Ngày 14-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một khởi điểm tốt
Lm. Minh Anh
00:32 14/12/2020
MỘT KHỞI ĐIỂM TỐT

“Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một phủ việt chỗi dậy từ Israel”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không thể tin được những gì chúng ta đọc thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Thay vì nguyền rủa và chúc dữ dân Chúa theo lệnh vua, Balaam, phù thuỷ ngoại giáo lại ngợi khen và chúc lành dân Người; thay vì trả lời câu hỏi của các kỳ mục, “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”, Chúa Giêsu đặt một câu hỏi như ‘một khởi điểm tốt’, buộc họ chọn lựa để tin nhận Ngài.

Sách Dân Số thuật lại câu chuyện kỳ thú của thầy pháp Balaam, từ chỗ ông bị sứ thần Thiên Chúa cản đường đến việc ông phải tuyên sấm lời của Thiên Chúa đặt trên môi miệng ông. Thần khí Chúa buộc ông nói; lạ lùng hơn, dẫu là một lương dân, ông lại tiên báo về một ngôi sao nhà đạo, một chồi lộc thông minh kiệt xuất sẽ đến từ dòng dõi Israel; và đây là ‘một khởi điểm tốt’ cho dân Chúa, “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một phủ việt chỗi dậy từ Israel”.

Lời sấm ấy đã nên hiện thực nơi chồi non Đavít, ngôi sao từ cội Giessê là chính Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay tường thuật những gì xảy ra sau khi Ngài đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ; các kỳ mục và kinh sư đến chất vấn Ngài, “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Thật tuyệt vời, Chúa Giêsu điềm tĩnh trả lời, dẫu lúc ấy, mặt Ngài đang nóng ran và tay Ngài hãy còn run với những sợi dây da; Ngài không nao núng, chẳng bồn chồn, nhưng nhân cơ hội này, Ngài muốn mặc khải cho các nhà lãnh đạo tôn giáo biết Ngài là ai, Ngài đưa họ đến chỗ phải chọn lựa. Bởi thế, thay vì trả lời, Ngài lại hỏi, “Phép lạ của Gioan bởi đâu mà có, bởi trời hay bởi người ta?”. Đặt câu hỏi này, Ngài không chạy trốn vấn đề, nhưng muốn nó trở thành ‘một khởi điểm tốt’ cho những ai thành tâm nhìn nhận Gioan là người được Thiên Chúa sai đến và may ra, họ nhận biết Ngài; bởi lẽ, Ngài biết, nhận định đúng đắn của họ về Gioan buộc họ nhìn nhận chân xác về Ngài; ủng hộ Gioan, họ sẽ ủng hộ Ngài; chống lại Gioan, họ sẽ chống lại Ngài, Đấng Gioan tiền hô.

Cho nên, đằng sau cái nửa bỡn nửa thực khôn khéo nhưng bất ngờ vốn như một ‘một khởi điểm tốt’ ấy, Chúa Giêsu đã hình thành cho họ một loạt câu hỏi kéo theo căn bản hơn, quyết định hơn, ‘Các ông tự hào là những người thông kim bác cổ Thánh Kinh, vậy thì Gioan Tẩy Giả không phải là tiếng kêu trong hoang địa, dọn đường Chúa, mà Isaia và các ngôn sứ báo trước sao?’; ‘Những lời này sẽ có ý nghĩa gì? ‘Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ nhất trong các thị tộc Giuđa, nhưng từ nơi ngươi, sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel, dân Ta’’; ‘Tôi không phải là ngôi sao mọc lên từ nhà Giacob, phủ việt trỗi dậy từ cội Israel như lời sấm của Balaam hoặc của Isaia sao?’; ‘Vậy thì ai sẽ là người tôi trung mà Thiên Chúa sai đến?’; ‘Các ông nghĩ, tôi là ai?’; ‘Tôi không phải là Đấng đến từ Thiên Chúa sao?’; ‘Tại sao các ông không tin?’.

Nhiều người bảo Chúa Giêsu quá lý sự; nhưng Ngài lý sự để làm gì, tại sao Ngài phải lý sự? Đâu phải ai cũng có thể lý sự, cũng như đâu phải, người ta cần lý sự với bất cứ ai… Chúa Giêsu lý sự không phải để hơn thua, nhưng cốt để giúp những kẻ chất vấn Ngài nhận ra chân lý; với Ngài, đó là ‘một khởi điểm tốt’. Đây là một đường lối sư phạm tài tình vốn chỉ có thể xuất phát từ một đời sống cầu nguyện, nhiệm hiệp với Chúa Cha; cũng là sự khôn ngoan của Thánh Thần vốn phát xuất từ một lòng thương xót sâu sắc đối với những ai cố chấp cứng lòng. Qua đó, một lần nữa, lòng xót thương của Chúa Giêsu được thể hiện, Ngài muốn cứu cả những kẻ chống báng Ngài.

Anh Chị em,

Ai là người tôi trung được Thiên Chúa sai đến? Gioan Thánh Giá hôm nay Giáo Hội kính nhớ như là người tôi trung được Thiên Chúa sai đến giữa thế kỷ 16 để cứu lấy nhà Kín Carmel. Như Balaam xưa, thay vì nguyền rủa anh em trong Dòng vốn đã hành hạ mình thì thánh nhân lại xin cho được ‘không ngày nào mà không phải chịu đau đớn, không có thập giá’; vì tình yêu đối với Chúa Giêsu, thập giá trở thành nguồn vui và niềm say mê của ngài; như Chúa Giêsu, Gioan Thánh Giá đã dùng thập giá đời mình để cải tổ tinh thần nhà Dòng bằng những đau đớn thể xác, tâm thần do chính anh em mình. Thánh giá và sự khổ đau đã trở thành ‘một khởi điểm tốt’ cho thánh nhân.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi biến cố cuộc đời, xin cho con nhận ra sứ điệp Chúa muốn gửi đến cho con; vì với Chúa, tất cả có thể là một ‘một khởi điểm tốt’ cho con mà qua đó, Chúa sẽ giải thoát con khỏi gông cùm tội lỗi và mọi thứ hư ảo”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 14/12/2020

4. Mỗi buổi tối, tất cả mọi việc thuộc về bản thân đã kết thúc, trước khi đi ngủ, thì nên xét mình kỷ lưỡng về ngôn hành của mình trong ngày.

(Thánh Basil)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 14/12/2020
8. NHỮ BÀNG NÓI GIỠN

Thái học La Nhữ Bàng người ở Ngã Huyện rất thích nói đùa và châm biếm người khác.

Lần đầu tiên ông ta đi lên kinh thành để du ngoạn, đúng lúc gặp các đại thần vào triều buổi sáng, lúc ấy các quan liêu tất tật đứng giữa đường bên ngoài đại viện lộ thiên của cung đình, còn các thứ lang (1) thì đứng chung quanh hành lang của cung điện, có người bất mãn nói:

- “Họ đã đứng trong lộ thiên, tại sao chúng ta còn đứng núp trong này?”

La Nhữ Bàng đứng bên cạnh, nói:

- “Trong sách Tử Bình không phải đã ghi rõ: [Làm quan phải lộ, lộ thì cao quý; tiền bạc phải ẩn, ẩn thì giàu có.] hay sao?”.

Mọi người đều che miệng mà cười.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 8:

“Làm quan phải lộ, lộ thì cao quý; tiền bạc phải ẩn, ẩn thì giàu có”, nhưng thời nay người làm quan cũng như người có tiền đều lộ ra bên ngoài: người làm quan thì đi xe hơi đời mới láng cóng, ăn nói trịnh trọng, kẻ hầu người hạ; người có tiền thì chơi nổi chơi ngông, đốt tiền cà ngàn tiền đô Mỹ trong một đêm với mấy gái điếm hạng sang, uống một ly rượu cả trăm đô.v.v...những cái lộ này đều nguy hại cho xã hội và cho chính bản thân của mình.

Thánh Giacôbê tông đồ nói: “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 18b), có nghĩa là ngài muốn người Ki-tô hữu chúng ta phải lộ đức tin ra cho mọi người biết, đừng nói suông nhưng hãy hành động, đừng biện minh là đức tin để trong tâm chứ không cần vẻ bên ngoài, cũng đừng nói tin thì có Thiên Chúa biết là được rồi !! Nhưng phải làm những gì mình đã nói, đó chính là lộ ra niềm tin của mình vào Đấng phục sinh là Đức Chúa Giê-su.

Đức tin biểu lộ ra bên ngoài bằng việc làm thì như ánh đèn chiếu sáng ai cũng nhìn thấy, đó là ngọn lửa yêu mến Chúa được Chúa Thánh Thần khơi dậy trong tâm hồn của chúng ta vậy !

(1) Chức quan dùng tiền để mua.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Số ít ỏi còn sót lại
Lm Minh Anh
23:14 14/12/2020
SỐ ÍT ỎI CÒN SÓT LẠI

“Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó và thiếu thốn,
họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ thật bất ngờ khi ngôn sứ Sôphônia khám phá ra cái linh cảm trong tâm tưởng của Thiên Chúa, linh cảm về một ‘số ít ỏi còn sót lại’giữa Israel dân Người; thế nhưng, chính ‘số ít ỏi còn sót lại’ ấy là mầm mống cho niềm hy vọng của dân. Cũng thế, Tin Mừng cho thấy cái linh cảm xa xưa của Chúa Trời nay trở nên hiện thực khi Chúa Giêsu nhận ra ‘số ít ỏi còn sót lại’ ấy nơi những con người tội lỗi nhận biết bản vị thiên sai của Ngài, đang khi các kỳ mục và tư tế thì không.

Sách Sôphônia cho thấy một viển cảnh hy vọng và mừngvui; dân tản lạc hồi hương, điều Thiên Chúa hứa được thực hiện, “Ngày đó, ngươi sẽ không còn phải xấu hổ vì các lỗi lầm đã phạm”. Thời lưu đày sẽ qua, ‘số ít ỏi còn sót lại’ của Israel sẽ quay về với Chúa, Đấng họ kêu cầu; họ không còn chạy theo thần ngoại, một chỉ còn tựa nương vào Chúa, Đấng hằng xót thương họ, “Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó và thiếu thốn, họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa”.Thánh Vịnh đáp ca cũng nói lên tâm tình đó, “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe”.

Trong Tin Mừng hôm nay, những người thu thuế và gái điếm là ‘số ít ỏi còn sót lại’ đó,họ tin vào Gioan, họ đón nhận Chúa Giêsu; đang khi những kẻ cho mình là công chính lại không tin như thế. Chúa Giêsu nói đến hai người con được cha sai đi làm vườn nho, một đứa nói ‘vâng’ nhưng lại không đi; một đứa nói ‘không’, nhưng lại hối hận mà đi. Và Ngài huỵch toẹt kết luận, “Tôi bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”.Qua đó, Ngài muốn nói với họ rằng, những người thu thuế và gái điếm đang trên đường nên thánh; còn họ thì không; như vậy, những người tội lỗi đã kịp nhận biết Chúa Giêsu là ai, còn ‘hạng công chính’dù thông tường mọi sự nhưng họ đã không nhận ra Ngài.

Đối với các kỳ mục và tư tế, tuyên bố của Chúa Giêsu thật khó tin; lòng kiêu hãnh của họ khiến họ không thể chấp nhận những lời này là một sự thật, bởi họ luôn đánh giá cao về bản thân cũng như mong đợi người khác đánh giá cao về họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã cắt bỏ tất cả những điều này bằng cách nâng cao ‘số ít ỏi còn sót lại’ là các cô gái điếm và những người thu thuế lên; thật là một ‘cái tát vào mặt’ đối với họ, nhưng là một cái tát cần thiết cho lợi ích phần rỗi đời đời.

Tại một phiên toà, công tố viên hỏi bị cáo, “Tù nhân trước vành móng ngựa! Anh bị buộc tội lôi kéo người ta không giữ luật, truyền thống và phong tục tôn giáo thánh thiện. Anh bào chữa thế nào?”, bị cáo đáp, “Thưa ngài, đáng tội”; “Và thường xuyên lui tới với bọn lạc giáo, gái điếm, thu thuế, những kẻ thực dân; tắt một lời, những kẻ bị tuyệt thông. Anh bào chữa thế nào?”, “Thưa ngài, đáng tội”; “Và công khai phỉ báng giới chức trong giáo hội. Anh biện hộ thế nào?”, “Thưa ngài, đáng tội”; “Cuối cùng, anh bị buộc tội sửa chữa, đặt lại vấn đề các tín điều ngàn đời. Anh biện hộ thế nào?”, “Thưa ngài, đáng tội”. “Này tù nhân, tên ngươi là gì?”, “Thưa ngài, Giêsu Kitô!”.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu đang ở về phía các tội nhân; Ngài là người con tuyệt vời của Cha, không một giây phút làm Cha buồn; Ngài không nói ‘vâng’, rồi lại không;chẳng nói ‘không’, rồi lại đi. Ngài luôn luônthưa‘vâng’ với những gì Cha muốn, dẫu phải chết tức tưởi trong ô nhục. Mùa Vọng là mùa chúng ta tỉnh thức để luôn trả lời ‘vâng’ với Thiên Chúa như Chúa Giêsu, người con thảo hiếu luôn làm đẹp lòng Cha. Đó là nên thánh trong từng giây phút đời thường của mình; và như thế, chính chúng ta là ‘số ít ỏi còn sót lại’ trên trần gian mà mỗi ngày Thiên Chúa đang chờ đợi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy tội lỗi mình hầu con biết khát khao sự thứ tha của Chúa. Xin giúp con hướng về Chúa ngay trong tội lỗi của con hầu cảm nghiệm được niềm vui và sự tự do của những ai bước vào vương quốc Ngài, vương quốc của những ‘số ít ỏi còn sót lại’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Xả súng thảm sát các Kitô hữu hát mừng Chúa Giáng Sinh tại New York
Đặng Tự Do
16:01 14/12/2020
Cảnh sát cho biết một người đàn ông đã bị cảnh sát bắn chết trên bậc thềm của một nhà thờ nổi tiếng ở thành phố New York hôm Chúa Nhật sau khi anh ta bắt đầu bắn bằng hai khẩu súng ngắn bán tự động vào cuối buổi hòa nhạc hợp xướng mừng Chúa Giáng sinh.

Tiếng súng bắt đầu ngay trước 4 giờ chiều ngày Chúa Nhật 13 tháng 12 tại Nhà thờ Saint John the Divine (Thánh Gioan Thiên Chúa), là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Anh Giáo New York.

Một buổi hòa nhạc kéo dài 45 phút được tổ chức trên các bậc thềm của nhà thờ vừa kết thúc và khi đám đông vài trăm người đang đứng dậy để về nhà thì tay súng này bắt đầu nổ súng, khiến nhiều người chạy xuống Đại lộ Amsterdam la hét trong kinh hoàng và nằm xuống vỉa hè tránh đạn.

Ủy viên cảnh sát New York Dermot Shea cho biết một thám tử, một trung sĩ và một cảnh sát có mặt tại sự kiện này đã bắn 15 phát đạn, giết chết tên hung thủ.

“Nhờ ơn Chúa mà ngày hôm nay không ai bị hề hấn gì ngoài tay súng bị bắn hạ”, ông nói.

Tay súng mặc đồ đen với khuôn mặt che khuất bởi chiếc mũ bóng chày màu trắng và khẩu trang. Hắn cầm một khẩu súng lục được xi bạc trong tay và một tay kia cầm một khẩu súng màu đen khi bước ra từ phía sau một cột đá ở đầu cầu thang.

Các nhân chứng nói với cảnh sát rằng người đàn ông đã la hét trong khi nổ súng, Shea nói. Tên của người đàn ông không được công bố ngay lập tức.

Shea cho biết, người đàn ông này có một tiền án lâu năm và đang mang một chiếc ba lô chứa một can xăng, dây thừng, dây kẽm, băng keo, dao và một cuốn Kinh Thánh cũ kỹ. Ủy viên cảnh sát gọi hành động của các viên chức cảnh sát là “anh hùng.”

Không rõ tay súng đang nhắm vào người dân đang chạy tán loạn hay chỉ mới bắn chỉ thiên.

Một video được đăng tải trên mạng xã hội bởi một người đứng gần đó cho thấy các viên chức cảnh sát đang cúi mình nấp sau một thùng rác và hét lên “bỏ súng xuống!” và bắn những phát súng nhắm cẩn thận vào người đàn ông trong ít nhất một phút rưỡi khi anh ta lao vào và lao ra từ phía sau một cây cột.

Một số thường dân sợ hãi nằm sấp ở dưới bậc thang, ôm chặt lấy nhau trong tiếng súng. Những người khác thu mình lại sau cột đèn. Họ đã chạy tìm nơi an toàn sau khi tay súng bị hạ gục bởi một phát đạn của một cảnh sát.

Phát ngôn viên của nhà thờ, Lisa Schubert, nói với The New York Times: “Kẻ xả súng có thể đã giết rất nhiều người. Có hàng trăm người ở đây và hắn đã bắn ít nhất 20 phát”.

Một phát ngôn viên khác của nhà thờ là Iva Benson cho biết qua email: “Thật là kinh khủng khi món quà mà dàn hợp xướng của chúng tôi dành cho Thành phố New York, một buổi chiều khi chúng ta rất cần có những bài hát và sự đoàn kết, đã bị kinh hoàng bởi hành động bạo lực gây sốc này”.

Nhà thờ chính tòa Anh Giáo ở New York là một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1892 và vẫn chưa hoàn thành. Nhà thờ đã được kết nối với nhiều danh lam thắng cảnh ở New York và các sự kiện đáng chú ý trong lịch sử lâu đời của nó. Tổng thống Franklin Delano Roosevelt từng là một thành viên trong quản trị.


Source:AP
 
Coronavirus tái phát kinh hoàng tại Nam Hàn làm tan biến hy vọng có các cử hành phụng vụ Giáng Sinh có công chúng tham dự
Đặng Tự Do
18:11 14/12/2020
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, gọi tắt là KDCA, hôm 13 tháng 12 đã báo cáo số trường hợp nhiễm coronavirus trong một ngày không ngừng tăng lên từ ngày 10 tháng 11 cho đến nay. Trong đợt bùng phát thứ nhất, ngày đen tối nhất là ngày 29 tháng Hai với 909 trường hợp nhiễm bệnh. Trong khi đó, hôm Chúa Nhật 13 tháng 12, số trường hợp nhiễm coronavirus trong một ngày đã tăng đến 1030 trường hợp. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh là do lây lan ở địa phương. Có 22 trường hợp do du khách từ Hoa Kỳ và Nga mang từ nước ngoài về. Hơn 70% các trường hợp địa phương tập trung ở khu vực Hán Thành.

Tổng thống Nam Hàn Quốc Văn Tại Dần, đây là một “tình huống khẩn cấp”.

Con số nhiễm bệnh trong một tuần qua được kể là cao nhất trong vòng 11 tháng. Sự gia tăng lây nhiễm phần lớn là kết quả của việc mọi người không tuân theo các quy tắc chống COVID-19 của chính phủ.

Cho đến nay, Hàn Quốc được coi là mô hình tích cực trong cuộc chiến chống lại loại coronavirus chủng mới, sử dụng cách truy tìm, xét nghiệm và kiểm dịch để giữ tỷ lệ hàng ngày dưới 50 trường hợp trong nhiều tháng. Đất nước chưa bao giờ áp dụng một cuộc đóng cửa hoàn toàn.

Trên dân số 52 triệu người, tổng số nhiễm bệnh là 43,484 người với 587 người chết.

Giờ đây, các bác sĩ và chuyên gia y tế cảnh báo về một đợt nhiễm trùng lớn hơn vào mùa đông này, khi thời tiết lạnh và khô và vi rút đường hô hấp sinh sôi trong khi hệ thống miễn dịch của con người nói chung yếu hơn.

Trong bối cảnh này hy vọng có các cử hành phụng vụ Giáng Sinh có công chúng tham dự đã hoàn toàn tan biến.


Source:Asia News
 
Ý nghĩa của Hang đá Giáng sinh tại Vatican
Thanh Quảng sdb
18:38 14/12/2020
Ý nghĩa của Hang đá Giáng sinh tại Vatican

Bộ tượng Sinh nhật bằng đồ gốm có kích thước như người thật, ẩn dấu một di sản văn hóa mà mắt thường không thể nhìn thấy ngay được, nói lên niềm phấn khích và đợi trông mà chúng mang lại, khi nhắc nhớ cho chúng ta biến cố hạ sinh của Chúa Hài nhi Giêsu.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Các tác phẩm điêu khắc đồ gốm to lớn này, được bày biện với ánh đèn chói chang được thắp sáng vào hôm thứ Sáu ngày 11 tháng 12 tại Quảng trường thánh Phêrô, khai mạc mùa Giáng sinh của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta sửa soạn mừng kỷ niệm và đợi chờ ngày quang lâm của Ngài đến lần thứ hai trong ngày cánh chung.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong giờ kinh Truyền Tin trưa hôm Chúa Nhật (13/12/2020), rằng sự mong đợi mà chúng ta cảm nhận trong cuộc hành trình đức tin là một niềm vui, trọng tâm của đời sống Kitô giáo. Đó cũng chính là niềm vui mà cảnh trí Giáng sinh ở Quảng trường thánh Phêrô này mong muốn mang lại... Nhưng cảnh Chúa giáng sinh đặc biệt này cũng nói lên một câu chuyện khác: một câu chuyện không nhận thức được bằng giác quan mà thôi...

Có lẽ chính câu chuyện ẩn dấu này đang dấy lên thắc mắc cho một số người nhìn ngắm, có lẽ họ có những phản ánh tiêu cực với những gì mà truyền thống về sự ra đời của Chúa Giêsu vẫn thường có.

Những bức tượng

Cảnh trí Chúa giáng sinh đương thời, được diễn tả khác một chút. Những bộ tượng Giáng sinh này, được hình thành trong một phần nhỏ của toàn bộ sưu tập 52 tác phẩm, nói lên cảnh trí Chúa giáng sinh bao gồm các bức tượng gốm có kích thước như người thật, được làm theo phong cách cổ điển của Castelli tại Ý, được quốc tế biết đến qua các tác phẩm nghệ thuật bằng gốm. Các sinh viên và giáo sư của Viện đại học Nghệ thuật F.A. Grue của thị trấn đã mất hơn mười năm để đắp và hoàn thành bộ tượng sưu tập này - từ năm 1965 đến năm 1975.

Có chỗ cho tất cả

Trong lá thư mang danh hiệu “Admirable Signum” (Dấu Hiệu Kỳ Diệu), được ký vào tháng 12 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô viết “Theo thông lệ, việc thêm nhiều nhân vật biểu tượng vào cảnh trí Chúa giáng sinh”… thì trên hết phải kể đến “Trẻ em - và người lớn! đến tôn thờ Chúa, còn những nhân vật khác không được tường thuật minh nhiên trong các tường thuật Giáng sinh của Phúc âm. Tuy nhiên, mỗi người theo cách thức riêng tư, bổ sung cho huyền nhiệm của mầu nhiệm mà Chúa Giêsu giáng sinh khai mở, trong hyền nhiệm này có chỗ cho mọi người và cho bất cứ những gì liên quan tới con người và các loài thụ tạo của Thiên Chúa.”

Lễ làm phép cảnh trí Chúa giáng sinh của Chúa, cùng với Cây thông Noel, một loại cây Vân Sam được đốn về từ một trong những khu rừng được bảo tồn kỹ càng nhất của xứ Slovenia, diễn ra với một số lượng người tham dự rất giới hạn, vì đại dịch coronavirus. Vì lý do này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “các biểu tượng của Giáng sinh” giờ đây hơn bao giờ hết là “dấu hiệu hy vọng cho người dân trong thành phố Rome và cho khách hành hương, những người có cơ hội đến chiêm ngưỡng chúng”.
 
Mỗi lần nói về phá thai, Đức Phanxicô đều bị làm ngơ
Vũ Văn An
18:49 14/12/2020

Trong tác phẩm mới được công bố đầu tháng 12 năm nay, tựa là “Chúng Ta Hãy Ước Mơ” (Let Us Dream), Đức Phanxicô chua chát mở đầu phần ngài nói về phá thai như sau: “Ý thức rằng nghe một vị giáo hoàng trở lại với chủ đề này sẽ làm phiền lòng nhiều người...”.

Nhà báo Sandro Magister nhận định: đúng như thế. Bất cứ khi nào ngài đụng tới chủ đề này, không những Đức Phanxicô không được báo chí tường thuật tích cực, mà còn bị họ làm ngơ một cách có hệ thống.



Tuy nhiên, gần đây, không những một lần mà liên tiếp nhiều lần, ngài lớn tiếng chống lại việc phá thai nhân dịp quê hương Argentina của ngài, dưới quyền lãnh đạo của Alberto Fernandez, thuộc khuynh hướng Peron, toan tính thông qua dự luật cho phép phá thai, một dự luật đã được hạ viện thông qua ngày 11 tháng 12 với 131 phiếu thuận, 117 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Chỉ còn chờ sự chấp thuận của thượng viện, nó sẽ trở thành luật.

Lần đầu, ngày 22 tháng 11, ngài viết thư tay cho một nhóm phụ nữ ở Buenos Aires hoạt động chống việc hợp pháp hóa phá thai từ năm 2018. Trong lá thư này, ngài nêu ra hai câu hỏi quan trọng: “Triệt hạ một đời sống con người để giải quyết một vấn đề có đúng không? Và có đúng không khi thuê một kẻ giết người để giải quyết một vấn đề?”

Lời lẽ nghiêm khắc chưa từng thấy như thế chắc chắn không phải là lời nói lỡ, vì ngài nhắc lại từng chữ điều ngài từng nói trong “Chúng Ta Hãy Ước Mơ”:

“Tôi không thể giữ im lặng về việc hơn 30-40 triệu đời sống chưa sinh đã bị vứt bỏ hàng năm bởi nạn phá thai, theo dữ kiện của Cơ Quan Y Tế Thế Giới. Quả đau lòng khi nhận thấy tại nhiều vùng được coi là phát triển, việc thực hành này thường được cổ vũ vì những đứa trẻ sắp sinh này bị khuyết tật hay không được dự hoạch. Nhưng sự sống con người không bao giờ là một gánh nặng cả. Nó cần được thích ứng, chứ không bị vứt bỏ.

"Phá thai là một sự bất công trầm trọng. Nó không bao giờ có thể nói lên cách chính đáng quyền tự chủ và quyền lực. Nếu quyền tự chủ của chúng ta đòi hỏi cái chết của người khác, thì quyền tự chủ đó chẳng khác gì một cái cũi sắt. Tôi thường tự hỏi mình hai câu hỏi: Triệt hạ một đời sống con người để giải quyết một vấn đề có đúng không? Và có đúng không khi thuê một kẻ giết người để giải quyết một vấn đề?

“Vị tiền nhiệm của tôi, Thánh Phaolô VI đã cảnh báo trong thông điệp‘ Humanae vitae ’năm 1968 về sự cám dỗ muốn coi mạng sống con người như một trong nhiều đối tượng mà những người có quyền lực và có học thức có thể thực hiện quyền thống trị. Nay, thông điệp của ngài mang tính tiên tri xiết bao! Ngày nay, chẩn đoán tiền sinh thường được sử dụng để loại bỏ những thai nhi bị coi là yếu hoặc kém giá trị".

Chưa hết. Ngày 1 tháng 12, trong một hội nghị qua video tại hạ viện Argentina để thảo luận về luật phá thai, linh mục José María “Pepe” Di Paola, một mục tử ở ngoại ô Buenos Aires và là bạn lâu năm của Đức Phanxicô, đã tường trình rằng ngài đã nhận được một lá thư từ Rôma, trong đó Đức Giáo Hoàng viết cho ngài như sau:

“Đối với tôi, sự méo mó trong việc hiểu phá thai chủ yếu phát sinh từ việc coi nó là một vấn đề tôn giáo. Vấn đề phá thai, trong yếu tính, không có tính tôn giáo. Đó là một vấn đề của con người hơn là một lựa chọn tôn giáo. Vấn đề phá thai phải được giải quyết một cách khoa học”.

Cha Pepe nói thêm rằng hạn từ “một cách khoa học” đã được Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh.

Còn nữa. Trong một bức thư viết tay khác vào ngày 1 tháng 12 gửi cho một nhóm cựu học sinh Argentina, Đức Phanxicô lặp lại một lần nữa hai câu hỏi thẳng thừng trên của ngài, bằng nguyên bản tiếng Tây Ban Nha như sau:

“1) ¿Es justo remover una vida humana para Resolutionver un problemma? Y 2) ¿Es justo alquilar un sicario para resolver un problema?”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng sở dĩ ngài nêu ra những câu hỏi này một lần nữa theo cùng một cách như trong cuốn sách “Chúng Ta Hãy Ước Mơ” chính vì ngài muốn chúng không chỉ đến tai Argentina mà còn đến tai “toàn thế giới”.

Toàn văn bức thư được sao lại dưới đây. Bởi vì điều cũng thú vị là biết Đức Phanxicô đã lên khuôn ra sao cho hành động phản kháng của ngài đối với việc phá thai. Phần khác, đọc bức thư, người ta hiểu tại sao, cho đến nay, ngài vẫn chưa nghĩ đến việc trở lại quê hương trong tư cách một giáo hoàng.

Thực thế, Đức Giáo Hoàng muốn nói rõ rằng điều quan trọng đối với ngài là đi vào bản chất của sự việc và nói trực tiếp với thế giới, chứ không can thiệp vào cuộc đấu tranh chính trị, ít nhất là với nền chính trị Argentina.

Cách riêng, Đức Phanxicô quan tâm nhấn mạnh đến việc tách xa ra khỏi hai người: khỏi cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, người mà ngài nói rằng ngài “không có liên lạc” kể từ khi bà rời nhiệm sở, và khỏi Juan Grabois, người tổ chức hàng đầu của “các phong trào quần chúng” vốn rất thân thiết với Đức Giáo Hoàng, và là người ngài đã bổ nhiệm làm cố vấn cho Bộ Phát triển Toàn diện Con người của Tòa thánh.

Và lý do –ngài viết - cho sự tách xa này là cả hai người đều tự cho mình gần gũi và thân thiện với Đức Giáo Hoàng hơn là trên thực tế. Với kết quả là giới truyền thông gán cho tôi, Phanxicô, không phải là “những gì tôi nói”, mà là những gì người khác “nói rằng tôi nói”.

Trong phần tái bút của bức thư, Đức Giáo Hoàng nhắc đến các đoạn 42-53 của thông điệp Fratelli Tutti, liên quan đến nhận định của ngài về các phương tiện truyền thông, trong đó các phụ đề chắc chắn không nhân từ chút nào: “Ảo tưởng truyền thông”; “Hung hãn vô liêm sỉ”; "Thông tin mà không có khôn ngoan"; "Các hình thức phục tùng và tự coi thường". Có lẽ với suy nghĩ về cách giới truyền thông đối xử với ngài, lúc thì đề cao ngài, lúc lại chỉ trích ngài, tùy theo những gì ngài nói. Ngay cả “L’Osservatore Romano” cũng hoàn toàn phớt lờ các bức thư viết tay của Đức Giáo Hoàng được trích dẫn trên đây, với những lời lẽ nghiêm khắc chống phá thai của chúng.

Đối với tất cả những điều trên, cần phải nói thêm rằng các giám mục Argentina - được đào tạo rõ ràng bởi vị giáo hoàng đồng hương - cũng đã tham gia lĩnh vực chống lại luật phá thai với một sự hăng hái lớn lao hơn nhiều so với trước đây, bằng việc khuyến khích giáo dân tham gia các cuộc tuần hành gây ấn tượng để bảo vệ sự sống được tổ chức vào ngày 28 tháng 11 trước tòa nhà quốc hội.

Và điều này cũng giống như ở châu Âu, ở một Ba Lan ngày càng ít Công Giáo hơn, các giáo hội đang bị bao vây và các giám mục đang bị biến thành trò cười của một cuộc phản đối quần chúng – một cuộc phản đối được hỗ trợ một cách trắng trợn bởi nghị quyết ngày 26 tháng 11 của quốc hội châu Âu – khi chống lại lệnh của tòa án tối cao Ba Lan về việc hợp pháp hóa phá thai dựa trên ưu sinh.

Thư Của Đức Phanxicô Gửi Các Học Trò Cũ Ở Argentina

1 tháng 12 năm 2020

Các bạn thân mến,

Cảm ơn các bạn vì tin nhắn. Tôi rất vui khi nhận được nó và tôi cũng rất vui vì các bạn rất quan tâm đến những điều tốt đẹp của quê hương. Tình yêu quê hương đất nước là một giá trị căn bản, nó biểu lộ tình yêu đối với cha ông của quê hương đất nước, tình yêu đối với truyền thống, tình yêu đối với người dân của quê hương. Đôi khi (nhìn vào một số quốc gia ở Châu Âu) tôi nghĩ: hơn tình yêu đối với quê hương, điều rõ ràng là tình yêu dành cho “công ty” đang điều hành đất nước... và khi thấy điều đó, tôi nhớ đến bài thơ của Jorge Dragone: “quê hương của chúng ta đã chết".

Tôi phải thú nhận với các bạn rằng tôi không biết mọi điều đang diễn ra ở đó một cách chi tiết. Phủ quốc vụ khanh cập nhật tôi về các vấn đề quốc tế mỗi tuần một lần. Họ làm tốt điều này và với các cuộc họp. Ở đó, tôi hiểu phần nào về những điều diễn ra ở Argentina, và thú thực một số điều trong số đó khiến tôi lo lắng. Tôi không có thư từ nào với các chính trị gia; chỉ thỉnh thoảng tôi mới nhận được thư từ của những người trong chính trị, nhưng rất ít; và câu trả lời của tôi không làm tôi can dự vào cuộc đấu tranh chính trị hàng ngày nhưng thay vào đó, có tính mục vụ và giáo dục. Một trong những thư gần đây nhất đặt ra vấn đề phá thai, và tôi đã trả lời như tôi vẫn làm (kể cả trong cuốn sách mới nhất của tôi “Chúng Ta Hãy Ước Mơ”, xuất bản hôm nay); vấn đề phá thai chủ yếu không phải là vấn đề tôn giáo, mà là vấn đề nhân bản, một vấn đề đạo đức của con người trước khi có bất cứ tuyên xưng tôn giáo nào. Và tôi đề nghị đặt hai câu hỏi: 1) Triệt hạ một đời sống con người để giải quyết một vấn đề có đúng không? Và 2) Thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề có đúng không? Tôi buồn cười khi ai đó hỏi, "Sao Đức Giáo Hoàng không cho Argentina biết ý kiến của ngài về việc phá thai?" Bởi vì tôi không làm gì khác hơn là để cả thế giới (bao gồm cả Argentina) biết về nó, khi giờ đây, tôi đã là giáo hoàng.

Và việc này liên quan đến một vấn đề khác. Nói chung, những gì được biết ở đó không phải là những gì tôi nói, mà là những gì họ nói rằng tôi nói, và điều này dựa trên các phương tiện truyền thông, như chúng ta biết rất rõ, tự hành xử dựa trên các lợi ích phiến diện, đặc thù hoặc đảng phái. Về điều này, tôi tin rằng những người Công Giáo, từ giám mục đoàn đến các tín hữu của một giáo xứ, đều có quyền biết giáo hoàng thực sự đã nói những gì... chứ không phải những gì truyền thông bảo ngài nói; ở đây hiện tượng kể lại đóng một vai trò lớn (thí dụ: anh chàng nọ nói với tôi anh chàng kia nói điều này... và cứ thế dây chuyền tiếp diễn). Với phương pháp truyền thông như thế, trong đó mỗi người thêm hoặc bớt một điều gì đó, các kết quả đáng ngờ đã đạt được, giống như câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ kết thúc tại một chiếc bàn, nơi cô và bà cô ăn món hầm ngon lành nấu bằng thịt chó sói. Việc “kể lại” diễn tiến như thế đó.

Hai lần người ta nhắc đến mối liên hệ của tôi (gần gũi, tình bạn) với bà de Kirchner. Lần cuối cùng tôi tiếp xúc với hai cựu tổng thống (bà và ông Macri) là khi họ còn đương nhiệm. Sau đó tôi không hề liên lạc với họ. Đúng là kiểu nói “Tôi là một người bạn tốt của” hoặc “Tôi thường xuyên liên lạc với” rất đang được các trò chơi ở Buenos Aires sử dụng, và đây không phải là lần đầu tiên tôi xin lỗi phải nói với các bạn như vậy (tôi xin nói nói đùa với các bạn rằng tôi chưa bao giờ có “nhiều bạn như thế” như bây giờ).

Về “quyền tư hữu”, tôi không làm gì khác ngoài việc lặp lại học thuyết xã hội của Giáo hội. Đúng là một số người lấy những nhận xét này để cải cách hoặc giải thích chúng theo quan điểm của họ. Về mặt này, Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II, đã có một số phát biểu còn cứng rắn hơn. Tôi tin rằng trong các giáo xứ và trong các trường học Công Giáo, học thuyết xã hội của Giáo hội chưa được giải thích đầy đủ, đặc biệt là đường hướng phát triển từ Đức Lêô XIII cho đến nay; đây là lý do tại sao có rất nhiều nhầm lẫn. Một vị giám mục thánh thiện, người mà án phong thánh đã được khởi đầu, từng nói: “Khi tôi chăm sóc người nghèo, họ nói tôi là một vị thánh; nhưng khi tôi hỏi về nguyên nhân của việc có quá nhiều nghèo đói thì họ gọi tôi là một người cộng sản ”.

Tiến sĩ Grabois, trong nhiều năm, là thành viên của Bộ Phát triển Con người Toàn diện. Về những gì người ta cho rằng ông nói (nói rằng ông là bạn của tôi, rằng ông đang liên lạc với tôi, v.v.) Tôi xin các bạn một điều; đối với tôi điều này là điều quan trọng. Tôi cần bản sao của những tuyên bố trong đó ông nói điều này. Nhận được chúng sẽ giúp đỡ tôi rất nhiều.

Chà, bức thư này có lẽ đã dài. Tôi đã cân nhắc nhiều lần về các chữ ký... và nhớ từng chữ một. Có ai trong các bạn là ông cố chưa? Và tôi quay trở lại những năm 64-65 và những hình ảnh rất thân thương “chạm” đến trái tim, trong khi câu cầu chúc của Gerardo Diego gần như vô thức vang lên. Đối với tôi, điều này cũng là việc quay về nguồn.

Cảm ơn các bạn vì đã viết cho tôi. Tôi cầu nguyện cho các bạn và gia đình các bạn; Tôi yêu cầu các bạn vui lòng tiếp tục làm như vậy cho tôi.

Xin Chúa Giêsu ban phước cho các bạn và xin Đức Trinh Nữ rất thánh bảo vệ các bạn. Thân ái,

Francisco

Tái bút: Còn nhiều điều tôi nói về các phương tiện truyền thông trong Fratelli tutti các số 42-53.
 
First Things: Joe Biden là tay sát thủ giết hại thai nhi tàn bạo nhất trong lịch sử Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
20:10 14/12/2020

Joe Biden thường tự xưng mình là người Công Giáo, luôn đeo tràng chuỗi Mân Côi bên người. Tuy nhiên, trên tờ First Things, luật sư Kenneth Craycraft, và đồng thời là Giáo sư Thần học Luân lý tại Chủng viện và Trường Thần học Mount St. Mary của Los Angeles cho rằng chính quyền do ông ta lãnh đạo sẽ là chính quyền Mỹ giết hại các thai nhi hung hăng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Không chỉ bảo vệ cho cái gọi là “quyền phá thai”, Joe Biden còn cố bắt mọi người “phải đồng tâm nhất trí ủng hộ phá thai, không có bất cứ thỏa hiệp nào, không thảo luận gì cả, không có ngoại lệ gì cả”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đã có các dự đoán cho rằng, chính quyền của ông ta sẽ là chính quyền hung hăng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ về vấn đề phá thai, và Joe Biden, người được giả định sẽ đắc cử tổng thống, đang hiện thực hoá một cách đầy đủ các dự đoán ấy. Việc ông ta bổ nhiệm Bộ Trưởng Tư Pháp California Xavier Becerra làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh là một thể hiện cụ thể cam kết của Biden trong việc áp đặt các chính sách phá thai cực đoan, áp chế lên công chúng Mỹ. Với tư cách là Bộ Trưởng Tư Pháp California, Becerra đã là một công cụ của ngành công nghiệp phá thai. Biden đã hậu tạ cho sự ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông ta của ngành công nghiệp phò phá thai bằng cách bổ nhiệm Becerra, là người phát ngôn và người bênh vực không chính thức của Planned Parenthood. Việc lựa chọn Becerra không liên quan gì đến các chính sách chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ, nhưng mọi thứ chỉ liên quan đến việc thực thi các chương trình nghị sự phá thai triệt để.

Với bằng cử nhân kinh tế và bằng luật của Đại học Stanford, Becerra không có chứng chỉ hoặc chuyên môn nào về y học, sức khỏe cộng đồng hoặc bất kỳ chuyên ngành nào khác liên quan đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Là một chính trị gia chuyên nghiệp ở cấp tiểu bang và liên bang, ông ta chẳng có bất kỳ trình độ nào cho trách nhiệm đứng đầu bộ máy hành chính liên bang với trọng trách chăm sóc sức khỏe quốc gia. “Trình độ” duy nhất của ông ta là tích cực tham gia vào các hoạt động ủng hộ phá thai. Và việc Becerra được đề cử làm người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh chứng tỏ cho chúng ta thấy thâm ý của Joe Biden là muốn rằng khả năng các hoạt động phá thai được tài trợ công khai và vô phương kiểm soát sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự về “sức khỏe” công cộng trong chính quyền Biden. Việc này được giao cho Becerra, và nếu được xác nhận, hắn ta sẽ thực hiện nó một cách tàn bạo.

Trong suốt hai mươi bốn năm ở Hạ viện Hoa Kỳ, Becerra liên tục nhận được điểm tuyệt đối từ Planned Parenthood và NARAL Pro-Choice America. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, không có thành viên Quốc hội nào vượt qua được Becerra về mặt nhiệt tình ủng hộ phá thai vì bất kỳ lý do nào thậm chí phá thai ngay vào lúc đứa bé sắp chào đời. Không có gì ngạc nhiên khi Planned Parenthood tán thành sự lựa chọn này, và gọi Becerra là “nhà vô địch trong nhiều thập kỷ” về “quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục”. Planned Parenthood ca ngợi Becerra vì đã “chiến đấu” để phá thai được tài trợ công khai theo yêu cầu và không có ngoại lệ.

Becerra không bằng lòng với việc chỉ đơn giản là bảo vệ quyền tiếp cận với các dịch vụ phá thai. Khi đánh giá nhiệm kỳ của ông ta với tư cách là Bộ Trưởng Tư Pháp California, chúng ta có thể thấy rằng với tư cách là Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, ông ta chắc chắn sẽ nhấn mạnh rằng những người bất đồng chính kiến với phá thai phải bị trừng phạt và những ai phản đối phá thai phải bị truy tố. Khi kế nhiệm Kamala Harris làm Bộ trưởng Tư Pháp California vào năm 2017, Becerra đã tích cực áp dụng các chính sách và các hoạt động ủng hộ phá thai của Harris. Điển hình là hắn ta đã tiếp tục truy tố hình sự nhà báo công dân David Daleiden vì phóng sự điều tra kiểu 60 Phút của anh ta — chỉ vì nó vạch trần hành vi buôn bán các bộ phận cơ thể thai nhi của Planned Parenthood.

Becerra cũng đại diện cho California trong vụ kiện về việc tiểu bang bảo vệ không thành công “Đạo luật Tự do Sinh sản, Trách nhiệm Giải trình, Chăm sóc Toàn diện và Minh bạch”, gọi tắt là FACT. Đạo luật FACT yêu cầu các trung tâm trợ giúp các phụ nữ đang mang thai nhưng gặp khủng hoảng vì cuộc sống phải đăng các thông báo quảng cáo cho các phòng khám phá thai và cung cấp tài liệu quảng cáo thông tin cho khách hàng về các dịch vụ phá thai và tránh thai miễn phí gần đó. Đạo luật FACT đã biến California trở thành cơ quan tiếp thị và quảng cáo cho Planned Parenthood và các cơ sở phá thai khác, và sẽ buộc các trung tâm trợ giúp mang thai phải đồng lõa trong chiến dịch của mình. Đạo luật đã bị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác bỏ vào năm 2018, nhưng nó chứng tỏ mức độ trung thành của Becerra đối với ngành công nghiệp phá thai. Quan trọng hơn, nó thể hiện cam kết của hắn ta trong việc buộc mọi người đều phải có tư tưởng phá thai cực đoan, kể cả những người có thiện chí phản đối việc phá thai. Đạo luật FACT không nhằm bảo vệ quyền tiếp cận phá thai; đó là việc áp đặt một chương trình nghị sự về đạo đức và chính trị. Mọi người phải đồng tâm nhất trí ủng hộ phá thai, không có bất cứ thỏa hiệp nào, không thảo luận gì cả, không có ngoại lệ gì cả.

Ngay cả Thẩm Phán vào thời đó là Anthony Kennedy, là người có thành tích ủng hộ phá thai đến mức miễn tranh cãi, cũng đã lên án Đạo luật vì “mối đe dọa nghiêm trọng... khi áp đặt thông điệp phá thai này lên trên quyền tự do phát biểu, suy nghĩ và diễn đạt của các cá nhân. Vì trong trường hợp này, tiểu bang về cơ bản đang bó buộc các trung tâm trợ giúp mang thai phải quảng bá thông điệp quảng cáo phá thai mà tiểu bang ưa thích.” Thẩm Phán Kennedy nhấn mạnh rằng “Điều này buộc các cá nhân phải mâu thuẫn với niềm tin sâu sắc nhất của họ, đó là những niềm tin dựa trên các giới luật triết học, đạo đức hoặc tôn giáo cơ bản, hay tất cả những điều này”.

Năm 2017, Becerra gia nhập với tiểu bang Pennsylvania trong vụ kiện dòng Chị Em Hèn Mọn Của Người Nghèo lên tòa án liên bang, cố gắng buộc dòng tu này phải tạo điều kiện và tài trợ cho việc phá thai và tránh thai cho các nhân viên giáo dân theo Đạo Luật Chăm Sóc Giá Cả Phải Chăng, gọi tắt là ACA, của Obama. Các nữ tu đã giành chiến thắng 7-2 đầy cam go tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2020. Nhưng Biden đã nói rằng chính quyền của ông ta sẽ kiện các nữ tu một lần nữa. Nếu được xác nhận là người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Becerra sẽ có trách nhiệm thực hiện lời hứa tiếp tục cuộc đàn áp đó. Ông ta sẽ giám sát việc hình thành và thực thi các chính sách theo ACA nhằm tìm cách buộc người sử dụng lao động phải tài trợ và tạo điều kiện cho việc phá thai và tránh thai cho nhân viên của họ bất chấp sự phản đối lương tâm đối với các thủ tục đó. Đây là sự ép buộc mà Planned Parenthood đang nhiệt liệt hô hào.

Năm 2007, Becerra đã đồng tài trợ một dự luật tại Quốc hội nhằm yêu cầu những người sử dụng nhân công lao động nào phải trả tiền thuốc theo toa trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe của họ cũng phải chi trả cho việc tránh thai. Và hắn ta đã bỏ phiếu chống lại Đạo luật Bảo vệ Lương tâm năm 2016, vì đạo luật này sẽ cấm chính phủ liên bang không được cắt giảm các quỹ liên bang dành cho các bệnh viện Công Giáo và các cơ sở khác chỉ vì họ từ chối thực hiện phẫu thuật phá thai. Đối với Becerra, việc bảo vệ quyền tiếp cận phá thai là chưa đủ. Là cậu bé sai vặt của Planned Parenthood, hắn ta sẽ khăng khăng buộc người nộp thuế phải tài trợ cho phá thai; và hắn sẽ quyết liệt từ chối tài trợ cho những người chăm sóc sức khỏe không chịu uốn cong đầu gối.

Việc đề cử Becerra làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh không phải là về chính sách chăm sóc sức khỏe. Nó là về việc áp đặt một hệ tư tưởng cứng nhắc, cực đoan, phò phá thai lên đất nước và ân thưởng Planned Parenthood vì đã ủng hộ chiến dịch tranh cử của Biden. Planned Parenthood đang tung ra các giai điệu. Biden, Harris và Becerra sẽ nhảy múa theo.


Source:First Things
 
VietCatholic TV
Ý: Hàng triệu tượng Chúa Hài Đồng được làm phép trong Chúa Nhật Hồng – Không khí rộn rã tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:13 14/12/2020


Bất kể sự bùng phát đáng báo động của đại dịch coronavirus, hôm Chúa Nhật 13 tháng 12, quảng trường Thánh Phêrô đã đông hẳn hơn các ngày Chúa Nhật khác. Thời tiết thật đẹp và quảng trường được trang trí huy hoàng với cây thông và cảnh Giáng Sinh. Tuy nhiên, lý do chủ yếu nhất cho sự đông đảo này là vì hôm nay là Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng mà theo một truyền thống đã được bắt đầu từ ngày Chúa Nhật 21 tháng 12, năm 1969, các trẻ em mang những tượng Chúa Hài Đồng đến cho Đức Giáo Hoàng làm phép. Truyền thống này tiếng Ý gọi là “Bambinelli”.

Trước khi chúng tôi tường thuật buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm nay, xin mạn phép trình bày bài huấn dụ lịch sử của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục hôm 21 tháng 12, 1969, là bài huấn dụ đã khai mở truyền thống tốt đẹp kéo dài trong suốt 51 năm qua này.

Huấn đức trưa Chúa Nhật 21/12/1969

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục nói như sau:

Anh chị em thân mến, chúng ta đang tiến gần đến lễ Giáng Sinh.

Trong số rất nhiều công việc chuẩn bị, chúng ta vui mừng khi thấy nhiều người đang làm các cảnh Chúa Giáng Sinh: trong nhà nguyện, trong trụ sở của các cơ quan, những nơi tôn vinh danh Chúa, và đặc biệt là trong các gia đình tốt lành và hạnh phúc với sự hiện diện của trẻ em và người trẻ.

Máng cỏ Giáng Sinh làm cho sống động ký ức về sự kiện trọng đại là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Cảnh Chúa Giáng Sinh tiêu biểu cho những gì đã diễn ra tại Bê Lem với sự đơn giản chân thực và chất phác; và nó trở thành một khung cảnh truyền giáo, nó trở thành một bài học trong tinh thần Kitô giáo, cũng như một thông điệp về văn hóa và truyền thống. Máng cỏ Giáng Sinh cho chúng ta biết Chúa Giêsu muốn bước vào thế giới của chúng ta như thế nào: nghèo nàn, nhỏ bé, bị những người tha thiết với các giá trị trần tục của trái đất này từ chối. Chúa Giêsu đã đến như thế để những người nghèo, những người bé nhỏ, những người bị ruồng bỏ có thể là những người đầu tiên đến gần Ngài.

Ngài đến để biến mình thành quà tặng cho chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, mọi trở ngại, mọi sợ hãi; và ngay lập tức mang đến cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về thiên đàng, về vẻ đẹp không gì sánh được và niềm vui tối thượng: trong đó có vinh quang Thiên Chúa, và hòa bình cho nhân loại.

Trong những dấu chỉ khiêm tốn, quá quen thuộc nhưng quá cao siêu này, đã có một khúc dạo đầu cho cuộc sống mới, khúc dạo đầu sơ đẳng đến nỗi ngay cả trẻ em cũng hiểu được. Các em biết rằng điều đáng giá là lòng nhân lành, sự giản dị, biết quý trọng mọi thứ như một ân sủng đến từ Thiên Chúa, và như những gì chúng ta có thể dâng cho Thiên Chúa.

Chúng ta cảm thấy thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống phức tạp và trần tục, cảm thấy hồn nhiên, cảm thấy tất cả là bạn bè và anh chị em với nhau. Chúng ta cùng được sưởi ấm trong lò sưởi của tình yêu tốt đẹp và trong sáng, và chúng ta cảm thấy một chút hiểu biết hơn về tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc lữ hành trần thế của chúng ta, cuộc sống của chúng ta theo thời gian, và trên trái đất này.

Máng cỏ thật đẹp phải không các trẻ em? Có đúng không, các bạn nhỏ? Vâng, máng cỏ thật đẹp; và vì thế, cha sẽ ngay lập tức ban phép lành, từ cửa sổ này, cho các bức tượng Chúa Hài Đồng của các con, và sau đó cha sẽ đi xuống quảng trường, để làm phép cho cảnh Giáng Sinh.

Huấn đức trưa Chúa Nhật 13/12/2020

Chúa nhật 13 tháng 12 là Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng, Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật Vui Mừng trong đó Phụng Vụ bắt đầu với bài ca nhập lễ sau: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì Chúa đã đến gần.”

Bài Tin Mừng theo Thánh Máccô cho chúng ta biết như sau về sứ vụ của Thánh Gioan Tẩy Giả:

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lời mời gọi hãy vui lên là đặc điểm của Mùa Vọng, mùa mong đợi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Sự chờ mong chúng ta đang sống là một niềm vui, giống như khi chúng ta chờ đợi sự viếng thăm của một người mà chúng ta rất yêu quý, chẳng hạn như một người bạn, hay một người thân mà lâu rồi chúng ta không được gặp. Chúng ta đang sống trong niềm vui mong đợi. Và chiều kích của niềm vui này dâng trào cách đặc biệt vào ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, được mở đầu với lời khích lệ của Thánh Phaolô trong bài Ca Nhập Lễ “Hãy luôn vui mừng trong Chúa” (x. Pl 4: 4,5). “Hãy vui lên!” Đó là niềm vui của người Kitô hữu. Và lý do của niềm vui này là gì? Thưa vì “Chúa đã gần đến” (câu 5). Chúa càng gần chúng ta, chúng ta càng vui mừng; Ngài càng xa, chúng ta càng buồn. Đây là một quy tắc dành cho các tín hữu Kitô. Có lần một triết gia đã nói đại loại như thế này: “Tôi không hiểu làm thế nào đến ngày hôm nay mà bạn còn có thể tin được, bởi vì những người nói rằng họ tin đều có khuôn mặt ngái ngủ. Họ không làm chứng cho niềm vui về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”. Rất nhiều Kitô hữu với khuôn mặt như thế, vâng, khuôn mặt ngái ngủ, khuôn mặt của nỗi buồn. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô yêu mến anh chị em! Mà sao anh chị em không có niềm vui? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này một lúc và tự hỏi: “Tôi có vui mừng vì Chúa ở gần tôi, vì Chúa yêu tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi không?”

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta một nhân vật trong Kinh thánh. Ngoại trừ Đức Mẹ và Thánh Giuse, ông là người đầu tiên và có nhiều kinh nghiệm nhất trong nỗi chờ mong Đấng Mêsia và trong niềm vui khi thấy Người đến. Cố nhiên, chúng ta đang đề cập đến đến Thánh Gioan Tẩy Giả (x Ga 1:19-28).

Vị Thánh Sử giới thiệu Thánh Gioan Tẩy Giả một cách trang trọng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến […] Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (câu 6-7). Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân đầu tiên của Chúa Giêsu, bằng lời nói và bằng mạng sống mình. Tất cả các sách Phúc âm đều đồng ý rằng thánh nhân đã hoàn thành được sứ mệnh của mình bằng cách chỉ ra cho mọi người thấy Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Đấng Thiên Sai mà các tiên tri đã loan báo. Trong thời của mình, Thánh Gioan Tẩy Giả là một nhà lãnh đạo. Danh tiếng ngài đã lan rộng khắp miền Giuđêa và xa hơn nữa, đến tận miền Galilê. Nhưng ngài đã không đầu hàng dù chỉ trong phút chốc trước cám dỗ thu hút sự chú ý về phía mình; trái lại thánh nhân luôn hướng về Đấng sẽ đến. Ngài nói: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (câu 27). Ngài luôn hướng sự chú ý đến Chúa, cũng như Đức Mẹ trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Luôn luôn đặt Chúa ở trung tâm. Các thánh là những người luôn loan báo Chúa cho mọi người. Những ai không loan báo Chúa thì không phải là thánh!

Đây là điều kiện đầu tiên của niềm vui Kitô: đừng đặt bản thân mình ở trung tâm, nhưng đặt Chúa Giêsu ở trung tâm. Đây không phải là sự tha hóa bản thân, bởi vì Chúa Giêsu thực sự là trung tâm, Ngài là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mọi người nam nữ đã đến trong thế gian này. Chính năng động của tình yêu này khiến tôi đi ra khỏi chính mình, không phải để đánh mất chính mình, nhưng để tìm thấy chính mình trong khi trao ban chính mình cho tha nhân, và tìm kiếm điều tốt đẹp của người khác.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã đi một chặng đường dài để làm chứng cho Chúa Giêsu. Con đường của niềm vui không phải là một cuộc dạo chơi. Cần phải làm việc để luôn có niềm vui. Thánh Gioan Tẩy Giả đã bỏ tất cả mọi thứ, từ khi còn trẻ, để đặt Chúa lên trên hết, để lắng nghe Lời Ngài bằng cả lòng trí và sức lực của mình. Thánh Gioan Tẩy Giả rút vào sa mạc, tước bỏ mọi thứ phù phiếm, để được tự do dõi theo làn gió của Chúa Thánh Thần. Tất nhiên, một số tính cách của ngài là độc đáo, không thể lặp lại, và không phù hợp với tất cả mọi người. Nhưng lời chứng của ngài là mẫu mực cho bất cứ ai muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình và niềm vui thực sự. Đặc biệt, Thánh Gioan Tẩy Giả là gương mẫu cho những ai trong Giáo Hội được mời gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm như vậy khi tách biệt khỏi chính mình và khỏi tinh thần thế gian, không thu hút mọi người chú ý đến với mình nhưng hướng mọi người đến với Chúa Giêsu. Niềm vui là thế này: là định hướng nơi Chúa Giêsu. Và niềm vui phải là dấu chỉ đức tin của chúng ta. Ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, niềm vui nội tâm là biết rằng Chúa ở với tôi, Chúa ở với chúng ta, Chúa đã sống lại. Chúa! Chúa! Chúa! Đây là trung tâm cuộc sống của chúng ta, và đây là trung tâm của niềm vui của chúng ta. Hôm nay anh chị em hãy suy nghĩ kỹ điều này: Chúng ta nên cư xử như thế nào? Chúng ta có phải là người vui mừng, biết cách truyền đạt niềm vui khi trở thành một Kitô hữu không, hay chúng ta luôn giống như những người buồn bã, mà tôi đã đề cập trước đó, những người với khuôn mặt ngái ngủ? Nếu tôi không có niềm vui vì đức tin của mình, tôi sẽ không thể làm chứng và những người khác sẽ nói: “Nhưng nếu đức tin mà buồn hiu như thế, chẳng thà đừng có thì hơn”.

Giờ đây, khi chúng ta đọc kinh Truyền Tin, chúng ta thấy tất cả những điều này được hiện thực viên mãn nơi Đức Trinh nữ Maria: Mẹ yên lặng chờ đợi Lời cứu độ của Thiên Chúa; chào đón, lắng nghe, và đón nhận. Trong Mẹ Chúa trở nên gần gũi. Vì lý do này, Giáo hội gọi Đức Maria với tước hiệu “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu Rôma và những người hành hương.

Một cách đặc biệt, tôi chào đón nhóm đại diện cho các gia đình và trẻ em Rôma, nhân dịp ban phép lành “Bambinelli”, một dịp do Trung tâm mục vụ giới trẻ Rôma tổ chức. Năm nay có ít các bạn ở đây vì đại dịch, nhưng tôi biết rằng nhiều trẻ em và thanh niên đang tập trung trong các nguyện đường và trong nhà của họ và theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Tôi gởi lời chào thăm từng người và chúc phúc cho những bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng sẽ được đặt trong máng cỏ, là một dấu chỉ của hy vọng và niềm vui. Trong thinh lặng, chúng ta hãy chúc lành cho các trẻ nhỏ: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi các bạn cầu nguyện tại nhà, trước máng cỏ với gia đình, hãy để cho mình được lôi cuốn bởi sự dịu dàng của Chúa Giêsu Hài Đồng, chào đời trong nghèo khó và mong manh giữa chúng ta, để ban cho chúng ta tình yêu của Người.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ, đừng quên vui lên nhé! Kitô hữu phải có niềm vui trong lòng, ngay cả trong thử thách; chúng ta vui mừng vì được ở gần Chúa Giêsu: chính Người đem lại niềm vui cho chúng ta. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và chào tạm biệt anh chị em!


Source:Libreria Editrice Vaticana

Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tại sao nhiều người Mỹ yêu mến Tổng thống Trump? Một giải thích từ lịch sử cận đại Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:03 14/12/2020

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ First Things ngày 4 tháng 12, 2020, ngài cho rằng Tổng thống Trump có một tầm nhìn chiến lược khi cho rằng các cuộc bổ nhiệm thẩm phán ở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có một tầm quan trọng sống còn đối với các chính sách phò sinh và tự do tôn giáo ở Mỹ. Ba bổ nhiệm thẩm phán của Tổng thống Trump tại Tối Cao Pháp Viện và hàng loạt các bổ nhiệm khác vào các tòa Phúc Thẩm Liên Bang của ông đã tái định hình nền chính trị Hoa Kỳ. Chính vì thế, theo Cha Raymond J. de Souza, Tổng thống Trump đã, đang và sẽ tiếp tục giành được tình cảm quý mến của các tín hữu truyền thống, bất kể những gì sẽ xảy ra.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Supremacy of the Court
by Fr. Raymond J. de Souza
Tầm quan trọng tối thượng của Tòa án


Phán quyết về quyền tự do tôn giáo lúc nửa đêm từ Tối Cao Pháp Viện vào tuần trước — trong vụ Giáo phận Công Giáo Brooklyn kiện Thống đốc Cuomo — xác nhận lý do tại sao Tổng thống Donald Trump, dù thế nào, vẫn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Tổng thống Trump hiểu rõ hơn hàng lãnh đạo của Đảng Cộng hòa, mà ông thay thế, rằng các cuộc bổ nhiệm thẩm phán có tầm quan trọng tối cao đối với các cử tri ủng hộ cuộc sống và tự do tôn giáo.

Cần phải nhớ lại lịch sử, vì nó giải thích cho chúng ta thấy chính đường lối mạnh dạn trước các ưu tiên cốt lõi của các tín hữu truyền thống đã mở ra cánh cửa cho Tổng thống Trump và cho việc tái định hình nền chính trị Mỹ.

Năm 1987, khi chủ tọa phiên điều trần xác nhận Thẩm Phán Robert Bork, Joe Biden đã áp dụng một thứ chính trị duy quyền lực vào việc đề cử các thẩm phán. Biden, với sự trợ giúp khét tiếng của Ted Kennedy, đã ngăn chặn Bork với lý do đơn giản rằng Bork không đồng ý với triết lý tư pháp của mình. Họ đã bỏ phiếu để ngăn chặn anh ta - để “bork” [hãm hại] anh ta thực sự. Đó là điều họ đã làm.

Tổng thống Ronald Reagan lại đi thưởng cho Biden bằng cách cử Anthony Kennedy lên thay Bork (sau khi người được đề cử tiếp theo, là Douglas Ginsburg, rút lui). Trong ba mươi năm tiếp theo, Kennedy đã miệt mài trung thành với giấy phép phá thai được yêu thích của Biden và trưng diện cho bản thân mình vai trò làm cha đẻ cho việc thiết lập hôn nhân đồng giới như một quyền hiến định.

Tổng thống tiếp theo là George HW Bush còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta hãy quay trở lại thời điểm ba mươi năm trước khi xảy ra bổ nhiệm thẩm phán đầu tiên của Tổng thống George HW Bush. Nó rơi vào thời điểm Thẩm Phán William Brennan, nhà lãnh đạo của cánh cấp tiến tại Tối Cao Pháp Viện, nghỉ hưu. Ông ta được Thẩm Phán Antonia Scalia gọi là “vị thẩm phán có ảnh hưởng nhất của thế kỷ”. Tổng thống Dwight Eisenhower, người đã bổ nhiệm cả Thẩm Phán Brennan lẫn Chánh án Earl Warren, đã nói một câu thật chua chát rằng “Tôi đã phạm hai sai lầm, và cả hai cái sai lầm của tôi đều đang ngồi trong Tối Cao Pháp Viện”.

Ba mươi bốn năm sau khi Brennan gia nhập Tối Cao Pháp Viện, Tổng thống Bush [Cha] lại phạm phải cùng một sai lầm tương tự. Ông có hai lựa chọn là Thẩm phán Edith Jones, là Amy Coney Barrett vào thời đó, và một tay khó lường trước được là David Souter. Tổng thống Bush đã không nắm bắt được cơ hội quan trọng để lật đổ sự dẫn đầu của phe cấp tiến tại Tối Cao Pháp Viện, như Tổng thống Trump sẽ làm ba mươi năm sau đó.

Tổng thống Bush đã chọn Souter, là người được người ta kháo rằng là một người bảo thủ cách kín đáo. Tổng thống Bush sau đó phải thừa nhận rằng việc bổ nhiệm Souter là một “sai lầm lớn” vì Souter là một lá phiếu đáng tin cậy cho các vấn đề cấp tiến và đồng lõa với Kennedy trong các vấn đề xã hội. Tổng thống Bush nói với người viết tiểu sử mình là Jon Meacham rằng tức điên hơn nữa là ông đã có cảm giác bất an vào thời điểm đó: “Tôi ngần ngại không muốn đặt Souter vào ghế thẩm phán, nhưng sau tôi còn kinh hãi hơn khi khám phá thấy hắn ta là một thứ Earl Warren - sau khi hắn ta đã ngồi vào tòa án. Hắn ta đã hành xử y hệt như thế.” [Earl Warren (sinh ngày 19 tháng Ba, 1891; qua đời 9 tháng Bẩy, 1974) là Chánh Án thứ 14 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Ông được tổng thống Cộng Hòa Dwight Eisenhower bổ nhiệm nhưng lại thường đứng về phe của đảng Dân Chủ]

Năm 1992, khi Souter tham gia cùng Kennedy để bảo vệ “sự nắm vững những điều thiết yếu” của Roe trong vụ Planned Parenthood kiện Casey, tin tức này khiến Biden rơi nước mắt vì sung sướng trước kết quả bất ngờ, ông ta “cười, la hét và ôm thượng nghị sĩ phò phá thai Warren Rudman tại một nhà ga công cộng của một tuyến đường sắt” bởi vì, “đôi khi, có những kết thúc thật đáng mừng”

Tổng thống Bush sửa chữa sai lầm vào năm sau đó bằng cách đề cử Clarence Thomas thay thế Thurgood Marshall, bất chấp mọi nỗ lực của Biden nhằm bác bỏ bổ nhiệm này.

Mười lăm năm sau, đến lượt Tổng thống George W. Bush, là người đã đưa ra hai bổ nhiệm vào năm 2005. Người đầu tiên, John Roberts, thay thế Sandra Day O'Connor. Đây là cơ hội để thay đổi một lá phiếu nghiêng ngả bằng một lá phiếu bảo thủ đáng tin cậy. (Roberts được nâng lên thành chánh án khi William Rehnquist qua đời trước khi Roberts được xác nhận thay thế vị trí của O'Connor.)

Nhưng hóa ra là bản thân Roberts cũng lại có xu hướng lung lay, ông ta đã bỏ phiếu để duy trì Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng và trong những trường hợp khác, ông ta tham gia với nhóm tứ tấu tự do của Tối Cao Pháp Viện khiến cho họ dành được đa số. Đầu năm nay, Roberts đã tham gia cùng những người theo chủ nghĩa cấp tiến để duy trì các hạn chế liên quan đến việc thờ phượng tại California trong bối cảnh đại dịch coronavirus. Đó là một quyết định đã được tòa án đảo ngược một cách hiệu quả vào tuần trước trong vụ Giáo phận Công Giáo Brooklyn kiện Cuomo. Lần này, Roberts vẫn đứng về phía những người cấp tiến, nhưng với việc Thẩm Phán Barrett đã thay thế bà Ruth Bader Ginsburg quá cố, những người theo chủ nghĩa cấp tiến cộng với Roberts giờ đây chỉ còn là thiểu số.

Chính sự đề cử thứ hai của Tổng thống Bush vào năm 2005 đã mở ra cơ hội để Tổng thống Trump đưa việc đề cử các thẩm phán trở thành một phần cốt lõi trong lời kêu gọi của ông đối với các cử tri Đảng Cộng hòa đang bất mãn. Tổng thống Bush đề cử Harriet Miers, một người bạn Texas của ông, cũng là một cựu luật sư riêng và Cố vấn Tòa Bạch Ốc. Bảng câu hỏi đề cử của cô được đệ trình lên Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã được trả lại trên cơ sở lưỡng đảng vì các câu trả lời của cô quá thiếu sót. Biểu hiện thiếu năng lực này của cô và khả thể là cô sẽ rơi vào đâu đó giữa O'Connor và Souter, về cơ bản, đã dẫn đến một cuộc nổi dậy của những người bảo thủ trong Đảng Cộng Hòa. Đối mặt với sự bất mãn quá lớn từ những người ủng hộ mình, Tổng thống Bush đã rút lại đề cử này và cử Samuel Alito thay thế. Samuel Alito là người được cộng đồng luật pháp bảo thủ tin tưởng.

Mười lăm năm sau, lúc Ginsburg qua đời khi còn đang tại chức, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ đề cử một nữ thẩm phán. Miers nhu nhược, và Edith Jones đã già đều không có cơ hội.

Một trong những sáng kiến chính trị hiệu quả nhất của Tổng thống Trump trước khi đắc cử là công bố một danh sách các ứng cử viên có triển vọng được bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện. Trên thực tế, đó là một lời hứa rằng những ngày tháng trong đó những đề cử theo kiểu dĩ hòa vi quý của Tổng thống Bush đã kết thúc. Sẽ không có Souter hay Miers dưới thời Tổng thống Trump.

Nếu Tổng thống Bush mà đưa được Miers vào Tối Cao Pháp Viện, thì phán quyết tuần trước chống lại lệnh của Thống đốc Andrew Cuomo giới hạn việc tham dự ở các nhà thờ rất có thể đã đi theo hướng khác, với cả Roberts và Miers ngả theo phe cấp tiến. Thật vậy, rất có thể với Miers trên sân thay vì Alito, một chuỗi dài các quyết định 5-4 trong mười lăm năm qua sẽ đi theo hướng khác.

Hãy nhớ lại rằng trước khi Tổng thống Trump đánh bại Hillary Clinton, ông đã từng đánh bại một ứng cử viên vĩ đại khác của Đảng Cộng Hòa vào năm 2016, là Thống đốc Jeb Bush. Tổng thống Trump đưa ra các dấu chỉ cho thấy rằng ông sẽ không kéo dài tình trạng bổ nhiệm các thẩm phán có “năng lượng thấp” như trong chính sách của Tổng thống Bush đối với các bổ nhiệm thẩm phán. Việc Tổng thống Trump thực hiện lời hứa đó – cũng như việc người Công Giáo và người Do Thái ở Brooklyn hiện có thể thờ phượng mà không bị áp đặt các giới hạn phân biệt đối xử - là lý do chính khiến Tổng thống Trump tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ những tín hữu truyền thống.


Source:First Things
 
Thánh Ca
Emmanuel - Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
VietCatholic
07:04 14/12/2020