Ngày 12-12-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng A
Lm. Anthony Trung Thành
10:28 12/12/2016
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng A

“Ở-cùng-chúng-ta” là tên gọi đặc biệt của Thiên Chúa. Đó là lời tiên báo của tiên tri Isaia sống trước Đức Giêsu 700 năm, ông khẳng định rằng: “Này đây một Trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta." (x. Is 7,14).

Thật vậy, từ khi dựng nên con người, Thiên Chúa luôn tìm mọi cách để ở với con người. Ngài ở với con người qua công trình sáng tạo (x. St 1,1-31). Ngài lấy bùn đất và thổi sinh khí để dựng nên con người (x. St 2,7). Ngài lấy xương sườn ông Adong để dựng nên bà Evà (x. St 2,18-25). Khi con người sa ngã phạm tội, chính Ngài có mặt ở đó và hứa ban Đấng Cứu Thế. Ngài phán với con rắn rằng:“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (x. St 3,15). Trong lúc chờ đợi thực hiện lời hứa đó, Thiên Chúa đã ở với con người bằng cách: “Ngài đã tuyển chọn Abraham, và Ngài đã ký kết một giao ước giữa Ngài với ông và dòng dõi của ông, Ngài đã làm cho họ trở thành dân của Ngài và ban cho họ Luật của Ngài qua tay Môsê. Nhờ các tiên tri, Ngài đã chuẩn bị dân Ngài đón nhận ơn cứu độ dành cho toàn thể nhân loại.” (GLHTCG số 72).

Và, “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.”(Gl 4,4-5). Theo chương trình đã định trước, Tin mừng hôm nay kể lại cho chúng ta về biến cố truyền tin cho ông Giuse (x. Mt 1, 18-24). Qua biến cố này, Thánh sử Mathêu xác nhận cho chúng ta thấy về gốc tích của Đức Giêsu và về vai trò của Thánh Giuse. Đức Giêsu sinh bởi bà Maria do quyền năng Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse được chọn làm Cha nuôi của Đức Giêsu. Như vậy, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa thực sự ở với loài Người. Ngài mang trong mình dòng máu nhân loại và ở với loài người bằng xương bằng thịt trong suốt thời gian ba mươi ba năm: Ba mươi năm sống đời ẩn dật; ba năm đời sống công khai. Trong ba năm đó, Ngài đi rao giảng Tin mừng khắp mọi nơi, Ngài gặp gỡ tiếp xúc với mọi hạng người. Đặc biệt, Ngài quan tâm giúp đỡ những người nghèo khó, ốm đau, bệnh tật. Nhờ Ngài mà “người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó.” (x. Mt 11,5).

Trước khi về trời, Ngài còn tuyên bố: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (x. Mt 28,20). Ngài ở lại với chúng ta qua Giáo Hội, nơi Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục là những người đại diện cho Ngài ở trần gian này; Ngài ở lại với chúng ta qua Lời của Ngài như chính Ngài đã nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23); Ngài ở lại với chúng ta qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56); Ngài ở lại với chúng ta nơi những người nghèo, những người bé mọn (x. Mt 25, 31-46) và trong chính tâm hồn của mỗi chúng ta, vì thân xác của chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (I Cor 3, 16).

Như vậy, vì tình thương nên Thiên Chúa đã tìm mọi cách để ở với loài người. Thánh Phaolô trong bài đọc II, đã cảm nhận sâu sắc ơn gọi làm Tông đồ của Ngài là nhờ Đức Giêsu, Ngài nói: “Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.”(x. Rm 1,5). Qua đó, Ngài cho biết: “Cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.”(x. Rm 1,6). Vì thuộc về Đức Giêsu Kitô nên Ngài ước mong cho mọi người chúng ta được nên thánh (x. Rm 1,7). Phần chúng ta, có bao giờ chúng ta cảm nhận được hạnh phúc có “Chúa - ở - cùng” chúng ta hay không? Có bao giờ chúng ta cảm nhận được ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta là nhờ Đức Giêsu hay không? Khi chúng ta cảm nhận được điều đó, chúng ta mới có thể chu toàn ơn gọi làm người kitô hữu, làm tông đồ của Chúa và ơn gọi nên thánh như Thánh Phaolô.

Thiên Chúa ở với loài người không những để chia sẻ, ban ơn, nâng đỡ loài người mà còn là mẫu gương tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống gia đình, để vợ chồng, cha mẹ con cái có thể chu toàn bổn phận làm người kitô hữu, làm tông đồ và nên thánh, thiết tưởng mỗi thành viên trong gia đình cần cố gắng ở với nhau, hiện diện cùng nhau trong mọi sinh hoạt của cuộc sống.

Nhưng, trong thời buổi kinh tế thị trường, vợ chồng, cha mẹ, con cái hiện diện bên cạnh nhau thường xuyên là một điều hết sức khó khăn. Lý do có lẽ vì công ăn việc làm, vì việc học hành. Tôi đã thấy đa số các gia đình, nhất là ở thành phố: vợ đi làm ca ngày, chồng đi làm ca đêm, con cái đi học xa nhà…Đó là chưa nói tới các trường hợp vợ hoặc chồng phải đi xuất khẩu lao động, cả hai người phải xa nhau lâu năm lâu tháng. Vì thế, ít khi các thành viên trong gia đình gặp nhau một cách đầy đủ. Chính vì xa nhau qúa lâu, vợ chồng thiếu thốn tình cảm, gặp nhiều cám dỗ, nên có rất nhiều cặp vợ chồng bị đỗ vỡ.

Vì vậy, cần phải tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình hiện diện bên cạnh nhau, để cầu nguyện với nhau, chia sẻ, nâng đỡ với nhau khi vui khi buồn, nhất là các thành viên giúp nhau vượt qua những khó khăn đau khổ trong cuộc sống. Điều này, chúng ta học nơi gia đình Thánh Gia. Sau khi nghe Thiên thần báo mộng, Thánh Giuse đã mau mắn rước Đức Mẹ về nhà mình, và từ đó các Ngài hiện diện cùng nhau trong những vui buồn sướng khổ của cuộc sống: Khi Đức Mẹ sinh Đức Giêsu nơi hang đá; khi dâng Đức Giêsu vào đền thánh; khi đưa Hài Nhi trốn sang Ai cập; khi đưa Hài Nhi trở về quê quán; khi đi lên Giêrusalem để dự lễ; khi Trẻ Giêsu bị lạc mất, hai ông bà cố gắng đi tìm. Cuối cùng, hai ông bà cũng tìm thấy Hài Nhi đang đàm đạo với các bậc vĩ vọng ở trong Đền Thờ. Đức Cha Gaillot nhận định rất chí lý rằng: “Sống rộng lượng là tốt, nhưng ‘sống với’ tốt hơn; công việc từ thiện là cần thiết, nhưng ‘hiện diện bên cạnh’ cần thiết hơn.”

Để các thành viên có thể “hiện diện bên cạnh” nhau, xin đề nghị các thành viên trong gia đình cần thực hiện bốn cùng: cùng ăn cơm chung, cùng cầu nguyện chung, cùng làm việc chung, cùng nhau giải trí. Nếu không thể thực hiện được trọn vẹn bốn cùng trên đây thì hãy cố gắng tạo điều kiện để thỉnh thoảng gặp gỡ nhau, cầu nguyện và giải trí cùng nhau.

Lạy Đấng Emmanuel, xin tiếp tục hiện diện và đồng hành với chúng con để chia sẻ, quan tâm và giúp đỡ chúng con trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Bài giảng II Mùa Vọng năm 2016 của cha Cantalamessa
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ
10:29 12/12/2016
CHÚA THÁNH THẦN VÀ ĐẶC SỦNG PHÂN ĐỊNH

Bài giảng II Mùa Vọng năm 2016 của cha Cantalamessa

Chúng ta hãy tiếp tục suy tư về công trình của Chúa Thánh trong đời sống Giáo Hội và người Kitô hữu. Thánh Phaolô đề cập đến một đặc sủng đặc biệt của Thánh Thần gọi là “đặc sủng phân định các thần khí” (x. 1 Cr 12,10). Ban đầu, câu này có một nghĩa rất rõ ràng: nó muốn nói đến hồng ân giúp phân biệt những lời thuộc linh hứng hoặc ngôn sứ được ban cho một cộng đoàn, chúng đến từ Thần Khí của Chúa Kitô hay đến từ những thần khí khác, như thần khí của loài người, hoặc thần khí của ma quỷ, hoặc thần khí của thế gian.

Đối với thánh Gioan, đây là ý nghĩa nền tảng. Ơn phân định hệ tại trong việc cân nhắc “các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (1 Ga 4,1). Đối với Phaolô, tiêu chuẩn nền tảng cho ơn phân định là tuyên xưng Đức Kitô là “Chúa” (1 Cr 12,3); đối với Gioan, đó là tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng “đã đến trong xác phàm” (1 Ga 4,2), nghĩa là tin vào Nhập Thể. Nơi Gioan, ơn phân định đã bắt đầu giữ một vai trò thần học như là tiêu chuẩn nhờ đó để phân định những giáo huấn chân chính với những giáo huấn sai lầm, chính thống với lạc đạo, mà sau này nó trở thành trung tâm điểm.

1- Ơn phân định trong đời sống xã hội

Có hai phạm vi mà hồng ân này giúp phân định tiếng nói của Chúa Thánh Thần cần được thực hành: phạm vi Giáo Hội và phạm vi cá nhân. Trong phạm vi Giáo Hội, ơn phân định các thần khí được Huấn Quyền thực hiện, tuy nhiên, phải luôn để ý đến tiêu chuẩn khác, đó là “cảm thức đức tin.”

Nhưng tôi muốn dừng lại một điểm đặc biệt mà nó có thể là sự giúp đỡ trong thảo luận đang tiến hành của Giáo Hội về một số vấn đề đặc biệt. Chúng ta đề cập đến sự phân định các dấu chỉ thời đại. Công Đồng Vatican II tuyên bố:

“Để chu toàn nhiệm vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy.” [1]

Rõ ràng nếu Giáo Hội phải phân định các dấu chỉ thời đại trong ánh sáng Tin Mừng, thì không được áp dụng những phương pháp và những nguyên tắc thường hằng cho “mọi thời”, nghĩa là cho những hoàn cảnh và những vấn đề mới nổi lên trong xã hội, nhưng đúng hơn là phải đưa ra một câu trả lời mới, “phù hợp với mỗi thế hệ”, như bản văn Công Đồng vừa mới được trích dẫn nói. Sự khó khăn mà chúng ta gặp trên con đường này – và nó phải được coi là rất nghiêm trọng – đó là nỗi lo sợ thỏa hiệp của quyền giáo huấn khi đưa vào những thay đổi trong những tuyên bố của Huấn Quyền.

Có một nhìn nhận tôi tin có thể giúp vượt qua khó khăn này trong tinh thần hiệp thông. Sự bất khả ngộ mà Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng nắm giữ, chắc chắn không ở một mức vượt quá những gì được gán cho chính Kinh Thánh đã mạc khải. Tính không sai lầm của Kinh Thánh đảm bảo cho các tác giả thánh diễn tả chân lý theo cách thế và mức độ trong đó nó có thể được diễn tả và được hiểu tại thời điểm viết ra. Chúng ta thấy rằng nhiều chân lý được hình thành chậm chạp và từng bước, giống như chân lý về đời sống mai hậu và sự sống đời đời. Trong phạm vi luân lý cũng vậy, nhiều tập tục và luật lệ cổ xưa bị bãi bỏ sau này để nhường chỗ cho những lề luật và những tiêu chuẩn phù hơn với tinh thần của Giao Ước.

Một ví dụ giữa những ví dụ khác: sách Xuất Hành khẳng định rằng Thiên Chúa sẽ xử phạt con cái vì những tội lỗi của cha ông chúng (x. Xh 34,7), nhưng Giêrêmia và Êdêkien nói ngược lại, rằng Thiên Chúa sẽ không xử phạt con cái vì những tội lỗi của cha ông nhưng mỗi người sẽ có trách nhiệm vì những hành động của mình (Gr 31,29-30; Ed 18,1tt).

Trong Cựu Ước, tiêu chuẩn nền tảng nhờ đó họ vượt trên những quy định trước đó là tiêu chuẩn của một sự hiểu biết tốt hơn về tinh thần của Giao Ước và của Torah. Trong Giáo Hội, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn đọc lại cách liên lỉ Tin Mừng dưới ánh sáng của những vấn đề mới đặt ra cho Giáo Hội. “Scriptura cum legentibus crescit – Kinh Thánh lớn lên với người đọc”, thánh Grêgoriô Cả nói như vậy.[2]

Hiện nay, chúng ta biết rằng nguyên tắc kiên vững của hành động Chúa Giêsu, cả về phương diện luân lý, có thể được tóm tắt trong những lời này: “Không với tội, có với tội nhân.” Không ai nghiêm khắc hơn Người khi lên án những người làm giàu một cách bất công, nhưng chính Người lại chủ động đến nhà Giakêu và nhờ cuộc gặp gỡ đơn giản này Người mang đến cho ông sự thay đổi. Người lên án tội ngoại tình, cả tội ngoại tình trong lòng, nhưng Người tha thứ cho người đàn bà ngoại tình và cho bà cơ hội để trở lại; Người tái khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân, nhưng Người đối thoại với người đàn bà Samaria đã có năm đời chồng, và Người mặc khải cho bà biết bí mật mà Người đã không nói với một người nào một cách rõ ràng như thế: “Tôi, người đang nói với bà là Đấng Messia” (Ga 4,26).

Nếu chúng ta tự hỏi rằng làm sao để biện minh một cách thần học sự phân biệt rõ ràng như thế giữa tội nhân và tội lỗi, câu trả lời rất đơn giản: các tội nhân là những thụ tạo của Thiên Chúa, được tạo dựng bởi Người và theo hình ảnh giống Người, và họ có phẩm giá riêng mặc cho những lầm lạc của họ; còn tội lỗi không phải là công trình của Thiên Chúa: nó không đến từ Người nhưng đến từ kẻ thù. Đó là lý do tại sao Chúa Kitô làm người giống chúng ta mọi đàng, “ngoại trừ tội lỗi” (x. Dt 4,15).

Một nhân tố quan trọng giúp cho việc thực thi nhiệm vụ phân định những dấu chỉ thời gian đó là Giám mục đoàn. Bản văn Lumen gentium nói rằng: Tập đoàn tính cho phép các giám mục “cùng nhau quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt sau khi Nghị Phụ đã cân nhắc kỹ lưỡng.”[3] Việc thực thi hiểu quả của Giám mục đoàn mang lại cho sự phân định và cho giải pháp của những vấn đề sự đa dạng về những hoàn cảnh địa phương, quan điểm, sự ánh sáng và những hồng ân khác nhau, mà mỗi Giáo Hội và mỗi giám mục là người mang lại.

Chúng ta có một minh họa cảm động về điều này trong “công đồng” đầu tiên của Giáo Hội, là Công Đồng Giêrusalem. Cuộc gặp gỡ này đã tạo cơ hội rộng rãi cho cả hai quan điểm đối nghịch nhau, quan điểm của những người thuộc Do Thái giáo và những người cởi mở hơn với dân ngoại. Đã có “tranh luận thái quá,” nhưng cuối cùng tất cả họ đều đồng ý để công bố quyết định của họ với công thức ngoại thường này: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28; x. 15,6 tt).

Chúng ta có thể thấy ở đây Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh như thế nào trong hai cách khác nhau: đôi lúc theo cách trực tiếp và nhờ các đặc sủng, qua những mạc khải và các ơn linh hứng ngôn sứ, và lúc khác theo cách tập thể, nhờ sự đương đầu kiên nhẫn và khó khăn, và cả những thỏa hiệp, giữa những thành phần và quan điểm khác biệt. Diễn từ của thánh Phêrô trong ngày lễ Hiện Xuống và tại nhà Cornelius rất khác so với diễn từ sau này ngài nói để biện hộ quyết định của ngài trước các kỳ mục (Cv 11,4-18; 15,14); diễn từ đầu thuộc loại đặc sủng, diễn từ thứ hai thuộc loại tập đoàn.

Vì thế, chúng ta cần phải có sự tin tưởng vào khả năng của Chúa Thánh Thần hoạt động, cuối cuối sẽ mang lại sự hòa hợp, mặc dầu nhiều lúc xem ra toàn bộ tiến trình tuột ra khỏi tay. Bất cứ khi nào các mục tử của Giáo Hội Công Giáo tập họp nhau theo cấp địa phương hoặc hoàn vũ để phân định hoặc để có những quyết định quan trọng, mỗi người phải có trong lòng sự tin tưởng chắc chắn mà Kinh Veni Creator tóm tắt trong hai câu: Ductore sic te praevio / vitemus omne noxium, Trong mọi nỗi hiểm nguy, xin hãy là bạn đường; xin dẫn lối chúng con.

2- Ơn phân định trong đời sống mỗi người

Chúng ta hãy chuyển sang việc phân định trong đời sống mỗi người. Như một đặc sủng áp dụng cho từng cá nhân, ơn phân định các thần khí đã có một tiến triển đáng chú ý qua các thế kỷ. Từ ban đầu, như chúng ta thấy, hồng ân này có chức năng chính yếu là phân định những ơn linh hứng của những người khác, của những ai đã nói hoặc tiên tri trong cộng đoàn; sau đó, đặc biệt nó được dùng để phân định những ơn linh hứng riêng.

Sự tiến triển không phải tùy tiện; quả thật người ta đề cập đến chính hồng ân, cả khi nếu được áp dụng cho những đối tượng khác nhau. Phần lớn của điều mà các tác giả tu đức đã viết liên quan đến “ơn khuyên bảo” cũng được áp dụng cho đặc sủng phân định. Nhờ hồng ân hay đặc sủng khuyên bảo, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lượng giá những tình huống và hướng dẫn những chọn lựa chúng ta không chỉ dựa trên sự khôn ngoan và sự cẩn trọng của con người nhưng còn dựa trên ánh sáng của những nguyên tắc siêu nhiên thuộc đức tin. Ơn phân định đầu tiên và nền tảng về các thần khí là ơn cho phép chúng ta phân biệt “Thần Khí của Thiên Chúa” với “thần khí của thế gian” (1 Cr 2,12). Thánh Phaolô cống hiến một tiêu chuẩn khách quan để phân định đó là tiêu chuẩn mà chính Chúa Giêsu đã ban: tiêu chuẩn hoa trái. “Những việc làm của xác thịt” cho thấy rằng ước muốn đến từ con người cũ tội lỗi, trong khi đó “hoa trái của Thánh Thần” cho thấy rằng ước muốn đến từ Thần Khí (x. Gl 5,19-22). Vì tính xác thịt ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt” (Gl 5,17).

Tuy nhiên, đôi khi tiêu chuyển khách quan lại không phù hợp, bởi vì sự chọn lựa không phải giữa điều tốt và xấu nhưng giữa một điều tốt và điều tốt khác, và vấn đề là phân định điều Thiên Chúa muốn trong một hoàn cảnh cụ thể. Thánh Ignatiô thành Loyola đã phát triển giáo huấn của ngài về phân định nhằm đặc biệt trả lời cho đòi hỏi này. Ngài mời gọi chúng ta suy nghĩ đặc biệt một điều: đó là thiên hướng nội tâm chúng ta, những ý hướng (những thần khí) chúng ẩn sau một chọn lựa. Khi làm như thế, ngài đã đặt mình vào trong một truyền thống đã tồn tại. Một tác giả Trung Cổ viết:

“Không ai có thể khảo sát những ơn linh hứng xem chúng đến từ Thiên Chúa, nếu không phải là người được Thiên Chúa ban cho ơn phân định, cũng thế chỉ có người đó mới có thể khảo sát chính xác và với phán đoán ngay thẳng những tư tưởng, những nghiêng chiều và những ý hướng của các thần khí. Phân định là mẹ của các nhân đức; mỗi người cần có để hướng dẫn đời sống của mình, cũng như của người khác… Bởi vậy đây là sự phân định đích thực: là sự kết hợp của phán đoán ngay thẳng và ý hướng đạo đức.”[4]

Thánh Ignatiô đề nghị những cách thế thực hành để áp dụng tiêu chuẩn này. Đây là một trong những cách thế: khi chúng ta đối diện với hai chọn lựa phải thực hiện, thật có ích để dừng lại trước hết trên một chọn lựa, như thể chúng ta phải chọn nó mà không có chọn lựa khác và cứ giữ lập trường này trong một ngày hoặc hơn. Rồi từ đó, hãy đánh giá những phản ứng bên trong chúng ta đối với chọn lựa này: nếu nó mang lại sự bình an, nó có hòa hợp với những chọn lựa khác của chúng ta, nếu có gì đó trong lòng khích lệ chúng ta theo hướng này; hoặc trái lại, nếu nó để lại cho chúng ta sự buồn rầu lo lắng. Khi đó chúng ta hãy làm lại tiến trình này với chọn lựa thứ hai. Tất cả trong một bầu khí cầu nguyện, từ bỏ cho thánh ý Thiên Chúa, và mở ra với Chúa Thánh Thần. [5]

Nền tảng của sự phân định nơi thánh Ignatiô là giáo huấn về “sự bình tâm thánh thiện.” Nó hệ tại ở việc đặt chính mình trước một tình trạng hoàn toàn bằng lòng để chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, khởi đi từ việc từ bỏ mọi quy chiếu về bản thân, giống như một cái cân sẵn sàng chạy sang một bên khi có trọng lượng nặng hơn. Kinh nghiệm về sự bình an nội tâm như thế trở thành tiêu chuẩn chính yếu trong mọi phân định. Sau khi suy xét và cầu nguyện lâu giờ, chúng ta giữ lấy chọn lựa mang lại cho sự bình an nội tâm, được xem là phù hợp với ý của Thiên Chúa. [6]

Tóm lại, chúng ta đề cập đến việc thực hành lời khuyên xưa mà nhạc gia của Môisê khuyên ông: “Hãy trình bày những vấn đề này với Thiên Chúa’ và hãy chờ đợi sự đáp trả của Người trong cầu nguyện (Xh 18,19). Sự luôn sẵn sàng bên trong để thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh là điều kiện thuận lợi hơn cho một sự phân định tốt. Chúa Giêsu đã nói: “Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công mình, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).

Sự nguy hiểm trong một số tiếp cận hiện đại để hiểu và thực hành sự phân định là nhấn mạnh về những phương diện tâm lý, mà quên đi tác nhân trước hết trong mỗi phân định, là Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan nhận thấy nhân tố quyết định trong việc phân định là “sự xức dầu đến từ Đấng Thánh” (1 Ga 2,20). Thánh Ignatiô cũng nhắc nhở rằng trong một số trường hợp chỉ việc xức dầu bằng Thánh Thần cho phép chúng ta phân định điều gì chúng ta phải làm. Có một lý do sâu sắc về thần học cho vấn đề này. Chúa Thánh Thần chính là “ý muốn bản thể của Thiên Chúa – the substantial will of God,” và khi Người đi vào trong một tâm hồn, “Người bảy tỏ như là chính Thánh Ý Thiên Chúa… cho những ai mà Người cư ngụ.” [7]

Tự bản chất, phân định không phải là một nghệ thuật hoặc một kỷ thuật, nhưng là một đặc sủng, một hồng ân của Chúa Thánh Thần! Những phương diện tâm lý thì rất quan trọng, nhưng chúng luôn thuộc phần thứ yếu. Một trong những Giáo Phụ cổ xưa viết:

“Chỉ có Chúa Thánh Thần có thể thanh tẩy tâm trí… vì thế, với mọi phương tiện có thể, nhất là với sự bình an tâm hồn, chúng ta cần làm cho Chúa Thánh Thần “nghỉ lại” trên chúng ta, để cho ngài chiếm giữ chúng ta, chúng ta hãy luôn bật sáng ngọn đèn của lương tâm. Nếu nó tỏa sáng mà không ngừng nghỉ trong sâu kín tâm hồn, lúc đó không chỉ những sự ti tiện và những tấn công đen tối của ma quỷ sẽ được bày ra với trí khôn, mà còn giúp chúng ta thoát khỏi sức mạnh của chúng, chúng sẽ bị vạch mặt, như chúng là. Đó là lý do tại sao thánh Tông Đồng nói: “Đừng giập tắt Thánh Thần” (1 Tx 5,19). [8]

Chúa Thánh Thần thường không đổ ánh sáng của Người trong tâm hồn chúng ta theo cách thế ngoại thường hoặc kỳ lạ nhưng theo cách rất đơn giản nhờ Lời Kinh Thánh. Điều quan trọng nhất minh chứng sự phân định trong lịch sử Giáo Hội đã được thực hiện nhờ con đường này. Hãy lắng nghe những lời từ Tin Mừng, “nếu bạn muốn trở nên hoàn hảo…” đó là điều mà thánh Antôn đã hiểu điều ngài cần phải làm, và ngài khởi công thành lập phong trào đan tu. [9]

Đây cũng là cách mà thánh Phanxicô Assisi đón nhận ơn linh hứng để bắt đầu sự thay đổi của ngài là quay lại với Tin Mừng. Ngài viết trong di chúc của mình: “Sau khi Chúa đã cho tôi một số anh em, không một ai đã chỉ cho tôi điều gì tôi phải làm, nhưng chính Đấng Tối Cao đã mạc khải cho tôi điều tôi phải sống theo mẫu gương của Tinh Mừng.” Chúa đã mạc khải cho ngài trong thánh lễ sau khi lắng nghe đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng hãy đi khắp thế gian và “đừng có mang gì đi đường, không mang gậy, bao bị, bánh, tiền bạc; và đừng mang hai áo” (Lc 9,3). [10]

Tôi nhớ lại một trường hợp nhỏ đại loại như thế này. Một người đàn ông đến với tôi với một sứ mạng và chia sẻ với tôi vấn đề của mình. Ông có một người con mười một tuổi chưa được rửa tội. Ông nói: “Nếu tôi không rửa tội cho nó, lương tâm tôi cảm thấy áy náy bởi khi chúng con kết hôn, cả hai chúng con là người Công Giáo và đã hứa dưỡng dục con cái trong Giáo Hội.” Tôi nói với ông rằng hãy trở lại đây trong ngày tới vì tôi cần thời gian để cầu nguyện và suy nghĩ. Ngày sau, ông đến với tôi một cách vui vẻ và nói rằng : “Con đã tìm được giải đáp, thưa Cha. Con đang đọc trong Kinh Thánh về câu chuyện Abraham, và con thấy rằng khi ông đưa con mình là Isaac để hiến tế, ông không có để ý điều gì đến vợ của mình!” Lời Chúa đã soi sáng cho ông tốt hơn bất cứ lời khuyên nào của con người có thể cho. Tôi đã rửa tội cho chính em nhỏ này và đó là niềm vui tuyệt vời cho mọi người.

Bên cạnh lắng nghe Lời Chúa, việc thực hành thông thường nhất là xét mình để thực hiện việc phân định ở mức độ cá nhân. Tuy nhiên, việc thực hành này không chỉ giới hạn ở việc chuẩn bị xưng tội nhưng phải trở thành một sự thực hành liên lỉ bằng cách đặt mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa để cho Người “dò thấu” sự sâu thẳm nhất trong chúng ta. Nếu việc xét mình không được làm hoặc không làm tốt, ngay cả ân sủng của việc xưng thú có vấn đề: Nếu không chúng ta không biết điều chúng ta xưng hoặc chúng ta quá chú trọng đến những cố gắng duy ý chí và tâm lý, nghĩa là, chỉ nhắm đến sự cải thiện tốt hơn đời sống. Việc xét mình bị giảm thiểu để chuẩn bị cho việc xưng thú là xác định một số tội lỗi, nhưng nó không hướng tới một tương quan đích thực cá vị với Chúa Kitô. Nó dễ dàng trở thành một danh sách những sự bất toàn mà chúng ta xưng thú để chúng ta có thể cảm thấy tốt hơn mà không có thái độ đích thực sám hối làm cho chúng ta có kinh nghiệm niềm vui có “một Đấng Cứu Độ vĩ đại biết bao” trong Chúa Giêsu.

3- “Hãy để cho Thánh Thần hướng dẫn”

Hoa trái cụ thể của suy niệm này phải là quyết định được canh tân để phó thác hoàn toàn và trong mọi sự cho sự hướng dẫn bên trong của Chúa Thánh Thần như là một loại “linh hướng.” Kinh Thánh nói rằng: “Khi nào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại. Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trại cho đến ngày mây lại bay” (Xh 40,36-37). Cả chúng ta nữa, chúng ta không thể bắt đầu điều gì nếu không có Chúa Thánh Thần tác động (theo các Giáo Phụ, đám mây là hình ảnh về Người [12] và nếu đã không cầu khẩn Người trước mỗi việc làm.

Chúng ta có mẫu gương sống động nhất về điều này trong chính cuộc đời Chúa Giêsu. Người không bao giờ hiểu điều gì mà không có Chúa Thánh Thần. Người đã đi vào sa mạc với Chúa Thánh Thần; Người trở lại trong quyền lực của Chúa Thánh Thần và bắt đầu giảng dạy; Người đã chọn các Tông Đồ “nhờ Chúa Thánh Thần” (Cv 1,2); Người đã cầu nguyện và hiến mình cho Chúa Cha “nhờ Thánh Thần hằng hữu” (Dt 9,14).

Chúng ta cần giữ mình khỏi một cám dỗ: cám dỗ muốn ban cho Chúa Thánh Thần lời khuyên thay vì nhận lời khuyên của Người. “Thần Khí Đức Chúa ai đo cho nổi?/ Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người? (Is 40,13). Chúa Thánh Thần hướng dẫn mỗi người và chính Người không cần người nào hướng dẫn; Người hướng dẫn và không cần được hướng dẫn. Có một cách thức tinh tế để gợi ý với Chúa Thánh Thần điều Người nên làm cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta như thế nào. Nhiều lúc, chúng ta hoàn toàn thực hiện quyết định của mình và sau đó lại ngang nhiên gán cho Chúa Thánh Thần.

Thánh Tôma Aquinô nói về sự hướng dẫn bên trong này của Chúa Thánh Thần như là một dạng “bản năng riêng của người công chính”, ngài viết: “Như trong đời sống thể lý, thân xác không không hoạt động nếu không nhờ linh hồn làm cho nó sống động, cũng thế trong đời sống tâm linh, mỗi sự vận hành của chúng ta phải nhờ tác động bởi Chúa Thánh Thần” [13]. Như vậy, “luật của Thần Khí” hoạt động trong chúng ta; đây là điều mà thánh Tông Đồ mời gọi “Anh em hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn (Gl 5,18).

Chúng ta cần từ bỏ mình hoàn toàn cho Chúa Thánh Thần, như những giây đàn của hạc cầm với ngón tay đệm đàn. Giống như những diễn viên giỏi, chúng ta cần lắng nghe cách chăm chú tiếng nói của nhà đạo diễn ẩn dấu, để chúng ta có thể đóng trọn vai diễn của mình trên sân khấu cuộc đời. Điều này dễ dàng hơn điều người ta nghĩ, bởi vì nhà đạo diễn của chúng ta nói trong chúng ta, dạy chúng ta mọi điều, và hướng dẫn chúng ta về mọi sự. Đôi lúc, chúng ta chỉ cần có một cái nhìn vào bên trong, một sự cử động con tim, một lời cầu nguyện. Chúng ta đọc thấy lời ngợi ca rất đẹp về một giám mục thánh thiện đã sống ở thế kỷ thứ hai, Melito thành Sardis, mà tôi hy vọng người ta có thể nói về mỗi người chúng ta sau khi chết: “Trong cuộc sống mình, ngài đã làm mọi sự trong Thánh Thần.” [14]

Chúng ta kết thúc xin Đấng Phù Trợ hướng dẫn tâm trí và toàn thể đời sống chúng ta với những lời lời nguyện trong Kinh Nhật Tụng Lễ Hiện Xuống theo nghi lễ Siria:

Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát đặc sủng cho mọi người;

Thần Khí không ngoan và hiểu biết, Đấng luôn yêu thương tất cả chúng con,

Ngài đã đổ xuống trên các tiên tri, kiện toàn các Tông Đồ,

Cũng cố các thánh tử đạo, linh hứng cho các thầy dạy bằng giáo huấn!

Lạy Đấng Phù Trợ Thiên Chúa,

Chúng con dâng lên Ngài những lời khẩn cầu cùng với hương trầm nghi ngút.

Chũng con xin Ngài đổi mới chúng con trong những hồng ân thánh thiện của Ngài,

Xin hãy xuống trên chúng con như Ngài đã xuống trên các Tông Đồ trong nhà tiệc ly.

Xin đổ tràn đặc sủng Ngài trên chúng con,

Xin đổ xuống trên chúng con ơn hiểu biết về giáo huấn Ngài;

Xin làm cho chúng con thành đền thánh vinh quang Ngài.

Xin hãy chinh phục chúng con bằng rượu của ân sủng Ngài.

Xin ban cho chúng con ơn giúp sống cho Ngài, hiệp nhất trong một tâm trí với Ngài và tôn thờ Ngài, Ngài là Đấng Tinh Tuyền, Thánh Thiện, Đấng An Ủi Thánh Thần Thiên Chúa. [15]

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ

Thư mục

[1]Gaudium et spes [Pastoral Constitution on the Church in the Modern World], n. 4, in The Documents of Vatican Council II, ed. Austin Flannery (Northport, NY: Costello, 1995), p. 165.

[2] Gregory the Great, Homilies on Ezekiel 1.7, 8 (CCC 94).

[3]Lumen Gentium [Dogmatic Constitution on the Church], n. 22, p. 29.

[4] Baldwin of Canterbury, “Treatise 6,” Second Reading for Friday of the Ninth Week of Ordinary Time in The Office of Readings, pp. 334-335; see also PL 204, p. 466.

[5]See The Spiritual Exercises of Saint Ignatius, Fourth Week, trans. Anthony Mottola (New York: Doubleday, 1989), 101-128.

[6] Cf. G. Bottereau, “Indifference, ” in Dictionnaire de Spiritualité, vol. 7, coll. 1688 ff.

[7] Saint Ignatius Loyloa, The Constitutions of the Society of Jesus, 141, 414, trans. and comm. George E. Ganss (St. Louis, MO: The Institute of Jesuit Sources, 1969), p. 126, 204.

[8] See William of St. Thierry, The Mirror of Faith, 61, trans. Thomas X. Davis (Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, 1979), p. 49; see also SCh 301, p. 128.

[9] Diadochus of Photice, On Spiritual Perfection, 28, Second Reading for Wednesday of the Fourth Week of Ordinary Time, in The Office of Readings, p. 227, italics original; see also SCh 5, p. 87 ff.

[10] Francis of Assisi, “Testament of Saint Francis,” in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 1: The Saint, eds. Regis J. Armstrong et al. (New York: New City Press, 1999), p. 124. See also Fontes Franciscanas, p. 356.

[11] See Thomas of Celano, First Life, 22, trans. Christopher Stace (London: Society for Promoting Christian Knowledge, 2000), p. 24; see also ED, I, p. 201.

[12] See St. Ambrose On the Holy Spirit, III, 4, 21 (N.p.: Veritatis Splendor Publications, 2014), p. 177; and On the Sacraments, I, 6, 22, in “On the Sacraments” and “On the mysteries,” trans. Tom Thompson (London: S.P.C.K., 1950), p. 56.

[13] Thomas Aquinas, Commentary on the Letter to the Galatians, V, 5, n. 318, in Commentary on the Letters of Saint Paul to the Galatians and Ephesians, eds. John Mortensen and Enrique Alarcón, trans. Fabian R. Larcher and Matthew Lamb (Lander, WY: Aquinas Institute for the Study of Sacred Doctrine, 2011), p. 150; see also V, 7, n. 340, and Commentary on the Gospel of John, VI, 5, 3.

[14] Eusebius of Caesarea, The History of the Church, V, 24, 5, ed. Andrew Louth, trans. G. A. Williamson (New York: Penguin Books, 19650, p. 172.

[15]Pontificale Syrorum, in Emmanuel-Pataq Siman, L’expérience de l’Esprit par l’Église d’après la tradition syrienne d’Antioche (Paris: Beauchesne, 1971), p. 309.were about to follow it, and to remain in that stance for a day or more.
 
Thánh Giuse và Mẹ Maria
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
18:15 12/12/2016
Chúa nhật IV MùaVọng, năm A
Is 7, 10-14 Rm 1, 1-7 Mt 1, 18-24

Thánh Giuse và Mẹ Maria

Mùa vọng là mùa chờ đợi, mong mỏi Đấng Cứu Thế. Nhân loại đã phản bội Chúa, dân Do Thái, dân riêng của Chúa đã nhiều lần phản nghịch lại chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài không bỏ rơi nhân loại, bỏ rơi con người, Ngài luôn trung thành dù con người lỗi nghịch. Chính vì thế, Thiên Chúa đã chọn biết bao ngôn sứ đi trước để dọn đường cho Con của Chúa đến. Nhiều vị tiên tri lớn nổi tiếng như Êlia, Giêrêmia, Isaia …và rồi Chúa Nhật trước Giáo Hội giới thiệu một gương mặt chói ngời là Gioan Tẩy Giả. Ông đã được Thiên Chúa sai đến để dọn lòng cho dân đón Chúa đến. Hôm nay, Giáo Hội lại cho chúng ta thấy hai vai trò quan trọng và cùng cộng tác với Chúa trong lịch sử cứu rỗi: Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse.

Mẹ Maria sau khi đã thưa xin vâng với thiên thần Gabrien :” Xin hãy làm cho tôi theo như lời sứ thần truyền “ ( Lc 1, 38 ).Maria đã nong nả đi thăm bà chị họ là bà Êlisabeth cũng đã thụ thai trong lúc tuổi già. Mẹ Maria đi thăm để chung chia niềm vui với bà chị họ và ở lại giúp đỡ bà chị họ vì gia đình ông Giacaria và Isave neo đơn, tuổi tác…Maria đã ở lại với gia đình bà chị họ 6 tháng, rồi trở về nhà. Gặp lại Maria, thánh Giuse rất vui mừng, nhưng cũng lại thật phân vân, bối rối, lúng túng vì sự kiện :” Hai Ông Bà chưa ở cùng nhau, thì bà Maria đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần “ (Mt 1, 18 ).Thánh Giuse rất phân vân nhưng Ngài luôn tin và hiểu biết Mẹ Maria là một người hết mực nhân đức, đã khấn giữ mình vẹn tuyền để tận hiến mình cho Thiên Chúa, tuy nhiên, những việc xẩy ra ngoài óc suy nghĩ của con người khiến thánh Giuse không thể nào giải đáp nổi. Về phần Maria, Mẹ giữ im lặng để điều Thiên Chúa thực hiện sẽ được tỏ lộ ra cho bạn trăm năm của mình là thánh Giuse. Tin Mừng viết :” Giuse bạn Maria là người công chính và không muốn làm hại, làm ố danh Maria, nên đã định tâm bỏ Maria cách kín đáo “ ( Mt 4, 19 ). Thực tế, thánh Giuse đã rất yêu thương Đức Mẹ, Ngài không muốn làm ố danh Mẹ, không muốn làm Mẹ phải đau, nên, thánh Giuse đã chỉ có một ý định là bỏ đi cách kín đáo để bảo tồn danh dự cho Mẹ Maria, đồng thời không làm đau khổ. Kinh Thánh đã dùng chữ “ công chính” để diễn tả tâm hồn đạo đức, thánh thiện của Giuse. Ngài là một vị thánh, một người được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn, một người được dành riêng hoàn toàn cho Thiên Chúa. Giuse chắc chắn đã được Mẹ Maria thổ lộ sự thật, sự bí mật Thiên Chúa đã lựa chọn Người, đã cất nhắc Người. Do đó, Giuse cảm thấy mình thật bé nhỏ, thật bất xứng với người Bạn đời vô cùng thánh thiện, đã được đắc sủng với Thiên Chúa. Như Môsê thấy Chúa trong bụi gai, Ông thấy mình quá bất xứng trước mặt Đấng vô cùng tối cao, vô cùng chí thánh. Giuse cũng cảm thấy như vậy, nên Ngài đã có ý định trốn đi vì không xứng được ở bên Maria là Người đã được Thiên Chúa chọn dành riêng cho mình. Thiên Chúa đã có con đường của Ngài bởi vì như thánh Phaolô viết :” Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang “ ( Rm 8, 30 ). Thánh Bênađô đã giải thích ý định ra đi của thánh Giuse theo lối đó :” Thánh Giuse chỉ còn một lối thoát là âm thầm rút lui “.

Tuy nhiên, Thiên Chúa có lối của Ngài vì thế trong một giấc mơ, chính Thiên Thần đã hiện ra và bảo cho Giuse biết :”…cái thai mà Maria đang mang là do phép Chúa Thánh Thần. Đứa Con mà Maria sẽ sinh ra, Ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Giêsu sẽ cứu dân của Ngài khỏi tội…Giuse, Con vua Đavít đừng ngại đón Maria về “. Tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Chúa truyền. Thật sự đây là việc lạ lùng của Chúa. Giuse đã vui vẻ đón Maria về, bảo vệ, chở che, nâng đỡ Mẹ Maria. Kinh Thánh cho hay :” Hai Ông Bà sống với nhau hoàn toàn như đời thánh hiến, hai Ông Bà không biết việc vợ chồng…” ( Mt 1, 24-25 ).

Thánh Giuse là Đấng công chính, hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Ngài là Bạn trăm năm của Đức Mẹ nhưng sống hoàn toàn cho Chúa, tận hiến cho Ngài. Thánh Giuse là dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Cha Joseph-Marie đã viết một đoạn rất hay :” Tôi bảo thật các ông, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình “ ( Lc 4, 24 ).Ta cảm nhận được trong mấy lời ngắn ngủi này tất cả nỗi khổ tâm của Đức Giêsu bị xua đuổi bởi những người mà Ngài đã chung sống suốt 30 năm.Nhưng còn hơn thế nữa, câu này cũng diễn tả nỗi khổ tâm của Đấng Mêsia, nay bị con cháu các vị ngôn sứ chối từ nhận biết, trong khi đáng ra họ là những người có sứ mạng đón tiếp và giới thiệu Ngài cho thế gian. Hôm nay cũng như hôm qua, và có lẽ cho đến ngày tận thế, mầu nhiệm nhập thể vẫn là một cớ vấp phạm. Làm sao mà Đấng Vô Cùng lại có thể thu mình vào một thân xác hữu hạn, một thân xác phải lớn lên rồi phải chết ? Làm sao mà Đấng Vĩnh Cửu lại có thể đi vào trong thời gian ?...Chúng ta cần phải đồng ý trút bỏ hoàn toàn, và chấp nhận để mình được chỉ bảo trong thinh lặng nội tâm, bởi Đấng từ Thiên Chúa mà đến để dạy dỗ chúng ta trong trường học tình yêu của Thiên Chúa “. Thánh Giuse lại khác, Ngài đã đón nhận Mẹ Maria và dưỡng nuôi Chúa Giêsu trong gia đình Nagiarét suốt 30 năm trước khi Ngài khai mạc sứ vụ rao giảng công khai.

Maranatha! Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến.
Như vậy, vai trò của thánh Giuse và Mẹ Maria có một chỗ đứng rất quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Thánh Giuse đã im lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả : Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người và âm thầm trầm lắng để bảo vệ Mẹ Maria trước mặt luật pháp, và dưỡng nuôi Chúa Giêsu với tất cả tình thương của Người.

Lạy thánh cả Giuse, xin thương nâng đỡ chúng con và giúp chúng con có lòng tin sâu xa như Ngài.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn dành riêng cho Ngài và chỉ Mẹ mới có diễm phúc được là Mẹ Thiên Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng thường được dành riêng để nói về ai ?
2.Tại sao thánh Giuse lại định lìa bỏ Mẹ Maria cách kín đáo ?
3.Công chính theo Kinh Thánh là gì ?
4.Tại sao thánh Giuse lại được gọi là công chính ?

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 12/12/2016
83. NGƯỜI GIÀU BÓI THỌ.
Bố của Vương Phổ là Vương Tộ làm quan sát sứ ở Châu Thời đã nhiều năm, lúc về già thì mới từ quan, đồ dùng ăn uống trong nhà rất là xa xỉ, nhưng vẫn không thỏa mãn bởi vì không biết mình có trường thọ hay không !
Một hôm, đột nhiên nghe có người bói quẻ bèn kêu đầy tớ đi mời về nhà, bói quẻ là một người mù sau khi nghe người đầy tớ thuật chuyện, bèn lấy sách bói ra bói một quẻ, rất lâu sau mới lớn tiếng kinh ngạc nói:
- “Mệnh số ngài thọ rất cao”.
Vương Tộ lật đật hỏi:
- “Có thể tới bảy mươi chăng ?”
Người coi bói cười nói:
- “Còn cao hơn bảy mươi”.
Vương Tộ lại hỏi:
- “Thế nào, tám, chín mươi sao ?”
Người coi bói cười lớn hơn:
- “Sao lại tám, chín mươi !”
Vương Tộ vui khôn xiết, nói:
- “Có thể thọ đến một trăm không ?”
Người coi bói nói:
- “Tệ lắm là thọ đến một trăm ba, một trăm tư tuổi. Có điều là khi gần tới một trăm hai mươi tuổi –xuân hè thay đổi- thì cái bụng lại có hơi mệt một chút, nhưng không bao lâu thì khỏe lại”.
Vương Tộ vui như mở cờ trong bụng, quay đầu lại nói với cháu chắt:
- “Này các cháu, cần phải nhớ cho kỷ nhé, lúc ta gần một trăm hai mươi tuổi, thì đừng có cho ta ăn đồ lạnh và nóng đấy nhé !”
(Phủ Chưởng lục)

Suy tư 83:
Con người ta ai cũng thích sống lâu trăm tuổi, cho nên thường hay đi coi bói để coi thử mình sống được đến mấy tuổi thì chết, nhưng có ông thầy bói nào biết được bản thân mình sống đến mấy tuổi, mà lại biết được người khác sống đến mấy tuổi thì chết chứ ?!
Người Ki-tô hữu là người đi tìm cuộc sống trường sinh trong cuộc đời tạm bợ này, nghĩa là họ tin tưởng rằng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa cùng với việc chu toàn bổn phận của mình ngay tại trần gian này, thì chính là đã có một cuộc sống trường sinh vĩnh cửu trên thiên đàng với Thiên Chúa mai sau rồi vậy.
Ai không chuẩn bị cho mình sự sống vĩnh cữu mai sau ngay tại trần gian này, thì đó chính là họ đã tự sắm cho mình một nơi trầm luân vĩnh viễn và đau khổ đời đời trong hoả ngục với ma quỷ.
Chúng ta đã chuẩn bị cho mình một chỗ trên thiên đàng chưa, hay là vẫn cứ dặn con cháu đừng cho ăn đồ nóng đồ lạnh khi tuổi đã gần đất xa trời, mà không dặn con cái luôn nhớ cầu nguyện cho chúng ta được ở trong Nước Chúa sau khi nhắm mắt lìa cõi đời này !?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 12/12/2016

30. Thiên Chúa ban cho chúng ta ân điển là để chúng ta tự dùng, và cũng để chúng ta chia sẻ với tha nhân.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video buổi đọc Kinh Tryền Tin với ĐTC ngày 11/12/2016: “Vui lên anh em, Chúa đã đến gần”
VietCatholic Network
03:49 12/12/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Hôm nay Chúa Nhật 11 tháng 12 năm 2016, chúng ta cử hành lễ Chúa Nhật thứ 3 mùa Vọng, được ghi dấu bằng lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến!”. Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC nói: “Cha chào tất cả anh chị em! Chúc mọi người một ngày tốt lành!”. Và ngài nhấn mạnh với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô rằng: Hôm nay chúng ta được mời gọi để vui mừng vì Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến, và chúng ta chia sẻ niềm vui này với tha nhân, trao tặng niềm vui hy vọng cho người nghèo khổ, người ốm đau và những ai bất hạnh.

Sau đây là bài Huấn dụ của ĐTC:

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Nhật III mùa Vọng, được ghi dấu bằng lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến!” (Pl 4:4-5). Đây không phải là kiểu niềm vui hời hợt, cũng không phải là loại niềm vui nhất thời chỉ mang tính cảm xúc, không phải niềm vui trong việc mua bán tiêu dùng. Không. Đây là niềm vui đích thực, và chúng ta được mời gọi để tái khám phá hương vị của loại niềm vui này, thứ hương vị của niềm vui chân thực. Đó là loại niềm vui chạm đến tâm hồn sâu thẳm của chúng ta. Nơi đó, chúng ta đang đợi chờ Chúa Kitô, Đấng mang lại ơn cứu độ cho thế giới, Đấng mà Thiên Chúa sai đến, Đấng đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bêlem.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu và nghiệm được loại niềm vui này. Ngôn sứ Isaia nói về cảnh hoang mạc khô cằn, bàn tay rời rã, đầu gối mỏi mòn, người bị mù bị điếc bị câm (Is 35:1-6a.10). Bức tranh buồn thảm này nói về một định mệnh vắng bóng Thiên Chúa.

Nhưng cuối cùng, sự cứu rỗi đã được công bố. Ngôn sứ Isaia nói: “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa đến… Ngài đến để cứu độ anh em”. Từ đó, ngay lập tức, mọi sự biến đổi: hoa nở trên sa mạc, niềm vui tràn ngập tâm hồn. Những dấu chỉ mà Isaia công bố, đã trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã trả lời cho những người được Gioan Tẩy Giả sai đến. Chúa Giêsu nói: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại” (Mt 11:5). Những lời ấy, những việc làm ấy minh chứng cho ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử để giải phóng chúng ta khỏi ách tội lỗi. Ngài ở giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống của chúng ta, chữa lành những thương tích của chúng ta, băng bó vết thương và ban cho chúng ta sự sống mới. Niềm vui là kết quả của hành vi cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta được mời gọi để tham dự vào niềm vui này, niềm vui hân hoan này… Nhưng nếu một Kitô hữu mà không vui, thì có gì đó không còn là Kitô hữu nữa! Niềm vui này sâu xa trong tâm hồn và đem lại cho ta sự can đảm tiến về phía trước. Chúa đến, Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc cả trong lẫn ngoài. Ngài đã cho chúng ta thấy con đường của trung tín, kiên nhẫn và bền lòng, vì khi Ngài trở lại, niềm vui của chúng ta sẽ thành toàn.

Giáng Sinh đang đến gần, các dấu chỉ của Giáng Sinh hiển hiện trên các con phố và ngay tại quảng trường này. Những dấu hiệu bên ngoài mời gọi chúng ta mở lòng đón Chúa, Đấng luôn đến và gõ cửa nhà chúng ta, gõ cửa tâm hồn chúng ta. Chúng ta được mời gọi để nhận ra những bước chân của Ngài nơi những anh chị em xung quanh, đặc biệt là những người yếu đuối và thiếu thốn.

Hôm nay chúng ta được mời gọi để vui mừng vì Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến, và chúng ta chia sẻ niềm vui này với tha nhân, trao tặng niềm vui hy vọng cho người nghèo khổ, người ốm đau và những ai bất hạnh. Lạy Đức Nữ Trinh Maria, nữ tỳ của Chúa, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa trong cầu nguyện, và với đầy lòng cảm thông, biết phục vụ Ngài nơi những chị em chúng con, xin cho con biết sẵn sàng đón mừng Giáng Sinh và chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Giêsu.

Tiếp đến, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện

Anh chị em thân mến!

Hằng ngày, Cha đặc biệt gần gũi với người dân thành Aleppo trong lời cầu nguyện. Chúng ta đừng quên rằng, Aleppo là thành phố với những con người, đó là những gia đình, những trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… Thật đáng tiếc là chúng ta đã trở nên quá quen với chiến tranh, với sự tàn phá, nhưng chúng ta không được quên rằng, Syria là một quốc gia theo đúng nghĩa với lịch sử, văn hóa và đức tin. Chúng ta không thể chấp nhận rằng, chiến tranh tàn phá tất cả những điều ấy. Cha kêu mời sự dấn thân của mọi người, để có thể chọn lựa nói không với hủy diệt, để tiến tới hòa bình cho người dân Aleppo và Syria.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nạn nhân trong một số vụ tấn công khủng bố tàn bạo vài giờ gần đây tại một số quốc gia. Tại một số nơi, bạo lực gây ra chết chóc phá hủy, và chỉ có một câu trả lời là: đức tin nơi Thiên Chúa và sự hiệp nhất trong các giá trị nhân văn. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với người anh em thân mến là Đức Thượng Phụ Tawadros II của Giáo Hội Chính Thống Coptic và cộng đoàn dân Chúa của Ngài, để cầu nguyện cho những người bị chết và bị thương.

Hôm nay, tại Vientiane Lào, có lễ phong chân phước cho cha Mario Borzaga, linh mục truyền giáo dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, cho người giáo lý viên Paul Thoj Xyooj, và 14 bạn tử đạo. Các ngài đã trung thành với Chúa Kitô một cách anh hùng. Tấm gương của các ngài khích lệ chúng ta trên đường truyền giáo, đặc biệt là những người giáo lý viên với sứ mệnh tông đồ không thể thay thế. Giáo Hội biết ơn tất cả những con người ấy. Chúng ta thấy rằng: các giáo lý viên đã làm rất nhiều, và những việc làm ấy thật đẹp! Là một giáo lý viên, đó là một điều thật đẹp. Cha mời mọi người vỗ tràng pháo tay dành tặng cho các giáo lý viên!

ĐTC chào thăm mọi người hiện diện

Cha gửi lời chào thăm với đầy lòng mến, tới tất cả anh chị em, là những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau. Đầu tiên, Cha chào thăm các con là những em bé và người trẻ của Roma. Các con thân mến, khi các con cầu nguyện trước hang đá, hãy cầu xin Hài Nhi Giêsu giúp mọi người có được lòng mến Chúa và yêu người. Hãy nhớ cầu nguyện cho Cha nữa. Cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cha cám ơn các con.

Cha chào thăm các giáo sư của Đại học Công Giáo Sydney, mọi người trong dàn hợp xướng Mosteiro de Grijó ở Bồ Đào Nha, các anh chị em đến từ Barbianello và Campobasso.

Cha cầu chúc mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha.
 
Lễ tuyên phong chân phước cho 17 vị thánh tử đạo tại Lào
Nguyễn Long Thao
11:50 12/12/2016
Vientiane (Agenzia Fides) - Biến cố lịch sử đã diễn ra đối với Giáo Hội Công Giáo Lào là ngày hôm qua 11 tháng 12 năm 2016, tại nhà thờ chính tòa của thủ đô Vientiane đã diễn ra nghi lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo gồm các nhà truyền giáo và giáo dân Lào.

17 vị tử đạo của Giáo Hội Lào gồm những nhà truyền giáo ngoại quốc và các giáo lý viên bị cộng sản Pathet lào giết từ năm 1954 đến 1970. Trong số các vị này có 5 vị thuộc Hội Truyền Giáo Paris. 6 vị thuộc Tu Hội Tận Hiến Đức Mẹ vô Nhiễm trong đó có một người Ý tên là Mario Borzaga bị giết lúc 27 tuổi,một linh mục người Lào tên là Joseph Thao Tien bị giết năm 1954 và 5 giáo lý viên người Lào.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 11 thánt 12 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Lòng trung tín vào Đức Kitô của các chân phước tử đạo sẽ là mẫu gương cho các nhà truyền giáo, nhất là các giáo lý viên mà các hoạt động tông đồ của họ rất giá trị và không thể thay thế được nơi vùng đất truyền giáo. Tòan thể Giáo Hội tri ân công lao của họ.

Thánh lễ phong Chân Phước đã được Đức Hồng Y Orlando Quevedo, Người Phi Luật Tân, Đặc Sứ của Tòa Thánh chủ sự. Tham dự thánh lễ này có sự hiện diện của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn của Việt Nam, Đức Hồng Y Francis Xavier kriengsak kovitvanit của Thái Lan, Đức Sứ Thần tòa Thánh tại Bangkok, các Giám Mục Linh Mục và giáo dân tại Lào và Việt Nam

Tham dự thánh lễ cũng có đại diện của Hội Truyền Giáo Paris, đại diện của Tu hội Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Hơn 2000 giáo dân đã ngồi chật trong nhà thờ. Ban tổ chức đã đặt màn truyền hình lớn bên ngoài thánh đường để hàng ngàn người theo dõi buổi lễ.

Người ta cũng thấy có các đại diện của cơ quan chính quyền Lào tham dự buổi lễ.

Đức Hồng Y đặc sứ Tòa Thánh đã đọc điệp văn của Đức Thánh Cha và Ngài đã ban phép lành Tòa Thánh cho buổi lễ phong chân phước. Đức Hồng Y đặc sứ tuyên bố kể từ nay Giáo Hội Lào sẽ cử hành lễ Các Thánh tử Đạo Lào vào ngày 16 tháng 12 hàng năm.

Trong những năm gần đây, chính quyền Lào tỏ ra thái độ cởi mở đối với tôn giáo nên Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam, Sứ Thần Tòa Thánh tại Bangkok, Myanmar và Lào đã cám ơn chính quyền Lào và hy vọng trong tương lai gần chính quyền Lào sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican.

Tưởng cũng nên nhắc lại, dân số Công Giáo Lào vào khoảng 60,000 người, chiếm 1% dân số, được chia làm 4 Giáo Phận Tông Tòa
 
Giám mục Thuỵ Sĩ khuyên các linh mục không ban bí tích Xức Dầu cho những ai tìm Trợ Tử.
Biển Đức Phan Anh
12:13 12/12/2016


Trước tình hình trợ tử gia tăng ở trong nước, một giám mục Thụy Sĩ đã chỉ thị các linh mục Công Giáo không ban bí tích Xức Dầu cho những người bị tình nghi là tìm kiếm sự trợ giúp tự tử (trợ tử, xin xem note *).

"Đây là một vấn đề khó khăn, khó mà quyết định đúng đắn khi phải đứng trước một cái chết, thậm chí có thể nói là một cảm giác bất lực," là lời cuả Đức Giám mục Vitus Huonder của giáo phận Chur, đồng thời là giám quản tông tòa giáo phận Zurich.

"Sự việc, một bệnh nhân đang đau khổ sẵn sàng nhờ sự giúp đỡ cuả một người khác để tự tử, đặt các linh mục đứng trước một tình huống khỏ xử. Trong những điều kiện như vậy, thì việc đón nhận bí tích (Xức Dầu) là vô hiệu, vậy thì việc mà các linh mục nên làm là đưa ra một lời cầu nguyện và phỏ thác người hấp hối vào lòng thương xót của Thiên Chúa. "

Huấn thị được đưa ra nhân dịp Ngày Nhân Quyền 10 tháng 12, đức giám mục cho biết xã hội đương đại đang "đắm chìm trong một biển cả đằy dẫy những dữ liệu đối chọi nhau" và thường tỏ ra có một "sự nông cạn đáng sợ đối với vấn đề đạo đức."

Tuy nhiên, ngài nói thêm rằng giáo huấn của Giáo Hội thì rất rõ ràng, việc điều trị y tế phải "tôn trọng sự sống cũng như cái chết," và không "làm giảm quá trình tự nhiên của cái chết."

"Khả năng Y học hiện đại làm cho chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nó, đặc biệt làm mất khả năng phán đoán trên giai đoạn cuối cùng của sự sống", Đức Cha Huonder nỏi.

"Nhưng từ quan điểm Kitô giáo, thì sự sống và cái chết là ở tay Thiên Chúa mà chúng ta không có quyền quyết định cho chính mình. Tự tử, như giết người, mâu thuẫn với trật tự thế giới của Thiên Chúa."

Được biết, trợ tử (Euthanasia) được luật cuả Thụy Sĩ cho phép, miễn là "động lực không do bởi sự tự cao tự đại". Những năm vừa qua trợ tử đã tăng nhanh chóng. Theo báo cáo ngày 05 tháng 12 cuả tờ báo Neue Zurcher Zeitung, thì trung bình mỗi ngày trong năm 2015 có đển 999 người chết 'êm dịu' được ghi nhận về mặt pháp lý, tăng 35 phần trăm so với năm 2014, thêm vào đó sự "thay đổi các giá trị xã hội" đã làm cho việc trợ tử trở thành "một bình thường mới".

Trong huấn thị, Đức Cha Huonder nói những tiến triển về phương pháp giảm đau đã gây ra những "vấn đề xã hội, nhân đạo, tôn giáo và mục vụ".

Trong khi chúng ta đều biết rằng cái chết thì không nên "trì hoãn vô trách nhiệm" bằng "mọi phương pháp trị liệu với bất cứ giá nào." Tuy nhiên, một "sự thay đổi về thái độ trong xã hội" đã tạo ra những khó khăn mục vụ cho hàng giáo sĩ, vì các tổ chức an tử nhấn mạnh rằng bệnh nhân có quyền lựa chọn khi nào thì chết.

"Việc ban bí tích sám hối, xức dầu và cho rước lễ là một nguồn an ủi cho những con bệnh nguy cấp và chờ chết", Đức Cha Huonder nói. "Tuy nhiên, cũng là bổn phận nặng nề của một linh mục, thực hiện đức ái qua mục vụ, là phải khuyên răn những dự tính tự hủy hoại, vì nó đi ra ngoài con đường cuả sự cứu rỗi đời đời, và phải giúp bệnh nhân hiểu và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa."

Những huấn thị cuả ĐGM Huonder chắc chắn sẽ gặp nhiểu chống đối. Trợ tử đã được hợp pháp hóa tại Bỉ, Hà Lan và Luxembourg và đang là những dự luật ở một số nước châu Âu khác.

Trong một tuyên bố ngày 06 Tháng 12, công ty trợ tử Dignitas ở Zurich cáo buộc Đức Giám Mục Huonder đã "lan truyền mâu thuẫn". Họ cho rằng nhiều bệnh nhân nan y sẽ "chết sớm hơn nhiều" nếu để mặc cho "Thiên Chúa toàn năng."

Dignitas nỗi tiếng là đã cung cấp thuốc độc miễn phí cho khách hàng.

Dignitas nói thêm rằng Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã phán quyết năm 2011 rằng các cá nhân, nếu "có khả năng suy nghĩ tự do và hành động phù hợp," có quyền quyết định "như thế nào và vào lúc nào mà cuộc sống của họ được kết thúc".

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói việc điều trị y tế có thể được chấm dứt một cách hợp pháp khi "tốn kém quá sức, nguy hiểm, bất thường hoặc không cân xứng."

Tuy nhiên Sách cũng ghi chú rằng việc trợ tử một cách cố ý (intentional euthanasia) "dưới bất kỳ hình thức nào hay động cơ nào, thì vẫn là giết người."

* "Trợ tử" ở đây được hiểu theo nghĩa “an tử chủ động” (active euthanasia, intentional euthanasia), tức là cố ý giết chết một người hấp hối, với sự ưng thuận của người đó. Trợ tử bị Giaó lý Công Giảo kết án trong mọi trường hợp.

Còn "an tử thụ động" (passive euthanasia) tức là đình chỉ việc điều trị để không kéo dài sự sống. Trên quan điểm Phò Sự Sống thì việc "an tử thụ động" cũng không được khuyến khích, tuy nhiên sách Giáo Lý Công Giáo cho phép việc này khi việc điều trị là "tốn kém quá sức, nguy hiểm, bất thường hoặc không cân xứng."

Cần phải thảo luận với Cha Sở để được hướng dẫn khi phải đối mặt với những trường hợp như trên.
 
Giáo Hội Lào có các vị tử đạo đầu tiên
Hồng Thủy
13:43 12/12/2016
VIÊN CHĂN – Ngày 11/12/2016 đánh dấu một bước lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại Lào. Tại nhà thờ chánh tòa tại thủ đô Viên chăn đã diễn ra Thánh lễ trọng thể tôn phong chân phước cho 17 vị chân phước tử đạo, bao gồm các thừa sai người ngoại quốc và giáo dân Lào.

17 vị chân phước bị giết trong thời gian từ 1954-1970 bởi các chiến binh cộng sản Pathet Lào. 5 vị thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), những thừa sai đầu tiên mang Tin mừng đến Lào vào năm 1885. 6 vị thuộc dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm, trong số đó có vị thừa sai trẻ người Ý là Mario Borzaga, bị giết vào năm 1960 khi mới 27 tuổi, cùng với Paolo Thoj Xyooj, một giáo lý viên người Lào. Trong số các vị tử đạo Lào có cha Joseph Thao Tien, Linh mục đầu tiên gốc Lào, bị giết năm 1954 cùng với 4 giáo lý viên thổ dân.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa cùng ngày 11/12, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng “sự trung thành anh dũng của các vị tử đạo với Chúa Kitô có thể là sự khích lệ và gương mẫu cho các nhà truyền giáo và đặc biệt cho các giáo lý viên, những người thực hiện hoạt động tông đồ quý giá và không thể thay thế được tại các miền đất truyền giáo mà toàn thể Giáo Hội biết ơn họ.”

Thánh lễ có sự tham dự của một số Hồng Y, Giám mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ Lào, Campuchia, Việt nam và các nước lân cận, cũng như các thừa sai thuộc Hội Thừa sai Paris và dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm và một số nhân vật chính quyền dân sự.

Đức Hồng Y Orlando Quevedo, người Philippines, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã đọc sứ điệp với phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha, trong đó ngài đề cao các vị tử đạo là những anh hùng và lịch sử của họ được loan truyền cho các thế hệ trẻ biết.

Trong bầu khí cởi mở, Đức Tổng Giám mục Paul Tschang In-Nam, sứ thần Tòa thánh tại Bangkok và đại diện tông tòa tai Myanmar và Lào đã bày tỏ lòng biết ơn với chính quyền và hy vọng trong tương lai gần, Lào có thể thắt chặt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh.

Cộng đoàn Công Giáo Lào có khoảng 60 ngàn giáo dân, chiếm 1% trên tổng số 6 triệu dân, thuộc 4 hạt đại diện tông tòa và có khoảng 20 Linh mục phục vụ.

Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện tông tòa ở Paksé, nhận định “việc cử hành Thánh lễ là giây phút hiệp thông tràn đầy với Tòa Thánh và Giáo Hội hoàn vũ, trong một năm thật sự đầy ân phúc.” (Agenzia Fides 12/12/2016)
 
Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới
Lm Trần Đức Anh OP
13:44 12/12/2016
VATICAN. Hôm 12-12-2016, Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hòa Bình thế giới 1-1 năm 2017 đã được công bố với đề tài: ”Bất bạo động: một kiểu chính sách hòa bình”.

Đây là Sứ điệp hòa bình thế giới thứ 50 của các vị Giáo Hoàng. Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực ”từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tai nhiều quốc gia và đại lục, nạn khủng bố, tội phạm, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được.. (2)

ĐTC xác quyết bạo lực không phải là cách săn sóc thế giới chúng ta bị tan vỡ thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.

Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người (Mc 7,21).. (3).

ĐTC nhận xét rằng ”bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và nói: ”Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau [...] Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. ”Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ với mục đích giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”. (4)

ĐTC cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. .. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ. (5)

ĐTC xác quyết: ”việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình trong Bài Giảng Trên Núi. 8 mối phúc thật (Xc Mt 5,3-10) phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phục, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: ”Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính” (6).

”Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình. (SD 12-12-2016)
 
Chủ nghĩa phá thai cực đoan Mỹ vẫn giương oai dù bị cử tri bác bỏ
Vũ Văn An
22:29 12/12/2016
Cuối tháng Mười Một, tại Albuquerque, Bang New Mexico, một trung tâm thai nghén phò sự sống được Project Defending Life, một thừa tác vụ Công Giáo, bảo trợ đã bị cướp phá và nổi lửa đốt.

Kẻ cướp phá đã nổi lửa đốt bàn thờ và các hàng ghế ở nhà nguyện Các Thánh Anh Hài của Trung Tâm, rồi đốt hết các sách báo truyền đơn chống phá thai.

Sở Điều Tra Liên Bang đang điều tra biến cố trên, được coi như môt tội ác kỳ thị.

Từ năm 2006, thừa tác vụ trên đã dành cho phụ nữ nhiều hình thức phục vụ, từ kiếm nhà ở và việc làm tới các khám nghiệm thai nghén, tại một tòa nhà đối diện với một cơ sở của tổ chức phá thai khổng lồ Planned Parenthood.

Tiểu Bang New Mexico mới xuất hiện như là một tiểu bang người ta tới để phá thai, càng ngày càng lôi cuốn nhiều phụ nữ từ các tiểu bang khác; nó là một trong 7 tiểu bang cho phép phá thai ở bất cứ thai kỳ nào.

Cuộc tấn công nói trên chứng tỏ phá thai vẫn còn là một điểm nóng, sau một cuộc tổng tuyển cử trong đó, vấn đề phá thai chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bầu cho ông Donald J. Trump.

Trong ba tháng cuối cùng của cuộc tranh cử tổng thống, người ta thấy Bà Hillary Clinton hết lòng ủng hộ việc phá thai ở thai kỳ cuối cùng và được liên bang tài trợ.

Các chủ trương này đã lạc điệu đối với nước Mỹ chính dòng. Bà ta công khai chủ trương thu hồi Tu Chính Án Hyde, một đồng thuận lưỡng đảng đã có từ năm 1976 nhằm ngăn cản việc dùng tiền Liên Bang hỗ trợ việc phá thai. Chủ trương này chỉ được 36 phần trăm cử tri ủng hộ mà thôi. Bà ấy cũng chủ trương dùng tiền Liên Bang tài trợ cho Planned Parenthood.

Ông Trump thì nói mình sẽ thôi tài trợ cho Planned Parenthood. Trong cuộc tranh luận lần thứ ba, Bà Clinton nhất quyết ủng hộ việc phá thai ở thai kỳ cuối, “để bảo vệ sự sống và sức khỏe người mẹ”. Nhưng nhiều bác sĩ sản khoa, trong đó có cựu bác sĩ sản khoa C. Everett Koop, từng hành nghề trong 35 năm, quả quyết rằng thủ tục phá thai này chưa bao giờ được dùng để cứu sinh mạng người mẹ cả.

Câu đối đáp của Ông Trump hết sức rõ ràng: “Nếu qúy vị theo những điều bà ta nói, thì qúy vị có thể xé nát một hài nhi ra khỏi bụng mẹ ở tháng thứ chín, và bà ấy sẽ bảo: việc ấy o.k.. Nhưng nó không o.k. đối với tôi. Điều ấy không thể chấp nhận được”.

Hồi tháng Năm, 2016, dù chỉ có 19 phần trăm cử tri phò sự sống nghĩ rằng Ông Trump đồng quan điểm với họ, nhưng đến ngày 8 tháng Mười Một, Ông Trump là sự lựa chọn của những người tự coi mình có chủ trương phò sự sống: các cử tri Tin Lành và Tái Sinh (82 phần trăm), những người đi nhà thờ ít nhất mổỉ tuần một lần (56 phần trăm), và người Công Giáo (52 phần trăm).

Đến 60 phần trăm người Công Giáo không nói tiếng Tây Ban Nha bỏ phiếu cho Ông Trump đến, ngược với khoảng 67 phần trăm người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha bầu cho bà Clinton.

Xét về lịch sử, các cử tri Công Giáo được coi là những người quyết định trễ và chính họ quyết định người thắng cuộc.

"Trong suốt cuộc tranh cử, cam kết của Donald Trump đối với các quan điểm phò sự sống luôn mỗi ngày một mạnh mẽ hơn”. Mallorey Quigley, Giám Đốc Truyền Thông của Susan B. Anthony List (SBA), một tổ chức luôn ủng hộ các ứng viên và các nhà cổ vũ luật lệ phò sự sống.

Tổ chức trên nhắm vận động các tiểu bang Florida, Missouri, North Carolina, và Ohio ủng hộ tư cách ứng viên của Ông Trump. Họ chi 18 triệu dollars trong hai năm, trong khi EMILY’s List chi tới trên 40 triệu dollars trong mùa bầu cử này để vận động cho các ứng viên phò phá thai.

Tháng 7 năm 2015, Trump ủng hộ ưu tiên lập pháp hàng đầu của SBA List tức việc ngăn cấm phá thai sau 5 tháng.

Quigley cho biết thêm: tổ chức của cô không chỉ ủng hộ các ứng viên Cộng Hoà mà cả các ứng viên Dân Chủ và Độc Lập có thể thương lượng được miễn là có khuynh hướng phò sự sống rõ rệt. Tổ chức của cô đã gõ 1.1 triệu cửa nhà tại các tiểu bang nói trên và đã thắng tại mọi tiểu bang này.

Như Cha Paul O'Callaghan, Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa Chính Thống Giáo tại Wichita, nói với tờ Washington Examiner: "nhiều người cho tôi hay họ hết sức ngỡ ngàng trước việc Hillary Clinton cổ vũ việc phá thai ở tam cá nguyệt thứ ba. Họ hết sức xúc động đối với việc này”.

Theo Google Lab, vào ngày bầu cử, hai chữ được người ta tra cứu nhiều nhất chính là “phá thai” và “di dân”: hai chữ này quả đã đóng một vai trò quan trọng đối với các cử tri tại các khu ngoại ô Detroit.

Martin Manna, Chủ Tịch Phòng Thương Mãi Can Đê-Hoa Kỳ, cho rằng “cộng đồng chúng tôi đi bầu như chưa từng thấy bao giờ”. Canđê là cộng đồng Công Giáo đến từ Iraq; đây là cộng đồng Canđê lớn nhất ở ngoại quốc: 121,000 người.

Khi lá phiếu cuối cùng bầu tổng thống được đếm ở Michigan cho thấy Ông Trump chỉ thắng hơn đối thủ 10,704 phiếu, thì các khu ngoại ô đông bắc của Detroit, nhất là Quận Macomb, tự chứng tỏ có lá phiếu quyết định, như giới truyền thông địa phương đã chứng tỏ.

Quận Macomb, nơi nhiều người Canđê Iraq sống, đã bầu cho Trump 12 phần trăm nhiều hơn bầu cho Clinton dù họ từng bầu cho Obama cả hai kỳ bầu cử năm 2008 và 2012. Các cử tri tại quận này không phải là công nhân cổ xanh, mà là các nhà chuyên nghiệp.

Theo Manna, điều vận động được cộng đồng tương đối bảo thủ nói chung này là vấn đề phò sự sống cũng như vấn đề bách hại Kitô hữu ở Iraq và Syria, những điều vốn không được chính phủ đương quyền quan tâm.

Manna cho hay: “Chúng tôi không thấy chính phủ Obama có hành động gì bất kể cuộc diệt chủng các Kitô hữu và bạo động cũng như đe dọa không ngừng của các phần tử cực đoan duy Hồi Giáo”. Ông hy vọng rằng chính phủ kế tiếp sẽ ủng hộ một tỉnh mới dùng làm nơi an toàn cho các nhóm thiểu số tôn giáo tại Bình Nguyên Nineveh.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ niệm 10 năm Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp Anrê Phú Yên : 2006 - 2016 : Không lẽ đã trở thành vang bóng !
Lm Giuse Trương Đình Hiền
10:37 12/12/2016
HÔNG LẼ ĐÃ TRỞ THÀNH VANG BÓNG !

(Kỷ niệm 10 năm Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp Anrê Phú Yên : 2006 - 2016)

Cho tới đầu năm 2016, nếu có ai ghé lại ga Tuy Hòa, khi thả dốc đầu đường Nguyễn Huệ để xuống biển, sẽ gặp ngay một lối vào bên tay phải mà địa chỉ ghi tên : 02A Nguyễn Huệ, Trung Tâm Mục vụ Tổng Hợp Anrê Phú Yên.

Và nếu thuận chân tiến vào bên trong theo lối đi giữa hai bloc nhà, sẽ thấy đối diện, phía sau thảm cỏ và hòn non bộ, một tượng đài mạ đồng với 3 nhân vật, một đứng thẳng, 2 quỳ dưới chân và bên dưới đế tượng đài có một panô xây ngang với phông xanh rêu và chữ vàng đậm bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh :

TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG HỢP ANRÊ PHÚ YÊN

Anre Phu yen General Pastoral Center (AGPC)

Vâng, đây chính là khu vực thuộc cơ sở mục vụ của giáo xứ Tuy Hòa mang tên TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG HỢP AN-RÊ PHÚ YÊN (Anre Phu Yen General Pastoral Center – AGPC) được nguyên Đức Giám Mục giáo phận Qui Nhơn, Phêrô Nguyễn Soạn cho phép và khuyến khích xây dựng với vi bằng xác nhận như sau :

VĂN THƯ CHO PHÉP

XÂY DỰNG TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG HỢP ANRÊ PHÚ YÊN

GIÁO XỨ TUY HÒA

__________________________

Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn

Nhờ ơn Chúa và quyền Tòa Thánh Làm Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn

Gởi lời thăm

Linh mục Chánh xứ, Phó Xứ, các Chủng sinh-Tu sĩ,

Cùng toàn thể anh chị em giáo dân thuộc cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa,

Quí Cha, Quí Chủng sinh-Tu sĩ và toàn thể anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Do nhiệm vụ của tôi và năng quyền đã thông qua tôi, bằng văn thư nầy tôi cho phép linh mục Chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Tuy Hòa được khởi công xây dựng TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG HỢP ANRÊ PHÚ YÊN vào ngày 06.06.2005 trên khu đất chuyên dụng của Giáo xứ Tuy Hòa.

Để việc xây dựng Nhà Chúa được tiến hành tốt đẹp hầu đáp ứng các yêu cầu mục vụ trong giáo xứ Tuy Hòa, Giáo Hạt Phú Yên, tôi kêu gọi toàn thể anh chị em thuộc mọi thành phần trong giáo xứ, hãy liên kết với nhau, hỗ trợ cụ thể và cọng tác tích cực với Cha Chánh xứ trong suốt tiến trình thi công cũng như trong mọi ngày, mọi biến cố mục vụ khác của giáo xứ.

Tôi cũng xin đặc biệt chào thăm và mến chúc toàn thể Ban điều hành và thực hiện xây dựng công trình : tập thể kỷ sư, kiến trúc sư, công nhân viên và những người liên hệ được bình an hồn xác và sức khỏe dồi dào.

Xin Thiên Chúa chúc lành và phù giúp công trình tốt đẹp của anh chị em được thành tựu như ý Chúa để Chúa được vinh danh và để nhiều người nhận được nhiều hoa trái thiêng liêng.

Làm tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn

Ngày 03 tháng 06 năm 2005

† Phêrô Nguyễn Soạn

Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn

Văn thư nầy đã được long trọng công bố vào ngày 6/6/2005 trong nghi thức Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng công trình và được đặt tại chỗ viên đá đó, khu vực mà sau đó một năm, khi các hạng mục công trình xây dựng đã hoàn tất, chính là nơi thiết đặt tượng đài Á Thánh Anrê Phú Yên.

Sau 8 tháng thi công, công trình xây dựng Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp Anrê Phú Yên đã được hoàn tất và cũng được chính Đức Cha Phêrô Nguyễn Soan, Giám Mục Qui Nhơn đương nhiệm lúc bấy giờ, đã chủ sự nghi thức làm phép và khánh thành vào ngày 16/02/2006, cũng là dịp giáo xứ Tuy Hòa mừng kỷ niệm 45 năm hành trình sống đạo (1961-2006).

Kể từ đó, nơi đây đã trở thành một cơ sở “đa năng” của giáo xứ Tuy Hòa nói riêng và giáo hạt Phú Yên, giáo phận Qui Nhơn nói chung. Ngoài một số hạng mục được giáo xứ cho thuê mặt bằng để có thêm thu nhập kinh tế, toàn bộ cơ sở được tận dụng cho các sinh hoạt mục vụ đa ngành : giáo lý, văn hóa, giao lưu, hội thảo, học hỏi, tiếp tân. Nơi đây còn thiết đặt Phòng Truyền Thống và thư viện Anrê Phú Yên.

Nơi đây cũng đã từng có các cuộc hội thảo chuyên đề về giáo lý liên giáo phận Qui Nhơn-Nha Trang, về con người và sự nghiệp cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn với tác phẩm trường thi lục bát SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG của ngài.

Nơi đây, cũng được các khóa Tân Tòng tổ chức bế giảng, hội đoàn Legio Mariae tổ chức ngày Tổng Hội thường niên cấp giáo hạt và cuộc gặp mặt truyền thống của các bạn sinh viên Huệ Trắng…

Trong dịp kỷ niệm 12 năm lễ phong Á Thánh Anrê Phú Yên (03/03.2012), toàn bộ giáo lý viên và các linh mục giáo hạt Phú Yên đã tề tựu về sinh hoạt và cử hành Thánh lễ tạ ơn ngày dưới tượng đài của Vị Á Thánh.

Riêng cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa, hàng tuần, dành riêng chiều thứ ba, sau giờ thánh lễ chiều, cùng nhau đến đọc kinh trước tượng đài Á Thánh.

Có một sự kiện cũng cần ghi nhớ là vào năm 2009, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn đã chính thức đặt cha Phaolô Nguyễn Minh Chính, khi cha vừa du học từ Pháp về, chuyên trách Trung Tâm nầy như một Giám Đốc, cho tới khi cha về nhận nhiệm vụ mới tại Qui Nhơn vào năm 2013.

Ngày hôm nay, sau 10 năm trải qua bao thăng trầm mục vụ cũng như thế sự, có thể những dấu vết về Trung Tâm Mục vụ Tổng hợp Anrê Phú Yên đã trở thành vang bóng. Tuy nhiên, có một điều chúng ta không thể lãng quên, đó chính là Á Thánh Anrê Phú Yên ; Vị Thánh Tử Đạo tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam nhưng gần như đã bị chính quê hương và dân tộc mình lãng quên trong một thời gian rất lâu dài. Ngay cả hôm nay, nếu chúng ta, những thế hệ cháu con, không trân trọng và ý thức đủ về những giá trị thiêng liêng thuộc về ngài, nhiều kỷ niệm liên quan đến ngài, có khi, tất cả lại cũng trở thành “một thời vang bóng” !

Trương Đình Hiền
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mùa Đông Tuyết Trắng
Joseph Ngọc Phạm
20:28 12/12/2016
MÙA ĐÔNG TUYẾT TRẮNG
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Bốn mùa ơn phước Chúa ban
Xuân hoa, Hạ nắng, Thu vàng, tuyết Đông.
(nđc)