Ngày 24-12-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Vọng Giáng Sinh C 24.12.2018
Lm Francis Lý văn Ca
03:32 24/12/2018
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến, Đêm nay, cùng với những người Tin Vào Mầu Nhiệm Chúa đã Giáng Sinh Làm Người, chúng ta long trọng Mừng Kính Trọng Thể Năm Hồng Ân - Năm Cứu Chuộc 2018

Lễ Giáng Sinh đêm nay, đối với người tín hữu chúng ta phải được hiểu với 3 ý nghĩa rõ rệt: Thứ nhất, kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh làm người; kế đến, mỗi người chúng ta phải sống mầu nhiệm Giáng Sinh trong thế giới hôm nay, đặc biệt là trong Năm Thánh của Lòng Thương xót . Sau cùng, mong chờ ngày Chúa đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nói một cách khác, đó là mầu nhiệm CHÚA KITÔ HÔM QUA, HÔM NAY và MÃI MÃI hiển trị.

Mừng lễ Chúa Giáng Sinh Làm Người, là kỷ niệm ngày Chúa mang ơn cứu rỗi vào thế gian. Mừng lễ Giáng Sinh là nhắc lại tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại: Thiên Chúa đã làm người như chúng ta, Do đó, Lễ Giáng Sinh là lễ của tình yêu; tình yêu của Thiên Chúa đã được mạc khải. Chúng ta sẽ không thấu hiểu hết được tình yêu của Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, nếu chúng ta còn chôn giấu con người mình trong bức tường ích kỷ. Nói cách khác, chính những cái vị kỷ sẽ hạn hẹp chúng ta trong biên giới của xiềng xích và bất an bình.

Hai chữ bình an mà Thiên Thần đã báo tin ngày giáng sinh của Hài nhi Giêsu đêm nay chỉ thể hiện được nơi những tâm hồn đơn sơ. Hãy phá đổ những bức tường ích kỷ, hãy đến với anh em đồng loại trong tinh thần chia sẻ như Chúa đã đến để chia sẻ kiếp người với chúng ta. Đó là sứ điệp của Mùa Giáng Sinh - mùa yêu thương.

Giờ đây, cùng với ca đoàn…. chúng ta bắt đầu thánh lễ Vọng Mừng Chúa Giáng Sinh năm 2018 với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI ĐỌC I:
Tiên tri Isaia đã loan báo về ánh sáng đã bừng lên trong đêm tối - chúng ta đã được chuẩn bị để hiểu bài đọc sắp nghe qua phần Canh Thức vừa qua - Ánh Sáng đó chính là Đức Kitô đã giáng trần.

TRƯỚC BÀI II:
Ân sủng của Đức Kitô - qua việc nhập thể và nhập thế - đã mang đến cho nhân loại sự sống thật. Chúng ta lãnh nguồn sống thật đó từ Đức Kitô. Cho nên, trong cuộc sống phải làm cho nguồn sống đó phát triển cách sung mãn.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Bài Tin Mừng hôm nay đã xác định cách rõ rệt biến cố nhân loại mừng kính mỗi năm là một biến cố có thật; về thời gian và nơi chốn Đức Kitô đã giáng trần.


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến, Cùng liên kết với những người tin vào biến cố lịch sử của đêm nay, chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha, những ý nguyện cầu sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội Mẹ Việt Nam: Hồng Y, Giám mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ và cộng đồng dân Chúa đang mừng lễ Chúa Giáng Sinh với tinh thần sống đạo kiên cường. Xin cho chúng ta, biết noi gương sống đức tin kiên cường giữa lòng dân tộc. Chúng ta cùng nguyện xin. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta đang vui hưởng giáng sinh an bình, thì trên thế giới còn biết bao quốc gia đang có những cuộc chiến tương tàn, tôn giáo bị bách hại tàn khốc. Xin Chúa ban cho thế giới chúng ta đang sống, được sự bình an, mà Chúa đã đem xuống trần gian trong đêm cực thánh. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin Chúa giúp chúng ta biết chia sẻ cho tha nhân, những gì có thể chia sẽ được, để niềm vui, sự an bình Chúa đã mang đến cho nhân loại, không phải chỉ hạn hẹp nơi cá nhân hay một số ít người, nhưng là cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Trong đêm nay, chúng ta cùng hiệp thông trong lời kinh, trong tiếng hát, trong lời nguyện cầu cho Quê Hương và Giáo Hội. Xin cho tinh thần hiệp thông được thể hiện cách cụ thể, trong sự chia sẻ trách nhiệm, và giúp nhau sống đạo giữa đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những thân bằng quyến thuộc đã yên nghỉ, những linh hồn chúng con phải nhớ đến cách riêng trong Mùa Giáng Sinh năm nay, xin cho các ngài được hưởng niềm vui bất diệt trên thiên quốc. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Đêm nay, chúng con hướng đến đồng anh chị em đồng loại đang đau khổ vì chiến tranh, nghèo đói… Xin Chúa ban cho quê hương được luôn an bình và nhân loại được hưởng những điều may mắn trong năm mới sắp đến. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Giáng Sinh C 25.12.2018
Lm Francis Lý văn Ca
03:36 24/12/2018
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, lại một lần nữa, chúng ta gặp gỡ nhau, để dâng lên Thiên Chúa - Ngày Con Chúa Giáng Sinh Làm Người, bằng những tâm tình biết ơn và cầu xin những ơn cần thiết cho chính mình, hay gia đình hoặc Cộng Đoàn Xứ Đạo.

Thánh lễ của Ngày Sinh Nhật hôm nay là âm vang của Tin Mừng Giáng Sinh đêm qua. Chúng ta tiếp tục dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ vì Chúa đang ở giữa nhân loại. Cám ơn Ngài vì muôn ơn lành Ngài đã ban xuống cho nhân loại, cho cá nhân hay gia đình.

Trong niềm vui chứa chan của Ngày Lễ Sinh Nhật năm 2018, chúng ta cùng chung tiếng xướng lên bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Hình ảnh mà Isaia loan báo về những sứ giả đi rao truyền Tin Mừng và sự bình an, đó không ai khác hơn là chân dung của Đấng Thiên Sai.

TRƯỚC BÀI II:
Trước thời Chúa Kitô ra đời, Thiên Chúa đã sai các tiên tri đến nhắc nhở dân chúng kiên tâm chờ đợi ngày Chúa hứa. Khi đến thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai chính Con Ngài giáng trần để đem Tin Mừng Cúu độ cho nhân loại.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và đã làm người, và hiện đang ở giữa chúng ta. Chính Ngài là Đấng mang ánh sáng chiếu soi vào thế gian u tối.


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Trong ngày đặc biệt hôm nay, chúng ta đặt hết niềm ước vọng vào đôi tay Chúa Hài Đồng, qua sự cầu bầu của Mẹ Thánh Maria và Dưỡng Phụ Giuse của Ngài, những tâm tình sau đây:

1. Chúng ta dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ, của toàn thể cộng đoàn, vì Chúa đã ban cho chúng ta vui trọn niềm vui Giáng Sinh. Xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả những ai đã đóng góp công sức tổ chức Đêm Canh Thức và ngày lễ Giáng Sinh năm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Qua những chủ đề và chiến dịch mà cộng đoàn xứ đạo đã phát động trong Mùa Vọng cũng như Mùa Giáng Sinh, sẽ đem lại cho mỗi gia đình hay cá nhân tâm tình huynh đệ, mỗi ngày thêm thân thiện trong giao tế hằng ngày. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, sự sáng suốt, để các ngài dẫn đưa thế giới đi đúng tinh thần của sứ điệp của Con Chúa Xuống thế làm người đã đem đến trần gian. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta đã nghe tiếng thiên thần hoan chúc: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Xin cho lời chúc nầy đến với mỗi người, mỗi gia đình, để tất cả chúng ta được an vui và bình yên. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Trong lúc nhân loại đang mừng lễ Giáng Sinh, Lễ của Sự An Bình thì có những nơi trên thế giới đang xáo trộn vì chiến tranh, giặc giã. Xin cho các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn kíêm tìm một giải pháp hữu hiệu để cúu thế giới. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, chúng con đã đón mừng sứ điệp Chúa làm người. Xin cho tinh thần của ngày lễ hôm nay thấm nhập vào tâm hồn chúng con qua những cách thức thực thi Tin Mừng Giáng Sinh trong cuộc sống thực tế. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Thánh Gia Thất : Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:24 24/12/2018
Chúa Nhật LỄ THÁNH GIA, năm C
Lc 1,41-52

Chúa Giêsu đã chọn một gia đình để sinh ra. Ngài không từ trời xuống, cũng không từ đất tự vươn vai lớn lên,nhưng Ngài đã có Cha có Mẹ để được sinh ra thế giới như mọi con người.Ngài có một gia đình. Do đó, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy gia đình quan trọng như thế nào! Hôm nay mừng lễ Thánh Gia Thất, chúng ta chiêm ngưỡng gia đình của Chúa Gie6su, đồng thời chúng ta nhìn vào gia đình của mỗi người chúng ta để cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã cho chúng ta có một tổ ấm, một gia đình…

Gia đình của Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho mọi gia đình Công Giáo.Bởi vì gia đình của Chúa là nơi đào tạo đức tin cho mọi gia đình Công Giáo và mọi Tu viện, Dòng tu vv…Thánh Gia Thất là nơi huấn luyện cho Chúa Giêsu chuẩn bị sứ mạng cứu thế Thiên Chúa Cha trao phó cho Ngài. Thánh Gia cũng là chuẩn mực cho mọi người cha, người mẹ và con cái. Nơi Thánh Gia, cả ba nhân vật : thánh Giuse là gia trưởng, nhưng Ngài công chính, cần cù, trung tín, luôn yêu thương Mẹ Maria,tôn trọng Mẹ và hết mực dưỡng nuôi Chúa Giêsu. Mẹ Maria là người Mẹ thánh thiện, đảm đang, luôn tôn trọng thánh Giuse và hết lòng yêu thương, dưỡng dục Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Còn Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng Ngài luôn hiếu thảo,một mực tôn trọng, yêu thương thánh Giuse và Mẹ Maria. Đây là một gia đình gương mẫu tuyệt vời. Bởi vì Chúa Giêsu “ hằng vâng phục” cha mẹ Giuse và Maria, Ngài lớn lên trong sự khôn ngoan và nhân đức, luôn lo việc bổn phận của Cha Ngài.

Gia đình là nền tảng của xã hội, là nôi giáo dục đức tin đầu đời của con người. Gia đình có ấm cúng, hòa thuận, trên thuận dưới hòa thì xã hội mới an vui. Trật tự ở đây có nghĩa là mọi thành phần trong gia đình phải biết tôn trọng, cấp nhận, quảng đại,yêu thương lẫn nhau.Mỗi người sống đúng địa vị của mình.Lễ Thánh Gia là lễ của mọi gia đình Công Giáo. Noi gương Thánh Gia, mọi gia đình Công Giáo luôn phải sống trật tự, hòa thuận, biết chăm lo cho nhau để đời sống gia đình luôn êm ấm.

Mẹ Maria tuy đứng trước mầu nhiệm thẩm sâu của Thiên Chúa, Mẹ chưa hiểu thấu và chưa hiểu hết ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Mẹ vẫn giữ lấy Lời của Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng. Mẹ đã tin.Mẹ đã dấn thân, mau mắn lên đường chia sẻ niềm vui và ở lại giúp đỡ bà chị họ Isave. Mẹ đã hoàn toàn tin vào Chúa và phó thác nơi Lòng Thương Xót của Chúa. Mẹ đã hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa trao phó, đó là làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Nên, gia đình thánh gia luôn tỏa hương thơm ngát qua đời sống mẫu mực, đời sống thánh thiện của mình. Những việc làm của gia đình thánh gia luôn có sức lan tỏa, luôn rọi chiếu ánh sáng cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mọi gia đình chúng con luôn noi gương bắt chước Thánh Gia sống đạo đức, thánh thiện và luôn làm những công việc tỏa sáng.Xin ban thêm đức tin cho mọi gia đình chúng con để mọi gia đình luôn biết sống trên thuận dưới hòa, biết sống địa vị của mỗi người trong gia đình.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao lại noi Gia Đình Thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse là mẫu mực cho mọi gia đình Công Giáo ?
2.Hiện giờ các gia đình trên thế giới có còn giữ được mức chuẩn mực của gia đình không ?
3.Tại sao trên thế giới có nhiều gia đình ly hôn ?
4.Chúng ta phải làm gì để bảo vệ hạnh phúc của gia đình ?
5.Tại sao con người lại cần có gia đình ?

 
Chúa giáng sinh trong gia đình
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:22 24/12/2018
Chúa giáng sinh trong gia đình

( đồng hành với các gia đình gặp khó khăn)

Tại một sa mạc bên Phi Châu, tu sĩ Caretto, Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu, nghe biết có cô gái kia khoảng 14 tuổi mà đã được nhắm để gả cho một chàng trai cách trại bố mẹ cô khá xa. Trong thời gian chờ đợi ngày cưới đến, cô gái vẫn tiếp tục đi kín nước và làm việc nội trợ như thường. Bẵng một thời gian khoảng 2 năm sau, tình cờ tu sĩ Caretto gặp bố cô gái. Tu sĩ hỏi xem con gái của ông đã về nhà chồng chưa. Bố cô gái bối rối không muốn trả lời. Chiều đến khi đi kín nước tại lưu vực cách trại vài trăm mét, tu sĩ Caretto đã gạn hỏi người đầy tớ của bố cô gái. Người đầy tớ này cũng không dám lên tiếng trả lời, mà chỉ ra hiệu cho biết: cô gái ấy đã bị bóp cổ chết. (Châu Phi không có tục ném đá). Tại sao vậy ?

Vì người ta đã khám phá ra cô gái ấy có thai trong thời gian chờ ngày về nhà chồng, nên vì danh dự, người ta đòi buộc cô sự hy sinh vừa nói, cô bị bóp cổ chết. Một cái chết giết luôn hai sinh mạng: cô gái và thai nhi trong bụng.

Tại sao trong ngày lễ Giáng sinh mừng một hài nhi ra đời mà lại khởi đầu bằng chuyện chết chóc như vậy ? Thưa vì câu chuyện chết chóc đó làm nổi bật cho sự giáng sinh mà chúng ta mừng hôm nay.

Có một cái gì na ná ở bước khởi đầu giữa 2 sự việc : một ở Phi Châu, một ở Palestina, quê hương của Chúa Giêsu.

Ở Phi Châu thì : hứa hôn – có thai trước – bị bóp cổ chết.

Còn ở Palestina, với cô thôn nữ Maria : hứa hôn – có thai trước – sinh ra bình an.

Có nhiều thành tố để kết cục của 2 sự việc trên đây tuy bắt đầu giống nhau mà chung cuộc khác nhau. Hôm nay chỉ nêu lên một.

Giả như cô gái mà tiểu đệ Caretto quen biết kia không sống ở Phi Châu khắt khe, mà sống ở Âu Châu, Bắc Mỹ, hay ngay cả ở Việt-Nam – thì làm gì có chuyện vì danh dự mà phải bị bóp cổ chết như vậy.

Nhưng (đây là điều muốn nói) : Nếu cô gái đó vẫn ở Châu Phi khắt khe- rồi có thai trước khi về nhà chồng, mà có một người nào đó đứng ra nhận làm cha đứa bé, thì chắc cũng không dẫn đến kết cục bi thảm là bị bóp cổ cho chết cả mẹ lẫn con đâu. Nói như vậy là ta đã đi dần đến hoàn cảnh mà chúng ta muốn nói hôm nay: đó là vai trò của thánh Yuse trong mầu nhiệm Chúa làm người. Bởi vì theo luật Maisen, trong trường hợp tương tự như Maria thì phải bị ném đá chết. Ta nhắc đến thánh Yuse trong ngày Giáng sinh năm nay— điều mà ít ai lại giảng về Giuse trong ngày lễ Noel—là không nhắm đề cao vị Thánh Cả cho bằng suy gẫm về ý định của Thiên Chúa muốn Con của Ngài giáng sinh trong một gia đình có cha có mẹ.

Để xuống thế làm người, Thiên Chúa toàn năng làm gì mà chẳng được, Ngài có thể dùng hình thức như bé Maika từ trên trời rơi xuống, trở thành một con người quốc tế không cần mẹ và dĩ nhiên cũng chẳng cần cha, không gia đình mà cũng chẳng cần thân thích.

Nếu giải pháp Maika từ trời rơi xuống không thuyết phục, mà muốn thành người thực sự, tức 9 tháng trong bụng mẹ để rồi sinh ra làm người, thì chỉ cần một người mẹ là đủ: và Thiên Chúa sẽ làm đủ cách, đủ dấu lạ để người mẹ không chồng mà có thai này chẳng những không bị ném đá theo luật Maisen, mà còn trở nên nổi tiếng, kỳ diệu. Bởi lẽ trong dân gian, trong ước mơ của loài người được diễn tả bằng các câu chuyện thần thoại Hi lạp, La mã và ngay cả huyền thoại Việt-Nam ta, con người vẫn mơ ước được kết hôn với thần linh. Hình như Hercule là thành quả của mối tình giữa một nư trinh và một thần linh trong thần thoại Hi-Lạp. Truyên dân gian ta, thì Ăn quả thị, tức thì có thai, sinh ra công chúa. Nằm mơ, gặp thần, có bầu sinh ra thánh Gióng. Chính Phù Đổng Thiên Vương diệt giặc Ân cũng là người từ trời xuống. Thiên Chúa cũng có thể làm cho Đức Maria trở thành nổi tiếng như vậy. Nhưng chương trình của Thiên Chúa không muốn như vậy. Kế đồ của Người thật diệu kỳ nhưng bình dị làm sao: Người muốn Chúa Con làm người trong gia đình, như chính ba Ngôi vị cũng là một Gia đình. Nếu chỉ người mẹ, sinh ra người con, chưa thể gọi là gia đình. Cần có người cha. Con không cha như nhà không nóc. Có cha mới thành 2 mái của một gia đình.

Trong gia đình này, ta đặc biệt chú ý đến người cha đó là thánh Giuse.

Từ trước tới nay, trải bao thế kỷ, người ta vẫn thường giải thích bình dân và cảm động về người cha Yuse như sau : Yuse tự mình khám phá Maria mang thai. Ông nghi ngờ và vì có lòng nhân hậu, ông muốn lìa bỏ cách kín đáo người nữ mà ông coi là ngoại tình. Vì nếu tố cáo ra là sẽ bị ném đá chiếu luật.

Nhiều nhà giảng thuyết còn thêm vào lối giải thích trên những tiểu tiết rất đẹp rất cảm động: cứ xem cảnh thinh lặng tuyệt vời trong đoạn khai mào cho bộ phim “Tin mừng theo thánh Matthêu” thì rõ.

Nhưng phải nhận rằng lối giải thích cổ điển này không sát lắm với bản văn Phúc Âm và sa lầy vào ít là 2 điểm:

1. Phải chăng Giuse không biết ai là tác giả của bào thai trong bụng người yêu của mình. Theo lối giải thích cổ, Yuse tự khám phá ra Maria có thai nhưng không rõ nguyên do. (Maria truyền tin, đi vắng 3 tháng, trở về, thấy bụng đã lớn). Giuse thấy lớn sinh nghi. Thế mà ngay từ đầu trong PÂ Matthêu đã trình bày khác hẳn: Maria thụ thai bời phép Chúa Thánh Thần. Vây phải phỏng đoán là Maria cho Yuse biết. Một chuyện lớn như vậy lẽ nào Maria không nói cho Yuse biết. Hơn nữa có gì xấu đâu mà phải giấu.

2. Sự vô nghĩa của chữ “người công chính” trong câu Matthêu ghi lại: Yuse “vì là người công chính” nên định âm thầm lìa bỏ cách kín đáo. Nếu là người công chính, thì phải cứ luật, tức là chiếu theo sách Đệ nhị luật 22,23 Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà. Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô, thì anh em sẽ lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết: cô gái, vì lý do ở trong thành mà đã không kêu cứu, và người đàn ông, vì lý do đã cưỡng bức vợ người đồng loại.

Luật là như thế. Nếu Giuse không biết tác giả của thai nhi, và nếu là người công chính thì đích thị, Giuse phải giữ trọn lề luật: tức phải tố cáo. Đàng này Phúc âm nói ngược lại, đến độ thánh Giêrôm khi dịch đến câu này từ Hi lạp qua La tinh đã phải thốt lên: “Làm sao Yuse lại được gọi là công chính khi anh che giấu tội của vợ mình ?”

Do đó muốn tránh 2 sa lầy trên và cộng với nhiều lý lẽ khác nữa, khiến ta phải hiểu thế này về người cha Yuse: Yuse đã biết Maria thụ thai bởi Chúa Thánh Thần (biết tác giả). Rồi vì là người công chính, nên điều gì của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa. Yuse chính trực không muốn giữ riêng làm vợ mình người mà Thiên Chúa đã thánh hiến bằng một sự can thiệp nhiệm lạ để dùng vào chương trình nhiệm lạ. Và rồi Yuse chính trực không muốn hưởng cái vinh dự không thuộc về mình: vinh dự làm cha đấng Thiên sai có gốc thần linh đó.

Đang bối rối như vậy thì Thiên thần bảo: “Đừng ngại nhận Maria làm vợ. Thật vậy dẫu con trẻ nơi lòng Maria là bởi Chúa Thánh Thần nhưng chính anh, Yuse, anh là người đặt tên cho trẻ” (vinh dự đặt tên thường dành cho người cha).

Ta nên nhớ lối giải thích mới này không phải là một sáng chế tùy hứng của các nhà giảng thuyết nhằm đưa ra những cắt nghĩa có tính đạo đức khuyến thiện, nhưng là lối giải thích của các nhà chuyên môn nổi tiếng mới đây, sau khi đã khảo sát tường tận ý nghĩa từng chữ, thể văn được dùng trong bản văn Tin Mừng và các thói tục địa phương thời Maria và Yuse.

Vì sao Yuse được tham dự vào chương trình của Thiên Chúa làm người, thay vì chỉ cần đến một người mẹ sinh một người con là đủ. Một trong những lý do thích đáng để trả lời câu hỏi đó là : vì Thiên Chúa muốn Chúa Con làm người trong một gia đình có cha có mẹ như hai mái chái của một căn nhà. Vì thế cho dù có sinh ra trong đêm khuya lạnh giá, nhưng sinh ra trong gia đình có cha có mẹ thì vẫn ấm áp tình thương.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho những gia đình sống tình yêu thương.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2018
J.B. Đặng Minh An dịch
17:42 24/12/2018
Lúc 9h30 tối 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ sáu ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Ông Giuse cùng với người phối ngẫu của mình, lên đường đến thành vua Đavít gọi là Bêlem (Lc 2: 4). Tối nay, chúng ta cũng đến Bêlem để khám phá mầu nhiệm Giáng Sinh.

Bêlem: danh từ này có nghĩa là nhà bánh. Trong “ngôi nhà” này, ngày hôm nay, Chúa muốn gặp gỡ cả nhân loại. Ngài biết rằng chúng ta cần lương thực để sống. Tuy nhiên, Ngài cũng biết rằng những loại dưỡng chất của thế giới này không làm thỏa mãn con tim. Trong Kinh thánh, tội lỗi nguyên thủy của loài người liên quan chính xác đến việc ăn uống: nguyên tổ của chúng ta đã “cầm lấy trái cây và ăn”, Sách Sáng thế (xem 3: 6) cho biết như thế. Họ đã cầm lấy và đã ăn. Nhân loại trở nên tham lam và mê ăn uống. Trong thời đại của chúng ta, đối với nhiều người, ý nghĩa cuộc sống hệ tại ở việc chiếm hữu một cách dư thừa vật chất. Dấu ấn của lòng tham vô độ được ghi đậm trong toàn bộ lịch sử loài người, ngay cả ngày hôm nay, khi thật nghịch lý thay, một thiểu số ăn uống xa xỉ trong khi quá nhiều người chẳng có lương thực cần thiết hàng ngày để sống còn.

Bêlem là bước ngoặt làm thay đổi tiến trình của lịch sử. Ở đó, Chúa, trong “nhà bánh”, được sinh ra trong máng cỏ. Như thể Người muốn nói: “Này là Thầy, là phần lương của các con”. Người không chiếm hữu, nhưng Người cho chúng ta ăn; Người không trao cho chúng ta một của ăn đơn thuần, nhưng là chính Người. Ở Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không lấy đi sự sống, nhưng trao ban sự sống. Đối với chúng ta, những người từ thuở chào đời đã quen với việc cầm lấy và ăn, Chúa Giêsu bắt đầu nói: “Hãy cầm lấy mà ăn. Này là mình Thầy” (Mt 26:26). Cơ thể nhỏ bé của Hài Nhi Bêlem nói với chúng ta một phương thức mới để sống cuộc sống của chúng ta: không phải bằng cách ăn uống ngấu nghiến và tích trữ, nhưng bằng cách chia sẻ và cho đi. Thiên Chúa làm cho mình ra nhỏ bé để Ngài có thể là lương thực của chúng ta. Khi sống nhờ vào Ngài, bánh của sự sống, chúng ta có thể được tái sinh trong tình yêu, và phá vỡ vòng xoáy của sự giành giật và tham lam. Từ “nhà bánh’, Chúa Giêsu đưa chúng ta trở về nhà, để chúng ta có thể trở thành gia đình của Thiên Chúa, thành anh chị em với người lân cận. Đứng trước máng cỏ, chúng ta hiểu rằng lương thực của cuộc sống không phải là của cải vật chất mà là tình yêu, không vơ vét nhưng bác ái, không phô trương nhưng đơn giản.

Chúa biết rằng chúng ta cần được nuôi dưỡng hàng ngày. Đó là lý do tại sao Người hiến thân cho chúng ta mỗi ngày trong cuộc đời: từ máng cỏ ở Bêlem đến Phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem. Hôm nay cũng vậy, trên bàn thờ, Ngài trở thành lương thực cho chúng ta; Ngài gõ cửa nhà chúng ta, để vào và cùng ăn với chúng ta (x. Kh 3:20). Vào ngày Giáng Sinh, chúng ta trên trái đất này đón nhận Chúa Giêsu, bánh từ trời xuống. Đó là một loại bánh không bao giờ hư nát, nhưng cho chúng ta ngay từ bây giờ được nếm hưởng trước cuộc sống vĩnh cửu.

Ở Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng sự sống của Thiên Chúa có thể đi vào trái tim của chúng ta và ngự ở đó. Nếu chúng ta chào đón món quà này, lịch sử sẽ thay đổi, bắt đầu với mỗi người chúng ta. Vì, một khi Chúa Giêsu ngự trong lòng chúng ta, trung tâm của cuộc sống không còn là bản ngã hung hăng và ích kỷ của tôi nữa, nhưng là Đấng được sinh ra và sống vì tình yêu. Tối nay, khi chúng ta nghe thấy lời hiệu triệu đi lên Bêlem, ngôi nhà bánh, chúng ta hãy tự hỏi: Lương thực của cuộc đời tôi là gì, đâu là điều tôi không thể không có? Đó có phải là Chúa không, hay là điều gì khác? Sau đó, khi chúng ta bước vào máng lừa, cảm nhận được nơi sự nghèo khó của Hài Nhi mới sinh một mùi hương mới của cuộc sống, mùi của sự đơn sơ, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có thực sự cần tất cả những của cải vật chất và những công thức phức tạp này để sống không? Tôi có thể sống mà không cần tất cả các thứ phụ gia không cần thiết này và sống một cuộc sống đơn giản hơn không? Ở Bêlem, bên cạnh nơi Chúa Giêsu nằm, chúng ta nhìn thấy những người đã thực hiện một cuộc hành trình để đến đây: Đó là Đức Maria, Thánh Giuse và các mục đồng. Chúa Giêsu là lương thực cho cuộc hành trình. Ngài không thích những bữa ăn dài, kéo dài hết giờ này sang giờ khác, nhưng thúc giục chúng ta sớm đứng dậy ra khỏi bàn ăn để phục vụ, để là lương thực cho người khác. Chúng ta hãy tự hỏi: Vào mùa Giáng Sinh này tôi có chia sẻ cơm bánh của tôi với những người chẳng có gì để ăn không?

Sau ý tưởng Bêhem, là “nhà bánh”, chúng ta hãy suy ngẫm về Bêlem như là thành của vua Đavít. Ở đó, chàng trai trẻ Đavít là một người chăn cừu, và trong tư cách đó đã được Chúa chọn làm người chăn dắt và lãnh đạo dân Ngài. Vào ngày Giáng Sinh, tại thành vua Đavít, chính những người chăn cừu đã chào đón Chúa Giêsu bước vào thế giới. Trong đêm đó, Tin mừng cho chúng ta biết, những mục đồng đầy nỗi sợ hãi (Lc 2: 9), nhưng thiên thần nói với họ rằng “Đừng sợ” (câu 10). Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe cụm từ này trong Tin mừng: “Đừng sợ”? Dường như Thiên Chúa liên tục lặp lại lời này khi Ngài tìm kiếm chúng ta. Bởi vì, ngay từ đầu, do tội lỗi của mình, chúng ta đã sợ hãi Chúa; sau khi phạm tội, ông Adong nói: “Tôi đã sợ nên tôi trốn tránh” (St 3:10). Bêlem là phương thuốc cho nỗi sợ hãi này, bởi vì bất kể bao nhiêu lần loài người nói “không”, Chúa vẫn không ngừng nói “có”. Ngài sẽ luôn là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Và e rằng sự hiện diện của Người gây ra kinh sợ, Ngài đã biến mình thành một đứa trẻ dịu dàng. Đừng sợ: những lời này không được nói cùng các vị thánh nhưng là với những người chăn cừu, những người đơn sơ, những người trong thời đó chắc chắn không nổi tiếng với những cách cư xử tinh tế và lòng đạo đức của họ. Con của vua Đavít được sinh ra giữa các mục đồng để nói với chúng ta rằng sẽ không bao giờ có ai một mình và bị bỏ rơi; chúng ta có một vị Mục Tử chinh phục mọi nỗi sợ hãi và yêu thương tất cả chúng ta, không trừ một ai.

Các mục đồng của Bêlem cũng cho chúng ta biết làm thế nào để ra đi gặp Chúa. Họ đã canh thức vào ban đêm: họ không ngủ vùi, nhưng làm những gì Chúa Giêsu thường yêu cầu tất cả chúng ta làm, cụ thể là tỉnh thức (x. Mt 25:13; Mc 13:35; Lc 21,36). Họ vẫn tỉnh táo và chăm chú trong bóng đêm; và khi đó ánh sáng của Thiên Chúa “chiếu rọi xung quanh họ” (Lc 2: 9). Đây cũng là trường hợp của chúng ta. Nếu cuộc sống của chúng ta được ghi dấu bằng sự chờ đợi, thì trong bối cảnh u ám của những nan đề, vẫn loé lên hy vọng vào Chúa, và lòng khao khát sự quang lâm của Người; và khi đó chúng ta sẽ nhận được cuộc sống của Người. Còn nếu như cuộc sống của chúng ta được đánh dấu bởi các mong muốn, trong đó tất cả những gì quan trọng đối với chúng ta chỉ là sức mạnh và khả năng của chúng ta; thì ánh sáng của Chúa bị cấm cản không đến được với con tim chúng ta. Chúa thích được chờ đợi, và chúng ta không thể chờ đợi Ngài bằng cách nằm dài trên băng ghế, ngủ vùi. Vì vậy, các mục đồng lập tức lên đường: chúng ta được cho biết rằng họ đã vội vã ra đi (câu 16). Họ không chỉ đứng đó như những người nghĩ rằng họ đã đến rồi và không cần phải làm gì thêm. Thay vào đó họ lên đường; họ bỏ lại bầy chiên không ai bảo vệ; họ mạo hiểm vì Chúa. Và sau khi nhìn thấy Chúa Giêsu, mặc dù họ không phải là những người đàn ông có thể dễ dàng tuôn ra những lời hay ý đẹp, họ ra đi để công bố sự chào đời của Hài Nhi mới sinh, vì thế “tất cả những người nghe thấy đều ngạc nhiên về những gì các mục đồng nói với họ” (câu 18).

Tỉnh thức, cất bước ra đi, mạo hiểm, kể lại vẻ đẹp: tất cả đều là những hành vi yêu mến. Vị Mục tử tốt lành, Đấng vào ngày Giáng Sinh đến để hiến mạng sống mình cho đàn chiên, sau này, vào lễ Phục sinh, đã hỏi Thánh Phêrô và, qua thánh nhân, Chúa hỏi tất cả chúng ta, câu hỏi cuối cùng này: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15). Tương lai của đàn chiên sẽ phụ thuộc vào cách câu hỏi đó được được trả lời. Tối nay chúng ta cũng được yêu cầu trả lời Chúa Giêsu với những lời: “Con yêu Chúa”. Câu trả lời được đưa ra bởi mỗi người là cần thiết cho cả đàn chiên.

“Nào chúng ta hãy sang Bêlem” (Lc 2:15). Với những lời này, các mục đồng đã lên đường. Lạy Chúa, chúng con cũng vậy, cũng muốn đi lên Bêlem. Cả ngày hôm nay, con đường cũng chông gai như thế: đỉnh cao của sự ích kỷ của chúng ta cần phải được vượt qua, và chúng ta không được lạc bước hoặc trượt vào tinh thần thế gian và chủ nghĩa tiêu thụ.

Lạy Chúa, con muốn đến Bêlem, vì có Chúa đang chờ đợi con ở đó. Con muốn nhận ra rằng Chúa, đang nằm trong máng cỏ, là lương thực đời con. Con cần hương thơm dịu dàng của tình yêu Chúa để đến lượt con, con có thể là chiếc bánh bẻ ra cho thế giới. Hãy đặt con trên vai của Chúa, vị Mục tử tốt lành; khi được Chúa yêu, con sẽ có thể yêu mến anh chị em của mình và chìa tay ra nắm lấy họ. Khi đó sẽ là ngày Giáng Sinh, khi con có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa Chúa biết tất cả mọi thứ; Chúa biết con yêu Chúa” (x. Ga 21,17).


Source: Libreria Editrice Vaticana HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Vatican Basilica Monday, 24 December 2018
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Giám Mục Xuân Lộc Mừng Giáng Sinh Với Các Em Có Hoàn Cảnh Đặc Biệt.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
10:13 24/12/2018
Đức Giám Mục Xuân Lộc Mừng Giáng Sinh Với Các Em Có Hoàn Cảnh Đặc Biệt.

Sáng Thứ Bảy 22/12, như truyền thống tốt đẹp hằng năm, Ban Caritas Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức cho các em có hoàn cảnh đặc biệt có được một ngày vui Giáng Sinh, cũng như được gặp Đức Cha Chánh Giáo phận và được Ngài dâng Thánh Lễ cầu nguyện. Năm nay, Giáo xứ Lai Ổnlà địa điểm để tổ chức ngày vui đặc biệt dành cho các em.

Xem Hình

Tham dự ngày vui đặc biệt mừng Giáng Sinh năm nay gồm rất đông các em đến từ các trường, cơ sở mái ấm như: Trường Khiếm thính, Khuyết tật Long Thuận, Trường Khiếm thính Hoa Lan, Trường Khuyết tật Hoa Hồng, Mái Ấm Khiếm thị Long Thành, Cơ sở Khuyết tật Bé Thơ, Cơ sở Bác Ái Bạch Lâm, Cô Nhi Thiên Bình, Nhà nuôi dưỡng La Vang, Trung Tâm Trẻ Mồ Côi Thánh Giuse, Cơ sở Betania, Cơ sởCô Nhi Đồng Tâm- Xuân Lộc…

8g30: Chương trình diễn nguyện với tâm tình Mùa Vọng và Niềm Vui Giáng Sinh do các các em trình diễn. Dù không cầu kỳ trang trí, nhưng không gian trong nhà thờ cũng vẫn bao trọn những nội dung diễn mang tâm tình cầu nguyện thật đơn sơ như chính tâm hồn các em. Dù khiếm thính, hay khiếm thị, các em vẫn trở nên các diễn viên nhí cầu nguyện tuyệt vời của Chúa, cũng như của mọi người, hay bạn bè các em.

Nếu các em không nhìn thấy sự vật hữu hình bằng mắt thường, không nhìn thấy một Hài Nhi Giêsu bằng thạch cao trong máng cỏ, thì nơi đôi mắt tâm, các em đang nhìn thấy Chúa đến khi diễn múa trong tâm tình “Để Chúa đến trong cuộc đời…” và “…Chúa Con thần thánh tôn thờ. Canh khuya Giáng sinh trong chốn hang lừa..” Ngay cả trong tiếng ngọng ngịu vì khuyết tật về thính giác…các em vẫn nói được gần hết lời sứ thần Grabiel như niềm tin nhỏ bé đơn sơ của các em vào Chúa “…Không …có gì là Chúa không thể làm được”.

9g30, Đức Cha Giuse đã đến với các em. Ngài đến tận các cụm nhóm, trường, cơ sở để tặng cho các em sự yêu thương đặc biệt qua những cử chỉ gần gũi như cái xoa đầu, nụ cười… Cho dẫu sự khiếm khuyết về thể lý, nhưng sự dễ thương, đơn sơ của các em vẫn toát lên và bộc lộ ra bên ngoài khi hô to chào đón hay “Chúng con yêu Đức Cha!” hoặc khi được Đức Cha nắm tay, xoa đầu và nhất là trao cho những phần quà. Nghe những tiếng hát không tròn, rõ tiếng “Hát khen mừng Chúa Giáng Sinh..” của các em bé hát tặng Đức Cha, dường như còn sâu lắng hơn nhiều. Và những bó hoa, cánh tay vẫy, đòi nắm lấy Đức Cha sao dễ thương quá đỗi!

Quả đúng là Nước Trời luôn dành cho những trẻ thơ!

Để các em có thêm niềm vui, Ban tổ chức đã có những gian hàng trò chơi nhẹ nhàng với những món quà khác nhau, hấp dẫn dành cho các em. Với những tiếng cổ vũ, reo hò, cười vang…chắc hẳn sẽ làm cho các em quên đi, hoặc vơi đi những thiếu thốn nào đó mà các em đang có hay đang phải chịu.

10g30: Thánh Lễ cầu nguyện cho các em có hoàn cảnh đặc biệt được Đức Cha Giuse cùng với quý Cha dâng cũng vào buổi sáng hôm nay.

Với ý tưởng trong bài Tin Mừng Luca 4, 16-22, Đức Cha Giuse đã chia sẻ những suy tư của Ngài đến với quí Cha, quý Thầy, quý Dì, những anh chị em trong Ban BAXH Caritas về sứ mạng mà họ đang đảm nhận khi chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em có hoàn cảnh đặc biệt. Đức Cha Giuse đã nhắc lại lời Tin Mừng khi nói về sứ mạng củaChúa Giêsu “…vì Chúa đã xức dầu, tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn” (Lc 1,18). Chúa Giêsu đến để xoa dịu những khổ đau của con người. Ngài đến để lấp đầy những nhu cầu của con người, chữa lành những vết thương thân xác và trong tâm hồn. Ngài đến để xoa dịu những vết thương trong lòng của con người bằng tình thương yêu. Đức Cha nhấn mạnh, chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành được những vết thương trong tâm hồn.

Và như vậy, Đức Cha nhắn gửi rằng: ngày hôm nay, sứ mạng của Chúa Giêsu được nối dài qua việc chính Chúa trao ban cho quý cha, quý thầy, quý dì, những thiện nguyện viên trong Ban BAXH Caritas. Mỗi người sẽ đem tình yêu của mình để xoa dịu vết thương, những đau khổ mà các em thiếu nhi đang gánh chịu, làm cho các em được vui và hạnh phúc. “Như thế, chúng ta cần phải vui mừng và hãnh diện vì được Chúa tin tưởng trao cho sứ mệnh của chính Chúa, để đem niềm vui đến cho các em, xoa dịu những vết thương trong lòng các em. Đây chính là sứ mệnh của tình yêu…vì thế, xin mọi người hãy thương yêu các em…và hãy thương yêu hơn nữa.”

Nhắc nhớ về sự kiên nhẫn, chịu đựng trong khi nuôi dạy, giáo dục các em, Đức Cha nói rằng “Ngày hôm nay, chúng ta thấy các em vui tươi, ngoan ngoãn, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, không phải là các em sẽ luôn là như thế. Do vậy, cần phải có sự kiên nhẫn, chịu đựng và thương yêu các em khi các em khó chịu, buồn, không ngoan…”. Chính nhờ sự kiên nhẫn, yêu thương, chịu đựng với các em mà “sứ mạng của chúng ta sẽ trọn vẹn khi đem niềm vui đến cho các em.”

Trước khi kết thúc bài giảng, Đức Cha Giuse đã chuyển sang các em và đặt câu hỏicho các em có thể nghe được “Hôm nay các con có vui không?”- “Dạ……có……!” Nhìn những khuôn mặt, đôi môi khó khăn khi trả lời trong muôn dạng vẻ…mới thấy sự dễ thương, đơn sơ của các em khi diễn tả niềm vui, khi được trả lời tâm trạng của mình…Không chỉ dừng lại ở đó, Đức Cha Giuse đã rất sư phạm khi hướng các em nhận ra được tình yêu của Chúa dành cho các em qua những gì mà quý Cha, quý thầy, quí dì, những ông bà, anh chị đã vìyêu thương mà chăm sóc các em. Để rồi “Vậy các con có biết ơn quý cha, quý thầy…không? “-“Dạ, có!” Và cuối cùng, Đức Cha mong các em hãy giữ lấy niềm vui và làm cho người khác cùng vui như các em có.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Cha Đặc Trách Ban BAXH Caritas đã dâng lên Đức Cha Giuse lời cảm ơn vì đã đến để đem niềm vui, tình yêu thương cho các em, cũng như trao quà, chúc lành, dâng Thánh lễ cho các em. Cha Đặc trách cũng cám ơn quý Cha, quý thầy, quý dì, những ông bà anh chị em đang nuôi dưỡng, giáo dục cho các em bằng tất cả tình yêu thương dành cho các em.

Sau khi ban phép lành cuối lễ cho các em và cộng đoàn, Đức Cha Giuse đã dâng các em cho Đức Maria, để nhờ tình mẫu tử của Mẹ, các em sẽ được Mẹ đỡ nâng, ủi an và giúp các em có thêm niềm vui, hạnh phúc, bù lại những bất hạnh, hay đau khổ mà các em đang gánh chịu.

Bữa tiệc trưa đánh dấu niềm vui Giáng Sinh dành cho các em và cho mọi tâm hồn quảng đại đã trao cho các em tình yêu.

Niềm vui Giáng Sinh và chắc rằng niềm vui ấy đang ở trong tâm hồn các em.

Tin: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P

Hình ảnh: Văn Tài- Ban Truyền Thông.
 
Lễ Giáng Sinh: Nhóm Bông Hồng Xanh công tác xã hội giáo xứ Kon H’Ring và Vĩnh Hòa GP Ban Mê Thuột
Maria Vũ Loan
11:22 24/12/2018
Ngày Chúa Nhật 23/12/2018, Ông già Noel của nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh đã đến giáo xứ Kon H’ring và giáo xứ Vinh Hòa, giáo phận Ban Mê Thuột để phát quà cho thiếu nhi và giúp đỡ một số gia đình khó khăn trong giáo xứ. Xin được tường thuật ngắn gọn hành trình chuyến đi.

Đoàn công tác chúng tôi gồm sáu người lớn và ba trẻ em, ngay từ tối hôm trước đã bay đến Ban Mê Thuột khi trời tối với hành trang nặng nề là quà từ Sài Gòn đem đến. Từ sân bay, đường vào giáo xứ Kon K’ring dài đến hơn 40 km, nhiều đoạn vắng vẻ, tối tăm khó đi, rõ ràng là một vùng sâu vùng xa. Đây là một giáo xứ có đến 3.000 giáo dân, tất cả đều là dân tộc Xê-đăng, chỉ có cha chánh xứ Andre Trần Thế Minh là dân tộc Kinh, mà sau hai năm, cha đã xây được ngôi nhà thờ khang trang, sạch đẹp.

Xem Hình

Bà con người dân tộc ở đây rất nghèo nhưng rất sốt sắng lòng đạo. Có tham dự thánh lễ lúc 5 giờ sáng Chúa Nhật, với hình ảnh những cháu bé còn nhỏ được bố mẹ địu đến nhà thờ mới thấy thương làm sao, trong khi nhà thờ kín chỗ. Người giáo dân làm nương rẫy, tạm đủ ăn là may và trông họ rất hiền lành, chân thật.

Với tinh thần năm 2019 của Giáo Hội là “Đồng hành với những gia đình khó khăn”, trước thánh lễ thiếu nhi lúc 7 giờ 00, Ông già Noel phát quà cho 40 cụ ông cụ bà trong các gia đình nghèo. Vì nhà xa nên khoảng mười gia đình đến nhận lác đác...nhìn nước da tái mét của các cụ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Không nghe rõ được lời của một cụ ông thay mặt cho các cụ cảm ơn, chúng tôi cũng thấy vui lắm rồi!

Sau đó, chúng tôi còn bừng lên niềm vui khi có hơn 500 em thiếu nhi tập trung trước tượng đài thánh Giuse để vui Noel cùng chúng tôi. Vì là người dân tộc, nhiều em nhỏ chưa nghe rõ tiếng Việt nên phần sinh hoạt của chúng tôi ngắn gọn. Nhiều bà mẹ trẻ đã dắt con đến đây, song vì quá chú ý đến đám đông trẻ em nên chúng tôi đã không kịp gặp riêng những bà mẹ trẻ theo như dự định, một chút tiếc nuối, nhưng thôi đành vậy! Còn hình ảnh sẽ thay lời, nói lên nét đặc trưng công việc chia sẻ của chúng tôi.

Phát quà xong, chúng tôi thấy khá đông các em chuẩn bị chịu bí tích Thêm Sức đang sắp hàng sân, được cha tập nghi thức. Có thể nói, số lượng trẻ em và thanh thiếu niên trong buôn làng người dân tộc ở đây rất đông, con số khá ấn tượng với chúng tôi. Và một nuối tiếc nữa, khi có ông trùm giáo khu sẵn sàng đưa chúng tôi đi thăm nhà giáo dân, nhưng chúng tôi đành bỏ qua vì phải thực hiện “show gặp gỡ Noel” thứ hai tại giáo xứ Vinh Hòa. Thế là xe chạy như bay...

Từ giáo xứ Kon H’ring, đi khoảng 40 km nữa, chúng tôi đến nhà thờ Vinh Hòa. Giáo xứ Vinh Hòa (thường được gọi là làng Trung Hòa) thuộc xã Ea Ktur và Ea Tiêu và một phần thuộc xã Ea Bhôk, Cư Evi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, vùng tây nguyên Việt Nam, cách trung tâm thành phố 15 km. Nơi đây là một vùng đất đỏ Bazan rộng lớn, bằng phẳng và phì nhiêu; có hồ, suối, khe đập và nguồn nước dồi dào, rất thuận lợi cho việc trồng nhiều loại cây như cà phê, cao su, tiêu, ca cao, lúa, hoa màu và nhiều loại cây trồng khác. Hiện nay, giáo xứ có khoảng hơn 10.000 giáo dân, trong đó có khoảng 4.000 giáo dân người dân tộc cư trú trong nhiều buôn làng trên địa bàn giáo xứ.

Cha chánh xứ GB. Nguyễn Minh Tâm đón chúng tôi niềm nở và đặc biệt. Cha cho Ông già Noel vào bằng cửa chính của nhà thờ và giới thiệu với khoảng 600 em thiếu nhi. Mọi việc diễn ra tốt đẹp, dù chúng tôi có lỗi hẹn đến 20 phút. Khi các em được phát mũ Noel thì trong lòng nhà thờ đỏ rực, vui tươi. Được quí Cha quí Sơ dạy dỗ tốt nên các em ca hát thuần thục và nề nếp rõ ràng trong việc nhận quà.

Cũng như mọi năm, chúng tôi được cha chánh xứ giới thiệu để nói vài lời, và sinh hoạt một chút rồi phát quà. Sự lịch thiệp của Cha chánh xứ, cách tế nhị của cha phó và việc hoạt náo nhanh nhẹn của quí Sơ dòng Nữ Vương Hòa Bình đã làm cho việc phát quà rất sinh động và ý nghĩa. Dù chỉ có 20 gia đình khó khăn ở đây được trợ giúp, nhưng họ không có mặt đủ vì chúng tôi đến trễ quá, đành gửi lại; (chỉ tiếc rằng đã không có người trong nhóm khéo léo ghi lại đầy đủ hình ảnh giây phút ấy!)

Tại sao chúng tôi lại phải chộn rộn thực hiện hai chương trình phát quà trong một buổi sáng? Phải đến nhà thờ Kon H’ring để thấy lòng đạo sốt sắng của giáo dân người dân tộc dù nghèo mà vẫn thờ phượng Chúa cách tốt lành; và nên đến giáo xứ Vinh Hòa để thấy được “sự giàu đẹp, tốt lành” của Giáo Hội địa phương nơi đây với hai “gam màu” khác nhau: sự nghèo khó thanh sạch và sự trù phú Chúa ban.

Xong công việc, chúng tôi đến khu du lịch Kơ Tăm, tiếng dân tộc có nghĩa là đầu suối, đầu nguồn, để tham quan và ăn chung “bữa cơm Noel” với nhau. Quang cảnh đẹp, quán ăn có nhiều món lạ và cách phục vụ tận tình làm chúng tôi có thiện cảm và lòng chợt nghĩ, sẽ trở lại với một cách thức chia sẻ khác.

Bay về Sài Gòn bằng chiếc Airbus trong ngày thì trời đã sụp tối từ lâu. Mệt nhoài nhưng lòng vui. Chỉ mong chúng tôi sẽ còn được hóa thân thành Ông già Noel - vị giám mục nhân hậu, và “bà già Noel”, có lẽ tương trưng cho một số chị em phụ nữ có lòng nhân ái, để được chia sẻ yêu thương trên nhiều miền của đất nước.
 
Đêm Giáng sinh tại Giáo xứ Tây Lộc-Tổng Giáo phận Huế
Trương Trí
11:35 24/12/2018
Đêm Giáng sinh tại Giáo xứ Tây Lộc-Tổng Giáo phận Huế

Hòa trong bầu khí an lành của Mùa Giáng sinh, đặc biệt năm nay tại Giáo phận Huế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế mời gọi tất cả các Nhà thờ trang trí mừng lễ Giáng sinh thật đẹp và hoành tráng để cho tất cả mọi người, bất kể lương giáo có thể tham quan và vui Giáng sinh. Nhất là trong dịp mừng Giáng sinh năm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đi thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng Giám mục Huế và Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, Phó Thủ tướng thông tin việc Phái đoàn Tòa Thánh do Thứ trưởng bộ Ngoại giao Antoine Camilleri dẫn đầu tham dự vòng Đàm phán thứ VII với Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội, hai bên đã thống nhất việc chia tách Giáo phận Vinh thành hai Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh. Như vậy Giáo phận Hà Tĩnh gồm hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, do Đức Giám Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp làm Giám mục tiên khởi, Giáo phận Vinh do Đức Giám Mục Anphongso Nguyễn Hữu Long làm Giám mục Chính tòa. Phó Thủ tướng cũng thông tin việc nâng cấp Đại diện Không Thường trú của Tòa Thánh lên Đại diện Thường trú.

Xem Hình

Giáo xứ Tây Lộc tọa lạc trong Nội thành Huế, hình thành từ năm 1960 trong bối cảnh đất nước vừa bị chia cắt 2 miền Nam Bắc. Những gia đình từ miền Bắc theo giòng người di cư và những gia đình đến định cư từ những vùng chiến tranh. Ngôi Nhà thờ được Cố Linh mục Phaolo Nguyễn Thanh Tiếp khởi công xây dựng năm 1965 mang tên “Các Thánh Tử đạo Việt Nam”, với lối kiến trúc Á đông. Tiền đường được thiết kế 2 con Rồng uốn lượn hai bên. Đã có thời kỳ giáo xứ Tây Lộc lên đến chừng 1 ngàn rưỡi giáo dân với nhiều Hội Đoàn hoạt động rất mạnh, nhiều Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh thể Tây Lộc là nòng cốt và cũng là Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh thể của Giáo phận. Tuy nhiên trải qua bao biến cố lịch sử, giáo dân ly tán khắp nơi, hiện nay chỉ còn lại gần 700 giáo dân.

Linh mục F.X. Nguyễn Văn Thương là một linh mục trẻ vừa đi du học về đang phụ trách nhà Chủng viện Huế được Đức Tổng Giám Mục Giuse bổ nhiệm tạm thời quản nhiệm giáo xứ chỉ mới 2 tuần nay. Ngài là một người năng động và hoạt bát, vào đúng dịp lễ Giáng sinh, Ngài đôn đốc giáo xứ chuẩn bị đón lễ Giáng sinh hết sức rộn rang tươi vui. Trước khi đi vào Diễn nguyện Canh thức Giáng sinh, Ngài đến thăm hỏi từng người già lão trong giáo xứ một cách chân tình. Nhiều người xúc động và nghẹn ngào trước những cử chỉ ân cần của vị mục tử.

Chương trình Diễn nguyện Canh thức Giáng sinh do các em thiếu nhi trong giáo xứ trình diễn, nêu lại biến cố Thiên thần truyền tin cho Mẹ Maria, việc Thiên Chúa đã chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế là con Thiên Chúa.

Đoàn rước cha Chủ tế bồng tượng Chúa Hài đồng tiến lên cung kính đặt vào Máng Cỏ và long trọng xông hương.

Mở đầu Thánh lễ, cha chủ tế chia sẻ: chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, mỗi một người chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Bí tích Hòa giải làm cho mỗi người chúng ta trở nên trong sạch, để trở thành Máng Cỏ của Chúa Giesu Hài đồng. Trong Thánh lễ này, chúng ta không quên cầu nguyện cho nhau, cầu nguyện cho quê hương đất nước, cầu nguyện cho mỗi một gia đình chúng ta, nhất là những gia đình đang gặp cảnh gian nan thử thách trong đời sống. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người già cả đau ốm bệnh tật không thể tham dự Thánh lễ hôm nay.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, cha chủ tế nêu lên lễ Giáng sinh ở các nước châu Âu, châu Mỹ người ta còn gọi là lễ Tặng quà. Kể cả những người không Công Giáo họ cũng mong dịp lễ này để có thể kinh doanh mua bán lớn. Con cái tặng quà cho cha mẹ thể hiện lòng hiếu thảo, cha mẹ tặng quà cho con cháu. Nhưng món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa dành tặng cho mỗi một người chúng ta, đó chính là Con Một của Ngài, là Chúa Giêsu Kitô. Người là Đấng Cứu độ trần gian, Người đến để cứu độ chúng ta mà không cần một điều kiện nào.

Sau Thánh lễ, cha chủ tế một lần nữa mời gọi cộng đoàn chúc mừng nhau bằng một tràng pháo tay, ngài chúc mừng những cụ già tham dự Thánh lễ hôm nay và gửi lời thăm hỏi đến những người không thể tham dự Thánh lễ. Ngài cũng cảm ơn cộng đoàn đã nhiệt thành chuẩn bị cho dịp lễ Giáng sinh này hết sức tốt đẹp.

Trương Trí
 
Đức Cha GP Xuân Lộc gặp gỡ, chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với anh chị em lương dân tại Giáo xứ Thanh Hóa.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
12:29 24/12/2018
Đức Cha GP Xuân Lộc gặp gỡ, chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với anh chị em lương dân tại Giáo xứ Thanh Hóa.

Vì Chúa đã giáng sinh cho toàn thể nhân loại (x. Lc 2,10) nên trong buổi tối 23/12/2018, Chúa Nhật tuần IV Mùa Vọng, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc, đã có một buổi gặp gỡ, chia sẻ niềm vui Giáng Sinh vớicác anh chị em lương dân tại Giáo xứ Thanh Hóa, Giáo Hạt Hòa Thanh, Giáo phận Xuân Lộc.

Xem Hình

Có thể nói được rằng, đây là một thành công của Cha Chánh Xứ Giuse Phạm Đình Hiền, Ban Hành Giáo và mọi người trong giáo xứ Thanh Hóa. Lời mời rất trân trọng qua từng tấm thiệp của Giáo xứ đã làm nên một ngày gặp gỡ khá đặc biệt vơi sự hiện diện rất đông của khoảng gần 2000 anh chị em lương dân đã đến chung niềm vui Giáng Sinh và nghe Đức Cha Giuse nói chuyện, chia sẻ tâm tình với họ.Chính sáng kiến và việc tổ chức cho ngày gặp gỡ này đã làm cho Đức Cha Giuse vui, hài lòng như Ngài đã nhắn gửi với cộng đoàn trong Thánh Lễ chiều hôm đó. Bởi đây cũng chính là cơ hội rất tốt để gặp gỡ, để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh đến những người chưa được biết Chúa.

Với cách nói chuyện rất gần gũi, Đức Cha Giuse đãthay đổi danh từ xưng hô từ “anh chị em lương dân” thành “những người bạn, những anh chị em của chúng tôi”.

Giáng Sinh: Câu chuyện tình yêu rất tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho con người.

Làm sao để anh chị em lương dân hiểu được tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua Mầu nhiệm Giáng Sinh chỉ trong ít phút chia sẻ? Quả thật là một điều không dễ chút nào.

Nhưng, bằng ngôn từ đơn giản, những ví dụ dễ hiểu, Đức Cha Giuse đã giới thiệu, đã kể cho anh chị em lương dân câu chuyện Giáng Sinh, một câu chuyện tình yêu rất đặc biệt, lạ lùng của Thiên Chúa dành cho con người mà có lẽ họ chưa từng được nghe kể trong một bối cảnh trịnh trọng nhưng lại cũng rất thân tình như tối hôm đó.

Nói về Lễ Giáng Sinh, Đức Cha Giuse đã rất ngắn gọn trong vài câu để giới thiệu với anh chị em lương dân hiểu rằng: Giáng Sinh chính là việc Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên đất trời, tạo dựng nên con người đã xuống thế làm người vì yêu thương nhân loại. “Thiên Chúa đó không xuống thế gian chỉ để thăm nhân loại trong chốc lát, hay giúp đỡ ai đó có nhu cầu…rồi Ngài lại về, lại trở lên Trời Cao…nhưng Thiên Chúa đã xuống thế làm người như con người, ở với con người…Đây là cách nói lên tình yêu mà Ngài dành cho con người.”

Lấy từ kinh nghiệm đời thường của con người khi yêu nhau [từ ý muốn trao tặng những món quà quí giá cho nhau, thăm viếng…đến khao khát được sống cùng nhau- như tình yêu hôn nhân vợ chồng- để đỡ nâng, sẻ chia cho nhau mọi sự …] Đức Cha Giuse đã khơi gợi để anh chị em lương dân hiểu được phần nào lý do Đức Giêsu- Đấng là Thiên Chúa đã sinh ra trong trần gian. Ngài giải thích rằng: Thiên Chúa đó đã sinh xuống làm người [con người mà chính Ngài đã dựng nên] trong một gia đình, nhận lấy một gia phả gồm những ông bà tổ tiên đầy những bất toàn, lại làm tổ tiên mình.Để có thể diễn tả được tình yêu, Thiên Chúa đã dùng ngôn ngữ, cách thức của con người để bày tỏ, để con người nhận ra tình yêu của Ngài.

Tất cả chỉ vì yêu thương, một tình yêu đặc biệt dành cho con người. Ngài xuống thế để sống với, để đỡ nâng, chia sẻ, ban ơn cho con người…để con người được an bình, được vui, được hạnh phúc. Và “vì thế, Giáng Sinh luôn tạo nên một bầu khí hết sức an bình, vui tươi và qui tụ mọi người lại làm một.”

Giáng Sinh: Thời khắc của niềm vui, của mùa trao ban yêu thương, bình an cho nhau, hóa giải hận thù giữa con người với nhau.

Trưng dẫn một vài câu chuyện có thực về Giáng Sinh, Đức Cha Giuse đã làm nổi bật lên ý tưởng: Giáng Sinh, thời khắc mà con người dễ đem lại niềm vui, sự an bình, tình yêu thương cho nhau, chữa lành những vết thương mà con người gây nên cho nhau,hóa giải những hận thù giữa con người với nhau. Đức Cha Giuse nhấn mạnh “Tình yêu Giáng Sinh mạnh như thế đó, mạnh đến độ cảm hóa, thúc giục được lòng con người làm những điều tốt đẹp, hóa giải hận thù nơi con người”.

Ngài tiếp “Đó là lý do tại sao hôm nay, chúng tôi, những anh chị em ở Giáo xứ Thanh Hóa này lại mời anh chị em, những người bạn của chúng tôi- những người chưa vào đạo Công Giáo- đến đây để bày tỏ tình thương yêu bạn bè đến với ông bà, anh chị em…. Giáng Sinh cũng là thời khắc mà những người Công Giáo hay để ý, tìm đến những người đau khổ để an ủi, chia sẻ bớt những đau khổ của họ.”

Cuối cùng, Đức Cha Giuse gửi lời chúc Giáng Sinh thân tình, đầy yêu thương đến những anh chị em lương dân.” Tôi xin kính chúc tất cả mọi người, những người bạn thân yêu của chúng tôi một đêm an bình, hạnh phúc, một đêm tình nghĩa với con cái Giáo xứ Thanh Hóa này.”

Như để rõ ràng hơn câu chuyện Giáng Sinh, mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Giáng Sinh dành cho con người mà Đức Cha Giuse vừa chia sẻ, các anh chị em lương dân đã được xem phần diễn nguyện- hoạt cảnh về Giáng Sinh do giới trẻ và thiếu nhi Giáo xứ Thanh Hóa trình diễn. Và trong giữa hàng ngàn khán giả ấy, Đức Cha Giuse ngồi giữa anh chị em lương dân như để đồng kể chuyện và cũng đồng tham dự câu chuyện tình yêu Giáng Sinh của Thiên Chúa làm người.

Những cảm nhận về niềm vui của anh chị em lương dân

Cô Hoàng Ngân, một lương dân, đã từng là giáo viên ở Nghệ An, hiện sống một mình ở nhà trọ,cảm động chia sẻ “Tôi cảm thấy vui vì được mời đến tham dự đêm nay. Và cũng nghe nói có Đức Cha đến, nên tôi cũng vui nữa.” Có lẽ, niềm vui Giáng Sinh đêm nay nơi cô là thật, bởi cô nhận được sự quan tâm không chỉ của chị chủ nhà trọ Công Giáo, mà con của Giáo xứ đã đem lại cho cô niềm vui lấp đầy chỗ trống vắng mà cô hiện có.

Hay Anh Tâm, quê ngoài Quảng Bình, đang làm việc và sinh sống trong vùng Hố Nai rất chân thànhcười vui nói rằng“Em được mời đến tham dự và cảm thấy vui. Rồi Anh chỉ sang vợ và con “Em cũng dẫn theo vợ và con cùng đi cho vui luôn.Mặc dầu, em cũng thỉnh thoảng đến nhà thờ để ngắm, để chơi, nhưng đây là lần đầu tiên em được mời đến và ngồi vinh dự ở chỗ này để vui Giáng Sinh.”

Còn cô Ngọc Anh, hiện đang sống ở gần Bệnh viện Nhi Đồng Nai- đi với người chị đến tham dự, rất hào hứng trả lời khi được hỏi đến: “Con được mời nên con đến với Chúa cho vui…Con cầu Chúa ban cho mình khỏe mạnh…” Chị tin Chúa sao? “Dạ có tin! Vì con tin Chúa sẽ ban cho mình điều gì tốt đẹp, chứ Chúa không ban cho mình điều gì xấu hết!” Nhưng sau đó, sự cảm động và nước mắt của cô Anh chực trào khi đón nhận một cái ôm trao gửi yêu thương của một người Công Giáo dành cho cô.

Ông Long – cũng ngót nghét gần 70, sống ở khu vực Giáo xứ Bùi Chu-móm mém nói “Tui được mời đến …tui thấy dzui…và tui xin Chúa ban phước lành cho tui.”

Dù không thể tiếp cận hết, nhưng chắc cũng như hai vợ chồng Anh Út, chị Tuyết- quê Bình Thuận- và của biết bao nhiêu anh chị em lương dân hôm đóđã có thêm niềm vui trong cuộc sống,vì được đến tham dự đêm mừng Giáng Sinh, cho dẫu họ chưa biết Chúa, nhưng họ nhận được tình yêu, sự quan tâm, và niềm vui từ những người con của Chúa, những anh chị em Công Giáo thuộc giáo xứ Thanh Hóa này.

Nếu những anh chị em lương dân hôm ấy đều cảm nhận được một niềm vui ở nhiều góc độ khác nhau, thì phải chăng buổi gặp gỡ hôm ấy được xem như là một điểm khởi đầu cho hành trình đi tìm gặp Chúa của họ, điều hẳn chưa đã rõ trong ý thức.

Đây cũng là những điểm mà trong bài giảng Thánh Lễ,- trước buổi gặp gỡ- Đức Cha Giuse đã nhắc nhở cộng đoàn về hai ý tưởng: sống niềm vui có Chúa và sống yêu thương với những anh chị em lương dân.

Sống niềm vui có Chúa và chia sẻ niềm vui đó.Đức Cha Giuse đã chia sẻ và nhắc nhở anh chị em giáo dân hãy nhìn đến niềm vui của hai chị em họ Elizabet và Maria và cố gắng tìm, nhận ra và sống niềm vui có Chúa (x. Lc 1, 39-45). Đức Cha Giuse mong muốn những con cái của Chúa cần tìm gặp Chúa và để cuộc sống mình có Chúa, cũng như sống niềm vui có Chúa ở trong cuộc đời, trong hoàn cảnh sống, làm việc, trong gia đình của mình, để mọi người cảm nhận nơi chúng ta niềm vui có Chúa. Từ đó, đem chia sẻ niềm vui, sự an bình, thánh thiêng mà mọi người lãnh nhận được khi gặp được Chúa cho mọi người, cho những anh chị em chưa được biết Chúa.

Hãy sống tốt để anh chị em lương dân nhận ra căn tính Kitô hữu nơi mình. Nếu bà Elizabet đã nhìn thấy được nơi em họ của mình là Maria trong một căn tính mới: Mẹ Thiên Chúa, thì nơi mỗi người Ki tô hữu cũng cần phải sống tốt, sống yêu thương với anh chị em lương dân, sống công bằng trong việc làm…để mọi người nhận ra chúng ta là những môn đệ của Chúa Giê su, với tâm tư cua Chúa Giêsu ngay trong chính chúng ta.

Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, Đức Cha Giuse đã chúc lành cho anh chị em lương dân, để họ cũng được sống niềm vui, sự an bình của Chúa Giáng Sinh.

Và, một chút quà được gửi đến với anh chị em lương dân như là nghĩa cử của yêu thương và chia sẻ niềm vui Giáng Sinh này của Đức Cha Giuse, Cha Chánh- Phó xứ và cộng đoàn giáo dân Giáo xứ Thanh Hóa.

Buổi tối gặp gỡ khá đặc biệt với anh chị em lương dân của Đức Cha Giuse, của cha Chánh Xứ Giáo xứ Thanh Hóa, cũng như của tất cả mọi anh chị em trong giáo xứ đã để lại nhiều ý nghĩa, tình yêu thương và hy vọng, đặc biệt niềm vui Giáng Sinh trong lòng anh chị em lương dân.

Tin và hình ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Đại Lễ Giáng Sinh Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm
Trần Văn Minh
15:45 24/12/2018
Melbourne, Hợp cùng Giáo Hội Hoàn Vũ, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, thuộc Tổng Giáo phận Melbourne đã cử hành đại lễ Giáng Sinh 2018 thật trọng thể.

Diễn nguyện Giáng Sinh

Lễ Giáng Sinh 18

Trong một ngày trời nóng mùa Hè Nam Bán Cầu, nhưng mọi người từ khắp nơi đã tề tựu đông đủ để cùng nhau dâng lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2018 trong niềm hân hoan mừng Đấng Cứu Thế nhập thể.

Đại lễ có hai phần chính: phần diễn nguyện Giáng Sinh và phần Đại Lễ Giáng Sinh. Phần diễn nguyện do các đoàn thể trong cộng đoàn, từ các em thiếu nhi, các thiếu niên giới trẻ và các ca đoàn trình diễn thật xuất sắc diễn lại hoạt cảnh từ thời cựu ước, sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội và thời kỳ lưu đầy và thời Chúa Cứu Thế Giáng Trần.

Các diễn viên diễn rất hay, lại được sự phụ giúp của phần kỹ thuật âm thanh, ánh sáng nổi tiếng của Bằng Uyên và gia đình, đã giúp cho buổi diễn nguyện rất hợp trong mọi thời kỳ, nhất là cảnh tuyết rơi làm tăng cảnh khó nghèo và bị người đời hắt hủi, không đón nhận để đón Chúa đến.

Đại lễ Giáng Sinh do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vính Sơn Liêm dâng lễ, sau khi rước tượng Chúa Hài Đồng nằm trong hang đá. Ca đoàn Babylon và Belem đã xuất sắc trong các bản thánh ca của đêm Giáng Sinh cực Thánh.

Cuối lễ, Linh mục quản nhiệm đã phát bằng tri ân quý vị cựu Ban mục vụ của cộng đoàn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015 – 2018. Đồng thời đón nhận lời tuyên hứa của Tân Ban mục vụ và các ủy viên của nhiệm kỳ 2019 – 2021. Trong niềm vui của cộng đoàn.

Nhân dịp một số con em của cộng đoàn đã đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp VCE năm 2018. Linh mục quản nhiệm cũng phát quà vinh danh các em và để các con em trong cộng đoàn, và cũng để khuyến khích các em khác noi gương để cố gắng học hành.

Kết thúc đại lễ là phần phát quà của Ông già Noel, mọi người trước khi chia tay đã chụp hình lưu niệm và hân hoan chúc mừng Giáng Sinh an bình cho nhau. Trời về khuya, những cơn nóng ban ngày được xua tan bởi những cơn gió mát khiến lòng người cũng vui hơn. Ai cũng tươi cười rạng rỡ từ các em bé cho đến các cụ già trong niềm vui Mừng Chúa Giáng Sinh 2018.
 
Thánh lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột - 2018
Vũ Đình Bình
21:25 24/12/2018
Thánh lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột - 2018

“Ngài đến xóa mọi bất công”

Lễ Giáng Sinh, đối với người Kitô hữu là ngày lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Người Con mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại như lời tiên tri Isaia: “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.” (Is 9, 5).

Lễ Giáng Sinh là ngày mọi người dành cho nhau sự cảm thông, sẻ chia chân thành; nhất là đối với anh chị em đang đau bệnh, nghèo khó hoặc những gia đình đang gặp những khó khăn thử thách. Lễ Giáng Sinh ngày nay đã trở thành ngày hội toàn cầu, mang một thông điệp hòa bình: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14).

Xem Hình

Vì thế, đêm 24.12.2018, đã có hàng vạn người tập trung về khuôn viên Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột, hòa chung niềm vui với các tín hữu Công Giáo nơi đây mừng Chúa Giáng Sinh.

Chương trình Canh thức Giáng sinh bắt đầu vào lúc 21 giờ, với chủ đề: “Ngài đến xóa mọi bất công”. Giờ canh thức khơi lại nơi mỗi người chúng ta niềm xác tín mãnh liệt vào mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng sinh làm người và để mỗi người chúng ta, bước theo lời mời gọi của Hội Đồng Giám mục Việt Nam trong năm 2018-2019: “Đồng Hành Với Các Gia Đình Gặp Khó Khăn”. Đó là những gia đình di dân, những cặp hôn nhân khác đạo, những gia đình bị đổ vỡ. Xin cho chúng ta biết mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa những khó khăn thử thách. Xin cho chúng ta biết đồng hành và nâng đỡ những cặp hôn nhân khác đạo, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm. Đối với những gia đình bị đổ vỡ, thay vì lên án và loại trừ, chúng ta biết cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Đối với những người đã ly dị và tái hôn, họ vẫn được Hội Thánh yêu thương và quan tâm chăm sóc với tình mẫu tử.

21 giờ 30, Cộng đoàn hiệp ý với Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận; Cha Giuse Trịnh Văn Hân - Cha sở Nhà thờ Chính tòa; Cha Vinh Sơn Phạm Hữu Mạnh – Cha phó, dâng Thánh lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, cầu nguyện cho thế giới an bình.

Khởi đầu Thánh lễ, Đức Giám Mục mời gọi Cộng đoàn hướng lòng về hang đá thờ lạy Ngôi Hai Con Thiên Chúa Làm Người. Ngài nói: “Đối với người Kitô hữu chúng ta, đêm nay có một ý nghĩa thật là đặc biệt: Chúng ta hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với con người qua việc Con Thiên Chúa bỏ trời cao nhập thể trở nên người như chúng ta. Nhờ việc Nhập Thể của Ngài con người tội lỗi tìm lại được địa vị làm con Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống thần linh.

Nhờ được trở nên con cái của Thiên Chúa, người Kitô hữu luôn nỗ lực sống theo gương Chúa Giê-su, tích cực thánh hóa bản thân và góp phần xây dựng xã hội con người càng ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho mỗi người Kitô hữu trong Giáo phận Ban Mê Thuột thân yêu, luôn biết can đảm sống niềm tin một cách mạnh mẽ, biết giới thiệu Chúa Giê-su đến cho mọi người, như các thiên thần đã loan báo Tin Mừng Giáng Sinh trong đêm Chúa xuống thế làm người”. (Mời nghe Bài dẫn lễ)

Sau bài Tin Mừng (Lc 2, 1-14), Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ về việc Chúa Giêsu sinh ra tại Belem trong hang lừa máng cỏ, âm thầm, nghèo khó, không có được một người thân cho ngụ nhờ, cũng không thể tìm được một chỗ nghỉ trong quán trọ. Dẫu cho trong hoàn cảnh không thuận tiện, người mẹ vẫn lo lắng chu đáo cho con mình trong điều kiện thật khiêm tốn: “Bà lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”.

Qua bối cảnh đó, Đức Cha Vinh Sơn nói về thói “Vô cảm”. “Thói vô cảm làm cho người ta cảm thấy hững hờ với hoàn cảnh của một người mẹ mang thai đang cần được giúp đỡ, một em bé cần được bảo vệ ngay từ lúc chào đời. Vô cảm cũng làm cho con người sống xã hội, trong gia đình, thiếu trách nhiệm đối với nhau, nhất là đối với những người khuyết tật, những người nghèo, những người thiếu điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người. Sống giữa một xã hội vô cảm như thế, nhiều khi con người cảm thấy mất phương hướng như người lầm lũi bước đi trong bóng tối”.

Ngài khẳng định: “Đức Giê-su Kitô chính là nguồn ánh sáng bừng lên chiếu soi cho những người đang mất phương hướng trong một xã hội vô cảm đó”.

Ngài nói: “Chúng ta đừng ngần ngại để cho ánh sáng của Chúa Giê-su Kitô chiếu soi trên chúng ta. Và chúng ta cũng đừng ngần ngại để Chúa dùng chúng ta như phương tiện mang ánh sáng của Ngài đến cho mọi người. Khi chúng ta can đảm sống theo lương tâm của mình, biết làm điều lành lánh xa điều ác, biết sống tôn trọng tha nhân, biết sống trong sự công bằng bác ái theo tinh thần mà Chúa Giê-su đã dạy, thì những hy sinh của anh chị em sẽ là ngọn lửa làm cho ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi trong thế gian này”. (Mời nghe Bài Giảng)

Trước khi ban phép lành trọng thể cuối lễ, Đức Cha Vinh Sơn thông báo cùng cộng đoàn 2 tin vui:

- Tại Cuộc họp Vòng VII Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh Vatican, ngày 19/12 tại Hà Nội, hai bên đã đồng ý nâng cấp quan hệ ngoại giao từ cấp Đại diện Toà Thánh không thường trú trở thành Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam.

- Chiều ngày 18/12, trong buổi tiếp tân mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh, Ban Tôn giáo Chính phủ chúc mừng Hội đồng Giám mục Việt Nam và đưa ra đề nghị hai bên làm việc trong tinh thần đối thoại và lắng nghe. Đó là sự cởi mở mang tính tích cực. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh ngày một tốt đẹp hơn.

Đức Giám Mục chúc tất cả mọi người đang hiện diện trong thánh lễ đêm nay, được tràn đầy sự bình an của Chúa Hài Đồng, được Chúa an ủi vì những hy sinh và những khổ đau mà anh chị em đã phải chịu vì con đường hòa bình mà chúng ta đã chọn. Xin Chúa cho chúng ta biết yêu mến cuộc sống và làm cho cuộc sống của mình và người thân càng ngày càng có ý nghĩa hơn. Qua anh chị em, tôi cũng xin gởi lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người thân của anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta”.

Lạy Chúa, chúng con vừa được vui mừng cử hành lễ Giáng Sinh, xin cho chúng con biết đem cả cuộc đời hiện tại để làm chứng cho Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an đích thực qua Đức Kitô - Ánh Sáng Cứu Độ trần gian, xin cho thông điệp hòa bình luôn hiện hữu trên chúng con:

“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,

và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14).
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mặt Trời trong niềm tin
LM. Daminh Nguyễn Ngọc Long
10:02 24/12/2018
Mặt Trời trong niềm tin

Mặt trời là hành tinh lớn trên bầu trời chiếu tỏa ánh sáng soi chiếu ban ngày như Thiên Chúa muốn khi tạo dựng nên trong công trình thiên nhiên đã tạo dựng nên cùng xác định như thế:

„14 Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm.15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Liền có như vậy.16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao.“ ( St 1,14-16).

Từ ngàn xưa con người không thể nhìn thẳng vào mặt trời, vì ánh sáng chiếu ra tỏa hơi nóng cùng làm chói đau mắt và có nguy cơ bị hỏng mắt, nhưng con người hằng rất ngạc nhiên thích thú về mặt trời cùng hằng muốn tìm hiểu khám phá cơ cấu mặt trời như thế nào.

Cũng xưa nay nhiều dân tộc tôn kính thờ mặt trời như Chúa tể Thần Thánh.

Mặt trời , như ý muốn của Đấng Tạo Hóa, có nhiệm vụ chiếu tỏa ánh sáng ban ngày cho vũ trụ. Ánh sáng từ mặt trời chiếu tỏa ra nóng như lửa cháy, nhưng mang đến hơi nồng ấm cùng sức sống cho vạn vật trên trái đất phát triển.

Mặt trời là một hành tinh ở cách xa mặt đất, trái đất xuay chung quanh mặt trời. Ánh sáng mặt trời chiếu tỏa cần thiết cho đời sống. Vì thế con người cảm nhận ra mình có họ hàng liên quan với mặt trời.

Thánh Phaolo tông đồ cho rằng những người tín hữu Chúa Giêsu Kito là con của ánh sáng mật trời.

Niềm tin tôn giáo huyền bí ngày xưa gợi cho con người cảm giác họ là con của thần thánh mặt trời. Trước hết con người gìa cũ phải chết, để họ có thể nhìn thấy Thần Mặt Trời. Giữa đêm khuya tối tăm nhà thần bí nhìn thấy mặt trời và cho rằng mình được ánh sáng thần linh soi chiếu.

Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô nhìn vào Chúa Giêsu nhận ra Ngài là mặt trời chính thực, như phúc âm thánh Luca viết tường thuật là câu trả lời cho sự tôn kính của người Hylạp với Thần mặt trời Helios.

Đấng cứu thế đang đến, với Thánh sử Luca là „ sol salutis - Mặt trời cứu độ chữa lành.“

Các Giáo phụ Hylạp diễn tả sự sinh ra của Chúa Giêsu trong bối cảnh trông mong chờ đợi sự cứu độ giải thoát, như niềm tin tôn giáo Thần Mặt Trời tin tưởng. Người Hylạp ca mừng sự sinh ra trong đêm tối của ánh sáng Thần Mặt trời Aion. : Người trinh nữa đã hạ sinh và ánh sáng phát tỏa bừng lên.!

Thánh Giáo Phụ Ephraem người Syria đã có suy tư trả lời về khát vọng này qua bài thánh ca: Thiên Chúa, ánh sáng của trời cao xuống trần gian như ánh mặt trời chiếu tỏa từ cung lòng người mẹ …Mặt trời chiến thắng chế ngự bóng tối mùa Đông, chế ngự thần dữ qủy satan. Mặt trời xuất hiện loan tin vui mừng chiến thắng Đấng đã sinh ra.

Ngày 25. tháng Mười Hai là ngày mừng mặt trời chuyển hướng. Với người tín hữu Chúa Kitô hình ảnh thời cổ xưa này nói lên, Chúa Giêsu Kitô, đấng là mặt Trời chính thực, đã thay đổi chuyển hướng số phận con người chúng ta thành sự chữa lành ơn cứu độ.

Chúa Giêsu Kito sinh ra, như mặt trời mọc đang lên, làm cho con đường bóng đen tội lỗi bị xóa tan. Phụng vụ ngày lễ Chúa giáng sinh luôn luôn mừng kính dưới hình ảnh ánh sáng mặt trời.

Về ngày sinh ra cùng năm sinh của Chúa Giêsu không có sử sách nào ghi lại. Chỉ biết trước khi đạo Công Giáo truyền sang đế quốc Roma, từ thời xa xưa ở nhiều nền văn hóa dân gian, ngày 25.12. là một ngày đặc biệt, là ngày bản lề chuyển tiếp sang mùa Đông với thời tiết gía lạnh cùng tối tăm. Theo văn hóa người Roma, họ kính thờ Thần Saturn, vị Thần mặt Trời không hề bị chiến thắng vào ngày này.

Những tín hữu Chúa Kitô từ năm 217 sau Chúa Giáng sinh, dưới thời Đức Giáo Hoàng Hippolytus, Giáo Hội Công Giáo thành Roma đã tìm cách lấy ngày này thay vì thờ thần mặt trời theo nghi lễ xã hội của dân ngoại Roma, làm ngày mừng sinh nhật Chúa Giesu sinh xuống làm người trên trần gian.

Hội Thánh Công Giáo muốn „rửa tội“ ngày 25.12. theo nghi lễ tôn giáo dân ngoại Roma, thành ngày lễ Chúa Giesu giáng sinh làm người, Đấng là Mặt Trời công chính thay cho Thần mặt trời không hề bị chiến thắng của dân Roma.

Tiến trình cố gắng này kéo dài cùng nhiều thử thách tưởng chừng như thất bại. Nhưng đến thế kỷ thứ 4. khi đạo Công Giáo được chính thức công nhận trong toàn đế quốc Roma dưới thời hoàng đế Constantino, cố gắng „rửa tội“ ngày thờ thần mặt trời theo nghi lễ ngoại đạo thành ngày theo nghi lễ đạo Công Giáo mới chính thức thành công được công nhận.

Và cho đến thế kỷ thứ 8. sau Chúa Giáng sinh, ngày 25.12. hằng năm là ngày lễ trọng mừng sinh nhật Chúa Giêsu trở thành ngày lễ chung cho Hội Thánh Công Giáo trên hoàn cầu.

Căn cứ theo Phúc âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu là ánh sáng chân thật đến trong trần gian (Ga 8,9), ̣ và theo sách Tiên tri Maleachi, Chúa Giêsu, Đấng Mặt Trời công chính (3,2).

Nên „rửa tội“ lấy ngày 25.12. theo ý nghĩa văn hóa của dân Roma ngày xưa cho trở thành ngày kính thờ Chúa Giêsu, Đấng là Mặt Trời đến trong trần gian là điều rất thuận tiện thích hợp cùng phải lẽ và chính đáng.

Mừng lễ Chúa giáng sinh

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Nhân Mùa Giáng Sinh, Đi Tìm Ý Nghĩa Tích Cực Của Chữ “Hòa ” 和 Trong Tôn Giáo
Nguyễn Đức Cung
21:37 24/12/2018
Nhân Mùa Giáng Sinh, Đi Tìm Ý Nghĩa Tích Cực Của Chữ “Hòa ” 和 Trong Tôn Giáo.

Trong sinh hoạt tư tưởng, người Ki-Tô giáo thường hay nhắc tới câu nói sau đây của một ngôn sứ trong Cựu Ước có lẽ là câu nói được truyền tụng nhất và ý nghĩa tích cực của hòa bình, một câu mà Liên Hiệp Quốc đã từng chọn làm câu châm ngôn trong năm hòa bình của thế giới cách đây mấy thập kỷ : “Người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn dáo mác nên liềm nên hái…”. Ý nghĩa câu nói thật là tích cực, tuy vậy thời gian qua chiến tranh từ đó đến nay vẫn cứ triền miên không dứt khi thì chỗ này, nay lại chỗ khác. Khi nói đến chữ “hòa” thì liên tưởng trước hết có lẽ phải nhắc lại hai chữ hòa bình nhất là chữ hòa như trong Khổng giáo có lời dạy ở sách Trung Dung về đạo tu, tề, trị, bình” tức tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

I.- CHỮ “HÒA” 和 QUA LĂNG KÍNH CỦA TRIẾT LÝ ĐÔNG PHƯƠNG.

Xuất phát từ chữ hòa mà có hòa bình, rồi hòa giải, hòa hợp nhưng trước hết phải nói rằng tinh thần hòa giải, hòa hợp hoặc yêu chuộng hòa bình là một đức tính thường có của người dân Việt Nam và của cả nhân loại. Vị ngôn sứ của Cựu Ước có câu nói bất hủ ở trên đã trở thành phương châm xử thế của nhân loại thì những câu vắn tắt như: “Dĩ hòa vi quý”, “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” tuy xuất phát từ tư tưởng Khổng Mạnh nhưng lâu dần biến thành máu thịt người VN ta.

Nói về hòa giải và hòa hợp trong phạm vi tâm linh, tôn giáo, các tôn giáo như Phật giáo, Công Giáo và các triết thuyết Á Đông cũng đã có đề cập tới không nhiều thì ít.

Hòa giải là giải quyết một việc gì theo phương cách hòa bình, hiểu một cách nôm na là như vậy. Nhưng chữ “Hòa” trong phạm trù triết lý Đông phương mang một ý nghĩa cao sâu hơn.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử có viết: “Bá-di, Thúc-tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hy.”子 曰 : 伯 夷 , 叔 齊 , 不 念 舊 悪 , 怨 是 用 希 . Cụ Phan Bội Châu trong cuốn Khổng Học Đăng đã giải thích câu này như sau: “ Ông Bá-Di, ông Thúc-Tề vẫn là bậc người rất thanh cao, mà lại đối đãi với người có một cách rất khoan thứ; hễ người ta ai có điều xấu cũ, nhưng khi đã qua rồi, hoặc người ta đã thay đổi được rồi thời mình cũng chỉ xem người ấy là người tốt mà không nghĩ đến điều xấu cũ của người ta nữa (bất niệm cựu ác). Vì vậy mà ít ai oán giận đến mình (oán thị dụng hy). (Luận Ngữ, Thiên V, Công Dã Tràng, câu 22; Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Nhà xb. Khai Trí, Sài Gòn, 1973, trang 114)

Về chuyện Bá Di và Thúc Tề, học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn sách nghiên cứu và dịch Luận Ngữ ghi lại : “ Tử viết: “Bá Di, Thúc tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hi.” Dịch: “Khổng tử nói: “Bá Di và Thúc Tề không nhớ điều xấu cũ của người, nên ít oán ai.” “Bá Di và Thúc Tề đều là con vua Cô Trúc, không chịu nhận ngôi vua, bỏ đi ở ẩn; sau giúp vua Văn vương là người có đức. Nhưng khi Võ vương (con Văn vương) đem quân đánh Trụ nhà Thương, hai ông can không được, vào ẩn trong núi Thú dương, chịu chết đói. Coi truyện trong bộ Sử kí của Tư Mã Thiên.“Oán thị dụng hi” có người hiểu là: ít người oán hai ông ấy. Nhưng bài VII.14 Khổng tử có nói: “… … cầu nhân đắc nhân, hựu hà oán?” (hai ông ấy) cầu nhân thì được nhân, còn oán cái gì?” Vì vậy mà chúng tôi dịch là “nên ít oán ai”, chứ không dịch là ít bị người ta oán. (Nguyễn Hiến Lê, Luận Ngữ, Nhà xb. Văn Học, 1995, trang 98).

Lối dịch của Nguyễn Hiến Lê đánh động vào tâm thức tích cực của con người, chủ động cái tình cảm của mình nên có lẽ đúng hơn lối dịch thiên về phần tiêu cực của cụ Phan Bội Châu. Nhưng dù lối dịch nào chăng nữa thì câu văn của Luận Ngữ cũng hàm ý xây dựng tinh thần yêu thương, ý thức hòa giải trong con người nói riêng và trong xã hội nói chung. Việt Nam sau cuộc chiến 1954-1975 đến nay đã hơn 40 năm nhưng còn lại biết bao đau thương, biết bao “cựu ác”, bao hận thù vẫn còn chia rẽ lòng người, cần phải gạt qua một bên, nhưng gạt bằng cách nào?

Xét về chữ Hòa trong hòa giải hay hòa hợp thì thấy có ba lối viết. Có chữ Hòa 禾 có nghĩa là lúa chưa cắt rơm rạ đi; 和 hòa, cùng ăn nhịp với nhau và 龢 hòa : điều hòa, hợp cùng nghĩa với chữ 和 . Tìm hiểu về ngữ nguyên (etymology), chữ Hòa 和 gồm một bên chữ Hòa là lúa và một bên chữ Khẩu là cái miệng. Thóc lúa dùng để nuôi cái miệng thì tấm thân sẽ nhàn tản, cuộc sống hòa bình (chữ dùng hội ý). Còn chữ hòa 龢 một bên chữ Dược 龠 là một thứ như cái sáo có ba lỗ, cũng đọc là Thược là đồ để đong, đựng được 1200 hạt thóc. Theo Linh mục Tiến sĩ Léon Wieger, (S.J.) trong cuốn Chinese Characters, hai chữ Hòa 和 và 龢 cùng có một nghĩa là điều hòa (Harmony, Union) (bản in lần thứ hai, theo bản tiếng Pháp, Dover Publications, Inc., New York, không đề năm in, trang 283). Chữ Dược 龠 là ống sáo tượng trưng cho âm nhạc hay âm thanh nằm bên chữ Hòa 禾 là lúa trên một cánh đồng xanh vàng óng ả, cũng là chữ hội ý.

Trong tác phẩm Đại cương Triết học sử Trung quốc, Tiến Sĩ Phùng Hữu-Lan (Fung Yu-Lan), Giáo sư Đại học Thanh-Hoa ở Bắc Kinh, một triết gia lừng danh trong những thập niên 40 của thế kỷ XX, có nêu sách Trung dung khi sách này viết rằng: “Mừng, giận, buồn, vui chưa bộc lộ ra, gọi là trung. Bộc lộ ra mà trúng tiết, gọi là hòa. Trung là gốc lớn của thiên hạ. Hòa là đường chính của thiên hạ. Trung hòa rất mực thì Trời Đất được yên, muôn vật được nuôi.”(Ch. 1.) Tiến sĩ Phùng Hữu Lan viết tiếp : “Khi tình cảm được bộc lộ ra, mà đều trúng tiết, cũng gọi là trung, vì “hòa”là do trung, và “trung” dùng để hòa những cái khác có thể không hòa. Những điều đã được nói về tình cảm, thì cũng có thể áp dụng đối với những ước muốn. Trong cách cư xử cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội, có những điểm đánh dấu mức đúng cho sự thỏa lòng ước muốn và sự bộc lộ tình cảm. Một người, nếu mọi ước muốn được thỏa và mọi tình cảm được bộc lộ, mà ở vào mực trung, thì người ấy đạt tới cái hòa bên trong nó làm cho tinh thần mạnh khỏe. Cũng vậy, khi các ước muốn và tình cảm của mọi hạng người trong xã hội đều được thỏa, và được bộc lộ ra, ở vào mực trung, thì xã hội cũng đạt tới cái hòa bên trong nó dẫn đến thái bình trật tự. (Phùng Hữu Lan, Đại cương Triết học sử Trung quốc, TS Nguyễn Văn Dương dịch, Nhà xb. Thanh Niên, Sài Gòn 1998, trang 180.). Ở một đoạn dưới, Tiến Sĩ Phùng Hữu Lan viết tiếp: “Hòa thì bao hàm dị: hợp mọi cái dị để thành hòa… Đồng nghĩa là đồng nhất, đối lập với dị. “Hòa” nghĩa là: điều hòa, bao hàm dị, hợp mọi cái dị để thành hòa. Tuy nhiên, để thành hòa, thì mọi cái dị phải có phân lượng nhất định, ấy là “trung”. Vậy tác dụng của trung là để thành hòa. Một xã hội khéo tổ chức là một cái “hòa” trong đó những người tài giỏi và làm nhiều nghề khác nhau có một địa vị thích hợp, giữ những chức vụ xứng đáng, ai cũng được thỏa mãn như nhau, không có xung đột gì. Một thế giới lý tưởng cũng là một cái “hòa”. Sách Trung dung nói: “Muôn vật sống với nhau mà không cùng hại. Mọi đạo lưu hành với nhau mà không cùng trái… Ấy là điềm làm cho Trời Đất lớn vậy.”(Ch. 30) Một cái hòa như vậy, không chỉ bao hàm xã hội con người, nên còn là Thái hòa. Trong lời thoán quẻ càn, ta thấy chép: “Lớn thay cái đức đầu của càn…Giữ hợp được Thái hòa. Mới hay tốt và chính bền.” (Phùng Hữu Lan, Sách đã dẫn, trang 181).

2.- TINH THẦN TÔN GIÁO VÀ Ý THỨC HOÀ GIẢI.

Trong một xã hội mà tinh thần Tam giáo Nho, Phật, Lão thường hay đan xen vào nhau như ở Việt Nam, người ta thấy nhiều câu nói phản ánh tinh thần tha thứ, thương yêu thí dụ “Oán thù nên cởi, không nên buộc” hay “Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng; lấy ân báo oán, oán oán tiêu tan”.

Sách Nho có câu: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa” tức thời thế thuận không bằng địa thế lợi; địa thế lợi không bằng nhân tâm hòa. Xem thế thì đủ biết: yếu tố hòa là quan trọng hơn hết trong mọi việc, mọi tổ chức. Gia đình hòa thì gia đình có hạnh phúc; nước nhà hòa thì nước nhà được thạnh trị; nhơn loại hòa thì thế giới an lạc (Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Quyển Nhứt, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, trang 346.)

Giáo lý Lục-hòa 六 和 của nhà Phật còn gọi là Lục Úy Lao Pháp 六 慰 勞 法 Lục Khả Hỷ Pháp 六 可 喜 法, Lục Hòa Kính 六 和 敬 (Thích Nguyên Tâm, Từ Điển Phật Học Tinh Tuyển, Nhà xuất bản Phương Đông, TPHCM, 2013, trang 767) vốn là sáu phương pháp cư xử với nhau trong phạm vi một cộng đồng dân tộc để làm sao cho có sự hòa hợp từ vật chất đến tinh thần. Sáu phương pháp đó thứ nhất là “Thân hòa đồng trú” (nếu là đồng bào cùng chung sống trong một quốc gia xã hội, thì phải lấy sự đoàn kết làm đầu, không được gây cảnh nồi da xáo thịt, chia năm xẻ bảy, làm thành giặc chòm, giặc xóm; sát phạt nhau, chém giết nhau. Thứ hai là Khẩu hòa vô tránh (miệng hòa hợp không tranh cãi nhau) tức trong xã hội, cũng vì một lời nói không hòa mà nhiều khi quốc gia phải lâm nạn chiến tranh, nhân loại bị đẩy vào lò sát sinh thảm khốc. Thứ ba là Ý hòa đồng duyệt tức Ý hòa cùng vui tức là nếu ý tưởng hiền hòa, vui vẻ thì thân và lời nói dễ giữ được hòa khí. Trái lại nếu ý tứ bất hòa, thường trái ngược nhau, ganh ghét nhau, thì thân và khẩu khó mà giữ được cho hoàn hảo. Thứ bốn là Giới hòa đồng tu nghĩa là giới hòa cùng tu, điều này không chỉ ứng dụng trong giới tu hành Phật giáo nhưng cho bất cứ một đoàn thể, hiệp hội, tổ chức nào vì đã cùng đứng trong một tập thể thì phải giữ kỷ luật chung, điều lệ chung, ngay cả chính trong một đất nước thì kỷ luật chung đó là tinh thần yêu nước, quyền lợi và luật pháp của đất nước; giới đây là đồng bào, công dân một quốc gia. Thứ năm là Kiến hòa đồng giải tức là thấy biết giải bày cho nhau hiểu; điều này muốn nói trong sự sống chung, mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điểm gì, phải giải bày, chỉ bảo cho người khác hiểu để khai thông sự thông cảm với tha nhân, tránh lòng ích kỷ cá nhân. Thứ sáu là Lợi hòa đồng quân tức lợi hòa cùng chia cân nhau, điều này muốn nói rằng trong xã hội sở dĩ có sự xung đột dữ dội, phân chia giai cấp cũng do vì thiếu sự “Lợi hòa đồng quân” cả. Người giàu thì giàu quá, kẻ nghèo thì nghèo xơ, kẻ dinh thự nguy nga ruộng đất cò bay thẳng cánh, có kẻ không có một chòi tranh vách đất. Do đó không thể có hòa bình được: người vô sản xung đột với kẻ hữu sản, nước nghèo đói sanh sự với nước phú cường. (HT Thích Thiện Hoa, sách đã dẫn, trang 347-353).

Trong cuốn Đạo Bụt nguyên chất, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nêu câu kệ “Diệt nhuế hỏa hoại tán tham 滅 枘 火 壞 散 貪 và giải thích: “Phải biết dập tắt ngọn lửa của sự giận hờn, phải biết cách làm tan vỡ khối tham vọng trong lòng mình. Diệt nhuế hỏa là làm hư đi, làm tan nát đi, dập tắt ngọn lửa hận thù. Đó là một hiệu lệnh.” (Nhà xb. Phương Đông, 2011, trang 362).

Nói về vấn đề hòa giải giữa con người với nhau thì trong Cựu Ước, trong Do Thái giáo và nhất là trong Tân Ước đã có rất nhiều đoạn Thánh Kinh đề cập việc tha thứ, tha nợ, giải quyết những lấn cấn, vướng mắc thuộc nhiều lãnh vực giữa cá nhân với cá nhân, giữa tập thể với tập thể.

Trong sách Đệ Nhị Luật, Chương 15, câu 1-3 có viết: “Bảy năm một lần, anh (em) hãy tha nợ. Đây là cách thức tha nợ: mỗi chủ nợ sẽ tha món nợ đã cho người đồng loại vay mượn, không thúc người đồng loại và người anh em trả nợ, vì người ta đã công bố việc tha nợ để kính ĐỨC CHÚA. Người nước ngoài, anh (em) có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh (em) mà ở trong nhà người anh em của anh (em) thì phải tha không đòi.” (Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nhà xb. TPHCM, 1999, trang 221).

Trong cuốn sách Kinh Lạy Cha, các tác giả Nguyễn Đăng Trúc và Lê Phú Hải đã giải thích đoạn văn sách Đệ Nhị Luật trên như sau: “Theo trường hợp này tha nợ mang nghĩa chối từ dùng khả năng áp bức hay lấy luật đè lên kẻ mang nợ. Tha nợ tức là tha thứ, giải thoát kẻ có nợ khỏi áp bức và tha hết món nợ hay những đòi buộc đối với mình.” (Nguyễn Đăng Trúc, Lê Phú Hải, Định Hướng Tùng Thư, Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ xb. 1997, trang 222).

Trong sách Huấn ca, Chương 28, câu 1-4 có viết : “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi của nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình.” (Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, sách đã dẫn, trang 916).

Trong Do Thái Giáo, ý nghĩa tha thứ tức khái niệm hòa giải trong chính trị cũng được các vị Rabbi giải thích, thí dụ Rabbi Eléazar ben Azaria giải nghĩa sách Lê-vi 16, 30: “… đối với những lỗi lầm giữa loài người với nhau, ngày lễ ‘thục tội’ (Kippurim) không thể đền tội được nếu như ta không làm hòa với người khác” (Jean Bonsirven, Textes Rabbiniques, Dẫn lại theo Nguyễn Đăng Trúc và Lê Phú Hải, Sđd, trang 223).

Rabbi Yosê cũng có nói: “Nếu người không khoan dung đến người anh em, Thiên Chúa cũng không nhân từ với người” (Pesiqta, Rabbati 38, 164b.)

Rabbi Râbâ còn nhấn mạnh: “Với những ai bỏ qua những điều lỗi lầm của người khác làm cho họ, Thiên Chúa sẽ bỏ qua mọi xúc phạm đến Người vì Người nói: Người tha thứ tội phạm và bỏ qua sự xúc phạm. Người tha thứ tội phạm cho ai? Cho những ai biết bỏ qua điều xúc phạm đến mình.” (Nguyễn Đăng Trúc, Lê Phú Haỉ, Sđd, trang 224).

Nói đến vấn đề hòa giải, đối với người Công Giáo có lẽ Kinh Lạy Cha (Pater noster, Le “Notre Père”) vốn là kinh do Đức Kitô dạy các Tông Đồ, đã để lại nhiều dấu ấn nhất đối với việc xin tha thứ và thứ tha. Có hai bản văn về Kinh Lạy Cha, một của Thánh sử Luca và một của Thánh sử Mát-thêu. Bản của Luca có 5 lời câu xin, và bản của Mát-thêu có 7 lời cầu xin, giọng văn của Mát-thêu trung thực hơn vì có vẻ Do Thái hơn (Tiến-Sĩ Trần Thái Đỉnh, Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Cơ sở Văn hóa hy vọng, tái bản lần thứ nhất, 2001, trang 175).

Trong bản của Mát-thêu có câu :“… Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” Tiến sĩ Trần Thái Đỉnh viết: “Nơi lời cầu xin này, chúng ta đặt cho mình một điều kiện: Chúng ta xin Chúa tha nợ cho chúng ta như chúng ta cũng tha kẻ có nợ chúng ta. Đây là trường hợp duy nhất trong bảy lời cầu xin có điều kiện. Mà Chúa Giêsu đã đặt điều kiện này vào lời xin tha thứ, vì Ngài biết tha thứ là một việc đôi khi không dễ dàng chút nào. Chúng ta còn nhớ lời Ngài dạy: nếu đứng trước bàn thờ để dâng lễ vật mà ta sực nhớ có chuyện bất bình với anh em, thì phải để của lễ ở đó trước bàn thờ, đi làm hòa với nhau đã, rồi sẽ trở lại dâng lễ vật cho Chúa. Còn ở đây, sau khi đã đặt điều kiện như thế trong lời cầu nguyện, Chúa lại còn trở lại một lần nữa, liền sau kinh Lạy Cha, để nói thêm cho ta biết Thiên Chúa tuyệt đối buộc ta phải tha thứ cho nhau, thì mới đáng Ngài tha thứ cho ta. Ngài nói: “Đúng thế, nếu anh em tha thứ những lỗi phạm cho người ta, thì Cha anh em ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em; nhưng nếu anh em không tha cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha cho anh em các lỗi phạm của anh em” (Mt 6, 14-14).

Trong đoạn dưới, Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh viết tiếp: “Theo bản Mát-thêu mà chúng ta sử dụng đây, Chúa dùng từ “tha nợ”, để xin Chúa tha thứ cho chúng ta. Theo các học giả, từ “nợ” trong Luật Do-Thái có nghĩa chặt chẽ và pháp lý: con nợ có thể bị tù tội nếu không trả được nợ, như ta thấy nơi Mt 18, 23-25.” (Trần Thái Đỉnh, Sđd, trang 184).

Trong Tân Ước, “Bài giảng trên núi – Các phúc thật” hay là “Tám Phúc” mà người ta còn gọi là “Hiến Chương Nước Trời” có Điều thứ bảy “Hạnh phúc thay những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” xét ra rất quan trọng đối với những ai có những nỗ lực vận động hòa bình, thứ hòa bình đích thực và những con người đích thực có thiện chí muốn hòa bình chứ không phải thứ người muốn mượn tiếng hòa bình như Lê Đức Thọ để cướp nước, như Kissinger của Hoa Kỳ thời Nixon một thời mặt trơ trán bóng, mượn tiếng hòa bình để tự khoe, tự phụ về tài năng ngoại giao của y (đi đêm, nhượng bộ cách nhục nhã không chút liêm sỉ) để quẳng Miền Nam cho bọn chó sói Bắc Việt. Dĩ nhiên tha thứ là một việc mà quên là một việc khác!

Trong cuốn sách đã dẫn, Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh viết: “Phải có mưa thuận gió hòa, cây cối mới lớn lên và sinh nhiều hoa trái. Phải an cư thì mới lạc nghiệp, và con người mới có thể phát triển đầy đủ và cảm thấy hạnh phúc. Vì thế, hòa bình là điều kiện số một của cuộc sống hạnh phúc: hòa bình với Thiên Chúa, không mắc lỗi với Ngài và được Ngài yêu thương; hòa bình với bản thân, không bị lương tâm cắn rứt; hòa bình với mọi người, sống hòa thuận và an vui với nhau.

Chúa Giêsu được Thánh Phaolô ca tụng là “Đức Chúa của hòa bình” (2Tx 3, 16), vì Chúa luôn chúc và ban hòa bình cho nhân loại. Vừa sinh ra còn nằm trong máng cỏ, Ngài đã sai các thiên thần chúc bình an cho chúng ta: “Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho những người Chúa thương.” (Lc 2, 14). Trong suốt cuộc đời, sự hiện diện của Ngài luôn tỏ ra sự bình an và lòng thương xót. Rồi trong giờ phút thầy trò sắp chia tay, các môn đệ âu lo và sợ hãi trước cái chết vô cùng đau đớn của Ngài, Chúa Giêsu đã nói với các ông lời an ủi của con Thiên Chúa…

Bây giờ nhìn vào phúc thật này, xin hỏi ai là người được Chúa công bố là hạnh phúc? Bản Latinh “Phổ thông”(Vulgata) dịch là “pacifici”, nghĩa là những người hiền hòa (các bản Lebreton và Prat vẫn dịch là “pacifiques”. Nhưng các nhà chuyên môn cho rằng dịch như thế không đúng. Cho nên Prat đã đề nghị dịch là “pacificatores” nghĩa là người “làm nên hòa bình”. Nhưng dịch như vậy là quá đáng, vì từ này chỉ áp dụng cho các nhà”bình trị thiên hạ” như các hoàng đế La Mã đã làm nên Pax Romana (Hòa bình La Mã), và như Chúa Giêsu đã làm nên Pax Christi (Hòa bình Chúa Kitô, hòa bình giữa Thiên Chúa và loài người).

Nay các nhà chú giải và các bản dịch Thánh kinh đều ghi là “Hạnh phúc thay những ai xây dựng hòa bình”. Như vậy cha ông chúng ta (giáo dân Việt Nam) đã dịch rất đúng: “Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật.” “Xây dựng hòa bình là một công việc rất quan trọng của lòng thương xót: đó là giúp mang lại hòa thuận cho những cặp vợ chồng bất hòa với nhau, cho những người bạn thân đang giận nhau… Giao hòa những người đang bất hòa, giúp các cặp vợ chồng và các bạn hữu sống hòa thuận với nhau là một công việc rất tế nhị, nhưng cũng rất đáng Chúa thưởng công.” (Trần Thái Đỉnh, Sđd, trang 59-60).

Jules Lebreton thuộc Dòng Tên, tác giả cuốn sách La vie et l’enseignement de Jésus Christ, Notre Seigneur, do Beauchesne Paris xb. 1931 và Ferdinand Prat cũng thuộc Dòng Tên tác giả cuốn Jésus Christ, sa vie, sa doctrine, son oeuvre, cũng do Beachesne Paris xb. 1933 vốn là hai tác giả được TS Trần Thái Đỉnh tham khảo nhiều để viết cuốn sách của ông.

Có lẽ mang tâm thức của một nhà trí thức Công Giáo chuyên ngành giáo dục, nghiên cứu triết học cho nên Tiến Sĩ Trần Thái Đỉnh đã không nhắc đến nhiệm vụ hòa giải, xây dựng hòa hợp dân tộc, một quan điểm rất thời thượng của bất cứ một quốc gia nào sau chiến tranh. Dĩ nhiên đây cũng là một vấn đề phức tạp phải được biện giải trong nhiều khía cạnh.

Trong đạo Công Giáo, Bí tích Giải tội (Confession) cũng gọi là Bí tích Hòa Giải vốn là một trong bảy phép bí tích cần thiết mà người Công Giáo phải tuân giữ.

Trong các cuộc biểu tình tuần hành của Giáo dân Tổng Giáo Phận Hà Nội tám năm trước đây để đòi lại đất Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội, Kinh Hòa bình của Thánh Phanxicô được giáo dân hát trong khi cầu nguyện trước và trong khuôn viên vùng đất thánh thiêng này:

Lạy Chúa xin làm con thành khí cụ bình an của Chúa,

nơi oán thù con gieo yêu thương,

nơi xúc phạm con gieo tha thứ,

nơi tranh chấp con gieo an hòa,

nơi nghi ngờ con gieo niềm tin,

nơi sai lầm con gieo sự thật,

nơi thất vọng con gieo hy vọng,

nơi buồn sầu con gieo niềm vui,

nơi tối tăm con gieo ánh sáng.

Ôi Thầy Thần Linh, xin dạy con

tìm an ủi người hơn được người ủi an

tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,

tìm yêu mến người hơn được người mến yêu,

tìm chính khi hiến dâng là khi được nhận lãnh,

chính khi thứ tha là khi được tha thứ,

và chính khi chết đi là khi sống muôn đời.

(Leonardo Boff, Kinh cầu của Thánh Phanxicô, sứ điệp hòa bình cho thế giới ngày nay, Nguyễn Dy Loan chuyển ngữ, Định Hướng Tùng Thư xb. 2014).

Nhớ lại câu chuyện mười năm về trước, trên đường đi về tòa án Hà Đông để tham dự buổi chính quyền Cộng Sản xử tám người giáo dân trong vụ Giáo xứ Thái-Hà (2009), có đến trên hai mươi nghìn giáo dân xuống đường tay cầm nhành thiên tuế (biểu tượng chiến thắng và tử đạo) hiên ngang trẩy đi như trẩy hội kéo về bao quanh tòa án. Tôi cho đó là một trong những cuộc diễn tập dân chủ hoành tráng của nhân dân khiến cho nhà cầm quyển CS cũng phải điên đầu và suy nghĩ. Bài ca trên đây đã được nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc, rất được lưu truyền trong người Công Giáo Việt Nam ở trong nước cũng như hải ngoại. Cũng nhớ lại rất nhiều kỷ niệm khi chúng tôi, những chiến hữu quốc gia vướng trong vòng lao lý của chế độ CS, trong trại tù Nam Hà (1976-1988), tỉnh Hà Nam Ninh, trại Hà Tây v.v… chúng tôi đã hát bài này trong các giờ nguyện kinh của anh em Công Giáo chung với nhau, bài hát mang tinh thần hòa giải và yêu thương. Nelson Mandela, Cựu Tổng Thống của Nam Phi đã nói một câu để đời: “Khi tôi bước chân ra khỏi nhà tù mà vẫn còn oán hận những kẻ đã giam giữ tôi thì lúc đó tôi vẫn chưa ra khỏi nhà tù.” Thâm thúy thay câu nói của một người đã từng ở 37 năm trong nhà tù của người Anh tại Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc!

Tự trong thâm tâm, chúng ta cho rằng phải có niềm tin để tin vào tiền đồ của đất nước, bởi vì nếu thế nước ở vào vận cùng thì theo Dịch lý “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, và phải có niềm hãnh diện vì “ai làm cho người hòa thuận sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Nguyễn Đức Cung

Phildelphia, PA ngày 24-12-2018













 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúa Hài Đồng
Nguyễn Bá Khanh
10:20 24/12/2018
CHÚA HÀI ĐỒNG
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Ngôi Hai giáng thế xuống thăm cõi trần
Vang lên tiếng hát Thiên Thần
Bình An dưới thế thiện tâm loài người
Hài nhi gương mặt rạng ngời
(Trích thơ của Đỗ Hải Oanh)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúc Mừng Giáng Sinh
Nguyễn Đức Cung
21:40 24/12/2018
CHÚC MỪNG GIÁNG SINH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Nhân đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh,
Và bên thềm năm mới
Gia đình Trang ảnh Chiêm/Niệm/Thiền
Kính chúc quí độc giả:
Lễ Giáng Sinh
tràn đầy ân sủng của Chúa Hài Đồng
Năm mới 2019
An khang, vạn sự như ý.
Trân trọng
 
VietCatholic TV
Thánh lễ Đêm Giáng Sinh 2018 tại Bethlehem
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:19 24/12/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự Thánh lễ Đêm Giáng Sinh 2017 tại Bethlehem. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu chương trình, Thảo Ly xin lưu ý với quý vị và anh chị em, trong buổi phát hình tiếp theo chúng tôi sẽ có chương trình phóng sự về buổi đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho dân thành Rôma và trên toàn thế giới.

Ngay sau khi đọc thông điệp Giáng Sinh, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Xin quý vị và anh chị em hiệp ý với Đức Thánh Cha để đón nhận ơn toàn xá.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trở lại Bethlehem, đúng nửa đêm, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Giám Quản Tông Tòa của Tòa Thượng Phụ Jerusalem, cùng với các Giám Mục Phụ Tá của ngài đã cử hành thánh lễ tại đền thờ Giáng Sinh trên quảng trường Máng Cỏ.

Đây là nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Đây là nơi các tín hữu Kitô trên thế giới đều ước ao được một lần trong đời đón mừng Chúa Giáng Sinh tại chính nơi thánh thiêng này. Tuy nhiên, đến được nơi đây không phải là dễ vì phải vượt qua vô số các trạm kiểm soát của quân đội Do Thái. Đó là chưa kể bạo lực có thể bùng lên bất cứ lúc nào và trong những ngày đầy biến động này, nhiều người sợ mình bị kẹt giữa hai lằn đạn.

Trong bài giảng, sau khi giải thích ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh khi Ngôi Hai Thiên Chúa vốn dĩ là Thiên Chúa đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa nói:

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, một người Hồi giáo, cũng tham dự thánh lễ.
 
Tường thuật Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh tại Vatican 24/12/2018
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:36 24/12/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 9h30 tối 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ sáu ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ, ca đoàn cùng cộng đoàn hát bài “The First Noel - Noel đầu tiên” bằng tiếng Ý là “Nella notte”

Mùa Giáng Sinh đầu tiên, các thiên thần kể lại rằng

Là khi có một nhóm người chăn cừu nghèo trên cánh đồng

Nơi mà họ thường chăn dắt những chú cừu

Vào một đêm mùa đông lạnh giá

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Họ đã nhìn và thấy một ngôi sao

Rực chói cả bầu trời phương Đông xa kia

Và khi đó mặt đất bừng toả sáng

Thế là liên tục như vậy cả ngày và đêm

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Nhờ ánh sáng của ngôi sao ấy

Từ đất nước phương xa có ba người đàn ông đã đến

Vì mục đích tìm kiếm một vì vua

Thế là họ dõi theo ngôi sao ấy

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Ngôi sao kia di chuyển mãi gần đến hướngTây Bắc

đến vùng Bethlehem, nó dừng lại

Dừng và nghỉ hẳn tại nơi

Chính nơi đây, nơi Chúa Giêsu đã ra đời

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Và ba người đàn ông ấy bước đến

Họ cung kính quỳ xuống

Dâng lên vì vua của mình

Nào là vàng bạc, nhũ hương và mộc dược qúy giá

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Nào thì chúng ta cùng hợp tiếng

Ngợi ca Thiên Chúa

Đã làm cho Trời và Đất giao hoà

Với tất cả tình thương nhân loại

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một ca trưởng đang hát bài công bố Tin Mừng Giáng Sinh

Ngày thứ bảy trong tháng âm lịch. Nhiều thời đại đã qua kể từ khi Chúa tạo thành Trời Đất và hình thành nên con người theo hình ảnh của Người; nhiều thế kỷ đã trôi qua sau trận Đại Hồng Thủy, khi Đấng Chí Thánh đặt một cầu vồng trên trời như một dấu hiệu của giao ước và hòa bình;

Bao năm đã trôi qua sau cuộc di cư của Ápraham, là tổ phụ trong đức tin của chúng ta, từ miền Ur của người Chanđê, và hai mươi mốt thế kỷ sau đó là cuộc di cư của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, dưới sự hướng dẫn của Môise, mười ba thế kỷ sau khi Ða-vít được xức dầu phong vương, một ngàn năm sau đó; trong tuần lễ thứ sáu mươi lăm theo lời tiên tri Ða-ni-ên; vào năm thứ một trăm chín mươi bốn triều Olympiad; sau khi thành Rôma được thành lập năm bảy trăm năm mươi hai, vào năm thứ 40 dưới thời cai trị của Caesar Octavian Augustus, khi toàn thế giới đang sống trong hòa bình: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Ông Giuse cùng với người phối ngẫu của mình, lên đường đến thành vua Đavít gọi là Bêlem (Lc 2: 4). Tối nay, chúng ta cũng đến Bêlem để khám phá mầu nhiệm Giáng Sinh.

Bêlem: danh từ này có nghĩa là nhà bánh. Trong “ngôi nhà” này, ngày hôm nay, Chúa muốn gặp gỡ cả nhân loại. Ngài biết rằng chúng ta cần lương thực để sống. Tuy nhiên, Ngài cũng biết rằng những loại dưỡng chất của thế giới này không làm thỏa mãn con tim. Trong Kinh thánh, tội lỗi nguyên thủy của loài người liên quan chính xác đến việc ăn uống: nguyên tổ của chúng ta đã “cầm lấy trái cây và ăn”, Sách Sáng thế (xem 3: 6) cho biết như thế. Họ đã cầm lấy và đã ăn. Nhân loại trở nên tham lam và mê ăn uống. Trong thời đại của chúng ta, đối với nhiều người, ý nghĩa cuộc sống hệ tại ở việc chiếm hữu một cách dư thừa vật chất. Dấu ấn của lòng tham vô độ được ghi đậm trong toàn bộ lịch sử loài người, ngay cả ngày hôm nay, khi thật nghịch lý thay, một thiểu số ăn uống xa xỉ trong khi quá nhiều người chẳng có lương thực cần thiết hàng ngày để sống còn.

Bêlem là bước ngoặt làm thay đổi tiến trình của lịch sử. Ở đó, Chúa, trong “nhà bánh”, được sinh ra trong máng cỏ. Như thể Người muốn nói: “Này là Thầy, là phần lương của các con”. Người không chiếm hữu, nhưng Người cho chúng ta ăn; Người không trao cho chúng ta một của ăn đơn thuần, nhưng là chính Người. Ở Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không lấy đi sự sống, nhưng trao ban sự sống. Đối với chúng ta, những người từ thuở chào đời đã quen với việc cầm lấy và ăn, Chúa Giêsu bắt đầu nói: “Hãy cầm lấy mà ăn. Này là mình Thầy” (Mt 26:26). Cơ thể nhỏ bé của Hài Nhi Bêlem nói với chúng ta một phương thức mới để sống cuộc sống của chúng ta: không phải bằng cách ăn uống ngấu nghiến và tích trữ, nhưng bằng cách chia sẻ và cho đi. Thiên Chúa làm cho mình ra nhỏ bé để Ngài có thể là lương thực của chúng ta. Khi sống nhờ vào Ngài, bánh của sự sống, chúng ta có thể được tái sinh trong tình yêu, và phá vỡ vòng xoáy của sự giành giật và tham lam. Từ “nhà bánh’, Chúa Giêsu đưa chúng ta trở về nhà, để chúng ta có thể trở thành gia đình của Thiên Chúa, thành anh chị em với người lân cận. Đứng trước máng cỏ, chúng ta hiểu rằng lương thực của cuộc sống không phải là của cải vật chất mà là tình yêu, không vơ vét nhưng bác ái, không phô trương nhưng đơn giản.

Chúa biết rằng chúng ta cần được nuôi dưỡng hàng ngày. Đó là lý do tại sao Người hiến thân cho chúng ta mỗi ngày trong cuộc đời: từ máng cỏ ở Bêlem đến Phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem. Hôm nay cũng vậy, trên bàn thờ, Ngài trở thành lương thực cho chúng ta; Ngài gõ cửa nhà chúng ta, để vào và cùng ăn với chúng ta (x. Kh 3:20). Vào ngày Giáng Sinh, chúng ta trên trái đất này đón nhận Chúa Giêsu, bánh từ trời xuống. Đó là một loại bánh không bao giờ hư nát, nhưng cho chúng ta ngay từ bây giờ được nếm hưởng trước cuộc sống vĩnh cửu.

Ở Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng sự sống của Thiên Chúa có thể đi vào trái tim của chúng ta và ngự ở đó. Nếu chúng ta chào đón món quà này, lịch sử sẽ thay đổi, bắt đầu với mỗi người chúng ta. Vì, một khi Chúa Giêsu ngự trong lòng chúng ta, trung tâm của cuộc sống không còn là bản ngã hung hăng và ích kỷ của tôi nữa, nhưng là Đấng được sinh ra và sống vì tình yêu. Tối nay, khi chúng ta nghe thấy lời hiệu triệu đi lên Bêlem, ngôi nhà bánh, chúng ta hãy tự hỏi: Lương thực của cuộc đời tôi là gì, đâu là điều tôi không thể không có? Đó có phải là Chúa không, hay là điều gì khác? Sau đó, khi chúng ta bước vào máng lừa, cảm nhận được nơi sự nghèo khó của Hài Nhi mới sinh một mùi hương mới của cuộc sống, mùi của sự đơn sơ, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có thực sự cần tất cả những của cải vật chất và những công thức phức tạp này để sống không? Tôi có thể sống mà không cần tất cả các thứ phụ gia không cần thiết này và sống một cuộc sống đơn giản hơn không? Ở Bêlem, bên cạnh nơi Chúa Giêsu nằm, chúng ta nhìn thấy những người đã thực hiện một cuộc hành trình để đến đây: Đó là Đức Maria, Thánh Giuse và các mục đồng. Chúa Giêsu là lương thực cho cuộc hành trình. Ngài không thích những bữa ăn dài, kéo dài hết giờ này sang giờ khác, nhưng thúc giục chúng ta sớm đứng dậy ra khỏi bàn ăn để phục vụ, để là lương thực cho người khác. Chúng ta hãy tự hỏi: Vào mùa Giáng Sinh này tôi có chia sẻ cơm bánh của tôi với những người chẳng có gì để ăn không?

Sau ý tưởng Bêhem, là “nhà bánh”, chúng ta hãy suy ngẫm về Bêlem như là thành của vua Đavít. Ở đó, chàng trai trẻ Đavít là một người chăn cừu, và trong tư cách đó đã được Chúa chọn làm người chăn dắt và lãnh đạo dân Ngài. Vào ngày Giáng Sinh, tại thành vua Đavít, chính những người chăn cừu đã chào đón Chúa Giêsu bước vào thế giới. Trong đêm đó, Tin mừng cho chúng ta biết, những mục đồng đầy nỗi sợ hãi (Lc 2: 9), nhưng thiên thần nói với họ rằng “Đừng sợ” (câu 10). Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe cụm từ này trong Tin mừng: “Đừng sợ”? Dường như Thiên Chúa liên tục lặp lại lời này khi Ngài tìm kiếm chúng ta. Bởi vì, ngay từ đầu, do tội lỗi của mình, chúng ta đã sợ hãi Chúa; sau khi phạm tội, ông Adong nói: “Tôi đã sợ nên tôi trốn tránh” (St 3:10). Bêlem là phương thuốc cho nỗi sợ hãi này, bởi vì bất kể bao nhiêu lần loài người nói “không”, Chúa vẫn không ngừng nói “có”. Ngài sẽ luôn là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Và e rằng sự hiện diện của Người gây ra kinh sợ, Ngài đã biến mình thành một đứa trẻ dịu dàng. Đừng sợ: những lời này không được nói cùng các vị thánh nhưng là với những người chăn cừu, những người đơn sơ, những người trong thời đó chắc chắn không nổi tiếng với những cách cư xử tinh tế và lòng đạo đức của họ. Con của vua Đavít được sinh ra giữa các mục đồng để nói với chúng ta rằng sẽ không bao giờ có ai một mình và bị bỏ rơi; chúng ta có một vị Mục Tử chinh phục mọi nỗi sợ hãi và yêu thương tất cả chúng ta, không trừ một ai.

Các mục đồng của Bêlem cũng cho chúng ta biết làm thế nào để ra đi gặp Chúa. Họ đã canh thức vào ban đêm: họ không ngủ vùi, nhưng làm những gì Chúa Giêsu thường yêu cầu tất cả chúng ta làm, cụ thể là tỉnh thức (x. Mt 25:13; Mc 13:35; Lc 21,36). Họ vẫn tỉnh táo và chăm chú trong bóng đêm; và khi đó ánh sáng của Thiên Chúa “chiếu rọi xung quanh họ” (Lc 2: 9). Đây cũng là trường hợp của chúng ta. Nếu cuộc sống của chúng ta được ghi dấu bằng sự chờ đợi, thì trong bối cảnh u ám của những nan đề, vẫn loé lên hy vọng vào Chúa, và lòng khao khát sự quang lâm của Người; và khi đó chúng ta sẽ nhận được cuộc sống của Người. Còn nếu như cuộc sống của chúng ta được đánh dấu bởi các mong muốn, trong đó tất cả những gì quan trọng đối với chúng ta chỉ là sức mạnh và khả năng của chúng ta; thì ánh sáng của Chúa bị cấm cản không đến được với con tim chúng ta. Chúa thích được chờ đợi, và chúng ta không thể chờ đợi Ngài bằng cách nằm dài trên băng ghế, ngủ vùi. Vì vậy, các mục đồng lập tức lên đường: chúng ta được cho biết rằng họ đã vội vã ra đi (câu 16). Họ không chỉ đứng đó như những người nghĩ rằng họ đã đến rồi và không cần phải làm gì thêm. Thay vào đó họ lên đường; họ bỏ lại bầy chiên không ai bảo vệ; họ mạo hiểm vì Chúa. Và sau khi nhìn thấy Chúa Giêsu, mặc dù họ không phải là những người đàn ông có thể dễ dàng tuôn ra những lời hay ý đẹp, họ ra đi để công bố sự chào đời của Hài Nhi mới sinh, vì thế “tất cả những người nghe thấy đều ngạc nhiên về những gì các mục đồng nói với họ” (câu 18).

Tỉnh thức, cất bước ra đi, mạo hiểm, kể lại vẻ đẹp: tất cả đều là những hành vi yêu mến. Vị Mục tử tốt lành, Đấng vào ngày Giáng Sinh đến để hiến mạng sống mình cho đàn chiên, sau này, vào lễ Phục sinh, đã hỏi Thánh Phêrô và, qua thánh nhân, Chúa hỏi tất cả chúng ta, câu hỏi cuối cùng này: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15). Tương lai của đàn chiên sẽ phụ thuộc vào cách câu hỏi đó được được trả lời. Tối nay chúng ta cũng được yêu cầu trả lời Chúa Giêsu với những lời: “Con yêu Chúa”. Câu trả lời được đưa ra bởi mỗi người là cần thiết cho cả đàn chiên.

“Nào chúng ta hãy sang Bêlem” (Lc 2:15). Với những lời này, các mục đồng đã lên đường. Lạy Chúa, chúng con cũng vậy, cũng muốn đi lên Bêlem. Cả ngày hôm nay, con đường cũng chông gai như thế: đỉnh cao của sự ích kỷ của chúng ta cần phải được vượt qua, và chúng ta không được lạc bước hoặc trượt vào tinh thần thế gian và chủ nghĩa tiêu thụ.

Lạy Chúa, con muốn đến Bêlem, vì có Chúa đang chờ đợi con ở đó. Con muốn nhận ra rằng Chúa, đang nằm trong máng cỏ, là lương thực đời con. Con cần hương thơm dịu dàng của tình yêu Chúa để đến lượt con, con có thể là chiếc bánh bẻ ra cho thế giới. Hãy đặt con trên vai của Chúa, vị Mục tử tốt lành; khi được Chúa yêu, con sẽ có thể yêu mến anh chị em của mình và chìa tay ra nắm lấy họ. Khi đó sẽ là ngày Giáng Sinh, khi con có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa Chúa biết tất cả mọi thứ; Chúa biết con yêu Chúa” (x. Ga 21,17)

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong phần lời nguyện giáo dân, bằng các ngôn ngữ Ý, Hoa, Anh, Ả rập, Pháp và tiếng Nga, cộng đoàn đã dâng lên Chúa những lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các nhà lãnh đạo trên thế giới, cho trẻ em, người nghèo và người già và đặc biệt cho các linh mục.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hợp tiếng với các thiên thần trong bài ca chúc tụng, ngợi khen Chúa vì sự trung tín của Người và xin Người ban cho chúng ta những ơn sủng và ơn cứu độ.

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

1. Bằng tiếng Hoa

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô.


Lạy Chúa, là Cha của Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, xin gìn giữ Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ trong đức tin, nhen nhóm lửa hy vọng trong lòng ngài và phủ lên ngài với lòng bác ái.

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

2. Bằng tiếng Anh

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các dân nước và các tổ chức quốc tế.


Lạy Chúa, là Cha của Hoàng tử Hòa bình, xin nâng đỡ họ trong sự phục vụ mọi dân tộc, nâng cao lòng khao khát những điều thiện thực sự và hướng dẫn họ xây dựng một thế giới công bằng hơn.

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

3. Bằng tiếng Ả rập

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả trẻ em.


Lạy Chúa, là Cha của Hài Nhi Bê-lem, xin giải thoát tất cả các trẻ em khỏi mọi hình thái bạo lực, xin truyền cho các em cảm hứng về niềm vui cuộc sống và đồng hành với sự tăng trưởng của chúng trong sự thánh thiện và khôn ngoan.

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

4. Bằng tiếng Pháp

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu


Lạy Chúa, là Cha của Linh mục Thượng tế đời đời, xin kêu gọi nhiều thanh niên đến với chức tư tế, nuôi dưỡng nơi các ngài lòng nhiệt thành Tin Mừng và truyền cảm hứng cho các ngài sẵn sàng trao ban cuộc sống mình cho anh chị em.

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

5. Bằng tiếng Nga

Chúng ta hãy cầu nguyện cho người nghèo và những ai đang phải đau khổ


Lạy Chúa, là Cha của “nguồn ánh sáng chiếu dọi vào bóng tối”, xin chiếu soi những người nghèo và những ai đang phải đau khổ bằng sự hiện diện của Người, xin mở ra cho họ một lần nữa cánh cửa của sự sống và lấp đầy họ với sự quan phòng của Người.

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa.

Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

Sau 5 ý nguyện trên, Đức Thánh Cha đã dâng lời nguyện sau thay mặt cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa:

Lạy Cha trung tín và quan phòng, xin đoái nhận những lời tán tụng, ngợi khen và cầu nguyện của chúng con để chúng con xứng đáng nhận được ơn cứu rỗi được tỏ ra cho chúng con trong Con Cha, Đấng hằng sống và hiển trị đến muôn đời.