Ngày 21-11-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 34 Quanh Năm 22/11/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
01:12 21/11/2020


Bài Ðọc I: Ed 34, 11-12. 15-17

"Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối.

"Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.

"Còn các ngươi, hỡi chiên của Ta, Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Này Ta sẽ phân xử giữa con này với con khác, giữa cừu đực với dê đực".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ.

Xướng: Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người.

Xướng: Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26. 28

"Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.

Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 31-46

"Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

"Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta".

"Khi ấy người lành đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?" Vua đáp lại: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta".

"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!"

"Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?" Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta". Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".

Ðó là lời Chúa.
 
Chìm sâu vào trong
Lm. Minh Anh
02:20 21/11/2020
CHÌM SÂU VÀO TRONG
“Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trước cuộc viếng thăm của Mẹ và anh em mình, Chúa Giêsu thốt lên những lời xem ra gây sốc, “Ai là mẹ tôi và ai là anh em tôi?”. Ngài thường không ngại nói ra những lời vượt quá trí hiểu người nghe; thế nhưng, thật thú vị, Ngài lại không quen làm sáng tỏ chúng một cách nhanh chóng. Đúng hơn, Ngài thường để những ai không hiểu phải ‘biết lặng thinh’, hầu lời Ngài có thể ‘chìm sâu vào trong’; nhờ đó, họ mới có thể hiểu được nó. Sự thật này sẽ rất ý vị với điều Zacharia nói trong bài đọc lễ Đức Mẹ Dâng Mình hôm nay, “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa”.

Không nghi ngờ gì nữa, chắc hẳn đã có một sự im lặng nào đó bao trùm đám đông khi Chúa Giêsu thốt ra những lời trên; nhiều người có thể nghĩ, Ngài khá cứng cỏi với mẹ và người thân của mình. Thế nhưng, không phải như vậy, Ngài muốn những lời của Ngài phải được ‘chìm sâu vào trong’ nơi những ai ‘biết lặng thinh’ trước mầu nhiệm Thiên Chúa; vì sau đó, nhìn các môn đệ, Ngài nói, “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi”.

Lạ thay, Chúa Giêsu thường không quan tâm đến việc ai đó có thể hiểu sai lời Ngài, Ngài muốn họ tiên vàn, ‘biết lặng thinh’ trước thông điệp của Ngài; vì Ngài biết, thông điệp đó chỉ có thể hiểu, chỉ có thể lãnh hội bởi những ai biết lắng nghe với một tấm lòng rộng mở, một con tim đầy niềm tin; những ai biết để cho thông điệp ấy ‘chìm sâu vào trong’. Ở đây, những lời của Chúa Giêsu trước hết, trực tiếp nói với Mẹ Ngài; Ngài đề cao người Mẹ Đầy Ơn Phúc của mình vì sự vâng phục tuyệt đối ý muốn của Thiên Chúa nơi Mẹ; vì lẽ, mối ‘quan hệ huyết thống’ đã quan trọng nhưng sẽ quan trọng hơn, mối ‘quan hệ tòng thuộc’ tuyệt đối vào Thiên Chúa. Như vậy, ‘Đức Maria vâng phục’ sẽ là mẹ của Ngài ‘nhiều hơn’ là ‘Đức Maria huyết thống’.

Vì lẽ đó, Mẹ Maria sẽ không nghi ngờ và khó chịu khi nghe những lời xem ra ‘khô khốc’ của Con, những lời vốn đã ‘chìm sâu vào trong’ thật sâu sắc nơi Mẹ. Với một đức tin trọn vẹn, một lòng mến thẳm sâu, Mẹ Maria đã hiểu hơn ai hết và tất nhiên, cũng hơn ai hết, Mẹ đầy niềm vui. Chính lời xin vâng hoàn hảo của Mẹ đối với Thiên Chúa đã giúp Mẹ hiểu được tất cả những gì Chúa Giêsu, Con mình đang nói; điều này cho phép Đức Maria có thể xưng thánh danh ‘Mẹ vâng phục’ với Chúa Giêsu nhiều hơn so với ‘Mẹ huyết thống’ của mình. Mối ‘quan hệ huyết thống’ của Mẹ chắc chắn có ý nghĩa rất lớn, nhưng mối ‘quan hệ tòng thuộc’ Thiên Chúa nơi Mẹ còn có ý nghĩa lớn hơn. Sự hiểu biết sâu sắc đó tất yếu dẫn đến một niềm vui trầm lắng nơi Mẹ vốn được sánh với thiếu nữ Sion mà ngôn sứ Zacharia nhắc đến hôm nay; niềm vui đó phớn phở trong Thánh Vịnh đáp ca, “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”.

Bài đọc Zacharia hôm nay cũng thật ý nghĩa. Thiếu nữ Sion được nhắc đến không chỉ là hình ảnh của Israel, nhưng còn là của chính Mẹ, “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi”. Vì vậy, để có thể hiểu hồng ân được viếng thăm, cũng như có thể trân quý phúc ân trọng đại này, con người cũng phải ‘biết lặng thinh’ và ‘chìm sâu vào trong’ mầu nhiệm Thiên Chúa; Zacharia thật thâm trầm, “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa”.

Một bà mẹ kia có thói quen rất lạ, mỗi khi đứa con trai của bà có điều gì bất ổn, bà thường dắt nó vào rừng, đặt nó ngồi trên một tảng đá, bảo nó nhắm mắt lại. Đoạn, bà lấy cây sáo mang theo, thổi cho nó nghe từ ca khúc này đến ca khúc khác, từ trầm buồn đến réo rắt; bà sẽ thổi cho đến khi nào đứa con của bà vui trở lại; nó sẽ cười reo; lúc bấy giờ, hai mẹ con mới cất bước ra về.

Anh Chị em,

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi Mẹ Maria là “Người Nữ Thánh Thể”; liệu chúng ta có biết để Đức Mẹ ‘dẫn mình vào rừng’ mà cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi khi gặp phải những thánh giá trong đời không? Với Thánh Thể, chúng ta sẽ lặng thinh và ‘chìm sâu vào trong’ Ngài, trong Lời của Ngài như Đức Mẹ. Ở đó, chúng ta chờ đợi thánh ý Thiên Chúa, chúng ta lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần thay vì chúng ta chạy vạy tìm câu trả lời ở nơi đâu khác.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết tận hiến cho Chúa, tận hiến cho Mẹ mỗi ngày, hầu con thuộc trọn về Chúa như Mẹ. Xin dạy con chu toàn điều đẹp lòng Chúa; nhờ đó, con ‘biết lặng thinh’ và ‘chìm sâu vào trong’ chính Chúa mỗi ngày, nhất là khi phải đối diện với mỗi thánh giá đời con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa Kitô Vua Yêu Thương
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:28 21/11/2020
CHÚA KITÔ VUA YÊU THƯƠNG

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay hết sức gay cấn. Đến giờ phút này vẫn chưa biết chắc chắn ai sẽ làm tổng thống nhiệm kỳ tới. Nhưng đối với các tín hữu Chúa thì bất kể ai làm tổng thống, Chúa Giêsu luôn là Vua. (No matter who is president, Jesus is King.) Các nhà lãnh đạo là vua một nước về chính trị, nhưng Chúa Giêsu là vua vũ trụ về yêu thương.

Chúa là vua yêu thương khi Ngài như mục tử nhân hiền yêu thương chăm sóc đoàn chiên. Nói theo ngôn ngữ tình yêu thì Chúa là vua vỗ về, vuốt ve, vương vấn đoàn chiên. Chúa yêu thương chiên đến độ đã hi sinh tính mạng để cho đoàn chiên được sống đời đời. Thật tuyệt vời khi có một vị vua dám chết để cứu sống dân.

Chúa là vua yêu thương khi Ngài đến trong vinh quang sẽ căn cứ vào tình yêu để phán xét người lành kẻ dữ. Tiêu chuẩn để phân biệt ai là người lành, ai là kẻ dữ rất rõ ràng: người lành là người đã làm những nghĩa cử yêu thương giúp đỡ người khác; kẻ dữ là người đã không làm những việc yêu thương giúp đỡ đồng loại. Kết cục là: Yêu thương dẫn người ta vào thiên đàng hưởng phúc đời đời, không yêu thương đẩy người ta vào hỏa ngục chịu cực hình muôn kiếp.

Chúa là vua yêu thương, thế nên nơi nào có tình yêu thì nơi đó Vua Kitô đang ngự trị. Thế nên, mỗi ngày chúng ta hãy tập sống đặt mình dưới sự xét xử của Chúa Kitô Vua bằng cách tự hỏi lòng mình: Chúa sẽ đánh giá những điều tôi suy nghĩ, nói năng, hành động thế nào?

Lạy Chúa Giêsu là vua yêu thương. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết lấy tình yêu thương làm lẽ sống, biết lấy tình yêu thương mà ăn ở, cư xử với nhau. Amen.

 
Lễ Kitô Vua Năm A : Dụ ngôn hay mô tả thật.
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:29 21/11/2020
Bài Phúc m lễ Kitô Vua Năm A cho xuất hiện một vị vua thẩm phán xét xử, nhưng lại xét xử dựa trên những chuyện nhỏ mọn bình thường, ba cái lặt vặt, cái ăn, cái mặc, bệnh tật, viếng thăm, chứ chẳng động gì đến những chuyện lớn lao hằng trăm ngàn tỉ (cỡ Vinashin, hay đại án ngân hàng…); và một vị vua thẩm phán xét xử nhưng lại đồng hoá chính mình với kẻ ăn xin.

Câu hỏi mà chúng ta sẽ phải trả lời là: Bài Phúc m của Mt chương 25 nói về ngày phán xét chung, phân biệt 2 hạng người bên tả bên hữu, dê với chiên, đó là dụ ngôn nói bóng nói gió hay là mô tả trước ngày phán xét chung sẽ diễn ra như vậy.

Có 3 trả lời cho câu hỏi trên. Trả lời nào cũng có tên tuổi của các nhà chú giải Kinh thánh nổi tiếng cả.

1. Không phải Dụ ngôn, nhưng là mô tả tiên tri, báo trước ngày chung thẩm: Đức Kitô Vua sẽ xét xử thần dân của muôn thiên hạ dựa trên những việc bác ái yêu thương mà họ làm cho nhau. Bởi vì cái cốt lõi của Kitô giáo, giới răn mới của Đức Kitô là Yêu thương. Mười điều răn cũng tóm về “hai này mà chớ”, trước mến Chúa, sau yêu người. Mà theo Tin Mừng Gioan, ai nói mến Chúa mà không yêu người là nói dối, vì thế Vua Kitô sẽ xét xử theo luật. Luật Tình yêu trong những việc cụ thể: cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống…

Những chi tiết này rất khớp với “thương người có 14 mối: Thương xác 7 mối”: thứ nhất cho kẻ đói ăn, (2) khát uống, (3) rách rưới ăn mặc, (4) viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, (5) cho khách đỗ nhà, (6) chuộc kẻ làm tôi, (7) chôn xác kẻ chết…

2. Chỉ là dụ ngôn

Nhưng lối giải đáp trên cũng gặp vài khó khăn lớn: Bởi nếu số phận đời đời của mình chỉ tuỳ thuộc vào những hành vi bác ái làm cho người khác mà mình làm cũng chẳng cần biết là làm cho chính Chúa, vẫn được vào hưởng Nước Trời, thì địa vị của Đức Tin nằm ở đâu. Trong khi Tin là một điểm Chúa Giêsu rất nhấn mạnh: Ai tin thì sẽ được cứu rỗi – Ai tuyên xưng Ta trước mặt người đời thì Ta sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Ta.

Hơn nữa những kẻ nghèo rớt mồng tơi lấy gì cho Chúa ăn, những kẻ có mỗi bộ đồ trên mình lấy gì cho Chúa mặc, những kẻ nằm liệt, què hai chân làm sao đi thăm Chúa bệnh được. Không lẽ họ cũng bị xếp vào loại Dê, bên tả.

Nếu phán xét chỉ nhắm vào các việc bác ái, thì ta cứ hùng hục giúp người đói khát đi. Chẳng cần vào Đạo làm chi, chẳng cần đến nhà thờ làm gì, vì Chúa Kitô Vua đâu có hỏi trong ngày phán xét: Ngươi đi nhà thờ tuần mấy lần? Một năm xưng tội mấy keo? Ăn chay mỗi năm mấy bận?

Lại còn những câu nói khác cũng của Vua Kitô thẩm phán. Ai tha thứ sẽ được thứ tha (tha thứ chứ đâu phải là cho ăn cho mặc). Anh em đừng xét đoán thì sẽ không bị xét xử (không xét đoán đâu phải là cho uống cho ăn), mà vẫn được trắng án, cho qua, không bị xét xử.

Lại còn những tội trong tư tưởng không bị Vua Kitô Đấng thấu suốt mọi tư tưởng trong tâm hồn, không xét xử các tội đó hay sao? (Ngài nói: nhìn người nữ mà ước ao phạm tội là đã phạm tội rồi mà !) … Tức là nếu ta cứ vung tiền ra cho kẻ đói ăn, khát uống, mà trong lòng ta chẳng thương người chút nào, thì có được xếp vào bên hữu không?

Vì thế, người ta lại coi đoạn Tin Mừng này cũng chỉ là Dụ ngôn, nhằm nói lên một khía cạnh của Nước Trời như 4 dụ ngôn mà Matthêu kể liền trước đó (cuối chương 24 và đầu chương 25): Cây vả, Chủ nhà và quản gia tỉnh thức, 10 trinh nữ, và Các nén bạc. (*)

Chính vì có một loạt các dụ ngôn liên tiếp nhau như vậy, mà một số các nhà chú giải coi đây cũng là một dụ ngôn chứ không phải miêu tả sự thật.

3. Dụ ngôn nghĩa rộng.

Nếu chỉ xem đoạn tả trong bài Tin Mừng hôm nay chỉ là một dụ ngôn thuần tuý, tức là một ví dụ cho dễ hiểu thì sẽ có nguy cơ xem thường các hành động yêu thương là cốt lõi của đạo Bác ái. Vì thế lời giải thứ ba cho câu hỏi: “Bài Tin Mừng này là dụ ngôn hay mô tả thật” sẽ là: Đây là Dụ ngôn theo nghĩa rộng.

-Bởi dụ ngôn có thể là lời tuyên phán long trọng: Những gì từ ngoài vào không làm cho người ta ra nhơ uế. Nhưng chính cái từ trong con người phát ra mới làm cho nhơ nhớp.

-Dụ ngôn cũng có thể là lời khuyên về cách xử thế: khi đi dự tiệc anh em đừng ngồi vào chỗ nhất.

-Dụ ngôn cũng có thể ám chỉ một hạng người nào đó. Có 2 người lên đền thờ cầu nguyện: Biệt Phái và người Thu Thuế.

-Dụ ngôn cũng có thể chỉ là một câu tục ngữ: Thầy thuốc hãy chữa lấy mình.

-Hay dụ ngôn thường là những so sánh, ví dụ, ví dầu cầu tre lắt lẻo. Nước Trời như hạt cải, như nắm men, như mẻ lưới…

Vì thế dụ ngôn theo nghĩa rộng vừa là hình bóng ví von vừa là sự thật được mô tả.

Như dụ ngôn hôm nay: phân biệt Chiên và Dê là hình bóng. Xét xử về bác ái là sự thật. Nhưng cũng vì là dụ ngôn nên cũng chỉ nói lên một phần nào đó của Nước Trời, của thời Cánh chung, của ngày Phán xét, tức là Bác ái yêu thương cũng chỉ là một trong nhiều khía cạnh mà Vua Kitô sẽ dựa vào mà xét xử. Và có lẽ là để xét xử “muôn dân,” (người ngoại) những người chưa biết Chúa: “Lạy Chúa có bao giờ con thấy Chúa….” Còn người Kitô hữu chúng ta, có nhiều con đường khác nữa để chúng ta có thể lọt vào của Nước Trời như can đảm tuyên xưng Ngài (10,30), như thi hành ý Cha trên trời (7,21); như sẵn sàng tha thứ (6,14), như không đoán xét ai (7,1) v.v…

Một nét sự thật nữa trong dụ ngôn này là Vua Kitô đồng hoá mình với người mọn hèn nhất.

“Mỗi lần anh em làm như thế cho kẻ bé nhỏ nhất của Ta là anh em làm cho chính Ta.”

Chuyện thần thoại của người Ái Nhĩ Lan kể rằng: Có vị vua kia, không con nối ngôi, nên sai sứ giả đi khắp nơi tuyển lựa người kế vị. Điều kiện vua ra cũng giản đơn, vua tương lai phải có lòng mến Chúa yêu người thật.

Có chàng thanh niên kia nghe trong lòng thôi thúc là hãy đi về Kinh để được vua phỏng vấn. Nhưng chàng nghèo đến độ không áo lành lặn, chẳng đủ đồ ăn đi đường lên Kinh. Nhưng rồi chàng mạnh dạn đi xin và cũng có bộ đồ tạm coi được và ít lương khô bộ hành.

Gần tháng đi bộ, chàng đến kinh đô và thấy lâu đài vua xa xa. Cũng vào lúc ấy, chàng gặp thấy một ông già nghèo đói ngồi bên vệ đường. Ông ngửa tay van xin chàng giúp đỡ: “Anh ơi, tôi đói, tôi rét, anh làm ơn cho tôi áo mặc, cho tôi bánh ăn”. Chàng thanh niên cảm động nhìn người ăn xin. Chàng cởi áo khoác của chàng đổi lấy chiếc áo rách tả tơi của người ăn xin. Chàng cũng chia sẻ lương thực dự trữ của chàng. Rồi chàng đến lâu đài nhà vua trong bộ áo rách tả tơi và không đủ lương thực cho cuộc hành trình trở về. Đến trước lâu đài, lính gác chận chàng lại ở cổng, bắt chàng vào khu vệ sinh tẩy rửa... Rồi sau một thời gian dài chờ đợi, chàng cũng được cho vào gặp nhà vua. Trước ngai vàng, chàng cúi mình thật sâu bái lạy, đến lúc đứng thẳng lên, chàng hết sức bỡ ngỡ, vì chàng thấy ông già ăn xin bên vệ đường mà chàng đã gặp, giờ đây lại ngồi trên ngai vàng. Chàng e ấp:

- Tâu Đức vua, có phải Đức Vua là người ăn xin bên đường mà tôi đã gặp chăng?

- Đúng thế, Đức Vua đáp. Ta phải cải trang làm người ăn xin để thử xem ngươi có thật lòng mến Chúa và yêu người không.

Vua Kitô sẽ xét xử chúng ta theo luật ĐỒNG, Vua đồng hoá với kẻ nghèo đói để ta có nhận ra Ngài không. Và Vua Kitô xử chúng ta theo luật TÌNH, xem ta có dùng tình thương mà đối xử với người nghèo đói mà Ngài đồng hoá với họ không. Hãy nhớ luật đồng và hãy nhớ luật tình. Hãy nhớ luật đồng-tình mà Vua Giêsu thẩm phán sẽ nại vào để xét xử. Amen.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

-------------------------------------------------------------

(*) Có thể quảng diễn thêm: [Dụ ngôn cây vả có ý nói Nước Trời sẽ đến với những dấu hiệu báo trước. Quan trọng là có biết nhận ra dấu hiệu đó không?

Dụ ngôn 2 là chủ nhà và quản gia tỉnh thức, vì chủ không biết giờ nào kẻ trộm đến, còn quản gia không biết giờ chủ trở về. Phải tỉnh thức kẻo chủ sẽ ném vào nơi khóc lóc nghiến răng.

Dụ ngôn 3 là Nước Trời giống 10 Trinh nữ đi đón chàng rể, trong đó 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan. 5 cô được gọi là khôn ngoan đâu có phải vì tỉnh thức, cũng ngủ cả, nhưng khôn vì có đem theo dầu. Dầu, chàng rể, đèn đều là những ẩn ý của dụ ngôn, chứ Nước Trời thật mà như vậy thì hãng dầu nhớt Castrol sẽ không còn dầu để bán, bởi ai trước khi chết cũng sắm cho bằng được một can dầu lửa đốt đèn “Hoa Kỳ” !

Đến dụ ngôn 4: những nén bạc: Khi vua trở lại sẽ tính sổ: cho coi 10 thành, 5 thành, hay phải vào nơi khóc lóc. Nén bạc, 5 thành, 10 thành … đều là những ẩn ý của dụ ngôn. Câu cuối của dụ ngôn này (25, 30) khi vua nói với đầy tớ chôn nén bạc không sinh lợi: Hãy tống nó vào nơi tối tăm, ở đó chỉ toàn khóc lóc nghiến răng (câu 30), thì câu 31 là khởi đầu bài Tin Mừng mà anh chị em nghe hôm nay: Khi Con người hiện đến trong vinh quang có thiên thần hầu cận để xét xử.]
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:54 21/11/2020
Chương 30:

HƯ VINH



“Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau”. (G 5, 26)

1. Hư vinh hại người thì giống như mũi tên vậy, mũi tên vừa nhỏ vừa nhẹ, bắn ra thì phiêu phiêu lướt nhẹ, nhìn thì rất mềm mại, nhưng không biết rằng nó có thể đâm thâu qua xương cốt, trong chớp mắt, con người liền tuyệt mạng.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 21/11/2020
88. HÃO HUYỀN KHÔNG NÃO

Có một người Tô Châu làm cận vệ cho một quan lớn nọ, thường thường bợ đỡ quan lớn, nói:

- “Tôi vì ngài mà không tiếc tính mạng mình”.

Một hôm, quan lớn bị bệnh não, bệnh tình nguy kịch, thầy thuốc nói:

- “Không có não người sống thì không thể chữa được”.

Quan lớn vui vẻ nói:

- “Ta có thể sống được rồi”.

Bèn kêu người Tô Châu ấy đến thương lượng, anh ta trả lời:

- “Không phải là tôi không dám, tôi là Tô hão huyền, tức là không có não ạ”.

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 89:

Có người được người ta gán cho biệt hiệu là “anh hai”, vì tính cách dử tợn bặm trợn của mình; có người được người khác gọi là vua lừa, vì hay lừa dối phỉnh phờ người khác; lại có người được người khác đặt cho cái tên là nổ, vì hay nói những chuyện tào lao không có thật...

Không phải tự nhiên mà người khác “tặng” cho mình cái biệt hiệu, nhưng là vì cuộc sống của mình bộc lộ ra như thế nên người ta gán thêm một cái tên cho hợp với tính cách của mình.

Chúng ta là những người Ki-tô hữu, tên gọi Ki-tô hữu không còn xa lạ với mọi người trên thế gian này, bởi vì ai cũng biết Ki-tô hữu là người tin vào Đức Chúa Giê-su. Nhưng người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy người Ki-tô hữu không sống đúng với niềm tin của mình: có người thì sống bê tha bệ rạc vì cờ bạc rượu chè, có người thì cho vay nặng lãi, có người thì dối gian tham lam, có người thì buôn thần bán thánh, lại có người thì ăn trộm ăn cướp.v.v...

Người ở Tô Châu tự nhận mình là hão huyền, tức là không có não, do đó mà chỉ biết nói lời nịnh bợ, tráo trở khi chủ nhân cần đến; nhưng chúng ta thì lại khác, chúng ta tự nhận mình là người Ki-tô hữu nên chúng ta không những có não (trí khôn) để chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa, mà còn có đức tin để chúng ta nhìn thấy Đưc Chúa Giê-su trong mọi người, để trung thành phục vụ Ngài trong người thân cận của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thân Phận Con Người Và Giấc Mộng Đế Vương
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
20:58 21/11/2020
Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ (Năm A 2020)

Đời người ai cũng có những ước mơ; và khi cố nuôi giữ giấc mơ đó sao cho thành hiện thực thì thường được gọi là “ôm giấc mộng”. Có một loại “giấc mộng” mà người ta hay nói đến đó là “mộng đế vương”; nôm na, đó là mộng làm vua, làm hoàng đế, mộng được ngồi trên ngai vàng cai trị muôn dân…

Cho dù hệ thống chính trị Hoa Kỳ không theo thể chế “quân chủ lập hiến”, nhưng được làm Tổng thống Hoa Kỳ với nhiệm kỳ vỏn vẹn 4 năm cũng là một “giấc mộng” to lớn của nhiều chính khách, chẳng khác nào “mộng đế vương”. Chính vì thế, người ta sẽ không lấy làm lạ về những cạnh tranh khốc liệt và tốn kém to lớn trong cuộc “chạy đua vào Nhà Trắng”, điển hình như cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2020 nầy của hai ứng viên D. Trump và J. Biden. Trong khi đó, người ta cũng “râm ran” về ý đồ “ôm mộng Hoàng đế Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, khi ông ta dùng Hiến Pháp mới để được làm “chủ tịch vĩnh viễn”, cai trị một đất nước với hơn một tỉ tư thần dân. Miền Nam Việt Nam với hai “triều đại” Đệ nhất và Đệ nhị Cọng Hòa đã nổi lên hiện tượng “Ông Đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam, một nhân vật có thật, cũng “ôm mộng làm vua”, mà nhà văn Nguyễn Trường đã chọn làm “nhân vật chính” cho cuốn tiểu thuyết mang tên “Mộng Đế Vương” (1992)…

Sở dĩ nhắc đến chuyện “làm vua”, chuyện “đế vương” vì hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, Hội Thánh Công Giáo long trọng mừng lễ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ, một lễ trọng được chính Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập vào ngày 11.12.1929, sau khi kết thúc thế giới đại chiến lần thứ nhất 11 năm (11.11.1918).

Trước hết, như Tin Mừng minh chứng, Chúa Giêsu không là kẻ “ôm mộng đế vương”, Ngài không muốn người ta tôn Ngài lên làm vua (Ga 6,15), cho dù điều đó “nằm trong tầm tay” ! Tuy nhiên, khi tới “Giờ” quyết định phải “đăng quang”, phải “tỏ mình là vua đích thực”, thì Ngài không ngần ngại xác quyết: Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?”. Chúa Giêsu đáp: “Đúng như ông nói: Tôi là vua…” (Ga 18,37). Thế nhưng, cũng chính trong lúc xác nhận “vương quyền” cũng là lúc Đức Kitô mạc khải chân dung của “Vương quốc” mà Ngài hiển trị (Ga 18,36.37), đó là “vương quốc vĩnh cửu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua).

Và vì thế, để dấn thân vào Vương quốc đó, để thuộc về thần dân của Vua Kitô, chúng ta lại phải mang một “căn cước khác”, một “hộ chiếu khác”; phải có con mắt mới tinh trong sáng, phải có cõi lòng thanh thản bao dung, phải có con tim hiền lành và khiêm hạ, phải có cả hy sinh và sám hối…mới có thể nhìn ra Đức Kitô, Vị Vua quyền năng đang hiện diện ở đó trong những người nghèo, trong những người anh em chung quanh, trong một xã hội nhầy nhụa và phức tạp, trong mọi cơ chế tưởng chừng như đã vắng bóng Thiên Chúa tự thuở nào.

Vì đã không có “con mắt như thế, cái nhìn như thế, niềm tin như thế” nên những kẻ dữ trong dụ ngôn “Ngày Phán xử” (trong trích đoạn Tin Mừng Matthêô chúng ta vừa nghe) đã ngạc nhiên: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?”. Vâng Vua Kitô đang ở đó, trong những con người nhỏ bé, bất hạnh đó. Cho dù có một đôi lúc, chúng ta tưởng rằng Thiên Chúa đã vắng bóng, Thiên Chúa đã chết, Đức Kitô Mục tử đã đi khỏi thế giới…khi chứng kiến bao tai nạn dữ dằn xảy đến, bao cảnh lầm than khốn khổ cứ diễn ra, bao cuộc chiến đẫm máu, bao cái chết thương đau, bao oan ức chất chồng ập xuống trên bao con người nghèo bất hạnh… Không, chúng ta hãy nghe Chúa phán: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”…

Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 11/11/1918, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất chấm dứt và để lại một thế giới, đặc biệt là u Châu, một cảnh tang thương và hoang tàn về tinh thần cũng như vật chất (hơn 10 triệu người chết, hàng chục triệu bị thương tật, hàng trăm làng mạc, thành phố bị tiêu hủy, hàng trăm tỉ đôla chiến phí, làm nên mảnh đất màu mở sinh ra chủ nghĩa phát-xít Đức, Cọng sản Nga và dẫn đường cho đại chiến thứ 2…). Chính trong bối cảnh xã hội phức tạp và đen tối ấy, Giáo Hội lúc bấy giờ thấy cần phải một lần nữa giới thiệu cho nhân loại một giải pháp tối hậu, một con đường duy nhất để hiệp nhất nhân loại trên nền tảng của chân lý và tình yêu. Giải pháp duy nhất, con đường độc đạo ấy chính là Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành được Chúa Cha sai xuống để thể hiện lòng thương xót và chăm sóc đoàn chiên của Thiên Chúa với tấm lòng của người mục tử, như chính Thiên Chúa đã từng mạc khải qua miệng ngôn sứ Êdêkiel mà chúng ta được nghe công bố nơi Bài đọc 1: “Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính…”.

Chủ đích của ngày lễ Chúa Kitô được Đức Pio XI thiết lập cách đây gần 100 năm đã không chỉ dừng lại trên ý nghĩa “mục vụ hậu chiến tranh lần thứ nhất” mà còn trải rộng đến mọi biên giới và ngõ ngách của đời sống đức tin của dân Chúa trong thế giới nầy, nhất là trong việc loan báo và làm chứng về sự hiện diện chăm sóc và quyền năng biến đổi của Đấng là “đường, sự thật, sự sống”.

Nếu thế giới nầy vẫn còn diễn ra bao nhiêu “ngày thứ Sáu” của thương đau và chết chóc, của ác tâm và hận thù, của rẽ chia và thất vọng… thì hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần trao cho thế giới những Maximilien Kolbe, những Osca Romero, những Têrêsa Calcutta…, những con người sống hiện thực từng mối phúc thật của Tin Mừng; bởi vì, chỉ với những con người như thế, Nước Cha mới hiển trị, ý Cha mới thể hiện dưới đất cũng như trên trời; Vương quốc Nước Trời mà Đức Kitô là Đấng thiết lập và hoàn tất bằng con đường Vượt Qua mới thành tựu như xác quyết của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Corintô: “Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Đấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.

Với những người không có niềm tin thì quả thật, câu chuyện “Vương quốc của Vua Kitô” xem ra hão huyền và xa vời; nhất là phải đối diện, phải bước đi trên con đường thập giá, như những người Do Thái ngày xưa vào buổi chiều thứ Sáu trên đồi Sọ. Tuy nhiên, với con tim khiêm nhường và hoán cải, người trộm bên hữu đã làm nên điều kỳ diệu cho chính cuộc đời đang bế tắc của mình, và mở ra chân trời hy vọng cho bao nhiêu con người đang dẫy chết: “Giêsu ơi,khi nào vào Vương quốc của Ngài xin nhớ đến tôi….Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi” (Lc 23,41-43).

Thật vậy, không phải Nga, Tàu hay Mỹ… là điểm đến, là “vương quốc đáng sống” và sống mãi đời đời; và cũng không phải Putin, D. Trump, Assad, Tập Cận Bình… có đủ khả năng lèo lái và quy tụ nhân loại trong hòa bình và hiệp nhất. Chỉ có một địa chỉ duy nhất: Vương quốc của tình yêu; và chỉ khi nào con người suy phục Vua Kitô, Đấng là Mục tử nhân lành, chấp nhận đi vào đoàn chiên để Ngài chăm sóc…, thì thế giới nầy sẽ trở thành “mái nhà chung của hòa bình và huynh đệ”, nhân loại nầy sẽ được dẫn vào “đồng xanh và suối mát” nơi “Vương quốc vĩnh hằng”. Amen.

Trương Đình Hiền (Kitô Vua 2020)
 
Thứ Hai 23/11: Đồng Tiền Bà Góa. Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
23:27 21/11/2020


Bắt đầu lúc 7g tối 22/11 theo giờ VN

Tin Mừng Lc 21,1-4

Đức Giê-su thấy một bà goá túng thiếu bỏ vào thùng tiền hai đồng tiền kẽm.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su đang giảng dạy trong Đền Thờ. Người ngước mắt lên nhìn, thì thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, tuy thật túng thiếu, đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Ðó là lời Chúa.
 
Chăm bẵm linh hồn
Lm. Minh Anh
23:54 21/11/2020
CHĂM BẴM LINH HỒN

“Chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Hội Thánh mừng kính trọng thể Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ. Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Vua Mục Tử, Đấng chăn dắt đoàn chiên mình; nhưng cũng thật thú vị, Ngài còn là một Mục Tử công minh ‘chăm bẵm linh hồn’ từng con chiên, sao cho nó được hưởng sự sống đời đời trong ngày Chúa quang lâm vốn cũng là ý nghĩa của Mùa Vọng mà Hội Thánh sẽ khai mạc một năm phụng vụ mới vào Chúa Nhật tới.

Bài đọc Êzêkiel hôm nay cho thấy hình ảnh Chúa Giêsu, vị Vua Mục Tử chăn dắt mỗi người chúng ta, “Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ”. Như một người cha yêu thương, Chúa Giêsu dẫn dắt chúng ta một cách cá nhân; Ngài muốn bước vào cuộc sống mỗi người cách riêng lẻ, mật thiết và thận trọng. Khi ‘chăm bẵm linh hồn’ mỗi người, Ngài không bao giờ áp đặt nhưng luôn hiến dâng chính mình để đi tìm nó, “Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính”. Vậy mà đang khi Chúa Giêsu muốn chăn dắt chúng ta trong mọi khía cạnh cuộc sống và trong mọi sự thì chúng ta lại rất dễ từ chối vương quyền của Ngài; Ngài muốn làm chủ tuyệt đối linh hồn mỗi người, Ngài muốn chúng ta đến với Ngài và luôn tòng thuộc Ngài. Thế nhưng, Chúa Giêsu sẽ không áp đặt vương quyền này, nhưng chỉ chờ đợi chúng ta chấp nhận Ngài một cách tự do và không dè giữ; Vua Giêsu sẽ chỉ cai quản cuộc sống chúng ta nếu chúng ta tự do phó mình cho Ngài. Một khi điều đó xảy ra, vương quốc của Ngài bắt đầu được thiết lập trong chúng ta, và thông qua chúng ta, vương quốc đó được thiết lập trên thế giới để Ngài cũng có thể ‘chăm bẵm linh hồn’ mọi người.

Vua Mục Tử đầy yêu thương đó còn là một Mục Tử công minh. Vì thế, tất cả cuộc đời của mỗi người, theo một nghĩa nào đó, là sự chuẩn bị cho cuộc phán xét mà chúng ta phải đối diện cuối đời với Ngài. Đó là khi chúng ta đến trước mặt Chúa, giải trình cho Ngài, Đấng ‘chăm bẵm linh hồn’ chúng ta về những gì chúng ta đã làm hoặc đã không làm. Bấy giờ, sẽ không có lời bào chữa nào được chấp nhận, cũng không có thêm ‘cơ hội thứ hai’. Vua Giêsu giàu lòng xót thương không có nghĩa là Ngài phớt lờ công lý. Trong thông điệp “Giàu Lòng Thương Xót”, 1980, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết, “Lòng thương xót khác với công lý, nhưng không đối nghịch với nó”.

Vua Mục Tử bấy giờ, một cách rạch ròi, công minh tách chiên ra khỏi dê; chiên, Ngài cho đứng bên phải; dê, đứng bên trái. Những con chiên được cứu là những ai đã giúp đỡ tha nhân, những người thể hiện lòng thương xót, những người không quay lưng lại với một ai đó đang gặp khó khăn. Vua Mục Tử Giêsu không ca ngợi họ vì họ đã cầu nguyện nhiều cũng như vì những việc lành họ đã làm; tất nhiên, cầu nguyện và làm điều lành là quan trọng, nhưng ngần ấy, vẫn không đủ. Vua Mục Tử muốn tình yêu của chúng ta dành cho Ngài phải được phản ánh trong tình yêu chúng ta dành cho người khác. Thật kỳ lạ, nhiều người trong số được cứu sẽ không nhận ra rằng, chính khi giúp đỡ những người khác là họ giúp đỡ chính Ngài, “Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

Thật đáng sợ khi nghĩ rằng những người đứng bên trái, những kẻ sẽ hư mất, không nhất thiết phải là ‘người xấu’. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu không trách cứ họ đã làm những điều gian ác; không, Ngài cũng không cáo buộc họ phạm tội này, tội kia. Đúng hơn, Ngài sẽ xét xử họ về tội thiếu sót, vì những điều họ đã không làm, “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”. Khi nói điều đó, Đấng ‘chăm bẵm linh hồn’ mỗi người sẽ thất vọng ngần nào.

Chi tiết đẹp nhất và cảm động nhất ở đây là Vua Mục Tử Giêsu đã đồng nhất chính Ngài với người bé mọn nhất, người nghèo nhất, “Những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Bằng cách thể hiện mối liên hệ mật thiết với những con người dễ bị tổn thương nhất, Ngài cho thấy Ngài trân trọng và yêu thương họ nhường nào; Ngài cho thấy phẩm giá vô hạn của họ với tư cách là những con người. Như vậy, khi phục vụ những con người bên lề xã hội đó, chúng ta phục vụ chính Chúa Giêsu; họ là người tội lỗi nhất, người yếu đuối nhất, bệnh tật nhất, người mất khả năng lao động, người đói và người vô gia cư, là tất cả những người có nhu cầu rõ rệt trong cuộc sống này. Chúa Giêsu đặc biệt ‘chăm bẵm linh hồn’ những con người bé mọn nhất đó.

Một phụ nữ trẻ xin hẹn gặp linh mục quản xứ của mình để trình bày hai điều mà cô cảm thấy như là tội lỗi đang ám ảnh khiến cô phải lo lắng. Trong phòng khách, cô ấy nói, “Thưa cha, con ý thức tội lỗi lớn nhất của đời con; đó là mỗi khi đến nhà thờ, con bắt đầu nhìn quanh và con nhận ra rằng, con là người đẹp nhất giữa các phụ nữ và sự kiêu ngạo nổi lên trong con; không ai có thể so sánh với vẻ đẹp của con. Con có thể làm gì với điều này nếu cứ như thế?”. Vị linh mục trả lời, “Này chị, đó không phải là một tội, tại sao đó chỉ là ‘một sai lầm!’”; và cô nói thêm, “Suốt đời con, con cũng không bao giờ bố thí cho ai một đồng, lý do là vì họ chỉ nhìn con với cái nhìn ghen tỵ”. “Đó không phải là sai lầm, nhưng đó đích thực là một tội”, vị linh mục nói.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu không chỉ lo lắng cho chúng ta hôm nay được no thoả tựa đàn chiên trong đồng cỏ xanh tươi như lời Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”, nhưng Ngài còn lo lắng cho số phận đời đời của chúng ta, Ngài ước mong chúng ta sẽ là “Những người lành được vào cõi sống ngàn thu”. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, Ngài là một Vua Mục Tử công minh vốn sẽ xét xử chúng ta bằng tiêu chí yêu thương mà mỗi người đã đối xử với anh chị em mình, Ngài đòi buộc chúng ta tôn trọng phẩm giá mỗi người và từng người; vì Ngài không chỉ ‘chăm bẵm linh hồn’ chúng ta nhưng còn ‘chăm bẵm linh hồn’ của những anh chị em dễ tổn thương nhất đó.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn nhìn thấy Chúa đang ẩn tàng trong sự yếu đuối nhất của những con người yếu đuối, trong người nghèo nhất của những người nghèo và trong người tội lỗi nhất của những người tội lỗi. Xin cho con biết luôn tìm Chúa trong họ, đặc biệt là những người cần chúng con nhất vì Chúa không chỉ lo lắng cho họ được yêu thương nhưng Chúa còn ‘chăm bẵm linh hồn’ con cho phần rỗi đời đời của con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ, Sài Gòn mừng 25 năm hoạt động
Martinô Lê Hoàng Vũ
09:43 21/11/2020
“Các bà mẹ phải ý thức mình là những cô giáo tại gia qua việc dạy dỗ con cái về đức tin và nhân bản”.Đó là lời chia sẻ của Linh mục Giuse Phạm Bá Lãm chánh xứ Hòa Hưng, hạt trưởng Phú Thọ, TGP Sài Gòn trong thánh lễ Đức Mẹ Dâng mình diễn ra vào chiều nay 20.11.2020, tại Giáo xứ Hòa Hưng.

Vào lúc 17g các bà mẹ Công Giáo trong giáo hạt Phú Thọ đã qui tụ về nhà thờ giáo xứ Hòa Hưng tham dự cuộc cung nghinh Đức Mẹ và thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng.Đoàn rước có Linh mục Hạt Trưởng,quý bà mẹ Công Giáo thuộc các giáo xứ trong giáo hạt, và toàn thể cộng đoàn cùng tôn vinh ca tụng Mẹ Maria là mẫu gương của các bà mẹ.Hôm nay, cũng là dịp tạ ơn Chúa mừng kỷ niệm 25 năm hoạt động của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo trong giáo hạt Phú Thọ. Hiện diện trong thánh lễ còn có quý bà mẹ đại diện Hội các bà mẹ Công Giáo thuộc Tổng giáo phận.

Xem Hình

Sau đó,Linh mục hạt trưởng và cũng là linh hướng Các Bà Mẹ Công Giáo hạt chủ tế thánh lễ,đồng tế với ngài có linh mục Giuse Bùi Công Trác - Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn,Linh mục Phanxicô Xaviê Đậu Nguyễn Hoàng Linh -Tổng Linh Hướng Các Bà Mẹ CG Tổng giáo phận sài gòn- chánh xứ Nam Hòa,quý linh mục chánh xứ Phú Bình,Bắc Hà và quý linh mục tại giáo xứ Hòa Hưng,quý linh mục có liên hệ với các bà mẹ ở xa cũng về hiệp dâng thánh lễ.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng, Linh mục Hạt Trưởng nói đến sự trùng hợp, ngày mừng bổn mạng Các bà mẹ năm nay với ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.Nhân dịp này chúng ta chúc mừng Linh mục giám đốc Đại Chủng viện,ngài cũng là nhà giáo dục đang tận tụy đào tạo các linh mục tương lai của Giáo hội, và trong tinh thần biết ơn chúng ta nhớ đến quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ, đặc biệt quý sơ đang tích cực tham gia sứ mạng giáo dục của Giáo hội và xã hội.

Về ý nghĩa ngày lễ, Linh mục hạt trưởng chia sẻ :”Theo thánh truyền,cô bé Maria nhờ được ơn vô nhiễm nguyên tội nên trí khôn sáng ngời,ngay từ thơ bé năm lên 3 tuổi,cô đã lên đền thờ Giêrusalem dâng mình cho Chúa một cách trọn vẹn.Quả vậy,tâm hồn Mẹ Maria trinh trong hoàn toàn xứng đáng là Mẹ Đấng Cứu Thế.Các mẹ các bà chúng ta cũng đang vất vả chăm chiều dạy dỗ con cái,chính là sự dâng mình cho Chúa.Chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria dâng mình cho Thiên Chúa từ Nagiarét đến đồi Golgotha,tức là từ khi Chúa Giêsu chào đời cho đến khi Ngài chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc toàn thể nhân loại với mọi tủi nhục,Mẹ đã đón nhận mọi đau khổ trong niềm tin tưởng tín thác vào Thiên Chúa,luôn ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống.

Các bà mẹ cần nhìn lại mình có “xin vâng và xin dâng”cho Thiên Chúa hết mình hết tình, nhất là qua trách nhiệm những “nhà giáo tại gia”,tận tình chăm lo về đời sống đức tin,nhân bản,luôn dâng tất cả cho Thiên Chúa như Mẹ Maria.Nhiều khi chúng ta dâng mình,nhưng chỉ biết mọi người vì mình,bỏ bê những công tác được phân công,không tham dự thánh lễ,hội họp. Các bà các mẹ Công Giáo cần ý thức mình là những linh mục tại gia chăm sóc mục vụ cho chồng con,đừng vì bận công việc làm ăn mà quên bổn phận giáo dục con cái.Hơn nữa,các bà mẹ phải biết thưa xin vâng như thái độ và tâm tình của Mẹ Maria trước mọi khổ đau và thử thách đang xảy đến với mình.

Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng Vụ Thánh Thể.Sau lời nguyện hiệp lễ,đại diện các bà mẹ Công Giáo hạt có tâm tình tri ân quý linh mục và cộng đoàn.Đáp từ, Linh mục Tổng Linh Hướng Các Bà Mẹ Công Giáo tổng giáo phận có những lời nhắn nhủ và chúc mừng bổn mạng các bà mẹ.

Thánh lễ kết thúc trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn quý linh mục linh hướng của các bà mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ cùng quý ân nhân đã đồng hành với Hội Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ trong suốt 25 năm qua.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Văn Hóa
Theo hay không theo
Vũ Văn An
01:02 21/11/2020

Thực ra, cho tới khi tiếp xúc với văn minh Hy Lạp, Kinh Thánh mới dùng một tiếng riêng để chỉ lương tâm. Thực vậy, người ta chỉ gặp thấy chữ syneidesis (Syn=với, oida=biết) ở Sách Giảng Viên 10:20 (Bản Nguyễn Thế Thuấn: dù với người quen, ngươi cũng chớ rủa Vua; nhưng bản Jerusalem Bible: Do not curse the king, even in thought) và sách Khôn Ngoan 17:10 (Bản Nguyễn Thế Thuấn: chúng đã ra như chết vì sợ, chẳng dám nhìn ngay cả không khí không tài nào thoát khỏi; Bản Jerusalem Bible: Wickedness is confessedly very cowardly, and it condemns itself; under pressure from conscience it always assumes the worst). Chữ này không gặp thấy trong các sách Tin Mừng, nhưng được Thánh Phaolô dùng nhiều nhất. Tuy nhiên, nội dung của từ ngữ này đã hiện diện trong toàn bộ Kinh Thánh (Theo Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà lạt, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh).



Thực thế, sự ray rứt lương tâm của Cain sau khi giết em là Abel đã được Kinh Thánh nhắc đến qua câu nói của chính hắn: “Tội tôi quá lớn làm sao có thể gánh nổi” (St 4:13), và đã được thi sĩ Victor Hugo của Pháp diễn tả như sau trong La Légende des Siècles: “Cain không ngủ được, nằm mơ dưới chân núi. Ngẩng đầu lên, nhìn bầu trời thăm thẳm, nó thấy một con mắt, đang mở lớn trong cõi vô minh, và chăm chăm nhìn nó trong bóng tối.

“Tôi đứng gần quá” nó nói với giọng run run... Nó lại bỏ chạy trốn. Nó đi ba mươi ngày, ba mươi đêm... và đã đến bờ biển. Con mắt vẫn theo nó. ‘Hãy che dấu ta đi’, nó van xin. Con cái nó mới giương một tấm màn bằng da... xây một bức tường bằng đá... ‘Con mắt đã biến chưa? – Không, nó vẫn luôn còn đó’. Lúc ấy nó mới nói: ‘Ta muốn xuống sống dưới lòng đất...Không gì sẽ thấy ta nữa; và ta sẽ không thấy gì nữa’. Người ta đã đào cho nó một huyệt sâu. Rồi nó đi xuống dưới vòm tối om ấy một mình. Khi nó vừa ngồi xuống chiếc giường trong bóng tối, và khi người ta đật nắp hầm trên nó, con mắt vẫn còn ở trong huyệt và nhìn Cain”.

Lương tâm chỉ có giá trị khi có tự do. Tự do chọn giữa cái này và cái nọ, tự do loại bỏ cái này mà không loại bỏ cái kia. Đây là việc ta có thể làm và làm hàng ngày. Tuy nhiên, có lúc việc lựa chọn này đòi hỏi nơi ta những hy sinh thật lớn lao, liên hệ đến chính sinh mạng mình. Như trường hợp Thomas More. Ông vốn là người tin cẩn của Henri VIII, Vua nước Anh, những ngày ông vua này còn mang danh hiệu “Người Bảo Vệ Đức Tin” do Đức Lêô X ban tặng. Nhưng “Người Bảo Vệ Đức Tin” này có điểm yếu mê đàn bà, nên đã bỏ vợ là Hoàng hậu Catherine Aragon để cưới nàng Ann Boleyn. Đơn thỉnh cầu chấp nhận cuộc hôn nhân tội lỗi này bị Đức Clêmentê VII từ chối. Thế là ông bèn ly khai khỏi Tòa Phêrô và tự xưng là “Thủ lãnh Tối cao của Giáo Hội Anh Quốc”, ra chiếu chỉ bắt mọi thần dân phải tuyên thệ phủ nhận mọi quyền hành của Đức Giáo Hoàng và phải công nhận cuộc hôn nhân của Ông với Ann Boleyn. Mọi người răm rắp tuân theo, kể cả Tổng Giám Mục Canterbury, duy chỉ có Thomas More chống lại, nhất định từ chối không chịu tuyên thệ. Ông dõng dạc tuyên bố trước phiên toà xử ông tại Lâu Đài Lambeth như sau: “Tôi không lên án lương tâm của những ai đã tuyên thệ... (Nhưng) theo lương tâm tôi, đây là một trong những trường hợp người ta không bắt buộc phải vâng lời các vua chúa, vì lương tâm tôi thấy sự thật từ một diện khác”. Kết quả, ông bị giam tại Tháp Luân Đôn 14 tháng và sau cùng bị chém đầu ngày 6-7-1535. Năm 1935, ông được Giáo Hội phong hiển thánh.



Hơn 300 năm sau, đó cũng là số phận của Franz Jaegerstaetter, một ông từ trong xứ đạo thuộc miền Thượng Áo. Franz từ khước gia nhập đạo quân giết người của Hitler trên nguyên tắc lương tâm nên đã bị bắt giam và sau cùng bị xử tử. Năm 1942, anh tuyên bố “chúng ta, những người Công Giáo, chúng ta phải chịu là những công cụ của một sức mạnh hung dữ nhất, nguy hiểm nhất trên các sức mạnh xưa nay đã chống lại Kitô giáo hay sao? Tôi không thể tin điều đó được; không bao giờ tôi sẽ tin điều đó được”. Năm 1943, anh tâm sự với cha sở của anh như sau: “Vì những người Phát-xít đã dung dưỡng bao nhiêu sự kinh tởm, thì thà hy sinh mạng sống con ngay bây giờ còn hơn là dấn mình vào tội lỗi trước khi chết”. Anh bị Đức Quốc Xã chém đầu vào sáng 9-8-1943.

Lương tâm được nhiều người định nghĩa như là tiếng Chúa nói trực tiếp với mỗi người chúng ta. Nhưng ta có thể biến nó thành ngái ngủ say sưa hết còn có thể hướng dẫn hành động của mình. Đó là trường hợp Vua Đavít, cậu bé chăn cừu nghèo hèn đã được Chúa tấn phong ngôi vua. Nhưng vì một người đàn bà, nàng Bethsabê, lương tâm ông đã thành chập choạng, khiến ông đi tìm mọi cách để khỏa lấp tội ngoại tình đã gây ra cái bầu nơi nàng Bethsabê của mình: không dụ được chồng nàng là tướng Urya bỏ nhiệm vụ về ngủ với vợ, ông đã đẩy viên tướng này ra chỗ hung hiểm nhất của trận địa rồi bỏ rơi cho quân địch xé thây, và cướp luôn người vợ của kẻ xấu số. Lương tâm ấy nếu không được Chúa thương sai tiên tri Nathan đến đánh động thì chắc đã ngủ say mất rồi. Điều qúy nơi Đavít là ông đã chỗi dậy, nhìn nhận tội lỗi mình và quay vê với Đấng Nhân Từ: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con theo lòng nhân nghĩa của Người, vì đức từ tâm hải hà, xin hãy xóa tội ác con đi! Lòng tà này, xin Người rửa sạch, lỗi lầm của con, xin Người luyện trong. Bởi chưng tội ác con, con xin nhận...” (Tv 51) (Theo Th. Rey-Mermet, Tin, Nhãn quan Mới về Luân lý).

Thái độ trên thật khác với thái độ của Cain trong La Légende Des Siècles, hoặc thái độ của Giuđa Iscariốt trong Tin Mừng. Sách Mátthêu kể lại: Bấy giờ Giuđa, kẻ nộp Người (Chúa Giêsu), thấy Người bị kết án, thì hối hận, đem trả lại 30 đồng bạc cho các thượng tế và hàng niên trưởng... đoạn đi ra thắt cổ” (Mt 27:3-5). Tâm lý học hiện đại coi mặc cảm tội lỗi thái quá ấy như một bệnh lý, một thất bại không giải thoát mình khỏi mặc cảm tội lỗi, một thứ neurosis tàn phá con người. Cụ thể, nó ngăn cản cả ơn thánh Chúa. Lời Chúa khiển trách Giuđa chính là ở khía cạnh này: “Thà nó đừng sinh ra” (Mt 26:24). Con người sinh ra để hưởng ơn Chúa, người không hưởng được ơn ấy thì đừng nên sinh ra. Ngược với thái độ cắn rứt lương tâm thái quá trên là điều tâm lý học hiện đại gọi là hiện tượng đè nén lương (repression of conscience), tức hiện tượng tìm cách đẩy cảm thức tội vào vô thức, ra khỏi vòng ý thức, để có thể tình bơ nói “không phải lỗi tại tôi”. Sách Cách Ngôn ví những người này như người đàn bà ngoại tình “ăn (vụng) rồi chùi mép nói: tôi chẳng làm gì quấy” (Cn 30:20).

Có điều câu chuyện không kết thúc đơn giản như thế. Vì lỗi còn đó, không phải hễ “không phải lỗi tại tôi” là lỗi tự động biến đi. Cho nên, chị em sinh đôi, hay mặt kia của đè nén lương tâm chính là đổ lỗi, được tâm lý học hiện đại đặt tên là phóng chiếu cái tội của mình lên người khác (Projection of one’s guilt upon others). Hãy nghe Ađam phóng cái tội của mình lên vợ và một cách khéo léo và gián tiếp lên Chúa: “Người đàn bà, mà Chúa đã ban cho tôi, chính nàng đã cho tôi trái cây và tôi đã ăn” (St 3:12). Nói cách khác, nếu Chúa chẳng cho tôi người đàn bà đó thì làm gí có cớ sự! Chúa phạt Ađam chưa chắc vì đã ăn trái cấm cho bằng vì đã đè nén lương tâm, không biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, và do đó, đổ lỗi lên người khác. Tiến sĩ Paul Tournier, trong Vraie ou Fausse Culpabilité, cho hay “Điều nghịch lý lạ lùng trong mỗi trang Tin Mừng mà chính ta có thể kiểm chứng hàng ngày là không phải tội làm cản trở ơn thánh như các nhà đạo đức giả định. Ngược lại, chính là sự đè nén tội, sự tự biện minh, sự tự coi mình là công chính và sự quá tự hào về mình làm cản trở ơn thánh Chúa” (Xem Dr Paul Tournier, Guilt & Grace, các trang 134-141).
 
Ngày nhà giáo : Tình Thày Trò
Đinh Văn Tiến Hùng
16:57 21/11/2020
Ngày nhà giáo : Tình Thày Trò

‘Vẫn bóng thày xưa dưới mái trường,

Vẫn lời trầm ấm lắm yêu thương,

Vẫn lời thơ nở trên trang giấy,

Những nụ hoa đời gió ngát hương’


Đó là những lời thơ trìu mến các em trò cũ khắc trên tấm plaque rất đẹp tặng nhân dịp sinh nhật 70 của tôi, do con gái tổ chức trong không khí gia đình đầm ấm thân mật cách đây gần 10 năm rồi.

Thật cảm động vì đã nửa thế kỷ qua, các em cũng đã trên dưới 60 tuổi đời vẫn còn nhớ ông thày cũ.

Tôi bước vào nghề giáo vừa mới 20 tuổi tại một trường Trung học Công Giáo. Ngôi trường nhỏ bé nằm giữa những giáo xứ chạy dài trên 10 cây số dọc hai bên quốc lộ. Ngôi trường Tư thục Đệ nhất cấp duy nhất trong vùng, mang tên Nữ Thánh Monica. Các em tuổi từ 11, 12 đến 15.16 là con em của những gia đình nghèo, lánh nạn Cộng Sản từ Miền Bắc vào mới được ít năm nên cuộc sống còn khó khăn. Các giáo chức hầu hết trẻ dưới 30, do Linh Mục Hiệu Trưởng Mai văn Điệu tuyển chọn trong số các đệ tử cũ hay được các Linh Mục giới thiệu, ngoài tiêu chuẩn bằng cấp, tính tình đảm bảo khả quan trong việc Giáo dục.

Vì thế, thày trò đôi khi chỉ cách nhau 4, 5 tuổi, dù tận tình hướng dẫn vẫn giữ một khoảng cách tương kính nên các em vẫn xưng thày và con theo tục lệ cổ truyền.

Những buổi sáng sớm theo chuyến xe đò từ Sài gòn lên. Tôi thường gặp dọc đường em nam sinh đang cố đẩy chiếc xe chất đầy rau trái hay em nữ sinh thắt chéo hai vạt áo dài trắng vội vã gánh hàng ra chợ giúp mẹ để kịp đến trường, khiến tôi chạnh lòng cảm thông khi nghĩ đến năm tháng gian khổ đời mình khi cha mẹ mất sớm.

Tôi phụ trách môn Việt văn cho các lớp, nên cố gắng tìm những sáng kiến giúp các em vui học quên bớt khổ cực trong cuộc sống. Sau mỗi tác giả hay tác phẩm, tôi luôn soạn các câu hỏi, để các em chia nhóm cử đại diện trình bày và các nhóm khác có thể đặt câu hỏi xin giải đáp, điểm chấm được chia đều cho cả nhóm. Mục đich giúp các em hào hứng ôn lại bài học và mạnh bạo trình bày ý kiến của mình.

Những buổi trần thuyết tại sân cờ vào các dịp kỷ niệm như giỗ tổ Hùng Vương, chiến thắng của Hai Bà Trưng, vua Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo…Tôi giúp các em soạn đề tài và cử đại diện thuyết trình, không phân biệt lớp trên hay dưới. Nhiều em ăn nói rất hùng hồn, thật hào hứng và hấp dẫn.

Rồi dịp Tết, thi đua làm Bích Báo, Lm Hiệu Trưởng và ban giáo chức đến từng lớp nghe các em đại diện trình bày nội dung và hình thức tờ báo, có em lại ngâm cả những bài thơ đơn sơ cảm động do mình sáng tác về học đường và gia đình, quê hương… Những buổi cắm trại, trò chơi tập thể, thi đua lều trại, làm nhiều món ăn bình dân đẹp mắt và ngon miệng.

Tất cả, không ngoài mục đích để các em vui học và yêu đời…

Năm cuối cùng, Lm Hiệu Trưởng giới thiệu tôi với Lm Trường Thánh Tâm Hố Nai, Biên Hòa phụ trách Việt Văn cho các lớp chuẩn bị thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, thay thế cho giáo sư mới nhập ngũ. Và mỗi chiều thứ 7 Ngài nhờ tôi vào Nhà Dòng để ôn tập luyện thi cho các nữ đệ tử tập viện trong khung cảnh kín cổng cao tường thật trang nghiêm trầm lặng. ( Sau này vào quân ngũ, trú đóng tại Đà Nẵng tôi đến thăm bà cô tại nhà Dòng, tôi gặp lại một Sơ trẻ áo trắng, nhanh nhẹn thanh thoát là học trò cũ tại tu viện Thánh Tâm xưa )

Tôi hướng dẫn các em được 4 niên học và phải từ giã lên đường nhập ngũ làm bổn phận của nam nhi thời chinh chiến. Gần ngày chia tay, các em mời tôi đến từng lớp chào tiễn biệt với lời thân tình cảm động, vừa thưởng thức trà bánh và ghi những dòng lưu bút cho các em giữ kỷ niệm.

Buổi sáng giã từ thật cảm động khó quên, một số các em chở nhau trên những chiếc xe đạp, nối đuôi theo chiếc Honda chạy chậm của tôi trong tình lưu luyến dến 4, 5 cây số, khi tôi dừng xe cám ơn các em và ra hiệu cho các em trở lại trường…

Vào quân đội, gần ngày mãn khóa sĩ quan Thủ đức, tôi tình nguyện và được tuyển chọn sang binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, nắm chức vụ Trung đội trưởng Tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù ( Tiền thân của Liên đoàn 81BCD sau này). Gần một năm lội suối băng rừng tìm dấu vết địch, một ngày chiều xuống dần Trung đội tôi lọt vào ổ phục kích trong sào huyệt địch. Chúng đông gầp nhiều lần, hò hét thổi kèn ào lên cố tình bắt sống để khai thác. Nhưng nhờ màn đêm che dấu và sức cầm cự mãnh liệt suốt đêm dài, nên bọn chúng không đạt được âm mưu thủ đoạn. Mãi sáng sớm hôm sau, được các đơn vị bạn tiếp ứng, chúng tôi mở đường máu thoát ra ngoài. Vì tổn thất nặng, trở về hậu cứ chờ bổ sung lại quân số, tôi rất buồn thương tiếc các chiến hữu đã ra đi và đồng đội bị thương tich. Tôi ngồi ghi lại trận thử lửa đầu đời binh nghiệp và gửi dự thi giải Phóng sự Chiến trường do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị vừa phát động với tiêu đề ‘Ngọn đồi tử chiến’ và nhận được giải thưởng.

Sau khi lãnh giải, theo học Khóa Nhảy dù, rồi Bộ Tư Lệnh gọi tôi về làm Trưởng ban biên tập cho Nguyệt san Bốn Phương Binh chủng kiêm Phóng viên chiến trường.

Trong thời gian đi công tác khắp 4 vùng Chiến thuật, thỉnh thoảng tôi gặp lại một vài trò cũ, nhưng tôi chỉ xin ghi lại vài trường hợp tiêu biểu, chứng minh tình thày trò luôn vẫn còn đáng mến.

Tôi đang chăm chú kiểm lại các bài vở, chuẩn bị cho số báo tháng tới, Trung sĩ trưởng toán gác vào báo cho tôi biết có hai thiếu nữ ngoài cổng muốn gặp. Sự việc này không có gì lạ vì tôi thường lui tới Trường Nữ Trung Học Nha Trang kết nghĩa với Binh chủng nhận bài cộng tác và gởi báo tặng cho các tác giả trong nhóm Hoa Biển có nhiều bài viết chân tình và đề cao lính dù Mũ Xanh như thần tượng. Ngoài ra, đôi lúc tôi còn làm ông bầu hướng dẫn Đoàn Văn Nghệ đến các tiền đồn liên hoan

sau chiến thắng. Vì thế khi được báo, tôi nghĩ ngay một là các em đến trao bài nhận báo hay các cô xin vào ban Văn nghệ là thường xuyên.

Ra tới cổng 1 trong 2 cô cất tiếng :

-Chào thày !

Tôi hơi bỡ ngờ và dẫn 2 cô lên Câu lạc bộ để trò truyện thoải mái hơn.

Vừa ngồi xuống, tôi hỏi :

-Sao em biết tôi ở đây?

Em chỉ cô bạn:

-Chị cho em xem tờ báo LLĐB, thấy tên thày dài thoòng nhưng dễ nhớ. Hơn nữa em là con thày thì quên sao được?

Lúc đó, tôi mới nhận ra cô bé cùng họ với mình lại hát hay và thường trêu chọc bạn học, nên tôi vui nhận là con nuôi, không ngờ em vẫn còn nhớ.

Tâm tình thân mật nhắc lại chuyện xưa không muốn dứt, nhưng cô bạn ra hiệu xin phép cáo từ, em đứng dạy :

-Cám ơn thày nhiều và xin lỗi làm mất thời giờ của thày. Hẹn sẽ được gặp thày sau nữa.

Đưa em ra tới cổng, em còn quay lại như quên một điều gì chưa nói hết :

-Chúc thày luôn vui mạnh và khi nào có tin vui gởi thiệp hồng cho em biết nhé !

Tôi cười xòa :

-Đợi khi đất nước an bình rồi sẽ tính ! Chúc hai em luôn vui khỏe đẹp !

Một buổi chiều sau chuyến công tác trở về, tôi đang đứng đợi xe đơn vị ra đón, bỗng chiếc Honda dừng trước tôi và anh Trung sĩ giơ tay chào :

-Chào thày !

Tôi ngạc nhiên hỏi anh :

-Sao anh nhận ra tôi?

-Em là học trò cũ, nhìn dáng điệu và tên trên ngực áo nên nhận ra thày ngay. Thày đi đâu đây?

- À, tôi mới đi công tác Sài gòn đang đợi xe ra đón !

- Thày về đâu, em đưa về cho biết chỗ để khi nào rảnh ghé thăm thày.

- Tôi về Bộ chỉ huy bên Non Nước.

Tôi vào quầy vé phi trường, mượn điện thoại báo về BCH khỏi ra đón nữa.

Tới Bộ chỉ huy, tôi mời anh lên Câu lạc bộ, chọn một bàn ngồi trông ra biển để truyện trò yên tĩnh thoải mái. Thày trò nhắc lại những kỷ niệm đẹp năm xưa.

Anh nhìn tôi cười :

-Trông thày hiền từ nho nhã, sao lại chọn binh chủng nguy hiểm thế? Hay là…

Tôi hiểu ý em muốn nói gì nhưng còn e ngại thất lễ.

-Trước kia gió cuốn mây trôi, giờ đây có một lại thời lo toan !

-Như vậy thày đã lập gia đình, nhưng sao không đưa cô ra đây sống?

-Còn sống với mẹ già và vẫn đi làm !

-Em hơi tò mò nhé ! Cô làm gì vậy?

-Xướng ngôn viên Đài phát thanh.

-Thày khéo chọn người cùng nghề hợp ý.

-Duyên số nhiều hơn là kén chọn.

Từ Câu lạc bộ, nhìn ra biển những cánh hải âu đang chập chờn trong bóng đêm dần xuống, tôi giục em :

-Cám ơn em nhiều còn giành cảm tình tốt đẹp cho ông thày cũ. Tối rồi em về để gia đình khỏi mong.

Em đứng lên như còn lưu luyến :

-Kính chúc thày luôn khỏe mạnh và bình an ! Hẹn gặp lại thày !

………………………

Mười năm binh nghiệp qua đi, biết bao đổi thay, cuộc sống gian khổ, hy sinh, tự hào, cận kề hiểm nguy. Đôi lúc nhớ lại những tháng ngày êm đêm phẳng lặng nghề mô phạm bên các học trò thân yêu. Giờ tất cả các em đã trưởng thành nối tiếp vào đời với những vui buồn trong đời sống.

Thế rồi, Miền Nam tự do no ấm rơi vào tay Cộng Sản Miền Bắc với biết bao khổ lụy nối tiếp. Tôi và hàng trăm

Ngàn chiến hữu bị lừa gạt vào tù với ngụy danh Học tập cải tạo. Tôi bị chúng hàm hồ ghép tội là ‘Binh chủng ác

ôn và ngành nghề phản động’, nên cấp bậc dù nhỏ cũng bị đầy ải ra miền biên giới Việt Trung nơi rừng thiêng nước độc cùng các cấp chỉ huy đàn anh. Qua các trại tù biên giới, tôi không gặp được học trò nào, có lẽ vì các em cấp bậc còn nhỏ và phục vụ tại các đơn vị mà Việt cộng đánh giá không cao.

Nhưng vài năm sau, chiến tranh biên giới bùng nổ năm 1979 giữa Trung cộng và Việt cộng, chúng sợ các trại tù được giải thoát, nên di chuyển chúng tôi về các trại giam vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Ít lâu sau lại chuyển chúng tôi về trại Long Giao Hàm Tân, Miền Nam.

Vừa về đến Long giao, phía bên kia hàng rào kẽm gai tiếng hò hét, gọi nhau vang dội đón mừng đàn anh. Tôi nghe một số em gọi tên tôi :

-Thày Hùng ! Thày Hùng !

Tôi nhận ra các em trò cũ cùng tiếng thăm hỏi dồn dập.

Khi mới về, chúng tôi chưa phải xuất trại đi lao động, suốt ngay chỉ loanh quanh trong hàng rào ca hát nhạc vàng và một số bài nhạc đấu tranh, nên cán bộ và bọn trật tự ăng-ten xuống nói chúng tôi không được hát nhạc phản động.

Mỗi chiều sau khi lao động về, các em chuyền qua hàng rào cho tôi khi thì bó rau lúc trái mướp hay bình nước…có em còn chia sẻ cho tôi cả phần quà gia đình thăm nuôi gởi vào. Thật là cảm động, vì ngoài tình chiến hữu đồng cam cộng khổ, còn có cả tình thày trò thân kính.

Vài tháng sau, những em cấp nhỏ lần lượt được phóng thích, tuy về rồi có em vẫn nhớ gởi cho tôi những gói quà đậm tình nghĩa nhờ gia đình đi thăm nuôi chuyển hộ.

Sau gần 10 năm ra tù, gia đình tôi được chính phủ Hoa Kỳ cho đi định cư theo diện tỵ nạn chính trị. Nhờ người anh họ bảo trợ, gia đình tôi định cư tại một Tiểu bang nhỏ Miền Đông Bắc lạnh lẽo, cố gắng làm lại cuộc đời, lăn lộn với nhiều nghề để mưu sinh. Tôi gặp lại một trò cũ làm cùng hãng xưởng và tình thày trò trở thành đồng nghiệp rất thân tình và khi anh có con trai lập gia đình đã nhờ tôi đại diện trong hôn lễ. Chúa Nhật nghỉ làm, tôi tham gia sinh hoạt cộng đoàn Công Giáo Connecticut, phụ trách trông coi các lớp Giáo Lý và phụ giúp Lm Quản Nhiệm ít giờ cho lớp Dự bị Hôn Nhân. Tôi gặp một thày đang học Đại Chủng Viện ra phụ giúp cộng đoàn mỗi sáng Chúa Nhật, thày tự giới thiệu là học trò cũ, sau này khi chuyển qua sống bên Cali được tin thày đã chịu chức Linh Mục. Trong 16 năm làm việc cho tới tuổi về hưu, con gái đưa chúng tôi qua Cali sống với cháu cho ấm cúng và tránh tuyết lạnh giá buốt có hại cho sức khỏe tuổi già.

Biết tin tôi mới qua Cali, các em rủ nhau lần lượt đến thăm thân mật sau nhiều năm xa cách. Các em thông báo cho các bạn ở xa gởi email thăm hỏi nhiệt tình. Hai vợ chồng 1 học sinh cũ, cuối tuần nghỉ làm thường đến đưa tôi đi ngoạn cảnh cho đỡ cô đơn tuổi già. Nhưng buồn thay, một thời gian sau em bị bệnh và mất dần trí nhớ. Tôi thường điện thọai thăm hỏi và một lần ghé thăm. Thày trò ngồi bên nhau, nói ít nhưng hiểu nhau nhiều. Tôi rất cảm phục sự săn sóc tận tình của vợ anh trong hoàn cảnh này ( Yêu nhau nên gọi là Mình- Thương nhau nên gọi thân tình Nhà Tôi) Dễ thương nhất, có em ở gần cứ vài tuần lại ghé thăm tôi, sửa chữa những việc lặt vặt trong nhà hay giúp chăm sóc vườn hoa sau nhà có đài kính Đức Mẹ.

Trong số các học sinh cũ, em Vũ Kim Tân ăn nói hoạt bát và rất năng động trong các kỳ họp bạn. Em thường ghé thăm sức khỏe tôi và tặng những cây nhà lá vườn. Tôi thành thực khen em :‘Giờ em đã vượt xa ông thày cũ rồi ! Em khiêm tốn trả lời : ‘ Cũng là nhờ thày hướng dẫn trong những buổi trần thuyết ngày xưa đấy !’

Nhưng rất buồn vì em đã ra đi ít tháng trước đây để lại thương tiếc cho ông thày cũ và các bạn đồng môn.

Tôi vui mừng vì nơi hải ngoại các học sinh trường xưa ở Việt Nam vẫn còn lưu giữ được truyền thống tốt đẹp ‘Tôn sư trọng đạo- Nhất tự vi sư, bán tự vi sư- Tiên học lễ, hậu học văn’. Những tổ chức họp mặt đông vui để ghi ơn thày cũ và nối kết bạn học xưa trong không khí thân yêu đầm ấm.

Nhưng tôi lại buồn khi nhớ đến các em còn kẹt lại quê nhà, sống dưới chế độ Cộng sản tham ô ngu dốt làm băng hoại đất nước về mọi mặt và con cháu các em phải chịu một nền giáo dục vong bản đồi trụy : thày không ra thày, trò không ra trò, thày thì dụ dỗ trò vào đường tội lỗi, phụ huynh bắt cô giáo quì xin lỗi vì đụng đến con họ, học sinh bè phái du đãng đánh nhau trấn lột quần áo trước sự cổ võ của bạn học và sự bất lực của nhà trường.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một em ở bang xa Miền Đông báo tin vui có con vừa chịu chức Linh Mục và tình nguyện qua truyền giáo tại bên Lào. Tôi gởi lời chung vui và rất xúc động khi em chuyển những dòng tôi viết dặn

dò trước khi chia tay vào quân ngũ, trong cuốn Lưu bút cách đây hơn nửa thế kỷ em vẫn còn trân quí giữ lại.

Tôi xin dùng lại những dòng lưu bút này để kết thúc bài viết về Tình Thày Trò và cám ơn tất cả Các Em đã trao tặng tôi những cảm tình nồng ấm trong buổi xế chiều cuộc đời.

-Kỷ niệm trải bao năm tháng dài,

Thân tình trìu mến chưa nhạt phai,

Tuổi già chồng chất qua năm tháng,

Thày xưa bạn cũ vẫn nhớ hoài.

Cuộc đời bóng xế thong dong,

Thuyền đời lặng lẽ theo dòng thời gian.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG


Kính thưa Quý Thầy Cô thân mến,

Ngày hôm nay ở Việt Nam nhắc nhở là ngày nhớ ơn Quý Thầy Cô, đặc biệt là những nhà Giáo của thập niên 60, 70.

Xin kính chúc Quý Thầy Cô muôn điều tốt đẹp, được thêm nhiều niềm vui, sức khoẻ, bình an, hạnh phúc, nhất là được nhiều Ơn Thánh Chúa.

“Tuổi thơ con gọi Thầy Cô

Bạc đầu con vẫn thưa Cô thưa Thầy

Lấy chi đền đáp cho đầy

Tạ ơn Thiên Chúa, nhớ tình Thầy Cô”

Rất thân kính

Các học trò ngày xưa

Đại diện trò xưa: Agnes Hồng, Úc Đại Lợi
 
VietCatholic TV
Lời Ca Nguyện Cầu: Tử đạo xưa và nay
Giáo Hội Năm Châu
01:19 21/11/2020

Từ 7 giờ tối Thứ Bẩy 21 tháng 11 theo giờ Việt Nam
 
Tình cảnh bi thương của Kitô hữu Armenia: Con chào Đức Mẹ rồi con đốt nhà con trước khi ra đi.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:00 21/11/2020

1. Cuộc rút lui của các tín hữu Kitô Armenia. Dân chúng tự đốt những ngôi nhà của mình

Trong một diễn biến mới nhất, người Armenia đã có được thêm hơn mười ngày để thực hiện các hoạt động di tản khỏi Nagorno-Karabkh trước khi vùng đất này được bàn giao cho Azerbaijan.

Vì lý do nhân đạo, Azerbaijan đã đồng ý “hoãn đến ngày 25/11 thời hạn rút các lực lượng vũ trang Armenia và các khu định cư Armenia bất hợp pháp”, người phát ngôn chính phủ Azerbaijan là Hizmet Hajiyev cho biết như trên.

Đối với các nhà phân tích và chuyên gia, hiệp định này tiêu biểu cho một sự thất bại của Armenia và là một chiến thắng chiến lược đối với Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt cho Tổng thống Recep Erdoğan.

Những lo ngại bị người Azerbaijan tàn sát đã thúc đẩy một cuộc di cư ồ ạt của người dân Armenia.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, báo cáo rằng trước khi bỏ đi, nhiều người đã phóng hỏa đốt nhà để ngăn không cho tài sản của họ bị rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi thứ có thể di chuyển được đều được lấy đi, từ cửa ra vào đến cửa sổ, quần áo và đồ đạc, cũng như các máy ổn áp.

Các làng mạc trông giống như những ngôi làng ma, với hàng chục ngôi nhà do chính chủ nhân đốt cháy trước khi họ di cư. Nhiều người phải bỏ rơi cho những con chó của họ, là những sinh vật duy nhất vẫn còn phiêu lưu trên đường phố và trong các quảng trường của thị trấn.

“Đây là nhà của tôi,” một người đàn ông nói. “Tôi chắc chắn không thể để nó cho người Thổ Nhĩ Kỳ.”

Người dân địa phương nghĩ rằng có thể tìm ra giải pháp, nhưng “khi chính quyền bắt đầu tháo dỡ nhà máy thủy điện, chúng tôi đã hiểu tình hình là tuyệt vọng” ông nói thêm.

“ Hôm nay, mọi người sẽ đốt nhà của họ chúng tôi phải chờ đến nửa đêm mới rời đi và trước khi đi chúng tôi cũng phải chuyển mồ mả của cha mẹ mình đi bọn Thổ sẽ xúc phạm họ, thật là điều không thể chịu nổi”.

Những tu sĩ Armenia can đảm

Trong nhiều ngày, binh sĩ Nga đã đóng quân dọc các con đường để theo dõi hoạt động di tán và tuần tra một số địa điểm nhạy cảm, chẳng hạn như tu viện Dadivank, một nơi thờ phượng của người Armenia ở vùng Shahumian, được xây dựng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13.

Khu phức hợp tu viện nằm ở độ cao 1,100 mét so với mực nước biển. Nó được thành lập bởi Thánh Dadi, một đệ tử của Thánh Tađêo. Trong những năm gần đây, tu viện đã được trùng tu để bảo tồn cấu trúc đá, trong đó có một nhà thờ lớn.

Tu viện hiện đang chào đón những người hành hương cuối cùng. Lễ rửa tội cho 12 thiếu nữ được thu xếp vội vàng trong tình trạng khẩn trương. Ba linh mục Armenia, bao gồm cả cha bề trên, là Cha Hoyhannes, vẫn ở bên trong tu viện. Các ngài là những người rất can đảm. Không thiếu các báo cáo cho thấy quân Thổ Nhĩ Kỳ và đám lính đánh thuê người Syria tàn sát bất kể ai chúng gặp trên đường tấn công.

Cha Hoyhannes trấn an mọi người: “Mọi nơi đều được bảo vệ bởi những người lính Nga”.

Ngài lạc quan cho rằng tòa nhà vẫn là tài sản Giáo Hội Armenia Tông Truyền và các tín hữu “sẽ có thể tiếp tục đến và cầu nguyện ở đây”.

Tuy nhiên, chính phủ Armenia lo ngại về số phận của di sản lịch sử, tôn giáo và văn hóa độc đáo của họ, mặc dù Azerbaijan bảo đảm rằng họ sẽ bảo vệ các địa điểm thờ phượng trong các lãnh thổ mà họ sẽ kiểm soát.


Source:Asia News

2. Cảnh sát Anh phá tan lễ rửa tội trong một nhà thờ ở London vì những hạn chế của coronavirus

Cảnh sát đã tạm dừng một lễ rửa tội tại một nhà thờ Tin Lành Baptist ở London vào hôm Chúa Nhật 15 tháng 11, với lý do các hạn chế coronavirus của đất nước bao gồm lệnh cấm đám cưới và lễ rửa tội. Các hạn chế này đã bị chỉ trích bởi các giám mục Công Giáo của Anh và xứ Wales.

Một mục sư tại Nhà thờ Thiên thần ở quận Islington của London đã tổ chức lễ rửa tội với khoảng 30 người tham dự. Ông bị cáo buộc vi phạm các hạn chế về sức khỏe cộng đồng của đất nước. Cảnh sát thủ đô đã tạm dừng lễ rửa tội và đứng gác bên ngoài nhà thờ để ngăn không cho bất kỳ ai vào, BBC News đưa tin hôm Chúa Nhật.

Sau khi lễ rửa tội bị dừng lại, Mục sư Regan King được cho là đã đồng ý tổ chức một buổi tụ họp ngoài trời. Theo Evening Standard, 15 người vẫn ở bên trong nhà thờ trong khi 15 người khác tập trung bên ngoài để cầu nguyện. Sự kiện dự kiến ban đầu là một lễ rửa tội và một buổi lễ được trực tiếp truyền hình, Evening Standard đưa tin.

Chính phủ Vương quốc Anh đã thực hiện các hạn chế lớn lần thứ hai trên toàn quốc trong thời gian đại dịch, đóng cửa các quán rượu, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh “không thiết yếu “ trong bốn tuần do sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus.

Nhà thờ chỉ có thể mở cửa cho tang lễ và các cá nhân đến cầu nguyện chứ không được có các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự.

Các biện pháp cách ly đã được áp dụng lần đầu tiên vào mùa xuân năm nay, khi các nhà thờ bị đóng cửa từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 15 tháng 6.

Các giám mục Công Giáo đã chỉ trích gay gắt loạt hạn chế thứ hai. Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster và Tổng giám mục Malcolm McMahon của Liverpool đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 31 tháng 10 rằng việc đóng cửa các nhà thờ sẽ gây ra những “nỗi đau khổ sâu sắc”.

“Trong khi chúng tôi hiểu được nhiều quyết định khó khăn phải đối mặt với chính phủ, chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào có thể biện minh cho việc cấm thờ phượng công cộng,” các Giám Mục viết.

Người Công Giáo cũng phản đối những hạn chế mới. Chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Anh, Sir Edward Leigh, gọi những hạn chế này là “một đòn giáng mạnh vào người Công Giáo trên toàn quốc”.

Hơn 32,000 người đã ký vào một bản kiến nghị lên Quốc hội yêu cầu cho phép các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự.

Trước cuộc cách ly lần thứ hai, Đức Hồng Y Nichols nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng một trong những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khóa cửa đầu tiên là mọi người “bị chia cắt một cách tàn nhẫn khỏi những người thân yêu của họ, và những người bệnh nhân”.

Ngài cũng dự đoán sẽ có “những thay đổi” đối với Giáo hội. Một trong số các khuynh hướng nguy hiểm là những người Công Giáo có thể chỉ dự lễ trực tuyến thay vì tham dự các Thánh lễ tại các nơi thờ phượng.

“Đời sống bí tích này của Giáo hội là thể lý, là hữu hình. Sự tham dự thể lý nằm trong bản chất của các bí tích và của một nhiệm thể được quy tụ… Tôi hy vọng rằng lần này, đối với nhiều người, việc thiếu vắng Thánh Thể mang lại cho chúng ta một hương vị bổ sung, sắc bén đối với Mình và Máu thực sự của Chúa”.


Source:Catholic News Agency