Ngày 17-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lên Đường
Lm. Thái Nguyên
00:48 17/12/2021


Chúa Nhật 4 Mùa Vọng năm C : Lc 1, 39-45

LÊN ĐƯỜNG

Suy niệm

Được sứ thần cho biết chị họ đã mang thai được sáu tháng trong lúc tuổi già, tức thì Đức Maria thu xếp “vội vã lên đường” đi đến chăm lo. Nhà bà Êlisabét ở “miền núi”, có truyền thống cho rằng, đó là vùng Ain-Karim cách Giêrusalem 8 km về phía tây. Nếu thế, Đức Maria phải đi hơn 120 km mới đến thăm bà chị họ được, vì phải đi từ Nadarét ở Galilê phía bắc, lên Giêrusalem ở phía nam. Con đường quá xa xôi mà lại vòng vo, hoang vu, cách trở núi đồi, đầy nguy hiểm. Một thiếu nữ đi như vậy quả là liều lĩnh. Nhưng Mẹ chẳng nệ hà gian khó, chỉ nghĩ đến người chị họ đang cần giúp đỡ. Lòng nhân ái khiến Mẹ quên cả niềm vui riêng, để hướng đến niềm vui của người khác.

Cuộc hành trình diễn ra vào lúc Xuân sang, lúc mà vùng Đất Thánh trổ hoa muôn sắc, lan tỏa hương thơm, và chim chóc tụ về líu lo vang trời. Tất cả thiên nhiên như bừng dậy để đón chào Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Mẹ vui mừng và hạnh phúc đi trong ánh quang của ngày mới, của Mùa Xuân Cứu Độ. Mẹ chìm ngập trong tình yêu Thiên Chúa trên từng bước đi, vì chứng nghiệm những kỳ công Chúa đã làm.

Khi tới nhà bà Elisabét, Đức Maria vừa cất tiếng chào, thì Gioan trong lòng bà mẹ được tràn đầy Thánh Thần và nhảy mừng, như đón chào Ðấng Cứu Độ. Thánh Thần cũng đến với bà Êlisabét, khiến bà nhận ra điều kỳ diệu là Maria đã thụ thai Ðấng Cứu Thế. Đức Maria cũng ngạc nhiên khi thấy mầu nhiệm kín ẩn mà Mẹ âm thầm đón nhận, nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ. Cuộc gặp gỡ xem ra thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, vì được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần, Đấng khơi dậy niềm vui trong tâm hồn mọi người.

Đức Maria đã lưu lại nhà chị họ chừng ba tháng cho tới khi Gioan Tẩy giả chào đời. Tự nhận là “tôi tớ Chúa”, nên Mẹ cũng muốn làm tôi tớ mọi người. Mẹ chẳng nghĩ gì đến phẩm chức cao trọng được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, cũng chẳng tỏ ra sáng giá vì có phúc hơn mọi người nữ; cũng chẳng hãnh diện hay tự hào về những ân ban cao cả mà Chúa đã thực hiện nơi mình. Mẹ chỉ quan tâm và âm thầm sống cho một Tình Yêu - Tình Yêu Phục Vụ. Chính vì vậy, Mẹ mới thật là Mẹ của Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.

Đức Mẹ tuyệt vời vì có Đức Kitô trong lòng. Có Đức Kitô trong lòng thì tình yêu dâng tràn, trái tim rộng mở, lý trí thông sáng, ý chí kiên cường, hành động cao vượt. Kitô hữu là người mang Đức Kitô trong lòng mình, là người có Chúa ở cùng. Chỉ khi xác tín sâu xa điều này, ta mới dám ra khỏi bản thân, dám rời bỏ vị trí của mình để đến với người khác, mới dám dấn thân phục vụ và sống chết vì lý tưởng.

Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để ta biết ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm tính toán và khôn ngoan người đời, để đi đến với anh chị em, nhất là những người cô đơn, bệnh tật, nghèo hèn, đau khổ… Ra khỏi mình để Chúa có thể hành động qua chúng ta. Ngài muốn yêu thương mọi người bằng trái tim của ta. Hãy cảm nhận sự khát khao của Chúa nơi tâm hồn mình, để ta dám sống một tình yêu khiêm nhu phục vụ.

Việc thăm viếng không chỉ là cách biểu lộ tình yêu, mà còn là cơ hội để đem Chúa đến cho người khác, nên không cần mình phải nói nhiều. Đức Maria có nói gì đâu, Mẹ mới mở lời chào thì Thánh Thần đã đến. Chính Thánh Thần soi sáng và làm bừng lên sức sống mới nơi mọi người mà chúng ta gặp gỡ. Ước chi cuộc thăm viếng của Đức Mẹ khi xưa là sự khởi hứng linh thiêng cho việc thăm viếng của chúng ta ngày nay, để mọi người mở lòng đón nhận ơn cứu độ. Ước chi những bước chân thánh thiện của Đức Mẹ ngày xưa được tiếp nối bằng những bước chân của chúng ta bây giờ, để Chúa có thể đi vào lòng đời hôm nay.

Đẹp thay những bước chân trên con đường phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Biết rằng trên con đường này nhiều chông gai giăng mắc và gian nan trắc trở, có thể làm chúng ta chùn bước, nhưng chắc chắn sức mạnh của Thánh Thần luôn đủ cho ta mỗi ngày, để ta tiến bước trong niềm vui. Đó chính là tinh thần Mùa Vọng mà Giáo Hội mời gọi ta sống với Đức Mẹ và sống như Đức Mẹ, để Chúa có thể đến trong cuộc đời hiện tại và đem lại ơn cứu độ cho mọi người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Để ra khỏi mình không phải dễ,

thế mà Chúa đã từ trời xuống thế,

chẳng xá kể gì ngai vinh hiển vô biên,

tự hủy mình để hoàn toàn tận hiến,

vì tình yêu trút bỏ mọi uy quyền.

Chúa âm thầm đi vào đời nhân loại,

lịch sử từ đó giở sang trang mới,

để thiên hạ được hoan hỉ khắp nơi,

được nối kết trong tình trời với đất.

Để cho Ngôi Hai xuống cõi đời,

Đức Maria đã đón nhận lời thiên sứ,

làm cho Thiên Ý được thực thi,

và Mẹ cũng đã lên đường tiếp nối,

theo đường lối yêu thương và phục vụ,

trao ban cho loài người Chúa Giêsu.

Tuy mọi cuộc thăm viếng vẫn bình thường,

nhưng khi làm với thái độ yêu thương,

như Đức Maria với tính cách khiêm nhường,

thì chính Chúa Thánh Thần luôn điều hướng,

đem lại sự sống mới thật phi thường,

soi lối mở đường để con luôn tiến bước.

Mỗi cuộc thăm viếng đều cho con trải nghiệm,

thấu hiểu hơn về mầu nhiệm của con tim,

xin cho con ra khỏi con đường mòn,

là lối sống đức tin theo lề thói,

hay co cụm trong khuôn khổ hẹp hòi,

và bằng lòng với những cái nhỏ nhoi.

Xin cho con lên đường phụng sự Chúa,

ra khỏi mình đến gặp gỡ tha nhân,

sống ân cần với tất cả tình thân,

tỏa niềm vui ơn cứu độ nhân trần. Amen.
 
Lan toả niềm vui Chúa ở cùng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:59 17/12/2021
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C

LAN TỎA NIỀM VUI CHÚA Ở CÙNG

Từ xa xưa, Thiên Chúa đã cho biết: "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng các ngươi, đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta" (Is 55, 8).

Theo dòng lịch sử, Chúa luôn luôn thể hiện thánh ý ấy. Chẳng hạn, Tổ phụ Abraham già nua, hiếm muộn lại được tuyển chọn làm cha của cả một dân Thánh; Ông Môsê vừa ngọng, vừa đớt lại trở thành nhà giải phóng dân tộc lừng danh; vua Salomon, đứa con ngoại hôn lại được đặt làm vua, ngồi trên chính ngai vàng của Đavid, cha mình...

Trong cùng đường lối thánh thiện siêu phàm của Thiên Chúa, Đức Maria trở thành kiệt tác Thiên Chúa ban tặng loài người. Và cùng Đức Mẹ, bà Isave trở thành một trong những khuôn mặt không thể thiếu của lịch sử cứu độ.

Chính trong tư tưởng và đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa mà một Trinh nữ trẻ - Đức Maria và một cụ già - bà Isave đều là lần đầu tiên và lần cuối cùng mang thai và sinh con.

Hôm nay, trong sự thánh thiện và đường lối khôn ngoan lạ thường ấy, Thiên Chúa làm cho cuộc thăm viếng mà Đức Mẹ dành cho chị Isave của mình trở thành cuộc giao thoa của niềm vui nhiệm lạ, hạnh phúc và đầy ơn thánh.

Có ai ngờ, cuộc gặp gỡ của hai người mẹ lại trở thành cuộc gặp gỡ lịch sử và là cuộc gặp gỡ khởi đầu của trang sử mới Tân ước. Mạnh hơn, đó chính là cuộc gặp gỡ giữa hai người con phía bên trong lòng dạ của hai người mẹ. Đó còn là cuộc gặp gỡ của ơn giải thoát mà Người Con trong lòng Đức Mẹ ban tặng người con trong lòng bà Isave.

Đàng khác, từng cặp: Bà Isave - Đức Maria; thánh Gioan Tẩy giả - Chúa Giêsu còn nói lên sự giao thoa giữa hai Giao ước Cũ và Mới. Đó cũng là sự chuyển giao từ Giao ước Cũ sang Giáo ước Mới.

Trong những giao thoa và gặp gỡ ấy, còn là sự tuôn chảy tràn trề của ơn Thánh:

- Đức Mẹ đem niềm vui có Chúa ở cùng san sớt, hiến tặng gia đình chị họ.

- Người chị họ, trong ơn Thánh Thần, bỗng chốc ca tụng và tuyên xưng đức tin vào người em khi gọi người em ấy là "Mẹ của Chúa tôi".

- Con trẻ Gioan trong lòng bà Isave nhảy mừng vì vui sướng, bởi phút chốc được thánh hóa, được giải thoát khỏi tội lỗi, được dự liệu để tiền hô cho chính Đấng giải thoát và thánh hóa mình.

- Kể từ đây, Triều đại củaTtân ước bắt đầu. Giao ước mới do chính Người Con trong lòng Đức Trinh Nữ thực hiện sẽ là Giao ước vĩnh cửu, khai mở một triều đại của ánh sáng nhờ tình yêu và ân sủng mà chính Người Con ấy mang lại.

Hằng ngày Chúa vẫn đến viếng thăm và gặp gỡ ta trong từng thánh lễ, trong mọi cử hành bí tích,nhất là bí tích Thánh Thể. Chúa còn hiện diện với ta trong các giờ kinh, giờ cầu nguyện của từng cá nhân hay cộng đoàn. Chúa hiện diện và gặp gỡ khi ta sống bác ái, sống liên đới với anh chị em...

Vì thế, mỗi phút giây, dù ở giữa đời hay trong nhà thờ, dù đang miệt mài trong công tác trần thế hay trong tư cách là người tín hữu gắn bó với Chúa, dù trong khi làm việc hay nghỉ ngơi, dù ở một mình hay đang có những tiếp xúc với người bên cạnh, dù đang làm việc cho chính mình hay đang thi hành nghĩa vụ bác ái..., ta hãy ý thức Chúa đang hiện diện, đang đồng hành với mình. Hãy luôn đặt mình sống dưới bàn tay và ánh mắt của Chúa. Hãy phó thác mọi tư tưởng, đường lối, sự sống, hiện tại, tương lai... của mình trong tay Chúa...

Như Đức Mẹ, một khi đặt Chúa làm trung tâm đời mình và sống như có Chúa luôn ở với mình, đúng hơn, khi đã có một tâm hồn sẵn sàng mở ra đón nhận Chúa đến, ta cũng sẽ trở thành người lên đường mang tin vui có Chúa ở cùng, mang hạnh phúc vì được làm một với Chúa để đến với anh chị em.

Ta cứ mạnh dạn lên đường, phần còn lại sẽ có Chúa lo liệu để người anh em của ta cũng được Chúa phủ đầy tình yêu và ơn thánh như đã phủ trên ta.

Ước gì ta cũng làm được điều mà Đức Mẹ đã làm. Đó là lan tỏa niềm vui Chúa ở cùng, để qua ta, anh chị em cũng tràn đầy ân phúc, tràn đầy sức sống, tràn đầy phúc lành và sự cứu độ của Chúa như bà Isave và bào thai Gioan Tẩy giả.
 
Ngày 18/12: Đức Vâng Lời của Thánh Giuse. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
03:33 17/12/2021

“Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Ðavít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Ðó là lời Chúa.
 
Mẹ Maria đon đả đón và đem Chúa
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:05 17/12/2021

MẸ MARIA ĐON ĐẢ ĐÓN VÀ ĐEM CHÚA

Chúa Nhật tuần này là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Giáo hội làm nổi bật việc Mẹ Maria đon đả đón Chúa và đem Chúa cho người khác. Mẹ Maria là gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta noi theo trong việc đón mừng Chúa Giáng sinh.

1. Đón Chúa. Sau lời thưa “Xin Vâng”, Mẹ Maria đã đón Chúa ngự vào lòng dạ Mẹ. Chúa nên hình nên dạng trong lòng dạ Mẹ, Chúa chung hơi thở, chung nhịp đập con tim, chung sự sống với Mẹ. Mẹ để cho Chúa làm chủ cuộc đời Mẹ. Khắp nơi trên thế giới, người ta đang sốt sáng làm hàng triệu hang đá mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng quan trọng nhất là hãy làm cho lòng dạ mình thành một hang đá sống động cho Chúa sinh ra, cho Chúa ngự trị.

2. Đem Chúa. Mẹ đón Chúa, rồi Mẹ đon đả đem Chúa cho người khác qua cuộc Mẹ thăm viếng gia đình bà Êlisabét. Trong đời sống, khi yêu ai, người ta luôn vui vẻ hãnh diện giới thiệu người yêu cho gia đình, cho bè bạn cứ như thể không khoe người yêu là không chịu được. Thế thì, việc đem Chúa, giới thiệu Chúa cho người khác phải là một việc làm tự nhiên và vui vẻ của chúng ta trong mùa mừng Chúa giáng sinh.

Mẹ Maria đón Chúa và đem Chúa trong bầu khí tràn đầy niềm vui. Mẹ vui quảng đại đón Chúa vào lòng, Mẹ vui đon đả đem Chúa cho nhà bà Êlisabét, và Mẹ làm cho con trong bụng bà nhảy lên vì vui sướng, may mà nó không nhảy vọt ra ngoài. Như thế, ở đâu có Chúa ở đó có niềm vui. Niềm vui vì chúng ta được Chúa yêu thương, niềm vui vì chúng ta yêu thương nhau như lời kinh: “Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Amen.
 
Cùng Đức Mẹ Ma-ri-a lên đường
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
10:16 17/12/2021
Cùng Đức Mẹ Ma-ri-a lên đường

(Suy niệm Chúa nhật 4 Mùa Vọng C)

Kính thưa, chúng ta tự hào là người Công Giáo, lại còn tự hào hơn nữa vì chúng ta có Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Giê-su và cũng là Mẹ của tất cả mọi người chúng ta. Sau đây, chúng ta cùng nghe cuộc đối thoại giữa một linh mục Công Giáo với một mục sư Tin Lành:

Cha Ram, một linh mục Dòng Tên có tài ứng đáp lanh lẹ, với tinh thần vui vẻ, một hôm cha nói với một vị mục sư Tin Lành phái Luther:

-"Ông mục sư ơi, người Công Giáo chúng tôi khác với anh em Tin lành các ông: Chúng tôi luôn giữ được nét mặt tươi tắn, vui vẻ. Còn các ông, các ông lúc nào cũng có vẻ rầu rĩ làm sao ấy..."

- “Đúng rồi”, vị mục sư thú nhận và hỏi : “Linh mục nhận xét hay thật, xin linh mục cho tôi được biết lý do tại sao đi?”

Cha Ram bình tĩnh trả lời :

-“Ồ được, tôi sẽ nói cho mục sư rõ ngay đây, thưa mục sư :

Trong một gia đình, vai trò của bà mẹ vô cùng quan trọng, khi bà còn sống thì con cái vui vẻ nhanh nhẹn... Lúc bà mất đi, đàn trẻ đâm ra ủ rũ, trầm mặc, buồn sầu... Theo chủ trương canh tân của Tin Lành, các ngài không còn mẹ nữa! Người Công Giáo chúng tôi có Mẹ Maria : Người là Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ chúng tôi. Đó là lý do khiến chúng tôi vui vẻ. Còn quý ngài, quý ngài không có người mẹ ấy nên quý ngài khô khan buồn bực.” (Sưu tầm), Vậy,

1. Lên đường để làm gì?

Hôm nay, chúng ta bắt gặp một hình ảnh của một người nữ ‘bụng mang bầu bí’ vội vã và sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại để đi đến thăm viếng người chị họ Elisabeth. Một sự khấn trương dầu trên mình đang mang bầu nơi Mẹ Maria. Một sự phấn khích nơi Mẹ khi có Chúa ở cùng Mẹ. Mẹ đã không dừng lại ở việc lãnh nhận niềm vui cho chính mình nhưng đã sẵn sàng ra đi để chia san niềm vui có Chúa với tha nhân, cụ thể là với người chị họ của Mẹ. Quả thật, có Chúa, có niềm vui, có bình an và hạnh phúc, được khởi thúc, thúc bách lan tỏa, vì ‘niềm vui chia sẻ niềm vui nhân’, Mẹ Maria đã lên đường để truyền rao niềm vui.

Đức Maria đã không chỉ lên đường để loan báo tin vui, tin bình an, mà còn lên đường để phục vụ. (Và Đức Ma-ri-a ở lại độ 3 tháng để phục vụ người chị họ khi chị họ đau đớn, sinh nở...). Đức Maria lên đường để hiện diện-hiện diện, để trao ban bình an - “Đến nhà nào hãy nói: bình an cho nhà này”. (x.Lc 10,5). Lên đường để gặp gỡ, là đối thoại, là nối kết, là hiệp nhất, là bao dung, là đồng cảm với sẻ chia, thay vì hận thù, chia rẽ, ghen ghét, ích kỉ, chiếm đoạt, buồn bực, gieo rắc bất hòa, bất thuận, loại trừ và nói xấu nói hành...Một sự gặp gỡ đầy niềm vui giữa hai người bà mẹ và hai đứa con. Niềm vui của hai bà mẹ cũng là niềm vui của hai hài nhi. Niềm vui của Mẹ Maria và niềm vui của bà Elisabeth cũng là niềm vui của Đấng Cứu Thế và Vị Tiền Hô, Gioan.

Để làm được như Đức Ma-ri-a, chúng ta phải làm gì? Sở dĩ Đức Mẹ vội vã cũng như mau mắn mà không ngần ngại đường sá xa xôi và hiểm trở để đi đến với chị họ Elisabet là vì có Chúa ở cùng. Có Chúa ở cùng là có sức mạnh, có Chúa ở cùng sẽ tràn trề niềm vui và bình an. Có Chúa ở cùng là có sự thôi thúc, vì “tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Thật vậy, không thể không lên đường, không thể không sẻ chia và sẵn sàng trao ban, một khi đã tràn trề tình yêu, niềm vui và bình an của Đức Ki-tô.

2. Để sẵn sàng lên đường, chúng ta cần có những điều kiện nào?

Như Đức Maria đã sẵn sàng lên đường đến với người chị họ Elisabeth, là nhờ có sự hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô trong lòng. Cũng vậy, để mỗi chúng ta sẵn sàng lên đường để loan báo Tin mừng và truyền rao bình an, chúng ta cũng cần có sự hiện diện của Đức Ki-tô và sức mạnh của Ngài. Nhưng làm sao chúng ta có được sự hiện diện của Đức Ki-tô trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta?

Quả thật, một khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội là chúng ta được ghi danh Ki-tô trên mình và trong tâm hồn chúng ta. Chính vì thế, chúng ta có danh hiệu là Ki-tô hữu. Ki-tô hữu là người có Chúa Ki-tô ở cùng, là người thuộc về Chúa Ki-tô chứ không thuộc về ai khác, là người lắng nghe Lời Chúa Ki-tô và có Chúa Ki-tô sống trong mình. Vì thế, mỗi ngày, chúng ta không ngừng gặp gỡ Ngài và đón nhận Ngài ngang qua các giờ kinh, cầu nguyện sáng tối, nhất là ngang qua việc năng tham dự ‘bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể’ nơi thánh lễ Mi-sa và ngày lễ Chúa nhật. Như chúng ta thường nói “ năng mưa thì giếng năng đầy, con năng đi lại mẹ thầy năng thương”, cũng vậy, để có Chúa luôn hiện diện và trao ban lòng thương xót cho chúng ta, chúng ta phải thường xuyên tìm gặp Ngài trong mọi nơi và mọi lúc.

Vì thế, một khi đã gặp gỡ được Chúa Ki-tô rồi, chúng ta không thể sống khô khan, sống bê tha, tội lỗi, trộm cắp, ngoại tình, bất hoà – bất thuận, kiêu căng, ích kỷ, tham lam, độc ác, buôn gian bán lẫn, hỗn láo mất nết, bất hiếu và bất trung,…nhưng biết yêu thương và tha thứ, bao dung và quảng đại, sẻ chia và phục vụ như Đức Maria. Thật vậy, đôi tay chúng ta vừa đụng chạm Mình Thánh Chúa không thể lại trở nên dụng cụ của sự đánh đập nhau và làm những điều xấu, nhưng biết trao ban và giúp đỡ tha nhân. Đôi môi và miệng lưỡi vừa rước lấy Đức K-tô không thể lại nói xấu, nói hành, nói tục và chửi thề, nhưng biết nói lời yêu thương – tha thứ cho nhau. Con tim hay cõi lòng chúng ta vừa rước lấy Đức Ki-tô không thể chất chứa những ghen tương và xấu xa, nhưng phải được biến đổi để biết chạnh lòng thương và cảm thông với anh chị em đồng loại.

Mặt khác, toàn thể Giáo hội đang mời gọi chúng ta hướng tới Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành 2021 -2023, hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông- tham gia và sứ vụ. Quả thật, hôm nay giáo xứ chúng ta đang thay cho toàn thể giáo phận để suy tôn Bí tích Thánh Thể, Bí tích của sự hiệp thông. Làm sao hiệp thông được với nhau nếu chúng ta không cùng nhau tham gia, cùng nhau cử hành, cùng nhau quy tụ. Vì thế, sẽ không bao giờ có sự hiệp thông với nhau được nếu thiếu đi tình hiệp nhất, thiếu sự nên một, thiếu sự hợp tác và đồng lòng. Mặt khác, một khi đã trở nên hiệp thông với nhau rồi thì chúng ta không thể không ra đi, trao ban và sống sứ vụ: sứ vụ loan báo Tin Mừng, loan báo sự hiệp nhất và yêu thương. Sứ vụ phổ quát mà mỗi chúng ta đều được đón nhận khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Đó là vai trò ngôn sứ: nói Lời Chúa, rao giảng lời Chúa; Sứ vụ tư tế: cùng nhau cử hành lễ tế dâng lên Thiên Chúa; và sứ vụ quản trị: có vai trò cai quản và hưỡng dẫn đức tin trong bổn phận của mình. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi đón nhận bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiệp thông. Quả thật, Thánh lễ phải là “trung tâm của toàn thể đời sống Kitô giáo” (QC 16), là “nguồn mạch tột đỉnh của đời sống kitô hữu” chúng ta.(LG 11). Vì thế, chúng ta được đón nhận nhưng không phải cho không; được yêu thương, phải yêu thương và được tha thứ thì phải sống tinh thần tha thứ. Lời Kinh Lạy Cha đã nêu rõ mỗi khi chúng ta đọc lên mỗi ngày: “xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Hơn nữa, như vị thánh trẻ Carlo Acutis đã nói: bí tích Thánh Thể là “con đường cao tốc dẫn đến thiên đàng”, mỗi ki-tô hữu chúng ta cũng phải ý thức tầm quan trọng của nguồn ân sủng của Bí tích này để mỗi ngày biết dọn mình sạch sẽ ngang qua việc gột rửa những tội lỗi xấu xa để Chúa dễ dàng ngự vào trong ‘hang đá tâm hồn’ mỗi ngày, như xưa Ngài đã ngự vào trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ đó, chúng ta có đầy tràn và chan chứa niềm vui cũng như bình an hầu mau mắn để lên đường như Đức Maria đem Chúa đến cho tất cả mọi người, nhất là những ai đang sống trong cảnh tối tăm mù tối và nghèo đói.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Họ Chẳng Thấy Con Mà Thấy Chúa
LM. Trương Đình Hiền
17:51 17/12/2021
Họ Chẳng Thấy Con Mà Thấy Chúa

(Chúa Nhật 4 MV năm C 2021)

Từ niềm hân hoan của “Chúa Nhật Hồng”, Phụng vụ Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng đang dẫn chúng ta đến trước ngưỡng cửa mầu nhiệm Giáng Sinh mà tất cả những “nhân tố liên quan đến mầu nhiệm nầy” gần như đang chuyển động ráo riết đến từng chi tiết.

Trước hết, sứ điệp phụng vụ hôm nay một lần nữa khẳng định rằng: cho dầu là một “huyền nhiệm vượt quá trí khôn con người”, nhưng Giáng Sinh hay mầu nhiệm Nhập Thể lại là “câu chuyện của lịch sử” được ghi nhận với không gian và trong thời gian, với những con người bằng xương bằng thịt… mà Lời Chúa được công bố hôm nay là những chứng từ rõ nét.

Thật vậy, trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh khoảng bảy thế kỷ, nhà tiên tri Mikêa đã từng tiên báo: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel”; và không dừng lại ở “chi tiết địa lý”, nhà tiên tri nầy xác nhận cả nhân thân của Đấng Mêsia, một con người được sinh ra như bao người trên dương thế: “… cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Tuy nhiên, đó lại là một nhân vật phi thường: “Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời… Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người… Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Có thể nói được, toàn bộ lịch sử của dân tộc Israel là một bản trường ca của “niềm trông đợi Đấng Thiên Sai”, là một “câu chuyện dài của niềm hy vọng được Chúa viếng thăm, được Chúa Cứu độ”. Và họ đã biến nỗi khát khao mong đợi đó thành những lời ca kinh vô tận được truyền từ đời này sang đời khác, như được khắc họa nơi Thánh vịnh 79 mà Hội Thánh hát lại trong Đáp Vịnh ca hôm nay: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống. Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con…”.

Và rồi, sau những lời tiên báo đó, những khát khao mong đợi cùng với những lời ca kinh tha thiết đó, Thiên Chúa đã hành động; niềm hy vọng Đấng Thiên Sai đã trở thành hiện thực mà câu chuyện “Thăm Viếng” của Thánh sử Luca là một mô tả tài tình. Thật vậy, Tin mừng Luca tường thuật cho chúng ta một cuộc “bàn giao tối quan trọng”: cuộc bàn giao của 2 giai đoạn lịch sử cứu rỗi Cựu và Tân qua hai Vị đại diện đặc biệt là hai người thôn nữ vô danh tiểu tốt cùng với hai bào thai mà hai người đang cưu mang; một người đang ngụ tại làng Bêlem thuộc miền Giuđêa phía Nam của nước Do Thái và một người đến từ quê nghèo Nadarét phía Bắc, bôn ba về Nam thăm chị. Bà Isave, mẹ của Gioan Tẩy Giả: đại diện cho giai đoạn “lịch sử đợi chờ và chuẩn bị”, “giao ước và dọn đường”. Đức Maria: đại diện cho giai đoạn của “thời gian viên mãn”, “thời của thực hiện dứt khoát, thời của Giao Uớc Mới, thời của Đấng Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Với một lịch sử dài lâu đến thế, với biết bao thăng trầm dâu bể của lịch sử loài người kể từ khi “cánh cửa địa đàng đóng lại” thời tổ tông loài người phạm tội (St 4,23-24); hay kể từ khi “Abraham được chọn gọi làm Tổ phụ của một dân “đông như sao trời cát biển” (St 15,1-6), chương trình vĩ đại của Thiên Chúa lại hiện thực cách giản đơn, chớp nhoáng qua lời “Fiat” của cô thôn nữ Maria trong biến cố “Truyền Tin” (Lc 1,38) và hôm nay được người chị họ Isave chính thức xác nhận cách công khai qua sự kiện “Thăm Viếng”: bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Ngòi bút của Thánh sử Luca thật tài tình khi trình bày việc “Tân ước hiện thực hóa niềm hy vọng Cựu ước” qua một sự kiện giản đơn “Thăm viếng”. Thật vậy, sứ điệp Thăm Viếng phần nào vọng lại cuộc cung nghinh Hòm Bia giao ước của Đavít thuở xưa. Hôm nay nhà của người chị họ Isave đã rực sáng lên niềm hoan hỷ tột cùng với cuộc viếng thăm của “Hòm bia Giao ước mới”; Thánh Gioan đã nhảy mừng ngay trong dạ mẹ để chào đón Ngôi Hai trong lòng trinh nữ Maria chẳng khác nào Đavít và toàn dân Israel đã nhảy mừng trước Hòm Bia Giao Ước. (2 Sm 6,1-19). Cũng như xưa, Hòm Bia Giao ước đã cư ngụ tại nhà ông Êđom ba tháng và chúc phúc cho nhà nầy, thì hôm nay, Trinh Nữ Maria đang cưu mang Con Chúa cũng lưu lại nhà bà chị họ ba tháng để tuôn đổ ơn trời. Và hôm nay Đức Maria được bà chị họ dùng những lời chúc tụng của chính dân Israel hát lên để ca tụng Bà Giuđitha trong cuộc triệt hạ đại tướng Holôphecnê: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ… Muôn đời sẽ khen Bà đầy ơn phúc” (Gđt 13,18; 15,7). Bởi vì chính Người Con nơi cung lòng Đức Trinh Nữ rồi sẽ “đứng lên đặt mọi quân thù dưới chân Người”, đập tan quyền lực của satan và sự dữ để đem về chiến thắng cho Thiên Chúa và mang ân phúc cho loài người…

Một công trình vĩ đại như thế, một câu chuyện lạ lùng đến thế, lại diễn ra, bộc lộ, mạc khải… cách âm thầm xoay quanh bốn nhân vật: hai người phụ nữ vô danh và hai em bé yếu đuối còn nằm trong lòng mẹ. Và phải chăng, đó chính là cách “hành xử” khá thường xuyên của Thiên Chúa trong chuỗi dài lịch sử cứu độ: Môsê bị săn đuổi, Đavít người chăn chiên con út của Giêxê; hay những Êlia, Giuđitha, Esthê, Mácđôkê…, những người mang thân phận bé nhỏ, khó nghèo..., nhưng lại đóng vai trò cốt yếu trong chương trình hành động của Thiên Chúa.

Và đó cũng chính là cách “hành xử” của Thiên Chúa trong Thời Tân Ước mà ngay giây phút đầu tiên nhập thể làm người Con Một Thiên Chúa đã cương quyết chọn lựa như khẳng định của thư gởi tín hữu Do Thái: khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Bđ 2). Thân xác đó, cuộc đời đó đã chấp nhận hiện diện trong cung lòng của một trinh nữ khiêm hạ khó nghèo, hiện diện trong một ngôi làng bé nhỏ Bêlem, hiện diện trong thân phận của một em bé vô gia cư khi phải sinh ra trong hang súc vật, hiện diện trong thân phận của một chàng thợ mộc nghèo làng Nadarét, hiện diện trong một “rabbi không có viên đá gối đầu”, một tôn sư đói khát trong giấc ngủ mê mệt trên chiếc thuyền đánh cá ở Galilê; hiện diện trong than phận của một tội nhân cùng với nổi khổ nhục đau thương trước tòa án Philatô, hiện diện trần trụi, máu me của một tên tử tù giữa hai tên trộm cướp…; và ngày nay tiếp tục hiện diện trong tấm bánh đơn trên bàn thờ, trong nhà tạm, trong muôn cõi lòng khi chia sẻ chút máu thịt của Ngài… và hiện diện nơi muôn vạn những kẻ đói nghèo, bệnh hoạn tật nguyền trên muôn nẻo đường thế giới…

Như vậy, để chuẩn bị cho ngày Đại lễ sắp tới, Lời Chúa đang gọi mời chúng ta sống “cách hành xử của Thiên Chúa và sự hiện diện đích thực của Đức Kitô”, và từ đó biểu lộ sự “có mặt của Ngài” giữa đời thường cuộc sống; đồng thời chia sẻ sự hiện diện đó cho anh chị em mình, như Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận, đã sống và chia sẻ qua sự kiện Thăm Viếng; như Ngôi Hai đã đón nhận và đã sống bằng tấm lòng “vâng phục Thánh ý Chúa Cha” khi cất bước vào đời. Thế giới hôm nay, cuộc sống đầy hoang mang, bất trắc của thời đại dịch Covid nầy đang thật sự cần những cuộc “viếng thăm” và chia sẻ niềm vui nỗi sầu cho những người chung quanh; cần những cuộc “vào đời” với tình yêu và sự xóa mình đi để trở thành hy lễ…

Trong những ngày này, ai trong chúng ta gần như đều có chung cảm nhận: trong lòng đang nghe xôn xao “Giáng Sinh đang đến, bước Chúa đang trở về”. Thế nhưng, để sống trọn hảo niềm tin vào Đấng Emmanuel và làm chứng cho niềm tin Thiên Chúa làm người, có lẽ lời cầu nguyện sau đây của Mẹ Têrêxa Calcutta là thích hợp:

Lạy Chúa Giê-su của con,
xin hãy giúp con biểu lộ được
sự hiện diện của Chúa khắp nơi con đi qua…
Xuyên qua con xin hãy làm cho
Ánh sáng của Chúa được lan tỏa
và hãy hết sức ở trong con
đến nổi mọi người con gặp gỡ
đều có thể cảm thấy
sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn con.
Họ cứ ngước mắt lên đi
họ chẳng còn thấy con đâu,
mà thấy Chúa, chính Chúa, Chúa Giê-su của con….

LM. Trương đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại sứ Đài Loan là khách mời danh dự tại triển lãm 100 cảnh Chúa Giáng Sinh của Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:43 17/12/2021


Đài Loan là khách mời danh dự tại lễ khánh thành triển lãm lần thứ tư về “100 cảnh Chúa Giáng Sinh ở Vatican”. Đại sứ Đài Loan tại Tòa thánh, ông Matthêu Lý Thế Minh (Lee Shieh-Ming, 李世明), cho biết ông rất vinh dự nhận được lời mời, “Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với chúng tôi rằng sự gặp gỡ của các nền văn hóa là cách tốt nhất để thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ, đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây, phù hợp với những lời dạy của Đức Thánh Cha, và tôi hy vọng rằng tất cả những điều này sẽ mang lại cho chúng ta nhiều hòa bình, tình huynh đệ và niềm vui”.

Sự kiện được tổ chức vào ngày 5 tháng 12 dưới hàng cột Bernini tại quảng trường Thánh Phêrô dưới sự chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc âm hóa.

Những người có mặt đã có thể đánh giá cao phần trình diễn của vũ đoàn Đài Loan Dương Vũ Lâm (Yang Yu Lin, 杨宇林) được Đức Tổng Giám Mục Fisichella đánh giá cao. Ngài nói: “Văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc không có ranh giới, chúng nói lên một thông điệp chung mà mọi người có thể hiểu để xây dựng những cây cầu”.
Source:Asia News
 
Nhật ký trừ tà số 145: Ma quỷ gây mệt mỏi
Đặng Tự Do
05:43 17/12/2021


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #145: Demons of Fatigue”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 145: Ma quỷ gây mệt mỏi”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Khi chúng tôi bắt đầu phiên trừ tà, tôi cảm thấy khoẻ. Tuy nhiên, giữa cuộc trừ tà, tôi cảm thấy dường như toàn bộ sức lực của mình không còn nữa. Tôi hầu như không thể cử động hoặc nói chuyện. Tôi đã phải cố hết sức mình để đọc những lời cầu nguyện. Sau đó, người bị ám cũng nói, “Tôi cảm thấy rất, rất mệt mỏi.” “Điều này thật kỳ lạ,” tôi nghĩ, “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”

Sau đó, tôi chợt nhớ ra, chính đó là ma quỷ gây ra sự mệt mỏi này. Vì vậy, tôi đã ra lệnh cho “những con quỷ mệt mỏi” xuất ra. Tôi đã lặp đi lặp lại, “Các ác quỷ mệt mỏi, nhân danh Thánh của Chúa Giêsu, ta truyền cho các người cút đi.” Cuối cùng, sự mệt mỏi cũng vơi đi và cả hai chúng tôi đều quay trở lại với nhiệm vụ đang thực hiện.

Đây lại là một thủ đoạn khác của ma quỷ. Chúng cố gắng làm đủ mọi cách để ngăn chặn một cuộc trừ tà. Mưu mẹo này là đặc biệt tinh vi. Bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng ma quỷ có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi đến mức không thể di chuyển được.

Cách đây không lâu, một giáo dân phàn nàn với tôi rằng bất cứ khi nào anh ta cố gắng làm thừa tác vụ của mình, anh ta luôn cảm thấy mệt mỏi vô cớ. Nó tiêu hao năng lượng của anh ấy và anh ấy hầu như không thể hoạt động hiệu quả. Các chẩn đoán sau đó xác nhận là sự mệt mỏi chỉ đến với con người tràn đầy năng lượng này khi anh ta bắt đầu tác vụ của mình. Tôi nghi ngờ một nguyên nhân ma quỷ và đã nói với anh ta như vậy. Tôi đề nghị anh ấy sử dụng nhiều nước thánh cho bản thân và nơi làm việc của mình, đồng thời bắt đầu sứ vụ của mình bằng những lời cầu nguyện giải thoát hàng ngày.

Hầu hết các cơn kiệt sức đều có nguồn gốc sinh lý hay tâm lý, nhưng đôi khi chúng có nguồn gốc từ ma quỷ. Tôi nghi ngờ nhất khi nó xảy ra giữa một lễ trừ tà hoặc khi nó xảy ra bất ngờ khi một người bắt đầu làm các công việc thiêng liêng. Một số bác sĩ thậm chí đã khuyên các bệnh nhân bị chứng mất ngủ: Khi nằm trên giường mà không sao chợp mắt được hãy bắt đầu lần chuỗi Mân Côi. Giấc ngủ sẽ đến rất mau. Khi ma quỷ tuyệt vọng không muốn điều gì đó xảy ra, nó làm chúng ta kiệt sức, đây là một trong những mánh khóe tinh vi của chúng.
Source:CatholicExorcisms
 
Đức Tổng Giám Mục Hán Thành mới được nhậm chức, nhấn mạnh đến tính đồng nghị trong Giáo Hội
Đặng Tự Do
05:44 17/12/2021


Trong thánh lễ nhậm chức Tổng Giám Mục Hán Thành, Đức Cha Phêrô Trọng Thuần Trạch (Chung Soon-taek, 정순택) đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo ra một Giáo Hội đồng nghị bằng cách đồng hành với mọi thành phần của cộng đồng Công Giáo.

Khoảng 600 người - đại diện cho giáo dân, giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và các quan chức chính phủ - đã tham dự buổi lễ nhậm chức của ngài vào ngày 8 tháng 12 tại nhà thờ chính tòa Mân Đông (Myongdong, 명동) vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, bổn mạng của Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc.

“Tôi muốn khuyến khích và đồng hành với tất cả những người trẻ trong khi biến Tổng giáo phận Hán Thành trở thành một Giáo Hội đồng nghị nơi tất cả giáo dân, linh mục và tu sĩ cùng chịu trách nhiệm và cùng nhau tiến bước với tư cách là con dân Chúa,” Đức Tổng Giám Mục Trọng nói trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách là người đứng đầu tổng giáo phận.

Đức Cha Phêrô Trọng, là một thành viên của Dòng Cát Minh, đã là Giám Mục Phụ Tá của Hán Thành từ tháng 12 năm 2013. Ngài kế vị Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (염수정, Andrew Yeom Soo-jung), 77 tuổi, đã nghỉ hưu vào tháng 10.

Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, Sứ thần Tòa thánh tại Hàn Quốc, đã đọc lá thư của Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Trọng là tân Tổng Giám Mục của Hán Thành. Sau đó, Đức Cha Phêrô Trọng tuyên thệ vâng lời, và nói rằng ngài sẽ làm theo thánh ý Chúa.

Trong bài phát biểu chúc mừng, Đức Hồng Y Anrê Liêm nói:

“Thiên Chúa đã cử Đức Tổng Giám Mục Trọng làm nhà lãnh đạo cần thiết nhất trong thời đại của chúng ta, đặc biệt là trong thời đại COVID-19 này. Chúng ta hãy cùng noi theo gương sáng cuộc đời của tất cả các vị thánh dưới sự lãnh đạo của Đức Tân Tổng Giám Mục mục”.

Sứ thần Tòa Thánh Xuereb cho biết ngài “chắc chắn rằng Đức Tổng Giám Mục Trọng sẽ tiếp tục thi hành chức vụ Giám Mục của mình với thái độ của một người mục tử khiêm tốn và khôn ngoan.”

Sứ thần Tòa Thánh đã cầu nguyện cho Đức Tân Tổng Giám Mục xin Chúa giúp ngài “công bố toàn bộ Tin Mừng và thúc đẩy các sáng kiến về hiệp nhất, hòa bình và hòa giải.”

Đức Cha Matthêu Lý Dũng Huân (Ri Iong-hoon, 이용훈) chủ tịch Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hàn Quốc, cho biết Đức Tổng Giám Mục Trọng “sẽ trở thành nhà lãnh đạo không chỉ cho tổng giáo phận Hám Thành mà còn cho toàn bộ cộng đồng Công Giáo ở Hàn Quốc.”

Vị Giám Mục 60 tuổi sinh tại Đại Khâu (Daegu, 대구시) đông nam Hàn Quốc, và học kỹ sư hóa học trước khi vào trường dòng. Ngài được thụ phong linh mục trong Dòng Cát Minh Nhặt Phép năm 1992.

Vị Tân Tổng Giám Mục cũng học Thánh Kinh tại Học viện Giáo hoàng Kinh thánh ở Rôma và là Giám tỉnh của Dòng Cát Minh tại Hàn Quốc.

Từ năm 2009 đến năm 2013, ngài là Tổng Phụ Trách vùng Viễn Đông và Châu Đại Dương của Dòng Cát Minh Nhặt Phép. Ngài cũng là chủ tịch ủy ban Giám Mục phụ trách mục vụ giới trẻ.

Theo thống kê năm 2017, Tổng giáo phận Hán Thành có diện tích 6,701 dặm vuông, tức là 17,355 km vuông và phục vụ 1.5 triệu người Công Giáo, chiếm 15% dân số. Tổng dân số của khu vực là 9.9 triệu người.

Năm 2017, tổng giáo phận có gần 1,000 linh mục, trong đó có 756 linh mục triều. Bên cạnh đó còn có 2,367 nam nữ tu sĩ.
Source:Crux
 
Đức Thánh Cha Phanxico tông du Syp Hy Lạp Từ 2 đến 6. 12. 2021.
Phó tế Phạm Bá Nha
10:09 17/12/2021
Đức Thánh Cha Phanxico tông du Syp Hy Lạp Từ 2 đến 6. 12. 2021.

Đây là chuyến thăm thứ 35 dưới triều đại Phanxicô. Mặc dầu đại dịch đang biến thể mang tên Omicron. Trước khi đi hai ngày, 30.11.2021, ĐGH đã gửi sứ điệp video cho anh chị em Sýp và Hy Lạp thể hiện quết tâm theo chân hai Thánh Phaolô và Banaba. Trong sứ điệp Ngài nhấn mạnh ‘Hỡi đoàn chiên nhỏ bé đừng sợ’. Tôi đến để cổ vũ của toàn thể Giáo Hội.

Trong 5 ngày, hai ngày thăm cộng hòa quần đảo Sýp và ba ngày cho Hy Lạp. Những ngày này ĐGH ngụ tại Tòa Sứ Thần mỗi nước và dâng lễ riêng. ĐGH được đón tiếp trọng thể tại sân bay Larcana (Sýp), Athens và Mytilene (Hy Lạp). ĐGH đọc 10 bài diễn văn, 2 bài giảng lễ vả 1 bài suy niệm ngắn khi đọc Kinh Truyền Tin

TIẾN TRÌNH CHUYẾN TÔNG DU

Tại quần đảo cộng hòa Sýp (ngày 2 và 3.12.2021)

Logo của chuyến viếng thăm Sýp : Bản đồ Sýp mầu vàng làm nền, bên trái có hình ĐGH Phanxicô nhìn một đàn ông đứng giữa ngực có Thánh Giá, bên phải có hai cành vạn tuế cuống giao nhau. Bên dưới có dòng chữ : POPE FRANCIS VISIT TO CYPRUS. 2-4 Desembre 2021

Tổng quan về cộng hòa Sýp

Quốc gia Sýp theo Tổng Thống chế. Thủ đô là Nicosia. Hiến pháp có từ 1960.Tổng Thống hiện nay là Nikos Anasiasiades, nhệm kỳ 5 năm. Quyền hành pháp do Tổng Thống và Thủ Tướng quyết định. Lập pháp thuộc Nghị viện. Sýp là quần đảo du lịch tại Địa Trung Hải giữa Á, Âu và Phi châu, bị Anh đô hộ, mãi 1960 độc lập.

Thứ Năm, 2.12.2021

Lúc 15, ra sân bay Larcana đón có Sứ Thần Tỏa Thánh TGM Adolfo Tito Afollana, bà Annita Demetriou, chủ tịch Quốc Hội. Sau khi duyệt qua đoàn quân chảo danh dự, ĐGH vả bà Annita vào phòng VIP hội kiến riêng.

16g, tại nhà thờ chính tòa Maronite Đức Bà Ban Ơn, ĐGH gặp giáo sỹ, tu sỹ và các phong trào giáo dân. ĐTC đáp lời, khuyên : Anh em không còn xa lạ mà là đồng bào với các Thánh, thảnh viên của Giáo Hội (x. Ep 2, 19). Cử chỉ anh chị em dành thời giờ đến với di dân và người đau khổ là kỷ niệm đẹp cho chuyến đi này. ĐTC nghe nhiều chứng từ từ xa đến thật cảm động.

17g, tại dinh Tổng Thống ở Nicosia, thăm hữu nghị Tổng Thống Nikos Anastasiades. Tại hội trường nghi lễ, ĐGH gặp chính quyền, xã hội, ngoại giao đoàn. Sau lời cám ơn chào đón, ĐTC đáp từ : Tôi súc động nhớ đến vết chân các vị truyền giáo, gợi cho chúng ta 8 Mối Phúc Thật (x. Mc 5,3-12). Những người được chúc phúc là dân nghèo. Mối phúc là La Bàn cho Kitô hữu phải theo. Đối thoại là con đường đưa tới hòa bình. Hai thánh Phaolo và Banaba đã ‘rảo bộ trên các đảo đến Paphos’ (x. Cv 13, 6)

Thứ Sáu, 3.12.2021

Lúc 8g30, ĐGH thăm hữu nghị Đức Chrisotomos II, TGM Chính Thống. Đáp từ, ĐTC cho biết chuyến đi là thắt chặt thân hữu và đoàn kết các tôn giáo.

9g, tại nhà thờ Chính Thống, ĐGH gặp gỡ Thượng Hội Đồng. Sau lời chào mừng của ĐTGM ở Nicosia, ĐGH nói muốn hiểu Tin Mừng : 1) Không giữ riêng tư cho mình. 2) Dùng ngưởi địa phương như Banaba (x.Cv 4, 32). 3) Can đảm chấp nhận thử thách. (x.Cv 13,6)

10g, ĐGH dâng Thánh lễ tại sân vận động Nicosia, có hơn 10.000 tham dự. Giảng lễ ĐGH nói : Ở đây, cuộc gặp gỡ đã giảm bớt cơn khát của tình huynh đệ.

16g, tại nhà thờ giáo xứ Thánh Giá, ĐGH cầu nguyện Đại Kết với người di cư. Sau lời chào mừng. ĐTC bắt tay thân thiện Đại diện các tôn giáo có mặt và chung lời nguyện ‘hiệp nhất nên một’ (Ut sint Unum)

Tại Athens (Nhã Điển) thủ đô cộng hòa Hy Lạp (từ ngày 4 đến 6.12.2021) :

Logo : Bản đồ Hy Lạp chia hai ôm lấy Thánh Giá ló đầu. Bên cạnh có ba hàng chữ tiếng Hy Lạp :

O MATTAC

O PAYKI OKOC

4-6. 12.2021

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm : ‘Chúng ta hãy cởi mở đối với những ngạc nhiên của Thiên Chúa trên hành trình chúng ta’.

Tổng quan về cộng hòa Hy Lạp

Hy Lạp chính thức là cộng hòa Hy Lạp, hết quân chủ, độc lập từ 1975, thủ đô là Athens (Nhã Điển) có chủ quyền tại Nam Âu, nằm phía nam Balkan, giáp Albanie và Bulgarie, Thổ Nhĩ Kỳ và biển Aegea. Phần lớn lớn là núi non hiểm trở có nhiều hòn đảo thuộc Địa Trung Hải. Diện tích 131, 957 km2, trong đó có 130, 647 km2 đất liền, 1, 310 lãnh hải. Ước lượng, 2021, có 10. 570 dân. 90% theo Chính Thống Hy Lạp, 2% Hồi Giáo. Theo chế độ dân chủ đại nghị, Tổng Thống là bà Katcrina Sakcllaropoulou, từ 2020, nhiệm kỳ 5 năm. Thủ Tướng lả Ông Konstantinos Mitsotakis, từ 2019.

Năm 1856, Lm John Monragos đến truyền giáo, nhen nhúm nhóm Công Giáo đầu tiên. 1911, ĐGH Pio X thành lập Giáo Hạt Tòng Nhân và bổ nhiệm GM đầu tiên là Isaias Papadooulos. Hiện nay Giám Mục là Manuel Nin, với 7 LM coi sóc 6000 giáo dân.

Thứ Bảy, 4.12.2021

Lúc 12g, tại dinh phòng hội, ĐGH thăm hữu nghị nữ Tổng Thống bà Katerina Sakellaropoulou và Thủ Tướng. ĐGH nói : Vinh dự cho tôi đến thăm Athens giàu có tâm linh và bảo trợ cho tất cả những gì tốt đẹp, hạnh phúc về văn hóa và xã hội lâu dài. Nơi đây, từ xa, tầm nhìn được mở rộng, đôi mắt cần nhìn lên cao. Đừng hoài nghi về nền dân chủ non trẻ mới đạt được. Hãy tiến lên về phía trước với công bằng xã hội. Thay đổi hướng đi cho phù hợp mà xây dựng đất nước mai sau. Tiếc là, gần đây, chúng ta ngày càng xa cách nhau. Một bi kịch lớn của thời đại. Hoàn cảnh nhiều người vướng mắc, thờ ơ, thậm chí cho là gánh nặng cần được đẩy cho người khác.

12g 35, tại dinh Tổng Thống, ĐGH gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đòan. Thị trưởng Athens là Kastas Bakoyannis đã tặng ĐGH huy chương vàng. Sau lời cám ơn, ĐTC nói: ‘Xin Thiên Chúa Cha chúng ta ban cho anh em ân sủng và bình an’ (Rm 1, 7). Hy Lạp ‘đang xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ’ (Ep 2,20). Những gốc rễ ấy phát triển từ hạt giống Tin Mừng, bắt đầu sinh hoa kết trái từ văn hóa Hy Lạp. Tôi suy nghĩ tới các Giáo phụ đầu tiên và cộng đồng đại kết đầu tiên. Đây là vấn đề thế giới đang quan tâm và cầu mong

16g, tại phòng ‘Ngai Vàng’ thăm hữu nghị Đức Jeronymos II với đoàn tùy tùng hai bên. ĐTC đáp từ : Làm chứng cho Tin Mừng là nhệm quan trọng, mọi người và mọi lúc.

17g15, tại nhà thờ chính tòa, ĐGH gặp Giáo sỹ, tu sỹ, chủng sinh và Giáo Lý viên. ĐGH nhắc bảo vệ ơn gọi làm Tông Đồ để khỏi xa ‘chước cám dỗ’ chung quanh, tấn công dễ dàng bất cứ lúc và nơi nào.

18g 45, tại tòa Sứ Thần, ĐGH gặp riêng tu sỹ Dòng Tên. Không những hãnh diện vì được ở trong nhà Chúa mà còn phục vụ anh em. Xứng đáng ‘Tôi tớ của mọi tôi tớ’.

Chúa Nhật, 5.12.2021

Lúc 8g30, tại nhả thờ chính tòa Chính Thống, ĐGH thăm xã giao TGM Chrystomps II. Đáp từ chào mừng, ĐTC nói : Tôi đến phần đất được gieo vãi Tin Mừng của hai Tông Đồ nhiệt thành của Giáo Hội sơ khai.

15g, tại Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng ở Mytilene, Lesbos, ĐGH thăm người tỵ nạn và gọi họ lả ‘con tàu bị chìm đắm của nền văn minh’. Ngài cũng cảnh báo Địa Trung Hải ‘đang trở thành nghĩa trang không bia mộ’.

16g, ĐGH dâng Thánh Lễ tại Phòng Hòa nhạc Megaro, giáo phận Lesbos. ĐGH giới thiệu sứ điệp của Thánh Gioan Tẩy Giả, qua :

1) Sa mạc là địa danh có hoàn cành đặc biệt : khô, gió mạnh đẩy người đi, cát, lâu mới gặp hốc đảo có mạch nước, chỉ có lạc đà chở đồ và hành khách hay khách du lịch. Thánh Gioan Tiền Hô đã sống như thế. Trong hoang địa các truyền giáo không uổng công khi loan báo Tin Mừng gieo vãi Lời Chúa. Lời Chúa sẽ ngạc nhiên được nghe bởi dân lành và chất phác. Thay vào, nghèo khổ bên trong như sa mạc.

2) Hoán cải. Để chuẩn bị cho Chúa đến, Thánh Gioan đề nghị cần hoán cải tâm hồn, đến những nơi khô cằn, nơi không có sự sống, mất hút, nguy hiểm và bạo lực rình rập chờ sẵn. Biến sa mạc thành hồ ao, suối nước trong mát (x. Is 41, 18). Đây có thông điệp khích lệ khác biến nỗi buồn chóng qua thành niềm vui vô tận.

Thứ Hai, 6.2.2021

Lúc 8g15, tại tòa Sứ Thần, ĐGH viếng thăm chủ tịch Quốc Hội, Konstantios Tassulas và lãnh đạo đối lập Alexis Tsipras. Hai vị hữu trách cám ơn ĐTC vì sự bảo vệ kiên định với nhân quyền và công bằng xã hội. Đáp lời, ĐTC nói : Đây là di sản phong phú phát sinh từ hội nhập văn hóa đức tin, nhờ vào sự gặp gỡ đầu tiên của Thánh Phaolô, trong đất nước anh em (x. Cv 17, 16-34). Chấp nhận, chịu đựng và trung thành nội tâm của Thánh nhân, lúc đầu chỉ là di sản nhỏ bé, gieo đức tin, nay đã rộng lớn tốt đẹp lan tỏa khắp nơi. Thái độ này chiếm không gian và cuộc sống người khác. Đó là cách nhận biết và đánh giá cao hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo tin tốt vào lòng người, trước khi bắt tay vào việc. Chúng ta nhớ rằng Chúa luôn trong chúng ta. Chúa là người gieo trước. Truyền giáo không phải là đổ đầy thùng rỗng, nhưng đưa ánh sáng Thiên Chúa bắt đầu hoàn thành.

9g45, tại trường Dionigo, dòng Nữ Orsoline, ở Maroussi, Athene, ĐGH gặp giới trẻ và học sinh. ĐGH nói tương lai Giáo Hội và khuyên cam đảm theo phần vụ rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.

11g, tại phi trường, trở vể Roma, nghi thức tiễn biệt đơn sơ. Trên cầu thang gần vào máy bay, ĐGH bị mất thăng bằng, vấp té, chúi xuống, vì gió mạnh, hơn là sức khỏe, nhưng Ngài đã tự giữ vững nhanh chóng, phi trường gần bờ biển. ĐGH đứng lên quay lại mỉm cười vẫy tay chào từ biệt.

Trong cuộc họp báo, ĐGH đề cập đến thời sự nóng bỏng: Xin lỗi Chính Thống giáo, việc ngài sắp gặp anh em Kirill, Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, tính đồng nghị trong Giáo Hội, việc ở Liên Hiệp Âu châu có ‘lỗi thời’ thay đổi lời chúc lễ Giáng Sinh, việc ‘thoái lui’ của nền dân chủ Âu châu, các phúc trình lạm dụng tình ở Pháp, việc từ chức của Đức TGM Paris Aupetit, nhất là vấn đề di dân vả vai trò Liên Hiệp Âu Châu.

ĐGH có thói quen trước và sau tông du, ghé đền ĐB Cả phó thác và tạ ơn Người Mẹ hay ‘tháo gỡ’.

NHẬN ĐỊNH CHUYẾN ĐI

-Đức TGM Sevastianos Rossolatos chủ tịch HĐ GM Hy Lạp, tuyên bố, 5.11.202: Cuộc viếng thăm của ĐTC là khích lệ các tín hữu Công Giáo thiểu số tại đây

-ĐC Joseph Printezis GM Nixox-Tinos, nơi có đảo Lesbo mà ĐGH thăm vào 5.12.21, nói; Chúng tôi vui mừng ĐTC đến. Đây là mốc lịch sử, tập họp người di dân về Âu châu, tìm tương lai, hòa bình.

-Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa nhận định: Việc ĐTC thăm Sýp là tái khẳng định mối quan tâm của Ngài với miền Địa Trung Hải. Ảnh hưởng cả Trung Đông và cả Tây phương.

-Cha Markos Foscolos, Giáo xứ Thánh Nicholas trên đảo Tinos nói với phóng viên thường trực rằng: Sự hiện diện của ĐTC ở Hy Lạp cổ vũ chúng tôi. Người Công Giáo Hy Lạp phải tận dụng lợi thế chuyến tông du này.

- Ông Pierre Salembiser, đứng đầu Công Giáo dòng Tên ở Hy Lạp nói với AFP : Mối quan hệ Công Giáo với Chính thống đã tốt hơn nhiều.

-Bà Anna Aristotelous, 6.12.2021, giám đốc nhà tù ở Sýp, được ĐGH tiếp, nói : Chuyến viếng thăm của ĐGH thật quan trọng lịch sử và chắc vượt qua việc do tôi đảm trách. Bà bày tỏ lòng ngưỡng mộ công việc cuộc ĐGH giúp người nghèo. Bà biết ơn Tòa Thánh nhận 10 người nhập cư bất hợp pháp, bị giam giữ trong nhà tù của Sýp.

- Ngày 11.12. 2021, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hy Lạp Nicolas Dendias đã ra tuyên bố, như sau: Chuyến viếng thăm Hy Lạp của ĐTC sau Sýp vào thời điểm mang tính biểu tượng. Các mối quan hệ hai bên được xây dựng dựa trên giá trị chung, như tôn trọng luật pháp quốc tế về quyền con người và chung sống hòa bình của các dân tộc và tôn giáo.

- Ngày 12.12.2021, Đức Thượng Phụ Pizzaballa của Tin Lành ở đảo Sýp nhận định rằng cuộc viếng thăm mang lại an ủi và khích lệ cho toàn thể cộng đoàn Công Giáo địa phương. Trong buổi cầu nguyện Đại Kết, ĐGH đã tố giác những hàng rào kẽm gai và các trại tỵ nạn. Đây là vết thương được mở toang và có thể còn tiếp tục. ĐGH thật can đảm nói ra điều đó. Vì người ta thường nói hàng rào là lăng mạ đối với nhân loại. Hàng rào là dấu hiệu sợ hại, thiếu viễn, hy vọng và tương lai.
 
Tuyên bố của Tòa Giám Mục Solsona về tình trạng của cựu Giám Mục Xavier Novell
Đặng Tự Do
16:11 17/12/2021


Như chúng tôi đã đưa tin cựu Giám Mục Xavier Novell đã bỏ nhiệm sở để kết hôn với một tiểu thuyết gia viết truyện khiêu dâm có mầu sắc Satan. Điều đáng buồn là ông ta vẫn mặc phẩm phục Giám Mục và thực hiện nhiều hành vi, nhiều cuộc phỏng vấn với lập trường nghịch lại với giáo huấn của Hội Thánh mà chính ông ta trước đây đã từng rao giảng.

Trước các hoang mang trong dư luận về tình trạng của ông ta, Tòa Giám Mục Solsona, ngày 11 tháng 12, Đức Cha Román Casanova Casanova, Giám Mục Vic, kiêm Giám Quản Tông Tòa Solsona đã ra một tuyên bố toàn văn như sau.


Trong một diễn biến công khai và đầy tai tiếng, Giám Mục Xavier Novell i Gomà, nguyên Giám mục của Solsona, đã ký kết một cuộc hôn nhân dân sự với bà Sílvia Caballol i Clemente, vào ngày 22 tháng 11 năm 2021 tại thị trấn Súria, thuộc tỉnh Barcelona.

Trước thực tế nghiêm trọng này, cần lưu ý rằng Điều 1394.1 của Bộ Giáo luật Giáo Hội Công Giáo quy định rằng “một giáo sĩ mưu toan kết hôn, dù chỉ về mặt dân sự, sẽ bị đình chỉ latae sententiae.”, nghĩa là tức khắc bị đình chỉ không cần bất cứ tuyên bố nào.

Do đó, ngay từ thời điểm đó Giám Mục Xavier Novell i Gomà ký kết một cuộc hôn nhân dân sự, hậu quả được thấy trước trong giáo luật nói trên đã tự động diễn ra. Nghĩa là, mọi hành vi của quyền bính phẩm trật, quyền cai quản và việc thực hiện tất cả các quyền và chức năng vốn có trong chức giám mục (xem c. 1333.1) bị cấm, và các hậu quả nghiêm trọng khác cũng có thể xảy ra theo giáo luật.

Điều này có nghĩa là Giám Mục Xavier Novell i Gomà, trong khi vẫn còn tình trạng giám mục, không thể thực hiện bất kỳ chức năng nào xuất phát từ từ tình trạng đó; trong số những điều khác, ông ta không được phép thực hiện các bí tích và bất kỳ hoạt động giảng dạy nào, cả ở nơi công cộng và nơi riêng tư.

Ngày 11 tháng 12, 2021

+Đức Giám Mục Román Casanova Casanova

Giám Quản Tông Tòa Solsona

Source:Bisbat Solsona
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y phép lạ do một nữ tu người Pháp cầu bầu
Đặng Tự Do
16:12 17/12/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận một phép lạ do Chân phước Marie Rivier, một nữ tu người Pháp, là người đã thành lập một dòng tu trong thời kỳ xảy ra cuộc Cách mạng Pháp.

Phép lạ liên quan đến việc chữa lành một em bé sơ sinh ở Phi Luật Tân vào năm 2015 nhờ sự chuyển cầu của Chân Phước Rivier. Với phép lạ này, sơ Rivier sẽ được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo.

Theo Vatican News. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng, trong đó có sự tích tụ chất lỏng xung quanh phổi và tim.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y án tuyên thánh cho sơ Rivier, cùng với năm án tuyên thánh khác, trong một sắc lệnh vào ngày 13 tháng 12.

Sơ Rivier sinh ra ở miền nam nước Pháp vào ngày 19 tháng 12 năm 1768. Sơ bị khuyết tật suốt thời thơ ấu sau khi ngã khỏi giường khi mới chập chững biết đi và bị thương nặng ở hông.

Theo Bộ Tuyên thánh Vatican, chấn thương làm suy giảm sự phát triển của cô, khiến các khớp của cô sưng tấy và chân tay co rút. Sơ Rivier hầu như chỉ có thể đứng vững với sự trợ giúp của nạng.

Vấn đề sức khỏe của cô cũng cản trở cô trong đời sống tu trì. Năm 17 tuổi, một dòng tu, Dòng Nữ tu Đức Bà ở Pradelles, đã từ chối cô vì sức khỏe cô kém.

Rivier kiên trì và năm sau, cô mở một trường Công Giáo ở thị trấn Saint-Julien-en-Genevois ở biên giới Thụy Sĩ. Cô đã giúp đào tạo những phụ nữ thất nghiệp trong giáo xứ của mình và chăm sóc người bệnh và người nghèo.

Khi Cách mạng Pháp buộc các tu viện trên khắp nước Pháp phải đóng cửa. Nhiều linh mục và nữ tu phải tử đạo dưới triều đại khủng bố này. Trong hoàn cảnh đó, sơ Rivier đã thành lập một cộng đồng tôn giáo.

Năm 1796, Sơ thành lập Dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Đi Thăm Viếng, chuyên giáo dục các thiếu nữ theo đức tin. Dòng nhận được sự chấp thuận chính thức vào năm 1801 và mở rộng trên khắp nước Pháp.

Trong vòng vài thập kỷ sau cái chết của sơ Rivier vào năm 1838, giáo đoàn của sơ đã lan sang Canada và Hoa Kỳ. Ngày nay các Nữ tu Đức Mẹ Đi Thăm Viếng hiện diện khắp năm châu.

Tại lễ phong chân phước cho sơ vào năm 1982, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về sự nhiệt thành trong việc tông đồ của sơ Rivier trong và sau cuộc Cách mạng Pháp và đức tin của sơ trong tình trạng ốm yếu về thể chất.

“Bí mật của lòng nhiệt thành của Marie Rivier là gì? Người ta bị ấn tượng bởi sự dạn dĩ, sự kiên trì của sơ ấy, niềm vui lây lan và lòng can đảm”, Đức Gioan Phaolô II nói trong bài giảng của ngài.

“Cuộc đời của sơ cho thấy rõ sức mạnh của đức tin nơi một tâm hồn đơn sơ và ngay thẳng, tâm hồn phó thác hoàn toàn vào ân sủng của phép rửa. Sơ tin cậy Chúa đến cùng, và Ngài đã thanh tẩy sơ qua thập tự giá. Sơ cầu nguyện mãnh liệt với Đức Maria và cùng với sơ ấy, xuất hiện trước mặt Thiên Chúa trong một thái độ tôn thờ và dâng hiến”

Ngày phong thánh cho Rivier vẫn chưa được công bố.

Với sắc lệnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp thuận một phép lạ do Tôi tớ Chúa Maria Carola Cecchin, một nữ tu người Ý đã qua đời khi đang truyền giáo ở Kenya vào năm 1925.

Sinh năm 1877 tại Padua, Ý, Cecchin cũng gặp phải những vấn đề về sức khỏe khiến cô bị từ chối không được gia nhập dòng tu đầu tiên vào năm 18 tuổi.

Cecchin cuối cùng đã có thể gia nhập Dòng Nữ tu Giuseppe Benedetto Cottolengo ở Turin nhờ sự vận động của cha xứ và là linh hướng của cô.

Sau khi đi tu, Cecchin được gửi đến Kenya với tư cách là một nữ tu truyền giáo ở tuổi 28. Cô sẽ ở lại Kenya trong 20 năm. Cô qua đời vì bạo bệnh trên một con tàu hơi nước trong chuyến hành trình trở về Ý ở tuổi 48.

Với sự chấp thuận của phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của sơ ấy, Cecchin giờ đây có thể được phong chân phước.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã công nhận những nhân đức anh hùng của một linh mục truyền giáo người Ý ở Uganda là Cha Bernardo Sartori sinh năm 1897 qua đời 1983; một linh mục người Tây Ban Nha, Cha Andrés Garrido Perales sinh năm 1663 qua đời năm 1728; một linh mục Capuchin người Ý, Cha Carlo Maria da Abbiategrasso sinh năm 1825 và qua đời năm 1859; và một nữ tu người Ba Lan, Nữ tu Maria Małgorzata của Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu sinh năm 1896 và qua đời năm 1966.
Source:Catholic News Agency

 
Đức Giáo Hoàng có thể đến thăm Canada vào năm 2022 như một phần của quá trình hòa giải
Đặng Tự Do
16:15 17/12/2021


Sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên ý định của mình vào đầu năm nay để đến Canada như một phần của quá trình hòa giải quốc gia với các cộng đồng bản địa, một trong những vị lãnh đạo hàng đầu của Giáo Hội Canada đã cho biết chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có thể đến sớm nhất là vào năm tới.

Đức Cha Raymond Poisson của Saint-Jérôme và Mont-Laurier đồng thời là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, hiện đang ở Rôma cho các cuộc họp với các quan chức Vatican, nói với tờ Crux rằng Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Canada vào năm 2022.

Đức Cha Poisson nói, chuyến đi có thể sẽ được tổ chức ngay sau chuyến thăm của một phái đoàn bản địa Canada đến Rome, đã được lên kế hoạch cho tháng này, nhưng đã bị hoãn lại do sự xuất hiện của biến thể Omicron mới.

Theo Đức Cha Poisson, quyết định trì hoãn phần lớn do những học sinh cũ của các các trường nội trú dành cho người bản địa đưa ra. Hầu hết những người này đều ở độ tuổi tám mươi và do dự khi đi du lịch với sự gia tăng các trường hợp COVID liên quan đến biến thể Omicron. Cũng có lo ngại rằng vì chuyến thăm gần với lễ Giáng Sinh, nếu ai đó bị nhiễm bệnh và buộc phải cách ly khi trở về, họ sẽ bỏ lỡ kỳ nghỉ với gia đình.

Đức Cha Poisson cùng với các vị phó chủ tịch, tổng thư ký và phụ tá tổng thư ký của CCCB đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 9 tháng 12 để thảo luận tập trung vào chuyến tông du của Đức Thánh Cha và một phần vào các vấn đề địa phương khác ở Canada.

Theo Đức Cha Poisson, các giám mục Canada hiện đang thảo luận với Phủ Giáo hoàng, nơi quản lý chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha, để lên lịch lại chuyến viếng thăm Vatican của phái đoàn Canada, mà các ngài hy vọng sẽ diễn ra vào “mùa xuân năm 2022”.

“Điều cần thiết là phái đoàn này phải đến trước, bởi vì đó là một trải nghiệm không chỉ cho các đại biểu mà thôi, nhưng còn cho cả Đức Giáo Hoàng, được thực sự tiếp xúc với họ và họ với ngài có thể hiểu thêm cảm giác, di sản, và điều gì là cần thiết”

Nếu chuyến thăm của phái đoàn được dời lại vào mùa xuân, ngài nói, “có lẽ vào mùa hè, hoặc vào mùa thu, chuyến tông du của Đức Thánh Cha sẽ có thể thực hiện được”.

Vì Đức Thánh Cha Phanxicô thích thực hiện các chuyến đi quốc tế ngắn, tức là chỉ kéo dài vài ngày, thay vì một chuyến thăm kéo dài hàng tuần lễ, nên “việc chuẩn bị sẽ dễ dàng hơn,” Đức Cha Poisson nói.

“Chúng tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ xảy ra sớm, bởi vì chúng tôi muốn đẩy mạnh toàn bộ quá trình hàn gắn và hòa giải này”

Cảm xúc ở Canada đã tăng cao kể từ mùa hè năm nay, khi hài cốt của 215 trẻ em được phát hiện trong khuôn viên của các trường nội trú dành cho người bản địa ở Kamloops vào cuối tháng 5, thúc đẩy các cuộc tìm kiếm tại các trường học khác, và đã khai quật thêm hàng trăm thi thể.

Giữa sự phẫn nộ của công chúng, đã có áp lực buộc cả các giám mục Canada và Đức Giáo Hoàng phải đưa ra lời xin lỗi chính thức. Trong khi các cộng đồng tôn giáo riêng lẻ, những người chịu trách nhiệm về lịch sử đối với các trường học dân cư đã đưa ra lời xin lỗi trong những năm qua, thì không có lời xin lỗi nào ở cấp độ thể chế.

Cũng trong khoảng thời gian này, có thông báo rằng một phái đoàn chung gồm các giám mục Canada và các thành viên của các cộng đồng bản địa Métis, và Inuit của Canada, sẽ đến Rôma để gặp giáo hoàng. Chuyến thăm của phái đoàn đã bị đình trệ do sự bùng phát của COVID-19.

Vào tháng 10, Vatican đã thông báo ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Canada như một phần của quá trình hàn gắn với người dân bản địa, nhưng không đề cập đến ngày tháng hoặc liệu một lời xin lỗi có xảy ra hay không.
Source:Crux
 
Đức Hồng Y Pell yêu cầu Đức Hồng Y Becciu giải thích ngân khoản chuyển qua Úc
Vũ Văn An
20:33 17/12/2021

Nhân dịp qua California, Đức Hồng Y George Pell đã dành cho nữ ký giả Joan Frawley Desmond của tờ National Catholic Register một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Hồng Y Pell chính thức yêu cầu Đức Hồng Y Becciu giải thích nơi đến của ngân khoản hơn 2 triệu Úc kim được ngài chuyển qua Úc mà hiện nay, chưa được thanh lý rõ ràng.



Theo Desmond, Đức Hồng Y Pell nói: “tôi có một câu hỏi với Đức Hồng Y Becciu: liệu ngài có chịu nói với chúng ta số tiền đó được gửi vì mục đích gì không?”

Được hỏi về nhận định của Đức Hồng Y đối với thời gian ngồi tù, coi nó như một thứ “tĩnh tâm”, Đức Hồng Y Pell cho hay ngồi tù, bạn có rất nhiều thì giờ và ngài lại có đủ cả sách nguyện, tràng hạt, sách thiêng liêng, nên ngài đã lên chương trình cầu nguyện hàng ngày, cứ thế mà theo.

Ngài cũng cho rằng bối cảnh đào tạo của ngài giúp ích rất nhiều cho chương trình trên. Ngài nói: “chủng viện trước Vatican II của tôi là một chuẩn bị tốt cho việc bị giam một mình.

Vả lại, theo ngài, Thiên Chúa luôn ở với bạn, bất luận bạn cảm thấy điều đó hay không, ngài ý thức rõ điều đó. Ngài thú thực trong phần lớn đời ngài, ngài không phải là người phấn khích về tôn giáo hay tìm an ủi trong tôn giáo. Nhưng kỳ lạ thay, suốt thời gian ở trong tù, lúc nào ngài cũng cảm thấy bình an về phương diện tôn giáo có lẽ vì không còn phải bận bịu và lo ra với các nhiệm vụ của một Giám Mục.

Mặt khác, ngài đánh giá cao điều ngài gọi là “cổ vũ tâm lý” (psychological boost) đó là “con số thư từ lớn lao: trong hơn 400 ngày, tôi nhận được khoảng 4,000 lá thư, trung bình 10 lá 1 ngày”. Đến nỗi, một cai tù khi đến đưa thư cho ngài, đã vui đùa nhận xét “tuần này, ngài nhận được thư từ nhiều hơn tôi nhận cả đời”.

Nhiều thư rất cảm động. Khởi đầu, có người gửi cho ngài bản văn của Thánh Antôn Ai Cập, vị ẩn tu đã thiết lập ra lối sống đơn tu, một bản văn ngài khó khăn mới đọc hết. Thánh nhân vốn là loại người khá bảo thủ. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ. Nhiều người khác gửi cho ngài các sách và bài báo đạo, rồi từ từ đủ loại tài liệu trí thức vừa khuây khỏa vừa kích thích.

Trước lối ví von của Desmond cho rằng lúc ấy ngài được giáo dân thừa tác, ngược với việc ngài chăn dắt họ, Đức Hồng Y Pell đồng ý. Ngài nói: “khi bạn ở trong tù, ở tận đáy vực thẳm, bạn được nâng đỡ bởi rất nhiều người. Hiện nay, tôi biết đánh giá cao hơn trước đây những cử chỉ nhã nhặn căn bản, như một lời nói tốt bụng chẳng hạn”.

Được hỏi về việc ngài tha thứ cho kẻ tố cáo ngài, Đức Hồng Y Pell cho hay ngài cảm thấy không khó khăn. “Bạn quyết định tha thứ và thường là các tâm tư của bạn sẽ bước theo. Vả lại, tôi hiểu ra rằng bất cứ điều gì khác có thể đúng đối với anh ta [người tố cáo], nhưng anh ta sẽ đau khổ trong đời. Khi anh ta đưa chứng cớ, tôi nghĩ anh ta không nhất quán lắm. Tôi muốn nói, anh ta thay đổi câu truyện đến 24 lần. Kitô hữu phải quyết định tha thứ hay không tha thứ nhiều lần trong suốt cuộc đời mình. Nên đâu phải như thể tôi chưa bao giờ phải đối đầu với một quyết định như thế cho tới khi mình 76 hay 77 tuổi và ngồi tù. Và nếu bạn từng cố gắng tha thứ những việc nhỏ, có thể bạn sẽ dễ dàng tha thứ khi thách thức lớn diễn ra”.

Được hỏi do đâu ngài đi đến nhận định cho rằng chịu đau khổ vì đức tin có hiệu quả cứu chuộc, trong khi ở trong tù ngài mới hiểu ra rằng trước đó, ngài đã sống “một đời sống được che chở nên có xu hướng đánh giá thấp cái ác trong xã hội và sự tai hại gây ra cho nhiều người, nhiều nạn nhân”, Đức Hồng Y Pell cho rằng trong tư cách Giám Mục, ngài phải xử lý rất nhiều vụ tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em, nên ngài hiểu rõ “có một số lượng mênh mông đau khổ và buồn khổ. Tôi trao các vụ ấy cho một diễn trình [điều tra] và tôi phải thực thi các quyết định. Tất cả những điều này đưa tôi đi vào thế giới đau khổ rất nhiều. Các xác tín của tôi được thâm hậu hóa bởi kinh nghiệm bị giam ở khu biệt giam, nơi tôi trải nghiệm sự tai hại gây ra cho các bạn đồng tù của tôi. Nhiều người trong số họ bị ma túy phá hủy. Tôi nghe thấy sự giận dữ của họ, cả sự xao xuyến lẫn những tiếng đập cửa phòng giam của họ. Tôi bất lực trong việc giúp đỡ họ.

Với câu hỏi ngài có coi mình như một thứ con dê tế thần, chịu đau khổ vì tội lỗi của các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác hay không, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài không bao giờ nghĩ thế. “Nhưng tôi biết rất rõ các thất bại của các nhà lãnh đạo Giáo Hội... và tôi chắc chắn cầu nguyện cho một số Giám Mục tôi quen biết xem ra đã làm rắc rối sự việc một cách quá thể bằng phương thức của các ngài”.

Ngài nhận định thêm rằng các vị trên đôi lúc nói láo. Nhưng khó mà biết điều gì đã thúc đẩy một cá nhân cụ thể. Phần lớn các ngài không hiểu rõ các tai hại khủng khiếp đối với các nạn nhân và nhất là không hiểu rõ tính dai dẳng của loại tội ác này.

Được hỏi liệu các vụ chuyển tiền qua Úc có được nêu ra tại các phiên toà hiện nay tại Vatican hay không, Đức Hồng Y Pell nhận định, “tôi không tin tưởng bất cứ điều gì với các phiên xử ở Vatican. Tôi không biết chuyện gì đang diễn ra. Thậm chí tôi còn không hoàn toàn chắc chắn rằng nó sẽ được tiến hành. Nó rất có thể thất bại vì lý do pháp lý”.

Còn về số tiền 2,300,000 úc kim được Vatican chuyển qua Úc, Đức Hồng Y Pell cho hay, “Đức Hồng Y Becciu thừa nhận việc này. Chúng tôi vừa nhận được các bản ghi chép phiên tòa ở Vatican và xem ra Đức Cha [Alberto] Perlasca khi bị chất vấn, đã nói rằng số tiền này được gửi cho Hội Đồng Giám Mục Úc để bênh vự pháp lý cho tôi. Điều này chắc chắn không đúng. Chúng tôi đã hỏi Hội Đồng Giám Mục, các ngài không nhận được gì. Chúng tôi chắc chắn không nhận được gì.

“Do đó, tôi có một câu hỏi với Đức Hồng Y Becciu: ‘liệu ngài có chịu nói với chúng tôi số tiền đó được gửi vì mục đích gì không?’ Và nếu không có gì dính dáng đến tôi hoặc vì các mục đích hoàn toàn vô tội, thì tốt thôi, tôi sẽ hoàn toàn hài lòng, và an ổn sống với cuộc sống mình”.

Nói về vụ đầu tư địa ốc ở London, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài không biết nhiều về việc đó, lúc ngài rời bỏ chức vụ đứng đầu văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh. Nhưng “chúng tôi biết Phủ Quốc Vụ Khanh không cho chúng tôi đụng đến sổ sách của họ, và không chịu để các thanh lý viên vào. Chúng tôi cũng biết họ phạm nhiều sai lầm về kế toán trong vụ tài sản ở London, mang lại hậu quả là che đậy việc này. Chúng tôi khám phá ra chuyện đó. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không biết gì về vụ thất bại đang phát triển ấy”.

Ngài nhận định thêm, “nếu các thanh lý viên đã được phép vào, nếu chúng tôi đã được phép vào, thì đây là một trong những điều [họ đã báo động rồi]. Tòa Thánh đâu có chịu mất mát quá nhiều tiền như thế”.

Theo Đức Hồng Y Pell, “Chúng ta không bao giờ nên đồng ý với vụ thương lượng, được minh nhiên viết rõ trong hợp đồng, qua đó, họ trả hàng triệu để có được 30,000 cổ phiếu cho điều họ nghĩ sẽ đem lại cho họ quyền sở hữu tòa nhà [ở London]. Trên thực tế, có 1,000 cổ phiếu còn lại là có quyền bỏ phiếu, và tôi hiểu họ phải trả thêm 15 triệu euro để lấy các cổ phiếu này”.

Nói về cung cách làm việc của ngài tại Văn phòng Kinh tế, Đức Hồng Y Pell cho hay không những ngài cố gắng chuyên nghiệp hóa việc giám sát tài chánh của Tòa Thánh, “chúng tôi còn thay đổi phương pháp luận để đứng cùng hàng với các thủ tục làm ăn buôn bán của Phương Tây. Điều này có nghĩa là người am hiểu việc truy cập thông tin có thể đoán định Vatican hiện ra sao về tài chánh. Trước chúng tôi, bạn không thể làm điều này. Chỉ một hay hai người mới có thể [nắm vững tài chánh của Tòa Thánh]. Thí dụ, 1.3 tỉ euro không có sổ sách. Nó nằm khơi khơi ở nhiều trương mục khác nhau dành cho những ngày mưa gió. Có thể đó là mục đích vô tội, nhưng không được công bố”.

Đối với các biện pháp pháp lý gần đây của Đức Phanxicô nhằm ngăn chặn những việc tương tự như vụ thất bại ở London khỏi xẩy ra nữa, Đức Hồng Y Pell cho rằng, “bạn có thể có những cơ cấu tốt nhất trên thế giới, nhưng [tính hữu hiệu của chúng] tùy thuộc sự liêm chính và khả năng của những người [lãnh đạo chúng]. Thành thử tôi không biết liệu chúng ta có ở vị thế tốt hơn trước hay không”.

Ngài nhận định thêm, “hiện có sự thâm thụt hàng năm về cơ cấu khoảng từ 20 tới 25 triệu euro; và với COVID sẽ lên tới ít nhất 50 hoặc 70 triệu euro mỗi năm.

“Chúng ta cũng biết có áp lực đáng kể đang lên cao ở qũy hưu bổng, hàng trăm triệu, với việc thâm hụt đang lấp ló đâu đó. Hiện có nhiều hạn chế tài chánh rất có thực. Nạn thối nát chắc chắn đã giảm thiểu, trong một số trường hợp đã bị loại hẳn, và có thể bị loại hẳn đáng kể ở khắp nơi. Nhưng thách thức hiện nay là áp lực tài chánh lên Vatican. Một là phải giảm chi hai là phải làm ra nhiều tiền hơn”.

Về dự tính sau khi về hưu, Đức Hồng Y Pell cho hay, “tôi chia thì giờ của tôi giữa Sydney và Rôma. Tôi cần phải đứng ngoài đường lối của các người kế nhiệm tôi ở Úc và để họ làm công việc của họ. Tôi cố gắng cầu nguyện và đọc sách. Tôi cũng thực hiện đôi chút việc diễn thuyết công cộng và viết lách, đề cập tới sinh hoạt công và Giáo Hội trong thế giới Tây phương, nơi con số tín hữu Kitô giáo đang bị xói mòn và hiện có sự xuống dốc trong thực hành đối với những người còn tiếp tục tin.

“[Nghiên cứu xã hội học xác nhận rằng] các niềm tin và thực hành của cộng đồng Kitô hữu càng cấp tiến một cách triệt để, thì người ta càng nhanh chóng rơi vào sự bất tín. Các phong trào bảo thủ về tôn giáo bền vững hơn. Các giáo huấn nền tảng của chúng ta rõ ràng và không thể thương lượng. Chúng ta buộc phải duy trì chúng cho dù có vì thế mà xâm hại tới con số và việc thực hành. Nhưng trái với kỳ vọng, chính các cộng đồng Công Giáo cấp tiến như Bỉ, Quebec, cũng như các nhóm Thệ Phản chuyên thỏa hiệp với thế gian đang mất dần tín hữu”.

Vấn đề cuối cùng được đề cập là việc duy trì hay nới lỏng kỷ luật về rước lễ, Đức Hồng Y Pell nhận định như sau: “Chúng ta không cung ứng tính hiếu khách trong Thánh lễ, bằng việc Rước lễ. Nếu bạn đến nhà tôi, tôi sẽ mời bạn một chiếc bánh quy và trà hoặc cà phê, không quan trọng bạn là ai. Nhưng đó không phải là điều chúng ta tin về Bí tích Thánh Thể. Chúng ta tin rằng đó thực sự là mình và máu của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.

“Bạn phải là một người độc thần. Bạn phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, và vào Sự Hiện Diện Thực Sự. Thánh Phaolô đã viết về những tư thế chuẩn bị cần thiết để rước lễ một cách tốt đẹp và hiệu quả.

“Tôi có một câu chuyện tuyệt vời về một tội phạm chuyên nghiệp đang ở trong tù. Vị tuyên úy được hỏi liệu tù nhân này có thường xuyên đến dự Thánh lễ trong nhà tù hay không. Ngài nói có. Và rồi vị tuyên úy được hỏi liệu người đàn ông có lên rước lễ hay không, và ngài trả lời: “Không, ông ta là người có đức tin. Ông hiểu mình không thể rước lễ".
 
Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ ba của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
21:48 17/12/2021


Trong loạt bài suy niệm cho chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng năm nay của Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ Giáo Hoàng tập trung vào việc đưa ra ánh sáng “vẻ huy hoàng bên trong của Giáo Hội và của đời sống Kitô hữu”

Năm nay, chương trình tĩnh tâm Mùa Vọng gồm ba bài được trình bày vào ba thứ Sáu trước Lễ Giáng Sinh với chủ đề là “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến”, trích từ chương 4 Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát trong đó tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm của Kitô Giáo.

Hôm thứ Sáu 17 tháng 12 vừa qua, tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, Đức Hồng Y đã trình bày bài tĩnh tâm cuối cùng nhan đề “Sinh làm con một người phụ nữ”.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ nhất của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa

Tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ hai của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa

“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ”. Trong bài suy niệm cuối cùng này, tôi muốn tập trung vào ý nghĩa và tầm quan trọng của cụm từ cuối cùng này “sinh làm con một người phụ nữ”, đặc biệt là vì nó liên quan đến tính chất trọng thể của lễ Giáng Sinh mà chúng ta đang chuẩn bị cử mừng.

Trong Kinh Thánh, cụm từ “sinh làm con một người phụ nữ” nhấn mạnh rằng cá nhân được đề cập đến thuộc về thân phận con người bao gồm cả sự yếu đuối và tử vong. Để nhận thức rõ ý nghĩa của những từ đó, cách duy nhất là chúng ta hãy thử xoá chúng khỏi văn bản xem sao. Nếu không có những từ đó, Chúa Kitô sẽ ra sao? Thưa: chỉ còn là một ảo ảnh hồn phách từ trời cao. Thiên thần Gabriel “được Thiên Chúa sai đến” nhưng đã trở lại thiên đàng với cùng một hình dáng y hệt như khi từ trời xuống. Chính người phụ nữ, là Đức Maria, là người đã “neo giữ” Con Thiên Chúa mãi mãi với nhân loại và lịch sử.

Đó là cách các Giáo phụ hiểu những lời của Thánh Phaolô khi các ngài lập luận chống lại lạc giáo Ngộ đạo-Ảo nhân thuyết [Ngộ đạo – Gnosticism: Bác bỏ niềm tin cho rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Họ cho rằng Đức Giêsu chỉ là một con người; Sự kết hợp giữa ông Giêsu và Đức Kitô trong phép rửa ở sông Giođan chỉ là tạm thời; và Đức Kitô rời bỏ ông Giêsu trước cuộc khổ nạn. Ảo nhân thuyết – Docetism: không chấp nhận nhân tính đích thực của Đức Giêsu. Họ cho rằng thân xác của Ngài không là thân xác đích thực, mà là một loại thân xác thiêng liêng, có vẻ bên ngoài là thân xác, giống như thiên thần. Họ chối bỏ những hành vi nhân sinh được coi là bất xứng với thần tính, và do đó bác bỏ những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu trong cuộc thương khó. – chú thích của người dịch]. Các Giáo phụ đã nhấn mạnh một cách chính xác sự song song tồn tại giữa cụm từ “sinh ra bởi một người phụ nữ” và thành ngữ Thánh Phaolô sử dụng trong thư Rôma 1: 3: “theo xác thịt thuộc dòng dõi Vua Đavít”. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia sử dụng một cách diễn đạt đáng kinh ngạc khi nói rằng Chúa Giêsu “được sinh ra bởi Đức Maria và Thiên Chúa,” gần như cách chúng ta vẫn dùng để nói rằng ai đó là con của ông này và bà nọ. Sự thật là trong toàn thể vũ trụ, Đức Maria là người duy nhất có thể xưng hô với Chúa Giêsu giống như cách mà Cha trên trời đã làm: “Con là con của Cha, Cha đã sinh ra con”.

Tác giả Tertullianô [Tertullianus: sinh năm 155 sau Chúa Giáng Sinh và qua đời năm 220, là một nhà hộ giáo trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội – chú thích của người dịch] chỉ ra rằng Thánh Phaolô không nói “factum per mulierem,” mà là “factum ex muliere”, nghĩa là được sinh ra bởi một người phụ nữ, chứ không phải thông qua một phụ nữ. Việc sử dụng từ này của ông xuất phát từ thực tế là lạc giáo Ảo nhân thuyết dần phát triển và có hình thức ít cực đoan hơn. Lạc giáo này tuyên bố rằng xác thịt của Chúa Giêsu có nguồn gốc từ trời cao, không phải từ trần thế, chỉ đi qua Đức Mẹ như thể qua một kênh trung gian, là một vị khách chứ không phải là con của Đức Mẹ. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã đặt thành ngữ của Thánh Phaolô “sinh làm con một người phụ nữ” vào trung tâm của tín điều Kitô học, khi viết trong thư gởi cho Đức Cha Flavian [Giám Mục thành Constantinople] rằng “Chúa Kitô là người thật bởi vì Người ‘sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật,’… Sinh ra trong xác thịt là bằng chứng rõ ràng về bản tính loài người của Người”.

Cũng liên quan đến thành ngữ của Thánh Phaolô “sinh làm con một người phụ nữ”, chúng ta thấy nguyên tắc chú giải Kinh Thánh tuyệt vời được xây dựng bởi Thánh Grêgôriô Cả, chẳng hạn như “Kinh Thánh phát triển cùng với những người đọc”. Thánh Irênê [tiếng Anh: Irenaeus] đã đọc thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Galát 4: 2, “sinh làm con một người phụ nữ” dưới ánh sáng của Sáng thế ký 3:15, “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người phụ nữ.” Đức Maria xuất hiện như một người phụ nữ là sự kết hợp với Evà, mẹ của tất cả nhân sinh! Chúng ta không nói về một đại diện nhỏ xuất hiện trong một cảnh duy nhất và sau đó biến mất trong làn không khí. Đó là sản phẩm của truyền thống Kinh Thánh kéo dài trong toàn bộ Kinh Thánh từ đầu này sang đầu kia. Nó bắt đầu với người phụ nữ được gọi là “con gái của Sion”, là một nhân cách hóa cho toàn thể Dân Do Thái và kết thúc với người phụ nữ “mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng” đại diện cho Giáo Hội trong Sách Khải Huyền (Rv 12: 1).

“Bà” là thuật ngữ Chúa Giêsu dùng để gọi Mẹ Ngài cả ở Cana và khi Mẹ đứng bên dưới thập tự giá. Sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, nếu ta không nhìn thấy mối liên hệ trong cách nghĩ của Thánh Gioan giữa hai người phụ nữ: người phụ nữ tượng trưng cho Giáo Hội và người phụ nữ thực tế là Đức Maria. Mối liên hệ này không chỉ được thừa nhận trong Hiến Chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân - của Công đồng Vatican II mà còn giải thích tại sao Đức Maria được đề cập đến trong Hiến Chế về Giáo Hội.

Chúa Kitô phải được sinh ra bởi Giáo Hội

Trong một thời gian, đã có rất nhiều cuộc thảo luận liên quan đến phẩm giá của phụ nữ. Thánh Gioan Phaolô II đã viết một Tông thư về chủ đề đó, là Tông thư Mulieris Dignitatem- Phẩm Giá Của Phụ Nữ. Bất kể bao nhiêu phẩm giá mà những tạo vật phàm trần chúng ta có thể gán cho phụ nữ, thì điều đó vẫn là vô cùng nhỏ so với những gì Thiên Chúa đã làm khi chọn một người phụ nữ làm mẹ của Con Ngài, Đấng hóa thành nhục thể. “Ngay cả khi chúng ta có nhiều cái lưỡi như những ngọn cỏ.”

Nhiều việc đã được thực hiện trong thời gian gần đây nhằm tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong tiến trình hình thành quyết định của Giáo Hội, và có lẽ cần phải làm nhiều hơn thế. Chúng ta không cần phải đi sâu vào điều đó ở đây. Thay vào đó, chúng ta phải chuyển sự chú ý của mình sang một lĩnh vực khác mà sự phân biệt giữa nam và nữ là mờ nhạt bởi vì người phụ nữ mà chúng ta đang nói đến đại diện cho toàn thể Giáo Hội, tức là cho mọi người, nam cũng như nữ.

Nói tóm lại, đây là trọng tâm của vấn đề: Chúa Giêsu đã từng được Đức Maria sinh ra về mặt thể lý và thể xác, nay phải được sinh ra về mặt tâm linh từ Giáo Hội và từ mỗi tín hữu. Có một truyền thống chú giải mà hạt nhân ban đầu có từ thời Origen, được kết tinh trong câu ngạn ngữ này: “Đức Maria, hay Giáo Hội, hay linh hồn.” Chúng ta hãy lắng nghe cách một tác giả thời trung cổ, Isaac thành Stella, mô tả giáo huấn này:

Dưới ánh sáng soi dẫn của Kinh Thánh, những gì được nói đến theo nghĩa phổ quát về Giáo Hội, như một người mẹ đồng trinh, được hiểu theo nghĩa cá nhân về Đức Trinh nữ Maria; và những gì được nói theo nghĩa cụ thể về Đức Maria, như người mẹ đồng trinh, được hiểu một cách đúng đắn theo một nghĩa phổ quát về Giáo Hội… Theo một nghĩa nào đó, mỗi Kitô Hữu cũng được tin là cô dâu của Ngôi Lời Thiên Chúa, là mẹ của Chúa Kitô, là con gái và em gái của Ngài, đồng thời đồng trinh và sinh hoa kết quả. Những từ này được dùng theo nghĩa phổ quát về Giáo Hội, theo nghĩa đặc biệt về Đức Maria, và theo nghĩa đặc thù về cá nhân Kitô hữu.

Chúng ta hãy bắt đầu với ứng dụng cho Giáo Hội. Nếu theo “nghĩa đầy đủ nhất” (thường được gọi là sensus plenior), người phụ nữ trong Kinh Thánh gợi ý đến Giáo Hội, thì lời khẳng định rằng Chúa Giêsu sinh ra bởi một người phụ nữ ngụ ý rằng ngày nay, Ngài phải được sinh ra bởi Giáo Hội!

Có một bức ảnh rất phổ biến trong các Kitô hữu Chính thống giáo được gọi là Panhagia, tức là Chí Thánh. Bức ảnh mô tả toàn thân Đức Maria đang đứng. Ở giữa ngực Mẹ, như thể nổi lên từ bên trong, là một mề đay thể hiện Chúa Giêsu hài đồng, đang mang tất cả sự uy nghiêm của một người lớn. Ánh mắt của người sùng đạo bị thu hút bởi hài nhi, thậm chí trước cả người mẹ. Với cánh tay dang rộng, Mẹ thậm chí dường như đang mời chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu và nhường chỗ cho Người. Đó là cách Giáo Hội nên như thế. Ai nhìn thấy Giáo Hội không nên dừng lại ở đó, nhưng hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Đây là cuộc đấu tranh chống lại việc Giáo Hội trở nên tự quy chiếu về chính mình, là một chủ đề thường được nhấn mạnh bởi hai vị Giáo hoàng gần đây nhất, là Đức Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tác giả Franz Kafka đã kể một câu chuyện mang tính biểu tượng tôn giáo mạnh mẽ về phương diện này. Nó có tựa đề “Một Thông điệp của Quốc Vương.” Câu chuyện đề cập đến một vị vua, trên giường bệnh, gọi một viên cận thần đến bên cạnh mình và thì thầm vào tai người ấy một thông điệp. Thông điệp đó quan trọng đến nỗi nhà vua bắt viên cận thần phải lặp lại nó vào tai ngài. Sau đó, nhà vua gật đầu ra dấu cho người đưa tin khởi hành một cuộc hành trình. Chúng ta hãy cùng nhau nghe trực tiếp phần còn lại của câu chuyện, được viết theo lối mơ mộng, gần như mộng mị, là đặc trưng của nhà văn này:

Người đưa tin lên đường ngay lập tức; một người đàn ông mạnh mẽ, không mệt mỏi; vung tay bên này, vung tay bên kia, anh ta mở một con đường qua đám đông; mỗi khi gặp một trở ngại nào, anh ta lại chỉ vào ngực của mình, nơi mang dấu hiệu của mặt trời; và anh ấy tiến về phía trước một cách dễ dàng, không giống ai. Nhưng đám đông quá rộng lớn; trải dài bất tận. Nếu đất nước rộng mở trải dài trước mặt anh ta, anh ta sẽ bay như thế nào, và thực sự bạn có thể sớm nghe thấy tiếng gõ mạnh mẽ từ nắm đấm của anh ta vào cửa nhà mình. Nhưng thay vào đó, anh ta làm việc vô ích làm sao; anh ta vẫn đang cố gắng vượt qua các căn phòng bên trong cung điện; sẽ không bao giờ anh ta vượt qua được chúng; và nếu anh ta có thành công đi nữa, thì cũng sẽ không thu được gì cả: anh ta sẽ phải chiến đấu theo cách của mình để xuống các bậc thang; và nếu anh ta thành công đi nữa, thì cũng sẽ không thu được gì: vì anh ta sẽ phải băng qua vườn thượng uyển và sau vườn là cung điện thứ hai bao quanh bên ngoài, và một lần nữa cầu thang và khu vườn, và một lần nữa là cung điện, v.v. qua hàng nghìn năm; và nếu cuối cùng anh ta lao ra được qua cánh cổng ngoài cùng - là điều không bao giờ có thể, không bao giờ xảy ra – thì trước đó khi anh ta vẫn nằm ở thủ đô hoàng cung, trung tâm của thế giới, các lớp trầm tích đã chất cao. Không ai có thể đi qua đây, kể cả với một tin nhắn từ một người đã chết. Tuy nhiên, bạn đang ngồi bên cửa sổ và mơ thấy tin nhắn khi trời tối.

Đọc tường thuật này, anh chị em không thể không nghĩ đến Chúa Kitô, Đấng trước khi từ giã cõi đời này, đã giao phó cho Giáo Hội một sứ điệp: “Hãy đi khắp thế gian; hãy loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo “(Mc 16:15). Và anh chị em cũng không thể không nghĩ đến vô số người đứng bên cửa sổ và mơ màng, mà không hề hay biết, về một thông điệp như thông điệp của Giáo Hội.

Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng Giáo Hội không bao giờ trở nên phức tạp và lộn xộn như lâu đài mà Kafka mô tả để thông điệp có thể được lan truyền một cách tự do và hân hoan như khi cuộc hành trình lần đầu tiên bắt đầu. Chúng ta biết “bức tường ngăn cách” có thể hạn chế người đưa tin là gì. Trước hết, chúng bao gồm những bức tường ngăn cách các hệ phái Kitô khác nhau; sau đó là bộ máy quan liêu quá mức, tàn tích của những nghi lễ vô nghĩa, bao gồm các lễ phục, các luật lệ xa xưa, và những tranh chấp mà đến nay không còn gì khác hơn là những đống đổ nát.

Điều gì đó tương tự cũng xảy ra với các tòa nhà cũ. Qua nhiều thế kỷ, để thích ứng với những nhu cầu mới nổi lên, người ta lắp đặt các vách ngăn, lối đi cầu thang, các phòng, buồng nhỏ và không gian lưu trữ dưới gầm cầu thang. Đã đến lúc anh chị em nhận ra rằng tất cả những điều chỉnh này không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại, và ngược lại, trở thành chướng ngại vật. Đó là lúc anh chị em cần can đảm để phá bỏ chúng và khôi phục lại tòa nhà về sự đơn sơ và thiết kế ban đầu của nó, cho phù hợp với mục đích đổi mới của nó.

Tôi đã chia sẻ câu chuyện đó và ứng dụng của nó với Giáo Hội trong bài giảng mà tôi đã đưa ra tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2013, trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nếu tôi cho phép mình lặp lại những suy nghĩ này, thì đó chỉ là để cảm ơn Chúa vì những bước tiến mà Giáo Hội, trong khi chờ đợi, đã thực hiện theo hướng đó, để “vươn tới những vùng ngoại vi hiện sinh của thế giới”, mang lại cho họ thông điệp của Chúa Kitô.

Chúa Kitô phải được sinh ra bởi từng cá nhân

Trong phần còn lại, chúng ta hãy phải suy ngẫm về một điều gì đó liên quan đến tất cả chúng ta mà không có sự phân biệt nào, một điều gì đó chạm đến cá nhân mỗi chúng ta: Chúa Kitô phải được sinh ra bởi người tin Chúa. Thánh Maximô Hiển tu [Maximus the Confessor] đã viết:

“Chúa Kitô luôn luôn được sinh ra một cách thần bí trong cá nhân, mặc lấy thân xác từ những người được cứu độ, làm cho người sinh ra Ngài trở thành một người mẹ đồng trinh.”

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta cách trở thành mẹ của Chúa Kitô, Ngài nói rằng điều đó xảy ra bằng cách lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành (xem Lc 8:21). Điều quan trọng cần lưu ý là hai điều cần phải diễn ra. Ngay cả Đức Maria cũng trở thành mẹ của Chúa Giêsu Kitô qua hai quá trình này: trước hết bằng cách thụ thai Ngài, và sau đó bằng cách sinh ra Ngài.

Có hai loại sẩy thai hoặc chấm dứt thai kỳ. Đầu tiên, lâu đời và khét tiếng, là phá thai. Chuyện xảy ra khi ai đó thụ thai nhưng không sinh ra vì bào thai chết do nguyên nhân tự nhiên hoặc do tội lỗi của con người. Cho đến gần đây đây đó là các nguyên nhân dẫn đến sẩy thai duy nhất được biết đến. Ngày nay chúng ta biết về một quá trình thứ hai, gần như ngược lại, theo đó một người nào đó sinh ra một đứa trẻ trong khi chẳng hề thụ thai. Điều này xảy ra khi một đứa trẻ được thụ thai trong ống nghiệm và sau đó được đưa vào tử cung của một người phụ nữ, hoặc cũng có thể khi một tử cung thay thế được cho mượn, có lẽ với một khoản chi phí, để làm môi trường cho một cuộc sống con người được thụ thai ở nơi khác. Trong trường hợp này, những gì người phụ nữ sinh ra không đến từ cô ấy; nó không được hình thành “trước hết trong trái tim và sau đó trong cơ thể,” như Thánh Augustinô đã nói về Đức Maria.

Thật không may, hai khả năng đáng tiếc này cũng tồn tại trên bình diện tinh thần. Người thụ thai Chúa Giêsu mà không sinh ra Người là người đón nhận Lời Chúa mà không đem ra thực hành. Họ liên tục đưa ra các quyết tâm hoán cải, nhưng sau đó quên đi các quyết tâm này một cách có hệ thống hoặc bỏ dở giữa chừng; đó là một kiểu phá thai tâm linh đang diễn ra. Thánh Giacôbê Tông đồ nói rằng họ giống như những người thoáng nhìn mình trong gương rồi bỏ đi mà quên mất mình trông như thế nào (xin xem Gc 1: 23-24).

Ngược lại, những người sinh ra Chúa Kitô mà không thụ thai Ngài là những người làm nhiều việc - ngay cả những điều tốt - nhưng việc làm của họ không được thực hiện vì lòng nhân từ, vì lòng yêu mến Thiên Chúa hoặc với một ý định đúng đắn. Đúng hơn, họ hành động theo thói quen hoặc theo não trạng đạo đức giả, tìm kiếm vinh quang hoặc tư lợi cho riêng mình, hoặc chỉ đơn giản là để hài lòng khi đã làm một điều gì đó. Những việc làm của chúng ta chỉ là “tốt” nếu chúng xuất phát từ trái tim nếu chúng được hình thành vì lòng yêu mến Thiên Chúa và trong đức tin. Nói cách khác, nếu ý định hướng dẫn chúng ta là đúng, hoặc nếu chúng ta ít nhất cố gắng làm đúng.

Thánh Phanxicô Assisi đã nói một điều gì đó tóm gọn những gì tôi đang cố gắng làm nổi bật. Ngài nói:

Chúng ta là mẹ của Chúa Kitô khi, nhờ tình yêu thương thiêng liêng và lương tâm trong sạch và chân thành, chúng ta cưu mang Ngài trong lòng và trong thân thể mình; chúng ta sinh ra Ngài bằng những việc làm thánh thiện là những gì cần thiết để làm gương, để soi sáng cho những người khác.

Điều này có nghĩa là chúng ta hoài thai Chúa Kitô khi chúng ta yêu Ngài với tấm lòng chân thành và lương tâm ngay thẳng; chúng ta sinh ra Người khi chúng ta làm những việc lành là mạc khải Đức Kitô cho thế gian và tôn vinh Cha trên trời (x. Mt 5:16). Trong một tác phẩm có tựa đề “Năm ngày lễ của hài nhi Giêsu,” Thánh Bonaventura đã phát triển tư tưởng này của Thánh Phanxicô thành Assisi [Đức Hồng Y dùng từ Serafico Padre – chỉ Thánh Phanxicô] Đây là những ngày lễ theo Thánh Bonaventura: thụ thai, sinh nở, cắt bì, Hiển linh và Dâng Chúa trong Đền thờ. Vị thánh giải thích cách cử hành mỗi lễ này một cách thiêng liêng trong đời sống của chính anh chị em. Tôi sẽ giới hạn trong những gì ngài nói về hai lễ đầu tiên: thụ thai và sinh nở.

Theo Thánh Bonaventura, khi một người cảm thấy không hài lòng với cuộc sống mà họ đang sống, được linh hứng bởi cảm hứng thánh thiện và bùng cháy với quyết tâm nên thánh, thì cuối cùng họ cũng phải kiên quyết dứt bỏ những thói quen và khuyết điểm cũ của mình, ở người đó, theo Thánh Bonaventura, Chúa Giêsu được thụ thai. Sau khi tâm hồn họ mầu mỡ với ân sủng của Chúa Thánh Thần, sự thụ thai diễn ra khi họ quyết tâm hướng tới một cuộc sống mới.

Khi đã được thụ thai, Con Thiên Chúa diễm phúc được sinh ra trong lòng người đó nếu sau khi phân định rõ ràng, cầu xin lời khuyên tâm linh và sự giúp đỡ của Thiên Chúa, người ấy kiên quyết thực hiện quyết định đã dấy lên trong mình một thời gian, bất kể nó luôn bị dập tắt vì sợ không thành công.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhấn mạnh vào điều này: đó là, chí hướng hoặc quyết tâm hướng tới một cuộc sống mới phải được chuyển ngay lập tức thành hành động cụ thể, thành một sự thay đổi trong cách chúng ta sống và trong thói quen của chúng ta, có thể ngay cả trong những cách bên ngoài và nhìn thấy được. Nếu quyết định của chúng ta không được thực hiện, Chúa Giêsu được thụ thai, nhưng không được sinh ra. Nó sẽ là một trong nhiều cuộc phá thai tâm linh. “Lễ thứ hai” của Hài nhi Giêsu, tức là Lễ Giáng Sinh, sẽ không bao giờ được cử hành! Đó sẽ chỉ là một trong số rất nhiều sự trì hoãn có lẽ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.

Một thay đổi nhỏ để bắt đầu có thể là tạo ra một chút im lặng xung quanh chúng ta và trong chúng ta. Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến chung gần đây nhất nói rằng “Thật tốt biết bao nếu mỗi người chúng ta, theo gương Thánh Cả Giuse, có thể phục hồi chiều kích chiêm niệm này của cuộc sống, được mở rộng ra trong sự thinh lặng”. Một bài ca cổ trong Mùa Giáng Sinh nói rằng Lời Chúa từ trời giáng sinh “dum medium silentium tenerent omnia”, nghĩa là “trong khi xung quanh im lặng”.

Trước hết, chúng ta hãy cố gắng làm im lặng những ồn ào trong chúng ta, những quá trình luôn diễn ra trong tâm trí chúng ta, liên quan đến con người và các sự kiện, từ đó chúng ta sẽ luôn nổi lên như những người chiến thắng. Đôi khi, chúng ta hãy tự biến mình từ người tố cáo thành người bảo vệ anh em, trong khi nghĩ về biết bao điều người khác có thể đổ lỗi cho chúng ta. Trong các phiên tòa giáo luật - ít nhất là trong quá khứ - sau khi buộc tội, thẩm phán đã tuyên bố công thức: “Audiatur et altera pars”: nghĩa là “Bây giờ chúng ta hãy nghe phần phản biện”. Khi chúng ta nhận ra mình đang đánh giá ai đó, chúng ta hãy cẩn thận lặp lại công thức đó cho chính mình: Audiatur et altera pars! Hãy thử đặt mình vào vị trí của người anh em!

Chúng ta hãy trở lại với những suy nghĩ liên quan đến Đức Maria. Quan sát về người phụ nữ mang thai của văn hào Tolstoy có thể giúp chúng ta hiểu và noi gương Đức Trinh Nữ trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng này. Nhà văn nói rằng cái nhìn của người phụ nữ mong đợi có một sự ngọt ngào kỳ lạ và hướng vào bên trong nhiều hơn là bên ngoài bản thân mình, bởi vì bên trong là thực tế đẹp nhất trên thế giới đối với cô ấy. Vì vậy, chính ánh mắt của Đức Maria đã nhìn thấy Đấng sáng tạo ra vũ trụ khi còn trong bụng mẹ. Chúng ta hãy noi gương Mẹ bằng cách ghi lại cho mình những khoảnh khắc hồi tưởng chân thực để làm cho Chúa Giêsu được sinh ra trong tâm hồn chúng ta. Phản ứng tốt nhất đối với nỗ lực của nền văn hóa thế tục muốn xóa bỏ Giáng Sinh khỏi xã hội là nội dung hóa Giáng Sinh và đưa Giáng Sinh trở lại bản chất đích thật.

Năm kỷ niệm 100 năm ngày mất của thi hào Dante Alighieri sắp khép lại. Chúng ta hãy kết thúc bằng cách biến đoạn cuối trong bài thơ Paradiso, nghĩa là “Thiên đường”, của ông thành lời cầu nguyện tuyệt vời cùng Đức Trinh Nữ. Thi hào cũng như Thánh Phaolô và Thánh Gioan, chỉ đơn giản gọi Đức Maria là Mẹ, tức là Người phụ nữ:

Hỡi Đức Mẹ đồng trinh – là con gái

Của con trai mình – cao cả, khiêm nhường

Đỉnh cao định trước cho Người mãi mãi.

Người đã nâng cao phẩm giá loài người

Khiến cho người thợ đã tạo ra nó

Không coi thường sản phẩm của bàn tay.

Trong lòng người tình yêu lại cháy lên

Mà sức nóng làm bông hoa nảy nở

Trong bình yên muôn thuở của Thiên đường.

Ở đây, Người là ngọn đuốc tình thương

Giữa ban trưa với người trần thế

Người là nguồn mạch hy vọng chờ mong.

Người quyền lực và Người đầy sức mạnh

Kẻ mong ân huệ mà không tới nơi

Mong sẽ bay được dù không có cánh.

Không chỉ ai cầu xin, người đó được

Và không chỉ cầu xin, mà nhiều khi

Sự cứu rỗi của Người còn đến trước.

Người là từ bi, Người là ân huệ

Và ở trong người tất cả tập trung

Những gì tốt đẹp, những gì hoàn mỹ.


Chúc Đức Thánh Cha, những người Cha đáng kính, anh chị em một Mùa Giáng Sinh hạnh phúc!




1. Xem Gióp 14: 1; 15:14; 25: 4.

2. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Tralliani 9,1; Smirnesi 1, Irenaeus của Lyon, Adv. Haer. III, 16,3.

3. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Ephesians, 7,1

4. Xem Tertullian, De carne Christi, 20.

5. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả, Thư 28 gửi Đức Giám Mục Flavian, 4.

6. Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, Bình Luận Luân Lý về Sách Gióp, XX, 1

7. Irenaeus, Adv. Haer. IV, 40,3.

8. Luther, The Magnificat (biên tập Weimar 7, trang 572 f.).

9. Isaac thành Stella, Discourses 51 (PL, 194, 1863f)

10. F. Kafka, Một Thông điệp của Quốc Vương. Bản dịch tiếng Anh được tìm thấy tại https://apps.exe-coll.ac.uk/Media/PDF/FlyingStart/EnglishLiteosystemShortStories.

11. Thánh Maximô Hiển Tu, Bình luận về Kinh Lạy Cha (PG 90, 889).

12. Thánh Augustinô, Các bài giảng 215,4 (PL 38, 1074)

13. Thánh Phanxicô thành Assisi, Thư gửi tất cả những các tín hữu, 1.

14. Thánh Bonaventure, De quinque festivitatibus Pueri Jesu (ed. Quaracchi 1949, pp. 207ff).

15. Hài kịch Thần thánh của Dante Alighieri. Bản dịch sang tiếng Anh của Courtney Langdon, Vol. 3 Paradiso (Cambridge: Nhà xuất bản Đại học Harvard, 19211).
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh địa danh Bethlehem
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:57 17/12/2021
Hình ảnh địa danh Bethlehem

Tiên tri Micha vào khoảng thế kỷ 8. Trước Chúa giáng sinh đã tiên báo: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thủy, từ muôn đời.” ( Micha 5,2.).

Căn cứ theo kinh thánh trước và sau Chúa Jesu viết thuật lại, địa danh Bethlehem là nơi Chúa Jesu sinh ra trên trần thế.

Vậy hình ảnh lịch sử địa danh này là gì?

Bethlehem là một địa danh nhỏ nằm ở miền Nam nước Do Thái, vùng Judea.

Theo nguyên ngữ tên Bethlehem được hiểu là ” ngôi nhà lương thực”, có thể hiểu là lương thực bánh mì, hay lương thực thịt.

Trong dòng lịch sử Kinh Thánh địa danh Bethlehem đã được nói đến trong sách Sáng Thế ký ( St 35,19) Bà Rakel, vợ của tổ phụ Giacóp được an táng nơi đây.

Sau khi 12 chi tộc dân Israel chiếm vùng Canaan, vùng Bethlehem được phân chia cho chi tộc Juda ( 1. Sách Biên niên sử 4,22)

Bethlehem là quê hương của vua David ( 1 sách Samuel 16,1), nơi mà ngôn sứ Micha đã tiên báo đấng cứu thế Messia là dòng dõi con vua David sẽ sinh ra (Micha 5,1). Ngôn sứ Micha đã viết địa danh này với tên Bethlehem Efrata để phân biệt với một địa danh khác cũng trùng tên Bethlehem thuộc vùng chi tộc Sebulon nằm ở phía tây bắc xa khoảng 11 cây số miền bắc nước Do Thjái vùng Nazaret ( Sách Josua 19,15).

Bethlehem là quê hương của gia đình David. Hồi còn trai trẻ David sống đời chăn chiên cừu ngoài cánh đồng giúp gia đình. Thiên Chúa sai sai ngôn sứ Samuel đến Bethlehem xức dầu phong cho David làm vua (1 sách Samuel 16,4).

Thời vua Kyro nước Batư, dân Do Thái bị sống lưu đầy bên đó được nhà Vua rộng lượng cho hồi hương trở về quê hương cũ nước Do Thái ( Sách Ester 1,1-11). Trong số những người hồi hương, 123 người đàn ông của Bethlehem trở về làng quê cũ Bethelem sinh sống. (Sách Ester 2,21).

Lời tiên tri của ngôn sứ Micha thuở xưa Bethlehem là nơi sinh ra của vị cứu thế, con Thiên Chúa, mang niềm hy vọng đến cho dân Thiên Chúa ( Micha 5,1) trở thành hiện thực như các Thánh sử Mattheo ( 2,1), Luca (2,4-11) và Gioan (7,42) viết thuật lại trong các sách phúc âm về đời Chúa Giêsu.

Địa danh Bethlehem vì thế trở thành thánh địa hành hương tôn giáo của người Công Giáo, người Chính Thống giáo, người Tin Lành trên thế giới. Địa danh Bethlehem cũng trở thành địa danh lịch sử văn hóa nổi tiếng khắp hoàn cầu.

Theo tập tục còn lưu truyền từ thế kỷ 2. sau Chúa giáng sinh, những người tín hữu Chúa Kitô thời Giáo hội sơ khai lúc ban đầu cũng đã tôn kính nơi chốn Chúa Giêsu sinh ra trong một hang chuồng nuôi xúc vật ngay trong vùng làng Bethlehem Efrata.

Năm 333 sau Chúa giáng sinh Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantino, sau chuyến hành hương sang đất thánh đã cho xây dựng đền thờ kính Chúa giáng sinh ngay trên địa điểm này.

Ở dưới tầng hầm thánh đường Chúa giáng sinh ở Bethlehem theo tương truyền là nơi có chuồng cho chiên cừu bò lừa với máng đựng rơm cỏ cho chúng ăn. Trong máng cỏ này hài nhi Giesu đã được mẹ Maria đặt nằm sau khi mở mắt chào đời.

Năm 1717 một hình ngôi sao lớn bằng đá cẩm thạch mầu sắc với 14 cánh được khắc lát trên nền nhà, để đánh dấu ghi nhớ nơi Chúa Giêsu vị cứu thế đã sinh ra nằm nơi đây với dòng chữ ” Hic de virgine Maria Jesus Christus natus est – Chính tại nơi đây Đức Mẹ Maria đồng trinh đã hạ sinh Chúa Giêsu Kitô.”

Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra, theo kinh thánh viết tường thuật lại ở Bethlehem - ngôi nhà lương thực, ngôi nhà bánh mì.

Sau này trên đường đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa, vì thế Chúa Giêsu Kitô đã nói về nguồn gốc chính mình “ là bánh ban sự sống”.

Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra ở Bethlehem - ngôi nhà lương thực, vùng làng quê hẻo lánh cùng nhỏ bé không mấy ai biết đến. Sau này lớn lên Ngài trở thành một nhân vật có sức thu hút con người trong xã hội với quyền năng thần thánh của Thiên Chúa. Và sau sự chết cùng phục sinh sống lại, Ngài trở thành vị cứu tinh, Đấng cứu thế cho con người thoát khỏi hình phạt tội lỗi mà Ông Bà nguyên tổ Adong Evà đã gây ra.

Từ Bethlehem- ngôi nhà lương thực nơi sinh ra, Chúa Giêsu Kitô trở thành lương thực cho đời sống đức tin con người vào Thiên Chúa.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Phỏng vấn Linh mục Tiến Sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng: Lương tâm theo quan điểm Thần Học Luân Lý Công Giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:01 17/12/2021


1. Giới thiệu vài nét về linh mục Trần Mạnh Hùng

Linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng sinh tại Việt Nam. Sau biến cố 1975 đã rời quê hương và được định cư tại nước Úc vào năm 1982 với tư cách là người tỵ nạn. Ngài lãnh sứ vụ linh mục vào năm 1994 tại thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria.

Ngài nhận học vị Tiến sĩ Thần Học Luân Lý vào năm 2003, tại Học Viện thánh Anphongsô (Alphonsian Academy), trực thuộc Đại Học Giáo Hoàng Lateranô, Rôma.

Trong khoảng thời gian vừa qua, linh mục Trần Mạnh Hùng đã viết và cho ấn loát một số bài khảo cứu liên quan đến lãnh vực Đạo Đức Sinh Học, riêng luận án tiến sĩ của ngài cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và đã được xuất bản tại Việt Nam, với tựa đề: Phát Triển Nền Văn Hóa Sự Chết: An Tử và Trợ Tử (Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2015).

Gần đây, Tiến Sĩ Hùng đã cho phổ biến một số các bài nghiên cứu liên quan đến lãnh vực Tế Bào Gốc và việc sử dụng Tế Bào Gốc trong Y khoa Trị liệu.

Linh mục Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng cũng đã viết và cho xuất bản tại Việt Nam năm cuốn sách về lãnh vực Thần Học Luân Lý và Đạo Đức Sinh Học, bao gồm cuốn: Sự Sống và Quyền Bất Khả Xâm Phạm: Nền Tảng Luân Lý Cho Xã Hội (Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2020).

Linh mục Trần Mạnh Hùng đã từng làm việc tại Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học – The L.J. Goody Bioethics Centre, thuộc Tổng Giáo Phận Perth, Tiểu bang Tây Úc, và ngài cũng đồng thời được mời làm giáo sư thỉnh giảng cho bộ môn Thần Học Luân Lý và Đạo Đức Sinh Học tại Good Shepherd Theological College, thuộc Thành phố Auckland, nước Tân Tây Lan.

Hiện nay, Linh mục Trần Mạnh Hùng trực thuộc Tổng Giáo Phận Perth và đang đảm trách vai trò là Linh mục Tuyên Uý Công Giáo cho Đại học Tây Úc và cho Cư Xá Sinh Viên, St Thomas More College, thuộc Thành phố Perth.

1. Trước tiên xin cha cho quý vị khán thính giả của Vietcatholic biết, đâu là động lực và những nguyên nhân chính để cha nỗ lực cho ra mắt cuốn sách: LƯƠNG TÂM: Theo Quan Điểm Thần Học Luân Lý Công Giáo, vừa mới xuất bản tại VN vào đầu tuần tháng 12 năm nay?

Cha Hùng

Thưa ca sĩ Như Ý và toàn thể quý vị khán thính giả của Vietcatholic, cái động lực lớn nhất đã thúc đẩy tôi hoàn thành tác phẩm Lương Tâm theo cái nhìn của Thần Học Luân Lý Công Giáo, là bởi vì khi tôi tiếp tục theo đuổi ngành Thần Học Luân Lý tại Đại học Notre Dame tại Thành Phố Fremantle, tiểu bang Tây Úc cho học vị Thạc Sĩ của mình, tôi rất may mắn được một vị giáo sư Thần Học Luân Lý, Professor Peter Black, là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế hướng dẫn tôi cho luận văn thạc sĩ của mình, và trong quá trình học tập và nghiên cứu tại Đại học Notre Dame, ngài đã giúp tôi am tường và khám phá ra vai trò quan trọng của lương tâm trong nền thần học luân lý Công Giáo, và nhất là sự tự do và tiếng nói của lương tâm cá nhân, nhằm hướng dẫn chúng ta trong việc chọn lựa và đi đến quyết định đúng đắn, phù hợp với tính luân lý và với tinh thần của Phúc Âm, cũng như giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Tuy nhiên, điều nổi bật nhất mà tôi đã khám phá ra trong thời gian theo học tại đây, rồi cả sau này khi tôi đã tốt nghiệp học vị tiến sĩ tại Học Viện Thần Học Luân Lý Thánh Anphongsô (Tiếng Anh gọi là Alphonsian Academy), trực thuộc Đại học Giáo hoàng Lateranô, Thành phố Rôma vào năm 2003, rồi sau đó trong khoảng gần 10 năm, khi tôi làm việc tại Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học của Tổng Giáo Phận Perth, The L.J. Goody Bioethics Centre, và sau nhiều năm đi dạy về bộ môn thần học luân lý tại một vài Học viện, và Đại chủng viện tại VN cũng như ở ngoại quốc, tôi dần dà nhận ra một vấn đề khá lý thú và quan trọng trong đời sống luân lý của con người liên quan đến vai trò của lương tâm, nhất là khi chúng ta đứng trước các xung đột, một bên là giáo huấn luân lý của Giáo hội, một bên là tiếng nói của Lương Tâm, vậy chúng ta cần phải hành xử như thế nào? Tôi thiết nghĩ đây là một trong những vấn đề không có đơn giản tí nào. Cho nên trong tác phẩm này, tôi đã cố gắng dành ra nguyên một chương của cuốn sách để trình bày và giúp cho độc giả có thể am tường và nắm bắt được những nguyên tắc chủ đạo, theo truyền thống luân lý của Giáo Hội Công Giáo, trong việc đi đến quyết định khi chúng ta đứng trước các xung đội về mặt luân lý.

Song song với những gì mà tôi đã nêu ra ở trên, thì một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy tôi nghiên cứu và tìm hiểu về vai trò và bản chất của lương tâm, chính là quy trình và hoạt động của lương tâm nơi mỗi người, trong việc hình thành và đi đến quyết định luân lý, mà chỉ một mình ta trước mặt Thiên Chúa mới hoàn thành chịu trách nhiệm về các hành vi luân lý của mình. Đây chính là điểm nổi bật nhất mà Công Đồng chung Vaticanô II đã nói về Lương Tâm, nhất là trong số 16 của Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), khi đề cập đến Phẩm giá của Lương Tâm luân lý. Đây chính là một trong những tài liệu quan trọng nhất của Công Đồng Vaticanô II, khi đưa ra định nghiã và vai trò của lương tâm trong các phán quyết về luân lý. Sau đây, tôi xin được trính dẫn:

“Công Đồng Vaticanô II định nghĩa lương tâm như “tâm điểm sâu xa nhất và là cung thánh của con người, nơi mà con người một mình đối diện với Thiên Chúa. Nơi lương tâm, con người tìm ra lề luật, được viết ra nơi trái tim họ, hằng mời gọi họ đến với tình yêu, khuyến khích họ làm lành và xa tránh điều dữ. Tất cả hành vi của ta phải phát xuất từ tình yêu và phải để tình yêu thúc bách. Dựa trên lề luật tình yêu này, lương tâm khuyến khích từng người trong những cảnh huống cụ thể, điều gì phải làm và điều gì cần phải tránh. Tuân phục luật tình yêu này là phần việc của phẩm giá con người, bởi vì nó phù hợp với bản tính và ơn gọi của chúng ta.” Thêm vào đó, “lương tâm hướng dẫn năng động trong việc giải quyết những vấn đề luân lý.” (Xem Gaudium et Spes, số 16).

Thêm vào đó, Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo (Dignitatis Humanae, số 3) của Công đồng Vaticanô II cũng đã tuyên bố như sau, khi bàn về quyền và nghĩa vụ phải tuân theo lương tâm cá nhân:

“Chính là qua lương tâm mà con người nhìn thấy và nhận thức những mệnh lệnh của Thiên luật. Con người bắt buộc phải trung thành tuân theo lương tâm này trong tất cả mọi hoạt động của mình, để có thể đạt được Thiên Chúa là cùng đích đời mình. Vì thế, không ai được ép buộc người nào hành động trái với lương tâm họ, cũng như không một ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm họ, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.” (Dignitatis Humanae, số 3).

Đây có thể coi là động lực chính và nguyên do tại sao tôi muốn cho ra mắt cuốn sách về lương tâm, vì tôi thiết nghĩ nó sẽ thực sự trở nên hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về vai trò, sự tự do và tiếng nói của lương tâm liên quan đến các hành vị luân lý.

2. Xin cha có thể trình bày một cách vắn gọn về ý nghĩa và bản chất của Lương Tâm theo cái nhìn của Thần học luân lý Công Giáo.

Cha Hùng

Từ xưa đến nay, từ “lương tâm” luôn được thường xuyên sử dụng trong dân gian cũng như trên các báo chí, sách giáo khoa, đặc biệt là các sách về bộ môn thần học luân lý. Mặc dầu luôn được sử dụng đến, nhưng từ lương tâm lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau qua nhiều thế kỷ. Nói tóm lại, từ “lương tâm” có một lịch sử phức tạp và thường được dùng với nhiều nghĩa khác nhau, đến nỗi thật khó để có thể xác định nó bằng một định nghĩa đơn giản. Tuy nhiên, từ “lương tâm” này lại chính là trọng tâm của các buổi hội thảo về luân lý. Sự kiện mà tôi vừa mô tả ở trên, đó chính là điều mà hầu như ai nấy trong chúng ta cũng đã ít nhiều trải nghiệm.

Quả thật, không có nền văn hoá nào mà nơi đó, người ta lại chưa tìm thấy lương tâm không được nhận thức như là một sự thật. Người xưa đã dùng từ “tấm lòng” và “lòng dạ” để mô tả bản chất sâu thẳm nhất của con người liên quan tới trách nhiệm và đạo lý. Trải qua nhiều thế kỷ, luôn có những người không chịu tùng phục bất cứ luật lệ nào. Họ khước từ việc chấp nhận hay tuân thủ lề luật, vì họ ứng đáp với một luật cao hơn - luật lương tâm. Socrates, Jeanne d’Arc, Thomas More, Martin Luther King, Alexander Solzhenitsyn chính là những khuôn mặt ngôn sứ đã cụ thể hoá lương tâm bằng một lối diễn tả hết sức cảm động.

Chúng ta biết mỗi người đều có lương tâm, nhưng các kinh nghiệm của chúng ta về lương tâm thì lại mơ hồ. Đôi lúc chúng ta phải chiến đấu với lương tâm của chính mình, khi đương đầu với những quyết định hệ trọng trong cuộc sống, tỷ dụ như, chọn nghề nghiệp, chọn sự dấn thân, chọn hướng đi cho tương lai, chọn có nên nộp thuế hay không? Song ta lại cảm thấy sự bất ổn trong lương tâm, dù chỉ là những sự việc không mấy quan trọng, chẳng hạn như có nên đi xem chiếu phim hay tham dự một buổi trình diễn âm nhạc tối nay, hoặc cần phải ở nhà để làm bài tập cho xong. Chúng ta cũng biết: là không có điều gì hoặc bất cứ thẩm quyền nào có thể xúc phạm đến sự tự do của lương tâm, tuy nhiên cùng lúc, chúng ta lại được trao ban cho những lề luật luân lý buộc phải tuân giữ, cho nên điều ấy làm chúng ta băn khoan và tự hỏi: liệu vai trò của lương tâm có ý nghĩa gì không? Và tiếng nói của lương tâm có được tôn trọng hay không? Cái gì gọi là lương tâm? Và đâu là lương tâm chân thật?

Ngày nay, dựa vào Kinh Thánh, thần học luân lý rút ra được những thông tin giá trị từ những truyền thống triết học nguyên thủy và cận đại, từ những định nghĩa cổ điển (đặc biệt của Thánh Tôma Aquinô), từ Công Đồng Vaticanô II và từ các khoa học hiện đại, nhất là khoa tâm lý chiều sâu. Cho nên, tôi mạn phép được trình bày cách vắn gọn về ý nghĩa và bản chất của lương tâm. Vai trò của lương tâm trong các phán quyết luân lý, và đặc biệt hơn cả là sự tự do và quyền tối thượng của lương tâm như đã được Công Đồng Vaticanô II khẳng định trong Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), số 16 mà tôi đã trích dẫn trong phần trả lời câu hỏi đầu tiên.

Trong các sách Tin Mừng, thuật ngữ lương tâm chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong các thư của Thánh Phaolô, và từ này lại xuất hiện tới 25 lần. Thánh Phaolô khai triển cả một lý thuyết về lương tâm. Đối với Thánh Phaolô, lương tâm là ý thức nền tảng về sự khác biệt giữa cái tốt và cái xấu về mặt luân lý. “Luật được viết ra trong lòng chúng ta.” (Rm 2, 15). “Lương tâm là một nguyên lý tự do” (1Cr 10, 29). Chúng ta phải ca ngợi lương tâm của mỗi người trước mặt Thiên Chúa (2Cr 4, 2). Lương tâm có thể yếu đuối và cũng có thể sai lầm nữa (1Cr 8, 10-12). Cho nên, người ta có thể nói rằng: chính Thánh Phaolô đã đưa thuật ngữ lương tâm vào Tân Ước. Ngài sử dụng nhiều lần trong các thư của ngài và trong sách Công vụ Tông đồ, và ngài cũng sử dụng thuật ngữ này trong một số những ngữ cảnh khác nhau, hầu làm sáng tỏ những ý nghĩa khác nhau của thuật ngữ này, như tôi sẽ cố gắng trình bày cho quý vị thấy.

Thông thường thì lương tâm có đặc trưng là một “chứng nhân” (Rm 2, 15; 9, 1; 2Cr 1, 12); không thể mua chuộc được hằng theo dõi các hành vi của chúng ta, hằng ở trong chúng ta, và cũng có thể được mời chứng nhận sự thực của các điều chúng ta khẳng định. Lương tâm phán xét nhận thức nội tâm, thẩm định nó một cách vô tư và không thiên lệch. Lương tâm là khả năng thiên phú phổ quát của tất cả mọi người. Trong thư gởi tín hữu Rôma, chương 2, câu 15 (Rm 2, 15), Thánh Phaolô biểu lộ niềm xác tín rằng: “Dân Ngoại không có luật Môsê, mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì luật đòi hỏi, thì họ là luật cho chính mình, mặc dù họ không có luật. Họ cho thấy là điều gì luật đòi hỏi thì đều đã được ghi khắc trong lòng dạ họ.” Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải.” (Rm 2, 14-16). Bản văn trên được trưng dẫn thường xuyên để cho thấy có luật luân lý tự nhiên mà bất cứ ai cũng phải tuân giữ.

Như thế, trong tất cả những trích dẫn này, ta thấy sự đa dạng lạ lùng về ý nghĩa của thuật ngữ lương tâm. Tất cả những định nghĩa này tìm được hậu thuẫn trong các thư của Thánh Phaolô. Và tất cả đều âm vang ở mức độ nào đó với trải nghiệm của chúng ta. Đối với các tác giả Tân Ước, lương tâm hàm ý một ý thức về nội dung luân lý đích thực của nhân sinh như được nhìn thấy bởi đức tin, quan điểm cơ bản về đời sống chi phối mọi hành vi của con người.

Ta có thể tóm lược ý nghĩa về lương tâm trong Tân Ước như sau:

Là cốt lõi của nhân vị con người, một thực thể nội giới, sự cắt bì đích thật phải xuất phát từ tâm hồn. (Rm 2, 28-29)

Là thực thể chung nhất, phổ biến, ai cũng có, luật lệ được ghi khắc trong lòng họ, lương tâm chính là người làm chứng cho hành vi từng cá nhân. (Rm 2, 14-15)

Lương tâm là nơi con người tương giao với Thiên Chúa và với người khác (1Ga 3, 19-21).

Toàn bộ những điều này, theo cái nhìn của tôi, có thể được xem như là các nét đặc biệt khi chúng ta thảo luận về khái niệm, vai trò và bản chất đích thực của lương tâm.

3. Thưa cha, như cha đã đề cập đến trong câu trả lời đầu tiên, nói về sự xung đột giữa huấn quyền và sự tự do của lương tâm, con cảm thấy điều này rất hấp dẫn và hữu ích cho quý khán thính giả của Vietcatholic, vậy xin cha vui lòng giải thích một cách đầy đủ hơn, cho chúng con được hiểu.

Cha Hùng

Cha cám ơn Như Ý đã nhắc lại và nêu lên câu hỏi chính yếu này, bởi vì đó cũng là mối bận tâm lớn của tôi trong khi giảng dạy về bộ môn thần học luân lý. Tôi hy vọng với khỏang thời gian ngắn gọn mà chúng ta có ở đây, tôi sẽ cố gắng giải thích và mạn phép đưa ra một vài đề nghị hầu giúp giải quyết các xung đột này, nhất là khi xảy ra các trường hợp mà giáo huấn của Hội Thánh đi nghịch lại với các phán quyết của lương tâm cá nhân, hoặc trong trường hợp lương tâm bất đồng với các giáo huấn chính thức của Giáo hội.

Tôi muốn dùng câu chuyện sau đây để minh hoạ sự căng thẳng giữa lương tâm và huấn quyền của Giáo hội. Trong một cơn bão khủng khiếp vào lúc vị Thuyền trưởng bị cho là không thể điều khiển được con tàu với đầy đủ trách nhiệm nữa. Vị sỹ quan chỉ huy tiến tới để giải nhiệm Thuyền trưởng, nhưng vị Thuyền trưởng đã xua ông này đi và ra lệnh cho người lái tàu: “quay qua bên trái 180 độ”. Nhưng vị chỉ huy đã la lên và nói với người lái tàu: “sẽ không an toàn nếu anh làm như thế!”

Người tài công nghe thấy hai mệnh lệnh trong cùng một lúc: “lái tàu sang trái 180 độ và đi thẳng về phía trước”. Quá đỗi bối rối, anh ta la lên: “tôi phải làm cái quỷ gì đây?” Người lái tàu đã được đào tạo để tuân theo mệnh lệnh của thượng cấp mà anh ta tôn trọng, thế nhưng anh ta hiện đang nhận được hai mệnh lệnh từ hai thượng cấp đều đáng tôn trọng. Vậy anh ta phải nghe ai đây? Anh ta phải coi trọng bên nào bây giờ?

Hội Thánh cũng ở trong một tình cảnh tương tự như thế khi Thông điệp Humanae Vitae (Sự sống con người) được công bố năm 1968. Thông điệp này đòi hỏi “sự thẩm định” trên toàn thế giới. Nhiều Hội đồng Giám mục ở các quốc gia đã đưa ra các tuyên bố và những quan điểm khác nhau về cách thức các tín hữu cần phải đọc và thi hành những yêu cầu luân lý trong thông điệp này, liên quan đến việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo. Chúng ta phải tuân theo hướng dẫn của bên nào đây?

Lương tâm, như chúng ta đã thấy, là sự cam kết của toàn bộ con người với những giá trị và phán quyết khi xem xét về điều “tôi phải làm” dưới ánh sáng của việc cam kết áp dụng những giá trị này. Lương tâm thường được truyền thống coi là quy chuẩn chủ quan tối thượng trong lĩnh vực luân lý, tương phản với quy chuẩn khách quan của mệnh lệnh đạo đức mà lý trí nắm bắt được theo bản chất và mặc khải. Người ta luôn luôn buộc phải tuân theo phán quyết của một lương tâm có nhận thức đúng đắn. Việc nhận thức này được tiến hành trong cộng đồng nhờ vào nhiều nguồn khôn ngoan đạo đức khác nhau. Trong Hội Thánh, huấn quyền là một nguồn thẩm quyền luân lý. Giáo huấn của Hội Thánh rất quan trọng, dù không phải là nhân tố độc nhất, trong sự hình thành lương tâm và trong phán quyết luân lý của con người.

Cho nên ở đây, tôi muốn đưa ra sự nhận xét của mình liên quan đến lãnh vực lương tâm và huấn quyền của Giáo Hội, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến lãnh vực luân lý. Vấn đề trọng tâm được đặt ra “đâu là đặc tính quy chuẩn trong giáo huấn chính thức của Giáo hội trong việc đạt tới phán quyết của lương tâm?”

Trong mỗi lãnh vực của đời sống, chúng ta thường cậy dựa vào kinh nghiệm và lời khuyên bảo của những người thông thạo và có trình độ cũng như sự hiểu biết hơn chúng ta. Chúng ta đón nhận ảnh hưởng của họ như một thẩm quyền. Điều này có nghĩa chúng ta coi họ là đúng đắn và chúng ta tuân theo sự hướng dẫn của họ, dẫu cho chúng ta đôi khi không hiểu được trọn vẹn lý lẽ của họ. Cậy nhờ đến thẩm quyền là một phần của cuộc sống có trách nhiệm. Điều đó không có nghĩa là chúng ta trở nên thụ động và đuối lý, nhưng chúng ta tin vào thẩm quyền khi nhận ra rằng: kiến thức và kinh nghiệm của mình còn quá giới hạn, để giải quyết ổn thỏa một vấn đề nào đó.

Nếu chúng ta đã có chút kiến thức về vấn đề của mình rồi, chúng ta hy vọng thẩm quyền này sẽ khẳng định những gì chúng ta đã biết và thách đố chúng ta với những gì chúng ta chưa biết. Khi nại đến một thẩm quyền nào, chúng ta tin rằng thẩm quyền ấy sẽ đúng đắn hơn về vấn đề này hơn chúng ta, hoặc hơn bất kỳ ai khác mà chúng ta có thể cậy dựa.

Như thế, mối liên hệ giữa lương tâm và thẩm quyền là không thể tách biệt. Trong hầu hết các trường hợp, chúng không đối kháng vì chúng đều hướng đến sự thật. Thế nhưng, trong vài trường hợp, sự căng thẳng giữa chúng có vẻ gia tăng, mỗi khi thẩm quyền khẳng định vị thế của mình bằng việc ra lệnh. Chẳng hạn, trong mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, hay tương quan giữa người lính với sĩ quan cấp trên, giữa cư dân một thành phố với chính quyền, hoặc giữa các tín hữu với thẩm quyền giảng dạy của Hội Thánh.

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XIX, hạn từ “Magisterium” (nghĩa là Huấn Quyền) đã được sử dụng cách chuyên biệt để chỉ tính phẩm trật của Hội Thánh và việc thực hành quyền giảng dạy chính thức trong Hội Thánh. Chỉ những giáo huấn của Huấn Quyền mới là giáo huấn chính thức. Điều này mang ý nghĩa quan trọng vì chúng được các Giám mục đưa ra, bởi vì các ngài có thẩm quyền giảng dạy, với tư cách là những người thừa kế quyền giảng dạy của các tông đồ nhân danh Chúa Kitô. Quyền giảng dạy chính thức của Hội Thánh chính là điều ta cần nại đến để có câu trả lời chính thức cho nhiều vấn đề. Chẳng hạn như vấn đề đồng tính luyến ái, việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), việc nghiên cứu tế bào gốc, v.v…

Trong thời buổi hiện nay, Giáo quyền rất ít khi sử dụng huấn quyền đặc biệt - ơn bất khả ngộ - để giảng dạy, chỉ có hai trường hợp ơn bất khả ngộ được nại đến trong vòng 150 năm qua, do Đức Thánh Cha tuyên tín, đó là: tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (năm 1854), và Đức Mẹ hồn xác lên trời (1950).

Thêm vào đó, chúng ta cần lưu ý rằng, trong những năm gần đây hoặc xa hơn một chút, chưa hề có một Đức Thánh Cha hay một Công đồng chung nào tuyên tín trong tính bất khả ngộ về các vấn đề luân lý; trong thực tế, các thần học gia Công Giáo Rôma thống nhất rằng: trong việc thực hành quyền giảng dạy phổ quát, Giáo hội chưa bao giờ giảng dạy cách bất khả ngộ trong lĩnh vực luân lý riêng biệt nào.

Thực tế cho thấy cách rõ ràng, các giáo huấn chính thức của Giáo hội trong các vấn đề luân lý cụ thể không mang tính bất khả ngộ (nghiã là chúng có thể bị sai lầm). Chúng chính đáng được coi như những giáo huấn có thẩm quyền, nhưng có thể sai lầm. Như thế, các giáo huấn luân lý này không đòi buộc các tín hữu phải đón nhận với thái độ vâng phục của đức tin. Để đón nhận các giáo huấn này, điều được đòi hỏi nơi các tín hữu là lòng kính cẩn tuân phục của các tín hữu. Như Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) số 25 đã nhấn mạnh:

“Trong các vấn đề thuộc đức tin và luân lý, các Giám mục giảng dạy nhân danh Chúa Kitô. Do đó, các tín hữu có bổn phận phải đón nhận chúng với thái độ kính cẩn tuân phục. Mọi người phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giám mục Rôma, dù khi ngài không tuyên bố từ tông tòa (ex cathedra).”

Do đó, khi đối diện với các giáo huấn khả ngộ có thẩm quyền của Giáo hội, tình huống của các tín hữu có thể được diễn tả như sau: các tín hữu được mời gọi từ thâm tâm để chấp nhận và vâng phục giáo huấn chính thức của Giáo hội với tinh thần có trách nhiệm, nhưng đồng thời, chúng ta vẫn được phép không tán thành và không vâng phục các giáo huấn đó, cũng được dựa trên tinh thần có trách nhiệm. Rõ ràng, những điều kiện cho sự bất đồng thuận như thế cần phải được trình bày một cách rõ ràng và cẩn trọng.

Khẳng định việc bất đồng quan điểm với giáo huấn của Giáo hội trong tinh thần trách nhiệm là hợp pháp, nghĩa là công nhận thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội cũng có giới hạn.

John L. McKenzie đã ghi nhận một số giới hạn rõ rệt đã từng xảy ra:

“Chức vụ giảng dạy được trao ban không phải để thống trị hay kiểm soát sự hiểu biết của thế giới về phương diện tri thức hay luân lý. Chức vụ giảng dạy được ủy thác không phải để sai khiến người khác phải làm gì, nhưng hướng dẫn họ đưa ra quyết định đúng đắn. Giáo hội thực hiện cách hoàn hảo những gì được Chúa Kitô trao phó. Ngài không trao quyền cho Giáo hội để trở nên thầy dạy cho tất cả mọi người hay trở thành lương tâm của mọi người. Nhiều khi cứ mãi nỗ lực thực thi những điều bất khả mà các thừa tác viên của Giáo hội lại bỏ quên đi những điều khả dĩ làm được.”

Tất cả mọi thành phần trong Giáo hội, kể cả Giáo quyền, đều được Lời Chúa soi sáng hướng dẫn (Dei Verbum, số 10), và chỉ khi nào Giáo hội trung thành rao giảng sứ điệp của Chúa Kitô, thì khi đó Giáo hội cũng thực sự phục vụ dân Chúa. Giáo quyền được mời gọi để thông truyền chân lý của Thiên Chúa, và trong khi thi hành sứ mệnh ấy, Giáo hội được Chúa Thánh thần trợ giúp. Nhưng giáo quyền không được Thiên Chúa trao quyền để tạo ra chân lý hoặc tìm kiếm một điều chắc chắn khi việc ấy không khả dĩ. Do vậy, Công đồng Vatican II trong hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay lưu ý:

“Mặc dầu Giáo hội là quản thủ kho tàng Lời Chúa để từ đó rút ra những nguyên tắc luân lý và tôn giáo, nhưng không phải lúc nào Giáo hội cũng có ngay câu trả lời cho mọi vấn đề cụ thể.” (X. Gaudium et Spes, số 33).

Văn kiện tiếp tục nhắc nhở giáo dân rằng:

“Với một lương tâm đã được đào luyện cách thích hợp, họ phải đem luật Chúa thấm nhập vào cuộc sống xã hội trần gian.” Hơn nữa, người giáo dân được khuyên nhủ là cũng đừng vì thế mà nghĩ rằng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể đưa ra ngay một giải pháp cụ thể cho từng vấn đề đang diễn ra, kể cả những vấn đề quan trọng; cũng đừng lầm tưởng đó là sứ mệnh chỉ dành cho các chủ chăn.” (X. Gaudium et Spes, số 43).

Sau cùng, hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay đã khẳng định rằng: “mọi tín hữu, giáo sĩ và giáo dân, cần có sự tự do chính đáng để nghiên cứu, suy tư cũng như để mạnh dạn và khiêm tốn trình bày quan điểm trong các lĩnh vực chuyên môn của họ.” (X. Gaudium et Spes, số 62).

Như vậy rõ ràng là lối vâng phục triệt để mà không đặt vấn đề, thiếu óc phê phán là cách diễn tả không thể chấp nhận được cho việc kính cản tuân phục mà Công đồng Vaticanô II yêu cầu các nơi tín hữu, khi đối diện với các giáo huấn khả ngộ (nghĩa là chưa chắc không thể không sai lầm) của huấn quyền. Sự kiện này, cùng với việc nhận thức rằng quyền giảng dạy luân lý của Giáo hội luôn được coi như chân lý, nhưng vẫn có thể bị đảo ngược bởi các lý chứng đối nghịch, giải thích tại sao, “nếu có đầy đủ lý lẽ và bằng chứng vững chắc, một người Công Giáo có thể chọn một lập trường bất đồng với một vài khía cạnh luân lý trong các giáo huấn của Giáo hội.”

Công đồng Vatican II đã khẳng định tính ưu việt của lương tâm (the primacy of conscience) trong mối liên hệ đúng đắn giữa lương tâm và huấn quyền giảng dạy trong các vấn đề luân lý.

Ở đây ta cũng cần nói thêm về quan điểm cho rằng giáo huấn chính thức của Giáo hội về các vấn đề luân lý là chuẩn mực đối với lương tâm Công Giáo, không có nghĩa điều đó sẽ trở thành cơ sở độc quyền cho các phán quyết luân lý, mà đúng hơn, việc ấy có nghĩa là người Công Giáo nên dành sự ưu tiên trước hết cho các điều huấn quyền đã dạy hơn là các ý kiến khác. Điều đó cũng có nghĩa là người Công Giáo phải xem các giáo huấn của Giáo hội như một yếu tố quan trọng, góp phần trong việc đưa ra các quyết định, mặc dù nó có thể không phải là yếu tố quyết định tiên quyết, khi mọi sự đều được xem xét. Hơn nữa, người Công Giáo cần phải chân thành nỗ lực để vượt qua bất kỳ ý kiến trái ngược nào, hầu có thể đạt được sự đồng thuận đối với các giáo huấn chính thức. Tuy nhiên, trong thực tế khi áp dụng giáo huấn của Giáo hội cho một tình huống xung đột, các yếu tố khác cũng phải được xem xét, ví dụ như hoàn cảnh, điều kiện hay ý hướng cùng với sự nhận thức chủ quan của tác nhân, sao cho phù hợp với các giá trị cơ bản do giáo huấn đề ra, vừa để đo lường hành vi cụ thể đã được quy định bởi các huấn lệnh của Giáo hội.

Có lẽ một ví dụ cụ thể sẽ làm sáng tỏ điểm này. Một cặp vợ chồng Công Giáo chấp thuận thẩm quyền giáo huấn của Giáo hội về đời sống hôn nhân và gia đình và muốn sống phù hợp với quy tắc đó, tuy biết rằng hiện tại, điều tốt nhất mà họ có thể làm để bảo vệ và gìn giữ hạnh phúc mái ấm gia đình là họ cần sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo. Họ chưa thể sống với những gì mà giáo huấn chính thức của Giáo hội giảng dạy về hôn nhân, dựa trên các giới hạn về khả năng luân lý cũng như các yếu tố giới hạn trong hoàn cảnh đời sống hôn nhân gia đình hiện nay. Sự chọn lựa sử dụng phương pháp tránh tránh thai nhân tạo là một phán quyết khôn ngoan của họ. Điều đó ta không nên lẫn lộn hoặc xem như đồng nghĩa với việc bất đồng quan điểm với giáo huấn của Giáo hội.

Trước khi chấm dứt cuộc phỏng vấn sáng hôm nay, một lần nữa, tôi xin chân thành và hết lòng cảm ơn anh Đặng Minh An (Phó Giám đốc chương trình Vietcatholic) và ca sĩ Như Ý đã tạo điều kiện và cho tôi có cơ hội để trình bày một số vấn đề quan trọng trong cuốn sách Lương Tâm mà tôi vừa cho xuất bản vào đầu tháng 12 năm 2021 tại Việt Nam.

Tôi ước mong và chân thành cầu chúc cho quý thính giả của chương trình Vietcatholic, các bạn trẻ, quý nam nữ tu sĩ và quý chủng sinh, cũng như quý giáo dân và độc giả tại Việt Nam sẽ khám phá ra những điều thú vị và hữu ích cho đời sống luân lý của chính mình, qua những gì mà tôi trình bày trong cuốn sách: LƯƠNG TÂM – Theo Quan Điểm Thần Học Luân Lý Công Giáo.

Sau cùng, tôi hy vọng sự ra mắt của tác phẩm này sẽ giúp cho quý vị có dịp đào sâu kiến thức về một chủ đề quan trọng trong nền thần học luân lý, đó chính là LƯƠNG TÂM.

Xin trân trọng kính chào toàn thể quý vị.
 
Kế hay: Đánh lừa ma quỷ khi trằn trọc mất ngủ. Lời khuyên của nhà trừ tà. Tân TGM Hán Thành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:42 17/12/2021


1. Đại sứ Đài Loan là khách mời danh dự tại triển lãm '100 cảnh Chúa Giáng Sinh' của Vatican

Đài Loan là khách mời danh dự tại lễ khánh thành triển lãm lần thứ tư về “100 cảnh Chúa Giáng Sinh ở Vatican”. Đại sứ Đài Loan tại Tòa thánh, ông Matthêu Lý Thế Minh (Lee Shieh-Ming, 李世明), cho biết ông rất vinh dự nhận được lời mời, “Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với chúng tôi rằng sự gặp gỡ của các nền văn hóa là cách tốt nhất để thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ, đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây, phù hợp với những lời dạy của Đức Thánh Cha, và tôi hy vọng rằng tất cả những điều này sẽ mang lại cho chúng ta nhiều hòa bình, tình huynh đệ và niềm vui”.

Sự kiện được tổ chức vào ngày 5 tháng 12 dưới hàng cột Bernini tại quảng trường Thánh Phêrô dưới sự chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc âm hóa.

Những người có mặt đã có thể đánh giá cao phần trình diễn của vũ đoàn Đài Loan Dương Vũ Lâm (Yang Yu Lin, 杨宇林) được Đức Tổng Giám Mục Fisichella đánh giá cao. Ngài nói: “Văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc không có ranh giới, chúng nói lên một thông điệp chung mà mọi người có thể hiểu để xây dựng những cây cầu”.
Source:Asia News

2. Nhật ký trừ tà số 145: Ma quỷ gây mệt mỏi

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #145: Demons of Fatigue”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 145: Ma quỷ gây mệt mỏi”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Khi chúng tôi bắt đầu phiên trừ tà, tôi cảm thấy khoẻ. Tuy nhiên, giữa cuộc trừ tà, tôi cảm thấy dường như toàn bộ sức lực của mình không còn nữa. Tôi hầu như không thể cử động hoặc nói chuyện. Tôi đã phải cố hết sức mình để đọc những lời cầu nguyện. Sau đó, người bị ám cũng nói, “Tôi cảm thấy rất, rất mệt mỏi.” “Điều này thật kỳ lạ,” tôi nghĩ, “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”

Sau đó, tôi chợt nhớ ra, chính đó là ma quỷ gây ra sự mệt mỏi này. Vì vậy, tôi đã ra lệnh cho “những con quỷ mệt mỏi” xuất ra. Tôi đã lặp đi lặp lại, “Các ác quỷ mệt mỏi, nhân danh Thánh của Chúa Giêsu, ta truyền cho các người cút đi.” Cuối cùng, sự mệt mỏi cũng vơi đi và cả hai chúng tôi đều quay trở lại với nhiệm vụ đang thực hiện.

Đây lại là một thủ đoạn khác của ma quỷ. Chúng cố gắng làm đủ mọi cách để ngăn chặn một cuộc trừ tà. Mưu mẹo này là đặc biệt tinh vi. Bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng ma quỷ có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi đến mức không thể di chuyển được.

Cách đây không lâu, một giáo dân phàn nàn với tôi rằng bất cứ khi nào anh ta cố gắng làm thừa tác vụ của mình, anh ta luôn cảm thấy mệt mỏi vô cớ. Nó tiêu hao năng lượng của anh ấy và anh ấy hầu như không thể hoạt động hiệu quả. Các chẩn đoán sau đó xác nhận là sự mệt mỏi chỉ đến với con người tràn đầy năng lượng này khi anh ta bắt đầu tác vụ của mình. Tôi nghi ngờ một nguyên nhân ma quỷ và đã nói với anh ta như vậy. Tôi đề nghị anh ấy sử dụng nhiều nước thánh cho bản thân và nơi làm việc của mình, đồng thời bắt đầu sứ vụ của mình bằng những lời cầu nguyện giải thoát hàng ngày.

Hầu hết các cơn kiệt sức đều có nguồn gốc sinh lý hay tâm lý, nhưng đôi khi chúng có nguồn gốc từ ma quỷ. Tôi nghi ngờ nhất khi nó xảy ra giữa một lễ trừ tà hoặc khi nó xảy ra bất ngờ khi một người bắt đầu làm các công việc thiêng liêng. Một số bác sĩ thậm chí đã khuyên các bệnh nhân bị chứng mất ngủ: Khi nằm trên giường mà không sao chợp mắt được hãy bắt đầu lần chuỗi Mân Côi. Giấc ngủ sẽ đến rất mau. Khi ma quỷ tuyệt vọng không muốn điều gì đó xảy ra, nó làm chúng ta kiệt sức, đây là một trong những mánh khóe tinh vi của chúng.
Source:CatholicExorcisms

3. Đức Tổng Giám Mục Hán Thành mới được nhậm chức, nhấn mạnh đến tính đồng nghị trong Giáo Hội

Trong thánh lễ nhậm chức Tổng Giám Mục Hán Thành, Đức Cha Phêrô Trọng Thuần Trạch (Chung Soon-taek, 정순택) đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo ra một Giáo Hội đồng nghị bằng cách đồng hành với mọi thành phần của cộng đồng Công Giáo.

Khoảng 600 người - đại diện cho giáo dân, giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và các quan chức chính phủ - đã tham dự buổi lễ nhậm chức của ngài vào ngày 8 tháng 12 tại nhà thờ chính tòa Mân Đông (Myongdong, 명동) vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, bổn mạng của Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc.

“Tôi muốn khuyến khích và đồng hành với tất cả những người trẻ trong khi biến Tổng giáo phận Hán Thành trở thành một Giáo Hội đồng nghị nơi tất cả giáo dân, linh mục và tu sĩ cùng chịu trách nhiệm và cùng nhau tiến bước với tư cách là con dân Chúa,” Đức Tổng Giám Mục Trọng nói trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách là người đứng đầu tổng giáo phận.

Đức Cha Phêrô Trọng, là một thành viên của Dòng Cát Minh, đã là Giám Mục Phụ Tá của Hán Thành từ tháng 12 năm 2013. Ngài kế vị Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (염수정, Andrew Yeom Soo-jung), 77 tuổi, đã nghỉ hưu vào tháng 10.

Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, Sứ thần Tòa thánh tại Hàn Quốc, đã đọc lá thư của Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Trọng là tân Tổng Giám Mục của Hán Thành. Sau đó, Đức Cha Phêrô Trọng tuyên thệ vâng lời, và nói rằng ngài sẽ làm theo thánh ý Chúa.

Trong bài phát biểu chúc mừng, Đức Hồng Y Anrê Liêm nói:

“Thiên Chúa đã cử Đức Tổng Giám Mục Trọng làm nhà lãnh đạo cần thiết nhất trong thời đại của chúng ta, đặc biệt là trong thời đại COVID-19 này. Chúng ta hãy cùng noi theo gương sáng cuộc đời của tất cả các vị thánh dưới sự lãnh đạo của Đức Tân Tổng Giám Mục mục”.

Sứ thần Tòa Thánh Xuereb cho biết ngài “chắc chắn rằng Đức Tổng Giám Mục Trọng sẽ tiếp tục thi hành chức vụ Giám Mục của mình với thái độ của một người mục tử khiêm tốn và khôn ngoan.”

Sứ thần Tòa Thánh đã cầu nguyện cho Đức Tân Tổng Giám Mục xin Chúa giúp ngài “công bố toàn bộ Tin Mừng và thúc đẩy các sáng kiến về hiệp nhất, hòa bình và hòa giải.”

Đức Cha Matthêu Lý Dũng Huân (Ri Iong-hoon, 이용훈) chủ tịch Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hàn Quốc, cho biết Đức Tổng Giám Mục Trọng “sẽ trở thành nhà lãnh đạo không chỉ cho tổng giáo phận Hám Thành mà còn cho toàn bộ cộng đồng Công Giáo ở Hàn Quốc.”

Vị Giám Mục 60 tuổi sinh tại Đại Khâu (Daegu, 대구시) đông nam Hàn Quốc, và học kỹ sư hóa học trước khi vào trường dòng. Ngài được thụ phong linh mục trong Dòng Cát Minh Nhặt Phép năm 1992.

Vị Tân Tổng Giám Mục cũng học Thánh Kinh tại Học viện Giáo hoàng Kinh thánh ở Rôma và là Giám tỉnh của Dòng Cát Minh tại Hàn Quốc.

Từ năm 2009 đến năm 2013, ngài là Tổng Phụ Trách vùng Viễn Đông và Châu Đại Dương của Dòng Cát Minh Nhặt Phép. Ngài cũng là chủ tịch ủy ban Giám Mục phụ trách mục vụ giới trẻ.

Theo thống kê năm 2017, Tổng giáo phận Hán Thành có diện tích 6,701 dặm vuông, tức là 17,355 km vuông và phục vụ 1.5 triệu người Công Giáo, chiếm 15% dân số. Tổng dân số của khu vực là 9.9 triệu người.

Năm 2017, tổng giáo phận có gần 1,000 linh mục, trong đó có 756 linh mục triều. Bên cạnh đó còn có 2,367 nam nữ tu sĩ.
Source:Crux
 
Tin vui cho Giáo Hội tại Pháp, Ý và Ba Lan. Tuyên bố kỷ luật cựu Giám Mục Tây Ban Nha bỏ ngang lấy vợ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:03 17/12/2021


1. Tuyên bố của Tòa Giám Mục Solsona về tình trạng của cựu Giám Mục Xavier Novell

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi đã đưa tin cựu Giám Mục Xavier Novell đã bỏ nhiệm sở để kết hôn với một tiểu thuyết gia viết truyện khiêu dâm có mầu sắc Satan. Điều đáng buồn là ông ta vẫn mặc phẩm phục Giám Mục và thực hiện nhiều hành vi, nhiều cuộc phỏng vấn với lập trường nghịch lại với giáo huấn của Hội Thánh mà chính ông ta trước đây đã từng rao giảng.

Trước các hoang mang trong dư luận về tình trạng của ông ta, Tòa Giám Mục Solsona, ngày 11 tháng 12, Đức Cha Román Casanova Casanova, Giám Mục Vic, kiêm Giám Quản Tông Tòa Solsona đã ra một tuyên bố toàn văn như sau.

Trong một diễn biến công khai và đầy tai tiếng, Giám Mục Xavier Novell i Gomà, nguyên Giám mục của Solsona, đã ký kết một cuộc hôn nhân dân sự với bà Sílvia Caballol i Clemente, vào ngày 22 tháng 11 năm 2021 tại thị trấn Súria, thuộc tỉnh Barcelona.

Trước thực tế nghiêm trọng này, cần lưu ý rằng Điều 1394.1 của Bộ Giáo luật Giáo Hội Công Giáo quy định rằng “một giáo sĩ mưu toan kết hôn, dù chỉ về mặt dân sự, sẽ bị đình chỉ latae sententiae.”, nghĩa là tức khắc bị đình chỉ không cần bất cứ tuyên bố nào.

Do đó, ngay từ thời điểm đó Giám Mục Xavier Novell i Gomà ký kết một cuộc hôn nhân dân sự, hậu quả được thấy trước trong giáo luật nói trên đã tự động diễn ra. Nghĩa là, mọi hành vi của quyền bính phẩm trật, quyền cai quản và việc thực hiện tất cả các quyền và chức năng vốn có trong chức giám mục (xem c. 1333.1) bị cấm, và các hậu quả nghiêm trọng khác cũng có thể xảy ra theo giáo luật.

Điều này có nghĩa là Giám Mục Xavier Novell i Gomà, trong khi vẫn còn tình trạng giám mục, không thể thực hiện bất kỳ chức năng nào xuất phát từ từ tình trạng đó; trong số những điều khác, ông ta không được phép thực hiện các bí tích và bất kỳ hoạt động giảng dạy nào, cả ở nơi công cộng và nơi riêng tư.

Ngày 11 tháng 12, 2021

+Đức Giám Mục Román Casanova Casanova

Giám Quản Tông Tòa Solsona



Source:Bisbat Solsona

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn y phép lạ do một nữ tu người Pháp cầu bầu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận một phép lạ do Chân phước Marie Rivier, một nữ tu người Pháp, là người đã thành lập một dòng tu trong thời kỳ xảy ra cuộc Cách mạng Pháp.

Phép lạ liên quan đến việc chữa lành một em bé sơ sinh ở Phi Luật Tân vào năm 2015 nhờ sự chuyển cầu của Chân Phước Rivier. Với phép lạ này, sơ Rivier sẽ được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo.

Theo Vatican News. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng, trong đó có sự tích tụ chất lỏng xung quanh phổi và tim.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y án tuyên thánh cho sơ Rivier, cùng với năm án tuyên thánh khác, trong một sắc lệnh vào ngày 13 tháng 12.

Sơ Rivier sinh ra ở miền nam nước Pháp vào ngày 19 tháng 12 năm 1768. Sơ bị khuyết tật suốt thời thơ ấu sau khi ngã khỏi giường khi mới chập chững biết đi và bị thương nặng ở hông.

Theo Bộ Tuyên thánh Vatican, chấn thương làm suy giảm sự phát triển của cô, khiến các khớp của cô sưng tấy và chân tay co rút. Sơ Rivier hầu như chỉ có thể đứng vững với sự trợ giúp của nạng.

Vấn đề sức khỏe của cô cũng cản trở cô trong đời sống tu trì. Năm 17 tuổi, một dòng tu, Dòng Nữ tu Đức Bà ở Pradelles, đã từ chối cô vì sức khỏe cô kém.

Rivier kiên trì và năm sau, cô mở một trường Công Giáo ở thị trấn Saint-Julien-en-Genevois ở biên giới Thụy Sĩ. Cô đã giúp đào tạo những phụ nữ thất nghiệp trong giáo xứ của mình và chăm sóc người bệnh và người nghèo.

Khi Cách mạng Pháp buộc các tu viện trên khắp nước Pháp phải đóng cửa. Nhiều linh mục và nữ tu phải tử đạo dưới triều đại khủng bố này. Trong hoàn cảnh đó, sơ Rivier đã thành lập một cộng đồng tôn giáo.

Năm 1796, Sơ thành lập Dòng Các Nữ Tu Đức Mẹ Đi Thăm Viếng, chuyên giáo dục các thiếu nữ theo đức tin. Dòng nhận được sự chấp thuận chính thức vào năm 1801 và mở rộng trên khắp nước Pháp.

Trong vòng vài thập kỷ sau cái chết của sơ Rivier vào năm 1838, giáo đoàn của sơ đã lan sang Canada và Hoa Kỳ. Ngày nay các Nữ tu Đức Mẹ Đi Thăm Viếng hiện diện khắp năm châu.

Tại lễ phong chân phước cho sơ vào năm 1982, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về sự nhiệt thành trong việc tông đồ của sơ Rivier trong và sau cuộc Cách mạng Pháp và đức tin của sơ trong tình trạng ốm yếu về thể chất.

“Bí mật của lòng nhiệt thành của Marie Rivier là gì? Người ta bị ấn tượng bởi sự dạn dĩ, sự kiên trì của sơ ấy, niềm vui lây lan và lòng can đảm”, Đức Gioan Phaolô II nói trong bài giảng của ngài.

“Cuộc đời của sơ cho thấy rõ sức mạnh của đức tin nơi một tâm hồn đơn sơ và ngay thẳng, tâm hồn phó thác hoàn toàn vào ân sủng của phép rửa. Sơ tin cậy Chúa đến cùng, và Ngài đã thanh tẩy sơ qua thập tự giá. Sơ cầu nguyện mãnh liệt với Đức Maria và cùng với sơ ấy, xuất hiện trước mặt Thiên Chúa trong một thái độ tôn thờ và dâng hiến”

Ngày phong thánh cho Rivier vẫn chưa được công bố.

Với sắc lệnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp thuận một phép lạ do Tôi tớ Chúa Maria Carola Cecchin, một nữ tu người Ý đã qua đời khi đang truyền giáo ở Kenya vào năm 1925.

Sinh năm 1877 tại Padua, Ý, Cecchin cũng gặp phải những vấn đề về sức khỏe khiến cô bị từ chối không được gia nhập dòng tu đầu tiên vào năm 18 tuổi.

Cecchin cuối cùng đã có thể gia nhập Dòng Nữ tu Giuseppe Benedetto Cottolengo ở Turin nhờ sự vận động của cha xứ và là linh hướng của cô.

Sau khi đi tu, Cecchin được gửi đến Kenya với tư cách là một nữ tu truyền giáo ở tuổi 28. Cô sẽ ở lại Kenya trong 20 năm. Cô qua đời vì bạo bệnh trên một con tàu hơi nước trong chuyến hành trình trở về Ý ở tuổi 48.

Với sự chấp thuận của phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của sơ ấy, Cecchin giờ đây có thể được phong chân phước.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã công nhận những nhân đức anh hùng của một linh mục truyền giáo người Ý ở Uganda là Cha Bernardo Sartori sinh năm 1897 qua đời 1983; một linh mục người Tây Ban Nha, Cha Andrés Garrido Perales sinh năm 1663 qua đời năm 1728; một linh mục Capuchin người Ý, Cha Carlo Maria da Abbiategrasso sinh năm 1825 và qua đời năm 1859; và một nữ tu người Ba Lan, Nữ tu Maria Małgorzata của Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu sinh năm 1896 và qua đời năm 1966.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Giáo Hoàng có thể đến thăm Canada vào năm 2022 như một phần của quá trình hòa giải, Đức Tổng Giám Mục nói

Sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên ý định của mình vào đầu năm nay để đến Canada như một phần của quá trình hòa giải quốc gia với các cộng đồng bản địa, một trong những vị lãnh đạo hàng đầu của Giáo Hội Canada đã cho biết chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có thể đến sớm nhất là vào năm tới.

Đức Cha Raymond Poisson của Saint-Jérôme và Mont-Laurier đồng thời là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, hiện đang ở Rôma cho các cuộc họp với các quan chức Vatican, nói với tờ Crux rằng Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Canada vào năm 2022.

Đức Cha Poisson nói, chuyến đi có thể sẽ được tổ chức ngay sau chuyến thăm của một phái đoàn bản địa Canada đến Rome, đã được lên kế hoạch cho tháng này, nhưng đã bị hoãn lại do sự xuất hiện của biến thể Omicron mới.

Theo Đức Cha Poisson, quyết định trì hoãn phần lớn do những học sinh cũ của các các trường nội trú dành cho người bản địa đưa ra. Hầu hết những người này đều ở độ tuổi tám mươi và do dự khi đi du lịch với sự gia tăng các trường hợp COVID liên quan đến biến thể Omicron. Cũng có lo ngại rằng vì chuyến thăm gần với lễ Giáng Sinh, nếu ai đó bị nhiễm bệnh và buộc phải cách ly khi trở về, họ sẽ bỏ lỡ kỳ nghỉ với gia đình.

Đức Cha Poisson cùng với các vị phó chủ tịch, tổng thư ký và phụ tá tổng thư ký của CCCB đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 9 tháng 12 để thảo luận tập trung vào chuyến tông du của Đức Thánh Cha và một phần vào các vấn đề địa phương khác ở Canada.

Theo Đức Cha Poisson, các giám mục Canada hiện đang thảo luận với Phủ Giáo hoàng, nơi quản lý chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha, để lên lịch lại chuyến viếng thăm Vatican của phái đoàn Canada, mà các ngài hy vọng sẽ diễn ra vào “mùa xuân năm 2022”.

“Điều cần thiết là phái đoàn này phải đến trước, bởi vì đó là một trải nghiệm không chỉ cho các đại biểu mà thôi, nhưng còn cho cả Đức Giáo Hoàng, được thực sự tiếp xúc với họ và họ với ngài có thể hiểu thêm cảm giác, di sản, và điều gì là cần thiết”

Nếu chuyến thăm của phái đoàn được dời lại vào mùa xuân, ngài nói, “có lẽ vào mùa hè, hoặc vào mùa thu, chuyến tông du của Đức Thánh Cha sẽ có thể thực hiện được”.

Vì Đức Thánh Cha Phanxicô thích thực hiện các chuyến đi quốc tế ngắn, tức là chỉ kéo dài vài ngày, thay vì một chuyến thăm kéo dài hàng tuần lễ, nên “việc chuẩn bị sẽ dễ dàng hơn,” Đức Cha Poisson nói.

“Chúng tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ xảy ra sớm, bởi vì chúng tôi muốn đẩy mạnh toàn bộ quá trình hàn gắn và hòa giải này”

Cảm xúc ở Canada đã tăng cao kể từ mùa hè năm nay, khi hài cốt của 215 trẻ em được phát hiện trong khuôn viên của các trường nội trú dành cho người bản địa ở Kamloops vào cuối tháng 5, thúc đẩy các cuộc tìm kiếm tại các trường học khác, và đã khai quật thêm hàng trăm thi thể.

Giữa sự phẫn nộ của công chúng, đã có áp lực buộc cả các giám mục Canada và Đức Giáo Hoàng phải đưa ra lời xin lỗi chính thức. Trong khi các cộng đồng tôn giáo riêng lẻ, những người chịu trách nhiệm về lịch sử đối với các trường học dân cư đã đưa ra lời xin lỗi trong những năm qua, thì không có lời xin lỗi nào ở cấp độ thể chế.

Cũng trong khoảng thời gian này, có thông báo rằng một phái đoàn chung gồm các giám mục Canada và các thành viên của các cộng đồng bản địa Métis, và Inuit của Canada, sẽ đến Rôma để gặp giáo hoàng. Chuyến thăm của phái đoàn đã bị đình trệ do sự bùng phát của COVID-19.

Vào tháng 10, Vatican đã thông báo ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Canada như một phần của quá trình hàn gắn với người dân bản địa, nhưng không đề cập đến ngày tháng hoặc liệu một lời xin lỗi có xảy ra hay không.
Source:Crux
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng 19/12/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
23:58 17/12/2021

BÀI ĐỌC I: Mk 5, 2-5a

“Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.

Bài trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người.

BÀI ĐỌC II: Dt 10, 5-10

“Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Bài trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”. Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 1, 38

All. All. – “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. – All.

PHÚC ÂM: Lc 1, 39-45

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.