Ngày 26-11-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:52 26/11/2016
74. TRỊ TIẾNG TRÙNG ỨNG (lặp lại).
Dương Huân vào tuổi trung niên thì mắc một chứng bệnh lạ, cứ mỗi lần nói năng thù tiếp thì trong bụng hình như có tiếng lặp lại, không tới mấy năm thì tiếng lặp lại ấy càng ngày càng lớn.
Có một đạo sĩ nói:
- “Đây là loại trùng ứng tiếng, cần đọc sách thuốc nơi mục “dược thảo”, nếu đọc được phương thuốc có trùng không ứng tiếng thì có thể khắc phục được.”
Khi đọc đến phương thuốc “nốt sần rễ tre”, thì trùng đột nhiên không phát ra tiếng, thế là uống liền mấy phương thuốc “nốt sần rễ tre”, quả nhiên khỏi bệnh.
Có một người ăn mày cũng mắc bệnh ấy, thế là có người giới thiệu cho ông ta phương thuốc mà Dương Huân đã dùng qua, người ăn mày tạ ơn, nói:
- “Tôi là người nghèo, không có tài cán gì khác để xin người cái ăn cái mặc, chỉ có dựa vào tiếng trùng lặp lại này thôi ạ !”
(Năng Cải Trai mạn lục)

Suy tư 74:
Người ta sẽ cười khi có người nói đọc sách mà lành bệnh, bởi vì khoa học càng ngày càng tiến bộ làm việc gì cũng phải chứng minh cụ thể rõ ràng, bởi vì trên đời này mọi thứ thần dược đều phải được chế biến để trở thành phương thuốc trị bệnh.
Nhưng người ta sẽ không dám cười nhạo khi thấy một thanh niên tên Âu-gút-tin thông thái đọc sách Thánh Kinh mà chữa trị được cơn bệnh đã ăn sâu vào trong máu trong thịt của ngài, người ta càng không dám cười nhưng rất kinh ngạc khi ngài không những thay đổi cuộc sống lành thánh tốt đẹp, mà còn trở thành vị giám mục thời danh của Giáo Hội và trở nên vị thánh lớn của Giáo Hội.
Thánh Kinh là quyển sách thần dược chữa được mọi thứ bệnh trong tâm hồn của chúng ta, và nó cũng sẽ là pháp quan xử tội đối với những ai coi thường và tìm cách ngăn cản nó đến với mọi tâm hồn.
Người Ki-tô hữu không xa lạ gì với quyển Thánh Kinh, nhưng cũng có rất nhiều người Ki-tô hữu chưa bao giờ cầm đến quyển Thánh Kinh, không phải vì họ không có, nhưng tâm hồn họ đầy ắp những lý luận khôn ngoan của thế gian, tâm hồn họ đầy ắp những suy tính của người đời nên họ đã coi Thánh Kinh như là loại sách phong thần của những người già và trẻ em thích đọc, thật tội nghiệp cho họ.
Nhưng Thiên Chúa là vị bác sĩ tài ba, Ngài biết cách để chữa trị cho những người cứng lòng tin, Ngài cũng là một vị giáo sư giỏi, Ngài biết cách để dạy dỗ giáo huấn những người luôn phủ nhận Ngài trong cuộc sống...
Ngài cũng sẽ là bác sĩ riêng của tôi, nếu mỗi ngày khi đọc Thánh Kinh tôi đều xác tín rằng Ngài đang dạy tôi qua những câu Kinh Thánh này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN I MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:00 26/11/2016
Chúa Nhật I MÙA VỌNG

Tin mừng: Mt 24, 37-44
“Anh em hãy canh thức để được sẵn sàng.”


Bạn thân mến,
Giáo Hội trong bài Phúc Âm mở đầu năm phụng vụ mới này, cho chúng ta nghe và suy niệm bài Phúc Âm của thánh Mát-thêu, với chủ đề là “canh thức”.

Bạn đã nhiều lần canh thức để đón mừng lễ Chúa Giê-su Giáng Sinh, bạn cũng đã nhiều lần canh thức để đón mừng lễ Chúa Giê-su Phục Sinh, và bạn cũng có vài lần canh thức để đón mừng Tết đến, và tôi tin chắc rằng tâm trạng của bạn khi canh thức thì rất là hồi hộp, vui vẻ, lâng lâng khó tả.

Canh thức là không ngủ, là phải tỉnh táo để đợi giờ X đến. Nhưng trạng thái canh thức sẽ như thế nào ? Khi canh thức thì có người uống rượu cho giờ mau qua, có người đánh bài để giết thời gian, có người hát hò, có người coi truyền hình, coi phim, lại có người nói chuyện tán dóc cho hết giờ, và cũng có người ngủ quên. Cho nên có nhiều lần bạn nghe nói: người này chết (Chúa đến) khi họ đang ngủ, người kia chết (Chúa đến) khi họ đang làm việc, có người chết (Chúa đến) khi họ đang ăn uống, có người chết (Chúa đến) khi họ đang chơi bời.v.v...thật đáng sợ.

Bạn thân mến,
Mùa vọng là mùa canh thức, nhưng tôi tin chắc bạn vẫn canh thức hằng ngày chứ không phải đợi đến mùa vọng, bởi vì bạn luôn tham dự thánh lễ hằng ngày, vẫn đều đặn theo học các lớp giáo lý, vẫn cầu nguyện và nhất là vẫn sống đời sống Ki-tô hữu, khi mà cuộc sống ở thế gian này với sự cám dỗ của ma quỷ có quá nhiều phương thế để ru ngủ, mê hoặc, cám dỗ con người ta.

Hãy sống trong tâm tình chờ đợi Đức Chúa Giê-su đến, để khi Ngài đến thì mau mắn đón tiếp không chậm trễ, đó chính là “canh thức để được sẵn sàng” vậy. Chúc bạn thức tỉnh luôn với ơn thánh của Chúa, chứ không phải thức tỉnh với cà phê hay bia rượu hay hưởng thụ thế gian...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:00 26/11/2016

21. Người siêng năng rước lễ là người thanh bạch vô tội, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần họ có sự tiến triển rất lớn.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Hãy sám hối
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:06 26/11/2016
Chúa Nhật II MÙA VỌNG, năm A
Is 11,1-10 Rm 15, 4-9 Mt 3, 1-12

HÃY SÁM HỐI

Để dọn đường cho Con Thiên Chúa, các ngôn sứ đã đi trước để nói cho dân Chúa biết theo ngôn ngữ của con người, biết Thiên Chúa sẽ sai Con của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để cứu độ loài người, cứu rỗi con người. Do đó, sứ điệp của mỗi ngôn sứ mang dấu hiệu của thời gian, dân tộc, xứ sở của mỗi vị đang sống.Các ngôn sứ không phải là người viết sử, họ nói về tương lai nhưng chỉ biết được chút nào đó về sự xuất hiện của Đấng Messia, của Đấng Cứu Thế mà muôn dân đang trông đợi.

Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ đã được tiên tri Isaia nói tới :” Có tiếng người hô trong hoang địa ‘ Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi “. Sứ mạng của Gioan Tất Giả rất cao trọng bởi vì chính Ngài đã nhận ra Đấng Messia giữa đám đông dân chúng. Ngài đã chỉ cho các môn đệ của Ngài và dân biết Đấng phải đến “ Chúa Giêsu đang xuất hiện giữa dân chúng mà họ không nhận ra “. Gioan Tấy Giả luôn là Vị tiền hô, chỉ đường cho nhân loại đến với Thiên Chúa.

Gioan Tẩy Giả đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, kêu gọi con người, mời gọi nhân loại :” Ăn năn sám hối “. Để đón nhận và hiểu biết, tin và đi theo Đức Kitô, điều căn bản, cốt yếu của con người, của loài người là ăn năn thống hối. Đây cũng là nét căn bản của Tin Mừng. Ăn năn thống hối theo nghĩa Thánh Kinh là thay đổi cuộc sống, biến đổi con người từ tư tưởng, lời nói, hành động, làm cho đời người thay đổi hoàn toàn, thay đổi toàn diện. Bởi vì theo Gioan Tẩy giả, con người chỉ có thể đón nhận được Chúa, chỉ có thể đi theo Chúa khi họ biết sửa đổi, biết quay trở về với Thiên Chúa …Chướng ngại lớn nhất của con người là sự kiêu ngạo, tự mãn, tự phụ, tự che lấp để lúc nào cũng cho mình là đủ, là khôn ngoan.Sự tự phụ, tự tôn làm co con người chai lì, làm cho con người xa rời Thiên Chúa. Mỗi lần sám hối là bước khởi đầu của nên thánh. Thực tế, ai cũng có tội vì tất cả đều là loài thọ tạo. Gioan Tẩy Giả đã kết án phái Pharisêu và phái Xa-đốc:” Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? “ . Ngài bảo họ :” Phải thành thật, đừng giả dối, đừng tự phụ , đừng nghĩ rằng tổ phụ của mình là Áp ra ham là đủ, là được cứu rỗi, nhưng phải làm việc lành cho xứng với lòng thống hối vì Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp ra ham “. Ngài nói tiếp :” Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa “. Gioan Tẩy Giả đã khiển trách nặng nề những Pharisêu và Biệt phái…Vậy, phải chăng Ngài còn ám chỉ nhiều Vị lãnh đạo tôn giáo đã sống giả hình, đã tự cao, tự mãn, tự đại coi mình là nhất, không chịu ăn năn sám hối ?

Mùa vọng giúp mọi người suy nghĩ về cuộc hành trình đức tin của mình. Đây là cơ hội thuận tiện để con người, để chúng ta bạt núi đồi cho phẳng, uốn ngay đường, hố sâu lấp cho đầy. Quả thực tội lỗi sẽ đẩy con người xa Chúa, óc Biệt phái và Pharisêu cũng làm con người xa Chúa vời vợi. Ơn trở lại là hồng ân nhưng không của Chúa. Sám hối là nhìn vào Chúa để thấy mình còn quá yếu hèn tội lỗi, cần phải có ơn Chúa giúp. Thống hối là ăn năn khóc lóc tội mình đã làm mất lòng Chúa và xin ơn tha thứ của Chúa. Mađalêna đã trở lại với Chúa, và yêu mến Chúa vì được Chúa tha thứ nhiều.Hầu hết các thánh là những người luôn biết ăn năn sám hối, luôn biết phó thác và tin tưởng nơi Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết tín thác vào Chúa và được ơn ăn năn trở lại để Chúa tha thứ, yêu thương. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Gioan Tẩy Giả là ai ?
2.Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là phép rửa gì ?
3.Tại sao Gioan Tẩy Giả lại gọi phái Pharisêu và phái Xa-đốc là nòi rắn độc ?
4.Sám hối là gì ?
 
Chúa Nhật I Mùa Vọng: Vọng Tử
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
20:25 26/11/2016
CN I MÙA VỌNG : VỌNG TỬ

Năm nay Mùa Vọng đến sớm nhất (*). Điều đó tiên báo Noel tới trễ. Tức là đúng 4 tuần chẵn. Chúng ta đang đặt chân vào đầu Mùa Vọng nhưng lại còn dính nhiều ngày tới đuôi của tháng 11, tháng cầu cho các những người đã chết. Bởi đó, dựa vào giao thoa của thời gian, ta sẽ suy nghĩ về đề tài “chờ (vọng) chết (tháng 11)”. “Vọng tử”

Vương Nguyên Mỹ dọn tiệc mời khách, có một người khách rất tinh thông thuật số, gieo quẻ đoán vận, nên khách khứa hăng say nói về tử vi bói toán số mạng. Vương Nguyên Mỹ nói : “Tôi tự mình cũng biết coi bói vậy”. Có người hỏi ông ta xem thử thế nào, họ Vương trả lời: “Tôi và các ngài ai cũng phải chết”. (trích Hài Tùng)

Đúng, đó là chân lý. Là sự thật, dẫu là phũ phàng: tất cả mọi người đều phải chết.

Vì thể có thể nói cách bi quan rằng: sống là chờ chết (như người bệnh nặng hết thuốc chữa chỉ còn nằm giường chờ chết). Triết hiện sinh còn quan niệm bi quan hơn thế: con người là hữu thể để chết. Sein zum Tod. Càng sống thêm một ngày càng đi gần tới nấm mồ. Càng thở thêm một phút càng thấy quan tài rõ hơn một chút. Đó là cái nhìn bi quan.

Còn cái nhìn hy vọng của Kitô hữu: sống là chờ Chúa đến.

Con người ta ai cũng phải chết. Con người ai cũng phải đối diện với ngày Chúa đến. Đó là chân lý bất di bất dịch. Nhưng ngày giờ nào thì không ai rõ. Không ai biết được!

Bởi thế Chúa mới nói phải tỉnh thức. Tức là phải sống trong tư cách của người tỉnh thức.

Có nhiều cái thức mà không tỉnh. Có nhiều người thức mà mê chứ chẳng tỉnh tí nào. Họ là ai?

-Họ là những kẻ thức thâu đêm tới sáng để ăn thua đủ bên canh bạc trên chiếu. Họ thức mà không tỉnh, nhưng mê ông bác thằng bần.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh. Họ là người mê làm giàu: làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, Chúa Nhật làm thêm cũng được. Họ không nhớ lời Chúa : trước hết tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự đời sẽđược cho sau.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh là những kẻ thức trong mê man say đắm xác thịt. Thân xác thì thức để chờ đợi thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh, đó là những người có kiến thức, có tri thức rồi trở nên kẻ kiêu ngạo, họ thức trong kiến thức hạn hẹp của mình để lên án chỉ trích người này người kia. Họ quên lời Vua Kitô: Ai xét đoán anh em, sẽ bị xét đoán.

-Cũng có những kẻ xem ra thực thi đúng lời Chúa hôm nay: tỉnh thức và cầu nguyện, nhưng lại trong một cung cách sai.

Cha Anthony de Mello, nhà tu đức nổi tiếng người Ấn Độ kể:

Một hôm con trai của Giáo chủ đạo Bà La Môn bên Ấn Độ được mời vào một gia đình khá giả. Bà chủ nhà vốn có lòng hiếu khách, trổ tài nấu ăn cho vui lòng khách quý.

Tiếc thay khi dọn bữa lên, bà khiêm tốn xin lỗi khách vì cái mùi khen khét của các món ăn. Bà phân trần vì muốn bữa cơm thật ngon nên trong khi nấu nướng, bà lo cầu nguyện nên quên chú tâm vào việc nấu ăn.

Vị khách mỉm cười đáp: “Việc cầu nguyện là điều rất cần và rất tốt. Nhưng lần sau khi làm bếp, bà hãy cầu nguyện với quyển sách dạy nấu ăn hơn là cuốn Kinh Thánh Koran.”

Thế giới sẽ ra sao, nếu gần 2 tỉ người Kitô Giáo thức dậy là vào ngay nhà thờ cầu nguyện, và mê man với việc ở lại trong Nhà Thờ, chỉ trừ có giờ ăn, giờ ngủ.

CĐ Vatican gọi một trong những tội của thời đại này, là con người đã xao nhãng việc trần thế. Dĩ nhiên có cách thức vừa làm việc vừa cầu nguyện được, nhưng chắc hẳn không phải là ở mãi trong Nhà Thờ, lấy ai đi chợ lấy ai nấu ăn.

Người ta nói rằng tôn giáo là một thứ thuốc phiện ru ngủ tín đồ. Tuy nói thế là không đúng, nhưng sở dĩ có người nói thế một phần cũng là do chúng ta : nhiều người trong chúng ta chỉ coi tôn giáo là một nơi an ủi (chỉ đến với Chúa khi gặp chuyện buồn phiền) và một chỗ bảo hiểm an toàn (đọc kinh cầu nguyện để được Chúa che chở, cứu nguy). Họ đến nhà thờ để tìm kiếm những chuyện siêu nhiên (phép lạ, ơn đặc biệt) trong khi quá lơ là với những trách nhiệm trần thế. Đạo như thế đúng là thuốc phiện và người giữ đạo như thế đúng là người thức mà như đang mê ngủ.

Trên đây ta đã tạm liệt kê những người thức chờ Chúa đến mà không tỉnh. Họ thức trong mê: mê đỏ đen, mê làm giàu, mê lạc thú, kể cả mê cầu nguyện mà quên việc bổn phận hằng ngày…, cũng vẫn là thức mà không tỉnh.

Cái tỉnh đúng đắn là nhận chân rằng : số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu. Khi chết rồi là không thể sữa chữa được nữa.

Cái tỉnh đúng đắn nhất là biết sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào. Nói cách khác, sống mà như sẵn sàng chết. Một câu nói lừng danh : BẠN CHƯA SẴN SÀNG SỐNG CHO TỚI KHI NÀO BẠN SẴN SÀNG CHẾT.“ You are not ready to live until you’re ready to die”. Tức là: Bạn chưa biết sống nếu bạn chưa biết chết. Bạn sẽ không biết sống thế nào, nếu bạn chưa biết ta chết làm sao. Chết là lúc gặp Chúa.

Hãy thử xem bạn muốn gặp Chúa ra sao, thì bạn sẽ sống theo như vây.

Một bà đạo đức được Chúa hứa đến thăm vào ngày bà xin.

Sáng sớm hôm đó, bà lo dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng thật lộng lẫy, rồi ngồi chờ Chúa. Nghe tiếng gõ cửa, bà tin là Chúa đến, vội chạy ra mở cửa... Nhưng đó là người ăn xin. Bà buồn bã đóng cửa lại.

Một lúc sau lại có tiếng gõ cửa. Bà vội mở cửa nhanh hơn vì chắc là Chúa đến... Nhưng đó là một người mù. Và cửa đóng lại.

Mấy phút trôi qua, lại có tiếng gõ cửa. Bà nghĩ nhất quáa tam, chắc chắn Chúa đến nên chạy nhanh mở cửa. Thì ra là một người ăn mặc rách rưới. Bà vừa buồn vừa giận, nói: Tôi bận đón Chúa, tôi không giúp anh được!

Rồi màn đêm xuống cũng chưa thấy Chúa đến. Bà buồn rầu than:

- Chẳng biết Chúa bận việc gì mà quên lời hứa. Mòn mỏi quá bà ngủ quên và thấy Chúa đến nói:

Cha đã đến với con 3 lần, mà cả 3 lần đều bị con đuổi đi !...

Trên bia mộ trong một nghĩa trang, có mấy dòng chữ đáng ta suy nghĩ.

Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Những gì tôi làm phúc, cho đi, nay thuộc về tôi.

Đó chính là cách thức tỉnh thức thích hợp khi ta chờ Chúa đến.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

_____________

(*) Năm nay ngày lễ Giáng Sinh 25-12 đúng vào ngày Chúa Nhật, nên Mùa Vọng đến sớm nhất và kéo dài lâu nhất, đủ 4 tuần 28 ngày. Sang năm, lễ Giáng Sinh 25-12-2017 rơi vào thứ hai, Mùa Vọng sẽ ngắn nhất vì mãi tới 3-12 mới là CN I Mùa Vọng, và chỉ kéo dài 3 tuần trọn, có 21 ngày thôi. Sáng Chúa Nhật 24-12-2017 là Chúa Nhật IV Mùa Vọng, thì ngay chiều tối đó, đã “Đêm đông mừng Chúa giáng sinh ra đời rồi…”.
 
Chúa Nhật I Mùa Vọng: Sống tỉnh thức và sẵn sàng
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:32 26/11/2016
SỐNG TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng năm A.

Một năm Phụng Vụ lại đến. Thời gian cứ thế trôi đều theo nhịp dường như chẳng có gì mới dưới trần gian này. Đông qua, xuân đến, hạ đi, thu lại về. Hết mùa thường niên, đoàn tín hữu Kitô bước vào mùa Vọng, mùa Giáng Sinh. Tuy nhiên vẫn có đó cái gì mới lạ khi ta bước vào một điểm mốc của thời gian, cho dù đó chỉ là sản phẩm có tính quy ước của con người. Bắt đầu một chu kỳ mới, được gọi là năm dựa trên vòng xoay của vũ trụ nói chung, của thái dương hệ mặt trời và trái đất chúng ta nói riêng hay khởi đầu một chu kỳ lịch sử ơn cứu độ theo niên lịch Phụng Vụ Kitô giáo, hẳn nhiên vẫn tiềm tàng một khao khát, ước mơ, hy vọng nào đó. Chắc chắn đó là những hy vọng, mơ ước về nhiều điều tốt đẹp, có thể là hợp lý, phải đạo, cũng có thể là không và không thể loại trừ những ước vọng cao cả.

Bước vào một chu kỳ mới của niên lịch Phụng Vụ, Hội Thánh mẹ, trong năm Phụng Vụ năm A này có vẻ hơi lạ thường khi mời gọi chúng ta hướng cái nhìn đến ngày chung cục của thế giới, của đời người chúng ta. Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu tường thuật những lời cảnh báo của Chúa Giêsu về tính bất ngờ, đột ngột của cái ngày chung cục ấy. Đồng thời Người kêu gọi khán thính giả lúc bấy giờ cũng như chúng ta hôm nay là hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Quy luật tự nhiên giúp ta thêm xác tín rằng sự gì khi đã có khởi đầu thì hẳn có lúc kết thúc.

Vòng đời “thành, trụ, hoại, không” của nhiều vật, nhiều loài hữu hình trước mắt chúng ta là một dấu chứng cho sự kết thúc của vạn vật nói chung và của đời người chúng ta nói riêng. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là tính bất ngờ. Hình ảnh cơn lụt đại hồng thủy thời Noe hay hình ảnh hai người đàn ông đang làm ruộng, hai người đàn bà đang xay bột, thì một người bị đem đi, một người bị để lại, tất thảy đều muốn mô tả sự bất ngờ. Khi nói đến sự bất ngờ người ta thường nói đến hệ quả của nó là sự mất mát, sự thiệt hại hơn là sự may mắn hay là được lợi, cho dù thỉnh thoảng nhiều sự may mắn có xảy đến cách bất ngờ như chuyện trúng số độc đắc. Để tránh những hệ quả xấu, di hại cho hạnh phúc chúng ta đời này, nhất là cho hạnh phúc vĩnh cửu mai sau, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại là hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Vậy thế nào là thái độ biết sẵn sàng và tỉnh thức? Hội Thánh, qua bài đọc thứ nhất trích Sách Tiên tri Isaia và bài đọc thứ hai trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Roma, muốn trình bày hai phương thế sống tỉnh thức sẵn sàng, xét theo phương diện tiêu cực và tích cực.

1.Sống tỉnh thức sẵn sàng theo phương diện tiêu cực: Hãy loại bỏ những việc làm đen tối. Hãy dứt khoát với việc chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương. Không chìu theo tính tự nhiên mà thỏa mãn các dục vọng bất chính, đê hèn. Những hành vi bất chính, những thái độ bất xứng, những việc làm ám muội thường là những thái độ, hành vi, việc làm mà ta ít dám thể hiện công khai và thường không muốn cho ai hay, ai biết, ngoại trừ người đồng lõa, người tòng phạm.

Để sống tỉnh thức sẵn sàng theo nghĩa này thì xin hãy nhớ rằng không có sự gì mà sẽ không bị tỏ lộ. Chúng ta có thể che giấu một người nhiều lần. Chúng ta cũng có thể che giấu nhiều người một vài lần. Nhưng chúng ta khó mà che giấu mọi người nhiều lần. Nhất là chúng ta không thể nào che giấu được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can con người, từng người và mọi người (x.Tv 139).

Để sống sẵn sàng tỉnh thức theo ý hướng này không gì hơn hãy minh bạch hóa các việc làm của ta. Một người không ngần ngại công khai hóa các lời nói, tâm tư và hành động của mình thì sẽ tránh được nhiều sai sót, lỗi lầm. Và nếu có lỡ lầm hay sai sót thì cũng sẽ dễ có cơ hội khắc phục, sửa sai nhờ tha nhân góp ý, nhận định, phê bình.

2.Sống tỉnh thức sẵn sàng theo phương diện tích cực: Lấy gươm đao rèn thành cuốc thành cày; lấy giáo mác đúc thành liềm, lưỡi hái. Một động thái tích cực thật tuyệt vời. Đó là quay ngược 180 độ các xu hướng xấu xa, các việc làm ám muội, các hành vi gian ác. Một ngày kia, người ta hỏi văn hào Bernard Shaw, một văn hào rất thông minh và dí dỏm trong lối ứng xử: Nhờ đâu, và bằng cách nào ngài có được những câu ứng xử vừa thông minh vừa dí dỏm như thế? Có gì đâu. Tôi cứ tưởng tượng ra một câu nói thật ngu ngốc và nhạt nhẽo, rồi tôi tìm cách nói ngược lại.

Ai trong chúng ta lại không có những điểm yếu, những nghiêng chiều bất chính, những thói quen không tốt, chẳng hay, nếu chưa muốn nói là xấu xa? Ai trong chúng ta lại không có những tội lỗi mà nếu công khai ra thì thật ngượng ngùng? Ai trong chúng ta lại không có nhũng lầm lỗi hay tái phạm nhiều lần, khó chữa, khó chừa? Cứ vạch rõ chúng ra rồi hãy làm điều ngược lại. Giả như tôi có tật xấu hay bủn xỉn, keo kiệt về tiền bạc thì ước gì tôi tích cực tập chia sẻ cho tha nhân cách cụ thể bằng những đồng tiền rút từ hầu bao của tôi.

Kinh “Cải tội bảy mối, có bảy đức” chúng ta dường như thuộc nằm lòng. Kinh ấy có ra không phải là để chỉ đọc trong các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng mà là để chúng ta sống. Có thể nói một cách chắc chắn rằng những ai sống nội dung kinh “Cải tội bảy mối…” là đang thật sự tỉnh thức và sẵn sàng.

Người đang sẵn sàng và tỉnh thức thì không có gì là đột ngột hay bất ngờ mà là luôn trong tư thế chuẩn bị và đón chờ. Người biết đón chờ trong tư thế chuẩn bị thì hẳn sẽ gặp nhiều may lành khi giờ Chúa đến. Nói đến giờ Chúa gọi thì có thể có người cho là còn xa. Nhưng chắc chắn người biết chuẩn bị và đón chờ thì sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong dịp kỷ niệm Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất là Đại Lễ mừng Chúa Giáng Sinh.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến
Lm. Đan Vinh
20:34 26/11/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG Chúa Nhật 1 MÙA VỌNG A

Is 2,1-5 ; Rm 13,11-14 ; Mt 24,37-44

TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 24,37-44

(37) Quả thế, thời ông Nô-e thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. (38) Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-e vào tàu. (39) Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. (40) Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. (41) Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. (42) Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (43) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. (44) Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

2. Ý CHÍNH:

Ngày tận thế sẽ đến vào lúc bất ngờ, nên đòi người ta phải luôn tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa. Như trong nạn lụt hồng thủy thời No-e: chỉ có gia đình No-e vì đã tỉnh thức và đóng tàu mới được cứu thoát. Tỉnh thức như chủ nhà thức canh đề phòng kẻ trộm khoét vách nhà mình trong đêm tối. Tóm lại, các môn đệ cần luôn sẵn sàng đón Chúa đến bất ngờ.

3. CHÚ THÍCH:

- C 37-39: + Thời ông Nô-e thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy: “Con Người” ám chỉ Đấng Thiên Sai. Đức Giê-su đối chiếu nạn hồng thủy thời Nô-e với cuộc trở lại trong vinh quang vào ngày tận thế của Người để phán xét chung nhân loại hay phán xét riêng mỗi người vào giờ chết. + Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy…: Cuộc quang lâm của Con Người vào ngày tận thế giống như nạn hồng thủy thứ hai. Thiên hạ thời Nô-e cứ sinh hoạt bình thường mà không để ý đến những dấu hiệu của cơn đại họa sắp đến, nên đã phải chết thê thảm. Cuộc quang lâm của Vua Thẩm Phán Giê-su trong ngày tận thế cũng sẽ xảy đến bất ngờ như vậy.

- C 40-41: + Hai người đàn ông… Hai người đàn bà…: để diễn tả số phận con người khác nhau tùy theo thái độ tỉnh thức và tùy lối sống của họ, Đức Giê-su đã dùng hai hình ảnh cụ thể minh họa: hai người đàn ông đang làm việc ngoài đồng, hai người đàn bà đang xay chung một cối bột. + Thì một được đem đi, một bị bỏ lại: Người ta có thể cùng làm chung một ngành nghề, nhưng tùy theo cách sống mà số phận đời đời sẽ khác nhau: người này được tiếp nhận, kẻ kia bị bỏ rơi.

- C 42-44: + Hãy canh thức, vì không biết giờ nào…: Để khỏi bị bất ngờ như những người thời Nô-e, các môn đệ phải luôn tỉnh thức sẵn sàng. Tỉnh thức không phải là thụ động chong đèn ngồi chờ, nhưng là tích cực làm việc như người quản gia chu toàn nhiệm vụ cấp phát lương thực cho gia nhân (x. Mt 24,45), như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang dầu theo đèn (x. Mt 25,4), như người biết làm lợi gấp đôi số nén bạc được trao (x. Mt 25,20), luôn sống theo tám mối phúc thật (x. Mt 5,3-12), biết quan tâm chia sẻ và phục vụ tha nhân nhất là người nghèo đói (x.Mt 25,34-40). + Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng…: Các môn đệ phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến cách bất ngờ như kẻ trộm.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao phải tỉnh thức để đón chờ Chúa đến ? 2) Đức Giê-su đã dạy môn đệ bài học gì về sự tỉnh thức qua câu chuyện lụt đại hồng thủy thời No-e ? 3) Đức Giê-su đã dùng hai hình ảnh nào để minh họa cho lối sống tỉnh thức của người môn đệ hầu chuẩn bị cho ngày tận thế sẽ đến ? 4) Người môn đệ Chúa phải sống tỉnh thức như thế nào ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).

2. CÂU CHUYỆN:

1) KẾ SÁCH CÁM DỖ HOÀN HẢO NHẤT CỦA MA QUỶ:

Một câu chuyện ngụ ngôn về sự cám dỗ của ma quỷ như sau: Có ba tên quỷ con đang thời kỳ huấn luyện đi cám dỗ loài người. Một hôm tên quỷ già thầy giáo yêu cầu lũ quỷ học trò đề ra kế sách hòan hảo để cám dỗ loài người. Tên quỷ thứ nhất thưa rằng: “Tôi sẽ nói với loài người rằng: trên đời này làm gì có Thiên Chúa, nên các ngươi cứ việc ăn chơi thỏa thích theo lòng đam mê của mình”. Nhưng tên quỷ già bảo: “Kế sách đó khó thành công lắm, vì dù không thấy Thiên Chúa vô hình, nhưng hầu như mọi người đều cảm thấy sự hiệu hữu của ông ta”. Tên quỷ con thứ hai trình bày: “Phần tôi sẽ rỉ tai cho loài người biết: chết đi là hết. Thiên đàng hay hỏa ngục chỉ là sự tưởng tượng để hù dọa họ phải ăn ngay ở lành mà thôi chứ không có thực! Do đó, các ngươi cứ việc vui chơi thỏa thích, kẻo giờ chết đến thì khi ấy có muốn cũng không thể vui chơi được nữa!”. Tên quỷ già gật gù nói: “Kế đó cũng hay đấy. Nhưng có lẽ loài người vẫn biết có quả báo, có thiên đàng để thưởng kẻ lành và hỏa ngục để phạt kẻ dữ”. Tên quỷ con thứ ba thì nêu ý kiến này: “Phần tôi, tôi sẽ làm cho con cái loài người tin rằng còn lâu chúng mới chết. Do đó chúng cứ việc thỏa mãn những đam mê lạc thú ở đời. Khi nào phải nằm liệt giường sắp chết, sẽ ăn năn sám hối cũng chưa muộn!”. Nghe xong, tên quỷ già khoái chí cười hô hố. Nó vừa xoa đầu tên quỷ học trò vừa khen lấy khen để: “Trò giỏi lắm. Quả đó là kế sách rất hạp ý ta. Với phương kế này, chắc chắn nước hỏa ngục của chúng ta sẽ ngày càng bành trướng vì sẽ có thêm rất nhiều kẻ gia nhập đó!”.

2) CẦN TỈNH THỨC TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN:

Sách “Cổ Học Tinh Hoa” có kể lại một câu chuyện như sau:

Bấy giờ vua nước Ngô định đem quân đánh nước Tề, nhiều người lên tiếng can ngăn, nhưng vua chẳng chịu nghe, lại còn ra lệnh nếu ai nói tới việc đình chiến thì sẽ bị chém đầu. Một vị quan trẻ tuổi nhưng nổi tiếng khôn ngoan, luôn ba ngày liền cứ sáng sớm mang cung đến khu vườn trong hoàng cung. Không đếm xỉa gì tới sương rơi và nắng gội. Ngày thứ ba, vua gặp và hỏi:

- Khanh làm gì đó?

- Thưa trên ngọn cây cổ thụ này có con ve sầu hút gió, uống sương và kêu ve ve suốt ngày. Con ve nghĩ mình yên thân, nhưng đằng sau phía xa lại có một con bọ ngựa đang rình chờ nhảy tới vồ nó. Trong lúc bọ ngựa định tóm cổ con ve sầu, thì ở gần đó lại có một con chim sẻ đang dòm ngó, tìm cách bắt con bọ ngựa. Nhưng chính con chim sẻ này lại không dè dưới gốc cây có người lại đang nhắm bắn nó. Chính hạ thần đây là người đang rình bắn con chim sẻ. Nhưng hạ thần lại quên rằng sương rơi và nắng chiếu lại có thể làm cho mình bị cảm và chết. Cũng như nhiều người, hạ thần chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ nhen trước mắt mà quên mất cái hại tày đình đang rình chờ ở sau lưng.

Hiểu vị quan này có ý thức tỉnh mình, sau đó nhà vua nước Ngô đã nghĩ lại và quyết định thôi không đem quân đi xâm lấn nước Tề.

3) THIẾU CẢM THÔNG CŨNG LÀ KHÔNG TỈNH THỨC:

Một vị linh mục lớn tuổi đã kể lại câu chuyện sau đây. Xưa kia ở New York, có một bà mẹ sống với một người con trai. Chẳng may đứa con trai bị bệnh nặng. Bà mẹ không còn mong muốn gì hơn là tìm gặp được người thầy thuốc giỏi chữa lành bệnh cho con bà. Bà nghe người ta đồn về một ông bác sĩ rất giỏi từ Vienna, Áo quốc, sẽ ghé thăm thành phố New York, và bà hy vọng sẽ mang đứa con trai đến cho ông chữa bệnh. Vào một buổi tối mùa đông, thời tiết rất xấu, bên ngoài trời mưa lạnh, bà nghe rõ có tiếng gõ cửa. Mở hé cửa ngó ra ngoài bà chỉ nhìn thấy một người đàn ông tóc phủ bờ vai cùng với bộ râu dài và lướt thướt. “Thưa bà, trời đêm tối lạnh lẽo và ướt át, tôi có thể vào nhà bà được không?” Người đàn ông hỏi. “Rất tiếc,” người đàn bà nói, “tôi không thể đón tiếp ông được!” Rồi bà đóng sầm cánh cửa và khóa kín lại.

Ngày hôm sau, người đàn bà mở tờ nhật báo ra. Ngay trang nhất, bà đọc được hàng chữ lớn in đậm: “Vị Bác Sĩ Nổi Tiếng Từ Vienna Viếng Thăm New York.” Phía dưới hàng chữ là bức hình chụp của ông bác sĩ. Với sự ngạc nhiên và buồn rầu, đây chính là người đàn ông tóc dài với bộ râu lướt thướt đã gõ cửa nhà bà tối hôm qua!

Trái với sự tỉnh thức là ngủ mê. Ngủ mê trong ảo tưởng của tội lỗi, vật chất và trần gian. Thánh Phaolô khuyên dạy dân thành Thêxalônica như sau: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ”.

Vài thập niên vừa qua, thành phố Pittsburgh, nơi có nhiều xưởng thép và những lò luyện kim vĩ đại gây nên những tiếng đập ồn ào suốt ngày đêm. Dân chúng sống chung quanh vùng này đã quen tai với những tiếng búa, tiếng nện đến nỗi họ vẫn ngủ yên an bình. Quả vậy, tiếng động đã ru họ ngủ ngon giấc. Nhưng vào một đêm, bất chợt tai nạn xảy đến làm ngưng trệ một nhà máy lớn. Tiếng nện ồn ào ngưng hẳn. Và mọi người đã tỉnh thức.

4) THÁI ĐỘ TỈNH THỨC ĐÒI PHẢI LUÔN TỀ CHỈNH:

Một vị thanh tra kia khi đến thăm một trường tiểu học đã nói với các em học sinh như sau: “Hôm nay thầy thấy có nhiều học sinh đã để bàn học mất trật tự, lớp học thì ồn ào và rác rến vung vãi mất vệ sinh. Vậy thầy quyết định sẽ trở lại đây để kiểm tra các em một lần nữa. Từ nay tới hôm thầy trở lại, em nào giữ được bàn học sạch sẽ, sách vở ngăn nắp sẽ được thưởng”. Bấy giờ có mấy em hỏi: “Thưa thầy, khi nào thầy sẽ trở lại ạ ?”. Thầy đáp: “Thầy sẽ trở lại. Nhưng không cho các em biết ngày giờ chính xác”.

Sau khi thầy thanh tra đi, một cô bé liền nói với mấy đứa bạn rằng mình quyết tâm sẽ dành được phần thưởng của thầy. Các bạn khác nghe vậy liền cười ồ chế diễu, vì cô bé này ít khi nào chỉnh tề ngăn nắp. Có bạn hỏi rằng: “Bàn học của bạn chẳng khi nào chỉnh tề mà bạn lại đòi được lãnh phần thưởng hay sao ?” Nhưng cô bé trả lời: “Từ ngày mai, mỗi buổi sáng tớ sẽ thu xếp dọn dẹp ngay khi mới đến là sẽ gọn gàng ngay thôi mà”. Bạn kia lại hỏi: “Thế nếu thầy thanh tra đến vào buổi chiều hay tối thì sao ?” Cô bé im lặng suy nghĩ một lát rồi nói: “Thôi, mình hiểu rồi. Như thế là lúc nào mĩnh cũng phải giữ bàn học thứ tự gọn gàng sạch sẽ phải không các bạn ?”.

3. SUY NIỆM:

Trong cuộc sống, nếu mỗi người chúng ta muốn được thưởng hạnh phúc đời sau thì ngay từ bây giờ chúng ta phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện.

1) Ý nghĩa của Mùa Vọng:

a) Mùa Vọng là thời kỳ giúp các tín hữu chờ đợi Chúa đến, không phải như trong thời Cựu Ước, dân Do Thái đang mong chờ Đấng Thiên Sai đến, vì Người đã đến rồi, nhưng là thời gian để các tín hữu chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Chúa Giáng Sinh, và cũng là thời gian để chúng ta chờ đón Đấng Thiên Sai tái lâm để phán xét chung và đưa người lành vào hưởng hạnh phúc thiên đàng, nơi không còn đau khổ, không còn nước mắt hay sự chết nữa.

b) Đối với các tín hữu chúng ta thì ngày tận thế vừa là ngày tận cùng để vũ trụ biến đổi thành một “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1), mà cũng vừa là giờ chết của mỗi người. Trước sự kiện ngày tận thế, phản ứng của loài người sẽ khác nhau tùy họ tin hay không tin như sau:

+ Đối với người không tin thì tận thế là ngày oán phạt: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-27).

+ Nhưng đối với các tín hữu thì tận thế lại là ngày vui mừng và hy vọng như lời Chúa dạy: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

2) Bài học về số phận thành Sô-đôm bị hủy diệt:

a) Tình trạng tội lỗi của dân thành Sô-đôm: Ông Lót và gia đình sống tại thành Sô-đôm. Khi Sô-đôm bị các nước lân bang xâm chiếm thì Lót bị bắt đi. Tổ phụ Áp-ra-ham đã phải đưa gia nhân đi giải cứu. Nhưng sau đó Lót về sống trong thành Sô-đôm giàu có tội lỗi. Vì tội của dân thành này quá nhiều khiến Đức Chúa phải quyết định trừng phạt. Abraham đã phải mặc cả nhiều lần để xin Chúa tha thứ cho dân thành. Nhưng vì tại Sô-đôm không tìm ra được đủ mười người công chính, nên cuối cùng cả thành đã bị tiêu diệt. Trước khi tai họa xảy ra, có hai thiên sứ của Chúa đến giải cứu Lót. Nhưng Lót còn phân vân không muốn dời đi vì tiếc của. Rồi sau khi đã ra khỏi thành, bà vợ ông Lót còn tiếc của ngoái lại và đã biến thành tượng muối đúng như Chúa phán (x. St 19,1-25).

b) Tình trạng tội lỗi của con người hôm nay: Ngày nay, tình trạng sa đoạ ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của lối sống hưởng thụ thực dụng, do phim ảnh in-ter-net… đến độ người ta cho rằng phải sống đồi trụy mới là tiến bộ như: quan hệ trước hôn nhân, đồng tính luyến ái, ngoại tình, phá thai và các sách báo, phim, băng hình đồi trụy mỗi ngày một gia tăng, mặc dù cơn đại dịch Sida, Aid đã tiêu diệt hàng trăm ngàn người mỗi năm, thế nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt làm ngơ, vẫn lao vào cuộc sống hưởng thụ, sa đoạ, bất chấp lề luật, tai họa, đến mức Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã phải thốt lên: "Cái đáng buồn của thế giới ngày nay chính là mất đi ý thức về tội lỗi. Người ta không còn nghĩ đến tội phúc, và cũng chẳng cần nghĩ đến danh dự phẩm giá con người, mà chỉ cần thoả mãn các nhu cầu dục vọng bất chấp lề luật mà Thiên Chúa đã an bài".

3) Chúng ta phải làm gì ? :

a) Chờ đợi ngày Chúa sẽ đến bất ngờ: Chúa sẽ đến bất ngờ, nhưng sẽ không bất ngờ đối với những ai luôn tin cậy vào Chúa và trong tư thế sẵn sàng trong cách ăn nết ở như lời thánh Phao-lô: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày. Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14).

b) Phải tỉnh thức đợi chờ Chúa đến thế nào trong mùa Vọng này? :

- Không phải đợi chờ trong lo âu buồn phiền như người vô tín, nhưng trong niềm tín thác, cậy trông và hy vọng như môn đệ Chúa Giêsu.

- Không phải đợi chờ cách thụ động, nhưng phải chu toàn bổn phận của mình.

- Chờ đợi chính là tích cực cộng tác với tha nhân để xây dựng cho gia đình, khu xóm và nơi làm việc của mình ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn.

- Chờ đợi như thế thì ngày Chúa đến trong giờ chết sẽ không còn bất ngờ đáng sợ, nhưng với niềm vui hân hoan. Vui vì tin rằng Chúa sẽ đến thiết lập một “Trời Mới Đất Mới” và sẽ đón nhận chúng ta vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Người.

4. THẢO LUẬN:

1) Có người nói: “Đời người mau qua chóng hết, nên ta cần phải nếm mọi lạc thú ở đời, để đến giờ chết ta sẽ không còn phải hối tiếc vì cuộc sống quá ngắn ngủi mau qua”. Bạn sẽ nói gì với người ấy giúp họ hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng đời sau ?

2) Ngay từ hôm nay bạn sẽ làm gì để xây dựng gia đình, xã hội trở thành thiên đàng trần gian, một nơi chan chứa sự công bình, yêu thương và hạnh phúc ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU: Nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng bối rối. Bối rối vì bản thân chúng con còn nhiều tội lỗi khuyết điểm, vì môi trường và thế giới chúng con đang sống vẫn nhiều dở dang và còn nhiều người chưa nhận biết tin thờ yêu mến Chúa Cha. Chúa đến không để hủy diệt những kẻ tội lỗi, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống.

- LẠY CHÚA THÁNH THẦN, xin cho chúng con luôn thành tâm sám hối để đón nhận ơn thứ tha của Chúa Cha. Xin cho chúng con biết luôn cộng tác với Chúa Giê-su để xây dựng một “Trời mới Đất mới” công bình và yêu thương, an vui và hạnh phúc. Xin giúp chúng con luôn cậy trông vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì biết rằng tất cả những điều xảy ra đều nhằm thanh luyện và biến đổi chúng con nên tốt hơn, hầu chúng con góp phần xây dựng thế giới mỗi ngày một nên công bình yêu thương và hạnh phúc hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH -HHTM
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chung kết cuộc bầu cử sơ tuyển tại Pháp
Hà Minh Thảo
21:55 26/11/2016
CHUNG KẾT BẦU CỬ SƠ TUYỂN TẠI PHÁP

Ngày 20.11.2016, cuộc Bầu cử Sơ tuyển hữu phái và trung phái tại Pháp, vòng một, để chuẩn bị cho mùa tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022 đã thành công tốt đẹp với những đặc điểm:

I.- Kết quả :
i. François Fillon thu được 44,1 % số phiếu hợp lệ(1.883.855 phiếu) ;
ii. Alain Juppé : 28,6% (1.220.382) ;
iii. Nicolas Sarkozy : 20,7% (882.687) ;
iv. Nathalie Kosciusko-Morizet : 2,6% (109.305) ;
v. Bruno Le Maire : 2,4% (101.766 voix) ;
vi. Jean-Frédéric Poisson : 1,5% (62.135) ;
vii. Jean-Francois Copé : 0,3% (12.750).

Như vậy, hai ông Fillon, cựu thủ tướng 62 tuổi, và Juppé, cựu thủ tướng 72 tuổi, được vào vòng hai được tổ chức vào ngày 27.11.2016.

Sự về đầu của ông Fillon và khá xa ứng cử viên Juppé đến 15,5% và loại ông Sarkozy khỏi vòng chung kết đã gây rung chuyển chính trường cánh hữu Pháp. Các cuộc thăm dò dân ý ba tuần trước đó cho thấy ông chỉ ở khoảng 14% và ông rất tự tin qua hai lần tranh cử và ở lần tranh cử chót ngày 17.11.2016, thăm dò dân ý đã cho thấy ông Fillon ngang ngửa với ông Sarkozy và cả hai thua ông Juppé cả 10%. Lý do cựu thủ tướng Fillon dẫn đầu vòng một cuộc sơ tuyển, vì đa số cử tri Pháp tìm thấy nơi ông lý tưởng của một « cánh hữu truyền thống, bảo thủ về các giá trị và tự do về kinh tế ».

Sau khi bị loại, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, qua màn ảnh truyền hình, đã chấp nhận thất bại cay đắng, tạm thời gác giấc mơ trở lại điện Elysée và chờ dịp khác. Oâng tuyên bố dù thân thiện với ông Juppé, nhưng ông vẫn dành lá phiếu của mình ứng cử viên François Fillon.

II.- Số cử tri tham gia đầu phiếu khá đông.

Cuộc đầu phiếu đã thu hút 4.272.880 cử tri vì những lý do sau :

1. Quy chế tổ chức sơ tuyển này cho phép mọi công dân Pháp tham gia đầu phiếu, nên các cử tri ủng hộ ông Sarkozy lên tiếng về sự việc có 15% người đi bầu tự xưng thuộc cánh tả.

2. Sự can thiệp của những cử tri này là vì họ không muốn ông Sarkozy thắng cuộc sơ tuyển này. Lý do là họ không muốn đương kiêm Tổng thống François Hollande thấy còn một chút hy vọng để tái cử nhiệm kỳ 2. Thật vậy, dựa vào các thăm dò dân ý hiện có cho biết nếu ông Juppé ứng cử thì, ở vòng một, ông sẽ về đầu trước bà Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia, Front National, FN). Nhưng, nếu ông Sarkozy đại diện cho hữu và trung phái thì ông chỉ về hạng nhì sau bà Le Pen. Dựa vào đó, ông Hollande sẽ có thể có một tia hy vọng nhỏ để vào vòng nhì tuyển cử Tổng thống ngày 07.05.2017, vì chẳng những các cử tri phe tả lẫn cực tả và một phần trung phái rất chống ông Sarkozy nên có thể dồn phiếu cho ông Hollande như năm 2012 và, khi ông được vào vòng nhì thì chắc chắn ông sẽ thắng bà Le Pen, dù bà này về nhất hay nhì vì cử tri Pháp coi đảng FN là cực hữu. Trong khi đó, đảng cực tả Cộng sản Pháp (Parti communiste francais, PCF) không còn tiền lẫn người để tham gia ứng cử Tổng thống, nên phải dựa hơi Mặt trận Tả phái (Front de Gauche).

3. Theo các khảo sát được tiến hành bởi cho BFM TV, 59% cử tri thuộc nam giới, đã đi hưu, thuộc giới thành thị đã tạo thành con số hơn 4 triệu cử tri tham dự vòng một. Những người trên 65 tuổi chiếm 39% số người đi bầu này, những cử tri ở lứa tuổi 50-64 chiếm 23%, lứa tuổi 35-49 là 22%, lứa tuổi 25-34 là 10% và chỉ 6% cho lớp tuổi trẻ 18-24.

Về thành phần xã hội, các hưu viên là những người hăng hái nhất đi bầu chiếm 43% tổng số cử tri, kế đến là các giới trung lưu và thượng lưu (32%), những người có trình độ đại học (18%) và những người không việc làm 7%.

Khoảng 60% tổng số cử tri có nguồn gốc thành thị, 21% là dân thuộc các khu vực Paris và 19% thuộc vùng nông thôn.

III.- Cuộc tranh luận lần chót.

Tối ngày 24.11.2016, hai ứng cử viên cánh hữu Pháp là Dân biểu François Fillon và Thị trưởng Bordeaux Alain Juppé đã trực tiếp tranh luận trên các đài truyền hình để giúp cử tri hiểu rõ hơn những nội dung cùng các cam kết quan trọng trong chương trình tranh cử chung kết của mình.

Trước hết, nhị vị khẳng định, khi trở thành Tổng thống, sẽ nổ lực để bảo vệ quyền lợi nước Pháp, tiến hành các cải cách sâu rộng nhằm thay đổi tình trạng trì trệ hiện thời. Các ông cũng cho rằng cuộc tranh luận là cần thiết nhưng không được gây chia rẽ nội bộ vì đều là thành viên trong ‘gia đình’ đảng ‘Những người Cộng hòa’ (Les Républicains).

Sau đó, nhị vị đã trả lời chất vấn về các vấn đề như thực thi quyền lực Nhà nước, mô hình xã hội Pháp, các cải cách kinh tế, vấn đề an ninh, quan hệ Pháp-Nga và khả năng liên minh với Nga trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (État islamique). Về cải cách kinh tế, không có nhiều khác biệt lớn giữa hai ứng cử viên, ngoài những con số như cắt giảm ngân sách công, cắt giảm trợ cấp xã hội, dự trù giảm bớt số công chức trong bộ máy nhà nước mà ông Fillon nhiều hơn bị cho là khó thực hiện.

Ðề cập đến bản sắc Pháp, ông Juppé mạnh mẽ bảo vệ sự đa dạng về nguồn gốc, màu da, tôn giáo và tư tưởng chính trị. Ðiều đó làm nên sự đa dạng và phong phú cho nước Pháp. Nhưng ông cũng cảnh báo cần loại bỏ tư tưởng co cụm mang tính ‘chủ nghĩa cộng đồng’ hầu tạo sự đoàn kết quốc gia. Ứng cử viên Fillon thì nhấn mạnh ‘Pháp không phải là một quốc gia đa văn hóa’. Nước Pháp có một lịch sử, một ngôn ngữ và một văn hóa, ‘được làm phong phú bởi những đóng góp từ bên ngoài’, bởi vậy khi một người ngoại quốc đến Pháp, họ cần hội nhập và tôn trọng di sản văn hóa của Pháp.

Như cuộc bầu Tổng thống ngày 08.11.2016 tại Hoa kỳ, nước Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã là đề tài bàn thảo tại các cuộc tranh luận. Ông Juppé phê bình quan điểm ủng hộ Nga và thái độ thân thiện mà ông Fillon dành cho ông Putin. Nhưng, ông Fillon đã phản ứng lại bằng cho rằng ‘mối nguy hiểm thực sự đối với Âu châu, không đến từ Nga’, vì ‘đây là mối nguy hiểm dưới góc độ kinh tế và nó đến từ Á châu’ và ‘các biện pháp trừng phạt Nga thời gian qua đã thất bại’, Ðồng thời, ông nhấn mạnh: ‘Để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Syrie, các nước Âu châu cần phải thảo luận với Nga’.

Hà Minh Thảo

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Cha Micae Hòang Đức Oanh về pháp lệnh tự do tôn giáo
VietCatholic Network
03:02 26/11/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Thánh Lễ mừng 20 năm VietCatholic
VietCatholic Network
09:13 26/11/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Cộng đoàn Giáo khu Phanxico Xavier Melbourne mừng bổn mạng 2016
Trần Văn Minh
20:23 26/11/2016
Melbourne, vào lúc 3.30 chiều thứ Bảy, Ngày 26/11/2016. Tại Nhà thờ Thánh Martin de Porres vùng Avondale Height. Giáo khu Phanxicô Xavier thuộc Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã hân hoan mừng kính lễ bổn mạng giáo khu sớm, vì ngày kính Thánh là đầu Tháng 12.

Mời xem hình

Với một ngày thời tiết tương đối đẹp, mọi người đủ mọi thành phần trong giáo khu, khách mời và các ban ngành đoàn thể trong cộng đoàn đã về ngôi nhà Chúa để tham dự Thánh lễ. Thánh lễ được Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân SSS Quản nhiệm Cộng đoàn dâng lễ tạ ơn và cầu cho mọi người trong giáo khu. Ca đoàn Nữ Vương và Martino phụ trách phần Thánh ca đã dùng tiếng hát, lời ca thánh thót, ca khen chúc tụng cảm tạ Chúa, làm cho buổi lễ thêm long trọng và sốt sắng.

Trước Thánh lễ, vị đại diện giáo khu ông Trần Công Hùng đã lên đọc qua tiểu sử về Thánh Phanxicô Xavier. Một vị thánh sống trong gia đình quý tộc, giầu sang, trí thức. Nhưng nghe tiếng Chúa gọi đã bỏ hết danh vọng, để lên đường đi rao giảng tin mừng, đưa đạo Chúa đến với muôn dân trên khắp mọi nơi trên thế giới.

Trong phần chia sẻ lời Chúa, Linh mục quản nhiệm cũng nhắc lại những nhân đức của Thánh nhân, với gương truyền giáo sáng ngời, Ngài có tinh thần mạo hiểm ở vào thời kỳ mà mọi phương tiện đi lại còn rất thô sơ, rất khó khăn để đi từ nơi này đến nơi kia. Những con tầu thô sơ lênh đênh trên biển cả hằng mấy tháng trời với đủ mọi hiểm nguy rình rập. Rồi những trở ngại về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, phải thích nghi với khí hậu khắc nghiệt. Thế mà Thánh nhân đã không chán nản, mệt mỏi, từ nan, ngài đã trông cậy Chúa, đi đến những nơi mà con người chưa biết đến tin mừng của Chúa. Từ Ấn Độ, Mã Lai, qua Nhật rồi Trung Hoa, mang hạt giống đức tin đi gieo vãi để đến hôm nay, hoa qủa có được từ những công việc người làm để lại cho chúng ta một cánh đồng đức tin mầu mỡ triển nở toàn phương Đông. Ước gì mọi thành viên trong Giáo khu cũng noi gương Thánh bổn mạng hăng hái rao giảng và mở rộng nước Chúa.

Cô Phạm Thu Thanh đọc lời cầu nguyện cho các phẩm trật trong Hội Thánh, cho quê hương, đất nước và mọi người trong giáo khu được mọi sự bình an.

Ông Đặng Cao Thắng trưởng giáo khu lên cám ơn quý Cha, quý ban ngành trong cộng đoàn, ca đoàn, cùng tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong giáo khu, đã góp công, góp của để tổ chức mừng thánh bổn mạng của giáo khu.

Sau Thánh lễ là bữa tiệc mừng được tổ chức thật vui tại hội trường giáo xứ, để mọi người có dịp gặp chào và thăm hỏi nhau trong tình con một Chúa trong giáo khu. Thức ăn ngon, tình thân ái là những niềm vui gặp mặt mừng bổn mạng, giúp mọi người gần nhau hơn.

 
Gx. Đức Mẹ La Vang, Miami Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Lễ Tạ Ơn
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Miami
20:54 26/11/2016
Gx. Đức Mẹ La Vang, Miami Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Lễ Tạ Ơn

Thứ Năm 24-11, ngày người dân Hoa Kỳ mừng Lễ Tạ Ơn. Đây là ngày lễ, theo lịch sử, là cơ hội để người dân nói lên lời tạ ơn với Thượng Đế vì bao ơn lành đã lãnh nhận trong cuộc sống và cũng để cám ơn những người đã giúp đỡ, hướng dẫn ta nên người. Một điều đặc biệt hơn nữa, năm nay, ngày Lễ kính 117 Thánh Tử Đạo VN cũng trùng vào ngày Lễ Tạ ơn.

Xem Hình

Trong niềm vui mừng Lễ Tạ ơn và mừng kính Các Thánh TĐVN, Giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã tổ chức rước kiệu các Thánh TĐVN và cử hành Thánh Lễ trọng thể với 2 ý hướng trên. Đúng 10:30am, dưới sự hướng dẫn của BTC, các hội đoàn và anh chị em giáo dân tập trung tại Đài Đức Mẹ. Trời Nam Florida hôm nay nắng nhẹ sau một đêm mưa làm cho bầu khí ngày lễ rực lên với các màu áo đỏ, vàng, trắng. ....Hôm nay, đoàn Hiệp sĩ Kha-luân--Bố cũng mặc đồng phục Hiệp sĩ với đầy đủ mũ, áo và kiếm làm hàng chào danh dự. Sau khi Cha chủ sự dâng lời nguyện, đoàn rước bắt đầu đi theo lộ trình chung quanh nhà thờ. Vì là ngày nghỉ, số người đến tham dự Thánh Lễ rất đông, gồm cả những người không Công Giáo theo bạn bè đến. Khi Thánh Lễ bắt đầu, nhà thờ chật kín và nhiều người phải ngồi bên ngoài tham dự. Trong bài giảng, cha chủ tế chia sẻ về ý nghĩa của ngày Lễ kính các Thánh TĐ và Lễ Tạ Ơn. Trước hết, ngài dẫn chứng gương anh hùng tử đạo của 2 vị Thánh tiêu biểu: Tô-ma Trần văn Thiện, một chủng sinh bị bắt đạo khi mới 18 tuổi và đã can đảm đối đáp trước quan quyền cho dù bị hù doạ và cám dỗ. Rồi bà Thánh A-nê Lê thị Thành, hay còn gọi bà Thánh Đê, dù bị đánh đập tàn tạ, vẫn vui vẻ nói với con gái và còn nhắn con bổn phận chăm sóc gia đình thay mẹ. Ngài cũng nhấn mạnh ý nghĩa tử đạo trong đạo Công Giáo khi các vị tử đạo chết cho niềm tin dựa trên tình yêu, hoàn toàn khác hẳn với cái gọi là tử đạo của Hồi giáo quá khích khi các kẻ đeo bom tự sát với lòng ghen ghét và sự trả thù, gây ra nhiều cái chết cho người vô tội. Tiếp đến, ngài nói về lời tạ ơn của con người với Thiên Chúa và với những người đã làm ơn cho chúng ta: Cha mẹ, người dân Hoà Kỳ và những ân nhân giúp ta trong cuộc sống. Cuối cùng, ngài kết luận: Người Ki-tô hữu được mời gọi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong từng phút giây cuộc sống, nhất là về hồng ân sự sống và biết sống sự tử đạo hằng ngày bằng những hy sinh cho nhau nơi gia đình, trong xã hội và vượt thắng cám dỗ lười biếng, trung thành trong việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.....

Sau Thánh Lễ, mọi người được mời ra hội trường cùng dự bữa ăn Tạ ơn gồm các thức ăn và thức uống do một số anh chị em mang đến. Trong khi ăn, có chương trình hát Karaoke "La Vang by Day" thật vui nhộn vì nhiều "ca sĩ gà nhà" ghi danh.

Xin cảm tạ Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang và các Thánh TĐVN, đã cho giáo xứ chúng con một ngày tràn đầy sự thánh thiệ, yêu thương và niềm vui.

Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Miami
 
Tân Hội đồng giáo xứ chính tòa Phủ Cam dân thân phục vụ
Trương Trí
21:26 26/11/2016
Chúa Nhật THỨ I MÙA VỌNG-TÂN HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ CHÍNH TÒA PHỦ CAM DẤN THÂN PHỤC VỤ

Thực hiện Qui chế về Hội đồng Mục vụ Giáo xứ của Tổng Giáo phận Huế: các thành viên HĐGX phải là những người dưới 70 tuổi, đạo đức và nhiệt huyết, đồng thời cũng phải có uy tín trong giáo xứ. Sau khi được tuyển chọn bởi Cha Quản xứ Chính tòa Phủ Cam Antôn Nguyễn Văn Tuyến, qua giới thiệu của Ban Thường vụ HĐGX củ. Hôm nay, Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, tân Ban Thường vụ HĐGX Chính tòa Phủ Cam chính thức ra mắt trước Cộng đoàn Dân Chúa và thực hiện Nghi thức Dấn thân phục vụ và long trọng tuyên hứa sẽ hết lòng cộng tác với Cha Quản xứ, quí Cha Phó để Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam ngày càng thăng tiến, xứng đáng là đầu tàu của Tổng Giáo phận. Với tầm quan trọng của Thánh lễ hôm nay với nghi thức dấn thân và tuyên hứa của Tân Ban thường vụ HĐGX, Cha Quản xứ đã chủ tế Thánh lễ và chủ sự nghi thức cùng với hai Cha Phó xứ.

Xem Hình

Chia sẻ và giáo huấn trong Thánh lễ, Cha Quản xứ nêu ra định nghĩa của Giáo xứ trong Tông huấn “Niềm vui Tin mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một địa phương nhất định, một môi trường để nghe Lời Chúa, để tăng trưởng trong đời sống Kitô hữu, để đối thoại, rao giảng, làm việc bác ái, thờ phượng và mừng lễ. Trong mọi hoạt động của mình, giáo xứ cổ vũ và huấn luyện các thành viên của mình để trở thành những người loan báo Tin mừng. Giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và là một trung tâm vươn ra truyền giáo. Biến các giáo xứ trở thành môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo: Một cuộc canh tân không trì hoản của Hội Thánh.

Nghi thức dấn thân và tuyên hứa diễn ra long trọng, 9 vị thành viên tân Ban Thường vụ tiến lên trước Bàn thờ. Trong bầu khí trang nghiêm, trước mặt Cha Quản xứ chủ sự, quí Cha Phó và Cộng đoàn Dân Chúa, Tân Ban Thường vụ hứa đem hết nhiệt huyết và lòng trung thành để phục vụ. Đồng thời tuyên xưng lại Đức Tin và quyết tâm làm cho giáo xứ trở thành một cộng đoàn Loan báo Tin mừng.

Tin tưởng vào lời hứa và lòng quyết tâm đó, Cha Quản xứ và 2 Cha Phó cùng Ban Cố vấn là những thành viên của Ban Thường vụ lớn tuổi đến bắt tay động viên tinh thần của Tân Ban Thường vụ trong tràng pháo tay chúc mừng của toàn thể giáo xứ.

Sau Thánh lễ, ông Phêrô Đặng Văn Hoàng, tân Chủ tịch HĐGX thay mặt tân Ban Thường vụ phát biểu tri ân Cha Quản xứ và 2 Cha Phó cũng như ban Cố vấn đã tín nhiệm và giao trách nhiệm để cộng tác với quí Cha trong việc điều hành giáo xứ. Với sức lực và trình độ lẫn kinh nghiệm vẫn còn non kém, tân Ban Thường vụ HĐGX xin hứa sẽ đem hết sức mình để phục vụ. Tuy nhiên, với sự yếu đuối và mỏng dòn của con người không thể tránh khỏi những thiếu sót trong lúc làm việc, rất cần được sự chỉ bảo của Quí Cha, quí ban Cố vấn và Cộng đoàn Dân chúa.

Kết thúc Thánh lễ, Cha Quản xứ, hai Cha Phó, Tân Ban Thường vụ và Ban Cố vấn chụp hình lưu niệm, đánh dấu ngày đầu của năm Phụng vụ mới, khởi đầu cho một hành trình Dấn thân và ra đi rao giảng Tin mừng.

Nghi thức bàn giao được tiến hành tại Văn phòng giáo xứ trước sự chứng kiến của Cha Quản xứ và hai Cha Phó. Ông Matthêô Nguyễn Đình Lục, nguyên Chủ tịch HĐGX nay là Trưởng ban Cố vấn trao các chìa khóa, khuôn dấu và hướng dẫn từng chi tiết cho ông Phêrô Đặng Văn Hoàng, tân Chủ tịch HĐGX. Qua việc này mới thấy hết phong cách làm việc đầy kinh nghiệm cũng như sự tận tâm của ông nguyên Chủ tịch HĐGX sau hơn 30 năm đem hết tâm huyết để phục vụ giáo xứ. Nói lời sau cùng để giao trọng trách cho ông tân Chủ tịch, với một tâm tình xúc động, ông Matthêô Nguyễn Đình Lục mong rằng dưới sự chỉ dạy của Cha Quản xứ, Tân Ban Thường vụ HĐGX sẽ tiếp tục cộng tác để giáo xứ ngày càng phát triển. Một lần nữa, tấm hình lưu niệm với những bàn tay nắm chặt nhau, mới và củ cũng nhau hợp tác trong công cuộc loan báo Tin mừng qua cuộc canh tân như lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng.

Trương Trí
 
Dạ Tiệc Gây Qũy Thương Về Miền Trung tại Sydney
Giáo Xứ Thánh Tâm Cabramata Sydney .
21:52 26/11/2016
Dạ Tiệc Gây Qũy Thương Về Miền Trung tại Sydney

Tối thứ Sáu 25/11/2016 hơn 500 người đã đến hội trường Giáo xứ Thánh Tâm Cabramatta Sydney tham dự buổi dạ tiệc gây quỹ với chủ đề Thương Về Miền Trung mục đích giúp đồng bào lũ lụt tại miền Trung Việt Nam. Trước khi khai mạc buổi dạ tiệc Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Chính xứ Thánh Tâm Cabramatta ngỏ lời chào mừng đến tất cả mọi người đã đến tham dự ủng hộ buổi dạ tiệc gây quỹ giúp cho đồng bào nạn lụt tại miền Trung

Xem Hình

Sau đó là phần văn nghệ do các anh chị em trong ca đoàn Giáo xứ và các bạn trẻ trình diễn với những tiết mục đơn ca hợp ca, vũ và hoạt cảnh ngoài ra còn có sự trình diễn của Ca sĩ Hồng Ân, Cha Dương Thanh Liêm và Nguyễn Xuân Đường với những nhạc phẩm Đạo và Đời tạo cho buổi văn nghệ thêm đặc sắc.

Đặc biệt lồng trong phần văn nghệ có phần đấu giá bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do Cha Dương Thanh Liêm đem từ Roma về và đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm phép và xổ số bức ảnh Thánh Gia rất đẹp cũng được Cha Liêm đem về từ Roma.

Buổi dạ tiệc gây quỹ Thương Về Miền Trung rất thành cồng mỹ mãn. Cha Chính xứ Dương Thanh Liêm ngỏ lời cám ơn quý Cha quý ân nhân và tất cả mọi người đã đóng góp công của để trợ giúp cho đồng bào nạn lụt tại quê nhà

Giáo Xứ Thánh Tâm Cabramata Sydney.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam giữa gọng kìm Trump - Nga - Tàu
Phạm Trần
20:44 26/11/2016
VIỆT NAM GIỮA GỌNG KÌM TRUMP-NGA-TẦU

Chiến thắng Tổng thống Mỹ của Donald Trump đã giúp cho Nga-Tầu xích lại gần nhau hơn, nhưng Việt Nam cũng khó mà được sống yên trong gọng kìm Trump-Nga-Tầu.

Lý do vì ông Trump đã nói sẽ rút khỏi TPP, là một trong những hành động của 100 ngày đầu tiên sau khi nhận chức ngày 20/01/2017. Quyết định này được chính ông Trump thu hình rồi phổ biến trên mạng báo cá nhân tối Thứ Hai, 21/11/2016. Ông Trump có thể làm được việc này bằng một quyết định hành chính mà không phải qua Quốc hội.
Lời tuyên bố của Donald Trump, tất nhiên đã khiến cả Nga và Trung Quốc mở cờ trong bụng vì trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình đã thảo luận tại Peru ngày 19/11/2016, bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC, Asia-Pacific Ecenomic Conference), về việc hợp tác để thành lập “một khu vực mậu dịch tự do ở Á Châu và Thái Bình Dương” thay thế TPP.

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama, không nhắc đến ý định rút khỏi TPP của ông Trump, nhưng đã tuyên bố tại Peru rằng “nếu Mỹ ngừng thúc đẩy TPP, thì điều đó sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Hãng tin chuyên về tài chính và kinh tế Bloomberg viết từ Peru rằng:”Lãnh đạo một số quốc gia khác tham dự APEC cho biết họ có thể sẽ tìm cách điều chỉnh TPP để khiến thỏa thuận này trở nên hấp dẫn hơn đối với Tổng thống đắc cử của Mỹ, hoặc tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận này mà không có Mỹ.”

Ông Donald Trump khi tuyên bố sẽ bỏ TPP đã nói ông muốn thương thảo “song phương” với các nước để đạt được thỏa hiệp thương mại tốt hơn và công bằng cho nước Mỹ. Điều này cho thấy chính phủ Donald Trump đã nhất quyết từ gĩa TPP như để xóa đi dấu vết lịch sử sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama.

Nhưng Donald Trump không cho biết thương thuyết song phương cái gì, bao giờ và với nước nào ?

Cả Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lẫn Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đều bầy tỏ quan ngại đối với quyết định của ông Trump. Ông Turnbull nói TPP “là một chiến lược quan trọng đối với Mỹ.” Còn Thủ tướng Nhật thì cũng chán nản không ít khi bảo rằng “TPP sẽ không có ý nghĩa gì nếu vắng mặt Mỹ”

Tại cuộc họp báo ở Á Căn Đình (Argentina), sau hội nghị APEC, Thủ tướng Abe nói:”Hiệp định này (TPP) không thể đàm phán lại. Vì "việc này sẽ phá vỡ thế cân bằng nền tảng về lợi ích"
Vậy quyết định bỏ TPP của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đưa đến hậu qủa chính trị và kinh tế ra sao ?

HẬU QỦA BỎ TPP

Trước hết, có nhiều người lầm tưởng TPP chỉ là một Hiệp định thuần túy kinh tế giữa 12 nước gồm Úc, Brunei, Gia Nã Đại (Canada), Chí Lợi (Chile), Nhật (Japan), Mã Lai Á (Malaysia), Mexico, Tân Gia Ba (Singapore), Tân Tây Lan (New Zealand), Peru, USA (Mỹ) và Việt Nam. Thật ra TPP là một Thỏa hiệp mang tầm vóc chiến lược an ninh và quốc phòng phản ảnh qua chính sách xoay trục quân sự từ Âu sang Á của Hoa Kỳ, sau ngày Tổng thống Dân chủ Barack Obama đắc cử năm 2008.

Vì vậy nó mới có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương ( Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, gọi tắt là TPP).

Tuy không nói ra nhưng các chuyên gia quân sự, quốc phòng chiến lược và kinh tế tòan cầu đều đồng ý, nếu được thi hành, TPP sẽ giúp cho tuyến phòng vệ của Mỹ và các nước đồng minh bền vững hơn trước đe dọa bành trướng quân sự và kinh tế mỗi ngày một lan rộng trong khu vực của Trung Quốc.

TPP VÀ BIỂN ĐÔNG

Bằng chứng là Mỹ luôn luôn cảnh giác Trung Hoa về các hoạt động gây bất ổn định của họ trên Biển Đông từ mấy năm qua. Nghiêm trọng nhất là việc Bắc Kinh đã biến dạng để xây dựng các bãi đá thành đảo mà họ chiếm của Việt Nam ở Trường Sa để cho quân đồn trú và tầu Hải quân qua lại.

Trung Quốc nói họ có quyền tự do hành động trên cáo bãi đá và vùng nước chung quanh ở Biển Đông vì đó là chủ quyền lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, sự tiếm nhận của Bắc Kinh đã bị Tòa án trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc "Permanent Court of Arbitration, PCA)” phủ nhận. Tòa này phán ngày 12/07/2016 rằng Trung Quốc ”không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.”

Tòa quyết định như vậy trong vụ án Phi Luật Tân kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc tế để yêu cầu phủ nhận quyền chủ quyền của Bắc Kinh tự vẽ trong hình lưỡi bò (hay còn gọi là Đường 9 Đọan) đối với các vùng đảo và bãi đá ở Biền Đông mà Phi, Việt Nam, Trung Hoa, Mã Lai Á, Đài Loan, Brunei cùng tranh chấp trong vùng Trường Sa.

Trong thông cáo phổ biến, Tòa cũng nói:” Dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây.”

Dù thất bại nhưng Trung Quốc tiếp tục bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo để làm bàn đạp quân sự khi cần. Đó đó, nếu còn TPP thì đối trọng kinh tế có trị gía 28,000 Tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng sản lượng của Thế giới, TPP sẽ là một khối kinh tế hùng mạnh và có khả năng ngăn chặn các hành động qúa khích của Bắc Kinh ở Biển Đông.

NGUY CHO VIỆT NAM
Rất tiếc TPP sẽ không có cơ may sống lại dưới chính quyền Trump như một khối Kinh tế thống nhất có lợi cho cả Mỹ lẫn 11 nước thành viên. Nếu một Hiệp ước kinh tế mới do Nga và Trung Quốc sáng lập và được các nước Châu Á và Thái Bình Dương tham gia như họ đã làm, sau 7 năm thượng thuyết vất vả của TPP, thì chính nước Mỹ sẽ bị khối kinh tế này bao vây chứ không phải Nga hay Tầu.

Chính sách “xoay trục quân sự thời Tổng thống Obama”, tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là lâm nguy ở Á Châu và Thái Bình Dương khi 2 nước Nga-Hoa liên kết với nhau ở khu vực.
Đối với Việt Nam thì mất TPP là mất cả thế đứng kinh tế và chính trị trong khu vực và trên thế giới. Về kinh tế, Việt Nam không còn cơ may thoát khỏi kìm kẹp của Trung Quốc. Nếu bị thêm nước Nga đè đầu nữa thì hòn đá tảng ngàn cân Nga-Trung sẽ nặng thêm hàng triệu cân nữa, vì ngay bây giờ, Việt Nam đã nằm gọn trong đống vũ khí, tầu ngầm và máy bay chiến đấu của thỏa hiệp quốc phòng Việt-Nga.
Riêng về áp lực Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông thì một tài liệu xuất hiện trên báo VNEXPRESS (trong nước) ngày 10/6/2015 đã liệt kê 7 Bãi đá mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam ở Trường Sa đã được biến thành đảo cho nhu cầu Quân sự như sau:

1)Bãi đá Châu Viên nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.

Châu Viên bị Trung Quốc cải tạo chủ yếu trong hè năm 2014. Quá trình xây dựng các cơ sở, tòa nhà hiện vẫn tiếp tục.

2) Đá Chữ Thập nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cũng bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Hoạt động cải tạo đất tại đây bắt đầu từ tháng 8/2014. Phần đất rộng dành cho xây dựng được hoàn thành vào tháng 1/2015 và Trung Quốc đang xây một đường băng ước tính dài 3.110 m và một cơ sở cảng biển.

( chú thích của Phạm Trần: Chữ Thập chỉ cách Đà Nẵng 400 cây số)

3) Đá Gaven là một rạn san hô hình trái tim, thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đưa quân đồn trú trái phép tại đây từ năm 2003.

4) Đá Tư Nghĩa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988, sau đó Bắc Kinh xây dựng nhiều công trình kiên cố để quân lính đồn trú tại đây. Trung Quốc bắt đầu hoạt động xây dựng quy mô lớn từ hè 2014.

5) Đá Gạc Ma nằm ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Đến đầu năm 2014, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú.

(chú thích của Phạm Trần : Đá Gạc Ma, đang tiếp tục được mở mang, nằm trên đường tiếp tế cho quân Việt Nam, tính từ Khánh Hòa. Nếu bị chặn, liệu lương thực có đến được lực lượng đồn trú ở Trường Sa ?)

6) Đá Vành Khăn nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa, là một rạn san hô hình bầu dục, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1995. Bãi đá bị cải tạo quy mô lớn dọc theo rìa phía tây kể từ đầu năm 2015.

7) Đá Subi là một rạn san hô vòng phía tây nam quần đảo Trường Sa, dài khoảng 6,5 km, rộng 3,7 km. Trung Quốc chiếm đóng Subi từ năm 1988
Như vậy thì Việt Nam đã bị mất biển đảo chưa hay khi nào quân Tầu vào đến tận Hà Nội thì mới chịu thua ?
Vì những hoạt động trái phép của Trung Quốc đe dọa an ninh lưu thông ở Biển Đông mà Tổng thống Obama, từ năm 2008, đã chuyển phần lớn lực lượng Quân sự và Hải quân của Mỹ sang Châu Á và Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh lưu thông cho tầu bè đi lại trên vùng biển quan trọng này.
Lý do ông Obama quyết định ưu tiên bảo vệ vùng biển này vì nó chiếm tới 70% bề mặt của địa cầu, và 50% mặt đại dương. Mỗi năm có gần 42,000 chiếc tầu hàng hoá lưu thông qua Biển Nam Hải (Biển Đông).

Đường biển chiến lược quan trọng này nối liền 3 khu vực từ Đông bắc Châu Á với Đông Nam Á và Trung Đông. Hàng hoá trao đổi giữa các nước trong vùng Á Châu Thái Bình Dương được ước tính lên tới . 1.5 tỷ tấn, chiếm 1/3 tổng tòan cầu. (Tài liệu của Asia Pacific Center for Security Studies, Honolulu, Hawaii)

Như vậy, liệu chính quyền Donald Trump có thấy được lợi hại khi giết TPP đối với Việt Nam, hay cứ để cho nước này tự do nhào lộn trong cơn lốc Nga-Mỹ-Trung ? -/-


Phạm Trần
(11/016)

 
Vịnh ông Râu Xồm
Râu Kẽm
22:32 26/11/2016
Nhân ngài "Râu Xồm" F.Castro về chầu Chúa, có bài thơ vịnh đọc nghe chơi. Xin bằng hữu tham gia xướng họa.

VỊNH ÔNG RÂU XỒM

Ở Đại Tây Dương có một chồm
Cu-Ba đảo quốc đứng chôm hôm,
Có ông lãnh tụ nòi Cọng sản,
Tên gọi Cas-trô hiệu “Râu xồm”.
Xuống biển lên non làm cách mạng,
Giết nam đầy nữ xuống “mò tôm”.
Chín mươi năm tuổi luôn đỏ chói,
Cửu thập niên đời mãi tối ôm.
Bác Mao, bác Hồ nay có bạn,
Tọa đàm cách mạng bữa sớm hôm !

Râu Kẽm
xin mời xướng họa
 
Thiết lập nhà nước pháp trị là việc làm cứu nước khẩn thiết
Lê Đình Thông
21:39 26/11/2016
THIẾT LẬP NHÀ NƯỚC PHÁP TRỊ LÀ

VIỆC LÀM CỨU NƯỚC KHẨN THIẾT

Trưa ngày 25/11/2016, GS Vũ Quốc Thúc, LS Lê Trọng Quát, GS Phạm Đăng Sum và chúng tôi cùng nhau gặp gỡ, trao đổi vài vấn đề về hiện tình đất nước. Về mặt địa lý chiến lược (géostratégie), vào năm 2011, tổng thống Barack Obama đã đề ra nguyên tắc cơ bản liên hệ đến châu Á, cho phép triển khai các phương tiện của Hoa Kỳ trong khu vực được coi là ưu tiên. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, viết tắt : TPP) ký tại Wellington ngày 04/02/2016, gồm 12 quốc gia trong số có Việt Nam, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, củng cố sách lược của Mỹ tại khu vực. Tổng thống tân cử Donald Trump cho biết một trong những biện pháp đầu tiên sau ngày tuyên thệ nhậm chức là rút ra khỏi TPP, cắt giảm ngân sách quân sự tại Biển Đông. Các biện pháp này sẽ đưa đến việc GDP của các nước trong khu vực gồm cả Việt Nam giảm sút, tỷ lệ lạm phát gia tăng. Trung Quốc là nước hưởng lợi. Vì vậy, ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình nói với tân tổng thống Hoa Kỳ qua điện thoại như sau : ‘‘Tôi đặc biệt coi trọng quan hệ Trung - Mỹ và mong đợi trao đổi với ngài để củng cố các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi’’.

Donald Trump còn cho rằng sách lược quân sự của Mỹ trong khu vực là quá tốn kém. Hiện nay, các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật, Nam Hàn và đảo Guam có khả năng ngăn cản tham vọng bá quyền Trung quốc tại khu vực. Từ vài năm nay, chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ (US 7th Fleet) có căn cứ ở Yokosuka thường thăm viếng Việt Nam.

Theo Nomura Holdings, các nhà đầu tư Mỹ lo ngại về việc cắt giảm cam kết quân sự tại khu vực Đông Á, đặc biệt là tại Biển Đông. Ngoài ra, chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump sẽ khiến Việt Nam và nhiều nước khác gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng sang Mỹ.

Trước những thách thức trong quan hệ quốc tế, bảng sắp hạng tình trạng tham nhũng trên thế giới trong năm 2015 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, viết tắt : TI) sắp hạng Việt Nam đứng thứ 112 trên tổng số 168 quốc gia tham nhũng, trong các lãnh vực y tế, hành chánh, giáo dục, xây cất, quản lý, đất đai, phân phối nguồn lợi thiên nhiên cũng như các công nghệ chế biến. Ngân hàng Thế giới định nghĩa tham nhũng là lợi dụng chức vụ công để hưởng lợi. Theo báo cáo năm 2016 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (FMI), tham nhũng làm thiệt hại từ 1,5 đến 2 tỷ đô la mỗi năm, chiếm 2% tài nguyên trên thế giới, chưa kể các thiệt hại gián tiếp khác.

Trước thách thức trong quan hệ quốc tế và tình trạng tham những trong nước vì hệ thống luật pháp còn lỏng lẻo do việc Đảng đứng trên luật pháp khiến đất nước nghèo nàn, việc thiết lập Nhà nước Pháp trị phải được coi là liệu pháp sốc (thérapie de choc) cấp bách.

Thiết tưởng cũng nên nói qua về cụm từ ‘‘Nhà Nước Pháp Trị’’. Đây là sự pha trộn giữa chữ Việt (Nhà Nước) và chữ Hán (Pháp Trị : 法 治).

- Sở dĩ không thể dịch ‘‘Nhà Nước’’ là ‘‘Quốc Gia 國 家’’, vì trong tiếng Pháp : Nhà Nước : État, Quốc gia : Nation.

Trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, Nhà Nước và État đều viết hoa, phân biệt với état (không viết hoa) : tình trạng.

État : chữ la tinh ‘‘status’’ do động từ ‘‘stare’' : đứng vững. Hannah Arendt giải thích từ ngữ này có nguồn gốc la tinh : status rei publicae (tình trạng việc công).

État de droit (tiếng Đức : Rechtsstaat) lấy từ án lệ nước Đức : công quyền có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp, phân biệt với Nhà nước chuyên quyền (Obrigkeitsstaat) hoặc Nhà nước cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Theo GS Vũ Quốc Thúc, nên sử dụng thuật ngữ Nhà nước Pháp trị (thay vì Nhà nước Pháp quyền). LS Lê Trọng Quát cho rằng thuật ngữ này nói lên tinh thần thượng tôn pháp luật (上 尊 法 律). Theo thiến ý chúng tôi, pháp trị nhắc lại tư tưởng của Hàn Phi Tử : ‘‘Pháp luật không hùa theo người sang... Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu’’. Ta nên áp dụng pháp trị trong sinh hoạt xã hội và nhân trị trong đối nhân xử thế để xã hội được thái bình, an lạc.

Chủ trương pháp trị của Hàn Phi gồm ba nguyên tắc :

- dĩ pháp trị quốc (以 法 治 國) : dùng pháp luật để trị nước ;

- pháp bất a quý (法 不 阿 貴) : luật pháp không phân biệt sang hèn ;

- hình bất quá tị đại thần (死 不 過 避 大 臣) ; hình luật không kiêng nể đại thần.

Nhà nước pháp quyền được xây dựng vững chắc trên bốn cột trụ :

- Tôn trọng hệ cấp pháp luật (respect de la hiérarchie des normes) ;

- Tôn trọng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật (égalité devant le droit) ;

- Tư pháp độc lập (indépendance de la justice) ;

- Tam quyền phân lập (séparation des pouvoirs).

Ta thử so sánh quan điểm của Hàn Phi và tứ trụ pháp trị với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày nay.

Theo Tạp chí Cộng sản (24/11/2016) ‘‘đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp có nội dung toàn diện: lãnh đạo về chính trị, tư tưởng; về tổ chức, cán bộ; về định hướng công tác. Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp thông qua việc định ra các nguyên tắc, quan điểm lớn làm cơ sở xây dựng tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; vạch ra đường lối, định hướng trong các lĩnh vực hoạt động của các cơ quan tư pháp’’.

Như vậy, thử hỏi tư pháp có còn độc lập không ? Tư pháp không còn độc lập, hình luật né tránh các cấp lãnh đạo. Như vậy làm sao mà trị quốc nghiêm minh, nạn tham nhũng sẽ lan tràn, làm suy yếu đất nước, không còn khả năng bảo vệ chủ quyền.

v

Chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa xây dựng Nhà nước pháp quyền mà không dựa trên tứ trụ đỡ nâng, cũng không tôn trọng ba nguyện tắc pháp trị của Hàn Phi. Chủ trương sai lạc đó dung dưỡng tham nhũng, làm soi mòn khả năng kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, trong cuộc mạn đàm, bốn vị luật gia đều tỏ ra ưu tư về tương lai đất nước, mong muốn mau chóng thiết lập Nhà nước Pháp trị đúng nghĩa. Có như vậy, đất nước mới có khả năng chống lại tham vọng bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông và trên đất liền, trong bối cảnh TPP không còn nữa.

Paris, ngày 26/11/2016

Lê Đình Thông
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Việc linh mục dâng lễ một mình được qui định thế nào?
Nguyễn Trọng Đa
20:41 26/11/2016
Giải đáp phụng vụ: Việc linh mục dâng lễ một mình được qui định thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong bài viết của cha "Việc cử hành Thánh lễ trong thầm lặng” (ngày 7-1-2008), cha đã nói rằng việc cử hành Thánh lễ hàng ngày “được khuyến nghị cho mọi linh mục, ngay cả khi có thể giáo dân không hiện diện ở đó”. Ý kiến của cha có lẽ dựa vào Bộ Giáo luật điều 904: "linh mục nên siêng năng dâng lễ”. Tuy nhiên, con luôn hiểu rằng các quy tắc của Giáo Hội về vấn đề này làm cho hiểu rõ ràng rằng, một linh mục không nên cử hành Thánh lễ, nếu không có ít nhất một người khác có mặt. Điều này được dựa vảo sự việc không thể phủ nhận rằng Thánh lễ không phải là một sự sùng kính riêng tư, nhưng là sự thờ phượng công khai của Giáo Hội, và được nêu rõ tại Điều 906: "Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự”. Con sẽ nghĩ rằng lòng sùng mộ riêng tư của linh mục, tuy là đáng khen ngợi, sẽ không cấu thành "một nguyên nhân chính đáng và hợp lý", khi phải đối mặt với lệnh cấm này. - P. A., London, Anh.


Đáp: Nhận xét này của tôi là từ nhiều năm trước đây, nhưng tôi muốn xem lại chủ đề kỹ hơn.

Trước hết, tôi đồng ý với nguyên tắc của độc giả trên đây rằng Thánh Lễ về cơ bản là sự thờ phượng công khai, chứ không phải một lòng sùng kính riêng tư. Thật là không đúng cho một linh mục, nếu ngài thích dâng lễ một mình bất cứ khi nào có ít nhất một tín hữu có mặt. Tôi cũng nói rằng ngài thường ưa thích việc cử hành Thánh lễ cộng đồng.

Tuy nhiên, xin phép cho tôi có ý kiến khác về việc dâng lễ một mình là bị cấm, hoặc sự mong muốn của linh mục để dâng lễ hàng ngày sẽ không cấu thành một "lý do chính đáng và hợp lý".

Các điều luật được bạn đọc này nhắc đến là như sau:

"Ðiều 904: Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công việc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Lễ Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ. Hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi giáo dân không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Ðức Kitô và của Giáo Hội; chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình”.

"Ðiều 906: Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Vì vậy, chúng ta có hai điều luật vốn là không mâu thuẫn với nhau. Một điều luật khuyến nghị dâng lễ hàng ngày, và một điều luật đòi hỏi sự hiện diện của tín hữu.

Truyền thống cũ của hai điều luật này là truyền thống của điều luật 906. Việc cấm Thánh Lễ mà không có ngưới giúp lễ, hoặc ít nhất là sự hiện diện của một tín hữu để thưa đáp, được tìm thấy từ thế kỷ XII. Đã có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như trong thời kỳ bệnh dịch hạch, nếu cần thiết để mang của ăn đàng cho người hấp hối, nếu người giúp lễ bỏ đi trong Thánh Lễ, hoặc nếu linh mục bị buộc kiêng cử hành Thánh lễ trong một thời gian dài. Việc nhấn mạnh về sự hiện diện của người giúp lễ là bởi vì người giúp lễ đại diện cho toàn tín hữu Công Giáo.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng điều 906 thực sự là ít hạn chế hơn điều tương đương 813.1 của Bộ Giáo luật năm 1917. Bộ giáo luật mới không còn đòi hỏi sự hiện diện của người giúp lễ, hoặc bất kỳ tín hữu nào. Điều luật cũ cũng đòi hỏi một "nguyên nhân nghiêm trọng" hoặc sự cần thiết nghiêm trọng để dâng lễ mà không ai có mặt. Điều luật hiện tại cho thấy sự diễn tả yếu hơn của “nguyên nhân chính đáng và hợp lý”. Theo một bình luận liên quan "một nguyên nhân như vậy có thể được chứng minh khi không có sự hiện diện của một tín hữu, và khi linh mục không thể tham dự vào một cử hành cộng đồng, thí dụ, do bệnh tật, thương tật hoặc đi du lịch. Một nguyên nhân chính đáng và hợp lý sẽ không là sự tiện lợi của linh mục, hay sở thích của ngài để dâng lễ một mình".

Mặt khác, khuyến nghị về dâng lễ hàng ngày là tương đối mới. Bộ Giáo luật năm 1917 buộc các linh mục dâng lễ nhiều lần trong năm, và người ta thường cho rằng việc dâng lễ ba hoặc bốn lần là đủ để chu toàn nghĩa vụ.

Tuy nhiên, việc dâng lễ mỗi ngày được cổ vũ không ngừng, như là một phần của sứ vụ của linh mục, và đã trở nên phổ biến hơn. Trong trường hợp này, bất kỳ việc dâng lễ nào cũng là một hành động công khai, vì một linh mục là một người của công chúng, và các hành vi phụng vụ của ngài là không bao giờ một vấn đề về lòng sùng kính riêng tư, nhưng luôn luôn là một hành động của Giáo Hội.

Chính trong bối cảnh này mà Tôi Tớ Chúa Felix Cappello (1879-1962), linh mục Dòng Tên, chuyên viên Giáo luật nổi tiếng, dần dần thuyết phục Tòa Thánh để giảm bớt các hạn chế, và xem sự mong muốn cá nhân của linh mục để cử hành Thánh Lễ như là lý do đủ để dâng lễ, ngay cả khi có thể giáo dân không hiện diện ở đó.

Dòng suy nghĩ này về Thánh lễ, như là nhiệm vụ trung tâm của linh mục, đã được phản ánh trong suy tư của Công đồng chung Vatican II, và trong huấn quyền của Đức Giáo Hoàng. Thí dụ, văn kiện công đồng Presbyterorum ordinis nói:

"13. Như thừa tác viên của những Việc Thánh, nhất là trong Hiến Tế Thánh Lễ, các Linh Mục đặc biệt đóng vai Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến chính mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại; và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi tật xấu và dục vọng. Công việc cứu chuộc chúng ta được liên tục 14 thực hiện trong mầu nhiệm Hiến Tế Thánh Lễ, trong đó các linh mục chu toàn chức vụ trọng yếu nhất của mình; do đó, hết sức khuyến khích việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày dù các tín hữu không thể tới dự, vì đó là hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Như vậy, trong khi liên kết với hành động của Chúa Kitô Linh Mục, hằng ngày các Linh Mục tự hiến toàn thân cho Chúa, và trong khi được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng, tự thâm tâm mình, các ngài tham dự vào tình yêu của Ðấng đã tự hiến làm lương thực nuôi các tín hữu. Trong khi thi hành các Bí Tích, các ngài cũng hiệp nhất với ý muốn và tình yêu của Chúa Kitô; và các ngài thể hiện sự hiệp nhất đó một cách đặc biệt, khi tỏ ra hoàn toàn và luôn luôn sẵn sàng ban Bí Tích Cáo Giải mỗi khi các giáo hữu thỉnh cầu một cách hợp lý. Trong khi các ngài đọc Kinh Nhật Tụng, Giáo Hội mượn tiếng của các ngài để không ngừng cầu nguyện nhân danh toàn thể nhân loại, và để kết hợp với Chúa Kitô, Ðấng "luôn luôn sống để cầu bầu cho chúng ta" (Bản dịch Việt ngữ của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt).

Tôi tin rằng chính suy tư này về tính trung tâm của Thánh Lễ trong đời sống của linh mục, và thực sự trong đời sống của Giáo Hội, đã dẫn đến việc nới lỏng các hạn chế, mà chúng ta tìm thấy trong Bộ Giáo luật năm 1983, trong khi duy trì nguyên tắc rằng việc dâng lễ cộng đổng luôn được ưa thích hơn.

Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) cũng nói đến chủ đề này.

"19. Sự hiện diện và tham dự tích cực của các tín hữu biểu lộ rõ hơn tính chất cộng đoàn Hội Thánh của việc tế lễ, mặc dầu những điều đó đôi khi không thực hiện được, nhưng việc cử hành Thánh Lễ vẫn luôn luôn có hiệu quả và mang tính chất cao quí, vì là việc của Chúa Kitô và của Hội Thánh, trong việc đó, vị tư tế chu toàn phận vụ ưu tiên của mình và luôn luôn hành động vì sự cứu rỗi của dân. Vì vậy, khuyên các tư tế cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, khi có thể”

"254. Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, không được cử hành Thánh Lễ mà không có người giúp hay ít là một tín hữu. Trong trường hợp này, bỏ các lời chào, lời nhắn nhủ và phép lành cuối lễ” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Cuối cùng, “Chỉ nam hướng dẫn cho thừa tác vụ và đời sống Linh mục” công bố năm 2013 (The 2013 Directory for the Ministry and the Life of Priests) nói:

"67. Linh mục được kêu gọi cử hành Hy Tế Thánh Thể Thánh, suy niệm liên tục về hy tế có nghĩa là gì, và biến đổi cuộc sống của mình thành một Hy tế Thánh Thể, vốn trở thành hiển nhiên trong tình yêu cho hy lễ hàng ngày, đặc biệt là trong chu toàn các nhiệm vụ và bổn phận riêng cho bậc sống cùa mình. Tình yêu đối với thánh giá dẫn linh mục tự trở thành một của lễ đẹp lòng Chúa Cha qua Chúa Kitô (x. Rm 12:1). Yêu thương Thánh giá trong một xã hội theo chủ nghĩa khoái lạc là một sự vấp phạm, nhưng từ góc độ của đức tin, đó là nguồn mạch của đời sống nội tâm. Linh mục phải rao giảng giá trị cứu chuộc của thánh giá với lối sống của mình. Thật là cần thiết để gợi lên giá trị không thể thay thế cho các linh mục về cử hành Thánh lễ mỗi ngày - vốn là 'nguồn mạch và đỉnh cao' của đời sống linh mục - ngay cả khi có thể giáo dân không hiện diện ở đó. Về vấn đề này Giáo hoàng Biển Đức XVI dạy: "Do mục đích này, tôi kết hợp với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng trong việc khuyến nghị “các linh mục cử hành Thánh lễ hàng ngày, ngay cả khi có thể giáo dân không hiện diện ở đó”. Khuyến nghị này là thích hợp với giá trị vô cùng khách quanh của việc cử hành Thánh lễ hàng ngày, và được thúc đẩy bởi hoa trái thiêng liêng độc đáo của nó. Nếu được cử hành một cách đầy đức tin và chu đáo, Thánh Lễ có tính mô phạm trong ý nghĩa sâu xa nhất của từ này, vì nó thúc đẩy sự trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, và củng cố linh mục trong ơn gọi của mình”. (Zenit.org 22-11-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thời gian mùa Vọng
Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
22:00 26/11/2016
Thời gian mùa Vọng

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo bắt đầu niên lịch Phụng vụ mới với mùa Vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người.

Đó là nếp sống tinh thần đức tin trong Giáo Hội. Nhưng dẫu vậy, nếp sống đức tin mùa Vọng có nguồn gốc lịch sử cùng ý nghĩa thần học đạo đức trong dòng thời gian.

Mùa Vọng, thời xa xưa bên Việt Nam còn gọi là mùa Át. Chữ mùa Át có nguồn gốc từ chữ tiếng latinh „Adventus - đến“. Đầy đủ là „Adventus Domini - Chúa đến“ - bây giờ dịch là Mùa Vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn đức tin đón mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu đến trần gian làm người.

Mùa Vọng đồng thời cũng nhắc nhớ người tín hữu Chúa kitô trông chờ Chúa Giêsu Kitô đến lần thứ hai.

Mùa Vọng nguyên thủy trong Giáo Hội thời xưa là mùa ăn chay từ ngày 11.11. đến ngày 06. tháng Một năm sau ( lễ Ba Vua). Trong mùa này không được ăn mừng ca múa vũ hát không có lễ hôn phối. Nhưng từ năm 1917 theo luật Giáo Hội Công Giáo còn không bắt buộc như thế nữa.

Mùa Vọng có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ thứ 7. , có tên „tempus ante natale Domini - Thời gian trước lễ sinh nhật Chúa“ , hay „tempus adventus Domini - Thời gian Chúa đến.“.

Nơi Giáo Hội Công Giáo phương Tây trước hết mùa Vọng kéo dài từ bốn tới sáu Chúa Nhật, nhưng từ thời Đức Giáo Hoàng Gregor cả ấn định mùa Vọng có bốn Chúa Nhật.

Bốn Chúa Nhật nói lên hình ảnh bốn ngàn năm con người trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến, sau khi Ông Bà nguyên tổ Adong -Eva lỗi phạm tội bị Thiên Chúa phạt đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Mùa Vọng bắt đầu từ Kinh chiều thứ nhất ngày Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng ( năm nay vào lúc 18.00 giờ ngày 26.11.2016., và chấm dứt với Kinh chiều thứ nhất ngày 24.12.2016 - trước ngày mừng lễ Chúa giáng sinh ra.)

Trong mùa Vọng không đọc hay hát Kinh Vinh danh ( Gloria) và lễ phục phụng vụ trong thánh đường là mầu tím.

Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng có tên „ Gaudete in Domino semper - Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa.“. Vì thế phẩm phục lễ nghi phụng vụ vào ngày này là mầu hồng. Để nói lên niềm vui mừng, vì ngày lễ mừng Chúa đang đến sát gần.

Mùa Vọng trong Giáo Hội Công Giáo có bốn tuần lễ, bốn ngày Chúa Nhật và mỗi Chúa Nhật có một chủ đề riêng:

1. Chúa Nhật 1. mùa Vọng nói đến Chúa Kitô đến trở lại vào ngày phán xét cuối cùng.

2. Chúa Nhật 2. và 3. mùa Vọng nói về khuôn mặt Thánh Gioan Tiền hô, người đi trước rao giảng dọn đường cho Chúa Kitô đến.

3. Chúa Nhật 4. mùa Vọng nói về Đức Mẹ Maria, mẹ sinh thành ra Chúa Giêsu, mẹ Thiên Chúa.
Trong mùa Vọng các bài sách Thánh phần lớn lấy trích từ sách Ngôn sứ Isaia. Các nhà thần học Kitô giáo ngay từ thời xa xưa đã đọc sách Ngôn sứ Isaia trong tương quan với những sách Tân ước. Họ tìm thấy nhiều bản văn trong đó có liên quan chặt chẽ mật thiết về Chúa Giêsu Kitô, và tin rằng : Nơi đây Chúa Giêsu Kitô được nói đến là Đấng cứu Thế ( Messias).

Lời tiên báo về vai trò Immanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta- nơi sách Ngôn sứ Isaia ( 7,14), lời đoan hứa về hài nhi Đấng cứu thế nơi Isaia 9,5, lời tường thuật về cung cách cai trị của Đấng cứu thế và vương quốc hòa bình nơi Isaia 11,1-10, cũng như lời loan báo trước về Ông Gioan tiền hô xuất hiện rao giảng dọn đường cho Chúa đến nơi Isaia 40,3-5, giữ vai trò mấu chấu đặc biệt nói về Chúa Giêsu Đấng cứu thế, như Thiên Chúa đã đoan hứa cho nhân loại.

Trong đời sống hằng ngày, con người có nhiều bận rộn. Họ thường than thở „ không có thời giờ “. Giáo Hội loan báo tin mừng: Thiên Chúa ban tặng con người thời giờ. Chúng ta luôn có ít thời giờ, nhất là tìm ra giờ dành cho Chúa. Nhưng Chúa dành thời giờ cho chúng ta.

Thời giờ Chúa ban tặng dành cho con người là công trình sáng tạo thiên nhiên ngôi nhà nền tảng cho sự sống, sự phát triển đời sống, là Lời của Ngài qua Chúa Giêsu mang đến cho con người, và ơn cứu độ Chúa Giêsu đã thực hiện cho con người có lại đời sống vĩnh cửu bên Chúa sau khi qua đời.

Trong khía cạnh đó thời giờ mang dấu ấn sâu đậm nền tảng tình yêu Thiên Chúa, một món qùa tặng qúi gía được ban tặng trao vào tay con người.

Vì thế trong mùa Vọng, lời kêu hãy tỉnh thức dùng thời giờ hướng tâm hồn lên Chúa trên cao, và trải rộng ra chiều ngang với con người trong sự phó thác vào lòng thương xót của Chúa.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Cáo lỗi cùng quý tác giả gửi bài cho Vietcatholic trong tuần qua
BBT
22:36 26/11/2016
Cáo lỗi cùng quý tác giả gửi bài cho Vietcatholic trong tuần qua

Thưa quý vị, Ban Biên tập Vietcatholic trong tuần qua đã phải dành hết thì giờ cho các buổi họp nhân dịp ViệtCatholic kỷ niệm 20 năm thành lập. Do đó, các bài vở tin tức qúy vị gửi đến đã không được công bố kịp thời

BBT thành thật cáo lỗi cùng quý vị.

Đại Diện Ban Biên Tập

Nguyễn Long Thao
 
Văn Hóa
Vọng gì đây
Sơn Ca Linh
20:36 26/11/2016
VỌNG GÌ ĐÂY !
(Một chút cảm nhận khi Mùa Vọng trở về)

Vọng gì đây em ơi, mùa đông tới,
Lá khô cành và mưa lạnh tiêu điều,
Ngày em đi “lửa tắt bình khô rượu” ,
Đường vắng em thành trơ trọi đìu hiu !

Vọng gì đây Bố ơi, chiều tan học,
Con một mình trong nổi nhớ mông mênh.
Cái kiếp mồ côi nào ai biết được,
Đời vắng cha con chỉ thấy chông chênh !

Vọng gì đây khói lam chiều đã tắt,
Ngày mẹ đi xa bếp trống quạnh hiu.
Còn lại chăng những tháng năm dằn vặt,
Nổi nhớ mong chiều quặn thắt trăm chiều !

Vọng gì đây phương trời xa xôi ấy,
Bóng con nhạt dần khuất dấu thương yêu.
Quê hương đây cửa nhà ta vẫn mở,
Chắp nhặt từng ngày nổi nhớ chắt chiu.

Vọng gì đây tháp chuông giờ vẫn thế,
Gọi ai lên đền thánh mỗi chiều lên.
Bước chân ai mãi xa xôi biền biệt,
Sân giáo đường giờ vắng lặng mông mênh !

Vọng gì đây khi tình yêu đã vỡ,
Vợ xa chồng con mất mẹ vắng cha,
Nghĩa yêu thương thôi không còn duyên nợ,
Mái ấm gia đình giờ nên bãi tha ma !

Vọng gì đây con chết từ lòng mẹ,
Huynh đệ tương tàn xáo thịt nồi da !
Sự ác lên ngôi, bạc tiền uy thế,
Nghĩa bạn tình người chỉ còn nổi xót xa…!

Vọng gì đây khi quê hương ta đó,
Sống dập dềnh trong nổi sợ khôn nguôi.
Chất độc tràn lan tình người dối trá,
Biển đẹp, rừng tươi nay đã xa rồi !

Vọng gì đây khi mùa đông lại tới,
Lại dọn đường lại vang khúc ươm mơ.
Lại nghe ai đó gióng lời mong đợi.
Mà sao ta hình như vẫn thờ ơ ?

Vọng gì đây, Chúa ơi, Người có đến,
Xin mang nhiều chỉ quà tặng tình yêu.
Tình yêu hôn nhân, tình yêu đôi lứa,
Tình mẹ, tình cha, tình đủ trăm chiều.

Vọng gì đây : chỉ mình ta đáp trả,
Chỉ mình ta san lấp những hố sâu,
Chỉ mình ta trở về mang chứng tá,
Chúa sẽ theo ta trở lại địa cầu !

Sơn ca Linh
(Mùa Vọng 2016)
 
Paraguay ''Accion de gracias'' : Tạ ơn trời - Tạ ơn người
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
20:39 26/11/2016
PARAGUAY – “ACCION DE GRACIAS”: TẠ ƠN TRỜI, TẠ ƠN NGƯỜI

Tháng 11, tháng Các Linh Hồn – tháng mà chúng ta chuẩn bị tính sổ cho những gì chúng ta làm nếu lỡ may đột nhiên chúng ta bị gọi đi bất thình lình khỏi chốn nhân gian.

Nước Mỹ vừa hoàn tất cuộc tổng tuyển cử và đã có một vị tổng thống mới đầy tranh cãi dù ông thực sự nhận chức vào ngày 20 tháng 11 năm 2017. Người ta đang lo lắng về thời hậu Obama khi ông Tổng Thống Tân Cử Trump có những phát ngôn gây sốc lúc ông đang tranh cử và những dự án ông sẽ thực hiện trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị lãnh đạo của mình vào đầu năm tới. Nước Mỹ thật sự là một quốc gia đáng tự hào về nên dân chủ vì những thay đổi nên đi đâu cũng nghe bàn tán sôi nổi mà không hề sợ bị chụp mũ hay bỏ tù khi chưa có chứng cứ.

Người ta nói rằng ông Trump thắng cử là một “phép lạ” dù ông chưa trải qua một chức vụ quan trọng nào trong chính trường Mỹ hay kinh nghiệm chính trị như đối thủ sừng sỏ Hillary Clinton cùng chạy đua vào Nhà Trắng với ông. Nhưng rồi ông đã thắng và một lần nữa người ta lại nói đến tất cả mọi điều có thể xảy ra ở nước Mỹ.

Hôm nay ở Mỹ người ta bắt đầu mừng Lễ Tạ Ơn- Thanksgiving kéo dài đến Chúa Nhật.

Biết ơn, nói lời tạ ơn và xin lỗi là những hành động rất nhân văn của con người. Con vật dù thông minh đến đâu cũng không thể làm được hành động này. Bởi thế, bất kỳ ngôn ngữ nào người ta cũng dạy cho trẻ em từ khi biết nói phải học thuộc hai chữ cảm ơn và xin lỗi để diễn tả lòng biết ơn khi ai đó làm một điều gì tốt cho mình cũng như biết nhìn nhận những sai trái để nói lên lời xin lỗi khi phạm phải sai lầm.

Thanksgiving hay Thanksgiving Day trong tiếng Anh dịch sang tiếng Việt có nghĩa là ngày lễ Tạ Ơn. Đây là một ngày quốc lễ diễn ra chủ yếu ở Mỹ và Canada. Đây là ngày mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã cho sống no đủ và an lành. Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức, cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ và Canada. Ngày này còn được ví von như là ngày chết của những con gà tây. Bởi vì gà tây là thực phẩm không thể thiếu trong ngày lễ Tạ Ơn.

Đây là một ngày truyền thống dành cho gia đình bạn bè sum họp bên nhau cho một bữa ăn đặc biệt. Bữa ăn đặc biệt này thường bao gồm gà tây, khoai tây, nước sốt việt quất, bánh bí ngô, rau xanh… Ngày Lễ Tạ Ơn là ngày lễ dành cho nhiều người để tạ ơn cho những gì họ có.

Như thế để chúng ta biết rằng dù là nước văn minh như Mỹ, Canada, các nước Âu châu hay một dân tộc man-di mọi rợ còn lại đâu đó trên thế giới trong thế kỷ XXI này thì con người vẫn luôn biết hướng về một Đấng đã ban cho họ sự sống và công ăn việc làm nên họ luôn biết tưởng nhớ và dâng lời Tạ Ơn Đấng Ấy.

Ngẫm nghĩ lại trong cuộc sống của bản thân chúng tôi nhận thấy rằng nhiều lúc mình vô ơn đối với các bậc sinh thành khi không lo lắng gì cho các ngài từ những ngày bước chân đi tu đến giờ. Có chăng là những cuộc điện thoại hỏi thăm ngắn ngủi hay những lần thăm gia đình “chớp nhoáng” vì sau đó có những cuộc hẹn riêng với bạn bè hay những buổi tiệc tùng về tạ ơn, sinh nhật, cưới hỏi… mà quên giành những thời giờ quí báu cho ba mẹ để rồi ngày Mẹ mất lại thổn thức kêu than. Rồi nhiều lúc cũng vô ơn luôn với những ai đã từng lo lắng, quan tâm cho mình khi mình đang cần họ nhưng khi mọi việc đã xong thì cũng quên luôn. Và có lẽ chúng tôi là người vô ơn với Thiên Chúa nhất dù hàng ngày chúng tôi dâng lễ kính Người nhưng lòng thì xa Người. Ngày lễ ơn hôm nay có thề nói là ngày lễ thú tội và tạ tội vì sự vô ơn của mình với Thượng Đế, với các bậc sinh thành và với những người thân đã từng lo lắng và giúp đỡ mình.

Cũng trong tháng 11 này chúng tôi nhận được một sự bổ nhiệm cho bài sai truyền giáo vào năm tới mà không biết vui hay buồn khi bề trên muốn chúng tôi làm việc cho các cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha tại Âu châu. Bản thân chúng tôi cảm thấy bối rối khi nhận được tin này dù từ tháng 9 vừa qua chúng tôi có nghe tin đồn và chỉ nghĩ đó là chuyện đùa vì chúng tôi đang làm việc ở một ngôi trường lớn với gần 1.500 học sinh và hơn 100 giáo viên cũng như làm việc ở một giáo xứ với nhiều hoạt động mục vụ. Tuy nhiên tin ấy lại là tin thật và chúng tôi cũng khá phân vân dù bề trên cho phép chúng tôi suy nghĩ trước khi quyết định. Đọc thư mời mà trong lòng biết bao nhiêu trăn trở vì từ ngày đặt chân đến Paraguay đến giờ với biết bao gian truân, thử thách nhiều lúc lên bờ, xuống ruộng vì bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực… nhưng sau nhiều năm “chiến đấu” rồi dần dần đã quen với cuộc sống xứ này thì bây giờ lại chuẩn bị “khăn gói” ra đi đến một miền đất mới dù nơi ấy rất văn minh và điều kiện vật chất rất đầy đủ so với bên này nhưng sẽ phải quay lại từ đầu vì phải lo học ngôn ngữ bản xứ và làm quen với môi trường mới. Không biết sẽ ăn nói làm sao với giáo dân và học sinh thân yêu của mình trước lúc rời xa họ đây và không biết phản ứng của họ thế nào vì chúng tôi đã từng nói với họ là sẽ không rời xa họ. Dù bề trên cho phép chúng tôi suy nghĩ trước khi quyết định,tuy nhiên lời khấn vâng lời trong ngày tuyên khấn khiến chúng tôi vô cùng khó xử. Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều và trong những ngày này rồi vừa cầu nguyện vừa hoàn tất một ước nguyện là xây một tượng đài hang đá kính Mẹ Fatima nhân dịp kỷ niệm 100 năm hiện ra của Mẹ vào năm tới để Mẹ phù hộ và hướng dẫn thêm trong quyết định của mình. Cách đây vài ngày thì hai vị Bề trên của Tỉnh Dòng Paraguay và Tỉnh Dòng bên Âu châu đã thông báo là chúng tôi sẽ nhận nhiệm vụ mới trong năm tới và chỉ chờ bổ nhiệm chính thức từ Tổng quyền ở Roma cho việc thuyên chuyển nhân sự. Đây là Thánh Ý Chúa và chúng tôi là tu sĩ truyền giáo phải biết đón nhận và vâng lời. Chúng tôi chỉ biết phó thác mọi sự cho Chúa và Mẹ Maria để Các Ngài chỉ dẫn sứ vụ trong tương lai mà chúng tôi sẽ thực hiện vì với Các Ngài thì mọi sự đều có thể.

Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, một niềm vinh dự cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vì lễ này là lễ kính nhớ trọng thể trong lịch phụng vụ Công Giáo hoàn vũ nên nhờ đó người ta biết đến người Việt Nam, nhất là người Công Giáo trong những thế kỳ bị bắt đạo khốc liệt nhất và đến nay đang là thế kỷ XXI vẫn còn nhiều hình thức bắt đạo tinh vi dù Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng vừa mới được Quốc Hội thông qua. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là thành phần trung kiên của Giáo Hội Việt Nam và cũng chính nhờ máu các ngài đổ ra nên Giáo Hội Việt Nam đã không ngừng phát triển và dù đi đến đâu người Công Giáo Việt Nam cũng luôn giữ vững niềm tin của mình. Chuyến viếng thăm chính thức của Chủ Tịch Nước đương nhiệm đến Vatican và diện kiến Đức Giáo Hoàng Phanxico vào thứ Tư, 23 tháng 11 năm 2016 vừa qua hi vọng sẽ giúp nhà cầm quyền Việt Nam có một cái nhìn tích cực và khách quan hơn về người Công Giáo Việt Nam và đừng bao giờ gán ghép hay chụp mũ những nhà lãnh đạo tôn giáo qua những phương tiện truyền thông một chiều để bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của họ. Đồng ý rằng trong bất kỳ một tổ chức hay phong trào nào cũng có một số phần tử cơ hội hay quá khích không biết từ phía nào phái đến để gây chia rẻ tình đoàn kết, phá hoại những cuộc đối thoại chân thành, nhưng những người Công Giáo chân chính, những nhà lãnh đạo tôn giáo có lương tri thì không ai dại gì mà chống phá chính quyền nếu chính quyền ấy biết lắng nghe dân, biết thực thi công bình, bác ái là nền tảng của bất kỳ chế độ hữu thần hay vô thần nào.

Hôm nay đọc Kinh Sách về Các Thách tử Đạo Việt Nam trong đó có một đoạn thư của thánh Phalô Lê Bảo Tịnh gởi cho các chủng sinh: "…Về việc cha rơi vào tay kẻ dữ không phải là tình cờ, nhưng là do thánh ý Chúa đã định nên cha hằng tạ ơn Chúa và xin Ngài che chở các giám mục, linh mục, các người nhà Chúa và chúng con được bằng yên, được tập tành nhân đức, được nên lành nên thánh mỗi ngày một hơn, cho đạo thánh Chúa được thịnh đạt trong địa phận, được sáng ra và được thêm đông số càng ngày càng nhiều...". Ngày lễ Tạ Ơn trùng vào ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Tạ Ơn Trời, Tạ Ơn người đã luôn ban cho chúng con những mẫu gương tốt lành trong mọi thời đại để chúng con noi theo.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái dấn thân vào phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài, ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.

Paraguay, 24/11/2016, Thánh Anre Dũng Lạc và Các Bạn Tử Đạo Việt Nam - Thanksgiving Day

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Chúc Mừng Đại Hội VIETCATHOLIC
Đinh Văn Tiến Hùng
20:46 26/11/2016
Chúc Mừng Đại Hội VIETCATHOLIC

( Kỷ Niệm 20 năm thành lập 1996- 2016 )

Hai mươi năm Mạng lưới Truyền thông,

Chiếu sáng Tin Mừng đến muôn lòng,

Hạt giống Đức Tin đang gieo xuống,

Cây trồng Hồng Phúc đợi trổ bông,

Góp sức chung tay cùng vun tưới,

Đồng lòng hiệp nhất thỏa cầu mong,

Tâm thành tín thác lời Chúa phán,

Cùng chung khấn nguyện sẽ thành công.

Đinh văn Tiến Hùng
 
Cám Ơn Ngài
Bùi Hữu Thư
22:24 26/11/2016
Cám Ơn Ngài

Cám ơn Ngài cho những ngày thu,
Cho đồi xanh, tím trong sương mù,
Cho hàng cây xanh, vàng, đỏ thẫm,
Cho nai vàng nhẹ bước lãng du.

Cám ơn Ngài cho những ngày đông,
Cho khí trời trong vắt lạ lùng,
Cho tuyết rơi phủ đầy muôn lối,
Trắng đồi cây, trắng cả một vùng.

Cám ơn Ngài cho những ngày xuân,
Cho cỏ xanh mơn mởn ngoài sân,
Cho ngàn hoa tưng bừng khoe sắc,
Cho muôn vật tăng sức bội phần.

Cám ơn Ngài cho những ngày hè,
Cho mưa tuôn nước chảy ngoài khe,
Cho mây trắng trời xanh cao vút,
Cho chim kêu vượn hót cả bè.

Cám ơn Ngài cho cả địa cầu,
Cho trăng sao soi sáng đêm thâu,
Cho vầng ô ban ngày sưởi ấm,
Cho bao la vũ trụ thâm sâu.

Cám ơn Ngài cho những bình minh,
Cho sưong rơi chĩu nặng trên cành,
Nắng thủy tinh chiếu ngời lóng lánh,
Ngày mới lên ngôi, vạn phúc lành.

Cám ơn Ngài cho những hoàng hôn,
Cho buồn vui len lén vào hồn,
Cho muôn nhà cơm chiều trên bếp,
Khói xanh lam bay toả ngõ thôn.

Cám ơn Ngài cho những của ăn,
Chất đầy mâm không phải nhọc nhằn,
Ngũ cốc, trái cây và tôm cá,
Chim trời bẫy và muông thú săn.

Cám ơn Ngài cho một mái nhà,
Ðỡ mưa, che nắng, chống tuyết sa,
Gia đình êm ấm, bao kỷ niệm,
Vợ chồng con cái chẳng rời xa.

Cám ơn Ngài cho những tình yêu,
Bạn bè, quyến thuộc biết bao nhiêu,
Hội đoàn, giáo xứ, hay công sở,
Nâng đỡ, ủi an, thật rất nhiều.

Cám ơn Ngài ban cho sức khỏe,
Ðã chữa lành những lúc đớn đau,
Ðã giữ gìn cho khi còn trẻ,
Ðã ủi an những lúc âu sầu.

Cám ơn Ngài đã cho tiếng nói,
U ơ từ khi mới chào đời,
Tiếng Việt ươm thơm giòng sữa mẹ,
Câu ru hời tù lúc nằm nôi.

Cám ơn Ngài biển rộng sông dài,
Ðỡ đần cho những lúc thiên tai,
Nơi non sông, quê hương cẩm tú,
Dù bao lần chinh chiến không phai.

Cám ơn Ngài ban bố Ðức Tin,
Lúc bơ vơ Ngài đã đoái nhìn,
Ðã cho vào đoàn chiên Thiên Chúa,
Theo Ngài và yêu mến hết tình.

Cám ơn Ngài cho biết nói lời,
Kết thành thơ ca tụng Chúa Trời,
Ðội ơn Ngài yêu thương nâng đỡ,
Giữ gìn trong sóng gió biển đời.

Bùi Hữu Thư