Ngày 07-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
8/11: Lm. Đặng Nhật Trường: Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng
Giáo Hội Năm Châu
01:41 07/11/2024


BÀI ĐỌC I: Pl 3, 17 – 4, 1

“Chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và bây giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và quý yêu, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi. Anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

A+B=Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavit.

ALLELUIA: Pl 2, 15-16

-Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 16, 1-8

“Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý thầm nghĩ rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’.

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:16 07/11/2024

14. Đức hạnh có được là do cầu nguyện mà thành.

(Thánh Ephraem)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:19 07/11/2024
87. PHÂN NƠI CỬA MIỆNG

Có một học trò hỏi thầy giáo:

- “Chữ “phân (屎)” viết như thế nào?”

Thầy giáo nhất thời không nhớ được, trầm ngâm rất lâu mới nói:

- “Chà chà, rõ ràng là nơi cửa miệng, nhưng lại nói không ra”.

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 87:

Có những câu hỏi bất chợt của học trò mà thầy cô nhất thời không trả lời được, nên có những thầy cô phớt lờ lãng sang chuyện khác; có những câu hỏi chợt đến của trẻ em mà người lớn nhất thời lúng túng không trả lời được, nên người lớn nạt nộ để che lấp cái lúng túng của mình...

Lúng túng thì trả lời không đúng làm học trò không thỏa mãn và thế là không nể thầy cô; nạt nộ để “vú lấp miệng em” thì làm cho trẻ em thêm bực tức mà nói tầm bậy. Cái hay nhất trong trường hợp này thì Đức Chúa Giê-su đã dạy cho chúng ta biết đó là có thì nói có mà không thì nói không, cũng có nghĩa là biết thì nói biết, không thì nói không biết, đó là câu trả lời hay nhất không những làm cho người hỏi bằng lòng, mà còn làm cho họ nể nang, bởi vì sự thành thật thì lúc nào và thời nào cũng được mọi người yêu mến và kính nể.

Chữ phân nơi cửa miệng của thầy nhưng nói không ra, thì đó là cái dở của thầy giáo, nhưng cái dở hơn của mọi người là không nhìn thấy khả năng có hạn và đức độ kém cõi của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Lòng quảng đại của hai bà góa nghèo
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
06:57 07/11/2024
TÌNH GÓA
(Chúa nhật XXXII TN B)

Nhiều hình ảnh người góa bụa được Thánh Kinh không chỉ tô hồng mà còn xác nhận là một trong những đối tượng được Thiên Chúa ưu ái và bảo vệ cách đặc biệt bằng những luật lệ cụ thể trong Cựu Ước (x.Xh 22,21; Ed 22,7). Đến thời Tân Ước, chính Chúa Giêsu cũng đã ưu ái bà góa thành Naim có đứa con trai duy nhất bị chết, nên dù không được khẩn xin, Người vẫn ra tay uy quyền cho cậu ta sống lại (x.Lc 7,11-17). Trong ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật XXXII TN B thì bài đọc thứ nhất trích sách các Vua và bài Tin mừng tường thuật và ca tụng nghĩa cử cao đẹp của bà góa thành Xarépta và bà góa tại Giêrusalem. Cả hai đều là những bà góa nghèo nhưng sẵn sàng hiến dâng “phần nuôi sống” mình, cũng là chính sự sống của mình cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Chúng ta cùng xét suy đôi điều qua cái tâm, cái lòng và cuộc sống của người góa bụa.

1.Một mối tình thủy chung: Trước hết cần phân biệt người góa bụa với các bà mẹ đơn thân. Chúng ta không thể tiên thiên “đánh giá - xếp hạng” cho tình trạng sống này vì hình như mỗi hoàn cảnh đều mỗi vẻ khác nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thế nhưng phải nhìn nhận rằng đây là tình trạng “không bình thường” theo lẽ tự nhiên. Trái lại tình cảnh của người góa bụa dù là đàn ông hay đàn bà là chuyện thường tình của kiếp nhân sinh. Chuyện tái giá hay đi bước nữa khi người phối ngẫu đã qua đời là chuyện chẳng có gì sai trái, dù phía nữ giới có thể bị dị nghị cách nào đó, đặc biệt trong nhiều xã hội trước đây vốn đề cao đạo “tam tòng – tứ đức”. Dù xưa hay nay thì người ta vẫn trân trọng những mẫu đời “thờ chồng, nuôi con” hoặc tín trung với người bạn quá cố mà nguyện làm cảnh gà trống nuôi con. Đây là một trong những tiêu chí để chọn người vào hàng Giám Quản hay bậc trợ tá của Giáo Hội thời sơ khai (x.1Tm 3,1-13). Thủy chung với người bạn đời đang còn sống quả là một nỗ lực bền bỉ không chỉ trong tình yêu mà cả trong sự tiết chế. Chính vì thế, việc chung thủy với người bạn đời đã khuất càng được trân trọng gấp bội khi tự nguyện từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình vì yêu thương và muốn tín trung trọn vẹn với chỉ một người.

2.Một tình yêu trao hiến đến cùng: Yêu thương là một quá trình trao ban và đón nhận nhau. Yêu thương cách đích thực là tự nguyện trao ban điều tốt, điều tốt nhất của mình cho người mình yêu cách vô điều kiện và không tính toán, đồng thời cũng sẵn sàng đón nhận người mình yêu với tất những gì người ấy “là và có” một cách quảng đại, không so đo. Người ta thấy rõ hai động thái này trong đời hôn nhân. Đức Bênêđíctô XVI đã gọi đó là Eros và Agapê, hai chiều kích của tình yêu này xem ra phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa cách rõ nét nhất (TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu số 2). Với thời gian, qua các hình thức “mại dâm thánh” cùng với sự ích kỷ hưởng thụ của con người theo sự cám dỗ thần dữ thì chiều kích Eros (đón nhận) đã bị biến dạng, tha hóa. Từ đó chiều kích trao hiến (Agapê) đóng vai trò chủ yếu trong việc biểu lộ tình yêu đích thực.

Với người góa bụa thì cái chiều kích đón nhận xem ra vẫn còn đó qua người con. Nhưng nó sẽ vơi dần theo khi đứa con đến lúc phải lìa cha mẹ mà luyến ái với người bạn đời (x.Mc 10,7). Cuộc đời của người góa bụa là một chuỗi trao ban, hiến dâng không ngơi nghỉ. Chỉ còn chút bột và chút dầu để ăn bữa cuối cùng với đứa con, thế mà bà góa thành Xarépta đã không ngại ngần dâng trao cho ngôn sứ Êlia (x.1V 17,7-16). Chúa Giêsu đã ngợi khen lòng quảng đại của một bà góa tại đền thờ Giêrusalem khi đã không ngại ngần dâng cúng vào Đền Thờ “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân bà” (x.Mc 12,44; Lc 21,4).

3. Một tâm hồn nghèo khó thực sự: Người góa bụa là một trong những người nghèo của Thiên Chúa, được Người ưu ái chăm sóc và bảo vệ. Xin đừng quên số người góa bụa trong các xã hội trước đây thì phụ nữ chiếm tuyệt đại đa số. Một mình nuôi con mà bôn ba cuộc sống thì khó bì được với người ta vẹn đủa cả đôi, nhất là khi sinh kế thời bấy giờ dựa vào sức lao động của cơ bắp là chủ yếu. Do dó hạn từ “góa” thường đi đôi với hạn từ “nghèo”. Những người góa bụa, cách riêng các phụ nữ góa chồng không chỉ nghèo về vật chất, của cải, bạc tiền mà họ còn nghèo khó cả về mặt tinh thần. Ngay cả trong thời kỳ gọi là hoàng kim của Giáo hội là thời Giáo hội sơ khai, khi mà những người trong tôn giáo mới này “không ai lấy sự gì làm của riêng, mọi sự đều là của chung” (x.Cv 2,44; 4,32) thế mà các bà góa vẫn đã từng bị đối xử thiếu công bằng, bị bỏ quên (x.Cv 6,1).

Hồng ân Nước Trời là một ân ban trọng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Không một ai có thể tự mình chiếm hữu ân ban ấy dựa vào khả năng và công trạng của mình. Chúa Giêsu đã mặc nhiên nói đến chân lý này khi khẳng định rằng người giàu có khó vào Nước Trời, khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim. Những gì mà người giàu cho rằng có thể mua được bằng tiền bạc thì chắc chắn không phải là Nước Trời (x.Lc18,24-27). Một tâm hồn nghèo khó thực sự thì sẽ có được sự tự do với các thực tại đời này để rồi biết gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong niềm tin. Và họ đã biết mở lòng để đón nhận Nước Trời như là ân ban.

Mong sao những người góa bụa được xã hội cũng như Giáo hội quan tâm chăm sóc bằng sự trân trọng như những người nghèo của Thiên Chúa, những con người rực sáng trong tình yêu thủy chung, tình yêu dâng hiến đến cùng. Có thể nói không sợ sai lầm rằng cuộc đời của nhiều người góa bụa là một dẫn chứng cụ thể, giúp chúng ta biết thế nào là yêu, thế nào là tin.

Ban Mê Thuột
 
Cơ duyên
Lm. Minh Anh
16:17 07/11/2024
CƠ DUYÊN
“Tôi nghe nói anh sao đó?”.

Một Kitô hữu đi qua ‘đường hầm tăm tối’ thường có xu hướng tập trung vào những thất bại của mình. Tuy nhiên, Chúa có thể sử dụng thời gian tăm tối này để mở rộng lòng biết ơn, sám hối, đối với ân sủng toàn vẹn của Ngài. Với Chúa, sa mạc sẽ nở hoa, linh hồn nguội lạnh có thể nên thánh. Thời khắc này có thể trở thành ‘cơ duyên!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi nghe nói anh sao đó?” cũng là điều Chúa muốn nói với bạn và tôi khi chúng ta đặt mình vào vị trí người quản lý của dụ ngôn Tin Mừng. Vậy nếu nghiêm túc coi những lời này là lời của Chúa đang nói với mình, thì đây có thể cũng là ‘cơ duyên’ cho chúng ta. Thật thú vị, ‘cơ duyên’, “grace” - tiếng Anh - còn có nghĩa là “ân sủng!”.

“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Trên thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về bất cứ ai vì Ngài biết hết mọi sự, “Biết cả khi con đứng, con ngồi; tư tưởng con Chúa thấu suốt từ xa!”. Tuy nhiên, Ngài vẫn có thể hỏi chúng ta những lời đó khi Ngài xem lại ‘hồ sơ cuộc sống’ của mỗi người. Ngài nhắc cho chúng ta rằng, bạn và tôi phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi tự do của mình. Hãy nhìn vào Ngài - một người Cha - người đã hỏi, “Ta nghe nói con sao đó?”. Những lời này rồi cũng sẽ tiết lộ một vết thương nào đó trong tâm hồn chúng ta, một điều gì đó đã làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh mỗi người chúng ta với tư cách là con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài!

Vâng, chúng ta sẽ cung cấp cho Ngài đầy đủ ‘hồ sơ cuộc sống’. Và nếu phải lập một danh sách tất cả những gì đã lãnh nhận, nó sẽ gồm những gì? Theo những cách nào, chúng ta biết mình đã tận dụng tối đa những gì Chúa ban? Bí tích Hoà Giải cho chúng ta cơ hội để đưa ra bản tường trình - từng phần một - như một chuẩn bị cho cuộc kiểm tra lần cuối. Thật là một dịp may, một ‘cơ duyên!’. Bạn có tận dụng nó? Chúa nhân lành có gọi bạn là kẻ phung phí? Dĩ nhiên, phung phí là sử dụng sai mục đích, sử dụng không khéo, lãng phí hoặc xa hoa.

Còn các ân sủng khác thì sao? Đức tin, Hội Thánh Công Giáo, các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh, kho tàng phong phú của truyền thống, những phương tiện đã được đặt trong tay; thời gian và những tài năng đã lãnh nhận? Chúng ta có là những kẻ phung phí? Làm thế nào tôi có thể đáp ứng tốt hơn với những ân huệ Chúa ban? Làm cách nào bạn và tôi có thể “đầu tư” tốt hơn cho Nước Trời? Hoặc nói như Phaolô, chúng ta có “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” không? - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Chớ gì Lời Chúa hôm nay là một ‘cơ duyên’ đánh thức bạn và tôi về những ân huệ của Chúa; nhờ đó, chúng ta biết sử dụng ơn Chúa cho vinh quang Ngài và cho lợi ích các linh hồn hơn! Ước gì, nhờ việc xét mình, điều chỉnh ‘hồ sơ cuộc sống’ - trong sự tha thứ của Đấng xót thương - bạn và tôi trở nên người quản lý tốt, hầu ngày kia, có thể đến với Chúa, tinh tuyền thánh khiết để tận hưởng ‘tiệc bất tận’, tiệc thiên đàng chính Ngài khoản đãi. Niềm vui phúc kiến đó được Thánh Vịnh đáp ca diễn tả một cách sâu sắc, “Tôi vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì thắc mắc của Chúa về ‘hồ sơ cuộc sống’ của con là một ‘cơ duyên’ giúp con biết hoán cải, hầu linh hồn nguội lạnh của con có thể nở hoa, nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:52 07/11/2024

15. Cầu nguyện làm cho linh hồn biết sự hư không của danh lợi và hoan lạc của thế gian.

(Thánh nữ Rosa)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:56 07/11/2024
88. HÃO HUYỀN KHÔNG NÃO

Có một người Tô Châu làm cận vệ cho một quan lớn nọ, thường thường bợ đỡ quan lớn, nói:

- “Tôi vì ngài mà không tiếc tính mạng mình”.

Một hôm, quan lớn bị bệnh não, bệnh tình nguy kịch, thầy thuốc nói:

- “Không có não người sống thì không thể chữa được”.

Quan lớn vui vẻ nói:

- “Ta có thể sống được rồi”.

Bèn kêu người Tô Châu ấy đến thương lượng, anh ta trả lời:

- “Không phải là tôi không dám, tôi là Tô hão huyền, tức là không có não ạ”.

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 88:

Có người được người ta gán cho biệt hiệu là “anh hai”, vì tính cách dử tợn bặm trợn của mình; có người được người khác gọi là vua lừa, vì hay lừa dối phỉnh phờ người khác; lại có người được người khác đặt cho cái tên là nổ, vì hay nói những chuyện tào lao không có thật...

Không phải tự nhiên mà người khác “tặng” cho mình cái biệt hiệu, nhưng là vì cuộc sống của mình bộc lộ ra như thế nên người ta gán thêm một cái tên cho hợp với tính cách của mình.

Chúng ta là những người Ki-tô hữu, tên gọi Ki-tô hữu không còn xa lạ với mọi người trên thế gian này, bởi vì ai cũng biết Ki-tô hữu là người tin vào Đức Chúa Giê-su. Nhưng người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy người Ki-tô hữu không sống đúng với niềm tin của mình: có người thì sống bê tha bệ rạc vì cờ bạc rượu chè, có người thì cho vay nặng lãi, có người thì dối gian tham lam, có người thì buôn thần bán thánh, lại có người thì ăn trộm ăn cướp.v.v...

Người ở Tô Châu tự nhận mình là hão huyền, tức là không có não, do đó mà chỉ biết nói lời nịnh bợ, tráo trở khi chủ nhân cần đến; nhưng chúng ta thì lại khác, chúng ta tự nhận mình là người Ki-tô hữu nên chúng ta không những có não (trí khôn) để chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa, mà còn có đức tin để chúng ta nhìn thấy Đưc Chúa Giê-su trong mọi người, để trung thành phục vụ Ngài trong người thân cận của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục Hoa Kỳ sẽ nói gì vào Ngày nhậm chức này?
Vũ Văn An
00:04 07/11/2024

Ed. Condon của The Pillar, ngày 7 tháng 11 năm 2024, cho rằng với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, các giám mục Hoa Kỳ sẽ một lần nữa hiệu chỉnh lại kỳ vọng và cách tiếp cận của họ đối với một chính quyền mới.



Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Tổng giám mục Timothy Broglio, đã đưa ra tuyên bố ban đầu về kết quả, nói rằng "các giám mục mong muốn được làm việc với các đại diện được bầu của người dân để thúc đẩy lợi ích chung của tất cả mọi người", và sau đó là một tuyên bố ngắn gọn với Vatican News đưa ra một số suy nghĩ ngắn gọn về chuyện công việc của các giám mục thực sự sẽ hệ ở chỗ nào.

Phản ứng ngoại giao của Broglio đối với kết quả này có phần trái ngược với hơn bốn năm trước, khi chủ tịch hội đồng khi đó là Tổng giám mục Jose Gomez của Los Angeles, đã đưa ra tuyên bố vào sáng ngày nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, cảnh cáo rằng chương trình nghị sự của chính quyền mới sẽ thúc đẩy "tệ nạn đạo đức" trên nhiều mặt trận.

Việc đánh giá với những lời thẳng thắn đó đã gây ra sự phản kháng đáng kể trong Giáo hội — Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa thánh đã cố gắng kìm nén nó trước khi nó có thể được công bố, và Hồng Y Blase Cupich của Chicago đã dẫn đầu một nhóm giám mục phản đối "tuyên bố thiếu cân nhắc" và cho biết ngài có cảm thức "những thất bại định chế nội bộ" đã khiến có tuyên bố này.

Nhưng với một số khía cạnh trong cương lĩnh của Trump được thiết lập khiến chính quyền bất đồng với các giám mục, liệu tuyên bố của Broglio vào thứ Tư có báo trước một giọng điệu mới, ôn hòa hơn từ các giám mục không?

Hay những cuộc trao đổi gay gắt trong tương lai từ và giữa các giám mục là điều không thể tránh khỏi khi chính phủ mới bắt đầu hoạt động?

Rất nhiều thứ đã thay đổi trong bốn năm và có một số điểm khác biệt chính giữa tháng 1 năm 2021 và năm 2025 khiến ít nhất một số thay đổi về giọng điệu từ các giám mục có khả năng xảy ra.

Điều đầu tiên và rõ ràng nhất là, không giống như Joe Biden, Donald Trump không phải là người Công Giáo, vì vậy các giám mục Hoa Kỳ không phải đối mặt với chính tình huống "độc đáo" mà Đức Tổng Giám Mục Gomez xác định là phải đối phó với một tổng thống đã vận động cho các chính sách rõ ràng trái ngược với các giáo lý đạo đức cơ bản của Giáo hội và cả đức tin Công Giáo bản thân của ông.

Mặc dù vậy, có rất nhiều điều trong cương lĩnh mà với nó, Donald Trump đã tranh cử để thu hút sự phản đối có nguyên tắc và mối quan tâm mục vụ của các giám mục — nếu họ có xu hướng chia sẻ chúng.

Các giám mục, với tư cách là một nhóm, đã kiên trì với việc coi phá thai là mối quan tâm xã hội hàng đầu đối với người Công Giáo Hoa Kỳ.

Và trong khi có những lập luận được đưa ra, như ngay cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi ý, rằng về vấn đề này, Donald Trump đại diện cho sự lựa chọn của một "cái ác ít hơn" giữa hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử, thì thực tế vẫn là chính quyền mới đã cam kết bảo vệ quyền tiếp cận phá thai hợp pháp ở cấp tiểu bang.

Việc so sánh lập trường của Trump với một chính quyền Harris giả định là một hành động hợp lý trước cuộc bầu cử, nhưng giờ đây khi ông đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ hai, nhiều người Công Giáo sẽ theo dõi để xem các giám mục lên tiếng mạnh mẽ như thế nào — theo cá nhân và theo một hội đồng — về cam kết của tổng thống tái đắc cử trong việc cho phép "phá thai ở nơi mà mọi người đều mong muốn theo quan điểm pháp lý".

Và mặc dù Trump không phải là người Công Giáo, nhưng phó tổng thống mới của ông, JD Vance, là người Công Giáo — công khai là người Công Giáo. Và cựu thượng nghị sĩ đến từ Ohio đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp bảo vệ pháp lý để tiếp cận thuốc phá thai mifepristone, theo Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, là nguyên nhân thực sự gây ra "hơn một nửa số ca phá thai ở Hoa Kỳ".

Vance đã nói vào tháng 8 rằng "Chỉ vì Giáo Hội Công Giáo dạy điều gì đó, không có nghĩa là bạn với tư cách là một nhà lập pháp nhất thiết phải tác động [sic] điều đó đến chính sách công".

Đó là một lập trường mà nhiều giám mục Hoa Kỳ đã phản đối gay gắt trong các chu kỳ bầu cử gần đây. Thật vậy, trong thông điệp Ngày nhậm chức của mình cách đây bốn năm, khi đó là chủ tịch hội đồng, Tổng giám mục Gomez đã lưu ý một cách rõ ràng rằng "trước hết chúng ta là người Công Giáo, chỉ tìm cách trung thành noi theo Chúa Giêsu Kitô và thúc đẩy tầm nhìn của Người về tình huynh đệ và cộng đồng nhân loại".

Và, trong khi các vấn đề phá thai và sự sống có thể "nổi bật" trong phép tính chính trị tập thể của các giám mục, điều đó không có nghĩa là không có vấn đề nào khác đáp ứng hoặc đáng để họ chú ý.

Trong chính quyền Trump trước đây, các giám mục, cá nhân và với tư cách là một nhóm, thường phản đối chính quyền về các vấn đề như áp dụng án tử hình và nhập cư.

Nền tảng mà Trump và Vance được bầu lên đã tuyên bố rằng "chúng ta phải trục xuất hàng triệu người di cư bất hợp pháp [sic]" hiện đang ở trong nước — và viễn cảnh trục xuất hàng loạt, chưa kể đến các vụ bắt giữ và giam giữ cần phải xảy ra trước đó, chắc chắn sẽ khiến các giám mục lo ngại nghiêm trọng.

Hiện tại, hội đồng giám mục đã áp dụng một giọng điệu được nghiên cứu và rõ ràng là phi chính trị.

Trong tuyên bố được Broglio đưa ra vào thứ Tư, tổng giám mục đã chúc mừng Trump về cuộc bầu cử của ông trong khi lưu ý rằng "Giáo Hội Công Giáo không liên kết với bất cứ đảng phái chính trị nào, và hội đồng giám mục cũng vậy.”

“Bất kể ai chiếm giữ Nhà Trắng hay nắm giữ đa số tại Đồi Capitol, thì giáo lý của Giáo hội vẫn không thay đổi, và chúng tôi, những giám mục, mong muốn được làm việc với các đại diện được bầu của nhân dân để thúc đẩy lợi ích chung của tất cả mọi người,” Broglio nói.

Tổng giám mục kết thúc thông điệp của mình bằng một lời cầu nguyện và một lời thỉnh cầu cho “phẩm giá của con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, bao gồm cả trẻ chưa sinh, người nghèo, người lạ, người già và người ốm yếu, và người di cư.”

Trong khi Broglio nhắc nhở những người Công Giáo rằng “là những Ki-tô hữu và là người Mỹ, chúng ta có nghĩa vụ đối xử với nhau bằng lòng bác ái, sự tôn trọng và lịch sự, ngay cả khi chúng ta có thể không đồng ý về cách thực hiện các vấn đề chính sách công,” thì không có cuộc thảo luận nào về “tệ nạn đạo đức” trong chương trình nghị sự của chính quyền — ngay cả khi nhiều vấn đề tương tự mà Gomez nêu bật vào năm 2021 cũng hiện diện trong cương lĩnh Trump 2024, mặc dù không phải tất cả đều ở cùng một mức độ.

Một số nhà bình luận có thể sẽ coi giọng điệu hòa giải của Broglio là bằng chứng cho thấy sự đồng cảm ngầm đối với đảng Cộng hòa của ban lãnh đạo hội đồng, trái ngược với đánh giá sắc sảo hơn của Gomez về Biden bốn năm trước.

Nhưng Broglio cũng là một kiểu chủ tịch hội nghị khác với Gomez, với một xuất thân khác — đã dành nhiều năm làm việc trong ngành ngoại giao của Vatican, bộ phận bị kích động nhất bởi thông điệp Ngày nhậm chức của Gomez bốn năm trước.

Và Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, ở một mức độ lớn, là một cơ quan đã thay đổi kể từ năm 2020 — sau những cuộc trao đổi gây tranh cãi và đôi khi gay gắt về các vấn đề chính trị vào năm 2021, hội đồng đã chuyển nhiều phiên họp của hội đồng sang họp kín, nhằm thúc đẩy tình anh em nhiều hơn và ít bất đồng công khai hơn.

Nhưng, khi chính quyền mới bắt đầu đưa chương trình nghị sự của mình ra khỏi trang giấy và đi vào hành động, nhiều người sẽ theo dõi để xem các giám mục chuẩn bị trực tiếp như thế nào trong việc lên án những hành động xúc phạm đến sự sống hoặc phẩm giá con người.

Câu trả lời cho câu hỏi đó có thể quyết định mức độ đồng thuận mà hội đồng có thể duy trì giữa các thành viên, hoặc liệu nó có chịu đựng một vòng chia rẽ tôn giáo mới hay không.
 
Kiếm sĩ Takayama: Liệu ông có trở thành vị thánh Kiếm sĩ đầu tiên của Nhật Bản hay chỉ là một người tội lỗi?
Đặng Tự Do
03:07 07/11/2024
Quá trình thẩm tra bí ẩn này mất ít nhất năm năm và là một trong những bí mật được giữ kín nhất của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng, ở đâu đó trong những hội trường và phòng họp vang vọng rộng lớn của Vatican, các viên chức được cho là sắp đưa ra phán quyết liệu một chiến binh Nhật Bản có phải là thánh hay không.

Nếu được xác nhận, Kiếm sĩ Justo Takayama Ukon sẽ trở thành chiến binh đáng sợ đầu tiên của Nhật Bản đạt được vinh quang lớn nhất của Kitô giáo.

Một khái niệm lãng mạn? Vâng, có thể là như vậy, đặc biệt là khi một Kiếm sĩ không có một số bí mật đen tối – thực sự, có những người ở Nhật Bản cho rằng ông ta là tội đồ nhiều hơn là thánh nhân.

Chuyên gia về Kiếm sĩ ở Tokyo, Tamura Ryo, cho biết: “Takayama có thể đã bảo vệ những tín hữu Kitô nhưng ông ta cũng là một kẻ giết người, hành động vì lợi ích cá nhân và không hoàn toàn là một người tốt”.

Những người ủng hộ việc phong thánh cho Takayama phản đối kịch liệt.

Người ủng hộ Takayama, Đức Hồng Y Thomas Maeda nhấn mạnh: “Người đàn ông dũng cảm này đã hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa Kitô và chắc chắn nên được phong thánh.”

Trước khi chúng ta xem xét sự hấp dẫn đằng sau con đường trở thành thánh nhân của Kiếm sĩ Takayama, lịch sử cuộc đời của ông đã được ghi chép lại đầy đủ và không có gì phải bàn cãi.

Ông sinh vào khoảng năm 1552 trong một gia đình quý tộc trong thời kỳ Sengoku đầy biến động khi vùng nông thôn Nhật Bản gần như liên tục bị tàn phá bởi chiến tranh và bất ổn xã hội.

Ban đầu ông được nuôi dạy theo đạo Phật. Ông cải đạo sang Công Giáo vào năm 11 tuổi sau cuộc tranh luận giữa cha ông và một nhà truyền giáo dẫn đến lễ rửa tội của họ.

Takayama và cha ông đã chịu trách nhiệm cải đạo cho hàng chục ngàn người Nhật Bản và trong suốt cuộc đời, Takayama đã trở thành người bảo vệ những người Công Giáo Nhật Bản, sử dụng ảnh hưởng của mình để hỗ trợ các nỗ lực truyền giáo mặc dù phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng.

Nhưng vào năm 1587, bộ trưởng hoàng gia Toyotomi Hideyoshi đã ra lệnh trục xuất các nhà truyền giáo và yêu cầu các lãnh chúa phong kiến Công Giáo, như Takayama, phải từ bỏ đức tin của mình.

Takayama đã hai lần từ chối từ bỏ niềm tin của mình và vì thế ông đã bị tước bỏ cấp bậc và quyền hạn.

Ông bị trục xuất khỏi Nhật Bản và chạy trốn cùng 300 người Công Giáo khác đến Phi Luật Tân, nơi ông qua đời vào năm 1615, được cho là do các vết thương vì bị ngược đãi trước đó ở quê nhà.

Người ta nói rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông đã kêu gọi các cháu của mình hãy kiên định với đức tin Công Giáo.

Những người ủng hộ cho rằng di sản của Takayama vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người như một biểu tượng của niềm tin vững chắc và khả năng phục hồi trước nghịch cảnh.

Tuy nhiên, những người đặt câu hỏi về sự thánh thiện của ông chỉ ra rằng có bằng chứng không thể chối cãi rằng Tamayaka đã chỉ huy các nhóm đột kích để phá hủy các đền thờ và chùa chiền Phật giáo và Thần đạo.

Tệ hơn nữa: một nguồn tin Công Giáo cao cấp của Nhật Bản, yêu cầu giấu tên, cho biết: "Takayama chắc chắn đã giết ít nhất một người - đó không phải hành động của một vị thánh."

Tamura Ryo, thuộc Bảo tàng Kiếm sĩ Tokyo, cũng có mối quan ngại tương tự và tuyên bố Takayama chỉ là một kẻ cơ hội thèm khát quyền lực.

Bắt đầu từ thế kỷ 16, hàng trăm ngàn nông dân Nhật Bản đã được các nhà truyền giáo từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cải đạo.

Ryo cho biết: “Kitô giáo là một xu hướng mới”.

“Takayama cho rằng việc gia nhập và bảo vệ họ là một cách thức tàn nhẫn để giành quyền lực trong thời kỳ hỗn loạn.”

Khi được hỏi về những nỗ lực nhằm phong thánh cho Takayama, Ryo nói thêm: “Chúng tôi coi quá trình này chỉ là một phần của lịch sử, không phải là điều xấu, nhưng cũng không phải điều tốt”.

Ở Osaka, Đức Hồng Y Maeda, một trong những người lãnh đạo phong trào phong thánh cho Tamayaka, đã phản đối mạnh mẽ.

“Takayama nên được phong thánh vì ông đã dâng hiến toàn bộ cuộc đời mình cho Chúa Kitô, ngay cả trong những thời kỳ bị đàn áp,” ông nói.

“Ông đã bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình không chỉ một lần mà là hai lần và ông đã từ chối. Kết quả là ông đã mất tất cả và bị lưu đày.

“Nhưng chắc chắn, Chúa Kitô là trung tâm cuộc sống của ông. Chúa Kitô là Chúa của ông.”

Kiếm sĩ Takayama rõ ràng không nằm trong cùng phạm trù về lòng tốt và sự toàn vẹn như Đức Gioan Phaolô II và Mẹ Teresa. Nhưng vào năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một sắc lệnh xác nhận cái chết của Takayama là một cuộc tử đạo, và ông đã chính thức được phong chân phước vào tháng 2 năm 2017.

Để được phong thánh là vị thánh Kiếm sĩ đầu tiên của Giáo hội, Vatican phải chấp thuận ít nhất một phép lạ được xác minh là do sự can thiệp của Takayama.

Cho đến nay, Vatican chưa bao giờ tiết lộ phép lạ mà họ đang xem xét, nhưng một nguồn tin Công Giáo cao cấp giấu tên tại Nhật Bản cho biết: “Tòa án đang xem xét việc Takayama chữa lành cho một người Nhật Bản vào thời điểm nào đó trong năm 2017 hoặc sau đó.

“Tôi không thể cho bạn biết người được chữa lành là đàn ông hay phụ nữ hoặc họ mắc bệnh gì, đó vẫn là một bí mật.”

Nguồn tin tiếp tục: “Có những người trong Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đang nỗ lực hết sức để phong thánh cho Takayama.”

Khi được hỏi về khung thời gian tiềm năng và phán quyết của tòa án Vatican, nguồn tin này cho biết thêm: “Vatican sẽ quyết định vào đầu năm 2025 và tôi dự đoán câu trả lời sẽ là có”.


Source:Catholic Herald
 
Chiến thắng của Trump có thể tác động ra sao đến chương trình nghị sự của các giám mục Hoa Kỳ
Vũ Văn An
13:51 07/11/2024

Những thách thức liên quan đến vấn đề nhập cư và các cơ hội bảo vệ sự sống có thể sẽ được nêu bật tại cuộc họp mùa thu sắp tới của các giám mục.

Tổng thống đắc cử Donald Trump (ảnh: Evan El-Amin / Shutterstock)


Jonathan Liedl của tạp chí National Catholic Register ngày 7 tháng 11 năm 2024, nhận định rằng khi các giám mục Hoa Kỳ họp tại Baltimore từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 11, sẽ có một điều gì đó giống như một con voi trong phòng.

Đó là vì hội nghị mùa thu thường niên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ sẽ diễn ra một tuần sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành được quyền trở lại Nhà Trắng bằng cách đánh bại Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris.

Và do đó, một số cuộc thảo luận và bầu cử ủy ban có liên quan chặt chẽ hơn về mặt chính trị của các giám mục, bao gồm cả những cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề nhập cư và phá thai, có khả năng sẽ diễn ra với những thách thức và cơ hội độc đáo trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đề cập tới chiến thắng của Trump, với chủ tịch hội đồng, Tổng giám mục Timothy Broglio, chúc mừng đảng Cộng hòa trong một tuyên bố ngày 6 tháng 11, trong đó cũng nhấn mạnh cam kết phi đảng phái của Giáo hội trong việc thúc đẩy lợi ích chung và nhu cầu đoàn kết và cầu nguyện.

Nhưng nếu quá khứ là lời mở đầu, thì kết quả bầu cử gần như chắc chắn sẽ được giải quyết thêm tại hội nghị mùa thu, đặc biệt là khi xét đến khả năng một tổng thống Hoa Kỳ mới sẽ được khuyến khích bởi ủy nhiệm của lá phiếu phổ thông và một Quốc hội ít nhất do những người Cộng hòa đồng cấp kiểm soát một phần.

Ví dụ, Tổng giám mục Broglio hoặc một nhân vật lãnh đạo khác có thể đưa ra thêm bình luận về những thách thức đối với các cam kết của Công Giáo do Trump đưa ra, người đã vận động tranh cử bằng lời hứa gây tranh cãi về việc trục xuất hàng loạt những người nhập cư bất hợp pháp vào nước này.

Khi đó, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ là Tổng giám mục José Gomez đã làm điều gì đó theo hướng này trong hội nghị trực tuyến vào tháng 11 năm 2020, khi ngài nêu lên mối lo ngại về việc có một tổng thống Công Giáo là Joe Biden, người vẫn đi chệch khỏi giáo lý cơ bản của Giáo hội về phá thai, hôn nhân và giới tính.

Và vào năm 2016, Giám mục Eusebio Elizondo, khi đó là người đứng đầu ủy ban di trú của các giám mục, đã nhấn mạnh cam kết của hội nghị đối với người di cư và người tị nạn sau khi Trump đắc cử nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình.

Trong cả hai năm, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng đã thành lập các "nhóm làm việc" liên quan đến mối quan tâm của họ đối với những người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, điều này có thể được lặp lại một lần nữa trong năm nay.

Thảo luận về 'Nhân phẩm'

Ngoài ra, một số mục trong chương trình nghị sự dự kiến cho hội nghị năm 2024 có thể sẽ có hình thức khác với Trump theo chủ nghĩa dân túy bảo thủ, chứ không phải Harris theo chủ nghĩa hoàn cầu tiến bộ, tại Phòng Bầu dục.

Kenneth Craycraft, một nhà thần học đạo đức tại Chủng viện và Trường Thần học Mount St. Mary ở Cincinnati, lưu ý rằng việc các giám mục đã lên kế hoạch thực hiện Dignitas Infinita, tuyên bố gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin về phẩm giá con người, có thể được áp dụng theo những cách phù hợp với thời điểm chính trị hiện tại.

“Không có gì quan trọng hơn, đặc biệt là sau cuộc bầu cử, là việc khẳng định lại phẩm giá hữu thể học của mỗi con người, được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa”, Craycraft nói với Register.

Đặc biệt, với việc JD Vance, một người theo chủ nghĩa dân túy Công Giáo, sắp trở thành phó tổng thống của Trump, Craycraft cho biết “đã đến lúc” các giám mục Hoa Kỳ kêu gọi “chính sách ủng hộ sinh đẻ, ủng hộ trẻ em mạnh mẽ hơn”, chẳng hạn như sinh nở miễn phí, trong việc áp dụng Dignitas Infinita của họ. Nhà thần học đạo đức này coi cách tiếp cận này phù hợp với tầm nhìn ủng hộ sự sống tích cực hơn là chỉ hạn chế phá thai.

Đồng thời, với việc Trump (và Vance) nhậm chức, Craycraft thấy các giám mục cần tái khẳng định cam kết của mình đối với việc cải cách nhập cư thận trọng và từ thiện.

“Đây là cơ hội để các giám mục cân bằng lòng trắc ẩn đối với người nhập cư với việc chăm sóc lợi ích chung của Hoa Kỳ với tư cách là quốc gia tiếp nhận”, ông nói.

Ông cũng nói thêm rằng mặc dù lời lẽ của Vance về vấn đề nhập cư, bao gồm cả việc lặp lại những tuyên bố chưa được chứng minh rằng những người nhập cư Haiti ở Springfield, Ohio, đã ăn thịt thú cưng, "là kém", nhưng sự hiện diện của người trở lại Công Giáo này trong chính quyền của Trump có thể mang đến cho Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cơ hội "trở thành tiếng nói hàng đầu" về vấn đề này.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng sẽ phải đối diện với sự mới lạ của một chính quyền Cộng hòa thực sự ủng hộ quyền phá thai. Trước thềm cuộc bầu cử năm nay, Trump đã chỉ ra rằng ông sẽ không ủng hộ bất cứ nỗ lực nào nhằm hạn chế phá thai ở cấp liên bang, trong khi vẫn ủng hộ hoàn toàn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Vance cũng đã chùn bước trong lĩnh vực này, khi nói rằng ông ủng hộ việc tiếp cận hợp pháp với thuốc phá thai, điều này khiến một số người đặt câu hỏi liệu các giám mục có đưa "sự nhất quán Thánh Thể" trở thành trọng tâm một lần nữa hay không, như họ đã làm khi Biden ủng hộ phá thai lên nắm quyền.

Về vấn đề “lý thuyết giới tính”, Charles Camosy, một nhà đạo đức sinh học tại trường y khoa của Đại học Creighton, dự đoán rằng các giám mục lo ngại về việc áp dụng lý thuyết này tại các bệnh viện Công Giáo và các tổ chức khác “có thể còn tự tin khi nêu vấn đề này ra,” vì sự phản đối tập trung của Trump đối với cái gọi là “phẫu thuật khẳng định giới tính” dường như đã hỗ trợ cho chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông.

Tác động lên cuộc bầu cử ủy ban?

Một lĩnh vực khác mà chiến thắng của Trump có thể tác động là cuộc bầu cử chủ tịch ủy ban Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đặc biệt là các ủy ban giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội.

Ví dụ, những phẩm chất mà các giám mục có thể tìm kiếm khi họ bầu một người đứng đầu mới của ủy ban di trú có thể trông sẽ khác khi Trump sắp nhậm chức.

Cuộc bầu cử đó có sự tham gia của Giám mục Brendan Cahill của Victoria, Texas và Giám mục Joseph Tyson của Yakima, Washington. Giám mục Tyson hiện là thành viên của ủy ban di trú và đã thúc đẩy mục vụ cho những người nông dân di cư trong giáo phận của mình, trong khi Giám mục Cahill đã đến thăm biên giới Hoa Kỳ-Mexico và là thành viên của hội đồng giám mục tiểu bang đã phản đối chính quyền Texas đàn áp viện trợ cho người di cư.

Các lựa chọn chủ tịch ủy ban khác có thể bị ảnh hưởng tương tự bởi nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Trump bao gồm cuộc bầu cử người đứng đầu Ủy ban Công lý trong nước và Phát triển con người, có sự tham gia của Tổng giám mục Shelton Fabre của Louisville, Kentucky và Giám mục Kevin Sweeney của Paterson, New Jersey, cũng như cuộc bầu cử chủ tịch tiếp theo của Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống gia đình và Thanh niên, một sự lựa chọn giữa Giám mục Edward Burns của Dallas và Giám mục James Conley của Lincoln, Nebraska.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng xác minh rằng, theo điều lệ của mình, các ứng cử viên thay thế cho chức chủ tịch cũng có thể được đề cử trước hoặc trong cuộc họp, nếu họ nhận được đề cử và được năm giám mục tham gia khác ủng hộ.

Thay đổi ưu tiên

Michael Heinlein, người viết tiểu sử của cố Hồng Y Francis George của Chicago, lưu ý rằng trong khi cuộc bầu cử của Trump có thể "thay đổi trọng tâm hoặc ưu tiên" đối với Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, thì phản ứng như vậy đối với một tổng thống mới không phải là điều bất thường.

“Các giám mục sẽ tìm thấy những điểm hội tụ và bất đồng với chính phủ Trump thứ hai, giống như họ đã làm với Biden hoặc bất cứ chính phủ nào khác — vì đức tin không được định nghĩa bởi bất cứ bên nào của sự chia rẽ chính trị, mà bởi điều gì là sự thật”, ông nói.

Các vấn đề chính trị sẽ không phải là thứ tự công việc duy nhất ở Baltimore vào tuần tới. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cũng sẽ bầu một thủ quỹ mới và phê duyệt ngân sách năm 2025 của họ; thảo luận về việc thực hiện thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc chăm sóc tạo vật và một chức vụ mới được thành lập cho các giáo lý viên; và xem xét việc phong thánh cho hai phụ nữ Mỹ.

Stephen White, giám đốc điều hành của The Catholic Project, một sáng kiến tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ thúc đẩy sự hợp tác giữa giáo sĩ và giáo dân, đã mô tả chương trình nghị sự chung của hội đồng mùa thu là ít “hào nhoáng” hơn theo quan điểm tạo tin tức và tập trung hơn vào công việc thông thường của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ.

Nhưng ông cũng sẽ chú ý đến bất cứ dấu hiệu nào về hướng đi mà sự tham gia chính trị của các giám mục sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ sau vụ Roe kiện Wade năm 2022.

White cho biết, "Sẽ rất đáng lưu ý khi xem họ quyết định sẽ nói gì, nếu có, về tình hình chính trị của chúng ta, trên phương diện cá nhân hoặc tập thể."
 
Một số suy nghĩ khi trở về từ Phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng
Vũ Văn An
14:33 07/11/2024

Giám mục Robert Barron, ngày 5 tháng 11 năm 2024, đăng trên trang mạng của ngài wordonfire.org Một số Suy nghĩ khi Trở về từ Phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng:



Tôi vừa trở về cách đây vài ngày từ phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng về tính đồng nghị tại Rome, và tôi phải thú nhận rằng tôi cảm thấy hơi kiệt sức. Như tôi đã đề cập trước đây, Thượng hội đồng kéo dài bốn tuần và các ngày làm việc rất căng thẳng. Vì vậy, mặc dù chắc chắn đó là một trải nghiệm phong phú, tôi rất vui vì nó đã kết thúc và tôi rất vui khi được trở về nhà. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một số ấn tượng và đánh giá chung về trải nghiệm này và cũng xem xét một số vấn đề cụ thể đã được thảo luận trong tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng.

Phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng là một sự cải thiện so với phiên họp đầu tiên ở mức độ tập trung nhiều hơn vào chủ đề được cho là đang được xem xét, cụ thể là bản thân tính đồng nghị. Phiên họp đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái có chất lượng giống như omnium gatherum [thu lượm mọi điều], khi các chủ đề từ tiếp cận cộng đồng LGBT đến việc phong chức cho phụ nữ, linh mục đã kết hôn và cải cách giáo hội được đưa ra. Bằng cách gạt những vấn đề này sang một bên, Đức Giáo Hoàng cho phép chúng tôi tập trung vào vấn đề đang bàn. Nhiều lần trong vài năm qua, mọi người đã hỏi tôi "tính đồng nghị" có nghĩa là gì. Các cuộc thảo luận mà chúng tôi có xung quanh các bàn và tại các phiên họp toàn thể năm nay đã giúp tôi làm rõ suy nghĩ của riêng mình về vấn đề này. Quá thường xuyên, ngay cả những người ủng hộ tính đồng nghị cũng dùng đến những khái quát mơ hồ và sáo rỗng - "cùng nhau bước đi", "đi đến bên lề", "lắng nghe", v.v. - khi họ cố gắng giải thích thuật ngữ này. Khi chúng ta thực sự đi sâu vào vấn đề, chúng ta muốn nói đến “tính đồng nghị”, trước tiên, nỗ lực có ý thức và được định chế hóa cho phép nhiều dân Chúa hơn, đặc biệt là những người mà tiếng nói của họ thường không được lắng nghe, tham gia vào quá trình ra quyết định và tiếp nhận quyết định. Thứ hai, chúng ta muốn nói đến việc thiết lập các giao thức về trách nhiệm giải trình và minh bạch liên quan đến việc quản trị Giáo hội.

Như vậy, tính đồng nghị đại diện cho sự thể hiện thực tế của communio ecclesiology [giáo hội học hiệp thông] phát sinh từ các văn kiện của Công đồng Vatican II và giáo huấn của các giáo hoàng hậu công đồng. Vì đó là lời triệu tập tất cả những người đã chịu phép rửa tội để thực sự chịu trách nhiệm về đời sống của Giáo hội. Phần lớn các cuộc thảo luận và can thiệp tại công đồng đều liên quan đến việc làm rõ ý tưởng này. Theo đó, chúng tôi đã nói về các hội đồng giáo xứ, hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng tài chính, hội đồng xét duyệt, sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào việc đào tạo chủng viện, cam kết đổi mới đối với tham vấn đại kết, tổ chức các công đồng địa phương, thiết lập các giao thức giải trình, v.v. Tất cả những điều này, đối với tôi, có vẻ là lành mạnh và tôi rất vui vì thượng hội đồng đã khuyến khích điều đó. Một điểm mà tôi thường nêu ra là hầu hết nếu không muốn nói là tất cả những điều này đã có hiệu lực trong giáo hội Hoa Kỳ. Vì vậy, theo một số cách, các cuộc thảo luận của thượng hội đồng hướng đến việc làm cho những gì chúng ta coi là hiển nhiên ở đây trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới.

Tôi sẽ biết ơn trong suốt quãng đời còn lại của mình vì có cơ hội trải nghiệm sống động này về tính phổ quát của Giáo hội.

Một đặc điểm khác của thượng hội đồng là sự tiếp xúc với sự phức tạp mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo. Có khoảng bốn trăm người tham gia vào các cuộc trò chuyện và họ đến từ cả sáu châu lục có người ở. Nếu bạn ít chú ý nhất, thì thực tế là không thể duy trì tính địa phương. Phong cách châu Phi không phải là phong cách châu Á; người Mỹ Latinh phải đối diện với những vấn đề rất khác so với người Bắc Mỹ; Nam Âu chắc chắn không phải là Bắc Âu; một người Ukraine và một người Đông Timor trải nghiệm phụng vụ theo những cách rất khác nhau; v.v. Người bạn John Allen của tôi, một nhà nghiên cứu Vatican giàu kinh nghiệm, đã quan sát trong bữa tối một đêm rằng bạn có thể nhận ra ngay sự khác biệt giữa một giám mục đã tham dự một thượng hội đồng và một giám mục chưa tham dự: người trước chỉ đơn giản là hòa hợp hơn với Giáo hội quốc tế so với người sau. Tôi sẽ biết ơn suốt quãng đời còn lại vì có cơ hội trải nghiệm sống động này về tính phổ quát của Giáo hội.

Không phủ nhận bất cứ điều nào ở trên, tôi muốn chia sẻ một số điểm chung đáng quan tâm mà tôi đã có trong cả hai phiên họp của thượng hội đồng. Đầu tiên, bằng cách tập trung quá nhiệt tình vào vấn đề thu hút giáo dân vào việc quản trị nội bộ của Giáo hội, thượng hội đồng có xu hướng bỏ qua vai trò của 99 phần trăm giáo dân—cụ thể là sự thánh hóa thế giới. Các nghị phụ của Công đồng Vatican II đã dạy rằng phạm vi hoạt động thích hợp cho giáo dân là saeculum hay trật tự thế tục—tức là các lãnh vực tài chính, kinh doanh, giải trí, báo chí, gia đình, giáo dục, v.v. Được hình thành bởi Tin Mừng, họ phải tiến vào các lĩnh vực này với ý định Kitô hóa, sử dụng chuyên môn riêng của mình để đưa chúng vào sự phù hợp hơn với vương quốc của Thiên Chúa. Thật tốt khi cả giáo dân nam và nữ đều được đưa vào các cấu trúc quản trị của Giáo hội, nhưng trên hết, chúng ta nên quan tâm đến việc hình thành phần lớn giáo dân sẽ thực hiện công việc thiêng liêng của họ trong saeculum—mà, nghĩ lại thì, sẽ không phải là chủ đề tồi cho một thượng hội đồng tương lai. Theo ưu tiên thường được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu ra, chúng ta nên tìm ra những cách thức mới mẻ để trở thành một Giáo hội “ra khỏi chính mình”. Tôi có ấn tượng mạnh mẽ rằng mối bận tâm của thượng hội đồng, ngược lại, là ad intra, hướng đến đời sống nội tâm của Giáo hội.

Một mối quan tâm liên quan đến việc duy trì và tăng cường bản thân tính đồng nghị. Nhiều lần trong hai năm qua, các thành viên thượng hội đồng đã đề xuất rằng các cấu trúc đồng nghị nên được thiết lập ở mọi bình diện của đời sống Giáo hội và nên khuyến khích tham vấn rộng rãi hơn. Tôi không biết. Vào một thời điểm trong các cuộc thảo luận trên bàn, tôi đã nói, “Tôi muốn truyền tải Ratzinger bên trong mình,” và tôi đã chia sẻ câu chuyện sau. Khi Joseph Ratzinger cắt đứt quan hệ với ban biên tập tạp chí Concilium vào cuối những năm sáu mươi, ngài đã đưa ra một số lý do cho sự rạn nứt này. Một trong số đó là mục đích đã nêu của Concilium là duy trì tinh thần của Công đồng Vatican II, và Ratzinger cảm thấy điều này là sai lầm. Xin lưu ý, điều này không phải vì ngài có bất cứ điều gì chống lại Công đồng Vatican II—xét cho cùng, ngài là người đóng góp chính cho các văn kiện của công đồng—mà đúng hơn là vì ngài cảm thấy Giáo hội nên rời các công đồng và thượng hội đồng với cảm giác nhẹ nhõm. Đôi khi, Giáo hội phải tự đặt mình vào trạng thái hồi hộp và giải quyết một số vấn đề quan trọng, nhưng sau khi làm như vậy, Giáo hội quay trở lại với công việc thiết yếu của mình là truyền giáo, thờ phượng Chúa và phục vụ người nghèo. Duy trì thái độ của một công đồng—tranh luận, đánh giá, thẩm định, tranh luận, v.v.—là rơi vào một dạng tê liệt của giáo hội. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta thừa nhận tính hợp pháp của một số hoạt động và cơ cấu của thượng hội đồng, liệu chúng ta có thể chia sẻ một sự nghi ngờ lành mạnh theo kiểu Ratzinger về một bộ máy quan liêu có thể trở nên quá phát triển và cứng ngắc không?

Cuối cùng, tôi muốn giải quyết hai câu hỏi rất cụ thể đã được tranh luận trong thượng hội đồng và xuất hiện, có phần mơ hồ, trong tài liệu cuối cùng. Câu hỏi đầu tiên là việc phong chức phó tế cho phụ nữ. Đề xuất cho phép phụ nữ được tiếp cận chức phó tế thực sự đã được nêu ra trong phiên họp đầu tiên của hội đồng nhưng sau đó Đức Giáo Hoàng đã giao nó cho một nhóm nghiên cứu và loại nó khỏi chương trình nghị sự của vòng hai. Mùa hè năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố rõ ràng rằng phụ nữ sẽ không được chấp nhận vào hàng ngũ những người được phong chức, để ngỏ khả năng họ có thể mong muốn một chức vụ phục vụ giống như chức phó tế theo một số cách. Quyết định này đã được Đức Hồng Y Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, tái khẳng định vào đầu vòng thứ hai của Thượng hội đồng. Nhưng sau đó, một số đại biểu Thượng hội đồng đã bày tỏ sự không hài lòng với bài trình bày của Đức Hồng Y và đã thúc giục riêng ngài cho phép thảo luận vấn đề này đầy đủ hơn. Theo đó, trong tài liệu cuối cùng, có nêu rằng việc phụ nữ được thụ phong phó tế vẫn là "một câu hỏi chưa có lời giải đáp". Bây giờ, một số người trong chúng tôi rất không hài lòng với cách diễn đạt này, vì nếu hiểu một cách thẳng thắn, nó sẽ khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô bất đồng quan điểm với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã tuyên bố rõ ràng nhất có thể rằng Giáo hội không có thẩm quyền để chấp nhận phụ nữ vào Chức thánh. Với những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường tuyên bố, tôi không nghĩ ngài thực sự sẽ đi theo hướng đó, vì một động thái như vậy sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về mặt giáo hội học. Nhưng ngôn từ tạo ra ấn tượng rằng ngài có thể, và điều đó là có vấn đề. Tôi tin rằng cách diễn giải đúng đắn về đường lối gây tranh cãi này chỉ đơn giản là các hình thức khác nhau của các thừa tác vụ không thụ phong, tương tự như chức phó tế, vẫn đang được thảo luận.

Vấn đề thứ hai được nêu ra là thẩm quyền về giáo lý của các hội đồng giám mục. Có một số người ủng hộ Synodaler Weg (Con đường Công đồng) của Đức tại thượng hội đồng, và đáng khen là họ không hề che giấu ý định của mình. Một đề xuất là trao cho các hội đồng giám mục địa phương thẩm quyền, ít nhất là ở một mức độ nào đó, đưa ra các quyết định về giáo lý. Khi đề xuất này xuất hiện trong Instrumentum Laboris cho phiên họp thứ hai, rất nhiều người trong chúng tôi đã phản đối, vì chúng tôi lo sợ rằng sự hỗn loạn sẽ xảy ra sau sự thay đổi như vậy. Ví dụ, hôn nhân đồng tính có được phép ở Đức nhưng lại là tội trọng ở nước láng giềng Ba Lan, được cử hành ở Canada nhưng lại bị coi là vô lý ở Nigeria không? Tài liệu cuối cùng nói về khả năng của các hội đồng giám mục trong việc diễn đạt đức tin duy nhất theo cách thức hội nhập văn hóa đúng đắn. Điều này có nghĩa là họ có thể áp dụng giáo huấn bất biến của Giáo hội vào mục vụ, hay họ có thể điều chỉnh giáo huấn đó cho phù hợp với các bối cảnh văn hóa khác nhau? Nếu là trường hợp sau, thì sự hiệp nhất của Giáo hội trong giáo lý và thực hành sẽ ra sao? Chính sự mơ hồ của công thức là nguyên nhân khiến một số người trong chúng tôi cảm thấy không thoải mái với nó.

Khi tiến trình thượng hội đồng bắt đầu cách đây khoảng ba năm, một số người lo ngại rằng các giáo lý đạo đức thiết yếu của Giáo hội sẽ thay đổi. Không có nỗi sợ nào trong số đó trở thành hiện thực. Thượng hội đồng, dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, đã đi đến một số quyết định thực tế liên quan đến cách đưa ra quyết định và đảm bảo trách nhiệm giải trình—và như tôi đã nói, tất cả đều tốt đẹp. Nó không thay đổi gì về mặt giáo lý hay đạo đức. Lý do cho sự ổn định và thành công của thượng hội đồng là Chúa Thánh Thần. Một điều khiến tôi có ấn tượng trong cả hai phiên họp là sự nổi bật của lời cầu nguyện. Chúng tôi cầu nguyện vào đầu mỗi ngày; chúng tôi dừng lại bốn phút cầu nguyện sau mỗi nửa giờ hoặc lâu hơn trong các cuộc thảo luận của mình; chúng tôi bắt đầu mỗi mô-đun của thượng hội đồng bằng một Thánh lễ long trọng tại bàn thờ ngôi tòa Thánh Phê-rô; chúng tôi đã có một buổi cầu nguyện đại kết đặc biệt tuyệt đẹp vào một buổi tối tại địa điểm đóng đinh Thánh Phêrô; và chúng tôi kết thúc bằng một Thánh lễ tráng lệ dưới mái hiên mới được trùng tu tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Không có điều nào trong số này chỉ mang tính trang trí; tất cả đều thuộc về bản chất của trải nghiệm đồng nghị. Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt chúng ta đến nơi Người muốn chúng ta đến, và Người đã ngăn cản chúng ta khỏi đi trệch con đường đúng đắn.
 
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump
Đặng Tự Do
17:12 07/11/2024
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và các nhà lãnh đạo khác của Vatican đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sau chiến thắng vang dội của ông trong cuộc bầu cử tuần này, bày tỏ hy vọng về sự lãnh đạo sáng suốt trong cả các vấn đề trong nước và quốc tế.

“Chúng tôi cầu chúc ông ấy có được ơn khôn ngoan tuyệt vời, bởi vì theo Kinh Thánh, đây là đức tính chính của người cai trị,” Đức Hồng Y Parolin phát biểu tại một sự kiện ở Rôma.

“Tôi tin rằng, trên hết, ông ấy phải nỗ lực để trở thành tổng thống của cả nước và vượt qua sự phân cực đã xảy ra, là điều mà hiện tại có thể cảm nhận rất, rất rõ ràng”, ông chỉ ra.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 5 tháng 11, vượt xa con số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai tại Tòa Bạch Ốc.

Ngoài việc nỗ lực hướng tới sự đoàn kết giữa người dân Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Parolin cũng bày tỏ hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ “là yếu tố tạo nên sự hòa hoãn và bình định trong các cuộc xung đột hiện đang khiến thế giới rệu rã”.

“Chúng ta hãy hy vọng, chúng ta hãy hy vọng. Tôi tin rằng ngay cả ông ấy cũng không có cây đũa thần,” Parolin nói.

“Để chấm dứt chiến tranh, cần rất nhiều sự khiêm nhường, cần rất nhiều sự sẵn lòng. Thực sự cần phải tìm kiếm lợi ích chung của nhân loại thay vì tập trung vào lợi ích riêng biệt.”

Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Ông Donald Trump không cùng quan điểm về các vấn đề liên quan đến người di cư hoặc môi trường, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục Vatican, Cha Antonio Spadaro, SJ, đã trả lời các nhà báo Ý vào ngày 6 tháng 11 rằng Vatican có ý định "tìm kiếm đối thoại" với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.

"Người Công Giáo không có đảng phái hay niềm tin chính trị đồng nhất ở Hoa Kỳ hay bất kỳ nơi nào khác, chúng ta phải giữ vững la bàn giá trị, không đứng về bên nào, chính xác là để tránh sự pha trộn giả tạo giữa tôn giáo và chính trị".

“Quan điểm của Tòa thánh luôn rộng mở, mang tính quốc tế, thừa nhận rằng Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các cuộc xung đột hiện đang diễn ra trên thế giới, từ Ukraine bị tử đạo đến Palestine bị tử đạo”, Cha Spadaro nói. “Cần phải tìm ra giải pháp”.

Sau cuộc bầu cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump, những đồn đoán xung quanh các biện pháp chính sách đối ngoại của ông lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông, đặc biệt là lời cam kết chấm dứt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra của ông.


Source:Catholic News Agency
 
Chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump là tin tốt lành cho các tín hữu
J.B. Đặng Minh An dịch
17:41 07/11/2024

Russell Ronald Reno (sinh năm 1959), được biết đến với tên R. R. Reno hoặc Rusty Reno, là một nhà thần học người Mỹ và là biên tập viên của tạp chí First Things. Trước đây ông là giáo sư thần học và đạo đức tại Đại học Creighton.

Ông vừa có bài viết nhan đề “Trump’s Victory Is Good News for Religious Believers”, nghĩa là “Chiến thắng của Donald Trump là tin tốt lành cho các tín hữu”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tín hữu các tôn giáo thở phào nhẹ nhõm vào sáng thứ Tư. Tự do tôn giáo không phải là vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nhưng không thể nghi ngờ rằng chính quyền của ông sẽ dung thứ cho sự bất đồng chính kiến về tôn giáo, thay vì sử dụng áp lực pháp lý và hành chính để áp đặt sự tuân thủ các ý thức hệ cực đoan, như chính quyền Obama và Tổng thống Biden đã làm.

Tuy nhiên, có những lý do sâu xa hơn khiến các tín hữu vui mừng với kết quả bầu cử. Ba thế hệ trước, Theodor Adorno và một nhóm các nhà khoa học xã hội đã xuất bản The Authoritarian Personality – Tính Cách Độc Tài, vào năm 1950, một cuốn sách tuyên bố xác định các đặc điểm của những người ủng hộ những kẻ mị dân độc đoán. Trong số những đặc điểm này có sự chấp nhận các chuẩn mực đạo đức truyền thống, đặc biệt liên quan đến tình dục và đời sống gia đình, và sự sẵn lòng tuân theo mệnh lệnh của những người có thẩm quyền. Mặc dù nghiên cứu không nhắm vào các tín hữu, nhưng theo lý giải này, một Kitô hữu trung thành tuân theo lời dạy đạo đức của Kinh thánh và công nhận thẩm quyền của Chúa là tối cao sẽ bị coi là một “người theo chủ nghĩa phát xít nguyên thủy”.

Khung phát triển trong The Authoritarian Personality được chấp nhận rộng rãi và định hình nên quan điểm của giới tinh hoa Mỹ. Những người theo chủ nghĩa tự do chính thống đã chấp nhận giả định rằng một chủ nghĩa độc đoán mới chớm nở đang ẩn núp trong dân chúng Mỹ. Nhiều người đã chấp nhận ý tưởng chia xã hội làm 2 phe của Manichean trong cuốn sách năm 1945 của Karl Popper, có nhan đề The Open Society and Its Enemies - Xã Hội Cởi Mở Và Những Kẻ Thù Của Nó. Sự phản đối chủ nghĩa bảo thủ được coi là cuộc đấu tranh văn hóa quyết định giữa “Middle America” lạc hậu, bảo thủ - Archie Bunkers - và những người cấp tiến hướng tới tương lai, cởi mở.

Trong môi trường này, lời chỉ trích cũ hơn, duy lý cho rằng niềm tin tôn giáo thiếu nền tảng lý trí đã nhường chỗ cho lời phản đối về mặt đạo đức rằng đức tin truyền thống thấm nhuần sự phục tùng nô lệ. Nó duy trì chế độ gia trưởng, kỳ thị người đồng tính và các tội lỗi khác chống lại tham vọng tiến bộ nhằm lật đổ các nhà cầm quyền cũ và xóa bỏ các rào cản truyền thống. Đức tin mãnh liệt đã bị coi là mối đe dọa nguy hiểm.

Tôi nhớ mình đã đi tàu điện ngầm ở New York ngay sau khi Rick Santorum thắng cử tại Iowa năm 2012. Một phụ nữ trẻ và bạn trai cô ấy đang nói về ông ta. Với giọng nhấn mạnh, cô ấy tuyên bố, “Ông ta là một tên rất nguy hiểm”. Không có khả năng là cô ấy đã đọc hoặc thậm chí biết đến những cuốn sách của Popper và Adorno. Nhưng những ý tưởng tìm thấy trong đó đã hình thành nên mối quan tâm của cô ấy về Santorum. Về bản chất, một tín hữu tôn giáo tuân thủ lời dạy đạo đức của Kinh thánh và công nhận thẩm quyền của Chúa là một “kẻ phát xít nguyên thủy” khao khát sự an toàn của một xã hội “đóng”. Người ấy trở nên “một tên rất nguy hiểm’, một kẻ độc đoán, đối phương của sự đa dạng và hòa nhập có thể có được nhờ một xã hội “cởi mở”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump không biểu lộ niềm tin tôn giáo sâu sắc. Các chủ đề và nhân vật tôn giáo rõ ràng không đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch của ông. Nó cũng không đóng vai trò gì trong chiến dịch của Harris. Cuộc chiến bầu cử gần đây chứng kiến ít tham khảo nhất về tôn giáo trong lịch sử Hoa Kỳ, ngoại trừ những lời quảng cáo của báo chí ủng hộ Harris, người đã rêu rao về mối nguy hiểm của “chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo da trắng”.

Tuy nhiên, sự coi thường Tổng thống đắc cử Donald Trump và những người ủng hộ ông lại phù hợp với tâm lý đã định hình nên The Authoritarian Personality. Các chính trị gia đảng Dân chủ và các nhà báo đảng phái thường xuyên đưa ra những lời buộc tội rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump là một nhân vật theo chủ nghĩa Hitler, một nhà độc tài toàn diện sẽ vi phạm Hiến pháp và phá hoại nền dân chủ Hoa Kỳ. Anne Applebaum và những người khác coi ông là sự tái sinh của Hitler.

Những gợi nhớ cuồng loạn về năm 1939 này không hợp lý như những mối nguy hiểm theo nghĩa đen. Tuy nhiên, chúng là những phản ứng hùng biện có thể dự đoán được đối với vai trò của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong nền văn hóa chính trị của Mỹ vào đầu thế kỷ 21. Ba lập trường đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của ông: hạn chế nhập cư, thiết lập các rào cản thương mại để bảo vệ người lao động Mỹ và phản đối ý thức hệ chuyển giới. Nói cách khác, khẳng định và củng cố biên giới—giữa các quốc gia và giữa các giới tính. Nền tảng này đi ngược lại với lý tưởng về một xã hội “cởi mở”, và do đó, giới tinh hoa của chúng ta cho rằng, hấp dẫn đối với khuynh hướng mà Adorno và nhóm của ông xác định là “nguyên phát xít”.

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump mang tính quyết định. Và ông đã chiến thắng trước những lời buộc tội liên tục về chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa phát xít. Kết quả này cho thấy rõ ràng rằng bầu không khí dư luận mô tả chính trị như một cuộc chiến giữa xã hội cởi mở và đối phương của nó đang mất dần giá trị. Do đó, những bài thuyết trình của giới tinh hoa cáo buộc đức tin tôn giáo là nguy hiểm và áp bức cũng đang trở nên không thuyết phục.

Tín hữu các tôn giáo có thể đồng ý hoặc không đồng ý với Tổng thống đắc cử Donald Trump về vấn đề nhập cư hoặc thương mại. Và họ có thể có nhiều quan điểm khác nhau về cách ứng phó với sự nhầm lẫn của xã hội ta về ý nghĩa của việc trở thành đàn ông hay phụ nữ. Nhưng họ nên hoan nghênh sự xói mòn chung của sự đồng thuận xã hội cởi mở và những lời buộc tội sẵn sàng của nó về chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa độc đoán. Về vấn đề đó, bất kể người ta nghĩ gì về con người hoặc nền tảng của ông, thành công trong cuộc bầu cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump là tin tốt lành cho những người trong chúng ta nghĩ rằng hành động cao cả nhất, cao quý nhất và giải phóng nhất là đầu hàng bản thân, trái tim, trí óc và tâm hồn, cho Chúa.


Source:Catholic News Agency
 
Tòa Thánh và Chiến thắng của Donald Trump
Vũ Văn An
17:51 07/11/2024

Tạp chí Aleteia, ngày 7 tháng 11, 2024 có bài tựa là “Đức Hồng Y Parolin chúc mừng Trump, chúc ông “nhiều khôn ngoan”.

Evan Vucci / POOL / AFP


Quốc vụ khanh của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ và bày tỏ hy vọng ông có thể giúp vượt qua các sự phân cực.

“Chúng tôi chúc mừng” tân tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, và “chúng tôi chúc ông nhiều khôn ngoan” để “vượt qua các sự phân cực”, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Đức Giáo Hoàng, cho biết bên lề một sự kiện ở Rome vào ngày 7 tháng 11 năm 2024, hãng thông tấn Ý Ansa đưa tin, cùng với những hãng khác.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa đưa ra tuyên bố nào về cuộc bầu cử. (Trong hình ảnh trên, ngài được nhìn thấy đã tiếp Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của ông tại Vatican.)

“Tôi nghĩ rằng ông ấy phải làm việc trên hết để trở thành tổng thống của toàn bộ đất nước, để vượt qua sự phân cực đã xảy ra, điều đã được cảm nhận rất, rất sâu xa trong thời gian này,” Đức Hồng Y Parolin cho biết. “Chúng tôi hy vọng rằng ông ấy thực sự có thể là một yếu tố của ‘sự hòa hoãn’ và hòa giải trong các cuộc xung đột hiện tại đang làm thế giới rúng động.”

Donald Trump và các cuộc xung đột hoàn cầu

Đức Hồng Y Pietro Parolin, 'người số 2' của Tòa thánh, đã phản ứng trước chiến thắng của Donald Trump bên lề một sự kiện về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Gregorian của Rome.

Các nhân vật ngoại giao của Vatican đặc biệt quan tâm đến tình hình ở Trung Đông và Ukraine, nơi Tòa thánh đã đề nghị làm trung gian. Khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về lời thề chấm dứt chiến tranh của Donald Trump, Đức Hồng Y Parolin cho biết, “Chúng ta hãy hy vọng… tất nhiên, ông ấy cũng không có cây đũa thần.”

Về cuộc xung đột ở Ukraine, mà Donald Trump đã hứa sẽ giải quyết trong vòng 24 giờ, người đứng đầu bộ phận ngoại giao của Vatican cho biết rất khó để đưa ra ý kiến, vì hiện nay có rất nhiều điều không chắc chắn.

Donald Trump “cũng chưa đưa ra bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào về cách thức [thực hiện điều này]. Chúng ta hãy cùng xem ông ấy sẽ đề xuất gì sau khi nhậm chức,” Đức Hồng Y Parolin cho biết, theo Vatican News đưa tin.

Harris và Trump “cả hai đều chống lại sự sống”, theo Đức Giáo Hoàng

Có một số vấn đề khiến Đức Giáo Hoàng và Donald Trump xích lại gần nhau, chẳng hạn như việc họ phản đối phá thai. Về vấn đề này, Đức Hồng Y Parolin bày tỏ hy vọng rằng việc Donald Trump công khai bảo vệ sự sống sẽ không trở thành một chính sách “phân cực và chia rẽ”, mà là vị tổng thống mới có thể mở rộng sự đồng thuận.

Khi được hỏi vào tháng 9 năm ngoái về tình thế tiến thoái lưỡng nan mà người Công Giáo Mỹ phải đối diện trong cuộc bầu cử tổng thống, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói vào tháng 9 năm 2024 rằng “cả hai đều chống lại sự sống: người đuổi người di cư và người giết trẻ em. Cả hai đều chống lại sự sống”.

Vào thời điểm đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời người Mỹ “chọn điều ác ít hơn”.

“Điều ác ít hơn là gì? Quý bà đó hay quý ông đó? Tôi không biết; mỗi người phải suy nghĩ và quyết định theo lương tâm của mình."

Mối quan hệ của Đức Giáo Hoàng với Donald Trump

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chào đón Donald Trump tại Vatican vào tháng 5 năm 2017, sáu tháng sau cuộc bầu cử đầu tiên của ông vào Nhà Trắng. Cái bắt tay rất thân thiện, nhưng những bất đồng giữa hai người đàn ông này thì ai cũng biết.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Đức Giáo Hoàng đã chỉ trích ý tưởng xây dựng một bức tường giữa Hoa Kỳ và Mexico và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp của Trump.

“Nếu một người chỉ nghĩ đến việc xây dựng những bức tường, bất kể ở đâu, và không nghĩ đến việc xây dựng những cây cầu, thì [người đó] không phải là Ki-tô hữu”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trên chuyến bay trở về sau chuyến đi Mexico năm đó.

Sáng nay, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng Tòa thánh “ủng hộ một chính sách khôn ngoan đối với người di cư và do đó không đi đến những thái cực này”.

Trên mặt trận ngoại giao, trong khi Đức Giáo Hoàng hoan nghênh các cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào năm 2018 và 2019, thì ngoại giao Vatican đã lên tiếng bất bình và lo ngại sau quyết định của Donald Trump chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ tại Israel từ Tel Aviv đến Giêrusalem.

Trong một khu vực trên thế giới đã chìm trong đổ máu kể từ vụ thảm sát ngày 7 tháng 10 năm 2023, sự trở lại của Donald Trump đã được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi là một "chiến thắng to lớn".

Trợ lý chủ chốt của Đức Giáo Hoàng cho biết Vatican sẽ tìm cách đối thoại với Trump

Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro chào mừng Đức Giáo Hoàng Phanxicô. (Nguồn: Vatican News.)


Trong khi đó, tạp chí Crux, ngày 7 tháng 11 năm 2024, loan tin: bất chấp những xung đột với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về các vấn đề từ nhập cư và biến đổi khí hậu đến Trung Quốc và Trung Đông trong nhiệm kỳ cuối cùng của Donald Trump tại Nhà Trắng, một quan chức cấp cao của Vatican đã nói rằng trong nhiệm kỳ mới của mình, Rome có ý định "tìm cách đối thoại".

Cha Antonio Spadaro, một linh mục dòng Tên người Ý, phó thư ký của Bộ Văn hóa Vatican và là cố vấn thân cận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã phát biểu vào thứ Tư trong các cuộc phỏng vấn với các hãng thông tấn của Ý.

Hãng Adnkronos, chẳn hạn, đã trích dẫn lời Spadaro nói rằng Vatican hy vọng có cuộc đối thoại với Trump về các vấn đề trong nước và quốc tế.

Spadaro cho biết, trước hết cần có đối thoại "vì một xã hội Mỹ tốt đẹp hơn, nơi mà rõ ràng nhiều người không cảm thấy thoải mái, nơi họ không cảm thấy được công nhận và bảo vệ, và có tiếng kêu cần được lắng nghe.”

Về mặt quốc tế, Spadaro cho biết, đối thoại giữa Washington và Rome là rất quan trọng.

“Quan điểm của Tòa thánh luôn rộng mở, mang tính quốc tế, thừa nhận rằng Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong việc tránh cho các cuộc xung đột hiện đang diễn ra trên thế giới, từ Ukraine tử đạo đến Palestine tử đạo, không trở nên tồi tệ hơn.”

“Cần phải tìm ra giải pháp,” ngài nói.

ANSA đưa tin rằng Spadaro cho biết sự tương phản nổi tiếng giữa Đức Phanxicô và ông Trump về nhiều vấn đề không nhất thiết phải là trở ngại cho đối thoại.

“Tòa thánh chưa bao giờ chia thế giới thành người tốt và kẻ xấu, đóng cửa với những người sau và mở cửa cho những người trước để xây dựng liên minh chính trị,” ngài nói.

“Người Công Giáo không có đảng phái hoặc niềm tin chính trị đồng nhất ở Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào khác,” ngài nói. “Nó đã giữ vững la bàn giá trị, nhưng không đứng về bên nào, chính xác là để tránh sự pha trộn giả tạo giữa tôn giáo và chính trị”.

“Đối thoại và ngoại giao hữu ích chính là để xây dựng cầu nối và phá bỏ những bức tường”, Spadaro nói.

Spadaro cho rằng trong quá khứ, bản thân Trump đôi khi dường như kết hợp tôn giáo và chính trị, trích dẫn bài phát biểu Liên bang năm 2018 của ông - một xu hướng, Spadaro nói, là “có vấn đề”, nhưng khiến cho cuộc đối thoại với Vatican “không chỉ đáng mong muốn mà còn cần thiết”.

Spadaro cũng dường như đưa ra một thách thức gián tiếp đối với Trump, ám chỉ đến câu thần chú “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông.

Spadaro cho biết thước đo thực sự của sự vĩ đại sẽ là “sự quan tâm của nước Mỹ đối với người nghèo, người thiệt thòi và người thiếu thốn, những người, giống như Lazarus, đứng ngoài cửa của chúng ta. Điều này áp dụng cho rất nhiều, quá nhiều người bị lãng quên ở Mỹ, những người cảm thấy họ không còn thuộc về nơi này nữa. Nó cũng áp dụng cho những người di cư, những người đã tạo nên chính cấu trúc của xã hội Mỹ”.

Bình luận của Spadaro cho đến nay là tuyên bố công khai duy nhất của một viên chức Vatican về kết quả bầu cử. Vatican News, hãng thông tấn chính thức do Tòa Thánh điều hành, đã đăng một bài viết về việc tái đắc cử của Trump, nhấn mạnh bản chất bất chấp mọi khó khăn trong sự trở lại của ông.

Bài báo ngày 6 tháng 11 cho biết: "Sự nghiệp chính trị của ông được coi là một kỳ tích chưa từng có, khi đã xoay xở để trở lại Nhà Trắng sau hai lần luận tội, nhiều phiên tòa khác nhau và hai bản án hình sự". "Sau vụ tấn công Đồi Capitol, vòng xoáy đi xuống của ông dường như đã rõ ràng, thậm chí đã bị chính đảng của ông từ bỏ, và ông đã xoay xở để giành lại quyền kiểm soát".

Nhìn chung, các giáo hoàng không gửi thông điệp chính thức tới các tổng thống Mỹ mới cho đến khi họ nhậm chức. Có tiền lệ phá vỡ nghi thức đó - ví dụ, Giáo hoàng Benedict XVI đã gửi một bức thư chúc mừng tới Barack Obama ngay sau khi ông đắc cử vào tháng 11 năm 2008 - mặc dù lần cuối cùng với Trump, vào năm 2016, Đức Phanxicô đã đợi đến ngày nhậm chức mới viết thư cho nhà lãnh đạo mới của Mỹ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đọc Và em, lễ Khấn dòng... của Francis Assisi Lê Đình Bảng
Trần Hoàng Vy
02:47 07/11/2024
NỤ TẦM XUÂN ĐÃ THÀNH ĐIỀU THIÊNG LIÊNG*

“ VÀ EM, LỄ KHẤN DÒNG” ( VE,LKD) là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Đình Bảng, sau 23 tác phẩm đã xuất bản gồm các sách Giảng văn, Giáo trình sách giáo khoa, Thơ, Văn, Bút ký... xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay. Sách dày 110 trang gồm 63 bài thơ và lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, do nhà Xuất bản Tuổi Hoa Publishing, Hoa Kỳ ấn hành tháng 8 năm 2024, với tranh bìa của họa sĩ Nguyễn Hà và ký họa chân dung tác giả của họa sĩ Chóe.

Mở đầu lời giới thiệu thi phẩm VE,LKD, Bùi Vĩnh Phúc đã viết: “ Và em, lễ Khấn dòng” thơ tình hay thơ đạo, của Lê Đình Bảng là một tập thơ có một nét đẹp khó tìm thấy, trong dáng nét và thể loại riêng của nó...” ( trang 5, VE,LKD)

VE,LKD là tựa đề tập thơ và cũng là tên bài thơ ở trang 36 trong tập thơ, khá ấn tượng và thu hút sự tò mò của người yêu thơ, nhất là những độc giả “ngoại đạo”. Đó là “lễ Khấn dòng”.

Vậy “lễ Khấn dòng” có nghĩa là gì? Theo “ Giáo luật Công Giáo. Com”, “ Khấn dòng” được định nghĩa là: “Khấn dòng được diễn tả như một giao ước được thực hiện một cách cá nhân giữa tu sĩ và Đức Kitô, để được nên đồng hình đồng dạng với Ngài qua đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Khấn dòng được định nghĩa như một quà tặng là dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa hầu chu toàn trọn vẹn Thánh ý của Người trong sự thông hiệp với anh em...”

Điều này, độc giả cũng sẽ cảm nhận và đồng cảm cùng nhà thơ, khi ông viết:

“ Bây giờ, ngày tháng ra Giêng/ Em là của Chúa, của riêng nhà dòng/ Mỗi lần ra đứng, trông mong/ Gửi hương cho gió vào trong tường rào...” (trang 36), “ Em” của nhà thơ, chính là nữ tu, đã “dâng hiến” chính mình cho Thiên Chúa, em là “Nụ tầm xuân”, cũng “ nở ra xanh biếc” trong trái tim si tình của tác giả, song “ nụ tầm xuân” ấy đã “ Thành điều thiêng liêng”, “em như thánh nữ” trong ngưỡng phục của tâm hồn thi sĩ. Nhẹ nhàng, thanh thoát và cũng thật rưng rưng!

Cũng theo nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, “cái đẹp lạ lùng của tập thơ là ở chỗ nó đi thong dong giữa hai bờ, hai cõi. Cõi trần, cõi bụi và cõi đạo, cõi bát ngát hương hoa... Thơ Lê Đình Bảng phản ánh cái “chập chờn” nửa đời, nửa đạo. Cái nửa bụi, nửa trong...”. Thật ra, “đạo” và “đời” trong thơ ông cũng chỉ là những xúc cảm thuần thành của một thi sĩ đạo gốc, yêu đời và kính Chúa. Bởi phàm là con người hiền lương, trong mọi cảm xúc, dù lúc hoạn nạn, khổ đau, hay khi sung sướng, hạnh phúc đều nghĩ đến Chúa ( Phật). Chính vì vậy, mà nhà thơ Hàn Mặc Tử, có lúc đã thảng thốt kêu lên: “ Maria linh hồn tôi ớn lạnh...”, hay như “ Lạy Bà là Đấng trinh toàn thánh vẹn/ Giàu nhân đức, giáu muôn hộc từ bi...” ( Thánh nữ đồng trinh Ave Maria), khi cuối đời cùng căn bệnh nan y, khao khát sống và khao khát cứu rỗi. Hay như nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà, khi yêu một người con gái có đạo và ông đã “thú nhận”: “ Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có Chúa ngự trên trời/ Trong lòng con, giữa màu hoa trắng/ Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!” ( Hoa trắng thôi cài trên áo tím, 1957). Hay như cảm xúc thật chan hòa, đầm ấm lẫn uất nghẹn của thi sĩ Vũ Anh Khanh, khi đứng trước một xóm Đạo hiền hòa, bị chiến tranh tàn phá: “ Đây Tha La xóm đạo/ Có trái ngọt cây lành/ Tôi về thăm một dạo/ Giữa mùa nắng vàng hanh.../... Tha La giận mùa thu/ Tha La hận quốc thù/ Tha La hờn quốc biến.../... Lạy Đức Thánh Cha/ Lạy Đức Thánh Mẹ/ Lạy Đức Thánh Thần...” ( Tha La, 1949).

Trở lại với thi phẩm “ VE, LKD” của Francis Assisi Lê Đình Bảng với 63 bài thơ là 63 bông hoa tươi thắm, được ông chăm sóc kỹ lưỡng với ân tình của một tín đồ rất mực kính Chúa, yêu đời và là một vị Giáo Sư dạy Quốc Văn của nhiều trường Công Giáo nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ngôn ngữ chỉn chu, chắc lọc, song cũng bình dân, dễ hiểu, với hương sắc dân dã của các loài hoa: Hoa xoan, hoa bưởi, hoa sứ, hoa khế, hương nhu, hoa cối xay, hoa quế... hay đượm một chút thanh tân đài các như quỳnh, ngọc lan, mẫu đơn, huệ trắng...Đó là: “ Lệ mùa rơi đóa Thu phong ấy/ Hương ngọc lan ủ dưới gối nằm/ Chợt nửa khuya mơ hồ tỉnh giấc/ Đêm thơm như là đóa từ tâm” ( Ngọc lan hương, trang 35). Hay như: “ Nhớ vàng bông cải, câu kinh sớm/ Nhớ tháng Giêng, đồng bãi cỏ non.” ( Trong vườn ngọc lan, trang 31), và rồi: “ Về đây, vào lễ hương. Em nhé/ Xin hái dùm tôi một đóa hoa/ Này, mẫu đơn kề bên cửa sổ/ Một chùm xinh nở trước hiên nhà” (Mẫu đơn, trang 56).

Điều thú vị và khá đặc biệt, trong thi pháp của Lê Đình Bảng, độc giả bắt gặp phần lớn các bài thơ trong thi phẩm đều có cái kết “mở”, có nghĩa là nhà thơ không tự mình “ép” độc giả phải đồng tình và xúc cảm cùng với cái kết bài thơ của mình, mà có thể còn mở ra thêm... một câu thơ, một khổ thơ hay một cái kết khác theo tâm ý và xúc cảm của người đọc? Có thể lẫy ra đây một vài ví dụ: Ở bài thơ “Dấu yêu” trang 17, khổ cuối: “ Và khi ngọn khói hương tan/ Ta lơ đễnh giữa muôn vàn dấu yêu/ Ấy, ai về tận lam kiều/ Vin nhành sương sớm, nhắn chiều giá băng”. Nhắn gì với chiều giá băng, hay giá băng như thế nào? Độc giả có thể tự tìm cho mình câu trả lời! Hay như bài “ Mùa trăng Vu lan” trang 19, nhà thơ kết: “ Cứ mỗi mùa Vu lan, cúng quả/ Chùa làng bên mở huệ, tuần chay/ Dọc đường, ra nghĩa trang. Em bảo: “ Mẹ ngủ trong gò đất cỏ may/ Thành bụi, thành tro than lãng đãng/ Vầng trăng tơ mọc giữa ban ngày” và điều gì cảm xúc nữa? Cũng có thể nối vào! Tương tự bài thơ “ Bên ấy bên đây” trang 23, hai câu kết: “ Bắt xuồng theo nước ra sông/ Đang mùa cá chạy trắng đồng, lũ dâng” v.v...

Tình yêu trong thơ Lê Đình Bảng, như trên đã viết. Trước hết, trong sâu thẳm và trái tim ông là niềm tin yêu luôn kính Chúa: “ Lạy Chúa,/ nhậm lời con khấn nguyện/ Dù con,/ sau trước, chỉ là không/ Dù con/ như cánh hoa đầu gió/ Tan tác/ về nơi đâu, bão giông” ( Lời dâng, trang 40), hay như “ Nhiều khi, trong cõi phiêu linh/ Chỉ mình Chúa ngự và... mình Em thôi” ( Chiêm bao, trang 46), và chỉ có niềm tin mới khiến người thi sĩ, viết ra những câu thơ gan ruột: “ Những gì tôi có riêng tôi/ Chẳng qua, là của Chúa Trời ban cho...” ( Ơn Trời, Trời cho, trang 68).

Bên cạnh niềm tôn kính Chúa là tình mẹ dạt dào, cao cả, nuôi nấng tác giả và hồn thơ ông: “ Mẹ ngồi / trước mái tây hiên/ Ru con ru cả/ người bên kia nhà/ Đầy vườn, cây bưởi ra hoa/ Đọc kinh/ cầu nguyện, kẻo sa linh hồn” ( Tôi ru tôi một đời, trang 26). Mẹ luôn là người ông đã tâm sự: “ Mẹ ôi/ vừa mới hôm qua/ Người yêu con/ đã đi xa, xa rồi...( Gửi về nơi xa lắm, trang 59), và tác giả luôn ghi nhớ: “ Con đi học đạo, xa nhà/ nhớ câu kinh muộn, tiếng gà ban trưa/ Nhớ từng đường chỉ, mau thưa/ Những manh áo vá vải thô bạc màu.../...Gạo cơm từng bữa. ăn đong/ Chắc chiu, lưng dạ đỡ lòng, cho qua/ Thế rồi ngã bảy, ngã ba/ Con đi học đạo, xa nhà đã lâu...” ( Con đi học đạo xa nhà, trang 70).

Tình yêu riêng tư, trai gái thường tình trong thơ Lê Đình Bảng luôn bàng bạc trong từng bài thơ của thi phẩm, có lúc ấm áp, dịu dàng: “ Bao giờ, Em ở bên tôi, nhỉ/ Bên ấy, bên này, thôi cách xa/.../ Trời ơi, hạnh phúc êm đềm quá/ Giấu để riêng mình, không nói ra” ( Bao giờ và chẳng bao giờ, trang 58), có khi là sự xao xuyến lặng thầm: “ Lặng thầm/ trong / mỗi câu kinh/ Mà Em/ thì vẫn đinh ninh/ như là.../ Những ngày xưa, mới lên ba/ Khi lên ở phố/ xa nhà, xa quê.” ( Chuyện lòng, trang 42. Cái rất riêng của thơ ông, là “Em” luôn được viết hoa, được trân trọng, nâng niu và dành giữ, bởi: “ Vì em thở đẫy mùi thơm ngát/ Mỗi ngón tay là mỗi búp hoa/ Mà sợi lạt giang, chưa buộc chặt?/ Cơ hồ ai muốn gỡ bung ra” ( Tĩnh tâm, trang 20). Điều đơn giản là ông đã nhận ra: “ Có phải, Em về từ cõi khác/ Hiện hình Thánh nữ Tê rê sa/ Làm mưa hoa hồng xuống, mưa đều khắp/ Cả thế gian, vui hưởng thái hòa” ( Ngày mai, lễ Khấn dòng, trang 22). Đó là: “ Em về bên ấy/ trăng soi/ Chắp tay hạnh nguyện/ một đời ẩn tu” (Hương nhu, trang 27). Một tình yêu buồn, đôi khi thi sĩ cũng muốn... phá cách, mượn một hình ảnh khác qua ca dao mà bộc bạch tâm trạng mình: “ Những chiều buồn, đứng co ro/ Nhác trông khói nước, lưng bờ, chênh chao/ “ Nàng ơi, tu ở chùa nào/ Cho tôi, làm tiểu, xin vào tu chung” ” (Em lễ chùa nào, trang 41). Song tất cả đều là “hạnh nguyện” là thực tế: “ Em là của Chúa, của riêng nhà dòng” và thi sĩ chỉ là: “ Em như Thánh nữ, ta người trần gian...” (Và em lễ Khấn dòng, trang 37). Cuối cùng thì “ Nụ tầm xuân” xưa, dấu yêu một thời “ đã thành điều thiêng liêng”. Cảm xúc đã từ con tim, hóa thành thơ, ấn tượng, mãi không phai nhòa.

Để khép lại bài viết, người viết xin được đôi dòng Vĩ thanh: “ Hơn 50 năm trước đây, tôi chưa có cái duyên làm học trò của Nhà giáo, thi sĩ Lê Đình Bảng, song được cái may mắn và vinh dự được ông chọn thơ, điểm thơ trên Bán nguyệt san Ngàn thông ở Sài Gòn khi tôi vừa chập chững con đường văn chương. Nay lại được “tri ngộ” qua thơ ông, xin được mạo muội “múa rìu qua mắt thợ”, mong được ông và độc giả lượng thứ, nếu có điều chi sai sót. Xin được vạn lần đa tạ và chỉ bảo...”

( Đọc “ Và em, lễ Khấn dòng...” của Francis Assisi Lê Đình Bảng)

Katy, TX October, 6/2024
 
VietCatholic TV
Chân phước Carlo Acutis đã liệt kê 32 phép lạ Thánh Thể — Đây là 5 phép lạ ngoạn mục nhất
VietCatholic Media
17:46 07/11/2024


1. Anh đã cấm biểu tình bên ngoài các phòng khám phá thai, nhưng cầu nguyện thầm lặng vẫn còn là một vấn đề tranh chấp

Lệnh cấm biểu tình bên ngoài các phòng khám phá thai của Anh đã có hiệu lực vào thứ năm 31 Tháng Mười, mặc dù lệnh này vẫn để lại dấu hỏi về việc liệu những người biểu tình phản đối phá thai cầu nguyện trong im lặng có vi phạm pháp luật hay không.

Luật này áp dụng cho Anh và xứ Wales, cấm các cuộc biểu tình trong phạm vi 150 mét, hay 164 yard, tính từ các phòng khám. Scotland và Bắc Ireland, nơi tự đưa ra chính sách y tế, gần đây đã ban hành lệnh cấm tương tự.

Các quy định mới coi việc cản trở người khác sử dụng dịch vụ phá thai, “cố ý hoặc vô tình” tác động đến quyết định của họ hoặc gây ra “quấy rối, lo lắng hoặc đau khổ” là hành vi phạm tội. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền, bất kể sự việc xảy ra cách phòng khám phá thai bao xa.

Quy định về vùng đệm đã được thông qua cách đây 18 tháng như một phần của Đạo luật Trật tự Công cộng của chính phủ Bảo thủ trước đây, nhưng những tranh cãi về việc liệu nó có áp dụng cho các cuộc biểu tình cầu nguyện trong im lặng hay không và sự thay đổi trong chính phủ vào tháng 7 đã khiến nó bị trì hoãn việc có hiệu lực.

Cơ quan Công tố Hoàng gia cho biết việc cầu nguyện thầm lặng gần phòng khám phá thai “không nhất thiết là hành vi phạm tội” và cảnh sát cho biết họ sẽ đánh giá từng trường hợp riêng lẻ.

Những người vận động chống phá thai và các nhóm tôn giáo cho rằng việc cấm các cuộc biểu tình cầu nguyện thầm lặng sẽ là sự xúc phạm đến quyền tự do tôn giáo. Nhưng những người vận động ủng hộ quyền phá thai cho rằng những người biểu tình chống phá thai thầm lặng là một mối đe dọa đối với người phụ nữ khi vào phòng khám.

Louise McCudden, nhà lãnh đạo bộ phận đối ngoại tại MSI Reproductive Choices tại Anh, một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất tại Anh, cho biết: “Thật khó để hiểu được tại sao bất kỳ ai chọn thực hiện lời cầu nguyện ngay bên ngoài phòng khám phá thai lại có thể lập luận rằng họ không cố gắng tác động đến mọi người - và có vô số lời chứng thực từ những người phụ nữ cho biết điều này khiến họ cảm thấy đau khổ”.

Vào tháng 3 năm 2023, các nhà lập pháp đã bác bỏ một thay đổi đối với luật do một số nhà lập pháp bảo thủ đề xuất, trong đó sẽ cho phép cầu nguyện thầm lặng trong vùng đệm. Các quy tắc cuối cùng là một sự thỏa hiệp có khả năng gây lộn xộn và có thể sẽ được thử nghiệm tại tòa án.

Bộ trưởng Bộ Tội phạm và Cảnh sát Diana Johnson cho biết bà “tin tưởng rằng các biện pháp bảo vệ mà chúng tôi đã áp dụng ngày hôm nay sẽ có tác động thực sự trong việc giúp phụ nữ cảm thấy an toàn hơn và có quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu mà họ cần”.

Nhưng Giám mục John Sherrington của Hội đồng Giám mục Công Giáo Anh và xứ Wales cho biết chính phủ đã “có bước thụt lùi không cần thiết và không cân xứng” về quyền tự do tôn giáo.

Ngài cho biết: “Tự do tôn giáo bao gồm quyền thể hiện niềm tin riêng tư của một người ở nơi công cộng thông qua việc làm chứng, cầu nguyện và hoạt động bác ái, bao gồm cả bên ngoài các cơ sở phá thai”.

Phá thai không phải là vấn đề gây chia rẽ ở Anh như ở Hoa Kỳ, nơi quyền phá thai của phụ nữ đã bị hạn chế và bị cấm ở một số tiểu bang, kể từ khi Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết mang tính bước ngoặt Roe kiện Wade vào năm 2022.

Phá thai đã được hợp pháp hóa một phần ở Anh theo Đạo luật phá thai năm 1967, cho phép phá thai đến 24 tuần thai nếu có hai bác sĩ chấp thuận. Phá thai muộn hơn được phép trong một số trường hợp, bao gồm cả trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.

Nhưng những phụ nữ phá thai sau 24 tuần ở Anh và xứ Wales có thể bị truy tố theo Đạo luật về Tội phạm chống lại con người năm 1861.

Năm ngoái, một phụ nữ 45 tuổi ở Anh đã bị kết án 28 tháng tù vì đặt mua thuốc phá thai trực tuyến để gây sảy thai khi cô đang mang thai từ 32 đến 34 tuần. Sau khi phản đối, bản án của cô đã được giảm nhẹ.


Source:Washington Post

2. Chân phước Carlo Acutis đã liệt kê 32 phép lạ Thánh Thể — Đây là 5 phép lạ hàng đầu

Chúa Giêsu nói với Thánh Thôma, “Có phải vì đã thấy Thầy nên anh đã tin? Phước cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20:29).

Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh lễ, một điều gì đó tuyệt vời xảy ra. Theo lời của Kinh Tin Kính dân Chúa:

Chúa Kitô không thể hiện diện như vậy trong bí tích Thánh Thể trừ khi biến đổi thực tại của bánh thành Thân thể Người và biến đổi thực tại của rượu thành Máu Người, chỉ giữ nguyên các đặc tính của bánh và rượu mà giác quan chúng ta cảm nhận được. Sự thay đổi bí ẩn này được Giáo hội gọi một cách rất thích hợp là sự biến thể.

Nói cách khác, Giáo hội dạy rằng “bản chất” – “nature” của bánh và rượu thay đổi khi truyền phép, nhưng “chất thể” – “subtance” vẫn giữ nguyên. Trước và sau khi truyền phép, Mình và Máu có mùi, hình dạng, vị và cảm giác giống như bánh và rượu trước đó.

Đôi khi, rất hiếm khi, trong Thánh lễ, những chất thể của bánh và rượu dường như thay đổi theo một cách nào đó cùng với bản chất. Những điều này được gọi là phép lạ Thánh Thể.

Chân phước Carlo Acutis đã tạo ra một trang web liệt kê các Phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới. Trong khi danh sách của ngài bao gồm 32 Phép lạ Thánh Thể cho Ý, thì năm phép lạ này là những phép lạ nổi tiếng và được viếng thăm nhiều nhất.

Phép lạ Thánh Thể ở Bolsena

Ở vùng Umbria thấp hơn là thị trấn cổ Orvieto. Được bảo tồn trong nhà thờ trang trí công phu của thành phố là Phép lạ Thánh Thể ở Bolsena. Phép lạ này dẫn đến lễ Mình Máu Thánh Chúa hay Corpus Christi.

Vào năm 1263, một linh mục người Đức đang trên đường hành hương đến Rôma, khi ngài dừng chân tại Bolsena. Theo truyền thuyết, ngài đã nghi ngờ về giáo lý Công Giáo về Sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Ngay sau khi truyền phép, bánh thánh bắt đầu chảy máu. Quá kinh ngạc, ngài đã hoãn Thánh lễ và đi thẳng đến Orvieto, nơi Đức Giáo Hoàng Urban IV đang cư trú.

Đức Giáo Hoàng đã điều tra về bánh thánh kỳ diệu và khăn thánh đẫm máu (vải bàn thờ bằng vải lanh) và xác nhận tính xác thực của nó. Ngài đã thiết lập một lễ mới trong lịch phụng vụ: Lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô thường được gọi là lễ Corpus Christi.

Phép lạ Thánh Thể ở Lanciano

Phép lạ Thánh Thể ở Lanciano, xảy ra tại vùng Abruzzo, là phép lạ nổi tiếng nhất trong Giáo Hội Công Giáo.

Phép lạ xảy ra vào thế kỷ thứ tám trong một nhà thờ do các tu sĩ Basilianô quản lý. Tương tự như ở Bolsena, một trong những linh mục đã nghi ngờ Sự Hiện Diện Thực Sự. Khi ngài đọc lời truyền phép, bánh thánh đã biến thành thịt, rượu thành máu. Thân thể mang hình dạng của một trái tim, và Máu đông lại thành năm giọt hình dạng không đều.

Năm 1970, phép lạ này đã được khoa học kiểm chứng. Các bác sĩ kết luận rằng phần thịt là mô tim người và máu là máu của người. Cả hai đều thuộc cùng nhóm máu AB.

Ngày nay, thánh tích được bảo quản trong một nhà thờ Phanxicô. Mặc dù thường khó để phân biệt chi tiết của các phép lạ Thánh Thể khác, Lanciano là độc nhất. Có thể đến gần nhờ một cầu thang ngay phía sau thánh tích. Thịt được bảo quản trong một mặt dây chuyền bằng bạc, các giọt máu trong một chén pha lê.

Phép lạ Thánh Thể ở Siena

Vào ngày 14 tháng 8 năm 1730, bọn trộm đã lấy trộm một hộp đựng bánh thánh bằng bạc từ một nhà thờ Phanxicô ở Siena. Hộp đựng bánh thánh chứa 351 bánh thánh đã được thánh hiến, nhiều bánh thánh đã được thánh hiến vì lễ Đức Mẹ Lên Trời vào ngày hôm sau. Ba ngày sau, những bánh thánh bị đánh cắp đã được tìm thấy trong một nhà thờ gần đó và được trả lại cho nhà thờ Phanxicô.

Các tu sĩ dòng Phanxicô xác minh rằng những chiếc bánh thánh này là bánh thánh bị đánh cắp. Năm thập niên sau, vào ngày 14 tháng 4 năm 1780, những chiếc bánh thánh này được kiểm tra và phát hiện là “không có bất kỳ sự thay đổi nào”.

Vào các năm 1789, 1889, 1815 và 1854, nhiều cuộc kiểm tra khác đã được tiến hành. Trong một lần, một số bánh thánh chưa được thánh hiến đã được niêm phong trong hộp thiếc trong 10 năm. Khi mở lại, ủy ban chỉ tìm thấy giun và các mảnh mục nát thay vì bánh thánh.

Trong một cuộc điều tra khác vào năm 1914, theo sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Pius X, báo cáo cuối cùng nêu rõ:

Các hạt dường như được bảo quản tốt, không có bất kỳ dấu hiệu biến đổi hoặc nấm mốc nào, cũng không bị hư hỏng do sự biến đổi của sâu mọt hoặc các loại ký sinh trùng khác, thường thấy ở các sản phẩm bột mì.

Ngoài ra, tuyên bố còn nêu rõ:

Các hạt tạo nên một hiện tượng kỳ lạ, có liên quan phong phú, đảo ngược các định luật tự nhiên về bảo toàn vật chất hữu cơ. Đây là một sự kiện độc đáo được lưu giữ trong biên niên sử khoa học.

Năm 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Siena trong một chuyến viếng thăm mục vụ. Khi chứng kiến phép lạ, ngài đã thốt lên: “Đây là Sự Hiện Diện Thực Sự!”

Phép lạ Thánh Thể ở Cascia

Trong Thung lũng Valnerina của Umbria, gần thành phố nơi Thánh Bênêđíctô thành Nursia sinh ra, là Cascia. Trong khi hầu hết những người hành hương đến đó để tỏ lòng tôn kính Thánh Rita, sinh năm 1371 và qua đời năm 1447, bên dưới vương cung thánh đường lưu giữ hài cốt của thánh nữ vẫn còn lưu giữ một phép lạ Thánh Thể khác.

Vào năm 1330, một linh mục đang chuẩn bị đến thăm một giáo dân đang hấp hối không xa Siena. Ngài đã bất cẩn đặt một bánh thánh đã thánh hiến vào sách kinh nguyện của mình thay vì trong một hộp đựng bánh thánh. Khi đến nhà người đàn ông bệnh tật, ngài đã nghe ông xưng tội và ban phép xá giải cho ông. Khi mở sách kinh nguyện, ngài phát hiện ra bánh thánh đang chảy máu, cả hai trang đều dính đầy máu. Một trong những trang được bảo quản tại Cascia.

Phép lạ Thánh Thể ở Macerata

Phép lạ Thánh Thể ở Macerata theo mô hình ở Bolsena và Lanciano. Năm 1356, một linh mục đang cử hành Thánh lễ và nghi ngờ về Sự Hiện Diện Thực Sự. Trong khi truyền phép, máu tuôn ra từ bánh thánh đã truyền phép rơi vào chén thánh, cũng như trên khăn trải bàn thờ.

Sau thánh lễ, vị linh mục đã nhanh chóng báo cáo sự việc với Giám Mục, và vị Giám Mục đã mở một cuộc điều tra theo giáo luật.

Mặc dù các tài liệu điều tra không còn được lưu giữ do sự đàn áp của Napoleon, vải lanh vẫn được lưu giữ trong nhà thờ lớn của thành phố.

Mặc dù không ai biết được ý muốn của Chúa, có lẽ Người cho phép xảy ra những phép lạ Thánh Thể để chúng ta, giống như các linh mục nghi ngờ và Thánh Tôma, cũng có thể “thấy và tin”.


Source:National Catholic Register

3. Giám mục Missouri cấm các bài thánh ca có sai lầm về giáo lý hoặc tác giả có vấn đề

Đức Cha W. Shawn McKnight của Jefferson City, Missouri, đã ban hành sắc lệnh cấm một số bài thánh ca do sai lầm về thần học hoặc do những người bị cáo buộc lạm dụng sáng tác.

Sắc lệnh, có hiệu lực từ ngày 24 tháng 10 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11, cấm tất cả các tác phẩm của David Haas, linh mục quá cố Cesáreo Gabarain và Ed Conlin, tất cả đều bị cáo buộc lạm dụng tình dục một cách đáng tin cậy. Những lệnh cấm như vậy đã được áp dụng tại một số giáo phận Hoa Kỳ, với các cáo buộc chống lại cả ba nhà soạn nhạc nổi lên trong vài năm qua.

Ngoài ra, trong danh sách còn có 12 bài thánh ca cụ thể được Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ phát hiện là “có vấn đề về giáo lý”: “All Are Welcome” của Marty Haugen; “Ashes” của Tom Conry; “Bread of Life” của Bernadette Farrell; “Celtic Alleluia: Sending Forth” của Christopher Walker và Fintan O'Carroll; “Covenant Hymn” của Rory Cooney và Gary Daigle; “For the Healing of the Nations” của Fred Kaan, John Wade và Randall DeBruyn; “God Has Chosen Me” của Bernadette Farrell; “Halleluya! We Sing Your Praises”, một sáng tác ẩn danh của Nam Phi; “Led by the Spirit” của Bob Hurd; “Many and Great” của Linh mục dòng Phaolô Ricky Manalo; “Table of Plenty” của Dan Schutte; và “Three Days” của MD Ridge và Casey McKinley.

Cha Daniel Merz, chủ tịch ủy ban phụng vụ của giáo phận, nói với OSV News rằng sắc lệnh này xuất phát từ một sáng kiến bắt đầu cách đây khoảng bảy năm nhằm tạo ra một “tuyển tập các bài thánh ca chung” giữa các giáo xứ trong giáo phận.

Trong quá trình này, ủy ban nhận ra rằng “có một số bài thánh ca có lẽ không nên sử dụng”, ngài nói.

Nhiều bài bị cấm đã xuất hiện trong báo cáo năm 2020 của ủy ban giáo lý USCCB có tựa đề “Thánh ca Công Giáo phục vụ Giáo hội: Công cụ hỗ trợ đánh giá lời thánh ca”.

Báo cáo đó đưa ra hai nguyên tắc chính để xác định xem một bài thánh ca có phù hợp để sử dụng trong phụng vụ hay không: thứ nhất, liệu văn bản có phù hợp với giáo lý Công Giáo hay không; và thứ hai là liệu hình ảnh và từ vựng của bài thánh ca có “phản ánh phù hợp với cách sử dụng Kinh thánh và lời cầu nguyện phụng vụ công khai của Giáo hội” hay không.

Một số bài thánh ca phổ biến được phát hiện có những thiếu sót trong việc trình bày giáo lý Thánh Thể, đây là “nguyên nhân phổ biến nhất và nghiêm trọng nhất” gây lo ngại liên quan đến các bài hát này.

Những thiếu sót khác được Ủy ban giáo lý USCCB xác định liên quan đến việc trình bày giáo lý Ba Ngôi và giáo lý về Thiên Chúa và mối quan hệ của Ngài với con người.

Ngoài ra còn có những bài thánh ca coi Giáo Hội về cơ bản là một tổ chức của loài người, và những bài thánh ca cổ xúy quan điểm sai lầm về giáo lý của người Do Thái, và những lầm lạc về nhân chủng học Kitô giáo.

“Tất cả đều nhằm mục đích cung cấp định hướng và hướng dẫn tốt,” Cha Merz tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Catholic Missourian, tờ báo của Giáo phận Jefferson City, trong đó lưu ý rằng các nhạc sĩ của những bài hát bị phát hiện có thiếu sót có thể tự do sửa lại lời bài hát và gửi phiên bản mới cho Ủy ban Học thuyết của USCCB để xem xét.

“Chúng tôi muốn phát huy âm nhạc hay trong các nghi lễ phụng vụ của mình, vì chúng tôi nhận ra rằng âm nhạc là một phần quan trọng trong cách chúng ta thờ phượng Chúa và truyền bá đức tin”, vị linh mục, là cha xứ của Giáo xứ Trung tâm Thánh Thomas More Newman và Giáo xứ Thánh Tâm ở Columbia, Missouri, cho biết.

Một phần quan trọng của tiêu chuẩn giáo lý là thúc đẩy sự hiểu biết đầy đủ hơn về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

“Một phần của mối quan tâm là rất nhiều bài hát mà chúng ta hát nhấn mạnh quá mức vào một chiều kích của Bí tích Thánh Thể,” Cha Merz nói với tờ The Catholic Missourian. Ví dụ, ngài trích dẫn việc nhấn mạnh vào các chiều kích cộng đồng và xã hội của Bí tích Thánh Thể, mà không nhấn mạnh đúng mức đến hy tế của Chúa Kitô và sự hiện diện thực sự của Người, cũng như nhu cầu hoán cải liên tục giữa mọi người rước lễ.

Cùng với các bài thánh ca bị cấm, sắc lệnh của Đức Cha McKnight cũng bao gồm việc chấp thuận bốn quy định về thánh ca Thánh lễ bao gồm việc hát trong Thánh lễ, bằng tiếng Anh hoặc tiếng La tinh; Thánh lễ Thánh Frances Cabrini của Kevin Keil, được tài liệu mô tả là sở hữu “sự vĩ đại” trong khi vẫn “có thể hát được” và “dễ tiếp cận với mục vụ”; Thánh lễ Sáng thế được Sửa đổi của Marty Haugen, “quen thuộc, dễ hát và vẫn được sử dụng rộng rãi”; và “Misa del Pueblo Inmigrante” của Bob Hurd, được chấp thuận “để sử dụng trong các phụng vụ song ngữ và tiếng Tây Ban Nha”.

Cha Merz nói với OSV News rằng trong những năm kể từ khi có “sự bùng nổ tuyệt vời về sáng tạo âm nhạc” sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội “đã bắt đầu củng cố” và đánh giá chặt chẽ hơn về thánh ca của mình.

“Nhưng không phải với ý định ‘đàn áp mọi người’,” Cha Merz nói. “Thay vào đó, với ý định ‘khuyến khích những điều thực sự sẽ xây dựng Giáo Hội.’”

Ngài nói thêm: “Sự sáng suốt có tác dụng chữa lành”.


Source:American Magazine
 
Tướng Syrskyi tiết lộ tổn thất của quân Nga ở Kursk. Lớ ngớ Bắc Hàn chỉ đánh được một lúc là gục ngã
VietCatholic Media
03:12 07/11/2024


1. Cuộc tấn công Kursk đã phá vỡ kế hoạch của Nga về ‘vùng đệm’ ở Tỉnh Sumy, Syrskyi cho biết

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết vào ngày 6 tháng 11 rằng lực lượng Nga đã thiệt mạng 7.905 binh sĩ, 12.220 người bị thương và 717 người bị bắt trong gần ba tháng diễn ra cuộc tấn công Kursk.

Theo vị Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, trong cùng thời kỳ, quân đội Mạc Tư Khoa cũng mất 1.101 thiết bị, bao gồm 54 xe tăng, 276 xe thiết giáp, 107 khẩu pháo và súng cối, cùng 5 vũ khí phòng không.

Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới vào đầu tháng 8 để ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga và thu hút lực lượng Nga khỏi khu vực Donbas đang giao tranh, nơi Mạc Tư Khoa vẫn đang không ngừng tiến quân.

Theo Syrskyi, Nga đã tập trung 45.000 quân ở Tỉnh Kursk để chống lại cuộc xâm nhập đang diễn ra của Ukraine.

Mạc Tư Khoa cũng đã điều động hàng ngàn quân lính Bắc Hàn đến khu vực đang xảy ra xung đột, một số được cho là đã đụng độ với Ukraine trong các cuộc giao tranh quy mô nhỏ.

Tướng Syrskyi trích dẫn các báo cáo tình báo từ tháng 5 cho biết, cuộc tấn công Kursk cũng nhằm mục đích ngăn chặn kế hoạch xâm lược Tỉnh Sumy của Nga để tạo ra một “vùng đệm” ở miền bắc Ukraine.

Nga đã gia tăng áp lực lên khu vực tiền phương của Ukraine ở Tỉnh Kursk trong khi cũng tiến vào phía đông Ukraine với tốc độ chưa từng thấy vào năm 2024, liên tục đẩy lùi lực lượng phòng thủ của Ukraine.

[Kyiv Independent: Kursk incursion thwarted Russia's plans for 'buffer zone' in Sumy Oblast, Syrskyi says]

2. Tổn thất thiết bị của Nga ở Ukraine đạt mức cao nhất trong hai năm

Theo phân tích mới nhất, lực lượng Nga mất nhiều thiết bị ở Ukraine vào tháng 10 hơn bất kỳ tháng nào khác trong hai năm diễn ra cuộc xâm lược toàn diện.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, trang web Oryx đã theo dõi tổn thất thiết bị của Nga bằng hình ảnh tĩnh hoặc video. Trang web này cho biết mức độ bằng chứng cần thiết có nghĩa là số lượng thiết bị thực sự bị phá hủy “cao hơn đáng kể”.

Các số liệu trong tháng trước cho thấy số lượng thiết bị của Nga bị loại khỏi vòng chiến đã tăng đột biến so với thời điểm còn lại trong năm và trong phần lớn thời gian của cuộc chiến khi lực lượng của Mạc Tư Khoa tiếp tục đạt được những thành quả nhỏ trên tiền tuyến với chi phí cao.

Dữ liệu của Oryx được phân tích bởi hãng tin độc lập Agentstvo của Nga cho thấy Nga có 695 đơn vị thiết bị bị phá hủy, hư hỏng, bỏ lại hoặc bị bắt giữ vào tháng 10.

Trong số các thiết bị bị mất có 253 xe chiến đấu bộ binh, 103 xe tăng và 41 xe thiết giáp chở quân. Ngoài ra còn có bốn máy bay, bao gồm hai chiến đấu cơ Sukhoi Su-25 và Su-34, cùng với một trực thăng Mi-28. Newsweek không thể xác minh những con số này và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

Lần gần nhất con số này cao hơn là 1.032 đơn vị bị mất vào tháng 10 năm 2022, sau khi Ukraine phát động cuộc phản công vào tháng trước khiến Nga phải rút lui khỏi Kherson và Kharkiv và làm dấy lên sự lạc quan về khả năng chống lại hành động xâm lược của Mạc Tư Khoa của Ukraine.

Tháng mà cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào tháng 9 năm 2022 chứng kiến số lượng thiết bị của Nga bị mất cao nhất là 1.179 đơn vị liên quan đến cuộc rút lui khỏi Kharkiv.

Bất chấp tổn thất lớn trong tháng qua, lực lượng Nga vẫn tiếp tục đạt được những bước tiến nhỏ, đặc biệt là ở khu vực Donetsk, nơi họ đã chiếm được thị trấn Selydove vào tháng trước. Vuk Vuksanovic, cộng sự tại tổ chức tư vấn LSE IDEAS thuộc Trường Kinh tế Luân Đôn, nói với Newsweek rằng điều này cho thấy động lực chiến trường của Mạc Tư Khoa.

Vuksanovic cho biết: “Thay vì cố gắng chiếm lãnh thổ mới một cách nhanh chóng, người Nga đã tiến hành một chiến dịch kiên nhẫn, chậm rãi và quyết liệt, trong đó họ biết rằng ưu thế về pháo binh và hỏa lực cùng tình trạng thiếu hụt nhân khẩu của Ukraine sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của phòng tuyến Ukraine”.

Theo Agentstvo, quân đội Nga đã có những bước tiến lớn nhất tại Ukraine trong một năm qua, chiếm được 75 dặm vuông từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11 và 66 dặm vuông vào tuần trước.

Vuksanovic nói thêm: “Sau chín tháng đầu tiên với những sai lầm của Nga dẫn đến cuộc rút lui thảm khốc khỏi khu vực Kharkiv và cuộc rút lui có trật tự hơn khỏi Kherson, mọi thứ mà người Nga đã làm kể từ đó đều dẫn đến kết cục này”.

Bộ Quốc phòng Ukraine đưa ra ước tính cao hơn về tổn thất của Nga, theo số liệu tuần trước, Nga đã mất 903 xe chiến đấu bọc thép trong tháng 10, mức cao nhất tính theo tháng kể từ tháng 3 năm 2022.

Số liệu của Oryx được Agentsvo trích dẫn cũng cho thấy Ukraine đã mất 276 đơn vị thiết bị vào tháng 10, bao gồm 47 xe thiết giáp chở quân, 28 xe chiến đấu bộ binh, 21 xe tăng và một máy bay (Sukhoi 24M).

[Newsweek: Russian Losses of Equipment in Ukraine Hit Two-Year High]

3. Umerov xác nhận những trận chiến đầu tiên giữa quân đội Ukraine và Bắc Hàn ở Kursk

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov xác nhận vào ngày 5 tháng 11 trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình KBS của Nam Hàn rằng những cuộc đụng độ đầu tiên giữa Quân đội Ukraine và binh lính Bắc Hàn đã diễn ra tại Tỉnh Kursk của Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết một ngày trước đó rằng Bắc Hàn đã điều động 11.000 quân tới Tỉnh Kursk, trích dẫn báo cáo tình báo của Ukraine.

Andrii Kovalenko, nhà lãnh đạo bộ phận chống thông tin sai lệch tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, cũng tuyên bố vào ngày 4 tháng 11 rằng những người lính Bắc Hàn đầu tiên đóng quân tại khu vực này đã bị tấn công.

“Chúng tôi xác định đã co1 các cuộc đụng độ với lực lượng Bắc Hàn, nhưng chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều cuộc giao tranh hơn trong vài tuần tới và chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích và điều chỉnh cho phù hợp”, Umerov cho biết.

Theo Umerov, các cuộc đụng độ chỉ ở quy mô nhỏ, diễn ra vô cùng chóng vánh vì quân đội Bắc Hàn không có kinh nghiệm chiến đấu. Đối phương hoảng hốt trước chiến tranh hiện đại, phản ứng lúng túng, bỏ xác tại trận và số còn lại nhanh chóng bỏ chạy.

Bộ trưởng cho biết thêm rằng binh lính Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên hay Bắc Hàn đã “ngụy trang thành người Buryat” (một nhóm người Á Châu bên trong biên giới Nga) và trà trộn với binh lính Nga, do đó cần phải kiểm tra tất cả danh tính để xác nhận số lượng chính xác thương vong và tù binh của họ.

Kyiv dự kiến năm đơn vị, mỗi đơn vị 3.000 người sẽ bị gọi nhập ngũ dọc theo tuyến đầu dài 1.500 km. Điều này sẽ nâng tổng số người Bắc Hàn tham gia vào cuộc chiến lên 15.000.

Khu vực biên giới Nga đã chứng kiến những trận chiến dữ dội kể từ khi Ukraine phát động cuộc tấn công xuyên biên giới vào đầu tháng 8. Mạc Tư Khoa đã điều động quân đội Bắc Hàn ở Kursk để tăng cường phòng tuyến tại đó trong khi các đơn vị giàu kinh nghiệm nhất của nước này tiếp tục tiến về phía đông Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây trên lãnh thổ Nga, họ có thể tấn công phủ đầu vào “mọi trại lính” ở Nga, nơi quân đội Bắc Hàn đang tập trung.

Theo Zelenskiy, Nga đã xác nhận với phương Tây về sự tham gia của lực lượng Bình Nhưỡng trong cuộc chiến.

[Kyiv Independent: Umerov confirms first battles between Ukrainian and North Korean soldiers in Kursk Oblast]

4. Bản đồ theo dõi quân đội Bắc Hàn đến tiền tuyến của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

Theo một quan chức Kyiv, quân đội Bắc Hàn tham gia cuộc chiến của Vladimir Putin đã bị tấn công khi tờ Newsweek công bố bản đồ phác họa hành trình của họ từ bán đảo Đông Á đến tiền tuyến của chiến trường Âu Châu.

Andrii Kovalenko, nhà lãnh đạo bộ phận chống thông tin sai lệch tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội Bắc Hàn đồn trú tại khu vực Kursk của Nga đã phải đối mặt với cuộc tấn công, mặc dù ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Bài đăng trên Telegram của ông cho biết: “Quân đội Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đã bị tấn công nhiều lần ở khu vực Kursk”, ám chỉ đến tên của Bắc Hàn và khu vực của Nga, nơi Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào tháng 8.

Có nhiều ước tính khác nhau về số lượng quân Bắc Hàn ở khu vực Nga, từ 8.000 đến 12.000 mặc dù vẫn còn nhiều nghi vấn về hiệu quả của họ.

“ Putin dự đoán rằng sự hiện diện của Bắc Hàn sẽ buộc Washington phải ban hành thêm các hạn chế đối với Ukraine để ngăn chặn leo thang”, nhà phân tích địa chính trị và cựu chiến binh quân đội Ukraine Viktor Kovalenko nói với Newsweek.

“Tuy nhiên, Kyiv vẫn tiếp tục tấn công quân đội Nga bên trong Ukraine và ở khu vực Kursk, cho thấy việc loại bỏ lực lượng Bắc Hàn dọc theo các tuyến đường này sẽ không dẫn đến sự leo thang bất thường”, ông nói thêm.

Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn, gọi tắt là NIS, thông báo của Kyiv hôm thứ Hai đánh dấu hành trình kéo dài nhiều tháng ra chiến trường của quân đội Bắc Hàn.

NIS cho biết Hán Thành đã phát hiện quân đội Bắc Hàn di chuyển đến Nga từ ngày 18 tháng 3. Theo bản dịch, đầu tháng 8, Kim Chung Thực hay Kim Jong-sik, phó giám đốc bộ phận đạn dược của Bắc Hàn đã đến thăm một bãi phóng hỏa tiễn KN-23 gần mặt trận Nga-Ukraine cùng với các sĩ quan quân đội Bắc Hàn.

Lực lượng đặc nhiệm của Bắc Hàn cũng bị phát hiện được gửi đến Nga thông qua một tàu vận tải của Hải quân Nga, “xác nhận sự bắt đầu tham gia của quân đội Bắc Hàn vào cuộc chiến”, NIS cho biết.

Tháng trước, phát ngôn nhân an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby đã xác nhận việc điều động quân đội, cho biết họ đã được vận chuyển bằng tàu từ đầu đến giữa tháng 10 đến miền Đông nước Nga từ khu vực Wonsan của Bắc Hàn.

NIS cho biết các tàu đổ bộ và khinh hạm đã đưa khoảng 1.500 lực lượng đặc nhiệm của Bắc Hàn đến Vladivostok trong chuyến đi đầu tiên của hạm đội hải quân Nga vào vùng biển Bắc Hàn kể từ năm 1990. Các máy bay lớn của Không quân Nga cũng bay giữa Vladivostok và Bình Nhưỡng.

Theo NIS, quân đội Bắc Hàn đã được phân tán đến Vladivostok, cũng như các thành phố Viễn Đông khác là Ussuriysk, Khabarovsk và Blagoveshchensk để huấn luyện vào tháng trước.

Trong khi đó, vào ngày 24 tháng 10, Kyodo News Agency trích dẫn một nguồn tin quân sự Ukraine cho biết 2.000 quân lính Bắc Hàn đang được vận chuyển đến miền tây nước Nga sau đợt huấn luyện trong đợt di chuyển binh lính đầu tiên được xác nhận. NATO đã xác nhận sự hiện diện của họ trên chiến trường vào ngày 28 tháng 10.

Mark Montgomery, thành viên cao cấp tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ cho biết sự hiện diện của quân đội Bắc Hàn sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt tức thời nào đối với sức mạnh chiến đấu của Nga.

“Những gì đang giết chết người Ukraine là pháo binh Nga và thực sự ý tôi muốn nói là pháo binh Bắc Hàn,” ông nói với Newsweek, ám chỉ đến hàng triệu viên đạn mà Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Mạc Tư Khoa. Quân đội Bắc Hàn “là một vấn đề, nhưng với tốc độ tiêu tốn hiện tại là 1.100 người một ngày, thì đó chỉ là 10 ngày chiến đấu với quân Ukraine.”

[Newsweek: Maps Track North Korean Troops to Front Lines of Russia-Ukraine War]

5. Các Ngoại trưởng G7 cho biết sự tham gia của quân đội Bắc Hàn vào cuộc chiến của Nga sẽ phải đối mặt với ‘phản ứng phối hợp’

Theo tuyên bố chung được công bố vào ngày 5 tháng 11, các Ngoại trưởng của nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, và ba đồng minh chủ chốt đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về việc điều động quân sự của Bắc Hàn tại Nga và đang nỗ lực đưa ra “phản ứng phối hợp”.

Bên cạnh các thành viên G7, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ý, Anh, Đức, Pháp, Canada và Đại diện cao cấp của Liên minh Âu Châu, tuyên bố cũng có sự tham gia của Nam Hàn, Úc và New Zealand.

“Hàng ngàn quân lính Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đã bị điều động tới Nga. Việc Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên trực tiếp hỗ trợ cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine, bên cạnh việc thể hiện những nỗ lực tuyệt vọng của Nga nhằm bù đắp tổn thất, sẽ đánh dấu sự mở rộng nguy hiểm của cuộc xung đột, với hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của Âu Châu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, tuyên bố viết.

“Đây sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế tiếp theo, bao gồm cả những nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”

Các bộ trưởng lên án “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể” việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc Nga “mua sắm bất hợp pháp” hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn.

Các bộ trưởng cũng bày tỏ quan ngại về khả năng chuyển giao công nghệ liên quan đến hỏa tiễn đạn đạo hoặc hạt nhân từ Nga sang Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên.

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết không lay chuyển của mình trong việc hỗ trợ Ukraine khi họ bảo vệ tự do, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác quốc tế của mình để có phản ứng phối hợp đối với diễn biến mới này”, tuyên bố viết.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 4 tháng 11 rằng Bắc Hàn đã điều động 11.000 quân tới Tỉnh Kursk của Nga.

Ngày hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov xác nhận rằng cuộc đụng độ đầu tiên giữa Quân đội Ukraine và binh lính Bắc Hàn đã diễn ra ở Tỉnh Kursk.

Theo Zelenskiy, Nga đã xác nhận với phương Tây về sự tham gia của lực lượng Bình Nhưỡng trong cuộc chiến.

[Kyiv Independent: North Korean military involvement in Russia's war to be met with 'coordinated response,' G7 foreign ministers say]

6. Khoảng 30% kho vũ khí hạt nhân của Nga nằm trong tầm bắn của máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Ukraine

Khoảng 30% kho vũ khí hạt nhân của Nga nằm trong tầm bắn của máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Ukraine – Ngoại trưởng Ukraine, Andrii Sybiha, cho biết như trên hôm Thứ Ba, 05 Tháng Mười Một.

Khoảng 30% kho vũ khí hạt nhân của Nga, bao gồm khoảng 5.580 đầu đạn, nằm trong tầm bắn của máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Ukraine.

Sybiha cho biết như trên trong báo cáo có tiêu đề “Cuộc chiến ở Ukraine có thể trở thành chiến tranh hạt nhân – một cách tình cờ”

Ông nhấn mạnh rằng “Vì các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã vươn xa tới tận Mạc Tư Khoa, rõ ràng là ít nhất 14 địa điểm lưu trữ hạt nhân của Nga hiện nằm trong phạm vi của máy bay điều khiển từ xa của họ. Ít nhất hai trong số các địa điểm đó cách biên giới Ukraine chưa đầy 100 dặm, nằm trong phạm vi tấn công của các hỏa tiễn gây sát thương lớn hơn mà Ukraine đã sở hữu, và năm địa điểm khác nằm cách biên giới chưa đầy 200 dặm, gần hoặc chỉ vượt quá phạm vi của các hỏa tiễn tiên tiến do phương Tây cung cấp mà Ukraine đang xin phép sử dụng chống lại các mục tiêu thông thường ở Nga.”

Sybiha lưu ý rằng không có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng Ukraine cố ý nhắm vào các địa điểm lưu trữ đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, chính phủ Nga có trách nhiệm di chuyển đầu đạn hạt nhân của mình ra khỏi nơi nguy hiểm.

“Nga biết rằng đầu đạn của họ không nên được bố trí ở bất kỳ nơi nào gần các hoạt động quân sự thông thường: sau khi Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn đầu tiên vào Belgorod vào mùa xuân năm 2023, Nga đã nhanh chóng báo cáo rằng kho lưu trữ Belgorod của họ không còn lưu trữ đầu đạn hạt nhân nữa – thừa nhận rằng đầu đạn không nên được lưu trữ ở bất kỳ nơi nào gần hoạt động chiến đấu đang diễn ra. Nhưng đáng chú ý là không có thông báo nào của Nga về tình trạng của các đầu đạn mà họ có tại bất kỳ kho lưu trữ nào khác của mình.”

Sybiha đưa ra một số lời giải thích có thể có cho vấn đề này:

Thứ nhất, trùm mafia Vladimir Putin có thể tin rằng việc di dời đầu đạn hạt nhân của nước này sẽ bị coi là dấu hiệu của sự yếu kém.

Thứ hai, giới lãnh đạo Nga có thể không nhận thức được những rủi ro mà các đầu đạn này gây ra.

Thứ ba, quân đội Nga có thể lo ngại rằng phương Tây sẽ hiểu sai việc di dời đầu đạn là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân, có khả năng dẫn đến một cuộc tấn công phủ đầu của NATO.

“Khả năng một máy bay điều khiển từ xa hoặc hỏa tiễn của Ukraine sẽ tấn công một đầu đạn và tạo ra một vụ nổ phân tán vật liệu phân hạch đã là một rủi ro lớn. Nhưng đó không phải là rủi ro duy nhất. Nguy hiểm hơn nữa là khả năng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hoặc chiếm giữ lãnh thổ của Ukraine có thể khiến một địa điểm lưu trữ rơi vào tình trạng hỗn loạn hoạt động, cho phép những kẻ gian chiếm giữ đầu đạn hạt nhân của nó - hoặc vô tình thúc đẩy sự leo thang hạt nhân của Nga.”

Ngoại trưởng Sybiha nhấn mạnh rằng Nga “đã vi phạm nguyên tắc quan yếu của an ninh hạt nhân khi tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine từ các căn cứ quân sự lưu trữ đầu đạn hạt nhân, do đó biến những căn cứ đó thành mục tiêu hợp pháp cho các cuộc phản công”.

Ông chỉ ra rằng kể từ tháng 3 năm 2022, Nga đã sử dụng căn cứ không quân Engels-2 để tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine bằng hỏa tiễn Kinzhal, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tác giả tin rằng “có lẽ có hàng chục đầu đạn hạt nhân được lưu trữ cách các phi trường chính của căn cứ Engels-2 chưa đầy bốn dặm”.

Người ta cũng cho rằng Nga lưu trữ hàng chục đầu đạn hạt nhân cho máy bay tầm ngắn tại các căn cứ không quân Yeysk và Morozovsk. Tất cả các căn cứ không quân này đều được biết là đã bị lực lượng Ukraine tấn công nhiều lần.

Bộ Ngoại giao lưu ý rằng một cuộc tấn công vào một địa điểm lưu trữ sẽ không tự nó gây ra một vụ nổ hạt nhân của đầu đạn.

Mối đe dọa phát sinh khi đầu đạn nằm ngoài hầm trú ẩn kiên cố – chẳng hạn như trong quá trình vận chuyển để bảo trì bên trong một địa điểm lưu trữ hoặc tại điểm trung chuyển hỏa xa.

“Nhưng có lẽ mối nguy hiểm lớn nhất hiện nay do các kho vũ khí hạt nhân của Nga gây ra là mối nguy hiểm ban đầu được hình dung sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc: đó là mối nguy hiểm mà các đầu đạn có thể bị một nhóm nhỏ chiến binh bất hảo chiếm giữ. Nga vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa nội bộ bao gồm khủng bố, ly khai và hàng ngàn cựu chiến binh Wagner hiện đang rải rác khắp Nga và Belarus. Các hành động của Nga ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm mối nguy hiểm do những mối đe dọa lâu dài này gây ra”, Sybiha kết luận.

[Ukrainska Pravda: About 30% of Russia's nuclear arsenal within range of Ukrainian drones and missiles – Foreign Affairs]

7. Giám đốc tình báo Úc cho biết sự hỗ trợ của Trung Quốc ‘giữ quân đội của Putin ở lại chiến trường Ukraine’

Reuters đưa tin, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo Úc cho biết vào ngày 6 tháng 11 rằng “việc cung cấp ồ ạt” các mặt hàng có mục đích sử dụng kép, cũng như sự hỗ trợ về ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh, cho phép Nga tiếp tục cuộc chiến chống lại Ukraine.

Andrew Shearer, nhà lãnh đạo Văn phòng Tình báo Quốc gia, cho biết tại một hội nghị ở Canberra rằng sự hỗ trợ của Bắc Kinh “giết chết những người dân Ukraine vô tội một cách chắc chắn khi họ cung cấp đạn pháo và hỏa tiễn”.

Mặc dù tuyên bố trung lập, Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp hàng đầu các loại hàng hóa có mục đích sử dụng kép, cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga và hỗ trợ Mạc Tư Khoa chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Shearer cho biết: “Đây là một diễn biến chiến lược vô cùng đáng lo ngại và tất cả chúng ta đang nỗ lực để theo kịp và đưa ra các biện pháp hiệu quả, nhưng tôi nghĩ đây là một trong những thách thức chiến lược của thời đại chúng ta”.

Các công ty Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì sản xuất máy bay điều khiển từ xa được sử dụng trong chiến tranh của Nga. Nhiều quốc gia đã cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ Nga bằng cách cung cấp máy công cụ, công nghệ vũ khí, hình ảnh vệ tinh, chất bán dẫn và các công nghệ sử dụng kép khác.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 17 tháng 10 rằng dữ liệu tình báo chỉ ra rằng “Trung Quốc đang tích cực giúp Nga kéo dài cuộc chiến này”.

Cuộc chiến của Nga cũng nhận được sự hỗ trợ từ Iran dưới hình thức máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn, trong khi Bắc Hàn đã điều động hơn 10.000 binh sĩ tham gia cuộc chiến chống lại Ukraine

[Kyiv Independent: China's support 'keeps Putin's army in the field in Ukraine,' Australia's intelligence chief says]

8. Netanyahu của Israel sa thải bộ trưởng quốc phòng, nói rằng lòng tin lẫn nhau đã ‘rạn nứt’

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vào tối thứ Ba, với lý do “khủng hoảng lòng tin” giữa hai người.

“ Tôi rất buồn khi thấy rằng mặc dù trong những tháng đầu của cuộc chiến, chúng ta đã có được niềm tin và công sức rất lớn, nhưng trong những tháng gần đây, niềm tin đó đã bị rạn nứt”, Netanyahu phát biểu trong một video.

“Trong bối cảnh chiến tranh, hơn bao giờ hết, cần có sự tin tưởng hoàn toàn giữa Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng... nghĩa vụ cao nhất của tôi với tư cách là thủ tướng Israel là bảo vệ an ninh của Israel và đưa chúng ta đến chiến thắng hoàn toàn.”

Văn phòng Thủ tướng thông báo Gallant sẽ được thay thế bởi Ngoại trưởng Israel Katz, trong khi Gideon Sa'ar, một bộ trưởng không có chức vụ, sẽ thay thế Katz làm Ngoại trưởng.

Chính quyền Tổng thống Biden có mối quan hệ tương đối tốt với Gallant — trái ngược với chính Netanyahu, người thường xuyên khiến Tòa Bạch Ốc thất vọng vì sự bất nhất của mình.

“Bộ trưởng Gallant là đối tác quan trọng trong mọi vấn đề liên quan đến quốc phòng của Israel”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết. “Là những đối tác thân thiết, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo của Israel. Chúng tôi giới thiệu bạn đến chính phủ Israel để biết thêm thông tin về các quyết định về nhân sự của họ”.

[Politico: Israel’s Netanyahu fires defense minister, saying mutual trust has ‘cracked’]

9. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh cho biết Nga không công nhận việc Tổng thống Moldova Sandu tái đắc cử

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov trả lời hãng tin Kommersant thân nhà nước vào ngày 5 tháng 11 rằng Nga không công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây của Tổng thống Moldova đương nhiệm Maia Sandu.

“Theo như chúng tôi hiểu, bà ấy không phải là tổng thống của đất nước bà ấy vì phần lớn người dân ở đất nước này không bỏ phiếu cho bà ấy”, Peskov nói.

Sandu ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu đã giành chiến thắng vào ngày 3 tháng 11 với tỷ lệ khoảng 55,3% so với 44,7% bất chấp những gì bà gọi là sự can thiệp bầu cử “chưa từng có” được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn.

Đảng Xã hội thân Nga, ủng hộ đối thủ của Sandu là Alexandr Stoianoglo, cũng tuyên bố vào ngày 5 tháng 11 rằng họ không coi Sandu là người được bầu hợp pháp và sẽ không công nhận bà là tổng thống.

Igor Dodon, người tiền nhiệm được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn của Sandu và là chủ tịch Đảng Xã hội, đã cáo buộc tổng thống “thao túng trắng trợn” và nói rằng bà chỉ được bầu nhờ vào phiếu bầu của người di cư. Đảng này có kế hoạch kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp và Ủy ban Bầu cử Trung ương về cáo buộc “vi phạm của chính quyền”.

Cuộc bầu cử chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục trong cộng đồng người Moldova ở nước ngoài. Khoảng 327.000 phiếu bầu được bỏ từ nước ngoài, trong đó hơn 80% là dành cho Sandu.

Trong nước, tổng thống đương nhiệm đã nhận được 48,67% số phiếu bầu, so với 51,3% do cựu Tổng công tố Stoianoglo giành được. Đất nước 2,5 triệu dân này đã chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 54%.

Các nhà chức trách Moldova, các nhà quan sát độc lập và các quan chức từ Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ đã chỉ ra một chiến dịch gây ảnh hưởng xấu liên quan đến các mạng lưới tội phạm và các nhóm chính trị có liên hệ với Nga. Các nhà lập pháp Moldova tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đã chi hàng triệu đô la để ủng hộ Stoianoglo.

Sandu từ lâu đã khẳng định rằng đối thủ thực sự của chính phủ bà và con đường hội nhập Âu Châu của Moldova là Điện Cẩm Linh, nơi đã tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp nhằm đẩy Chisinau trở lại quỹ đạo của Mạc Tư Khoa trong những gì Sandu mô tả là “một vụ gian lận có quy mô chưa từng có”.

[Kyiv Independent: Russia doesn't recognize Moldovan President Sandu's re-election, Kremlin spokesperson says]

10. Quân đội Nga hạ sát 6 tù binh chiến tranh Ukraine ở tỉnh Donetsk, Văn phòng Tổng công tố cho biết

Văn phòng Tổng công tố Ukraine đưa tin vào ngày 5 tháng 11, quân đội Nga đã bắn chết sáu binh sĩ Quân đội Ukraine bị bắt gần Pokrovsk ở Tỉnh Donetsk.

Chính quyền Ukraine thường xuyên nhận được các báo cáo về các vụ giết người, tra tấn và ngược đãi tù nhân chiến tranh Ukraine.

Vào ngày 23 tháng 10, lực lượng Nga đã bắt giữ ba binh sĩ Ukraine trong một cuộc tấn công vào thị trấn Selydove và sau đó bắn chết họ khi họ không có vũ khí.

Vài ngày sau, vào ngày 1 tháng 11, trong một cuộc tấn công vào phòng tuyến của Ukraine theo hướng Pokrovsk, binh lính Nga đã giết thêm ba tù nhân chiến tranh Ukraine bằng cách bắn chết họ, Văn phòng Tổng công tố cho biết.

Văn phòng Tổng công tố nhấn mạnh rằng những hành động này vi phạm Công ước Geneva và được coi là tội phạm quốc tế.

Cơ quan An ninh Ukraine đang tiến hành điều tra sơ bộ về vụ việc ở tỉnh Donetsk và Luhansk.

Vào ngày 15 tháng 10, Tổng công tố viên Andriy Kostin đã gọi việc giết hại những quân nhân Ukraine đang bị giam cầm là một “chính sách có chủ đích” của Nga.

Các cơ quan thực thi pháp luật của Ukraine có thông tin về vụ giết hại ít nhất 93 tù binh chiến tranh Ukraine do binh lính Nga gây ra, nhà lãnh đạo Cục Tội phạm chiến tranh thuộc Văn phòng Tổng công tố Ukraine, Yurii Belousov, cho biết vào ngày 4 tháng 10.

Khoảng 80% các vụ hành quyết tù nhân chiến tranh Ukraine được ghi nhận vào năm 2024, nhưng xu hướng này bắt đầu xuất hiện vào tháng 11 năm 2023, khi “thái độ của quân nhân Nga đối với tù nhân chiến tranh của chúng tôi thay đổi theo chiều hướng xấu đi”, Belousov cho biết.

Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine năm 2022, cả hai nước thường xuyên trao đổi tù nhân. Lần trao đổi gần đây nhất diễn ra vào giữa tháng 10, với mỗi bên đưa về 95 tù nhân.

[Kyiv Independent: Russian military shoots 6 Ukrainian POWs in Donetsk, Prosecutor General's Office says]

11. Cập nhật: Cuộc tấn công của Nga vào Zaporizhzhia khiến 6 người thiệt mạng, 23 người bị thương

Thống đốc Ivan Fedorov đưa tin, một cuộc tấn công của Nga vào thành phố Zaporizhzhia vào ngày 5 tháng 11 đã giết chết ít nhất sáu người và làm bị thương ít nhất 23 người.

Lực lượng Nga được cho là đã nhắm vào một cơ sở hạ tầng, gây ra hỏa hoạn. Mức độ thiệt hại đầy đủ đang được xác định.

Chính quyền cảnh báo về một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo có thể xảy ra vào khoảng 9:10 sáng giờ địa phương, sau đó một số vụ nổ được báo cáo trong thành phố.

Zaporizhzhia, trung tâm khu vực của Tỉnh Zaporizhzhia bị tạm chiếm một phần, là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công của Nga. Khoảng 710.000 cư dân đã sống trong thành phố trước khi cuộc xâm lược toàn diện nổ ra vào năm 2022.

12. FBI cho biết các mối đe dọa đánh bom trên nhiều tiểu bang bắt nguồn từ tên miền email của Nga

Khi người Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 5 tháng 11, FBI đã thông báo rằng các mối đe dọa đánh bom nhắm vào các địa điểm bỏ phiếu ở nhiều tiểu bang dường như xuất phát từ các tên miền email của Nga. Cơ quan này đã làm rõ rằng không có mối đe dọa nào trong số này được coi là đáng tin cậy.

Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Microsoft gần đây đã cảnh báo rằng các đối thủ nước ngoài đang tham gia vào các chiến dịch gây ảnh hưởng để đánh lừa cử tri trước và trong cuộc bầu cử năm 2024. Cả chính phủ Hoa Kỳ và Microsoft đều chỉ ra rằng Nga ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump, trong khi Iran ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris.

“FBI biết về các mối đe dọa đánh bom tại các địa điểm bỏ phiếu ở một số tiểu bang, nhiều trong số đó có vẻ xuất phát từ các tên miền email của Nga. Cho đến nay, chưa có mối đe dọa nào được xác định là đáng tin cậy”, cơ quan này tuyên bố.

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ cũng đang điều tra một tài khoản email có tên miền internet của Nga có thể là nguồn phát tán các lời đe dọa đánh bom không đáng tin cậy vào Ngày bầu cử ở Georgia, CNN đưa tin.

Cục Điều tra Liên bang, gọi tắt là FBI đã cảnh báo công chúng về một số video lan truyền trên mạng xã hội có chứa thông tin không chính xác về cuộc bầu cử.

[Kyiv Independent: Bomb threats across multiple states traced to Russian email domains, FBI says]

13. Các cơ quan tình báo cảnh báo Nga đang tăng cường can thiệp vào cuộc bầu cử khi công dân Hoa Kỳ đi bỏ phiếu

Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố vào đêm trước cuộc bầu cử ngày 4 tháng 11 rằng Nga dự kiến sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm phá hoại cuộc bỏ phiếu ở Hoa Kỳ vào ngày bầu cử, tập trung vào các tiểu bang dao động.

Người dân Hoa Kỳ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 5 tháng 11 khi đất nước phải lựa chọn giữa ứng cử viên Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ đảng Cộng hòa của bà, cựu tổng thống Donald Trump.

“Kể từ tuyên bố của chúng tôi vào thứ Sáu, Cộng đồng Tình báo, gọi tắt là IC, đã quan sát thấy các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Nga, tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng bổ sung nhằm làm suy yếu niềm tin của công chúng vào tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và gây chia rẽ trong người dân Mỹ”, một tuyên bố của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, gọi tắt là ODNI, Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng, gọi tắt là CISA và FBI cho biết.

“IC dự kiến các hoạt động này sẽ tăng cường trong suốt ngày bầu cử và trong những tuần tới, và các câu chuyện về ảnh hưởng của nước ngoài sẽ tập trung vào các tiểu bang dao động.”

Trong tuyên bố gần đây nhất, các cơ quan này cho biết “các tác nhân gây ảnh hưởng từ Nga” gần đây đã khuếch đại một bài báo cáo buộc sai sự thật các quan chức Hoa Kỳ đang lên kế hoạch gian lận bầu cử trên khắp các tiểu bang chiến trường.

Các diễn viên thân Nga cũng được cho là đã đăng một đoạn video mô tả sai sự thật về âm mưu liên quan đến lá phiếu giả ở nước ngoài và thay đổi danh sách cử tri.

[Kyiv Independent: Russia stepping up election interference as US citizens head to polls, intelligence agencies warn]
 
Kyiv tấn công Hạm đội Caspian. Cẩm Linh chỉ trích TT Trump, thăm dò phản ứng. Chính phủ Đức sụp đổ
VietCatholic Media
15:13 07/11/2024


1. Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công nơi ẩn náu của Hạm đội Caspian của Nga

Theo một quan chức Ukraine và Nga, Kyiv đã tấn công các tàu của Nga ở Biển Caspi, cách lãnh thổ Ukraine hàng trăm dặm.

“Một cảng ở Kaspiysk, Nga đã bị tấn công”, Andriy Kovalenko, nhà lãnh đạo bộ phận chống thông tin sai lệch thuộc Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, cho biết như trên hôm Thứ Tư, 06 Tháng Mười Một.

Thành phố Kaspiysk của Nga nằm trên Biển Caspi, một phần của nước cộng hòa Dagestan ở phía tây nam.

Thống đốc khu vực Dagestan, Sergey Melikov, cho biết hôm thứ Tư rằng lực lượng phòng không Nga đã “phá hủy một máy bay điều khiển từ xa trên Kaspiysk” và chính quyền đang điều tra vụ việc. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga không báo cáo bất kỳ máy bay điều khiển từ xa nào của Ukraine trên khu vực Dagestan qua đêm.

Một số phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin rằng ít nhất hai tàu hỏa tiễn, Dagestan và Tatarstan, đã bị hư hại. Các tàu khác có thể đã bị trúng đạn, nhưng thông tin này vẫn chưa thể xác minh được, theo các báo cáo trong nước. Cảng này chỉ cách biên giới Ukraine chưa đầy 1.000 dặm và được phê duyệt mở rộng vào năm 2021 để có thể neo đậu ít nhất 50 tàu của Đội tàu Caspian.

Các kênh Telegram của Nga và các cơ quan tình báo nguồn mở đã chia sẻ các cảnh quay cho thấy cuộc tấn công của Ukraine vào Kaspiysk, trong đó có ít nhất một máy bay điều khiển từ xa hướng đến các cơ sở cảng và tàu thuyền rồi phát nổ.

Ukraine vẫn tiếp tục chiến dịch dai dẳng nhằm vào các tài sản có giá trị cao của Nga bên trong lãnh thổ Nga và ở các khu vực do Mạc Tư Khoa kiểm soát tại Ukraine, nhắm vào các căn cứ không quân và hải quân, thường sử dụng máy bay điều khiển từ xa mang chất nổ tầm xa.

Kyiv đã làm được điều này mặc dù không được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận và các cuộc tấn công thường tập trung vào Hạm đội Hắc Hải của Nga, có một phần đồn trú tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea.

Trung tâm chính sách Caspi có trụ sở tại Washington, DC đã mô tả Kênh đào Volga-Don, nối Biển Caspi với Biển Azov và Hắc Hải, là “một trung tâm quan trọng cho việc di chuyển thiết bị quân sự”.

Tổ chức phi lợi nhuận này đã viết vào đầu năm nay rằng: “Nga sử dụng tuyến đường này, đặc biệt là vào những mùa không phải mùa đông, để vận chuyển tàu chiến và thiết bị quân sự giữa Biển Caspi và Hắc Hải”.

Kyiv không có lực lượng hải quân lớn hay tàu chiến lớn, nhưng các cuộc tấn công của họ đã buộc Mạc Tư Khoa phải hạn chế hoạt động ở phía tây Hắc Hải, nơi Ukraine có thể dễ dàng đe dọa hạm đội của mình hơn, theo tình báo Anh. Ukraine cũng đã tấn công vào căn cứ Hạm đội Hắc Hải Novorossiysk xa hơn về phía đông.

Cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine tháng trước cho biết lực lượng của họ đã “vô hiệu hóa” một tàu quét mìn của Nga thuộc Hạm đội Baltic của Điện Cẩm Linh tại thành phố Baltiysk ở Kaliningrad, cách lãnh thổ Kyiv khoảng 400 dặm.

[Newsweek: Ukrainian Drones Strike Russian Fleet's Caspian Hideout]

2. Chỉ một ngày sau cựu Tổng thống Trump tái đắc cử, Nga mở cuộc tấn công lớn vào Kyiv làm hư hại các tòa nhà, gây ra hỏa hoạn ở năm quận

Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Kyiv vào đêm ngày 6 rạng sáng Thứ Năm, 07 Tháng Mười Một, tấn công một tòa nhà dân cư ở thủ đô.

Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, cho biết cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa đã gây ra “thiệt hại đáng kể” cho một căn hộ trong tòa nhà chung cư ở quận Holosiyvski của thành phố.

Ông cũng báo cáo một vụ hỏa hoạn lớn gần đó do mảnh vỡ máy bay điều khiển từ xa rơi xuống tại một cửa hàng sửa chữa xe hơi. Lực lượng ứng phó khẩn cấp hiện đang trên đường đến dập tắt đám cháy.

Theo một nhà báo của Kyiv Independent có mặt ở hiện trường, nhiều tiếng nổ đã được nghe thấy ở ngoại ô Kyiv vào khoảng 1 giờ sáng giờ địa phương.

Không quân Ukraine đã cảnh báo suốt đêm rằng máy bay điều khiển từ xa tấn công của Nga đang ở gần thành phố.

Vào khoảng 6 giờ sáng giờ địa phương, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko đã đăng trên Telegram rằng đống đổ nát cũng rơi xuống quận Pechersk và gây ra hỏa hoạn ở tầng 33 của một tòa nhà dân cư. Đám cháy đã được dập tắt ngay sau đó.

Các mảnh vỡ từ cuộc tấn công đang diễn ra cũng đã rơi xuống quận Podil, nơi một ngôi nhà hai tầng bốc cháy, ở quận Obolon, nơi một trung tâm thương mại bốc cháy ở các tầng trên, và ở quận Solomianskyi, nơi các mảnh vỡ rơi xuống cả sân của một ngôi nhà riêng và xuống một cơ sở y tế tư nhân.

Một người đã được đưa vào bệnh viện ở quận Solomianskyi sau vụ tấn công. Hiện không có thêm thông tin chi tiết nào.

Cuộc tấn công gần đây nhất là cuộc tấn công mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở thủ đô Ukraine.

Vào ngày 2 tháng 11, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga vào Kyiv đã gây ra hỏa hoạn tại một tòa nhà chung cư 16 tầng và một tòa nhà văn phòng, khiến một phụ nữ 82 tuổi bị thương do mảnh đạn ở đầu.

Nga cũng đã tấn công Kyiv bằng máy bay điều khiển từ xa vào ngày 29 tháng 10, khiến sáu người bị thương ở quận Solomianskyi của Kyiv, các nhà chức trách đưa tin.

Quân đội Kyiv đưa tin vào ngày 1 tháng 11, Nga đã phóng hơn 2.000 máy bay điều khiển từ xa tấn công nhắm vào các địa điểm dân sự và quân sự trên khắp Ukraine vào tháng trước, trong bối cảnh lực lượng Điện Cẩm Linh tiếp tục cuộc tấn công ở miền đông và miền nam Ukraine.

[Kyiv Independent: Russian drone attack on Kyiv damages buildings, causes fires in five districts]

3. Chiến tranh Nga-Ukraine không thể dừng lại chỉ sau một đêm, Điện Cẩm Linh phản ứng với Ông Trump

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 6 tháng 11 liên quan đến tuyên bố của Ông Donald Trump rằng không thể chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine chỉ sau một đêm.

Ông Trump, người gần đây đã tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình rằng nếu ông trở lại Tòa Bạch Ốc, ông sẽ chấm dứt cuộc chiến của Nga tại Ukraine trong vòng “24 giờ”. Ông đã ám chỉ thông điệp của mình một lần nữa trong bài phát biểu chiến thắng, nói với những người ủng hộ đang reo hò rằng, “Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh”.

“Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ có thể giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tất nhiên, điều này không thể thực hiện được trong một sớm một chiều”, Peskov nói. Ông nói thêm rằng ông không biết bất kỳ kế hoạch nào của Putin để chúc mừng Tổng thống đắc cử Ông Trump.

Theo báo cáo vào tháng 10, kế hoạch của Ông Trump nhằm chấm dứt chiến tranh trong vòng “24 giờ” và đưa Hoa Kỳ “ra khỏi” Ukraine có thể sẽ có lợi cho Nga bằng cách nhượng lại lãnh thổ Ukraine và tạo ra các khu vực tự trị ở phía đông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đó cũng đã lên tiếng hoài nghi về khả năng chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ của Ông Trump, “mà không phải trao đất đai của chúng ta cho Putin”.

Nếu Ông Trump cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine, nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, vì ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ đã nhận được hơn 50 tỷ đô la đầu tư nhờ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine, với hàng tỷ đô la được gửi đến các tiểu bang đã giúp Ông Trump giành lại Tòa Bạch Ốc như Arkansas, Alabama và Florida.

Zelenskiy đã chúc mừng Ông Trump về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, bày tỏ hy vọng về “sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng dành cho Ukraine tại Hoa Kỳ”.

[Kyiv Independent: Russia-Ukraine war can't be stopped overnight, Kremlin reacts to Trump]

4. Tổng thống Trump và Macron thảo luận về Ukraine, Trung Đông trong cuộc điện đàm đầu tiên

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông trong cuộc điện đàm vào thứ Tư, văn phòng tổng thống Pháp cho biết.

Theo một cố vấn của Điện Elysée, Macron đã chúc mừng Ông Trump về chiến thắng của ông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “hợp tác với và vì Âu Châu để đối mặt với những thách thức chung”. Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ cho biết ông sẽ tìm cách đàm phán để chấm dứt cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine.

Theo nội dung cuộc gọi do Pháp công bố, các nhà lãnh đạo Pháp và Hoa Kỳ đã đồng thanh duy trì “liên lạc chặt chẽ”.

Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện trong 25 phút mà một quan chức Pháp mô tả là “một cuộc trò chuyện nồng ấm” và “một cuộc trao đổi rất tốt”, sự nồng ấm dựa trên “sự gần gũi” trong mối quan hệ của họ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ông Trump.

Tổng thống Pháp đã tìm cách định vị mình là người dẫn đầu phản ứng của Âu Châu đối với những thay đổi có khả năng gây chấn động mà Ông Trump sẽ mang lại khi ông trở lại Tòa Bạch Ốc. Macron là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên chúc mừng ứng cử viên của đảng Cộng hòa, trong một thông điệp được phối hợp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Các quan chức Pháp đã tranh luận trong nhiều tuần rằng nhiệm kỳ thứ hai của Ông Trump sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh và buộc Liên minh Âu Châu phải chấp nhận chương trình nghị sự về chủ quyền do tổng thống Pháp thúc đẩy.

[Politico: Trump and Macron discuss Ukraine, Middle East in first phone call]

5. Tổng thống Biden bình luận về thất bại trong cuộc bầu cử của Harris, nói rằng bà đã phải đối mặt với hoàn cảnh đặc biệt

Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Tổng thống Joe Biden đã bình luận về thất bại của Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống, lưu ý rằng bà đã tham gia cuộc đua trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Tổng thống Joe Biden đã đưa ra lập trường trên trong bối cảnh có những lời chỉ trích mạnh mẽ bên trong đảng Dân Chủ về kết quả tồi tệ trong cuộc bầu cử vừa qua. Dư luận cho rằng nếu cứ để Tổng thống Joe Biden ra tranh cử thì tình trạng không đến mức bi thảm như hiện nay. Tháng 7 vừa qua, cựu chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi và một số trưởng lão trong đảng Dân Chủ được cho là đã ép Tổng thống Joe Biden từ bỏ cuộc đua và thay thế ông bằng phó tổng thống Kamala Harris.

Kết quả của cuộc bầu cử cho thấy phó tổng thống Kamala Harris chỉ giành được 226 phiếu đại cử tri, trong khi cựu Tổng thống Trump giành được 312 phiếu đại cử tri. Tổng thống đắc cử Ông Donald Trump cũng vượt xa Kamala Harris về số phiếu phổ thông. Kết quả cũng cho thấy Đảng Cộng Hòa nắm được đa số tại Thượng Viện, và trên đà nắm được cả Hạ Viện Hoa Kỳ.

Tổng thống Joe Biden nói: “Những gì nước Mỹ chứng kiến ngày hôm nay chính là Kamala Harris mà tôi biết và vô cùng ngưỡng mộ.”

“Trong những hoàn cảnh đặc biệt, bà đã tiến lên và lãnh đạo một chiến dịch lịch sử thể hiện những điều có thể khi được hướng dẫn bởi la bàn đạo đức mạnh mẽ và tầm nhìn rõ ràng cho một quốc gia… vì tất cả người Mỹ.”

Tổng thống Biden nhận xét rằng quyết định chọn Harris làm phó tổng thống của ông, được đưa ra khi ông trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ vào năm 2020, là sự lựa chọn đầu tiên và tốt nhất của ông.

“Câu chuyện của bà ấy đại diện cho câu chuyện hay nhất của nước Mỹ. Và như bà ấy đã nói rõ ngày hôm nay, tôi không nghi ngờ gì rằng bà ấy sẽ tiếp tục viết câu chuyện đó.

Bà sẽ tiếp tục cuộc chiến với mục đích, quyết tâm và niềm vui. Bà sẽ tiếp tục là nhà vô địch cho tất cả người Mỹ.

Bà sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo mà con cháu chúng ta sẽ ngưỡng mộ trong nhiều thế hệ tới khi bà đặt dấu ấn của mình lên tương lai của nước Mỹ.”

Trong bài phát biểu đầu tiên sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã hứa sẽ tiếp tục chiến đấu, có thể ám chỉ đến việc bà sẽ tiếp tục tham gia chính trị. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng với kết quả bi thảm trong cuộc bầu cử lần này, khả năng Kamala Harris tham gia trong một cuộc bầu cử Tổng thống trong tương lai gần như bằng không.

Trước đó, có thông tin cho rằng Tổng thống Biden đã chúc mừng Ông Donald Trump về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống và mời ông đến Tòa Bạch Ốc.

[Ukrainska Pravda: Tổng thống Biden comments on Harris's election loss, says she faced extraordinary circumstances]

6. Zelenskiy gọi chiến thắng của Ông Trump là “ngày đặc biệt” và nhắc đến Ronald Reagan

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy một lần nữa chúc mừng Ông Donald Trump về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và trong bối cảnh này, ông nhắc lại câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan “hòa bình thông qua sức mạnh”.

Tổng thống Zelenskiy nói: “Hôm nay thực sự là một ngày đặc biệt, khi một tin tức đang thu hút sự chú ý của toàn cầu. Kết quả hấp dẫn của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Sự lãnh đạo rõ ràng của Tổng thống Ông Trump. Tôi xin chúc mừng ông ấy về chiến thắng này.”

Zelenskiy cho biết việc lắng nghe những lời “hòa bình thông qua sức mạnh” của Ông Trump, mà ông đã sử dụng trong nhiệm kỳ tổng thống trước đó từ năm 2016 đến năm 2020, là “cực kỳ quan trọng” đối với ông.

Tổng thống Ukraine tin rằng “Hoa Kỳ và toàn thế giới chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ chính sách này”.

Tổng thống nhấn mạnh rằng “Không phải ngẫu nhiên mà Ronald Reagan hiện được nhắc đến thường xuyên cũng như ông thường xuyên nhắc lại cụm từ 'hòa bình thông qua sức mạnh' – mọi người muốn sự tự tin, họ muốn tự do, họ muốn một cuộc sống bình thường.”

Zelenskiy nhấn mạnh rằng Ukraine cần một “nước Mỹ mạnh mẽ” và “những đồng minh mạnh mẽ” nói chung.

Tổng thống nói thêm rằng sau cuộc gặp với Ông Trump tại Hoa Kỳ, nhóm của họ đã trao đổi với nhau. Khi đó, họ thảo luận về quốc phòng, kinh tế và “tương lai sau chiến tranh”.

“Chúng ta có tiềm năng hợp tác mạnh mẽ hơn. Đây là điều sẽ khiến Ukraine, Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới tự do thành công hơn.”

Vào ngày 5 tháng 11, người Mỹ đã bầu Ông Donald Trump làm tổng thống thứ 47 của họ. Số phiếu bầu hiện đang chỉ ra rõ ràng điều này và thông báo chính thức về người chiến thắng sẽ được đưa ra sau.

Ngay cả đối thủ của Ông Trump trong cuộc đua giành chức tổng thống, Kamala Harris, cũng chúc mừng chiến thắng của ông.

Zelenskiy và một số nhà lãnh đạo thế giới khác cũng gửi lời chúc mừng tới Ông Donald Trump.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy calls Trump's victory “special day” and mentions Ronald Reagan]

7. Liên minh chính phủ Đức sụp đổ khi Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Lindner

Liên minh cầm quyền ba đảng của Đức đã sụp đổ vào tối thứ Tư sau khi Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sẽ sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner vì những bất đồng dai dẳng về cải cách kinh tế.

Nhiều người ở Đức hy vọng rằng chiến thắng của Ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ diễn ra trước đó trong ngày sẽ buộc liên minh phải đoàn kết vì lo ngại rằng tổng thống mới sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế lớn nhất Âu Châu - nhắm vào ngành công nghiệp xe hơi cực kỳ quan trọng của nước này trong một cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, cuối cùng, ngay cả mối đe dọa từ Ông Trump cũng không đủ để khiến các đảng phái chia rẽ gạt bỏ bất đồng.

Các cuộc đàm phán khủng hoảng trong liên minh giữa Đảng Dân chủ Xã hội của Scholz, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do của Lindner đã lên đến đỉnh điểm sau khi FDP đưa ra một văn bản nêu các yêu cầu về cải cách kinh tế tự do mà hai đảng còn lại khó có thể chấp nhận.

Trong cuộc họp đầy kịch tính của các nhà lãnh đạo từ ba đảng vào tối thứ Tư tại văn phòng thủ tướng, Lindner nói với Scholz rằng ông không thấy cách nào để tiếp tục liên minh và thúc giục ông mở đường cho cuộc bầu cử sớm.

Điều này dẫn đến việc Scholz tuyên bố sẽ sa thải ông, hai người biết về cuộc thảo luận nói với POLITICO.

Mặc dù Scholz có thể tìm cách tiếp tục cai trị trong một chính phủ thiểu số, nhưng ông không có đủ đa số để thông qua ngân sách, làm tăng khả năng xảy ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và bầu cử sớm - có thể diễn ra vào đầu tháng 3.

FDP là đảng nhỏ nhất trong liên minh và hiện chỉ giành được bốn phần trăm số phiếu thăm dò - thấp hơn ngưỡng cần thiết để có thể vào quốc hội Đức trong cuộc bầu cử liên bang tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 9 - có nghĩa là các nhà lãnh đạo của đảng này đang cân nhắc việc tách khỏi liên minh để cứu vãn tương lai chính trị của họ.

Tài liệu chính sách của Lindner, bị rò rỉ cho giới truyền thông vào tuần trước, kêu gọi cắt giảm thuế và thu hẹp các chính sách về khí hậu để kích thích tăng trưởng kinh tế — cả hai quan điểm đều khiến đảng này bất đồng quan điểm với các đối tác liên minh của ông.

Trọng tâm trong các cuộc đàm phán của chính phủ là việc quốc hội thông qua ngân sách năm 2025 - trong đó cần phải lấp đầy khoảng cách ít nhất là 2,4 tỷ euro, và có khả năng còn nhiều hơn nữa - cũng như một thỏa thuận về các biện pháp cải tổ nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước.

Chiến thắng của Ông Trump dự kiến sẽ gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế lớn nhất Âu Châu. Một phân tích từ Viện Kinh tế Đức, gọi tắt là IW ước tính rằng một cuộc chiến thương mại mới có thể khiến Đức thiệt hại 180 tỷ euro trong bốn năm Ông Trump tại nhiệm sắp tới.

[Politico: German government coalition collapses as Scholz sacks Finance Minister Lindner]

8. Zelenskiy đến thăm Hung Gia Lợi để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đang có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu tại Hung Gia Lợi vào ngày 7 tháng 11, nơi các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những thách thức an ninh ở Âu Châu trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Nga, ông cho biết trong bài phát biểu buổi tối ngày 6 tháng 11.

Cuộc họp thứ năm của Cộng đồng Chính trị Âu Châu sẽ tập trung vào cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine và tình hình leo thang đang diễn ra ở Trung Đông cùng nhiều vấn đề khác.

“Chúng tôi sẽ thảo luận về những thách thức an ninh ở Âu Châu, cũng như những cơ hội mới cho tất cả các đối tác”, Zelenskiy cho biết.

Cuộc họp sẽ diễn ra một ngày sau chiến thắng của Ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Tổng thống đắc cử Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO Âu Châu vì không đầu tư đủ vào năng lực quốc phòng của họ và thay vào đó lại dựa vào Hoa Kỳ. Ông cũng chỉ trích viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine, chế giễu Zelenskiy là “người bán hàng vĩ đại nhất trên trái đất”.

Zelenskiy được Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel và Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban mời đến sự kiện này. Nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi đã bác bỏ kế hoạch chiến thắng của Kyiv và ca ngợi các điểm thảo luận của Mạc Tư Khoa.

Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Âu Châu tại Budapest và ký một số thỏa thuận.

[Kyiv Independent: Zelensky to visit Hungary for European Political Community Summit]

9. Bản đồ bầu cử cho chúng ta biết gì về thất bại của Kamala Harris

Bắc Carolina một lần nữa chứng tỏ là ảo ảnh. Georgia trở lại với đảng Cộng hòa — không có đủ sức mạnh ở vùng ngoại ô Atlanta để đưa Harris lên vị trí dẫn đầu. Nevada và Arizona cũng nghiêng về phía Ông Trump.

Bản đồ trông gần với năm 2016 hơn là năm 2020 — với các cuộc đua gần hơn dự kiến ở Minnesota, New Hampshire và Virginia, và một biển đỏ trên khắp miền Nam từ Bắc Carolina cho đến tận El Paso. Bức tường xanh tan rã, đánh dấu bằng những thất bại ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.

Phó tổng thống tụt hậu so với tốc độ năm 2020 của Tổng thống Joe Biden với các cử tri da đen ở vùng nông thôn tại miền nam Virginia, miền đông Bắc Carolina và miền nam Georgia. Thành tích của Harris ở vùng ngoại ô vẫn giữ nguyên hoặc có vẻ giảm nhẹ ở nhiều khu vực đô thị. Ngay cả các quận đại học tự do lớn cũng có vẻ kém hơn đối với lá phiếu của đảng Dân chủ một hoặc hai điểm. Trong khi đó, thành tích ở vùng nông thôn của Ông Trump đã được cải thiện gần như ở mọi nơi. Ông dường như đã giành được điểm ở vùng ngoại ô và đặc biệt là ở các quận biên giới.

Virginia là biểu tượng của buổi tối dành cho đảng Dân chủ. Nó nằm trong tình thế bất phân thắng bại cho đến 11:42 tối, muộn hơn bốn giờ so với năm 2020, vì nó gần hơn dự kiến. Đó là một chức năng của biên độ Dân chủ giảm dần với các cử tri da màu nhưng cũng là thất bại của Harris trong việc đạt được điểm cao của Tổng thống Biden ở các vùng ngoại ô và vùng Bắc Virginia — nơi được cho là cánh đồng chết của MAGA. Bà đã giành được những vị trí đó với số phiếu cao hơn nhiều, chỉ không nhiều bằng Tổng thống Biden vào năm 2020.

Florida, nơi có sự thay đổi mạnh mẽ hơn về phía bên phải, đã chứng minh được nhiều điều hơn. Không ai mong đợi Harris giành được tiểu bang này, nhưng ít ai dự đoán được chiến thắng của GOP với 13 điểm, hơn 1,4 triệu phiếu bầu. Ông Trump đã lật ngược Quận Pinellas của St. Petersburg và Quận Duval của Jacksonville bốn năm sau khi ông để mất chúng vào tay Tổng thống Biden — cho thấy phần lớn sự xói mòn của đảng Dân chủ bắt nguồn từ sự bất mãn chung với hiệu suất của chính quyền.

Và Florida đã đưa ra bằng chứng rõ ràng về sự sắp xếp lại của người Mỹ gốc Latinh. Ở hai quận có đông đảo người Puerto Rico sinh sống — Quận Cam của Orlando và Quận Osceola lân cận — Harris đã tụt hậu khá xa so với biên độ năm 2020 của Tổng thống Biden. Ông Trump thậm chí còn giành chiến thắng tại Osceola, cho rằng tranh cãi về “hòn đảo rác” từ cuộc biểu tình tại Madison Square Garden của ông có tác động hạn chế đến phiếu bầu của địa phương.

Tại Quận Miami-Dade, nơi có nhiều người Mỹ gốc Cuba, Ông Trump đã giành chiến thắng áp đảo. Chỉ tám năm trước, Ông Trump đã thua ở Miami-Dade trước Hillary Clinton với tỷ số 66-34. Lần này, ông đã lật ngược tình thế, giành chiến thắng cách biệt 10 điểm.

Đó là một câu chuyện mở rộng ra ngoài ranh giới tiểu bang Florida. Ông Trump thắng mạnh hơn ở một số quận biên giới New Mexico so với năm 2020. Có những dấu hiệu cho thấy hoạt động tiếp cận người gốc Latinh của Ông Trump đã thu hút được sự chú ý ở miền đông Pennsylvania. Sau đó là Quận Starr, Texas có 97 phần trăm người gốc Latinh. Năm 2016, Ông Trump đã bị tàn sát ở đó — 79-19. Bốn năm sau, ông đã chiến thắng vang dội với tỷ số 58-42.

[Politico: What the electoral map tells us about Kamala Harris’ loss]

10. Tổng thống Biden chúc mừng Ông Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chúc mừng Ông Donald Trump về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống qua cuộc điện đàm.

Trong cuộc trò chuyện với Ông Trump, Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ” và nỗ lực đoàn kết đất nước sau cuộc bầu cử.

“Ông ấy cũng mời Tổng thống đắc cử Trump đến gặp ông tại Tòa Bạch Ốc. Các nhân viên sẽ phối hợp một ngày cụ thể trong tương lai gần”, một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết thêm.

Ngoài ra, Tổng thống Biden đã nói chuyện với Phó Tổng thống Kamala Harris và chúc mừng bà về “chiến dịch lịch sử” của bà, chính quyền cho biết thêm.

Trước đó, Harris cũng đã gọi điện cho Ông Trump và chúc mừng ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, qua đó thừa nhận thất bại của mình.

Kamala Harris dự kiến sẽ có bài phát biểu trước những người ủng hộ vào tối thứ Tư.

[Kyiv Independent: Biden congratulates Trump on his election victory – CNN]