Ngày 31-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Lễ Các Đẳng Linh Hồn
Lm. Anthony Trung Thành
10:03 31/10/2016
Suy Niệm Lễ Các Đẳng Linh Hồn

Hôm qua, chúng ta kính nhớ tất cả các thánh trên thiên đàng. Hôm nay và trong suốt tháng này, Giáo Hội kính nhớ các linh hồn đang còn giam cầm trong luyện ngục. Các linh hồn trong luyện ngục là những người đã chết trong ân sủng nhưng chưa được thanh tẩy vẹn toàn, nên cần phải chịu một thời gian thanh tẩy mới có thể bước vào hưởng niềm vui trọn vẹn trên Thiên đàng (x. GLHTCG số 1054). Thời gian mà các linh hồn phải giam cầm trong luyện ngục tùy vào hình phạt đã ấn định. Nhưng, trong mầu nhiệm các thánh thông công, những người kitô hữu còn sống có thể giúp giảm bớt thời gian thanh luyện cho các linh hồn đó bằng việc “dâng kinh nguyện, nhất là dâng Thánh lễ cầu nguyện cho họ” (x. GLHTCG số 1055).
Thời Cựu ước, người ta vẫn tin rằng, những người còn sống có thể làm việc đền tội thay cho những người đã chết. Sách Macabê đã kể lại rằng: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (x. 2 Mcb 12, 43-46). Ngay từ những thời gian đầu, Giáo Hội cũng đã tôn kính và tưởng niệm những người đã qua đời bằng việc dâng lễ, cầu nguyện, làm việc bố thí, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ để giúp những người đã qua đời (x. GLHTCG số 1032). Giáo Hội luôn khuyến khích và mời gọi các Kitô hữu còn sống tiếp tục thực thi những điều trên đây để cứu giúp các linh hồn. Khi như vậy, không những chúng ta giúp các linh hồn mà còn thực thi sự công bằng, bác ái và đặc biệt đem lại lợi ích cho chúng ta.
1. Khi chúng ta cứu giúp các linh hồn là chúng ta đang thực thi sự công bằng. Bởi vì, các linh hồn đang chịu đau khổ trong luyện ngục có thể là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, thân nhân của chúng ta. Họ đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người. Họ đã góp phần làm nên cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay. Có thể vì chúng ta mà họ phải giam cầm trong lửa luyện ngục. Vì vậy, cách nào đó chúng ta đang mắc nợ các ngài.
Các linh hồn đang chịu đau khổ trong luyện ngục cũng có thể là những ân nhân của chúng ta, họ đã từng làm cho đời chúng ta được tốt đẹp hơn: Đó là các thầy cô giáo đạo đời; đó là các Đấng bậc trong Giáo Hội, nhất là các linh mục quản xứ đã từng giảng dạy khuyên nhủ chúng ta, ban các Bí tích, giúp chúng ta giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em mình; đó là các ân nhân xa gần có thể giúp đỡ chúng ta về tinh thần cũng như vật chất: một lời khích lệ động viên, một sự nâng đỡ, một chén cơm, một món qùa khi chúng ta thiếu thốn, đói khát…
Cho nên, khi chúng ta xin lễ, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục là chúng ta đang thực thi lẽ công bằng, đang làm việc bổn phận của chúng ta.
2. Khi chúng ta cứu giúp các linh hồn là chúng ta thực thi tinh thần bác ái: khi thấy ai đói khổ, bệnh tật, gặp hoạn nạn rủi ro…chúng ta thường ra tay giúp đỡ. Chẳng hạn, trong trận lụt lịch sử do thiên tai và nhân tại xảy ra tại miền Trung vừa qua để lại bao nhiêu hậu quả nặng nề: nhiều người chết, hàng chục ngàn người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu lương thực thuốc men…Trong hoàn cảnh bi đát đó, chúng ta thấy có rất nhiều cá nhân, tập thể khắp nơi quyên góp tiền của gửi tới đồng bào Miền trung, trong đó có các giáo xứ trong giáo hạt chúng ta. Tinh thần liên đới đó giúp họ phần nào vơi đi sự đau khổ, mất mất, nhất là giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Từ hình ảnh trên, chúng ta liên tưởng đến những đau khổ mà các linh hồn ngày đêm phải chịu trong luyện ngục: đau khổ vì phải xa mặt Chúa; đau khổ vì phải chịu lửa thiêu đốt hằng ngày. Các ngài không tự cứu mình được. Các ngài đang trông chờ sự cứu giúp của chúng ta. Vậy, chúng ta hãy phát động một cuộc quyên góp, nhất là trong tháng các linh hồn này. Hàng quyên góp của chúng ta không phải là cơm áo, gạo tiền nhưng chính là thánh lễ, lời cầu nguyện, việc hy sinh bác ái và các việc lành phúc đức khác… Nhờ có những của quyên góp chúng ta gửi tới các linh hồn, các ngài sẽ sớm được ra khỏi luyện hình để về với Chúa trên Thiên đàng. Khi làm như thế, là chúng ta đang thực thi lòng bác ái đối với các linh hồn.
3. Khi chúng ta cứu giúp các linh hồn là chúng ta đang làm một việc có ích cho chúng ta. Bởi vì, khi các linh hồn trong luyện ngục được về Thiên đàng, các ngài sẽ bầu cử cho chúng ta trước mặt Chúa. Mặt khác, khi chúng ta nhớ tới các hình khổ mà các linh hồn phải chịu, sẽ nhắc nhở chúng ta cố gắng sống tốt hơn, đền tội nhiều hơn ở đời này để ngày sau giảm bớt thời gian đền tội trong luyện ngục. Hơn nữa, khi chúng ta làm việc giúp các linh hồn đòi buộc chúng ta phải cố gắng sống trong ơn nghĩa Chúa. Bởi vì, theo ý kiến của Thánh Tôma Aquinô, để những việc làm của chúng ta sinh ích cho các linh hồn, một trong những điều kiện cần phải có đó là phải làm khi có ơn nghĩa Chúa, nghĩa là sạch tội trọng.
Truyện kể rằng, một người cha đang khi hấp hối dặn đứa con trai nhớ đến và năng cầu nguyện cho cha sau khi cha qua đời. Người con hiếu thảo vâng lời ngay, chàng siêng năng cầu nguyện, dâng việc lành phúc đức cầu cho linh hồn cha.
Sau 33 năm người cha nói trên hiện về với con, quanh mình phủ đầy lửa, cay đắng phàn nàn:
- Tại sao con quên cha lâu năm như vậy, không cầu nguyện cứu giúp cha.
Người con hết sức ngạc nhiên không hiểu câu nói của cha, chàng liền hỏi:
- Những lời cầu nguyện, việc lành, bố thí của con không giúp ích gì cho cha sao?
Người cha trả lời:
- Không con ơi, các việc lành phúc đức con làm không sinh ích gì cho con và cho cha, bởi con làm khi con mắc tội trọng. Con xưng tội, nhưng không có lòng ăn năn chừa tội thật. Chúa nhân từ cho phép cha hiện về với con để làm ích cho cha con ta.
Từ đó, người con thật lòng ăn năn chừa tội và chẳng bao lâu sau đã cứu được linh hồn cha khỏi Luyện ngục lên Thiên đàng rực rỡ vô ngần (x. Bài “Những phương thế cứu giúp các linh hôn luyện ngục” của Lm. Mark, CMC).

Lạy Chúa, nhờ thánh lễ chúng con dâng hôm nay và lời cầu nguyện và những hy sinh chúng con làm trong suốt tháng này, xin Chúa giảm bớt những hình khổ mà các linh hồn phải chịu trong luyện ngục, sớm đưa các ngài về hưởng trọn vẹn hạnh phúc với Chúa. Xin cho chúng con biết xa tránh tội lối, ra sức làm việc lành để ngày sau được lên Thiên đàng. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Các thánh là những ai ?
Lm. Petrus Nguyễn Văn Hương
20:27 31/10/2016
CÁC THÁNH LÀ NHỮNG AI?

Lễ Các Thánh Nam Nữ

Kh 7,2-4,9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a

Ngày hôm nay, các nhà khoa học đã phóng những tín hiệu vào trong vũ trụ, với hy vọng có thể nhận được những tín hiệu từ một số sinh vật thông minh trên những hành tinh đã mất tích. Giáo Hội luôn liên lạc với những dân cư thuộc thế giới khác – đó là các Thánh nam nữ. Đó là điều mà chúng ta tuyên xưng khi nói rằng: “Tôi tin các thánh thông công.” Nếu có những dân cư ngoài hệ mặt trời đã hiện hữu, sự hiệp thông với họ có lẽ là không thể, bởi vì giữa câu hỏi và câu trả lời là khoảng cách hàng triệu năm qua rồi. Tuy nhiên, ở đây, đối với chúng ta, câu trả lời là trực tiếp bởi vì có một trung tâm chung cho sự truyền thông và gặp gỡ này, đó là Đức Kitô phục sinh.

Có lẽ bởi vì ngày lễ Các Thánh được cử hành vào một thời điểm đặc biệt gần cuối năm phụng vụ, nên nó có một điều gì đó đặc biệt diễn tả ý nghĩa cuộc đời của chúng mà người tín hữu rất yêu thích tham dự thánh lễ này. Lý do là điều mà thánh Gioan nói trong bài đọc II. Trong cuộc sống này, “hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3,1-3). Chúng ta giống như phôi thai trong dạ mẹ mong được sinh ra. Các thánh đã được “sinh ra”. Vì thế, phụng vụ coi ngày từ trần của các thánh là “ngày sinh nhật” của các ngài (dies natalis). Chiêm ngắm các thánh là chiêm ngắm vận mệnh chúng ta. Mọi sự xung quanh chúng ta, thiên nhiên như tàn lụi và lá cây rụng xuống, nhưng lễ các thánh mời gọi chúng ta nhìn cao hơn. Nó nhắc nhở mỗi người ý thức rằng chúng ta không được tiền định để mãi mãi tàn lụi ở trên trái đất này, giống như lá rụng, nhưng là để sống vĩnh cửu với Thiên Chúa như Các Thánh.

Bài Tin Mừng là các mối phúc. Một mối phúc đặc biệt gợi hứng chọn lựa đọc đoạn này: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,10). Các thánh là những người đã đói khát sự công chính, mà theo nghĩa Kinh Thánh, có nghĩa là đói khác sự thánh thiện. Họ không chấp nhận sống một sự tầm thường; họ không hài lòng với kiểu nửa vời.

Bài đọc I của ngày lễ giúp chúng ta hiểu các thánh là ai. Họ là “đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Sự thánh thiện được đón nhận từ Chúa Kitô; nó không phải là sản phẩm của chúng ta. Trong Cựu Ước, nên thánh có nghĩa là ‘được tách riêng’ khỏi mọi sự ô uế; theo truyền thống Kitô giáo, nên thánh nó ngược lại, nghĩa là được “kết hợp với Chúa Kitô”.

Các thánh là những người được cứu độ, được kết hợp với Chúa Kitô. Họ không chỉ là những người được đề cập trong lịch phụng vụ hoặc trong sách hạnh Các Thánh. Nhưng còn có rất nhiều vị thánh mà chúng ta không biết đến, có vô số những người đã sống cuộc sống trần thế một cách tốt lành và thánh thiện, đã được Thiên Chúa vinh thăng. Có rất nhiều người âm thầm hy sinh cuộc đời của mình vì tha nhân, có người phải tử đạo vì công lý và tự do, có người một đời tận tụy chu toàn bổn phận của mình trong âm thầm, khiêm tốn phục vụ người khác nơi bệnh viện, nơi học đường, nơi các gia đình và các tổ chức Giáo Hội… Dầu không ai biết đến, nhưng họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên, vì họ sống theo tiếng nói lương tâm và họ luôn lo lắng vì thiện ích của tha nhân.

Một câu hỏi tự nhiên đặt ra: Các thánh trên trời làm gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở đây trong bài đọc I: “Họ sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! A-men!” (Kh 7,111-12). Ơn gọi đích thực của con người được thành toàn trong họ, đó là được “ca ngợi vinh quang Thiên Chúa (Eph 1,14). Ca đoàn các thánh được hướng dẫn bởi Đức Maria, Đấng tiếp tục thánh thi tạ ơn của mình trên thiên đàng: “Linh hồn tôi tung hô Chúa”. Trong lời ca ngợi này mà các thánh tìm thấy hạnh phúc và niềm vui. “Linh hồn tôi hớn hở trong Thiên Chúa”. Một người đang yêu, là người luôn biết ngưỡng mộ và ca ngợi. Khi yêu mến và ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa, tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Người.

Một ngày nọ, một vị thánh có tên là St. Simon The New Theologian, có một kinh nghiệm thần bí về Thiên Chúa rất mãnh liệt, ngài kêu lên rằng: “Thiên đàng không hơn điều này, nó đủ cho con rồi.” Nhưng một tiếng nói của Chúa Kitô nói với ngài: “Con là người rất nghèo nàn nếu con bằng lòng với điều đó. Niềm vui con trải nghiệm khi so sánh với thiên đàng giống như bầu trời được vẽ trên giấy so với bầu trời thật.”

Như thế, lễ Các Thánh là ngày cử hành niềm vui của chúng ta, bởi vì Các Thánh là những thành viên trong gia đình, giáo xứ của chúng ta đã được vinh thăng, đồng thời ngày lễ này nhắc nhở và cũng cố niềm hy vọng lớn lao về định mệnh cao cả nhất của mỗi người là được kết hợp với Đức Kitô. Nguyện xin Các Thánh Nam Nữ trên trời cầu bầu cho chúng ta. Amen.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:11 31/10/2016
59. PHẬT ẤN ĐAN SƯ.
Phật Ấn Đan sư vì Vương Quan Văn mà thăng đàn thuyết pháp, khi niệm kinh thì đọc:
- “Chừ một nén nhang dâng lên cầu cho các tiến sĩ được nhiều như bụi trần ai, đại vương che chở thiên hạ, các thượng tướng quân giết người không chớp mắt, các đại cư sĩ lập tức thành phật.”
Vương Quan Văn nghe xong thì rất phấn khởi, trong lòng nghĩ rằng nếu được như thế thì sau này sẽ mãi mãi là nguyên soái, nếu giết người nhiều một chút thì cũng không trở ngại gì !
(Mạn tiếu lục)

Suy tư 59:
Thánh lễ là trung tâm điểm và là việc thờ phượng Thiên Chúa cách công khai của người Ki-tô hữu, dù thánh lễ ngắn hay thánh lễ dài, dù lễ trọng hay lễ thường thì vẫn là thánh lễ; dù linh mục già hay linh mục trẻ, dù linh mục giảng hay hoặc giảng không hay thì thánh lễ vẫn có hiệu lực cứu độ nhân loại.
Có những lúc chúng ta đi tham dự thánh lễ mà như là đi coi một cuộc trình diễn thánh ca, chúng ta chê bai ca đoàn hôm nay hát dở ẹt, chúng ta phê bình anh ca trưởng giữ nhịp và ca đoàn hát không ăn khớp với nhau...
Có những lúc chúng ta đi tham dự thánh lễ như là đi họp tổ dân phố, chúng ta phê bình cha chủ tế hôm nay giảng dài, lạc đề; chúng ta mong thánh lễ mau kết thúc để đi chơi công viên Đầm Sen với người yêu, chúng ta mong thánh lễ mau kết thúc để chạy mánh...
Những cái mà chúng ta phê bình ấy, chê bai ấy đều đúng cả, nhưng vì cái bất toàn ấy mà tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa được nổi bật lên giữa con cái loài người. Nếu Thiên Chúa “khó tính” như chúng ta chọn một linh mục phải thật thánh thiện như Chúa, thì trên thế gian này không có thánh lễ thứ hai tiếp nối thánh lễ trên đồi Can-vê xưa kia; nếu Thiên Chúa “gắt gao” như chúng ta phải tuyển lựa các ca viên có giọng hát hay thanh thót như các thiên thần để ca ngợi Chúa, thì trên thế gian này sẽ không có giọng hát nào cất lên để ca ngợi Chúa như các thiên thần ca ngợi Chúa đêm Ngài giáng sinh...
Hãy cầu nguyện nhiều cho các mục tử của mình để các ngài làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm lớn lao của mình, và hãy khuyến khích những người cộng tác với các ngài trong việc mở mang Nước Chúa biết trau dồi khả năng của mình để phục vụ Chúa trong tha nhân.
Hãy có tâm tình khiêm tốn và yêu thương khi đi dâng thánh lễ, bởi vì một tình thương chân chính sẽ xóa bỏ những khuyết điểm của người mình yêu thương...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:12 31/10/2016

8. Khi khóc lóc trong đêm tối của thế tục, tôi chỉ muốn hưởng dùng man-na (Thánh Thể) ảo diệu này, mùi vị của lương thực này.

(Thánh Cajetan)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ Các Thánh Nam Nữ ̣
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:14 31/10/2016
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
(Ngày 1.11)

Tin mừng : Mt 5, 1-12.
“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, qua thánh lễ này chúng ta càng thấu hiểu hơn nữa về mầu nhiệm các thánh thông công của Giáo Hội, và khi suy niệm đến mầu nhiệm thông công này, chúng ta càng đặt niềm tin tưởng của mình vào Thiên Chúa và Hội Thánh hơn.

Các thánh là những con người như chúng ta, không ai có thể nên thánh nếu không đi qua cuộc sống làm người với những khổ đau hy sinh; không đi qua đau khổ hy sinh thì không thể trở thành một thánh nhân, bởi vì chính Đấng cứu chuộc nhân loại là Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã bị đánh đòn, bị đóng đinh vào thập giá, và cuối cùng chết trên thập giá, hy sinh để chuộc tội cho nhân loại, tức là Ngài đã đi qua đau khổ và dùng đau khổ để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.

Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, khi còn sống ở thế gian các ngài cũng có những tham sân si, cũng có kiêu căng, có giận hờn, có ghét ghen, có tham lam, có những tội lỗi mà chúng ta đã phạm hôm nay. Nhưng các ngài đã biết cậy vào ơn của Chúa và biết quyết tâm đứng lên cố gắng làm lại cuộc đời mình, biết chiến đấu với những cám dỗ, để rồi hôm nay các ngài được hưởng phúc với Thiên Chúa, với Đức Mẹ Ma-ri-a và các thiên thần trên thiên đàng.

Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, có vị đã từng làm vua, có vị đã từng làm quan, làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thấy giáo, làm nô lệ, có vị làm giáo hoàng, có vị làm giám mục, làm linh mục, phó tế, có các vị là nam nữ tu sĩ.v.v... nghĩa là các ngài có đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội, có những đời sống và hoàn cảnh khác nhau, nhưng các ngài đã có một mục đích để sống, đó chính là phải trở nên thánh, phải trở thành những bạn hữu của Thiên Chúa trong chính bổn phận hằng ngày của mình.

Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, nhưng các ngài đã biết thực hiện “hiến chương Nước Trời” tức là “Tám Mối Phúc thật” ngay tại trần gian này :
Các ngài giàu có nhưng đã sống tinh thần khó nghèo vì Nước Trời.
Các ngài bị người khác vu oan giá họa nhưng vẫn hiền lành với họ.
Các ngài đã chia vui với người vui và buồn với người buồn, nên được Thiên Chúa an ủi ngay khi còn ở đời này.
Các ngài mong muốn được trở nên người công chính giữa một xã hội đầy mưu mô xảo trá, nên được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Các ngài biết thương xót người, tức là biết động lòng trước cảnh thương tâm của người khác, nên được Thiên Chúa xót thương.
Các ngài sống trong danh vọng, sống giữa bụi trần với những đam mê của nó, nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nên các ngài được nhìn thấy Thiên Chúa.
Các ngài đi đến đâu là đem bình an của Thiên Chúa đến nơi đó, các ngài được gọi là những người biết kiến tạo hoà bình, nên các ngài được gọi là con Thiên Chúa.
Các ngài bị bắt bớ, bị đánh đập, bị tra tấn, bị tù đày vì các ngài sống và tin vào Đức Chúa Giê-su, Đấng sẽ ban Nước Trời cho những kẻ tin vào Ngài, nên các ngài đã được Nước Trời làm của mình sau khi từ giã cõi đời tạm này...


Anh chị em thân mến,
Các thánh nam nữ đều là những con người như chúng ta, các ngài đã trở nên những vị thánh thì chúng ta cũng có thể trở nên thánh như các ngài, bởi vì nên thánh là đòi hỏi của Phúc Âm và là mục đích sống ở đời của chúng ta –những người Ki-tô hữu.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a và các thánh nam nữ trên thiên đàng cầu bàu cho chúng ta, là những người đang trên đường đi về quê trời, được noi gương của các ngài biết quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình, biết đứng dậy khi ngã xuống trong tội, biết phục vụ và tha thứ cho nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video Kinh Truyền Tin với ĐTC: Chúa gặp ông Zakêu để nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa
VietCatholic Network
08:53 31/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm nay Chúa Nhật 30 tháng 10 năm 2016, Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 70 ngàn tín hữu tụ tập đầy Quảng Trường Thánh Phêrô, trưa Chúa Nhật 30-10-2016, ĐTC đã rút những bài học từ cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Ông Zakêu.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 31, theo thánh Luca đoạn 19 từ câu 1 đến câu 10 về chuyện ông Zakêu người thu thuế, để nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sau đây là bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một sự kiện xảy ra ở Giêrico, khi Chúa Giêsu vào thành này và được đám đông đón tiếp (Xc LC 19,1-10). Tại Giêricô có ông Zakêu thủ lãnh những người thu thuế. Ông là một cộng tác viên giàu có của những người Roma xâm lăng bị dân chúng ghét bỏ, Ông tả là người bóc lột dân tộc mình. Cả ông ta, vì tò mò, cũng muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng thân phận của ông là người tội lỗi công khai không cho phép ông đến gần Thầy; hơn nữa ông dáng người nhỏ bé, vì thế ông leo lên một cây, cây sung, dọc theo con đường nơi Chúa Giêsu sẽ đi qua.

”Khi đến gần cây ấy, Chúa Giêsu ngước mặt nhìn và nói với ông: ”Zakêu, hãy xuống ngay vì hôm nay tôi muốn ở lại nhà Ông” (v. 5). Chúng ta có thể tưởng tượng sự kinh ngạc của Zakêu! Nhưng tại sao Chúa Giêsu nói ”Tôi phải dừng lại ở nhà ông?”. Đây là nghĩa vụ nào thế? Chúng ta biết nghĩa vụ tối cao của Chúa Giêsu là thực hiện kế hoạch của Chúa Cha về nhân loại, được thực thi ở Jerusalem qua sự kết án tử hình, bị đóng đanh, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Đó là kế hoạch cứu độ do lòng từ bi thương xót của Chúa Cha. Và trong kế hoạch này cũng có việc cứu độ Zakêu, một người bất lương và bị mọi người khinh rẻ, và do đó cần được hoán cải. Thực vậy, Tin Mừng nói rằng khi Chúa Giêsu gọi ông, ”tất cả mọi người đều lẩm bẩm: Ông ấy vào nhà một người tội lỗi!” (v.7). Dân chúng thấy nơi ông Zakêu một người gian ác, làm giàu trên lưng người khác. Nhưng Chúa Giêsu, được lòng thương xót hướng dẫn, tìm chính ông ta”.

Và giả sử Chúa Giêsu nói: 'Hỡi tên phản bội nhân dân, hãy xuống đi và đến nói chuyện với Ta để trả lẽ về các tội của ông!' Chắc chắn là dân chúng sẽ hoan hô Ngài. Trái lại, họ bắt đầu lẩm bẩm: ”Ông Giêsu đến nhà hắn, kẻ tội lỗi, kẻ bóc lột”.

Chúa Giêsu được lòng thương xót hướng dẫn, tìm kiếm chính ông Zakêu. Và khi vào nhà ông Zakêu Ngài nói: ”Hôm nay, ơn cứu độ đã đến nhà này, vì ông ta cũng là con của tổ phụ Abraham. Thực vậy, Con Người đến để tìm và cứu vớt những gì bị hư mất” (vv.9-10). ”Cái nhìn của Chúa Giêsu đi xa hơn tội lỗi và thành kiến. Và đây là điều quan trọng! Chúng ta phải học điều ấy; cái nhìn của Chúa Giêsu đi xa hơn tội lỗi và thành kiến; Ngài nhìn con người với đôi mắt của Thiên Chúa, và không dừng lại sự ác đã qua, nhưng nhìn thấy điều thiện tương lai; Chúa Giêsu không cam chịu sự khép kín, nhưng luôn mở ra những không gian mới của cuộc sống; không dừng lại ở những gì bên ngoài, nhưng nhìn tận con tim. Và ở đây Ngài nhìn con tim của người ấy bị thương tổn vì lòng tham, vì bao nhiêu sự xấu xa mà Zakêu đã làm. Ngài nhìn con tim bị thương và đến đó.

”Đôi khi chúng ta tìm cách sửa sai và hoán cải một người tội lỗi bằng cách trách mắng họ, khiển trách những lỗi lầm của họ và thái độ không đúng của họ. Thái độ của Chúa Giêsu với Ông Zakêu chỉ cho chúng ta một con đường khác, giá trị mà Thiên Chúa tiếp tục thấy dù thế nào đi nữa. Điều này có thể tạo nên một sự ngạc nghiên tích cực làm cho con tim mền hơn và thúc đẩy con người rút ra những gì là tốt lành nơi mình. Chính sự tín nhiệm nơi con người làm cho họ tăng trưởng và thay đổi. Thiên Chúa cũng cư xử như vậy đối với tất cả chúng ta: Chúa không bị chặn đứng vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài vượt thắng tội lỗi nhờ tình thương và làm cho chúng ta tưởng nhớ điều thiện”. Tất cả chúng ta đã cảm thấy điều thiện sau khi lầm lỗi. Thiên Chúa là Cha đang làm như vậy, và cả Chúa Giêsu cũng thế. Không có người nào không có điều gì là tốt, Đó là điều mà Thiên Chúa ngắm nhìn”.

Và ĐTC kết luận, Ngài xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta nhìn thấy điều tốt nơi những người chúng ta gặp mỗi ngày, để tất cả chúng ta được khích lệ làm trổi lên hình ảnh mà Thiên Chúa đã in vào tâm hồn họ. Như thế chúng ta có thể vui mừng vì những điều lạ lùng của lòng Thương Xót Chúa! Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của những điều ngạc nhiên.

Sau phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước tại Tây Ban Nha, ngài nói: “Hôm qua, tại Madrid, 4 vị chân phước đã được tôn phong là José Antón Gómez, Antolín Pablos Villanueva, Juan Rafael Mariano Alcocer Martínez và Luis Vidaurrázaga Gonzáles, tử đạo, giết tại Tây Ban Nha trong thế kỷ vừa qua, trong cuộc bách hại chống lại Giáo Hội. Các vị là linh mục dòng Biển Đức. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa và phó thác cho lời chuyển cầu của các tân chân phước những anh chị em đang còn bị bách hại tại nhiều nơi trên” thế giới ngày nay.”

ĐTC cũng chia buồn và liên đới với các nạn nhân bị động đất ở miền Trung Italia, kể cả cuộc động đất mới xảy ra lúc 7 giờ 40 phút sáng Chúa Nhật 30-10-2016 tại thành Norcia và vùng phụ cận với mức độ 6,5 theo thước Richter. Nhà thờ chính tòa thánh Biển Đức ở địa phương bị sụp đổ, nhiều gia cư khác bị hư hại, nhưng rất may không có ai bị thiệt mạng, chỉ có vài người bị thương. ĐTC nói:

“Tôi cầu nguyện cho những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại nặng cũng như cho các nhân viên cứu cấp và trợ giúp. Xin Chúa Phục Sinh ban cho họ sức mạnh và xin Đức Mẹ gìn giữ họ”.

Sau cùng ĐTC thông báo cho tất cả mọi người cuộc viếng thăm ngài sẽ thực hiện thứ hai 31-10 này tại Thụy Điển, nhân dịp tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Tin Lành. ”Trong hai ngày tới đây, tôi sẽ thực hiện cuộc tông du tại Thụy Điển nhân dịp tưởng niệm cuộc cải cách trong đó các tín hữu Công Giáo và Luther cùng nhau trong ký ức và kinh nguyện. Tôi xin tất cả anh chị em cầu nguyện để cuộc viếng thăm này là một giai đoạn mới trong hành trình huynh đệ hướng về sự hiệp thông trọn vẹn”.
 
Công giáo có thể học từ Tin lành Luther hai điều: cải cách và Kinh Thánh
Hồng Thủy
09:27 31/10/2016
Vatican – Trước chuyến viếng thăm Thụy điển vào các ngày 31/10-01/11 để tưởng niệm 500 năm cuộc Cải cách của Luther, vào ngày 24/09, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời cuộc phỏng vấn của cha Ulf Jonsson, giám đốc của tạp chí Signum” của dòng Tên. Nội dung cuộc phỏng vấn được đăng bằng tiếng Anh và tiếng Ý trên tạp chí dòng Tên La Civilta Cattolica (Văn minh Công Giáo). Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã nói về những mong đợi của ngài và về sự hiệp nhất Công Giáo và Tin lành Luther.

“Tôi có thể nghĩ đến chỉ một từ để trả lời: đến gần nhau”, đó là câu trả lời của Đức Phanxicô về hy vọng của ngài trong chuyến viếng thăm Thụy điển sắp tới. Ngài nói: “Hy vọng và chờ mong của tôi là đến gần các anh chị em của tôi hơn” vì “sự gần nhau cho tất cả chúng ta trở nên tốt, còn xa cách làm cho chúng ta đau khổ.” Khi chúng ta xa cách người khác, “chúng ta đóng kín mình trong bản thân và trở thành những thực thể cá nhân, không thể gặp gỡ người khác. Chúng ta bị kìm lại bởi nỗi sợ hãi.”

Đức Thánh Cha nhấn manh là chúng ta cần phải học vượt qua chính mình để gặp gỡ người khác và nếu không thì các Kitô hữu sẽ trở nên đau bệnh vì sự chia rẽ của chúng ta. Ngài nói tiếp: “Điều tôi chờ mong là có thể tiến một bước gần, gần hơn với anh chị em ở Thụy điển.”

Chuyến viếng thăm sắp tới là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến vùng Scandinavia kể từ lần Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô thăm Thụy điển vào năm 1989. Dù chỉ kéo dài 2 ngày, chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ bao gồm buổi cầu nguyện hiệp nhất tại nhà thờ chánh tòa Tin lành Luther ở thành phố Lund và sau đó là sự kiện đại kết ở thành phố Malmö.

Đức Phanxicô cũng sẽ cử hành Thánh lễ trọng kính Các Thánh với các tín hữu Công Giáo Thụy điển tại sân vận động Swedbank ở thành phố Malmö. Thánh lễ này không có trong chương trình ban đầu nhưng được thêm vào do yêu cầu của cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ Thụy điển.

Đức Phanxicô đã gặp phải những chỉ trích về quyết định ban đầu là không cử hành Thánh lễ Công Giáo. Trong cuộc phỏng vấn ngài đã giải thích quyết định ban đầu này, vì ngài muốn cổ võ hiệp nhất và tránh chia rẽ bè phái. Đức Thánh Cha giải thích là hai từ “Công Giáo” và “bè phái” là hai từ tương phản, anh chị em không thể vừa là Công Giáo và bè phái, do đó ngài không lên chương trình cử hành Thánh lễ trong chuyến viếng thăm này.

Đức Thánh Cha cũng chia sẻ suy tư của ngài là muốn nhấn mạnh về chứng từ đại kết, nhưng như mục tử của đoàn chiên Công Giáo và sẽ có các tín hữu đến từ Na uy và Đan Mạch, nên ngài đã nhận lời yêu cầu tha thiết của cộng đoàn Công Giáo và kéo dài chuyến đi thêm một ngày. Thánh lễ không được cử hành cùng ngày cuộc gặp gỡ đại kết để tránh những hiểu lầm.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha cũng nói về liên hệ tích cực của ngài với tín hữu Luther khi ngài còn ở Buenos Aires. Theo ngài, các tín hữu Công Giáo có thể học từ Tin lành Luther “cải cách và Kinh thánh.” Luther đã muốn cải cách khi Giáo Hội trong thời kỳ khó khăn, ông muốn giải quyết tình trạng phức tạp, chỉ vì tình hình chính trị nên nó trở thành chia rẽ. Cải cách là điều căn bản của Giáo Hội vì Giáo Hội luôn cải cách. Đức Thánh Cha nhìn nhận việc Luther khuyến khích tín hữu đọc Kinh thánh thật quan trọng.

Theo Đức Phanxicô, bên cạnh việc thảo luận thần học, cách tốt nhất cổ võ hiệp nhất hiện nay là chia sẻ sự nhiệt thành cầu nguyện chung và các việc bác ái. Ngài nhấn mạnh là cùng nhau hành động là điều rất quan trọng, trong khi “chiêu dụ tín đồ” trong lãnh vực Giáo Hội là tội lỗi, vì nó giống như biến Giáo Hội thành một tổ chức. Nói chuyện với nhau, cầu nguyện cùng nhau, hoạt động chung là con đường mà chúng ta phải đi.

Đức Thánh Cha cũng nhận định là không bao giờ có thể dùng Thiên Chúa để bào chữa cho bạo lực: “Anh chị em không thể dùng tên Thiên Chúa để gây chiến tranh. Đó là phạm thượng, là ma quỷ.” Ngài cũng phản đối những phê bình nhắm đến các xung đột tôn giáo và cho rằng không có các tôn giáo thì thế giới sẽ tốt hơn. Ngài phân biệt giữa tôn giáo giả và sai lầm trong các hình thức sùng bái ngẫu tượng như tiền bạc, thù hận, tham vọng, thống trị, vv. với tôn giáo thật nhắm phát triển khả năng của con người để đạt tới hoàn hảo.

Lời cuối cùng của Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm sắp tới là: “đơn giản: đi và bước cùng nhau! Đừng đóng kín trong những quan điểm cứng nhắc, bởi vì trong những điều đó không có khả năng hoán cải.” (CAN 28/10/2016)
 
Tuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther
LM. Trần Đức Anh OP
09:29 31/10/2016
LUND. ĐTC và Đức GM Chủ tịch Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới đã ký tuyên ngôn chung bày tỏ quyết tâm tìm về hiệp nhất trọn vẹn giữa hai Giáo Hội.

Tuyên ngôn được ĐGH và Đức TGM Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther ký vào cuối buổi cầu nguyện tưởng niệm 500 cuộc cải cách cử hành tại Nhà thờ chính tòa Lund, Thụy Điển, chiều ngày 31-10-2016.

Tuyên ngôn có đoạn viết: ”Với tuyên ngôn chung này, chúng tôi, các tín hữu Công Giáo và Luther, bày tỏ lòng biết ơn vui mừng đối với Thiên Chúa vì ơn được cầu nguyện chung tại Nhà thờ Chính tòa Lund nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách. 50 năm đối thoại đại kết song phương liên tục và có thành quả giữa Công Giáo và Luther đã giúp vượt thắng nhiều khác biệt và đã kiến tạo sự cảm thông lẫn nhau và tín nhiệm giữa chúng tôi. Đồng thời chúng tôi đã tiến đến gần nhau trong việc cùng phục vụ những người thân cận của chúng tôi, thường ở trong bối cảnh đau khổ và bị bách hại. Vì thế, qua đối thoại và cùng làm chứng tá, chúng tôi không còn là những người xa lạ nữa. Trái lại, chúng tôi đã học biết rằng có nhiều điều liên hết chúng tôi hơn là những điều chia rẽ.

”Đáp lại 5 điều quyết tâm, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc đối thoại của chúng tôi để loại bỏ những chướng ngại còn tồn đọng cản trở chúng tôi tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Đặc biệt chúng tôi dấn thân tìm kiếm những con đường vượt thắng sự phân hóa trong Thân Mình Chúa Kitô và đáp lại sự đói khát thiêng liêng của các cộng đồng chúng tôi để được nên một tại Bàn Thánh Thể. Đó là mục đích nỗ lực đại kết của chúng tôi.

”Chúng tôi kêu gọi tất cả các cộng đồng Công Giáo và Luther địa phương và những người đối tác đại kết của chúng tôi hãy cản đảm và có tinh thần sáng tạo, vui tươi và hy vọng trong quyết tâm của họ dấn thân trong hành trình tuyệt vời này trước mặt chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giám Mục Younan Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới đã ký tuyên ngôn chung, và giơ cao cho mọi người hiện diện. Toàn thể mọi người đã nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng, trong đó có cả Quốc vương và Hoàng hậu Thụy Điển.
 
Về cuộc bầu cử năm 2016 tại Hoa Kỳ.
Giuse Thẩm Nguyễn
14:20 31/10/2016
Tản mạn về bầu cử tại Hoa Kỳ.

Ngày bầu cử đã gần kề, có nhiều người đã bỏ phiếu rồi qua hình thức gởi thư, nhưng vẫn có nhiều người còn chờ cho đến phút chót để đi bầu tại các phòng phiếu địa phương. Bầu cử là đề tài nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông, nào là Cơ Quan Điều Tra Liên Bang sẽ lại tiếp tục điều tra về việc bà Hillary Clinton để lộ bí mật quốc gia qua việc xử dụng email cá nhân, nào là ông Donald Trump đã xúc phạm đến phụ nữ…nhưng với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, tưởng chúng ta cũng cần lưu tâm đến vài khía cạnh về bầu cử.

1/Bầu cử là quyền và là nghĩa vụ của công dân. Có nhiều người cho rằng số cử tri Việt Nam quá ít ở Mỹ này, nên mình có đi bầu hay không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả bầu cử. Nghĩ như thế thì cũng đúng ở khía cạnh nào đó, nhưng có vẻ tiêu cực quá. Đây là dịp để thể hiện quyền hiến định của một công dân Hoa Kỳ, dù kết quả thế nào, nhưng một người Công Giáo tin Chúa, yêu Giáo Hội, cần phải thi hành quyền và nghĩa vụ của mình, nhất là khi sự lựa chọn của mình ảnh hưởng đến nền văn hóa hiện nay đang suy đồi vì những quan niệm sai lầm về hôn nhân, vì chính sách ủng hộ phá thai, trợ tử, chuyển đổi giới tính gây hậu quả vi phạm tôn giáo, vi phạm niềm tin của chúng ta.

Nhìn về Việt Nam, trong bao nhiêu năm qua, người dân Việt có bao giờ được xử dụng lá phiếu của mình đâu! Những cuộc bầu cử đều do bọn Cộng Sản tổ chức, hoàn toàn có tính cách mỵ dân, là trò bịp bợm. Thử hỏi có người dân nào bầu cho đảng Cộng Sản Việt Nam đâu, có ai bầu cho cái đám chóp bu, ngu dốt và tham lam, đang ăn trên ngồi trốc hiện nay không?

Thế đấy, được sống trong một đất nước tự do, dân chủ thì tại sao mình lại thờ ơ, lại tự chối bỏ quyền bầu cử của mình?

2/Những ngày gần đây trên mạng xã hội và email của người Việt, chúng ta thấy người ta đưa tin là Đức Giáo Hoàng ủng hộ ứng cử viên Donal Trump và rồi lại cũng có người đưa tin ĐGH ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton. Tất cả hai tin trên là hoàn toàn bịa đặt, mà nguồn tin chính lấy ra từ mạng lưới http://wtoe5news.com, là một mạng lưới đưa tin chỉ có mục đích diễu cợt và tưởng tượng. Nhiều người đã không tìm hiểu cặn kẽ, rồi vội vàng loan tin cho nhau qua email. Thật là đáng tiếc.

3/ Bầu chọn cử viên tổng thống là một việc rất quan trọng, chúng ta không nên lơ là hay coi thường vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến mọi sinh hoạt hằng ngày, nhất là niềm tin tôn giáo của chúng ta. Vì thế trong tuần qua Đức Tổng Giám Mục Naumann của Kansas City đã đưa ra bài viết có tên là “Khi chọn lựa tổng thống là chúng ta gián tiếp chọn lựa các thẩm phán”.

Thật vậy, tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán tối cao và các thẩm phán liên bang. Các ông bà này đã tái định nghĩa hôn nhân trái ngược lại quan niệm hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ. Họ cũng biểu quyết ủng hộ việc bắt buộc các nhà dòng, các cơ sở tôn giáo và tư nhân phải cung cấp thuốc ngừa thai trong bảo hiểm y tế của nhân viên, phải cung cấp các dịch vụ ngừa thai, phá thai dù các bác sĩ, y tá, nhân viên chống lại việc thực hiện ấy vì lý do lương tâm, lý do niềm tin tôn giáo của mình. Các ông bà thẩm phán cũng sẽ cho phép người đổi giới tính được xử dụng bất cứ nhà vệ sinh hay phòng thay đồ nào mà họ muốn.

Mới tuần qua, ông Martin Castro, người được Tổng Thống Obama bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy Ban về các Quyền Dân Sự của Hoa Kỳ vào năm 2011, đã tuyên bố rằng tự do tôn giáo chỉ là “cái cớ che đậy việc kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, ghét đồng tính, ghét Hồi giáo và cổ vũ quyền tối cao của Kitô giáo”

Bầu chọn vị tổng thống có chủ trương trái ngược với lời dạy của Giáo Hội gây nên hậu quả như thế đấy.

4/Là người Công Giáo, chúng ta được Thiên Chúa dạy bảo qua các giáo huấn, qua các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội. Lời dạy của Giáo Hội giúp chúng ta và mọi người thiện chí hiểu được luật luân lý tự nhiên liên quan đến những vấn đề đặc biệt.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bình luận về cuộc chạy đua giành chức Tổng Thống Hoa Kỳ trong khi trả lời một câu hỏi như sau, “Trong một chiến dịch tranh cử, tôi không bao giờ nói điều gì cả. Mỗi người có ý kiến của họ, và tôi sẽ chỉ xin nói thế này: hãy nghiên cứu kỹ các đề xuất, hãy cầu nguyện, và chọn lựa bằng lương tâm!”

Còn Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Joseph.F.Kurtz khuyên rằng “Tôi khuyến khích anh chị em đồng bào Công Giáo của tôi, và mọi người thiện chí, hãy là những người quản lý tốt các quyền lợi qúy giá mà chúng ta vốn thừa hưởng trong tư cách công dân của đất nước này”

Đối với Đức Hồng Y Raymond Burke thì “Người Công Giáo cần rất thận trọng một cách đặc biệt và không chỉ đơn thuần không bầu cho ai cả; hoặc những người phò sự sống và những người ủng hộ gia đình cũng thế, không thể đơn thuần đầu hàng. Tôi chỉ nài nỉ họ hãy nghiên cứu kỹ lập trường của cả hai ứng cử viên, càng kỹ càng tốt, để coi ai trong họ sẽ đẩy mạnh, ít nhất là ở một mức độ nào đó, việc phục hồi nền văn minh sự sống và tình yêu trong đất nước của chúng ta."

Trên trang mạng của giáo phận Denver ngày 5 tháng 10, 2016, Đức Tổng Giám Mục Samuel Joseph Aquila viết rằng “người Công Giáo “hãy để cho cuộc gặp gỡ cá nhân thường xuyên với Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh hướng dẫn các quyết định chính trị của mình” và đặt việc sống đức tin trước quyền lợi của đảng phái. Ngài nhấn mạnh rằng dù cả hai ứng viên đều không thể ưa được, nhưng chúng ta phải biết rõ lập trường của cả hai bên để chọn ứng viên phò sự sống, ủng hộ tự do tôn giáo cùng tự do lương tâm, và phải luôn luôn chống lại việc trực tiếp giết chết sự sống của những người vô tội.”

Đối với các Dự Luật thì trang mạng http://www.cacatholic.org/faithful-citizenship, của Giáo Hội Công Giáo California có đưa ra hướng dẫn cụ thể như khuyến khích ủng hộ các Dự Luật 62 (Hình phạt tử hình), Dự Luật 57 (An toàn Công Cộng và Phục Hồi) và Chống Dự Luật 66 (Án Tử Hình)

Mới đây Đức Tổng Giám Mục San Francisco đưa ra lời kêu gọi đừng hợp thức hóa việc xử dụng cần sa ở California (Dự Luật 64) với ý kiến rằng “Có rất nhiều lý do đặt ra cho việc hợp thức hóa cần sa. Nó làm cho con em chúng ta nghĩ rằng việc xử dụng cần sa là được chấp nhận. Nếu chúng ta nghĩ là các thiếu niên không chơi cần sa thì hãy nhìn lại lịch sử của việc dùng thuốc lá. Mới đầu hút thuốc chỉ là để trông ra vẻ “ngon lành” thôi, nhưng rồi hậu quả thật tai hại. Thế đấy chúng ta mất gần cả chục năm với bao cố gắng mới có thể làm cho việc hút thuốc lá giảm với mức độ thấp như hiện nay. Việc hợp thức hóa cần sa có đi cùng một con đường như vậy không?

Không ai có câu trả lời cho những vấn nạn này và đó cũng chính là lý do tôi với tư cách cá nhân lại chống lại Dự Luật 64 và kêu gọi mọi người bỏ phiếu chống lại nó. Cái giá phải trả cho cần sa cũng như các chất kích thích khác như thuốc lá thật là lớn và ảnh hưởng của nó trên các thanh thiếu niên thì không lường.”

Hôm qua Tổ Chức Hiệp Sĩ Columbus (Knights of Columbus) đã kêu gọi mọi người hãy làm Tuần Chín Ngày, bắt đầu từ 30 tháng Mười tới ngày 7 tháng Mười Một để xin Mẹ Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là quan thày của đất nước Hoa Kỳ ban cho các cử tri biết “nghiên cứu các đề xuất, cầu nguyện và chọn lựa theo lương tâm” trong cuộc bầu cử này để mang lại kết quả tốt đẹp theo Thánh Ý của Chúa.

Hiện nay đã có ít nhất 3 vị giám mục Hoa Kỳ chính thức lên tiếng khuyến khích người Công Giáo tham gia bầu cử lần này, nhưng nhất định không bầu cho ứng viên nào ủng hộ phá thai. Đó là các Đức Tổng Giám Mục Chaput của Philadelphia, Aquila của Denver và Naumann của Kansas City.

Nhìn chung, Giáo Hội muốn một xã hội công bằng yêu thương như Chúa dạy được thực thi qua các dự luật. Về mặt luân lý, Giáo Hội ước mong tự do tôn giáo, niềm tin mọi người được tôn trọng. Những vấn đề hôn nhân đồng tính, phá thai, trợ tử, chuyển giới, bạo lực hiện nay là những vấn đề mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là “văn hóa sự chết” đang làm băng hoại xã hội. Lá phiếu của cử tri Công Giáo là những viên gạch xây dựng lại nền văn minh tình thương và sự sống.

Giuse Thẩm Nguyễn

 
Đức Thánh Cha tham dự lễ tưởng niệm 500 năm cuộc Cải Cách
Lm Trần Đức Anh OP
16:34 31/10/2016
LUND. Ngày 31-10-2016, ĐTC đã đến thành phố Lund, Thụy Điển, để cùng với Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther.

Hình ảnh

Liên hiệp này hiện qui tụ 145 Giáo Hội Tin Lành Luther tại 98 quốc gia trên thế giới với tổng số 74 triệu tín đồ.

Lễ tưởng niệm có chủ đề là ”Từ xung đột đến hiệp thông - Liên kết trong hy vọng” và diễn ra tại Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund. Việc tham dự lễ tưởng niệm cũng là chủ đích nguyên thủy và chính yếu chuyến viếng thăm đại kết của ĐTC tại Thụy Điển. Sau đó chương trình được kéo dài với thánh lễ ngài cử hành cho cộng đoàn Công Giáo Thụy Điển sáng ngày 1-11-2016, lễ Các Thánh.

Thụy Điển rộng với 450 ngàn cây số vuông và dân số gần 9 triệu 750 ngàn dân, đa số theo Tin Lành Luther, vốn là quốc giáo tại Thụy Điển cho đến năm 2000.

Giáo Hội Công Giáo chỉ được tái lập vào cuối thế kỷ 18 tại Thụy Điển và các tín hữu chỉ được hành đạo riêng tư. Hiện nay, Cộng đoàn Công Giáo tại đây họp thành một giáo phận duy nhất là giáo phận Stockholm với 115 ngàn tín hữu có đăng ký và con số thực tế nhiều gấp đôi nếu kể cả những người không đăng ký. Họ thuộc 44 giáo xứ do 127 LM coi sóc, cùng với 30 phó tế vĩnh viễn và 168 nữ tu, theo niên giám mới nhất của Tòa Thánh..

Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Điển là Giáo Hội gồm những người nhập cư với khoảng hơn 80 ngôn ngữ khác nhau trong các giáo xứ. Các thứ tiếng có nhiều tín hữu nhất là Arập, Eritreo, Croat, Ba Lan, Sloveni, Ucraina và Việt Nam. Hơn 80% các tín hữu Công Giáo tại nước này là người nhập cư hoặc con cái của những người nhập cư. Có một số nhỏ là người Tin Lành Thụy Điển trở lại Công Giáo.

Buổi cầu nguyện đại kết tưởng niệm

ĐTC đã từ Roma bay tới phi trường thành phố Malmoe, có 323 ngàn dân cư, lúc gần 11 giờ sáng ngày 31-10 và được thủ tướng Stefan Loefven, cùng với bà Bộ trưởng văn hóa và dân chủ, Alice Bah-Kuhnke, đón tiếp cùng với một số vị lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là các GM Công Giáo Bắc Âu và một số thành viên Liên Hiệp tin lành Luther thế giới.

Lúc quá một giờ rưỡi trưa, ĐTC đã đến hoàng cung Kunghuset ở thành phố Lund, để gặp gỡ hoàng gia với vua Carl XVI Gustav và hoàng hậu Silvia. Tiếp đến ngài đến Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund để tham dự buổi tưởng niệm cuộc cải cách.

Lund chỉ có 82 ngàn dân cư, được chọn làm nơi cử hành buổi lễ tưởng niệm, vì đây là nơi các Giáo Hội Tin Lành Luther trên thế giới đã nhóm họp năm 1947 để thành lập Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới, năm tới là kỷ niệm 70 năm thành lập. Ngày 31-10 được chọn để nhắc lại ngày cải cách: 31-10 năm 1517, Martin Luther yết thị 95 mệnh đề của ông tại cửa Nhà thờ lâu đài Wittemberg bên Đức.

Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund rất cổ kính, có từ hơn 1 ngàn năm nay, được xây cất hồi năm 1080. Khi đến nay, lúc gần 2 giờ 30, ĐTC đã được bà TGM Antje Jackelén, giáo chủ Tin Lành Luther Thụy Điển và Đức GM Công Giáo Anders Arborelius của giáo phận Stockholm chào đón tại cửa thánh đường và cùng đi rước tiến lên bàn thờ chính. Cùng thuộc đoàn rước này có các đại diện của Liên hiệp Luther thế giới.

Trong số 600 khách mời hiện diện tại buổi cầu nguyện có hoàng gia Thụy Điển và chính quyền nước này.

Trong buổi cầu nguyện, hai đại diện của Tin Lành Luther và Công Giáo đã nhìn nhận những đau thương các tín hữu hai Giáo Hội đã gây ra cho nhau trong lịch sử và cầu xin ơn tha thứ của Chúa.

Sau các bài đọc sách thánh, là bài giảng của Mục Sư Martin Junge, Tổng thư ký Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới. Mục sư diễn giải ý nghĩa bài đọc Tin Mừng theo thánh Gioan về lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ở lại trong Người như nhánh gắn vào thân cây nho.

Mục Sư Tổng thư ký

Mục sư Junge nói: Khi thấy Chúa Giêsu Kitô ở giữa chúng ta, chúng ta bắt đầu nhìn nhau một cách khác. Chúng ta nhìn nhận có rất nhiều điều liên kết chúng ta hơn là những điều chia rẽ. Chúng ta là một trong bí tích rửa tội.. . Chúng ta họp nhau nơi đây và sẵn sàng tái khám phá chúng ta là ai trong Chúa Kitô.. . Phép rửa tội là lời loan báo ngôn sứ chữa lành và hiệp nhất giữa thế giới bị tổn thương của chúng ta, nhờ đó biến thành một hồng ân hy vọng giữa một cộng đoàn nhân loại khao khát sống an bình trong công lý và trong sự khác biệt được hòa giải. Thật là một mầu nhiệm sâu xa dường nào: điều mà các dân tộc và cá nhân đang sống trong những tình trạng bạo lực và áp bức đang kêu gào cũng là điều phù hợp với điều mà Thiên Chúa nói nhỏ vào tai chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô, là gốc nho đích thực mà chúng ta được gắn liền vào. Khi kết hiệp với gốc nho ấy, chúng ta sẽ mang lại hoa trái an bình, công lý, hòa giải, thương xót và liên đới mà dân Chúa đang cầu xin và Thiên Chúa tạo nên.

Bài giảng của ĐTC

Về phần ĐTC, trong bài giảng, ngài đi từ câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: ”Các con hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con” (Ga 15,4) để nói lên ước muốn này: Cũng như Chúa Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha, cả chúng ta cũng phải hiệp nhất với Chúa nếu chúng ta muốn mang lại hoa trái. Ngài nói:

”Trong cuộc gặp gỡ cầu nguyện này ở thành Lund này, chúng ta muốn biểu lộ ước muốn chung của chúng ta hiệp nhất với Chúa để có sự sống. Chúng ta cầu xin: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con bằng ơn thánh của Chúa, để chúng con hiệp nhất hơn với Chúa để cùng nhau làm chứng tá tin cậy mến hữu hiệu hơn”. Và đây cũng là lúc cảm tạ Thiên Chúa vì sự dấn thân của bao nhiêu anh chị em chúng ta, thuộc các cộng đoàn Giáo Hội khác nhau, không cam chịu sự chia rẽ, nhưng đã duy trì sinh động niềm hy vọng hòa giải giữa tất cả những người tin nơi Chúa duy nhất”.

ĐTC nhận xét rằng: "Người Công Giáo và Luther chúng ta đã bắt đầu đồng hành trên con đường hòa giải. Giờ đây, trong bối cảnh kỷ niệm chung cuộc cải cách năm 1517, chúng ta có cơ hội mới để đón nhận một hành trình chung, đã hình thành trong 50 năm qua, với cuộc đối thoại đại kết giữa Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta không thể cam chịu sự chia rẽ và xa cách mà sự chia rẽ đã tạo ra nơi chúng ta. Chúng ta có thể sửa chữa trong một thời điểm quan trọng của lịch sự chúng ta, vượt thắng những tranh cãi và hiểu lầm thường ngăn cản chúng ta cảm thông nhau...

”Chúng ta cũng cần nhìn lại quá khứ của chúng ta trong tinh thần yêu thương và lương thiện và nhìn nhận lỗi lầm, rồi xin lỗi: chỉ có Thiên Chúa là thẩm phán. Với cùng tinh thần yêu và lương thiện, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng sự chia rẽ của chúng ta xa rời trực giác nguyên thủy của Dân Chúa, vốn tự nhiên mong ước điệp hiệp nhất, và sự chia rẽ ấy được kéo dài trong lịch sự do những người quyền thế ở trần gian này hơn là do ý muốn của dân trung thành, luôn luôn và tại mỗi nơi, họ đang cần được vị Mục Tử Nhân Lành hướng dẫn một cách vững chắc và dịu dàng. Tuy nhiên có một ý chí chân thành từ cả hai bên muốn tuyên xưng và bảo vệ đức tin chân chính; và chúng ta cũng ý thức rằng chúng ta khép kín nơi chính mình vì sợ hãi hoặc vì thành kiến đối với đức tin mà người khác tuyên xưng với sắc thái và ngôn ngữ khác nhau. ĐGH Gioan Phaolô 2 đã từng nói: ”Chúng ta không được để cho mình bị hướng dẫn do ý hướng muốn đặt mình làm người xét xử lịch sử, nhưng chỉ do ý hướng hiểu rõ hơn những biến cố và trở thành những người mang chân lý” (Sứ điệp gởi ĐHY Johannes Willebrands, 31-10-1983). Thiên Chúa là chủ vườn nho, và với lòng yêu thương bao la, Ngài nuôi dưỡng và bảo vệ vườn nho; chúng ta hãy để cho mình cảm động vì cái nhìn của Thiên Chúa; điều duy nhất mà Chúa muốn, đó là chúng ta hiệp nhất như cành nho gắn vào Chúa Giêsu Con của Ngài”. Sau buổi cầu nguyện vào lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC giã từ hoàng gia, rồi cùng đoàn xe tiến về thành phố Malmoe cách đó 28 cây số về hướng đông nam để cử hành phần thứ 2 của lễ tưởng niệm cải cách. Phần này có sự tham dự của 10 ngàn tín hữu, kể cả đại diện của nhiều Giáo Hội Kitô khác.
 
Đức Thánh Cha đến Thụy Điển
Đặng Tự Do
16:08 31/10/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Thụy Điển trong khuôn khổ một chuyến tông du hai ngày 31/10 và 1/11. Ngài rời sân bay Fiumicino của Roma lúc 08:20 sáng thứ Hai 31 tháng 10 và đến thành phố Malmö ở phía nam Thụy Điển lúc 11:00.

Ra đón Đức Thánh Cha tại sân bay có Thủ tướng Thụy Điển là ông Stefan Löfven, và Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Dân chủ. Hai vị này đã có cuộc gặp riêng với Đức Thánh Cha tại sân bay.

Sau nghi thức chào đón chính thức, Đức Thánh Cha đến thành phố Lund lân cận và thăm xã giao vua Thụy Điển Carl Gustav thứ 16 và Hoàng hậu Silvia, tại Cung điện Kungshuset của Hoàng gia ở Lund.

Sau đó, cùng với người đứng đầu Liên đoàn Lutheran Thế giới, ngài chủ trì một buổi cầu nguyện đại kết ở nhà thờ Lund lúc 2h15 giờ địa phương.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha tham gia vào một sự kiện đại kết thứ hai tại Malmo và gặp gỡ các phái đoàn của các Giáo Hội Kitô khác nhau có mặt trong dịp này.

Sáng thứ Ba, Lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại Malmö cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Thụy Điển.

Chào mừng các ký giả cùng đi trên chuyến bay đến Malmo vào sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyến tông du này và yêu cầu các nhà báo giúp công chúng hiểu lý do ngài sang Thụy Điển để kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách Tin Lành.

Đức Thánh Cha nói: “Cuộc hành trình này là quan trọng bởi vì nó là một cuộc hành trình của Giáo Hội, nó rất có tính Giáo Hội trong lĩnh vực đại kết. Công việc của anh chị em sẽ là một đóng góp to lớn trong việc bảo đảm cho mọi người có thể hiểu nổi”.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Thụy Điển là chuyến tông du thứ 17 của ngài bên ngoài Ý Đại Lợi để đánh dấu kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách. Sự kiện này được coi là đỉnh cao của những tiến bộ đại kết giữa Công Giáo và Tin Lành Lutheran sau 50 năm đối thoại, với những thành quả nổi bật như việc ký kết Tuyên bố chung về Công Chính Hóa vào năm 1999, và việc công bố một lịch sử chung về cuộc cải cách Tin Lành vào năm 2013 trong tài liệu có tựa đề “Từ xung đột đến Hiệp Thông”.

Đức Thánh Cha đã yêu cầu các ký giả giúp công chúng hiểu lý do ngài sang Thụy Điển tham dự kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách vì việc ngài tham dự kỷ niệm 500 năm phong trào Cải Cách Tin Lành gặp nhiều chống đối ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo.

Những người chỉ trích việc Công Giáo tham gia vào những hoạt động mừng 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành nói rằng cuộc cải cách này là một cái gì đó để than khóc, chứ không phải là để tổ chức ăn mừng.

Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, là Đức Hồng Y Gerhard Müller, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 31 tháng Ba, 2016 rằng: “Người Công Giáo chúng ta không có lý do để ăn mừng ngày 31 tháng 10 năm 1517, ngày đó được coi là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.”

Thực vậy, cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu.

5 thế kỷ trước đây, sau khi Phong Trào Cải Cách Thệ Phản thắng thế ở đây, theo sau cuộc nổi loạn của Martin Luther, người Công Giáo bị bách hại công khai tại Thụy Điển. Những ai không chấp nhận bỏ đạo để theo Tin Lành Lutheran bị trừng phạt nặng nề: tù đày, phát vãng, treo cổ.
 
ĐHY Kurt Koch nhận định chuyến thăm Thụy Điển cuả ĐTC có thể mở đường cho sự hiệp thông trọn vẹn
Đặng Tự Do
17:41 31/10/2016
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu chuyến thăm hai ngày tại Thụy Điển, để tham dự lễ tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành Luther, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo nói rằng chuyến đi của Đức Giáo Hoàng có thể là một bước quan trọng hướng tới việc phục hồi đầy đủ sự hiệp thông trọn vẹn giữa người Công Giáo và người Tin Lành Luther.

Đức Hồng Y Kurt Koch nói rằng thật là “một dấu chỉ tốt đẹp” khi người Công Giáo và người Tin Lành Luther có thể tham gia một buổi cầu nguyện chung vào ngày kỷ niệm của phong trào Cải Cách. Trong quá khứ, ngài cho biết, cả hai nhóm có xu hướng tiếp cận với vấn đề theo kiểu luận chiến dịp kỷ niệm này, thay vì tìm kiếm nền tảng chung. Sự kiện trong tuần này, theo Đức Hồng Y, phản ánh những tiến bộ đạt được trong “50 năm đối thoại thần học sâu rộng.”

“Tôi hy vọng sự kiện này sẽ là một con đường tốt cho tương lai”, Đức Hồng Y Koch nói.

Sự hiệp nhất Kitô Giáo là dấu chỉ quan trọng nhất đối với sứ vụ truyền giảng Tin Mừng cho một thế giới đang ngày càng trở nên thế tục hoá và thờ ơ với đức tin. Những chia rẽ giữa các Kitô hữu là một dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô.

Tuy nhiên, có một thực tế là, những nỗ lực mị dân và a dua theo quần chúng của Tin Lành Luther tại Thụy Điển nhằm thích ứng với các quan điểm cấp tiến của người Thụy Điển về phá thai, chuyển đổi giới tính, quyền đồng tính, và trợ tử khiến cho con đường hiệp nhất còn rất xa mờ.
 
Top Stories
Vietnam: Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, nouveau président de la Conférence épiscopale, est nommé archevêque de Huê
Eglises d'Asie
08:57 31/10/2016
Le samedi 29 octobre 2016, la salle de presse du Saint-Siège a annoncé que le pape François, après avoir accepté la démission de l’archevêque de Huê, Mgr François-Xavier Lê Van Hông, atteint par la limite d’âge, avait nommé Mgr Joseph Nguyên Chi Linh archevêque de ce diocèse. Le nouveau pasteur de l’archidiocèse du Centre-Vietnam était jusqu’à présent évêque de Thanh Hoa. Lors de la dernière assemblée des évêques du Vietnam, le nouvel archevêque de Huê avait été élu par ses pairs président de la Conférence épiscopale nationale.

On pourra lire ici une interview de Mgr Linh, accordée il y a quelques années à Eglises d’Asie. Le pasteur nouvellement nommé de l’ancienne ville impériale du Vietnam a aujourd’hui 67 ans et a derrière lui est un curriculum vitae fourni. Voici quelques-unes des étapes de l’itinéraire du nouvel archevêque de l’ancienne ville impériale de la dynastie des Nguyên.

22 janvier 1949 : naissance dans la commune de Hai Thanh, province de Thanh Hoa.
1954 : participe avec sa famille à l’exode vers le Sud-Vietnam.
1955-1962 : études à l’école primaire de la paroisse Thanh Hai, Phan Thiêt.
1962-1967 : études au petit séminaire « Etoile de la mer » de Nha Trang.
1967-1968 : suite des études secondaires à l’Ecole de la Providence, Huê.
1968-1970 : fin des études secondaires au séminaire du Bon Pasteur de Dalat.
1970-1977 : études théologiques à l’Institut pontifical Saint-Pie X de Dalat.
1977-1992 : en l’absence de maisons de formation, retour à l’intérieur de sa famille dans la paroisse de Song My (diocèse de Nha Trang).
30 décembre 1992 : ordination sacerdotale conférée par l’évêque de Nha Trang.
1992-1995 : vicaire dans la paroisse de Phuoc Thien.
1995-2003 : études à l’Institut catholique de Paris et obtention d’un doctorat en philosophie avec une thèse sur Maurice Blondel.
8 novembre 2003 : retour au Vietnam. Le P. Linh est professeur au grand séminaire Etoile de la mer (Stella Maris) de Nha Trang.
12 mars 2004 : il est nommé par le pape Jean-Paul II évêque du diocèse de Thanh Hoa dont il est originaire.
4 août 2004 : il est consacré évêque dans la cathédrale de Thanh Hoa. Sa devise épiscopale : « Qu’ils soient un ! »
2007-septembre 2009 : vicaire apostolique du diocèse de Phat Diêm.
Au sein de la Conférence épiscopale, Mgr Joseph Nguyên Chi Linh a assumé un certain nombre de fonctions :
2004-2007 : président de la Commission des laïcs
2007-2013 : vice-président de la Conférence épiscopale du Vietnam
2013-2015 : président de la Commission pour la pastorale des migrants
Depuis le mois d’octobre 2016, Mgr Joseph Nguyên Chi Linh est président de la Conférence épiscopale du Vietnam.

(Source: Eglises d'Asie, le 31 octobre 2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đoàn Công Giáo VN Holy Child Gây Quỹ & Cứu trợ
Trần Bá Nguyệt
05:19 31/10/2016
Melbourne (30-10-2016)
Cộng Đoàn Công Giáo VN Giáo Xứ Holy Child vừa mở đợt gây quỹ hàng năm và nhân tiện kêu gọi cộng đoàn đóng góp để trợ giúp Giáo Phận Vinh và Miền Trung VN trong nạn lụt vừa qua.

Xem hình

Cộng Đoàn VN Holy Child không phải là cộng đoàn có số giáo dân người Việt đông đảo tại Melbourne. Chỉ có khoảng gần 200 giáo dân người Việt. Cha chính xứ là một linh mục người Ấn, Cha Leenus, nhưng rất gần gũi với cộng đoàn VN các nơi. Cha phó là linh mục Nguyễn Xưa, trẻ trung, năng động, cởi mở, và gần gũi với mọi người. Chính vì thế mà càng ngày càng có nhiều người Việt về hợp tác với giáo xứ, từ các cha đến giáo dân nhiều nơi khác tại Melbourne. Nhiệt tình đó thấy rõ trong đêm 30-10 năm nay.

Nhìn vào lực lượng đông đảo khách mời trong buổi chiều cuối mùa Xuân Melbourne chật ních Hội Trường Mac Killop với gần 20 linh mục Việt và Úc, các Soeur, và giáo dân tươi cười hàn huyên rôm rả trong bầu không khi ấm cúng giữa lúc bên ngoài nhiệt độ ban ngày 26 độ bỗng xuống dưới 10 độ và gió cuối mùa đông như chưa muốn chấm dứt đem về cái lạnh Nam Bán Cầu, ai cũng cảm thấy tình người nồng ấm chan hoà. Đặc biệt có sự hiện diện của Cha Gio, là cha xứ đầu tiên, người đã gầy dựng cộng đồng VN đầu tiên. Cha Gio đã học tiếng Việt tại Đại Học Melbourne và đi về VN rất thường xuyên.

Chương trình cũng có đầy đủ các màn hợp ca của ca đoàn, đơn ca, song ca, vũ, kịch. Có cả một ban nhạc các bạn thanh thiếu niên Úc-Việt, các ca sĩ chuyên và không chuyên. “Thương về Miền Trung” đã được trình bày với giọng hát ngọt ngào của Cha Lê Phước Hiến. Cha Xưa hôm nay vừa hát bài “Một Chút” với hai nữ ca sĩ, vừa đóng kịch và múa bài cử điệu với các bạn nam nữ trong áo pull trắng ngắn tay trẻ trung vui nhộn. Ai cũng biết “Một chút” là bản nhạc và lời thơ của Thông-Vi-Vu tức Đức Cha Giáo Phận Phan Thiết.

Chương trình được tiếp nối với một hoạt động bất ngờ: đó là cuộc lạc quyên chớp nhoáng để yểm trợ Giáo Phận Vinh và Miền Trung VN. Lời kêu gọi ghi âm của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp vang lên trong hội trường. Nhiều cánh tay giơ cao sẵn sàng đóng góp. Có vài người không ngấn ngại gửi tặng 1.000 hay 500 đô la Úc. Hội trường sôi động hẳn lên. Kết quả cuộc lạc quyên có kết quả không định trước này đã đem về một số tiền khá lớn (so với một cộng đoàn khá nhỏ là Holy Child) mà Ông Chủ Tịch HĐ Mục Vụ CG VN Melbourne, Ông Nguyễn Ngọc Trúc đã hân hoan đón nhận, chân thành cám ơn và hứa chính Ông sẽ đem về Vinh trao tận tay đồng bào. Món tiền lên tới 8.155 Đôla Úc thắm đậm nghĩa tình “lá lành đùm lá rách ... nát” của người Việt bốn phương cho quê nhà.
Tiếng nhạc vẫn còn đến tận khuya và tình người ấm áp như không thể dứt với Holy Child, một cộng đoàn nhỏ nhưng lúc nào tinh thần, sự sống đạo, tiếng tăm và đóng góp cũng không nhỏ.
(Bài và hình: Trần Bá Nguyệt, DCUC.)
 
Thánh lễ tạ ơn – Cắt băng khánh thành và làm phép Nhà chung Giáo xứ Vinh Sơn – Giáo Phận Thái Bình
Giêrônimô Phạm Thiềm
11:27 31/10/2016
Thánh lễ tạ ơn – Cắt băng khánh thành và làm phép Nhà chung Giáo xứ Vinh Sơn – Giáo Phận Thái Bình

Hôm qua, ngày 31/10/2016, ngày mà cả Giáo Hội kết thúc tháng lần hạt mân côi kính Đức Mẹ, niềm vui được nhân lên, giáo xứ Vinh Sơn được chào đón Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục giáo phận Thái Bình đã về dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, cắt băng khánh thành và làm phép ngôi nhà chung giáo xứ.

Xem Hình

Ngày 21/01/2009, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang – Nguyên Giám Mục giáo phận Thái Bình đã ban Sắc nâng Giáo họ Nam Trạch lên hàng giáo xứ, với tên gọi mới là Giáo xứ Vinh Sơn, nay thuộc Giáo hạt Bắc Tiền Hải, Giáo Phận Thái Bình. Với số giáo dân hiện nay 756 nhân danh, trong đó khoảng hơn 400 nhân danh đi làm ăn xa quê trên mọi miền đất nước. Vì vậy, sau khi về nhận Chánh xứ, Giáo xứ Vinh Sơn ngày 10/09/2014, Cha Đaminh Vũ Minh Trí đã khích lệ và đẩy mạnh đời sống Đức Tin, nơi cộng đoàn giáo xứ, hơn nữa Ngài quan tâm đến thế hệ trẻ và cho xây dựng sân bóng đá cỏ nhân tạo tại khuôn viên nhà thờ, để giới trẻ giao lưu thể thao giữa người có đạo cũng như anh em tôn giáo bạn.

Ngày 02/12/2014, cha xứ cùng cộng đoàn Giáo xứ, khởi công xây dựng ngôi nhà chung, sau gần hai năm xây dựng, với sự cầu nguyện và yêu thương giúp đỡ của quý ân nhân, thân nhân trong và ngoài giáo xứ, đến nay ngôi Nhà Chung đã hoàn thành tốt đẹp. Trong tâm tình Tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân.

Tối hôm trước vào lúc 17giờ Cha xứ Đaminh Vũ Minh Trí đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho các bậc tiền nhân, quý ân thân nhân. Sau thánh lễ giáo xứ có tổ chức Hoan ca Tạ ơn, với sự hiện diện của quý khách và cộng đoàn tham dự còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, từng lời ca, tiếng hát, từng điệu múa, như lời mời gọi mỗi Kitô hữu từ mọi nơi hãy cùng quy tụ về ngôi Nhà Chung giáo xứ, cùng chung lời tạ ơn, để cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa đã ban tặng cho giáo xứ Vinh Sơn.

Vào lúc 9giờ15’ nghi thức cắt băng khánh thành và làm phép ngôi nhà Chung đã diễn ra, cùng cắt băng với Đức Cha Phêrô, còn có Cha Tổng đại diện F.Ass. Nguyễn Tiến Tám, Đức Ông Thomas Trần Trung Hà, Cha chánh xứ Đaminh Vũ Minh Trí, Cha quý hương Vinhsơn Ngô Thái Phong, trước sự chứng kiến của quý Cha, quý thầy phó tế, quý tu sĩ, quý khách, cùng đông đảo cộng đoàn tín hữu tham dự.

Kết thúc nghi thức cắt băng khánh thành và làm phép ngôi nhà Chung, đoàn rước tiến vào thánh đường. Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa hôm nay được Đức Cha Phêrô cử hành vào lúc 9h30’, với sự hiệp dâng thánh lễ của 49 Cha trong Giáo Phận, quý thầy phó tế, tu sĩ các Dòng tu và đông đảo quý khách và cộng đoàn tham dự.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha, thay lời cho quý Cha, có lời chào thăm và chúc mừng cộng đoàn Giáo xứ. Ngài mời gọi cộng đoàn dâng lời Tạ Ơn Thiên Chúa vì muôn hồng ân Ngài đã ban xuống cho Giáo xứ, đã xây dựng được ngôi Nhà Chung khang trang và đẹp đẽ, được làm phép và khánh thành hôm nay và nhân đây Đức Cha thay lời cho Cha xứ và cộng đoàn giáo xứ cảm ơn quý ân thân nhân, quý vị, đã cầu nguyện và giúp đỡ tinh thần hay vật chất cho công trình được hoàn thành.

Trong bài giảng của mình, Đức Cha giáo phận đã nói lên ý nghĩa của ngôi Nhà Chung mà mọi thành phần dân Chúa của giáo xứ Vinh Sơn đã chung tay xây dựng. Theo Ngài, ngôi Nhà Chung là nơi học tập của mọi thành phần dân Chúa, nhất là thế hệ trẻ, học hỏi về giáo lý và từ đây ngôi Nhà Chung này sẽ đào tạo ra nhiều người để loan truyền về tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người khác biết về Chúa Giêsu nhiều hơn. Ngoài ra, ngôi Nhà Chung còn là nơi diễn ra các hoạt động mục vụ của giáo xứ nhờ đó dẫn đưa nhiều người tới gần Chúa hơn.

Trước khi Đức Cha ban phép lành cuối lễ, một vị đại diện cho Giáo xứ bày tỏ niềm tri ân Đức Cha, Cha Tổng đại diện, Đức Ông, quý Cha đồng tế, quý tu sĩ, quý ân nhân và cộng đoàn dân Chúa đã cầu nguyện, giúp đỡ để ngôi Nhà chung được hoàn thành như ngày hôm nay. Sau thánh lễ, quý khách và cộng đoàn trở về khuôn viên Nhà Chung dùng bữa tiệc thân mật cùng Cha xứ và cộng đoàn giáo xứ.

Giêrônimô Phạm Thiềm BTTGP.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phần II: Nói chuyện với Gs Nguyễn Xuân Vinh về Quê hương, môi trường ô nhiễm, nô lệ TẦu...
Lm Trần Công Nghị
09:25 31/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Văn Hóa
THƠ: Kết Thúc Tháng Mân Côi
Giáng Thu Adelaide
18:28 31/10/2016
"NGÀN LỜI CA! CON KÍNH DÂNG LÊN MẸ

Ngàn lời ca, con kính dâng lên Mẹ

Mỗi lời kinh, lòng sốt mến, tạ ơn

Biết Mẹ rồi, thêm yêu Mẹ tha thiết

Qua chuỗi Mân Côi Mẹ nhắn gởi:

"Mỗi Nhiệm Mầu, là đời sống hiến dâng

Cầu Thánh Đức, Mẹ hiền cho con bước

Mỗi bước đi, dâng kính hạt Mân Côi"

Chân con bước, chập chùng đời thánh giá

Mẹ dịu dàng, dẫn dắt đàn con thơ

Đường đi khó, Mẹ đã từng đi trước

Dò gian nguy, hiểm trở, Mẹ chở che

Bằng kinh nguyện, Mẹ con thêm gần gũi

Đức vâng lời, khiêm tốn, Mẹ trao ban

Cùng con thơ, Mẹ hiền luôn nhẫn nại

Về bến bờ thương xót, Chúa tình yêu

Áo Hồng Phúc, luôn choàng trên vai Mẹ

Chở che con, ôi lòng Mẹ bao la!

Ôm ẵm hết, đàn con thơ trông cậy

Về Thiên Đàng, có Chúa vẫn chờ mong...
 
Bước vào đời sống vĩnh cửu
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:49 31/10/2016
Bước vào đời sống vĩnh cửu

Hằng năm vào ngày 02.11. người tín hữu Chúa Giêsu Kitô dâng thánh lễ cầu kinh tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Đó là nếp sống đức tin trong Hội Thánh Công Giáo.

Cung cách sống đức tin này nói lên nếp sống văn hóa lòng biết ơn giữa người còn sống với người đã qua đời.

Cung cách sống đạo đức này thể hiện thâm sâu lòng xác tín: sự sống thay đổi chứ không mất đi, cho dù sự chết gây ra sự chia lìa thân xác cách đau buồn tiêu tan nơi cuộc sống trên trần gian.

Cung cách sống này diễn tả niềm hy vọng: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại! Như Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại. Sự sống lại của Chúa Giêsu là tin mừng hy vọng cho linh hồn con người sau khi thân xác chết cũng được sống lại.

Trước nấm mồ hay trước di ảnh người qúa cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc, những kỷ niệm ngày xưa đã cùng chung sống trải qua với người qua đời xuất hiện trở lại trong tâm trí. Con người hầu như ai cũng có thắc mắc về sự chết là gì vậy. Người tín hữu Chúa Kitô không cần phải tìm cách cắt nghĩa về sự chết, nhưng họ tìm hiểu về sự sống. Vì qua đời sống chúng ta tìm được ý nghĩa đích thật của toàn thể đời sống con người.

„ Trong khu rừng gìa yên tĩnh, chim chóc gục đầu rũ cánh, lim dim tìm giấc ngủ trưa trên các cành cây thưởng thức hương vị yên tĩnh buổi trưa hè nóng nực.

Đàng xa thình lình một chú chim Yến ngẩng đầu tư lự cất tiếng hỏi: ‘’ Đời sống là cái gì vậy?’’

Mọi loài chợt tỉnh thức vì câu hỏi vang lên giữa bầu khí yên lặng. Câu hỏi thật khó mà trả lời. Cây Hồng dưới thung lũng vươn mình khoe hương sắc qua nhánh lá non tươi xinh vừa nhú khỏi thân cây và nụ hoa vừa chớm nở, lên tiếng trả lời:’’ Đời sống là một chuỗi phát triển. Không có phát triển không có sự sống mới!’’

Chú Bươm Bướm mầu sắc óng ánh rực rỡ tung tăng bay lượn qua lại trên các nụ hoa tươi mới nở đang hút nhựa, thưởng thức hương hoa ngọt ngào từ các nhánh hoa nhí nhảnh lên tiếng: ‘’ Xem này, đời sống là niềm vui. Xem kìa ánh sáng mặt trời chiếu tỏa mọi nơi mang niềm vui đến cho mọi loài.’’

Dưới gốc cây chú Kiến càng đang mệt nhọc bò từng đoạn đường, miệng tha ống hút mật. Có lẽ ống to hơn chú gấp năm mười lần, uể oải lên tiếng:’’ À, đời sống đâu là cái quái gì. Tất cả chỉ là cố gắng, hy sinh và làm việc...’’

Chú Ong vàng bay lượn hút mật hoa kêu vo ve cũng góp lời: Đời sống ư. Đời sống là một chuỗi biến chuyển, thay đổi, lúc làm việc, lúc nghỉ ngơi thưởng lãm!’’

Chú Sâu đất trồi mình lên khỏi mặt đất thều thào lên tiếng: ‘’ Đời sống là một cuộc chiến đấu liên tục trong u tối!’’

Chú Chim bắt sâu hóm hỉnh lên tiếng: ‘’ Các bạn nói phải quá và hay lắm đấy. Nhưng có biết không, biết bao nhiêu lần người ta phải làm những cái, mà không biết điều đó là cái gì!

Nghe thế mọi loài gục đầu tư lự suy nghĩ tiếp. Và họ hoài nghi ngay cả chính kinh nghiệm về đời sống của mình nữa...Thình lình một cơn mưa rào kéo đến làm tan bầu khí nặng nề sôi nổi. Anh ta lên tiếng:’’ Đời sống ư, nào có là gì khác hơn nước mắt, nước mắt và nước mắt!’’

Những gịot nước mưa tụ lại thành một giòng nước nhỏ chảy theo các đường rãnh quanh co từ trên đồi cao xuống con suối bên dưới gần đó. Và từ đó lại tiếp tục chảy ra ngoài sông lớn. Sau nhiều tuần, nhiều tháng dòng nước chảy trôi xuôi ra tới biển cả mênh mông.

Ngoài đại dương những làn sóng bạc đầu dâng cao, đuổi nhau, chạy xô đập vào bờ biển làm bắn tung toé bọt sóng nước trắng phau lên bờ đá gồng ghềnh. Và rồi lại từ bờ đá sóng nứơc lấy đà tăng tốc độ chạy ngược trở ra ngoài khơi mênh mông. Ngọn sóng nước ầm vang như muốn gào thét thành lời:’’ Đời sống là một cuộc đuổi chạy vòng vo tiêu hao công lao sức lực đi tìm tự do.’’

Trên bầu trời cao, xa tít tận mây xanh chú Phượng Hoàng dương đôi cánh bay lượn, chao đi chao lại, oai nghi hùng dũng cất tiếng quát:’’ Đời sống là vươn lên, vươn lên và vươn lên cao mãi!’’

Một cơn giông kéo tới sườn đồi, tạt mạnh qua cánh đồng cỏ mọc xanh rì. Khiến thảm cỏ xanh nằm rạp xuống tận mặt đất theo chiều gío và phát ra những âm thanh rì rào như lời phát vào không gian: Đời sống là một cuộc uốn mình: có lúc phải ngả nghiêng theo chiều gío, có lúc phải khép mình theo một trật tự; có lúc phải âm thầm im lìm ẩn khuất, nhất là những khi đường đời có nhiều gánh nặng, lo âu, có nhiều khó khăn phải vượt qua...

Mặt trời đã lặn sang phía chân trời bên kia. Và màn đêm buông xuống bao phủ khắp cánh rừng. Trong lùm cây rậm rạp chú chim Cú mèo nhẹ nhàng chuyền từ cành này sang cành khác tìm mồi, thỏ thẻ lên tiếng: Đời sống chẳng qua là những cơ hội cho ta, khi những con vật khác đi ngủ!

Khu rừng bây giờ chìm hẳn trong đêm tối và trở nên yên lặng tĩnh mịch. Đêm đã khuya, xa xa trong một ngôi làng bên cạnh khu rừng, một cha xứ vừa thổi tắt ngọn đèn dầu hoa kỳ và nhủ thầm: Đời sống ư, quanh năm ngày tháng bận bịu với việc đọc sách báo, suy tư, cầu nguyện và dọn bài. Đời sống có khác gì là một bài giảng!

Cũng trong ngôi làng đó một thầy giáo ngồi chấm bài, âm thầm suy nghĩ: Đời sống cũng chẳng khác gì hơn là suốt đời gắn liền với việc dậy dỗ con em học sinh nơi trường học!

Đêm đã về khuya, trên con đường vắng bóng người, một chàng trai lầm lũi, dáng điệu mệt mỏi thất thểu bước đi lẩm bẩm một mình: Cuộc đời nói cho cùng lúc có nhiều giai đoạn : lúc hứng khởi rộn ràng, lúc sống dửng dưng lạnh lùng, lúc có niềm vui, lúc sống trong sầu buồn thất vọng...!

Một cơn gío nhẹ trong đêm khuya thổi tạt qua, như muốn nói cùng chàng trai này: Phải rồi, cuộc đời là một chuỗi vô định, nào có ai biết được sẽ đi về đâu!

Đêm dài qua đi. Bình minh ló dạng. Mặt trời mỉm cười lên tiếng: Các bạn hãy xem đây, tôi mang niềm vui, ánh nắng sức sống cho vạn vật. Tôi là dấu hiệu khởi đầu cho một ngày mới. Cuộc đời là khởi đầu bước vào ngưỡng cửa đời sống vĩnh cửu!’’ (Theo truyện thần thoại xứ Thụy Điển: Das Maerchen vom Leben).

Đời sống như thế có nhiều bộ mặt khác nhau cùng có gía trị cao qúy. Vì đời sống không do con ngưpời hay một công thức máy móc nào tính toán ấn định làm ra. Nhưng do Thiên Chúa, Đấng tạo Hóa tạo dựng ban cho con người, mà chúng ta tự hào cho đó là công trình thiên nhiên. Mỗi người với chương trình đời sống của mình đi vào lòng thế giới tiến vào đời sống vĩnh cửa ngày mai.

Ngày 02.11. hằng năm, ngày cầu nguyện tưởng nhớ các linh hồn, những người đã qua đời, là ngày chúng ta hướng lòng nhìn lên Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết.

Tin tưởng vào sứ điệp phục sinh của Chúa Giêsu, ta hướng nhìn lên Mặt Trời trên cao chiếu tỏa ánh quang báo hiệu một đời sống mới không bao giờ tận cùng, như Chúa đoan hứa cho hết mọi người tin tưởng vào Ngài.

Lễ cầu cho các Linh Hồn, 02.11.2016

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Paraguay : Một chút tản mản dịp thu phong Linh Mục
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
20:39 31/10/2016
PARAGUAY – MỘT CHÚT TẢN MẠN DỊP THỤ PHONG LINH MỤC

Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng 10 và nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang rầm rộ tổ chức một lễ hội dân gian có tên là Halloween. Là người Công Giáo, chúng ta không tố chức hay khuyến khích cho lễ hội này nhưng chúng ta thử tìm hiểu qua để biết và nói cho con cháu nếu có dịp chúng hỏi chúng ta.

Tên gọi Halloween hay Hallowe'en có niên đại từ khoảng năm 1745 và có nguồn gốc Kitô giáo. Halloween (viết rút gọn từ "All Hallows' Evening") là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, vào buổi tối trước Lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11, theo sau đó là lễ các Đẳng Linh hồn ngày 2 tháng 11 trong Kitô giáo Latinh. Ba ngày này được nhóm chung thành Tam nhật Các Thánh, là thời gian dành để tôn kính các thánh nhân và cầu nguyện cho những linh hồn chưa lên thiên đàng. Trọng tâm theo truyền thống của Halloween xoay quanh chủ đề sử dụng "sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết".

Cách nhìn phổ biến cho rằng nhiều truyền thống của Halloween bắt nguồn từ các lễ hội thu hoạch của người Celt mà có thể mang gốc rễ ngoại giáo, đặc biệt là lễ hội Samhain của người Gael, và rằng lễ hội này đã được Giáo Hội thời sơ khởi Kitô giáo hóa. Tuy nhiên, một số nhà hàn lâm ủng hộ quan điểm rằng Halloween phát triển độc lập với Samhain và chỉ có nguồn gốc Kitô giáo.

Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là trick-or-treat (trẻ con hoá trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo), dự tiệc hóa trang, đốt lửa, khắc bí ngô thành jack-o'-lantern, đớp táo, các trò đùa cợt, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị. Ở nhiều nơi trên thế giới, những cử hành Kitô giáo trong ngày lễ Halloween như tham dự lễ nhà thờ và thắp nến trên các ngôi mộ, vẫn còn phổ biến, mặc dù ở các nơi khác, Halloween là một ngày hội mang tính thế tục và thương mại nhiều hơn. Trong lịch sử, một số người Kitô giáo từng kiêng thịt vào đêm Vọng lễ Các Thánh, một truyền thống dẫn đến thói quen ăn những loại thực phẩm nhất định vào đêm canh thức này, bao gồm táo, bánh kếp khoai tây và bánh ngọt linh hồn.

Một số báo chí Việt Nam còn gọi lễ hội hóa trang này là "Hóa lộ quỷ" hay "Ma lộ hình", mô phỏng cách phát âm tiếng Anh. (xc. https://vi.wikipedia.org/wiki/Halloween).

Biểu tượng của ngày lễ Halloween là những trái bí ngô được khoét theo những khuôn mặt tưởng tượng. Chuyện kể lại rằng, vào ngày đó những người đã chết sẽ quay về nhân gian tìm một cơ thể và nhập vào để được đầu thai vào năm sau. Đó là cách duy nhất để các linh hồn đó có thể được tái sinh. Người Celtic tin rằng ngày đó chính là ngày âm dương giao hòa, kẻ chết và người sống có thể tiếp xúc với nhau. Dĩ nhiên người sống không bao giờ muốn cơ thể của mình bị các linh hồn “cướp” mất, vì thế vào tối 30/10 tất cả các làng mạc đều dập tắt lửa và mặc những trang phục cực kỳ ghê tởm và diễu hành ầm ĩ khắp xóm để xua đuổi các linh hồn đến tìm kiếm thân xác để nhập vào. (xc. http://khoahoc.tv/le-hoi-ma-halloween-va-nhung-dieu-ban-chua-biet-56670).

Như thế, lễ hội Halloween đã bị biến tướng và bị thương mại hóa và nhiều người trẻ Công Giáo không vững đức tin nên dễ bị lung lạc và dễ bị cuốn theo trào lưu tục hóa. Bản chất của lễ hội này không hề xấu vì chỉ là một nét văn hóa cổ xưa nhưng theo dòng thời gian đã trở thành một thứ lạc giáo và nếu chúng ta không cảnh tỉnh thì dễ rơi vào “thuyết tương đối”, điều mà giới trẻ và ngay cả nhiều người lớn ngày nay thường biện minh cho những việc sai trái của mình là “không ảnh hưởng gì hòa bình thế giới”

Tháng 10 năm nay cũng để lại nhiều điều không may cho thê giới và nước Việt thân yêu chúng ta khi những trận cuồng phong và lụt lội đã tàn phá nhà cửa, hoa màu cũng như thiệt hạt về nhân mạng. Nhiều gia đình ở miền Trung Việt Nam đến giờ vẫn còn trong tình trạng màng trời, chiếu đất và đang nhận sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm khắp nơi để duy trì suy sống mà thấy nhói lòng. Phải chăng thiên nhiên đang giận dữ và đang trả thù con người vì chính con người đã và đang hủy hoại thiên nhiên! Rạng sáng thứ Ba ngày 25 tháng 10 vừa qua khi chúng tôi đang còn chìm trong giấc ngủ thì bỗng nhiên nghe một tiếng động rất lớn là tiếng sấm đã khiến toàn bộ hệ thống điện quanh khu vực chúng tôi bị cháy và giông bão nổi lên khiến cây cối ngã đỗ và nhiều ngôi nhà trần tôn bị cuốn đi trong đó có ngôi trường học của chúng tôi. Trận cuồng phong này đã làm thiệt hại rất nhiều về vật chất trong vùng chúng tôi đang sống nhưng cũng may là không có thiệt hạt về con người. Chính mình ở trong hoàn cảnh đó mới hiểu được những người khốn khổ vì thảm hoại thiên nhiên đang ngày đêm vật vã vì cơn đói khát và không có chỗ nương thân. Chính lúc này mơi cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để họ có thể phần nào giảm bớt những khổ đau phần xác cũng như phần hồn.

Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 7 anh em chúng tôi lãnh tác vụ linh mục. Lẽ ra ngày thụ phong linh mục lúc đầu ấn định là ngày 18 tháng 10 - lễ Thánh Luca. Tuy nhiên do vài vấn đề nhạy cảm giữa chính quyền và Giáo quyền ngày ấy nên đã ấn định lại ngày thụ phong linh mục của chúng tôi trùng ngày lễ Halloween. Không biết vô tình hay hữu ý mà cả hai phía đều đồng ý cho ngày này, một ngày lễ hội bị biến tướng và đối với chúng tôi chỉ biết vâng lời và làm theo. Ngày ấy không dễ dàng giống như bây giờ vì còn bị cơ chế xin-cho và tất cả đều phải chờ đợi quyết định từ trên nếu họ không đồng ý thì phải tiếp tục chờ… Vây mà hơn một thập niên đã trôi qua với bao biến động trong xã hội, trong cuộc sống và trong từng người chúng tôi nhưng nhờ ơn Chúa nâng đỡ và lời cầu nguyện của bao người nên chúng tôi vẫn còn ở trong ơn gọi này.

Người đời thường nói sống ơn gọi nào cũng có thánh giá và mỗi người phải tự biết vác thánh giá mình mà không nên phàn nàn, than thở. Chúng tôi cũng biết bao lần lên bờ, xuống ruộng trong đời tu khi còn là chú chủng sinh trong chủng viện, rồi sau đó khấn Dòng trong Học viện và đời sống truyền giáo như một linh mục nơi vùng truyền giáo ở Nam Mỹ. Vui có, buồn có, thất vọng có, chán nản có, tham vọng có, tội lỗi có, thành công có, thất bại cũng có… Nhất là trong tháng này chúng tôi bị một tên say rượu có chơi ma túy vô cớ vào nhà thờ đánh thẳng vào ngực chúng tôi trong lúc chuẩn bị dâng thánh lễ. Những năm đầu đời linh mục cảm thấy gần Chúa và siêng năng cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ sốt sắng lắm nhưng càng ngày càng thấy mình tệ đi nhiều về mọi phương diện mà chỉ bản thân mới nhận ra. Ngẫm lại thấy những bậc đàn anh khi kỷ niệm ngân khánh, kim khánh hay ngọc khánh linh mục mà các ngài vẫn còn hăng say và tràn đầy nhiệt huyết như những ngày đầu mà bản thân càm thấy xấu hổ vì mình chưa là gì cả.

Hôm nay có cha bạn cùng lớp ở giáo xứ xa xôi mới về thăm và tình cờ có một linh mục đồng hương cũng đến thủ đô có việc nên 3 anh em rủ nhau đi ăn tối để tạ ơn Chúa dịp hội ngộ và ngày kỷ niệm thụ phong linh mục. Lâu ngày được dịp trò chuyện tiếng Việt giữa những người đồng hương đang ở xứ người cảm thấy rất hạnh phúc.

Hôm nay cũng là ngày kết thúc tháng Mân Côi và khi chúng tôi đang còn viết những hàng nhật ký này lúc 22h30 giờ Paraguay ngày 31 tháng 10 thì bên Việt Nam đã bước qua ngày 1 tháng 11 - Lễ Các Thánh. Xin Mẹ Maria và các Thần Thánh trên trời luôn gìn giữ và phù hộ chúng con trong ơn gọi linh mục dù chúng con nhận biết rằng mình yếu đuối và dễ sa ngã. Xin các Thánh Nam Nữ luôn cầu bầu cho tất cả những người thân yêu, bè bạn chúng con trong ngày bổn mạng của tất cả.

Paraguay, 31/10/2016, Kỷ niệm thụ phong linh mục

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Jean Paul Sartre và mầu nhiệm các thánh thông công
Vũ Văn An
21:14 31/10/2016
Ai cũng biết Jean Paul Sartre là một triết gia người Pháp, giải thưởng văn chương Nobel năm 1964, theo chủ nghĩa duy hiện sinh, và là tác giả vở kịch nổi tiếng “Huis Clos” (Cửa Đóng), viết năm 1944, trong đó có câu nói thời danh “L’enfer c’est les autres” (hỏa ngục chính là những người khác).

Đó là câu truyện 3 người cùng bị phạt sa hỏa ngục, và một trong ba người, tức Inès, không tin là do tình cờ, họ cùng bị giam trong một căn phòng. Sau đó, cô hiểu ra rằng họ bị giam chung với nhau là để làm khổ nhau. Do đó, cô diễn dịch rằng họ phải trở thành những người hành khổ nhau. Nhưng chính câu nói “hỏa ngục chính là những người khác” là của nhân vật đàn ông Joseph.

Sartre thì cho rằng phần đông người ta hiểu lầm câu nói trên. Năm 1965, chính ông phát biểu như sau: “ ‘hỏa ngục chính là những người khác’ luôn bị hiểu lầm. Người ta vốn cho rằng điều tôi muốn nói là các liên hệ của chúng ta với người khác luôn bị chuốc độc, chúng luôn là những mối liên hệ đầy tính hỏa ngục. Nhưng điều tôi thực sự muốn nói hoàn toàn khác thế. Tôi muốn nói rằng nếu các liên hệ của chúng ta với một ai đó bị bẻ cong, ra hư hại, thì người khác này chỉ có thể là hỏa ngục”.

Trên thực tế, câu nói của ông phần đông được hiểu theo nghĩa đơn giản: người khác hiện diện là để làm khổ mình, họ là hỏa ngục của nhau. Điều này đi ngược hẳn lại tín điều các thánh cùng thông công của người Công Giáo. Đối với họ “thiên đàng là những người khác”.

Người Công Giáo tin rằng các phiền nhiễu của đời sống và các gánh nặng của người khác có thể dẫn ta tới cái biết sâu sắc hơn về chính ta và một tình yêu lớn hơn đối với người khác. Điều này có thể là con đường dẫn ta tới nhân đức, tự do thoát khỏi lòng yêu mình thái quá, và sự thánh thiện ở đời.

Khi mở Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh tới tín điều trên khi dạy rằng “Giáo Hội sống trong sự hiệp thông các thánh”. Ngày mai, người Công Giáo cử hành sự hiệp thông này qua lễ Các Thánh ngày 1 tháng Mười Một và lễ các linh hồn ngày 2 tháng Mười Một.

Niềm tin vào sự hiệp thông các thánh bắt đầu trên trái đất này khi mọi người đã chịu phép rửa, tức những người được trình thuật thánh kinh gọi là các thánh hay “những người thánh thiện” hợp nhất bằng tâm trí trong việc thờ phượng, trong tín lý, trong lãnh đạo mục vụ, trong tình bằng hữu, và phục vụ người nghèo.

Thực tại tính của hiệp thông các thánh trên trái đất được phản ảnh ở gian giữa Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma, vốn là đền thờ Thánh Phêrô Tông Đồ và được mọi người thừa nhận là biểu tượng của Đức Tin Kitô Giáo. Gian giữa này chứa các tấm bảng đồng thau mang tên các nhà thờ lớn trên khắp thế giới.

Dù các tấm bảng này mục đích để so sánh chiều dài của các nhà thờ này với chiều dài của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, nhưng chúng vẫn cho thấy sự hợp nhất của mọi tín hữu khắp thế giới, thuộc mọi văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và dân tộc.

Các người đã chịu phép rửa được đem lại gần nhau và qua tình hiệp thông, được kết nối thành một thân thể rồi được sai đi làm muối sự thiện, ánh sáng và men hợp nhất cho toàn bộ gia đình nhân loại.

Tuy nhiên, sự hiệp thông các thánh không kết thúc với “các thánh” còn đang sống trên trần gian. Nó không bị khựng lại ở sự chết, nhưng được sự chết lên năng lực vì sự chết nuôi dưỡng hy vọng và hướng ta về thiên đàng.

Và do đó, sự hiệp thông các thánh cũng bao gồm những người đã qua khỏi đời này để bước vào đời sau. Nó bao gồm mọi người đang ở trong thời kỳ thanh luyện, chuẩn bị lãnh nhận cuộc sống vĩnh cửu, và những người đã lãnh phần thưởng của mình trên thiên đàng.

Triều thiên mầu nhiệm hiệp thông các thánh là các linh hồn đã chiến thắng trên thiên đàng. Nhóm này bao gồm mọi linh hồn trên thiên đàng nhất là những vị đã được Giáo Hội Công Giáo tôn phong chính thức. Các thánh đã được tôn phong là những vị thánh thiện được các tín hữu tôn kính và noi gương công khai. Các vị thánh thiện này được tuyển chọn một cách đặc biệt vì khi còn trên dương thế, các vị là các điển hình đặc biệt của sự tốt lành, của nhân đức, và của đường lối Thiên Chúa.

Các thánh được coi như bằng hữu của Thiên Chúa, nhưng cũng như mẫu mực và là anh chị cho những người còn sống trên dương thế.

Dưới ánh sáng Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về các vị thánh đã được tôn phong rằng “Sự thánh thiện của các vị đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta theo một cách nào đó khiến Giáo Hội, bằng lời cầu nguyện trong tư cách người mẹ và lối sống của mình, có khả năng tăng cường một số người yếu đuối bằng sức mạnh của những người khác”.

Và do đó, thiên đàng chính là những người khác một cách rất thực tế.

Bởi thế, các hành động và đời sống của các Kitô hữu không phải là việc tư riêng, nhưng được xét trong khuôn khổ mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Tín hữu tin sự hiệp thông và đặc ân cùng trách nhiệm này. Họ tin và họ sống trong nó.
Nhân đức của người tín hữu, tình yêu và sự phục vụ người khác của họ, và việc chu toàn các bổn phận của đời họ đều là thành phần của việc xây đắp sự hiệp thông này vì vinh quang của Thiên Chúa và vì sự phuc vụ đối với toàn thể gia đình nhân loại.

Và bởi vậy, không như ba linh hồn trong Huis Clos của Sartre, người môn đệ của Chúa Kitô được kêu gọi trở nên thành viên tích cực của sự hiệp thông ơn thánh và lòng tốt sống động, tiếp đón những người thiếu thốn như phản ảnh thiên đàng và luôn tìm cách trở thành thiên đàng cho những người chung quanh.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bình An Bên Rừng Thu
Mỹ Lê
20:12 31/10/2016
BÌNH AN BÊN RỪNG THU
Ảnh của Mỹ Lê
Chẳng ham cao ốc thị thành
Rừng thu tĩnh lặng thiên đàng nơi đây.
(bt)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 27– 02/11/2016: Câu chuyện Bên Kia Sự Chết
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:16 31/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta, đó là nền tảng của đời sống người Kitô hữu

Nền tảng đời sống của người Kitô hữu chúng ta là: Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta. Đức Thánh Cha đã chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng 28 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, từng chọn lựa, từng cử chỉ của Chúa Giêsu, ngay cả những giây phút cuối đời trên thập giá của Chúa, đều được ghi dấu bằng việc cầu nguyện. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tin tưởng vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm và đầy vất vả để có thể lựa chọn các môn đệ.

Đá tảng của Giáo Hội chính là Chúa Giêsu, Người luôn cầu nguyện cho chúng ta trước mặt Chúa Cha

Thánh Phaolô nói, đá tảng là chính Chúa Giêsu, nếu không có Chúa Giêsu đã không có Giáo Hội. Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay ghi nhận thêm một khía cạnh khác, khía cạnh cầu nguyện.

Chúa Giêsu lên núi và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sau khi cầu nguyện là hàng loạt những hoạt động khác: nào là tiếp đón người dân, nào là việc chọn lựa các môn đệ, việc chữa lành, trừ quỷ… Đá tảng là Chúa Giêsu, vâng đúng thế, nhưng chính Chúa Giêsu cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện. Người cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội. Đá tảng của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu. Người cầu nguyện cho chúng ta trước mặt Chúa Cha. Người chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta cầu nguyện với Người, và chính Người là đá tảng của chúng ta đang cầu nguyện cho chúng ta.

Chúa Giêsu bảo bọc mỗi người chúng ta trong lời cầu nguyện của Người

Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho mỗi người chúng ta. Người cũng cầu nguyện như thế trong Bữa Tiệc Ly. Trước khi làm phép lạ, Chúa cầu nguyện. Chúng ta thử nghĩ về việc Chúa làm cho anh Lazaro sống lại: trước khi làm cho anh sống lại, Chúa đã cầu nguyện với Chúa Cha.

Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cầu nguyện. Trên Thánh Giá, Người cầu nguyện: cuộc sống của Người kết thúc bằng lời cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta! Đây chính là chốn nương náu cho chúng ta, đây là đá tảng của chúng ta, Người là đá góc tường của chúng ta. Mỗi người chúng ta có thể nói rằng: Tôi chắc chắn là Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi. Người chuyển cầu cho mỗi người chúng ta trước mặt Chúa Cha. Đây là nền tảng của Giáo Hội: Chúa Giêsu đang cầu nguyện.

Chúng ta hãy nghĩ về nền móng của Giáo Hội, một Giáo Hội được thiết lập trên đá tảng là Chúa Giêsu, Đấng đang cầu nguyện

Chúng ta cùng nghĩ về cuộc thương khó. Trước khi cuộc khổ nạn diễn ra, Chúa Giêsu nhìn thánh Phêrô mà cảnh báo rằng: “Này Phêrô, Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.”

Những gì Chúa nói cho Phêrô cũng là nói với bạn, nói cho bạn, nói cho tôi và cho tất cả chúng ta: “Thầy đã cầu nguyện cho con, Thầy cầu nguyện cho con, và giờ đây Thầy đang cầu nguyện cho con”. Và trong hy lễ trên bàn thờ, Chúa đến để nhậm lời, để cầu nguyện cho chúng ta, giống như trên thánh giá. Điều này mang lại cho chúng ta niềm an ủi lớn lao. Tôi thuộc về cộng đoàn này, một cách vững vàng vì có Chúa Giêsu là đá tảng góc tường, nhưng Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi, cầu nguyện cho chúng ta.

Hôm nay thật là tốt để chúng ta nghĩ về Giáo Hội, suy tư về mầu nhiệm Hội Thánh. Tất cả chúng giống như những tòa nhà, còn Chúa Giêsu là nền móng. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta và “Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho chính bản thân tôi”.

2. Câu chuyện Bên Kia Sự Chết

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.

Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

Ðể giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp “các thánh thông công”, Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...”.

Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau: “Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...”. Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.

Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết... Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng tư với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.

Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Ðó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. Xin Chúa nâng đỡ Ðức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.

3. Sống nghiêm ngặt luật Chúa, nhưng phải có tự do của con cái Thiên Chúa

Đằng sau những gì gọi là nghiêm ngặt khắt khe, có cái gì đó ẩn giấu, một đời sống nước đôi, một đời sống nghiêm khắc mà mất tự do, vì họ làm nô lệ cho luật. Còn Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta tự do, sự hiền lành, lòng nhân từ. Đó là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng 24 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta.

Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu chữa lành người phụ nữ trong ngày Sabat, trước sự tức giận của ông trưởng hội đường, bởi vì ông nói là luật Chúa đã bị vi phạm. Thực sự, sống theo luật Chúa thì không hề đơn giản, đó là ơn sủng mà chúng ta cần cầu xin. Phản ứng lại ông ta, Thầy Giêsu gọi ông là kẻ đạo đức giả. Đã nhiều lần, Thầy Giêsu gọi những người như thế là đạo đức giả, vì họ chỉ biết tuân thủ nghiêm ngặt lề luật mà không có sự tự do của những người con, họ bị nô lệ bởi luật. Luật được làm ra là để giúp chúng ta có tự do, tự do của con cái Thiên Chúa, chứ không phải: luật làm ra để chúng ta làm nô lệ cho luật.

Đằng sau những gì là khắt khe, luôn có điều gì đó khác, điều đó Thầy Giêsu gọi là đạo đức giả. Đằng sau cái khắt khe, có điều gì đó ẩn giấu trong cuộc sống của con người. Sự hà khắc không phải là quà tặng của Thiên Chúa. Sự dịu hiền, vâng; sự tốt lành, vâng; lòng nhân từ, vâng; sự tha thứ, vâng. Sự khắt khe cứng nhắc thì không. Đằng sau sự khắt khe ấy, thường có cái gì đó ẩn giấu, thường thì đó là lối sống hai mặt, nhưng cũng có cái gì đó là đau bệnh. Khi chân thành họ nhận ra rằng, họ đang đau khổ! Vì họ chưa có tự do của con cái Thiên Chúa. Họ không biết làm thế nào để sống theo luật Chúa, họ chưa được chúc phúc. Họ đau khổ rất nhiều! Xem ra họ có vẻ tốt, vì họ sống theo lề luật, nhưng đằng sau có điều gì đó chẳng lành, có điều gì đó xấu, họ đang giả hình hoặc bị đau bệnh. Họ đau khổ!

Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người anh cả đã luôn sống tốt và làm theo lệnh cha, nhưng anh ta lại bất bình và tức giận với cha khi người cha vui mừng đón nhận người con thứ đi hoang trở về hối lỗi. Như thế, đằng sau đời sống tốt lành của người anh, có một sự tự hào tự kiêu.

Đằng sau việc làm tốt lành của anh ta, có một sự kiêu ngạo. Anh ta biết anh có một người cha, và trong những giây phút đen tối nhất cuộc đời, anh chạy đến với cha. Chỉ mình người cha mới có thể nói rằng chính anh cũng là ông chủ cùng với cha vì tất cả những gì của cha đều là của anh. Thế nhưng, chưa bao giờ anh có thể cùng cảm nghĩ như cha. Thế đấy, thật là khó khăn: anh chỉ làm cứng nhắc theo luật theo lệnh. Còn người con thứ, anh bỏ luật sang một bên, anh sống không cần luật lệ gì cả, sống chống lại luật, và đến một lúc, anh nghĩ về người cha rồi quay trở về. Anh được tha thứ. Thật là không dễ chút nào để đi theo luật Chúa mà lại không rơi vào sự nghiêm khắc.

Chúng ta hãy cầu cùng Thiên Chúa, hãy cầu nguyện cho anh chị em của chúng ta là những người tin rằng sống theo luật Chúa là trở nên khắt khe. Xin Chúa làm cho họ cảm thấy Ngài là Cha chúng ta, Ngài yêu thích sự dịu hiền, nhu mì, và khiêm nhường. Xin Ngài dạy tất cả chúng ta bước theo luật Chúa với thái độ hiền lành và khiêm nhường.

4. Hôm nay Thiên Chúa đang khóc trước thiên tai và chiến tranh

Ngày nay, khi đứng trước các thiên tai, đứng trước những cuộc chiến tranh gây ra bởi những kẻ “thờ thần tiền”, trước việc trẻ em bị giết hại, ngay cả Thiên Chúa cũng khóc. Đức Thánh Cha đã chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng 27 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta. “Hôm nay Thiên Chúa đang khóc” vì con người không hiểu “bình an mà Người đã trao tặng cho chúng ta, bình an của tình yêu mến”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi Herode là “con cáo” khi những người biệt phái đến báo tin cho Chúa rằng Herode muốn giết Chúa. Tiếp đó Chúa nói về những gì sắp xảy đến, khi mà giờ tử nạn đang tới gần. Chúa Giêsu nhìn về thành Giêrusalem, nơi đã giết hại các vị ngôn sứ được sai đến.

Chúa Giêsu nói với cung giọng hiền từ của Thiên Chúa. Chúa nhìn vào dân Ngài, nhìn vào thành Giêrusalem. Ngày hôm đó Chúa đã khóc cho thành Giêrusalem. Chúa Cha đang khóc trong Con Người Giêsu, khóc cho thành Giêrusalem: “Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà người không muốn!”. Có người nói rằng, Thiên Chúa làm người để mà khóc, khóc cho những gì người ta làm cho Con của Ngài. Chúa Giêsu cũng khóc khi đứng trước mộ Ladaro, đây là tiếng khóc của một người bạn. Đây là tiếng khóc của Chúa Cha.

Có tiếng khóc của người cha, của Chúa Cha. Khi đứa con thứ hỏi người cha về chuyện thừa kế gia tài và anh ta muốn bỏ đi khỏi nhà. Có lẽ người cha đi gặp hàng xóm mà nói: “Hãy nhìn xem những gì đang xảy ra cho tôi. Những bất hạnh mà thằng con này làm cho tôi! Thằng con đáng nguyền rủa này…” Nhưng không, có lẽ người cha không làm thế, người cha khóc một mình trong phòng. Tin Mừng không nói gì về những điều này, nhưng Tin Mừng nói rằng, khi đứa con thứ trở về, người cha nhìn thấy anh từ đằng xa. Điều ấy có nghĩa là người cha lên tận mái nhà để nhìn để thấy con đường trở về của đứa con. Người cha làm điều này vì ông sống với niềm hy vọng, chờ đợi con trai của mình trở về. Đây là nước mắt của Chúa Cha. Là nước mắt của Cha nơi Con của Ngài và nơi tạo vật.

Trên đường Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Calvario, các phụ nữ đạo đức đã khóc, nhưng Chúa nói rằng, họ đừng khóc cho Chúa mà hãy khóc cho con cháu của họ. Cũng thế, ngày nay nước mắt tình cha nước mắt tình mẹ của Thiên Chúa vẫn tiếp tục rơi.

Đứng trước thiên tai, đứng trước chiến tranh vì thờ thần tiền, trước cái chết của bao nhiêu người dân vô tội vì bom đạn của những kẻ thờ thần tiền, trước tất cả những điều ấy, hôm nay Chúa Cha khóc. Thậm chí hôm nay Ngài nói: “Ôi Giêrusalem, Giêrusalem ơi, hỡi những người con của Ta, ngươi đang làm gì?” Ngài cũng nói với những nạn nhân nghèo khổ, nói với những kẻ buôn bán vũ khí, với những kẻ buôn bán cuộc sống của người dân.

Sẽ tốt cho chúng ta khi nghĩ rằng, Thiên Chúa là Cha chúng ta đã trở nên người phàm để có thể khóc, và cũng tốt cho chúng ta khi nghĩ rằng, Thiên Chúa là Cha chúng ta hôm nay đang khóc. Ngài khóc vì loài người không hiểu bình an mà Ngài đã tặng trao, hòa bình của tình yêu thương.

5. Nước Trời lớn lên giống như hạt cải chứ không theo kiểu biểu đồ

Để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên, Chúa cần tất cả chúng ta phải hiền lành và nhu mì. Đây là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng 25 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta. Ngài lưu ý rằng, đừng quá tập trung vào những cơ cấu và sơ đồ tổ chức, Nước Trời không theo kiểu các khung biểu đồ.

Phúc cho ai bước theo luật Chúa. Đây là luật không phải để học cho biết, mà là để thực hành, để sống, để bước theo.

Nước Thiên Chúa không phải là cơ cấu bị đóng khung, nhưng luôn sống động

Luật là vì sự sống, luật là để giúp xây dựng Nước Trời, để kiến tạo sức sống. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta về Nước Trời. Phải ví Nước Trời với cái gì đây? Có lẽ Nước Thiên Chúa là một toàn thể được thiết kế tuyệt vời, mọi sự có trật tự, với cơ cấu tổ chức tốt… và không ai vào đó, đây không phải là Nước Thiên Chúa. Không. Điều xảy ra với Nước Trời cũng giống như xảy ra với luật: vừa vững chắc lại vừa thích ứng… Luật này là luật để sống, và Nước Trời đang đến. Không có điểm dừng. Hơn thế nữa: Nước Trời thấm nhập và tiến triển “từng ngày”.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn về “những thứ biến đổi từng ngày”. Tấm men không còn là tấm men, vì men được bỏ vào trong bột, và thế là có tiến trình trở thành bánh. Hạt giống không còn là hạt giống, vì nó chết đi và trao tặng sức sống cho cây mới nảy sinh. Nắm men và hạt giống đang trong một hành trình làm điều gì đó, nhưng để làm điều ấy thì phải “chết đi”. Vấn đề không ở chỗ: cái gì là bé nhỏ hoặc lớn lao. Điều quan trọng ở chỗ “bước đi” và sự biến đổi diễn ra trên hành trình.

Để Nước Thiên Chúa lớn lên, chúng ta phải ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần

Ai biết luật mà không sống, thì đó là người có thái độ bảo thủ và cứng nhắc. Chúa muốn chúng ta có thái độ nào để Nước Trời có thể lớn lên, để bột có thể trở thành bánh? Đó là ngoan ngoãn. Nước Trời lớn lên khi chúng ta ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần. Bột không còn là bột mà trở thành bánh, khi bột nhẹ nhàng để cho sức mạnh của men tác động, để cho men được nhào trong bột… Tôi không biết, bột có cảm giác không, nhưng khi bạn nhào bột, bột có đau không? Sau đó, bạn nấu nướng, bột có đau không? Tất cả những việc ấy đều tốt, và rồi bột trở thành bánh trong bữa ăn cho mọi người. Nước Trời cũng thế.

Bột ngoan ngoãn đối với men, Nước Trời cũng phát triển như thế. Khi những người nam nữ ngoan ngoãn trước tác động của Chúa Thánh Thần, thì họ đang lớn mạnh và trở thành quà tặng cho tất cả mọi người. Hạt giống ngoan ngoãn để nảy sinh, để mất đi những gì là kích thước của hạt giống, để trở thành cái gì đó khác, để trở thành cây lớn hơn hạt giống gấp bội. Hạt giống trở thành cây. Nước Thiên Chúa cũng thế, cũng trên hành trình “trở thành”, hành trình hướng tới niềm hy vọng, hành trình hướng tới sự viên mãn.

Kẻ hà khắc chỉ có thể có chủ mà không có cha

Nước Thiên Chúa là điều mà bạn thực hành hằng ngày khi ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, để kết hợp những đấu bột bé nhỏ, những hạt giống bé nhỏ của bạn, với với sức mạnh, để chúng được lớn lên. Nếu chúng ta không bước đi, không sống như thế, chúng ta sẽ khô héo và tự làm cho chính mình thành kẻ mồ côi, thành kẻ có chủ mà không có Cha.

Nước Trời giống như người mẹ trao tặng chính bản thân mình, vì những đứa con, để lo cho con. Khi làm như thế, người mẹ sống theo gương của Chúa. Hôm nay là ngày cầu nguyện xin ơn ngoan hiền trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đã bao nhiêu lần chúng ta phán đoán theo ý riêng: “Nhưng, tôi làm điều tôi muốn…” Khi ấy, Nước Trời không thể phát triển, chính chúng ta cũng không thể lớn lên. Khi ngoan hiền với Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ lớn lên và được biến đổi giống như hạt giống và nắm bột. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần.