Ngày 23-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ơn cứu độ xuống trên người biết làm việc thiện
Lm Jude Siciliano, OP
06:48 23/12/2010
THÁNH LỄ GIÁNG SINH - Lễ Nữa Đêm

Is 9:1-6; Tv 96; Tt 2:11-14; Lc 2:1-14

Việc các Thiên Thần báo tin cho các mục đồng là câu chuyện được kể hằng năm, các con trẻ ai cũng biết đến gần như thuộc lòng: “Đừng sợ.. ..” Sau khi các mục đồng bình tâm, các Thiên thần sẽ… anh chị em có thể nghe thấy những học sinh nhỏ tuổi nhất đọc dòng kế tiếp quen thuộc: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

Anh chị em có, để ý thấy câu vinh danh của các Thiên Thần có gì khác với câu trước đây không? Chú ta thường nói: “… bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Qua lời này, thường chúng ta nghĩ người chăn chiên là người “thiện tâm”. Và tin mừng Chúa Giáng sinh như món quà bình an cho người có “thiện tâm” mà thôi. Thế nên tin mừng cứu rổi chỉ dành cho những người tốt thôi sao.

Nhưng thời đó, không ai trong dân chúng nghỉ rằng kẻ chăn chiên là người “thiện tâm” cả. Người chăn chiên là người rày đây mai đó. Họ không phải là người ngoan đạo. Chổ họ ở hôm nay và ngày mai họ đi khỏi; nếu nơi đó có bị mất mác cái gì thì mọi người sẽ nghi là họ đã lấy.

Nếu chúng ta cho thiếu nhi diễn hoạt cảnh Chúa Giáng Sinh, hãy cẩn thận và xủ dụng bản dịch mới "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là câu văn dịch sát nghĩa nhất của phúc âm thánh Luca. Suốt phúc âm thánh Luca, người hèn mọn nhất là người nhận dược tin mừng. Kẻ chăn chiên là những người trần thế đầu tiên được sứ thần loan báo tin mừng. Họ đng thức canh giữ đàn gia súc, họ không phải là những người đang cầu nguyện hay đang đọc kinh thánh. Tuy nhiên, họ thấy mình được bao quanh bởi ánh sáng của Thiên Chúa. Và họ trông thấy ánh sáng vinh quang của Ngài chiếu toả chung quanh đó là dấu chỉ Chúa yêu thương. Trong phúc âm thánh Luca, những người bị ruồng bỏ là những người nhận được ơn cứu rỗi. Và họ đã lãnh nhận. Họ lãnh nhận ơn cứu rỗi một cách nhưng không.

Thiên Chúa là cội nguồn của sự tốt lành và thánh thiện, Ngài sẵn sàng ban mọi ơn lành cho chúng ta, như chúng ta đã cảm nhận được trong bài phúc âm đêm nay.

Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Isaia là một bản văn tuyệt tác. Những ngôn từ đáng yêu không che dấu được sự thống khổ xuất hiện đằng sau những dòng chử. Ngôn sứ đang kêu gọi dân chúng đang sống trong cảnh”…tù đày áp bức dưới ách nô lệ…” Đây là cách hành văn để làm nổi bật những đau đớn của một dân tộc bị áp bức.

Nhưng hoàn cảnh của dân tộc ấy đang thay đổi. Họ đã thấy “ một ánh sáng cao cả chiếu rọi”. Thiên Chúa đã hành động và ban cho họ "niềm vui tràn đầy lớn lao." Thật là vui khôn tả khi được Thiên Chúa giải cứu. Nếu Thiên Chúa giải cứu chúng ta hôm nay chúng ta phải tự hứa luôn ghi nhớ mãi mãi lòng từ bi của Ngài. Nếu chúng ta đang phải ở và “đi trong những nơi tối tăm”, chúng ta sẽ phấn khởi khi nhớ đến ơn cứu độ của Thiên Chúa trước kia.

Chúng ta đang vui mừng vì Thiên Chúa đã giải cứu một dân tộc trong quá khứ. Và vẫn đang tiếp tục giải thoát ngay trong đêm nay. Sự u ám tối tăm đã bị xé tan; một ánh sáng rạng ngời. Đó là một hài nhi được sinh ra; là dấu chỉ Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta và đang hoạt động giữa chúng ta. Chúng ta cần luôn nhớ mãi điều này; chúng ta chưa xứng đáng nhận được ơn tha thứ từ lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng đêm nay không phải chúng ta mừng vì Ngài đã thưởng cho chúng ta như người có “Thiện Tâm” nhưng thật sự chúng ta mừng vì Ngài đã trung tín với lòng nhân hậu như lời hứa của ngôn sứ Isaia; ban cho chúng ta một dấu chỉ là hài nhi Giêsu khiến sự tối tăm biến thành ánh sáng rạng ngời như lời thánh vịnh 96: “Hãy hát mừng Đức Chúa một bài ca mới."

Ngôn ngữ tôn giáo trong kinh thánh có thể trừu tượng. Những từ như "cứu rỗi", "cứu độ", "Vương quốc của Thiên Chúa." Từ “Ân Sũng” là một trong những từ khó giải thích một cách cụ thể được cho những người chưa có đức tin nhiều khi ngay cả những Kito hữu ngoan đạo cũng không giải thích nổi. Cựu Ước là những dữ liệu về ân sũng trong đó Thiên Chúa luôn cứu độ và tha thứ một cách nhưng không cho kẻ lưu đày, tội lỗi. Chưa hết, đêm nay Ngài cho chúng ta thấy hình ảnh của ân sũng ấy để chúng ta mừng rở hân hoan.

Thánh Phaolô xướng lên một cách ngắn gọn trong dòng mở đầu của bài đọc thứ hai của đêm nay khi ông nói, "ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện.. .." Nếu ân sũng khó giải thích được, thì Thiên Chúa đã điền một gương mặt con người vào ân sũng đó: Chính là Đức Giêsu Kitô. Và Thánh Phaolô viết thêm:”Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta” Vậy ảnh hưởng của sự xuất hiện ân sũng trong Chúa Giêsu là gì? Là những người bị tội lỗi đè nặng được “Thanh Luyện”. Kết quả là chúng ta trở thành dân riêng của Chúa; “một người mới hăng say làm việc thiện”. Chính sự thay đổi của chúng ta đã chứng tỏ “Ân sũng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP
 
Hãy tập gia đình nên thánh
Lm Jude Siciliano, OP
06:57 23/12/2010
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT (A)

Huấn ca 3:2-7,12-14; Tv 128; Côlôxê 3: 12-21; Matthêu 2: 13-15,19-23

Trong nhà thờ vẫn còn máng cỏ, cây thông lễ giáng sinh làm chúng ta nhớ tới bài hát “Đêm thánh vô cùng… đêm thinh lặng… đêm ánh sáng”. Nhưng bài phúc âm hôm nay lại không nói đến những khung cảnh êm lắng và đầy ánh sáng đó. Những gì Thánh Gia đang trải qua đó là sự sợ hãi, khủng hoảng và vội vàng trong việc trốn chạy.

Thánh Matthêu nhánh chóng đưa chúng ta đi từ một hang đá bình dị, đến chuyến viếng thăm của Ba Vua để rồi nói ngay đến tình trạng rối rắm hiện nay khi thánh Giuse đưa đức Maria và Chúa Hài Nhi chạy trốn sang Ai-Cập. Để tránh sự đe doạ đến tánh mạng của Hài nhi, Và đây cũng là viễn cảnh mà Hài Nhi này sẽ gánh lấy khi khôn lớn.

Chúng ta thử tưởng tượng những khó khăn mà Thánh Gia Thất gặp phải khi phải đi lánh nạn thoát khỏi bàn tay đe doạ của vua Herode: như phải sống ở xứ lạ quê người, không bà con thân thuộc đầy khó khăn và gian khổ. Ngày nay, những gia đình bị tình trạng nầy chi phối không hiếm; qua phát thanh, báo chí và truyền hình; nhiều gia đình chạy trốn chiến tranh, thiên tai, ức chế. Họ đi tìm kế sinh nhai nên phải trốn sang xứ người một cách bất hợp pháp. Ngày lễ hôm nay chúng ta có thể gọi là Lễ của những người tỵ nạn và người di cư. Vì Thiên Chúa đang ở giữa những gia đình bị ruồng bỏ, bị bắt buộc phải ly hương để tìm cuộc sống như Thánh Gia Thất xưa đã làm để được tồn tại.

Thánh Matthêu muốn viết rõ là chính Thiên Chúa đã dẫn đưa Thánh Gia Thất đi lánh nạn, như Chúa đã che chở và dẫn dắt dân Israelra khỏi ngục tù và áp bức. Chúng ta không nên ngạc nhiên vì toàn bộ câu chuyện Hài nhi Giêsu và Kinh Thánh là một chuổi liên tục những câu chuyện để diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa đối với những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội. Thánh Gia là hình ảnh kiểu mẫu mà Thiên Chúa muốn các gia đình noi theo; nhất là các gia đình đang gặp những bất trắc.

Thánh Giuse và Đức Marialà gương mẫu cho các gia đình: Cha mẹ cần biết chăm sóc, yêu thương và bảo vệ cho con trẻ và những người ốm đau trong gia đình.Con cái là những phần tử yếu đuối nhất trong gia đình. Nhưng ác hại thay, là có những gia đình thường đánh đập trẻ con. Trong xã hội chúng ta có nhiều trẻ em mang những vết thương về tâm lý do bị đánh đập ảnh hưởng đến tình cảm gia đình của mỗi em. Khái niệm về một "gia đình thánh thiện" là một mâu thuẫn cho nhiều người. Tôi ước sao chúng ta luôn thêm lời cầu nguyện cho họ qua Thánh Gia Thất xưa.

Hôm nay chúng ta không chỉ cầu nguyện và nghỉ đến những gia đình đang gặp khốn khó, mà chúng ta cũng phải nghỉ đến cả các gia đình “bình thường” họ cũng đang gặp nhiều khó khăn hằng ngày. Trong chúng ta, nhiều gia đình vẫn còn cha mẹ đi làm. Nhiều gia đình nghèo phải làm 2 việc. Các con trẻ được khuyến khích học thêm ngoài giờ. Nhiều gia đình không còn thì giờ để ngồi ăn chung với nhau. Vì thế nên lưu ý là khi giảng lễ hôm nay; chúng ta không nên vẽ một bức tranh không thực tế và bình dị của Thánh Gia Thất như một gương mẫu cho gia đình hiện nay. Hãy nhớ rằng, ngoại trừ một số phó tế đã kết hôn, các linh mục còn độc thân chưa có kinh nghiệm về cuộc sống gia đình trong xã hội ngày nay.

Trong cuộc sống hằng ngày hôm nay, các gia đình bị nhiều áp lực chi phối.Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Côlôxê về cách đối xử với nhau như thế nào trong gia đình: “Anh em là người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy biết thương cảm, có lòng nhân hậu, khiêm cung, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đưng và tha thứ cho nhau. Nếu trong anh em, ai có điều gì phiền muộn nhau, anh em hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em.

Khi đọc kinh thánh, nên chú trọng đến cách trình bày của thánh Matthêu về Chúa Giêsu là ai. Matthêu nhắc lại lịch sữ các nhà lãnh đạo của dân Israel, David và Mô-Sê... nhưng Matthêu không nhắc đến vua Herode nữa. Vì vua thật của dân Do-Thái đã sinh ra. Và ba nhà đạo sĩ đã đi tìm và gặp vua dân Do-Thái. Matthêu viết Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua David, và sinh ra ở Bê-Lem là quê hương của Vua David. Chúa Giêsu từ Israel sang Ai-Cập. Cũng như đứa trẻ Mô-Sê đã thoát được bàn tay của Pharaon Ai-Cập tìm giết. Các sự kiện trong cuộc sống của Chúa Giêsu không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đối với Matthêu ông chú trọng trình bày Chúa Giêsu như là "Đấng ứng nghiệm" những điều Cựu Ước công bố. Đức Giêsu là ai, và những gì đã xảy ra trong đời sống của Ngài thể hiện tốt lời các Ngôn Sứ nói về Ngài: Thiên Chúa đã không quên dân Ngài đã chọn, và vị vua cũa dân Chúa đã đến.

Cuối cùng, Vua dân Do Thái sau khi trải qua biết bao khốn khó, được về từ Ai-Cập lại không đến trong vinh quang của hoàng gia và được đặt trên ngai vàng, mà âm thầm về với gia đình đơn nghèo tại Nazareth, một ngôi làng bé nhỏ. Matthêu lại cho chúng ta thấy đức Giêsu đã ứng nghiệm lời kinh thánh "..Ngài được gọi là người Nazareth" Trong các dử kiện thánh Matthêu chú trọng đến việc: Thiên Chúa thông qua các Thiên Sứ đã bảo vệ và gìn giữ vua dân Israel.

Trong thời đầu tiên của giáo hội, các tín hữu hợp nhau trong gia đình để cầu nguyện và đó là truyền thống “giáo hội gia đình”. Các giám mục ở Mỹ gọi sách giáo lý là “Sách đem sự sáng”; trong đó, các gia đình công giáo được nhắc nhở: “Họ là cộng đồng cơ bản để nuôi dưỡng đức tin."

Sự thật và chắc chắn rằng Chúa Giêsu là người Do Thái và lớn lên trong một gia đình Do Thái. Phúc âm cho chúng ta thấy đây là một gia đình ngoan đạo luôn tuân giử lề luật của đạo. Lúc nhỏ, Chúa Giêsu học kinh thánh ở nhà và luôn tuân giử các nghi lễ tôn giáo. Và chắc là gia đình luôn cầu nguyện chung, rồi cùng nhau đi lên đền thờ. Người Do Thái đã sống đạo một cách trọn vẹn trong gia đình; nên mới có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ lưu lạc đoạ đày. Khi không thể lên đền thờ được, họ có thể vẫn cùng nhau thờ phụng sống đạo trong gia đình. Một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Do Thái là lễ Vượt Qua, họ vẫn được tổ chức tại nhà.

Chúng ta, những Kitô hữu, luôn nhấn mạnh đến việc dâng thánh lễ cộng đoàn nhất là trong ngày Chúa Nhật tại thánh đường giáo xứ. Chúng ta cũng được khuyến khích sống đức tin trong gia đình. Như mùa vọng năm nay, nhiều nhà treo vòng hoa mùa vọng, thánh giá, ảnh tượng, đèn và nước thánh v..v.. Những gì chúng ta thực hiện trong phụng vụ ngày Chúa Nhật tại nhà thờ thường là phát xuất từ gia đình. Như từ việc chia sẻ lời Chúa tại nhà, đọc kinh tối sáng hay kinh trước khi ăn. Đó là cách chúng ta học hỏi đức tin trong gia đình, điều này chứng tỏ chúng ta là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong phụng vụ ngày Chúa Nhật. Chúng ta là một gia đình được Thiên Chúa nuôi dưỡng qua lời Chúa, các bí tích đã được trao ban bởi nhiều người trong cộng đoàn.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP
 
Lễ Giáng Sinh (thánh lễ đêm)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:33 23/12/2010
LỄ GIÁNG SINH

(Lễ Đêm)

Tin mừng: Lc 2, 1-14.

“Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”.


Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa nghe thánh Lu-ca thuật lại cuộc giáng sinh của Chúa Giê-su, chúng ta hãy nhìn vào hang đá thì sẽ thấy được sự khó nghèo của Con Thiên Chúa giáng trần làm người: chỉ có một vài mục đồng đến viếng thăm, và một vài con lừa hà hơi sưởi ấm cho hài nhi Giê-su, tất cả chỉ có thế, nghèo nàn khổ cực hơn cả người cùng cực thế gian, nhưng đó chính là niềm vui của các tâm hồn thiện chí và đó là sự cứu độ của toàn thể nhân loại.

Đêm nay, chúng ta hân hoan long trọng mừng Đấng Cứu Độ của chúng ta là Chúa Giê-su đã giáng trần, đó là một tin vui trọng đại, tin vui cho muôn người, tin vui này được các thiên thần của Thiên Chúa loan báo cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”.

Đêm nay được gọi là “Đêm Thánh” vì Con Thiên Chúa là Đấng Thánh đã giáng trần cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi; đêm nay cũng được gọi là “Đêm Bình An”, vì chính sự giáng trần của Con Thiên Chúa là sự bình an cho mọi tâm hồn thiện chí biết xây dựng hòa bình cho anh em.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.


Lời ca khen hát mừng của các thiên thần trong ngày Chúa Giê-su giáng sinh vẫn còn đó, vang lên trong mọi tâm hồn của người tín hữu, và biến thành lời ca vang chúc bình an trên môi miệng của chúng ta với ước mong rằng, tất cả mọi người đều làm sáng danh Thiên Chúa và đem bình an cho tha nhân trong cuộc sống của mình.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.


Lời ca chúc mừng này biến chúng ta trở thành những mục đồng đi đến thăm viếng Chúa Giê-su khó nghèo nơi các trại mồ côi, an ủi những người bị tù ngục và những tâm hồn đau khổ vì bị bạc đãi trong xã hội này.

Đêm nay, ngoài đường vắng bóng người mặc áo quần lụa là, vì họ đang quây quần vui vẻ nâng ly rượu với bạn bè trong những nhà hàng sang trọng; nhưng đây đó dưới gầm cầu, bên góc xó hàng hiên của ngôi nhà to lớn bên đường, có những em bé Giê-su đang nằm co ro vì lạnh vì đói và không nhà để trở về vì không có hộ khẩu thường trú, vì căn nhà đã bị lũ lụt cuốn trôi mất rồi...

Anh chị em thân mến,

Chúa Giê-su đã giáng trần cách đây hơn hai ngàn năm, và hôm nay, mỗi ngày Ngài đều giáng sinh trong tâm hồn của chúng ta, để qua chúng ta, Ngài được an ủi nơi những người bất hạnh, như sứ điệp hòa bình mà các thiên thần đã loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Sứ điệp này đang ở trước mặt anh chị em, trong hang đá lộng lẫy ánh đèn nhấp nháy sáng lóe tia hy vọng, như mời gọi chúng ta hãy tỏa sáng lên tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người, bởi vì Con Thiên Chúa giáng trần không phải như ánh sao xẹt ngang bầu trời rồi tắt ngúm, nhưng là “ánh sao sáng vĩnh cửu” đầy hy vọng, soi sáng tâm hồn người thất vọng, chiếu sáng người đang ở trong bóng đêm tội lỗi để họ thấy đường và quay về với sự thiện vốn có của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Giáng Sinh (thánh lễ ban ngày)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:36 23/12/2010
LỄ GIÁNG SINH

(Lễ Ban Ngày)

Tin mừng: Ga 1, 1-18.


"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta".

Anh chị em thân mến,

Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta, đó là lời rao giảng đầy xác tín của thánh Gioan tông đồ mà chúng ta vừa nghe trong bài tin mừng hôm nay.

Ngôi Lời ấy chính là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng mà tối hôm qua chúng ta long trọng, hân hoan và phấn khởi mừng kỷ niệm ngày Ngài giáng trần và ở giữa chúng ta, nhưng với đức tin Ki-tô giáo, chúng ta đi xa hơn nữa để nhìn thấy và chiêm ngắm Đấng vì Yêu mà trở thành xác phàm như chúng ta.

1. Chiêm ngắm Ngôi Lời trong hang đá

Không ai thấy được Thiên Chúa cũng như không ai được đưa tay đụng chạm đến Ngài, nhưng nhờ Ngôi Lời mà chúng ta biết được Thiên Chúa Cha là Đấng đã yêu thương nhân loại là dường nào.

Hôm nay chúng ta chiêm ngắm em bé Giê-su nhỏ xíu đang nằm trong hang đá, em bé Giê-su tội nghiệp ấy chính là hình ảnh của Thiên Chúa Cha là Đấng vô hình, và là hình ảnh tuyệt đẹp của con người hữu hình. Trẻ Giê-su đang nằm đó, chúng ta nhìn và suy nghĩ đến hang đá Bê-lem xưa kia, trời lạnh cực điểm mà không có mảnh chiếu che thân, chúng ta tội nghiệp cho Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se là một gia đình nghèo đáng thương hại.

Đấng tạo dựng đất trời đang nằm trong hang đá đó chính là Đấng mà muôn dân trông đợi, Ngài đã đến nhưng người nhà không chấp nhận, xua đuổi Ngài ra nơi chuồng bò, và chỉ có những người vô danh tiểu tốt đến thờ lạy Ngài là vua vũ trụ...

2. Chiêm ngắm Ngôi Lời nơi Thánh Thể

Ngôi Lời là Thiên Chúa mà chúng ta đang ngắm nơi hang đá được trang hoàng lộng lẫy đẹp mắt ấy, chút xíu nữa đây trên bàn thờ, trong hình bánh rượu sẽ trở thành Bánh Thánh Máu Thánh nuôi sống linh hồn chúng ta.

Một Thiên Chúa làm người nằm trong hang đá Bê-lem cũng là Thiên Chúa đang ngự trên bàn thờ nơi bí tích Thánh Thể, đã trở thành tình yêu dâng hiến và chia sẻ: dâng hiến chức phận Thiên Chúa và chia sẻ thân phận làm người với nhân loại tội lỗi...

Chiêm ngắm Chúa Giê-su Thánh Thể để nhìn thấy được tình yêu không bến bờ mà Ngài đã dành cho chúng ta, trong suốt cuộc sống của Ngài ở trần gian và sau khi về trời, chính tình yêu ấy đã làm cho gia đình hòa thuận yêu thương, chính tình yêu ấy đã làm cho xã hội phát triển trong hòa bình, chính tình yêu ấy là mẫu gương đại đồng nhân loại sống hợp tác và tương trợ lẫn nhau...

Chúa Giê-su vẫn cứ khiêm tốn và nghèo mãi nơi hang đá Bê-lem cũng như nơi bí tích Thánh Thể, không có hang đá Bê-lem nghèo nàn thì cũng không có đồi Calvê trơ trọi thê lương, nhưng chính cái nghèo khó và thê lương ấy, đã trở nên nguồn sống cho những ai tin vào Ngài nơi bí tích Thánh Thể, đó chính là mầu nhiệm mà hôm nay chúng ta mừng kính: mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc...

3. Ngắm Chúa Giê-su nơi tha nhân

Mừng lễ Chúa Giê-su giáng sinh, là mừng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Con Một của Ngài là Chúa Giê-su, ngắm nhìn Hài Nhi trong hang đá chúng ta nhớ đến những em bé nghèo khó trên khắp thế giới sống trong cảnh khó nghèo; chúng ta cũng nhớ đến những người phải lìa xa quê hương ruột thịt để lánh nạn chiến tranh cường hào ác bá; chúng ta cũng suy nghĩ đến biết bao Giê-su đang bị bạc đãi trên khắp thế giới vì chính kiến, vì hận thù và vì đức tin...

Ngắm nhìn Chúa Giê-su nơi tha nhân là cốt lõi của tình yêu và giáo huấn của Ngài để lại cho nhân loại -qua Giáo Hội- bởi vì chúng ta không thể sống mầu nhiệm tình yêu bằng cách thờ ơ với tha nhân, và chúng ta cũng không thể trở nên một chứng nhân cho tình yêu, nếu tâm hồn chúng ta vắng bóng Chúa Giê-su Thánh Thể.

Anh chị em thân mến,

Lễ giáng sinh rồi cũng qua đi nhưng ơn cứu độ vẫn tồn tại cho đến tận thế; hang đá lộng lẫy rồi cũng được cất vào kho, nhưng những người nghèo khó bất hạnh vẫn còn đó, trước mắt chúng ta, đó là một thực tại không thể làm ngơ, là người Ki-tô hữu chúng ta phải làm gì để Chúa Giê-su tiếp tục mỗi ngày sinh ra trong tâm hồn những con người bất hạnh ấy, đó chính là sứ điệp giáng sinh của mỗi người trong chúng ta.

Câu hỏi gợi ý: >

- Bạn có thói quen tặng thiệp, quà Noel cho người nghèo không ?

- Mỗi lần Noel đến, bạn có nghĩ rằng bạn sống tốt hơn Noel năm ngoái không ?

- Mỗi lần tặng thiệp, tặng quà Noel cho bạn bè, bạn có nghĩ rằng mình là một thiên thần đem tin vui cho mọi người không ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thú vật và sứ điệp Giáng sinh
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:36 23/12/2010
Thú vật và sứ điệp Giáng sinh

Trong đêm tối trên cánh đồng Bethlehem hài nhi Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, sinh xuống làm người, mang ánh sáng cho trần gian đang sống trong đêm tối tội lỗi. Ngôi sao Hài nhi Giêsu xuất hiện trên nền trời Bethlehem chiếu tỏa ánh sáng loan báo tin mừng cho nhân trần.

Các Thiên Thần từ trời cao xuất hiện xuống trần gian báo tin hòa bình cho mọi loài thụ tạo, cho người sống theo điều công chính.

Ngôi sao Bethelehm và các Thiên Thần cũng muốn đánh thức gọi các thú vật cùng kéo đến thăm viếng hài nhi Giêsu sinh ra trong hang chuồng súc vật.

1. Ngôi sao Bethlehem chiếu ánh sáng vào đàn chiên và đánh thức chúng đang nằm ngủ: Này bạn Chiên dậy đi thôi. Haì nhi Giêsu vừa chào đời ở chuồng súc vật! mau đến thăm viếng ngưòi đi! Haì nhi Giêsu cần Bạn đấy!

Con Chiên còn ngái ngủ nói: Được chúng tôi sẽ kéo đến đó. Chúng tôi có bộ lông da làm qùa tặng cho con người và trẻ Giêsu. Lông da của chúng tôi không chỉ dùng để dệt đan áo len, dớ và khăn quàng, nhưng cả đời sống của chúng tôi nữa đấy.

Thiên Thần mỉm cười nói vọng tới: Này mau lên các bạn. Được lắm. Như thế hài nhi Giêsu sau này sẽ chính là Chiên Thiên Chúa.

Và đàn chiên cừu lên đường đi theo sau Ngôi và Thiên Thần đến hang đá gíang sinh.

2. Ngôi sao Bethlehem cùng với Thiên Thần đến đánh thức chú Bò đang lim dim nhắm mắt ngủ.. Này bạn Bò, mở mắt ra đi thôi! Hài nhi Giêsu mở mắt chào đời rồi. Trong hang đá không thể thiếu nhà người được đâu!

Chú Bò chậm rãi nói: Được, tôi có sức khoẻ dẻo dai. Tôi có thể làm việc nặng tốt lắm. Tôi sẵn sàng để cho khoác ách trên vai cổ kéo xe chở đồ nặng.

Thiên Thần hân hoan nói: Phải đấy, chúng tôi cần Chú lắm. Tất cả những con người phải chịu đựng gánh nặng nề trong đời sống, Bạn có thể giúp họ can đảm vững chí. Hơn nữa với hơi thở dài cùng toát ra hơi nóng của bạn có thể sưởi ấm cho Hài nhi vừa sinh ra trong chuồng súc vật tốt lắm!

Chú Bò chỗi dậy, chậm rãi đi theo Ngôi sao và Thiên Thần đến hang đá giáng sinh.

3. Ngôi sao Bethlehem chiếu ánh sáng tới chú Lừa đang đứng mơ màng. Này, chú Lừa, Hài nhi Giêsu đã sinh ra đời. Mau tới hang chuồng súc vật nơi hài nhi Giêsu sinh ra, thăm viếng người đi. Hài nhi Giêsu cần chú.

Chú Lừa kêu lên mấy tiếng nhỏ nhẹ và nói: Được rồi, tôi là con vật có thể kéo chở đồ nặng được lắm. Nhưng tôi hay bị người ta mắng chửi là có tâm tính ngang ngạnh lỳ lợm!

Thiên Thần chen vào: Không sao đâu, Hài nhi Giêsu cần chú mà. Trước hết chú phải mang chở hài nhi Giêsu, mẹ hài nhi sang xứ Ai cập, và sau này chính hài nhi Giêsu sẽ cỡi trên lưng Chú tiến vào thành Giêrusalemn ngày lễ lá nữa.

Thế là chú Lừa từ từ theo ngôi sao và Thiên Thần đến hang đá gíang sinh.

4.Ngôi sao Bethlehem chiếu ánh sáng bắt gặp chú Chuột nhỏ bé đang dương đôi mắt nhìn láo liên trong đêm tối. Này bạn Chuột! Hài nhi Giêsu sinh ra đời rồi. Mau đến đó thăm người đi.

Chú Chuột tỉnh người nói: Cái gì, đi đến hang chuồng súc vật? Tôi mà đến đó người ta, nhất là loài Mèo sẽ săn đuổi bắt tôi liền!

Thiên Thần nói vào: Hài nhi Giêsu cần chú mà. Những người bé nhỏ, những người bị cho là không có gì đáng đoái hoài tới lại là những người được Hài nhi Giêsu chú ý tới nhiều hơn cả. Hài nhi Giêsu muốn giúp họ can đảm lên.

Thế là chú Chuột chạy theo ngôi sao và Thiên Thần tìm đến hang đá giáng sinh.

5. Ngôi sao Bethlehem chiếu ánh sáng đến chỗ chim Bồ câu đang đậu gục đầu ngủ trong đêm tối. Này bạn Bồ câu, thức dậy đi! Mau đến hang chuồng chỗ hài nhi Giêsu vừa sinh ra!

Chim Bồ câu: Được, tôi sẽ tới. Ngày xưa, sau khi bay một vòng thám thính ngoài trời, tôi đã bay trở lại chui vào con tầu gia đình Ông No-e với cành Oliu xanh tươi báo tin mừng trận lụt đại hồng thủy đã qua, đất khô ráo trở lại rồi.

Thiên Thần: Hài nhi Giêsu cần bạn là sứ gỉa hòa hình. Trên khắp thế giới bạn cần phải mang tin mừng đến cho mọi người.

Chim Bồ cầu hớn hở bay theo ngôi sao và Thiên Thần đến hang đá giáng sinh.

6. Ngôi sao di chuyển chiếu ánh sáng ngay vào chú chim Cú Mèo đậu trên cành cây như đang ngủ, nhưng thật ra chú đang quan sát nhìn tìm mồi trong đêm tối. Này, Chú Cú Mèo nhìn gì thế! Hài nhi Giêsu vừa sinh ra đang cần chú đấy!

Cú Mèo: Được rồi, tôi sẽ bay tới mà. Dù đêm tối đen như mực, nhưng không một tiếng động, một con vật nào có thể lọt qua con mắt quan sát của tôi được đấy!

Thiên Thần reo lên: hay lắm, hay lắm! Bạn có cảm quan nhạy bén tinh tường trong đêm tối đen mịt mù như thế tốt lắm. Hài Nhi Giêsu cần loài thụ tạo khôn ngoan để hướng dẫn con người trên đường đời sống vượt qua khó khăn đen tối bao phủ đời họ.

Chú chim Cú Mèo ngoan ngoãn nhẩy bay theo Ngôi sao và Thiên Thần đến hang đá giáng sinh.

7. Ngôi sao lại di chuyển chiếu ánh sáng tới chú Ốc Sên đang nằm dưới gốc cây: Này bạn Ốc Sên thức dậy đi! Hài nhi Giêsu sinh ra đời rồi, mau đến thăm viếng người đi!

Ốc Sên ngẩng đầu nói: Tôi là loài thú vật bò chậm chạp lắm. Tôi thường hay bị sợ hãi rồi thu mình lại vào trong ngôi nhà vỏ cứng bao bọc tôi thôi!

Thiên Thần nói: Nào đi thôi! Hài nhi Giêsu cần bạn. Qua bạn hài nhi Giêsu muốn nói cho con người biết, ai cũng có thể đạt tới đích điểm được, dù chậm chạp.

Thế là chú Ốc Sên từ từ bò lần theo Ngôi sao và Thiên Thần dẫn chỉ đường tìm đến hang đá giáng sinh.

Trong hang đá Chúa giáng sinh bây giờ có đủ khuôn mặt lớn bé, mà Hài nhi Giêsu cần để đến mang sứ điệp của Người cho trần gian trải qua mọi không gian, cho hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Mừng lễ Chúa giáng sinh 2010
 
Hài Nhi Giêsu vẫn đang bi bách hại
PM. Cao Huy Hoàng
11:19 23/12/2010
(Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Gia)

Tin Mừng Lễ Thánh Gia: Thánh Giuse đem Chúa Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai cập, hầu tránh được cơn sát hại bạo tàn của Herode.

Thánh Giuse đang chu toàn nhiệm vụ của một người con đối với Thiên Chúa là Cha. Bởi Thánh Giuse đã nhận sứ mệnh bảo dưỡng Chúa Giêsu và Mẹ Người.

Có thể Thánh Giuse chưa hề đọc sách Huấn Ca 3,3-7.14-17a, nhưng những gì Ngài thực hiện trong trích đoạn Tin mừng hôm nay, hoàn toàn phù hợp với nội dung sách Huấn Ca dạy: “ Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Lòng hiếu nghĩa đối với cha mẹ sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con”. (Hc 3, 3-6, 14).

Việc Thánh Giuse vâng lời Thiên Chúa bão dưỡng Hài Nhi và Mẹ Người khỏi âm mưu sát hại của Herode là việc Thánh Giuse đang tôn thờ Thiên Chúa để bù đắp lỗi lầm cho chúng ta. Ngài yêu kính Thiên Chúa để tích trữ kho báu cho chúng ta. Ngài nhận được vui mừng nơi niềm kính yêu của những người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Ngài được trường thọ trong Nước Thiên Chúa. Ngài vâng lệnh Chúa Cha làm cho Ba Ngôi Thiên Chúa an lòng…..

Và cũng vậy, tình yêu của Thánh Giuse, Mẹ Maria, và Chúa Giêsu trong trình thuật Tin Mừng có thể đã được tóm gọn trong lời khuyên dạy của Thánh Phaolô “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa”. (Cl, 3, 14,18-20)

Nội dung của Tin Mừng ngày lễ Thánh Gia đang gửi cho các Gia Đình Công Giáo một thông điệp khẩn cấp: Hãy bảo vệ những Chúa Giêsu trong gia đình, để Chúa Giêsu được sống và lớn lên mạnh khỏe mà chu toàn sứ vụ Thiên Chúa giao phó.

Gọi là khẩn cấp, và khẩn cấp nhất tại Việt nam, vì những Chúa Giêsu Việt Nam đang bị sát hại bằng đủ cách, mà những người làm cha mẹ, những người có trách nhiệm có khi không ngộ ra được những âm mưu thủ đoạn ngọt ngào, tinh vi của Herode thời nay. Herode thời nay không chỉ là một nhà cầm quyền như Herode thời Chúa Giêsu, mà còn có thể là chính tôi, chính bạn, chính chúng ta, những người tưởng như là đang nhận lãnh sứ vụ bão dưỡng Chúa Giêsu được sống trong đời mình, trong giáo hội của mình. Chính chúng ta, không chấp nhận nhỏ lại, để Chúa Giêsu được lớn lên, hoặc không chấp nhận gian khổ để bảo vệ Chúa Giêsu và chân lý của Ngài, hoặc là càng không chấp nhận chết để Chúa Giêsu được sống. Ngược lại, dành quyền sống an nhàn thư thái cho mình, để mặc Chúa Giêsu cho Herode sát hại.

Tin Mừng lễ Thánh Gia không chỉ là thông điệp cho những người làm cha mẹ trong gia đình mà còn là bức thông điệp khẩn cấp cho những người có trách nhiệm bão dưỡng Chúa Giêsu được sống khỏe và thực hiện kế hoạch cứu thế của Người, trong Giáo Hội.

Với tư cách là Kitô hữu giáo dân, chúng ta chỉ dám nhìn lại cuộc sống của các giáo dân hôm nay, và đặt ngay câu hỏi: Chúa Giêsu có hiện diện trong nhà mình không và có mạnh khỏe không, có lớn lên không? Hay là, bị Herode giết hại cùng với những trẻ sơ sinh kia rồi?

Một thế hệ trẻ đang xa lạ với Tin mừng, có phải là trách nhiệm của những người làm cha mẹ không? Những chú bé Giêsu đang tham dự những giờ học giáo lý, được khoán trắng cho các giáo lý viên. Các em tham dự những lớp Giáo Lý từ sơ cấp đến căn bản, rồi lớp vào đời, thế là tốt rồi. Sau đó, chúng thế nào, cha mẹ không mấy quan tâm nữa vì chúng đã tốt nghiệp.

Nhưng được như thế thì cũng đã là đáng mừng. Còn biết bao nhiêu em không được học Giáo Lý. Có em, đến lúc lập gia đình mới học vội học vàng vài tháng để được lãnh một lần hai ba bốn bí tích: Giải tội, Thêm sức, Mình Thánh Chúa rồi Hôn Phối. Tại sao vậy?

Có phải vì Cha Mẹ quá lo toan chuyện kinh tế mà không có thời gian lo bồi dưỡng đức tin cho con cái chăng? Tôi nghĩ không phải lý do đó, mà do một nguyên nhân khác: chính Cha Mẹ cũng để Chúa Giêsu trong lòng mình ốm yếu đến èo uột rồi tắt thở từ hối nào rồi!

Tôi đã từng chứng kiến cảnh người chồng đánh đập, cấm đoán vợ tham gia sinh hoạt ca đoàn, bà mẹ công giáo, hay bất kỳ một sinh hoạt, một công tác nào trong Giáo xứ. Và cũng không thiếu những bà vợ đay nghiến chồng “chuyện tiền bạc, nhà cửa, con cái học hành ông không lo, ông cứ lo ba chuyện bao đồng thăm người nầy, khuyên người nọ, giữ kẻ liệt ông này, viếng xác bà kia, ông cha gọi đâu có đó… còn tui, tiền đâu mà nuôi ông ăn rồi làm chuyện thiên hạ vậy?”

Tôi còn nhớ câu chuyện của em học sinh Giáo Lý tên là Duy (xin được miễn tiết lộ địa chỉ). Giáo Lý Viên của em thường hay buồn về em vì em không thuộc bài. Mỗi lần khảo bài, em chỉ đứng khóc. Một lần, cô gạn hỏi em tại sao, em trả lời: “Ba em đạo theo. Nhà em sống với Bà Nội. Mỗi lần lấy sách Giáo Lý ra học, bà nội bảo: “mày cất cái đó đi, nhà tao không có cái đạo nớ”. (Được biết, Mẹ của Duy mới mất cách đây vài tháng vì bạo bệnh. Duy phải bỏ học ở trường. Việc học giáo lý và giữ đạo còn khó khăn hơn).

Ấy là chuyện của người chưa biết Chúa. Còn chúng ta, những cha mẹ công giáo, lẽ nào cũng bảo con “mầy cất cái đó đi” sao? Vậy mà, cũng không thiếu những trường hợp “mầy cất cái đó đi” làm đau lòng Chúa Giêsu biết chừng nào:

-không cho con học Giáo Lý

-không làm gương sáng cho con trong đời sống đức tin

-để mặc con kết bạn kết bè xấu

-không quản lý được giờ giấc, sinh hoạt và các tương quan của con

-không tư vấn cho con trong việc lập gia đình theo đúng luật hôn nhân công giáo

-không an ủi, khuyên bảo con lại còn xúi giục con phá thai, ly thân, ly dị, tái hôn không đúng luật Giáo Hội….

……

Như thế là chúng ta đã không những không chu toàn bổn phận bão dưỡng những Chúa Giêsu trong nhà chúng ta, mà còn lại tiếp tay với Herode để sát hại Con Trẻ.

Tin mừng hôm nay: Thánh Giuse đem Chúa Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai cập, hầu tránh được cơn sát hại bạo tàn của Herode.

Đó cũng là nhiệm vụ của mỗi người làm cha mẹ hôm nay: cương quyết bảo vệ cả đời sống thể xác lẫn tâm linh của mọi thành viên gia đình, hầu tránh được cơn sát hại bạo tàn của những âm mưu Herode thời đại mới.

Vì vậy, thiết tưởng, mỗi người cần nhìn lại đời sống đức tin của mình, nhìn lại Chúa Giêsu đang lớn lên trong mình thế nào, để nhờ Ngài, cùng Ngài, xây dựng một nếp Thánh Gia theo khuôn mẫu của Thánh Gia: Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Nơi Thánh Gia khuôn mẫu ấy, đức tin và lòng trông cậy là chìa khóa của Tình Yêu và Hạnh phúc, đời nầy và đời sau.

Lạy Chúa, biết bao người, biết bao gia đình lâm cảnh bất an, bất hạnh vì đã không chấp nhận cho Chúa Giêsu ngự trị trong lòng mình, trong nhà mình. Xin cho chúng con biết để Chúa Giêsu sinh ra và sống với chúng con trong tâm hồn, trong gia đình và nhất quyết bão dưỡng Chúa Giêsu lớn lên để Ngài ban Tình Yêu hạnh phúc và thực hiện ơn Cứu Rỗi của Ngài cho mỗi chúng con, cho cả gia đình chúng con.

A men.

22-12-2010
 
Múa Giáng Sinh có bình an?
Gioan Lê Quang Vinh
11:33 23/12/2010
Tuổi thơ tôi thường đón Giáng Sinh trong hân hoan rạo rực nhưng cũng đầy lo lắng bất an. Một trái pháo, một viên đạn hay một tiếng nổ bất thường đâu đó là cả giáo xứ tán loạn ngay.

Những năm sau này, Giáng Sinh là thời điểm phải lo lắng, ngủ không yên và có thể bị khám xét khi đi lễ. Đọc lại hồi ký Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, tôi hiểu rằng ngày xưa anh chị em ở Hà nội đón Giáng sinh cũng trong phập phồng lo lắng. Tôi thương Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê và cha chính Vinh ở Tòa Giám Mục Hà nội những năm tháng vô cùng đau khổ ấy.

Những năm gần đây, tin tức trong Hội Thánh khắp nơi bay về vào dịp mừng Chúa Giáng Sinh là những tin không vui. Trái với những bông hoa ông nọ bà kia chúc mừng, trái với đèn xanh đỏ nhấp nháy, người Công giáo ở khắp nơi gặp không biết bao nhiêu phiền toái.

Hai năm trước, vào Mùa Vọng, giáo xứ Thái Hà của Bố chúng tôi gặp nạn. Gần đây nhất, Dòng Chúa Cứu Thế, nhà Dòng của dân nghèo quê tôi, dồn dập bao nhiêu oan trái.

Vậy Giáng Sinh có bình an không? Chúa ơi, thiên thần Chúa đã hát vang “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Sao dân tộc con lại ít bình an đến thế?

Từ những Mùa Giáng Sinh như thế, tôi tự hỏi mình bình an Chúa ban là ở đâu? Hóa ra sự bình an không nằm ở cuộc sống yên ổn bên ngoài, mà là niềm vui ơn Cứu chuộc tận trong thâm sâu của lòng mình. Và con người phải hy sinh nhiều và vác thập giá đời mình để đón nhận nó.

Là người Công giáo, chúng ta vui mừng và hãnh diện vì nhiều chủ chăn anh dũng sẵn sàng sống chết cho đoàn chiên. Hầu như tất cả những người nghe tin về các cuộc bách hại và những đối đáp hay ứng xử khôn ngoan và can trường của các chủ chăn và các giáo dân anh dũng, đều cảm thấy thán phục và cảm thấy được an ủi rất nhiều. Và dân Chúa bình an nhờ các vị chủ chăn như thế.

Nhưng đôi khi người ta cũng nghe những câu hỏi đại khái như: “Ai chịu bách hại vì đạo ngay ấy là phúc thật, tại sao không cam chịu để được phúc mà lại phải lên tiếng?”. Thậm chí trong buổi tĩnh tâm nọ, có một bạn lên tiếng cầu nguyện cho các chủ chăn biết lên tiếng cho công lý, thì một linh mục dòng nọ bảo là thôi đi, để lúc khác !

Khi nghe những câu hỏi và đề nghị loại ấy tôi rất đau lòng bởi vì vẫn còn những người chưa hiểu “chịu bách hại vì đạo ngay” nghĩa là gì và cũng chưa hiểu ý nghĩa của những việc đã và đang xảy ra cho Hội Thánh ngay trên quê hương này. Và rõ ràng nhiều người còn nghĩ bình an nghĩa là cứ im lặng để cho mọi chuyện trôi đi, người nghèo có làm sao mặc họ, miễn là mình yên ổn có cơm ăn mỗi ngày!

Trong bài giảng trên núi, Chúa truyền cho dân hiến chương Nước Trời, trong đó có việc “chịu gian khổ vì lẽ công chính”, hay “chịu bách hại vì đạo ngay”. Tất cả những ai chịu đau khổ, bắt bớ, hành xích và bị giết hại vì công lý, vì Chúa là có phúc. Các Thánh Tử Đạo đã nêu tấm gương anh dũng về việc chấp nhận con đường vinh quang ấy.

Nhưng nếu hiểu chịu bách hại nghĩa là im lặng cam chịu mà không hề lên tiếng bảo vệ Đạo Chúa, bảo vệ công lý và bênh vực anh em nghèo khổ của mình là thiếu trách nhiệm. Nếu im lặng cho người ta vả má mình, có thể có công đức cho riêng mình. Nhưng nếu mình im lặng để anh em mình cũng chịu vả vô cớ thì mình lỗi bác ái với anh em. Không ai có thể tử đạo nếu không chu toàn nghĩa vụ bác ái. Các Thánh Tử đạo không im lặng mà chết. Các ngài luôn lên tiếng cho thế gian hiểu trước khi các ngài ra đi.

Thứ hai, khi đối diện với cường quyền, với sự hiểm ác của thế gian, người môn đệ Chúa phải lên tiếng để cho thế gian biết đường lối chúng là sai trái. Nếu môn đệ Chúa im lặng không nói cho thế gian biết, thì không phải là “chịu bách hại vì đạo ngay”. Nếu môn đệ Chúa im lặng không lên tiếng, thì làm sao trách được thế gian độc ác, và họ có cớ biện hộ rằng “có ai nói cho chúng tôi nghe đâu?”

Thứ ba, nếu im lặng để cam chịu thì hoàn toàn không có phúc. Rõ ràng là khi chúng ta câm miệng lại thì chúng ta lập tức hưởng mọi ưu đãi thế gian dành cho. Khi môn đệ Chúa ra công đường cứ dạ dạ thưa thưa thì có cớ gì cho thế gian hành xích? Trái lại, lúc đó người môn đệ lại an nhàn chẳng cần lo lắng vì đã có thế gian bảo bọc, nhưng còn đoàn chiên tội nghiệp thì sao?

Mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh chính là mừng hồng ân Cứu độ. Ngôi Lời làm người để lên tiếng cho nhân loại này được đứng lên làm Con Chúa, nghĩa là được trả lại quyền làm người.

Mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh còn là mừng cho phía bóng tối của thế gian được vinh quang Thiên Chúa chiếu đến. Họ đón nhận hay không là việc của họ, nhưng môn đệ Chúa phải là người bật cho đèn sáng lên. Nếu môn đệ Chúa tiêu cực, không dấn thân vào công cuộc dọi chiếu ánh sáng thì đừng hỏi tại sao trần gian vẫn còn “u mê đắm đuối”.

Xin Ngôi Lời là ánh sao của muôn đời, chiếu ánh sáng và nguồn bình an cho dân tộc chúng con, là con cháu các anh hùng Tử đạo, những con người đã dùng chính mạng sống của mình làm chứng cho bình an của Chúa.
 
Đêm Giáng Sinh tuyệt diệu
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
17:56 23/12/2010
Mary-Héloise là thiếu nữ Công Giáo người Pháp. Cô may mắn có kỷ niệm tuyệt vời trong thời thơ ấu vào Đêm Đức Chúa GIÊSU Giáng Sinh. Kỷ niệm theo sát cho đến ngày hôm nay. Vì thế, hàng năm, Thánh Lễ Nửa Đêm Giáng Sinh luôn luôn mang lại cho thiếu nữ cảm xúc mới lạ. Xin nhường lời cho Mary-Héloise.

Trong vòng 15 năm cuộc đời, Em chưa hề bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng nào của ngày Lễ Đức Chúa GIÊSU Giáng Sinh, hay cũng còn là Đại Lễ của Gia Đình. Cử hành Lễ Chúa Giáng Sinh không phải chỉ là một truyền thống, nhưng còn hơn thế nữa. Lễ Giáng Sinh là lời mời gọi cùng nhau quy tụ và chia sẻ niềm vui của Đêm độc nhất vô nhị, Đêm mà mọi người cảm thấy sống lại những ngày thơ bé tràn đầy mộng mơ.

Em rất thích nghe Cha Mẹ gợi lại kỷ niệm vào Đêm Giáng Sinh, lúc hai vị khám phá ra món quà Giáng Sinh nằm dưới Cây Thông Giáng Sinh. Ánh mắt rực sáng, khuôn mặt reo vui và trái tim đập liên hồi! Thật là tuyệt diệu! Nhưng nhất là được chiêm ngắm Hài Nhi GIÊSU nằm trong Máng Cỏ! Em cũng thật vui sướng nghe Bà Ngoại kể chuyện ngày xưa khi Bà Ngoại còn bé. Toàn thể đại gia đình gồm Ông Bà, Cha Mẹ, con-cháu chắt-chít họp mặt dưới cùng mái ấm gia đình để cử hành Lễ Chúa Giáng Sinh. Sau Thánh Lễ Nửa Đêm nơi nhà thờ xứ đạo là giờ mọi người sum họp tại gia đình. Trước khi ăn bánh và nhận quà, tất cả cất cao giọng hát bài ”Ba Thiên Thần đến đêm nay mang cho tôi không biết bao nhiêu là của ngon vật lạ. .”

Vượt lên trên bữa tiệc Mừng Lễ Giáng Sinh tràn đầy niềm vui và bánh trái đủ loại theo truyền thống, Em cảm nhận tinh thần đích thật của lễ Chúa Giáng Sinh. Đó là Tình Yêu do Hài Nhi GIÊSU (Đấng MESSIA) mang đến. Thật trang trọng và thánh thiêng Thánh Lễ Nửa Đêm cử hành tại nhà thờ giáo xứ Saint-Savinien, nơi vẫn còn đông đảo tín hữu Công Giáo đến tham dự và Em hân hạnh giữ vai thổi sáo trong Đêm Giáng Sinh.

Giờ đây Em hân hoan cảm thấy có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng trọng đại:

- Hài Nhi GIÊSU đã sinh ra! Chính Ngài biến đổi cuộc sống và làm cho Em diễm phúc đến gần Ngài cũng như chính Ngài tự hạ đến ở cùng chúng ta, các thọ sinh bé nhỏ của Ngài.

Cảm nghiệm Tình Yêu vô bờ này, Em sung sướng nghĩ rằng mình phải nới rộng vòng tròn gia đình và tháp nhập vào Đại Gia Đình của tất cả những người cùng tin nơi Tình Yêu THIÊN CHÚA.

Đêm Giáng Sinh quả là Đêm diệu-kỳ, Đêm thần-mệnh hưu-chiến, Đêm mơ ước trên tổng số 365 đêm. . Quả thật quá ít! Vì thế Em mơ ước sống trở lại Đêm thần-diệu mỗi lần Em có dịp chiêm ngắm một đứa trẻ ngây thơ và yếu ớt, đứa trẻ mà người ta hy vọng và mơ ước trông thấy ngày bé lớn lên thành người.

Trong kinh nghiệm thường ngày, Em cảm thấy không dễ gì khi phải đối xử với tha nhân, bạn bè, giáo sư, kẻ xa lạ như một người anh chị em ruột thịt của mình. Thật khó biết bao! Bởi lẽ, chúng ta dễ quên rằng tha nhân - người anh chị em kia - cũng được hồng phúc nhận lãnh ơn lành mở mắt chào đời, đi vào cuộc sống trong thế giới và lớn lên cùng với và như chúng ta. Em đặc biệt nghĩ tới các trẻ em sinh ra trong các quốc gia mà hy vọng sống còn thật mong manh vì bị đe dọa bởi chiến tranh và nghèo đói. Em thật lòng cầu chúc cho tất cả Các Trẻ Em trên toàn thế giới được may mắn hưởng nếm Niềm Vui Đại Lễ Đức Chúa GIÊSU Giáng Sinh trong vương quốc Tình Yêu của THIÊN CHÚA.

... Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ”Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng KITÔ THIÊN CHÚA. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen THIÊN CHÚA rằng: ”Vinh danh THIÊN CHÚA trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2,8-14).

(”Annales d'Issoudun”, Revue de Notre Dame du Sacré Coeur, Décembre 2009, trang 8)
 
Lễ Nghĩa Gia Phong
Lm Vũđình Tường
18:40 23/12/2010
Nói đến lễ nghĩa gia phong người ta liên tưởng đến các tập tục văn hoá tạo nên con người xã hội. Tập tục, thói quen một cách nào đó hướng dẫn sinh hoạt giao tế xã hội như cách xử thế, cách ăn uống, đi lại, cách diễn tả tâm tư, tình cảm con người. Trước đây các tập tục này bám rễ khá sâu vào tâm khảm con người và được xóm làng gìn giữ cẩn thận. Người làng, xóm vừa giữ tập tục vừa bảo vệ tập tục để chúng khỏi bị thay đổi hay giảm phẩm chất. Ngày nay cách tổ chức xã hội khác xưa hơn, lễ nghĩa gia phong cách nào đó cũng có phần mềm dẻo hơn trước đây. Luật chằng chéo nhau thay tập tục xóm làng và có cảnh sát bảo vệ luật.

Lễ nghĩa gia phong thay đổi lâu mau, nhanh chóng, tùy theo mức độ phát triển của xã hội. Cách tổ chức xã hội ảnh hưởng mạnh đến việc phát sinh tập tục mới và đào thải tập tục cũ. Con người sống ở nơi đô hội, chốn đông người không thể nào áp dụng phong cách sống nơi xóm làng hẻo lánh. Đời sống mới đào thải cách sống cũ. Có lẽ đây là lí do tạo nên tập tục khác nhau giữa giữa tỉnh này với phố nọ, thôn này với làng khác. Tập tục nào không còn thích hợp với tổ chức xã hội mới không thể tồn tại hoặc nếu có cũng chỉ là gượng ép nhiều hơn.

Phát minh mới cũng đòi có thêm luật để bảo vệ phẩm chất sản xuất, bảo vệ giới sản xuất lẫn giới tiêu thụ. Việc đi lại vừ tiện lợi vừa nhanh chóng vượt xóm làng, vượt đại dương cũng đòi hỏi có luật bảo vệ việc xuất nhập cư. Chính những biến đổi này ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của con người và do đó ảnh hưởng đến lễ nghĩa, gia phong.

Tôn giáo

Tôn giáo cũng có lễ nghĩa gia phong tạo nên mặt ngoài con người tôn giáo. Tập tục xã hội thay đổi theo thời đại, hoàn cảnh và điều kiện sống. Về hình thức tập tục tôn giáo không tránh khỏi ảnh hưởng xã hội vì thế hình thức bề ngoài có thay đổi nhưng phẩm chất bên trong thì không. Đối với xã hội tư tưởng mới phát sinh do lối suy nghĩ mới. Lối suy nghĩ mới kéo theo việc thay đổi cả hình thức lẫn nội dung của tập tục. Hình thức lễ nghĩa gia phong tôn giáo thay đổi nhưng nội dung thì không. Chúng giữ nguyên bản chất, tồn tại qua muôn thế hệ. Bản chất là thăng tiến tinh thần đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu để được chung hưởng bình an đời này và hạnh phúc trường cửu đời sau.

Để thực hiện được điều này các Kitô hữu cần xin ơn thánh trợ giúp mới hy vọng sống trên thuận dưới hoà trong đại gia đình Chúa. Ơn thánh Chúa không biến đổi theo thời gian, nên bản chất lễ nghĩa gia phong tôn giáo nguyên vẹn. Hình thức thay đổi giúp cho dễ hiểu hơn và thể hiện ý nghĩa tập tục rõ hơn.

Đùm bọc lẫn nhau

Hình ảnh ngày lễ Giáng Sinh chúng ta mừng kính là dấu chỉ dù đơn sơ, mộc mạc nhưng rõ ràng thể hiện tâm tình đùm bọc lẫn nhau. Hình ảnh quen thuộc, thánh Giuse và Trinh Nữ Maria quì bên ấu Chúa nơi máng cỏ gợi nên tâm tình đùm bọc, bảo vệ, tràn ngập lòng mến. Hai ông bà cùng quì, lấy thân mình làm lá chắn, ngăn làn gió lạnh giá lùa vào em bé. Cả hai mong dùng hơi ấm thân nhiệt sưởi ấm cho hài nhi. Cơn gió lạnh ùa vào làn da non dại đang ửng hồng biến thành tím buốt. Tránh sao khỏi đau lòng. Ai có thể khẳng định trong đàn súc vật kia không có con già nua, con bệnh tật, con mang thương tích. Tiếng rên đau khi trở mình; hơi thở não nề của con vật thương tật sao tránh em bé khỏi giật mình. Tiếng kêu đồng cảm cảnh cơ hàn. Tiếng rên của khổ đau.

Tình yêu mến

Đừng tưởng bình an, hạnh phúc do nhà cao, cửa rộng, xe đẹp mang lại. Lầm to. Tình yêu bay cao; cửa nát, nhà tan. Quì bên máng cỏ mà hạnh phúc ngập tràn. Thân xác lạnh, ấm lòng. Thiếu tiện nghi vật chất nhưng tinh thần tràn ngập niềm vui. Hạnh phúc gia đình Thánh Gia có là do con tin yêu mến mọi người dành cho nhau. Nơi hang đá Belem có em bé mới sanh trong cảnh cơ hàn nhưng đầy tiếng hát reo vui. Hơi ấm gia đình đến từ hơi thở súc vật thì ít mà đến từ con tim nồng cháy lửa mến yêu. Cơ hàn nhưng giầu tình yêu, bác ái, hy sinh.

Tình yêu, bác ái, hy sinh, tạo nên cảnh gia đình đầm ấm. Những nhân đức này có cội nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu do đức tin thúc đẩy, hỗ trợ. Đây chính là căn nguyên cội rễ lễ nghĩa gia phong Thiên Chúa giáo. Mùa Giáng Sinh năm nay chúng ta cầu mong sống trọn tinh thần yêu mến, bác ái và hy sinh cho nhau.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô: Lễ Giáng Sinh trên màn ảnh thật rõ trên mạng
Bùi Hữu Thư
10:08 23/12/2010
Một bước nhẩy vọt về phẩm chất trong việc phát hình các nghi lễ của Đức Thánh Cha

Rôma, Thứ Tư 22 tháng 12, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Vào dịp lễ Giáng Sinh, gia trang của Đài Phát Thanh Vatican năm nay cung cấp một dịch vụ mới mẻ: khả năng theo dõi trực tiếp bằng âm thanh và hình ảnh High Definition(HD) các nghi lễ do Đức Thánh Cha Benedict XVI cử hành. Đây là một bước nhẩy vọt về phẩm chất của việc phát hình các nghi lễ của Đức Thánh Cha.

Một bản tin cho hay ngoài việc chiếu hình Thánh Lễ nửa đêm, thứ sáu 24 tháng 12 bắt đầu lúc 22 giờ, thông điệp Urbi et Orbi, ngày 25 tháng 12 vào lúc trưa, và Thánh Lễ cho ngày Hòa Bình Quốc Tế ngày 1 tháng Giêng lúc 10 giờ, các khán thính giả còn có thể lựa chọn một trong 7 ngôn ngữ cho phần bình luận: Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Phần bình luận tiếng Trung Hoa cũng được thực hiện cho lễ Vọng đêm 24 tháng 12, và tiếng Ả Rập cho thánh lễ ngày 1 tháng Giêng.

Một kênh cũng sẽ phát hình không có bình luận cho các hãng thông tấn muốn ghép phần bình luận riêng của họ.

Muốn xem video xin vào gia trang sau đây: http://www.radiovaticana.org, và bấm vào “audio video player.” Các nghi thức phụng vụ của Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng được trình bầy trên mạng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội tại mạng lưới “Pope 2 You” (www.pope2you.net) và cho điện thoại cầm tay i-phone, qua sự hợp tác với Trung Tâm Truyền Hình Vatican và Mạng Lưới “Telecom Italia.”

Một dịch vụ cho phép vừa tiếp thu nhanh chóng, vừa có hình ảnh liên tục với phẩm lượng rất tốt.

Ngoài ra, kỹ thuật “Smooth Streaming” cho phép theo dõi các nghi lễ trên video trực tiếp trên máy vi tính với mức độ rõ ràng rất cao kể cả HD.
 
Đức TGM Hàn Đại Huy, tân Tổng thư ký Bộ truyền giáo
LM Trần Đức Anh OP
11:25 23/12/2010
VATICAN - Hôm 23-12-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Cha Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai), dòng Don Bosco ở Hong Kong, làm tân Tổng thư ký Bộ Truyền giáo, đồng thời thăng làm TGM hiệu tòa Sila.

Đức TGM Savio Hàn Đại Huy vốn là giáo sư thần học tại Đại chủng viện Hong Kong, thành viên Ủy ban thần học quốc tế từ năm 2004 và là thành viên Giáo Hoàng Hàn lâm viện về Thần học từ năm 1999.

Đức TGM năm nay 60 tuổi, sinh ngày 21-10 năm 1950, gia nhập dòng Don Bosco, khấn lần đầu ngày 15-8-1969, và khấn trọn đời ngày 15-8-1975, thụ phong LM tại Hong Kong ngày 17-7 năm 1982, đậu cử nhân triết (BA) tại Đại học Luân đôn và tiến sĩ thần học tại Đại học Giáo Hoàng Salesiana ở Roma.

Trong dòng, cha đã giữ nhiều chức vụ: thư ký tỉnh dòng, Giám đốc nhà Giám tỉnh, đại biểu tỉnh dòng về truyền thông xã hội, điều hợp viên và chủ tịch tỉnh nghị, phó giám tỉnh rồi giám tỉnh tỉnh dòng Don Bosco Trung Hoa bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Macao và Đài Loan. Cha làm điều hợp viên tổng tu nghị của dòng hồi năm 2002. Ngài cũng giảng dạy tại nhiều chủng viện ở Trung Quốc và là tác giả của ấn phẩm, nhất là về thần học. Cha đặc trách việc dịch Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo ra tiếng Hoa.

Đức TGM Hàn Đại Huy kế nhiệm Đức TGM Robert Sarah, 65 tuổi, người Guinea equatoriale, mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, và thăng Hồng Y ngày 19-11 vừa qua (SD 23-12-2010)
 
Chiến thuật tái phúc âm hóa (3)
Vũ Văn An
19:25 23/12/2010
Chủ nghĩa duy lý

Chủ đề bài giảng thứ ba của Cha Cantalamessa vào ngày 17 tháng 12 trước Đức Thánh Cha và Giáo Triều có tựa đề là: “Luôn sẵn sàng cung cấp câu trả lời cho những ai hỏi bạn lý do tại sao bạn hy vọng (1 Pr 3:15): Câu trả lời của Kitô Giáo đối với chủ nghĩa duy lý”

Tiếm đoạt lý trí

Trở ngại thứ ba khiến phần lớn nền văn hóa hiện đại “khúc xạ” đối với Tin Mừng, chính là chủ nghĩa duy lý. Chân Phúc John Newman để lại cho chúng ta một diễn văn đáng ghi nhớ được ngài trình bày tại Đại Học Oxford ngày 11 tháng 12 năm 1831, tựa là “Việc tiếm đoạt lý trí”. Ngay trong cái tựa ấy ta đã thấy ra câu định nghĩa cho chủ nghĩa duy lý (1). Trong một ghi chú để nhận định về bài diễn văn này, viết cho lời nói đầu của lần tái bản thứ ba vào năm 1871, tác giả giải thích điều ngài muốn nói qua kiểu nói trên. Theo ngài, tiếm đoạt lý trí “là một lạm dụng phổ thông đối với khả năng này như lúc nó lạm bàn về tôn giáo, mà không hề quen thuộc chi với chủ đề này hay không sử dụng các nguyên tắc đầu hết vốn đặc trưng đối với tôn giáo. Cái tự gọi là Lý Trí như thế được Thánh Kinh gọi là ‘sự khôn ngoan của thế gian’; tức sự suy luận về tôn giáo dựa theo các phương châm thế tục, vốn tự chúng xa lạ đối với tôn giáo” (2)

Trong một bài giảng khác tại đại học tựa là “Đức Tin và Lý Trí trong thế đối đầu”, Newman giải thích rõ tại sao lý trí không thể là quan án cuối cùng trong phạm vi tôn giáo hay đức tin, tương tự như lương tâm: “Không ai nói rằng lương tâm chống lại lý trí, hay các lệnh truyền của lương tâm không thể khuôn định thành một hình thức luận chứng; bởi thế ai dám chủ trương rằng nó không phải là một nguyên tắc độc đáo trái lại trước khi hành động nó phải dựa vào một số diễn trình có trước của lý trí? Lý trí phân tích các cơ sở và nguyên động lực của hành động: lý lẽ là phân tích, nhưng không phải là chính nguyên động lực. Do đó, lương tâm tuy là yếu tố đơn giản trong bản tính ta nhưng hành động của nó chịu để cho lý trí xem sét và lục lọi thế nào; thì đức tin cũng có thể được lý trí nhận thức và biện minh cho các hành động của nó mà không vì thế tùy thuộc lý trí. […] Khi ta nói Tin Mừng cần một đức tin thuận lý, thì điều này chỉ có nghĩa không hơn không kém rằng đức tin phù hợp với lý trí đúng đắn hiểu theo nghĩa trừu tượng, chứ nó không hề có nghĩa đức tin từ lý trí mà ra theo nghĩa cụ thể” (3).

Thí dụ thứ hai liên quan tới nghệ thuật. Ngài cho rằng: “khoa phê bình nghệ thuật đã đánh giá điều chính nó không có khả năng sáng tạo; cũng thế, lý trí có thể chấp thuận hành vi đức tin, nhưng không phải là nguồn phát sinh ra đức tin” (4)

Sự phân tích của chân phúc Newman có những nét mới mẻ và độc đáo; ngài đem ra ánh sáng điều có thể gọi là khuynh hướng đế quốc muốn đặt mọi khía cạnh của thực tại tùy thuộc các nguyên tắc riêng của lý trí. Tuy nhiên, người ta cũng có thể xem sét chủ nghĩa duy lý từ một quan điểm khác, có liên hệ mật thiết với quan điểm vừa kể. Tiếp tục lối ẩn dụ chính trị quen thuộc của Đức Hồng Y Newman, ta có thể mô tả quan điểm này như thái độ duy cô lập, lý trí tự đóng kín vào chính mình. Thái độ này không hẳn hệ ở việc không xâm phạm lãnh vực của người khác cho bằng không thừa nhận sự hiện hữu của bất cứ lãnh vực nào khác ngoài chính lãnh vực của mình. Nói cách khác, từ khước việc chân lý có thể hiện hữu ở bên ngoài điều phải kinh qua lý trí nhân bản.

Chủ nghĩa duy lý không sinh ra đời dưới giả dạng phong trào Ánh Sáng, mặc dù nó làm gia tốc phong trào này với những hậu quả ngày nay còn thấy rõ. Nó là khuynh hướng mà đức tin luôn phải tranh đấu với. Không phải chỉ đức tin Kitô Giáo mà cả đức tin Do Thái Giáo và Hồi Giáo, ít nhất trong thời Trung Cổ, đều phải đương đầu với thách đố này.

Mọi thời đại đều có những tiếng nói dóng lên chống lại cái chủ nghĩa tuyệt đối về lý trí này, không phải chỉ từ những người có đức tin mà còn từ những nhà tranh đấu, cả triết gia lẫn khoa học gia, trong phạm vi lý trí. Pascal từng viết rằng “Hành vi tối cao của lý trí hệ ở việc nhìn nhận rằng có vô lượng sự vật vượt quá nó” (5). Ngay chính lúc lý trí nhận ra giới hạn của mình, nó đều phá tung và vượt quá giới hạn ấy. Chính việc làm của lý trí đã sản sinh ra việc nhìn nhận này; do đó, đây là một hành vi hoàn toàn thuận lý. Theo cả nghĩa đen, đó quả là “một dốt nát bác học” (6), một nhận thức rằng mình không biết.

Bởi thế, cần phải nói rằng ai đặt giới hạn cho lý trí và nhục mạ nó đúng ra là người không biết thừa nhận khả năng nó có thể tự siêu việt chính mình. Kierkegaard từng viết: “Cho đến nay, người ta luôn luôn bảo: ‘nói điều này hay điều nọ không thể hiểu được là không thỏa mãn khoa học vì khoa học muốn hiểu’. Điều đó sai. Thực vậy, đúng ra phải nói ngược lại: Nếu khoa học của con người không chịu nhìn nhận rằng có những điều nó không thể hiểu được, hay chính xác hơn, có những điều nó hiểu rõ là mình không thể hiểu được, thì mọi sự sẽ rơi vào hỗn độn. Bởi thế, nhận thức của con người có nhiệm vụ phải hiểu rằng có những điều nó không thể hiểu được” (7).

Đức tin và cảm thức về Thánh Thiêng

Người ta tin chắc rằng loại tranh luận qua lại giữa đức tin và lý trí sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Điều không thể tránh được là mỗi thời đại lại có cuộc tranh luận riêng của nó, nhưng người duy lý sẽ không thể cải đạo được người tin bằng lý luận mà người tin cũng không thể cải đạo được người duy lý. Nên cần phải kiếm cách để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này và giải thoát đức tin ra khỏi thế bế tắc đó. Trong cuộc tranh luận về lý trí và đức tin này, có thể nói chính lý trí áp đặt các lựa chọn của nó và bức bách đức tin, buộc đức tin phải ra khỏi nhà mình và ở thế chống đỡ.

Đức Hồng Y Newman hiểu rõ vấn đề ấy. Trong một bài diễn văn đại học khác, ngài cảnh báo nguy cơ bóp méo đức tin với ý muốn chạy sau lưng lý trí. Ngài nói ngài hiểu, nhưng ngài không thể chấp nhận được, các lý do của những người mưu toan loại bỏ hoàn toàn đức tin khỏi các nghiên cứu thuận lý, khi “các tranh chấp và chia rẽ được thúc đẩy bởi luận chứng và tranh cãi, niềm tự tin đầy kiêu hãnh được cổ vũ bằng sức mạnh của khả năng suy luận, sự lỏng lẻo ý kiến thường đi đôi với việc xem sét chứng cớ, sự lạnh lùng, tính hình thức cũng như tinh thần thế tục và xác thịt vốn đi đôi với việc cứng ngắc bám vào những công thức có tính giáo điều; và mặt khác, khi họ nhớ rằng Thánh Kinh nói tới tôn giáo như sự sống thần linh, bám rễ trong cảm giới và biểu lộ qua các ơn thánh thiêng liêng” (8)

Nhìn vào toàn bộ các đóng góp của Đức Hồng Y Newman về mối tương quan giữa lý trí và đức tin, vốn được người thời nay tranh luận hơn bao giờ hết, ta thấy có lời cảnh cáo sau đây: Không thể chống lại chủ nghĩa duy lý bằng một chủ nghĩa duy lý khác, dù chủ nghĩa thứ hai này có trái ngược bao nhiêu đi nữa. Do đó, ta phải tìm lối khác, một lối không tham vọng thay thế việc dùng lý trí bênh vực đức tin, nhưng đi đôi với việc ấy, cũng vì những người tiếp nhận việc công bố của Kitô Giáo không những chỉ là những nhà trí thức, có khả năng tham dự vào loại tranh luận này, mà còn là những người tầm thường vốn dửng dưng với cuộc tranh luận này nhưng lại mẫn cảm hơn với các luận chứng khác.

Pascal đưa ra con đường trái tim: “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết” (9); các nhà lãng mạn (như Schleiermacher chẳng hạn) đề nghị con đường xúc cảm. Theo Cha Cantalamessa, vẫn còn một con đường khác: con đường của cảm nghiệm và chứng tá. Cha không có ý nói tới cảm nghiệm đức tin có tính bản thân, chủ quan, nhưng là thứ cảm nghiệm phổ quát và khách quan mà ta có thể sử dụng để giáp mặt với những người còn xa lạ với đức tin. Con đường này không dẫn tới đức tin cứu rỗi trọn vẹn, tức đức tin vào Chúa Giêsu Kitô chịu chết và đã sống lại, nhưng có thể giúp ta tạo nên tiền đề cho đức tin ấy, tức việc mở lòng ra với mầu nhiệm, để nhận thức về một điều gì đó vượt quá thế giới và lý trí.

Đóng góp đáng kể nhất mà hiện tượng luận hiện đại về tôn giáo đã mang tới cho đức tin, nhất là theo cách được trình bày trong công trình cổ điển của Rudolph Otto tựa là "The Sacred"[10], đã chứng tỏ rằng khẳng định có tính truyền thống cho rằng có một điều gì đó không thể giải thích bằng lý trí, thực ra không phải là một định đề lý thuyết hay định đề đức tin, mà là một sự kiện hàng đầu của cảm nghiệm.

Có một xúc cảm từng đồng hành với nhân loại từ lúc ban đầu và ngày nay vẫn còn hiện diện trong tất cả các tôn giáo và nền văn hóa. Tác giả gọi nó là xúc cảm về thể đáng kính sợ (the numinous). Đây là một sự kiện nguyên sơ, không thể giản lược vào bất cứ xúc cảm nào khác trong kinh nghiệm nhân bản; nó khiến con người rùng mình mỗi lần, vì một hoàn cảnh ngoại tại hay nội tại nào đó, họ thấy mình đứng trước sự tỏ hiện của một mầu nhiệm “khủng khiếp nhưng hấp dẫn” của thể siêu nhiên.

Otto mô tả đối tượng của cảm nghiệm này bằng tĩnh từ “phi lý” (irrational) (phụ đề của tác phẩm này là: “Thể Phi Lý trong Ý Niệm Thần Linh và Tương Quan của Nó với Thể Hữu Lý”); nhưng toàn bộ tác phẩm muốn chứng minh rằng cảm thức ông gán cho hạn từ “phi lý” không “trái với lý trí” nhưng “nằm ngoài lý trí”, không thể phiên dịch bằng những hạn từ hữu lý. Thể đáng kính sợ tự tỏ mình ra ở nhiều mức độ tinh ròng khác nhau: từ trạng thái thô sơ nhất tức cảm xúc rờn rợn do các câu truyện ma quỉ tạo ra, cho tới trạng thái tinh ròng nhất qua việc tỏ lộ sự thánh thiện của Thiên Chúa, mà Thánh Kinh gọi là Qadosh, như trong đoạn mô tả ơn gọi của Isaia (Is 6:1 và tiếp theo).

Nếu thế, thì việc tái phúc âm hóa thế giới đã bị thế tục hóa cũng phải kinh qua việc phục hồi cảm thức thánh thiêng này. Địa hình của nền văn hóa duy lý, tức nguyên nhân và hậu quả của nó, đã làm mất đi cảm thức thánh thiêng này; vì thế, điều cần thiết là Giáo Hội phải giúp con người leo dốc trở lại và tái khám phá ra sự hiện diện và vẻ đẹp của thể thánh thiêng trong thế giới. Charles Peguy nói rằng: “Thiếu Thể Thánh Thiêng một cách cùng cực chính là dấu ấn sâu xa nhất của thế giới hiện đại”. Người ta thấy điều đó trong mọi khía cạnh của đời sống, nhưng đặc biệt trong nghệ thuật, văn chương và ngôn ngữ hàng ngày. Đối với nhiều tác giả, bị mô tả là “phạm thánh” (desecrating) không còn là một xúc phạm nữa, mà là một lời khen.

Có lúc, Thánh Kinh đã bị tố cáo là “phạm thánh” đối với thế giới vì đã xua đuổi các thần nam nữ khỏi núi non, biển cả và rừng sâu và biến chúng thành những tạo vật bình thường có nhiệm vụ phục vụ con người. Điều ấy đúng, nhưng chính khi tước khỏi chúng những lý chứng giả từng biến chúng thành thần minh, Thánh Kinh đã phục hồi chúng trở về với bản tính chân thực của chúng làm “dấu chỉ” cho thể thần linh. Thánh Kinh đả phá việc biến tạo vật thành ngẫu thần, chứ đâu có đả phá tính thánh thiêng của chúng.

Bởi đó, tạo vật “bị thế tục hóa” vẫn còn sức mạnh để tạo ra cảm nghiệm về thể đáng kính sợ và thể thần linh. Theo Cha Cantalamessa, điều mang đến cho ta một cảm nghiệm như thế chính là câu nói thời danh của Kant, đại biểu sáng chói nhất của chủ nghĩa duy lý triết học: “có hai điều làm tâm trí tôi mỗi ngày một đầy thán phục và tôn kính hơn, khi tôi càng ngắm những phản ảnh sâu sắc và lâu dài liên quan tới chúng: bầu trời đầy sao trên tôi và luật lệ luân lý trong tôi. […]Điều thứ nhất bắt đầu từ vị trí tôi chiếm giữ trong thế giới khả niệm ngoại giới, và sự nối kết mở rộng nơi đó tôi thấy mình trong sự cao cả bất tận, với hằng hà sa số ngôn từ, và hằng hà sa số hệ thống; và rồi một lần nữa, thời gian vô tận trong chuyển dịch định kỳ của chúng, trong sự bắt đầu và kéo dài của chúng” (11).

Trong cuốn sách tựa là "The Language of God,", nhà khoa học hiện còn sống, Francis Collins, vừa được đề cử vào hàn lâm việc giáo hoàng, đã mô tả lúc ông trở lại với đức tin như sau: “Vào một ngày mùa thu tươi đẹp, lúc tôi đang leo dẫy núi Cascade trong chuyến du hành lần đầu tới vùng phía tây Sông Mississippi, vẻ uy nghi và nét đẹp trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa đã tràn ngập sức đề kháng của tôi. Lúc ấy tôi biết cuộc tìm kiếm của mình đã kết thúc. Buổi sáng hôm sau, tôi quỳ trên cỏ còn đọng sương lúc mặt trời mọc và hoàn toàn hàng phục Chúa Giêsu Kitô” (12).

Cùng những khám phá kỳ diệu như thế của khoa học và kỹ thuật, thay vì khiến người ta vỡ mộng, cũng có thể trở nên dịp giúp người ta thán phục và cảm nghiệm được thể thần linh. Giây phút cuối cùng khám phá ra hệ di truyền (genome) của con người đã được Francis Collins, người đứng đầu nhóm khám phá, mô tả như sau: “(quả là) một cảm nghiệm đầy phấn khích về khoa học đồng thời là cảm nghiệm thờ lạy về tôn giáo”. Trong những điều kỳ diệu của công trình sáng tạo, không gì kỳ diệu hơn con người và, trong con người, là tri khôn của họ do Thiên Chúa tạo nên.

Khoa học hiện nay hết hy vọng chạm tới những giới hạn sau cùng của việc thăm dò thể vô cùng lớn là vũ trụ cũng như thể vô cùng nhỏ là hạ phân tử (subatomic particles). Một số người đã biến những thể quá cách nhau này thành luận điểm chứng minh việc không có Đấng Hóa Công và sự vô nghĩa của con người. Đối với tín hữu, những thể đó chính là dấu chỉ tuyệt hảo không những cho thấy sự hiện hữu mà còn cả các phẩm tính của Thiên Chúa nữa: sự mênh mông của vũ trụ chính là dấu chỉ sự cao cả và siêu việt vô biên của Người, sự nhỏ nhoi của nguyên tử chính là dấu chỉ tính nội tại và đức khiêm hạ của việc Người nhập thể, từng làm Người trở nên một hài nhi trong bụng mẹ và một mảnh bánh tí hon trong bàn tay linh mục.

Trong đời sống hàng ngày của con người, cũng không thiếu dịp để người ta cảm nghiệm được một chiều kích “khác”: si tình, việc ra đời của đứa con đầu tiên, một niềm vui lớn lao. Cần giúp người ta biết mở mắt ra và tái khám phá khả năng thán phục của họ. “Người biết thán phục là người sẽ cai trị” đó là câu nói bên ngoài Tin Mừng được gán cho Chúa Giêsu (13). Trong cuốn tiểu thuyết “Anh Em Nhà Karamasov”, Dostoyevsky nhắc lại lời của Starez Zosima, lúc ấy còn là một sĩ quan lục quân, ngỏ với những người hiện diện, lúc ông được ơn thánh linh hứng, đã từ khước không đấu kiếm với địch thủ: “Thưa qúy ông, xin qúy ông dõi nhìn các hồng phúc của Thiên Chúa: bầu trời trong xanh kia, không khí trong lành này, làn cỏ mướt kia, những con chim nhỏ bé này: thiên nhiên đẹp đẽ và trong trắng xiết bao, trong khi chúng ta, chỉ chúng ta thôi, xa cách Thiên Chúa và ngu si, không hiểu rằng đời là một thiên đàng, và chỉ cần ta hiểu nó, nó sẽ lập tức xuất hiện trong hết cái vẻ đẹp của nó, lúc ấy ta sẽ ôm lấy nhau mà bật khóc” (14). Đó chính là cảm thức chân thực về sự thánh thiêng của thế giới và của đời người!

Cần các chứng nhân

Cảm nghiệm về thể thánh thiêng và thể thần linh khi đến với ta một cách tự phát và bất ngờ từ thế giới bên ngoài và được ta tiếp nhận và vun sới, nó sẽ trở thành một cảm nghiệm chủ quan sống động. Từ đó, phát sinh ra những “chứng nhân” của Thiên Chúa, tức các vị thánh và trong số các vị thánh đó, có một loại đặc biệt gọi là các nhà huyền nhiệm.

Theo một định nghĩa thời danh của Dionysius thành Areopagite, nhà huyền nhiệm là người từng “chịu đựng Thiên Chúa” (15) nghĩa là người từng cảm nghiệm được và sống thể thần linh. Đối với người khác, các nhà huyền nhiệm là những nhà thám hiểm từng đầu tiên lẩn lút đi vào Đất Hứa và lúc trở về kể cho bà con nghe mình đã được nhìn thấy “mảnh đất chẩy sữa và mật ong” để khích lệ họ vượt qua sông Giođăng (xem Ds 14:6-9). Chính qua các ngài, những tia sáng đầu tiên của sự sống đời đời chiếu tới chúng ta trên dương gian này.

Đọc các trước tác của các ngài, ta sẽ thấy những luận chứng dù tinh tế nhất của các nhà vô thần và duy lý cũng xa vắng và ngây ngô xiết bao! Khi chạm trán với họ, trong ta bỗng nẩy sinh một cảm thức lạ lùng và cả thương hại nữa như lúc ta đứng trước một người nói về những việc mà rõ ràng ông ta không biết gì. Là tín hữu, ta dễ dàng nhận ra những lỗi văn phạm nơi người đối thoại, dù không biết rằng người đó đang nói một ngôn ngữ khác mà họ không biết. Tuy nhiên chẳng cần lên tiếng bài bác họ, vì những lời bênh vực Thiên Chúa lúc ấy xem ra trống rỗng và sai chỗ.

Các nhà huyền nhiệm là những người hàng đầu khám phá ra Thiên Chúa “hiện hữu”; thực thế, chỉ có Người thực sự hiện hữu và chỉ có Người là vô cùng hiện thực hơn tất cả những gì ta quen gọi là thực tại. Chính nhờ một trong những cuộc gặp gỡ như thế mà một môn sinh của triết gia Husserl, một người con gái Do Thái và là một nhà vô thần đầy xác tín, một đêm kia đã khám phá ra Thiên Chúa hằng sống. Đó chính là Edith Stein, nay là Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá. Cô là khách của những người bạn Kitô Giáo và một tối kia, khi tất cả đã ra ngoài, cô ở lại nhà một mình và chả biết làm chi, bèn cầm lấy một cuốn sách lấy từ thư viện và bắt đầu đọc. Cuốn sách đó nói về tiểu sử Thánh Teresa thành Avila. Suốt đêm hôm đó, cô ngấu nghiến hết cuốn sách. Đến câu cuối, cô kêu lên: “Đây mới là chân lý!”. Sáng sớm hôm sau, cô vào thành phố mua cuốn giáo lý và sách lễ Công Giáo, và sau khi nghiên cứu chúng, cô tới một nhà thờ lân cận và xin một linh mục rửa tội cho cô.

Cha Cantalamessa cũng có một kinh nghiệm nhỏ về sức mạnh của các nhà huyền nhiệm trong việc giúp ta với tay tới cõi siêu nhiên. Đó là năm người ta thảo luận nhiều về cuốn sách của một thần học gia tựa là "Does God Exist?" (Existiert Gott?"). Nhưng đọc đến chữ cuối, rất ít người chịu đổi dấu hỏi của tựa sách thành dấu than. Đi tham dự một hội nghị, cha mang theo cuốn sách nói về các trước tác của Chân Phúc Angela thành Foligno mà cha chưa bao giờ biết. Cha thực sự bị choáng mắt; vừa tham dự hội nghị, thỉnh thoảng cha lại mở sách ra đọc từng chập, và tới cuối sách, cha phải thầm nhủ: “Thiên Chúa có hiện hữu không? Không những Người hiện hữu, Người còn là ngọn lửa thiêu đốt thực sự!”.

Tuy nhiên, một mốt văn chương mới đang thành công trong việc vô hiệu hóa ngay cả các “chứng tá” sống động của Thiên Chúa hiện hữu là các nhà huyền nhiệm. Nó thực hiện được điều đó nhờ một phương pháp độc đáo: bằng cách không tìm cách giảm thiểu con số của họ mà gia tăng con số ấy lên, không hạn chế hiện tượng ấy mà mở rộng nó hết cỡ. Cha muốn nói tới những người được các bài giới thiệu về huyền nhiệm, các hợp tuyển về trước tác huyền nhiệm hay các cuốn lịch sử về huyền nhiệm, đặt cạn nhau, như thể tất cả đều thuộc về cùng một hiện tượng: Thánh Gioan Thánh Giá được đặt cạnh Nostradamus, các thánh được đặt cạnh những người lệch tâm (eccentrics), huyền nhiệm Kitô Giáo đặt cạnh phong trào Kabala Trung Cổ (của người Do Thái), phong trào ẩn tu bên cạnh thông linh học (theosophism), các hình thức phiếm thần và sau cùng là thuật chế kim (alchemy). Các nhà huyền nhiệm chân thực trở thành một điều khác hẳn, nên không lạ gì Giáo hội tỏ ra nghiêm nhặt trong phán đoán về các vị ấy.

Thần học gia Karl Rahner xem ra đã tiếp nhận một thuật ngữ của Raymond Pannikar, khi quả quyết rằng: “Kitô hữu của ngày mai sẽ một là nhà huyền nhiệm hai là không”. Ngài muốn nói rằng trong tương lai, muốn giữ cho đức tin sống động thì cần có chứng tá của những con người từng cảm nghiệm Thiên Chúa một cách sâu sắc, hơn là tìm cách lý luận hòng thuyết phục người ta. Xét trong yếu tính, Đức Phaooô VI cũng nói cùng một điều như thế khi người quả quyết trong "Evangelii Nuntiandi" (No. 4): “Con người hiện đại sẵn sàng muốn lắng nghe các nhân chứng hơn là các thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe các thầy dạy, thì chính vì các thầy dạy này đều là nhân chứng”

Theo ngữ cảnh, khi Thánh Tông Đồ Phêrô khuyên Kitô hữu sẵn sàng “nêu… lý do khiến anh em hy vọng” (1 Pr 3:15), chắc chắn ngài không có ý nói tới các lý do suy lý và biện chứng, nhưng là các lý do thực tiễn, tức cảm nghiệm của họ về Chúa Kitô, trong hợp nhất với chứng tá tông đồ vốn là thứ bảo đảm cho nó. Trong bài chú giải bản văn này, Đức Hồng Y Newman nói tới “các lý do mặc nhiên”, những lý do có tính thuyết phục sâu xa đối với tín hữu hơn là các lý do minh nhiên và có tính lý luận (16).

Bước nhẩy vọt của đức tin vào dịp Giáng Sinh

Không phải chỉ có người vô tín ngưỡng mới cần những bộc phát bất ngờ của thể siêu nhiên mà cả chúng ta, những người có đức tin, chúng ta cũng cần phải làm sống lại đức tin của mình. Nguy hiểm lớn lao nhất của những người theo tôn giáo là giản lược đức tin vào một loạt các nghi lễ và công thức, cứ thế lặp đi lặp lại dù cẩn trọng nhưng một cách khá máy móc, không đặt hết con người mình vào đó. Thiên Chúa từng phán trong sách Isaia rằng: “Dân này chỉ đến gần ta bằng lời và tôn kính Ta bằng miệng, mà lòng trí thì ở xa Ta. Chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm” (Is 29:13).

Giáng Sinh là dịp thuận lợi để ta nhẩy vọt trong đức tin. Đây là dịp “thần hiện” tuyệt diệu của Thiên Chúa, là “biểu hiện cao cả nhất của Đấng Thánh Thiêng”. Bất hạnh thay, chủ nghĩa duy tục đang tước mất khỏi lễ này đặc tính “mầu nhiệm” tuyệt vời của nó, một mầu nhiệm dẫn ta tới cảm thức kính sợ và thờ lạy đầy thánh thiêng, giản lược nó chỉ còn là một biến cố phấn khích, một phấn khích chỉ theo nghĩa tự nhiên, không hề có nghĩa siêu nhiên: một ngày lễ mùa đông (mùa hè ở Nam Bán Cầu), với cây lá, nai hươu và Ông Già Noel. Ngày nay, tại một số quốc gia, người ta còn đang mưu toan thay cả tên “Christmas” (Lễ Chúa Kitô) thành “lễ ánh sáng”.

Đối với Cha Cantalamessa, tính “đáng kính sợ” trong Lễ Giáng Sinh có liên hệ tới một ký ức. Cách đây ít năm, Cha có tham dự Thánh Lễ Nửa Đêm do Đức Gioan Phaolô II chủ tế tại Nhà Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ này, có phần hát bài Kalenda, tức bài long trọng công bố việc Chúa Kitô sinh ra đời, vốn có trong hạnh tử đạo ngày xưa và sau Công Đồng Vatican II, đã được tái lập trong phụng vụ ngày Lễ Giáng Sinh:

“Vào năm 5,199 từ lúc tạo dựng thế giới, […]

Vào năm 1,510 từ lúc xuất hành khỏi Ai Cập, […]

Vào thế vận hội thứ 194 năm 732 sau khi xây Thành Rôma,

Vào năm thứ 42 triều Octavian Augustus, […]

Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa hằng hữu và Con Chúa Cha hằng hữu, đã muốn thánh hóa thế giới bằng việc xuống trần đầy phúc lộc của mình.

Người đã được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và nay sau 9 tháng

Người đã được Trinh Nữ Maria hạ sinh làm người tại Bêlem thuộc chi tộc Giuđa”

Nghe tới những chữ cuối cùng, Cha bỗng cảm nghiệm được điều vốn gọi là “phép xức dầu của đức tin”: một thông sáng nội tâm rất bất ngờ khiến ngài thốt lên: “đúng! Tất cả những điều vừa hát rất đúng! Không những chỉ là lời mà thôi. Cõi vĩnh hằng đã bước vào thời gian. Biến cố cuối cùng đã chia cắt chuỗi biến cố; nó đã tạo nên một “cái trước” và một “cái sau” không thể nào đảo ngược được; cách tính thời gian khởi đầu có liên hệ với các biến cố khác nhau (như Thế Vận Hội, vương quốc này, vương quốc nọ), nhưng nay chỉ còn liên hệ với một biến cố duy nhất”. Một xúc cảm mạnh mẽ dâng lên trong toàn bộ con người Cha, Cha chỉ còn biết thưa: “Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, xin đội ơn Ngài, và lạy Mẹ Thánh Thiên Chúa, xin đội ơn Mẹ”.

Sẽ rất có ích nếu ta biết biến Lễ Giáng Sinh thành một dịp nhẩy vọt về đức tin bằng cách tìm giờ để im lặng. Chính phụng vụ cũng bao quanh việc Chúa ra đời bằng im lặng: "Dum medium silentium tenerent omnia" (khi mọi sự chung quanh đều im lặng). Rồi "Stille Nacht" (Đêm Thinh Lặng, Silent Night). Toàn là những tựa đề phổ thông trong các bài ca Kitô Giáo dịp Giáng Sinh. Vào dịp Giáng Sinh, ta nên cảm nhận như thể lời mời gọi của Thánh Vịnh được đích thân gửi đến cho ta: “Hãy ở lặng thinh và tuyên xưng Ta là Thiên Chúa” (Tv 46:11).

Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực khó vượt qua của sự im lặng Giáng Sinh này: “Bà Maria giữ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Sự im lặng của Đức Mẹ trong Lễ Giáng Sinh không phải chỉ là một sự im lặng đơn giản; nó là sự ngưỡng mộ, và là sự thờ lạy; nó là “sự im lặng tôn giáo”, một sự bị choáng ngợp bởi thực tại. Giải thích đúng nhất đối với sự im lặng của Đức Mẹ chính là lời giải thích trong bức ảnh xưa của nghệ thuật Byzanine trong đó Mẹ Thiên Chúa mở thật rộng đôi mắt mình, đôi mắt không nhấp nháy, nhưng hết sức chăm chú, như thể đang thấy những điều không thể mô tả bằng lời. Đức Mẹ là người đầu tiên đã dâng lên Thiên Chúa điều được Thánh Grêgôriô thành Nazianzen gọi là “ca khúc im lặng” (17).

Người thực sự tham dự Lễ Giáng Sinh là người ngày hôm nay, tức nhiều thế kỷ sau, có thể làm lại điều có thể họ đã làm nếu họ hiện diện vào ngày hôm đó. Đó là người làm được điều Đức Mẹ vốn dạy ta làm, là qùy gối, thờ lạy, giữ im lặng!

Ghi chú

[1] J.H. Newman, Oxford University Sermons, London, 1900, pp. 54-74.

[2] Ib.p., XV.

[3] Ib., p. 183.

[4] Ibidem.

[5] B. Pascal, "Pensées," 267 Br.

[6] St. Augustine, Letters 130, 28 (PL 33, 505).

[7] S. Kierkegaard, "Journal," VIII A 11.

[8] Newman, op. cit., p. 262.

[9] B. Pascal, "Pensées," No. 146 (ed. Br. N. 277).

[10] R. Otto, Das Heilige. "Uber das Irrationale in der Idee des Göttlichen und seine Verhältnis zum Rationalem," 1917.

[11] I. Kant, “Kritik der praktischen Vernunft”, Beschluß (II 205).

[12] F. Collins, "The Language of God: A Scientist Presents Evidence for Belief," Free Press, 2006, pp. 219 and 255.

[13] In Clemens Alexandrinus, "Stromata," 2, 9.

[14] F. Dostoyevsky, "The Brothers Karamazov," Part II, VI.

[15] Dionysius the Areopagite, "Divine Names II," 9 (PG 3, 648) ("pati divina").

[16] Cf. Newman, "Implicit and Explicit Reason," in University Sermons, XIII, quot., pp. 251-277.

[17] St. Gregory Nazianzen, "Carmina," XXIX (PG 37, 507).
 
Các thiệp Giáng Sinh yểm trợ cho các công trình bác ái của Đức Thánh Cha
Bùi Hữu Thư
20:05 23/12/2010
VATICAN, ngày 23, tháng 12, 2010 (Zenit.org).- Năm nay Tòa Thánh đang bán các thiệp Giáng Sinh đặc biệt để yểm trợ cho các công trình bác ái của Đức Thánh Cha Benedict XVI.

Chương trình này được Uỷ Ban Giáo Hoàng Cor Unum khởi xướng cùng với sự hợp tác của Văn Phòng sưu tầm tem thư và các đồng tiền kim loại.

Các thiệp này, có bán tại Bưu Điện Vatican, có in hình các hoạt động bác ái khác nhau trong đó có Uỷ Ban Giáo Hoàng này tham dự.

Các thiệp có in sẵn một con tem để gửi qua Bưu Điện Vatican.

Trong số những mục tiêu chính của Ủy Ban Giáo Hoàng Cor Unum là việc phổ biến rộng rãi một nền văn hóa bác ái chính thực, qua một giáo lý thúc đẩy các tín hữu Công Giáo làm nhân chứng cá nhân cho đức bác ái.

Báo L'Osservatore Romano giải thích: "Với thời gian trôi qua, và trên hết, với sự xuất hiện của rất nhiều cơ quan từ thiện có dẫn chứng về giáo huấn của Giáo Hội, Uỷ Ban của Tòa Thánh đã trở nên cơ quan phối hợp của tất cả các hoạt động bác ái này.

Uỷ ban trợ giúp các giáo hội đặc biệt, để bảo đảm một sự nối kết giữa các thực tại giáo hội, có liên quan đến lãnh vực bác ái và trợ cấp, cũng như với các cơ quan công cộng quốc tế."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nghe hợp khúc Đón Mừng Chúa Giáng Trần
Ca đoàn Hồng Ân San Jose
10:29 23/12/2010