Những bất ngờ trong cách hành xử của Đức Kitô Vua!
(Mt 25,31-46)
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe xong, có thể nói được là bản Hiến Chương của lòng nhân ái Kitô giáo, là văn kiện nền tảng của tình bác ái và lòng yêu thương cận nhân, được hiện thực nhân danh Ðức Giêsu.
Ý nghĩa cao vời và tính chất trách nhiệm khẩn cấp của bản văn đó được trình bày một cách rõ rệt trong phần cuối bản Tin Mừng của thánh Mát-thêu; chính ở phần này cũng được ghi lại những lời nhắn nhủ và những mệnh lệnh cuối cùng của Ðức Giêsu trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Tất cả đều có tầm quan trọng đặc biệt của chúng. Trước hết, là việc sắp xếp bậc thang các giá trị một cách hoàn toàn mới mẻ và công minh của Ðức Vua Vũ Trụ toàn năng và đồng thời là Thẩm Phán Tối Cao: Ðó là nâng cao những người nghèo hèn và bé mọn nhất lên trên! Qua đó, lời kêu gọi thực thi tình yêu thương cận nhân trở nên quả quyết và rõ rệt hơn!
Nhiều Kitô hữu đã và đang hành động theo lời kêu gọi đó của Ðức Kitô. Trong việc thực hành và sống bảy việc làm của đức bác ái Kitô giáo đã và đang biến các vị thánh nhân, từng được biết đến hay chưa được biết đến trong lãnh vực này, thành những chứng nhân quan trọng và gương mẫu cho sứ điệp Phúc Âm giữa lòng trần thế, dù các vị là các bậc vua chúa, là giáo hoàng, giám mục, tu sĩ hay các tầng lớp giáo dân. Và chúng ta có thể xác tín rằng, nếu thiếu đi các chỉ đạo cao cả và cần thiết của đời sống kitô giáo đó và nếu không có những người can trường và khôn ngoan biết sống và thực hành theo các chỉ đạo đó, thì thế giới chúng ta sẽ còn rơi vào biết bao bất hạnh khủng khiếp khác nữa!
Nhưng thêm vào lời kêu gọi đạo đức đó, bài Tin Mừng hôm nay còn nêu lên một điều quan trọng thứ hai nữa, mà chúng ta rất dễ dàng bỏ qua. Ðó là sự thể: Tất cả những người nói đến trong câu chuyện dụ ngôn đều không ý thức được việc họ đã thực hành hay đã buông xuôi lòng nhân ái đối với đồng loại trong cuộc sống của mình.«Có khi nào chúng con đã thấy Ngài đói khát, khách lạ và trần truồng, v.v…?» Ðó là điều làm cho bản văn thêm phần căng thẳng và phức tạp hơn. Thật vậy, một đàng: Lời kêu gọi thực thi việc thiện được nhắn nhủ đến mọi người; đàng khác: Công tác từ thiện và lòng nhân ái lại được thực hiện một cách tự nhiên, không cần phải ý thức, không cần phải soạn sửa và không có chủ ý trước; không xảy ra trong khuôn khổ của một chương trình từ thiện rộng lớn, nhưng có tính cách bộc phát, cụ thể trong dòng cuộc sống hằng ngày vẫn bình thường trôi chảy.
Bởi vậy, tôi nghĩ rằng lời tuyên bố của Ðức Giêsu trong khi phân xử, trước hết không chỉ là một lời kêu gọi phải chú ý sống tốt và phải thi thố việc thiện này việc thiện kia, nhưng trước hết lời tuyên bố đó muốn nêu lên một nguyên tắc hướng dẫn cho hành động từ tâm và hành động phát xuất từ tình yêu tha nhân. Và điều đó có nghĩa là: Sự mở rộng đón nhận tất cả mọi hoàn cảnh; sự quan tâm đến những gì giây phút hiện tại và cuộc sống hằng ngày đang giằng co đòi hỏi; sự sẵn sàng và nhạy cảm đối với sự cấp bách trong giây phút hiện tại của cuộc sống. Bài Tin Mừng hôm nay muốn khẳng định rằng những thái độ sống bình thường hằng ngày là không hề bình thường chút nào; trái lại, đóng một vai trò quyết định. Ðó chính là điều đã làm cho các đối tượng liên hệ phải bất ngờ trước lời phán quyết của vị Thẩm Phán Tối Cao.
Qua đó, một điều khác cũng muốn được nói lên ở đây là việc thực thi những nghĩa cử, những việc thiện bé nhỏ đơn sơ trong cuộc hằng ngày giữa con người với con người, lại chính là sự phụng sự Ðức Kitô: «Ðiều gì các ngươi làm cho một kẻ bé mọn nhất trong các anh em Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy!»
Như thế bài Tin Mừng đưa ra một định nghĩa rất rộng lớn và đầy xác quyết về đời sống Kitô giáo. Và theo thiển ý, tôi cho rằng điều đó có ý nhắn gửi những tín hữu đã có một sự hiểu biết quá hạn hẹp về đức tin và về tôn giáo, những người đã giới hạn đức tin của mình lại trong những việc đạo đức, trong những giờ đọc kinh xem lễ mà thôi. Ðối với Ðức Giêsu, lòng đạo đức và đức tin còn mang tính cách phổ quát và rộng rãi bao la gấp bội. Vâng, đức tin trải rộng và vươn tới khắp cùng thế giới. Sự phụng sự Thiên Chúa là sự phục vụ thế giới, hay nói đúng hơn, là sự phục vụ con người. Nếu tôi chấp nhận các bổn phận và các vai trò của tôi trong xã hội một cách có ý thức, nếu tôi thực thi chúng với ý thức trách nhiệm đối với môi trường thiên nhiên và đối với đồng loại, nếu tôi sống liên kết và hợp quần với đồng loại, tôi đã nhận ra được phần nào về thực thể của đức tin Kitô giáo và tôi đã thực sự sống điều đó rồi!
Vâng, biên giới của đức tin Kitô giáo chân chính thật bao la rộng lớn, chứ không chỉ dừng lại nơi ranh giới của các Giáo Hội hay Giáo Phái cụ thể. Nếu nhà thần học Karl Rahner theo nghĩa này đã nói đến «những Kitô hữu vô danh» và công đồng Vaticăng II đã nhìn nhận trong các tôn giáo khác cũng chứa đựng chân lý, thì đều xuất phát từ tinh thần của đoạn Tin Mừng này. Vâng, vị Thẩm Phán của toàn thể vũ trụ không hề vặn hỏi về sự hiểu biết đúng đắn các tín điều và những công lao đạo đức, nhưng Người chỉ tra hỏi về những việc thiện, về những hành động đúng đắn, công bằng và cụ thể đối với đồng loại.
Vậy, những điều kiện quan trọng có tính cách quyết định được đề cập tới trong lời tuyên án Ngày Chung Thẩm là việc thực thi tình bác ái đối với tha nhân, nghĩa là: Chấp nhận cuộc sống và môi trường thiên nhiên; quan tâm tới môi trường thiên nhiên và những sự cố xảy ra trong cuộc sống hằng ngày; lòng khoan dung độ lượng và tâm hồn sẵn sàng thoa dịu những đòi hỏi thiết thực của những người anh em đồng loại trong cuộc sống hiện tại.
Về thái độ sống đầy nhân bản và nhân ái đối với đồng loại như thế, chúng ta luôn có dư những mẫu gương sống động trước mắt, những vị thánh nhân của tình bác ái thương người. Ở đây chúng ta chỉ trích dẫn hai trường hợp làm tiêu biểu cho hàng trăm ngàn các trường hợp khác: Thánh Mác-ti-nô thành Tua và thánh Chris-tô-phô-rô.
Thánh Mác-ti-nô, khi còn là một sĩ quan quân đội, một đêm nằm ngủ và chiêm bao thấy người hành khất mà buổi chiều trước đó ngài đã thương cắt chia cho một nửa chiếc áo choàng của mình ở cửa thành, hiện ra với ngài và người hành khất đó là chính Ðức Kitô. Từ đó ngài thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình!
Còn thánh Chris-tô-phô-rô suốt cả cuộc đời chỉ đi tìm kiếm Ðức Chúa và Ðức Vua chân thật của vũ trụ. Vào cuối đời, khi ngài cõng một em bé qua một dòng suối, thì ngài đã nhận ra ai là người thực sự lớn nhất trong Nước Thiên Chúa. Ngài xin được lãnh nhận phép rửa tội và từ giây phút đó ngài chỉ phụng sự một mình Ðức Vua, Ðấng đã hạ mình chịu chết trên thập giá cho nhân loại và là Ðấng gặp gỡ chúng ta qua những người anh em bé mọn nhất, qua những người đồng loại đơn sơ hèn yếu nhất của chúng ta. Amen.
SỐNG THEO CẢM XÚC, SỐNG THEO TÂM LINH
Thường bạn nghĩ rằng từ “làm chứng” là nói về thể xác chúng ta hành động. Không phải, đó là chuyện Tâm Linh. Chính Chúa Thánh Thần chứng thực hay làm chứng với tâm linh bạn. Ngài không làm chứng với thể xác chúng ta: Chính Thần Khí chứng thực cho chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. (Rom 8,16)
1- Bạn có thể lầm lẫn khi nói: “Tôi cảm nhận sự hiện diện của Chúa”. Hãy dùng cảm nhận cách cẩn thận, nó sẽ tạo ra một cảm giác sai lầm rằng đó là cảm nhận hay cảm xúc thể xác. Đừng lẫn lộn cảm nhận, cảm xúc thể xác với Cảm nghiệm Tâm Linh.
Có thể định nghĩa: Cảm giác hay cảm xúc là tiếng nói của thể xác.
Lương tâm là tiếng nói của Tâm Linh.
Vì bước đi của cảm giác dễ bị rắc rối, nó làm cho nhiều Tín hữu trồi lên tụt xuống. Tạm gọi là những Tín hữu sống theo cảm xúc, đi nhóm để cầu mong ơn này ơn kia để thỏa mãn về thể xác, tình cảm, sau một thời gian thấy không được ơn này nọ, thì bỏ cuộc.!!!
2- Cần sống theo đức tin: Những người này không sống theo đức tin của họ. Khi vui theo thể xác, cảm xúc thì họ nói: Ngợi khen, cảm tạ Chúa, con được ơn Thánh Linh, vì con đã được cứu, chữa lành, hết bệnh này tật kia v..v…mọi sự tốt đẹp quá. Nhưng sau một thời gian, họ cảm thấy buồn. mặt mày méo mó, họ nói: ”tôi chẳng được ơn gì, Chúa không thương tôi, tôi đã sa ngã, chán chường !!! Thư Phaolô gởi Galat nói: Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những gì luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe ? Anh em ngu xuẩn như thế sao?Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao? (Galat 3, 2-3)
3- Đức tin nơi Lời Chúa: Hãy đặt đức tin của bạn nơi Lời Chúa - chứ không phải nơi cảm giác của bạn. Thư Roma 8, 16 không nói Thánh Linh làm chứng cho thể xác chúng ta, nhưng cho thần trí chúng ta. Smith Wigglesworth. một tín hữu vĩ đại người Anh có nói: “Tôi không làm theo những gì tôi cảm nhận. Tôi không làm theo những gì tôi cảm xúc, Tôi làm theo những gì tôi tin. Tôi không thể hiểu Chúa theo cảm gíac. Tôi hiểu Chúa theo những Lời Chúa nói.
4- Không theo cảm giác: Bạn không thể là chính bạn theo cảm giác, – là một người được tái sinh, đầy dẫy Thánh Linh – theo những gì Lời Chúa nói về bạn: Những ai sông theo xác thịt thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt…Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an…nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. (Rom 8, 5-9)
Lúc đó, bạn phát triển về phần tâm linh và chính Thánh Linh chứng thực cho tâm linh bạn.
5- Chúa phán trong lòng bạn: Ngài nói về Đức Thánh Linh sau đây: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn đưa anh em tới sự thật toàn vẹn…nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. (Ga 16, 13). Đức Giêsu sẽ phán với tâm linh bạn, Ngài ở trong tâm linh bạn và đó là nơi Ngài sẽ phán. Ngài không ở trên không trung, Ngài phán trong lòng bạn, qua lời chứng trong lòng hoặc qua tiếng nói êm dịu - tiếng nói của lương tâm, tiếng phán uy quyền của Đức Thánh Linh.
6- Ngài sẽ dạy dỗ mọi điều: Khi bạn được tái sinh sẽ được Chúa Thánh Linh dạy dỗ: Nhưng Đấng Bảo trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26). Có người sẽ hỏi bạn làm sao mà nhớ nhiều chuyện thế ? Tôi nghĩ bạn có thể phát triển tâm trí khi bạn “động não” nhiều. – Nhưng tôi chỉ nói Lời Chúa và những Lời ấy khắc ghi sâu trong tôi. Đức Thánh Linh nhắc cho tôi nhớ. Ngài ở trong lòng tôi.
Tóm lại, Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho bạn những điều tương lai và nhắc cho bạn nhớ nếu bạn biết hợp tác với Ngài. Bạn không sống theo cảm xúc, nhưng sống theo tâm linh.
Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
Ngày 21-11-08: Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang. (1Pr 1,8)
Lòng mến và lòng trung tín của người Tín hữu là làm chứng và rao giảng về Tin Mừng. Tất cả đều giúp bạn và tôi lúc nào cũng có một niềm vui mừng và hy vọng trong Thần Khí của Đức Kitô.
Ngày 22-11-08: Chính vì thế, anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết. (2Pr 1, 5)
Khi bạn có lòng mến và lòng tin, hãy biểu lộ bằng việc làm là những hoa quả của Thánh Thần trong bạn như mến yêu, vui mừng, bình an, đại lượng, nhân hậu, tín trực, hiền từ, tiết độ bạn phải có.
Ngày 23-11-08: Đây là lời loan báo của Đức Giêsu Kitô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên chúa là ánh sáng; nơi Ngài không có một chút bóng tối nào. (1Ga 1, 5)
Chúa là ánh sáng tức Ngài toàn thiện và toàn mỹ, nơi Ngài hoàn toàn công minh, chính trực. Ngài không có bóng tối là những sự xấu xa, mờ ám, bất công…Tôi hãy tập sống theo Chúa và Đức Mẹ.
Ngày 24-11-08: Yêu thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa. Như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu, điều răn này là: anh em phải sống trong tình thương. (2 Ga câu 6)
Để dễ nhớ hết các điều răn của Thiên Chúa, tôi tập sống những câu tôi hát trong Kinh Hoà Bình. Vì tôi cầu nguyện thì lòng tôi phải quyết sống thực hành những lời tôi cầu xin, thì Chúa mới nhậm lời.
Ngày 25-11-08: Anh đừng bắt chước làm điều dữ, nhưng hãy bắt chước làm điều lành. Ai làm điều lành thì thuộc về Thiên Chúa, ai làm điều dữ thì đã không thấy Thiên Chúa. (3 Ga câu 11)
Thánh Gioan chú trọng đến cách sống và cách cư xử của các Tín hữu. Vì Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người, nên ai sống theo lương tâm và thi hành ý muốn của Thiên Chúa cũng có thể được cứu độ.
Ngày 26-11-08: Tôi vẫn ước mong viết thư cho anh em về ơn cứu độ của chúng ta, thì nay lại bó buộc phải viết cho anh em, để khuyên nhủ anh em phải chiến đấu cho đức tin… (Giuđa câu 3)
Ông Giuđa này được gọi là Tađêô, (tên Hylạp của ông viết y như tên của Giuđa Itcariốt), con của ông Giacôbê. Tôi quyết chiến đấu với thân xác luôn luôn, và không nghe những tư tuởng sai lạc.
Ngày 27-11-08: Tôi là Gioan kính gởi bảy Hội Thánh Tiểu Á. Xin Đấng hiện có, đã có và đang đến. Xin bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người. (Kh 1, 4)
Tiểu Á là một tỉnh cực đông của đế quốc Rôma, Gioan xin Thiên Chúa Ba Ngôi Đấng xét xử trần gian. Xin bảy ơn của Chúa Thánh Thần đến canh tân đổi mới tâm hồn con và bộ mặt trái đất này.
Ngày 28-11-08: “… thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “này ông Giuse, đừng ngại đón vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1, 20)
Ông Giuse có nhiệm vụ nhận người con do bà Maria sinh ra bởi Chúa Thánh Thần. Xin giúp con chu toàn nhiệm vụ là người cha trong gia đình cũng như nơi cộng đoàn mà con có trách nhiệm.
Ngày 29-11-08: Ông Gioan đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa do lòng sám hối để được ơn tha tội. (Mc 1, 4)
Ông Gioan muốn bạn chịu phép rửa đây là lột xác, bỏ hẳn con người cũ có nhiều tật xấu. Xin dạy con quyết tâm thay đổi với tâm hồn sám hối, ăn năn bằng những việc bác ái và tha thứ cho anh em.
Ngày 30-11-08: Lúc ra đi, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và ông vẫn bị câm (Lc 1, 21)
Ông Da-ca-ri-a thiếu lòng tin nên vẫn bị câm, còn tôi biết bao lần đã bị câm tâm hồn vì tối tăm, bỏ Chúa trước những hào nhoáng của cải vật chất, địa vị, tham lam, tự ái, kiêu căng, hờn giận và độc ác.
Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
Giêsu Kitô Ngài đến từ Trời Cao
Ngài chính là tình yêu đích thực
Cho tôi theo Ngài suốt một đời tôi
Ngài là Chủ Chiên nhân từ
Ai theo Ngài sẽ được Ngài tha thứ
Ai theo Ngài đời sẽ hết sầu thương
Giêsu Kitô Ngài xuống trần vì ai?
Ngài xuống trần vì yêu nhân lọai
Hy sinh nhọc nhằn như một thường dân
Ngài là Đấng ban Ơn Lành
Ai theo Ngài sẽ được Ngài cứu rỗi
Ai theo Ngài đời sẽ mãi bình an.
ĐK:
Giêsu Kitô là Vua
Giêsu Kitô là Vua
Ngài sẽ muôn muôn đời
Là Ánh Sáng của trần gian
Ngài luôn ngự trong tôi
Trong Bánh Thánh nuôi hồn
Tôi xin đi theo Ngài
Tôi xin được nên giống Ngài
Để tình yêu Thiên Chúa
Luôn thể hiện trên tôi
Giêsu Kitô cả Đất Trời sùng tôn
Ngài chính là sự sống muôn đời
Muôn dân reo hò khắp trời tụng ca
Ngài là Đức Vua Uy Quyền
Khắp thế trần ca ngợi vì Danh Chúa
Khắp Thiên Đàng ngợi khen Chúa Tòan Năng
Giêsu Kitô Ngài giáng trần vì yêu
Ngài giáng trần vào đêm đông lạnh
Trong tay Đức Bà muôn đời đồng trinh
Ngài là Đế Vương Đất Trời
Ai yêu Ngài sẽ được Ngài chúc phúc
Ai yêu Ngài hạnh phúc cả đời sau
Giêsu Kitô hằng hữu đầy quyền năng
Ngài sống đời bình an vâng phục
33 năm dài như một phàm nhân
Ngài truyền giảng cho dân Ngài
Ai nghe Lời sẽ được Ngài chăn dắt
Đi theo Ngài về cõi phúc trường sinh
Xin bấm vào đây để cùng hát:
http://www.youtube.com/watch?v=Szaj_rkJ-zo
“Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi”. (Pl 1, 21)
Ngay khi còn sống, con người đã mang trong mình sự chết, vì thế mà con người sẽ phải chết. Chết là một kết thúc của ta trong cuộc sống này, và mọi cái ta sở hữu cũng đều chấm dứt. Thật là một tư tưởng cay đắng cho những ai chỉ biết vui hưởng của cải trần gian, nhưng lại là một viễn tượng đáng khát vọng cho những người sống cơ cực (x. Hc 41, 1). Sự chết nhắc nhở ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của đời sống con người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắt khe đó, người ta dễ có một nhận định sầu thảm đôi khi sinh ra một thất vọng chán chường (x. Sm 12, 23). Tuy nhiên sự khôn ngoan chân thực thì vượt xa nhận định ấy khi nhận biết thân phận mình nằm trong vòng tay Thiên Chúa. Điều đó giúp ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
1. Những quan niệm về sự chết ngoài Kitô giáo
Về phương diện triết lý, mỗi trường phái triết học có một ý niệm về sự chết khác nhau tùy theo nhân loại học của họ:
- Các thuyết duy vật đều quan niệm cái chết là một hiện tượng tự nhiên, thuộc quy luật sinh lý, tức là việc tiêu tan các yếu tố lý hóa đã khiến cho thân thể sống động.
- Lập trường của các sinh-hoạt-thuyết (Vitalisme) chấp nhận một nguyên tắc sinh hoạt không có bản ngã. Họ cho rằng, chết là cái nguyên tắc đó trở về với nguyên tắc sinh hoạt của vũ trụ. Chẳng hạn, Bà-la-môn giáo cho rằng, chết là trở về với Brahman, tức là hồn của vũ trụ. Mạnh Tử cũng cho rằng, chết là hợp nhất với vũ trụ. Còn Hégel cho rằng, chết là tan mất trong tinh thần tuyệt đối.
- Theo Nhị nguyên thuyết xuất phát từ Platon, cho rằng chết là linh hồn được giải thoát khỏi nhà tù thân xác.
- Triết hiện sinh vô thần thì coi cái chết cũng vô lý như sự sống vậy (J. Sartre).
- Có những chủ thuyết khác tránh né vấn đề sự chết, chỉ lo sống thôi. Tránh né cũng là hình thức lo sợ, không dám tìm hiểu, không dám đả động đến. Riêng Trang Tử coi cái sống và cái chết là lẽ tự nhiên, bình thường và bình đẳng, nên ông chẳng xao xuyến gì trước cái chết, thản nhiên ra vào cuộc đời: “Bậc chân nhân không ham sống, không sợ chết, vào không vui, ra không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi”. Đối với ông, sống chết cũng giống như chuyện Được Mất, mà Được là thời, Mất là thuận. “Thuận Thiên giả tồn”, cứ theo ý Trời thì chẳng phải lo sợ gì.
- Trong Phật giáo, chết được dùng để chỉ sự sinh diệt, thăng trầm của tất cả các hiện tượng, các Pháp. Trong bộ luận Thanh tịnh đạo, vị Đại luận sư Phật Âm (buddhaghosa) diễn tả như sau:
“Theo chân lý tuyệt đối thì chúng sinh chỉ hiện hữu trong một thời gian rất ngắn, một thời gian ngắn như một khoảnh khắc của nhận thức (một ý niệm, Sát-na). Như một bánh xe, trong khi đang lăn cũng như đang đứng yên, chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất. Như thế, chúng sinh chỉ sống trong một khoảnh khắc của một nhận thức. Nhận thức này (ý niệm) mất đi thì chúng sinh đó chết”.
2. Kinh nghiệm cận tử
- Đức Đạt-lại Lạt-ma thứ 14
Vị này thường thuyết giảng về khoảng thời gian cận tử và nêu rất rõ những hiện tượng mà các Du-già sư uyên thâm đều tự chứng được. Chính Sư cũng bảo rằng, trong khi thiền định (khoảng 3-4 tiếng), Sư bước qua lại ngưỡng cửa sinh tử 6-7 lần với mục đích trau dồi kinh nghiệm để chinh phục được cửa ải quan trọng này. Sư trình bày như sau:
“Con người chết với một trong ba tâm trạng: thiện, ác và trung tính. Trong trường hợp đầu thì người chết chú tâm đến một đối tượng thiện tính... và vì thế tự tạo cho mình một tâm trạng đầy niềm tin sâu thẳm, khiến người ấy phát lòng từ, bi, hỉ, xả vô lượng. Người này chỉ có thể thực hiện những đức hạnh nêu trên khi họ đã từng trau dồi chúng trong lúc còn sống. Nếu trước khi chết mà người ta có thể phát khởi những tâm trạng thiện trên thì một sự tái sinh hạnh phúc hơn được xem như là chắc chắn.
Nhưng cũng có lúc thân quyến làm xao động tâm trạng của người sắp chết và vô tình làm cho người ấy khởi tâm sân hận. Có khi thân quyến hội họp xung quanh, khóc lóc than thở làm cho người ấy quyến luyến, tham ái. Nếu người ấy chết với một trong hai tâm trạng trên, thì đó là một mối nguy lớn.
Cũng có người chết với một tâm trạng trung tính, nghĩa là không thiện không ác. Trong mọi trường hợp thì tâm trạng trước khi chết rất quan trọng. Ngay cả một người đã có chút ít tiến triển trên con đường tu tập cũng có thể không tự chủ, để tâm tán loạn trước khi chết, khiến cho tham, sân, si nổi lên. Nguyên nhân là những Nghiệp (karma), những Chủng tử (bīja) đã được tích luỹ từ lâu; chúng chỉ chờ đợi những điều kiện thuận lợi để phát hỏa.. Như vậy người chết sẽ bị tái sinh trong ba ác đạo: Súc sinh, Ngạ quỷ và Địa ngục... Tuy vậy, người nào bình thường chỉ biết làm những việc ác nhưng chết với một tâm trạng thiện lành không còn mê chấp nữa, thì có thể tái sinh trong một môi trường hạnh phúc hơn...
Cứ bình thường thì các tâm trạng và lối sống của một người là yếu tố quyết định trong giờ phút chết. Vì thế mà trước khi chết, những tư tưởng đã đi sâu vào cốt tuỷ của con người là tâm trạng chính, là yếu tố chính quyết định sự tái sinh như thế nào...” [1].
- Các nhà nghiên cứu về kinh nghiệm cận tử [2]
Nhà nghiên cứu có hệ thống đầu tiên là William Barrett (1925), vừa là giáo sư vật lý vừa chuyên về đời sống tâm linh. Vài thập niên sau có Karlis Osis và Hội nghiên cứu tâm linh Mỹ (1959-1973), phối hợp với Haraldson ở Ấn Độ. Họ đã thu thập dữ liệu của hàng vạn người về kinh nghiệm cận tử. Họ cho thấy rằng, hầu hết các trường hợp đều có những đặc điểm chung, chẳng hạn như thấy ánh sáng tỏa ra, cảnh quang tuyệt mỹ, trạng thái nhẹ nhàng, cảm giác vô cùng thanh thản, và gặp lại những người thân yêu. Riêng trường hợp những người tin vào Đức Kitô, thì được gặp Đức Mẹ, các Thánh, khiến họ vui mừng, hạnh phúc, không còn cảm giác đau khổ. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một số người phản ứng với vẻ sợ hãi hoặc từ chối.
Cách chung, đối với những người có cuộc sống tốt lành, thì nhãn giới phút cuối như được chuyển ra ngoài cơ thể để nhìn thấy trước kiếp sau (xảy ra trong khoảng 1/3 nhãn giới phút cuối). Thường là họ thấy những vườn hoa xinh đẹp cách kỳ lạ, trải dài bất tận. Cảnh giới đó đi kèm với thiên sứ hay hồn ma người chết, và trong một số trường hợp, có thể nghe tiếng nhạc từ trời cao vọng xuống. Trong thanh âm và màu sắc rất sinh động như vậy, người hấp hối cảm thấy mình được nhấc bỗng lên. Từ trên cao nhìn xuống, họ có một cảm giác an bình và hạnh phúc, rồi đi vào một đường hầm tối đen, hướng về phía ánh sáng cuối đường hầm. Ánh sáng ấy giúp cho họ ôn lại toàn thể cuộc đời, và không có đánh giá tiêu cực nào về hoạt động đã qua. Cuối cùng, họ miễn cưỡng phải trở về với sự sống này.
Trong cuộc thăm dò ý kiến vào năm 1982 của Gallup, cho thấy khoảng 8 triệu người lớn ở Mỹ quả quyết mình đã trải qua kinh nghiệm cận tử như thế, mặc dù cảm giác mỗi người có khác nhau. Đương nhiên, những cảm giác đó không thể chứng minh một cách khoa học. Tất cả những gì được biết về hiện tượng đó đều dựa trên tài liệu mang tính giai thoại.
Có giả thuyết cho rằng nhãn giới phút cuối chỉ là ảo giác, có thể do thuốc, sốt, bệnh, hoặc thiếu oxy, hoặc mất cá tính gây ra. Tuy nhiên, những ảo giác phát sinh từ những yếu tố đó thường liên quan đến hiện tại, chứ không liên quan đến kiếp sau. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã cho làm tất cả cuộc thí nghiệm như thế, đều xảy ra cách khác chứ không xảy ra giống như vậy. Ngoài ra, những người sau khi chết đi sống lại như vậy, phần lớn họ đều hướng về sự phát triển tinh thần hay một đức tin mạnh mẽ, vì biết kiếp sau có thật. Hầu hết những người đó đều khám phá ra mục đích mới và tích cực đối với cuộc sống của mình, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống mà trước đây họ không thấy, hoặc xem thường.
Nhãn giới giới phút cuối rất quan trọng đối với môn nghiên cứu cái chết, vì chúng chứng minh rằng, cái chết không phải là sự hủy diệt mà là sự chuyển tiếp tuyệt vời cho những ai đã tích cực sống thiện hảo. Cái chết như vậy là một nghi thức quá hải được trải qua trong ý thức và chân giá trị.
3. Nguồn gốc sự chết và sự sống lại trong Kitô giáo
Công đồng Vat. II đã nói lên tình trạng của con người trước cái chết như sau: “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời... Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người.
Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực. Nhưng Giáo Hội, được Mạc khải của Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn dạy rằng giả như con người không phạm tội, thì đã không phải chết; sự chết này sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mang lại cho con người sự cứu rỗi mà vị tội lỗi, họ đã đánh mất. Bởi vì Thiên Chúa đã và đang kêu gọi con người đem toàn thân kết hợp với Ngài trong sự hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết. Vậy đức tin với những lý chứng vững chắc đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Đồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô, và làm cho họ hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự nơi Thiên Chúa” (GS 18).
Thật vậy, để giải thoát ta khỏi quyền lực Thần chết, trước tiên Đức Kitô đã đến để nhận lấy cho mình số phận tử vong của chúng ta. Ngài thực hiện thánh ý của Chúa Cha là muốn cứu độ tất cả mọi người. Ngài đã chết “vì chúng ta” (1 Tx 5, 10), “cho tội chúng ta” (1Cr 15, 3) để làm hy tế xá tội (x. Dt 9). Nhờ cái chết của Ngài, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa x. Rm 5, 10), hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời (x. Dt 9, 15). Ngài đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển (x. 1Cr 15, 4), nên quyền lực của Thần chết từ đó đã bị vô hiệu hóa (x. Rm 6, 9). Kể từ giây phút đó, tương quan của con người với sự chết đã thay đổi, vì từ nay Đức Kitô chiến thắng sẽ luôn chiếu soi “những người ngồi trong bóng sự chết” (Lc 1, 79).
Qua việc phục sinh, Ngài trở nên thủ lãnh của một nhân loại mới (x.1Cr 15, 45), vì Ngài đã mang tất cả chúng ta đi vào cái chết và sự phục sinh của Ngài. Tuy nhiên, cái chết để được phục sinh này của chúng ta còn phải là một thực tại hiện hữu cho mỗi cá nhân, vì không ai có thể bước vào cõi sống mà không chết đi cho chính mình từng ngày trong cái chết của Đức Kitô để được sống lại như Ngài (x. 2Tm 2, 11).
4. Bài học sâu xa từ sự chết
Không có một đức tin sâu xa, thì cái chết quả là điều kinh khủng, đáng lo sợ, vì không biết cuộc đời mình sẽ đi đâu, về đâu? Do đó, nhiều người muốn tránh né, không muốn nghe hoặc không muốn nói đến sự chết. Léo Buscaglia, một chuyên viên dạy về tình yêu và cuộc sống, chia sẻ tâm trạng của ông khi nghĩ về sự chết như sau:
“Chúng ta phải bắt tay làm hòa với sự chết để chọn lấy sự sống, vì sự chết là một người bạn thân thiết với chúng ta. Nó cho biết những gì chúng ta không thể giữ lại được mãi cho mình. Và nếu bạn muốn sống, thì nên sống trọn vẹn ngay từ bây giờ...
Nếu bạn đã sống mọi khoảnh khắc mà Chúa ban cho bạn, thì bạn sẽ không than van khóc lóc khi cái chết đến... Những người đã chết một cách hạnh phúc là những người từng nỗ lực để sống.
Sự chết là một thách đố. Nó nhắc nhở chúng ta đừng bỏ phí thời giờ. Nó chỉ cho chúng ta phải lớn lên và phải trở nên như thế nào. Nó dạy cho chúng ta biết yêu thương nhau, và phải biết dâng hiến chính mình ngay từ bây giờ...Dầu chúng ta không hiểu gì về sự chết, nhưng điều đó cũng chẳng cần thiết gì. Điều thiết yếu là phải sống bức thông điệp mà sự chết nhắn gởi cho chúng ta”.
Thật vậy, suy gẫm về sự chết là điều cần thiết, giúp ta biết quan tâm hơn đến cuộc sống: làm thế nào để yêu, để tha thứ và để chấp nhận; làm thế nào để tránh những tội lỗi, những vấp phạm, và chỉ còn muốn sống cho Chúa cách trọn vẹn để phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân; làm thế nào để khẳng định về chính mình như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Vì thế, “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 39). Chỉ có chết trong tội mới tách rời chúng ta ra khỏi Chúa, còn chết trong Chúa là một giải thoát, đưa chúng ta vào sự sống viên mãn của Ngài.
5. Tận tình với sự chết, nhiệt tình với sự sống
Theo tiếng Latinh, người chết = defungi: là người đã vĩnh viễn hoàn tất đời mình. Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô đã xác định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15, 53).
Chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ là cái chết, nhưng chúng ta cũng biết rằng, Ngài không chiến thắng cái sự dữ gây ra ở trong ta. Nhờ Đức Kitô, trong hy vọng thì tất cả đã thành đạt, nhưng trong thực tế, ta vẫn phải chịu đựng những bất hạnh. Niềm tin và hy vọng không diệt nổi bản năng sinh tồn, nhưng nó đem lại một tâm tình đón nhận bình thản và an vui: “Tôi chết vui cũng như đã sống vui”. Trong tâm tình đó R. Tagore đã cất lên:
“Ôi! Thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối. ..
Những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong, những gì ta yêu thương, tất cả vẫn sâu xa bí mật trôi chảy về ngươi.
Chỉ một ánh nhìn từ mắt ngươi lần cuối là đời ta vĩnh viễn thuộc về ngươi.
Hoa đã kết thành tràng, sẵn sàng chờ đợi tân lang.
Sau tiệc cưới, giai nhân sẽ rời nhà,
một mình ra đi gặp tân lang trong đêm tối quạnh hiu” [3].
Trong một đoạn thơ khác, Tagore lại cảm nhận như sau:
“Ban mai, ngước mắt nhìn ánh sáng, trong phút giây, tôi cảm thấy mình không phải khách lạ ở thế gian, và Người xa lạ không tên gọi, không hình thù, với dáng dấp mẹ tôi hiền từ, đã giang tay ôm tôi vào lòng.
Lúc lâm chung cũng vậy, Người lạ mặt ấy lại hiện ra như đã từng quen thuộc với tôi từ lâu.
Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết.
Khi mẹ giằng con ra khỏi bầu vú bên này, con òa khóc, nhưng liền đó lại thấy nguồn an ủi ở bầu vú bên kia.
Ôi Thượng Đế, kính lạy Người lần cuối.
Như đàn hạc hoài hương, ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao, xin cho đời tôi phiêu du tới quê hương vĩnh cửu ngàn thu” [4].
Quả thật, một cái nhìn đầy lạc quan và hy vọng, một sự cảm nhận thâm sâu về thực tại vĩnh cửu ngay bên cạnh giờ phút lâm chung: “Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết”.
Chúng ta tin rằng: “Trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên, những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (1Cr 15,52). Tuy nhiên, phải tin trong sự chờ mong từ cơn đau quằn quại để sinh hạ chính mình, cũng như toàn thể tạo vật đang rên siết để chờ ngày cứu độ (x. Rm 8, 22). Những đau khổ ở đời này chẳng là gì so với vinh quang sẽ dành cho ta trong cõi vĩnh hằng (x. Rm 8, 18), và đó là một tiến trình tối cần để khai sinh sự sống. Tiếp nhận cái chết như một điều tự nhiên nhất để làm nẩy sinh điều siêu nhiên nhất: đó là sự phục sinh đời sống vốn đã được khắc họa trong ta qua Phép Rửa: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Dưới cái nhìn đó, người Kitô hữu được định nghĩa cách đơn giản là người “tận tình với sự chết, nhiệt tình với sự sống” (Pierre Talec).
Chính vì thế mà không ai có thể đón nhận cái chết thể lý trong niềm hy vọng phục sinh mà lại không cất cao đầu và mở rộng con tim để vượt qua cái chết cho chính mình vốn đã hàm ngụ nơi cuộc sống như thất bại, bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị loại trừ và khinh thị... Hơn nữa, cần phải giải phóng mình khỏi những gì biến mình thành tù nhân của chính mình, ngõ hầu có thể yêu mến cuộc sống một cách thân thiết ngay bây giờ. Yêu mến cuộc sống là điều không dễ dàng khi cuộc sống đầy bi đát, tàn bạo, xung khắc... Khi đó người ta dễ nhìn vào những bất tất của đời thường như một cái gì phi lý, vô nghĩa, không còn đáng sống. Nhưng nếu chết để mà chết thì chẳng bao giờ là giải thoát.
Sự sống không đơn độc như ta tưởng, vì sự sống đã kết hôn với sự chết. Chết và sống là cặp bài trùng của cuộc hiện hữu nhân sinh. Cặp bài trùng này buộc ta phải thường xuyên chiến đấu để đạt tới con người trưởng thành, con người mới trong Đức Kitô (x. Cl 4, 12). Con người mới không chỉ là con người nội tâm vươn tới chiều kích linh thánh, mà cả con người bên ngoài, trong mọi quan hệ với xã hội. Phải biết nương tựa vào sự soi sáng và sức mạnh của Thánh Linh để chống lại sức bành trướng của sự chết đang ngự trị trong thế giới dưới nhiều hình thức.
Kết luận
Khi sinh ra, con người là một bản thể phải chết, nhưng khi chết thì con người sống mãi. Con người là bất diệt, không chỉ vì linh hồn không thể bị phân hủy, nhưng vì chết là được mời gọi đến sự hiệp thông trong tình yêu muôn đời với Chúa Ba Ngôi. Đó là ấn tích đã được Thiên Chúa khắc sâu vào bản thể con người khi tạo dựng. Tính bất diệt của con người đã có trong tự bản chất nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô: “Ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 26).
Như vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết của con người không mang tính chết chóc, nhưng là một định hướng cho cuộc sống mới. Là người Kitô hữu, chúng ta “chết cho Chúa” cũng như đã sống cho Ngài (x. Rm 14, 7). Nhờ cái chết, chúng ta “tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21, 19) để đáng hưởng triều thiên sự sống (x. Kh 2, 10). Từ nỗi khắc khoải không thể tránh được, sự chết trở nên một đối tượng của toàn phúc: “Phúc thay những kẻ chết trong Chúa” (Kh 14, 13), vì nhờ đó Chúa đưa chúng ta đến nơi an nghỉ muôn đời, đến miền ánh sáng vô tận.
Đó là lý do tại sao chết là một mối lợi, vì Chúa Kitô chính là sự sống của chúng ta (x. Pl 1, 21). Trong niềm vui lớn lao đó, thánh Têrêsa hài đồng đã xác quyết: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống”. Đức Giêsu đã trả lại cho cái chết sự vô tội của vườn địa đàng cho những ai tin vào Ngài. Đó là cánh cửa đưa tới hạnh phúc ngàn thu cho chúng ta là những con cái của Thiên Chúa.
Lạy Cha là Thiên Chúa, Đấng tác tạo con người và mọi loài, và là sự sống muôn đời của con! Con hạnh phúc biết bao vì được kêu gọi nhận biết, tin tưởng, và sống thuộc về Chúa.
Dù biết mình phải chết, nhưng chết trong sự nhận biết, tin tưởng và yêu mến Chúa, thì cái chết lại là cơ hội diễm phúc để con được sống với Chúa mãi mãi, là Đấng con hằng khao khát khôn nguôi.
Để đón nhận cái chết cuối cùng trong niềm hân hoan, con biết mình phải đón nhận cái chết từng ngày con người cũ của mình, để học biết sống con người mới trong Đức Kitô, Con Cha, là Đấng đã chết và sống lại vì con.
Đức Kitô là hy vọng duy nhất của đời con trên con đường về nhà Cha. Ngài đang ở với con, sâu thẳm trong lòng con, thân thiết hơn chính bản thân con, và đang dùng Thánh Thần của Ngài để biến đổi đời con.
Ôi! Lạ lùng quá, tình yêu bao la vô cùng của Chúa trên cuộc đời đầy hư nát của con. Con chẳng có gì đánh đổi trước mầu nhiệm ân sủng lớn lao này, chỉ biết ca ngợi lòng thương xót Chúa trong từng giây phút đời con.
Con chỉ biết chìm sâu trong Chúa mỗi ngày, để được thanh tẩy mọi bợn nhơ và loang lỗ trong tâm hồn.
Xin dẫn bước nhân loại chúng con về miền ánh sáng vô tận, nơi Chúa ngự trị và vinh hiển muôn đời. Amen.
Chú thích:
[1] Đạt-lại Lạt-ma trong Death, Intermediate State and Rebirth in Tibetan Buddhism, Lati Rinpoche/Jeffrey Hopkins.
[2] Rosemary Ellen Guiley, Tự điển tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, NXB Tôn Giáo, 2005, tr. 215-217; 585-587.
[3] Rabindranath Tagore, Lời Dâng, NXB Đà Nẵng, 2001, bài số 91, tr. 110.
[4] Đã trích, bài số 95 và 103, tr. 114 và 123.
Chúa Kitô, Ngài là Vua vinh hiển.
Ngài là Vua tự muôn thuở muôn đời.
Ngài là Vua cai trị cả đất trời.
Vì Ngài chính là Ngôi Lời nhập thể.
Vua Kitô là Vua muôn thế hệ.
Ngài chính là Chúa Tể cả muôn loài.
Ngài là Đấng tạo dựng cả con người.
Thắp sáng trăng sao muôn vàn tinh tú.
Phán một lời có núi non muông thú.
Có ruộng đồng cây cối có đại dương.
Đức Kitô là Vua của tình thương.
Cứu nhân loại thoát khỏi vòng tội lỗi.
Ngài giáng trần nơi hang lừa tăm tối.
Chịu chết treo trên Thập giá khổ hình.
Giải phóng nhân loại khỏi kiếp sống phù sinh.
Cho con người giao hòa cùng Thiên Chúa.
Tình thương Ngài không bao giờ phai úa.
Vinh quang Ngài rực rỡ chốn Thiên Cung.
Uy quyền Ngài tỏa rộng khắp non sông.
Vương quyền Ngài bền thiên thu vạn đại.
Vua Kitô muôn dân hằng mong đợi.
Từ Adam cho đến mãi về sau.
Vượt thời gian và khắp cả năm châu.
Mọi dân nước đều vang câu chúc tụng.
Vua Kitô khoan hồng và nhân hậu.
Ngày cánh chung thưởng phạt rất công minh.
Người lành thánh vui hưởng phúc Thiên Đình.
Kẻ tà tâm phải nghiến răng khóc lóc.
Vua Kitô rất giầu lòng thương xót.
Luôn thứ tha kẻ tội lỗi quay về.
Bổ sức ai vai gánh vác nặng nề.
Chữa lành bệnh cho những người đau yếu.
Vua Kitô tình thương không hề thiếu.
Ban bình an cho những kẻ thành tâm.
Ban thần lương cho hết mọi giáo dân.
Làm của nuôi linh hồn thêm sức sống.
Vua Kitô là Chân lý và Ánh sáng.
Dẫn đoàn con tiến thẳng tới quê Trời.
Được chiêm ngưỡng Nhan thánh Chúa đời đời.
Hạnh phúc tuyệt vời không bao giờ hết.
Vua Kitô Ngài là Vua bất diệt.
Ngài chính là Vua trên hết các vua.
Và cũng là Chúa trên hết các chúa.
Vua trần gian cai trị bằng lời hứa.
Vua Kitô hiển trị bằng tình thương.
Vua trần gian cai trị chỉ một phương.
Vua Kitô thống trị toàn vũ trụ.
Vua trần gian thi ham mê lạc thú.
Vua Kitô dạy mến Chúa yêu người.
Vua trần gian cai trị chỉ nhất thời.
Vua Kitô hiển trị muôn muônkiếp.
Xin cho đoàn chúng con luôn hiểu biết.
Chỉ có Chúa là Vua của muôn loài.
Vì Chúa là Vua thống trị đời đời.
Bước theo Chúa dù đường dài xa tắp.
Gieo Tin Mừng đến tận cùng trái đất.
Mọi dân nước biết mến Chúa thương nhau.
Mai sau này hưởng hạnh phúc dài lâu.
Cùng Thần Thánh chung lời ca tụng Chúa.
Đức Kitô Ngài là Vua muôn thuở.
Ngài là Vua thống trị trên các vua.
Vương quốc Ngài tồn tại mãi ngàn thu.
Uy danh Ngài tận thiên niên vạn đại...
CHÚA PHÁN XÉT CÔNG MINH.(MT XXV,31-46)
Sống trên cõi dương trần ai cũng thế.
Sinh ký tử qui là lẽ đương nhiên.
Từ vua quan cho đến kẻ lê dân.
Đã có sinh là sẽ có ngày tử.
Phán xét chung Thiên Thần phân lành dữ.
Lành một bên kẻ dữ cũng một bên.
Lành là chiên hiền dữ là sói điên.
Chúa lên tiếng xưa kia Ta bị đói.
Bay chẳng cho ăn cũng không thăm hỏi.
Ta ở trần bay chẳng cho áo khăn.
Ta bị tù bay cũng chẳng vấn an.
Ta đau ốm bay không cho thuốc uống.
Chúa uy nghi từ trời cao ngự xuống.
Phán xét công minh chẳng thiên vị người nào.
Con sung sướng và hạnh phúc dường bao.
Được chúc phúc ngàythẩm chung sau hết...
Danh từ ‘Phụng Vụ’ (Tiếng Anh gọi là ‘Liturgy’, từ tiếng Hy Lạp là ‘Leitourgia’ ‘việc thờ phượng chung’) để chỉ việc thờ phượng Thiên Chúa có tính cách phổ quát chung cho toàn thể Giáo Hội: Việc dâng Thánh lễ và đọc các giờ Kinh Phụng vụ hàng ngày của các Linh mục là việc Phụng Vụ có tính cách phổ quát cho toàn thể Giáo hội. Thí dụ, một linh mục, khi bị tù đày trong trại lao động, dù kín đáo dâng Thánh Lễ riêng một mình, hoặc đọc Sách Nguyện riêng một mình, vẫn có tính cách phụng vụ phổ quát, đại diện toàn thể Giáo Hội Chúa.
Năm Phụng Vụ của Giáo Hội là chu kỳ phụng vụ thờ phượng Chúa và sống Lời Chúa trong suốt một năm.
Năm Phụng Vụ của Giáo Hội bắt đầu từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng (Thường vào đầu tháng 12; đôi khi là cuối tháng 11) để chuẩn bị mừng Đại lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng trước đây thường được gọi là mùa Áp (Tiếng Anh là Advent, từ tiếng Latinh Adventus); bây giờ gọi là Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến. Tiếp theo Mùa Vọng là Mùa Giáng Sinh. Mùa Giáng Sinh chấm dứt với Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Sau Mùa Giáng Sinh, tiếp vào Mùa Quanh Năm I (Mùa Quanh Năm cũng gọi là Mùa Thường Niên). Mùa Quanh Năm I bắt đầu từ Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, và chấm dứt với tuần lễ V (hoặc VII) thường niên; sau đó bắt đầu vào Mùa Chay để chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Mùa chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ tro; tiếp theo là Tam Nhật Vượt Qua (Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh), rồi Chúa Nhật Phục Sinh. Mùa Phục Sinh kéo dài cho đến Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống. Sau đó bắt đầu Mùa Quanh Năm II. Mùa Quanh Năm II kéo dài cho đến hết tuần lễ 34 quanh năm và chấm dứt một năm phụng vụ của Giáo hội, để bước vào một Năm Mới của phụng vụ với Chúa nhật I Mùa vọng.
Qua một năm Phụng Vụ của Giáo Hội như vậy, chúng ta đã có những dịp để tôn thờ và sống Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng có dịp sống lại những biến cố trong suốt cuộc đời trần gian của Chúa Giêsu Kitô, từ việc Ngài giáng sinh trong hang đá Bê lem, lớn lên, ra đi rao giảng, chịu khổ nạn và chịu chết trên Thập Giá, sống lại và lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho chúng ta. Trong suốt năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng có những ngày lễ đặc biệt kính Đức Mẹ Maria, các Thiên Thần, và các Thánh, là những vị đã được thưởng công trên Nước Chúa, và hằng thương yêu phù trợ, và chuyển cầu cho chúng ta. Lịch Phụng Vụ Giáo Hội cũng hằng nhớ đến các linh hồn nơi luyện tội; đặc biệt vào tháng 11 (tháng cuối cùng của niên lịch Phụng Vụ) và Lễ cầu cho các linh hồn ngày 2 tháng 11 hằng năm.
Khi chúng ta đi dâng Lễ Ngày Chúa nhật, hay ngày thường, chúng ta được nuôi dưỡng tâm hồn bằng lời Chúa (trước khi được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh Chúa qua việc Rước Lễ). Trong ngày Chúa Nhật (và Lễ Trọng) có bài đọc I, bài đọc II và Bài Phúc Âm (Tin Mừng). Ngày thường thì có Bài Đọc I và Bài Phúc Âm.
Để khi đi dâng Thánh Lễ, qua việc nghe các Bài Đọc, chúng ta có thể được nghe tổng quát toàn bộ Lời Chúa trong Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, Giáo Hội chia các Bài Đọc theo chu kỳ năm A, Năm B và Năm C; còn ngày thường thì chia ra năm chẵn (2008…) và năm lẻ (2009…). Trong năm Phụng Vụ vừa qua (2008), chúng ta theo chu kỳ Năm A. Bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng này (30-11-2008), chúng ta bước sang năm Phụng Vụ mới, và bắt đầu theo chu kỳ năm B.
Để có thể được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và sống Lời Chúa trong việc thánh hóa bản thân, khi đi dâng lễ chúng ta cần biết ‘lắng nghe và suy ngẫm Lời Chúa.’ Vì thế những người đọc Lời Chúa phải được huấn luyện để có thể đọc lời Chúa với cả tâm hồn của mình (thường gọi là đọc có hồn), đọc thong thả và rõ ràng để cộng đoàn có thể dễ dàng lắng nghe và cảm nghiệm được Lời Chúa đi vào tâm hồn của mình. Riêng Bài Phúc Âm luôn phải do Thầy Phó Tế đọc (nếu có mặt) hoặc chính Linh mục chủ tế, hoặc đồng tế đọc.
Nhiều Bài đọc và bài Phúc âm chúng ta đã nghe thật nhiều lần, và rất quen thuộc, vừa đọc mấy dòng đầu chúng ta đã biết ngay bài đó nói về chuyện gì; tuy nhiên, vẫn phải đọc thật thong thả với cả tâm hồn của mình để có thể truyền đạt được Lời Chúa vào chính tâm hồn mình và mọi người trong Nhà Thờ. Tất nhiên bài giảng (Bài chia sẻ) tiếp theo sẽ giúp chúng ta dể hiểu và dễ lĩnh nhận Lời Chúa hơn. Tuy nhiên lúc chúng ta đọc hoặc lắng nghe Lời Chúa chính là lúc rất quan trọng, vì lúc đó chính Lời Chúa tác động thẳng vào tâm trí chúng ta và ban ơn thánh hóa. Vì thế đọc vội vàng, đọc cho xong (nhất là khi thấy bài hơi dài, hoặc quá quen thuộc) đều làm sai ý hướng của phụng vụ Lời Chúa. Nói chung, Thánh Lễ đã được phân chia ra từng phần rất quân bình, và phải được cử hành một cách thong thả và trang trọng, kể ngay từ việc làm “Dấu Thánh Giá” để bắt đầu Thánh Lễ. Những điều này chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày đầy đủ hơn trong bài ‘Cùng Dâng Thánh Lễ’. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có dịp viết và gửi đến quý vị những bài chia sẻ Lời Chúa hàng tuần về mỗi Chúa Nhật.
Xin hiệp lời cầu nguyện chung để chúng ta cùng chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bước vào Năm Mới của Phụng vụ Giáo hội với Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng năm nay.
Trong một số xã hội, người ta dị ứng với các từ ngữ “vua, hoàng đế, hoàng thượng”, bởi vì những từ ngữ ấy mang tính “phong kiến”, và cái gì không hay, lạc hậu thì bị gán cho từ “phong kiến”, nhưng dường như chẳng mấy ai ở Việt nam, hiểu cho đúng từ phong kiến nghĩa chính xác là gì. Và nếu được giải thích thì họ cũng thắc mắc “phong tước” để làm gì, tại sao chia đất (kiến…). Việc hiểu lệch lạc các từ ngữ đưa đến cái tai hại là cả một thế hệ, có khi nhiều thế hệ, mang một thành kiến khủng khiếp về những thời đại và những thể chế tự nó là tốt đẹp. Nhưng vương quyền đúng nghĩa thì quả là điều cần thiết cho các xã hội ở mọi thời.
Vương quyền, hiểu theo nghĩa là quyền cai trị do Thiên Chúa trao ban cho một con người, để con người ấy thay mặt Ngài mà cai trị dân Chúa, là một điều tối cần để duy trì các công năng, trật tự và mục đích của xã hội loài người. Chính trong ý nghĩa này mà Thiên Chúa sai các ngôn sứ xức dầu để cắt đặt những người con ưu tú của Israel làm vua cai trị dân Ngài, trong số đó lịch sử dân thánh sẽ không bao giờ phai đi gương mặt Saolê, Đavít, Salomon… Cho dù những vị vua ấy có những lỗi lầm rất “người”, thì uy quyền của họ, do lòng vâng phục Thiên Chúa, vẫn mãi còn được nhắc đến. Chúa Giêsu thì được chính Thiên Chúa Cha xức dầu tự đời đời để được làm Ngôn Sứ bởi Người là Ngôi Lời, làm Vua cai trị muôn loài vì Người đồng bản tính với Chúa Cha, và làm Tư tế vì Người là Đấng Cứu độ. Vậy vương quyền của Chúa chúng ta có gì khác biệt so với các vua chúa trần gian?
Thứ nhất, Chúa Kytô là vị Vua duy nhất bị đánh, bị vả vào khuôn mặt chí thánh của mình mà vẫn bình tĩnh dịu dàng. Uy hùng của vị Vua ấy đã làm cho dân chúng tụ họp lại và lắng nghe. Uy hùng của Người cũng làm cho quân dữ lùi lại và ngã xuống đất. Thế nhưng, Người cũng dịu dàng đến nỗi khi bị môn đệ từ chối đến ba lần, vẫn ngoái nhìn đầy yêu thương. Khi bị vả và bị nhổ vào gương mặt mình, Người vẫn bình tĩnh chịu đựng. Chính vị Vua cao cả của chúng ta làm gương cho các mục tử về việc thực thi điều mình rao giảng. Gương mặt vinh hiển của ngày biến hình trên núi Tabor đã biến đi mất khi Chúa bị đối xử “như tên trộm cướp”, khi Chúa bị đem làm trò cười cho thiên hạ nhạo báng. Người phải có tâm hồn hiền lành và khiêm nhượng vô song mới có thể sống như một vị Vua âm thầm đến thế.
Thứ hai, Chúa Kytô là vị Vua duy nhất bị đóng đinh vào thập giá mà vẫn tha thứ cho những kẻ kết án và đóng đinh Người. “Xin Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Các vua chúa trần gian thì không ai dám ngẩng nhìn, chứ chưa nói đến việc đụng vào họ. Các vua chúa trần gian thì dùng vũ lực để trấn áp bất cứ ai muốn đòi lại quyền lợi, dù chính đáng. Vua Kytô của chúng ta thì dùng vương trượng là sự nhân từ và triều thiên là mão gai đau đớn, để cảm thông với con người và làm lễ tế cứu độ con người.
Thứ ba, Chúa Kytô là vị Vua duy nhất kiên nhẫn đợi chờ, cho dù khi con cái của mình đang bị “các thế lực thù địch” bách hại. Hãy tưởng tượng khi một hoàng tử của một vương quốc bị bách hại thì điều gì sẽ xảy ra. Nhưng Đức Vua Kytô lại không hành xử theo kiều vua chúa trần gian. Tại sao vậy? Bởi vì Người là vua nhân từ, Người yêu cả những đứa con hoang đàng và tàn độc. Những con người kia cũng là con cái của Thiên Chúa. Người muốn hoán cải họ chứ không tiêu diệt. Người không nỡ tiêu huỷ công trình Thiên Chúa Cha sáng tạo. Người hành xử như Lời Thánh Kinh “Người không nỡ dập tắt tim đèn còn khói”. Đàng khác, Người muốn cho con cái mình hiểu rằng những bách hại, đau đớn ấy sẽ không là gì so với vinh quang Thiên Quốc mà họ tận hưởng với Người sau này. Và khi con cái Người bị hãm hại, chính Người ra tay nâng đỡ và không quân thù nào có thể chiến thắng được.
Điều thứ tư đáng chúng ta suy ngắm và cũng là điều quan trọng nhất. Chúa Kytô là vị Vua duy nhất có quyền thống trị đến muôn ngàn đời, và vinh quang Người sẽ không bao giờ tắt. Vinh quang của Thiên Chúa chiếu toả từ muôn đời, và khi Ngôi Lời nhập thể, các vua chúa trần gian phải run sợ tìm đến. “Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông và chúng tôi đến triều bái Người”. Vinh quang ấy chiếu toả rạng ngời vào ngày Phục Sinh, để chia sẻ cho nhân loại được cứu độ. Vinh quang của Ngài sẽ biểu lộ trọn vẹn cho dân thánh ngày Vua Kytô quang lâm. Vinh quang ấy sẽ muôn đời không bao giờ tắt, vì bóng tối không bao giờ che được ánh sáng, vì những bàn tay nhỏ bé của con người chỉ che được bóng đèn chứ không che khuất ánh mặt trời, vì sẽ đến một ngày mà quỉ vương và đồ đệ của chúng phải được khoá lại để “công lý và hoà bình viên mãn” mà Thiên Chúa báo trước không còn bị quấy nhiễu nữa.
Mừng Lễ Chúa Kytô Vua, Giáo Hội muốn con cái mình tôn vinh vương quyền của Người, và nhờ đó, con cái Giáo Hội vững tin chờ ngày Người quang lâm. Và khi tôn vinh Vua Giêsu, thì Mẹ của Người, người phụ nữ của Tân Ước, cũng được chiêm ngắm như mẫu gương sống động của việc thực thi sứ điệp Tin Mừng. Xin Mẹ dạy chúng con sống khiêm hạ và nhân hiền như Vua Thánh, Con của Mẹ, “để nhờ lời bầu cử chí thánh và công nghiệp của Mẹ, mọi việc con làm đều được hướng dẫn và được qui định theo Ý Con Mẹ và Ý Mẹ. Amen” (trích Kinh sáng của chủng sinh giáo phận Vĩnh Long).
Nói đến sức mạnh, chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ đến những chàng trai võ sĩ thân hình lực lưỡng, cân đối rắn chắc,với những bắp thịt vạm vỡ, với những quả đấm thôi sơn ngàn cân. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng nghĩ đến những trận bão táp, những cơn lũ lụt phá đổ cây cối nhà cửa làng mạc, đê điều, đường sá, cầu cống. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng thường nghĩ tới những đám cháy lớn thiêu rụi cả một khu rừng, thiêu huỷ các tầng lầu, hoặc động đất san bằng nhiều thành phố, giết hại hàng triệu người trong vài giây đồng hồ. Nói đến sức mạnh, chúng ta cũng liên tưởng đến những cuộc chiến tranh hoặc chiến tranh thế giới giết hại bao sinh mạng, tàn phá bình địa nhiều thành phố làng mạc nhà cửa dinh thự đền đài.
Nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta quên rằng, còn có một sức mạnh vạn năng khác, mãnh liệt hơn cả, quyết thắng tất cả nhưng lại luôn luôn ở trong tầm tay của mình. Đó chính là sức mạnh niềm tin tôn giáo. Niềm tin tôn giáo không thể nào bị bóp nghẹt do bất cứ quyền lực nào. Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào có thể xoá được những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người, không thể nào loại bỏ được niềm tin tôn giáo.(x.nguoitinhuu.com; Lm Trần quý Thiện).
Trước toà án Philatô, Đức Giêsu đã biểu lộ sức mạnh niềm tin tôn giáo “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho Ngài” ( Ga 18,11). Tin vào Sự Thật, mà “Sự thật sẽ giải thoát các con” cho nên Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga 18,37). Bởi vì “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”.
Kết thúc năm phụng vụ, tận cùng của thời gian,Giáo hội cho chúng ta suy tôn Đức Giêsu – vua vũ trụ - vua niềm tin. Đức Giêsu là vua không phải theo kiểu trần thế, cũng không theo nghĩa chính trị. Đức Giêsu là vua niềm tin, vua tình yêu.Vương quốc của vua Giêsu là vương quốc của sự thật và “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Nhiều lần Đức Giêsu đã khước từ làm vua theo kiểu trần thế.Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân Do thái muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài trốn lên núi. Khi trả lời cho những kẻ gài bẫy: chúng tôi có phải nộp thuế cho Xêza không? Đức Giêsu đáp: của Xêza hãy trả cho Xêza, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Đặc biệt trong phiên toà xét xứ, Philatô hỏi Đức Giêsu: Ông có phải là vua dân Do thái không? Đức Giêsu đồng ý nhưng xác minh: Nước tôi không thuộc về thế gian này (Ga 18,36).
Vương quốc Đức Giêsu là vương quốc sự thật thuộc thế giới niềm tin, thế giới tâm linh trong tâm hồn con người. Vương quốc đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêza hay bất cứ đế quốc nào, chủ nghĩa nào. Nuớc của Xêza chỉ cai trị thể xác loài người, còn vương quốc Đức Giêsu chiếm trọn lòng người.Thế lực của Xêza là quân đội, khí giới, nhà tù. Sức mạnh vương quốc Đức Giêsu là niềm tin, là yêu thương, tha thứ. Dù rộng lớn, đế quốc Xêza cũng bị giới hạn, còn vương quốc Đức Giêsu vô biên, được thiết lập mọi nơi. Các triều đại phong kiến, các thể chế chính trị cũng đã và đang chấm dứt trong dòng thời gian như đế quốc của Xêza, chỉ còn vương quốc sự thật và niềm tin là tồn tại muôn đời.
Chính niềm tin tôn giáo dạy chúng ta rằng: mục đích tối thượng của các tôn giáo là hướng con người đến chân thiện mỹ.Qua không gian thời gian,trải qua bể dâu của lịch sử với những thao thức băn khoăn của kiếp người, con người luôn luôn tìm đến niềm tin tôn giáo. Con người tiếp nhận sự sống từ chính nguồn sống là Thiên Chúa như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời.Thiếu ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất. Cúng thế, không có Thiên Chúa thì không thể có sự sống.Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.Thiên Chúa yêu thương mọi người ngay cả những ai chối bỏ và thủ ghét Ngài.
Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa.Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi người đều là hình ảnh Thiên Chúa. Chỉ xuyên qua niềm tin và tình thương con người mới đến được vớiThiên Chúa.
Với sức mạnh niềm tin, chúng ta khẳng định rằng: trên vạn nẻo đường của cuộc đời mỗi người, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu Thiên Chúa luôn có mặt để hướng dẫn nâng đỡ chúng ta.
Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội hôm nay phải chăng là khủng hoảng về niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống? Con người sinh ra trên cõi đời này để làm gì và để đi về đâu? Đó là những câu hỏi lớn mà ngàn đời con người không ngừng đặt ra cho mình khi đứng trước những mâu thuẫn bất trắc của cuộc sống. Nghĩ cho cùng, mỗi người chỉ tìm thấy giải đáp cho câu hỏi ấy nhờ ánh sáng sức mạnh niềm tin tôn giáo. Anh sáng niềm tin ấy hướng dẫn chúng ta đến yêu thương và phục vụ tha nhân. Khi con người biết sống cho người khác thì con người sẽ tìm thấy chính mình, thấy lý tưởng, thấy ý nghĩa cuộc sống.
Sống cho hạnh phúc của tha nhân, đó là sự thật mà mỗi thần dân sống trong vương quốc Vua Giêsu được mời gọi thể hiện mỗi ngày. Mừng lễ Chúa Giêsu vua vũ trụ, vua niềm tin, chúng ta hãy để cho Vua Giêsu chiếm trọn tất cả con người mình, từ tư tưởng lời nói cho đến việc làm. Chúng ta không còn thuộc về thế giới của bóng tối và tội lỗi, nhưng thuộc về vương quyền của Vua Giêsu là vương quyền của sự sống và sự thật, vương quyền của niềm tin và ân sủng, vương quyền của sự thánh thiện công lý và tình yêu hoà bình. Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Hôm nay Chúa nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Kitô Vua. Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể, khai triển qua cuộc tử nạn, Phục sinh để rồi kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Đức Kitô và cuối cùng trở về với Ngài. Đức Kitô chính là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại.
Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, của lịch sử nhân loại và Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta.
Chúng ta phải hiểu tước hiệu Vua Kitô như thế nào ? Và việc tuyên xưng Đức Kitô là vua mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống người Kitô hữu ?
ÔNG VUA TRONG LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI
Sau thế giới đại chiến lần thứ I, chế độ Vua cai trị, thường gọi là chế độ Quân chủ, không còn nữa. Chỉ còn mấy ông vua bà hoàng để bày cho đẹp, như ở Thái Lan, Anh Quốc, Nhật v.v. nhưng thực quyền của họ không có gì cả. Những người trẻ hôm nay, qua sách vở, khó hình dung rõ nét thế nào là một ông vua.
Trong lịch sử loài người có một số ông vua tài giỏi về đánh giặc cũng như về cai trị, nhưng hầu hết các ông vua, vì cha truyển con nối, nên độc tài độc đoán, không có khả năng trị quốc an dân, chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình, chẳng quan tâm đến sự lầm than đói khổ của bá tánh. Lịch sử Trung Hoa, các ông vua còn tự xưng mình là Thiên tử, là con ông Trời, bắt ai chết thì người đó phải chết, cho ai sống thì người đó được sống (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Các vua Lamã thì xưng mình là Thần, ngang với Thượng đế.
Nhìn chung, các vua trần gian thì ích kỷ, dâm ô. Khi họ đã nắm được ngai vàng thì coi mọi người như bầy tôi, giang sơn đất nước thì cho là tài sản riêng của mình. Vua thường nói: “Thần dân của trẫm. Giang sơn của trẫm”. Thế rồi khư khư giữ lấy. Nghi ngờ kẻ nào có ý phản loạn thì giết ngay tức khắc, không chỉ giết một người đó, mà còn tru di cả tam tộc cửu tộc nữa.
Nếu muốn đổi triều đại, vua của dòng họ này sang triều đại dòng họ khác, thì phải giành giật, phải thoán ngôi. Cứ đọc lịch sử Việt Nam thì thấy, mỗi thay đổi triều vua từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, toàn là máu và nước mắt. Đến đời Nguyễn Ánh tự xưng là Gia Long hoàng đế, làm vua từ năm 1802, cha truyền con nối kéo dài hơn 100 năm, cho đến năm 1945, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại. Vua này vì sợ Việt Minh Cộng sản giết chết nên mới thoái vị.
ÔNG VUA TRONG KINH THÁNH
Vào khoảng thế kỷ thứ 11 trước Chúa Giáng sinh, dân Israel đòi có vua cai trị giống như các dân khác, Giavê Thiên Chúa (qua ngôn sứ Samuel), đã cảnh cáo dân rằng:
Ba vị vua đầu tiên của Israel là Saul, Đavid, và Salomôn.
Về Saul thì Thiên Chúa nói: “Ta hối tiếc vì đã đặt Saul làm vua, nó đã quay lưng lại Ta.” (1S 15: 10).
Về Đavid, Thiên Chúa nói: “Chính Ta đã xức dầu tấn phong ngươi làm vua Israel. . . Tại sao ngươi dám khinh màng lời Đức Giavê. . . ngươi đã lấy gươm đâm Uria, người xứ Hitit và đoạt lấy vợ nó làm vợ ngươi.” (2S 12: 9).
Còn Salômôn, vị vua có 700 vợ và 300 hầu thiếp (1V 11: 3). Ông đã bỏ Đức Chúa Giavê để thờ tà thần của các vợ. Giavê phán với Salômôn: “Bởi ngươi đã nên thể ấy nơi ngươi. . . Ta sẽ giựt lấy vương quyền của ngươi.” (1V 11: 11).
Trong Tân Ước cũng nhắc đến một ông vua rất tàn ác, đó là Hêrôđê. Kinh thánh nói: “Bấy giờ Hêrôđê tức cuồng lên, sai quân giết hết cả trẻ em ở vùng Bêlem, từ hai tuổi trở xuống. (Mt 12: 6).
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA
Giáo Hội suy tôn Đức Giêsu là Vua, không phải chỉ của thế giới này, mà của toàn vũ trụ. Ngài không bao giờ làm vua theo kiểu các vua chúa ở trần gian, cũng không bao giờ làm chủ một lãnh vực kinh tế nào. Ngài là Vua theo một nghĩa hoàn toàn khác.
Vì thế, ngày lễ Chúa Kitô Vua mang màu sắc đầy vinh quang chiến thắng, Giáo Hội lại nêu cao biến cố đau thương Chúa chịu chết treo trên thập giá.
Các sách Tin Mừng đã đặt lễ đăng quang của Chúa Giêsu trong chính cuộc tử nạn của Ngài. Khởi đầu là cuộc khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem, trong đó Chúa Giêsu đã ngồi trên lưng một con lừa con. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng Ngài là Vua, nhưng Ngài là Vua không theo các cung cách của vua chúa trần gian. Tất cả bản án của Chúa Giêsu đều xoay quanh tước hiệu Vua của Ngài.
Chúa đã trả lời với tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Câu trả lời ấy cho chúng ta biết: Nước Chúa không thuộc về thế gian, có nghĩa là bất cứ nước nào, bất cứ chế độ nào, với nền văn minh nào, cũng không thể đồng hóa với nước Chúa. Nước Chúa ở trong các tâm hồn, những tâm hồn khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, và nhất là đón nhận sự thật. Sự thật đó là tình yêu cứu độ Chúa Giêsu đem đến.
Vậy, tất cả những ai đón nhận tình yêu cứu độ đó, họ sẽ được nhận vào Nước Chúa. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, những người chứng kiến đã có những thái độ khác nhau: có kẻ xót thương, có người lãnh đạm vô tình, có kẻ thách thức, nhục mạ, nhưng cũng có người nhận ra Chúa và tin tưởng Chúa. Đó chính là người trộm lành. Anh không dám thách thức Chúa như người trộm khác cùng bị đóng đinh với anh hay như những người vô lễ khác, nhưng anh biết tội mình và suy đoán rằng vương quyền mà Chúa liều chết vì nó phải là một vương quyền tốt đẹp vô lường nên anh kêu xin Chúa cứu vớt để được đưa vào vương quốc ấy. Đúng vậy, giữa đám đông mù quáng, ngược ngạo, ít ra cũng còn một tâm hồn ngay tình. Đó là người trộm lành trong một hoàn cảnh thật bi đát bị treo trên thập giá, anh đã biết nhận tội của mình và nhìn nhận sự vô tội của Chúa Giêsu. Giữa lúc mọi người đều bỏ rơi Chúa, đã quên hết những phép lạ, những lần đi theo Chúa lúc Ngài được tôn vinh, người trộm đã nhận ra vương quyền của Chúa và tuyên xưng đức tin của mình bằng một lời van xin đầy hy vọng sâu xa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Lời cầu nguyện khiêm hạ của anh đã mở được cửa vương quốc đó cho anh.
Hiện nay trên thế giới, 34,86% nhân loại – tức khoảng 2 tỷ trên 6 tỷ người – là Kitô hữu thuộc nhiều giáo phái khác nhau (Công giáo, Tin Lành, Chính Thống…). Họ là những người theo Ngài, làm môn đệ Ngài, đồng thời nhìn nhận Ngài là lẽ sống, là gương mẫu hoàn hảo nhất cho cuộc đời mình, và coi giáo huấn của Ngài là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Họ theo Ngài chủ yếu không phải vì giáo huấn của Ngài cao siêu, vì nhân cách của Ngài đáng phục nhất (mặc dù họ tin đích thực là như vậy). Họ theo Ngài vì họ tin Ngài là Con Thiên Chúa, là thần linh cao cả vô cùng, lại là người yêu thương họ hơn bất kỳ ai khác trên đời, yêu họ đến nỗi sẵn sàng đau khổ và chết cho họ. Nhất là Ngài là người duy nhất có thể đem lại hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu cho họ.
Thật vậy, còn gì vương giả cho bằng khi Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa Cha để xin ơn tha thứ cho những kẻ đã làm hại Ngài. Chúa Giêsu là Vua của Tình Yêu, chính tình yêu là sức mạnh của Ngài và cũng chính tình yêu ấy đã khiến cho Ngài tuyên bố: “Khi nào Ta chịu treo trên thập giá, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta”.
Qua hơn 2000 năm, lời ấy vẫn mãi được ứng nghiệm. Ngoài Đức Kitô ra không có một vị vua nào trên trần gian này được nhân loại chọn làm trọng tâm của lịch sử. Chấp nhận hay không chấp nhận, tin hay không tin, ai cũng phải lấy Đức Giêsu làm cái mốc để tính thời gian. Có một thời gian trước Đức Kitô và có một thời gian sau Đức Kitô và dù có tránh tên của Ngài để nói trước hay sau Công nguyên thì con người nói như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Con người sẽ không bao giờ loại bỏ Đức Kitô ra khỏi lịch sử của mình”. Đức Kitô đang lôi kéo mọi người về với Ngài, Ngài đang đồng hành trong lịch sử nhân loại và trong cuộc đời của mỗi người. Cuộc đời này có giá trị và ý nghĩa hay không là tùy thuộc ở thái độ tiếp nhận của mỗi người đối với Đức Kitô.
Tiếp nhận Ngài và tuyên xưng Ngài là Vua chính là mặc lấy thái độ tín thác của kẻ trộm lành, sẵn sàng trao phó tất cả cuộc đời trong tay Ngài và bước đi theo Ngài. Tiếp nhận và tuyên xưng Ngài là Vua là đi theo con đường của phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Tiếp nhận và tuyên xưng Ngài là Vua là cùng với Ngài xây dựng vương quốc của Ngài ngay trên trần gian này, vương quốc của huynh đệ, vương quốc của yêu thương, vương quốc của công lý và hòa bình. Và mỗi một lần chúng ta xây dựng vương quốc ấy bằng một cữ chỉ yêu thương thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ nghe được lời hứa của Ngài cho người trộm lành: “Hôm nay đây con sẽ ở cùng Ta trong vương quốc của Ta”.
Mỗi người tự xét mình xem Đức Giêsu đã thật sự là Vua của chính bản thân ta chưa, nghĩa là Ngài đã chiếm trọn vẹn trái tim ta chưa, đã thật sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta chưa, có lẽ rất nhiều người sẽ phải ngập ngừng, hoặc phải trả lời «chưa!». Ngài là vua của tâm hồn ta, hay là tiền bạc, quyền lực, danh vọng, địa vị, lạc thú, hoặc chính bản thân ta?
Nếu Ngài chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, mà không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên xưng Ngài là vua có ích lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi! Tôi rất thích lời của tổng thống Bush: «Show, but don’t tell!»: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói suông!
Trong ngày sau cùng, khi Đức Giêsu phán xét chúng ta như vị Vua của vũ trụ, Ngài chỉ xét chúng ta những điểm rất thực tế: ta đã thực hành ý muốn của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu thương và đối xử với Ngài như thế nào qua hiện thân của Ngài là những người chung quanh ta? Ngài có phải là Vua đích thực của chính bản thân ta không?
Thiết tưởng việc sống đạo của chúng ta cần phải xây dựng trên căn bản là thực tế của đời sống, chứ không phải trên lời nói, lý thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta mới là «người khôn ngoan xây nhà trên đá» (Mt 7,24).
QUỐC VƯƠNG KHÔNG CÓ SỨC MẠNH CỦA VŨ KHÍ
Trong tất cả những gì đã viết về Chúa Kitô, có lời nào bi đát hơn lời của Thánh Gioan ở lời tựa sách Tin Mừng: “Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà Ngài đã không tiếp nhận” ( Ga 1, 11 ). Bêlem không có chổ cho Ngài sinh hạ, Nazareth không có chỗ cho Ngài sinh sống, Giêrusalem không có chỗ cho Ngài chết. Bốn mươi ngày sau khi Ngài sinh hạ, cụ già Simêon đã nói với Mẹ Ngài: “Ngài sẽ là dấu gợi lên chống đối”( Lc 2,34 ). Đó là một kiểu nói khác chứng thực điều Thánh Gioan đã nói. Chưa được hai tuổi, Ngài đã bị binh lính Hêrôđê lùng sục để sát hại. Suốt những năm tháng rao giảng Tin Mừng Ngài cũng bị hiểu lầm, bị ghen ghét, bị kết án loại trừ và bị đóng đinh khổ giá. “Nếu thế gian ghét các con, hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước các con”.
Nhưng Chúa Kitô đã chọn Thập Giá làm phương thế thực hiện Ơn Cứu rỗi. Thập Giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự hận thù, ghen ghét của thế gian; thanh đứng tượng trưng cho tình yêu và sự sống vươn cao, hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống - sự chết; giữa vui –buồn; cười – khóc; hận thù - thứ tha; ghen ghét – yêu thương; giữa ý muốn của con người và ý muốn của Thiên Chúa. Đặt thanh sự sống và tình yêu lên thanh sự chết và oán thù là cách duy nhất để làm nên một thập giá.
Chúa Kitô lên Ngôi Vua vũ trụ trên thập giá để thiết lập vương quyền Nước Thiên Chúa. Vì vậy Giáo hội đã chọn bài Tin Mừng Đức Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá giữa hai người trộm cướp cho Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.
Nói đến vua, ta thường nghĩ đến con người uy quyền, đầu đội vương miện, mình mặc cẩm bào, ngồi trên ngai vàng xét xử trăm họ.Ngày nay,người ta còn nói đến vua xe hơi, vua bóng đá, vua dầu lửa, vua vi tính… Đó là những thần tượng giàu có, sang trọng của con người thời đại. Chúa Giêsu là vua không phải theo kiểu trần thế, vương quyền của Ngài không theo kiểu chính trị. Vương quyền Chúa Giêsu là vương quyền tình yêu.
Bài Tin Mừng hôm nay đưa ta về với Đức Giêsu trên Thập Giá.Vị Vua bị lăng nhục, các thủ lãnh thế gian cười nhạo, lính tráng chế diễu, một trong hai kẻ gian phi cũng tranh thủ nhục mạ. Những lời chế diễu cũng là những thách thức và cám dỗ gay gắt. Chẳng lúc nào Chúa làm Vua rõ bằng lúc này, tấm bảng trên Thập giá ghi: “ Đây là Vua Do thái”. Nhưng kiểu làm Vua của Ngài thật khác thường: không có vương miện mà chỉ có vòng gai, không có cẩm bào mà chỉ có trần trụi nhơ nhuốc,không có câu tán tụng mà chỉ có lời nhạo báng khinh chê. Bị treo trên Thập giá, Đức Giêsu nghe những lời mời mọc rất ngọt ngào và tinh vi như các cơn cám dỗ của Satan buổi đầu “Nếu ông là Đức Kitô thì hãy cứu lấy mình.Hãy xuống khỏi thập giá” ( Mt 27,40 ). Chỉ cần xuống khỏi thập giá là chinh phục được mọi người, từ giới lãnh đạo đến những người chưa tin.Chỉ cần xuống khỏi Thập giá là có ngay được một thành công rực rỡ. Nhưng Đức Giêsu đã không xuống khỏi Thập giá. Cứu lấy mình là điều Ngài chẳng hề nghĩ đến. Chính vì Ngài là Con thật của Chúa Cha, nên Ngài không tự ý xuống khỏi Thập giá, như xưa Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc Đền Thờ.
Đức Giêsu không muốn chúng ta tin Ngài vì những màn trình diễn ngoạn mục. Ngài muốn chúng ta tin, vì Ngài đã buông mình cho Cha, đón nhận cái chết với niềm vâng phục tín thác. Chính vào lúc hấp hối, mọi sự tưởng như sụp đổ, Vị Vua Bị Đóng Đinh lại hé lộ vương quyền của mình cho anh trộm lành có lòng thống hối, tin tưởng: “ Hôm nay,anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” ( Lc 23,43 ). Như thế kẻ gian phi lại là người đầu tiên được Ơn Cứu Độ nhờ cái chết thập giá của Đức Giêsu.
Mừng Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ, người Kitô hữu muốn khước từ những thần tượng trần thế, muốn để Ngài làm vua vũ trụ của lòng mình.Người Kitô hữu muốn đưa Ngài đi vào mọi lãnh vực của cuộc sống: văn chương, khoa học nghệ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội …để xây đắp hoà bình và tình thương cho trần thế.
Vương quốc Chúa Giêsu không có sức mạnh của vũ khí và quân đội mà chỉ có sức mạnh của yêu thương và tha thứ, vương quốc ấy không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng lại ở trong trái tim con người. Chỉ những ai tin và sống trong tình thương Thiên Chúa mới thuộc vương quốc của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là vua Tình yêu, Chúa đã yêu thế giới đến nổi đã ban chính sự sống mình, Xin Chúa chiếm hết tất cả con người chúng con từ tư tưởng, lời nói, việc làm, để chúng con không còn thuộc về thế giới của bóng tối, của tội lỗi, nhưng thuộc về vương quyền của Chúa, là vương quyền của sự sống và chân lý, của ân sủng và thánh thiện, của công lý và hoà bình. Amen.
(Mátthêu 25,31-46 – Chúa Nhật XXXIV TN - A)
1.- Ngữ cảnh
Có những liên hệ về đề tài làm cho phân đoạn 23,1–25,46 thành một diễn từ duy nhất:
(a) Đề tài bao trùm toàn đoạn 23,1–25,46 là sự phán xét, sự phán xét của Thiên Chúa trong hiện tại và tương lai, được Con Người thực thi. Cũng như khi đến cuối mỗi bài diễn từ lớn trước đây đều có một lời phán xét (x. 7,24-27; 10,32-42 [39, cứu được/mất; 40-42, phần thưởng tương lai]; 13,47-50; 18,23-35), thì bài diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu cũng là một bài diễn từ lớn về phán xét, đưa đến cảnh phán xét cuối cùng trong 25,31-46; đây là câu truyện riêng của Mt, cung cấp chìa khoá cho bài diễn từ Mt;
(b) Mt thêm vào những thuật ngữ của “Vương quốc Thiên Chúa” (Nước Trời, Đức Vua) vào ở 23,13; 24,14; 25,1.34.40 – trong nguồn của ngài thì không có như thế –: đây cũng là đề tài làm cho bài diễn từ được thống nhất, nhất là khi ngài đóng khung bài này bằng 23,13 (đóng cửa Nước Trời) và 25,34 (vào Nước Trời);
(c) Chương 23 đã có nhiều nét mang tính cánh chung hoàn toàn. Những tư tưởng về cánh chung không chỉ bắt đầu có trong chương 24, trong 23,1-12, những giáo huấn mở đầu đã có nền tảnh cánh chung. Những lời nguyền rủa trong cc. 13-36 cũng có một hình thức cánh chung. Những âm vang cánh chung khác cũng có trong 23,13.32.34-39;
Chỗ ngắt 24,1-3 thật ra nối kết phần đi trước với phần đến sau: “Những sự việc ấy” của 24,3 qui về việc tàn phá Đền thờ trong 24,2. Nhưng đề tài Đền thờ lại liên kết 24,1-2 với 23,38.
Qua bản văn hôm nay, chúng ta gặp được niềm hy vọng của Họi Thánh vào Đức Kitô quang vinh (“Chúa” [Kyrios]: cc. 37.44; Đức Vua: cc. 34.40 // “mục tử”: c. 32). Hẳn là tác giả đã lấy cảm hứng từ các bản văn ngôn sứ như Tv 2,7; 110,1-3; Đn 7,14. Tuy nhiên, ngoại trừ quang cảnh hùng vĩ đó, sứ điệp trọng tâm của bản văn vẫn không khác sứ điệp của những bản văn đi trước: Người đầy tớ trung tín (24,45-51), Các trinh nữ (25,1-13), Ba người tôi tớ (25,14-30) trong đó ta thấy cuộc gặp gỡ với ông chủ, cũng được gọi là kyrios, kết thúc với phần thưởng hoặc hình phạt.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Quang cảnh Phán xét cuối cùng (25,31-33);
2) Xét xử những người bên phải (25,34-40);
3) Xét xử những người bên trái (25,41-45);
4) Kết luận (25,46).
3.- Vài điểm chú giải
- muôn dân (32): Theo S. HRE KIO (“Understanding and Translating “Nations” in Mt 28,19”, dans The Bible Translator 41 (1990) 236), trong số 16 lần từ ngữ ethnê được dùng trong Mt, chỉ có ba lần liên hệ với cuộc phán xét thế gian (24,7; 24,14; 25,32), thì rất có thể từ ngữ phải được hiểu theo nghĩa tổng quát, không giới hạn (= Do-thái + Dân ngoại); trong những trường hợp khác, từ này được hiểu là “Dân ngoại” (4,15; 5,47; 6,7; 6,32; 10,5; 10,18; 12,18; 12,21; 18,17; 20,19; 20,25; 21,43; 24,9).
- tập hợp trước mặt Người (32): Cựu Ước cũng đã nói đến cuộc quy tụ hoành tráng các dân trên thế giới lại để chịu Thiên Chúa phán xét (Ge 4,2; Is 66,18; Gr 25,31; v.v.). Ở đây chúng ta cũng gặp lại viễn tượng ấy: đây không còn phải là cử chỉ từ bi thương xót của người mục tử cánh chung quy tụ những người được chọn (Mk 4,6; Xp 3,19; Ed 34,12-13) hoặc quy tụ cả Do-thái lẫn Dân ngọai vào một đoàn duy nhất (Gr 3,17), nhưng là hành vi uy quyền triệu tập loài người ra trước tòa Thiên Chúa.
- tách biệt chiên với dê (32): Chính xác thì đây là chiên và dê con. Ban ngày chúng có thể đi chung, nhưng về đêm người ta phải tách dê con ra để giữ cho chúng ấm. Vì chiên thì có giá trị hơn dê con, ta hiểu tại sao chiên được đặt về bên phải vị Thẩm phán cánh chung, vì chỗ bên phải là chỗ danh dự.
- Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn (37): Không phải là những người lành quên, nhưng họ không biết là khi giúp đỡ những người túng cực là họ đã làm cho chính Con Người. Ý nghĩa tròn đầy của các hành vi của họ chỉ được vén mở vào giờ cuối cùng. Điều này hoàn toàn phù hợp với nền luân lý của Mt (“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”, Mt 6,4).
- những anh em bé nhỏ nhất (40): Từ ngũ “bé nhỏ” (nêpios và mikros) được dùng nhiều lần trong Mt để gọi những thành viên yếu hơn hoặc có nhu cầu hơn trong cộng đoàn (11,25; 26,16: nêpios; 10,42; 13,32; 18,6; 26,39.73: mikros), còn từ elakistos, “bé nhỏ nhất” để gọi con người thì chỉ xuất hiện trong bản văn ở đây mà thôi. Dường như từ này không đồng nghĩa với hai từ trên, mà lại có nghĩa xã hội nhiều hơn.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bản văn mở ra với một quang cảnh hùng vĩ: Con Người “đến trong vinh quang”: Người vẫn là mục tử “tách biệt chiên với dê”, nhưng cũng là Đức Vua uy phong chủ trì cuộc xét xử chung cuộc. Chúng ta mường tượng ra khung cảnh được nói đến trong dụ ngôn Cỏ lùng (13,41-43), với cùng những nhân vật (một bên: Con Người, các thiên thần, Chúa Cha, những người công chính, những người làm việc tốt; bên kia: ma quỷ, các thiên thần của ma quỷ, những kẻ xấu, những kẻ bị chúc dữ), nhưng được triển khai rộng ra. Đức Giêsu xuất hiện trong vinh quang của Người, chung quanh có các thiên thần, ngự trên một cái ngai vinh quang (c. 31). Tất cả những yếu tố mô tả đây là biểu tượng của sự hiện diện và quyền lực của Thiên Chúa. Vinh quang là sự hiển lộ rạng rỡ, chói ngời của Thiên Chúa. Các thiên thần đứng trước nhan Ngài làm chứng về sự hiện diện của Ngài. Cái ngai tượng trưng uy quyền của Ngài, từ đó Ngài điều khiển cách chắc chắn. Đã có quyền lực và sự uy hùng của Thiên Chúa, Đức Giêsu thực hiện việc xét xử. Lời tuyên án có tính vĩnh viễn, không thể hồi tố. Đức Giêsu đã đến như “Con Người”, Đấng đã được Thiên Chúa trao cho quyền chúa tể, vương vị và vương quyền (x. Đn 7,14). Người tuyên án như “Đức Vua” đang thi hành quyền chúa tể vô song (25,34.40). Người hành động như là “Con Thiên Chúa” đang lên tiếng nhân danh Chúa Cha (x. 25,34) và đứng về phía những người túng quẫn, được coi như là anh em Người và con Thiên Chúa (c. 40). Người được mọi người có mặt nhận biết như là “Chúa tể” (cc. 37.44). Trong cuộc xét xử, địa vị và uy quyền của Đức Giêsu cũng như trọng lượng lời Người và hành động của Người được tỏ bày.
Mọi dân tộc, tất cả mọi người không ngoại lệ, phải trả lẽ về mình trước nhan Người. Tức khắc có một chi tiết khiến chúng ta ngạc nhiên: Đây không phải là những người Israel (23,37–24,31) hoặc các Kitô hữu (24,45–25,30) mà là “muôn dân” (panta ta ethnê) (c. 32). Cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, “các dân tộc” (ta ethnê) dường như là một tên chuyên được dùng để gọi các Dân ngoại. Tuy nhiên, ở đây cũng có thể hiểu theo nghĩa bao quát: dân Chúa và Dân ngoại. Mt viết cho một giáo đoàn hỗn hợp, gồm các Kitô hữu gốc Do-thái và Dân ngoại, để giáo huấn họ về việc đưa Lời Chúa ra áp dụng (24,45–25,30; x. Rm 2,13). Đến ngày tận thế, mọi người, dân Do-thái cũng như người ngoại, đều được triệu tập đến trước mặt vị Thẩm phán tối cao. Không ai có thể coi như không có Người. Mỗi người sẽ bị xét xử theo tiêu chuẩn chính Người quy định và Người xác định số phận đời đời cho từng người. Bất kể địa vị, giai cấp xã hội, phái tính, giống nòi hoặc tuổi tác, mọi người đều bị xét xử theo một tiêu chuẩn như nhau.
Khi đó, tất cả sẽ bị xét xử, không phải tùy theo những công trạng đã đạt hoặc những lỗi đã phạm đối với các khoản luật lệ nào, nhưng là những lỗi phạm đến anh chị em đồng loại. Bản văn không nêu ra những việc như là một cuộc trả thù chống lại các thẩm phán bất công và các bạo chúa đã áp bức Israel hoặc dân mới của Thiên Chúa, nhưng nêu ra những việc đã không làm cho hạng người cùng rốt trong bậc thang xã hội. Đây là những việc làm cho con người (“những anh em”), trong tư cách là con người, chứ không phải là trong tư cách là người Israel hay là Kitô hữu. Cũng không có nét gì là chuyên biệt tôn giáo trong các công việc này. Đức Giêsu đã gọi những ai thi hành ý muốn của Cha Người là “anh em” Người (12,48-50). Nhưng ở đây trong tư cách vị thẩm phán, Người lại nói đến “những anh em bé nhỏ nhất”, tức là những người cùng chia sẻ thân phận nghèo khó và khiêm tốn như Người (x. 11,28-30). Đức Giêsu thích tự đồng hóa với những người bé nhỏ, bởi vì đức tính tapeinôsis, “sự khiêm nhường”, là nhân đức căn bản của Người (x. 11,28-36) và những người yếu đuối là đối tượng Người ưu ái chăm sóc. Tất cả mọi người đều là “anh em” Người (x. Rm 8,29; Dt 2,11.17), nhưng những người túng quẫn hơn và xấu số mới là “anh em” Người cách gần gũi nhất.
Lời tuyên án được công bố vào cuối một cuộc đời hoặc cuối một kinh nghiệm, nhưng án xử thì được thực hiện dọc theo dòng lịch sử. Có thể nói mỗi người xây dựng chính hạnh phúc hay bất hạnh vĩnh cửu ngày qua ngày. Loài người sẽ bị xét xử không phải về những gì đã nghĩ hoặc đã nói, nhưng về những gì đã làm cho chính anh em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp được Người, đó là nẻo đường “các việc từ bi thương xót”; đó chính là các việc Người đã làm. Ta gặp lại giáo huấn của Đức Giêsu: không phải là nói như Đức Kitô, nhưng là hành động như Người, mới được chiếu cố. Khi săn sóc những người “nhỏ bé nhất”, những người túng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những người trần truồng, những người ngồi tù (cc. 35-36), ta vừa làm giống như Đức Kitô vừa săn sóc chính Đức Kitô. Ta giúp đỡ Đấng một ngày kia sẽ là thẩm phán.
Khi nhắc đến một vài nhu cầu sơ đẳng, như thiếu thức ăn, thức uống, nơi ở, quần áo, và cả tình trạng bệnh tật và tù đày, Đức Giêsu không muốn cung cấp một danh sách rốt ráo. Người không yếu cầu điều không thể làm được, nhưng việc tặng ban và giúp đỡ vừa sức chúng ta.
Những ai đã dấn thân làm việc tốt, Đức Giêsu gọi họ là “những kẻ Cha Ta chúc phúc” và ban cho họ Vương quốc vĩnh cửu (c. 34). Thiên Chúa trong tư cách là Cha của Đức Giêsu đã chúc phúc cho họ. Như một mặt trời, lòng tốt của Ngài và tình yêu của Ngài rọi tới họ, làm cho họ tươi nở trong niềm vui và hạnh phúc, và ban cho họ sự sống viên mãn (c. 46). Những gì họ đã trao tặng cho người thân cận với sức yếu đuối nay nhận được đầy tràn do Thiên Chúa ban: tình yêu, sự hiệp thông, sự sống và niềm vui.
Còn những người khác thì bị loại khỏi nhan Thiên Chúa. Lửa tượng trưng sự dày vò và đau đớn giáng xuống trên tất cả những ai bị loại không được nhạn sự chúc phúc và sự sống của Thiên Chúa. Họ không được sống trong sự nhân lành chói chan của Chúa Cha và trong cộng đoàn những người có sự tốt lành này. Số phận của họ là cộng đoàn những kẻ ích kỷ và thất bại, là sự thù ghét căm hờn.
+ Kết luận
Bài diễn từ đầu tiên của Đức Giêsu bắt đầu bằng phúc lành (5,3-12), bài cuối cùng kết thúc bằng cảnh phán xét cuối cùng. Toàn thể giáo huấn của Đức Giêsu được gom lại giữa hai giáo huấn quan trọng này, là những giáo huấn nói về những gì chúng ta có thể chờ đợi từ nơi Thiên Chúa và những gì chính chúng ta phải làm. Trong bài nói về phán xét cuối cùng, Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc trao trặng nhưng-không, tỏ bày lòng từ bi thương xót và sự tốt lành cho người anh em. Đấy là yếu tố chính, lãnh vực chuyên biệt để chúng ta hành động. Tuy nhiên, cũng không được quên những giáo huấn khác của Đức Giêsu. Nhận biết uy quyền của Người và quyền lực của Chúa Cha làm cho chúng ta có khả năng và thúc đẩy chúng ta hành động theo các tiêu chuẩn của Chúa Cha cũng là của Đức Giêsu.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Tất cả những gì chúng ta là và có đều là của cải được ký thác. Chúng ta không được phung phí theo ngẫu hứng, nhưng phải sử dụng theo ý muốn của Thiên Chúa và nhằm phục vụ Ngài (25,14-30). Bài Tin Mừng hôm nay cho biết ý muốn của Thiên Chúa là gì và việc phục vụ được yêu cầu hệ tại điều gì: giúp cho một người ở trong tình cảnh quẫn bách là giúp chính Đức Giêsu. Việc giúp đỡ ấy khiến chúng ta được chấp nhận trong ngày phán xét để được đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Từ khước hoặc bỏ qua không giúp đỡ người khác sẽ khiến chúng ta bị kết án vào ngày phán xét và đưa chúng ta đến hình phạt đời đời.
2. Những người nghèo khó túng cực tự họ không thể tự đồng hóa với Đức Giêsu, nhưng chính Người tự đồng hóa với họ. Do đó, mỗi việc giúp đỡ dành cho những người nhỏ bé có một giá trị bền vững. Đàng sau mỗi người, và nhất là đàng sau mỗi người nhỏ bé, yếu đuối, bị thử thách, có Đức Giêsu đang hiện diện; trong con người này, Đức Giêsu gặp chúng ta và xin chúng ta giúp đỡ. Do Đức Giêsu, mỗi người nhận được một phẩm giá thường hằng, và hành động được thực hiện vì Người sẽ nhận được một giá trị vô song và quyết định đối với số phận của mình.
3. Đức Giêsu không nói: Ta đã bị bệnh và các ngươi đã chữa ta lành, Ta đã bị tù và các ngươi đã giải thoát Ta. Chữa lành bệnh tật và giải phóng thường vượt quá khả năng chúng ta. Tuy nhiên, để chia sẻ thì không cần nhiều của cải hoặc những tài năng đặc biệt, nhưng cần một trái tim rộng mở và có lòng thương cảm. Bỏi vì có rất nhiều nhu cầu khác nhau, về thể lý, tâm lý hoạc tinh thần. Điều đầu tiên là phải có con mắt, trái tim và sự nhạy cảm; nhất là phải nhận ra nhu cầu của người anh chị em.
4. Bài học của đoạn Tin Mừng này đã rõ: Đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu. Những người công chính là những người đã chu toàn Luật Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu đã diễn tả qua điều răn lớn nhất. Một lần nữa, ở đây, Người lại đồng hóa tình yêu đối với tha nhân với tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm cho anh chị em được gọi là “tốt”, ta hãy làm việc ấy cho chính Thiên Chúa.
Mấy năm trước đây, cuốn phim với tựa đề "Ðóng Lại" đã được nhiều khán giả tại Hoa Kỳ khen ngợi. Cuốn phim diễn tả cuộc sống của một nhà phú hộ rất giàu có, không hề thiếu thốn bất cứ một điều gì. Thế nhưng phải nói rằng cuộc sống của ông quả là một chuỗi thất bại liên tục, nhất là về mặt tinh thần, ông ta không khác gì người bị phá sản.
Cuốn phim kết thúc với khung cảnh người phú hộ đứng bên cạnh chiếc máy bay trực thăng tại sân bay không đâu xa hơn là cái sân thượng trên đỉnh một tòa nhà vĩ đại và cũng là tài sản của ông. Từ trên sân thượng cao ngất này, ông có thể đưa mắt nhìn xem đèn điện sáng rực và sự giàu sang của Thành Phố lớn Los Angeles ở trước mắt và ngay dưới chân ông.
Trong khung cảnh cuối cùng này, ở chân bức màn ảnh với tất cả sự giàu sang lộng lẫy đó, khán giả có thể đọc thấy một hàng chữ từ từ hiện rõ và chạy ngang qua trước mắt họ. Hàng chữ đó ghi lại Lời Chúa Giêsu phán trong Phúc Âm:
"Người nào được lời lãi cả thiên hạ mà thiệt phần linh hồn hỏi có ích chi? Lấy gì đổi được linh hồn mình?"
Quí vị và các bạn thân mến!
Chúng ta đừng quên tâm niệm rằng, sẽ đến một ngày nào đó Thiên Chúa đòi chúng ta phải tính sổ với Ngài. Không phải là sổ ghi chép của cải vật chất mà chúng ta gắn bó, nhưng chính là sổ cuộc sống trần gian mà chúng ta đã sống, cũng như những ơn lành Thiên Chúa đã ban phát để giúp ta sống cách xứng đáng.
Vì thế, vấn đề tối quan trọng là mỗi người chúng ta quan tâm đến sự sống của linh hồn và đời sống vĩnh cửu. Chúng ta nên suy nghĩ câu nói này: "Sẽ có ngày bạn phải về thế giới bên kia mà bạn không biết khi nào ngày ấy sẽ đến? Khi ấy, bạn sẽ không mang theo những gì bạn có, mà chỉ mang theo những gì bạn đã làm".
Thật vậy, cuộc đời người thật ngắn ngủi, cho dù cuộc sống được tới trăm tuổi cũng chẳng khác gì một thoáng qua như gió. Thế nên việc tích trữ của cải, những mưu mô để tranh giành địa vị chức quyền, những lời dèm pha chà đạp người khác, những ý hướng xấu để làm hại người khác, quả là khờ dại và hoang phí thời giờ quí báu.
Hơn nữa, mỗi khi chúng ta cưu mang, nói và thi hành điều xấu thì chính tâm hồn chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả tai hại trước khi người khác bị thiệt thòi. Trái lại, khi chúng ta làm điều gì để giúp đỡ người khác là chúng ta đang làm cho chính mình. Vì thế nên đừng bao giờ từ chối làm điều tốt. Nếu như ai cũng từ chối sẽ chẳng bao giờ có điều gì tốt cả. Chúng ta cũng đừng bắt buộc mình làm điều thiện và đừng để mình bị ràng buộc bởi những xung lực tự nhiên như làm điều thiện do thiện cảm cá nhân, hay chỉ vì tình bạn riêng tư mà thôi. Giá trị của việc thiện hệ tại ở chỗ không thiên tư phân biệt, nhưng chỉ làm vì tình yêu Chúa Kitô, Ðấng đang hiện diện nơi tha nhân vậy. Chính những việc thiện đó mới là cái giàu sang có thể mang theo được qua bên kia bờ sự chết và giúp chúng ta khỏi cảnh trầm luân muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn nghèo khó, chỉ làm giàu cho mình nhờ chiếm được chính Chúa, xin ban cho con một tâm hồn luôn hướng về tha nhân, quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ, xin ban cho con một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa và kín múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa mà thôi. Amen.
N2T |
- “Nếu con đem ta nhào nặn thành một nhân vật quyền uy trong tâm trí của con”, đại sư nói với một đệ tử có tính hoang tưởng: “Thì con thật đã làm hại mình, bởi vì con không dùng tâm trí của mình để nhìn tất cả sự vật.”
Ngừng một lúc, ông ta cất giọng ấm áp nói: “Con cũng làm tổn thương ta, bởi vì con không nhận biết tướng mạo thật của ta.”
(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)
Suy tư:
Mang kính màu đen thì sẽ thấy quang cảnh màu đen, mang kính màu trắng thì sẽ thấy đời bằng màu trắng, mang kính màu hồng thì sẽ thấy đời bằng màu hồng, tóm lại là mang kính màu gì thì sẽ thấy bằng màu đó. Nhưng dù cho thấy đời bằng màu hồng thì vẫn là cứ là đồ giả chứ không thật, bởi vì mắt kính màu hồng chứ không phải tâm màu hồng.
Khi nào tâm hồn chúng ta thật sự vui vẻ yêu đời thì đó chính là màu hồng, đó là màu hồng thật.
Tâm hồn của người Ki-tô hữu luôn được ân sủng của Chúa Giê-su biến đổi thành màu hồng yêu thương, để chia sẻ niềm vui với mọi người; biến thành màu tím để chia sẻ đau buồn với người nghèo bất hạnh, biến thành màu trắng để chia sẻ niềm vui thiên đàng với tha nhân, đó chính là những màu sắc đích thực mà chỉ có ân sủng của Chúa ban cho mà thôi.
Nhung dù cho tâm hồn có mang loại kính màu gì chăng nữa, thì người Ki-tô hữu vẫn luôn nhớ rằng Chúa Giê-su chính là tác nhân làm cho mình biết vui biết buồn với tha nhân...
N2T |
9. Phàm là có nơi để tu dưỡng và yên lặng thì sẽ không có nỗi lo, và cũng sẽ không có tạp niệm.
(Thánh Phan-xi-cô Năm Dấu)Nghe danh Giêsu cả trên Trời và dưới đất đều phải phủ phục và bái lậy Ngài. Phúc cho nhân loại chúng ta, hết thảy đều cùng được vào Vương Quốc của Ngài, từng người một. Quả thật chúng ta chưa từng bao giờ nghe một Ông Vua nào mà lại yêu nhân loại đến nỗi chết thay tội lỗi cho toàn dân. Ta cũng chưa bao giờ nghe một Ông Vua nào nơi trần gian này mà lại yêu thương người đến như Ông Vua Giêsu mà chúng ta được biết. Ta cũng chưa từng nghe tiếng một ông Vua nào mà không dùng quyền thế và bạo lực của mình để bắt toàn dân phải hy sinh mạng sống cho ông, bắt bớ những con người vô tội, hung hãn và dùng bạo lực với những tôi trung, những khi họ làm lỗi. Có phải lịch sử nước Việt Nam và nước Tầu, chúng ta có cơ hội đọc sách, coi phim, và được biết có rất nhiều những tướng lãnh và dân vì lòng trung thành, yêu Vua, yêu Tổ Quốc đến nỗi đã chống cự với quân địch cho đến hơi thở tàn của mình, với mục đích là bảo vệ cho Vua hay con của Vua được an toàn tánh mạng không phải chết, chứ có ông Vua nào lại khác thường và khờ dại đến nỗi giống như Ông Vua Giêsu đi chết dùm cho thiên hạ như Ông vậy đâu! Đã thế còn bị người đời chế nhạo cho rằng Ông Giêsu này chắc bị điên và ngay cả bây giờ cũng còn rất nhiều người không thích nghe tên Ông và vẫn tiếp tục phỉ báng danh của ông qua những người đi theo và tôn thờ Ông.
Vua ở bất cứ triều đại, thời đại, hay một quốc gia nào, thường xử phạt người dân một cách rất là nặng nề nhưng không một ai dám kêu ca và ta thán, nếu có thì chỉ dám chửi rủa thầm lặng trong lòng mà thôi! Có những tội mà thời xưa những quan chức, tướng lãnh, và quan thần, có tầm cỡ trong triều, rất sợ làm lỗi với nhà Vua, bởi nếu có chứng cớ thì chẳng những một mình họ bị xử tử mà còn dính líu tới gia đình nữa! Có những lỗi lầm của cận thần và của dân mà họ bị xử trảm đến cả chu di tam tộc, khủng khiếp thật. Tập tục xưa, khi Vua đi ngang qua, tất cả mọi người phải quỳ xuống, đầu cúi sát thật thấp, gầm mặt xuống không được nhìn thấy long nhan của Vua, nếu cả gan nhìn mà bắt gặp là bị xử tử ngay. Hoặc xui cho những ai có trùng tên với "họ" của nhà Vua thì gia đình đó sẽ không thoát khỏi tội và bị chém đầu? Tôi không biết tội phạm húy này có bị chu di tam tộc hay không thì tôi cũng không được rõ!?? Theo tôi được biết thì có đến vài chục cái tên, từ mấy đời của nhà Vua, mà mọi người trong nước phải học thuộc lòng để biết mà tránh đặt những tên Cấm đó cho con cháu.
Những ông Vua xưa kia, hầu như không ông nào mà không dùng quyền bính trong tay của mình để phạm biết bao nhiêu tội và làm quốc gia phải điêu đứng khổ sở vì đêm ngày chỉ biết say mê sắc đẹp, thu quén, gom góp tất cả vào cho mình, chất đầy vào kho lẫm, cắt xén của dân, ăn cắp của dân, mà không cần biết dân chúng căm thù mình đến mức độ nào!??? Vâng, từ Vua cho đến các nịnh thần, tất cả chỉ biết càn quét, và áp bức dân. Dân càng bị áp bức và bị bách hại nhiều thì cơ hội lật đổ chính quyền càng nhiều. Mong sao tìm kiếm cho được một vị Vua tài giỏi nhân đức, để quốc thái dân an, và mọi người trong nước được ấm no hạnh phúc.
Khi xưa trên núi Sọ, cách nay gần 2000 năm, người ta có tôn vinh (một cách nhục mạ và diễu cợt) một người có tên là Giêsu lên làm Vua của dân Do Thái, sau khi Người đã bị xỉ nhục, bôi nhọ, đánh đập, đội gai trên đầu, ôm Thập Giá của Ông đi suốt một quãng đường thật dài, ngã lên ngã xuống 14 lần, bị lột trần, và sau cùng Ông Vua Giêsu đã trút hơi thở cuối cùng. Quả Ông Vua Giêsu này cả một cuộc đời của Ông chưa từng gây thù gây oán với ai, mà chỉ khuyên mọi người phải thương yêu nhau. Ai vả má bên phải, hãy đưa cả má bên trái cho họ vả luôn. Cho ai vay mượn thì chớ có vội đòi lại và chớ có lấy lãi cao. Ai xin áo ngoài thì hãy cho cả áo bên trong. Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện nhiều cho họ, nếu không thì ta chẳng có công đức gì trước mặt Thiên Chúa, vì có phải những người samaritan (ngoại đạo) họ mới không làm được như chúng ta, mang danh xưng là người Kitô hữu vậy không!????.... Là nếu ai yêu họ thì họ yêu lại? Ai mượn nợ họ thì phải trả họ sòng phẳng. Ai là bạn thân của họ xin áo ngoài thì sẽ được cho cả áo bên trong. Ai vả má phải của họ thì họ vả lại gấp đôi? Ấy là lẽ thường tình mà đời thường trong cuộc sống hằng ngày, hà tất ta thấy con người chúng ta đối đãi với nhau như vậy!?.... Ông Vua Giêsu còn dậy chúng ta nhiều điều nữa, xem chừng như nghe rất chói tai cho nhiều người? Những người mà muốn tẩy chay Ông, luôn tìm cách để ám hại Ông, vì Ông là cái gai xốn mắt họ.
Trước và nay, lai lịch của Ông Vua Giêsu này từ nơi sanh trưởng, lớn lên, cũng có nhiều người được biết đến. Ông được sanh ra tại Bêlem trong hang lừa, con của bà Maria và ông Giuse làm nghề thợ mộc. Con nhà nghèo. Lớn lên thì rời cha mẹ để đi giảng về Nước Trời. Không thấy nói đâu là ông có bằng cấp chi cả!? Ông chỉ dậy người ta theo thần khí của Cha Ngài trên Trời ban tặng. Ông thích cầu nguyện với Cha Ngài lắm! Ông dùng quyền năng của Cha Ngài để chữa bá bệnh và trừ quỷ dữ. Ông rất ghét dân Phariseu và dân biệt phái vì Ông cho rằng họ là bọn giả hình, mang tiếng là thông giỏi luật Chúa, nhưng không làm theo những điều luật Chúa truyền dậy. Chỉ giỏi ăn cắp của những bà già góa và người nghèo khổ. Ông bảo họ chẳng khác nào là những mồ mả tô vôi thật đẹp đẽ bên ngoài nhưng bên trong đầy giẫy những giòi bọ lúc nhúc thối tha. Ông luôn xót thương người, nhất là thương những người nghèo túng, tật bệnh, và vô cùng tội lỗi. Ông chữa cho biết bao nhiêu con người và ông cũng tha thứ tội lỗi cho biết bao nhiêu người, điển hình nhất là một phụ nữ rất tội lỗi múc nước cho Ông uống bên chiếc Giếng ngày xưa. Kế đến là bà Maria Madalina. Rồi sau cùng là ông Baraba, một tên cướp của giết người khét tiếng, được Ông Vua Giêsu hứa ban cho về Nước Trời vào cùng một ngày với Ông.
Buồn thay! Cho đến ngày hôm nay cũng còn rất là nhiều người trên thế giới chưa biết đến danh tiếng của Ông. Một vị Vua nhân từ, hiền lành, độ lượng, khoan dung, không biết thù ghét ai, rất tôn kính Chúa Cha, dành thật nhiều thời giờ để cầu nguyện, rất có hiếu và luôn vâng lời Mẹ Maria và dưỡng phụ Giuse, bởi chắc còn rất nhiều người vẫn không tin Ông Giêsu vì cho rằng Vua của họ không thể nào là một con người bất tài vô tướng. Không có Ngai vàng và không có Lầu Đài thì không phải là Vua. Vua gì mà lại không nhà không cửa? Vua gì mà lại sanh ra trong hang đá? Vua gì mà Cha Mẹ không là gì trong một xã hội? Vua gì mà Cha chỉ là ông thợ mộc quèn? Vua gì mà có cuộc sống lang thang rày đây mai đó chẳng có nơi để gối đầu? Vua gì mà chỉ dậy dỗ con người ta phải tìm kiếm Nước Trời? Vua gì mà dậy dỗ con người ta ăn hiền ở lành, khiêm nhường, thật thà như đếm, không gian manh, không tham lam, không gian dâm, không ngoại tình, không. ... cái gì cũng không hết, thì cuộc đời còn có nghĩa lý gì nữa!? Sống mà chẳng được hưởng thụ thì sống làm gì!?? Quả Ông Giêsu này thật tình là ông bị điên???? Đấy là nhiều người nghĩ về Ông Giêsu như vậy!
Lậy Chúa Giêsu Kitô là Vua Trời Đất!
Xin cho tất cả chúng con trên toàn khắp địa cầu được giống cái điên của Chúa, bởi cái khôn của thế gian chẳng giúp ích gì cho linh hồn đời đời của chúng con. Cái khôn của thế gian chẳng mang lại lợi lộc gì mà ngược lại, làm chúng con mất đi sự bình an, mất đi nhân phẩm của một con người, mất đi cái hạnh phúc đích thực là được làm con cái Thiên Chúa, chẳng những ngay tại đời này, mà cả muôn đời sau, thiên thu, vĩnh cửu, trên Nước Hằng Sống, một Nơi mà mọi sự đều lành thánh, thánh thiện, và tràn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời.
Vạn tuế, vạn vạn tuế, Vua Giêsu Kitô, Vua của toàn thể nhân loại chúng con. Amen.
- Ngày lễ kính hàng năm trong Giáo Hội: 17 tháng 11
- Ngày lễ kính tại Giáo Hội Đức: 19 tháng 11
- Sinh năm 1207 tại Sárospatak miền Bắc Hung Gia Lợi
- Qua đời ngày 17-11-1231 tại Marburg - Đức
- Tên Elisabeth có nghĩa theo tiếng Do Thái: Thiên Chúa là sự giàu có
- Phong thánh vào năm 1235 bởi ĐGH Gregor IX.
Elisabeth là con gái đức vua Andreas II của Hung Gia Lợi. Trong năm sinh của Elisabeth có một cuộc giao lưu thi hòa nhạc nổi tiếng trong thành Wartburg gần thành phố Eisenach thuộc miền Thüringen. Tương truyền trong thơ phú và huyền thoại cho rằng lúc đó có mặt của các tài danh Hung Gia Lợi và nơi đây nói về tương lai của công chúa Elisabeth.
Vào năm 4 tuổi Elisabeth đã được hứa hôn với quận chúa Herman lúc đó 11 tuổi. Từ đó Elisabeth được giáo dục theo lối người Đức và sau đó Elisabeth được gửi đến Thüringen dưới sự dẫn dắt của mẹ chồng tương lai là bà Sophie. Cách thế này đã có người dì ruột (em của mẹ) của Elisabeth đã làm gương, đó là quận chúa Hedwig của Schlesien (sinh năm 1174 và qua đời ngày 15.10.1243, sau này được phong thánh và là vị nữ thánh nổi tiếng của người Đức, Thánh Hedwig được kính vào ngày 16 tháng 10). Nhưng vào năm 1216 Herman chết sớm khi Elisabeth mới được 9 tuổi. Năm sau cha của Herman cũng qua đời. Việc nối ngôi cai trị vùng Thüringen được trao cho người em là Ludwig lúc đó còn là vị thiếu niên. Đến lúc trưởng thành Ludwig lên ngôi và lấy danh hiệu Ludwig IV. Elisabeth khi ấy còn nhỏ và vẫn sống trong dinh quận chúa. Elisabeth sống đời đạo hạnh, hiền từ và có vẻ đẹp nhu mì. Điều này làm cho quận vương Ludwig để ý đến chị. Từ khi Herman qua đời cho đến lúc này thì có sự quyết định đưa Elisabeth trở về Hung Gia lợi. Nhưng Ludwig nhung nhớ yêu thương Elisabeth và tỏ ý cầu hôn giữ chị lại trong thành Wartburg. Năm 1221 Ludwig cưới Elisabeth lúc đó đúng 14 tuổi.
Một gia đình trẻ hạnh phúc và Elisabeth sinh được 3 người con. Vào năm 1225 các cha dòng Phanxicô đến Eisanach giảng dạy. Elisabeth thích đường lối nhà dòng là sống không cần của cải. Từ đó chị Elisabeth chăm sóc đến người bệnh hoạn, nghèo khó, thăm viếng các khu nhà ổ chuột. Việc này được chồng chị ủng hộ, nhưng họ hàng bên chồng chê bai cho là hoang phí tiền của. Họ nhà chồng vu oan chị lan ra những vùng xung quanh, nhưng chị luôn can đảm xác tín việc mình làm.
Truyền thuyết tường truyền rằng khi chị chăm sóc một người bệnh cùi và bị người nhà bắt gặp. Chị dấu người cùi trong chiếc mền đắp, người nhà lật tung lên và lúc đó chỉ thấy một cây thánh giá Chúa Giêsu bị đóng đinh trong chiếc mền ấy. Khi nạn đói vào năm 1226 xảy ra trong vùng, chị Elisabeth đã lấy hết thóc gạo và tiền của trong quỹ trợ giúp người nghèo. Lúc này nhà chồng khắc nghiệt lên án chị, thì chính lúc đó tự nhiên trong sân rơi đầy và phủ kín những hạt lúa mì. Người ta chất chứa vừa đủ vào các kho nẫm như cũ. Khi vua Friedrich II đến thăm Wartburg và quận chúa Ludwig tổ chức tiệc đón chào nhà vua thì lúc đó Elisabeth không còn chiếc áo đẹp nào cả để mặc chào đón đức vua, khi ấy có một thiên thần hiện đến trang điểm cho chị Eliasabeth lộng lẫy nhất trong bữa tiệc.
Phép lạ giỏ hoa hồng nổi tiếng nhất được truyền tụng cho đến ngày nay khi nói về Thánh Nữ Elisabeth. Người chồng Ludwig bị họ hàng lung lạc và reo vãi sự nghi kỵ về sự hoang phí nơi chị Elisabeth. Một hôm Elisabeth từ trên thành đi xuống với chiếc giỏ được cất dấu bánh mì vào trong đó. Bỗng chị nghe được tiếng của chồng: “Em đang mang gì vậy?”. Ludwig vội vàng đến bên chi hất tung tấm khăn che chiếc giỏ và chỉ thấy những cánh hồng đẹp nằm gọn trong đó. Tương truyền này được vẽ thành những bức họa chiếc giỏ bông hồng tượng trưng cho Thánh Nữ Elisabeth.
Vào năm 1227 Quận chúa Ludwig tham dự vào đoàn quân thứ 5 của Thập Tự Quân tại vùng Brindisi của Ý. Nơi đây ông ngã bệnh và qua đời sau 6 năm thành hôn với Elisabeth. Chị thật đau khổ thổn thức: „Với người chồng thương yêu một thế giới đã chết trong tôi”. Đau khổ hơn nữa, khi chưa đón được xác chồng từ mặt trận thì chị Elisabeth bị em chồng là Heinrich Raspe xua đuổi khỏi thành Wartburg với lý do phung phí tài sản chung vì người nghèo. Xuống phố Eisenach không tìm được chỗ nương náu, chị và 3 đứa con phải tá túc trong một chuồng nuôi heo. Sau một thời gian đoàn quân viễn chinh trở về với hài cốt của chồng cũng như chiếc nhẫn cưới được bảo quản trao lại cho Elisabeth. Sau khi chôn cất và qua sự can thiệp của ĐGH Gregror IX chị Elisabeth và 3 con được hưởng một phần gia tài.
Năm 1229 theo lời khuyên của cha linh hướng dòng Phanxicô là linh mục Konrad, chị Elisabeth rời Eisanach đến Marburg sinh sống theo tinh thần khó nghèo dòng Ba Phanxicô và hãm mình theo luật dòng. Chị đi gõ cửa từng nhà để xin ăn. Chị từ chối tất cả của cải mình được hưởng. Tuy nhiên theo sự hướng dẫn của cha linh hướng chị Elisabeth dùng gia sản này xây dựng một nhà thương lớn phục vụ người nghèo tại Marburg vào năm 1229 và đặt tên là nhà thương Thánh Phanxicô. Nơi đây chị phục vụ người nghèo như là một y tá cho đến khi qua đời.
Vào tháng 11 năm 1231 sức khỏe của Elisabeth yếu đuối và sa sút. Vài ngày trước khi qua đời chị được nhìn thấy một viễn tượng: một con chim bay đến gần chị hót vang như muốn mời gọi chị cùng hát lên. Khuôn mặt chị trở nên tươi sáng và trút hơi thở cuối cùng lúc 24 tuổi. Một cuộc sống kết thúc vì hy sinh tận tụy vì người nghèo, vì lo lắng cho người khác. Chị Elisabeth được chôn cất ngay trong nhà thương Thánh Phanxicô tại Marburg.
Chỉ 4 năm sau, vào năm 1235 công cuộc phong thánh đã được thực hiện nhanh chóng cho chị Elisabeth bởi ĐGH Gregor IX vì những nhân đức tuyệt vời phục vụ tha nhân. Người cùng thời là thánh nữ Mechthild von Magdeburg (von Helfta) - sinh năm 1208 và mất năm 1282 đã nhận định về chị Elisabeth như sau: “Đây là một sứ giả cho giới phụ nữ với cuộc sống tiết hạnh, tránh xa được lối cuốn xa hoa, diệt trừ các ích kỷ nhỏ nhen. Elisabeth được sinh ra như thế. Chị là gương mẫu cho những người nữ, là mẫu đo về sức mạnh và ý muốn”.
Tôn Kính Chị Thánh Elisabeth tại Đức:
- Năm 1245 trên hộp đựng xương thánh của Elisabeth được khắc ghi các dòng chữ “Gloria Teutonia” (Vinh danh nước Đức)
- Năm 1283 một đại thánh đường kiểu Gotik đầu tiên tại Đức thuộc thành phố Marburg được xây dựng kính Thánh Nữ Elisabeth.
- Vào thế kỷ 13 những dòng thác hành hương đến Marburg kính Thánh Elisabeth rất đông, người ta ví tầm quan trọng như nơi hành hương nổi tiếng Santiago de Compostela, vì ảnh hưởng của Thánh Elisabeth thời đó rất rộng lớn.
- 1907 sự tôn kính Thánh Nữ Elisabeth được lan rộng trong vùng Đức và Áo vào dịp mừng sinh nhật thứ 700 của chị Thánh.
- 2007 toàn nước Đức tổ chức năm hành hương Thánh Elisabeth tại giáo phận Erfurt dịp mừng sinh nhật thứ 800 của chị Thánh.
- Thành phố Kosice, phiá bắc nơi Elisabeth sinh ra đã trở thành một trung tâm tôn kính chị Thánh.
- Tại Đức hoa hồng là biểu tượng của Thánh Nữ Elisabeth
- Tại Đức nhiều địa danh và các hội đoàn nhận Thánh Nữ Elisabeth làm bổn mạng bảo trợ: Tiểu bang Thüringen và Hessen, Caritas Đức, các lò bánh mì, trẻ em mồ côi, người xin ăn, người bệnh nhân, người đau khổ, những người vô tội bị bắt bớ.
- Caritas Đức mỗi năm đều tổ chức cho hàng trăm ngàn thành viên thiện nguyện mừng lễ quan thày kính Thánh Nữ Elisabeth vào ngày 19 tháng 11.
Anh chị em thân mến,
Trên con đường mà chúng ta đang đi theo dưới sự hướng dẫn của Thánh Phaolô, chúng ta muốn dành thì giờ suy nghĩ về một vấn đề là trung tâm của những cuộc tranh luận trong thời kỳ Cải Cách: vấn đề công chính hóa. Làm sao để một người được nên công chính trước mắt Thiên Chúa? Khi Thánh Phaolô gặp Đấng Phục Sinh trên đường đi Đamascô, ngài là một người có những hành vi không thể chê trách được theo sự công chính phát sinh từ Lề Luật (x. Pl 3:6), vượt xa nhiều người cùng lứa tuổi với ngài trong việc tuân giữ những gì Luật Môsê đòi hỏi, và nhiệt thành trong việc bảo vệ các truyền thống của cha ông (x. Gal 1:14).
Ánh sáng trên đường Đamascô đã thay đổi cuộc đời ngài tận gốc, và ngài bắt đầu coi tất cả các công lao ngài lập được trong sự nghiệp chính trực về tôn giáo như là “rác rưởi” trước tính siêu phàm của sự hiểu biết về Đức Chúa Giêsu Kitô (Pl 3:8). Thư gửi tín hữu Philipphê cung cấp cho chúng ta một chứng từ cảm động về việc Thánh Phaolô đổi từ một sự công chính dựa trên Lề Luật với các đòi hỏi của nó, sang một sự công chính dựa trên Đức Tin vào Đức Kitô, ngài đã hiểu rằng điều mà đến lúc đó xem ra là có lợi thì trên thực tế trước mặt Thiên Chúa là một sự thua thiệt, và ngài đã quyết định đánh cá trọn đời mình trên Đức Chúa Giêsu Kitô (x. Pl 3:7). Để chiếm hữu được kho tàng chôn giấu trong ruộng và viên ngọc quý, ngài đầu tư tất cả mọi sự, không còn dựa trên công việc của Lề Luật, mà trên Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa của ngài.
Mối liên hệ giữa Thánh Phaolô và Đấng Phục Sinh đã trở nên quá sâu đậm đến độ làm cho ngài khẳng định rằng Đức Kitô không những chỉ là sự sống của ngài, mà sống [là Đức Kitô], đến nỗi để có thể đạt tới Người, thì ngay cả cái chết cũng trở thành một mối lợi (x. Pl 1:21). Không phải vì ngài khinh chê sự sống, mà vì ngài đã ý thức rằng đối với ngài sống không còn một mục đích nào khác, và như thế ngài không mong ước gì hơn là đạt tới Đức Kitô, như trong một cuộc thi đua thể thao, để được ở với Người: Đấng Phục Sinh đã trở thành khởi điểm và mục đích cuộc đời ngài, động lực và cùng đích của cuộc chạy đua của ngài. Chỉ vì lo lắng cho sự trưởng thành trong Đức Tin của các tín hữu trong các Giáo Đoàn mà ngài đã thành lập (x. 2 Cor 11:28) nên ngài đã chạy chậm lại để chờ các môn đệ của ngài ngõ hầu họ có thể cùng ngài chạy tới đích, là Chúa duy nhất của ngài. Nếu trong việc tuân giữ Lề Luật trước kia, ngài không có gì có thể chê trách được theo quan điểm liêm chính về luân lý, thì một khi đã được Đức Kitô chinh phục, ngài không muốn xét đoán mình (x. 1 Cor 4:3-4), nhưng chỉ tìm cách chạy để chinh phục được Đấng đã chinh phục ngài (x. Pl 3:12).
Chính vì kinh nghiệm này về liên hệ cá nhân với Đức Chúa Giêsu Kitô, mà thánh Phaolô đặt ở trung tâm của Tin Mừng của ngài một sự đối chọi không thể tránh được giữa hai con đường khác nhau dẫn đến sự công chính: một con đường được xây dựng trên các công việc của Lề Luật, và con đường kia trên Đức Tin nơi Đức Kitô. Sự lựa chọn giữa sự công chính nhờ công việc của Lề Luật và nhờ Đức Tin vào Đức Kitô trở thành một trong những đề tài nổi bật trong các Thư của ngài: “Chúng ta bẩm sinh là người Do Thái, chứ không phải là những người tội lỗi thuộc Dân Ngoại. Vì biết rằng một người không được nên công chính nhờ làm theo Lề Luật, nhưng nhờ Đức Tin vào Ðức Giêsu Kitô, nên ngay cả chúng ta cũng phải tin vào Ðức Chúa Giêsu Kitô, để được nên công chính nhờ Đức Tin vào Ðức Kitô, và không phải nhờ làm theo Lề Luật; vì không ai sẽ được nên công chính vì làm theo Lề Luật.” (Gl 2:15-16).
Với các Kitô hữu ở Rôma, ngài cũng tái xác định điều này: ”tất cả mọi người đã phạm tội và bị mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính một cách nhưng không nhờ ân sủng của Ngài, qua công trình cứu chuộc trong Ðức Chúa Giêsu Kitô” (Rm 3:23-24) và ngài nói thêm: “Chúng tôi tin rằng một người được trở nên công chính nhờ Đức Tin, chứ không nhờ làm theo Lề Luật.” (Rm 3:28). Về điểm nà, ông Lutherô đã dịch là: “chỉ nhờ Đức Tin mà thôi”. Chúng ta sẽ trở lại điểm này ở cuối bài Giáo Lý.
Trước hết chúng ta phải làm sáng tỏ về “Lề Luật”, là điều mà chúng ta đã được giải thoát khỏi, và “những việc làm của Lề Luật”, là những điều không làm cho chúng ta nên công chính, là gì. Trong cộng đồng Côrinthô đã có một quan điểm, là quan điểm sẽ còn trở lại nhiều lần trong lịch sử, cho rằng [Lề Luật] đó là luật luân lý, và như vậy sự tự do Kitô giáo giải phóng con người khỏi luân lý đạo đức. Vì thế mà ở Côrinthô, người ta tuyên truyền nhau câu "panta moi exestin" (tôi được phép làm mọi sự). Rõ ràng đây là cách giải thích sai lầm: sự tự do Kitô giáo không phải là tự do phóng đãng, sự giải phóng mà Thánh Phaolô nói đến không phải là tự do khỏi phải làm việc lành.
Nhưng ý nghĩa của Lề Luật mà từ đó chúng ta được giải phóng, và không [có sức] cứu độ là gì? Đối với Thánh Phaolô và tất cả mọi người đồng thời với ngài, từ ấy [Lề Luật] có nghĩa là Sách Torah trong sự toàn vẹn của nó, tức là năm cuốn sách của ông Môsê. Sách Torah, theo cách [giải thích của] người Biệt Phái, mà thánh Phaolô đã học và chấp thuận, ám chỉ một bộ những cách sống được phát sinh từ việc tuân giữ nền tảng đạo đức căn bản cho đến các lễ nghi phụng tự, là những điều xác định căn tính của một người công chính. Đặc biệt là cắt bì, tuân giữ những luật liên quan đến sự trong sạch của thức ăn, và thường là nghi tức tẩy uế [rửa tay…], và giữ ngày Sabat vv.... Những cách sống này thường được nói đến trong các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người đương thời với Chúa. Tất cả những việc tuân giữ này, là những điều diễn tả một căn tính xã hội, văn hóa và tôn giáo, trở thành quan trọng đặc biệt trong thời đại văn hóa Hy Lạp, bắt đầu từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Nền văn hóa này, là nền văn hóa đã trở thành phổ quát thời đó, và được coi là một nền văn hóa phù hợp với lý trí, một nền văn hóa đa thần, được coi như khoan dung, đã gây áp lực mạnh trong chiều hướng đưa đến một nền văn hóa đồng nhất, và như thế, đe dọa căn tính của dân Israel, là dân bị bắt buộc phải hội nhập vào căn tính chung của nền văn hóa Hy Lạp này, cùng với việc mất đi căn tính của mình, kể cả mất gia tài Đức Tin của Cha Ông, là Đức Tin vào Thiên Chúa duy nhất và các lời hứa của Thiên Chúa.
Trước những áp lực về văn hóa, là áp lực đe dọa không những căn tính Do Thái, mà cả Đức Tin vào Thiên Chúa cùng các lời hứa của Ngài, cần phải tạo ra một bức tường phân biệt, một cái mộc bảo vệ để che chở gia sản Đức Tin quý giá. Bức tường đó chính là việc tuân giữ các luật lệ và tập quán của dân Do Thái. Thánh Phaolô, vừa học được những sự tuân giữ này trong vai trò bảo vệ món quà của Thiên Chúa, là gia sản Đức Tin vào một Thiên Chúa duy nhất, thấy rằng căn tính này bị đe dọa bởi sự tự do của các Kitô hữu, nên đã bách hại họ vì lý do này. Trong khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, ngài đã hiểu rằng với biến cố Phục Sinh của Đức Kitô, hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi. Với Đức Kitô, Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa thật duy nhất, trở nên Thiên Chúa của mọi dân tộc. Bức tường ngăn cách giữa dân Israel và Dân Ngoại – như được nói trong Thư gửi tín hữu Êphêxô - không cần thiết nữa: Chính Đức Kitô là Đấng bảo vệ chúng ta khỏi thuyết đa thần và tất cả các lệch lạc của nó; chính Đức Kitô là Đấng kết hợp chúng ta với và trong Thiên Chúa duy nhất; chính Đức Kitô là Đấng bảo đảm cho căn tính thật của chúng ta trong sự đa dạng về văn hóa. Bức tường không cần thiết nữa, vì căn tính chung của chúng ta trong sự đa dạng về văn hóa là Đức Kitô, và chính Người là Đấng làm cho chúng ta được nên công chính. Nên công chính có nghĩa đơn giản là ở với Đức Kitô và trong Đức Kitô. Chỉ có thế. Chúng ta không cần tuân giữ các điều khác nữa. Vì thế từ “chỉ nhờ Đức Tin mà thôi” của Lutherô là đúng, nếu nó không đem Đức Tin ra chống lại đức bác ái và tình yêu. Đức tin là nhìn lên Đức Kitô, lệ thuộc vào Đức Kitô, bám chặt lấy Đức Kitô, đồng hóa với Đức Kitô và đờì sống của Người. Và hình thức, sự sống của Đức Kitô là tình yêu, và như thế tin là làm theo Đức Kitô và đi vào tình yêu của Người. Vì thế Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galatê, là thư đặc biệt khai triển học thuyết về công chính hóa, đã nói về Đức Tin hoạt động qua đức ái (x. Gl 5:14).
Thánh Phaolô biết rằng toàn thể Luật Lệ được làm trọn trong luật đôi mến Chúa yêu người. Như thế trong sự hiệp thông với Đức Kitô, trong Đức Tin tin tạo ra đức ái, tất cả Lề Luật được thi hành. Chúng ta trở nên công chính khi bước vào sự hiệp thông với Đức Kitô, Đấng là tình yêu. Chúng ta sẽ thấy cùng một điều này trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần tới, lễ trọng thể kính Đức Kitô Vua. Đó là Tin Mừng của vị Thẩm Phán mà tiêu chuẩn duy nhất của Người là tình yêu. Điều mà Ta hỏi chỉ là điều này: Ngươi có thăm viếng Ta khi Ta đau yếu không? Khi Ta ở trong tù? Ngươi có cho Ta ăn khi Ta đói, cho Ta mặc khi Ta trần truồng không? Như thế sự công chính được quyết định trong đức ái. Vậy, ở cuối Tin Mừng, chúng ta có thể nói: chỉ có tình yêu, chỉ có đức ái. Tuy nhiên, không có sự trái ngược giữa Tin Mừng và Thánh Phaolô. Cả hai cùng có một cái nhìn, là cái nhìn mà theo đó sự hiệp thông với Đức Kitô, Đức Tin vào Đức Kitô, tạo nên đức ái. Và đức ái là thể hiện sự hiệp thông với Đức Kitô. Cho nên nhờ hiệp nhất với Người mà chúng ta được nên công chính, chứ không có cách nào khác.
Sau cùng, chúng ta chỉ có thể cầu xin Chúa giúp chúng ta tin. Tin thực sự; như thế tin trở thành sự sống, sự hiệp nhất với Đức Kitô, sự biến đổi cuộc đời chúng ta. Và như vậy, được biến đổi bởi tình yêu của Người, bởi tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta có thể thực sự trở nên công chính trước mắt Thiên Chúa.
Đã có rất nhiều tài liệu nói về sự cao cả và ơn ích của Thánh Lễ. Trong bài này, chúng ta cùng nhau bàn về một số điểm thực hành khi chúng ta đến Thánh Đường dâng Lễ.
Khi tôi mới lớn lên, Thánh Lễ còn được dâng bằng tiếng La Tinh. Tuy nhiên, có những lời suy ngắm để giáo dân cùng đọc để hiểu và và hiệp ý với chủ tế. Lời dẫn giải rất đơn sơ dễ hiểu và thường đọc theo các cung điệu “ngắm nguyện”. Tỉ dụ:
Khi Thầy Cả bước lên (phản) Bàn Thờ thì ta phải nguyện rằng…
Khi Thày Cả lở (trở) mặt ra thì ta phải nguyện rằng…
Cũng có các bài hát hợp với từng phần trong Thánh Lễ và nhạc điệu bình ca rất thánh thiện, cao siêu để “nâng tâm hồn lên tới Chúa.” Hầu hết các bài thánh ca lúc đó còn bằng tiếng La Tinh, vì thế mới có câu vè
Các Thày hát tiếng La Tinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng…
Từ sau Công Đồng Vaticanô II, Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng của các nước. Tại Việt Nam, dần dần Thánh Lễ cũng được dâng bằng tiếng Việt Nam và có nhiều bản thánh ca rất hay bằng tiếng Việt Nam để hát trong các Thánh Lễ; vì thế, giáo dân có thể nghe hiểu và đáp lại các lời thưa với Chủ Tế, hoặc hát chung các bản Thánh Ca.Như vậy, cộng đoàn dân Chúa khi dâng Lễ có thể tham dự một cách tích cực hơn.
Điều trên đây rất quan trọng, vì khi chúng ta ‘đi Lễ’ không phải chỉ để “xem Lễ” như xem phim hay xem kịch; hoặc “dự Lễ” như dự một bữa tiệc hoặc dự một cuộc “biểu tình” hoàn toàn thụ động. Trái lại, chúng ta cùng nhau dâng Lễ hợp với Chủ Tế. Hợp với Chủ Tế, chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa là Cha chúng ta chính bản bản thân chúng ta, cuộc sống và lao công hàng ngày, những nỗi vui buồn, đau khổ, kết hiệp với của lễ là chính Chúa Giêsu Kitô tự hiến thân trên bàn thờ.
Chúa Giêsu đã dâng một Thánh Lễ hiến tế trọn hảo lên Chúa Cha, đủ để đền tội toàn thể nhân loại, khi Ngài hiến mình chịu chết trên Thập Giá. Ngài chính là vị Chủ Tế, là Của Lễ và Bàn Thờ là Thánh Gía. Mọi Thánh Lễ được dâng lên qua mọi không gian và thời gian đều có giá trị cứu rỗi và thánh hóa, nhờ tham dự vào Thánh Lễ Chúa Giêsu đã dâng trên Bàn Thờ Thập Giá năm xưa.
Vì thế, Thánh Lễ luôn có tính “phổ quát”, dù được dâng tại những Thánh Đường nguy nga tại các thành phố lớn hay tại một Nhà Nguyện nhỏ bé nơi hẻo lánh ở các vùng rừng núi xa xôi. Dù được dâng long trọng do Đức Giáo Hoàng, các vị Giám Mục và có nhiều vị đồng tế, hay chỉ do một linh mục âm thầm dâng một mình trong một phòng biệt giam (như trường hợp Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trước đây trong tù đày của Cộng Sản). Như vậy, khi chủ tế và cộng đoàn cùng nhau dâng lễ hay khi chỉ một chủ tế dâng lễ âm thầm một mình đều cùng hợp với toàn thể Giáo Hội, hợp với toàn thể “Triều Thần Thiên Quốc,” và luôn có giá trị tôn thờ Thiên Chúa và thánh hoá toàn thể nhân loại, cũng như đem ơn cứu rỗi đến cho các linh hồn nơi luyện tội, và cùng vinh danh Thiên Chúa hợp với Mẹ Maria và các thần thánh trên Thiên Quốc.
Có nhiều bản “Thưa Kinh” hay “Thánh Ca” nói lên điều đó khi chúng ta đọc hoặc hát trong Thánh Lễ; thí dụ:
Như trăm ngàn hạt lúa miến kết thành một tấm bánh…
Muôn trái nho tươi ép nên ly rượu nho thơm…
Chúng con cùng hiệp nhất nên một,
Qua Của Lễ Chúa Giêsu dâng trên bàn thờ…
Hay như bài thánh ca:
Nếu con dâng lên Chúa làm lễ vật hèn,
Thì con xin dâng tình yêu nhỏ bé trong trái tim con.
Nếu con dâng lên Cha của lễ hy sinh,
thì con dâng lên nghìn giọt mồ hôi của cả nhân loại!...
(Nguyễn Văn Trinh)
Phải công nhận có nhiều bản Thánh Ca như bản “Thân Lúa Miến” hát trong Thánh Lễ, nhạc rất “hay” và ý của “lời” cũng rất đẹp và cao siêu. Mong là khi chúng ta hát, chúng ta hát với tất cả tâm hồn và ý thức vào lời ca và giòng nhạc…
Như vậy khi chúng ta cùng dâng Lễ là chúng ta cùng nhau hiệp với Chủ Tế chính là Chúa Giêsu và vị chủ tế hữu hình là “Thày Cả” để “cùng thưa lại các lời mời gọi, để cùng hát chung các bản thánh ca hợp với ca đoàn (ca đoàn giữ vai trò hướng dẫn) và cùng đứng, cùng ngồi hay quỳ gối với cả cộng đoàn.
Chúng ta cùng nhau sám hối xin ơn tha thứ, cùng lắng nghe và suy niệm Lời Chúa qua các Bài Đọc Sách Thánh và chia sẻ Lời Chúa (bài giảng). Rồi cùng dâng Của Lễ, cùng thờ lạy Chúa Thánh Thể trong phần Truyền Phép, cùng nhau dâng lời Kinh Lạy Cha, cùng chúc bình an cho nhau, và cùng lên rước Mình và Máu Thánh Chúa, cảm tạ Chúa và lãnh phép lành để trở về cuộc sống giữa đời và đem Chúa đến cho mọi người trong môi trường sống hằng ngày.
Hiểu được nguồn sống sâu xa và ý nghĩa cao đẹp của từng phần trong Thánh Lễ, chúng ta sẽ vui mừng mỗi khi đi dâng Lễ, như chúng ta thường hát bài Ca Nhập Lễ: “Con Hân Hoan Bước Lên”(Kim Long) hay “Con Hân Hoan” (Nguyễn Duy) hay như bài Thánh Vịnh “Tôi vui mừng khi nghe tiếng nhủ rằng: nào ta tiến về Nhà Chúa…”
Trong Thánh Lễ cũng như trong mọi việc phụng vụ khác của Giáo Hội, đều bao gồm bốn ý sau đây: trước hết là để Thờ Phượng Chúa, sau là để Cảm Tạ, Đền Tội, và Xin Ơn.
Chúng ta dâng Thánh Lễ là để Thờ Phượng Chúa là Đấng Cực Thánh thiêng liêng cao cả, Đấng Tạo Hóa và là Cha chúng ta; để tạ ơn Chúa đã luôn yêu thương chúng ta, đã dựng nên chúng ta, cứu chuộc chúng ta, đưa chúng ta vào gia đình Giáo Hội, hằng ban muôn ơn lành hồn xác cho chúng ta; để đền tội chúng ta đã hằng xúc phạm đến Chúa và tha nhân, và đền tội cho toàn thể nhân loại; sau đó chúng ta mới cầu xin Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết cho chúng ta, cho gia đình, Giáo Hội, thế giới, cho những người đã xin chúng ta cầu nguyện và các linh hồn nơi luyện tội.
Sau khi đã tìm hiểu những điều trên đây, chúng ta mới nhận ra Thánh lễ là một việc đạo đức, việc phụng tự quan trọng và siêu việt hơn hết, cũng ích lợi hơn hết mọi việc đạo đức, phụng tự khác. Chính vì thế mà cha ông chúng ta và các tâm hồn đạo đức ở mọi nơi, mọi thời đại đều có lòng sùng mộ việc dâng Thánh Lễ. Ở Hoa Kỳ và nhiều thành phố lớn trên thế giới thường có giờ dâng Lễ tại các Thánh Đường trong thị xã vào khoảng 12 giờ trưa để những người công nhân, công chức làm việc tại các nơi trong thành phố dùng giờ nghỉ ăn trưa để đến dâng Thánh Lễ. Tôi đã có dịp làm việc mục vụ tại các Nhà Thờ như vậy và rất cảm động thấy nhiều người đã hy sinh giờ nghỉ ăn trưa để đến tại các Nhà Thờ gần nhất để dâng Thánh Lễ hàng ngày rất sốt sáng.
Cố gắng trình bày một cách đơn sơ, giản lược và dễ hiểu những điều trên đây, chúng tôi mong có thể góp một phần nhỏ bé nào đó để giúp việc dâng Thánh Lễ có ý thức hơn, tích cực hơn và để chúng ta thêm lòng yêu mến và sùng mộ hơn việc dâng Thánh Lễ vào cuối tuần hay hàng ngày.
Hơn nữa, cũng để các bậc phụ huynh nhắc nhở các con em chúng ta về việc cao cả của Thánh Lễ và lòng sùng mộ và tôn kính đối với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Vì lòng thương yêu chúng ta, Chúa Giêsu chẳng những đã nhập thể, sống như một người nghèo khổ để chia sẻ kiếp sống lầm than của loài người, đã rao giảng ơn Cứu Độ qua Tin Mừng Tình Thương, đã chịu khổ nạn, chịu chết để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, và mở đường đưa chúng ta đến cuộc sống trường sinh trên Nước Trời, Ngài còn lập Bí Tích Thánh Thể để hiện diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu làm của nuôi linh hồn chúng ta, làm của Lễ hiến dâng lên Chúa Cha qua các Thánh Lễ và hiện diện thật sự giữa chúng ta mọi ngày cho đến Tận Thế. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện thực sự (chứ không phải tượng trưng như một số giáo phái chủ trương). Khi chúng ta rước “Lễ” là rước lấy Chúa Giêsu thực sự ngự đến lòng chúng ta. Vì thế, chúng ta, những người Công Giáo, phải có lòng tôn sung Chúa Giêsu Thánh Thể cho xứng đáng.
Mỗi khi đi dâng Thánh Lễ, chúng ta hãy nhắc nhở con em chúng ta ăn mặc cho xứng đáng, dù giản dị nhưng kín đáo, chỉnh tề. Đến Nhà Thờ là nhà Chúa ngự, chúng ta hãy lấy Nước Thánh (Nước Phép) kính cẩn làm dấu Thánh Giá, cung kính bái quỳ thờ lạy Chúa. Nên ngồi chung với cả cộng đoàn trong Nhà thờ, chứ không nên ngồi riêng rẽ, không nên đứng tại các xó xỉnh cuối Nhà thờ, hay đứng ở ngoài Nhà Thờ trò chuyện như khi đi xem kịch, xem hát.
Trong giờ Thánh Lễ nên cùng hợp dâng Thánh Lễ với mọi người hiện diện, cùng thưa kinh, cùng hát với cộng đoàn, chứ không nên ngồi riêng lẻ, hoặc đọc kinh, lần chuỗi một mình, giống như mình chỉ lo dâng Lễ cho chính mình. Cố gắng chú ý lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và đem áp dụng vào đời sống, cùng kính thờ lạy Chúa ngự đến trong Bí Tích Thánh Thể qua hình Bánh và hình Rượu trong phần kinh nguyện Thánh Thể. Cung kính lên rước Mình và Máu Thánh Chúa. Và cùng thờ lạy Chúa Giêsu thật sự ngự vào lòng chúng ta. Tạ ơn Ngài đã ngự đến tâm hồn chúng ta, và muôn ơn lành hồn xác ngài đã ban cho chúng ta. Dâng lên Ngài hồn xác và mọi niềm vui nỗi buồn, sự thành công, thất bại và mọi lời cầu xin chúng ta muốn dâng lên Ngài.
Chúng ta cũng nên cộng tác vào các phần việc trong Thánh Lễ mà giáo dân có thể làm được, như “giúp Lễ” (thường nên khuyến khích các em nhỏ làm công việc này), “Thừa Tác Viên Thánh Thể” “Thừa Tác Viên Đọc Sách Thánh, “Ca Đoàn”, “Nhân Viên Chào Đón và Xếp Chỗ” (Ushers) v.v…Mỗi người đều phải đóng góp phần mình vào công việc Nhà Chúa và giúp cho việc phụng sự Chúa đượctrang nghiêm và thánh thiện, sốt sáng, và trật tự. Chúng ta cũng hãy vui vẻ hợp tác với các người có nhiệm vụ hướng dẫn chúng ta để mọi sự được tốt đẹp trong nhà Chúa như: vui lòng ngồi vào chỗ được mời đến, đi theo hàng lối được hướng dẫn khi lên Rước Lễ. Tuyệt đối tránh những thái độ, lới nói có tính cách tiêu cực khi ở trong Nhà Chúa như đứng với vẻ chán nản ở cuối Nhà Thờ, hoặc cười nói vô lối, ăn mặc lố lăng. Nên nhớ khi chúng ta vào nơi thờ phượng của nhiều Tôn Giáo khác, chúng ta thấy mọi người đều phải bỏ giầy và bỏ mũ. Ngày xưa, dù các vị vua quan rất uy quyền, khi đi qua các Đình, Chùa… đều phải “xuống ngựa” (hạ mã), dù chỉ đi qua mà thôi…
Nhà Chúa là “Nhà Cha” chúng ta, là Đền Thờ của Đấng “Chí Thánh, Ngàn Trùng Chí Thánh”, mỗi tín hữu phải có nhiệm vụ gìn giữ, bảo trì Đền Thờ Chúa sạch sẽ, trang nghiêm, trật tự. Phải luôn xứng đáng khi ở trong Đền Thờ Chúa, ăn mặc chỉnh tề, cử chỉ cung kính. Trách nhiệm của các bậc chủ chăn và các bậc phụ huynh là phải dạy bảo, giáo dục cho con em biết giữ cho xứng đáng khi ớ trong Nhà Chúa, nhất là khi cùng dâng Lễ Tế thờ phượng Chúa.
Một điều nữa cũng cần lưu ý là việc “Giữ ngày Chúa Nhật và Lễ Buộc”. Đây là một điều răn của Giáo Hội để nhắc nhở bổn phận thờ phượng Chúa là Điều Răn thứ nhất trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, việc chúng ta đi dâng Lễ ngày Chúa Nhật và “Lễ Buộc” cần phải làm với ý thức Đức Tin và Lòng Mến. Với Đức tin và lòng mến yêu Chúa như Cha Nhân Từ, chúng ta sẽ vui mừng mỗi khi đến ngày Chúa Nhật, cùng cả gia đình hân hoan đến “Nhà Cha” để cùng với các tín hữu trong cộng đồng Giáo Xứ dâng Lễ thờ phượng Chúa là Cha chúng ta và chia sẻ tình thương với nhau. Chúng ta sẽ không còn mang tâm trạng “bó buộc” phải “đi Lễ nếu không thì phạm tội trọng!” Việc thờ phượng Chúa là một “ơn huệ” chứ không phải chỉ là bổn phận. “Chúng ta vui mừng mỗi khi nghe nhủ rằng: nào chúng ta cùng tiến về Nhà Chúa…Nhà Cha chúng ta…”
Sau cùng, chúng ta thường nghe nói đến việc “Rước Lễ thiêng liêng” khi chúng ta nhớ đến Chúa và “giục lòng” yêu mến Chúa và ước ao được Chuá ngự vào lòng chúng ta. Chúng ta có thể “Ruớc Lễ thiêng liêng” bất cứ lúc nào, nơi nào: Khi làm việc ở nhà, ở sở làm, nơi xưởng thợ, hay trường học, lúc đi đường,lúc lái xe…v.v…
Chúng ta cũng có thể “dâng Lễ thiêng liêng” vào bất cứ lúc nào khi chúng ta hợp ý với các vị Chủ Tế đang dâng Thánh Lễ tại một nơi nào đó trên thế giới. Có thể là Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng đang dâng tại Rôma, hay một vị Giám Mục đang dâng tại một Nhà Thờ Chánh Tòa, hay do một cha Dòng tại một Tu Viện, hay do một Linh Mục truyền giáo đang dâng tại một vùng rừng núi, hay trong một sa mạc khô cằn, hay trong một phòng biệt giam.Vì thời giờ khác nhau theo từng vùng trên địa cầu (chỗ này còn là 5 giờ sáng, chỗ khác đã là 5 giờ chiều...v.v…); vì thế, kể như lúc nào cũng có Thánh Lễ đang được dâng ở một nơi nào đó trên thế giới, và vì thế chúng ta có thể ‘dâng Lễ thiêng’ với một vị nào đó đang dâng Thánh Lễ ở một nơi nào đó trên thế giới.
Hơn nữa, mọi Thánh Lễ dù dâng ở đâu đều là một việc thờ phượng chung dâng lên Chúa và có giá trị “cứu rỗi” cho toàn thể nhân loại, những người còn sống cũng như những người đã qua đời; cũng có thể cầu nguyện cho một người tội lỗi ăn năn trở lại, hay một người sắp “qua đời”… như kinh chúng ta thường đọc: “Lạy Chúa con, bao nhiêu Lễ làm ngày hôm nay khắp cả và thiên hạ, thì xin dâng lên Chúa con, có ý cầu cho kẻ có tội hấp hối sẽ sinh thì trong ngày hôm nay. Chớ gì Máu cực trọng Đức Chúa Giêsu, là Đấng chuộc tôi chúng con, ban cho các kẻ ấy được làm lành (trở về) cùng Chúa con. Amen.”
Bà Maria Agata Simma chào đời ngày 5-2-1915 tại Sonntag, Vorarlberg, bên nước Áo, trong một gia đình Công Giáo nghèo nhưng đạo đức, có 8 người con. Song Thân là ông Giuseppe Antonio Simma và bà Aloisa Rinderer. Vào thời niên thiếu, cô Maria Agata muốn dâng mình cho Chúa trong dòng tu nhưng vì sức khoẻ yếu kém nên bị từ chối. Không thực hiện được ước nguyện, Maria Agata rất đau khổ về tinh thần, nhưng cúi đầu tuân phục thánh ý THIÊN CHÚA.
Mãi đến năm 25 tuổi, cô Maria Agata Simma mới nhận dấu hiệu rõ ràng về ơn gọi cuộc đời mình:
- Chấp nhận chịu đau khổ và cầu nguyện để cứu các Linh Hồn sớm thoát ra khỏi Lửa Luyện Hình.
Ơn gọi đặc thù của cô được chính Cha Linh Hướng Alphonse Matt xác nhận và khuyến khích.
Năm 2001, trong cuộc nói chuyện với nữ tu Emmanuel, bà Maria Agata Simma giải thích rõ ràng sự khác biệt giữa việc các Linh Hồn Luyện Ngục hiện về xin cầu nguyện với hiện tượng cầu cơ - gọi hồn người chết - bị Giáo Hội Công Giáo nghiêm cấm. Bà Maria Agata nói.
Người ta không được phép gọi hồn người chết. Phần tôi, tôi không bao giờ tìm kiếm các cuộc hiện ra của các Linh Hồn. Trong khi cầu cơ thì trái lại, người ta khiêu khích, người ta gọi hồn người chết phải hiện về.
Sự khác biệt quá rõ ràng và chúng ta - tín hữu Công Giáo - có bổn phận phải suy xét thật nghiêm chỉnh. Không được đùa chơi với thế giới bên kia! Nếu người ta chỉ buộc phải tin một điều tôi nói, thì tôi ước ao người ta tin điều quan trọng này:
- Những người cầu cơ nghĩ rằng họ gọi hồn người chết, nhưng thật ra, nếu có tiếng trả lời thì luôn luôn là tiếng trả lời của chính Satan hay là bè lũ của Satan mà thôi.
Những người cầu cơ - kẻ bói toán hay đồng bóng - làm chuyện hết sức nguy hiểm cho chính họ cũng như cho những người đến hỏi ý kiến của họ. Họ là những kẻ sống trong sự cực kỳ gian dối và lừa bịp. Chúng ta biết rõ Kinh Thánh Cựu Ước nơi sách Đệ Nhị Luật dạy rằng: ”Không ai được làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn..” (18,10-11).
Phần tôi, tôi không bao giờ - trong quá khứ, nơi hiện tại cũng như trong tương lai - tôi không bao giờ gọi Linh Hồn những kẻ đã qua đời. Chỉ duy nhất THIÊN CHÚA cho phép những gì xảy ra mà thôi. Dĩ nhiên Satan - là con khỉ luôn luôn bắt chước các điều THIÊN CHÚA làm - có thể giả làm hồn người chết hiện về nói thế này, nói thế kia. Cho dầu các hình thức hiện về có khác nhau thế nào đi nữa thì vẫn luôn luôn có sự can thiệp của Ma Quỷ. Đừng nên quên rằng Satan cũng có thể chữa lành tật bệnh, nhưng việc chữa lành này thường không kéo dài lâu.
Xin trưng dẫn trường hợp một lần Satan lấy hình Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục hiện về với tôi. Hắn ta nói:
- Bà đừng nhận lời cầu xin của Linh Hồn đến sau tôi, bởi lẽ Linh Hồn đó sẽ xin bà phải chịu quá nhiều đau khổ. Chắc chắn bà không đủ sức làm điều Linh Hồn ấy xin đâu!
Lời nói của linh hồn này khiến tôi âu lo áy náy, bởi lẽ tôi nhớ lại lời Cha Sở dặn:
- Con phải nhận lời giúp đỡ mỗi Linh Hồn với lòng mau mắn quảng đại!
Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi cảm thấy bị thử thách trong việc thi hành nhân đức vâng lời. Thế rồi tôi tự nhủ:
- Phải chăng đây là trò chơi của ma quỷ thay vì của Linh Hồn hiện về từ Lửa Luyện Tội?
Tôi liền ra lệnh:
- Nếu ngươi là tên quỷ dữ thì hãy cút đi!
Ngay lúc đó, quỷ rú lên một tiếng thét rồi biến mất. Điều hiển nhiên là Linh Hồn đến sau đó chính là Linh Hồn rất cần tôi trợ giúp.
... Ngoài việc cứu giúp các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục, bà Maria Agata Simma cổ động người còn sống đừng quên các người thân yêu đã qua đời, đồng thời giúp đỡ người hấp hối được ơn chết lành. Bà Maria Agata Simma cũng xin quý bậc phụ huynh lưu ý đến việc giáo dục con cái. Bà nói:
Ngày nay nhiều bậc cha mẹ không biết giáo dục con cái mỗi khi họ chìu theo hoặc thỏa mãn tức khắc bất cứ đòi hỏi chướng-kỳ nào của con cái. Làm như thế tức là khiến cho tính xấu kiêu ngạo dễ đâm rễ sâu trong lòng một đứa trẻ. Sau này khi đến trường đứa trẻ không biết đọc ngay cả kinh Lạy Cha hoặc không biết làm dấu Thánh Giá. Đôi khi chúng chả biết gì về THIÊN CHÚA.
Xin quí vị nhớ dạy cho con trẻ biết hy sinh. Sở dĩ ngày nay có hiện tượng dửng dưng tôn giáo và nền luân lý xuống thấp là vì trẻ em không được giáo dục cho biết phải từ khước những đòi hỏi lắc-léo thất-thường! Lớn lên chúng trở thành những kẻ hay bất bình, không có trí phán đoán đúng đắn hoặc có đời sống tính dục buông thả, vô chừng mực! Lúc nhỏ nếu không được dạy cho biết cách tự kiềm chế thì lớn lên sẽ trở thành người ích kỷ, vô tâm và độc đoán. Không lạ gì trong thế giới ngày nay người ta thấy có nhiều hận thù hơn là tình yêu và lòng thương xót. Nếu quí vị muốn sống thời kỳ tốt đẹp hơn thì phải bắt đầu ngay hôm nay việc giáo dục kỹ lưỡng con cái.
Con người rất dễ phạm tội, lỗi nhân đức bác ái bằng cách vu khống, lừa đảo và thóa mạ. Tội khởi đầu trong tư tưởng. Vì thế phải giáo dục cho con trẻ biết xua đuổi tức khắc những tư tưởng đối nghịch với đức bác ái và không bao giờ được phán đoán người khác mà không dựa trên đức bác ái.
Đối với các tín hữu Công Giáo thì làm việc tông đồ là một bổn phận. Có người làm việc tông đồ bằng chính cuộc sống nghề nghiệp. Người khác làm việc tông đồ bằng cuộc sống gương mẫu đạo đức và thánh thiện.
Mối lo lắng về phần rỗi linh hồn không được bị bóp nghẹt bởi các chăm sóc thái quá về thân xác.
Sau cùng, nữ tu Emmanuel nói về bà Maria Agata Simma:
- Tôi rất hài lòng vì được quen biết bà Maria Simma. Bà là người phụ nữ dâng hiến trọn cuộc sống cho người khác. Mỗi giây phút cuộc đời bà có giá trị vĩnh cửu, không phải cho riêng bà nhưng còn cho rất nhiều Linh Hồn - quen biết cũng như không quen biết. Bà hết lòng giúp đỡ các Linh Hồn để giải thoát các Linh Hồn ra khỏi Lửa Luyện Ngục, được vào vui hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu trên Trời.
... ”Khi vào đất mà THIÊN CHÚA ban cho anh chị em, thì anh chị em đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy: giữa anh chị em, không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với THIÊN CHÚA và chính vì những điều ghê tởm ấy mà THIÊN CHÚA của anh chị em đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh chị em. Anh chị em phải sống trọn hảo với THIÊN CHÚA của anh chị em” (Sách Đệ Nhị Luật 18,9-13).
(Sr Emmanuel + Maria Simma, ”L'étonnant secret des Âmes du Purgatoire”, Éditions des Béatitudes, Shalom, 1998, trang 46-51)
Có lẽ một số người Công giáo sẽ nổi trội trong chính phủ Obama. Đó là những người là đã ủng hộ Obama theo cơ hội, những người ủng hộ Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ, hoặc những người có trình độ chuyên môn mà tân tổng thống thấy hữu dụng.
Trong số những người đó, ta thấy có:
Robert Casey: Thượng nghị sĩ bang Pennsylvania, con của cố thống đốc phò sinh (pro-life) nổi tiếng Robert P. Casey, Sr. Ông sinh trưởng tại Scranton, đã ủng hộ Obama vào những thời điểm quan trọng, trước cả cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang của ông. Tuy Obama thất cử tại đây (Hilary Clinton thắng) nhưng nhờ sự ủng hộ của Casey và vì Casey rất được lòng đám cử tri công nhân da trắng chống phá thai, nên những yếu tố đó rất cần thiết để mang lại chiến thắng cho Obama trong cuộc tổng tuyền cử tại tiểu bang này.
Caroline Kennedy: Người con gái 51 tuổi của Kennedy, tổng thống thứ 35 của Hoa kỳ, đã được Obama ủy nhiệm công tác tế nhị nhất trong cuộc tranh cử của ông – là đề cử những người sẽ đứng chung liên danh trong chức vụ phó tổng thống. Tiến trình đó được thực hiện một cách suông sẻ và kết quả đưa tới sự chọn lựa một người Công giáo là Thượng nghị sĩ Joe Biden trong liên danh tranh cử với Obama. Bà ủng hộ Obama trong một bài báo về quan điểm đăng trên tờ New York Times vào tháng giêng năm 2008. Một trong những chức vụ cho Caroline được đề cập tới là chức đại sứ tại Court of St. James (nước Anh), một chức vụ trước đây dưới thời tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã được trao phó cho ông nội của bà là Joseph P. Kennedy; hoặc có thể bà sẽ được làm đại sứ tại Liên hiệp quốc.
Douglas Kmiec: Giáo sư Luật trường Đại học Pepperdine, trước kia đã giúp trong ban tranh cử của Mitt Rommey, sau quay qua ủng hộ Obama với cuốn sách vận động: Can A Catholic Support Him?: Asking the Big Question About Barack Obama (Người Công giáo có thể ủng hộ Obama hay không). Ông là cựu khoa trưởng phân khoa luật trường Đại học Công giáo Hoa kỳ (The Catholic University of America ), là một viên chức cao cấp Bộ Tư pháp dưới thời tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush. Sự ủng hộ Obama của ông đã bị một số người lên án, trong đó có đức tổng Giám mục Charles Chaput giáo phận Denver. Nhưng có một số người khác hoan nghênh, coi tiến trình thực tiễn về giảm thiểu phá thai như một giải pháp thay thế cho cách kết tội thủ tục này.
John Podesta: Là cựu tham mưu trưởng tòa Bạch ốc dưới thời Clinton, hiện đang đứng đầu cơ quan chuyển tiếp chính quyền tổng thống của Obama; ông còn là chủ tịch Center for American Progress (Trung tâm Phát triển Mỹ) ở Quận hạt Columbia, một tổ chức ông thành lập năm 2003. Ông là giáo dân thuộc giáo xứ Holy Trinity ở Georgetown, sẽ nắm một vai trò đáng kể trong chính phủ của Obama, dù ông có chọn giữ một chức vụ chính thức trong chính quyền này hay không. Đồng thời, trung tâm nói trên sẽ được coi là nguồn nhân lực và sức nặng về chính sách và trí thức cho chính quyền mới.
Tim Roemer: Là cựu thượng nghị sĩ bang Indiana liên tiếp 7 nhiệm kỳ, là thành viên Ủy ban điều tra vụ 9/11 và đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử của Obama nhằm vào cử tri Công giáo. Ông là một trong số những đảng viên Dân chủ phò sinh (pro-life) đã ủng hộ mạnh mẽ Obama, giúp thuyết phục các cử tri chống phá thai rằng tiến trình của Obama về vấn đề này – vấn đề giảm thiểu số vụ phá thai hơn là hủy bỏ phán quyết Roe v. Wade – là một phương thức thay thế có thể chấp nhận được. Roemer là chủ tịch Center for National Policy (Trung tâm hoạch định Chính sách Quốc gia), một tổ chức chuyên môn ở Washington đặt trọng tâm vào chính sách đối ngoại.
Kathleen Sebelius: Thống đốc tiếu bang Kansas nhiệm kỳ II, tốt nghiệp trường Đại học Trinity ở Washington DC, đã ủng hộ Obama ngay trước cuộc bầu cử sơ bộ tại Kansas, cung ứng một tiếng nói phụ nữ hùng hồn cho chiến dịch tranh cử của Obama vào lúc bà Hillary Clinton đang có ưu thế trong giới cử tri phụ nữ đảng Dân chủ. Lúc đó bà Kathleen Sebelius có tên trong danh sách đúc kết những người có thể được Obama lựa ra đứng chung liên danh tranh chức phó tổng thống. Bà là người đại diện không mệt mỏi của Obama trong chiến dịch tổng tuyền cử. Sau năm 2010 bà sẽ không còn được giữ chức vụ thống đốc.
Nguồn: JOE FEUERHERD/National Catholic Reporter
Phỏng vấn Linh Mục Alberto Lorenzelli, Chủ tịch Hiệp hội các bề trên cấp cao dòng nam Italia, về thực tại cuộc sống thánh hiến tại Italia
Trong các ngày đầu tháng 11 vừa qua, 180 bề trên cấp cao các dòng nam toàn nước Italia đã nhóm đại hội thường niên lần thứ 48 tại Napoli, nam Italia. Thánh lễ khai mạc đại hội đã do Đức Hồng Y Franc Rodé, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Tu Đoàn tông đồ chủ sự.
Đại hội về đề tài ”Sự phục vụ của quyền bính và đức vâng lời” đã kết thúc ngày 7-11-2008. Theo thống kê năm 2007 hiện nay Italia có tất cả 21.295 nam tu sĩ, trong đó có 18.526 vị sống tại Italia và 1.310 vị làm việc tại nước ngoài trong một cộng đoàn có liên hệ với tỉnh dòng Italia. Bên cạnh đó có 1.445 tu sĩ gốc Ý nhưng gia nhập các tỉnh dòng nước ngoài.
Vẫn theo thống kê của Hiệp hội các Bề trên cấp cao dòng nam Italia, giữa các năm 2003-2007 số ơn gọi tu sĩ giảm 12,8%; số các tập sinh giảm 31,6%: năm 2007 chỉ có 199 tập sinh; số sinh viên triết học và thần học giảm 29,6%: năm 2007 chỉ có 924 sinh viên. Tuy nhiên các sinh hoạt do các tu sĩ đảm trách vẫn sinh động. Các tu sĩ điều khiển 189 trường học với 50 ngàn học sinh, 99 trung tâm huấn nghệ, 122 trung tâm văn hóa, 53 nhà in, 58 học viện cho người tàn tật, 50 trung tâm trợ giúp các người nghiện ma túy và bệnh nhân Sida, 94 trung tâm cung cấp bữa ăn nóng cho người nghèo, 32 trung tâm tiếp đón người di cư. Số các giáo xứ do tu sĩ các dòng nam Italia điều khiển là 1.230 giáo xứ, cộng thêm 234 giáo xứ được giao đích danh cho một tu sĩ trông coi.
Phát biểu trong đại hội Linh Mục Sabatino Maiorano, Giám Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Italia, giáo sư Đại Học Alfonsianum, nêu bật sự vâng lời đối tác không xung khắc với các bề trên, và việc thi hành quyền bính như là công tác phục vụ.
Đó cũng là ý kiến của Linh Mục Josè Ornelas Carvalho, thuộc dòng Dehoniani. Cha ghi nhận rằng: ”Trong đời sống thánh hiến, việc thi hành quyền bính đã luôn luôn được quan niệm như là sự phục vụ. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào người ta cũng tránh được sự tiêm nhiễm của các mô thức văn hóa trái nghịch. Điều định đoạt đó là sống tương quan giữa quyền bính và đức vâng lời, không phải trong viễn tượng xung đột, nhưng trong sự đối tác, vì cuộc sống huynh đệ là sự lắng nghe biết ơn và tuân phục Chúa Thánh Thần, là Đấng triệu vời các tu sĩ bước theo Chúa Kitô để rao truyền Nước Chúa. Do đó cần phải đánh giá cao ”chiều kích liên hệ” để tái trao ban lòng hăng say và sự tin tưởng cho các tương quan, rất thường khi đã trở thành mỏng manh và đầy nghi ngờ. Một cách nòng cốt, việc phục vụ của quyền bính phải được nhận thức như là việc vâng theo chương trình của Thiên Chúa. Trong qúa khứ, năng động này được tóm gọn trong việc tôn trọng những gì được viết trong các điều luật. Ngày nay cần phát triển nó như là sự trung thành sáng tạo: vâng lời là tìm kiếm, là sẵn sàng nhổ lều đời mình để cắm ở các nơi khác, là liên lỉ xuất hành, trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn.
Dĩ nhiên, ai thi hành việc phục vụ này không được lơ là các bổn phận của mình. Đặc biệt các Bề trên không được miễn trừ cho mình bổn phận phải lấy các quyết định mà các vị có nhiệm vụ phải làm, bởi vì nếu không tất cả mọi thành phần cộng đoàn phải đau khổ vì tình trạng vô trật tự xẩy ra. Vì thế đối tượng việc quản trị của các Bề trên phải là việc bảo đảm cho nhà Chúa lớn lên và phát triển theo ý Chúa muốn, và lo lắng cho từng thành viên trong gia đình của Chúa. Chúa đòi hỏi các bề trên phải quản trị các thiện ích của Chúa. Các bề trên không phải là chủ nhân của ai, và không được sử dụng các tài nguyên chung để phục vụ chính mình. Các vị không được bắt chước hàng lãnh đạo của của thế gian này, mà phải noi gương Chúa Giêsu, là Đấng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình. Sau cùng các Bề trên phải tạo ra bầu khí làm sao để mọi thành viên của gia đình dòng tu đều góp phần vào việc xây dựng cộng đoàn.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Alberto Lorenzelli, Chủ tịch Hiệp hội các bề trên cấp cao dòng nam Italia, về thực tại cuộc sống thánh hiến tại Italia.
Hỏi: Thưa cha Lorenzelli, thống kể của Hiệp hội Bề trên cấp cao các dòng nam Italia cho thấy sự sút giảm nhân lực trong các dòng tu. Nhưng đọc các thống kê ấy trong cái nhìn bi quan có là điều sai lầm hay không thưa cha?
Đáp: Chúng ta phải biết nhìn tình hình vượt xa hơn các con số thống kê. Vì thế, cho dù con số có giảm sút và có hiện tượng nhân lực già nua, tôi có thể nói rằng các nam tu sĩ vẫn có sức lôi cuốn người trẻ và toàn dân Chúa. Khi nêu bật quyền tối thượng, chỗ đứng cao nhất của Thiên Chúa, cuộc sống nội tâm và nền tu đức, đặc biệt trong một thế giới duy vật như thế giới ngày nay, các tu sĩ là câu trả lời sống động cho việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống của biết bao nhiêu người trẻ.
Hỏi: Tuy số nhân lực giảm sút, nhưng như cha vừa nói trên đây, các dòng nam Italia vẫn còn sức sinh động. Vậy thì đâu là dấu chỉ của sức sinh động này thưa cha?
Đáp: Một trong các nét sinh động đó là cuộc sống thánh hiến vẫn tiếp tục hấp dẫn người trẻ. Ba lời khấn khiết tịnh, vâng lời - là đề tài đại hội năm nay của chúng tôi - và khó nghèo là một dấu chỉ mạnh mẽ trong một bầu không khí văn hóa mệt mỏi vì kỹ thuật, vì trào lưu tục hóa và các ý thức hệ trống rỗng. Con người của ngàn năm thứ ba, một cách ít nhiều ý thức đều nuối tiếc sự siêu việt, và trong nhiều trường hợp họ thật sự ước mong sự siêu việt. Sự siêu việt mà các tu sĩ là dấu chỉ qua ba lời khấn của họ. Trong số các bằng chứng cho sức sinh động của đời thánh hiến, còn có sự hiệp thông nữa. Cả trong trường hợp này người sống đời thánh hiến cũng đi ngược dòng đối với thế giới ghi đậm dấu vết của khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, nhưng luôn luôn có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, tìm kiếm một cuộc sống của các liên hệ đích thật, dựa trên tình yêu thương và sự trợ giúp huynh đệ.
Hỏi: Nghĩa là tình hình đời thánh hiến tại Italia không đến nỗi báo động như một vài con số thống kê có thể khiến cho người ta tin như thế?
Đáp: Dĩ nhiên không phải chúng tôi thiếu niềm hy vọng đâu. Trái lại, trong các năm qua chúng tôi đã tìm cách phản ứng lại cuộc khủng hoảng ơn gọi tu sĩ và hiện tượng già nua - là hiện tượng không chỉ liên quan tới các dòng tu, nhưng liên quan tới toàn xã hội Italia - bằng hai nỗi đam mê: đam mê đối với Chúa Kitô và đam mê đối với nhân loại. Như vậy, một đàng chúng tôi củng cố việc thường huấn tinh thần và văn hóa, để giúp các tu sĩ biết đọc ra các dấu chỉ thời đại và đồng hành với toàn thể Giáo Hội, đàng khác chúng tôi phát huy sự hiện diện của các tu sĩ trên các vùng biên giới của công tác bác ái, để sống cạnh nhân loại khổ đau.
Ở đây tôi chỉ xin đơn cử hai thí dụ: với các nhà xuất bản của mình chúng tôi đã góp phần định đoạt vào tiến trình cập nhất hóa thời hậu công đồng. Mặt khác, với nhiều cơ cấu bác ái xã hội và an sinh mà các dòng tu thường thành lập rất sớm và đi tiên phong trước đà tiến triển của xã hội, chúng tôi trợ giúp các anh chị em cần được trợ giúp một cách hữu hiệu như: đi tiên phong trong việc tiếp đón và săn sóc các bệnh nhân liệt kháng, hay tiếp đón và trợ giúp các người di cư tị nạn.
Hỏi: Thưa cha, có người cho rằng trong qúa khứ đã có các va chạm giữa hoạt động của các giáo phận với hoạt động của các dòng tu. Cha nghĩ gì về vấn đề này?
Đáp: Chúng tôi không phải là một Giáo Hội song song và chúng tôi muốn góp phần vào việc truyền giáo mới bằng cách sát nhập vào hoạt động mục vụ của các Giáo Hội địa phương và cộng tác với các Giám Mục. Trong các năm qua đã có nhiều tiến triển trong chiều hướng này. Và tôi xác tín rằng có tất cả các tiền đề giúp cải tiến sự cộng tác này hơn nữa. Cả Hiệp hội các Bề trên cấp cao dòng nam, như là tổ chức phục vụ các Bề trên cấp cao, cũng di chuyển theo hướng này.
Hỏi: Thưa cha, trong các ngày đại hội đầu tháng 11 vừa qua, các Bề trên cấp cao có thảo luận về sự vâng lời hay không. Tại sao năm nay đại hội lại chọn đề tài vâng lời? Có phải vì lời khấn vâng lời ngày nay đang gặp khủng hoảng hay không?
Đáp: Không. Không có khủng hoảng về đức vâng lời và cũng không có khủng hoảng quyền bính trong các cộng đoàn dòng tu của chúng tôi. Nhưng tài liệu của Bộ Tu Sĩ được đại hội chọn làm đề tài, cho thấy đây là lúc thuận tiện để nhấn mạnh rằng sự vâng lời là một cử chỉ của lòng tin và quyền bính cũng được thi hành qua việc khuyến khích các tu sĩ lãnh lấy trách nhiệm của mình bằng cách tôn trọng chúng, bằng cách đương đầu với sự khác biệt trong tinh thần của sự hiệp thông, với ý thức công bằng và bằng cách duy trì thế quân bình giữa các chiều kích khác nhau của đời sống thánh hiến.
(Avvenire 7-11-2008)
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước gần 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 19-11-2008.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý sự công chính hóa trong tư tưởng của thánh Phaolô. Đây là đề tài đã gây ra các tranh luận trong thời cải cách. Làm sao con người có thể trở thành công chính trước mặt Thiên Chúa? Khi gặp Chúa Kitô trên đường đến thành Damasco, Phaolô đã là một con người hiện thực: tuân giữ Lề Luật và các truyền thống của cha ông không chê trách được. Nhưng sau khi được Chúa Kitô soi sáng Phaolô bắt đầu coi tất cả mọi công nghiệp do việc tuân giữ Lề Luật đem lại là ”rác rưởi” trước sự hiểu biết Chúa Giêsu (Pl 3,8). Đức Thánh Cha giải thích sự thay đổi triệt để đó như sau:
Tương quan giữa Phaolô và Chúa Phục sinh đã trở nên sâu đậm đến nỗi dẫn đưa thánh nhân tới chỗ khẳng định rằng Đức Kitô không chỉ là cuộc sống của người mà sống là Đức Kitô và để có thể đến với Chúa thì chết trở thành một mối lợi (x. Pl1,21). Không phải vì thánh nhân khinh rẻ sự sống mà vì người đã hiểu rằng từ nay trở đi cuộc sống không có mục đích nào khác, và người không mong ước gì khác ngoài việc đạt tới Đức Kitô, như trong một cuộc thi đấu thể thao, để sống mãi với Chúa. Chúa Phục Sinh đã trở thành sự khởi đầu và cùng đích cuộc sống của thánh nhân, đích điểm cuộc chạy đua của người. Nếu người có chạy chậm lại là vì lo lắng cho sự trưởng thành lòng tin của tín hữu các Giáo Đoàn và để họ cùng người chạy tới đích.
Chính kinh nghiệm bản thân trong tương quan với Chúa Giêsu Kitô, mà thánh Phaolô coi là trung tâm Tin Mừng của người, làm nảy sinh ra sự đối chọi giữa hai lộ trình hướng tới sự công chính: một lộ trình dựa trên các công việc của Lề Luật và một lộ trình dựa trên lòng tin nơi Chúa Kitô. Sự lựa chọn giữa hai lộ trình trở thành một trong những đề tài nổi bật xuyên qua các thư của thánh nhân. Người viết trong thư gửi tín hữu Galát: ”Chúng ta bẩm sinh là người Do thái chứ không phải hạng người tội lỗi xuất thân từ dân ngoại. Tuy nhiên vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dậy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Kitô Giêsu, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dậy. Qủa thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dậy” (Gl 2,15-16). Trong thư gửi tín hữu Roma thánh nhân cũng tái khẳng định xác tín này: ”Thật vậy mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu... Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dậy” (Rm 3,23-24.28).
Trong cộng đoàn Côrintô đã có tư tưởng cho rằng đây là luật lệ luân lý và như thế sự tự do Kitô giải phóng khỏi luân lý đạo đức, vì thế nên người ta truyền miệng câu ”tôi được phép làm mọi sự”. Đương nhiên đây là một giải thích sai lạc: sự tự do Kitô không phải là chủ trương phóng đãng, sự giải phóng thánh Phaolô nói tới không phải là giải phóng khỏi làm việc thiện.
Đối với thánh Phaolô và tất cả mọi người thời đó từ ”Luật Lệ” có nghĩa là Torah trong sự toàn vẹn của nó, tức là bộ Ngũ Kinh, 5 cuốn sách của Môshê. Trong kiểu chú giải của người biệt phái mà thánh Phaolô đã học, sách Torah bao gồm cung cách sống từ nõi tủy luân lý cho tới các tuân giữ lễ nghi và phụng tự xác định căn cước của một người công chính. Đặc biệt là luật cắt bì, luật trong sạch đồ ăn thức uống, trong sạch lễ nghi nói chung, và giữ ngày nghỉ sabat vv... Đây cũng là những điều thường được nói đến trong các cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người do thái thời đó. Tất cả các tuân giữ này diễn tả một căn cước xã hội, văn hóa và tôn giáo, trở thành đặc biệt quan trọng dưới thời của nền văn hóa hy lạp bắt đầu từ thế kỷ thứ III trước công nguyên. Nền văn hóa này trở thành phổ quát thời đó và xem ra nó là một nền văn hóa có lý trí, đa thần, khoan nhượng, nhưng tạo áp lực mạnh hướng tới nền văn hóa đồng nhất và đe dọa căn cước do thái, bị bó buộc phải va chạm tiếp xúc với nền văn hóa hy lạp, và có nguy cơ đánh mất đi căn cước của mình cũng như gia tài lòng tin của cha ông, tin nơi Thiên Chúa duy nhất và các lời hứa của Chúa.
Trước các đe dọa nghiêm trọng đó cần phải có một bức tường phân cách, một thuẫn đỡ bảo vệ gia tài lòng tin. Bức tường đó là việc tuân giữ các luật lệ do thái. Phaolô đã bách hại các Kitô hữu vì cho rằng sự tự do của họ đe dọa căn cước này. Nhưng trong cuộc gặp gỡ Chúa Phục Sinh Phaolo hiểu rằng sự phục sinh của Chúa Kitô đã thay đổi hoàn toàn tình trạng này. Và Đức Thánh Cha giải thích sự thay đổi này như sau:
Với Chúa Kitô, Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa đích thật duy nhất, trở thành Thiên Chúa của mọi dân tộc. Bức tường ngăn cách giữa người Israel và dân ngoại không cần thiết nữa: Chính Chúa Kitô bảo vệ chúng ta chống lại thuyết đa thần và tất cả mọi lệch lạc của nó. Chính Chúa Kitô hiệp nhất chúng ta với và trong Thiên Chúa duy nhất; chính Chúa Kitô bảo đảm cho căn cước của chúng ta trong sự khác biệt văn hóa. Bức tường không cần thiết nữa vì căn cước chung của chúng ta trong sự khác biệt văn hóa là Chúa Kitô, và chính Ngài làm cho chúng ta được nên công chính. Là công chính có nghĩa đơn sơ là ở với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Từng đó đủ rồi. Không cần các tuân giữ khác nữa. Vì thế kiểu dịch ”chỉ có lòng tin” của Luther là đúng, nếu nó không đối chọi lòng tin với bác ái, với tình yêu. Lòng tin là nhìn ngắm Chúa Kitô, tín thác nơi Chúa Kitô, bám chặt vào Chúa Kitô, đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và cuộc sống của Ngài. Và hình thức, cuộc sống của Chúa Kitô là tình yêu. Như thế tin là trở nền đồng hình dạng với Chúa Kitô và bước vào tình yêu của Ngài. Vì thế trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô khai triển giáo lý sự công chính hóa bằng cách nói về lòng tin hoạt động qua lòng bác ái (x. Gl 5,14).
Thánh Phaolô biết rằng luật mến Chúa yêu người thâu tóm toàn Luật Lệ. Như thế trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, trong lòng tin tạo ra lòng bác ái, toàn Luật Lệ được hiện thực. Chúng ta trở nên công chính khi bước vào sự hiệp thông với Chúa Kitô là tình yêu. Tin Mừng Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua tuần tới cũng cho chúng ta thấy sự thật này. Tình yêu là tiêu chuẩn Chúa Kitô dùng để xét xử mọi người. Lòng bác ái là việc hiện thực sự hiệp thông với Chúa Kitô. Như thế khi hiệp nhất với Ngài chúng ta được công chính. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta tin, tin thực sự. Như thế tin trở thành sự sống, sự hiệp nhất với Chúa Kitô, sự biến đổi cuộc sống. Được biến đổi bởi tình yêu của Chúa Kitô, của Thiên Chúa và của tha nhân chúng ta có thể công chính thực sự trước mắt Chúa.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Slovac. Chào người trẻ, các anh chị em đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ngài nhắc cho mọi người biết Chúa Nhật tới đây là lễ Chúa Kitô Vua. Đức Thánh Cha xin các bạn trẻ lấy Chúa Kitô làm trung tâm điểm cuộc sống và lãnh nhận được ánh sáng và lòng can đảm từ Chúa. Ngài xin Chúa Kitô Đấng đã biến thập giá thành ngai vua, dậy cho các anh chi em đau yếu hiểu giá trị cứu rỗi của khổ đau được sống kết hiệp với Chúa. Đức Thánh Cha cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới nhận ra sự hiện diện của Chúa trên con đường cuộc sống hôn nhân của họ. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Ba trận hỏa hoạn thảm khốc đã phá hủy gần 1,000 ngôi nhà và gian nhà, tiêu hủy hầu hết 42,000 mẫu rừng cây vì thời tiết nóng bức và gió nóng Santa Ana gây nên.
Ðám cháy bắt đầu từ vùng Montecito của hạt Santa Barbara, khoảng hơn 100 dặm phía Tây Bắc của Los Angeles. Trận hỏa hoạn nầy hủy hoại hết 210 ngôi nhà, đa số là những biệt thự có tầm nhìn bao quát vùng bờ biển Tây Thái Bình Dương.
Tiếp đến là trận hỏa hoạn tại Sylmar trong khu Oakridge Mobile Home Park. Có tới gần 500 căn nhà bị thiêu rụi ở khu gia cư chật chội đông người này. Gió hoang và lửa ngập trời thiêu rụi khu nầy với tốc độ nhanh khủng khiếp làm nhân viên cứu hỏa không kịp trở tay, phải bỏ hết ống nước lại mà chạy đi. Nhưng nhân viên cứu hỏa cũng cứu được khảng 120 căn nhà.
Sau đó lửa cũng phát hiện tại 4 quận: Orange, Riverside, San Bernardino và Los Angeles. Trong vùng này, gọn lửa đã thiêu rụi gần hết 29,000 mẫu đất rừng, tàn phá hơn 250 căn nhà và khu nhà ở. Tại Yorba Linda và hạt Orange, nơi có hơn 150 căn nhà bị cháy rụi.
Riêng tại Sylmar vào ngày thứ Ba hôm qua, 500 cư dân của khu Oakridge Mobile Home đã được phép trở về "nhà", nhưng họ khó có thể tìm được gì còn lại. Họ đã chứng kiến tận mắt sự tàn phá khủng khiếp trong khu chung cư nầy, sau khi nhà chức tránh đã quả quyết rằng không có ai bị thiệt mạng trong những đống tro tàn đen thui đã nguội đi. Bà Joan Costa cư dân ở đây đã nói lên cảm tưởng rằng: “Ðây là một thảm họa. Trông cứ như là ở Hiroshima.”
Tuy nhiên trong khu Oakridge Mobile Home Park có 500 căn nhà bị cháy rụi, không còn gì hết, trừ ra có tượng Đức Mẹ Maria Ban Ơn vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều người coi đây như một phép lạ... vì tất cả mọi thứ đều đã biên thành than, ngay như những trụ sắt và xa ngang bằng các khối sắt to cũng đạ bị cháy mền ra hoặc quăn queo, hay như các khối xi măng cũng bị vỡ tan, thế mà chĩ duy có tượng Đức Mẹ là còn nguyên vẹn, vẫn đứng đó giang tay ban ơn và đón đoàn con trở về.
Đức Thánh Cha giải thích đường lối của Thánh Phaolô về sự công chính hóa bởi đức tin
Vatican, ngày 19, tháng 11, 2008 (CWNews.com) - ĐTC Benedict XVI tiếp tục các bài giảng ngày Thứ Tư về ảnh hưởng của Thánh Phaolô trong buổi triều kiến chung ngày 19 tháng 11, ngài chú trọng đến đường lối của Thánh Phaolô trong vấn đề công chính hóa.
Đức Thánh Cha nhận xét, Thánh Phaolô dành phần lớn các bài viết của ngài cho vấn đề làm sao con người có thể được công chính hóa trước mắt Thiên Chúa. Chính Thánh Phaolô được coi là “không thể bị chê trách về vấn đề công chính theo lề luật” trước cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ với Chúa Kitô trên đường đi Đa Mát. Nhưng sau khi ngài trở lại “ngài bắt đầu duyệt xét lại tất cả những gì ngài đã đạt được trong suốt cuộc sống tôn giáo vâng theo lề luật không thể bị trách cứ của ngài, và coi như chỉ là ‘rơm rác’ trước sự cao cả của những gì ngài được biết về Chúa Giêsu Kitô.”
Đức Thánh Cha tiếp, trong thư gửi người Philiphê, Thánh Phaolô giải thích tại sao ngài từ bỏ cố gắng cũ là tự công chính hóa mình theo lề luật, và chuyển sang “một sự công chính hóa dựa trên đức tin nơi Đức Giêsu Kitô.” Thánh tông đồ nhấn mạnh là tất cả mọi người đều là kẻ tội lỗi, không thể tự mình công chính hóa chính mình. Vậy mà giờ đây họ được trở nên công chính bởi ân sủng của Người như một quà tặng qua sự cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô.”
Đức Thánh Cha nói, Martin Luther diễn giải các lá thư của Thánh Phaolô để nói rằng việc công chính hóa chỉ được đạt tới “bằng đức tin mà thôi.” Nhưng Thánh Phaolô đã gặp phải các tranh luận của người Côrintô, và ngài đã chống lại. Đức Thánh Cha nhắc rằng một số thành phần của cộng đồng Kitô ở Côrintô đã có “một tư tưởng được nêu lên trong suốt lịch sử,” họ tin rằng sự tự do của người Kitô theo Thánh Phaolô có nghĩa là tự do đối với luật lệ luân lý, “do đó tự do Kitô có nghĩa là tự do không bị ràng buộc bởi luân lý đạo đức” Đây là một sai nhầm căn bản.”
Đức Thánh Cha giải thích, khi Thánh Phaolô viết về tự do đối với các đòi hỏi của lề luật, ngài ám chỉ những luật lệ về lễ nghi do luật Do Thái ấn định. Các lề luật này cần thiết cho người Do Thái, đặc biệt khi căn tính tôn giáo của họ bị đe dọa bởi số đông các người vô thần thời đó. Nhưng Thánh Phaolô dậy rằng “Thiên Chúa của Ít-ra-en, một Thiên Chúa duy nhất, đã trở nên Thiên Chúa của tất cả mọi người,” và trong Chúa, người dân Ít-ra-en – và tất cả mọi người – có thể tìm thấy sự toàn vẹn của căn tính tôn giáo của họ. Do đó Thánh Phaolô kết luận, con người có thể được công chính hóa trước mặt Thiên Chúa bằng cách trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. “Được công chính hóa chỉ có nghĩa là được ở với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô; chỉ có thế thôi.”
Đức Thánh Cha kết luận, đường lối sola fide - chỉ có đức tin mà thôi của Luther đúng “chỉ đúng khi Đức Tin không đối nghịch lại với Đức Ái”. Đức tin có nghĩa là hiệp thông với Chúa Kitô, nghĩa là tuân theo luật yêu thương của Chúa. Đức Thánh Cha nói, đức tin phải tạo dựng được các công trình. “Đức tin là nhìn Đức Kitô, tuân theo Đức Kitô. Và mẫu mực của đời sống Đức Kitô là tình yêu.”
En fin de matinée, le 18 novembre 2008, un certain nombre de journaux de la presse vietnamienne officielle (1) ont mis en ligne sur leur site Internet un communiqué du porte-parole du ministère des Affaires étrangères vietnamien, daté de la veille. Celui-ci faisait référence aux faits survenus la nuit du 15 au 16 novembre dans la paroisse de Thai Ha, à Hanoi, et opposait un démenti formel à la version de cet événement telle qu’elle avait été diffusée par de nombreuses agences et sites Internet (2). Il niait en particulier que des « forces » du gouvernement soient venues procéder à des destructions sur le territoire de la paroisse et que la police et la Sécurité aient laissé faire. Le porte-parole a qualifié cette version de pure invention. S’appuyant sur des informations émanant de la municipalité de Hanoi, il a affirmé que les fidèles étaient en train de construire un bâtiment sur un terrain accaparé illégalement par la paroisse. Les gens du voisinage, mécontents, seraient venus les en empêcher. Les autorités du quartier ne seraient intervenues que pour disperser l’attroupement et rétablir l’ordre. Le président du Comité populaire du quartier Quang Trung, dont la présence sur les lieux avait été signalée par de nombreux témoins, a affirmé à un reporter de la BBC qu’il était venu sur place qu’après avoir entendu du bruit et constaté un rassemblement (3).
Dès le début des événements de la nuit du 15 novembre auprès de l’église de Thai Ha et pendant que l’agression battait son plein, de nombreux témoignages ont été diffusés sur différents sites Internet, en particulier ceux de l’agence VietCatholic News et de la congrégation des rédemptoristes à Hanoi. La plupart d’entre eux vont à l’encontre de cette version des faits. Plusieurs personnes non chrétiennes, habitant le quartier de Quang Trung, ont rapporté que l’ensemble des perturbateurs s’étaient réunis l’après-midi dans les locaux officiels du quartier pour préparer leur opération, les Jeunesses communistes dans leurs propres locaux, le groupe d’agresseurs et les policiers au siège de la Sécurité. Les témoignages parlent tous de l’arrivée simultanée sur les lieux de certaines autorités du quartier et du groupe de provocateurs. Selon le témoignage du P. Joseph Nguyên Van Thật, dans le groupe de responsables politiques du quartier présent dès le début, il y avait le vice-président du Comité populaire, le président du Front patriotique, des membres de la Sécurité.
(1) Voir en particulier Vietnam.Net, Hà Nôi Moi, Quân Dôi Nhân Dân du 18 novembre 2008.
(2) Voir dépêche diffusée par EDA le 17 novembre 2008.
(3) BBC, émission en vietnamien du 18 novembre 2008.
(Source: Eglises d'Asie, 19 novembre 2008)
WASHINGTON, D.C. -- Today, Rep. Ed Royce (R-CA) introduced a resolution in the House of Representatives calling on the U.S. government to re-designate Vietnam on the list of "Countries of Particular Concern" for gross violations of religious freedom.
"This Resolution will put the House of Representatives on record - the status quo in Vietnam is unacceptable. If Vietnam wants to have a strong relationship with the U.S., they need to honor the basic rights of its citizens, including religious liberty," said Royce.
Since 1999, the U.S. State Department has designated countries that "engage in or tolerate particularly severe violations of religious freedom," as "Countries of Particular Concern." This annual designation puts the violations of specific countries on record, making it a significant diplomatic tool for advancing human rights.
"Most recently, the Vietnamese Catholic Church has felt the Communist government's oppression over disputed land. In addition, persecution of the Hoa Hao Buddhists and the Unified Buddhist Church of Vietnam continues," said Royce
Due to Vietnam's egregious human rights violations, the State Department had previously listed it as one of these countries. In 2006, Vietnam was removed from this annual list.
"Some have seen positive steps in Vietnam, but frankly, I don't see it. Religious freedom remains under attack. The Communist government continues to harass and physically abuse worshipers who don't follow every last state sanctioned rule. Next January we'll have a new Administration. I want it to realize that religious freedom is under fire in Vietnam and it should act accordingly," Royce stated.
In 2008, China, Burma, and North Korea, were amongst those listed as "Countries of Particular Concern."
Rep. Ed Royce is a senior member on the Asia, the Pacific and the Global Environment Subcommittee. Additionally Royce serves on the Congressional Caucus on Vietnam and the Caucus on Human Rights.
(Source: Audra McGeorge, (202) 225-4111)
河内(亚洲新闻)—上周六,越南太河堂区范围内的圣杰拉德小堂遭到越共成员围攻。这起事件令人严重质疑,九月二十一日已经有过此类遭遇。当时,市人大代表也卷入了这起围攻圣杰拉德堂的活动。而把守在圣堂周围的警察和保安人员等,却等上述行动视而不见。所幸的是,太河以及其它堂区的教友们闻讯后迅速赶来保护圣堂,才未能造成更严重的损失。
负责堂区工作的赎主会当地副会长阮若瑟神父介绍说,“晚上十点钟,一名市人大代表到修会来说要马上同我们召开会议”。其这一举动的真正目的,无疑昭然若揭。与此同时,“数百人聚集到了圣堂前开始攻击堂口”。
当时,现场还有许多警察、妇联、越共青年团的成员。他们开始高声叫喊,向圣地砍石头,想激怒教友和神长以便掀起混战。在教堂钟声、电话和电子邮件的召唤下,河内总主教区各地的教友们纷纷赶来。十一点时,聚拢来的教友人数已经很多了,但大家都没有理会对方的挑衅行为,并试图到圣堂里去。
可是,保安人员不仅没有制止闹事的人,还阻止教友们进入圣堂。突然,对方居然问警察能不能放火。在场警察的回答是,“先请示一下再说”。
十一点三十分,天主教友的人数越来越多,最终把歹徒们赶跑了。
《亚洲天主教》报道,据当地居民说,下午圣堂举行纪念越南殉道者礼仪时,越共青年团就在他们的办公室召集会议安排晚上的行动。同时,当地的公安部门也在召开同样的会议。
针对这起事件,赎主会会长阮玛窦神父致函河内市人大常委会和警察局,提出强烈抗议。
令天主教徒担心和焦虑的是,这起事件背后的原因。日前,当局刚刚正式拒绝了赎主会士要求收回教产的要求。人们认为,此举似乎是在报复。因为,迫于教会的压力,这里原准备建造的服装厂改成了公共公园。当地教友们十分担心堂区、堂口和修会会院可能再度遭到此类袭击。
Nach dem Bericht von P. Joseph Nguyen Van That, dem stellvertretenden Superior der Redemptoristen von Thai Ha, wurden die kommunistischen Aktivisten von der "stillen, aber entschlossenen" Präsenz der gläubigen Katholiken eingeschüchtert. Die kommunistischen Aktivisten hatten versucht, durch lautes Schreien und Steinwürfe die Katholiken zu provozieren, die Gläubigen ließen sich aber nicht aus der Ruhe bringen. Einer der Katholiken berichtete, dass in einem Gespräch zwischen einemkommunistischen Aktivisten und einem Milizoffizier davon die Rede war, ob man "die Kapelle in Brand stecken" solle. Der Milizoffizier habe geantwortet: "Warten Sie auf die Anordnungen höherer Kader". Um 23.30 Uhr, als immer mehr Katholiken aus unterschiedlichen Bezirken Hanois nach Thai Ha strömten, verschwanden die kommunistischen Aktivisten und mit ihnen die Miliz.
Der Superior der Redemptoristen von Thai Ha, P. Mathieu Vu Khoi Phung, erstattete tags darauf Anzeige bei der Miliz und richtete einen Beschwerdebrief an das "Volkskomitee" (Bürgermeisteramt) von Hanoi. Vor Journalisten erklärte der Sprecher des Außenministeriums, Le Dung, am Montag, keinerlei Regierungskräfte seien in den Angriff auf den Pfarrbereich von Thai Ha involviert gewesen. Diese Äußerungen des Sprechers hätten die Katholiken noch mehr erbittert, betonteP. Nguyen Van That: "Die Leute denken, dass die Regierung die Racheaktion kommunistischer Funktionäre gegen die Pfarrgemeinde und die Redemptoristen deckt".
Thai Ha stand bereits am 21. September im Mittelpunkt des nationalen Interesses in Vietnam, als es zu Auseinandersetzungen um die seit Jahrzehnten beschlagnahmten Grundstücke der Redemptoristen kam. In der Folge wurde das Terrain - das in den letzten Jahren einer Kleiderfabrik "zur Verfügung gestellt" worden war - zum öffentlichen Park umgewidmet. Viele Katholiken in Hanoi sehen die jüngste "Strafexpedition" kommunistischer Aktivisten gegen Thai Ha als "Antwort"auf die "Aufmüpfigkeit" der Redemptoristen und ihrer Pfarrkinder im September.
Eineähnliche dramatische Auseinandersetzung hatte es in Hanoi um das Terrain der einstigen Apostolischen Delegatur gegeben, das unmittelbar an den Bereich des Erzbischöflichen Palais anschließt. (ende)
(Việt Nam: Cướp, đột nhập tấn công, buộc tội)
Die Redemptoristenkirche in Hanoi ist am Wochenende Ziel eines Angriffs geworden. Eine aufgebrachte Menge versuchte, das Kirchengelände zu erreichen; herbeigerufene Gemeindemitglieder konnten das Schlimmste verhindern und halten seitdem Wache in der Kirche. In mehreren Teilen Hanois sind die Beziehungen der Katholiken zu den Behörden äußerst gespannt; immer wieder kommt es zu Demonstrationen, Zwischenfällen und Festnahmen.
Zur Zeit stehen acht Katholiken wegen „Störung der öffentlichen Ordnung“ vor Gericht, zwei von ihnen sitzen noch in Haft. Der Erzbischof von Hanoi sowie vier Redemptoristenpriester wurden von den Behörden zu „unerwünschten Personen“ erklärt. Menschenrechtsorganisationen vermuten, dass die vietnamesische Regierung damit einen Warnschuss abgeben wollte.
Seit Ende 2007 versucht die katholische Kirche in Vietnam, den Kampf um kirchliches Eigentum öffentlich zu führen und damit mehr Druck auf die Regierung auszuüben. Die friedlichen Massengebete in Hanoi, die auf dem Gelände der ehemaligen Nuntiatur und auf dem Gelände des Redemptoristenklosters in Thai Ha stattfanden, haben Tausende Katholiken mobilisiert.
(Source: 19/11/2008 http://www.oecumene.radiovaticana.org/ted/Articolo.asp?c=246103)
(Việt Nam: Cuộc bạo động mới chống lại người công giáo tại Hà nội)
IGFM: Gezieltes Aufwiegeln der vietnamesischen Regierung gegen die katholische Glaubensgemeinschaft
Hanoi - Frankfurt am Main (19. November 2008) - In der Nacht des 15. November 2008 wurde die Redemptoristen-Kirche in Hanoi erneut angegriffen. Eine aufgewiegelte Menge versuchte, auf das Kirchengelände vorzudringen. Die herbeigerufenen Gemeindemitglieder konnten das Schlimmste verhindern und hielten seitdem Wache in der Kirche. Bereits in der Nacht des 21. September gab es einen Pogrom gegen die Katholiken in Hanoi. Zurzeit stehen acht Katholiken wegen "Störung der öffentlichen Ordnung" unter Anklage, zwei von ihnen befinden sich in Untersuchungshaft. Der Erzbischof von Hanoi sowie vier Redemptoristenpriester wurden von der Regierung zu ''persona non grata'' erklärt.
In der Nacht des 15. November 2008 läuteten ununterbrochen die Glocken der katholischen Gemeinde Thai Ha in Hanoi. Gemeindemitglieder und Katholiken aus der Nachbarschaft eilten zur Kirche, um sie zu schützen. Eine aufgewiegelte Menge von Angehörigen regierungstreuer Verbände rüttelte am Stahltor des Gerardo-Tempels, der sich auf dem Kirchengelände befindet. Mitglieder des Frauenverbands beschimpften die Priester. Andere provozierten die Gläubigen und forderten Eintritt in den Kirchenbereich. Ein Mann simulierte eine Schlägerei, um die Menge aufzuhetzen. Polizei und Behördenvertreter schauten zu.
Es war die erste Ausschreitung nach der Pogromnacht vom September 2008. Die IGFM vermutet dahinter einen Warnschuss der vietnamesischen Regierung, denn die Katholiken in Thai Ha hatten nach langer Ruhepause erneut Initiative ergriffen: öffentliche Gebete für die Opfer der schweren Überschwemmung in Hanoi am 14. November und eine Lichtkerzen-Aktion für die Lösung des Streits um das Kircheneigentum in Hue am 15. November.
IGFM-Dokumentation "Der gescheiterte Dialog"
Seit Ende 2007 versucht die katholische Kirche in Vietnam, ihren Einsatz um die Rückgabe kirchlichen Eigentums öffentlich zu führen und damit mehr Druck auf die Regierung auszuüben. Die friedlichen Massengebete in Hanoi, die auf dem Gelände der ehemaligen Nuntiatur (18. Dezember 2007 - 31. Januar 2008) und auf dem Gelände des Redemptoristen-Klosters in Thai Ha (5. Januar 2008 - 21. September 2008) stattfanden, haben tausende Katholiken mobilisiert.
Am Beispiel der Auseinandersetzungen um das Kirchengelände in der Gemeinde Thai Ha setzt sich die 48-seitige IGFM-Analyse "Der gescheiterte Dialog" mit dem Dialog zwischen Staat und Kirche in Vietnam auseinander. "Das Beispiel Thai Ha zeigt deutlich, dass Vietnam noch einen langen Weg zum Rechtsstaat vor sich hat und nicht bereit ist, die Aufarbeitung seiner Vergangenheit zuzulassen. Die Regierung setzt weiterhin auf listige, willkürliche und brutale Maßnahmen zur Beendigung eines zivilen Streits", so das Fazit der IGFM-Dokumentation.
Der Dialog scheiterte, weil die Grundsätze zu unterschiedlich waren. Während die Kirche auf Wahrheit, Gerechtigkeit, Rechtsstaatlichkeit und Fairness setzte, verlangte die Regierung absoluten Gehorsam und unbedingten Respekt vor den Behörden. Die Frage des Eigentumsrechts ist akuter denn je. Vietnam hat den Widerspruch zwischen seiner Konfiszierungspolitik in der Vergangenheit und dem Nutzungsrecht in der heutigen Politik der "Marktwirtschaft mit sozialistischer Orientierung" nie deutlich klären können, so die IGFM.
Die IGFM ist eine Menschenrechtsorganisation, die 1972 in Frankfurt am Main gegründet wurde. Sie unterstützt Menschen, die sich gewaltlos für die Verwirklichung der Menschenrechte in ihren Ländern einsetzen oder die verfolgt werden, weil sie ihre Rechte einfordern. Nach Auffassung der IGFM sind nach dem Recht auf Leben und Sicherheit der Person, die bürgerlichen Rechte wie Meinungs-, Versammlungs- Religions- und Pressefreiheit die wichtigsten Menschenrechte. Ohne sie kann es weder Frieden noch sozialen Fortschritt geben. Die Grundlage ihrer Arbeit bildet die Allgemeine Erklärung der Menschenrechte der Vereinten Nationen vom 10. Dezember 1948.
Source: Pressemitteilung vom 19.11.2008, Internationale Gesellschaft für Menschenrechte (IGFM) IGFM - Deutsche Sektion e. V.
(Việt Nam: Giáo phận Warschau đoàn kết với người công giáo bị đàn áp)
Sobotni napad komunistycznych bojówek na klasztor redemptorystów w Hanoi (15 listopada) i profanacja kaplicy św. Gerarda połączyły wiernych stołecznej diecezji. W modlitewnych zgromadzeniach solidarności, zarówno w samej parafii Thai Ha, jak i w innych świątyniach diecezji, uczestniczą tysiące wiernych.
Po sobotnim zajściu katolicy czują się coraz bardziej niepewnie, obawiając się kolejnych prowokacji. Wietnamskie władze natomiast zachowują się tak, jakby o niczym nie wiedziały. Choć akcję partyjnych bojówek osłaniało kilkuset policjantów, w wydanym 18 listopada komunikacie prasowym ministerstwo spraw zagranicznych stanowczo twierdzi, że państwowe siły bezpieczeństwa z napadem na redemptorystów nie miały nic wspólnego.
(Source: 2008-11-19 http://wyborcza.pl/1,91446,5966211,Wietnam__solidarnosc_z_przesladowanymi_katolikami.html)
For the first time in the history of Hanoi Redemptorist Monastery, Redemptorists greeted a delegation of Buddhists who came to visit and console parishioners who had been attacked by government forces on Saturday Nov. 15.
During the meeting on Wednesday Nov. 19, the leader of the Buddhist delegation told Fr. Matthew Vu Khoi Phung, the Superior of the monastery, that they only could learned about the attack after the New Hanoi newspaper published a statement from Le Dung, the spokesperson of Vietnam Ministry of Foreign Affairs to foreign correspondent. The paper reported that Dung had denied the attack at Thai Ha saying that “no government forces attacked Thai Ha parish area” on Saturday night.
They got shocked at the violence organized by Vietnam government, and wanted to show their solidarity with Thai Ha’s Catholics through their visit.
Buddhists have been subjected to Vietnamese government’s persecution for ages. Their Buddhist Church of Vietnam (UBCV), which claims to represent 80% of the Buddhists living in Vietnam, was outlawed in 1981 because of its refusal to follow the dictates of the government. Many leaders of UBCV have been jailed or under house arrested for years.
The arbitrary attack at Thai Ha has raised great concerns for religion groups in Vietnam for their security. “Catholics are well-organized. They have their Vatican to speak on behalf of them, to defend for them. Now, they are persecuted openly right in the capital. How about us and religion groups that have no one to count on?” a Buddhist said to Asia-News.
Before meeting with the Buddhist delegation, Fr. Mathew Vu also met with Mr. Marchant Christian, staff of Hanoi US Embassy who came to evaluate the destruction of Saint Gerardo Chapel. He had a long talk with Redemptorists on the incident.
Pour la quatorzième fois depuis 1995, les épiscopats sud-coréens et japonais se sont réunis (1). Cette année, la rencontre a eu lieu au Centre catholique de Masan, à 300 km au sud-est de Séoul, du 11 au 13 novembre; 16 évêques de Corée et 14 de leurs confrères du Japon ont partagé autour du thème des « Migrants dans la Bible ». Avec l’aide de plusieurs prêtres et personnalités engagés dans un travail social ou pastoral auprès des immigrés, ils ont discuté de leurs expériences respectives en ce domaine.
Le directeur du Centre catholique international de Tokyo, Peter Arikawa Kenji, un laïc, a expliqué comment le relativement récent accroissement de la population immigrée au Japon devait être compris « comme un don de Dieu ». Dans un pays très longtemps fermé à l’immigration, où le nombre officiel des immigrés est aujourd’hui de 2,15 millions, soit 1,69 % de la population totale du Japon, l’Eglise catholique présente la singularité de compter plus de fidèles non japonais que de fidèles japonais. Les statistiques de l’Eglise indiquent qu’en 2007, les catholiques japonais sont au nombre de 450 000 et les catholiques étrangers au nombre de 580 000. Pour répondre à cet afflux d’étrangers, « chaque diocèse, chaque paroisse ont été conduits à mettre en place des mesures spécifiques afin de servir cette population, comme des messes en langues étrangères ou bien encore des sessions de formation pour informer les immigrés des défis auxquels ils ont à faire face », a expliqué Peter Arikawa, en ajoutant que « l’accroissement du nombre des immigrés au Japon et en Corée [était] un signe des temps ».
Le P. Hur Yun-jin, secrétaire du Comité épiscopal sud-coréen pour la pastorale des immigrants et des résidents étrangers, a souligné les difficultés auxquelles se heurtaient les immigrés sans papiers en Corée. « Les travailleurs clandestins n’ont pas d’assurance sociale. C’est à l’Eglise locale de leur venir en aide, en organisant des visites médicales gratuites, en les conseillant ou bien encore en les aidant concrètement à percevoir les salaires qui leur sont dus », a-t-il expliqué. Si le gouvernement considère cette population comme « une source de difficultés », l’Eglise a « le devoir de venir en aide aux plus faibles des faibles », a-t-il conclu. Selon les données du gouvernement sud-coréen, en juillet 2008, le pays comptait 1,15 millions d’étrangers sur son sol, dont un cinquième sont sans papiers.
Pour la Corée du Sud, dont le solde migratoire a longtemps été négatif, l’accueil de populations étrangères en nombre significatif est un phénomène nouveau. C’est en 1971 que les évêques ont créé un Comité pour la pastorale des migrants et des personnes itinérantes, mais la mission de ce comité était alors principalement de servir les Coréens émigrés à l’étranger. Ce n’est que plus tard qu’il lui a été demandé de se mettre au service des immigrés en Corée. En octobre dernier, décision a été prise par les évêques de scinder les deux missions, avec la mise sur pied de deux comités distincts, l’un « pour la pastorale des immigrants et des résidents étrangers » et l’autre « pour la pastorale des Coréens outre-mer ».
Dans leurs échanges, les évêques ont discuté de l’accueil réservé par chacun de leurs deux pays aux immigrés et à leurs familles. Mgr Paul Choi Deok-ki, évêque de Suwon, a évoqué les difficultés rencontrées par les familles dont un des parents est un étranger. Ces mariages mixtes sont statistiquement devenus une réalité significative; le plus souvent, c’est la femme qui est étrangère, elle ne maîtrise pas bien la langue coréenne et les enfants de ces couples rencontrent des difficultés dans l’apprentissage du coréen. « Notre devoir est de les aider à acquérir la maîtrise de la langue afin qu’ils ne deviennent pas des citoyens de seconde zone. Et, pour cela, nous devons mettre en place un enseignement alternatif », a indiqué Mgr Choi (2). L’archevêque d’Osaka, Mgr Leo Ikenaga Jun, vice-président de la Conférence épiscopale japonaise, a quant à lui insisté sur la nécessité, pour les deux Eglises, de travailler dans leurs pays respectifs à développer l’harmonie entre les immigrés et les populations locales.
(1) Les rencontres annuelles ont débuté en 1995 afin de développer une meilleure compréhension mutuelle de leurs propres histoires nationales – intimement liées à celle de leurs voisins – et permettre ainsi de développer des relations d’amitié. Le Japon a colonisé la Corée de 1910 à 1945 et un certain nombre de Coréens gardent un profond ressentiment envers le Japon. La prochaine rencontre entre les deux épiscopats est programmée les 10, 11 et 12 novembre 2009, au Japon. Voir EDA 241, 331, 345, 382, 452.
(2) Au sujet de la pastorale des couples mixtes en Corée du Sud, voir EDA 425 (Cahier de documents: « Corée du Sud - les mariages internationaux en Corée »), 465
(Source: Eglises d'Asie, 18 novembre 2008)
Cầu cho Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại và Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Công Giáo Việt Nam tại Canada
Lịch Phụng Vụ Công Giáo dành riêng ngày 24.11 để kính nhớ Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo. Từ thế kỷ 17 cho đến thế kỷ 19, có khoảng một trăm ba mươi ngàn giáo dân Việt Nam bị giết chết vì đạo. Được biết Anrê Dũng Lạc sinh năm 1785 và Cha Phêrô Thi cùng bị chém đầu ngày 21.12.1839.
Ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong 117 vị tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh. Tiếng Việt chúng ta hay dùng từ “phong thánh” để chỉ việc “canonization” của Giáo Hội. Thật ra, những vị nầy đã là thánh và Giáo Hội không phong thánh hay không làm cho ai thành thánh cả. Giáo Hội chỉ “canonize” nghĩa là chỉ chính thức tuyên bố hay liệt kê những vị nầy vào danh sách các thánh mà thôi. Giáo Hội liệt kê danh tánh các Ngài vào danh sách các thánh để tôn vinh Thiên Chúa và để giáo dân có những gương lành mà noi gương bắt chước.
Việt Nam có nhiều hơn 117 vị thánh đã được chính thức lên danh sách. Hiện tại có hàng ngàn hồ sơ xin phong thánh còn nằm ở Bộ Phong Thánh Rôma. Anrê Phú Yên, bị sót trong đợt phong thánh ngày 19.6.1988, đã được Cha Roland Jacques (Dương hữu Nhân) vận động và đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên bố chân phước ngày 5.3.2000 ở Rôma. Thầy giảng Anrê Phú Yên sinh năm 1625 tại tỉnh Phú Yên. Tử đạo ngày 26.7.1644 lúc mới 19 tuổi. Thầy được kể như anh cả trong hàng tử đạo Việt Nam, chết trước Anrê Dũng Lạc 195 năm.
Xin quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, anh em chủng sinh trong Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Việt Nam tại Canada hãy dâng một thánh lễ thật sốt sắng để ca tụng Thiên Chúa, Đấng đã thương đến dân tộc Việt Nam, thương đến người Việt Nam mà ban cho Cha Ông chúng ta ơn đức tin mạnh mẽ đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống làm chứng cho Chúa.
Xin anh chị em giáo dân, dù sống trong một giáo xứ, một cộng đoàn Việt Nam hay sống xa xôi riêng lẽ trong các cộng đoàn người Canada xin hãy qui tụ lại, cùng dâng thánh lễ tạ ơn Chúa cho Cha Ông chúng ta. Nếu không có dịp dâng lễ, ít là qui tụ để đọc kinh và hát những bài thánh ca Việt Nam để nuôi dưỡng dòng máu hào hùng của Cha Ông trong tâm hồn chúng ta.
Sau hơn ba mươi năm tha hương, người Việt Nam Công Giáo hải ngoại đã có được những gì để gọi là làm giàu cho gia sàn đức tin của Cha Ông để lại? Xem chừng những di sàn của cha ông đang bị di tản và mai một dần theo ngày tháng: tiếng Việt mất dần, truyền thống lễ nghĩa cũng được “châm chế”, bỏ qua; kinh lễ theo truyền thống xem chừng ngày càng một lỗi thời; cưới xin theo kiểu tác hợp của Ông Bà Cha Mẹ không còn có gì là hay.. . tương lai không xa, cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại cũng sẽ mai một như các cộng đoàn công giáo Ba Lan, Ái nhỉ Lan hay Ý ở các nước bên nầy thôi.
Xin cho một lời cầu nguyện và một quan tâm tích cực trong việc duy trì tiếng Việt và truyền thống Việt Nam. Xin đừng im lặng! Hãy lên tiếng, hãy làm gì đó cho quê hương, cho Giáo Hội Việt Nam. Thí dụ trong việc Giáo Phận Hà Nội bị chính quyền đàn áp bất nhân. Cả thế giới phẩn nộ! còn chúng ta, không thắp được một cây nến nhỏ cầu cho Giáo Hội, cho quê hương sao? Bà con Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại thân mến! Hãy cầu nguyện và bày tỏ lập trường chống bất công đang xảy ra trên quê hương Việt Nam và trên Giáo Hội Việt Nam.
Tổ chức Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Công Giáo Việt Nam tại Canada được chính thức thành lập ngày 25.7.2002 dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại Toronto. Buổi đầu tiên, chỉ qui tụ được khoảng 45 thành viên. Nội qui đã được soạn và được biểu quyết chấp thuận ngày 15.9.2004 tại Surrey, BC. trong dịp Đại Hội lần thứ Nhất.
Nhờ ơn Chúa, và nhờ sự đóng góp của nhiều linh mục & tu sĩ nhiệt thành, Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Công Giáo Việt Nam tại Canada hiện qui tụ được 163 thành viên. Trong số nầy có 98 thành viên Giáo Sĩ; 8 thành viên Nam tu sĩ; 42 thành viên nữ tu sĩ và 15 thành viên chủng sinh.
Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ chủ trương thực hiện nội qui: nâng đỡ nhau sống đời tu trì trên đất Canada và phục vụ người Công Giáo Việt Nam ở Canada theo khả năng và hoàn cảnh cho phép. Hơn sáu năm qua, những thành viên thực sự đã cảm nghiệm được sự nâng đỡ tinh thần vật chất của người cùng đi tu. Hơn sáu năm qua, Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Việt Nam đã làm được những việc nhằm phục vụ bà con giáo dân như sau:
• Phát hành sách Lời Chúa trong Thánh Lễ từng ba tháng.
• Phát hành Niên Lịch Phụng Vụ hàng năm.
• Phát hành báo Công Giáo Việt Nam tại Canada, ba số mỗi năm.
• Phát hành tờ Kiến Thức Công Giáo nhằm đào sâu sự hiểu biết trong đời sống đạo.
Liên Giáo Sĩ & Tu Sĩ Công Giáo cũng đã tổ chức được ba lần Đại Hội qui tụ khá đông các thành viên: Lần I, tháng 9.2004 ở Surrey BC. Lần II, tháng 8.2006 ở Ottawa và lần III, mới gần đây, tháng 6.2008 ở Sainte-Anne-De-Beaupré, Quebec nằm trong Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 49 được tổ chức tại Québec.
Gặp nhiều khó khăn:
• Quá nhỏ bé và thành vô tri với giáo quyền Canada.
• Với một số thành viên: Tổ chức LGS&TS không mấy cần thiết, tạo thêm gánh nặng, mất giờ và tốn sức mà lại không thực chất, thực quyền.
• Với giáo dân: sinh hoạt LGS&TS còn quá khiêm tốn. Ít nghe biết, ít thấy làm gì hiệu quả.
Nhận định:
• Canada đất rộng, người thưa, linh mục, tu sĩ sống rải rác trên 20 giáo phận, nhiều người chưa biết nhau bao giờ. Liên đới, nâng đỡ sống đời tu trì thật hết sức cần thiết.
• Động lực và sức mạnh của LGS&TS Việt Nam tại Canada là tình thương nâng đỡ trong đời tu. Không chủ trương tìm kiếm chức quyền, hay tiền bạc để phát động phe nhóm hay một tổ chức độc lập mưu ích cá nhân. Tất cả những tiếp xúc với giáo quyền là để các Ngài biết và nâng đỡ chúng ta. Tất cả những vận động tài chánh hay gây quỹ chỉ để có phương tiện làm việc, giúp đỡ nhau khi cần và phục vụ giáo dân trong khả năng cho phép.
Xin cho LGS&TS Việt Nam tại Canada được nuôi sống bằng cách:
1. Cầu nguyện cho LGS&TS Việt Nam tại Canada nói chung và cho những thành viên trong những dịp đặc biệt: sinh nhật, khấn dòng, chịu chức linh mục, ngân khánh, kim khánh linh mục hay khấn dòng...
2. Quí Cha đang có trách nhiệm chăm sóc Cộng Đoàn Việt Nam, thỉnh thoảng xin cho LGS&TS Việt Nam một lời cầu trong phần lời nguyện giáo dân.
3. Quí Giáo Xứ, cộng đoàn Việt Nam ở Canada xin giúp tài chánh cho LGS&TS mỗi năm một lần vào dịp lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tiêu chuẩn giúp đỡ trên căn bản một đồng tính trên đầu người.
4. Nếu hoàn cảnh cho phép, quí giáo xứ, quí cộng đoàn thỉnh thoảng mời linh mục chủ tịch nước hay linh mục chủ tịch miền đến chia sẻ với giáo dân về việc làm và thao thức của LGS&TS Việt Nam tại Canada.
5. Đóng góp niên liễm và tích cực tham dự Đại Hội Miền hay đại hội toàn quốc.
6. Tạo điều kiện thuận lợi và tích cực giúp LGS&TS phổ biến sách báo đến tay giáo dân như: cho vài lời giới thiệu trong nhà thờ, cho người phân phối sách vở, báo chí gửi tới...
7. Đến với nhau để biết và nâng đỡ nhau. Xin một lời chúc mừng nhau dịp đáng chúc mừng. Xin khuyến khích nhau khi anh em linh mục, tu sĩ cần được khuyến khích. Xin chia sẻ và cảm thông trong những tang chế hay thử thách cuộc đời.
Xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của các Thánh Tử Đạo Việt Nam ban cho quí Cha, tu sĩ nam nữ, anh em chủng sinh và bà con giáo dân Việt Nam một dòng máu Việt Nam thật hào hùng, đầy tình yêu thương, bỏ đi những tị hiềm ích kỷ và nâng đỡ nhau sống đạo nơi xứ người. Chúng ta cần nhau lắm!
Những hình ảnh tưởng là ở Vịnh Hạ Long, nhưng không phải, mà chính là họ Quèn Giành bị lụt!
Sau khi nước lụt ở Hà Nội đã rút, tôi nhớ đến anh chị em ở Quèn Gianh. Mọi năm ở Hà Nội không lụt mà ở Quèn Gianh đã lụt rồi. Huống chi năm nay Hà Nội lụt, chắc là họ bị lụt sâu lắm. Thế là tôi rủ một số linh mục và giáo dân đi thăm họ.
Đúng như dự đoán, nước lụt vẫn tràn lan như trên ảnh. Ngồi trên thuyền nhỏ bơi vào họ giáo mà cứ như là đi trên biển. Chỉ thấy đá và nước thôi. Không có một thứ gì khác. Không hiểu họ sẽ sống bằng gì? Nửa cột điện vẫn ngập nước, ai mà biết được trong những hốc đá sâu kia vẫn có những gia đình đang ở đó, trừ khi người đó ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ bơi vào trong những hốc đó.
Tôi hỏi một anh thanh niên trong đó: “Bao giờ nước lụt này mới rút hết?” Anh nói: “Ít nhất là hai tuần nữa”.
Hà Nội ngập ngần ấy ngày là đã khủng khiếp lắm rồi thế mà dân này cho đến hôm nay (15/11) vẫn còn phải chịu đựng thêm hai tuần nữa. Không biết đời sống họ sẽ ra sao?
Tôi thầm cầu xin Chúa ban cho họ thêm ơn can đảm và cho họ có người giúp đỡ đời sống hằng ngày ít nhất là từ nay đến lúc nước cạn.
56 Trần Hưng Đạo - Kontum
Việtnam - abrahamvn@yahoo.ca
Số 116/VT-MV/’08/Tgmkt
NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 2008
Mến gửi: Các Học sinh Sinh viên Công Giáo
Giáo Phận Kontum.
Các con rất yêu quý,
Trong bầu khí hân hoan mừng ngày nhà giáo, Cha xin chia sẻ niềm vui với các con. Cha muốn qua các con gửi tới từng thầy cô giáo những tâm tình quý mến và biết ơn. Cha hiểu rõ những hy sinh, vất vả và tâm sức của thầy cô giáo dành cho các con trong thời điểm nhiều khó khăn chồng chất hôm nay. Cha muốn góp phần chia sẻ gánh nặng, trọng trách cao cả này bằng lời cầu nguyện, bằng cách giúp các con trở thành những học sinh chăm ngoan. Với tinh thần chăm học, các con sẽ trở thành niềm vui cho thầy cô. Cha tự hỏi làm sao để ngày biết ơn thầy cô trở thành ngày có ích lợi nhất cho các con cũng như cho thầy cô và cho mọi người?
Biết ơn là đỉnh cao của đời sống yêu thương, là con đường đưa người học trò trở thành người hơn, là động lực thôi thúc người học trò chăm ngoan hơn, học giỏi hơn và góp phần làm cho môi trường giáo dục tốt đẹp hơn. Các con chính là phần thưởng to lớn của cuộc đời thầy cô. Sau cha mẹ, các thầy cô là những người đi sát các con trên quãng đường dài làm người.
Làm người khó lắm các con ạ! Đòi hỏi cả một thời gian dài đào tạo rèn luyện. Một thời gian dài khổ công đào tạo các con nên những con người phát triển toàn diện, hài hòa và đồng đều giữa cái đầu, con tim và đôi tay, nếu không sẽ trở thành quái thai hoặc khuyết tật. Sợ nhất là chỉ phát triển cái đầu với đôi tay. Lịch sử đã phải gánh chịu bao tang thương và đổ nát do những con người như Hitler, như Pôlpôt... Các con biết ít lâu nay đã thấy xuất hiện khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” tại nhiều nơi. Muốn là những người trưởng thành của “thế giới ngày mai”, các con hãy kính yêu thầy cô và chăm ngoan từ hôm nay.
Ngành giáo dục là một trong các ngành cao quý, nhưng cũng lắm thiệt thòi so với các ngành nghề khác. Cuộc sống khó khăn hoặc một nguyên do nào đó đã làm phát sinh hình thức dạy kèm, dạy thêm tràn lan. Đây có thể nói đang là một hình thức tra tấn, khủng bố đời học tập của các con và dày vò tâm hồn những ai thiết tha tới nền giáo dục của đất nước! Nó tác động lớn tới đời sống của chính các con cũng như gia đình và xã hội. Việc học thêm học kèm đã cướp hết thời gian dành cho bản thân, cho gia đình, cho giáo hội, cho xã hội. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, các con đừng quên lời Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Chăm lo học tập và chuẩn bị thi cử cho tốt là cách sống công chính. Đây cũng là cách hữu hiệu để dẹp bỏ được những hình thức dạy thêm, dạy kèm. Cha cũng cầu mong các thầy cô Công Giáo ý thức và có thể tự nguyện từ chối dạy kèm dạy thêm, để môi trường giáo dục trong sạch hơn.
Các con thân mến,
Trong khi chuẩn bị mừng ngày nhà giáo, học sinh sinh viên Công Giáo lại đang xôn xao về chương trình thi học kỳ I năm nay trùng vào chính ngày đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. Nhiều người muốn cha lên tiếng. Cha cần suy nghĩ thêm. Còn ở đây cha có chút tâm tình với các con.
Việc thi cử đúng vào lễ Chúa Giáng Sinh hằng năm là vấn đề nhức nhối cho học sinh Công Giáo tại Việt Nam từ 1975 đến nay. Khắp nơi trên thế giới, ngày lễ Chúa Giáng Sinh (Noël) là ngày nghỉ quốc tế, nhà nhà người người được nghỉ ngơi để mừng lễ. Ngày đó, không chỉ dành cho những người có đạo, mà trở thành ngày truyền thống, trừ một vài nước chưa được nghỉ ngày đó, trong đó có Việt Nam chúng ta. Ngay cả Nước Cuba cũng đã công nhận ngày lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ. Cha và nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội Kitô đã nhiều lần góp ý với Chính Quyền các cấp về vấn đề này trong hơn 30 năm qua. Có lẽ các nhà phụ trách chương trình giáo dục đào tạo tại Việt Nam chưa nghe rõ cũng như chưa cảm nhận được cái quyền sống đạo của người trẻ có đạo? Cách tốt nhất các con có thể làm lúc này là bình tĩnh chuẩn bị cho ngày thi thật tốt đẹp. Đừng có ai trong các con thốt lên những lời nói xúc phạm hay có thái độ bực dọc trước chủ trương tổ chức thi vào chính ngày lễ Giáng Sinh. Có người nghĩ bắt thi vào chính ngày lễ Giáng Sinh là một việc làm báng bổ Đạo Chúa, có người lại coi đây là một hình thức phân biệt kỳ thị. Cũng có người còn nghĩ đây là một hình thức bách đạo tế vi. Cha chưa dám nghĩ như thế, nhưng cha nhớ ngay tới tâm sự Nhà văn Voltaire - một người đã báng bổ Đạo Chúa – đã thổ lộ trước giờ chết: “Tôi chỉ vô thần trên bàn giấy. Còn trước cái chết chẳng ai vô thần được nữa”.
Phần các con, nếu ngày thi “vẫn còn bị giữ” đúng vào ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh, các con hãy “hân hoan vui sướng như các thánh tông đồ xưa” (x. Cv 5,34-41) và biến trường lớp các con thành hang đá Belem sống động. So với hang đá đầu tiên là chuồng bò lừa, hôi tanh, vắng vẻ, thì trường lớp của các con là những hang đá sạch đẹp hơn nhiều. Hãy bước tới trường thi như các mục đồng xưa rủ nhau tới chiêm bái Chúa Hài Nhi bằng tâm tình cầu nguyện, cảm tạ tôn vinh Chúa, bằng cách chuẩn bị thi và thi thật tốt. Chính thái độ sống quảng đại như thế là lời loan báo tin vui giáng sinh cho mọi người! Hãy là những nhà truyền giáo bé nhỏ cho các thầy cô và bạn bè qua các bài thi thật tốt của các con. Các con sẽ được thấy những Phaolô mới xuất hiện trong cuộc đời mình như Tiến sĩ Phan Như Ngọc, như Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoạn.... Tất cả đã vượt qua những đêm tối dò dẫm để tìm đến ánh sáng của chân lý, của tình yêu, của sự sống. Cha mong các con có dịp đọc lại cuộc đời của các vị này.
Cha cầu mong các con có nhiều niềm vui khi mừng ngày nhớ ơn Thầy cô. Cầu mong các con có nhiều quyết tâm mới cho mai ngày tươi sáng. Xin Thần Khí Thiên Chúa ở cùng các con.
Thương mến chào các con,
Kontum, 16 tháng 11 năm 2008
Giám mục Giáo phận Kontum
1/ BBC: Nam Phi tố cáo sứ quán Việt Nam buôn lậu sừng tê giác
Đài truyền hình quốc gia Nam Phi vào ngày 17.11 đã cho phát sóng bộ phim tài liệu điều tra về nạn buôn bán sừng tê giác lậu ở Nam Phi, với cáo buộc về sự dính líu của nhân viên sứ quán Việt Nam.
Bắt quả tang nhân viên Đại sứ Bà Mộc Anh bị quay phim |
Bộ phim tài liệu của chương trình tự nhiên 50/50 hiện đã có thể xem được tại trang web của chương trình này.
Nó ngầm quay được cảnh một tay buôn lậu đưa sừng tê giác cho một người có vẻ là nữ nhân viên sứ quán Việt Nam.
Sau đó, đoàn làm phim đến sứ quán, vặn hỏi người phụ nữ rất giống với người trong phim, nhưng bà phủ nhận.
Chương trình 50/50, chuyên bàn về quan hệ giữa con người và tự nhiên, so sánh việc buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi đem lại lợi nhuận tương tự buôn ma túy, kim cương và buôn người.
Nhu cầu lớn tới mức có những kẻ thậm chí đột nhập vào bảo tàng để ăn cắp sừng, như vụ trộm ở Pretoria năm 2002.
Mới hồi tháng Tư năm nay, bọn trộm đã vác hai sừng ra khỏi một bảo tàng ở Cape Town.
Theo bộ phim tài liệu, cái gọi là tác dụng cường dương của sừng tê giác chỉ là huyền thoại không thực, nhưng một số nơi, gồm cả châu Á, vẫn tin vào chuyện này.
Jaap Pienaar là nhân viên thanh tra thuộc Sở Kinh Tế, Môi Trường và Du Lịch ở Eastern Cape.
Theo Jaap, những tay buôn lậu đã lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống cấp phép săn bắn tê giác của Nam Phi để đưa sừng tê giác mua lậu ra khỏi đất nước.
Hồi tháng Tư năm nay, tại sòng bạc Kimberley, một công dân Việt Nam bị bắt giữ về tội tàng trữ sừng tê giác.
Bộ phim nói tuy không xác định được đây có phải là nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi hay không, nhưng ông ta lái một chiếc xe của tòa đại sứ.
Hai công dân Việt Nam khác cũng đã bị bắt giữ tại Sân bay quốc tế OR Tambo hồi tháng Bảy 2007 cùng bốn sừng tê giác. Hồi đầu năm nay, 18 kg sừng từ Nam Phi đã bị thu giữ khi được vận chuyển từ Nam Phi về tới Hà Nội.
Theo dõi và quay phim
Khi nhận được tin báo là có người từ Toà Đại Sứ Việt Nam lại dính dáng vào các vụ buôn bán sừng tê giác, nhóm làm phim Nam Phi lên kế hoạch theo dõi.
Nghi ngờ về một đơn nộp tại Eastern Cape, xin bán sừng tê giác cho một công dân Việt Nam tại Pretoria, nhóm làm phim đã lần theo dấu vết một người đàn ông Nam Phi, người bị tình nghi là kẻ môi giới.
Họ có mặt bên ngoài tòa sứ quán Việt Nam ở Pretoria và chứng kiến vụ trao đổi.
Nhan viên Tòa Đại sứ CSVN bỏ sừng tê giáo và xe |
Sau khi đàm phán thêm, người phụ nữ quay vào sứ quán và trở ra với một thứ trông giống như túi đựng quà, nhưng nhóm điều tra cho rằng đó là tiền thanh toán cho vụ mua bán.
Phóng viên điều tra Johann Botha sau đó đi tới sứ quán và gặp người phụ nữ ở quầy lễ tân, tự xưng tên là Dung.
Đoàn phim nhận xét bà Dung trông rất giống với người phụ nữ đã mua sừng tê giác.
Bà được cho xem đoạn phim, nhưng bác bỏ, nói rằng đó không phải là bà trong đoạn phim.
Đoàn phim yêu cầu được gặp cấp trên, nhưng bà Dung nói ông đại sứ đi vắng và yêu cầu họ ra về.
Im lặng
Phóng viên Johann Botha nói trong vài tuần tiếp theo, họ viết nhiều lá thư, gọi nhiều cuộc điện thoại tới cả Bộ Ngoại giao Nam Phi lẫn Toà đại sứ Việt Nam để lấy phản ứng.
Toà đại sứ Việt Nam nói họ ủng hộ luật chống buôn bán tê giác, nhưng đề nghị có cuộc phỏng vấn không ghi hình.
Khi chương trình nói họ cần có phản ứng chính thức, phía Việt Nam im lặng.
Ngay cả giới chức ngoại giao Nam Phi, theo chương trình 50/50, cũng lấy đủ lý do từ chối và rồi thôi không trả lời điện thoại.
Bình luận của độc giả BBC:
Sam, TPHCM: Tiêu rùi, làm sao mà cãi được đây? Đề nghị đảng ta yêu cầu BBC không nên đưa tin tầm bậy để tránh mối bất hòa với NAM PHI, phải bắt mấy tay quay phim lén và mấy nhà báo nước ngoài đăng tin bỏ tù mới được.
Phi SG: Nếu đúng là bà Dung có liên quan đến mua bán sừng Tê giác thì cũng không phải là điều gì ghê gớm lắm. Ở VN, một ông thanh tra Chính Phủ khi bị phát hiện trong cặp có nhiều phong bì tiền đã thản nhiên thừa nhận đó là tiền dùng để mua sừng tê giác mà. Trong suy nghĩ của ông ta mua bán sừng tê giác chẳng có gì quan trọng nó bình thường hơn việc ông nhận phong bì biếu của quan chức địa phương. Bình thường thôi sừng tê giác ơi!
Hai SG: Nước ta còn nghèo, quỹ đồng lương còn hạn hẹp nên tranh thủ kiếm tý mang về nuôi vợ con, làm giảm gánh nặng cho xã hội, có sao đâu mà mọi nguời lại lên án dữ vậy? Ở địa vị các bạn, các bạn có làm như vậy không?
Dinh Tran, Nam Định : Tôi đã xem đoạn video rồi, kẹt cho nhân viên này quá. Người của Đảng CS Việt Nam đâu có quen nhận lỗi đâu. Lỡ chối rồi thì bây giờ phải chữa làm sao đây. Điều này thì người trong nước dễ thông cảm hơn người nước ngoài.
Quang: Xem phim, bằng chứng rõ ràng như vậy mà còn chối cãi, chưa đủ nhục sao? Đến bao giờ những công dân VN "thượng đẳng" nầy mới mới có lòng tự trọng? Cũng giống như ông Sỹ trong vụ PCI, bà Dung có thể chỉ là người đứng ra nhận hàng thôi. Đằng sau bà Dung có thể có cả một tổ chức buôn lậu. Nếu cá nhân bà Dung làm chuyện nầy, chắc bà không dễ dàng sử dụng tòa sứ làm điểm giao dịch.
---------------------
2/ BBC: Xác định danh tính nhân viên sứ quán
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Trần Duy Thi nói đã xác định được danh tính người của đại sứ quán trong đoạn băng được coi là quay cảnh buôn lậu sừng tê giác.
Ông Thi nói với BBC rằng người trong băng video được xác định là bà Vũ Mộc Anh, Bí thư thứ nhất nhưng "đương sự chưa chịu nhận".
"Người ta (bà Anh) thừa nhận đã đứng ở đó nhưng không buôn bán gì cả. Nhưng khi đã vi phạm thì người ta cố tình bao che và chối cãi thôi."
Trước đó, chương trình truyền hình 50/50 của Nam Phi công bố đoạn băng nhân viên đại sứ quán đang nhận sừng tê giác từ một tay buôn lậu ngay trước cửa cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở thủ đô Pretoria.
Đại sứ Trần Duy Thi nói rằng việc làm như vậy "chắc chắn làm mất uy tín của đại sứ quán".
"Cô ấy thực hiện việc đó ngay trước cửa sứ quán nên người ta nghĩ sứ quán liên quan. Nhưng đây chỉ là hành vi của cá nhân."
'Nhục nhã'
Được biết, sau một sự cố cách đây hai năm, các nhân viên sứ quán Việt Nam ở Nam Phi đã thường được nhắc nhở trong các cuộc họp về chuyện không được tham gia buôn lậu sừng tê giác.
Ông Thi nói "sẽ phải làm rõ mọi chuyện để bảo vệ uy tín của sứ quán và nhà nước Việt Nam".
"Chuyện này rất nghiêm trọng. Người ta quay hình cả lá cờ Việt Nam như thế. Quá nhục nhã."
Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Nam Phi cũng cho biết thêm rằng biện pháp xử lý trước mắt đối với nhân viên ngoại giao vi phạm "có thể là gọi về nước sớm".
Cũng theo ông Thi, hồi năm 2006, một tùy viên thương mại cũng liên quan tới một vụ tương tự và đã bị gọi về nước ngay.
Hồi tháng Bảy 2007, hai công dân Việt Nam khác cũng đã bị bắt giữ tại Sân bay quốc tế OR Tambo cùng bốn chiếc sừng tê giác.
Đầu năm 2008, 18 kg sừng đã bị thu giữ khi được vận chuyển từ Nam Phi về tới Hà Nội.
50/50 là chương trình truyền hình chuyên về quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Những người làm chương trình cho rằng việc buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi đem lại lợi nhuận tương tự buôn ma túy, kim cương và buôn người.
Dưới đây là phần bình luận của độc giả BBC:
quenhoai: Chuyện bà Anh có đúng là buôn lậu hay không? Gái Việt làm dâu ĐL, đòi hối lộ... Rõ ràng đó là một việc làm của một số cá nhân cá biệt, đáng buồn là những việc làm đó đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh nước VN ta. Nhưng từ những việc đó để suy diễn đến việc đòi đất ở HN, phát ngôn cẩu thả của ông gì gì tổng giám mục (tổng giám mục không viết hoa nhé, và tôi cũng không quan tâm là người đó có phát biểu những câu như vậy hay không) cũng là một sự việc làm cho hình ảnh nước VIET hoen ố thêm thôi.
Không nêu tên: Qua những sự việc gần đây như nhận hối lộ trong dự án đại lộ Đông tây TP. HCM, buôn lậu sừng tê giác của nhân viên sứ quán VN ở Nam Phi và vụ việc ngưng cấp Visa cho người Việt ở Cộng hòa Séc, thì chúng ta mới thấy rằng lời nói của TGM Ngô Quang Kiệt là sự thật, là lời nói của người trăn trở với nỗi đau của dân tộc, lời nói của người yêu nước muốn cảnh tỉnh mọi người nhưng tiếc thay đã bị người ta bóp méo. Tôi nghĩ sẽ còn rất nhiều vụ việc khác nữa. Ôi thật nhục nhã thay những kẻ vô luân đã làm nhục quốc thể.
ShinRa, Hà Nội: Tôi cảm thấy rất là nhục nhã khi cầm tờ hộ chiếu Việt Nam.
VNV: Cần nghiêm trị những kẻ làm nhục quốc gia, dân tộc. Bảo sao dân Việt mình đi qua hải quan nước nào cũng bị soi mói rất kỹ.
Dinh Tran, Nam Định: Thương quá Việt Nam ơi. Một người dân yêu đất nước thì không ai muốn làm cho hình ảnh của tổ quốc mình xấu đi trong mắt bạn bè như vậy. Liệu đánh giá là người Việt Nam chúng ta không tự hào về dân tộc mình hay vì "nghèo quá làm liều". Nghèo thì tội ai vậy?
Hien VN: Ông Thi nói "... Chuyện này rất nghiêm trọng. Người ta quay hình cả lá cờ Việt Nam như thế. Quá nhục nhã." Lời phát biểu này xuất phát từ chính đại diện nhà nước Việt Nam chứ không phải do những người chống đối. Điều này chứng minh rằng: Lời nói của ĐTGM Kiệt ngày 20/9/08 tại UBND Hà Nội thật chính xác. Không biết những nhà lãnh đạo trong nước có cảm thấy như vậy không?
Conan Sài Gòn: Ông Thi cũng nói Người ta quay hình cả lá cờ Việt Nam như thế. "Quá nhục nhã." Đảng CS VN hãy đấu tố ông Thi trên các báo đài giống như Cha Kiệt đi.
Poorman VN: Mấy hôm trước cứ tưởng nhân viên lễ tân ĐSQ VN buôn lậu sừng tê giác, bây giờ rõ ra là "bà lớn thứ thiệt" (bí thư thứ nhất!) chớ không phải một "tay xoàng" nào! "Đi đêm có ngày gặp ma!", chắc đây không phải là lần đầu tiên của Bà Anh, quả là xui xẻo cho năm mới Tết sắp đến! Các ĐSQ VN khác trên thế giới nên lấy đó làm gương!
Nobody: Việc nhân viên đại sứ quán Việt Nam đi buôn lậu không chỉ làm mất uy tín của riêng đại sứ quán mà nó còn làm mất đi uy tín và danh dự của nước Việt Nam trong công đồng quốc tế. Tốt nhất nên công khia nhận lỗi trước đồng bào Việt Nam và xin tự xử.
haythacmac TP HCM: Qua các sự kiện như tuyển chọn cô dâu VN cho ĐL, HQ; đòi hối hộ tại dự án đại lộ Đông Tây TPHCM; CH Séc ngưng cấp visa và buôn lậu tại sứ quán ở CH Nam Phi thì có lẽ lời phát biểu của ĐTGM Ngô Quang Kiệt xuất phát từ cảm nhận buồn đến xót xa của một người yêu nước, lo cho tương lai đất nước và đã nói lên sự thật. Tôi đang ở trong nước cũng đã cảm thấy xấu hổ với những chuyện như vậy chứ đừng nói đi ra nước ngoài.
(Nguồn: BBC.co.uk/vietnamese 19 Tháng 11 2008 - Cập nhật 10h32 GMT)
-------------------
3/ Vietnam.net: Triệu hồi cán bộ ngoại giao mua bán sừng tê giác
Ngày 19/11, Bộ Ngoại giao cho biết, bà Vũ Mộc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, người liên quan đến thông tin đã tham gia giao dịch mua bán sừng tê giác, bị triệu hồi về nước.
Bộ Ngoại giao cho biết: Ngay sau khi báo chí Nam Phi đưa tin truyền hình nước này ghi được hình nhân viên Đại sứ quán Việt Nam giao dịch mua bán sừng tê giác, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi xác minh ngay thông tin và báo cáo về nước.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã quyết định triệu hồi bà Vũ Mộc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, người có liên quan đến tin đã đưa, về nước để tường trình và làm rõ sự việc.
Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Chủ trương nhất quán của Việt Nam là tích cực bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, nghiêm cấm các hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Chủ trương của Bộ Ngoại giao là nghiêm khắc xử lý mọi hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và các hành vi tiêu cực khác theo đúng các quy định của luật pháp Việt Nam và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
(Nguồn: Xuân Linh, Vietnamnet.vn 20:47' 19/11/2008 (GMT+7)
Tầm 23h50, một loạt các xe máy chạy đến cổng nhà thờ. Được biết, đó là giáo dân của các xứ Phùng Khoang, Hà Đông, cách Thái Hà 10km. Những giáo dân này cho biết, họ nhận được những cú điện thoại lạ báo tin Đền Giêrađô lại bị tấn công, vì thế họ vội vàng phóng xe đến. Một linh mục liền đi ra và nhắc họ: “Từ nay, anh chị em nhận được điện thoại của người thân quen báo tin như thế thì anh chị em mới tin nhé”.
Sáng nay (19.11.2008), các cha Thái Hà đón tiếp những phái đoàn khác nhau đến vấn an. Trước tiên, lúc 8h30 cha Bề trên chánh xứ Matthêu Vũ Khởi Phụng tiếp tùy viên của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ông Marchant Christian. Được biết, vị quan chức này đến, trước là vấn an, sau là hỏi thăm tình hình cụ thể sự việc Thái Hà bị tấn công đêm ngày 15.11.2008.
Sau đó, khoảng 9h20, có những tăng ni phật tử cũng đến vấn an các linh mục và giáo dân Thái Hà và bày tỏ quan điểm của mình trong vụ việc đêm ngày 15.11.2008. Một nicô cho biết: “Tôi chỉ biết sự việc này khi đọc được lời phát biểu của ông Lê Dũng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng trên báo Hà Nội Mới”. Khi được hỏi quan điểm của mình về lời phát biểu của ông Lê Dũng, Nicô này trả lời: “Chính vì muốn kiểm chứng thực hư của lời phát biểu mà tôi đến đây”.
Lũ dâng,
Nước ngập,
Lòng đau xót,
Thương đàn chiên nhỏ chốn trần ai.
Mặc cho sóng nước mênh mông ấy
Hiểm nguy từng bước, vẫn miệt mài.
"Mục tử nhân lành" thăm xóm nhỏ
Trời quang mây tạnh, gió thơm hương
An ủi đàn con trong nguy khó
Vì ai nên nỗi, luống đoạn trường.
Lũ quan.
Yên vị
Lòng thơ thới
Chửi bới dân lành: chẳng tự lo,
Không tự cứu mình, còn ỷ lại,
Có đâu mà sẵn của trời cho !
Ngày xưa, quan nói: "ngày xưa" ấy
Đồng tiền cứu trợ khắp muôn phương,
Quan được hưởng nhờ, nên quan tốt.
Ô-tô lớn, nhỏ xuống hiện trường.
Ngày nay mấy ai còn tin tưởng,
Lấy gì quan hưởng, mà quan cho.
Chỉ thương dân lành, lo cuộc sống.
Phải tự cứu mình, tự cứu nhau.
Tê giác gần tuyệt chủng ở Nam Phi |
Truyền thông nước này còn đề cập đến một góc độ khác là thói ăn uống của người Việt.
Họ có vẻ không hiểu rằng với không ít người Việt Nam, tê giác là một thứ ‘đặc sản’.
Rusty Hustler, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Tê giác và Voi ở Cộng hòa Nam Phi được trích lời nói:
"Họ đòi hỏi những bộ phận của tê giác mà chúng tôi chưa bao giờ thấy những người khác đòi. Họ lấy dương vật, tinh hoàn, gan, thận, tim, phổi và cả bốn lít tiết để chế biến rồi ăn."
Nói về những vụ săn tê giác hợp pháp ở Nam Phi, ông tỏ ý ngạc nhiên rằng người đi săn Đông Á, như nhóm người Việt Nam trong hình chụp được, “quan tâm nhiều đến việc lấy sừng và lục phủ ngũ tạng của con vật hơn là đi săn”.
Hành vi của những vị khách đến Nam Phi để ‘ăn gan tê giác’ đã ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt nói chung.
Họ lấy dương vật, tinh hoàn, gan, thận, tim, phổi và cả bốn lít tiết để chế biến rồi ăn
Rusty Hustler nói về người đi săn Việt Nam
Ta có thể phản bác rằng các dân tộc khác cũng có những thói quen ăn uống kỳ quái hay dị hợm.
Không chỉ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ mà người Pháp chẳng hạn ăn cả ốc sên, người Ba Lan ăn tiết vịt, người Bắc Âu ăn cá sống v.v.
Việt Nam cũng hoàn toàn có thể nói rằng tê giác không phải là món ăn thường có ở Việt Nam và những người đi săn kiểu du lịch kia chỉ là thiểu số.
Ăn gì bổ nấy?
Nhưng điều khó phủ nhận là niềm tin 'ăn gì bổ nấy' qua thực đã là một phần của văn hóa ẩm thực người Việt và cả một số nước châu Á.
Những du khách Phương Tây có đầu óc ‘phiêu lưu’ khi sang các nước châu Á đều muốn thử xem các món ăn lạ thế nào.
Nghệ sĩ hài Paul Merton của Anh trong loạt phim về Trung Quốc đã ăn thử món "cẩu pín rán tẩm ớt", khiến khán giả lè lưỡi thán phục.
Trẻ em cần được học về thế giới tự nhiên và động thực vật, kể cả các loài đã tuyệt chủng
Nhưng với dư luận chung, ít ra là ở châu Âu, thói tìm để giết ăn các động vật lạ, quý hiếm, thậm chí sắp tuyệt chủng bị coi là thiếu văn minh.
Phương Tây đã đi qua giai đoạn đó và người ta dạy cho trẻ em tình yêu thú vật và thái độ tôn trọng thế giới tự nhiên.
Ngày xưa, từ Đông sang Tây, người ta đều tin vào sức mạnh thần bí hay chất bổ đặc biệt từ thịt và tiết của các động vật hoang dã.
Nhưng việc dùng hình ảnh hay da, lông, móng của chim thú để tăng sức mạnh cho mình theo tín ngưỡng totem nay đã thành các biểu tượng và chỉ biểu tượng mà thôi.
Quốc huy nhiều nước hay vật tổ của nhiều thành phố Âu Mỹ vẫn có hình gấu, đại bàng, sư tử hay ngựa.
Tuy thế, người ta không còn đem các con vật đó ra đánh chén mỗi khi có dịp.
Đây chính là dấu hiệu của sự vươn lên trong văn hóa, vượt khỏi hành động thực tế là nấu cháo gấu hay nhậu gan tê giác.
Tất nhiên, trong thời toàn cầu hóa, ai cũng có quyền tin rằng mình là đúng và sẽ các lý lẽ như ‘bản sắc văn hóa’ để biện hộ.
Nhưng ngược lại, người ta cũng có quyền duy trì các định kiến về chúng ta.
Trong vụ ‘ngoại giao tê giác’ này, Việt Nam đã thua một bàn trông thấy.
Hành vi quấy rối những nơi tôn nghiêm thờ phượng, xâm phạm các biểu tượng tôn giáo, xưa nay đều bị xem là những việc làm đáng nguyền rủa.
Giáo xứ Hàm Long, Hà Nội, hiệp thông với Thái Hà (16.11.2008) |
Các tài liệu dùng cho binh lính miền Nam ngày xưa cũng đều ghi rõ, trong điều kiện giao chiến bình thường, những nơi thờ tự cần tránh gây thiệt hại tối đa. Vì vậy, chẳng phải ngẫu nhiên khi xảy ra vụ tấn công của cộng quân vào nội thành Huế trong dịp Tết Mậu Thân (1968), nhiều ngàn người thường dân đã chọn nơi ẩn náu là nhà thờ Phủ Cam thay vì khu vực cổ thành với nhiều di tích lịch sử quí giá, cũng được xem là cần phải bảo vệ khỏi bom đạn.
Cách nay hơn 8 năm ở Afganistan, khi phe Taliban dại dột ‘dương oai’ thách thức thế giới văn minh bằng hành động đại bác nã đạn phá hủy bức tượng Phật lớn nhất và cũng cổ xưa nhất thế giới, họ cũng không ngờ rằng đó chính là hành động tự tay thắt lấy cổ mình. Vì kể từ sau thời điểm ấy, các quốc gia Hồi giáo trong vùng Trung Đông là đồng minh và là nguồn cung cấp tài lực chính cho họ đã ngừng ủng hộ khiến cho phe này nay đang phải chết dần chết mòn trong rừng rậm Afganistan, mấy năm qua thế giới không còn nghe nhắc đến Taliban nữa.
Các điều trên cho thấy chùa chiền và nhà thờ luôn được xem là những chốn linh thiêng, xâm phạm những nơi này sớm muộn gì cũng sẽ phải trả giá.
Trước chuyện đập phá Đền Giêrađô của Thái Hà, bức tượng Đức Mẹ Sầu bi ở Đồng Đinh cũng đã từng bị quân dữ là chính quyền sở tại đập gãy nát, những việc chưa từng xảy ra trong xã hội miền Bắc cả trong thời chiến trước đây.
Trong một bối cảnh đạo công giáo nhiều chục năm liền bị ngầm ngược đãi, những chuyện tưởng như không thể xảy ra nay mọi người đã tận mắt chứng kiến, nhiều người phải lo lắng và tự hỏi, điều gì đang xảy ra cho giáo xứ Thái Hà như tên các bài viết của nhiều tác giả trên VietCatholic gần đây, mọi người ngơ ngác hỏi nhau “chính quyền hành xử kiểu gi?” hay “Phải hiểu thế nào về hành động của nhà cầm quyền Hà Nội?” v.v…
Lời ‘Tuyên Chiến’ Công Khai
Trước hết chúng ta phải thấy rõ một điều, vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ dưới cái nhìn của nhà cầm quyền VN, từ ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng cho đến các ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, ông Nguyễn Đức Nhanh Giám đốc Sở CATP… Đức cha Ngô Quang Kiệt được họ đánh giá là đạo diễn chính của bộ phim ‘cầu nguyên đòi công lý’ tại TKS và Thái Hà. Kiểm chứng lại tất cả những lời tuyên bố gần đây từ tháng 9 đến nay của tất cả các vị trên ta thấy rõ điều này, cái tên “Ngô Quang Kiệt” được họ chăm sóc rất kỹ.
Do vậy, mặc dù ‘rắc rối’ xảy ra với xứ Thái Hà nhưng lại không thể không liên quan đến những gì ông Nguyễn Thế Thảo bày tỏ công khai với các vị đại sứ trong cuộc họp gần đây, rằng họ muốn loại đức cha Kiệt khỏi giáo phận Hà Nội.
Thật ra những lời tuyên bố như vậy với ngoại giao đoàn cũng là việc bình thường không có gì đáng ngại nếu UBND Tp.HN vẫn cứ tiếp tục thực hiện nó một cách công khai, đúng như cách họ tổ chức họp báo để đưa ra lời tuyên bố. Khi ấy chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng xem tính chất hợp ký của luật pháp VN đến đâu, cũng như liệu Tòa thánh Vatican và Hội đồng Giám mục VN chịu ngồi yên nhìn ông ta ‘lộng hành’ tới đâu?
Nhưng vấn đề trở nên đáng ngại ở chỗ, động thái thăm dò dư luận qua cuộc họp báo này đã không thành công như ông Thảo mong muốn. Mặc dù các đại diện ngoại giao dường như không bày tỏ ý kiến công khai phản đối ngay tại cuộc họp, nhưng ngay sau đó đã có nhiều ý kiến ngay cả từ phía bộ ngoại giao cho rằng ông ta đã lộng quyền gây khó cho họ. Tư cách chủ tịch một UBND tỉnh không cho phép ông ta đủ thẩm quyền để tổ chức môt cuộc nói chuyện với các đại sứ, nhất lại là về một đề tài hết sức nhạy cảm liên quan đến một vị lãnh đạo cao cấp của giáo hội trong hoàn cảnh chuyện Thái Hà và TKS vừa mới lắng xuống, kinh tế còn bao khó khăn cần ưu tiên giải quyết.
Nhưng thất bại lớn nhất đối với ông Thảo trong chuyện này chính là việc mấy ngày sau, 22/10 các dân biểu của Nghị viện Châu Âu đã thống nhất yêu cầu Ủy hội châu Âu đánh giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam "dựa trên tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và quyền cơ bản" cũng như có cơ chế đánh giá rõ ràng đối với các dự án phát triển ở Việt Nam để bảo đảm các tiêu chuẩn về nhân quyền. Nghị quyết mới ra cũng khuyến cáo không ký hiệp định mới với Hà Nội chừng nào các vi phạm chưa được chấm dứt.
Tưởng cũng cần phải nói thêm, buổi họp báo của UBND Tp.Hà Nội cũng còn là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy, chính quyền VN chỉ sợ áp lực ngoại giao, bởi nó gắn liền với những quyền lợi kinh tế giúp họ củng cố việc cai trị. Chỉ duy nhất vì lý do này mà trước khi ‘nặng tay’ với đức cha Kiệt, họ mới phải lo tổ chức họp báo để thăm dò phản ứng các nước, vì biết rõ đó là những chuyện sai trái mà không cần đếm xỉa gì đến luật pháp.
Tất nhiên thời điểm ra đời Nghị Quyết của Quốc hội EU chỉ là sự trùng hợp. Chính xác hơn thì chính thái độ xem thường dư luận của Hà Nội sau khi được gia nhập WTO đã mạnh tay đàn áp phong trào dân chủ và tôn giáo, đã khiến nước trong chiếc ly bị đầy lên tới miệng, sớm muộn gì cũng sẽ phải trào ra. Nếu không có những lời tuyên bố của ông Thảo, chắc chắn EU cũng sẽ ban hành nghị quyết này, vì sự độc đoán của nhà cầm quyền VN đã mỗi lúc một thêm nghiêm trọng.
Nhưng vì nó diễn ra chẳng mấy ngày sau thời điểm tổ chức cuộc họp với ngoại giao đoàn ở HN, vì thế, bản Nghị quyết của Ủy Hội Châu Âu được thông qua với đa số áp đảo (479 thuận /21 chống) đã trở thành cái tát mạnh vào mặt ông Thảo và đảng của ông ta, khi biết rằng, giao thương giữa EU và VN hiện đang chiếm tỷ trọng 20% tổng trị giá xuất khẩu hằng năm và bị cạnh tranh quyết liệt với chính ‘đàn anh’ TQ ở mọi lĩnh vực gia công may mặc, giày dép và hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm v.v… Sự cố bất ngờ trên diễn ra trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đã khiến nhiều công ty lớn ở trong nước bỗng dưng bị trở thành nạn nhân của chính nhà nước mình, việc xuất khẩu sang EU sắp tới đây có nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp.
Sau cuộc họp báo bị nhiều người cho là ‘vô lối’ và gặp thất bại, ông Thảo bị xem như kẻ ‘tội đồ’ vì đã đổ thêm giọt cuối cùng khiến nước tràn khỏi ly, EU không còn đủ sức chịu đựng thêm trước những cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở VN bấy lâu nay.
Cuộc họp do ông Thảo chủ xướng hôm 15/10 về việc lên án Đức Cha Ngô Quang Kiệt, càng khiến cho tập hồ sơ nhân quyền VN bị dày thêm lên vài trang và càng có lý do khiến những nhà đàm phán của EU nay mai sẽ tỏ thái độ cứng rắn với chính quyền VN hơn nay mai.
Sang Lặng Lẽ Với Thủ Đoạn?
Trước những bất lợi ngoài dự trù như trên, chúng ta không biết liệu ông Thảo có xứng đáng bị đảng ‘nhắc nhở’ hay không, nhưng rõ ràng ‘cái gai’ Tổng Kiệt các Cha Thái Hà như LM Chánh xứ Vũ Khởi Phụng chắc chắn không thể một sớm một chiều mà ông ta cảm thấy hết… ‘ngứa mắt’!
Vì vậy, liệu kế hoạch ‘X’ công khai trước kia nay có bị chuyển thành những bước ‘Y’ âm thầm để tránh sự chống đối hay không?
Khi nêu lên những vấn đề trên, chẳng phải do giàu trí tưởng tượng mà chính những gì đã từng xảy ra cho giáo hội với những trò xâm nhập, gài bẫy, ly gián, mưu sát hàng ngũ lãnh đạo giáo hội công giáo thời gian sau 1975 buộc mọi người phải cảnh giác với mọi thủ đoạn của nhà cầm quyền, khi chúng ta đã từng thấy những loại văn thư ‘TỐI MẬT’ trong nội bộ họ để chỉ đạo bên dưới thực hiện điều này việc nọ.
Những gì đang diễn ra tại Thái Hà rất có thể đó chính là những biểu hiện của một ‘chiến dịch gây hấn’ mới với giáo xứ Thái Hà cũng như với giáo phận Hà Nội dưới quyền của đức TGM Ngô Quang Kiệt. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, chỉ cần một sự sơ hở nào đó của các lãnh đạo giáo hội là sẽ bị chính quyền ra tay hành động.
Hãy nhìn ngắm kỹ về điều mà nhà cầm quyền Hà Nội đổ lỗi gọi là ‘quần chúng tự phát’ với những kẻ được nhiều giáo dân mô tả như những người không có tư cách, lần trước là các học viên cải tạo cai nghiện, để thấy rõ những dấu hiệu bất thường của hành vi gây hấn vừa qua:
- Làm sao lũ ‘quần chúng tự phát’ nghiện ngập và rượu chè kia với mối quan tâm hàng đầu của chúng chỉ là các cữ hút, những chén rượu mỗi ngày?
- Làm sao có thể ‘phát’ khi mà bản thân họ đi đứng còn chưa vững, còn là những gánh nặng cho chính gia đình họ và cả xã hội?
- Và xa hơn, làm trong những cái đầu chỉ còn biết lo tìm những thú vui chết người với kim chích và ống hút, với bàn rượu ‘chén tạc chén thù’ lại có đủ lý trí suy xét đến ý nghĩa của sự kiện Thái Hà-Tòa Khâm Sứ, nói gì đến hành động phản kháng mang những ý nghĩa chính trị sâu xa?
Vì vậy, chắc chắn phải có những bàn tay ‘lông lá’ của những kẻ có chức có quyền tại chính địa phương này đứng sau lưng điều khiển lũ rối này.
Về tầm vóc của vụ việc, đối với phường Quang Trung của Hà Nội hay bất cứ phường nào trên cái lãnh thổ VN này, ông bà nào đã ‘leo’ tới chức chủ tịch chắc chắn cũng đều biết sự kiện Thái Hà vừa qua chẳng phải là chuyện nhỏ. Do vậy, chắc chắn chẳng vị chủ tịch phường tép riu nào mà lại khơi khơi dám tự ý ‘đụng’ vô Thái Hà lên nếu không nhận được chỉ thị từ cấp trên cỡ như ông chủ tịch Thảo của Tp.HN.
Và sở dĩ những hành vi vô liêm sỉ tấn công nhà thờ như vậy diễn ra một cách công khai, là vì “giáo xứ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, TGM Ngô Quang Kiệt v.v…” kể sau chiến dịch bêu rếu rầm rộ diễn ra, đã bị quét lên mình mấy chữ “phản động”, thậm chí trong nhãn quan của nhiều người, “đạo công giáo” bây giờ còn bị kết tội một cách ngấm ngầm là nhân tố đang gây bất ổn cho xã hội (!) bằng chứng là đảng CSVN đã ban hành những chỉ đạo ngầm về vụ Thái Hà và TKS như những gì chúng ta mới đọc trong xấp tài liệu mật của Quận Ủy Q3 đăng trên VietCatholic hôm nay 19/11.
Chính vì vậy, mới có những người như ông chủ tịch phường Quang Trung quận Đống Đa Tp.Hà Nội dám công khai xuất đầu lộ diện cùng lũ gây rối mà không hề cảm thấy ngại ngùng. Làm điều sai trái mà vẫn bằng một cung cách đường bệ chẳng cần lén lút, khác hẳn với cung cách ‘thậm thà thậm thụt’ của mấy anh công an mỗi khi ăn hối lộ ngoài đường.
Nhìn cái thái độ thản nhiên gây rối và phạm luật của họ, chúng ta còn có thể lý giải theo cách nào cho xác đáng hơn ngoài việc tin rằng từ đáy lòng ông chủ tịch này đã xác tín được một điều, làm sai gì và với ai thì còn sợ nhưng với Thái Hà, với TKS, với ‘ông tổng Kiệt’, với đạo công giáo … chắc chắn chẳng những không bao giờ bị cấp trên khiển trách mà còn được khuyến khích. Bởi “Việc gì phải lo khi mà sếp lớn của mình là Nguyễn Thế Thảo đang rất muốn kiếm chuyện tạo cớ để ‘tống cổ’ ông Kiệt và mấy gã thầy tu Thái Hà ra khỏi Hà Nội?”
Chính sự tỏ ra hiểu biết hết sức rành rẽ câu chuyện quấy rối xứ Thái Hà mà lại cứ chối tội bai bảy của ông Lê Dũng trước báo chí, càng cho chúng ta thấy, ông ta đang tự thú rằng ‘lạy ông con ở bụi này’.
Bởi nếu chỉ là một vụ đánh nhau gây gổ bình thường thì mỗi ngày trên đất nước này có hàng vài trăm vụ ẩu đả như vậy xảy ra, làm sao ông ta nắm hết để trả lời khẳng định ‘không hề có tổ chức’ trước báo chí một cách rành rọt đến thế?
Kết luận
Bài viết này tuy chưa dám khẳng định chắc chắn ông chủ tịch Nguyễn Thế Thảo là người đang đứng sau vụ quấy rối giáo xứ Thái Hà, nhưng bằng xâu chuổi tất cả các sự kiện có liên quan lại với nhau, chúng ta thấy khả năng này là không thể không đặt ra trong hoàn cảnh hiện nay.
Trước những điều quá hiển nhiên không thể chối cãi mà nhà nước VN, qua miệng ông Lê Dũng vẫn cứ chối không chút ngượng miệng, thì không ai biết nổi liệu sẽ còn có thêm những chuyện lạ nào khác xảy ra cho giáo xứ Thái Hà và cho Đức TGM giáo phận Hà Nội?
Mấy chục năm chung sống với một chính quyền ‘noí một đằng làm một nẻo’ thiết nghĩ đã quá đủ để rút ra kinh nghiệm xương máu rằng cộng sản là cha đẻ của những kiểu hành xử ngược đời. Và trong hàng ngũ đảng của họ không bao giờ thiếu những ‘bậc thiên tài’ nghĩ ra trăm ngàn ‘sáng kiến cải tiến bất ngờ’ gây điêu đứng cho những ai, một khi đã bị họ liệt vào thành phần có tư tưởng phản loạn, là nhân tố nguy hiểm cho chế độ. Những quỷ kế mà không một con người tử tế bình thường nào có thể nghĩ với tới.
Vì thế ngày nào còn cộng sản, ngày ấy chắc chắn con số nạn nhân của họ còn tiếp tục tăng.
Sàigon, 20/11/2008
Phong trào đòi công lý dưới ống kính ký giả Hauter (François Hauter, envoyé spécial à Hanoï, Le Figaro 13/11/2008). Nhà báo Hauter nhấn mạnh các điểm được tóm lược như sau:
1.- “Giáo hội công giáo kháng cự lại chính quyền. Trong lúc chính quyền cộng sản bảo vệ quyền lợi của thành phần tham nhũng của chế độ, thì giáo hội là chỗ nương tựa của những người thấp cổ bé miệng.”
2.- “Từ vài tháng qua, Giáo Hội Công Giáo đã phải đứng ra như một đối lực duy nhứt có khả năng chống lại chế độ Hà Nội, và bắt buộc chế độ phải nghe theo”.
3.- “Rõ ràng là đảng cộng sản đang trắc nghiệm khà năng đối kháng ấy. Tại Việt Nam, kể từ khi “cách mạng” 1945 đến nay, đó là hiện tượng chưa từng thấy”.
4.- “Giữa hai thế lực đã từng đọ sức với nhau từ một nửa thế kỷ qua, con người cộng sản và các giám mục Việt Nam đã biết rành thực chất của nhau. Tại Hà Nội, hai bên tồn tại trong một thế chung sống bắt buộc và căng thẳng, thường là đau khổ chớ chẳng phải mặn nồng đối với người công giáo. Giáo Hội công giáo là cộng đồng duy nhứt, của toàn dân, dám nói lên tiếng nói của mình. Chỉ có công giáo mới mạnh dạn biểu tình công khai”.
5.- “Trong bối cảnh thời hậu-cộng sản, vô luật lệ và chẳng quyền hành gì, Giáo Hội giúp đỡ dân nghèo nàn, trêu cợt người quyền thế, nên được coi như nơi chốn nương thân của dân nghèo».
Ông Hauter chỉ là một người ngoại quốc. Nhưng ông đã thấy các nét quan trọng nổi bật ghi trên. Giống những nét căn bản, trên tổng quát, của Công Đoàn Liên Kết Solidarity (Solidarnosc)vào thời điểm họ tranh đấu cho quê hương Ba Lan. Nhờ vị thế và hướng tranh đấu ấy, Công Đoàn Solidarnosc, dưới cờ tiên phong của anh thợ điện Lech Wasela trở thành lãnh tụ, đã giải phóng Ba Lan khỏi CS. Để nắm vững vấn đề đòn bẩy do TKS và Thái Hà tạo ra, chíng ta cần thích ứng tổ chức và hành động và tìm hiểu sức mạnh của phong trào đòi công lý và hòa bình tại quốc nội đã chuyển bánh như thế nào?
Căn bản của phong trào đòi công lý và tư hữu qua cầu nguyện:
Khởi đầu từ TKS lan qua Thái Hà, một lực lượng đông đảo người giáo dân Công giáo đã ý thức về vai trò và trách nhiệm tranh đấu cho công lý qua việc đòi đất đã bị cNhà nước Việt Nam chiếm đoạt bất hợp pháp nay lại muốn khai thác đầu tư thương mại. Qua việc tranh dấu của giáo dân, họ cũng đánh thức được tâm thức quần chúng về quyền lợi và vai trò công dân của mình. Tuy dù giáo dân Công giáo chỉ là phần nhỏ chừng 7% dân số trong số 85 triệu dân Việt Nam, nhưng vì hoàn cảnh, họ đã tạo được bước đột phá và đi tiên phong đòi công lý và tư hữu cho toàn dân tộc. Hiện nay 7% dân số ấy xem như là lực lượng là tiền phong tại quốc nội, nhờ vào hệ thống tổ chức thống nhất và lãnh đạo được đào tạo hẵn hoi, có khả năng đối kháng công khai ngay tại địa bàn Việt Nam do CSVN cầm quyền.
CSVN là một thể chế vô thần và là thể chế của bạo tàn và lừa dối, nên sẽ không thể đứng vững được lâu dài. Đàng khác thể chế này chứng tỏ cho thấy không quan tâm gì tới nhu cầu của nhân dân mà chỉ biết vơ vét, lũng đoạn, hối lộ, và làm giầu cho chính bản thân các cán bộ của đảng gồm chừng 3 triệu đảng viên.
Giáo Hội CGVN qua hành động đòi công lý đang đẩy CSVN vào thế phơi bày tất cả mưu mô xảo trá và những trò khủng bố của họ trước dư luận quốc tế. Sự kiện CSVN đã phải cho Công an và du đãng, dân nghiện ngập từ chổ khác dẫn về Thái Hà và đánh phá vào ban đêm là một dẫn chứng hùng hồn về thói bạo tàn và lường gạt của cộng sản. Sau đó họ còn láo khóet truyền thông rằng đó là "phản ứng tự phát của nhân dân”. Điều này càng làm cho dân chúng bắt đầu hồ nghi về tư cách đạo đức và lối hành xử vô luân và phạm pháp của chính nhà cầm quyền. Dân chúng giờ đây xem ra đã bắt đầu quay lưng và không tin vào nhà cầm quyền nữa, vì trong suốt 60 năm qua đã được ăn những chiếc bánh vẽ và phải hy sinh để tạo dựng cái quái thai CSVN hôm nay.
Phong trào đòi công lý, quyền tư hữu và các nhân quyền đặt căn bản vào hai yều tố: Niềm tin vô biên vào đứng chí tôn và Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới Về Nhân Quyền của LHQ đã được chấp nhận ngày 10/12/1948. Mẫu thước mà các quốc gia hay nhà nuớc trên thế giới đã ký vào. Bản tuyên ngôn ấy gồm 30 điều khỏan. Nay qua tình hình tại Việt Nam. CSVN xem như đã vi phạm, từ tinh thần tới chữ viết, gần hết 30 điều khoản bàn của tuyên ngôn. Vả nặng nề nhất là điều khỏan 5, 11, 17. Xin ghi lại sau đây 30 điểu khoản của bản tuyên ngôn Nhân Quyền của LHQ mà CSVN đã ký.
Tuyên ngôn Nhân Quyền của LHQ
Điều 1: Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.
Điều 2: Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị xã hội.
Điều 3: Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân.
Điều 4: Không ai phải làm nô lệ hay bị cưỡng bức làm việc như nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị ngăn cấm.
Điều 5: Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6: Mọi người đều có quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi.
Điều 7: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy.
Điều 8: Mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bênh vực theo pháp luật trước những hành vi vi phạm các quyền cơ bản do hiến pháp hay luật pháp quy định.
Điều 9: Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán.
Điều 10: Mọi người, với tư cách bình đẳng về mọi phương diện, đều có quyền đươc một toà án độc lập và vô tư phân xử công bằng và công khai để xác định quyền, nghĩa vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội nào đối với người đó.
Điều 11:
(1) Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó dã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.
(2) Không ai bị kết tội hình sự vì một hành vi hay sự tắc trách không bị coi là một tội hình sự theo quy định của luật pháp quốc gia hay quốc tế vào thời điểm đó. Cũng như không cho phép áp dụng hình thức xử phạt đối với một tội hình sự nặng hơn so với quy định của luật pháp lúc bấy giờ cho mức độ phạm tội cụ thể như vậy.
Điều 12: Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
Điều 13:
(1) Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia.
(2) Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.
Điều 14:
(1) Mọi người đều có quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở những nước khác khi bị ngược đãi.
(2) Quyền này không được áp dụng trong trường hợp đương sự bị truy tố vì những tội không mang tính chất chính trị hay vì những hành vi đi ngược lại mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.
Điều 15:
(1) Mọi người đều có quyền nhập quốc tịch của một nước nào đó.
(2) Không ai bị tước đoạt quốc tịch của mình hay bị khước từ quyền được thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Điều 16:
(1) Nam hay nữ đến tuổi thành niên đều có quyền hôn nhân và xây dựng gia đình mà không có bất cứ một hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong cuộc sông vợ chồng và lúc ly hôn.
(2) Việc kết hôn chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cả hai bên. (3) Gia đình là một đơn vị tự nhiên và cơ bản của xã hội và được xã hội và nhà nước bảo vệ.
Điều 17:
(1) Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác.
(2) Không ai bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc doán.
Điều 18: Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, ý thức và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới hình thức truyền bá, thực hành, thờ phụng hoặc lễ tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, công khai hay riêng tư.
Điều 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.
Điều 20:
(1) Mọi người đều có quyền tự do họp hành và tham gia hiệp hội một cách hoà bình.
(2) Không ai bị bắt buộc phải tham gia một hiệp hội nào.
Điều 21:
(1) Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của nước mình, một cách trực tiếp hay thông qua những đại diện được tự do lựa chọn.
(2) Mọi người đều có quyền được hưởng các dịch vụ công cộng của đất nước mình một cách bình đẳng.
(3) Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông và bình đẳng và được thực hiện qua bỏ phiếu kín hoặc qua các thủ tục bỏ phiếu tự do tương tự.
Điều 22: Với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội cũng như được thực hiện các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá không thể thiếu đối với nhân phẩm và tự do phát triển nhân cách của mình, thông qua nỗ lực quốc gia, hợp tác quốc tế và phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia.
Điều 23:
(1) Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn công việc, được hưởng điều diện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống lại tình trạng thất nghiệp.
(2) Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho công việc như nhau, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
(3) Mọi người đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và thuận lợi đảm bảo cho sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm và được hỗ trợ thêm từ các hình thức bảo trợ xã hội khác, nếu cần thiết.
(4) Mọi ngượi đều có quyền thành lập và tham gia các tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24: Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả quyền được hạn chế hợp lý về số giờ làm việc và hưởng những ngày nghỉ định kỳ được trả lương.
Điều 25:
(1) Mọi người đều có quyền được hưởng mức sống đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các mặt ăn, mặc, ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết khác, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, goá bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng kiểm soát của mình.
(2) Các bà mẹ và trẻ em cần được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Tất cả trẻ em, sinh ra trong hoặc ngoài giá thú, đều được hưởng mức độ bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 26:
(1) Mọi người đều có quyền được học hành. Phải áp dụng chế độ giáo dục miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và giáo dục cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải mang tính phổ thông, và giáo dục cao học phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có đủ khả năng.
(2) Giáo dục phải hướng tới mục tiêu giúp con người phát triển đầy đủ nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng đối với các quyền và tự do cơ bản của con người. Giáo dục phải tăng cường sự hiểu biết, lòng vị tha và tình bằng hữu giữa tất cả các dân tộc, các nhóm tôn giáo và chủng tộc, cũng như phải đẩy mạnh các hoạt động của Liên Hợp Quốc vì mục đích gìn giữ hoà bình.
(3) Cha, mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn loại hình giáo dục cho con cái.
Điều 27:
(1) Mọi người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia xẻ những thành tựu và lợi ích của tiến bộ khoa học.
(2) Mọi người đều có quyền được bảo hộ đối với những quyền lợi về vật chất và tinh thần xuất phát từ công trình khoa học, văn học và nghệ thuật mà người đó là tác giả.
Điều 28: Mọi người đều có quyền được hưởng trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó các quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 29:
(1) Mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất người đó có thể phát triển nhân cách của mình một cách tự do và đầy đủ.
(2) Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
(3) Trong bất cứ trường hợp nào, việc thực hiện những quyền và tự do này cũng không được đi ngược lại với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.
Điều 30: Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong bản tuyên ngôn này.
Ai ai cũng biết sức mạnh của những cơn bão. Chẳng ai mong nó đến cả nhưng vì sự tuần hoàn mầu nhiệm của thiên nhiên, hàng năm, nó đến rồi lại đi. Bão qua đi nhưng để lại cho con người không ít những nỗi buồn. Không buồn sao được khi bao nhiêu năm ki cóp cho cuộc đời bỗng dưng chúng tan tành theo mây khói chỉ trong chốc lát.
Là dân “thành phố”, được che chở trong một vỏ bọc khá an toàn khi khí trời thay đổi nên hiếm khi nào được chứng kiến “cơn giận” của Ông Trời. Ngày 17 tháng 11 vừa qua, khi nghe các cơ quan khí tượng thủy văn thông báo cơn bão số 10 sẽ “đổ bộ” vào Vũng Tàu lòng tôi có cảm giác là lạ làm sao đấy khi mình đang ở ngay vùng “tâm bão”. Lo thì ít nhưng buồn thì nhiều vì lẽ sau những “cơn giận” của Ông Trời sẽ để lại những hậu quả khôn nguôi.
Nói “cơn giận” của Ông Trời cho vui vậy thôi chứ những biến động của thời tiết chính là do tác động của con người. Chính con người đã ăn ở thế nào đó không phải với “Trời” để rồi phải gánh chịu tất cả những hậu quả do mình gây ra đó thôi.
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” hay ta có thể nói ngược lại “cảnh buồn người có vui đâu bao giờ!”. Cảnh trời mưa bão làm sao mà làm cho lòng con người người ta có thể vui được dẫu rằng người ấy có hạnh phúc, có sung sướng đến dường nào đi chăng nữa.
Là con người, không chỉ chịu ảnh hưỡng những cơn bão do thời tiết gây ra nhưng còn phải gánh chịu những “cơn bão lốc khủng hoảng đời sống gia đình” để lại.
Nhớ đến những cơn bão ấy, lòng bỗng dưng chạnh thương với những con người xấu số, những con người kém may mắn. Lòng chạnh thương ấy lại dâng lên sau giờ cơm tối hôm nay. Trở về căn phòng nhỏ của giáo xứ Bến Đá – Vũng Tàu sau một ngày thăm viếng mệt nhoài. Mệt thì ít mà buồn thì nhiều. Buồn vì những “cơn bão khủng hoảng đời sống gia đình” đang huỷ hoại không biết bao nhiêu mái ấm gia đình.
Một “cơn bão khủng hoảng đời sống gia đình” quá lớn đã quét vào gia đình nhỏ bé, đầm ấm ở xứ biển Bến Đá. Nhìn bề ngoài tưởng chừng như hạnh phúc tràn ngập gia đình nhưng khi vào tìm hiểu thì cõi lòng của từng con người trong gia đình ấy đang quằn quại với quá nhiều nỗi đau. Người bố - người chủ - của gia đình đã ra đi sau một cơn cao huyết áp đột ngột. Anh ra đi để lại cho vợ anh 3 đứa con. 3 đứa con ấy bảo là dại thì cũng chẳng dại mà bảo khôn thì cũng chẳng khôn.
Giá như mà anh, chị cùng các cháu sinh ra và đang sống trong cái thời bao cấp, cái thời nghèo, cái thời chạy ăn từng bữa thì hay biết mấy? Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì lẽ anh chị có 3 đứa con, vậy mà đứa con gái tuổi vừa tròn đôi mươi, là cái tuổi đẹp nhất của đời con người và cách riêng của đời con gái vậy mà em tay xách nách mang một thằng cu tí và đau đớn nhất là phải sống trong cái cảnh “bến không chồng”. Nhìn hình ảnh nhỏ nhắn, khuôn mặt ngây dại của em tôi không bao giờ hình dung ra đứa bé chưa đầy 2 tuổi đấy lại là con của em. Sau một hồi thăm hỏi gia đình cho biết là “chồng” em đã ra đi biền biệt, để lại cho em một sinh linh nhỏ bé vắng chồng, thiếu bóng cha!
Đứa con út trong gia đình nhỏ bé ấy nhìn diện mạo liêu xiêu và thiếu sức sống. Hỏi ra thì được biết rằng em đã đi theo chúng bạn học đòi hút sách. Tuổi của em cũng giống như cô chị, lẽ ra là cái tuổi mộng mơ ngày hai buổi cắp sách đến trường để xây dựng cho tương lai. Ấy vậy mà em ngày ngày chỉ ăn bám vào gia đình và bỏ nhà ra đi theo chúng bạn. Thi thoảng tạt ngang nhà một chút cho gọi là có gia đình. Hỏi thăm em tại sao em không chọn một cái nghề nào đó để bước vào đời, em trả lời: “con chưa nghĩ tới!”. Hỏi thăm em rằng em phải tự lập với cuộc sống giả như mẹ em sẽ phải ra đi như cha của em vậy, em cũng trả lời: “con chưa nghĩ tới!”.
Em chưa nghĩ tới cũng đúng thôi vì hiện tại em chỉ nghĩ tới là làm sao đủ thuốc để thoả mãn cơn nghiện đang thâm nhập vào con người của em. Em chưa nghĩ tới cũng đúng thôi vì lối sống an nhàn hưởng thụ đã đi vào trong con người của em tự lúc nào mà em, mẹ em, gia đình em không hề hay biết.
May mắn còn sót lại trong gia đình ấy là người anh cả chí thú làm ăn và vừa gầy dựng gia đình non một tháng! Có lẽ người anh cả là niềm hy vọng, là niềm an ủi còn lại nơi người mẹ đau khổ khi chồng vắn số!
Mẹ và anh giờ đây chỉ biết khóc thầm cho hai đứa em ngây dại vướng vào vòng gian khổ của cuộc đời.
Đứa con gái: bến không chồng!
Đứa con trai: là đệ tử ruột của nàng tiên nâu!
Còn gì đau cho bằng khi đổ mồ hôi sôi nước mắt nuôi con khôn lớn mà chúng lại thành những
người như thế!
Đây không phải là một gia đình bị bão nhưng có quá nhiều gia đình như thế trong xã hội ngày nay.
Vì đâu mà ra nông nỗi này? Vì đó là những cơn bão của cuộc đời, cơn bão của khủng hoảng đời sống gia đình.
Bão do thời tiết, do thiên nhiên gây ra ta không thể nào biết trước được, ta chỉ có cách duy nhất là khắc phục.
“Bão khủng hoảng đời sống gia đình” ta có thể ngăn ngừa, có thể khống chế ấy vậy mà quá ít người lo chăm chút cho sự xuất hiện của nó.
Bi đát hơn ở chỗ là không ngăn ngừa, không khống chế mà khi xảy đến thì chồng đổ lỗi cho vợ, vợ đổ lỗi cho chồng, vợ chồng đổ lỗi cho con cái, con cái đổ lỗi cho cha mẹ. Dù có đổ qua đổ đổ lại đi chăng nữa nhưng không ai có thể trốn tránh được hậu quả thảm thương do “cơn bão khủng hoảng đời sống gia đình để lại”.
Không biết có phải bi quan hay không nhưng nhìn vào cuộc đời, nhìn vào xã hội hiện tại, hình như người ta chỉ đứng nhìn những “cơn bão khủng hoảng gia đình” đến chứ ít có động thái để ngăn ngừa hay khống chế. Có chăng chỉ là những khẩu hiệu, những hô hào mà thôi chứ thực tế thì lại khác. Cứ nhìn vào thực trạng xã hội người ta không thể nào phủ nhận được những hậu quả quá đau đớn do những cơn bão để lại.
Hoàn cảnh cụ thể
Ðứng trên quan điểm tra cứu lịch sử cách khoa học, quả là một lỗi lầm nghiêm trọng khi không làm mình quen thuộc với hoàn cảnh cụ thể trong đó người ta sinh sống lúc đó mà lại đưa ra những phán quyết về họ như thể họ sống trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác thế. John Morley, khi điểm sách của Cornwell trên Commonweal ngày 5 tháng 11 năm 1999, nhận định rằng lầm lỗi lớn nhất của Cornwell có lẽ là sự thiếu khả năng hay thiện ý hiểu cái ông gọi là sitz-im-leben, hay hoàn cảnh sống thực của các nhân vật lịch sử. Ðánh giá quá khứ bằng cái nhìn từ thời sau (hindsight) quả không có tính sử học chút nào và không phải của người trí thức.Cornwell không bao giờ hiểu được phải sống và phải xử sự ra sao trong hoàn cảnh Thế Chiến II. Ông nên đọc giáo sư Michael Novak, người giữ ghế George Frederick Jewett tại American Enterprise Institute trên First Things số tháng 8-9 năm 2000. Theo Novak, đức Piô XII kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình lần chót vào mùa Hè năm 1939, không ai thèm để ý đến lời kêu gọi ấy, cũng không ai thèm phúc đáp, cả phe Trục lẫn phe Ðồng Minh. Ðó là lấn chót, ngài được tự do xử dụng phương tiện truyền thông tới khắp thế giới. Khi chiến tranh khởi sự, Mussolini khóa kín ngài tại Vatican và bất cứ phương tiện liên lạc nào ngài có cũng đều bị kiểm duyệt – thư từ, Ðài Phát Thanh Vatican, báo L’Osservatore Romano. Bốn cơ quan tình báo Ðức, cùng với nhiều cơ quan tình báo giả dạng khác của Ý, xâm nhập Vatican. Rất dễ đe dọa các gia đình có thân nhân làm việc cho Vatican, bởi hầu hết sống ở ngoài và phải hàng ngày ra vào Vatican làm việc. Mặt khác, Toà Thánh hoàn toàn lệ thuộc chính phủ Ý về mọi dịch vụ thiết yếu: nước, cống rãnh, điện, điện thoại, điện tín, và thực phẩm. Cộng thêm tất cả những điều này, Hitler bất mãn với đức Piô XII đến độ hai lần ra lệnh phải soạn thảo kế hoạch chiếm đóng Vatican, theo đó, nhẩy dù sẽ bất thần tấn kích và “lôi cổ” giáo hoàng về Ðức. Cả hai lần, lệnh của hắn không thi hành được là do mưu kế của các tư lệnh địa phương, xử dụng chiến thuật trì hoãn cho đến khi hắn bận lo việc khác (một tư lệnh trình với hắn là còn đang kiếm chuyên gia tiếng Latinh và Hylạp để quyết định xem nên cướp thứ văn khố nào đem về Ðức, và việc này đòi 6 tuần lễ). Novak chua chát nhận xét: “Khi đức Giáo Hoàng có tiếng nói đầy đủ thì chả ai thèm nghe. Liệu ta có thể tin được rằng khi không ai còn có thể nghe được ngài ngoại trừ những kẻ giam giữ ngài để tiếng nói của ngài lọt ra ngoài, thì lúc ấy thế giới sẽ lắng nghe ngài hay sao? Ðối với phần đông người Công Giáo, lối suy nghĩ ấy khó mà hiểu được. Thí dụ điển hình, trong 15 năm qua, không thiếu những lời tuyên bố thảm não của đức Gioan Phaolô II (và của Mẹ Têrêxa) – đôi khi ngay trước mặt các lãnh tụ thế giới, và trước mặt đông đảo thính giả truyền hình thế giới - chống lại việc phá thai và giết người êm ái (euthanasia) có hệ thống cũng như chống thứ “văn hoá chết chót” mà họ đại biểu. Có ai nghe không! Tại sao thính giả lại nghe những năm 1942, 1943! Phe Ðồng Minh rất lưu tâm khi đức Giáo Hoàng tuyên truyền có lợi cho phe mình. Nhưng họ không muốn ngài chỉ trích những tàn ác của Cộng Sản, bởi Stalin là đồng minh của họ; họ không muốn ngài chỉ trích việc không kích giải thảm của Ðồng Minh trên các thị trấn Ðức và Ý. Nhưng họ muốn ngài kết án Ðức oanh kích giải thảm London và Coventry. Họ nổi xùng khi ngài im lặng. Bị cầm tù trong Vatican, đức Piô XII im lặng về nhiều chuyện, nhưng im lặng vì nguyên tắc chứ không phải vì sợ sệt. Tổng giám mục Sapieha của Krakow công khai yêu cầu ngài đừng lên tiếng cuối năm 1939 và 1940 bởi các lãnh tụ trí thức của Giáo Hội Ba-Lan, kể cả giáo sĩ lẫn giáo dân, đang bị bách hại hàng ngàn, bị đánh đập, giết hại, tống vào các trại tập trung. Sau này Sapieha vẫn nhìn nhận rằng xử dụng những ngôn từ tâm lý chiến công khai chẳng ích lợi gì, chỉ tổ đổ dầu vào lửa. Ông nhìn nhận đã học được nơi đức Piô XII tính bình thản (coolness) và xử dụng nó trong đường lối lãnh đạo riêng của mình. Ông vốn là người che chở và hướng dẫn Karol Wojtyla, vị giáo hoàng tương lai của chúng ta.
Trò cút bắt (game of wits)
Ta biết đức Piô XII biết rõ ngôi vị giáo hoàng từng bị các thế lực trần gian đối xử tàn bạo: Piô VI rồi Piô VII từng bị Napoleon lôi về Paris làm nhục, thủ tướng của Piô IX từng bị ám sát ngay trước dinh sở của mình và chính Piô IX phải trốn khỏi Rome mới toàn mạng, cả Lêô XIII cũng từng đi tỵ nạn vào cuối thế kỷ 19. Ấy thế nhưng ngài vẫn nói thẳng vào mặt Goebbels rằng ngài không sợ chi hết và nhất định không chịu rời khỏi Rome. Thường được người ta mô tả là xa cách và có óc phân tích, đức Piô XII cũng tỏ ra có một thứ cột sống cứng như thép. Vốn có tài đọc tâm tư người khác, ngài từng thận trọng bắt mạch cả Hitler (được ngài nhận định là dễ lao mình vào những trận điên giận) lẫn Mussolini (hợp lý hơn và dù sao vẫn là người Ý). Ngài biết rằng ít nhất trong một vài vấn đề lớn, cuối cùng ngài sẽ có thể thuyết phục được Mussolini – như giữ cho Rome vẫn là một thành phố tự do chẳng hạn. Nhưng ngài biết rằng ngài phải lao mình vào trò chơi cút bắt (game of wits) với Hitler, trong đó quyết tâm sắt đá không bị dụ khị ra khỏi tư cách trung lập chính thức nhất định sẽ thắng được mọi bất trắc khác. Dù mọi sự tỏ ra có vẻ bi đát trong khỏang 1939 tới 1943, đức Piô XII vẫn phán đoán rằng lạnh lùng trước lửa sẽ giúp ngài hướng được càng nhiều nghị lực càng tốt vào việc làm giảm đau khổ.
Nhiều người chung quanh đức giáo hoàng xin ngài lên tiếng mạnh mẽ hơn. Họ là các đại sứ của Anh, của Brazil, của Pháp, vốn vì chiến tranh phải tù túng trong các căn phòng chật hẹp của Vatican. Ðức giáo hoàng cho họ thấy ngài đã đang lên tiếng rồi, lên tiếng một cách mạnh mẽ, nêu lên những nguyên tắc rõ ràng và không lầm lẫn được. Hơn một lần, ngài vẽ ra bức chân dung đôi ủng bạo tàn của chủ nghĩa chủng tộc, sự bạo hành không biện minh, và cuộc tàn sát người vô tội vạ. Tất nhiên ngài không chỉ rõ bức chân dung ấy chỉ thế lực nào. Nhưng chẳng cần khó khăn bao nhiêu cũng tìm ra điều đó; các tuyên truyền viên tại đài BBC biết ngay lập tức cách đặt những lời kết án của đức giáo hoàng dưới chân Hitler, và họ làm điều đó chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ. Các phân tích gia điên cuồng của Hitler cũng thấy rất nhanh đức giáo hoàng đã cố ý xử dụng ngôn từ của mình ra sao mà vẫn khôn khéo duy trì được thế trung lập của mình. Tệ hơn nữa, há miệng mắc quai, nếu bọn Quốc Xã công kích các điều ngài nói, chúng vô tình xác nhận đài BBC chính xác!
Không ai lớn tiếng bằng
Trong suốt thời gian chiến tranh, không một lãnh tụ thế giới nào bị phe Trục vây hãm bằng đức Piô XII. Nhưng không một ai lớn tiếng bằng ngài và đã cung cấp cho báo chí thế giới nhiều tin tức sinh tử như ngài. Ngài cũng đã cứu rất nhiều sinh mạng Do-Thái qua việc mở cửa các tu viện, kể cả các đan viện, làm nơi trú ẩn lén lút, và đem đồ cứu trợ đến tận tay tận mặt hàng triệu người tỵ nạn. Ðức Piô XII đưa ra chiến lược của mình rất sớm, biết cách điều chỉnh các chiến thuật của mình và chưa bao giờ nghe được một lý do thuyết phục nào – dù được nghe rất nhiều lý do - để phải làm khác đi. Ngài vừa vững vàng và can đảm vừa bình thản và biết phân tích. Ngài biết nếu hành động cách kém kỷ luật hơn, ngài sẽ rơi vào thế đối đầu khiêu khích (confrontational). Mà đối đầu khiêu khích thì những nhân tài ưu tú nhất, có khả năng nhất và can đảm nhất chắc chắn sẽ là những người bị giết hoặc cầm tù trước nhất. Tất cả chỉ còn lại cảnh nô lệ lặng câm. Giáo hoàng có thể sống sót, nhưng đó là một giáo hoàng vô vọng, cô lập, sống trong tình trạng mất trí (demented) như Piô VII dưới thời Napoleon! Nhưng hàng ngàn người khác sẽ chết, mà chẳng đưa lại lợi lộc nào. Hitler vốn chờ mong đối đầu khiêu khích. Những đầu óc tỉnh hơn, dù dưới quyền uy của hắn, với viễn ảnh tương lai, chẳng dại gì mà rơi vào chiến thuật của hắn.
Ðối với một số nhà phê bình, chiến thuật của Ðức Piô XII quá mềm yếu (subtle). Từ thời sau nhìn lại, họ đòi phải có một kết án thẳng thừng, không hãm còi từ đức giáo hoàng chống lại tội ác có một không hai ấy. Họ chẳng đề nghị được chi ngoài một suy đoán về điều có thể xấy ra sau lời kết án ấy. Thực vậy, theo sức mạnh của điều họ lý luận, họ đã gán cho ngôi vị giáo hoàng một sức thuyết phục bằng lời lớn hơn các lý thuyết tân thời của phong trào tục hóa cao độ của Âu Châu cho phép nữa. Liệu những nhà sử học ấy có bảo đảm rằng họ sẽ nghe theo những lời tuyên bố long trọng của một giáo hoàng ngày nay hay không, dù những lời tuyên bố ấy đi ngược lại với niềm tin và quyền lợi của họ? Mà nếu họ không nghe theo, tại sao những người thời ấy lại phải nghe theo?
Hành hình tinh thần
Nói về các văn kiện (actes) trong việc phong chân phước và phong thánh cho đức Piô XII, người ta thấy chẳng có chi bí mật. Cornwell không chịu nói sự thật khi cho rằng ông là người đầu tiên và duy nhất xưa nay được đọc các văn kiện ấy. Ðiều ngược lại mới đúng. Nhiều người đã đọc chúng và tuyệt đối trong chúng không hề có điều gì “đáng phê phán nẩy lửa” (explosively critical) liên quan đến dự án này. Cornwell phạm sai lầm về sự kiện, như khi nói đến 76 nhân chứng, trong khi thực ra có đến 98 người, hay khi xấc sược cho rằng những văn kiện ấy ‘phần lớn chỉ chứa những tài liệu nhằm khen ngợi Pacelli’. Các nhân chứng rất trung thực và hiểu biết đã đưa ra các phát biểu có tuyên thệ. Sự kiện các nhận định của họ thẩy đều tích cực đối với cuộc đời, sinh hoạt và các nhân đức của đức Piô XII đã không ăn khớp được với các ý nghĩ đầy thiên kiến của ông mà thôi.
Ðối với Linh Mục Gumpel, sách của Cornwell là một mưu toan xấu xa nhằm hành hình người khác về phương diện tinh thần (moral lynching) và quả là một cuộc sát phạt nhân vật thực sự. Ðức Piô XII thực sự không phải là “Giáo hoàng của Hitler”. Bức chân dung của Cornwell về ngài là một bức hí họa kinh tởm về một con người cao thượng và thánh thiện” (Cornwell’s Cheap Shot at Pius XII, Crisis 17, no.11 - December 1999). Trong một bài báo khác viết cho Zenit Daily Dispatch, tựa là Cornwell’s Pope: a Nasty Caricature of a Noble and Saintly Man, linh mục Gumpel nhận định về từng chủ điểm chính trong sách của Cornwell. Về thái độ của Pacelli đối với Hitler, trong danh sách các tác phẩm mà Cornwell cho là mình có tham chiếu, ông ta có nhắc đến một cuốn trong đó rõ ràng có đoạn viết rằng năm 1929, tức 4 năm trước khi Hitler lên cầm quyền (30 tháng Giêng năm 1933), Pacelli đã nghiêm khắc cảnh giác về Hitler và cho hay không thể hiểu tại sao ngay đến những nhà trí thức cao cấp Ðức cũng không chia sẻ các phán đoán hoàn toàn tiêu cực của ngài. Cornwell bỏ qua đoạn đó. Một là ông không đọc cuốn sách, hai là ông cố tình bỏ qua đoạn đó và cả những đoạn rất dễ xác minh tương tự như thế về Pacelli, chỉ vì những đoạn như thế không ăn khớp với các khuynh hướng phá hoại của ông. Về việc nhắc đến nguồn gốc Do-Thái của Levien, thì đó là sự kiện lịch sử. Không phải chỉ riêng có Levien tại Munich, mà còn có Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg tại Berlin, và Bela Kun tại Hungary, tất cả đều là Do-Thái do Nga gửi tới. Nhắc đến những sự kiện đó tuyệt đối không có liên quan gì đến chủ nghĩa bài Do-Thái hết, như Cornwell lầm xiên sỏ. Cần phải nhắc đến những tên khủng bố tại Munich là ai để các bề trên của Pacelli hiểu kế hoạch của Cộng Sản Nga trong nỗ lực bành trướng quyền lực qua các nuớc Tây Phương.
Về thái độ của Pacelli với Hitler, Văn Khố thời 1922-1939 vừa được Tòa Thánh cho mở cửa tháng 2 vừa qua cho người ta thấy một bức thư Sứ Thần Pacelli gửi Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Tập San Inside The Vatican, số ngày 4 tháng 3 năm 2003, có cho đăng bức thư này. Bức thư đề ngày 14 tháng 11 năm 1923 viết gửi Hồng y Pietro Gaspari, quốc vụ khanh Tòa Thánh thời Ðức Piô XI, vài ngày sau vụ Quốc Xã mưu tính tiếm quyền địa phương tại Munich. Bức thư có nhắc đến biến cố ấy và lên án phong trào Quốc Xã, coi nó như một đe dọa chống Công Giáo, đồng thời ghi chú rằng Hồng Y của Munich đã từng lên án các hành động bách hại người Do-Thái tại Bavaria. Bức thư có đoạn như sau: “Các sự kiện bao quanh vụ nổi dậy của Quốc Xã… Ðức Hồng Y đã rõ qua báo chí Ý; con không muốn nhắc lại trong phúc trình này. Tuy nhiên… con nghĩ cần phải thông tri để Ðức Hồng Y rõ thêm một vài chi tiết khác, liên quan đến những cuộc biểu tình có tính chất chống Công Giáo đi kèm với vụ nổi dậy này, một tính chất không có chi đáng ngạc nhiên đối với những ai từng theo dõi việc ấn hành các tờ báo của phe cực hữu, như các tờ Volkischer Beobachter (Người Quan Sát Folkish) và Heimatland (Quê Hương). Tính chất này trên hết được tỏ lộ trong những vụ công kích có hệ thống nhằm hàng giáo sĩ Công giáo. Với những công kích này các đồ đệ của Hitler và Ludendorf đã xúi giục được quần chúng, nhất là trong các buổi diễn thuyết ngoài phố, mạ lỵ và hành hung các giáo sĩ. Những công kích này đặc biệt chú mục vào Hồng Y Tổng Giám Mục đầy uyên bác và nhiệt thành, người mới đây trong một bài giảng tại Duomo vào ngày mồng 4 tháng này và trong một bức thư gửi cho Thủ Tướng Liên Bang công bố trên Thông Tấn Xã Wolf ngày mồng 7, đã lên án các vụ bách hại người Do-Thái.’
Cuộc Nổi Dậy (putsch) của Quốc Xã năm 1923
Tưởng cũng nên nhắc lại những biến cố lịch sử bao quanh vấn đề này. Ngày 8 tháng 11 năm 1923, chính phủ Bavaria tổ chức một cuộc tập họp cho khoảng 3,000 viên chức. Trong lúc Gustav von Kahr, thủ tướng Bavaria, đang diễn thuyết, thì Adolf Hitler và đội quân xung phong có vũ trang của hắn xông vào toà nhà. Hitler nhẩy lên một chiếc bàn, bắn chỉ thiên hai phát súng và nói cho cử tọa hay Cuộc Nổi Dậy (putsch) của Munich đã xẩy ra và Cách Mạng Toàn Quốc đã khởi đầu. Ðể Hermann Goering và nhóm SA ở lại canh chừng 3,000 viên chức, Hilter dẫn Gustav von Kahr, Otto von Lossow, tư lệnh lục quân Bavaria và Hans von Lossow, chỉ huy Cảnh Sát Bang Bavaria qua một phòng kế bên. Hitler cho nhóm người này hay anh ta sẽ là tân lãnh tụ của nước Ðức và hứa sẽ bổ nhiệm họ vào các chức vụ trong chính phủ mới. Biết rằng đây là một hành vi phản quốc, 3 người khởi đầu ngần ngại không chịu nhận đề nghị trên. Adolf Hitler nổi giận và đe dọa sẽ bắn họ rồi tự sát: “thưa quí vị, tôi có 3 viên đạn cho quí vị, và một viên cho tôi!”. Ba người đành tuân theo. Chẳng bao lâu sau, Eric Ludendorff tới. Ludendorff vốn là lãnh tụ của lục quân Ðức vào cuối Thế Chiến I, nên thấy chủ trương của Hitler cho rằng cuộc chiến ấy không phải mất do lục quân mà là do người Do-Thái, do bọn Xã Hội, bọn Cộng Sản và chính phủ Ðức là một chủ trương hấp dẫn, hắn trở thành ủng hộ viên nhiệt thành của Quốc Xã. Ludendorff đồng ý nhận chức tư lệnh lục quân Ðức trong chính phủ Hitler. Trong khi Adolf Hitler đang bận thành lập tân chính phủ, thì Ernst Roehm, cầm đầu một nhóm cảm tử quân, tiến chiếm Bộ Chiến Tranh, còn Rudolf Hess thì lo sắp xếp việc lùng bắt người Do-Thái và các lãnh tụ chính trị phe tả của Bavaria. Giờ đây Hitler dự tính tiến về Berlin để lật đổ chính phủ quốc gia. Không may cho hắn, hắn quên không cho cảm tử quân chiếm các đài phát thanh và các sở viễn thông. Nhờ thế chính phủ Berlin chẳng mấy chốc đã nghe biết đầy đủ về vụ nổi dậy của Hitler, nên đã ra lệnh dập tắt nó. Ngày hôm sau, Adolf Hitler, Eric Ludendorff, Hermann Goering và 3,000 ủng hộ viên có vũ trang thuộc Ðảng Quốc Xã tiến qua Munich trong mưu mô bắt tay với các lực lượng của Roehm tại Bộ Chiến Tranh. Tại Odensplatz, họ bị chặn đứng bởi cảnh sát Munich. Vì không chịu dừng lại, cảnh sát đã nổ súng xuống đất ngay trước mặt đoàn người. Các cảm tử quân bắn trả đũa và trong ít phút sau đó, 21 người bị tử thương và hàng trăm người khác bị thương, trong đó có Goering. Khi cuộc bắn nhau bắt đầu, Adolf Hitler lao mình xuống đất khiến trật bả vai, rồi chạy tới một chiếc xe chờ sẵn. Và mặc dù cảnh sát có quân số ít hơn, bọn Quốc Xã cũng đành theo gương lãnh tụ mà bỏ chạy. Chỉ duy có Eric Ludendorff và các thuộc hạ vẫn tiếp tục tiến về phía cảnh sát. Các sử gia Quốc Xã sau này cho biết lý do khiến Hitler rời hiện trường nhanh như trên là để cấp tốc đưa một thanh niên bị thương tới bệnh viện địa phương. Sau khi trốn tại nhà một người bạn ít ngày, Hitler bị bắt và bị xử vì vai trò của mình trong cuộc Nổi Dậy Tại Bóp Bia. Nếu có tội, Hitler sẽ lãnh án tử hình. Tuy nhiên các cảm tình viên Quốc Xã trong chính phủ Bavaria cố gắng vận động làm nhẹ bản án dành cho Hitler. Hắn chỉ bị kết tội tổ chức biểu tình chính trị, do đó chỉ bị kết án 5 năm tù. Các đảng viên Quốc Xã khác cũng chịu một bản án nhẹ, riêng Eric Ludendorff thì được tha bổng.
Phúc trình Riegner
Về nhận định của Quốc Xã đối với Giáo Hội Công Giáo, Cornwell không bao giờ đề cập đến những báo cáo của Gestapo cho hay bao lâu Giáo Hội này còn có ảnh hưởng trên dân chúng, thì ý thức hệ Quốc Xã sẽ không bao giờ được nhân dân Ðức chấp nhận. Tác phẩm cổ điển của Boberach công bố các báo cáo nội bộ của Gestapo đã không bao giờ được Cornwell nhắc tới, âu cũng là điều dễ hiểu. Cornwell có nhắc đến việc phúc trình của Riegner từ Thụy Sĩ gửi cho Rome không được công bố trong ADSS. Riegner trao phúc trình này cho sứ thần Tòa Thánh tại Thụy Sĩ vào tháng 3 năm 1942, ít tháng sau Hội Nghị Worms (20/01/1942) nhưng chỉ tới Rome vào tháng 10 năm đó như đã rõ qua báo cáo của sứ thần được đăng trong ADSS, trong đó có nhắc đến phúc trình này. Tuy nhiên vào thời điểm ấy có rất nhiều những phúc trình như thế và không ai có thể kiểm tra xem chúng có đúng sự thật khách quan hay không. Chính Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi đối với các phúc trình loại này và đã từng hỏi ý kiến Vatican có nên xác nhận chúng hay không. Sự kiện thứ hai liên quan đến cuộc đàm đạo giữa nhà ngoại giao Mỹ, ông Tillerman, và đức Piô XII. Cornwell làm rùm beng vụ này. Ông cho rằng cuộc đàm đạo ấy diễn ra ngày 18 tháng 10 năm 1943, vài ngày sau khi 1,000 người Do-Thái tại Rome bị vây bắt. Ông tố cáo Ðức Piô XII không quan tâm bao nhiêu tới số phận người Do-Thái, thậm chí còn không nhắc gì đến họ. Ðiều ấy không đúng. Vì thực sự báo cáo do Tillerman gửi đi trong đó ông cho hay ông gặp đức Piô XII “hôm nay” được đề ngày 19 tháng 10, chứ không phải 18 tháng 10. Mà “19” cũng sai luôn. Cuộc đàm đạo ấy xẩy ra ngày 14 tháng 10, như đã được ghi chép chính xác trong danh sách các cuộc đàm đạo được đức Piô XII đồng ý dành cho các nhà ngoại giao. Sự kiện cuộc đàm đạo trên xẩy ra ngày 14 tháng 10 đã được ghi trong hai cuốn khác nhau của bộ ADSS mà Cornwell có nhắc đến trong danh sách văn khố nghèo nàn của mình nhưng hiển nhiên không đọc một cách chính xác, sợ không đọc nữa là đàng khác.
Con người tham vọng?
Về cá tính đức Piô XII, Cornwell cho rằng ngài là người tham vọng và bóng gió cho rằng ngài ham chức nghiệp. Ðiều này không đúng. Khi còn tráng niên, Pacelli tiến nhanh trong chức nghiệp vì ngài thông minh, tận tâm và cần mẫn. Không có mảy may chứng cớ nào cho thấy một lý do khác khiến ngài tiến nhanh như thế, huống hồ là ngài tìm cách mua chuộc chức nghiệp của mình. Linh mục trẻ Pacelli chỉ muốn đi làm việc mục vụ theo nghĩa trực tiếp của nó giống như mọi linh mục khác. Nhưng chỉ vì đức vâng lời đối với các bậc bề trên mà ngài đã bước chân vào ngành ngoại giao phục vụ Tòa Thánh. Năm 1929, khi nhiệm vụ sứ thần chấm dứt, ngài muốn được làm giám mục địa phận để thi hành nhiệm vụ mục tử của mình. Lúc được bầu làm giáo hoàng, ngài không nhận ngay lập tức, mà yêu cầu các hồng y bỏ phiếu một lần nữa. Ðến khi phiếu ủng hộ vẫn như cũ, ngài mới chấp nhận việc bầu ấy như dấu chỉ ý Chúa muốn trao thánh giá cho mình (in signum crucis). Cornwell cũng nói đến tính ‘tự yêu mình” thái quá (narcissism). Người ta không hiểu làm thế nào ông ta có thể biện minh cho câu phán đoán ấy. Ðức Piô XII ghét bị chụp hình nhưng phải chiều theo vì nhiều người muốn có hình kỷ niệm về ngài…
Nguồn tài liệu
Về các nguồn tài liệu, Cornwell hầu như không biết gì đến bộ tài liệu do Ủy Ban Lịch Sử (Kommission fur Zeitgeschichte) ấn hành, hiện nay vượt quá 40 cuốn. Cornwell chắc chắn biết tác phẩm của Jeno Levai, một người Hung gia lợi gốc Do-Thái, do tiến sĩ Robert Kempner, phụ tá trưởng Công tố viên của Mỹ tại toà án Nuremberg đề tựa và viết lời bạt, nhưng không nhắc gì tới những bênh vực của Kempner đối với đức Piô XII. Rất nhiều lần, ta đọc thấy cụm từ “được trích dẫn bởi…” (quoted by…) cho thấy tài liệu gốc không được Cornwell tham khảo, mà chỉ là những nguồn tài liệu đệ nhị đẳng. Ðấy không phải là thủ tục của khoa bảng (academic), huống hồ là một thủ tục hợp tiêu chuẩn đối với một tác phẩm cỡ như sách của Cornwell. Cái cụm từ ấy rất thường được áp dụng đối với công trình của Klaus Scholder, là công trình từng bị nhiều phê phán gay gắt. Trong các nghiên cứu về Tông Hiệp, Scholder thua xa các công trình tiêu chuẩn của Volk về tông hiệp với Bavaria và Ðức Quốc Xã (20 tháng 7 năm 1933). Ấy thế mà dù biết điều ấy, Cornwell vẫn thích Scholder hơn Volk, hiển nhiên vì Scholder ăn khớp hơn với luận đề tiêu cực của mình đối với Pacelli Sứ Thần và sau này Pacelli Quốc Vụ Khanh.
Xem ra Cornwell tin tưởng mù quáng vào điều được công bố trong hồi ký của Bác Sĩ Bruning. Ông này vốn là thủ tướng của Ðức trong các năm 1930-1932 trong một tình thế tuyệt vọng ( sau “Thứ Sáu Ðen” - thị trường chứng khóan New York tuột dốc – các chính phủ ngoại quốc đòi nợ, hàng triệu người thất nghiệp, và nhiều ngân hàng cũng như thương vụ phá sản). Bruning ráng hết sức làm được gì thì làm, nhưng ông cũng mắc nhiều lỗi lầm trầm trọng về kinh tế. Năm 1932, nội các của ông xụp đổ và điều này ám ảnh ông suốt quãng đời còn lại. Ông đổ cho đức cha Kaas đồng trách nhiệm trong việc hạ bệ ông, và vì Kaas làm việc cho Pacelli, cho nên ác cảm bệnh hoạn của ông được nối dài qua cả Pacelli nữa. Lúc còn làm thủ tướng, Bruning từng làm việc quá độ và rơi vào tình huống khủng hỏang thần kinh cao độ cũng như chính ông thuật lại từng có một cuộc gặp mặt đầy sóng gío với Pacelli. Cho nên những năm sau này khi ông viết hồi ký, nhân cách ông là một nhân cách cay đắng và thất vọng. Về chủ quan, sự trung thực của ông không ai nghi vấn, nhưng các chuyên gia cao cấp từng thách thức đúng đắn về sự thật khách quan trong các hồi ký ấy. Cornwell trích dẫn các hồi ký này mà không phê phán chi cả.
Cornwell cho rằng mình đã nghiên cứu tất cả các văn kiện trong cuộc điều tra theo giáo luật về việc phong chân phước cho đức Piô XII. Tuy nhiên ông lại bỏ qua hầu như 100% các phán quyết tích cực của mọi nhân chứng; điều này không trung thực. Ông tỏ ra tin tưởng mù quáng vào lời khai của người em gái đức Piô XII là người chỉ biết khen anh trai mình, mà lại thù nghịch đối với Mẹ Pascalina. Bất cứ thẩm phán khách quan nào cũng hiểu là người em gái ấy ganh tị với Pascalina là người hàng ngày tiếp xúc với Pacelli, lúc còn là Quốc vụ khanh và sau này là Giáo hoàng, trong khi bà chỉ họa hiếm mới được thấy anh trai. Lời bà tố cáo rằng Pascalina từ Berlin tới Rome không do lời yêu cầu của Pacelli và cả không có phép của bề trên riêng đương nhiên là lời tố cáo vô lý, ấy thế mà Cornwell lại một lần nữa, do những lý do ai cũng thấy, đã chấp nhận lời tố cáo không một chút dè dặt.
Cornwell cũng bỏ qua không nhắc gì tới những công bố của hồng y Montini trong lá thư gửi The Tablet ngay sau khi Hochhuth cho trình diễn vở Vị Ðại Diện của mình, cũng như những bênh vực của đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Hoặc có nhắc cũng chỉ nhắc cho qua lần chiếu lệ. Rồi còn tài liệu We Remember mới đây nữa trong đó có cả một phần ghi chú dài bênh vực đức Piô XII, Cornwell cũng coi thường. Những lời xưng tụng của Thống Chế Montgomery đối với đức Piô XII trên Sunday Times ngày 12 tháng 10 năm 1958 có lẽ dưới con mắt của Cornwell chỉ là những lời ngoại giao vô nghĩa. Nhưng Cornwell đâu ngờ là ở đầu giường vị thống chế Anh giáo này luôn luôn có hai tấm hình, một của thân phụ ông và hai của đức Piô XII.
Nói về vấn đề tài liệu, Cornwell tỏ ra không biết gì tới mặt trận chiến tranh chính trị đặc biệt do Anh chủ xướng nhằm tung ra những phúc trình giả về những bài truyền thanh của đài Vatican và các đài khác. Ông ta xem ra cũng không hay gì về những vụ giả mạo (forgeries) của Scattolini mà nhiều người tin như thật. Sau chiến tranh, Scattolini bị cảnh sát Ý bắt giữ mới chịu khai ra rằng các phúc trình đó (vào khỏang 1000 hết thẩy) là hoàn toàn do hắn bịa ra mục đích để kiếm tiền. Cornwell không bao giờ chịu kiểm chứng là mình có là nạn nhân và là nạn nhân đến bao nhiêu của anh chàng bị toà án Ý kết án và bỏ tù này… Chỉ còn một kết luận là không hiểu điều gì đã xúi giục con người này viết ra một cuốn sách kém chất lượng, phiến diện và hoàn toàn không đáng tin một chút nào như thế.
(Còn tiếp)
Chuyện như bịa vẫn cứ xảy ra. Thực ra, cuối cùng thì hành khách cũng vẫn phải trả lệ phí phi truờng tổng cộng cả lượt đi lẫn lượt về là AUD 45.93 chứ không thể nói là hoàn toàn không mất đồng nào. Nhưng số tiền 45.93 quả là quá tượng trưng.
Melbourne bay lên Canberra rồi bay về |
Từ Perth về Sàigòn |
Cuộc chiến giữa hai hãng JetStar và Tiger Airways đang còn ác liệt. Bạn nên nhân cơ hội này đi một vòng cho biết đó biết đây. Nay mai họ hết đánh nhau, có khi lại không đi nổi.
Muốn mua những vé gần như free hay chỉ có 30% giá bình thường, bạn cần biết những điều sau:
1) Bạn phải có credit card để trả tiền trên Internet. Khi trả tiền bằng credit card, người ta sẽ tính thêm lệ phí từ 5-20 tùy theo hãng máy bay. Nếu gia đình có nhiều người đi, bạn phải mua vé một lượt để chỉ mất tiền lệ phí một lần thôi.
2) Bạn không được đi trong thời gian học sinh nghỉ hè (school holiday), vì trong thời gian đó bạn phải trả như bình thường.
3) Bạn không được đổi ngày giờ bay.
4) Vé loại Light Saver rẻ hơn vé Saver từ AUD 10 đến AUD 20 nhưng bạn không được ký gởi hành lý, chỉ được mang theo một túi xách trên tay. Với vé Saver thì bạn có thể mang theo 20Kg hành lý.
5) Nếu bạn quyết định lên đường thì bạn nên cân nhắc giữa hai hãng máy bay đang đánh nhau ác liệt là JetStar và Tiger Airways để chọn xem chỗ nào rẻ nhất. Chênh lệch có khi lên đến vài trăm đô la.
Muốn mua vé với JetStar thì bạn vô đây: http://www.jetstar.com/au/cheap-flights/sales.html
Muốn mua vé với Tiger Airways thì bạn vô đây: http://www.tigerairways.com/home/index.php
1. Ở tuổi thơ của tôi, nghề thầy giáo là một thiên chức, vị thầy giáo có tư cách mẫu mực gần như hoàn hảo được kính trọng ngang bằng linh mục. Có những thầy giáo trước cái xấu hay xúc phạm tới thanh danh họ có thể chấp nhận tuẫn đạo, thiệt thân.
2. Sau 1975, tôi nghe từ miệng một cô giáo tiểu học ở xa đến làng tôi câu “chuột chạy cùng sào mới vào sự phạm “, tôi không hiểu nổi. Tôi thương họ quá thiếu thốn nhiều thứ cái ăn cái mặc, kiến thức và cả tư cách. Họ phải xin cha mẹ học sinh củ khoai, ký gạo.
Trước họ ban phát nay họ phải lãnh nhận.
Có giáo viên phải thôi việc vì không chịu cho học sinh thêm điểm để lên lớp.
3. Rồi cách nay gần mươi năm tôi đọc số báo “Người đưa tin UNESCO “ chủ đề “ THỊ TRƯỜNG HOÁ ĐẠI HỌC ”. Giáo dục nằm trong tay kẻ đi buôn, kẻ làm tiền. Tôi lại mường tượng những gì sẽ xảy ra trong thế giới toàn cầu hóa.
4. Cách nay vài tháng một nhà thầu xây dựng nói với tôi hầu hết cán bộ cấp huyện ABC đều lo cho con đi du học nước ngoài.
Tôi thắc mắc tại sao quốc gia không dùng số tiền cho học sinh du học để xây dựng Đại học quốc gia cho đàng hoàng ? Hay con sãi ở chùa thì quét lá đa ?
“Mọi người đều có quyền được học hành" (Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, số 26)
An tâm trong việc dạy con là điều cha mẹ nào cũng mong ước. Là người làm công tác xã hội, tôi gặp nhiều phụ huynh có cảm giác bất an vì họ không biết đã làm đúng vai trò của mình chưa? Là một người cha, đôi khi tôi cũng có cùng tâm trạng như họ, vì trong việc dạy con, phụ huynh gặp nhiều âu lo, nhất là chúng ta đang sống trong một xã hội có qúa nhiều biến động.
“Nếu có thể làm lại từ đầu, qúy vị mong muốn có con không?” Đây là câu hỏi mà bà Ann Landers, một người chuyên viết mục tâm tình trên báo, qua đời năm 2002, đã hỏi các độc gỉa của bà. Thú thực tôi rất ngạc nhiên khi đọc kết quả, vì có đến 70% các cha mẹ đã trả lời là “không”. Nhiều người đưa ra các kinh nghiệm đau buồn trong việc nuôi dạy con.
Là người Việt, tôi lạc quan tin rằng đa số cha mẹ đồng hương của mình đều mong muốn có con vì chúng ta vẫn còn quan niệm “Có con là có phước”, “Giàu con hơn giàu của”. Tuy nhiên, việc dạy con của chúng ta không dễ dàng gì hơn so với người bản xứ.
Là gia đình Việt Nam, ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hoá Khổng Mạnh, chúng ta rất trọng chữ HIẾU, vì đó là nét đầu của các gía trị truyền thống, ’Hiếu vi bách hạnh chi tiên’. Nhiều phụ huynh, vì vậy, kỳ vọng sự phục tùng triệt để nơi con cái, muốn chúng đặt quyền lợi cá nhân sau quyền lợi của gia đình.
Một người mẹ nói với cậu con trai tuổi vị thành niên mang bộ đồ cụt cỡn khó coi, “Con thay bộ đồ đi. Con mang như vậy người ta nói con nhà không đàng hoàng, họ nói mẹ không biết dạy con.” Không nói gì, nhưng cậu bé nhún vai phản kháng. Có lẽ nó nghĩ rằng, “À, bả có quan tâm gì mình đâu, mình mang bộ đồ nầy là cho gia đình, cho bả chứ đâu phải cho mình!”
Lời phát biểu của phụ huynh nói trên là điều chúng ta thường thấy trong các gia đình Việt và nó bộc lộ sự cách biệt văn hóa giữa hai thế hệ.
Làm phụ huynh ai mà không muốn con ngoan, biết vâng lời cha mẹ! Trong qúa khứ, người Mỹ cũng thế. Tuy nhiên, với người Mỹ, quan niệm nầy thay đổi theo thời gian. Trường Đại Học Michigan (University of Michigan) có một cuộc nghiên cứu với các phụ huynh kéo dài trong bốn thập niên để tìm hiểu các giá trị họ mong muốn nơi con em của họ. Kết qủa được công bố trong năm 1995 như sau:
Vào thập niên 1950, đa số các phụ huynh Mỹ mong muốn con em:
1. Vâng lời cha mẹ;
2. Làm việc chăm chỉ;
3. Giúp đỡ người khác;
4. Có tinh thần tự lập.
Tuy nhiên, vào thập niên 1960, vâng lời tụt xuống hạng hai; vào thập niên 1970, vâng lời tụt xuống hạng ba; và vào thập niên 1980, vâng lời tụt xuống hạng bốn.
Quan niệm của đa số phụ huynh Mỹ ngày nay cho rằng, con em có tinh thần tự lập quan trọng hơn cả việc vâng lời bố mẹ. Là bố mẹ Việt Nam, chúng ta đã sẵn sàng với quan niệm nầy chưa?
Được hấp thụ tinh thần dân chủ Tây Phương, con em đòi hỏi sự bình quyền, muốn được đối xử bình đẳng, được tôn trọng như một người lớn. Trong khi chúng ta coi tôn ti trật tự là căn bản của việc xử thế, người ở vai vế cao, tuổi tác cao phải được nể trọng hơn; còn các em thì nói rằng “mọi người đều được bình đăng trước pháp luật”. Nếu phụ huynh vi phạm luật, các em có thể là người đầu tiên gọi 911. Một khi thấy vậy, chúng ta dễ cho rằng các em đã bị Mỹ hóa, mất cội nguồn.
Một người mẹ nói với tôi rằng, bà khuyên cậu con trai đừng đeo bông tai, nó trả lời, “Đây không phải là lỗ tai của mẹ, mẹ biết không?” Bà buồn vì câu nói của con mặc dầu cậu rất hiền lành, chăm chỉ học hành. Nếu người con vẫn chăm ngoan học hành, thì đôi bông tai mà cậu đeo kia có nên là vấn đề để cha mẹ đau khổ không? Tôi nghĩ cậu con khi nổi sùng như vậy, có lẽ là vì đã bị bà mẹ than phiền mỗi ngày.
Để thành công, chúng ta phải hội nhập vào lối sống mới và hành xử như người Mỹ, từ cách ăn nói cho đến các giao tiếp ngoài xã hội. Cha mẹ phải làm việc vất vả để mưu sinh, nhưng mà con em thì sao? Cuộc sống của chúng ta nói chung đều rất căng, như có người nói, “Thời buổi nầy, làm cha mẹ đã khó, nhưng làm con cái còn khó khăn hơn”. Tôi nghĩ họ không nói ngoa, bởi vì con em ngày nay phải đối phó với rất nhiều áp lực từ trong gia đình, ở học đường cho đến ngoài xã hội. Các vấn nạn như xì ke ma túy, lôi kéo tình dục chưa bao giờ lan tràn rộng rãi như bây giờ.
Tôi được nghe các em than phiền chúng bị cha mẹ kềm chế bằng cách kiểm duyệt sách vở, lục lọi buồng ngủ, đọc email, webpage của chúng mà không báo trước. Chúng nói cha mẹ bảo thủ, tiết kiệm lời khen, cứng rắn, không lắng nghe, chỉ ra lệnh, la hét và đe dọa mà thôi. Nhiều khi tôi thấy chính mình cũng nằm trong số phụ huynh đó.
Ngược lại, phần phụ huynh, họ cũng không ngớt than phiền về con em của mình. Họ phàn nàn con em tự do thái qúa, thích party hội hè, ham bạn bè hơn là sinh hoạt với người thân trong nhà, điện thoại lâu giờ, tiêu xài kiểu Mỹ, không tôn trọng quyền cha mẹ. Nhiều người đổ lỗi các vấn nạn xảy ra cho thanh thiếu niên là vì xã hội dung túng trẻ em, hạn chế quyền cha mẹ.
Cũng vì xung khắc nhau nên người cha không nói chuyện với con, đúng như câu nói của một văn hào, “Bạn hãy nhìn hai người đàn ông đang đi ở đằng kia, họ không nói với nhau một lời nào. Bạn đừng suy nghĩ đâu xa xôi, họ chính là hai cha con”. Và nếu chúng ta nhìn người phụ nữ đang la hét một đứa nhỏ nơi công cộng, tôi nghĩ chúng ta cũng có thể nói mà không sợ sai, “Đó chính là hai mẹ con”.
Làm sao để được an tâm?
Khi thảo luận với các phụ huynh, tôi thấy ai ai cũng muốn dung hoà lề lối giáo huấn vì họ nhận thức rằng truyền thống giáo huấn của xã hội Việt Nam không còn thích hợp cho hoàn cảnh mới. Ước mơ sâu xa của họ là con cái nên người, được hạnh phúc, và đồng thời duy trì các giá trị và truyền thống của tổ tiên như lòng hiếu thảo, mối tương quan tình cảm con người Việt Nam.
Một người mẹ tâm sự với tôi rằng bà rất nóng nảy và gần như không thể nói chuyện ngọt ngào với con. Tôi chia sẻ với bà câu chuyện một người cha tập cách lấy giờ timeouts (tạm nghỉ) mà từ một con người nóng tính nay trở nên điềm tĩnh và mối quan hệ với con và người vợ cũ trở nên tốt đẹp hơn. Những khi có chuyện bất bình, trước đây anh thường phản ứng cấp thời, nhưng bây giờ anh tìm cách tránh khỏi hiện trường và suy nghĩ vì sao người ta có hành vi như vậy. Anh tập cách phát biểu với lòng tôn trọng, và khi đặt mình vào vị thế của người khác, anh hiểu người hơn và cách ứng xử của anh cũng phù hợp hơn.
Trong thực tế tôi thấy hầu như mọi người đều có khả năng đối phó các khó khăn trong việc dạy con nếu họ biết để cho tâm trí của mình bình tĩnh và giải quyết bằng tình lý thông thường (common sense). Phụ huynh cũng như con em đều có các ưu điểm mà nếu được nhận ra và trân trọng, chúng ta không những tránh được âu lo mà lạc quan vui vẻ với con.
Lời tâm niệm sau đây có thể giúp cho chúng ta tìm được an tâm trong việc dạy con: “Trời ban cho tôi sự bình thản để chấp nhận những điều tôi không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều tôi có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để biết phân biệt giữa hai điều đó”.-
CHÚ CHIM NHỎ
Ảnh của Lm. Vũ Đình Huyến, CMC.
Nửa kia ta xuống tuyền đài sẽ nghe!
(Trích thơ Anon Gs. Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền