Ngày 09-12-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chu Toàn Sứ Vụ Tiền Sứ Cho Đức Ki-Tô Như Gioan
Lm. Đan Vinh
11:01 09/12/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG Chúa Nhật 3 MÙA VỌNG A

Is 35,1-6a.10 ; Gc 5,7-10 ; Mt 11,2-11

Chu Toàn Sứ Vụ Tiền Sứ Cho Đức Ki-Tô Như Gioan

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 11,2-11

(2) Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: (3) “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? (4) Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: (5) Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. (6) Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. (7) Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? (8) Thế thì anh em xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. (9) Thế thì anh em ra làm gì ? Để xem một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó. Mà tôi nói cho anh em biết: Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. (10) Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến”. (11) Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng nhằm giới thiệu Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và đề cao Tân Ước trổi vượt hơn Cựu Ước. Khi Gio-an trong tù nghe biết hoạt động của Đức Giê-su, liền sai môn đệ đến gặp Người để tìm hiểu rõ hơn về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời bằng các công việc Người đang thực hiện ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a về Đấng Thiên Sai. Người cũng khen ngợi các đức tính của Gio-an và xác nhận vai trò tiền sứ của ông.

3. CHÚ THÍCH:

- C 2-6: + Gio-an lúc ấy đang ngồi tù…: Gio-an đã bị vua Hê-rô-đê bắt giam về tội dám ngăn cản nhà vua lấy bà chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê vợ của ông hoàng Phi-líp-phê làm vợ của mình (x. Mt 14,3). + Liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác ?: Gio-an rất vui khi nghe môn đồ thuật lại những việc Đức Giê-su làm (x. Ga 3,28-30). Ông đã được chứng kiến cuộc thần hiện cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su khi ông làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan. Đang khi các môn đệ của ông lại tỏ ra ganh tị khi thấy Đức Giê-su thành công hơn thày mình (x. Ga 3,26). Giờ đây Gio-an sai môn đệ đến gặp Đức Giê-su, để họ tin Người thực là Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, chính Gio-an cũng thắc mắc tại sao Đức Giê-su không hành xử công thẳng như Đấng Mê-si-a thẩm phán, mà ông đã loan báo cho dân chúng trước đó (x. Mt 3,10.12). + Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Khi các môn đệ của Gio-an tới thì gặp lúc Đức Giê-su đang chữa nhiều bệnh hoạn tật nguyền trong dân, xua trừ ma quỷ (x. Lc 7,21). Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời cho Gio-an về sứ mệnh Thiên Sai của Người khi cho thấy các việc Người đang làm ứng nghiệm các sấm ngôn về Đấng Thiên Sai (x. Is 26,19). + Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi: Đức Giê-su cũng cảnh báo: Cần loại bỏ quan niệm về một Đấng Thiên Sai hành xử công thẳng và thiết lập một Nước Trời mang tính thế tục.

- C 7-9: + Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về Gio-an rằng: Đức Giê-su đã hết lời khen ngợi Gio-an để đánh tan hiểu lầm của dân chúng cho rằng ông đã bị thất bại và bị Thiên Chúa bỏ rơi khi để mặc ông cho vua Hê-rô-đê bắt bớ. + Anh em ra xem gì ở hoang địa…: Gio-an cao trọng vì đức tính can đảm bất khuất, không chịu luồn cúi trước bạo lực. + Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ?: Gio-an không sống giàu sang buông thả nhưng có nếp sống đơn giản khổ hạnh. + Để xem một vị Ngôn sứ chăng…: Gio-an chính là một Ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến.

- C 10-11: + Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Đây là lời tuyên sấm của Ngôn sứ Ma-la-khi về một vị tiền hô đi trước dọn đường cho Chúa ngự đến (x Ml 3,1) đã được ứng nghiệm nơi Gio-an là vị tiền hô có sứ mệnh đi trước để dọn đường cho Đức Giê-su. + Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông: Gio-an tuy là ngôn sứ cao trọng nhất trong thời Cựu Ước, nhưng ông vẫn không thể sánh được với Đức Giê-su trong thời Tân Ước.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Gio-an bị vua Hê-rô-đê bắt giam vào tù ? 2) Gio-an có tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai hay không ? Tại sao ? 3) Tại sao ông sai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su về vai trò Thiên Sai của Người ? 4) Đức Giê-su đã làm gì để chứng tỏ Người là Đấng Thiên Sai ? 5) Đức Giê-su khen ngợi Gio-an về những điểm nào ? 6) Sứ vụ của Gio-an đã được Ngôn sứ nào nói tới? 7) Tại sao Gio-an là người vừa cao trọng lại vừa nhỏ bé nhất ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,10).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TIỀN SỨ BẰNG GƯƠNG SÁNG TIN YÊU PHÓ THÁC:

Có một cô bé mới chỉ bốn tuổi mà đã có thể cảm hóa được ba em làm dấu đọc kinh trước bữa ăn. Trưa hôm đó, khi đang chơi đồ hàng ngoài sân, thì cô chị ra kêu vào nhà ăn cơm. Ngồi vào bàn, em nhìn ba và khẽ nói:

- Ba à, Ma-sơ bảo phải đọc kinh trước khi ăn cơm.

Lúc đó người cha chỉ còn cách làm dấu và đọc kinh Lạy Cha, một thói quen mà ông đã bỏ từ lâu.

Câu chuyện thứ hai: Một bác sĩ giải phẫu đã được ơn trở lại tin yêu Chúa nhờ gương sáng của một bệnh nhân là một bé trai 5 tuổi. Em bị đau bụng dữ dội được đưa đến bệnh viện khám bệnh. Sau khi siêu âm và chụp X quang ổ bụng, bác sĩ khẳng định em bị khối u trong dạ dày cần được phẫu thuật. Về sau bác sĩ giải phẫu đã kể lại câu chuyện mổ cho em như sau:

“Hôm đó, em bé được đưa vào phòng mổ và trước khi gây mê, tôi nói với em rằng:

- Bác sĩ sắp sửa giúp con khỏi bệnh. Nhưng trước hết con cần phải qua một giấc ngủ nhé”. Nghe nói sắp đi ngủ, em bé được mẹ dạy thói quen cầu nguyện trước khi đi ngủ đã nói:

- Vậy xin bác sĩ cho con cầu nguyện trước khi đi ngủ.

Nói đoạn em quỳ xuống bên cạnh bàn mổ, hai tay chắp lại, đôi mắt ngước lên cao, em khẽ đọc một kinh lạy cha. Nhìn thấy cảnh em cầu nguyện, vị bác sĩ và mấy y tá đều cảm động rưng rưng nước mắt. Vị bác sĩ kể tiếp: Sau đó, tôi tự nhiên cảm thấy lương tâm cắn rứt, nên đã đi xưng tội sau 20 năm, và từ đó mỗi buổi tối, tôi không bao giờ đi ngủ mà không cầu nguyện”.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng được trao sứ vụ làm tiền sứ của Đấng Thiên Sai như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, để dọn đường cho Con” (Mc 1,2). Mỗi người chúng ta đều được mời gọi để làm tiền sứ cho Chúa, giúp tha nhân tin yêu Chúa bằng một lối sống tin yêu phó thác như em bé trong câu chuyện trên.

2) TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG CHIA SẺ:

Một nhóm thương gia dự một cuộc họp. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng giờ ăn bữa tối với gia đình. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định. Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt. Một người chẳng may xô phải quầy bán táo của một cậu bé, táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu. Rồi mọi người vội lên ngồi trên xe buýt và thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé bán táo. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ và thấy cậu bé đang vất vả đi mò tìm từng trái táo lượm lại. Thì ra cậu bé bị mù! Tội nghiệp quá, ông giúp cậu lượm lại từng quả cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một món tiền, rồi ra đi. Cậu bé bán táo liền hỏi với theo "Ông có phải là Chúa Giêsu không ?"

Quả thật, theo một nghĩa nào đó, ông thương gia kia chính là Chúa Giê-su hiện thân. Ngày nay Hội Thánh cũng rất cần có những Chúa Giê-su như thế.

3) TIỀN SỨ BẰNG THÁI ĐỘ LUÔN KHIÊM TỐN HÒA ĐỒNG VỚI THA NHÂN:

Vào một buổi chiều, sau ngày lên ngôi vị Giáo Chủ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 ra khu vườn của điện Va-ti-can đi bách bộ để tìm thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Ngài thấy một người đang làm vườn, bên mình bác ta có đeo theo một chai rượu. Vị Giáo chủ khả ái tiến lại gần hỏi chuyện và không chút ngần ngại, ngài đã ngồi xuống đất uống rượu chung với bác ta. Vì chưa biết mặt vị tân Giáo chủ, nên trước vẻ xuề xòa của ngài, bác làm vườn nghĩ ngài cũng chỉ là một viên chức cao cấp trong giáo triều, nên bác ta hết lời ca ngợi vị tân Giáo chủ dựa theo dư luận mà bác đã nghe biết về ngài. Sau khi đã uống cạn bình rượu với bác làm vườn, trước khi từ giã, Đức Gio-an 23 mới hỏi rằng: “Này bác, bác chưa bao giờ thấy mặt vị Giáo chủ phải không ?” Bác ta trả lời: “Thưa chưa ạ”. Bấy giờ Đức Gio-an 23 mới ôn tồn nói: “Thế là hôm nay bác đã thấy rõ rồi nhé. Giáo chủ mới chính là người đã ngồi uống rượu với bác từ nãy đến giờ đó !”.

Đức thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 chính là gương mẫu cho chúng ta học tập. Thái độ khiêm tốn hòa đồng, sẵn sàng đến ngồi nói chuyện và chia sẻ một ly rượu tầm thường với người giúp việc nhà cho thấy: sự thánh thiện không hệ tại ở những việc lớn lao, nhưng biểu lộ qua thái độ luôn khiêm hạ và đi bước trước đến với mọi người, sẵn sàng sống chan hòa yêu thương những người đang sống bên cạnh mình.

4) TIỀN SỨ BẰNG MỘT ĐỜI SỐNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC:

Tể tướng lưng gù là một câu chuyện huyền thoại về một vị tể tướng có hình thể dị dạng bị gù lưng, nhưng rất anh minh trong việc trị nước.

Chuyện xảy ra vào đời nhà Thanh: Lưu Dung là con của một thầy giáo, sở học và thú đánh cờ đều giỏi như nhau. Tiểu thư Hà là con gái của vị tể tướng trong triều vừa xinh đẹp, vừa là cao thủ cờ tướng, được rất nhiều người yêu mến, trong đó có cả nhà vua. Tiểu thư lá ngọc cành vàng ấy chỉ lấy làm chồng người nào vô địch trong cuộc tỉ thí cờ do cô mở ra. Đúng lúc Lưu Dung về kinh thi trạng nguyên và chàng đã lấy được người đẹp. Sau đó lại thi đỗ trạng nguyên, được làm tể tướng.

Tuy hình thù dị dạng nhưng tể tướng họ Lưu là một người coi trọng công bằng và chính nghĩa. Ông đã lật tẩy nhiều thói hư tật xấu của bọn tham quan, hương lý. Ông trở thành đại ân nhân của lớp dân đen bị quan lại hà hiếp đàn áp bóc lột. Tuy là tể tướng đầy quyền uy, nhưng ông lại chọn lối ứng xử khôn khéo mưu lược hơn là vũ lực, nên rất được dân chúng tin yêu.

5) TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG SIÊU THOÁT TIỀN BẠC VẬT CHẤT:

Thánh Phanxicô thành Assisi khi còn là một thanh niên đã đến viếng thăm thủ đô Rôma nước Ý, quì gối cầu nguyện trước mộ thánh Phêrô. Để tỏ lòng biết ơn đối với thánh cả Phê-rô, Phanxicô đã bỏ vài đồng tiền kẽm vào thùng công đức. Nhưng khi vừa bước ra tới đường lộ, Phan-xi-cô gặp một người ăn xin nghèo khó. Với tâm trạng hưng phấn, Phanxicô đã yêu cầu người ăn xin đổi chiếc áo choàng cũ rách của anh lấy chiếc áo choàng đắt tiền quý giá của mình. Người ăn xin rất sung sướng, và còn sướng hơn nữa khi ông ta phát hiện ra những đồng tiền cắc còn sót lại trong túi áo mới đổi được. Rồi sau đó, Phanxicô tập nghề ăn xin: Anh ngồi ở góc đường, mở miệng xin những người qua lại bên đường giúp đỡ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nghèo khó ấy, Phan-xi-cô lại cảm nghiệm thấy trong lòng một niềm vui khôn tả. Chính nguồn vui ấy đã gợi hứng cho Phan-xi-cô sau này đã thiết lập một trong những dòng tu lớn nhất của Hội Thánh Công Giáo là dòng “Anh em hèn mọn”.

Mùa đông năm 1206, Phanxicô Assisi, đã công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa Cha trên trời. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ. Hai năm tiếp đó, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi.

Lối sống siêu thoát của Phan-xi-cô đã thu hút được nhiều người đi theo: trước tiên là 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định, sống theo Luật Dòng Anh em Hèn mọn. Phan-xi-cô đã cử các tu sĩ thừa sai đi khắp nơi để loan báo một Đức Kitô nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh, hầu mang lại sự hòa giải và bình an cho mọi người như lời cầu trong “kinh Hòa Bình”. Căn tính của phong trào Phan sinh là sống siêu thoát noi gương Chúa Giê-su theo luật dòng được Hội Thánh chấp nhận, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.

6) TIỀN SỨ BẰNG VIỆC NĂNG GIỚI THIỆU CHÚA CHO THA NHÂN:

Vào một ngày đẹp trời, có một ông cụ ngồi trên ghế xích đu vẻ đăm chiêu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ một bé gái tung banh rơi vào sân nhà ông. Cô bé chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen: “Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên ghế này, ông đang chờ đợi ai vậy?” Ông nói: “Cháu còn quá nhỏ làm sao hiểu được điều ông mong đợi.” “Ông à, mẹ cháu nói rằng nếu có điều gì trong lòng, thì hãy nói ra mới hiểu rõ hơn.” Nghe cô bé nói thế, ông liền thổ lộ tâm tình: “Ông đang chờ đợi Chúa đến.” Cô bé kinh ngạc, ông già giải thích: “Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. Ông cần một dấu hiệu, cháu à.” Bấy giờ cô bé lên tiếng: “Ông chờ một dấu hiệu hả? Thưa ông, Chúa đã cho ông dấu hiệu rồi: Mỗi khi ông hít thở không khí, nghe tiếng chim hót, nhìn hạt mưa rơi… Chúa cho ông dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ và trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu. Chúa luôn hiện diện nơi đây.”

3. SUY NIỆM:

1) Thầy có đúng là Đấng phải đến không?

- Dù bị Hê-rô-đê bắt giam vào tù, nhưng Gio-an vẫn được các môn đệ cho biết về các hoạt động của Đức Giê-su. Khi thấy Người không hành xử cách công thẳng là trừng phạt tội nhân (x. Mt 3,10-12), ông bị hoang mang, nên sai môn đệ đến gặp Người và nêu thắc mắc về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Đức Giêsu không trả lời trực tiếp, mà yêu cầu các môn đệ Gio-an trở về thuật những việc Người làm: “Cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi lành sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng”.

- Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của Isaia về Đấng Cứu Thế, (Is 35,5-6a) và thanh luyện cái nhìn của ông về sứ mệnh Đấng Thiên Sai: Đấng Cứu Thế không phải là ông Vua oai phong từ trời ngự xuống. Mà chỉ là một hài nhi bé nhỏ xuất hiện giữa loài người. Người không phải là vị Vua oai phong trong cung điện nguy nga, nhưng như một người lao động nghèo hèn. Người không phải là Quan tòa oai nghiêm trừng phạt tội nhân, mà là một lương y hiền hòa, đến để chữa lành những thương tích, an ủi những kẻ ưu sầu, nâng đỡ những người yếu đuối, tha thứ những tội nhân. Người không đến trong chiến thắng vinh quang, mà âm thầm như một người bạn thân thiết của mọi người. Người không đến như một người quý tộc cao xa, nhưng sẵn sàng sống hòa đồng với mọi kẻ khó nghèo, những người thu thuế và tội lỗi bị xã hội khinh thường loại bỏ...

- Ngoài ra, Đức Giê-su còn muốn Gio-an đổi mới cái nhìn về Đấng Thiên Sai, để tránh bị vấp ngã (x. Mt 11,6), như Phê-rô đã từng bị vấp ngã khi khuyên Đức Giê-su không theo con đường đau khổ thập giá theo thánh ý Chúa Cha (x. Mt 16,22-23).

2) “Anh em ra xem gì trong hoang địa ?” :

Đức Giê-su ba lần đặt câu hỏi này với thính giả về vai trò của ông Gio-an Tẩy Giả.

- Ông được Người khen là một người dũng cảm cương nghị chứ không luồn cúi hèn hạ như lau sậy phất phơ trước gió (x. Mt 11,7).

- Ông sống đơn sơ khổ hạnh chứ không ham mê gấm vóc lụa là trong đền vua (x. Mt 11,8).

- Ông không những là một ngôn sứ, mà còn hơn thế nữa: vì có sứ mệnh làm tiền sứ, đi trước dọn đường giúp người đời đón Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Mt 11,10).

3) Sống tinh thần Mùa Vọng là khiêm hạ phục vụ:

- Sống khiêm nhường như Gio-an: Sự khiêm nhường chính là điều cần thực hiện trong mùa Vọng này, bởi vì chỉ những người khiêm nhường mới gặp được Chúa như lời Người phán: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng và nâng cao những người phận nhỏ”. Kinh nghiệm cho thấy: Một người yếu đức tin mà có lòng kiêu căng tự mãn sẽ khó quay về với Chúa, hơn một kẻ dù mê đắm xác thịt mà có lòng tin vào Chúa. Bởi vì người sa ngã nếu có đức tin sẽ sớm nhận ra thân phận yếu hèn của mình để quay về giao hòa với Chúa.

- Ngày kia, một du khách đang đứng chiêm ngắm bức tượng Chúa chịu nạn thời danh của THORWALDSEN. Nhưng ông ta nhìn ngắm hồi lâu mà chẳng khám phá ra một vẻ đẹp nào như lời đồn đại. Bỗng ông ta nghe thấy có tiếng người thì thầm bên tai: “Phải quì xuống ông mới có thể nhìn thấy khuôn mặt từ ái của Chúa”. Ông ta làm theo và bấy giờ ông đã khám phá ra vẻ đẹp tuyệt vời của bức tượng. Về phần chúng ta trong những ngày này, nếu biết khiêm hạ quì xuống trước nhan Chúa, thì chúng ta mới có thể gặp được lòng thương xót của Người.

4) Chu toàn sứ mệnh làm tiền sứ cho Chúa bằng lối sống vui tươi:

- Trong bầu khí của năm Mục Vụ Gia đình, các bậc làm cha mẹ được mời gọi sống vui tươi trong bổn phận vợ chồng với nhau và cha mẹ đối với con cái. Nhiều gia đình ngày nay đã trở nên buồn bã thiếu sinh lực. Để có thể tìm lại niềm vui cho gia đình, các bậc cha mẹ cần sống vui tươi, và làm cho niềm vui lan tỏa trong gia đình mình. Hãy vui vì chúng ta được làm con Thiên Chúa, hãy đem Chúa vào trong đời sống của gia đình mình nhờ các giờ kinh gia đình, cầu nguyện trước mỗi bữa ăn...

- Các bạn trẻ đừng tìm vui trong men rượu, đừng giải sầu trong bài bạc, trong các quán hát ka-ra-ô-kê hay những quán cà-phê đèn mờ để tìm hưởng lạc thú bất chính… vì những thứ đó chỉ đem đến bệnh tật, gia đình bất hòa và ly tán, chứ không mang lại niềm vui và bình an thực sự.

- Hãy tìm kiếm niềm vui thực sự nơi Đức Giêsu, bằng cách gặp Ngài qua các buổi học Lời Chúa và cầu nguyện để được Ngài lấp đầy sự trống rỗng của chúng ta.

- Nhưng quan trọng hơn cả: Chúng ta chỉ có thể vui mừng và được bình an khi tâm hồn chúng ta sạch tội, không bị đam mê dục vọng bủa vây, không bị lương tâm dày vò, bằng cách đến với bí tích giải tội, và năng dự lễ để rước Chúa vào lòng. Dù bên ngoài có gặp phải các điều trái ý cực lòng, chúng ta vẫn có được niềm vui và sự bình an. Bấy giờ chúng ta mới khả năng sống bình an với tha nhân, thay cho xung đột, chiến tranh và bất hạnh.

4. THẢO LUẬN: Noi gương Đức Giê-su cứu thế bằng con đường khiêm tốn yêu thương và phục vụ (x. Mt 11,5), bạn sẽ làm gì để nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su trước mặt người lương ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con rất khâm phục thánh Gio-an, vị Tiền Hô của Chúa khi can đảm nói lên sự thật, dù bị Hê-rô-đê thù ghét và đã anh dũng chết để làm chứng cho sự thật. Xin đừng để chúng con bao giờ hèn nhát, vào hùa với kẻ mạnh hiếp đáp người thân cô thế cô, giống như loài lau sậy ngả nghiêng theo chiều gió. Gio-an đã sống khổ hạnh, đi ngược lại trào lưu đam mê ích kỷ trong đền vua chúa. Xin cho chúng con biết tiết giảm mua sắm vật dụng quần áo, để dành tiền quảng đại chia sẻ cho những anh chị em nghèo khổ chung quanh chúng con. Gio-an đã trung thành với sứ mệnh công bố Lời Chúa để giúp những kẻ gian ác bỏ đường tội lỗi mà về với Chúa. Xin cho chúng con biết luôn chu toàn sứ mệnh làm ngôn sứ khi dám đứng ra bênh vực công lý, bất chấp những lời đe dọa trả thù.

- Lạy Chúa, xưa Chúa đã dùng hành động cứu nhân độ thế để làm chứng về sứ mệnh Thiên Sai của mình. Xin cho chúng con mỗi ngày biết làm chứng cho Chúa bằng việc hăng say phục vụ những người bệnh tật đau khổ, đồng thời luôn biết xét đoán ý tốt, nói tốt và phục vụ tha nhân vô vụ lợi. Nhờ đó chúng con có thể chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt người đời như thánh Gio-an xưa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Câu hỏi đức tin
Lm Vũđình Tường
20:57 09/12/2016
Con trẻ thường hỏi rất nhiều câu hỏi liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Có những câu hỏi thật đơn giản dễ trả lời, cũng có những câu hỏi phức tạp, dù cha mẹ cố gằng trả lời cách nào đi nữa đầu óc non nớt chúng cũng không thể hiểu. Bên cạnh những câu hỏi trên còn một loại câu hỏi ngớ ngẩn không liên quan đến cuộc sống nhưng bởi chúng đang trong tuổi thích học hỏi nên chỉ biết hỏi mà không nghĩ có nên hỏi hay không.

Thế giới người lớn cũng có nhiều thắc mắc về cuộc sống và những câu hỏi của người lớn xem ra phức tạp hơn nhiều. Câu hỏi người ta từ đâu ra và khi chết đi về đâu là câu hỏi chung của mọi thời đại. Những người đặt niềm tin vào Đức Kitô thì câu trả lời rõ ràng, dứt khoát: chúng ta đến từ Thiên Chúa đầy yêu thương và khi chết chúng ta trở về với Thiên Chúa Đấng dựng nên ta. Những ai từ chối chấp nhận lời giải đáp rõ ràng, thích đáng của Đức Kitô gặp bế tắc lớn khi tìm câu trả lời hợp lí cho vấn đề. Khi đi tìm giải đáp có nhiều câu hỏi đặt ra cũng ngớ ngẩn như những câu hỏi của trẻ em khi tìm hiểu về vũ trụ trong cuộc sống. Ngưỡng mộ kiến thức về vũ trụ của khoa học gia là điều quí; bên cạnh đó cũng không quên những hiểu biết đó chỉ là một phần rất nhỏ của vũ trụ bao la vì thế giải thích về nguồn gốc vũ trụ không mang tính xác quyết nhưng mang tính phỏng đoán dựa vào các dữ kiện mà phỏng đoán thì có thể sai. Ngay cả dữ kiện giúp phán đoán cũng có thể sai.

Không có đức tin không thể có những thắc mắc chính đáng về đức tin bởi đức tin đòi hỏi tính khiêm nhường. Khi thiếu khiêm nhường thì không thể tìm hiểu về đức tin bởi câu hỏi về đức tin là những câu hỏi phát xuất từ lòng chân thành cộng với tính khiêm nhường.

Có hai loại câu hỏi liên quan đến đức tin. Loại thứ nhất là loại đi nghiên cứu về đức tin và loại thứ hai là loại học hỏi thêm về đức tin. Khi nghiên cứu về đức tin sẽ xảy ra hai trường hợp: một là học để chấp nhận; hai là học để phản bác, chối bỏ. Trường hợp một thành tâm và khiêm nhường học hỏi để tìm hiểu về đức tin dẫn đến niềm tin; trường hợp hai là từ chối về Thiên Chúa hiện hữu bởi đi tìm bằng chứng về Thiên Chúa hiện hữu sẽ không bao giờ tìm được. Con người không thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu bởi ta không thể dùng tình yêu giới hạn của ta đề chứng minh tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Chính điều này ngăn cản con người hiểu và nhận biết về một Thiên Chúa yêu thương. Để tìm hiểu và nhận biết về Thiên Chúa chúng ta cần có một chút nào đó tình yêu Chúa trong ta, chính tình yêu đó tác động ta đi tìm hiểu thêm về Thiên Chúa, nếu không sẽ không bao giờ gặp được tình yêu Chúa. Để có chút tình yêu Chúa trong ta điều cần và đủ là đức khiêm nhường. Thiếu nhân đức này thì không thể khởi đầu việc tìm kiếm. Người ta có thể sống trong tình yêu nhưng không chứng minh được tình yêu. Ai cố gắng chứng minh tình yêu của người bạn đường gia đình đó sẽ đi đến đổ vỡ và thất bại bởi tình yêu không phải để nghiên cứu nhưng để sống, hy sinh, tận hiến.

Người thắc mắc trong đức tin là người có những câu hỏi xác tín về niềm tin. Kinh thánh ghi lại nhiều trường hợp thắc mắc trong đức tin. Khi Gioan rao giảng, kêu gọi thống hối, trở về đường công chính, đám đông, người thu thuế và ngay cả binh linh đến hỏi Gioan chúng tôi phải làm gì để được ơn cứu độ (Luca 3,10-16). Họ không hỏi có Thiên Chúa hay không nhưng hỏi làm sao để được đến gần Chúa. Hỏi như thế là thắc mắc trong đức tin. Chính Gioan cũng có thắc mắc này. Khi ông ngồi trong tù nghe nói nhiều việc làm của Đức Kitô và ông sai người môn đệ thân tín đến hỏi Đức Kitô- Ngài là Đấng Cứu Thế hay chúng tôi còn phải đợi Đấng Khác. Hỏi như thế cho biết Gioan tin vào Đấng Cứu Thế nhưng không biết rõ đấng đó là đấng nào. Thắc mắc trong đức tin giúp đào sâu về niềm tin và trưởng thành trong niềm tin.

Thắc mắc về niềm tin thường là thắc mắc đi tìm bằng chứng Thiên Chúa hiệu hữu và thường là thất bại; trong khi thắc mắc trong đức tin là thắc mắc biểu lộ niềm tin của cá nhân người đó và thường có câu trả lời xác đáng.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:27 09/12/2016
82. NGƯỜI NGƯỜI THỔ HUYẾT.
Phụ nữ người Ba Tư ở tại Quảng Châu, tai và mắt đều bịt kín, trên đầu trang điểm hơn hai mươi cái vòng, nhà nhà đều dùng tre nứa để làm cổng, ăn bã trầu nhổ trên đất giống như máu.
Người phương bắc chế giễu nói:
- “Người người đều thổ huyết, nhà nhà đều cổng nứa”.
(Kê Lặc thiên)

Suy tư 82:
Phong tục tập quán mỗi dân tộc, mỗi địa phương và mỗi nơi mỗi khác nhau.
Trầu cau đối với người Việt Nam ta là “đầu câu chuyện” và được dùng trong việc cưới hỏi, cho nên khi nói đến trầu cau thì thường nói đến chuyện cưới hỏi, và đặc biệt hơn là chỉ có những người già mới ăn trầu cau...
Người Đài Loan không dùng trầu cau trong những dịp đám cưới đám hỏi, nhưng họ ăn trầu cau như chúng ta nhai “kẹo cao su”, người lớn tuổi cũng như thanh niên người miền núi (1) phần lớn đều thích ăn trầu cau, nhất là những người tài xế lái xe đường dài, vì ăn trầu giúp họ tỉnh táo khi lái xe chở hàng trên đường cao tốc với tốc độ một trăm cây số giờ...
Tôn giáo nào cũng có những lễ nghi riêng của họ để tế trời tế đất, vùng đất nào cũng đều có một tập quán riêng của vùng ấy, và làm người thì ai cũng đều có thói quen riêng của người ấy, không ai giống ai...
Có những người Ki-tô hữu thích nhạo cười lễ nghi thờ cúng của người ngoại giáo, và khinh bỉ gọi đó là nhảm nhí dị đoan, nhưng đối với việc thờ phượng Thiên Chúa của người Ki-tô hữu ấy, xem ra càng tệ hơn những người ngoại giáo thờ bụt thần ma quỷ nữa, bởi vì họ đi dâng thánh lễ mà không có một chút thành kính đối với Thiên Chúa, áo quần thì mốt này mốt nọ không phù hợp với nơi trang nghiêm thờ phượng Thiên Chúa, trong nhà thờ thì nói nói cười cười trước Mình Thánh Chúa không có chút gì là cung kính và họ đến nhà thờ như người ta đi chùa cúng phật, giống như người không có đức tin...
Ăn trầu cau và làm cổng nhà bằng tre nứa là phong tục của người Ba Tư sinh sống tại Trung Quốc không có gì phải chế giễu, nhưng cái đáng chê cười và đáng chế giễu nhất chính là chúng ta –người Ki-tô hữu- không thành tâm yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa, vốn là việc cao cả nhất, nơi các lễ nghi của Giáo Hội Công Giáo...

(1) Ở Việt Nam gọi là người Thượng hay người dân tộc.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:31 09/12/2016
Chúa Nhật III MÙA VỌNG

Tin mừng: Mt 11, 2-11
“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?”


Bạn thân mến,
Mặc dù bị ngồi tù, nhưng thánh Gioan Tiền Hô vẫn cứ ngong ngóng mong đợi –mong đợi trong hy vọng- Đấng mà ngài đã từng loan báo phải đến để giải thoát nhân loại thoát khỏi bóng đêm tội lỗi. Đó là ý nghĩa của Chúa Nhật tuần thứ ba mùa vọng này: Chúa Nhật của niềm vui.

Đấng ấy đã đến rồi, và Ngài đang làm cho những lời loan báo của thánh Gioan Tiền Hô được hiệu nghiệm: Ngài chữa lành bệnh tật, làm cho người mù thấy được, người què đi được và làm cho người chết được sống lại. Đấng ấy chính là Đức Chúa Giê-su –Đấng Mê-si-a- mà muôn dân trông đợi, Đấng mà bạn và tôi từng giây phút đợi chờ, dù Ngài mỗi ngày đều đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể và qua những ơn lành mà chúng ta đã lãnh nhận.

Có rất nhiều người thời nay vẫn còn hỏi chúng ta: “Đấng Mê-si-a của các anh đã đến chưa, sao cuộc sống của các anh không chứng tỏ gì là Ngài đến cả vậy ?” Câu hỏi của họ thật chính đáng, bởi vì họ chưa nhìn thấy người Ki-tô hữu chúng ta sống như lời của Đức Chúa Giê-su đã dạy: “yêu người thân cận như chính mình”, cho nên họ thấy chúng ta sống như không có niềm hy vọng mai sau.

Bạn thân mến,
Khi con người ta ngày càng bế tắc trong cuộc sống vì chiến tranh, đói khát, hận thù, chia rẽ, bè phái, và ngày càng bi quan với những nạn phá thai, an tử, hưởng thụ, thì người ta càng mong đợi Đấng Chân Lý đến để giải thoát thế giới khỏi bóng đêm tội lỗi mờ ám ấy.

Bạn và tôi, hoặc bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều có thể trở thành một Đức Chúa Giê-su thứ hai, nếu chúng ta thực hành những điều mà Ngài đã dạy chúng ta, đó là chia sẻ cơm áo với người nghèo khó, chia sẻ niềm vui với người vui, và đồng cảm với những người bất hạnh. Như thế, người ta sẽ không hỏi chúng ta là khi nào thì Đấng Mê-si-a đến, nhưng họ sẽ thấy Đức Chúa Giê-su đang đến và đang hoạt động trong con người của chúng ta, những con người sống và làm việc vì hy vọng vào ngày trở lại Ngài.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:38 09/12/2016

29. Tình cảm con người vì nhìn bên ngoài nên thường bị sai lầm, duy chỉ có cậy vào ân sủng của Thiên Chúa thì vĩnh viễn không thể sai lầm.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Giám mục trả 11 triệu Mỹ Kim cho quân khủng bố Hồi Giáo IS để chuộc mạng 226 con tin
Đặng Tự Do
01:04 09/12/2016
Đức Cha Mar Afram Athneil chào đón một phụ nữ vừa được IS trả tự do
Ngày 23 Tháng Hai năm 2015, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tấn công đồng loạt vào 35 làng Kitô giáo ở lưu vực sông Khabur, miền bắc Syria, bắt giữ hơn 200 con tin. Những con tin này đã lần lượt được trả tự do.

Hôm 6 tháng 12 vừa qua, thông tấn xã AP đã công bố một báo cáo gây chấn động dư luận, trong đó, mô tả chi tiết cách thức các Kitô hữu Syria trên thế giới đã gây qũy lên đến 11 triệu Mỹ Kim làm tiền chuộc mạng cho 226 con tin, và vai trò quan trọng trong việc đóng tiền chuộc cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS của Đức Giám Mục Afram Athneil.

Đức Cha Afram Athneil là Giám Mục của Giáo Hội Assyrô Đông phương. Giáo Hội này đã cắt đứt sự hiệp thông với Tòa Thánh sau Công Đồng Chung Êphêsô vào năm 431.

Trả tiền chuộc mạng là bất hợp pháp tại Hoa Kỳ và hầu hết các nước phương Tây, và ý tưởng đưa tiền cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS là rất khó biện minh về phương diện đạo đức, ngay cả khi không còn một phương thế nào khác.

Kitô giáo trong khu vực Khabur có từ thời các thánh Tông Đồ và người dân ở đây vẫn còn nói tiếng Aramaic, là ngôn ngữ Chúa Giêsu đã nói khi xuống thế làm người.

Tại làng Tal Goran, bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt được 17 người đàn ông và 4 phụ nữ. Một trong 17 người đàn ông bị bắt là Abdo Marza bị buộc phải đi đến Hassakeh cách nơi bị giam giữ 64 km để gặp Đức Cha Afram Athneil là giám mục của anh để chuyển lời của bọn khủng bố đòi 50,000 Mỹ Kim để chuộc mỗi một con tin.

Sau khi đã hỏi ý kiến các cộng đoàn Kitô Syria trên thế giới, Đức Cha Afram Athneil viết một lá thư giao cho anh Abdo Marza quay lại giao cho bọn khủng bố. Sau khi nhận được thư, bọn khủng bố Hồi Giáo IS trả tự do cho anh Abdo Marza, con gái 6 tuổi của anh, và 3 người phụ nữ khác.

Từ đó, Đức Cha Athneil âm thầm quyên góp để trả cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS một khoản tiền chuộc mạng lên đến hơn 11 triệu Mỹ Kim.

Aneki Nissan, người đã giúp gây quỹ tại Canada nói với thông tấn xã AP:

“Bạn nhìn vào chuyện này từ phương diện đạo đức. Tôi hiểu được điều đó. Nếu đưa tiền cho bọn chúng, chúng tôi đang nuôi dưỡng chúng, và chúng sẽ giết chúng tôi bằng chính số tiền đó. Nhưng mà, đối với chúng tôi, một nhóm thiểu số rất nhỏ, chúng tôi phải giúp đỡ lẫn nhau.”

Báo cáo của AP có thể khiến nhiều người tại California, Hoa Kỳ, trong đó có đạo diễn Sargon Saadi, và nhiều người khác tại Đức vào tù về tội quyên góp cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Source: The Independent - The Syrian bishop who saved 226 Christian hostages from Isis
 
Hồi giáo cực đoan ở Indonesia tiếp tục, quấy nhiễu một trường đại học Tin Lành.
Xavier Nguyễn Đông
16:44 09/12/2016

Nhiều người lo ngại rằng sự quấy nhiễu cuả những nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ còn xảy ra ở nhiều nơi bên Indonesia, với nhiều lý do dù là cực kỳ vô lý, cho đển khi việc xét xử thống đốc cuả Jakarta là ông Basuki Tjahaja Purnama kết thúc.

Ngày 07/12, một đám côn đồ dùng bạo lực giải tán một lễ nghi Tin Lành ớ Bandung. Nhưng đó chỉ là màn dạo đầu, ngày hôm nay, đến phiên một nhóm khác đột kích vào trường Đại học Tin Lành Duta Wacana Christian (UKDW) ở Yogyakarta, miền trung đảo Java, nói với các nhà chức trách rằng họ phải hạ một biểu ngữ đang treo ở mặt tiền cuả nhà trường xuống.

Lý do là tấm biểu ngữ có in hình một nữ sinh trùm một chiếc khăn trên đầu.

Theo các phần tử cực đoan thì biểu ngữ quảng cáo này là sai vì hầu hết các sinh viên của trường đại học là Kitô hữu.

Diễn đàn Cộng đồng Hồi giáo (MUI) ở Indonesia cũng lên tiếng ủng hộ các phần tử cực đoan ấy, cho rằng việc đưa một người Hồi giáo vào trong quảng cáo của một tổ chức Thiên Chúa giáo là sai.

Khoa trưởng cuả đại học UKDW là ông Henry Feriadi đã chấp nhận yêu cầu quái gở này, nhưng bày tỏ sự lo ngại về cách thức của những người biểu tình. "Chúng tôi lo ngại bởi vì họ hăm dọa, những người Hồi giáo nói với chúng tôi rằng họ sẽ trở lại với số lượng lớn hơn và sẽ tự tay thực hiện công lý nếu chúng tôi không hạ tấm biểu ngữ xuống."

Đây là lần đầu tiên một sự việc như vậy xảy ra ở Yogyakarta. Đại Học UKDW được thành lập vào năm 1962 để dạy Thần học cho các mục sư Tin lành tương lai. Nhưng từ năm 1985, trường cung cấp các khóa học dân sự như Computer, tiếng Anh, kinh tế và y học.

Trước những hành vi quái đản cuà đám Hồi giáo cực đoan, một số nhóm xã hội dân sự và trí thức Hồi giáo đã lên tiếng phản đối.

Một nữ sinh viên Hồi giáo lên tiếng phê bình sự cực đoan. "Những yêu cầu của họ là vô căn cứ. Trường đại học là một nơi cho khoa học, chính trị không nên can thiệp vào các nghiên cứu học thuật", cô nói.

"Tôi lên tiếng thay mặt cho sinh viên và giáo sư cuả UKDW," cô giải thích. "Tôi cũng là một sinh viên cuả trường và trong suốt 5 năm tôi học ở đây, tôi thấy rằng bầu không khí học tập là rất Hồi giáo.

"Sinh viên được dạy cư xử một cách lễ độ và chúng tôi được phép cầu nguyện trong khuôn viên trường. Những hành động cố chấp của số người này cần phải được trừng trị một cách cứng rắn từ các nhà chức trách. "
 
Các Giám Mục Kenya lên án cuộc đình công cuả các bác sĩ gây ra muôn vàn đau khổ.
Moses Trương Võ
16:46 09/12/2016
"

Chúng tôi bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của chúng tôi trong việc các bác sĩ và y tá liên tục đình công, và đã gây cho các công dân Kenya nhiều đau đớn, khổ sở đến một tỷ lệ không thể tưởng tượng được", theo tuyên bố cuả các Giám mục Công Giáo của Kenya trong gửi cho thông tấn xã Agenzia Fides ngày 09/12/2016. Các giám mục tố cáo những hậu quả nghiêm trọng mà cuộc đình công đem lại.

"Những người ốm yếu, trẻ em và cao niên, cũng như những trẻ em sinh non và những nạn nhân tai nạn đã bị bỏ rơi để chịu đau và chịu chết trong những điều kiện khủng khiếp trong khi các chuyên gia y tế và các quan chức chính phủ thì dương dương khí phách đương đầu với nhau mà không có phương hướng rõ ràng và hy vọng", theo bản tuyên bố.

Giáo Hội thông cảm với các chuyên gia y tế "về những thất vọng của họ về việc các thỏa thuận tập thể đã không được tôn trọng", nhưng xin nhớ lại rằng "việc họ từ bỏ những bệnh nhân vô tội để bị đau khổ như vậy là không công bằng ".

"Chúng tôi kêu gọi các chuyên gia y tế đã thề bảo vệ sự sống nên xem xét lại lập tường và không tham gia vào các hành động đe dọa sự sống. Thật là rất đau đớn chúng tôi cũng vẫn chưa thấy bất kỳ kế hoạch khả thi nào cuả chính phủ khả dĩ đưa đến sự giải quyết cuộc đình công".

Các giám mục đưa ra lời kêu gọi đến chính quyền, hãy tạo ra một môi trường hài hòa cho cuộc đối thoại trong trật tự "để chấm dứt bế tắc này", và kêu gọi đến các bác sĩ "để đối phó với những trường hợp khẩn cấp cần thiết để cứu mạng sống".

Được biết, công đoàn các bác sĩ và y tá trong các bệnh viện công đã bắt đầu đình công kể từ ngày 5/12 khi cuộc đàm phán bế tắc. Họ cũng đe dọa sẽ mở rộng cuộc đình công đến các cơ sở tư nhân. Các chuyên gia y tế phản đối là vì họ đã không được tăng lương, là điều mà chính quyền đã thỏa thuận từ năm 2013.
 
Sau 75 năm, di hài vị tuyên úy đầu tiên tử nạn cuả Thế Chiến II được xác định.
Trần Mạnh Trác
18:48 09/12/2016

Ngày 07 Tháng 12 là ngày kỷ niệm trận Trân Châu Cảng, nhưng đặc biệt năm nay, xác cuả một vị tuyên úy anh hùng, vị tuyên úy đầu tiên tử nạn cuà Thế Chiến II, được nhận diện qua một cuộc xét nghiệm DNA.

Sau 75 năm, hài cốt của Hải quân Tuyên úy Aloysius Schmitt cuối cùng đã được đưa trở về Iowa với gia đình và được chôn cất trong nhà thờ Chúa Kitô Vua.

75 năm trước

Cha Schmitt vừa kết thúc Thánh Lễ sáng (bắt đầu 7g) thì 07:48g, làn sóng đầu tiên của các phi cơ Nhật sà xuống Trân Châu Cảng. Trong vòng 70 giây đầu, 5 trái ngư lôi đã phát nổ trên tàu Oklahoma, chiếc tàu bị trúng tới tám ngư lôi liên tiếp, rồi bị bồi thêm một quả thứ chín nữa. Theo bá cáo thì trong vòng 8 đến 10 phút, con tàu bị lật úp 135 độ.

Trong những phút điên cuồng, mọi người tranh giành nhau để thoát thân, Cha Schmitt 32 tuổi đã đứng dưới một chiếc 'cửa nóc' để đẩy các thủy thủ ra khỏi tàu. Một người trong số đó là thủy thủ Bob Burns.

Trả lời một cuộc phỏng vấn 5 năm trước, ông Burns còn nhớ rất rõ rằng Cha Schmitt "nhận ra giọng nói của tôi và gọi 'Tới đây', lúc đó có hai người kéo từ phía bên trên, và cha Schmitt đẩy những người khác từ phía dưới. Ngài đã đẩy tôi lên." Được biết, ông Burns đã giúp lễ buổi sáng hôm đó.

"Ngài là một người tốt nhất mà tôi được biết", ông Burns nói về vị linh mục tuyên úy. "Đó là một vinh dự được biết Ngài."

Sau khi Cha Schmitt đã giúp được 12 người thoát thân an toàn, thì hàng chục cánh tay đã cố gắng kéo ngài qua chiếc 'cửa nóc.' Khi một nửa thân cuả ngài đã thoát thì lại nghe có tiếng người ở phía dưới và Cha Schmitt đã đòi người ta đẩy ngài xuống lại để ngài có thể giúp những người còn bị mắc kẹt.

Ngài không bao giờ bước ra được nữa!

Vị linh mục anh hùng đó là một trong số 429 thủy thủ và lính hải quân lục chiến đã chết trên chiếc tàu Oklahoma. Ngài cũng là vị tuyên úy Công Giáo đầu tiên - và cũng người đầu tiên của ngành tuyên úy - chết trong Thế chiến II.

Cuộc đời và sự nghiệp

Sinh ngày 04 tháng mười hai 1909, Cha Schmitt là người trẻ nhất trong số 10 người con trong một gia đình nông dân và được đi học các trường học Công Giáo địa phương. Sau khi tốt nghiệp trường Loras College, sau này được gọi Columbia College, Ngài nhập đại chủng viện ở Rome và được thụ phong linh mục vào Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngày 08 tháng 12, năm 1935. Năm 1939, ngài được cho phép nhập ngũ làm tuyên úy hải quân, và đi phục vụ tại tàu Oklahoma thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Có 429 người bị giết trên tàu Oklahoma, nhưng chỉ có một số nhỏ các xác là có thể nhận diện được. Còn khoảng 388 người đã không thể xác định được và được cải táng chung tại Honolulu vào năm 1950.

Sau đó thì kỹ thuật xác định bằng DNA đã phát triển, và Bộ Quốc phòng quyết định cải mả để tiếp tục thử nghiệm và đưa mọi người trở về nguyên quán với gia đình.

Vào tháng Chín năm nay, một đại diện quân sự đã đến Iowa để nói với những người thân cuả Cha Schmitt rằng họ đã xác định được hài cốt cuả Ngài.

Trong lễ tưởng niệm, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, Tổng tuyên úy, cho biết "việc chôn cất di hài của Cha Al Schmitt, mà nghĩa cử anh hùng đã làm điển hình cho những vị tuyên úy Công Giáo và cho mọi người khác, nhắc nhở chúng ta về lòng dũng cảm của Ngài trong cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng 75 năm trước đây. Cũng giống như Chúa, người mà Ngài yêu thương và phục vụ, Cha Schmitt đã từ bỏ cuộc sống của mình, để cho những người khác được sống. Tôi cầu nguyện rằng lòng vị tha của Ngài có thể truyền cảm hứng cho tất cả mọi người bắt chước, đó là sự quan tâm cho người khác và sự trân quí cho sự sống con người. "
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tổng Hội thường niên: Lêgiô Mariae Phú Thọ
Văn Minh
11:08 09/12/2016
Tổng Hội thường niên: Lêgiô Mariae Phú Thọ

“Là người hội viên Lêgiô Mariae, chúng ta được mời gọi sống khiêm nhường, nhỏ bé, và hăng say loan báo Tin Mừng đến cho mọi người. Đặc biệt, là những là cho những người khô khan, nguội lạnh, xa bỏ Chúa đã nhiều năm nơi xung quanh và môi trường sống của mình.

Xem hình

Trên đây là lời chia sẻ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa - trong Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho Tổng Hội thường niên Lêgiô Mariae Curia Phú Thọ III được cha xứ Gioakim cử hành vào lúc 18g00 thứ Năm ngày 08.12.2016, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ.

Đến tham dự Thánh lễ có gần 300 quý hội viên Lêgiô Mariae đến từ các giáo xứ Phú Hòa, Bình Thới, Tân Phú Hòa và Vĩnh Hòa, cùng đông đảo các em thiếu nhi và cộng đoàn trong và ngoài giáo xứ Vĩnh Hòa.

Trước Thánh lễ, quý hội viên trong trang phục áo dài trắng, các em thiếu nhi, cùng cha chủ tế kiệu tượng Đức Mẹ xung quanh ngôi thánh đường hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã qua bài hát “Đời Mẹ nhắn nhủ” do Ban kèn đồng giáo xứ.

Trong phần giảng lễ, cha Gioakim chia sẻ: Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bởi vì, Mẹ Maria không mắc tội tổ tông truyền, Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ của cả nhân loại chúng ta. Chính vì thế, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ nhiều đặc ân mà trên trần thế không ai có được như Mẹ. Còn tất cả con người chúng ta đều mắc tội nguyên tổ do Ađam và Evà đã phản nghịch cùng Chúa; cả hai ông bà đã ăn trái cấm, vì không vâng nghe lời của Chúa truyền. Quả thực, trái cây mà hai ông bà tổ tiên đã ăn chẳng đáng gì, nhưng sở dĩ hai ông bà nguyên tổ bị Chúa giáng phạt vì họ đã không vâng Lời Chúa. Đây là tội phản bội, tội này đã mang sự chết vào trần gian và tội tổ tông đã truyền cho con cái qua muôn thế hệ.

Mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay,“Là người hội viên Lêgiô Mariae, chúng ta được mời gọi sống khiêm nhường, nhỏ bé, và hăng say loan báo Tin Mừng đến cho mọi người. Đặc biệt, là những là cho những người khô khan, nguội lạnh, xa bỏ Chúa đã nhiều năm nơi xung quanh và môi trường sống của mình. Đó là món quà để mỗi người dâng lên cho Đức Mẹ trong Mùa Vọng này, và cùng nhau chuẩn bị đón mừng Chúa Hài Đồng ngự đến trong tâm hồn.

Sau phần hiệp lễ, vị đại diện Hội Lêgiô Mariae thay mặt lên cảm ơn cha xứ Gioakim, quý chức HĐMVGX, quý khách mời cùng mọi thành phần dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng; bó hoa tươi được vị đại diện dâng lên cha Gioakim với lòng thành kính và biết ơn. Đáp lời, cha Gioakim thay mặt quý cha trong giáo hạt Phú Thọ chúc mừng Tổng Hội thường niên Lêgiô Mariae, luôn là những chiến sỹ sống động giữa đời, và chu toàn mọi sứ vụ được trao.

Thánh lễ khép lại lúc 19g00, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận Ơn Toàn Xá từ cha chủ tế và cùng nhau ra đi loan báo Tin Mừng sự sống và tình thương của Chúa cho muôn người.

Được biết, trong năm hoạt động vừa qua, quý hội viên đi công tác đã đem 226 hài nhi bị bỏ rơi từ các bệnh viện mang về Dòng Chúa Cứu Thế chôn cất, và đưa một số người khô khan nguội lạnh khác trở về với Chúa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phát biểu của Lm. Nguyễn Đình Thục, đại diện cho những nạn nhân Formosa tại Quốc hội Đài Loan
LM. Nguyễn Đình Thục
19:44 09/12/2016
Phát biểu của Lm. Nguyễn Đình Thục, đại diện cho những nạn nhân Formosa tại Quốc hội Đài Loan

Sau đây là bài phát biểu của Linh mục Nguyễn Đình Thục thuộc Giáo Phận Vinh trong buổi gặp gỡ ngày 5 và 6 tháng 12 với văn phòng Chủ tịch Quốc hội Đài Loan, cùng với Linh mục Nguyễn Văn Hùng và các tổ chức Đài Loan để trình bày về thảm họa môi trường Formosa.

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Chúng tôi, những linh mục của Giáo phận Vinh, chúng tôi đến từ vùng bị thảm họa ô nhiễm môi trường do Công ty Formosa gây ra. Chúng tôi là những người chứng kiến trực tiếp thảm họa ghê gớm mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu đồng thời chúng tôi cũng là những nạn nhân của nhân tai này. Hôm nay chúng tôi có mặt nơi đây để chuyển đến ngài Chủ tịch một số điều liên quan Công ty Formosa của quý quốc.

I - Tường trình sơ lược về thảm họa

1. Diễn biến

Chúng tôi tóm lược diễn tiến thảm họa ô nhiễm môi trường biển Miền Trung Việt Nam do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (một chi nhánh của Tập đoàn Formosa Đài Loan) gây ra – điều mà người dân Việt Nam chúng tôi gọi là “Thảm họa Formosa”.

Sự việc bắt đầu từ ngày 06/4/2016 và kéo dài đến ngày 08/5/2016, hiện tượng hải sản chết hàng loạt khởi đầu từ Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi có khu công nghiệp Formosa, sau đó lan sang Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế,[1] suốt chiều dài hơn 250 km bờ biển. Tổng cộng có hơn 140 tấn hải sản chết dạt vào bờ, số chết chìm trong biển không thống kê được.[2] Chủng loại cá chết đa số sống ở tầng đáy và hiện tượng cá chết riêng lẻ vẫn còn kéo dài.[3]

Trước áp lực của dư luận, sau nhiều lần cho rằng Formosa vô can trong vụ cá chết, cuối cùng, ngày 29/6 tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã phải thừa nhận Formosa là thủ phạm, cúi đầu xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Người dân Việt Nam không chấp nhận giải pháp đơn giản này, nhiều người đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại và nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa đã diễn ra.

2. Những thiệt hại

Dựa vào thông tin mà báo chí cung cấp và một báo cáo của Chính phủ mà chúng tôi có được, thiệt hại của thảm họa như sau:

- Thiệt hại về tài nguyên môi trường và kinh tế

Số lượng hải sản chết đã dạt vào bờ biển là hơn 140 tấn còn số chết chìm không thể thống kê được. Từ 40 đến 60 % san hô chết, sinh vật phù du, cá tự nhiên chết khoảng 50% làm gián đoạn chuỗi thức ăn và phá vỡ hệ sinh thái.[4] Thủy sản nuôi ven biển chết thảm hại: “diện tích nuôi tôm chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thành phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có 16.313 lồng nuôi cá bị chết tương đương 140 tấn cá, 6,7 ha diện tích nuôi ngao chết tương đương 67 tấn và trên 10 ha cua nuôi bị chết.”[5]

- Thống kê về thất nghiệp và thu nhập

Thất nghiệp hoặc giảm thu nhập đang đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người, đẩy cả một thế hệ trẻ em vào một tương lai bất định.

+ Tổng cộng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng, trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp.

+ Thất nghiệp: Khoảng 14% lao động bị mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng: Thừa Thiên Huế: 10,1%, tăng 1,6 lần; Quảng Trị: 13,2%, tăng 2,8 lần; Quảng Bình: 28,6%, tăng 7,9 lần; Hà Tĩnh: 16,4%, tăng 15,7 lần.

Các công việc chính liên quan đến biển bao gồm: Đánh bắt, buôn bán, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, du lịch... tất cả đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là những người đánh bắt thủy sản đã giảm gần 25.000 người, trong đó tại Hà Tĩnh, con số này giảm đến gần 74% so với trước khi xảy ra thảm họa Formosa. Số người hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khách sạn đã giảm tổng cộng 33%. Trong đó Hà Tĩnh giảm 54% và Quảng Bình giảm 52%.

+ Thu nhập, Quảng Bình là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất khi có tới 83,2% người dân bị giảm thu nhập so với trước thời điểm xảy ra thảm họa.[6]

Những con số trên dựa theo công bố mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng chúng tôi cho rằng, thực tế còn phủ phàng hơn.

3. Hoang mang lo sợ của người dân

Muối, thủy sản là thực phẩm chính yếu và truyền thống của người dân. Từ khi thảm họa xảy ra, người dân không dám dùng những loại thực phẩm này vì không biết những chất độc đã giết cá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Đến thời điểm hiện tại, đã hơn 8 tháng kể từ ngày cá chết, chúng tôi vẫn sống trong âu lo, không biết có nên ăn cá, muối, nước mắm và các loại thực phẩm biển hay không? Ăn vào liệu những điều khủng khiếp nào sẽ xảy đến với chúng tôi, với con cháu chúng tôi? Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu nữa?

Điều căm phẫn là từ khi gây thảm họa đến nay, Formosa chưa một lần công bố cho công luận biết họ đã thải những chất gì vào biển, số lượng bao nhiêu, thải trong thời gian nào!

Điều đáng sợ hơn nữa là một số báo chí trong nước đưa tin nhiều mẫu cá lấy ở Hà Tĩnh bị nhiễm cyanua, phenol và đặc biệt là kim loại nặng cadimi, chì, sắt và crom.[7] Bằng sự cố gắng và qua nhiều con đường khác nhau, chúng tôi cũng đã thu thập được một số bản giám định mẫu cá chết giạt bờ ở thôn Xuân Hòa, Quảng Trạch, Quảng Bình do cơ quan Nhà nước tiến hành và đã xác nhận là chúng có hàm lượng độc tố cadimi và thủy ngân vượt mức cho phép.[8]

Về bệnh tật, mặc dù chưa được chính thức công nhận, nhưng thông tin trên các mạng xã hội ghi nhận ít nhất đã có ba trường hợp tử vong sau khi ăn cá biển. Một thợ lặn làm việc cho Formosa cũng đã chết sau khi có các triệu chứng nhiễm độc. Những thợ lặn khác cũng có các triệu chứng tương tự.[9]

Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để lấy kết quả xét nghiệm liên quan đến kim loại nặng trong cơ thể của mình với những lý do khó hiểu. Hiện tại chúng tôi chỉ có một kết quả của một bệnh nhân cho thấy hàm lượng thủy ngân và chì trong máu vượt quá mức cho phép, trong đó thủy ngân vượt gần gấp 3 lần.[10]

Theo bản điều tra (chưa công bố) từ tháng 7 của Chính phủ Việt Nam[11] “đã có một nguồn thải lớn từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) có chứa các hạt keo sắt dưới dạng mixel hấp phụ các độc tố như phenol, xyanua, kim loại nặng, hydrocacbon thơm đa vòng... (là chất thải của quá trình luyện cốc) di chuyển theo dòng hải lưu đã gây nên cá chết hàng loạt”[12].

Điều mà người ta đang cố tình né tránh ở đây là độc tố kim loại nặng. Người dân Việt Nam chúng tôi đòi hỏi phải công bố rõ ràng kim loại nặng trong nguồn gây ô nhiễm đó là những loại nào. Tác động của nó ra sao đối với môi trường và sức khỏe con người. Tồn dư của nó trong trầm tích đáy biển và sự ảnh hưởng lâu dài của nó đến nhiều thế hệ người Việt Nam mai sau ra sao. Chúng tôi đã nghe nói đến thảm họa Minamata ở Nhật Bản và chúng tôi lo sợ rằng trong những thập kỷ tới, người dân Việt Nam chúng tôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều đáng sợ nhất của người dân bốn tỉnh Miền Trung Việt Nam bây giờ không phải là thất nghiệp hay đói kém trước mắt mà là sự hoang mang lo lắng bởi sự mập mờ, thiếu thông tin về thảm họa. Đòi hỏi chính yếu của người dân Miền Trung hiện nay không phải là các khoản tiền bồi thường thiệt hại mà là đòi hỏi phải được nhìn thấy tương lai cho chính họ và con cháu của họ. Có người phát biểu họ không muốn nhận tiền bồi thường, họ chỉ muốn biển sạch và Formosa đi khỏi Việt Nam! Chúng tôi đồng quan điểm này và cho rằng số rất đông người cũng có cùng quan điểm với chúng tôi.

II. Đề nghị

Chúng tôi đưa ra các đề nghị sau, mong ngài Chủ tịch và chính giới của quý quốc quan tâm xem xét:

- Buộc Formosa công khai những chất độc đã thải ra biển, đó là những chất nào? Số lượng bao nhiêu? Thải trong thời gian nào? Đánh giá tác động đến môi trường và sức khỏe con người của những loại chất thải này, thời gian bao nhiêu?

- Giải pháp và kế hoạch cụ thể để làm sạch môi trường, bồi thường thiệt hại một cách tương xứng cho nạn nhân, giải quyết công ăn việc làm cho họ trong thời gian xử lý ô nhiễm. Tổ chức xét nghiệm hàm lượng kim loại nặng trong cơ thể cho người dân vùng bị thảm họa.

- Đưa ra công luận dự án thay đổi công nghệ xử lý chất thải để bảo đảm trong sạch môi trường, có cơ chế dễ dàng để người dân hoặc các tổ chức xã hội dân sự đại diện có thể dễ dàng giám sát việc xả thải của Formosa. Nếu không đảm bảo được điều này, yêu cầu đóng cửa Formosa.

III. Thông điệp

Đã từ lâu chúng tôi nhìn Đài Loan như một đảo quốc của những con người đam mê tự do và nhân quyền. Hình ảnh những con người, bất chấp nguy hiểm, ly khai khỏi Trung Hoa đại lục để tạo lập một nơi bình yên và đáng sống làm chúng tôi liên tưởng đến những công dân Anh Quốc vào thế kỷ 18 dám từ bỏ Âu Châu để lập nên nước Mỹ tự do và hùng mạnh.

Chúng tôi cũng đã biết đến chính sách Hướng Nam và Hướng Nam Mới mà Chính phủ Đài Loan đã dày công xây dựng mấy thập niên gần đây. Chúng tôi cũng trông chờ chính sách đó góp phần mang lại tiến bộ và cải tiến nền kinh tế cũng như độc lập vững mạnh cho dân tộc chúng tôi. Nhưng chính Formosa đã làm cho chúng tôi nghĩ về một Đài Loan khác!

Chắc quý vị cũng đã biết lịch sử Việt Nam có một truyền thống lâu dài không mấy tốt đẹp với chủ nghĩa Đại Hán của người Phương Bắc. Trong 16 cuộc chiến tranh lớn chống ngoại xâm thì đã có 14 cuộc chiến chống người Phương Bắc. Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, việc Trung Quốc muốn bá chủ Biển Đông, hàng hòa kém chất lượng và chứa nhiều hóa chất độc hại từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam càng làm cho cảm thức của dân Việt Nam, vốn đã không mấy tốt đẹp về Trung Quốc, lại càng trở nên tồi tệ.

Nhắc tới những điều này chúng tôi không muốn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay làm ảnh hưởng mối quan hệ của quý đảo quốc với Trung Hoa đại lục, nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là: Formosa với cách làm ăn thiếu minh bạch, vô trách nhiệm, không tôn trọng môi trường sống của người Việt Nam đã làm cho người dân đồng hóa Formosa với Trung Quốc và kéo theo một hình ảnh xấu trong tâm thức người Việt về Đài Loan!

Chúng tôi xin dẫn chứng: Vào trung tuần tháng 5/2014, khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD981 vào thềm lục địa của Việt Nam gây nên một làn sóng chống đối mạnh mẽ. Khi đó hàng ngàn người đã xông vào đập phá nhà máy Formosa cũng như gây thương tích cho nhiều công nhân trong đó. Tại sao như vậy? Tại vì quá trình đầu tư vào Vũng Áng của Formosa đã để lại nhiều tai tiếng xấu, vì thế họ chống Trung Quốc nhưng lại tấn công vào Formosa. Họ đồng hóa Formosa với Trung Quốc!

Trong hiện tại, với thảm họa Formosa, tình hình lại càng tồi tệ hơn. Việc biểu tình ở Việt Nam là điều hiếm thấy vì những áp lực, bắt bớ và cấm đoán từ phía chính quyền nhưng thời gian qua đã có nhiều cuộc biểu tình trên khắp Việt Nam, đặc biệt là cuộc biểu tình lớn của hơn 10.000 người trước cổng Formosa ngày 02/10 đã cho thấy điều đó.

Chúng tôi mong quý vị hãy đứng vào vị trí của người dân Miền Trung để hiểu họ: Con đường mưu sinh của họ đang bị chặn mất, tương lai của họ đang bị đe dọa, nòi giống của họ đang bị đầu độc, con cái của họ đang phải đối đầu với một viễn ảnh mờ mịt... Ngài Chủ tịch cũng như quý vị hãy tưởng tượng: Quý vị sẽ đối xử thế nào với một kẻ mà ngày ngày bỏ chất độc vào bát cơm của đứa con thân yêu của quý vị?

Formosa đang làm chậm lại, thậm chí làm mất tác dụng chính sách Nam Tiến Mới của chính phủ Đài Loan và tệ hại hơn, làm hình ảnh những người Đài Loan tự do ngày càng mờ nhạt thậm chí chuyển sang tiêu cực trong suy nghĩ của người Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi chắc rằng quý vị sẽ không thích điều đó!

Xin chân thành cảm ơn quý vị đã lắng nghe!

Nguồn ; http://boxitvn.blogspot.com/
 
Văn Hóa
Chúa Giêsu Giáng Sinh : Bài học khó nghèo
Đinh Văn Tiến Hùng
17:30 09/12/2016
Chúa Giêsu Giáng Sinh

“…Khi ấy Mẹ Maria gần đến ngày sinh, hoàng đế Roma ban bố sắc lệnh, truyền mọi người dân trong toàn đế quốc, phải ghi tên vào sổ kiểm tra tại quê tổ của mình. Thánh Giuse và Mẹ Maria dù rất phiền lòng, nhưng phó thác mọi sự cho Thiên Chúa và vui vẻ lên đường về Miền Nam.
Bấy giờ là mùa đông, cuộc hành trình trở nên mệt nhọc. Vì đôi bạn nghèo nên các hàng quán dọc đường xử tệ. Họ để Hai Vị phải nằm ngoài cửa, có lần còn dồn xuống những căn phòng dơ bẩn, có nơi phải ở chung với súc vật.
Sau 5 ngày dài vất vả trên đường, Thánh Giuse và Mẹ tới Belem, Hai Người đi từ nhà nọ sang nhà kia xin tạm trú, nhưng người ta đều xua đuổi, cả những chỗ quen biết cũng khinh chê. Tính ra có đến 50 nhà xin trọ qua đêm mà không được.
Khoảng 9 giờ đêm, Thánh Giuse vừa mệt nhọc vừa buồn sầu, Người không biết có còn nơi nào ở tạm được nữa, ngoài một hang đá ngoài thành. Mẹ Maria khuyên Người cứ vui lên mà đi. Hang này khốn khó đến nỗi bấy giờ ở Belem dù đầy người, nhưng không ai thèm ra trú ngụ nơi đó.
Khi vào đến hang Mẹ và Thánh Giuse vui mừng quì xuống tạ ơn Chúa.
Mẹ bắt tay vào quét dọn sạch sẽ. Tiết trời lạnh lắm, nên Thánh Giuse nhóm lên một đống lửa và xin Đức Trinh Nữ dùng với mình một chút lương thực. Sau khi chuyện vãn với Bạn Thánh một lúc, Mẹ giục Thánh Giuse đi nghỉ. Mẹ lấy áo mang theo trải trên cái máng rộng đặt trên nền đá hang để làm chỗ nghỉ đêm.
Mẹ quì bên máng cỏ, chắp tay trước ngực, ngước mắt lên trời, hồn trí chìm sâu vào Thiên Chúa, chính lúc đó Mẹ sinh Ngôi Lời lúc nửa đêm.
‘ Chúa sinh ra khỏi lòng Mẹ như một tia sáng mặt trời thấu qua thuỷ tinh không làm hại sự đồng trinh của Mẹ ‘
Khi ấy các Thiên Thần đồng thanh hát :
‘ Sáng danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người lòng ngay ‘
Sau đó Mẹ Maria thờ lạy Chúa cao cả, rồi gọi Thánh Giuse đến thờ lạy Chúa. Thánh Giuse đem khăn áo đến, Mẹ cuốn cho Hài Nhi, rồi Mẹ đặt Chúa trong máng cỏ mà Mẹ đã phủ lên một lớp cỏ khô. Trong lúc đó, theo quyền năng Chúa một con bò từ ngoài đồng chạy vào, hợp sức với con lừa nhỏ Mẹ mang theo, cả hai phục xuống trước Đấng sáng tạo chúng, thở hơi cho Hài Nhi bớt lạnh…..”


* Chú thích :Trích tác phẩm ‘ Thần Đô Huyền Nhiệm hay Cuộc Đời của Mẹ Maria : The Mystical City of God ‘ – Lời Đức Mẹ mặc khải cho Sơ Mary of Jesus of Agreda (1602-1665)

Bài Học khó nghèo

Đêm đông sương tuyết Be-lem,
Đồng hoang thôn xóm nghèo hèn bơ vơ,
Không gian chìm đắm trong mơ,
Be-lem diễm phúc đón chờ hồng ân.

Hài Nhi sinh xuống gian trần,
Không manh áo mỏng che thân cơ hàn,
Chúa Trời bỏ chốn cao sang,
Xuống nơi máng cỏ trong hang chiên lừa.
Giu-se thân phụ của Người,
Lặng yên tuân phục một đời Bõ nuôi.
Ma-ri-a Mẹ Chúa Trời,
Nhìn con suy gẫm một đời xin vâng.
Không trung vang tiếng Thiên Thần,
Tin mừng loan báo xa gần chờ mong.
Dậy mau hỡi các thế nhân,
Cứu tinh nhân loại hồng ân dâng đầy.
Lẻ loi vài vật rẽ bầy,
Vây quanh máng cỏ đến đây chiên lừa,
Thở hơi cho Chúa ngủ yên,
Ấm thân nhỏ bé nơi miền đồng hoang.
Mục đồng chỗi dậy vội vàng,
Tìm đến hang đá lòng tràn niềm vui.
Hài Nhi Con Một Chúa Trời,
Hạ sinh nghèo khó ở nơi hang lừa,
Ba vua suy gẫm lời xưa,
Nhìn ngôi sao lạ cũng vừa hiện lên,
Hành trình ngàn dặm không quên,
Nhũ hương, mộc dược, vàng thời tiến dâng…

Đất trời xao động đêm nay,
Nhân loại chờ đón phút giây ngàn đời
Vính danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG




 
Du thuyền trên trên Vịnh Milford Sound ở phía Nam Tân Tây Lan
LM Trần Công Nghị
19:41 09/12/2016
NAM TÂN TÂY LAN - Milford Sound là một vịnh hẹp ở phía tây nam của đảo New Zealand Nam, Công viên quốc gia Fiordland Piopiotahi (Milford Sound) được kể vào di sản thế giới. Địa danh này được coi là điểm đến hàng đầu trong thế giới du lịch quốc tế và được ca ngợi như là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của New Zealand. Nhà văn Rudyard Kipling gọi đây là kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Milford Sound được đặt tên theo Milford Haven ở xứ Wales Anh quốc. Người Māori đổi tên thành Milford Piopiotahi theo tên một loài chim tuyệt chủng ở đây.

Milford Sound là vịnh ghềnh dài 15 km đi vào nội địa phía Tây Nam New Zealand. Hai bên vịnh được bao quanh bởi các mặt đá tuyệt đẹp có nơi cao tới 1.200 mét(3.900 ft) hoặc hơn. Trong số các đỉnh núi có núi Con Voi (Elephant) cao 1.517 m (4.977 ft), và Núi Sư Tử (Lion) cao 1.302 mét (4.272 ft), hình dạng một con sư tử cúi mình. Ngọn núi Mitre Peak là điểm cao chót vót nhất trong miền Milford Sound.

Milford Sound có hai thác nước thường xuyên chảy quanh năm, đó là thác Lady Bowen Falls và thác Stirling Falls. Sau cơn mưa lớn có thể có đến hàng trăm thác nước tạm thời xối xả nước dọc theo bờ đá thảm cây chạy xuống các tảng đá mặt dốc đối mặt đó vịnh nhỏ bên dưới.

Sáng sớm hôm nay mồng 10 tháng 12 năm 2016, Tầu du lịch chúng tôi tới cửa Vịnh Milford và bắt đầu cuộc thám hiểm. Cơn mưa như thác lũ, trời mây âm u, gió mạnh thổi ào ào biến những thảm mưa thành bức tranh nước nhảy múa trên bờ vịnh. Hàng trăm thác nước hai bên bờ vịnh như những cột lụa trắng giăng khắp nơi…

Thật vậy với lượng mưa trung bình hàng năm là 6,412 mm (252 inches), Milford Sound được biết đến như là nơi sinh sống ẩm ướt nhất ở New Zealand và một trong những ẩm ướt nhất trên thế giới. Lượng mưa có thể đạt tới 250 mm (10 inches) tTrong một khoảng thời gian 24 giờ. Lượng mưa tạo thành hàng thác nước tạm thời đổ nước xuống vách đá, một số thác cao đến một ngàn mét chiều dài.

Ngắm cảnh vịnh Milford vào ngày mưa lớn, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng lối chơi của gió với nhiều thác nước nơi đây. Khi gặp mặt vách đá Gió mạnh mẽ đã thổi dòng nước đi ngược lên hay lan tỏa ra chung quanh. Thật là kỳ thú.

Phong cảnh đẹp, núi hùng vĩ, thác nước tràn lan, núi rừng trùng điệp… biến Milford Sound là một điểm đến du lịch tuyệt đẹp cho các tàu du lịch.
Milford thu hút đến 1 triệu du khách mỗi năm và là điểm du lịch lôi cuốn, thậm chí danh tiếng nhiều nhất của New Zealand.

Nơi đây có nhiều hải cẩu, chim cánh cụt, cá voi và cá voi lưng gù sinh sống và người ta thấy phục hồi của mỗi loài.

Theo điều tra dân số năm 2006, chỉ có 120 người Sống ở Milford Sound, và phần đông họ làm việc trong ngành du lịch hoặc bảo tồn di sản thiên nhiên.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hạt Kinh Mân Côi
Nguyễn Bá Khanh
21:19 09/12/2016
HẠT KINH MÂN CÔI
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Lời Kinh huyền nhiệm lung linh nhiệm mầu
Như muôn ánh sao trên trời
Kinh Mân Côi, Kinh chứa đượm hào quang
Muôn vàn thần thánh cao sang
Chuyển Mân Côi Thánh trước ngai Chúa Trời
Quả lời Đức Mẹ tuyệt vời !
(Trich thơ của Phêrô Trần Đình Phan Tiến)