Ngày 26-12-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kỷ Niệm Đẹp - Lễ Thánh Gia Thất
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
00:51 26/12/2008
Kỷ Niệm Đẹp - Lễ Thánh Gia Thất

(Nhân kỷ niệm năm thành hôn)

Có một cặp vợ chồng chuẩn bị mừng kỷ niệm Kim Khánh Hôn phối. Hai cụ muốn ôn lại những kỷ niệm thật đẹp của thuở mới quen nhau rồi yêu nhau. Cụ ông mới nảy ra sáng kiến ôn lại kỷ niệm hẹn hò nhau đầy thơ mộng ngày nào. Cụ ông nói:

- Tối nay, mình hẹn nhau ở gốc cây đa đầu làng nhé! Tôi sẽ cho bà một sự ngạc nhiên thú vị.

- Đồng ý, 7 giờ tối nhé ông?

- Nhưng bà nhớ đúng hẹn đấy!

Suốt buổi chiều hôm đó, cụ ông thấp thỏm đứng ngồi không yên, mới 6 giờ mà cụ đã tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, khoác trên mình bộ quần áo mới mà các con vừa tặng. Ông cũng không quên mang theo hàm răng giả và chiếc gậy đầu rồng.

Thấp tha thấp thỏm thế xem ra căng thẳng quá! Cụ ông lặng lẽ đi đến chỗ hẹn. Tới nơi, nhìn đồng hồ mới 6g30 phút. Cụ nôn nào hồi hộp, sao thời gian trôi qua chậm thế, chốc chốc lại nhìn về hướng nhà mình xem bà cụ ra chưa.

Thế rồi 7 giờ cũng đã đến, nhịp tim tăng tốc dần lên. Bồn chồn chờ đợi, dáo dác nhìn quanh. Cụ bà vẫn biệt vô âm tín. Một tiếng đồng hồ qua đi mà vẫn không hề thấy bóng dáng người tình đâu!

Giận quá, cụ ông bèn hối hả trở về xem sự thể ra sao. Bước vào nhà, thấy cụ bà đang nằm ngủ ngon trong mùng. Cụ ông gắt lên:

- Tại sao hẹn 7 giờ mà bà còn nằm đây?

- Bấy giờ cụ bà mới âu yếm nhìn cụ ông thỏ thẻ: Em muốn ra lắm nhưng mà ba má không cho, mà trốn cũng không được, đành phải ở nhà đó!

Quả thực thời kỳ hẹn hò đó là một thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời đôi lứa. Có yêu nhau người ta mới khao khát hẹn hò gặp nhau. Có yêu nhau người ta mới dám trốn cha trốn mẹ chạy ra gặp chàng. Có yêu nhau người ta mới dám chờ đợi nhau. Chờ đợi 1 tiếng, hai tiếng hay có khi nhiều tháng ngày dài, miễn sao có dịp để họ biểu lộ tính chân thật của tình yêu.. Có lẽ Hồ Zếnh cũng có kinh nghiệm về những lần bị người yêu cho leo cây nên ông mới nói:

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến

Để lòng buồn anh dạo mãi quanh sân


Cầm điếu thuốc trên tay cháy lụi dần

Anh khẽ nói: gớm sao mà nhớ thế!

Vâng tình yêu càng trải qua những khó khăn, càng làm cho mối tình thêm đậm đà. Họ càng hiểu biết nhau hơn. Họ càng gắn bó với nhau hơn. Tựa như cùng đi trên một chuyến đò, nếu cứ bình yên, có lẽ họ gặp nhau trên một chuyến đò, họ nói chuyện, họ quen nhau nhưng rồi khi gặp bến đò khác họ lại lặng lẽ chia tay nhau. Nhưng nếu giữa dòng họ gặp sóng gió, họ cùng nhau vượt qua, họ cùng nắm tay nhau để “Tam tứ núi cũng trèo - Thất bát sông cũng lội – Thập cửu đèo cũng qua”, thì tình yêu của họ qua những gian nan đó, đã làm cho họ càng gắn bó với nhau hơn, cho tình yêu của họ thêm đậm đà hơn.

Hôm nay chúng ta cùng với hơn 100 gia đình mừng kỷ niệm năm thành hôn. Vâng, mới đó mà đã 5 năm, 10 năm, 50 năm và 60 năm. Cuộc tình cũng trải qua rất nhiều sóng gió, nhưng càng sống bên nhau càng cảm nhận được rằng: không ai có thể thay thế cho người bạn đời của mình. Thời gian đã làm cho hai con người xa lạ hoà quyện nên một với nhau, khăng khít, bền vững. Thời gian đã giúp cho hai con người với những cá tính khác nhau, có khi đối nghịch với nhau nay càng hiểu nhau hơn.

Chính vì thế mà hôm nay chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa đã tác thành hai con người xa lạ nên duyên vợ chồng. Tạ ơn Chúa đã kết mối tơ hồng cho họ có nhau để cùng chia sẻ mưa nắng, buồn vui trong kiếp người. Tạ ơn Chúa đã giúp họ vượt qua những thăm trầm của dòng đời, và cùng nâng đỡ nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan để yêu thương nhau trọn đời.

Có thể nói: Hai con người nhưng một cuộc đời. Hai con người xa lạ nhưng dường như đã gắn bó với nhau từ bao giờ. Vì chỉ có hai con người này mới xứng đôi vừa lứa với nhau. Vì chỉ có hai con người này mới tâm đầu ý hợp với nhau. Quý vị đã chọn nhau hay Thiên Chúa đã chuẩn bị trước từ bao giờ? Tại sao quý vị chỉ chọn một người duy nhất trên đời này/ đang khỉ ở trần gian có hàng tỉ người? Tại sao quý vị lại phải quan tâm đến một người đang khi cả xã hội này đang cần bạn quan tâm? Và như vậy, dường như đã có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa chuẩn bị sẵn cho quý vị có đôi. Đó cũng là ý tưởng thật gần gũi, thân thương và nhà thơ Đỗ Trung Kiên đã diễn tả qua bài thơ Đôi dép. Bài thơ này anh viết tặng người bạn đời đã hy sinh. Anh cảm thấy rằng: không ai có thể thay thế cho người bạn trăm năm mà trời đã xe định. Vì thế mọi thay thế sẽ trở thành khặp khiễng, và vô duyên. Bài thơ được diễn tả như sau:

Bài thơ đầu Anh viết tặng Em,

Là bài thơ Anh viết về đôi dép.

Khi nỗi nhớ trong lòng da diết.

Những vật tầm thường cũng viết thành thơ.

Hai chiếc dép kia gặp gỡ từ bao giờ.

Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước?

Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược,

Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau.

Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao

Cùng chia xẻ sức người chà đạp.

Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác.

Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia.

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi.

Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng.

Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết,

Hai chiếc này không phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau,

Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía.

Dẫu bên cạnh vẫn có người thay thế,

Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành,

Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối,

Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội,

Lối đi nào cũng có mặt cả đôi,

Không thể thiếu nhau trong những bước đường đời,

Dẫu mỗi chiếc ở mỗi bên phải trái.

Nhưng Anh yêu Em bởi những điều ngược lại,

Gắn bó đời nhau bởi một lối đi chung,

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song,

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc,

Chỉ một chiếc là không còn gì hết,

Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.


Đôi dép là vậy, còn tinh nghĩa vợ chồng thì sao? Cha ông ta vẫn đề cao sự trung thuỷ vợ chồng, cho dù có phải trải qua những gian truân vất vả, những khó khăn trắc trở, nhưng vẫn phải trung thành với nhau, vì

“Tay bưng bát muối chấm gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”.

Vì thế, hôm nay ngày kỷ niệm thành hôn, chúng ta hãy cùng nói lại với nhau điều thề ước luôn trung thành với nhau cho đến trọn đời:

“Lời thề chứng có non có nước

Vàng tan ngọc nát vẫn còn thương nhau”

Cầu chúc quý vị luôn biết noi gương gia đình thánh gia, luôn tin tưởng lẫn nhau, luôn hoà thuận với nhau, luôn cùng nhau vượt qua những gian nan để yêu nhau và kính trọng nhau trọn đời. Amen
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:15 26/12/2008
NGƯỜI CHẾT

N2T


Dấu hiệu đại sư viên tịch càng ngày càng rõ ràng, các đệ tử rất đau thương.

Đại sư mĩm cười nói: “Các con có nhìn thấy không, sự chết đem lại cô độc cho cuộc sống.”

- “Không, chúng con mong rằng thầy vĩnh viễn không chết.”

- “Phàm là những gì đã sống thực thì đều phải chết, nhìn những cánh hoa ấy, chỉ có những hoa bằng nhựa mới vĩnh viễn không chết.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có sống thì nhất định phải có chết, đó là quy luật tự nhiên của vũ trụ, không có gì tồn tại mãi mà không qua đi, chỉ có hoa làm bằng ny lon bằng nhựa thì mới không chết, vì nó không sống thật.

Chúa Giê-su trong thân phận con người Ngài cũng đã chết, nhưng sau ba ngày thì Ngài sống lại và vĩnh viễn không chết nữa, đó là niềm tin lớn nhất của người Ki-tô hữu: sự sống vĩnh hằng chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi.

Con người ta sẽ không trường sinh bất tử, nhưng việc làm của họ có thể lưu lại đến hàng ngàn năm sau, mà người ta thường nói: cọp chết để da, người chết để tiếng, đó chính là tiếng tốt hay tiếng xấu, việc lành hay việc dữ.

Con người ta ai cũng phải bước qua ngưỡng cửa sự chết, nhưng người Ki-tô hữu thì xác tín rằng: chết không phải là hết, nhưng là bắt đầu cuộc sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa trên thiên đàng, hoặc bị trừng phạt đời đời trong hỏa ngục với ma quỷ.

Cả hai đều là bất tử vậy: bất tử để hưởng hạnh phúc và bất tử để bị trừng phạt.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:17 26/12/2008
N2T


48. Trong từ bỏ, chúng ta có thu thập; khi chúng ta khoan thứ cho người khác, thì chúng ta cũng được khoan thứ; khi mạng sống mất đi, thì chúng ta sẽ được sống lại và được sự sống vĩnh viễn.

(Thánh Francis of Assisi)
 
Môi sinh học nhân bản: Như một thông điệp của mùa Giáng Sinh năm nay
Nguyễn Kim Ngân
20:21 26/12/2008

MÔI SINH HỌC NHÂN BẢN: NHƯ MỘT THÔNG ĐIỆP CỦA MÙA GIÁNG SINH NĂM NAY



Theo tin từ Zenit.org, ngày 22 tháng 12, 2008, khi trao đổi những lời chúc mừng giáng sinh đến cho các thành viên trong Hội Đồng Tư Vấn Rôma, Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđíctô XVI đã gửi ra lời cảnh báo về việc bảo vệ môi sinh, một chủ đề rất ăn khách, và cũng là một đề tài được chính trị hóa nhằm kiếm phiếu trong kỳ bầu cử vừa qua tại Hoa Kỳ. Ngài nói rằng trong khi công trình bảo vệ môi sinh tự nhiên vẫn được Giáo Hội coi như là một sứ mệnh cốt yếu của mình trong lòng thế giới hôm nay, điều không kém quan trọng chính là việc bảo vệ bản tính của con người. “Ecology of man” (tạm dịch: môi sinh học nhân bản), là từ ngữ ĐTC dùng ám chỉ quan điểm này. Ngài giải thích rằng trong khi nỗ lực bảo vệ trái đất, nước uống, không khí, như là những món quà mà Tạo Hóa ban tặng, thì Giáo Hội cũng phải bảo vệ chính con người khỏi hiểm họa diệt vong. Nền tảng của môi sinh học nhân bản này chính là việc tôn trọng bản tính con người, và tôn trọng cả hai giới tính nam nữ. Vẫn theo ĐTC, bảo rằng bản tính con người là có nam có nữ, và bảo rằng phải tôn trọng cái trật tự vốn đã được Thiên Chúa tạo dựng này thì không hề có nghĩa đề cao một thứ sịêu hình học đã lỗi thời. Trái lại, đó chính là nói lên niềm tin vào Đấng Tạo Hóa cũng như kêu mời việc lắng nghe thứ ngôn ngữ của cuộc tạo dựng. Đây là điều mà nếu coi thường sẽ dẫn đến sự hủy hoại chính con người. ĐTC cũng lên tiếng cảnh báo về trào lưu đang thao túng, cả trên cấp quốc gia lẫn quốc tế, khi người ta cố gắng làm biến chất từ ngữ “giới tính,” qua đó, con người muốn tự giải phóng ra khỏi tầm ảnh hưởng của tạo vật và của Tạo Hóa. Ngài nói: “Con người muốn tự tạo ra mình, và muốn tự mình quyết định lấy vận mệnh của mình.” Như thế là đi ngược lại sự thật, ngược lại với Thánh Thần sáng tạo. Hẳn nhiên là phải bảo vệ những khu rừng nhiệt đới, thế nhưng điều quan trọng không kém chính là bảo vệ chính con người xét như một loài thụ tạo, đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Nhân ngày Thiên Chúa giáng trần để cứu độ và chuộc lại thân phận nguyên tuyền của con người trước khi nguyên tổ sa ngã, thiết tưởng không còn gì thích hợp hơn lời ĐTC cảnh báo nói trên. Đó như là một thông điệp gửi đến cho loài người hôm nay, khi họ càng ngày càng biểu tỏ xu hướng chối bỏ chính bản chất của mình. Nói cách khác, con người ngày càng tỏ ra thái độ không còn muốn làm người nữa, không còn muốn sống cho ra người nữa. Trái lại, con người muốn sử dụng lý trí của mình để không chỉ chối bỏ tất cả những gì đã được Thiên Chúa yêu thương ban tặng cho mình, mà còn để chối bỏ ngay cả chính Thiên Chúa nữa. Con người không dưng muốn đảo lộn toàn thể trật tự mà Thiên Chúa đã tạo tác an bài.

Phải chăng đó là do não trạng ‘duy trần tục’: chỉ có cuộc đời này mà thôi, chỉ có cuộc sống dương gian này mới có giá trị, đời sau chỉ là bánh vẽ không tưởng? Thế thì tại sao laị không hưởng thụ theo kiểu “chơi xuân kẻo hết xuân đi? Làm gì có Chúa có Bà! Chỉ có con người mà thôi! Và làm gì có tội, làm gì có lỗi! Bởi vì tội lỗi chẳng qua chỉ là xúc phạm đến Chúa. Mà nếu đã không có Chúa thì còn tội lỗi gì nữa? Có chăng là phạm đến người khác mà thôi! Thế là đến lượt nhóm ‘duy nhân bản’ thò đầu ra, với hai nguyên tắc căn bản: (1) Nguyên tắc tự do cá nhân: con người được tự do thoải mái về mặt luân lý, muốn làm gì thì làm, miễn là đừng gây thiệt hại đến ai là được; (2) Nguyên tắc nhẫn nhục: ta phải biết nhẫn nại chịu đựng hành vi của người khác, miễn là hành vi này không gây thiệt hại đến ai là được.

Rằng nghe hay thật là hay, nhưng liệu có được như vậy hay chăng? Hay là vừa quay đi quay lại, con người đã trở thành lang sói với nhau? Lý do đơn giản là: nếu không có Thiên Chúa, thì yêu thương tha nhân có còn ý nghĩa gì nữa chăng? Hẳn nhiên là còn tình nhân loại. Thế nhưng, cái được gọi là “yêu thương tình loài người” này liệu sẽ kéo dài được bao lâu nếu Thiên Chúa được “kính mời” đi chỗ khác chơi? Khi đó, câu nói của Ca-in trả lời câu hỏi của Chúa: “Em Abel đâu rồi?” sẽ là chủ trương tất yếu—dù muốn hay không—của cái gọi là chủ nghĩa ‘duy nhân bản không Thiên Chúa’: “Làm sao tôi biết được? Chẳng lẽ tôi phải trông nom săn sóc em tôi sao?” (Gen 4:9)

Lại nữa, Chúa đã dựng nên loài người có nam có nữ, thì con người lại muốn chối bỏ sự khác biệt giới tính, viện cớ là mình chỉ cần sự bình đẳng mà thôi. Bình đẳng nhất thiết không đội trời chung với khác biệt chăng? Bình đẳng thì phải giống hệt như nhau sao? Nếu thế thì còn gì là hấp dẫn lưỡng cực nữa? Còn gì là nguyên lý âm dương nữa? Còn gì là ‘trợ tá tương xứng’ nữa? (Gen 2:18) Và “Em yêu ơi, nếu em cũng như anh, và nếu anh chẳng khác gì em, thì thử hỏi cuộc đời này còn đáng sống nữa chăng?”

Dường như con người đang “sáng tai họ, mà điếc tai cầy” khi cứ lo cứu lấy đàn cá voi con cho khỏi tuyệt chủng, mà chẳng hề quan tâm đến hàng triệu thai nhi đang bị ngậm ngùi bức tử. Đúng là “việc nhà thì nhác, còn việc bác lại siêng.” Nhà mình gần sập đến nơi thì không màng, cứ lo lăng xăng giúp thu dọn cho nhà hàng xóm! Cái mớ hỗn độn do con người tạo nên khi phá đổ trật tự mà Tạo Hóa đã an bài đang vùi dập chính con người vào trong cái thế ‘mê hồn trận’ không còn lối thoát. Khi chối bỏ bản chất của mình, con người trở thành vong thân. Hay nói nôm na thì thế này: khi con người từ chối làm người, nó sẽ tức khắc trở thành ‘ngợm’!

Nhưng may mắn thay, Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Ngài đã nhập thể trở thành một người như ta, và đã nhập thế ở cùng với ta, ngõ hầu nhắc nhở cho ta sự thật về chính con người: đó là được tạo dựng “theo hình ảnh và giống y như Chúa; Chỉ nguyên sự kiện này cũng đủ nói lên phẩm giá bất khả tha hóa của từng mỗi con người…Hãy nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để thấy ta thực sự là như thế nào trong ánh mắt của Thiên Chúa.” Đó là lời của ĐTC Gioan Phaolô II nói cho giới trẻ tại Manila (Phi Luật Tân) năm 1995. Cũng chính Ngài đã nói tương tự như thế khi đến Denver (Tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ) trong dịp Đại Hội Giới Trẻ thế giới vào năm 1993: “Chỉ nơi Chúa Giêsu Kitô mà con người—cả nam lẫn nữ - mới tìm được câu trả lời cho những thắc mắc đang làm mình trăn trở. Chỉ nơi Chúa Kitô mà con người mới thấu hiểu trọn vẹn phẩm giá của mình như là những nhân vị đã được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.”

Tham khảo:

Pontiff Calls for "Ecology of Man," Warns Against New Theories of "Gender" (zenit.org, Dec. 23, 2008)

On the Meaning and Value of Our Lives—Christ appeals to our free decision to accept his love” (zenit.org, Dec. 17, 2008)

Mùa Giáng Sinh 2008
 
Mái ấm gia đình
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
22:59 26/12/2008
Lễ Thánh Gia Thất

Vào Hiệp hội Thương Mại quốc tế, đất nước chúng ta càng ngày càng mở cửa ra cho nền kinh tế thị trường phát triển. Thế là bao Công ty, doanh nhân nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam kinh doanh buôn bán. Cửa mở thì gió lùa vào. Gió lành lẫn gió độc chen nhau vào. Những người có chút lương tri đều băn khoăn trước những cơn gió độc làm băng hoại các giá trị tinh thần đạo đức. Một trong những cơn gió độc cần chân nhận đó là sự sa sút của nền tảng xã hội đó là gia đình.

Không phải chúng ta quen thói bài ngoại. Nhưng chính một số nhà đạo đức của trời Tây- Mỹ cũng đã từng nhìn nhận thực trạng này trên quên hương của họ. Bác sĩ Benjamin Spack đã có những nhận định về tình trạng trên cùng với những nguyên nhân như sau trong cuốn sách được hâm mộ của ông. Đó là:

1.Vì thích độc lập, sống riêng rẽ nên các gia đình trẻ mất sự hổ trợ, mất sự đùm bọc yêu thuơng của cha mẹ, anh chị em.

2. Cuộc sống kinh tế nghề nghiệp làm các gia đình hay thay đổi chỗ ở, làm mất tình làng nghĩa xóm ( bà con xa không bằng láng giềng gần ).

3. Cũng do sinh kế mà cả cha lẫn mẹ đều bôn ba cảnh cơm áo gạo tiền và vì thế thiếu thời giờ dành cho nhau, dành cho con cái.

4. Nạn ly hôn ngày càng phổ biến ảnh hưởng rất tai hại trên con cái, trên sự thiêng liêng của đời gia đình.

5. Óc thượng tôn của cải khiến vật chất thành thước đo giá trị làm cho con người thiếu niềm tin vào các giá trị tinh thần và đạo hiếu là một trong những số phận hẩm hiu ấy.

Hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta hướng cái nhìn đến gia đình Nagiarét để chiêm ngắm nền tảng tuyệt vời của xã hội là gia đình thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Đặc biệt năm nay cùng với Hội Thánh Việt Nam chúng ta sống chủ đề Giáo Dục Gia Đình, xin cùng nhau nhớ lại lời dạy của Đức Phaolô VI: “Ước gì Nagiarét dạy chí chúng ta biết ý nghĩa của gia đình là trường học của Tin Mừng. Ở đó có một sự hiệp thông trong tình yêu, một vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, một sự linh thánh bất khả xâm phạm”. Gia đình chính là mái trường đào tạo con người cách hữu hiệu tuyệt vời mà không có nơi nào có thể sánh ví.

1.Gia đình: nơi huấn luyện con tim. Vì yêu thương hai trái tim chung nhịp đập tìm đến nhau và nên duyên vợ chồng. Tình yêu này trổ sinh hoa trái là những đứa con.

Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ.
Cuộc đời nằm giữa yêu thương
.

Thi sĩ Tế Hanh diễn tả một hình ảnh quen thuộc nhưng rất thân thương. Hài Nhi Giêsu nằm đó trong máng cỏ giữa mẹ Maria và thánh Giuse hẳn gợi nhớ cho chúng ta nhiều điều. Chỉ với tình yêu và trong tình yêu của Đấng Tạo Thành thì người chồng, người cha, người vợ, người mẹ và cả đàn con mới có thể vượt qua nhiều sóng gió cuộc đời. Maria với bào thai trong dạ hẳn mang nhiều trăn trở, nhiều thao thức trước tấm lòng của Giuse, người bạn đã đính hôn với mình, và trước cả cái án tử hình ném đá theo luật hiện hành. Mẹ đã vượt qua, nhờ yêu Chúa và yêu người bạn đời. Giuse không muốn làm hại bạn mình chỉ vì yêu. Và bởi mến Chúa, sau khi được sứ thần báo mộng, ngài đã đón Maria và Hài nhi trong dạ về nhà. Hai trái tim tràn đây tình yêu đã góp phần cho Đấng là Tình Yêu chào đời, dù cho lòng người lúc ấy lắm bạc bẽo. vô tình.

2. Gia đình: nơi đào tạo niềm tin. Đã yêu hẳn nhiên dẫn đến sự tin cậy. Tin tưởng, tín nhiệm nhau là một trong những dấu chỉ của tình yêu. Tin Mẹ Maria, thánh cả Giuse không một lời cật vấn, hỏi han. Tin vào Chúa, dù thánh ý Người chỉ bàng bạc trong giấc mộng, Giuse đã mau mắn thi hành là đón nhận Maria về nhà cũng như sau đó đưa Hài Nhi và Mẹ Người đi lánh nạn sang Ai Cập một thời gian rồi lại trở về quê hương. Đón nhận Ngôi Hai nhập thể bằng tiếng xin vâng là một hành vi quả cảm của cô thôn nữ làng quê Nagiarét. Hành vi ấy chắc chắn được thực hiện nhờ lòng tin vào người bạn đời, Giuse. Sau khi tìm được Giêsu tại đền Thờ trong chuyến lên Giêrusalem hành hương, cả Maria và Giuse dù chưa hiểu câu nói của Chúa Giêsu: “Sao Cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?”, thì cả hai ông bà vẫn tin vào con. Chắc chắn với niềm tin của Maria và Giuse đã góp phần dệt nên một Đấng Cứu độ sau này khi đi rao giảng tin mừng thường đòi hỏi lòng tin nơi cử toạ, nơi những người muốn đón nhận ân phúc của Người. Và chúng ta không quên Người đã từng than thở rằng liệu khi Người trở lại còn thấy niềm tin trên mặt đất này chăng.

Niềm tin và tình yêu là hai yếu tố căn bản gìn giữ sự ổn định và phát triển của xã hội loài người. Đó cũng chính là những yếu tố nền tảng giúp con người phát triển và tồn tại. Khi con người không còn yêu thương nhau thì tai hoạ sẽ ập đến, vì lúc bấy giờ người với người là những con thú dữ chỉ biết tranh giành, ăn thua đủ để sống còn. Khi con người không còn tin tuởng nhau thì sẽ không có chuyện gì tốt đẹp tồn tại. Không có niềm tin thì chẳng có hợp đồng, chẳng có thoả thuận… Không có niềm tin thì chẳng có sự chung sống, và cũng chẳng có bất cứ sự cộng tác nào một cách đúng nghĩa.

Mái trường đầu tiên để con người học được chữ tình và chữ tin đó là gia đình. Gia đình đổ vỡ thì xã hội suy tàn và chính con người sẽ bị tận diệt. Mừng kính lễ thánh gia thất Chúa Giêsu, mẹ Maria và thánh cả Giuse hôm nay, một lần nữa thánh ý Chúa và lời dạy của Hội Thánh nhắc bảo chúng ta cần trân trọng giá trị cao quý của mái ấm gia đình, cần nổ lực bảo vệ các giá trị cao quý của hôn nhân. Một trong những cách thế trân trọng và bảo vệ gia đình đó là hãy biến gia đình chúng ta thành mái trường đích thực, nơi đào tạo tình yêu, nơi huấn luyện niềm tin.
 
Lễ thánh gia thất
LM Trần Văn Đoàn
23:01 26/12/2008
Ý CHỦ LỰC SUY NIỆM SUỐT TUẦN

Lạy Con Một và Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng bất diệt, vì phần rỗi chúng con, đã khấng mặc xác nơi mẹ Thánh Chúa Trời và muôn đời đồng trinh Maria, Đấng không hề thay đổi đã trở nên người phàm và đã bị đóng đinh thập giá, Ôi Chúa Kitô Chúa trời của chúng con, Chúa đã dùng cái chết và làm một với Thiên Chúa Ba ngôi, được tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Thánh Thân, xin cứu chúng con (St. John Chrysostom ccc 469)

LỄ THÁNH GIA THẤT –A

Gia đình Kitô hữu là một cộng đòan nhân vị, là dấu chỉ và là hình ảnh của công đòan Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Gia đfinh được goi hiệp thông kinh nguyện và hy tế của Đức Kitô. Gia đình KItô hữu cò bổn phận phúc âm hóa và thừa sai (CCC, 2205).

Ước chi lòng anh em phấn khởi vì được Đức Kitô ban tặng bình an. Ước chi lời Người hằng sinh hoa kết quả dồi dào trong anh em thật (x Cl 3, 15a.16a). Phụng vụ hôm nây bày tỏ tình yêu ban niềm vui nhờ lời của Thiên Chúa Ba Ngôi và mời gỏi ta thực hành.

Thi hành ý Thiên Chúa thì ta được nên công chính, thánh thiện. 13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,20 báo mộng cho ông rằng: Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét. (Mt 2, 13-15.19-23).

Thiên Chúa chúc lành cho những ai giữ những đức tính gia đình. 3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, 4 ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. 5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. 6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. (Hc 3, 2-6, 12-14).

Thiên Chúa chúc lành cho gia đình kính sợ Thiên Chúa. 1 Đ. Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. 2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. (Tv 127, 1-2. 4-5. Đ. 1a)

Mọi đức tính gia đình phát xuất từ sự kinh trọng và yêu mến Thiên Chúa. 18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa.19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. (Cl 3, 12-21).

Thiên Chúa đã xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người chúng ta chúng ta; để cảm nhận được lòng Thiên Chúa yêu thương ta thế nào ta hãy suy
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:08 26/12/2008
TIỀN ĐÁNH BẠC

N2T


Chủ đề sư phụ giảng là “sự sống”.

Một hôm, ông ta nói đến việc đã từng trãi qua của một phi công, viên phi công này trong thời đệ nhị thế chiến đã lái máy bay chuyên môn đưa công nhân từ Trung Quốc đến trong rừng sâu của Miến Điện để sửa chữa đường sá, trên đoạn đường bay này vừa dài vừa đơn điệu, nên các công nhân ngồi lại đánh bạc với nhau, vì họ là những người nghèo rớt mồng tơi, không có tiền để đánh bạc, thế là họ lấy mạng sống của mình ra để đánh bạc, ai thua thì phải nhảy ra khỏi máy bay mà không mang dù nhảy.

- “Đúng là chuyện khủng khiếp.” Các đệ tử rất kinh khiếp nói.

- “Đúng là khủng khiếp.” Đại sư nói tiếp: “Nhưng cách đánh bạc này như thế mới đủ nghiện.”

Khi ngày hôm ấy sắp hết thì sư phụ nói: “Khi các con dùng mạng sống của mình để đánh bạc, thì các con mới kể là người sống chính cống.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có người vì mê đánh bạc nên đem cả vợ con ra đánh bạc, có người mê cờ bạc nên đem nhà cửa ra đánh, nhưng ít có người đem mạng sống của mình ra để đánh bạc, nếu không vì việc nghĩa hoặc vì chuyện tối quan trọng của quốc gia.

Mạng sống là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, cho nên con người ta dùng đủ mọi cách, mọi thủ đoạn để cho mình được sống còn trên thế gian này. Vì thế, cho nên có nhiều người vì yêu mạng sống mình ở đời này, nên bán cả lương tâm để được sống; có người không muốn chết nên bán cả bạn bè, và có khi bán đứng cả vợ con. Như thế cũng cho chúng ta biết rằng: đối diện với sự chết thì mới cảm thấy mạng sống là cao quý.

Người Ki-tô hữu xác tín rằng, mạng sống con người ở đời này là cao quý, nhưng sự sống sau khi chết mới là cáo quý hơn và đó mới là sự sống thật.

Cho nên, đùng đem sự sống bất diệt đời sau ra để đánh bạc trong cuộc sống hưởng thụ, tội lỗi của mình ở trần gian này, bởi vì không ai đánh bạc mà được hạnh phúc hoặc được sự sống đời đời mai sau...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:09 26/12/2008
LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng: Lc 2, 22-40.

“Hài Nhi ngày càng lớn lên, đầy khôn ngoan.”


Bạn thân mến,

Bạn và tôi, mỗi người đều có một gia đình, có ông bà, cha mẹ và anh chị em cùng với mọi người thân thuộc, và không ai là kẻ vô gia đình, không ai là không có cha có mẹ. Chúa Giê-su cũng không trở thành ngoại lệ khi xuống thế làm người, cho nên Ngài cũng có một gia đình như chúng ta, mẹ Ngài là Đức Mẹ Maria và cha nuôi của Ngài là thánh cả Giu-se, một gia đình như bao gia đình khác

Nhìn vào gia hang đá Bê-lem bạn và tôi học được gì nơi gia đình Na-da-rét này:

1. Hỡi những người làm cha trong gia đình, hãy học nơi thánh cả Giu-se sự công chính và thầm lặng, bởi chính ngài là người công chính luôn biết vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, và chính sự công chính này mà Thiên Chúa đã chọn ngài làm đấng bảo trợ, chăm sóc gia đình Na-da-rét là Đức Mẹ Maria và Chúa Giê-su. Ngài chính là mẫu gương của bạn và tôi là những người làm cha làm chồng trong gia đình, khi mà thế giới hôm nay các gia trưởng chỉ biết kiếm tiền và cung phụng vật chất cho gia đình, mà rất ít dạy dỗ con cái nên người. Noi gương thánh cả Giu-se chính là chúng ta biết rõ thân phận của mình là người thay mặt Chúa, để nuôi nấng dạy dỗ con cái mình theo ý của Thiên Chúa.

2. Hỡi những người làm mẹ, hãy học nơi Đức Mẹ Maria lòng khiêm tốn luôn suy niệm Lời Chúa trong cuộc sống của mình, Mẹ không những là người phụ nữ tuyệt vời trong hàng con cháu A-dong, mà còn là người mẹ đầy yêu thương của nhân loại. Chính khi sinh hạ Đấng cứu thế nơi cảnh nghèo hèn khó khăn này, Mẹ vẫn luôn tin tưởng vào ý định quan phòng của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Mẹ chính là mẫu mực tốt lành cho những người làm mẹ làm vợ trong gia đình, khi mà hạnh phúc gia đình càng ngày càng bị chính những người mẹ ích kỷ phá vỡ vì những đua đòi bon chen mà không quan tâm đến việc gia đình. Hãy học nơi Đức Mẹ Maria lòng khiêm tốn, yêu thương và phục vụ.

3. Hỡi những người làm con trong gia đình, hãy noi gương của Chúa Giê-su Hài Nhi, Đấng Thiên Chúa làm người. Ngài là mẫu mực tuyệt vời cho những kẻ làm con, nơi Ngài, người ta nhìn thấy một đứa con hiếu thảo biết vâng lời cha mẹ, biết giúp đỡ cha mẹ. Nơi Ngài, người ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa Cha khi Ngài công khai rao giảng tin vui Nước Trời cho nhân loại. Là thân phận Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su chưa bao giờ tỏ thái độ hống hách với cha mẹ mình, trái lại, Ngài chỉ biết vâng phục hai ngài mà thôi...

Bạn thân mến,

Ngày lễ Thánh Gia Thất hôm nay, Giáo Hội mời gọi bạn và tôi hãy nhìn thật rõ ràng những nhân vật trong hang đá Bê-lem, hãy suy tư thật nhiều mầu nhiệm yêu thương này, bởi vì chính nơi hang đá nghèo hèn này, một gia đình thánh thiện và là mẫu gương của mọi gia đình trên thế giới xuất hiện.

Nhìn vào gia đình Na-da-rét, bạn và tôi hãy cúi mình thờ lạy Con Thiên Chúa làm người, Ngài đến để đem yêu thương và bình an đến cho mọi gia đình trên thế giới, và hãy chiêm ngưỡng tinh thần bình an hạnh phúc của thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Maria trong cảnh thiếu thốn nghèo hèn này...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:10 26/12/2008
N2T


49. Toàn Hy Sinh là đánh ngã tôi, đó là cách giải thích tuyệt vời nhất, là đánh con người sa đọa của tôi…

(Cha Vincent Lebbe)
 
Các bài suy niệm Lễ Thánh Gia Thất
Nhóm Lời Chúa
23:19 26/12/2008
Các bài suy niệm Lễ Thánh Gia Thất

Lời Chúa: (Hc 3,3-7.14-17a hay St 15,1-6; 21, 1-3; Cl 3,12-21 hay Dt 11, 8.11-12, 17-19 Lc 2, 22-40 hay 2, 22. 39-40)

MỤC LỤC
1. Giáo hội cở nhỏ
2. Đức Kitô tiếp tục lớn lên
3. Gia đình, cộng đoàn yêu thương
4. Mái nhà lý tưởng
5. Dâng Chúa trong đền thờ - R. Gutzwiller
6. Chú giải của William Barclay
7. Chú giải của Noel Quesson
8. Chú giải của Fiches Dominicales
9. Chú giải của Giáo Hòang Học Viện Đà Lạt
10. Gương mẫu Thánh Gia
11. Hạnh phúc gia đình
12. Tiến dâng cho Chúa
13. Tình yêu và lòng kính trọng trong gia đình
14. Bếp lửa
15. Giáo hội nhỏ
16. Cha mẹ và con cái
17. Thánh Gia Thất- Lm. Munachi Ezeogu
18. Thánh Gia


1. GIÁO HỘI CỠ NHỎ

Gia đình là tế bào sống động của quốc gia, của nhân loại, cũng như của Hội Thánh. Tế bào căn bản này có khỏe mạnh và phát triển, thì toàn thể thân xác mới khỏe mạnh và phát triển. Sức khỏe và sự ổn định của gia đình ảnh hưởng tới sức khỏe và sự ổn định của quốc gia và Giáo Hội. Chính vì thế chúng ta phải đem vào trong gia đình một tinh thần Kitô giáo đích thực.

Thế nhưng ngày nay, vì chiến tranh, vì những trào lưu duy vật và chối bỏ đức tin, gia đình đã bị khủng hoảng và suy sụp, tế bào nền tảng này đã bị nhiễm độc. Vậy chúng ta phải làm gì để cứu vãn tình thế?

Điều tôi nhấn mạnh giờ đây, đó là tinh thần cộng đoàn. Thực vậy, mỗi người chúng ta phải biết từ bỏ tính ích kỷ để tiến đến một sự hòa hợp và yêu thương, như hình ảnh về thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô mà thánh Phaolô đã đề cập tới. Gia đình là một Giáo Hội cỡ nhỏ, là một nhiệm thể được thu hẹp. Đây không phải chỉ là một hình ảnh tượng trưng, mà còn là một thực thể sống động.

Người cha là đầu thân thể như Đức Kitô là đầu Giáo Hội. Người mẹ là thân thể như vai trò của Giáo Hội, và con cái là những phần tử như những tín hữu là chi thể của Đức Kitô.

Một gia đình đích thực phải hiệp nhất và trở nên một: Một tư tưởng, một ước muốn, một cõi lòng, một con tim. Người cha tìm kiếm cơm áo, người mẹ phân phát cơm áo và con cái thì lãnh nhận máu huyết và sự sống nơi cha mẹ. Người cha thì giống với Đức Kitô là đầu nhiệm thể. Người mẹ thì giống với Giáo Hội, còn con cái thì giống những chi thể trong nhiệm thể ấy.

Bởi đó hãy đón nhận và thực thi tinh thần hợp nhất. Là con cái, hãy nhìn thấy Đức Kitô nơi người cha, hãy yêu mến và trọng kính Đức Kitô nơi người cha của mình. Trgkhi đó, những người cha hãy sống như Đức Kitô và điều hành gia đình của mình trong tinh thần yêu thương.

Còn người mẹ, hãy lấy Giáo Hội làm lý tưởng cho mình, để có sự trung thành và hiền dịu. Con cái chính là những tế bào, trong đó Đức Kitô phải lớn lên, phải trưởng thành. Muốn thấm nhuần tinh thần ấy, chúng ta phải cần đến một bầu khí đạo đức. Bầu khí đạo đức này được tạo nên do thánh lễ, do phụng vụ, do các bí tích và đặc biệt do những giờ kinh chung trong gia đình.

Đây là những giây phút linh thiêng, cha mẹ, vợ chồng, con cái cùng quây quần bên nhau và cùng nhau quây quần bên Chúa, để dâng lên Ngài của lễ chung là những hy sinh gian khổ trong cuộc sống. Đây cũng là một liều thuốc thần diệu hàn gắn những đổ vỡ, vì trong những phút giây ấy chúng ta thực sự trở nên một.

Hãy xây dựng gia đình mình trong tinh thần hợp nhất như các chi thể hợp nhất với nhau và nhất là như Đức Kitô hợp nhất với Giáo Hội của Ngài.

2. ĐỨC KITÔ TIẾP TỤC LỚN LÊN

Đoạn Phúc âm được đề nghị với chúng ta hôm nay thuật lại những sự kiện khá đơn giản, xét về bản chất chúng ta. Nếu coi đó như một đoạn văn, không hơn không kém thì có thể đặt một vài câu hỏi, về chi tiết thôi, chẳng hạn: sau khi dâng Con trẻ Giêsu trong Đền thờ, ông Giuse và bà Maria có thể trở về Nazaret ngay không? Vụ lánh nạn sang Ai Cập xảy ra lúc nào? Chúng ta đừng tìm kiếm trong Phúc âm một thứ tự rõ ràng, chắc chắn, cho ngày tháng và sự kiện. Điều chắc là thời kỳ Con trẻ Giêsu hết là ‘bé thơ’, giờ là một ‘nhi đồng’, đang lớn lên về phạm vi thiêng liêng – hai ông bà đã trở lại Nazarét rồi. Nghiên cứu đoạn văn người ta có thể dừng lại ở hai nhận vật Simêon và Anna, để suy niệm về sự kiện tâm trông đợi Đấng Cứu Thế và cầu nguyện của hai vị về lời tiên tri Simêon, khiến cho Maria lo sợ một kết cục đau khổ (cuộc thương khó của Đức Giêsu). Tốt hơn, chúng ta hãy chọn một đề tài cao hơn, đó là một tư tưởng lớn nằm trong hạ tầng toàn bộ Phúc âm và được thánh Luca diễn tả như sau: Con trẻ lớn lên, thân thể phát triển và được ơn khôn ngoan sung mãn. Ý niệm lớn đó là ý niệm tăng trưởng.

1) Chúng ta gặp thấy sự tăng trưởng thiêng liêng trước hết ở bà Maria và ông Giuse. Maria được gọi là người có phúc lớn, vì đã tin, trong biến cố Truyền tin. Rõ ràng là ở giây phút ấy nàng tin vào đề nghị của Thiên Chúa yêu cầu nàng ưng thuận một sự kiện xảy ra lúc đó. Đức tin của nàng không cho nàng xem thấy trước phối cảnh tương lai của toàn thể lịch sử Đức Giêsu, lúc đó mới sinh ra trong lòng nàng. Do một sự ưng thuận mỗi ngày, liên tục, nàng tiến dần vào mầu nhiệm định mệnh đời mình. Niềm tin Maria là 1 niềm tin luôn luôn tăng trưởng. Lời tiên tri của Simêông cho nàng biết trước 1 đường đời đau khổ, nhưng không cho rõ chi tiết. Do sự ưng thuận ngày một đổi mới, nhắc đi nhắc lại, Trinh nữ Maria hiểu rõ thêm Thiên Chúa đòi hòi gì ở nàng, biết rõ thêm Con Trẻ Giêsu là ai. Đối với Giuse cũng vậy. Đây là một điều quan trọng đối với chúng ta. Dường như mầu nhiệm tăng trưởng nhân tính của Đức Giêsu có mục đích là nhờ đức tin đưa chúng ta tiến vào mầu nhiệm tăng trưởng thần tính của chúng ta. Sự tăng trưởng thần tính đó, Maria và Giuse là những người đầu tiên được hưởng. Thật là một điều tốt lành khi nghĩ rằng hai ông bà rất gần với chúng ta trong điểm đó. Vì đã trải qua nên biết rõ, hai ông bà cầu bầu cho niềm tin của chúng ta tăng trưởng tốt.

2) Con trẻ lớn lên… Điều ghi nhận này liên hệ trực tiếp đến sự tăng trưởng thể chất của Đức Giêsu. Đó là một sự kiện trong phần lịch sử đã qua, thật sự qua rồi. Tuy nhiên có một sự kiện khác thuộc lĩnh vực mầu nhiệm, được hoàn tất trong lịch sử của chúng ta, ngày nay Đức Kitô tiếp tục lớn lên. Thật vậy, Người không những là Giêsu, một người như những người khác, đã sống ở Palextin từ năm nào đến năm nào đó. Người còn là Con Thiên Chúa đã xuống thế để thần hoá nhân loại. Người tiếp tục lớn lên trong nhân loại. Thánh Phaolô nói đên sự xây dựng thân thể mầu nhiệm Đức Kitô cho đến khi chúng ta hết thảy đạt thấu sự duy nhất trong kính tin và am tường về Con Thiên Chúa, mà nên người thành toàn, đạt đến tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô (Eph.4,13). Như vậy, Đức Kitô lớn lên trong tâm khảm sâu thẳm của mỗi người chúng ta. Dịp lễ Thánh Gia Thất, Giáo Hội dùng một đoạn Phúc âm gợi lên một trong những mối quan tâm chủ yếu của mọi gia đình, đó là sự lớn lên của đứa con. Chúng ta có thể từ đó suy niệm về sự lớn lên của Đức Kitô trong đại gia đình loài người, nghĩa là trong tâm hồn mỗi chúng ta.

3. GIA ĐÌNH, CỘNG DOAN YEU THƯƠNG

Khi gợi lại kỷ niệm đáng ghi nhớ về gia đình của mình, Đức cố Hồng Y Marty, nguyên Tổng Giám Mục Giáo phận Paris, đã nói: “Tôi đã bập bẹ những tiếng đầu tiên về Thiên Chúa, khi nhìn mẹ tôi và cha tôi đọc kinh cầu nguyện. Tôi đã học biết sự sống, học biết sự chết, tôi đã học biết thế nào là yêu thương trong cuộc sống hằng ngày, khi tôi giao tiếp với thân nhân và những người quen thuộc. Tôi yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Giáo Hội như đã yêu mến mẹ tôi. Tôi không học mà cũng biết người phụ nữ đó đã cho tôi sự sống và mạc khải cho tôi tình yêu”. Gương sáng của cha mẹ đã giáo dục cho con cái nhiều điều tốt.

Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình, mà lại là một gia đình nghèo. Ngài cũng có cha mẹ như bao trẻ thơ khác, như mỗi người chúng ta. Và cha mẹ Ngài cũng là những người lao động, phải sống bằng mồ hôi nước mắt như hầu hết các gia đình khác. Là Thiên Chúa, Ngài đã đến với loài người như một con trẻ, bé bỏng, cần đến sự đùm bọc, che chở của những người thân. Cũng như bao trẻ em khác, Ngài cũng bị những biến cố lớn nhỏ của gia đình và xã hội chi phối, đưa đẩy, ảnh hưởng.

Rồi những năm thơ ấu, những thời kỳ thơ ấu và thành niên, Chúa Giêsu đã sống bên cạnh Đức Maria, Mẹ Ngài và Thánh Giuse, cha nuôi Ngài. Ngài cũng đã phải tập đi, tập nói, tập đọc, tập viết. Ngài cũng đã phải học Thánh Kinh, Lề Luật. Ngài cũng đã phải tập lao động với những dụng cụ như cưa, bào, đục… trên những khúc cây, tấm ván. Ba mươi năm tại Nagiarét là một chuỗi ngày bình dị, như hàng trăm gia đình cùng thôn làng, như hàng triệu cuộc sống của con người qua các thời đại.

Đó là thời kỳ ẩn dật, vì Chúa Giêsu không để lộ chân tính đích thực của mình ra cho những người chung quanh biết. Đó cũng là thời gian chuẩn bị cho quãng đời công khai của Ngài, theo nghĩa là Ngài tích lũy cho mình những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho việc rao giảng Nước Thiên Chúa sau này.

Dưới một khía cạnh khác, chúng ta có thể nói, đó là những năm tháng trao đổi, cho và nhận giữa Con Thiên Chúa và gia đình nhân loại, được đại diện nơi Thánh Giuse và Đức Maria. Nếu chỉ là Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế không cần phải nhận ở nhân loại một thứ gì cả. Nhưng vì Ngài là Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta, nên Chúa Giêsu đã nhận rất nhiều của những người thân, nhất là của Mẹ Maria: cưu mang, sinh đẻ, nuôi dưỡng, giáo dục. Ngài cũng đã nhận rất nhiều từ cộng đoàn Nagiarét, từ Hội đường Do Thái, từ cuộc sống của những người chung quanh, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, lao động. Chúng ta khó hình dung được những điều đó, vì chúng ta có khuynh hướng đặt Thiên Chúa ở chốn cao xa mà quên điều hệ trọng là Thiên Chúa đã làm người, đã nhập thể và nhập thế.

Chúa Giêsu đã nhận rất nhiều từ gia đình nhân loại, nhưng thực ra Ngài còn cho nhiều hơn, vì Ngài đã cống hiến tất cả cho chúng ta, cả bản thể Thiên Chúa, cả năm tháng, cuộc sống và cái chết của Ngài, một cách âm thầm, khiêm tốn vô vị lợi.

Trong cuộc sống bình dị nhưng chất chứa bao tình thương ấy, Chúa Giêsu đã sống thân mật với Cha Ngài, đã sống hiếu thảo với cha mẹ trần thế của Ngài, đã sống chan hòa bác ái với những người chung quanh. Rồi cha mẹ Ngài là những người kính sợ Thiên Chúa cũng đã sống hết mình với Thiên Chúa, tận tụy và thương yêu con cưng của mình. Giữa Đức Maria và Thánh Giuse thì thật là một mối liên hệ có một không hai trong lịch sử loài người, chắc chắn tình yêu thương đậm đà và lòng tôn kính là những nét đặc thù nhất, khiến Thánh Giuse được gọi là người công chính, còn Maria là người có phúc hơn mọi người phụ nữ.

Sách Huấn ca hôm nay đã nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ trong gia đình, khiến chúng ta dễ hình dung ra cách sống của Con Thiên Chúa làm người dưới mái nhà Nagiarét. Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Côlôsê đề cập đến mối quan hệ giữa những người được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn sống thành gia đình, gia đình của Thiên Chúa: đó là lòng từ bi, nhân hậu, là khiêm cung, ôn hòa, là nhẫn nại chịu đựng, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau. Gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là một gia đình đã sống trọn vẹn hơn ai hết tinh thần ấy, vì các thành viên trong gia đình thánh này đều là những tôi tớ của Thiên Chúa, trong ý nghĩa là mỗi vị và cộng đoàn ba vị đều lãnh nhận từ Thiên Chúa một sứ mạng đặc biệt. Gia đình Nagiarét là gương mẫu, là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, đối với mỗi gia đình Công giáo ngày nay.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, với sự tiến bộ của ngành khoa học nhân văn và xã hội, con người càng khám phá ra chiều kích xã hội của mình và tầm quan trọng của cộng đoàn gia đình trong đời sống xã hội. Gia đình là cái nôi đầu tiên đón tiếp con người và cung cấp cho con người những điều kiện cần thiết của cuộc sống và hạnh phúc. Đối với các kitô hữu, gia đình còn mang một ý nghĩa khác nữa: đó là một cộng đoàn yêu thương phản ảnh cộng đoàn của Thiên Chúa, theo gương gia đình Nagiarét. Trách nhiệm thật lớn lao của các bậc làm cha làm mẹ. Chức năng nhiệm vụ ấy cha mẹ chỉ có thể hoàn thành được nếu biết yêu thương và tha thứ như chính Chúa Kitô đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Đó là quy luật trọng yếu trong mối quan hệ giữa vợ chồng, giữa con cái và cha mẹ. Vì trong cuộc sống gia đình, con người có thể biến cuộc sống ấy thành thiên đàng hay hỏa ngục trần gian. Cuộc sống gia đình tạo cho cha mẹ những cơ hội quý báu để thực hiện tinh thần yêu thương quên mình, mưu tìm hạnh phúc cho người khác. Cuộc sống gia đình luôn luôn đòi hỏi cha mẹ phải dẹp bỏ ý riêng mình, quan điểm riêng của mình, để tôn trọng và giúp đỡ con cái phát triển về mọi mặt.

Do sự khác biệt về tính tình, môi trường giáo dục, tuổi tác và sở thích, nên chuyện xung đột, căng thẳng, là chuyện đương nhiên không thể tránh được giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Nhất là trong một vài hoàn cảnh khó khăn về kinh tế tài chính. Muốn vượt qua những cảnh xung đột, những giờ phút căng thẳng ấy, mỗi người, dù là vợ hay chồng, cha mẹ hay con cái, đều phải thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô: “Tôi đến để phục vụ chứ không để được phục vụ”. “Ai muốn làm đầu thì hãy làm tôi tớ phục vụ mọi người” (x. Mt 20,26-28). Ở đây, cha mẹ có trọng trách nêu gương cho con cái, vợ chồng có trách nhiệm làm chứng cho nhau tình yêu quảng đại và vô vị lợi của Thiên Chúa. Lời căn dặn của Thánh Phaolô phải là phương châm cho các bậc cha mẹ cũng như con cái trong gia đình: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Đức Giêsu Kitô, và nhờ Ngài mà cảm tạ Chúa Cha”(Cl 3,17).

Như thế, gia đình kitô hữu, theo gương đời sống gia đình của Thánh Gia Thất, với tình yêu thương và tha thứ, với tinh thần phục vụ quảng đại và vô vị lợi, sẽ là ngọn đèn tỏa sáng, sẽ là cái nôi hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho anh em đồng bào trong xã hội chúng ta hôm nay.

4. MÁI NHÀ LÝ TƯỞNG

Những biến cố chung quanh việc thụ thai và sự ra đời của Đức Giêsu đánh dấu rằng Người là một con trẻ đặc biệt, với một vận mệnh duy nhất. Thông qua Người, lời hứa đối với ông Apbraham sẽ được nên trọn. Người sẽ trở thành niềm hy vọng và an ủi của dân Israen, và là ánh sáng cho các dân tộc. Nhưng Tin Mừng cũng nói về sự khước từ Đức Giêsu, một sự khước từ sẽ gây ra một lưỡi gươm đâm thấu qua trái tim của Đức Maria. Cha mẹ chia sẻ niềm vui và nỗi đau khổ của con cái họ, và ngược lại.

Không có lý do gì để tin rằng Đức Maria và thánh Giuse hiểu biết rõ ràng trọn vẹn hoặc về vận mệnh vĩ đại của Con Trẻ Giêsu. Tuy nhiên, khi đón nhận Người vào trong cuộc đời của mình, và nuôi dưỡng Người trong lòng tin và tình yêu thương, các ngài đã góp phần trong việc giúp đỡ Người nhận ra vận mệnh của mình. Tin Mừng cho thấy rằng tại nhà Nagiarét, các ngài đã tạo ra một bầu khí mà trong đó, Đức Giêsu có thể phát triển đến khi trưởng thành.

Mỗi đứa con đều là một quà tặng của Thiên Chúa. Và mỗi đứa con đều có một vận mệnh duy nhất. Nhưng vận mệnh đó còn ẩn giấu đối với cha mẹ. Họ thắc mắc không biết con cái họ sẽ trở thành gì. Một cách tự nhiên, họ mong muốn điều tốt đẹp nhất cho chúng. Nhưng tất cả điều mà họ có thể làm được, đó là khai mở cho chúng trên con đường đời của chúng. Vượt lên trên tất cả, họ phải cẩn thận để không ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa đối với con cái.

Cha mẹ nên cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn con cái của mình theo những chọn lựa mà chúng thực hiện. Nếu chúng ta phải hoàn tất điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta hoàn tất, thì tất cả chúng ta đều cần sự hướng dẫn của Người.

Nói một cách lý tưởng, gia đình phải là một cộng đoàn yêu thương nhỏ bé. Bầu khí trong gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Bầu khí đó được xác định do phẩm chất của các mối tương quan. Cha mẹ và con cái đều đóng góp vào việc tạo ra bầu khí đó.

Cuộc sống gia đình mang rất nhiều thử thách. Gia đình không chỉ biết tiếp nhận; mà còn phải biết cống hiến nữa. Những mối dây liên kết trong gia đình làm cho chúng ta được phong phú, nhưng cũng ràng buộc chúng ta. Chúng lôi kéo theo những ràng buộc của trách nhiệm và tình yêu thương.

5. DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ - R. Gutzwiller

Thánh Luca không nói gì cho chúng ta về thời niên thiếu của vị tiền hô, tất cả thời tuổi trẻ của vị này đều chìm trong im lặng và cô đơn. Trái lại, thời niên thiếu của Chúa Giêsu được kể lại trong ba trường hợp. Trường hợp thứ nhất là lễ cắt bì, chỉ được kể lại trong có một câu. Sự cốt yếu của lễ này là đặt tên Giêsu, tên đã được Thiên thần nói trước, tên này nêu rõ bản tính của Hài nhi trong những ngày sắp tới. Chính do danh hiệu đó mà Giáo Hội mừng kính bằng một lễ đặc biệt, cũng chính danh hiệu đó mà biết bao người không ngớt chiêm niệm và đã là nguồn hân hoan vui sướng cho các nhà Thần bí: danh hiệu mà theo kiểu nói của Thánh Phaolô, mọi gối phải quỳ lạy ở trên trời, lẫn dưới thế và cả dưới hoả ngục.

Đang khi đó thì Thánh Luca lại viết lại cho chúng ta về lễ dâng Chúa trong đền thờ với nhiều chi tiết hơn và khiến ta phải lưu ý tới hai điều sau:

1. Những biến cố.

Nhìn bên ngoài, chẳng thấy có gì đáng lưu tâm. Hàng năm có cả trăm đôi cha mẹ trẻ bước lên Đền thờ tiến vào cửa trước dành cho các phụ nữ để được thanh tẩy theo nghi lễ và chuộc lại đứa con mới sinh. Luật buộc thanh tẩy vì sự thụ thai và sinh con đã liên kết chặt chẽ với tội lỗi và với đam mê hỗn độn. Theo chương trình của Thiên Chúa, cả hai việc đó, phải là cái gì mang tính chất bí tích vì đã chuyển đời sống siêu nhiên đồng thời với đời sống tự nhiên. Nhưng tội đã làm nào loạn nguồn mạch và như vậy, tội lẫn vào việc lành, ‘nhân loại đầy trần tục’ với thần thiêng. Lễ tế được đặt ra đối với người mẹ là bà cần phải thanh tẩy để có thể bước vào đền thờ. Đức Maria không có tiền để mua một con chiên làm lễ tế và phải đành lòng như bao người mẹ nghèo nàn khác, dâng một ccặp chim câu để làm lễ vật. Việc chuộc lại đứa trẻ trai được đặt ra vì tất cả những của đầu mùa, nơi ruộng nương, nơi đoàn vật và nhất là nơi con người đều đặc biệt thuộc về Giavê. Như vậy cậu con trai phải chuộc lại để có thể sống đời sống của mình. Tất cả những điểm đó chẳng có chi đặc biệt và đáng lưu tâm.

Tuy nhiên, nội dung của sự việc mới có khác biệt. Đức Maria rõ ràng là người Mẹ chẳng có dính bén chút gì để phải thanh tẩy. Mẹ đâu thụ thai bởi phàm nhân, mà do phép Chúa Thánh Thần. Mẹ cũng chẳng có một ước muốn xấu xa gì, vì Mẹ ‘không biết đến người nam’. Vì thế, việc chuộc lại Hài nhi chỉ mang hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu xét là con đầu lòng của Chúa Cha, thì thuộc quyền sở hữu của Người. Nhưng Ngài sẽ chuộc lại những người khác và giá Ngài phải trả là giá máu của tim Ngài, chứ không phải bằng tiền bạc.

Như Đức Kitô tuân phục Lề luật Môisen hay sắc lệnh của Xêsarê, người Kitô hữu cũng phải phục tùng các quyền hành bên ngoài điều khiển nhân loại bằng ý muốn hay với phép của Thiên Chúa và tuân hành các quy luật như những người khác trong lãnh vực luật pháp. Bên ngoài chẳng có gì lạ kỳ đánh dấu sự hiện hữu và đời sống của người Kitô hữu. Vì không nhất thiết là sự biến đổi nội tâm trước nhan Chúa phải kéo theo sự cách mạng môi trường mình sống.

2. Những lời nói

Những biến cố này có thể qua đi mà ít được biết tới nếu không có một người đến gặp đôi vợ chồng trẻ để chào thăm Hài nhi với những ngôn từ lạ lùng. Ông này không phải là tư tế, mà chỉ là một người dân thường, một người thực công chính, đang chờ đợi ‘niềm an ủi của Israel’, chờ đợi Đấng Messia. Đầy Thần linh Thiên Chúa và nhờ ơn soi sáng, ông đã nhận ra Đấng Messia nơi Hài nhi do người Mẹ khiêm hạ này bồng trên tay.

Lời đầu tiên của ông là lời thân thưa với Thiên Chúa. ‘Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi’. Thiên Chúa là Chủ Tể, ai muốn phục vụ Ngài, là tôi tờ của Ngài. Đời sống của cụ già Simêon là một sự hiện hữu và là một công việc phục vụ Thiên Chúa, được kể như một cuộc phục dịch, nhưng bây giờ đã tới lúc nghỉ ngơi sau chuỗi ngày dài lao động. Sự chết là một cuộc nghỉ việc, một sự giải phóng trong an bình và về với an bình.

Hy vọng và ơn cứu độ là phần thưởng lúc trời chiều ngả bóng, đã nâng đỡ ông suốt thời gian thi hành nhiệm vụ khó khăn. Đấng Cứu độ đã đến, công việc đã có được ý nghĩa và đời sống dấn thân trên con đường cứu độ lời kinh ‘muôn lạy Chúa’ (Nunc dimittis) là lời kinh tối của Giáo Hội.

‘Mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ’. Cụ Simêon, con người ưu tư, suy nghĩ, hẳn phải đau khổ vì những cảnh vô đạo chung quanh. Chính đôi mắt này đã từng chứng kiến những cảnh tội lỗi và phản giáo, nay thấy Đấng mang lại ơn cứu độ và sự thánh thiện. Đức Kitô là thày thuốc sẽ chữa trị tất cả và là Đấng Thánh sẽ thánh hoá tất cả.

‘Chúa dọn ra trước mặt người trần’. Những chướng ngại hạn hẹp của Israel đã bị phá đổ, chiều kích của Giáo Hội phổ quát tỏ hiện. Israel ra đi mở rộng chân trời của Simêon và làm cho người ta nghĩ đến những khuôn khổ mới mẻ của tinh thần và con tim.

‘Ánh sáng rạng soi dân ngoại’. Những lời tiên tri của Isaia (đoạn 42 và 29) đã được nhắc lại ở đây. Dân ngoại không còn là người bị khinh khi, xua đuổi; không còn bị cái nhìn trịch thượng của những người đã được chọn ném xuống. Vì ánh sáng của Đức Kitô sẽ đâm thấu đêm đen, đuổi đi tất cả những bóng tối và đem đến một ngày mới không có chiều tà.

‘Còn Israel dân Chúa được vinh quang’. Nhờ Chúa Giêsu, cái cây của dân này sẽ triển nở sinh hoa kết quả. Israel xấu sẽ trở nên đối tượng của vấp phạm và tên nó sẽ bị nhiều người nhạo báng và ghét bỏ. Còn Israel chân thật sẽ là cánh đồng nơi các hoa mầu quý giá mọc lên, sẽ là núi đá vọt ra những dòng suối, sẽ là nền trời nơi mặt trời toả sáng; nên các tín hữu sẽ nhắc đến tên nó với lòng kính trọng và biết ơn.

Theo lời của Simêon, Israel đặt sự cao cả đã nhận được từ nơi Chúa, dưới chân Chúa nhập thể. Bài tang ca của Israel là một bài thánh thi cho Đức Kitô; Israel đã tàn lụi trong những tia sáng của luồng ánh sáng rạng rỡ hơn; Israel chết đi để được đưa vào một đời sống mới nhờ Đức Giêsu Đấng Thiên Sai.

Lời thứ hai của Simêon là lời nói với Đức Maria: ‘Hài nhi con bà sẽ được đặt lên để nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay chỗi dậy và làm dấu gợi lên chống đối’. Kitô giáo không cưỡng chế và cũng chẳng dùng sức mạnh để bắt buộc ai, trái lại chỉ là lời mời mọc và kêu gọi. Con người phải quyết định. Họ có thể nói nhận hay không. Nhờ lời ‘nhận’ họ sẽ đứng thẳng lên như người bị tê liệt được chữa khỏi, vì họ sẽ bước đi trên con đường của Thiên Chúa. Với tiếng ‘không’ họ tự mình chỗi dậy và tin rằng mình đã hoàn hảo: sự suy sụp của họ đã đến. Tất sẽ kết thúc bằng đổ vỡ và đồi bại.

Giữ một chỗ đối với Đức Kitô là quyết định số phận con người và nhân loại trước nhan Thiên Chúa. Đức Kitô đưa ra hai nẻo đường lớn dẫn tới cứu độ và sa ngã, dòng nước đôi ngả, sự nhận thức giữa chân và giả. Đối với Mẹ Ngài, việc biết được Đức Kitô, Đức Kitô đích thực, sẽ gặp chống đối và phản kháng hẳn phải là nỗi đau đớn ghê gớm trong đời Mẹ: ‘Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim chị’. Vì tiếng ‘nhận’ và ‘không’ sẽ làm lộ nhiều tâm hồn trong Israel. Cái bị che dấu sẽ đưa ra ánh sáng. Cứng lòng, ý tưởng bất chính, ích kỷ cá nhân, kiêu ngạo và ghen tương… tất cả những gì là xấu xa, kẻ thù của Thiên Chúa, đều tỏ lộ ra. Tất cả những gì là bỉ ổi, suy đồi và hôi thối đều bị thấy rõ. Nhìn thấy các tư tưởng con người hệ ở chỗ vạch trần những giả dối và mở toang những nấm mồ quét vôi trắng. Nhưng trên hết phải là sự dửng dưng không tiếp nhận tình yêu Nhập thể, đó mới chính là mũi gươm đâm sâu vào trái tim người mẹ giầu tình thương này. Như vậy, ngay từ đầu đời Chúa Giêsu, người ta đã nhìn thấy ‘ Bà mẹ đau khổ’ là chính Người đứng dưới chân thánh giá, vào những giây phút cuối cùng với con bị đâm thấu tim, hoàn tất lễ hiến tế mạnh mẽ hơn lòng ghét ghen của nhân loại.

Khi Tin mừng nói rằng, ‘Cha và Mẹ Ngài ngạc nhiên về những gì nói về Ngài’ đã chứng tỏ cho ta thấy chính các vị cũng phải lần bước trong ánh sáng đức tin, đang khi luôn nhận thức và xác quyết những chân lý mới.

Hợp với ông già Simêon, có bà già khả kính Anna, đại diện cho cả dân tộc, nam cũng như nữ, ca tụng Thiên Chúa và mang tới một sứ điệp ‘cho những người đang trông đợi phúc cứu chuộc Israel’.

Người ta không thấy nhắc gì tới cái chết của ông già bà cả này. Các cụ đã làm tròn sứ mạng của mình và đã sang thế giới bên kia với tâm hồn bình an và vui sướng trong cũng một cảm nghĩ rằng Israel chân chính mới mẻ là người luôn cởi mở trong Đấng Messia.

6. CHÚ GIẢI CỦA WILLIAM BARCLAY

Lc 2, 21-24: Các nghi lễ được tuân giữ

Ở đây, chúng ta thấy gia đình Chúa Giêsu đã tuân thủ ba nghi lễ cổ mà người Do Thái phải giữ.

1) Cắt bì. Mỗi con trai Do Thái phải chịu cắt bì ngày thứ tám, sau khi sinh. Nghi lễ này quan trọng đến nỗi có thể làm vào ngày sabát, là ngày mà luật cấm làm hầu hết các công việc không tuyệt đối cần thiết, và như chúng ta đã biết, trong ngày đó đứa trẻ được đặt tên.

2) Chuộc con đầu lòng. Theo luật (Xh 13,2) thì mọi con đầu lòng dù người hay súc vật, đều biệt riêng ra cho Chúa. Luật này có thể là sự tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban cho loài người sự sống hay cũng có thể là dấu tích của thời kỳ trẻ con còn được dâng cho các thần. Dĩ nhiên nếu tục đó được tuân thủ sít sao thì sự sống không còn trên mặt đất. Vì thế mới có nghi lễ chuộc con đầu lòng (Ds 15,16). Người ta quy định rằng: dâng một số tiền năm shekel -chừng 15 shillings- cha mẹ có thể chuộc lại đứa con từ nơi Chúa. Số tiền đó phải cho các tư tế và không thể nộp trước 31 ngày sau khi sinh đứa trẻ và cũng không trì hoãn lâu.

3) Lễ Tẩy sạch sau khi sinh nở. Khi người đàn bà sinh con trai thì người mẹ bị ô uế trong 40 ngày, nếu con gái thì mẹ phải chịu ô uế trong 80 ngày. Người mẹ có thể đi lại trong nhà, làm công việc hàng ngày, nhưng không thể vào Đền Thờ hoặc tham dự các nghi lễ tôn giáo (Lv 12). Khi thời hạn đó chấm dứt, người mẹ phải vào Đền Thờ, đem theo một con chiên làm của lễ và một bồ câu non làm của lễ chuộc tội. Đó là một của lễ khá tốn kém, vì thế luật cũng định (Lv 12,8), nếu người mẹ không thể mua một con chiên thì có thể đem đến một con bồ câu thứ hai. Của lễ bằng hai bồ câu thay vì một con chiên và một con bồ câu gọi là “Của Lễ Của Người Nghèo”. Maria đã dâng của lễ đó. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình nghèo, không chút sang trọng, ở đó mỗi đồng xu cũng phải được tính kỹ, ở đó các phần tử trong gia đình biết rõ những khó khăn của cuộc sống và những gian nan của kiếp người. Khi nào đời sống trở nên bế tắc cho chúng ta, chúng ta nên nhớ rằng Chúa Giêsu đã nếm trải đủ mọi mùi cay đắng đó rồi.

Ba nghi lễ này là nghi lễ cũ và lạ, nhưng cả ba cùng nói lên một niềm tin: con cái là phúc lộc Chúa ban. Những người khắc kỷ nói con cái không phải được ban cho cha mẹ mà là cho mượn. Trong các ơn phúc Chúa đưa đến, không có ơn nào khiến ta mang nhiều trách nhiệm với Chúa cho bằng con cái.

Lc 2, 25-35: Giấc mơ thành tựu

Không có người Do Thái nào không coi dân tộc mình là dân tộc được ưu tuyển. Nhưng họ biết rõ bằng phương tiện tự nhiên, đất nước của họ không thể đạt được tầm cỡ tuyệt vời trên thế giới mà họ chỉ tin đó là phần phúc cho họ. Đa số họ tin rằng vì Do Thái là tuyển dân nên một ngày kia họ sẽ làm bá chủ thế giới. Nhiều người tin rằng vào ngày đó sẽ có một vĩ nhân, một anh hùng từ trời giáng trần; nhiều người khác tin rằng sẽ có một vị vua bởi dòng dõi Đavít và mọi vinh hiển xa xưa sẽ trở lại; nhiều người khác tin chính Thiên Chúa sẽ trực tiếp bước vào lịch sử bằng những cách siêu nhiên. Nhưng ngược lại, cũng có một số ít người được gọi là “những kẻ yên lặng trong xứ”. Họ không mơ tưởng gì về sức mạnh và quyền thế, về quân đội với cờ bay trống giục, họ tin cậy vào một đời sống kiên trì cầu nguyện và lẳng lặng đợi chờ cho đến khi Thiên Chúa ngự đến. Suốt đời sống, họ trông đợi Chúa cách lặng lẽ và nhẫn nại. Simêon là một trong số những người đó, bằng đời sống cầu nguyện và thờ phượng, cứ khiêm nhường trung tín đợi chờ, ông trông mong được thấy người Thiên Chúa an ủi dân Ngài. Thiên Chúa đã hứa với ông qua Thánh Thần là ông sẽ không qua đời trước khi được xem thấy Đấng Xức Dầu của Ngài. Ông nhận biết vị vua đó nơi hài nhi Giêsu và ông mừng rỡ. Bây giờ ông sẵn sàng ra đi bình an và những lời của ông đã trở thành bài ca “Bây Giờ Xin Chết” (Nunc Dimittis), cũng là bài ca tuyệt tác của Hội Thánh.

Trong câu 34, Simêon cho một bản tóm lược về công việc và số phận của Chúa Giêsu.

1) Chúa Giêsu sẽ làm cớ cho nhiều người vấp ngã. Câu đó nghe lạ tai và khó chịu, nhưng đó là sự thật. Không phải Thiên Chúa đoán xét người ta cho bằng người ta tự đoán xét mình, và đoán xét của mỗi người là do phản ứng của họ đối với Chúa Giêsu. Nếu khi đối diện với sự nhân từ, thương yêu của Chúa Giêsu, họ mở lòng ra tiếp nhận tình yêu đó thì họ được ở trong vương quốc của Ngài. Nhưng nếu lòng họ cứ lạnh lùng cứng cỏi hoặc thù nghịch thì họ bị kết án. Có nhiều người chối bỏ Ngài, đồng thời không thiếu những người sẵn sàng nhận Ngài làm Chủ đời sống họ.

2) Chúa Giêsu sẽ làm cớ cho nhiều người được chỗi dậy. Triết gia Seneca nói rằng nhu cầu lớn nhất của loài người là được một bàn tay đưa xuống để nâng họ lên. Chính bàn tay Chúa Giêsu đã nâng vực con người lên khỏi đời sống cũ và đem vào đời sống mới, đem tội nhân khỏi vũng bùn tội lỗi và bước vào đời sống thánh thiện, ra khỏi những nhục nhã và bước vào chốn vinh quang.

3) Chúa Giêsu sẽ gặp nhiều sự chống đối. Đối với Chúa không có sự trung lập. Hoặc chúng ta tuân phục Ngài, hoặc đối nghịch với Ngài. Thảm kịch của đời sống là tính kiêu ngạo đã ngăn cản chúng ta thực hiện sự tuân phục dẫn đến chiến thắng.

Lc 2, 36-40: Tuổi già đáng yêu

Anna cũng là một trong số những người lặng lẽ trong xứ. Chúng ta không biết nhiều về bà, ngoài mấy câu Kinh Thánh này, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để chúng ta có một bức họa về tâm tính bà.

1) Anna là một quả phụ. Bà đã từng nếm trải đau buồn nhưng lòng bà không hề cay đắng. Sự buồn rầu có thể đem đến cho chúng ta một trong hai điều: nó có thể làm chúng ta cứng lòng, cay đắng, uất hận, phản nghịch lại Chúa, hoặc làm chúng ta mềm mại hơn, dịu dàng hơn, nhân từ hơn. Nó có thể cướp mất lòng tin tưởng của chúng ta hoặc có thể giúp đức tin chúng ta đâm rễ sâu hơn, và trở nên bất khuất. Tất cả tùy thuộc cách chúng ta suy hiểu về Thiên Chúa. Nếu chúng ta nghĩ về Thiên Chúa như một bạo chúa thì chúng ta sẽ oán hận Ngài. Nếu nghĩ về Ngài như một người cha nhân từ thì chúng ta tin chắc rằng: tay của một người cha sẽ không làm cho con mình phải đổ một giọt nước mắt vô ích nào cả.

2) Bà đã già (84 tuổi) và không hề thôi hy vọng. Tuổi già cướp mất màu tươi thắm và vẻ cường tráng của thân thể chúng ta, nhưng còn tệ hại hơn, là năm tháng có thể giết chết sự sống trong tâm hồn chúng ta, đến nỗi bao hy vọng từng ôm ấp cũng chết lịm và chúng ta trở nên ảm đạm, ê chề, an phận thủ thường, không còn thiết tha điều gì nữa. Và điều đó cũng tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn về Chúa: nếu chúng ta nghĩ rằng Chúa là một Đấng xa cách, không hề quan tâm đến chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ tuyệt vọng, Ngược lại, chúng ta tin Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với cuộc sống chúng ta, Ngài điều khiển mỗi bước của chúng ta trên đường đời thì chúng ta sẽ thấy tương lai thật tốt đẹp. Tuổi tác, thời gian, sẽ không hề giết được hy vọng của chúng ta. Nhưng bà Anna làm sao để giữ vững niềm hy vọng đó?

a) Bà không hề ngưng nghỉ trong việc thờ phượng. Bà dâng đời sống mình trong nhà Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban Hội Thánh của Ngài để làm mẹ chúng ta trong đức tin. Chúng ta đánh mất một kho tàng vô giá khi chúng ta không muốn thông công trong việc thờ phượng với dân Chúa.

b) Bà hằng cầu nguyện không ngừng. Việc thờ phượng công cộng là quan trọng, nhưng việc thờ phượng riêng cũng quan trọng. Có người đã nói rất đúng: “Người nào biết cầu nguyện riêng tốt sẽ biết cầu nguyện chung tốt”. Năm tháng đã không đem cay đắng vào lòng Anna, không làm tan hy vọng của bà vì mỗi ngày bà biết kết hợp với Đấng vốn là Nguồn sức mạnh, và trong sức mạnh của Ngài, sự yếu đuối của chúng ta trở nên mạnh mẽ.

7. CHÚ GIẢI CỦA NOEL QUESSON

Khi đã đến ngày phải làm lễ tẩy uế theo luật Môsê... tiến dâng như Luật Chúa quy định... để chu toàn nghi thức theo Luật Chúa truyền...theo như những gì đã ghi trong luật... khi họ chu toàn nghi lễ, như thiên hạ thường làm theo luật.

Chắc chắn, đây không phải là ngẫu nhiên mà Luca nhấn mạnh tới 5 lần (các câu 22, 23, 24, 27, 39) về việc chu toàn lề luật. Dù là "Con Thiên Chúa" Đức Giêsu đã tuân theo lề luật của con người. Đó là nét thâm sâu và sự thật về mầu nhiệm nhập thể. Ngài không tự coi mình như “có đặc quyền". Người hành xử "như mọi người" không có gì phân biệt Người với kẻ khác. Tôi dùng thời giờ để suy niệm lâu hơn về sự khiêm hạ phi thường này, rnà Thánh Phaolô gọi là: một "cuộc làm cho mình hóa ra không", một “kénose" (Pl 2,7). Đừng tự đặt mình vào số ngoại lệ. Không nên đòi hỏi những đặc quyền. Nên thực tế chấp nhận những nghịch chướng thường có trong cuộc sống, những dịch vụ không vinh dự của thân phận chúng ta.

Cha mẹ Đức Giêsu đem Người lên Giêrusalem... vào Đền thờ.

Cuộc lên đường này mang đầy ý nghĩa. Đó là đỉnh cao của "hai chương" Luca dành cho tuổi thơ của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu. Nhưng Luca hữu ý tạo cho bước đường của Đức Giêsu sự ngược với Gioan. Việc báo tin cho Dacaria diễn ra trong khung cảnh trang trọng và huyền diệu của buổi lễ tế tự nơi Đền Thánh (Lc 1,0) nhưng Gioan con trai của ông lại ẩn mình "trong hoang địa" (Lc l,80). Còn việc truyền tin cho Maria xảy ra tại làng Nagiarét nhỏ bé tầm thường (Ga l,46), nhưng Giêsu con trai của bà lại được nhận biết như Đấng "Mêsia" trong thành thánh Giêrusalem; tại Đền thờ, giữa trung tâm thành phố, nơi hiện diện kỳ diệu của Thiên Chúa (Lc 2,27; 2,37). Như thế là chúng ta dang dừng lại trước " trang cuối cùng". .. kết thúc Cựu ước! Những người Do Thái, đôi vợ chồng trẻ, đang "chu toàn lề luật Môsê”. Một cách tượng trưng, lề luật được chấm dứt với cử chỉ này sẻ không cần tới Đền thờ nữa: người ta cũng sẽ phá hủy Đền. thờ, đó là "cuộc trở lại đầy Vinh quang của Thiên Chúa giữa Dân Người" như vị ngôn sứ loan báo (Ml 3, 1-4). Nhưng Thiên Chúa đến cách đột xuất, bất ngờ biết bao "! Không khi nào Người đến như người ta chờ đợi.

Có một người tên là Simêon.

Ông là người công chính và sùng đạo... Lại cũng có một bà ngôn sứ tên là Anna.. Bà ở góa, đến nay đã 84 tuổi, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa trong Đền thờ”.

Không phải ngẫu nhiên mà ta thích thú nhận ra rằng, theo Luca, không phải giới có thẩm quyền như các thầy tư tế các kinh sư nhận biết Đức Giêsu.. mà là những con người tầm xoàng, nhưng kẻ nghèo khó? Qua hai người tiêu biểu cho những kẻ "bé mọn" trên đây, thì toàn thể dân chúng thuộc "nhóm người nghèo Thiên Chúa yêu thương" đã đến gặp gỡ Đấng Cứu độ của họ. Đằng khác, điều đó cũng đã được các ngôn sứ loan báo: "Ta sẽ chừa lại giữa ngươi một dân khiêm nhu hèn mọn..:" một số nhỏ "còn sót lại (Xp 3,12; Is 16.14 + 30, 17,37.4; Gr 6,9; Ge 3,5) Simêon và Anna tiêu biểu cho những người nghèo. Họ đều đã già cả; thuộc hạng người mà toàn thể xã hội muốn quên bỏ không mấy trân trọng "(Kn 3,13). Hơn nữa, Anna lại là cụ già "góa bụa", nghĩa là theo ngôn ngữ Kinh thánh, là cái nghèo hiện thân, vì cụ đã mất đi tất cả những gì đảm bảo cho mình chỗ đứng trong một xã hội mà chỉ người chồng mới có quyền pháp lý. Lạy Chúa, xin biến trái tim chúng con trở nên những tâm hồn của người nghèo, để chúng con biết nhận ra Chúa, trong những dạng bề ngoài khó nghèo mà Chúa thường ẩn dấu...

Simêon ẵm lấy hài nhi trên tay...

Đấng Mêsia của Chúa... ơn cứu độ dành sẵn cho muôn dân... ánh sáng soi đường cho dân ngoại... vinh quang của Israel...

Thiên Chúa ưa đột xuất, dễ gây ngỡ ngàng! Người ta mong chờ "vinh quang", "quyền lực"! Thì Ngài lại xuất hiện trong thân phận một "trẻ nhỏ", một bé thơ thật sự khóc oe oe, chưa biết đứng thẳng, phải bồng ẵm trên tay! Chỉ có cụ già đó, tự để cho Đức tin và Thánh Thần mở mắt mình! Ba lần gọi tên trong bản văn, mới có thể nhận thấy được sự khám phá ra được điều đó, cần phải trở nên khó nghèo, Đức tin là một thứ nghèo khó: người ta nhìn mà không nhận biết (Ga 20,29). ấy thế mà dưới lớp vẻ bề ngoài nghịch thường bé bỏng của em nhỏ (ta nghĩ đến "hình dạng bề ngoài" của bánh mà ta lãnh nhận...), lại chính là lễ tấn phong cách công khai của Đức Giêsu "trong Đền thờ của Người": Những tước hiệu mà hai người nghèo khó trên đây tặng cho Người, thật là ngời sáng! Đức Giêsu – gói thịt đáng thương này (và Ngôi lời đã mặc xác phàm) lại chính là Đấng Mêsia của Thiên Chúa... "ơn cứu độ của muôn người "..."ánh sáng"..."Vinh quang"..."Sự giải thoát" Giêrusalem...Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin.

Những lời ông Simêon nói về Hài nhi làm cho cha mẹ Người ngạc nhiêm bỡ ngỡ.

Như thế, đây cũng là lời xác nhận rằng, "đức tin của cha mẹ" cũng cần phải tiến triển! Không biết lòng tin của họ ra sao, nhưng Maria và Giuse đều rất đỗi ngạc nhiên và bỡ ngỡ trước những "tước hiệu” mà ngời ta gán cho con mình. Biến cố này gợi lên lòng tin của ông bà. Mười hai năm sau, tại Đền thờ này, ông bà cũng sẽ không hiểu gì (Lc 2,48-50) và vẫn còn ngạc nhiên. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa giúp chúng con luôn được ngạc nhiên bỡ ngỡ như thế.

Ông bà đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa... và dâng của lễ theo luật định.

Đó là hai kiểu nói Luca đã sử dụng để trình bày "nghi thức" mà đôi vợ chồng trẻ trên đây đã thi hành. Động từ Hy-lạp được dùng ở đây là (“parastènai": "dâng hiến"), cũng chính là từ mà Phaolô sẽ dùng để nói lên thái độ căn bản của Kitô hữu. Đừng quên rằng, Luca là thư ký của Phaolô, và các bức thư đều được viết trước các Tin Mừng. Thế nên, Luca đã chủ ý dùng một ít mang ý nghĩa. "Anh em đừng hiến thân xác anh em phục vụ tội lỗi nữa, nhưng anh em hãy hiến toàn thân để phục vụ Thiên Chúa" (Rm 6,13). "Anh em hãy hiến thi thể anh em để phục vụ sự công chính, để trở nên thánh thiện" (Rm 6,19). "Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thực xứng hợp để anh em thờ phượng Người" (Rm 12,1.).

Như vậy, Maria và Giuse đến thi hành trước, điều mà sau này chính Đức Giêsu sẽ thực hiện trong bữa tiệc ly và trên thập giá... và mọi Kitô hữu được mời gọi thể hiện trong mọi thánh lễ: hiến dâng mạng sống của mình! "Đây là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con". Lạy Chúa, khi thông hiệp với Chúa, chớ gì con biết hiến mạng sống mình vì yêu. Để làm nổi bật hai sự việc trên chỉ là một ("tiến dâng con" và "hiến dâng của lễ"), Luca trích dẫn hai đoạn văn Kinh Thánh, khi cần vẫn có thể tăng cường chiều kích "vượt qua" của trình thuật này: "Tất cả các con trai đầu lòng đều được thánh hiến dành cho Thiên Chúa" (Xh 13,2.12.15). Chúng ta hãy nhớ lại nguồn gốc của nghi thức này. Dân tộc Israel làm nô lệ bên Ai Cập. Để chấp nhận việc giải phóng vượt qua, vua Pharaô đã phải chứng kiến mọi con trai đầu lòng thuộc xứ sở mình đều chết hết. Một của lễ chiên vượt qua ghi dấu máu nơi cửa nhà Do Thái. Và để "ghi nhớ" ngày cứu độ giải phóng này, mọi con trai đầu lòng người Israel đều thuộc về Thiên Chúa! Muốn dẫn chúng trở lại gia đình, cần phải "chuộc lại". Đó là biểu tượng lạ thường. Một vật thuộc về Thiên Chúa? Muốn dân chúng trở lại gia đình, cần phải "chuộc lại". Đó là biểu tượng lạ thường. Một vật thuộc về Thiên Chúa: là một vật được hiến thánh!

Chính Đức Giêsu cũng được "hiến thánh" cách trọn vẹn! Và việc đó được diễn ra vào "ngày thứ bốn mươi", thời gian tròn đầy.. và sau này còn có một "ngày thứ bốn mươi" nữa, để kết thúc mùa phục sinh dẫn tới biến cố lên trời làm cho sự hiện diện hữu hình của Đấng phục sinh biến khỏi. Đúng vậy, toàn bộ Tin Mừng đang nằm ở trang này. Và một cảnh vượt qua khác cũng sẽ diễn ra "ở Giêrusalem" (Lc 24, 47-52).

Phép rửa đã thánh hiến tôi cho Chúa. Biến cố đó có ý nghĩa gì đối với tôi không?

Của lễ là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non…

Thật là cảm động, phải không? Nhưng coi chừng, ta có thể biến toàn thể trình thuật trên đây của Luca thành giai thoại mất thôi! Một lần nữa, ta cần ghi nhận rằng, Luca đã không thêm bớt gì. Rõ ràng ông chỉ dựa vào những thực hành tôn giáo Do Thái hiển nhiên. Nhưng ta cũng có thể nhìn ra, tại sao Đức Giêsu lại không được miễn chước khỏi việc tuân giữ những tập tục đó. Mà thôi, đối với Luca, điều quan trọng thực sự đó là "nội dung” thần học, là "ý nghĩa" thâm sâu của các sự kiện lịch sử. Vậy ta cứ chấp nhận quan điểm của người thuật chuyện. Nào ta sẽ đọc toàn bộ bản văn mà Luca đã trích dẫn một đoạn nơi sách Lêvi (12,8): "Nếu người mẹ không đủ khả năng kiếm đủ tiền mua con vật, thì có thể dùng đôi phim gáy hay một cặp bồ câu. Đó! đúng là lễ vật của người nghèo. Maria đã không thể làm gì hơn được. Bà không thể trả tiền cao hơn! Đó là điều mà Luca nhằm gợi lên cho ta, nếu ta biết đoán ra ý người viết, và ta biết rằng toàn bộ Tin Mừng của ông sẽ là "tin vui cho người nghèo (Lc 4,18). Phải, toàn bộ Tin Mừng đã nằm ở trang này, bề ngoài xem ra đầy hình ảnh dân gian. Phúc thay những người nghèo, vì nước trời là của họ.

Được “thánh hiến" cho Thiên Chúa... điều đó không đòi hỏi những dấu hiệu huy hoàng. Mọi người nghèo trên thế giới với áo quần rách rưới, lại "xứng đáng" với Thiên Chúa và được thánh hiến... Những người nghèo được "thánh hiến"! Tôi có kính trọng họ không?

Cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải hư vong hay được ơn cứu độ, cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.

Đức Giêsu cũng là một "dấu hiệu”, một "dấu hiệu bị chống báng", một "dấu hiệu mà người ta có thể phủ nhận". Thiên Chúa không muốn áp đặt. Người đã trao ban tự do. Người chấp nhận " dấu chỉ tình yêu của Người có thể bị người đời chối bỏ! Péguy sẽ nói: "Những khúm núm lụy phục của kẻ nô lệ không nói lên cho Người điều gì cả". Như thế mỗi người phải tự quyết định trước trường hợp "Giêsu” Ta có thể từ chối Ngài, nghĩa là phải hy vọng, phải quỳ xuống... ta có thể đón nhận Người, nghĩa là được ơn cứu độ được nâng lên...

Ngay tại trang này, ta đã có Đấng "Thẩm phán vũ trụ”, Đấng phân chia loài người ra làm hai trong Ngày cánh chung (Mt 25-31). Lạy Chúa xin nâng con lên. Xin giúp con biết chọn Chúa.

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nagiarét, miền Galilê, còn hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh... tiến triển...

Cuộc hành trình lên thủ đô đã kết thúc. Đôi vợ chồng trẻ lại trở về miền quê tăm tối của mình. Nhưng giờ đây, chính Thiên Chúa luôn ở cùng. Người sắp sống tại xưởng thợ nơi gia đình. Dần dần, Người sẽ tập sống làm người. Người sẽ học đời, học đi (ban đầu có thể lao đao, rồi té xuống). Người sẽ học đọc tại trường, học nghề thợ mộc... ôi thôi! kéo cưa của cậu mới ‘tập sự’ chưa giúp được việc gì. Những, Người cứ tập tành... Người sẽ tiến bộ.

8. CHÚ GIẢI CỦA FICHES DOMINICALES

LÒNG TIN KHÔNG ĐẮN ĐO CỦA ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE

Trung thành với Luật Môsê, các ngài dâng hiến Hài Nhi cho Thiên Chúa và cùng Đức Giêsu dấn thân lên đường.

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Chúa Giêsu tỏ mình ra trong đền thờ.

Đây là lần Chúa tỏ mình ra trong Đền thờ, trung tâm sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái. Cũng trong tư cách là Đấng Cứu Thế, việc tỏ mình này có liên hệ chặt chẽ với việc tỏ mình ra cho các mục đồng vùng Bêlem.

Luca làm cho các độc giả của mình liên tưởng ngay đến "Luật Môsê" ấn định một thời hạn là bốn mươi ngày kể từ ngày sinh con cho đến khi làm lễ thanh tẩy cho người mẹ trẻ. H.Cousin nhận xét: Như vậy là "Bảy mươi tuần đã trôi qua kể từ ngày Thiên Thần Gabrien loan báo Gioan Tẩy Giả chào đời ": Công cuộc giả phóng Giêrusalem được loan báo trong Isaia (Is 40-55) nay trở thành hiện thực, như lời ông Simêon rồi đây sẽ hát lên ("L'evangile de lúc", Centurion, trang 42).

Việc xảy ra tại thành đô "Giêrusalem”, nơi khi lên mười hai tuổi Đức Giêsu sẽ đi hành hương lần thứ nhất (2,42); nơi sẽ diễn ra cuộc "xuất hành" của Người (khổ nạn, chết, sống lại, lên trời) vào những ngày chót của cuộc hành hương long trọng cuối đời. Đây là điểm quan trọng, vì đối với Luca, Giêrusalem sẽ là trung tâm của biến cố Phục sinh và khởi điểm của công cuộc truyền bá Kitô giáo.

- Bối cảnh của sự việc là "Đền thờ', nơi đây Luca đã khởi đầu Tin Mừng bằng việc truyền tin cho ông Dacaria (1,5,25); nơi đây Tin Mừng Luca sẽ kết thúc bằng lời cầu nguyện của cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu "Hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa" (24,25). ' '

"Cha mẹ Đức Giêsu" đem con lên Giêrusalem, "để tiến dâng cho Chúa”. Luca đặt vào đây hai nghi lễ riêng biệt:

+ Một đàng theo sách Lêvi 12,8, lễ "thanh tẩy" cho người mẹ trẻ, 40 ngày sau khi sanh con, nếu là con trai, kèm theo của lễ là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non" đối với gia đình nghèo.

+ Đàng khác, theo sách Xuất Hành 13,12 và để kỷ niệm ngày tổ phụ Abraham sẵn sàng dâng hiến cho Thiên Chúa người con trai duy nhất của ông là Isaac (bài đọc 2), còn có việc thánh hiến và chuộc "con trai đầu lòng”.

Có tới ba lần Luca nhấn mạnh đến ý muốn của Giuse và Maria là trung thành làm xong mọi việc "như Luật Chúa truyền”. Ngay cả những việc không tiên liệu nữa, bởi lẽ các ngài đích thân dâng tiến con trai đầu lòng theo gương bà Anna đến Nhà Chúa dâng bé Samuen vậy (1 Sam 1,22-24).

2. Ứng nghiệm những lời hứa, loan báo sứ mệnh của Đức Giêsu.

Hai nhân vật bất ngờ xuất hiện, một nam một nữ tiêu biểu cho niềm mong đợi Đấng Cứu Thế từ bao đời nay của Israel. Không hẹn, mà cả hai cùng đến gặp Maria và Giuse: "Và này đây tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon... cũng có một nữ ngôn sứ là Anna”. Hai khuôn mặt đẹp gợi nhớ lại những vị thánh nam nữ trong Thánh Kinh kể từ Abraham là sa ra.. Hai bậc cao niên mà vì họ Hài nhi được Thánh Thần tác động, sẽ đến vén lên bức màn bao trùm biến cố để lộ ra ý nghĩa thực: nơi Hài nhi ấy các lời hứa đã được ứng nghiệm, hát nhi ấy loan báo việc sắp xảy ra.

- Trước tiên phải nói đến ông Simêon. Ông không phải là người có trách nhiệm phục vụ Đền Thờ vì ông không phải là tư tế, cũng chẳng phải là lê vi hay Kinh sư. ông chỉ là "người công chính" (nghĩa là người hoàn toàn "khớp với ý muốn của Thiên Chúa) và sùng đạo (nghĩa là người được lòng tin và niềm hy vọng của Israel hun đúc).

+ Trong Bài ca “an bình ra đi" của ông, ông chào mừng cuộc giáng lâm của Đấng cứu độ và tỏ ra mãn nguyện thấy lời Chúa hứa nay được thể hiện nơi Đức Giêsu.

Hài Nhi này đến làm cho lòng mong đợi của riêng ông và dân tộc ông được mãn nguyện; ông lên tiếng ngợi ca ơn lạ lùng Chúa đã ban cho chính ông, người trông đợi cuối cùng của Giao ước cũ, là được "bồng bế trên tay mình" Hài Nhi trưởng tử của một thế giới mới mà ông đã hình dung ra.

Rồi ngỏ lời trực tiếp với hài nhi, ông chào mừng con trẻ là Đấng Mêsia " là "ơn cứu độ " của Thiên Chúa, một ơn cứu-độ vượt khỏi biên giới Israel và có liên can tới mọi dân tộc, bởi lẽ hài nhi Giêsu này "là ánh sáng soi đường cho dân ngoại”. Ông kết thúc bài ca khi loan báo rằng nhiệm vụ trông đợi của Ông đã đến hồi kết thúc: "Giờ đây ông có thể ra đi an bình”.

Những lời tiên tri của ông Simêon khiến cho cha mẹ Hài Nhi "ngạc nhiên”, đồng thời cũng gây cho ông bà những thắc mắc đi đôi với sự hài lòng (xem dưới).

+ Thế rồi, sau khi chúc phúc cho cha mẹ Hài nhi, ông nói với Maria một lời tiên tri đau buồn, tương phản với niềm vui được bày tỏ trong Bài Ca: "Này, người con của bà đây...ông loan báo cảnh "chia rẽ”, sẽ có sự chia lìa vì Đức Giêsu: những kẻ ủng hộ Người thì người sẽ là sức mạnh vực họ chỗi dậy, những ai chống đối người, thì Người khiến họ phải "vấp ngã”. Bởi lẽ, R.Meynet chú giải "Chúa không áp đặt ơn cứu độ của người cho ai cả; người chỉ đưa ra, chỉ "dành sẵn cho muôn dân”, cho mọi dân tộc cũng như cho Israel. Người chỉ kêu mời người ta đón nhận trong tự do. Nhưng rnọi người đều sẽ phải quyết định. Đức Giêsu không phải là một chứng cứ không thể phi bác người là một dấu chỉ trước niềm tin và tự do của con người. Nhiều người trong Israel sẽ từ chối Người, nhưng những người khác sẽ chấp nhận đi theo Người. Nơi các dân tộc cũng thế thôi. Mọi người sẽ bị phân rẽ, ngay cả giữa cha mẹ mình, ngay cả Đức Maria cũng sẽ phải chịu thử thách ấy. Sự ngạc nhiên của cha mẹ Người là sự ngạc nhiên của lòng tin trộn lẫn với những thắc mắc và sự hài lòng trước những biến cố bất ngờ này. Trước xì-căng-đan của thập giá, lòng tín của Đức Maria cũng như của tất cả các môn đệ đều sẽ phải trải qua cơn xâu xé dày vò" ("L'evangile se lon saint lúc – Analyse rhétorique". Cerf, trang 40).

Và này đây một nhân vật khác, bà Anna, mà Luca gọi là "nữ ngôn sứ”. J. Potin viết: ""Bà cũng là hình ảnh người phụ nữ thánh thiện của Kinh Thánh. Bà kết hôn từ thuở niên thiếu, nhưng có lẽ chịu phận son sẻ, giống như bà mẹ của Samuen đã một thời hiếm muộn; bà ở goá để tưởng nhớ chồng, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phụng Thiên Chúa trong đền Thờ. Qua bà, cả một đoàn lũ đông đảo các phụ nữ thánh thiện Israel đang dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì từ nay Người khởi sự thực hiện việc giải thoát dân Người" ("Jésus, l'histoire vraie", Centurion, trang 95).

Phần cuối câu truyện không quên nhắc lại việc cha mẹ Đức Giêsu trung thành tuân thủ Lề Luật. Rồi bằng ít lời vắn gọn, Luca tóm kết tất cả cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu ở Nagiarét như sau: "Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nagiarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa”.

Ơn khôn ngoan mà Hài Nhi được tràn đầy, chẳng bao lâu nữa người ta sẽ thấy biểu lộ trong trình thuật tìm gặp lại con trong Đền thờ (Lc 2,46-47).

BÀI ĐỌC THÊM.

1. "Một khởi đầu mới mong manh”.
(L. Sintas, trong "Parole du Dteu pour la méditation ét l'homélie. Năm B", Médiaspaul. trang 22-23).

Để ghi nhớ việc tổ phụ Abraham hiến tế con đầu lòng cho Thiên Chúa, Luật truyền cho mọi con trai đầu lòng phải được hiến dâng cho Chúa (...). Maria và Giuse tuân thủ Luật Chúa truyền. Vì hai ông bà nghèo, nên dâng một cặp bồ câu non làm của lễ.

Hôm nay nghi lễ hiến dâng này có một tầm mức thật là độc đáo. Nếu đúng là mọi Hài Nhi ra đời đều là ơn huệ của Thiên Chúa mà mọi cha mẹ phải nhìn nhận và vui mừng, thì điều đó càng đúng biết bao đối với trường hợp của Hài Nhi Giêsu. Không ai trong số những người được trông thấy Maria và Giuse tiến vào Đền thờ hôm ấy, hiểu được điều ấy. Các môn đệ, các thánh sử thực ra chỉ hiểu rõ điều này sau khi Chúa phục sinh. Chỉ tới lúc ấy các ông mới nhận ra sự cao cả lạ lùng của Đức Giêsu, Đấng các ông đã sống kề cận trong ba năm qua. Sự cao cả lạ lùng đó Đức Giêsu đã có từ lúc đức Maria mang thai và sinh ra Người, dầu rằng lúc đó còn bị che giấu. Chỉ sau biến cố phục sinh, các ông mới có thể viết Tin Mừng về thời thơ ấu của Đức Giêsu là làm nổi bật được tính cách độc nhất vô nhị của Người.

Nơi bản thân ông Simêon, Luca như đọc được một bản tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm ấy. Simêon là một con người được nhào nặn trong lòng tin của Israel. Nếu ông được coi là một người công chính, thì điều đó có nghiã là nơi ông, người ta gặp được sự thánh thiện của những chính nhân đầy lòng tin. Ông giữ một vị trí chính đáng trước mặt Thiên Chúa, trước lề luật của Thiên Chúa, cũng như trước mặt mọi người. Bởi được viết sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, nên Luca có thể gọi đích danh nhiệt tình thúc đẩy ông Simêon lên Đền Thờ, là sức mạnh dun dũi của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần được giới thiệu ở đây như là sức mạnh duy nhất kiến tạo nên dân Chúa, dẫn dắt dân trong lòng tin (...). Sự hiệp nhất sống động giữa Cựu ước và Tân ước được biểu lộ ra bằng một biến cố. Một ông già mà cả đời đã được nuôi dưỡng trong lòng tin của tổ phụ Abraham giờ đây tiến đến trước Đấng Mêsia của lời hứa và được khao khát từ bao đời. Ông già ấy giờ đây ẵm bế trên tay mình Đấng Mêsia kia và hát lên-lời ca chúc tụng và tri ân Thiên Chúa:

Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi (...).

Ông già ấy có thể qua đi. Vậy thì ngọn lửa thiêng kia phải được trao lại cho ai? Trao cho một hài nhi bé bỏng. Điều này muốn nói lên rằng giai đoạn đầu mới lạ này quả là mong manh bé nhỏ. Nước Thiên Chúa giống như một hạt giống dù là loại hạt nhỏ nhất, nhưng vẫn hứa hẹn sẽ trở nên một cây to lớn. Nó cũng nói lên tầm quan trọng của Thánh Gia trong vai trò được trao phó và gìn giữ hạt giống mỏng manh kia. Quả là mong manh bé nhỏ khi toàn bộ thế lực sự ác sẽ ập đến tấn công hạt giống ấy. Và ông Simêon cũng nói cho Maria hay một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà. Cuộc khổ nạn đã có mặt ngay từ đây rồi. Phải, người ta sẽ chia rẽ vì hài nhi này. Trẻ ấy sẽ làm cho nhiều người phải vấp ngã. Thực tế cho thấy hận thù ghen thét dường như toàn thắng. Những thù địch của Đức Giêsu sẽ thắng được Người. Họ sẽ kết tội và đóng đinh Người.

Tuy nhiên, cũng chính Giêsu ấy sẽ làm cho nhiều người được chỗi dậy. Phục sinh đã được loan báo và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ đem đến một cuộc phục hồi lớn lao vô cùng. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã danh sẵn cho muôn dân.

Đó chính là lý do khiến nữ ngôn sứ Anna, lúc ấy cũng tới nơi để cùng hát lên những lời tán tụng Thiên Chúa với ông Simêon.

2. “ Trung tín với thần khí”
(Đức Cha L.Daloz, trong "diệu a visité son peuple"; Desclée de Brouwer, trang 21-22).

"Để chu toàn các điều Luật truyền, cha mẹ Đức Giêsu đem Người lên Đền Thờ dâng tiến cho Thiên Chúa, và dâng của lễ nghèo hèn là "một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non" dành cho việc thanh tẩy Đức Maria. Được Thần Khí thúc đẩy, ông Simêon lên Đền Thờ gặp hai ông bà. "Ông Simêon là người đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa? Hoạt động của thần Khí là sợi đây nối kết mọi hoàn cảnh xảy ra khi Đức Giêsu giáng sinh. Công trình Thần Khí thực hiện thì sung mãn, phong phú và hưng phấn. Câu truyện trong hai chương đầu của Tin Mừng Luca mang dấu ấn rõ rệt về hoạt động của Thần Khí. Những biến cố luôn hàm ý về tương lai, và người ta đã linh cảm được sứ mệnh phổ quát của Đức Giêsu. Những nhân vật như Maria, Dacaria, Êlisabét, Simêon và nữ ngôn sứ Anna đều là những người loan báo ơn giải thoát mà hạt giống đã được chôn vùi trong thế giới chúng ta. Các ngài đều làm chứng rằng ơn cứu độ đã tới và hết sức vui mừng. Thần Khí hoạt động dựa trên các ngôn sứ, Thần Khí ấy của Thiên Chúa tràn đầy vũ trụ, đến thực hiện các lời hứa và ban ơn thông hiểu. Qua miệng ông Simêon, Thần Khí tỏ cho thấy ánh sáng đang đi vào thế giới và người Con của Đức Maria nắm giữ vai trò quyết định. Người con ấy sẽ là dấu hiệu cho người ta chống đối, khi phanh phui ra những tranh cãi của nhiều tâm hồn. Chúng ta hết thảy đều liên can tới điều mạc khải này vì nó cũng phanh phui những tranh chấp trong tòng ta. Cũng Thần Khí ấy của Thiên Chúa còn thâm nhập vào nơi sâu thẳm của bản thân ta và thúc đẩy ta, phải nhận biết Đấng ban ơn cứu độ. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại ”. .. Chỉ mình Thần Khí mới có thể mở mắt ta đón nhận ánh sáng này. Như ông già Simêon, như nữ ngôn sứ Anna, tâm hồn ta phải biết lắng nghe và nhạy bén với làn gió âm thầm của Thần Khí. Như vậy, chúng ta mới có thể đón nhận Đức Kitô - Aùnh sáng.

9. CHÚ GIẢI CỦA GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN ĐÀLẠT

TRÌNH DÂNG CHÚA GIÊSU TẠI ĐỀN THỜ
CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Theo luật Môisen": người ta có thể thắc mắc tại sao Luca nhấn mạnh quá nhiều đến việc Thánh Gia hoàn tất các nghi thức Do thái. Nếu nhớ Luca là môn đệ của Phaolô, ta sẽ tìm ra được lý do tuyệt diệu trong suy tư sau đây của thư Galata: "Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật, để giải phóng những kẻ ở dưới quyền Lề luật, ngõ hầu ban quyền nghĩa tử: cho ta. Và bởi vì anh em là nghĩa tử, nên Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến trong lòng anh em, chính Thần khí kêu lên: Abba, Cha ơi! Cho nên anh em không còn là nô lệ, nhưng là con; mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự thể theo (ý của) Thiên Chúa" (14,4-7). Bản văn này làm sáng tỏ Tin mừng thời Thơ ấu cách lạ lùng thật. Vì chẳng có nơi nào cho thấy rõ ràng Chúa Giêsu thật là Con Thiên Chúa, sinh bởi người nữ; chẳng có nơi nào mà Tin mừng nhấn ngạnh mãnh liệt việc Người tuân giữ các quy khoản Lề luật như đoạn văn hôm nay.

"Họ phải được thanh tẩy": Theo luật Môisen trong Lv 12 thì sau khi sinh con trai, người mẹ trở nên ô uế trong 7 ngày xét theo luật phụng tự (nghĩa là không được chạm đến vật gì đã thánh hiến cũng như tham dự phụng vụ tại Đền thờ) và tiếp đó phải ở riêng trong nhà 33 ngày nữa. Sau thời gian thanh tẩy theo nghi thức ấy bà phải đến Đền thờ dâng một của lễ. Người ta ngạc nhiên khi nghe thánh sử bảo: Họ phải được “thanh tẩy", vì chỉ mình người mẹ là cần chuyện này mà thôi. Có thể giải thích như sau: họ phải được thanh tẩy. Nghĩa là việc thanh tẩy này có liên can tới họ; thanh tẩy là điều bắt buộc đối với một mình người mẹ do việc sinh con ra, là việc sinh nở thì vừa liên hệ tới bà mẹ và liên hệ tới đứa bé. Người ta cũng có thể ức đoán rằng Lc quan niệm lễ nghi thanh tẩy như được thi hành trong thực tế, nghĩa là có kèm theo nghi thức trình dâng đứa trẻ. Nếu thế thì đây là một lễ nghi tại Đền thờ trong đó Maria dâng các lễ tế tiên liệu cho việc thanh tẩy, đồng thời lợi dụng cơ hội để trình dâng Hài Nhi Giêsu. Nhưng dù sao chắc một điều là Giuse không dính dáng gì đến việc "họ được thanh tẩy", vì Lề luật chẳng hề buộc người chồng phải thanh tẩy.

"Và khi đến ngày, theo luật Môisen. họ phải được thanh tẩy, thì họ đem người lên Giêrusalem": Hai chữ “họ” của câu này xem ra giống nhau, nhưng văn mạch cho thấy là không phải vậy; chữ "họ" thứ nhất nhắm Maria và Giêsu, chữ "họ" thứ hai nhắm Maria và Giuse; câu văn hơi sai đôi chút. Vì Luca quá muốn gãy gọn mà lại quên lưu ý là các đại danh từ số nhiều đi liền nhau đây không chỉ cùng nhân vật. Tuy nhiên ý nghĩa cũng khá rõ ràng. Việc trình dâng Hài Nhi tại Đền thờ này không có trong lề luật. Chỉ việc chuộc đứa bé là truyền buộc thôi. Nhưng Luca chẳng hề nói qua một tiếng đến lễ nghi chuộc Chúa Giêsu đó, mà chỉ đề cập tới việc dâng trình Người. Ông lại còn nhấn mạnh đến việc trình dâng này bằng cách liên kết vào đó hai văn từ của lề luật mà thật ra chỉ liên hệ tới việc chuộc con. Làm như vậy là để mặc cho việc trình dâng một ý nghĩa long trọng: dâng hiến và thánh hiến. Thành thử đối với Luca, việc long trọng trình dâng Chúa Giêsu cho Giavê hôm nay tương đương với việc chu toàn cách thiêng liêng nguyên tắc pháp luật của Xh 13, theo đó mọi con trai đầu lòng (và nhất là Đứa Con đầu lòng này) đều thuộc về Giavê. "Một người tên là Simêon” Tên này rất thông dụng thời đó. Có kẻ đã đồng hóa ông Simêon với một giáo sĩ tên Simêon, con của Hillel và cha của Gamaliel, cả ba đều là những đại giáo sĩ ở Giêrusalem. Nhưng việc đồng hóa này không bảo đảm. Lời kinh Nunc dimittis quả cho thấy Simêon là một cụ già, song Luca chẳng quả quyết điều này một cách minh nhiên. "Niềm an ủi của Israel": Từ Is 40, 1; 51, 12; 61,2. .. từ ngữ này ám chỉ thiên sai thời đại.

“Thánh Thần ở trên ông": Theo ngôn ngữ Cựu ước (Ds 11, 17. 11,25.29; 2V 2, 15; Is 11,2; 41, 1; Ed 11,5), thành ngữ này muốn nói Simêon là ngôn sứ.

“Đức Kitô của Chúa": Đây là tước hiệu cổ truyền của Đấng thiên sai trong Cựu ước Hy lạp (1Sm 24,7,11; 26, 9. 11. 16.23; 2 Sm 1, 14. 16. ..) và tương đương với tước hiệu "Đấng Messia của Giavê”. Đừng lẫn lộn với thành ngữ Kitô Chúa" (thành ngữ riêng biệt của Lc trong Tin mừng, x. 2, 11) mà người ta thấy trong Ac 4,20 bản Hy lạp) và Tv Salomon 17,36 cũng như trong Phaolô nhiều lần về sau. Tước hiệu "Kitô Chúa" này rõ ràng có một ý nghĩa siêu việt mà những đồng hóa Đấng Messia với Giavê. Nó giàu nghĩa hơn tước hiệu "Đức Kitô của Chúa".

"Cha mẹ": Vì đã nhấn mạnh nhiều đến việc đầu thai đồng trinh của Chúa Giêsu, nên Lc không ngần ngại dùng chữ. "cha mẹ Người" (x. cc. 41.43) và ngay cả "cha Người" (cc. 33.48). Các sao lục viên vẫn thường thay các hạn từ vừa nói bằng chữ Maria và Giuse để làm nổi bật sự kiện Chúa Giêsu chỉ có một Cha ở trên trời.

"Giờ đây, lạy Chúa. ..": Sấm ngôn nơi cc.29-32 này tương ứng với thánh ca Dacaria về Gioan Tẩy Giả trong Lc 1,67-79; nhưng thay vì cảm hứng từ các Thánh vịnh, ở đây sấm ngôn mượn lời của sách Isaia đệ nhị, phần thứ hai, và công bố rằng trong Chúa Ciêsu, ơn cứu độ đã được ban tặng. Thánh thi này đã được dùng trong kinh nguyện phụng vụ của Giáo Hội (kinh tối) từ thế kỷ V (x. Hiến pháp Sứ đồ 7,48).

"Theo lời Ngài": Các chữ này làm ta liên tưởng tới việc Thánh Thần đã mặc khải (c.26) cho Simêon biết ông sẽ được nhìn thấy Đấng Messia trước khi lìa đời.

"Ánh sáng rạng soi dân ngoại": Việc cứu rỗi dân ngoại lần đầu tiên được loan báo ở đây trong tác phẩm Lc. Nhưng nó chỉ cược công bố cách minh nhiên rõ ràng từ sau mặc khải phục sinh (Lc 24,47).

“Vinh quang của Israel dân Ngài": Tước hiệu này rất đặc biệt. Nó đưa ta về đoạn Xh 40,35: "Đám mây bao phủ nhà tạm và Vinh quang Giavê lấp đầy chỗ Thần cư ". Đây là việc Vinh quang đi vào trong cung thánh; và Vinh quang chính là Giavê. Ở đây cũng vậy, cũng nói về Vinh quang trong cung thánh, nhưng Vinh quang được mạnh dạn đồng hóa với Chúa Giêsu: người là Vinh quang. Có một dấu chứng nói lên ý tưởng táo bạo này là: theo quan niệm Cựu ước, ai đã thấy Giavê (Xh 19,21; 33,20; Lv 16,2; Ds 4,20) hoặc chỉ nghe Ngài nói thôi (Xh 20,10, Đnl 5,24-26; 18,16) đều phải chết. Thế mà trong giai thoại trình dâng Chúa Giêsu đây, các thành ngữ "thấy cái chết" (2,26), “thấy Chúa Kitô của Chúa" (2,26), thấy. .. Vinh quang" (2,30.32) lại liên quan mật thiết với nhau. Môisen đã không vào lều tạm vì sợ chết (Xh 40,35). Simêon thấy "vinh quang" và có thể lìa trần. Theo lối chơi chữ trong bản văn, thì ông "thấy" Vinh quang đồng thời với cái chết.

“Cha mẹ người đều kinh ngạc": Lc cố ý cho thấy sau các lần mặc khải đầu tiên ở 1,31-35 và 2, 11. 14, cha mẹ Chúa Giêsu vẫn chưa quán triệt hết mầu nhiệm của Người.

"Người có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel": Chúa Giêsu là nhân vật bắt ta phải quyết định chọn lựa. Trong Người hoàn tất cái sấm ngôn hình như tiềm ẩn trong các lời Simêon nói: “Đối với các người, Ngài (Giavê) sẽ là cơ hội thánh hóa, là đá vấp phạm, là thạch nham nên dịp trượt ngã cho đôi nhà Israel, là tròng lưới là là cạn bẫy cho dân Giêrusalem. Lắm người sẽ trượt nhà trên đó; chúng ngã lăn và tan xương, chúng sẽ sa bẫy và bị chụp" (Is 8, 14). Nhưng lời tiên tri sau đây cũng đúng cho Chúa Giêsu: "Này Ta đặt trên Sion một viên đá hoa cương, viên đá góc quý giá làm nền. Ai cậy tin vào viên đá này sẽ không nao núng" (Is 28,16). Khi buộc mỗi người phải chọn theo hay chống lại người, Chúa Giêsu sẽ là dấu chỉ gây cớ vấp phạm. “Và hồn bà, một mũi gươm sẽ đâm thâu qua": Câu này từ lâu đặt ra cho các nhà chú giải nhiều vấn đề lóc búa. Một số dựa theo Origène (Reuss, Bleek. ..) cho rằng lưỡi gươm là sự nghi ngờ sẽ đâm thâu suốt cuộc đời Maria, nỗi nghi ngờ về lai lịch sâu xa của Quý tử; nhưng lối chú giải này không mấy phù hợp với phần còn lại của Tin mừng là xem ra là một lối giải thích có tính cách tâm lý học vô bằng cứ. Lối giải thích cổ truyền (từ paulin de no le và thánh Augustin) đã xem lưỡi gươm chính là việc Maria hiệp thông và nỗi đớn đau của đứa con tử nạn. Lối giải thích này dĩ nhiên có thể chấp nhận, nhưng không chắc chắn. Quả thế, nó cắt đứt chuyển thông liên tục của bản văn và xem ra đưa vào đấy một dấu ngoặc (BJ và Nguyễn thế Thuấn đặt câu nói giữa hai gạch ngang) là như thế là ngược lại với thói quen của người sêmita. Tiếp đến, nó quá thu gọn tư tưởng vào cá nhân con người Maria, một điều xem ra ngược với nhãn giới của thánh sử, vì đối với ông cũng như đối vật mọi tác giả Tân ước, tâm lý các nhân vật không đáng lưu tâm bằng vai trò của họ trong lịch sử cứu rỗi; người ta thấy rõ điều này trong các quang cảnh của thời Thơ ấu, trong đó Maria bao giờ cũng chỉ đóng một vai trò phụ thuộc sánh với vai trò Chúa Giêsu. Sau cùng lối giải thích cổ truyền đây quá quy chiếu về đồi Canvê mà loại bỏ mọi cái khác.

Gần đây, việc chú giải câu này đi theo một chiều hướng khác biệt. Trong Cựu ước, hình như lưỡi gươm vẫn thường được xem như là biểu tượng của sự đối kháng và chia rẽ (Ed 12. 14). Hơn nữa, Isaia lại còn bảo Thiên chúa đã biến miệng Người tôi tớ thành một "lưỡi gươm sắc bén" (49,2). Hình ảnh này đã được Khải Huyền lấy lại khi nói về Chúa Kitô (1.16; 2, 12. 16; 19, 15. 21). Khi nhớ rằng viên Ky mã trong Khải huyền, mà miệng võ trang bằng một lưỡi gươm sắc bén, được gọi là “Ngôi lời Thiên Chúa" (Kh 19, 13) và khi lưu ý rằng Is 49,2 đi trước Is 49,6 là đoạn gọi Người Tôi tớ là "ánh sáng muôn dân", thì ta phải lập tức nghĩ rằng cả hai câu này đã có trung tâm trí lực khi ông viết các câu 32.35a và rằng lưỡi gươm phân rẽ Israel làm đôi (c.34) chính là Lời mặc khải đến trong Chúa Giêsu, lời cứu độ nhưng cũng là lời phán xét (x. Dt 4, 12). Thế mà hình như chắc là trong hai chương đầu này. Luca trình bày Maria như là Nữ tử Sion, nghĩa là Israel nhân cách hóa (x. chứng minh dài dòng của Laurentin, sđd, tr.148- 163). Theo viễn ảnh như vậy, có thể Lc còn muốn tiếp tục việc nhân cách hóa này (trong quang cảnh trình dâng Chúa Giêsu và có lẽ rằng chính vì xét như là Nữ tử Sion mà Maria đã được Simêon ngỏ lời ở c.35a: trong con người của bà. Chính Israel sẽ bị gươm của Giavê xuyên thấu.

Lối chú giải này (của Sahlin. Black, Laurentin. Boismard, Benoit. ..) có lợi điểm là làm cho c.35a thuần nhất với văn mạch của nó. Thay vì nằm trong ngoặc đơn, thì câu này trở thành một khâu trong chuỗi khai triển; nó t.iếp tục tư tưởng của câu trước và chuẩn bị cho tư tưởng kế tiếp theo. Chúng ta đã thấy mối liên lạc giữa c.34 và 35a: cơn khủng hoảng gây ra trong Israel bởi "dấu chỉ vấp phạm" được mô tả, theo Edêkien, như lưỡi gươm Giavê đâm thâu tâm hồn (dân Chúa). Còn c.35b thì đưa ra một kết luận ăn khớp: thử thách gây nên do việc Chúa Giêsu đến rồi đây sẽ vạch trần bí ẩn của mọi tâm hồn khi đòi con người phải chọn lựa theo hay chống Chúa Giêsu.

Được hiểu một cách ăn khớp với nhau như thế, cc.34-35 sẽ cân xứng tuyệt vời với các cc.30-32. Lời tiên tri của Simêon phân chia thành một bức song bình: một bên là việc chiếu soi dân ngoại và ơn cứu độ phổ quát, vốn tựng trưng cho vinh quang Israel; bên kia là cơn khủng hoảng trong chính Israel, cơn khủng hoảng sẽ khiến nhiều con cái tuyển đến ngã gục. Đó là tất cả bi kịch của lịch sử cứu rỗi, được Lc trình bày trong Tin mừng và sách công vụ; tấm bi kịch này được Simêon loan báo ở đây cách vắn tắt nhưng vô cùng mạnh mẽ.

Để biện minh cách tiêu cực cho lối giải thích vừa nêu, chúng ta hãy đưa ra một bắt bẻ quan trọng đối với lối giải thích cổ truyền. Trong Tin mừng Luca, chẳng có chỗ nào nói đến việc Maria hiệp thông vào số phận đau đến của Chúa Giêsu cả. Dĩ nhiên người ta có quyền giả thiết bà đã hiệp thông một cách nào đó. Nhưng nếu Luca đã muốn ngụ ý điều này khi đặt trên miệng Simêon lời tiên tri bí ẩn, thì hẳn sau đó ông đã cho thấy việc hiệp thông được thể hiện trong nhiều sự kiện rõ rệt. Thế mà Lc đã chẳng nhắc đến tên Trinh nữ trong số các người đàn bà theo dõi việc đóng đinh thập giá.

"Ngày đêm tham dự phụng tự (Nguyễn Thế Thuấn): “Bà không rời khỏi đền thánh, thờ Chúa ngày đêm”): Nét này, mà người ta còn gặp lại trong Lc 18,7; Cv 20,31; 26,7, hình như hơi lý trưởng hóa. Vì dù sao, các phụ nữ không được phép ở lại đêm trong khuôn viên Đền thờ.

"Họ trở về Galilê, đến Nagiarét. ..": Đây chỉ là một lối tóm tắt, hoàn toàn theo kiểu của Luca. Matthêu cho thấy Thánh Gia đã ở lại Bêlem khá lâu (Mt 2,11), và thời hạn cuộc lưu trú này tùy thuộc vào ngày giờ gán cho cuộc thăm viếng của các đạo sĩ. Dựa vào Mt 2, 16, có người bảo là hai năm. Nhưng dầu giả thiết thế nào chăng nữa, thì việc Trình dâng tại Đền thờ cũng phải xảy ra trước cuộc Hiển Linh. Vì khó cho rằng Giuse, mà trong suốt thời thơ ấu của Chúa Giêsu luôn luôn tỏ ra khôn ngoan thận trọng, ai đi lôi kéo cơn lôi đình của Hêrôđê xuống trên đứa bé. Thành thử việc trở lại Nagiarét mà Luca nói ở đây trước tiên giả thiết việc lui về Bêlem rồi chạy trốn đến biên giời Ai Cập (hợp với Mt 2,13-15), và trùng hợp với việc định cư tại Nagiarét mà Mt 2,19-23 đã nói.

KẾT LUẬN

Với nhiều điển tích, nhiều ám chỉ Kinh thánh, Luca cho thấy việc Trình dâng Chúa Giêsu tại Đền thờ khai mào thời đại thiên sai, cái thời đại đã được các ngôn sứ xưa loan báo và được đánh dấu bằng việc Vinh quang của Giavê long trọng tiến vào Đền thờ.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Từ thuở ấu thơ, ngay cả khi chưa nói được. Chúa Giêsu đã hoàn tất các lời Kinh thánh. Hôm nay, Ngài thực hiện lời hứa đã ban cho Đanien (9,21-24), cho Malaki (3,1) và cho biết bao ngôn sứ khác ngày xưa. Hôm nay, trong con người trẻ bé Giêsu, chính Thiên Chúa trở lại cung thánh bị bỏ phế của Ngài. Vì, dù tội Israel thế nào chăng nữa, Thiên Chúa vẩn luôn trung thành với lời mình đã hứa. Sự thất trung của Israel chỉ làm trì hoãn việc thực hiện các lời hứa này, chứ không thể hủy bỏ chúng được. Trong cuộc đời chúng ta cũng thế. Ngày chúng ta được Rửa tội, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm nghĩa tử Ngài. Rồi dù chúng ta có lắm bất trung, Ngài vẫn không khi nào ruồng rẫy. Dù tội chúng ta có xua đuổi Ngài ra khỏi cung thánh lòng ta, Ngài vẫn tìm mọi cách giúp chúng ta ăn năn thống hối. Hôm nay chúng ta hãy mở rộng cung thánh chúng ta cho Ngài, hãy mời Chúa Kitô đã từ nay vinh hiển đến ở mãi trong cuộc đời chúng ta, hãy cùng với Người tận hiến bản thân cho Thân phụ chí hảo của Người, để chúng ta cũng được trở nên "ánh sáng" (2,32) chiếu soi hết mọi người sẽ gặp chúng ta.

2. Hành động của Thánh Thần có mặt khắp cả bài Tin mừng hôm nay. Chính Thánh Thần ở trên Simêon (c.25) đã mặc khải cho ông biết ông sẽ thấy Đấng Messia trước khi qua đời (c.26), đã thúc đẩy ông vào Đền thờ ngay lúc Chúa Giêsu đến (c.27). Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể sống dưới sự hoạt động của Thánh Thần cách thường xuyên nếu chúng ta ở trong ơn nghĩa thánh và biết chăm chỉ tuân theo những thúc đẩy bên trong của Ngài. Thánh Thần cũng có thể trở nên trong chúng ta một nguồn sáng giúp ta hiểu rõ hơn đức tin và bổn phận chúng ta, một nguồn sức mạnh và năng lực thiêng liêng giúp ta can đảm sống trọn đời môn đồ Chúa, một nguồn linh ứng cho lời cầu nguyện cũng như cho cuộc sống chúng ta thường ngày.

3. Simêon và Anna đã suốt đời chờ đợi giờ được cho xem thấy Chúa Kitô. Đối với chúng ta, họ là những tấm gương hy vọng và trung tín. lòng trung tín của họ đã được ân thưởng: họ được niềm vui bồng ẵm trên tay “Aùng sáng dân ngoại”, “Vinh quang Israel", đích thân Thiên Chúa. Chúng ta cũng được hồng ân như vậy mỗi lần đi rước lễ. Chúng ta hãy chuẩn bị tiếp lấy ân sủng này trong sự trung tín mong chờ và đón nhận nó với tất cả tâm tình biết ơn như Simêon và Anna.

4. Maria và Giuse đã chấp hành hoàn hảo mọi yêu sách của Lề luật Môisen. Các đấng lại vâng phục dẫn độ còn thi hành thói quen đạo đức là Trình dâng con trai đầu lòng tại Đền thánh, một điều là luật không đòi hỏi. Sở dĩ các đấng đã đi quá Lề luật như thế, đó là vì các đấng đã tuân phục với tình yêu chứ không vì sợ hãi.

5. Maria, thụ tạo tinh tuyền nhất trong lịch sử nhân loại, đã khiêm tốn chấp hành nghi thức thanh tẩy. Phần chúng ta là những người đã bị tội lỗi làm cho ra vô cùng ô uế, chúng ta cũng hãy khiêm tốn lãnh nhận bí tích cáo giải để được thanh tẩy tâm hồn. Cho đến tận thế, Chúa Giêsu vẫn là dấu chỉ vấp phạm (c.34) vì buộc con người phải chọn lựa theo hay chống lại Ngài. Phần chúng ta, hãy làm lại việc dấn thân theo Ngài vô điều kiện. Nếu chúng ta trung thành với Ngài, thì "ân sủng Thiên Chúa cũng sẽ ngự xuống" (c.40) trên chúng ta và đổ đầy cuộc đời chúng ta niềm vui và ánh sáng.

7. Maria và Giuse đã ngạc nhiên khi nghe những điều Simêon và Anna nói về Quý tử. Sở dĩ ngạc nhiên, là vì các Đấng chưa hoàn toàn quán triệt mầu nhiệm sâu xa bao phủ con mình. Dù được sống thân mật với Chúa Giêsu, các đấng cũng phải tiến tới trong đức tin. Nhưng đức tin các đấng được đào sâu vì các đấng "gẫm suy mọi sự ấy trong lòng" (2,19). Đối với chúng ta, cũng chẳng có gì lạ nếu chúng ta không hiểu hết mầu nhiệm của Thiên Chúa. Dù đã qua 20 thế kỷ, Giáo Hội vẫn luôn luôn tiếp tục đào sâu mầu nhiệm Chúa Kitô. Như Chúa Kitô, đức tin chúng ta phải lớn lên, triển nở trong sức mạnh và ân sủng. Đức tin chúng ta, chính là sự tăng trưởng liên tục và dần dần của Chúa Kitô trong chúng ta.

10. GƯƠNG MẪU THÁNH GIA

“Theo luật Môsê… cha mẹ dâng con cho Chúa”.

Một ông vua muốn thử tài phán đoán của các con, ông đưa ra hai viên ngọc quý, một viên thật, một viên giả, viên ngọc thật ông gói trong giấy báo cũ, còn viên giả ông để trong một hộp thật đẹp. Ông gọi người con đầu tới và bảo anh chọn lấy một viên. Anh bỏ qua gói giấy xấu, lựa lấy viên trong hộp đẹp. Thế là anh đã chọn viên ngọc giả. Đến lượt người con thứ, vua cha cũng bảo như thế, anh này vốn là đứa con hiếu thảo, anh nói: “Thưa cha, con xin cha lựa giùm con”. Dĩ nhiên vua cha lựa cho anh viên ngọc thật.

Chúa Cứu Thế đến trần gian cũng ví được như một ngọc quý nhưng được che phủ trong dáng vẻ bình dị, tầm thường, ít người nhận ra. Muốn nhận ra Chúa Cứu Thế phải có ơn đặc biệt, phải chuẩn bị tâm hồn xứng hợp.

Chúa Giáng Sinh chẳng những như một em bé bình thường, mà còn kém các em bé bình thường nữa. Chúa cũng tuân giữ luật lệ như mọi người, dù em bé Giêsu là Thiên Chúa, dù Đức Maria vô cùng tinh sạch, Mẹ cũng bồng Chúa lên đền thờ làm nghi thức thanh tẩy và dâng lễ vật chuộc Chúa về. Một cặp chim, đó là lễ vật của nhà nghèo. Gia đình Chúa lên đền thờ như một gia đình nghèo khó thi hành luật định. Chúa như là viên ngọc dấu kín, thế nhưng đã có ông Simêon và bà Anna nhận ra Người.

Trong đền thánh có bao nhiêu người giỏi giang, thông thái như các tư tế, các luật sĩ. Họ am tường Kinh Thánh, hiểu rõ các lời ngôn sứ tiên báo về Chúa Cứu Thế, nhưng họ không nhận ra Chúa, vì Chúa quá nghèo khó bình dị. Trong khi ông chỉ là một ông lão nghèo. Bà Anna chỉ là một quả phụ, bần cùng yếu đuối, không quyền hành trong xã hội. Nhưng họ vốn là những người con hiếu thảo của Thiên Chúa: khiêm tốn, đạo hạnh, biết thờ Chúa với tất cả tấm lòng tin yêu phó thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Họ giống như người con thứ của vua trong câu chuyện kể trên. Họ đã được Chúa Thánh Thần soi sáng để nhận ra Chúa Cứu Thế qua dáng vẻ tầm thường của một hài nhi. Họ đã được đón nhận Chúa Cứu Thế, như những người nghèo hèn bé nhỏ được Chúa chúc phúc vậy.

Simêon và Anna nghèo khó đã hân hạnh được bồng ẵm Chúa Cứu Thế, được thay mặt nhân loại nói lời đầu tiên tung hô Chúa đến.

Simêon cũng đã tiên báo Chúa Cứu Thế sẽ là một báu vật được giấu kín giữa lòng thế nhân. Vì vậy có người nhận ra nhưng đa số vẫn từ chối Ngài, thậm chí còn chống đối Ngài. Do đó Ngài sẽ là duyên cớ cho nhiều người vấp ngã. Và thái độ họ sẽ như một lưỡi gươm đâm thấu trái tim Đức Maria, sẽ làm Mẹ tan nát cõi lòng như ta thấy về sau.

Chu toàn bổn phận theo luật định xong, gia đình Chúa Giêsu trở về Nagiarét. Ở đó, Chúa Giêsu lớn khôn, học hành, tập nghề thợ mộc như các bạn thiếu nhi. Cuộc sống Chúa vạch rõ tầm quan trọng của gia đình, cái nôi cần thiết cho mọi người. Chúa sống ở trần gian 33 năm, thì đã sống 30 năm bình thường trong gia đình nghèo khó.

Xin Chúa giúp chúng con theo gương Chúa sống trung hiếu với Cha trên trời, thảo kính ông bà cha mẹ ở trần gian và sống tình huynh đệ với mọi người. Biết vâng giữ luật Chúa, luật Hội Thánh và các luật lệ chính đáng trong xã hội.

11. HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH - JKN

Câu hỏi gợi ý:

1. Qua bài Tin Mừng, bạn thấy Giuse có những nỗi khó khăn nào? Và ông đã có thái độ nào khi giải quyết những khó khăn ấy?
2. Hạnh phúc gia đình tùy thuộc vào ai nhiều nhất? Tại sao?
3. Để gia đình được hạnh phúc, mọi người trong gia đình cần có tinh thần nào?

Suy tư gợi ý:

1. Giuse, người chủ gia đình gương mẫu

Bài Tin Mừng hôm nay chủ yếu nói về thánh Giuse với tư cách chủ của gia đình Nagiarét. Ngài đã phải hết sức cực nhọc vất vả vì gia đình của mình, nhất là vì con trẻ Giêsu, kể từ khi thấy Đức Maria mang thai, một cái thai không phải là của mình, nhưng trước mắt mọi người thì lại chính thức là của mình. Thử đặt mình vào địa vị Giuse, ta sẽ thấy vai trò của ngài không phải dễ dàng.

Đối với con trẻ Giêsu, cho đến lúc lìa đời, thánh nhân luôn luôn phải dùng con mắt đức tin, tin vào lời sứ thần hiện ra trong giấc mơ, để khỏi nghĩ rằng mình đang phải nuôi đứa con của người đàn ông khác. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng phẳng lặng để Giuse có thể yên ổn với niềm tin ấy. «Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ», đức tin của Giuse chắc chắn bị thử thách nhiều phen, nhất là những lúc phải vượt thắng những khó khăn vượt quá sức mình như tình huống của bài Tin Mừng hôm nay.

Từ khi nhận Maria về nhà mình đến giờ, khó khăn cứ dồn dập xảy tới. Chưa yên thân với Maria tại nhà mình, thì có lệnh phải đưa Maria – đang mang thai đã đến thời sinh nở – từ miền Bắc vào miền Nam, từ Nagiarét xứ Galilê đến Bê-lem xứ Giuđê theo lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Đế Augústô (x. Lc 2,1-6). Cuộc hành trình mà theo đường chim bay đã dài tới 120km, và đương nhiên phải đi bằng một phương tiện rất thô sơ của những người nghèo thời đó, có thể chỉ là một con ngựa hay con la. Người nghèo đi tới đâu cũng gặp khó khăn, chẳng mấy ai giúp đỡ. Và Maria đã bị buộc phải sinh hạ con trẻ Giêsu – mà Giuse tin là đấng Thiên Sai – trong một chuồng bò lừa. Là chủ gia đình, chắc chắn Giuse không tránh khỏi đau lòng và nhục nhã trước sự nghèo nàn và bất lực của mình! Nhưng nào đã hết! Con trẻ mới sinh chưa được bao lâu, đang chuẩn bị đưa hai mẹ con hồi hương, thì lại có lệnh của thiên thần – cũng lại trong giấc mơ – buộc phải đưa cả hai mẹ con trốn sang Ai-Cập. Chỉ thẳng đường chim bay từ Bê-lem tới biên giới Ai Cập thôi đã phải là 100km. Hành trình lần này chắc chắn vất vả hơn lần trước, vì có thêm con trẻ Giêsu hết sức yếu đuối, dễ nhiễm bệnh. Ở nơi đất khách quê người, Giuse phải tìm cho ra chỗ ở, việc làm tạm thời để nuôi sống cả gia đình, chắc hẳn điều ấy không luôn luôn dễ dàng. Rồi cuối cùng lại phải đưa cả gia đình về Nagiarét. Tại đây Giuse phải bao bọc, che chở và nuôi sống gia đình, đồng thời giáo dục con trẻ Giêsu nên người. Đối với Đức Giêsu, câu «công Cha như núi Thái Sơn» chắc chắn cũng rất đúng khi áp dụng cho cha nuôi của mình.

Tất cả những khó nhọc vất vả ấy đòi hỏi Giuse phải có rất nhiều tình yêu và nhiều đức tính mới có thể vượt qua một cách tốt đẹp. Nếu Giuse và Maria sống đời vợ chồng bình thường, thì những khó nhọc của Giuse sẽ được bù đắp bởi những giây phút hạnh phúc thân mật bên Maria. Nhưng theo niềm tin Công giáo, Giuse bảo vệ cho Maria sống đồng trinh trọn đời, nên tình yêu đầy tính thiên thần và hết sức cao thượng của Giuse đối với Maria phải hết sức lớn lao. Ngài thật là một người đàn ông cao cả, và là một người chủ gia đình hết sức gương mẫu. Thiết tưởng bất kỳ người chủ gia đình nào bắt chước Giuse cũng sẽ làm cho gia đình mình yên vui hạnh phúc.

2. Hạnh phúc gia đình tùy thuộc người chồng rất nhiều

Hạnh phúc gia đình có hay không, và đến mức nào, tùy thuộc vào tất cả mọi thành viên trong gia đình, nhất là vào cách đối xử của hai vợ chồng đối với nhau. Muốn gia đình hạnh phúc, mọi thành viên phải thực hiện những điều Thánh Phaolô đề nghị trong bài đọc 2: «Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng».

Nhưng nếu so sánh giữa hai vợ chồng, thì theo sự thường, nghĩa là trong đa số các trường hợp, hạnh phúc và sự êm ấm trong gia đình tùy thuộc vào người chồng nhiều hơn. Câu nói trên của thánh Phao-lô hàm ẩn những điều kiện trong đó. Muốn vợ phục tùng chồng, thì người trước đó người chồng cần phải tỏ ra yêu thương vợ một cách cụ thể, qua việc đối xử độ lượng, không cay nghiệt với vợ, biết thông cảm, hy sinh, thường xuyên giúp đỡ vợ trong mọi việc, nỗ lực bao bọc che chở vợ mình trong mọi hoàn cảnh. Người vợ có cảm thấy được chồng yêu thương, có cảm phục chồng vì tính quảng đại, cao thượng, bỏ qua mọi lầm lỗi nhỏ nhặt, thì mới dễ dàng phục tùng chồng. Nói chung, tâm lý của mọi người là chỉ tự nguyện phục tùng những ai mình nể phục và yêu mến mà thôi. Người vợ không thoát ra ngoài tâm lý chung ấy. Người chồng không nên lấy quyền làm chồng, hoặc dùng bạo lực hay áp lực kinh tế để ép buộc vợ phải phục tùng mình. Làm như thế thì có khác gì mình đang thực hiện một chế độ độc tài nho nhỏ trong gia đình. Người vợ cảm thấy mình bị áp bức một cách bất công, tất nhiên – như một định luật – là sẽ có ngày nổi loạn, nhất là khi người chồng trở nên yếu thế, không còn khả năng về kinh tế hay thể chất nữa. Lúc đó người chồng không thể chỉ biết trách vợ, mà trước tiên hãy nhận ra lầm lỗi của mình.

Ngược lại, muốn được chồng yêu thương, người vợ cũng cần phải tỏ ra mình là một người dễ thương, nghĩa là nói năng dịu dàng, ngọt ngào, biết chiều ý chồng, biết hy sinh tận tụy phục vụ gia đình, làm tròn mọi bổn phận của mình trong gia đình, nhất là biết tỏ ra nể phục chồng. Mình không dễ thương thì dù là chồng mình cũng chẳng thể thương mình được.

Tâm lý chung của mọi người đàn ông là dễ đem lòng yêu thương những phụ nữ tỏ ra nể phục mình, và tâm lý chung của mọi phụ nữ là dễ yêu thương những người mà mình nể phục. Nhưng làm sao người phụ nữ có thể yêu thương một người mà mình khinh thường vì thấy không có gì đáng nể phục? Và làm sao người đàn ông có thể yêu thương được người vợ không kính nể mình? Do đó, để gia đình hạnh phúc, yếu tố rất quan trọng là người chủ gia đình phải có một điều gì đấy, một đức tính nào đấy khiến người vợ cũng như con cái trong nhà nể phục. Có thể chỉ cần một đức tính nào đó thật nổi bật, không cần nhiều. Nhưng càng nhiều thì càng tốt! Nhưng đức tính không thể thiếu được là lòng độ lượng, bao dung, và sự hy sinh quả cảm.

Gia đình thánh gia rất dễ có hạnh phúc, một phần rất lớn là vì Giuse, người chủ gia đình, có rất nhiều đức tính đáng để Maria kính phục. Có thể nói bản lĩnh, cách hành xử cao thượng, và sự quảng đại trong yêu thương của người đàn ông là nền tảng và là yếu tố đầu tiên cần thiết cho hạnh phúc của cả gia đình. Thiếu nó, gia đình khó có hạnh phúc.

3. Quên mình để yêu thương hữu hiệu, là bí quyết gây hạnh phúc gia đình

Một trong những trở ngại lớn nhất của hạnh phúc gia đình là cái tôi và ý riêng của mỗi thành viên. Nói chung, ai cũng coi cái tôi và ý riêng của mình là quan trọng, và tỏ ra rất bực mình khó chịu khi thấy cái tôi và ý muốn của mình bị coi thường, hoặc không được ai để ý tới. Ai cũng bị cái tôi và ý riêng của mình thu hút đến độ quên đi cái tôi và ý muốn của người khác vốn cũng thu hút hết tâm trí của họ. Ai cũng muốn cái tôi và ý kiến của mình được mọi người quan tâm chú ý, nhưng chẳng ai muốn quan tâm đến cái tôi và ý kiến của kẻ khác. Chính vì thế, chẳng ai được thỏa mãn, cuộc sống chung do đó chẳng hạnh phúc, thậm chí biến thành hỏa ngục. Muốn làm cho người khác hạnh phúc, nghĩa là làm cho họ được thỏa mãn vì cảm thấy cái tôi và ý kiến của họ được tôn trọng, thì chính tôi phải quên cái tôi và ý riêng của mình đi để đặt nặng cái tôi và ý kiến của họ lên. Như thế họ cảm thấy hạnh phúc khi ở bên cạnh tôi. Nếu người ấy cũng biết làm như thế đối với tôi, thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, và thế là cả hai đều hạnh phúc. Nhưng cách tốt nhất và bảo đảm nhất để được hạnh phúc là tôi lấy hạnh phúc của người tôi thương làm hạnh phúc của mình. Như thế tôi sẽ hạnh phúc khi làm cho họ được hạnh phúc.

Hạnh phúc gia đình luôn luôn đòi hỏi phải có một ai đó trong nhà biết quên mình, biết quên cái tôi của mình đi, để quan trọng hóa cái tôi của người khác lên. Thái độ ấy như một cái ngòi khởi động, làm cho những người khác trong nhà cũng hành động như vậy, và nhờ đó, hạnh phúc gia đình mới bùng lên. Thái độ khởi động ấy phải được lập lại hàng ngày hàng giờ trong đời sống gia đình. Ai sẽ khởi sự thái độ quan trọng ấy nếu không phải là chính bạn, là người ý thức được bí quyết hạnh phúc đó, bất kể bạn là vợ hay chồng? Thật vô phúc cho gia đình nào không có ai tự nguyện làm cái ngòi khởi động tình yêu thương ấy hàng ngày trong cuộc sống!

Cầu nguyện

Lạy Cha, Cha đã chọn thánh Giuse là người đứng đầu gia đình Nagiarét với những đức tính rất cần thiết của một người làm chủ gia đình để gia đình ấy được hạnh phúc. Xin cho tất cả những người làm chủ trong các gia đình Ki-tô hữu biết noi gương bắt chước Ngài, biết coi nhẹ cái tôi của mình để thường xuyên quan tâm đến hạnh phúc của mọi thành viên khác trong gia đình. Xin cho những người làm vợ và làm mẹ noi gương Đức Maria biết luôn tỏ ra dễ thương, dịu dàng, và biết hy sinh ý riêng của mình cho hạnh phúc gia đình. Và xin cho mọi con cái trong gia đình Ki-tô hữu biết noi gương Đức Giêsu luôn kính trọng và vâng phục cha mẹ mình. Amen

12. TIẾN DÂNG CHO CHÚA

Suy Niệm

Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình. Ngôi Lời làm người chấp nhận có mẹ, có cha. Tuy thánh Giuse và Đức Maria không có tương giao vợ chồng, nhưng tình yêu chẳng bao giờ thiếu ở Nagiarét.

Chúng ta không biết nhiều về đời sống của Thánh Gia, nhưng chúng ta thấy Hai Đấng luôn ở bên nhau, đi chung với nhau trên những con đường, chia sẻ với nhau mọi nỗi buồn vui, trong thời gian Đức Giêsu còn thơ ấu.

Thánh Giuse đã đưa Đức Maria đi Bêlem. Đoạn đường cam go đối với người gần ngày sinh nở. Thánh Giuse cũng đã đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, rồi lại đưa về làng cũ. Có lần cả hai phải vất vả mấy ngày tìm con trong âu lo và nước mắt.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cả gia đình thánh lên Đền Thờ lần đầu tiên. Một đôi vợ chồng nghèo với đứa con còn nhỏ.

Đây là một gia đình gắn bó với luật Chúa. Luật dạy người mẹ phải tẩy uế sau khi sinh con. Đức Maria vui lòng giữ luật ấy, dù Mẹ biết Đấng được Mẹ sinh ra là Đấng Thánh. Luật dạy phải chuộc lại đứa con trai đầu lòng vì nó thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa. Đức Giêsu chẳng những đã được chuộc lại, mà còn được cha mẹ Ngài tiến dâng cho Chúa.

Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Ngài đã tập làm người. Mái nhà là trường học đầu tiên. Thầy cô đầu tiên là cha mẹ. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt thật hài hòa. Bé Giêsu, anh Giêsu, chú Giêsu, Ông Giêsu...

Ngài lớn lên trong dòng thời gian. Thời gian là ánh mặt trời làm cho trái chín. Nhờ lao động với Cha nuôi mà Ngài trở nên vững vàng và đủ sức khỏe để đảm nhận sứ vụ. Nhờ chuyên cần học tập mà Ngài thêm khôn ngoan. Dù Ngài là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn học hỏi nơi bạn bè, kinh sư, nơi kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống.

Nhờ được dạy cầu nguyện mà Ngài có tình thân với Cha. Những lời kinh đầu tiên được bập bẹ trên gối mẹ. Nagiarét đã thành trường huấn luyện Đức Giêsu trở nên người biết sống cho người khác, và nên vị tông đồ tuyệt vời cho Cha và nhân loại.

Có bao bài học sống động ở dưới mái ấm này. Bài học yêu thương, cảm thông, tha thứ, bài học phục vụ, quên mình, khiêm hạ xin vâng...

Ước gì mọi gia đình Kitô hữu đều là một Thánh Gia, để mỗi người con đều trở nên một Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Xã hội suy sụp vì gia đình đổ vỡ. Đâu là những mối đe dọa mà gia đình hôm nay đang gặp phải? Một gia đình Kitô hữu dựa vào đâu để vượt qua những khó khăn đó?

Để có một gia đình hạnh phúc, cần có những người vợ, người chồng "đủ tiêu chuẩn". Theo ý bạn, đâu là những tiêu chuẩn mà một bạn trẻ cần có trước khi lập gia đình?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nagiarét, Chúa đã thành một người chính chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Chúa.

Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Chúa đã học nơi Mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con, xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn, Giáo hội chúng con thánh thiện hơn, nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa.

13. TÌNH YÊU VÀ LONG KINH TRỌNG TRONG GIA ĐÌNH

Hơn hết tất cả, lễ Giáng sinh thật sự là một lễ dành cho gia đình. Và trong khi tâm trí chúng ta còn đang hướng về Bêlem và Thánh gia, thì các bài đọc Phụng vụ hôm nay lại nhắc đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống gia đình. Nói đến Thánh Gia, có lẽ là nói đến một cái gì xa vời chăng, vì gia đình chúng ta đây có lẽ còn quá cách xa gia đình lý tưởng này.

Chúng ta đừng quên rằng Maria và Giuse, cũng như các bậc cha mẹ khác, đều phải đương đầu đối diện với biết bao vấn đề khó khăn. Bóng đen của thập giá đã phủ xuống chiếc nôi ở Bêlem, đã tràn vào trái tim Mẹ Maria khi nghe lời tiên tri lạnh lùng của Simêon, nào là Con trẻ sẽ nên cớ vấp phạm của nhiều người trong Israel, nào là trái tim của Mẹ sẽ bị lưỡi gươm sắc đâm thâu qua. Ngày từ đầu con trẻ mà Maria và Giuse hết lòng yêu thương trìu mến lại là một huyền nhiệm to lớn, và khi con trẻ trưởng thành dưới sự bao bọc của mình, Maria và Giuse chỉ biết hết lòng phó thác tín nhiệm vào Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta cũng phải làm như thế thôi. Gia đình là một định chế lâu đời nhất của nhân loại, và gia đình đã tồn tại đến ngày nay là vì nó được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Chúng ta có thể không có khả năng làm xoay chuyển thế giới nhưng ảnh hưởng của cúng ta vẫn có thể vươn ra bao bọc lấy gia đình tổ ấm chúng ta.

Cũng giống như bất cứ kế hoạch đáng giá nào khác, cuộc sống gia đình muốn thành công mỹ mãn phải cần đầu tư nhiều thời giờ và sức mạnh. Gia đình hạnh phúc không tự dưng mà đến. Tình yêu, hoà điệu, kính trọng lẫn nhau, vốn là những yếu tố cơ bản của một gia đình hạnh phúc, phải được chứng minh bằng hành động cụ thể. Câu Latinh “Lời nói bay qua, gương bày lôi kéo” (Verba volant, exampla trahunt). Gương sáng là những lời giảng dạy hùng hồn nhất. Những thái độ yêu thương ân cần chăm sóc, vốn rất cần trong những buổi ban đầu, cũng có nhiều ảnh hưởng sâu đậm và dài lâu. Trong cuộs sống sau này, con cái sẽ trở nên những gì mà chúng được nhào nặn, uốn nắn, được hấp thụ, và mội khi chúng học được cách cho đi và nhận lãnh, thì đồng thời chúng cũng sẽ phát triển được sự hiểu biết tha nhân một cách trưởng thành hơn.

Đây là cơ hội tốt cho những người mới trưởng thành suy nghĩ lại về tình yêu và lòng kính trọng mà họ cần biểu lộ với cha mẹ mình, vì đối xử tử tế với cha mẹ là một việc quí giá trước nhan Thiên Chúa. Buồn thay, về phương diện này, giới trẻ thường không sống phù hợp với tinh thần phúc âm cho lắm.

Cha mẹ ngày nay thường hay bị hoang mang bối rối không biết cái gì đang xẩy ra, khi thấy con cái đang trưởng thành lại hay diễn tả những giá trị cũng như niềm tin khác với thế hệ trước. Cũng cần phải tỏ lòng tôn kính đặc biệt với ông bà nội ngoại trong quãng đời về chiều, và đừng để các ngài kết thúc cuộc đời trong nỗi cô đơn dày vò. Hơn bất cứ gì khác, điều đáng nói nhất là cần sống bình an trong vòng tay êm ấm của gia đình. Đã đành một gia đình được chu cấp đầy đủ, và một mức sống tươm tất là điều quan trọng nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng nếu như gia đình không duy trì cầu nguyện hướng về cuộc sống thiêng liêng, thì mọi chuyện khác cũng nhất định sẽ trục trặc mà thôi.

Đời sống gia đình không bao giờ trôi chảy êm ả mãi, ngày nay còn có biết bao khó khăn phải nỗ lực phấn đấu hơn xưa nhiều lắm. Nhưng đó là những nguyên liệu chúng ta sử dụng để hình thành nên đời sống thánh thiện của chính mình. Nhân dịp Lễ Thánh Gia, chúng ta cầu xin Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse giúp gia đình chúng ta biết sống đẹp lòng Chúa hầu đem lại một tinh thần mới cho đơn vị cơ bản nầy của xã hội loài người.

14. BẾP LỬA

Lễ Giáng sinh là lễ của ánh sáng. Đêm Noel, không những trong ngôi thánh đường này, mà khắp nơi trên thế giới, ánh sáng rực rỡ hơn mọi ngày. Không phải chỉ là ánh sáng vật chất bên ngoài, nhưng chính là ánh sáng chân thật của Đấng Cứu thế bừng lên trong lòng thế giới. Sự kiện lớn lao ấy đã bắt đầu một cách khiêm tốn tại một nơi được dùng để nhốt thú vật, một nơi tối tăm hôi thối và ẩm ướt. Việc đầu tiên của thánh Giuse khi tới đó, là nhóm lên một bếp lửa, cho ấm áp và sáng sủa để dọn dẹp.

Trong triết học người ta thích định nghĩa ngôi nhà bằng bếp lửa. Nếu chỉ có bốn bức vách và hai mái che mưa nắng thì chưa được gọi là nhà, cần phải có một bếp lửa nữa mới thực sự là chỗ ở của con người.

Bếp lửa cần thiết không những để sưởi ấm mà còn để nuôi sống con người. Một trong những điểm làm cho con người khác hẳn con vật là biết dùng lửa. Khi bếp lửa được nhóm lên nơi hang đá Bêlem, thì chỗ cư ngụ của thú vật đã trở nên một tổ ấm, một mái nhà cho một gia đình nghèo khổ của thánh Giuse, Đức Mẹ và hài nhi Giêsu, cũng như đã trở nên một hình ảnh tượng trưng cho thế giới, cho nhân loại.

Thực vậy, từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và Ngài đã đem tình thương của Ngài đặt vào đó, và thế giới này trở thành một quê hương, một tổ ấm của con người. Thế nhưng con người đã từ chối tình thương ấy, khi xua đuổi Thiên Chúa. Con người đã dập tắt bếp lửa yêu thương mà Thiên Chúa đã nhóm lên trong lòng họ. Từ đó, chỗ ở của họ đã trở thành hoang vu, tình thương đã bị thay thế bằng hận thù, sự thật đã bị thay thế bằng gian tham lừa đảo.

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc con người. Ngài đã sai con Ngài sinh ra trong cảnh tiêu điều tăm tối, để nhóm lại bếp lửa, biến đổi nơi hoang tàn trước kia trở thành một tổ ấm. Đức Kitô đã trở nên anh em của loài người. Ngài đã qui tụ tất cả lại trong gia đình con cái Thiên Chúa.

Vì vậy tiên tri Isaia đã xác quyết: Nhân loại bước đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng chan hòa. Aùnh sáng ấy, ngọn lửa ấy không phải là của một que diêm, một bó đuốc, nhưng là của mặt trời. Đức Kitô là mặt trời công chính soi chiếu khắp chốn trần gian. Ngài là tình thương của Thiên Chúa sưởi ấm loài người.

Kể từ nay, thế giới biến thành một tổ ấm, một gia đình của con cái Thiên Chúa, vì có bếp lửa là chính Chúa Giêsu ở giữa. Hôm nay, ánh sáng không phải chỉ bao trùm trên những người chăn chiên, mà còn bao trùm trên toàn thể Bêlem, toàn thể xứ Giuđêa và toàn thể địa cầu.

Thế nhưng Bêlem vẫn ngủ mê, Giuđêa vẫn đắm chìm trong quên lãng và nhân loại vẫn vùi sâu trong lầm lạc. Chỉ có những tấm lòng đơn sơ nhỏ bé như những người chăn chiên mới đón nhận được ánh sáng ấy.

Đức Kitô đã biến thế giới này trở thành một tổ ấm, một gia đình cho những người con cái Thiên Chúa, nhưng điều ấy có ý nghĩa gì nếu chính gia đình nhỏ bé của chúng ta vẫn hoang tàn lạnh lẽo thiếu hẳn hơi ấm yêu thương, chỉ còn là một chỗ cho cãi cọ, xích mích và đay nghiến.

Bởi đó, hãy nhóm lại bếp lửa yêu thương cho gia đình chúng ta. Đây không phải là một chuyện quá khó, bởi vì lễ Giáng sinh nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Aùnh sáng mặt trời đã tràn ngập, chỉ cần mở rộng cửa cho ánh sáng ấy tràn vào. Hãy đón Chúa Giêsu vào nhà để Ngài qui tụ mọi người thành con cái Thiên Chúa.

Hãy để tình yêu Ngài tràn ngập hầu gia đình chúng ta thực sự là một mái ấm đầy tràn hạnh phúc của những người con Thiên Chúa.

15. GIÁO HỘI NHỎ

Hôm nay Giáo Hội muốn chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, một gia đình kiểu mẫu cho mọi gia đình. Vậy theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình Công giáo phải thế nào?

Tình yêu không phải là một xa xỉ phẩm, nó là một thứ tối cần để nâng đỡ và xây dựng cuộc sống. Tình yêu làm nên hạnh phúc. Vì thế, đi tìm và đón nhận tình yêu không phải là việc không quan trọng. Nhưng trước khi đi tìm tình yêu ở nơi khác, hãy tìm và hun đúc tình yêu nơi chính gia đình mình.

Tình yêu gia đình là tình yêu tự nhiên nhất, sớm sủa nhất và lành mạnh nhất. Gia đình phải là một tổ ấm tình yêu, để rồi lại trở thành nền tảng cho mọi thứ tình yêu khác. Tuy nhiên, tình yêu nào mà lại chẳng có hy sinh. Tình yêu thiếu hy sinh là tình yêu dỏm. Hy sinh thiếu tình yêu là hy sinh thừa. Tình yêu trong tổ ấm gia đình không phải là một luật trừ, cho dù gia đình gồm toàn những người rất thánh, cũng khó tránh khỏi những chuyện làm buồn lòng nhau. Vì thế, điều quan trọng không phải là tránh được hết mọi chuyện không vui, nhưng là biết lợi dụng tất cả những vui buồn để dắt nhau về cõi phúc. Nếu biết hiểu như thế, nhất là nếu biết thực hiện như thế, thì gia đình sẽ vừa là tổ ấm tình yêu, vừa là nơi đặt nền cho mọi tình thương, và cũng là lò luyện hy sinh.

Mỗi gia đình là một Giáo Hội, một Giáo Hội rút gọn. Đã là một Giáo Hội rút gọn thì mỗi gia đình phải lập lại hình ảnh Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp nhất, yêu dấu và chia sẻ mọi sự với nhau thế nào, thì mỗi gia đình cũng phải đoàn kết trong tình yêu thương lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái như vậy. Mỗi người không còn ích kỷ, tìm lợi riêng cho mình, nhưng quên mình để làm sao cho những người khác trong gia đình được nâng đỡ, được hạnh phúc vui tươi trong bầu khí yêu thương đó.

Nếu mọi người trong gia đình biết sống như thế thì gia đình thật là một Giáo Hội nhỏ, sống trong tình thương, và dâng lên Thiên Chúa những của lễ thiêng liêng là những hoạt động hằng ngày của gia đình. Như thế, dù chúng ta ở đâu, gần nhà thờ hay xa nhà thờ, gia đình chúng ta vẫn là một đền thờ tốt đẹp quí báu.

Một gia đình sống theo những điều trên đây sẽ là một trường rất tốt để dạy đức tin cho con cái. Có nhiều người trong gia đình chỉ lo làm ăn và nuôi dưỡng phần tự nhiên cho con cái. Điều đó tốt thôi, nhưng nếu xao lãng không quan tâm một chút nào đến việc dạy dỗ đức tin cho con cái thì là một thiếu sót lớn. Đàng khác, có nhiều gia đình cũng quan tâm đến việc ấy nhưng lại ỷ vào người khác như các cha, các tu sĩ, các giáo lý viên, các hội đoàn. Như vậy cũng không được. Đã đến lúc những người làm cha mẹ phải ý thức: công việc đó trước tiên là công việc của mình và chính mình phải chịu trách nhiệm về đức tin của con cái trước mặt Thiên Chúa sau này, như trong Hiến Chế về Giáo Hội, Công Đồng Vaticanô II đã nói: “Những người đầu tiên phải lấy lời nói và gương sáng mà dạy dỗ đức tin cho con cái chính là cha mẹ”.

Thực vậy, gia đình là trường dạy đức tin cho con cái tốt nhất, vì không phải chỉ dạy một tuần một hai giờ mà dạy hằng ngày, luôn luôn. Ước chi các bậc cha mẹ đều bắt chước thánh Giuse và Đức Mẹ như Tin Mừng nói: “Các ngài luôn vâng giữ lời Chúa và siêng năng dự các lễ nghi như luật dạy”. Nếu các người làm cha mẹ có lòng tin vững chắc, biết truyền lại cho con cái niềm tin của mình, bằng lời dạy dỗ, bằng gương sáng trong cách ăn ở hằng ngày, thì con cái chắc chắn sẽ theo đường lối ấy. Ước chi mỗi gia đình Công giáo đều hiểu và sống như vậy.

16. CHA MẸ VÀ CON CÁI

Bài đọc 1 tường thuật về giới răn thứ bốn “Hãy thảo kính cha mẹ”. Thật đáng tiếc, người ta lại hay nhìn vào giới răn này theo nghĩa hẹp. Có ba yếu tố chính trong giới răn này:

Trước hết, bổn phận đầu tiên của cha mẹ là phải yêu thương và săn sóc con cái. Chúng ta nhận thấy tấm gương tốt đẹp nhất về phương diện này trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy những điều mà Đức Mẹ và thánh Giuse đã làm để bảo vệ sự an toàn cho con trẻ Giêsu. Ngay khi các ngài biết rằng đời sống con trẻ bị nguy hiểm, các ngài đã ra đi sống tha phương. Và khi cơn hiểm nguy qua đi, các ngài lại quay trở về quê hương của mình, và đã định cư ở Nagiarét. Trong nhà của mình tại Nagiarét, các ngài đã tạo ra được một môi trường mà trong đó, theo Tin Mừng thuật lại, Đức Giêsu có thể lớn lên trong sự khôn ngoan, có tầm cỡ, và trong lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và mọi người.

Thứ đến, con cái bắt buộc phải vâng lời cha mẹ. Ở Nagiarét, Đức Giêsu là nhân vật chính đối với Đức Mẹ và thánh Giuse. Đức Mẹ là người phụ nữ của lòng tin, ngài đã yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn. Còn thánh Giuse đã được Tin Mừng mô tả là một người công chính, nghĩa là một người luôn sống và làm việc theo luật của Thiên Chúa. Các ngài đã nuôi dưỡng, dạy dỗ và uốn nắn con trẻ Giêsu nên người.

Tại Nagiarét, Đức Giêsu có thể âm thầm lớn lên trong sự che chở của cha mẹ Người. 30 năm đầu đời của Đức Giêsu rất quan trọng đối với Người. Trong suốt 30 năm ấy, Người đã lớn lên, trưởng thành và đã chín mùi. Trong suốt những yếu tố ảnh hưởng trên chúng ta, gia đình là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất. Những ảnh hưởng của gia đình tồn tại nơi chúng ta suốt đời.

Thứ ba, những người con đã trưởng thành bắt buộc phải đảm bảo cho cha mẹ khi về già, có thể được sống thoải mái, xứng đáng với nhân phẩm. Đây là trọng tâm của bài đọc 1.

Điều này liên quan đặc biệt đến thời đại chúng ta, khi những người lớn tuổi có khuynh hướng hay bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Với sức mạnh của mình, chúng ta dễ dàng quên rằng họ là những người yếu đuối, và có lẽ hơi bị lão suy rồi. Có một câu tục ngữ “Một mẹ có thể nuôi được 10 con, nhưng 10 con không thể nuôi được một mẹ”. Dưới nhan Thiên Chúa, chúng ta mắc nợ cha mẹ chúng ta đủ thứ. Tác giả sách Giảng Viên đã quả quyết rằng lòng tận tụy của con cái đối với cha mẹ đặc biệt làm hài lòng Thiên Chúa, Người đón nhận tấm lòng đó như là một hành động chuộc lại lỗi lầm.

Gia đình Thánh Gia là mẫu mực. Khi Đức Giêsu sắp trút hơi thở cuối cùng trên thánh giá. Người đã nghĩ đến Mẹ Người, và đã trao phó Mẹ Người cho môn đệ Gioan chăm sóc. (Theo truyền thống, lúc đó thánh Giuse qua đời rồi).

Ngoài ra, việc quan tâm chăm sóc người thân trong họ hàng cũng không phải là điều dễ. Khi hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải nuôi dưỡng những người đó, thì quả thật là khó khăn. Nhất là đối với những người vốn có tính hay yêu sách. Mặc dù thế, khi chúng ta cư xử với họ bằng lòng từ tâm, là chúng ta đã làm một công việc thánh thiện nhất. Cũng như khi nhân danh Thiên Chúa, chúng ta cho người anh em một ly nước, đó là chúng ta đã phục vụ chính Thiên Chúa vậy.

17. THÁNH GIA THẤT- Lm. Munachi Ezeogu

Một cậu bé đón cha mình đi làm về và hỏi: “Bố ơi! bố đi làm được bao nhiêu tiền một giờ?”. Ông bố rất ngạc nhiên và bảo: “Này con, ngay cả mẹ của con cũng chẳng biết, đừng quấy rầy bố vì bố đang mệt.” Cậu bé lại hỏi: “Bố cứ cho con biết, lương của bố mỗi giờ được bao nhiêu tiền?” Cuối cùng thì ông bố bảo rằng: “Mỗi giờ bố được hai mươi đồng”. Cậu bé liền hỏi: “Vậy bố cho con mượn mười đồng”. Ông bố tỏ vẻ giận và mắng con: “Thì ra đấy là lý do con muốn biết tiền lương của bố? Bây giờ đi ngủ đi và đừng quấy rầy bố nữa”.

Đêm hôm ấy, ông bố nghĩ lại những điều đã nói với con mình và cảm thấy hối hận. Ông cho rằng có thể con mình đang cần tiền để mua món gì mà nó đang cần. Ông sang phòng của con mình và hỏi: “Con đã ngủ chưa?” Con ông đáp: “Con chưa ngủ”. Ông bố đưa tiền và bảo: “Đây là tiền con hỏi xin lúc nãy” Nó vui vẻ cám ơn bố, rồi lấy thêm tiền trong gối ra và nói: “ Con đã có đủ rồi! hai mươi đồng. Bây giờ bố bán cho con một giờ của bố.”

Bài Phúc âm hôm nay nhắn nhủ ông bố kể trên và tất cả chúng ta là hãy dành cho gia đình mình nhiều thì giờ hơn nữa.

Thánh Luca đã cho chúng ta thấy Đức Giêsu ở tuổi mười hai, lứa tuổi được xem là trưởng thành và mọi thiếu niên Do Thái ở tuổi ấy phải tuân giữ luật Do Thái. Đây cũng là lúc thiếu niên Do Thái được chúc mừng để trở thành người lớn. Kể từ đấy, họ phải tuân giữ luật lệ và phải tham dự hành hương hằng năm tại đền thánh Giêrusalem. Thời ấy, có những thanh niên thì đánh dấu ngày này bằng cách đi chơi hoặc làm những điều không đúng với điều mà luật Do Thái đòi hỏi. Chúng ta thường cảm thấy con của mình đã lớn, khi chúng đi chơi với bạn bè mà không xin phép. Như chúng ta đã biết, Đức Giêsu cũng vậy. Để đánh dấu ngày đến tuổi trưởng thành theo luật Do Thái, Ngài đã tham dự lớp học kinh thánh tại đền thờ mà không báo cho cha mẹ mình biết. Khi cha mẹ tìm được Người sau hai ngày tìm kiếm khắp nơi, Người chỉ trả lời rằng “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Luca 2:49). Ngay cả thánh gia đôi khi cũng có những lúc căng thẳng và những hiểu lầm.

Điều làm cho chúng ta thắc mắc là trong đoạn cuối cuả phúc âm hôm nay “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và hằng vâng phục các ngài.” (Luca 2:51). Thiếu niên Giêsu mười hai tuổi, đã biết rằng sứ mạng của mình là ở trong nhà của Cha mình và thực thi những sứ mạng ấy. Trong thời gian ngắn ngủi tại Giêrusalem, Người đã chứng tỏ khả năng và sự hiểu biết của Người, vì “Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Luca 2:47). 1 Điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ là: Nếu Đức Giêsu đã được mười hai tuổi, đã sẵn sàng và bằng chứng là có khả năng để bắt đầu sứ vụ giảng dạy công khai. Vậy tại sao Người lại đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và sống ẩn dật mười tám năm trong căn nhà nghèo nàn của người thợ mộc, và chỉ bắt đầu sứ vụ giảng dạy công khai ở tuổi ba mươi? Vậy mười tám năm ấy là vô vị và không có ích lợi gì chăng? Chắc chắn làcó lợi ích! Điều chúng ta nên tìm hiểu là cuộc sống ẩn dật cuả Đức Giêsu tại Nazaret là một phần trong sứ vụ của cuộc sống công khai của Người. Phúc âm nhắc chúng ta rằng: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Luca 2:52). Khi chúng ta suy niệm về điểm này, thì cứ một năm Người giảng đạo thì mười năm Người ở với gia đình. Từ đấy chúng ta sẽ hiểu tầm quan trọng và sự ưu tiên Người đã dành cho đời sống gia đình như thế nào.

Đời sống của chúng ta được chia thành hai phần: gia đình và công việc. Hai phần này thông thường thì phải hài hòa nhưng đôi khi lại đối chọi nhau và gây ra căng thẳng. Đức Giêsu đã hóa giải sự căng thẳng ấy bằng cách dành sự ưu tiên cho đời sống gia đình. Còn chúng ta thì thường hay cố gắng giải quyết mối căng thẳng ấy bằng cách dành sự ưu tiên cho công việc của mình, và để cho đời sống gia đình chịu tổn thương. Bà Rose Sands viết về người đàn ông bất hạnh, người mà chỉ nghĩ rằng mình có thể chứng minh tình thương của mình đối gia đình là phải làm việc hết sức mình “Để chứng tỏ tình yêu đối với vợ mình, ông ta bơi qua khúc sông sâu nhất, vượt vùng sa-mạc rộng nhất và leo ngọn núi cao nhất. Vợ của ông đã lìa bỏ ông, vì ông ta chẳng bao giờ có mặt ở nhà”.

Hôm nay, nhân dịp chúng ta mừng kính lễ Thánh Gia của thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu, chúng ta hãy ôn lại và nhắc nhở chính chúng ta rằng: hãy đặt giá trị của đời sống gia đình lên trên công việc của mình, kể cả những việc quan trọng như việc bảo tồn thế giới này.

18. THÁNH GIA

Có người cho rằng Thánh gia là một gia đình thánh. Còn chúng ta là người phàm, yếu đuối, làm sao bắt chước cho được. Hơn nữa, các Ngài sống trong bầu khí bình lặng, êm đềm, ít phải cạnh tranh và chụp dựt, ít bị những ảnh hưởng xấu như thời buổi hiện đại. Quả thật, Thánh gia là một gia đình thánh, nhưng sự thánh thiện ấy không miễn chuẩn cho các Ngài những khó khăn vất vả, những cố gắng bươm chải. Cứ đọc lại Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu là chúng ta sẽ thấy: Có những thức thách khi Giuse thấy Mẹ Maria bỗng dưng có thai mà ngài không biết. Có những vất vả của hành trình từ Nagiarét lên Giêrusalem để kiểm tra dân số đang lúc Mẹ Maria sắp nở nhuỵ khai hoa. Có những buồn tủi khi không còn chỗ cho Mẹ Maria trong quán trọ, khiến Con Thiên Chúa phải sinh ra nơi máng cỏù khó nghèo. Và chắc hẳn Thánh gia đã thấu hiểu thế nào là thân phận lưu lạc nơi đất khách quê người bên Ai Cập để trốn thoát âm mưu hãm hại của bạo vương Hêrôđê. Trước những thử thách ấy, Thánh gia có hai phương thức để giải quyết.

Trước hết là tình yêu. Thực vậy, ngày nay hơn bao giờ hết, người ta càng khám phá ra tầm quan trọng của gia đình trong đời sống xã hội: gia đình là cái nôi của con người, vì chính ở đó con người được sinh ra. Là mái trường đầu tiên của con người, gia đình giữ một vai trò đặc biệt trong sự hình thành cá tính và nhân phẩm của con người. Nhưng cũng chính ngày nay, người ta phải chua chát thừa nhận rằng đang có những khủng hoảng trầm trọng làm lung lay tận nền tảng gia đình. Chính trong bối cảnh ảm đạm đó, hình ảnh Thánh gia vụt sáng lên như ánh sao chỉ đường. Vâng. Thánh gia mời gọi các gia đình hãy biết yêu thương và sống cho nhau. Nước chảy không ngược dòng, cây không sống cho chính mình nhưng sống cho quả. Cũng vậy, cha mẹ sống cho con cái. Thánh Giuse với tư cách là gia trưởng đã miệt mài làm việc để nuôi sống gia đình, ngài ghi dấu ấn lao động trên cuộc đời của người con, khiến sau này Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng, người ta đã phải tự hỏi: Ông ấy không phải là con bác thợ mộc và Maria sao? Còn Mẹ Maria với tư cách nội trợ, Mẹ đã tập cho Chúa Giêsu cầu nguyện, giúp cho con biết quan sát thế giới chung quanh. Phải chăng những lời dạy dỗ của Mẹ Maria vẫn tiềm ẩn trong cung cách rao giảng của Chúa Giêsu sau này khi Ngài nói: Nước trời giống như men, như muối… Và cậu bé Giêsu dưới mái nhà Nagiarét đã chia sẻ mọi cảnh ngộ của gia đình, đã sống đạo làm con đối với cha mẹ trong tinh thần yêu thương và vâng phục. Như thế, mẫu gương yêu thương và sống cho nhau đã được mọi thành viên trong Thánh gia thực hiện. Cha mẹ không chỉ nuôi con bằng cơm bánh vật chất, nhưng còn dạy dỗ, làm gương sáng cho con, còn người con đáp trả bằng tình hiếu thảo và vâng phục. Phải chăng chính sự yêu thương và ân cần dưỡng dục của cha mẹ đã ghi dấu ấn sâu xa trong tâm hồn Đức Giáo Hoàng Gioan 23, nên trong ngày sinh nhật thứ 50 của mình, ngài đã viết thư cho cha mẹ như sau: Thưa ba má, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức vụ trong Hội Thánh. Con đã đi nhiều nơi, đã học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con như hồi con được ngồi bên ba má.

Tiếp đến, phương thức thứ hai đó là ý Chúa. Thực vậy, yêu thương và sống cho nhau vẫn chưa đủ, đối với người Kitô hữu, tình yêu thương còn phải được định hướng bằng thánh ý Chúa. Thiếu sự định hướng này, lắm khi tình thương chỉ còn là tiếng loa dội lại của lòng ích kỷ, hoặc biến thành một thứ tình cảm mù quáng sai lầm. Không ít bậc cha mẹ, theo như kinh nghiệm cho thấy, đã giết chết tuổi thanh xuân của con cái qua sự cưng chiều quá đáng của mình. Cho nên cha mẹ thương con mà phải nhận ra rằng yêu thương không có nghĩa là chiếm đoạt, giữ rịt cho riêng mình. Mẹ Maria sẵn lòng trao Hài nhi Giêsu cho ông cụ Simêon, cũng như sau này, Mẹ dâng con trên đỉnh cao thập giá.Và Mẹ ý Chúa là trên hết. Mẹ Maria và thánh Giuse đã vâng theo ý Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc. Một khi đã lấy ý Chúa làm ngọn đèn hải đăng hướng dẫn thuyền đời, thì mái ấm của chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua được những sóng gió của đại dương cuộc đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hợp Quần là lời nguyện ước Đêm Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Benedict XVI
Bùi Hữu Thư
04:10 26/12/2008

Hợp Quần là lời nguyện ước Đêm Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Benedict XVI



VATICAN ngày 25 tháng 12, 2008
(Zenit.org).- Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế hoàn vũ, ĐTC Benedict XVI kêu gọi phải có thêm sự hợp quần.

Đức Thánh Cha nói như trên sau khi ban phép lành "urbi et orbi" (cho Thánh Đô Rôma và cho thế giới). Nói bằng tiếng Ý, ngài bầy tỏ ước nguyện của ngài là “việc mừng Chúa Kitô giáng sinh là nguồn ánh sáng và tin tưởng cho mọi đời sống con người.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Trong thời đại chúng ta, được đánh dấu bởi một cuộc khủng hoảng khá trầm trọng về kinh tế, ước gì Giáng Sinh là lúc có sự hợp quần mạnh mẽ hơn giữa các gia đình và cộng đồng.

"Ước gì ánh sáng của niềm hy vọng Phúc Âm, xuất phát từ máng cỏ nghèo hèn ở Bê Lem, sẽ lan truyền khắp nơi và mong sao tin mừng rằng không có ai phải xa cách tình yêu của Đấng Cứu Thế sẽ vang dội khắp nơi."

Đức Thánh Cha sau đó ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh bằng 64 ngôn ngữ khác nhau. Bằng tiếng Anh, ngài nói: “Chớ gì việc giáng sinh của Hoàng Tử Hòa Bình sẽ nhắc nhở cho thế giới biết hạnh phúc chân chính nằm ở đâu; và ước gì trái tim chúng ta được đổ tràn niềm hy vọng và hoan lạc, vì Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta."
 
ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ Nửa Đêm: Thiên Chúa là nguồn bình an thật trên thế gian
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:45 26/12/2008
Vatican ngày 25-12-2008 – Trong huấn từ Lễ Nửa Đêm Giáng Sinh năm nay, ĐTC Bênêđictô XVI đã giải thích rằng nơi nào có Thiên Chúa, thì nơi đó “có bình an.” ĐTC nói tiếp, bằng cách sinh ra như một hài nhi. Đức Kitô đã đem tình yêu vào thế gian để những ai đến gần Ngài có thể trở thành những người mang bình an của Ngài.

ĐTC tiếp tục bài huấn từ của ngài bằng cách yêu cầu những người hiện diện cầu nguyện cho những trẻ em của thế giới, đặc biệt là các nạn nhân của bạo lực, lạm dụng hay kỹ nghệ khiêu dâm. “Hài Nhi của Bethlêhem lại một lần nữa triệu tập chúng ta để làm mọi sự trong khả năng của mình mà chấm dứt những đau khổ của các trẻ em này; để làm tất cả những gì có thể được ngõ hầu làm cho ánh sáng của Bethlêhem chạm đến tâm hồn của từng người nam nữ. Chỉ qua việc hoán cải tâm hồn, chỉ qua việc thay đổi tận đáy lòng của chúng ta mà căn nguyên của sự dữ này mới bị đánh bại, chỉ có như thế thì quyền năng của sự dữ mới thất bại. Thế giới chỉ thay đổi khi mà tâm hồn con người thay đổi; và để thay đổi, người ta cần ánh sáng đến từ Thiên Chúa, một ánh sáng đã bước vào đêm đen của chúng ta một cách rất bất ngờ.”

Dưới đây là bản dịch trọn bài Huấn Từ của ĐTC.

Anh chị em thân mến,

Ai giống Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự chốn cao vời, cúi xuống để nhìn các tầng trời và trái đất?” Đó là điều mà dân Israel hát trong một Thánh Vịnh (113[112],5,tt.), để chúc tụng sự cao cả của Thiên Chúa cũng như sự gần gũi yêu thương của Ngài đối với nhân loại. Thiên Chúa ngự chốn cao vời, nhưng cúi mình xuống nhìn chúng ta! Thiên Chúa là Đấng cao trọng vô cùng, và xa, cao xa trên chúng ta. Đó là cảm nghiệm đầu tiên của chúng ta về Ngài. Khoảng cách xem ra vô tận. Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đấng điều khiển mọi sự, Đấng rất cao xa đối với chúng ta: hoặc Ngài xem ra như thế từ ban đầu. Nhưng sau đó chúng ta ngạc nhiên nhận ra rằng: Đấng không có gì sánh bằng, Đấng “ngự chốn cao vời”, nhìn xuống chúng ta. Ngài cúi xuống. Ngài nhìn thấy chúng ta, và Ngài nhìn thấy tôi. Việc Thiên Chúa nhìn xuống không chỉ là việc thấy từ trên cao. Cái nhìn của Thiên Chúa là cái nhìn linh hoạt. Sự thật là Ngài thấy tôi, Ngài nhìn vào tôi, biến đổi tôi và thế giới chung quanh tôi. Thánh Vịnh cho chúng ta thấy trong câu tiếp theo: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi….” Trong khi nhìn xuống, Ngài kéo tôi lên, lấy tay Ngài mà dịu dàng nâng tôi lên và giúp đỡ tôi – tôi! - được nâng từ vực thẳm lên chốn cao vời. “Thiên Chúa cúi xuống”. Đó là một lời tiên tri. Đêm ấy ở Bethlêhem, lời đó có một nghĩa hoàn toàn mới. Việc Thiên Chúa cúi xuống đã được thành sự thật một cách từ trước đến giờ không ai có thể tưởng tượng được. Ngài hạ mình xuống – Chính Ngài xuống như một con trẻ trong một chuồng bò nghèo hèn, tượng trưng cho cảnh túng thiếu và bị bỏ rơi của toàn thể nhân loại. Thiên Chúa thật sự ngự xuống. Ngài trở thành một Hài Nhi và tự đặt mình vào tình trạng hoàn toàn lệ thuộc như tình trạng đặc thù của một trẻ sơ sinh. Đấng Tạo Hóa cầm mọi sự trên tay, là Đấng mà tất cả chúng ta lệ thuộc vào, làm cho Mình trở thành nhỏ bé và cần tình yêu của con người. Thiên Chúa trong chuồng bò. Trong Cựu Ước, Đền Thờ hầu như được coi là bệ dưới chân Thiên Chúa; hòm bia thánh đã là nơi mà Ngài hiện diện một cách bí nhiệm giữa mọi người nam nữ. Ở bên trên Đền Thờ, được che phủ, có đám mây của vinh quang Thiên Chúa. Giờ đây đám mây này đang ở trên chuồng bò. Thiên Chúa ngự trong đám mây của sự nghèo hèn của một em bé không nhà: một đám mây không thể chiếu qua được, nhưng lại là một đám mây của vinh quang! Quả thực, làm thế nào để tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, mối quan tâm của Ngài đối với chúng ta, có thể xuất hiện cách cao cả và tinh tuyền hơn? Đám mây ẩn mình, đám mây nghèo khổ của một Hài Nhi hoàn toàn cần tình yêu, đồng thời cũng là đám mây vinh quang.  Vì không có gì siêu phàm hơn, không có gì cao qúy hơn tình yêu hạ mình xuống như thế, đi xuống, trở thành lệ thuộc. Vinh quang của Thiên Chúa thật sự trở thành hiển nhiên khi cặp mắt của tâm hồn chúng ta mở ra trước hang đá ở Bethlêhem.

Câu truyện về Giáng Sinh của Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng, cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa vén bức màn che của Ngài trước hết cho những người ở giai cấp rất thấp hèn, những người bị xã hội nói chung khinh thường – cho những mục đồng coi đoàn súc vật trong những cánh đồng chung quanh Bethlêhem. Thánh Luca nói cho chúng ta rằng họ “canh thức”. Cụm từ này nhắc cho chúng ta về một đề tài chính của sứ điệp của Chúa Giêsu, là không ngừng kêu gọi chúng ta tỉnh thức, ngay cả đến lúc Hấp Hối trong Vườn [Cây Dầu] - lệnh tỉnh thức, để nhận ra việc Chúa đến, và để sẵn sàng. Ở đây cách diễn tả này dường như ám chỉ nhiều hơn là chỉ tỉnh thức về thể lý ban đêm. Các mục đồng là những người “tỉnh thức” thật sự, với một cảm giác sống động về Thiên Chúa và sự gần gũi của Ngài. Họ đang chờ đợi Thiên Chúa, mà không bỏ cuộc vì việc xem ra xa cách của Ngài khỏi đời sống thường nhật của họ. Đối với một tâm hồn tỉnh thức, tin vui lớn có thể được loan báo: Đêm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em. Chỉ một tâm hồn tỉnh thức mới có thể tin vào sứ điệp này. Chỉ một tâm hồn tỉnh thức mới có thể có can đảm ra đi tìm Thiên Chúa dưới hình dạng một Hài Nhi trong chuồng bò. Chúng ta hãy xin Chúa giúp cho chúng ta cũng trở thành một dân “tỉnh thức”.

Hơn nữa, Thánh Luca bảo chúng ta rằng các mục đồng được “bao quanh” bởi vinh quang của Thiên Chúa, bởi đám mây ánh sáng. Họ thấy mình được đem vào trong vinh quang chiếu tỏa quanh họ. Được đám mây thánh bao phủ, họ nghe được bài ca chúc tụng của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Và ai là những người Chúa thương này nếu không phải là những người nghèo khó, những người tỉnh thức, mong đợi, những người hy vọng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa và tìm kiếm Ngài, đi tìm Ngài từ tận phương xa?

Các Giáo Phụ cống hiến cho chúng ta một giải thích đáng ghi nhớ về bài hát mà các thiên thần đã hát để đón mừng Đấng Cứu Thế. Các Giáo Phụ nói, cho đến giây phút ấy các Thiên Thần đã biết Thiên Chúa trong sự hùng vĩ của vũ trụ, trong lý lẽ và vẻ đẹp của vũ trụ, là điều đến từ Ngài và phản ảnh Ngài. Có thể nói rằng họ đã nghe bài ca chúc tụng thầm lặng của các tạo vật và đã biến đổi chúng thành điệu nhạc thiên quốc. Nhưng giờ đây có một điều gì mới mẻ vừa xảy ra, điều làm họ kinh ngạc. Đấng mà vũ trụ nói đến, Thiên Chúa Đấng nâng đỡ mọi sự và cầm chúng trên tay – Chính Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại, Ngài đã trở thành một người hoạt động và chịu đau khổ trong vòng lịch sử. Trong sự ngạc nhiên vui mừng mà biến cố không thể tưởng tượng này đem lại, từ phương cách mới mẻ và đi xa hơn nữa mà Thiên Chúa dùng để tỏ Mình ra – các Giáo Phụ nói - một bài ca mới đã sinh ra, mà Bài Tin Mừng Giáng Sinh đã giữ lại cho chúng ta một câu của nó: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an cho người dưới thế”. Chúng ta có thể nói rằng theo cách hành văn của thi ca Hippri, hai nửa của câu kép này nói lên cùng một điều, nhưng từ nhãn quan khác nhau. Vinh quang của Thiên Chúa thì ở trên trời cao, nhưng tình trạng cao sang của Ngài giờ đây được tìm thấy trong chuồng bò - điều trước kia là thấp hèn giờ đây trở thành siêu phàm. Vinh quang của Thiên Chúa đang ngự dưới đất, đó là vinh quang của sự khiêm nhường và tình yêu. Còn hơn nữa: vinh quang của Thiên Chúa là bình an. Ngài ở đâu thì ở đó có bình an. Ngài hiện diện ở những nơi mà con người không muốn tự mình biến thế gian thành thiên đàng, nhưng ngược lại, họ lại muốn dùng nó cho bạo lực. Ngài ở với những người có tâm hồn “tỉnh thức”; với những người khiêm nhường và những người gặp Ngài ở “chiều cao” của Ngài, chiều cao của khiêm nhường và tình yêu. Ngài ban bình an của Ngài cho những người này, để qua họ, bình an có thể đi vào thế gian.

Thần học gia thời trung cổ William đệ Saint Thierry đã có lần nói rằng Thiên Chúa - từ thời Ađam – đã thấy vẻ oai nghiêm của Ngài làm cho chúng ta chống đối, vì chúng ta cảm thấy đời sống mình bị giới hạn và tự do bị đe dọa. Cho nên Thiên Chúa chọn một cách mới. Ngài trở thành một hài nhi. Ngài làm cho Mình bị lệ thuộc và yếu đuối, cần tình yêu của chúng ta. Giờ đây – Thiên Chúa này, Đấng trở thành một Hài Nhi nói với chúng ta  - các người không còn phải sợ Ta nữa, mà chỉ còn phải yêu mến Ta thôi.

Bằng những suy tư này, chúng ta đến gần Hài Nhi của Bethlêhem đêm nay - đến gần Thiên Chúa là Đấng đã chọn trở thành một Hài Nhi vì chúng ta. Ở mỗi trẻ nhỏ, chúng ta thấy một điều gì của Hài Nhi ở Bethlêhem. Mọi trẻ nhỏ cầu xin tình yêu của chúng ta. Vậy, đêm nay, chúng ta hãy đặc biệt nghĩ đến các trẻ em đang bị cha mẹ từ chối yêu thương. Hãy nghĩ đến những trẻ bụi đời không được phúc có một mái ấm gia đình, đến những trẻ em đang bị lạm dụng cách tàn nhẫn như những chiến binh trẻ em và làm cho các em trở thành công cụ của bạo lực, thay vì sứ thần của hoà giải và hoà bình. Hãy nhớ đến các trẻ em đang là nạn nhân của kỹ nghệ khiêu dâm và tất cả mọi hình thức lạm dụng kinh hoàng khác, và như vậy đang bị tổn thương trầm trọng tận đáy linh hồn các em. Hài Nhi của Bethlêhem một lần nữa triệu tập chúng ta lại để làm tất cả mọi sự trong khả năng của mình mà chấm dứt  sự đau khổ của các trẻ em này; để làm tất cả những gì có thể được ngõ hầu làm cho ánh sáng của Bethlêhem chạm đến tâm hồn tất cả mọi người nam nữ. Chỉ nhờ việc hoán cải tâm hồn, chỉ qua việc biến đổi tận đáy tâm hồn mình mà chúng ta mới có thể khắc phục được tất cả những sự dữ này, chỉ có như thế chúng ta mới có thể chiến thắng được quyền lực của sự dữ. Chỉ khi nào con người thay đổi thì thế giới sẽ thay đổi; và để thay đổi, người ta cần ánh sáng đến từ Thiên Chúa, một ánh sáng đã đi vào đêm đen của chúng ta một cách rất bất ngờ.

Trong khi nói đến Hài Nhi ở Bethlêhem, chúng ta hãy nghĩ đến một nơi tên là Bethlêhem, vùng đất mà  Chúa Giêsu đã sống, và Ngài quý mến vô cùng. Chúng ta hãy cầu nguyện để hoà bình được thiết lập ở đó, để thù hằn và bạo lực chấm dứt. Chúng ta hãy cầu xin cho sự hiểu biết lẫn nhau, cho các tâm hồn được rộng mở, để các biên giới cũng được mở ra. Chúng ta hãy cầu xin để bình an ngự xuống đó, bình an mà các Thiên Thần ca hát đêm nay.

Trong Thánh Vịnh 96 [95], dân Israel và Hội Thánh, ca ngợi sự hùng vĩ được bày tỏ trong các tạo vật. Tất cả mọi tạo vật được mời gọi để tham dự vào bài hát ca ngợi này, và như vậy bài Thánh Vịnh cũng chứa đựng lời mời gọi: “Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến” (c 12tt.). Hội Thánh đọc bài Thánh Vịnh này như một lời tiên tri và cũng như một nhiệm vụ. Việc Thiên Chúa đến Bethlêhem đã xảy ra trong im lặng. Chỉ có các mục đồng canh thức là được bao phủ bởi ánh sáng của sự hiện diện của Ngài trong giây lát, và có thể nghe thấy một điều gì của bài ca mới ấy, là bài hát được phát sinh bởi sự kinh ngạc và vui mừng của các Thiên Thần vì việc Thiên Chúa ngự đến. Sự im lặng của việc vinh quang Thiên Chúa ngự đến đang được tiếp tục qua các kỷ nguyên. Nơi nào có Đức Tin thì nơi ấy Lời Ngài được rao giảng và được nghe, ở nơi đó Thiên Chúa tập họp dân chúng lại và ban chính Mình cho họ qua Mình Ngài; Ngài làm cho họ trở thành Thân Thể Ngài. Thiên Chúa “đến”. Và bằng cách này tâm hồn chúng ta được thức tỉnh. Bài ca mới của các thiên thần trở thành bài ca của tất cả những người, qua mọi kỷ nguyên, hát một cách luôn mới mẻ, chúc tụng Thiên Chúa ngự đến như một Hài Nhi – và vui mừng tận đáy lòng họ. Các cây cối rừng xanh cũng đi ra đón Ngài và reo mừng. Cây ở Quảng Trường Thánh Phêrô nói về Ngài, nó muốn phản chiếu vẻ huy hoàng của Ngài và nói rằng: Vâng, Ngài đã đến, và các cây cối rừng xanh tung hô Ngài. Các cây trong các thành phố và trong các căn nhà của chúng ta phải là cái gì hơn là một phong tục ngày lễ: chúng hướng về Một Đấng là lý do của niềm vui của chúng ta – Thiên Chúa đã trở thành một Hài Nhi vì chúng ta. Cuối cùng, ở mức độ sâu thẳm nhất, bài ca chúc tụng này nói về Ngài, Đấng chính là Cây của Sự Sống Mới. Nhờ Đức Tin vào Ngài, chúng ta nhận được sự sống. Trong Bí Tích Thánh Thể, Ngài ban chính Mình cho chúng ta – Ngài ban cho chúng ta một sự sống vươn tới cõi vĩnh hằng. Trong giờ phút này, chúng ta cùng hát bài ca chúc tụng của tạo vật, và lời chúc tụng của chúng ta, đồng thời cũng là một lời cầu nguyện: “Vậng, Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhìn thấy một điều gì của vẻ huy hoàng của vinh quang Chúa. Và xin Chúa ban bình an trên thế gian. Xin Chúa làm cho chúng con trở thành những người nam nữ của sự bình an của Chúa. Amen.

 
Top Stories
Archbishop Ngô Quang Kiệt: The Child Jesus, voice of the poor
+ Archbishop Ngo Quang Kiet
15:57 26/12/2008
THE CHILD JESUS, VOICE OF THE POOR

Each time Christmas comes, we arrive before the crib to visit the Child Jesus. The Child Jesus is the Word of God. The loving God wants to speak to humankind. The Child Jesus does not have His voice yet. But He himself and His life is the Word which God speaks to humanity. From the stable in Bethlehem, the Child Jesus is talking to us. Let’s listen to His quiet voice.

In the Bethlehem stable, the Child Jesus is staying with animals. He becomes the poorest among the human race. Born homeless, He is speaking on behalf of the poor. Today many a family is still wandering without a home. Many a child is still born in the street. Many a human life still lives a toiling dark suffering life in a slum not unlike an animal stable. Those persons embody the Lord Child Jesus and are questioning us on justice and charity.

In the Bethlehem stable, the Child Jesus is freezing in the cold weather. Without any blanket and mosquito-net, lying on the manger, He is speaking on behalf of the victims of natural disasters and human disasters. The recent flood has flown away so many lives. Some parents who are bread-winners in the family have been washed away by the fatal flow when going to work. Some children in the adult age have lost their lives on the way to school. And in collapses of houses and bridges, and traffic accidents, so many families have been in mourning, so many wives and their children have become helpless, and so many lives have found themselves in deadlocks. All these victims embody the Lord Child Jesus and are questioning us about our responsibilities and solidarity.

In the Bethlehem stable, the Child Jesus is being threatened to be killed by the cruel king Herod. Having just been born, He has to suffer oppression and injustice. To protect his throne, Herod does not hesitate to murder all the children in Bethlehem. As a victim of oppression and injustice, the Child Jesus is speaking on behalf of these victims. Today many a child is not allowed to cry his first cry. Many a child is deprived of his right to live. Many a person is still under oppression and injustice. Many a person is under threat and violence by dark forces. Many an employee does not get properly paid. Many a man and many a woman get married to foreigners are not treated as husband and wife. Many a lowly voiceless person is oppressed and exploited. Many a unfair and wrong lawsuit has taken place. All these persons embody the Lord Child Jesus and are questioning us about human rights and the right to freedom and happiness.

Not only does Jesus speak on behalf of those victims, He also shares their woes. He has lived as a poor homeless guy, "having nowhere to rest his head" (Mt 8: 20). He accompanies victims of natural disasters when aboard a boat in a storm (cf. Mt 8: 23-26), He suffers from hunger and thirst beside a fig tree without finding any fruit (cf. Mk 11:12-14) and the disciples who follow Him have to pick the heads of grain and eat them (cf. Mt 12:1). He stands among the victims of injustice when under trial before the court of Pilate. Though innocent, He is sentenced to death while the robber Barabbas is declared not guilty (cf. Mt 27: 11-26).

In the stable and on the manger, the Child Jesus is speechless, but starts crying. Such cry questions our conscience. Such cry invites us to generously share with the hungry and the have not. Such cry lifts our heart to the respect for the dignity of our compatriots, the respect for human rights, the right to life and happiness of man.

But above all, Christmas gives us the joy to welcome the Savior. He does not come as a mandarin standoffish from the people, but as an intimate brother sharing our life. He is our companion in the very difficulties and hardships of our daily life. He gives us the great joy of having the blessedness to welcome God. He opens to us a horizon for hope when coming into the world in order for us to become children of God. Changing human fate, He clears the deadlocks of the human life, opening up the horizon of happiness in the Kingdom of God. Resolving once for all the issues of humans, He takes us out of the darkness, leading us to the source of bright light in the Kingdom of Heaven.

Lord the Child Jesus, I am thankful for Your limitless love. Kindly help me listen to Your voice in order that I can show interest, love, respect for and share with a Lord incarnate in my suffering poor brothers and sisters who are encountering disasters and being downtrodden.

+ Archbishop Ngo Quang Kiet
Translated by Paul Tam
 
Vietnam: les catholiques condamnés pour trouble à l'ordre public font appel
La-Croix
16:38 26/12/2008
HANOI, 25 déc 2008 (AFP) - Les catholiques vietnamiens condamnés début décembre à de la prison avec sursis pour trouble à l'ordre public et dégradation de propriété ont fait appel, a indiqué jeudi à l'AFP un de leurs avocats.

Huit catholiques, âgés de 21 à 63 ans, avaient comparu le 8 décembre à Hanoï. On leur reprochait des activités religieuses illégales, dans des manifestations hors des lieux de culte, et la destruction d'un mur sur un terrain que se disputent l'église et le régime communiste.

Tous avaient reconnu leurs participations aux rassemblements mais expliqué avoir voulu défendre la propriété de l'église. Sept avaient écopé de peines de prison avec sursis de 12 à 15 mois. Le huitième d'un avertissement.

"Les huit condamnés (...) ont fait appel le 17 décembre", a affirmé à l'AFP Me Le Tran Luat. Ils s'estiment innocents et considèrent leurs condamnations "injustes", a-t-il ajouté.

Le procès en première instance était intervenu après des mois de tensions avec les autorités.

Il y a un an, les catholiques amorçaient des manifestations sur le terrain de l'ancienne ambassade du Vatican à Hanoï, l'un des sites les plus symboliques dont ils contestent la saisie par les communistes après le départ des Français en 1954.

Ces rassemblements s'étaient multipliés et étendus à un autre site, celui de Thai Ha où le mur avait été détruit et où les catholiques ont accusé la police d'agressions avec des matraques électriques en août -- version contestée par Hanoï.

Pour un diplomate, le fait que les accusés aient été condamnés à du sursis montre une volonté d'appaisement de Hanoï. Le Vatican et le Vietnam, qui compte quelque 6 millions de catholiques, n'ont plus de relations diplomatiques mais ont engagé un rapprochement.

Mercredi et jeudi, les célébrations de Noël étaient cependant discrètes à Hanoï. La cathédrale, d'habitude chargée de décorations pour l'occasion, présentait une façade nue.

"Nous voulions économiser pour aider les pauvres et les victimes des inondations", a expliqué Pham Van Dung, secrétaire de l'archevêque de Hanoï Ngo Quang Kiet. Mais certains glissaient que l'austérité n'était pas, non plus, sans lien avec le mécontentement des catholiques.

(Source: http://www.la-croix.com/afp.static/pages/081225081106.v1ss8j5c.htm)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại giáo xứ Tân Độ, Hà Nội
Giuse Trần Tiến Thạo
09:37 26/12/2008
Đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại giáo xứ Tân Độ

Nằm trong chương trình mục vụ những ngày mừng Chúa Giáng sinh. Chiều ngày 25-12 Đức TGM Giuse đã về dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh và cầu nguyện cho bà con giáo dân Giáo xứ Tân Độ. Cùng đồng tế với Ngài còn có Cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy Tổng quản lý giáo phận; cha Antôn Phạm Văn Dũng phó chánh văn phòng TGM, cha Luca Vũ Công Liêm chính xứ Tân Độ và quý Cha bản hương.

Tham dự Thánh lễ có hàng ngàn giáo dân của Giáo xứ Tân Độ và rất đông anh chị em từ những xứ lân cận tập trung về đây.

Là một Giáo xứ toàn tòng với 1500 giáo dân. Từ lâu Tân Độ đã nổi danh về truyền thống đạo đức và nhiệt tâm trong công việc nhà Chúa, là nơi đã sản sinh cho Giáo Hội rất nhiều ơn gọi linh mục và tu sỹ nam nữ. Ngày hôm nay lại được tận mắt chứng kiến lòng thành kính của Giáo xứ Tân Độ đối với vị cha chung là Đức TGM Giuse. Niềm hân hoan càng được nhân lên bởi đây là lần đầu tiên được vị chủ chăn Tổng Giáo phận về dâng Thánh lễ trong ngày trọng đại mừng Chúa Giáng sinh.

Trong những lời huấn từ cuối Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã ghi nhận sự phát triển về mọi mặt của Giáo xứ Tân Độ trong những năm qua, nhất là những đóng góp của Giáo xứ cho Giáo phận, nhằm xây dựng Giáo phận nhà ngày càng phát triển hơn. Và Đức TGM đã nguyện chúc cho Giáo xứ Tân Độ ngày càng phát triển hơn về mọi mặt.

Có một điều thú vị chưa từng xảy ra trong những chuyến viếng thăm mục vụ của Đức TGM đến các Giáo xứ, đó là ngày hôm qua sau khi Dâng Thánh lễ xong, thể theo ước nguyện và sự chờ đón của bà con giáo dân, Đức TGM cùng quý Cha đã được một đoàn xe hộ tống rước đưa đi quanh làng của Giáo xứ Tân Độ trong tiếng hò reo và những tràng pháo tay không ngớt của bà con giáo dân.
 
Đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại giáo xứ Tân Độ
Giuse Trần Tiến Thạo
16:07 26/12/2008
HÀ NỘI - Nằm trong chương trình mục vụ những ngày mừng Chúa Giáng sinh. Chiều ngày 25-12 Đức TGM Giuse đã về dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh và cầu nguyện cho bà con giáo dân Giáo xứ Tân Độ. Cùng đồng tế với Ngài còn có Cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy Tổng quản lý giáo phận; cha Antôn Phạm Văn Dũng phó chánh văn phòng TGM, cha Luca Vũ Công Liêm chính xứ Tân Độ và quý Cha bản hương.

Tham dự Thánh lễ có hàng ngàn giáo dân của Giáo xứ Tân Độ và rất đông anh chị em từ những xứ lân cận tập trung về đây.

Là một Giáo xứ toàn tòng với 1500 giáo dân. Từ lâu Tân Độ đã nổi danh về truyền thống đạo đức và nhiệt tâm trong công việc nhà Chúa, là nơi đã sản sinh cho Giáo Hội rất nhiều ơn gọi linh mục và tu sỹ nam nữ. Ngày hôm nay lại được tận mắt chứng kiến lòng thành kính của Giáo xứ Tân Độ đối với vị cha chung là Đức TGM Giuse. Niềm hân hoan càng được nhân lên bởi đây là lần đầu tiên được vị chủ chăn Tổng Giáo phận về dâng Thánh lễ trong ngày trọng đại mừng Chúa Giáng sinh.

Trong những lời huấn từ cuối Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã ghi nhận sự phát triển về mọi mặt của Giáo xứ Tân Độ trong những năm qua, nhất là những đóng góp của Giáo xứ cho Giáo phận, nhằm xây dựng Giáo phận nhà ngày càng phát triển hơn. Và Đức TGM đã nguyện chúc cho Giáo xứ Tân Độ ngày càng phát triển hơn về mọi mặt.

Có một điều thú vị chưa từng xảy ra trong những chuyến viếng thăm mục vụ của Đức TGM đến các Giáo xứ, đó là ngày hôm qua sau khi Dâng Thánh lễ xong, thể theo ước nguyện và sự chờ đón của bà con giáo dân, Đức TGM cùng quý Cha đã được một đoàn xe hộ tống rước đưa đi quanh làng của Giáo xứ Tân Độ trong tiếng hò reo và những tràng pháo tay không ngớt của bà con giáo dân.
 
Niềm vui Giáng Sinh cho những người nghèo tại giáo xứ Phủ Cam Huế
Trương Minh Phương
16:13 26/12/2008
HUẾ - Giáo xứ chính tòa Phủ Cam từ lâu có một truyền thống: Hủ gạo tình thương giúp người nghèo hằng tháng. Mỗi cuối tuần, từng khu vực có người đi thu số gạo tiết kiệm từ các gia đình hảo tâm tích lũy lại đến cuối tháng phát cho những người nghèo khó, già cả và neo đơn. Lễ Giáng sinh năm nay, sau khi phát gạo tình thương, sáng ngày 24 tháng 12, những bà con Phủ Cam xa quê đã đóng góp 1 tấn gạo cho giáo xứ để phát thêm cho 100 gia đình, trong đó có 15 hộ gia đình không công giáo. Linh mục Antôn Dương Quỳnh thay mặt bà con cảm ơn các vị ân nhân và mong bà con nhớ đến và cầu nguyện cho các vị ân nhân đó.

 
Đêm Giáng Sinh an bình tại giáo xứ chính tòa Phủ Cam Huế
Trương Minh Phương
16:25 26/12/2008
HUẾ - Giáng sinh năm nay trong tiết trời giá lạnh, nhưng dòng người vẫn đổ về chiêm ngắm cảnh Giáng sinh tại khu vực nhà thờ Chính tòa Phủ Cam rất đông. Tất cả mọi nẻo đường đều dày đặc xe cộ.

Đêm canh thức được mở đầu lúc 21 giờ 30 với những vũ khúc của các em thiếu nhi diễn lại cảnh sứ thần truyền tin, ông Giu-se dẫn Đức Ma-ri-a đi tìm nhà trọ nhưng tất cả đều bị từ chối và Người đã tìm ra được hang lừa trú chân và Chúa Giê-su đã sinh ra ở đó. Những hoạt cảnh thổn thức lòng người hòa với tiếng nhạc du dương trầm bổng làm xao xuyến biết bao con tim đang đắm chìm trong bầu khí trang nghiêm.

Thánh lễ được mở đầu lúc 22 giờ. Linh mục An-tôn Dương Quỳnh quản xứ Chính tòa, Hạt trưởng thành phố Huế trong bài giảng lễ đã nhấn mạnh đến sự bình an của Thiên Chúa ban cho nhân loại. Vì con người nếu không có sự bình an thì sẽ không đạt được những ý nguyện. Chúa Giê-su xuống thế làm người để đem bình an cho mọi người. Trong suốt hành trình rao giảng, Ngài thường nói: “Bình an cho các con”.

Giáng sinh năm nay, Giáo xứ Chính tòa rực rỡ hơn nhờ sự đóng góp công sức của các hội đoàn và nhất là vật chất của bà con Phủ Cam xa quê. Cha quản xứ nhắc nhở cộng đoàn cầu nguyện cho tất cả những ai đã bỏ công bỏ của giúp cho giáo xứ có được ngày lễ tốt đẹp và trong đại.
 
Video Giáo Hội Việt Nam Năm 2008: Phần I
Thuý Dung
16:38 26/12/2008
Năm 2008 sắp qua đi nhưng nó sẽ được ghi nhớ mãi trong lòng người Công Giáo Việt Nam như một năm đầy thử thách cam go. Tuy nhiên, năm 2008 cũng là một năm đầy những kỷ niệm khó phai mờ của tình hiệp nhất và hiệp thông trong lòng Giáo Hội Việt Nam và nơi các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Và năm 2008 cũng là một năm Giáo Hội Việt Nam trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt.

VietCatholic thực hiện video clip này để ghi lại sống động các biến cố của một năm thật đáng ghi nhớ.

Biến cố cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ

Từ ngày 18/12, sau lá thư của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, các buổi cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội đã diễn ra với số lượng các linh mục, các tu sĩ và anh chị em giáo dân tham dự ngày càng nhiều.

Tưởng cũng nên nhắc lại ngày 18/10/1951, Đức Giáo Hoàng Piô thứ XII đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Gioan Jarlath Dooley làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Đông Dương. Khi đến Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục đã dời Tòa Khâm Sứ từ Huế ra Hà Nội. Ngài đặt văn phòng trong khuôn viên Tòa Giám Mục Hà Nội số 40 Nhà Chung. Khi Việt Nam bị chia đôi, ngài vẫn ở lại Hà Nội. Tháng Ba năm 1959, ngài rời Hà Nội đi Nam Vang chữa bệnh. Trước khi đi, ngài đã viết thư cám ơn Đức Giám Mục Hà Nội lúc bấy giờ là Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê cám ơn đã để cho ngài sử dụng phần đất của Tòa Giám Mục.

Hai tuần lễ sau đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã trục xuất phái đoàn Tòa Thánh rồi xây bức tường ngăn đôi Tòa Khâm Sứ với phần còn lại của Tòa Giám Mục.

Cơ sở này đã bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, thậm chí như là phương tiện để tra tấn tinh thần các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Hà Nội với những thứ âm nhạc ồn ào suốt đêm.

Giáo Hội Việt Nam đã liên tục đòi lại tài sản này nhưng nhà cầm quyền làm lơ không giải quyết thỏa đáng.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tỏ ra quan ngại đặc biệt trước các cuộc biểu tình ôn hòa của người Công Giáo, nhất là khi Giáo Hội Việt Nam bắt đầu có những phương tiện để tin tức về những cuộc biểu tình này có thể được nhanh chóng truyền đi toàn thế giới.

Đích thân thủ tướng cộng sản đã đến tận nơi quan sát vào ngày 30/12/2007. Tuy nhiên, cũng không có một chuyển biến nào diễn ra sau đó.

Trong khi các nơi trên thế giới đón mừng Giao Thừa với những cuộc bắn pháo bông và những cuộc liên hoan vui nhộn, tại Việt Nam người Công Giáo Hà Nội đã đón giao thừa trong âm thầm bằng cách tập trung cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ cũ.

Thái Hà và Hà Đông

Nhiều cuộc biểu tình cũng đã nổ ra Thái Hà nơi đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế bị chiếm từ những thập niên 1950 sau khi nhà cầm quyền cộng sản đã trục xuất hay bỏ tù cho đến chết các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, và tại Hà Đông nơi nhà xứ bị cướp đoạt làm trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thị Xã.

Tại Sàigòn, Tòa Tổng Giám Mục cũng đưa ra văn thư tố cáo nhà nước chiếm đoạt đất đai và cơ sở của mình.

Những cuộc biểu tình tại Hà Nội đã luôn là đề tài hàng đầu trên thông tấn xã Công Giáo Ý Asia-News của PIME.

Tối Hậu Thư

Trong cuộc biểu tình diễn ra hôm 25/1/2008, một người phụ nữ Mường đã leo qua rào vào bên trong để đặt hoa trước tượng Đức Mẹ. Các nhân viên an ninh bên trong đã tấn công chị bất chấp những lời giải thích của chị. Trước sự chứng kiến của cả 2,000 người, một viên chức còn lớn tiếng kêu thủ hạ đánh chết người phụ nữ này.

Luật sư Lê Quốc Quân đi vào bên trong can thiệp cũng bị lôi vào một văn phòng và bị đánh đấm túi bụi.

Chứng kiến những cảnh tàn bạo này, người Công Giáo không còn lựa chọn nào khác hơn là phá cổng vào bên trong để giải cứu cho người phụ nữ Mường và luật sư Quân.

Sau biến cố đó, những người biểu tình đã dựng lều và biểu tình ngồi trên sân cỏ của Tòa Khâm Sứ.

Ngày 26/1, Ngô thị Thanh Hằng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội ra tối hậu thư buộc người biểu tình phải rút ra khỏi Tòa Khâm Sứ trước 5 giờ chiều ngày 27/1. Tuy nhiên, người Công Giáo không rút lui trái lại còn kéo đến đông hơn.

Những căng thẳng tại Hà Nội đã gây quan ngại sâu xa cho Tòa Thánh. Ngày 1/2/2008, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt công bố thư của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa Thánh cho thấy đã có những vận động ngoại giao và những hứa hẹn trả lại Tòa Khâm Sứ của nhà cầm quyền Việt Nam.

Xin đón xem phần II:

Chuẩn bị cho tiến trình phản bội. Tay sai Công Giáo Dân Tộc.

Ngày quốc tế giới trẻ tại Sydney.
 
Dòng Thánh Tâm Huế tặng quà Giáng Sinh cho bà con miền xuôi và sơn cước
Dòng Thánh Tâm
16:48 26/12/2008
HUẾ - Vào những ngày trước và sau lễ Giáng Sinh năm 2008 này, quý Cha quý Thầy Dòng Thánh Tâm đã thân hành đến thăm hỏi và tặng quà Giáng Sinh cho những anh chị em nghèo quanh vùng và bà con trên miền sơn cước.

Trong các phương tiện nghe nhìn tại Việt Nam ngày nay, hình ảnh ông già Noel đã trở nên thân thiện gần gũi với hết mọi người từ miền xuôi đến miền núi xa xôi. Thế nhưng việc ông già Noel tặng quà Giáng Sinh cho người nghèo có lẽ vẫn chưa rộng khắp; do đó thay vì tổ chức “Đêm Yêu Thương” như thông lệ, năm nay Dòng Thánh Tâm quyết định đem “Đêm Yêu Thương” đến tận gia đình những người nghèo khổ quanh vùng: với bà con trên miền núi, bà con ở “xóm ve chai”, bà con ở “xóm vạn đò”, trẻ em trong Giáo xứ Thần Phù và học sinh sinh viên nghèo.

Nhân dịp này, Dòng Thánh tâm chúng tôi xin chân thành tri ân quý vị ân nhân của Nhà Dòng: Đại gia đình Bà Lisa Quy Nguyen, anh Ngô văn Chỉnh, anh Đinh Sơn Hưng và các bạn, cùng Quý Vị ân nhân gần xa đã tin tưởng tạo nhiều điều kiện để chúng tôi chu toàn bổn phận phục vụ của mình.

Giáng Sinh đang dần qua, nhưng cái lạnh thấu xương của mùa đông tại Miền Trung Đất Việt lại đang bắt đầu. Vì vậy, những món quà Giáng Sinh tượng trưng “của ít lòng nhiều” này cũng không thấm vào đâu so với những khó khăn mà bà con dân nghèo đang phải đối mặt.
 
Dòng Thánh Phaolô thành Chartres mừng 125 năm hiện diện ở TGP Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
16:57 26/12/2008
Dòng Thánh Phaolô thành Chartres mừng 125 năm hiện diện ở TGP Hà Nội

Chiều ngày hôm nay, 26 tháng 12 năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã long trọng cử hành Thánh lễ tại nguyện đường Saint Marie Hà Nội để cùng với các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban xuống trên Hội Dòng trong suốt chiều dài 125 năm từ ngày đặt bước chân truyền giáo lên mảnh đất Hà Nội này (26/12/1883 – 26/12/2008).

Trong niềm vui thánh thiêng của ngày lễ mừng Con Chúa Giáng Sinh đang trào dâng trong tâm lòng mỗi người, cộng đoàn dòng Thánh Phaolô quy tụ trong nguyện đường cổ kính này, như một điểm dừng trên cột mốc lịch sử đã tròn 125 năm, ghi dấu ngày đặt bước chân truyền giáo đầu tiên của nữ tu Phaolô thành Chartres tại Tổng giáo phận Hà nội. Tất cả cùng với vị cha chung của Tổng giáo phận dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho hội dòng, dù trải qua những cơn phong ba bão táp, dù cho phải chịu cảnh bắt bớ giam cầm, tỉnh dòng này vẫn đứng vững, tồn tại và phát triển cho đến hôm nay.

Ân phúc dồi dào theo năm tháng, 125 năm trong sứ mạng truyền giáo tại miền bắc Việt Nam của hội dòng đã in đậm nét trang sử hào hùng, tuy rất nhỏ bé theo tinh thần và đoàn sủng của hội dòng, nhưng đã minh chứng được lòng dũng cảm và sự hy sinh lớn lao của các nữ tu này.

Hôm nay, trong ngôi nguyện đường đã ghi dấu bao bước thăng trầm của lịch sử hội dòng, mọi người cùng hiện diện trong niềm xúc động để nhìn về quá khứ với lòng biết ơn, để sống hiện tại cách phấn khởi và hướng về tương lai với niềm hy vọng.

Trong niềm hân hoan cảm tạ, một Soeur đã đại diện cộng đoàn nói lên tâm tình cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa và tri ân Đức Tổng Giám Mục: “Giữa niềm vui Giáng Sinh cách đây 125 năm, chị em chúng con đã đặt chân lên mảnh đất Hà Nội mến thương này, thưở ấy còn hoang sơ quá, và đã xin chọn nơi này làm quê hương, chính các chị đã viết lên một trang sử ghi đậm nét dấu ấn đức tin. Hôm nay, sau 125 năm, chúng con lần giở lại trang sử thật đẹp của các chị đi trước, chúng con chỉ biết cảm phục và cúi đầu dâng lên Thiên Chúa lời kinh tạ ơn, với nguyện ước của lòng mình, sống sao cho xứng đáng với ân huệ Chúa ban, và công ơn của các chị tiền bối của chúng con.

Một Thánh lễ tạ ơn tuy đơn sơ, có vẻ âm thầm so với cả một bề dày lịch sử về sự hiện diện của chị em chúng con qua bao thời gian, trong nguyện đường thân yêu cũng như dưới mái nhà cổ kính, chiếc nôi của tỉnh dòng chúng con tại miền Bắc với bao thăng trầm, bao vui buồn sướng khổ, gian nan thử thách không thiếu, có những khi tưởng chừng như hụt hẫng, nhưng lại đầy ắp sự yêu thương, ấp ủ qua sự hiện diện của tình yêu Chúa quan phong, xuyên suốt 125 năm qua trong lòng giáo hội miền bắc, và còn tiếp tục đến hôm nay, một sự hiện diện liên tục mà chỉ có tình yêu đối với Thiên Chúa và với hội dòng, chúng con mới có thể nhận ra đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa”.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng và các chị em Phaolô đã cùng hiệp ý trong giờ diễn nguyện thật cảm động, tái hiện lại lịch sử hào hùng của Hội dòng từ khi đặt chân lên Bắc Việt với bao thăng trầm cho tới ngày hôm nay.

Được biết, Cuối thập niên 50, nhà nước định xóa sổ Tu Viện Thánh Phaolô. Họ bắt bà Mẹ bề trên đi tù hơn một chục năm rồi quản thúc cho đến chết. Họ tịch thu trưòng học Saint Marie của các nữ tu, chiếm đoạt hết các lầu nhà chính để lại môt dãy nhà ọp ẹp đàng sau cho các nữ tu sinh hoạt. Họ không cho nhận các đệ tử. Đăng ký hộ khẩu hết sức khó khăn. Các nữ tu trong Đà Nẵng ra làm việc, họ đuổi về, hoặc chỉ cho tạm trú 3 tháng mà thôi sau khi phải có giấy phép của Ban Tôn Giáo Chính Phủ.

Công an hộ tịch Phường Hàng Bài thường xuyên đi lại làm khó dễ bắt nạt các nữ tu. Anh công an hộ tịch thưòng đột nhập vào khu nội vi của nhà dòng. Nhiều khi anh đứng ngay trước cửa phòng ngủ của các nữ tu. Đồng chí công an này có đủ thứ lý do, chẳng hạn để kiểm tra hộ khẩu. Những dịp lễ Giáng Sinh họ thưòng đến bắt các nữ tu phải trả lời: Tối nay ông cha nào làm lễ?

Nếu như ai đến Nhà Thờ Sainte Marie, sẽ thấy nỗi bất công lớn đập vào mắt. Tu Viện có hai cửa trưóc nhà thờ vì Bệnh Viện oái ăm thay đã mượn một lối đi ngang qua mặt trưóc nhà thờ, lý do để cáng bệnh nhân cấp cứu. Nhưng nào cả năm có bệnh nhân nào được cáng qua đâu, chí có nhân viên đi qua để phá rối bầu khí tu hành của các nữ tu mà thôi.

Hành lang bên trái nhà thờ được bệnh viện mượn rồi đến ngày hôm nay chưa trả. Ngôi nhà của ai cũng đều mở đưọc cửa sổ, còn nhà thờ này thi không mở được một bên, vì bệnh viện đã biến hàng hiên của nhà thờ thành nhà kho, và công trình phụ gây nóng bức, ồn ào ảnh hưỏng đến bầu khí tôn nghiêm của nhà thờ cũng như sinh hoạt và giờ kinh lễ của các nữ tu. Mặt khác nhà thờ của tu viện đã hư hỏng dột nát và xuống cấp trầm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các nữ tu muốn sửa mái nhà thờ mà không thể sửa được. Các nữ tu đã làm đơn kêu cứu khẩn cấp lần thứ 9 đến các cơ quan nhà nước và Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, mà họ vẫn làm ngơ.

Trong ngày kỷ niệm đặc biệt này, nhìn lại quá khứ, sống với hiện tại và hướng tới tương lai trong niềm tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta hãy cùng với các nữ tu Phaolô dâng lên lời cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình trên quê hương Mẹ Việt Nam thân yêu này.
 
Tổng giáo phận Hà Nội và giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng kết nghĩa
+ GM Giuse Đặng Đức Ngân
17:15 26/12/2008
Thư của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân

Giám mục Giáo Phận Lạng Sơn-Cao Bằng


Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Chủng sinh,

Quý Ông Bà Anh chị em, trong gia đình Giáo phận Lạng sơn-Cao Bằng.


1. Ngày Chúa nhật 07 tháng 12 năm 2008 vừa qua, trong Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội, trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng; Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng sơn, Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh, Tân Giám mục Phụ tá Hà-Nội, các Linh mục, Tu sĩ Nam nữ, Chủng sinh và Cộng đồng Dân Chúa hiện diện đông đảo: Đức Tổng Giám mục Hà-Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đã long trọng thông báo: “Tổng Giáo phận Hà-Nội và Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng là hai Giáo phận kết nghĩa, từ nay Hai giáo phận sẽ kết nghĩa Chị Em trong Đức Tin và Tình mến để giúp đỡ lẫn nhau. Như vậy, Tổng Giáo phận Hà-Nội không chỉ gửi người con yêu quý của mình để phục vụ Giáo phận Lạng sơn- Cao Bằng, mà từ nay hiệp nhất trong lời cầu nguyện, với những giúp đỡ cụ thể về tinh thần và các phương diện khác” . Đây thật sự là một Tin Vui với Giáo phận bé nhỏ của chúng ta, để cảm nhận lời cầu nguyện hiệp nhất và sự giúp đỡ bằng tình chị em của Tổng Giáo phận Hà-Nội đối với Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng. Phần Giáo phận nhỏ bé của chúng ta cũng bày tỏ sự liên đới kết nghĩa Chị Em bằng lời cầu nguyện, hiệp nhất và những khả năng khiêm tốn của mình trong tình huynh đệ của giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng với Tổng Giáo phận Hà-Nội.

2. Từ nay ngày 01 tháng Giêng - Tết Dương Lịch, ngày khởi đầu Năm Mới, lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, sẽ là ngày lễ Quan Thày Thứ Nhất của Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng. Như vậy, lễ Thánh Đaminh ngày 08 tháng 08 hàng năm là Quan Thày thứ Hai của Giáo phận. Chúng ta nguyện xin Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, nâng đỡ Giáo phận chúng ta được muôn ơn lành trong hành trình Sống Đạo và Dấn thân Rao giảng Tin Mừng cho Muôn dân nơi Giáo phận Truyền Giáo này. Ước mong ngày lễ Quan Thày thứ Nhất của Giáo phận Lạng sơn Cao Bằng được tất cả mọi thành phần Dân Chúa chuẩn bị mừng lễ sốt sáng và lãnh nhận được nhiều ơn phúc của Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

3. Hội Đồng Giám mục Việt-Nam đã gửi tới chúng ta Thư Mục vụ năm 2008, với chủ đề: “Môi trường giáo dục Gia đình Công giáo”. Đáp lại lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt-Nam, bắt đầu từ lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, ngày 01 tháng 01 năm 2009 (cũng là ngày Quan thày thứ Nhất của Giáo phận) tới hết năm Dương lịch 2009 là Năm Giáo Dục Gia Đình Công giáo của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng.

Để chuẩn bị cho Năm Giáo dục Gia đình Công Giáo của Giáo phận, chúng ta cần học hiểu và thực hiện theo Thư Mục vụ của Hội Đồng Giám mục Việt-Nam. Gia đình Công giáo là khởi đầu cho môi trường giáo dục đức tin, giáo dục đức ái và dạy cho con cái sống theo lương tâm và sự thật. Hơn nữa, gia đình còn là môi trường sống và dạy cho con cái các đức tính nhân bản, tôn trọng và bảo vệ sự sống. Hy vọng Năm Giáo dục Gia đình Công giáo của Giáo phận chúng ta sẽ góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, đào tạo những người Công giáo tốt theo Tin Mừng với gương mẫu mà Chúa Giêsu Kitô đã mời gọi.

Nhân dịp Mùa Giáng Sinh 2008 và Năm Mới Kỷ Sửu 2009, xin kính chúc quý Cha, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Chủng sinh, quý Ông Bà Anh chị em tràn đầy Ơn Phúc lành của Chúa Giêsu Hài Đồng, luôn Bình an, Hạnh phúc, Thịnh vượng và Niềm vui.

Lạng sơn, ngày 24 tháng 12 năm 2008
 
Nghệ sĩ Công Giáo TGP Sài Gòn trong Mùa Giáng Sinh 2008
Lê Kim
17:27 26/12/2008
SÀI GÒN: Cũng như những năm trước, giới Nghệ Sĩ Công Giáo (NSCG) thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn bắt đầu vào mùa biểu diễn phục vụ Giáng Sinh năm nay bằng một chương trình thật hoành tráng trong đêm 19.12.2008 tại Trung Tâm Mục Vụ do Đức Giám Mục Phụ Tá thứ II Phêrô Nguyễn Khảm tổ chức và Lm-Ns Nguyễn Duy làm Tổng Đạo diễn giới thiệu tác giả và tác phẩm của Đức Giám Mục Phụ Tá thứ I Giuse Vũ Duy Thống với bút danh nhạc sĩ Thông Vi Vu.

Các thầy ĐCV đón đoàn nghệ sĩ ở sân bay Vinh
Chương trình có sự hiện diện của ĐHY G.Baotixita Phạm Minh Mẫn, TGM/GP Sài Gòn, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, GM Phú Cường và hàng ngàn Fan hâm mộ của Gíam mục -nhạc sĩ Thông Vi Vu, trong chương trình có một tiết mục ngài đã hát cùng nhóm Tam Ca Áo Trắng với bài hát mang tựa đề “Một Chút” thật dễ thương và cũng thật ý nghĩa: “Một chút những viên đá nhỏ làm thành ngọn núi lớn… một chút những phút ủi an, dịu xoa ngàn nỗi sầu… Một chút những phút thứ tha, rộn vui mà lắng đọng…. Chỉ một chút ân cần, xa xôi cũng thành gần…” bài hát đã được những tràng pháo tay không ngớt vang lên.

Tối 20.12.2008 tại GX Bình Thái hạt Bình An đã diễn ra hội diễn Thánh Ca Giáng Sinh toàn giáo hạt do nhạc sĩ Kim Lệ phối hợp tổ chức với sự hiện diện của các nhạc sĩ khách mời nổi tiếng Nguyễn Đức Trung, Minh Châu thuộc Hội Âm Nhạc Tp. HCM và các nhóm hát Titikis, VTM…

Sáng 21.12.2008 đoàn ca sĩ do nhạc sĩ Kim Lệ dẫn đầu với các ca sĩ Công Giáo nổi tiếng: Nhóm Tam Ca Ao Trắng với Minh Tú, Minh Thư, ca sĩ Khánh Duy, Thanh Sử, Xuân Trường, Minh Trang, tháp tùng còn có anh Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc công ty nước khoáng M-Kitech… phải ra phi trường để bay ra Vinh, vừa đáp xuống phi trường Vinh cả đoàn ca sĩ đã được thầy Sơn, thầy Tuấn do Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Thanh Hóa cử ra đón đoàn với bó hoa thật đẹp!

Đoạn đường từ phi trường Vinh đến TGM Thanh Hóa các NSCG phải ngồi trên xe 3 giờ đồng hồ! Các anh chị vừa thư giản, vừa ngắm cảnh cũng vừa tranh thủ ngủ một chút để lấy sức cho buổi tối. Trên đường đi, điện thoại của Đức cha Giuse liên tục hỏi thăm tình hình của đoàn…

Đức cha Giuse giới thiệu và tặng hoa cho các ca sĩ Công Giáo
Đúng 5 giờ chiều, xe bắt đầu tiến vào khuôn viên TGM Thanh Hóa.. khác với những gì tưởng tượng! Các anh chị NSCG Sài Gòn thấy thật ngạc nhiên với sự rộng lớn của TGM và khu vực nhà thờ Chính Tòa! Bước xuống xe mọi người tỉnh táo với cái lạnh mười mấy độ C của miền Bắc! Ai cũng thốt lên: Lạnh quá! Lạnh quá! Lạnh, nhưng cũng rất thú vị!

Đức cha Giuse đón mọi người trước cửa TGM và theo đề nghị của mọi người xin phép không ăn cơm chiều với Đức cha để chuẩn bị Make up cho kịp giờ biểu diễn. Riêng trưởng đoàn, nhạc sĩ Kim Lệ thì vội chạy ra khu vực sân khấu để phối hợp với Lm Giuse Phạm Văn Quế sắp xếp chương trình, liên kết với âm thanh, ánh sáng và caméra cho thật ổn định.

Đúng 7 giờ tối cùng ngày, chương trình biểu diễn thánh ca bắt đầu trong sự háo hức của hơn 15 ngàn người lương giáo tập trung trước khuôn viên nhà thơ từ xế chiều, cả khu vực trước Toà Giám Mục Thanh Hóa người và người chen kín trong sự hướng dẫn trật tự của những người phụ trách và của các chú tập sinh thuộc TGM.

Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh nói lời khai mạc chương trình biểu diễn và diễu hành mừng lễ Giáng Sinh sau đó ngài trân trọng giới thiệu nhạc sĩ Kim Lệ lên sân khấu, tiếp đó chị đã giới thiệu từng ca sĩ trong tiếng vỗ tay tưng bừng của mọi người, tất cả các ca sĩ đã được Đức cha Linh trao tặng những bó hoa thật đẹp và chương trình biểu diễn bắt đầu.

Đức cha Linh cùng hát với các ca sĩ
Mở đầu là màn múa thật vui tươi do giới trẻ GX Chính Toà biểu diễn để gây bầu khí sôi động và tiếp đó là chương trình của các ca sĩ với sự dẫn dắt chương trình rất chuyên nghiệp của nhạc sĩ-ca sĩ Kim Lệ với những bài hát: Ngài Đã Sinh Ra, Cánh Thiệp Noel, Mưa Hạt Cứu Rỗi, Học Cùng Giêsu, Chuyện Người Đàn Bà 2.000 Năm Trước, Jingle Bell Rock, Liên Khúc Gíang Sinh, Nửa Đêm Khấn Hứa, Lời Con Xin Chúa, Lời Chúc Bình An… và đặc biệt là phần trình diễn của tất cả các ca sĩ trong đồng phục ông già Noel với bài Merry Christmas and Happy New Year thật sôi động với những túi quà đầy bánh kẹo trao tặng cho mọi người nhất là các em bé đã ngồi dưới cái lạnh mười mấy độ theo dõi chương trình suốt từ đầu đã làm cho mọi người rất xúc động! Phần tiểu phẩm của các bạn trẻ GX Chính Tòa Thanh Hóa góp phần làm phong phú chương trình, cuối cùng là bài hát Hang Belem của toàn thể ca sĩ cùng với Đức Cha Giuse trên sân khấu và những người hiện diện thật sốt sắng. Sau lời cám ơn và hẹn gặp lại các ca nhạc sĩ Công Giáo Sài Gòn c?a Ð?c cha Giuse Nguy?n Chí Linh là phần thả hoa đăng lên trời, hằng ngàn ánh mắt ngước lên bầu trời với những ngọn đèn trời rực rỡ… sau đó là phần diễu hành xe hoa rước Chúa Hài Đồng (bằng người thật) của các GX thật hoành tráng và cũng thật trật tự !

Hơn 11 giờ đêm các ca sĩ Công Giáo mới ăn chiều (cũng là ăn tối) với Đức cha, các linh mục và các chú tập sinh trong TGM, buổi ăn tối nầy cũng diễn ra thật đầm ấm, gần gũi và thân tình… gần 1 giờ sáng ngày 22.12 mọi người lưu luyến chia tay nhau đi…ngủ! Các ca sĩ rất vui và cảm thấy thật hạnh phúc vì những gì mình đóng góp được cảm nhận và trân trọng!

7 giờ sáng mọi người tập trung tại phòng ăn TGM để ăn sáng cùng Đức cha Giuse, sau đó chụp hình lưu niệm với tất cả những người hiện diện và chuẩn bị lên đường đi Hưng Yên.

Vượt qua chặng đường hơn 120 cây số cũng đúng 3 tiếng đồng hồ! G?n 1 gi? trua chiếc xe Toyota cá mập của GX Hưng Yên thuê để đón đoàn đã đậu trước cổng nhà thờ Hưng Yên thuộc GP Thái Bình, ngôi nhà thờ nổi tiếng trong lịch sử truyền giáo. Được biết:

Nhà thờ Hưng Yên
Phố Hiến - Hưng Yên không phải là một con phố cổ mà là một quần thể di tích lịch sử bao gồm những khúc sông, bờ đê, bến thuyền, chợ búa, đường phố, đình đền, văn miếu, nhà thờ và nhiều chứng tích văn hoá đậm nét Á Đông và Tây Âu được ghi chép trong nhiều sử sách của đời và đạo trên Thế giới. Nơi đây cũng là quê hương của đặc sản long nhãn thơm ngon và nổi tiếng vào bậc nhất Việt Nam.

Theo tài liệu lịch sử của Giáo Hội Công Giáo, năm 1670, Đức cha Lambert De La Motte đã nhóm họp Công Đồng Đàng Ngoài đầu tiên tại Phố Hiến, hay còn gọi là Công Đồng Dinh Hiến 1670, để họp bàn và phổ biến những quy định trong Giáo Hội địa phương. Thật là xúc động và cũng không thể nào nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ được đặt dấu chân của mình trên mảnh đất nổi tiếng nầy. Được biết, nơi đây chính là một địa danh nổi tiếng một thời trong nước lẫn quốc tế, nơi đã từng in dấu những bước chân của các nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam và cũng chính là nơi mà Đức cha Lambert De La Motte soạn thảo bản nội quy và quyết định ban sắc chính thức thành lập Dòng các chị em Mến Thánh Gía.

Đoàn được linh mục chính xứ Đaminh Bùi Ngọc Hải, một linh mục rất trẻ trung và năng động đón tiếp, các ca sĩ Công Giáo thật bất ngờ khi hiện diện tại một ngôi nhà thờ

Công giáo duy nhất nằm trong thị xã Hưng Yên này được xây dựng lại từ năm 1898, hiện nay đã tròn 110 tuổi, nhưng vẫn còn giữ nguyên những đường nét gothic xen lẫn kiểu dáng Á Đông, bên trong nhà thờ vẫn còn bàn toà sơn son thiếp vàng và cột kèo bằng gỗ lim được đục đẽo trạm trổ rất tinh vi và nghệ thuật.

Bỏ qua những mệt mỏi vì đường xa, các ca sĩ được dùng bữa trưa với cha Đaminh Hải thưởng thức những món ăn thuần tuý gốm có canh cua đồng với rau cải hái từ vườn nhà, cá pháo, mắm tôm, đậu phụ rán, gà luộc lá chanh v.v… thật ngon miệng!

Buổi tối, trước giờ biểu diễn là thánh lễ đồng tế do linh mục Giuse Đặng Văn Cầu, Tổng Đại Diện GP Thái Bình chủ tế, trong khi diễn ra thánh lễ, hằng ngàn người dân tại thị xã đa số là người bên lương đã đến đứng đầy toàn bộ khu vực nhà thờ và con đường Bãi Sậy ước tính lên đến gần 10 ngàn người để chờ đợi sự xuất hiện của các ca sĩ nổi tiếng trong cái lạnh của miền Bắc. Các anh chị ca sĩ đã phải nhờ đến lực lượng Công An bảo vệ và mở đường mới vào được trong sân khấu và sau lời giới thiệu, tặng hoa của linh mục Đaminh Bùi Ngọc Hải chương trình đã diễn ra thật tưng bừng! những khán giả vẫn không chịu ra về sau khi chương trình kết thúc mặc dù các anh chị ca sĩ mỗi người đã phải hát thêm một bài ngoài chương trình, phần phát quà của các ca sĩ trong đồng phục ông già Noel cũng đã làm cho những người hiện diện, nhất là các em thiếu nhi thật vui và xúc động! Minh Tú, Minh Thư cũng đã mang dĩa CD Một Chút và Theo Bóng Hoàng Hôn vừa bán, vừa tặng cho mọi người.

Sáng hôm sau 23.12.2008 sau bữa ăn sáng với món bún Thang chính gốc Hưng Yên thật ngon miệng! tạm biệt Phố Hiến, tạm biệt cha chính xứ, một linh mục trẻ với thật nhiều trăn trở cho công việc truyền giáo tại chính nơi ngày xưa đã từng là cái nôi truyền giáo, tạm biệt thầy giúp xứ và các Soeur tại giáo xứ Hưng Yên. Các ca sĩ lên xe về Hà Nội để ra phi trường Nội Bài trở về Sài Gòn cho kịp buổi biểu diễn tối cùng ngày tại GX Mỹ Hòa thuộc hạt Thủ Thiêm.

Trên con đường từ Hưng Yên về Hà Nội bình thường chỉ phải đi khoảng chừng một tiếng rưởi đồng hồ nhưng chẳng hiểu sao bác tài chạy đúng hai tiếng rưởi! vừa ào ào vô phi trường cũng vừa lúc chuyến bay đóng cửa! thế là mọi người phải lang thang trong phi trường mấy tiếng đồng hồ với nỗi lo không bay kịp về Sài Gòn để diễn…

Thật vậy! ngồi ở phòng chờ trong phi trường Nội Bài từ 11 giờ trưa cho mãi đến hơn 4 giờ chiều sau vài vài lần thông báo chuyến bay bị delay mọi người đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc 18 giờ 30! nhạc sĩ Kim Lệ để lại mọi người vội vàng lấy hành lý và phóng như bay đến chỗ diễn mà đúng ra chị đã phãi có mặt lúc 18 giờ!

Chạy qua tận Cát Lái, trên đường đi liên tục gọi diện để nhắc nhỡ và hướng dẫn đường đi cho các ca sĩ vậy mà đến nơi chỉ bị trể 2 tiết mục! Allêluia! Ban tổ chức nhường lại toàn bộ sự điều động chương trình cho nhạc sĩ Kim Lệ khi chị bước lên sân khấu mở lời xin lỗi khán giả vì lý do ngoài ý muốn đã đến trể thì khán giả cũng vỗ tay rần rần khi thông cảm cho sự phục vụ của các anh chị ca sĩ Công Giáo.

Đêm diễn thánh ca Giáng Sinh tại GX Mỹ Hòa, với thật nhiều ca sĩ nổi tiếng cả các ca sĩ ngoài Công Giáo cũng đã đến tham gia biểu diễn. Mọi người thật vui vì được thưởng thức một chương trình văn nghệ mà theo như lời MC-Nhạc sĩ Kim Lệ cũng là người biên tập, đạo diễn chương trình là GX Mỹ Hòa có ba cái nhất trong đêm trình diễn thánh ca nầy:

1. Đêm diễn Thánh ca có nhiều ca sĩ nhất (trên 20 ca sĩ)

2. Đêm diễn Thánh ca có nhiều ca sĩ đoạt giải I Tiếng Hát Truyền Hình nhất như: Cam Thơ, Khánh Duy, Thanh Sử, Bonner Trinh…

3. Đêm diễn có thời gian dài nhất từ 19 giờ đến 23 giờ)

Thật vậy! Các ca sĩ: Kim Lệ, Cam Thơ, Tam Ca Áo Trắng (Minh Tú, Minh Thư), Khánh Duy, Thanh Sử, Bonner Trinh, Đông Quân, Xuân Trường, Trần Ngọc, Đông Nghi, Tuyết Mai Ly, Trương Bảo Như, Minh Trang, Nhóm Titikis với 4 thành viên nam, nhóm Giọt Nắng với 3 thành viên nữ cùng những bài hợp ca của các ca đoàn giáo xứ, các ca sĩ cây nhà lá vườn đã làm cho chương trình văn nghệ Giáng Sinh tại GX Mỹ Hoà thật sôi nổi và hoành tráng! Phần cuối, các ca sĩ đã cùng với linh mục chính xứ Fanxicô Xavie Ngô Phục hát bài Hang Belem để kết thúc chương trình.

Xin cảm ơn anh Quang Vinh, nhạc sĩ Minh Tâm và những người âm thầm, hy sinh làm cho đêm diễn được thành công tốt đẹp!

Sáng ngày 25.12 vẫn như từ hơn 10 năm nay, “đến hẹn lại lên” các ca sĩ Công Giáo lại hát giúp vui từ thiện cho những người khuyết tật tại nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn.

Khép lại mùa phục vụ Giáng Sinh với thật nhiều ý nghĩa và niềm vui vì đã mang tiếng hát của mình đến với mọi người cũng là những ngày đầy bận rộn, mệt nhọc nhưng cũng đủ đầy những kỷ niệm khó quên!
 
Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất các Kitô hữu
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
17:29 26/12/2008
TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU
Từ 18 đến 25-01-2009

Kính thưa Đức Hồng Y, Quý Đức Cha

Như thường lệ, tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ được tổ chức từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Ước mong cho mọi tín hữu nên một, đó là trọng tâm lời cầu nguyện mà Đức Giêsu đã thưa với Chúa Cha, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Đó cũng chính là ước nguyện của Giáo Hội trải qua mọi thời đại, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều xung đột và nguy cơ chia rẽ như hiện nay. Hiệp nhất là yếu tố căn bản, đồng thời là điều kiện không thể thiếu cho công cuộc Phúc âm hóa của hết thảy những ai đặt niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.

Khởi đi từ sáng kiến từ năm 1740, và chính thức được cử hành trong Giáo Hội Công giáo từ năm 1908, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất đã được tổ chức với hình thức và nội dung ngày càng phong phú hơn. Cùng với lời cầu nguyện, các Giáo Hội Kitô đã có nhiều cố gắng đối thoại đại kết, nhằm xây dựng tình hiệp nhất trong lãnh vực thần học cũng như mục vụ.

Đề tài được chọn cho tuần cầu nguyện đại kết năm 2009 được trích dẫn trong sách Ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Chúng sẽ được nên một trong tay ngươi” (Ed 37,17). Đây là lời Chúa phán với Ê-dê-ki-en, khi Ngài truyền lệnh cho ông khắc chữ trên hai miếng gỗ, một miếng tượng trưng cho liên minh giữa nhà Giuđa và con cái Israel, miếng kia tượng trưng cho liên minh giữa nhà Giuse và toàn thể người Israel còn lại. Đức Chúa truyền cho ông ráp hai miếng gỗ lại với nhau cho thành một miếng duy nhất, và “chúng sẽ được nên một trong tay ngươi”.

Đề tài được chọn là kết quả từ những suy tư của một nhóm chuyên viên, gồm Giám mục, Linh mục và Tu sĩ, được Hội Đồng Giám mục Hàn Quốc uỷ nhiệm. Như chúng ta biết, đất nước này vẫn còn bị chia cắt hai miền. Đã có nhiều cố gắng đối thoại giữa hai miền Nam – Bắc Hàn; đã có nhiều người Hàn Quốc sống tại Bắc Hàn từ 50 năm nay được phép trở về thăm thân nhân quê quán. Tuy vậy, con đường tiến tới thống nhất hai miền còn dài và còn nhiều khó khăn do khác biệt về ý thức hệ chính trị và nền kinh tế. Những tín hữu Kitô chiếm một tỷ lệ khá đông tại đây, gồm những anh em Tin Lành và Công Giáo. Lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu cũng mang ước nguyện cho dân tộc Triều Tiên được hòa bình, cho hai miền được nên một. Lời Chúa trong Ngôn sứ Ê-dê-ki-en mở ra cho dân tộc này niềm hy vọng sẽ có ngày Thiên Chúa quy tụ dân Ngài và làm cho họ nên một, hy vọng Ngài sẽ chúc lành cho họ và làm cho họ thành một dân hùng mạnh. Cũng như thời Ngôn sứ Ê-dê-ki-en, nhân loại hôm nay khẩn cầu Thiên Chúa canh tân đổi mới thế giới, vì thế giới này luôn lo sợ trước nguy cơ chia rẽ, khủng bố và biết bao thảm kịch khác trong mọi lãnh vực. Cũng vậy, sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là nguyên nhân của những vấp phạm và là những cản trở cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

Trong tình hiệp thông với Giáo Hội Công giáo hoàn vũ và với tất cả những Anh Chị Em cùng tin vào Đức Giêsu Kitô, con xin gửi tới Đức Hồng Y và Quý Đức Cha tài liệu nhỏ này, gồm các gợi ý suy niệm cho các buổi cử hành cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất. Tài liệu này do Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu phát hành, cùng với thư giới thiệu của Đức Ông Brian Farell, Tổng thơ ký Hội Đồng, đề ngày 22-06-2008. Xin Đức Hồng Y và Quý Đức Cha tuỳ nghi sử dụng và phổ biến trong các Giáo phận.

Xin cám ơn Đức Hồng Y, Quý Đức Cha đã vui lòng đón nhận tài liệu này. Kính chúc Đức Hồng Y và Quý Đức Cha luôn mạnh khoẻ, bình an trong Mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp đến.

Giám mục Hải Phòng
 
Tài liệu sử dụng cho Tuần Cầu nguyện cho Hiệp Nhất Kitô hữu
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
17:37 26/12/2008
TÀI LIỆU SỬ DỤNG
TRONG TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

(do Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu phát hành)

1- Lời giới thiệu

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2009 này mang những nét đặc biệt:

-Trước hết, ngày 25-01-2009 sẽ là dịp kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chính thức loan báo sẽ triệu tập Công đồng chung Vatican II. Đây là biến cố quan trọng đã góp phần hướng Giáo Hội Công giáo về đối thoại đại kết, đặc biệt là qua Sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redingtegratio.

-Ngày 25-01-2009 là Lễ Thánh Phaolô trở lại. Trong năm kính Thánh Phaolô, ngày lễ này phải được cử hành cách đặc biệt. Vì hôm đó trùng vào chúa nhật, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã công bố phép rộng cho việc dâng lễ kính Thánh Phaolô vào ngày này (Prot. N. 268/08/01)

Khi đọc bản văn Lời Chúa được đề nghị trích trong Ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ed 37,15-28), các Kitô hữu được mời gọi suy niệm và áp dụng vào mỗi hoàn cảnh cụ thể của mình. Chúng ta mỗi người đều hiểu rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thiết lập sự hiệp nhất, giao hòa con người và thiết lập một trật tự mới. Đất nước Israel thống nhất, được tha thứ và thanh tẩy trở thành biểu tượng cho niềm hy vọng của cả thế giới.

Khởi đi từ bản văn chủ đạo này, những bài suy niệm trong Tuần cầu nguyện cho chúng ta thấy sự hiệp nhất của Giáo Hội góp phần quan trọng như thế nào cho việc canh tân toàn thể nhân loại. Điều này cũng giúp chúng ta ý thức sứ mạng quan trọng, đó là tất cả những ai tuyên xưng Đức Kitô là Chúa đều phải cố gắng thực hiện lời nguyện ước của Người: “Xin cho họ nên một…để thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).

Vì lẽ đó, Tuần cầu nguyện khởi đầu bằng một suy niệm về sự hiệp nhất các Kitô hữu. Chúng ta cầu xin Chúa, Đấng đã sai Thánh Thần sự sống đến trong những mảnh xương khô và là Đấng tạo nên sự hiệp nhất giữa những khác biệt, xin Ngài thổi làn gió mới của sự sống và hòa giải nơi những trái tim chai đá và những chia rẽ của chúng ta. Trong ngày khởi đầu của tuần bát nhật này, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những hoàn cảnh khác nhau trên thế giới, nơi mà sự hòa giải rất cần thiết và cấp bách, đồng thời chúng ta chú ý cách đặc biệt đến vai trò của sự hiệp nhất các Kitô hữu trong tình thế chung hiện nay.

Ngày thứ hai, Giáo Hội sẽ cầu nguyện để hòa bình thắng chiến tranh và bạo lực, ngõ hầu với tư cách là môn đệ của Hoàng Tử Hòa Bình, các Kitô hữu có thể loan báo sự hòa giải được ăn rễ sâu trong niềm hy vọng, mặc cho những xung đột hiện nay.

Ngày thứ ba mời gọi chúng ta suy niệm về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Cách sử dụng tiền bạc, cách đối xử với người nghèo là tiêu chuẩn thẩm định ơn gọi của chúng ta làm môn đệ Đức Giêsu, Đấng đã đến giữa chúng ta để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, trả tự do cho người nô lệ và đem lại công bằng cho mọi người.

Ngày thứ bốn, chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu hiểu rằng chỉ khi liên kết với nhau họ mới có thể bảo vệ những kỳ công mà Thiên Chúa đã sáng tạo và trao phó cho chúng ta, như không khí chúng ta hít thở, trái đất tặng cho chúng ta biết bao hoa trái. Qua vẻ đẹp huy hoàng, công trình sáng tạo đang tôn vinh chính Tác giả của mình.

Ngày thứ năm, chúng ta cầu nguyện để xoá đi những thành kiến và phân biệt trong xã hội hôm nay. Khi nhận ra phẩm tính của con người là từ nơi Chúa mà đến, sự hiệp nhất của chúng ta với tư cách là Kitô hữu sẽ làm chứng cho sự hiệp nhất của Đấng đã dùng tình yêu của Ngài mà làm cho mỗi người chúng ta thành một hữu thể duy nhất. Như vậy, chúng ta được mời gọi xây dựng một vương quốc công chính và tình yêu, trong đó sự khác biệt được tôn trọng vì chúng ta đã trở nên một trong Đức Kitô.

Ngày thứ sáu, chúng ta cầu nguyện cho những người đang đau khổ và thân nhân của họ. Những Thánh vịnh giúp chúng ta hiểu rằng tiếng kêu đau khổ hay giận dữ mà con người làm vang lên trước nhan Chúa có thể tạo thành mối liên hệ sâu sắc và trung tín với Ngài. Lòng thương cảm của các Kitô hữu trước nỗi thất vọng của những người đau khổ chính là dấu chỉ của Nước Trời. Khi cùng hiệp nhất nên một, các Giáo Hội Kitô có thể làm thay đổi mọi sự và đem lại cho những người bệnh tật sự trợ giúp về vật chất cũng như thiêng liêng mà họ đang cần.

Ngày thứ bảy hướng về những Kitô hữu đang đối diện với trào lưu đa tôn giáo, đồng thời cầu nguyện cho họ được hiệp nhất trong Thiên Chúa. Thiếu sự hiệp nhất này, chúng ta rất khó mà xây dựng một vương quốc hòa bình với tất cả mọi người thiện chí.

Những ý nguyện được đề nghị cho ngày thứ tám đưa chúng ta trở về với suy niệm của ngày khởi đầu, vì chúng ta cầu nguyện cho tinh thần của tám mối phúc thật thấm nhuần nơi mọi người trong thế giới hôm nay. Các Kitô hữu mang trong mình niềm hy vọng vào sự canh tân mọi sự trong một trật tự mới do Đức Kitô thiết lập. Chính vì vậy mà họ có thể trở nên những người gieo niềm hy vọng và thực hành hòa giải đối lại với chiến tranh, nghèo đói, sự phân biệt chủng tộc và trong tất cả những hoàn cảnh khác, nơi mà những nhân sinh đang quằn quại và mọi tạo vật đang rên rỉ đau thương.

2- Nghi thức

CHƯƠNG TRÌNH CẦU NGUYỆN
Mở đầu (Đánh 3 tiếng chiêng (cồng) để bắt đầu)

CS: Chủ sự
NĐ: Người đọc
CĐ: Cộng Đoàn

Lời chào

CS: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.
CĐ: Và ở cùng cha

Đọc Thánh Vịnh 146 (có thể hát một bài thánh ca hoặc Thánh vịnh khác)

Cuộc rước của đoàn đồng tế cùng với cộng đoàn mang theo cuốn Kinh Thánh và những chiếc gậy/thanh gỗ buộc lại với nhau nói lên biểu tượng của sự hiệp nhất theo gợi hứng của lời Ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Những người mang thanh gỗ đứng lên phía trước Thánh giá hoặc ngay tại nơi cử hành phụng vụ trong cung thánh.
(Giữ thinh lặng trong giây lát)

CS: Anh chị em chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa, hãy đến gần Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, là nguồn hy vọng của chúng ta.
(Có thể xướng lên lời mời gọi này bằng tiếng Hàn Quốc để nhấn mạnh rằng năm nay Cộng đoàn Kitô hữu Hàn Quốc gợi ý hướng dẫn chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo: Kadjia Heemang-e dju-nim-kke).

Nghi thức sám hối

CS: Chương trình cầu nguyện năm nay do các Kitô hữu Hàn Quốc đề nghị. Hàn Quốc là một quốc gia đang bị chia cắt làm hai. Chúng ta sẽ được nghe lời của ngôn sứ Ê-dê-ki-en, người đã có thị kiến về việc Thiên Chúa liên kết hai mảnh gỗ tách rời lại với nhau. Chúng ta cùng quy tụ về đây như những cộng đoàn Kitô hữu đang bị chia rẽ, để cùng cầu nguyện xin ơn tha thứ vì những vấp phạm do sự bất hòa và sự thiếu sót của chúng ta trong vai trò sứ giả của ơn hoà giải. Vậy thì đâu là những đường hướng hối cải, cá nhân cũng như toàn thể Giáo Hội, mà chúng ta phải thực thi để đạt đến một sự hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô?
(Giữ thinh lặng)

Trong suốt thời gian thinh lặng, những người mang thanh gỗ,đang ngồi ở phía trước của cộng đoàn hoặc ngồi cùng với các vị chủ tế, cùng phân tán và ngồi xen kẽ giữa cộng đoàn, như dấu hiệu của sự chia rẽ và lỗi phạm chống lại sự hiệp nhất trong Chúa Kitô.

CS: Từ vực thẳm, con kêu van lên Ngài, lạy Chúa
Lạy Chúa, xin Chúa thương nhận lời.
CĐ: Lạy Chúa, chúng con thường cầu nguyện với Chúa, nhưng không cùng một lời cầu xin duy nhất.

CS: Xin Chúa lắng tai nghe lời con cầu nguyện.
CĐ: Chúng con cầu mong sự hiệp nhất nhưng chúng con thường không chấp nhận hy sinh để hòa giải.

CS: Vì nếu như Ngài chấp tội, lạy Chúa, chúng con nào ai đứng vững được chăng.
CĐ: Ai có thể đứng vững? Chúng con đến với Ngài trong sự yếu đuối của bản thân, trước một thế giới đang bị chia rẽ.

CS: Nhưng trong Chúa có ơn tha tội, để Chúa được tôn thờ phụng sự.
CĐ: Kyrie eleison, Christe eleison, Kyrie eleison.

CS: Con trông đợi Chúa với cả tâm hồn và con khát khao nghe lời Ngài.
CĐ: Tâm hồn con trông đợi Chúa, tha thiết hơn lính canh mong đợi hừng đông.

CS: Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã công bố lời của Chúa: Ta sẽ cứu thoát chúng khỏi mọi nỗi bất trung và thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Chúng sẽ được nên một trong vòng tay yêu thương của Ta. Lạy Chúa, Chúa chính là nguồn hy vọng duy nhất của chúng con.
CĐ:Xin làm cho chúng con trở thành những khí cụ ơn hòa giải của Ngài.

Công bố Lời Chúa

Bài đọc 1: Ed 37, 15-19.22-24a
Hát: Let us be One (Xin cho chúng con nên một - Tiếng Hàn)
Bài đọc 2: Rm 8,18-25
Alleluia
Tin Mừng: Ga 17, 8-11

Bài suy niệm
(sau đó giữ một vài phút thinh lặng)

Lời cầu nguyện chung

CS: Chúng ta hãy mang hết cả niềm tin mà tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

CĐ:Xin Chúa nhận lời chúng con (có thể hát).

Người xướng thứ nhất: Chúng con cầu xin Chúa cho các cộng đoàn Kitô hữu địa phương, cho các Giáo Hội và các nhóm đại kết; cho tất cả những ai đang hiện diện nơi đây cũng như những người vắng mặt. Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con vì chúng con dửng dưng với tha nhân, xin chữa lành những thương tích và mối chia rẽ bất hoà khiến chúng con sống xa cách nhau.

Người xướng thứ hai: Chúng con cầu xin Chúa cho chúng con biết quý trọng ơn Bí tích Thanh tẩy mà chúng con cùng được lãnh nhận nhân danh Chúa Ba Ngôi. Xin hãy nâng đỡ mỗi người và cả cộng đoàn chúng con trên con đường xây dựng hiệp nhất mà Chúa đã ước mong cho hết thảy môn đệ của Người.

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Người xướng thứ nhất: Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị lãnh đạo tinh thần và các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội. Xin Chúa Thánh Thần chiếu sáng trên họ và giúp họ làm việc chung với nhau trong sự hòa thuận, trong niềm vui và tình yêu mến.

Người xướng thứ hai: Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các vị lãnh đạo dân sự. Nguyện xin Chúa giúp họ luôn biết ra sức xây dựng công lý và hoà bình. Xin Chúa thương ban cho họ ơn khôn ngoan để họ biết quan tâm đến nhu cầu của mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ.

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Người xướng thứ nhất: Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các quốc gia và cộng đoàn đang bị chia rẽ nặng nề và còn những xung đột nội bộ. Lạy Chúa, chúng con cùng cầu nguyện cách đặc biệt cho dân tộc Hàn Quốc, cả Miền Bắc và Miền Nam, đang mong mỏi tình hiệp nhất cho dù phải đối diện với biết bao chia rẽ và ly khai về chính trị. Xin cho nỗ lực của họ mang lại nhiều thành quả và trở nên dấu chứng của niềm hy vọng cho tất cả những ai thao thức tìm kiếm sự hoà giải trong một thế giới đang chia bị rẽ bất đồng.

Người xướng thứ hai: Chúng con cùng dâng lời cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho tất cả những người, nhờ ơn Chúa thúc đẩy, đang nâng đỡ đời sống đức tin của chúng con. Chúng con cũng không quên cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân làm chứng cho ơn giao hoà và lòng thương xót vô bờ của Chúa. Ước mong đời sống chứng tá và tinh thần quảng đại của họ khơi lên trong chúng con khát vọng dấn thân phục vụ mọi người.

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Người xướng thứ nhất: Chúng con cầu nguyện cho tất cả những ai đang loan truyền Tin Mừng của Chúa tại những nơi gặp đầy thử thách gian nan trong thời đại hôm nay. Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết góp phần mình làm giảm nhẹ những thảm họa về sinh học trên toàn cầu đang phá huỷ công trình tạo dựng của Ngài và gây hậu quả khôn lường cho nhân loại.

Người xướng thứ hai: Chúng con cùng cầu xin Chúa cho tất cả các Giáo Hội Kitô trên thế giới. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để hy vọng một ngày nào đó tất cả mọi Kitô hữu đều được quy tụ quanh bàn tiệc thánh và chia sẻ cùng một Bánh Thánh.

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Kinh Lạy Cha

CS: Hết thảy mọi người theo ngôn ngữ riêng của mình cùng nhau đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu dạy chúng ta.

CĐ: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

CS: Để nói lên quyết tâm cùng nhau tìm kiếm sự hoà giải, chúng ta hãy chúc bình an cho nhau.

(Trong khi mọi người chúc bình an, cộng đoàn hát bài Come now, O God of peace (O-So-So))

Những người mang các thanh gỗ bây giờ ghép chúng lại với nhau, cứ hai thanh làm một, để nói lên dấu chỉ của sự hoà giải mà Thiên Chúa đã khởi xướng và thực hiện. Chính Chúa sẽ liên kết chúng ta lại với nhau trong vòng tay yêu thương của Ngài. Trong khi đọc kinh Tin kính, có thể giơ Thánh giá lên và ghép các thanh gỗ vào cùng với Thánh giá tạo nên biểu tượng của sự hiệp nhất. Trong những nhà thờ có nơi rửa tội ở chính giữa thì có thể tiến hành nghi thức tuyên xưng đức tin tại đó, với mục đích nhắc nhớ lại Bí tích rửa tội là nguồn cội liên kết chúng ta “hiệp nhất trong bàn tay của Thiên Chúa”.

Đọc Kinh Tin Kính của Công đồng Nicêa

CS: Chúng ta cùng hiệp nhất với nhau đọc Kinh Tin Kính

CĐ: Tôi tin kính…

Lời nguyện kết thúc

NĐ: (nên dành cho một người trẻ): Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiên tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loại thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8, 38).

CS: Xin cho chúng ta lên đường với một đức tin mạnh mẽ và đức cậy vững vàng, vì Thiên Chúa là Cha sẽ ban cho chúng ta ơn canh tân mọi sự trong Đức Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu sai chúng ta đi như những nhân chứng cho tình yêu Người và trở nên những người cộng tác thực hiện công trình sáng tạo mới. Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi niềm vui, nỗi buồn và sự giận dữ trong ta, luôn luôn hướng dẫn chúng ta. Xin cho chúng ta ơn can đảm, trung thành sống một đời sống xứng đáng với niềm tin Kitô của mình.

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

Hát: Có thể hát một bài ca tụng Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta nhờ Thánh giá. Trong khi hát, những người mang thanh gỗ giơ các thanh gỗ lên và trao lại cho các thành viên đến từ các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, để nói lên tinh thần hiệp thông.

Phép lành

CS: Thưa anh chị em, chúng ta là những Kitô hữu cùng quy tụ về đây hôm nay trong đức tin, để nói lên khát vọng hiệp nhất của chúng ta nhờ sức mạnh của cây Thập giá.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em

Xin Thiên Chúa chiếu toả dung nhan Ngài trên anh chị em và ban cho anh chị em dồi dào ân sủng.

Xin Người ban cho anh chị em ơn bình an.

3- Những gợi ý suy niệm trong Tuần cầu nguyện

NGÀY THỨ NHẤT
Các cộng đoàn Kitô giáo đối diện với những chia rẽ trong quá khứ và hiện tại


Ed 37, 15-19.22-24a Trở nên một trong tay ngươi
Tv 103, 8-13 hoặc 18 Đức Chúa là Đấng từ bi nhân hậu và trung tín…
1 Cor 3, 3-7.21-23 Giữa anh em còn có sự ghen tương và cãi cọ…
Ga 17,17-21 Xin cho họ nên một… để cho thế gian tin

Suy niệm

Các Kitô hữu được mời gọi trở nên những chứng tá cho tình yêu hoà giải của Thiên Chúa trong một thế giới đầy những chia rẽ và bất hoà. Được thanh tẩy nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và được tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu tử nạn và phục sinh, chúng ta trở thành một dân thuộc về Đức Kitô, một dân được mời gọi trở thành thân thể Đức Kitô trong và cho thế giới. Chính Đức Kitô đã cầu nguyện cho các môn đệ của Người: Xin cho họ nên một để cho thế gian tin.

Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu liên quan đến những vấn đề chính yếu là đức tin và tổ chức Giáo Hội, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sống đời chứng tá của chúng ta trong thế giới này. Tại Hàn Quốc cũng như tại nhiều quốc gia khác, Tin Mừng của Đức Kitô đôi khi được loan báo với những ngôn ngữ và phương pháp đối nghịch nhau gây nên những hậu quả trái với nội dung của Tin Mừng đích thực. Có một thứ cám dỗ khiến người ta xem xét những chia rẽ hiện tại là vấn đề tự nhiên của lịch sử Kitô giáo, chứ không phải là một sự đối nghịch nội tại với sứ điệp cần loan báo rằng Thiên Chúa đã hoà giải thế giới trong Chúa Kitô.

Thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en về hai thanh gỗ - được khắc tên hai vương quốc Israel thời xưa bị chia rẽ nhưng đã thống nhất nên một trong Chúa - là hình ảnh minh chứng mạnh mẽ cho quyền năng Chúa trong việc mang lại ơn hoà giải và cứu giúp dân tộc Israel đang chìm sâu trong chia rẽ bất hoà, và họ không thể tự mình thực hiện được điều này. Hình ảnh này phản ánh rõ nét những chia rẽ giữa các Kitô hữu và cho thấy sự hòa giải phải được đề cao như trung tâm của việc loan báo Tin Mừng. Trên hai thanh gỗ tạo nên cây thập giá, Chúa của lịch sử đã mang vào thân mình mọi thương tích và chia rẽ của nhân loại. Với sự hy sinh toàn vẹn, Đức Giêsu đã liên kết tội lỗi của con người với tình yêu trung tín và cứu độ của Thiên Chúa. Trở thành một Kitô hữu cũng đồng nghĩa với việc phải được dìm vào sự chết của Đức Giêsu. Qua cái chết này, Thiên Chúa lấy tình thương vô bờ của Ngài mà khắc tên của một nhân loại mang thương tích đau khổ vào thân gỗ của cây Thập giá, đồng thời liên kết chúng ta với Ngài và phục hồi mối tương quan của ta với Thiên Chúa và với tha nhân.

Sự hiệp nhất Kitô giáo dựa trên xác tín chúng ta thuộc về Đức Kitô và thuộc về Thiên Chúa. Càng cố gắng tiến xa hơn trong sự hoán cải trở về với Đức Kitô, chúng ta càng cảm thấy mình được hoà giải nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo chính là ý thức về lòng tín thác của ta vào Thiên Chúa và là thiện chí mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Thánh Thần. Cùng với những nỗ lực cố gắng khác mà chúng ta đang thực hiện để cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu – như đối thoại, chứng từ chung và truyền giáo – cầu nguyện cho sự hiệp nhất là một thực hành ưu tiên qua đó Chúa Thánh Thần chứng tỏ cho trần gian ơn hòa giải trong Đức Kitô, trong thế giới mà Người đã đến để ban ơn cứu độ.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng con trong Đức Kitô, và đã tìm mọi cách để hoà giải toàn thể nhân loại trong tình yêu cứu độ của Chúa. Xin đoái thương nhìn đến chúng con là những người đang nỗ lực xây dựng và cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các cộng đoàn Kitô đang bị chia rẽ. Xin cho chúng con nhận ra mọi người cùng là anh chị em trong tình yêu Chúa. Xin cho chúng con nên một, nên một trong tay Chúa. Amen.

NGÀY THỨ HAI
Các Kitô hữu đối diện với chiến tranh và bạo lực


Is 2, 1-4 Thiên hạ thôi học nghề chinh chiến
Tv 74, 18-23 Lạy Chúa, xin đừng mãi mãi quên đi mạng sống dân nghèo khổ
1 Pr 2, 21-25 Những vết thương của Người đã chữa lành anh chị em
Mt 5, 38-48 Hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em

Suy niệm

Chiến tranh và bạo lực luôn là những trở ngại nghiêm trọng cho sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn cho nhân loại. Mặt khác, chiến tranh và bạo lực là hậu quả của những chia rẽ đang tồn tại và chưa được chữa trị trong chính con người chúng ta. Chúng cũng là hậu quả của thói kiêu căng ích kỷ, ngăn cản không cho phép ta khôi phục lại nền tảng đích thực của cuộc đời mình.

Các Kitô hữu Hàn Quốc từ hơn 50 năm nay hằng ao ước chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa hai miền Nam Bắc và họ cũng mong muốn thấy hoà bình được thiết lập ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Sự bất ổn diễn ra thường xuyên trên bán đảo Triều Tiên không chỉ nói lên nỗi đau của một dân tộc đang bị chia rẽ; nhưng đồng thời nó còn chỉ cho thấy những mối chia rẽ, xung đột và thù nghịch đang gây tai họa cho cả nhân loại.

Vậy điều gì có thể làm chấm dứt vòng luẩn quẩn của chiến tranh và bạo lực?

Đức Giêsu đã chỉ cho ta sức mạnh có thể chấm dứt bạo lực và bất công ngay trong những tình huống ghê rợn nhất. Đối với những môn đệ phản ứng theo tinh thần thế gian trước bạo lực, Đức Giêsu đã dạy một bài học xem ra có vẻ nghịch lý là hãy từ bỏ bạo lực (Mt 26, 51-52).

Đức Giêsu cũng đã là nạn nhân của bạo lực. Trung thành với Chúa Cha, Ngài chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi. Thập giá là bằng chứng nói lên sự mâu thuẫn và đối nghịch vốn cố hữu trong bản chất của con người. Cái chết đau thương của Chúa Giêsu, hậu quả của bạo lực, đánh dấu khởi điểm của công trình tạo dựng mới; và công trình ấy đã đóng đinh tội lỗi, sự bạo tàn của nhân loại và chiến tranh vào chính cây thập giá của Người.

Đức Giêsu Kitô không chỉ dạy chúng ta một thái độ bất bạo động dựa trên tinh thần nhân đạo. Ngài còn dạy ta về sự canh tân công trình tạo dựng của Thiên Chúa, về niềm tin yêu hy vọng Trời Mới Đất Mới sẽ đến. Niềm hy vọng này, khởi đi từ vinh quang cao cả vượt qua sự chết trên thập giá, thúc đẩy chúng ta không ngừng tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo và chiến đấu chống lại mọi hình thức của chiến tranh và bạo lực.

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa trao hiến chính mình trên thập giá để quy tụ toàn thể nhân loại, chúng con xin dâng lên Chúa bản tính nhân loại của chúng con đang bị những thói kiêu căng, ích kỷ và giận hờn làm hư hoại. Xin Chúa đừng bỏ rơi những người đang bị áp bức và phải chịu đựng mọi hình thức của bạo lực, giận hờn và thù ghét, đôi khi do quan niệm của một đức tin sai lệch và của ý thức hệ đối lập.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con và đoái nhìn đến dân Người, để nhờ đó chúng con được hưởng sự bình an và niềm vui trọn vẹn trong trật tự tốt đẹp của công trình sáng tạo Người đã trao ban.

Lạy Chúa, xin cho chúng con, những Kitô hữu, luôn biết cùng nhau làm việc để xây dựng nền công lý theo ý Chúa chứ không phải theo ý chúng con.

Xin ban cho chúng con ơn can đảm biết giúp đỡ anh chị em mình vác thập giá của họ thay vì tạo ra thập giá cho tha nhân.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khôn ngoan đối xử với những người đối nghịch với mình theo tinh thần yêu thương thay vì ghen ghét oán thù. Amen.

NGÀY THỨ BA
Các Kitô hữu đang phải đối diện với sự chênh lệch về kinh tế và nghèo đói


Lv 25, 8-14 Năm toàn xá như một cuộc giải phóng
Tv 146 Thiên Chúa bênh vực quyền lợi cho người bị áp bức
1Tm 6, 9-10 Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc
Lc 4, 16-21 Đức Giêsu và năm hồng ân của Thiên Chúa chính là ơn giải phóng

Suy niệm

Chúng ta vẫn luôn cầu nguyện cho triều đại của Thiên Chúa ngự đến. Chúng ta khao khát có một thế giới mà ở nơi đó con người, đặc biệt những người nghèo khổ nhất, không phải chết vì đói khát. Tuy vậy, nền kinh tế trên thế giới hiện nay đang nhấn chìm người nghèo, làm cho hố ngăn cách và bất bình đẳng trong xã hội càng ngày càng nghiêm trọng.

Cộng đồng nhân loại đang phải đối diện với tình trạng bấp bênh của việc làm và những hậu quả do thất nghiệp gây ra. Chủ nghĩa vị lợi nhuận, cũng giống như lòng ham muốn tiền bạc, như được đề cập trong Thư gửi Ti-mô-thê, chính là “cội rễ của mọi điều ác”.

Các Giáo Hội Kitô có thể và phải làm gì trong bối cảnh này? Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về một chủ đề trong Thánh Kinh nói về năm hồng ân của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã nhắc tới để khẳng định sứ mệnh của Người.

Theo sách Lêvi, trong suốt năm toàn xá, ơn giải phóng được loan báo. Những người di dân đi làm ăn kinh tế có thể về đoàn tụ cùng gia đình và sở hữu đất đai. Đối với những ai đã mất hết tài sản thì có thể ở lại và sống giữa dân Do Thái như ngoại kiều. Luật cấm việc cho những người này vay mượn tiền bạc để kiếm lời.

Năm toàn xá nhằm thiết lập tình huynh đệ mang tính cộng đoàn, phóng thích các nô lệ và cho họ về nhà, trao lại quyền sử dụng đất đai và xoá bỏ nợ nần. Đối với những nạn nhân của cơ cấu xã hội thời đó, điều này có nghĩa là khôi phục những quyền lợi cá nhân và phương tiện bảo đảm cuộc sống.

Nhiều người thời nay coi việc phấn đấu để “có thật nhiều tiền” như giá trị và mục đích tối thượng của cuộc sống. Thực ra những người này đang tự huỷ diệt chính mình. Trái lại, trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta được mời gọi sống tinh thần của năm Toàn xá, cùng hăng say loan báo Tin Mừng noi gương Đức Giêsu. Được trang bị bằng kinh nghiệm chữa lành từ những vết thương chia rẽ, các Kitô hữu trở nên nhạy cảm hơn đối với những chia rẽ trong các lãnh vực khác đang làm tổn thương nhân loại và công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa là Đấng công bằng,

Thế giới này có nhiều nơi dư thừa của ăn thức uống,

Nhưng cũng có nhiều nơi nghèo đói và bệnh tật hoành hành.

Lạy Thiên Chúa của hoà bình,

Trong thế giới hôm nay có những người trục lợi từ chiến tranh và bạo lực,

Nhưng cũng có nhiều người phải bỏ quê hương để tìm nơi nương náu, do bạo lực và chiến tranh.

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương,

Xin giúp chúng con hiểu rằng chúng con không thể sống chỉ nhờ tiền bạc nhưng còn phải nhờ Lời Chúa nữa.

Xin giúp chúng con hiểu rằng, chỉ có thể xây dựng và làm cho phát triển cuộc sống khi chúng con yêu mến Chúa, thực thi thánh ý và giáo huấn của Ngài.

Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ BỐN
Các Kitô hữu trước cuộc khủng hoảng môi trường sinh thái


St 1, 31-2, 3 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã dựng nên đều tốt đẹp
Tv 148. 1-5 Theo lệnh Ngài, hết thảy được tạo thành
Rm 8, 18-23 Công trình tạo dựng bị phó cho quyền lực của hư vô.
Mt 13, 31-32 Hạt nhỏ nhất trong số các loại hạt

Suy niệm

Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới này với sự khôn ngoan và trong tình yêu thương. Khi đã kết thúc công việc tạo dựng, Ngài thấy mọi sự đều tốt đẹp.

Tuy vậy, thế giới ngày nay đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về môi trường sinh thái. Địa cầu này đang phải chịu đựng tình trạng nóng dần lên do hậu quả tiêu thụ nhiên liệu quá mức. Diện tích các khu rừng trên trái đất đã bị mất đi khoảng 50% trong vòng hơn 40 năm qua và hậu quả là diện tích đất sa mạc đang gia tăng nhanh chóng. Ba phần tư sự sống của các loài sinh vật biển đã biến mất. Mỗi ngày trôi qua mang theo sự diệt chủng của hàng trăm loại sinh vật. Sự tàn phá đa dạng như vậy về mặt sinh học đang là mối đe doạ cho chính nhân loại. Cùng với thánh Phaolô chúng ta xác quyết rằng: muôn loài thọ tạo đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.

Phải thừa nhận rằng chính loài người chúng ta phải chịu trách nhiệm trong việc huỷ hoại môi trường. Chính lòng tham vô đáy của con người đã gây ra cảnh tang tóc cho toàn thể mọi loài thọ tạo.

Các Kitô hữu hãy cùng nhau nỗ lực hết sức để bảo vệ công trình tạo dựng. Trước sứ mạng mênh mông này, những người đã lĩnh nhận Bí tích Thanh tẩy không thể hành động riêng rẽ, nhưng phải đồng tâm hiệp lực với nhau. Chỉ có bằng cách cộng tác với nhau họ mới có thể bảo vệ được công trình của Đấng Tạo Dựng.

Cần nhắc lại là các yếu tố thiên nhiên có một vai trò quan trọng trong các dụ ngôn và những lời giáo huấn của Đức Giêsu. Người đã rất trân trọng đối với một thứ hạt cho dù là nhỏ nhất trong các loại hạt. Dựa vào cái nhìn của Kinh Thánh về mọi loài thụ tạo, các Kitô hữu có thể cộng tác để cùng có một tiếng nói chung nhắm tới tương lai của hành tinh chúng ta.

Lời nguyện

Lạy Chúa là Đấng Sáng Tạo, Chúa đã dùng Lời Chúa mà sáng tạo muôn loài và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp.

Nhưng ngày hôm nay chúng con đang gây ra sự chết chóc và huỷ hoại cho môi trường chúng con đang sinh sống.

Xin ban ơn để chúng con biết ăn năn sám hối về tính tham lam ích kỷ. Xin giúp chúng con biết quan tâm săn sóc tất cả mọi loài Chúa đã dựng nên.

Trong tình hiệp nhất, chúng con mong ước bảo vệ công trình tạo dựng của Ngài. Amen.

NGÀY THỨ NĂM
Các Kitô hữu trước những phân biệt đối xử và thành kiến xã hội


Is 58, 6-12 Đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục
Tv 133 Anh em thuận hoà thì tốt đẹp biết bao
Gl 3, 26-29 Tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Kitô
Lc 18, 9-14 Đối với những ai tự cho mình là công chính

Suy niệm

Từ thuở tạo thiên lập địa, con người đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và nên một trong bàn tay của Ngài.

Nhưng tội lỗi đã xâm nhập vào lòng con người và kể từ đó mọi thành kiến đã xuất hiện. Người ta thường dựa trên chủng tộc và màu da để phân biệt đối xử. Nơi khác, những thành kiến lại dựa trên khác biệt về giới tính. Ngoài ra, người ta còn phân biệt và loại trừ nhau vì lý do bệnh tật hay tôn giáo. Tất cả những yếu tố ấy đang làm suy thoái nhân phẩm và là nguồn gây nên mọi xung đột và đau khổ lớn lao.

Trong đời sống dương thế, Đức Giêsu đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với mọi người, bất luận họ là nam hay nữ. Người không ngừng lên án thái độ phân biệt đối xử và kiêu ngạo của những người đương thời. Thái độ khinh miệt không bao giờ có chỗ đứng trong tâm hồn của những người tin Chúa.

Thánh vịnh 133 ca ngợi hạnh phúc của tình huynh đệ được chia sẻ. Niềm hạnh phúc này được sánh ví như chất dầu quý và như sương sa từ đỉnh núi Khéc-môn. Chính khi quây quần bên nhau trong tình huynh đệ mà chúng ta được nếm hưởng niềm vui, trong những cuộc gặp gỡ đại kết và khi cùng cộng tác loại trừ những chia rẽ trong việc tuyên xưng đức tin.

Khôi phục tình hiệp nhất của gia đình nhân loại, đó là sứ mạng chung của mọi Kitô hữu. Họ phải cùng nhau hành động chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử. Đó cũng là niềm hy vọng chung của mọi người vì tất cả đều được mời gọi trở nên một trong Đức Kitô, nơi Người không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, người nam hay người nữ.

Lời nguyện

Lạy Chúa xin giúp chúng con nhận ra những phân biệt đối xử và thái độ loại trừ trong xã hội chúng con đang sống.

Xin hãy hướng dẫn tầm nhìn của chúng con và giúp nhận ra những định kiến trong mỗi chúng con.

Xin dạy chúng con biết loại trừ mọi thái độ khinh miệt người khác và cho chúng con được nếm hưởng niềm vui khi sống trong tình hiệp nhất. Amen.

NGÀY THỨ SÁU
Các Kitô hữu đối diện với bệnh tật và đau khổ


2 V 20,1-6: Ôi lạy Chúa, xin nhớ đến con !
Tv 22 (21) 1-11: Tại sao Ngài bỏ con ?
Gc 5,13-15: Lời cầu nguyện do đức tin cứu chữa các bệnh nhân
Mc 10,46-52: Anh muốn tôi làm gì cho anh ?

Suy niệm

Không có bệnh nhân nào đến gặp gỡ Đức Giêsu mà không được Người chữa lành. Mặc dù các Giáo Hội Kitô của chúng ta còn chia rẽ, nhưng chắc chắn chúng ta đều ghi nhận lòng thương xót của Chúa đối với những người đang đau khổ. Các tín hữu vẫn luôn noi gương Người để chăm sóc những người bệnh tật, bằng việc xây cất bệnh viện, phòng khám bệnh, tổ chức những hoạt động y khoa và chăm lo cho họ, không chỉ những nhu cầu thiêng liêng nhưng còn nhu cầu thể xác của các con cái Thiên Chúa nữa.

Tuy vậy, những điều trên đây không phải lúc nào cũng thuận lợi. Những người khỏe mạnh có khuynh hướng cho rằng sức khoẻ là tự họ mà có, và họ thường quên lãng những người không thể tham dự những sinh hoạt cộng đoàn vì lý do ốm đau hay tàn tật. Còn những người bệnh, họ luôn cảm thấy bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, khỏi sự hiện diện của Ngài cũng như khỏi mọi ân sủng và quyền năng cứu rỗi từ nơi Ngài.

Đức tin sâu sắc của E-dê-ki-át đã nâng đỡ ông trong cơn bệnh nạn. Trong giây phút đau đớn, ông đã thốt lên những lời cầu nguyện, đồng thời nhắc lại những lời nhân từ Thiên Chúa đã hứa. Cũng vậy, đôi khi có những người đau khổ đã thốt lên những lời trong Kinh Thánh để giãi bày nỗi đau và phàn nàn chính Chúa: “Tại sao Ngài bỏ con?”. Nếu chúng ta có mối liên hệ chân thành với Chúa, được thể hiện qua đức tin mạnh mẽ và lòng biết ơn, thì đồng thời cũng vẫn còn trong ta những lời cầu nguyện diễn tả sự khốn khổ, đau đớn hay giận hờn vào những lúc cấp thiết.

Những người ốm đau bệnh tật không phải chỉ là những đối tượng đón nhận sự chăm sóc; mà họ còn là những chủ thể đức tin sống động, như các môn đệ đã khám phá ra trong trình thuật của Tin Mừng Mác-cô. Các ông muốn tiếp tục thẳng tiến trên con đường theo Thầy mình, mà lại lãng quyên người mù ở bên lề của đám đông. Khi anh ta kêu lớn tiếng thì tiếng kêu ấy đã làm chuyển hướng chú ý của họ. Chúng ta thường hay quen với việc chăm sóc người ốm đau, chứ không quen với tiếng kêu rên của những con người này, vì những tiếng kêu rên này quấy rầy chúng ta. Những tiếng kêu la của họ ngày nay có thể là sự cầu viện thuốc men cho những nước nghèo hay lời mời gọi chia sẻ với họ vật chất. Các môn đệ là những người đã muốn ngăn cản người đàn ông mù đến gần Đức Giêsu thì sau đó lại được mời gọi mang cho anh ta sứ điệp của Chúa, là sứ điệp tình yêu nay đã trở nên mới mẻ: Hãy đến, Người gọi anh đấy.

Chỉ cho đến khi các môn đệ dẫn đưa người mù đến với Đức Giêsu thì bản thân họ mới nhận ra điều Đức Giêsu muốn: đó là hãy dành thời gian gặp gỡ và trò chuyện với anh và hỏi xem anh ta cần gì. Một cộng đoàn hòa giải chỉ có thể tồn tại và đứng vững khi những người bệnh tật cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa qua mối tương quan của họ với anh chị em mình trong Đức Kitô.

Lời nguyện

Lạy Chúa, xin lắng nghe lời dân Chúa kêu xin khi họ đau đớn bệnh tật.

Ước gì những người khoẻ mạnh luôn biết tạ ơn Ngài vì những điều tốt lành họ đã lãnh nhận.

Và ước chi họ biết phục vụ những người đau yếu với cả trái tim yêu thương và đôi tay rộng mở.

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết sống trong ân sủng và sự quan phòng của Ngài, để trở nên một cộng đoàn đã được hòa giải hoàn toàn và cùng nhau ca tụng Chúa. Amen.

NGÀY THỨ BẢY
Các Kitô hữu đối diện với tình trạng đa tôn giáo


Is 25, 6-9 Đây là Thiên Chúa Đấng chúng ta hằng trông đợi
Tv 117, 1-2 Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa
Rm 2, 12-16 Những ai thi hành Lề luật sẽ được công chính hóa.
Mc 7, 24-30 Vì bà nói thế, nên bà cứ về, quỷ đã xuất khỏi con bà

Suy niệm

Chúng ta thường xuyên nghe nói về bạo lực giữa những tín đồ của các tôn giáo khác nhau, tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy Hàn Quốc là một đất nước đa tôn giáo như Phật giáo, Kitô giáo, Khổng giáo, nhưng các tôn giáo lại cùng hiện hữu trong hoà bình.

Trong bài thánh ca ngợi khen, ngôn sứ I-sai-a đã nói đến việc Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ, và sẽ thiết đãi tất cả mọi dân một bữa tiệc thật ngon. Ngôn sứ I-sai-a quả quyết thêm: sẽ đến ngày muôn dân trên trái đất sẽ ngợi khen Thiên Chúa và hoan hỷ vui mừng bởi ơn Ngài cứu độ. Chính Thiên Chúa, Đấng chúng ta trông đợi, là chủ của bữa tiệc vĩnh cửu được nhắc tới trong bài thánh thi ngợi khen trên đây.

Khi gặp một người phụ nữ dân ngoại đến xin chữa lành cho con gái bà, thoạt tiên Chúa Giêsu khước từ theo một cách thức đáng ngạc nhiên. Phần bà, bà cũng van xin theo cách đó: “nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Đức Giêsu khẳng định bà đã hiểu rõ sứ mạng của Người đối với cả người Do-thái cũng như dân ngoại. Người khen lòng tin kiên vững của bà, đồng thời hứa sẽ chữa lành như lời bà xin.

Các Giáo Hội Kitô đã cam kết đối thoại để xây dựng tình hiệp nhất. Trong những năm gần đây, những cuộc đối thoại đã được thiết lập giữa những tín đồ thuộc nhiều niềm tin khác nhau, đặc biệt những tín hữu có cùng chung di sản là cuốn Kinh Thánh (Do thái và Hồi giáo). Các cuộc đối thoại không chỉ giúp soi sáng cho nhau nhưng còn góp phần cổ võ sự tôn trọng và thúc đẩy mối tương quan tốt đẹp giữa họ với nhau và xây dựng hòa bình tại những nơi diễn ra xung đột.

Nếu chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta liên kết với nhau trong đời sống chứng tá để chống lại những thành kiến và bạo lực, thì những hoạt động đó sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn. Việc chăm chú lắng nghe và đối thoại với những anh chị em có niềm tin khác đang sống quanh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tính phổ quát của tình thương Thiên Chúa và của Vương quốc Ngài.

Đối thoại với các Kitô hữu khác không có nghĩa đánh mất căn tính Kitô giáo, nhưng trái lại, chúng ta phải vui mừng thực hành lời cầu nguyện của Đức Giêsu, là cho chúng ta nên một, như Người nên một với Chúa Cha. Dĩ nhiên, sự hiệp nhất chưa đạt được ngay hôm nay hay ngày mai, mà đó là một cuộc lữ hành chúng ta đang thực hiện cùng với các tín hữu khác. Cuộc lữ hành này dẫn đưa chúng ta về một cùng đích chung, đó là tình yêu và ơn cứu độ

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa của chúng con, chúng con tạ ơn Ngài vì sự khôn ngoan chúng con lãnh nhận được qua Kinh Thánh.

Xin ban cho chúng con ơn can đảm biết mở rộng tâm hồn và khối óc trước những anh chị em xung quanh, dù họ thuộc về niềm tin Kitô hay các niềm tin khác; xin ban cho chúng con ân sủng để vượt qua những rào cản của sự dửng dưng, thành kiến hay thù ghét. Xin củng cố niềm tin của chúng con vào ngày cánh chung, ngày mà các Kitô hữu sẽ cùng đồng hành tiến về bữa tiệc vĩnh cửu, nơi niềm vui sẽ thắng u buồn và yêu thương sẽ thắng thù hận. Amen.

NGÀY THỨ TÁM
Các Kitô hữu loan báo niềm hy vọng trong một thế giới bị chia rẽ

Ed 37, 1-14 Chính Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi
Tv 104, 24-34 Ngài đổi mới bộ mặt của trái đất này
Kh 21, 1-5a Này đây ta đổi mới mọi sự
Mt 5, 1-12 Phúc cho anh em…

Suy niệm

Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Đức tin theo Kinh Thánh đặt nền trên xác tín căn bản rằng lời phán quyết cuối cùng sẽ thuộc về Thiên Chúa, và lời cuối cùng của Thiên Chúa không phải là lời phán xét nhưng là Lời Sự Sống nhằm thiết lập một tạo thành mới. Như chúng ta đã đề cập trong phần suy niệm của những ngày trước đây trong Tuần cầu nguyện, các Kitô hữu đang sống giữa một thế giới đầy ly tán và bất hoà. Tuy vậy, Giáo Hội vẫn giữ vững niềm hy vọng, được ăn rễ sâu không phải nơi những gì con người có thể làm được, nhưng nơi quyền năng của Thiên Chúa, với ước mong Ngài sẽ biến đổi những rạn nứt và mảnh vụn thành một khối trọn vẹn duy nhất; biến lòng thù ghét huỷ diệt thành tình yêu mang lại sự sống. Người dân Hàn Quốc vẫn tiếp tục chịu đựng những hậu quả bi thương do đất nước và dân tộc của họ bị phân chia, nhưng ngay chính trong tình trạng này, niềm hy vọng Kitô giáo vẫn đang lan tỏa tràn trề.

Niềm hy vọng Kitô giáo vẫn tiếp tục tồn tại ngay giữa vực thẳm của đau khổ. Bởi đây là niềm hy vọng phát xuất từ chính tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa và được mặc khải cho chúng ta nhờ thập giá Đức Kitô. Niềm hy vọng này chỗi dậy cùng với Đức Giêsu từ trong mồ, khi mà sự chết và sức mạnh của tử thần bị tiêu diệt. Niềm hy vọng này còn lan toả trong ngày lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần hiện xuống để đổi mới bộ mặt trái đất. Đức Kitô phục sinh là khởi đầu của một cuộc sống mới. Sự phục sinh của Ngài chấm dứt trật tự cũ và gieo mầm cuộc sáng tạo mới, là khởi đầu cho vương quốc vĩnh cửu, nơi mà tất cả sẽ được giao hoà trong Người, và Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người.

“Này đây ta đổi mới mọi sự”. Niềm hy vọng Kitô giáo khởi đầu với cuộc canh tân của công trình sáng tạo, làm cho ý định ban đầu của Thiên Chúa được thực hiện. Trong sách Khải huyền chương 21, Thiên Chúa không nói: “Ta làm ra những tạo vật mới”, nhưng Ngài phán: “Ta đổi mới mọi sự”. Niềm hy vọng Kitô giáo không đặt chúng ta trong sự chờ đợi thụ động cho đến ngày tận thế, nhưng là sự canh tân khởi đi từ biến cố Phục sinh và ngày Lễ Ngũ Tuần. Đó không phải là niềm hy vọng nơi một cuộc cánh chung mang tính huyền thoại, ví dụ như sẽ làm cho vũ trụ này tan chảy, nhưng là niềm hy vọng vào cuộc biến đổi tận căn của thế giới mà chúng ta đang sống. Cuộc canh tân do Thiên Chúa thực hiện sẽ chấm dứt mọi tội lỗi, mọi chia rẽ bất toàn của trần gian, đồng thời biến đổi công trình tạo dựng để nó có thể tham dự vào vinh quang vĩnh cửu của Ngài.

Khi các Kitô hữu hội nhau lại để cầu nguyện cho sự hiệp nhất, chính niềm hy vọng trên đây thúc đẩy và nâng đỡ họ. Lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất có một sức mạnh lớn lao. Đó là sức mạnh vọt lên từ sự canh tân do chính Thiên Chúa thực hiện đối với công trình sáng tạo của Ngài. Lời cầu nguyện này được thúc đầy và soi sáng nhờ ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi sinh khí mới trên những mảnh xương khô và ban lại cho chúng sự sống. Lời cầu nguyện này giúp chúng ta luôn sẵn sàng tuân phục thánh ý của Thiên Chúa và để Ngài biến đổi chúng ta thành khí cụ của tình hiệp nhất mà Đức Kitô đã mong ước cho các môn đệ của Người.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Ngài luôn ở gần chúng con, giữa những đau khổ và lận đận của cuộc đời, và Chúa sẽ hiện diện như thế cho đến tận cùng thời gian. Xin giúp chúng con trở thành một dân tràn đầy niềm hy vọng, một dân sống các mối Phúc thật và thiện chí xây dựng sự hiệp nhất mà Chúa mong ước. Amen.

4- Phụ thêm:

a- Kinh cầu cho hiệp nhất (do Đức Phaolo VI biên soạn)

Lạy Chúa Giêsu, trước ngày chịu chết vì chúng con, Chúa đã nguyện cầu cho các Tông đồ và tất cả mọi người được liên kết với nhau nên một, như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.

Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận, và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm, lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con. Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo, xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục, đến Yêu Thương và Sự Thật. Amen

b- Một số biến cố quan trọng liên quan đến lịch sử của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu:

1740: Tại Ecosse, khai sinh nhóm “Ngũ Tuần” có liên hệ với Bắc Mỹ. Một sứ điệp được công bố mời gọi canh tân đức tin và cầu nguyện cho và với các Giáo Hội.

1820: Mục sư James Haldane Stewart công bố một “Hội đồng liên hiệp chung các Kitô hữu, nhằm mục đích thông ban Thánh Thần.”

1840: Mục sư Ignatius Spencer, sau này đã trở lại Công giáo Rôma, gợi ý nên có một “Liên hiệp cầu nguyện cho sự hiệp nhất”.

1867: Công nghị đầu tiên của các Giám mục Anh giáo ở Lambeth, nhấn mạnh đến cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

1894: Đức Giáo Hoàng Lêô XIII khuyến khích tổ chức tuần bát nhật cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, trong khuôn khổ phong trào Ngũ Tuần.

1908: Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được cử hành với sáng kiến của Linh mục Công giáo Paul Wattson.

1926: Uỷ Ban “Đức tin và Hiến pháp” (của Anh Em Tin Lành) bắt đầu phát hành những “gợi ý cho Tuần bát nhật cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu”

1935: Tại Pháp, Linh mục Paul Couturier bênh vực và cổ võ “Tuần thế giới cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, dựa trên nền tảng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất mà chính Đức Giêsu đã muốn, bằng những phương tiện mà Người muốn”

1958: Trung tâm “Hiệp nhất Kitô” tại Lyon (Pháp) bắt đầu soạn thảo đề tài cho tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, cộng tác với Uỷ ban “đức tin và hiếp pháp” của Hội đồng đại kết các Giáo Hội.

1964: Tại Giê-ru-sa-lem, Đức Phaolô VI và Thượng phụ Athénagoras đệ nhất cùng đọc chung lời cầu nguyện của Đức Giêsu: “Xin cho họ nên một” (Ga 17).

1964: Sắc lệnh về Hiệp nhất của Công đồng Vatican II (Unitatis Redingtegratio), nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện chính là linh hồn của phong trào Đại kết, đồng thời cổ võ và khích lệ tổ chức Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu ( x. UR, số 7).

1966: Uỷ Ban “Đức tin và Hiến pháp” và Văn phòng hiệp nhất các Kitô hữu (nay là Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu) của Giáo Hội Công giáo quyết định cùng soạn thảo bản văn cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu hằng năm.

1968: Lần đầu tiên, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được cử hành dựa trên bản văn được soạn thảo chung giữa Uỷ ban “Đức tin và Hiến pháp” và Văn Phòng hiệp nhất các Kitô hữu.

1975: Cử hành lần đầu tiên Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu dựa trên bản văn được soạn thảo do một nhóm đại kết của một địa phương. Cách thức mới mẻ này được khởi đầu do nhóm đại kết từ Australia.

1988: Các bản văn của Tuần cầu nguyện được sử dụng trong cử hành khai mạc của Liên đoàn Kitô giáo tại Malasie, lần đầu tiên quy tụ các nhóm Kitô chính yếu trong nước này.

1994: Nhóm quốc tế chuẩn bị các bản văn cho năm 1996 gồm đại diện của YMCA và YWCA và nhiều đại diện khác.

2004: Đồng thuận giữa “Đức Tin và Hiến pháp” (Hội Đồng Đại kết các Giáo Hội) và Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu (thuộc Giáo Hội Công giáo) trong việc giới thiệu và phát hành hằng năm một tài liệu dành cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, với cùng một khuôn khổ như nhau.

2008: Kỷ niệm 100 năm, từ khi Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được cử hành lần đầu tiên (1908).

+ Giuse Vũ Văn Thiên
(Giám mục Hải Phòng chuyển ngữ và tóm lược)
 
Hội Dòng Thánh Phaolô thành Chartres kỷ niệm 125 năm ngày đặt dấu chân truyền giáo tại TGP Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
17:53 26/12/2008
HÀ NỘI - Chiều ngày hôm nay, 26 tháng 12 năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã long trọng cử hành Thánh lễ tại nguyện đường Saint Marie Hà Nội để cùng với các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban xuống trên Hội Dòng trong suốt chiều dài 125 năm từ ngày đặt bước chân truyền giáo lên mảnh đất Hà Nội này (26/12/1883 – 26/12/2008).

Trong niềm vui thánh thiêng của ngày lễ mừng Con Chúa Giáng Sinh đang trào dâng trong tâm lòng mỗi người, cộng đoàn dòng Thánh Phaolô quy tụ trong nguyện đường cổ kính này, như một điểm dừng trên cột mốc lịch sử đã tròn 125 năm, ghi dấu ngày đặt bước chân truyền giáo đầu tiên của nữ tu Phaolô thành Chartres tại Tổng giáo phận Hà nội. Tất cả cùng với vị cha chung của Tổng giáo phận dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho hội dòng, dù trải qua những cơn phong ba bão táp, dù cho phải chịu cảnh bắt bớ giam cầm, tỉnh dòng này vẫn đứng vững, tồn tại và phát triển cho đến hôm nay.

Ân phúc dồi dào theo năm tháng, 125 năm trong sứ mạng truyền giáo tại miền bắc Việt Nam của hội dòng đã in đậm nét trang sử hào hùng, tuy rất nhỏ bé theo tinh thần và đoàn sủng của hội dòng, nhưng đã minh chứng được lòng dũng cảm và sự hy sinh lớn lao của các nữ tu này.

Hôm nay, trong ngôi nguyện đường đã ghi dấu bao bước thăng trầm của lịch sử hội dòng, mọi người cùng hiện diện trong niềm xúc động để nhìn về quá khứ với lòng biết ơn, để sống hiện tại cách phấn khởi và hướng về tương lai với niềm hy vọng.

Trong niềm hân hoan cảm tạ, một Soeur đã đại diện cộng đoàn nói lên tâm tình cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa và tri ân Đức Tổng Giám Mục: “Giữa niềm vui Giáng Sinh cách đây 125 năm, chị em chúng con đã đặt chân lên mảnh đất Hà Nội mến thương này, thưở ấy còn hoang sơ quá, và đã xin chọn nơi này làm quê hương, chính các chị đã viết lên một trang sử ghi đậm nét dấu ấn đức tin. Hôm nay, sau 125 năm, chúng con lần giở lại trang sử thật đẹp của các chị đi trước, chúng con chỉ biết cảm phục và cúi đầu dâng lên Thiên Chúa lời kinh tạ ơn, với nguyện ước của lòng mình, sống sao cho xứng đáng với ân huệ Chúa ban, và công ơn của các chị tiền bối của chúng con.

Một Thánh lễ tạ ơn tuy đơn sơ, có vẻ âm thầm so với cả một bề dày lịch sử về sự hiện diện của chị em chúng con qua bao thời gian, trong nguyện đường thân yêu cũng như dưới mái nhà cổ kính, chiếc nôi của tỉnh dòng chúng con tại miền Bắc với bao thăng trầm, bao vui buồn sướng khổ, gian nan thử thách không thiếu, có những khi tưởng chừng như hụt hẫng, nhưng lại đầy ắp sự yêu thương, ấp ủ qua sự hiện diện của tình yêu Chúa quan phong, xuyên suốt 125 năm qua trong lòng giáo hội miền bắc, và còn tiếp tục đến hôm nay, một sự hiện diện liên tục mà chỉ có tình yêu đối với Thiên Chúa và với hội dòng, chúng con mới có thể nhận ra đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa”.

Sau Thánh lễ, Đức Tổng và các chị em Phaolô đã cùng hiệp ý trong giờ diễn nguyện thật cảm động, tái hiện lại lịch sử hào hùng của Hội dòng từ khi đặt chân lên Bắc Việt với bao thăng trầm cho tới ngày hôm nay.

Được biết, Cuối thập niên 50, nhà nước định xóa sổ Tu Viện Thánh Phaolô. Họ bắt bà Mẹ bề trên đi tù hơn một chục năm rồi quản thúc cho đến chết. Họ tịch thu trưòng học Saint Marie của các nữ tu, chiếm đoạt hết các lầu nhà chính để lại môt dãy nhà ọp ẹp đàng sau cho các nữ tu sinh hoạt. Họ không cho nhận các đệ tử. Đăng ký hộ khẩu hết sức khó khăn. Các nữ tu trong Đà Nẵng ra làm việc, họ đuổi về, hoặc chỉ cho tạm trú 3 tháng mà thôi sau khi phải có giấy phép của Ban Tôn Giáo Chính Phủ.

Công an hộ tịch Phường Hàng Bài thường xuyên đi lại làm khó dễ bắt nạt các nữ tu. Anh công an hộ tịch thưòng đột nhập vào khu nội vi của nhà dòng. Nhiều khi anh đứng ngay trước cửa phòng ngủ của các nữ tu. Đồng chí công an này có đủ thứ lý do, chẳng hạn để kiểm tra hộ khẩu. Những dịp lễ Giáng Sinh họ thưòng đến bắt các nữ tu phải trả lời: Tối nay ông cha nào làm lễ?

Nếu như ai đến Nhà Thờ Sainte Marie, sẽ thấy nỗi bất công lớn đập vào mắt. Tu Viện có hai cửa trưóc nhà thờ vì Bệnh Viện oái ăm thay đã mượn một lối đi ngang qua mặt trưóc nhà thờ, lý do để cáng bệnh nhân cấp cứu. Nhưng nào cả năm có bệnh nhân nào được cáng qua đâu, chí có nhân viên đi qua để phá rối bầu khí tu hành của các nữ tu mà thôi.

Hành lang bên trái nhà thờ được bệnh viện mượn rồi đến ngày hôm nay chưa trả. Ngôi nhà của ai cũng đều mở đưọc cửa sổ, còn nhà thờ này thi không mở được một bên, vì bệnh viện đã biến hàng hiên của nhà thờ thành nhà kho, và công trình phụ gây nóng bức, ồn ào ảnh hưỏng đến bầu khí tôn nghiêm của nhà thờ cũng như sinh hoạt và giờ kinh lễ của các nữ tu. Mặt khác nhà thờ của tu viện đã hư hỏng dột nát và xuống cấp trầm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các nữ tu muốn sửa mái nhà thờ mà không thể sửa được. Các nữ tu đã làm đơn kêu cứu khẩn cấp lần thứ 9 đến các cơ quan nhà nước và Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, mà họ vẫn làm ngơ.

Trong ngày kỷ niệm đặc biệt này, nhìn lại quá khứ, sống với hiện tại và hướng tới tương lai trong niềm tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta hãy cùng với các nữ tu Phaolô dâng lên lời cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình trên quê hương Mẹ Việt Nam thân yêu này.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lệnh giới nghiêm tại phường Quyết Thắng, Sơn La, không cho tổ chức Lễ Giáng Sinh năm nay
Hà Thạch
17:09 26/12/2008
SƠN LA - Chiều 24/12, chúng tôi đi Sơn La. Sơn La những ngày này sương rơi ngập núi. Tất cả là một mầu trắng tinh tuyền. Thỉnh thoảng có những ngọn núi nhô lên khỏi màn sương đen xì, nhưng nhức. Chúng tôi đi trong màn sương. Vệt sơn trắng là cột mốc duy nhất chỉ đường.

Đi trong sương rơi, nhìn những ngọn núi cao nhô lên nhưng nhức, cảm nhận về một mùa vọng đã qua xao xác hiện về: “Trời cao hỡi, hãy đổ sương mai. Ngàn mây ơi hãy mưa Đấng cứu đời” . Chúng tôi thầm ước mong cho Sơn La một mùa Noel an bình.

Chúng tôi tới Mộc Châu khi trời đã tối. Trong màn sương giá lạnh, những giây đèn nhấp nháy ai đó mắc vội lập lòe như những con đom đóm đơn độc giữa núi rừng. Cái lạnh phả vào mặt mang lại cảm giác rờn rợn.

Mộc Châu năm nay đón Noel vui hơn mọi năm. Chính quyền địa phương một mặt cử các đoàn cán bộ tới chức mừng Noel bà con giáo hữu, mặt khác, cử các cán bộ an ninh xuống giám sát đêm văn nghệ mừng Chúa Giáng sinh tại cộng đoàn. Hai bên đường trước giờ diễn văn nghệ, lực lượng an ninh mặc thường phục hiện diện rất đông. Khuôn mặt họ vô cảm và căng thẳng. Mỗi chiếc xe hơi khi vừa rời khỏi cộng đoàn, thì đều được các cán bộ này điện thoại đọc số xe cho một đơn vị nào đó mà không ai được rõ.

Cò Nòi – Hát Lót, nơi có khoảng hơn 600 nhân danh cư ngụ, bầu khí đêm Giáng sinh buồn tẻ. Khoảng 22giờ30, chúng tôi tới Hát Lót. Ngôi nhà dùng làm nơi sinh hoạt của cộng đoàn vắng lặng, không một bóng người. Nghe đâu chính quyền vừa đến giải tán họ khoảng nửa giờ trước đó.

Trái ngược với Mộc Châu và Hát Lót, Thành phố Sơn La bừng sáng ánh đèn. Trên các con phố thỉnh thoảng lại thấy một vài căn nhà trang hoàng Noel với những câu “Mừng Chúa Giáng sinh” rực rỡ. Trước cổng vào nơi cộng đoàn chọn làm chỗ sớm ngày cầu kinh, rất đông cán bộ an ninh, cùng toàn bộ chính quyền phường Quyết Thắng túc trực, ngăn chặn những ai đến tham dự đêm canh thức mừng Noel. Nhiều lương dân tò mò tới xem cũng bị chính quyền đẩy ra ngoài.

Khoảng 23h30, lúc chúng tôi tới đó, thì đang xảy ra một cuộc tranh luận giữa ông chủ tịch phường Quyết Thắng – Nguyễn Đình Thuận và một người hình như họ là khách từ xa tới. Chúng tôi nghe rõ người khách này nói: “Các ông đang vi phạm pháp luật. Các ông đang ngăn cản quyền đi lại của công dân. Chúng tôi từ xa tới đây. Chúng tôi thấy ở đây có ngôi sao lớn mừng Chúa Giáng sinh, chúng tôi muốn vào xem, tại sao không cho tôi vào?” .

Ông chủ tịch phường Quyết Thắng Nguyễn Đình Thuận nói như quát vào mặt người khách lạ: “Tôi là Chủ tịch phường. Bây giờ là giờ giới nghiêm. Không ai được tụ tập ở đây giờ này” .

Người khách lạ nói: “Tôi không biết ông là ai. Chỉ có Chủ tịch Nước mới có quyền ra lệnh giới nghiêm. Do đó, những gì các ông đang làm là đang trà đạp lên pháp luật” .

Ông chủ tịch phường Quyết Thắng cao giọng: “Tôi là chủ tịch phường ở đây. Tôi không cần biết chủ tịch Nước là ai. Đây là phường Quyết Thắng. Bây giờ là giờ giới nghiêm đề nghị ông cho xem giấy tờ.”

Ngay khi ông chủ tịch phường Quyết Thắng đang cao giọng, thì chiếc loa phóng thanh trên nóc nhà văn hóa tổ 4 phường Quyết Thắng oang oang phát lệnh giới nghiêm: “Bây giờ đã tới giờ giới nghiêm, đề nghi bà con không tụ tập. Ai về nhà đó” .

Chúng tôi có hỏi chuyện một số giáo dân thì được biết, khoảng một tháng trước đây, cộng đoàn Sơn La có làm đơn gửi các cấp chính quyền đăng ký sinh hoạt tôn giáo và chương trình tổ chức đêm giáng sinh. Tuy nhiên, chính quyền Sơn La đã thẳng thừng từ chối. Một số giáo dân còn cho biết, tất cả mọi công văn từ chối từ trước tới nay đều cùng một nội dung: “Chỉ được tu tại gia, không được tụ tập đông người” và chỉ khác chữ ký và ngày ban hành.

Họ còn cho biết, dịp Giáng sinh năm nay, những ngày trước Giáng sinh, chính quyền Sơn La ít sách nhiễu. Tuy nhiên, kể từ 4giờ chiều ngày 24/12, các cán bộ an ninh, công an, chính quyền phường Quyết Thắng đã cử cán bộ tới lập chốt chặn các nẻo đường vào khu vực cộng đoàn. Họ còn cử người đón lõng trên đường từ Mộc Châu tới Sơn La để chờ các linh mục.

Sáng nay, ngày 26/12, khi chúng tôi đi qua khu vực, có khoảng hơn hai chục cán bộ phường Quyết Thắng vẫn đang túc trực trước ngõ vào gia đình người giáo dân đã dành hiến tặng ngôi nhà ở của mình làm nhà nguyện sinh hoạt cộng đoàn. Tối qua, họ đã ở đó đốt lửa sưởi suốt đêm để canh chừng các linh mục tới dâng lễ. Theo như các cán bộ cho biết: “Còn một thằng cha còn đang quanh quẩn ở Sơn La, nên chúng tôi phải canh chừng” .

Không biết họ còn canh chừng tới bao giờ, vì trưa nay (26/12) chính quyền phường Quyết thắng vẫn cử người túc trực ở đó.

Sơn La ngày 26/12/2008
 
Những câu nói gây sốc để đời của các quan chức cao cấp Hà Nội
Mõ Hà Nội
17:35 26/12/2008
NHỮNG CÂU NÓI GÂY SỐC CỦA CÁC QUAN CHỨC HÀ NỘI

Những ngày cuối năm, cơ quan báo chí bắt đầu những tổng kết, những bình chọn các sự kiện nổi bật trong năm.

Mõ tui thấy cần thiết phải nhắc lại những câu nói “gây sốc” phản ánh một cung cách làm việc vô tâm và thiếu tầm của một số vị quan chức đầu ngành Hà Nội, để suy gẫm và nhất là để những vị quan chức rút ra bài học cho chính mình.

1. Phạm Quang Nghị: Nổi tiếng nhất trong những câu nói “gây sốc” là hai câu nói của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phạm Quang Nghị.

Trong trận lụt lịch sử đầu tháng 11 vừa qua, Phạm Quang Nghị, đã có những lúc lên đồng tuôn ra những lời xúc phạm tới vong linh người chết và cả những người đang sống.

Với người sống, ông nói:

“Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm".

Còn với người chết ông phát biểu:

“Trận lụt này là cuộc tổng diễn tập cho tương lai”.

2. Vũ Hồng Khanh: Một quan chức khác cũng có những lời gây sốc là ông Vũ Hồng Khanh – phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Trong cuộc gặp gỡ với các linh mục DCCT – giáo xứ Thái Hà, khi bị dồn vào thế bí đã nói một câu hết sức vô trách nhiệm:

“Các đồng chí về xem xét lại các giấy tờ nói linh mục Bích đã ký giấy bàn giao và chọn một cái thôi. Cái nào có lợi thì đưa ra cái nào không có lợi thì cất đi”.

3. Nguyễn Thế Thảo: Ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, không chỉ có những hành vi gây sốc, như:

Triệu tập các đại sứ quán tới để nghe ông kết án Đức Tổng, ra những văn bản cảnh cáo Đức Tổng Giám mục và các linh mục giáo xứ Thái Hà trái pháp luật, làm đơn đề nghị HĐGM Việt Nam thuyên chuyển Đức Tổng Kiệt và đề nghị cha Giám tỉnh DCCT “giáo dục và thuyên chuyển” một số linh mục tại giáo xứ Thái Hà…

Trong trận lụt lịch sử vừa qua, ông cũng đã có những câu nói gây bức xúc trong dân. Ông nói:

“Hệ thống thoát nước Hà Nội dù có làm xong giai đoạn hai thì vẫn ngập”.

4. Trịnh Kiên Đĩnh: Ông Trịnh Kiên Đĩnh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, trong vụ Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà, sau khi bị các linh mục vạch trần hành vi “trắng trợn cướp đất không văn tự của các cơ quan nhà nước” đã lý luận cùng với một lập luận nổi tiếng:

“Tôi đã hỏi các cụ cao niên, các cụ cho biết thời đó nó làm thế. Nó chủ trương. Nó thi hành. Sau cùng nó mới ra nghị quyết.”

5. Đoàn Viết Thịnh: Ông Đoàn Viết Thịnh – Đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội, trước các Nghị viên Nghị viện Châu Âu, ngày 18 tháng 12 năm 2008, đã có những lời lẽ xúc phạm tới người dân nghèo khi khẳng định rằng:

“Đối với dân chúng nghèo, họ không quan tâm tới tự do ngôn luận mà quan tâm về ăn uống, đói no”.

6. Đoàn Văn Lê: Quan to thì vậy, quan bé cũng chẳng vừa. Ông Đoàn Văn Lê – cán bộ điều tra công an Quận Đống Đa, khi bị các giáo dân chất vấn về việc tại sao chỉ bắt tám người trong khi có hàng ngàn người đã tới Thái Hà cầu nguyện, đã hiên ngang trả lời:

“Đàn gà ngàn con thả ra vườn, vồ được con nào con ấy chết”.

………………….

Hà Nội sắp tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chẳng lẽ thời điểm 1000 năm Hà Nội lại chỉ là những quan chức ăn nói hồ đồ như vậy sao?

Bao lâu còn những ông quan như vậy thì Việt Nam sẽ chẳng thể hóa rồng. Hà Nội sẽ không bao giờ là rồng bay, phượng múa.

Quan chức thủ đô sao ô trọc vậy!

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2008
 
Tiếng khóc đêm Noel
Nắng Sai Gòn
19:56 26/12/2008
Từng dòng người, từng đoàn xe hối hả đua chen trên các đường phố Sài Gòn trong những ngày Noel, đặc biệt là từ sáng ngày 24/12 cho đến hết nửa đêm. Bộ mặt phố phường rộn rã hẳn lên bởi những bài hát Noel phát ra từ các loa mở rất lớn, và những hang đá, những ông già Noel, những chú tuần lộc xinh xinh được trang trí trên khắp các đường phố, đặc biệt là nơi các cửa hiệu lớn, các nhà hàng, các khu vui chơi hầu để thu hút khách. Noel giờ đây không phải chỉ còn là ngày lễ dành riêng cho người Công giáo mà đã trở thành lễ chung của mọi dân tộc trên thế giới, và từ đó các giới kinh doanh khắp nơi cũng nhảy vào để chộp thời cơ làm giàu trong những ngày này, đã thương mại hóa bầu khí Noel, và ở Việt Nam một đất nước XHCN chủ trương vô thần cũng đã nhập cuộc với Noel bằng những bài phóng sự những hình ảnh được phát trên các truyền thông đại chúng, về việc khắp nơi trên đất nước này vui mừng háo hức đón mừng Noel, để khắp nơi trên thế giới biết rằng ở Việt Nam rất tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo.

Có thật thế không hay chỉ là những chiếc bánh vẽ? Khi mà ở đây đó vẫn còn những tiếng nức nở, oán than, nghẹn ngào khi quyền tự do tín ngưỡng không được tôn trọng như ở Sơn La không được tổ chức Thánh lễ trong đêm Giáng Sinh.

Cha phụ trách Sơn La, từ thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cách Sơn La 350 km, vừa lên đến Sơn La đã có mấy chục công an bao vây địa điểm làm lễ, không cho ngài vào và buộc ngài phải về lại Hà Nội. Giáo dân ở các nơi khi tụ tập lại thì bị công an cô lập và đe doạ và ở tỉnh Đak Lak, quận Krong Bong, xã Cu Dram, sáng sớm hôm 18 tháng 12 chính quyền đã dùng vũ lực để đập phá nhà thờ mới xây, một lực lượng gồm các viên chức cấp quận, cảnh sát và công nhân đã kéo tới san bằng nhà thờ giữa lúc lực lượng bảo vệ an ninh trật tự dùng gậy đánh đuổi hàng trăm giáo dân đang trong trạng thái tuyệt vọng. (nguồn vietcatholic)



Đêm Noel tại Sài gòn, mọi người đón mừng sự kiện Con Thiên Chúa giáng trần trong thân phận của một hài nhi bé nhỏ, chúng ta tô điểm cho đêm Noel thật hoành tráng bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhiều tốn kém như các hang đá cầu kỳ được giăng đầy các bóng đèn điện đủ màu sắc, các buổi Réveillion thật đặc biệt đủ mọi món ăn và các loại rượu bia mắc tiền. Chính quyền cũng cổ động và chúc mừng và cũng nói đến niềm an lành, hạnh phúc của đêm thánh mà Hài Nhi Giêsu đã đem lại.

Nhưng thật trớ trêu thay, chúng ta đón mừng sinh nhật Hài Nhi Giêsu đã hạ sinh cách đây hơn hai ngàn năm trong một tâm trạng rộn ràng phấn khởi, mà ngay hôm nay đây tại thành phố Sài Gòn này có biết bao nhiêu thai nhi bị tước mất quyền sống làm người???.

Tại một bệnh viện nhỏ thuộc vùng ngoại ô, chỉ trong ngày Noel, tôi đã nhận được 16 thai nhi đã bị giết chết một cách oan uổng đau thương, đem về để lo hậu sự, lo cho các bé một nơi an nghỉ cuối cùng, nhìn những phần thân thể của các bé bị nghiền nát, gắp lựa từng phần thịt nhỏ nhoi của các bé bị bỏ chung với các băng, bông, bao tay, rồi đem cho vào hũ nhỏ, mà lòng cảm thấy quặn thắt đớn đau. Nếu tính cả toàn thành phố, hay cả nước thì hôm nay bao nhiêu thai nhi đã bị giết bởi sự dã tâm của các Hêrôđê thời đại???

Ôi! Đêm nhiệm mầu, đêm hạnh phúc mà sao không thấy Hài Nhi Giêsu mỉm cười, mà lại nằm úp mặt xuống đống rơm khóc nức nở, tiếng khóc của Hài Nhi Giêsu thật nhỏ, thật âm thầm, thật lặng lẽ để cùng hòa vào tiếng khóc đau lòng, nát ruột, xé trời của các thai nhi khi mà các bé đang bị móc, bị moi, bị cắt, bị xé từng phần thân thể và bị lôi ra khỏi lòng mẹ.

Ai muốn nghe được tiếng khóc ấy phải cần có một con tim thật rộng mở, một tấm lòng khao khát thật thẳm sâu, một tâm hồn thiện chí yêu thương Hài Nhi Giêsu và các thai nhi mới có thể nghiêng tai lắng nghe được những tiếng khóc than âm thầm, nhẹ nhàng ấy nhưng lại xé nát cả các tầng trời.

Hài Nhi Giêsu đã khóc vì sự tàn nhẫn của con người.

Hài Nhi Giêsu cũng đã khóc vì sự vô cảm, hờ hững của mỗi người chúng ta.

Hài Nhi Giêsu cũng đã khóc vì sự hèn nhát của một số các mục tử đã không dám nói lên sự thật, đã không dám mạnh dạn đấu tranh vì công lý, mà trong các bài giảng không dám đề cập đến vấn đề nạo phá thai, vì sợ áp lực của thế gian. Chính vì thế đã để cho các con chiên của mình mù mờ trong nhận thức về giáo huấn của giáo hội, đã sử dụng các biện pháp tránh thai nhân tạo và vẫn vô tư phá thai.

Trong năm 2008 vừa qua sự kiện Tòa Khâm Sứ và Thái Hà đã lôi kéo được cả nước và trên thế giới cùng nhau đốt nến nguyện cầu cho công lý và hòa bình vì các khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Còn vấn đề nạo phá thai thì sao? Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, là thành tích mà các quan chức đang tự hào. Đây có phải là một sự kiện mà đòi hỏi mọi người công giáo trên khắp đất nước cần phải đấu tranh, lên tiếng để bảo vệ quyền sống, quyền làm người của các thai nhi không?

Có cần phải mạnh mẽ đốt nến cầu nguyện khắp nơi đòi quyền sống cho các thai nhi không? Các linh mục có cần dũng cảm rao giảng về vấn đề này trong các buổi lễ chúa nhật không?

Có người trong đó có cả các linh mục sẽ lo sợ rằng: Nói đến vấn đề chống nạo phá thai là đi ngược lại chính sách đường lối của đảng và nhà nước là chống lại đảng và nhà nước. Nhưng đúng ra phải nói ngược lại là: Chính sách cho phép nạo phá thai hợp pháp của đảng và nhà nước Việt Nam đã và đang đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và đang chống lại Giáo Hội.

Là người Kitô hữu Việt Nam mỗi người hãy chọn cho mình một thái độ dứt khoát chứ không thể làm tôi hai chủ.

Thiên Chúa và thế gian hãy chọn đi. Đừng để đến ngày chung thẩm Hài Nhi Giêsu và các thai nhi sẽ đứng lên xét xử chúng ta vì sự vô cảm và hững hờ của chúng ta.

Ước gì những mùa Noel năm sau Hài Nhi Giêsu sẽ mỉm cười và đưa tay chúc phúc cho dân tộc Việt Nam.

(Sài Gòn, Noel 2008)
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Tâm tình giúp nạn nhân Lũ Lụt củ Liên Đoàn CGVNHK
LM Giuse Nguyễn Thanh Liêm
23:48 26/12/2008

Tâm Tình Giúp Lũ Lụt VN 2008 (tiếp theo)

Văn Phòng Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ trong thời gian qua đã nhận được những đóng góp của quý Giáo Xứ, Hội Đoàn và Ân Nhân giúp Lũ Lụt Việt Nam 2008, cùng với những tâm tình của các Tấm Lòng Vàng. Văn Phòng xin được phép trích đăng để cùng Tạ ơn Chúa, cám ơn nhau, và cùng cầu nguyện cho nạn nhân và gia đình gặp nạn lũ lụt.
Linh Mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Chủ Tịch Liên Đoàn, đã gởi thư Cảm Tạ riêng đến từng quý Ân Nhân, cũng như luôn cầu nguyện và nhớ đến Quý Vị trong các Thánh Lễ. Cuộc Lạc Quyên giúp Lũ Lụt VN sẽ chấm dứt vào ngày 30/12/2008.

Mọi đóng góp xin đề: LienDoan
for: LuLut VN
Xin gởi về: LienDoan CGVNHK
PO Box 1958
Flowery Br. GA 30542


Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Wyoming, MI:
Giáo Xứ Đức Mẹ Lavang ở Grand Rapids với khoảng trên dưới 350 gia đình, dân không giàu lắm, nhưng tương đối có lòng. Năm ngoái, Giáo Xứ này gởi về cho Đức Cha Thuyên ở GP Vinh 10,000 MK, Đức Cha Thanh Hóa (qua Cha Phong) 3,000MK, và sau đó gởi thêm cho đồng bào lũ lụt Quảng Bình và Hà Tĩnh 3,500MK để các Cha Sở liên hệ mua gạo giúp giáo dân ăn Tết 2008. Năm nay kinh tế xuống cấp và giáo xứ đang lo hoàn tất hội trường Giuse nên đã kiệt quệ, bởi vậy năm nay không tiếp tay với Liên Đoàn một cách dồi dào hơn trong việc cứu trợ nạn nhân lũ lụt toàn quốc Việt Nam như lời kêu gọi của Cha Chủ Tịch. Thôi thì của ít lòng nhiều vậy và lá rách đùm lá nát thôi ($7,791.55).
(LM. Hoàng Xuân Nghiêm, Chính Xứ).

Vietnamese Martyrs Church, Houston, TX (LM Vũ Thành):
Kính chúc Cha Mùa Giáng Sinh an vui và nhiều ơn Chúa. Giáo Xứ chúng con xin gởi đến Cha tấm chi phiếu $4,500 để cùng chia sẻ với những nạn nhân bị lũ lụt tại quê nhà.
Nhân đây, chúng con cũng kèm theo tấm chi phiếu $6,900 cùng tâm tình của Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức, Houston TX, Chính Xứ LM Hoàng Văn Thiên. (PT Nguyễn Phẩm).

Dòng Mến Thánh Giá, Portland, OR:
Chúng con gởi Cha check này $200 để giúp bão lụt theo yêu cầu của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cám ơn Cha đã tạo cơ hội cho chúng con. (Sr. Trinh).

Cộng Đoàn Thánh Andrê Dũng Lạc, GX St. Lawrence O'Toole, Hardford, CT:
Qua hệ thống thông tin, chúng con được biết những ngày tháng vừa qua có nhiều thiên tai đã xẩy đến cho dân chúng tại quê nhà và nhất là tại miền Bắc Việt Nam. Trong những thiên tai đó, những trận bão lụt đã gây ra nhiều thiệt hại, mất mát và khó khăn cho dân chúng, nhất là những gia đình với hoàn cảnh nghèo nàn.
Chia sẻ những khó khăn đó, chúng con, giáo dân trong Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Connecticut luôn dâng lời cầu nguyện trong các thánh lễ để cho họ bớt được phần nào sự đau khổ hiện đang xẩy đến cho họ. Chúng con cũng quyên góp được số tiền $2,000 xin kèm theo với lá thư này để gửi đến Cha, để xin đóng góp vào quỹ trợ giúp những gia đình thiếu may mắn của nạn bão lụt vừa qua. Chúng con xin cảm tạ. (Giuse Nguyễn Văn Kiên, Chủ Tịch CĐ)

Vietnamese Catholic Community St Raphael Church, San Raphael, CA:
Kèm theo đây là 2 tấm chi phiếu tổng cộng $1,300 do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam GX St. Raphael, California đóng góp giúp nạn nhân lũ lụt Việt Nam. (LM Phan Văn Ngoãn).

CĐCGVN Hai Thánh Phêrô và Phaolô, Long Island, NY:
Cộng Đồng đã thu được 645 đô giúp lũ lụt do sự kêu gọi theo tinh thần của Đức TGM Ngô Quang Kiệt đang trên Vietcatholic đã mấy tuần nay. Đang tìm cách gởi thì hôm nay đọc được mục quyên góp trên Vietcatholic, nên xin gửi về Cha và nhờ Liên Đoàn gửi về giùm. Chân thành cám ơn. (LM Francis Sáng)

Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Tucson, AZ:
Để hưởng ứng lời kêu gọi của Cha và Liên Đoàn, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang chúng con xin gởi đến Cha tấm ngân phiếu $1,300 để giúp những nạn nhân trong cơn lũ lụt tại quê nhà cùng với những lời cầu nguyện cho tất cả nạn nhân và gia đình gặp nạn lũ lụt.
Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang mang đến cho họ niềm an ủi qua sự quảng đại của mọi người. Cũng nguyện xin Thiên Chúa nhân từ qua lời chuyển cầu của Mẹ La Vang sớm đưa các linh hồn trong cơn lũ lụt về hưởng Nhan Thánh Chúa. Giáo Xứ chúng con cũng chân thành cám ơn những hoạt động của Cha và Liên Đoàn. (Hương Trần, Thư Ký)

Hòa Dao, Arlington, TX:
Cám ơn. Xin Chúa chúc lành cho Liên Đoàn chuyển tiền ($1,000) tới đồng bào bị lũ lụt ở Việt Nam.

Quỳnh Như, San Francisco, CA:
Xin Liên Đoàn chuyển giúp con số tiền này ($200) đến đồng bào ở VN. Xin Chúa thương trả công bội hậu. Cám ơn.

Hung Truong, Philadelphia, PA:
Gia đình chúng tôi xin giúp lũ lụt miền Bắc Việt Nam số tiền là 200 dollars.

Duyen Thuy & Quang Van Nguyen, Puyallup, WA:
Gia đình chúng con xin đóng góp ($200) Help Lũ Lụt VN. Thanks.

Quang Phuc Lu, Liberal, KS:
Con đọc báo trên mạng, được biết Cha kêu gọi giúp đỡ lũ lụt. Ở đây người Việt ít, gia đình Công Giáo có 3 gia đình. Con xin được bấy nhiêu ($210), xin Cha cho con mấy chữ, ở phía dưới mấy người đóng góp có 3 gia đình bên lương, để làm tin.

Karen Tran, Stockton, CA:
Gia đình chúng con xin dâng cúng $400 để cứu trợ những nạn nhân lũ lụt ở Hà Nội, VN.

Mark Thanh Nguyen, Bothell, WA:
Con xin gởi quý Cha số tiền là $1,000 để giúp cho lũ lụt tại VN.

Lucky Brothers Motor INC, Charlotte, NC:
Xin được ủng hộ ($50) vào giúp Liên Đoàn.

Peter Nguyen Q, Houston, TX:
Gia đình Nguyễn Quới và Từ Ngọc Nhung xin đóng góp ($100) cứu trợ đồng bào.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư liệu Thánh Kinh (8):May Mặc và Áo Quần
Vũ Văn An
08:21 26/12/2008
Tư Liệu Thánh Kinh: May Mặc và Áo Quần

Các vật liệu chính để may quần áo là lanh (linen, chế tạo từ cây lanh), len (lông chiên, lông cừu) và da thú. Bông sợi chỉ được sử dụng tại Ít-ra-en mãi sau này khi nhập từ ngoại quốc, có thể sau thời lưu đầy. Người Ít-ra-en thích trang trí quần áo của họ bằng những mép, những viền và những tua mầu sắc sáng chói. Chỉ vàng được dùng để thêu những quần áo rất đặc biệt, như phẩm phục các thầy cả thượng phẩm (Xh 39:3).

Lanh: Tại Ít-ra-en, cây lanh (flax) chỉ mọc ở bình nguyên dọc theo duyên hải miền nam, gần Giê-ri-khô và Ga-li-lê, dù thời Tân Ước, số lượng trồng ở Ga-li-lê có tăng lên nhiều. Người Ai Cập trồng khá nhiều cây lanh và khi nhúng nó vào nước chẩy, đã có thể sản xuất ra hàng lanh hết sức mịn. Thánh kinh gọi loại này là loại ‘lanh mịn’. Pha-ra-ô đã ban ‘quần áo bằng lanh mịn’ cho Giu-se khi đề cử ông làm thống đốc (St 41:42). Vải lanh dùng may quần áo và buồm cho thuyền bè. Tại Giê-ri-khô, Ra-kháp dấu các do thám viên dưới đống lanh phủ lên mái nhà cô.

Sau khi lanh được chặt và phơi khô, hột của nó được loại bỏ. Sau đó, nó được nhúng nước và phơi khô lần nữa trong lò. Sợi sau đó được tách ra và sẵn sàng được xe và dệt. Vải lanh thường không được nhuộm, dù đôi khi những sợi chỉ xanh được dệt vào. (Áo lanh xanh được thầy cả thượng phẩm mặc là loại hết sức đặc biệt, xem St 28:31). Bởi thế, khi Thánh Kinh nói đến quần áo có mầu sắc, thường thường có ý nói đến quần áo bằng len.

Len: Sau khi nhúng nước, chiên được xén lông vào mùa Xuân. Len mới được giặt sạch hay gửi tới thợ nện để được tẩy sạch bằng dầu thiên nhiên. Người thợ này thường để len trên đá rồi đạp lên trong nước. Sau đó len được trải ra phơi khô và được hồ dưới nắng mặt trời. Ta đọc thấy ‘cánh đồng thợ nện’ trong sách Các Vua, quyển 2 câu 18:17, bên cạnh một kênh nước, bên ngoài thành phố vì mùi hôi của nó. Thợ nện cũng còn phải xử lý vải dệt bằng len mới để làm nó co lại, và đôi khi ông ta cũng có trách nhiệm nhuộm vải len nữa.

Nhuộm: Trong Sáng Thế 30:32, đoàn vật của La-ban gồm cả cừu đen lẫn cừu trắng, cừu vằn lẫn cừu đốm! Ðiều này cho thấy len có thể có nhiều mầu tự nhiên. Cho nên những chất nhuộm căn bản sẽ tạo ra một loạt các sắc thái khác nhau. Những màu được Thánh Kinh nhắc đến nhiều hơn cả là dương, đỏ tươi và tía. Ðó có thể là những mầu nhuộm căn bản. Quần áo mầu tía thường là biểu hiệu của vua chúa và giầu sang. Phẩm chất tía nghèo nàn hơn có thể tạo ra bằng cách nhuộm, trước nhất với mầu dương, sau đó với mầu đỏ. Chất nhuộm mầu tía tốt nhất là của Tia, giá rất đắt. Nó được chế tạo từ vỏ sên biển sống ở các bờ biển phía đông Ðịa Trung Hải. Kỹ nghệ này là độc quyền của người Phê-ni-xi, nên chắc chắn người Ít-ra-en đã phải nhập cảng mọi thứ vải mầu tía của họ.

Một vài địa danh tại Ít-ra-en, nơi có nhiều nguồn cung cấp nước và cỏ tươi cho chiên cừu, đã trở thành những trung tâm nhuộm có tiếng. Trong số ấy có Ghe-dê, Bết-se-mét, Bết-xua và Đê-bia. Những cuộc khai quật tại Đê-bia cho thấy khoảng 30 căn nhà có phòng đặc biệt trang bị cho việc nhuộm. Mỗi phòng có hai bể chứa bằng đá với những miệng nhỏ trên đỉnh. Bồ-tạt (potash) và vôi tôi có lẽ đã có sẵn trong bể chứa sau đó mới thêm chất nhuộm, và càng thêm chất nhuộm nhiều hơn vào bể thứ hai. Len được nhuộm hai lần. Bồ-tạt và vôi tôi làm cho chất nhuộm cố định, và len được đem ra phơi khô. Sau đó được xe thành sợi và dệt thành tấm. Hầu như nhà nào tại Đê-bia cũng có một khung dệt.

Xe và Dệt: Sau khi đã chải, len được xe thành sợi. Xe chỉ thường là việc của phụ nữ, có lẽ trên những chiếc khung quay một tay, mặc dù chỉ những khung xoắn ốc bằng đá, đất sét và xương đã được tìm lại. Hai loại khung dệt chính đã được sử dụng tại Ít-ra-en: khung thẳng và khung ngang.

Thợ dệt đứng trước khung thẳng, với những sợi dọc (warps) của khung chạy xuống phía dưới, được cột vào chiếc trục ngang trên đỉnh (cán giáo của Go-li-át được kể là dầy bằng trục ngang của khung dệt: 1Sm 17:7) và được giữ yên nhờ các cục chặn. Khi thợ dệt dệt, các sợi ngang được đánh từ dưới đánh lên. Một lúc có thể dệt sáu sợi, giúp có thể tạo ra những mẫu rất đẹp. Nhờ có thể di động dễ dàng, nên thợ có thể sản xuất được những khổ len khá rộng. Sau này, lọai trục xoay tròn (rotating beam) được sáng chế để gắn vào cuối khung dệt, nên mạng dệt có thể bắt đầu từ dưới khung và tấm dệt xong được cuộn lên phía trước. Nhờ thế có thể sản xuất được những cuộn vải len thật dài.

Khung ngang được làm thành bởi hai trục, được giữ yên vị nhờ bốn chiếc cọc đóng xuống đất. Thợ ngồi trước khung dệt. Khung không được rộng quá sải tay người dệt, mặc dù hình như người Ai Cập có hệ thống gồm hai thợ dệt cùng dệt hai bên. Cả len lẫn vải lanh đều được dệt trên loại khung này, và đôi khi cả loại vải thô hơn làm bằng lông dê và lông lạc đà để may áo tơi cho thợ chăn chiên hay làm lều.

Khi Thánh Kinh nói đến vải thêu (Tl 5:30; Ed 26:16) có thể có ý nói đến nhiều loại hàng khác nhau được khâu vào với nhau, hay những mẫu dệt, mặc dù người Ít-ra-en cũng có hàng thêu và thảm dệt.

Khuôn áo: Có hai cách chính lên khuôn áo. Nếu khung dệt đủ rộng, toàn diện một chiếc áo được làm bằng một mảnh vải duy nhất (Chúa Giê-su đã mặc chiếc áo không đường khâu, xem Ga 19:23). Thợ dệt bắt đầu ở ống tay áo này chạy xuyên qua tay áo bên kia, chừa lỗ cho cổ áo.

Tay áo dài ngắn tùy theo người mặc, và những mẫu có sọc rất dễ thực hiện. Khi cắt bỏ, những sợi chỉ lỏng được quấn thành dây để tăng cường hai bên. Ðôi khi chúng được để yên đó, tạo thành những chiếc tua dưới một bên đuôi áo.

Nếu khung dệt hẹp, áo sẽ được làm bằng ba mảnh; vạt chính và hai tay áo; thân trước; và thân sau. Cổ áo được một đường dệt viền làm cho cứng.

Ðôi khi, người ta còn thực hiện kiểu áo tròn. Thợ dệt bắt đầu ở giữa và đường dệt lan rộng từng sợi hay hai một lúc.

Áo Quần

Thánh Kinh bao trùm khoảng 2000 năm lịch sử. Nhưng vì khí hậu nóng và vải vóc ít ỏi, nên áo quần tại Ít-ra-en chỉ vừa phải theo tiêu chuẩn mà thôi, trong hầu hết khoảng thời gian dài ấy.

Những khác biệt chính trong áo quần là giữa giầu và nghèo. Nông dân nghèo chỉ chuyên mặc áo quần bằng len hay lông dê. Nhà giầu thì đủ áo đông, áo hè; quần làm, quần chơi; áo lụa, áo nhung. Một số dành quá nhiều thì giờ và tiền bạc cho áo quần đến độ Chúa Giê-su phải cảnh giác họ nhớ đến những điều thực sự quan yếu ở đời. Ngài cho hay: ‘Còn về áo mặc, lo lắng làm gì? Hãy xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào… Nếu hoa cỏ ngoài đồng… được Thiên Chúa mặc cho như thế, thì huống hồ là anh em!’ (Mt 6:28-30).

Vì các tên đã thay đổi hết, nên ngày nay ta không biết một số từ ngữ Hi-bá-lai chỉ loại áo quần nào. Ta chỉ có thể dò đoán mà thôi.

Mảnh đầu tiên nam giới mặc hoặc là cái khố hoặc chiếc váy ngắn từ thắt lưng xuống đầu gối. Anh ta chỉ cần có thế khi làm những việc nặng.

Phủ trên mảnh đó, là chiếc sơ-mi hay chiếc áo dài bằng len hay sợi. Áo này giống như chiếc bị lớn: khổ vải dài được gấp đôi ở giữa và hai bên được khâu lại, chừa lỗ cho cánh tay và khoảng trống ở giữa cho đầu. Sơ-mi đàn ông dài đến bắp chân và nhuộm mầu, thường là đỏ, vàng, đen và có sọc. Áo dài phụ nữ phủ cả mắt cá chân và thường có mầu dương. Áo ấy thường được thêu với những mẫu thêu đẹp đẽ. Mỗi làng đều có mẫu thêu cổ truyền riêng. Ngoài những nét ấy, áo dài phụ nữ cũng giống áo dài nam giới mà thôi. Áo dài được cột chặt quanh thắt lưng bằng một sợi nịt hay dây lưng. Dây lưng này làm bằng một miếng vải gấp lại thành một giải dài, còn dùng làm túi đựng tiền và các vật dụng lỉnh kỉnh khác. Nhà giầu có thể đeo dây lưng da có dao găm hay bình mực sừng gắn vào đó. Khi đàn ông cần cử động tự do hơn như để làm việc, anh ta có thể vén gấu áo lên và cài nó vào dây lưng cho ngắn lại. Việc này gọi là ‘sắn tới háng’, có nghĩa là sẵn sàng hành động. Phụ nữ có thể nâng vạt áo dài của mình lên thành cái túi sách lớn để vận chuyển cả những thứ như lúa gạo.

Ra ngoài, đàn ông giầu thường mặc một áo khoác nhẹ bên ngoài áo dài của mình. Áo khoác này dài đến đầu gối và đôi khi kẻ sọc vui mắt hay được dệt theo kiểu ô vuông. Nhà giầu cũng mặc áo khoác nhẹ bằng lụa ngay trong nhà. Thời ông Giu-se, áo khoác dài tay gồm nhiều mảnh vải được lãnh tụ tương lai của dòng họ mặc (xem truyện Giu-se, St 37:3). Cũng có loại áo khoác len dầy mặc mùa Đông cho ấm, thời Tân Ước gọi là áo himation (theo Hy Lạp). Áo này làm bằng hai tấm len, thường có sọc mầu nâu lạt và thẫm, được khâu lại với nhau. Hai tấm khâu lại như thế được quấn quanh mình, rồi khâu ở vai và khoét lỗ hai bên để thọc cánh tay. Các mục đồng dùng nó trong mọi sinh hoạt: làm mền khi ngủ đêm ngoài trời. Nó cũng dầy đủ để làm nệm ngồi thoải mái. Chiếc áo khoác của nhà nghèo quan trọng đến nỗi tuy được dùng làm bảo đảm cho việc trả nợ, nhưng phải được hoàn lại cho anh lúc mặt trời lặn.

Đồ Đội Đầu: Bên Ít-ra-en, mặt trời nóng đến nỗi cần cần phải có đồ che đầu, gáy và mắt. Đồ này thường là một vuông vải xếp chéo rồi thắt quanh trán, một dây cột bằng len giữ nó yên vị trên đầu và nếp gấp giữ cho gáy mát. Cũng có khi người ta đội mũ có khăn quàng bằng len phủ lên trên, nhất là khi cầu nguyện. Phụ nữ thì đặt những miếng lót trên đầu để giữ cho những bình nước hay những thứ khác họ đội yên vị trên đó.

Dầy Dép: Dù nhiều nhà nghèo đi chân đất, nhưng dép là đồ mang chân bình thường. Kiểu thông thường nhất là miếng da thú vừa cỡ chân, có giải dài bằng da chạy giữa hai ngón cái và ngón bên cạnh rồi cột quanh mắt cá. Dép này mang rất mát, nhưng không giữ cho chân được sạch lắm. Chúng luôn được cởi ra lúc vào nhà người ta. Các đầy tớ hèn hạ nhất có nhiệm vụ cởi dép cho khách và rửa chân cho họ. Dép cũng đuợc cởi ra lúc bước vào những nơi thánh. Theo tục lệ, dép bên phải luôn được mang và cởi ra trước rồi mới đến dép bên trái. Người bán cởi dép mình ra và trao cho người mua như dấu chỉ họ không còn quyền sở hữu trên vật đã bán nữa (như thân nhân ông Boaz đã làm trong truyện bà Rút: R 4:7).

Có điều đáng lưu ý là mặc dù luật cấm tuyệt đối không được làm gì trong ngày sa-bát, nhưng vẫn cho phép người ta được lấy một số quần áo khỏi căn nhà đang cháy trong ngày sa-bát. Phần lớn người ta có rất ít quần áo, nên họ phải giữ cho chúng lâu bền. Họ giặt chúng cẩn thận bằng thuốc giặt làm từ dầu ô-liu rồi giũ chúng trong nước chẩy xiết cho thật hết chất bẩn. Ai xé áo mình như biểu hiệu khóc than, thì quả anh ta khóc than thật tình!

Không có đồ mặc đêm. Về đêm, người ta thường nằm xuống rồi cởi bỏ áo ban ngày.

Những áo quần căn bản này cũng có chịu ảnh hưởng kiểu cách từ nước ngoài. Nhưng những kiểu cách ấy không thay đổi nhiều lắm. Một bức tranh vẽ những người du mục Á Châu đến thăm Ai Cập có thể tìm thấy trên tường một ngôi mộ tại Beni-Hasan (khoảng năm 1890 trước CN). Họ mang áo khóac bằng len mầu thả xuống tận đầu gối, với vạt rời từ dưới vắt lên vai. Đó có thể là loại áo đã được Áp-ra-ham mặc.
 
Thông Báo
Chúc Mừng cộng tác viên Nguyễn Kim Ngân tốt nghiệp Thạc Sĩ Thần Học
Vietcatholic
20:56 26/12/2008
CHÚC MỪNG

Linh Mục Trần Công Nghị và toàn ban biên tập VietCatholic

Chúc Mừng

Ông Nguyễn Kim Ngân



Cộng tác viên thường trực của VietCatholic

Tốt nghiệp văn bằng Thạc Sĩ Thần Học

Theology and Christian Ministry

Tại Franciscan University of Steubenville ở Ohio

Ngày 13 tháng 12 năm 2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đón Giáng Sinh
Diệp Hải Dung
06:17 26/12/2008

ĐÓN GIÁNG SINH



Ảnh của Diệp Hải Dung Australia

Đón Chúa Giáng Sinh từ Bankstown – Sydney

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ngôi Sao Giáng Sinh
Lm. Vũ Đình Huyến
06:20 26/12/2008

NGÔI SAO GIÁNG SINH



Ảnh của Lm. Vũ Đình Huyến, CMC.

Những ánh đèn mừng Chúa Hài Đồng tại Dòng Đồng Công Missouri

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền