Ngày 04-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng 5/12 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:06 04/12/2021


BÀI ĐỌC I: Br 5, 1-9

“Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.

Bài trích sách Tiên tri Barúc.

Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa. Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

BÀI ĐỌC II: Pl 1, 4-6. 8-11

“Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Ðức Kitô”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô. Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Kitô, anh em được Ðức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 3, 4. 6

All. All. – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Lc 3, 1-6

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.
 
Lời Ca Nguyện Cầu: Niềm Hy Vọng Giáng Sinh sau hai năm đại dịch
Giáo Hội Năm Châu
02:33 04/12/2021
 
Khỏi phải trả đồng nào
Lm. Minh Anh
02:43 04/12/2021

KHỎI PHẢI TRẢ ĐỒNG NÀO
“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không!”.

Trong cuốn “The Life of God in the Soul of Man”, “Cuộc Sống Của Chúa Trong Linh Hồn Con Người”, Henry Scougal, thần học gia Scotland thế kỷ 17, nói, “Đã từ lâu, Thiên Chúa đấu tranh với một thế giới cứng đầu; Ngài ban cho nó muôn phúc lộc, nhưng những món quà này không thể chiếm được trái tim nó. Cuối cùng, Ngài phải tự làm một quà tặng từ chính mình Ngài!”. Đó là một quà tặng vô giá Ngài đã ban cho thế giới, và nó ‘khỏi phải trả đồng nào!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu là “Một quà tặng vô giá Ngài đã ban cho thế giới, và nó ‘khỏi phải trả đồng nào!’”. Hướng về ngày lễ Giáng Sinh, sẽ ý nghĩa biết bao khi chúng ta dừng lại với ý tưởng của Henry Scougal. Điều này cũng rất phù hợp với kết luận của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không!”.

“Nhưng không” nghĩa là không mất phí, ‘khỏi phải trả đồng nào!’. Thế nhưng, chúng ta đã nhận được “nhưng không” những gì? Thưa, mọi điều tốt đẹp! Đúng, tất cả những gì tốt đẹp đều đến từ Thiên Chúa. Đó là những món quà hoàn toàn do tình yêu của Ngài, chứ không vì một công lênh nào từ phía chúng ta; để từ đó, Thiên Chúa phải ‘đáp lễ’ con người. Nói đến điều tốt đẹp, chúng ta có thể nghĩ ngay đến ân sủng thiên hình vạn trạng của Ngài. Trước hết về mặt thể chất như sự sống, sức khoẻ, không khí, ánh sáng, thời gian và muôn vật. Bài đọc Isaia hôm nay nói, “Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi; bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và thơm ngon. Chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi; bò lừa cày ruộng ngươi”. Tiếp đến, những gì thuộc tinh thần như trí khôn, tình yêu, lương tâm… và rồi, gia đình, tình bạn, các mối tương giao. Bên cạnh đó, còn có sự chữa lành, ơn tha thứ tội lỗi và bao nhiêu phúc lộc thiêng liêng khác như Lời Chúa, các Bí tích, giáo huấn của Hội Thánh và các thánh. Như thế, theo nhiều cách, rõ ràng, chúng ta hưởng nhận bao ân sủng của Chúa mà ‘khỏi phải trả đồng nào’. Là người có đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa bên trong và đằng sau tất cả những món quà nhưng không này.

Mùa Vọng, mùa chúng ta đặc biệt sống tâm tình biết ơn và vui mừng cử hành ngày Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại quà tặng lớn nhất của Ngài, một quà tặng ‘khỏi phải trả đồng nào’, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì được sự sống đời đời”. Đây là tất cả những gì thuộc mầu nhiệm Nhập Thể. Sự sống Thiên Chúa là một quà tặng hoàn toàn miễn phí và là quà tặng lớn nhất chúng ta từng nhận. Giáng Sinh là lễ tạ ơn về Quà Tặng Giêsu Thiên Chúa ban. Đổi lại, Giáng Sinh cũng là thời gian nhớ đến ơn gọi của chúng ta về việc mang Quà Tặng Giêsu đến cho người khác. Quà Tặng này được tặng cách tự do, không nhờ công sức, không ai xứng đáng, và cũng không bao giờ đáp ơn đủ; được tặng từ một tình yêu không chút ràng buộc, hoàn toàn nhưng không; vì thế, nó cũng đòi được trao tặng một cách nhưng không.

Anh Chị em,

Qua Mẹ Maria, quà tặng Giêsu được ban cho chúng ta cách đây hơn 2.000 năm; nhưng thật mới mẻ, Quà Tặng này vẫn được ban mỗi ngày qua các Bí tích; đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Chúng ta ‘khỏi phải trả đồng nào’, miễn là chúng ta ý thức điều đó và liên lỉ sống trong tâm tình cảm tạ và nhất là biết chờ đợi Ngài mỗi ngày. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa!”. Chúng ta mong đợi Chúa đến với linh hồn mình; đồng thời, mong đợi Ngài đến với linh hồn tha nhân; và nhất là, phải làm một điều gì đó cụ thể để Chúa Giêsu có thể đến trong họ, những ai chưa biết Ngài. Đó chính là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người chúng ta trong những ngày hôm nay. Có như thế, lễ Giáng Sinh mới có một ý nghĩa tròn đầy nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, Chúa là quà tặng mỗi ngày cho con, một quà tặng mà con ‘khỏi phải trả đồng nào’. Xin biến đổi con, cho con biết khắc khoải việc tặng trao chính Chúa cho người khác”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
CN 2C Mùa Vọng : Con mắt nhìn đường
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
10:19 04/12/2021
CN 2C Mùa Vọng : Con mắt nhìn đường

Dọn đường là chủ điểm của bài Tin Mừng hôm nay với lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Dọn đường là để đi. Muốn đi được, phải thấy rõ đường. Đường quanh co không cho ta thấy rõ để đi, cần uốn thẳng con đường. Núi đồi che lấp tầm nhìn, cần bạt xuống để nhìn con đường cho tỏ mà phóng xe nhanh.

Đó là lối triển khai đề tài thông thường nhất : nói đến con đường. Nay có một cách khai triển khác, tôi mượn ý nơi linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường để giới thiệu đến anh chị em: đó không phải con đường trước mặt mà là con mắt nhìn đường.

Đường thẳng thênh thang mà mắt nhìn vào bụi, thì chắc hẳn cũng sẽ đâm xe vào bờ… ruộng. Đường rộng thênh thang, thẳng băng trước mặt, mà mắt nhắm lại, thì cũng chẳng khác gì bị núi đồi lấp che.

Phim "Mùi Đu Đủ Xanh" do một người Việt bên Pháp là Trần Anh Hùng đạo diễn, đã được trình chiếu khắp bên Âu cũng như bên Mỹ. Mùi là một cô bé nhà nghèo nhưng mắt luôn tươi sáng và yêu đời. Vì cô nhìn thấy sức sống trong từng cọng cỏ, từng con dế, từng cành lá đu đủ xanh, từng động tác của công việc dù xem ra tầm thường. Tất cả đều đang tuôn chảy sức sống tràn trề nhảy múa thênh thang.

Bé Mùi phải đi làm con ở (ôsin) cho một gia đình nhà giầu. Nhà này giầu của mà lại nghèo lòng. Đứa con trai ông chủ có tính ác, thích giết chết những con vật vô tội, như lấy nến nóng chảy nhỏ xuống đàn kiến cho chúng giẫy giụa chết. Mà chính bé Mùi cũng bị hành hạ gần như vậy. Bé bị đuổi mấy lần. Mỗi lần di chuyển thì "hành lý" của Mùi chẳng có gì ngoài một cái túi xách đựng một bộ quần áo cũ rách, nhưng… không quên mang theo cái hộp đựng dế. Mùi rất thích súc vật và cây cối. Mỗi lần có chuyện buồn thì chẳng phải phí tiền đi "bác sĩ tâm bệnh" như ngày nay, mà Mùi chỉ cần đưa hộp dế ra săn sóc, chơi giỡn với chúng. Mỗi lần làm việc vất vả, mồ hôi nhễ nhãi, Mùi chỉ cần mở cửa sổ nhìn ra vườn đàng sau, thì tự nhiên mắt Mùi sáng lên long lanh, nụ cười tươi nở no tròn, cả con người như rạo rực lên nguồn sinh khí mới, nhẹ nhàng nên bay cao.

Trái lại, ông chủ nhà chẳng mấy khi biết cười…, con mắt lờ đờ như mất hồn. Nét mặt ông luôn luôn đăm chiêu tư lự. Ông thường hay bỏ nhà đi kiếm chác tí tình lẻ ở ngoài phố chợ. Chắc ông nghĩ hạnh phúc nằm ở chỗ này chỗ kia. Con đường đi tìm hạnh phúc sao dài dằng dặc và kham khổ đến thế! Đang khi ông được một người vợ thật hiền dịu, có tình người, luôn kiên nhẫn chung thủy, mặc dù bao chuyện trớ trêu của ông... Để đến một ngày ông đi chán phải trở về với bệnh tật thân tàn ma dại, bà vợ vẫn nhẫn nhục thứ tha và săn sóc cho ông.

Đối với Mùi thì đường tìm hạnh phúc ở ngay trong bếp, ngay sau vườn, bên cành đu đủ xanh, bên hộp dế nhỏ. Có phải đi đâu xa? Còn ông chủ thì cứ mải miết đi tìm, chẳng bao giờ thấy! Ông bị bệnh mắt nặng, cần phải đi bác sĩ nhãn khoa để khám mắt và đeo kính thì mới có thể nhìn thấy được.

Quả thực, con mắt của nhiều người cũng đang bị bệnh nặng giống như ông chủ trong Phim Mùi Đu Đủ Xanh: mắt bị mờ tối vì quá nhiều chuyện khiến không còn biết đường nào mà đi nữa. Tiếng hát Khánh Ly cất lên lời và nhạc Trịnh Công Sơn về “Những con mắt trần gian” thật đáng cho ta suy nghĩ:

Những con mắt trần gian, xin nguôi vết nhục nhằn. Những con mắt muộn phiền, xin cấy lại niềm tin. Những con mắt quầng thâm, xin tươi sáng một lần...

Những con mắt thù hận, cho ta đời lạnh căm... Những con mắt bạc tình, cháy tan ngày thần tiên... (Ngày ra đi với gió, ta nghe tình đổi mùa. Rừng đông rơi chiếc lá, ta cười với âm u. Trên quê hương còn lại, ta đi qua nửa đời chưa thấy được ngày vui. Đường trần rồi khăn gói, mai kia chào cuộc đời, nghìn trùng cơn gió bay... )

Dọn đường cho Chúa đến hay lên đường đi gặp Chúa, đích vẫn như nhau : Gặp được Chúa. Ấy vậy mà nhiều người có sẵn đường đó mà con mắt nhìn không thấy đường để đi gặp Chúa. Hoặc cũng nói được như sau: Chúa sẵn đó mà nhìn không thấy Chúa, vì mang “những con mắt trần gian,” “những con mắt mang hình viên đạn”…

Đi tìm hạnh phúc, xây tổ ấm gia đình, mà nhiều người cứ phải nhớn nhác đi kiếm chác ngoài đường. Riết mà hạnh phúc như vẫn ngoài tầm tay.

Trong "Tiếng Chim Hót," Anthony de Mello có kể như thế này:

Một người thấy ông bạn láng giềng cứ lom khom tìm mãi một cái gì trên nền đất, dưới ánh đèn đường nên hỏi:

- Ông bạn tìm gì vậy?

Người láng giềng liền trả lời: Tôi tìm chìa khóa đánh rơi.

Thế rồi cả hai cùng chăm chú, lom khom cố gắng tìm tiếp. Một hồi lâu người này chợt nhận ra một điều gì nên hỏi người láng giềng mất chìa khóa:

- Mà ông bạn làm rơi nó ở đâu vậy?

- Ở trong nhà thì phải.

- Nhưng tại sao ông bạn lại tìm ở đây?

- Vì ở đây có đèn điện sáng hơn.

Có thể nhiều người cũng đang đi tìm chìa khóa hạnh phúc gia đình ở ngoài mái nhà như vậy. Cứ thấy ánh sáng hào nhoáng văn minh là như con thiêu thân đâm rầm vào. Rồi lăn ra chết. Nơi Tivi, nơi quảng cáo, nơi các đua đòi theo sức ép... Phải làm thêm giờ, phải kiếm thêm tiền, phải có xe bóng, phải có nhà sang...(con cái thì phải học thêm, phải học thêm đến mụ người !). Nhiều thứ phải lắm. Khiến gia đình bị bỏ rơi hoang tàn, rồi cũng từ đó mà sinh ra một xã hội rối loạn như đang thấy hiện nay.

Có lẽ ta còn nhớ huyền thoại về con chim xanh, mà Mỹ đã dựng thành phim do Elizabeth Taylor thủ vai chính. Ai có được con chim xanh là có hạnh phúc. Con chim xanh mang lại hạnh phúc, đó là lời sấm. Thế là người kia cất bước đi tìm, vượt suối băng ngàn, chiến đấu với các yêu tinh quỉ dữ để dành cho được con chim xanh, nhưng rồi vẫn không được. Quay trở về nhà, thì thấy con chim xanh đậu ngay trên cành bên cánh cửa sổ xanh của nhà mình.

Chúa không ở đâu xa. Hay nói theo chủ đề của Tin Mừng hôm nay: Con đường đến gặp Chúa không ngàn trùng muôn dặm, không nghìn trùng xa cách đâu. Chỉ giơ tay là với tới. Quan trọng là cặp mắt ta có nhận ra Chúa đang ở gần ta không thôi.

“Mùi đu đủ xanh” tìm được hạnh phúc không phải nơi nhà lầu gác tía nhưng nơi từng cành lá đu đủ xanh, từng cọng cỏ, từng con dế, từng động tác của công việc dù xem ra tầm thường.

Trong một tấm thiệp Giáng Sinh, hình hang đá Bê Lem, họa sĩ này không hề vẽ vách núi, cũng không có lều tranh. Hài nhi Giêsu nằm gọn ngủ ngon ở giữa. Thân mình Đức Maria và Thánh Giuse cúi khum xuống thành mái nhà che chở, giữ hơi ấm, ánh sáng lung linh giữa đêm đen lạnh buốt.

Bí quyết hạnh phúc nằm ở con mắt nhìn, ẩn sâu trong tim.

Mùa Vọng là mùa chờ đợi. Không phải là lại đi tìm và chờ đợi mãi đâu xa, mà là hồi phục lại con mắt nhìn, tức là con mắt của niềm tin, để thấy được điều đang chờ đợi mong tìm đã ở ngay bên rồi, ngay trong nhà mình, trong tim mình, như lời Kinh Thánh qua miệng Gioan hô lên trong hoang địa:

"Hãy thống hối vì Nước Trời đã gần bên...”

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(theo ý của lm Dũng Lạc Trần Cao Tường)
 
Kệ Truông Nhà Hồ, Kệ Phá Tam Giang
LM. Trương Đình Hiền
10:23 04/12/2021
Kệ Truông Nhà Hồ, Kệ Phá Tam Giang

Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C 2021

Vùng đất nào, quê hương nào cũng đều có những con đường để đi. Riêng tại Việt Nam, “hình ảnh hay tên gọi “Con Đường” đã trở thành “biểu tượng của văn hóa, cuộc sống… gắn liền với lịch sử hay vận mệnh của cả dân tộc”. Chẳng hạn, cố nhạc sĩ Thanh Bình (1932-2014) đã để lại một ca khúc bất hủ mang tên: “Những nẻo đường Việt Nam”; và có thể nói, trường ca “Con Đường Cái Quan” là một trong những sáng tác vĩ đại của cố nhạc sĩ đa tài Phạm Duy. Trong khi đó, khi nói tới thời nội chiến Bắc Nam (1956-1975), người Việt Nam nào lại không biết đến “Con đường Trường Sơn” hay được gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”, một con đường ghi dấu bao đau thương thống khổ mà nhà văn Xuân Vũ đã có một tác phẩm hồi ký để đời “Đường Đi Không Đến”.

Trên nẻo đường phụng vụ tiến về đại lễ Giáng Sinh, hình ảnh và tên gọi “Con đường” lại được Lời Chúa khắc họa rất ấn tượng ngay từ Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, mà cả sách ngôn sứ Barúc lẫn Tin Mừng Luca đều quy chiếu:

- Bài đọc 1 với trích đoạn sách Barúc: “Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa”.

- Tin mừng Luca: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Từ việc chính Thiên Chúa sửa dọn đường để đem dân Israel trở về, hay việc ông Gioan Tẩy giả hô hào dân Israel dọn đường đón gặp Đấng Mêsia, đến việc dọn đường tâm hồn để đón Chúa hôm nay trong Mùa Vọng, làm tôi chợt nhớ đến câu ca dao:

“Thương em anh cũng muốn vô,

sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”

Ngày xưa, khi đất nước Việt Nam ta đang thời mở cõi về phương nam, các vùng đất từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên… vẫn còn hoang hóa. Tương truyền rằng, trên con đường xuôi Nam, đoạn giáp giới giữa Quảng Bình và Vĩnh Linh Quảng Trị có vùng Hồ Xá, đường đi rậm rịt, cây cối um tùm, bọn thảo khấu chọn làm sào huyệt ẩn núp… nên mang hổn danh là “Truông Nhà Hồ”. Và xa hơn về phía Nam thuộc Thừa Thiên, có vùng đầm phá lớn mệnh danh là “Phá Tam Giang”, trải dài qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, thường có sóng dữ nổi lên đánh chìm thuyền bè qua lại. Ai muốn xuôi Nam cũng đều ngán sợ con đường đi ngang qua hai địa danh nầy, nên từ đó, dân gian có câu ca dao: “Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Cũng liên quan đến “con đường nầy”, theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại, đời Lê Hiển Tông, có quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng (1690-1725) đã bình định, khai phá cả “Truông Nhà Hồ lẫn Phá Tam Giang”, để từ đó, con đường xuôi Nam không còn bị đe dọa.

Vâng, tình yêu của chúng ta dành cho Chúa vẫn có đó, vẫn còn đó; cũng vậy, tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân chắc chắn cũng không trống rỗng. Tuy nhiên, con đường đến với Thiên Chúa và đến với tha nhân vẫn còn những “truông nhà Hồ”, những “Phá Tam Giang”; hay theo ngôn ngữ của Lời Chúa hôm nay, những “núi cao, hố sâu, đường cong queo…”, làm chúng ta do dự, ái ngại, nhụt chí.

Đối với dân Israel thời ngôn sứ Baruc, thời dân Giuđê bị lưu đày, thành thánh Giêrusalem bị vây hãm rồi triệt tiêu, toàn dân gánh chịu nỗi khổ nhục đau thương…, thì “đồi cao, hố sâu” mà Thiên Chúa muốn bạt xuống chính là sự phai nhạt niềm tin, lãng quên Lề Luật và Giao ước, tinh thần tục hóa trước sự xa hoa của Babylon…; cũng vậy, “núi cao, hào sâu, đường cong queo” mà ông Gioan Tẩy Giả hô hào “bạt xuống, lấp đầy, uốn ngay…”, chính là cách “thờ Chúa ngoài môi mép”, là thói “giữ đạo gỉa hình kiểu Biệt phái”, là tinh thần tìm kiếm chỗ dựa nơi chức quyền danh vọng của những tư tế, những kẻ giàu có hám danh… Và tất cả đều hướng tới một tiêu đích: Thời Lưu đày thì: “Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử… Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang”; con thời Gioan Tẩy Giả thì: “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Thế nhưng, liệu Thiên Chúa có thực hiện những gì Ngài đã loan báo thời Lưu đày qua ngôn sứ Barúc? Hay, liệu sau những hô hào của Gioan Tẩy Giả có “ơn cứu độ” có đến không?

Thưa có đấy ! Chắc chắn, nhờ sự hoán cải của những “nhóm nhỏ” thuộc “những kẻ nghèo của Giavê”, mà khoảng năm 539 trước công nguyên, Vua Kyro của Ba Tư chiếm Babylon và đã ra sắc chỉ cho phép đoàn dân Do Thái lưu đày được hồi hương, Giêrusalem được tái thiết. Trong muôn vạn cõi lòng dân Israel đã trào dâng nỗi vui, hy vọng mà hôm nay chúng ta vẫn còn nghe vang vọng trong chính đáp vịnh ca của thánh lễ hôm nay với thánh vịnh 125: “Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan…”

Cũng vậy, vào những “năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô…”, sau những lời Gioan Tẩy giả loan báo bên bờ sông Giođan, đã có một “Giêsu người Nagiarét” xuất hiện với “quyền năng trong lời nói cũng như việc làm”: mà những ai đã chọn con đường thẳng đã được uốn, san lấp là “tâm hồn nghèo khó, hiền lành, trong sạch, biết xót thương, chấp nhận chịu bách hại vì công chính…”, như anh chàng mù Bartime, như ông Giakê Thuế vụ, như người phụ nữ Canan bị loạn huyết, như bà góa nghèo chỉ có hai đồng xu ten, như các anh dân chai dốt nát, như gia đình ba chị em ở Bêtania, như tên trộm bị đóng đinh bên hữu… đều “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” !

Và tất cả những điều đó lại vẫn còn nguyên tính thời sự cho ngày tháng hôm nay của chúng ta: tính thời sự của sự hoán cải niềm tin, sửa sai cách sống đạo, uốn nắn lối thực hành phượng thờ trong tương quan với Chúa và canh tân cách ứng xử bác ái yêu thương với anh chị em. Trong bối cảnh của thời “Covid” hoang tàn, ảm đạm và đầy khủng hoảng; khủng hoảng với Trời, khủng hoảng với người, thật cần thiết biết bao sứ điệp “xây đắp những con đường” !

Và vì “Chúa là Đường”, nên chúng ta yên tâm. Con đường mang tên Chúa, con đường của Tám Mối Phúc Thật, con đường của “mến Chúa yêu người”… sẽ là “đường đi phải đến”. Cho nên, một khi được trang bị đầy đủ hành trang chính là “tình yêu đích thực”; hay như ước mơ và lời cầu nguyện của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2: “Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu”, thì chẳng “truông nhà Hồ, phá Tam Giang” nào có thể cản trở ta lao mình về phía trước. Vâng, “Yêu em anh cứ anh vô, kệ truông nhà Hồ, kệ phá Tam Giang” !

Mà thật ra, “ơn Cứu Độ” chẳng phải đâu xa mà ở ngay đây: Chúa Kitô đang đến với chúng ta trong Thánh lễ nầy; đặc biệt chút nữa đây, trong Thánh Thể là Máu Thịt được trao ban cho mỗi người chúng ta. Amen.

LM. Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 04/12/2021

3. Con người ta một khi đã tìm tình ý riêng tư thì mất đi tình ái với Thiên Chúa.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 04/12/2021
28. THẮP ĐÈN BAN NGÀY

Một người mời khách nhưng thức ăn trên bàn chẳng có gì cả, vừa cầm đũa thì ăn xong rồi.

Khách nói:

- “Xin thắp một ngọn đèn”.

Chủ nhân hỏi:

- “Dùng đèn để làm gì?”

Khách trả lời:

- “Không nhìn thấy thức ăn gì trên bàn cả !”

(Tiếu Đảo)

Suy tư 28:

Mời khách ăn cơm mà để khách thắp đèn để tìm thức ăn trên bàn, thì đúng là chuyện tiếu lâm có một không hai trên đời.

Càng tiếu lâm hơn nữa khi có một vài người Ki-tô hữu đi tham dự thánh lễ thì phê bình: “Hôm nay ông cha giảng dở quá, thắp đèn tìm cũng không thấy ý hay !”- Tiếu lâm không phải vì cha giảng không có ý hay, mà chính họ đi tham dự thánh lễ giống như đi khảo bài của các thí sinh, họ chỉ chú ý thắp đèn tìm văn chương câu cú của bài giảng có suôn sẽ không, giọng nói có hùng hồn lôi cuốn thuyết phục không mà thôi...

Thắp đèn tìm thức ăn trên bàn là vì lòng dạ của chủ nhà quá hẹp hòi.

Người thắp đèn tìm không ra ý hay của bài giảng, là vì lòng dạ họ kiêu căng, coi bài giảng như một bài luận văn của thí sinh để phê bình hơn là khiêm tốn lắng nghe.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN2 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 04/12/2021
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG

Tin mừng: Lc 3, 1-6

“Hết mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.


Bạn thân mến,

Ơn cứu độ của Đức Chúa Giê-su không chỉ dành cho bạn và tôi hay một người nào, một dân tộc nào, hay một quốc gia nào cả, nhưng nếu ai thành tâm đón nhận Ngài thì sẽ được ơn cứu độ...

Thời của thánh Gioan Tẩy Giả mọi người Do Thái đều trông đợi vị cứu tinh đến như lời tiên tri I-sai-a loan báo: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi...”, cho nên ơn cứu độ đã đến với nhân loại, mà trước hết là với người Do Thái nhưng họ đã từ chối đón nhận Đấng cứu độ, và kế đến là tất cả chúng ta, những người đã tin vào Đức Chúa Giê-su nhưng vẫn cứ từ chối Ngài trong cuộc sống của mình...

Dọn tâm hồn cho ngay thẳng đối với người Ki-tô hữu là đi xưng tội, làm việc đến tội, hi sinh hãm mình.v.v... đương nhiên đó là những việc phải làm mà tất cả những ai là con cái Thiên Chúa đều phải có, nhưng trưởng thành hơn, rốt ráo hơn đó chính là đổi mới cách sống của mình sao cho phù hợp với Tin Mừng của Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Đổi mới cách sống cũng có nghĩa là từ trong nấm mồ tối tăm bừng dậy phục sinh với Chúa Ki-tô: hoàn hảo hơn, đẹp hơn và vinh dự hơn.

Hoàn hảo hơn trong cách sống làm người Ki-tô hữu với tâm hồn khiêm cung và phục vụ; đẹp hơn trong cách nhìn tha nhân với tâm hồn của tình huynh đệ chân thành trong Đức Ki-tô; vinh dự hơn khi hiểu được mình mang tên Ki-tô hữu để xây dựng một xã hội bác ái hơn. Đó chính là cách thế để dọn tâm hồn cho ngay thẳng đợi Chúa đến trong thời đại ngày nay của chúng ta.

“Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ”, nhưng không phải tất cả mọi người phàm được cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ cứu những ai tin và và đón nhận Tin Mừng của Đức Ki-tô mới đáng được lãnh nhận mà thôi. Là những người Ki-tô hữu, bạn và tôi hãnh diện vì đã tin và sống đức tin ngay tại trần gian này, trong sự hướng dẫn của Đức Chúa Thánh Thần, và nhờ đời sống tin yêu và hi vọng của chúng ta vào Thiên Chúa mà mọi người biết đến ơn cứu độ của Ngài.

Bạn thân mến,

Thiên Chúa đã làm người nên Ngài cũng rất thích đi trên những con đường bằng phẳng và thẳng tắp để đến với bạn và tôi, nhưng đồng thời Ngài cũng không ngần ngại cúi xuống nhặt những hòn sỏi làm vấp chân người khác, để thánh hoá và chúc lành cho nó trở nên dụng cụ hữu ích cho tha nhân.

Dọn đường cho ngay thẳng là việc mà bạn và tôi cần phải làm, để đường đi từ trái tim của chúng ta đến tâm hồn của tha nhân gần hơn, dễ hơn và thân tình hơn; lấp đầy những hố sâu là việc mà chúng ta phải làm từng giây phút trong cuộc sống, để tha nhân đến với chúng ta cách dễ dàng hơn, mà không bị ngăn cách bởi tính kiêu ngạo và khoe khoang của chúng ta, đó chính là chuẩn bị cho mọi người nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Câu chuyện của tôi
Lm. Minh Anh
23:33 04/12/2021
CÂU CHUYỆN CỦA TÔI
“Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa!”.

Truett, được mời ăn tối tại nhà một người rất giàu ở Texas. Sau bữa ăn, chủ nhà dẫn ông lên sân thượng, nơi có tầm nhìn tốt ra khu vực. Chỉ tay bốn hướng, chủ nhà nói, “Hai mươi lăm năm trước, tôi chẳng có gì cả. Bây giờ, theo như ông thấy, tất cả đều là của tôi; giếng dầu, trại gia súc, đồng lúa bạt ngàn, khu rừng…”. Anh dừng lại, chờ một lời khen. Tuy nhiên, Truett đặt một tay lên vai người đàn ông, tay kia trỏ lên trời và nói, “Bạn có bao nhiêu tiền theo hướng đó?”. Người đàn ông cúi đầu thú nhận, “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy; đó không phải là ‘câu chuyện của tôi!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Vậy mà Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay lại nói đến ‘câu chuyện của tôi!’. Thật thú vị, những tên gọi và những địa danh Luca nói đến hầu hết đều xa lạ với chúng ta. Vậy tại sao Luca đề cập đến các nhân vật và những địa điểm chưa bao giờ nghe nói tới này? Luca muốn nói rằng, câu chuyện của Gioan, của Chúa Giêsu là câu chuyện lịch sử; không phải là huyền thoại, nhưng còn là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Vì thế, “tiếng kêu trong hoang địa” của Gioan là tiếng kêu dành cho tôi!

Luca muốn nhấn mạnh rằng, những việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa không xảy ra trong ‘chân không’, nhưng trong thực tế cụ thể của lịch sử, vốn đã xảy ra trong thế giới này, vào một thời điểm cụ thể, tại một địa điểm cụ thể. Sự can thiệp vĩ đại nhất của Thiên Chúa chính là biến cố Nhập Thể, khi Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời, trở nên xác phàm. Và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của chúng ta. Chúa Giêsu đến giữa nhân loại không thể chỉ là một ý tưởng trừu tượng đến từ các lớp giáo lý; Ngài đã đến trong thế giới này cho nhân loại, và cho tôi! Tình yêu Thiên Chúa tràn ngập thực sự trong biến cố này đòi hỏi một sự đáp lại đầy biết ơn, trừ khi tôi tìm cách giữ nó ở một khoảng cách an toàn. Chúa Giêsu đã đến thế giới của chúng ta và câu chuyện của Ngài cũng là ‘câu chuyện của tôi’, vì Ngài đã đi vào cuộc đời tôi, can thiệp cuộc đời tôi!

Bên cạnh Chúa Giêsu, Luca còn nói đến Gioan Tẩy Giả, một nhân vật lịch sử không kém, được chọn để loan báo sự xuất hiện của Đấng Messia, Vua Cứu Thế. Sứ điệp của Gioan là “Hãy dọn đường cho Chúa” kèm theo lời kêu gọi mọi người nhận “phép rửa sám hối”. “Sám hối” dịch từ “metanoia” tiếng Hy Lạp, có nghĩa là thay đổi toàn diện và triệt để trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và những người khác; nó kêu gọi một sự đổi mới và hoán cải trái tim tận căn và chân chính. Đây là cách mọi người “dọn đường cho Chúa”. Đây cũng là những gì ngôn sứ Barúc nói trước trong bài đọc thứ nhất, ‘thung lũng sẽ được lấp đầy, núi đồi được bạt xuống; đường quanh co được làm thẳng’. Đó cũng là điều thánh Phaolô mời gọi trong thư Philipphê, “Anh em hãy trở nên tinh tuyền”. Đây là cách mỗi người trải nghiệm trong lòng mình về quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, và đó là là việc kỳ diệu Chúa làm cho mỗi người chúng ta như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Ôi vĩ đại thay, việc Chúa làm cho ta; ta thấy mình chan chứa một niềm vui!”.

Anh Chị em,

Cụm từ “tiếng kêu trong hoang địa” thường ám chỉ một nỗ lực cao cả nhưng vô vọng; một âm thanh rơi vào thinh không. Không đâu! Tiếng kêu của Gioan đã hoán cải nhiều tâm hồn đương thời; bằng chứng là cả lính tráng cũng đã đến hỏi ông, “Chúng tôi phải làm gì?”. Vì thế, điều kỳ diệu vẫn sẽ xảy ra ngay hôm nay, nếu chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần soi dẫn, cho phép sứ điệp của Gioan vang dội trong sa mạc lòng mình; vì đó vẫn là ‘câu chuyện của tôi’. Chúa Giêsu đã đi qua thế giới này, đang sống trong thế giới này; nghĩa là Ngài đang đi qua cuộc đời tôi và thực sự đang sống trong tôi. Ngài khát khao nên một với tôi để chia sẻ vui buồn của kiếp người, ngõ hầu giúp chúng ta sống phẩm tính con Thiên Chúa ngay trên trần gian này. Vì thế, “Hãy dọn đường Chúa!” là tiếng Chúa mời gọi từng người chúng ta, hãy canh tân tâm hồn để nhận ra Chúa Giêsu đang sống trong đời mình, hầu mỗi người có thể trở nên một Giêsu khác cho tha nhân.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hoán cải tâm hồn con, cho con biết dọn mình đón Chúa. Chúa đã đến cho nhân loại, nhưng Chúa đang đến cho con ngay hôm nay, vì đây cũng là ‘câu chuyện của con’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng giám mục Dublin cảnh báo: Bệnh dịch ma túy đang hoành hành ngoài tầm kiểm soát
Đặng Tự Do
07:27 04/12/2021


Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell của tổng giáo phận Dublin cho biết thành phố này đang trải qua một cơn dịch ma túy hoành hành ngoài tầm kiểm soát. Đức Cha phàn nàn rằng, ngày nay ở Ái Nhĩ Lan, một số người bây giờ dùng ma túy cũng giống như uống rượu vậy. Ngài nói: “Việc 'bình thường hóa' văn hóa sử dụng ma túy ở Ái Nhĩ Lan là một vấn đề xã hội lớn.

Đức Cha nói: “Ngay giữa đại dịch coronavirus, một 'đại dịch' khác — đó là ma túy và bạo lực đã xảy ra. Nguyên nhân của đại dịch ma tuý mà chúng tôi đang gặp phải ở thành phố này, và rộng rãi hơn trên toàn quốc, rất phức tạp và sâu xa,” nhưng ông tin rằng “bệnh dịch ma túy hoành hành ngoài tầm kiểm soát, có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu tất cả chúng ta đều làm việc cùng nhau. “

Phát biểu trong một thánh lễ ở Nhà thờ St Andrews tại Westland Row, Đức Tổng Giám Mục nói rằng, “dựa trên thiện chí và nhiều nỗ lực tận tâm của các nhóm cộng đồng, chính phủ và các nhà lãnh đạo tôn giáo”, những nguyên nhân này có thể được giải quyết.

Giải pháp “không chỉ nằm ở việc ngăn chặn cơn lũ ma túy bất hợp pháp, triệt phá các băng đảng, đặc biệt là các băng đảng ma túy, trị an hiệu quả hơn, cải cách hệ thống tư pháp hình sự, đầu tư vào các khu vực có lịch sử khó khăn, mà đó còn là vấn đề về giáo dục”.

“Câu trả lời thực sự không chỉ là một chương trình ma túy tốt hơn, mà là sự sẵn sàng hành trình với những gia đình có các thành viên bị gài bẫy bởi những người bán ma túy, những người bán rong cái chết. Để đưa mọi người trở lại, chúng tôi cần phải đồng hành với họ.”

Chúng ta là “tất cả anh chị em gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu chúng ta đánh mất cảm giác liên kết với nhau, chúng ta cũng đánh mất lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và trách nhiệm đối với nhau”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Có những người trong thành phố này, trong Nhà thờ, trong trường học, trong khu nhà và trong gia đình của chúng ta, những người cam kết chăm sóc những người bị ma túy làm hại. Họ nổi bật qua những nỗ lực phục vụ những người bị mắc vào vòng nghiện ngập”.

Chờ đợi, được đánh dấu bằng mùa Vọng, “đã tiến vào trung tâm cuộc sống của chúng ta theo những cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được cách đây hai năm ngắn ngủi: người dân khắp nơi chờ đợi các xét nghiệm Covid-19, và sau đó là chờ đợi kết quả. Giờ đây, nhiều người đang háo hức chờ đợi một mũi tăng cường Covid-19”.

Ngài nói thêm: “Có những người mắc bệnh nan y đang chờ đợi để từ giã cuộc sống này” và “có những gia đình chờ đợi sự lây lan của ma túy được xóa bỏ”.
Source:Irish Times
 
Các giám mục ủng hộ cuộc sống hàng đầu: Giáo Hội Công Giáo phải chuẩn bị nếu phán quyết Roe được lật ngược
Đặng Tự Do
07:27 04/12/2021


Giáo Hội Công Giáo phải chuẩn bị hành động nếu Tối Cao Pháp Viện quyết định lật ngược vụ án Roe kiện Wade, hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc vào năm 1973. Tân Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nhận định như trên.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sau khi Tổng thống Trump đã bổ nhiệm được hai Thẩm Phán phò sinh vào Tối Cao Pháp Viện là Thẩm Phán Neil Gorsuch và Thẩm Phán Brett Kavanaugh; bà Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg đột nhiên qua đời. Điều này tạo cho Tổng thống Trump cơ hội bổ nhiệm một Thẩm Phán thứ ba trong nhiệm kỳ của mình.

Với tỷ số nghẹt thở 52-48, ngày 26 tháng 10, năm ngoái, Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu xác nhận Thẩm Phán Amy Barrett vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Sau cuộc bỏ phiếu, một nghị quyết xác nhận chính thức được gửi tới Tòa Bạch Ốc để xin chữ ký của Tổng thống Trump. Cố nhiên, Tổng thống Trump ký ngay lập tức và tham dự lễ nghi nhậm chức của Thẩm Phán Amy Coney Barrett diễn ra tức khắc.

Barrett đã là vị Thẩm Phán Công Giáo thứ 6 trong số 9 Thẩm Phán tại Tối Cao Pháp Viện, cùng với Chánh án John Roberts và các Thẩm phán Thomas, Samuel Alito, Sonia Sotomayor, và Brett Kavanaugh.

Chiến thắng này tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ. Chính vì thế, theo Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của tổng giáo phận Baltimore, Tân Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của USCCB, cơ may Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ lật ngược phán quyết cho phép phá thai hồi năm 1973 là lớn hơn bao giờ hết. Nhiều người cho rằng nếu kỳ này mà không lật ngược được phán quyết Roe chống Wade thì chúng ta đành cam chịu.

Đức Tổng Giám Mục William Lori nói:

“Nếu phán quyết Roe bị lật ngược, vấn đề, theo tôi hiểu, sẽ được đưa về cho các tiểu bang quyết định và phản ứng của các tiểu bang sẽ không đồng đều. Bất kể thế nào, Giáo hội vẫn phải ở đó và phải tiếp tục giảng dạy một cách thanh thản, vững chắc, nhất quán và đầy yêu thương.”

Đức Cha Lori đã cho biết như trên trong cuộc họp mùa thu hàng năm của USCCB được tổ chức tại Baltimore. Bình luận của ngài được đưa ra khi Tòa án Tối cao chuẩn bị xét xử các tranh luận trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, một vụ án liên quan đến luật của tiểu bang Mississippi hạn chế hầu hết các ca phá thai sau 15 tuần. Vụ án này thách thức hai vụ án mang tính bước ngoặt: Roe kiện Wade, là vụ án năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai và vụ Planned Parenthood kiện Casey, vào năm 1992.

Nếu phán quyết Roe bị lật ngược, Đức Tổng Giám Mục Lori hình dung rằng một số tiểu bang sẽ phản ứng bằng cách gia tăng mạnh mẽ các chính sách gọi là “bảo vệ quyền phá thai”, trong khi những tiểu bang khác sẽ cấm phá thai gắt gao hơn.

Ngài nói: “Nếu có sự gia tăng của các bà mẹ phá thai, thì Giáo hội phải đứng lên và có mặt ở đó. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe của chúng ta phải mạnh mẽ hành động. Các tổ chức bác ái Công Giáo của chúng ta, các giáo xứ của chúng ta phải hành động”.

Bất kể điều gì xảy ra, “Nghĩa vụ nâng niu và nuôi dưỡng cuộc sống con người luôn là một phần trong chương trình của chúng ta.”

Khi được hỏi về kế hoạch của mình trong tư cách là Chủ tịch Ủy Ban Phò Sinh, Đức Tổng Giám Mục Lori nói với CNA rằng ưu tiên hàng đầu của bất kỳ của các uỷ ban nào của USCCB phải là loan báo Tin Mừng.

“Trong trường hợp này, đó là phúc âm của cuộc sống. Không có gì khác ngoài Phúc Âm của cuộc sống, Phúc Âm của sự sống phải chiến thắng tâm trí và trái tim của càng nhiều người càng tốt.”

Ngài nhấn mạnh rằng, đối với người Công Giáo, “những cách hỗ trợ văn hóa phò sinh là rất, rất dễ tiếp cận và rất nhiều”.

“Một điều quan trọng, điều tối quan trọng, là cầu nguyện. Nếu tất cả chúng ta quỳ xuống và cầu xin ân sủng để tạo ra một nền văn hóa sự sống và nền văn minh của tình yêu, như Thánh Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta làm, thì điều đó sẽ tạo nên một sự khác biệt”.

Ngài cũng khuyến khích người Công Giáo “nhìn xung quanh và quan sát kỹ những gì trong cộng đồng của anh chị em.”

Ngài nói thêm rằng ngay cả một việc nhỏ như gọi điện thoại cho ai đó bị chôn chân ở nhà vì bệnh tật hoặc tuổi tác cũng giúp nuôi dưỡng văn hóa cuộc sống.

“Con đường nhỏ, như Thánh Têrêxa đã chỉ cho chúng ta, thực sự là con đường lớn”
Source:Catholic News Agency
 
Giám mục Công Giáo sốc và đau buồn khi Jersey bỏ phiếu ủng hộ trợ tử về nguyên tắc
Đặng Tự Do
07:28 04/12/2021


Một giám mục Công Giáo đã nói rằng ngài “bị sốc và đau buồn” trước một cuộc bỏ phiếu trên đảo Jersey trong eo biển Anh để chấp thuận việc tự sát được hỗ trợ “về nguyên tắc.”

Đức Cha Philip Egan của giáo phận Portsmouth, Anh quốc, bày tỏ sự thất vọng của ngài sau khi các thành viên quốc hội của hòn đảo, ủng hộ đề xuất tự sát được hỗ trợ với 36 phiếu thuận 10 phiếu chống, và ba phiếu trắng, vào ngày 25 tháng 11.

“Tôi bị sốc và đau buồn trước kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua về an tử và trợ tử ở Jersey”

“Nó cho thấy sự thiếu quan tâm đến việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta.”

Jersey là một hòn đảo với dân số ước tính khoảng 107,800 người gần bờ biển Tây Bắc nước Pháp. Jersey phụ thuộc vào Vương quốc Anh, nhưng không phải là một phần của Vương quốc Anh. Jersey có chính phủ và hệ thống pháp luật riêng.

Nếu hòn đảo thay đổi luật, Jersey sẽ là nơi đầu tiên ở Quần đảo Anh cho phép trợ tử.

Đề xuất sẽ cho phép các bác sĩ trợ tử cho những cư dân trưởng thành với “nguyện vọng tự nguyện, rõ ràng, quyết tâm và được thông báo đầy đủ, và muốn kết thúc cuộc sống của chính mình”.

Họ phải được chẩn đoán mắc một căn bệnh nan y “dự kiến sẽ dẫn đến đau khổ không thể chịu đựng được mà không có cơ may giảm bớt” và được đánh giá là chỉ còn sống được dưới sáu tháng, hoặc một tình trạng bệnh lý nan y dẫn đến “đau khổ không thể chịu đựng và không thể thuyên giảm”

Đức Cha Egan, có trụ sở tại Portsmouth, miền nam nước Anh, nhưng giám quản Giáo Hội Công Giáo ở Quần đảo Channel, nói rằng nếu đề xuất này trở thành luật, nó sẽ “thay đổi về cơ bản vai trò của các bác sĩ và nhân viên y tế”.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình hợp pháp hóa 'tự sát được hỗ trợ'; do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng và thách thức bất kỳ luật nào được đề xuất trong những tháng tới.”

Vào năm 2018, cơ quan lập pháp của Guernsey, một đảo khác trong eo biển Anh, đã bác bỏ đề xuất trợ tử, và được Đức Cha Egan khen ngợi.
Source:Catholic News Agency
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha với chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại phủ tổng thống Hy Lạp
J.B. Đặng Minh An dịch
15:41 04/12/2021


Sáng thứ Bẩy 4 tháng 12, Đức Thánh Cha đã bay từ phi trường quốc tế Larnaca của Síp đến phi trường quốc tế Athens của Hy Lạp. Sau đó, ngài đã dùng xe hơi di chuyển trên quãng đường 31km từ phi trường về dinh tổng thống.

Tổng thống Hy Lạp là bà Katerina Sakellaropoulou đã ra đón Đức Thánh Cha ngay tại bậc thềm dinh tổng thống. Sau các nghi thức chào đón, và sau cuộc gặp gỡ riêng giữa Đức Thánh Cha và bà tổng thống Katerina Sakellaropoulou, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên của Chính phủ và ngoại giao đoàn, các nhà chức trách tôn giáo và dân sự, và các vị đại diện tiêu biểu của các thành phần xã hội và thế giới văn hóa.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Thưa bà tổng thống của nước cộng hòa,

Quý thành viên của Chính phủ và ngoại giao đoàn,

Quý vị hữu trách tôn giáo và dân sự,

Quý vị đại diện tiêu biểu của xã hội và thế giới văn hóa,

Kính thưa quý vị,


Tôi xin gửi tới bà lời chào thân ái nhất và tôi cảm ơn bà Tổng thống vì những lời chào mừng của bà nhân danh bà và nhân danh tất cả công dân Hy Lạp. Thật là vinh dự khi được ở thành phố vinh quang này. Tôi xin mượn những lời của Thánh Grêgoriô thành Nazianzus: “Athens vàng, bảo trợ cho tất cả những gì tốt đẹp… Khi tìm kiếm tài hùng biện, tôi đã tìm thấy hạnh phúc” (Hoặc. 43, 14). Tôi đến đây như một người hành hương, đến vùng đất giàu tâm linh, văn hóa và văn minh này, để tìm kiếm cùng một niềm hạnh phúc đã làm xúc động tâm hồn vị Giáo Phụ vĩ đại của Giáo hội: đó là niềm vui của việc trau dồi trí tuệ và chia sẻ cái đẹp. Một hạnh phúc không riêng tư và đơn độc, nhưng được phát sinh từ sự kinh ngạc, khao khát điều vô hạn và mở ra cho cộng đồng; một hạnh phúc ngập tràn trí tuệ mà từ đây lan tỏa khắp nơi. Nếu không có Athens và không có Hy Lạp, Âu Châu và thế giới sẽ không như hiện tại. Họ sẽ kém khôn ngoan hơn, kém hạnh phúc hơn.

Từ nơi này, tầm nhìn của nhân loại được mở rộng. Tôi cũng cảm thấy được mời để nâng tầm nhìn của mình và dõi mắt hướng về phần cao nhất của thành phố, là thành Acropolis. Những du khách qua hàng thiên niên kỷ đã đặt chân đến đây có thể nhìn thấy nó từ xa, chắc chắn họ không thể không đề cập đến sự hiện diện của thần thánh, và lời kêu gọi mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến những gì ở trên cao. Từ đỉnh Olympus đến thành Acropolis đến núi Athos, những người nam nữ Hy Lạp ở mọi lứa tuổi được mời gọi hướng hành trình cuộc đời của họ tới những đỉnh cao. Hãy hướng về Thiên Chúa, vì chúng ta cần siêu việt để trở thành con người thực sự. Ngày nay, ở phương Tây đã xuất phát từ đây, chúng ta quên mất nhu cầu về thiên đàng, bị mắc kẹt giữa sự điên cuồng của hàng ngàn mối quan tâm trần thế và lòng tham vô độ của một chủ nghĩa tiêu dùng phi nhân hóa. Tuy nhiên, những nơi như thế này mời gọi chúng ta cảm thấy kinh ngạc trước sự vô hạn, vẻ đẹp của hiện hữu và niềm vui của đức tin. Đây là những con đường mà Tin Mừng đã đi, thống nhất Đông và Tây, các Địa điểm Thánh ở Âu Châu, Giêrusalem và Rôma. Để mang đến cho thế giới tin mừng của Thiên Chúa, người yêu của nhân loại, các sách Phúc âm được viết bằng tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ bất diệt trong đó Lời - Logos - diễn tả chính mình, ngôn ngữ của trí tuệ con người đã trở thành tiếng nói Thượng Trí của thần linh.

Ở thành phố này, ánh nhìn của chúng ta không chỉ hướng về những gì ở trên cao mà còn hướng về những người khác. Chúng ta được nhắc nhở về điều này bởi biển, nơi giáp ranh với Athens và là nơi đã định hình nên vị thế của vùng đất này, nằm ở trung tâm Địa Trung Hải, là một cây cầu kết nối các dân tộc khác nhau. Tại đây, các nhà sử học lớn đã tìm cách kể lại lịch sử của các dân tộc gần xa. Ở đây, theo những lời nổi tiếng của Socrates, mọi người bắt đầu coi mình là công dân không chỉ của một thành phố, hay một quốc gia đơn lẻ, mà là của toàn thế giới. Công dân. Ở đây, con người lần đầu tiên nhận thức được mình là “một động vật chính trị” (xem ARISTOTLE, Politics, I, 2) và, với tư cách là thành viên của cộng đồng, bắt đầu coi những người khác không phải là chủ thể mà là những người đồng hương, những người cùng làm việc trong việc hình thành quốc gia. Tại đây nền dân chủ ra đời. Cái nôi ấy ngàn năm sau đã trở thành ngôi nhà, ngôi nhà lớn của các dân tộc dân chủ. Tôi đang nói về Liên minh Âu Châu và giấc mơ hòa bình và tình huynh đệ mà nó đại diện cho rất nhiều dân tộc.

Tuy nhiên, chúng ta không thể tránh khỏi sự lo lắng khi ngày nay chúng ta phải chứng kiến một sự thoái trào của nền dân chủ, và điều đó không chỉ xảy ra ở Âu Châu mà thôi. Dân chủ đòi hỏi sự tham gia và dấn thân của tất cả mọi người; do đó, nó đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Nó phức tạp, trong khi chủ nghĩa độc tài thì áp đặt cưỡng bức và những câu trả lời dễ hiểu của chủ nghĩa mị dân xem ra có vẻ hấp dẫn đối với nhiều người. Trong một số xã hội, quan tâm đến an ninh và bị lu mờ bởi chủ nghĩa tiêu dùng, sự mệt mỏi và thiếu thận trọng có thể dẫn đến một loại hoài nghi về dân chủ. Tuy nhiên, sự tham gia chung là một cái gì đó cần thiết; không chỉ để đạt được những mục tiêu chung, mà còn vì nó tương ứng với những gì chúng ta đang có: những sinh vật xã hội, đồng thời là duy nhất và phụ thuộc lẫn nhau.

Đồng thời, chúng ta cũng đang chứng kiến sự hoài nghi về nền dân chủ bị kích động bởi khoảng cách của các thể chế, bởi nỗi sợ hãi mất đi bản sắc, bởi bộ máy quan liêu. Phương dược khắc phục không được tìm thấy trong nỗi ám ảnh tìm kiếm sự nổi tiếng, trong sự khao khát khả năng được nổi bật, trong những lời hứa phi thực tế hoặc trong sự gắn bó với các hình thức thực dân hóa ý thức hệ, nhưng là nơi một nền chính trị tốt. Vì chính trị là, và phải là một điều tốt, trong thực tế, phải là trách nhiệm tối cao của công dân và là nghệ thuật vì lợi ích chung. Để những điều tốt đẹp có thể thực sự được chia sẻ, tôi thậm chí có thể nói là cần phải ưu tiên dành sự quan tâm đặc biệt cho những tầng lớp yếu thế của xã hội. Đây là hướng cần thực hiện. Một trong những người sáng lập Âu Châu đã chỉ ra điều đó như một liều thuốc giải độc cho những phân cực đã làm sôi động nền dân chủ, nhưng cũng có nguy cơ làm suy yếu nó. Như ông đã nói: “Có nhiều người nói về việc ai là người khuynh tả hay khuynh hữu, nhưng điều quyết định là tiến về phía trước, và tiến lên có nghĩa là tiến tới công bằng xã hội” (A. DE GASPERI, Diễn văn tại Milan, ngày 23 tháng 4 năm 1949 ). Ở đây, cần phải thay đổi hướng đi, ngay cả khi nỗi sợ hãi và các lý thuyết, được khuếch đại bởi giao tiếp ảo, đang lan truyền hàng ngày để tạo ra sự chia rẽ. Thay vào đó, chúng ta hãy giúp nhau chuyển từ tinh thần đảng phái sang sự dự phần; từ việc cam kết hỗ trợ riêng cho đảng của mình đến việc tham gia tích cực vào việc thúc đẩy tất cả mọi người.

Từ đảng phái đến dự phần. Điều này sẽ thúc đẩy hành động của chúng ta trên nhiều mặt. Tôi nghĩ đến khí hậu, đại dịch, thị trường chung và hơn hết là các hình thức nghèo đói phổ biến. Đây là những thách thức đòi hỏi sự hợp tác cụ thể và tích cực. Cộng đồng quốc tế cần điều này, để mở ra những con đường hòa bình thông qua một hình thức đa phương mà cuối cùng sẽ không bị kìm hãm bởi những đòi hỏi quá mức về tinh thần dân tộc. Chính trị cần điều này, nhằm đặt nhu cầu chung lên trước lợi ích riêng. Nó có vẻ là một điều không tưởng, một cuộc hành trình vô vọng trên một vùng biển đầy sóng gió, một cuộc phiêu lưu dài và không thể đạt được. Tuy nhiên, như sử thi Homeric vĩ đại đã nói với chúng ta, du hành qua những vùng biển bão tố thường là lựa chọn duy nhất của chúng ta. Và nó sẽ đạt được mục tiêu nếu nó được thúc đẩy bởi mong muốn đến cảng quê hương, bởi nỗ lực cùng nhau tiến về phía trước, bởi nóstos álgos, tức là nỗi nhớ nhà. Ở đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với sự kiên trì dẫn đến Thỏa thuận Prespa được ký kết giữa Cộng hòa này và Cộng hòa Bắc Macedonia.

Một lần nữa nhìn về Địa Trung Hải, vùng biển mở ra chúng ta với những người khác, tôi nghĩ đến những bờ biển màu mỡ và một cái cây có thể dùng làm biểu tượng của nó: đó là cây ô liu, loại cây vừa được thu hoạch. Cây ô liu gắn kết các vùng đất khác nhau giáp với vùng biển này. Thật đáng buồn là trong những năm gần đây, nhiều cây ô liu lâu năm đã bị thiêu rụi, tiêu điều bởi hỏa hoạn thường do điều kiện thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra. Trong bối cảnh đầy sẹo của đất nước kỳ diệu này, cây ô liu có thể tượng trưng cho quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và sự tàn phá của nó. Sau trận đại hồng thủy ban đầu, theo Kinh thánh, một con chim bồ câu đã quay trở lại với ông Nô-ê, mang theo “trong mỏ một chiếc lá ô liu mới mọc” (Stk 8:11). Đó là biểu tượng của sự hồi phục, sức mạnh để bắt đầu lại bằng cách thay đổi cách sống của chúng ta, đổi mới mối quan hệ thích hợp của chúng ta với Đấng Tạo Hóa, các sinh vật khác và tất cả các tạo vật. Về vấn đề này, tôi hy vọng rằng các cam kết được thực hiện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể được chia sẻ đầy đủ hơn và thực hiện nghiêm túc hơn, thay vì chỉ đơn thuần là một lớp bề ngoài. Xin lời nói được tiếp nối với các hành động, kẻo con cái lại một lần nữa phải trả giá cho thói đạo đức giả của cha ông. Chúng ta nhớ lại những lời mà Homer đặt trên môi Achilles: “Hận thù trong mắt tôi, thậm chí như cánh cổng của Địa Ngục, là kẻ ấp ủ trong lòng một điều và nói ra một điều khác” (Iliad, IX, 312-313).

Trong Kinh thánh, ô liu cũng được liên kết với lời kêu gọi liên đới, đặc biệt là đối với những người không thuộc về dân tộc mình. Kinh thánh nói với chúng ta “Khi hái ôliu, anh em đừng trở lại tìm những trái sót; những trái đó dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ”, (Đnl 24:20). Đất nước này, vốn niềm nở chào đón, đã chứng kiến trên một số hòn đảo của mình, số lượng anh chị em di cư của chúng ta đến đó còn nhiều hơn số cư dân bản địa. Điều này càng làm tăng thêm những khó khăn còn tồn tại do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Âu Châu lại tiếp tục trì hoãn: Cộng đồng Âu Châu, con mồi của các hình thức dân tộc hẹp hòi, thay vì là động cơ của sự đoàn kết, đôi khi bị ngăn cản và thiếu phối hợp. Trong quá khứ, xung đột ý thức hệ đã ngăn cản việc xây dựng cầu nối giữa Đông và Tây Âu; ngày nay vấn đề di cư cũng đã dẫn đến sự chia cắt giữa Nam và Bắc. Tôi muốn một lần nữa khuyến khích tầm nhìn cộng đồng, toàn cầu về vấn đề di cư, và kêu gọi sự chú ý dành cho những người có nhu cầu cấp bách nhất, sao cho tương xứng với khả năng của mỗi quốc gia, họ sẽ được chào đón, bảo vệ, được thúc đẩy và hội nhập, tôn trọng đầy đủ các quyền con người và phẩm giá của họ. Thay vì là trở ngại hiện tại, điều này thể hiện sự bảo đảm cho một tương lai được đánh dấu bằng sự chung sống hòa bình với tất cả những người ngày càng buộc phải chạy trốn để tìm kiếm một ngôi nhà mới và hy vọng mới. Họ là nhân vật chính của một bi kịch Odyssey hiện đại khủng khiếp. Tôi muốn nhắc nhớ rằng khi Odysseus đặt chân đến Ithaca, ông đã được nhận ra, không phải bởi các lãnh chúa địa phương, là những kẻ đã chiếm đoạt nhà cửa và hàng hóa của ông, mà bởi người chăm sóc ông, y tá cũ của ông. Ông ấy nhận ra anh ta qua vết thương của anh ấy. Đau khổ đưa chúng ta đến với nhau; việc nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là một phần của cùng một nhân loại yếu đuối sẽ giúp chúng ta xây dựng một tương lai hòa bình và hòa nhập hơn. Chúng ta hãy biến những gì tưởng chừng chỉ là một thảm họa bi thảm thành một cơ hội táo bạo!

Đại dịch tự nó đã là một tai họa lớn. Nó đã khiến chúng ta khám phá lại điểm yếu của chính mình và nhu cầu của chúng ta đối với người khác. Ở đất nước này, nó cũng đặt ra một thách thức đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những can thiệp phù hợp - tôi nghĩ đến chiến dịch tiêm chủng cần thiết - và không ít người dân phải hy sinh. Giữa khó khăn gian khổ ấy, tình đoàn kết cũng đã có một sự phát triển vượt bậc, mà Giáo Hội Công Giáo địa phương rất vui được tiếp tục đóng góp, với niềm tin rằng điều đó đại diện cho một lợi ích không thể mất đi khi cơn bão dần lắng xuống. Một số từ ngữ trong lời thề của Hippocrates dường như được viết cho thời đại của chúng ta, chẳng hạn như cam kết “tuân theo tiến trình mà tôi đánh giá là tốt nhất vì lợi ích của người bệnh” và “tránh những gì có hại và gây khó chịu” cho người khác, để bảo vệ cuộc sống tại mọi thời điểm, đặc biệt là cuộc sống khi còn trong bụng mẹ (xem Lời thề Hippocrate, văn bản cổ). Quyền được chăm sóc và điều trị của tất cả mọi người phải luôn được tôn trọng, để những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người cao niên, không bao giờ bị loại bỏ: để người cao niên không phải là đối tượng của “văn hóa vứt bỏ”. Người cao niên là biểu hiện của trí tuệ một dân tộc. Sống là một quyền, chứ không phải là chết. Chúng ta chấp nhận cái chết, nhưng không được buộc ai phải chết.

Các bạn thân mến, một số cây ô liu ở Địa Trung Hải rất cổ xưa nên chúng có trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm người. Lâu đời, bền bỉ, chống chọi với sự tàn phá của thời gian, chúng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc gìn giữ cội nguồn sâu xa, được củng cố bằng ký ức. Đất nước này đúng ra có thể được gọi là ký ức của Âu Châu – các bạn là ký ức của Âu Châu - và tôi rất vui được đến thăm hai mươi năm sau chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và năm này đánh dấu kỷ niệm hai trăm năm độc lập của quốc gia này. Tôi nghĩ đến những lời nổi tiếng của Tướng Kolokotronis: “Chúa đã đặt chữ ký của mình vào sự tự do của Hy Lạp”. Thiên Chúa sẵn sàng ký tên vào quyền tự do của con người, luôn luôn và ở mọi nơi. Đó là món quà lớn nhất của Người đối với chúng ta, món quà mà Ngài đánh giá cao nhất nơi chúng ta. Vì Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để được tự do, và điều làm Ngài vui lòng nhất là, trong sự tự do, chúng ta yêu Ngài và người lân cận của mình. Luật pháp tồn tại để giúp thực hiện điều này, nhưng cũng rèn luyện trách nhiệm và sự phát triển của văn hóa tôn trọng. Ở đây, tôi một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với sự công nhận cộng đồng Công Giáo, và tôi bảo đảm với các bạn về mong muốn của họ là thúc đẩy lợi ích chung của xã hội Hy Lạp, hướng đến mục tiêu đó là tính phổ quát bẩm sinh của cộng đoàn ấy, với hy vọng rằng trong thực tế, các điều kiện cần thiết để thực hiện dịch vụ của mình một cách hiệu quả sẽ luôn được bảo đảm.

Hai trăm năm trước, chính phủ lâm thời của đất nước này đã nói với những người Công Giáo bằng những lời cảm động này: “Chúa Kitô đã truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương người lân cận của mình. Tuy nhiên, ai trong số những người hàng xóm của chúng ta gần gũi hơn các bạn, những người đồng hương của chúng ta, mặc dù có những khác biệt nhất định về nghi lễ? Chúng ta có cùng quê cha đất tổ, chúng ta là một dân tộc, những người Kitô hữu chúng ta là anh em - anh em trong cội nguồn, trong sự lớn lên và hoa trái của chúng ta - dưới Thánh Giá”. Trở thành Kitô Hữu dưới dấu thánh giá, trong đất nước này được chúc lành bởi đức tin và truyền thống Kitô của nó, thúc đẩy tất cả các tín hữu trong Chúa Kitô vun trồng sự hiệp thông ở mọi cấp độ, nhân danh Thiên Chúa, Đấng bao dung tất cả với lòng thương xót của Ngài. Thưa anh chị em, tôi cảm ơn vì sự cam kết của các bạn trong vấn đề này và tôi khuyến khích các bạn hướng dẫn đất nước này theo những cách thức cởi mở, hòa nhập và công bằng. Từ thành phố này, từ cái nôi của nền văn minh này, cầu xin cho tiếp tục vang lên luôn mãi một thông điệp khiến chúng ta ngước nhìn cả trên cao và hướng về những người khác; cầu xin cho nền dân chủ có thể là phản ứng trước những tiếng hú của chủ nghĩa độc tài; và chủ nghĩa cá nhân; và cầu xin cho sự thờ ơ có thể được khắc phục bằng sự quan tâm đến người khác, người nghèo và tạo vật. Vì đây là những nền tảng thiết yếu cho nhân loại đổi mới mà thời đại của chúng ta, và Âu Châu của chúng ta, đang cần. [Bằng tiếng Hy Lạp:] Xin Chúa phù hộ cho Hy Lạp!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Phò sinh thắng lớn: Sau các lập luận miệng trong vụ Dobbs v. Jackson, các chuyên gia nói ngày tàn của Roe v. Wade sắp sửa đến
Vũ Văn An
18:35 04/12/2021


Ít nhất 5 trong số 9 thẩm phán tối cao xem ra nghiêng về phía bác bỏ khuôn khổ cho phép phá thai vốn được vụ Roe v. Wade thiết lập năm 1973

Biểu tình phò sinh trước Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ngày 1 tháng 12, 2021 (ảnh của Olivier Doulier'AFP'Getty)


Lauretta Brown Nation của National Catholic Register, ngày 3 tháng 12, 2021 có bài viết với nội dung đáng vui sau đây:

Những người ủng hộ sự sống và ủng hộ việc phá thai ra về sau khi nghe các luận điểm miệng trong vụ Dobbs kiện Y tế Phụ nữ Jackson hôm thứ Tư, đều tin rằng những ngày tuân thủ khuôn khổ được đặt ra trong vụ Roe kiện Wade năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai có thể đã đến hồi kết thúc.

Ít nhất năm trong số chín thẩm phán của Tối cao Pháp viện bày tỏ sự hoài nghi về tiêu chuẩn khả năng sống sót (viability) được quy định trong vụ Roe và được tái khẳng định trong phán quyết Casey kiện Planned Parenthood của Tòa án năm 1992. Ngoài ra còn có những câu hỏi hóc búa liên quan đến tính hợp hiến của quyền phá thai được đặt ra ở RoeCasey cũng như những tiến bộ trong 50 năm qua đã nêu ra nhiều nghi vấn đối với các phán quyết này. Một số chuyên gia pháp lý nói với tờ Register rằng có khả năng tòa án sẽ bác bỏ vụ Roe kiện Wade.

Trong các lập luận miệng, các thẩm phán đã xem xét câu hỏi, trong trường hợp Mississippi cấm phá thai lúc thai nhi đã 15 tuần, “tất cả các lệnh cấm trước khi thai nhi có khả năng sống còn đối với các vụ phá thai tự chọn có vi hiến hay không”. Vụ này là vụ xem xét lại vụ Roe quan trọng nhất kể từ phán quyết Casey.

Sherif Girgis, phó giáo sư luật tại Đại học Notre Dame và là cựu thư ký cho Thẩm phán Samuel Alito, nói với tờ Register rằng “có rất nhiều người vào lúc 9:59 sáng nay có thể nói với bạn rằng không có cơ hội họ sẽ bác bỏ vụ Roe, nhưng đến lúc kết thúc cuộc tranh luận, họ cho biết đó lại là kết quả có thể xảy ra nhất”.

Girgis nói, “Lý do là Thẩm phán [Brett] Kavanaugh, người được nhiều người coi là lá phiếu quyết định (swing vote), đã nói khá rõ ràng rằng theo ông nghĩ, Hiến pháp vốn để việc phá thai cho người dân quyết định”.

Kavanaugh mô tả lập trường của Mississippi là “vì Hiến pháp trung lập, nên tòa này cũng nên trung lập một cách thận trọng đối với vấn đề phá thai, không phò phá thai mà cũng không phò sự sống, nhưng vì, theo người ta nói, Hiến pháp không cho chúng ta thẩm quyền, chúng ta nên để nó [việc phá thai] cho các tiểu bang và chúng ta nên trung lập một cách thận trọng đối với vấn đề và ở đây, tôi nghĩ, người ta nói rằng chúng ta nên quay trở lại lập trường trung lập đối với vấn đề xã hội gây tranh cãi đó thay vì tiếp tục chọn đứng về phe nào trong vấn đề đó”.

Girgis nói rằng Kavanaugh “có ý nhấn mạnh rằng đó là lập trường ôn hòa thực sự vì vậy lập trường trung dung không phải chỉ lật ngược một phần vụ Roe, lập trường trung dung là lấy điều này ra khỏi tòa án hoàn toàn và để các tiểu bang tự đi theo một trong hai hướng”.

Robert George, giáo sư luật học McCormick tại Princeton, nói với tờ Register rằng trong những nhận xét đó, Kavanaugh “vừa cho thấy ý hướng của mình vừa cố gắng thực hiện một chút giáo dục công. Ông ta muốn công chúng biết rằng nếu Tối cao Pháp viện đảo ngược vụ Roe, điều đó không có nghĩa là việc phá thai sẽ đột nhiên trở thành bất hợp pháp. Nó có nghĩa là quyết định về những quy định nào, nếu có, sẽ được áp dụng vào việc phá thai hoặc những hạn chế hoặc cấm đoán sẽ nằm trong tay những người hành động thông qua các đại diện được bầu của họ. Tòa án chỉ đơn giản là thoát ra khỏi vấn đề".

Megan Wold, một luật sư hành nghề về luật phúc thẩm và luật hiến pháp, đồng thời là cựu thư ký luật của Thẩm phán Alito và là cựu phó tổng luật sư ở Ohio, nói với Register sau những lập luận bằng miệng rằng “rất có khả năng Roe và hậu duệ của nó là Casey sẽ bị bác bỏ hoàn toàn". Bà nói "đa số các thẩm phán cho thấy quan điểm này: Roe sai khi được phán quyết, nó không nhất quán với lịch sử và truyền thống của chúng ta, nó bị qua mặt bởi các tiến bộ của khoa học y tế, nhưng cả những thay đổi trong luật lệ nữa".

Các giới hạn của tiền lệ

Wold làm nổi bật việc Kavanaugh chất vấn, trong đó “ông ta nêu rõ một danh sách dài các tiền lệ quan trọng của Tối cao Pháp viện mà mọi người đều công nhận là những thời điểm quan trọng trong lịch sử Tối cao Pháp viện, tất cả đều là những phán quyết bác bỏ các phán quyết trước chúng. Ý tưởng cho rằng tòa án luôn tuân thủ tiền lệ của mình hoặc không bao giờ sửa đổi những gì đã làm đơn giản là không đúng".

Wold cũng đề cập đến việc chất vấn của Thẩm phán Alito liên quan đến việc “liệu bạn có thể bác bỏ một tiền lệ chỉ vì nó sai hay không” có ý nói đến cuộc trao đổi mà ông đã thực hiện với luật sư của chính phủ, Tổng Luật sư Elizabeth Prelogar. Thẩm phán Alito hỏi Prelogar về vụ Plessy kiện Ferguson, vụ án năm 1896 trong đó Tối cao Pháp viện thấy rằng các luật lệ phân biệt chủng tộc không vi phạm Hiến pháp. Vụ việc đã bị bác bỏ trong phán quyết năm 1954 của Tòa Brown kiện Hội đồng Giáo dục.

Alito khẳng định, “Giả sử Plessy kiện Ferguson được tái tranh luận vào năm 1897, thì mọi chuyện không có gì thay đổi. Há không đủ hay sao khi nói rằng đó là một phán quyết sai lầm quá đỗi vào ngày nó được đưa ra và bây giờ nó có nên bị bác bỏ không?”

Ông nhấn mạnh thêm: “Liệu một phán quyết có thể bị bãi bỏ chỉ vì nó sai một cách lầm lẫn, ngay cả khi không có gì thay đổi giữa thời điểm đưa ra phán quyết đó và thời điểm tòa án được yêu cầu xem xét xem liệu có nên bác bỏ nó hay không?” Prelogar trả lời rằng, “tòa án này, không, không bao giờ bác bỏ trong tình hình đó chỉ dựa vào kết luận rằng phán quyết ấy sai. Nó vốn luôn áp dụng các nhân tố stare decisis và cũng thấy rằng chúng cho phép bác bỏ trong trường hợp đó". (Stare decisis, tiếng Latinh có nghĩa là tuân giữ những điều đã được phán quyết, là nguyên tắc pháp lý dựa vào tiền lệ, khi quyết định các trường hợp tương tự xẩy ra sau đó).

Wold ghi nhận rằng “tôi nghĩ chính phủ đang ở trong tình thế rất lúng túng để lập luận, một cách vô nghĩa rằng không, bạn phải để các nhân tố stare decisis này phát huy tác dụng”. Theo bà, với những cuộc trao đổi như thế này, “các thẩm phán đang cho thấy một là, chúng tôi nghĩ, vụ Roe đã bị phán quyết sai lầm; và hai là, có thể có đủ yếu tố đúng ở đó, nhưng chúng tôi cũng có những yếu tố này khi chúng tôi xem xét tiền lệ của chúng ta và chúng ta thường giữ lại chúng trừ khi một số nhân tố nào đó được đáp ứng. Và hiện người ta đang thảo luận nhiều về những nhân tố đó đã được đáp ứng ở đây, đó là sự hiểu biết về khoa học và pháp lý của chúng ta đã tiến bộ [kể từ vụ Roe và vụ Casey], đó là chúng ta đã biết nhiều hơn về sự sống của thai nhi, đó là chúng ta biết nhiều hơn về các lưu tâm của cả hai bên".

Katie Glenn, cố vấn các vấn đề của chính phủ tại American United for Life, nói với Register rằng “xét theo nhiều cách, phong trào phò sự sống đang đạt được những gì họ yêu cầu”, vì các thẩm phán đã hỏi “nhiều câu hỏi hay, có thực chất” bao gồm một điểm được Chánh án John Roberts nêu ra, "rằng chúng ta là một trong bảy quốc gia trên thế giới có việc phá thai suốt thai kỳ".

Thẩm phán Sonia Sotomayor cho biết động thái bác bỏ vụ Roe có tính cách “chính trị” và đã hỏi Tổng Luật sư bang Mississippi, Scott Stewart, “liệu định chế này có sống thoát nổi cái mùi hôi thối mà điều này tạo ra trong nhận thức của công chúng rằng Hiến pháp và việc đọc nó chỉ là hành vi chính trị không?”

Stewart trả lời rằng “mối bận tâm về việc điều này dường như có tính cách chính trị buộc tòa án phải đưa ra một phán quyết có cơ sở rõ ràng trong Hiến pháp, trong văn bản, trong cấu trúc, trong lịch sử và truyền thống, và điều này được thực hiện với việc cẩn thận xem xét các nhân tố stare decisis mà chúng ta đã đặt ra”. George nhận định về mối quan tâm của Sotomayor rằng "bất cứ điều gì tòa án làm, bên thua đều buộc tội tòa án là chính trị."

Cũng nên lưu ý, bà thẩm phán Sotomayor này, 1 trong 3 thẩm phán muốn bác bỏ đạo luật hạn chế phá thai của tiểu bang Mississippi, trong phiên tòa hôm nay, đưa ra nhiều luận điểm rất trẻ con. Theo National Review (https://www.nationalreview.com/2021/12/dobbs-supreme-court-oral-arguments-live-updates/), bà ta bảo phải cho người ta phá thai vì nhiều phụ nữ không đủ tiền mua thuốc ngừa thai và cái đau của thai nhi chỉ là cái đau phản xạ giống như cái đau của một người não bộ đã chết nhưng vẫn có phản ứng khi lấy kim đâm vào chân họ!

Khả năng sống còn không còn giá trị?

Wold nói rằng một điều rõ ràng từ việc chất vấn, là nguyên tắc phân biệt bằng khả năng sống còn này không có mấy giá trị bởi vì đối với các tiểu bang lưu ý tới sự sống của thai nhi, thì trước hay sau khả năng sống còn cũng như nhau thôi, các bà mẹ cũng thế, trước hay sau khả năng sống còn y như nhau. Không có lý do gì khiến khoảnh khắc đó lại quan trọng và một số thẩm phán thực sự đã nhắm điều đó trong cuộc thẩm vấn của họ.

Chánh thẩm phán Roberts hỏi “nếu bạn nghĩ rằng vấn đề chỉ là chuyện lựa chọn, phụ nữ nên có sự lựa chọn chấm dứt thai kỳ của họ, giả sử rằng có một thời điểm mà họ có sự lựa chọn công bằng, cơ hội để lựa chọn thì tại sao 15 tuần lại là một đường ranh không thích đáng? Vì khả năng sống còn, dường như đối với tôi, không liên quan gì đến việc lựa chọn. Nhưng, nếu nó thực sự là một vấn đề lựa chọn, thì tại sao 15 tuần lại không đủ thời gian?”

Julie Rikelman, luật sư của Y tế Phụ nữ Jackson trong vụ này, nói với Chánh Thẩm phán Roberts rằng “không có khả năng sống còn, sẽ không có điểm dừng lại. Các tiểu bang sẽ gấp rút cấm phá thai hầu như ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ. Chính Mississippi cũng có lệnh cấm 6 tuần, lệnh mà nó đang bảo vệ với những lập luận rất giống với những gì họ đang sử dụng để bảo vệ lệnh cấm 15 tuần".

George nói rằng chánh thẩm phán liên tục nghe “từ cả hai phía rằng nếu không có khả năng sống còn thì không có tiêu chuẩn nào khác mà bạn có thể cho rằng có bất cứ điểm tựa hợp lý nào trong Hiến pháp. Tất nhiên, đối với những người trong chúng tôi chống lại vụ Roe, đó là một trong các khiếu nại của chúng tôi - rằng chính tiêu chuẩn khả năng sống còn không có điểm tựa nào trong Hiến pháp. Không có cơ sở hiến pháp nào để tin rằng khả năng sống còn tạo ra bất cứ sự khác biệt nào đối với tư cách luân lý hoặc tư cách nhân vị [personhood] của một đứa trẻ chưa sinh hoặc đối với sự lưu tâm của các tiểu bang liên quan đến sự sống của thai nhi”.

Alito nói về khả năng sống còn, “Lập luận triết học là gì, tức lập luận triết học thế tục để nói đây là đường ranh thích hợp? Có những người nói rằng các quyền của tư cách nhân vị nên được coi là đã bắt đầu vào thời điểm thai nhi có được những đặc điểm độc lập nhất định. Nhưng khả năng sống còn lệ thuộc vào kỹ thuật y khoa và thực hành y khoa. Nó đã thay đổi. Nó có thể tiếp tục thay đổi”.

Không có cơ sở ở giữa

Trong các cuộc tranh luận bằng miệng, Thẩm phán Neil Gorsuch hỏi Rikelman, "Nếu, giả như tòa án mở rộng tiêu chuẩn gánh nặng quá mức cho các quy định trước khi có khả năng sống còn, thì theo quan điểm của bà, điều đó có khả thi hay không?" Bà ấy trả lời rằng "không có khả năng sống còn, việc đó sẽ không thể hoạt động được." Và sau đó bà nói với Alito rằng "gánh nặng quá mức mà không có khả năng sống còn, sẽ tương đương với việc bác bỏ vụ Casey và vụ Roe vì đường ranh khả năng sống còn là trung tâm của những vụ này".

Girgis nói rằng trong các cuộc tranh luận bằng miệng, điều trở nên rõ ràng là “trong khi chánh thẩm phán hỏi về điều đó nhiều lần, không ai nghĩ rằng sẽ có một cơ sở ở giữa. Các luật sư của chính phủ Biden, luật sư của các doanh nghiệp phá thai đều nói rằng, ‘Không có cơ sở ở giữa nào hợp nguyên tắc, tất cả hoặc không có gì cả”. Gorsuch đã làm họ rõ ràng về điều đó.

Ông nói thêm, “Không ai trong số các thẩm phán khác có vẻ quan tâm đến cơ sở ở giữa. Không ai khác trong cuộc thảo luận đề nghị một cơ sở ở giữa. Vì vậy, nếu họ duy trì đạo luật, nếu không có cơ sở ở giữa, nếu không ai ngoại trừ chánh thẩm phán tỏ ý muốn làm như vậy và Thẩm phán Kavanaugh rõ ràng đang cho thấy ông ta nghĩ rằng vấn đề này nên thuộc về các tiểu bang, thì thật khó thấy họ có thể làm bất cứ điều gì ngoài việc lật ngược vụ Roe”.

Wold ghi nhận rằng "cả hai bên sẽ đến tòa án để nói rằng nếu qúi vị duy trì lệnh cấm của Mississippi và nếu qúi vị cho phép các hạn chế đối với thời điểm trước khi có khả năng sống còn, qúi vị đang bác bỏ vụ Roe kiện Wade và thực sự không có cơ sở ở giữa". Bà nói rằng thực ra cũng có “rất nhiều thiện chí trong số sáu thành viên của tòa án không duy trì khả năng sống còn, 1 điều mà cả hai bên đều cho rằng đang bác bỏ vụ Roe".

Bà nói thêm rằng “điều đáng chú ý là không có thẩm phán nào nêu rõ một số loại tiêu chuẩn nào có thể thay thế vụ Roe. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về đường ranh khả năng sống còn và nó có đứng vững hay không, nhưng không ai dự phóng một số cách mới để cân bằng các lưu tâm này của cả hai bên... Chính các thẩm phán, dường như họ không nói rõ vị trí của cơ sở ở giữa nơi chúng ta có thể hình dung lại quyền phá thai và nếu nó vẫn còn đó thì phải bị hạn chế cách nào đó. Đó là điều ấm lòng đối với những người phò sự sống và nó có khả năng đánh dấu sự sụp đổ của vụ Roe".

Glenn nói rằng cả hai bên trong vụ này thực sự đều nói, "ở đây không có con đường ở giữa". Một khả thể bà nhận thấy là "kiểu phân chia tỷ lệ 5-1-3 với ý kiến cho rằng chánh thẩm phán đứng một mình trong việc viết lý thuyết của riêng ông về nẻo đường tốt nhất nên theo”. Theo bà, “ông ấy đang cố gắng tìm ra cơ sở ở giữa ấy, nhưng chính các bên thì thực sự không dành chỗ nào cho một điều như thế”.

Theo George, “Câu hỏi đáng lưu ý nhất lúc này là Chánh Thẩm phán Roberts sẽ làm gì? Nếu năm thẩm phán, như tôi nghi ngờ, chuẩn bị bác bỏ vụ Roe thì ông ta sẽ tham gia với họ, hay ông ta sẽ viết một ý kiến đồng tình, hay ông ta sẽ tham gia phe bất đồng? Ít có khả thể ông ta sẽ tham gia phe bất đồng vì ông ta dường như ra dấu hiệu muốn cho thấy: ông ta muốn duy trì luật Mississippi, nhưng không chắc chắn sẽ bỏ phiếu để bác bỏ vụ Roe”.

George nói tiếp, mặt khác, "nếu vụ Roe bị đảo ngược, ông ta [Chánh Thẩm phán Roberts] có thể lý luận rằng tốt hơn nên tạo tỷ số 6-3 hơn là đa số nhỏ hơn 5-4, đó sẽ là một cách an toàn hơn để làm, một điều sẽ giúp đem lại cho phán quyết nhiều ưu thế hơn là đa số nhỏ hơn".
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Tòa Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo ở Athens, Hy Lạp
J.B. Đặng Minh An dịch
19:26 04/12/2021


Sáng Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển, nơi ngài đã hạ cánh lúc 11:10 giờ địa phương. Sau nghi thức tiếp đón chính thức tại Phủ Tổng thống, vào buổi chiều, Đức Thánh Cha đã có một chuyến thăm xã giao đến Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Thưa Đức Tổng Giám Mục,

“Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1: 7). Tôi xin chào anh em với những lời này của Tông đồ Phaolô vĩ đại, đó chính những lời mà thánh nhân đã nói với các tín hữu thành Rôma khi đang ở Hy Lạp. Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay tái tạo lại ân sủng và bình an đó. Khi cầu nguyện trước các đền thờ lớn của Giáo Hội Rôma, trước các ngôi mộ của các Tông đồ và các vị tử đạo, tôi cảm thấy bị thôi thúc đến đây như một người hành hương, với lòng thành kính và khiêm nhường, để canh tân sự hiệp thông tông đồ và nuôi dưỡng tình bác ái huynh đệ. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục vì những lời tốt lành của hiền huynh, mà tôi xin đáp lại với tình cảm quý mến. Qua hiền huynh, tôi cũng gửi lời chào đến các giáo sĩ, cộng đồng tu sĩ và tất cả các tín hữu Chính thống giáo của Hy Lạp.

Năm năm trước, chúng ta đã gặp nhau tại Lesvos, giữa một trong những bi kịch lớn của thời đại chúng ta: hoàn cảnh của rất nhiều anh chị em di cư của chúng ta, là những người chúng ta không thể thờ ơ, hay chỉ xem là một gánh nặng cần được quản lý hoặc tệ hơn là một vấn đề cần phải đẩy sang cho người khác. Giờ đây, chúng ta gặp lại nhau, để chia sẻ niềm vui của tình huynh đệ và để xem Địa Trung Hải bao quanh chúng ta không chỉ là nơi có khó khăn và chia rẽ, mà còn là vùng biển gắn kết các dân tộc lại với nhau. Cách đây không lâu, tôi đã đề cập đến những cây ô liu lâu năm mà vùng đất của chúng ta có điểm chung. Suy ngẫm về những cái cây gắn kết chúng ta, tôi nghĩ đến những gốc rễ mà chúng ta chia sẻ. Những gốc rễ đó tuy ngầm dưới đất, bị che lấp, và thường bị bỏ qua, vẫn ở đó và chúng duy trì mọi thứ. Nguồn gốc chung của chúng ta đã tồn tại qua nhiều thế kỷ là gì? Thưa: Đó là gốc rễ của các tông đồ. Thánh Phaolô nói về các gốc rễ ấy khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “được xây dựng trên nền tảng các tông đồ” (Ep 2:20). Những gốc rễ đó, phát triển từ hạt giống của Tin Mừng, đã bắt đầu sinh hoa kết trái dồi dào ngay trong nền văn hóa Hy Lạp: Tôi nghĩ đến các Giáo phụ đầu tiên của Giáo hội và các công đồng đại kết đầu tiên.

Đáng thương thay, trong thời gian sau này, chúng ta ngày càng xa cách. Mối quan tâm về những sự thế gian đã đầu độc chúng ta, cỏ dại của sự nghi ngờ đã gia tăng khoảng cách của chúng ta và chúng ta không còn nuôi dưỡng sự hiệp thông. Thánh Basilô Đại đế nói rằng các môn đệ chân chính của Chúa Kitô “chỉ được làm theo gương mẫu của những gì họ thấy nơi Người” (Moralia, 80, 1). Thật đáng xấu hổ - tôi thừa nhận điều này về phía Giáo Hội Công Giáo – vì đã có những hành động và quyết định liên quan rất ít hoặc chẳng liên quan gì đến Chúa Giêsu và Tin Mừng, nhưng thay vào đó lại được đánh dấu bằng sự khao khát lợi thế và quyền lực, những quyết định như thế đã làm suy yếu nghiêm trọng sự hiệp thông của chúng ta. Qua đó, chúng ta để cho sự sinh hoa kết quả của chúng ta bị tổn hại bởi những chia rẽ. Lịch sử cho chúng ta cảm nhận được sức nặng của vấn đề này, và ở đây, hôm nay, tôi cảm thấy cần phải cầu xin một lần nữa sự tha thứ của Thiên Chúa và của anh chị em chúng ta đối với những lỗi lầm mà nhiều người Công Giáo đã phạm phải. Tuy nhiên, chúng ta được an ủi bởi sự chắc chắn rằng gốc rễ của chúng ta là các thánh tông đồ và rằng, bất chấp sự xoay vần của thời gian, những gì Thiên Chúa đã gieo trồng vẫn tiếp tục phát triển và sinh hoa kết trái trong cùng một Thánh Linh. Thật là một ân sủng để nhận ra những hoa trái tốt lành của nhau và cùng hiệp nhau cảm tạ Chúa về điều này.

Thành quả tối hậu của ô liu chính là dầu. Dầu ô liu đã từng được cất giữ trong những chiếc bình và đồ tạo tác quý giá có rất nhiều trong kho tàng khảo cổ học của vùng đất này. Dầu đã cung cấp ánh sáng chiếu soi những đêm xa xưa. Trong nhiều thiên niên kỷ, đó là “mặt trời lỏng, trạng thái mầu nhiệm đầu tiên của ngọn lửa đèn” (C. BOUREUX, Les plantes de la Bible et leur Symbolique, Paris 2014, 65). Đối với chúng ta, thưa anh em thân mến, dầu kêu gọi hãy nhớ đến Chúa Thánh Thần, Đấng đã sinh ra Giáo hội. Chỉ có Người, với sự huy hoàng không phai mờ của mình, mới có thể xua tan bóng tối và soi sáng từng bước trên hành trình của chúng ta.

Đúng như thế, bởi vì Chúa Thánh Thần trên hết là dầu của sự hiệp thông. Kinh thánh nói dầu làm cho khuôn mặt người ta rạng rỡ (x. Tv 104, 15). Chúng ta cấp thiết phải nhận ra trong thời đại của chính chúng ta, ở mọi cấp độ, giá trị độc đáo tỏa sáng từ mỗi người nam nữ, từ mọi anh chị em! Để nhận ra điều này, tình nhân loại chung của chúng ta là điểm xuất phát để xây dựng sự hiệp thông. Tuy nhiên, đáng buồn thay, “sự hiệp thông dường như đánh vào một dây cung nhạy cảm”, không chỉ trong xã hội, mà còn thường xảy ra giữa các môn đệ của Chúa Giêsu “trong một thế giới Kitô được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cá nhân và sự cứng rắn thể chế”. Tuy nhiên, như một nhà thần học vĩ đại đã nói nếu những truyền thống và đặc điểm riêng biệt của chúng ta, “sự khác biệt” của chúng ta mà “không được cân bằng cách này cách khác bởi sự hiệp thông, thì khó khăn lắm nó mới có thể mang lại sức sống cho một nền văn hóa thỏa đáng” (J. ZIZIOULAS, Comunione e alterità, Rome 2016, 16).

Sự hiệp thông huynh đệ mang lại phúc lành của Thiên Chúa. Trong Thánh Vịnh, nó được so sánh với “dầu quý trên đầu, chảy xuống râu” (Tv 133: 2). Thật vậy, Thần Khí đổ vào lòng chúng ta thúc giục chúng ta tìm kiếm tình huynh đệ ngày càng lớn hơn, để kết cấu chúng ta trong sự hiệp thông. Vì vậy, chúng ta đừng sợ giúp nhau thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ người lân cận, đừng chạy theo việc chiêu dụ tín đồ nhưng tôn trọng hoàn toàn tự do của người khác, vì như Thánh Phaolô đã viết: “Thần Khí của Chúa ở đâu, ở đó có tự do” (2Cr. 3:17). Tôi cầu nguyện xin Thánh Linh của tình yêu thương sẽ chiến thắng mọi hình thức phản kháng và làm cho chúng ta trở thành những người xây dựng nên sự hiệp thông. Thật vậy, “nếu tình yêu thực sự đánh bay nỗi sợ hãi và sự sợ hãi được biến đổi thành tình yêu, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng điều cứu chúng ta là sự hiệp nhất” (Thánh Grêgôrô thành Nyssa, bài giảng thứ 15 về Diễm Tình Ca). Mặt khác, làm sao chúng ta có thể làm chứng trước thế giới về sự hòa hợp của Phúc Âm, nếu các Kitô Hữu chúng ta vẫn bị chia rẽ? Làm sao chúng ta có thể công bố tình yêu của Chúa Kitô, Đấng quy tụ các dân tộc, nếu bản thân chúng ta không hợp nhất? Nhiều bước đã được thực hiện để đưa chúng ta lại với nhau. Chúng ta hãy cầu xin Thánh Thần hiệp thông thúc đẩy chúng ta đi theo sự dẫn dắt của Người và giúp chúng ta đừng đặt tình hiệp thông trên cơ sở những tính toán, chiến lược và sự tiện lợi, nhưng đặt trên một mô hình mà chúng ta phải nhìn lên: đó là Ba Ngôi Chí Thánh.

Thánh Linh cũng là dầu của sự khôn ngoan. Ngài đã xức dầu cho Chúa Kitô và Ngài mong muốn truyền cảm hứng cho các Kitô hữu. Nhờ sự ngoan ngoãn trước sự khôn ngoan nhẹ nhàng của Ngài, chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết về Thiên Chúa và mở rộng tấm lòng của mình với người khác. Ở đây, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của mình về tầm quan trọng dành cho việc đào tạo và chuẩn bị thần học của Giáo hội Chính thống này, là người thừa kế sự hội nhập quan trọng của đức tin vào văn hóa Hy Lạp. Tôi cũng muốn chỉ ra sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa giữa tổ chức bác ái Apostolikί Diakonίa của Giáo hội Hy Lạp - những người mà tôi rất vui được gặp đại diện vào năm 2019 - và Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô Giáo, cũng như tầm quan trọng của liên - Hội nghị chuyên đề Công Giáo do Khoa Thần học Chính thống của Đại học Salonica và Đại học Giáo hoàng Antonianum ở Rôma đồng tài trợ. Những dịp này đã giúp chúng ta có thể thiết lập các mối quan hệ thân ái và tham gia vào các cuộc trao đổi có lợi giữa các học giả của các hệ phái chúng ta. Tôi cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Giáo Hội Chính thống Hy Lạp trong Ủy ban Đối thoại Thần học Quốc tế. Xin Thánh Linh giúp chúng ta kiên trì trong sự khôn ngoan trên những con đường này!

Cuối cùng, cũng chính Thần Khí là dầu an ủi, Đấng Phù Hộ luôn ở bên cạnh chúng ta, xoa dịu tâm hồn và chữa lành vết thương cho chúng ta. Qua sự xức dầu, Thánh Linh đã thánh hiến Chúa Kitô, để Người rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, giải thoát cho những người bị giam cầm và trả tự do cho những người bị áp bức (x. Lc 4,18). Ngay cả bây giờ, Thánh Linh cũng thúc giục chúng ta quan tâm đến những người yếu đuối và nghèo khó và làm cho tình cảnh của họ, là điều tối quan trọng trước mắt Thiên Chúa, được thế giới chú ý đến. Ở đây, cũng như những nơi khác, sự hỗ trợ dành cho những người túng quẫn trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế là rất cần thiết. Xin cho chúng ta cùng nhau phát triển các hình thức hợp tác trong đức ái, xin cho chúng ta mở lòng và hợp tác giải quyết các vấn đề đạo đức và xã hội, để phục vụ những người nam nữ trong thời đại chúng ta và mang lại cho họ niềm an ủi của Tin Mừng. Thật vậy, Thánh Linh đang kêu gọi chúng ta, hơn bao giờ hết, hãy chữa lành vết thương của nhân loại bằng dầu tình yêu.

Tại Vườn Giệtsimani, trong giờ phút thống khổ, Chúa Giêsu Kitô đã yêu cầu các môn đệ an ủi Ngài qua sự gần gũi và cầu nguyện của họ. Do đó, hình ảnh của dầu dẫn chúng ta đến Vườn Ôliu. Chúa Giêsu nói: “Hãy ở lại đây và tỉnh thức” (Mc 14:34). Lời thỉnh cầu của Ngài đối với các Tông đồ ở dạng số nhiều. Ngày nay, Ngài cũng muốn chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện cho nhau để mang đến cho thế giới niềm an ủi của Thiên Chúa và để chữa lành các mối quan hệ bị tổn thương của chúng ta. Đây là điều cần thiết nếu chúng ta muốn đạt được “sự thanh tẩy cần thiết cho những ký ức trong quá khứ. Với ân sủng của Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Chúa, được thúc đẩy bởi tình yêu, bởi quyền năng của sự thật và bởi một ước muốn chân thành về sự tha thứ và hòa giải lẫn nhau, được kêu gọi để cùng nhau nhìn lại quá khứ đau buồn của họ và những tổn thương mà quá khứ đáng tiếc tiếp tục khiêu khích ngay cả ngày nay “(Thánh Đức Gioan Phaolô II, Ut Unum Sint, 2).

Chúng ta được thúc đẩy để làm điều này đặc biệt là bởi đức tin của chúng ta vào sự phục sinh. Các Tông đồ, sợ hãi và do dự, đã được hòa giải với nỗi thất vọng cay đắng về cuộc Khổ nạn khi họ thấy Chúa Phục sinh hiện ra trước mặt họ. Trong những vết thương tưởng chừng như không thể chữa lành của Người, họ tìm thấy niềm hy vọng mới, một lòng thương xót chưa từng có, một tình yêu lớn hơn cả những sai lầm và thất bại của họ; điều này đã biến họ thành một Thân Thể, được Thần linh hợp nhất với sự đa dạng của nhiều chi thể khác nhau. Cầu xin Thánh Linh của Chúa bị đóng đinh và Phục sinh đến trên chúng ta và ban cho chúng ta “một tầm nhìn bình tĩnh, sáng suốt và trung thực về những điều được sống động bởi lòng thương xót của Thiên Chúa và có khả năng giải phóng tâm trí mọi người và khơi dậy trong mọi người một sự sẵn lòng đổi mới” (sđd). Mong Ngài giúp chúng ta không bị tê liệt bởi những kinh nghiệm và định kiến tiêu cực trong quá khứ, mà thay vào đó là nhìn thực tế bằng con mắt mới. Bằng cách này, những thử thách trong quá khứ sẽ dành chỗ cho những niềm an ủi hiện tại, và chúng ta sẽ được an ủi bởi những kho tàng ân sủng mà chúng ta sẽ tái khám phá nơi anh chị em của mình. Giáo Hội Công Giáo vừa đặt ra một con đường nhằm làm sâu sắc hơn tính đồng nghị và chúng tôi cảm thấy mình có nhiều điều để học hỏi từ anh em. Đây là điều chúng tôi chân thành mong muốn, chắc chắn rằng khi anh chị em trong đức tin xích lại gần nhau hơn, thì sự an ủi của Thánh Linh sẽ tràn ngập lòng chúng tôi.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, thưa các anh em thân mến, cầu xin cho rất nhiều vị thánh lừng lẫy của những vùng đất này, cùng với những vị tử đạo, những người mà trong thế giới ngày nay còn đông hơn cả trong quá khứ, đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình này. Bất chấp những khác biệt về hệ phái khi còn dưới thế này, giờ đây họ đang ở cùng nhau trên thiên đường. Xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta, để Thánh Linh, dầu thánh của Thiên Chúa, có thể đổ ra trên chúng ta trong một Lễ Hiện Xuống mới, thậm chí như khi xưa lúc Người ngự trên các Tông đồ là những vị mà chúng ta là dòng dõi. Xin Người khơi dậy trong lòng chúng ta niềm khao khát hiệp thông, soi sáng chúng ta bằng sự khôn ngoan của Người và xức dầu an ủi cho chúng ta.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tĩnh tâm mùa Vọng tại giáo xú Chúa Ba Ngôi, San Jose, California
Thái Phạm
14:38 04/12/2021
 
Văn Hóa
Giao Thoa Văn Hóa : Âm Nhạc Không Biên Giới
Lê Đình Thông
14:31 04/12/2021
Giao Thoa Văn Hóa: Âm Nhạc Không Biên Giới

Chiều ngày 4/12/2021, hội trường Le Totem (11 Place Nationale - 75013 Paris) đã trình diễn giao thoa văn hóa, biểu hiện âm nhạc không biên giới. Nữ nghệ sĩ Trúc Tiên, trưởng ban văn nghệ giáo xứ hợp diễn cùng nghệ sĩ Mai Thành Nam.

Trúc Tiên được giới mộ điệu ở Paris biết đến với buổi trình diễn Lục Vân Tiên, cải biên từ tác phẩm cùng tên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, độc diễn qua thể điệu đàn ca tài tử. Trong chiếc áo dài màu hồng đào, Trúc Tiên đã hát lên bản tình ca của miền Piêu:

Tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời
Nhắn tin theo cùng gió khăn còn đây đợi người
Nghe con chim cúc cu kìa nó hót lên một câu rằng
Có một nàng ở trong rừng tìm trong rừng
Kiếm trong rừng chiếc khăn Piêu
....................................
Tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời
Nhắn tin theo cùng gió khăn còn đây đợi người
Tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời
Nhắn tin theo cùng gió khăn còn đây đợi người
Tiếng tôi vang rừng núi cùng gió đợi người
Tiếng tôi vang rừng núi…
Ca khúc ‘‘chiếc khăn Piêu’’ là một loại thổ cẩm nổi tiếng của người Thái, kết hiệp cùng tiếng sáo trúc quê huơng của nghệ sĩ Mai Thành Nam, với tiếng trống dồn của núi rừng Brésil do nghệ sĩ Paul Mindy biểu diễn, cùng với tiếng kèn clarinette não ruột của nữ nghệ sĩ Gaëlle Bagot.

Sau cùng, hai nghệ sĩ Trúc Tiên và Mai Thành Tâm đã hợp diễn ca khúc Thằng Bờm:

Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi bɑ bò chín trâu.
Ɓờm rằng bờm chẳng lấу trâu
Phú ông xin đổi ɑo sâu cá mè
Ɓờm rằng bờm chẳng lấу mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Ɓờm rằng bờm chả lấу lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Ɓờm rằng bờm chẳng lấу mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi bờm cười.

Nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam qua bài Thằng Bờm nói lên tinh thần thực tiễn, được phụ diễn bằng tiếng trống hào hùng của núi rừng cao nguyên.

Buổi trình diễn của ‘‘Le Cercle Premier’’ điểm xuyết bằng lời giới thiệu của GS Bùi Xuân Quang đã được khán giả nhiệt liệt tán thưởng.

Lê Đình Thông
Hình ảnh: Phó tế Phạm Bá Nha
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên Công Giáo trên đất Síp
Giáo Hội Năm Châu
02:30 04/12/2021


Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 11g sáng thứ Năm, 2 tháng 12, Đức Thánh Cha đã khởi hàng từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay đến quốc đảo Síp. Máy bay đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Larnaca lúc 3 giờ chiều.

Sau cuộc đón tiếp này, vào lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng một Giáo Hội “kiên nhẫn” là một Giáo Hội phù hợp nhất với thực tế ở Síp, “một Giáo Hội không để cho bản thân mình hoang mang và bối rối trước những thay đổi, nhưng bình tĩnh đón nhận sự mới mẻ và phân định các tình huống dưới ánh sáng của Tin Mừng.”

Đây là tầm nhìn và sự khích lệ của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các giáo sĩ, tu sĩ và giáo lý viên Công Giáo tụ tập hợp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc khi bắt đầu chuyến thăm Síp của ngài.

Phát biểu trước đại diện của tất cả các Nghi lễ Công Giáo có mặt ở Síp bao gồm Nghi lễ Latinh, nghi lễ Maronites và nghi lễ Armenia - Đức Giáo Hoàng đã đề cao sự phong phú về sự đa dạng của họ và kêu gọi họ kiên trì “không mệt mỏi hoặc nản lòng”.

Trong số những vị chào đón ngài có Đức Tổng Giám Mục nghi lễ Maronite của Síp là Đức Cha Selim Sfeir, Đức Thượng Phụ Maronite của thành Antiôkia là Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, và Đức Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Thật là một niềm vui lớn được có mặt ở đây với anh chị em và kết thúc chuyến thăm của tôi đến Síp với buổi nhóm họp cầu nguyện này. Tôi cảm ơn các Thượng phụ Pizzaballa và Béchara Raï, và Bà Elisabeth của Caritas. Tôi chào đón với sự trìu mến và biết ơn những người đại diện của các tín phái Kitô giáo khác có mặt tại Síp.

Từ tận trái tim tôi, tôi muốn nói lời “cảm ơn” thật lớn đến anh chị em, những người di cư trẻ tuổi đã cung cấp những lời chứng của anh chị em. Tôi đã nhận trước các bản sao của chúng, khoảng một tháng trước. Chúng đã tạo ấn tượng lớn với tôi lúc đó, và hôm nay tôi lại được nghe lại chúng. Không chỉ là xúc động, tôi có cảm giác mạnh mẽ phát xuất từ việc bắt gặp được vẻ đẹp của sự thật. Chúa Giêsu đã xúc động như thế khi kêu lên: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con cảm tạ Cha, vì Cha đã giấu không cho người khôn ngoan, thông minh biết những điều này và đã tiết lộ cho trẻ thơ” (Mt 11:25). Tôi cũng xin ngợi khen Cha trên trời vì điều này đang xảy ra ngày nay, ở đây và trên khắp thế giới. Thiên Chúa đang mạc khải Vương quốc của Người, Vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình, cho những người nhỏ bé.

Sau khi nghe anh chị em, chúng ta hiểu rõ hơn tất cả quyền năng tiên tri của lời Chúa, Đấng, qua Thánh Tông đồ Phaolô, nói với chúng ta: “Anh em không còn là người xa lạ, nhưng là đồng bào với các thánh và cũng là thành viên của gia hộ Thiên Chúa ”(Ep 2,19). Những lời này đã được gửi đến các Kitô hữu ở Êphêsô, cách đây không xa, nhiều thế kỷ trước, nhưng những lời đó vẫn hợp thời như bao giờ, như thể chúng được viết cho chúng ta ngày nay: “Các bạn không còn là người xa lạ nữa, mà là đồng bào”. Đây là lời tiên tri của Giáo hội: một cộng đồng, bất chấp mọi giới hạn của con người, luôn nhập thể giấc mơ của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa cũng có những giấc mơ, giống như con, Mariamie ạ, con đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, người đã tự mô tả mình là “đầy những giấc mơ”. Giống như con, Thiên Chúa mơ ước về một thế giới hòa bình, trong đó tất cả con cái của Người sống như anh chị em. Thiên Chúa muốn điều này, Thiên Chúa mơ ước điều này. Chúng ta mới là những người không muốn điều đó.

Sự hiện diện của anh chị em, thưa các anh chị em di dân, có ý nghĩa rất lớn đối với buổi cử hành này. Những lời chứng của anh chị em giống như một “tấm gương” soi cho chúng ta, cho các cộng đồng Kitô giáo của chúng ta. Khi con, Thamara ạ, con đến từ Sri Lanka, con nói với chúng ta rằng mọi người thường hỏi, “Bạn là ai?”: Trải nghiệm tàn khốc của việc di dân khiến chính bản sắc của chúng ta bị nghi ngờ. “Đây có phải là tôi không? Tôi không biết… Đâu là nguồn gốc của tôi? Tôi là ai?" Khi con hỏi những câu hỏi này, con nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi chúng ta cũng được hỏi cùng một câu hỏi: "Bạn là ai?" Và đáng buồn thay, điều thực sự được hỏi thường là: "Bạn đứng về phía ai?", "Bạn thuộc nhóm nào?" Tuy nhiên, như con đã nói, chúng ta không phải là những con số, những cái tên trên một danh sách; chúng ta là “anh chị em”, là “bạn bè”, là “tín hữu”, là “hàng xóm” của nhau. Tuy nhiên, khi tư lợi nhóm hoặc tư lợi chính trị, kể cả tư lợi của các quốc gia, bắt đầu thúc ép, nhiều người trong chúng ta cuối cùng bị gạt sang một bên và dù không muốn, trở thành nô lệ. Vì tư lợi luôn nô lệ hóa, luôn tạo ra nô lệ. Tình yêu, vốn có tính mở mang và ngược với thù hận, làm chúng ta được tự do.

Khi con, Maccolins ạ, con đến từ Cameroon, nói với chúng ta rằng trong suốt đời con, con đã bị “tổn thương bởi sự căm ghét”, con đã nói về điều này, về những vết thương do tư lợi gây ra: và con nhắc nhở chúng ta rằng sự căm ghét cũng đã đầu độc các mối liên hệ giữa chúng ta, những Kitô hữu. Và điều này như con nói, đã thay đổi chúng ta; nó để lại dấu ấn sâu xa và lâu dài. Nó là một chất độc. Đúng, con đã khiến chúng ta cảm nhận được điều này bởi niềm đam mê con dùng để lên tiếng. Thù hận là một liều thuốc độc khó loại bỏ, một não trạng quanh co, một não trạng, thay vì để chúng ta coi mình như anh chị em, lại khiến chúng ta coi nhau như kẻ thù, như đối thủ, hoặc thậm chí như đối tượng để mua bán hoặc lợi dụng.

Khi con, Rozh ạ, con đến từ Iraq, nói rằng con là người “đang lữ hành”, con nhắc nhở chúng ta rằng bản thân chúng ta là một cộng đồng đang lữ hành; chúng ta đang lữ hành từ xung đột đến hiệp thông. Trên con đường dài và có nhiều thăng trầm này, chúng ta đừng nên sợ các khác biệt của mình, nhưng nên sợ đầu óc khép kín và định kiến luôn ngăn cản chúng ta thực sự gặp gỡ nhau và cùng nhau lữ hành. Sự khép kín và thành kiến đã dựng lại bức tường chia rẽ, sự thù nghịch giữa chúng ta, mà Chúa Kitô đã phá bỏ (x. Ep 2:14). Cuộc lữ hành hướng tới sự hợp nhất trọn vẹn của chúng ta chỉ có thể tiến triển theo mức chúng ta cùng nhau chăm chăm nhìn vào Chúa Giêsu, vào Người, Đấng là “sự bình an của chúng ta” (sđd), là “đá góc” (c. 20). Chính Người, Chúa Giêsu, là Đấng chúng ta gặp trong khuôn mặt của các anh chị em bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị gạt bỏ của chúng ta. Trong khuôn mặt của người di cư bị khinh thường, bị bác bỏ, bị nhốt trong lồng, bị bóc lột... Nhưng đồng thời, như con nói, khuôn mặt của người di cư đang lữ hành tiến tới một mục tiêu, một hy vọng, tới tình đồng hành lớn hơn của con người...

Trong tất cả những con đường trên, Thiên Chúa nói với chúng ta qua những giấc mơ của anh chị em. Nguy hiểm là nhiều khi chúng ta không để các giấc mơ của chúng ta xuất hiện, thay vào đó, chúng ta chỉ ngủ chứ không nằm mơ. Rất dễ dàng nhìn theo hướng khác. Và trong thế giới này, chúng ta đã quá quen với nền văn hóa thờ ơ, một nền văn hóa nhìn theo hướng khác và do đó ngủ yên. Tuy nhiên, cách đó không thể mơ ước. Thiên Chúa nói qua giấc mơ của anh chị em. Thiên Chúa không nói qua những người không mơ mộng, vì họ có tất cả hay vì trái tim họ chai đá. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đừng bằng lòng với một thế giới bị chia rẽ, bằng lòng với các cộng đồng Kitô hữu bị chia rẽ, nhưng lữ hành xuyên suốt lịch sử được lôi kéo bởi chính giấc mơ của Người: giấc mơ về một nhân loại thoát khỏi bức tường chia rẽ, thoát khỏi thù nghịch, nơi không còn những người xa lạ, nhưng chỉ là những người đồng bào, như chúng ta đã nghe Thánh Phaolô nói trong đoạn tôi vừa đề cập. Những đồng bào đa dạng, nhưng tự hào về tính đa dạng và cá tính đó, vốn là các ơn phúc của Thiên Chúa. Đa dạng, tự hào về tính đa dạng, nhưng luôn hòa giải, luôn là anh chị em.

Cầu mong cho hòn đảo này, được đánh dấu bởi sự chia rẽ đau đớn, từ đây tôi có thể nhìn thấy bức tường đó, nhờ ân sủng Thiên Chúa trở thành một nơi tập huấn tình huynh đệ. Tôi cảm ơn tất cả những người đang làm việc để làm cho điều đó diễn ra. Chúng ta phải nhìn nhận rằng hòn đảo này rất quảng đại, nhưng nó không thể làm được mọi sự, vì số lượng người đến nhiều hơn khả năng tiếp nhận, hội nhập, đồng hành và cổ vũ của nó. Sự gần gũi về địa lý của nó có thể làm cho điều đó dễ dàng hơn... nhưng nó không hề dễ dàng. Chúng ta phải hiểu các giới hạn mà các nhà lãnh đạo của hòn đảo bị trói buộc vào. Nhưng trên hòn đảo này, và tôi đã thấy điều này ở những nhà lãnh đạo mà tôi đươc gặp, có một cam kết, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, trở thành nơi tập huấn tự do. Và nó sẽ trở thành như thế, nếu hai điều này có thể xảy ra. Thứ nhất, công nhận hữu hiệu phẩm giá của mỗi con người (xem Fratelli Tutti, 8). Phẩm giá của chúng ta không phải để bán; không thể đem cho thuê; nó không được phung phí. Anh chị em hãy ngẩng cao đầu lên và nói: Tôi là con của Thiên Chúa; Tôi có phẩm giá của tôi. Công nhận hữu hiệu phẩm giá này là nền tảng của đạo đức, một nền tảng phổ quát, nó cũng là cốt lõi của học thuyết xã hội Kitô giáo. Thứ hai, cởi mở tin cậy vào Thiên Chúa, Cha của tất cả mọi người; đây là “men” mà chúng ta, với tư cách tín hữu, được kêu gọi để dâng hiến (xem sđd, 272).

Nếu hai điều trên có thể diễn ra, thì giấc mơ có thể diễn dịch thành một cuộc lữ hành hàng ngày, tạo thành bởi các bước cụ thể từ xung đột đến hiệp thông, từ thù hận đến yêu thương, từ trốn tránh đến gặp gỡ. Một cuộc lữ hành kiên nhẫn, từng ngày dẫn chúng ta đến vùng đất mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. Vùng đất mà khi mọi người hỏi “Bạn là ai?”, anh chị em có thể dễ dàng trả lời, “Hãy nhìn xem, tôi là anh trai, em gái của bạn. Bạn không nhận ra tôi sao? " Và rồi, đi theo con đường của anh chị em trong hòa bình.

Khi tôi lắng nghe anh chị em nói và nhìn thấy khuôn mặt của anh chị em, tôi được nhắc nhở một điều khác: sự đau khổ của anh chị em. Anh chị em đã đến đây, nhưng có bao nhiêu anh chị em của anh chị em vẫn đang tiếp tục cuộc lữ hành? Bao nhiêu người liều mạng lên đường trong những điều kiện khó khăn, bấp bênh nhưng không đến nơi? Chúng ta có thể nghĩ về vùng biển này, nơi đã trở thành một nghĩa trang lớn. Nhìn vào anh chị em, tôi thấy những đau khổ do hành trình của anh chị em gây ra; Tôi thấy tất cả những người đã bị bắt cóc, bị bán, bị bóc lột… và những người vẫn đang trên đường lữ hành, chúng ta không biết đến đâu. Chúng ta đang nói về chế độ nô lệ, nô dịch phổ quát. Chúng ta thấy những gì đang xảy ra, và điều tồi tệ nhất là chúng ta trở nên quen với nó. “Ồ đúng, hôm nay một chiếc thuyền khác bị lật… rất nhiều sinh mạng đã mất….” Việc "trở thành quen thuộc" với mọi thứ này là một căn bệnh nghiêm trọng, một căn bệnh rất nghiêm trọng, và không có thuốc kháng sinh chữa nó! Chúng ta phải chống lại việc làm quen với việc đọc những thảm kịch này trên báo chí hoặc nghe chúng trên các phương tiện truyền thông khác.

Nhìn anh chị em, tôi cũng nghĩ đến tất cả những người đã bị quay lưng vì họ bị từ chối và kết thúc trong các trại tập trung, các trại tập trung thực sự, nơi phụ nữ bị bán, và đàn ông bị tra tấn và làm nô lệ… Chúng ta kinh hoàng khi đọc những câu chuyện về các trại tập trung của thế kỷ trước, các trại của Đức Quốc xã hay của Stalin, và chúng ta nói: "Làm sao điều này có thể xảy ra được?" Thưa các anh chị em, nó đang xảy ra ngày hôm nay, trên các bờ biển gần đây! Các nơi nô dịch. Tôi đã xem một số lời khai được quay phim về điều này: những nơi tra tấn và buôn người. Tôi nói tất cả những điều này bởi vì trách nhiệm của tôi là giúp mọi người mở mắt thấy thực tại này. Di dân cưỡng bức không phải là một loại “du lịch”! Và tội lỗi của chúng ta khiến chúng ta nghĩ: “Những người tội nghiệp đó, những người tội nghiệp đó!”, Và với những hạn từ này, “những người tội nghiệp đó”, chúng ta đã tẩy xóa mọi sự. Đây là cuộc chiến của ngày nay: nỗi đau khổ của anh chị em chúng ta, mà chúng ta không thể lướt qua trong im lặng. Những anh chị em đã bỏ lại tất cả để lên thuyền, trong đêm tối, và sau đó… mà không biết liệu có bao giờ tới nơi không. Và tất cả những người đã bị bác bỏ và kết thúc trong các trại tập trung, nơi thực sự diễn ra sự tra tấn và nô dịch.

Đó là câu chuyện của nền văn minh phát triển mà chúng ta gọi là phương Tây này. Và rồi, xin thứ lỗi cho tôi, nhưng ở đây tôi muốn nói những gì chất chứa trong trái tim tôi, ít nhất là để chúng ta có thể cầu nguyện cho nhau và làm một điều gì đó, và rồi, có hàng rào thép gai. Chúng ta thấy nó ở đây: nó là một phần của cuộc chiến hận thù chia rẽ một đất nước. Tuy nhiên, ở những nơi khác, hàng rào thép gai được dựng lên để ngăn chặn các người tị nạn bước vào, những người đến để tìm kiếm tự do, thức ăn, sự trợ giúp, tình huynh đệ, niềm vui, những người chạy trốn khỏi hận thù nhưng sau đó lại thấy mình phải đối diện với một hình thức hận thù có tên là dây thép gai. Xin Chúa đánh thức lương tâm của tất cả chúng ta trước những thực tại này.

Xin lỗi nếu tôi nói tới những điều như thực sự chúng là, nhưng chúng ta không thể im lặng và nhìn theo hướng khác giữa nền văn hóa thờ ơ này.

Cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả anh chị em! Cảm ơn anh chị em.
 
Tin vui: Đức Tổng Giám Mục Lori dự kiến sắp có tin rất mừng về phò sinh nhờ chiến lược của Tổng thống Trump
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:26 04/12/2021


1. Tổng giám mục Dublin cảnh báo: 'Bệnh dịch ma túy đang hoành hành ngoài tầm kiểm soát',

Đức Tổng Giám Mục Dermot Farrell của tổng giáo phận Dublin cho biết thành phố này đang trải qua một cơn dịch ma túy hoành hành ngoài tầm kiểm soát. Đức Cha phàn nàn rằng, ngày nay ở Ái Nhĩ Lan, một số người bây giờ dùng ma túy cũng giống như uống rượu vậy. Ngài nói: “Việc 'bình thường hóa' văn hóa sử dụng ma túy ở Ái Nhĩ Lan là một vấn đề xã hội lớn.

Đức Cha nói: “Ngay giữa đại dịch coronavirus, một 'đại dịch' khác — đó là ma túy và bạo lực đã xảy ra. Nguyên nhân của đại dịch ma tuý mà chúng tôi đang gặp phải ở thành phố này, và rộng rãi hơn trên toàn quốc, rất phức tạp và sâu xa,” nhưng ông tin rằng “bệnh dịch ma túy hoành hành ngoài tầm kiểm soát, có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu tất cả chúng ta đều làm việc cùng nhau. “

Phát biểu trong một thánh lễ ở Nhà thờ St Andrews tại Westland Row, Đức Tổng Giám Mục nói rằng, “dựa trên thiện chí và nhiều nỗ lực tận tâm của các nhóm cộng đồng, chính phủ và các nhà lãnh đạo tôn giáo”, những nguyên nhân này có thể được giải quyết.

Giải pháp “không chỉ nằm ở việc ngăn chặn cơn lũ ma túy bất hợp pháp, triệt phá các băng đảng, đặc biệt là các băng đảng ma túy, trị an hiệu quả hơn, cải cách hệ thống tư pháp hình sự, đầu tư vào các khu vực có lịch sử khó khăn, mà đó còn là vấn đề về giáo dục”.

“Câu trả lời thực sự không chỉ là một chương trình ma túy tốt hơn, mà là sự sẵn sàng hành trình với những gia đình có các thành viên bị gài bẫy bởi những người bán ma túy, những người bán rong cái chết. Để đưa mọi người trở lại, chúng tôi cần phải đồng hành với họ.”

Chúng ta là “tất cả anh chị em gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu chúng ta đánh mất cảm giác liên kết với nhau, chúng ta cũng đánh mất lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và trách nhiệm đối với nhau”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Có những người trong thành phố này, trong Nhà thờ, trong trường học, trong khu nhà và trong gia đình của chúng ta, những người cam kết chăm sóc những người bị ma túy làm hại. Họ nổi bật qua những nỗ lực phục vụ những người bị mắc vào vòng nghiện ngập”.

Chờ đợi, được đánh dấu bằng mùa Vọng, “đã tiến vào trung tâm cuộc sống của chúng ta theo những cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được cách đây hai năm ngắn ngủi: người dân khắp nơi chờ đợi các xét nghiệm Covid-19, và sau đó là chờ đợi kết quả. Giờ đây, nhiều người đang háo hức chờ đợi một mũi tăng cường Covid-19”.

Ngài nói thêm: “Có những người mắc bệnh nan y đang chờ đợi để từ giã cuộc sống này” và “có những gia đình chờ đợi sự lây lan của ma túy được xóa bỏ”.
Source:Irish Times

2. Các giám mục ủng hộ cuộc sống hàng đầu: Giáo Hội Công Giáo phải chuẩn bị nếu phán quyết Roe được lật ngược

Giáo Hội Công Giáo phải chuẩn bị hành động nếu Tối Cao Pháp Viện quyết định lật ngược vụ án Roe kiện Wade, hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc vào năm 1973. Tân Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nhận định như trên.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sau khi Tổng thống Trump đã bổ nhiệm được hai Thẩm Phán phò sinh vào Tối Cao Pháp Viện là Thẩm Phán Neil Gorsuch và Thẩm Phán Brett Kavanaugh; bà Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg đột nhiên qua đời. Điều này tạo cho Tổng thống Trump cơ hội bổ nhiệm một Thẩm Phán thứ ba trong nhiệm kỳ của mình.

Với tỷ số nghẹt thở 52-48, ngày 26 tháng 10, năm ngoái, Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu xác nhận Thẩm Phán Amy Barrett vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Sau cuộc bỏ phiếu, một nghị quyết xác nhận chính thức được gửi tới Tòa Bạch Ốc để xin chữ ký của Tổng thống Trump. Cố nhiên, Tổng thống Trump ký ngay lập tức và tham dự lễ nghi nhậm chức của Thẩm Phán Amy Coney Barrett diễn ra tức khắc.

Barrett đã là vị Thẩm Phán Công Giáo thứ 6 trong số 9 Thẩm Phán tại Tối Cao Pháp Viện, cùng với Chánh án John Roberts và các Thẩm phán Thomas, Samuel Alito, Sonia Sotomayor, và Brett Kavanaugh.

Chiến thắng này tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ. Chính vì thế, theo Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của tổng giáo phận Baltimore, Tân Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của USCCB, cơ may Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ lật ngược phán quyết cho phép phá thai hồi năm 1973 là lớn hơn bao giờ hết. Nhiều người cho rằng nếu kỳ này mà không lật ngược được phán quyết Roe chống Wade thì chúng ta đành cam chịu.

Đức Tổng Giám Mục William Lori nói:

“Nếu phán quyết Roe bị lật ngược, vấn đề, theo tôi hiểu, sẽ được đưa về cho các tiểu bang quyết định và phản ứng của các tiểu bang sẽ không đồng đều. Bất kể thế nào, Giáo hội vẫn phải ở đó và phải tiếp tục giảng dạy một cách thanh thản, vững chắc, nhất quán và đầy yêu thương.”

Đức Cha Lori đã cho biết như trên trong cuộc họp mùa thu hàng năm của USCCB được tổ chức tại Baltimore. Bình luận của ngài được đưa ra khi Tòa án Tối cao chuẩn bị xét xử các tranh luận trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, một vụ án liên quan đến luật của tiểu bang Mississippi hạn chế hầu hết các ca phá thai sau 15 tuần. Vụ án này thách thức hai vụ án mang tính bước ngoặt: Roe kiện Wade, là vụ án năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai và vụ Planned Parenthood kiện Casey, vào năm 1992.

Nếu phán quyết Roe bị lật ngược, Đức Tổng Giám Mục Lori hình dung rằng một số tiểu bang sẽ phản ứng bằng cách gia tăng mạnh mẽ các chính sách gọi là “bảo vệ quyền phá thai”, trong khi những tiểu bang khác sẽ cấm phá thai gắt gao hơn.

Ngài nói: “Nếu có sự gia tăng của các bà mẹ phá thai, thì Giáo hội phải đứng lên và có mặt ở đó. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe của chúng ta phải mạnh mẽ hành động. Các tổ chức bác ái Công Giáo của chúng ta, các giáo xứ của chúng ta phải hành động”.

Bất kể điều gì xảy ra, “Nghĩa vụ nâng niu và nuôi dưỡng cuộc sống con người luôn là một phần trong chương trình của chúng ta.”

Khi được hỏi về kế hoạch của mình trong tư cách là Chủ tịch Ủy Ban Phò Sinh, Đức Tổng Giám Mục Lori nói với CNA rằng ưu tiên hàng đầu của bất kỳ của các uỷ ban nào của USCCB phải là loan báo Tin Mừng.

“Trong trường hợp này, đó là phúc âm của cuộc sống. Không có gì khác ngoài Phúc Âm của cuộc sống, Phúc Âm của sự sống phải chiến thắng tâm trí và trái tim của càng nhiều người càng tốt.”

Ngài nhấn mạnh rằng, đối với người Công Giáo, “những cách hỗ trợ văn hóa phò sinh là rất, rất dễ tiếp cận và rất nhiều”.

“Một điều quan trọng, điều tối quan trọng, là cầu nguyện. Nếu tất cả chúng ta quỳ xuống và cầu xin ân sủng để tạo ra một nền văn hóa sự sống và nền văn minh của tình yêu, như Thánh Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta làm, thì điều đó sẽ tạo nên một sự khác biệt”.

Ngài cũng khuyến khích người Công Giáo “nhìn xung quanh và quan sát kỹ những gì trong cộng đồng của anh chị em.”

Ngài nói thêm rằng ngay cả một việc nhỏ như gọi điện thoại cho ai đó bị chôn chân ở nhà vì bệnh tật hoặc tuổi tác cũng giúp nuôi dưỡng văn hóa cuộc sống.

“Con đường nhỏ, như Thánh Têrêxa đã chỉ cho chúng ta, thực sự là con đường lớn”
Source:Catholic News Agency

3. Giám mục Công Giáo 'sốc và đau buồn' khi Jersey bỏ phiếu ủng hộ trợ tử 'về nguyên tắc'

Một giám mục Công Giáo đã nói rằng ngài “bị sốc và đau buồn” trước một cuộc bỏ phiếu trên đảo Jersey trong eo biển Anh để chấp thuận việc tự sát được hỗ trợ “về nguyên tắc.”

Đức Cha Philip Egan của giáo phận Portsmouth, Anh quốc, bày tỏ sự thất vọng của ngài sau khi các thành viên quốc hội của hòn đảo, ủng hộ đề xuất tự sát được hỗ trợ với 36 phiếu thuận 10 phiếu chống, và ba phiếu trắng, vào ngày 25 tháng 11.

“Tôi bị sốc và đau buồn trước kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua về an tử và trợ tử ở Jersey”

“Nó cho thấy sự thiếu quan tâm đến việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta.”

Jersey là một hòn đảo với dân số ước tính khoảng 107,800 người gần bờ biển Tây Bắc nước Pháp. Jersey phụ thuộc vào Vương quốc Anh, nhưng không phải là một phần của Vương quốc Anh. Jersey có chính phủ và hệ thống pháp luật riêng.

Nếu hòn đảo thay đổi luật, Jersey sẽ là nơi đầu tiên ở Quần đảo Anh cho phép trợ tử.

Đề xuất sẽ cho phép các bác sĩ trợ tử cho những cư dân trưởng thành với “nguyện vọng tự nguyện, rõ ràng, quyết tâm và được thông báo đầy đủ, và muốn kết thúc cuộc sống của chính mình”.

Họ phải được chẩn đoán mắc một căn bệnh nan y “dự kiến sẽ dẫn đến đau khổ không thể chịu đựng được mà không có cơ may giảm bớt” và được đánh giá là chỉ còn sống được dưới sáu tháng, hoặc một tình trạng bệnh lý nan y dẫn đến “đau khổ không thể chịu đựng và không thể thuyên giảm”

Đức Cha Egan, có trụ sở tại Portsmouth, miền nam nước Anh, nhưng giám quản Giáo Hội Công Giáo ở Quần đảo Channel, nói rằng nếu đề xuất này trở thành luật, nó sẽ “thay đổi về cơ bản vai trò của các bác sĩ và nhân viên y tế”.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình hợp pháp hóa 'tự sát được hỗ trợ'; do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng và thách thức bất kỳ luật nào được đề xuất trong những tháng tới.”

Vào năm 2018, cơ quan lập pháp của Guernsey, một đảo khác trong eo biển Anh, đã bác bỏ đề xuất trợ tử, và được Đức Cha Egan khen ngợi.
Source:Catholic News Agency
 
Hình ảnh đẹp: Hy Lạp tưng bừng đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại phi trường quốc tế Athens
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:30 04/12/2021


Đức Thánh Cha đã đến Athens hay còn gọi là Nhã Điển trên chiếc máy bay Airbus 321 của hãng hàng không Aegean. Chiếc Airbus 320 của ITA Airways trước đó đã đưa Đức Thánh Cha đến Síp vào hôm thứ Năm, đã quay về Rôma chở theo 50 người di dân.

Aegean Airlines là hãng hàng không hàng đầu của Hy Lạp và là hãng hàng không Hy Lạp lớn nhất tính theo tổng số hành khách được vận chuyển, theo số lượng các điểm đến được phục vụ và theo quy mô đội bay. Aegean Airlines bay từ Athens và Thessaloniki đến các thành phố lớn khác của Hy Lạp cũng như một số thành phố ở Âu Châu và Trung Đông.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Athens là chuyến thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng kể từ thời Đức Gioan Phaolô II vào năm 2001. Chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Balan cũng là chuyến thăm đầu tiên của vị giáo hoàng Công Giáo tới thành phố này kể từ cuộc Đại Ly Giáo năm 1054.

Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay là Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis và các thành viên trong nội các.

Đức Phanxicô đang tìm cách cải thiện mối quan hệ khó khăn trong lịch sử với Giáo Hội Chính thống đồng thời nêu bật hoàn cảnh của hàng nghìn người tị nạn ở Hy Lạp.

Trong ngày thứ Bảy hôm nay, Đức Thánh Cha sẽ lần lượt gặp Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis và người đứng đầu Giáo Hội Hy Lạp, là Đức Tổng Giám Mục Ieronymos.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ gặp các thành viên của cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Hy Lạp.

Hy Lạp là một nước cộng hòa theo thể chế dân chủ đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu đất nước và được lựa chọn bởi quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên sau cuộc sửa đổi hiến pháp vào năm 1986, quyền lực của tổng thống đã bị cắt giảm đáng kể và bây giờ hầu như chỉ mang tính nghi thức. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ Hy Lạp và có quyền lực chủ yếu trong các công việc của quốc gia.

Năm 1054 đã xảy ra biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội là cuộc đại ly giáo khi Đức Thượng Phụ Michael Celarius, Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople và Đức Thánh Cha Lêo IX đã bất đồng sâu sắc đến mức đôi bên đã ra vạ tuyệt thông cho nhau vì những bất đồng liên quan đến tín lý và đặc biệt là về vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Rôma.

Từ đó trên mảnh đất Hy Lạp gần như chỉ có Chính Thống Giáo. Dưới thời Đế chế Ottoman, việc hình thành một cộng đồng Công Giáo theo nghi lễ Đông phương nhưng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ có thể thực hiện được sau năm 1829 khi Quốc Vương Mohammed II loại bỏ các hạn chế trước đó.

Sự hiện diện của người Công Giáo ở Hy Lạp đã làm dấy lên sự giận dữ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo địa phương. Tuy nhiên, những người Công Giáo Hy Lạp này vẫn quyết tâm phục vụ đồng hương của họ bằng các công việc bác ái và trợ giúp xã hội. Năm 1944, họ thành lập bệnh viện Pammakaristos ở Athens, được biết đến như một trong những bệnh viện tốt nhất trên toàn quốc.

Cho đến nay, một số nhân vật trong Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp vẫn rất thù địch với ý tưởng về sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp, mà họ coi đó là sự sáng tạo vô lý của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh thổ Chính thống giáo. Ở Hy Lạp ngày nay, các linh mục Công Giáo vẫn bị cấm mặc các phẩm phục đặc trưng của hàng giáo sĩ. Năm 1975, một giám mục mới được bổ nhiệm cho người Công Giáo Byzantine ở Hy Lạp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng giám mục Chính thống giáo của Athens.

Trong chuyến tông du này của Đức Thánh Cha Phanxicô, 2,000 cảnh sát đã được triển khai tại Athens để theo dõi những cuộc biểu tình có thể xảy ra bởi những người theo đường lối cứng rắn Chính thống giáo. Họ đổ lỗi cho người Công Giáo về cuộc Đại Ly Giáo 1054, và vụ tấn công thành phố Constantinople vào năm 1204 trong cuộc Thập tự chinh lần thứ tư.

Cha Markos Foscolos, linh mục giáo xứ St Nicholas trên đảo Tinos, nói với các phóng viên trong tuần này rằng

“Sự hiện diện của Đức Thánh Cha ở Hy Lạp là một sự cổ vũ cho chúng tôi... Người Công Giáo ở Hy Lạp phải tận dụng lợi thế của chuyến tông du này”,

Con số các tín hữu Công Giáo đã gia tăng trong những năm gần đây, với khoảng 50,000 đến 60,000 người Công Giáo địa phương cùng với 250,000 người khác từ Phi Luật Tân, Ba Lan và các nước Phi Châu.

Petros Panagiotopoulos, nhà thần học tại Đại học Aristotle ở Thessaloniki, nhận xét: “Những người chống đối sẽ không bao nhiêu đâu”.

Pierre Salembier, người đứng đầu cộng đồng Công Giáo Dòng Tên ở Hy Lạp, nói với AFP rằng mối quan hệ với Giáo hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đã tốt hơn nhiều so với chuyến thăm trước đây của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Nhưng ông cho biết vẫn còn một số “kẻ cuồng tín chống Công Giáo được biết đến” trong các cơ quan quản lý của Chính Thống Giáo.

Ngày mai Chúa Nhật, Đức Phanxicô sẽ lại đến thăm Lesbos, một điểm nhấn trong cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015.

Trại Moria rộng lớn và ảm đạm, mà Đức Giáo Hoàng đã đến thăm vào năm 2016, đã bị thiêu rụi vào năm ngoái và đã được thay thế bằng một cơ sở mới do Liên Hiệp Âu Châu tài trợ.

Một trại mới rất kiên cố với hàng rào thép gai, camera giám sát, máy quét tia X và cổng được đóng vào ban đêm.

Các tổ chức phi chính phủ và các nhóm viện trợ đã nêu quan ngại về các trại mới, cho rằng không nên hạn chế việc di chuyển của người dân.

Ba mươi sáu nhóm hoạt động ở Hy Lạp trong tuần này đã gửi một bức thư tới Đức Giáo Hoàng, thu hút sự chú ý của ngài về quyền của những người trong các trại và yêu cầu ngài giúp đỡ trong việc ngăn chặn việc đẩy lùi người di cư bất hợp pháp được cho là do lực lượng biên phòng Hy Lạp thực hiện.

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ đến thăm trại cùng với các quan chức cấp cao của Hy Lạp và Liên Hiệp Âu Châu và sẽ gặp hai gia đình “được chọn ngẫu nhiên”, một quan chức cho biết.

Một phụ nữ xin tị nạn người Cameroon cho biết: “Chúng tôi đang chờ đợi Đức Thánh Cha với vòng tay rộng mở”.

Cô cho biết cô hy vọng Giáo hoàng “sẽ cầu nguyện cho chúng tôi để giúp chúng tôi vượt qua những bất an mà chúng tôi đã sống.”

Hôm thứ Tư, gần 30 người xin tị nạn đã cập vào bờ gần trại. Hôm thứ Sáu, hai người di cư đã chết khi một chiếc tàu cao tốc bị lật gần đảo Kos của Hy Lạp.
 
Lạ lùng: Nữ tổng thống Hy Lạp đã đón tiếp ĐTC trong một nghi thức dành cho quốc khách chưa từng thấy
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:17 04/12/2021


Sáng thứ Bẩy 4 tháng 12, Đức Thánh Cha đã bay từ phi trường quốc tế Larnaca của Síp đến phi trường quốc tế Athens của Hy Lạp. Sau đó, ngài đã dùng xe hơi di chuyển trên quãng đường 31km từ phi trường về dinh tổng thống.

Tổng thống Hy Lạp là bà Katerina Sakellaropoulou đã ra đón Đức Thánh Cha ngay tại bậc thềm dinh tổng thống.

Có những điểm rất lạ trong cách thức chính phủ Hy Lạp đón các vị quốc khách. Thông thường, chúng ta thấy các nghi thức được diễn ra ngoài trời, với một hàng quân đông đảo đại diện cho các quân binh chủng. Và sau lễ chào cờ với quốc thiều của hai quốc gia được trỗi lên, Đức Thánh Cha sẽ duyệt qua các hàng quân danh dự.

Nghi thức chào đón tại Hy Lạp rất lạ lùng. Mọi chuyện diễn ra bên trong nhà. Một vài binh sĩ đứng trên cầu thang, cao hơn cả Đức Thánh Cha và bà tổng thống. Chúng ta có cảm giác là Đức Thánh Cha và bà tổng thống sẽ bước lên cầu thang này, và cảm thấy ái ngại cho Đức Thánh Cha vì cầu thang này quá cao.

Tuy nhiên không phải như thế. Sau lễ chào cờ, hai vị không bước lên cầu thang này nhưng rẽ vào một phòng trong đó các thành viên nội các và đoàn tùy tùng của Đức Thánh Cha đang chờ đợi thành hai hàng đứng đối diện nhau.

Sau phần chào hỏi, hai vị lại rẽ vào một phòng khác nơi đã diễn ra một cuộc họp riêng giữa hai vị.

Sau đó, là cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha, bà tổng thống, các thành viên của Chính phủ và ngoại giao đoàn, các nhà chức trách tôn giáo và dân sự, và các vị đại diện tiêu biểu của các thành phần xã hội và thế giới văn hóa.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Thưa bà tổng thống của nước cộng hòa,

Quý thành viên của Chính phủ và ngoại giao đoàn,

Quý vị hữu trách tôn giáo và dân sự,

Quý vị đại diện tiêu biểu của xã hội và thế giới văn hóa,

Kính thưa quý vị,


Tôi xin gửi tới bà lời chào thân ái nhất và tôi cảm ơn bà Tổng thống vì những lời chào mừng của bà nhân danh bà và nhân danh tất cả công dân Hy Lạp. Thật là vinh dự khi được ở thành phố vinh quang này. Tôi xin mượn những lời của Thánh Grêgoriô thành Nazianzus: “Athens vàng, bảo trợ cho tất cả những gì tốt đẹp… Khi tìm kiếm tài hùng biện, tôi đã tìm thấy hạnh phúc” (Hoặc. 43, 14). Tôi đến đây như một người hành hương, đến vùng đất giàu tâm linh, văn hóa và văn minh này, để tìm kiếm cùng một niềm hạnh phúc đã làm xúc động tâm hồn vị Giáo Phụ vĩ đại của Giáo hội: đó là niềm vui của việc trau dồi trí tuệ và chia sẻ cái đẹp. Một hạnh phúc không riêng tư và đơn độc, nhưng được phát sinh từ sự kinh ngạc, khao khát điều vô hạn và mở ra cho cộng đồng; một hạnh phúc ngập tràn trí tuệ mà từ đây lan tỏa khắp nơi. Nếu không có Athens và không có Hy Lạp, Âu Châu và thế giới sẽ không như hiện tại. Họ sẽ kém khôn ngoan hơn, kém hạnh phúc hơn.

Từ nơi này, tầm nhìn của nhân loại được mở rộng. Tôi cũng cảm thấy được mời để nâng tầm nhìn của mình và dõi mắt hướng về phần cao nhất của thành phố, là thành Acropolis. Những du khách qua hàng thiên niên kỷ đã đặt chân đến đây có thể nhìn thấy nó từ xa, chắc chắn họ không thể không đề cập đến sự hiện diện của thần thánh, và lời kêu gọi mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến những gì ở trên cao. Từ đỉnh Olympus đến thành Acropolis đến núi Athos, những người nam nữ Hy Lạp ở mọi lứa tuổi được mời gọi hướng hành trình cuộc đời của họ tới những đỉnh cao. Hãy hướng về Thiên Chúa, vì chúng ta cần siêu việt để trở thành con người thực sự. Ngày nay, ở phương Tây đã xuất phát từ đây, chúng ta quên mất nhu cầu về thiên đàng, bị mắc kẹt giữa sự điên cuồng của hàng ngàn mối quan tâm trần thế và lòng tham vô độ của một chủ nghĩa tiêu dùng phi nhân hóa. Tuy nhiên, những nơi như thế này mời gọi chúng ta cảm thấy kinh ngạc trước sự vô hạn, vẻ đẹp của hiện hữu và niềm vui của đức tin. Đây là những con đường mà Tin Mừng đã đi, thống nhất Đông và Tây, các Địa điểm Thánh ở Âu Châu, Giêrusalem và Rôma. Để mang đến cho thế giới tin mừng của Thiên Chúa, người yêu của nhân loại, các sách Phúc âm được viết bằng tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ bất diệt trong đó Lời - Logos - diễn tả chính mình, ngôn ngữ của trí tuệ con người đã trở thành tiếng nói Thượng Trí của thần linh.

Ở thành phố này, ánh nhìn của chúng ta không chỉ hướng về những gì ở trên cao mà còn hướng về những người khác. Chúng ta được nhắc nhở về điều này bởi biển, nơi giáp ranh với Athens và là nơi đã định hình nên vị thế của vùng đất này, nằm ở trung tâm Địa Trung Hải, là một cây cầu kết nối các dân tộc khác nhau. Tại đây, các nhà sử học lớn đã tìm cách kể lại lịch sử của các dân tộc gần xa. Ở đây, theo những lời nổi tiếng của Socrates, mọi người bắt đầu coi mình là công dân không chỉ của một thành phố, hay một quốc gia đơn lẻ, mà là của toàn thế giới. Công dân. Ở đây, con người lần đầu tiên nhận thức được mình là “một động vật chính trị” (xem ARISTOTLE, Politics, I, 2) và, với tư cách là thành viên của cộng đồng, bắt đầu coi những người khác không phải là chủ thể mà là những người đồng hương, những người cùng làm việc trong việc hình thành quốc gia. Tại đây nền dân chủ ra đời. Cái nôi ấy ngàn năm sau đã trở thành ngôi nhà, ngôi nhà lớn của các dân tộc dân chủ. Tôi đang nói về Liên minh Âu Châu và giấc mơ hòa bình và tình huynh đệ mà nó đại diện cho rất nhiều dân tộc.

Tuy nhiên, chúng ta không thể tránh khỏi sự lo lắng khi ngày nay chúng ta phải chứng kiến một sự thoái trào của nền dân chủ, và điều đó không chỉ xảy ra ở Âu Châu mà thôi. Dân chủ đòi hỏi sự tham gia và dấn thân của tất cả mọi người; do đó, nó đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Nó phức tạp, trong khi chủ nghĩa độc tài thì áp đặt cưỡng bức và những câu trả lời dễ hiểu của chủ nghĩa mị dân xem ra có vẻ hấp dẫn đối với nhiều người. Trong một số xã hội, quan tâm đến an ninh và bị lu mờ bởi chủ nghĩa tiêu dùng, sự mệt mỏi và thiếu thận trọng có thể dẫn đến một loại hoài nghi về dân chủ. Tuy nhiên, sự tham gia chung là một cái gì đó cần thiết; không chỉ để đạt được những mục tiêu chung, mà còn vì nó tương ứng với những gì chúng ta đang có: những sinh vật xã hội, đồng thời là duy nhất và phụ thuộc lẫn nhau.

Đồng thời, chúng ta cũng đang chứng kiến sự hoài nghi về nền dân chủ bị kích động bởi khoảng cách của các thể chế, bởi nỗi sợ hãi mất đi bản sắc, bởi bộ máy quan liêu. Phương dược khắc phục không được tìm thấy trong nỗi ám ảnh tìm kiếm sự nổi tiếng, trong sự khao khát khả năng được nổi bật, trong những lời hứa phi thực tế hoặc trong sự gắn bó với các hình thức thực dân hóa ý thức hệ, nhưng là nơi một nền chính trị tốt. Vì chính trị là, và phải là một điều tốt, trong thực tế, phải là trách nhiệm tối cao của công dân và là nghệ thuật vì lợi ích chung. Để những điều tốt đẹp có thể thực sự được chia sẻ, tôi thậm chí có thể nói là cần phải ưu tiên dành sự quan tâm đặc biệt cho những tầng lớp yếu thế của xã hội. Đây là hướng cần thực hiện. Một trong những người sáng lập Âu Châu đã chỉ ra điều đó như một liều thuốc giải độc cho những phân cực đã làm sôi động nền dân chủ, nhưng cũng có nguy cơ làm suy yếu nó. Như ông đã nói: “Có nhiều người nói về việc ai là người khuynh tả hay khuynh hữu, nhưng điều quyết định là tiến về phía trước, và tiến lên có nghĩa là tiến tới công bằng xã hội” (A. DE GASPERI, Diễn văn tại Milan, ngày 23 tháng 4 năm 1949 ). Ở đây, cần phải thay đổi hướng đi, ngay cả khi nỗi sợ hãi và các lý thuyết, được khuếch đại bởi giao tiếp ảo, đang lan truyền hàng ngày để tạo ra sự chia rẽ. Thay vào đó, chúng ta hãy giúp nhau chuyển từ tinh thần đảng phái sang sự dự phần; từ việc cam kết hỗ trợ riêng cho đảng của mình đến việc tham gia tích cực vào việc thúc đẩy tất cả mọi người.

Từ đảng phái đến dự phần. Điều này sẽ thúc đẩy hành động của chúng ta trên nhiều mặt. Tôi nghĩ đến khí hậu, đại dịch, thị trường chung và hơn hết là các hình thức nghèo đói phổ biến. Đây là những thách thức đòi hỏi sự hợp tác cụ thể và tích cực. Cộng đồng quốc tế cần điều này, để mở ra những con đường hòa bình thông qua một hình thức đa phương mà cuối cùng sẽ không bị kìm hãm bởi những đòi hỏi quá mức về tinh thần dân tộc. Chính trị cần điều này, nhằm đặt nhu cầu chung lên trước lợi ích riêng. Nó có vẻ là một điều không tưởng, một cuộc hành trình vô vọng trên một vùng biển đầy sóng gió, một cuộc phiêu lưu dài và không thể đạt được. Tuy nhiên, như sử thi Homeric vĩ đại đã nói với chúng ta, du hành qua những vùng biển bão tố thường là lựa chọn duy nhất của chúng ta. Và nó sẽ đạt được mục tiêu nếu nó được thúc đẩy bởi mong muốn đến cảng quê hương, bởi nỗ lực cùng nhau tiến về phía trước, bởi nóstos álgos, tức là nỗi nhớ nhà. Ở đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với sự kiên trì dẫn đến Thỏa thuận Prespa được ký kết giữa Cộng hòa này và Cộng hòa Bắc Macedonia.

Một lần nữa nhìn về Địa Trung Hải, vùng biển mở ra chúng ta với những người khác, tôi nghĩ đến những bờ biển màu mỡ và một cái cây có thể dùng làm biểu tượng của nó: đó là cây ô liu, loại cây vừa được thu hoạch. Cây ô liu gắn kết các vùng đất khác nhau giáp với vùng biển này. Thật đáng buồn là trong những năm gần đây, nhiều cây ô liu lâu năm đã bị thiêu rụi, tiêu điều bởi hỏa hoạn thường do điều kiện thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra. Trong bối cảnh đầy sẹo của đất nước kỳ diệu này, cây ô liu có thể tượng trưng cho quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và sự tàn phá của nó. Sau trận đại hồng thủy ban đầu, theo Kinh thánh, một con chim bồ câu đã quay trở lại với ông Nô-ê, mang theo “trong mỏ một chiếc lá ô liu mới mọc” (Stk 8:11). Đó là biểu tượng của sự hồi phục, sức mạnh để bắt đầu lại bằng cách thay đổi cách sống của chúng ta, đổi mới mối quan hệ thích hợp của chúng ta với Đấng Tạo Hóa, các sinh vật khác và tất cả các tạo vật. Về vấn đề này, tôi hy vọng rằng các cam kết được thực hiện trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể được chia sẻ đầy đủ hơn và thực hiện nghiêm túc hơn, thay vì chỉ đơn thuần là một lớp bề ngoài. Xin lời nói được tiếp nối với các hành động, kẻo con cái lại một lần nữa phải trả giá cho thói đạo đức giả của cha ông. Chúng ta nhớ lại những lời mà Homer đặt trên môi Achilles: “Hận thù trong mắt tôi, thậm chí như cánh cổng của Địa Ngục, là kẻ ấp ủ trong lòng một điều và nói ra một điều khác” (Iliad, IX, 312-313).

Trong Kinh thánh, ô liu cũng được liên kết với lời kêu gọi liên đới, đặc biệt là đối với những người không thuộc về dân tộc mình. Kinh thánh nói với chúng ta “Khi hái ôliu, anh em đừng trở lại tìm những trái sót; những trái đó dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ”, (Đnl 24:20). Đất nước này, vốn niềm nở chào đón, đã chứng kiến trên một số hòn đảo của mình, số lượng anh chị em di cư của chúng ta đến đó còn nhiều hơn số cư dân bản địa. Điều này càng làm tăng thêm những khó khăn còn tồn tại do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Âu Châu lại tiếp tục trì hoãn: Cộng đồng Âu Châu, con mồi của các hình thức dân tộc hẹp hòi, thay vì là động cơ của sự đoàn kết, đôi khi bị ngăn cản và thiếu phối hợp. Trong quá khứ, xung đột ý thức hệ đã ngăn cản việc xây dựng cầu nối giữa Đông và Tây Âu; ngày nay vấn đề di cư cũng đã dẫn đến sự chia cắt giữa Nam và Bắc. Tôi muốn một lần nữa khuyến khích tầm nhìn cộng đồng, toàn cầu về vấn đề di cư, và kêu gọi sự chú ý dành cho những người có nhu cầu cấp bách nhất, sao cho tương xứng với khả năng của mỗi quốc gia, họ sẽ được chào đón, bảo vệ, được thúc đẩy và hội nhập, tôn trọng đầy đủ các quyền con người và phẩm giá của họ. Thay vì là trở ngại hiện tại, điều này thể hiện sự bảo đảm cho một tương lai được đánh dấu bằng sự chung sống hòa bình với tất cả những người ngày càng buộc phải chạy trốn để tìm kiếm một ngôi nhà mới và hy vọng mới. Họ là nhân vật chính của một bi kịch Odyssey hiện đại khủng khiếp. Tôi muốn nhắc nhớ rằng khi Odysseus đặt chân đến Ithaca, ông đã được nhận ra, không phải bởi các lãnh chúa địa phương, là những kẻ đã chiếm đoạt nhà cửa và hàng hóa của ông, mà bởi người chăm sóc ông, y tá cũ của ông. Ông ấy nhận ra anh ta qua vết thương của anh ấy. Đau khổ đưa chúng ta đến với nhau; việc nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là một phần của cùng một nhân loại yếu đuối sẽ giúp chúng ta xây dựng một tương lai hòa bình và hòa nhập hơn. Chúng ta hãy biến những gì tưởng chừng chỉ là một thảm họa bi thảm thành một cơ hội táo bạo!

Đại dịch tự nó đã là một tai họa lớn. Nó đã khiến chúng ta khám phá lại điểm yếu của chính mình và nhu cầu của chúng ta đối với người khác. Ở đất nước này, nó cũng đặt ra một thách thức đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những can thiệp phù hợp - tôi nghĩ đến chiến dịch tiêm chủng cần thiết - và không ít người dân phải hy sinh. Giữa khó khăn gian khổ ấy, tình đoàn kết cũng đã có một sự phát triển vượt bậc, mà Giáo Hội Công Giáo địa phương rất vui được tiếp tục đóng góp, với niềm tin rằng điều đó đại diện cho một lợi ích không thể mất đi khi cơn bão dần lắng xuống. Một số từ ngữ trong lời thề của Hippocrates dường như được viết cho thời đại của chúng ta, chẳng hạn như cam kết “tuân theo tiến trình mà tôi đánh giá là tốt nhất vì lợi ích của người bệnh” và “tránh những gì có hại và gây khó chịu” cho người khác, để bảo vệ cuộc sống tại mọi thời điểm, đặc biệt là cuộc sống khi còn trong bụng mẹ (xem Lời thề Hippocrate, văn bản cổ). Quyền được chăm sóc và điều trị của tất cả mọi người phải luôn được tôn trọng, để những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người cao niên, không bao giờ bị loại bỏ: để người cao niên không phải là đối tượng của “văn hóa vứt bỏ”. Người cao niên là biểu hiện của trí tuệ một dân tộc. Sống là một quyền, chứ không phải là chết. Chúng ta chấp nhận cái chết, nhưng không được buộc ai phải chết.

Các bạn thân mến, một số cây ô liu ở Địa Trung Hải rất cổ xưa nên chúng có trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm người. Lâu đời, bền bỉ, chống chọi với sự tàn phá của thời gian, chúng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc gìn giữ cội nguồn sâu xa, được củng cố bằng ký ức. Đất nước này đúng ra có thể được gọi là ký ức của Âu Châu – các bạn là ký ức của Âu Châu - và tôi rất vui được đến thăm hai mươi năm sau chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và năm này đánh dấu kỷ niệm hai trăm năm độc lập của quốc gia này. Tôi nghĩ đến những lời nổi tiếng của Tướng Kolokotronis: “Chúa đã đặt chữ ký của mình vào sự tự do của Hy Lạp”. Thiên Chúa sẵn sàng ký tên vào quyền tự do của con người, luôn luôn và ở mọi nơi. Đó là món quà lớn nhất của Người đối với chúng ta, món quà mà Ngài đánh giá cao nhất nơi chúng ta. Vì Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để được tự do, và điều làm Ngài vui lòng nhất là, trong sự tự do, chúng ta yêu Ngài và người lân cận của mình. Luật pháp tồn tại để giúp thực hiện điều này, nhưng cũng rèn luyện trách nhiệm và sự phát triển của văn hóa tôn trọng. Ở đây, tôi một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với sự công nhận cộng đồng Công Giáo, và tôi bảo đảm với các bạn về mong muốn của họ là thúc đẩy lợi ích chung của xã hội Hy Lạp, hướng đến mục tiêu đó là tính phổ quát bẩm sinh của cộng đoàn ấy, với hy vọng rằng trong thực tế, các điều kiện cần thiết để thực hiện dịch vụ của mình một cách hiệu quả sẽ luôn được bảo đảm.

Hai trăm năm trước, chính phủ lâm thời của đất nước này đã nói với những người Công Giáo bằng những lời cảm động này: “Chúa Kitô đã truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương người lân cận của mình. Tuy nhiên, ai trong số những người hàng xóm của chúng ta gần gũi hơn các bạn, những người đồng hương của chúng ta, mặc dù có những khác biệt nhất định về nghi lễ? Chúng ta có cùng quê cha đất tổ, chúng ta là một dân tộc, những người Kitô hữu chúng ta là anh em - anh em trong cội nguồn, trong sự lớn lên và hoa trái của chúng ta - dưới Thánh Giá”. Trở thành Kitô Hữu dưới dấu thánh giá, trong đất nước này được chúc lành bởi đức tin và truyền thống Kitô của nó, thúc đẩy tất cả các tín hữu trong Chúa Kitô vun trồng sự hiệp thông ở mọi cấp độ, nhân danh Thiên Chúa, Đấng bao dung tất cả với lòng thương xót của Ngài. Thưa anh chị em, tôi cảm ơn vì sự cam kết của các bạn trong vấn đề này và tôi khuyến khích các bạn hướng dẫn đất nước này theo những cách thức cởi mở, hòa nhập và công bằng. Từ thành phố này, từ cái nôi của nền văn minh này, cầu xin cho tiếp tục vang lên luôn mãi một thông điệp khiến chúng ta ngước nhìn cả trên cao và hướng về những người khác; cầu xin cho nền dân chủ có thể là phản ứng trước những tiếng hú của chủ nghĩa độc tài; và chủ nghĩa cá nhân; và cầu xin cho sự thờ ơ có thể được khắc phục bằng sự quan tâm đến người khác, người nghèo và tạo vật. Vì đây là những nền tảng thiết yếu cho nhân loại đổi mới mà thời đại của chúng ta, và Âu Châu của chúng ta, đang cần. [Bằng tiếng Hy Lạp:] Xin Chúa phù hộ cho Hy Lạp!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana