Ngày 27-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mùa Hy Vọng
Lm Nguyễn Trung Tây
00:03 27/11/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Mùa Hy Vọng


Mùa Vọng, mùa của trông ngóng đợi chờ nhắc nhở người Việt Nam sự tích Hòn Vọng Phu. Theo như câu truyện, người chồng lên đường chinh chiến phương xa, người vợ ở nhà trông ngóng đợi chờ. Cuối cùng nàng bế con leo lên núi, mắt dõi nhìn, tìm kiếm hình ảnh người chinh phu. Nhưng rất tiếc, chàng không về. Và nàng, trên tay bồng con thơ, hóa thành tượng đá Hòn Vọng Phu.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai?


Ngày xưa trên đỉnh núi cao, cô phụ đứng đó, ngóng trông đợi chờ, hy vọng nhìn thấy bóng dáng chinh phu. Ngày hôm nay, trong suốt bốn tuần lễ của Mùa Vọng, chúng ta làm Hòn Vọng Phu mong đợi hình dạng chinh phu Ngôi Lời Nhập Thể; chúng ta hy vọng chinh phu Ngôi Lời sẽ hiện thân trong hình dạng của một trẻ thơ nhập thể vào trong máng cỏ lòng của chúng ta. Bởi thế, Mùa Vọng cũng chính là Mùa Hy Vọng.

Hy vọng không phải là một danh từ trừu tượng xa lạ. Hy vọng là một danh từ của hiện tại nhưng chỉ về tương lai. Bởi hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, những nhọc nhằn và phiền muộn của ngày hôm nay được xoa dịu và trở nên bớt nhọc nhằn, bớt phiền muộn hơn.

Bởi hy vọng vào tương lai, cách sống của một người trong giây phút hiện tại có thể thay đổi. Bởi hy vọng vào một tương lai với nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn, thay vì say mê ngồi dán mắt vào màn ảnh TV hoặc ngớ ngẩn ngồi chatting hơn ba bốn tiếng đồng hồ, học sinh và sinh viên thức đêm học bài, thức khuya làm homework cho những điểm A. Bởi hy vọng con cái của mình sẽ có một mớ kiến thức vững chắc hơn để làm hành trang đi vào tương lai, có nhiều cặp vợ chồng Việt Nam hy sinh ngày nắng cũng như ngày mưa cày hai jobs để có nhiều tiền gửi con mình vào những trường trung học tư thục mắc tiền. Bởi thế, ngày thứ Bẩy tuyết đổ cao tới cửa sổ, họ cào tuyết, lái xe ra xa lộ vắng tanh đi làm; ngày Chúa Nhật mưa rào, họ đội dù ra bến xe bus đón xe đi làm luôn.

Trong phạm trù tôn giáo, khái niệm hy vọng có một vị thế cũng khá quan trọng trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Bởi hy vọng, người tín hữu có thể sẽ thay đổi lối sống đạo của chính mình. Một người lực sĩ chạy 100 mét của đại hội Thế Vận Hội Olympics, bởi hy vọng đoạt được huy chương vàng vô địch quốc tế, người lực sĩ sáng chiều luyện tập đôi chân, đêm ngày chạy bộ trong vận động trường. Người thương gia buôn ngọc trong Mátthêu 13:44-46, sau khi khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình sở hữu để chiếm cho bằng được viên ngọc quý giá. Ngược lại, người nhà giầu trong Luca 16:19-31 không có niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau. Bởi thế ông ta tiếp tục lối sống ích kỷ, tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước người hàng xóm ghẻ lở đầy mình đang nằm lăn lóc trước cửa nhà. Một cách tương tự, nếu không phải vì sợ mất cõi Thiên Đàng, nhưng mà là hy vọng đoạt được huy chương vàng của Đại Hội Olympics trên Nước Trời, cung cách sống đạo của người Kitô hữu cũng sẽ hoàn toàn đổi khác.
Có những người Kitô hữu giữ đạo trong tâm tình sợ hãi. Họ sợ Thiên Chúa phạt rớt xuống hỏa ngục. Họ sợ chết mất linh hồn. Họ sợ mai này chết đi, giơ tay ra gõ cửa thiên đàng, thánh Phêrô đứng bên trong ngoảnh mặt làm ngơ. Trong tâm tình sợ phải ngồi đếm và bóc lịch đời đời kiếp kiếp a-men ở trong cõi khóc lóc và nghiến răng ken két, họ nhọc nhằn đi xem lễ ngày Chúa Nhật, họ cố gắng nhịn miệng kiêng thịt vào ngày thứ Sáu mùa Chay, xưng tội trong Mùa Vọng. Tất cả những điều vừa liệt kê ở trên đây đều đúng, không có gì sai trái. Nhưng thật sự ra họ làm những điều này là bởi vì sợ, sợ chết rớt xuống hỏa ngục! Và nếu đúng là bạn và tôi sợ bị phạt rớt xuống hỏa ngục, chúng ta đang giữ đạo chứ chúng ta không sống đạo.

Một người chỉ giữ luật, nếu biết rằng không có ai đang theo dõi hành động của mình, người này sẽ xé rào phá luật. Trong khi đang lái xe, nếu không thấy bóng dáng của cảnh sát tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ, người giữ luật sẽ sẵn sàng vượt đèn đỏ. Ngược lại, một người sống với luật, họ sẽ có thái độ tích cực hơn trong khi đang lái xe. Dù có hay không có bóng dáng của cảnh sát, họ vẫn tuân giữ điều luật căn bản của đèn xanh đèn đỏ, của vận tốc tối đa trên freeway, bởi vì họ tôn trọng luật pháp. Đèn đỏ bật sáng, họ ngừng lại ngay, bởi vì họ quan tâm đến an toàn xã hội và sinh mạng con người. Họ biết, nếu vượt đèn đỏ, họ có thể gây ra tai nạn, cản trở giao thông, và giết hại nhiều người.

Tương tự như vậy, nếu sống đạo, chúng ta sẽ tích cực hơn trong đời sống đức tin. Khi sống đạo, chúng ta đi lễ Chúa Nhật vì yêu Chúa, vì muốn được tạ ơn Ngài cho một tuần lễ vừa trôi qua trong thanh bình và trong hạnh phúc. Và ngay cả nếu một tuần vừa qua là một tuần lễ khá nhọc nhằn với nhiều thất bại với nhiều nước mắt nhỏ giọt tuôn rơi, chúng ta vẫn tạ ơn Chúa cho những nhọc nhằn và thất bại này, bởi vì chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa quyền năng. Khi sống đạo, chúng ta cẩn thận chọn lựa lời ăn tiếng nói và phương cách hành xử với tha nhân, bởi vì chúng ta hy vọng rằng mình sẽ không bao giờ hóa thành con dê, nhưng mà là con chiên của dụ ngôn Ngày Phán Xét (Matt 25:31-46). Để rồi, đến ngày cuối đời, chúng ta hy vọng sẽ được đứng bên tay phải của Thiên Chúa, là phía của những con chiên.

Ngược lại, nếu chỉ giữ đạo vì sợ rớt xuống hỏa ngục, nếu không có người để ý theo dõi, chúng ta sẽ sẵn sàng nhổ rào đi hoang ngay. Cho nên hy vọng vào đời sống Thiên Đàng là một phương cách sống đạo mà chúng ta có thể bắt đầu thực hành trong tâm tình của hy vọng chinh phu Ngôi Lời nhập thể. Bởi chúng ta hy vọng vào nước Thiên Đàng, chúng ta sẽ làm tất cả mọi thứ, bằng mọi giá để chiếm lấy được huy chương vàng 24 carat của Nước Trời, tương tự như người lực sĩ chạy 100 mét của Thế Vận Hội Olympics hoặc người thương gia buôn ngọc. Người lực sĩ Olympics và người thương gia buôn ngọc trong câu chuyện dụ ngôn đã từng hy vọng chiếm được huy chương vàng và viên ngọc quý. Và bởi niềm hy vọng này, cả hai quyết định không ngồi hoặc nằm đợi chờ sung rụng; nhưng cả hai làm tất cả mọi thứ để biến giấc mơ của họ trở thành sự thật.

Ngày xưa người thiếu phụ bế con đứng trên đỉnh núi dõi mắt tìm kiếm, hy vọng người chinh phu quay về. Nhưng chàng không về, để người thiếu phụ và người con mỏi mòn chết đi hóa thành tượng đá. Ngày hôm nay chúng ta đang ở trong bốn tuần lễ của trông ngóng, đợi chờ chinh phu Ngôi Hai sẽ hiện thân làm người và định cư trong máng cỏ lòng của tâm hồn chúng ta. Không như người chinh phu của Hòn Vọng Phu, chinh phu Ngôi Lời chắc chắn sẽ quay về. Điều quan trọng là chúng ta đã chuẩn bị máng cỏ lòng để người chinh phu ngự vào hay chưa? Một trong những cách chúng ta có thể dọn máng cỏ lòng cho chinh phu Ngôi Lời là hãy thôi GIỮ đạo, nhưng SỐNG đạo.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, xin dạy chúng con hy vọng vào giây phút diện kiến Hoàng tử Bình An ngự đến trong máng cỏ lòng của từng tâm hồn.□
(Trích Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)
 
Mùa Vọng lòng mong Chúa đến
Lm Nguyễn Xuân Trường
01:53 27/11/2022
MÙA VỌNG LÒNG MONG CHÚA ĐẾN

Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Khách đến nhà ta cần chuẩn bị, khách càng quý càng chuẩn bị kỹ để đón tiếp khách. Thế nên, Chúa như vị thượng khách đến ngôi nhà thế giới, chúng ta càng cần chuẩn bị dọn dẹp tâm hồn và cuộc sống cho sạch đẹp để đón Chúa. Lời Chúa tuần đầu tiên của Năm Phụng Vụ lưu ý chuẩn bị và dọn dẹp mấy chữ “C” như sau:

1. 3C cần dọn dẹp

Trong bài đọc 2 thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta sống công chính đàng hoàng bằng cách dọn sạch 3C về những đam mê nết xấu:

- Chè chén say sưa

- Chơi bời dâm đãng

- Cãi cọ ghen tương

2. 3C cần chuẩn bị

Lời Chúa trong Phúc Âm và bài đọc 1 hô hào sống hiệp thông với Chúa và với nhau bằng cách chuẩn bị 3C về hiệp thông:

- Canh thức: Luôn chuẩn bị sẵn sàng vì Chúa đến rất bất ngờ.

- Cầu nguyện: Như dân Chúa lũ lượt đưa nhau tới, dập dìu kéo nhau đi lên đền thánh Chúa, cùng nhau cầu nguyện để Ngài chỉ dạy và ta bước theo đường lối của Chúa.

- Chung sống: Sống tình hiệp thông anh em yêu thương nhau, con người không còn chém giết chết chóc, nhưng biến gươm đao thành cày cuốc, biến vũ khí thành dụng cụ sản xuất mang lại ấm no hòa bình.

Mùa Vọng cũng là mùa hy vọng. Loài người hy vọng vào Chúa đến đem ơn Trời, ơn cứu độ, ơn bình an. Đồng thời, Chúa cũng đặt niềm hy vọng vào loài người sống xứng đáng là những người con ngoan của Chúa và là anh em tốt của nhau. Muốn được như vậy thì “hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” để Chúa có thể nói với mỗi người: Con là niềm hy vọng của Ta. Amen.
 
Mỗi bây giờ là một phần của bức tranh lớn hơn
Lm Minh Anh
02:01 27/11/2022

MỖI “BÂY GIỜ” LÀ MỘT PHẦN CỦA BỨC TRANH LỚN HƠN
“Các con hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến!”.

Richard L. Baxter viết, “Từ thung lũng này sang thung lũng khác trên các đỉnh đồi, từ ánh nắng đến sương mù như bóng tối nhất của đêm; tôi đi theo Chúa trên con đường quanh co của cuộc đời, và bước đi bằng niềm tin nhiều hơn bằng thị giác. Sống với Ngài từng giây phút, năm tháng đời tôi dù ít hay nhiều, sẽ sớm qua đi như mộng trong đêm; sau đó, tôi sẽ bước qua cánh cổng vào buổi sáng vĩnh cửu, chào đón Ngài trong vinh quang. Cuộc sống tôi chỉ là một tập hợp của những “bây giờ!”, ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn!’”. Thật thú vị, ý tưởng dạo đức không ít lãng mạn của Baxter được gặp lại trong Tin Mừng Chúa Nhật khởi đầu Mùa Vọng hôm nay. Lời Chúa như một tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta; rằng, Chúa sẽ bất ngờ đến với mỗi người, nhưng với những ai gần Chúa, lắng nghe Ngài, thì cả những sự kiện bất ngờ nhất cũng có thể được đón nhận một cách thanh thản. Bởi lẽ, với họ, ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn!’.

Trước trận Đại Hồng Thuỷ, Thiên Chúa thấy tình trạng hư đốn tràn lan trên địa cầu và Ngài quyết định quét sạch nó. Tuy nhiên, riêng Noe và gia đình ông, nhờ đã sống trong ơn nghĩa Chúa, ông nhận được cảnh báo từ Ngài. Vâng lời Ngài, Noe chuẩn bị cho mình một chiếc tàu; một dự án khiến cư dân sa mạc lân cận không hiểu nổi. Trời đổ mưa, nước tràn về; lũ ngập mọi miền khiến ai nấy bất ngờ; chỉ gia đình Noe thì không. Tai hoạ đến với thế giới cũng như thế! Điều bất ngờ có thể đưa chúng ta đến bất ngờ; nhưng với những ai sống trong ân sủng, thì ngay cả những sự kiện bất ngờ nhất cũng không bất ngờ chút nào, vì với họ, mỗi giây phút hiện tại đã thuộc trọn về Chúa; họ thanh thản, bởi lẽ, ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn!’. Tôi có thể nói như vậy về các sự kiện trong cuộc đời mình không? Tôi có thực sự tin cậy nơi sự quan phòng của Thiên Chúa từng ngày một với những “bây giờ” tốt lành không?

Cái chết có thể đến như kẻ trộm trong đêm; thần chết có thể cướp đi bất cứ ai trong chúng ta chỉ trong nháy mắt. Chúa Giêsu nói với thính giả của Ngài rằng, Ngài đến thế gian “để họ được sống và sống dồi dào”; nhưng Ngài chưa bao giờ nói cuộc sống của chúng ta sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, suy nghĩ này không nên làm chúng ta chán nản; thay vào đó, nhắc nhở chúng ta phải luôn đề phòng. Không có thời điểm nào tốt bằng thời điểm hiện tại để hoán cải và hướng cuộc sống chúng ta vào Chúa. Nhiều linh hồn đã nghĩ, sẽ không cần trở về “cho đến ngày mai”, một ngày ‘không bao giờ đến’. Chúa muốn chúng ta sống tốt hiện tại, làm điều tốt trong hiện tại và ngay bây giờ. Cuộc sống của chúng ta chỉ là một tập hợp của những “bây giờ”; ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn’, tựa hồ một bức tranh khảm. Tôi đang sống hiện tại của mình thế nào? Tôi có đang đợi “cho đến ngày mai” để thay đổi cách sống của mình không? Tôi có hiểu sự chậm trễ có thể rủi ro như thế nào không?

Anh Chị em,

“Chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến!”. Chúa đến bất ngờ; vì thế, bạn và tôi đừng để mình bất ngờ! Chúa Giêsu biết cái chết đang chờ đợi mỗi người và chúng ta có xu hướng muốn bỏ qua thực tế đó. “Huýt sáo đi qua nghĩa địa”, một thành ngữ mang ý nghĩa ‘phớt tỉnh’, là một thái độ không hiếm ở những người sống như thể cuộc đời họ là vô tận. Nhưng than ôi, tất cả chúng ta đều là những người hành hương đi qua thế giới này trên đường đến cõi vĩnh hằng. Cách tốt nhất để sống mỗi ngày là hãy sống nó như thể đó là ngày cuối cùng. Điều đó có nghĩa là phải có một đời sống cầu nguyện nghiêm túc, ngày mỗi ngày sống thiết thân với Chúa hơn và hành động với tinh thần bác ái sâu sắc. Nếu biết hôm nay là ngày cuối cùng của mình, chúng ta sẽ sống thế nào? Tôi sẽ sống tốt nhất với Chúa ngay “bây giờ”; vì ‘mỗi “bây giờ” là một phần của bức tranh lớn hơn’. Bấy giờ, sự chết không còn là một bức tường để tôi và mọi thứ đâm vào, nhưng là một cây cầu dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con sẽ không bất ngờ với phút cuối đời con; cho con sống những “bây giờ” của con như những nét đẹp chi tiết của một bức tranh tổng thể, bức tranh đời đời!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 28/11: Đức Tin Đích Thực – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:22 27/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 27/11/2022

9. Tôi nguyện vì tình yêu mà chịu khổ, cũng nguyện vì tình yêu mà hưởng phúc.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:10 27/11/2022
1- HÀO NHOÁNG BÊN NGOÀI

Tề cảnh công nói với Yến Tử:

- “Ở bên Đông hải có dòng thủy lưu màu đồng cổ. Trong thuỷ vực màu đỏ nầy có một cây táo ra hoa mà không kết trái, nguyên nhân là gì?”

Yến Tử trả lời:

- “Trước đây Tần Mục công ngồi thuyền rồng đi thị sát trong nước, dùng vải màu vàng buộc táo lại, thuyền rồng lênh đênh đến Đông hải. Tần Mục công vứt đi màu vàng buộc táo, khiến cho màu vàng nhuộm đỏ nước biển, cho nên nước biển hiện ra màu đồng cổ. Hơn nữa táo bị buộc lại cho nên sau khi trồng lại chỉ ra hoa mà không ra trái”.

Cảnh công không bằng lòng nói:

- “Ta chỉ giả vờ hỏi ngươi, tại sao ngươi lai dối trá với ta?”

Yến tử nói:

- “Tôi nghe nói: đối với những người giả vờ hỏi, thì cũng có thể dùng những lời giả dối để trả lời họ.”

(Yến tử xuân thu)

Suy tư 1:

Trong những cuộc thi hoa hậu (tại Việt Nam), ban giám khảo thường hỏi người đẹp thí sinh như sau: “Trong cuộc sống cô thích gì nhất và ghét gì nhất?”. Và thường được nghe câu trả lời: “ Thích sự thành thật và ghét nhất sự giả dối.”

Thành thật là đức tính cần thiết cho mỗi người, trong cộng đoàn, nếu có một thành viên không sống thành thật với chinh mình cũng như lừa dối anh em chị em, thì cộng đoàn ấy trở thành một nhà tù, giam hãm những tâm hồn thiện chí. Đức Chúa Giê-su cũng đã khuyên bảo chúng ta: “Nhưng hễ “có” thì nói “có”, “không” thì phải nói “không”, thêm thắt điều gì là ác quỷ” (Mt 5,37).

Người đời thường cư xử với nhau như Yến tử đã nói, ai không thành thật với người khác, thì người khác cũng không nên thành thật với họ. Bởi vì ai cũng đối xử với nhau như thế, nên thế giới chưa có hòa bình, gia đình vẫn chưa có hạnh phúc, và bản thân thì vẫn luôn tìm mưu mô, mánh lới để hại mình và hại người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chiều kích vô cùng
Lm. Minh Anh
21:55 27/11/2022
CHIỀU KÍCH VÔ CÙNG

“Các dân nước sẽ đổ về đó!”.

Trong “The Fight”, “Cuộc Chiến”, John White viết, “Một nhân chứng tốt, khác với một người bán hàng; người ta nhấn mạnh vào ‘một người làm chứng’ hơn là một sản phẩm! Người ấy như bảng chỉ đường; không quan trọng họ già, trẻ, đẹp, xấu; chỉ cần chỉ đúng hướng và dễ hiểu. Là nhân chứng Kitô, chúng ta phải sống làm sao để chỉ được ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mùa Vọng, mùa gẫm suy ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Thiên Chúa cứu độ! Bàn tiệc Lời Chúa Mùa Vọng sẽ cống hiến cho chúng ta những món ăn tuyệt vời từ các bài đọc Cựu Ước, đặc biệt với ngôn sứ Isaia. Chẳng hạn hôm nay, Isaia mời chúng ta chiêm ngắm ‘Chồi Lộc Đavít’, Đấng sẽ sinh làm người nơi Bêlem tối tăm; rồi đây, sẽ trở thành Ánh Sáng Muôn Dân!

Isaia nói đến “Núi nhà Chúa được xây trên đỉnh các núi; núi ấy sẽ cao hơn các đồi, muôn dân nước sẽ đổ về đó”. Ở Cận Đông cổ đại, núi được coi là nơi cư ngụ của thần linh. Isaia ngước nhìn núi nhà Chúa ở Giêrusalem, nơi ông nhìn thấy các dân tộc tuôn về để kính tôn Ngài. Mùa Vọng, mùa ngước nhìn Đền Thờ Giêsu, đền của giao ước mới; Đấng đã sống lại vinh quang “cao hơn những ngọn núi, vượt trên mọi ngọn đồi”. Nơi Ngài, các dân tộc với con số muôn vàn sẽ đổ về. Trong những ngày đầu của Kitô giáo, nào ai có thể nghĩ rằng, một ngày nào đó, mối hiệp thông của nó sẽ lên tới con số ‘tỷ’, một con số không có trong bất kỳ từ vựng nào vào thời đó!

Cũng từ Giêrusalem, rồi đây, với các môn đệ Giêsu, Tin Mừng Đức Kitô sẽ loan truyền đến mọi hang cùng ngõ hẻm, bất chấp mọi biên giới, vượt quá mọi lãnh thổ, đạt đến một ‘chiều kích vô cùng’, kể cả các tâm hồn và muôn vạn con tim. Thật lạ lùng, Giêrusalem không còn là trung tâm thờ tự; vì ở đâu có các Kitô hữu, ở đó có Đền Thờ và sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Thông điệp được rao truyền là thông điệp hoà bình và yêu thương, “Họ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”; một thông điệp không chỉ để rao giảng nhưng cần được sống! Vậy mà, để có thể loan truyền sứ điệp đó, chúng ta cần được lấp đầy bởi Giêsu; và rồi, cùng Ngài ra đi, đến với các tâm hồn, nói với họ như Isaia đã nói, “Hãy đến, hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa”; và cùng họ cất lên, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca!

Thật trùng hợp, Tin Mừng hôm nay nói đến sự lấp đầy đó. Chúa Giêsu không cần lấp đầy nhà viên đại đội trưởng khi ông mời Ngài đến chữa cho đầy tớ ông, nhưng Ngài cần lấp đầy lòng ông. Và quả như vậy! Trước niềm tin của viên sĩ quan ngoại giáo, Chúa Giêsu sững sờ, “Tôi không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Tôi cũng nói cho các ông biết, nhiều người từ phương Đông và phương Tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời”. Bữa tiệc Chúa Giêsu nói đến là bữa tiệc trong Vương Quốc Chúa Cha, bữa tiệc mà thực khách đến từ phương Đông, phương Tây rõ ràng tiên báo ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!

Anh Chị em,

“Các dân nước sẽ đổ về đó!”. Các dân nước cần những bảng chỉ đường, vốn “cần chỉ đúng hướng và dễ hiểu!”. Mùa Vọng, mùa chúng ta coi lại ơn gọi Kitô của mình, những bảng chỉ đường cho những người khác hướng về Đền Thờ Giêsu; Mùa Vọng, mùa nhìn lại sự hiện diện của Chúa Giêsu trong trái tim mình; và Mùa Vọng, còn là mùa mời Chúa Giêsu vào nhà, nếu Ngài chưa ở đó. Hãy nhìn vào viên đại đội trưởng! Bằng cách tự coi mình không xứng đáng, ông vô tình tỏ ra rất xứng đáng để Chúa Giêsu không chỉ vào nhà ông mà còn vào lòng ông; vì vào nhà mà chẳng vào lòng cũng bằng không. Ngài đã từng vào nhà một biệt phái kiêu hãnh, Simôn, nhưng chẳng có chỗ trong lòng ông. Như vậy, ngay khi có Ngài trong nhà, nếu không có chỗ cho Ngài trong lòng, Ngài cũng chẳng có lấy “một chỗ gối đầu!”. Nhưng, một khi đã đầy Ngài, chúng ta đi đến mọi nơi, gặp mọi người, biến Nước Trời thành hiện thực, một hiện thực mang một ‘chiều kích vô cùng’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con trở nên một chứng nhân chỉ đường, luôn chỉ “đúng hướng và dễ hiểu”. Nhìn vào con, làm sao mọi người có thể thấy ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyện phải đến, đã đến: Vatican phản đối Trung Quốc bội ước trong thỏa thuận bổ nhiệm Giám Mục
Đặng Tự Do
03:54 27/11/2022
Vào ngày 22 tháng 10 năm nay, lễ Thánh Gioan Phaolô II, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc Đại hội Đảng lần thứ 20, Vatican xác nhận đã gia hạn lần thứ hai thỏa thuận về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục. Một tháng sau đó, Tòa Thánh đã phản đối Trung Quốc bội ước, chà đạp thỏa thuận này. Những người đã từng bất hạnh phải sống với cộng sản và có chút trí khôn bình thường đều không ngạc nhiên trước diễn biến này.

Tờ Crux có bài tường trình nhan đề “In rare public protest, Vatican calls out China over bishop’s appointment”, nghĩa là “Trong một cuộc phản đối công khai hiếm hoi, Vatican lên án Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

ROME – Lần đầu tiên kể từ khi ký kết một thỏa thuận gây tranh cãi với Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục cách đây bốn năm, Vatican hôm thứ Bảy đã lên án Bắc Kinh vi phạm các điều khoản của thỏa thuận bằng cách bổ nhiệm một giám mục vào một giáo phận không được Rôma công nhận.

Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照), được Đức Thánh Cha Phanxicô bí mật bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Dư Giang (Yujiang, 余江) vào năm 2014, bốn năm trước khi Vatican ký thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Là một giám mục “hầm trú”, Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu đã bị bắt và giam giữ bởi chính quyền Trung Quốc trong sáu tháng. Cuối cùng ngài được thả, nhưng chức vụ của ngài bị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 11, ngài đã tham gia các tổ chức Công Giáo Trung Quốc được nhà nước công nhận trong một buổi lễ đánh dấu việc ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận Giang Tây, một giáo phận ma được chính quyền Trung Quốc dựng nên nhưng không được Rôma công nhận.

Theo AsiaNews, khoảng 200 người đã tham dự buổi lễ, được tổ chức tại Nam Xương và được chủ trì bởi giám mục địa phương, Gioan Baotixita Lý Tô Quang (Li Suguang, 李稣光). Ông Quang là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc, là tổ chức không được Tòa Thánh công nhận.

Trong một tuyên bố ngày 26 tháng 11, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh “ngạc nhiên và lấy làm tiếc” khi biết về việc Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu được bổ nhiệm về giáo phận Giang tây, và nói rằng giáo phận Giang Tây của Trung Quốc “không được Tòa thánh công nhận”.

“Sự kiện này đã không diễn ra theo tinh thần đối thoại hiện có giữa phía Vatican và phía Trung Quốc và với những gì đã được quy định trong Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục, ngày 22 tháng 9 năm 2018,” tuyên bố cho biết.

Vatican cho biết họ cũng đã nhận được thông tin nói rằng việc bổ nhiệm về phía dân sự của Đức Cha Bành đã xảy ra trước “áp lực nặng nề và lâu dài từ chính quyền địa phương”.

“Tòa thánh hy vọng rằng các tình tiết tương tự sẽ không lặp lại, và đang chờ các thông tin liên lạc thích hợp về vấn đề này từ các cơ quan chức năng và tái khẳng định hoàn toàn sẵn sàng tiếp tục đối thoại trong tinh thần tôn trọng liên quan đến tất cả các vấn đề cùng quan tâm”

Đức Cha Bành, 56 tuổi, học tại Chủng viện Quốc gia ở Bắc Kinh và được thụ phong linh mục năm 1989, kế vị Đức Cha Tôma Tăng Cảnh Mục (Zeng Jingmu, 曾景牧) làm giám mục Dư Giang sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào năm 2014.

Đức Cha Tôma Tăng Cảnh Mục, cũng là một giám mục “hầm trú”, đã bị bắt và ở tù 23 năm. Ngài mất năm 2016 ở tuổi 93.

Sau các cuộc đàm phán vào năm 2018, thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh chưa bao giờ được công khai, tuy nhiên, như một phần của thỏa thuận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý dỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với bảy giám mục được tấn phong mà không có sự cho phép của Vatican và người ta tin rằng Đức Thánh Cha có thể đưa ra quyết định cuối cùng từ một danh sách các ứng viên Giám Mục do nhà cầm quyền Trung Quốc đề xuất.

Trong bốn năm qua, thỏa thuận, được gia hạn lần thứ hai vào tháng 10 vừa qua, đã bị tranh cãi và chỉ trích nặng nề bởi các giáo sĩ nổi tiếng như Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, là người hôm thứ Sáu đã bị tòa án Hương Cảng kết án theo một pháp lệnh an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt vì ngài ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố.

Vatican vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về bản án Trung Quốc dành cho Đức Hồng Y Quân.

Báo cáo của tờ Crux tới đây là hết. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng đây không phải là những vi phạm thỏa thuận đầu tiên về phía Trung Quốc.

Năm 2020 và 2021, Giám mục Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tianhao, 陈天皓) và Giám mục Phanxicô Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪) đã nhậm chức trong các giáo phận tương ứng của họ, với sự sắp xếp và công bố của chính quyền Trung Quốc, mà không có bất cứ thông báo nào rằng họ đã được lựa chọn và phê duyệt bởi Tòa thánh, và các cuộc bổ nhiệm họ không xuất hiện trong bản tin hàng ngày về các cuộc bổ nhiệm do văn phòng báo chí Vatican phát hành.

Thay vào đó, trong cả hai trường hợp, Vatican đã chỉ xác nhận các cuộc bổ nhiệm vài ngày sau đó, sau khi giới truyền thông lên tiếng hỏi, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai trường hợp đều đã có thông báo và sự chấp thuận trước.

Vào thời điểm đó, các viên chức cao cấp của Vatican gần gũi với diễn trình đã nói khác với trình thuật chính thức về vụ việc.

Một người nói với The Pillar rằng “Rôma không thông báo các cuộc bổ nhiệm vì không ai biết” chúng sắp diễn ra.
Source:Crux
 
Đức Thánh Cha cho cuộc xâm lăng của Nga là một cuộc chiến vô lý, điên rồ và tự hỏi: Làm sao con người có thể đối xử với con người như vậy?
Thanh Quảng sdb
16:22 27/11/2022
Đức Thánh Cha cho cuộc xâm lăng của Nga là một "cuộc chiến vô lý, điên rồ" và tự hỏi: "Làm sao con người có thể đối xử với con người như vậy?"

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết cho dân chúng Ukraine một lá thư hôm thứ Năm, bày tỏ nỗi đau buồn của ngài đối trước những đau khổ mà người dân Ukriane đang phải gánh chịu và khuyến khích họ hãy đặt những thử thách đau thương này trong ánh sáng của mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể trong dịp Lễ Giáng sinh sắp tới.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong thư đề ngày 24 tháng 11, đúng 9 tháng sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine rằng: “Còn vài tuần nữa là lễ Giáng sinh, và tiếng khóc nghẹn ngào đau khổ càng ngày càng thống thiết hơn,” “Và cha muốn cùng các bạn trở lại Bethlehem, đến với những thử thách mà Thánh Gia đã phải đối diện trong đêm lạnh lẽo và tăm tối đó. Nhưng ánh sáng đã chiếu sáng: Ánh sáng đó không phải từ con người, mà từ Thiên Chúa; không phải từ trái đất, mà từ trời cao...

Bức thư đã được công bố trên trang mạng Vatican bằng tiếng Ý và tiếng Ukraina - đây là lần đầu tiên trang thông tin của Vatican công bố bản dịch bức thư của Đức Thánh Cha sang tiếng Ukraina. Bản dịch của Vatican sang tiếng Anh chưa được phát hành vào thời điểm xuất bản.

Chuỗi kinh hoàng

Đức Thánh Cha mô tả một loạt kinh hoàng đã xảy ra ở Ukraine trong 9 tháng kể từ khi Tổng thống Nga là Vladimir Putin phát động cái mà ông cho là “chiến dịch quân sự đặc biệt” – tra tấn, phá hủy các tòa nhà, hãm hiếp, trẻ em bị chết và sự di tản ồ ạt của dân chúng! Nhiều người đã bị cưỡng bức đến Nga. Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng “đây là một cuộc chiến phi lý, điên rồ đã bùng phát trên đất nước Ukraine.”

“Thật vậy, thập giá mà Chúa chết nhục hình lại một lần nữa được thể hiện qua những cực hình khủng khiếp mà chúng ta thấy trên xác chết, trong các ngôi mộ tập thể được phát hiện ở các thành phố khác nhau, những bức tranh đẫm máu và khủng khiếp này khiến chúng ta phải thốt lên: Tại sao lại như vậy? Làm thế nào con người có thể đối xử với con người như thế?

ĐTC nói: Trong số những em bé bị giết hoặc bị thương, mồ côi hoặc bị trục xuất sang Nga, chúng ta nhìn ra “trong mỗi em là cả một nhân loại đang bị dầm bập!...”

Đức Thánh Cha ca ngợi người dân Ukraine đã không bỏ cuộc


“Thế giới đã khám phá ra các bạn là một dân tộc dũng cảm và mạnh mẽ, dù khổ đau trăm bề mà các bạn vẫn kiên tâm cầu nguyện, quyết chiến đấu trong hy vọng – thật các bạn là một dân tộc cao thượng và chịu đựng.”

ĐTC viết “Tôi luôn gần gũi với các bạn với cả tấm lòng và tâm tình cầu nguyện, và với lòng quan tâm của con người, đồng hành với các bạn trong tang thương của cuộc chiến, để các bạn không cô đơn một mình hôm nay, và đặc biệt ngày mai, trước tất cả những đau khổ không quên được của các bạn.”

ĐTC kết thúc bức thư bằng một lời cầu nguyện: “Cầu xin Mẹ của Chúa cũng là Mẹ của chúng ta, chở che các bạn. Trong tình liên đới với các giám mục trên toàn thế giới, tôi đã tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria toàn thể Giáo Hội và nhân loại, đặc biệt đất nước của các bạn và nước Nga. Xin dâng lên Trái Tim Mẹ tất cả những đau khổ và nước mắt của các bạn và gia đình các bạn. Nguyện xin Hài Nhi Cứu Độ mà Mẹ đang 'cưu mang, chính là Vì Thiên Chúa mà Mẹ mang đến cho thế giới chúng ta', chúng ta đừng thất vọng nài xin món quà hòa bình mà chúng ta hằng khao khát và tin tưởng vì 'không có gì mà Thiên Chúa không làm được' (Lu-ca 1:37). Cầu xin Chúa khấn ban những hy vọng chờ mong rất chính đáng của các bạn, mà chữa lành những thương tích của các bạn và ban cho bạn sự bình an cho các bạn.”

Sự gần gũi của người cha

Cảm kích trước bức thư nhân ái của ĐTC, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu và là Chủ tịch của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, đã phát biểu đây là một bức thư “chưa từng có” và Ngài cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì “tấm lòng ưu ái gần gũi như người cha của Ngài đối với người dân Ukraine”.

“Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha ngày 7 tháng 11 tại Vatican, tôi đã chia sẻ với ĐTC về nỗi đau và sự thống khổ của người dân Ukraine, phơi bày những hậu quả khủng khiếp do tội ác của binh lính Nga đối với thường dân, chia sẻ những thảm họa nhân đạo và xin ĐTC cầu nguyện và lưu tâm đến những đau khổ triền miên của đất nước chúng tôi”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, người đã biết Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài giúp cộng đồng Công Giáo Ukraine ở Argentina trong những năm 2009 đến năm 2011, cho nên lá thư của Đức Thánh Cha này thật là “quan trọng, bởi vì các nhà lãnh đạo của nhà nước xâm lược đã từ chối quyền tồn tại của chúng tôi, bản sắc, văn hóa, ngôn ngữ, và Giáo hội của chúng tôi. Và Đức Thánh Cha Phanxicô nói thẳng với quốc gia này, phải công nhận chủ quyền của nhà nước lân cận.”

Khởi đi từ mùa hè năm ngoái, trong một động thái của một cuộc xâm lược, mà Putin đã công bố một tài liệu 5.000 trang cho rằng Nga và Ukraine về cơ bản là một quốc gia. Ngay cả bây giờ, những tiếng nói nổi bật ở Nga cũng đang đưa ra những lập luận tương tự.

Trong “Bài phát biểu của Putin tại Câu lạc bộ Valdai vào ngày 27 tháng 10 một lần nữa ông ta đã bác bỏ chủ quyền của Ukraine, cho rằng Ukraine là một thành phần của nước Nga".
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng 11
J.B. Đặng Minh An dịch
20:48 27/11/2022


Chúa Nhật 27 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:

“Thời ông Nô ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em, cầu chúc một Chúa Nhật hồng phúc!

Trong Tin Mừng của Phụng Vụ hôm nay, chúng ta nghe một lời hứa tuyệt vời đưa chúng ta đến Mùa Vọng: “Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24:42). Đây là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta, đó là điều hỗ trợ chúng ta ngay cả trong những thời khắc khó khăn và đau khổ nhất của cuộc đời chúng ta: Thiên Chúa đang đến, Thiên Chúa đang ở gần và đang đến. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này! Chúa luôn đến, Chúa viếng thăm chúng ta, Chúa trở nên gần gũi và sẽ trở lại vào ngày tận thế để đón nhận chúng ta trong vòng tay của Người. Trước lời này, chúng ta tự hỏi: Chúa sẽ đến như thế nào? Và làm thế nào chúng ta sẽ nhận ra Ngài và chào đón Ngài? Chúng ta hãy nói ngắn gọn về hai câu hỏi này.

Câu hỏi thứ nhất: Chúa sẽ đến như thế nào? Chúng ta thường nghe nói rằng Chúa hiện diện trên con đường của chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta và nói với chúng ta. Nhưng có lẽ, do chúng ta bị phân tâm bởi nhiều thứ, sự thật này vẫn chỉ là lý thuyết đối với chúng ta; vâng, chúng ta biết Chúa đang đến nhưng chúng ta không sống theo sự thật này, hoặc chúng ta tưởng tượng Chúa sẽ đến một cách ngoạn mục, có thể qua một dấu lạ nào đó. Và thay vào đó, Chúa Giêsu nói rằng ngài sẽ đến như trong “thời Nô-ê” (xem câu 37). Và họ đã làm gì trong thời Nô-ê? Đơn giản, là những việc bình thường, hàng ngày của cuộc sống, bao giờ cũng thế: “ăn uống, cưới gả” (c. 38). Chúng ta hãy ghi nhớ điều này: Thiên Chúa ẩn mình trong cuộc đời chúng ta, Ngài luôn ở đó – Ngài ẩn mình trong những tình huống lặng lẽ và tầm thường nhất trong cuộc đời chúng ta. Ngài không đến trong những sự kiện phi thường, nhưng trong những điều hàng ngày; Ngài thể hiện mình trong những điều hàng ngày. Ngài ở đó, trong công việc hàng ngày của chúng ta, trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, khi đối mặt với một ai đó đang cần giúp đỡ, ngay cả khi chúng ta đối mặt với những ngày dường như xám xịt và đơn điệu, chính ở đó chúng ta tìm thấy Chúa, Đấng mời gọi chúng ta, nói với chúng ta, và truyền cảm hứng cho hành động của chúng ta.

Tuy nhiên, có một câu hỏi thứ hai: làm thế nào chúng ta có thể nhận ra và chào đón Chúa? Chúng ta phải tỉnh thức, và cảnh giác. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: có nguy cơ là không nhận ra việc Người đến và không chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Người. Trong những dịp khác, tôi đã nhắc lại điều Thánh Augustinô đã nói: “Tôi sợ Chúa đi ngang qua” (Sermons, 88, 14.13), nghĩa là tôi sợ Ngài đi ngang qua và tôi không nhận ra Ngài! Thật vậy, Chúa Giêsu nói rằng những người đó vào thời Nô-ê đã ăn và uống “và họ không biết cho đến khi nước lụt đến và cuốn trôi tất cả họ” (c. 39). Hãy chú ý đến điều này: họ đã không nhận ra bất cứ điều gì! Họ mải mê với những việc riêng của mình và không biết rằng trận lụt sắp ập đến. Thật vậy, Chúa Giêsu nói rằng khi ngài đến, “sẽ có hai người ở ngoài đồng; một người được đem đi và một người bị bỏ lại” (c. 40). Theo nghĩa nào? Sự khác biệt là gì? Đơn giản là một người tỉnh thức, chờ đợi, có khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày, trong khi người kia lơ đãng, “phân tâm”, không nhận thấy gì.

Anh chị em thân mến, trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy rũ bỏ cơn buồn ngủ và thức dậy khỏi giấc ngủ mê! Chúng ta hãy thử tự hỏi: tôi có ý thức được mình đang sống không, tôi có tỉnh táo không, tôi có tỉnh thức không? Tôi có cố gắng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các tình huống hàng ngày không, hay tôi bị phân tâm và hơi choáng ngợp bởi các sự việc? Nếu chúng ta không biết về việc Ngài đến hôm nay, thì chúng ta cũng sẽ không chuẩn bị khi Ngài đến vào ngày tận thế. Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy luôn cảnh giác! Chờ đợi Chúa đến, chờ đợi Chúa đến gần chúng ta, vì Ngài ở đó, hãy tỉnh táo chờ đợi. Và xin Rất Thánh Trinh Nữ, Người Phụ nữ của sự chờ đợi, người đã biết cảm nhận cuộc đi qua của Chúa trong cuộc sống khiêm nhường và ẩn dật ở Nazareth và đã đón nhận Ngài trong cung lòng mình, xin Mẹ giúp chúng ta trong hành trình chăm chú chờ đợi Chúa đang ở giữa chúng ta, và đang đi ngang qua.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi lo ngại về sự gia tăng bạo lực và xung đột đã diễn ra trong nhiều tháng tại các quốc gia Palestine và Israel. Thứ Tư tuần trước, hai vụ tấn công hèn hạ ở Giêrusalem khiến nhiều người bị thương và một cậu bé Israel thiệt mạng; và cùng ngày, trong các cuộc đụng độ vũ trang ở Nablus, một cậu bé người Palestine đã chết. Bạo lực giết chết tương lai, phá vỡ cuộc sống của những người trẻ tuổi và làm suy yếu hy vọng về hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những thanh niên đã qua đời này và cho gia đình của họ, đặc biệt là cho mẹ của họ. Tôi hy vọng rằng chính quyền Israel và Palestine sẽ sẵn sàng hơn trong việc tìm kiếm đối thoại, xây dựng lòng tin tưởng lẫn nhau, nếu không có điều đó sẽ không bao giờ có một giải pháp hòa bình ở Thánh Địa.

Và tôi cũng muốn tưởng nhớ Burkhard Scheffler, người đã chết cách đây ba ngày ở đây bên dưới hàng cột của quảng trường Thánh Phêrô; anh ấy chết vì lạnh cóng.

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, đến từ Ý và nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người hành hương từ Warsaw và Granada, những đại diện của cộng đồng Rumani và những người thuộc cộng đồng Đông Timor đang hiện diện tại Rôma, cũng như những người dân Ecuador đang cử hành Lễ Đức Mẹ của chúng ta. Đức Mẹ El Quinche. Tôi chào các tình nguyện viên Hồng Thập Tự của Acerenza, Ente Nazionale Pro Loco d'Italia, và các tín hữu từ Turin, Pinerolo, Palermo, Grottammare và Campobasso. Tôi gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những người thợ làm bánh Ý, với hy vọng họ sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại.

Tôi chào mừng những người tham gia cuộc tuần hành diễn ra sáng nay để tố cáo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, đáng tiếc đó là một thực tế phổ biến ở khắp mọi nơi và cũng được sử dụng như một vũ khí chiến tranh. Chúng ta đừng mệt mỏi nói không với chiến tranh, nói không với bạo lực, nói vâng với đối thoại, nói vâng với hòa bình; đặc biệt là cho những người Ukraine tử vì đạo. Hôm qua chúng ta tưởng nhớ thảm kịch Holodomor.

Tôi chào ban thư ký của Diễn đàn Công Giáo Tiến hành Quốc tế, nhóm họp tại Rôma nhân dịp Đại hội lần thứ 8.

Và tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật hồng phúc và một hành trình Mùa Vọng tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Văn Hóa
Những tầm nhìn thông sáng về sự chết, tiếp theo
Vu Van An
18:11 27/11/2022

8.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Pio Năm dấu về sự chết và hấp hối

Ngày 11 tháng 10 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Piô Năm dấu về sự chết và hấp hối:

Thánh Pio thành Petrelcina, được biết đến nhiều hơn với tên Padre Pio, là một trong những vị thánh nổi tiếng nhất thế giới. Sinh ra tại thị trấn Petrelcina năm 1887, ngài gia nhập Dòng Capuchin năm 1902 và thụ phong linh mục năm 1910. Tám năm sau đó, Thiên Chúa in cho ngài các dấu thánh. Thiên Chúa cũng đã ban cho ngài ơn ở cả hai nơi cùng một lúc và khả năng phi thường đọc được lòng người. Lo lắng trước tiếng tăm có khả năng siêu nhiên của ngài, Tòa Thánh, trong một thời gian ngắn vào đầu những năm 1930, rút phép ngồi tòa giải tội hoặc cử hành Thánh lễ công khai của ngài. Ngài qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968. Ngài được phong thánh năm 2002.

Trong lễ phong thánh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dâng lên ngài lời cầu nguyện bắt đầu như sau “Chúng con cầu xin ngài dạy chúng con lòng khiêm nhường, để chúng con được kể vào hàng những người bé mọn của Tin Mừng, những người mà Chúa Cha đã hứa sẽ mặc khải các mầu nhiệm của Vương Quốc Người cho”. Nó kết thúc: “Xin đồng hành với chúng con trong cuộc hành trình trần thế của chúng con hướng về Quê hương diễm phúc, nơi cả chúng con nữa cũng hy vọng được đến để chiêm ngưỡng mãi mãi Vinh Quang của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.




Có thể bạn không biết rằng ngay bây giờ tôi có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố của tôi. Đối với Chúa, quá khứ không hiện hữu, tương lai không hiện hữu. Mọi điều đều là một hiện tại vĩnh cửu. Những lời cầu nguyện đó đã được tính đến. Và vì vậy, tôi nhắc lại rằng ngay cả bây giờ tôi có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố tôi.

— Trích từ cuốn Padre Pio của C. Bernard Ruffin

Ngay cả khi cha mẹ của bạn đã ở trên Thiên đàng, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện. Nếu các ngài không còn cần các lời cầu nguyện, chúng sẽ được áp dụng cho những linh hồn khác.

— Viết cho một con gái thiêng liêng

Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, vì trời đã xế chiều, ngày sắp tàn, cuộc đời cũng qua đi; cái chết, sự phán xét, sự vĩnh cửu đến gần. Cần phải đổi mới sức mạnh của con, để con không dừng lại trên đường và vì thế, con cần đến húa. Trời đã khuya và cái chết đến gần, con sợ bóng tối, những cám dỗ, khô khan, thập giá, đau khổ. Ôi lạy Chúa Giêsu của con, con cần Chúa xiết bao trong đêm lưu đày này! Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì trong giờ lâm tử, con muốn được hiệp nhất với Chúa, nếu không nhờ việc rước lễ, thì ít là nhờ ân sủng và tình yêu.

— Trích lời cầu nguyện của Thánh Pio sau khi rước lễ

Hãy khát mong giải thưởng trên trời. Hãy liên tục nhìn về cõi vĩnh hằng trên Thiên Đàng và coi thường những tiện nghi và công việc của thế gian.

- Một câu cách ngôn thiêng liêng.

Lạy Chúa, Thiên Chúa của lòng con, chỉ một mình Chúa biết và nhìn thấy mọi khó khăn của con. Chỉ một mình Chúa biết rằng mọi đau khổ của con đều bắt nguồn từ nỗi sợ mất Chúa, sợ xúc phạm đến Chúa, từ nỗi sợ không yêu Chúa nhiều như con nên yêu và khao khát được yêu Chúa. Nếu húa, Đấng mà trước Chúa mọi sự đều hiện diện và là Đấng duy nhất có thể nhìn thấy tương lai, biết rằng chính vì sự vinh hiển lớn hơn của Chúa và vì sự cứu rỗi của con mà con nên ở lại trong tình trạng này, thì hãy cứ để như vậy. Con không muốn thoát khỏi nó. Xin cho con sức mạnh để chiến đấu và giành được giải thưởng dành cho các linh hồn mạnh mẽ.

— Từ một trong những lời cầu nguyện của Thánh Pio với Chúa Giêsu

9. Năm Tầm nhìn Thông sáng của J.R.R. Tolkien về sự chết và hấp hối

Ngày 6 tháng 12 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của J.R.R. Tolkien về sự chết và hấp hối:

J. R. R. Tolkien, tác giả của The Lord of the Rings [Chúa tể của những chiếc nhẫn], gia nhập Giáo Hội khi còn là một cậu bé lúc người mẹ góa bụa của ông trở lại đạo, và mất bà khi ông mười hai tuổi vì bệnh tiểu đường. Ông và người anh trai được chăm sóc bởi Cha Francis Morgan, một linh mục của Dòng Nguyện Đường ở Birmingham. Sau khi tốt nghiệp Oxford, ông phục vụ quân đội trong Thế chiến thứ nhất, chiến đấu ở Somme. Ông trở về để bắt đầu sự nghiệp học thuật xuất sắc tại Leeds và sau đó tại Oxford. Ông kết bạn với C. S. Lewis và cùng với tác giả này thành lập nhóm thảo luận có tên là The Inklings, trong đó cả hai cùng trình bầy những cuốn sách chính mà họ đang viết. Ông sinh ngày 3 tháng 1 năm 1892, mất ngày 2 tháng 9 năm 1973.

Các trích dẫn được trích từ Những lá thư của J. R. R. Tolkien, xuất bản năm 1981.




Từ bóng tối cuộc đời ba, với quá nhiều thất vọng, ba đặt trước mặt con một điều tuyệt vời để yêu mến trên trái đất: Bí Tích Thánh Thể.... Ở đó, con sẽ tìm thấy sự thơ mộng, vinh quang, danh dự, lòng chung thủy và cách thức thực sự của tất cả các mối tình của con trên trái đất, và hơn thế nữa: sự chết: điều mà, theo nghịch lý thần linh, sẽ kết liễu cuộc sống và đòi hỏi sự đầu hàng của mọi người, nhưng do cùng một nếm trải (hoặc một tiền nếm trải) mà chỉ nhờ đó những gì con tìm kiếm trong các mối liên hệ trần thế của con (tình yêu, lòng chung thủy, niềm vui) mới có thể được duy trì, hoặc mang màu sắc thực tại, bền bỉ vĩnh cửu mà trái tim mọi người đều mong muốn.

— Từ một bức thư gửi cho con trai Michael, một học viên tại Trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia (1941)

Tolkien mô tả cảm giác mà câu chuyện về sự chữa lành kỳ diệu của một cậu bé ở Lourdes đã mang lại cho ông, và sau đó nói rằng vì cảm giác độc đáo này mà ông đã đặt ra hạn từ “eucatastrophe”[thảm họa êm diụ]. Ông giải thích rằng từ này có nghĩa là bước ngoặt hạnh phúc bất ngờ trong một câu chuyện khiến con cảm thấy vui sướng đến rơi nước mắt... Và ở đó, ba được dẫn đến quan điểm này: nó tạo ra hiệu quả đặc biệt của nó vì nó là một thoáng nhìn thấy Sự thật, toàn bộ bản chất của con bị xiềng xích trong chuỗi nhân quả thể chất, chuỗi sự chết, đột ngột cảm thấy nhẹ nhõm như thể một chi chính bị tháo rời nay bất ngờ được chấp lại. Nó tri nhận... rằng đây thực sự là cách mọi sự thực sự đã hoạt động ra sao trong Thế giới vĩ đại mà vì nó bản chất của chúng ta đã được tạo ra. Và ba đã kết luận bằng cách nói rằng Sự Phục sinh là “thảm họa êm dịu” vĩ đại nhất có thể có trong Câu chuyện cổ tích vĩ đại nhất - và đã tạo ra cảm xúc thiết yếu đó: niềm vui của Kitô giáo tạo ra nước mắt vì nó vốn là thế về phẩm chất giống như sự hối lỗi vì nó phát xuất từ những nơi trong đó, Niềm vui và Nỗi buồn chỉ là một, được hòa giải, khi sự ích kỷ và lòng vị tha đã biến mất trong Tình yêu.

— Từ một bức thư gửi cho con trai ông Christopher, người đang phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia ở Nam Phi (1944)

Đôi khi ba cảm thấy kinh hoàng khi nghĩ đến tổng số đau khổ của con người trên khắp thế giới vào thời điểm hiện tại: hàng triệu người chia tay, phiền muộn, lãng phí trong những ngày chẳng ơn ích chi - hoàn toàn bị xa cách bởi tra tấn, đau đớn, chết chóc, mất mát, bất công. Nếu nỗi thống khổ có thể nhìn thấy được, thì gần như toàn bộ hành tinh tối tăm này sẽ bị bao phủ trong một làn hơi đen dày đặc, che khuất khiến ta không còn thầy bầu trời rực rỡ ! Và sản phẩm của nó chủ yếu là sự ác... [Nhưng] không ai có thể ước tính điều gì đang thực sự diễn ra sub specie aeternitatis [theo viễn tượng đời đời]. Tất cả những gì chúng ta biết, và phần lớn bằng kinh nghiệm trực tiếp, là cái ác lao động với sức mạnh to lớn và thành công vĩnh viễn – một cách vô ích: chỉ luôn chuẩn bị đất cho những điều tốt đẹp bất ngờ nảy mầm.

— Từ một bức thư gửi Christopher (1944)

Về cái chết của C. S. Lewis: Cho đến nay ba vẫn cảm nhận được những cảm xúc bình thường của một người đàn ông ở độ tuổi của ba - giống như một cây cổ thụ lần lượt rụng hết lá: cảm giác này giống như một nhát rìu bổ gần rễ.

— Từ bức thư gửi con gái Priscilla, viết bốn ngày sau cái chết của Lewis (1963)

Sau cái chết của người vợ Edith ba năm trước đó, ông qui cảm giác bất an về thể chất của mình chủ yếu do hậu quả tàn khốc của sự mất mát mà chúng ta phải chịu đựng. Ba không cảm thấy hoàn toàn “ có thực” hay trọn vẹn, và theo một nghĩa nào đó, không có ai để trò chuyện... Kể từ khi ba trưởng thành, và 3 năm xa cách của chúng ta kết thúc, chúng ta đã chia sẻ mọi niềm vui và nỗi buồn, và mọi ý kiến (đồng ý hay không), vì vậy ba thường thấy mình nghĩ rằng “Mình phải nói với Edith về điều này” - và rồi đột nhiên ba cảm thấy mình như một kẻ lạc loài bị bỏ lại trên một hòn đảo cằn cỗi dưới bầu trời vô định sau khi mất một con tàu lớn. Ba nhớ mình đã cố gắng nói với Marjorie Incledon [em họ một đời của ông] cảm giác này, khi ba chưa tròn mười ba tuổi sau cái chết của mẹ ba (ngày 9 tháng 11 năm 1904), và vẫy tay lên bầu trời một cách vô vọng và nói “trời thật trống rỗng và lạnh lùng". Và một lần nữa, ba nhớ sau cái chết của Cha Francis, “người cha thứ hai” của ba (ở tuổi 77 vào năm 1934), đã nói với C. S. Lewis: “Tôi cảm thấy mình như một người sống sót bị lạc vào một thế giới xa lạ mới sau khi thế giới thực đã qua khỏi”. Nhưng tất nhiên, những nỗi đau này dù sâu xa đến đâu (đặc biệt là nỗi đau đầu tiên) đã đến với tuổi trẻ với cuộc sống và công việc vẫn đang khai mở.

— Từ bức thư gửi con trai Michael (1972)

10.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Oscar Romero về sự chết và hấp hối

Ngày 18 tháng 10 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Oscar Romero về sự chết và hấp hối:

Đức Tổng Giám Mục San Salvador, tử đạo năm 1980 khi đang cử hành Thánh lễ, Thánh Oscar Romero đã được phong thánh vào Chúa nhật vừa qua, ngày 14 tháng 10 năm 2018. Với tư cách là người lãnh đạo Giáo hội ở El Salvador, ngài đã thách thức các đội tử thần do chính phủ hỗ trợ, vì biết rằng cuối cùng họ sẽ giết ngài vì việc này. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Romero “đã từ bỏ sự an toàn của thế giới, ngay cả sự an toàn của chính mình, để hiến mạng sống mình theo Tin Mừng, gần gũi với người nghèo và người dân của mình, với trái tim hướng về Chúa Giêsu và các anh chị em của mình". Ngài được phong thánh cùng với người bạn và là người ủng hộ mình, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI.

Hầu hết các trích dẫn được lấy từ The Scandal of Redemption, một bộ sưu tập các bài viết và bài giảng của vị thánh, được xuất bản bởi nhà xuất bản Anabaptist Plough



Chấp nhận sự chết

Tôi bày tỏ sự tận hiến cho trái tim Chúa Giêsu... Tôi đặt dưới sự quan phòng đầy yêu thương của Người suốt cuộc đời tôi, và tôi chấp nhận một cách đầy tin tưởng vào Người cái chết của mình, dù điều đó có khó khăn đến đâu... Đối với tôi, để được hạnh phúc và tin tưởng, chỉ cần biết chắc chắn rằng nơi Người là sự sống và sự chết của tôi, bất chấp tội lỗi của mình, tôi đã đặt niềm tin vào Người và sẽ không thất vọng, còn những người khác sẽ tiếp tục thi hành một cách khôn ngoan và thánh thiện hơn các công việc của Giáo hội và quốc gia.

Đẹp đẽ là khoảnh khắc mà chúng ta hiểu rằng chúng ta không hơn gì một công cụ của Thiên Chúa; chúng ta chỉ có thể làm những gì Thiên Chúa cho phép chúng ta làm; chúng ta chỉ thông minh như Thiên Chúa muốn chúng ta thông minh; chúng ta chỉ sống bao lâu như Thiên Chúa muốn chúng ta sống.

Kẻ tội lỗi thành thánh ở trên trời

Có lẽ ở đây những người coi mình là công nhân được thuê ngay từ giờ đầu tiên cảm thấy bất mãn và lên tiếng hỏi: “Làm sao tôi lại phải lên Thiên đàng với những tên tội phạm đó?” Thưa anh chị em, trên Thiên Đàng không có người tội lỗi. Những tên tội phạm lớn nhất, một khi họ đã ăn năn tội lỗi của họ, giờ đây là con cái của Thiên Chúa. Vào thời Chúa Giêsu, những người đáng kính cứ chỉ vào cô gái điếm Maria Magđalêna ngay cả khi cô ấy đang khóc vì tội lỗi của mình: “Kìa, nếu ông ấy thực sự là một nhà tiên tri, ông ấy sẽ biết người phụ nữ đang chạm vào ông ấy là ai chứ” (Lc 7:39). Nhưng Chúa Kitô đã đến để bảo vệ cô ấy: Cô ấy không còn là tội nhân nữa vì cô ấy đã yêu nhiều và cô ấy đã ăn năn về lỗi lầm của mình; cô ấy đã là Thánh Maria Magđalêna (Lc 7:47). Những tội lỗi trong quá khứ không còn được kể nữa; chúng tan biến rồi.

Sống Hướng Về Sự Chết

Các mối phúc ngày nay là những con đường rất nguy hiểm, và đó là lý do tại sao có rất ít người sẵn sàng bước đi trên đó. Chúng ta đừng sợ! Chúng ta hãy tiếp tục bước đi trên con đường mà một ngày nào đó sẽ dẫn chúng ta đến cái chết để người ta cầu nguyện cho chúng ta, nhưng để chúng ta cũng nên thánh trên Thiên Đàng, tham dự vào vinh quang của Chúa Kitô phục sinh!

Những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta

Người cha nào lại trao nộp con trai mình để một tù nhân hoặc nô lệ có thể được cứu? Đó là điều Chúa Cha hằng hữu đã làm; Người đã ban cho chúng ta Con của Người, Ngôi Lời của Người, sự sống của Người, và trong Đấng Kitô, chúng ta có thể phục hồi sự sống của Thiên Chúa. Tội lỗi được tha thứ vì Chúa Kitô đã trở nên giá chuộc nợ cho chúng ta, và giờ đây tất cả chúng ta có thể chết với niềm hy vọng được hưởng Thiên đàng vì Chúa Kitô đã hiến mình để mở cho chúng ta cánh cửa Thiên đàng mặc dù chúng ta là những kẻ tội lỗi. Chúng ta chỉ cần ăn năn, hoán cải và trở về với Đấng đã phán: “Ta là đường đi, lẽ thật và là sự sống” (Ga 14:6).

Chúa Kitô cuối cùng đã chết trên Thập giá. Cuộc sống của một người công chính đã kết thúc như thế! Làm người tốt và cuối cùng bị đóng đinh có đáng không?... [Nhưng] bây giờ Chúa Kitô đã sống lại; bây giờ kẻ thù của Người đã chạy trốn trong kinh hoàng. Một số người cố gắng dập tắt tiếng nói phục sinh bằng cách âm mưu: “Chúng tôi sẽ nói với người ta rằng trong lúc lính canh các anh ngủ, họ đã lấy trộm xác đi” (Mt 28:13). Nhưng ai lấy ngón tay che được mặt trời? Sự phục sinh là mặt trời đã chiếu sáng.

Những lời ngài nói ngay trước khi bị bắn chết

Như thế, thánh lễ tạ ơn này chỉ là một hành động đức tin như vậy. Nhờ đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng vào lúc này bánh thánh trở thành Mình Chúa, Đấng đã tự hiến mình để cứu chuộc thế giới, và rượu trong chén này được biến đổi thành máu là giá cứu chuộc. Xin thân xác đã hiến tế và xác thịt hiến tế vì nhân loại này cũng nuôi dưỡng chúng ta để chúng ta có thể hiến dâng thân xác và máu mình cho những đau khổ như Chúa Kitô đã làm, không phải vì chúng ta, nhưng để đem lại công lý và hòa bình cho nhân dân ta. Do đó, chúng ta hãy hiệp nhất chặt chẽ với nhau trong đức tin và đức cậy vào thời điểm cầu nguyện này cho Doña Sarita và cho chính chúng ta.

11.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Dietrich Bonhoeffer về sự chết và hấp hối

Ngày 24 tháng 4 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Dietrich Bonhoeffer về sự chết và hấp hối

Dietrich Bonhoeffer, một mục sư và nhà thần học thuộc phái Luthêrô, trở về Đức sau khi du học ở Mỹ vào năm 1931, nơi kinh nghiệm của ông về các nhà thờ của người da đen đã giúp ông biến đức tin của mình “từ lời nói thành hiện thực”. Ông nhanh chóng trở thành một nhà lãnh đạo của cuộc kháng chiến Kitô giáo chống lại Đức quốc xã, trong khi các nhà thờ Thệ phản Đức ủng hộ chế độ. Năm 1933, ở tuổi 27, ông là một trong những người đầu tiên lên án sự đàn áp người Do Thái của Đức Quốc xã, nói rằng những người theo đạo Kitô không nên chỉ “băng bó cho các nạn nhân dưới bánh xe mà phải làm kẹt nan hoa của bánh xe”. Mặc dù an toàn ở Anh sau khi làm mục sư ở đó vào năm 1933, nhưng năm 1935, ông trở lại Đức. Ông đã lãnh đạo lực lượng Kitô giáo mạnh mẽ nhất chống lại chế độ, cuối cùng tham gia vào một âm mưu ám sát Hitler. Ông bị bắt vào tháng 4 năm 1943. Ông bị xử tử cùng với những kẻ chủ mưu khác theo lệnh trực tiếp của Hitler vào ngày 9 tháng 4 năm 1945.

Các trích dẫn đầu tiên và cuối cùng lấy từ một trong những bức thư thông tri của ông (thư ngày 15 tháng 8 năm 1941) gửi cho các chủng sinh của ông sau khi chủng viện bất hợp pháp của họ bị đóng cửa. Ba trích dẫn ở giữa lấy từ Những bức thư và Bài viết từ nhà tù của ông. Đoạn trích cuối cùng là một cách diễn giải của câu 4:14 Sách Khôn Ngoan


Thiên Chúa Không Muốn Điều đó

Tất nhiên, chúng ta biết rằng Thiên Chúa và ma quỷ đang giận dữ trong trận chiến trên thế giới và ma quỷ cũng có tiếng nói trong sự chết. Đối diện với cái chết, chúng ta không thể chỉ nói một cách định mệnh thuyết nào đó rằng “Thiên Chúa muốn điều đó”; nhưng chúng ta phải đặt nó cạnh một thực tại khác, “Thiên Chúa không muốn điều đó”. Cái chết cho thấy thế giới không phải như nó nên là mà nó cần được cứu chuộc. Chỉ một mình Chúa Kitô là người chiến thắng sự chết. Ở đây, sự đối lập gay gắt giữa “Thiên Chúa muốn điều đó” và “Thiên Chúa không muốn điều đó” nảy sinh và cũng tìm thấy cách giải quyết. Thiên Chúa đồng ý với điều mà Người không muốn, và từ nay trở đi, chính sự chết phải phục vụ Thiên Chúa. Từ giờ trở đi, “Chúa muốn điều đó” bao gồm cả điều “Chúa không muốn điều đó”. Thiên Chúa muốn chiến thắng sự chết qua sự chết của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ trong thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, sự chết mới được hút vào quyền năng của Thiên Chúa, và giờ đây nó phải phục vụ mục đích của chính Thiên Chúa. Đó không phải là sự đầu hàng theo thuyết định mệnh mà là đức tin sống động vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta, là ta có khả năng đương đầu sâu xa với sự chết.

Sự chết được biến đổi

Tại sao chúng ta lại sợ hãi khi nghĩ đến sự chết? … Sự chết chỉ đáng sợ đối với những ai sống trong kinh hoàng và sợ hãi nó. Sự chết không hoang dã và khủng khiếp, miễn là chúng ta có thể yên lặng và níu chặt vào Lời Thiên Chúa. Sự chết không cay đắng nếu chính chúng ta không cay đắng. Chết là ân sủng, là hồng ân lớn nhất Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Người. Sư chết nhẹ nhàng, cái chết ngọt ngào và dịu dàng; nó vẫy gọi chúng ta với sức mạnh thượng giới, chỉ cần chúng ta nhận ra rằng đó là cửa ngõ dẫn đến quê hương của chúng ta, là nhà tạm của niềm vui, là vương quốc vĩnh cửu của hòa bình.

Làm sao chúng ta biết rằng sự chết thật đáng sợ? Trong nỗi sợ hãi và thống khổ của loài người, ai biết liệu chúng ta chỉ run rẩy và rùng mình trước sự kiện vinh quang, thiêng liêng và may mắn nhất trên thế giới? Cái chết là địa ngục, đêm tối và lạnh lẽo, nếu nó không được biến đổi bởi đức tin của chúng ta. Nhưng đó chính là điều kỳ diệu khi chúng ta biết chuyển hóa sự chết. Thời gian là hồng ân quý giá nhất mà chúng ta sở hữu, vì nó là hồng ân bất khả phản hồi hơn cả. Đó là điều khiến việc chúng ta nhìn lại khoảng thời gian đã đánh mất trở thành bối rối. Thời gian đã mất là thời gian khi chúng ta chưa sống trọn vẹn cuộc đời con người, thời gian không được làm giàu bằng kinh nghiệm, nỗ lực sáng tạo, hưởng thụ và đau khổ. Thời gian đã mất là thời gian không được lấp đầy, thời gian bị bỏ trống.

Sự Mất mát một người thân yêu đối với chúng ta

Không có gì có thể thay thế sự vắng mặt của một người thân yêu đối với chúng ta, và thậm chí người ta không nên mưu toan làm như vậy. Người ta phải đơn giản cầm cự và chịu đựng nó. Thoạt đầu điều đó nghe có vẻ rất khó khăn, nhưng đồng thời cũng là một niềm an ủi lớn lao. Vì trong chừng mực sự trống rỗng thực sự vẫn chưa được lấp đầy, người ta vẫn được kết nối với người khác qua nó. Thật sai lầm khi nói rằng Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống rỗng. Thiên Chúa không hề lấp đầy nó mà, hơn thế nữa, còn để nó không được lấp đầy và do đó giúp chúng ta duy trì được - ngay cả trong đau đớn - mối liên hệ đích thực. Hơn nữa, kỷ niệm càng đẹp đẽ, càng trọn vẹn, thì chia ly càng khó khăn. Nhưng lòng biết ơn biến đổi nỗi day dứt của ký ức thành niềm vui thầm lặng. Người ta mang điều vốn đáng yêu trong quá khứ không phải như một cái gai mà như một hồng ân quý giá thẳm sâu bên trong, một kho báu giấu ẩn mà người ta luôn có thể chắc chắn về nó.

Nhớ Thiên Đàng

Chưa ai tin vào Chúa và vương quốc Thiên Chúa, chưa ai nghe nói về lãnh vực của người được phục sinh, mà không nhớ nhà từ giờ đó, chờ đợi và vui mừng mong đợi được giải thoát khỏi sự hiện hữu trong thân xác. Cho dù chúng ta trẻ hay già, không có gì khác biệt. Hai mươi, ba mươi hay năm mươi năm là gì trước mặt Thiên Chúa? Và ai trong chúng ta biết mình có thể đã ở gần mục tiêu đến mức nào? Sự sống chỉ thực sự bắt đầu khi nó kết thúc ở đây trên trái đất, tất cả những gì ở đây chỉ là phần mở đầu trước khi bức màn kéo lên.

Cái chết của người trẻ

Ai có thể hiểu thấu việc những người được Thiên Chúa cất đi quá sớm đã được chọn ra sao? Há cái chết sớm của các Kitô hữu trẻ tuổi không luôn có vẻ như thể Thiên Chúa đang cướp đi những công cụ tốt nhất của chính Người vào thời điểm mà chúng cần thiết nhất hay sao? Tuy nhiên, Thiên Chúa không phạm sai lầm. Có thể nào Thiên Chúa cần anh em của chúng ta thực hiện một số công việc bí mật thay cho chúng ta ở thế giới trên trời không? Chúng ta nên chấm dứt các suy nghĩ phàm nhân của chúng ta luôn muốn biết nhiều hơn những gì chúng ta có thể, và bám chặt vào những điều chắc chắn. Bất cứ ai được Thiên Chúa gọi về nhà đều là người Thiên Chúa yêu thương. “Vì linh hồn của họ đẹp lòng Chúa, nên Người đã nhanh chóng đem họ ra khỏi cảnh đồi bại”.

12.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Charles de Foucauld về sự chết và hấp hối

Ngày 1 tháng 12 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Charles de Foucauld về sự chết và hấp hối

Thánh Charles de Foucauld, người có ngày lễ (1 tháng 12), lớn lên trong một gia đình quý tộc, nhưng đã rời bỏ Giáo hội khi còn trẻ. Ngài sống một cuộc đời phiêu lưu bên ngoài Giáo Hội, sau đó trở lại với Đức tin sau một năm cải trang đi khắp Bắc Phi. Đức tin của người Do Thái và người Hồi giáo mà ngài gặp đã truyền cảm hứng cho ngài. Sau khi thử ơn gọi của mình trong một số đan viện, vào năm 1901, ngài định cư tại một ngôi làng nông thôn ở Marốc, với hy vọng bắt đầu một dòng tu phục vụ tất cả các dân tộc và tín ngưỡng. Năm 1905, ngài chuyển đến một ngôi làng nông thôn ở Algérie với mục tiêu tương tự. Ở cả hai nơi, ngài đều không thành công, theo nghĩa thế gian. Ngài bị sát hại — tử vì đạo — bởi những người thuộc bộ lạc Hồi giáo vào năm 1916.

Khi phong chân phước cho ngài năm 2005, Đức Bênêđictô XVI nói: “Trong đời sống chiêm niệm và ẩn dật của ngài ở Nadarét, ngài... đã khám phá ra rằng Chúa Giêsu, Đấng đã đến tham gia cùng chúng ta trong nhân tính của chúng ta, mời gọi chúng ta đến với tình huynh đệ đại đồng, điều mà sau đó ngài đã sống ở Sahara, và đến với tình yêu, mà Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta. Là một linh mục, ngài đã đặt Bí tích Thánh Thể và Tin Mừng làm trung tâm cuộc sống của mình, hai bàn tiệc Lời và Bánh, nguồn mạch của đời sống và sứ mệnh Kitô hữu”.

Ngày 15 tháng 5 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong hiển thánh cho ngài.

Các trích dẫn được lấy từ Charles de Foucauld: Hermit and Explorer của Rene Bazin, xuất bản năm 1923.




Khi Người Thân Yêu Chết

Bức thư ngài gửi cho Giám quản Tông tòa Sahara về cái chết của mẹ vị này:

Thánh lễ của con được dành cho linh hồn rất thân yêu đó đối với ngài, thân yêu nhiều hơn đối với Trái tim Chúa Giêsu. Chúng ta yêu bằng trái tim đáng thương của tội nhân, Người yêu bằng Trái Tim thần linh của Người. Bà đang ở trong những bàn tay tốt lành tại một nơi tốt lành, nơi mà ngài vốn vô cùng khao khát được ở, nơi mà một ngày nào đó ngài sẽ được ở bên bà và bên Đấng mà bà đã dạy ngài yêu thương. Bà đang nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bà không cần nghỉ ngơi. bà đã bước vào sự dư tràn bình an, nơi không còn mưa gió hay mùa đông nữa, bởi vì những điều này đã qua đi.

Khi nào chúng ta sẽ ở đó? Đối với bản thân con, hầu như con không dám nghĩ đến nơi an nghỉ đó, nơi an nghỉ mà con rất bất xứng. Liệu chúng ta có dám hy vọng không nếu Chúa không khiến việc này thành một bổn phận của chúng ta? Hy vọng là niềm tin vào Trái Tim Người. Cuộc trò chuyện của chúng ta sẽ ngày càng nhiều hơn trên thiên đàng. Ở đó, ngài không những chỉ tìm thấy Đấng được thờ phượng mà thôi, mà còn cả người mẹ thân yêu của ngài nữa. Từ giờ trở đi, đối với bà không còn khoảng cách, không còn sự vắng mặt: đêm và ngày bà sẽ nghe thấy ngài, canh chừng ngài, trả lời những câu hỏi của ngài, những yêu cầu của ngài, bằng những lời cầu nguyện của bà: đối với bà rào cản đã được vượt qua, bức tường đã bị phá xập, đêm đã qua. Bà hạnh phúc biết bao!

Đối với vài năm có lẽ còn lại đối với ngài trong cuộc sống, sự xa cách là một thập giá — một thập giá mà ngài đã chấp nhận với tất cả những người còn lại, khi ngài nói với Chúa Giêsu rằng ngài yêu Người. Một thập giá biểu kiến, vì niềm vui trước hạnh phúc của linh hồn rất được yêu thương đó, cuộc trò chuyện mỗi ngày một thân mật và liên tục hơn với bà, khát vọng ngày càng gia tăng được kết hợp hoàn toàn với Chúa Giêsu và sự mệt mỏi ngày càng tăng của cuộc sống trần gian, sẽ sớm chỉ để lại cho ngài niềm vui cảm thấy bà gần Chúa Giêsu và mong muốn được tái hợp với bà ở đó. Chúng ta hãy hôn thập giá mà Chúa Giêsu gửi đến. Trong cuộc đời này, người ta chỉ có thể ôm lấy Chúa Giêsu bằng cách ôm lấy Thánh Giá của Người. Và chúng ta hãy ca ngợi Người vì hạnh phúc của linh hồn yêu dấu của bà.

Chuẩn bị chết

Trích từ những ghi chú viết cho người bạn Hồi giáo Musa ag Amastane, tù trưởng Tuareg trong vùng:

Hãy hạ mình xuống ở bên trong: Chỉ một mình Chúa là vĩ đại; tất cả mọi người đều nhỏ bé: người tự phụ là người điên, vì anh ta không biết mình sẽ lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục.

Thiên Chúa nhìn thấy mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của bạn; hãy ghi nhớ và làm chúng tất cả như đang ở trước mặt Người.

Làm mỗi hành động như bạn sẽ làm nó vào giờ chết.

Giờ chết không ai biết: hãy để tâm hồn bạn như bạn sẽ có nó vào giờ chết.

Mỗi buổi tối hãy suy tư về những suy nghĩ, lời nói và việc làm trong ngày; xin Chúa tha thứ cho những điều xấu xa và mọi tội lỗi trong cuộc đời bạn, như thể bạn sắp chết trong đêm, và nói với Thiên Chúa từ tận đáy lòng: “Lạy Chúa, con yêu Chúa bằng cả trái tim, trên tất cả mọi sự. Lạy Chúa, ý Chúa trong mọi sự là ý của con. Lạy Chúa, tất cả những gì Chúa muốn con làm, con sẽ làm”.

Cái chết của một đứa trẻ

Charles đã viết thư cho em gái và anh rể sau cái chết của đứa con nhỏ của họ. Người viết tiểu sử của ngài viết rằng ngài an ủi họ, “theo phong tục của ngài, bằng cách mở hé cửa thiên đàng”.

Cháu vĩ đại biết bao so với cô chú và với tất cả chúng ta! Cháu cao hơn chúng ta biết bao! Không đứa con nào trong số các con của cô chú yêu cô chú nhiều như cháu, vì cháu đã uống sâu suối nước tình yêu thần linh. Tôi đã thân mật khẩn cầu ông thánh cháu trai nhỏ của mình. Hãy liên tục cầu nguyện với cháu, Marie thân mến ạ, và cảm ơn Chúa vì đã biến bạn thành mẹ của một vị thánh. Một người mẹ sống trong những đứa con của mình: cô đã một phần ở trên thiên đường rồi! Hơn bao giờ hết kể từ bây giờ, cô sẽ có “cuộc trò chuyện của cô trên thiên đàng”.

Đời này và Đời sau

Đừng để chúng ta coi trọng những sự kiện của cuộc sống này, cũng như của cải vật chất. Chúng chỉ là những giấc mơ sau cuộc vui thâu đêm. Chúng ta còn lại gì vào giờ chết, ngoại trừ công đức và tội lỗi của chúng ta?

Hãy sống hôm nay như thể bạn sẽ chết như một kẻ tử vì đạo tối nay.

Cái chết của chính Thánh Charles

Từ một báo cáo quân sự về cái chết của ngài:

Cha de Foucauld, kể từ khi trở lại đạo, không một ngày nào không dừng lại nghĩ về giờ phút mà sau đó không có giờ phút nào khác nữa, và đó là cơ hội tối thượng dành cho chúng ta để sám hối và tích lũy công đức. Ngài qua đời vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12, ngày tôn kính Thánh Tâm, và theo cách mà ngài mong muốn, luôn mong muốn một cái chết bạo lực vì lòng căm thù tên Kitô giáo, được chấp nhận với tình yêu vì sự cứu rỗi của những kẻ vô đạo của lãnh thổ được ngài lựa chọn — Châu Phi. Bị phản bội và bị trói buộc, ngài từ chối đáp trả những lời lăng mạ cũng như những câu hỏi của những người vây quanh ngài, và không nói một lời nào nữa, bắt chước mô hình thần linh của mình: Jesus autem tacebat [song Chúa Giêsu giữ im lặng].

13.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Flannery O’Connor về sự chết và hấp hối

Ngày 24 tháng 5 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Flannery O’Connor về sự chết và hấp hối

Một học giả đã viết rằng trong tất cả các câu chuyện của Flannery O'Connor, “việc chuẩn bị cho cái chết, hoặc thường là sự thiếu vắng nó, chiếm tỷ lệ đáng kể”. Đối với một nhà văn có những câu chuyện thường bao gồm cái chết, và người đã viết khi đang chiến đấu với căn bệnh thoái hóa giai đoạn cuối đã giết chết cô ở tuổi 39, Flannery O'Connor đã nói rất ít về điều đó trong tác phẩm phi hư cấu của mình. Tuy nhiên, cô quả đã nói một điều gì đó.

Một trong những bình luận đầu tiên của cô là một đoạn nhật ký về cái chết đột ngột của cha cô khi cô mười lăm tuổi. Cô viết: “Thực tại cái chết đã ập đến với chúng tôi và ý thức về quyền năng của Thiên Chúa đã phá vỡ sự tự mãn của chúng tôi như một viên đạn xuyên qua hông. Một cảm giác bi thương, bi thảm, vô hạn đã giáng xuống chúng tôi, khiến chúng tôi đau buồn, nhưng trên cả đau buồn, là sự ngạc nhiên. Các kế hoạch của chúng tôi đã được sắp đặt rất đẹp đẽ, sẵn sàng để thực hiện, nhưng với sự chắc chắn tuyệt vời, Chúa đã đặt chúng sang một bên và nói, 'Các con đã quên – Kế hoạch của ta?'”




Bệnh tật như việc chuẩn bị

Tôi không bao giờ là chi ngoài việc bị đau ốm. Theo một nghĩa nào đó, bệnh tật là một nơi, mang tính giáo huấn nhiều hơn là một chuyến đi dài đến châu Âu, và đó luôn là nơi không có bạn đồng hành, nơi không ai có thể theo dõi. Ốm đau trước khi chết là một điều rất thích hợp và tôi nghĩ những ai không mắc bệnh là bỏ lỡ một trong những lòng thương xót của Thiên Chúa.

- Trích từ The Habit of Being [Thói quen hiện hữu]

Cái chết không tự nhiên

“Đối với tôi, sự sinh hạ đồng trinh, sự nhập thể, sự sống lại là những quy luật thực sự của xác thịt và thể chất. Cái chết, sự suy tàn, sự hủy diệt là sự đình chỉ những quy luật này. Tôi luôn ngạc nhiên về sự nhấn mạnh của Giáo hội đối với thân xác. Giáo Hội nói không phải linh hồn sẽ trỗi dậy mà là thể xác, được tôn vinh”.

- Trích từ The Habit of Being [Thói quen hiện hữu]

Viết về cái chết như một nhà văn Công Giáo

Tôi là một người Công Giáo từ lúc mới sinh và cái chết luôn là anh em trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi không thể tưởng tượng được một câu chuyện không có kết thúc thích đáng ở trong đó hoặc trong những điềm báo của nó.

Nhà văn Công Giáo, bao lâu còn có tâm tư của Giáo hội, sẽ cảm nhận cuộc sống từ quan điểm của mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo: bất chấp mọi kinh hoàng của nó, nó vẫn được Thiên Chúa thấy là đáng chết cho.

- Trích từ Conversations With Flannery O’Connor [Các cuộc trò chuyện với Flannery O'Connor]

Chuẩn bị cho cái chết

Hành động sáng tạo của đời sống Kitô hữu là chuẩn bị cho cái chết của mình trong Chúa Kitô. Đó là một hành động liên tục trong đó những điều tốt lành của thế giới này được tận dụng tối đa, cả những hồng ân tích cực lẫn điều mà Cha Teilhard de Chardin gọi là “các suy giảm thụ động”.

- Trích từ Introduction to A Memoir of Mary Ann [Giới thiệu về Hồi ký của Mary Ann]

Vị trí quan trọng nhất

Nhân vật nữ chính của câu chuyện này [“A Good Man is Hard to Find” [Thật khó tìm được một người tốt], Bà ngoại, ở vị trí quan trọng nhất mà cuộc sống mang lại cho Kitô hữu. Cụ đang đối mặt với cái chết. Và trái với mọi vẻ bề ngoài, giống như những người khác trong chúng ta, cụ chuẩn bị rất tốt cho điều này.

-Trích từ Mystery and Manners [Mầu nhiệm và Tác phong]

Còn 1 kỳ
 
VietCatholic TV
Tin vui: Trời giúp Ukraine tái chiếm Siverskyi Donets. Chấn động Belarus: Ngoại trưởng đột tử bí ẩn
VietCatholic Media
03:05 27/11/2022


1. Quân Ukraine tấn công tái chiếm Siverskyi Donets, 560 lính Nga tử trận trong 24 giờ đầu tiên

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Chúa Nhật 27 tháng 11, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết giao tranh đang diễn ra chung quanh sân bay ở vùng ngoại ô thành phố Sievierodonetsk; và mùa đông là cơ hội trời giúp cho người Ukraine chiếm lại được thành phố này.

Sievierodonetsk, là một thành phố ở tỉnh Luhansk, Ukraine. Nó nằm ở phía đông bắc tả ngạn sông Siverskyi Donets và cách thủ phủ tỉnh Luhansk khoảng 110 km về phía tây bắc. Nó đối mặt với Lysychansk bên kia sông. Thành phố, có tên bắt nguồn từ con sông nói trên, có dân số vào năm 2021 là 101,135 người, khiến nó trở thành thành phố đông dân thứ hai trong vùng. Kể từ tháng 6 năm 2022, nó đã bị quân Nga chiếm đóng sau các trận chiến rất kinh hoàng.

Sievierodonetsk có một số nhà máy và trung tâm sản xuất hóa chất quan trọng “Azot”, thuộc tập đoàn Ostchem. Ngoài ra còn có một sân bay về phía nam của thành phố, cách trung tâm thành phố 6km, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt.

Kể từ năm 2014, Sievierodonetsk đã đóng vai trò là trung tâm hành chính của Tỉnh Luhansk, sau khi thành phố Luhansk nằm dưới sự kiểm soát của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk trong cuộc Chiến tranh Donbas.

Là một phần của cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Sievierodonetsk đã bị quân Nga tấn công dữ dội khiến thành phố bị phá hủy trên diện rộng, bao gồm cả các khu dân cư. Đến ngày 25 tháng 6 năm 2022, thành phố đã hoàn toàn bị quân Nga và lực lượng ly khai chiếm giữ. Chính quyền Ukraine tuyên bố rằng dân số chỉ còn khoảng 10,000 người, nghĩa là chưa đến 10% so với trước chiến tranh.

Trận chiến Siverskyi Donets là một loạt các cuộc đụng độ quân sự diễn ra vào tháng 5 năm 2022, đáng chú ý nhất là từ ngày 5 đến ngày 13 tháng 5, trên mặt trận Lyman–Sievierodonetsk.

Các lực lượng Nga thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 74 thuộc Quân đoàn vũ trang liên hợp số 41 đã bị đánh bại bởi xe tăng của Lữ đoàn cơ giới số 30 và pháo binh của Lữ đoàn xe tăng số 17 của Lực lượng vũ trang Ukraine khi quân Nga cố gắng vượt sông Donets gần các ngôi làng Dronivka, Bilohorivka và Serebryanka.

Các lực lượng Ukraine trước đó đã đẩy lùi được nhiều nỗ lực vượt sông của lực lượng Nga. Tuy nhiên, việc tiêu diệt cả một nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn vào ngày 10 tháng 5 được mô tả là “cuộc giao tranh nguy hiểm nhất trong cuộc chiến” cho đến nay và là một “thảm họa” đối với quân đội Nga.

Donets, con sông dài thứ tư ở Ukraine và dài nhất ở miền đông Ukraine, từ lâu đã được coi là tuyến phòng thủ chiến lược của quân đội Ukraine trong Chiến tranh Nga-Ukraine. Là con sông dài nhất trong khu vực, việc kiểm soát sông Donets cũng có nghĩa là khả năng tự do điều động khí tài quân sự về phía bắc và phía nam dọc theo dòng chảy của con sông, tác động đến nông nghiệp khu vực và kiểm soát nguồn cung cấp nước cho các thành phố lớn như Sievierodonetsk, Lysychansk, và Kharkiv.

Trong cuộc xâm lược bắt đầu từ ngày 24 tháng Hai, các lực lượng Nga đã tiến từ giới tuyến năm 2014 về phía thành phố Lyman, như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bao vây một khu vực tập trung khoảng 40,000 binh sĩ Ukraine. Con sông Donets là trở ngại tự nhiên lớn nhất đối với cuộc tấn công của quân Nga. Các nỗ lực của Nga để vượt sông liên quan đến việc triển khai các cầu phao để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển binh lính và thiết bị qua sông.

Vào sáng sớm ngày 5 tháng 5, quân đội Nga, sau một trận pháo kích, đã cố gắng vượt sông tại Dronivka, nhưng bị quân đội và xe tăng Ukraine chặn lại. Hai xe tăng Ukraine của Lữ đoàn cơ giới số 30 đã giao chiến với ít nhất 4 xe thiết giáp của Nga, 2 thuyền và 2 đại đội bộ binh ở khoảng cách 1,200 mét, và đã ngăn chặn được bước tiến của quân xâm lược.

Vào ngày 8 tháng 5, lực lượng Nga đã xây dựng một cây cầu phao bắc qua Donets tại Bilohorivka. Hàng nghìn binh sĩ, xe tăng và các phương tiện quân sự khác đã chuẩn bị vượt qua bờ tây của con sông như một phần của cuộc tiến công rộng lớn hơn về phía tây tới Lyman.

Cùng ngày, Lữ đoàn xe tăng 17 của Ukraine đã cử một trung đội trinh sát đến bờ tây của con sông để quan sát tiến trình của Nga trong khu vực. Quân đội Nga đã ném lựu đạn khói trong khu vực, gây khó khăn về tầm nhìn. Để chống lại điều này, lực lượng Ukraine đã triển khai máy bay không người lái, phát hiện thành công cây cầu phao vào sáng sớm. Thông tin này đã được chuyển đến Lực lượng Không quân Ukraine và các tiểu đoàn pháo binh đóng quân trên khắp khu vực. Họ đã tấn công cây cầu bằng một cuộc oanh tạc kết hợp trên không và pháo binh. Cây cầu được xác nhận là đã bị phá hủy vào ngày 10 tháng 5. 70 phương tiện quân sự của Nga, bao gồm xe tăng, thiết giáp, các hệ thống pháo và xe chuyển quân, bị phá hủy hay chìm dưới dòng nước. Một tiểu đoàn Nga chết chìm dưới dòng sông.

Bất chấp các tổn thất, chính Putin, một kẻ chẳng biết gì về quân sự, đích thân ra lệnh cho chỉ huy của Lữ đoàn Công binh số 12, Đại tá Denis Kozlov, phải bắc cầu vượt sông bằng mọi giá. Vào ngày 11 tháng 5, Đại tá Denis Kozlov bị Lữ Đoàn Dù số 81 bắn chết khi đang đốc thúc nỗ lực bắc cầu phao. Cây cầu phao cũng được hoàn thành vào ngày 12 tháng 5. Nó là cây cầu cuối cùng của quân Nga được xây dựng giữa Bilohorivka và Serebryanka. Chính vào ngày 12 tháng 5, nó đã chịu cùng một số phận với cây cầu trước đó. Ít nhất một tiểu đoàn Nga chết chìm dưới dòng sông cùng với hơn 50 phương tiện quân sự của Nga. Những người lính Nga cuối cùng đã rút lui vào ngày 13 tháng 5.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, khoảng 550 binh sĩ Nga tham gia cuộc vượt sông gần Bilohorivka, trong đó 485 người thiệt mạng. Tờ Times ước tính rằng hơn 1,000 binh sĩ đã thiệt mạng trong trận chiến này, trong khi Newsweek trích dẫn tuyên bố của Ukraine có tới 1,500 binh sĩ thiệt mạng trong trận chiến.

Theo Serhiy Haidai, Thống đốc tỉnh Luhansk, trong trận chiến, quân Ukraine đã phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, thiết bị bắc cầu, máy bay trực thăng và xuồng cao tốc của Nga. Haidai tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã phá hủy hai Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga, với số lượng hơn 1,000 binh sĩ.

Do tính chất đẫm máu và tốn kém của cuộc vượt sông, trận chiến đã thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông.

Mãi cho đến khoảng 28 đến 30 tháng 6, sau khi Sievierodonetsk thất thủ và trong quá trình bao vây Lysychansk, các lực lượng Nga mới thực hiện được một cuộc vượt sông thành công qua sông Donets. Trung đoàn Kadyrovites của Chechnya và các đơn vị ly khai Cộng hòa Nhân Dân Luhansk chiếm được thị trấn Pryvillia sau cuộc vượt sông này.

Sau đó, Bilohorivka bị Nga chiếm trong trận Lysychansk, nhưng Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công nhằm chiếm lại thị trấn này vào ngày 17 tháng 7. Cuộc phản công này thất bại. Tuy nhiên, Bilohorivka đã bị Ukraine chiếm lại thành công vào ngày 19 tháng 9 sau cuộc tổng phản công tái chiếm Kharkiv.

Thống Đốc Serhiy Haidai cho biết giao tranh đang diễn ra ở vùng ngoại ô thành phố Sievierodonetsk, và mùa đông là cơ hội trời giúp cho người Ukraine chiếm lại được thành phố này vì quân Nga thiếu các thiết bị giữ ấm, tầm quan sát hạn chế và đang gặp khó khăn về hậu cần.

Trong 24 giờ của ngày thứ Bẩy 26 tháng 11, hơn 500 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Do lệnh cấm vận thông tin trong tiến trình giải phóng Siverskyi Donets, chúng tôi chỉ biết tới đây.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, cho biết Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 86,710 binh sĩ Nga ở Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 26 tháng 11, bao gồm 560 người chỉ trong ngày hôm qua.

Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 2,901 xe tăng, 5,848 xe thiết giáp, 1,896 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 209 hệ thống phòng không, 278 máy bay chiến đấu, 261 máy bay trực thăng, 1,554 máy bay không người lái, 531 hỏa tiễn hành trình 16 tàu chiến, 4,406 xe cơ giới, và 163 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Tình báo Anh ghi nhận Nga cạn kiệt hỏa tiễn tầm xa.

Một hỏa tiễn bị bắn rơi ở Kyiv vào ngày 17 tháng 11, được phát hiện là hỏa tiễn Kh-55 của Nga. Kh-55 được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đưa ra giả thuyết rằng “người Nga đã lấy ít nhất một hỏa tiễn Kh-55 từ 'kho vũ khí hạt nhân' của họ, 'tháo' đầu đạn hạt nhân và thay thế nó bằng một đầu đạn giả trước khi bắn vào Ukraine.

Trong bản tình báo hôm 26 tháng 11, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh đưa ra nhận định sau:

Nga có khả năng loại bỏ các đầu đạn hạt nhân khỏi các hỏa tiễn hành trình hạt nhân cũ kỹ và bắn các loại đạn không trang bị vũ khí vào Ukraine. Hình ảnh nguồn mở cho thấy mảnh vỡ của hỏa tiễn hành trình AS-15 KENT phóng từ trên không, gọi tắt là ALCM, dường như đã bị bắn hạ, được thiết kế vào những năm 1980 dành riêng cho hệ thống phân phối hạt nhân. Đầu đạn có lẽ đã được thay thế bằng đầu đạn giả để tạo cân bằng.

Mặc dù một hệ thống thô thiển như vậy vẫn sẽ tạo ra một số thiệt hại thông qua động năng của hỏa tiễn và mọi nhiên liệu chưa sử dụng, nhưng nó không có khả năng đạt được hiệu quả đáng tin cậy đối với các mục tiêu đã định. Nga gần như chắc chắn hy vọng những hỏa tiễn như vậy sẽ hoạt động như mồi nhử và đánh lạc hướng hệ thống phòng không của Ukraine.

Bất kể ý định của Nga là gì, sự ứng biến này làm nổi bật mức độ cạn kiệt trong kho hỏa tiễn tầm xa của Nga.

3. Ngoại trưởng Belarus đột nhiên qua đời giữa hàng loạt những đồn đoán Putin sắp lật đổ Alexander Lukashenko

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng cô ta “vô cùng sốc” trước tin tức về cái chết của Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei.

Makei qua đời ở tuổi 64, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết hôm thứ Bảy. Bộ Ngoại Giao cho biết ông “đột ngột qua đời hôm nay” mà không cung cấp thêm chi tiết về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ông.

Maria Zakharova nói: “Với tư cách là người đứng đầu Bộ Ngoại giao, ông ấy đã có đóng góp to lớn vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ Nga-Belarus”.

“Ông ấy đã bảo vệ một cách chắc chắn và hiệu quả các lợi ích của Cộng hòa Belarus trên các nền tảng quốc tế, đây là một tổn thất nặng nề, không thể khắc phục được.”

Theo hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti, Makei đã lên kế hoạch gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày thứ Hai tới đây

Một số bối cảnh: Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, người đã bày tỏ lời chia buồn với gia đình và bạn bè của Makei hôm thứ Bảy, là một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi bắt đầu chiến tranh vào cuối tháng 2, các lực lượng Belarus và Nga đã tổ chức các cuộc tập trận chung, trong đó nhiều lực lượng Nga đã vượt qua biên giới Ukraine trong cuộc hành quân bất hạnh của họ tới thủ đô.

Vào tháng 10, Belarus tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng khu vực chung với Nga và tiến hành các cuộc tập trận, gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Kyiv. Makei đã từng cáo buộc Ukraine “sắp có hành động khiêu khích” chống lại Belarus vào thời điểm đó, là điều mà các quan chức Ukraine kịch liệt phủ nhận. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Lukashenko và Makei đã bác bỏ khả năng quân Belarus tấn công Ukraine theo yêu cầu của Putin.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, do Nga cầm đầu, Lukashenko đã dập tắt những tin đồn về việc can dự chặt chẽ hơn vào cuộc xâm lược của đồng minh.

Mô tả viễn cảnh quân đội Belarus tiến vào Ukraine là “hoàn toàn vô nghĩa”, Lukashenko nói, “nếu chúng tôi sử dụng binh sĩ của Lực lượng vũ trang để tham gia vào cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ không thêm gì vào đó” khi ông đề cập đến lực lượng 40,000 quân của mình.

Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus đưa tin ông nói với các phóng viên ở thủ đô Yerevan của Armenia rằng “Ngược lại, chúng tôi sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Belarus không có vai trò trong cuộc xung đột này”.

Ông nói rằng Belarus đang đóng góp vào nỗ lực chiến tranh của Nga theo những cách khác nhưng nói rằng “chúng tôi không tham gia, chúng tôi không giết bất kỳ ai, chúng tôi không gửi binh sĩ đến đó vì không cần thiết.” Ông lặp lại một tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Makei rằng các cuộc đàm phán là cần thiết để kết thúc chiến tranh.

Tình báo Ukraine cho biết Nga đang lên kế hoạch tấn công giả vào cơ sở hạ tầng ở Belarus để cố gắng kéo Belarus vào cuộc chiến. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã nghi ngờ khả năng Belarus sẽ tham chiến vì những do rủi ro mà một sự tham gia tích cực như thế có thể gây ra cho sự tồn tại của chế độ Lukashenko. Khác với Nga, dân chúng Belarus phản đối chiến tranh một cách áp đảo.

Các nhà lãnh đạo đối lập với Lukashenko cho rằng chính Nga đã giết chết Makei để dằn mặt Lukashenko, và nếu Lukashenko duy trì quan điểm hiện nay, kịch bản nhiều người thấy nhất là sau cái chết của Makei sẽ là cái chết của Lukashenko.

4. Thủ tướng Zelenskiy và Bỉ ký tuyên bố ủng hộ Ukraine trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu và NATO

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã ký một tuyên bố ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu và NATO vào hôm thứ Bảy trong chuyến thăm Kyiv của ông De Croo.

“Tôi cảm ơn Bỉ và thủ tướng về tuyên bố chung được ký ngày hôm nay. Tài liệu này chứng minh sự ủng hộ của Bỉ đối với nỗ lực hướng tới tư cách thành viên đầy đủ của chúng tôi trong Liên minh Âu Châu và NATO. Chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được kết quả quan trọng này đối với chúng tôi,” Zelenskiy nói.

Zelenskiy cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Bỉ vì đã “sẵn sàng cung cấp các máy phát điện cần thiết và các thiết bị khác hiện cực kỳ cần thiết cho xã hội Ukraine” trong bối cảnh Ukraine bị mất điện sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga.

Zelenskiy cũng ca ngợi việc Bỉ đóng băng một số tài sản của Nga.

“Chúng tôi đánh giá cao việc Bỉ dẫn đầu về khối lượng tài sản bị đóng băng của Nga – 50 tỷ euro, thậm chí nhiều hơn. Điều quan trọng là tài sản của nhà nước khủng bố phải được dùng để bồi thường thiệt hại do khủng bố gây ra,” ông nói.

De Croo cho biết ông hy vọng các máy phát điện và nguồn cung cấp được gửi đến Ukraine cho các bệnh viện và trường học sẽ cung cấp “khả năng phục hồi trong những thời điểm khó khăn này”.

Hai vị cũng thảo luận về sáng kiến Ngũ cốc từ Ukraine và Zelenskiy cảm ơn Bỉ vì đã sớm hỗ trợ kế hoạch này.

5. Thủ tướng Ba Lan: Nga đang thất bại trên chiến trường nên phải dùng đến các biện pháp vô nhân đạo nhắm vào dân thường

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Nga đang phá hoại các cơ sở hạ tầng quan trọng trong nỗ lực khuất phục Ukraine.

Trong các bình luận đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh lương thực được tổ chức tại thủ đô của Ukraine, ông Morawiecki cho biết Nga đã “đánh giá quá cao tiềm năng quân sự của mình và đã biết rằng chiến thắng trên chiến trường có thể không đạt được”.

“Vì vậy, Mạc Tư Khoa đang tìm kiếm các phương pháp khác để phá vỡ Ukraine. Thay vì chiến đấu với binh lính, Nga đang mang đến chết chóc, đói khát và lạnh lẽo cho thường dân”

“Những phương pháp chiến tranh tổng lực này từ lâu đã có trong kho vũ khí của Nga,” Morawiecki nói, vào ngày tưởng niệm hàng năm lần thứ 90 dành cho các nạn nhân của nạn đói Holodomor, một nạn đói thời Liên Xô đã giết chết 7 triệu người trong mùa đông năm 1932 bước sang 1933.

“Nga đang chiến đấu để xây dựng lại một đế chế và biết rằng một đế chế được xây dựng trên xương máu và xác chết của những người dân vô tội. Chính xác là 90 năm trước trong thời kỳ Holodomor”.

Bình luận của Morawiecki được đưa ra khi thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do chiến tranh của Nga gây ra. Nhiều người Ukraine bị tước quyền sưởi ấm, nước và điện trong bối cảnh Nga tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự.

6. Đói không bao giờ được sử dụng làm vũ khí nữa, thủ tướng Đức nói vào Ngày tưởng niệm Holodomor

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cùng các nhà lãnh đạo toàn cầu đánh dấu lễ kỷ niệm 90 năm nạn đói Holodomor ở Ukraine.

“Không bao giờ được sử dụng cái đói làm vũ khí nữa,” Scholz nói hôm thứ Bảy, vào ngày tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói thời Liên Xô đã giết chết 7 triệu người trong mùa đông năm 1932-1933.

Trong một bài phát biểu tại Berlin, Scholz đã đưa ra những so sánh giữa Holodomor, hay Nạn đói khủng bố - do nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin tạo ra bằng cách loại bỏ kho dự trữ lương thực của nông dân Ukraine - và các hành động hiện tại của Nga ở Ukraine.

“Các chiến thuật khủng khiếp được áp dụng hồi đó bao gồm sự cô lập và tịch thu nguồn cung cấp ngũ cốc và thực phẩm, cưỡng bức trục xuất người Ukraine sang Nga. Hôm nay, chúng ta phải hiệp nhất với nhau tuyên bố rằng nạn đói không bao giờ được sử dụng làm vũ khí nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể chịu đựng được những gì chúng ta đang chứng kiến”.

“Chúng ta biết rằng bằng cách tấn công vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở Ukraine và phong tỏa các cảng ở Hắc Hải trong nhiều tháng, Nga đã làm trầm trọng thêm tình hình này”

Scholz nói rằng Đức sẽ cung cấp thêm 15.62 triệu USD cho các lô hàng ngũ cốc từ Ukraine phối hợp với Chương trình Lương thực Thế giới.

“Bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Mỗi con tàu ra khơi theo sáng kiến này không chỉ chở ngũ cốc. Nó mang theo hy vọng cho những người đói khát trên thế giới. Và nó mang một thông điệp quan trọng. Thông điệp rằng chúng ta đoàn kết, rằng chúng ta sẽ vượt qua cuộc chiến này. Và rằng nhân loại chung của chúng ta sẽ thắng thế”
 
Ngay giữa thủ đô Mali, nhà truyền giáo Đức bị bắt cóc. Độc tài Nicaragua càng ngày càng tàn bạo
VietCatholic Media
05:12 27/11/2022


1. Linh mục người Đức bị bắt cóc ở thủ đô của Mali trong vụ bắt cóc hiếm hoi

Các phần tử Hồi giáo cực đoan bị tình nghi đã bắt cóc một linh mục người Đức ở thủ đô của Mali. Diễn biến này đánh dấu vụ bắt cóc một người phương Tây đầu tiên ở Bamako trong hơn một thập kỷ.

Cha Hans-Joachim Lohre đang chuẩn bị đi cử hành Thánh lễ ở một khu vực khác của thành phố vào hôm Chúa Nhật thì ngài bị bắt cóc.

Một người hàng xóm sau đó cho biết đã nhìn thấy một chiếc xe hơi màu đen không có biển số đậu trong sân của khu nhà nơi vị linh mục cư ngụ. Chiếc xe đã không còn ở đó sau khi Cha Lohre bị bắt cóc. Cô cho biết các nhà điều tra sau đó đã tìm thấy sợi dây chuyền hình thánh giá của vị linh mục, đã bị cắt rời, bên cạnh chiếc xe hơi của ông.

“Cửa xe của ngài mở và có dấu chân trên mặt đất như thể ai đó đã đánh nhau,” Pare nói thêm.

Vị linh mục người Đức này đã ở Mali hơn 30 năm và giảng dạy tại Viện Đào tạo Hồi giáo-Kitô giáo. Tuy nhiên, sự nghi ngờ ngay lập tức đổ dồn vào các phần tử Hồi giáo cực đoan, những kẻ có tiền sử bắt cóc người nước ngoài và giữ họ để đòi tiền chuộc.

Tuy nhiên, vụ bắt cóc Lohre sẽ đánh dấu lần đầu tiên các chiến binh Hồi giáo bắt cóc một người nước ngoài ở thủ đô Bamako kể từ khi cuộc nổi dậy của chúng bắt đầu hơn một thập kỷ trước. Các nhân vật tôn giáo nước ngoài khác đã bị bắt làm con tin nhưng bị bắt cóc ở những vùng xa xôi hơn của đất nước.

Một cặp vợ chồng nhà truyền giáo người Ý đã bị bắt cóc ở miền nam Mali vào tháng 5 cùng với đứa con trai nhỏ và người giúp việc gia đình của họ.

Vào năm 2017, một nữ tu người Colombia đã bị bắt cóc bởi các chiến binh có liên hệ với al-Qaida ở Karangasso, cách nơi gia đình người Ý bị bắt cóc khoảng 27 km. Chị Gloria Cecilia Narvaez được trả tự do vào năm 2021 sau hơn bốn năm bị giam cầm.

Một Hồng Y sau đó đã làm chứng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép chi tới 1 triệu euro để trả tự do cho người nữ tu. Người ta không biết bao nhiêu tiền của Vatican đã thực sự rơi vào tay những kẻ cực đoan. Các khoản thanh toán tiền chuộc hiếm khi được xác nhận để ngăn chặn các vụ bắt cóc trong tương lai.
Source:AP

2. Đại hội thứ 120 của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha

Hôm 21 tháng Mười Một, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha đã khai mạc Đại hội lần thứ 120 tại thủ đô Madrid và kéo dài đến ngày 25 tháng Mười Một tới đây.

Sau diễn văn khai mạc của Đức Hồng Y Chủ tịch Juan José Omella, Tổng giám mục Barcelona, Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh Bernardito Auza, người Philippines, cũng lên tiếng phát biểu.

Một trong những điểm trong chương trình nghị sự của khóa họp là bầu vị Tổng thư ký mới của Hội đồng Giám mục, với nhiệm kỳ 5 năm, từ 2023 đến 2027, kế nhiệm Đức Cha Luis Arguello García, từ nhiệm, sau khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng giám mục Giáo phận Valladolid hồi tháng Sáu năm nay.

Ngoài ra, các Ủy ban Giám mục sẽ tường trình hoạt động trong lãnh vực của mình, như Ủy ban Giáo dục Công Giáo, Ủy ban về Đời thánh hiến, Ủy ban về Giáo sĩ và Chủng viện đặc biệt nói về những thay đổi các quy luật về phó tế vĩnh viễn, cũng như cuộc thanh tra tông tòa các đại chủng viện tại Tây Ban Nha.

Ủy ban giáo dân, gia đình và sự sống, sẽ trình bày về những chuẩn bị cho Ngày Quốc tế Giới trẻ vào đầu tháng Tám năm tới tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Ủy ban Loan báo Tin mừng sẽ trình bày về cuốn Sách Giáo lý mới cho người lớn, trong khi Ủy ban phụng vụ sẽ nói về việc dịch ra tiếng Basco sách lễ và các bài đọc về các lễ Đức Mẹ; tiếp đến là những chỉ dẫn về các thừa tác vụ đọc sách, giúp lễ và giáo lý viên.

Ngoài ra, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha cũng sẽ bàn về thể thức cơ bản phòng ngừa và giải quyết những vụ lạm dụng, dự thảo văn kiện về “con người, gia đình và xã hội”.

3. Các giám mục Nicaragua bày tỏ mối quan tâm đối với hàng ngàn người đang rời khỏi đất nước

Hội đồng Giám mục Nicaragua, gọi tắt là CEN, bày tỏ mối quan tâm đối với hàng ngàn người đang di cư vì cuộc khủng hoảng ở nước này và nói rằng “đó là sự phản ánh của một vở kịch nhân loại đang thách thức chúng ta.”

Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNHCR, chỉ ra rằng “sự bất ổn chính trị phổ biến ở Nicaragua kể từ tháng 4 năm 2018 đã buộc khoảng 200,000 người phải chạy trốn khỏi cuộc đàn áp và vi phạm nhân quyền.”

“Hầu hết 150,000 người này đã đến Costa Rica, một quốc gia láng giềng. Số người Nicaragua yêu cầu được bảo vệ ở Costa Rica kể từ năm 2018 đã vượt quá số người chạy trốn khỏi các cuộc nội chiến ở Trung Mỹ vào những năm 1980,” cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho biết trên trang web của mình.

Trong sứ điệp Mùa Vọng ban hành ngày 16 tháng 11, hội nghị nói rằng niềm vui mà thời gian chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh mang lại không ngăn cản các giám mục “thừa nhận những mối quan tâm của chúng tôi về các sự kiện xã hội, chính trị và kinh tế của quê hương chúng ta.”

“Đặc biệt, trong số những vấn đề khác, cuộc khủng hoảng di cư, phản ánh một bi kịch của con người đang thách thức chúng ta,” các giám mục nói.

Các vị Giám Mục bảo đảm rằng “ngay cả giữa sự bấp bênh và đau khổ, vương quốc của Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lịch sử của chúng ta và nhiều dấu hiệu của một thế giới mới đang được thể hiện giữa chúng ta.”

Họ chỉ ra rằng ở Nicaragua “tất cả chúng ta phải cùng nhau hành trình; không ai nên bị bỏ lại phía sau.”

“Tất cả chúng ta phải có khả năng phát triển bản thân và biến Nicaragua thành một đất nước anh em. Chúng ta hãy luôn tìm cách làm điều tốt, để chúng ta ngày càng nói nhiều hơn với tư cách là anh em và gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân sang một bên,” họ nói thêm.

Do đó, các giám mục đã khuyến khích dân chúng tham gia vào việc tìm kiếm sự hoán cải cá nhân. Trong trường hợp của người Công Giáo, “với tư cách là một Giáo hội phải hoàn thành sứ mệnh mà Chúa đã trao phó cho chúng ta.”

Tình hình di cư của người Nicaragua đang trở nên tồi tệ hơn với thông báo gần đây của tổng thống Costa Rica, Rodrigo Chaves, người nói rằng ông sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xuất hiện của nhiều người từ Nicaragua.

Tổng thống nói rằng những người này tự xưng là “người tị nạn chính trị” trong khi thực tế họ là “người tị nạn kinh tế” chạy trốn cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng, do chế độ độc tài của Daniel Ortega gây ra.

Luật sư và nhà nghiên cứu Martha Patricia Molina tiết lộ trong một báo cáo mới rằng trong những năm gần đây, Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua đã hứng chịu gần 400 vụ tấn công.

“Nicaragua: Một Giáo hội bị bức hại?” là một báo cáo dài 228 trang ghi lại tổng cộng 396 cuộc tấn công chống lại người Công Giáo.

Tài liệu trình bày sự thù địch mà Giáo hội ở Nicaragua phải gánh chịu dưới chế độ độc tài của Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, từ năm 2018 đến năm 2022.

Nó cũng cho thấy một hồ sơ chi tiết về những điều xúc phạm, phạm thánh, tấn công, cướp bóc, đe dọa, ngôn từ kích động thù địch và các linh mục phải lưu vong như “hậu quả của sự đàn áp của chính phủ”.
Source:Catholic News Agency
 
Căng thẳng: Quân đội NATO tập trận sát biên giới Belarus, Nga. Tình báo Anh: TQLC Nga tổn thất nặng
VietCatholic Media
16:29 27/11/2022


1. Quân đội NATO tập trận gần biên giới Belarus, Nga

Khoảng 2,000 binh sĩ Đồng minh đã tham gia cuộc tập trận Tumak 22 ở miền bắc Ba Lan gần biên giới với Belarus và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.

Quân đội Ba Lan từ các đơn vị khác nhau đã thực hành khả năng tương tác tác chiến với các đối tác Mỹ, Anh, Romania và Croatia.

Trong quá trình tập trận, quân đội đã vượt sông và hồ chứa, đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù thông thường, đồng thời thực hiện một cuộc phản công.

Một nghìn đơn vị thiết bị chiến đấu và hỗ trợ hậu cần cũng tham gia cuộc tập trận.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak lưu ý, quân đội Ba Lan sẵn sàng chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho toàn bộ sườn phía đông của NATO.

“Chúng tôi biết rất rõ rằng các nhiệm vụ, ngoài những nhiệm vụ chúng tôi đã thấy, còn liên quan đến việc duy trì biên giới – cả với Belarus và với khu vực Kaliningrad của Nga. Chúng tôi phản ứng sớm, ngay từ đầu chứ không phải sau đó. Chúng ta phải miễn nhiễm với bất kỳ mối đe dọa nào do chính sách của Nga gây ra,” Blaszczak nói thêm.

Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết thêm Canada đã bắt đầu huấn luyện đặc công Ukraine trên đất Ba Lan.

2. Mỹ triển khai căn cứ sửa chữa pháo binh Ukraine ở Ba Lan

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết quân đội Hoa Kỳ đã thiết lập trên lãnh thổ Ba Lan một điểm sửa chữa vũ khí pháo binh phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Do những vấn đề hiện có với việc sửa chữa pháo trên mặt đất, Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ đã ưu tiên giải quyết vấn đề bằng cách thành lập một trung tâm sửa chữa ở Ba Lan.

Việc đại tu các vũ khí như vậy đã diễn ra trong nhiều tháng. Tình trạng vũ khí cung cấp cho Ukraine là chủ đề thu hút sự chú ý của các quan chức quân sự Mỹ, nhưng họ từ chối thảo luận chi tiết về chương trình vì muốn bảo mật.

Khi đạn dược cho pháo 152 ly thời Liên Xô của Ukraine trở nên khan hiếm ngay sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga, pháo tiêu chuẩn NATO, bắn đạn 155 ly, đã trở thành một trong những vũ khí quan trọng nhất của Ukraine.

Theo đánh giá mới nhất về viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, Ngũ Giác Đài đã gửi cho Ukraine 142 khẩu pháo M777, đủ để trang bị cho khoảng 8 tiểu đoàn.

Quân đội Ukraine đã sử dụng chúng để tấn công các sở chỉ huy của Nga bằng một số lượng nhỏ đạn có độ chính xác cao.

Cho đến nay, Tiệp và Slovakia là hai nước chịu trách nhiệm chính trong việc sửa chữa các khí tài chiến tranh của Ukraine. Việc quân đội Mỹ sửa chữa ngay bên cạnh Ukraine sẽ đẩy nhanh tiến độ sửa chữa.

3. Bản tin của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh về tổn thất của Thủy Quân Lục Chiến Nga trong vùng Donetsk

Trong bản tin tình báo chiều Chúa Nhật 27 tháng 11, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh đã ghi nhận các tổn thất của Thủy Quân Lục Chiến Nga trong vùng Donetsk. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Khu vực xung quanh các thị trấn Pavlivka và Vuhledar ở miền trung nam khu vực Donetsk là nơi xảy ra giao tranh dữ dội trong hai tuần qua, mặc dù chỉ có một số ít lãnh thổ đã đổi chủ.

Cả Nga và Ukraine đều có lực lượng đáng kể tham gia vào chiến trường này, và lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Nga đã chịu thương vong nặng nề.

Khu vực này vẫn còn nhiều tranh chấp, có thể một phần là do Nga đánh giá khu vực này có tiềm năng trở thành điểm khởi đầu cho một cuộc tiến công lớn về phía bắc trong tương lai nhằm chiếm phần còn lại của tỉnh Donetsk hiện vẫn do Ukraine nắm giữ.

Tuy nhiên, Nga khó có thể tập trung đủ lực lượng có phẩm chất để đạt được một bước đột phá chiến thuật.

4. Tổng thống Ba Lan Duda cho biết bệ phóng hỏa tiễn Patriot có thể được gửi tới Ukraine mà không cần binh sĩ từ các quốc gia NATO

Các hệ thống hỏa tiễn đất đối không Patriot, gọi tắt là SAMS, có thể được gửi tới Ukraine mà không cần các binh sĩ từ các nước NATO. Tuy nhiên, nếu Đức không đồng ý triển khai hỏa tiễn ở Ukraine, họ nên đóng quân ở Ba Lan.

Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan đã đưa ra lập trường trên hôm thứ Bẩy khi thế giới tưởng niệm cuộc diệt chủng người Ukraine do Nga gây ra bằng nạn đói Holodomor.

“Từ nhiều quan điểm, sẽ rất tốt nếu các khẩu đội Patriot được bố trí cách xa biên giới Ba Lan vì khi đó chúng sẽ bảo vệ lãnh thổ Ba Lan, công dân của chúng tôi và một phần Ukraine. Nhưng nếu Đức không đồng ý triển khai hỏa tiễn ở Ukraine, thì các hệ thống phòng thủ này phải được đặt ở Ba Lan”, ông Duda nhấn mạnh.

Ông khẳng định rằng các khẩu đội Patriot có thể được gửi tới Ukraine mà không cần lực lượng NATO.

“Ukraine đã yêu cầu điều này từ lâu. Họ chắc chắn sẽ đồng ý với điều kiện triển khai theo cách hỏa tiễn cũng bảo vệ một quốc gia NATO, chẳng hạn như Ba Lan”, ông Duda nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng điều đó là “có thể”. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận nào về việc này, thì Patriot sẽ phải được triển khai ở Ba Lan.

Như đã đưa tin, thứ Hai tuần trước, Đức đã đề nghị Ba Lan triển khai hệ thống hỏa tiễn hỏa tiễn Patriot SAMS ở biên giới Ba Lan-Ukraine sau sự việc hỏa tiễn trên đất Ba Lan. Về phần mình, Ba Lan đề nghị triển khai các hệ thống ở phía bên kia biên giới Ukraine.

Phát ngôn nhân Chính phủ Đức Christine Hoffmann cho biết, phía Đức đang thảo luận với đồng minh Ba Lan về sáng kiến chuyển giao Patriot cho Ukraine.

5. Một số quốc gia bí mật gửi vũ khí cho Ukraine - Kuleba

Một số quốc gia cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, mặc dù họ không nói gì về điều đó và thậm chí phủ nhận sự tham gia của họ. Trong những trường hợp này, Ukraine nhận vũ khí thông qua nước thứ ba chứ không phải trực tiếp.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết các đối tác không chỉ chuyển vũ khí của riêng họ mà còn làm việc với các nước thứ ba, mua thiết bị trước khi chuyển tới Ukraine.

“Hầu hết các nước thứ ba này đều công khai nói rằng họ không cung cấp gì cả, nhưng mọi thứ đang diễn ra ở hậu trường.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng không có nhà lãnh đạo thế giới nào đang thúc đẩy Ukraine đàm phán đi ngược lại lợi ích của mình: Mọi người đều hiểu rằng hòa bình phải công bằng. Và một nền hòa bình công bằng bắt đầu bằng việc khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đây là mục tiêu khá khả thi.”

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, do kết quả của các cuộc đàm phán với chính phủ Mỹ, chính quyền Israel đã chuyển hàng triệu đô la để mua “thiết bị chiến lược” cho Ukraine.

Vào tháng 10, Israel đã cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo sử dụng cho việc bắn hạ máy bay không người lái tấn công một chiều do Iran sản xuất.

6. Boris Johnson thu thập thuốc để giúp các bệnh viện Ukraine

Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh, ông Boris Johnson và nhà cung cấp thuốc cho bệnh viện lớn nhất của Vương quốc Anh đã hợp tác để đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp vào dịp Giáng Sinh nhằm gửi các vật tư y tế đến các bệnh viện Ukraine.

Lời kêu gọi nhằm mục đích giúp đỡ các bệnh viện đang điều trị cho người bệnh và người bị thương và có nguy cơ cạn kiệt các vật dụng quan trọng trong vòng vài tuần nếu họ không nhận được tiền quyên góp.

Hôm thứ Sáu, cựu thủ tướng đã đến thăm một nhà kho ở Enfield, phía bắc London, nơi tập trung nguồn cung cấp từ nhà cung cấp bệnh viện độc lập Circle Health.

Ông đã đi cùng với Đại sứ Ukraine Vadym Prystaiko để tận mắt chứng kiến công tác hậu cần vận chuyển số lượng lớn các bộ dụng cụ bệnh viện trên khắp Âu Châu bằng xe tải.

Sau chuyến thăm, Johnson đã kêu gọi công chúng Anh và “tinh thần hào phóng” của họ, và yêu cầu họ quyên góp.

Ông nói: “Không một chiếc băng hay chiếc giường nào mà bạn tài trợ sẽ bị lãng phí trong nhiệm vụ to lớn là xây dựng lại Ukraine xinh đẹp, dũng cảm.”

Theo báo cáo, một nhóm bác sĩ người Ukraine làm việc cho Circle Health ở Anh liên lạc trực tiếp với các bác sĩ và thông báo cho công ty về tình trạng thiếu thiết bị bệnh viện trong thời gian trước mắt. Sau đó, các mặt hàng được thu thập từ 53 bệnh viện của Circle Health trên mọi khu vực của Vương quốc Anh, đồng thời được phân loại và chất lên kho Enfield của họ. Sau đó, những nhân viên nhiệt tình sẽ tình nguyện lái những chuyến hàng xuyên Âu Châu vào trung tâm của những khu vực bị chiến tranh tàn phá ở Ukraine.

Circle Health đã vận chuyển vật tư y tế trị giá gần 300 tấn trị giá 3 triệu bảng Anh trong 13 chuyến xe tải đến các bệnh viện trên khắp Kyiv, Kharkiv, Mykolaiv, Odesa, Lviv và Kherson. Các mặt hàng được giao cho đến nay bao gồm hàng trăm xe lăn, nạng, khăn lau, băng, xe cứu thương, bàn mổ, giường bệnh, máy thở, máy gây mê và chân tay giả.

7. Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga đả kích chính nhân viên của mình sau những chất vấn về tính chất anh hùng của ông ta

Vladimir Solovyov được coi là người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga được Putin yêu thích nhất. Ông ta là một loại diều hâu hiếu chiến rất nổi bật, đặc biệt là ngay sau cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine. Ông ta sẵn sàng buông ra những lời lẽ cay độc nhất dành cho những kẻ nào dám nghi ngờ sự lãnh đạo của Putin. Tuy nhiên, gần đây ông ta đã bị hố nhiều cú khi các khách mời trong chương trình của chính ông ta quay sang tấn công ngược lại ông ta khi ông ta đề nghị dùng vũ khí hạt nhân, tấn công Anh và Hoa Kỳ, và bắn chết các tù binh chiến tranh Ukraine.

Tờ Newsweek vừa có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Host Slams His Own Staff After Questions Over His Heroism”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga đả kích chính nhân viên của mình sau những chất vấn về tính chất anh hùng của ông ta.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết.

Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh Vladimir Solovyov đã đưa ra một bài phát thanh giận dữ trên làn sóng điện, trong đó ông ta yêu cầu bắn những người lính Nga đào ngũ và tấn công chính nhân viên của ông ta vì đã dám đọc những thư từ của khán giả nghi ngờ lòng dũng cảm của ông ta.

Trong chương trình phát thanh Polniy Kontakt, tiếng Nga có nghĩa là Tiếp Xúc đầy đủ của mình, đồng minh của Vladimir Putin tỏ ra khó chịu vì một số tài liệu mà nhóm sản xuất của ông đã cung cấp cho ông ta bằng tiếng Anh và không được dịch ra tiếng Nga, “Bạn có thể thực hiện những gì tôi yêu cầu không?” ông ta giận dữ nói.

Sự giận dữ tồi tệ trước khán thính giả mà ông ta giáng vào nhân viên của mình sau đó chuyển sang những người trong quân đội Nga đã từ bỏ vị trí chiến đấu của họ ở Ukraine.

Người dẫn chương trình truyền hình và phát thanh viên nói rằng những kẻ đào ngũ trong quân đội Nga có thể bị hành quyết nếu lệnh cấm thi hành án tử hình của Nga bị hủy bỏ. “Tôi tin rằng hình thức cao nhất để bảo vệ đất nước là vô cùng cần thiết, nghĩa là án tử hình,” ông nói, hình thức này sẽ liên quan đến các phiên tòa quân sự, tòa án và hành quyết bằng xử bắn.

“Những kẻ hèn nhát có thể chuộc lỗi bằng máu,” ông ta nói, bởi vì “chúng ta cần kỷ luật sắt thép trong quân đội.”

“Nếu một sĩ quan rời khỏi đơn vị của ông ta, hãy xử tử ông ta bằng cách bắn bỏ,” Solovyov nói thêm, khi chỉ trích “sự yếu đuối” mà một số sĩ quan quân đội đang thể hiện khi lặng lẽ bỏ trốn về tuyến sau, để lại đơn vị đang chiến đấu với đối phương.

“Bạn có vũ khí trong tay, kẻ thù ở đằng kia. Tại sao bạn lại từ bỏ vị trí của mình?” ông ta nói.

Mặc dù sợ hãi có thể là điều tự nhiên, nhưng Solovyov nói rằng “điều khiến một người khác biệt là khả năng vượt qua” cảm giác như vậy. Sau đó, ông ta chuyển sự tức giận của mình sang các nhân viên “đang ngủ mê” của mình, là những người đã phát đi những nhận xét từ những khán giả mà ông ta không đồng ý.

“Tôi nghĩ rằng tôi đã nói với bạn cấm những tên ngu ngốc đó”. Sau đó, ông ta đọc một bình luận từ một thính giả tên là Konstantin, người đã nói với ông ta rằng hãy “hãy thể hiện chủ nghĩa anh hùng của bạn trên tiền tuyến”.

“Tôi đã đến đó hơn một lần, bạn đang ở đâu?” Solvoyov nói, mà không nói rõ ông đã đến thăm Ukraine với tư cách nào.

Trong một chương trình khác trong tuần này, Solovyov, 59 tuổi, đã chỉ trích những người đã rời Nga và tránh quân dịch.

Ông ta cũng tuyên bố rằng ông ta đã hy sinh biệt thự ở Lake Como của mình để ở lại Nga. Đó là một trong ba bất động sản mà ông ta sở hữu ở Ý đã bị chính quyền tịch thu sau khi ông ta bị xử phạt vì có liên hệ với Putin.
 
Bất kể Nga phản đối, ĐTC và 2 ĐHY kỷ niệm nạn đói diệt chủng Holodomor. Hình ảnh xúc động từ Kyiv
VietCatholic Media
17:08 27/11/2022


1. Ukraine tưởng niệm nạn nhân Holodomor

Hôm thứ Bẩy 26 tháng 11, Ukraine đã tưởng niệm các nạn nhân Holodomor.

Ngày tưởng niệm Holodomor được đánh dấu hàng năm vào ngày thứ Bảy thứ tư của tháng 11 theo các sắc lệnh của tổng thống đưa ra năm 1998 và 2007.

Trong thế kỷ 20, người Ukraine đã ba lần phải hứng chịu nạn đói hàng loạt: vào các năm 1921-1923, 1932-1933 và 1946-1947. Tuy nhiên, Holodomor trong 2 năm 1932-1933 là tàn khốc nhất - nó đã được công nhận là tội ác diệt chủng người dân Ukraine dưới chế độ của Stalin.

Nạn đói khủng bố kéo dài 22 tháng ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của 7 triệu người.

Trong nhiều thập kỷ, chủ đề về Holodomor đã bị cấm đoán. Chừng nào chế độ cộng sản còn tồn tại, thậm chí thảo luận về vấn đề nạn đói của những năm đó cũng bị nghiêm cấm. Nghiên cứu về bi kịch này chỉ bắt đầu vào cuối những năm 1980.

Theo luật được thông qua vào ngày 28 tháng 11 năm 2006, “Về Holodomor trong hai năm 1932-1933 tại Ukraine,” nạn đói năm 1932-1933 được coi là một hành động diệt chủng người dân Ukraine. Luật này cũng coi hành động phủ nhận công khai biến cố này là một sự xúc phạm đối với hàng triệu nạn nhân của Holodomor, là một sự sỉ nhục nhân phẩm của người dân Ukraine, và bị coi là bất hợp pháp.”

Vào ngày 7 tháng 12 năm 2016, các nhà lập pháp Ukraine kêu gọi các quốc gia khác công nhận Holodomor là tội ác diệt chủng người dân Ukraine. Đến nay đã có 22 quốc gia chính thức công nhận Holodomor ở Ukraine năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng người dân Ukraine.

Theo truyền thống, vào ngày này, người Ukraine thắp nến tưởng niệm trong nhà của họ để vinh danh các nạn nhân của nạn đói nhân tạo.
Source:UKRInform

2. Đức Thánh Cha và hai Hồng Y đã cử hành kỷ niệm nạn đói diệt chủng Holodomor

Bất chấp các chỉ trích dữ đội của các phương tiện truyền thông Nga, Đức Thánh Cha và hai vị Hồng Y đã cử hành lễ kỷ niệm nạn đói diệt chủng do Stalin gây ra ở Ukraine từ năm 1932 đến năm 1933, khiến 7 triệu người Ukraine thiệt mạng.

Buổi lễ đã diễn ra tại Vương cung thánh đường Thánh Sofia ở Rôma vào lúc 5g chiéu thứ Bẩy 26 tháng 11 theo giờ địa phương. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô có Đức Hồng Y Leonardo Sandri, là Tổng trưởng Bộ Giáo Hội Đông phương sắp mãn nhiệp và Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện và Cha Marco Jaroslav Semehen, Giám đốc Hagia Sophia ở Rôma và Giám đốc Di cư của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Ý. Sau thánh lễ cũng có các cuộc trình diễn âm nhạc và cuộc triển lãm tranh vẽ, ảnh và tác phẩm điêu khắc của Armandì “Nỗi đau bị lãng quên - Holodomor” và buổi thắp nến tưởng nhớ.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa hướng suy nghĩ của mình đến đất nước Ukraine đau khổ từ lâu, nhắc đến các nạn nhân của Holodomor và gọi đó là nạn diệt chủng.

“Chúng ta hãy tưởng nhớ Ukraine đã chịu đựng lâu dài. Thứ bảy này đánh dấu kỷ niệm cuộc diệt chủng khủng khiếp Holodomor trong hai năm 1932-1933 do Stalin gây ra một cách giả tạo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn diệt chủng này và cầu nguyện cho tất cả người Ukraine, trẻ em, phụ nữ và người già, trẻ sơ sinh, những người ngày nay đang phải chịu sự tử vì đạo của quân xâm lược,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như trên khi kết thúc Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 23 tháng 11.

Để làm rõ lý do tại sao Đức Thánh Cha dùng đến từ “diệt chủng” là từ ngữ rất nặng khi đề cập đến Holodomor, chúng tôi xin tóm tắt một vài ý chính từ cuốn sách “Abridged History Of Ukraine”, nghĩa là “Lịch Sử Ukraine Ngắn Gọn” của Andrew Gregovich, giáo sư sử học Ukraine.

Trong con mắt người Nga, người Ukraine là những người ngây thơ dễ bị lừa. Lênin thường phong tặng cho các cá nhân trong đảng cộng sản Ukraine, gọi tắt là CPU, những danh hiệu “anh hùng” và đặt vào tay họ nhiều chính sách mà cộng sản Nga muốn thăm dò thực nghiệm trên đất Ukraine trước khi áp dụng đại trà ở Nga.

Thí nghiệm thứ nhất xảy ra cuối năm 1920: Trong một sớm, một chiều tất cả xí nghiệp tại Ukraine bị quốc hữu hóa và tất cả sản phẩm nông nghiệp đều bị thu mua với giá ăn cướp của dân. Chỉ với hai chính sách này thôi đã gây ra nạn đói kéo dài trong hai năm 1921 và 1922 cướp đi hơn một triệu sinh mạng dân Ukraine. Nga lại lật đật sửa sai bằng cách trả lại cho tư nhân các xí nghiệp và cho nông dân buôn bán sản phẩm do họ làm ra.

Ngày 30/12/1922, Liên Bang Sô Viết ra đời bao gồm Nga, Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia, Azerbaidzhan. Các nước khác dần dần được sáp nhập vào sau đó. Trong thời kỳ đầu của Liên Bang Sô Viết, để người dân không bị “sốc” và để đánh lừa những người theo chủ nghĩa quốc gia, Nga đã để cho các nước tương đối dễ thở về vấn đề văn hóa. Trong giai đoạn này, đâu đâu cũng nghe nói “Ukraine hóa” như Ukraine hóa giáo dục, Ukraine hóa kiến trúc, văn hóa... và cả Ukraine hóa Chính Thống Giáo.

Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng đầy gang”, năm 1925, Nga cử Lazar Kaganovich làm bí thư CPU để uốn dân Ukraine quay trở lại con đường đồng hóa với Nga. Bộ trưởng giáo dục Oleksander Shumskyi, bị kết án là “tên theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi – mất lập trường quốc tế vô sản” bị cho đi học tập cải tạo mút mùa ở Siberia. Khwylovyi, nhân vật số 2 trong guồng máy lãnh đạo đảng, văn hào, tác giả cuốn “Away from Mạc Tư Khoa – Thoát khỏi Mạc Tư Khoa” bị “nghiêm khắc cảnh cáo”.

Năm 1928, Stalin lên nắm quyền. Kaganovich bị gọi về Mạc Tư Khoa và Stanislav Kosior được cử làm tổng bí thư CPU. Stalin lại thí nghiệm chính sách kinh tế ngũ niên tại Ukraine bắt đầu bằng việc đấu tố “kuklaks” nghĩa là địa chủ, trí thức và các nhà tu hành, đặc biệt những giáo sĩ tham gia Ukraine hóa Chính Thống Giáo. Hàng triệu gia đình bị giết hoặc đày đi Siberia. Văn hào cộng sản Khwylovyi từng một thời ca tụng chế độ, sáng mắt ra, uống thuốc độc tự tử chết. Nông thôn trở thành nơi tang tóc với hàng loạt những vụ xử tử những kuklaks. Trong bối cảnh đó, lòng dân không yên tâm sản xuất cộng với hàng loạt những chỉ thị ngu xuẩn và vô lý đã dẫn đến mất mùa ở một số nơi. Tuy nhiên, Ukraine là vựa bánh mì của Âu Châu, nên việc mất mùa ở một số nơi chắc chắn không phải là nguyên nhân dẫn đến nạn đói. Thực vậy, nạn đói 1932-1933 cướp đi sinh mạng 7 triệu người Ukraine không phải do thiếu lương thực nhưng chính vì cộng sản đã thu gom tất cả nông sản và chứa vào những kho lớn do quân đội canh gác. Dân chúng bị bỏ cho chết đói như một phần của cuộc thanh trừng và diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Sau nạn đói, Stalin lập tức lùa dân Nga sang để tái phối trí lại dân số trên các ruộng vườn hoang tàn của Ukraine. Ðây cũng là một phần trong kế sách thống trị Ukraine về lâu về dài. Năm 1933, Mykola Skrypnyk, lãnh tụ tiền phong của cộng sản Ukraine, sáng mắt ra, tự tử chết.

Sau cái chết của Mykola Skrypnyk, nhiều đảng viên cộng sản Ukraine bắt đầu bừng tỉnh và tỏ ý chống lại việc thí nghiệm các chính sách cộng sản trên đất Ukraine. Tuy nhiên, Stalin không để họ có thời cơ. Theo Vasyl Hryshko, trong cuộc thanh trừng từ 1936 đến 1938, 99 trong số 102 thành viên ủy ban trung ương đảng cộng sản Ukraine lần lượt bị hành quyết. Năm 1938, Nikita Krushchev với đa số đảng viên người Nga chính cống lên nắm quyền lãnh đạo CPU, tiếp tục các thí nghiệm điên rồ nhất của Nga trên đất Ukraine.

Trông người mà ngẫm đến ta. Chính đất nước Việt Nam của chúng ta cũng đã là nơi cho người Nga tiến hành các thí nghiệm về chính sách và vũ khí dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 21 năm với các hậu quả kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.

3. Ukraine: các giám mục công bố “Năm Lòng Thương Xót”, để chữa lành “những vết thương và sự tàn phá do chiến tranh gây ra” và “xây dựng lại những gì đã bị phá hủy”

Một “Năm Lòng Thương Xót”, bởi vì “những vết thương và sự tàn phá do chiến tranh gây ra quá lớn đến nỗi sẽ phải mất nhiều năm và nhiều nỗ lực để hàn gắn chúng và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy”. Các Giám Mục Ukraine đã tuyên bố như trên trong một thông điệp được công bố hôm thứ Bẩy 26 tháng 11, khi các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Ukraine - đã tập trung tại Bryukhovychy gần Lviv cho phiên họp khoáng đại lần thứ 57 của Hội đồng Giám mục.

Năm Lòng Thương Xót, sẽ bắt đầu vào ngày 27 tháng 11, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và tiếp tục cho đến lễ trọng Chúa Kitô Vua vào năm 2023. Lòng thương xót là con đường được hàng giám mục Công Giáo chỉ ra cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề. “Chúng ta cần sức mạnh – các giám mục viết – để sống, yêu thương, bảo vệ đất nước của chúng ta và phục vụ những người khác bằng công việc của chúng ta. Chúng ta cần sự bình an sâu xa trong lòng và niềm hy vọng vững chắc. Chúng ta cần đức tin mạnh mẽ để định hình các quyết định và hành động của mình. Ngày nay chúng ta đang trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh” và “chúng ta đang trải qua hậu quả của những hành động gây ra bởi những người không biết đến lòng thương xót của Chúa, họ đã đến vùng đất của chúng ta để giết chóc và hủy diệt. Bao nhiêu điều ác, bạo lực, dối trá, nhỏ nhen và hoài nghi do quân xâm lược mang lại. Tất cả những điều này là dấu hiệu của sự lạnh lùng của một tâm hồn trống rỗng đã chối bỏ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có nguy cơ nguội lạnh tâm hồn” và để mình rơi vào “sự tuyệt vọng, mệt mỏi, hận thù hay ngã lòng”.

Do đó, lời mời gọi hãy kín múc sức mạnh từ “Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta: 'Hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề...' (Mt 11:28)”. “Thế giới cần lòng thương xót, lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chỉ có thể thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa khi chính chúng ta kín múc từ đó. Chúng ta ý thức rằng chỉ nơi Chúa mới là sức mạnh và quyền năng của chúng ta”.

Trong thông điệp, các giám mục cũng vạch ra những hành động cụ thể phát xuất từ thái độ thương xót. Các ngài bày tỏ một suy nghĩ đặc biệt đến “quân đội, những người bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bằng cái giá là mạng sống và sức khỏe của họ. Chúng ta hãy bao bọc họ trong những lời cầu nguyện của chúng ta “.

“Chúng ta hãy an ủi những người có người thân, bạn bè và người quen đã bị chiến tranh bắt đi. Chúng ta hãy mở cửa nhà cho trẻ mồ côi. Chúng ta đừng quên những người già đã bị chiến tranh đuổi ra khỏi thành phố hoặc làng mạc của họ, phá hủy nhà cửa của họ. Chúng ta gần gũi với những người bắt buộc phải di cư, để họ cảm nhận được lòng tốt của chúng tôi, để một nơi cư trú khác và một môi trường xa lạ không khắc nghiệt và không thể chịu đựng được đối với họ “.

Lời kêu gọi cuối cùng của các Giám Mục Ukraine là tìm kiếm “trong thời kỳ chiến tranh này”, “sự khôn ngoan, can đảm và sức mạnh để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa”.


Source:SIR