Ngày 06-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cho hiển vinh danh Ngài
Lm. Minh Anh
01:39 06/10/2022

CHO HIỂN VINH DANH NGÀI
“Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho!”.

George Mueller nói, “Niềm tin không hoạt động trong ‘lãnh địa khả thi’ của con người, nghĩa là nơi con người làm được mọi sự; ở đó, Thiên Chúa chẳng có chút vinh quang nào! Niềm tin chỉ bắt đầu khi sức mạnh của con người kết thúc, và Thiên Chúa có thể khởi sự! Bởi lẽ, Thiên Chúa là tất cả, và tất cả ‘cho hiển vinh danh Ngài!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay làm sáng tỏ ý tưởng của George Mueller! Chúa Giêsu nói, “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho!”. Vậy mà, không ít người hiểu sai những lời này! Tại sao? Bởi lẽ, cầu nguyện với Chúa, trước hết và trên hết… tất cả chỉ nhằm một mục đích, ‘cho hiển vinh danh Ngài!’.

Một số người có thể nghĩ, chúng ta phải cầu nguyện, và cầu nguyện nhiều hơn; để cuối cùng, Chúa sẽ nhậm lời. Một số khác cho rằng, điều này có nghĩa là Chúa sẽ không nhậm lời nếu chúng ta không cầu nguyện đủ chăm chỉ. Và một số khác nữa có thể nghĩ, bất cứ điều gì chúng ta cầu xin sẽ được ban, nếu chúng ta cứ tiếp tục kiên trì khấn xin. Vậy mà không phải vậy!

Chắc chắn, chúng ta nên cầu nguyện chăm chỉ và thường xuyên! Nhưng một câu hỏi quan trọng đặt ra, “Tôi nên cầu nguyện điều gì?”, và đây là chìa khoá! Bởi lẽ, Chúa sẽ không ban những gì chúng ta cầu, bất kể chúng ta cầu bao lâu và chăm chỉ đến đâu, nếu điều đó không nằm trong ý muốn của thánh thiện hoàn hảo của Ngài! Ví dụ, một ai đó bệnh, sắp về với Chúa, và việc cho phép người ấy lìa thế là một phần trong ý muốn của Ngài, thì tất cả những lời cầu nguyện trên thế gian cộng lại vẫn không thay đổi được mọi thứ. Thay vào đó, trong trường hợp này, chúng ta nên cầu nguyện để mời Chúa vào cuộc, vào hoàn cảnh khó khăn này để biến nó thành cuộc ‘tạm biệt’ đẹp đẽ và thánh thiện. Vì vậy, vấn đề không phải là cầu xin cho đến khi thuyết phục được Chúa sẽ làm những gì chúng ta muốn, như một đứa trẻ có thể mè nheo với cha mẹ; đúng hơn, chúng ta phải cầu nguyện cho một điều và duy nhất một điều, là ‘cho hiển vinh danh Ngài!’.

Như vậy, lời cầu nguyện dâng lên không nhằm thay đổi ý định của Thiên Chúa, mà nhằm biến đổi chúng ta, củng cố chúng ta, hầu cho phép chúng ta chấp nhận tất cả những gì Ngài mời gọi chúng ta làm. Đây chính là công việc của Chúa Thánh Thần! Chính Chúa Giêsu bất ngờ xác nhận điều đó ở câu cuối cùng của trình thuật Tin Mừng hôm nay, “Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Ngài”. Thánh Thần cũng là Đấng mà thánh Phaolô trong thư Galata hôm nay nhắc đến, “Đấng ban Thánh Thần cho anh em và làm những việc lạ lùng nơi anh em”; cũng là Đấng mà Thánh Vịnh đáp ca bóng bẩy gọi là “Đấng đã viếng thăm dân Ngài!”.

Anh Chị em,

“Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho!”. Lời cầu, tiếng gõ khẩn thiết của chúng ta như tiếng gõ vào chính trái tim Thiên Chúa; Ngài không ban điều chúng ta xin, nhưng ban cho chúng ta điều chúng ta cần! Ngài ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng mở ra mọi sự, biến đổi mọi sự! Thánh Thần là quà tặng vượt quá sự hiểu biết của con người; để qua Ngài, chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Thiên Chúa là Cha toàn năng yêu thương, Ngài biết điều cần nhất đối với chúng ta. Và điều cần nhất trên trần gian này là cần chính Ngài, Thiên Chúa; và với Thánh Thần của Ngài, bạn và tôi chu toàn mục đích có mặt của mình trong thế giới này; đó là làm mọi sự ‘cho hiển vinh danh Ngài!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin biến đổi mọi sự trong ngoài của con, kể cả việc cầu nguyện. Đừng để con làm mọi sự cho hiển vinh con, nhưng con sẽ làm tất cả ‘cho hiển vinh danh Ngài!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đến Gần Nhau Hơn
Lm Vũđình Tường
02:32 06/10/2022
Nhóm Pharisiêu tự nhận mình là người công chính vì thế họ tạo ra sự ngăn cách, phân biệt giữa họ và nhóm thu thuế và dân nghèo. Họ cho những người này là thành phần nhơ nhuốc, tội lỗi. Họ cố gắng tránh đến gần, đụng chạm đến những người này, nói chi đến ngồi chung bàn ăn uống. Nhóm công chính tự chế tạo luật lệ ban cho mình nhiều lợi lộc, quyền lợi và đòi được coi trọng nơi công cộng. Một trong những quyền đó là quyền lãnh đạo trong dân. Trái lại phong cách cao ngạo, trịnh thượng của nhóm Pharisiêu, Đức Kitô chọn đến với dân nghèo, Ngài đến với những ai chọn theo lối sống Ngài rao giảng. Ngài ngồi chung bàn ăn uống với những người thu thuế và phường tội lỗi. Ngài đến rao giảng lối sống mới và chỉ trích nhóm Pharisiêu là nhóm đạo đức giả. Ngài đến để thay đổi đời sống nội tâm con người. Việc làm đầu tiên là hành trình Đức Kitô lên đường đến thành thánh Giêrusalem, nơi đây Ngài hy sinh, khiêm nhường vác thập giá, chịu đóng đinh chết thay cho toàn thể nhân loại. Chấp nhận vác thập giá, chết và ba ngày sau sống lại vinh quang để ban sự sống trường sinh cho những ai tin theo Ngài. Lối sống mới Đức Kitô rao giảng không loại trừ bất cứ ai, miễn là người đó đón nhận Ngài. Hành động dẫn đến gần nhau thứ hai là Ngài chọn đi giữa ranh giới Dân Ngoại, người ngoại bang, Samaria và Galilê. Điều này lần nữa chứng tỏ Đức Kitô muốn xoá bỏ biên giới chia rẽ do giai cấp xã hội tạo ra, đặc biệt là xoá bỏ biên giới vô hình gây nên bởi kì thị, phân biệt giai cấp.

Nhìn thấy Đức Kitô từ đàng xa, nhóm mười người phong hủi lớn tiếng nài van xin Đức Kitô thương cứu họ. Do bệnh tật, những người này bắt buộc phải sống bên lề xã hội. Chính xã hội họ đang sống xua đuổi họ vì sợ lây nhiễm bệnh. Hành động chữa bệnh cho những người phong hủi, Đức Kitô tỏ rõ chủ trương xoá bỏ giai cấp, phân biệt, ngăn cách. Ngài công khai đón nhận người phong hủi, kẻ tội lỗi những người mà xã hội kết án là phường dơ bẩn và tội lỗi.

Danh xưng 'Thầy' trong Phúc âm Thánh Luca dành riêng cho các môn đệ Đức Kitô. Nhóm phong hủi lớn tiếng xưng tụng Đức Kitô là 'Thầy' là cử chỉ gián tiếp đón nhận Đức Kitô là Thầy của họ, và họ ước ao đi theo đường lối Đức Kitô chủ xướng. Đức Kitô nói với người phong hủi, 'Đi trình diện các thầy tư tế'. Họ nghe theo lời Đức Kitô chỉ dậy, đến gặp người mà họ coi là kẻ thù. Theo lệnh của các tư tế, những ai bị bệnh phong hủi đều bị xua đuổi khỏi xã hội. Họ trở thành những người nửa sống, nửa chết, vì thế họ ngậm cay, nuốt đắng cả một kiếp người vì cái lệnh quái ác giết người kia. Đức Kitô dậy họ đến trình diện các thầy tư tế. Họ vâng nghe theo Ngài. Đây chính là hành động giao hoà, nối kết lại mối giây tình cảm giữa họ và thầy tư tế, người đại diện cộng đoàn. Trên đường đến gặp thầy tư tế, họ được khỏi bệnh. Nhận biết mình khỏi bệnh, một trong nhóm đó trở lại gặp Đức Kitô và lớn tiếng ngợi khen kì công Thiên Chúa thực hiện nơi anh. Người này lại là dân ngoại, người thành Samarita. Đức Kitô chữa cả thân xác lẫn tâm hồn anh. Xác anh hết bệnh, tâm anh trong sáng. Khi trở lại gặp Đức Kitô, người Samarita cách nào đó mặc khải í nghĩa tiềm ẩn của câu đầu bài Phúc Âm, 'Đức Kitô trên đường đi Giêrusalem'. Đức Kitô bảo anh đi gặp thầy tư tế, anh trở lại gặp Đức Kitô nói lên chính Đức Kitô là Vị Thượng Tế Cao Trọng Nhất trong tất cả các vị tư tế.

Cách Đức Kitô chữa trị bịnh phong hủi nhắc lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Khi sáng tạo vũ trụ, Chúa phán một lời, điều đó thành sự. Người Samarita nghe lời Đức Kitô truyền dậy và anh được khỏi bệnh. Như thế Đức Kitô chính là Thiên Chúa và chính Đức Kitô xác nhận niềm tin của người Samarita, Ngài là Thiên Chúa.

Anh nhận biết sức mạnh Lời Chúa nơi Đức Kitô. Tất cả mười người đều khỏi bệnh nhưng chỉ có một người trở lại sấp mình dâng lời tạ ơn, còn chính người kia nhận ơn mà không dâng lời tạ ơn.

Trong hai câu Đức kitô nói với người Samarita, bạn muốn nghe câu nào? 'Đứng dậy đi về, lòng tin của anh đã cứu anh' v.18. Câu khác Ngài tự hỏi, 'Không phải cả mười người đều sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? Lc 18,19.

Kitô hữu nhận biết bao ơn lành Chúa ban, nhưng lại coi đó là điều hiển nhiên mà quên không dâng lời tạ ơn Chúa. Thực ra ta không thể nào dâng lời tạ ơn cho xứng với ơn đã nhận. Ai cũng biết dâng lời tạ ơn Chúa là việc làm tốt lành, đáng làm, đáng khuyến khích, nhưng chính mình lại lơ là làm công việc vừa tốt lành, vừa nhẹ nhàng, lành thánh. Ai cũng muốn nghe câu 'Đức tin anh đã cứu anh'. Muốn thế, hãy học từ người phong cùi thành Samarita.

TiengChuong.org

Closing The Gap

The Pharisees and the Scribes have identified themselves as righteous and they set themselves apart from those they judged as sinners. They would not want to associate with them and certainly would not dine with them. This mentality creates a big gap between those who identify themselves as righteous and sinners. The righteous receive lots of privileges and rule over others. Jesus, on the other hand, takes an opposite approach by associating with those who genuinely follow His way of life. Jesus teaches the new way of life, judging the Pharisees and Scribes' mentality as hypocrites. He himself actually worked on making the change. His first act was on His way to Jerusalem. This implies Jesus was on the way to where He would face the cross and die for all. By carrying the cross and through His resurrection, Jesus saves us all. His new way of life would exclude no one. His salvation is for all mankind. His second concrete action was that He chose to travel along the border between Gentiles, foreigners, Samaria, and Galilee. This again indicates Jesus would erase all social borders; especially the invisible border of exclusion created by prejudice. Seeing Jesus from afar, the ten lepers called out for help. These men lived on the outskirts, a 'no man's land', because their society had expelled them and they were not allowed to the neighbouring border, Galilee. Jesus' third act makes the inclusive teaching even clearer by healing the ten lepers. He publicly welcomes the marginalized, the outcast, and those that the society at the time judged as unclean and sinners.

The title 'Master' in St Luke's Gospel was exclusive to Jesus' disciples. Calling Jesus as their Master, the lepers indirectly expressed their inner desire to follow Jesus' way of life. He told the lepers to 'Go and show yourselves to the priests'. They obeyed Him. They went to see their former foes. Being expelled from the community would mean he is a dead man walking. He would live in bitterness for life. Jesus told them to show themselves to the priests. It is an act of reconciling and restoration of the relationships between the leper and the priest, who represents the community. On their way to see the priests, they were healed. One of them immediately came back to praise God. Surprisingly, the leper who returned to give thanks to God was a Samaritan. Jesus healed both his physical disease and his spiritual blindness. By returning to give thanks to God, the Samarian reveals the meaning of the opening words of today's Gospel reading, that Jesus was 'On the way to Jerusalem'. It reveals Jesus is not an ordinary priest but The High Priest.

The way in which Jesus healed the lepers reflects the biblical creation's story. God simply gives a command and things will be. The Samaritan leper believed, Jesus Himself is God, and that Jesus confirms his belief that He is God. The Samaritan leper returned and 'Praising God at the top of his voice and threw himself at the feet of Jesus and thanked Him'. He recognized the power of God in Jesus' words. All ten lepers were healed and yet only one returned to give thanks to God. The other nine took the healing for granted and that reflects the reality of life.

Which of the two sayings of Jesus we would like to hear: 'Stand up and go on your way. Your faith has saved you'v.19. The other one is, 'Were not all ten made clean? the other nine, where are they? It seems that no one has come back to give praise to God, except this foreigner'v.18.

We fail to recognize that we are blessed in numerous ways and yet often take things for granted. We would never give thanks enough for what we have received from God. Giving thanks to God daily is not only a noble thing to do, but rather a meaningful way we express our gratitude to God, and that is what God loves to hear our voice. We all prefer to hear 'Your faith has saved you'. If then, remember to give thanks to God daily.
 
Ngày 07/10: Cuộc đời Đức Mẹ và chuổi Mân Côi – Lễ Đức Mẹ Mân Côi – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến.
Giáo Hội Năm Châu
02:46 06/10/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:08 06/10/2022
22. Phương pháp để được ái mộ tình yêu của Thiên Chúa chính là sự quyết định: trong tất cả mọi hoàn cảnh và cơ hội thường là vì Thiên Chúa mà làm việc, vì Thiên Chúa mà chịu đau khổ. Tóm lại là không làm những công việc mà Thiên Chúa không ưa thích, người có thói quen làm tốt những việc nhỏ, thì mới có thể làm tốt được những việc lớn hơn. (Thánh Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:11 06/10/2022
18. SAO DÁM QUẤY GIỄU TRÊN KHÔNG

Một hôm, Tô Đông Pha cùng với Hoàng Sơn Cốc ở trong chùa Kim Sơn, hai người làm bánh và nói với nhau:

- “Hôm nay làm bánh, không nên để Phật Ấn biết”.

Bánh đã nấu chín, lấy vài cái sạch ngon đem dâng trước bàn thờ Quan Âm bồ tát, cung cung kính kính bái lạy, thầm thỉ khấn nguyện:

- “Xin cho con sống thọ như Bành Tổ, phúc như Đào Chu.”

Nào ngờ Phật Ấn biết trước núp trong trướng thần, lén ăn hai cái bánh.

Tô Đông Pha quỳ lạy xong, vừa đứng lên nhìn thì thấy mất hai cái bánh, lại quỳ xuống cầu khẩn tiếp:

- “Quan Âm bà bà thần thông quảng đại như thế này, ăn được hai cái bánh, tại sao không ra đây giáp mặt chúng tôi?”

Phật Ấn ở sau bức trướng lớn tiếng đáp:

- “Nếu ta mà có bột thì đi một mạch đến nơi các người làm vài cái bánh ăn, làm sao dám lên trên cao quấy nhiễu hả?”

(Hoa diên lạc thú đàm tiếu tửu lịnh)

Suy tư 18:

Có một vài ngừời Ki-tô hữu khi cầu nguyện thì nằng nặc đòi Thiên Chúa hiện diện cho họ tin, đòi Thiên Chúa phải lập tức làm phép lạ như điều họ cầu nguyện !

Có một vài người Ki-tô hữu khi đem hoa đến dâng cho Đức Mẹ hoặc thánh cả Giu-se thì chấp tay vái vái vài cái rồi nói: “Nếu không nghe lời con cầu xin thì lần sau con không dâng hoa nữa !”

Thiên Chúa không phải là một quản gia muốn hăm dọa là cứ hăm dọa, Đức Mẹ và thánh cả Giu-se hay bất cứ vị thánh nào, đều không phải là đầy tớ của chúng ta, nhưng các ngài là những tôi trung của Thiên Chúa, là những mẫu gương sống đạo tốt lảnh của chúng ta.

Các tôn giáo khác có cách thức thờ phựơng riêng của họ, còn chúng ta –người Ki-tô hữu- thờ phựơng Thiên Chúa không phải vì của ăn chóng qua, nhưng là vì sự sống đời đời mai sau; cũng không phải chỉ cầu xin được cái này cái nọ, nhưng còn là chúc tụng, cảm tạ và làm sáng danh Chúa qua cuộc sống của mình nữa.

Đừng đem bánh trái hoa tươi đến...hối lộ Đức Mẹ và thánh cả Giu-se hay những vị thánh khác, nhưng đem tấm lòng thành yêu mến của mình đặt dứơi chân của các Ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Toàn tâm toàn ý
Lm. Minh Anh
19:30 06/10/2022
TOÀN TÂM TOÀN Ý

“Nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước!”.

Alan Redpath nói, “Một Kitô hữu đi qua đường hầm tăm tối của sự ngã lòng có xu hướng tập trung vào những điểm yếu và thất bại tội lỗi của mình; đó có thể là một tội tái đi tái lại. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn có thể sử dụng thời gian này, cuộc chiến này, theo cách tích cực để mở rộng lòng biết ơn của bạn đối với ân sủng toàn vẹn và tràn đầy của Ngài; với điều kiện, bạn ‘toàn tâm toàn ý’ cộng tác với ân sủng để chiến đấu. Kìa, bảy sắc cầu vồng rạng rỡ sau bão tố!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy sự nguy hiểm của một tội tái đi tái lại. Có thể bạn và tôi đã phạm tội này nhiều lần; cuối cùng, chúng ta quyết tâm thú nhận và vượt qua nó. Sau khi thú nhận, bạn vui mừng khôn xiết, nhưng thấy rằng, chỉ trong vòng một ngày, bạn sẽ trở lại ngay với tội lỗi đó. Vậy thì phải làm sao? Thưa, như Alan Redpath nói, chúng ta phải ‘toàn tâm toàn ý’ chống lại nó; bằng không, tình trạng sau cùng “sẽ tệ hại hơn trước!”.

Ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm cuộc chiến với một tội lỗi cụ thể. Cuộc chiến không dành riêng cho ai này có thể là nguyên nhân gây ra nhiều thất vọng; chúng ta đang nói đến một cuộc chiến thiêng liêng trường kỳ, nói đến cám dỗ. Khi chúng ta nhắm vào một tội lỗi để vượt qua và quay lưng lại với cám dỗ, Satan sẽ tấn công chúng ta tới tấp hơn, với sức mạnh lớn hơn; vì không bao giờ, nó lại dễ dàng từ bỏ cuộc chiến giành lấy linh hồn bạn. Kết quả là, một số người, cuối cùng, đã đầu hàng và không cố gắng để vượt qua nó. Đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng!

Một nguyên tắc tâm linh quan trọng cần hiểu là, càng bị trói buộc với một tội lỗi cụ thể, quyết tâm khắc phục tội đó nơi chúng ta càng phải sâu sắc hơn; đồng thời, biết rằng, việc vượt qua nó có thể khá đau đớn và vô cùng khó khăn. Nỗ lực này đòi hỏi một sự kiên trì thanh tẩy linh hồn triệt để và sự phục tùng ‘toàn tâm toàn ý’ của chúng ta đối với Thiên Chúa. Không có quyết tâm và sự đầu phục trong sạch này, sẽ rất khó để chúng ta vượt qua chúng. Một điều quan trọng khác, là chúng ta phải có đức tin. Bạn và tôi tin rằng, chúng ta không bao giờ chiến đấu lẻ loi. Chúng ta không cậy sức mình, nhưng cậy sức trời; chúng ta có cả một đội quân đồng minh vinh thắng là cả một triều thần thánh. Các đấng trên trời, các linh hồn tốt lành dưới đất đang hỗ trợ chúng ta, cầu bầu cho chúng ta. Đó là những con người đã chiến đấu và đã chiến thắng. Tắt một lời, hãy chiến đấu trong đức tin. Qua thư Galata hôm nay, Phaolô nói, “Những ai cậy dựa vào đức tin, sẽ được chúc phúc với Abraham”. Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta; Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ, “Cho tới muôn đời, Chúa vẫn nhớ lời minh ước!”

Anh Chị em,

“Nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước!”. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi suy gẫm về quyết tâm chiến thắng tội lỗi của mình sâu sắc đến mức nào; liệu khi những cám dỗ đến, bạn có ‘toàn tâm toàn ý’ để vượt qua chúng không. Hãy nhớ, chính Chúa Giêsu cũng đã trải qua những giờ phút nghiệt ngã này, “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa con!”, và một thiên sứ đã đến an ủi Ngài. Hãy cầu xin với Ngài, với Mẹ Maria và các thánh; tìm cách khắc sâu quyết tâm của bạn đến mức tối đa, hầu những cám dỗ của kẻ ác không nắm được bạn. Cánh cửa của lòng thương xót Chúa nơi Bí Tích Hoà Giải đang rộng mở để ôm lấy bạn. Đừng ngần ngại đến với Ngài để được xót thương; và “Kìa, bảy sắc cầu vồng rạng rỡ sau bão tố!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những lúc con phải chiến đấu với một tội lỗi nào đó, cho con biết rằng, con không đơn độc; xin giúp con chiến đấu hết mình, ‘toàn tâm toàn ý!’. Và kìa, bảy sắc cầu vồng rạng rỡ sau bão tố!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các giám mục Hoa Kỳ đề cử các ứng cử viên cho chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục
Đặng Tự Do
17:53 06/10/2022


Hôm thứ Ba, các giám mục Hoa Kỳ đã công bố tên của 10 ứng cử viên được đề cử làm chủ tịch và phó chủ tịch tiếp theo của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB.

Một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong phiên khoáng đại mùa thu của các Giám Mục ở Baltimore từ ngày 14 đến 17 tháng 11 để thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm, là Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, và phó chủ tịch, là Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của Detroit. Nhiệm kỳ ba năm của hai vị kết thúc trong phiên khoáng đại này.

Những vị được các Giám Mục Hoa Kỳ đề cử bao gồm:

Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, Tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ.

Đức Cha Michael F. Burbidge, Giáo phận Arlington, Virginia

Đức Cha Frank J. Caggiano, Giáo phận Bridgeport, Connecticut

Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley, Tổng Giáo phận Thành phố Oklahoma

Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone, Tổng giáo phận San Francisco

Đức Tổng Giám Mục Paul D. Etienne, Tổng Giáo phận Seattle

Đức Cha Daniel E. Flores, Giáo phận Brownsville, Texas

Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller, Tổng giáo phận San Antonio

Đức Tổng Giám Mục William E. Lori, Tổng giáo phận Baltimore

Đức Cha Kevin C. Rhoades, Giáo phận Fort Wayne-South Bend, Indiana

Theo quy định của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, vị chủ tịch trước tiên sẽ được bầu bằng đa số phiếu đơn giản của những người có mặt và bỏ phiếu. Sau đó, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức cho vị trí phó chủ tịch, trong số những vị được đề cử còn lại. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu, cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được thực hiện. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số thì cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra giữa hai vị có phiếu bầu cao nhất.

Các giám mục cũng sẽ bỏ phiếu bầu các chủ tịch mới của sáu ủy ban thường trực của USCCB.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y người Guatemala đáp trả cuộc tấn công của Daniel Ortega vào Giáo Hội Công Giáo
Đặng Tự Do
17:54 06/10/2022


Đức Hồng Y Álvaro Leonel Ramazzini Imeri của Huehuetenango đã có một phản ứng mạnh mẽ đối với tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, người cách đây vài ngày đã công kích Đức Thánh Cha Phanxicô và nói rằng Giáo Hội Công Giáo là “chế độ độc tài hoàn hảo”.

“Đúng là, Giáo Hội Công Giáo không phải là một nền dân chủ, nhưng Giáo Hội có tinh thần tham gia và hiệp thông giúp cho tất cả chúng ta, những người tạo nên Giáo hội, từ giáo hoàng đến giáo dân, được sống trong hòa bình và hòa hợp,” Đức Hồng Y người Guatemala cho biết trong một video do Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh đăng ngày 1 tháng 10.

“Ông Chủ tịch Daniel Ortega, nếu ông là một người Công Giáo, thì điều mà tôi với tư cách là giám mục mong đợi ở ông là ông có sự tôn trọng đối với Giáo Hội Công Giáo và trật tự thích hợp chỉ đạo tổ chức này được thành lập bởi Chúa Giêsu Kitô của chúng ta”.

Trong bài phát biểu kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Cảnh sát Quốc gia, Ortega đặt câu hỏi: “Ai bầu các linh mục, giám mục, giáo hoàng, Hồng Y, bao nhiêu phiếu, ai bầu cho họ? Nếu họ muốn dân chủ, họ phải bắt đầu bằng cách bầu giáo hoàng, các Hồng Y, giám mục, với lá phiếu của dân chúng, với lá phiếu của người Công Giáo. “

“Hãy để dân chúng bầu chọn họ và không phải tất cả họ được áp đặt lên người dân, đó là một chế độ độc tài, chế độ độc tài hoàn hảo. Đó là một chế độ chuyên chế, một chế độ chuyên chế hoàn hảo”.

Sau khi gọi giáo hoàng là “bạo chúa thánh thiện”, nhà độc tài Nicaragua hỏi: “Ông nói với tôi về nền dân chủ với thẩm quyền nào? Giám mục đã có bao nhiêu phiếu bầu từ dân chúng để được bổ nhiệm làm giám mục?”

Ramazzini nói rằng nếu Ortega không tôn trọng Giáo hội, thì “Tôi rất nghi ngờ rằng bạn thực sự là một người Công Giáo.”

“Không phải là vấn đề nói rằng 'Tôi là người Công Giáo và tôi làm bất cứ điều gì tôi cảm thấy thích. Tôi là một người Công Giáo, một tổng thống Công Giáo và đó là lý do tại sao tôi tống một giám mục vào tù, buộc tội ông ta một cách gian dối. Tôi là người Công Giáo và tôi đàn áp Giáo hội mà tôi là thành viên. Đó là một sự mâu thuẫn nghiêm trọng, '' vị Hồng Y khẳng định.

Vị Giám Mục bị bắt mà Đức Hồng Y đề cập đến là Đức Cha Rolando Álvarez, Giám Mục Matagalpa, người mà cảnh sát đã bắt cóc ngày 19 tháng 8 từ Tòa Giám Mục nơi ngài đã bị cảnh sát chống bạo động quản thúc trong hơn hai tuần và sau đó đưa ngài đến Managua, nơi ông vẫn bị quản thúc tại gia.

Cùng đêm Đức Cha Álvarez bị bắt, bốn linh mục, hai chủng sinh, và một giáo dân cũng bị quản thúc trong Tòa Giám Mục với ngài cũng bị bắt đi và đang bị giam giữ trong nhà tù El Chipote, là nơi tra tấn những người chống đối chế độ.

Đức Hồng Y Ramazzini cũng nhấn mạnh rằng “các nhà độc tài thường muốn tạo cơ sở cho thái độ và hành động độc tài của họ để có thể tự thuyết phục mình”.

“Tôi hy vọng rằng những tuyên bố này có thể giúp làm sáng tỏ các ý tưởng, bởi vì không có gì tệ hơn việc nói nửa sự thật, bởi vì điều đó khiến cho những lời nói dối nửa vời trở thành lời nói dối hoàn toàn.”
Source:Catholic News Agency
 
Các video cho thấy những người đàn ông Nga bẻ tay chân để tránh bị gọi nhập ngũ
Đặng Tự Do
17:55 06/10/2022


Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Videos Show Russian Men Breaking Limbs to Avoid Conscription”, nghĩa là “Các video cho thấy những người đàn ông Nga bẻ tay chân để tránh bị gọi nhập ngũ.”

Nhiều video đã xuất hiện với mục đích cho thấy những người đàn ông Nga cố tình bẻ gãy tay chân của bạn bè, với sự đồng ý rõ ràng của họ, để tránh bị nhập ngũ.

Vào ngày 21 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh động viên bán phần dân số Nga, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết 300,000 người có kinh nghiệm quân sự trước đây sẽ bị gọi nhập ngũ.

Bất chấp tuyên bố này, đã có nhiều báo cáo về những người đàn ông không hề có chút kiến thức quân sự nào, bao gồm cả sinh viên và đàn ông ở độ tuổi 60, vẫn bị gọi nhập ngũ

Hàng nghìn người đàn ông Nga muốn tránh bị buộc phải chiến đấu ở Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng, bao gồm Kazakhstan, Georgia và Mông Cổ, kể từ khi lệnh nhập ngũ được ban hành.

Tuy nhiên, một số dường như đang thực hiện các biện pháp thậm chí còn cực đoan hơn để tránh bị đẩy vào cuộc chiến.

Trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội Nga và đăng lại trên Reddit, một người đàn ông Nga dùng búa tạ đập vào tay người khác.

Đoạn phim, có thể được nhìn thấy trong phần description, cho thấy một người đàn ông với cánh tay trái của mình trên băng ghế, trong khi một người đàn ông khác nâng một chiếc búa tạ qua đầu và sau đó hạ nó xuống như một vụ tai nạn.

Hai phụ nữ được nhìn thấy đang kiểm tra cánh tay của người đàn ông, mặc dù mức độ thương tích của anh ta không rõ ràng.

Trong một nỗ lực rõ ràng khác để tránh nghĩa vụ quân sự được đăng trên mạng xã hội, một người đàn ông có thể được nhìn thấy đang nhảy lên chân của bạn mình, từ trên đỉnh cầu thang, dường như gây ra một vết thương đau đớn.

Newsweek chưa thể xác minh độc lập nội dung của một trong hai clip.

Tại thị trấn Ust-Ilimsk của Siberia, một sĩ quan lính nghĩa vụ Nga đã bị bắn và bị thương bởi một người đàn ông tức giận vì bạn của anh ta đã bị nhập ngũ, trong khi một người biểu tình ở thành phố Ryazan, miền trung nước Nga đã tự thiêu để phản đối quân dịch. Các cuộc biểu tình chống lệnh động viên của Putin đã được tổ chức tại 38 thành phố của Nga trong những ngày sau tuyên bố của Putin. Cảnh sát thực hiện hàng ngàn vụ bắt giữ.

Newsweek đã nói chuyện với một số chuyên gia chính sách đối ngoại về những gì mà người Nga sẽ cố gắng vượt qua trong thời gian dài bất thường này để tránh bị gọi nhập ngũ trong nỗ lực chiến tranh của Putin.

“Như Chesterton đã nói, 'người lính thực sự chiến đấu không phải vì anh ta ghét những gì trước mặt, mà vì anh ta yêu những gì sau lưng mình.' Những người lính Ukraine đang bảo vệ ngôi nhà và lò sưởi của họ — và chiến đấu như thế; trong khi đó, Putin đang yêu cầu những người đàn ông Nga chết trong một cuộc chiến tranh xâm lược dựa trên một lý do giả tạo”, Peter Rough, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson, nói với Newsweek, và nhấn mạnh rằng sự giả tạo trong quan điểm của Putin có những tác động rõ ràng đối với tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Nga.

Nikolai Petrov, một thành viên nghiên cứu cấp cao tại Chatham House, nói thêm: “Người Nga, đặc biệt là những người trẻ tuổi, trước đây không sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, và bây giờ họ đang cố gắng tránh nó bằng mọi cách. Hàng trăm nghìn người đã tìm cách rời khỏi đất nước. Ngày nay để làm được điều này vừa rất tốn kém lại vừa khó khăn.

“Có hai lựa chọn chính: bị đưa đến Ukraine hoặc đi tù 10 năm vì trốn tránh lệnh động viên, thành ra có người sẵn sàng gây thương tích nặng cho bản thân và hy sinh sức khỏe của mình để bảo toàn tính mạng và tự do.”

Tiến sĩ Alan Mendoza, giám đốc điều hành của Hiệp hội Henry Jackson có trụ sở tại London, nói với Newsweek rằng việc huy động được Putin đưa ra trong tình trạng tuyệt vọng nhằm chấm dứt chiến tranh với việc Nga giành được lãnh thổ.

Mendoza nói: “Các phương tiện truyền thông Nga thường đề cập đến quyết tâm của những người lính Nga thực sự tình nguyện chiến đấu ở Ukraine trong vòng vài tháng, tuy nhiên, có lẽ điều thường thấy hơn là có rất ít hoặc không có sự nhiệt tình từ quân lính nghĩa vụ”.

“Đây là lý do tại sao, thông qua cuộc trưng cầu dân ý giả và việc sáp nhập các phần của Ukraine, Putin đang cố gắng kết thúc chiến tranh với một lợi ích lãnh thổ hữu hình, vì nói cho cùng, ông ta sẽ đấu tranh để tồn tại về mặt chính trị bất kể các chiến bại trên chiến trường.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
Source:Newsweek
 
Đa số người Công Giáo Hoa Kỳ không muốn Joe Biden tái tranh cử
Vu Van An
18:09 06/10/2022

Hãng tin CNA vừa cho hay hầu hết người Công Giáo tin rằng Tổng thống Joe Biden, tổng thống Công Giáo thứ hai của quốc gia, không nên tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024, theo một cuộc thăm dò ý kiến mới của EWTN News / RealClear Opinion Research với các cử tri Công Giáo, được công bố hôm thứ Hai.



Cuộc thăm dò trên, được tiến hành từ ngày 12-19 tháng 9, cho thấy Biden tiếp tục đối diện với những thách thức trong việc thu hút sự ủng hộ của các cử tri Công Giáo trong thời gian chuẩn bị tới ngày bầu cử vào ngày 8 tháng 11. Đặc biệt, cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của các cử tri Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha đối với tổng thống, theo truyền thống vốn là nguồn ủng hộ mạnh mẽ cho Đảng Dân chủ, giảm di đáng kể.

Trong số những điểm nổi bật khác của cuộc thăm dò, các cử tri Công Giáo xếp lạm phát và kinh tế vào những vấn đề quan trọng nhất mà đất nước phải đối đầu, và hầu hết nói rằng họ rất lo ngại về tình trạng giáo dục, đặc biệt là sau các vụ đóng cửa do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phần lớn kết quả của cuộc thăm dò cung cấp một cái nhìn tổng thể về cách các cử tri Công Giáo đánh giá hiệu quả hoạt động của Biden sau hai năm tại vị.

Khi được hỏi họ cảm thấy Biden đang giải quyết công việc tổng thống của mình như thế nào, gần 52% cử tri Công Giáo cho biết họ hoặc không tán thành (5%) hoặc không tán thành mạnh mẽ (47%); khoảng 46% hoặc được chấp thuận (32%) hoặc được chấp thuận mạnh mẽ (14%). Đáng chú ý, số lượng phản đối mạnh mẽ cao hơn đáng kể so với số lượng được chấp thuận mạnh mẽ. Chỉ có 2% cử tri không có ý kiến.

Đa số người Công Giáo (58%) cảm thấy Biden không nên tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024, trong khi chỉ có 22% ủng hộ khả năng tái tranh cử; 19% người Công Giáo không rõ. Hầu hết người Công Giáo (67% -27% với 10% không chắc chắn) cũng không muốn cựu Tổng thống Donald Trump tái tranh cử tổng thống vào năm 2024.

Những thách thức của tổng thống cũng có thể được phản ảnh trong sự kiện này là cuộc khảo sát cho thấy đảng Dân chủ thua xa đảng Cộng hòa bốn điểm trong cuộc bỏ phiếu chung cho Quốc hội. Khi được hỏi liệu họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, gần 49% người Công Giáo sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong khi 45% sẽ chọn Đảng Dân chủ, số còn lại không chắc chắn. Mức chênh lệch này đánh giá thấp lợi thế của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Quốc hội vì các cử tri Đảng Dân chủ co cụm hơn về mặt địa lý.

Sự chênh lệch thống kê có tài liệu rõ ràng hiện có giữa những người Công Giáo tham dự Thánh lễ và những người chỉ tham dự Thánh lễ hàng năm hoặc không bao giờ tham dự vẫn còn trong cuộc thăm dò mới nhất này.

Trong số những người Công Giáo tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần hoặc thường xuyên hơn, 75% nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa, trong khi 54% những người tham dự một vài lần một năm hoặc ít hơn sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ.

Người Công Giáo cũng bị chia rẽ về việc chấp thuận việc làm của tổng thống. Một phần lớn người Công Giáo (75%) tham dự Thánh lễ ít nhất hàng tuần trở lên không tán thành cách xử lý công việc của tổng thống trong khi tỷ lệ tán thành của ông đối với những người Công Giáo tham dự Thánh lễ vài lần một năm trở xuống là 53%.

Cuộc thăm dò do Trafalgar Group thực hiện, đã khảo sát 1,581 cử tri Công Giáo và có sai số 2,5%. Bảng câu hỏi được thực hiện bằng cách sử dụng kết hợp sáu phương pháp khác nhau, bao gồm gọi điện thoại trực tiếp, tin nhắn viết và email.

Một cuộc thăm dò thứ ba và cuối cùng của EWTN News / RealClear sẽ tập trung vào cuộc bỏ phiếu của người Công Giáo trong những ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Người Công Giáo chia rẽ về việc phá thai

Về vấn đề phá thai, cuộc khảo sát các cử tri Công Giáo được thực hiện sau khi công bố phán quyết ngày 24 tháng 6 của Tòa án Tối cao Pháp viện Dobbs kiện Jackson về Sức khỏe Phụ nữ, một phán quyết đã lật lại phán quyết Roe kiện Wade Planned Parenthood kiện Casey, cho thấy người Công Giáo vẫn rất chia rẽ, thậm chí đa số (87%) muốn có nhiều biện pháp hạn chế phá thai.

Được khảo sát về việc liệu họ đồng ý hay không đồng ý với quyết định của Tối cao Pháp viện về việc lật lại phán quyết Roe kiện Wade, các cử tri Công Giáo gần như chia đều, với 48% nói rằng phá thai nên là quyền được liên bang bảo vệ và 46% nói rằng mỗi bang nên xác định chính sách phá thai của riêng mình; 6% không chắc chắn. Tuy nhiên, 13% người Công Giáo nói rằng phụ nữ nên phá thai bất cứ lúc nào cô ấy muốn trong suốt thai kỳ trong khi 8% nói rằng không bao giờ được phép phá thai trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nhìn chung, hầu hết người Công Giáo ủng hộ các hạn chế, thay đổi từ việc chỉ được phép phá thai trong các trường hợp hiếp dâm, loạn luân, hoặc để cứu sống người mẹ (27%); đến 15 tuần, khi thai nhi có thể cảm thấy đau (20%); chỉ trong sáu tháng đầu của thai kỳ (13%); cho đến khi một nhịp tim có thể được phát hiện (10%); hoặc chỉ để cứu sống người mẹ (9%). Những người Công Giáo tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn ủng hộ việc lật đổ phán quyết Roe tới 75%, trong khi 50% những người tham dự một vài lần một năm hoặc ít hơn tin rằng phá thai nên được liên bang bảo vệ.

Người Công Giáo cũng bị chia rẽ tương tự về việc họ sẽ ít nhiều có xác suất ủng hộ một ứng cử viên đồng ý với việc lật ngược phán quyết Roe kiện Wade, với 42% nói rằng họ có nhiều xác suất hơn và 42% nói rằng họ sẽ ít có xác suất hơn; 16% không chắc chắn.

Về cuộc tranh luận gần đây xoay quanh các trung tâm cung cấp dịch vụ mang thai, khoảng 2/3 cử tri Công Giáo ủng hộ tài trợ công cho các trung tâm này, nơi phụ nữ mang thai có thể tìm được sự giúp đỡ về các lựa chọn thay thế phá thai, trong khi 18% phản đối và số còn lại không chắc chắn. Tương tự như vậy, 62% nói rằng các nhà lãnh đạo chính trị và giáo hội nên lên tiếng chống lại các cuộc tấn công và hành động phá hoại gần đây đối với các trung tâm hỗ trợ thai nghén, so với 15% nói rằng họ không nên lên tiếng và 23% khác không chắc chắn.

Lạm phát, công ăn việc làm là nỗi lo lớn

Tuy nhiên, phá thai không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với các cử tri Công Giáo khi họ hướng tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Mặc dù là một yếu tố chính trong chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử năm 2022, nhưng phá thai lại đi sau đáng kể các vấn đề khác, bao gồm cả lạm phát và nền kinh tế, được coi là quan trọng nhất. Chỉ 10% người Công Giáo nói rằng phá thai là vấn đề quan trọng nhất mà quốc gia phải đối đầu – ngang hàng với vấn đề nhập cư, trong khi 34% cho rằng lạm phát và gần 20% khác cho rằng nền kinh tế / việc làm.

Giống như hầu hết người Mỹ, người Công Giáo đang cảm thấy tác động của lạm phát. Khi được hỏi tài chính bản thân của họ đã bị ảnh hưởng đến đâu bởi giá cả tăng và lạm phát, 81% cử tri Công Giáo nói rằng lạm phát đã ảnh hưởng đến họ, trong khi chỉ có 19% nói rằng ảnh hưởng không nhiều hoặc hoàn toàn không ảnh hưởng.

Đa số (41%) đổ lỗi lạm phát cho Biden và chính phủ của ông, trong khi gần 32% đổ lỗi cho sự suy thoái hoàn cầu do COVID-19 hay cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine (hơn 9%), và 17% cho rằng tất cả những điều trên hoặc họ không biết. Đối với Đạo luật Giảm Lạm phát mà tổng thống gần đây đã ký thành luật, người Công Giáo bày tỏ không mấy tin tưởng rằng nó sẽ làm giảm lạm phát. Đa số người Công Giáo (54%) nói rằng họ không có nhiều hoặc bất cứ sự tin tưởng nào rằng nó sẽ làm giảm lạm phát, trong khi 37% nói rằng họ có rất nhiều hoặc một số niềm tin và số còn lại không chắc chắn.

Sự ủng hộ của người nói tiếng Tây Ban Nha giảm đối với Biden, các Đảng viên Dân chủ

Một diễn biến có ý nghĩa tiềm năng được cuộc thăm dò phát hiện là sự suy giảm việc ủng hộ đối với tổng thống và đảng Dân chủ nói chung trong số những người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha – mà về mặt lịch sử vốn là khối bỏ phiếu cách đáng tin cậy của đảng Dân chủ.

Khi được hỏi họ cảm thấy ra sao việc Biden giải quyết việc làm của ông ta trong tư cách tổng thống, 50% người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha nói rằng họ rất tán thành (11%) hoặc tán thành (39%), trong khi gần 47% nói rằng họ hoặc không tán thành (7%) hoặc rất phản đối (40 %). Con số của Biden trong số những người Công Giáo da trắng còn tệ hơn nhiều, với 54% phản đối mạnh mẽ (51%) hoặc không tán thành (4%), so với 44%, những người hoặc tán thành mạnh mẽ (16%) hoặc tán thành (28%). Trong số những người Công Giáo người Mỹ gốc Phi, ông nhận được tỷ lệ tán thành rất cao là 90%, với 12% tán thành mạnh mẽ và 78% tán thành. Cuộc thăm dò đầu tiên của EWTN / RealClear vào tháng 7 cho thấy tỷ lệ chấp thuận của Biden trong số những người Công Giáo da trắng là 36%, 59% trong số những người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha và 72% trong số những người Công Giáo Da đen.

Về việc liệu ông có nên tái tranh cử hay không, tổng thống đang phải đối đầu với một thách thức bầu cử và nhân khẩu học nghiêm trọng. Chỉ 17% người Công Giáo da trắng nghĩ rằng ông nên tranh cử, trong khi 62% nói rằng ông không nên tranh cử. Trong số những người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, chỉ 28% nói rằng ông nên tranh cử, và 53% nói rằng ông không nên tranh cử. Hầu hết mọi người Công Giáo người Mỹ gốc Phi (94%) nghĩ rằng ông nên tái tranh cử.

Khi được hỏi về sở thích của họ đối với các ứng cử viên giữa nhiệm kỳ, người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha hiện đang chia đều, với 45% ủng hộ đảng Dân chủ và 44% thích đảng Cộng hòa. Trong số những người Công Giáo da trắng, đảng Cộng hòa chiếm 51% -44%. Người Công Giáo da đen ủng hộ đảng Dân chủ 90% -10%.

Một lĩnh vực khác được nhiều người Công Giáo quan tâm là giáo dục, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 và các vụ đóng cửa ảnh hưởng đến các trường học trên khắp đất nước. Ba phần tư số người Công Giáo cho biết họ lo ngại về tình trạng “thâm hụt COVID” ở học sinh đã khiến chúng mất đi sự phát triển đáng kể về trí thức và xã hội; khoảng 17% nói rằng họ không quan tâm và 10% nói rằng họ không chắc chắn.

Đa số người Công Giáo (gần 78%) ủng hộ mạnh mẽ (47%) hoặc ủng hộ (21%) việc lựa chọn trường học, một chính sách cho phép các quỹ giáo dục công cộng theo học sinh đến các trường hoặc dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu của họ, bao gồm cả trường công, trường tư thục, trường bán công, trường tại gia, trường giáo xứ, hoặc bất cứ môi trường học tập nào khác mà một gia đình có thể chọn; 26% hoặc phản đối mạnh mẽ (17%) hoặc phản đối (9%) việc chọn trường.

Đa số người Công Giáo cũng ủng hộ việc phụ huynh học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12 giúp xác định những gì đang được dạy trong trường học (64% -31%), phản đối các nam sinh tự nhận là con gái thi đấu với các nữ sinh trong các đội thể thao của trường (76% -14%), và phản đối việc đưa Lý thuyết Chủng tộc Quan trọng (CRT) vào lớp học (60% -29%).

Một nửa số người Công Giáo tin vào Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh thể

Cuối cùng, trong lĩnh vực tín ngưỡng và thực hành Công Giáo, khoảng 84% người Công Giáo tin có thiên đàng. Các cuộc thăm dò trước đây cho thấy 77% tin vào địa ngục và 65% tin vào luyện ngục. Đa số cử tri Công Giáo (77%) cũng tin có các thiên thần hộ mệnh.

Khi được hỏi về việc tham dự Thánh lễ của họ sau COVID, chỉ 1% người Công Giáo tham dự hàng ngày, 7% tham dự nhiều hơn một lần một tuần, 24% một lần một tuần, 10% một hoặc hai lần một tháng, 26% vài lần một năm, 5 % một lần một năm và 26% ít hơn một lần một năm hoặc không bao giờ.

Các con số tham dự Thánh lễ rất ăn khớp với niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Như đã tìm thấy trong cuộc thăm dò cuối cùng, 50% người Công Giáo tin rằng bánh và rượu được biến đổi là Mình và Máu Chúa Kitô trong khi 40% cho rằng bánh và rượu là biểu tượng của Mình và Máu Chúa Kitô; gần 10% nói rằng họ không chắc chắn. Đồng thời, chỉ có 26% người Công Giáo đi xưng tội ít nhất hàng tháng hoặc hàng năm, trong khi 50% không bao giờ đi.
 
Chương trình chuyến tông du Bahrain của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thanh Quảng sdb
21:42 06/10/2022
Chương trình chuyến tông du Bahrain của Đức Thánh Cha Phanxicô

Văn phòng Báo chí Tòa thánh vừa công bố lịch trình và khẩu hiệu cho chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Bahrain vào ngày 3 - 6 tháng 11, nơi ngài sẽ tham dự “Diễn đàn Đối thoại Bahrain”, với phương châm “Hòa bình trên trái đất cho những người thiện tâm”.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông du đến Vương quốc Bahrain vào những ngày 3 đến ngày 6 tháng 11 năm 2022, để khích lệ đoàn chiên Công Giáo nhỏ bé và tham dự “Diễn đàn Bahrain về Đối thoại: Đông và Tây cùng chung sống”.

Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã công bố chương trình chuyến thăm của Đức Thánh Cha tới quốc gia Trung Đông này cùng với khẩu hiệu và chủ đề cho chuyến Tông du.

Cuộc thăm viếng liên tôn

Diễn đàn Đối thoại Bahrain sẽ có sự tham gia của Đại Giáo trưởng Sheikh Ahmed Al-Tayyeb, của Al-Azhar Al-Sharif, Ai Cập.

Đức Thánh Cha và Đại Giáo Trưởng Sheikh đã gặp nhau tháng trước tại Kazakhstan trong Đại hội các nhà lãnh đạo các tôn giáo thế giới lần thứ 7.

Hơn 200 nhà lãnh đạo tôn giáo khác từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ tham dự diễn đàn, được tổ chức vào ngày 3-4 tháng 11 và do Vua Hamad bin Isa Al-Khalifa của Bahrain chủ trì.

Tổng quan về chuyến Tông du của Đức Thánh Cha

Theo chương trình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Sân bay Fiumicino Rome lúc 9:30 sáng thứ Năm, ngày 3 tháng 10 và hạ cánh xuống thành phố Awali ở miền trung Bahrain tại Căn cứ Không quân Sakhir vào khoảng 4:45 chiều (GMT + 3).

Sau đó, Ngài sẽ đến chào Đức Vua Hamad tại Cung điện Hoàng gia Sakhir và gặp gỡ các cơ quan chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao của Vương quốc Bahrain.

Sáng thứ Sáu, Đức Thánh Cha sẽ tham dự phiên bế mạc của Diễn đàn Đối thoại Bahrain. Sau đó, vào buổi chiều, ngài sẽ có cuộc hội kiến riêng Vị Đại Giáo Trưởng Grand Imam của Al-Azhar, và buổi triều yết với các thành viên của Hội đồng trưởng lão Hồi giáo (mà Giáo trưởng Sheikh Ahmed là Chủ tịch).

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các Kitô hữu sống ở Bahrain, trong một cuộc họp đại kết và cầu nguyện cho hòa bình tại Nhà thờ Đức Mẹ Arabia ở Awali.

Vào sáng thứ Bảy, Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Bahrain cho cộng đoàn Công Giáo của Vương quốc cho khoảng 161.000 tín hữu.

Và buổi chiều ĐTC gặp gỡ với các bạn trẻ tại Trường Thánh Tâm.

Đức Thánh Cha sẽ kết thúc chuyến Tông du: sáng Chủ Nhật ngài sẽ có buổi cầu nguyện với các Giám mục linh mục, tu sĩ, chủng sinh và những người lo công tác mục vụ tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Manama. Sau đó buổi trưa ngài sẽ dâng Thánh lễ kết thúc chuyến Tông du và Đức Thánh Cha cùng đoàn tùy tùng sẽ trở lại Rome khoảng 5 giờ chiều cùng ngày.

Phương châm và biểu tượng

Phương châm của chuyến Tông du đến Bahrain là “Hòa bình trên trái đất cho những người thiện tâm”, được trích từ Phúc âm Lu-ca, 2:14.

Biểu tượng của chuyến Tông du bao gồm lá cờ Tòa thánh và Vương quốc Bahrain, như hai bàn tay mở rộng hướng về Thiên Chúa.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa thánh, biểu trưng này tượng trưng cho “sự cam kết của các dân tộc và các quốc gia gặp gỡ nhau trong tinh thần cởi mở, không chút thành kiến nào, coi nhau như anh chị em”.

Cành ô liu vươn lên từ bàn tay tượng trưng cho hòa bình, "hoa trái của cuộc gặp gỡ huynh đệ".

Dòng chữ "Đức Thánh Cha Phanxicô" xuất hiện bên dưới biểu tượng màu xanh lam, cho thấy chuyến tông du trao phó cho "Đức Mẹ Ả Rập", người bảo trợ của Giáo hội, là món quà của Vương quốc Bahrain cho Giáo hội địa phương.

Lịch trình chi tiết

Thứ năm, ngày 3 tháng 11 năm 2022

ROME - AWALI

09:30 Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Rome / Fiumicino đến Awali

16:45 Đến Căn cứ Không quân Sakhir ở Awali

16:45 Chào đón chính thức

17:30 Cuộc tiếp tân của Đức vua Bahrain tại Cung điện Hoàng gia Sakhir

18:30 Hội kiến với các giới lãnh đạo chính phủ và ngoại giao

Thứ sáu, ngày 4 tháng 11 năm 2022

AWALI

10:00 Kết thúc Đại hội Đông Tây Hòa Hợp tại Quảng trường Al-Fida 'của Cung điện Hoàng gia Sakhir

16:00 Cuộc hội đàm với các chức sắc Al-Azhar với Đức Thánh Cha trong khuôn viên của Cung điện Hoàng gia Sakhir

16:30 Cuộc Hòa nhạc với người cao niên tại Nhà thờ Hồi giáo của Cung điện Hoàng gia Sakhir

17:45 Cầu nguyện Đại kết cho hòa bình tại Nhà thờ Đức Bà Arabia

Thứ bảy, ngày 5 tháng 11 năm 2022

AWALI

08:30 Thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Bahrain

17:00 Hội ngộ Giới trẻ tại Trường Thánh Tâm

Chủ nhật, ngày 6 tháng 11 năm 2022

AWALI - MANAMA - AWALI - ROME

09:30 Buổi cầu nguyện cùng Bác sĩ đoàn, các chủng sinh tu sĩ và nhân viên chính quyền và Giáo quyền tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Manama

12:30 Thánh lễ kết thúc tại Căn cứ Không quân Sakhir ở Awali

13:00 Khởi hành bằng máy bay từ Căn cứ Không quân Sakhir đến Rome

17:00 Đến sân bay quốc tế Rome / Fiumicino
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tưởng nhớ Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
19:23 06/10/2022

NGÀY CHA BỀ TRÊN PHAOLÔ LÊ TẤN THÀNH,
NGUYÊN GIÁM ĐỐC
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE SÀI GÒN
LÂM TRỌNG BỆNH VÀ QUA ĐỜI

Có thể có người đồng ý, cũng có người không đồng ý. Nhưng dù thế nào, xin cho tôi được gọi linh mục Phaolô LÊ TẤN THÀNH, nguyên Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, người Thầy, người Mục tử và người Ông của tôi bằng ba tiếng khả ái, yêu thương và kính trọng như thuở nào, khi còn thụ huấn nơi vị linh mục nhiều gương sáng ấy, chúng tôi vẫn dành cho Ngài: Cha Bề Trên.

Với riêng tôi, Cha Bề Trên thật là "Bề Trên", là người thắp đuốc, là tấm gương để bản thân vừa là học trò, vừa trong vai trò con cháu, phải luôn luôn học đòi bắt chước.

Xin được gọi người Ông kính yêu của mình tiếng gọi "Cha Bề Trên" bằng tất cả sự kính trọng, bởi từ bốn năm nay (tháng 10.2018 - 10.2022), và sẽ còn mãi về sau, chẳng bao giờ còn được nhìn thấy sự hiện diện của Cha, mà chỉ còn cảm nghiệm Cha đang hiện diện mà thôi.

Nhiều người quen biết, hay gần gũi, nhất là các học trò của Cha Bề Trên đều không lạ gì hai sở thích quen thuộc của Cha: sửa chữa xe cộ, đồng hồ, xem xét các loại máy móc và chăm sóc hoa kiểng.

Ngày 15.9.2018, như mọi khi, đang lúc Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành xuống sân Nhà hưu các Linh mục Chí Hòa xem và "tu bổ" một chiếc xe gắn máy, thì bất chợt, Cha té nặng. Có lẽ sức khỏe của Cha Bề Trên, dù dã từng rất dẻo dai, và thường xuyên tập luyện cũng đã đến lúc khó có thể gượng được nữa. Cha Bề Trên đã 91 tuổi!

Các nữ tu đang giúp nhà hưu đưa Cha đến bệnh viện Thánh Mẫu. Kết quả của bệnh viện cho biết: Cha Bề Trên bị gãy xương đùi. Nhận ra bệnh tình của Cha không nhiều khả quan, nhưng có dấu hiệu nặng hơn, gia đình xin ý kiến Bề trên Giáo phận để đưa Cha đến bệnh viện ITO Phú Nhuận, một bệnh viện có chuyên môn hơn về các loại cơ, xương.

Bệnh viện ITO lại cho thêm kết quả: xương của Cha Bề Trên bị lão hóa, thiếu canxi và xốp. Với nhiều yếu tố bất lợi như trên, khiến bệnh bắt đầu nặng. Nhưng vì Cha Bề Trên tuổi cao, sức kém, nhất là vì xương không còn nhiều phần trăm chống đỡ cơ thể, các y bác sĩ tại đây đưa ra chỉ định: không thể mổ xếp xương.

Như thế là Cha Bề Trên sẽ phải chịu đau nhiều, khó cử động, thậm chí phải nằm và cần cố định phần xương bị gãy, lại càng gây thêm nhiều bức bối khó chịu...

Tuy nhiên, tình hình càng ngày càng trầm trọng, một lần nữa, các con cháu của Cha Bề Trên lại xin phép đưa Cha vào bệnh viện Đại học Y dược. Tại đây, người ta phát hiện Cha Bề Trên có quá nhiều bệnh: suy thận mạn, suy hô hấp, viêm phổi cấp, nồng độ oxy trong máu và trong phổi kém, suy nhược cơ thể, tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Lúc này Cha Bề Trên bắt đầu có dấu hiệu bất tỉnh và mê man. Sợ tình hình xấu thêm mà Cha bề Trên không kịp rước Mình Thánh Chúa, chiều ngày 26.9.2018, tôi từ Tây Ninh, vừa là cháu vừa là học trò của Cha Bề Trên, vội cấp tốc vào bệnh viện Giải tội, ban bí tích Xức dầu và trao Mình Thánh Chúa như Của Ăn Đàng cho Cha Bề Trên. Lúc đó còn có sự hiện diện của Soeur Anna Phi, cũng là cháu của Cha Bề Trên. Cha Bề Trên rất tỉnh táo và nhận lãnh các bí tích trong sự sốt mến và cầu nguyện.

Sau khi ban các bí tích cho Cha, tôi còn ở lại khá lâu. Chúng tôi lần chuỗi và Cha Bề Trên đọc theo tôi. Chẳng hạn Soeur Phi đọc phần đầu thì Cha Bề Trên cùng tôi đọc phần cuối của kinh. Tuy nhiên, Cha rất yếu, nhiều lúc chúng tôi phải dừng đọc kinh để săn sóc Cha. Có lúc mệt quá, Cha Bề Trên đọc thều thào không thành tiếng. Chúng tôi xin Cha Bề Trên đừng đọc, nhưng hiệp thông với chúng tôi là đủ. Vậy mà khi có thể, Cha vẫn mấp mấy đôi môi.

Đặc biệt, khi nghe chúng tôi đọc kinh Thần Vụ, giờ kinh Chiều, dù rất khó khăn vì vừa yếu sức, vừa vướng đủ thứ dây, bông, băng y tế, Cha Bề Trên vẫn cố đưa tay lên chắp trên ngực...

Ít ngày sau, hơi thở của Cha bề Trên càng lúc càng khó khăn, nhưng bệnh viện cho biết, họ đã hết máy trợ thở. Lại một lần nữa, Cha Bề Trên lại chuyển viện. Lần này là bệnh viện tim, để nhờ đến máy thở. Tôi không tin bệnh viện Đại học Y dược hết máy thở. Có lẽ họ sớm biết tình trạng sức khỏe của Cha Bề Trên đang trở nên rất xấu, nhưng vì chúng tôi quyết tâm chữa chạy, nên họ không nỡ thông báo sự thật. Một sự thật mà chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải đối diện...

Từ giây phút chuyển viện lần cuối này, Cha Bề Trên phụ thuộc hoàn toàn vào các thiết bị y tế. Là người thân yêu của mình, là vị Mục Tử đáng kính, người Thầy mẫu mực, "Đại Thụ" của dòng họ, một trong những Nhân Cách lớn của Hội Thánh Việt Nam..., chúng tôi mong muốn được sống thêm bên cạnh Cha Bề Trên, được Cha Bề Trên tận tình hướng dẫn khi chúng tôi cần đến...

Tuy nhiên, sự thực nào, dù đau buồn đến đâu, dù khó chấp nhận cách mấy, nó vẫn phải đến. Sáng Chúa nhật 7.10.2018, đúng ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, nhận thấy tình trạng của Cha Bề Trên không còn có thể cứu vãn, bệnh viện khuyên gia đình nên đưa Cha về lại Nhà hưu. Đó cũng là nguyện vọng của Cha Bề Trên. Vì cách đó chưa lâu, khi còn tỉnh, Cha Bề Trên liên tục đòi về. Nhất là Cha đòi về để được dâng thánh lễ.

Nhưng vì sức khỏe đã quá yếu, trên đường từ bệnh viện về nhà, Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành đã nhẹ nhàng trút hơi thở sau cùng trong bình an và phó thác. Lúc Cha Bề Trên bắt đầu yên nghỉ, đồng hồ điểm 8 giờ 45 phút, hưởng thọ 91 tuổi, trong đó có đến 63 năm làm linh mục của Chúa, 45 năm phục vụ trong các chức vụ cha giáo, Phó Giám đốc, Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, 13 năm hưu dưỡng.

19 giờ 30 cùng ngày, cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại diện giáo phận Sài Gòn chủ sự nghi thức tẩn liệm Cha Bề Trên trước sự tham dự và chứng kiến của nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân và thân tộc.

Sau đó, linh cửu Cha Bề Trên được di đến Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn. Tại núi Đức Mẹ của Chủng viện, cha Giuse Bùi Công Trác, đương kim Giám đốc đại Chủng viện chủ sự nghi lễ phát tang. Thi hài Cha Bề Trên được rước vào nhà Nguyện Cổ của Chủng viện. Vành khăn trắng trên vai tất cả những chiếc áo chùng thâm của các linh mục, các chủng sinh hiện diện như làm tăng thêm sự thánh tiêng của nghi lễ, sự long trọng của cuộc rước, sự tôn kính của người đi sau dành cho một "cây cao bóng cả" vừa khuất.

Tại nhà nguyện cổ, thánh lễ đầu tiên cầu nguyện cho Cha Bề Trên do Đức cha Louis (Luy) Nguyễn Anh Tuấn, Phụ tá giáo phận chủ sự cùng gia đình Đại Chủng viện, đông đảo linh mục, tu sĩ, gia đình huyết tộc cùng nhiều giáo dân trong và ngoài giáo phận Sài Gòn.
Trong phần giảng lễ, cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân kể lại nhiều kỷ niệm do bản thân có được về sự uyên thâm, tế nhị, hiểu biết và cảm thông mà Cha Bề Trên từng thể hiện lúc sinh thời.

Linh cửu Cha Bề Trên được quàn trong Nhà Nguyện cổ từ đêm Chúa nhật 7.10.2018 đến sáng sớm thứ tư 10.10.2018. Một lần nữa, sau nghi thức động quan, linh cửu Cha Bề Trên lại được di đến sân lễ đã được chuẩn bị từ trước tại tượng đài thánh Giuse - khu triết của Chủng viện.

Đúng 8 giờ 30, thánh lễ an táng cho Cha Bề Trên được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự và giảng lễ. Sau thánh lễ, linh cửu của Cha Bề Trên được đưa đi an táng tại Bình Hưng Hòa. Hiện tại, tro cốt của Cha Bề Trên được đặt trong Nhà Nguyện cổ của Đại Chủng viện cùng nhiều linh mục thừa sai, linh mục Giám đốc tiền nhiệm và các linh mục khác.

Thông qua khẩu hiệu đời linh mục của mình: "Với tôi, sống chính là Đức Kitô" (Pl 1, 21), Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành đã phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh, nhất là gần nửa thế kỷ phục vụ tại giáo phận Sài Gòn và không ngớt chu toàn nhiệm vụ giáo dục cho giáo phận nhà và nhiều giáo phận lân cận nói chung, chẳng những chưa từng mệt mỏi mà còn hăng say, tận tụy, chu đáo và luôn thể hiện cung cách của một hiền phụ trong nhân cách của một người Thầy.

Cho đến trước giờ lâm chung, nhất là những lúc gần như nửa mê, nửa tỉnh, Cha Bề Trên vẫn nhắc đến chủng viện, chủng sinh và trách nhiệm đào tạo. Đặc biệt có hai lời nói thốt ra từ miệng lưỡi của một Đấng Bậc vô cùng khả úy, khả tín và khả kính, trước những giờ phút mong manh của ranh giới giữa sự sống và sự chết đã ám ảnh tôi rất nhiều, chắc chắn cả đời, tôi không sao quên được. Đó là:

1 - "Cho tôi về để tôi dâng thánh lễ".
2 - "Tôi còn phải gặp gỡ cha mẹ của các thầy".

Phải là người của ơn Chúa, của sự thánh đức, của lòng trong sạch, của một tâm trí không nhiễm bẩn, của một đức tin vàng đá, của trọng trách và hết mình cho Thiên Chúa, cho Hội Thánh và cho linh hồn con người, trong mê man bất tỉnh mới có thể thốt lên bằng tiềm thức những từ ngữ vừa trong sạch, trong suốt, tâm huyết, vừa cho thấy một tình yêu lớn dành cho Thiên Chúa, cho Hội Thánh và cho trách vụ của một bậc chân tu toàn tâm, toàn ý hiến thân và hiến dâng.

Với tôi, Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành mãi là Người Ông, Người Thầy, Người Mục Tử muôn đời chất chứa cả một bầu trời tim yêu thương trong một cái tâm thanh bạch, giản dị, quân bình, thánh thiện, luôn cảm thông, luôn nghĩ cho người khác, luôn đặt ơn gọi và trọng trách được giao phó lên trên tất cả, trên cả sự quan tâm dành cho bản thân...

Ngài mai, thứ sáu 7.10.2022, tròn 4 năm Cha Bề Trên hoàn thành trách nhiệm dương thế, và Chúa đã gọi Cha về. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Cha.

Chúng ta không quên xin Cha Bề Trên, nay đã được diện kiến Tôn Nhan, vì trách nhiệm của một Giám Đốc, một Vị Bề Trên chuẩn mực, luôn tâm huyết cho công tác đào tạo ơn gọi linh mục cho Hội Thánh, tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta, cho Hội Thánh tại Việt Nam và cho những học trò mà Cha từng nâng niu, bảo vệ và giáo dục.

Trọng kính Cha Bề Trên! Chúng con yêu mến Cha. Chúng con ghi ơn Cha. Chúng con muốn khắc ghi hình ảnh của những ngày chúng con được ở bên Cha cách lâu bền...

Chúng con xin đặt niềm tin vào lời cầu nguyện của Cha dành cho chúng con...

Lm JB Nguyễn Minh Hùng
Cháu và học trò của Cha Bề Trên Phaolô Lê Tấn Thành

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh kinh Mân Côi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:27 06/10/2022
Hình ảnh kinh mân côi

Trong nếp sống đạo đức của hội Thánh Công Giáo tháng 10 hằng năm là tháng dành riêng về lòng sùng kính Đức Mẹ mân côi.

Theo dòng lịch sử, Thánh Daminh, vị sáng lập Dòng Daminh chuyên vể giảng thuyết, đã nhận trực tiếp từ Đức Mẹ, trong một phép lạ Đức Mẹ hiện ra với ngài, kinh nguyện Mân Côi vào năm 1208. Và từ thời điểm đó thánh nhân đã truyền bá sâu rộng việc lần chuỗi mân côi kính Đức Mẹ trong Dòng của mình, và rồi dần dần lan truyền ra cho mọi người trong Hội Thánh Chúa Kitô.

Cũng theo truyền thuyết đạo đức kể lại, Đức Mẹ đã truyền cho Thánh Daminh phải quảng bá việc lần chuỗi mân côi như vũ khí chống lại bè rối Albigenser lúc đó đang hòanh hành chống lại Hội Thánh Chúa Kito.

Và từ khởi điểm đó, chuỗi kinh mân côi trở nên linh đạo của Dòng Daminh.

Còn lịch sử ngày lễ kính Đức Mẹ mân côi, ngày 07.10. hằng năm có sau này vào thế kỷ thứ 18. trong toàn thể Hội Thánh Công Giáo.

Ngày 07.10.1571 trong trận hải chiến giữa quân đội của đế quốc Osman Thổ nhĩ Kỳ và đạo binh thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio V., ở vùng biển Lepanto bên Hy Lạp, đạo binh Thánh của Hội Thánh đã dành được chiến thắng cùng chặn đường tiến xâm lăng của đội quân hùng hậu Thổ nhĩ Kỳ.

Chiến thắng này có được là nhờ lời cầu nguyện lần chuỗi đọc kinh mân côi trong toàn Hội Thánh lúc đó. Qua đó Đức Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa ban cho sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Để nhớ ơn này, Đức Giáo Hoàng Pio V. đã lập ra ngày lễ kính Đức Mẹ mân côi vào ngày 07.10. 1572 một năm sau để kỷ niệm chiến thắng này.

Và từ thế kỷ 18. ngày lễ này vào ngày 07.10. hằng năm lan rộng trong khắp Hội Thánh là ngày lễ kính trong lịch Phụng vụ.

Việc lần chuỗi đọc kinh mân côi xưa nay là cung cách nếp sống đức tin phổ thông bình dân trong khắp Hội Thánh Chúa Kitô.

Khi đọc kinh mân côi, cùng với kinh Kính Lạy Cha, kinh kính mừng Maria chúng ta lần theo dõi cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ qua những chặng đường suy niệm:
1. Năm ngắm suy niệm mùa Vui: Thiên Thần truyền tin, Đức Mẹ đi viếng thăm Bà Eisabeth, Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá, Đức Mẹ đem Chúa Giêsu vào đền thờ, và Đức Mẹ Thánh Giuse tìm gặp lại được Chúa Giêsu đi lạc trong đền thờ.

Năm ngắm mùa Vui này gợi nhắc đến đời sống gia đình con người. Hai vợ chồng từ lúc thành lập gia đình với nhau ngày lễ thành hôn, mối liên hệ với gia đình họ hàng của hai bên, tiếng khóc nụ cười niềm vui mừng hạnh phúc có người con chào đời trong gia đình, bồng ẵm con đến thánh đường xin tiếp nhận làn nước bí tích rửa tội, và việc dạy dỗ uốn nắn con cái trong gia đình.

2. Năm ngắm suy niệm mùa Thương: Chúa Giêsu lo buồn, Chúa Giesu bị bắt chịu hành hạ bị đánh đập, Chúa Giêsu bị nhạo báng cho đội triều thiên có gai nhọn đâm vào da đầu, Chúa Giêsu phải vác thập gía đi đến pháp trường, và sau cùng Chúa Giêsu bị đóng đinh treo trên thập gía.

Những chặng đường đau thương này nhắc nhớ đến những đau khổ trong đời sống con người chúng ta. Lẽ dĩ nhiên ngày nay không còn cảnh bị xử dã man tàn ác thập gía như thế vào thời Chúa Giêsu nữa. Nhưng những đau khổ do chiến tranh gây ra, do khủng bố, do bị bệnh tật, do bị đối xửa bất công, bị kỳ thị, bị đe dọa bóc lột, lừa dối chèn ép, bị tuyên truyền đầu độc dưới nhiều hình thức…vẫn hằng luôn xảy ra trên thế giới vào mọi thời điểm.

3. Năm ngắm suy niệm mùa mừng thuật lạ việc Chúa Giêsu phục sinh sống lại sau khi chết, việc Chúa Giêsu trở về trời, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn an ủi, hiện xuống, Đức Mẹ Maria được Chúa đưa về trời, Đức Mẹ Maria được đưa về trời là sự thưởng công của Chúa cho Đức Mẹ.

Năm sự mừng đời Chúa Giêsu nói lên niềm vui mừng hy vọng cho con người chúng ta rồi cũng sẽ được cùng Chúa sống lại, như Đức Mẹ được Chúa thưởng công cho về trời sống bên Ngài, khi quãng đời đau thương khổ ải ở trần gian qua đi.

Đây không phải là sự an ủi xuông xa vời thực tế đời sống. Nhưng nói lên gía trị linh thiêng cho đời sống. Gía trị đó là niềm hy vọng. Gía trị đó là đời sống không chỉ có thân xác chết là hết là rơi vào hư vô. Nhưng con người còn có phần tâm linh linh hồn linh thiêng nữa, và được Thiên Chúa cứu chuộc, cho được cùng sống lại phục sinh với Chúa Giêsu Kitô.
4. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II., khi còn sinh tiền, đã thiết lập „năm lần chuỗi mân côi", và đồng thời ngài cũng đã lập thêm năm sự sáng vào việc suy niệm lần chuỗi mân côi.

Năm chặng đường sự sáng lần theo những bước đường đời giảng đạo của Chúa Giêsu từ lúc Ngài chịu phép Rửa ở sông Jordan, Chúa Giêsu làm phép lạ cho nước hóa thành rượu ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu rao giảng nước trời và ơn thống hối, Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor và Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể.

Năm chặng của năm sự sáng suy niệm những rao giảng nước trời của Chúa Giêsu giúp ta nhớ đến nhân đức Chúa Giêsu đã thực hiện cho đời sống thiêng liêng con người, nhất là bí tích Thánh Thể, một nguồn ơn nuôi sống đức tin tâm hồn người tín hữu Chúa Kitô.

Lần chuỗi đọc kinh mân côi là lời cầu nguyện xin ơn bằng an cho đời sống mỗi người, cho gia đình mình và cho hòa bình trên thế giới. Trong mọi hoàn cảnh đời sống cùng ở mọi nơi, lúc nào cũng có thể cầu nguyện bằng đọc kinh mân côi đọc một mình, hoặc chung với những người khác cùng đọc.

Người tín hữu Công Giáo có tập tục nếp sống đạo đức tốt lành mỗi khi có người qua đời, hay ngày lễ giỗ tưởng nhớ người đã qua đời, thường lần chuỗi mân côi năm ngắm mùa thương khó Chúa Giêsu cầu nguyện cho người qúa cố.

Nhiều người có kinh nghiệm khi lần chuỗi đọc kinh mân côi giúp cho dễ dàng ngủ thiếp đi, nhất là những khi trằn trọc không sao nhắm mắt ngủ đi được.

Như thế, có thể nghiệm ra được rằng, khi đọc kinh lần chuỗi mân côi không chỉ giúp phần thiêng linh hồn sống đức tin, nhưng cũng có thể còn là phương dược cho tinh thần được thanh thản nhẹ nhàng tìm được sức khoẻ cho thể xác trong giấc ngủ thiếp đi.

Những ngắm suy niệm kinh mân côi cùng với dấu thập giá, kinh lạy Cha, kinh kính mừng Maria, kinh sáng danh Thiên Chúa là những lời có nguồn gốc trong phúc âm kinh thánh về Chúa Giêsu Kitô. Và như thế kinh mân côi có thể nói đó là những bài giáo lý sống động cùng căn bản cho nếp sống đức tin vào Chúa.

Tháng kính Đức Mẹ Mân côi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Suy Niệm Năm Sự Sáng
Lm Nguyễn Trung Tây
11:36 06/10/2022
LM Nguyễn Trung Tây

Suy Niệm Năm Sự Sáng


1. Mầu Nhiệm Rửa Tội

□ Suy Niệm
: Ngày giờ đã điểm, từ phương Bắc của xứ Galilê, chào tạm biệt thân mẫu, Đức Giêsu cất bước xuống phương Nam của xứ Giuđê, tìm kiếm bóng dáng của người ngôn sứ sa mạc. Khi gặp mặt Gioan, Đức Giêsu khiêm nhường xin được rửa tội từ hai bàn tay của người ngôn sứ. Thoạt tiên Gioan từ chối. Nhưng, trước lời yêu cầu của Chiên Thiên Chúa, ngôn sứ thanh tẩy cuối cùng cúi đầu xin vâng. Sau khi Đức Giêsu nhận phép Rửa Tội, bầu trời trong xanh trở nên rực rỡ với ngàn vạn hào quang của Thánh Thần Thiên Chúa xuất hiện trong hình chim bồ câu; và ngay lúc đó từ những đám mây, Thiên Chúa, Chúa Cha cất tiếng xác nhận thiên tính trời cao của Đức Giêsu.

Thực Hành: Noi theo gương của Đức Giêsu, qua tư tưởng và qua việc làm, gia đình chúng ta luôn luôn chọn lựa sống một đời sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và với mọi người trong gia đình.

Ý Cầu Nguyện: Xin Phép Rửa Tội tiếp tục thánh hóa và liên kết mọi người Kitô hữu trên toàn thế giới, trong xứ đạo, và trong gia đình của chúng con trở nên một trong Đức Kitô.

2. Mầu Nhiệm Tiệc Cưới Cana

□ Suy Niệm
: Trong khi tiệc cưới Cana đang tưng bừng với rạng rỡ tươi cười, Mẹ Maria khám phá ra những bình rượu cưới đang dần dần cạn khô rượu. Nhận ra rượu thơm của tiệc cưới Cana đã thôi, không còn tràn đầy, Mẹ Maria quay sang nói với Đức Giêsu, “Nhà người ta hết rượu rồi”. Vâng lời Mẹ, Đức Giêsu nói những người gia nhân đổ đầy sáu chum nước; mỗi một chum chứa được khoảng 100 lít nước. Bởi bàn tay nhiệm mầu của Đức Giêsu, những giọt nước lạnh không còn lạnh ngắt, nhưng xôn xao lay động, hóa thành những giọt rượu thơm. Bởi sự can thiệp của Mẹ Thiên Chúa, tiệc cưới Cana lại tiếp tục ngập tràn với 600 lít rượu mới. Rượu thơm Cana tô thêm đỏ hồng đôi má cô dâu và chú rể. Rượu mới Cana bôi thêm nồng nàn ánh mắt của những quan khách bên bàn tiệc.

Thực Hành: Những khi đời sống hôn nhân đang bị đe dọa, gia đình chúng ta sẽ chạy đến nói với Mẹ Maria, “Mẹ ơi, nhà con hết rượu rồi!”.

Ý Cầu Nguyện: Xin cho chúng con luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và Mẹ Maria qua những lời kinh nguyện.

3. Mầu Nhiệm Rao Giảng Nước Trời

□ Suy Niệm
: Sau khi nhận phép thanh tẩy bên bờ sông Giôđan và ăn chay trong sa mạc trong vòng bốn mươi đêm ngày, Đức Giêsu quay về phương Bắc Galilê. Rảo bước trên những nẻo đường của xứ Galilê, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng về Tin Mừng của Nước Trời và ngày giờ của ơn cứu chuộc. Ngài phán, “Nước Trời đã gần kề. Hãy thay đổi và tin tưởng vào Tin Mừng của ơn cứu độ”. Bởi sự xuất hiện của Đức Giêsu, từ khắp các thôn làng, người người tấp nập lên đường trẩy hội mùa xuân về phương Bắc của xứ Galilê để được lắng nghe Lời Chúa và được Đức Giêsu chữa lành. Người què cụt cũng như người phong hủi, người câm điếc cũng như người mù lòa, sau khi diện kiến Đức Giêsu, tất cả đều được chữa lành.



Thực Hành: Noi theo gương của Đức Giêsu, gia đình chúng ta tiếp tục sống đời sống chứng nhân Tin Mừng ngay trong gia đình và trong xứ đạo nơi chúng ta đang cư ngụ.

Ý Cầu Nguyện: Xin cho cánh đồng truyền giáo của thế giới ngày càng thêm đông những thợ gặt chuyên nghề và nhiệt thành với Tin Mừng Nước Trời.

4. Mầu Nhiệm Biến Hình

□ Suy Niệm
: Vào một ngày kia, Đức Giêsu mang Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi theo Ngài lên núi. Trong khi Ngài đang cầu nguyện, thật là bất ngờ, Đức Giêsu biến dạng. Nhân diện của Ngài trở nên rực rỡ hơn cả mặt trời, y phục của Ngài đổi màu trắng tinh hơn cả băng tuyết. Và kìa, ngôn sứ Môisen và Êlia cùng xuất hiện, một đứng bên trái, một đứng bên phải của Đức Giêsu. Cả hai cất tiếng đàm đạo với Đức Giêsu về mầu nhiệm thương khó mà Đức Giêsu sẽ phải trải qua.

Thực Hành: Xin cho đời sống đức tin của gia đình chúng ta luôn luôn ngời sáng tỏa chiếu ngàn vạn hào quang của thiên đàng.

Ý Cầu Nguyện: Xin cho chúng con và mọi người tín hữu Kitô trên toàn thế giới trở thành những gương sáng sống động cho một niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.

5. Mầu Nhiệm Bí Tích Thánh Thể

□ Suy Niệm
: Ngày vinh quang của Thiên Chúa trên cây thập giá và giờ cứu độ cho nhân loại đang chầm chậm điểm canh gõ nhịp khi Đức Giêsu cưỡi trên lưng lừa tiến vào kinh thành Giêrusalem. Nhìn những cành lá vạn tuế, lắng nghe những tiếng tung hô của dân chúng trên con đường dẫn vào kinh thành, Đức Giêsu biết rằng ngày đã tới, giờ đã điểm, giây phút tạm biệt đã cận kề. Nhưng bởi thương yêu con người lạc loài bơ vơ, cho nên Đức Giêsu quyết định thiết lập Mầu Nhiệm Thánh Thể. Giữa bữa ăn tối, trên bàn Tiệc Ly, giơ cao bánh thơm và rượu nho, Đức Giêsu phán, “Đây là mình ta, đây là máu ta, máu giao ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy nhận lấy, hãy ăn, hãy uống, hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Thực Hành: Xin cho những lời nói, cử chỉ, và hành động của mọi người trong gia đình của chúng con trở nên một bàn tiệc sống động của Mầu Nhiệm Thánh Thể, nơi đó có Đức Giêsu Thánh Thể dịu hiền ngự giữa bàn tiệc của gia đình.

Ý Cầu Nguyện: Xin cho chúng con siêng năng tham dự Thánh Lễ và dọn mình xứng đáng để nhận lãnh Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa Kitô.□

(Trích Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, Đồng Nai, 2022, 183-187)
 
VietCatholic TV
Ukraine tiến rất nhanh ở Kherson, lần đầu đánh Luhansk. Nga tháo chạy bỏ lại hàng trăm thương binh
VietCatholic Media
03:00 06/10/2022


1. Quân Nga di tản những người bị thương ở Kherson và Luhansk, bỏ mặc cho lòng thương xót của quân Ukraine

Trong bản báo cáo sáng thứ Năm 6 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết khi các lực lượng của họ tiến vào khu vực phía nam Kherson, các đơn vị Nga đã phải chịu tổn thất và đang cố gắng di tản những người bị thương và trang thiết bị của họ đến các cây cầu gần nhất để qua sông Dnipro.

Bộ Tổng tham mưu cho biết: “Đặc biệt, quân xâm lược đã di chuyển tới 150 quân nhân bị thương và khoảng 50 quân trang bị hư hỏng đến khu định cư Vesele, gần nhà máy thủy điện Kakhovka. Do không thể qua sông, họ bỏ mặc các thương binh ở đó, phó mặc cho lòng thương xót của chúng ta.”

Có một cây cầu bị hư hỏng nặng gần nhà máy thủy điện Kakhovka nằm ở Nova Kakhovka. Các lực lượng Ukraine đang tiến xuống bờ tây của Dnipro.

Trong khi đó, ở phía đông bắc của đất nước, quân đội Ukraine cho biết người Nga cũng đang chịu thương vong nặng nề ở khu vực đó, nơi các lực lượng Ukraine đang củng cố các lợi ích dọc theo biên giới các khu vực Donetsk và Luhansk.

“ Do số lượng thương binh quá lớn và cơ sở y tế địa phương quá tải, địch đã trang bị và đang sử dụng trường học làm bệnh viện quân y. Theo thông tin sơ bộ, ở đó có tới 200 quân nhân bị thương”.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng tuyên bố rằng Nga đang tuyển mộ thêm nhiều người đàn ông từ các nhà tù trong vùng. “Bộ chỉ huy chiếm đóng của Nga tiếp tục tuyển mộ tù nhân để bổ sung những tổn thất về nhân sự. Theo thông tin sơ bộ, hơn 650 tù nhân từ các nhà tù hình sự an ninh cao ở Stavropol Krai đã đồng ý tham gia vào các cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine.”

Bộ Tổng tham mưu cho biết, lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành hơn 10 cuộc không kích nhằm vào sự tập trung vũ khí của Nga. “Ngoài ra, các đơn vị phòng không của ta đã bắn rơi 7 chiếc máy bay không người lái của địch. Sáu trong số đó là do Iran sản xuất “.

Bộ Tổng tham mưu cho biết các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một loạt các khu định cư đã tiếp tục - ở Donetsk, Dnipropetrovsk và Zaporizhzhia. Nhưng tất cả các cuộc xung phong của địch đã bị đẩy lùi.

Tại thành phố bị chiếm đóng Enerhodar, “quân xâm lược Nga tiếp tục gây áp lực về tinh thần và tâm lý đối với các nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Quân Nga ép buộc các nhân viên phải có hộ chiếu Nga và ký hợp đồng lao động với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Rosatom dưới sự đe dọa.”

2. Các lực lượng Ukraine tiến vào khu vực Luhansk lần đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu

Trong bản báo cáo sáng thứ Năm 6 tháng 10, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết các lực lượng Ukraine đã tiến vào khu vực Luhansk lần đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu. Tàn quân Nga chạy từ Lyman về Kreminna đã lập tuyến phòng thủ tại đây để ngăn cản quân Ukraine tiến xa hơn.

Vẫn chưa rõ số phận của khoảng một Tiểu đoàn Chiến thuật Nga tại Kreminna. Tuy nhiên, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân Nga trong thành phố Kreminna đang gánh chịu thương vong lớn vì bị pháo kích liên tục.

Các hình ảnh trên mạng xã hội từ hôm thứ Tư cho thấy quân đội Ukraine có mặt tại ít nhất một ngôi làng ở khu vực phía đông Luhansk, sau khi băng qua khu vực Donetsk lân cận.

Một bức ảnh cho thấy một đơn vị Ukraine đang quỳ gối và đứng xung quanh bảng chỉ đường tại làng Hrekivka, ngay bên trong vùng Luhansk.

Đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xung đột vào ngày 24 tháng Hai, quân đội Ukraine đã tiến vào Luhansk.

Toàn bộ khu vực Luhansk được Điện Cẩm Linh tuyên bố là lãnh thổ của Nga, sau khi cưỡng bức sáp nhập. Nhưng trong những ngày gần đây, các lực lượng Ukraine đã tiếp cận khu vực từ nhiều hướng, sau các cuộc tấn công thành công của họ ở Kharkiv và Donetsk.

Video trên mạng xã hội cũng cho thấy quân đội Ukraine ở thị trấn Terny thuộc vùng Donetsk, cách thị trấn Kreminna ở Luhansk khoảng 20 km, nơi mà các nhà phân tích cho rằng đây là tuyến phòng thủ quan trọng của người Nga khi họ đã mất chỗ dựa ở cả vùng Donetsk và Kharkiv.

Những bước tiến của Ukraine ở phía đông bắc diễn ra trong vòng vài ngày sau cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền địa phương thân Nga tổ chức, dẫn đến việc Mạc Tư Khoa sáp nhập Donetsk và Luhansk cũng như phần lớn Zaporizhzhia và Kherson. Kể từ khi các biện pháp sáp nhập được Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua vào thứ Sáu tuần trước, các lực lượng Nga đã mất hàng trăm km vuông lãnh thổ ở Donetsk và Kherson.

3. Zelenskiy kêu gọi “tòa án đặc biệt” truy nã lãnh đạo Nga vì tội ác chống nhân loại

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi thành lập một “tòa án đặc biệt” để theo đuổi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Nga vì vai trò của họ trong cuộc xâm lược Ukraine.

“Chúng ta phải đưa ra công lý những người quyết định bắt đầu tất cả những điều này,” ông nói trong một hội nghị ở Paris. “Những kẻ đã phạm tội ban đầu. Một tội ác mà ở đó tất cả những điều xấu xa được thể hiện bởi quân xâm lược Nga”.

“Và chúng tôi vẫn chưa có một thể chế như vậy để buộc giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác xâm lược”.

Zelenskiy ca ngợi công việc của Tòa án Hình sự Quốc tế trong việc điều tra những tội ác bị cáo buộc của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng ông nói thêm rằng “tội ác vũ trang xâm lược ban đầu cũng cần nhận được câu trả lời công bằng, chúng ta phải bổ sung các hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế.”

“Một tòa án đặc biệt nên được thành lập đối với tội ác xâm lược Ukraine. Vì, không may, Tòa án Hình sự Quốc tế và tất cả các tổ chức tư pháp hiện có khác trên thế giới không thể tiếp cận được”, Zelenskiy nói.

“Tất cả các bạn đều biết cách mà giới lãnh đạo của Nga, ẩn sau những câu chuyện sai lệch về chủ quyền nhà nước, trốn tránh trách nhiệm đối với những gì họ đã làm. Chúng ta phải vượt qua điều đó”.

4. Tin tặc nói tiếng Nga đánh sập các trang web của chính phủ các tiểu bang Hoa Kỳ không thể truy cập

Các tin tặc nói tiếng Nga hôm thứ Tư đã tuyên bố nhận trách nhiệm đánh sập các trang web n của chính quyền tiểu bang ở Colorado, Kentucky và Mississippi, cùng các tiểu bang khác – đây là ví dụ mới nhất về việc hack có động cơ chính trị rõ ràng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Trang web của Hội đồng Bầu cử Kentucky, nơi đăng thông tin về cách ghi danh bỏ phiếu, cũng tạm thời không thể truy cập vào hôm thứ Tư, nhưng không rõ nguyên nhân gây ra sự việc đó ngay lập tức. Trang web của hội đồng bầu cử cũng được quản lý bởi chính quyền Kentucky, mặc dù các tin tặc không liệt kê cụ thể hội đồng này là mục tiêu.

Các trang web ở Colorado, Kentucky và Mississippi không truy cập được vào buổi sáng và chiều Thứ Tư khi các quản trị viên dường như cố gắng đưa chúng lên mạng.

Đó là một ví dụ về kiểu gián đoạn hoặc phân tâm kỹ thuật số mà các quan chức Hoa Kỳ và các quan chức bầu cử đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Các trang web như của Hội đồng bầu cử Kentucky không trực tiếp tham gia vào việc bỏ phiếu hoặc kiểm phiếu, nhưng chúng có thể cung cấp thông tin hữu ích cho cử tri.

Nhóm hack tuyên bố chịu trách nhiệm về sự việc ngừng hoạt động của trang web hôm thứ Tư có tên là Killnet và đã tăng cường hoạt động của mình sau cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai của Nga nhằm vào các tổ chức ở các nước NATO. Họ là một nhóm lỏng lẻo của cái gọi là “những hacktivists” - những tin tặc có động cơ chính trị ủng hộ Điện Cẩm Linh nhưng không rõ mối quan hệ của họ với chính phủ Nga.

Killnet phát triển mạnh nhờ sự chú ý của công chúng, thành ra các chuyên gia an ninh mạng phải cân bằng giữa việc lưu tâm đến những trò hề trực tuyến của Killnet và đồng thời không thổi phồng những mối đe dọa cấp thấp khiến bọn này nổi tiếng thêm.

Jason Passwaters, giám đốc điều hành của công ty bảo mật Intel 471, nói với CNN: “Chúng tôi không muốn thổi phồng nhóm này hoặc truyền đạt cảm giác hủy diệt sai lầm khiến mọi người sợ hãi hoặc công khai ca tụng Killnet. “Nhóm này có khả năng gây ra gián đoạn, nhưng các tổ chức phải hiểu loại rủi ro mà Killnet thực sự gây ra cho các hoạt động của họ.”

5. Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Kazakhstan

Reuters đang đưa tin về một số căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Kazakhstan về cuộc chiến Ukraine sau khi các nhà chức trách Kazakhstan từ chối yêu cầu của Nga buộc họ phải trục xuất đại sứ Ukraine vì những bình luận liên quan đến các tội ác chiến tranh của Nga. Quyết định từ chối của Kazakhstan khiến Mạc Tư Khoa nổi giận về điều họ gọi là giọng điệu không phù hợp giữa “các đối tác chiến lược bình đẳng”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Ba cho biết Mạc Tư Khoa “bị xúc phạm” trước việc Vrublevskiy vẫn ở Astana và đã triệu tập đại sứ Kazakhstan.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Kazakhstan Aibek Smadiyarov hôm thứ Tư gọi giọng điệu của Zakharova là “không phù hợp với bản chất của các mối quan hệ đồng minh giữa Kazakhstan và Nga là đối tác chiến lược bình đẳng”, đồng thời nói thêm rằng Đại sứ Nga sẽ được triệu tập tới Bộ Ngoại Giao Kazakhstan.

6. Thủ tướng Anh Truss: không nên có một thỏa thuận hòa bình nào 'đánh đổi đất đai của Ukraine'

Thủ tướng Anh Liz Truss đã nói rằng Ukraine “sẽ thắng” và Anh quốc sẽ không theo đuổi bất thỏa thuận hòa bình nào trong đó đòi hỏi Ukraine phải từ bỏ các lãnh thổ Ukraine của mình. Cô Liz Truss phát biểu như trên tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ cầm quyền của Vương quốc Anh ở Birmingham. Cô nói:

Người dân Ukraine không chỉ chiến đấu cho an ninh của họ mà cho tất cả an ninh của chúng ta. Đây là một cuộc chiến cho tự do và dân chủ trên toàn thế giới.

Việc ông Putin sáp nhập lãnh thổ Ukraine một cách bất hợp pháp chỉ là hành động mới nhất trong chiến dịch lật đổ nền dân chủ và vi phạm luật pháp quốc tế của ông ta.

Chúng ta không nên nhượng bộ những người muốn có một thỏa thuận mua bán đất đai của Ukraine. Họ đang đề nghị trả giá bằng mạng sống của người Ukraine vì ảo tưởng hòa bình.

Chúng ta sẽ sát cánh với những người bạn Ukraine của chúng ta, dù phải mất bao lâu. Ukraine có thể giành chiến thắng. Ukraine phải giành chiến thắng. Và Ukraine sẽ giành chiến thắng.

Liz Truss đã nhận được một trong những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất trong bài phát biểu của mình cho phần Ukraine và tiếp tục nói rằng cô ấy chắc chắn rằng Volodymyr Zelenskiy và người dân Ukraine sẽ đánh giá cao “tình đoàn kết của chúng ta với họ vào thời điểm rất khó khăn này”.

7. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng Putin đang vất vả xoa dịu ba thành phần chính khi chế độ phải đối mặt với áp lực từ những thất bại trên chiến trường.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Struggling to Appease Three Key Factions as Regime Faces Pressure—ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng Putin đang phải vật lộn để xoa dịu ba thành phần chính khi chế độ phải đối mặt với áp lực”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết, khi cuộc xâm lược Ukraine của ông ta đang bị chùn bước, Vladimir Putin không thể xoa dịu các phe phái cạnh tranh với nhau ở Nga, khiến sự ổn định của chế độ ông ta gặp nguy hiểm.

Nhóm nghiên cứu của Mỹ cho biết lực lượng của ông ấy bị tổn thất ở Ukraine có nghĩa là Putin gặp khó khăn trong việc giữ chân các blogger quân đội ủng hộ Điện Cẩm Linh, các cựu chiến binh, và cái gọi là “siloviki” nghĩa là các quan chức có các cơ sở quyền lực của riêng mình.

Bộ ba lợi ích cạnh tranh này tạo thành không gian thông tin dân tộc chủ nghĩa của Nga và đã chia rẽ nhau. Trong bản cập nhật của mình ISW, cho rằng Putin đã “thất bại rõ ràng” trong việc đáp ứng “các yêu cầu loại trừ lẫn nhau” của họ, đồng thời ISW cũng nhấn mạnh những chiến thắng gần đây của Ukraine.

ISW lưu ý rằng Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Nhóm lính đánh thuê Wagner và thủ lĩnh người Chechnya Ramzan Kadyrov, những người cũng đang chiến đấu chống lại Ukraine, muốn có một đường lối khác trong việc huy động binh lính cho cuộc chiến. Sau khi Lyman rút lui, Kadyrov thậm chí còn kêu gọi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tầm ngắn hay còn gọi là hạt nhân chiến thuật.

Các cựu quân nhân muốn bộ chỉ huy quân sự cấp cao của Nga phải được thay thế và đưa đất nước vào tình trạng chiến tranh thông thường. Trong khi đó, các blogger quân sự Nga đã nêu bật những thất bại trong các chiến dịch của Nga và chỉ trích Bộ Quốc phòng, vì cơ quan này đã không thể ngăn chặn các chiến thắng của Ukraine.

ISW cho biết: “Putin không thể để mất sự ủng hộ của bất kỳ nhóm nào trong số này, cũng như không thể làm hài lòng tất cả khi cuộc chiến tiếp diễn và quân đội Nga tiếp tục chịu tổn thất”.

Các cuộc rút lui khỏi Kharkiv và Lyman, sau đó là quản lý kém việc huy động một phần “đã làm lộ những vết nứt sâu sắc này theo quan điểm của người dân Nga.”

ISW cho biết: “Họ thậm chí có thể bắt đầu nảy sinh quan điểm rằng Putin không hoàn toàn kiểm soát được vòng trong của mình. Khó có thể dự đoán được những phát triển tiếp theo của một tình huống như vậy đối với chế độ của Putin.”

Mặc dù, Putin đã tung ra luật phạt tù đến 15 năm những ai “nói xấu quân đội”, các blogger quân sự vẫn tiếp tục đưa ra các tường trình về những thất bại trên tiền tuyến mà không bị trừng phạt. Thậm chí có cả các suy đoán cho rằng Putin công bố lệnh động viên một phần cũng là nhằm xoa dịu các lo ngại của họ về một chiến dịch đang thất bại thê thảm.

Larissa Doroshenko, một chuyên gia về thông tin sai lệch của Nga từ Đại học Đông Bắc Boston, nói với Newsweek vào tuần trước rằng lệnh động viên là một phần trong nỗ lực của Putin nhằm làm điều gì đó “xoay chuyển cuộc chiến này và thay đổi động lực” chứ không chỉ nhằm đáp lại những chỉ trích của các blogger.

Những sai lầm trong quá trình huy động, trong đó những người ốm yếu hoặc chẳng có kinh nghệm chiến trường nào cũng bị gọi nhập ngũ đã được đưa lên Telegram và đặt ra câu hỏi về việc quản lý cuộc chiến của Putin.

Doroshenko nói: “Ban đầu, các kênh Telegram ủng hộ các hoạt động quân sự của Nga luôn nói rằng bất kỳ sai lầm trong việc huy động nào mà họ thấy được báo cáo đều không phải là lỗi hệ thống, nhưng sau đó, một khi nhiều vấn đề bắt đầu nổi lên, họ không thể phớt lờ nó nữa.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
 
Caritas: Tình cảnh kinh hoàng của dân Ukraine ở Lyman vừa được giải phóng: Kiệt sức, lạnh, đói và sợ
VietCatholic Media
05:08 06/10/2022


1. Diễn đàn liên tôn quốc tế tại Bahrain

Diễn đàn Liên tôn quốc tế sẽ diễn ra tại Manama, thủ đô tiểu vương quốc Hồi giáo Bahrain trong hai ngày, mùng 03 và 04 tháng Mười Một tới đây, với sự tham dự của 200 vị lãnh đạo tôn giáo và các học giả lớn về tôn giáo, trong đó có Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam của Đền thờ và Đại học Hồi giáo Al Azhar ở Cairo Ai Cập.

Đại Imam cũng là Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo. Chủ đề của Diễn đàn là “Đông và Tây Phương cho sự sống chung của nhân loại”.

Diễn đàn do Hội đồng Tối Cao về Hồi giáo vụ tại Bahrain tổ chức, với sự cộng tác của Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo và Trung Tâm Hoàn Vũ Sống chung hòa bình “Vua Hamad”. Diễn đàn này nằm trong khuôn khổ sự quan tâm và chiến lược của Bahrain nhắm xây dựng những nhịp cầu và đối thoại giữa các vị lãnh đạo các tôn giáo, các hệ phái và nhân vật hàng đầu về tư tưởng, văn hóa và truyền thông, trong sự cộng tác với Đại học Al Azhar, Giáo Hội Công Giáo và Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, các tổ chức quốc tế thăng tiến đối thoại, sự sống chung nhân loại và sự bao dung.

Trong số các đề tài được đề cập đến trong hai ngày diễn đàn, có sự sống chung và tình huynh đệ nhân loại, đối thoại trong sự thăng tiến sống chung, vai trò của các vị lãnh đạo tôn giáo trong việc đáp ứng các thách đố hiện nay và đối thoại Liên tôn cho hòa bình thế giới.

Nhân dịp Diễn đàn quốc tế này, Đức Thánh Cha đã nhận lời mời của Quốc vương và giáo quyền tại Bahrain đến viếng thăm nước này, từ ngày 03 đến ngày 06 tháng Mười Một tới đây.

2. Kiệt sức, lạnh và đói, những người dân ở Lyman được giải phóng vẫn chưa tin rằng chiến tranh đã qua đi

Caritas Ukraine đã đến được với Lyman, thành phố vừa được giải phóng, mang đến các phẩm vật cứu trợ cho người dân trong vùng. Dưới đây là bài tường thuật từ chuyến cứu trợ đầu tiên.

Đó là một chiến thắng quan trọng vì Lyman là một ngã ba chiến lược lớn. Người Ukraine đang xem nó như cánh cổng để giải phóng Luhansk bị chiếm đóng và xa hơn nữa. Bây giờ cuộc tổng phản công đang hướng tới một rìa của khu vực phía đông bị chiếm đóng.

Lyman giờ đây yên tĩnh, cuộc giao tranh đã trải qua một chặng đường dài. Chúng tôi đã thấy mức độ tàn phá tuyệt đối trong thành phố. Bây giờ thật là một chặng đường khá dài để đến đó vì một trong những cây cầu chính bị nổ tung. Trước đây, bạn thường sẽ đến đó nhanh chóng hơn nhiều từ Sloviansk. Đó là một tuyến đường quanh co dọc theo những con đường trước đây là tiền tuyến của Nga.

Bạn đang đi qua vùng nông thôn bao la này, với rừng cây, nhưng bạn có thể thấy nơi đạn pháo đã bắn gãy cây làm đôi - và hỏa tiễn đã hạ gục vài chục cây. Khi bạn vào thị trấn, bạn có thể thấy rất nhiều sự tàn phá: nhà văn hóa bị rút ruột, không có căn nhà nào không bị hư hại, nhiều nhà bị san thành bình địa.

Đó là một thị trấn đường sắt lớn, và trên những nút giao thông lớn hơn, bạn có thể tìm thấy nơi mà các đoàn tàu của Nga đã từng ở đó. Nhiều toa tầu đã bị trúng các loại bom, đạn trước khi binh lính chạy về phía đông. Nó từng là một nơi sầm uất, một thị trấn 30,000 người, nơi hầu hết mọi người làm việc cho ngành đường sắt, nhưng ước tính chỉ còn lại 1,000 người. Không có điện, không có gas, rất nhiều ngôi nhà chung cư đã bị thổi tung hết cửa sổ và bây giờ trời bắt đầu lạnh.

Một cảnh tượng khá phổ biến khi bạn đi lang thang xung quanh là mọi người - chủ yếu là những cư dân cao tuổi ở lại – đang nấu thức ăn ngoài đường trên đống lửa, đó là tất cả những gì họ có thể làm vào lúc này. Chúng tôi tạt vào một siêu thị nhỏ, và hầu hết các kệ hàng đều trống trơn. Tiệm bánh bị ảnh hưởng nên không có bánh mì. Trong suốt thời gian chiếm đóng, có vẻ như nguồn cung cấp hàng tạp hóa không được nhiều vì hầu hết người Nga đều đòi hối lộ.

Quân đội Ukraine hiện có rất nhiều bằng chứng, cảnh sát quốc gia đã trở lại, nhưng đó là một thị trấn ma. Có một sự hiện diện quân sự khá dày đặc xung quanh các khu vực trog thành phố. Chắc chắn là còn lâu mới trở lại bình thường vì thành phố thực sự đã bị phá hủy.

Một người đàn ông lớn tuổi mà tôi đã nói chuyện chỉ mới trở lại thị trấn 18 ngày trước khi trận chiến bắt đầu. Có một câu chuyện mà tôi đã nghe ở những vùng khác của Ukraine, rằng những người hưu trí thực sự không thể trả tiền thuê nhà ở những thành phố an toàn hơn và họ hết tiền và cuối cùng phải quay trở lại. Giống như nhiều người khác, anh ta trốn trong tầng hầm của mình, và chỉ ra ngoài khi tình hình bắt đầu yên tĩnh hơn và thấy những lá cờ Ukraine đã được cắm lên.

Chúng tôi đã không ở đó khi thị trấn được giải phóng nhưng tôi có cảm giác từ khá nhiều người vẫn ở đó rằng họ kiệt sức, lạnh, đói và vẫn chưa tin rằng chiến tranh đã qua đi. Mặc dù trận chiến này đã giành chiến thắng, nhưng khi di chuyển xuống đường bạn vẫn có thể nghe thấy những tiếng nổ lớn phát ra từ vùng nông thôn.

Một vấn đề khác là hậu quả tệ hại với mìn. Bạn không thể đi ra khỏi con đường, có những cái bẫy. Tất cả những người mà chúng tôi đã nói chuyện ở khắp mọi nơi đều không dám đi vào những con đường chưa được dọn sạch mìn, có rất nhiều mìn ở đó, đặc biệt là trong những khu rừng người Nga từng đóng quân.

Caritas Ukraine đã khá hiệu quả trong việc tiếp tế lương thực nhưng việc chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đông, khí đốt và điện trong một thị trấn hoang vắng với rất nhiều thiệt hại là một công việc lớn, và chiến tranh vẫn chưa kết thúc.

3. Giáo hội Nga cho biết quan hệ của họ với Vatican thực sự đóng băng

Các mối quan hệ của Giáo hội Chính thống Nga với Giáo Hội Công Giáo Rôma hiện đang thực sự đóng băng, Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, tuyên bố như trên hôm 3 tháng 10.

“Thật không may, gần đây, tôi phải nói rằng quan hệ của chúng tôi thực tế đã đóng băng,” ông nói trong chương trình Giáo Hội và Thế giới trên Russia-24 TV.

Theo Tổng Giám Mục Anthony, một số ý kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô và các phụ tá của ngài “không đóng góp gì cả” vào việc chuẩn bị cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với Đức Thượng Phụ Kirill và sự hợp tác hơn nữa giữa hai Giáo Hội.

Để minh họa cho lời nói của mình, đại diện của Giáo hội Nga nhớ lại rằng cuộc trò chuyện cuối cùng giữa Thượng Phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng, được tổ chức vào tháng 3 thông qua liên lạc từ xa, đầy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian, Chính Thống Giáo Nga đã rất ngạc nhiên khi đọc cuộc phỏng vấn của Đức Giáo Hoàng, trong đó ngài đã “vẽ biếm họa cuộc họp này, cho phép những cách diễn đạt hoàn toàn không thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay; như cụm từ “chú bé giúp lễ của Putin”, và thông báo rằng cuộc gặp gỡ sẽ không diễn ra và nói chung, ngài ấy nói sẽ không đi đâu cả”.
Source:Interfax
 
Putin tê tái: Quân Nga lái xe tăng treo cờ trắng, đầu hàng Ukraine. Âu Châu trừng phạt Nga nặng hơn
VietCatholic Media
15:42 06/10/2022


1. Khoảnh khắc binh lính Nga đầu hàng với cờ trắng khi quân của Putin mất thêm lãnh thổ trong cuộc phản công của Ukraine.

Ký giả Tariq Tahir của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “VLAD'S MELTDOWN Moment Russian soldiers surrender with white flag as Putin’s troops lose more territory in Ukrainian counteroffensive”, nghĩa là “Sự tan chảy của Vladimir Putin: Khoảnh khắc binh lính Nga đầu hàng với cờ trắng khi quân của Putin mất thêm lãnh thổ trong cuộc phản công của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những người lính Nga với lá cờ trắng tung bay từ xe tăng của họ đã được quay phim đang lái xe tăng ra đầu hàng quân đội Ukraine.

Đoạn video đáng kinh ngạc cho thấy chiếc xe đang hướng đến phòng tuyến của Ukraine, khi hàng nghìn người được tường trình là đang buông vũ khí của họ xuống khi đối mặt với cuộc phản công chớp nhoáng của Kyiv và Nga đang tiếp tục mất nhiều lãnh thổ.

Cuộc tiến công chớp nhoáng đã đưa các lực lượng phòng thủ Ukraine vào khoảng cách tấn công thành phố Kherson - thủ phủ tỉnh duy nhất bị chiếm giữ kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, vẫn nằm trong sự kiểm soát của Nga.

Tiến sĩ Mike Martin, một thành viên tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London, cho biết: “Người Ukraine đã có một ngày tuyệt vời ở phía nam - các phòng tuyến của Nga đang tiếp tục sụp đổ và rút lui.”

Trong bài phát biểu hàng đêm, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố quân đội của ông đã giải phóng thêm ba khu định cư ở khu vực Kherson, miền nam Ukraine và cuộc tấn công vẫn “tiếp tục”.

Lực lượng của Putin hiện đã được lệnh rút lui khi các blogger quân sự thân Nga tiết lộ rằng tiền tuyến đã sụp đổ với tổn thất đáng kinh ngạc trên 1500 dặm vuông.

Đoạn phim được thực hiện tại mặt trận Kherson, có thể thấy một chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga với một số binh sĩ Nga bên trong đang lái xuống một ngọn đồi.

Một người lính trên tháp pháo, với một lá cờ trắng tung bay trên nòng súng và một người khác ngồi gần đó.

Các binh sĩ Ukraine rõ ràng đang căng thẳng dán mắt nhìn chiếc xe đang được lái về phía họ.

Một binh sĩ Ukraine sau đó xuất hiện chĩa súng vào các binh sĩ Nga trên xe tăng trong khi những người khác cũng nâng vũ khí của họ.

Khi nó dừng lại, người Ukraine tiến về phía đó, trong khi người Nga trên tháp pháo nhảy xuống và giơ tay lên trời.

Khi những người Ukraine chĩa súng bao vây chiếc xe, những người Nga khác bắt đầu nhảy ra khỏi xe và tuân theo lệnh của người Ukraine, nằm dưới đất.

Người ta tin rằng việc đầu hàng đã được sắp xếp trước thông qua một đường dây nóng đặc biệt do người Ukraine thiết lập để cho phép người Nga rời khỏi chiến trường.

Andriy Yusov, từ Cục tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine của Ukaine, tiết lộ “hàng chục nghìn quân” đã gọi đến đường dây nóng xin hướng dẫn cách đầu hàng.

Hàng nghìn binh sĩ Nga đang phải đối mặt với việc bị bao vây ở bờ tây của sông Dnipro sau khi những cây cầu duy nhất bắc qua con sông rộng đến 4 dặm hay 6.5km bị bắn phá bằng hỏa tiễn tầm xa do Mỹ cung cấp.

Truyền thông nhà nước Nga dẫn lời quan chức địa phương thân Mạc Tư Khoa Kirill Stremousov cho biết quân đội đang “tiến hành một cuộc tập hợp lại để chuẩn bị tung đòn trả đũa”.

Quân đội Nga dự kiến sẽ đổ về sông Inhulets, chỉ cách thành phố vài dặm về phía đông.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các lực lượng vũ trang phía bắc Ukraine ở khu vực Kharkiv đã tiến sâu 12 km vào khu vực phòng thủ của Nga về phía khu vực Luhansk.

Putin đã ký các giấy tờ cuối cùng để sáp nhập bốn khu vực của Ukraine trong khi quân đội của ông ta đang phải vật lộn để kiểm soát lãnh thổ mới.

Tuần trước, Putin đã ký các hiệp ước nhằm mục đích thu nhận các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine vào Nga.

Việc sáp nhập diễn ra sau các cuộc trưng cầu dân ý do Điện Cẩm Linh tổ chức ở Ukraine mà chính phủ Ukraine và phương Tây đã bác bỏ là một trò giả mạo.

Khi những người lính của ông phải đối mặt với sự sỉ nhục, người ta lo ngại rằng Putin có thể biến cuộc chiến ở Ukraine thành một cuộc chiến hạt nhân bằng cách cho nổ một quả bom ở biên giới trong một thông điệp gửi đến phương Tây.

Nga đang rục rịch sử dụng thanh kiếm hạt nhân của mình khi các lực lượng của họ tiếp tục bị đẩy lùi ngay cả khi Mạc Tư Khoa tuyên bố 4 khu vực là của riêng họ.

Tàu ngầm lớn nhất của nó, Belgorod, có thể được trang bị ngư lôi hạt nhân “ngày tận thế” đang di chuyển, và đã có báo cáo về một đoàn tàu vận tải liên kết với một đơn vị hạt nhân ở Nga đang di chuyển về phía biên giới với Ukraine.

2. Công cuộc giải phóng Luhansk đã bắt đầu

Theo một quan chức khu vực, việc giải phóng khu vực Luhansk phía đông Ukraine “đã bắt đầu”.

“Một số khu định cư đã được giải phóng khỏi quân đội Nga, khỏi quân chiếm đóng của Nga”, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết như trên khi phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia hôm thứ Tư.

“Tất cả những người lính Nga đều nhận ra rằng một cuộc phản công là không thể tránh khỏi, họ đang bị đánh bại.”

Sau khi giành lại thành phố quan trọng ở phía đông Lyman, thuộc khu vực Donetsk, vào cuối tuần qua, các lực lượng Ukraine đã tiếp tục cuộc phản công, tiến nhanh vào khu vực Luhansk.

Nga kiểm soát gần như toàn bộ khu vực Luhansk của Ukraine. Các lực lượng Ukraine đã giải phóng làng Bilohorivka của Luhansk vào cuối tháng 9.

Hayday kêu gọi những cư dân đã rời khỏi nhà của họ vào đầu năm nay không nên cố gắng quay trở lại.

“Tôi muốn kêu gọi mọi người,” anh nói. “Trước tiên đừng vội trở về. Chúng tôi sẽ cho bạn biết chính xác bạn có thể quay lại khi nào và ở đâu. Bởi vì điều cần thiết là Các lực lượng vũ trang của Ukraine phải di chuyển tiền tuyến xa hơn, và chỉ khi đó mới có thể tiến vào một số khu định cư nhất định. Lãnh thổ phải được bình định.”

Ông cũng kêu gọi cư dân ở các khu vực bị chiếm đóng của Luhansk cố gắng di tản khỏi chiến tuyến, hoặc ở trong các nơi trú ẩn.

3. Zelenskiy thảo luận về kế hoạch “giải phóng thêm các lãnh thổ Ukraine” với các tướng lĩnh và các quan chức an ninh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Tư đã gặp các tướng lĩnh và các quan chức an ninh hàng đầu của mình, đồng thời xem xét các kế hoạch “giải phóng thêm các lãnh thổ Ukraine”. Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Văn phòng Tổng thống, cho biết như trên.

“Những người có mặt đã nghe thông tin từ tình báo, bộ chỉ huy Lực lượng vũ trang Ukraine và chỉ huy các hướng tác chiến về tình hình mặt trận và những hành động mới nhất của kẻ thù,” thông báo của cuộc họp viết.

“Họ cũng thảo luận về vấn đề ổn định tình hình ở các khu vực mới bị chiếm đóng. Các kế hoạch liên quan đến việc giải phóng thêm các lãnh thổ Ukraine cũng đã được xem xét “.

Những người tham gia cũng “tập trung vào vấn đề chống lại các loại vũ khí mới được quân đội Nga sử dụng.”

Trong số những người có mặt có Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov, Tổng tư lệnh Valerii Zaluzhny, và Cục trưởng Cục Tình báo Kyrylo Budanov.

Các lực lượng Ukraine đang đạt được nhiều chiến thắng ở phía đông cũng như phía nam, nơi họ đang xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Mạc Tư Khoa ở khu vực Kherson.

Trước đó, hôm thứ Tư, Zelenskiy nói rằng ở vùng Kherson, các thị trấn Liubymivka, Khreshchenivka, Zolota Balka, Biliaiivka, Ukraiinka, Velyka, Mala Oleksandrivka và Davydiv Brid đều đã được giải phóng, “và đây không phải là danh sách đầy đủ”.

Kherson là một trong 4 khu vực ở Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập, vi phạm luật pháp quốc tế.

4. Cựu Giám Đốc CIA, Tướng Petraeus, nhận định rằng Putin không có lựa chọn nào khả dĩ có thể đảo ngược những tiến bộ của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Out of Options to Reverse Ukraine's Advances: General Petraeus”, nghĩa là “Tướng Petraeus nhận định rằng Putin không có lựa chọn nào khả dĩ có thể đảo ngược những tiến bộ của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Tướng Mỹ bốn sao đã nghỉ hưu David Petraeus dự đoán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bước vào một “tình thế tuyệt vọng” ở Ukraine khiến nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh không còn con đường nào khả dĩ có thể dẫn đến chiến thắng.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw thường niên ở Ba Lan hôm thứ Ba, Tướng Petraeus nói rằng “không có” lựa chọn nào trước mắt Putin là những lựa chọn mà ông có thể thoát ra.

“Putin không thể làm bất cứ điều gì để đảo ngược tình hình ở Ukraine. Lệnh động viên bán phần dẫn đến nhiều người rời khỏi Nga hơn là xuất hiện tại các trung tâm tuyển mộ nhập ngũ,” Petraeus cho biết như trên, theo trang web Dziennik.pl của Ba Lan.

Petraeus, người từng là giám đốc CIA và chỉ huy các lực lượng liên minh ở Iraq, đã nhiều lần cảnh báo Mỹ phải coi trọng các mối đe dọa hạt nhân của Putin.

Hôm thứ Ba, ông nói thêm rằng mặc dù những lời cảnh báo nghiêm khắc của chính quyền Biden đối với Mạc Tư Khoa sẽ không nhất thiết ngăn Putin tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng vị tướng về hưu không thấy một kịch bản mà một động thái như vậy sẽ có lợi cho Nga hoặc đảo ngược được cuộc phản công thành công mà Ukraine đã tiến hành trong những tuần gần đây.

Trong cuộc thảo luận, Petraeus nhấn mạnh “vị trí ngày càng trung tâm” của Ba Lan, nhấn mạnh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan và tầm quan trọng ngày càng tăng của các lực lượng vũ trang Ba Lan ở Âu Châu.

Ông nói: “Hầu như mọi thứ đến Ukraine đều đi qua Ba Lan. Đây là trọng tâm. Chúng tôi hiểu tầm quan trọng chiến lược của Ba Lan”.

Xung đột quân sự đang diễn ra ở Ukraine đã trở thành tâm điểm tại cuộc họp an ninh kéo dài hai ngày, nơi các chính trị gia hàng đầu và các quan chức công nghiệp quốc phòng tụ họp hàng năm để thảo luận về các vấn đề chính trị và quân sự hàng đầu.

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan và Phó Thủ tướng Mariusz Blaszczak cho biết cuộc chiến ở Ukraine “đã trở thành một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng những cơn ác mộng của một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Âu Châu không phải là quá khứ” và nó “đặt ra nhiều câu hỏi về cách tăng cường an ninh chung của chúng ta. “

Hôm Chúa Nhật, Petraeus nói với ABC News 'This Week rằng “không có sự thôn tính nào, thậm chí không có mối đe dọa hạt nhân nào” có thể giúp Putin thoát khỏi thực tế là các lực lượng Ukraine đã giữ vững ý chí và sự kiên định của họ ở Donbas.

Hôm thứ Sáu, Putin cho biết ông ta sẽ “mãi mãi” sáp nhập bốn khu vực của Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý (được Ukraine và các quốc gia phương Tây coi là “trò giả mạo”) do các nhóm ly khai tuyên bố đa số người dân muốn gia nhập Nga. Động thái mới nhất của Putin cũng diễn ra sau tuyên bố hồi tháng 9 rằng Nga sẽ huy động khoảng 300.000 quân dự bị để mở rộng nỗ lực chiến tranh.

“ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Ukraine đã huy động lực lượng tốt hơn rất nhiều so với Nga,” Petraeus nói trong lần xuất hiện trong Tuần này. “Ukraine đã tuyển dụng, đào tạo, trang bị, tổ chức và sử dụng lực lượng tốt hơn dù về quân số và khí tài chiến tranh là không thể so sánh được với Nga.”

“Không có gì Putin có thể làm vào thời điểm này,” ông nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

5. Các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu đạt được “thỏa thuận chính trị” về các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga

Các nước thành viên Liên minh Âu Châu đã nhất trí về một vòng trừng phạt mới đối với Nga, theo Chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu.

“Các đại sứ đã đạt được một thỏa thuận chính trị về các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga - một phản ứng mạnh mẽ của Liên Hiệp Âu Châu đối với việc Putin sáp nhập bất hợp pháp các lãnh thổ Ukraine”, Tổng thống Tiệp, chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu, cho biết như trên hôm thứ Tư.

Gói trừng phạt thứ tám chống lại Nga - được Ủy ban Âu Châu đề xuất vào tuần trước - sẽ bao gồm giới hạn giá dầu, cùng các biện pháp khác.

Gói này sẽ bao gồm việc cấm vận chuyển hàng hải dầu của Nga đến các nước thứ ba trên giới hạn giá dầu, mở rộng lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa và lệnh cấm cung cấp các dịch vụ kỹ thuật và pháp lý cho các thực thể của Nga.

Nó cũng sẽ bao gồm các tiêu chí mới cho việc gian lận các lệnh trừng phạt.

“Các đại sứ đã làm việc chăm chỉ về vấn đề này. Đêm qua họ đã làm việc, và ủy ban tiếp tục vào sáng nay”, nhà ngoại giao hàng đầu của khối Josep Borrell cho biết tại Nghị viện Liên Hiệp Âu Châu trước đó vào thứ Tư.

Gói dự kiến đã được công bố vào cuối ngày thứ Tư.

Thỏa thuận này được đưa ra sau một đề xuất từ Ủy ban Âu Châu vào tuần trước, trước khi Mạc Tư Khoa sáp nhập bất hợp pháp 4 khu vực ở Ukraine.

Các đồng minh phương Tây khác cũng đã hạ cấp các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga sau tuyên bố của ông Putin.

Tòa Bạch Ốc thông báo họ sẽ áp đặt “những chi phí nhanh chóng và nghiêm trọng” đối với Nga vào ngày thứ Sáu, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với người đứng đầu ngân hàng trung ương Nga, Elvira Nabiullina, một nhân vật mà chính quyền Biden cho là then chốt đối với nền kinh tế nước này.

Vương quốc Anh đã công bố các lệnh cấm mới đối với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Nga. Hôm thứ Ba, Anh quốc cũng đã thêm Sergei Vladimirovich Yeliseyev, Phó thủ tướng chính phủ Nga, và người đứng đầu chính quyền do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn ở Kherson, vào danh sách các cá nhân bị trừng phạt.

6. Các sĩ quan quân đội Mỹ nhận định rằng: Putin chỉ còn lại những chiến lược tệ hại cho chiến tranh Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Left With Only Bad Strategies for Ukraine War: U.S. Military Officers”, nghĩa là “Các sĩ quan quân đội Mỹ nhận định rằng: Putin chỉ còn lại những chiến lược tệ hại cho chiến tranh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Sau một số thất bại nhục nhã gần đây đối với Nga trong cuộc xâm lược bị lên án rộng rãi, các cựu quan chức quân đội Mỹ tin rằng một số lựa chọn chiến lược mà Vladimir Putin còn lại sẽ không phải là lý tưởng cho Tổng thống Nga nhằm “phi quân sự hóa” hoàn toàn Ukraine như ông ta vẫn thường rêu rao.

Khi quân đội của Putin xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhiều người kỳ vọng Ukraine sẽ nhanh chóng thất thủ. Nhưng hơn bảy tháng sau, sự kháng cự quyết liệt của Ukraine đã phơi bày hình ảnh thật sự của Nga, mà cho đến trước cuộc xâm lược vào Ukraine vẫn được coi như một cường quốc quân sự vượt trội. Ukraine cũng đang tái chiếm lại những phần lãnh thổ Ukraine mà lực lượng của Putin đã chiếm được từ năm 2014.

Các lực lượng của Ukraine đã tái chiếm thành phố Lyman ở miền đông Donetsk vào cuối tuần qua. Bộ Quốc phòng Anh mô tả đó là “một bước lùi chính trị đáng kể” đối với Nga. Tuần trước, các quan chức quân sự Ukraine nói rằng cuộc phản công nhanh chóng của họ ở miền đông Kharkiv khiến chỉ còn 6% khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Trong những ngày gần đây, người Ukraine đã đạt được “lợi ích đáng kể” trong một cuộc phản công khác ở khu vực phía nam Kherson được phát động vào tháng 8, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết như trên trong đánh giá chiến dịch ngày 4 tháng 10.

Trước những thất bại này, điều tốt nhất mà quân đội của Putin có thể làm về mặt chiến lược là “phòng thủ, trì hoãn, gây khó khăn cho người Ukraine và câu giờ”, Dan Soller, cựu đại tá tình báo Quân đội và là một Nhà phân tích về Nga và Đông Âu nói với Newsweek.

Ngay cả khi các tân binh như một phần trong lệnh động viên bán phần gần đây của Putin, vốn “đã được thực hiện rất tệ ngay từ đầu”, được gửi đến Ukraine, “họ sẽ không thể thành công trong việc thực hiện một cuộc phản công”, Soller nói.

“Điều tốt nhất họ có thể làm là làm chậm cuộc tấn công của người Ukraine, theo quan điểm của tôi, bởi vì người Nga đã mất quá nhiều thiết bị.... Bạn phải có thiết bị, sau đó bạn phải có những người được đào tạo để thực sự sử dụng nó” Soller nói. “Và sau đó bạn phải có đội ngũ tướng tá thực sự có thể hiểu cách kết hợp tất cả lại với nhau, xâu chuỗi nhiều sự kiện chiến thuật lại với nhau để có một cuộc phản công.”

“Theo quan điểm của tôi, người Nga không còn điều đó nữa, và tôi không nghĩ rằng họ sẽ làm như vậy trong phần còn lại của cuộc chiến này,” ông nói thêm.

Soller nói, Nga vẫn có thể đạt được những chiến thắng nhỏ ở cấp độ địa phương. Ông đề cập đến những nỗ lực tiếp tục của Nga để chiếm thành phố Bakhmut ở Donetsk, điều mà ông cho rằng cuối cùng sẽ không phục vụ mục đích chính cho Putin trong giai đoạn này của cuộc chiến. Soller dự đoán sẽ có một số quân tiếp viện của Nga đến phía nam sông Siverskyi Donets để bảo vệ khu vực đó, cũng như gần các thành phố Severodonetsk và Lysychansk và có lẽ xa hơn về phía bắc ở Donbas.

Mặt khác, Thiếu tướng về hưu Paul Eaton tin rằng điều tốt nhất mà Putin có thể làm bây giờ về mặt chiến lược là hiểu rằng cuộc chiến tranh giành Nga “đã kết thúc” và coi việc sáp nhập bốn khu vực Ukraine được tuyên bố của ông là một “chiến thắng kỳ diệu”.

Eaton nói rằng Putin đã chứng minh hai vấn đề rất quan trọng trong cuộc xung đột: Ông ta không hiểu được bản chất của đối phương khi đánh giá thấp người Ukraine và cũng đánh giá quá cao khả năng quân sự của chính mình. Mặc dù có những nhận thức từ bên ngoài rằng quân đội Nga, hoặc quân đội Liên Xô do Nga lãnh đạo vào thời điểm đó, đã phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng thực tế không phải như vậy, Eaton nói.

Ngoài ra, Nga “đánh giá thấp các yêu cầu hậu cần để hỗ trợ cuộc chiến này” và quân đội của họ đã không trang bị đầy đủ, huấn luyện, trang bị, nuôi và tiếp tế cho quân đội Nga,” ông nói thêm.

“Điều đó đã không được thực hiện trong chiến tranh.... Bạn không thể không cung cấp đạn dược cho binh lính của mình. Bạn không thể không cung cấp thức ăn và nước uống cho họ. Đó chỉ đơn giản là một tội lỗi tuyệt đối trên chiến trường đối với bất kỳ ai, nhưng đặc biệt là trong chiến trường hiện đại.”

Tờ Insider có trụ sở tại Latvia đã dự đoán vào cuối tháng 8 rằng Nga sẽ hết vũ khí vào cuối năm nay, trong khi một video lan truyền trên mạng xã hội vào tuần trước cho thấy một quan chức quân đội Nga nói với các lính nghĩa vụ rằng họ cần phải cung cấp túi ngủ của riêng mình, bộ dụng cụ sơ cứu và các vật dụng cơ bản khác.

Khi được hỏi liệu Putin có thừa nhận thất bại trong chiến lược mà ông đánh giá là rất thông minh nhất hay không, Eaton nói rằng nói chung Tổng thống Nga “không thể đoán trước, rằng lưng ông ấy đã dựa vào tường, hết đường xoay trở”.

Eaton lưu ý rằng Nga có một học thuyết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong các tình huống được coi là mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước. Đáng chú ý, trong một bài phát biểu vào tháng trước, Putin đã đe dọa rằng ông có thể đáp trả những gì ông cho là “tống tiền hạt nhân” từ phương Tây bằng vũ khí của quốc gia ông.

“Chúng tôi không biết ông ta sẽ làm gì. Thực tế là ông ta đã sát nhập bốn miền của người Ukraine, liệu ông ta có nói rằng bạn đang tấn công đất nước Nga và do đó chúng tôi sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân hay không? Đó là mối quan tâm,” Eaton nói.
 
Kinh hoàng: Người nghèo ở Nga bẻ tay chân để tránh bị gọi nhập ngũ. ĐHY Guatemala phản bác Ortega
VietCatholic Media
17:52 06/10/2022

1. Các giám mục Hoa Kỳ đề cử các ứng cử viên cho chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục

Hôm thứ Ba, các giám mục Hoa Kỳ đã công bố tên của 10 ứng cử viên được đề cử làm chủ tịch và phó chủ tịch tiếp theo của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB.

Một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong phiên khoáng đại mùa thu của các Giám Mục ở Baltimore từ ngày 14 đến 17 tháng 11 để thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm, là Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, và phó chủ tịch, là Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của Detroit. Nhiệm kỳ ba năm của hai vị kết thúc trong phiên khoáng đại này.

Những vị được các Giám Mục Hoa Kỳ đề cử bao gồm:

Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, Tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ.

Đức Cha Michael F. Burbidge, Giáo phận Arlington, Virginia

Đức Cha Frank J. Caggiano, Giáo phận Bridgeport, Connecticut

Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley, Tổng Giáo phận Thành phố Oklahoma

Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone, Tổng giáo phận San Francisco

Đức Tổng Giám Mục Paul D. Etienne, Tổng Giáo phận Seattle

Đức Cha Daniel E. Flores, Giáo phận Brownsville, Texas

Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller, Tổng giáo phận San Antonio

Đức Tổng Giám Mục William E. Lori, Tổng giáo phận Baltimore

Đức Cha Kevin C. Rhoades, Giáo phận Fort Wayne-South Bend, Indiana

Theo quy định của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, vị chủ tịch trước tiên sẽ được bầu bằng đa số phiếu đơn giản của những người có mặt và bỏ phiếu. Sau đó, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức cho vị trí phó chủ tịch, trong số những vị được đề cử còn lại. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu, cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được thực hiện. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số thì cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra giữa hai vị có phiếu bầu cao nhất.

Các giám mục cũng sẽ bỏ phiếu bầu các chủ tịch mới của sáu ủy ban thường trực của USCCB.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y người Guatemala đáp trả cuộc tấn công của Daniel Ortega vào Giáo Hội Công Giáo

Đức Hồng Y Álvaro Leonel Ramazzini Imeri của Huehuetenango đã có một phản ứng mạnh mẽ đối với tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, người cách đây vài ngày đã công kích Đức Thánh Cha Phanxicô và nói rằng Giáo Hội Công Giáo là “chế độ độc tài hoàn hảo”.

“Đúng là, Giáo Hội Công Giáo không phải là một nền dân chủ, nhưng Giáo Hội có tinh thần tham gia và hiệp thông giúp cho tất cả chúng ta, những người tạo nên Giáo hội, từ giáo hoàng đến giáo dân, được sống trong hòa bình và hòa hợp,” Đức Hồng Y người Guatemala cho biết trong một video do Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh đăng ngày 1 tháng 10.

“Ông Chủ tịch Daniel Ortega, nếu ông là một người Công Giáo, thì điều mà tôi với tư cách là giám mục mong đợi ở ông là ông có sự tôn trọng đối với Giáo Hội Công Giáo và trật tự thích hợp chỉ đạo tổ chức này được thành lập bởi Chúa Giêsu Kitô của chúng ta”.

Trong bài phát biểu kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Cảnh sát Quốc gia, Ortega đặt câu hỏi: “Ai bầu các linh mục, giám mục, giáo hoàng, Hồng Y, bao nhiêu phiếu, ai bầu cho họ? Nếu họ muốn dân chủ, họ phải bắt đầu bằng cách bầu giáo hoàng, các Hồng Y, giám mục, với lá phiếu của dân chúng, với lá phiếu của người Công Giáo. “

“Hãy để dân chúng bầu chọn họ và không phải tất cả họ được áp đặt lên người dân, đó là một chế độ độc tài, chế độ độc tài hoàn hảo. Đó là một chế độ chuyên chế, một chế độ chuyên chế hoàn hảo”.

Sau khi gọi giáo hoàng là “bạo chúa thánh thiện”, nhà độc tài Nicaragua hỏi: “Ông nói với tôi về nền dân chủ với thẩm quyền nào? Giám mục đã có bao nhiêu phiếu bầu từ dân chúng để được bổ nhiệm làm giám mục?”

Ramazzini nói rằng nếu Ortega không tôn trọng Giáo hội, thì “Tôi rất nghi ngờ rằng bạn thực sự là một người Công Giáo.”

“Không phải là vấn đề nói rằng 'Tôi là người Công Giáo và tôi làm bất cứ điều gì tôi cảm thấy thích. Tôi là một người Công Giáo, một tổng thống Công Giáo và đó là lý do tại sao tôi tống một giám mục vào tù, buộc tội ông ta một cách gian dối. Tôi là người Công Giáo và tôi đàn áp Giáo hội mà tôi là thành viên. Đó là một sự mâu thuẫn nghiêm trọng, '' vị Hồng Y khẳng định.

Vị Giám Mục bị bắt mà Đức Hồng Y đề cập đến là Đức Cha Rolando Álvarez, Giám Mục Matagalpa, người mà cảnh sát đã bắt cóc ngày 19 tháng 8 từ Tòa Giám Mục nơi ngài đã bị cảnh sát chống bạo động quản thúc trong hơn hai tuần và sau đó đưa ngài đến Managua, nơi ông vẫn bị quản thúc tại gia.

Cùng đêm Đức Cha Álvarez bị bắt, bốn linh mục, hai chủng sinh, và một giáo dân cũng bị quản thúc trong Tòa Giám Mục với ngài cũng bị bắt đi và đang bị giam giữ trong nhà tù El Chipote, là nơi tra tấn những người chống đối chế độ.

Đức Hồng Y Ramazzini cũng nhấn mạnh rằng “các nhà độc tài thường muốn tạo cơ sở cho thái độ và hành động độc tài của họ để có thể tự thuyết phục mình”.

“Tôi hy vọng rằng những tuyên bố này có thể giúp làm sáng tỏ các ý tưởng, bởi vì không có gì tệ hơn việc nói nửa sự thật, bởi vì điều đó khiến cho những lời nói dối nửa vời trở thành lời nói dối hoàn toàn.”
Source:Catholic News Agency

3. Các video cho thấy những người đàn ông Nga bẻ tay chân để tránh bị gọi nhập ngũ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Videos Show Russian Men Breaking Limbs to Avoid Conscription”, nghĩa là “Các video cho thấy những người đàn ông Nga bẻ tay chân để tránh bị gọi nhập ngũ.”

Nhiều video đã xuất hiện với mục đích cho thấy những người đàn ông Nga cố tình bẻ gãy tay chân của bạn bè, với sự đồng ý rõ ràng của họ, để tránh bị nhập ngũ.

Vào ngày 21 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh động viên bán phần dân số Nga, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết 300,000 người có kinh nghiệm quân sự trước đây sẽ bị gọi nhập ngũ.

Bất chấp tuyên bố này, đã có nhiều báo cáo về những người đàn ông không hề có chút kiến thức quân sự nào, bao gồm cả sinh viên và đàn ông ở độ tuổi 60, vẫn bị gọi nhập ngũ

Hàng nghìn người đàn ông Nga muốn tránh bị buộc phải chiến đấu ở Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng, bao gồm Kazakhstan, Georgia và Mông Cổ, kể từ khi lệnh nhập ngũ được ban hành.

Tuy nhiên, một số dường như đang thực hiện các biện pháp thậm chí còn cực đoan hơn để tránh bị đẩy vào cuộc chiến.

Trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội Nga và đăng lại trên Reddit, một người đàn ông Nga dùng búa tạ đập vào tay người khác.

Đoạn phim, có thể được nhìn thấy trong phần description, cho thấy một người đàn ông với cánh tay trái của mình trên băng ghế, trong khi một người đàn ông khác nâng một chiếc búa tạ qua đầu và sau đó hạ nó xuống như một vụ tai nạn.

Hai phụ nữ được nhìn thấy đang kiểm tra cánh tay của người đàn ông, mặc dù mức độ thương tích của anh ta không rõ ràng.

Trong một nỗ lực rõ ràng khác để tránh nghĩa vụ quân sự được đăng trên mạng xã hội, một người đàn ông có thể được nhìn thấy đang nhảy lên chân của bạn mình, từ trên đỉnh cầu thang, dường như gây ra một vết thương đau đớn.

Newsweek chưa thể xác minh độc lập nội dung của một trong hai clip.

Tại thị trấn Ust-Ilimsk của Siberia, một sĩ quan lính nghĩa vụ Nga đã bị bắn và bị thương bởi một người đàn ông tức giận vì bạn của anh ta đã bị nhập ngũ, trong khi một người biểu tình ở thành phố Ryazan, miền trung nước Nga đã tự thiêu để phản đối quân dịch. Các cuộc biểu tình chống lệnh động viên của Putin đã được tổ chức tại 38 thành phố của Nga trong những ngày sau tuyên bố của Putin. Cảnh sát thực hiện hàng ngàn vụ bắt giữ.

Newsweek đã nói chuyện với một số chuyên gia chính sách đối ngoại về những gì mà người Nga sẽ cố gắng vượt qua trong thời gian dài bất thường này để tránh bị gọi nhập ngũ trong nỗ lực chiến tranh của Putin.

“Như Chesterton đã nói, 'người lính thực sự chiến đấu không phải vì anh ta ghét những gì trước mặt, mà vì anh ta yêu những gì sau lưng mình.' Những người lính Ukraine đang bảo vệ ngôi nhà và lò sưởi của họ — và chiến đấu như thế; trong khi đó, Putin đang yêu cầu những người đàn ông Nga chết trong một cuộc chiến tranh xâm lược dựa trên một lý do giả tạo”, Peter Rough, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson, nói với Newsweek, và nhấn mạnh rằng sự giả tạo trong quan điểm của Putin có những tác động rõ ràng đối với tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Nga.

Nikolai Petrov, một thành viên nghiên cứu cấp cao tại Chatham House, nói thêm: “Người Nga, đặc biệt là những người trẻ tuổi, trước đây không sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, và bây giờ họ đang cố gắng tránh nó bằng mọi cách. Hàng trăm nghìn người đã tìm cách rời khỏi đất nước. Ngày nay để làm được điều này vừa rất tốn kém lại vừa khó khăn.

“Có hai lựa chọn chính: bị đưa đến Ukraine hoặc đi tù 10 năm vì trốn tránh lệnh động viên, thành ra có người sẵn sàng gây thương tích nặng cho bản thân và hy sinh sức khỏe của mình để bảo toàn tính mạng và tự do.”

Tiến sĩ Alan Mendoza, giám đốc điều hành của Hiệp hội Henry Jackson có trụ sở tại London, nói với Newsweek rằng việc huy động được Putin đưa ra trong tình trạng tuyệt vọng nhằm chấm dứt chiến tranh với việc Nga giành được lãnh thổ.

Mendoza nói: “Các phương tiện truyền thông Nga thường đề cập đến quyết tâm của những người lính Nga thực sự tình nguyện chiến đấu ở Ukraine trong vòng vài tháng, tuy nhiên, có lẽ điều thường thấy hơn là có rất ít hoặc không có sự nhiệt tình từ quân lính nghĩa vụ”.

“Đây là lý do tại sao, thông qua cuộc trưng cầu dân ý giả và việc sáp nhập các phần của Ukraine, Putin đang cố gắng kết thúc chiến tranh với một lợi ích lãnh thổ hữu hình, vì nói cho cùng, ông ta sẽ đấu tranh để tồn tại về mặt chính trị bất kể các chiến bại trên chiến trường.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
Source:Newsweek