Ngày 18-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:33 18/12/2009
CÁ VÀ CÀ CHUA

N2T


Một phụ nữ đang cúi người lựa chọn những quả cà chua trong chợ. Đột nhiên, một cơn đau từ sau lưng lan đến, nhất thời bà ta không thể động đậy, bèn hét lên một tiếng.

Nhân viên bán hàng bên cạnh vừa nhìn thấy, bèn nói: “Nếu bà thấy giá cà chua không hợp lý thì tốt nhất đi coi giá tiền của cá.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Có rất nhiều lần bạn và tôi cũng đoán xét người khác, khi nhìn thấy thái độ bên ngoài của họ khác thường:

- Thấy người khác đang nhíu mày -vì nhức mắt- khi nghe mình nói thì chúng ta đoán họ đang chê mình.

- Thấy người khác đang hai tay ôm bụng –vì đau bụng- khi đang họp, thì đoán xét là họ làm bộ để khỏi họp hành.

- Thấy nhân viên đang che miệng nhỏ to với nhau –vì bàn hỏi ý kiến- khi mình đang thuyết trình, thì đoán là họ coi thường không tôn trọng mình.

Giá tiền cá thì cao hơn giá cà chua, nhưng giá trị danh dự của con người thì cao hơn tất cả vàng bạc vật chất, bởi vì danh dự của con người không thuộc vật chất nhưng thuộc về tinh thần.

Đoán xét không đúng về tha nhân chính là cầm dao chém giết tinh thần của họ vậy !

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 4 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:35 18/12/2009
CHỦ NHẬT 4 MÙA VỌNG

Tin mừng: Lc 1, 39-45

“Bởi đâu mà tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này ?”


Bạn thân mến,

Hôm nay chủ nhật thứ tư mùa vọng, chủ đề của Tin Mừng hôm nay là viếng thăm, chính là đức ái. Cuộc sống của người giữa người với nhau đều có những quan hệ để sống tồn, để yêu thương, để giúp đỡ, để chia vui và để chia buồn, bởi vì không ai là một hòn đảo.

Đức Mẹ Ma-ri-a đã đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét để trước hết là phục vụ, và sau nữa là loan báo tin vui Đấng Cứu Thế đã giáng trần, ơn cứu độ đã đến với nhân loại, một cuộc thăm viếng đơn sơ không kèn không trống đón chào nhưng niềm vui ngợp trời đất, không diễn văn khoa trương nhưng lột tả được tất cả những kì công của Thiên Chúa đã làm cho con người, đó là tình thương cứu độ.

Tình thương cứu độ này được đón nhận trước hết là thai nhi trong bụng của bà Ê-li-sa-bét –thánh Gioan Tiền Hô- ngài đã nhảy mừng lên khi còn trong bụng mẹ và đã được khỏi tội nguyên tổ, một cuộc viếng thăm tràn ngập niềm vui của Mẹ Ma-ri-a tại nhà người chị họ của mình.

Trong cuộc sống của bạn và tôi, cũng như bất cứ người nào cũng đều có những cuộc thăm viếng nhau trong cuộc sống, những cuộc thăm viếng này rất đa dạng:

- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả niềm vui cho người được thăm viếng.

- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả giận hờn, làm cho người được thăm viếng buồn phiền và lo âu.

- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả hận thù, làm cho người được thăm viếng sợ hãi...

Tiếp xúc và thăm viếng nhau là cơ hội để đem lại cho nhau niềm vui và sự cảm thông, đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người trong chúng ta.

Bạn thân mến,

Chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm giáng sinh hơn những người khác, chúng ta càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa thăm viếng của Mẹ Ma-ri-a với bà Ê-li-sa-bét, nghĩa là chúng ta sẽ đem tình yêu của Chúa đến cho tha nhân khi chúng ta đến viếng thăm hoặc là tiếp xúc với họ, chúng ta đóng vai trò của Mẹ Maria đem Chúa đến cho mọi người bằng cung cách phục vụ trong khiêm tốn của chúng ta.

Mẹ Ma-ri-a đón mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa bằng cách phục vụ người chị họ như một “tôi tớ hèn mọn”, Mẹ cũng muốn chúng ta khi chuẩn bị đón mừng lễ giáng sinh con của Mẹ, thì đồng thời cũng giang tay tiếp đón những Giê-su nghèo khó bên vệ đường, những Ê-li-sa-bét lam lũ quần quật giữa cảnh đời không có tương lai...

Đó chính là lời mời gọi đức ái của Mẹ Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:41 18/12/2009
N2T


3. Đặt một ngọn đèn nhỏ trước mặt bạn, thì tốt hơn là đặt một ngọn đèn lớn phía sau lưng bạn.

(Thánh Leo giáo hoàng)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:42 18/12/2009
N2T


319. Đem hy vọng ký thác cho ngẫu nhiên thì kết quả rất là nguy hiểm, phương pháp chắc chắn nhất vẫn là phải dựa vào sự nổ lực của chính mình.

 
Hai Ngàn Năm Trước
Lm. Anphong Trần Đức Phương
09:18 18/12/2009
HAI NGÀN NĂM TRƯỚC

LỄ CHÚA GIÁNG SINH

Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta đã dâng nhiều hy sinh hãm mình, cầu nguyện, lãnh phép Giải Tội để dọn tâm hồn hầu xứng đáng long trọng mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh. Ở nhiều nơi, Lễ Chúa Giáng Sinh cũng được gọi là Lễ No-en (Noel: từ tiếng Latinh: “Natalis Dies”) và mừng vào ngày 25 tháng 12 hàng năm (Về ngày “Sinh Nhật của Chúa Giêsu”, xin đọc bài “Nhân Mùa Giáng Sinh: Tìm Hiểu Ngày Sinh Nhật của Chúa Giêsu Kitô”).

Hôm nay, nhân loại ở khắp nơi hân hoan mừng ngày Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và ở giữa chúng ta (Emmanuel). Vâng, từ hơn hai ngàn năm trước, khi “thời gian đã viên mãn”, Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác người phàm nơi lòng Trinh Nữ Maria qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài đã sinh ra và lớn lên như một con người trần thế. Ngài đã không sinh ra trong ‘lầu cao, gác tía’, trong cảnh quyền qúy cao sang; nhưng Ngài đã sinh ra trong cảnh khó nghèo cùng cực, nơi hang bò lừa. Ngài đến để đem thình thương, hoà bình cho nhân loại.

Đại lễ Chúa Giáng Sinh được mừng qua nhiều Thánh Lễ khác nhau:

Lễ Vọng Giáng sinh được mừng vào chiều ngày 24/12. Lễ Nửa Đêm thường được cử hành vào chính nửa đêm. Lễ Rạng Đông mừng vào lúc sáng sớm ngày 25/12, và Lễ Ban Ngày.

Thánh Lễ Vọng, Bài Phúc Âm (Matthêu 1: 1-25) kể lại gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu từ tổ phụ Abraham. Tiếp theo là câu chuyện Trinh Nữ Maria chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần, và Thánh Giuse, sau khi được Thiên Thần cho biết “Đức Maria mang thai là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần”, liền vui mừng rước Maria về làm vợ theo luật pháp. Bài Đọc I (Isaia 62:1-5) nói đến Đấng Công chính xuất hiện như ánh sáng soi chiếu trần gian. Ngài đến để mang ơn cứu độ cho nhân loại”. Bài Đọc II (Công Vụ Tông Đồ 13: 16-17, 22-25) nói đến Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Vua David, và Thánh Gioan Tiền Hô đã ban Phép Rửa Thống Hối để dọn tâm hồn dân chúng đón Ngài đến.

Lễ Nửa Đêm thường được cử hành rất long trọng vào đúng nửa đêm để kỷ niệm việc Chúa Giêsu sinh ra nghèo khó trong hang bò lừa giữa đêm khuya. Bài Phúc Âm (Luca 2: 1-14) kể rõ thời gian Chúa giáng sinh là vào đời Augusto (Hoàng Đế Rôma từ năm 29 trước Chúa giáng sinh đến năm 14 sau Chúa giáng sinh). Vì lệnh kiểm tra, thánh Guise phải đưa Đức Maria về khai sổ nơi nguyên quán là thành Vua David (Bêlem); hai ông bà đã đến nơi vào đúng lúc Đức Maria đến giờ sinh con, và vì không còn chỗ trong các nhà trọ, nên phải sinh con trong hang đá bò lừa giữa đồng trống lạnh giá. Các mục đồng là những người đã được Thiên Chúa báo tin mừng trước hết để đến kính viếng Chúa Hài Nhi được “bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”, và cả đạo binh Thiên Thần ca hát chúc mừng Chúa Hài Nhi giáng trần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương!”

Bài Đọc I (Isaia 9: 1-6) ghi lại những lời tiên tri Isaia nói trước về ngày Đấng Cứu Thế đến “như ánh sáng chiếu soi bóng tối… Ngài là Người Cha muôn thuở, là Hoàng Tử Thái Bình…” Bài Đọc II (Thư Titô 2: 11-14): Thánh Phaolô nói đến ân sủng Chúa giáng trần đem đến cho nhân loại: “Dạy chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, sống công chính và đạo đức… Vì Ngài đã hiến thân để cứu chuộc chúng ta, và quy tụ chúng ta thành một dân riêng của Ngài, một dân chỉ chăm lo làm việc thiện.”

Lễ Rạng Đông được dâng vào lúc trời bừng sáng để nói lên tư tưởng chính trong Lễ Rạng Đông: Hôm nay, sự sáng chiếu soi trên nhân loại, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta …” (Ca Nhập Lễ). Bài Phúc Âm (Luca 2: 15-20) kể lại việc các mục đồng được Thiên Thần báo tin để đến thờ lạy Chúa Hài Nhi, và họ đã thấy “Đức Maria, Thánh Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ…” Sau đó, các mục đồng đi loan truyền cho mọi người biết; họ “vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa về những điều đã được mắt thấy tai nghe…” Bài Đọc I (Isaia 62: 11-12) nói về niềm vui mừng ngày Đấng Cứu Thế đến. Những ai tin và được Ngài cứu chuộc sẽ được gọi là dân thánh của Chúa. Bài Đọc II (Thư Titô 3: 4-7), Thánh Phaolô nói đến ơn cứu độ Chúa ban cho chúng ta do lòng nhân từ của Chúa, chứ không do công nghiệp của chúng ta; nhờ ơn cứu chuộc của Chúa, chúng ta “được tái sinh trong Phép Rửa và được canh tân nhờ ơn Chúa Thánh Thần.”

Lễ Ban Ngày, nhấn mạnh đến niềm vui Chúa Giáng sinh: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta… Thiên Chúa đã đến với chúng ta …” (Ca Nhập Lễ). Khắp mọi nơi trên thế giới được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa; nên hãy “hân hoan hát lên một Bài Ca mới…” (Đáp Ca, theo Thánh Vịnh 97). Bài Phúc Âm (Gioan 1: 1-18): Thánh Gioan Thánh Sử nói đến ý nghĩa sâu xa của Mầu Nhiệm Nhập Thể; “Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn có từ trước đời đời, đã nhập thể mặc lấy thân xác loài người để ở giữa chúng ta và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Thánh Gioan Baotixita đã được sai đi trước dọn lòng dân chúng để đón Đấng Cứu Độ. Bài Đọc I (Isaia 52: 7-10): Tiên Tri Isaia loan báo trước về ngày Đấng Cứu Thế đến và ban ơn cứu độ cho nhận loại, và khắp mọi nơi trên mặt đất đều được hưởng ơn cứu độ của Người”. Bài Đọc II (Thư Do Thái 1: 1-6): Thánh Phaolô nói đến lịch sử ơn cứu độ qua các thời gian: từ thuở xa xưa, Thiên Chúa nói qua các tiên tri nhiều lần và dưới nhiều hình thức, và nay đã được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Ngài đã đến chịu đau khổ để cứu chuộc chúng ta, tẩy sách tội lỗi chúng ta. Ngài đã sống lại và lên trời vinh hiển để mở đường giải thoát chúng ta. Vì thế, muôn loài, muôn vật đều thờ lạy Ngài trong vinh quang.

Mùng ngày Chúa giáng sinh, chúng ta hãy cùng hiệp lời cầu nguyện, xin Chúa mở rộng lòng chúng ta để chúng ta luôn biết noi gương Chúa dấn thân phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khó, những người bị xã hội bỏ rơi. Xin Chúa ban hòa bình của Chúa cho mọi gia đình, cho thế giới chúng ta, cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Xin Chúa nhân từ chúc lành cho chúng ta cũng như cho các vị Chủ Chăn, các Linh Mục, Tu sĩ nam, nữ và toàn thể dân Chúa trong Năm Linh Mục này.
 
“Văn hoá thăm viếng” trong hành trình yêu thương phục vụ của Mẹ
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
10:28 18/12/2009
Trong ngày sứ thần truyền tin, Mẹ đã mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần và tình yêu của Ngài. Chính niềm tin đã mở ngõ cho Chúa Thánh Thần đến trong lòng Mẹ. Kể từ đó, mọi hành vi, mọi cử chỉ của Mẹ đều được Mẹ thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hôm nay, việc Mẹ đến thăm người chị họ là bà Êlisabét cũng không nằm ngoài sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Và cũng qua đó, chúng ta được chiêm ngắm một mẫu gương sống Mùa Vọng thật tuyệt hảo: mẫu gương đón Chúa đến bằng tinh thần yêu thương phục vụ anh chị em mình. Trình thuật của thánh sử Luca cho chúng ta biết yêu thương phục vụ cụ thể ở đây là gì.

- Yêu thương phục vụ ở đây là thăm viếng người khác:

Vượt trên sự cách trở của địa lý và sự tính toán thường tình của con người, Mẹ Maria đã ra đi và ra đi một cách “vội vã” để thăm viếng người chị họ của mình đang mang thai trong lúc tuổi già. Lời nói “chỗi dậy, vội vã ra đi” cho thấy tâm hồn Mẹ Maria dạt dào niềm tin tưởng và vui tươi, vì Mẹ đang “có Chúa ở cùng”. Mẹ vui vì người chị họ được phúc làm mẹ trong tuổi già son sẻ. Bởi chưng đối với một phụ nữ Do Thái, một khi đã lập gia đình thì việc được làm mẹ - tức sinh con - là một diễm phúc lớn lao; ngược lại, son sẻ là một nỗi tủi nhục đớn đau vô ngần cho chính mình và cho cả

dòng họ. Với Mẹ Maria, chuyến thăm viếng lần này vừa là để chúc mừng chị họ, vừa là để chia sẻ với chị niềm vui mà chính Mẹ đang cưu mang, như lời chị họ Êlisabét nói: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi ?” Mẹ đã mang niềm vui đến cho cả gia đình chị họ, cho Gioan Tẩy Giả còn trong bụng mẹ chờ ngày chào đời.

Người Kitô hữu được mời gọi phát huy nét văn hoá thăm viếng theo tinh thần của Mẹ, cũng là tinh thần của Kitô giáo. Chúng ta biết rằng thăm viếng nhau là một nét đẹp nghĩa tình của nền văn hoá Á đông. Thế nhưng, trong thời đại thông tin ngày nay, nét văn hoá ấy đang ngày càng mất đi. Người ta rất ít thăm viếng nhau (tương giao thể lý) chỉ vì không có thời gian. Có chăng chỉ tiếp xúc qua Email, điện thoại, thư tín... Và chính vì thường “xa mặt” nên người ta cũng rất dễ “cách lòng”. Yêu thương mà không bao giờ đến với nhau thì yêu thương kiểu chi ? Phục vụ mà không hề hiện diện thì phục vụ kiểu gì ?

- Yêu thương phục vụ ở đây còn là dành thời gian để “ở lại” với người khác:

Không chỉ đơn thuần thăm viếng để chia sẻ niềm vui không thôi, Mẹ còn chấp nhận hy sinh thời giờ và công việc gia đình để ở lại với người chị họ, không phải một giờ hai giờ, một ngày hai ngày mà là suốt 3 tháng, tức là tròn một quý. Ở lại để giúp đỡ người chị họ đang mang thai và sinh con trong lúc tuổi già, và cũng có thể để học hỏi thêm kinh nghiệm cho riêng mình. Thế nhưng, điều quan trọng là Mẹ đã cho đi sự hiện diện trân quý của mình để đem lại niềm vui ngập tràn cho gia đình ông bà Giacaria. Còn niềm vui nào bằng khi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm và hiện diện? Bà Êlisabét đã nói lên niềm vui hân hoan đó: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”. Một niềm vui đầy ắp và tràn trào !

Ngày nay, thời đại của nền văn minh fastfood và “mì ăn liền”, con người không còn nhiều thời gian cho nhau. Có chăng người ta chỉ thăm nhau hay đến với nhau có tính cách xã giao, hời hợt. Ngay trong cùng một gia đình, người ta cũng không còn thời gian để hiện diện, để lắng nghe, để chia sẻ với nhau những tâm tư thầm kín, nói chi đến người ngoài. Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, vất vả nhọc nhằn, biết cho nhau sự hiện diện là điều rất quý. Hiện diện bên cạnh một bệnh nhân để lắng nghe họ tâm sự cũng là góp phần chữa lành họ. Có mặt bên cạnh một một gia đình đang gặp chuyện bất hoà bất thuận để chia sẻ nỗi niềm của họ cũng là góp phần hàn gắn gia đình họ trước nguy cơ rạn vỡ. Dĩ nhiên để làm được điều đó cần có thời gian để “ở lại”.

- Yêu thương phục vụ cụ thể ở đây còn là biết đem Chúa đến cho người khác.

Mẹ đến với gia đình người chị họ không chỉ để thăm viếng và để ở lại giúp đỡ người chị họ, mà nhất là còn để đem Chúa đến cho gia đình bà. Đây là mục đích chính yếu. Mẹ đóng vai trò như hòm bia giao ước mới sống động, mang Chúa đến hiện diện giữa mọi người. Bởi đó cuộc gặp gỡ của Mẹ với người chị họ cũng đích thực là cuộc gặp gỡ của hai người con. Ngay khi bà Êlisabét nghe lời Mẹ Maria chào, thì hài nhi Gioan trong bụng liền nhảy lên vui sướng. Gioan nhảy lên vì được “chạm mặt” Đấng Cứu Thế, là Ngôi hai Thiên Chúa làm người. Gioan vui sướng vì được chính Con Đấng Tối Cao hạ cố đến viếng thăm mình. Rõ ràng ngay lúc này Mẹ đã nhường chổ cho Chúa Giêsu, để Ngài được nhận biết và được lớn lên trong lòng người khác. Đây là yếu tố chính làm nên nét đẹp huyền diệu của cuộc thăm viếng mà Mẹ đã thực hiện.

Tôi có đặt Chúa là tung tâm của mối tương giao với người khác không ? Tôi có siêu nhiên hoá các mối quan hệ tự nhiên bằng việc đưa Chúa vào trong các mối quan hệ đó hay không ?

Ước gì mỗi mùa vọng là một cơ hội quý báu để cùng nhau làm mới lại nét đẹp “văn hoá thăm viếng” theo tinh thần của Mẹ Maria. Amen.
 
Thánh Phanxicô Assisi và mầu nhiện Nhập thể
Quang Huyền, OFM
10:33 18/12/2009
Mầu nhiệm Nhập Thể là một trong những biến cố trọng đại ghi dấu tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên phàm nhân, sống như người trần thế. Từ đó, Ngài đã mở toang cánh cửa tình yêu đã bị đóng lại từ lâu, sau khi con người đánh mất tình yêu thuở ban đầu; mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tình yêu và ơn cứu độ.

Lúc sinh thời, khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm khôn tả này, thánh Phanxicô Assisi cũng đã từng ngất ngây trước biến cố Nhập thể của Con Thiên Chúa. Sử gia Thomas Cêlanô kể lại: “Thánh Phanxicô thường mừng đại lễ Giáng sinh của Chúa Hài Đồng với một niềm vui bao la. Ngài cho rằng đó là ngày lễ của các lễ. Ngài thường hôn kính háo hức các bức ảnh Chúa Hài Nhi và lòng cảm thương nồng nàn đối với Hài Nhi Giêsu, khiến ngài lắp bắp thốt ra những lời âu yếm như trẻ thơ bập bẹ. Danh thánh Chúa ngọt ngào như mật ong trong miệng ngài”. Cảm nghiệm sâu xa đó đã được thánh nhân cụ thể hoá qua việc Ngài cho dựng lại hoạt cảnh Giáng Sinh của Con Thiên Chúa năm xưa nơi triền núi Greciô.

1.Giáng Sinh ở Greciô

Sử gia Thomas Cêlanô, một người cùng thời với thánh Phanxicô đã thuật lại câu nguyện cảm động này. Ý nghĩa câu chuyện phần nào nói lên lòng tưởng nhớ và tôn kính của thánh Phanxicô đối với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Câu chuyện xẩy ra ở Greciô vào năm 1223, ba năm trước khi thánh Phanxicô qua đời.

“Trong vùng ấy có một người tên là Gioan, danh tiếng đã tốt, mà đời sống lại còn tốt hơn(…). Như vẫn quen làm, chừng nửa tháng trước lễ Giáng Sinh, đấng vinh phúc Phanxicô cho mời ông đến. Ngài nói với ông: "Nếu ngài muốn chúng ta cử hành thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh sắp tới tại Greciô, ngài nên mau đi trước chuẩn bị và cẩn thận những điều tôi dặn đây. Tôi ao ước diễn lại kỷ niệm về Hài Nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của tôi nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh em bé nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa. Nghe xong các lời dặn dò, con người tốt lành và trung thành ấy, vội vã ra đi chuẩn bị mọi sự tại làng trên theo ý của thánh nhân.

Ngày vui đã tới, thời gian hân hoan bắt đầu. Các anh em ở nhiều nơi khác được gọi đến tham dự. Dân chúng địa phương, cả nam lẫn nữ, nô nức như trong ngày hội, mỗi người chuẩn bị đuốc và nến tùy khả năng, để thắp sáng đêm ấy, là đêm đã được thấy mọc lên Ngôi Sao rực rỡ sáng soi mọi ngày mọi đêm. Thánh nhân tới, thấy mọi việc chu tất thì rất mừng. Người ta đã đặt một máng cỏ với cỏ khô, đã dắt đến một con bò và một con lừa. Tại đấy, đức đơn sơ được tôn vinh, đức khó nghèo được tán dương, và Greciô đã gần như trở thành một Bêlem mới.

Đêm đen sáng tỏ như ban ngày, khiến cả loài người lẫn loài vật được hạnh phúc. Dân chúng từng đoàn lũ lượt kéo đến, và tâm hồn họ hớn hở một niềm vui mới trước mầu nhiệm mới. Rừng cây vang dội tiếng hoan ca, đồi núi vọng lại lời vinh chúc. Các anh em cất lời ca, dâng lên Chúa những lời ngợi khen xứng danh Người, và đêm ấy là đêm tràn đầy hoan lạc. Thánh nhân đứng trước máng cỏ, không ngớt thổn thức, lòng bồi hồi thương cảm, đồng thời chứa chan niềm vui khôn tả. Các nghi thức long trọng của thánh lễ được cử hành bên trên máng cỏ, và vị linh mục chủ tế được hưởng một niềm an ủi mới mẻ.

Đấng thánh của Thiên Chúa mặc phẩm phục phó tế vì đã nhận chức ấy. Ngài cất tiếng sang sảng hát bài Phúc âm. Giọng ngài mạnh mẽ, truyền cảm, rõ ràng, vang dội, mời gọi cộng đoàn mở rộng tâm hồn đón nhận ân huệ cao cả nhất. Rồi ngài giảng cho dân chúng đứng chung quanh, tuôn những lời ngọt ngào như mật ong để nói về biến cố Giáng sinh của đức Vua nghèo khó và làng Bêlem bé nhỏ. Nhiều lần thánh nhân gọi Chúa Kitô là "Hài nhi Bêlem" với tấm lòng cháy lửa tình yêu nồng nàn. Ngài phát âm hai chữ "Bêlem" theo cách chiên kêu be be. Khi ấy miệng ngài đầy âm thanh, nhưng còn đầy tình âu yếm hơn nữa. Có vẻ như ngài đưa lưỡi liếm môi mỗi khi nói đến tên "Giêsu" hoặc "Hài nhi Bêlem", vui mừng thưởng thức trong cổ và nuốt lấy vị ngọt toát ra từ những chữ ấy.

Đấng Toàn Năng tuôn đổ nhiều ơn xuống nơi ấy, và một người đạo đức đã được Chúa ban cho một linh kiến lạ lùng. Ông thấy một hài nhi nằm bất động trong máng cỏ, rồi thấy thánh nhân tới gần đánh thức hài nhi đang ngủ li bì. Linh kiến ấy thật phù hợp, bởi vì Hài Nhi Giêsu đã bị chìm vào quên lãng trong lòng nhiều người. Nay, do tác động của ơn thánh, Người lại được đánh thức và ghi khắc vào ký ức trìu mến của họ, thông qua tôi tớ thánh thiện của Người là Phanxicô. Đại lễ đêm Giáng Sinh bế mạc, mọi người ra về hân hoan.

Sau đó người ta đem cất giữ số rơm khô đã đặt trong máng cỏ, để nhờ đó được ơn Thiên Chúa chữa lành cho gia súc, vì lòng từ bi của Chúa bao la vô cùng. Thực sự có nhiều gia súc trong vùng mắc nhiều thứ bệnh, nhờ ăn rơm ấy mà được khỏi. Hơn nữa, phụ nữ chuyển dạ đau đớn và kéo dài đã được mẹ tròn con vuông sau khi lấy ít rơm ấy đặt trên mình. Một nhóm người đông dảo, cả nam lẫn nữ, đã làm như vậy và được chữa lành nhiều chứng bệnh.

Nơi dựng hang đá Giáng Sinh nay đã được cung hiến để trở nên một đền thờ dâng Chúa. Tại chính điểm đặt máng cỏ năm ấy, một bàn thờ được xây lên kính Cha Thánh Phanxicô với mục đích: khi xưa tại chỗ này gia súc được nuôi bằng cỏ khô, từ nay con người được bổ dưỡng hồn xác bằng thịt Con Chiên không tì vết là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng đã ban chính mình cho ta vì lòng thương yêu khôn tả vô bờ bến”. (Thomas Cêlanô, Hạnh Thánh Phanxicô, Bản dịch của Lm Nguyễn Gia Thịnh, số 84 -87)

2. Một vài suy tư

Từ sự kiện Giáng Sinh Greciô, người ta cho rằng thánh Phanxicô là người đầu tiên có sáng kiến làm ra máng cỏ Giáng Sinh. Chính thánh Bonaventura cũng đã xác nhận: “Từ đó (sự kiện Giáng Sinh ở Grecio), lệ làm máng cỏ mừng lễ Giáng sinh được Đức Giáo hoàng cho phép phổ biến khắp nước Ý” (x.Trần Phổ, Hạnh Thánh Phanxicô, tr 229). Truyền thống đạo đức bình dân tốt đẹp này đã được phổ biến khắp thế giới và lưu truyền cho đến ngày nay. Sự lưu truyền này không phải bởi một dáng vẻ hình thức bên ngoài của Máng cỏ, nhưng đúng hơn là một cảm thức, một kinh nghiệm sâu sắc và sống động của thánh nhân về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.

Thánh Phanxicô đã có những cảm thức sâu xa về tình yêu Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu. Ngài đã sống và tái diễn mầu nhiệm cao cả đó trong một bối cảnh của đời sống và văn hoá cụ thể ở Nước Ý lúc bấy giờ. Nhờ thế, mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã “nhập thể” vào trong tâm hồn những người nông dân ở Greciô và mang lại cho họ một tình yêu, một niềm vui khôn tả. Tình yêu Thiên Chúa đã “kết duyên” với đời sống và những lam lũ, khổ đau của họ và tình yêu Giáng sinh ấy đã nở hoa trên cuộc đời họ trong những ngày tháng sau đó.

Có người cần được yêu thương, cần được chăm sóc. Đó là ý tưởng thánh Phanxicô luôn ấp ủ trong tâm hồn khi ở Greciô trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1223. Thiên Chúa, một Hài Nhi yếu ớt nơi máng cỏ để chúng ta có thể nâng niu, âu yếm. Các nông dân Greciô tham dự thánh lễ hôm ấy đã chứng kiến Hài Nhi dường như sống động và mỉm cười trong vòng tay thầy Phanxicô. Hài Nhi bé nhỏ đó là Vua hoà bình, là Đấng đến để cho người người nhà nhà được tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Hơn nữa, chính tại Greciô, trong đêm Giáng Sinh năm ấy, thầy Phanxicô cầu nguyện cho tất cả những ai còn cô đơn hiểu được ý nghĩa thực sự của việc nhập thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở nên một con người giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Và Ngài để cho bất cứ ai đến với Ngài có thể tiếp xúc, đụng chạm, yêu thương và chăm sóc Ngài.

Những nông dân chất phác ở Greciô đã nhận ra Hài Nhi, và một lần nữa Thiên Chúa lại tỏ mình ra cho những người bé mọn. Những bó đuốc mà họ mang theo để soi đường đi từ ngôi làng đến nơi ẩn dật của các tu sĩ ở bên kia đồi, giờ đây không cần đến nữa. Tâm hồn họ đã bừng cháy vì Thiên Chúa đã thực sự trở nên một Hài Nhi cho họ, một ánh sáng mới chan hoà tâm hồn họ.

Người nông dân ở Greciô sẽ truyền tai nhau về sự kiện lạ lùng đã xẩy ra với họ cho các làng lân cận, và từ đó lan ra khắp thế giới. Có lẽ một ngày nào đó quỳ bên máng cỏ Giáng Sinh, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, mỗi người sẽ nhận ra rằng có một ai đó đang cần được yêu thương, cần được chăm sóc. Và từ đó, trái tim họ sẽ nhạy cảm hơn nhờ tình yêu của Hài Nhi Giêsu từ máng cỏ Giáng Sinh.

Ngày nay, Hài Nhi Giêsu lại giáng sinh giữa một thế giới có nhiều bất trắc; giữa một đất nước, quê hương Việt Nam đầy bất công; giữa những cảnh đời bất hạnh và giữa những tâm hồn đang thất vọng, chán chường.

Thực thế, chúng ta đang sống trong một xã hội không thiếu những bất công:

Những người nông dân, công nhân đang bị bóc lột hơn bao giờ hết. Cuộc sống của họ rất bấp bênh bên ruộng đồng hay nơi các nhà máy, xí nghiệp với một tương lai có thể nói là rất mờ mịt. Họ đang cần đến những bàn tay yêu thương và trợ giúp.

Những bà mẹ đau khổ đang cố vượt lên dư luận để bảo vệ sự sống của những đứa con bé bỏng của mình. Những trẻ thơ vô tội sống sót khỏi “nanh vuốt” của nhiều kẻ đã và đang tìm cánh hãm hại. Cuộc sống của họ đang bị gát ra thật xa một niềm ước mơ về hạnh phúc và an vui. Danh dự của gia đình, lòng ích kỷ của người khác…đã và đang từng phút giây “thiêu rụi” họ trong “biển lửa” của nguyền rủa, thờ ơ và khinh bỉ. Những bà mẹ và những trẻ thơ vô tội này đang chờ đợi một lòng bao dung, một hơi ấm tình người nơi chúng ta để tiếp tục cuộc sống như bao người khác.

Và cả những người đang sống trong cảnh gia đình đang tan vỡ, những người bệnh tật, những người cô đơn và sầu đau.v.v…Họ vẫn đang dõi mắt đợi chờ một Hài Nhi Giêsu đến với họ qua đôi chân của anh chi em mình.

Phải chăng tất cả những phận người trên đây là những “Hài Nhi” bé bỏng trong máng cỏ cuộc đời, đang cần hơn ấm tình người để có thể sống trong mùa đông giá lạnh.

Noi gương thánh Phanxicô, chúng ta cũng hãy để cho mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể trong cung cách yêu thương của chúng ta, bên những anh chị em, nhất là những anh chị em nghèo hèn và bị gạt ra bên lề xã hội ấy.

3.Kết luận

Thánh Phanxicô tám thế kỷ trước đã từng ngất ngây trước mầu nhiệm Giáng Sinh và ngài đã gợi hứng cho chúng ta về những lần Nhập Thể sống động cụ thể của Ngôi Hai Thiên Chúa trong chính cuộc đời chúng ta, bên dòng đời luôn đổi thay. Tinh thần Greciô như một lời mời gọi chúng ta hãy khám phá ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người và không ngừng làm mới mẻ lại ý nghĩa của mầu nhiệm ấy trong thời đại của chúng ta.

Thực vậy, dù cho biến cố Giáng Sinh đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng lịch sử cứu độ không ngừng lại ở đó. Mầu nhiệm Nhập Thể vẫn luôn tiếp nối, bài học yêu thương vẫn tồn tại mãi. Vì Chúa Giêsu không chỉ sinh ra một lần trong lịch sử xa xôi, mà vẫn còn đang sinh ra trong cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay và ngày mai.

Lạy Chúa Hài Nhi Giêsu xin cho chúng con học được bài học yêu thương từ mầu mhiệm Nhập Thể của Chúa. Xin cho chúng con luôn thao thức rằng chúng con đang sống trong một thế giới ngày càng có nhiều mối đe dọa đang rình rập cuộc sống của con người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật và hèn mọn. Và xin Chúa cũng soi sáng cho chúng con biết dấn thân hành động cho những điều thiện hảo, công lý, tình yêu và hoà bình, để tình yêu và bình an của mầu nhiệm Giáng Sinh được lan tỏa tràn lan trên toàn thế giới theo tinh thần của thánh Phanxicô:

“Nơi nào có oán ghét hận thù, xin giúp con xây dựng tình thương.
Nời nào có khinh khi nhục mạ, xin giúp con mang lại thứ tha.
Nơi nào có mâu thuẩn bất đồng, xin giúp con nên người hoà giải
Nơi nào có giả dối sai lầm, xin giúp con cũng cố đức tin.
Nơi nào có nản chí sờn lòng, xin giúp con gieo niềm hy vọng.
Nơi nào có bóng tối mây mù, xin giúp con khơi nguồn ánh sáng.
Nơi nào có u sầu buồn bã, xin giúp con đem lại an vui”.
 
Cuộc thăm viếng tới nhà bà Elizabeth
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:56 18/12/2009
Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng kể về cuộc viếng thăm của Đức Maria tới nhà chị họ là Ê-li-sa-bet. Cuộc thăm viếng của Mẹ đã mở ra cho chúng ta một con đường để đi tới và sống mối tương giao liên đới với anh chị em của mình.

1. Bước theo Đức Maria

Vừa nghe sứ thần báo tin cho biết người chị họ Ê-li-sa-bét đã có thai được sáu tháng, Maria liền “lên đường, vội vã đi đến miền núi” để thăm bà. Chắc chắc, Mẹ đã phải băng qua con đường miền núi với nhiều khó khăn, vất vả, cực nhọc; nhưng Mẹ đã sẵn sàng, vui vẻ ra đi theo sự thúc đẩy của tình thương. Tình thương chính là chiếc cầu nối giữa con tim dạt dào từ ái của Mẹ với bến bờ bên kia đang cần sự cảm thông, gặp gỡ, yêu thương.

Chúng ta nghĩ gì về cuộc thăm viếng hôm nay ? Cuộc thăm viếng này được khởi đi từ chính cõi lòng của mỗi người, có sẵn sàng cho hành trình bước theo Đức Maria để đến với những người xung quanh. Xưa Mẹ đã phải vất vả băng rừng vượt núi đến thăm bà chị họ. Hôm nay chúng ta phải tự vấn về thái độ sống của mình trước nhu cầu của tha nhân. Nhiều khi, chính quan niệm khép kín, sự thờ ơ, lạnh nhạt chất chứa trong ta còn lớn hơn trăm rừng vạn núi. Đây chính là nguyên nhân tạo ra những khoảng cách vô hình giữa con người với con người. Theo gương Mẹ, chúng ta hãy khiêm tốn, mở rộng từ tâm để lắng nghe lời mời gọi từ Thiên Chúa và tiếng vọng cần liên đới từ phía anh em.

2. Đem yêu thương

Yêu thương, chính là nét nổi bật nhất mà Đức Maria đã đem đến cho nhà Ê-li-sa-bét trong cuộc thăm viếng. Vì yêu thương nên Mẹ đã quan tâm, gặp gỡ, cảm thông, chia sẻ niềm vui, giúp đỡ người chị họ. Không chỉ dừng lại ở đó, Mẹ còn muốn trao ban chính Chúa là Đấng Mẹ đang cưu mang, là Đấng Mẹ đặt trọn niềm tin tưởng cậy trông sẽ đến cứu chuộc nhân loại. Cao điểm của tình yêu nơi Mẹ, là khi đã được lãnh nhận hồng ân dư đầy từ Thiên Chúa, Mẹ đã không giữ lấy cho riêng mình mà đem phúc cả ấy đến cho người cần được sẻ chia và chung nghiệm hạnh phúc, vì có Chúa ở cùng. Đây chính là tâm trạng của bà Ê-li-sa-bet trước lời chào của Đức Maria: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần…” (Lc 1, 41)

Chúng ta đem theo cái gì trong hành trình cùng Đức Maria đến với nhân loại hôm nay. Phải chăng là những lời chào chúc hoa mỹ đã được người trợ lý soạn sẵn ? Phải chăng là những thùng hàng, thùng quà trưng đầy nhãn mác, in đậm tên tuổi, địa vị cơ quan công tác của ta làm chất liệu cho những thước phim đầy “ấn tượng” ? Phải chăng là những thủ thuật chính trị ngấm ngầm được dùng trong “cuộc gặp tay đôi”, với hy vọng “thắng lợi” sẽ thuộc về ta, còn đối phương thì “thất bại thảm hại”… Thực ra, đây chỉ là những động cơ phục vụ cho lợi ích của riêng ta mà thôi. Nó hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu của cuộc gặp gỡ, nhằm thoả mãn lợi ích thiết thực của cả đôi bên.

Điểm nhấn trong cuộc gặp gỡ giữa người với người trong xã hội hôm nay đã được Đức Maria khai mở, phải xuất phát từ con tim biết sẻ chia vô vị lợi. Không nhất thiết phải thể hiện trên lời nói, câu chữ, hay một vài hình thức có tính chất phô trương danh vị. Nó phải được khởi đi từ chính sự nhạy cảm trước nỗi đau, trước nhu cầu cấp bách của đối tượng mà ta đang hướng tới. Và hơn hết, đó chính là cuộc gặp gỡ của những con người ý thức được mối giấy liên đới đang kết chặt họ do chính Đấng Vô Hình, hằng thương yêu và mong cho tất cả được hạnh phúc trong tình yêu sung mãn.

3. Hội ngộ trong Chúa

Cuộc gặp giữa Đức Maria với bà Ê-li-sa-bét chính là cuộc hội ngộ trong Chúa. Chính nhờ tiếng Chúa thúc đẩy mà Ê-li-sa-bét nghiệm thấu được huyền nhiệm nơi Đức Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42); và hài nhi mà bà đang cưu mang mới “nhảy lên vì vui sướng” khi nghe Đức Maria chào.

Sẽ có một Giáng Sinh đại hạnh, tràn đầy hồng phúc cho nhân loại hôm nay nếu mỗi người chúng ta biết xích lại gần nhau hơn, để cùng nhau chung hưởng Tình Yêu Giáng Thế. Bữa tiệc đại hoan của Đêm Hồng Phúc sẽ làm no thoả hết thảy những tâm hồn luôn mở rộng cho Đấng Nhập Thể ngự vào, và từ đó biết đem Ngài đến với nhân loại trong hành trình gặp gỡ, trao dâng. Cuộc hội ngộ trong Chúa được bắt đầu từ đây.
 
Năm Linh Mục: góp ý ''Lời ăn tiếng nói''
Micae Nguyễn Ngọc Sáng
11:03 18/12/2009
Sau khi đọc hai bài viết của linh mục Trần Việt Hùng, tôi cảm thấy mạnh dạn để bày tỏ ý nghĩ của riêng mình, về “lời ăn tiếng nói.”

Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.


Ông bà xưa đã dạy, lâu lắm rồi, gẫm lại mà thấy hay hoài.

Nói là một khả năng và là một công việc người ta thường làm, mà nếu không làm hay không làm được thì người ta nói mình … Nói không phải chỉ phát biểu ra bằng miệng mà cũng có thể là văn vẻ viết ra. Nói, người ta nghe. Viết, người ta đọc. Chung qui là truyền đạt tư tưởng, ý nghĩ của mình cho người khác, và khi người ta nghe, người ta đọc, người ta đánh giá mình.

Ở đời, không lẻ làm thinh, ngậm câm hoài, lắc lúc phải nói. Thông thường, trong sinh hoạt hằng ngày, người ta nói chuyện với một ít người. Có những nghề nghiệp, địa vị, công việc bắt buộc người ta phải ăn nói với nhiều người. Khi nói tới việc này, tôi lại cứ nghĩ đến nghệ sĩ, thầy giáo, và linh mục. Ba vai trò này có nhiều nét giống nhau, bởi

- nghệ sĩ thì làm việc ở nhà hát, thầy giáo ở nhà trường, còn cha, cha làm việc ở nhà thờ: cả ba đều có cái nhà;
- nghệ sĩ có đối tượng là khán giả, thầy giáo có học trò, còn cha, cha có giáo dân: cả ba đều có người nghe;
- nghệ sĩ có tuồng đã được soạn sẵn, thầy giáo có chữ của “thánh hiền” (sách giáo khoa), còn cha, cha giảng dạy lời Kinh Thánh: cả ba đều có điều để nói.

Nghệ sĩ mà ca diễn hay thì … ăn khách. Thầy giáo mà giảng dạy hay thì … cũng ăn khách, dễ kiếm học trò về nhà dạy thêm, thêm tiền. Ông cha mà giảng hay thì cũng … ăn khách, được mời đi giảng đó đây. Tuy cũng là công việc của “miệng mồm”, nhưng nghĩ kỹ ra, không giống nhau hoàn toàn. Người nghệ sĩ có tuồng tích, nếu thuộc tuồng, ca diễn theo tuồng, còn trường hợp không thuộc cho làu thì … “hát cương”. Thầy giáo thì có sách giáo khoa, cứ theo đó mà giảng, mà dạy, sao cho khéo léo để học trò nghe dễ hiểu.

Còn linh mục, các ngài phải giảng theo lời Kinh Thánh. Người ta chú ý đến các ngài lắm. Ngoài các bài giảng trong nhà thờ, người ta còn chú ý tới cái “lời ăn tiếng nói” của các ngài, mà khổ nỗi, đi đâu đứng đâu, ở chỗ nào người ta cũng chú ý tới các ngài.

Hồi xưa, khi giảng dạy, các cha thường “chêm” tiếng Latinh. Thời đó, kinh còn được đọc bằng tiếng latinh, “nhắm mắt” đọc “Et cum spiritu tuo”, không biết có mấy người hiểu được ý nghĩa của câu đọc đó. Vậy mà, mỗi lần lên tòa giảng, mở đầu, cha “bắn” một tràng tiếng La tinh “In illo tempore, dixit Jesus discipulis suis…”, nghe có ai mà hiểu nên có người nói đùa là cha “chưởi mình”… bằng tiếng La tinh. Còn thời nay, nhiều khi các cha chua tiếng Anh, tiếng Pháp và đôi lúc cả tiếng Nho như: nhất thế nhì thân tam ngân tứ lý. Các cha dùng chuyện đời xưa, các cha dùng chuyện thời nay để minh hoạ cho bài giảng, cốt sao cho giáo dân hiểu rõ thêm “lời Chúa.”

Tốt! Tất cả những việc đó được làm là để giúp ích cho giáo dân, là bổn phận của các ngài, miễn là làm sao tránh được những “vi phạm” về “lời ăn tiếng nói.” Có những tiếng hình như không nên dùng như chân thì nói “cái chân” chớ đừng dùng tiếng “cái giò, cái cẳng”. Khi dùng điển tích hay châm ngôn cũng vậy, phải cho chính xác, tỉ dụ như

bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”
hình như không thể đi đôi với
“trâu bò húc nhau, ruồi muổi chết”


Điều này nói lên cái gì? Phải chuẩn bị, nghiên cứu thật kỹ và nắm được tường tận ý nghĩa trước khi sử dụng, để người nghe khỏi “rối trí”. Lắm lúc, đó đây người ta thấy:

Nghe mà thắc mắc

Trong việc làm dấu Thánh Giá, xưa rày vẫn nghe, vẫn đọc: “Nhơn danh Cha, và Con, và Thánh Thần” nghe như nó “phù hợp” với “In nomine Patri, et Filio, et Spiritui Sancto” (trong tiếng La tinh) hay “In the name of the Father, the Son, and the Holy Spirit” (trong tiếng Anh) hay “Au nom du Père, et du Fils, et du Saint Esprit” (trong tiếng Pháp), có vị lại đọc, thoạt nghe giáo dân thấy ngỡ ngàng, hơi là lạ, riết rồi cũng rán mà quen tai: Nhơn danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”. Đọc sao cho đúng? Có gì hệ trọng không trong việc “thêm chữ thêm lời.”

Nghe mà bàng hoàng

Trong câu đọc trước khi “rước lễ”, có câu: “Đây là Mình Thánh Chúa Kitô, phúc cho ai được mời tới dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Có vị đọc lại là: “Đây là Mình Thánh Chúa Kitô, phúc cho ai được mời tới dự tiệc cùng Chiên Thiên Chúa!” Thiết nghĩ, hai câu này hoàn toàn không giống nhau, khác nhau có một chữ cùng mà ý nghĩa của hai câu trở thành khác nhau. Hai câu này, phát xuất từ hai cách đọc khác nhau, có hai ý nghĩa “không giống nhau”, mà nếu như vậy, phải có một câu đúng, và một câu không đúng. Nếu khách được mời tới dự tiệc “cùng Chiên Thiên Chúa”, thì khách sẽ chỉ được vinh dự ngồi chung bàn với “Chiên Thiên Chúa”, nhưng mà còn thức ăn thì … có thể là gì đó khác chớ không phải là “Chiên Thiên Chúa”, theo như trong tiếng Anh: “Happy are those who are called to his supper” hay như rõ ràng hơn trong tiếng latinh: “beati qui ad cenam Agni vocati sunt.”

Nghe mà thấy kinh hoàng

Một lần, trong bài thơ được trích ra đăng trong tờ Mục Vụ để giáo dân đọc, có câu:

“Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật, cũng như tôi”
Nếu mình “chơi chữ” mà sắp xếp lại thì thấy câu nói trên cũng có nghĩa
“Tôi đã dựng nên trời đất muôn vật, cũng như Chúa”
và rõ ràng hai câu này có cùng một nghĩa, đọc xong thấy kinh hoàng, “lộng ngôn.”

Nghe thấy thiếu cái gì

Các cha nói chuyện với nhau, một cha đã nói: “Đừng nói vậy giáo dân tụi nó…!” Giáo dân tụi nó là ai? Đó là những người đáng bậc cha chú anh em của cha đó, cha ơi!

Cha nói: “Đừng làm vậy để cái thằng kia! …”

Nghe nhẹ nhàng mà duyên dáng

Cha từ Pháp đến Mỹ để gọi là nghỉ hè nhưng là để giúp cho cha chánh xứ ở đây đi nghỉ hè. Mở đầu bài giảng ngày ra mắt, cha đã tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đến nước Mỹ. Đã nghe nói đến từ lâu, nay tôi mới được nhìn thấy tận mắt, ở đây cái gì cũng to lớn. Như nhà thờ giáo xứ ta đây vừa to lại vừa đẹp, mà bà con ta đến nhà thờ như thế này thì quí hóa quá, không như ở họ đạo tôi, nhà thờ thì nhỏ mà trong nhà thờ ghế nhiều hơn người.” Bà con cười. Tôi không nghĩ là cha có ý nói đùa, nhưng trong cách nói có vẻ nhẹ nhàng, nghe nó đơn sơ vậy mà dí dỏm.

Kính thưa quí vị, đây chỉ là “nghe sao nói vậy!” Ước mong đây là một sự đóng góp có ích.
 
Nhạc: Ngôi Lời Nhập Thể
Vincent Đoàn
11:08 18/12/2009


Châu Xuân Hùng: Xin cảm ơn ông Murray đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn chiều nay. Xin ông vui lòng cho biết, vụ của cha Lý xảy ra như thế nào theo như ông được biết?

Dân biểu Murray Thompson: Quý dân biểu trong nội bộ Quốc Hội Victoria đã hội họp với sự khích lệ của một vài nhân vật trọng yếu trong cộng đồng người Việt để vận động cho việc trả tự do cho những tù nhân chính trị. Đã có một lá thơ vận động gởi cho chủ tịch nước VN và vài nhân vật quan yếu nhằm vận động cho những tù nhân chính trị này. Kết quả tốt đẹp năm 2005 đã đạt được khi giáo sư Huy được trả tự do. Cha Lý cũng là người đã bị bắt vì quan điểm chính trị của mình. Cũng giống như nhiều người dân Úc, chúng tôi tin vào những nhân quyền cơ bản và quyền tự do phát biểu, tự do thờ phượng cũng như tự do bày tỏ ý kiến, và điều quan trọng là những vấn đề như thế cần phải được theo đuổi.

Châu Xuân Hùng: Bây giờ là đến một tin buồn, mới tháng 11 đây thôi, cha Lý đã bị một cơn đột quỵ khá nặng khiến cho nửa người của ngài bị liệt. Từ đó cha Lý mới được chữa trị tại bệnh viện trong trại giam, là nơi được chính Giám đốc sở công an Hà Nội điều khiển. Gia đình của ngài đã xin chính phủ VN trả tự do cho ngài, để cho gia đình được đưa ngài về nhà chăm sóc. Tuy nhiên vào ngày 11 tháng 12 mới đây, nhà cầm quyền VN lại trả ông về trại giam. Nếu thế thì quan điểm của ông ra sao?

Dân biểu Murray Thompson: Cộng đồng thế giới rất quan tâm đến hoàn cảnh của cha Lý và họ nghĩ rằng thật không may cho một người ở giữa lứa tuổi 60 bị đột quỵ phải ở trong đó (trại tù) chỉ vì quan điểm chính trị của ông ta.

Châu Xuân Hùng: Vào tháng 6 năm nay, 37 thượng nghị sĩ Mỹ đã gởi một lá thơ đến chủ tịch nước của VN hối thúc việc trả tự do cho cha Lý. Vào tháng 12, chỉ vài ngày sau khi chủ tịch nước gặp gỡ Đức Giáo Hoàng tại Roma, Tòa Thánh đã hứa với tổng giáo phận Huế sẽ lợi dụng cơ hội này để nêu vấn đề cha Lý và kêu gọi chính phủ VN. Chúng tôi tin rằng Tòa Thánh đã làm chuyện đó. Tuy nhiên chẳng thấy gì xảy ra. Chúng tôi chưa nghe thấy gì hết cả. Theo ý kiến của ông, thì chúng ta trong vụ này còn làm gì được nữa để giúp cha Lý?

Dân biểu Murray Thompson: Tôi nghĩ rằng việc lôi kéo cộng đồng chính trị thế giới vào vụ án và quyền tự do của cha Lý là việc quan trọng.

Và tôi tin rằng Liên Hiệp Quôc lẫn các quốc gia dân chủ trên thế giới sẽ vận động mạnh mẽ để cha Lý được thả ra.

Hồi nãy tôi có nói về tự do phát biểu và tự do tôn giáo. Cha Lý là một thí dụ điển hình khi những quyền (tự do ) đó bị vi phạm. Tại Úc chúng tôi được quyền làm bất cứ những gi chúng tôi muốn. Theo quan niệm của chúng tôi phải làm thêm nhiều nữa để gây thêm áp lực chính phủ VN phải tuân thủ.

Điều cần thiết là tôi đã kêu gọi những đồng viện của tôi ở Victoria này viết thơ đến chính phủ VN cũng như tích cực vận động qua trung gian Bộ Ngoại Giao Úc cũng như những nhân vật cao cấp trong chính phủ hãy làm việc về vụ của cha Lý, một người đang phải chịu đựng tình trạng sức khỏe yếu kém và là người chỉ có một tội là phát biểu ý kiến dân chủ, hợp pháp của mình liên quan đến những vấn đề tự do ngôn luận và tôn giáo, tôi thấy rằng việc ông bị giữ lại tại nhà tù VN là một việc thật vô lương tâm.
 
Vụ tiền lương SCIC và ‘công bằng xã hội’ tại VN ngày nay
Alfonso Hoàng Gia Bảo
11:13 18/12/2009
Đã hai tuần lễ trôi qua kể từ ngày vụ tiền lương của các quan chức Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà Nước (State Capital Investment Corporation, SCIC) bộc phát hôm 2/12, nhưng đến nay vẫn còn ‘nóng hổi’ trên nhiều báo. Thậm chí còn có vẻ gay gắt hơn khi sáng qua 17/12 tờ Tuổi Trẻ đưa tin nguyên tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines Lương Hoài Nam đã bị chận lại tại phi trường không cho xuất cảnh vì có liên quan đến SCIC.

Tuy nhiên, việc nhiều báo tỏ ra ‘mạnh miệng’ hơn bình thường sau một thời gian dài im lặng sau vụ hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Việt Chiến bị bắt, vụ việc dính dáng đến một số quan chức cấp cao có người nằm trong ban chấp hành trung ương đảng như ông BT Tài Chính Vũ Văn Ninh khiến nhiều người nghi ngờ động cơ trong sáng của vụ SCIC không phải vì chống tham nhũng, mà đơn thuần chỉ là chuyện ‘đấu đá’ nhau thường thấy xảy ra trước mỗi kỳ đại hội đảng.

Làm quan = làm chơi ăn thiệt?

Tình trạng bất công leo thang trong xã hội VN đã khiến những ai từng ảo tưởng về một xã hội “làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu” của Mác, từ lâu đều đã phải ‘vỡ mộng’. Thế nhưng, khi mức lương cao ngất của các quan chức SCIC được đưa ra trước công luận, nó đã khiến không ít người vẫn cảm thấy ‘sốc’. Bởi trong khi hàng triệu lao động cả nước phải dầm mưa dãi nắng trên đồng ruộng, phải đối mặt với nguy hiểm TQ ngoài biển khơi hoặc vất vả trong các nhà xưởng nóng bức ô nhiễm v.v.. mới kiếm nổi 1.000 USD/năm là GDP của VN hiện nay, thì các quan SCIC tiếng là ‘đầy tớ’ nhưng lại được ngồi mát hưởng những bát vàng trị giá 70-80 triệu đồng/tháng.

Sự phi lý này khiến thu nhập của người lao động vốn đã thấp nay trông càng thảm hại hơn. ‘ông chủ nhân dân’ sau một năm làm việc cật lực mà chỉ bằng lương tuần của tên ‘đầy tớ cán bộ’ thử hỏi trên thế gian này còn có nơi đâu ‘công bằng’ hơn cái “xã hội văn minh - công bằng” của VN?

Bởi vậy bất chấp cơn sốt bóng đá Seagames, khi ‘quả bom’ tiền lương SCIC nổ ra nhiều người đã chẳng thể thờ ơ, bỏ qua. Những comments đọc được trên các báo cho thấy sự phẫn nộ của công chúng về vụ này ra sao: “Quan chức SCIC họ là những ai? Là những trùm tư bản, băng mafia hay là đảng viên của đảng luôn nguyện “trung thành với nước, nguyện suốt đời làm đầy tớ trung thành cho nhân dân” và “vì dân, do dân, lấy dân làm gốc” v.v…”

Giao trứng cho ác?

SCIC được thành lập vào ngày 20/6/2005 bởi quyết định 151/2005/QĐ-TTg thời thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng đến tháng 8/2006 họ mới chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước của hơn 800 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau, như tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, công nghệ thông tin xây dựng, y tế và cả sản xuất hàng tiêu dùng v.v...

Sau 3 năm âm thầm hoạt động không mấy nổi bật, bỗng dưng cuối tháng 9 vừa qua trên nhiều tờ báo người ta thấy xuất hiện một bài viết ca tụng SCIC nhan đề Vốn Nhà nước "phình to" trong tay SCIC” [1] mà đọc vào thấy cái gì cũng tốt đẹp cũng ‘đầy triển vọng’, như “…được Chính phủ giao trọng trách quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tính đến nay, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 900 doanh nghiệp... Mặc dù, mới đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng mô hình quản lý vốn mới thông qua định chế tài chính đặc biệt này đã bước đầu chứng tỏ hiệu quả của chủ trương tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Những ngày sau đó vào đầu tháng 10, người ta lại thấy tên tuổi vị ‘đại gia’ này một lần nữa bay bổng trên trang chuyên về chứng khoán Tiền đang chảy về “siêu tổng công ty” SCIC [2] và tự khoe rằng ‘tổng số vốn Nhà nước mà SCIC tiếp nhận là 6.925 tỷ đồng (chưa tính Vietcombank), giá trị thị trường hiện nay là khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần’.

Thế nhưng đến đầu tháng 12 này, loạt phóng sự trên tờ Tiền Phong [3] “Lương hay Lậu?; Lỗ dài, lương vẫn hàng tỷ đồng/năm; DN thua lỗ, TGĐ hưởng lương bạc tỉ: Bạn đọc bất bình; Lương bạc tỷ ở SCIC, còn các tập đoàn khác ra sao?” v.v… đã ‘bật mí’ cho mọi người thấy ‘dung nhan’ một SCIC hoàn toàn khác. Tại hãng hàng không JetStar Pacific Airline (JPA) là nơi SCIC đang chiếm giữ tới 75,78% trong tổng số 647,8 tỷ đồng vốn nhiều liền làm ăn thua lỗ liên tục. Tờ Đất Việt trong bài Jetstar Pacific và Vinapco ‘tố’ nhau chiếm dụng vốn [4] (nhà nước) hồi tháng 6/2009, cho biết “mỗi tháng Jetstar Pacific thiệt hại 500 triệu đồng do chênh lệch lượng nhiên liệu nạp giữa đồng hồ đo xăng của Vinapco và đồng hồ đo trên máy bay của Jetstar Pacific”

Tình hình kinh doanh ‘u ám’ là vậy nhưng các quan SCIC cả người về hưu lẫn kẻ đương nhiệm, từ ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT. Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là ông Trần Văn Tá. Các ủy viên HĐQT kiêm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.. cho đến hai thành viên chuyên trách HĐQT là các ông Hoàng Nguyên Học- Phó Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Huy- Trưởng Ban Kiểm soát v.v.. vẫn cứ được ‘vỗ béo’ đều đều, hàng tháng lĩnh lương vài chục triệu đồng/ người!!!.

Mà cũng không chỉ có các ‘quan’ người Việt không thôi. Trong danh sách lương 2008 của JPA người ta còn thấy có cả những đối tác người nước ngoài cũng được hưởng lương cao ngất trời. Đó là các Phó Tổng giám đốc Daniela lương 5,1 tỷ đồng, Phó Tổng giám đốc Tristan Freeman 3,3 tỷ đồng!

Số liệu do một công ty kiểm toán nhà nước đưa ra để ‘kết tội’ một tổng công ty nhà nước khác chắc chắc không phải là ‘diễn biến hòa bình’ nên rất ‘đúng người đúng tội’. Vậy mà sau khi vụ việc bị đưa lên mặt báo hôm 2/12, cả hơn chục ngày sau ông bộ trưởng Vũ Văn Ninh mới thừa nhận cùng tờ Tiền Phong hôm 14/12, là nơi đã ‘bắn phát súng’ đầu tiên, rằng “số tiền 78 triệu đồng/tháng mà lãnh đạo doanh nghiệp này được nhận là thu nhập có thật” [5] nhưng lại lấp liếm rằng đó là “thu nhập chưa tính thuế và không chỉ bao gồm lương mà trong đó thực ra gồm 3 khoản tiền khác…!!!” sau một hồi vòng vo, cuối cùng ông lại bảo “tôi đã chỉ đạo giảm lương của SCIC, Jetstar” [5] !? và rằng “Ở đây, có hai khoản anh em làm có thiếu sót. Chẳng hạn biên chế mới đầu duyệt tiền lương cho 180 người nhưng trên thực tế chỉ có 130 người được chi trả lương. Thực tế, SCIC có lấy quỹ lương của 180 chia cho 130. Sau khi biết, tôi đã yêu cầu trả lại ngay”

Lấy tiền công quĩ chia nhau đợi đến khi nhân dân phát hiện mới chịu đem trả, tinh thần ‘phê và tự phê’ và ‘học tập gương đạo đức HCM’ của các quan trốn đâu cả rồi? Mà luật lệ xứ mình cũng ‘dễ chịu’ với họ thật, 25 ngàn tỷ VND tương đương 1,25 tỷ USD là số tiền không hề nhỏ đối với một quốc gia còn nghèo như VN, nhưng nó đã được chính phủ giao cho một đơn vị như SCIC quản lý và tiêu xài vô trách nhiệm như thế, có khác nào đem cuộc sống của hàng triệu dân lành giao nộp cho quân ác?

Sẽ lại ca bài “trách nhiệm quá lớn”?

Quản lý trên 800 doanh nghiệp dàn trải trên cả nước, trong đó tới gần 200 cái vào loại ‘tầm cỡ’, nhưng tờ Tiền Phong cho biết trong tay SCIC chỉ vỏn vẹn có 130 nhân viên !!!

Nhìn vào con số tương quan lực lượng trên, thiết nghĩ bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng thấy chỉ để ‘cưỡi ngựa xem hoa’ 800- 900 doanh nghiệp thôi cũng đã đủ đuối rồi, làm sao quản lý? Chính vì vậy mà mới sau ba năm giữ ‘trọng trách’, SCIC hoặc phải ‘bỏ’ bớt vì nhắm ‘bê’ không nổi (nên còn gọi là ‘bỏ bê’) hoặc phải căng sức ra để ôm đồm lấy những nơi quan trọng để đẻ ra thêm chuyện hưởng lương hai đầu, mà báo chí phản ảnh mấy ngày qua.

Trong bài báo ‘mèo khen mèo dài đưôi’ nói trên SCIC cũng cho biết sự ‘chuyển hướng’ của họ và tất nhiên là bằng cách rất khôn khéo lựa chọn và thực hiện đầu tư mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu của 163 doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả nhằm gia tăng lợi nhuận cho nhà nước, hạn chế hiện tượng “pha loãng” cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp”. Nếu ai có dịp vào thăm trang nhà www.scic.vn cái mà mọi người sẽ được thấy nhiều nhất, không gì hơn ngoài rao bán, thanh lý vốn, tài sản hàng trăm doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

Việc ‘tinh giảm biên chế’ như vậy thoạt nghe thì có vẻ rất hợp lý, vì chẳng thà làm nhỏ, làm ít mà chắc chắn vẫn hơn. Thế nhưng nhìn lại vụ JetStar thua lỗ hàng trăm tỷ đồng nhưng nơi này SCIC chiếm giữ tới hơn 75% vốn, cho thấy lý do phân tán vốn hoàn toàn không thuyết phục chút nào mà là chuyện ‘gặm thịt bỏ xương’.

Cái họ thiếu, cũng như bao doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ trước nay, muôn đời vẫn là thiếu cái Tâm, cái Tầm. Cái gì đảng ta cũng muốn ôm khư khư vào lòng nhưng cả trình độ quản lý lẫn đạo đức cách mạng lại không đủ.

Vụ JPA thua lỗ đậm năm 2008 đang có thông tin râm ran cho rằng, công ty bay này có nhiệm vụ phải làm ăn thua lỗ thì phía đối tác JetStar, từ lâu với mong muốn tăng vốn lên 51% nhưng vẫn chưa được chấp thuận, mới có lý do chính đáng để thực hiện ‘ước mơ’ thâu tóm toàn bộ các tuyến đường bay trong nước. Và họ không thể tự mình thực hiện được điều này nếu thiếu sự ‘hợp tác’ từ các quan chức SCIC đang là bên nắm tới trên 75% vốn. (thông tin này vừa được Tiền Phong nêu lên sáng nay 18/12 trong bài “JP thua lỗ hàng chục triệu USD: Là chiêu thôn tính?”)

Cháy nhà ra mặt chuột!

Việc tự ban phát cho nhau mức lương cao ngất trời tại SCIC đã làm “dư luận xôn xao” (BBC- 09/12). Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số lương chính thức mà chưa tính đến ‘lậu’, là các khoản thu nằm ngoài sổ sách tương tự như ‘quĩ đen’ ở Nông Trường Sông Hậu khiến bà ‘anh hùng’ Trần Ngọc Sương phải ra tòa. Ở Vn ai đã từng làm việc trong các cơ quan nhà nước đều biết không nơi nào mà lại không có những loại quĩ mệnh danh ‘cải thiện đời sống’ như vậy.

Nếu mà biết chính xác tổng số tiền các sếp ở SCIC lãnh là bao nhiêu, tôi chắc sẽ có nhiều anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ có công cách mạng phải nhập viện vì lên cơn…đau tim!

Bởi vì báo cáo kết quả kiểm toán SCIC cho thấy tình trạng bất công, mức độ chênh lệch giàu nghèo trong xã hội VN ngày nay đã leo đến mức báo động đỏ và được hiển thị rõ ràng rành mạch bằng những con số hẳn hoi, chứ chẳng còn bằng cảm nhận mơ hồ nào nữa: 80 triệu x 12 tháng (lương năm các quan) / 20 triệu (GDP), có nghĩa tỷ lệ giàu / nghèo là 50/ 1 !!!

Con số này có nghĩa, phải gom góp công sức lao động quần quật suốt năm của 50 người lao động trên các cánh đồng hay trong những nhà máy nóng bức bụi bặm trong các khu chế xuất thì mới có đủ tương quan lực lượng để có thể ‘so kè’ với lương của một vị quan của SCIC.

Và đây mới chính là bản mặt thật của cái gọi là ‘văn minh và công bằng xã hội’ mà nhà nước VN vẫn thường rỉ rả bấy lâu nay.

Giá như ‘chùm khế quê hương’ bớt ngọt?

Khách quan mà nói mức lương 5-6 ngàn USD (tức xấp xỉ 100 triệu / tháng) hiện nay cũng không phải là điều gì ‘ghê gớm’ lắm đối với dân các thành phố lớn trong nước, những nơi có mặt nhiều công ty tập đoàn kinh doanh nước ngoài. Và trình độ nhận thức của người dân bây giờ cũng không còn ‘nghèo’ đến mức hễ cứ thấy ai giàu là ganh ghét, muốn đem ra ‘đấu tố’ họ như thời thập niên 50 xa xưa. Mà ngược lại, những ai làm giàu bằng tài năng và nhất là làm giàu bằng tri thức, một cách chân chính càng ngày càng được mọi người nể phục.

Do vậy, vụ SCIC khiến dư luận ngỡ ngàng chắc chắn không phải vì những con số 70- 80 triệu hay thậm chí hơn nữa nhưng vì cách làm ăn ‘mập mờ’ của nhà nước ta, hễ cái gì ngon, ngọt đều bị xếp vào hàng ‘bí mật quốc gia’ khiến dân chúng bị mù thông tin. Lâu nay chẳng biết SCIC là ai nay ‘đùng’ một cái nghe tin họ lãnh mức lương ấy nếu dân chúng chẳng ai băn khoăn, thắc mắc các ‘sếp’ SCIC bấy lâu nay đã đem vốn liếng quốc gia đi ‘mần ăn’ ở những đâu, lời lỗ ra sao mà họ lại được trả mức lương cao ngất trời xanh như thế…? Chắc rằng đất nước mình đã đến hồi mạt vận mất rồi!?

Tại các công ty văn phòng đại diện thương mại tầm cỡ ‘world-wide’ tại Sàigòn mà người viết có dịp biết, nhân viên nào có năng lực họ được trả lương rất hậu hĩnh, nhưng để đổi, mối quan hệ ‘chủ - tớ’ luôn rất sòng phẳng!

Không bao giờ có chuyện chủ chịu ‘nhịn ăn’ vì những khoản chi lương bất hợp lý cho nhân viên, dù chỉ vài trăm ngàn đồng/ than1g, nếu người được ưu đãi không chứng tỏ được khả năng dùng thương hiệu của chủ để đi hái ra tiền đem về nộp lại cho họ, ít nhất cũng là 2-3 lần nhiều hơn lương.

Trong khi ấy công sức, hiệu quả quản lý và sử dụng hầu bao, tài sản của quốc gia của các quan chức SCIC còn khá là mơ hồ, thậm chí để thua lỗ như tại JetStar thì các ‘đầy tớ nhân dân’ vẫn cứ tự ban phát bổng lộc cho nhau bằng mức lương rất chính xác, hệ số lương phải nhân chi tiết đến tận hai con số lẻ, từ 2.82 nâng lên 4.25!?

Câu chuyện SCIC làm chúng ta nhớ lại vụ 18.4 USD tiền thưởng [6] của các quan chức Wall Street Mỹ hồi Tháng Hai năm nay, khiến tổng thống Barack Obama mặc dù mới nhận chức khi ấy cũng đã phải nặng lời với họ: “thật xấu hổ cho các chuyên viên ngân hàng tại Wall Street nhận tiền thưởng nhiều tỷ đôla trong khi người dân đang hỗ trợ cho ngành này” và gọi hành vi này là thể hiện mức "vô trách nhiệm cao độ" !!! (BBC – 30/1/2009)

Nước Mỹ giàu nhất nhì thế giới mà họ còn nghiêm khắc với ‘quả trứng vàng’ Phố Wall như vậy, trong khi ở VN ta, nghèo nhưng khi vụ tiền lương của các sếp SCIC bị đổ bể sau hơn chục ngày rồi mà chẳng thấy lãnh đạo đất nước lên tiếng thật là khó hiểu?

Có lẽ cũng vì cảm thấy ‘sốt ruột’ nên tờ Pháp Luật Online [7] hôm 6/12 đã phải vay mượn lời ông B.Obama như muốn nhắc khéo các ‘lãnh tụ kính yêu’ VN mình, rằng “Đây là hành vi khiếm nhã trong thời khủng hoảng kinh tế. Những người này không hề có trách nhiệm với cơn khủng hoảng đang đè nặng trên vai hàng triệu người dân. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đó đã được thưởng cho vai trò kém cỏi của họ trong quản lý, đặc biệt là khi những khoản lương, thưởng chảy vào túi họ là từ túi của những người đóng thuế mà ra. Tôi quyết không khoan nhượng cho việc này!” và ông đã làm đến nơi đến chốn vụ này ngay sau đó, nhiều triệu USD đã được thu hồi về cho ngân sách.

Không biết các vị ấy có ai đọc được lời nguyền rủa cùng thái độ cương quyết của ông Obama mà cảm thấy áy náy trước việc các quan SCIC đang ‘nhạo báng’ hàng triệu dân nghèo trên cả nước hay không?

Người ta thường bảo ‘không ai hiểu tính nết con cái hơn bố mẹ’. Đem câu này vào bình diện lớn hơn sẽ là ‘không ai giải thích lý do tham nhũng chính xác hơn chính ông Nguyễn Minh Triết’, vì ông ta là chủ của cái lò tham nhũng này và vì đã có lần ông tỏ ra rất am hiểu về nó khi chuyện trò với vài trăm Việt kiều tại Hà Nội về tham nhũng và ví von với người thủ quĩ, mà hiểu theo ý ông thì tham những VN là do hoàn cảnh đẩy đưa, chứ tố chất nòi giống Lạc Hồng của dân mình chưa thấy ai có loại gen nào tên là ‘tham nhũng’ cả !!!

Đem lời lý giải ấy vào thực trạng đất nước tham nhũng tràn lan ở VN không phải lỗi do đảng mà do cái ‘chùm khế quê hương’ nó quá… ngọt !!! Lý do: sau một thời ‘đi hoang’ ra khỏi xã hội văn minh loài người, sự nghèo đói đã làm suy kiệt mọi mặt trên mảnh đất hình cong chữ S này khiến nó trở nên quá quá hấp dẫn trong con mắt các nhà tư bản. Vì chỉ cần chi ra những đồng tiền rẻ mạt lúc nào cũng có sẵn hàng chục triệu dân sẵn sàng cung phụng từ A- Z. Từ kiếm tiền cho đến vui chơi ‘kính thưa’ các kiểu tha hồ thỏa thích !!! Chính ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong chuyến Mỹ du hồi Tháng 5 năm nay, trong một buổi diễn thuyết đã chẳng ngần ngại nói ra mấy chữ ‘gái VN đẹp’ như một thứ lợi thế mà các doanh nhân Mỹ cần lưu ý. Thật đáng xấu hổ!

Tất nhiên, trước khi bàn tay của các nhà tư bản nước ngoài chạm được những trái ngọt đậm chất ‘hoang sơ’ này họ phải sự được sự cho phép của các quan. Cây khế ngọt VN trồng trên đất do ‘dân làm chủ’ nhưng lại được đảng ‘quản lý’ còn ai ngăn cấm các quan ta “trèo hái mỗi ngày”?

Thay lời kết

Chính cái giai đoạn ‘nhập nhằng’ tiến lên XHCN bằng kinh tế thị trường ở VN như VN hiện nay đã giúp cho các môn đệ Mác vào được tới ‘thiên đường’ với những căn nhà lầu xe hơi, villa biệt thự sang trọng, tiền đô rủng rỉnh gởi trong các nhà băng họ đang sở hữu, mà khỏi phải nhọc công tìm kiếm thêm thiên đường ở thời sau ‘thời kỳ quá độ’ nào nữa.

Chỉ có điều Mác cũng không lường nổi là khi các đệ tử Mácxít của ông ta vào được thiên đường không còn hơi hám ‘xã hội chủ nghĩa’ này, cũng giống như khi những đồng tiền đen nhảy múa giữa tòa án khiến công lý phải lặng lẽ khăn gói ra đi. Hàng triệu dân nghèo trong nước vì phải ‘nhường’ miếng cơm manh áo của họ cho các quan, họ không còn thiên đường nào khác để đi tiếp nên đành phải quay ngược lại xuống địa ngục trần gian, sau khi đã bị cướp dọc đường mọi thứ. Từ nhân phẩm, các quyền tự do… cho đến nhà cửa ruộng vườn v.v…

Trong bài “Trung Quốc và Việt Nam làm gì với Marx” [8] trên diễn đàn BBC cách nay mấy ngày, nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang mô tả tình cảnh này rất chính xác, như sau: "Khi những người lao động lương thiện và những người có công với đất nước rơi vào cảnh nghèo khổ, may lắm là đủ ăn, còn cả một bọn ăn cướp hợp pháp và bất hợp pháp thì tha hồ xà xẻo của cải đất nước, trở thành những phần tử giàu có theo lối “hãnh tiến-lưu manh chính cống."

Quan chức càng có chức vụ cao, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều mặc dù ngoài miệng vẫn hô hào ‘tiến lên XHCN’ nhưng họ nhận thức rất rõ mọi thứ đúng sai đang diễn ra trên đất nước mình là hoàn toàn không có tương lai, vì thế ai nấy đều phải ‘tranh thủ’ thời cơ!

Cuối cùng, xin trở lại với đoạn mở đầu của bài viết: chuyện tiền lương của các quan SCIC và tại JetStar Pacific Airline xảy ra lâu nhưng sao bây giờ mới bị phanh phui và vào thời điểm này?

Không ở chung chăn chúng ta thật khó mà biết lúc nào họ bị rận cắn? Tuy nhiên, dường như đã thành lệ, hễ mỗi lần đảng sắp bước vào mùa tranh… ghế (thay vì tranh cử như thiên hạ) là y như rằng sẽ có chuyện ‘đấu đá’ nhau xảy ra.

Vụ SCIC năm nay không chừng sẽ lại là sự lập của bản kịch bắt cờ bạc tại một công viên ở Hà Nội, mà ban đầu mọi người cứ tưởng chỉ là ‘chuyện nhỏ’. Nhưng không ngờ, từ đó vụ PMU-18 cùng bao thứ tệ hại khác đã bị lôi ra trong thời gian chuẩn bị đại hội đảng 10 năm 2006

Chỉ có điều cũng giống như ‘trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết’, khi các quan ta ‘húc nhau’ nhau, dù thắng hay thua chẳng thấy ai trong họ chết hết (cứ nhìn ‘bị can’ Nguyễn Việt Tiến đang phây phây kia là biết rồi) mà chỉ có hàng triệu dân nghèo khắp nơi sẽ tiếp tục bị ‘chết’ trong nghèo đói lạc hậu bởi việc tranh giành quyền lực kiểu này, thay vì tự do bầu cử, sẽ khiến đất nước còn phải chìm trong chậm phát triển còn lâu. Công bằng xã hội sẽ vẫn mãi còn là ‘món hàng’ quá xa sỉ với dân chúng Việt Nam.

Ghi chú:
[1] Vốn Nhà nước "phình to" trong tay SCIC http://www.bsc.com.vn/News/2009/9/30/59405.aspx
[2] Tiền đang chảy về “siêu tổng công ty” SCIC http://atpvietnam.com/vn/thuctechoick/39646/index.aspx
[3] Loạt phóng sự trên tờ Tiền Phong http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?TopicID=382
[4] Jetstar Pacific và Vinapco ‘tố’ nhau chiếm dụng vốn! http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Jetstar-Pacific-va-Vinapco-to-nhau-chiem-dung-von/20096/43513.datviet
[5] Vũ văn Ninh: “Tôi đã chỉ đạo giảm lương của SCIC, Jetstar” http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=180412&ChannelID=3
[6] Vụ 18.4 USD tiền thưởng http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2009/01/090130_obamaslambankers.shtml
[7] Obama phản ứng chuyện SCIC? http://www.phapluattp.vn/20091206071233476p0c1015/obama-phan-ung-chuyen-scic.htm
[8] Trung Quốc và Việt Nam làm gì với Marx? http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/12/091214_china_vietnam_marxism.shtml


Sàigòn, 18/12/2009
 
Thông Báo
Cáo phó của Tòa Giám Mục Vĩnh Long
Tòa Giám Mục Vĩnh Long
20:46 18/12/2009
CÁO PHÓ

Trong niềm tin tưởng vào Chúa Kitô Phục sinh,

Văn Phòng Toà Giám Mục Vĩnh Long trân trọng báo tin:



Linh mục GIUSE NGUYỄN NGỌC THÍCH

Sinh: 15 /06/ 1940

Nguyên quán: Họ Rạch Vồn, Tiểu Cần, Trà Vinh

Thụ phong Linh Mục: 29/04/1969

Đã được Chúa gọi về lúc 23 giờ 50 đêm Thứ Năm 17/12/2009 tại nhà Cha sở Cái Mơn, Huyện Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre.

Nghi lễ tẩn liệm lúc 14 giờ ngày Thứ Sáu 18/12/2009 tại Nhà Thờ Cái Mơn, Huyện Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre.

Thánh lễ An Táng sẽ cử hành vào lúc 9 giờ sáng Thứ Hai 21/12/2009 tại Nhà Thờ Cái Mơn, Huyện Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre.

Xin Quí Cha, Quí Tu sĩ Nam Nữ, Anh Chị em Giáo dân hiệp lời cầu nguyện cho Cha Giuse được an nghỉ trong Chúa.

Kính báo

TIỂU SỬ LINH MỤC GIUSE NGUYỄN NGỌC THÍCH

Sinh ngày 15 /06/ 1940.

Tại Rạch Vồn, Tiểu Cần, Trà Vinh. Thuộc họ Rạch Vồn.

Nhập Tiểu Chủng Viện Philipphê Phan Văn Minh Vĩnh Long ngày 01/09/ 1952.

Vào Đại Chủng Viện Sài Gòn ngày 01/08/ 1962.

Thụ phong Linh Mục ngày 29/04 1969.

HOẠT ĐỘNG.

Sau khi thụ phong Linh Mục Ngài đã làm việc mục vụ:

Phụ Tá Họ Cái Mơn từ 1969

Đặc trách tu sĩ từ năm 2002 đến nay

Chánh Sở Họ Cái Mơn từ 28/01/1989 đến nay

 
Văn Hóa
Cho Tỉnh Cơn Mơ
Vọng Sinh
11:13 18/12/2009
  • Đường đời trăm ngàn lối
  • Tôi trên lối nào đây?
  • Đường mòn cũ tanh hôi
  • Hay đường đồi khấp khểnh?


  • Con đường đời cứ trôi
  • Qua bao những đêm vui
  • Ngàn yêu ma tinh quái
  • Tôi lạc giữa chơi vơi !


  • Yêu ma bắt hồn rồi !
  • Nhốt tôi trong xiềng xích
  • Những xích xiềng ngọt rượi
  • Của ảo ảnh cuộc đời.


  • Tôi đê mê không thôi
  • Say sưa mải cuộc vui !
  • Tình tiền tài tăm tiếng…
  • Tranh đua suốt một đời !


  • Nay Chúa đến nơi rồi
  • Mùa Phúc Ân Cứu Rỗi
  • Cửa Trời đã mở lối
  • Nhưng tôi lạc mất rồi…!


  • Xin Ánh Sáng Ơn Trời
  • Soi đêm tối đời tôi
  • Xua bóng đen yêu quái
  • Cho tôi tỉnh “giấc đời” !


  • Mở cho tôi xiềng xích
  • Những xích xiềng ngu muội!
  • Tôi một thời yêu thích…
  • Xin được dứt “nợ đời”!


  • Cho tôi thêm Ơn Trời
  • Mùa Thánh Ân tuyệt vời
  • Để tôi được đủ sức
  • Về tới Quê Muôn Đời !


Xin An Bình từ Trời - Đổ xuống cõi lòng người.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sông Rạch Quê Ta
Lê Trị
23:08 18/12/2009

SÔNG RẠCH QUÊ TA



Ảnh của Lê Trị

Giòng sông cũ, làm sao anh quên được

Tuổi thơ anh theo con nước vui buồn

Tháng giêng xanh anh lơi thú bơi truồng

Chờ hạ chín thả bềnh bồng ước rối.

(Trích thơ của Duyên Anh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền