Ngày 30-11-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sẵn sàng đón Chúa đến
Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:27 30/11/2018
Chúa Nhật I MÙA VỌNG NĂM C
Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36

Hôm nay, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới với việc cử hành Mùa Vọng. Đây là mùa chuẩn bị mừng kỷ niệm biến cố Con Chúa đến lần thứ nhất, qua đó, giúp chúng ta biết đón Chúa đến mỗi ngày; đồng thời cũng là thời gian hướng lòng chúng ta mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang. Để giúp hiểu đúng về những lần Chúa đến, trong thánh lễ này, chúng ta hãy suy niệm về việc Chúa đến và thái độ cần thiết để đón Chúa.

1- Chúa đã đến

Trước hết, dựa vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta biết rằng việc Chúa đến với loài người được loan báo qua tiên tri Giêrêmia trong bài đọc I: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,14-15).

Đây là lời loan báo của Cựu Ước về Đấng Mêsia sẽ đến trong lần thứ nhất. Lời loan báo này được thực hiện trong thời Tân Ước qua biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh bởi Đức Maria. Trong lần giáng trần này, Thiên Chúa đến với con người theo cách thức là một tôi tớ, trong khiêm tốn và âm thầm. Người được sinh ra và được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ đơn hèn. Người sống âm thầm trong gia đình Thánh Gia suốt ba mươi năm tại làng Nazarét. Sau đó, Người công khai đi rao giảng Tin Mừng ba năm, rồi chịu tử nạn trên thập giá, sau ba ngày phục sinh vinh hiển vì ơn cứu độ loài người.

Như thế, Thiên Chúa đã đến với loài người và ở giữa chúng ta qua việc Chúa Cha sai Chúa Con đến trong thế gian, nhập thể làm người để cứu độ chúng ta. Đây là lần thứ nhất Chúa đến.

2- Chúa sẽ đến

Tuy nhiên, trước khi về trời, Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết rằng, Người sẽ trở lại trong ngày quang lâm (parousia). Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi lại lời loan báo về sự trở lại của Chúa Kitô như sau: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-28).

Đây là những lời tiên báo về việc Chúa Kitô đến lần thứ hai. Nếu lần thứ nhất Chúa đến trong tư cách là một người tôi tớ khiêm hạ, thì lần thứ hai Chúa đến trong tư cách là “Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta xuất hiện trong vinh quang” (Tt 2,13). Người xuất hiện như vị thẩm phán đầy uy quyền và công minh để xét xử nhân loại trong ngày chung thẩm.

Vì thế, trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.”

Như vậy, trong ngày cánh chung, Đức Giêsu Kitô sẽ từ trời ngự đến. Người sẽ ngự đến trong vinh quang và uy quyền của Thiên chúa để xét xử mọi loài. Nhưng sự việc này xảy ra lúc nào và khi nào? Điều này không được Chúa Giêsu mạc khải. Vì đây là bí mật mà Chúa Cha nắm giữ. Kinh Thánh chỉ mạc khải cho biết Chúa đến bất ngờ, vào giờ con người không ngờ. Nên Lời Chúa hôm nay hướng dẫn chúng ta phải có những thái độ cần thiết để đón Chúa.

3- Thái độ đón Chúa đến

Trước hết, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ” (Lc 21,28). Đứng thẳng và ngẩng cao đầu là tư thế của người sẵn sàng và tin tưởng. Tư thế này có ý nghĩa biểu tượng để nói rằng chúng ta được mời gọi dù sống trên mặt đất nhưng phải luôn biết hướng về trời cao, dù phải vất vả tìm kiếm lương thực hằng ngày, nhưng phải luôn biết hướng về hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế, đứng thẳng cũng có nghĩa là sống đúng với phẩm giá của mình, không quỵ ngã hay cúi mình trước khó khăn, thử thách và cám dỗ của cuộc sống. Ngẩng cao đầu là tư thế của người lạc quan và tin tưởng. Người ngẩng cao đầu là người biết trông cậy và hy vọng vào Thiên Chúa, bất chấp mọi khó khăn và nguy biến có thể xảy ra trong cuộc sống.

Tiếp đến, thái độ thứ hai để đón Chúa đến là: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời (Lc 21,34). Cuộc sống cần phải ăn uống. Nhưng mọi cái thái quá đều là không tốt. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải đề phòng và diệt trừ những thói hư tật xấu, đó là “chè chén say sưa và lo lắng sự đời.” Đây là những điều cản trở chúng ta đến với Chúa. Người Kitô hữu phải là người sống quân bình và làm chủ các đam mê của mình, nhất là tính mê ăn uống.

Cuối cùng, Chúa mời gọi chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Tỉnh thức là không ngủ, tỉnh táo trước những cơn cám dỗ của ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt, nhưng nhạy bén với ơn Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Còn cầu nguyện là gắn bó, đối thoại và lắng nghe Đấng mà chúng ta biết rằng Người yêu thương chúng ta (Têrêsa Avila). Nhờ tỉnh thức, chúng ta biết biện phân các nguy cơ tội lỗi và nắm bắt các cơ hội ân sủng. Nhờ cầu nguyện, chúng ta có sức mạnh và năng lực để vượt thắng mọi nguy hiểm trong đời.

Lạy Chúa, Chúa đã đến lần thứ nhất trong sự khó nghèo và đơn hèn để cứu độ chúng con. Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang và quyền uy để xét xử loài người. Xin cho mỗi người chúng con trong Mùa Vọng này, luôn biết sống tỉnh thức và cầu nguyện, để bất kỳ lúc nào Chúa đến, chúng con đều sẵn sàng ra đón Chúa. Amen!

Đại Chủng Viện Vinh Thanh
Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An - Việt Nam
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:23 30/11/2018
17. CHĂM SÓC CÂY LIỄU
Trước phòng của Châu Nguyên Tố mới trồng mấy gốc liễu, vì sợ mấy đứa trẻ hàng xóm nhổ lên chơi nên sai a Lưu chăm sóc.
Lúc a Lưu về nhà ăn cơm, sợ tụi nhỏ làm rắc rối, bèn nhổ tất cả gốc liễu đem giấu đi.
(A Lưu truyện)

Suy tư 17:
Trí khôn của người ngu thì ngắn bằng gang tay, cái khôn của người trí thì dài bằng cây sào, nhưng trí khôn ngoan của Thiên Chúa thì vô cùng. Đem cái gang tay đo với cây sào thì như ốc sên bò lên đỉnh núi, khó khăn vô cùng, đem cây sào đo với vô cùng thì như đất với trời, xa vô cùng tận.
Trí khôn là gốc liễu đẹp được Thiên Chúa ban cho con người, người Ki-tô hữu lại càng trân trọng và giữ gìn nó tốt hơn trong cuộc sống của mình, họ nhận ra cái khôn ngoan của mình có là do Thiên Chúa mà có, Ngài ban cho trí khôn để mình thấy được cái làm và cái không nên làm trong cuộc sống để sống đẹp lòng Thiên Chúa và ích lợi cho tha nhân...
Có một vài Ki-tô hữu đã nhổ cái gốc liễu trí khôn của mình lên và bỏ vào trong xó nhà, để khỏi vướng mắc khi lừa đảo người khác; có những người Ki-tô hữu nhổ gốc liễu trí khôn của mình đem phơi trong các nhậu nhẹt quên trời quên đất, để rồi thân tàn ma dại; lại có người Ki-tô hữu đem gốc liễu trí khôn của mình đi cá cược với ma quỷ nơi những áp phe mờ ám hại người...
Trí khôn Chúa ban cho là để chúng ta sống xứng đáng với cương vị làm con của Ngài, tức là “kính Chúa yêu người” trong cuộc sống của chúng ta vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN I MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:26 30/11/2018
Chúa Nhật 1 MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 21, 25-28; 34-36
“Anh em sắp đựoc ơn cứu độ”.


Bạn thân mến,
Hôm nay Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng, tức là bắt đầu một năm phụng vụ mới, năm C.
Mùa vọng là mùa trông đợi, ai đã từng trông đợi thì đều cảm nghiệm được sự bồn chồn lo lắng, hồi hộp pha lẫn niềm vui của đợi chờ :
- như em bé đợi mẹ đi chợ về,
- như người yêu đợi người tình,
- như nhà nông đợi ngày thu hoạch,
- như ruộng khô hạn trông mưa.
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra cho chúng ta thấy một viễn cảnh tương lai ngày Con Người đến trong vinh quang, Ngài mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và đợi chờ, trong lúc đợi chờ ngày trọng đại ấy đến thì sẽ có nhiều điềm thiêng dấu lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao (Lc 21, 25) , nhân loại sẽ lo âu và sợ hãi khi ngày ấy đến.
1. Dấu hiệu của thời đại.
Dấu hiệu của thời đại ngày càng rõ rệt hơn, ứng nghiệm với lời cảnh báo của Đức Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay, dấu hiệu trước tiên mà nhân loại có thể thấy được, sờ được, đó chính là chiến tranh, đói khát và ôn dịch, với dấu hiệu ấy, người Ki-tô hữu chỉ có một thái độ duy nhất là ngẫng đầu lên vì ơn cứu độ đã đến.
Nhưng thực ra, ơn cứu độ đã đến hơn hai ngàn năm nay rồi, và thời viên mãn của nó cũng đang đến gần khi những điềm thiêng dấu lạ mà Đức Chúa Giê-su đã loan báo đã và đang xảy đến.
Người Ki-tô hữu là những người nhạy bén nhất trước những hiện tượng xảy ra của thời đại, bởi vì hằng ngày họ đều được nghe và suy gẫm lời dạy của Đức Chúa Giê-su, và vì thế họ từng giây từng phút tỉnh thức và chuẩn bị ngày quang lâm của Ngài.
2. Tỉnh thức và đề phòng
Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, tức là Ngài muốn chúng ta phải sẵn sàng luôn trong mọi hoàn cảnh và tình huống, bởi vì :
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người ăn thua đủ bên canh bạc thâu đêm.
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người đang say đắm trong đam mê xác thịt, thân xác thì thức để chờ đợi và thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng cảnh giác, đó là những người kiêu ngạo, họ tỉnh thức trong kiến thức hạn hẹp của mình khi ai đó phê bình góp ý cho việc làm của mình, nhưng tâm hồn thì đã thoả mãn trong sự đắc thắng của mình...

Người Ki-tô hữu không thức tỉnh để ăn thua với canh bạc, vì đó là chuyện của con cái tối tăm; người Ki-tô hữu cũng không tỉnh thức để chờ đợi cuộc nhậu thâu đêm, bởi vì đó là chuyện của con cái ma quỷ, nhưng người Ki-tô hữu tỉnh thức để chờ đợi ngày sum họp với Đức Chúa Giê-su, Đấng đã và đang đến trong cuộc sống của họ...
Bạn thân mến,
Mùa vọng không những giúp cho chúng ta biết thức tỉnh và chờ đợi ngày Chúa đến trong vinh quang để phán xét, mà còn thức tỉnh chờ đợi Chúa đến với mỗi người chúng ta nữa, bởi vì dấu hiệu của thời đại trước hết không ở đâu xa, mà nó ở ngay trong con người của mình, chính là :
- Khi chúng ta sung sướng hưởng thụ vật chất là dấu hiệu của những ngày đói khổ của linh hồn.
- Khi chúng ta phê bình chỉ trích anh em chị em, là dấu hiệu ngày phán xét công thẳng và kinh khiếp đối với linh hồn và thân xác.
- Khi chúng ta kiêu căng ngạo mạn với mọi người, là dấu hiệu của người bị hạ xuống tận cùng vực sâu.
- Khi chúng ta vu oan giá hoạ cho người, thì đó là dấu chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lên án trong ngày chung thẩm...
Người biết chờ đợi, tỉnh thức và nhìn dấu chỉ của thời đại là người khôn ngoan và hạnh phúc, bởi vì họ đã sẵn sàng...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
---------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:29 30/11/2018

65. Trên thế gian nếu cam tâm thực hành những việc đền tội nho nhỏ, so với sau khi chết bị miễn cưỡng thực hành đền tội lớn lao, thì cần phải xem là quan trọng hơn.

(Thánh nữ Perpetua)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật I Mùa Vọng C 2.12.2018
Lm Francis Lý văn Ca
14:27 30/11/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu năm mới của Giáo Hội, Mùa Xuân của Giáo Hội bắt đầu với Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng. Mùa Vọng là Mùa Trông Đợi Chúa Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Chúa xuống thế lần thứ I, nhưng Ngài cũng sẽ đến lần nữa vào ngày thế mạt. Cho nên tư tưởng chính của mùa Vọng quy về Hai Biến Cố Chính: CHÚA ĐẾN TRẦN GIAN.

Phụng vụ của ngày lễ hôm nay nhấn mạnh đến 2 tư tưởng: Đặc điểm của ngày Chúa đến và những việc chuẩn bị cho ngày nầy. Ngày Chúa đến là ngày khủng khiếp cho những ai không chuẩn bị. Ngày đó lại là ngày vô cùng hoan lạc cho những ai luôn sẵn sàng chờ ngày nầy, bằng cuộc sống tình thức đợi chờ. Đối với những ngưòi Công Giáo, chúng ta chuẩn bị đón Chúa, không phải bằng những việc mua sắm quà cáp để tặng cho nhau, nhưng là sự chuẩn bị tâm hồn, để đón rước Chúa vào lòng, vào gia đình bằng chính đời sống canh tân. Mùa Vọng đã đến, ước gì mỗi người trong chúng ta hãy cố gắng dọn một máng cỏ nơi tâm hồn thật xinh đẹp, thánh thiện, để đón Chúa Hài Đồng ngự đến trong Đêm Cực Thánh. Nếu được như thế, mỗi năm khi mừng lễ Giáng Sinh, thì chính sự chuẩn bị của chúng ta trong lộ trình Mùa Vọng sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người trong chúng ta.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, xin kính mời Cộng Đoàn cùng hợp tiếng với Ca Đoàn bắt đầu năm Phụng Vụ Mới của Giáo Hội với Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng hôm nay.

TRƯỚC BÀI I:
Đối với những ai đang tỉnh thức đợi chờ ngày Chúa đến để đón Người thì ngày đó sẽ là một ngày vui lớn lao, vì Chúa giải thoát họ ra khỏi cảnh lầm than cơ hàn. Chúng ta là những kẻ đang chờ ngày Chúa đến phán xét kẻ sống và kẻ chết. Vậy tâm trạng hiện tại của chúng ta đang chờ đợi như thế nào? Lo âu, vui buồn hay hân hoan?

TRƯỚC BÀI II:
Thái độ chờ đợi không phải với tâm trạng tiêu cực như ăn không ngồi rồi, nhưng phải tích cực chu toàn bổn phận của mình trong đời sống hằng ngày và hướng đến anh chị em trong những việc bác ái cụ thể.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Phúc Âm nhắc nhở chúng ta về thái độ phải tỉnh thức, cầu nguyện trong lúc đợi chờ. Luôn hướng tâm hồn lên cùng Chúa, để có thể đứng vững trước mặt Đấng Chí Công.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn". Giờ đây, chúng ta đang tỉnh thức và dâng lên Chúa những ý nguyện cầu sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho toàn thể Giáo Hội đang tiến đi trong niềm cậy trông vào việc Chúa sẽ đến trong vinh quang. Xin cho Giáo Hội luôn trung thành trong sứ điệp rao truyền tình thương của Chúa cho nhân loại. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những ai, vì hoàn cảnh, cuộc sống đã lôi kéo họ vào nơi trụy lạc. Xin ban cho họ ánh sáng của niềm hy vọng, với ơn Chúa ban, họ sẽ trở về và mong chờ ngày Chúa đến. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chính chúng ta, hiểu rõ giá trị của ơn cứu rỗi mà Chúa giáng trần đã mang vào thế gian. Xin cho chúng ta là những sứ giả của Tin Mừng, đem Chúa đến cho anh chị em đồng loại. Đặc biệt là những người cùng chung huyết thống. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em sắp bước vào đời sống hôn nhân Công Giáo trong năm mới nầy. Xin cho những ngày đợi chờ tìm hiểu nhau trong sự học hỏi giáo lý hôn nhân Công Giáo, sẽ là những hành trang hữu ích cho họ sau nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin Chúa ban ơn yên nghỉ cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời…. đặc biệt những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu… Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu được giá trị cao cả của Tin Mừng Giáng Sinh, bằng cách sống tỉnh thức và gia tăng tinh thần tỉnh thức đó trong phục vụ và bác ái đối với tha nhân. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
CN I Mùa Vọng : Vọng Tử
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:01 30/11/2018
CN I Mùa Vọng : Vọng Tử

Năm nay Mùa Vọng đến rất trễ, giáp ranh của tháng 12, vì chiều thứ bảy là ngày đầu tháng 12 (1-12) (*). Điều đó tiên báo Noel tới rất nhanh. Tức là tuy 4 Chúa Nhật đó, nhưng chỉ kéo dài 3 tuần lễ cộng một ngày thôi. Chúng ta đang đặt chân vào đầu Mùa Vọng mà dính liền ngay với ngày cuối của tháng 11, tháng cầu cho các những người đã chết. Bởi đó, dựa vào giao thoa của thời gian, ta sẽ suy nghĩ về đề tài chờ (mùa vọng) chết (tháng 11). Vọng tử

Vương Nguyên Mỹ dọn tiệc mời khách, có một người khách rất tinh thông thuật số, gieo quẻ đoán vận, nên khách khứa hăng say nói về tử vi bói toán số mạng. Vương Nguyên Mỹ nói : “Tôi tự mình cũng biết coi bói vậy”. Có người hỏi ông ta xem thử thế nào, họ Vương trả lời: “Tôi và các ngài ai cũng phải chết”. (trích Hài Tùng)

Đúng, đó là chân lý. Là sự thật, dẫu là phũ phàng: tất cả mọi người đều phải chết.

Vì thể có thể nói cách bi quan rằng: sống là chờ chết (như người bệnh nặng hết thuốc chữa chỉ còn nằm giường chờ chết). Triết hiện sinh còn quan niệm bi quan hơn thế: con người là hữu thể để chết. Sein zum Tode (Heidegger). Càng sống thêm một ngày càng đi gần tới nấm mồ. Càng thở thêm một phút càng thấy quan tài rõ hơn một chút. Đó là cái nhìn bi quan.

Còn cái nhìn hy vọng của Kitô hữu: sống là chờ Chúa đến.

Con người ta ai cũng phải chết. Con người ai cũng phải đối diện với ngày Chúa đến. Đó là chân lý bất di bất dịch. Nhưng ngày giờ nào thì không ai rõ. Không ai biết được!

Bởi thế Chúa mới nói phải tỉnh thức. Tức là phải sống trong tư cách của người tỉnh thức.

Có nhiều cái thức mà không tỉnh. Có nhiều người thức mà mê chứ chẳng tỉnh tí nào. Họ là ai?

-Họ là những kẻ thức thâu đêm tới sáng để ăn thua đủ bên canh bạc trên chiếu. Họ thức mà không tỉnh, nhưng mê ông bác thằng bần.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh. Họ là người mê làm giàu: làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, Chúa Nhật làm thêm cũng được. Họ không nhớ lời Chúa : trước hết tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự đời sẽ được cho sau.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh là những kẻ thức trong mê man say đắm xác thịt. Thân xác thì thức để chờ đợi thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh, đó là những người có kiến thức, có tri thức rồi trở nên kẻ kiêu ngạo, họ thức trong kiến thức hạn hẹp của mình để lên án chỉ trích người này người kia. Họ quên lời Vua Kitô: Ai xét đoán anh em, sẽ bị xét đoán.

-Cũng có những kẻ xem ra thực thi đúng lời Chúa hôm nay: tỉnh thức và cầu nguyện, nhưng lại trong một cung cách sai.

Cha Anthony de Mello, nhà tu đức nổi tiếng người Ấn Độ kể:

Một hôm con trai của Giáo chủ đạo Bà La Môn bên Ấn Độ được mời vào một gia đình khá giả. Bà chủ nhà vốn có lòng hiếu khách, trổ tài nấu ăn cho vui lòng khách quý.

Tiếc thay khi dọn bữa lên, bà khiêm tốn xin lỗi khách vì cái mùi khen khét của các món ăn. Bà phân trần vì muốn bữa cơm thật ngon nên trong khi nấu nướng, bà lo cầu nguyện nên quên chú tâm vào việc nấu ăn.

Vị khách mỉm cười đáp: “Việc cầu nguyện là điều rất cần và rất tốt. Nhưng lần sau khi làm bếp, bà hãy cầu nguyện với quyển sách dạy nấu ăn hơn là cuốn Kinh Thánh Koran.”

Thế giới sẽ ra sao, nếu gần 2 tỉ người Kitô Giáo thức dậy là vào ngay nhà thờ cầu nguyện, và mê man với việc ở lại trong Nhà Thờ, chỉ trừ có giờ ăn, giờ ngủ.

CĐ Vatican gọi một trong những tội của thời đại này, là con người đã xao nhãng việc trần thế. Dĩ nhiên có cách thức vừa làm việc vừa cầu nguyện được, nhưng chắc hẳn không phải là ở mãi trong Nhà Thờ : lấy ai đi chợ lấy ai dọn bàn.

Người ta nói rằng tôn giáo là một thứ thuốc phiện ru ngủ tín đồ. Tuy nói thế là không đúng, nhưng sở dĩ có người nói thế một phần cũng là do chúng ta : nhiều người trong chúng ta chỉ coi tôn giáo là một nơi an ủi (chỉ đến với Chúa khi gặp chuyện buồn phiền) và một chỗ bảo hiểm an toàn (đọc kinh cầu nguyện để được Chúa che chở, cứu nguy). Họ đến nhà thờ để tìm kiếm những chuyện siêu nhiên (phép lạ, ơn đặc biệt) trong khi quá lơ là với những trách nhiệm trần thế. Đạo như thế đúng là thuốc phiện và người giữ đạo như thế đúng là người thức mà như đang mê ngủ.

Trên đây ta đã tạm liệt kê những người thức chờ Chúa đến mà không tỉnh. Họ thức trong mê: mê đỏ đen, mê làm giàu, mê lạc thú, kể cả mê cầu nguyện mà quên việc bổn phận hằng ngày…, cũng vẫn là thức mà không tỉnh.

Cái tỉnh đúng đắn là nhận chân rằng : số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu. Khi chết rồi là không thể sữa chữa được nữa.

Cái tỉnh đúng đắn nhất là biết sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào. Nói cách khác, sống mà như sẵn sàng chết. Một câu nói lừng danh : BẠN CHƯA SẴN SÀNG SỐNG CHO TỚI KHI NÀO BẠN SẴN SÀNG CHẾT. “You are not ready to live until you’re ready to die”. Tức là: Bạn chưa biết sống nếu bạn chưa biết chết. Bạn sẽ không biết sống thế nào, nếu bạn chưa biết ta chết làm sao. Chết là lúc gặp Chúa.

Hãy thử xem bạn muốn gặp Chúa ra sao, thì bạn sẽ sống theo như vậy.

Một bà đạo đức được Chúa hứa đến thăm vào ngày bà cầu xin.

Sáng sớm hôm đó, bà lo dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng thật lộng lẫy, rồi ngồi chờ Chúa. Nghe tiếng gõ cửa, bà tin là Chúa đến, vội chạy ra mở cửa... Nhưng đó là người ăn xin. Bà buồn bã đóng cửa lại.

Một lúc sau lại có tiếng gõ cửa. Bà vội mở cửa nhanh hơn vì chắc là Chúa đến... Nhưng đó là một người mù. Và cửa đóng lại.

Mấy phút trôi qua, lại có tiếng gõ cửa. Bà nghĩ nhất quá tam, chắc chắn Chúa đến nên chạy nhanh mở cửa. Thì ra là một người ăn mặc rách rưới. Bà vừa buồn vừa giận, nói: Tôi bận đón Chúa, tôi không giúp anh được!

Rồi màn đêm xuống cũng chưa thấy Chúa đến. Bà buồn rầu than:

- Chẳng biết Chúa bận việc gì mà quên lời hứa. Mòn mỏi quá bà ngủ quên và thấy Chúa đến nói:

Ta đã đến với con 3 lần, mà cả 3 lần đều bị con đuổi đi !...

Trên bia mộ trong một nghĩa trang, có mấy dòng chữ đáng ta suy nghĩ.

Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Những gì tôi làm phúc và cho đi, nay thuộc về tôi.

Đó chính là cách thức tỉnh thức thích hợp khi ta chờ Chúa đến.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

góp nhặt

_____________

(*) Năm nào ngày lễ Giáng Sinh 25-12 đúng vào thứ hai, Mùa Vọng sẽ ngắn nhất, đúng 3 tuần, ba bảy 21 ngày thôi. Sáng Chúa Nhật 24-12 là Chúa Nhật IV Mùa Vọng, “Trời cao hãy đổ sương” thì ngay chiều tối đó, đã “Đêm đông mừng Chúa giáng sinh ra đời rồi…”. Năm nay (2018) lễ Giáng Sinh rơi vào thứ ba, nên Mùa Vọng kéo dài 22 ngày thôi.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội mờ mịt hơn bao giờ
Đặng Tự Do
01:50 30/11/2018
Sau một cuộc gặp gỡ giữa vị Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X và Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huynh Đoàn nói rằng vấn đề trong quan hệ với Tòa Thánh về cơ bản là vấn đề tín lý.

Cha Davide Pagliarani, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn, đã có cuộc gặp gỡ trong vòng hai giờ trong ngày 22 tháng 11 với Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, tại Vatican.

Cùng hiện diện trong cuộc gặp gỡ này còn có Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo, thư ký của Ủy ban Giáo Hội Chúa – hay còn gọi là Ecclesia Dei, và Cha Emmanuel du Chalard, một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó, Huynh Đoàn Thánh Piô X nói Cha Pagliarani đã được Đức Hồng Y Ladaria mời đến “gặp lần đầu tiên để thảo luận về quan hệ giữa Tòa Thánh và Huynh Đoàn” sau cuộc bầu cử Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn vào tháng Bảy vừa qua.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Ladaria, cha Pagliarani nói:

“Trong cuộc họp vấn đề cơ bản được nhắc đến thực sự là vấn đề tín lý… Vì sự khác biệt tín lý không thể chối cãi này, trong bảy năm qua mọi nỗ lực nhằm soạn thảo một bản tuyên ngôn về tín lý chấp nhận được cho cả hai bên đã không thành công. Đây là lý do tại sao vấn đề tín lý vẫn tuyệt đối là cần thiết.”

Vì thế, theo cha Pagliarani, khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội còn rất xa xôi.

Quan điểm khác biệt giữa Đức Cha Bernard Fellay và cha Pagliarani

Trong hai năm trở lại đây, có lúc người ta thấy như khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội đã rất gần kề. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất sâu sắc.

Thật vậy, trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người, trong phiên khoáng đại được tổ chức tại Ecône, Thụy Sĩ, hôm 11 tháng 7 vừa qua, Giám Mục Bernard Fellay, 60 tuổi, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã không được tái cử.

Linh mục Davide Pagliarani, 47 tuổi, người Ý, đã được bầu với một đa số áp đảo hơn 2/3 số phiếu để làm Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X thay thế cho Đức Cha Bernard Fellay trong một nhiệm kỳ 12 năm.

Cha Pagliarani là người được chính Đức Cha Bernard Fellay truyền chức linh mục, nhưng có một lập trường đối kháng với ngài trong việc hòa giải với Tòa Thánh.

Đức Cha Fellay là người chủ trương đạt đến một giải pháp giáo luật về tình trạng của Huynh Đoàn. Ngài ca ngợi thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn và đề cao tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Vatican.

Vào tháng 3 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho các giám mục giáo phận hay các vị bản quyền địa phương khác quyết định của ngài ban năng quyền cho các linh mục của Huynh Đoàn được cử hành bí tích Hôn Phối một cách thành sự và hợp pháp cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn.

Trước đó, vào tháng 9 năm 2015, Đức Thánh Cha đã thông báo rằng các tín hữu có thể nhận được bí tích Hoà Giải một cách thành sự và hợp pháp từ các linh mục của Huynh Đoàn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Năng quyền này sau đó được Đức Thánh Cha Phanxicô mở rộng vô thời hạn trong Tông thư Misericordia et Misera vào năm 2016.

Đức Cha Fellay đã nồng nhiệt ca ngợi những quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khi đó, cha Pagliarani tiêu biểu cho khuynh hướng chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Vài nét về Huynh Đoàn Thánh Piô X

Huynh Đoàn Thánh Piô X được thành lập bởi Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre vào năm 1970 để đào tạo các linh mục, như là một phản ứng với những gì ngài mô tả là những sai lầm đã len lỏi vào Giáo hội sau Công Đồng Vatican Hai.

Quan hệ giữa Huynh Đoàn Thánh Piô X với Tòa Thánh trở nên đặc biệt căng thẳng vào năm 1988 khi Tổng Giám mục Lefebvre và Giám mục Antonio de Castro Mayer tấn phong bốn giám mục mà không được sự cho phép của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Việc tấn phong giám mục bất hợp pháp đã dẫn đến vạ tuyệt thông của các giám mục liên quan. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục thuộc Huynh Đoàn vào năm 2009, và kể từ đó các cuộc đàm phán nhằm tái lập sự hiệp thông toàn bộ với Giáo Hội đã được bắt đầu giữa Huynh Đoàn và Vatican.

Những trở ngại lớn nhất cho sự hòa giải giữa Huynh Đoàn và Tòa Thánh là những tuyên bố về tự do tôn giáo trong tuyên bố Dignitatis Humanae, nghĩa là Phẩm Giá Con Người, của Công Đồng Vatican II cũng như tuyên ngôn Nostra aetate, mà Huynh Đoàn cho rằng mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo trước đó. Cách riêng, Huynh Đoàn chống lại chủ trương đại kết và các buổi cầu nguyện liên tôn xuất phát từ tuyên ngôn Nostra aetate. Gần đây, Tông huấn Amoris Laetitia cũng trở thành một vấn đề. Các đề nghị cho người Tin Lành rước lễ của các Giám Mục Đức cũng là một mối quan tâm khác của các vị trong Huynh Đoàn.

Riêng về tuyên bố Dignitatis Humanae, điều 2 của tuyên bố này khẳng định:

“Công Đồng Vatican này tuyên bố rằng con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này có nghĩa là tất cả mọi người đều không thể bị ép buộc bởi các cá nhân, các nhóm xã hội, hay bất kỳ quyền lực trần thế nào, trong những vấn đề liên quan tôn giáo sao cho không ai bị buộc phải hành động trái ngược với niềm tin của mình. Cũng không ai bị cấm hành động theo niềm tin của họ, dù là trong bối cảnh riêng tư hay công cộng, dù là một mình hay kết hợp với những người khác, trong những giới hạn chính đáng”.

Huynh Đoàn Thánh Piô X quyết liệt chống lại điều này. Họ chủ trương Công Giáo phải là quốc giáo trong các nước có truyền thống Kitô. Theo Huynh Đoàn, tuyên bố Dignitatis Humanae này đặt Giáo Hội vào vị thế phải tôn trọng thẩm quyền của nhà nước. Theo ý kiến của họ vấn đề cần phải là ngược lại: Nhà nước phải tùng phục đức tin Công Giáo và phải công nhận Công Giáo là tôn giáo của Quốc Gia.

Trong điều kiện cụ thể của thế giới hiện nay, người tín hữu Công Giáo sống trong một quốc gia không bị nhà nước bách hại đã là may mắn lắm rồi. Người ta không hiểu làm sao Huynh Đoàn lại hoang tưởng đến mức kỳ vọng các nhà nước trên thế giới này công nhận Công Giáo là quốc giáo! Và trở thành quốc giáo để làm gì cơ chứ?

Theo thống kê vào năm 2017, Huynh Đoàn hiện có mặt tại 62 quốc gia với 6 chủng viện, 175 giáo xứ, 3 Giám Mục, 590 linh mục, 187 chủng sinh, 103 nam tu sĩ và 248 nữ tu.


Source: Catholic Herald - Doctrine remains problem in relations, SSPX affirms after Vatican meeting
 
Thánh lễ tại Santa Marta 29/11/2018: Đời sống Kitô không tương hợp với não trạng thế gian
Lệ Hằng, F.M.A.
05:13 30/11/2018
Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 29 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư về ngày thế mạt và nói rằng đời sống Kitô không thể tương hợp với tâm thức thế gian.

Suy tư của Đức Thánh Cha về ngày thế mạt được dựa trên những ý chính trong bài đọc Một trích từ Sách Khải Huyền, mô tả sự tàn phá của thành Babylon, là một biểu tượng cho tinh thần thế gian; và từ bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm Thánh Luca (21: 20-28), trong đó Chúa Giêsu nói về sự tàn phá của thành thánh Giêrusalem.

Sự sụp đổ của Babylon

Vào ngày phán xét, Babylon sẽ bị phá hủy cùng với một tiếng hô to chiến thắng, Đức Thánh Cha nói. Con điếm đầu đàn sẽ ngã quỵ, và khi bị Chúa lên án, nó sẽ cho thấy bộ mặt thật của mình là “sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thần ô uế.”

Đức Thánh Cha nói rằng sự thối nát đằng sau vẻ đẹp lộng lẫy của nó sẽ được phơi bày và những hoan lạc của nó sẽ hiện nguyên hình là thứ hạnh phúc giả tạo.

“Trong thành Babylon, người ta sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng nhạc du dương của các nhạc sĩ, tiếng hạc cầm, tiếng sáo, tiếng kèn - chẳng còn những tiệc tùng tráng lệ. Trong thành sẽ chẳng bao giờ còn thấy những thợ thủ công thuộc mọi ngành nghề bởi vì ngươi không phải là một thành của dựng xây, mà là một thành của thối nát. Trong thành sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cối xay bột nữa, cũng chẳng còn ánh đèn đêm. Thành này có thể được chiếu sáng nhưng lại không tỏa ra ánh sáng. Xã hội trong cái thành này là một xã hội thối nát. Trong thành người ta sẽ chẳng bao giờ còn được nghe tiếng tân nương và tân lang. Có rất nhiều cặp tình nhân, có rất nhiều người, nhưng lại chẳng hề có tình yêu. Sự tàn phá bắt đầu từ bên trong và sẽ kết thúc khi Chúa nói: “Đủ rồi”. Và sẽ đến ngày Chúa nói: “Đủ rồi đối với vẻ bề ngoài của thế gian này”. Đó sẽ là cuộc khủng hoảng của một xã hội trong đó người ta vẫn coi chính nó là một niềm tự hào, sung túc, độc tài. Và nó kết thúc như thế.”

Giêrusalem đã mở tung cửa cho các dân ngoại

Quay sang phần số của thành Giêrusalem, Đức Thánh Cha nói rằng thành này sẽ nhìn thấy sự sụp đổ của mình vì một loại sa đoạ khác, đó là “sự mục nát do sự bất trung trong tình yêu, nó đã không có khả năng nhận biết tình yêu Thiên Chúa nơi Người Con của Chúa Cha”.

Thành Thánh sẽ “bị giày xéo dưới chân các dân ngoại” vì nó đã mở tung lòng mình ra cho những kẻ không có lòng kính sợ Chúa.

“Hiện tượng ngoại giáo hoá đời sống có thể xảy ra đối với chúng ta là các Kitô hữu. Liệu chúng ta có đang sống như những Kitô hữu không? Dường như là thế. Nhưng sự thật chúng ta sống không khác gì dân ngoại khi những điều này xảy ra: đó là khi chúng ta bị quyến rũ bởi Babylon và rồi Giêrusalem sống như Babylon. Cả hai thành tìm kiếm một sự tổng hợp không thể được. Và cả hai cùng bị lên án. Anh chị em có phải là Kitô hữu không? Hãy sống như một Kitô hữu. Nước với dầu không hòa tan được với nhau. Chúng luôn tách biệt. Một xã hội mâu thuẫn vừa tuyên xưng niềm tin Kitô vừa sống như một dân ngoại sẽ diệt vong.

Ơn cứu rỗi dành cho những ai hy vọng nơi Chúa

Trở lại với hai bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, sau lời lên án hai thành phố, tiếng nói của Chúa sẽ rền vang: Ơn cứu rỗi sẽ tiếp nối sự hủy diệt. “Thiên thần bảo tôi: ‘Hãy viết: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!’” (Kh 19:9) “Bữa tiệc lớn; bữa tiệc thật sự,” ngài nói.

“Đối diện với những bi kịch của cuộc đời, chúng ta được mời gọi để nhìn về hướng chân trời, bởi vì chúng ta đã được cứu chuộc và Chúa sẽ đến cứu chúng ta. Điều này dạy chúng ta làm sao sống với những thử thách của thế gian, không thỏa hiệp với tinh thần thế gian hay ngoại giáo là những thứ chỉ mang đến sự hủy diệt chúng ta, nhưng sống trong hy vọng, tách mình ra khỏi những quyến rũ trần thế bằng cách hướng nhìn về chân trời và hy vọng nơi Chúa Kitô. Hy vọng là sức mạnh của chúng ta để tiến lên phía trước. Nhưng chúng ta phải cầu xin đức cậy nơi Chúa Thánh Thần.”

Người khiêm nhu vẫn còn sau khi tất cả sụp đổ

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta hãy nghĩ đến những người dân thành Babylon trong thời đại của chúng ta và nghĩ đến nhiều đế quốc hùng mạnh trong thế kỷ qua mà nay đã tan tành.

Ngài nói: “Các thành phố lớn ngày hôm nay cũng sẽ kết thúc và cuộc sống của chúng ta cũng thế, nếu chúng ta tiếp tục đi dọc theo con đường hướng về ngoại giáo.”

Đức Thánh Cha nói rằng những người duy nhất vẫn đứng vững là những ai đặt hy vọng nơi Chúa.

Ngài kết luận rằng:

“Chúng ta hãy mở lòng mình ra với hy vọng và dứt khoát đừng sống như dân ngoại”


Source: Vatican News - Pope at Mass: ‘So-called Christian societies will end if pagan'
 
Thánh lễ tại Santa Marta 27/11/2018: Tôi muốn trình diện trước mặt Chúa như thế nào?
Lệ Hằng, F.M.A.
06:53 30/11/2018
Thật là khôn ngoan để tự vấn lương tâm xem chúng ta muốn trình diện trước mặt Chúa như thế nào tại thời điểm chúng ta phải ra trước tòa phán xét. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 27 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng thánh lễ của Đức Thánh Cha được lấy ý từ bài đọc trích từ sách Khải Huyền. Tính đến một thực tế là một ngày nào đó chúng ta rồi cũng phải ra trước mặt Chúa, thật là khôn ngoan nếu chúng ta biết xét mình xem chúng ta muốn trình diện trước mặt Chúa như thế nào khi giờ khắc đến. Điều đó giúp chúng ta đạt được những tiến bộ để cuộc gặp gỡ với Chúa là những giây phút “hân hoan”.

Mùa gặt cuối cùng

Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ này, theo Đức Thánh Cha, thật là một ân sủng nếu chúng ta biết suy ngẫm về ngày thế mạt và giờ phút cuối cùng của chính mỗi người chúng ta.

Bài đọc Một, trích từ sách Khải Huyền, nói điều này với “hình ảnh mùa gặt”.

Vào mùa gặt này, mỗi người chúng ta sẽ phải trình diện trước mặt Chúa, và mỗi người chúng ta sẽ phải thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, đây là đời con, đây là phẩm chất cuộc sống con.”

Tất cả chúng ta sẽ phải nhìn nhận những lỗi lầm của mình, bởi tất cả chúng ta đều lầm lỗi, và cả những việc lành phúc đức vì tất cả chúng ta đều đã từng làm những việc thiện.

Tôi muốn trình diện trước mặt Chúa như thế nào?

“Nếu ngay ngày hôm nay Chúa gọi tôi thì sao? Tôi sẽ nói gì và sẽ làm gì?” Ý tưởng này, theo Đức Thánh Cha, sẽ giúp chúng ta đạt được những tiến bộ. Điều đó không chỉ giúp chúng ta có gì đó để nói về mình trước mặt Chúa, nhưng nó cũng làm cho giây phút này trở thành một thời khắc hân hoan, hạnh phúc khi ta được đong đầy với Lòng Thương Xót.

Nghĩ về sự kết thúc, về ngày thế mạt, về giờ phút cuối cùng trong cuộc đời riêng của mình, là khôn ngoan. Người khôn ngoan làm điều này.

Giáo hội mời gọi chúng ta tự hỏi bản thân trong tuần này là “kết thúc của tôi sẽ như thế nào?” Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng một cuộc tự vấn lương tâm sẽ là hữu ích cho chúng ta đánh giá đúng bản thân mình.

Tôi muốn khắc phục điều gì vì điều đó không đúng? Tôi muốn duy trì hoặc phát triển điều gì vì điều đó thật tốt.

Cầu xin ơn khôn ngoan

Để kết luận, Đức Thánh Cha khích lệ cộng đoàn cầu xin ơn khôn ngoan nơi Chúa Thánh Thần.

Tuần này, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan biết lo liệu, ơn hiểu biết về sự kết thúc, ơn hiểu biết về sự phục sinh, ơn hiểu biết về cuộc gặp gỡ đời đời với Chúa Giêsu sao cho đó sẽ là một ngày hân hoan và vui mừng. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa có thể chuẩn bị cho chúng ta.


Source: Vatican News - Pope at Mass: how do we want to meet the Lord?
 
Thánh lễ tại Santa Marta 26/11/2018: Lòng quảng đại làm tâm hồn ta lớn lên
Lệ Hằng, F.M.A.
15:54 30/11/2018
Kitô hữu cần phải hào phóng đối với người nghèo, và phải cảnh giác chống lại “căn bệnh của chủ nghĩa tiêu thụ”, Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 26 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Các Kitô hữu cần phải hào phóng với người nghèo, vì một thái độ bác ái như thế làm tâm hồn ta lớn lên và giúp chúng ta sống tử tế hơn. Trong khi đó, kẻ thù của lòng hảo tâm là chủ nghĩa tiêu thụ, trong đó chúng ta mua sắm nhiều hơn mức cần thiết.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng có nhiều chỗ trong các sách Tin Mừng cho thấy cách Chúa Giêsu đặt tương phản người giàu với người nghèo. Đức Thánh Cha nói chúng ta nên nghĩ đến lời bình luận của Chúa Giêsu dành cho anh thanh niên giàu có: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:23).

Có thể có một số người sẽ gọi Chúa Kitô là “một người cộng sản”, nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Khi Chúa nói những điều này, Ngài biết rõ đằng sau sự giàu có luôn luôn tiềm tàng một tinh thần tà ác, đó là tinh thần thế gian”. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu cũng từng nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6:24).

Lòng quảng đại xuất phát từ đức tin nơi Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng trong ngày (Lc 21: 1-4), người giàu có “đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền” được đặt tương phản với người góa phụ nghèo “đang bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm”.

Người giàu trong câu chuyện này “không phải là người xấu” nhưng “là những người tốt, những người đi đến đền thờ và bỏ tiền ra dâng cúng.”

“Góa phụ, trẻ mồ côi, người di cư và ngoại kiều là những người nghèo nhất ở Israel”. Người góa phụ “đã dâng cúng toàn bộ sinh kế của mình”, bởi vì bà tin cậy vào Chúa. “Bà ấy trao ban mọi thứ, bởi vì Chúa vĩ đại hơn hết. Thông điệp của đoạn Tin Mừng này là lời mời gọi lòng quảng đại.”

Cố gắng làm tốt

Chuyển sang những thống kê về tình trạng nghèo đói trên thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha nói rằng nhiều trẻ em chết vì đói hoặc thiếu thuốc men là lời mời gọi chúng ta hãy tự hỏi mình: “Nhưng làm sao tôi có thể giúp giải quyết tình trạng này?” Câu hỏi này, đến từ mong muốn làm tốt.

“Đó là một lời kêu gọi hướng đến lòng quảng đại. Sự hào phóng thuộc về cuộc sống hàng ngày; đó là điều chúng ta nên nghĩ đến: 'Làm sao tôi có thể hào phóng hơn, với người nghèo, với người quẫn bách ... Làm sao tôi có thể giúp được nhiều hơn?' 'Nhưng cha ơi, cha có biết rằng chúng con chật vật lắm mới qua được một tháng không', có thể là như thế, nhưng ít nhất chúng ta vẫn còn một vài xu sót lại phải không? Hãy suy nghĩ về điều đó: anh chị em có thể hào phóng với những đồng xu cuối cùng đó… 'Hãy nghĩ đến những điều nhỏ nhặt. Ví dụ, nhìn qua một lượt căn phòng của anh chị em, hay tủ quần áo của anh chị em đi. Tôi có bao nhiêu đôi giày? Một, hai, ba, bốn, mười lăm, hai mươi đôi... Mỗi người chúng ta đều biết. Có lẽ quá nhiều ... Tôi biết một Đức Ông kia có tới 40 đôi giầy... Nếu anh chị em có nhiều giày quá, hãy cho đi một nửa. Có bao nhiêu quần áo cả năm tôi không dùng đến hay chỉ sử dụng mỗi năm một lần? Hãy cho chúng đi. Đây là một cách để hào phóng, để cho những gì chúng ta có, và chia sẻ.”

Căn bệnh của chủ nghĩa tiêu thụ

Đức Thánh Cha sau đó kể một câu chuyện về một người phụ nữ ngài đã từng gặp, khi cô đi mua sắm, cô bao giờ cũng dành 10% để mua thức ăn cho người nghèo. Ngài nói cô ấy đã trao “số tiền thập phân” cho người nghèo.

“Chúng ta có thể làm những phép lạ thông qua lòng quảng đại. Quảng đại ngay trong những điều nhỏ nhặt. Có lẽ chúng ta không làm điều đó bởi vì chúng ta không nghĩ về nó. Sứ điệp Tin Mừng làm cho chúng ta phải suy tư: Làm sao tôi có thể hào phóng hơn? Chỉ một chút nữa thôi, không nhiều ... 'Đúng vậy, cha nói đúng lắm nhưng mà ... Con không biết tại sao, nhưng con e rằng vân vân và vân vân…' Nhưng ngày nay có một căn bệnh khác, có tác dụng chống lại lòng quảng đại, đó là chủ nghĩa tiêu thụ.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng chủ nghĩa tiêu thụ thể hiện nơi việc mua sắm hết thứ này đến thứ khác. Ngài nhớ lại rằng, khi còn ở Buenos Aires, “mỗi cuối tuần có một chương trình truyền hình nói về du lịch mua sắm”. Người ta nhảy lên một chiếc máy bay vào tối thứ Sáu, bay đến một đất nước khác cách đó khoảng 10 giờ bay, và sau đó dành tất cả ngày thứ Bẩy để mua sắm trước khi trở về nhà vào ngày Chúa Nhật.

“Chủ nghĩa tiêu thụ thật là một căn bệnh khủng khiếp ngày nay. Tôi không nói tất cả chúng ta đều làm như thế, không. Nhưng chủ nghĩa tiêu dùng - chi tiêu quá nhiều để mua nhiều hơn nhu cầu của chúng ta – đánh mất trong ta tinh thần thắt lưng buộc bụng trong cuộc sống. Đây là kẻ thù của lòng hảo tâm. Ngược lại lòng quảng đại biết nghĩ đến người nghèo: ‘Tôi có thể cho những thứ này cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc’ - có một kết quả kín đáo: Nó làm tâm hồn ta lớn lên và giúp chúng ta trở nên hào hiệp.”

Lòng quảng đại làm cho chúng ta trở nên hào hiệp

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải có một trái tim hào hiệp, nơi tất cả mọi người có thể vào. Ngài nói: “Những người giàu có dâng cúng vào thùng tiền trong đền thờ là những người tốt; nhưng bà goá nghèo đó là một vị thánh”.

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta quảng đại và bắt đầu bằng cách kiểm tra nhà cửa của chúng ta để khám phá “những gì chúng ta không cần và có thể hữu ích cho người khác.” Chúng ta nên cầu xin Chúa “giải phóng chúng ta” khỏi căn bệnh nguy hiểm của chủ nghĩa tiêu dùng, khiến chúng ta nô lệ và tạo ra sự lệ thuộc vào việc chi tiêu tiền của. “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết hào phóng, để tâm hồn chúng ta có thể lớn lên và chúng ta có thể trở nên tử tế hơn.”


Source: Vatican News Pope Francis at Mass: ‘Generosity enlarges the heart’
 
Thánh lễ tại Santa Marta 30/11/2018: Kitô hữu phải đưa ra chứng tá khả tín qua cuộc sống hàng ngày
Lệ Hằng, F.M.A.
17:01 30/11/2018
Ngày 30 tháng 11 hàng năm Giáo Hội cử hành lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng Giáo Hội Constantinople, chúng ta hãy gần gũi và nhớ đến anh chị em Chính Thống Giáo trong lời cầu nguyện, và cầu xin ơn sủng hiệp nhất. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 30 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Ngài mời gọi các tín hữu “bỏ lại mọi thứ phía sau để tiến lên trong việc công bố và làm chứng, theo gương hai thánh Phêrô và Anrê Tông Đồ”.

Hãy mạch lạc trong việc rao giảng Chúa Kitô

Tập trung những suy tư của ngài vào việc công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã thúc giục các tín hữu phải gạt sang một bên những “thái độ, tội lỗi, và tật xấu” mà mỗi người chúng ta có “bên trong” để trở nên “mạch lạc hơn” và khả tín hơn trong việc loan báo Chúa Giêsu qua chính chứng tá của chúng ta.

Lấy ý từ bài đọc Một, trong đó Thánh Phaolô giải thích đức tin đến từ những gì được loan báo, và những gì được loan báo liên hệ với lời Chúa Kitô ra sao, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công bố Tin Mừng, trong đó chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã chết và đã phục sinh để cứu độ chúng ta.

Công bố Chúa Giêsu Kitô không chỉ là mang đến một “tin tức giản đơn” nhưng là “tin vui trọng đại duy nhất”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự kiện rằng công bố Chúa Giêsu Kitô không liên quan gì đến việc quảng cáo về một người tốt đã làm bao nhiêu những việc thiện, đã chữa lành nhiều người và đã dạy chúng ta những điều cao đẹp: “Không, đó không phải là quảng cáo, không phải là chiêu dụ tín đồ, đó không phải là điều mà một nhà giảng thuyết thực hiện theo luận lý tiếp thị.”

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng công bố Chúa Kitô, không phải là chiêu dụ tín đồ cũng chẳng phải là quảng cáo hay tiếp thị: việc công bố Chúa Kitô vượt rất xa những điều này.

Từ đó, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về sứ vụ của người tông đồ là người dám xả thân liều mình, và ngài nhớ lại một ngạn ngữ Á Căn Đình sử dụng hình ảnh “đặt chính thân xác mình lên bàn nướng” nghĩa là, thực sự đặt mình vào tình trạng bị đe dọa đến tính mạng.

Ngài nói rằng “hành trình loan báo Tin Mừng bằng cách xả thân liều mình” là một hành trình một chiều: “Không có vé khứ hồi”. Đức Thánh Cha nói: “quay trở lại sẽ là bội giáo” trong khi đó làm chứng có nghĩa là “đặt cược chính mạng sống mình” “và thực thi những gì mình rao giảng”

Các vị tử đạo

Đức Thánh Cha lặp lại rằng để có thể công bố Lời Chúa, chúng ta phải là những chứng nhân và ngài than phiền về “tai tiếng” gây ra bởi những người tuyên bố mình là Kitô hữu nhưng sống “như dân ngoại, như những người vô thần”, như thể họ không có “đức tin”.

Ngài kêu gọi sự mạch lạc trong cuộc sống, là điều mang lại cho chúng ta sự khả tín; và mô tả những người “xả thân liều mình đến cùng cho sứ vụ” là những vị tử đạo.

Ngài nhắc lại rằng Chúa Cha đã “mạc khải Ngài” cho chúng ta khi sai “Con Một của Ngài mặc lấy xác phàm hy sinh mạng sống” vì chúng ta. Theo Đức Thánh Cha, thực tế này “tiếp tục gây bối rối” vì Thiên Chúa trở thành “một người giữa chúng ta trong một cuộc hành trình không nghĩ đến chuyện quay lại”.

Ngài chỉ ra rằng ma quỷ đã cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu đi theo một con đường khác, nhưng Ngài đã sống theo thánh ý của Chúa Cha cho đến cùng.

Lời công bố về Chúa Giêsu, do đó, cũng phải đi theo cùng một lộ trình như thế: đó là lộ trình của chứng tá như Chúa Giêsu là chứng nhân tình yêu nhập thể của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã đề cao chứng tá của các vị tử đạo, là những người cho thấy lời công bố này là sự thật.

Ngài nói về những người nam nữ đã trao ban cuộc sống mình. Đó là các tông đồ đã dâng hiến cuộc sống của họ và cơ man những người nam nữ vô danh trong xã hội chúng ta và trong gia đình chúng ta, những người làm chứng mỗi ngày, trong lặng lẽ, bằng cuộc sống của họ và sự gắn bó của họ với Chúa Giêsu Kitô.

Lời công bố sinh hoa kết quả

Đức Thánh Cha kết luận rằng, khi chịu phép Rửa Tội, tất cả chúng ta tiếp nhận “sứ vụ công bố Chúa Kitô” và sống như Chúa Giêsu “dạy chúng ta sống hài hòa với những gì chúng ta rao giảng”. Bằng ngược lại, kết cục thật là tai tiếng và “gây rất nhiều tổn hại cho dân Chúa”.


Source: Vatican News Pope at Mass: Christians must provide credible witness with their lives
 
Tin mừng cho Kitô hữu Trung Đông: Quốc hội HK thông qua đạo luật cứu trợ nạn diệt chủng ở Iraq và Syria.
Trần Mạnh Trác
20:18 30/11/2018
Hạ viện Hoa Kỳ vừa thông qua dự luật HR 390 với tiêu đề là "Đạo luật cứu trợ nạn diệt chủng ở Iraq và Syria". Đây là một đạo luật nhằm vào mục đích trợ giúp xây dựng lại các cộng đồng Kitô giáo và Yazidi ở Iraq và Syria.

Trước đây , dự luật này đã được nhất trí thông qua Thượng viện vào ngày 11 tháng 10, và hiện nay sẽ chờ chữ ký cuả Tổng thống Donald Trump. Ông Trump cũng đã tuyên bố sẽ sẵn sàng ký.

Đây là một dự luật cuả dân biểu Chris Smith (R-NJ) và được bảo trợ bởi một nhóm 47 thành viên Quốc hội bao gồm cả 2 đảng. Dân biểu Anna Eshoo (D-CA) là người tài trợ đứng đầu của đảng Dân chủ. Ngày 27 tháng 11, Hạ viện đã nhất trí thông qua dự luật.

HR 390 sẽ tài trợ cho các đoàn thể, kể cả những nhóm tôn giáo, đang hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo, ổn định và phục hồi các tôn giáo thiểu số và dân tộc thiểu số ở Iraq và Syria.

HR 390 chỉ đạo chính quyền Trump "đánh giá và giải quyết các lỗ hổng về nhân đạo, các nhu cầu, và những áp lực đang gây cho những người sống sót vẫn còn phải chạy trốn", và xác định các dấu hiệu cảnh báo chống lại những dân tộc thiểu số ở Iraq và Syria.

Ngoài ra, dự luật sẽ hỗ trợ các tổ chức đang tiến hành điều tra tội phạm cuả các thành viên của Nhà nước Hồi giáo đã phạm tội "tội ác chiến tranh và tội ác và nhân loại ở Iraq" và sẽ giúp các chính phủ nước ngoài xác định các nghi can qua các dữ liệu an ninh để bắt giữ và truy tố chúng.

"Sự việc dự luật này đã được thông qua cả hai viện một cách nhất trí cho thấy rằng phản ứng của Hoa Kỳ đối với nạn diệt chủng đã vượt lên trên quyền lợi đảng phái và có ý chí chính trị lớn lao để bảo vệ và bảo tồn các dân tộc thiểu số ở Trung Đông, trong đó có các Kitô hữu và Yazidis,” là lời tuyên bố cuả vị Hiệp sĩ Columbus tối cao là Carl Anderson. Ông Anderson đã ra làm chứng tại một phiên điều trần của Quốc hội về dự luật.

"Chúng tôi cảm ơn dân biểu Chris Smith (R-NJ), tác giả của dự luật, và Anna Eshoo (D-Calif.), người bảo trợ chính, đã đối tác với hội Knights of Columbus một cách chặt chẽ về dự luật quan trọng này," ông nói.

Dân biều Smith lưu ý rằng “các nhóm thiện nguyện như hội Hiệp sỉ Columbus” đã “lấp đầy khoảng trống” cuả những viện trợ cho những người sống sót. Ông nói rằng cho đến nay, viện trợ cuả Giáo Hội Công Giáo đã đóng góp hơn 60 triệu đô la, và hội Hiệp sĩ Columbus hơn 20 triệu đô la, để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo trong khu vực.

Kể từ khi Nhà nước Hồi giáo lên nắm quyền trong khu vực, dân số Kitô giáo và Yazidi đã bị tiêu diệt. Mặc dù ngày nay Nhà nước Hồi giáo không còn nắm quyền và khu vực đã được giải phóng, nhưng các Kitô hữu vẫn đang phải vật lộn do các khó khăn mới.

Nhiều người không thể xây dựng lại nhà của họ, và sự khan hiếm công việc khiến cho người ta phải rời đi nơi khác. Để cung cấp an ninh lâu dài cho Kitô hữu của khu vực, theo ý kiến cuả Đức Tổng Giám Mục Chalde Bashar Warda, thì cần phải nhấn mạnh vào cơ hội kinh tế cho những người trẻ tuổi.

Nhiều Kitô hữu trong khu vực đã chạy sang Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. TGM Warda nói rằng ngài rất muốn thu hút họ trở lại Iraq, nhưng thừa nhận rằng nhiệm vụ này là "thực sự khó khăn."

Một nỗ lực khác để đảm bảo an toàn lâu dài cho các dân tộc thiểu số sẽ đòi hỏi một sự thay đổi văn hóa, TGM Warda giải thích. Những cái chết hoặc sự di dời của các Kitô hữu và Yazidis được các chính phủ coi là "những thiệt hại ngoài ý muốn” (“collateral damage”). Sự phân loại như thế đã gây thêm nhiều “cuộc bức hại” đối với những nhóm thiểu số.

Ngài cũng đổ lỗi cho chương trình giảng dạy của các trường công lập ở Iraq, không cung cấp thông tin gì về các nhóm thiểu số tôn giáo trong nước.

"Không có gì về các Kitô hữu cả," ngài giải thích, lưu ý rằng những người không theo đạo Hồi được mô tả là những kẻ ngoại đạo, và những âm mưu chống lại họ thì rất nhiều.

TGM Warda đặc biệt hài lòng với sự hỗ trợ cho việc truy tố hình sự của các thành viên Hồi giáo Nhà nước đã phạm tội diệt chủng. Điều này, ngài nói, sẽ đảm bảo rằng "lịch sử sẽ không được viết bởi những người như ISIS. Đây là lần đầu tiên, nạn nhân của nạn diệt chủng sẽ có thể kể câu chuyện của họ và cung cấp lịch sử từ phía họ."

Khả năng cung cấp câu chuyện của họ sẽ là một cách để đảm bảo rằng sự diệt chủng sẽ không xảy ra nữa.

"Nếu không nói cho người Hồi giáo biết rằng cách họ giảng dậy đạo Hồi là có điều gì đó sai trái, thì lịch sử sẽ lặp lại chính nó", vị tổng giám mục giải thích, bởi vì mặc dù Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại, "ý thức hệ vẫn còn đó."

“Viết lịch sử từ phía nạn nhân sẽ giúp cho phía bên kia nhận ra những điều đó thì ‘không nên xảy ra bao giờ nữa’”

"Hy vọng như thê," TGM Warda nói.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Tự Nguyện Giáo Xứ Tân Phú Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Và Thăm Nghĩa Trang Thai Nhi Hòa Hội Vũng Tàu
Phương Nga
10:41 30/11/2018
Nhóm Tự Nguyện Giáo Xứ Tân Phú Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Và Thăm Nghĩa Trang Thai Nhi Hòa Hội Vũng Tàu

“ Quả vậy,ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ,còn ai liều mạng sống vì Ta thì kẻ ấy sẽ được cứu”( Lc 9,24)

Sau chuyến thăm Mái ấm Tín Thác ở Bảo Lộc Lâm Đồng,đáp lại lời mời gọi của quý Sơ dòng Đaminh Bắc Ninh và Cha chánh xứ Hòa Hội Bà Rịa Vũng Tàu.Nhóm Tự nguyện giáo xứ Tân Phú lại lên đường thăm nghĩa trang Thai nhi Hòa Hội và dự lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào lúc 7g ngày 18-11-2018 cũng là Chúa Nhật XXXIII thường niên Được biết ,đây là thánh lễ thứ 2 trong ngày mà Cha chánh xứ Phanxico Nguyễn Duy An đã cử hành tại nghĩa trang Thai nhi,để cầu nguyện cho các Bà mẹ lỡ lầm,các cháu Mồ côi và đặc biệt cho các Thai nhi xấu số mới qua đời.

Xem Hình

Đến tham dự buổi lễ có Quý Sơ dòng Đaminh Bắc Ninh giáo xứ Từ Đức quận Thủ Đức là những người đã cộng tác chặt chẽ với giáo xứ,Ban Bảo vệ Sự sống,quý Hội đồng Mục vụ và cộng đoàn dân Chúa xứ Hòa Hội ;quý Ân nhân từ nhiều tỉnh thành và Nhóm Tự nguyện giáo xứ Tân Phú -Tổng giáo phận Sài Gòn đã đồng hành cùng giáo xứ trong thời gian qua.cùng cộng đoàn dân Chúa của giáo xứ cũng hiệp thông .

Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi Cha chủ sự Làm phép Thai nhi,tất cả cùng đọc kinh Chúa Thánh Thần,kinhTin,Cậy,Mến..ca đoàn dòng Đaminh hát ca nhập lễ “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” Cha chủ sự Phanxico nói với cộng đoàn.

Thưa Sơ bề trên,quý Sơ,quý Ân nhân,quý Khách và cộng đoàn,chúng ta vừa cất lời tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Chúa ban cho Nghĩa trang này,qua sự hy sinh của quý Sơ và quý Khách đã giúp cho việc chung của Giáo hội và Nghĩa trang mới được như hôm nay.Xin tạ ơn các Thánh Tử Đạo luôn phù hộ cho chúng ta để chúng ta hòan thành mọi việc một cách xuất sắc.

Hôm nay là lễ kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam;xuyên suốt hơn 300 năm hàng trăm ngàn vị Tử đạo đã đổ máu cho Đức Tin.Mặc dù có rất nhều hồ sơ nhưng Giáo hội mới xét được 118 vị.Chúng ta cầu nguyện cho Anh chị em con cháu chúng ta để tất cả trở thành chứng nhân của Tin Mừng trong thời đại hôm nay.

Theo bài Tin Mừng Thánh Luca (9,23-26) Cha chia sẻ:Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam,chúng ta luôn tự hỏi “Sao các Thánh cũng là người như chúng ta mà lại được tôn kính và ngưỡng mộ như vậy ?Câu trả lời rằng “ Vì khi còn sống ở trần gian các Ngài luôn sống kết hợp với Thiên Chúa.Chúa phán”Ai xấu hổ vì tôi thì tôi cũng sẽ xấu hổ vì người ấy trước mặt Cha tôi “(Lc 9,26).Các Thánh Tử Đạo đã hy sinh thân mình vì danh Đức Giêsu Kitô nên Giáo hội đã tuyên dương các Ngài.Suốt thời cấm đạo đã có hàng trăm ngàn vị đã bị hành hình trong hơn 300 năm bị bắt đạo;khởi điểm là khi vị Giáo sĩ đầu tiên đặt chân đến Giáo phận Bùi Chu.

Vào đời Tự Đức năm 1883 đã có chiến dịch sáp nhập với lương dân; Chính quyền tách các gia đình Công Giáo ra và cho sống ghép với những gia đình ngoại đạo để các Kitô hữu quên Đạo.Người ta cũng có những chiến dịch gọi là Bình Tây - Sát Tả nghĩa là các nho sĩ kêu gọi lương dân tàn sát người Công Giáo và vứt xác xuống sông đến nỗi ở Nghệ An nơi Thánh An rê Phú Yên Tử đạo khi người dân ra đánh bắt cá thì các sông suối đều biến thành màu đỏ của máu.Thánh Phaolo nói “Dù sự chết có gian nan cách nào,cũng không tách tôi ra khỏi Đức Kitô”

Và hơn lúc nào hết,thời đại ngày hôm nay chúng ta đang bị tra tấn Đức Tin vì “Chủ nghĩa Duy vật”,người ta thờ lạy vật chất,danh vọng,sắc dục như các trào lưu coi nhẹ luân lý ăn chơi để lại hậu quả và nạo phá thai không thương tiếc.Chúng ta hãy đi Tư vấn cho họ và làm chứng cho Tin Mừng bằng cách kêu gọi những người lỡ lầm giữ Thai nhi lại như các Sơ đã thực hiện việc Bảo vệ Sự sống trong thời gian qua.Có những giáo dân cứ có thai là chụp chiếu và khi nghe kết quả ngoài ý muốn là giết bỏ con mình;vì những người này không được giáo dục về Đức Tin và luân lý nên chỉ nghe qua đã sợ hãi và liều lĩnh.Nhưng cũng có những trường hợp cha mẹ vững tin vào Chúa nên chăm sóc Thai nhi và sau khi ra đời các cháu khỏe mạnh bình thường .

Thánh Phaolo nói” Dù thế nào chúng ta cũng cương quyết Bảo vệ Sự sống”Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó và muốn làm thì chúng ta phải cầu nguyện;nếu không “Chủ nghĩa Tại tâm” sẽ bào mòn Đức Tin của chúng ta như : Bỏ lễ,lười kinh hạt,lễ gốc cây,không làm việc lành đạo đức và cho rằng thế nào Chúa cũng tha.Khi yêu nhau người ta phải gặp,phải tặng quà,..vậy yêu Chúa mà không có hành động thì làm sao chứng minh được!! còn“Chủ nghĩa Tương đối”là :An phận làm mọi việc,không cần nỗ lực cố gắng trong việc bác ái,làm dự phóng, qua loa;điều này xảy ra ở mọi Đấng bậc không trừ ai

Dâng thánh lễ hôm nay,chúng ta cầu nguyện cho các Sơ ,cho Ban Bảo vệ Sự sống và các Ân nhân thật nhiều vì đã chung tay, chung sức trong việc chăm sóc nghĩa trang Thai nhi này.Ước gì chúng ta xử dụng tất cả khả năng để làm cho Viên ngọc Đức Tin ngày càng chói sáng hơn nữa Amen.

Sau khi nhận phép lành,cộng đoàn đã ra Nghĩa trang và tham dự nghi thức Hạ huyệt cho hàng trăm Thai nhi.Tất cả cùng cầu nguyện cho các cháu sớm được về bên Chúa và mọi người tỏa ra an ủi các Cháu bằng cách cắm nhang cho từng phần mộ.

Thánh lễ kết thúc lúc 12g cùng ngày.Cha mời cộng đoàn về nhà xứ Hòa Hội để dùng bữa cơm Huynh đệ ..Cha cũng hối thúc tất cả quý Khách ở xa nên về sóm vì nghe có Bão tới.

Trên đường về Bác tài đưa Nhóm đến viếng nhà thờ Mồ nơi có 288 vị Tử Đạo bị hỏa thiêu dưới thời Tự Đức bách hại Đạo.Bác tài xướng kinh và Nhóm hiệp thông sau đó chụp hình lưu niệm.Xe về đến Thành phố sớm hơn dự định và trời quang mây tạnh.Ai cũng biết rằng Chúa và Mẹ Maria đang đồng hành cùng Nhóm.

Phương Nga
 
Lễ Tổng Hội Thường Niên của Legio Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Melbourne
Trần Văn Minh
15:06 30/11/2018
Melbourne, lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu, 30/11/2018. Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Trong một ngày thời tiết thật tốt đẹp. Legio Mariae Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Flemington đã tụ hội về để cùng nhau dâng lễ tổng hội thường niên theo đúng tinh thần của Đạo Binh Đức Mẹ.

Xem hình

Từ rất sớm, đã có các hội viên tán trợ về, với các anh chị lớn tuổi ngồi trên xe lăn hay chống gậy đến nhà thờ, cùng với các anh chị em hội viên hoạt động đến sớm, để chuẩn bị cho Ngày Lễ Tổng Hội Thường Niên Năm 2018 của Comitium.

Đúng 6 giờ, anh Trưởng Comitium Lê Văn Miện đã xướng kinh Tessera để khai mạc lễ tổng hội thường niên Năm 2018. Toàn thể hội viên đã sốt sắng lần chuỗi Mân Côi. Kinh Catena và kinh bế mạc trước khi cùng dâng lễ tạ ơn.

Thánh lễ do Linh mục Linh giám Giuse Trần Ngọc Tân, cũng là Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, và Ca đoàn Tin Yêu do Ca trưởng Đặng Khan và các anh chị em Legio phụ trách phần Thánh Ca cho Thánh Lễ tạ ơn của Comitium. Các anh chị đã thể hiện xuất sắc các bài thánh ca để nâng tâm hồn mọi người lên cùng Chúa qua Mẹ Maria vị Nữ tướng Legio.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng. Cha Linh giám đã nhắc đến khi Sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ. Trước sự sợ hãi của Đức Mẹ, Thiên Chúa đã trấn an Mẹ bằng câu “đừng sợ.” Và qua Kinh Thánh Lời Chúa cũng nhắc lại cho các môn đệ và toàn thể chúng ta, những người đi theo Chúa cũng “đừng sợ,” Kinh Thánh không chỉ nhắc một lần mà đến 365 lần.

Các Quân Binh của Đức Mẹ phải nằm lòng câu “đừng sợ” mỗi khi đi làm công tác tông đồ. Không sợ khó khăn, gièm pha, dè bỉu, nói xấu mà nhụt chí. Cũng đừng sợ khi đi thăm viếng, đến với những người khô khan nguội lạnh, để lôi kéo những người còn ngồi trong bóng tối, cứu rỗi các linh hồn sống trong tội lỗi trở về cùng Chúa vv.

Sau Thánh Lễ, anh trưởng lên cám ơn Cha Linh Giám Giuse Trần Ngọc Tân về những việc cha đã làm cho Comitium. Cám ơn các anh chị hội viên tán trợ, vì hội viên tán trợ là đơn vị yểm trợ đắc lực nhất qua lời cầu nguyện, để giúp cho các hội viên hoạt động hăng say trong công tác của mình.

Cuối cùng, Comitium cũng có một bữa ăn nhẹ, nhưng trước khi thưởng thức bữa ăn. Mọi người không quên cầu nguyện cho quê hương, đất nước và dân tộc được bình an, và tự do hạnh phúc đích thực. Mọi người đã cùng hát bài: Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam. Với lời mới ý nghĩa và hợp với hoàn cảnh của đất nước hiện nay.

Được biết, Legio Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Flemington trực thuộc Senatus Melbourne. Comitium có ba Curiae và nhiều Praesidia phụ thuộc và hoạt động rất linh động, và giúp cộng đồng rất đắc lực trên 30 năm qua.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tông đồ Andre, vị Thánh với thập gía chéo hình chữ X
LM. Daminh Nguyễn Ngọc Long
20:57 30/11/2018
Tông đồ Andre, vị Thánh với thập gía chéo hình chữ X

Ông Andre là một trong 12 Tông đồ được chính Chúa Giêsu tuyển chọn kêu gọi theo sát Chúa Giêsu ba năm để trở thành cột trụ xây dựng Giáo hội Chúa ở trần gian.

Tông đồ Andre là ai?

Theo phúc âm Thánh Mattheo ( Mt 4,18-19) và Thánh Marco ( Mc 1,16-17) Chúa Giêsu khi ra giảng nước Thiên Chúa đã kêu gọi Andre là anh của Ông Phero làm tông đồ đầu tiên ở bờ hồ Galile vùng Nazareth nước Do Thái.

Căn cứ theo tường thuật đó Ông Andre là ngư phủ sinh sống bằng nghề chài lưới đánh bắt cá. Và Chúa Giêsu đã nói với hai ông câu kêu gọi thời danh đi làm việc tinh thần thiêng liêng tương tự như nghề các ông đang làm: „Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá“. ( Mc 1,17).

Theo sử sách cũ viết để lại Tông đồ Andre sinh thành ở Bethsaida vùng miền Galilee nước Do Thái vào khỏang năm 5. trước Chúa giáng sinh, là anh cùng dòng máu ruột thịt với Tông đồ Phero.

Theo Phúc âm Chúa Giêsu Thánh Gioan ( Ga 1,35-42) Ông Andee đã là môn đệ của Thánh Giaon tẩy giả. Và Thánh Gioan tẩy giả đã giơ tay chỉ giới thiệu với câu nói thời danh cho Ông Andre về Chúa Giêsu: „Đây Chiên Thiên Chúa“.

Ông Andre theo Chúa Giêsu và đã hỏi lại Chúa Giêsu: Thưa Thầy , Thầy ở đâu? Và lặp tức Ông nhận được câu trả lời thời danh của Chúa Giêsu: Đến mà xem!

Chúa Giêsu gọi Ông qua sự tôn trọng tự do của Ông Andre, và trao cho Ông sự tin tưởng trong tương quan chặt chẽ thân mật.

Theo Chúa Giêsu, nhưng Andre không dừng lại chỗ đó, Ông đi rủ dẫn em mình là Ông Simon Phero cùng đi theo Chúa Giêsu:„ Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia (Đấng cứu thế)“( Ga 1,40).

Như thế ngay từ giây phút đầu tiên Ông Andre đã có tinh thần truyền giáo làm công việc mục vụ tông đồ cho Chúa Giêsu.

Andre là người đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi theo Ngài làm tông đồ trong nhóm 12 Tông đồ của Chúa Giêsu. Căn cứ vào đó, phụng vụ Giáo hội Chính Thống Đông phương đã tôn kính Ông cho Ông thêm tên Protoklitos, có nghĩa Người được kêu gọi trước hết.

Thánh Tông đồ Phero, em Tông đồ Andre, được Chúa Giêsu cắt cử làm thủ lãnh Giáo hội Chúa ở trần gian. Và Phero sang Roma thành lập Giáo hội. Và có tên là Giáo Hội Công Giáo Roma.

Còn Tông đồ Andre theo tương truyền sang giảng đạo ở vùng biển Đen, ở vùng Thrakien và nước Hy Lạp. Có tương truyền thuật lại Tông đồ Andre làm Giám mục Patras và ngày 30.Tháng Mười Một năm 60. sau Chúa giáng sinh đã chết tử vì đạo ở đó.

Khi bị hành hình Tông Đồ Andre đã xin cho được đóng đinh vào thập gía chéo theo hình chữ X. Vì thế ngày nay hình Thánh nhân được vẽ khắc trình bày với cuốn sách Phúc âm Chúa Giesu trên tay với cây thập tự chéo hình chữ X bên cạnh.

Cây thập tự chéo hình chữ X đã trở thành một biểu tượng phổ thông thời danh trong văn hóa dân gian, và có tên là dấu thập tự Andre.

Di tích thân xác Thánh Tông đồ Andre năm 356 được đưa rước tôn kính ở thánh đường các Tông đồ thành Constantinopel, nay thuộc đất nước Thổ nhĩ Kỳ.

Nhưng thủ cấp của Thánh tông đồ Andre lại được đưa về Roma năm 1462, và năm 1964 dưới thời đức Thánh Giáo hòang Phaolô VI. thủ cấp thánh Andre trong tinh thần Đại kết được di chuyển trả về cho Giáo hội Chính Thống thành Patras, theo tương truyền nơi Thánh nhân bị đóng đinh vào thập gía chéo hình chữ X.

Một Chúa, một đức tin, nhưng lại có hai nhánh Giáo hội: Công Giáo và Chính Thống - tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo năm 1054.

Giáo Hội Công Giáo bên Roma với Thánh Tông đồ Phero, và Giáo hội Chính Thồng bên Hylạp thành Constantinopel tôn kính Thánh tông đồ Andre trọng thể đặc biệt. Vì thế, Hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống là Giáo hội anh em trong tương quan hai vị thủ lãnh là anh em ruột thịt với nhau, hai vị thủ lãnh cùng là tông đồ Chúa Giêsu, và hai Giáo hội cùng có một đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Thánh tông đồ Andre rất được tôn kính là quan thầy của Gíáo hội Chính Thống nước Nga. Quan thầy vùng Achajas bên Hy lạp, quan thầy của nước Rumania, nước Spanien.

Ngoài ra Thánh Tông đồ Andre cũng được nhận làm thánh quan thầy cùa các ngư phủ, của người buôn bán cá.

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo mừng kính lễ Thánh Tông đồ Andre vào ngày 30. Tháng Mười Một.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Huyền thoại Màu Xanh
Sơn Ca Linh
10:26 30/11/2018
HUYỀN THOẠI MÀU XANH (1)
“Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28)

Giữa mùa đông tuyết lạnh,
Cây, trụi lá khô cành,
Rừng, chết khô hoang vắng,
Có cây tùng vẫn xanh…

Ngày xưa theo chuyện kể,
Cây cối Chúa dựng nên,
Ngài muốn trao ân huệ,
Mỗi cây một ơn riêng !

Nhưng hồng ân muốn có,
Phải thức trọn một tuần,
Bảy đêm canh vạn vật,
Cây nào thắng nhận ơn.

Mới nghe “ồ chuyện nhỏ”,
Mấy bụi cỏ lao xao,
Đêm đầu tiên thức tỏ,
Chẳng chớp mắt giây nào.

Rồi hàng hàng lớp lớp,
Cố lắm được mấy đêm,
Càng về sau rơi rớt,
Tính còn được dăm tên.

Đêm cuối cùng thứ bảy,
Chỉ còn bách và tùng,
Thêm hương nam, trắc bá,
Đứng thẳng dáng oai phong !

Nên kể từ dạo ấy,
Thượng Đế đã ân ban,
Cho cây tùng, cây bách,
Giữ màu xanh miên man.

Nên mỗi mùa tuyết lạnh,
Muôn cây chết khô cành,
Chỉ riêng loài tùng bách,
Vẫn giữ mãi màu xanh !

Giữa cuộc đời lạnh giá,
Buồn, chết chóc, hôi tanh…,
Cần biết bao chứng tá,
Kiên vững giữ màu xanh !

Sơn Ca Linh
Mùa Vọng 2018

GHI CHÚ :
(1) Từ một câu chuyện trong tác phẩm "Giai thoại về những cái chuông" (The legend of the Bells) John Shea. Nguồn : https://giaophanphucuong.org/suy-niem-chua-nhat/hay-tinh-thuc-va-ngang-cao-dau---suy-niem-chua-nhat-i-mua-vong-c-13738.html