Ngày 23-11-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:49 23/11/2015
65. DÂNG HEO ĐẦU TRẮNG.
N2T

Truyền thuyết thời xưa kể rằng, heo (lợn) ở vùng đất Liêu Đông toàn thân là màu đen.
Một hôm, con heo nái của một nhà nọ ngẫu nhiên đẻ ra một con heo đầu màu trắng, người trong thôn đều cho là hiếm lạ, nghĩ rằng trong thiên hạ chắc chỉ có một con heo này, nên nhanh chóng đem dâng cho hoàng thượng.
Thế là mọi người như đang làm một chuyện vui to lớn, quàng đỏ đeo xanh cho heo, người trong thôn cũng mặc những bộ áo quần của ngày lễ hội, do thôn trưởng dẫn đầu, thổi kèn đánh trống, khiêng con heo nhỏ đem dâng cho hoàng thượng.
Đoàn ngũ đi đến phần đất Hà Đông, thì nhìn thấy heo ở nơi đó phần nhiều là heo đầu trắng vừa béo vừa lớn. Dân làng ai nấy sắc mặt ửng đỏ, gấp gáp lấy những đồ máng trên con heo nhỏ đầu trắng xuống, thu lại nhạc khí kèn trống, rất hổ thẹn và âm thầm trở về thôn của mình.
(Hậu Hán thư)

Suy tư 65:
Vì thấy mình quá quê độ nên dân làng đỏ mặt, đỏ mặt là biểu hiệu sự thẹn thùng, xấu hổ, e lệ... nhưng đồng thời cũng bày tỏ sự “biết mình sai”, dân làng đó là những người còn có lương tâm, còn có sĩ diện, nghĩa là còn có thể giáo dục, khuyên bảo và thành người tốt...
Cái đáng sợ nhất và cũng nguy hiểm nhất chính là những người phạm tội hoặc biết mình sai mà không chịu “đỏ mặt”, nghe lời khuyên bảo mà mặt cứ trâng tráo không chút gì là hối hận và thẹn thùng, thì đúng là “lòng chai dạ đá”. Đã là con người, thì ai cũng biết “đỏ mặt” khi phạm lỗi, chỉ có ma quỷ và “con cháu” của nó mới không biết thẹn, không biết xấu hổ khi phạm tội mà thôi, nếu ma quỷ biết xấu hổ mà đỏ mặt, thì chắc chắn là nó đã xin lỗi Thiên Chúa từ lâu rồi.
Người Ki-tô hữu là người tự trọng nên không muốn làm việc gì trái với lương tâm, nhìn một hình ảnh lố lăng thì đỏ mặt, coi một cuộn phim đồi trụy lại càng đỏ mặt xấu hổ hơn, và càng không thích nghe hoặc nói những lời xấu hổ trâng tráo...
Biết mình sai mà không đỏ mặt, được người khác nhắc nhở chỉ cho cái sai của mình mà mặt không đó, thì quả là lòng chai dạ đá !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:54 23/11/2015
N2T

14. Trong con thuyền tu viện, ngay cả những người không bơi cũng phải tiến về phía trước.

(Thánh Aloisius Gonzaga)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mở cửa tâm hồn đón Chúa đến
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:03 23/11/2015
Mở cửa tâm hồn đón Chúa đến

Chúa Nhật I Mùa Vọng -C

(Lc 21, 34-36)

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.

Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?

Mùa Vọng Giáo Hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Maria Đồng TrInh ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van : « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».

Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.

Mùa Vọng trong Kinh Thánh

Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...” (x.Is 11, 1-10).

Lời thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…” (x.Lc 1, 26-38)

Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng : “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)

Như thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.

Mùa Vọng

Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc thù của nó, gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu :

- Chúa Nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )

- Chúa Nhật II Mùa Vọng : Populus Sion ... (Này hỡi Dân Sion…)

- Chúa Nhật III Mùa Vọng : Gaudete ... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)

- Chúa Nhật IV Mùa Vọng : Rorate ... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)

Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng

Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều kích thứ hai : “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.

Hơn bao giờ hết, con người thời nay hết sức đau buồn vì quân khủng bố IS tại Syria. Nếu như các kitô hữu tại Irắc và Syria kêu la thảm thiết trong những năm qua, thì bây giờ là Nga và Pháp quốc hết sức lo lắng. Biển gầm lên, đất rung chuyển tại Nhật Bản, Inđônêsia, Trung Quốc và nhiều nơi khác nữa thiêu hủy biết bao sinh mạng con người. Phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?

Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách : “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).

Năm Thánh Lòng Thương Xót

Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của Năm Thánh Lòng Thương Xót với khẩu hiệu Thương Xót Như Chúa Cha (x. Lc 6,36) là lời mời gọi sống lòng thương xót theo gương Cha trên trời, dạy chúng ta đừng xét đoán và kết án, nhưng hãy tha thứ và yêu thương vô giới hạn (x. Lc 6,37-38).

Thế giới dường như đang cạn kiệt tình thương, nên loài người giết hại nhau, hủy hoại môi sinh, khiến thiên nhiên nổi nóng chống lại con người. Đức Phanxicô nói : Người Kitô hữu được khích lệ mở các cửa của mình để cùng Chúa Cứu Thế giáng sinh đi gặp gỡ những ai đang đi trên đường. Sách Khải Huyền viết : “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta : “Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình bạn của Chúa đến cho chúng ta.

Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, vì Người sinh ra hòa bình trong trái tim chúng ta. Người đến thế gian bằng lòng thương xót với tình nhân loại, và sự cảm thương dịu hiền của một Vì Thiên Chúa là Cha. Lợi dụng cơ hội này, để bước vào ngưỡng của lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải ý thức mình là người mang lòng từ bi thương xót, hòa giải và an bình, sẵn sàng trao ban và tha thứ cho nhau, liên đới trong tình thương xót, tử tế, giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm chia sẻ vui buồn, đau khổ với đồng loại.

Lạy Mẹ Maria, Thân Mẫu của Lòng Thương Xót, Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và cũng là Thân Mẫu của Đấng Phục Sinh đã bước vào trong thánh địa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, xin dẫn chúng con bước vào cửa lòng thương xót cả Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp Video cho 3 nước Phi châu
Lm Trần Đức Anh OP
11:41 23/11/2015
VATICAN 23/11/2015 . ĐTC Phanxicô đã gửi sứ điệp Video cho Kenya, Uganda và Cộng Hòa Trung Phi là 3 nước ngài sẽ bắt đầu viếng thăm từ ngày mai, 25.11 đến 30-11 tới đây.

Trong sứ điệp bằng tiếng Anh gửi đến các tín hữu và nhân dân hai nước Kenya và Uganda, ĐTC cho biết ngài đến nơi họ như một ”người phục vụ Tin Mừng, để công bố tình thương của Chúa Giêsu Kitô và sứ điệp hòa giải, tha thứ và an bình của Chúa”. ”Cuộc viếng thăm của tôi có mục đích củng cố cộng đoàn Công Giáo trong niềm tin của họ nơi Thiên Chúa và trong việc làm chứng cho Tin Mừng: Tin Mừng dạy phẩm giá của mỗi người nam nữ và dạy chúng ta hãy cởi mở tâm hồn cho tha nhân, nhất là cho người nghèo và những người sống trong tình cảnh túng thiếu”.

ĐTC biểu lộ ước muốn gặp gỡ mọi người dân Kenya và Uganda, và ngài nói: ”Chúng ta đang sống giữa một thời kỳ trong đó, ở các nơi tín đồ mọi tôn giáo và những người thiện chí được kêu gọi thăng tiến sự cảm thông và tôn trọng nhau, nâng đỡ nhau như những phần tử của cùng một gia đình nhân loại. Tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa”.

ĐTC cho biết biến cố đặc biệt trong cuộc viếng thăm của ngài là những cuộc gặp gỡ với người trẻ, là ”nguồn tài nguyên chính của anh chị em và là niềm vọng nhiều hứa hẹn nhất của chúng ta mong được một tương lai liên đới, an bình và thịnh vượng”.

Sau cùng, ĐTC cám ơn tất cả những người đang vất vả làm việc để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài.

Sứ điệp gửi Cộng Hòa Trung Phi

Trong sứ điệp bằng tiếng Pháp gửi cho các tín hữu và nhân dân Cộng hòa Trung Phi, ĐTC gởi lời chào và lòng quí mến nồng nhiệt với mỗi người, không phân biệt bộ tộc và tôn giáo. Ngài nói:

”Đây là lần đầu tiên trong đời tôi viếng thăm Phi châu, rất đẹp và phong phú về thiên nhiên, các dân tộc và văn hóa. Tôi mong có những cuộc khám phá đẹp và những cuộc gặp gỡ phong phú..

”Đất nước yêu quí của anh chị em từ quá lâu đã trải qua một tình trạng bạo lực và bất an, với nhiều người trong anh chị em là nạn nhân vô tội. Mục đích cuộc viếng thăm của tôi, trước tiên là nhân danh Chúa Kitô, mang an ủi và hy vọng cho anh chị em. Tôi thành tâm hy vọng rằng cuộc viếng thăm của tôi có thể góp phần, bằng cách này hay cách khách, thoa dịu các vết thương của anh chị em, và tạo điều kiện thuận lợi để có một tương lai thanh thản hơn cho toàn dân Trung Phi.

ĐTC cũng nhận xét rằng chủ đề cuộc viếng thăm của ngài tại nước này là ”Chúng ta hãy sang bên bờ bên kia”, một đề tài mời gọi ”các cộng đồng Kitô của anh chị em hãy quyết liệt nhìn về đằng trước và khích lệ mỗi người canh tân quan hệ với Thiên Chúa và anh chị em mình để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Đặc biệt tôi sẽ được vui mừng mở trước Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót cho anh chị em, và tôi hy vọng đây sẽ là một cơ hội Chúa Quan Phòng ban để được ơn tha thứ đích thực, là cơ hội để lãnh nhận và trao ban, và canh tân trong tình thương”.

Sau cùng ĐTC khẳng định rằng ”Trong tư cách là sứ giả hòa bình tôi đến nơi anh chị em. Tôi muốn nâng đỡ cuộc đối thoại liên tôn để khích lệ sự sống chung hòa bình tại đất nước anh chị em: tôi biết rằng điều này có thể, vì tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và tôi khẩn cầu sự bảo vệ của Mẹ Maria cho anh chị em, và hẹn sớm gặp lại anh chị em!” (SD 23-11-2015)
 
Vatican và Trung Quốc sẽ bang giao vào tháng Hai năm tới? đảng Dân Tiến Đài Loan kêu gọi kiên nhẫn.
Trần Mạnh Trác
17:21 23/11/2015

Đài Loan đang ở giữa muà tranh cử, vấn đề bang giao với Vatican có lẽ là một vấn đề nhỏ bé so với những tranh cãi chính trị kinh tế và xã hội khác, nhưng mới đây tình trạng ngoại giao với Vatican đã trở thành nóng bỏng vì có nhiều tin đồn cho rằng Vatican và Trung Quốc sẽ chính thức thiết lập bang giao vào tháng Hai năm tới.

Hai điều kiện tiên quyết cuả Trung Quốc đưa ra là Vatican phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và không được dính liú vào những công việc nội bộ cuả Trung Quốc.

Tháng Hai cũng là tháng đầu tiên cuả một nhiệm kỳ Tổng Thống mới ở Đài Loan, một thất bại về ngoại giao sẽ trở thành một 'caí tát' cuả Trung Quốc tặng cho một chính quyền mới không thân thiện. Đó là kết luận cuả cuộc bàn cãi kín đáo trong nội bộ đảng Dân Tiến nhưng đã bị 'xì hơi', Dân Tiến là đảng đối lập đang dẫn đầu cuộc tranh cử, họ cho rằng Vatican sẽ di chuyển Tòa Khâm sứ đến Bắc Kinh vào đầu tháng Hai, sau kết quả cuả cuộc bầu cử tổng thống ngày 16 tháng 1 cuả Đài Loan.

Đảng đang cầm quyền là Quốc Dân đảng từng có một chính sách nhân nhượng đối với Trung Quốc. Nhưng đảng Dân Tiến thì có chủ trương đối đầu hơn, dựa vào một xu thế chống Trung Quốc đang được dẫn đầu bởi Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc như Phi Luật Tân và Việt Nam cũng đang là những con bài tẩy trong thế cờ này.

Trong những năm vừa qua nhiều tai tiếng kế tiếp nhau đã soi mòn lòng tin cuả dân Đài Loan đối với đảng cầm quyền là Quốc Dân đảng và nhờ thế mà bà Thái Anh Vân (Tsai Ing-wen) cuả đảng đối lập Dân Tiến đã tạo được một sức mạnh hậu thuẫn đáng kể, lớn gấp đôi sự ủng hộ Quốc Dân đảng. Hầu như chắc chắn bà sẽ là vị nữ Tổng Thống đầu tiên cuả Đài Loan và vị phó tổng thống cuả bà sẽ là ông Philip Chen Chien-jen, một người Công Giáo.

Công Giáo có một tỷ số rất nhỏ (1.5%) trong tổng số dân cuả Đài Loan, nhưng sự nghiệp chính trị cuả ông Chen (Trần) là dựa vào tăm tiếng hàn lâm và những thành tích hành chính cuả cá nhân ông, chứ không phải dựa vào tôn giáo, tuy nhiên những tin đồn về Vatican đã làm cho ông phải lên tiếng trấn an công chúng:

"Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican thì khá phức tạp ... Nó cần phải được thảo luận nhiều hơn nữa, trước khi có thể giải quyết bất cứ điều gì ", ông Chen nói vào ngày 18 tháng 11 khi được hỏi về mối quan hệ có khả năng bị cắt đứt.

Ông cho biết một nhà ngoại giao cuả Vatican đã nói với ông trong một cuộc thăm viếng Roma chính thức cuả phái đoàn Đài Loan rằng "người Trung Quốc có một đức tính tốt là sự kiên nhẫn. Quí bạn cần phải kiên nhẫn. Vatican cũng đang có rất nhiều kiên nhẫn."
 
ĐGH Phanxicô : Trong lúc vương quốc trần thế tìm cách thống trị thì Vương quốc Chúa Kitô giải phóng chúng ta
Giuse Thẩm Nguyễn
19:01 23/11/2015
ĐGH Phanxicô : Trong lúc vương quốc trần thế tìm cách thống trị thì Vương quốc Chúa Kitô giải phóng chúng ta


Trong một thế giới mà người ta dùng sự sợ hãi, và mưu đồ thống trị như một loại vũ khí thì sức mạnh của Vương Quyền Chúa Kitô lại được xây dựng trên sự thật và tình yêu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như thế trong buổi đọc kinh truyền tin vào hôm Chúa Nhật khi Ngài nhắc đến những đàn áp mà người tín hữu ngày nay đang phải chịu.

Trong huấn từ nhân lễ Chúa Kitô Vua ngày Chúa Nhật 22 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói “Sức mạnh của Vương Quyền Kitô là tình yêu. Thay vì đàn áp, Vương quyền Chúa Giêsu giải phóng chúng ta khỏi những yếu kém và bất hạnh ” và khuyến khích chúng ta đi trên con đường hòa giải và tha thứ. Chúa Kitô không phải là vị vua thống trị, không đối xử với chúng ta như chúng ta đáng được đối xử, nhưng Chúa nâng chúng ta lên địa vị, phẩm giá được làm con Thiên Chúa.”

Trong huấn từ Đức Giáo Hoàng nhắc đến đoạn Tin Mừng Thánh Gioan khi Chúa Giêsu nói với quan tổng trấn Philato rằng nước của Ngài không thuộc về thế gian này. Có hai cách nhìn vấn đề ở đây, Đức Giáo Hoàng nói “ Đối với thế gian, cội rễ của nó là tham vọng và tranh chấp, và nó dùng sự sợ hãi, đe dọa, tống tiền, mưu đồ lèo lái lương tâm để chiến đấu.” Ngược lại,Tin Mừng đã phản ánh “ sự khiêm nhường và lòng biết ơn, âm thầm nhưng mang lại hiệu quả bằng sức mạnh của sự thật.” Đức Giáo Hoàng cho biết rằng Vương quyển của Chúa Kitô được tỏ lộ trên Cây Thánh Giá. “Khi nói về quyền và sức mạnh thì đối với người tín hữu đó là quyền năng của Thập Giá và sức mạnh của tình yêu Giêsu .” Ngài nói tiếp “ Tình yêu này mãi kiên vững và vẹn toàn, ngay cả khi bị từ chối, một tình yêu hoàn toàn tự hiến thay cho cả nhân loại.”

Đức Giáo Hoàng nhắc đến đoạn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô khi những kẻ qua đường trên đồi Canvê nhạo báng và thách thức Chúa Giêsu hãy tự cứu mình, xuống khỏi Thập Giá. “Nếu Chúa xuống khỏi thập giá, thì Ngài đã rơi vào chước cám dỗ của thế gian này,”. Đúng hơn là, “Chúa không tự cứu mình, nhưng Ngài đã cứu mỗi người chúng ta thoát khỏi mọi tội lỗi của chúng ta.” Đức Giáo Hoàng nhắc đến người “ trộm lành” cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu đã xin với Chúa “ hãy nhớ đến tôi khi Ngài về nước của Ngài.”

Với bao nhiêu thương tích nơi trần gian và “ trong thân xác con người”, Đức Giáo Hoàng khấn xin sự cầu bầu của Mẹ Maria cho chúng ta được bắt chước Chúa Giêsu, vị Vua của chúng ta, người “ làm cho nước Cha trị đến qua sự dịu dàng, sự hiểu biết và lòng thương xót”.

Sau khi đọc kinh truyền tin bằng tiếng Latin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến Thánh Federico Da Berga và hai mươi lăm vị thánh đã chịu tử đạo vào năm 1936 trong cuộc bách đạo ở Tây Ban Nha vừa được phong thánh vào hôm qua Thứ Bẩy. Ngài cho biết các vị thánh tử đạo này gồm các linh mục và các thày trẻ đang chờ chịu chức cũng như các thày của dòng anh em hèn mọn Capuchino. “Chúng ta phó thác và qua lời cầu bầu của các vị thánh tử đạo cho anh chị em tín hữu của chúng ta ngày hôm nay, trên nhiều nơi trên thế giới, đang bị bách hại vì niềm tin vào Chúa Kitô của mình.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc buổi kinh bằng cách kêu gọi mọi người cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của Ngài đến Kenya, Uganda và Cộng Hòa Trung Phi sắp tới.”Tôi xin mọi người cầu nguyện cho chuyến hành trình này để những anh chị em này và tôi trở nên một dấu hiệu của sự gần gũi và yêu thương.” Sau đó Đức Giáo Hoàng cùng mọi người đọc kinh Kính Mừng, xin Mẹ của chúng ta “chúc lành cho những miền đất thân yêu này để mọi người được hưởng sự bình an và thịnh vượng.”

Được biết Đức Giáo Hoàng Phanxico sẽ lên đường thăm Châu Phi từ ngày 25-30 tháng 11, điểm dừng chân đầu tiên là Kenya từ 25-27, Ugnada từ 29-29 và Trung phi từ 29-30.
 
Cộng Hòa Trung Phi: Ba Ông Thánh và Một Vị Giáo Hoàng
Vũ Văn An
23:42 23/11/2015
Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến viếng thăm 3 nước Phi Châu sắp tới của Đức Phanxicô có nhiều điểm đáng được dư luận quốc tế lưu ý.

Thực vậy, dù cả ba nước Kenya, Uganda và Cộng Hòa Trung Phi đều có những bất ổn về chính trị và xã hội, nhưng nước cuối cùng thực sự là một vùng đang có chiến tranh. Nên cuộc tông du của Đức Phanxicô tại đó quả có tính cách lịch sử: lần đầu tiên, một vị giáo hoàng tới thăm một vùng đang có chiến tranh thực sự.

Hoàng Đế Bokassa và nội chiến Trung Phi

Cộng Hòa Trung Phi không xa lạ gì đối với người Việt Nam vì đó là nơi từng diễn ra câu truyện cô bé lọ lem Việt Nam trở thành công chúa của Hoàng Đế Bokassa Đệ Nhất. Nước này về diện tích (622,984 kilô mét vuông) lớn gần gấp hai lần Việt Nam (331,200 kilô mét vuông) nhưng dân số hiện nay chỉ có 4 triệu 709 ngàn người mà thôi.

Kể từ ngày được độc lập năm 1960, nước này không ngớt gặp bất ổn về chính trị. Chính trong bối cảnh bất ổn ấy, năm 1965, Đại Tá Jean-Bédel Bokassa mới làm đảo chánh, dẹp bỏ hiến pháp, giải tán quốc hội, tự phong là tổng thống mãn đời năm 1972 và lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Hoàng Đế Bokassa Đệ Nhất của Đế Quốc Trung Phi năm 1976. Ông bị người Pháp lật đổ năm 1979 và lập lại nền cộng hòa cho nước này.

Nhưng nền cộng hòa ấy liên tiếp bất ổn do các tranh chấp nội bộ liên miên. Năm 2006, chính phủ của Bozizé yêu cầu quân đội Pháp giúp đỡ để đẩy lui các lực lượng nổi loạn, lúc ấy chiếm đóng khá nhiều thị trấn ở phía bắc đất nước. Dù thỏa hiệp can thiệp lúc ban đầu chỉ bao gồm các trợ giúp hậu cần và tình báo, nhưng rốt cuộc, người Pháp đưa cả phản lực Mirage vào dẹp phiến loạn.

Nhưng hết phiến loạn này tới phiến loạn nọ tiếp tục quấy rối. Năm 2012, Séléka, một liên minh các nhóm phiến loạn, phần đông gồm người Hồi Giáo, chiếm nhiều thị trấn ở miền bắc và miền trung. Cuối cùng, các nhóm này đạt được thỏa hiệp chia quyền với chính phủ Bozizé. Nhưng thỏa hiệp tan vỡ và tháng Ba năm 2013, các nhóm phiến loạn chiếm thủ đô Bangui, khiến Bozizé phải bỏ trốn.

Lực lượng còn lại của Bozizé tiếp tục chiến đấu. Tháng 5, 2013 Cộng Hòa Trung Phi yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gửi lực lượng duy trì hòa bình qua. Từ tháng Chín năm đó, tình hình an ninh vẫn không khả quan hơn, khiến Tổng Thống Pháp Francois Hollande yêu cầu Hội Đồng Bảo An LHQ và Liên HIệp Phi Châu gia tăng lực lượng duy trì hòa bình. Tranh chấp càng trở nên tồi tệ vào cuối năm đó, đến nỗi dư luận quốc tế lo ngại sẽ có cuộc diệt chủng do các cuộc tấn công trả đũa giữa Séléka Hồi Giáo và các dân quân Kitô giáo tự gọi là Anti-Balaka.

Tháng Giêng năm 2014, Tổng Thư Ký Ban Ki-moon kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lập tức gửi 3,000 quân qua Cộng Hòa Trung Phi để cứu các thường dân khỏi bị cố tình tấn công và sát hại hàng loạt. Lực lượng từ bên ngoài vì thế hiện lên đến 3,000 quân duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc, 6,000 binh sĩ của Liên Hiệp Phi Châu và 2,000 binh sĩ Pháp đã có sẵn ở đấy từ trước.

Cuộc nội chiến hiện giết hại 6,000 người, với hơn 400,000 người tỵ nạn và 300,000 người tản cư.

Lo ngại an ninh cho Đức Phanxicô

Nhưng, trong khi Liên Hiệp Phi Châu và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không nói gì về chuyến tông du của Đức Phanxicô tại đây, thì bộ quốc phòng Pháp đã chính thức lên tiếng tỏ ý lo ngại về chuyến tông du này. Họ cho rằng lực lượng quân sự của họ không đủ để bảo đảm an ninh cho ngài. Họ mong ngài hủy bỏ chuyến tông du hoặc ít nhất rút ngắn bao nhiêu có thể.

Lo ngại trên được các giới chức Tòa Thánh lưu ý đặc biệt. Nhưng Đức Phanxicô cương quyết vẫn tới Cộng Hòa Trung Phi vào ngày 29 này và ở lại đó trong 30 tiếng đồng hồ như đã dự tính. Theo Cha Lombardi, tại Công Hòa Trung Phi, Đức Phanxicô cũng sẽ du hành trong xe không có cửa và tất nhiên, ngài sẽ không mặc áo chắn đạn. Hơn nữa, ngài vẫn tới thăm một ngôi đền Hồi Giáo do những người Thánh Chiến điều hành.

Theo vị tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Trung Phi, Đức Cha Cyriaque Gbate Doumalo, tuy đất nước gặp nhiều khó khăn về an ninh, nhưng riêng thủ đô Bangui thì vẫn an toàn. Cuộc tông du của Đức Phanxicô chỉ diễn ra trong khu vực này mà thôi. Mặt khác, Liên Hiệp Quốc sẽ gửi thêm 300 binh sĩ nữa đúng vào dịp Đức Phanxicô viếng thăm tại đây.

Tuy nhiên, dù không có những trấn an như trên, thì phần chắc Đức Phanxicô cũng vẫn sẽ tới Cộng Hòa Trung Phi. Vì ngài có nhiều việc quan trọng phải làm ở đó. Chỉ cần đọc sứ điệp gửi trước cho nhân dân ba nước ngài sẽ tới thăm, cũng đủ thấy quyết tâm ấy.

Sứ điệp gửi người dân Trung Phi

Thực vậy, văn phong hai sứ điệp gửi cho người dân Kenya và Uganda nặng tính ngoại giao thường lệ, như đối với bất cứ cuộc tông du nào: “Tôi đến như một thừa tác viên của Tin Mừng, để công bố tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và sứ điệp hòa giải, tha thứ và và bình an của Người. Chuyến viếng thăm của tôi nhằm mục đích củng cố cộng đồng Công Giáo trong việc họ thờ phương Thiên Chúa và làm chứng cho Tin Mừng, một Tin Mừng giảng dậy phẩm giá mọi người và truyền cho ta mở lòng mình ra trước người khác, nhất là người nghèo và người thiếu thốn”.

Còn văn phong của sứ điệp gửi người Trung Phi thì khác hẳn về cung giọng, nó tha thiết hơn nhiều, không hẳn chỉ là ngoại giao thông thường: “Chỉ còn vài ngày nữa cuộc tông du sẽ đem tôi tới với anh chị em, tôi muốn ngỏ với anh chị em niềm vui đang có trong tôi và tôi muốn chào hỏi anh chị em với một tâm tình âu yếm lớn lao nhất, bất luận anh chị em thuộc sắc tộc hay tôn giáo nào. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi tới Lục Địa Phi Châu, hết sức đáng yêu và phong phú trong thiên nhiên, trong con người và trong nền văn hóa của nó, và tôi mong sẽ có nhiều khám phá đẹp đẽ và nhiều cuộc gặp gỡ phong phú. Đã quá lâu rồi xứ sở của anh chị em đã phải trải qua một tình thế đầy bạo lực và mất an ninh mà nhiều người trong anh chị em đã là nạn nhân vô tội. Mục đích chuyến viếng thăm của tôi trước nhất là nhân danh Chúa Giêsu Kitô, đem đến cho anh chị em lời khuyên giải ủi an và hy vọng. Tôi hết lòng hy vọng rằng chuyến viếng thăm của tôi có thể góp một phần, cách này hay cách khác, vào việc soa dịu các vết thương và mở ra một tương lai thanh bình hơn cho Trung Phi và mọi cư dân của nó.

“Chủ đề của chuyến tông du là: ta hãy qua bờ bên kia. Đây là một chủ đề mời gọi các cộng đồng Kitô hữu của anh chị em cương quyết nhìn lên phía trước, và khuyến khích lẫn nhau canh tân mối liên hệ với Thiên Chúa và với anh chị em của mình để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Nhất là, tôi được niềm vui khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót cho anh chị em trước kỳ hạn, một năm mà đối với mọi người, tôi hy vọng, sẽ là dịp đầy quan phòng để tha thứ, nhận lãnh và cho đi, cũng như đổi mới yêu thương.

"Tôi tới đây như một sứ giả của hòa bình. Tôi sẽ hết lòng hỗ trợ cuộc đối thoại liên tôn và khuyến khích việc sống chung hòa bình tại quê hương của anh chị em. Tôi biết điều này là điều ta có thể làm dược vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau”.

Mở Cửa Thương xót

Cứ theo sứ điệp trên, việc có ý nghĩa được chính Đức Phanxicô nhắc đến là khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót cho Trung Phi “trước kỳ hạn”. Ngày chính thức khai mạc cho Giáo Hội hoàn vũ là ngày 8 tháng 12 tới. Trung Phi là nước đầu tiên được chính người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ khai mạc Năm Thánh đúng 10 ngày trước đó, một việc không hẳn là tình cờ.

Theo Cha Aurelio Gazzera, một linh mục dòng Cát Minh, đã phục vụ tại Trung Phi 24 năm nay, thì đây là một “đấu chỉ hết sức tươi đẹp nhằm đem một đất nước vô danh lên hàng tiền đạo, một đất nước hiện rất cần được hóan cải nhờ Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Đây cũng là một dấu chỉ đầy yêu thương nhằm thừa nhận Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội luôn ở tuyến đầu để chào đón mọi người, bất luận là Kitô Giáo hay Hồi Giáo, nhờ tiếng nói của nhiều mục tử, mà đầu tiên là Đức Tổng Giám Mục Bangui, Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, trên thực tế là người đại diện cho thành lũy duy nhất ngăn chặn cái điên loạn của chiến tranh và hủy diệt".
.
Thành lũy mà cha Gazzera vừa nhắc trên đây thực ra gồm tới ba vị mà ký giả John L. Allen gọi là “ba ông thánh của Bangui: một Mục Sư, một giáo sĩ Hồi Giáo và một vị Tổng Giám Mục bước vào chiến tranh”, ba ông thánh được Đức Phanxicô ngưỡng mộ và ngài muốn tới Cộng Hòa Trung Phi để củng cố họ, bất chấp nguy hiểm bản thân.

Ba ông thánh và vị giáo hoàng

Vị Mục Sư chính là Mục Sư Nicolas Guerekoyame-Gbangou, Chủ Tịch Liên Minh Tin Lành; vị Giáo Sĩ Hồi Giáo là Imam Oumar Kobine Layama, Chủ Tịch Hội Đồng Hồi Giáo, còn vị Tổng Giám Mục chính là Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Phi.

Các vị trên đại diện cho các tôn giáo chính của Trung Phi: 50 phần trăm dân Trung Phi theo Tin Lành, 30 phần trăm theo Công Giáo và 15 phần trăm theo Hồi Giáo. Điều đáng lưu ý là ba vị này mau chóng trở thành bằng hữu cả trước khi các tranh chấp dữ dội diễn ra và từ đó, càng ngày mối liên hệ của họ càng thêm đằm thắm.

Họ cùng nhau du hành khắp nước, đi thăm những vùng nặng mùi bạo lực, tổ chức các buổi gặp gỡ để xây dựng lại niềm tin tưởng lẫn nhau. Họ cổ vũ hàng loạt các ngôi “trường hòa bình” nơi trẻ em mọi tôn giáo cùng theo học cũng như nhiều bệnh viện chữa trị người của đủ tín ngưỡng.

Năm ngoái, ba vị đi thăm các thủ phủ của Tây Phương để vận động việc chấm dứt đổ máu tại quê nhà, gặp cả Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ở New York và Đức Phanxicô tại Rôma. Chính các vận động của họ đã khiến Liên Hiệp Quốc gửi lực lượng duy trì hòa bình qua năm 2014.

Chính tờ Le Monde của Pháp gọi họ là “ba ông thánh của Bangui”. Còn báo Time thì liệt kê họ vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2014 và LHQ tặng họ Huy Chương Hòa Bình Sergio Vieira de Mello năm 2015.

Tình bạn của họ là một tình bạn chân thực, không phải để chụp hình đăng báo. Tháng 12 năm 2013, khi các dân quân Kitô Giáo tấn công một khu Hồi Giáo nơi giáo sĩ Layama sống, chính Đức Tổng Giám Mục Nzapalainga đã mời ông và gia đình ông dọn tới nhà ngài ở giáo xứ Thánh Phaolô. Họ ở đó 5 tháng. Đức Tổng Giám Mục cho hay: “khi sự sống của một người anh em bị đe dọa, chúng tôi phải giúp nhau thôi” và kinh nghiệm này “đã đem chúng tôi lại gần nhau hơn”.

Ngoài ra, hồi tháng Tám năm 2013, khi mục sư Guerekoyame-Gbangou bị ngồi tù vì dám chỉ trích Tổng Thống lúc ấy là François Bozizé. Đức Tổng Giám Mục Nzapalainga phản ứng bằng cách xin ngồi tù với bạn mình. Ngài nói với tờ World Watch Monitor: “tôi xin một chiếc chiếu ngủ để có thể ở lại với mục sư Nicolas. Bất cứ kéo dài bao lâu, ba ngày hay vài tháng, tôi nhất quyết ở tù với mục sư”. Bối rối quá, bộ trưởng nội vụ phải cho thả mục sư Guerekoyame-Gbangou.

Ba vị từng tự du mình vào những tình huống đe doạ tới mạng sống. Tháng Hai vừa rồi, ba vị tới một nhà thờ ở Bangui để tham dự một cuộc đối thoại. Không ngờ họ bị đám đông cuồng tín bao vây từ 7 giờ sáng tới 4 giờ chiều, không thực phẩm hay nước uống cho tới khi lực lượng duy trì hòa bình đến giải cứu.

Tháng rồi, Mục Sư Guerekoyame-Gbangou suýt nữa bị mất mạng khi người Hồi Giáo có vũ trang tấn công nhà ông tại Nhà Thờ Elim. May ông bỏ nhà trước đó nửa giờ, nhưng hai người khác thì bị cắt cổ chết, thảm một điều họ là người tỵ nạn được mục sư cưu mang.

Sứ điệp cốt lõi của ba vị là: tranh chấp này không phải là tranh chấp tôn giáo hay phe phái, mà đúng hơn là do tư lợi chính trị và kinh tế mà tra: Cộng Hòa Trung Phi vốn là nước xuất cảng kim cương lớn thứ 12 trên thế giới!

Nếu hoà bình đến với Cộng Hòa Trung Phi, phần lớn các quan sát viên cho rằng công của ba vị này không nhỏ. Trong một thời đại mà tôn giáo bị coi như môt nguồn gây ra tranh chấp, ba vị này quả đã nêu một tấm gương mạnh mẽ để chống lại. Một người vốn tha thiết với đối thoại liên tôn, với những cố gắng ngoại thường ở ngoại vi, và đầy lòng dũng cảm sẵn sàng bị trầy trụa như Đức Phanxicô, không thể nào lại đứng ở xa mà nhìn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Minh Thánh Tâm Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon Mừng Bổn Mạng.
Phêrô Lê Quang Uyên
23:46 23/11/2015
Liên Minh Thánh Tâm Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon Mừng Bổn Mạng.

Chúa Nhật cuối năm phụng vụ Lễ Chúa Kitô Vua ngày 22 tháng 11 năm 2015 Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon tổ chúc Lễ Bổn Mạng rất trọng thể tại Thánh Đường của giáo xứ. Thánh Lễ được cử hành lúc 9 giờ sáng do Cha Chánh Xứ kiêm Linh Hướng Đoàn Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt, SDD Chủ tế cùng Đồng tế có 2 Cha Cố Giuse Nguyễn Đức Hậu và Antôn Lê Quang Trình.

Xem Hình

Tham dự Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng Đoàn có khoảng gẫn 100 đoàn viên trên tổng số 120 đoàn viên kể cả các đoàn viên già yếu, ốm đau bệnh tật hiện đang an dưỡng tuổi già tại các Viện Dưỡng Lão, Nursing home hay Tư gia, và đông đảo giáo dân của giáo xứ. Ngoài Thánh lễ sáng nay, thứ Bảy trước đó ngày 21 tháng 11 năm 2015 tất cả anh em đoàn viên đã được Cha Chánh Xứ kiêm Linh Hướng Đoàn hướng dẫn buổi tĩnh tâm tại Nhà Nguyện, trong buổi tĩnh tâm còn có Chầu Mình Thánh Chúa và quý Cha ngồi tòa giải tội để giúp cho anh em đoàn viên có cơ hội làm hòa với Chúa, hầu chuẩn bị tâm hồn Mừng Bổn Mạng được sốt sắng hơn.

Cha chủ tế chọn chủ đề bài chia sẻ hôm nay là” Vị Vua Giêsu Là Vua Tình Yêu”. Ngài chia sẻ; Vương quốc của Chúa Giêsu không phải là ở một quốc gia hay một lãnh thổ nào theo kiểu thế gian, mà là một Vương Quốc của tình yêu, một Vương Quốc cho những con người tin theo Chúa, biết sống yêu thương và có lòng bác ái đối với tha nhân, luôn bảo vệ sự thật và yêu chuộng công lý công bằng. Đối với Thiên Chúa chỉ có tình thương và những đặc tính trên, mới đem lại an bình hạnh phúc cho nhân loại… Bởi thế, bổn phận và trách nhiệm của người tín hữu Chúa Kitô là phải biết loan truyền tình yêu Chúa Giêsu cho những ai còn khao khát vì chưa nhận biết Vương quốc của Người.

Kết thúc bài chia sẻ lời Chúa, Cha chủ tế tiến hành nghi thức tuyên hứa cho 4 anh em Tân Đoàn Viên và tất cả anh em đoàn viên khác đều lập lại lời tuyên hứa hằng năm. Sau khi anh Đoàn Trưởng Phêrô Lê Quang Uyên đọc tên, lần lược các anh tân đoàn viên tiến lên trước Cung Thánh để tuyên xưng lời tuyên hứa trước vị Thủ Lãnh Tối Cao là Chúa Kitô Vua qua Cha Chánh Xứ chủ sự, cũng như nhận Thủ Bản và Huy Hiệu Đoàn sau khi đã được làm phép. Ngoài ra, tháng 11 tháng Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho Các Đẵng Linh Hồn, vào dịp nầy Đoàn luôn tưởng nhớ đến các cố đoàn viên đã qua đời, và đều xin một lễ đặc biệt cầu nguyện cho họ trong Thánh lễ, được biết, kể từ ngày thành lập Đoàn tại Giáo xứ 1981 – 2015 Đoàn đã có 36 đoàn viên về với Chúa, trong Thánh Lễ nầy Đoàn luôn mời các gia đình họ đến tham dự để hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Cuối Thánh Lễ, anh Đoàn Trưởng đã ngỏ lời cám ơn Cha Chánh Xứ kiêm Linh Hướng Đoàn, quý Cha Cố Đồng Tế quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt/ Miền Portland, Oregon và cộng đoàn dân Chúa của giáo xứ cùng tất cả anh em đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm và gia đình đã tham dự Thánh Lễ . Sau cùng, cũng như mỗi năm; quý Cha, quý Quan khách và tất cả gia đình đoàn viên đều ở lại dự tiệc mừng Bổn Mạng và chúc mừng các Tân Đoàn Viên do quý chị phu nhân của các đoàn viên phụ trách tại Hội Trường Thánh Tôma THIỆN.

Phêrô Lê Quang Uyên
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thủ Tướng Úc kết án Trung Hoa đang gây chiến tại Biển Đông
Vũ Văn An
04:08 23/11/2015
Theo tờ Financial Times, Thủ Tướng Úc, Malcolm Turnbull, vừa trực tiếp cảnh cáo Trung Hoa rằng nước này không những tự cô lập mình trong vùng, mà còn có thể đang khởi diễn một cuộc chiến tranh, nếu cứ tiếp tục yêu sách lãnh thổ và đe dọa việc lưu thông tại Biển Đông.

Với vấn đề Biển Đông nổi bật tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á diễn ra tại Mã Lai vào Chúa Nhật qua, Ông Turnbull đã sử dụng cuộc nói chuyện bên lề Hội Nghị với Thủ Tướng Trung Hoa, ông Li Keqiang, để nhấn mạnh thêm sứ điệp của Úc xưa nay vẫn cho rằng tác phong của Trung Hoa tại Biển Đông không những có tác dụng ngược với quyền lợi Trung Hoa mà lịch sử còn chứng minh rằng một tác phong như thế chỉ dẫn tới tranh chấp quân sự mà thôi.

Ông Turnbull nhắc lại cuộc Chiến Tranh Peloponnesian xẩy ra đã gần 2,500 năm nay để khuyên ông Li đừng “rơi vào Cạm Bẫy Thucydides”, một kiểu nói của khoa bảng đặt theo tên của một sử gia Hy Lạp từng tường thuật cuộc chiến tranh giữa người Nhã Điển (Athenians) và người Spartans.

Người ta vẫn cho rằng các căng thẳng do tham vọng của Nhã Điển và nỗi sợ mất ảnh hưởng của Sparta đã khiến đôi bên ngứa ngáy tay chân và việc này đã dẫn họ tới chiến tranh.

Ông Turnbull nói với Ông Li rằng Úc không dây dưa gì tới việc tranh chấp đất đai ở Biển Đông, nhưng Trung Hoa cần lưu ý đến lo lắng lớn mà họ đã tạo ra cho Hoa Kỳ và các nước khác ở trong vùng.

CÁC THAM VỌNG ĐẤT ĐAI ĐÃ TẠO RA CĂNG THẲNG

Ông Turnbull nhắc lại sứ điệp công khai đã phát biểu trước đây của ông rằng các tham vọng đất đai của Trung Hoa là một trong các chính sách ngoại giao phản hậu quả nhất mà nước này từng đưa ra và nó đang đẩy các nước nhỏ hơn và đang bị đe dọa như Brunei, Mã Lai, Việt Nam và Đài Loan xích lại gần Hoa Kỳ hơn.

Nhiều nguồn tin cho rằng Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama, đã nhận định bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh về Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương vào tuần rồi tại Manila rằng chính sách của Trung Hoa đã vô tình thành công vượt bực trong việc đoàn kết các quốc Gia Đông Nam Á.

Trung Quốc thấy mình bị cô lập cả ở Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ tuần rồi, lẫn ở APEC và ở Thượng Đỉnh Đông Á Chúa Nhật hôm qua tại Kuala Lumpur.

Thông cáo chung công bố lúc kết thúc Thượng Đỉnh Dông Á cố tình mơ hồ vì Trung Hoa là một trong các nước ký tên. Thông cáo này kêu gọi các nước “đưa ra quyết tâm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và pháp quyền bằng phương tiện hòa bình, không dùng tới đe dọa hay vũ lực, mà qua viêc các nước trực tiếp liên hệ tham khảo và thương thảo cách thân hữu với nhau”.

Nó cũng kêu gọi mọi phía “thực thi tự chế trong việc điều hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hay leo thang tranh chấp và gây nguy cơ đến hòa bình và ổn định”.

Trung Hoa đã gây ra căng thẳng vì sử dụng việc xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên biển để mở rộng các yêu sách lãnh thổ của mình cả đối với đường hàng không, hải hành và các hòn đảo.

Nó vẫn cho rằng các nước như Úc và Hoa Kỳ nên đứng trung lập vì họ không trực tiếp liên hệ tới các tranh chấp.

Tại Sydney, nơi vấn đề này trở nên nổi bật trong các cuộc nói chuyện giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Úc và Nhật Ban, Nữ Ngoại Trưởng Julie Bishop đã bác bỏ luận điểm của Trung Hoa.

QUYỀN LỢI TRỰC TIẾP VÀ CÓ THỰC CHẤT

Bà Bishop nói rằng 2 phần 3 việc giao thương của Úc diễn ra qua ngả Biển Đông và, do đó, nước này có quyền lợi quốc gia một cách trực tiếp và có thực chất trong việc duy trì hòa bình và ổn định của vùng.

Bà nói: “chúng tôi không vào phe nào trong các yêu sách lãnh thổ trái ngược nhau ở Biển Đông nhưng chúng tôi vốn nhìn nhận rằng việc đòi đất đai và các hoạt động xây dựng được Trung Hoa và các nước khác đưa ra đang tạo ra nhiều căng thẳng trong vùng”.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Gen Nakatani và Bộ Trưởng Ngoại Giao Fumio Kishida của Nhật liên kết quan tâm chung của hai nước về Trung Hoa với việc họ đấu thầu để xây dựng đoàn tầu ngầm kế tiếp của Úc.

Ông Fumio nói rằng: “Cả hai nước chúng ta đều là những quốc gia hàng hải, nên chúng ta quan tâm rất nhiều tới tự do hải hành và tự do không vận trên vùng biển ngoài khơi và các vùng này cần được bảo đảm và luật quốc tế phải được tuân hành và việc sử dụng vũ lực không bao giờ được tha thứ”.

“Do đó, đây không hẳn chỉ là việc hợp tác trong lãnh vực tầu ngầm mà thôi, mà, tôi tin, đây là một điều căn bản đối với an ninh hàng hải của cả hai nước chúng ta”.

Tại Thượng Đỉnh Đông Á, chuyên viên về liên hệ ngoại giao của Trung Hoa, Victor Gao, bác bỏ các chỉ trích chống lại đất nước ông. Ông cho rằng Trung Hoa là một trong ít quốc gia trong vùng không xâm lăng hay xâm chiếm một lân bang. Các nước như Nhật Bản khó có thể nói được như thế.
 
Mất Lịch Sử là mất Đất Nước
Đinh Văn Tiến Hùng
14:23 23/11/2015
Mất LỊCH SỬ là mất ĐẤT NƯỚC

Mất Lịch sử chính là mất Đất Nước,
Mất Lích sử mất gia phả tổ tiên,
Nước có nguồn, cây có cội đừng quên,
Mỗi dân tộc luôn tự hào nòi giống.

Vừa mới đây bọn vong quốc Việt Cộng,
Xóa bỏ Lịch sử che dấu mưu đồ,
Thay Sử Việt bằng lý luận Mác Lê,
Lồng ghép môn học mới thật quái đản.

‘An ninh quốc phòng- Công dân giáo dục’
An ninh quốc phòng: mất đất biển nước ta,
Công dân giáo dục : Tàu cộng ngợi ca,
Biến tuổi trẻ quên tổ tiên Đất Nước,

Phủ nhận công lao tiền nhân đi trước,
Xây dựng giữ gìn Tổ quốc Giang san,
Anh hùng có đâu quật khởi từng ngày,
Để đánh đuổi Bắc phương luôn xâm lấm.

Nào có Trưng Vương phất cờ ngăn giặc,
Đâu có Lê Lợi đánh đuổi quân Minh,
Đâu có Hưng Đạo đại phá Nguyên Mông,
Đâu Quang Trung khiến quân Thanh nuốt hận.

Chẳng cần biết lưỡi bò hay chín đoạn,
Cần gì quan tâm Trường Sa Hoàng Sa,
Thác Bản Giốc hay là Ải Nam Quan,
Tất cả nơi ấy là của Trung Cộng.

Bồi bút Tố Hữu đã từng nuôi mộng :
‘Biên kia biên giới là nhà,
Bên này biên giới cũng là quê hương’
Ôi nghe xót xa và đầy ngu muội !

Mất Lịch Sử là mất cả nguồn cội,
Hỡi ôi ! Tập đoàn bán nước Cộng nô,
Một bọn tay sai con cháu tên Hồ,
Biến thành những tên thái thú nô lệ.


Sử Dân tộc hun đúc bao thế hệ,
Rồi Việt Nam sẽ mất trên bản đồ,
Lúc đó hiệp ước bán nước Thành Đô,
Thành nỗi nhục muôn đời không xóa nổi.

Mất Lịch Sử chính là mất Tổ Quốc,
Mất Lịch Sử mất gia phả tổ tiên,
Nước có nguồn, cây có cội đừng quên,
Mỗi dân tộc luôn tự hào nòi giống.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

*Ghi chú : Theo chương trình soạn thảo của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam, từ năm 2018, học sinh các cấp không được học riêng môn Lịch Sử, mà sẽ được gộp chung thành một môn học mới mang tên ‘Công dân với tổ quốc’ trong đó có thêm hai môn khác là ‘Giáo dục công dân và an ninh quốc phòng’.
Nhiều dư luận trong và ngoài nước mạnh mẽ lên tiếng gạt bỏ âm mưu đen tối của tập đoàn CSVN chuẩn bị từng bước cho hiệp ước Thành Đô năm 2020 biến Việt Nam chính thức thành quận huyện của Trung Cộng.




 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hồ Thu Soi Bóng
Đặng Đức Cương
21:44 23/11/2015
HỒ THU SOI BÓNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Hồ thu cảnh cũ còn nguyên đấy
Nỗi nhớ tràn về lại rối tơ..
(Trích thơ của Thanh Thanh Khiết)