăng cứu hộ xuất hiện trên đỉnh núi cao để cứu mười bốn học sinh còn lại. Nhờ sự thành tín kêu cầu Đức Ma-ri-a, mà các học sinh này đã sống được tới 70 ngày trên đỉnh núi cao giá lạnh, đang khi không ai trong các thân nhân của họ dám hy vọng họ còn sống và có ngày trở về nhà. Suốt 70 ngày gian khổ trên núi, 16 cậu học sinh này đã cảm nghiệm được rằng: Đức Ma-ri-a không những là Mẹ Thiên Chúa, mà Người còn là Mẹ của tất cả những ai thành tâm tin cậy cầu xin Ngài cầu bầu.

3. SUY NIỆM:

1) Đức Ma-ri-a Mẹ Chúa Giê-su và Mẹ của chúng ta: Thánh Phao-lô viết trong thư Ga-la-ta: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Như vậy, khi sinh hạ Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a cũng hạ sinh một nhân loại mới. Vì Người là Mẹ của Chúa Giê-su là đầu nhiệm thể, nên cũng là Mẹ của các tín hữu chúng ta. Hơn nữa, khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ Ma-ri-a được Chúa Giê-su trối làm mẹ của Gio-an là đại diện của Hội Thánh, và sau đó Gio-an đã rước Mẹ về nhà mình mà phụng dưỡng thay cho Thầy Giê-su (x. Ga 19,26-27). Cuối cùng, Mẹ Ma-ri-a còn là trạng sư cầu bầu đắc lực cho chúng ta trước tòa Chúa Giê-su là Đấng sẽ tái lâm để phán xét chung tòan nhân lọai vào ngày tận thế sau này.

2) Noi gương Mẹ lắng nghe Lời Chúa và xin vâng ý Chúa: Trong biến cố truyền tin Mẹ đã lắng nghe lời giải thích của sứ thần, tìm hiểu ý nghĩa khi thưa với sứ thần: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Nhờ đối thoại với sứ thần, Mẹ ngày càng khám phá ra mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thế làm người, để cộng tác bằng việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế. Mẹ thể hiện niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa bằng thái độ lắng nghe và tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa sẽ được thực hiện như bà Ê-li-sa-bét đã khen ngợi (x Lc 1,45). Khi Chúa giáng sinh, Mẹ đã nghe lời ca khen của các thiên thần, các mục đồng, và các nhà thông thái tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su, Tin Mừng Lu-ca đã ghi lại thái độ của Mẹ như sau: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51). Trên núi Sọ, Mẹ đã tận mắt chứng kiến người con yêu chịu treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp, lòng Mẹ nát tan như bị lưỡi đòng đâm thấu trái tim (x Lc 2,35).

3) Nhờ Mẹ chuyển cầu cho chúng ta: Trong tiệc cưới tại Ca-na, chính Mẹ Ma-ri-a đã phát hiện ra tiệc cưới sắp bị hết rượu. Mẹ không đợi đôi tân hôn phải kêu xin, nhưng đã mau mắn đến xin con mình là Đức Giê-su giúp đỡ đôi tân hôn và dạy các gia nhân phải vâng lời Đức Giê-su truyền. Nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, mà dù chưa tới giờ hành động. Đức Giê-su vẫn làm cho nước lã biến thành rượu ngon, giúp cho đôi tân hôn khỏi bị xấu hổ với các thực khách (x. Ga 2,1-11). Ngày nay ở trên trời, Mẹ Ma-ri-a cũng tiếp tục chuyển cầu cho các đôi vợ chồng có lòng yêu mến tin cậy cầu xin, Mẹ sẽ giúp họ vượt qua những thử thách trong cuộc sống lứa đôi, và sẽ làm cho tình yêu của họ dù có lúc bị hoá ra lạt như nước lã sau nhiều năm sống chung, sẽ nên nồng thắm như ngày mới cưới. Miễn là họ phải mời Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a đến ở trong gia đình. Cách trưng bày ảnh tượng của Chúa Giê-su và Đức Mẹ trên bàn thờ gia đình sẽ nói lên đức tin của các gia đình tín hữu chúng ta trưởng thành và sáng suốt mức độ nào.

4) Cùng Mẹ sống đức tin cậy mến và khiêm nhường phục vụ anh em: Đức Ma-ri-a trở thành mẫu gương sống đức tin cậy mến cho các tín hữu chúng ta học tập noi gương về cách ứng xử trước các biến cố gặp phải trong cuộc sống đời thường. Nhờ năng đọc Lời Chúa, các tín hữu sẽ học nơi Mẹ Ma-ri-a “luôn ghi nhớ các sự việc ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Hãy năng tìm hiểu ý Chúa và mau mắn “Xin vâng”. Hãy năng dâng lời ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa hằng ngày trong lời kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46). Hãy biết chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho những người thân và phục vụ những ai đang cần được trợ giúp như Mẹ đã phục vụ bà chị họ Ê-li-sa-bét ba tháng tới ngày bà sinh con mới trở về nhà mình (x Lc 1,56). Hãy cùng Mẹ can đảm chia sẻ sự đau khổ với Chúa Giê-su trên cây thập giá, sẵn sàng chết đi cho tội lỗi để được sống lại với Người sau này.

4. THẢO LUẬN:

1) Môn đệ Gio-an đã rước Đức Ma-ri-a về nhà mình mà phụng dưỡng. Còn chúng ta hôm nay phải làm gì để tỏ lòng hiếu kính đối với Mẹ Ma-ri-a và trở nên con cái ngoan ngoãn hiếu thảo của ngài?
2) Ngày nay khi gặp gian nan thử thách, các đôi vợ chồng tín hữu chúng ta cần làm gì để được Mẹ Thiên Chúa giúp đỡ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết noi gương các người giúp việc tiệc cưới Ca-na xưa, để lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thi hành. Xin cho chúng con mỗi ngày biết năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở nên những môn đệ trung tín, luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt mọi người, để họ thấy những việc lành chúng con làm mà ngợi khen Cha chúng con trên trời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON



 
Trở nên Ánh Sao giúp lương dân nhận biết Chúa
Lm. Đan Vinh
22:21 26/12/2021

LỄ HIỂN LINH A.B.C
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
TRỞ NÊN ÁNH SAO GIÚP LƯƠNG DÂN NHẬN BIẾT CHÚA

I.HỌC LỜI CHÚA:

1.TIN MỪNG: Mt 2,1-12

(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem (2) và hỏi: “Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các Thượng tế, các Kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở dâu. (5) Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách Ngôn sứ có chép rằng: (6) “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (7) Bấy giờ Vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. (9) Nghe Nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp Vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”.

2.Ý CHÍNH:

Qua ánh sao lạ, Thiên Chúa đã soi sáng cho các đạo sĩ tìm đến thờ lạy Con Chúa mới giáng sinh, đang khi vua chúa và các đầu mục dân Do thái lại tỏ thái độ thờ ơ, thậm chí còn thù ghét Hài Nhi và muốn hãm hại Người.

3.CHÚ THÍCH:

-C 1-2: +Bê-lem: Một thị trấn nhỏ bé nằm cách thủ đô Giê-ru-sa-lem khoảng 7 cây số về phía Nam. Thị trấn này tuy nhỏ bé nhưng rất danh tiếng, vì là quê hương của vua Đa-vít. Bê-lem còn được Ngôn sứ Mi-kha tuyên sấm là nơi mà Đấng Cứu Thế sẽ ra đời (x. Mk 5,1). +Mấy nhà chiêm tinh: Là những đạo sĩ hay chiêm tinh gia đã từng đọc Thánh Kinh của Do thái giáo nên có sự hiểu biết về việc Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện và muốn được gặp gỡ Người. Dựa vào lễ vật các ngài mang theo là những đặc sản của xứ A-ra-bi, nên người ta đóan các ngài từ xứ A-ra-bi mà đến. Đồng thời dựa vào số lễ vật, người ta cho rằng có 3 vị. Đến thế kỷ VIII, có người còn kể rõ tên của ba vị đạo sĩ ấy là: Men-ki-o (Melchior), Ban-thơ-da (Balthezar) và Gát-pa (Gaspar), đại diện cho ba châu lục thời bấy giờ là châu Âu (da trắng), châu Á (da vàng) và châu Phi (da đen).
-C 11-12: +Vàng, nhũ hương và mộc dược: Các giáo phụ đã giải thích: Vàng ám chỉ tước vị Vua; Nhũ hương chỉ chức vụ Thượng tế; Mộc dược chỉ con đường cứu thế của Đấng Thiên Sai chọn là sẽ bị giết chết trên thập giá và được mai táng trong mồ. Tuy nhiên, ngày nay có người lại giải thích về ý nghĩa của ba lễ vật được các đạo sĩ dâng lên Hài Nhi Cứu Thế như sau: Vàng tượng trưng đức tin vào Thiên tính của Đấng Thiên Sai; Nhũ hương tượng trưng đức cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên để tôn vinh Chúa; Mộc dược tượng trưng cho đức mến là những hy sinh và quyết tâm từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.

4.CÂU HỎI:

1) Bạn biết gì về thành Bê-lem?
2) Chiêm tinh gia là hạng người thế nào?
3) Các ngài từ đâu đến và gồm bao nhiêu vị?
4) Ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược được dâng cho hài nhi Cứu Thế có ý nghĩa ra sao?

II.SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA:
Thánh Phao-lô dạy các tín hữu: “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) MÓN QUÀ CỦA ÁC-TA-BAN.

HĂNG-RI VĂNG ĐAI-KƠ (Henry Van Dyke) có thuật lại câu chuyện nhan đề: “CÒN MỘT NHÀ ĐẠO SĨ KHÁC NỮA”, kể về nhân vật thứ tư là người lẽ ra đã cùng ba nhà đạo sĩ đi tìm Vua dân Do thái mới sinh. Nhân vật này tên là Ác-ta-ban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Ác-ta-ban có mang theo một túi đựng những viên kim cương để dâng tặng cho vị ấu vương. Thế nhưng trên đường đến điểm hẹn, Ác-ta-ban đã phải dừng chân để giúp đỡ một người nghèo đói nằm bên vệ đường. Do đó khi đến nơi thì ông không còn thấy ba vị kia đâu. Dù vậy, ông vẫn kiên trì tiếp tục cuộc hành trình đi tìm Vị Vua Cứu Thế. Trên đường tìm kiến, mỗi lần gặp một người khốn khổ, ông lại bán đi một viên kim cương để giúp đỡ. Sau nhiều năm, Ác-ta-ban đã trở thành một lão già ốm yếu, thế mà ông vẫn chưa gặp được Vua Cứu Thế như lòng hằng mong ước.

Rồi 33 năm sau, khi đang trọ trong thành Giê-ru-sa-lem, Ác-ta-ban thấy cả thành xôn xao náo động vì cái tin nhà cầm quyền đang đem một tội nhân đi hành hình thập giá. Ác-ta-ban tò mò hòa theo dòng người đi xem. Khi nhìn thấy tội nhân đang vác cây thập tự bị té ngã nhiều lần, linh tính cho biết đó chính là vị Vua Cứu Thế mà ông đang tìm kiếm bấy lâu. Ông liền bước theo Người trên con đường thương khó. Rồi khi tội nhân bị đóng đinh và bị treo trên thập giá, Ông muốn đến gần ôm lấy vị Vua kia, nhưng không thể được vì ông bị bọn lính canh ngăn cản. Bỗng chốc Ác-ta-ban thấy vị Vua mở mắt ra nhìn ông và ông nghe thấy có tiếng thì thầm bên tai rằng: “Này Ác-ta-ban, con đừng buồn nữa. Ta cám ơn con vì bao năm qua con đã nhiều lần tặng quà cho Ta. Nhiều lần Ta đói con đã cho bánh ăn, Ta khát con đã cho nước uống, Ta rách rưới con đã cho đồ mặc, Ta là khách lạ con đã đón ta vào ở trong nhà trọ…”.

Nghe những lời ấy, Ác-ta-ban cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui. Ông hiểu rằng: Các món quà xưa nay ông đã chia sẻ cho người nghèo là ông đã dâng tặng cho chính Đức Vua Cứu Thế này. Món quà đó không nhất thiết phải là tiền bạc vật chất, nhưng còn là tình người, là sự thông cảm với những ai đang bị đau khổ, là thái độ khiêm tốn, sẵn sàng phục vụ tha nhân vô vụ lợi.

2) CHIẾU TỎA ÁNH SÁNG TIN YÊU TRƯỚC MẶT MỌI NGƯỜI:

AC-THƠ GIÔN (Arthur Jones) là một tín hữu Công giáo đã xin gia nhập vào không lực Hoàng gia Anh. Anh được huấn luyện trong một trại lính cùng với 30 tân binh khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc: “Mình có nên quì gối đọc kinh như thói quen hằng ngày ở nhà không?”. Ban đầu anh hơi ngần ngại, nhưng rồi anh tự nhủ: “Chẳng lẽ mình lại hèn nhát không dám công khai biểu lộ đức tin vì sợ bị kẻ khác chế nhạo sao?”

Thế rồi anh liền quì gối đọc kinh như thói quen xưa nay. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người đều biết anh là người Công Giáo và là người Công giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn giữ thói quen quì gối cầu nguyện mỗi buổi tối và hành động của anh dẫn đến những cuộc tranh cãi.

Cuối khóa huấn luyện, có người đã nói với anh:
– Anh đúng là một Ki-tô hữu tốt nhất mà tôi đã gặp.
Anh liền đáp lại:
– Cám ơn bạn đã quá khen. Tôi không nghĩ mình là Ki-tô hữu tốt nhất đâu. Tôi chỉ là người tín hữu dám công khai biểu lộ đức tin mà thôi.

Ánh sáng đức tin của anh tân binh đã tỏa sáng trong trại huấn luyện của không lực hoàng gia Anh đúng như lời Chúa Giê-su: “Anh em là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,14-16). Như ánh sao lạ đã dẫn đường cho các đạo sĩ xưa, thì ngôi sao Tin Mừng nơi mỗi tín hữu chúng ta hôm nay cũng sẽ chiếu soi giúp người đời nhận biết tin yêu Chúa.

3) GÓP PHẦN CHIẾU ÁNH SÁNG TIN YÊU XUA TAN BÓNG TỐI TỘI LỖI:

Hôm ấy, đang khi vị linh mục giảng tĩnh tâm cho gần 500 tín hữu trong một hội trường rộng lớn về đề tài “Hãy làm gương sáng”, thì điện bị cúp trong toàn khu vực. Cả hội trường chìm trong bóng tối.

Bấy giờ ngài bật lên một que diêm, giơ cao lên và cất tiếng hỏi: “Anh chị em có thấy ánh sáng từ que diêm nầy không?”

Mọi người trong hội trường đáp: “Thưa có”.

Vị linh mục tiếp: “Dù bóng tối phủ dày nhưng chỉ cần ánh sáng của một que diêm cũng đủ cho nhiều người nhìn thấy. Như thế, ánh sáng của việc tốt, dù nhỏ bé đến đâu, cũng có thể tỏa sáng trước mắt nhiều người giữa một xã hội chứa đầy bóng tối tội lỗi.”

Sau đó, ngài mời gọi những ai mang theo hộp quẹt trong túi, hãy bật cho lửa sáng lên. Rất nhiều người hưởng ứng làm theo. Thế là bóng tối đã bị đẩy lùi, cả hội trường sáng lên nhờ rất nhiều ánh lửa nhỏ từ các hộp quẹt của những người hiện diện.

Bấy giờ vị linh mục tiếp: “Nếu mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện một việc tốt mỗi ngày thì cuộc đời chúng ta sẽ tỏa sáng như những cây đèn chiếu sáng. Nhờ đó bóng tối của các thói hư như rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội như ma túy, đĩ điếm sẽ bị đẩy lùi ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.”

4) ÁNH SAO LẠ KHIÊM TỐN PHỤC VỤ:

Vào một buổi chiều mùa đông, một người ngoại quốc tuổi trung niên lái xe trên con đường đèo vắng vẻ ở miền Trung Việt Nam. Đến một khúc quanh, phát hiện thấy một chiếc xe hơi chết máy đang nằm trên đường, gần bên là bốn người gồm hai vợ chồng và 2 đứa con nét mặt lo âu, vì đây là đoạn đường thường hay xảy ra cướp bóc. Do biết sửa xe hơi, nên người đàn ông ngoại quốc đã dừng xe và mau mắn đến bên đề nghị giúp đõ khiến mọi người đều an tâm vui vẻ. Chiếc xe bị hỏng nặng khiến ông phải vất vả tháo rời nhiều bộ phận trong máy, thậm chí có lúc phải chui cả xuống gầm xe. Hai giờ sau thì chiếc xe đã nổ máy khiến mọi người đều mừng rỡ. Hai vợ chồng muốn trả công nhưng ông không nhận tiền công. Cuối cùng họ đã xin địa chỉ và một tuần sau, hai vợ chồng có dịp đến thăm thì mới hay người đàn ông ngoại quốc giúp họ sửa xe hôm trước chính là một vị giám mục của đạo Công Giáo. Sau đó do nể phục nên cả gia đình đều xin theo đạo.

Chính thái độ khiêm tốn phục vụ vô vụ lợi của vị giám mục người ngoại quốc đã trở thành ánh sao dẫn đường giúp cả gia đình người lương nhận biết tin thờ Thiên Chúa.

5) ÁNH SAO LẠ CẢM THÔNG CHIA SẺ:

Có một bé gái đi theo mẹ đi viếng hang đá tại nhà thờ. Bà mẹ giải thích cho em rằng ba nhà đạo sĩ dâng tiến của lễ cho Chúa Hài Nhi là vàng, nhũ hương và mộc dược. Cô bé nhìn Hài Nhi trong máng cỏ một cách cung kính rồi quay sang hỏi mẹ: “Tại sao họ không mang đến cho Chúa Hài Nhi một cái giường nhỏ để Chúa khỏi phải nằm trong máng cỏ. Thật tội nghiệp cho Chúa quá phải không hả mẹ? “. Do có tấm lòng nhân ái và biết thực sự quan tâm đến tha nhân, nên cô bé đã cảm nhận được nhu cầu cuộc sống của Hài Nhi Giê-su là chiếc giường êm ấm.

Sự kiện Chúa Giê-su sinh ra nơi hang lừa đã khơi dậy tâm tư và sự cảm thông của nhiều người. Chúa đến trong nghèo hèn để mời gọi chúng ta hãy mở lòng để chia sẻ hầu đáp ứng các nhu cầu vật chất cụ thể của những người nghèo đói gần bên chúng ta là miếng cơm manh áo và một chỗ nương thân. Chúa kêu gọi chúng ta cảm thông với Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."(Mt 25, 40).

6) ÁNH SAO LẠ BAO DUNG THA THỨ:

Nhận được giấy báo hung tin: con trai yêu quí mới tử trận, nữ bá tước LIT-TRY vô cùng đau khổ. Tuy nhiên, bà vẫn cố gắng chu toàn công việc phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập năm 1870 ở thung lũng Mar-ne, xứ E-per-ny gần mặt trận đang giao tranh. Ngày nọ, một thương binh người Đức được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Dù thương binh thuộc quân đội thù nghịch, nhưng bà bá tước vẫn vui vẻ tiếp nhận vào trong bệnh viện. Đến lúc soạn đồ đạc của người thương binh, bà bắt gặp một chiếc bóp và chiếc đồng hồ của cậu con trai Jac-ques của bà trong túi đồ của tên lính Đức kia. Bàng hoàng và tức giận, nhưng nữ bá tước Lit-try chỉ biết thốt lên lời cầu: “Lạy Chúa. Đây chính là kẻ đã giết chết con trai yêu quý của con!”. Nhưng ngay lúc đó một mảnh giấy trong chiếc bóp của Jac-ques rơi ra, bà nhặt lên và đọc thấy mấy hàng chữ của con trai viết thư cho bà: “…Mẹ yêu quý! con luôn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá bi lụy, nhưng hãy can đảm chịu đựng đau khổ để cầu nguyện cho con…” Sau một hồi xúc động, bà Lit-try đã cúi xuống tiếp tục săn sóc vết thương cho tên lính Đức. Một giọt nước mắt của bà đã rơi xuống trên mặt tên lính Đức, giọt nước mắt lóng lánh như một hạt sương mai…!.

Nữ bá tước Lit-try đã để cho Ánh Sáng Tin Yêu xoá tan bóng tối thù hận, nhờ đó bà ngày càng tiến trên đường thánh thiện là thực thi tình mến Chúa yêu người, yêu cả kẻ thù của mình.

3. THẢO LUẬN:

Trong môi trường sống và làm việc hôm nay, bạn cần làm gì để chiếu ánh sáng giúp anh em lương dân nhận biết và tin theo Đức Giê-su để đươc ơn cứu độ?

4. SUY NIỆM:

Lễ Hiển Linh theo truyền thống, được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng. Dịp Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà Đạo Sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giê-su và sự biểu lộ thần tính của Con Chúa cho Dân Ngoại. Các ngài là những đạo sĩ hay chiêm tinh gia đã từng đọc Thánh Kinh của Do thái giáo nên có sự hiểu biết về việc Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện và muốn đi gặp Người. Dựa vào lễ vật các ngài mang theo là những đặc sản, nên người ta đóan các ngài từ xứ A-ra-bi mà đến. Về số các đạo sĩ thì dựa vào lễ vật, người ta cho rằng có 3 vị. Đến thế kỷ VIII, có người còn kể rõ tên của ba vị đạo sĩ ấy là: Men-ki-o (Melchior), Ban-thơ-da (Balthezar) và Gát-pa (Gaspar), đại diện cho ba châu lục thời bấy giờ là châu Âu (da trắng), châu Á (da vàng) và châu Phi (da đen).

1) Một số nét tương phản trong Tin Mừng hôm nay:

- Giữa thủ đô Giê-ru-sa-lem và thị trấn Be-lem: Giê-ru-sa-lem là thủ đô hoa lệ, là trung tâm về chính trị và văn hoá của nước Do thái, nhưng lại từ chối tiếp nhận Hài Nhi Cứu thế, đang khi Bê-lem chỉ là một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn lại đón tiếp Đấng Cứu thế giáng sinh.
- Giữa những người Do thái giáo và lương dân: Các Tư tế và Kinh sư thông thạo Kinh thánh, nhưng lại thờ ơ không dấn thân lên đường, nên họ đã không gặp được Đấng Cứu thế. Trái lại, ba vị Đạo Sĩ là dân ngoại không hiểu biết Kinh thánh, nhưng lại có thái độ cầu thị, luôn tìm tòi và sẵn sàng dấn thân lên đường, nên các ngài đã gặp được Đấng Cứu Thế.
- Giữa ông vua thế tục và Vị Vua Thiên Sai: Hê-rô-đê được gọi là vua, nhưng lại lo âu khi nghe các đạo sĩ báo tin vì sợ ngai vàng của mình sẽ bị mất khi Đấng Thiên Sai xuất hiện, nên ông đã tìm cách giết hại Người. Còn Đức Giê-su là Vua Thiên Sai lại chấp nhận lối sống khó nghèo, luôn mở rộng vòng tay để đón tiếp mọi người. Người không thích đóng khung trong cơ chế luật lệ cứng nhắc như các đầu mục Do thái, nhưng luôn mềm dẻo thể hiện trong lời tuyên bố: “Ngày Sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sa-bát” (Mc 2,27). Đức Giê-su cũng không chọn ở trong cung vàng điện ngọc như bậc vua chúa, nhưng chọn chuồng bò tăm tối, hôi tanh, và mang hình hài của một hài nhi yếu đuối như Tin Mừng dã ghi nhận: ”Bà Ma-ri-a đã lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7).

2) Điều kiện để gặp được Chúa:

Tất cả những tương phản ấy cho thấy: Không phải cứ có đạo, cứ hiểu biết giáo lý Kinh thánh là đương nhiên chúng ta sẽ gặp được Chúa, mà cần phải có thiện chí đi tìm và dấn thân lên đường như ba vị đạo sĩ trong Tin Mừng hôm nay.

- Ba đạo sĩ là những người ngoại giáo ở rất xa, nhưng luôn để tâm tìm kiếm dấu lạ trên bầu trời, và đã sớm nhận ra sự xuất hiện của một ngôi sao lạ của Đấng Cứu Thế.
- Các đạo sĩ cũng phải có quyết tâm và dấn thân hy sinh: Thái độ quyết tâm thể hiện qua việc giã từ người thân và từ bỏ các tiện nghi vật chất trong cuộc hành trình dài ngày. Khi ngôi sao biến mất, các Ngài không nản chí bỏ cuộc, nhưng đã tìm đến hỏi thăm tại đền vua, và cuối cùng đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế tại Be-lem.

3) Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta:

Tác giả sách Thánh vịnh đã khẳng định giá trị của Lời Thánh Kinh như sau: "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Tv 119, câu 105). Chúa Giê-su cũng tự đồng hóa mình với những kẻ nghèo hèn khi tuyên bố: "Tất cả những gì anh em làm cho một người trong những anh em hèn mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta." (Mt 25, 40). Lễ vật của chúng ta dâng Chúa hôm nay không phải là vàng, nhũ hương hay mộc dược, nhưng là một chén cơm manh áo cho người nghèo, là thái độ chăm sóc bệnh nhân, thăm hỏi người già neo đơn… đang ở ngay bên chúng ta.

4) Trở nên ánh sao lạ giữa đời thường:

Mỗi Ki-tô hữu phải là một ánh sao lạ thể hiện qua cử chỉ, lời nói, việc làm: Chỉ cần một nụ cười vui vẻ, một ánh mắt thân thiện, một lời khen đúng lúc, một việc phục vụ khiêm hạ của chúng ta cũng có thể phát ra ánh sáng giống như ánh sao lạ trên bầu trời đêm cho các đạo sĩ xưa, như lời thánh Phao-lô: “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15b). Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể là những vì sao sáng thực sự khi làm cho mình lu mờ đi để Ngôi Sao Mai là Đức Ki-tô tỏa sáng trong lòng mọi người (x. Kh 2,28).

5.NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối hiện vẫn đang tiếp diễn trên thế gian và ngay trong lòng mỗi người chúng con. Ước chi chúng con đừng chỉ biết nguyền rủa bóng tối tội ác, mà còn biết làm cho ngọn đèn đức tin trong chúng con luôn cháy sáng đức ái, để cả trái đất này đều được ngập tràn ánh sáng của Chúa, nhờ đó sẽ giúp mọi người nhận biết tin yêu Chúa và được tham phần vào hạnh phúc Nước Trời đời đời cùng với chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Môn đệ vô danh
Lm. Minh Anh
22:27 26/12/2021
MÔN ĐỆ VÔ DANH
“Ông đã thấy và đã tin!”.

Một tác giả vô danh nói, “Niềm tin nhỏ đưa linh hồn bạn lên thiên đàng, niềm tin lớn đưa thiên đàng xuống tận linh hồn bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hơn cả tác giả vô danh kia, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều gì đó ‘hơn cả thiên đàng’ mà người ‘môn đệ vô danh’ của Tin Mừng thứ tư có được! Thật bất ngờ, hai ngày sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội cho con cái đọc Phúc Âm của lễ Phục Sinh; bởi lẽ, hôm nay, Giáo Hội kính nhớ thánh sử Gioan tông đồ, một chứng nhân phục sinh.

Theo truyền thống, Gioan được đồng nhất với “môn đệ kia” vốn được đề cập trong Lời Chúa hôm nay. Môn đệ này thực sự không bao giờ được đặt tên trong Tin Mừng thứ tư, ông luôn được gọi đơn giản là “người Chúa Giêsu yêu”; vậy mà, ‘môn đệ vô danh’ này luôn là môn đệ mẫu mực đáng cho chúng ta ao ước! Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu tuyệt đối yêu người này hơn các môn đệ khác; trong Tiệc Ly, Ngài nói với tất cả môn đệ, “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy yêu mến các con”. Tất cả các môn đệ, kể cả chúng ta, đều là môn đệ dấu yêu của Chúa Giêsu! Dẫu thế, Phúc Âm thứ tư vẫn cho biết, ‘môn đệ vô danh’ này đã đáp lại tình yêu Thiên Chúa hiện diện trong Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn các môn đệ khác. Bằng chứng là, đang khi tất cả bỏ chạy, môn sinh nam giới duy nhất này vẫn đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ. Dù là một ‘môn đệ vô danh’, nhưng đây là một môn đệ thuỷ chung, trung tín mà mỗi người chúng ta cần học đòi noi theo.

Tin Mừng hôm nay cho thấy, tình yêu trung thành của môn đệ này đối với Thầy đã cho phép ông nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu nhanh hơn những người khác. Cả Phêrô và ông đều nhìn thấy ngôi mộ trống với những dải vải liệm được gấp gọn; tuy nhiên, chỉ với môn đệ này, tác giả Tin Mừng viết, “Ông đã thấy và đã tin!”. Môn đệ này nhận ra sự hiện diện của ‘một Ai đó’ trong mộ rỗng này. Tất cả chúng ta được mời gọi nhìn mọi sự bằng đôi mắt của người môn đệ yêu dấu này, đôi mắt trung thành của một tình yêu bền bỉ đối với Thầy. Một đôi mắt như thế cho phép chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, ngay trong những khoảng không trống rỗng đời mình, những khoảng không dường như không có sự sống và hy vọng.

“Ông đã thấy và đã tin!”. Môn đệ này đã thấy gì? Bài đọc thứ nhất hôm nay trả lời cho câu hỏi thú vị đó, “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã ngắm nhìn và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Ngôi Lời hằng sống”. Ôi, ‘phía sau hậu trường’ máng cỏ, môn đệ này mời chúng ta chiêm ngắm Ngôi Lời Nhập Thể hằng sống; ‘phía sau hậu trường’ ngôi mộ trống, môn đệ này mời chúng ta tin nhận Đấng Phục Sinh hằng sống! Đấng mà từ nguyên thuỷ, đã có; Đấng hằng ở với Cha; Đấng là Ánh Sáng và là Sự Sống! Đó chính là Chúa Giêsu, Đấng mà môn đệ này đã nghe, đã thấy, đã chạm đến; là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm hèn yếu như chúng ta mà đại lễ Giáng Sinh vừa mừng kính, cũng là Đấng Phục Sinh đang sống, đang hoạt động với Thánh Thần trong Hội Thánh của Ngài.

Anh Chị em,

“Ông đã thấy và đã tin!”. Sở dĩ thấy ngôi mộ trống mà ông vẫn tin; vì lẽ suốt cả cuộc đời, môn đệ này đã để cho những gì ông thấy nơi Thầy mình đi vào trí, vào tim. Từ đó, ông khám phá dần, Ngài là ai. Vì thế, ông bình tâm trong khủng hoảng. Cũng thế, đầu mùa Giáng Sinh, khi cho con cái lắng nghe Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội muốn hỏi mỗi người, “Con thấy gì?”. Thấy con người nhẫn tâm đẩy người nghèo ra tận đồng vắng; thấy nhân loại ác tâm treo người thánh lên giá tội nhân! Đổi lại sự vô tâm, Giáo Hội cho thấy không chỉ tình yêu trung tín của Gioan, nhưng là tình yêu khôn lường của Thiên Chúa dành cho tôi và bạn. Ánh mắt xót thương của Ngài đang nhìn chúng ta trong cảnh khốn cùng của thời cuộc, của dịch bệnh, của linh hồn mỗi người. Ngài đang thổn thức, cảm thông, đỡ nâng, hầu chúng ta đủ sức đi hết đường đời một cách thánh thiện. Đúng thế, chỉ người ‘môn đệ vô danh’ mới biết trầm mình và dám trầm lắng để thấy Chúa đang nhìn, đang yêu; và ánh mắt của Ngài sẽ làm cho người môn đệ ngày càng ước ao sống ẩn danh hơn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim yêu mến, một đức tin tinh tường của người ‘môn đệ vô danh’; một người đã nghe, đã thấy, đã ngắm nhìn và đã sờ đụng Ngôi Lời hằng sống!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổn thất nặng nề của Giáo Hội tại El Salvador
Đặng Tự Do
04:33 26/12/2021


Ít nhất 20 linh mục đã chết vì covid-19 ở El Salvador. Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas của San Salvador, xác nhận rằng 20 linh mục đã chết vì covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Riêng trong tổng giáo phận của ngài đã có đến 10 linh mục thiệt mạng.

Các linh mục của chúng tôi cũng mắc bệnh với số lượng khá nhiều, đại đa số đã vượt qua được bệnh tật nhưng một số đã chết, cụ thể ở quốc gia này có ít nhất 20 linh mục đã chết vì covid. Chúng tôi hy vọng rằng chiều hướng này có thể dừng lại.

Đức Tổng Giám Mục cho biết đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến Giáo Hội Công Giáo. Ngài cho biết tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận đã phải trải qua “tình huống đau đớn” khi nhìn thấy nhiều giáo dân chết.

Tổng giáo phận San Salvador có 10 linh mục chết vì coronavirus, là con số cao nhất trên toàn quốc. Ngài cho biết trong một trường hợp đau lòng ba linh mục đã chết trong một tuần.

“Tổng giáo phận của chúng tôi là nơi bị virus tấn công nhiều nhất, điều đó dễ hiểu vì thủ đô đông dân hơn bất kỳ thành phố nào khác. Chúng tôi đã đồng hành cùng mọi người, và rồi 10 linh mục đã chết ở đây”.

Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, Bộ Y tế đã không tiết lộ phân loại các trường hợp tử vong do lây nhiễm do covid-19 hay do các trường hợp khác. Thành ra, Giáo Hội tại El Salvador không có dữ liệu chính thức về số lượng linh mục đã chết hoặc bị nhiễm virus.

Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas cho biết thêm một nhóm bảy linh mục đã đến bệnh viện El Salvador cầu nguyện với các bệnh nhân và ban các bí tích cho họ.

“Các nhân viên bệnh viện ngay từ đầu đã cung cấp cho các ngài các bộ đồ bảo hộ hoàn chỉnh. Đến nay, tạ ơn Chúa, không linh mục nào trong số 7 vị này bị nhiễm bệnh”
Source:Diaro
 
Sự phẫn nộ và đau buồn vì hai bức tượng Đức Mẹ đồng trinh bị phá hủy
Đặng Tự Do
04:34 26/12/2021


Trong bản tin đánh đi hôm 17 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết: Mùa Vọng trình bày Đức Trinh Nữ Maria như một người phụ nữ chờ đợi, với tình yêu khôn tả, để thực hiện lời hứa cứu rỗi, vì lý do này “nó gây ra sự phẫn nộ và buồn bã vô cùng, trong thời điểm vui mừng hy vọng này. Những kẻ xúc phạm đã xô các bức tượng của Đức Trinh Nữ khỏi bệ và phá hủy hoàn toàn các bức tượng này”.

Trong một tuyên bố hôm 16 tháng 12, Đức Cha Farly Yovany Gil Betancur, Giám mục giáo phận Montelíbano, Colombia, tuyên bố, lên án những hành vi phá hoại xảy ra đối với các bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria trong khu phố La Lucha và ở lối vào khu đô thị Montelíbano, một vùng phụ cận của Alto San Jorge Cordobés. Trong tuyên bố của mình, Đức Giám Mục phàn nàn rằng “những hành động bất khoan dung tôn giáo, đe dọa quyền tự do thờ phượng, đã xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần. Những hành động này đã làm tổn thương sâu sắc đến đức tin của các tín hữu Kitô thuộc cộng đồng Montelibanese”.

Hơn nữa, ngài nhấn mạnh rằng “tự do tôn giáo tìm kiếm lợi ích của tất cả mọi người, khi tôn trọng sự khác biệt và khi các biểu hiện khác nhau của đức tin được chấp nhận. Tất cả chúng ta đều có quyền đối với tín ngưỡng của riêng mình và thể hiện chúng theo truyền thống và phong tục của riêng mình”. Giáo phận đã đệ đơn khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu điều tra về những sự kiện này “thể hiện một thái độ bất khoan dung tôn giáo trắng trợn”. Cuối cùng, Đức Giám Mục cầu nguyện với Thiên Chúa cho “sự hoán cải của những người đã thực hiện hành vi phạm tội này” và kêu gọi các tín hữu trong giáo phận “hiệp lời cầu nguyện cho những kẻ gây ra những hành vi cuồng tín tôn giáo bạo lực, để họ thay đổi tâm hồn và để những hành vi đó không được lặp lại, làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo của một dân tộc bắt nguồn từ đức tin”
Source:Fides
 
Nữ tu Shanhaz nhận được tin nhắn tuyệt vọng từ những người bị bỏ lại ở Kabul
Đặng Tự Do
04:35 26/12/2021


“Tôi rất tiếc khi có mặt ở đây hôm nay chứ không phải ở Kabul vì trái tim tôi vẫn ở đó. Mỗi ngày tôi nhận được nhiều tin nhắn và tôi khóc, vì tôi không thể làm gì được”, nữ tu Shanhaz Bhatti nói.

Trong nhiều năm, nữ tu sĩ gốc Pakistan thuộc Dòng các Nữ tu Thánh Joan Antida đã làm việc với những người bị thiệt thòi ở Afghanistan thông qua hiệp hội Pro Bambini di Kabul, một tổ chức bác ái có trụ sở tại Ý.

Cô đến Ý vào tháng 8 năm ngoái cùng với các nữ tu của Mẹ Teresa và một nhóm trẻ em khuyết tật trong những ngày tang thương khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban.

Tối 20 tháng 12 cô ấy đã nói về kinh nghiệm của mình tại Milan trong một buổi tối do Centro PIME quảng bá, dưới sự bảo trợ của Tổng giáo phận Milan và AsiaNews.

Mục đích của sự kiện là bảo đảm rằng thảm kịch của người dân Afghanistan không bị lãng quên, trong khi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng vẫn diễn ra bất chấp chiến tranh đã kết thúc.

Cuộc họp được tổ chức tại Vương cung thánh đường Basilica di Sant'Ambrogio của Milan, đó là vương cung thánh đường của các vị tử đạo, với các bài đọc về những đau khổ của đất nước này qua con mắt đức tin.

Sơ Shanhaz mô tả tình trạng của mình khi làm việc với đất nước mà người Công Giáo bị áp bức gần như công khai. Sơ giải thích: “Chúng tôi không thể mặc các biểu tượng tôn giáo. “Chúng tôi thậm chí không thể phát âm tên của Chúa Giêsu vì điều đó có thể được hiểu là theo đạo. Chúng tôi chỉ có thể truyền bá Tin Mừng qua những nụ cười.”

Trong những ngày bi thảm của tháng 8, các thành viên của Giáo hội nhỏ tại Afghanistan đã quyết định ra đi với những đứa trẻ mồ côi khuyết tật được họ chăm sóc.

Nữ tu Shanhaz, người vẫn mặc bộ quần áo cũ khi ở Afghanistan, đã mô tả ba giờ đi xe buýt đến sân bay định mệnh. “Ngay cả hôm nay tôi vẫn giật mình thức giấc vào ban đêm và những gì chúng tôi đã thấy trong đêm khủng khiếp đó vẫn khiến tôi toát mồ hôi hột.”

Giải thích công việc của mình hiện nay trên đất Ý, Sơ Shanhaz nói:

“Tôi cố gắng đồng hành với mọi người vì những đau khổ mà họ đã trải qua. Nó không dễ dàng cho họ”. Tuy nhiên, suy nghĩ của sơ ấy là với những người còn lại ở Kabul.

“Tôi giữ thẻ điện thoại Afghanistan trong điện thoại di động để liên lạc mặc dù điều này có thể hơi nguy hiểm cho họ. Nhưng tôi đã nhìn thấy sự đau khổ của họ và tôi không thể bỏ rơi họ”

“Họ gửi cho tôi những đoạn video, những tin nhắn thoại: 'Chị ơi, chị có thể làm gì cho chúng em được không? Ít nhất chị có thể đưa chúng em đến Pakistan không?' Tôi cầu nguyện. Chúng tôi cố gắng kiếm cho họ ít nhất một số tiền, ít nhất để sưởi ấm nhà của họ, mua một ít củi, nến. Và các loại thuốc vì rất nhiều người bị bệnh. Không khí ở Kabul rất ô nhiễm và bạn cảm thấy khó thở”.

Sứ vụ truyền giáo tại Afghanistan của hiệp hội Pro Bambini di Kabul vẫn chưa bị đóng cửa mà chỉ bị tạm dừng.

Sơ Shanhaz nói: “Tôi sẽ là người đầu tiên quay lại nếu có cách nào đó, nếu nó an toàn, không chỉ cho tôi mà còn những người khác.”

Mirwais Azimi, một người Afghanistan từ Herat, đã nói về tình hình nhân đạo ở Afghanistan. Cho đến khi bỏ trốn, ông dạy quan hệ quốc tế tại một trường đại học.

“Mỗi buổi tối chúng tôi đều nghĩ về Afghanistan. Chúng tôi có thể an toàn ở đây, trên đất Ý, nhưng về mặt tinh thần thì chúng tôi bồn chồn. Chúng tôi đau khổ nhiều như họ, những người còn lại ở Afghanistan đang phải chịu đựng tất cả sự nghèo đói”.

“Đồng đô la đã tăng gấp đôi. Một đô la trị giá 75 Afghanistan, nhưng vài ngày trước nó đã chạm mức 120. Giá có lẽ đã tăng 200%. Đói nghèo đang hủy hoại con người chúng tôi. Tôi luôn nghĩ về việc khi nào tôi sẽ có thể trở lại”.

Đau khổ không chỉ ở bên trong biên giới Afghanistan, Najma Yawari, 23 tuổi, người đã chạy trốn khỏi Kabul cách đây 3 năm nhưng bị giam hai năm trong trại tị nạn ở Lesbos, Hy Lạp, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm gần đây.

Cô đến Ý nhờ các hành lang nhân đạo do Cộng đồng Sant'Egidio tài trợ.

Tối qua tại Milan, cô nói: “Vẫn còn nhiều người Afghanistan ở Lesbos; họ không thể ra ngoài, không thể học tập, không thể làm việc. Đây không phải là cuộc sống. Tôi hy vọng rằng sẽ đến ngày không còn chiến tranh nữa và mọi người có thể sống mà không cần lo lắng về tương lai của mình”.


Source:Asia News
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Thánh Gia 26/12
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
15:51 26/12/2021


Chúa Nhật 26/12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Lễ Thánh Gia Thất. Bài Tin Mừng kể lại với chúng ta câu chuyện Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các bậc thầy, và tranh biện với họ.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Thánh Gia Thất Nagiarét. Thiên Chúa đã chọn một gia đình khiêm tốn và đơn sơ để đến ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy ngạc nhiên chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mầu nhiệm này, đồng thời nhấn mạnh hai khía cạnh cụ thể cho gia đình chúng ta.

Thứ nhất: gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Mỗi người trong chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình. Không ai trong chúng ta được sinh ra một cách kỳ diệu, với một cây đũa thần. Tất cả chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình và gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Bài Tin Mừng của Phụng Vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả Chúa Giêsu cũng là con trai của một câu chuyện gia đình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đi lên thành Giêrusalem với Đức Maria và Thánh Giuse để mừng Lễ Vượt Qua; sau đó Người làm cho cha mẹ mình lo lắng khi các ngài không tìm thấy Người; và khi các ngài tìm lại được Chúa Giêsu, thì Người trở về nhà với các ngài (x. Lc 2,41-51). Thật đẹp khi thấy Chúa Giêsu chen vào trong vòng xoáy tình cảm gia đình vốn được sinh ra và lớn lên trong sự âu yếm và quan tâm của cha mẹ Ngài. Điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chúng ta đến từ một câu chuyện bao gồm những ràng buộc của tình yêu thương, và con người chúng ta ngày nay được sinh ra không hẳn từ những của cải vật chất mà chúng ta sử dụng cho bằng từ tình yêu mà chúng ta đã nhận được, từ tình yêu thương trong lòng gia đình. Chúng ta có thể không được sinh ra trong một gia đình ngoại thường, một gia đình không có vấn đề, nhưng đây là câu chuyện của chúng ta – mọi người đều phải nghĩ: đây là câu chuyện của tôi - đây là cội nguồn của chúng ta: nếu chúng ta cắt đứt chúng, cuộc sống sẽ khô héo! Chúa không tạo ra chúng ta như những người lữ hành đơn độc, mà là những người cùng sánh bước bên nhau. Chúng ta hãy cảm ơn Chúa và cầu nguyện cùng Người cho gia đình của chúng ta. Thiên Chúa nghĩ đến chúng ta và muốn chúng ta ở bên nhau: biết ơn, liên đới, và có khả năng giữ gìn cội nguồn của chúng ta. Chúng ta cần nghĩ về điều này, về câu chuyện của chính mình.

Khía cạnh thứ hai: chúng ta cần học cách trở thành một gia đình mỗi ngày. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ngay cả trong Thánh Gia, mọi việc cũng không suôn sẻ: có những rắc rối bất ngờ, lo lắng, và đau khổ. Thánh Gia như trên các tranh ảnh thánh không tồn tại. Đức Maria và Thánh Giuse lạc mất Chúa Giêsu và lo lắng tìm kiếm ngài, chỉ ba ngày sau mới tìm thấy Ngài. Và khi ngồi giữa các thầy dậy trong Đền thờ, Ngài trả lời rằng Ngài phải lo toan công việc của Cha mình, Đức Maria và Thánh Giuse không hiểu. Các ngài cần thời gian để tìm hiểu con trai mình. Đối với chúng ta cũng vậy: mỗi ngày, các gia đình cần học cách lắng nghe nhau để hiểu nhau, để cùng nhau tiến bước, cùng nhau đối mặt với những mâu thuẫn và khó khăn. Đó là một thử thách hàng ngày và thử thách ấy được vượt qua bằng thái độ đúng đắn, thông qua những hành động đơn giản, quan tâm đến các chi tiết trong các mối quan hệ của chúng ta. Và điều này cũng giúp chúng ta rất nhiều để nói chuyện với nhau trong gia đình, nói chuyện tại bàn ăn, đối thoại giữa cha mẹ và con cái, và đối thoại giữa anh chị em với nhau. Nó giúp chúng ta trải nghiệm nguồn gốc gia đình của chúng ta đến từ ông bà mình. Hãy đối thoại với ông bà!

Và điều này được thực hiện như thế nào? Thưa: Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria, là người trong bài Tin Mừng hôm nay nói với Chúa Giêsu: “cha con và mẹ đây đã tìm kiếm con” (c. 48). “Cha con và mẹ đây”; chứ không phải là “Mẹ và cha con đây”. Nghĩa là không phải “tôi” trước đã, rồi mới đến “bạn”! Chúng ta hãy tìm hiểu điều này: “bạn” trước rồi mới đến “tôi”. Trong ngôn ngữ của tôi, có một tính từ dành cho những người thích đặt chữ “tôi” trước chữ “bạn”: “Tôi, bản thân tôi và tôi, vì bản thân và lợi ích của tôi”. Nhiều người thích thế này - đầu tiên là “tôi” rồi sau đó mới đến “bạn”. Không, trong Thánh Gia, trước tiên là “bạn” rồi mới đến “tôi”. Để bảo vệ sự hòa thuận trong gia đình, cần phải chống lại chế độ độc tài của cái “tôi” - khi cái “tôi” được thổi phồng lên. Thật nguy hiểm khi thay vì lắng nghe nhau, chúng ta lại đổ lỗi cho nhau về những lỗi lầm; thật đáng âu lo khi, thay vì thể hiện sự quan tâm dành cho nhau, chúng ta lại tập trung vào những nhu cầu của chính mình; khi thay vì đối thoại, chúng ta tự cô lập mình với điện thoại di động - thật buồn trong bữa ăn tối trong một gia đình khi mọi người sử dụng điện thoại di động của riêng mình mà không nói chuyện với nhau, tất cả mọi người nói chuyện trên điện thoại của họ; thật đáng âu lo khi chúng ta buộc tội lẫn nhau, luôn lặp đi lặp lại những cụm từ giống nhau, diễn lại một cảnh cũ mà mỗi người đều muốn dành phần phải về mình và điều đó luôn kết thúc trong một sự im lặng lạnh lùng, sự im lặng mà anh chị em có thể cắt bằng một nhát dao, thật lạnh lùng, sau cuộc tranh cãi trong gia đình. Điều này thật kinh khủng, thực sự kinh khủng! Tôi nhắc lại một lời khuyên: đó là buổi tối, khi mọi chuyện đã kết thúc, hãy luôn làm hòa với nhau. Đừng bao giờ đi ngủ mà không làm hòa, nếu không sẽ xảy ra “chiến tranh lạnh” vào ngày hôm sau! Và điều này thật nguy hiểm vì nó tạo ra một loạt những lời mắng mỏ, một loạt những lời oán giận. Thật không may, đã bao nhiêu lần, xung đột bùng nổ và phát triển trong các bức tường trong gia đình do thời gian im lặng kéo dài và do sự ích kỷ không được kiểm soát! Đôi khi nó thậm chí kết thúc bằng bạo lực thể chất và đạo đức. Điều này làm xói mòn sự hòa hợp và giết chết gia đình. Chúng ta hãy hoán cải bản thân và chuyển từ “tôi” thành “bạn”. Điều cần phải chiếm vị trí quan trọng hơn trong một gia đình là “bạn”. Và làm ơn, mỗi ngày, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện một chút - nếu anh chị em có thể cố gắng được - để chúng ta cầu xin Chúa ban cho ân sủng bình an. Và tất cả chúng ta hãy cam kết chính mình - cha mẹ, con cái, Giáo Hội, xã hội - để nâng đỡ, bảo vệ và gìn giữ gia đình vốn là kho báu của chúng ta!

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người phối ngẫu của Thánh Giuse, mẹ của Chúa Giêsu, bảo vệ gia đình chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Bây giờ tôi chuyển sang các cặp vợ chồng đã kết hôn trên khắp thế giới. Hôm nay, vào ngày Lễ Thánh Gia, một bức thư tôi viết về anh chị em đang được công bố. Đây là món quà Giáng Sinh của tôi dành cho anh chị em, những cặp vợ chồng đã kết hôn – đó là một sự khích lệ, một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của tôi, và cũng là một cơ hội để suy tư. Điều quan trọng là phải suy tư và cảm nghiệm lòng nhân từ và sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng, với bàn tay nhân hậu của Ngài, hướng dẫn bước chân của những người phối ngẫu trên con đường thánh thiện. Xin Chúa ban cho các cặp vợ chồng sức mạnh để tiếp tục cuộc hành trình đã thực hiện.

Hôm nay, tôi cũng muốn nhắc lại rằng chúng ta đang tiến gần đến Cuộc họp Thế giới của các Gia đình. Tôi mời tất cả anh chị em chuẩn bị tinh thần cho sự kiện này, đặc biệt là qua lời cầu nguyện và sống tinh thần ấy trong giáo phận của anh chị em cùng với các gia đình khác.

Và nói về gia đình, tôi có một mối quan tâm, một mối quan tâm thực sự, ít nhất là ở đây ở Ý này: đó là mùa đông nhân khẩu học. Có vẻ như nhiều cặp vợ chồng không muốn có con hoặc chỉ có một con. Hãy nghĩ về điều này. Đó là một bi kịch. Cách đây vài phút, tôi đã xem trên Sua Immagine cách họ nói về vấn đề mùa đông nhân khẩu học nghiêm trọng này. Chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để lấy lại nhận thức, ngõ hầu vượt qua mùa đông nhân khẩu học đi ngược lại với gia đình chúng ta, đất nước của chúng ta, thậm chí chống lại tương lai của chúng ta.

Tôi chào tất cả anh chị em những người hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác nhau. Tôi thấy những người Ba Lan ở đó, những người Brazil, và tôi thấy những người Colombia ở đằng kia… các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội. Tôi tiếp tục hy vọng rằng việc chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu, là trọng tâm và trung tâm của các lễ hội Giáng Sinh, có thể khơi dậy tình huynh đệ và sự chia sẻ trong các gia đình và cộng đồng. Và để mừng Giáng Sinh một chút, sẽ rất tốt nếu anh chị em đến thăm 100 Cảnh Chúa Giáng Sinh nằm dưới hàng cột. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta.

Trong những ngày này, tôi đã nhận được các lời chúc Giáng Sinh từ Rôma và các nơi khác trên thế giới. Rất tiếc, tôi không thể phản hồi cho tất cả anh chị em, nhưng tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người và đặc biệt biết ơn những lời cầu nguyện mà nhiều anh chị em đã hứa sẽ cầu cho tôi. Hãy cầu nguyện cho tôi! Đừng quên điều này! Xin chân thành cảm ơn và Chúc mừng Lễ Thánh Gia Thất! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Holy See Press Office
 
Thư Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho các đôi vợ chồng nhân Năm Gia đình Amoris Laetitia 2021-2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
17:07 26/12/2021


Chúa Nhật 26 tháng 12, Lễ Thánh Gia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một bức tâm thư cho các gia đình Công Giáo khi đại dịch coronavirus tiếp tục hoành hành trên thế giới.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Kính gửi các đôi vợ chồng đã kết hôn trên khắp thế giới!

Trong Năm “Gia đình Amoris Laetitia” này, tôi viết thư này để bày tỏ tình cảm sâu sắc và sự gần gũi của tôi với anh chị em vào thời điểm rất đặc biệt này. Gia đình luôn ở trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi, nhưng đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, mà tất cả mọi người đều bị thử thách nghiêm trọng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Hoàn cảnh hiện tại khiến tôi muốn đồng hành với lòng khiêm tốn, với tình cảm và sự cởi mở với mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng và gia đình trong tất cả những tình huống của anh chị em.

Chúng ta đang được yêu cầu áp dụng cho chính mình lời kêu gọi mà Tổ phụ Ápraham đã nhận được từ Chúa để lên đường từ vùng đất là quê cha đất tổ của ông để đến một vùng đất xa lạ mà chính Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông (x. St 12: 1). Chúng ta cũng đã trải qua sự bấp bênh, cô đơn, mất mát những người thân yêu; chúng ta cũng đã bị buộc phải bỏ lại đằng sau những điều chắc chắn của mình, “những vùng an toàn”, những cách làm quen thuộc và tham vọng của chúng ta, và làm việc vì phúc lợi của gia đình và của toàn xã hội, là những điều phụ thuộc vào chúng ta và hành động của chúng ta.

Mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa định hình chúng ta, đồng hành với chúng ta và gửi chúng ta ra đi với tư cách cá nhân, và cuối cùng, giúp chúng ta “lên đường từ vùng đất của mình”, mặc dù trong nhiều trường hợp với một sự run sợ nhất định và thậm chí sợ hãi khi đối mặt với những điều chưa biết. Tuy nhiên, đức tin Kitô của chúng ta làm cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không đơn độc, vì Chúa đang ở trong chúng ta, với chúng ta và ở giữa chúng ta: trong gia đình của chúng ta, khu phố của chúng ta, nơi làm việc và trường học của chúng ta, và trong các thành phố nơi chúng ta sinh sống.

Như Tổ phụ Ápraham, tất cả những người chồng và người vợ “lên đường” từ mảnh đất riêng của họ vào thời điểm họ quyết định hiến thân trọn vẹn cho nhau để đáp lại ơn gọi tình yêu vợ chồng. Đính hôn đã đồng nghĩa với việc anh chị em phải rời khỏi vùng đất của mình, vì nó kêu gọi anh chị em cùng nhau đi trên con đường dẫn đến hôn nhân. Những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, thời gian trôi qua, sự xuất hiện của con cái, công việc và bệnh tật, tất cả đều thách thức các cặp vợ chồng chấp nhận một lần nữa cam kết của họ với nhau, bỏ lại những thói quen ổn định, sự chắc chắn và an toàn, và lên đường hướng tới vùng đất mà Thiên Chúa hứa ban: từ hai trong Chúa Kitô trở nên một. Hai cuộc đời của anh chị em trở thành một cuộc đời duy nhất; anh chị em trở thành “chúng ta” trong sự hiệp thông yêu thương với Chúa Giêsu, sống động và hiện diện trong mọi khoảnh khắc hiện hữu của anh chị em. Chúa luôn ở bên cạnh anh chị em; Người yêu mến anh chị em vô điều kiện. Anh chị em không cô đơn!

Các đôi vợ chồng thân mến, anh chị em hãy biết rằng con cái của anh chị em - đặc biệt là những trẻ nhỏ - chăm chú quan sát anh chị em; nơi anh chị em, họ tìm kiếm những dấu chỉ của một tình yêu bền chặt và đáng tin cậy. “Thật quan trọng biết bao đối với những người trẻ khi được tận mắt chứng kiến tình yêu của Chúa Kitô sống động và hiện diện trong tình yêu vợ chồng, là những người làm chứng bằng thực tế cuộc sống của họ rằng tình yêu mãi mãi là có thể!” [1] Con cái luôn là một ân sủng; chúng thay đổi lịch sử của mọi gia đình. Chúng khát khao tình yêu, lòng biết ơn, sự quý trọng và sự tin tưởng. Thiên chức làm cha làm mẹ mời gọi anh chị em truyền cho con cái mình niềm vui khi nhận ra rằng chúng là con cái của Thiên Chúa, con cái của một người Cha luôn yêu thương dịu dàng và là Đấng nắm tay chúng mỗi ngày mới. Khi chúng biết điều này, con cái của anh chị em sẽ lớn lên trong đức tin và sự tin cậy nơi Chúa.

Chắc chắn rằng, việc nuôi dạy con cái không phải là một việc dễ dàng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng con cái cũng “nâng cao” chúng ta. Gia đình vẫn là môi trường chính, nơi giáo dục diễn ra, thông qua những cử chỉ nhỏ mà hùng hồn hơn lời nói. Giáo dục trên hết là đồng hành với quá trình trưởng thành, hiện diện với trẻ em bằng nhiều cách khác nhau, giúp chúng nhận ra rằng chúng luôn có thể trông cậy vào cha mẹ. Nhà giáo dục là người “sinh ra” những người khác về mặt tinh thần và trên hết, trở nên cá nhân tham gia vào quá trình trưởng thành của họ. Đối với cha mẹ, điều quan trọng là trao cho con cái một quyền hạn lớn lên từng ngày. Trẻ em cần cảm giác an toàn có thể giúp chúng tin tưởng vào anh chị em và vào vẻ đẹp của cuộc sống chung, và chắc chắn rằng chúng sẽ không bao giờ cô đơn, dù bất cứ điều gì có thể xảy ra.

Như tôi đã lưu ý, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về căn tính và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và trong xã hội. Anh chị em có sứ mệnh biến đổi xã hội bằng sự hiện diện của anh chị em tại nơi làm việc và bảo đảm rằng các nhu cầu của gia đình được quan tâm đúng mức. Các cặp vợ chồng cũng nên dẫn đầu [2] trong cộng đoàn giáo xứ và giáo phận qua các sáng kiến và óc sáng tạo của họ, như một biểu hiện của sự bổ sung các đặc sủng và ơn gọi trong việc phục vụ tình hiệp thông Giáo Hội. Điều này đặc biệt đúng khi những cặp vợ chồng cùng với các vị chủ chăn của Giáo Hội “sát cánh cùng các gia đình khác, để giúp đỡ những người yếu hơn, để tuyên bố rằng, ngay cả trong những trạng huống khó khăn, Chúa Kitô vẫn luôn hiện diện với họ”. [3]

Vì vậy, tôi khuyến khích anh chị em, những cặp vợ chồng thân yêu, hãy tích cực hoạt động trong Giáo Hội, đặc biệt là trong việc chăm sóc mục vụ gia đình. “Trách nhiệm chung cho sứ mệnh của mình đòi hỏi các cặp vợ chồng và các thừa tác viên được phong chức, đặc biệt là các giám mục, hợp tác một cách hiệu quả trong việc chăm sóc và trông nom các Giáo Hội tại gia”. [4] Đừng bao giờ quên rằng gia đình là “tế bào cơ bản của xã hội” (Evangelii Gaudium, 66). Hôn nhân là một phần quan trọng của dự án xây dựng “nền văn hóa gặp gỡ” (Fratelli Tutti, 216). Do đó, gia đình được kêu gọi để kết nối các thế hệ trong việc truyền lại các giá trị hình thành nhân loại đích thực. Cần có sự sáng tạo mới, để thể hiện, giữa những thách đố ngày nay, các giá trị cấu thành chúng ta với tư cách là một dân tộc, cả trong xã hội và trong Giáo Hội, là cộng đoàn dân Chúa.

Hôn nhân, như một ơn gọi, mời gọi anh chị em chèo lái con thuyền nhỏ bé vượt qua một vùng biển đôi khi giông bão, vì bất kể các cơn sóng vỗ, con thuyền nhỏ bé vẫn vững chãi, nhờ vào thực tại của bí tích hôn phối. Quá thường khi anh chị em muốn nói, hay thậm chí, muốn kêu lên như các Tông đồ: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38). Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng nhờ bí tích hôn phối, Chúa Giêsu đã hiện diện trên con thuyền đó; Chúa quan tâm đến anh chị em và Người vẫn ở bên cạnh anh chị em trong những lúc gian truân nhất. Trong một đoạn Tin Mừng khác, khi các Tông đồ chèo thuyền khó khăn, các ngài đã thấy Chúa Giêsu đến gặp mình trên mặt nước và đón Ngài vào thuyền của họ. Bất cứ khi nào anh chị em bị sóng gió và bão tố quật ngã, hãy làm điều tương tự: đó là hãy đón Chúa Giêsu vào thuyền của anh chị em, vì một khi Người đã “xuống thuyền với họ… gió đã ngừng” (Mc 6:51). Điều quan trọng là, cùng nhau, anh chị em luôn dán mắt vào Chúa Giêsu. Chỉ bằng cách này, anh chị em mới tìm thấy sự bình yên, vượt qua xung đột và khám phá ra giải pháp cho nhiều vấn đề của mình. Những vấn đề đó, tất nhiên, sẽ không biến mất, nhưng anh chị em sẽ có thể nhìn chúng từ một góc độ khác.

Chỉ bằng cách phó mình trong tay Chúa, anh chị em mới có thể làm được điều tưởng chừng như không thể. Hãy nhận ra sự yếu đuối và bất lực của chính mình khi đối mặt với muôn vàn hoàn cảnh xung quanh mình, nhưng đồng thời chắc chắn rằng quyền năng của Chúa Kitô sẽ được thể hiện qua sự yếu đuối của anh chị em (x. 2Cr 12, 9). Chính ngay giữa cơn bão, các Tông đồ đã nhận ra vương quyền và thần tính của Chúa Giêsu, và học cách tin cậy nơi Ngài.

Với những trích đoạn Kinh thánh này, bây giờ tôi muốn suy ngẫm về một số khó khăn và cơ hội mà các gia đình đã trải qua trong thời kỳ đại dịch hiện nay. Ví dụ, việc khóa cửa có nghĩa là có nhiều thời gian hơn để ở bên nhau và điều này chứng tỏ một cơ hội độc đáo để tăng cường giao tiếp trong các gia đình. Đương nhiên, điều này đòi hỏi một sự kiên nhẫn được thực hành một cách cụ thể. Thật không dễ dàng để ở bên nhau cả ngày, khi mọi người đều phải làm việc, học tập, giải trí và nghỉ ngơi trong cùng một ngôi nhà. Đừng để sự mệt mỏi chiếm ưu thế: sức mạnh của tình yêu có thể giúp anh chị em quan tâm đến người khác - vợ/chồng anh chị em, con cái – quan trọng hơn là những nhu cầu và những mối quan tâm của chính anh chị em. Hãy để tôi nhắc anh chị em nhớ lại những gì tôi đã nói trong Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Yêu Thương (xem Số 90-119), được gợi hứng từ bài thánh ca về lòng bác ái của Thánh Phaolô (xem 1 Cô 13: 1-3). Hãy khẩn cầu ân sủng tình yêu từ Thánh Gia và đọc lại cách thánh Phaolô tán dương lòng bác ái, để linh hứng những quyết định và hành động của anh chị em (x. Rm 8:15; Gl 4: 6).

Bằng cách này, thời gian hai bạn dành cho nhau, không còn là một sự đền tội, nhưng sẽ trở thành nơi nương tựa giữa những cơn bão tố. Mong mọi gia đình là nơi đón nhận và thông cảm. Hãy nghĩ về lời khuyên mà tôi đã trao cho anh chị em về tầm quan trọng của ba từ nhỏ: đó là “làm ơn, cảm ơn, xin lỗi”. [5] Sau mỗi cuộc tranh cãi, “đừng để một ngày kết thúc mà không làm hòa”. [6] Đừng xấu hổ khi cùng nhau quỳ gối trước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, để tìm kiếm một vài giây phút bình an và nhìn nhau với sự dịu dàng và nhân hậu. Hoặc khi một trong hai người hơi tức giận, hãy nắm tay họ và cố nở một nụ cười giảng hòa. Anh chị em cũng có thể cùng nhau đọc một lời cầu nguyện ngắn vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, với Chúa Giêsu ở bên cạnh mình.

Đối với một số cặp vợ chồng, điều kiện sống áp đặt trong thời gian cách ly đặc biệt khó khăn. Những vấn đề tồn tại từ trước trở nên trầm trọng hơn, tạo ra những xung đột mà trong một số trường hợp, gần như không thể chịu đựng nổi. Nhiều người thậm chí đã trải qua sự tan vỡ của một mối quan hệ khi họ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà họ cảm thấy khó hoặc không thể xoay sở được. Tôi cũng muốn họ cảm nhận được sự gần gũi và tình cảm của tôi.

Hôn nhân tan vỡ gây ra đau khổ vô cùng, vì nhiều hy vọng bị tiêu tan, và những hiểu lầm có thể dẫn đến tranh cãi và những tổn thương không dễ hàn gắn. Con cái cuối cùng phải gánh chịu nỗi đau khi thấy cha mẹ không còn bên nhau. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ để anh chị em có thể vượt qua xung đột và ngăn ngừa tổn thương nhiều hơn cho anh chị em và con cái mình. Chúa Giêsu, với lòng thương xót vô hạn, sẽ soi dẫn anh chị em để tiếp tục giữa muôn vàn khó khăn và nỗi buồn của anh chị em. Hãy tiếp tục cầu nguyện xin sự giúp đỡ của Người, và tìm kiếm nơi Người một nơi nương tựa và ánh sáng cho cuộc hành trình. Ngoài ra, trong cộng đồng của anh chị em, hãy khám phá “ngôi nhà của Cha, nơi có chỗ cho mọi người, và giải quyết mọi vấn đề của họ” (Evangelii Gaudium, 47).

Cũng nên nhớ rằng sự tha thứ sẽ chữa lành mọi vết thương. Sự tha thứ lẫn nhau là kết quả của một quyết tâm trong lòng đến mức trưởng thành trong lời cầu nguyện, trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là một món quà được sinh ra bởi ân sủng do Chúa Kitô tuôn đổ trên các cặp vợ chồng bất cứ khi nào họ hướng về Ngài và để cho Ngài hành động. Chúa Kitô “ngự” trong cuộc hôn nhân của anh chị em và Ngài luôn chờ đợi anh chị em mở lòng ra đón nhận Ngài, để Ngài có thể nâng đỡ anh chị em, như Ngài đã làm với các môn đệ trên thuyền, bằng quyền năng tình yêu của Ngài. Tình yêu theo bản tính loài người của chúng ta thật yếu đuối; nó cần sức mạnh từ tình yêu trung tín của Chúa Giêsu. Với Người, anh chị em thực sự có thể xây “nhà trên đá” (Mt 7:24).

Sau đây tôi xin có một lời gửi đến anh chị em trẻ chuẩn bị kết hôn. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, việc các cặp đính hôn lên kế hoạch cho tương lai cũng không dễ dàng do khó tìm được việc làm ổn định. Bây giờ thị trường lao động thậm chí còn bấp bênh hơn, tôi kêu gọi các cặp đã đính hôn đừng nản lòng, nhưng hãy có “lòng can đảm sáng tạo” được thể hiện bởi Thánh Giuse, là đấng mà tôi muốn tôn vinh trong Năm dành riêng cho ngài. Trong hành trình tiến tới hôn nhân, hãy luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, dù khả năng của anh chị em có nhiều hạn chế, vì “đôi khi, khó khăn có thể mang lại nguồn lợi mà chúng ta thậm chí không nghĩ rằng mình có” (Patris Corde, 5). Đừng ngần ngại dựa vào gia đình và bạn bè của anh chị em, vào cộng đồng Giáo Hội, vào giáo xứ của anh chị em, để giúp anh chị em chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân và gia đình bằng cách học hỏi từ những người đã tiến xa trên con đường mà anh chị em đang đặt ra.

Trước khi kết luận, tôi muốn gửi lời chào đến các ông bà, những người trong thời gian bị khóa cửa đã không thể gặp hoặc dành thời gian cho các cháu của mình, và tất cả những người cao tuổi cảm thấy bị cô lập và cô đơn trong suốt những tháng đó. Các gia đình rất cần ông bà, vì họ là ký ức sống của nhân loại, ký ức “có thể giúp xây dựng một thế giới nhân văn hơn và thân thiện hơn”. [7]

Xin Thánh Giuse khơi dậy trong tất cả các gia đình một lòng can đảm sáng tạo, rất cần thiết cho những thời kỳ thay đổi mang tính lịch sử này. Xin Đức Mẹ giúp anh chị em nuôi dưỡng trong đời sống hôn nhân của mình nền văn hóa gặp gỡ mà chúng ta rất cần để đối mặt với các vấn đề và những rắc rối ngày nay. Không có khó khăn nào có thể làm mất đi niềm vui của những ai biết rằng họ đang đi với Chúa luôn ở bên cạnh họ. Hãy sống hết mình với ơn gọi của anh chị em. Đừng bao giờ cho phép khuôn mặt của anh chị em trở nên buồn bã hoặc ảm đạm; người phối ngẫu của anh chị em cần nụ cười của anh chị em. Con cái của anh chị em cần những cái nhìn động viên của anh chị em. Các linh mục và các gia đình khác của anh chị em cần sự hiện diện và niềm vui của anh chị em, là niềm vui đến từ Chúa!

Tôi chào tất cả anh chị em với lòng trìu mến, và tôi khuyến khích anh chị em thực hiện sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã giao phó cho chúng ta, là kiên trì trong lời cầu nguyện và trong việc “bẻ bánh” (Cv 2,42).

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, và tôi cầu nguyện hàng ngày cho anh chị em.

Thân ái,

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 26 tháng 12, 2021, Lễ Thánh Gia

[1] Thông điệp video tới những người tham gia diễn đàn “Chúng ta đứng ở đâu với Amoris Laetitia?” (Ngày 9 tháng 6 năm 2021).

[2] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 24.

[3] Thông điệp video tới những người tham gia diễn đàn “Chúng ta đứng ở đâu với Amoris Laetitia?” (Ngày 9 tháng 6 năm 2021).

[4] Thượng dẫn.

[5] Diễn văn với những người tham gia cuộc hành hương của các gia đình trong Năm Đức tin (ngày 26 tháng 10 năm 2013); x. Amoris Laetitia, 133.

[6] Bài Giáo lý ngày 13 tháng 5 năm 2015; x. Amoris Laetitia, 104.

[7] Thông điệp cho Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao niên năm 2021: “Thầy luôn ở bên anh em” (25 tháng 7 năm 2021).


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sẽ được tuyên Chân Phước tại Rôma vào tháng 9 năm tới
Đặng Tự Do
17:20 26/12/2021


Đức Gioan Phaolô I sẽ được tuyên Chân Phước trong một buổi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 4 tháng 9 năm 2022. Quyết định này đã được công bố trong một bài báo đăng trên tờ báo Ý L'Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Ý. Tin này được Stefania Falasca đưa ra vào ngày 23 tháng 12 năm 2021. Stefania Falasca là nhà báo kiêm phó cáo thỉnh viên án tuyên Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô I. Trước đây, việc tuyên Chân Phước đã được tường thuật là diễn ra trước Lễ Phục sinh, mặc dù, Tòa thánh chưa hề xác nhận ngày tuyên Chân Phước vào thời điểm đó.

Vị giáo hoàng thứ 263, Luciani Albino, người Ý, chỉ trị vì có 33 ngày vào năm 1978. Có biệt danh là “Giáo hoàng mỉm cười”, ngài qua đời vì một cơn đau tim vào đêm 28 tháng 9.

Vào ngày 13 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một sắc lệnh của Bộ Tuyên thánh công nhận một phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của ngài.

Điều kỳ diệu đã xảy ra vào ngày 23 tháng 7 năm 2011, ở Buenos Aires, Á Căn Đình, khi một bé gái 11 tuổi hồi phục một cách không thể giải thích về mặt Y khoa sau “bệnh não viêm cấp tính nặng” và “chứng động kinh ác tính” sau vài tháng trong bệnh viện và khả năng tử vong được tiên liệu đã gần kề.

Bài báo trên L'Avvenire chỉ ra rằng tính từ năm 1900 đến nay, Đức Gioan Phaolô I là vị giáo hoàng thứ sáu đã được mở án tuyên chân phước. Trong nhóm này, bốn vị đã được tuyên thánh là Thánh Piô X, Thánh Gioan XXIII, Thánh Phaolô Đệ Lục và Thánh Gioan Phaolô II.
Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Quebec hủy bỏ các Thánh lễ Giáng Sinh
Đặng Tự Do
17:21 26/12/2021


“Trước tình hình sức khỏe ngày càng xấu đi, Tổng Giám mục Thành phố Quebec đã quyết định đình chỉ tất cả các Thánh lễ trong giáo phận của mình từ nửa đêm ngày 23 tháng 12 đến ngày 10 tháng Giêng năm 2022. Sẽ không có Thánh lễ Giáng Sinh tại Thành phố Quebec”.

“Tôi biết rằng sẽ rất thất vọng nếu không được tụ tập trong nhà thờ trong năm nay để tổ chức lễ Giáng Sinh và Năm mới, nhưng tôi coi nhiệm vụ của chúng ta là tham gia vào nỗ lực tập thể để ngăn chặn sự lây lan thêm của coronavirus,” Đức Hồng Y Gérald C. Lacroix, Tổng giám mục của Thành phố Quebec, cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra ngày 22 tháng 12.

Trước tình hình sức khỏe ngày càng xấu đi, Đức Tổng Giám Mục, với sự tham khảo ý kiến của các linh mục và ban lãnh đạo các giáo xứ, đã quyết định tạm dừng tất cả các lễ kỷ niệm từ ngày 23 tháng 12 năm 2021 cho đến ngày 10 tháng Giêng năm 2022, trừ tang lễ.

Các thánh lễ Giáng Sinh hiển nhiên bị ảnh hưởng bởi quyết định mới này. Đây là một đòn nặng giáng lên các tín hữu Công Giáo đang chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh vào ngày 25/12.

Các nguồn trực tuyến để theo dõi lễ Giáng Sinh

Một lá thư chi tiết được gửi vào ngày 22 tháng 12 cho các nhà lãnh đạo giáo xứ giải thích quyết định khó khăn này, được thực hiện trên tinh thần đoàn kết với những người dễ bị tổn thương nhất. Trong khi các thánh lễ bị đình chỉ, các nhà thờ vẫn rộng mở cho các tín hữu đến cầu nguyện nếu họ đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra sức khỏe cộng đồng. Tang lễ cũng sẽ được cho phép theo các biện pháp do Chính phủ Quebec ban hành.

Bất chấp những hoàn cảnh như vậy, Đức Tổng Giám Mục khuyến khích các tín hữu “dành thời gian để suy nghĩ, trao đổi và cử hành tại nhà.”

Một số tài nguyên trực tuyến (bài đọc, lời cầu nguyện, phụng vụ gia đình…) có sẵn cho các tín hữu để kỷ niệm Chúa Giáng Sinh tại nhà của họ. Thánh lễ Giáng Sinh cũng sẽ được phát trên truyền hình hoặc trên Internet.
Source:Aleteia
 
Ý nghĩa thiêng liêng của lời chúc Merry Christmas
Đặng Tự Do
17:22 26/12/2021


Khởi thủy, cụm từ “Merry Christmas” được sử dụng với ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, cầu chúc một ai đó bình an trong tâm hồn vào ngày lễ Giáng Sinh.

Vào thời điểm này trong năm, thường có nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội xung quanh ý nghĩa của cụm từ, “Merry Christmas”. Một số người yêu thích cụm từ này, trong khi những người khác tỏ ra coi thường nó.

Dù sở thích của một người có thể là gì, thì nguồn gốc của cụm từ này vẫn mang ý nghĩa tinh thần.

Trước hết, một trong những ghi chép sớm nhất về cụm từ này đến từ Thánh John Fisher, người đã viết cụm từ đó trong một bức thư gởi cho Thomas Cromwell vào năm 1534.

Với lá thư này tôi cầu xin bạn chấp nhận cho tôi theo lòng bác ái của ngài. Và vì điều này, Chúa của chúng ta ban cho ngài một merry Christmas - lễ Giáng Sinh vui vẻ - và thoải mái theo ước muốn của tâm hồn ngài.

Thông thường ngày nay từ “vui vẻ” được sử dụng để biểu thị cảm giác hân hoan nói chung. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng trong trường hợp của Thánh John Fisher.

Francis Xavier Weiser giải thích nguồn gốc của cụm từ này trong cuốn sách Sổ tay các Lễ và Phong tục Kitô của ông.

Khi lời chào này ban đầu được sử dụng, từ vui vẻ không có nghĩa là “vui vẻ, vui nhộn” như ngày nay. Trong những ngày đó, nó có nghĩa là “được chúc lành, bình yên, an lạc”, thể hiện niềm vui tinh thần hơn là hạnh phúc trần thế.

Bài hát Giáng Sinh nổi tiếng “God rest you merry, gentlemen” – “Chúa ban cho các ngài niềm an lạc, thưa quý ông” - là một ví dụ tuyệt vời về ý nghĩa ban đầu của từ vui vẻ. Vị trí của dấu phẩy cho thấy rõ ràng ý nghĩa thực sự của từ merry. Trong bối cảnh này từ merry không phải là một tính từ bổ túc cho danh từ “quý ông”, và do đó không phải là “Chúa ban cho quý ông vui vẻ” mà là “Chúa ban cho các ngài niềm an lạc, thưa quý ông”.

Tiết lộ này làm cho cụm từ, “Merry Christmas”, thậm chí còn mang tính tâm linh hơn (và có thể gây tranh cãi hơn).

Nếu bạn muốn chúc ai đó một Giáng Sinh vui vẻ về mặt thiêng liêng, hãy tiếp tục và nói với họ, “Merry Christmas!”
Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021
Văn Minh
19:19 26/12/2021
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 26.12.2021

“Một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết yêu thương, tôn trọng, và luôn có Chúa ở cùng”.

Đó là tâm tình của linh mục (Lm) Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt trong Thánh lễ mừng kính Thánh Gia Thất, cũng là lễ kỷ niệm ngày thành hôn của 15 đôi Hôn phối trong giáo xứ Vĩnh Hòa (Trong đó có 3 đôi 50 năm, 1 đôi 45 năm, 2 đôi 40 năm, 3 đôi 35 năm, 3 đôi 30 năm, 2 đôi 25 năm và 1 đôi được 20 năm).

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể được cử hành lúc 17g30 Chúa nhật ngày 26-12-2021, do Lm Gioakim Lê Hậu Hán - Chánh xứ Vĩnh Hòa – chủ tế. Đồng tế với ngài có Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt SCJ, các linh mục thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đến tham dự Thánh lễ, ngoài các đôi Hôn phối còn có các con cháu và người thân trong gia đình cùng cộng đoàn dân Chúa hiệp dâng.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt đã diễn tả nét cao đẹp nơi gia đình Thánh gia, và đó cũng là mẫu gương cho các gia đình của người tín hữu chúng ta noi theo. Vậy! Gia đình Thánh gia có khác gì khác với gia đình của chúng ta không?. Thưa! Không có gì là khác cả, thậm chí gia đình Thánh gia còn khó khăn và vất vả hơn chúng ta rất nhiều. Khi đứng trước những khó khăn thử thách của cuộc sống, Thánh Giuse luôn giữ im lặng và lắng nghe Lời Chúa, còn Đức Maria thì hằng nghi nhớ và suy đi nghĩ lại ở trong lòng. “Như lời thánh Phaolô nói”: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, hiền hoà, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.

Trong cuộc sống ngày nay, người ta đang chạy theo lối sống thực dụng và sống vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, các bạn trẻ thì thích sống chung, sống thử, để rồi có thai ngoài ý muốn, và rồi gia đình đi đến tan nát mỗi người một nơi...

Mừng lễ Thánh gia hôm nay, ước mong mỗi thành phần trong gia đình biết noi gương Thánh gia mà xây dựng gia đình, cố gắng trung thành thi hành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo thì gia đình sẽ thành một gia đình hạnh phúc, một “Giáo hội tại gia” “một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết yêu thương, tôn trọng, và luôn có Chúa ở cùng”.

Sau phần giảng lễ, các đôi Hôn phối có tên trong danh sách tiến lên Cung thánh lần lượt lãnh nhận “Phép lành Tòa thánh” từ tay Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt nhân ngày kỷ niệm Hôn phối.

Thánh lễ tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 18g30 cùng ngày.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Lm Gioakim thay mặt giáo xứ ngỏ lời cảm ơn Lm Vinh Sơn cùng cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện cho các đôi Hôn phối hôm nay được diễn ra sốt sắng và tốt đẹp bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.
 
Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle mừng đại lễ Giáng Sinh 2021
Nguyễn An Quý
19:30 26/12/2021
Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle mừng đại lễ Giáng Sinh 2021

Tukwila. Hôm nay chiều thứ sáu 24 tháng 12 ngày vọng Chúa Giáng Sinh, thời tiết khá lạnh đến với xứ cao nguyên tình xanh, nhiệt độ ngoài trên dưới 40 độ F có mưa nhẹ, đặc biệt cao nguyên tình xanh năm nay mùa đông lại có những ngày nhiệt độ khá thấp trong những ngày tới, ban đêm có khi xuống đến 17 hay 18 độ F.

Xem Hình

Khung cảnh nổi bật của ngôi thánh đường giáo xứ CTTĐVN trong mùa lễ giáng sinh là những máng cỏ. Bước vào khuôn viên nhà thờ, một máng cỏ rộng lớn chiếm cả mặt tiền nhà thờ, vào bên trong nhà thờ lại có nhiều máng cỏ hiện diện, ngay từ văn phòng của cha xứ một máng khá đẹp. Tiến vào hội trường Anê Lê Thị Thành thấy ngay máng cỏ của Giáo Đoàn Mông Triệu với lối thiết kế khá công phu gồm những tảng đá làm bằng giấy nhôm tạo thành cảnh núi non hung vĩ, đối diện là máng cỏ của Gíáo Đoàn La Vang đuợc thiết kế khá đơn giản với túp lều tranh làm nơi Chúa sinh ra ở một vùng cao nguyên mang tính đời sống du mục. Tiến về phía nhà thờ ngay bên trái là máng cỏ của giáo đoàn Mân Côi, rồi đến máng cỏ của giáo đoàn Fatima khá đơn giản và máng cỏ của giáo đoàn Mẫu Tâm nằm phiá phải cạnh cửa vào nhà thờ và trong nhà thờ là máng cỏ chính.

Trở lại với đại lễ Giáng Sinh là Thánh Lễ Đêm được cử hành trọng thể. Hôm nay vọng lễ Giáng Sinh với cao điểm là đêm canh thức Chúa Giáng Sinh và Thánh Lễ Đêm được bắt đầu lúc 7 giờ 30 với phần diễn nguyện.

Đúng 7 gìờ 30, cha chánh xứ khai mạc buổi diễn nguyện canh thức Giáng Sinh, ngài ngỏ lời chào mừng quý quan khách và cộng đoàn dân Chúa hiện diện và tuyên bố khai mạc buổi diễn nguyện canh thức Chúa Giáng Sinh với phút cầu nguyện và hát kinh Chúa Thánh Thần. Lời hát kinh Chúa Thần Thần đã đưa cộng đoàn hiện diện đi vào buổi canh thức một cách sốt sắng.

Ban diễn nguyện gồm sự góp mặt của những giáo lý viên và các thành viên trong các giáo đòan, ca đoàn và thiếu nhi Thánh Thể. Phần diễn nguyện được trình bày bằng những hoạt cảnh và các vũ khúc do các em thiếu nhi trình diễn khá sinh động. Mở đầu phần diễn nguyện là hoạt cảnh mô tả cảnh của thời lưu đày Babylon với phần mô tả khá sinh động của những diễn viên trình diễn thật điêu luyện. Hoạt cảnh mô tả qua câu chuyện trong kinh thánh nói về đoàn dân Do Thái vượt Biển Đỏ khi bị đoàn quân Ai Cập đầy kỵ binh uy hiếp tàn sát được trình bày như là hình ảnh thật của thời lưu đày. Đức Chúa đã ra tay cứu dân Do Thái bằng cách cho Môisen đưa gậy rẻ nước của Biển Đỏ dựng đứng trở thành con đường khô cạn để con cái Irael chạy thoát khỏi quân Ai Cập, khi đoàn con cái nhà Irael qua khỏi Biển Đỏ thì Moisen hạ chiếc gậy xuống và lập tức nước của Biển Đỏ trở lại bình thường và vùi chôn vùi cả đoàn kỵ binh quân Ai Cập. Hoạt cảnh được diễn tả với hình ảnh sống động. Phần diễn nguyện được kết thúc với câu chuyện về việc Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai rồi đến cảnh Đức Mẹ và Thánh Giuse đi tìm nhà trọ khi 2 ông bà đang đêm trên đường trở về quê cũ theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Au-gut-tô và Đức Mẹ lại đến thời kỳ mãn nguyệt khai hoa đang giữa đêm khuya với cách trình bày khá cảm động qua hình ảnh của bà chủ nhà trọ bước ra từ chối không cho Đức Mẹ và Thánh Giuse trú ngụ qua đêm trong nhà trọ. Phần diễn nguyện kết thúc sau gần 1 tiếng đồng hồ đã đưa cộng đoàn dân Chúa sốt sắng suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ngôi Ngai Giáng Trần trong cảnh nghè hèn.

Bây giờ là 8 giờ 20 phút, trong nhà thờ đã đầy kín các ghế ngồi, đông đảo giáo dân cũng đã hiện diện trong các hội trường để sẵn sàng tham dự thánh lễ đêm được trực tiếp truyền hình qua màn ảnh lớn.Hơn một ngàn năm trăm giáo hữ và đồng hương hiện diện trong Thánh lễ Đem mừng Chúa Giáng Sinh 2021.

Đúng 8 giờ 30, cuộc rước kiệu Chúa Hài Đồng bắt đầu, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế Thánh Lễ cùng với nghi đoàn kiệu Chúa Hài Đồng vào nơi máng cỏ theo tiếng hát của ca đoàn. Tượng Chúa Hài Đồng được cha chủ tế đặt vào máng cỏ một cách trang trọng và Thánh Lễ bắt đầu.

Mở đầu Thánh Lễ cha chủ tế ngỏ lời chào mừng quý quan khách và cộng đoàn giáo dân hiện diện, ngài nói: giáo xứ hân hoan chào đón quý quan khách và toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện và chúc mừng quý vị một lễ Giáng Sinh an bình và thánh thiện, xin cho một tràng pháo tay để cùng chúc mừng và chào đón nhau trong niềm vui Chúa Giáng Sinh (tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu).

Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ Thánh Lễ Đêm.Tin mừng Thánh Luca giới thiệu câu chuyện về hoàn cảnh mà Ngôi Hai sinh ra được diễn ra vào lúc hoàng đế Au-gut-tô ra lệnh kiểm tra dân số với đoạn sau: “Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se cũng từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít gọi là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng. Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng :“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Bài giảng lễ ngắn gọn, cha giảng lễ nhấn mạnh về hình ảnh Đức Mẹ xin vâng và mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người qua việc hạ mình của Ngôi Hai Thiên Chúa đã được sinh ra nơi hang lừa máng cỏ, trong khung cảnh của những kẻ nghèo hèn tận cùng của xã hội. Xin cho chúng ta mừng Chúa Giáng Sinh với sự học hỏi của sự khiêm hạ của Đấng Hài Nhi và sự xin vâng của Đức Mẹ…”

Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Trước khi kết thúc Thánh Lễ vị đại diện giáo xứ, anh Lưu Công Tiên chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ đã có lời cám ơn và chúc mừng cha chánh xứ, quý soeurs, quý thầy, quý chủ tịch các giáo đoàn, các Hội Đoàn, Ca Đoàn và toàn thể cộng đoàn dân Chúa một lễ Giáng Sinh an bình và tràn đầy ơn thánh Chúa. Lời chúc mừng kết thúc với tràng pháo tay dài. Cha chánh xứ một lần nữa chúc mừng Giáng Sinh đến toàn thể cộng đoàn hiện diện và cám ơn các ban ngành đã hy sinh thời gian giúp trang trí máng cỏ, trang trí trong nhà thờ, nhất là ban diễn nguyện đã hy sinh thời giờ để tập luyện giúp cho phần diễn nguyện canh thức Giáng Sinh thêm phần sốt sắng.

Thánh Lễ được kết thúc vào lúc 9 giờ 45 với phép lành trọng thể, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Cảm nhận về lễ Giáng Sinh 2021 tại nhà thờ Phước Thọ - Giáo xứ Cù Và Giáo Phận Quy Nhơn
LM. Trương Đình Hiền
22:05 26/12/2021
Đã Nhìn Thấy Ánh Sáng

Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. (Is 9,1).

Cảm nhận về lễ Giáng Sinh 2021 tại nhà thờ Phước Thọ - Giáo xứ Cù Và Giáo Phận Quy Nhơn qua sứ điệp Isaia)

Năm 1965, sau trận chiến Ba Gia đẩm máu giữa quân đội của hai miền Nam Bắc, vùng phía tây Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi bị cày nát tan hoang; hai cộng đoàn giáo xứ Cù Và, Tân Lộc gần như bị xóa tên kể từ biến cố đau thương ấy ! Và cũng kể từ dạo đó, giáo dân Cù Và, Tân Lộc, cùng với nhiều giáo dân thuộc các cộng đoàn giáo xứ khác như Trung Tín, Châu Me, Kỳ Tân, Phú Vang, Trà Câu, Bầu Gốc… lần lượt bỏ lại quê hương để bắt đầu những tháng năm di cư “lần bước giữa tối tăm” (Is 9,1) chẳng khác nào đoàn dân Israel, Giuđêa, sống “kiếp lưu đày” sau khi hai vương quốc Bắc (Israel) và Nam (Giuđêa) lần lượt rơi vào ách thống trị của ngoại bang.

Xem Hình

Riêng, giáo xứ Cù Và, một cộng đoàn mục vụ sầm uất, đất ruộng phì nhiêu, nhân sự dồi dào, đã từng được gọi là “vựa lúa của địa phận Qui Nhơn” và là Trung Tâm phía Bắc của Công Giáo Quảng Ngãi (cũng như Bầu Gốc là Trung Tâm của phía Nam), vốn đã mất an ninh ngay từ những ngày cuối năm 1964, cho nên, lễ Giáng Sinh tại Cù Và cũng vắng đi từ đó.

Vào mùa hè 1965, toàn bộ địa bàn mục vụ của Cù Và nằm trong vùng giao tranh ác liệt của “chiến dịch Ba Gia” nên hậu quả khong tránh khỏi đó là “không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”; chẳng khác nào Sion hay Giêrusalem trên môi miệng của ngôn sứ Isaia: “Các thành thánh của Ngài đã trở nên sa mạc, Xion đã trở nên sa mạc, Giêrusalem thành chốn hoang tàn. Ngôi nhà thánh và vinh hiển của chúng con, là nơi cha ông chúng con ca tụng Ngài, đã làm mồi cho lửa, và tất cả những gì chúng con quý nhất đã bị tàn phá” (Is 64,9-10).

Vâng, kể từ 1965, Cù Và chỉ còn là danh xưng của “một thời vang bóng”; và giáo dân Cù Và tan tác khắp nơi, nhập đoàn với các giáo xứ di cư khác; đặc biệt, với “giáo xứ con” là Tân Lộc do cha sở Tân Lộc đương nhiệm lúc ấy là Gioakim Đoàn Kim Hiền dẫn dắt từ Phú Hòa, sang Thu Lộ rồi trôi dạt vô Nam, để cuối cùng, phần đông tụ lại ở phía Bắc tỉnh Đồng Nai, vùng đất mà từ năm 1971 mang tên gọi là “Căn Cứ Hai hay Xuân Tâm”.

Chính nơi vùng “Rừng Lá” khét tiếng nầy, kể từ năm 1972 đã hình thành hai giáo xứ của giáo dân Quảng Ngãi đối diện hai bên bờ Quốc Lộ 1: Phía tay phải (từ Bắc đi vô) là giáo xứ Tân Ngãi (Tân Lộc Quảng Ngãi) do cha Gioakim Đoàn Kim Hiền quản nhiệm; phía tay trái là Trung Ngãi (Trung Tín Quảng Ngãi) do cha Phaolô Huỳnh Ngọc Cảnh coi sóc. Ngoài giáo dân Tân Lộc (thành phần chính của Tân Ngãi) và giáo dân Trung Tín (thành phần chính của Trung Ngãi), các giáo dân thuộc các giáo xứ khác như Cù Và, Trà Câu, Châu Me, Bầu Gốc… được tự do chọn lựa hoặc nhập vào Tân Ngãi hay Trung Ngãi tùy theo điều kiện và hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ. Mãi cho tới năm 1975, sau khi Cha Gioakim Đoàn Kim Hiền trở về lại giáo phận Qui Nhơn, cha Phaolô Huỳnh Ngọc Cảnh (Chánh xứ Trung Ngãi) kiêm nhiệm Tân Ngãi và sau đó, theo quyết định của giáo phận Xuân Lộc, cả hai giáo xứ nhập chung thành một giáo xứ với tên gọi chính thức là Trung Ngãi và trung tâm đặt tại là nhà thờ Tân Ngãi do cha Gioan Đoàn Kim Hiền kiến lập. Và cách đây không lâu, cộng đoàn giáo dân “phía tay trái”, tức Trung Ngãi cũ, đã được giáo phận Xuân Lộc cho tách khỏi giáo xứ Trung Ngãi để thiết lập giáo xứ mới “Tân Ngãi”; và thế là “giáo xứ Tân Ngãi” đã được tái lập nhưng trên địa bàn mà thuở ban đầu là giáo xứ Trung Ngãi.

Sở dĩ hơi dông dài một chút là để giáo dân Cù Và thấm thía cuộc lữ hành mang ý nghĩa lưu đày mà sau hơn nửa thế kỷ (kể từ 1964) vẫn còn rất nhiều người chưa có được “niềm hạnh phúc của dân tộc Israel” là được trở về quê hương cũ để thấy được một Giêrusalem huy hoàng được tái dựng như sứ điệp ngày nào của ngôn sứ Isaia: “Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế,

hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem” (Is 52,9). Vâng, rất nhiều giáo dân Cù Và đã ra đi và đã chọn vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách quê người; đất khách đó có khi là Cam Ranh, Ba Ngòi; có khi là Bình Tuy, Phan Thiết; là Võ Đắt, La Gi, là Căn Cứ Hai, Căn Cứ Bốn, là Ngã Ba Ông Đồn, Long Khánh, là Bà Tô, Xuyên mộc, Bà Rịa Vũng Tàu, là Bưng Riềng, Bưng Kè vùng rừng sâu Đất Đỏ…; và có khi còn xa tận bên kia Thái Bình Dương tận đất Mỹ, trời u, xứ Úc…

Tuy nhiên, cũng như lời ngôn sứ Isaia: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp” (Is 54,7), cộng đoàn tưởng chừng như đã tiêu tan mất dấu, lại được Thiên Chúa xót thương tái lập. Thật vậy, trong cái “đám đông Cù Và” như đàn chiên tan tác đó, Thiên Chúa đã ưu ái và tiên liệu để “một số sót” hoặc bám trụ trên mảnh đất hoang tàn hoặc trở về sau những tháng ngày lang bạt: “Trong nhà Giuđa, những gì đã thoát chết, những gì còn sót lại sẽ cứ tiếp tục đâm rễ sâu, và trên cao trổ sinh hoa trái. Vì từ Giêrusalem, sẽ nảy sinh số còn sót lại, và từ núi Xion, sẽ xuất hiện những người thoát chết. Vì yêu thương cuồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 37,31-32).

Vâng, chính những con người “thuộc số sót ít oi” đó âm thầm giữ lửa đức tin trên những vùng đất tưởng rằng đã mãi mãi điêu tàn hoang phế: Cù Và, Phước Thọ, Đồng Cọ, Tịnh Bắc, Tịnh Giang…. Chính họ đã cùng với bao anh chị em Cù Và tha phương khác vững lòng trông cậy, trung thành với truyền thống đức tin và nuôi giữ niềm hy vọng sẽ có một ngày thấy ược “Thành Giêrusalem mới”: “Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40,31). Vâng, phải chăng nhờ “những thao thức sống và giữ vững đức tin của những người cha người mẹ đạo đức, những bước chân trung thành không mệt mỏi giữ ngày Chúa Nhật, những đêm hội họp đọc kinh gia đình, những ngày gió mưa đi công tác của hội viên Legio Mariae, những đắng cay dãi dầu và cả chịu đựng nhục nhã của những lần “ăn xin” nới xứ lạ quê người để có chút đỉnh về xây dựng giáo họ…” mà giáo xứ Cù Và từng bước, từng bước được phục hồi tái dựng (Theo bài viết “Những guồng xe nước vẫn quay lặng thầm” của Sơn ca Linh).

Kể từ năm 2009, khi lá đơn đầu tiên được gởi đến chính quyền để xin xây dựng nhà thờ Phước Thọ, Thiên Chúa cũng gởi đến cho Cù Và những nhân vật, những con người, những mục tử; kẻ thì tìm kiếm đất đai, lo toan thủ tục như cha sở Phú Hòa Tađêo Lê Văn Ý; người thì hoàn thiện thiết kế, ổn định mặt bằng… như cha sở Phú Hòa tiếp theo Phêrô Hà Đức Ngọc hay anh Anrê Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giáo xữ Quảng Ngãi... Đặc biệt, Chúa cũng đã gởi đến những ân nhân mà có thể ví von như một “Cyro” ngoại giáo trong lịch sử Israel, chẳng hạn như anh Phaolô Huỳnh Công Lập, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Thiên Tân Group, một Kitô hữu mới trở lại đạo nhờ di chúc của người cha đạo hạnh, đem hết nhiệt tình và đóng góp phần lớn chi phí… để sau cùng, “Ngày 09 tháng 8 năm 2018, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận đã đến cử hành thánh lễ làm phép và đặt viên đá xây dựng nhà thờ Cù Và tại Phước Thọ. Tuy nhiên, do thay đổi bản thiết kế, nên phải xin giấy phép xây dựng mới. Ngày 19 tháng 03 năm 2019, chính quyền cấp giấy phép xây dựng mới và ngày 25 tháng 03 năm 2019 khởi công xây dựng nhà thờ” (Theo Lược sử giáo xứ Cù Và trên trang mạng giáo phận Qui Nhơn).

Thế là, sau 57 năm vắng bóng hang Đá Giáng Sinh, im bặt tiếng câu ca “Hát khen mừng Chúa Giang Sinh ra đời” trong chính ngôi thánh đường thân thương của quê hương miền Tây Núi Ấn Sông Trà, Cù Và với đêm Giáng Sinh 2021, trong ngôi thánh đường mới tinh, đã như dân tộc Israel, “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. (Is 9,1). Vâng, vào chính Đêm trọng đại Giáng Sinh – 24.12.2021, giáo xứ Cù Và chính thức được tái lập do Bản Quyền giáo phận là Đức Giám Mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi và đã được cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại Diện giáo phận Qui Nhơn long trọng công bố “Văn Thư Thành lập” cùng với “Văn Thư Bổ nhiệm” linh mục chánh xứ Carôlô Nguyễn Phan Huy Dũng, một linh mục trẻ mới chịu chức năm 2013, thuộc hàng linh mục giáo phận Qui Nhơn.

Đêm nay, bên bờ thượng nguồn Trà Khúc, trên vùng đất xanh tươi phía dưới đập nước hùng vĩ Thạch Nham, sát với khu vực Trường Lũy, nhà thờ mới Phước Thọ lung linh rực sáng, chẳng khác nào ánh sáng mà ngôn sứ Isaia đã mặc cho thành thánh Giêrusalem trong thời Cựu Ước: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (Is 60,1-2).

Và nếu Ngôi Lời Nhập Thể là “Ánh sáng chiếu vào nơi tăm tối” (Ga 1,5), thì khởi từ đêm “ánh sáng huyền diệu của Giáng Sinh” nầy, cộng đoàn giáo xứ Cù Và mang lấy sứ mệnh “anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14) để chiếu tỏa ánh sáng và Tin Mừng Giáng Sinh trên vùng đất vốn đã một thời chìm trong u tối, để kêu mời muôn dân tìm về ánh sáng chân thật, như dự báo ngày nào của ngôn sứ Isaia: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông” (Is 60,3-4).

Vâng, kể từ đêm Giáng Sinh 24.12.2021, Phước Thọ - Cù Và đã “nhìn thấy ánh sáng” !

Trương Đình Hiền (GS 2021)

 
VietCatholic TV
Bi ai: Giáo phận nghèo Montelíbano, Colombia bị phá hai tượng Đức Mẹ trước thềm Giáng Sinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:31 26/12/2021


1. Tổn thất nặng nề của Giáo Hội tại El Salvador

Ít nhất 20 linh mục đã chết vì covid-19 ở El Salvador. Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas của San Salvador, xác nhận rằng 20 linh mục đã chết vì covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Riêng trong tổng giáo phận của ngài đã có đến 10 linh mục thiệt mạng.

Các linh mục của chúng tôi cũng mắc bệnh với số lượng khá nhiều, đại đa số đã vượt qua được bệnh tật nhưng một số đã chết, cụ thể ở quốc gia này có ít nhất 20 linh mục đã chết vì covid. Chúng tôi hy vọng rằng chiều hướng này có thể dừng lại.

Đức Tổng Giám Mục cho biết đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến Giáo Hội Công Giáo. Ngài cho biết tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận đã phải trải qua “tình huống đau đớn” khi nhìn thấy nhiều giáo dân chết.

Tổng giáo phận San Salvador có 10 linh mục chết vì coronavirus, là con số cao nhất trên toàn quốc. Ngài cho biết trong một trường hợp đau lòng ba linh mục đã chết trong một tuần.

“Tổng giáo phận của chúng tôi là nơi bị virus tấn công nhiều nhất, điều đó dễ hiểu vì thủ đô đông dân hơn bất kỳ thành phố nào khác. Chúng tôi đã đồng hành cùng mọi người, và rồi 10 linh mục đã chết ở đây”.

Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, Bộ Y tế đã không tiết lộ phân loại các trường hợp tử vong do lây nhiễm do covid-19 hay do các trường hợp khác. Thành ra, Giáo Hội tại El Salvador không có dữ liệu chính thức về số lượng linh mục đã chết hoặc bị nhiễm virus.

Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas cho biết thêm một nhóm bảy linh mục đã đến bệnh viện El Salvador cầu nguyện với các bệnh nhân và ban các bí tích cho họ.

“Các nhân viên bệnh viện ngay từ đầu đã cung cấp cho các ngài các bộ đồ bảo hộ hoàn chỉnh. Đến nay, tạ ơn Chúa, không linh mục nào trong số 7 vị này bị nhiễm bệnh”
Source:Diaro

2. Sự phẫn nộ và đau buồn vì hai bức tượng Đức Mẹ đồng trinh bị phá hủy

Trong bản tin đánh đi hôm 17 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết: Mùa Vọng trình bày Đức Trinh Nữ Maria như một người phụ nữ chờ đợi, với tình yêu khôn tả, để thực hiện lời hứa cứu rỗi, vì lý do này “nó gây ra sự phẫn nộ và buồn bã vô cùng, trong thời điểm vui mừng hy vọng này. Những kẻ xúc phạm đã xô các bức tượng của Đức Trinh Nữ khỏi bệ và phá hủy hoàn toàn các bức tượng này”.

Trong một tuyên bố hôm 16 tháng 12, Đức Cha Farly Yovany Gil Betancur, Giám mục giáo phận Montelíbano, Colombia, tuyên bố, lên án những hành vi phá hoại xảy ra đối với các bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria trong khu phố La Lucha và ở lối vào khu đô thị Montelíbano, một vùng phụ cận của Alto San Jorge Cordobés. Trong tuyên bố của mình, Đức Giám Mục phàn nàn rằng “những hành động bất khoan dung tôn giáo, đe dọa quyền tự do thờ phượng, đã xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần. Những hành động này đã làm tổn thương sâu sắc đến đức tin của các tín hữu Kitô thuộc cộng đồng Montelibanese”.

Hơn nữa, ngài nhấn mạnh rằng “tự do tôn giáo tìm kiếm lợi ích của tất cả mọi người, khi tôn trọng sự khác biệt và khi các biểu hiện khác nhau của đức tin được chấp nhận. Tất cả chúng ta đều có quyền đối với tín ngưỡng của riêng mình và thể hiện chúng theo truyền thống và phong tục của riêng mình”. Giáo phận đã đệ đơn khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu điều tra về những sự kiện này “thể hiện một thái độ bất khoan dung tôn giáo trắng trợn”. Cuối cùng, Đức Giám Mục cầu nguyện với Thiên Chúa cho “sự hoán cải của những người đã thực hiện hành vi phạm tội này” và kêu gọi các tín hữu trong giáo phận “hiệp lời cầu nguyện cho những kẻ gây ra những hành vi cuồng tín tôn giáo bạo lực, để họ thay đổi tâm hồn và để những hành vi đó không được lặp lại, làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo của một dân tộc bắt nguồn từ đức tin”
Source:Fides

3. Nữ tu Shanhaz nhận được tin nhắn tuyệt vọng từ 'những người bị bỏ lại ở Kabul'

“Tôi rất tiếc khi có mặt ở đây hôm nay chứ không phải ở Kabul vì trái tim tôi vẫn ở đó. Mỗi ngày tôi nhận được nhiều tin nhắn và tôi khóc, vì tôi không thể làm gì được”, nữ tu Shanhaz Bhatti nói.

Trong nhiều năm, nữ tu sĩ gốc Pakistan thuộc Dòng các Nữ tu Thánh Joan Antida đã làm việc với những người bị thiệt thòi ở Afghanistan thông qua hiệp hội Pro Bambini di Kabul, một tổ chức bác ái có trụ sở tại Ý.

Cô đến Ý vào tháng 8 năm ngoái cùng với các nữ tu của Mẹ Teresa và một nhóm trẻ em khuyết tật trong những ngày tang thương khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban.

Tối 20 tháng 12 cô ấy đã nói về kinh nghiệm của mình tại Milan trong một buổi tối do Centro PIME quảng bá, dưới sự bảo trợ của Tổng giáo phận Milan và AsiaNews.

Mục đích của sự kiện là bảo đảm rằng thảm kịch của người dân Afghanistan không bị lãng quên, trong khi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng vẫn diễn ra bất chấp chiến tranh đã kết thúc.

Cuộc họp được tổ chức tại Vương cung thánh đường Basilica di Sant'Ambrogio của Milan, đó là vương cung thánh đường của các vị tử đạo, với các bài đọc về những đau khổ của đất nước này qua con mắt đức tin.

Sơ Shanhaz mô tả tình trạng của mình khi làm việc với đất nước mà người Công Giáo bị áp bức gần như công khai. Sơ giải thích: “Chúng tôi không thể mặc các biểu tượng tôn giáo. “Chúng tôi thậm chí không thể phát âm tên của Chúa Giêsu vì điều đó có thể được hiểu là theo đạo. Chúng tôi chỉ có thể truyền bá Tin Mừng qua những nụ cười.”

Trong những ngày bi thảm của tháng 8, các thành viên của Giáo hội nhỏ tại Afghanistan đã quyết định ra đi với những đứa trẻ mồ côi khuyết tật được họ chăm sóc.

Nữ tu Shanhaz, người vẫn mặc bộ quần áo cũ khi ở Afghanistan, đã mô tả ba giờ đi xe buýt đến sân bay định mệnh. “Ngay cả hôm nay tôi vẫn giật mình thức giấc vào ban đêm và những gì chúng tôi đã thấy trong đêm khủng khiếp đó vẫn khiến tôi toát mồ hôi hột.”

Giải thích công việc của mình hiện nay trên đất Ý, Sơ Shanhaz nói:

“Tôi cố gắng đồng hành với mọi người vì những đau khổ mà họ đã trải qua. Nó không dễ dàng cho họ”. Tuy nhiên, suy nghĩ của sơ ấy là với những người còn lại ở Kabul.

“Tôi giữ thẻ điện thoại Afghanistan trong điện thoại di động để liên lạc mặc dù điều này có thể hơi nguy hiểm cho họ. Nhưng tôi đã nhìn thấy sự đau khổ của họ và tôi không thể bỏ rơi họ”

“Họ gửi cho tôi những đoạn video, những tin nhắn thoại: 'Chị ơi, chị có thể làm gì cho chúng em được không? Ít nhất chị có thể đưa chúng em đến Pakistan không?' Tôi cầu nguyện. Chúng tôi cố gắng kiếm cho họ ít nhất một số tiền, ít nhất để sưởi ấm nhà của họ, mua một ít củi, nến. Và các loại thuốc vì rất nhiều người bị bệnh. Không khí ở Kabul rất ô nhiễm và bạn cảm thấy khó thở”.

Sứ vụ truyền giáo tại Afghanistan của hiệp hội Pro Bambini di Kabul vẫn chưa bị đóng cửa mà chỉ bị tạm dừng.

Sơ Shanhaz nói: “Tôi sẽ là người đầu tiên quay lại nếu có cách nào đó, nếu nó an toàn, không chỉ cho tôi mà còn những người khác.”

Mirwais Azimi, một người Afghanistan từ Herat, đã nói về tình hình nhân đạo ở Afghanistan. Cho đến khi bỏ trốn, ông dạy quan hệ quốc tế tại một trường đại học.

“Mỗi buổi tối chúng tôi đều nghĩ về Afghanistan. Chúng tôi có thể an toàn ở đây, trên đất Ý, nhưng về mặt tinh thần thì chúng tôi bồn chồn. Chúng tôi đau khổ nhiều như họ, những người còn lại ở Afghanistan đang phải chịu đựng tất cả sự nghèo đói”.

“Đồng đô la đã tăng gấp đôi. Một đô la trị giá 75 Afghanistan, nhưng vài ngày trước nó đã chạm mức 120. Giá có lẽ đã tăng 200%. Đói nghèo đang hủy hoại con người chúng tôi. Tôi luôn nghĩ về việc khi nào tôi sẽ có thể trở lại”.

Đau khổ không chỉ ở bên trong biên giới Afghanistan, Najma Yawari, 23 tuổi, người đã chạy trốn khỏi Kabul cách đây 3 năm nhưng bị giam hai năm trong trại tị nạn ở Lesbos, Hy Lạp, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm gần đây.

Cô đến Ý nhờ các hành lang nhân đạo do Cộng đồng Sant'Egidio tài trợ.

Tối qua tại Milan, cô nói: “Vẫn còn nhiều người Afghanistan ở Lesbos; họ không thể ra ngoài, không thể học tập, không thể làm việc. Đây không phải là cuộc sống. Tôi hy vọng rằng sẽ đến ngày không còn chiến tranh nữa và mọi người có thể sống mà không cần lo lắng về tương lai của mình”.


Source:Asia News
 
Tin Vui: Vị Giáo Hoàng 33 ngày sẽ được tuyên Chân Phước vào tháng 9. Ý nghĩa của Merry Christmas
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:18 26/12/2021

1. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sẽ được tuyên Chân Phước tại Rôma vào tháng 9 năm tới

Đức Gioan Phaolô I sẽ được tuyên Chân Phước trong một buổi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 4 tháng 9 năm 2022. Quyết định này đã được công bố trong một bài báo đăng trên tờ báo Ý L'Avvenire của Hội Đồng Giám Mục Ý. Tin này được Stefania Falasca đưa ra vào ngày 23 tháng 12 năm 2021. Stefania Falasca là nhà báo kiêm phó cáo thỉnh viên án tuyên Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô I. Trước đây, việc tuyên Chân Phước đã được tường thuật là diễn ra trước Lễ Phục sinh, mặc dù, Tòa thánh chưa hề xác nhận ngày tuyên Chân Phước vào thời điểm đó.

Vị giáo hoàng thứ 263, Luciani Albino, người Ý, chỉ trị vì có 33 ngày vào năm 1978. Có biệt danh là “Giáo hoàng mỉm cười”, ngài qua đời vì một cơn đau tim vào đêm 28 tháng 9.

Vào ngày 13 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một sắc lệnh của Bộ Tuyên thánh công nhận một phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của ngài.

Điều kỳ diệu đã xảy ra vào ngày 23 tháng 7 năm 2011, ở Buenos Aires, Á Căn Đình, khi một bé gái 11 tuổi hồi phục một cách không thể giải thích về mặt Y khoa sau “bệnh não viêm cấp tính nặng” và “chứng động kinh ác tính” sau vài tháng trong bệnh viện và khả năng tử vong được tiên liệu đã gần kề.

Bài báo trên L'Avvenire chỉ ra rằng tính từ năm 1900 đến nay, Đức Gioan Phaolô I là vị giáo hoàng thứ sáu đã được mở án tuyên chân phước. Trong nhóm này, bốn vị đã được tuyên thánh là Thánh Piô X, Thánh Gioan XXIII, Thánh Phaolô Đệ Lục và Thánh Gioan Phaolô II.
Source:Aleteia

2. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Quebec hủy bỏ các Thánh lễ Giáng Sinh

“Trước tình hình sức khỏe ngày càng xấu đi, Tổng Giám mục Thành phố Quebec đã quyết định đình chỉ tất cả các Thánh lễ trong giáo phận của mình từ nửa đêm ngày 23 tháng 12 đến ngày 10 tháng Giêng năm 2022. Sẽ không có Thánh lễ Giáng Sinh tại Thành phố Quebec”.

“Tôi biết rằng sẽ rất thất vọng nếu không được tụ tập trong nhà thờ trong năm nay để tổ chức lễ Giáng Sinh và Năm mới, nhưng tôi coi nhiệm vụ của chúng ta là tham gia vào nỗ lực tập thể để ngăn chặn sự lây lan thêm của coronavirus,” Đức Hồng Y Gérald C. Lacroix, Tổng giám mục của Thành phố Quebec, cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra ngày 22 tháng 12.

Trước tình hình sức khỏe ngày càng xấu đi, Đức Tổng Giám Mục, với sự tham khảo ý kiến của các linh mục và ban lãnh đạo các giáo xứ, đã quyết định tạm dừng tất cả các lễ kỷ niệm từ ngày 23 tháng 12 năm 2021 cho đến ngày 10 tháng Giêng năm 2022, trừ tang lễ.

Các thánh lễ Giáng Sinh hiển nhiên bị ảnh hưởng bởi quyết định mới này. Đây là một đòn nặng giáng lên các tín hữu Công Giáo đang chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh vào ngày 25/12.

Các nguồn trực tuyến để theo dõi lễ Giáng Sinh

Một lá thư chi tiết được gửi vào ngày 22 tháng 12 cho các nhà lãnh đạo giáo xứ giải thích quyết định khó khăn này, được thực hiện trên tinh thần đoàn kết với những người dễ bị tổn thương nhất. Trong khi các thánh lễ bị đình chỉ, các nhà thờ vẫn rộng mở cho các tín hữu đến cầu nguyện nếu họ đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra sức khỏe cộng đồng. Tang lễ cũng sẽ được cho phép theo các biện pháp do Chính phủ Quebec ban hành.

Bất chấp những hoàn cảnh như vậy, Đức Tổng Giám Mục khuyến khích các tín hữu “dành thời gian để suy nghĩ, trao đổi và cử hành tại nhà.”

Một số tài nguyên trực tuyến (bài đọc, lời cầu nguyện, phụng vụ gia đình…) có sẵn cho các tín hữu để kỷ niệm Chúa Giáng Sinh tại nhà của họ. Thánh lễ Giáng Sinh cũng sẽ được phát trên truyền hình hoặc trên Internet.
Source:Aleteia

3. Ý nghĩa thiêng liêng của lời chúc Merry Christmas

Khởi thủy, cụm từ “Merry Christmas” được sử dụng với ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, cầu chúc một ai đó bình an trong tâm hồn vào ngày lễ Giáng Sinh.

Vào thời điểm này trong năm, thường có nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội xung quanh ý nghĩa của cụm từ, “Merry Christmas”. Một số người yêu thích cụm từ này, trong khi những người khác tỏ ra coi thường nó.

Dù sở thích của một người có thể là gì, thì nguồn gốc của cụm từ này vẫn mang ý nghĩa tinh thần.

Trước hết, một trong những ghi chép sớm nhất về cụm từ này đến từ Thánh John Fisher, người đã viết cụm từ đó trong một bức thư gởi cho Thomas Cromwell vào năm 1534.

Với lá thư này tôi cầu xin bạn chấp nhận cho tôi theo lòng bác ái của ngài. Và vì điều này, Chúa của chúng ta ban cho ngài một merry Christmas - lễ Giáng Sinh vui vẻ - và thoải mái theo ước muốn của tâm hồn ngài.

Thông thường ngày nay từ “vui vẻ” được sử dụng để biểu thị cảm giác hân hoan nói chung. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng trong trường hợp của Thánh John Fisher.

Francis Xavier Weiser giải thích nguồn gốc của cụm từ này trong cuốn sách Sổ tay các Lễ và Phong tục Kitô của ông.

Khi lời chào này ban đầu được sử dụng, từ vui vẻ không có nghĩa là “vui vẻ, vui nhộn” như ngày nay. Trong những ngày đó, nó có nghĩa là “được chúc lành, bình yên, an lạc”, thể hiện niềm vui tinh thần hơn là hạnh phúc trần thế.

Bài hát Giáng Sinh nổi tiếng “God rest you merry, gentlemen” – “Chúa ban cho các ngài niềm an lạc, thưa quý ông” - là một ví dụ tuyệt vời về ý nghĩa ban đầu của từ vui vẻ. Vị trí của dấu phẩy cho thấy rõ ràng ý nghĩa thực sự của từ merry. Trong bối cảnh này từ merry không phải là một tính từ bổ túc cho danh từ “quý ông”, và do đó không phải là “Chúa ban cho quý ông vui vẻ” mà là “Chúa ban cho các ngài niềm an lạc, thưa quý ông”.

Tiết lộ này làm cho cụm từ, “Merry Christmas”, thậm chí còn mang tính tâm linh hơn (và có thể gây tranh cãi hơn).

Nếu bạn muốn chúc ai đó một Giáng Sinh vui vẻ về mặt thiêng liêng, hãy tiếp tục và nói với họ, “Merry Christmas!”
Source:Aleteia