Ngày 21-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:22 21/11/2008

Sống làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu



Một người hỏi: Ngày xưa các Thánh Tử đạo Việt Nam chúng ta sống giữ đức tin vào Chúa kiên cường. Họ đã dám hy sinh mạng sống đổ máu chịu chết cho đức tin. Thật đáng kính phục. Vậy vào thời buổi ngày nay chúng ta phải sống đức tin như thế nào?

Câu thắc mắc gợi suy nghĩ về cung cách sống phúc âm tin vào Thiên Chúa trong khung cảnh đời sống thường nhật ngày hôm nay.

Khu vườn đời sống tình người

Đời sống con người chúng ta dù ở chức bậc địa vị nào, dù ở bất cứ thời gian, không gian địa lý đất nước nào cũng đều loan truyền, cùng để lại dấu tích làm chứng cho một sứ điệp.

Khởi đầu từ trong gia đình Ông Bà Cha Mẹ sống làm chứng về tình yêu thương giữa con người với nhau, vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cháu, anh chị em với nhau; sống làm chứng về tinh thần đạo giáo qua việc nuôi nấng giáo dục đào tạo con cháu sống nên người, và sống làm gương tốt lành cho con cháu “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

Trong đời sống hằng ngày ngoài xã hội việc sống làm chứng đa dạng hơn nhiều cùng có nhiều biến đổi hơn, tùy theo khung cảnh đời sống. Nhưng một cung cách sống làm chứng gây ấn tượng cùng mang đến hiệu qủa ích lợi sâu đậm lâu dài cùng cần thiết cho đời sống con người là cung cách sống bác ái vị tha.

Gương sống lòng bác ái

Trong Kinh Thánh Ông Thánh Gioan tẩy giả đã để lại gương làm chứng về bác ái:

Ông giới thiệu Chúa Giêsu: Ðây là chiên Thiên Chúa, đấng đầy lòng bác ái sống hy sinh gánh tội trần gian cho mọi người! (Ga 1,29…)

Ông nói lời can ngăn nhà Vua Herode đừng lấy vợ của người anh. Vì nếu làm như thế là làm tổn thương tình yêu vợ chồng, là lỗi đức bác ái.(Mc 6,17-25)

Chúa Giêsu đã sống bác ái thông cảm với người tội lỗi, sống gần gũi con người đi tìm kiếm đến với họ, làm phép lạ cho nước hóa thành rượu giúp đám cưới trong cơn bối rối thiếu hết rượu, làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều nuôi hàng ngàn người cho khỏi đói, và sau cùng xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những người giết mình.

Trong lịch sử Giáo Hội, các Thánh đã sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa như gương sống bác ái tình người của Thánh Vincente Phaolô lập hội Bác ái giúp người nghèo khổ túng thiếu cho họ có cơm ăn áo mặc.

Mẹ Á Thánh Terexa thành Calcutta sang Ấn Độ lập hội Dòng chuyên lo đi cứu giúp những người nghèo khổ bị bỏ rơi ngoài lề đường bế ẵm mang về cho ăn, cho mặc, cho ở trong nhà.

Rồi còn biết bao nhiêu những hội đoàn, hội Dòng, những con người tín hưũ Chúa Giêsu đã và đang sống làm chứng cho Chúa qua việc làm bác ái liên đới giúp con người, dù bị khinh chê bị điều oan ức bất công.

Ngày xưa các Thánh Tử đạo Việt Nam của chúng ta đã sống làm chứng cho Chúa, cho đức tin bằng phải chết đổ máu ra để trung thành với đức tin vào Chúa. Hoàn cảnh lịch sử đời sống lúc đó là như thế. Nhưng đời sống các Ngài cũng vẫn luôn là một đời sống thấm nhuộm chiếu tỏa tình yêu thương bác ái. Các Ngài cho tới chết vẫn một lòng xin ơn tha thứ cho kẻ gây ra điều bất công làm khổ mình.

Đời sống cần chứng từ về tình yêu Thiên Chúa cho con người. Các Thánh Tử đạo của chúng ta là một gương mẫu về cung cách sống làm chứng cho đức bác ái.

Đào luyện trong bác ái

Chúa Giêsu đã nói với các Tông Ðồ trước khi Ngài về trời: Anh em hãy làm chứng cho Thầy đến tận cùng mọi biên giới trái đất. (Cv 1,8)

Chúa Giêsu đã làm người, đã loan báo rao giảng tình yêu thương bác ái của Thiên Chúa, đã nói về lòng khoan dung trong tám mối phúc thật của nước Thiên Chúa. Bây giờ Ngài cần những tin theo yêu mến Ngài tiếp tục sống làm chứng cho Ngài, cho sứ điệp và cho việc Ngài đã làm qua đời sống bác ái tình người của mọi người với nhau từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội.

Đức cố Giao Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị năm 1981 bị ám sát bắn trọng thương, nhưng lúc bình phục trở lại đã vào tận nhà tù thăm hỏi nói chuyện tha thứ làm hòa với Ali Agca người đã bắn ngài bị thương nặng.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận (*17.04.1928 +16.09.2002) bị giam cầm trong ngục tù suốt 13 năm, và sau này khi được phóng thích khỏi tù tội đã luôn sống làm chứng về đức bác ái: sống tha thứ làm hòa không nói lời gì hận thù ghen ghét ai cho tới lúc qua đời. Chưa hết, ngài còn kêu gọi giúp những người bị bệnh phong cùi bên quê nhà Việtnam.

Xưa nay hằng có nhiều hội đòan từ thiện đạo đời, cũng tư nhân sống dấn thân đến thăm những người nghèo, giúp đỡ họ cơm ăn, áo mặc, cho trẻ em sách vở học cụ ở những nơi nghèo xa xôi hẻo lánh trên khắp mọi nẻo đường trời đất.

Con người ở vào mọi thời đại, mọi hoàn cảnh đều cần đến lòng thương cảm giúp đỡ của nhau. Trong đời sống xã hội, nơi càng có nhiều bóng tối che mờ, nơi càng có nhiều người lâm vào hoàn cảnh sống bất hạnh khổ đau, nơi đó càng cần đến lòng bác ái tình liên đới lòng thương cảm của con người với nhau.

Đời sống xã hội luôn cần những sáng kiến phát minh giúp đời sống con người tiến triển tốt đẹp thêm. Nhưng đời sống con người lúc nào cũng cần đến bác ái tình người liên đới với nhau. Thiếu vắng bác ái tình người đời sống trở nên cô đơn, hoang vắng như một bãi sa mạc khô chồi toàn cát nóng bỏng.

Sống bác ái là vị tha trao tặng cho đi, để Thiên Chúa và tình người được chiếu giãi sáng tỏ.

Lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24.11.2008
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 21/11/2008
LIÊN QUAN

N2T


Đại sư đã hấp hối trên giường bệnh một tuần rồi.

Một hôm, ông ta đột nhiên mở mắt ra, thì thấy người đệ tử mà ông yêu quý nhất đang ở một bên, bèn nhẹ nhàng nói:

- “Con chưa từng rời khỏi giường bệnh của thầy, phải không ?”

- “Đâu có, thưa thầy, con không thể xa cách thầy.”

- “Tại sao ?”

- “Bởi vì thầy là ánh sáng của đời con.”


Sư phụ thở dài một tiếng rồi nói: “Con của ta, ta như thế này mà vẫn cứ huyễn hoặc đôi mắt của con, khiến cho con đến hôm nay vẫn cứ không cách gì thấy được ánh quang trong tâm hồn con.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Người Ki-tô hữu có một vị thầy là Chúa Giê-su, chính Ngài là ánh sáng soi đường cho họ và cho nhân loại đang đi trong tối tăm của thế gian, chính Ngài mới đích thực là ánh sáng vĩnh cửu, ngoài Ngài ra, thì tất cả các ánh sáng của các bậc sư phụ, thầy dạy trên mặt đất này đều là phản chiếu ánh sáng của Ngài mà thôi.

Mỗi người Ki-tô hữu đều phải phản chiếu lại ánh vinh quang của Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình, tất cả các giám mục, linh mục các tu sĩ nam nữ, và những thầy dạy khác chỉ giúp chúng ta nhìn thấy, cảm nghiệm được ánh vinh quang của Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô mà thôi, chứ các ngài không phải là ánh sáng vĩnh cửu.

Nhớ đấy nhé, bởi vì có một số người coi các linh mục là thần tượng, là thần thánh, nên khi các ngài có “xì căn đan” thì họ bỏ luôn Chúa Mẹ, bỏ luôn nhà thờ, ha ha ha, các linh mục không phải là ánh sáng vĩnh cửu, chính Chúa Giê-su mới đích thực là ánh sáng đời ta mà thôi.

Các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể là sự liên quan mật thiết của chúng ta với Chúa Giê-su vậy.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 21/11/2008
CHỦ NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN

CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

Tin mừng: Mt 25, 31-46.

“Con Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau.”


Bạn thân mến,

Chủ nhật cuối năm phụng vụ, Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Chúa Giê-su Ki-tô vua vũ trụ, để đề cao vai trò VUA vũ trụ của Ngài, bởi như thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt nọi thù địch dưới chân Ngài...” (1 Cr 15, 25), và quả thật như vậy, chỉ có Ngài –Đấng đã chiến thắng tử thần- mới xứng đáng là vua muôn vua, là thẩm phán các thẩm phán và là Đấng cứu độ trần gian mà thôi.

Chúa Giê-su là vua muôn vua, bởi vì Ngài được Chúa Cha xức dầu để trở thành vị vua cả trên trời dưới đất, không phải để thống trị thế gian bằng vũ lực, nhưng là để cứu thế gian bằng tình yêu cao cả, và bằng cái chết trên thập giá của Ngài để thế gian được sống, và sống dồi dào trong vương quốc của Ngài.

Chúa Giê-su là thẩm phán các thẩm phán, bởi vì chỉ có Ngài vừa là vua vừa là vị thẩm phán chí công đoán phạt tội loài người, và sẽ có một ngày các thẩm phán của loài người cũng sẽ đến trước mặt Ngài để chịu phán xét, khi “Con Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau.” Bởi vì, khi con người ta bị các thẩm phán thế gian xét xử bất công, thì Ngài sẽ hoàn trả lại cho họ sự công bằng; khi bị thẩm phán thế gian xét xử áp bức, thì chính Ngài sẽ là Đấng bênh vực và minh oan cho họ trong ngày phán xét chung của nhân loại.

Bạn thân mến,

Khi mà các vua chúa trên trần gian mỗi ngày mỗi theo đuổi quyền lực thống trị, thì thế gian ngày càng đi đến chỗ diệt vong; khi mà các vua chúa trên trần gian chỉ lo xây dựng một xã hội đầy những văn hóa sự chết như: cho phép tự do phá thai, hôn nhân đồng tính, dung túng

bất công, bảo vệ quyền lợi của một số người.v.v...thì thế gian vẫn còn đau khổ, và người nghèo vẫn cứ là người bất hạnh nhất.

Niềm tin vào Chúa Giê-su của bạn và của tôi đã làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng thêm phong phú, bởi vì Ngài là vị vua chí công và tràn đầy yêu thương; bởi vì Ngài là vị mục tử hằng luôn biết từng con chiên của mình; bởi vì Ngài là vị thẩm phán công bằng luôn che chở bảo vệ chúng ta; và bởi vì Ngài là người thầy đã dạy dỗ dẫn dắt chúng ta trên con đường về nhà Cha trên trời.

Đó là niềm hạnh phúc đích thực của tất cả những ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, trong đó có bạn và tôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 21/11/2008
N2T


11. Người có tu đức giống như thuyền đi ngược giòng, nếu họ không ra sức chống chèo, thì sẽ bị đi xuống.

(Thánh Bernard)
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
18:09 21/11/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (61)

611. Chúa Giêsu Kitô là Vua!

Một kẻ kiêu ngạo kia quả quyết: “ Chúng ta đã tiêu diệt được tất cả các ông vua trên mặt đất nầy rồi. Giờ đây, chúng ta hãy tiêu diệt Chúa là ông vua trên trời”.
Thế là có nhiều kẻ ùa nhau chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, trục xuất Chúa ra khỏi các linh hồn, ra khỏi các gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia.
Nhưng họ vẫn thất bại. Vì sao ? Vì trong khi họ thay nhau chết, nằm thúi tha và bị tan rã trong mồ, thì Chúa Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa, đã tung mồ sống lại, vẫn hằng sống, và ngôi báu của Ngài vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay, và cho đến tận thế.
Để phản lại chủ trương vô thần nầy, ngày 11 tháng 12 năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã lập lễ kính CHÚA GIÊSU KITÔ VUA.
Đức Giáo Hoàng Piô XI muốn nhắc nhở cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, chính Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, không những là Vua của từng cá nhân, của từng gia đình, nhưng còn là Vua của tất cả mọi người, của tất cả mọi dân tộc. Vương quyền của Ngài chi phối tất cả trần gian, mặc dầu vương quyền nầy là linh thiêng và không lệ thuộc vào gian trần nầy.

612. Không thể nào hiểu được lịch sử nhân loại nếu không có Đức Giêsu.

Ernest Renan (1823-1892) là một văn sĩ danh tiếng người Pháp. Mặc dầu là một linh mục đã hồi tục, nhưng Renan, sau nhiều năm chuyên nghiên cứu về lịch sử các ngôn ngữ và các tôn giáo, đã nói về Chúa Giêsu như sau:
- “Ngài là danh dự của tất cả những gì mang lấy một trái tim của con người. Toàn thể lịch sử nhân loại không thể nào hiểu được nếu không có Ngài. Ngài sẽ không bao giờ bị vượt qua.”

613. Đức Kitô mới là ánh sáng!

Victor Hugo (1802-1885) là một nhà văn và nhà thơ rất danh tiếng của Pháp. Mặc dầu ông công kích Giáo Hội Công giáo, nhưng ông phát biểu như sau về Đấng sáng lập Giáo Hội Công giáo:
- “ Các bậc vĩ nhân như Pythagore, Épicure, Platon chỉ là những bó đuốc, còn Đức Kitô mới là ánh sáng ban ngày.”

614. Ai không tin Đức Giêsu Kitô là Chúa, kẻ đó không đáng ta tin cậy.

Hoàng đế Nã Phá Luân có lần nói với đại tướng Bertrand rằng:
- “Nếu đại tướng không hiểu rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa, thì tôi thật có lỗi khi phong chức đại tướng cho ông.”

615. Ngợi khen Đức Giêsu Kitô!

Tại thành phố Bonn của nước Đức, một người nông dân công giáo sắp bị bác sĩ giải phẩu cắt một phần lưỡi vì lưỡi ông ta ung thư.
Trước khi giải phẩu, bác sĩ nhẹ nhàng nói với bệnh nhân:
- “Ông hãy cố gáng chịu đựng vì sau cuộc giải phẩu nầy, ông sẽ câm, không nói được. Vậy giờ đây, ông muốn nói lời cuối cùng, thì ông hãy nói ra vì sau khi mổ, không không nói được nữa đâu.”
Người bệnh nhắm mắt, nghiêng đầu suy nghĩ. Đoàn giải phẩu im lặng lắng nghe. Bỗng người bệnh mở mắt ra, chắp tay lại, và sốt sắng nói những lời cuối cùng:
- “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!”.
Nghe vậy, những người trong phòng mổ, từ bác sĩ đến y tá, đều vô cùng cảm động.

616. Hãy quý trọng sức khoẻ của mình! Hãy quan tâm đến sức khoẻ của mình!

Ở Học viện công trình Mashenri, có một hoc sinh tốt nghiệp xuất sắc.
Khi nói chuyện trước đám đông của đồng môn, hầu như anh ta chỉ xoay quanh chủ đề: “Tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khoẻ.”
Anh nói, sở dĩ tôi nhấn mạnh đến vấn đề sức khoẻ vì bản thân tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người, đến ngày hái quả sau bao phấn đấu gian khổ, thì cũng chính lúc đó, họ không có đủ sức khoẻ, nên sự thành đạt cũng bị tiêu vong.
Giữ cho mình có sức khoẻ, không phải là điều gì khiến người ta bực dọc. Bạn hãy chăm sóc sức khoẻ của bạn như chăm sóc chính chiếc xe hơi hay con chó của bạn. Điều nầy không có gì khó….
Sức khoẻ không có gì là thần bí cả. Nó là cảm giác thoải mái, lành mạnh rất thông thường.
Thân thể của bạn cũng giống như một cỗ máy. Không định kỳ bảo dưỡng, tra dầu mỡ, thì làm sao bạn có thể yêu cầu nó liên tục công tác được.
Có lẽ bạn không bao giờ nhốt một con chó hay một con ngựa trong chuồng liên tục ngày nầy qua ngày khác, không cho chúng hoạt động. Vậy nếu bạn đối xử với cỗ máy vô giá của mình theo cách đó, làm sao nó có thể tránh khỏi trục trặc. (Thái Độ Quyết Định Tất Cả)

617. Đừng bỏ qua một cơ hội nào!

Một đại gia trong ngành bách hoá của Mỹ, khi bàn về kinh nghiệm thành công, đã từng nói:
- “Đừng bỏ qua một cơ hội nào, cho dù chỉ có một phần trăm khả năng.
Nhà văn Tây Ban Nha XecvanTec thì lại cho rằng:
- “Chọn con đường đợi chờ, mãi mãi vẫn chỉ là bước vào căn phòng không.”
Trong quá trình theo đuổi sự nghiệp, có những lúc sơ ý, đứng tại chỗ quan sát, bước chân không đi về phía trước, có thể sẽ đánh mất cơ hội….
Nhà thơ William Blake có một bài thơ như sau:
“Nếu thời cơ chín muồi mà bạn không nắm được,
Bạn sẽ có những giọt nước mắt hối hận.
Nhưng nếu bạn bỏ qua thời cơ,
Bạn sẽ khóc cả đời vì dằn vặt đau khổ.”
Cơ hội đi qua rất nhanh, khi đã mất rồi thì không dễ gì có được. (50 Điều Quan Trọng Làm Thay Đổi Cuộc Đời Bạn)

618. Nhờ một người vợ lạc quan mà người chồng bi quan được nổi tiếng.

Có thể bạn từng nghe đến Jules Verne, tác giả đã từng gây sốc cả thế giới với kiệt tác khoa học viễn tưởng: “Vòng Quanh Thế Giới Trong 80 Ngày”, vốn là tac phẩm đầu tay của ông.
Là nhà văiệt nam tiên phong trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng, Verne đã gởi bản thảo đến rất nhiều nhà xuất bản, nhưng tất cả đều từ chối.
Ông quá chán nản, đến độ ném luôn bản thảo vào trong đống lửa.
May thay, vợ ông không đến nỗi quá bi quan như vậy, và ngăn không cho ông làm điều đó.
Bà đã tiếp cận một nhà xuất bản. Họ nhận ra được giá trị của tác phẩm và sau đó, tiến hành xuất bản.
Quyển sách trở thành một best seller và được tái bản rất nhiều lần.
Jules Verne, sau một đêm, trở thành một tác giả danh tiếng khắp toàn cầu, và sau đó, ông viết thêm nhiều tác phẩm về thể loại nầy.
Hãy nhớ cho: vợ của Verne đã không nản lòng vì bản thảo của chồng không được xuất bản. Do đó, bà ấy đã đạt thành công trong việc giúp chồng được thế giới biết đến như một tác giả có sức sáng tạo vĩ đại.
Bà có cái nhìn lạc quan, và điều đó được trả công bằng những kết quả tốt đẹp. (Tự Tin Để Thành Công)

619. Chỉ mất tiền, chứ không phải mất tất cả.

Một người kia mất một số tiền lớn. Ông hốt hoảng, cho mình là đã mất tất cả. Ông gọi điện cho Tiến sĩ Robert Schuller.
Cuộc đối thoại như sau:
Người đàn ông nói: “Thế là hết!Tôi xong đời rồi. Tất cả tiền đã hết. Tôi đã mất tất cả.”
Tiến sĩ Schuller hỏi: “Anh vẫn còn nhìn thấy chứ?”
Người đàn ông trả lời: “Vâng, tôi vẫn còn sáng mắt.”
Schuller hỏi: “Anh còn đi được không?”
Người đàn ông trả lời: “Vâng, tôi còn đi được.”
Schuller hỏi: “Dĩ nhiên, anh còn nghe được, nếu không, anh đã không gọi điện cho tôi.”
- “Vâng, tôi vẫn còn nghe được.”
- “Vậy thì …” - Schuller nói – “Tôi cho là cái gì anh cũng còn. Chỉ có tiền là mất.” (Đời Thay Đôi Khi Chúng Ta Thay Đổi)

620. Chúa hãy tha thứ cho con khi con than thở nỉ non!

Hôm nay, trên một chuyến xe buýt, tôi trông thấy một cô gái dễ thương với mái tóc vàng óng, tôi ganh tỵ với cô ta… Cô ta dường như rất vui… Và tôi ước gì mình cũng được như thế.
Đột nhiên cô ta đứng dậy và bỏ đi. Tôi trông thấy dáng đi tập tễnh của cô ta dọc theo lối đi giữa hai dãy ghế.Cô ta chỉ còn một chân và mang nạng. Nhưng khi cô ta bước qua chỗ tôi… một nụ cười.
Ôi, lạy Chúa, Chúa hãy tha thứ cho con mỗi khi con than thở nỉ non. Con có hai chân. Thế giới nầy là của con!
Tôi đứng lại để mua một vài thanh kẹo. Người bán hàng trông có vẻ rất duyên dáng. Tôi trò chuyện cùng anh ta. Anh ta có vẻ rất vui. Và khi tôi bỏ đi, anh ta nói với tôi rằng: “Cám ơn cô. Cô thật tử tế. Tôi rất vui khi được trò chuyện cùng với những người như cô. Cô thấy đấy”, anh ta nói, “Tôi bị mù.”
Ôi, lạy Chúa, xin tha thứ cho con mỗi khi con than thở nỉ non. Con có hai mắt. Thế giới nầy là của con.
Sau đó, trong khi bước đi trên phố, tôi trông thấy một đứa bé với đôi mắt xanh trong. Nó đứng đó và xem các bạn vui đùa. Nó không biết phải làm gì.
Tôi ngừng chân một lúc, sau đó, nói: “Nầy cháu bé, sao cháu không tham gia vui đùa cùng các bạn?”. Nó ngước mắt nhìn tôi, không nói một lời, và sau đó, tôi biết rằng nó không thể nghe được.
Ôi, lạy Chúa, xin hãy tha thứ cho con mỗi khi con than thở nỉ non.Con có hai tai. Thế giới nầy là của con.
Với đôi chân có thể đưa tôi đến nơi tôi muốn đến, với đôi mắt có thể giúp tôi nhìn thấy ánh mặt trời, với đôi tai giúp tôi nghe được những gì tôi muốn biết ….
Ôi, lạy Chúa, xin hãy tha thứ cho con mỗi khi con than thở nỉ non.
Con thật sự quá may mắn!
Con thật sự quá sung sướng!
Thế giới nầy là của con. (Khuyết Danh) (Hướng Đến Cuộc Đời Tươi Đẹp)
 
Con chỉ có một ngày
Đinh văn Tiến Hùng
18:36 21/11/2008
CON CHỈ CÓ MỘT NGÀY
(Một Ngày Sống Đẹp, Suốt Đời Không Quên)

Con chỉ có một ngày,
Không phải ngày hôm qua,
Ngày mai cũng không phải,
Nhưng chính ngày hôm.

Lang thang cả một đời,
Dĩ vãng đã qua rồi,
Tương lai nào đâu biết,
Hôm nay sống đẹp thôi.

Người thu thuế Gia-kêu,
Mong đợi suốt ngày đêm,
Ngài Giê-su thăm viếng,
Hôm nay hãy vui lên.

Tông đồ cả Phê-rô,
Theo sát Chúa từng giờ,
Ăn năn nghe gà gáy,
Hôm nay mình chối Thày.

Trên đồi Gôn-gô-ta,
Thống hối được thứ tha,
Trộm lành Chúa đã hứa,
Hôm nay ở cùng Ta.

Suốt ba năm rao truyền,
Thưong loài người vô biên,
Treo mình trên Thập Giá,
Hôm nay Lễ Toàn Thiêu.

Danh lợi cố đuổi đeo,
Con có gì mang theo?
Buông hai tay nằm xuống,
Hôm nay tắt nắng chiều.

Con chỉ có một ngày,
Không phải ngày hôm qua,
Ngày mai cũng không phải,
Nhưng chính ngày Hôm Nay.
 
Sống tâm tình biết ơn phải là tâm niệm của kẻ thụ ơn
LM. Trần Bình Trọng
21:44 21/11/2008

SỐNG TÂM TÌNH BIẾT ƠN PHẢI LÀ TÂM NIỆM CỦA KẺ THỤ ƠN



Mừng Lễ Tạ Ơn: A, B, C
Is 63:7-9; Cl 3:12-17; Lc 1:39-55


Người Hoa Kì dành ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một để nghỉ ngơi và tạ ơn. Món ăn đặc biệt của họ trong ngày Tạ ơn là gà tây. Những người Việt sành ăn ở Mĩ thì biến chế và thêm gia vị như thái nhỏ gan và mề gà, miến, kim châm, cần tây, hạt đìu, nấm tươi, hạt tiêu với chút muối trộn đều với bánh mì cũng cắt nhỏ rồi nhét vào bụng con gà, đã lấy hết ruột gan đi, rồi bọc kín con gà bằng giấy bạc hay giấy plastic mà không cháy, rồi nướng trong lò với nhiệt độ 375oF trong vòng ba giờ đồng hồ. Gà nhỏ thì nướng ít giờ hơn. Thịt gà sẽ được mềm mại, thơm ngon, hợp khẩu vị của người mình. Người Mĩ được mời ăn gà tây nấu pha kiểu Việt cũng rất thích và thích ăn mãi. Ðúng là: Quen mui thấy mùi ăn mãi.

Lễ Tạ ơn của người Hoa Kì không phải là ngày lễ tôn giáo. Tuy nhiên Giáo hội công giáo cũng như người Thiên Chúa giáo tại Hoa Kì cố đem ý nghĩa tôn giáo, ý nghĩa thiêng liêng vào ngày lễ Tạ ơn. Vậy thì tại những quốc gia không có lễ tạ ơn trong năm, thì gia đình hay gia tộc cũng nên dùng ngày nào đó trong năm làm ngày tạ ơn chính thức của gia đình hay gia tộc mình để tạ ơn Chúa và sum họp gia đình.

Mừng lễ tạ ơn là dịp nhắc nhở cho người tín hữu về những hồng ân, những ân huệ về vật chất cũng như tinh thần và thiêng liêng, mà mỗi người nhận được. Người ta thường coi thường hoặc quên lãng những ân huệ mà họ nhận được, coi đó là ngẫu nhiên. Tuy nhiên nếu phải vất vả khổ cực trong việc làm ăn để tranh thủ miếng cơm manh áo, người ta mới đánh giá được những ân huệ mà họ nhận được. Tạ ơn nói lên tâm tình thiếu thốn, muốn tuỳ thuộc vào Chúa, và muốn nhớ đến người đã làm ơn cho mình, mà không quên. Ðó là cảm tình của người uống nước nhớ nguồn, hoặc ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ðó cũng là cách thế nói lên rằng mình cần người khác. Nhớ ơn người khác thì cũng nhớ ơn Chúa. Chúa là Ðấng vô hình nên ta không biết diễn tả lòng biết ơn thế nào. Ta cần học cách diễn tả lòng nhớ ơn đối với loài người để ta có thể diễn tả lòng biết ơn đối với Chúa.

Trong dịp lễ tạ ơn, ta ghi nhớ lời ngôn sứ Isaia nhắc nhở cho dân chúng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những gì Người đã làm cho họ (Is 63:7). Thánh Phaolô thì khuyên giáo hữu Côlôxê đối xử với nhau bằng tâm tình biết ơn lẫn nhau nên phải: Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia (Cl 3:13). Còn trinh nữ Maria cảm tạ Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại nơi mình bằng cách ra đi phục vụ bà chị họ đang mang thai trong tuổi cao niên (Lc 1:39-44). Khi còn tại thế, Ðức Giêsu thường dạy các môn đệ sống tâm tình biết ơn. Khi ngồi vào bàn ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời cảm tạ (Mt 15:36; Mc 8:6; Ga 6:11). Khi lập Bí tích Thánh thể trong bữa Tiệc Li, Chúa Giêsu cũng cầm bánh, dâng lời tạ ơn (Lc 22:19), rồi cầm chén rượu cũng dâng lời cảm tạ (Mt 26:27; Mc 14:23).

Mỗi người có nhiều lí do để tạ ơn: những ơn mà ta nhận được cách chung như ơn được sinh ra làm người, ơn được nhận lãnh đức tin, ơn có nhà ở, việc làm, có cơm ăn áo mặc, ơn được cắp sách đến trường học. Mỗi người còn nhận được những ân huệ và tài năng khác nhau nữa như tài nói năng hoạt bát, làm thơ bay bướm, hát hay, có năng khiếu về văn chương, nghệ thuật, khoa học, âm nhạc, thể thao.. Tài năng và ân huệ Thiên Chúa ban phải được phát triển và được dùng để phục vụ đồng loại và để làm vinh danh Thiên Chúa.

Vậy còn những điều không may xẩy đến cho ta thì sao? Ta có cảm ơn Chúa hay là than trách, oán hận Chúa? Thường người ta hay phàn nàn, than trách về những rủi ro bệnh tật họ gặp, hoặc về những sự vật người ta không có mà người khác lại có, cho nên mắt họ bị che đậy lại, không nhìn thấy chiều sáng của cuộc đời, không nhìn thấy những điều may mắn. Kết quả là người ta nảy sinh ra thái độ tiêu cực như: ghen tuông, bất mãn, hận đời và còn hận cả đấng Hoá công như Cung Oán Ngâm Khúc: Hoá công sao khéo trêu ngươi hoặc Thuý Kiều: Phũ phàng chi bấy hoá công. Với con mắt đức tin, những gì xem ra bề ngoài là rủi ro, có thể lại mang lợi ích cho ta về đường dài hay về đời sống tinh thần và thiêng liêng.

Chỉ khi nào sống trong tâm tình biết ơn, ta mới nhìn thấy chiều sáng của cuộc đời. Nếu nhìn quanh, ta sẽ thấy còn bao nhiêu người nghèo đói, thiệt thòi, đau khổ về phần xác và tinh thần. Như vậy phải chăng ta còn được may mắn hơn nhiều người.

Vậy thì để áp dụng thực hành, trong ngày sống, người tín hữu phải dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ, những cử chỉ tạ ơn. Tạ ơn phải là tâm tình phải có hàng ngày, hàng giờ của người tín hữu. Chẳng hạn tạ ơn Chúa cho một ngày đẹp trời, có nắng ấm dưới bầu trời xanh biếc với những vầng mây trắng điểm tô, thêm gió hiu hiu thổi nhè nhẹ và tiếng chim hót véo von. Tạ ơn Chúa cho một giấc ngủ yên lòng, khiến tâm thần được thanh thản. Cảm tạ Chúa cho một bữa ăn ngon lành. Nhiều người không dám cảm tạ Chúa cho bữa ăn ngon, sợ làm như vậy là mất nhân đức hi sinh hãm mình.

Ði du lịch sang Mĩ, người ta thường nghe thấy hai tiếng cám ơn và xin lỗi trên cửa miệng họ. Một lời mình khen họ về bất cứ chuyện gì, họ cũng cám ơn mình. Sơ ý chạm vào họ, họ cũng xin lỗi mình. Có lẽ năng cám ơn nhau, cũng phải nhắc nhở cho người ta đừng quyên cám ơn Chúa. Khi Chúa Giêsu chữa mười người phong cùi, mà chỉ có một người trở lại cám ơn, mà người ấy lại là người ngoại bang, thì Chúa mới hỏi: Còn chín người kia đâu ? (Lk 17:14-18).

Nói lời cám ơn thôi có thể chỉ là bôi bác bề ngoài, nếu lời cảm tạ không phát xuất tự đáy lòng hoặc không có việc làm đi theo. Trên một chuyến bay chở hàng giám mục Mĩ sang La mã họp Công Ðồng Vaticanô II, tổng Giám mục Fulton Sheen, một nhà giảng thuyết hùng biện và cự phách trên truyền hình Mĩ, thấy một chiêu đãi viên trẻ đẹp, ghé vào tai cô hỏi có bao giờ cô đã tạ ơn Chúa về sắc đẹp mà Chúa ban chưa? Sau đó cô đến xin ý kiến tổng Giám mục Sheen xem cô nên làm gì để tạ ơn.

Bất chợt không sửa soạn đề nghị cách thế cảm tạ cho cô, mà lại vừa nghe tin Tổng Giám mục Sàigòn xin từ chức để phục vụ người phong cùi tại Di Linh, Ðức Cha Sheen mới đề nghị cô nên sang Việt Nam giúp Ðức Cha Cassaigne phục vụ người cùi ở đây một thời gian để làm dịu bớt những đau khổ và buồn tủi của người xấu số. Thất vọng về lời đề nghị, cô quay ngoắt ra về mà không thèm chào. Ðến năm 1963, báo chí Sàigòn loan tin về một chiêu đãi viên trẻ đẹp, hãng máy bay PANAM Mĩ, tình nguyện sang phục vụ người phong cùi ở trại Di Linh sáu tháng.

Thánh lễ theo nguyên tự Hi Lạp Eucharistos có nghĩa là tạ ơn. Người tín hữu thời Giáo hội sơ khai khi đi dâng lễ, họ mang trong tâm tư ý niệm và tâm tình tạ ơn. Ðối với người tín hữu, đến nhà thờ dâng lễ là cách thế tốt nhất để bầy tỏ tâm tình tạ ơn. Vậy tạ ơn Thiên Chúa mà không đến nhà thờ dâng thánh lễ tạ ơn là một thiếu sót lớn, làm mất đi nhiều ý nghĩa của ngày tạ ơn vậy.

Lời cầu nguyện xin cho được sống tâm tình biết ơn:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh,
Ðấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá đời con.
Con xin tạ ơn Chúa về muôn hồng ân Chúa đã ban cho con.
Với đức tin, con tin rằng mọi sự vật con có là do Chúa ban.
Xin dạy con bớt phàn nàn kêu trách
và cho con được nhận thức rằng
sống trong tâm tình biết ơn hằng ngày, hằng giờ, hằng phút
phải là tâm niệm của kẻ thụ ơn. Amen

 
Người Công Giáo và đạo Hiếu
Vũ Văn An
23:19 21/11/2008
Người Công Giáo và đạo Hiếu

Người Công Giáo là người lấy Mười Giới Răn làm nguyên tắc sống căn bản. Bởi chính Chúa Giêsu đã nói: mọi lề luật và tiên tri đều bao gồm trong Mười Giới Răn ấy, được chính Người tóm về “hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau là yêu người như mình ta vậy”. Theo Người, hai điều ấy đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên dài ngắn thì không giống nhau. Chúa có Ba Ngôi nên chỉ cần có ba giới răn để quy định. Người thì man vàn, nên phải quy định thành 7 giới răn.

Trong bẩy giới răn ấy, cha mẹ được nhắc đến đầu tiên: thứ bốn thảo kính cha mẹ, sau đó mới đến các liên hệ khác. Đủ thấy con người bao giờ cũng nghĩ đến gốc rễ. Gốc rễ đầu hết dĩ nhiên là Chúa mà ta phải tôn thờ, gốc rễ gần gũi, thân mật nhất không ai khác chính là cha mẹ, mà ta phải thảo kính.

Nghĩa nặng ơn sâu

Nhưng thảo kính là thế nào? Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, chữ thảo không có nghĩa luân lý mà chỉ có nghĩa cỏ cây như thảo khấu = giặc cỏ, thảo điếm = nhà lợp cỏ, hay một bản văn mới viết sơ như thảo án = điều kiện mới soạn sơ qua, thảo cảo = văn chương mới viết sơ ra…nhưng khi giải thích chữ Hiếu, học giả này có nhắc đến chữ hiếu tâm mà định nghĩa là lòng hiếu thảo. Từ điển Tiếng Việt của Minh Tân, Thanh Nghị và Xuân Lãm thì định nghĩa chữ thảo là có lòng biết ơn đối với cha mẹ và đưa ra thí dụ: con hiền dâu thảo. Còn kính thì cả hai từ điển đều định nghĩa là tôn trọng. Như thế, khi cha ông ta dịch Giới Răn Thứ Tư qua tiếng Việt, các cụ muốn nói tới bổn phận con cái phải biết ơn và tôn trọng cha mẹ qua chữ thảo kính.

Thực ra, chữ thảo kính là để dịch động từ “Honorare” của tiếng Latinh. Honorare có nghĩa là tôn trọng hay tôn kính. Bản Tân Ước Phổ Thông của Thánh Giêrôrimô đọc điều răn thứ bốn như sau: Honora patrem tuum et matrem tuam: hãy tôn trọng (hay tôn kính) cha mẹ ngươi (Sách Xuất Hành 20:12). Mà honor là một chữ dịch chữ kabed của Do Thái. Từ chữ Kabed này, người Do Thái có chữ Kabod để chỉ sức nặng lớn hay số lượng nhiều như trong Sách Nakhum 2:10: “Đó là một kho tàng vô tận, một đống của gồm toàn đồ qúy”. Chính chữ Kabed, dùng như tĩnh từ, có nghĩa là nặng như trong sách Xuất Hành 17:12: “nhưng vì tay Môsen rũ nặng, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn Aarôn và Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên”.

Nói “vòng vo tam quốc” như trên, chỉ để làm nổi bật ý niệm “tôn trọng”, “coi nặng” hàm chứa trong giới răn thứ bốn. Vì chữ “trọng” trong chữ kính của Việt Hán có nghĩa là coi nặng, không xem nhẹ cha mẹ. Đông Tây quả gặp nhau trong bổn phận con cái đối với cha mẹ vậy.

Biết ơn, vâng lời

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (SGLCGHCG), công bố năm 1992, còn đi xa hơn bằng cách tiếp nhận ý niệm biết ơn trong chữ thảo, khi nhấn mạnh: lòng thảo kính phát xuất từ lòng biết ơn đối với các đấng đã ban sự sống và dùng tình yêu thương và công khó nhọc để sinh thành và nuôi dưỡng con cái cho khôn lớn về thể xác, về sự khôn ngoan và về ân sủng. Về điều này, Sách Huấn Ca dạy: “Ngươi hãy hết lòng tôn vinh cha ngươi và đừng quên những đau khổ của mẹ ngươi. Ngươi hãy nhớ rằng các ngài đã sinh ra ngươi: làm sao ngươi trả lại được cho các ngài những gì các ngài đã làm cho ngươi” (Hc 7:27-28) (SGLCGHCG, số 2215).

Lòng biết ơn trên trước nhất được bầy tỏ qua sự thuần phục và vâng lời chân thành. Sách Châm Ngôn dạy rằng: “Hỡi con, hãy giữ lời răn của cha con, và đừng bỏ qua giáo huấn của mẹ con (…). Trong đường đi lối bước, các lời đó sẽ hướng dẫn con: chúng gìn giữ con trong giấc ngủ, và khi con thức, chúng sẽ nói với con” (Châm ngôn 6:20-22). Và một câu khác: “người con ngoan thì mến lời cha quở mắng, đứa ngạo nghễ thì không nghe lời khiển trách” (Cn 13:1).

Về đức vâng lời này, thì bao lâu còn sống với cha mẹ, con cái phải vâng theo. Thánh Phaolô, trong thư Côlôxê, đoạn 3 câu 20 dạy rằng: “Hỡi các người con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa”. Tuy nhiên, ở số 2216, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: nếu con cái chắc chắn trong lương tâm rằng điều cha mẹ truyền thực sự là điều xấu, thì chúng đừng vâng theo. Đàng khác, khi đã thoát quyền cha mẹ, con cái không buộc vâng lời nữa, nhưng vẫn buộc phải tôn kính cha mẹ mãi mãi. Chính vì thế điều răn thứ bốn, theo nguồn gốc, nhấn mạnh tới khía cạnh này, khía cạnh tôn kính, vì luật Sinai là luật ban bố cho những người đã trưởng thành.

Giúp đỡ vật chất và tinh thần

Điều răn này cũng nhắc con cái đã trưởng thành, khi có thể, phải giúp đỡ cha mẹ về vật chất và tinh thần. Sách Huấn Ca (3:12) nói rất rõ: “Hỡi người làm con, hãy tới giúp cha ngươi trong tuổi già của ngài, và đừng làm ngài buồn rầu trong cuộc sống”. Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa bằng cách làm nổi bật nhiệm vụ con cái phải giúp đỡ cha mẹ già yếu và túng cực. Trong Mátthêu 15:3-7, Người công khai lên án Biệt Phái và các nhà thông luật đã lấy “những của có thể đem giúp đỡ cha mẹ mà cúng cho Thiên Chúa”.

Lòng tôn kính cha mẹ càng cần khi các ngài suy yếu. Sách Huấn Ca nói tiếp (3:13, 16): “Cho dù tâm trí cha con suy yếu, ngươi hãy tỏ ra khoan dung, và đừng khinh dể ngài khi ngươi đang đầy sức mạnh (…). Kẻ nào đầy ải cha mình thì nó là kẻ phạm thánh, kẻ nào ngược đãi mẹ mình thì sẽ là kẻ bị Chúa nguyền rủa”.

Câu vừa trích quả đã mang lại cho cha mẹ một hào quang gần như thần thánh, vì các ngài đúng là cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, nuôi dưỡng, giáo dục ta thành người và mở đường cho ta vào nước Thiên Chúa.

Thờ cha kính mẹ

Nhưng người Công Giáo có thờ cha mẹ không? Xin thưa là có. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ luôn luôn dùng thuật ngữ “thờ cha kính mẹ” để dịch động từ “honorare” của tiếng Latinh hay “Kabed” của tiếng Do Thái. Lối dịch này tuy nghe lạ tai, vì xưa nay ta thường chỉ dành việc thờ cho một mình Thiên Chúa mà thôi, nhưng không hẳn sai, nếu hiểu chữ thờ theo quan niệm Việt Nam. Thực vậy, Từ Điển Tiếng Việt của Minh Tân, Thanh Nghị và Xuân Lãm có hai định nghĩa về chữ thờ: định nghĩa thứ nhất là tỏ lòng tôn kính thần thánh, vật thiêng hoặc linh hồn người chết bằng hình thức lễ nghi, cúng bái theo phong tục hoặc tín ngưỡng, như thờ tổ tiên, thờ Phật, thờ thần, bàn thờ, đền thờ. Định nghĩa thứ hai là tôn kính và coi là thiêng liêng. Ta không xét đến nghĩa thứ nhất, chỉ xét đến nghĩa thứ hai. Ở đây, có người cho rằng tôn kính cha mẹ thì được chứ coi cha mẹ là thiêng liêng đâu đúng. Cho nên khó có thể nói đến việc thờ cha mẹ. Tuy nhiên, như câu trên đã chứng tỏ, Chúa bảo: kẻ nào đầy ải cha mẹ chính là kẻ phạm thánh. Tình phụ tử có tính thiêng liêng là vì vậy vì quả tình nó phát xuất từ chính tình phụ tử của Thiên Chúa, như thư Êphêsô đã quả quyết qua bản dịch của Cha An Sơn Vị: “Bởi vậy tôi quì gối trước Thánh Nhan Cha là nguồn mọi tước cha trên trời dưới đất” (3:14).

Nói tóm lại, thảo kính cha mẹ bao hàm lòng biết ơn và tôn trọng cha mẹ mãi mãi, cụ thể hóa qua việc thuần phục và vâng lời khi còn nhỏ, giúp đỡ vật chất và tinh thần khi đã trưởng thành. Lòng biết ơn và tôn kính ấy không hẳn chỉ dựa vào các yếu tố nhân sinh mà còn hàm chứa cả khía cạnh thần thánh vì các ngài vốn là những cánh tay vươn dài của chính Thiên Chúa.

Đạo hiếu của Đức Khổng

Những điều trên có ăn uống gì tới đạo hiếu không? Theo nguyên ngữ, chữ hiếu gồm chữ lão ở trên và chữ tử ở dưới, cụ thể được hiểu là mối tương quan giữa con cái và các bậc trưởng thượng mà người đại biểu cụ thể nhất và gần gũi nhất chính là cha mẹ. Theo học giả Đào Duy Anh, hiếu có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất: là hết lòng thờ cha mẹ; nghĩa thứ hai là có tang cha mẹ. Nói chung, hiếu chỉ bổn phận con cái đối với cha mẹ lúc các ngài còn sống cũng như lúc các ngài đã qua đời. Cụ Giuse Nguyễn Huy Lai, người giáo dân công giáo Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ thần học năm 1979 tại Đại Học Công Giáo Paris lúc 71 tuổi, trong cuốn “Truyền thống tôn giáo tâm linh xã hội ở Việt Nam”, cho rằng cốt lõi đạo hiếu là huấn giới của Đức Khổng Tử: Con cái phải yêu mến và tôn kính cha mẹ khi các ngài còn sống và khi các ngài đã qua đời. Bao lâu cha mẹ còn sống, con cái phải kính trọng và làm cho các ngài được hãnh diện. Sau khi cha mẹ chết, con cái phải sốt sắng tưởng nhớ và thờ kính các ngài.

Hai khía cạnh ấy được Đức Khổng Tử nhấn mạnh nhiều hơn là việc nuôi nấng, bảo dưỡng cha mẹ. Khi Tử Do hỏi Ngài: "Đức hiếu thảo là gì?", Ngài trả lời: "Đời nay hễ thấy ai nuôi được cha mẹ, thì người ta khen là người có hiếu. Nhưng những thú như chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác chi nuôi thú vật đâu?". Điều làm cho cha mẹ vui mừng và hạnh phúc khi còn sống, chính là những đứa con biết lắng nghe, vâng lời và không cãi lời cha mẹ, không làm cha mẹ lo buồn điều chi. Khi Mạnh Tử hỏi Ngài "Hiếu thảo là gì?", Ngài trả lời: "Làm con chớ nên trái ngược". Sau đó Phàn Trì hỏi ngài rằng: "Như vậy nghĩa là gì?", Đức Khổng Tử nói với Phàn Trì: "Mạnh Tôn có hỏi ta về đạo hiếu, ta đáp rằng: "Làm con chớ nên trái ngược". Nhưng lòng kính trọng cha mẹ đôi lúc cũng cho phép ta lên tiếng can gián các ngài, tuy nhiên, phải can gián cách cung kính. Đức Khổng Tử nói: "Làm con thờ cha mẹ, như thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên can gián một cách dịu ngọt. Như thấy ý tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Như cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ, chớ có đem dạ oán hờn". Đức hiếu thảo tồn tại mãi hết thế hệ này qua thế hệ khác. Con cái phải tiếp tục tôn kính cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như khi các ngài khuất bóng. Bổn phận chính yếu để tỏ lòng biết ơn cha mẹ là chịu tang, thường là ba năm, hay có phong tục rút lại 27 tháng. Ông Tể Ngã hỏi Đức Khổng Tử về thời gian chịu tang cha mẹ mà theo ông chỉ một năm là đủ. Đức Khổng Tử trả lời: "Trong khi chưa mãn tang ba năm mà ăn cơm gạo thơm, mặc áo gấm, thì ngươi có an lòng chăng?" - "An lòng" - "Nếu an lòng thì ngươi cứ làm đi. Này, người quân Tử cư tang, dẫu ăn thức ngọt cũng chẳng biết mùi vị, dẫu nghe âm nhạc cũng chẳng thấy vui, và người chẳng hề an lòng nơi chỗ mình ở. Cho nên chẳng làm theo lối của ngươi. Nay ngươi an lòng mà làm thì cứ làm đi". Ông Tể Ngã lui ra, Đức Khổng than phiền với chư đệ rằng: "Trò Dư (Tể Ngã) là người bất nhân. Người ta sinh ra, ngoài ba năm, cha mẹ mới hết ẵm bồng. Vậy muốn tỏ lòng biết ơn, cái tang ba năm là tang thông thường của kẻ làm con.". Tất nhiên, tang chế chỉ là dấu bề ngoài để tỏ lòng hiếu kính bên trong. Điều ấy được Đức Khổng Tử nhấn mạnh. Ngài nói: "… hành lễ mà chẳng tỏ vẻ cung kính, đương cơn tang chế mà chẳng đau thương, người như vậy, mắt ta há nhìn họ sao?".

Đạo hiếu của người bình dân

Còn người bình dân Việt Nam thì sao, họ hiểu và diễn giải lời dạy của Khổng Phu Tử như thế nào? Họ hiểu nó một cách hết sức thâm trầm và bình dị. Ơn nghĩa cao nặng của Cha Mẹ được họ ví

* với Thái Sơn

“Công cha như núi thái sơn,

nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra”

* với trời

“ơn cha nặng lắm cha ơi,

nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”,

* hơn vàng hơn bạc

“bạc bẩy đâu sánh vàng mười,

mồ côi đâu sánh cùng người có cha”,

* như tía như son,

“còn cha gót đỏ như son, đến khi cha chết gót con đen sì”.

Công ơn ấy suốt đời họ không bao giờ quên:

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,

miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương”;

“thương thay chín chữ cù lao,

tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình”;

“gió mùa thu mẹ ru con ngủ,

năm canh chầy thức đủ về năm”.

Cha mẹ với con

“nâng như nâng trứng hấng như hấng hoa”

Không phải chỉ có phần xác, mà cả phần hồn nữa

“mẹ nuôi con bấy lâu rồi,

nuôi con khôn lớn thành người mới nghe”.

Thành thử bổn phận của con là phải

“một lòng thờ mẹ kính cha,

cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, cụ thể hóa

* bằng đức vâng lời

“Mẹ cha là biển là trời,

nói sao hay vậy đâu dám cãi lời mẹ cha” hay:

“Nửa đêm ra đứng giữa trời,

cầm tờ giấy bạch chờ lời mẹ răn”;

* bằng cầu trời khấn phật cho các ngài trường thọ

“mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,

cầu cho cha mẹ sống đời với con”;

* bằng dành cho các ngài những món ngon vật qúy:

“ba tiền một khứa cá buôi,

cũng mua cho được mà nuôi mẹ già”;

“tôm càng lột vỏ bỏ đuôi, giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”.

Lòng hiếu thảo ấy đẩy họ tới chỗ đặt cha mẹ lên trên cả việc tu chùa:

“Vô chùa thấy Phật muốn tu, về nhà thấy mẹ công phu chưa đành” hay

“tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”.

Không những thế, việc hôn nhân cũng được họ xem nhẹ so với lòng hiếu:

“con cá đối nằm trong cối đá,

con chim đa đa đậu nhánh đa đa,

anh bảo em lấy chồng gần, đừng lấy chồng xa,

mai sau cha yếu mẹ già,

chén cơm đôi đũa kỷ trà ai dưng?”

* đến độ đi quá trớn:

“bình phong cẩn ốc xà cừ, vợ hư để vợ, đừng từ mẹ cha”!

Tương đồng và hiểu lầm

Như thế, xét về nội dung, lòng thảo kính đối với cha mẹ của người Công Giáo hoàn toàn giống như đạo hiếu của người Việt Nam. Rất tiếc, trong thực hành, vì những thành kiến của giai cấp vua chúa, quan lại ngày xưa cũng như sự thiển cận của một số giáo sĩ Công Giáo buổi đầu, nhiều người vẫn cho Đạo Công Giáo coi thường chữ hiếu. Trong lệnh cấm đạo của Nguyễn Nhạc năm 1785, ta thấy có câu: “Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu Châu…Đó là một giáo phái không có tôn kính cha mẹ…đạo này đáng chê cười và nguy hại”. Trong chỉ dụ cấm đạo năm 1833, Minh Mạng viết: “Đạo Datô…không thờ cúng ông bà, thiệt là quân vô đạo...”. Chiếu chỉ cấm đạo năm 1848 của Tự Đức cũng thế: “Đạo Datô…không còn phụng thờ tổ tiên…”. Chiếu chỉ năm 1851: “Đạo Datô là đạo của Tây. Đạo này cấm thờ cúng tổ tiên..”. Hịch “Bình tây sát tả” của Văn Thân năm 1874: “các chủ thuyết của chúng dạy rằng: không có cha cũng không có vua trên đời này”…Nguyễn đình Chiểu thì mỉa mai: «Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn có mắt ông cha không thờ».

Phản ứng quyết liệt ấy kèm theo những bách hại rùng rợn chẳng qua chỉ dựa vào những thực hành bên ngoài để tỏ lòng hiếu kính mà vì không hiểu rõ nên Tòa Thánh qua hai đức giáo hoàng Clêmentê XI với tông huấn “Ex illa die” năm 1704 và đức Bênêđíctô XIV với tông huấn “Ex quo singulari” năm 1742 đã nghiêm cấm.

Vatican II và thần học “tam phụ”

Phải đợi đến năm 1939, với huấn thị “Plane Compertum est”, hai bên mới thực sự hiểu nhau không những trong nội dung mà cả trong hình thức biểu lộ lòng thảo kính cha mẹ nữa. Đặc biệt là năm 1974, Ủy Ban Giám Mục về Truyền bá Phúc Âm, gồm 6 vị Giám Mục, họp tại Nha Trang, đã ban hành Thông cáo gồm 6 điểm cho phép lập Bàn thờ Gia Tiên; được đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ Gia Tiên, và bái lạy trước bàn thờ, gương thờ Tổ Tiên; trong Ngày Cúng giỗ và ngày Kỵ nhật được cúng giỗ trong gia đình, theo phong tục địa phương; Trong Hôn lễ, dâu rể được làm Lễ Tổ, Lễ Gia tiên trước bàn thờ, gương thờ Tổ tiên; Trong Tang Lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, cho đốt nến, sông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố; Được tham dự nghi lễ tôn kính Vị Thành Hoàng, quen gọi là Phúc thần tại Đình làng, để tỏ lòng cung kính những vị, mà theo lịch sử, đã có công với Dân tộc, hoặc là những ân nhân của dân làng.

Như vậy, quyết định của Thánh bộ Truyền giáo năm 1939, và của Hội Đồng GMVN năm 1965 và 1974 đều rất phù hợp với tinh thần Hội nhập Văn hóa của Công Đồng Vaticanô II: "Phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo… Phải kính cẩn khám phá ra những hạt giống Lời Chúa tiềm ẩn của họ… Phải có kiến thức về các Dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo… Phải hết sức mến chuộng di sản phong tục của các dân tộc đó" (SLTG 11, 26).

Nhưng trên hết, Giáo Hội luôn tìm cách rửa tội, thanh tẩy, làm cho tinh tuyền và thăng hoa đạo hiếu của người Việt Nam. Ở đây, ta rất biết ơn các giáo sĩ tiền phong như Alexandre de Rhodes, người có công đưa ra nền thần học “tam phụ”: tức việc chúng ta có đến ba người cha: Thượng phụ là cha ở trên tức Ông Trời, hay Thiên Chúa. Trung phụ là Cha ở giữa, về phần đời là đất nước mà ngày xưa là vua nay là quốc gia, về phần đạo chính là Giáo Hội, người đã được Đức Gioan XXIII gọi là mẹ và thầy, và hạ phụ là cha ở dưới, tức cha mẹ sinh ra ta ở dưới đất. Tất cả đều là cha là mẹ của chúng ta, tất cả đều đáng ta biết ơn và tôn trọng vì tất cả đều đảm nhiệm bốn chức năng quan yếu «sinh, thành, dưỡng, dục» chúng ta. Lòng hiếu kính của người Việt Nam xưa nay chỉ nhấn mạnh tới trung và hạ phụ qua chữ hiếu và chữ trung, mà ít đề cập đến thượng phụ vốn được họ “kính nhi viễn chi”. Như thế, với quan niệm Chúa là Cha, không những với nghĩa thiêng liêng mà còn cả với nghĩa hiện sinh, nghĩa hữu thể nữa, Đạo Công Giáo quả là một đóng góp vô cùng qúy giá cho gia tài hiếu kính của Mẹ Việt Nam vậy.
 
Tử đạo thời nay
LM Anthony Đào quang Chính, O.P.
23:28 21/11/2008
Tử đạo thời nay

Chúa là ưu tiên một.

Tử đạo là các thánh đã đặt và chọn Chúa Giêsu là ưu tiên nhất. Do đó, khi phải chọn giữa của cải, danh vọng và ngay cả mạng sống, các ngài đã chọn Chúa.

Sự lựa chọn này phản ảnh một tình yêu và một niềm phó thác trọn vẹn vào Chúa.

Tử đạo theo tiến trình xưa -và để Giáo hội tuyên dương hiển thánh hoặc chân phước (mà thường gọi là phong thánh)- không phải là kết quả của một biến cố nhưng là một tiến trình. Tiến trình có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm.

Do đó, nhiều người sau thời gian đổi đời -và ngay bây giờ- ước ao rằng giá mà bỗng dưng quân cấm đạo, hoặc kẻ thù, bước chân vào nhà thờ, bắt mình đứng trước bàn thờ rồi hỏi: "Có bỏ đạo không? Nếu không sẽ bị bắn. Mình nhất định tuyên xưng đạo, nó bắn. Mình nên thánh." Sau đó mình làm thánh. Nếu như vậy, có thể được gọi là tử vì đạo thôi, chứ không chắc được "phong thánh" đâu.

Dằn vặt của lương tâm

Trong tiến trình tử đạo, các thánh nhân cha ông của chúng ta có đau khổ không? Có. Như Chúa chịu đau khổ trong tiến trình cứu chuộc. Nhưng trong đau khổ, các ngài tìm thấy và nhận được an bình.

Những dằn vặt này không chỉ là sự lựa chọn giữa thiện và ác, chân lý và sai lầm, nhưng còn là dằn vặt giữa hai điều thiện hảo. Nhiều lần, gia đình, nhất là vợ dại con thơ - cả nhà chỉ trông vào sự hướng dẫn và nuôi nấng của các ngài- đến tìm gặp cha, gặp chồng, xin các ngài thương gia đình, nhất là thương đàn con còn nhỏ dại, xin các ngài "tạm" làm ra bộ bỏ đạo; nhưng các ngài vẫn không thể lừa dối lương tâm. Đã có lần -nhiều lần- các ngài chối đạo về với gia đình, rồi lại tuyên xưng, rồi lại chối đạo, rồi lại tuyên xưng.

Dằn vặt lương tâm quả là không dễ dàng.

Phải chăng thực sự Thiên Chúa cần đến sự tuyên xưng của các ngài? Phải chăng Thiên Chúa muốn và cần con cái mình chết? Tệ hơn nữa, trong nhiều trường hợp, các ngài bị đồng hoá với quân phản loạn, với người bội bạc cùng tổ tiên, cùng truyền thống cha ông. Theo Kitô giáo là từ bỏ dòng tộc, từ bỏ Đạo Hiếu.

Lựa chọn của lương tâm quả thực khó khăn.

Nhưng các ngài đã chấp nhận Thiên Chúa là ưu tiên một và duy nhất. Các ngài đã vâng theo lời dậy dỗ của thánh kinh "Ai công khai tuyên tín rằng họ thuộc về Ta, Ta sẽ cũng làm như vậy trước mặt Cha Ta trên Trời. Nhưng ai chối bỏ Ta, Ta sẽ chối bỏ trước mặt Cha Ta trên Trời." (Mt. 10: 32-33)

Các ngài có ham sống không? Có. Nhưng khi ham sống, vẫn nhớ đến Chúa và đời sau. Chúng ta gọi là phó thác.

Các ngài có sợ không? Có. Nhưng trong cái sợ vẫn có niềm tin. Chính Chúa trong vườn cây dầu, trước giờ tử nạn, đã than thở: "Linh hồn Thầy lo buồn đến nỗi chết" (Mt 26: 38). Cho nên, nếu cảm nhận đau khổ, sợ hãi, thấy mất mát mà chấp nhận tử đạo, mới thực là hy sinh.

Chính trong an bình, phó thác và tin tưởng mà các ngài bằng lòng chịu tử đạo.

Sự chấp nhận tử đạo của các ngài phát xuất tự tâm với lòng thành thật. Các ngài không sống đạo tại tâm, nhưng sống đạo từ tâm với các tuyên xưng minh nhiên. Nhiều người khuyên các ngài giả vờ bước chân qua vòng tròn nhưng nói là thập giá, hoặc nhắm mắt như "vô tình" bước qua thập giá, hoặc đồng ý để quan nói là đã bước qua thập giá, nhưng thực tế thì không. Các ngài đã không bao giờ chấp nhận.

Đôi khi có người thắc mắc. Đời sống các ngài có bị cám dỗ không?

Có bị cám dỗ không?

Nghe đọc tiểu sử, hình như các ngài không bị, hoặc ít bị cám dỗ. Hình như các ngài luôn chăm chú đọc kinh cầu nguyện. Mà nếu thường xuyên đọc kinh cầu nguyện thì sẽ ít bị cám dỗ. Thánh trẻ Trần văn Thiện, dù còn nhỏ sắp vào tiểu chủng viện, đã có lòng đạo đức đặc biệt. Cậu siêng năng đi lễ và giúp việc nhà thờ. Được quan khuyến dụ cho ăn học thành tài làm quan, cậu vẫn từ chối. Lịch sử kể lại cha Dũng Lạc luôn ăn chay các ngày thứ tư và thứ sáu (còn chúng ta ăn chay một năm có 2 ngày đã thấy khó). Khi bị bắt, bổn đạo thương Ngài và xin đóng góp để giúp ngài thoát cảnh tù tội. Họ lý luận "nếu cha còn sống, thì sẽ giúp ích chúng con hơn. Ngài nói:

- Đây là lần thứ 3 tôi bị bắt, đúng là ý Chúa. Đừng mất tiền chuộc tôi làm gì.

Ngay quan huyện cũng khâm phục sự thông minh và can đảm của ngài, muốn cứu, nên nói

- Thầy còn trẻ, sao chịu chết? Hãy nhắm mắt bước qua thánh giá hoặc để lính của ta khiêng qua thánh giá, ta sẽ tha cho.

Ngài cám ơn lòng tốt của quan nhưng không đồng ý.

Còn thánh Lê văn Phụng là gương mẫu sáng ngời của gia trưởng một gia đình đạo hạnh với 9 người con. Gia đình giầu có, ngài không những xây nhà thờ cho họ đạo, nhà dòng cho các Sơ mà còn không quản ngại chính mình làm các việc lành bác ái. Ngài nổi tiếng khắp lành không chỉ vì đời sống đạo đức mà nhất là vì thực thi lòng từ thiện. Mười bốn mối phúc thật là kim chỉ nam đời sống. Là ông trùm họ, ngài khuyến khích giáo hữu vững lòng tin vào đạo Chúa và khuyên nhủ mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Khi sắp bị tử hình, ngài cho người cháu gái thánh giá đang đeo và dặn dò:

"Ong cho cháu thánh giá này, còn quý hơn vàng bạc. Cháu hãy luôn đeo trên cổ và nhớ đến Chúa."

Trên thực tế, là người, các ngài cũng chịu và cũng có những cám dỗ như chúng ta. Thánh Huy, khi làm lính, thường xuyên xa nhà, đã có vợ hai. Quan tỉnh và lính tráng chế diễu:

"Người ta đạo đức, tốt lành cho nên mới muốn tử vì đạo, còn nhà ngươi thuộc vào loại 'vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả', vậy mà muốn tử đạo à?"

Ngài thẳng thắn trả lời:

"Tôi sai lỗi và tôi hối lỗi. Chúa tha tôi và Chúa thương tôi."

Nhiều vị sống tinh thần hài hước tế nhị. Khi con gái đến thăm và thương mẹ vì những vết máu, mủ, bầm đọng trên áo, Thánh Anê Lê thị Thành trả lời với nụ cười:

"Trông thấy giống hoa hồng không con? Đó là hoa hồng của Chúa đấy con ạ."

Vị thánh khác, khi biết tính quan huyện thích ăn hối lộ, và khi ngài không đủ tiền đưa cho quan thì quan nặng tay, ra lệnh cho lính đánh phạt, và chỉ đánh một bên mông, như vậy sẽ đau đớn hơn, đã nói với quan:

"Lạ nhỉ, làm quan mà không công bằng. Có hai mông mà không chịu đối xử cho công bằng, nhất bên trọng nhất bên khinh. Đánh có một mông, còn mông kia để làm gì?"

Lính ôm miệng cười, còn quan thì tím mặt xấu hổ.

Tử đạo thời nay

Ngày nay cơ hội tử đạo không còn như xưa. Đương nhiên, cám dỗ và tử đạo mỗi thời một khác. Đau khổ vì thế cũng khác nhau. Ngày nay, để tử đạo qua cái chết không còn phổ thông lắm. Kẻ thù của Chúa và của Giáo hội biết nhiều cách tàn phá đạo Chúa và con cái Chúa cách tinh vi hơn. Tử Đạo không chỉ còn là sự lựa chọn giữa có và không, giữa sống và chết, nhưng là một cuộc tranh đấu kiên trì giữa tự do thật và phóng túng, thiện hảo thật và thiện hảo giả, quyền thực sự đương nhiên phải có và độc tài. Tử đạo thời nay không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo, trong nhà thờ. Tử đạo thời nay là cuộc tranh đấu giữa chính và tà, giữa Thiên Chúa và ma quỷ.

Tự do thật và phóng túng.

Giáo hội Công giáo và nhiều giáo hội Kitô giáo khác trong vài thập kỷ vừa qua phải đương đầu với nhiều phong trào nghe như dân chủ và có lý, nhưng ngược với quyền tự nhiên và quyền thiêng liêng của con người. Định nghĩa về tự do phá thai, về đồng tính luyến ái thành hôn và những thí dụ biểu tượng. Khoa học gia nào, bác sĩ nào với lương tâm chân chính của mình dám khẳng quyết rằng đúng 24 tuần thì thai nhi là người. Thế còn nếu một ngày, một giờ trước đó thì sao? Thai nhi chưa là người? Vậy dựa trên quyền gì để nói rằng phá thai trước 24 tuần là vô tội?

Tại một vài tiểu bang, nếu trẻ em dưới 14 tuổi đi xỏ lỗ tai, cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người chịu trách nhiệm, nhưng nếu đi phá thai thì không cần xin phép. Ý kiến của đám đông chưa hẳn là ý kiến đúng nếu không dựa trên luật tự nhiên và thần luật chân chính.

Thiện hảo thật và thiện hảo giả

Phải chăng mọi thứ đa số con người muốn đều là thiện hảo? Phải chăng đa số đồng ý thì sẽ trở nên thiện hảo? Phải chăng bất cứ phương tiện nào cũng là đúng nếu đạt được mục đích tốt? Phải chăng cần và nên hy sinh quyền cá nhân để đạt đến thành tựu lớn lao cho dân tộc? Các chính phủ thời Đức quốc xã và cộng sản ủng hộ phương pháp biện minh cho phương tiện. Chế độ tư bản cũng mặc nhiên cho rằng kiếm nhiều tiền là trên hết. Cách nào có tiền cũng đều có giá trị và người nào kiếm ra nhiều tiền là kiểu mẫu! Do đó, không ai lạ khi các triệu phú nhờ bài bạc, nhờ đánh "boxing", nhờ đóng phim -dù bất cứ loại phim gì-, nhờ chơi thể thao đều trở thành "heroes" cho tuổi trẻ!!! Lợi nhuận do phim ảnh xấu, do cờ bạc và do bán các vũ khí giết người tính theo tiền tỷ tỷ!!! Còn lương công chức của một người cần mẫn thì không đủ sống. Đâu là thiện hảo thật, đâu là thiện hảo giả?

Nhân quyền và độc tài

Quyền phải có đương nhiên khác với quyền xin-cho và càng khác với độc tài. Các nhà cầm quyền độc tài -dù là tư bản hay cộng sản- đều rất thâm độc khi điều hành. Thay vì đàn áp dân lành, biểu lộ rõ sự độc tài, họ dùng nhóm mang quyền lợi chống lại nhóm bị trị kia. Họ bảo vệ nhóm người của họ và nhóm người mang lợi ích cho họ. Dân bị trị, thỉnh thoảng được hưởng một chút quyền lợi lẽ ra đương nhiên phải có, cảm thấy hài lòng. Theo thời gian, họ trở thành nhu nhược và rồi khó chịu ngay cả với các người mà lẽ ra họ phải mang ơn và kính phục.

Hiến pháp nhiều quốc gia được tô vàng chuốt lục, rất đẹp và tuyệt hảo trên lý thuyết, nhưng khi áp dụng thì hoàn toàn khác với điều mà người có tâm lý bình thường mong đợi. Cũng có khi, nhóm lãnh tụ cởi mở một vài lãnh vực, rồi khép chặt các khía cạnh khác liên quan đến tôn giáo, tinh thần và tín ngưỡng. Người bảo vệ luân lý, tôn giáo trở thành kẻ bơi ngược dòng, trở thành người tử đạo thiếu người ủng hộ. Họ bị khép tội phỉ báng chế độ và bị khép bệnh tâm thần, mất bình thường. Nhiều trường hợp, họ thiếu sự nâng đỡ ngay từ những người thân cận nhất. Có rất nhiều người tử đạo cô đơn thời nay.

Gần đây, Giáo hội tuyên dương cha Kolbe, nạn nhân Đức quốc xã, lên bậc hiển thánh, tử đạo, không phải vì ngài trực tiếp chết nhân danh Chúa Giêsu. Ngài chết vì bác ái, vì Chúa Giêsu, khi đồng ý chịu tử hình thay cho một tội nhân khác, mà hoàn cảnh gia đình thực đáng thương. Cách đó 2000 năm, một vị tử đạo nổi tiếng chết vì công lý. Đó là thánh Gioan Bautixita.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đến quỳ trước mộ giám mục Romero và nói "Tôi đến thăm một đấng tử đạo." Đức cha Romero chết vì bênh vực người nghèo, chống lại chế độ độc tài.

Con cháu các thánh tử đạo Việt Nam và tử đạo mới.

Đôi khi chúng ta hiểu lầm rằng chỉ qua cái chết trực tiếp vì Chúa mới là tử đạo. Chúa Giêsu, trong 8 mối phúc thật, đã đưa ra tiêu chuẩn không chỉ sống đạo để nên thánh, mà còn là thánh tử đạo.

"Phúc thay ai tâm hồn nghèo khó, vì nước Trời là của họ."

"Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước Trời là của họ."

"Phúc cho anh em khi Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt 5: 1; 10-12).

Hãy nhìn chung quanh. Hãy vui mừng khi thấy chúng ta không thiếu những vị tử đạo thời mới đang chịu bách hại vì công chính, vì người nghèo, vì người bị áp bức, vì tự do phải có, vì bảo vệ nhân quyền, vì bảo vệ thiện hảo đích thực, vì sống bác ái, vì sống lời dậy dỗ của Chúa trong thánh kinh. Tử đạo thời nay là tiến trình tranh đấu cả đời, là sự lựa chọn giữa chính và tà.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng cám ơn các tu sĩ chiêm niệm
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:15 21/11/2008
VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kêu mời các tín hữu nâng đở những cộng đồng tu sĩ nam và nữ, nhữing người chỉ hiến mình cầu nguyện

Đức Giáo Hoàng phát động lời kêu mời này sau khi đọc Kinh truyền Tin trưa trong Quảng Trường Thánh Phêro. Ngài ghi chú rằng ngày 21/11, lễ Đức Mẹ dâng Mình trong đền thờ, cũng là ngày cầu cho “pro orantibus,”, tức là, ”cho những kẻ cầu nguyện,” cách riêng nhũng cộng đồng tu sĩ nội cấm.

“Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì những nữ tu và những sự huynh đã chấp nhận sứ vụ này, hiến mình hoàn toàn cho sự cầu nguyện và hưởng thụ những gì Chúa Quan Phòng ban cho họ,” Đức Thánh Cha nói. “Chúng ta cũng cầu nguyện cho họ và cho những ơn gọi mới và chúng ta hãy dấn thân nâng dở các đan viện trong những nhu cầu vật chất của họ.

Sau đó Đức Giáo Hoàng ngõ lời với những người nam và người nữ chiêm niệm để nói với họ rằng “sự hiện diện của họ trong Giáo Hội và trong thế giới là cần thiết.”

Đức Giáo Hoàng kết thúc “Chúng tôi ở với anh chị em, và chúng tôi chúc lành anh chị em với lòng yêu mến rất nhiều!”
 
Đức Giáo Hoàng thuyết phục phải thực hành điều anh em giảng dạy.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:21 21/11/2008
Đức Thánh Cha nói Giáo Dân cần gắn bó khi làm chính trị

VATICAN (zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói người giáo dân được kêu mời chứng tỏ sự hiệp nhất phải hiện hữu giữa đức tin và sự sống, và ngài thuyết phục những chính trị gia Kitô hữu phải gắn bó với đức tin họ tuyên xưng.

Đức Giáo Hoàng nói điều này ngày thứ Bảy 16/11 khi ngài tiếp kiến những kẻ tham gia trong khóa hợp khoáng đại 23 của Hội Đồng Giáo Hoàng Giáo Dân đã bắt đầu vào hôm thứ Năm13/11. Cuộc hợp có mục đích học hỏi tông huấn tông đồ “Christifideles Laici” của Đức Gioan Phaolo II, được phổ biến cách đây 20 năm.

Như những thách đố cho tương lai, Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhu cầu của sự đào tạo lớn hơn và tốt hơn, cách riêng cho giới trẻ, cũng như “sự gắn bó lớn hơn với sự sống,”

“Mọi lãnh vực, hoàn cảnh và sinh hoạt trong đó có hy vọng cho sự hiệp nhất giữa đức tin và sự sống có thể sáng chói, được giao phó cho trách nhiệm của người tín hữu giáo dân, được thúc đẩy bởi một ý muốn truyên thông ân huệ gặp gỡ Chúa Kitô và sự chắc chắn của phẩm giá con người,” ngài nói.

Đức Thánh Cha khẳng định hơn nữa rằng có một nhu cầu khẩn cấp cho việc “đào tạo tin mừng và sự nâng đỡ mục vụ cho một thế hệ mới của các người Công Giáo dấn thân trong khoa chính trị.”

Những chính trị gia Kitô hữu phải “gắn bó với đức tin họ tuyên xưng, có tính nghiêm khắc luân lý, có khả năng phán đoán liên hệ văn hoá, có khả năng nghề nghiệp và sự ham mộ phục vụ công ích,” ngài khẳng định.

Các người nữ

Đức Gám Mục thành Rome cũng lưu ý tới vai trò đặc biệt của những người nữ trong đời sống giáo hội và xã hội.

“Không bao giờ nói cho đủ về việc Giáo Hội thừa nhận, tán thưởng và đánh giá sự tham gia của những người nữ trong sứ vụ của họ phục vụ việc phổ biến Tin Mừng”.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khuyến khích các người nữ Kitô hữu phải có “can đảm xử trí những nghĩa vụ đòi hỏi,” dầu ngài biết rằng khi làm như vậy, họ cần có “sự nhạy cảm đăc biệt trong việc phân định những trào lưu văn hoá thời đại chúng ta, và có sự thích thú cách riêng trong việc lo cho tất cả những gì là nhân bản, đó là đặc điểm của [những người nữ].”

Sau cùng, Đức giáo Hoàng đã nhắc tới tầm quan trọng trong bằng chứng của giới trẻ và sự đào tạo và sự tiếp xúc với truyền thống Giáo Hội, như được tỏ bày trong những Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

“Những thế hệ mới,” ngài nói,” không những là những người lãnh nhận ưu tiên sự truyền thông và sự chia sẻ truyền thống Công giáo, nhưng cũng là những cá nhân chờ đợi trong tâm hồn của họ những đề nghị chân lý và hạnh phúc, có khả năng đưa ra bằng chứng kitô hữu về mình, như đã xảy ra trong một cách đáng phục.”
 
Đức Thánh Cha:Hòa bình đòi hỏi sự cầu nguyện và việc làm.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:25 21/11/2008
Ngài gởi lời chào tới cuộc họp tại Cyprus

VATICAN (zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhắc nhớ một nhóm lãnh đạo liên tôn giáo rằng hoà bình vừa là một ân huệ vừa là một nhiệm vụ.

Đức Giáo Hoàng nói sự này trong một sứ điệp gởi qua Quốc Vụ Khanh, Hồng Y Tarcisio Bertone, cho cuộc họp quốc tế Cầu Nguyện cho Hoà Binh.

Những cuộc hợp hằng năm này được Cộng đồng Sant’Egidio giáo dân Công Giáo bảo trợ. Biến cố năm nay được Giáo Hội Chính Thống giáo Cyprus đồng bảo trợ và kết thúc vào hôm thứ Ba.

Sứ điệp giáo hoàng nói “Cuộc họp hiện nay, do Cộng đồng Sant’Egidio và Giáo Hội Chính Thống Gíao Cyprus cổ võ, qui tụ các nhân vật từ châu Âu, châu Phi và Trung Mỹ cho ba ngày tại trung tâm Địa Trung Hải, xảy ra 22 năm sau ngày Thế Giới lịch sử Cầu nguyện cho Hoà Bình tại Assisi, do Đầy Tớ Chúa Đức Gioan Phaolo II triệu tập.”

Sứ điệp nói thêm, “Trong dịp đáng ghi nhớ này Đức Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta đã thuyết phục những người hiện diện này và thế giới nói chung sống thời điểm quí báu này gần Thánh Francis như là một thời buổi để nghe nhau, như một cơ hội để ‘dẹp tan sương mù nghi kỵ và hiểu lầm’ và xin Thiên Chúa Cha chúng ta ban cho ân huệ quí báu hoà bình.”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nói cuộc họp 2008 cũng sẽ là một “kinh nghiệm rất có tác động của sự hiệp thông.”

“Cuộc họp sẽ mở ra một cái nhìn rộng rải hơn về thực tại và làm nẩy sinh sự đối thoại giữa các anh em; hơn nữa, nó cũng biểu thị một thời buổi của sự hiểu biết thật, thật tế và hỗ tương về những khác biệt của mỗi người, cũng như về những đặc điểm và những yếu tố chúng ta chia sẻ,” sứ điệp nói tiếp. “Chỉ qua sự đối thoại và những cố gắng chân tình mới có thể hội nhập trong vũ trụ ngôn ngữ đa dạng và muôn mặt này’ trong tủ quí báu Tạo Vật, được giao phó cho trách nhiệm và lợi ích chung của mỗi người.

Hoà bình là “đồng thời một ân huệ và một nhiệm vụ,” sứ điệp khẳng định, và bảo đảm các người tham dự về những kinh nguyện của Đức Thánh Cha cho sự thành công.

Đức Giáo oàng “khich lệ hãy giữ sáng ngọn lửa hoà bình, được nuôi dưỡng bởi những cử chỉ hằng ngày thuộc tình yêu và tình bạn huynh đệ, và ngài chân tình gởi đến mỗi người một chúc lành tông toà đặc biệt”.
 
Giám mục cầu nguyện cho việc trở lại của Obama
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:31 21/11/2008
Kêu gọi những người Công Giáo hợp nhất đức tin và chính trị

FARGO, NORTH DAKOTA (Zenit.org).- Những tháng tới sẽ đòi hỏi công việc không mệt mỏi từ những người Công Giáo hầu bảo vệ quyền cơ bản sự sống, và từ những linh mục làm cho huấn gíao của Giáo Hội được biết, một vị giám mục Hoa Kỳ nói.

Giám Mục Samuel Aquila tại Fargo đã khẳng định điều này trong một cột báo viết về vấn đề Trái Đất Mới cho tháng 11, là tờ báo của giáo phận của ngài.

Ngài chúc mừng tổng thống đắc cử Barack Obama, và bảo đảm với ông về những kinh nguyện cho “việc trở lại của tâm và trí ông hầu công nhận giá trị sự sống nhân bản từ lúc mới thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên và về chân lý không chánh phủ nào có quyền hợp pháp hóa việc phá thai.”

Khi quan sát hồ sơ bàu cử của Obama và sự công khai nâng đỡ của ông về Quyền Tự Do Hành Động Lựa Chọn, vị giám mục đã khẳng định rằng tổng thống đắc cử chống đối lập trường của Giáo Hội. Ngài nói thêm: “Trên bình diện thuần chính trị, ông cũng bất đồng ý kiến với đa số người Mỹ, những kẻ ít nhất muốn có những hạn chế trong việc phá thai.

“Giáo Hội, và hầu như cách riêng các giám mục và linh mục, sẽ cần làm cho mọi người Công Giáo biết huấn giáo của Giáo Hội.”

Huấn giáo rõ rệt

Giám Mục Aquila đã viết về những thơ ngài đã nhận, bày tỏ một sự ao ước muốn có huấn giáo thẳng thừng và rõ rệt về sự phá thai. Ngài công bố, “Những người Công Giáo cần cổ võ Tin Mừng Sự Sống và hiểu biết, như Đức Giáo Hoàng Giáo Hoàng Biển Đức XVI và các vị tiền nhiệm của ngài đã nói dứt khoát và rõ ràng, là vấn đề hợp pháp hoá luân lý về sự phá thai là không thể giải quyết bằng thương lượng được. Điều đó thì sai luôn luôn và khắp nơi, và chân lý luân lý này phải được đưa vào luật trong mọi xã hội dân sự.

Ngài xử lý những sự hiểu lầm ngài đã gặp liên quan với vai trò một người Công Giáo đối mặt sự phá thai. “Sự phá thai là một sự dữ nội tại,” ngài giải thích, “điều này có nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào không được phép cũng không có thể ủng hộ việc phá thai, dầu như một phương tiện cho một mục đích tốt.”

Vị Giám Mục đã lập lại sứ điệp của những giám mục U.S. khác, về tầm quan trọng trung tâm và hàng đầu của vấn đề sự sống con người giữa nhìều vấn đề chính trị khác phải được cân nhắc trên cán cân.

Đức Tin trong chính trị

Đức Giám Mục đã đề cập sự hiểu lầm về tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước, và cách riêng hơn, về cách nào mỗi người Kitô hữu được kêu mời sống đức tin của mình trong sự sống hằng ngày và trong những quyết định chính trị. Ngài than khóc sự đẩy xa những giá trị tôn giáo và luân lý khỏi quảng trường công cộng,” khi nhận xét rằng ‘môt số người Công Giáo trong sự phân cách đức tin của mình từ những quyết định trong trật tự chính trị, bỏ Thiên Chúa và theo thuyết vô thần thế tục.”

“Tử bỏ chân lý,” ngài nói tiếp, “là trực tiếp đối nghịch với những lý tưởng chúng ta như là những Kitô hữu và với những nguyên lý xây dựng xứ sở chúng ta như đươc thấy trong Tuyên Ngôn Độc Lập thừa nhận những ‘luật của bản tính Thiên Chúa’ và ‘Đấng Sáng tạo.’”

Vị Giám Mục trích dẫn từ tổng thống tiên khởi quốc gia, George Washington: ‘Tôn giáo và luân lý là những sự nâng đỡ cần thiết của tất cả những thiên hướng và của những tập quán dẫn tới sự phồn vinh chính trị.”

Dựa trên những lý tưởng này của các tổ phụ xây dựng, cũng như những huấn giáo của Giáo Hội, Giám Mục Aquila kêu gọi những người Công giáo sống trọn đức tin của mình: “Sự sống trung thành với tiếng gọi và sứ vụ do Chúa ban cho chúng ta, không bao giờ có thể hạn chế trong sự thờ phượng ngày Chúa Nhật, nhưng đòi hỏi sự dâng hiến những mạng sống trọn vẹn và toàn diện của chúng ta.

“Nếu chúng ta là những người Công giáo trung thành, tất cả những gì chúng ta làm, sẽ bị ành huởng bởi sự tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, chân lý của Người, tình yêu của Người và sự linh hứng kiên trì của Người. Nếu chúng ta từ chối vẻ đẹp và các chân lý về sự sống con người theo những luật quốc gia chúng ta, chúng ta sẽ giảm giá xã hội chúng ta.”
 
Đức Giáo Hoàng làm sáng tỏ ý niệm của Luther về sự công chính hóa
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:37 21/11/2008
Đó là thật nếu đức tin không chống đối với tình yêu

VATICAN , NOV.19, 2008 (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói học thuyết Martin Luther về sự công chính hoá là đúng, nếu đức tin không chống đối đức bác ái.”

Đức giáo Hoàng nói điều này hôm nay trong buổi tiếp[ kiến chung dành cho một suy tư khác về thánh Phaolô. Lần này, Đức Thánh Cha xem xét huấn giáo Tông Đồ về sự công chính hoá.

Ngài đã ghi nhận rằng kinh nghiệm trở lại của Phaolô trên con đường đi Damascus “đã thay đổi triệt để sự sống của ngài: Ngài bắt đầu coi tất cả những công nghiệp của ngài, tức là những thành tựu của một nghề tôn giáo lương thiện nhất, như là ‘sự mất mát’ trước sự vĩ đại hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô.”

“Chính vì kinh nghiệm cá nhân của ngài về tương quan với Chúa Giêsu mà Phaolô đặt trong trung tâm Tin Mừng của ngài một sự đối nghịch không thể giảm giữa hai con đường tới côg chính: một dựa trên những việc làm theo luật, cái kia dựa trên ân sủng đức tin trong Chúa Kitô,” Đức Thánh Cha giải thích. “Sự lựa chọn giữa sự công chính nhờ những việc làm theo luật và sự công chính nhờ đức tin trong Chúa Kitô như vậy trở thành một trong những chủ đề nổi bật trong các thơ của ngài.

Luật là gì

Nhưng muốn hiểu huấn giáo này của Phaolô, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định, “ chùng ta phải làm sáng tỏ ‘luật nào chúng ta phải được giải thoát khỏi và những ‘việc nào của luật’ không mang lại sự công chính.”

Ngài giải thích: “ Trong cộng đồng Corintô đã có ý kiến, sẽ trở lại nhiều lần trong lịch sử, hệ tại tưởng rằng đó là một vấn đề luật luân lý, và sự tự do Kitô hữu hệ tại, do đó, được tự do khỏi khoa đạo đức học. […] Rõ ràng sự giải thích này là lầm lạc: sự tự do Kitô hữu không phải là thuyết tự do; sự tự do Thánh Phaolô nói đây không phải là sự tự do khỏi làm lành.

Ngược lại, Đức Giáo Hoàng nói, luật mà Thánh Phaolô qui chiếu về, là “sự thu gom những cách cư xử trải dài từ một nền tảng đạo đức cho tới những sự tuân giữ nghi lễ và văn hoá quyết định bản chất căn tính của người công chính—cách riêng phép cắt bì, sự tuân giữ liên hệ với thức ăn tinh sạch và sự tinh sạch nghi lễ nói chung, những luật liên quan sự tuân giữ ngày Sabbath, v.v.”

Những sự tuân giữ này giúp bảo vệ căn tính Do Thái và đức tin trong Chúa; đó là ‘một thuẩn đở bảo vệ gia sản quí báu của đức tin,” ngài lưu ý.

Nhưng, Đức Thánh Cha nói tiếp, tới lúc Phaolô gặp Chúa Kitô, vị Tông Đồ “đã hiểu rằng với sự phục sinh của Chúa Kitô tình huống đã thay đổi triệt để.”

“Bức tường—Thơ gởi tin hữu Ephêsô nói như thế-- giữa Israel và dân ngoại không cần nữa,” ngài nói. “Chính Chúa Kitô binh vực chúng ta chống lại thuyết đa thần và tất cả nhửng sự đi lệch đường của nó; chính Chúa Kitô hiệp nhất chúng ta vơi và trong một Thiên Chúa; chính Chúa Kitô bảo đảm căn tính thật của chúng ta trong sự đa dạng văn hoá; và chính Người làm cho chúng ta nên công chính. Nên công chính đơn thuần có nghĩa là ở với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, và sự này là đủ., Những sự tuân giữ khác không cần nữa.

Và chính vì sự này, Giám Mục thành Rome nói tiếp, mà phát biểu của Luther “bởi đức tin mà thôi” là thật “nếu đức tin không đối nghịch đức bác ái. Đức tin là nhìn xem Chúa Kitô, là phó mình cho Chúa Kitô, hiệp nhất với Chúa Kitô, đồng hình đồng dạng với Chúa Kito, với sự sống của Người. Và hình thức, sự sống của Chúa Kitô, là tình yêu.; do đó, tin tức là phù hợp vơi Chúa Kitô và đi vào trong tình yêu của Người.”

“Phaolô biết, “ ngài nói thêm” trong tình yêu kép Thiên Chúa và tha nhân tròn bộ luật được trọn. Như vậy toàn bộ luật được tuân giữ trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, trong đức tin xây dựng bác ái. Chúng ta nên công chính khi chúng ta đi vào sự hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng là tình yêu.”
 
Đức Giáo Hoàng Biển Đức khuyên hãy lái xe cho cẩn thận
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:39 21/11/2008
VATICAN (Zenit,org).- Dức Giáo Hoàng Biển Đức XVI thuyết phục những người lái xe theo lời khuyên của Thánh Phaolô: Hãy tỉnh thức và tỉnh táo.

Sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16/11, Đức Giáo Hoàng nói về thảm cảnh những tai nạn giao thông. Các tổ chức khắp thế giới đánh dấu hôm nay Ngày Thê Giới ghi nhớ những Nạn Nhân Giao Thông đường sá, do U.N. bảo trợ. Sáng kiến này, Đức Thánh Cha nói, nhằm nhắc tới “một cách riêng tất cả những kẻ đã chết từ những tai nạn xe cộ.”

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ được nghỉ yên đời đời và an ủi các gia đình của họ đang than khóc sự mất mát về họ,” ngài nói. “Anh chị em thân mến, tôi xin mọi người—các người lái xe, cac hành khách và những người đi bộ--hãy nghe kỹ những lời Thánh Phaolô trong Phụng vụ Lời hôm nay: ‘Chúng ta hãy tỉnh thức và tỉnh táo (không say rượu).’”

“Cách cư xử của chúng ta trên đường đi,” ngài kết thúc, “phải có trách nhiệm, có sự chú ý và biết tôn trọng những kẻ khác. Xin Đức Trinh Nữ Maria hướng dẫn chúng ta cách bảo đảm trên những con đường và những đường cao tốc của thế giới.”
 
Cộng đồng Sant'Egidio* ca ngợi cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc về án phạt tử hình
Bùi Hữu Thư
22:46 21/11/2008

Cộng đồng Sant'Egidio* ca ngợi cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc về án phạt tử hình.



RÔMA, ngày 21, tháng 11, 2008
(Zenit.org).- Cộng đồng Sant'Egidio ca ngợi lời kêu gọi của một uỷ ban Liên Hiệp Quốc về sự đình chỉ toàn cầu các án phạt tử hình, và coi đó là một “thay đổi mức độ nhậy cảm” trong cộng đồng thế giới.

Hôm thứ năm, Uỷ Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thông qua liên tiếp, năm thứ hai một nghị quyết đình chỉ toàn cầu án tử hình. Biện pháp này hy vọng sẽ được bầu phiếu thuận trong một buổi họp khoáng đại tháng tới.

Cộng đồng Sant'Egidio khen ngợi biện pháp này, và khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục các cố gắng để cho việc đình chỉ này được phiên họp khoáng đại chấp thuận.

Cộng Đồng Giáo Dân này cũng ghi nhận là nhiều quốc gia khác cũng đang hoan nghênh việc đình chỉ này: "Trong hai năm qua, nhiều nước Phi Châu và Trung Á đã đóng một vai trò trong cuộc tranh đấu dành lại sự công chính cho nhân loại.”

Cộng đồng nêu lên là trong các nước đó “nhiều nơi đã chịu đựng kinh nghiệm khủng khiếp của sự diệt chủng và vô thần, và đã từ bỏ án tử hình như một dụng cụ cho công lý,” như trong trường hợp của Cambuchia, Rwanda, Burundi và Nam Phi.

Cộng đồng tiếp, cần tiếp tục hoạt động để “loan truyền văn hóa sự sống này vì làm cho trở nên bất hợp pháp, án tử hình và khuyến khích sự suy giảm các bạo lực, và dấn bước trên đường hòa giải và sống chung hòa bình.”

Cộng đồng Sant'Egidio nói án tử hình “không những chỉ là một vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia, mà ngày nay còn là một vấn đề chính thức cộng đồng quốc tế phải đối phó.”

Cộng đồng sẽ bảo trợ cùng với Liên Minh Thế Giới Chống Án Tử Hình, chương trình “Các Thành Phố Phò Sự Sống – Các Thành Phố Chống Án Tử Hình,” sẽ được tổ chức vào ngày 30 tháng 11.

* Cộng đồng Sant'Egidio là một cộng đồng Kitô hữu được thành lập năm 1968 được Giáo Hội Công Giáo công nhận là một “Tổ chức giáo dân công cộng của Giáo Hội.” Có khoảng 50,000 thành viên trên 70 quốc gia. Sinh hoạt chính là: cầu nguyện, hợp quần, thân hữu, hòa bình, liên tôn, và đối thoại liên tôn.
 
Top Stories
A Hanoï, les catholiques sont fiers d’avoir tenu tête au pouvoir
La Croix
13:20 21/11/2008
Malgré le refus des autorités vietnamiennes de restituer des terrains qu’ils revendiquent depuis plus d’un an, les catholiques ne s’estiment pas perdants dans les conflits qui les opposent au pouvoir

Les ouvriers posent des dalles. Pellettent du sable. Chargent des pavés. Arrosent des arbustes encore frêles. Peu à peu embellit le tout nouveau parc public de Hang Trong, situé dans le quartier historique de la capitale vietnamienne, à deux pas de la cathédrale. Il est encore en travaux, mais déjà, deux panneaux tout neufs plantés au milieu de la verdure marquent les lieux. Le premier donne le nom du parc. Le second indique que la splendide bâtisse située derrière les carrés de jeune pelouse deviendra une bibliothèque publique. Des artisans perchés sur des échafaudages remplacent les fenêtres de cet imposant bâtiment, ancienne délégation apostolique du Vatican à Hanoï.

Les catholiques réclament publiquement la restitution de cette propriété. Depuis décembre 2007, des centaines de fidèles se sont régulièrement regroupés pour prier ostensiblement sur ces terres confisquées par le pouvoir communiste en 1954, et la police les a brutalisés. Plus loin du centre-ville, dans la paroisse de Thai Ha, les mêmes revendications territoriales exprimées pacifiquement ont été traitées à coups de matraques électriques par les forces de l’ordre de Hanoï. C’était en septembre. Il y eut huit arrestations et deux incarcérations.

« Nous avons gagné ces conflits à 50 % », témoigne de façon surprenante un des manifestants appréhendés. Lors d’une prière collective en janvier dernier, il avait osé enjamber le mur d’enceinte de la délégation apostolique. La police l’avait battu. Ses hurlements avaient alerté les manifestants qui s’étaient portés à son secours pour le libérer. Sous étroite surveillance depuis, il préfère taire son nom mais ne cache pas son optimisme.

Des lettres de soutien à la paroisse dissidente

« Ces terrains auraient pu être privatisés ou cédés individuellement à des proches du Parti communiste pour leur intérêt personnel. Aujourd’hui, ils sont transformés en parcs. Tout le monde pourra en profiter », argumente-t il. D’après lui, c’est la pression des milliers de fidèles catholiques qui a permis ce résultat intermédiaire. La communauté estime qu’elle sort grandie de ce conflit.

Satisfaction supplémentaire, les catholiques ont l’impression d’avoir relayé les revendications d’une société qui ose rarement les exprimer. Ils ont servi de porte-parole. Leurs doléances dépassaient le cadre strict des terrains saisis illégalement. « Nous avons aussi publiquement réclamé la justice sociale, l’égalité des droits entre les citoyens et la liberté de parole. Nous nous sommes opposés à la corruption, explique un des religieux rédemptoristes de Thai Ha. Même si les paroissiens n’avaient pas l’intention de se faire les représentants de la population, leurs actions ont naturellement exprimé les véritables attentes des Vietnamiens ordinaires. »

La communauté catholique (6 % de la population vietnamienne) a d’ailleurs manifesté sa reconnaissance à cette paroisse dissidente pour son audace. Ses prêtres ont reçu des lettres de soutien de croyants de tout le pays. Ils regrettent que les autres groupes religieux ne se soient pas mobilisés de la même manière. De fait, les protestants – l’Église évangélique réclame 265 propriétés – n’ont pas officiellement soutenu les catholiques dans leur bras de fer.

Un mouvement pacifique historique

Qu’importe si la société dans son ensemble n’est pas encore prête à se dresser face aux autorités, les catholiques espèrent que cette épreuve de force donnera du courage aux opprimés, aux sans-terre et à ceux qui ont vu que la contestation du pouvoir était possible. « En plus de cinquante ans de communisme, c’est l’opposition la plus importante à la politique foncière des autorités qui s’est exprimée. Et les catholiques sont fiers de l’avoir menée », dit un croyant de Hanoï.

Ce mouvement pacifique est historique. Tant et si bien que l’on a cherché à y voir la manifestation d’une opposition politique, et pas seulement sociale. « Certains catholiques se rapprochent de la dissidence, alors qu’il y avait peu de relations auparavant. Après les violences de Thai Ha, j’ai reçu la visite et des appels téléphoniques de quelques manifestants qui voulaient partager avec moi leurs idées politiques », explique un dissident de Hanoï. Mais le rapprochement reste timide pour l’instant.

Depuis les heurts à la délégation apostolique et à Thai Ha, les catholiques souffrent d’une image de fauteurs de troubles dessinée par les autorités qui ont lancé une campagne de désinformation. Elles ont manipulé plusieurs citations de l’archevêque de Hanoï pour lui faire dire qu’il regrettait de détenir un passeport vietnamien.

Des menaces

De quoi déclencher l’ire d’une large frange de la population, nationaliste. Même si les plus éduqués savent que la communauté est dans son bon droit, beaucoup croient encore à la propagande des médias officiels. Le secrétaire de l’archevêque reconnaît qu’il doit maintenant limiter ses déplacements. Il a reçu des menaces.

Comment corriger cette image dégradée ? « J’essaie de convaincre des amis proches en qui j’ai confiance, explique un étudiant, responsable d’un groupe de prière à Hanoï. Mais c’est très difficile de discuter avec des jeunes de familles traditionnellement communistes. Notamment avec les enfants de fonctionnaires qui pensent avoir la vérité et ne veulent rien remettre en cause. Ils bénéficient du système en place. »

La majorité des étudiants à l’université ne s’intéresse pas vraiment à ces questions politico-religieuses. Et ce jeune dirigeant d’association catholique hésite à parler librement à ses camarades. D’autant qu’il est suivi en permanence par la police…

Rémy FAVRE, à Hanoï
 
Vietnamese Chapel Attacked with Police Aid
Compass Direct News
17:21 21/11/2008
LOS ANGELES (Compass Direct News, November 24, 2008 ) – At a chapel on the remaining patch of Thai Ha Redemptorist property in Hanoi that the Vietnamese government had yet to confiscate, at 10 p.m. on Saturday night (Nov. 15) an official came to summon the priests to an “urgent meeting.” According to Vietcatholic.net website and other church sources, it proved to be a ruse to draw them away from the property while government-inspired gangs attacked St. Gerardo Chapel.

As the gangs ravaged the chapel, Father Joseph Dinh told Independent Catholic News, some people at the church began ringing the church bells to signal for help while others sent urgent e-mail and text messages asking Catholics to defend it.

Hundreds of police with stun guns tried to keep the arriving faithful from entering the chapel to stop the destruction. The hundreds of Catholics who arrived eventually overwhelmed officers, going past police to scare off the attackers. Witnesses reportedly said that government, police and security officials had stood by doing nothing to protect the chapel.

They also said that fleeing gang members shouted obscenities threatening to kill the priests and the faithful, as well as the archbishop.

“It is significant that the government attack against the monastery came on the eve of the celebration of the Feast of Vietnamese Martyrs,” a local priest told Vietcatholic.net. “This attack reminds people that since the outset, the seed of faith in Vietnam’s soil was mixed with the abundant blood of Catholic martyrs from all walks of life – from courageous missionaries to local clergy and the Christian faithful.”

The priest concluded by decrying the deterioration of conditions for Vietnamese Catholics.

A government spokesman later denied that the Vietnamese forces or authorities were involved in the attack.

As the government had achieved its objective of taking over the contested land, the well-coordinated attack came as a surprise to many. In September, Vietnam had resorted to force to answer months of growing but peaceful prayer vigils over long-confiscated Catholic properties in Hanoi, reneging on a promise to negotiate a settlement. Unilaterally, the government quickly turned the papal nunciature and the rest of the Thai Ha Redemptorist property into public parks.

The solidarity demonstrated by Catholics throughout the country appeared to have alarmed authorities. They reverted to classic attacks of disinformation and slander against Catholic leaders, and even after they had halted the prayer vigils, taken the contested land and allowed previous gangs to ransack the Redemptorist chapel, authorities demanded the removal of the archbishop of Hanoi, Ngo Quang Kiet, whom they accused of inciting riots against the state.

A Protestant pastor in Hanoi said the government’s recent conflict with Catholics has had a ripple affect on other churches and religions.

“Though it is the Catholics who are being most lambasted in the state media, Protestants are also maligned along with Catholics by government propaganda,” he said. “Secondly, all religious leaders are again subject to closer surveillance."

Mennonite Church Recognized

Ironically, only a few hours earlier on the same day the chapel was attacked, the Vietnam Mennonite Church was allowed to hold its organizing general assembly in Ho Chi Minh City, becoming the fifth smaller church body to receive full legal recognition in 2008.

While registration can mark an improvement in the way the government treats a church, it is not to be confused with full religious freedom, church leaders said, as it is sometimes used as a means of control. The dubious benefits of registration have led many Protestant groups to simply quit seeking it.

Other Protestant groups to receive legal recognition in 2008 were the Grace Baptist Church, the Vietnam Presbyterian Church, the Vietnam Baptist Church, and the Seventh-Day Adventist Church. This brought the total number of fully recognized Protestant denominations to eight. Two of the eight bodies, the Evangelical Church of Vietnam (South) and the Evangelical Church of Vietnam (North), received legal recognition before the new religion legislation initiated in late 2004.

None of the 24 house church organizations of the Vietnam Evangelical Fellowship (VEF), however, has received even the lower-level “national registration to carry out religious activity.” Only one in seven of its congregations even have permission to operate locally.

Of the total 2,148 VEF congregations, 1,498 have applied for local permission to carry out religious activity, but only 334 have received it. Another house church organization has had 80 congregations apply for local permission to operate and has received only refusals or no answer at all. Other groups report a similar experience.

A hint of the government’s attitude toward registered churches, pastors said, was evident in its official news release on the Vietnam Mennonite Church general assembly. The Vietnam News Agency release of Nov. 15 enjoining the church to “serve both God and the nation” and to “unite with other people in the course of national reconstruction” struck some church leaders as an expectation that their congregations will serve political ends.

Christian leaders detected government fear of churches’ international connections in the official claim that, “For more than three decades, the Vietnam Mennonite Church has operated independently from foreign Mennonite churches.”

As is customary, the ceremony included an address by a representative of the Bureau of Religious Affairs. Nguyen Thanh Xuan said he expects the Mennonite Church “to bring into full play good characteristics of Protestantism, uphold the tradition of charity, and join hands with other religious and non-religious people to build a country of stability and prosperity.”

The heavy-handed treatment of Catholics over the disputed property and the offering of legal registration to more Protestant groups does not present the contrast it may first appear, said one long-time observer.

“Catholics outnumber Protestants about five to one and are a much more formidable and unified organization than Vietnam’s fractured Protestants,” he said. “Alarmed at the largest countrywide Catholic solidarity ever demonstrated, nonplussed security authorities ordered a classic, harsh crackdown and incited ‘punishment’ disguised as citizens’ outrage.”

Protestants, he said, are less numerous, more divided and rarely capable of joint action, so they do not pose a serious threat.

“For example, the oft-repeated requests and ultimatums by the Evangelical Church of Vietnam (South) on their 265 confiscated properties are simply ignored,” he said. “And don’t forget that the majority of Protestants are ethnic minorities in remote areas who remain closely watched by the government.”

(Source: Compass Direct News, http://www.crosswalk.com/news/religiontoday/11596074/)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Ve Chai Nhân Ái Hải Phòng cầu nguyện cho những người HIV- AIDS đã qua đời
Thanh Hát
09:49 21/11/2008
HẢI PHÒNG - Tháng 11 đã về, mỗi người người Công Giáo đều hướng cuội nguồn của mình là các bậc Tổ tiên, ông ba, cha mẹ anh chị em và những người thân yêu của mình đã qua đời. Có những thánh lễ cầu hồn được tổ chức tại nhà thờ hay nghĩa trang đều nói lên nghĩa cử và tâm tình của những người đang sống cầu nguyện cho những người đã qua đời.

Hôm nay, ngày 15-11- 2008 tại giáo xứ Lãm Hà, Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện đặc trách Nhóm Ve Chai Nhân Ai Hải Phòng đã cùng các thành viên trong Nhóm đã dâng Thánh Lễ và cầu nguyện cho những anh chị em đã qua đời vì căn bệnh thế kỷ HIV- AIDS

Bước vào Thánh Lễ, Cha Kiện cùng các thành viên trong Nhóm với nghi thức hương để tưởng nhớ tới những anh chị em đã ra đi vì căn bệnh HIV-AIDS, làn khói hương bay nghi ngút lên cao như những lời cầu nguyện làm cho không khí của buổi lễ thật linh thiêng và trang trọng.

Sau bài giảng của Cha đặc trách, là lời cầu nguyện của những bệnh nhân nhiễm H, cũng như lời cầu nguyện của các thành viên trong Nhóm Ve Chai cầu nguyện cho những anh chị em bị nhiễm H đã qua đời, tất cả những lời cầu nguyện thật đơn sơ, chân thành, nhưng diễn tả tình hiệp thông với những người đã khuất, những người đã ra đi mang trong mình căn bênh của thế kỷ. Chị Kh… một thành viên của nhóm, cũng bị nhiễm H đã dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của mình cho những anh chị em bị nhiễm H đã ra đi trước Chị, lời cầu nguyện của chị xuất phát từ tận sâu trong tâm hồn vì chị là người đã từng sống, trải qua, cảm nghiệm, từng bị hiểu lầm và bị xa lánh, nhưng chị đã vươn lên với niềm tin của mình nơi Thiên Chuá, chính Ngài giúp Chị vượt qua được những khó khăn để vươn lên, để sống giúp ích cho cuộc đời. Lời cầu nguyện của Chị đã làm nhiều người trong nhà thờ phải nghẹn ngào và rơi lệ.

Cuối Thánh lễ Cha đặc trách, các thành viên trong Nhóm Ve Chai Nhân Ai và toàn thể cộng đoàn, mỗi người thắp một ngọn nến, với một phút mặc niệm và hát lời kinh Hoà bình để cùng tưởng nhớ, cùng hiệp thông và cùng cầu nguyện cho những anh chị em đã không còn nữa, những ngọn nến ấy cũng nhắc nhớ mỗi người hãy sống hoàn thiện hơn nữa, hãy chiếu ánh sáng, hơi ấm và sự yêu thương tới những anh chị em đang đau khổ, đang phải đối đầu với căn bệnh nan y, đang đối đầu với sụ kỳ thị và cái chết. Sau đó từng người cầm ngọn trên tay xếp lên phía gần bàn thờ kết thành hình trái tim lớn và nổi bật là cây Thánh Giá ở giữa Anh sáng của những ngọn nến thật thiêng liêng và kỳ diệu hợp với lời cầu nguyện, chắc Chúa sẽ nhận lời, tha thứ và đón nhận những con cái xấu số của Chúa sớm hưởng tôn nhan Chúa. Anh nến vẫn sáng, lời hát vẫn vang lên “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
 
DCCT và Giáo xứ Thái Hà: Cứu trợ vùng dân cư vẫn lụt sau 21 ngày thuộc Hà Nội
J.B Nguyễn Hữu Vinh
10:11 21/11/2008
HÀ NỘI - Chúng tôi được thông tin về một vùng dân cư thuộc Hà Nội đến nay vẫn cô lập với bên ngoài dù đã là ngày thứ 21 kể từ trận lụt vừa qua. Sáng 20/11/2008 cùng với các linh mục Dòng Chúa Cứu thế và giáo dân Giáo xứ Thái Hà chúng tôi lên đường cứu trợ vùng này.

Một vài hình ảnh cứu trợ tại Quèn Gianh ngày 20/11/2008

Cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 50 km, chúng tôi đến vùng Quèn Gianh, thuộc xã An Phú – huyện Mỹ Đức – Thành phố Hà Nội. Đây là vùng dân cư gần như sống cô lập trong một hẻm núi đá vôi với 23 gia đình và hơn 100 nhân khẩu.

Một vài hình ảnh cứu trợ của Dòng Chúa Cứu thế - Giáo xứ Thái Hà tại Quèn Gianh ngày 20/11/2008.

Khi đoàn xe chở người và hàng cứu trợ đến dừng trên đường đi, nhìn mãi tôi vẫn không tưởng tượng ra được rằng trong hẻm núi kia có một vùng dân cư sinh sống. Một vùng nước trắng vẫn mênh mông, dù theo ngấn nước để lại trên bờ đê, thì mực nước đã rút đi hơn 1,5 mét.

Dấu hiệu duy nhất chứng tỏ có những hoạt động của cư dân sinh sống phía trong, là đường dây điện chạy qua khu vực cánh đồng giờ đang là biển nước, cây cầu và một con đường đang ngập trong nước đi vào hướng chân núi đá vôi.

Qua tìm hiểu, thì vùng đất này đã được các tu sỹ và linh mục Dòng Chúa Cứu thế biết đến và giúp đỡ từ lâu. Trong đợt ngập lụt này, Dòng Chúa Cứu thế và giáo dân Thái Hà đã đến đây cứu trợ lần thứ 2. Để liên lạc với họ, hàng người cứu trợ thi nhau đứng trên bờ đê và hú gọi, sau một lúc, những chiếc thuyền mủng được các cháu nhỏ bơi ra.

Vùng đất cằn cõi này cứ đến khoảng tháng 8 là mùa ngập lụt, cả thôn bám vào chân vách núi dựng nhà sinh sống bằng nghề làm ruộng và mò cua bắt ốc.

Thôn được hình thành cách đây hơn 20 năm. Khi các tu sỹ và linh mục đến vùng này, cả thôn này mới có bảy gia đình, không có một người nào biết chữ. Nhà cửa không, điện đóm không, đường sá không, họ như một bộ tộc riêng biệt sống trong sự cô lập với thế giới bên ngoài. Họ ở gần ranh giới giữa Hà Tây và Hoà Bình.

Để giúp họ ổn định cuộc sống, các tu sỹ và linh mục Dòng Chúa Cứu thế đã vận động xây dựng cho họ những điều kiện thiết yếu cơ bản. Đầu tiên là mở lớp dạy chữ cho cả người già và trẻ con. Cả gia đình, cả thôn đi học từ cách đánh vần những chữ cái đầu tiên. Các linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong và Nguyễn Văn Thật, hồi đó còn là tu sĩ hàng tuần vượt qua mấy chục cây số đến để giúp họ đều đặn.

Sau đó, là các công trình đường sá, cầu cống đi vào khu vực. Cây cầu bằng bê tông đi qua sông vào thôn do chính linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong (khi đó còn là tu sỹ) tự thiết kế và thi công để nối con đường huyết mạch vào khu dân cư này. Nhờ vậy mùa khô, xe công nông và xe máy có thể vào tận nơi dân cư chở vật liệu và nông sản, cho người dân đi lại, cho trẻ đến trường.

Thấy điều kiện khó khăn của họ, Hồng Y Phạm Đình Tụng đã thương mà vận động cho một số tiền để kéo đường điện vào thôn cho họ có mà sinh hoạt, các linh mục, tu sĩ vận động cho mỗi hộ gia đình mấy triệu đồng hồi đó để mỗi nhà có thẻ xây nhà riêng mà sinh sống.

Những mối quan tâm và chia sẻ của các tu sỹ và linh mục Dòng Chúa Cứu thế đã giúp họ vượt qua nhiều chặng đường gian nan. Nhìn những ánh mắt, tiếng gọi trìu mến của các cháu thiếu nhi, của người dân với các linh mục Dòng CCT tôi thấy rõ điều đó. Dù đã lâu lắm không có điều kiện

Đến nay, thôn này đã có hơn hai chục gia đình với hơn 100 nhân khẩu. Khi chúng tôi đến thăm, hầu như cả thôn chỉ thấy toàn ông bà già, phụ nữ và trẻ con là chính, cả thôn chỉ còn dăm bảy thanh niên. Những người khoẻ mạnh đã phải đi làm ăn nơi xa và thậm chí cả năm không trở về thôn.

Thu nhập chính của họ là mấy sào ruộng chỉ làm một mùa, không đủ lương thực cho cả năm, nghề phụ chẳng có để thu nhập thêm, đời sống biệt lập cách xa các trung tâm và ánh sáng văn minh khác. Cứ thế, trẻ con lại ra đời hàng loạt.

Trẻ con nơi đây thật đông đúc nhưng học hành thì quá ít. Cả thôn hiện chỉ có hai học sinh lớp 6 là cao nhất, ba học sinh lớp 5, bốn học sinh lớp 3 và lớp 1, lớp 1 mỗi lớp chỉ có một học sinh. Trả lời chúng tôi vì sao con cháu họ ít được học, các bà mẹ trả lời vì đường đi học quá xa và khó khăn đời sống. Những cháu nhỏ muốn đến trường lại phải học nhờ xã bạn bên Hoà Bình với học sinh dân tộc thiểu số. Cũng vì các cháu đa phần đi học không đúng tuổi vì đã lớn, nên bị bạn bè trêu chọc lại ngại và bỏ học luôn. Quả là vấn đề học hành ở đây thật nan giải.

Cuộc sống của thôn này, hiện hết sức mong manh, nghe đâu Nhà nước đang định thu hồi đất ở đây để làm nhà máy Xi măng. Chưa rõ tương lai của họ sẽ được ổn định chỗ nào.

Đến thăm họ, khi ra về, vẫn trong chúng tôi một câu hỏi: Tương lai của những đứa bé sẽ về đâu.

Hà Nội, ngày 20/11/2008
 
Bến Đá, Bến đỗ của Tình thương
Anmai, CSsR
10:29 21/11/2008
BẾN ĐÁ - BẾN ĐỖ CỦA TÌNH THƯƠNG

VŨNG TẦU - Điểm tâm sáng xong, về phòng làm chút việc cần cho ngày mới bỗng nhiên bên tai tôi nghe tiếng ngân nga của nhóm trẻ: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra …”. Được biết là xung quanh nhà thờ Bến Đá thì không có trường Tiểu học nào cả, vậy sao có tiếng bọn trẻ như thế này? Muốn tìm tiếng ấy phát ra tự đâu, tôi lần theo hướng ngân nga ấy.

Bước theo con đường ra nhà thờ, tiếng ngân nga ngày càng rõ hơn. Hoá ra tiếng ngân nga ấy phát ra từ phòng Sinh hoạt của giáo xứ. Hỏi thăm thầy giáo đang đứng lớp thì được biết đây là lớp học tình thương do Giáo xứ thành lập.

Thầy Hưng cho biết thêm: “Lớp học tình thương Bến Đá này có lúc được 100 em. Nhưng đến mùa cá thì cha mẹ chúng phải chuyển chỗ ở để có công ăn việc làm theo mùa cá ấy. Hiện tại, hiện diện trong lớp khoảng hơn sáu chục em. Độ tuổi của các em chêng lệch khá cao nên phải chia các em thành 3 lớp khác nhau. Các em tuy độ tuổi khác nhau, trình độ khác nhau nhưng có một điểm chung là nghèo và con cái của những gia đình thuộc diện di dân”.

Ra thăm lớp một chút tôi về phòng làm việc. Các em để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất đó là tính kỷ luật. Phải nói là lớp tình thương Bến Đá này kỷ luật tốt nhất trong các lớp tình thương mà tôi đã có dịp tiếp xúc. Các em rất ngoan, lễ phép và nhất là giữ sự im lặng trong lớp. Sự im lặng trong những lớp học tưởng chừng như khó giữ ở những lớp học bình thường nhưng trong lớp học khác thường Bến Đá này lại là sự thật. Có được như vậy ta không thể nào phủ nhận được công khó của thầy giáo Hùng.

Thầy Hùng là con chiên trong xứ Bến Đá. Buổi tối Thầy phụ trách lớp Hoa Ngữ ở vài trung tâm Sinh Ngữ của thành phố Vũng Tàu. Còn ban ngày thì Thầy gắn bó với các em hầu như gần hết các ngày trong tuần.

Chắc có lẽ, Thầy Hùng, nhưng công khó trước hết là của Cha xứ và Ban Hành Giáo mới có lớp học tình thương này. Mỗi người một chút để tạo điều kiện cho các em di dân có một cơ hội biết được vài con chữ để bước vào đời.

Khi thăm hỏi Thầy, tôi nhìn các em và thầm nói với Thầy: “Đây là sản phẩm của đất nước phát triển, giàu mạnh, công bằng và văn minh đây!”. Tại sao người ta chỉ tô son trát phấn cho vài thành quả cỏn con, còn hậu quả bi thương của một đất nước nghèo như thế này lại chẳng thấy ai lên tiếng!?!?!

Lớp học tình thương Bến Đá mà tôi được biết đây không phải là cá biệt. Ở nhiều giáo xứ, ở nhiều cộng đoàn vẫn cố gắng hết sức mình để cưu mang những tâm hồn thơ trẻ này. Nếu như không đầu tư, không dạy dỗ, không chăm sóc hàng trăm đứa trẻ cơ nhỡ điển hình của Bến Đá này sẽ đi về đâu?

Nhìn Bến Đá tôi lại nghĩ đến không biết bao nhiêu trăm, bao nhiêu ngàn con trẻ đang trong độ tuổi cắp sách đến trường phải lao đao với cuộc sống đầy đau thương.

Nói vậy thôi chứ nhìn các em lòng tôi quặn đau. Chắc có lẽ cha mẹ chúng cũng không muốn phải rơi vào hoàn cảnh bi thương này, và chúng cũng không muốn chúng phải chịu khó thích nghi với cái lớp khá đặc biệt như thế này. Nghĩ đi nghĩ lại thì chúng cũng còn có được sự may mắn nhờ tình thương của Cha xứ cũng như những vị cộng tác với Cha xứ Bến Đá.

Nếu như Cha xứ cũng như các vị cộng tác với Ngài không bày tỏ tình thương, không cưu mang chúng thì không biết cuộc đời của chúng sẽ đi về đâu?

Nhìn các em cơ nhỡ như thế này, tôi thấy đau quá! Chẳng biết trách ai? Trách đời hay trách người? Có trách đi chăng nữa thì ta không thể nào phủ nhận được đây là những hoàn cảnh đặc biệt, những hoàn cảnh đáng thương hơn là đáng lên án!

Trong lớp, hầu như em nào cũng nghèo, cũng đáng thương hết nhưng có 2 chị em kia phải nói là cần được sự ưu ái hơn cả. Vì lẽ 2 chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ chúng đã ra đi bởi căn bệnh thế kỷ sida. Hiện giờ bà ngoại của hai cháu lây lất qua ngày đắp đổi cưu mang. Ban đầu chúng bị áp lực rất lớn từ chúng bạn bởi sự khinh miệt kỳ thị do cho mẹ chúng bị bệnh sida. Thế nhưng, dần dà nhờ tình thương của Cha xứ, của thầy phụ trách, sự mặc cảm, sự miệt thị đã được thay thế bằng tình Chúa – tình người. Đến nay, hai cháu đã bình an hội nhập với các bạn đồng lứa tuổi.

Thế đấy! Dù bận bịu với biết bao nhiêu công việc mục vụ của giáo xứ nhưng Cha xứ nỡ lòng nào bỏ rơi được những mảnh đời cơ nhỡ như thế này! Tạ ơn Chúa vì qua bàn tay nối dài của các vị chủ chăn, tình yêu của Chúa được lan rộng khắp nơi, không phân biệt hoàn cảnh, không phân biệt giàu nghèo trong giáo xứ.

Bến Đá! Tiếng gọi thân thương gợi lên cho ta hình ảnh vững chắc của viên đá tảng vùng biển Vũng Tàu.

Bến Đá! Tiếng gọi thân thương cho ta thấy tình thương chan hoà đến với những người nghèo, những gia đình di dân đang trú ngụ trong địa sở của mình.

Bến Đá! Bến đỗ của tình thương, bến đỗ của những di dân nghèo cần một chút tình Chúa, tình người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hãy nhìn việc họ làm!
Tú Nạc
10:34 21/11/2008
… HÃY NHÌN VIỆC HỌ LÀM

Vụ khủng bố tinh thần giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm sứ chưa phai trong tâm trí mọi người, chưa hết bàng hoàng đối với giáo dân Hà Nội, cũng như giáo dân trên cả nước, và những người giàu lương tính, thì lại một đêm không kém kinh hoàng dến với Giáo xứ Thái Hà trong lúc giữa khuya. Đêm cầu kinh đã bị náo động bởi bọn sai nha và nô dịch tới quạy phá vào đêm trước ngày lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 15-11-2008:

"Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi
". (Truyện Kiều

Chúng hành động như vậy với mục đích gì? Từ động cơ nào?
- Vì miếng cơm manh áo?
- Vì thăng quan tiến chức?
- Vì lợi ích cho dân?
- Vì đường lối, chủ trương của đảng?
- Vì được chì thị?
- Hay để thực thi tấm gương đạo đúc Hồ Chí Minh đã, đang phát động mà chúng vừa được "học tập và quán triệt"?

Dù xuất phát từ động cơ nào, thì yếu tố căn bản để dẫn tới hành động vẫn là tư tưởng, vì: "Tư tưởng hướng hành động", mà sự hình thành tư tưởng vốn là hệ quả của giáo duc bằng những phương tiện giáo duc, hay nói theo khái niệm rộng hơn là môi trường giáo duc. Tục ngữ có câu: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".

Một kẻ khi mới chào đời không được đưa vào giấc ngủ bằng lời ru với âm hưởng ngọt ngào của những câu ca dao truyền thống, thay vào đó là những câu ca dao mới, ca dao "kháng chiến chống Mỹ" nặc mùi sát khí; không được ấp ủ trong lòng mẹ bằng bầu sữa nồng ấm yêu thương, vì một nắng hai sương mẹ còn phải làm công điểm cho hợp tác xã hay phải đi họp nghe "triển khai nghị quyết, công văn…", mà chỉ lớn bằng nước cơm pha với tí đường mua theo chế độ định lượng xã hội chủ nghĩa trong những nhà nuôi trẻ tập thể.Nhu cầu ban đầu để hìng thành tình cảm từ vô thức đã không có, hỏi rằng tình cảm của chúng tìm đâu ra khi khôn lớn.

Ở độ tuổi cắp sách đến trường, những con chữ đầu tiên nhận biết cũng đã bị đảo lộn, không theo trình tự của bảng mẫu tự nguyên thủy a, b, c… thì hỏi rằng tôn ti trật tự còn đâu, trật tự xã hội thế nào? Đó cũng là một trong những nhân tố tác động.

Khi lên đến bậc tiểu học và trung học, nhũng bài giáo duc tri thức là hình ảnh và lý thuyết giáo dục lòng căm thù nặng nội dung tuyên truyền. nhồi sọ. Thậm chí trong môn toán hoc cũng có sự giết chóc qua những con số. Đồng ý, trong nhà trường phải giáo dục lòng yêu nước, tinh thần quật khởi, tính tự hào dân tộc. Nhưng tất cả phải được hình thành từ mô thức hướng thiện.

Quan niện giáo dục "dạy người thông qua dạy chữ".Nhưng NGƯỜI như thế nào mới được chứ(?); "giáo duc tư tưởng" thông qua nội dung bài học. Nhưng TƯ TƯỞNG gì mới được chứ(?). Trí và Đức là hai yếu tố song hành để hình thành nhân cách. Nếu chỉ có Trí mà không có Đức thì sản phẩm đưa ra chỉ là những cá nhân què quặt, mất cân đối. Thực ra tri thức lĩnh hội, ngay cả bây giờ cũng đang ở tình trạng phương pháp "lấy học sinh làm trung tâm… thử nghiệm" qua những lần thay đổi sách giáo khoa (thiếu chính xác). Mỗi lần thay sách gióa khoa là mỗi lần "rút kinh nghiệm", và nhân dân lại bị "rút ruột".

Rồi đến khi trưởng thành, ở bậc học nâng cao (cao đẳng, đại học), lúc này, một triết lý giáo điều được nhồi nhét với tiếp vĩ ngữ -ISM dưới lăng kính cộng sản – duy vật biện chứng, một hoc thuyết thực dụng thuần lý trí. Thử hỏi còn biết gì là thế giới tâm linh, có đâu tri thức đạo đức ngoài cái gọi là "đạo đúc xã hội chủ nghĩa", một thứ đạo đúc từ "tư duy có định hướng". Cả đời chúng không đọc một cuốn sách học làm người, không biết lấy một chũ Thánh hiền, chữ Tâm lảm sao có được trong con người ấy.

Hệ thống giáo dục này đã đưa ra hàng loạt những sản phẩm "vô giáo dục" nên mới có những hành động vô ý thức của những ông già bà lão "đầu hai thứ tóc", "cập kề miệng hố" mà lông nhông ngoài đường "phồng mồm trợn mắt" rống lên ông ổng nơi phụng tự thiêng liêng. Tư cách như vậy làm sao mà giáo dục con cái, cháu chắt. Gia phong nào dám hiện hữu trong những gia đình có những bậc phụ huynh như vậy.
Với bọn sai nha và nô dịch cũng thế, mở mồm ra là khẩu hiệu, như lời kinh nhật tung, rỗng tuếch. Kiến thức của chúng ví như những củ khoai tây tròn trịa chứa trong một bao tải, khi đổ ra chẳng củ nào dính với củ nào, một thứ tri thức lắp ghép. Chúng như một cái máy, mở thì hoạt động, tắt thì ngưng, chỉ biết làm theo chỉ thị… không một chút gì gọi là tư duy sáng tạo cá nhân, chẳng khác gì con vẹt-bắt chước ngôn ngữ; con khỉ bắt chước hành động (à mà chúng được biến hóa từ khỉ, thảo nào…).

Còn lũ choai choai mặc áo xanh, những đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, mang danh là "thanh niên tình nguyện", chúng tình nguyện làm công việc gì?- tình nguyện đi phá phách? Cũng được bố mẹ nuôi cho ăn học mà không lo tu dưỡng bản thân, a dua, a tòng làm chuyện thất đức, không hiểu xa trông rộng, hậu quả của "tư duy có định hướng". "Thanh niên tình nguyện" trếng Anh là volunteer: 1) người làm việc tình nguyện không ăn lương, 2) người tình nguyện giúp đỡ, 3) người tham gia vào một binh chủng quân đội không sử dụng vũ khí, hay vũ lực. Volunteer của nhà nước CHXHCN Việt Nam thì trái ngược: là những người tham gia quạy phá, (được tiền hay không, điều đó không biết).
Phá phách đền thờ, tội tày đình, hình ảnh rõ mồn một được truyền bá cả thế giới đều biết, thế mà "mồm quan trôn trẻ" của ông phát ngôn viên "bộ ngoại gian" Lê Dũng đã "gang thép" chối leo lẻo. thật quả là trơ trẽn, trơ trẽn đén độ vô liêm sỉ của cả một hệ thống dối trá. Một hệ thống được đào luyện bằng phương tiện giáo dục "tư duy có định hướng". Cái ông "phát ngôn …hòn…" này có lẽ mới tiến hóa ở giai đoạn "khái niệm người" theo thuyết tiến hóa Darwin. Làm gì có quốc pháp ngự trị ở một đất nước như vậy.

Tôi nhớ hồi học tiểu hoc phải đi học bằng xe thổ mộ trên đường Lê Văn Duyệt (nối dài) đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến ngã ba Ông Tạ. Tôi thấy con ngựa kéo xe bị bịt hai mắt từ hai phía phải và trái, tôi hỏ bác xà ích lý do, bác cho biết sở dĩ bịt như vậy để nó chỉ biết đi thẳng về phía trước, không rẽ phải, trái khi chưa có ngọn roi lệnh vào đít. "Tư duy có định hướng" chắc được rút ra từ "nguyên lý" đó.
Chúa Giêsu xưa đã khuyến cáo chống lại bọn thầy luật và bọn Pharisee: "Các con phải nghe lời chúng nói, nhưng đừng bắt chước việc chúng làm. Bởi chúng không bao giờ thực hành những gì chúng thuyết giáo". Thật ứng với thể chế nhà nước XHCN việt Nam hiện nay.

Theo cách ngôn Ả-rập, người có bốn loại:

1/ Kẻ không biết mà không biết mìmh không biết, - Hãy tranh xa chúng.
2/ Kẻ không biết và không biết mình không biết, anh ta là người hiền lành, chất phát, - Hãy dạy anh ta.
3/ Kẻ biết mà không biết mình biết, kẻ ấy đang ngủ mê, - Hãy đánh thức anh ta.
4/ Kẻ biết và tự biết mình là biết, anh ta là người khôn ngoan, - Hãy hoc theo anh ta.

Những kẻ quạy phá nhà thờ thái Hà và Dền thánh Giêrađô thuộc hạng người nào? Chúng thuộc loại người: Những kẻ vô giáo dục biết mình đang làm những việc mất dạy, chúng là kẻ gian ác. - Trời bất dung gian.
 
Giáo dục kitô giáo và công cuộc phát triển đất nước
+ ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
10:41 21/11/2008
Lời Chủ Chăn TGP Saigòn tháng 12.2008

Giáo dục kitô giáo và công cuộc phát triển đất nước

1. Anh chị em thành viên gia đình giáo phận thân mến, sau thời gian hơn mười năm cùng với anh chị em đồng hành cùng dân tộc trong Thành phố nầy, tôi muốn chia sẻ cùng anh chị em suy nghĩ, lo âu và hy vọng của tôi đối với công cuộc phát triển đất nước, với ước mong mọi người ý thức và nỗ lực đưa vào đời sống những giá trị bắt nguồn từ Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, nhắm góp phần làm cho công cuộc phát triển đất nước hôm nay ngày càng thêm vững bền.

Sức mạnh thúc đẩy công cuộc phát triển hôm nay

2. Có lẽ từ nhiều thập niên qua, hoàn cảnh nghèo khổ và lạc hậu sau chiến tranh cũng như đời sống hưởng thụ và duy vật chất ngày nay, khiến nhiều thành phần xã hội xác tín rằng: đồng tiền có sức mạnh vạn năng, là giải pháp cho mọi vấn đề. Qua thông tin của báo chí và của dư luận quần chúng, xem ra niềm tin đó ngày càng phổ biến, và đồng tiền, vốn là một đầy tớ tốt, đã trở thành ông chủ ác nghiệt, đã gặm nhấm lương tâm, lòng tự trọng và nhân phẩm, xói mòn ý thức tôn trọng chân lý và công lý. Trong bối cảnh đó, công cuộc phát triển đất nước đòi hỏi người người ý thức củng cố niềm tin chân chính, một niềm tin vừa có sức lành mạnh hoá đời sống gia đình và xã hội, vừa có sức thúc đẩy xây dựng nền tảng vững bền cho công cuộc phát triển đất nước hôm nay.

Bí quyết của sự phát triển

3. Lịch sử phát triển xã hội loài người xuyên qua các chế độ và các nền văn minh tự cổ chí kim để lại cho hậu thế bài học vô giá nầy: Bí quyết của sự phát triển đất nước cũng như con người không phải là gươm giáo, súng đạn, không phải là bạo lực, chiến tranh và khủng bố, cũng không phải là quyền lực, thế lực và tài lực, song là niềm tin vào chân lý và công lý, niềm tin vào tình huynh đệ, sự hoà hợp trong cộng đồng dân tộc cũng như hoà bình trong thế giới hôm nay. Chân lý và công lý, tình huynh đệ và hoà bình, đó cũng là những giá trị được Giáo Hội của Chúa Kitô truyền dạy như là những giá trị nền tảng cho sự phát triển vững bền xã hội loài người.

Nếu kiến thức khoa học kỹ thuật là phương tiện, thì niềm tin vào những giá trị nền tảng là sức mạnh cho công cuộc phát triển đất nước. Khi chỉ có kỹ thuật mà thiếu những giá trị nền tảng cho đời sống xã hội, thì sự phát triển để lại những tiêu cực và tệ nạn xã hội, đồng thời thiếu tính vững bền. Trong công cuộc phát triển, con người là cùng đích, quyền lực, thế lực và tài lực là công cụ, những giá trị nền tảng là nền móng mang tính vững bền.

Xây đắp nền móng phát triển vững bền

4. Chân lý. Thiên hạ trong trời đất xưa nay đều ý thức và xác tín rằng sự sống và nhân phẩm, tự do và nhân quyền, là bẩm sinh, là thiên phú. Tín đồ các tôn giáo tin rằng đó là quà tặng của Đấng Tạo Hoá Chí Tôn trao cho loài người để quản lý vũ trụ tạo vật vì sự sống, phẩm giá và hạnh phúc lâu dài của con người, của gia đình và xã hội loài người. Đó là chân lý về sự hiện hữu của loài người trên trái đất. Đó là chân lý về nhân quyền, về tự do, về sự bình đẳng giữa người với người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giàu nghèo, chính kiến. Các bản Hiến Chương, Hiến Pháp, Tuyên Ngôn trên thế giới xưa nay đều đã ghi nhận chân lý khách quan đó. Dựa trên Lời Chúa dạy, người công giáo tin rằng Đức Giêsu là hiện thân của Chân Lý tròn đầy.

Nếu chân lý là điều phản ánh thực tại vô hình, như nhân phẩm và nhân quyền, công lý và tình huynh đệ, thì sự thật là điều phản ánh thực tại hữu hình, như sự kiện, biến cố, cuộc sống con người và xã hội. Chức năng của các cơ quan truyền thông xã hội là thông truyền trung thực chân lý và sự thật, nhằm tạo niềm tin, củng cố những mối quan hệ xã hội lành mạnh. Khi truyền thông không trung thực với chân lý, hoặc bóp méo, cắt xén, thêu dệt sự thật, nhằm biến chân lý và sự thật từ điều phản ánh thực tại thành điều có lợi riêng cho bản thân hoặc cho phe phái, khi đó, thay vì làm cho mọi người tin tưởng và liên kết với nhau, thì trái lại truyền thông xói mòn niềm tin và làm cho con người nghi kỵ lẫn nhau, làm xấu đi những mối quan hệ trong cộng đồng xã hội.

5. Công lý. Công lý là điều phù hợp với đạo lý và công ích, công bằng là điều đúng với lẽ phải. Đạo lý và lẽ phải đều đòi hỏi mọi người ý thức tôn trọng sự sống và nhân phẩm, tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền tự do và quyền tư hữu của mọi thành phần trong cộng đồng xã hội. Tài sản, chức quyền, địa vị, là lớp vỏ bọc ngoài, có thể khác nhau về mức độ, cấp bực, song nhân phẩm và nhân quyền, mang tính bẩm sinh, thì như nhau ở nơi mọi người, do đó cần được tôn trọng và đối xử bình đẳng với nhau.

Công lý và lẽ phải đều đòi hỏi giới hữu trách tạo cơ hội đồng đều cho mọi người giàu nghèo phát huy tiềm năng và phẩm giá của mình. Đồng thời tạo thuận lợi cho mỗi người học biết tôn trọng chân lý và công lý, tình huynh đệ và hoà bình. Không có được những cơ hội thuận lợi đó, con người không phát huy được khả năng sống trung thực, lương thiện, phục vụ cho công ích. Con người đó chỉ biết làm theo mệnh lệnh, hoặc chỉ biết chạy theo cơm áo gạo tiền bằng mọi giá và mọi cách, cả cách dối trá, xảo quyệt, lừa gạt, hoặc bạo lực, áp bức. Thực tế cho thấy những cách bất lương đó đều tạo thêm bất công và gây ra bất ổn trong xã hội.

6. Tình huynh đệ. Khi đặt nền tảng trên niềm tin vào chân lý và lòng tôn trọng đối với đạo lý và lẽ phải, tình huynh đệ sẽ đưa đến những nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày nay là: (1) tôn trọng và bảo vệ sự sống, nhân phẩm, nhân quyền của mọi người anh em đồng bào và đồng loại, (2) vun tưới và chăm lo cho hạt giống tiềm năng của mọi người phát triển và sinh hoa kết trái thiện ích cho mọi gia đình, mọi dân tộc.

Tình huynh đệ đó còn được gọi là tình huynh đệ đại đồng. Trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay, châm ngôn “Tứ hải giai huynh đệ” là ánh sáng soi đường cho loài người xây đắp tình liên đới và tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển và thăng tiến của mọi dân tộc. Khuynh hướng “Cá lớn nuốt cá bé”, phát sinh từ nền kinh tế thị trường, là động cơ thúc đẩy sản xuất, đồng thời nó cũng là một thứ lực phân rẽ và làm suy yếu sức sống của cộng đồng dân tộc.

7. Hòa bình. Hoà bình đích thực không có nghĩa là vắng bóng chiến tranh, mà là kết quả của công trình xây dựng, bảo vệ và phát triển. Ba viên đá nền xây dựng toà nhà Hoà Bình là Chân lý, Công lý và Tình Huynh đệ đại đồng. Gìn giữ và bảo vệ hoà bình lâu dài là nghĩa vụ của cả dân tộc và của mọi dân tộc. Đó cũng là chức năng của công quyền với trách nhiệm tổ chức cơ chế và luật lệ quản lý xã hội, bang giao quốc tế. Những khi quyền tự do của con người bị khống chế, những khi có hành động thiếu dân chủ, phân biệt đối xử, hoặc bạo lực áp bức, đó là những lúc biểu lộ sự thiếu ý thức tôn trọng đối với chân lý, công lý và tình huynh đệ. Đó cũng là những lúc làm suy yếu nền móng xây dựng hoà bình.

Công cuộc phát triển vững bền

8. Trong lãnh vực xã hội, niềm tin và lòng tôn trọng đối với những giá trị nền tảng trên là sức mạnh thúc đẩy mọi người chung sức đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của đất nước hôm nay: - hàn gắn những vết thương chiến tranh còn đang rỉ máu và tạo ra thế đối kháng cũng như chia rẽ trong lòng dân tộc; - khắc phục những tiêu cực và tệ nạn xã hội, nhằm lành mạnh hoá và thăng tiến đời sống gia đình và xã hội; - xây dựng đất nước vững bền và phát triển con người toàn diện.

9. Trong lãnh vực giáo dục, những giá trị nền tảng là ngọn đuốc soi sáng cho giới hữu trách là gia đình, nhà trường, xã hội, có cái nhìn chính xác về con người như là cùng đích của giáo dục và phát triển. Đồng thời cũng có cái nhìn về giáo dục và phát triển mang tính toàn diện.

Nền giáo dục toàn diện bao gồm mọi phương diện nhân bản và nền tảng của con người, như:

- (1) trí dục, nhằm phát huy các tiềm năng trí thức là tiếp thu, ghi nhớ, phân tích, tổng hợp và sáng tạo,

- (2) kỹ dục, nhằm phát huy khả năng ứng dụng và thực hành,

- (3) thể dục, nhằm rèn luyện một thân thể cường tráng làm cho tâm thần lành mạnh,

- (4) đức dục, nhằm phát huy khả năng đồng hoá với những giá trị tinh thần và đạo đức làm cho tâm hồn ngày càng trở nên cao thượng.

Khi dạy cho con người biết yêu chuộng chân lý và công lý, tình huynh đệ và hoà bình, nền giáo dục đó không những giúp thế hệ người trẻ tìm gặp lẽ sống và niềm hy vọng đối với tương lai của dân tộc, song còn: (1) tránh biến họ thành những con người hụt hẫng, què quặt, bệnh hoạn; (2) tránh tiếp tay biến họ thành công cụ phục vụ cho những tham vọng ích kỷ của những thành phần nắm giữ quyền lực, thế lực, tài lực trong xã hội; (3) tránh tạo thêm bất công và bất ổn trong xã hội.

10. Trong lãnh vực kinh tế, bốn giá trị nền tảng là bản chỉ đường cho mọi thành phần phát huy lòng yêu nước:

- Đối với thành phần sản xuất, yêu nước hôm nay là sống tự trọng và trung thực, không làm ra hàng dỏm, hàng giả, thuốc dỏm, thuốc giả, bằng giả, học giả, song làm ra những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao; yêu nước còn là quan tâm chăm lo cho đời sống công nhân và gia đình họ, chia sẻ và nâng đỡ lúc họ túng quẩn, tránh đối xử với họ như phương tiện sản xuất;

- Đối với các giới tiêu thụ, yêu nước hôm nay là”người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Nếu lòng tôn trọng tha nhân đòi hỏi không bài ngoại, thì lòng tự trọng đòi hỏi không sính ngoại đến độ để mình bị đè bẹp và bị tha hoá.

- Đối với các thành phần nắm giữ quyền lực, thế lực, tài lực trong xã hội, địa vị càng cao càng có trách nhiệm đi đầu và dẫn đầu lòng tự trọng và lòng yêu nước hôm nay.

Đó cũng là bài học lịch sử từ những nước Á châu phát triển hoặc đang phát triển hôm nay.
 
Cộng sản Việt Nam đang rối loạn trong cách đối phó các vấn đề hiện nay
Trung Nghĩa
11:38 21/11/2008
Cộng sản Việt Nam đang rối loạn trong cách đối phó các vấn đề hiện nay

Bất cứ một tổ chức nào dù chính nghĩa hay phi nghĩa đều phải có những nguyên tắc hoạt động nhất định, trên nguyên tắc này, các hoạt động mới phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cả hệ thống tổ chức đó. Đảng cộng sản, nhà nước cộng sản được hình thành và hoạt động trên các nguyên tắc của học thuyết cộng sản - Một học thuyết chủ trương dùng bạo lực không giới hạn để đạt được các mục đích tốt đẹp cho nhân dân chỉ có trên giấy...

Chưa nói đến tích chất phản nhân của học thuyết cộng sản, mà xét ở góc độ cách thức tổ chức bộ máy, nguyên tắc hoạt động của cộng sản, thì hệ thống này đã đạt được những thành công nhất định. Có lúc nó đã tập hợp được số đông quần chúng, phối hợp hành động tạo ra những cuộc "cách mạng" làm rung chuyển cả thế giới...Chính các nguyên tắc tổ chức và hoạt động ngặt nghèo của cộng sản đã giúp Cộng sản Việt nam sống sót qua cơn "Đại hồng thuỷ lòng người" đã quét sạch cộng sản khỏi Đông Âu hồi cuối thập kỷ 80 thế kỉ 20. Sống sót nghĩa là: Còn sống sau một biến cố, một tai nạn lớn, trong khi những người cùng hoàn cảnh đã chết cả. - Từ điển tiếng Việt năm 1997 trang 837.

Cộng sản Việt nam sống được đến hôm nay, yếu tố gặp may góp một phần không nhỏ. Nhưng cũng còn bởi yếu tố chủ quan là nó có được một bộ máy gớm ghiếc với các nguyên tắc tổ chức hoạt động rất ngặt nghèo… Nhưng chớ trêu thay, cái nguyên tắc tổ chức hoạt động rất ngặt nghèo của cộng sản giúp cho nó thoát hiểm thì cũng chính các nguyên tắc này đang bó tay nó, và đẩy cộng sản đến sát miệng huyệt mà họ dường như không cưỡng lại được...

Sự kiện Tổng Giáo Phận Hà Nội với những diễn biến mà cộng sản tưởng rằng đã kiểm soát được tình hình, sau khi dùng các phương pháp thủ đoạn hèn hạ với các tu sĩ, giáo dân Công Giáo và họ cũng đã phải hy sinh một đống lợi ích vật chất cũng như tổn hại thêm danh tiếng vốn đã không lấy gì làm tốt đẹp… Nhưng sự thực cộng sản có thể kiểm soát được tình hình không? Nó đang hoạt động nhịp nhàng hay rối loạn? Tại sao lại rối loạn?

1) Sự kiện thiên tai lũ lụt vào đầu tháng 11 năm nay cũng tố cáo bản chất đám quan chức cùng bộ máy cộng sản với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động phi nhân tính của nó:

Thiên tai vốn là hiện tượng của vũ trụ, ngoài khả năng điều hành của con người, thiên tai thì không có tính giai cấp, hay chính trị tôn giáo gì cả… Từ xưa đến nay vẫn thế...Nhưng từ 31/10 đến 5/11/2008 Hà Nội đón nhận một cơn mưa chưa từng có trong lịch sử từ khi có cơ quan khí tượng ghi nhận về thời tiết...Chính cơn mưa này đã vạch vặt chỉ tên những kẻ cầm đầu cộng sản cũng như bộ máy của nó về tính chất phi lý, phi nghĩa của những kẻ luôn xưng là đầy tớ của nhân dân, với bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân. Những thành phần dân chúng còn mơ hồ về bản chất lưu manh, những thủ đoạn hèn hạ mà quan chức cộng sản đã sử dụng trong vụ việc "Xây dựng hai vườn hoa siêu tốc cho nhân dân thủ đô" nay bỗng giật mình khi bị tên trùm cộng sản Phạm Quang Nghị sỉ vả là lười biếng, là ỉ lại, là chỉ trông chờ nhà nước cứu giúp, không tự cứu mình… Thật là nực cười khi người ta nhìn vào hệ thống an sinh thiên tai Việt Nam và thấy rằng ai đó có muốn ỷ lại cũng chẳng được gì, không lẽ họ ỉ được vào cái an sinh thiên tai gần như bằng số không của cộng sản? Sau một hồi nhục mạ dân lành, ông Phạm Quang Nghị lại quay sang đổ cho Thiên tai là không thể dự đoán được…

Tại sao ông Nghị lại phát ngôn như vậy? Trong khi nó luôn được dậy rằng "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân" – "Nghiêng đồng đổ nước ra sông; Vắt đất ra nước thay trời làmg mưa"? Là bới các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cộng sản đã đẻ ra nhân cách của ông Phạm Quang Nghị - Người tử tế, hiểu bản chất vấn đề, biết tôn trọng người dân làm sao mà vô được đảng cộng sản chứ chưa nói đến làm thủ lãnh cộng sản như ông Nghị.

Trong giới công chức Hà Nội vẫn còn đang loan truyền việc ông Nguyễn Thế Thảo - CTUBND bị đám giúp việc (vốn theo nguyên tắc tổ chức hoạt động của cộng sản được hình thành từ trước - ông Thảo không có quyền lựa chọn khi về nhậm chức) xúi làm ra chính sách cấm bán hàng rong… Vừa ra đã phá sản và đến người nhát gan nhất cũng sẵng giọng mà chửi rằng "Quân khốn nạn". Khi cơn mưa đã tạnh, ông chủ tịch Thảo thậm chí không dám đi thăm dân chúng vùng vẫn ngập, vì lúc đó ông Nguyễn Minh Triết đã sắn quần lội nước đi thăm rồi… Theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cộng sản, đó là một hình thức ông Triết cảnh cáo đám quan chức Hà Nội… Ông Nguyễn Thế Thảo có đi lội nước lúc này cũng vô ích trước bộ chính trị cộng sản…

Mãi đến khi trời đã tạnh mưa mấy ngày ông Nguyễn Thế Thảo mới cho vài cái xe tải "tăng bo" dân chúng đi qua những quãng đường còn ngập miễn phí, một cách chiếu lệ… Giả dối đến mức ông cộng sản bộ trưởng Nông Nghiệp – Cao Đức Phát phải tri hô lên rằng: Hà Nội phản ứng quá chậm với mưa lụt… Tại sao quan chức Hà Nội lại "Phản ứng quá chậm"? trong khi điều động và chi tiền cho các việc này là trong tầm tay và đâu phải từ tiền túi quan chức? Là bởi các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cộng sản tầng tầng lớp lớp thủ tục, đẻ ra cỗ máy trì trệ tắc trách với nhân dân, không một cá nhân quan chức cộng sản nào (Dù còn chút lương tâm, dù muốn) có thể thay đổi được các nguyên tắc phi nhân tính này.

2) Bộ máy cộng sản với các nguyên tắc tổ chức hoạt động của nó, tiếp tục sản sinh ra những tên cộng sản gian manh, tự cáo giác bản chất lưu manh trước quốc tế.

Mấy ngày qua, không lấy gì làm ngạc nhiên khi một cán bộ cộng sản buôn lậu sừng tê giác bị báo chí Nam Phi bắt quả tang… Cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi tên đại sứ toàn quyền nhà nước cộng sản Việt Nam tại Nam Phi phát ngôn câu: Thật quá nhục nhã.

Nhưng như thế cộng sản cấp dưới đã sỉ vào mặt nguyên thủ cộng sản, tự sỉ vào mặt mình… Và trùng khớp với sự kiện cộng sản cắt xén lời nói của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt để vu cáo bôi nhọ Ngài hoá ra tự bôi nhọ mình…

Cả thế giới cũng như toàn thể dân Việt đang dõi theo việc giải quyết những vụ án cán bộ cộng sản tham nhũng tiền vay nước ngoài do cơ quan điều tra nước ngoài phanh phui… Cộng sản không thể dùng bàn tay để che mặt trời… Công việc này quá sức của nó, bởi các nguyên tắc tổ chức hoạt động của cộng sản không cho phép xử lý vụ việc một cách thỏa đáng và minh bạch. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ có thể sẽ "tự sát" theo một nghị quyết của chi bộ đảng cộng sản để cứu nguy tình thế… Nhưng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy cộng sản sẽ lại đẻ ra những con buôn lậu hay tham nhũng tiền vốn vay nước ngoài mới… Vô phương cứu chữa.

Nếu muốn giải quyết được vấn đề, cộng sản buộc phải thay đổi hoàn toàn các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nó. Nghĩa là phải bỏ điều 4 Hiến pháp ngụy quyền lực nhân dân của cộng sản. Nói theo cách của UVBCT ĐCSVN Nguyễn Minh Triết, như thế chẳng khác gì cộng sản treo cổ tự vẫn.

3) Tiếp tục dùng bọn lưu manh nghiện hút, xã hội đen tấn công vào nhà thờ Thái Hà bởi nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cộng sản là cán bộ nào cũng có quyền hành, cán bộ to cũng có lúc nhỏ, cán bộ dù nhỏ cũng có lúc rất to?

Đêm 15/11/2008, cán bộ cộng sản, cả công an cộng sản mặc sắc phục, cả côn đồ, cùng lúc có mặt trong khuôn viên nhà thờ, nhà Dòng Thái Hà lăng mạ, khiêu khích, tấn công giáo dân và tu sĩ Công Giáo, cán bộ, công an cộng sản mặc sắc phục có mặt không những không bắt kẻ có hành vi phạm tội quả tang, mà lại làm ngơ, thậm chí quay sang sách nhiễu đòi lục soát nhà Dòng...Sự việc làm các tôn giáo khác phải khiếp đảm… Đến mấy ni sư giáo hội Phật Giáo Việt Nam – Thành viên MTTQVN cũng phải đến tận nơi tìm hiểu… họ cảm thấy không an toàn, có thể đến một lúc nào đó, trong hoàn cảnh náo đó, sẽ đến lượt họ…

Trước đó cũng những thủ đoạn này, cộng sản đã bị quay phim, tố cáo ra toàn thế giới. Lần này trước khi làm, chúng cũng thừa biết rằng không thể tránh khỏi bị quay phim chụp hình làm bằng chứng tố cáo… Nhưng chúng vẫn tiến hành…

Có phải cộng sản bất chấp thế giới văn minh? có phải cộng sản sắp quay lại thời kỳ đóng cửa quốc gia để giết chóc dân lành? Chắc chắn không phải thế, vì cộng sản biết rằng làm thế nó sẽ chết đột tử.

Trong trường hợp này có hai khả năng sảy ra:

• Có thể đây là việc làm có tính toán thống nhất từ bộ chính trị cộng sản cho đến những tên cán bộ cộng sản ở cơ sở… Nhằm đánh phá ý chí đấu tranh của giáo dân tu sĩ Công Giáo, hoặc để thăm dò ý chí này… Nếu thất bại thì cấp trên đổ cho cấp dưới, cùng lắm thì "thí tốt"… Nếu như vậy, thì thật là ngu xuẩn bới chính ông tổ lênin của cộng sản Việt Nam cũng đã cảnh báo: "Tuyên chiến với tôn giáo là việc làm ngu xuẩn" bất kể dưới hình thức nào… Cũng chắng có lý luận nào của chủ nghĩa cộng sản dậy rằng có thể dùng chiêu bài "thí tốt" để đánh lừa niềm tin, chiến đấu với tâm tình tôn giáo cả…

• Có thể đây là sự bất phục tùng của cộng sản các cấp, các vùng miền với nhau… Nếu thế, thì các nguyên tắc tổ chức hoạt động của bộ máy cộng sản khi va vào tôn giáo không những vô tác dụng mà còn phản tác dụng… Tôn giáo xưa nay vẫn lấy chữ tín, niềm tin, sự vâng phục trên dưới làm đầu… Nay cộng sản cấp cao nói một đằng, làm một nẻo, rồi đổ cho cấp dưới… Trong khi người ta vẫn chứng kiến những tên cộng sản cao cấp khi nổi giận thì đằng đằng sát khí, ra lệnh bắn giết cả đồng chí vì những việc trái ý cỏn con… (Hồ Chí Minh ra lệnh xử bắn Trần Dụ Châu …) Không ai dù trong tình thế nào, còn dám tin vào lời "bảo đảm" của cộng sản dù ở cấp cao nhất nữa…

Cả hai khả năng này đều là hệ quả tất yếu của các nguyên tắc tổ chức hoạt động của cộng sản. Chính nó đã làm cộng sản bị mù không còn khả năng nhận thức đúng vấn đề hay là làm cộng sản bị liệt, không còn khả năng điều binh khiển tướng…

Có thể nói bộ máy cộng sản Việt Nam đang rối loạn. Rối loạn vì các nguyên tắc tổ chức hoạt động của nó đã đến hồi vô hiệu. Nguyên tắc tổ chức hoạt động vô hiệu bởi nó xuất phát từ tâm địa đen tối vô luân của người cộng sản. Và bởi đã đến thời kỳ nhân loại không chấp nhận sự gian ác, dối trá, phản phúc của những người cộng sản… Và cũng bởi Chúa sẽ thực hiện công lý vĩnh cửu của Ngài. Nói cách ngắn gọn: Cộng sản đang rối loạn vì tà tâm.

4) Người công chính phải làm gì cho quốc gia, cho dân tộc, cho đạo pháp, cho công lý, và hoà bình?

Cộng sản việt nam sống được đến ngày nay là nhờ vào hai yếu tố: Chúng còn vận may và chúng có một bộ máy gớm ghiếc với các nguyên tắc tổ chức hoạt động rất ngặt nghèo… Nhưng xem ra hai yếu tố này đang dần dần mất đi mà chúng không thể níu kéo… Trong khi chỉ cần một trong hai yếu tố này mất đi, Việt cộng sẽ cáo chung.

Nhưng như thế có phải là những người dân Việt, người Việt quốc gia cứ ngồi đấy chờ đến lúc việt cộng mất một trong hai yếu tố sinh tử, rồi bất chiến tự nhiên thành? Nếu chỉ chờ đợi, ngày đó sẽ rất xa… Và còn nguy cơ khác nữa là những tên cộng sản sẽ tìm cách hoá thân, thành lập đảng phái với cái tên không cộng sản… Rồi tiếp tục tiếm quyền lãnh đạo quốc gia, sinh sát dân lành với cái vỏ bọc tinh vi là niềm tự hào, là tinh thần tự tôn dân tộc… Chúng ta hãy nhìn sang nước Nga, với Putin - Một tên cộng sản nòi, trong một cơ quan chó săn cộng sản nợ không biết bao nhiêu xương máu người vô tội… Dùng sảo thuật mà lên nắm quyền… Nhân quyền Nga được hưởng những gì? Kinh tế và hoà bình thế giới được hưởng lợi gì?

Mỗi con dân công chính nước Việt Nam dù ở đâu, trên địa vị nào, hãy hành động vì lòng yêu nước. Trước tiên là hãy truyền tin, hãy chống lại bộ máy tuyên truyền của cộng sản. Hãy làm phá sản các thủ đoạn tuyên truyền bịp bợm của chúng… Rồi bằng năng lực của mình mà hãy tranh đấu về ngoại giao, về kinh tế, về văn hoá, về chính trị… Để đưa cộng sản về đúng chỗ của nó.

Chúng ta phải là các chi thể trong cùng một cơ thể, cùng phối hợp hành động, cùng đau đớn, cùng buồn vui… Không thể dùng con ngươi tròng mắt để đỡ một cú đấm, cũng không thể bắt chân tay tư duy trừu tượng, đoán định tình thế… Nếu là một bộ não trác tuyệt trên một thân thể bại liệt thì cũng là bất hạnh và ngày chiến thắng cũng mịt mùng…

Tôi muốn nhắn gửi người Việt trong nước đừng nói với kiều bào rằng: "Có giỏi thì về nước mà chống cộng"; Tôi lại muốn nhắn gửi người Việt hải ngoại rằng: "Đừng chỉ trích, đừng dè chừng đồng bào trong nước cho rằng họ đã bị mất khả năng nhận thức vấn đề bởi cái xiềng cộng sản bao nhiêu năn nay…" Chúng ta đều là nạn nhân, đều phải chịu một phần trách nhiệm khi để cho cộng sản rầy xéo quê hương – Như thế là chưa trọn hiếu với tổ tiên. Không phải quốc tế mà chỉ chúng ta mới cứu được nhau và cũng chỉ chúng ta mới trả được hiếu cho tổ tiên Người Việt mà thôi.

Hà Nội ngày 20.11.2008
 
Công văn Tp Hà Nội răn đe sinh viên không được tham gia khiếu kiện hay cầu nguyện...
UBND Tp Hà Nội
18:30 21/11/2008
 
Một phút suy tư...
Petrus Trần
18:44 21/11/2008
Một phút suy tư...

Bấy giờ, Đức Giê-su đi……đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni…”. Chuyện kể tiếp rằng: “Tâm hồn Thầy (Đức Kitô) buồn đến chết được… Người…sấp mặt xuống, cầu nguyện…” (Mát-Thêu 26, 36..38..39). .. “Cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được....sai đến …bắt Đức Giê-su…” (Mt 26, …47…50).

Thưa Thầy, vì sao họ lại bắt Thầy ?

Có phải vì Thầy tính “cắm dùi” thửa đất mà hôm nay chúng con thường gọi là “vườn ghệt” đó không ??? Có phải Thầy …"nói phạm thượng” (Mt 26, 65) với các “quan” trong thượng hội đồng???... "chớ để (tâm) hồn con chìm đắm trong phiền muộn, cũng đừng để mình nặng trĩu những ưu tư.” (Huấn ca 30, 31).

Thầy ơi ! Kinh thánh dạy như thế đó…

Nhưng – Thưa Thầy - làm sao không phiền muộn, làm sao không âu lo !!!

Vâng, lại là chuyện “thửa đất”… Chúng con cũng đã cùng nhau ra thửa đất… không, chúng con không có ý định “cắm dùi” …Thầy, chúng con chỉ hát-kinh-hòa-bình-và-cầu-nguyện…Thầy ơi ! chính “tâm hồn Thầy (cũng) buồn đến chết được” (Macô 14,34) thì chúng con đây làm sao không khỏi buồn bã, khóc than…

St. Mattheu kể lại vụ án “vườn ghệt” như sau: “các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó… các thượng tế và toàn thể Thượng hội đồng …. tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su… để lên án tử hình”. (26, 57…59).

Oh ! My God… Thưa Thầy, vụ án “vườn ghệt” ngày xưa tưởng như sẽ không thể và không bao giờ thêm một lần nữa xảy ra…Than ôi ! không chỉ một vụ mà là rất… rất nhiều vụ…Thầy ơi ! vụ “Thái Hà Ấp”…vụ “Tòa Khâm Sứ”. Vâng, đây chỉ là hai vụ “án điểm”, thưa Thầy…

Điều làm con ngạc nhiên là vụ án “vườn ghệt” và hai vụ “ án điểm” mà con vừa nêu ở trên kịch bản sao mà giống nhau quá… y chang, thưa Thầy!!!

Cũng đông-đảo-các-kinh-sư-các-kỳ-mục-đã-tề-tựu-sẵn-đó…có khác chăng là ở chỗ y phục… Vâng, họ ăn mặc gọn gàng hơn, thưa Thầy… Thượng-tế-và-toàn-thể-Thượng-hội-đồng khỏi cần bàn…họ đang chỉ đạo từ xa bằng công-nghệ-thông-tin-hiện-đại … Cũng “có nhiều kẻ …làm chứng gian” (Mt26, 60) điều nực cười là “chứng của họ không ăn khớp với nhau” (Mac 14, 59)… Con cháu của Giu-đa Ich-ca-ri-ốt… con cháu của Cai-pha đông vô kể…

Chúng con đã khóc… chúng con đang khóc… “công-cụ-hỗ-trợ-của-họ-ngầu-lắm” Thầy ơi!!! “Chúng ghét (chúng) con vô cớ” (Gio-an 15, 25)… “Thầy ! Thầy ơi, chúng con chết mất – hãy cứu chúng con” (Mt 8,25)

Vâng, chúng con khẩn thiết xin Thầy ban “thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho (chúng con)”(Luca 22, 43)

Sàigòn 16.11.2008 lễ các Thánh tử đạo Việt-nam.
 
Đánh giá lại Diệm: Cái nhìn khác về miền Nam
Tiến sĩ Kathryn Statler/ BBCVietnamese
22:52 21/11/2008
Đánh giá lại Diệm: Cái nhìn khác về miền Nam

Vẫn nằm trong loạt bài đánh giá về nhân vật Ngô Đình Diệm nhân 45 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính tháng 11.1963, xin giới thiệu với quý vị bài viết của tiến sĩ Kathryn Statler, Phó Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học San Diego, Hoa Kỳ.

Trong cuốn sách của tôi, Thay thế Pháp: Nguồn gốc của sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tôi đánh giá cách người Mỹ thay Pháp ở miền Nam sau Hội nghị Geneva 1954.

Sách mới của Tiến sĩ Kathryn Statler
Hiệp định Geneva đã tạm tái lập hòa bình giữa lực lượng của Hồ Chí Minh và Pháp, và chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17.

Các lãnh đạo Pháp tin rằng họ sẽ duy trì ảnh hưởng ở Nam Việt Nam, nhưng không được khi người Mỹ bắt đầu chiếm các vị trí trước đây nằm trong tay Pháp.

Khôn hơn người ta tưởng

Có lẽ yếu tố quan trọng nhất định hình sự chuyển đổi ảnh hưởng từ Pháp sang Mỹ chính là Diệm. Sau khi đã loại bỏ được ảnh hưởng của Pháp ở miền Nam, ông lại xoay sang mục tiêu tìm kiếm độc lập trước người Mỹ.

Các quan chức Mỹ ủng hộ Diệm sau Geneva vì họ bị thu hút bởi nhãn hiệu chống tham nhũng, chống cộng, thân phương Tây, Thiên Chúa giáo. Nhưng hóa ra Diệm, một cách có hệ thống, đã phá ngang các yêu cầu của Mỹ ở miền Nam, tuyên bố ông là một lãnh đạo Á châu tự chủ.

Lúc Diệm trở thành Thủ tướng, cả đồng minh lẫn kẻ thù đều nghĩ Diệm là một người có đạo đức, nguyên tắc, trung thực nhưng không khôn lắm về chính trị.

Diệm đã chứng tỏ ông khôn hơn người ta tưởng. Đến giữa tháng Năm 1955, Diệm đã loại hầu hết đối thủ trong nước, đặc biệt các nhóm Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên.

Ông cũng góp vai trò vào công cuộc vận chuyển và tái định cư thành công nhất trong lịch sử hiện đại, khi người tị nạn miền Bắc đổ vào miền Nam sau Hội nghị Geneva 1954.

Diệm cũng phá vỡ kế hoạch bầu cử năm 1956 theo như quy định của Hiệp định Geneva, với lý do Nam Việt Nam đã bị loại trừ khỏi cuộc đàm phán và đã không ký thỏa thuận chung cuộc.

Từ 1954 cho đến khi bị ám sát năm 1963, Diệm hoan nghênh viện trợ của Mỹ nhưng chống lại cố gắng chỉ đạo chính sách của miền Nam.

Bên cạnh đó, Diệm tìm cách có sự tôn trọng và hợp tác của các nước trung lập Thế giới thứ Ba, để không bị xem là con rối của Mỹ.

Diệm mặc đồ như một người phương Tây vì ông nhận thức rằng đó là nơi của trung tâm quyền lực, nhưng ông quyết đi theo con đường riêng ở Đông Nam Á.

Điều thú vị là đến cuối thập niên 1950, từ chỗ cực lực bài Pháp, Diệm bắt đầu nỗ lực hàn gắn quan hệ với Pháp để chứng tỏ mình độc lập trước Washington.

Chính sách ngoại giao

Đối ngoại là lĩnh vực Diệm có nhiều thành công nhất. Mục tiêu ngoại giao đầu tiên của ông là nâng vị thế quốc tế của Nam Việt Nam, bằng cách bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác.

Đến tháng 10.1956, Nam Việt Nam có 11 phái bộ tại Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Nhật, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Hong Kong, Djakarta và Đài Bắc, và có nhiều nước công nhận hơn miền Bắc (hơn 40 nước vào đầu năm 1958).

Diệm ngày càng lo ngại rằng các nước châu Á xem ông là “người do Tây nhào nặn”. Sau khi đã bảo đảm được sinh mạng chính trị của miền Nam, và của chính ông, ông bớt phụ thuộc hơn vào Mỹ.

Ông Diệm dựa vào Mỹ nhưng cũng muốn độc lập
Trước thời hạn bầu cử 1956, Diệm dè bỉu các nước “không liên kết”, nhưng sau khi hạn chót đã đi qua, ông thay đổi chính sách: cải thiện quan hệ với các nước châu Á.

Trước tiên Diệm ve vãn Ấn Độ, đích thân đi đến New Delhi năm 1957. Một mục tiêu của chuyến thăm là chứng tỏ ông không phải như Lý Thừa Vãn của Nam Hàn, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan – những người mà ông xem là chư hầu của Mỹ.

Diệm cũng bắt đầu tới các nước khác, đón tiếp nhiều lãnh đạo như U Nu của Miến Điện, để tăng vị thế quốc tế của ông.

Ông bay đến Washington, Canberra, Seoul, Bangkok, Delhi, Rangoon, gặp Thủ tướng Nhật, các phái đoàn của Marốc và Iraq. Diệm cũng đạt thỏa thuận đoàn kết chống cộng sản cùng với Úc, Nam Hàn và Thái Lan.

Ông cố gắng phát triển quan hệ với khối trung lập, giao thiệp với các nước Ảrập và thương lượng với Nhật về việc bồi thường chiến tranh.

Diệm cũng đăng ký gia nhập thật nhiều tổ chức quốc tế để quảng bá cho quốc gia miền Nam.

Đến cuối năm 1957, Nam Việt Nam có đại diện ở ít nhất 20 tổ chức liên quan Liên Hiệp Quốc và là thành viên của IMF.

Hành động cân bằng giữa Á châu và Mỹ đưa Diệm đi đến ngã tư đường trong chính sách ngoại giao vào năm 1958.

Theo chuyên gia hàng đầu về Việt Nam khi đó, Bernard Fall, miền Nam có thể cứ nằm trong tay Mỹ để bị gọi là chư hầu. Hoặc Sài Gòn có thể tìm lối đi trung dung, nhưng khi đó lại đối phó với bất ổn chính trị, vấn nạn kinh tế.

Cuối cùng, Diệm và em trai, Ngô Đình Nhu, ủng hộ quan điểm duy trì sự độc lập của miền Nam trong tương quan với Mỹ.

Đến năm 1960, 55 nước đã chính thức công nhận miền Nam – một thành tựu khá lớn khi so với sự cô lập của Cộng hòa Dân chủ Việt Nam.

Thất bại trong nước

Mặc dù khá thành công khi khẳng định sự độc lập về đối ngoại trong giữa thập niên 1950, nhưng đến khi John Kennedy đắc cử, Diệm để mất chủ động trong cả lĩnh vực đối ngoại và đối nội, vì sự can thiệp gia tăng của Mỹ và việc Diệm không thể ứng phó với các vấn đề trong nước.

Những khó khăn của miền Nam một phần có thể quy cho việc Mỹ không hiểu được chủ nghĩa dân tộc của Thế giới thứ Ba và những động cơ của Diệm.

Các viên chức Mỹ ở Sài Gòn tiếp tục ngạc nhiên là dù có viện trợ, Diệm vẫn chống đối cải cách của Mỹ.

Trong khi đó, Diệm cũng bực tức vì sao người Mỹ không hiểu quyết tâm của ông muốn đi theo con đường riêng, bỏ qua cả hệ thống tư bản dân chủ và kinh tế tập trung cộng sản.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Diệm.

Dù có thành công trong ngoại giao, nhưng Diệm khó lòng trở thành lá chắn hiệu quả chống lại quyết tâm thống nhất hai miền của Hà Nội.

Nhưng có lẽ những thành tựu của ông lâu nay đã bị đánh giá thấp.

Đây là người đã loại bỏ phe Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên, buộc Pháp rời bỏ cựu thuộc địa, lấy được viện trợ đáng kể của Mỹ, và buộc cộng đồng quốc tế chấp nhận “sự tan rã của ý tưởng bầu cử toàn quốc 1956”, và buộc họ thừa nhận rằng đất nước không thể được thống nhất chừng nào người cộng sản còn cầm quyền ở miền Bắc.

Diệm cũng lập ra một hiến pháp trao quyền lực tuyệt đối cho hành pháp, lập ra Quốc hội miền Nam, và giúp hàng trăm ngàn người tị nạn miền Bắc hòa nhập cuộc sống.

Diệm cũng có nhiều nhược điểm, như các nhà chỉ trích trước và nay đã chỉ ra. Đặc biệt, chính sách cải cách ruộng đất tai hại, đàn áp chính trị, và chỉ nghe ý kiến của người thân đã làm chính thể bị suy yếu.

Nhưng Diệm không phải là bù nhìn. Sau rốt, chính vì Diệm quyết tâm đi theo con đường riêng mà các tướng lĩnh miền Nam và Hoa Kỳ đã lật đổ ông.

Về tác giả:Bà Kathryn Statler lấy bằng tiến sĩ lịch sử ở Đại học Santa Barbara năm 1999 và dạy ở Đại học San Diego từ 2005. Tác phẩm đầu tay, Replacing France: The Origins of American Intervention in Vietnam, được NXB ĐH Kentucky ấn hành năm 2007.

(Nguồn: Tiến sĩ Kathryn Statler, viết riêng cho BBCVietnamese.com, ngày 21 Tháng 11 2008)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (2)
Lm Nguyễn Hữu Thy
07:15 21/11/2008
Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (2)

(Để góp phần vào các suy tư trong Tháng Các Đẳng Linh Hồn chúng tôi xin giới thiệu một cách khách quan sau đây những khám phá mang tính cách nghiên cứu khoa học liên quan đến giao điểm mong manh giữa sự sống và cái chết của con người. Và mặc dù những trình bày sau đây không trực tiếp thuộc lãnh vực đức tin tôn giáo về sự chết, nhưng hy vọng có thể gợi lên cho đức tin một tia sáng nào đó về chủ đề được bàn tới.)

III. Những trải nghiệm của những người sau khi chết đã được hồi sinh

Một sự kiện cụ thể và hiển nhiên, không thể chối cãi được, đã thường xảy ra, đó là có nhiều người sau khi chết trong một khoảng thời gian nào đó, bỗng chốc lại tỉnh dậy và tiếp tục sống. Hiện tượng này, như chúng tôi đã nói trên, trong tiếng Anh người ta gọi là «Near Death», còn trong tiếng Đức là «Nahtod», nghĩa là gần như chết hay tương tự như chết; và chúng ta có thể gọi là «chết giả». Đó là những trường hợp cụ thể đã thỉnh thoảng xảy ra tại một số các bệnh viện trên khắp thế giới: Số là có bệnh nhân sau khi được bác sĩ khám nghiệm và chứng nhận là đã chết, nghĩa là tim đã ngừng đập, hệ thống não bộ đã ngừng hoạt động, nhưng sau khi được chuyển xuống phòng xác có máy lạnh được ít lâu, thì tự nhiên hồi sinh tỉnh lại và trở về tiếp tục sống với gia đình.

Đó cũng là trường hợp đã xảy ra trong giáo xứ quê tôi ở Bắc Việt, tuy cách đây đã khá lâu nhưng một số đông những người chứng kiến sự kiện hiện nay hãy còn sống. Số là có một ông nọ (xin được phép không nêu danh) - mà bà vợ ông ta vốn là bạn thân của bà cụ tôi, hiện bà còn sống – sau khi chẳng may bị lâm vào một cơn bạo bệnh và phải qua đời. Và sau khi được tin ông qua đời thì tối hôm đó tất cả bà con trong giáo xứ đã cùng tập trung về gia đình ông để đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ông. Trong lúc đông đảo bà con có mặt tối hôm đó, kẻ ngồi trong nhà, người đứng trên thềm nhà hay ngoài sân, đang đọc kinh thì ông bố vợ của người vừa qua đời cầm một sợi dây đi lại phía cuối giường người chết đang nằm - mặt được đắp một vuông vải trắng và trong tay cầm tượng Thánh Giá - và buộc hai ngón chân cái của người chết lại với nhau như thói quen, để tránh cho hai bàn chân khỏi chạng ra và khi nhập quan sẽ gặp khó khăn. Nhưng khi ông bố vợ người chết đang buộc hai ngón chân cái như thế thì bỗng chốc xác chết ngồi chồm dậy và lấy tượng Thánh Giá mà ông đang cầm trong tay đập mạnh vào đầu ông bố vợ. Sau đó xác chết lại nằm xuống và chết luôn. Dĩ nhiên trước sự kiện đột nhiên và bất bình thường như thế, tất cả mọi người có mặt trong tối hôm đó đều vô cùng hoảng sợ và chen lấn nhau, ai nấy lo chạy mau về nhà mình, vì họ cứ cho là ma hiện về.

Nhưng trên thực tế, đứng về phía khoa học thì đó là trường hợp «Near Death», hay «Nahtod», tức trường hợp đã chết, nhưng chưa chết thật, chỉ mới «chết giả» mà thôi. Trong những trường hợp chết hay «chết giả» như thế, có nhiều người sau khi hồi sinh lại tiếp tục sống bình thường một thời gian lâu nữa, chứ không như trường hợp ông láng giềng ở quê tôi là sau khi tỉnh lại và hành động như trên, ông lại nằm xuống và chết vĩnh viễn.

Và tất nhiên, những người sau khi chết và lại được hồi sinh đều đã trải qua những kinh nghiệm trong thời gian họ «chết» và đã tường trình lại những trải nghiệm đó. Sau đây chúng tôi chỉ trích dẫn một vài trải nghiệm đó.

1) Có cảm giác là mình chết

Nhiều người trong số những người được hồi sinh lại sau khi đã chết, cho hay rằng, họ vẫn hoàn toàn tỉnh táo và biết rõ mình đã chết thật. Họ rời bỏ thể xác của họ và đối diện với một chiều kích mới lạ khác, hoàn toàn không lệ thuộc phạm trù thời gian và không gian. Họ cảm thấy mình vô cùng nhẹ nhàng, chứ không còn bị ràng buộc với một thân xác nặng chĩu nữa. Họ có thể di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác một cách hết sức nhanh nhẹn, tựa như tốc độ ánh sáng vậy. Theo lời những người ấy kể lại, thì họ biết mình là một phần của một vũ trụ vĩ đại duy nhất. Cảm giác về thời gian hầu như bị biến mất. Và nhiều người nhận ra là mình thực sự đã chết, đã từ bỏ thế giới vật chất.

Một người đàn bà đã kể lại: «Trong lúc bấy giờ tôi không còn là vợ của chồng tôi; tôi không còn là mẹ của các con tôi; tôi không còn là con của cha mẹ tôi nữa; tôi hoàn toàn và trọn vẹn là chính tôi.»(1) Trong lúc ra khỏi xác như thế, người ta cảm thấy vô cùng khó khăn, đau đớn và sợ hãi. Nhiều người lại quan sát được tình trạng của mình vào lúc chết một cách cụ thể: «Tôi không thể tin được là đời tôi lại phải kết thúc ở đây và bây giờ… Tôi không nghĩ rằng là có lúc tôi sẽ bị chết đuối và tôi cũng không nghĩ rằng tôi có thể chết khi còn quá trẻ như thế…» - «…Thời gian xem ra như ngừng hiện hữu. Điều đầu tiên mà tôi ghi nhận được một cách hết sức rõ ràng là tôi đã chết. Và từ trên cao tôi nhìn xuống xác tôi, tuy nhiên tôi không chút kinh ngạc khi biết mình đã chết, và điều đó không làm tôi phải bực mình khó chịu.»(2)

2) Được bình an và không còn phải đau đớn nữa

Vào lúc bấy giờ những người trong cuộc cảm thấy mọi mệt nhọc và đau đớn thể xác hoàn toàn biến mất. Cả những người mù lòa, què quặt hay mất mát các phần thân thể, cũng cảm thấy mình khoẻ mạnh, lành lặn và đầy đủ tất cả các tứ chi. Chúng ta biết rằng sự đau đớn là một hiện tưởng chỉ có liên quan tới thể xác sinh học mà thôi, chứ không có chút liên quan gì đến cuộc sống sau cái chết. Và sự đau đớn chỉ hết, chỉ chấm dứt khi người ta ra khỏi thể xác mình. Trong cuộc sống sau khi chết sẽ không đau đớn nữa.

Có một người chẳng may gặp phải tan nạn giao thông và bị thương nặng. Ông ta bị hôn mê trong 12 năm trời. Khi ông ta được đưa ra khỏi xác thì thấy mình ông bay lượn trên một ánh sáng trắng tuyệt đẹp. Sau khi hồi sinh, người đó kể lại: «Tôi không còn đau đớn gì nữa cả và tôi cũng không muốn trở lại trong thể xác mình nữa.»(3) Một người đàn bà khác từng đã chết và sau đó lại được hồi sinh đã tường thuật: «Sự tác động sâu sắc và cụ thể nhất đối với tôi là ngay trước khi chết tôi không còn chút sợ hãi nữa… Trước đó tôi vô cùng sợ chết. Nơi tôi, những cơn đau đớn, những cơn đau đớn khủng khiếp đã dẫn tới phản ứng là tôi cảm thấy mình như bước vào trong hoả ngục vậy. Những cơn đau đớn mà tôi chịu đựng một vài giờ trước khi tôi có được những trải nghiệm về sự chết đã nói lên một cách rõ rệt cảm tưởng đó… Thế nhưng từ khi tôi trải qua những cảm nghiệm về sự chết, tôi không còn chút sợ hãi nào trước cái chết nữa. Tôi biết rõ là tôi đã ở đó, một nơi tôi phải tìm kiếm…»(4).

Thêm một người đàn bà khác lại chứnng nhận như sau: «Bây giờ tôi không còn sợ chết nữa. Do những trải nghiệm của chính cá nhân tôi, tôi có thể khẳng định với quý vị rằng sự đau đớn sẽ chấm dứt, cả khi nó trở nên tồi tệ, khi quý vị thấy mình ở bên ngoài thể xác của mình trong một chiều kích hoàn toàn khác hẳn, sống động hơn nhiều và không còn chút đau đớn nào nữa.»(5)

3) Sự trải nghiệm ở bên ngoài thể xác

Hiện tượng người hấp hối bỗng chốc thấy mình không còn trong thể xác nữa và từ trên cao nhìn ngắm chính thể xác mình, có thể được coi như là yếu tố chính yếu của trải nghiệm về sự chết. Nhiều nhà khoa học đã thắc mắc là làm sao ý thức con người lại có thể hiện hữu độc lập với bộ não? Cảm nghiệm thấy mình ở ngoài thể xác như những người trong cuộc thường tường trình lại, đã nói lên biên giới bao la rộng lớn của ý thức con người. Tất cả mọi giới hạn của thể xác hoàn toàn bị xoá bỏ và con người cảm thấy mình sống ngoài thể xác. Người ấy nhận chân được một cách rõ ràng những gì xảy ra chung quanh cái chết của mình. Năm 1999, hai giáo sư Kenneth Ring và Sharon Cooper cho xuất bản một tài liệu khảo cứu về những người mù, với kết quả là trong khi chết («chết giả»), những người mù này đã nhìn thấy được bằng chính mắt mình. Điều này chứng minh cho thấy rằng sự cảm nghiệm về sự chết là một sự kiện được chứa đựng trong sự nhận thức, bởi vì ý thức con người hiện hữu độc lập với bộ não và độc lập với không gian và thời gian. Ý thức con người là một hiện tượng phổ quát và được coi như là nguyên nhân cho tất cả mọi sự được ý thức.

Trong những cảm nghiệm về sự chết thì cảm nghiệm mình hiện hữu ở ngoài thể xác - mà ngôn ngữ chuyên môn gọi là «Out-of-body-experience» (OBE) – là một yếu tố có thể kiểm chứng. Trạng huống chính yếu của OBE là sự ý thức trọn vẹn về bản chất của mình. Những người trong cuộc hoàn toàn có thể tự đồng hoá với chính mình. Ở đây chúng tôi xin trình bày một vài dẫn chứng về sự trải nghiệm về tình trạng hiện hữu ở ngoài thể xác như sau:

Một bệnh nhân đã kể lại: «Sau khi tôi bay bổng trên góc trái căn phòng một lúc, tôi nhìn thấy xác tôi đầy máu me đang nằm trên một chiếc ghế nệm cũ đặt ở một góc nhà… Bác sĩ cấp cứu đã đến với cái hộp đựng đồ nghề của ông và tôi nhìn thấy ông ta mở hộp lấy ống chích để chích cho tôi.»(6)

Một nam bệnh nhân 43 tuổi trong lúc mổ mạch máu đã bị đứng tim hai lần. Sau khi tỉnh lại, ông ta đã cho hay: «Bỗng chốc tôi cảm thấy mình ở ngoài thân xác và đang bay lượn cao lưng chừng giữa căn phòng. Tôi nhìn thấy các bác sĩ đang vất vả lo cho xác tôi. Tôi biết được mọi chi tiết và tôi hiểu được những gì họ trao đổi với nhau.» Nhất là anh ta đã kể lại hai chi tiết: «Trong khi tôi bay lượn như thế, tôi nhìn thấy rất rõ cái nhãn hiệu của hãng chế tạo gắn ở dụng cụ y khoa. Tôi đã nói cho bác sĩ những dấu hiệu được ghi một cách rõ ràng trên nhãn hiệu đó.» Sau đó người ta đã kiểm chứng lại và thấy rằng những gì bệnh nhân nói đều hoàn toàn đúng. Viên nữ y tá có mặt trong ca mổ của người bệnh nhân này đã chứng nhận rằng, việc người bệnh nhân trong lúc bị mổ mà còn có thể quan sát một cách chính xác được dụng cụ y khoa bác sĩ sử dụng là một điều hoàn toàn bất khả.(7)

Theo nhà tâm lý học người Anh Susan Blackmore thì những trải nghiệm đặc biệt như thế là sự nhận thức còn sót lại của các giác quan trong khi bất tỉnh và tim ngừng đập hay chỉ là một phỏng đoán gặp may và ảo giác. Trong một cách thức nào đó, những lý chứng của trí năng luôn bày tỏ một sự vật hay ngược lại với một sự vật, dù cho điều đó không nói lên bất cứ điều về nội dung thực tiễn của những trải nghiệm như thế.

4) Trải nghiệm về đường hầm

Ngày nay, trải nghiệm về đường hầm của những người chết được hồi sinh lại, tức sau khi rời bỏ thể xác họ đã phải đi qua một đường hầm tối mù, là một trong những khía cạnh được đề cập đến nhiều nhất. Đường hầm tối và ánh sáng ở cuối đường hầm là hai trải nghiệm đã trở nên đồng nghĩa với những trải nghiệm sự chết. Đường hầm tối là một biểu hiệu cho sự chuyển tiếp bước vào trong thế giới tinh thần.

Lời phát biểu: «Tôi đã đi qua một đường hầm tối. Nhưng càng gần tới cửa ở cuối đường hầm thì càng sáng hơn»(8) hầu như là trải nghiệm chung của tất cả những người sau khi chết đã được hồi sinh.

Nhiều người đã cho hay là họ đã đi qua một nơi tối tăm hay một nơi trống rỗng. Những người khác lại diễn tả những con đường, những hành lang, những con sông, những căn phòng, những đường mòn trên núi, những lối đi dài hay cả những đám mây đen. «Tôi thấy mình ở trong một căn phòng đen và trống rỗng và biết rằng tôi đã chết, nhưng tôi không cảm thấy sợ sệt gì cả. Bỗng nhiên đám sương mù tỏa ra và ngay giữa đám sương mù có một ánh sáng tuyệt đẹp chiếu toả ra. Một sự hiểu biết bao quát được tất cả mọi sự và nỗi ngạc nhiện đã phủ lên tôi.»(9) «Bỗng chốc tôi bay lượn qua một đám mây nửa trắng nửa đen, nhưng càng gần cuối đám mây thì càng sáng lên hơn. Tôi bay lượn trong một căn phòng đầy màu trắng đẹp tuyệt vời không sao diễn tả được.»(10)

Nhiều người khác lại nhận ra được những tiếng động êm nhẹ tựa như hương trầm bay ra hay như tiếng nhạc dịu dàng êm ái. «Tôi cho rằng đó chính là tiếng động… Và theo tôi, tiếng động đó tựa như tiếng của một cuộc hoà nhạc cổ điển từ xa vọng tới, quá xa đến nỗi người ta không thể nhận ra được một cách rõ ràng. Dĩ nhiên, tiếng động đó rất êm ái dễ chịu.»(11) Điều quá rõ ràng khác nữa là trong suốt sự diễn tiến của giai đoạn này người trong cuộc có được một sự ý thức rất bao quát rộng rãi. Và khi vượt qua hết con đường hầm tối hay một hình thức tương tự, với một tốc độ hết sức nhanh, thì bấy giờ người ta mất hết cảm giác về không gian và thời gian, vì thời gian mà người ta sử dụng ở đời này hoàn toàn bị lãng quên. Con đường băng qua đó tạo nên một sự nối kết với một chiều kích hoàn toàn khác.

«Tôi rơi vào trong một vòng xoáy. Tôi hoàn toàn thụ động và bị đưa đẩy vào trong bóng tối dày đặc. Tôi trở nên nhanh nhẹn hơn. Đó là một con đường hầm khổng lồ, và tôi bị lôi cuốn qua con đường hầm đó với một tốc độ mỗi lúc một nhanh hơn… Cuối cùng, khi tôi lướt qua con đường hầm đó với một tốc độ nhanh không kịp thở, tôi hoàn toàn mất hết mọi cảm giác về thời gian và không gian… Tôi hiểu được rằng tôi đang ở trong một trạng thái có được một sự ý thức rất cao, trong một chiều kích không còn sự hiện hữu của thời gian và không gian… Đó là trạng thái tôi đã vượt lên trên cả thời gian và không gian.»(12)

Vâng, qua sự trải nghiệm vượt qua con đường hầm, cảm giác về thời gian của người ấy bị biến đổi. Và cuối con đường hầm tối tăm, người ấy được nhìn thấy ánh sáng kỳ diệu. Tiếp đến, bên cạnh ánh sáng, người ấy còn có thể nhình thấy được cả những thực thể ánh sáng, tức những người đã qua đời, những màu sắc lạ lùng chưa từng nhìn thấy bao giờ hay những phong cảnh tuyệt vời. Tất cả những điều đó không thuộc về thế giới vật chất này, tức đó là những sự nhận chân siêu cảm giác hay ngoài cảm giác.

5) Cảm nghiệm về hỏa ngục

Những trải nghiệm về hoả ngục - mà khoảng 5% trong số những người đã chết và lại được hồi sinh kể lại – xảy ra trong tình trạng vượt qua đường hầm. Những cảm nghiệm tiêu cực là:

• phải đối mặt với chính sự hãi của mình,

• thường phải chống cự lại tình trạng sợ hãi đó,

• sự bất lực để có thể lấy lại được sự tin tưởng,

• thái độ thất vọng buông xuôi.

Sau đó, dù những người này đã được trực tiếp đưa ra khỏi những cảm nghiệm không mấy tốt đẹp về đường hầm, ký ức tiêu cực đầy sợ hãi vẫn luôn ám ảnh họ. Những trải nghiệm với nội dung tiêu cực này xảy ra trong suốt thời gian ở ngoài thể xác, hay nói cách khác, xảy ra nơi trải nghiệm về đường hầm. Họ cảm nghiệm bước vào trong một thế giới thuộc về âm phủ đầy tối tăm, trong đó ma quỷ và những hình người đen đủi khác lên án hay đe dọa họ. Người ta cũng có thể phải trải nghiệm qua một sự trống rỗng tuyệt đối, vô cùng tối tăm lạnh lẽo, một sự trống rỗng mà không ai có thể chạy thoát được, trái lại còn bị đe dọa cả tính mạng. Đó là khi chúng ta vừa rời bỏ thân xác mình và phải đối mặt với chính thế giới nội tâm của mình và tư tưởng của chúng ta trở nên thông suốt minh bạch để nhận chân được mọi hành vi cũng như mọi tâm tư ý nghĩ sâu kín nhất của mình một cách rõ ràng và công minh chứ không còn ngụy biện như khi còn trong thể xác đầy dục vọng trần thế, thì bấy giờ chúng ta mới phải run rẩy chùn bước trước những lãnh vực và khía cạnh đen tối và thiếu rõ ràng trong cuộc đời mình.

Tuy nhiên, xem ra toàn thể sự tiêu cực đều nằm trong một giới hạn nào đó, bởi vì sự cảm nghiệm sau cùng về thế giới tinh thần hay về phía bên kia thế giới luôn luôn được ghi nhận như một sự gặp gỡ tích cực với tình yêu thương. Tất cả những khu vực ở thế giới bên kia được ghi nhận là tối tăm thì tìm gặp ở gần quả đất. Nghĩa là có một ít linh hồn còn phải lưu lại trên con đường chuyển tiếp, và không có dấu gì để có thể biết được họ thực sự đã chết hay họ chưa thể rời khỏi trái đất, dù cho với bất cứ lý do nào. Chỉ có một điều chắc chắn là chúng ta đang phải trực diện với tình trạng ý thức của mình và luôn luôn có đủ điều kiện để tiếp tục phát huy mình.

6) Gặp gỡ những người quá cố hay những thực thể ánh sáng

Trong khi một người trải qua sự cảm nghiệm về sự chết thì người ấy thường gặp gỡ được những người bà con thân thuộc đã qua đời. Nhiều người trong khi phải băng qua con đường hầm, đã kể lại là họ đã nhận ra được sự hiện diện của những người đã qua đời. Những người quá cố này xuất hiện trong vóc dáng quen thuộc của họ. Nhưng sự trao đổi với họ chỉ qua tư tưởng, chứ không bằng lời nói.

Một điều đáng ghi nhận là thỉnh thoảng có những người đã chết rồi, nhưng những người trong cuộc lại chưa hay tin gì cả, và nay họ nhìn thấy những người đã chết đó trong những cuộc gặp gỡ này. Cũng có người cho hay rằng họ đã gặp được những người mà họ chưa hề quen mặt biết tên, nhưng sau đó khi họ được hồi sinh và trở lại trong cuộc sống thì mới hay rằng đó là những người bà con đã qua đời mà họ chưa quen biết.

Trong cuộc khảo cứu y khoa của giáo sư Pim van Lommel có trích dẫn một trường hợp tương tự: «Có một bệnh nhân đã kể cho tôi nghe là trong khi anh có được trải nghiệm về sự chết gây ra bởi một sự đứng tim, chẳng những anh đã nhìn thấy lại được bà nội anh đã qua đời, nhưng cả một người đàn ông đang trìu mến nhìn anh mà anh không quen biết. Hơn mười năm sau đó, khi mẹ anh đang hấp hối trên giường thì bà đã nói cho anh biết rằng anh là một đứa con ngoại hôn. Cha của anh là một người Do-thái, bị lưu đày và đã chết trong trận thế giới chiến II. Mẹ anh ta cũng đưa cho anh xem tấm hình của cha anh. Quả nhiên đó là người đàn ông lạ mặt mà anh đã nhìn thấy trong khi anh cảm nghiệm sự chết. Và người đàn ông ấy chính là cha ruột của anh.»(13)

Vào năm 1984, bà bác sĩ Elisabeth Kühler-Ross đã khẳng định trong tác phẩm «Kinder und Tod» (Trẻ em và sự chết) của bà, là không hề có đứa trẻ nào trong số các trẻ em hấp hối đã nhìn thấy những người sống động trong khi chúng cảm nghiệm sự chết. Chính nơi trẻ con, người ta phải nhìn nhận là tâm tư chúng chỉ nghĩ đến mẹ hay cha ruột của chúng mà thôi. Mãi cho đến nay, tất cả những nghiên cứu đã chứng minh cho hay rằng trong những thị kiến này thường chỉ đề cập tới các người bà con họ hàng đã qua đời mà thôi.

Vào đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, bác sĩ nhi đồng người Mỹ Melvin Morse đã đưa ra một khảo cứu rộng rãi về những trải nghiệm của trẻ con về sự chết và cho hay rằng một số trong các trẻ em đó đã hàn huyên với các bạn bè hay những người bà con của chúng đã qua đời và cho biết những chi tiết, mà nếu chúng không tiếp xúc với những người chết đó thì chúng đã không thể nào biết được.

Ví du: bé Cory, 7 tuổi, đã bị chứng ung thư máu bất trị từ khi em lên ba, và mấy tháng trước khi em qua đời em đã trải qua nhiều cảm nghiệm ngoài thân xác. Một lần kia em kể cho mẹ em nghe là em đã gặp lại được người bạn cũ của em trong thời kỳ High-School của các em, mà do một tai nạn xe hơi đã bị què hai chân. Mẹ Cory không hề nói cho em biết về người đàn ông đang ngồi đối diện với em… tuy nhiên Cory biết được người đàn ông đó. Ông ta đã đến với Cory trong lúc em đang thị kiến và giới thiệu mình là người bạn cũ của mẹ em khi còn trẻ. Cory nhờ người đàn ông nói dùm cho bà mẹ của bạn em biết là con của bà nay có thể đi được. Quả nhiên, sau đó trao đổi qua điện thoại, người ta chứng nhận được là đúng vào ngày Cory có thị kiến thì người bạn của em đã qua đời(14). Tiếp đến trong một cảm nghiệm khác, Cory đã gặp được một người bạn khác của em mà một tuần trước đó đang được điều trị tại bệnh viện. Và ngày sau đó gia đình mới hay rằng người bạn của Cory đã đột ngột qua đời trong đêm trước đó(15).

Trong những cảm nghiệm về sự chết, thì bên cạnh những cuộc gặp gỡ các người đã qua đời, thường những người trong cuộc cũng được tiếp xúc với những thực thể ánh sáng mà không thể nhận diện một cách rõ ràng được. Một thiếu niên 14 tuổi, khi bị một cơn sốt dữ dội do bệnh tê thấp gây ra, đã xuất ra khỏi xác và em trải qua một cảm nghiệm về sự chết. Trước hết cậu thiếu niên quan sát các bác sĩ đang vất vả tìm cách hồi sinh cho xác mình. Và khi em thấy sự hiểu biết của mình trở nên thông sáng lạ lùng, thì em nhận ra hai thực thể ánh sáng ở bên cạnh em trong lúc em đang quan sát những sự kiện xảy ra phía dưới. Sự hiện diện của những thực thể ánh sáng làm cho cậu thiếu niên có được cảm giác an bình, yêu thương và thông cảm. Sự sống của cậu thiếu niên càng lúc càng thoát khỏi tay các bác sĩ. Các thực thể ánh sáng hỏi cậu thiếu niên là em thích ở lại trên trái đất hay đi theo họ. Cậu thiếu niên quyết định ở lại trong cuộc sống và các thực thể ánh sáng đã mang em trở về trong thể xác của em(16).

Cả những cuộc gặp gỡ được vị Thiên thần Bản mệnh cũng thường được nói tới. Một người kể lại: «Tôi đã nhìn thấy một ánh sáng màu vàng và trên đó có một vị Thiên thần to lớn. Tôi cho rằng đó là vị Thiên thần Bản mệnh của tôi.»(17)

Qua tất cả những trình bày trên chúng ta có thể kết luận là không một ai phải chết lẻ loi cả, vì hoặc chúng ta sẽ được những thân nhân đã qua đời đến tiếp đón, hoặc được những thực thể ánh sáng đầy yêu thương đón nhận. Dù cho có ai đó phải chết đói hay chết khát trong sa mạc hoang vắng đi nữa, thì vẫn có những thực thể thần thiêng đến giúp đỡ. Đàng khác, khi mà năng lực của sự sống rời bỏ thể xác con người thì sự sinh hoạt và cử động của người hấp hối cũng biến đổi. Và do tình trạng ý thức của con người được tăng lên, nên con người đủ khả năng bước vào trong thế giới tinh thần, một thế giới đang bao phủ lấy anh.

Qua quan sát diễn biến cụ thể của sự chết, người ta nhận ra được rằng những người hấp hối thường giơ hai tay lên quờ quạng như muốn nắm bắt một cái gì vô hình nào đó. Người Việt Nam ta thường gọi hiện tượng này là «bắt chuồn chuồn.» Ngoài ra, người ta cũng khám phá thấy được rằng trong giây phút trước khi chết vĩnh viễn, người hấp hối đã trải qua những thị kiến là họ nhìn thấy các người thân đã qua đời hay những thực thể thiêng liêng đến tiếp đón họ. Trong những thập niên vừa qua, những sự kiện xảy ra trên giường chết như thế này đã trở thành đối tượng cho những nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới.

7) Cảm nghiệm nhìn lại toàn bộ cuộc sống của mình

Một trong những yếu tố hoàn toàn cơ bản khác của sự cảm nghiệm về sự chết là sự nhìn lại toàn bộ cuộc sống mình. Trong sự cảm nghiệm này chúng ta sẽ không những phải đối mặt với toàn diện cuộc sống của mình như một tình huống cụ thể mà chúng ta đã trải nghiệm, nhưng chúng ta còn phải trải nghiệm các hậu quả của những tư tưởng, lời nói và hành động của chúng ta nữa.

Một người đã kể lại: «Lúc đó, tôi nhìn thấy cuộc đời tôi tương tự như một cuốn phim đang chạy nhanh từ đầu tới cuối ra trước mắt. Cuốn phim được bắt đầu với sự sinh hạ của tôi… tiếp đến là tuổi trẻ, thời thanh niên và cứ tiếp tục thế mãi cho tới khi tôi có được cảm nghiệm về sự chết mà tôi đã trải qua. Tôi thấy mình đã sống cuộc sống của mình thêm một lần nữa. Tất cả những gì tôi đã từng cảm nhận, tôi lại cảm nhận thêm một lần nữa. Vâng, tất cả những giai đoạn trong cuộc sống, những vui buồn, những cảm xúc và tất cả những gì thuộc về từng giai đoạn của cuộc sống tôi. Đồng thời tôi cũng nhìn thấy được ảnh hưởng của cuộc sống tôi trên những người khác… Tôi đã cảm giác được những gì họ đã cảm giác, và qua đó tôi đã nhận ra được những hậu quả của toàn diện các hành động tôi đã làm, những hành động tốt cũng như những hành động xấu.»(18)

Việc nhìn lại được toàn diện cuộc sống của mình như thế thường giúp nhận chân được những khía cạnh tích cực, nhưng đồng thời những khía cạnh tiêu cực đáng sợ cũng không thể che giấu được. Tất cả mọi tư tưởng của con người đều được phơi bày. Tất cả những hành đông, những lời nói và những tư tưởng của chúng ta đúc kết thành một năng lực trường gây nên ảnh hưởng trên chính chúng ta cũng như trên những người khác.

Tất cả những gì chúng ta làm hay suy tưởng trên trái đất này đều mang một ý nghĩa sâu xa, tương tự như khi chúng ta lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt thật của mình trong gương. Và chuẩn độ dưới áng sáng yêu kiều chính là tình yêu thương. Vì thế, vấn nạn quan trọng duy nhất được đặt ra ở đây là: Tình yêu cần được cho đi hay chỉ giữ lại cho mình! Người trong cuộc sẽ chiếm hữu được hay đánh mất hoàn toàn triết lý sống chân chính và sâu sắc về mục đích cũng như về ý nghĩa sự hiện hữu của mình trên mặt đất này, tất cả đều tùy thuộc vào câu trả lời của người đó cho vấn nạn trên. Tại cửa cổng một Tu Viện Công Giáo ở Lyon, nước Pháp, có đề một hàng chữ mà người ta có thể khẳng định là câu trả lời duy nhất cho vấn nạn đã được đặt ra, đó là: «Những gì bạn cho đi, chứ không phải những gì bạn giữ lại cho mình, sẽ đồng hành với bạn vào chốn vĩnh cửu.»

Tiếp đến, trong khi nhìn lui lại cuộc đời mình như thế, chúng ta dù muốn hay không cũng sẽ thấy mình sống trong sự liên đới với những kỷ niệm, những tình cảm và sự ý thức của những người khác, bởi vì trong thế giới tinh thần những điều đó là những năng lực trường không hề qua đi. Và bấy giờ chúng ta sẽ trực tiếp trải nghiệm những hậu quả của những tư tưởng, của những lời nói và những hành động của mình đã gây ra cho người khác. Những giây phút quá khứ sẽ được trải nghiệm trở lại, và bấy giờ chúng ta cũng sẽ cảm nhận được sự đau đớn của những người mà chúng ta gây ra cho họ. Chúng ta sẽ không những trải nghiệm những lãnh vực và những tình cảm tư riêng qua những biến cố xảy ra cho cuộc sống chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta còn có tương quan với sự ý thức của những người liên hệ nữa. Dù không bị ảnh hưởng ngoại cảnh chi phối, chính chúng ta cũng có thể nhận chân được những hành động mình làm là tốt hay không tốt. Và không một vật gì sẽ mất đi. Tất cả những điều được ý thức và vô ý thức đều được ghi nhận trong năng lực trường của thế giới tinh thần, một nơi không có sự hiện hữu của thời gian và không gian, nghĩa là trước hay sau và to hay nhỏ, nhưng tất cả đều đồng thời và đều hiện tại.

Trong công trình nghiên cứu của giáo sư Pim van Lommel có ghi nhận một người liên hệ đã kể lại: «…Nếu tôi hồi tưởng lại, tôi không thể nói là sự nhìn lui lại toàn cuộc sống kéo dài trong bao lâu. Rất có thể đã kéo dài rất lâu, bởi vì tất cả mọi chi tiết đều được trình bày, nhưng đồng thời cũng có thể chỉ xảy ra trong tích tắc. Trong cùng thời, tôi nhận chân được mọi sự. Thời gian và không gian xem ra như không còn hiện hữu nữa. Cùng một lúc tôi có thể hiện diện ở nhiều nơi chốn khác nhau, và thỉnh thoảng tôi để ý quan sát được nhiều điều khác nhau và sau cùng tôi lại có mặt ở nơi cũ.»(19)

Quả vậy, sau khi rời bỏ thân xác, nghĩa là sau khi chết, con người sẽ chẵng những không còn bị tác động bởi bất cứ điều kiện nào thuộc thế giới vật chất, mà cả các phạm trù thời gian và không gian cũng không còn gây được ảnh hưởng gì trên họ nữa. Bởi vì sau khi chết, con người trở nên sáng láng như các vị Thần linh(20).

_________________

Chú thích:

1. Melvin Morse/Paul Perry: „Verwandelt vom Licht. Uber die transformierende Wirkung von Nah-Todesererfahrungen“. München 1994, trang 10.

2. Kenneth Ring/Evelyn Elsaesser-Valarino: „Im Angesicht des Lichts. Was wir aus Nah-Tod-Erfahrungen für das Leben gewinnen.“ München 1999, trang 27.

3. Günter Ewald: „An der Schwelle zum Jenseits. Die natürliche und die spirituelle Dimension der Nahtodeserfahrungen.“ Mainz 2001, trang 44.

4. Ring/Valarino, như trên, trang 247.

5. Cùng chỗ, trang 247.

6. Ewald: „An der Schwelle zum Jenseits.“ Trang 16.

7. Günter Ewald: „Ich war tot. Ein Naturwissenschaftler untersucht Nahtod-Erfahrungen.“ Ausgburg 1999, trang 23.

8. Tất cả mọi trích dẫn thuộc trường hợp này được lấy từ: Ewald: „An der Schwelle zum Jenseits.“ Trang 70-74.

9. Melvin Morse/PaulPerry: „Zum Licht. Was wir von Kindern lernen können, die vom Tod nahe waren.“ Frankfurt am Mainz 1992, trang 159.

10. Ewald: „An der Schwelle zum Jenseits.“ Trang 15.

11. Engelbert Winkler: „Begegnung mit dem lebendigen Licht. Nahtod-Erfahrungen als Hilfe zum Leben.“ Güllesheim 2001, trang 40.

12. Winkler, như trên, trang 41.

13. Dr. Pim van Lommel MD, Division of Cardiologie, Hospital Rijnstate, Postbox 9555, 6800 TA Arnhem Netherland, trang 6.

14. Morse/Perry: „Zum Licht“. Trang 70

15. cùng chỗ, trang 71.

16. xem: cùng chỗ như trên, trang 134tt.

17. cùng chỗ, trang 160.

18. Ring/Valarino: „Im angesicht des Lichts.“ Trang 247.

19. Lommel, sách đã trích, trang 5.

20. xem Phúc Âm Mát-thêu, đoạn 22, câu 30b.
 
Văn Hóa
Phải Chi Đừng Có Mùa Thu Ấy
LN
18:34 21/11/2008
Phải Chi Đừng Có Mùa Thu Ấy.
Thì nước non tôi chẳng khổ nghèo
..........

Mưa Thu từng giọt nhẹ nhàng rơi
Gợi nhớ Thu xưa cuộc đổi đời
Cách mạng thành công mừng "độc lập".
Pháp quân cuốn gói khỏi quê tôi

Cứ tưởng rồi đây vận nước non
Dứt thời nô lệ, đón vàng son
Muôn người như một vang câu thệ
Nợ nước thù riêng phải giữ tròn

Nào biết giặc Hồ dạ xảo ngoa
Bài Phong, đả Thực, đón Tàu Nga
Nửa mảnh cơ đồ vào tay giặc
Triệu người lánh Cộng bỏ quê nhà

Năm tư đất nước bị cắt đôi
Hai ngã Bắc Nam chẳng chung trời
Mơ giấc "Đại Đồng", miền Bắc khổ
Dựng xây độc lập, dân Nam vui

Rồi. ...bỗng một ngày giặc lấn xâm
Nga Tàu ra lệnh tiến vào Nam
Chiêu bài chống Mỹ âm thầm dựng
Giải phóng miền Nam khỏi "sen đầm"

Từ đó quê tôi đã chuyển di
Tự do hạnh phúc hóa sầu bi
Bao người trai trẻ vào quân ngũ
Bảo vệ miền Nam, thanh sử ghi

Rồi máu xương rơi bởi tại ai ?
Dân Nam hạnh phúc được bao ngày?
Đau thương, tang tóc vì quân Cộng
Theo lệnh Nga Tàu gây họa tai

Hai mấy năm trời ta hiên ngang
Lấy xương máu chống lũ bạo tàn
Bỗng đâu lệnh đến: Buông giáp, súng!
Chờ Cộng quân sang để giao bàn!

Bàn giao cho Cộng tưởng là xong
Ta sẽ an vui cảnh ruộng đồng
Bỗng đâu "cải tạo" tin bay đến
Bao người phải chịu cảnh xiềng gông

Quê Mẹ rơi vào tay lũ ngông
"Từ đây cách mạng đã thành công
Bác con cùng bắt tay dựng nước
Theo gót đàn anh đến Đại Đồng."

Đại Đồng thì thấy rõ ràng ngay
Bắc Nam ai cũng khổ như ai
Cán bộ vét vơ đầy cả túi
Dân đen xơ xác sống qua ngày

Còn những chàng trai anh dũng xưa
Lao tù cải tạo đón gió mưa
Mặc cho Cộng phỉ lòng tàn ác
Vẫn sống hiên ngang, chẳng chịu thua

Từ đó dân tôi chẳng nệ nguy
Vượt biên, vượt biển bỏ quê đi
Bỏ đi đâu phải vì cơm áo
Vì lũ gian tham, lũ vô nghì

Lưu lạc bao năm ở xứ người
Thương nhà, nhớ nước, hận không nguôi
Hai triệu dân Nam cùng mơ ước
Một ngày quê Mẹ được an vui

Ba mấy năm trời nước nát tan
Bỗng đâu vinh dự ngọn Cờ Vàng
Đại diện cho toàn dân Nam Việt
Đang sống lưu vong khắp mọi đàng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Những Cánh Chim Ban Mai
Ngân Hà
00:16 21/11/2008

NHỮNG CÁNH CHIM BAN MAI



Ảnh của Ngân Hà

Trời mới hừng đông sương phủ mờ,

Đàn chim vỗ cánh đẹp như mơ.

Chuyện chi sớm thế mà bay gấp,

Nhìn bóng chim bay dạ ngẩn ngơ!.

(Ngân Hà)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền