Ngày 10-11-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:15 10/11/2015
58. CHE MẤT ÁNH TRĂNG
N2T

Có một người nước Trịnh, ban ngày ngồi dưới một gốc cây lớn hóng mát, anh ta tuỳ theo vị trí của mặt trời và bóng cây mà dời chỗ của mình, cho nên việc hóng mát mang lại hiệu quả rất tốt.
Đến tối mặt trăng mọc lên, anh ta nghĩ rằng phương pháp này hiệu nghiệm lúc ban ngày, thì buổi tối dùng nó để tránh sương rơi thì nhất định thì quá đúng.
Thế là, tuỳ theo ánh mặt trăng chiếu xuống mà dời chỗ, kết quả, bóng cây càng xa, sương rơi trên mình anh ta càng nặng, cuối cùng toàn bộ áo quần đều ướt, vậy mà anh ta chẳng hiểu nguyên nhân tại sao mà ướt ?
(Phù tử)

Suy tư 58:
Có người vì muốn “thử” trình độ đạo đức của mình đến bậc nào, nên hiên ngang giao du với những thành phần bất hảo, cuối cùng mình trở thành bất hảo lúc nào mà cũng không biết.
Có nhiều bạn thanh niên nam nữ vì muốn ra vẻ ta đây là đã lớn rồi, trưởng thành rồi nên không cần nghe lời chỉ bảo của cha mẹ, mà chỉ thích làm theo, nghe theo lời kích động của bạn bè, rốt cuộc họ trở thành những người nguy hiểm cho xã hội mà chính họ cũng không biết.
Có những linh mục và những tu sĩ nam nữ, vì “sợ” mình lạc hậu hơn giáo dân, nên suốt ngày ngồi trước computer lên mạng với lý do không mấy chính đáng là để tìm tài liệu, dần dần họ quên mất mình là ai, là nhà nghiên cứu máy vi tính hay là một vị mục tử tốt lành chính họ cũng không biết, bởi vì những đam mê thế tục đã che mất ánh sáng mục tử nơi con người của các ngài.
Một lúc nào đó, tôi cũng sẽ trở thành người nước Trịnh cứ tưởng có công cụ hiện đại như Ipad, Iphone, Samsung, HTC, Asus.v.v...là có thể giảng được Lời Chúa mà quên rằng: bài giảng thành công là bài giảng được phát ra từ con tim yêu mến Lời Chúa và thực hành trong cuộc sống.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:46 10/11/2015
N2T

7. Tu viện là một học viện có tu thân và yêu thương, ở đây mọi người học tập chính tâm, tu thân; do đó có thể thu được hiệu quả của “ánh sáng do sự cọ xát” thì kết hợp càng kiên cố hơn.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm. Anthony Trung Thành
10:03 10/11/2015
SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Tử Đạo, theo từ nguyên là Martyr, có nghĩa là người làm chứng, và truyền thống Giáo Hội quen dùng từ này để hiểu về lớp người làm chứng đạo bằng cái chết về đức tin. Nhưng trước khi Tử đạo, các ngài đã làm chứng về đời sống. Tử đạo chỉ là giây phút kết tinh toàn bộ cuộc đời của các Ngài. Tác giả cuốn sách “Thiên hùng sử” viết về việc sống đạo của các hiền nhân tử đạo như thế này : “Trừ vài vị được ơn đặc biệt mà có được quyết định quảng đại bất ngờ trước thử thách, còn nói chung cuộc đời của các Thánh tử đạo là một chứng từ, một quá trình hợp tác với ơn Chúa trước khi phải làm chứng cho Ngài bằng máu. Tử đạo là giây phút kết tinh toàn bộ cuộc đời của họ những kẻ sống trọn vẹn giá trị Tin Mừng giữa đồng bào dân tộc”.

1. Vậy trước khi làm chứng bằng máu, các Ngài đã làm chứng về điều gì?

Làm chứng về Đức Tin: Đức tin đã thấm nhập vào tâm hồn các Ngài, trở thành kho tàng vô giá, các ngài cương quyết bảo vệ cho bằng được. Lần kia quan án gọi thánh Laurenxô Ngôn và dụ dỗ : "Anh còn trai trẻ, sao lại dại dột muốn chết ? Hãy bước qua Thập Tự, anh sẽ được trả về với gia đình". Ngài trả lời: "Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thập Giá là phương thế Thiên Chúa đã dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Nếu quan cho tôi sống tôi cám ơn quan, còn không, tôi sẵn sàng vui lòng chịu chết vì đức tin vào Chúa tôi".

Dù bị tra tấn với muôn hình khổ ghê rợn nhưng không thể làm lay chuyển nổi đức tin của các Ngài. Thánh Mỹ khi nghe tin Tổng đốc bắt các lính Công Giáo phải quá khóa, Ngài vì ở xa, nên gửi thư khuyên bốn người thuộc làng Kẻ Vĩnh : "Xin anh em giữ vững đức tin, mấy ngày nữa tôi sẽ đến với các anh em". Và Ngài can đảm thưa với quan tổng đốc rằng : “Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, Nên tôi không chối bỏ bao giờ”.

Làm chứng về Tình Yêu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16). Vì yêu nhân loại, Chúa Giêsu đã chấp nhận hy sinh tính mạng của mình: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Vì yêu người bạn tù, Thánh Maximilianô Kolbe đã tự nguyện nộp mình chịu chết. Vì tình yêu, nên các thánh tử đạo đã vượt qua những thử thách đau khổ để trung thành với Chúa. Chỉ có tình yêu mới có thể giải thích được cái chết của các vị Tử đạo. Thánh Phêrô Dũng yên ủi vợ rằng: “Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô”. Trước các quan tra hỏi lúc thì tra tấn, lúc thì ngon ngọt để cha xuất giáo, Thánh Giuse Đỗ Quang Hiển đáp: "Tôi đã già chẳng còn sống được bao lâu nữa, tôi sẵn sàng chết vì Ðấng đã chết cho tôi". Chính vì thế, Cha Hiển nói thẳng với quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh rằng: "Xin quan cứ tuân lệnh vua, đừng ép thêm vô ích, chúng tôi sẵn sàng chết để tỏ lòng yêu mến Chúa”.

Làm chứng về việc chấp nhận Đau Khổ vì Chúa: Chúa nói: "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy?" (Mt 16,24). “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết (Mt 10,18).

Chúa Giêsu đã báo trước về sự hy sinh, đau khổ và cái chết mà các kitô hữu phải chịu. Bình thường, ai cũng thích sướng ngại khổ, thích sống sợ chết. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa của đau khổ, nhất là với ơn Chúa giúp các vị tử đạo có sức mạnh để vượt thắng được mọi hình khổ dã man như: Kìm kẹp, xích xiềng, voi dày, ngựa xéo, trảm quyết, thiêu sinh, lăng trì, bá đao...Dầu vậy, các Ngài thà chịu đau khổ, thà chịu chết chứ không bỏ đạo, không chối đức tin. Thánh Mỹ thường nói với các giáo hữu rằng: "Việc nhà vua cấm đạo ví như thử thách Thiên Chúa gởi đến, ta phải kiên tâm trung thành với đạo". Thánh Giuse Phạm Trọng Tả nói: "Tôi là một Kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ".

Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh Nam Ðịnh nói với Thánh Ðạt rằng : "Hai bạn của ngươi (tức thánh Thể và Huy) vì cuồng dại không chịu bỏ đạo tà, nên đã bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn thì chối bỏ thứ đạo đó đi để về với vợ con". Thánh Ðạt thẳng thắn đáp: "Tôi đã chịu nhiều cực hình vì đức tin, nay tôi sẵn sàng chịu thêm nhiều hình khổ khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc trọng, quan cứ chém tôi làm tám cũng được".

Làm chứng về sự Tha Thứ: Chúa Giêsu không những dạy chúng ta phải tha thứ cho kẻ thù (Mt 5,44). Trên Thánh giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài còn làm gương cho chúng ta về bài học đó khi tha thứ cho những kẻ giết mình “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,43). Như vậy, tha thứ là lệnh truyền của Chúa. Tha thứ cũng là bản chất của các thánh tử đạo. Dù bị người đời ghét bỏ, dù bị muôn vàn hình khổ nhưng các ngài vẫn yêu thương, vẫn tha thứ cho kẻ làm hại mình. Trước khi bị xử chém, Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã nói lời trăng trối cuối cùng với con trai của mình rằng: "Con ơi, hãy tha thứ. Đừng tìm báo thù kẻ tố giác cha nhé". Ngài còn nài nỉ các bạn hữu sống trọn vẹn giới luật bác ái Kitô Giáo : "Hãy tha thứ cho kẻ thù. Đừng báo oán những kẻ tố giác hay kết án tôi, hãy tha thứ, hãy tha thứ vì chính tôi, tôi đã thứ tha…"

Thánh Gioan Baotixita Ðinh Văn Thành cùng với hai thánh Khoan và Hiếu đồng ca bài hát tha thứ sau đây trước khi bị trảm quyết: "Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa đất trời. Chúng con hiến dâng mạng sống cho Người. Xin Chúa chúc phúc lành cho nhà vua được cai trị lâu dài trong an bình, xin biến đổi trái tim vua, để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất có thể đem lại cho con người hạnh phúc đích thực".

Làm chứng về lòng Bác Ái: Tình thương của các thánh Tử đạo không chỉ thể hiện qua việc tha thứ mà còn được thể hiện ở lòng bác ái đối với tha nhân. Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh đã dành tiền bán thuốc để chia sẻ cho người nghèo. Ngài còn vay mượn thêm để giúp đỡ họ. Ngài nói với vợ và các con rằng: "Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”. Ngài khẳng định: "Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta coi họ như chi thể của Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng".

Thánh Giuse Phạm Trọng Tả (Cai) thì cho rằng “Yêu thương để xứng với tình Chúa yêu”, Ngài thường châm chước cho những người mắc nợ và nói: "Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình ".

Làm chứng về việc chu toàn Bổn Phận, nhất là bổn phận đối với gia đình: Các người con của Bà Thánh Đê đã làm chứng về mẹ mình rằng: "Mẹ tôi rất đạo đức, luôn dạy con cái ăn ngay ở lành, tối sớm kinh nguyện...". Thánh Martinô Thọ căn dặn các con vào thăm Ngài trong tù rằng: “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lẫn chuỗi Mân côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.

Bà Lý Mỹ kể về đời sống của Thánh Mỹ chồng bà rằng : "Gia đình tôi sống trong hòa thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày, nếu vợ con hay người giúp việc bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm, mỗi lần ông kỹ lưỡng xét mình hai ngày trước. Mùa chay, ông giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bao giờ".

Làm chứng về Sự Sống Đời Sau: Chết không phải là hết nhưng là đi vào cõi sống. "Kẻ trung thành với Chúa Giêsu, khi chết sẽ được lên Thiên Ðàng" (Thánh Đaminh Nguyễn Văn Hạnh). Các Thánh Tử đạo đã xác tín điều đó nên cái chết của các Ngài là chứng từ về sự sống đời sau. Vì vậy, các Ngài không cảm thấy nặng nề khi cái chết sắp đến. Các Ngài coi cái chết nhẹ tựa long hồng. Có những vị không dấu được sự vui mừng khi nghe tin mình bị án tử. Có những vị đi ra pháp trường miệng luôn hát thánh ca. Các Ngài bình tĩnh, thậm chí là vui vẻ đón nhận cái chết. Thánh Giuse Maria Diaz Sanjuro An, Giám mục nói: “Tôi vui mừng lắm và chỉ ước ao đổ máu vì Chúa, để máu tôi hoà với Máu Cực Thánh Chúa Giêsu rửa linh hồn tôi được sạch mọi tội lỗi. Xin anh em cầu cho tôi vững đến cùng."

Còn Thánh Giuse Lê Ðăng Thị, khi nghe bản án xong kêu lớn tiếng: "Vạn phúc, vạn phúc! Tôi sắp được Tử đạo".

Làm chứng về đạo Chúa là Đạo Thật: Cha Giuse Fernandez Hiền đáp lại lời hỏi cung của các quan như sau: "Xin các quan biết cho, không bao giờ tôi chà đạp Thánh Giá, còn việc về nước Tây Ban Nha thì tôi không muốn, vì tôi đến đây với ước nguyện là giảng đạo Chúa Giêsu, đạo chân chính duy nhất giúp con người sống tốt đẹp ở đời này và đạt hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Tôi sẵn sàng lấy máu mình để làm chứng cho người dân Việt biết đạo Thiên Chúa là đạo thật. Ðó là mục đích và niềm vui của tôi".

Còn với Thánh Tịnh, khi nhận được án tử, quan cố gắng một lần chót bằng cách khuyến dụ Ngài xuất giáo. Ngài trả lời rằng: "Tôi xin chân thành cám ơn quan, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại trong vinh quang. Còn linh hồn tôi là của Thiên Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được".

Trên đây là một số trong muôn vàn cách thế làm chứng của các thánh Tử Đạo Việt Nam trước khi đổ máu mình làm chứng cho Chúa Kitô. Chúng ta nghiêng mình cảm phục những cách thế làm chứng của các bậc tiền bối của chúng ta, đồng thời chúng ta tiếp tục noi gương các Ngài để làm chứng cho Tin Mừng.

2. Ngày hôm nay, chúng ta làm chứng cho Tin Mừng như thế nào?

Chúng ta đang thừa hưởng gia sản vô cùng quý giá của các vị Tử đạo. Chúng ta hãy sống tốt đẹp xứng với những hy sinh của các Ngài. Qua lá thư mục vụ năm 2003, Hội đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mọi người chúng ta : “Hãy phát triển truyền thống kiên cường của các bậc tiền nhân anh hùng tử đạo”. Vậy, chúng ta có thể phát triển truyền thống anh hùng tử đạo như thế nào ?

Ngày hôm nay có lẽ rất hiếm khi người ta bắt bớ giết chết người kitô hữu như thời các Thánh Tử Đạo, nếu có thì cũng khó nhận thấy hơn, nhưng những thử thách, khó khăn ngày hôm nay còn đáng sợ hơn, người kitô hữu phải đương đầu với biết bao thách đố của các trào lưu hưởng thụ, tiền tài, danh vọng, những nền văn hoá sự chết đi ngược lại với giáo lý, với đức tin, nếu không cảnh giác đề phòng thì sẽ không thể trung thành với Chúa với Giáo Hội. Hơn nữa, tử đạo là một ân huệ đặc biệt Chúa ban cho ai tuỳ ý Ngài muốn, nhưng nỗ lực làm chứng cho Chúa thì không dành riêng cho ai cả. Làm chứng về Đức Tin. Làm chứng về Tình Yêu. Làm chứng về việc chấp nhận Đau Khổ. Làm chứng về sự Tha Thứ. Làm chứng về lòng Bác Ái. Làm chứng về việc chu toàn Bổn Phận. Làm chứng về Sự Sống Đời Sau. Làm chứng về Đạo Chúa là Đạo Thật. Cho nên, điều quan trọng không phải liệu sao cho mình được chết vì đạo, mà là sống thế nào cho trọn đạo. Đó là chúng ta đang sống tinh thần tử đạo. Đó là chúng ta đang phát triển truyền thống kiên cường của các anh hùng tử đạo.

Thánh Giám Mục Am-rô-xi-ô còn gợi ý cho chúng ta về những cách thế làm chứng sau đây : “Ngày nào bạn cũng có thể là chứng nhân của Đức Kitô được. Bạn bị cám dỗ làm điều dâm ô, nhưng vì sợ cuộc phán xét sau này của Đức Kitô, bạn nghĩ là không được liều lĩnh làm thương tổn đến sự trong sạch của tinh thần và thể xác, như thế bạn là vị tử đạo của Đức Kitô. Bởi tính tham lam, bạn bị cám dỗ xâm chiếm tài sản của người yếu thế, vi phạm quyền lợi của quả phụ neo đơn, nhưng khi suy gẫm các lệnh truyền của Chúa, bạn thấy phải giúp đỡ chứ không được làm hại. Như thế, bạn là chứng nhân của Đức Kitô. Bạn bị cám dỗ bởi tính kiêu ngạo, nhưng khi nhìn thấy người nghèo khó, túng thiếu, bạn động lòng trắc ẩn; bạn quí chuộng đức khiêm nhường chứ không ưa tính kiêu ngạo; như thế, bạn là nhân chứng của Đức Kitô. Hơn nữa, bạn làm chứng không chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm. Trong một xã hội sống thiếu tình thương, bạn cố sống yêu thương giúp đỡ mọi người là bạn làm chứng cho Đức Kitô”. (x. Bài đọc 2 kinh sách ngày 9 tháng 10)

Xin các Thánh Tử Đạo cầu thay nguyện giúp, để chúng ta biết sống thế nào cho trọn đạo, nhất là biết noi gương các Ngài làm chứng cho Chúa ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Câu chuyện Mục Vụ 'có thực mới vực được đạo' hay chuyện một bà Sơ vô địch nấu nướng.
Trần Mạnh Trác
11:15 10/11/2015


Giải vô địch.

Những người có tâm hồn 'văn nghệ' chắc hẳn còn nhớ hai năm trước đây đã có dịp theo dõi một Sơ dòng Ursuline là Cristina Scuccia trên chương trình tuyển lựa ca sĩ 'The Voice' cuả Ý. Sơ Cristina sau cùng đã đoạt giải và... tiếp tục đi tu tiếp để tiến tới việc được khấn trọn đời.

Ngày hôm nay (Thứ Hai 9-11-15) ở Mỹ, lại đến phiên những người có tâm hồn 'ăn uống' được theo dõi một Sơ cuả dòng Phanxicô, đã khấn trọn đời rồi, xuất hiện trên TV trong một chương trình thi đua nấu nướng gọi là 'Chopped' (Băm).

Kết quả: Sơ Alicia Torres đã đoạt giải vô địch với phần thưởng 10 ngàn đô dành cho Mission of Our Lady of the Angels (Trụ Sở Truyền Giáo Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần). Đây là nơi mà các nữ tu dòng Franciscans of the Eucharist (Phanxicô Thánh Thể ) đang giúp các cư dân nghèo và già cả cuả khu phố Humboldt Park nằm ở phiá Tây cuả thành phố Chicago.

Tuyên bố lúc được trao giải vô địch, Sơ Alicia Torres nói "Chuá đã ban cho tôi cái tài năng này. Tôi tin rằng ở nơi cái bếp, cũng giống như tấm vải luạ cuả người hoạ sĩ, là chỗ tôi có thể phát huy những sáng tạo cuả mình"

Sơ Alicia Torres đã vào chung kết với 3 đầu bếp kỳ cựu khác, cuộc thi đấu là dọn một bữa ăn cho ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgivings) với 4 nguyên liệu là gà tây (turkey), đậu xanh (green beans), khoai tây (potatoes) và quả 'nam việt quất' (cranberries).

Trước tiên là món tráng miệng, Sơ Alicia xay nhuyễn những mảnh vụn phế thải (leftover) như hạt đậu, vỏ khoai, thịt bằm mà làm thành một món bánh nướng cuả Mễ Tây Cơ gọi là quesadillas.

Về món ăn chính, Sơ Alicia sọan ra một món ăn cuả vùng Điạ Trung Hải gồm có cà ri gà tây, khoai băm chung với hột quất và món rau đậu xanh chấm với nước sốt làm bằng phó mát cuả sưã dê.

Bà Bonnie Kepplinger, một đầu bếp lão thành 74 tuổi, cho biết là bà đã không ngạc nhiên khi phải chịu thua một bà Sơ mới có 30 tuổi. Bà cho biết đã có nhiều ấn tượng với “cooking nun” này ('sơ nấu nướng') và mong rằng Sơ Alicia sẽ biểu diễn đều đều trên TV, thật sớm.

Riêng Sơ Alicia thì cho biết Sơ không có hào hứng gì với việc được mời lên TV nữa. Tuy nhiên dù cho ý Chuá trong tương lai có như thế nào, thì "đó sẽ chỉ là để làm sáng danh Chuá và để phục vụ cho những anh chị em ở khu phiá Tây (West Side) cuả thành phố.

"Mong rằng việc lên truyền hình quốc gia và thắng giải cuộc thi sẽ mang lại nhiều chú ý hơn đến những vấn đề cuả nạn đói khổ, và làm sáng tỏ một thực tế rằng tình yêu của Chúa thì rất mạnh và rất lớn, vì Ngài đã có thể dùng một người nữ tu bé mọn từ Chicago với vốn liếng hẹp hòi về nấu nướng để mà dự thi... . Cho nên không có gì là không thể làm được với Thiên Chuá. "



Khu West side

Khu phiá Tây (West side) cuả Chicago là vùng cuả tội phạm, ma tuý và nghèo đói. Cũng đã có một lịch sử rất đau buồn: Ngày 1 tháng 12 năm 1958, trường Công Giáo ở đây bị phát hoả, 3 Sơ và 92 học sinh đã thiệt mạng.

Năm 1990 giáo xứ và trường học phải đóng cưả, nhưng cố HY Francis George đã không muốn mất đi một sự hiện diện Công Giáo, cho nên vào năm 2005 đã mời cha dòng Phanxicô Bob Lombardo tới lập trụ sở truyền giáo. Một tu viện cuả nữ tu Phanxicô đã được thành lập để phục vụ cho trụ sở.

Trụ sở giúp phân phát thực phẩm, quần áo và đồ gia dụng hàng tháng cho khoảng 700 gia đình. Mỗi Thứ Bẩy đầu tháng lại có thêm một xe di động đi rảo quanh để phân phát đồ cho khoảng 300 gia đình ở xa.

Sơ Alicia Torres là một trong những Sơ tiên khởi ở đây.

Tài nghệ nấu ăn cuả Sơ tỏ ra hữu dụng cho các bữa dành cho khu xóm. Thí dụ mỗi thứ Ba có một chương trình cho người cao niên.

"Chúng tôi có khoảng từ 30 cho đến 50 vị cao niên trong xóm thường lai vãng đến để tập thể dục và chúng tôi tặng cho họ một bữa ăn dinh dưỡng cũng như một món ăn tinh thần là việc bàn cãi về Kinh Thánh. Đây là một cơ hội tuyệt vời, không chỉ là giúp cho họ một bữa cơm bổ dưỡng, nhưng cũng là giúp cho họ xây dựng nên một cộng đoàn xã hội," Sơ Alicia nói. "Vì vậy, tất cả mọi thứ chúng tôi làm đều có sự liên kết với những vấn đề cuả đức tin, như là về tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu và đức tin của chúng ta ở nơi Chúa và những gì mà Chuá đã ban cho chúng ta. Bởi vì tất cả mọi thứ ở đây đều là do ơn Chúa Quan Phòng mà ra, là ân sủng của Chúa ban xuống cho chúng ta qua những người mà Ngài đã đánh động và soi sáng, và thêm vào đó, qua việc xây dựng nên cộng đồng này."

Có người cho biết món xá xiú (meatballs) cuả Sơ là tuyệt vời, Sơ nói "Vì thế mà người ta đã đến và cứ đến hoài. Người ta nói chuyện về ăn uống nhiều lắm."

"Vì vậy, nếu chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ là vị kết nối tất cả chúng ta lại với nhau. Và như vậy, chiếc bàn ăn là một nơi tuyệt vời để đến với nhau. Chúng tôi thấy rằng thực phẩm là một phương tiện tuyệt vời của việc truyền giáo - không chỉ là một nhu cầu cơ bản khi con người cảm thấy đói, nhưng cũng là cần cho một linh hồn đang đói khát", Sơ cho biết. "Mọi người đều thích ăn. Ai cũng thích được ngồi gần nhau. Vì vậy mà đã có rất nhiều niềm vui."



Ơn gọi nấu nướng

Sơ Alicia trở thành đầu bếp chính cho cộng đồng như thế nào?

"Tôi nghĩ rằng đó là một quá trình cuả việc loại trừ (những gì mình không làm được)," Sơ nói đuà như vậy. "Bạn hẳn đã biết khi một người gia nhập vào đời sống tu trì thì là để phục vụ, phải không? Và người đó đến để chia sẻ quà tặng và tài năng mà có khi người đó đã không có trước. Tôi đã luôn luôn thích nấu ăn trước khi đi tu. Khi còn đi học ở đại học thì tôi cũng đã thành công với các bữa ăn lớn và với món cheesecakes. "

Khi vào dòng tu, Sơ là người có kinh nghiệm nhất trong việc nấu ăn trong số các nữ tu. Nhưng việc không phải là một người có óc tổ chức mà có thể tạo ra được những món ăn ngon đã làm cho Sơ cảm thấy bất ngờ.

"Không hiểu vì lý do gì, mà mỗi khi tôi vào nhà bếp và nói đến thực phẩm, thì nó giống như là, 'Rồi!' (bam!,) tôi làm được," Sơ nói. "Tôi nghĩ rằng chắc chắn là có một ơn gì đó từ Thiên Chúa khi nói về việc giữa tôi và thực phẩm, bởi vì tôi đã không hề được đào tạo chuyên nghiệp. Hoàn toàn không. Nhưng, vì một lý do gì đó, tôi có khả năng ấy, tôi nghĩ rằng, qua Chúa, tôi đã được trợ giúp mỗi khi phải dọn ra một bữa ăn sáng cho 500 người. "

Mỗi khi có một sự kiện lớn, thì trụ sở truyền giáo luôn luôn đặt hàng theo đúng nhu cầu cụ thể ở nơi những nhà tài trợ mà họ đã biết là có sẵn các mặt hàng ấy. Nhưng sự sáng tạo cuả Sơ Alicia được phát huy trong nhiều sự kiện nhỏ hơn, giống như là những bữa ăn trưa cộng đồng mỗi ba tháng một lần để gây quĩ "hỗ trợ tổng giáo phận," hoặc các cuộc họp của các linh mục và tu sĩ nam nữ.

Trong những dịp như thế thì Sơ sử dụng những gì đang có trong tay hoặc những món ăn mà các nhóm mang lại một cách hỗn tạp.

Có một lần, họ mang cá Basa tới, một loại cá trê có mùi "tanh" khá mạnh.

"Nó diễn ra như thế này, 'tôi tự nghĩ, Vâng!, mình có cá Basa đây, và mình sẽ có nhiều người. Vậy hãy làm một món Mexico, như món 'Tacos nhân cá' chẳng hạn '", Sơ Alicia vừa kể vừa cười. "Nhưng mọi người nói rằng, 'Sơ không thực sự sẽ làm điều đó chứ?." Nhưng tôi nói "Vâng, tôi sẽ làm như thế đó.'"

Và Sơ đã xắt nhỏ khoai lang ngọt để trộn với cá và gia giảm thêm vào một số gia vị cay.

"Thật là tuyệt vời mà khi mọi người đều hỏi tôi, 'Sơ không nói đuà chứ? Thật là ngon. Mà lại là cá Basa à?. " Vì vậy, chỉ cần thêm vào một chút sáng tạo là chúng ta có thể xem thấy những gì mà chúng ta có thể làm được bằng cách quản lý tốt những gì mà Thiên Chúa cung cấp cho."

Sơ Alicia không biết gì về chương trình TV 'Chopped' cho đến khi nhận được một email cho biết họ đang tìm kiếm một nữ tu tham gia.

"Tôi đã đi tìm Cha Bob, và nói, 'Cha biết không, con nghĩ rằng con có một cơ hội khá tốt để được chương trình TV này chấp nhận.'" Ngài đã cho phép, và Sơ đã điền đơn. Họ gọi điện thoại cho Sơ ngay trong vòng 24 giờ sau đó.

Toàn bộ sự việc là "không thể tin được," Sơ nói.

"Tôi rất biết ơn chương trình TV 'Chopped' cuả Food Network đã dành ưu tiên để làm nổi bật một nhu cầu rất thực tế ở nước ta: là vấn đề nghèo đói ở Mỹ", Sơ nói. "Đó thực sự là một niềm vui được tham gia làm một đại diện cho khu phố của chúng tôi."
 
Lúc Đức Thánh Cha bị vấp té hôm 7/11/2015
VietCatholic Network
14:19 10/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Hướng đi Đức Thánh Cha Phanxicô đề ra cho Giáo Hội tại Italia
Lm. Trần Đức Anh OP
16:11 10/11/2015
FIRENZE - ĐTC Phanxicô nhắn nhủ Giáo Hội tại Italia sống khiêm tốn, gần gũi thực tại dân chúng, đừng ám ảnh tìm quyền bính và vinh danh, không cậy vào sức riêng mình.

Trên đây là nội dung bài huấn dụ dài của ĐTC sáng ngày 10-11-2015 tại Đại Hội Công Giáo toàn quốc Italia lần thứ 5, tiến hành trong Nhà thờ chính tòa Firenze.

Giã từ thành phố Prato lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đáp trực thăng đến thành phố Firenze chỉ cách đó 30 cây số đường chim bay. Tổng giáo phận này hiện do ĐHY Giuseppe Bertori cai quản và hiện có 850 ngàn tín hữu Công Giáo.

Đến nơi ngài đã viếng thăm giếng rửa tội nổi tiếng rồi tiến vào Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Bông Hoa cạnh đó. Tại đây các GM và 2500 đại biểu của 220 giáo phận Italia đã dành cho ĐTC một cuộc tiếp đón nồng nhiệt.

Chính tại nơi đây từ chiều 9-11 vừa qua, đang diễn ra Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia lần thứ 5 với chủ đề ”Trong Chúa Giêsu Kitô, một thuyết nhân bản mới”.

Trong công nghị này, các đại biểu bàn về những biến chuyển về văn hóa và xã hội thời nay, ngày càng ảnh hưởng đến tâm thức và phong tục của con người, nhiều khi tước bỏ những nguyên tắc và giá trị cơ bản đối với cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội. Trong bối cảnh đó, Đại hội tìm kiếm hướng đi và những đề nghị cụ thể cho việc mục vụ của Giáo Hội.

Sau lời chào của ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng HĐGM Italia, đã có 3 chứng từ được trình bày với ĐTC, một phụ nữ, một đôi vợ chống và đặc biệt là cha Bledar Ximli, người Albani, nguyên là một thiếu niên sinh trưởng trong một gia đình vô thần, vượt biên sang Italia, sống dưới các gầm cầu và ăn ở các quán ăn của Caritas, nhưng rồi cậu bé được 1 cha sở tiếp đón, giúp học hành và tìm công ăn việc làm. Anh ta trở lại đạo và về sau đã đi tu làm linh mục.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ dài tiếp đó, ĐTC đi từ nhận xét về bức bích họa tại vòm nhà thờ chính tòa Firenze diễn tả cảnh phát xét chung: sự kiện Chúa Kitô từ người bị quan Philatô xét xử trở thành Chúa Giêsu ngồi trên ngai thẩm phán, vị thẩm phán từ bi thương xót. Ngài nói:

”Trong ánh sáng của vị Thẩm Phán từ bi ấy, chúng ta quì gối thờ lạy, và chân tay chúng ta được vững mạnh. Chúng ta chỉ có thể nói về thuyết nhân bản đi từ vị trí trung tâm của Chúa Giêsu, khám phá nơi Ngài những nét trong khuôn mặt chân thực của con người. Chính từ sự chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, chúng ta mới tái tạo nhân tính của chúng ta, kể cả nhân tính bị phân hóa vì những mỏi mệt của cuộc sống hoặc bị tội lỗi ghi dấu.

Đi từ tiền đề trên đây, nhất là từ tôn nhan một vị Thiên Chúa dã nhận lấy thân phận người tôi tớ, bị tủi nhục và vâng phúc cho đến chết (Xc Ph 2,7), ĐTC đã rút ra những hệ luận cho cuộc sống của Kitô hữu, 3 tâm tình mà các môn đệ của Chúa cần phải có:

- Trước tiên là tâm tình khiêm tốn: ”Mỗi người trong anh chị em, với tất cả lòng khiêm tôn, hãy coi người khác trọng hơn mình” (Ph 2.3), thánh Phaolô đã nói như thế với các tín hữu thành Philiphê. Tiếp đến thánh nhân nói: Chúa Giêsu không coi là một ”đặc ân” sự kiện Người là Thiên Chúa (Ph 2,6). ĐTC nhận xét rằng: ở đây có một sứ điệp rõ ràng. Sự ám ảnh muốn bảo tồn danh tiếng, địa vị và ảnh hưởng của mình, không thể thuộc vào số những tâm tình của chúng ta. Chúng ta phải tìm vinh danh Thiên Chúa, và vinh danh này không trùng với vinh danh của chúng ta. Vinh quang của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trong sự khiêm hạ của hang đá máng cỏ Bêlem hoặc trong thập giá ô nhục Chúa Kitô, luôm làm cho chúng ta ngạc nhiên.

- Một tâm tình khác của Chúa Giêsu mang lại hình thái cho thuyết nhân bản Kitô là thái độ vô vị lợi. Thánh Phaolô yêu cầu: ”Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Ph 2,4). Vì vậy, thay vì tư lợi, chúng ta phải tìm hạnh phúc cho người cạnh chúng ta. Nhân tính của Kitô hữu là luôn đi ra ngoài. Nhân tính ấy không phải là tự yêu mình, tự tham chiếu mình. Khi con tim chúng ta giàu có và mãn nguyện về mình, thì không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa. Vì thế, chúng ta hãy tránh khép mình trong những cơ cấu mang lại một sự bảo vệ giả tạo, trong những qui luật biến chúng ta thành những thẩm phán không biết mủi lòng, trong những tập quán làm cho chúng ta yên hàn (EV 49).

Nhiệm vụ của chúng ta là làm việc để thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn và tranh đấu. Đức tin của chúng ta có tính chất cách mạng, có sự thúc đẩy đến từ Chúa Thánh Linh. Chúng ta phải theo sự thúc đẩy ấy để ra khỏi mình, để trở thành những người theo Tin Mừng của Chúa. Bất kỳ cuộc sống nào đều được định giá theo khả năng hiến thân.

- Tâm tình thứ ba của Chúa Giêsu Kitô là hạnh phúc. Kitô hữu là người hạnh phúc, là người mang trong mình niềm vui Phúc Âm. Trong các mối phúc thật, Chúa chỉ cho chúng ta con đường cần đi theo. Khi theo con đường ấy, loài người chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc chân thực nhất, hạnh phúc nhân trần và thần linh... Các mối phúc thật chúng ta đọc trong Tin Mừng bắt đầu với một lời chúc phúc và kết thúc bằng một lời hứa an ủi... Để được hạnh phúc, để nếm hưởng sự an ủi của tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, cần có một con tim rộng mở. Hạnh phúc là một sự đánh cuộc vất vả, với những từ bỏ, lắng nghe và học hỏi, và những hoa trái của nó được gặt hái trong thời gian, mang lại cho chúng ta một niềm an bình khôn sánh: ”Các người hãy nếm hưởng xem Chúa tốt lành dường nào!” (Tv 34,9).

Khiêm tốn, vô vị lợi, hạnh phúc, đó là 3 nét mà hôm nay tôi muốn trình bày cho anh chị em để suy niệm về thuyết nhân bản Kitô nảy sinh từ nhân tính của Con Thiên Chúa. Những nét này cũng có những hệ luận đối với Giáo Hội tại Italia ngày nay, Giáo Hội ngày hôm nay đang nhóm họp để đồng hành.

ĐTC giải thích: Những nét này nói với chúng ta rằng chúng ta không được để cho mình bị ám ảnh vì quyền lực, cả khi quyền lực ấy có vẻ hữu ích và thực dụng theo hình ảnh xã hội của Hội Thánh. Nếu Giáo Hội không có những tâm tình của Chúa Giêsu, thì sẽ bị lạc hướng, mất ý nghĩa. Những tâm tình của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng một Giáo Hội nghĩ đến mình và những lợi lộc của mình thì thật là buồn. Sau cùng, những mối phúc thật chính là cái gương soi trong đó chúng ta nhìn thấy chính mình, cái gương giúp chúng ta biết mình có đang đi đúng đường hay không.

Một Giáo Hội có 3 nét vừa nói - khiêm tốn, vô vị lợi, hạnh phúc - là một Giáo Hội biết nhận ra hoạt động của Chúa trong thế giới, trong nền văn hóa, trong cuộc sống thường nhật của dân chúng.

Hai cám dỗ cần tránh

Tiếp tục bài huấn dụ tại Đại Hội Công Giáo Italia, ĐTC nói đến 2 trong số nhiều cám dỗ mà Giáo Hội cần tránh.

Trước tiên là cám dỗ cậy vào sức riêng mình. Cám dỗ này thúc đẩy Giáo Hội không còn khiêm tốn, vô vị lợi và hạnh phúc. Thái độ này làm cho chúng ta tin tưởng nơi các cơ cấu, các tổ chức, các kế hoạch hoàn hảo, trừu tượng. Nó cũng thường làm cho chúng ta thích kiểm soát, cứng cỏi, duy luật lệ. Qui tắc luật lệ mang lại cho người cậy sức riêng mình cảm tưởng an ninh, nghĩ mình cao trọng hơn, có một đường hướng chính xác, trong đó họ tìm được sức mạnh cho mình, không phải trong sự nhẹ nhàng của làn gió Chúa Thánh Linh thổi. Đứng trước những tai ương và các vấn đề của Giáo Hội, thật là vô ích khi tìm kiếm những giải pháp trong thái độ bảo thủ và duy căn, cực đoan, trong sự tái lập những đường lối hành xử và hình thức lỗi thời, chẳng có ý nghĩa kể cả về phương diện văn hóa. Đạo lý Kitô không phải là một hệ thống khép kín, không có khả năng tạo nên những câu hỏi, nghi ngờ, vấn nạn, nhưng nó sinh động, biết làm cho ta bất an, linh hoạt. Đạo lý Kitô không có khuôn mặt cứng nhắc, nhưng có một thân thể chuyển động và phát triển, có thịt mềm: được gọi là Chúa Giêsu Kitô.

Trong chiều hướng đó, ĐTC mời gọi Giáo Hội tại Italia hãy để cho mình được hơi thở mạnh mẽ đưa dẫn, và vì thế mà nhiều khi bất an. Hãy luôn đón nhận tinh thần của những nhà đại thám hiểm của mình, say mê di chuyển trên các con tàu trên biển khơi và không kinh hãi vì các biên giới và bão tố.

- Cám dỗ thứ hai ĐTC kêu gọi cảnh giác đó là cám dỗ của thuyết ngộ đạo, làm cho người ta tin tưởng nơi lý luận hợp lý rõ ràng, nhưng làm cho ta mất đi sự dịu dàng của thân mình người anh em. Sức thu hút của thuyết ngộ đạo là sự thu hút của một đức tín khép kín trong thái độ chủ quan, trong đó người ta chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm nào đó hoặc một loạt những lý lẽ và kiến thức, mà ta coi là có thể củng cố và soi sáng, nhưng trong đó chủ thể rốt cuộc bị khép kín trong những lý lẽ hoặc tâm tình của mình” (EV 94).

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ toàn thể Giáo Hội tại Italia hãy bao gồm những người nghèo về mặt xã hội, những người nghèo ấy có một chỗ ưu tiên trong dân Chúa, và khả năng gặp gỡ và đối thoại để tạo điều kiện cho tình thân hữu xã hội tại đất nước anh chị em, tìm kiếm công ích.

Sự đứng về phía người nghèo là ”một hình thức đặc biệt của quyền tối thượng trong việc thực thi đức bác ái Kitô, được toàn thể truyền thống của Giáo Hội làm chứng” (Gioan Phaolô 2, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 42).

ĐTC nói: ”Tôi cũng đặc biệt khuyến khích anh chị em có khả năng đối thoại và gặp gỡ. Gặp gỡ không phải là thương thuyết. Thương thuyết là tìm cách rút được phần của mình trong cái bánh chung. Không phải vậy, nhưng là tìm kiếm công ích cho tất cả mọi người.. . Chúng ta phải luôn nhớ rằng không có một thuyết nhân bản đích thực nếu không coi tình thương như một mối giây liên kết con người với nhau, về phương diện liên chủ thể, cũng như vầ mặt xã hội, chính trị hoăc trí thức.

Ngoài ra, anh chị em hãy nhớ rằng cách đối thoại tốt nhất không phải là nói và thảo luận, nhưng là làm một cái gì chung, cùng nhau kiến thiết, xây dựng: không phải một mình giữa các tín hữu Công Giáo, nhưng cũng với tất cả mọi người thiện chí.

Sau cùng, ĐTC đề nghị rằng trong những năm tới đây, trong mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ hoặc hội đoàn, trong mỗi giáo phận và giáo hạt, hãy tìm cách tổ chức những công nghị để cùng nhau đào sâu Tông thư ”Niềm vui Phúc Âm” để rút ra từ đó những tiêu chuẩn thực hành, và để thực thi những quyết định. Tôi chắc chắn về khả năng của anh chị em hoạt động trong tinh thần sáng tạo để cụ thể hóa những nghiên cứu học hỏi ấy.

Cuộc gặp gỡ của ĐTC với các tham dự viên Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC.
 
52 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại Firenze
Lm. Trần Đức Anh OP
16:10 10/11/2015
FIRENZE - Trong thánh lễ trước 52 ngàn tín hữu tại Firenze, trung Italia, ĐTC mời gọi Giáo Hội quan tâm và gần gũi dân chúng, đồng thời gắn bó với Chúa Kitô.

Trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Firenze ngày 10-11-2015, sau khi gặp gỡ các GM và 2500 đại biểu của 220 giáo phận toàn nước Italia, ĐTC đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Truyền Tin gần đó để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin và viếng thăm các bệnh nhân tại đây, rồi ngài tiến qua quán ăn cạnh đó tên là ”thánh Phanxicô người nghèo” do Caritas Firenze đảm trách. Tại đây ĐTC đã dùng bữa trưa với 60 người nghèo thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó có 30 người Italia.

Sau khi nghỉ trưa tại tòa TGM, lúc gần 15 giờ chiều, ĐTC đã đến Sân vận động ”Artemio Franchi”. Ngài tiến qua các lối đi để chào thăm 52 ngàn tín hữu ngồi chật thao trường. Đồng tế với ngài có các GM của 220 giáo phận Italia và hơn 300 linh mục. Lễ đài tại đây do các tù nhân tự nguyện làm để tặng ĐTC.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giảng bài Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: người ta bảo Thầy là ai? Và các con nói Thầy là ai? Sau cùng là lời tuyên xưng của thánh Phêrô: Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống!

Từ những ý tưởng đó, ĐTC nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải quan tâm đến con người và cuộc sống của họ: duy trì một sự tiếp xúc lành mạnh với thực tại, nghĩa là với cuộc sống cụ thể của dân chúng, những đau buồn và vui mừng của họ, là cách thức duy nhất để có thể giúp đỡ, huấn luyện và đả thông với họ. Các môn đệ của Chúa Giêsu không bao giờ được quên mình đã được chọn từ đâu nghĩa là từ nơi dân chúng, và không bao giờ được rơi vào cám dỗ có thái độ xa cách, như thể những điều dân chúng nghĩ và sống chẳng liên hệ gì đến mình.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: điều quyết định đối với căn tính và sứ mạng của chúng ta là biết Chúa Giêsu trong sự thật, chỉ như thế chúng ta mới có thể nhìn thấy chân lý trong thân phận con ngừơi của chúng ta và mới có thể góp phần nhân bản hóa trọn vẹn xã hội.

ĐTC cũng nói với các tín hữu rằng: ”Anh chị em thân mến, ngày nay cũng vậy, niềm vui của chúng ta là chia sẻ niềm tin và cùng nhau thưa với Chúa Giêsu: ”Đối với chúng con, Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Niềm vui của chúng ta cũng là đi ngược dòng và vượt lên trên dư luận thông thường, dư luận này ngày nay cũng như thời xưa, không nhìn thấy nơi Chúa Giêsu một Đấng vượt lên trên một vị ngôn sứ hoặc một tôn sư. Niềm vui của chúng ta là nhận ra nơi Chúa Giêsu sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng được Chúa Cha sai đi, là Chúa Con đến để trở thành dụng cụ cứu độ nhân loại. Sự tuyên xưng đức tin này mà Simon Phêrô xướng lên vẫn có giá trị đối với chúng ta. Sự tuyên xưng ấy không phải chỉ là nền tảng ơn cứu độ chúng ta, nhưng cũng là con đường qua đó ơn cứu độ được thể hiện và là mục tiêu phải tiến tới”.

Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh tới khía cạnh bác ái của thuyết nhân bản mà thành Firenze đã từng chứng kiến. Thuyết này luôn có một khuôn mặt bác ái. “Thiên Chúa và con người không phải là hai thái cực đối nghịch nhau: cả hai vẫn luôn tìm kiếm nhau, vì Thiên Chúa nhận ra nơi con người chính hình ảnh của Ngài và con người chỉ nhận ra mình khi nhìn Thiên Chúa. Đó là sự khôn ngoan đích thực và sách Huấn Ca mô tả như đặc tính của người bước theo Chúa. Đó là sự khôn ngoan của thánh Lêô Cả, người miền Toscana này, kết quả của sự đồng qui các yếu tố khác nhau: lời nói, trí tuệ, kinh nguyện, giáo huấn, ký ức. Thánh Lêrô cũng nhức nhở chúng ta rằng không thể có sự khôn ngoan chân thực nếu không ở trong mối liên hệ với Chúa Kitô và trong việc phục vụ của Giáo Hội”.

Sau khi kết thúc thánh lễ, ĐTC đã đáp trực thăng bay về Vatican lúc quá 6 giờ chiều, kết thúc cuộc viếng thăm tron ngày tại hai giáo phận Prato và Firenze.

Cuộc viếng thăm được hơn 850 ký giả đăng ký để theo dõi và tường thuật.
 
Xin hãy là các láng giềng tốt
Bùi Hữu Thư
16:45 10/11/2015
Đức Thánh Cha nói chúng ta cần phải tranh đấu chống sự bi quan và hoạt động cho công lý

Italy, Ngày 10/11/2015 (ZENIT.org)

Ngày hôm nay, tại Prato, Italy, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người phải vượt thắng sự nản lòng và tìm cách trở nên một láng giềng tốt cho những ai ở gần bên chúng ta, và bắt chước Chúa Giêsu đã đến để trở nên một với chúng ta. Ngài nói: “Không có láng giềng nào quá xa đối với một môn đệ của Chúa Giêsu.”.

Đức Thánh Cha đã ghé Prato trên đường đi Florence để tham dự Đại Hội Quốc Gia các Giáo Hội Ý. Chuyến đi một ngày hai thành phố được thực hiện như một cuộc hành hương. Sau đây là tóm lược bài nói chuyện của Đức Thánh Cha:

Cởi mở cho người khác

Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa khuyên dạy chúng ta “không nên tự khép kín trong sự thờ ơ lạnh lùng, nhưng cần cởi mở, để cảm thấy tất cả chúng ta đều được mời gọi và sẵn sàng để có thể đến được với một người khác, để chia xẻ niềm vui đã gặp gỡ Chúa Kitô và cố gắng để bước theo con đường của Người.”

Ngài tiếp: “Đến gần người khác có nghĩa là sẵn lòng chấp nhận các hiểm nguy.”

“Một đức tin khép kín không thể trung thành với lời mời gọi của Chúa Kitô, Người đã gọi chúng ta là bạn hữu để chúng ta có thể mạnh dạn dấn thân và liên hệ.”

Chúa Giêsu nói: “xin cho Giáo Hội, là Hiền Thê của Người sẽ bước đi trên con đường khó khăn hôm nay, để đồng hành với những ai đã lạc lối; để dựng lên các túp lều hy vọng, trong đó tiếp nhận những ai bị thương tích và không còn trông đợi bất cứ sự gì trong cuộc sống.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta điều này, và chính Người đã làm gương cho chúng ta.”

“Chúng ta được Thiên Chúa phục vụ và đến với chúng ta như một người lánh giềng, để chúng ta cũng có thể phục vụ cho những ai kế cận với chúng ta. Không có láng giềng nào lại ở qúa xa đối với một môn đệ của Chúa Giêsu.”

Ung thư của sự tham nhũng

Chuyển sang chủ đề của sự thật và sự trong sáng, Đức Thánh Cha nói: “tuy nhiên, tìm kiếm và lựa chọn sự thật không luôn luôn dễ dàng, đây là một quyết định hết sức quan trọng, vì sẽ in dấu sâu xa trên đời sống của mỗi người và trên cả xã hội nữa, để cho tất cả được công chính hơn, và ngay thẳng hơn.”

Trong chiều hướng này, Đức Thánh Cha nói về bẩy người Trung Hoa thiệt mạng tại Prato năm ngoái trong một vụ hỏa hoạn.

“Họ sống và ngủ trong một cái hộp bằng giấy dựng bên trong khu kỹ nghệ nơi họ làm công: một phòng ngủ nhỏ dựng lên bằng các tấm cạc tông và các giường nhiều tầng để tận dụng chiều cao của toà nhà. Đây là thảm trạng của sự khai thác và tình trạng bất nhân của đời sống. Và đây không phải là điều thích hợp!”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Phải chiến đấu chống nạn ung thư về tham nhũng, ung thư về lợi dụng khai thác và nọc độ của sự bất bình đẳng.”

Ngài nói: “Bên trong chúng ta và cùng với những người kkhác, chúng ta hãy cố gắng chiến đấu không ngừng cho sự thật và sự công chính.”Và “không bao giờ “chào thua sự bi quan và cam chịu.”

“Mẹ Maria là đấng dùng kinh nguyện, tình yêu và sự âm thầm hoạt động, để biến đổi ngày thứ bẩy của sự tuyệt vọng thành bình minh của sự Phục Sinh. Nếu có ai cảm thất bị đè nén bởi hoàn cảnh đời sống, xin hãy trông cậy nơi Mẹ, vì Mẹ rất gần gũi và an ủi, vì Mẹ là Mẹ chúng ta! Mẹ luôn luôn sưởi ấm lòng chúng ta và mời gọi chúng ta hãy đặt hết niềm tin nơi Chúa. Con Mẹ sẽ không bao giờ phản lại những ước nguyện của chúng ta và Người sẽ gieo vào lòng chúng ta một niềm hy vong không làm cho chúng ta thất vọng.”
 
Đức Thánh Cha bị vấp té trên những bậc thang của lễ đài được đặt trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô
Đặng Tự Do
20:49 10/11/2015
Hôm thứ Bẩy 7 tháng 11, trong buổi tiếp kiến 23 ngàn người gồm các vị lãnh đạo và nhân viên sở hưu bổng toàn quốc Italia tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị vấp trên những bậc thang của lễ đài được đặt trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Biến cố này khiến báo chí Ý rộ lên những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ngài.

Đức Thánh Cha đã chống tay xuống để giữ thăng bằng và hai người cận vệ đã giúp ngài đứng dậy.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 9 tháng 11, Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, bác bỏ những đồn đoán liên quan đến sự việc. Ngài chỉ ra rằng Đức Thánh Cha đã tiếp tục tiếp kiến công chúng, chương trình theo dự trù đã không bị gián đoạn, và ngài còn nán lại để chào thăm các du khách, không có dấu hiệu gì là ngài bị chấn thương.

Đức Thánh Cha đã chống tay xuống để giữ thăng bằng và hai người cận vệ đã giúp ngài đứng dậy.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 9 tháng 11, Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, bác bỏ những đồn đoán liên quan đến sự việc. Ngài chỉ ra rằng Đức Thánh Cha đã tiếp tục tiếp kiến công chúng, chương trình theo dự trù đã không bị gián đoạn, và ngài còn nán lại để chào thăm các du khách, không có dấu hiệu gì là ngài bị chấn thương.
 
Đức Giáo Hoàng tại Florence: Giáo Hội hòa nhịp với những thăng trầm của người dân
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
21:09 10/11/2015
Đức Giáo Hoàng tại Florence: Giáo Hội hòa nhịp với những thăng trầm của người dân

Với dòng người đông đảo trên đường phố, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiến vào sân vận động Florence trong chiếc xe popemobile. Bên trong, hàng ngàn người chào đón nồng nhiệt Đức Giáo Hoàng.

Thậm chí, Ngài còn đùa vui bằng cách gây chút chú ý với mọi người, bằng cách khuyến khích đám đông nhiều hơn.

Trước khi bắt đầu Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng bước vào quầy thực phẩm cung ứng cho người dân địa phương và người nhập cư với mỗi ngày một bữa ăn ấm áp từ ngày này qua ngày khác.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội phải cùng nhịp với tất cả những thăng trầm mà mỗi ngày người dân phải đối mặt. Chỉ qua kết nối đó mới có thể nói với cả trái tim và dẫn dắt con người đến với Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng nói: “Hãy nhìn vào kinh nghiệm hàng ngày của họ: Công việc, gia đình, vấn đề sức khỏe, giao thông, trường học, các chương trình y tế và vv … Đó là cách duy nhất để mở trái tim của họ và dẫn họ đến với Thiên Chúa.”

Phản tỉnh về các bài đọc Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng suy nghĩ về câu hỏi của Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em bảo Thầy là ai?”

Đức Giáo Hoàng cho biết đó là một câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra để hiểu các môn đệ của Ngài hơn và để trực tiếp trò chuyện với họ.

Đức Giáo Hoàng chia sẻ:”Chân lý đức tin là một sự thật vốn gây nhiều xì-căng-đan, vì nó kêu gọi chúng ta tin vào Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng Ngài bỏ mọi sự, hạ thấp chính mình như một tôi tớ, và lối nẻo của Ngài là chết trên thập giá.”

Với đoàn hợp xướng ấn tượng trong suốt Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nói thêm rằng Giáo Hội phải đi ngược dòng, nơi mà xã hội cố gắng giới hạn Chúa Giêsu là một tiên tri hay chỉ đơn giản Ngài là một thầy dạy khôn ngoan.

Để điều đó xảy ra, Đức Thánh Cha giải thích rằng người ta phải nuôi dưỡng đức tin; nó phải trưởng thành nơi mỗi cá nhân.Vài phút sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói lời chia tay với các đại diện tôn giáo và dân cư thành phố. Giữa tiếng reo hò, Đức Thánh Cha lên chiếc trực thăng và theo lối của mình mà trở lại Vatican.

(Romereports, 10-11-2015)

Chuyển ngữ, Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
 
Top Stories
Pope: The Church lives among the people and for the people
Vatican Radio
16:27 10/11/2015
2015-11-10 Vatican - Pope Francis stressed the need for “the Church to live among the people and for them,” saying it should maintain a healthy contact with reality and peoples’ lives. Christ’s disciples, he said, “must never forget that they come from the people and must never fall into the temptation of adopting an aloof attitude” and not being concerned about the thoughts and lives of the people. The Pope’s comments came during his homily at an outdoor Mass celebrated in Florence on Tuesday (10th November).

Taking the inspiration for his homily from the St Matthew’s gospel, Pope Francis reminded his listeners that Jesus wanted to know from his disciples what the people were saying about Him in order to communicate with them. He warned that without knowing how people think, “a disciple becomes isolated and begins to judge people according to his own thoughts and convictions.”

For this reason, said the Pope, “a disciple must maintain a healthy contact with reality and with people’s lives with their joys and sorrows,” saying this “is the only way” to be able to help and communicate with them. Christ’s disciples, he stressed, “should never forget from where they have been chosen, namely from among the people, and must never fall into the temptation of adopting an aloof or detached attitude as if the thoughts and lives of the people were not their concern and of no importance for them.”

Pope Francis said “the Church, like Jesus, lives among the people and for the people” and we need to nurture a personal faith in Him, as the Son of God. Only if we recognize this truth about Jesus, will we be able to see the truth of our human condition and add our contribution “to the full humanization of society.”

The Pope went on to explain that “our joy” is to share this faith, whose truth scandalizes. We must also “go against the tide” and “overcome the prevailing opinion” of our contemporary society where just as in the past people are unable to recognize Jesus as more than a prophet or teacher.

He said the good that we sow along our path as Christians helps to create “a new and renewed humanity where no one is marginalized or discarded, where the person who serves is the greatest and where the children and the poor are welcomed and helped.” Noting the importance of humanism in the most creative periods of Florence’s history, the Pope noted that this humanity always had a charitable face, and said he prayed for a new humanity both for the city and Italy as a whole.

Pope in Prato: Combat cancer of corruption

2015-11-10 Vatican - Pope Francis Tuesday commenced his visit to the Tuscan cities of Prato and Florence with a call to be ready to journey with Christ, and an appeal against the exploitation of workers.

“The life of every community demands that we combat the cancer of corruption, the cancer of human and labour exploitation and the poison of illegality,” the Pope said, kicking off his visit to the region to mark the Fifth National Convention of the Italian Catholic Church.

Before meeting with labourers and labour representatives, the Pope venerated the “Girdle of Thomas” housed in Prato’s main cathedral, a relic which legend holds was the cord or belt dropped from Mary during her Assumption into Heaven.

Speaking on the symbolism of this relic, the Pope noted how in scripture the girding of one’s loins means “being ready, prepared to depart, to go out on a journey.”

We are inclined to remain sheltered, the Holy Father continued. However, the Lord calls the Church to “a renewed missionary passion and entrusts to us a great responsibility” to accompany those who have lost their way, to sow hope, and to welcome the wounded.

The “Girdle of Thomas” relic also evokes the image of service, like the Gospel account of Jesus girding his loins and washing the feet of his disciples like a servant, Pope Francis observed.

“We were served by God who became our neighbour, in order to serve in our time those near to us.”

The Pope thanked those present for their continued efforts in integrating everyone into the community, in contrast to the “culture of indifference and waste.”

Speaking off-the-cuff, Pope Francis recalled the five men and two women of Chinese citizenship living in poor conditions in Prato who were killed during an industrial fire. The 2013 blaze broke out at night in a clothing factory as the workers slept in a loft. The Pope described the event as “a tragedy of exploitation and inhuman life conditions.”

The Holy Father concluded his address by encouraging young people to never give in to “pessimism and resignation,” and called everyone to place their confidence in Mary.

“Mary is the one who, with prayer and love, in silent diligence, has transformed the Saturday of disillusion into the dawn of the Resurrection. If anyone feels fatigued and oppressed by life’s circumstances, trust in our mother, who is close and who consoles.”

Pope Francis sends message to Pontifical Academies in Florence

2015-11-10 Vatican - Pope Francis on Tuesday sent a message to members of the Pontifical Academies on the occasion of their twentieth General Meeting.

In the message, Pope Francis described the Annual General Meeting of the Pontifical Academies as “moments of cultural and spiritual enrichment, moments of inspiration to fulfill personal and communal duties … moments which encourage the Church to renew her ideas on humanism, in response to modern day challenges”.

The theme of this year’s meeting was “Ad limina Petri: historic pilgrimage trails during the first centuries of Christianity”. The Pope observed how this evocative title could help the faithful to prepare for the Extraordinary Jubilee of Mercy, which begins in December.

He explained how pilgrimage is a “unique part” of the Holy Year, because it “emblematizes the journey every human being makes during their existence”. “Life is a pilgrimage and the human being is a pilgrim”.

The Holy Father also wrote, “your reflections will contribute to enhance the significance of Christian pilgrimage”. Within the context of the forthcoming Year of Mercy, he noted: “pilgrimage is an experience that involves mercy, sharing and solidarity”.

The Pope then went on to announce awards for those who had made significant contributions to research in historical anthropology. The recipients of the Premio delle Pontificie Accademie (the Pontifical Academies Prize) were the Campo Arqueológico di Mértola, for their work on archeological campaigns, and Dr. Matteo Braconi for his doctoral thesis entitled ‘The mosaic in the apse of the basilica di S. Pudenziana a Roma’.

The Medaglia del Pontificato (the Pontifical Medal) was then awarded to Dr. Almudena Alba López, for her publication 'Teologia politica y polémica antiarriana' ('Political Theology and the anti-Arian controversy').

Pope Francis concluded his message to the Pontifical Academies with his Apostolic Blessing.

A smiling challenge to the Church: Pope Francis in Florence

(Vatican Radio) - Pope Francis during his one-day visit to Florence on Tuesday (Nov. 10) spoke to the Fifth National Convention of the Italian Church gathered in St. Mary of the Flower Cathedral.

In his programmatic speech, Pope Francis laid out his vision for "a new humanism in Christ Jesus."

Chiara Giaccardi is a member of the preparatory committee for the event and professor of sociology at the Catholic University of the Sacred Heart in Milan.

She spoke to Vatican Radio’s Alessandro Gisotti about the impact of Pope Francis’ words on the assembly.

His smile tipped them off. Something important was coming.

In what followed, Pope Francis told the assembly what was wrong with the Church. "Everybody was moved by his parresia, his benevolent way of telling what is wrong in the Church, but like a father who loves his sons and daughters, not like a judge," Ms. Giaccardi said.

"We need to start with mercy", she continued, "and this is the way that Jesus Christ is telling us where to go and how to go."

Agreeing that the Holy Father's speech is also a challenge to the Italian Church to work together, she said it is "a challenge to be free, which is not easy at all".

"The Church is not free because of money, because of power, because of the image in the media. Pope Francis invited all the Church and all the people to be free from [that which] is not able to make us happy and to make us free."

Concluding, Ms. Giaccardi said, "And the bishop can be happy only with the sheep, only among his people, and this is the same for all the Church. The Church must be close to the people. This is the only way to be [the] real Church of Jesus Christ."

Pope Francis eats with the poor in Florence

2015-11-10 Vatican - Pope Francis on his visit to the Italian city of Florence on Tuesday (Nov. 10) sat down for lunch with the city's poor at St. Francis' Soup Kitchen (Mensa di San Francesco Poverino).

In between his meeting with the National Congress of the Italian Church and celebrating Mass in the city’s football stadium, the Pope sat down for lunch with 60 of the city’s poorest citizens, both Italians and of other nationalities.

Many had lost both their jobs and their homes, but thanks to the work of the Catholic Church's charity, Caritas, who runs the meal kitchen where the lunch took place, they had not lost their dignity.

Pope Francis was given a meal voucher when he arrived and ate off a plastic plate, just like the rest of those gathered with him, emphasising his teaching that the Church must be with and accompany the marginalised and those on the peripheries of society.

Before lunch, the Holy Father met briefly with the sick and some persons with disabilities in the Basilica of Annunciation.

After individually greeting those present, Pope Francis recited the Angelus prayer with them before walking over to St. Francis' Soup Kitchen for lunch.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Uỷ ban Giáo Dục Công Giáo tổ chức hội thảo khoa học giáo dục
Vĩnh Thuận
08:21 10/11/2015
Hội thảo Khoa học Giáo dục:

“NGƯỜI THẦY VỚI VIỆC GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG ĐỂ ĐẢM BẢO SỰ THÀNH CÔNG CỦA HỌC SINH – NHỮNG BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN NGHIÊN CỨU”

Vào lúc 7g30 sáng ngày 07/11/2015 vừa qua tại Hội trường lầu II - Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ban Giáo chức trực thuộc Ủy ban Giáo dục Công Giáo, với trách nhiệm chia sẻ và đồng hành cùng quý thầy cô giáo, đã tổ chức thành công buổi Hội thảo Khoa học Giáo dục với chủ đề: “NGƯỜI THẦY VỚI VIỆC GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG ĐỂ ĐẢM BẢO SỰ THÀNH CÔNG CỦA HỌC SINH – NHỮNG BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN NGHIÊN CỨU”. Buổi Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của gần 200 quý thầy cô các cấp: từ tiểu học đến Đại học, sinh viên chuyên ngành sư phạm, xã hội học quan tâm đến sứ mạng đào tạo con người về quy tụ để gặp gỡ và trao đổi những kiến thức về ơn gọi sư phạm, đặc biệt giá trị sống trong tương quan với sứ vụ làm thầy. Có thầy cô ở tận Gia Lai, Nha Trang, Buôn Mê Thuật…, đa số quý tham dự viên ở quanh Sài Gòn.

Dựa trên nền tảng những bài học thực tiễn được đúc rút từ nghiên cứu và áp dụng các mô hình “Giáo dục giá trị sống”, “Giáo dục nhân bản, nhân cách” cho học sinh - sinh viên, buổi hội thảo đã mang lại nhiều giá trị sâu sắc thông qua bài diễn thuyết của các Báo cáo viên kết hợp với việc chia sẻ, trao đổi giữa Quý tham dự viên và Báo cáo viên về những nội dung quan trọng đối với sứ mạng giáo dục học trò thời hiện đại. Cụ thể nội dung của buổi hội thảo bao gồm: Ý nghĩa của việc giáo dục giá trị sống, giáo dục nhân bản nhằm đảm bảo sự thành công trong học tập và tương lai cho học sinh; vai trò và những thay đổi cần có ở người thầy hiện nay; những kinh nghiệm cụ thể từ “Chương trình Ephata” do Tiến sĩ Vũ Quang Tuyên, giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM trình bày. Bên cạnh đó, các kinh nghiệm giáo dục thực tiễn giá trị sống cho học sinh chưa ngoan và học sinh trung học do thầy Nguyễn Thiên Phong và thầy Nguyễn Văn Sỹ là hai nghiên cứu sinh cao học giáo dục trình bày qua hai báo cáo.

Quả vậy, xã hội ngày càng hiện đại, phát triển thì sứ mệnh giáo dục lại đặt ra những thách thức mới khi học trò dễ bị cuốn theo những luồng thông tin và chiều hướng khác nhau. Chính điều này đã thôi thúc con người không ngừng nâng cao vai trọng quan trọng của việc đổi mới tiến trình giáo dục, đặc biệt trong việc “xây đắp giá trị nhân bản, phát triển và hoàn thiện nhân cách đảm bảo cho học trò sự thành nhân và thành công”. Không chỉ dừng lại ở đó, đổi mới giáo dục hiện đại phải gắn liền với những nỗ lực, trách nhiệm trong tình yêu thương, kiên trì đồng hành của người thầy với những học trò “đi lạc”. Trước những nhiệm vụ thời đại ấy, những thầy cô, giáo chức Công Giáo luôn đồng cảm, suy tư bằng những nghiên cứu, những trăn trở nhằm tìm ra những giải pháp áp dụng hướng đến thực tiễn cuộc sống. Bài diễn thuyết của Tiến sĩ Vũ Quang Tuyên bàn về vấn đề giáo dục giá trị sống, vai trò của người thầy và những chia sẻ từ “Chương trình Ephata” mà Tiến sĩ và các cộng sự viên đã thực hiện là tâm huyết và thao thức thực sự của một người thầy trước sự chuyển mình đa chiều của thời đại. Với kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút, thầy bắt đầu bằng lời chia sẻ chân thực: có trường hợp 10/30 sinh viên mà Tiến sĩ đang tham gia giảng dạy gặp vấn đề về tâm lý và có một số em đã từng nghĩ đến việc tự tử để thoát ra khỏi những bế tắc; một số trường hợp khác đó là việc một số sinh viên sống vật vờ cho qua ngày đoạn tháng và không có định hình rõ ràng về tương lai cho bản thân. Qua lời dẫn dắt nhập đề ấy, Tiến sĩ đi vào định nghĩa khái niệm Giáo dục giá trị sống cùng góc nhìn của công việc giáo dục giá trị dựa trên những phẩm chất định sẵn, lý trí lý lẽ, cảm xúc theo từng cấp độ và phạm vi xem xét. Tiến sĩ đặt câu hỏi tại sao cần phải giáo dục giá trị sống và lập luận chứng minh, giải thích cho câu hỏi bằng những trải nghiệm của Haim G.Ginott – một nhà giáo ưu tú, nhà tâm lý chuyên về nghiên cứu trẻ em và cùng đồng thời là một nhà tâm lý trị liệu. Tiến sĩ trích dẫn danh ngôn bất hủ của Ginott: “I have come to a frightening conclusion. I am the decisive element in the classroom… As a teacher I possess tremendous power to make a child's life miserable or joyous” (Tôi đã đi đến một kết luận thật đáng sợ. Tôi chính là yếu tố quyết định trong lớp học… Là một người thầy, tôi có đủ sức mạnh để khiến cho cuộc sống của một đứa học trò khốn khổ hay vui sướng). Tiếp nối bài diễn thuyết, Tiến sĩ giới thiệu và phân tích chi tiết những nghiên cứu về giáo dục của Seider Novick Gomez (2013) và Benninga et al. (2003) về giáo dục tính cách trong vai trò làm nên những thành công trong học tập; Kỹ năng sống và nền tảng đạo đức của tác giả Becon, Burak và Rann về Thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence); Chương trình và phương pháp giáo dục hiệu quả thông qua các nghiên cứu Benminga et al. (2003), Erwin (2010), Casel Guide (2013).

Sau khi trình bày cơ sở nền tảng nghiên cứu, Tiến sĩ tiếp nối nội dung bài diễn thuyết trên khía cạnh người thầy. Cụ thể, Tiến sĩ đi vào phân tích những giá trị kết tinh cần phải có nơi bất cứ ai nói chung và người thầy nói riêng, đó là năng lực làm việc (sự kiên trì, ham học hỏi, lạc quan, làm chủ bản thân) và thể hiện sâu sắc tinh thần đạo đức (trung thực trách nhiệm, nhân ái, biết ơn, sống có mục đích); từ đó nhằm đưa ra Nguyên tắc giáo dục tích hợp giữa kỹ năng cảm xúc xã hội, kỹ năng mềm, khám phá bản thân, tích hợp giáo dục với hoạt động thể thao, nghệ thuật và tạo bầu khí an toàn, yêu thương trong môi trường giáo dục. Dựa trên những tiêu chuẩn nền tảng ở trên, Tiến sĩ vẽ ra chân dung của một người thầy “toàn diện”: là người thầy có ảnh hưởng tích cực và quan trọng nhất lên học trò, như vậy học trò không những đạt được học lực tốt, thành đạt trong cuộc sống mà còn trưởng thành thực sự trong nhân cách. Sau cùng, Tiến sĩ kết thúc bằng những chia sẻ về “Chương trình Ephata” trong những năm đầu tiên được thực hiện, Quý tham dự viên sau báo cáo đã có cơ hội được trao đổi và giải đáp thắc mắc các vấn đề có liên quan tới đề tài, cũng như Báo cáo viên dẫn từng trường hợp đặt ra đi vào thực tế, ứng dụng cụ thể trong cuộc sống.

Sau giờ giải lao giữa giờ, Quý tham dự viên được lắng nghe hai báo cáo từ nghiên cứu thực tiễn của thầy Nguyễn Văn Sỹ với đề tài “Giáo dục trẻ chưa ngoan ở Trung tâm thanh thiếu niên 3”, và thầy Nguyễn Thiên Phong với đề tài “Tác động giáo dục của môi trường âm nhạc đến sự thay đổi kết quả học tập/thay đổi hành vi của học sinh trung học”. Đối tượng nghiên cứu là các học sinh tại trung tâm dạy nghề Phước Lộc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các học sinh tại trung tâm là những học sinh chưa ngoan và không có cơ hội để kết thúc chương trình phổ thông trung học, các em đến trung tâm với mong muốn của cha mẹ để có cái nghề sau này. Với cái nhìn mới mẻ đối với vấn đề đổi mới giáo dục, hai báo cáo đã chỉ ra sự thay đổi trong giáo dục trước tiên phải có sự thay đổi của chính người thầy, phài có tấm lòng chạnh lòng thương kiên trì đồng hành với hành trình trở về của những “học trò đi lạc”, đặc biệt phải coi trọng đến việc phát triển và hoàn thiện con người. Những kết quả được trình bày là kết quả của việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo những học thuyết, lý thuyết và phương pháp thống kê, khảo sát và đo lường khoa học.

Sau mỗi bài báo cáo, Ban Tổ chức dành thời gian để Quý tham dự viên đặt câu hỏi thắc mắc với Báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong cuộc sống và trong công tác giáo dục. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi và có sự tương tác tích cực từ hai phía khiến cho nội dung được trao đổi thêm phần sinh động và sâu sắc…

Buổi hội thảo khép lại trong không khí sâu lắng, đầm ấm với những lời nhắn nhủ tâm tình, thánh thiện của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đức Cha Giuse bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với quý thầy cô giáo trong sự nghiệp cao cả kiến tạo nên tương lai tốt đẹp cho giới trẻ. Ngài cũng nhấn mạnh sứ mạng chuyên biệt của những thầy cô, giáo chức Công Giáo trong việc tạo dựng, gìn giữ và phát huy những dấu ấn, nét đặc trưng riêng, thứ mà Ngài ví von như một “thứ mùi thơm”, một “thứ hương vị” mang tên GIÊSU. Tiếp đó, Ngài còn thể hiện những trăn trở của mình trước một nền giáo dục thời đại không đồng nhất giữa gia đình, nhà trường, nhà thờ và ngoài xã hội dễ khiến cho giới trẻ rơi vào những khủng hoảng tiêu cực và có ảnh hưởng tiêu cực đến bước đường tương lai sau này. Sự bùng nổ thông tin khiến cho giới trẻ có thêm nhiều lựa chọn, điều này dễ khiến các em bị phân tâm, sao nhãng trong việc định hướng cuộc đời. Về phía gia đình, cha mẹ cũng một phần đang có khuynh hướng ngại ngần hy sinh bằng quan tâm thực sự đến con cái trên nhiều khía cạnh: tâm lý cảm xúc, mong muốn nguyện vọng của các em. Những thách thức đang đặt ra đang cần lắm sự gánh vác, tinh thần trách nhiệm cao cả của quý thầy cô. “Tình yêu đi vào tận tâm hồn” là chiếc chìa khóa diệu kì mà Đức Cha Giuse đưa ra để nhờ thầy cô mà học trò sẽ được “mở” tâm hồn bằng tình yêu thương.

Cuối cùng, Đức Cha Giuse thể hiện niềm tin tưởng và hy vọng vào những thay đổi mới sẽ góp phần tạo nên những thay đổi, bức phá tích cực cho thế hệ học trò mai này, như vậy “Trò giỏi thì thầy cô có phúc”.

Đáp lại tâm tình của Đức Cha Giuse, Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Đại diện Ban Giáo chức đã bày tỏ niềm tri ân sâu sắc về những ưu tư của Đức Cha khi đã nhìn thấu triệt được những khó khăn, thách thức mà sự nghiệp giáo dục đang phải đối diện. Tiến sĩ cũng xin thêm lời cầu nguyện và hy sinh của quý Đức Cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam nói chung và của Đức Cha Giuse nói riêng.

Buổi Hội thảo Khoa học Giáo dục đã khép lại vào lúc 12 trưa cùng ngày và sau đó Quý tham dự viên cùng gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ trong bữa ăn huynh đệ tại đại sảnh tầng I của VPHĐGMVN. Hy vọng rằng, Ban Giáo chức nói riêng và Ủy Ban Giáo dục Công Giáo nói chung sẽ tổ chức thêm nữa những buổi Hội thảo Khoa học để quý thầy cô sẽ có thêm cơ hội được trao đổi, chia sẻ cho nhau những kiến thức cần thiết trong ơn gọi sư phạm, hầu có thể mang lại tương lai tốt đẹp cho đất nước và xã hội mai này:

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,

mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125,5).

Vĩnh Thuận và anh em Định hướng ghi nhận tại Hội thảo
 
Lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm tại Miami
GX Miami
08:49 10/11/2015
Thánh Lễ Giỗ lần thứ 52 ngày Tổng thống Gb. Ngô đình Diệm qua đời tại Gx. Đức Mẹ La Vang, Miami.

Chiều thứ Bảy 7-11, cùng với một số anh chị em cựu quân nhân của QLVNCH đứng trong Ban tổ chức, Thánh Lễ Giỗ lần thứ 52 ngày cụ Diệm qua đời đã diễn ra tại nhà thờ Gx. Đức Mẹ La Vang, Miami. Cũng như năm trước, số người tham dự là những ngưòi đã biết hoặc có lòng mến mộ vị cựu lãnh tụ của nền Đệ nhất Cộng hoà. Các anh em cựu quân nhân thuộc một số binh chủng, người Công Giáo cũng như Phật giáo, cùng cha khách, quí sơ và anh chị em giáo dân dâng lễ cầu nguyện cho LH Gioan Baotixita, anh em của ông và các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh vì tổ quốc.

Sáu Thánh Lễ, mọi người được mời ra hội trưòng tham dự nghi thức tuởng niệm với phần chào quốc kỳ, văn tế và sau đó là tiệc chung vui và văn nghệ bỏ túi.
 
Qúy Bề Trên trong 24 Hội Dòng Mến Thánh Gía đến thăm MTG Xuân Lộc
MTG Xuân Lộc
09:55 10/11/2015
XUÂN LỘC - Trời chiều đang nhá nhem tối nhưng lòng người lại bừng sáng lên niềm vui vì có tình chúa và tình người. Không khí Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc tràn ngập tiếng cười, những bước chân của chị em qua lại như vội vã nhưng thể hiện một niềm vui của sự khao khát và đợi chờ. Và rồi niềm vui đã đến...

Hình ảnh

Đồng hồ chỉ 18g15’ ngày 09/11/2015, hai chiếc xe chở phái đoàn Bề trên đang thực hiện chuyến đi xuyên việt ghé thăm Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc. Phái đoàn gồm cha Phi Khanh Vương Đình Khởi - cha Cố vấn của nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, quý chị Tổng Phụ trách và quý chị đại diện chị Tổng Phụ trách của 24 Dòng Mến Thánh Giá, nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá.

Ngay khi bước xuống xe tại sảnh của Hội dòng, cha Cố vấn và quý Bề trên dừng lại nơi di ảnh của Đức Cha Lambert De Lamotte để tưởng nhớ Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá. Đây là những giây phút linh thiêng để quý Bề trên và tất cả quý chị em trong Dòng chìm ngập trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa ban đồng thời tri ân Đấng Sáng Lập.

Sau đó phái đoàn được Hội dòng đón tiếp tại nhà khách, nơi đây chị Anna Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc thay mặt cho quý chị em trong Hội dòng dâng lời chào mừng đến cha Cố vấn và quý Bề trên. Chỉ vỏn vẹn trong năm mười phút nhưng chị đã cho phái đoàn biết sơ lược về lịch sử của Hội dòng qua 52 năm. Hội dòng có được như ngày hôm nay là nhờ tình thương của Thiên Chúa và lời cầu nguyện cũng như những chia sẻ về kinh nghiệm của quý Bề trên trong các Hội dòng Mến Thánh Giá. Chị xúc động nói lên tâm tình biết ơn cũng như xin cha Cố vấn và quý Bề trên thương tiếp tục cầu nguyện cho Hội dòng. Đáp lời chị Tổng Phụ trách, cha Cố vấn nói lên niềm vui khi thấy sự phát triển lớn mạnh của Hội dòng. Có lẽ 52 năm không thiếu những thăng trầm và gian khó nhưng quý chị em đã từng bước khắc phục để Hội dòng có được cơ sở vững vàng, rộng lớn và với nhiều ơn gọi như hôm nay đây. Chị Anna Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Liên Dòng Mến Thánh Giá - Nguyên Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp cũng thay mặt quý Bề trên trao tặng Hội dòng bức ảnh “ Cây Gia Phả Dòng Mến Thánh Giá”.

Kết thúc buổi đón tiếp chị Anna Trần Thị Nguyệt - Phó Tổng Phụ trách Hội dòng xin cha Cố vấn chúc lành cho Hội dòng qua phép lành ngài ban, để Hội dòng được Thiên Chúa chúc phúc.

Tiếp đến cha Cố vấn và quý Bề trên đi thăm quan cơ sở của Hội dòng và trở về phòng cơm của Hội dòng để chia sẻ với tất cả chị em trong Hội dòng bữa cơm huynh đệ.

Tiễn phái đoàn rời Hội dòng để tiếp tục chuyến đi xuyên việt, quý Bề trên và chị em chúng tôi chắc chắn trong lòng sẽ ghi mãi dấu ấn của ngày gặp gỡ, cảm nhận được niềm vui khi bên nhau. Chúng tôi tự nhủ thầm luôn có nhau để hiệp thông, nâng đỡ và cùng giúp nhau sống Linh Đạo Mến Thánh Giá theo tấm gương Đấng Sáng Lập.
 
Đức TGM, Tổng Thư ký Thánh Bộ Tu sĩ viếng thăm Dòng Thánh Tâm Huế
Tu sĩ Vinh sơn Nguyễn Văn Hanh CSC
19:44 10/11/2015
Đức Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Thánh Bộ Tu sĩ viếng thăm Dòng Thánh Tâm

Chiều tối ngày 10.11.2015, lúc 7 giờ 10 phút, phái đoàn do Đức Tổng Giám mục, Tổng Thư ký José Rodríguez Carballo, OFM, Thánh bộ Tu sĩ dẫn đầu, đã đến Dòng Thánh Tâm.

Tháp tùng Đức Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Thánh Bộ Tu sĩ có Quý Bề trên trong Ban Thường Vụ Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam, một số khác là Bề trên Ủy Viên đại diện các khối, Quý Linh mục, Tu sĩ đại diện các Hội Dòng ở Huế và cha Augustino Nguyễn Văn Dụ, chuyên viên Mục Vụ Gia đình Việt –Ý, Ngài là dịch thuật chính trong chuyến đi của Đức Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Thánh Bộ Tusĩ khi đến Huế.

Xem Hình

Do đã được thông báo và lên chương trình đón tiếp, anh em Dòng Thánh Tâm đã chuẩn bị kỹ càng để nghinh đón phái đoàn của Đức Tổng Giám Mục. Trước giờ thăm viếng, anh em Thánh Tâm đứng thành hai hàng thật dài nối từ cổng lên tới nhà thờ của Hội Dòng. Khi người ta nghe tiếng trống đổ, chuông rung đó là lúc Quý vị thượng khách bắt đầu đặt chân trên đất của Hội Dòng. Từ trong xe tiến ra, tiếng vỗ tay chào mừng và tiếng hát Viva..Viva rền vang.

Phái đoàn tiến lên nhà thờ, khi bước vào nhà thờ Đức Tổng Giám mục José Rodríguez Carballo quỳ thinh lặng trước Mình Thánh Chúa ít phút, sau đó Ngài tiến đến thánh tượng Đức Mẹ và Ngài đã dâng hoa lên Mẹ. Tại gian cung thánh, một chiếc bàn nhỏ kê sẵn để đức Tổng Giám mục José Rodríguez Carballo ban huấn từ cho anh em Thánh Tâm. Sau khi Đức Tổng Giám mục ngồi, Bề trên Tổng Quyền Dòng Thánh Tâm Antôn Huỳnh Đầy tiến lên, đứng bên Đức Tổng Giám mục để giới thiệu hiện tình của Hội Dòng. Cha Bề trên cũng đã thưa với Đức Tổng số liệu hiện tại của anh em Thánh Tâm trong các đơn vị đào tạo. Số khấn sinh khoảng 120 Tu sĩ, Nhà Tập 13, Thỉnh Viện 30, Đệ Tử Viện 65, Nhà Lưu Trú 100 em.

Sau khi nghe cha Bề trên trình bày, Ngài mời Cha Bề trên ngồi cạnh Ngài rồi Ngài nói: “Tôi đã đến nhiều Dòng nữ ở Việt Nam, tôi có một nhật xét là số ơn gọi trẻ rất đông. Tại Dòng Thánh Tâm này, tôi thấy cũng như vậy, rất nhiều ơn gọi trẻ...” Ngài chia vui với Hội Dòng và Ngài nhắn nhủ các ơn gọi đó rắng: “ Cha mời gọi các con hãy can đảm lên, can đảm lên các con ơi! Ơn gọi không hề dễ dàng gì đâu, nó thách đố nhiều lắm”. Ngài cho gọi 2 em học sinh, sinh viên lên để hỏi. Em sinh viên Nguyễn Quang Lý được đích thân Ngài gọi lên. Đức Tổng Giám mục tưởng em là học sinh Tiểu học, vì nhìn bề ngoài "bé bỏng” của em. Sau khi hỏi em bao nhiêu tuổi? Em Lý nói: dạ con 21 tuổi. Đức Cha ngạc nhiên và thoảng thốt nói: “ con 21 tuổi?! Con làm cho cha có cảm giác Người Việt Nam hay lừa bịp quá!" Cả cộng đoàn cười ồ lên và vỗ tay. Sự thể là thế này, em Lý do hồi nhỏ bị bệnh phổi, gia đình em đã bao phen chạy chữa, nhờ ơn Chúa em được lành bệnh, nhưng di chứng của bệnh để lại, khiến thân thể của em ra như là học sinh Tiểu học, mặc dầu em đã 21 tuổi. Còn em Nguyễn Đức Hậu, 10 tuổi được đưa lên cạnh Đức Cha, Ngài nói: “ con làm cho Cha nhớ lại lúc Cha 10 tuổi, cha vào nhà Dòng…. Cho đến bây giờ, chưa bao giờ Cha hối tiếc về ơn gọi của Cha”.

Sau bài nói chuyện, anh em Thánh Tâm đã cùng chụp hình lưu niệm với Đức Tổng Giám mục tại gian Cung Thánh.

Tại Hội Trường của Dòng, trước giờ cơm tối, đại diện Liên Tu sĩ Huế đã có bài phát biểu tri ân cuộc thăm viếng của Đức Tổng Giám mục. Nhân đây, Liên Tusĩ Huế cũng chúc mừng Quý Bề Trên trong ban Thường Vụ nhiệm kỳ mới 2015-2018.

Đang khi dung bữa, Linh mục Giuse Phan Trọng Quang, Dòng Thừa Sai Đức Tin, thay mặt Ban Điều Hành cũ để nói lên lời cảm ơn và lời chúc mừng Dòng Thánh Tâm, Ngài cám ơn cách riêng cha Bề trên Antôn Huỳnh Đầy đã cộng tác nhiệt tình trong nhiệm kỳ vừa qua. Tiếp đó cha Chủ Tịch, Linh mục Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ, Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam thông báo giờ khởi hành ra phi trường của phái đoàn. Tiện đây, Ngài dâng lời tạ ơn Chúa, cám ơn Ban điều hành Liên Tusĩ Huế, đã đón tiếp phái đoàn Đức Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Thánh Bộ Tusĩ một cách trọng thể và mỹ mãn. Cha cũng cám ơn cách đặc biệt Dòng Thánh Tâm. Cha cho biết, đây là Dòng Nam duy nhất Đức Tổng viếng thăm cách trọn vẹn.

Vì đã đến giờ ra phi trường, cho nên mọi thành phần trong Hội Trường Dòng tỏ ra luyến tiếc. Đức Tổng Giám mục như bị giữ chân lại, Ngài cứ mãi muốn nói chuyện và để cho các ơn gọi trẻ chụp hình chung với Ngài.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi Đức Tổng Giám mục đặt chân tới Huế, Ngài đã đến chào thăm Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giáo Phận Huế. Hai Đức Tổng cùng với Quý linh mục và Tusĩ đã có buổi gặp gỡ và cùng hiệp dâng Thánh Lễ tại Hội Trường Trung Tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận. Ban chiều, phái đoàn Đức Tổng Giám mục José Rodríguez Carballo đi La vang. Sau đó, là cuộc thăm viếng của Đoàn đến các Hội Dòng tại Huế. Cuối hành trình thăm viếng của Đức Tổng Giám mục là Dòng Thánh Tâm. Phái đoàn đã rời Dòng Thánh Tâm để ra phi trường lúc 7h50 chiều ngày 10.11.2015.

Tu sĩ Vinh sơn Nguyễn Văn Hanh CSC
 
Văn Hóa
Ký sự chuyến hành trình đức tin
Giuse Thẩm Nguyễn
19:16 10/11/2015
Ký sự chuyến hành trình đức tin

Chúng tôi gồm sáu người, thuộc nhóm San Jose đã rời nhà từ 6 giờ sáng ngày Chúa Nhật 25 tháng 10 năm 2015 cho kịp chuyến bay (United Airline) UA 0994 dự trù cất cánh lúc 10 giờ sáng và sẽ đáp lúc 6:30 chiều tại phi trường Newark, New York là điểm hẹn của tất cả các nhóm và sau đó sẽ cùng mọi người đi chuyến bay UA 0064 cất cánh lúc 8:25 tối đi Lisbon, Bồ Đà Nha là nơi đầu tiên để thăm Đức Mẹ Fatima.

Chuyến bay UA 0994 bị trục trặc kỹ thuật và phải chờ đến 11:00 sáng mới cất cánh. Như vậy là chúng tôi sẽ tới Newark lúc 7:30 chiều và vẫn còn kịp cho chuyến bay chuyển tiếp đi Lisbon lúc 8:25 tối. Một lát sau chúng tôi lại được thông báo là chuyến bay sẽ không thể cất cánh cho đến 12:30 chiều. Như vậy là chúng tôi sẽ không kịp cho chuyến bay chuyển tiếp cất cánh từ Newark nữa. Chúng tôi đã nhanh chóng liên lạc với Customer services của hãng máy bay và xin giải quyết cho trường hợp chậm trễ của chúng tôi, nhưng cách làm việc của nhân viên của hãng máy bay này làm chúng tôi thất vọng. Chúng tôi cũng biết thêm rằng chuyến bay US 0064 cất cánh tại Newark lúc 8:25 tối là chuyến chót trong ngày và như thế nếu tới trễ, chúng tôi sẽ phải chờ tại Newark qua đêm và chiều ngày hôm sau mới có chuyến đi Lisbon.

Không biết làm gì hơn trong hoàn cảnh tuyệt vọng này và chúng tôi chỉ có một chút hy vọng mong manh duy nhất là chuyến bay UA 0064 cất cánh tại Newark đi Lisbon cũng sẽ bị chậm trễ thì may ra chúng tôi mới bắt kịp.

Lúc này tôi thầm cầu xin cùng Đức Mẹ “ Mẹ ơi, chúng con mong đến gặp Mẹ và việc trục trặc ngay lúc ban đầu của chuyến đi làm chúng con buồn lắm. Lạy Mẹ, nếu Mẹ muốn chúng con đi thì xin sắp xếp để mọi việc được xuông sẻ, bằng không xin cho chúng con được vâng theo ý Mẹ.”

Thế rồi cả sáu người chúng tôi phải kiên nhẫn chờ đợi và cùng lên chuyến bay cất cách lúc 12:30 chiều và dự trù sẽ đáp tại Newark lúc 8:00 tối. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp thì chúng tôi sẽ chỉ có 25 phút, một thời gian quá ngắn để vừa ra khỏi máy bay, vừa lấy hành lý, vừa check in cho chuyến đi Lisbon dự trù cất cánh lúc 8:25 tối. Ngồi trên máy bay mà lòng không yên, chúng tôi chỉ còn biết trông cậy vào Mẹ, mong rằng chuyến bay đi Lisbon sẽ bị chậm trễ.

Khi máy bay của chúng tôi bắt đầu giảm cao độ thì lúc ấy tôi nhận được text message của hãng United Ariline cho biết chuyến bay đi Lisbon sẽ bị trễ 30 phút.Chúng tôi vô cùng mừng rỡ và tin rằng Mẹ đã nhận lời chúng tôi cầu xin.

Máy bay vừa đáp là sáu người chúng tôi vội vã chạy ra, nhưng dù có chạy cũng chẳng kịp vì chúng tôi còn phải tìm xem cổng nào để lên máy bay. Trong lúc bối rối thì lại một text message nữa, “ Chuyến bay đi Lisbon bị trễ thêm một tiếng nữa vì phải đổi máy bay”. Chúng tôi không chạy vội nữa vì chúng tôi còn dư thời gian và cuối cùng thì chúng tôi đã được cùng70 người trong đoàn hành hương trên chuyến bay cất cánh từ Newark đi Lisbon. Mẹ ơi, đây là dấu chỉ có Mẹ cùng đồng hành với chúng con trong chuyến đi này. Con vững tin và hoàn toàn bình an khi đồng hành với Mẹ.

Ngày đầu tiên của chuyến hành hương là trung tâm Fatima, nơi Đức Mẹ đã hiện ra với Jacinta, Francisco và Lucia năm 1917. Cùng với đoàn người rước kiệu Mẹ Fatima tại quảng trường rộng mênh mông đã có lúc chứa tới 2 triệu người, trong một đêm lạnh lất phất những hạt mưa, họ thuộc đủ mọi dân tộc, màu da, tiếng nói… mỗi người nến trong tay và cùng ca vang AVE MARIA. Chen chúc trong đoàn người, tôi tiếng sát bên Mẹ thì thầm “ Mẹ ơi, con đây, con về đây Mẹ ơi! ”. Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và tim tôi bồi hồi xúc động, mắt tôi lệ nhòa hạnh phúc.

Hôm sau chúng tôi thăm Vương Cung Thánh Đường Fatima, Viện bảo tàng, mộ của Jacinta & Lucia và Francisco cũng như căn nhà ngày xưa của họ. Chúng tôi cũng tham dự Thánh Lễ dưới gốc cây xồi do cha Trần văn Điều chủ tế và Đức Ông Hoàng Minh Thắng đồng tế.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến nhà thờ phép lạ Thánh Thể Santarem tham dự Thánh Lễ và chiêm ngắm Mình &Máu Chúa tại Salamanca, Tây Ban Nha.

Xe bus đưa chúng tôi thăm viếng Vương Cung Thánh Đường Burgos và rồi đến Lourdes, Pháp. Lại một đêm rước kiệu Mình Thánh Chúa Kitô tại trung tâm hành hương Lourdes. Hằng ngàn người từ muôn phương về đây, vai sánh vai cùng bước bên nhau, tay cầm nến tạo thành một hàng nến sáng dài vô tận. Bước theo đoàn rước kiệu, mọi người lần chuỗi mân côi thật cảm động. Khi tôi cùng đoàn người tiến vào hang đá Massabielle, bàn tay tôi cảm nhận được cái lạnh từ những phiến đá dưới chân Đức Mẹ và lòng tôi cũng cảm thấy cái lạnh tê cóng của Thánh Bernadette, lần đầu tiên ngơ ngác lúc Đức Mẹ hiện ra. Mẹ luôn nhắc chúng ta “ hãy siêng năng lần chuỗi mân côi”. Như một lực kéo vô hình, tôi quỳ xuống và bắt đầu lần chuỗi…Nhưng tôi đã không thể lần chuỗi được, thay vào đó là những giọt nước mắt, tôi đã khóc thật nhiều, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao tôi khóc, nhưng sau khi khóc với Mẹ thì tâm hồn tôi rất bình an. Trong thâm tâm, tôi vẫn mong được có dịp khóc với Mẹ như thế vì trong nức nở nghẹn ngào bên Mẹ, tôi cảm thấy như được gần Mẹ hơn, được an ủi nhiều hơn, được Mẹ nuông chiều hơn. Mẹ ơi con hứa với Mẹ là con sẽ lần chuỗi mỗi ngày vì con yêu Mẹ, vì con muốn an ủi Mẹ.

Chúng tôi cũng được hướng dẫn để thăm Thánh Đường Đức Pio X, Thánh Đường Mân Côi, thăm nơi Thánh Bernadette chào đời, thăm nhà tù Cachot, nơi gia đình Thánh Nữ đã một thời trú ngụ. Tôi đã tắm tại bồn tắm Lourdes và tham gia viếng 14 chặng đàng Thánh Giá trên đồi Espeluques. Cảm động nhất là chặng thứ chín khi Đức Chúa Giêsu ngã lần thứ ba, cây thánh giá nặng đè lên thân hình tả tơi nhừ đòn của Chúa. Ôi, vậy mà con và cả loài người vẫn thờ ơ với tình yêu Chúa dành chúng con!

Sáng hôm sau, chúng tôi đáp may bay đến Paris, thủ đô nước Pháp. Vừa tới Pháp là chúng tôi đến viếng nhà thờ Thánh Tâm Chúa trên đồi Montmarte và tham dự Thánh Lễ tại đây. Sau đó là lên tháp Eiffel để ngắm nhìn thành phố toàn người là người phía dưới. Chúng tôi di du thuyền trên sông Seine, một dòng sông được mô tả rất nhiều trong văn chương Việt Nam. Trước khi về khách sạn Novotal, chúng tôi đã có bữa ăn tối ngon miệng ngay trên nhà hàng nổi bên bờ sông Seine.

Buổi sáng, chúng tôi đi viếng Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ nơi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Nữ Catherine Laboure, thăm di hài thánh Catherine Laboure, thánh Louis De Marilla và tham dự Thánh Lễ tại đây. Chúng tôi cũng viếng trái tim của thánh Vicent De Paul, người sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái và thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Bà ( Notre Dame). Giống như dòng sông Sein, Nhà thờ Notre Dame rất quen thuộc với người Việt Nam dù chưa một lần đặt chân tới vì hình ảnh ngôi nhà thờ này đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn chương Pháp và Việt. Một hàng dài rồng rắn nối đuôi nhau vào thăm nhà thờ, du khách tới thăm nhà thờ để quan sát, để chụp hình thì nhiều, nhưng người tham dự Thánh Lễ thì lại ít. Thánh lễ chiều hôm ấy, khi tiếng hát vang lên cao vút trên vòm trần gothic, tôi đếm có mười bẩy người tham dự thánh lễ, không kể cha chủ tế và hai ca viên.

Chúng tôi cũng đến Lisieux, cách Paris 207 Km về phía Tây, để thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Theresa Hài Đồng và tham dự Thánh lễ tại đó. Thăm thánh tích của Thánh Nữ, thăm nhà của Thánh Nữ và cha mẹ Ngài là tân hai Thánh Louis Martin và Marie Azelie Guerin.

Đoàn hành hương tiếp tục bay qua Rome để thăm Tòa Thánh Vatican. Chúng tôi đã thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, nhà thờ Chánh Tòa Lateran, chiêm ngắm máng cỏ Belem của Chúa, lết đi bằng đầu gối trên Cầu Thang Thánh (Holy Stairs), ngắm một mẫu gỗ từ Thánh Giá Thật của Chúa, chiếc đinh đóng đanh Chúa, Gai nhọn từ mạo gai, Bảng “ Vua Dân Do Thái”, Ngón tay trỏ Thánh Tôma, đền thờ Thánh Phêrô và tượng Mẹ Sầu Bi, Viện bảo tàng Vatican và Sistine Chapel, nơi các nghị phụ bầu tân Giáo Hoàng, thăm Hý trường La Mã, The Forum, Trevi Fountain, Spanish Steps, thăm mộ Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và nhà thờ chánh tòa của Ngài. Đặc biệt chúng tôi đã có mặt trong buổi tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng vào ngày Thứ Tư mỗi tuần. Đoàn chúng tôi đến sớm và đã được ngồi hàng ghế sát ngay con đường Đức Giáo Hoàng đi qua. Thật là tuyệt vời được đến gần Đức Giáo Hoàng kính yêu của chúng ta. Vào dịp này Đức Giáo Hoàng đã nhắn nhủ các tín hữu hành hương hãy thực hành tha thứ theo tinh thần kinh Lạy Cha. Ngày hôm ấy là một ngày nắng ấm rất đẹp với khoảng 20 ngàn người tại quảng trường Thánh Phêrô mừng rỡ hân hoan chào đón Đức Giáo Hoàng.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi xe bus đến Giovanni Rotondo, cách Rome 380 Km về phía Đông, để thăm Thánh Piô Năm Dấu Thánh, nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn Lành và tham dự Thánh Lễ tại đó, thăm thánh tích của Cha Thánh Piô.

Trên đường đi Assisi, cách Rotondo 408 Km về phía Tây Bắc, chúng tôi ghé thăm Lanciano nơi có phép lạ Thánh Thể, bánh và rượu biến thành Mình và Máu Chúa thật.

Khi tới Assisi, chúng tôi thăm nhà thờ và mộ Thánh Phanxicô khó nghèo, tham dự Thánh Lễ tại đây. Một thánh đường rộng lớn mới được xây cất theo lối kiến trúc hiện đại trên một quảng trường mênh mông do đóng góp của khách hành hương và giáo dân, cho tôi hiểu ý nghĩa cái nghèo của Thánh Phanxicô và sự giàu có của lòng yêu mến nơi dân chúng dành cho ngài. Chúng tôi cũng viếng Thánh Claire, một đệ tử và cũng là bạn của Thánh Phanxicô, và nhà thờ Thánh Damian.

Xế chiều, chúng tôi trở về Rome bằng xe bus và đến thăm nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành do cha Khải và Đức Ông Thắng hướng dẫn.

Hôm sau ngày 7 tháng 11 năm 2015, chúng tôi bay về San Franciso từ Rome, quá cảng Toronto Canada.

Chuyến hành hương đã củng cố thêm đức tin và cho tôi một bức tranh toàn cảnh về cuộc đời của con người, sinh ra, sống và tìm về nguồn, về cùng đích là Thiên Chúa.

Hình ảnh về một làng Fatima xa xôi và làng Lộ Đức nghèo khó cho tôi có một xác quyết rằng Đức Mẹ rất thương những người nghèo hèn bé mọn. Mẹ luôn hiện diện với những những tâm hồn đơn sơ trong trắng, những người đặt trọn vẹn niềm tin yêu phó thác nơi Mẹ.

Hình ảnh những ngôi nhà thờ cao ngất, kiến trúc theo lối Gothic, vương chút rong rêu theo thời gian bên Pháp, sự tấp nập của khách hành hương tương phản với sự vắng bóng giáo dân tham dự thánh lễ làm cho lòng tôi chùng xuống như một chút hoài cổ, một chút nuối tiếc … cho thấy sự suy sụp của lòng tin nơi những con người trong thời đại chúng ta, thời đại của nền văn minh sự chết.

Hình ảnh giáo đô Vatican của Giáo Hội Công Giáo với nhiều tòa nhà nguy nga, nhiều vương cung thánh đường bề thế, nhiều hình ảnh, tượng khắc, tranh vẽ nghệ thuật giá trị cho tôi thấy tiềm ẩn một sức mạnh của viên đá Phêrô, nơi mà mọi người Công Giáo trên toàn thế giới luôn hướng về.

Hình ảnh cũng như thánh tích của các thánh luôn là tấm gương chiếu sáng cho mọi người. Có một điểm chung là tất cả các thánh đều phải chịu đau khổ, cách này hay cách khác vì đó là con đường Chúa đã đi qua và ai muốn tìm về Thiên Chúa cũng chắc chắn phải đi qua con đường đó.

Ngoài ra cũng chính trong cuộc hành hương này, tôi nhận ra những tấm gương sống động nơi quý cha linh hướng, cha Trần văn Điều và Đức Ông Hoàng Minh Thắng. Chúng tôi còn có thêm cha Nguyễn Văn Khải, thuộc dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà đang du học tại Rome cũng đến với chúng tôi. Các ngài không làm gì đặc biệt, nhưng sự hướng dẫn và nhất là sự hiện diện của các ngài với tinh thần yêu thương cha con, nhắc bảo cho tôi mục đích của chuyến đi. Không hẳn là chỉ đi xem cho biết, nhưng thực ra là đi tìm gặp Chúa.

Chúng tôi cũng rất may mắn có được chị Mỹ Linh, một hướng dẫn viên hành hương hết sức tận tụy với công việc và lo lắng chu đáo cho chúng tôi. Chị đến với chúng tôi với một tinh thần phục vụ quên mình và lòng đạo đức chân thật. Chị đã làm hơn những gì người hướng dẫn viên du lịch phải làm. Xin cám ơn chị và cầu chúc cho việc tổ chức hành hương của Trung Tâm Du Lịch & Di Trú Úc Châu của chị luôn thành công tốt đẹp.

Thật là một cuộc hành hương mang nhiều ý nghĩa và nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong đời.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Lan
Thérésa Nguyễn
21:58 10/11/2015
HOA LAN
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Hoa Lan trông thật dịu dàng
Thanh tao, mềm mại, nhẹ nhàng hương thơm
Người phong nhã, khách văn chương
Thảy đều ưa thích muốn trồng hoa Lan !
Ngắm hoa, lòng thấy nhẹ nhàng..
(Trích thơ của Vương Thanh)