Ngày 30-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dấu chân ngài đi ngang qua cuộc đời
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
07:07 30/10/2016
DẤU CHÂN NGÀI ĐI NGANG QUA CUỘC ĐỜI

(CN 31 TN C 2016)

Còn đúng 3 tuần lễ nữa là Dân Chúa bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong suốt chặng đường Năm Thánh đã đi qua, chúng ta đã có nhiều dịp để chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa theo lời gọi mời của ĐTC Phanxicô trong tông sắc Dung nhan lòng thương xót :

“Có những lúc chúng ta được kêu gọi ngắm nhìn lòng thương xót cách chăm chú hơn, để chính chúng ta trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Chúa Cha. Đây là lý do thúc đẩy tôi công bố một Năm Thánh Ngoại thường của Lòng Thương Xót, như một thời gian thuận lợi cho Giáo Hội, để chứng từ của các tín hữu được nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn. (Số 3).

Hôm nay cũng lại là một dịp dừng chân chiêm ngưỡng như thế. Quả thật, sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay thật là thích hợp để chúng ta suy niệm, đào sâu ý nghĩa đó, đặc biệt, qua trình thuật đặc thù của Thánh sử Luca về câu chuyện gặp gỡ và hoán cải của chàng thủ trưởng thuế vụ Giakê.

Tuy nhiên, trước khi đi vào nội dung riêng của sứ điệp Tin Mừng, chúng ta thử phác họa tổng quát lược đồ ý nghĩa của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay như sau :

Lời Chúa hôm nay tập chú khai triển hai mối tương quan nầy : Chúa với tôi / Tôi và anh em đồng loại. Chúa đến để tìm tôi để nói với tôi lời yêu thương tha thứ, và tôi đưa mắt khát khao gặp gỡ Chúa để làm lại cuộc đời. Rồi từ cuộc gặp gỡ thân thương nầy Ngài sẽ biến đổi tôi để tôi có thể giang rộng vòng tay ôm lấy mọi anh em.

- Bài đọc thứ nhất, Trích sách Huấn ca : Đây là những đoạn hiếm hoi của mặc khải cựu ước khi trình bày dung mạo yêu thương của Thiên Chúa : “Chúa yêu thương hết mọi loài…Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người…Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài là của Chúa…”. Vâng, Thiên Chúa của chúng ta là một “Thiên Chúa giàu lòng nhân ái”, một Thiên Chúa đã mạnh mẽ đoan quyết rằng : “Cho dù có người mẹ nào không thương con dạ nó mang, thì Ta, Ta vẫn không hề quên ngươi” (Is 49,15) ; và đó là điều chúng ta đã được nghe trong suốt năm Thánh nầy với lời khẳng định của ĐTC Phanxicô trong Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót” : “Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thuơng xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta.” (Số 2)

- Nếu Thiên Chúa qua sách Huấn Ca của Bđ1 đã vén mở dung mạo yêu thương, khoan dung của Ngài, thì cũng từ đó đã dẫn tới lời tuyên tín về tình yêu của Thiên Chúa mà Dân Ngài thể hiện qua Thánh vịnh 144 : “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm. Ai quị ngã Chúa cũng đều nâng dậy, kẻ bị dìm xuống Người cho đứng thẳng lên”.

- Và cuối cùng, toàn bộ sứ điệp yêu thương được đẩy lên cao trào và hoàn chỉnh như một ý nghĩa tổng hợp trong câu chuyện đầy ấn tượng về cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và chàng thủ trưởng thuế vụ Giakê.

Chúng ta có thể dừng lại để đào sâu ý nghĩa nầy :

- “Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy” : Đây là thành phố Giêricô, một nơi trũng thấp dưới mặt nước biển khoảng 240 m và là một thành phố mà theo truyền thống Cựu ước, là “thành bị chúc dữ : Chúng ta còn nhớ câu chuyện sau khi chiếm thành Giêricô thì “…. Giô-suê phát thề rằng: Phàm ai chổi lên xây lại thành Giê-ri-cô này sẽ bị rủa sả trước mặt Ðức Giê-hô-va! Ðặt nền nó lại, tất con trưởng nam mình phải chết; dựng cửa nó lại, tất con út mình phải chết.” (Giô suê 6:26). Đó cũng chính là một Giêricô tội lỗi, tối tăm, ngoại đạo so với thành thánh Giêrusalem được Chúa Giêsu minh họa khá rõ nét nơi dụ ngôn người Samari nhân hậu : “Có một người từ Giêusalem đi xuống Giêricô” (Lc 10,30). Vâng, sự kiện Chúa Giêsu “vào” và “đi ngang qua” Giêricô đã cho thấy một Thiên Chúa đã không mệt mỏi dấn thân đi tìm con chiên lạc, kiên nhẫn tìm đồng bạc bị đánh rơi và nhẫn nại khoan dung đợi chờ người con hoang hoán cải trở về. Như vậy một cách nào đó, câu chuyện Giakê hôm nay là một cụ thể hóa cho những dụ ngôn về lòng thương xót mà Chúa Giêsu mới vừa công bố. Và riêng tôi, tôi có nhận ra “dấu chân của Đức Kitô đang đi ngang qua cuộc đời tăm tối, tội lỗi của mình hay không?

- “Thủ trưởng thu thuế và là người giàu có” : Một trường hợp đáng thương và đáng tội. Là thu thuế đã là một trở ngại to lớn : hạng tội lỗi, bị loại trừ. Trong khi đó sự giàu có luôn là một sự ngáng đường để trở nên con người tự do của Tin Mừng Phúc thật (Chuyện người thanh niên giàu có (Lc 18,18-23 ; Ông phú hộ và người ăn mày Lazarô (Lc 16,19-31). Chúng ta có tìm thấy chính mình trong con người như thế hay chăng ?

- “Dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn” : Lại một cản trở khác dành cho anh chàng đáng tội và đáng thương Giakê : Bờ rào của đám ông che khuất tầm nhìn và ngăn lối để tiến tới gặp gỡ Chúa Giêsu. Bờ rào đó phải chăng là bờ rào của đố kỵ, rẻ khinh, loại trừ. Và chính cái “bờ rào chết tiệt đó” đã giữ Giakê trong trạng thái “lùn tịt”, một kẻ thấp cổ bé miệng, một kẻ không đáng được ngẫng cao đầu để đi tới. Ngày hôm nay thử hỏi cộng đoàn của tôi, Giáo Hội của tôi có còn những loại bờ rào như thế được dựng lên để che khuất và cản lối bao người đến với Chúa hay không ?

- “Ông leo lên cây sung để xem Chúa Giêsu. ..Chúa Giêsu tới chỗ ây thì Người nhìn lên” : Một kẻ nhìn xuống và một người nhìn lên. Tình yêu nào cũng đòi phải đi bước trước, phải hành động, phải sáng kiến. Sáng kiến tò mò gặp gỡ Chúa Giêsu của Giakê mạnh mẽ và bất kể cái hành vi xem ra ngược lại với địa vị và phẩm giá của mình, chấp nhận một hành trình cô độc (Một mình cheo leo trên cây sung), miễn sao gặp được Chúa Giêsu. Trong khi đó, tình yêu luôn là sáng kiến đến từ Thiên Chúa. Đối với tôi, sáng kiến tình yêu đó là gì và có bao giờ đã nhận ra cách ánh mắt nhân từ hay bàn tay yêu thương của Chúa dành cho mình hay chưa ? Và liệu tôi có được mấy lần trong đời thật sự cất bước đi tìm Thiên Chúa

- “Hôm nay tôi phải ở lại nhà người…ông tụt xuống mừng đón Người” : Chính hôm nay, bây giờ chứ không chần chừ gì hết. Tình yêu và ân sủng không bao giờ là một cuộc mặc cả, đôi co, hứa cuội ; và ơn cứu độ luôn đòi hỏi sự gấp rút, mau mắn, tĩnh thức. Tôi có thái độ nào đứng trước tình yêu và tiếng gọi mời của Chúa đây ?

- “Ông cũng đền gấp bốn…ơn cứu độ đã đến cho nhà nây” : Sự hoán cải và tình yêu gặp gỡ, tình yêu cứu độ không bao giờ chỉ là một trạng thái thuần túy tinh thần mà luôn phải dẫn tới hành động : Thiên Chúa đi tìm, cứu chữa, thứ tha, băng bó ; con người dứt khoát làm lại cuộc đời, dấn thân sẻ chia và phục vụ yêu thương.

Như vậy, trong cuộc hạnh ngộ hi hữu nầy không phải chỉ có Giakê là người hạnh phúc mà theo chú giải của Noel Quesson, chính Đức Kitô cũng là người hạnh phúc vui mừng : “Ôi chao ! Ngày hôm nay đó, chắc Đức Giêsu phải sung sướng hạnh phúc lắm ! Còn vài cây số nữa là đến Giêrusalem. Còn vài ngày nữa là cuộc khổ nạn được dâng hiến để cứu chuộc con người. Mọi nổi đơn độc chơ vơ của thập giá, mọi hình khổ Ngài sẽ gánh chịu, mọi vết thương xé nát bàn tay và đôi chân đẩm máu sẽ mang lại ơn ích cho nhân loại. Ngài biết điều đó. Ngài đã cứu thế gian khi tiến lên Giêrusalem. Và Giakê là hoa trái đầu mùa”…

Nhưng cuộc hạnh ngộ của niềm tin không chỉ đọng lại nơi bữa tiệc vui mà phải đi tới, phải tiến về phía trước, phía của đổi đời, của cuộc cách mạng nội tâm, cuộc “thay da đổi thịt đời sống”. Quả thật đúng như lời ca mà ai ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần ngâm nga : “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức kitô đón nhận ơn tái sinh”. Vâng, “Thiên Chúa yêu chúng ta đến nổi ban Con Một” (Ga 3, 16), và Người Con ấy, đã đến và “cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14), “đã đến nơi nhà chúng ta” (Ga 1, 11).

Tóm lại, sứ điệp phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta luôn sống đức tin một cách tích cực, sinh động bằng những nỗ lực hằng ngày vươn mình về phía trước, về phía của Đức Ki-tô, của Tin Mừng với một trái tim yêu thương và tin tưởng tuyệt đối vào lòng nhân ái của Thiên Chúa. Khiêm hạ đón nhận sứ điệp Lời Chúa và can đảm đổi đời đó chính là định hướng căn bản của đức tin và là chìa khoá giải mã, là điểm tựa cho cuộc sông hôm nay và ngày mai. Một niềm tin vững vàng như thế không cho phép chúng ta dao động, lo lắng trước bất cứ biến cố nào, tin đồn thất thiệt nào hay những thử thách gian truân nào như lời khuyến dụ trong Bài đọc 2 : Trích thư Thánh Phao-lô gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca : “Anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ…” (2 Tx 1,11-2,2). Và một niềm tin như thế sẽ biến chúng ta thành chứng nhân của yêu thương, khoan dung và tha thứ để xây dựng thế giới quanh ta, cộng đoàn quanh ta thành gia đình của hiệp nhất, yêu thương, huynh đệ.

Khi nào chúng ta thực hiện được như thế, chúng ta sẽ nghe vọng lên chính Lời của Đức Ki-tô không chỉ dành cho Giakê ngày xưa mà cho cả chúng ta hôm nay : “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà nầy …Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”.
 
Biến đổi
Lm. Vinh Sơn scj
07:11 30/10/2016
Chúa Nhật XXXI Thường Niên C

BIẾN ĐỔI

Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11–2, 2; Lc 19,1-10

Harold Hughes xưa kia là Thống đốc tiểu bang Iowa, và là một nghị sĩ của Hoa kỳ. Nhưng cuộc đời của ông đã không luôn luôn thành công. Trong tập tự truyện, Hughes kể lại rằng thời trai trẻ ông đã là “một người nghiện rượu, dối trá và lừa đảo”. Vào một thời điểm trong đời ông, đã phá hủy tất cả mọi sự, và mất tất cả…

Một đêm nọ ông tuyệt vọng nhảy vào bồn tắm và chuẩn bị tự tử. Ông dí khẩu súng shotgun vào bụng, rồi nhốt cái chùi giẻ vào miệng. Khi ông sắp sửa bóp cò súng, thình lình ông nhớ lại Thánh Kinh đã nói giết mạng sống mình là sai. Và ông đã cố cắt nghĩa với Chúa lý do tại sao ông lại làm điều kinh tởm này. Ông trèo ra khỏi bồn tắm, qùi xuống nền gạch lạnh lẽo, và gục đầu trên thành bồn tắm. Trong tư thế đó, ông nói chuyện với Chúa đang khi khóc nức nở. Sau đó có một điều gì đã xẩy ra mà ông chưa bao giờ cảm nghiệm thấy trong đời. Ông viết trong cuốn tự truyện như sau:

“Một sự bình an ấm áp dường như bao phủ lấy tôi. Những tội lỗi của tôi dường như tan biến. Thiên Chúa cúi xuống và ôm lấy tôi. Giống như một đứa trẻ bị thất lạc trong cơn giông bão, thình lình tôi bị vấp chân ngã vào cánh tay ấm áp của Cha tôi. Đang khi quì gối trên nền nhà tắm, tôi đã hiến dâng hoàn toàn con người của tôi cho Thiên Chúa, và tôi nói với Ngài,”Bất cứ việc gì Ngài sai con làm, lạy Cha, con sẽ thực thi thánh ý Cha”.

Kinh nghiệm đáng nhớ muôn đời đó đã bắt đầu một sự biến đổi hoàn toàn đối với Harold Hughes. Mười năm sau, ông được bầu làm Thống đốc tiểu bang Iowa. Bảy năm sau nữa, ông được bầu vào Thượng viện của Hoa kỳ. Sau cùng, vào năm 1975, ông rút lui khỏi hậu trường chính trị, về hưu và làm việc trọn ngày cho chương trình giúp đỡ những người cai thuốc phiện và nghiện rượu (Nguyễn Văn Thái).

Cuộc biến đổi Harold Hughes, gợi cho chúng ta cuộc biến đổi của Giakêu trong Tin Mừng Lc 19,1-10. Giakêu là Giám đốc của Sở thu thuế thành Giêricô - một thành phố thương mại sầm uất giàu có. Như chúng ta đều biết, người dân Do Thái vừa sợ vừa khinh những nhân viên thu thuế vì tình cảm dân tộc: Những nhân viên này cộng tác với Đế quốc La Mã để cai trị và bóc lột anh em đồng hương. Ngoài ra, dân chúng ghét người thu thuế vì bản chất của nghề này: nhân viên thu thuế thường ăn chặn và khai khống lên tiền thuế của người dân để bỏ vào túi riêng, chưa kể đến việc hối lộ tham nhũng.... Giakêu lại là sếp của người thu thuế, con người quyền uy khiến cho dân chúng sợ hãi trước mặt, khinh bỉ sau lưng.

Ông là người quyền uy, giàu có như Tin Mừng nhấn mạnh (x. Lc 19,2). Vì lẽ đó, ông chẳng phục hay sợ bất cứ người Do Thái nào, nếu có luồn cúi nhờ vả thì chỉ trước cấp trên người La Mã. Nhưng ông có nghe nói về một người tên là Giêsu rao giảng tình thương đồng loại, được dân chúng kính nể và tôn là Ngôn sứ, là Đấng Messia. Từng bước đi của vị Ngôn sứ là hàng ngàn dân theo để lắng nghe lời giảng dạy.... Một con người Do Thái bình thường sao lại cuốn hút dân chúng đến thế. Trong tâm trí ông luôn thắc mắc về Con Người lạ lùng này, thắc mắc đó khiến ông tò mò muốn được “nhìn thấy” xem ông Giêsu là con người thế nào. Có lẽ cái thắc mắc và tò mò của ông giống với vua Hêrôđê như đã thắc mắc tò mò về Đức Giêsu (x. Lc 23,28).

Chính vì thế, trong một ngày làm việc tại sở thu thuế, nghe dân chúng hò reo đón chào Đấng Messia đang đi qua, thắc mắc trong thời gian thôi thúc sự tò mò muốn xem con người Giêsu thế nào đã thúc đẩy ông rời nhiệm sở đi xem Giêsu. Con người đã gây cho ông bao thắc mắc, hoài nghi vì quyền năng và sự cuốn hút dân chúng, phải chăng ông ta là ngôn sứ, hay chỉ là kẻ mị dân lường gạt như các vị tiên tri giả đã từng xuất hiện trước đây. Hoài nghi, tò mò đã thúc đẩy ông bước đi theo đám đông để xem Ngôn sứ Giêsu.

Nhưng ông là người thấp bé, trong lúc những người đứng trước ông thì cao to, khiến ông không thể thấy được Giêsu. Chẳng lẽ lại ra về mà lòng hoài nghi thắc mắc chưa được giải tỏa, càng cho mình thêm bực bội. Phía trước có cây sung to lớn mà đoàn dân chúng cùng Giêsu sắp đi qua. Trong ông nẩy ra một ý tưởng: Chạy lên trước và trèo lên cây sung để xem Giêsu. Nhưng ông lại nghĩ mình là VIP sao lại trèo leo như đứa trẻ con, xem sao được, dân chúng mà thấy thì đâu còn là thể diện của Giám đốc Sở thu thuế quý phái quyền uy ! Nhưng làm sao đây khi trong tâm trí ông đầy tò mò, hoài nghi về con người Giêsu, cứ thôi thúc ông để được nhìn thấy, chẳng lẽ ra về khi những hoài nghi về ông Giêsu không được giải đáp. Nhưng, ông nghĩ: Cây sung xum xuê, có nhiều tán lá rộng, có lẽ chẳng ai thấy ông đâu, vì ông có thể giấu mình dưới những tán lá rậm rạp. Hơn nữa, mọi người đều đang chú ý đến Giêsu nên đâu có để ý đến ông. Ông quyết tâm chạy lên phía trước và trèo lên cây như đứa bé lên mười nghịch ngợm leo trèo để hái quả sung.

Đức Kitô đã đi ngang qua cây sung nơi ông đang ẩn mình dưới những cành lá. Bỗng “Người nhìn lên…” (Lc 19, 5), ánh mắt Ngài chạm ánh mắt ông, một ánh mắt không phải là ánh mắt khinh bỉ mà ông thường gặp trong cuộc đời thu thuế, nhưng ánh mắt đầy âu yếm và cảm thông như cái nhìn của một người Cha hiền. Ông thật ngỡ ngàng tưởng mình nhìn lầm vì ánh mắt đó không như cái nhìn nghiêm khắc kết án của mấy vị Pharisêu đạo đức, càng không là một cặp mắt trách móc của Đấng có thẩm quyền xét xử. Đấng đó nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19, 5). Cuộc gặp gỡ không hẹn trước đã làm thay đổi ông: “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người” (Lc 19, 6). Ông được Đức Kitô viếng thăm, được trao đổi và được biết về Người, nơi ông tràn ngập niềm vui, niềm vui từ một người trước đó chỉ lo thu vén bản thân, lo danh lợi quyền uy, hôm nay với cuộc gặp gỡ Đức Kitô đã làm biến đổi đời ông, trái tim chai cứng của “nghề thu thuế” được thay đổi bởi sứ điệp gặp gỡ với Đấng Tình yêu, cái hầu bao chỉ có vô nay được mở ra để chia sẻ tình thương như Đấng mà ông gặp gỡ đã sống và dạy. Ông Giakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Trái tim ông mang nhịp đập của Đấng Cứu Thế. Hồng ân cứu độ của Đức Kitô đã chạm vào tâm hồn ông, gia đình ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,9-10).

Như Giakêu, chúng ta hãy tìm đến gặp gỡ, gặp gỡ anh em bạn bè để tình nghĩa thêm đằm thắm, trái tim được mở rộng cho nhau. Hơn hết tìm gặp gỡ Đức Kitô trong cuộc đời để người biến đổi đời tôi và đời bạn từ nỗi buồn thất vọng, từ nỗi lo chồng chất của cuộc đời, từ những thao thức của bản thân, những hồi hộp âu lo cho tương lai... Gặp gỡ Chúa để Người biến đổi, cuộc biến đổi tiệm tiến mang sự hy vọng và tràn ngập bình an. Như Giakê, từ một người hạn hẹp, hạn hẹp của tấm lòng sẻ chia, của tính toán thu vén… Nhưng khi gặp gỡ và “biết Người”: Cái “biết” theo nghĩa của Thánh Kinh là sự đồng tâm, gắn bó, ông trở thành người đầy niềm vui được gặp gỡ Đấng Cứu Thế. Hơn hết, niềm vui đã làm cho tim ông mở rộng với anh em và trở thành việc làm cụ thể sẻ chia đến anh em trong tinh thần bác ái, đi đến sự công lý mà chính ông đã làm tổn thương trước đó, bằng cách đền gấp bốn.

Xin thúc đẩy con đến với Ngài, lạy Chúa, dù chỉ là một giây phút ban đầu tò mò, đầy hồ nghi như Giakêu. Nhưng hãy thúc đẩy con đến gặp Ngài. Gặp gỡ Ngài, trao đổi - biết Ngài và cái biết làm thay đổi đời con, một đời trong niềm vui và hy vọng…

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 29/10/2016
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:10 30/10/2016
58. GÁI ĐẸP CHỒNG XẤU.
Vào giữa năm Tống Huy Tông Tuyên Hòa, ở Tỳ Lăng có người tên là Thành Lang Trung, mặt mày đầy lông, tướng mạo khó coi.
Mẹ vợ nói với anh ta:
- “Con gái ta đẹp như bồ tát, đem gả cho ngươi một người mặt đầy lông lá.”
Sau đó ra lệnh cho Thành Lang Trung theo ý đó mà làm một bài thơ, Thành Lang Trung làm một bài vè như sau:
- “Thế gian một giường không hai người đẹp, bằng không gái đẹp sao được chồng tốt? Cuốn cao mành đỏ lên thắp nến sáng, lông lá đây thử kêu bồ tát nhìn.”
(Mạn tiếu lục)

Suy tư 58:
Có một sự việc mà hình như ai cũng công nhận, đó là các linh mục và các tu sĩ nam nữ đa phần đều...đẹp trai và đẹp gái, cái đẹp này đa phần là xuất phát từ tâm hồn của họ, một tâm hồn đầy ắp sự quãng đại phục vụ tha nhân vô vị lợi, phục vụ vì yêu mến Đức Chúa Ki-tô.
Cái đẹp của các linh mục tu sĩ nam nữ rất tự nhiên, tự nhiên như cuộc sống đơn sơ của họ, cái đẹp của các dì phước không như sắc đẹp khuynh nước nghiêng thành của các cô gái hoa hậu được trợ lực bằng các loại mỹ phẩm đắt tiền, nhưng họ đẹp bởi đời sống hiến dâng của họ, vẻ đẹp này có người nói như thiên thần.
Cái đẹp của các linh mục cũng tương tự như thế, giáo dân ai cũng mến các linh mục, không phải vì họ đẹp trai, nhưng vẻ đẹp của các ngài phát xuất từ tâm tình khiêm tốn của các ngài, ai cũng yêu mến các linh mục của họ, bởi vì họ đã có cuộc sống rất đẹp, đó là cuộc sống phục vụ và hết lòng vì đàn chiên của mình. Không có cái đẹp nào cho bằng cái đẹp của một người dám hy sinh cho lý tưởng phục vụ Chúa của mình.
Các linh mục và các tu sĩ nam nữ sẽ mất hết vẻ đẹp ấy khi họ không còn lý tưởng phục vụ, khi họ không còn cuộc sống đơn sơ và khiêm tốn, khi họ không còn tích cực sống cuộc sống tu trì của mình.
Người ta sẽ không còn thấy vẻ đẹp của các dì phước nữa, khi các dì phước hết nói xấu người này rồi lại đi bới chuyện của người khác; người ta cũng không còn nhìn thấy một linh mục anh minh cao thượng nữa, khi các ngài vẫn hống hách kiêu ngạo với mọi người, bởi vì tất cả những thái độ ấy là của ma quỷ và bè lũ của nó, mà ma quỷ thì nhất định là không...đẹp trai đẹp gái như các linh mục và các dì phước của chúng ta .

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 30/10/2016

7. Hành vi của một người có thể làm vui lòng Thiên Chúa nhất, chính là khi rước lễ mà trong linh hồn họ có ân sủng yêu thương.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH có ủng hộ Donald Trump hay Hillary Clinton không ?
Nguyễn Long Thao
09:46 30/10/2016
ĐGH có ủng hộ Donald Trump hay Hillary Clinton không ?

Gần đây, trên một số trang mạng xã hội loan truyền tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Cộng Hoà là ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ năm 2016. Tin này được đăng trên một số trang mạng xã hội và được nhiều người, kể cả một số trí thức dùng E mails phát tán đi cho nhiều người trên thế giới.

Đây là nguyên văn bản tin bằng tiếng Anh đăng trên mạng lưới WTOE 5 News. Com

Pope Francis Shocks World, Endorses Donald Trump for President, Releases Statement

VATICAN CITY – News outlets around the world are reporting on the news that Pope Francis has made the unprecedented decision to endorse a US presidential candidate. His statement in support of Donald Trump was released from the Vatican this evening:

“I have been hesitant to offer any kind of support for either candidate in the US presidential election but I now feel that to not voice my concern would be a dereliction of my duty as the Holy See. A strong and free America is vitally important in maintaining a strong and free world and in that sense what happens in American elections affects us all. The Rule of Law is the backbone of the American government as it is in any nation that strives for freedom and I now fear that the Rule of Law in America has been dealt a dangerous blow. The FBI, in refusing to recommend prosecution after admitting that the law had been broken on multiple occasions by Secretary Clinton, has exposed itself as corrupted by political forces that have become far too powerful. Though I don’t agree with Mr. Trump on some issues, I feel that voting against the powerful political forces that have corrupted the entire American federal government is the only option for a nation that desires a government that is truly for the people and by the people. For this primary reason I ask, not as the Holy Father, but as a concerned citizen of the world that Americans vote for Donald Trump for President of the United States.”

Sources within the Vatican reportedly were aware that the Pope had been discussing the possibility of voicing his concern in the US presidential election but apparently were completely unaware that he had made a decision on going forward with voicing this concern until his statement was released this evening from the Vatican. Stay tuned to WTOE 5 News for more on this breaking news


Đối với người Việt Nam, tin này cũng được dịch ra từ bản Anh ngữ và được đăng trên nhiều mạng lưới xã hội rồi được gửi qua e mails cho nhiều người .

Sau đây là một bằng chứng bản tin trích từ mạng lưới www. Bacaytruc. com

Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm chấn động thế giới: Ủng hộ Donald Trump làm Tổng thống

BBT: Tuy tin tức dưới đây được báo chí ngoại quốc đưa ra, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy nó đã được kiểm chứng. Liệu Vatican có lời cải chính nào cho tin tức này ? hay là vẫn "làm thinh là tình đã muốn" ??

VATICAN CITY - Các cơ quan thông tín trên thế giới đang tường trình về tin tức cho rằng Đức Giáo Hoàng Francis đã ra quyết định chưa từng có để chống lưng cho một ứng cử viên tổng thống Mỹ. Tuyên bố của Ngài ủng hộ Donald Trump đã được phát tán từ Vatican chiều nay:

"Tôi đã do dự khi đưa ra bất kỳ loại hỗ trợ nào cho một trong hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ này, nhưng bây giờ tôi cảm thấy rằng nếu không nói lên sự quan tâm của tôi thì đó sẽ là một lãng tránh nhiệm vụ của tôi như là vị Giáo chủ. Một nước Mỹ hùng cường và tự do là cực kỳ quan trọng cho việc duy trì một thế giới mạnh mẽ và tự do, và trong ý nghĩa đó, những gì xảy ra trong cuộc bầu cử Mỹ đều ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Mực Thước của Pháp Luật là xương sống của chính phủ Mỹ cũng như ở bất cứ quốc gia nào đang phấn đấu cho tự do và giờ đây tôi sợ rằng Mực Thước của Pháp Luật tại Mỹ đã bị giáng một đòn nguy hiểm. Cơ quan FBI, trong việc từ chối đề nghị truy tố sau khi thừa nhận rằng Luật Pháp đã bị phá vỡ nhiều lần bởi Ngoại trưởng Clinton, đã lộ rõ chính nó đã bị hư hỏng bởi các lực lượng chính trị quá quyền thế. Mặc dù tôi không đồng ý với ông Trump về một số vấn đề, tôi cảm thấy rằng bỏ phiếu chống lại các lực lượng chính trị mạnh mẽ đang hủy hoại toàn bộ chính quyền liên bang Hoa Kỳ là lựa chọn duy nhất cho một quốc gia đang mong muốn có một chính phủ thực sự vì dân và của dân. Vì lý do chính yếu này, tôi, với tư cách không phải là Đức Thánh Cha, mà là tư cách của một công dân thế giới có lòng quan tâm, kêu gọi người Mỹ hãy bỏ phiếu cho Donald Trump lên làm Tổng thống Hoa Kỳ.

Người ta cho biết rằng các nguồn bên trong Vatican đã nhận thức được rằng Đức Giáo Hoàng đã và đang thảo luận về khả năng bày tỏ mối quan tâm của ngài trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng rõ ràng là họ hoàn toàn không biết rằng ngài đã thực hiện một quyết định thẳng tiến để nói lên mối quan tâm này,.. mãi cho đến khi lời tuyên bố của ngài được phát đi tối nay từ Vatican.

Hãy theo dõi WTOE 5 News để biết thêm về tin tức mới mẻ này.


Trước sự kiện này, Việtcatholic thấy có trách nhiệm xem nguồn tin thực hư như thế nào?

Nếu muốn truy tầm nguồn gốc bản tin, qúy vị có thể vào Google và đánh chữ Pope Francis endorses Donald Trump ( nghiã là ĐGH Phanxicô ủng hộ ông Donald Trump). Quý vị sẽ thấy bản tin này nói ĐGH ủng hộ ông Donald Trump xuất hiện trên mạng lưới wtoe5news.com

Nếu qúy vị tìm hiểu thêm về nguồn gốc mạng lưới này bằng cách vào mục About Us của mạng lưới nói trên, quý vị sẽ thấy chủ nhân mạng lưới này công khai tuyên bố tin tức trên mạng lưới wtoe5news.com chỉ có mục đích diễu cợt và hoàn toàn tưởng tượng.

Đây là nguyên văn của mạng lưới wtoe5news.com nói về mình: WTOE 5 News is a fantasy news website. Most articles on wtoe5news.com are satire or pure fantasy (Mạng lưới WTOE5News.com là mạng lưới tưởng tượng, đa số các bài báo trên mạng lưới này là diễu cợt hay hoàn toàn tưởng tượng).

Để chứng minh thêm cho qúy độc giả biết về các mạng lưới đã xuyên tạc lập trường của ĐGH Phanxicô hòng lôi kéo cử tri Công Giáo về phe mình, chúng tôi dẫn chứng 2 mạng lưới, một mạng lưới nói ĐGH ủng hộ bà Hillary Clinton, mạng lưới kia nói ĐGH ủng hộ ông Donald Trump. Sau đây lả hai mạng lưới có hình thức giống nhau.

1. Pope Francis Shocks World By Endorsing Donald Trump-Fiction!

https://www.truthorfiction.com/pope-francis-shocks-world-endorsing-do...

Jul 21, 2016 - Pope Francis has endorsed Donald Trump after the FBI declined to bring charges against Hillary Clinton because, the Pope said, a strong rule ...

2. Pope Francis Shocks World, Endorses Hillary Clinton for President

kypo6.com › Breaking TOPICS:Pope Francis Endorses Hillary Clinton.

Ngày nay, qua internet. người ta có thể gửi rất nhiều tin tức, độc giả cần sáng suốt và cần kiểm chứng sự xác thực của bản ti.
 
Đức Phanxicô xin mọi người cầu nguyện cho chuyến tông du Lund vào ngày mai
Vũ Văn An
18:12 30/10/2016
Theo tin Zenit, nhân khi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 30 tháng Mười, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xin các tín hữu cầu nguyện cho chuyến thăm Lund vào ngày hôm sau của ngài. Đây sẽ là chuyến tông du ngoại quốc thứ 17 của ngài và Thụy Điển sẽ là quốc gia thứ 27 được ngài tới viếng thăm.

Đức Phanxicô nói rằng “Trong hai ngày tới, tôi sẽ thực hiện chuyến tông du tới Thụy Điển, nhân dịp tưởng niệm Phong Trào Cải Cách, một dịp tưởng niệm sẽ chứng kiến người Công Giáo và người Luthêrô họp nhau để tưởng nhớ và cầu nguyện. Tôi xin anh chị em cầu nguyện để chuyến đi này thành một giai đoạn mới trong hành trình huynh đệ tiến tới hiệp thông trọn vẹn”.

Nicole Winfield của A.P. thì cho rằng 5 thế kỷ trước đây, sau khi Phong Trào Cải Cách Thệ Phản thắng thế ở đây, Thụy Điển trở thành một nơi ảm đạm cho người Công Giáo Rôma: những ai bác bỏ đức tin Luthêrô mới du nhập sẽ bị trừng phạt bằng phát vãng hay tử vong.

Nhưng tình hình nay đã ra khác hẳn khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới đây ngày 31 tháng Mười để tưởng niệm cuộc phân rẽ Kitô Giáo Phương Tây khởi đầu với cuộc nổi loạn của Martin Luther.

Giáo Hội Luthêrô, một thời hiện diện khắp nơi, nay đang mất dần các thành viên ở Thụy Điển, và được coi là thành lũy của khoan nhượng, trong khi cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của xứ sở thì đang gia tăng, phần lớn nhờ di dân.

Đức Ông Furio Cesare, đại diện pháp lý của Giáo Phận Công Giáo Stockkholm, cho biết: “Hiện nay, chúng ta có tình trạng trong đó Giáo Hội Công Giáo cũng là thành phần quan trọng trong đời sống xã hội”.

Hôm thứ Hai này, Đức Phanxicô sẽ cùng các nhà lãnh đạo Giáo Hội Luthêrô tham gia một buổi lễ đại kết tại thành phố Lund ở nam Thụy Điển để đánh dấu việc khai mạc năm thánh kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách. Ngài cũng sẽ tham dự một biến cố đại kết khác nữa tại Malmo, nơi, theo yêu cầu của người Công Giáo Thụy Điển, ngài cũng sẽ chủ tọa một Thánh Lễ tại một sân túc cầu trước khi trở lại Rôma.

Trong khi giới truyền thông và các viên chức chính phủ ít lưu ý tới chuyến viếng thăm, nhưng người Công Giáo ở đây tỏ ra rất phấn khởi. Vé tham dự biến cố ở Malmo đã bán sạch trong vòng một giờ. Hơn 15,000 người chắc chắn sẽ tham dự Thánh Lễ vào hôm thứ Ba.

Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đánh dấu lễ khai mạc các buổi tưởng niệm 500 năm kéo dài một năm, trong thế giới Thệ Phản, cuộc phản kháng nổi tiếng của Martin Luther chống các lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo.

Các giới chức Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô không cử hành 95 Luận Đề của Luther nhằm phản đối việc mua bán ân xá, nhưng đúng hơn chỉ long trọng tưởng niệm biến cố này mà thôi. Thêm vào đó, cả người Công Giáo lẫn người Luthêrô đều nói rằng họ muốn xin tha thứ vì 5 thế kỷ chia rẽ và tạ ơn vì cuộc đối thoại Công Giáo – Luthêrô chính thức bắt đầu cách nay 50 năm.

Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng diễn ra lúc Cộng Đồng Công Giáo Thụy Điển gia tăng tới khoảng 113,000 thành viên, một thiểu số nhỏ so với khối dân 10 triệu người, tuy nhiên là cộng đồng lớn nhất kể từ ngày có Phong Trào Cải Cách.

Hồi Giáo và các tôn giáo khác cũng đang lớn mạnh ở đây nhờ các di dân, phát xuất từ Phi Châu và Trung Đông, đã biến đổi cấu trúc sắc tộc và tôn giáo của xã hội Thụy Điển.

Trong khi đó, Giáo Hội Luthêrô của Thụy Điển đang chật vật duy trì tính liên hệ của mình giữa khối đa số thuộc sắc tộc Thụy Điển đang bị thế tục hóa một cách mạnh mẽ.

Tư cách thành viên trong Giáo Hội, một Giáo Hội vốn tách rời khỏi nhà nước từ năm 2000, trước đây quen là việc tự động đối với mọi người Thụy Điển, nay chỉ dành cho những người chịu phép rửa trong Giáo Hội. Hàng loạt người Thụy Điển từ bỏ tư cách thành viên để khỏi phả trả lệ phí Giáo Hội, trung bình khoảng 1 phần trăm tổng số thu nhập hàng năm.

Giáo Hội Luthêrô đã mất 740,000 hoặc 11 phần trăm số thành viên giữa các năm 2005 và 2015. Việc suy giảm này vẫn đang tiếp diễn bất chấp các cố gắng của Giáo Hội nhằm thích ứng các quan điểm cấp tiến của người Thụy Điển về phá thai, bình đẳng giới tính và quyền đồng tính. Các Giáo Hội chị em tại các lân bang Na Uy và Đan Mạch cũng đang mất dần các thành viên, nhưng không nhanh chóng bằng.

Giám Mục Stockholm là Eva Brunne nói rằng “Chúng tôi vẫn còn 6.1 triệu thành viên. Đây là một trong ba Giáo Hội Luthêrô lớn nhất thế giới”.

Là một giám mục đầu tiên công khai đồng tính của Thụy Điển, Brunne, 62 tuổi, đại biểu cho khuôn mặt một Giáo Hội hiện đại chuyên thích ứng với thời thế. Nhưng thiểu số Kitô hữu bảo thủ của Thụy Điển nhận định rằng Giáo Hội đã đi quá trớn trong việc thích ứng này.

Sara Skyttedal, chủ tịch giới trẻ của Đảng Dân Chủ Kitô Giáo, một đảng nhỏ và bảo thủ ở quốc hội, nói rằng “Về căn bản, nó đã đánh mất nội dung cốt lõi của nó”.

Skyttedal, người đã làm chuyện họa hiếm ở Thụy Điển là trở lại Đạo Công Giáo, nói rằng người Luthêrô Thụy Điển tha thiết muốn thích ứng với “zeitgeist” (hệ thống lý tưởng và niềm tin làm động lực cho các hành động xã hội của một thời kỳ) đến nỗi đã gây nguy hại cho các tín điều căn bản của Kitô Giáo. Bà cho rằng mấy năm trước đây, một giám mục Luthêrô, còn dám tuyên bố rằng tin vào vị Thiên Chúa toàn năng là điều “quá khích”.

Skyttedal nói rằng “Dù chúng ta cần sự tiến bộ trong xã hội về nhiều phương diện, nhưng ta cũng cần có điều gì đó bất biến chứ. Đó là điều làm tôi bị lôi cuốn về phía Giáo Hội Công Giáo”.

Đức Ông Cesare thì cho rằng các liên hệ của Giáo Hội Công Giáo với Giáo Hội Luthêrô khá phức tạp bởi các quan điểm về những vấn đề như phá thai và hôn nhân đồng tính. Ngài cho biết: “Giáo Hội Luthêrô Thụy Điển đang ở trong diễn trình đổi mới. Và bản thân tôi, tôi nghĩ họ thực sự cần phải tìm ra cách làm thế nào đổi mới căn tính của họ”.

Giám mục Brunne bác bỏ ý niệm cho rằng Giáo Hội Luthêrô của Thụy Điển đã từ bỏ căn tính cốt lõi của mình; bà nói rằng Giáo Hội này vẫn bén rễ trong Thánh Kinh và “chúng tôi nói về Chúa Giêsu như chúng tôi vẫn nói xưa nay”.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô đến Lund không hẳn theo lời mời của Giáo Hội Luthêrô Thụy Điển, mà là do kết quả các cuộc đối thoại lâu dài giữa Liên Minh Luthêrô Thế Giới và Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo. Liên Minh này đại diện cho khoảng 70 triệu người Luthêrô khắp thế giới và không phải những điều người Luthêrô Thụy Điển nghĩ đều được mọi người trong Liên Minh Luthêrô Thế Giới nhất trí. Đúng như lời Đức Cha William Kenney giám mục phụ tá của giáo phận Birmingham (Anh), người sẽ tham gia phái đoàn của Đức Phanxicô tại Lund. Năm 2013, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm đồng chủ tọa cuộc đối thoại quốc tế giữa Liên Minh Luthêrô Thế Giới và Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo. Đức Cha nói rằng “Điều quan trọng cần ghi nhớ là các giấy mời không phải là của Giáo Hội Thụy Điển, mà là của Liên Minh Luthêrô Thế Giới và của Tòa Thánh. Thư mời tôi được ký bởi Đức Hồng Y Kurt Koch của Hội Đồng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo và của Chủ Tịch Liên Minh Luthêrô Thế Giới, Giám Mục Munib Younan".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Hoan Thiện tổ chức quyên góp giúp đỡ đồng bào lũ lụt tại Giáo Phận Vinh
Trần Văn Minh
05:24 30/10/2016
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 30 Tháng 10 Năm 2016. Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Hoan Thiện vùng Keysborough. Một Thánh lễ đồng tế đã được cử hành trọng thể với mười linh mục Việt Nam trong và ngoài Tổng Giáo phận Melbourne, dâng lễ cầu nguyện và để quyên góp giúp đỡ cho đồng bào nạn nhân trong thảm họa Formosa, cộng với thiệt hại vì những cơn bão lụt, do mưa bão và xả nước thủy điện vô trách nhiệm của nhà máy thủy điện gây ra.

Mời xem hình

Thánh lễ do Linh mục Mai Văn Sang là linh giám của hai Nhóm Nhân Ái Hoan Thiện và Thánh Giuse Springvale chủ tế, cùng với Quý Cha Vũ Ngọc Tuyển, Đặng Nhật Trường quản nhiệm Cộng đoàn Hoan Thiện, Linh mục Nguyễn Quốc Thăng Thư ký Ủy ban Công lý Hòa Bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đại diên cho Đức Cha Giáo phận Vinh Phaolo Nguyễn Thái Hợp. Linh mục Hoàng Kim Huy đại diện tuyên úy đoàn Việt Nam thuộc TGP Melbourne. Ca đoàn Thánh Linh đã xuất sắc với các bài Thánh ca dâng lên Thiên Chúa với cả tấm lòng tri ân và cảm tạ thay cho cộng đoàn làm cho buổi lễ thêm sốt mến.

Ngoài giáo dân thuộc cộng đoàn Hoan Thiện và Cộng đoàn Thánh Giuse Springvale, Giáo dân trong mọi vùng của Tổng Giáo phận cũng đã về hiệp dâng Thánh lễ, cùng hiệp thông đóng góp giúp đỡ đồng bào tại quê hương nơi đang lâm cảnh hoạn nạn, để họ mau vượt qua cơn khó khăn do nhân và thiên tai gây ra. Theo đại diện ban tổ chức cho biết, buổi lễ hôm nay do Nhóm Nhân Ái được sự cho phép của các đấng bản quyền, để đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp.

Trong phần chia sẻ, Linh mục Vũ Ngọc Tuyển quản nhiệm cộng đoàn đã nói đến những hy sinh của mọi người. Mấy ngày trước lễ, thời tiết thật đẹp, nắng ấm, gió êm. Ban tổ chức đã quyết định để căng chiếc dù lớn làm chỗ che mưa, che nắng cho mọi người, tưởng thời tiết sẽ đồng hành với ban tổ chức cho buổi lễ được tốt đẹp. Nhưng đến sáng nay thì thời tiết thay đổi hẳn, những cơn gió giật khiến cho mọi người lo lắng, phập phồng, chiếc dù lớn phải cột bó chặt lại. Những chiếc lều con được mọi người dựng lên thay thế. Qua bài Tin Mừng của Chúa Nhật 31 thường niên Năm C, khi Chúa kêu gọi ông Da-kêu, Chúa đã đến để tìm và cứu những gì đã mất, và qua công việc ngày hôm nay, ơn cứu độ đã đến cùng tất cả chúng ta.

Sau khi mọi người được mời gọi xem qua một đoạn Video về thảm họa do Formosa gây ra và lời kêu gọi của Đức Cha Phao Lô. Linh mục Nguyễn Quốc Thăng đã nói qua về những thảm nạn trên quê hương miền Trung yêu dấu của quê hương. Ngài nói đến sự vô trách nhiệm và vô lương tâm của nhà máy thủy điện, đã xả lũ với lượng nước khổng lồ, chỉ sau một đêm đã nhấn chìm nhiều khu vực dân cư mà họ đã không báo trước cho một ai được biết để chuẩn bị! Ca đoàn Thánh Linh đã phụ giúp ban tổ chức mang thùng quyên góp đến với mọi người để xin mọi người quảng đại, chung tay giúp đỡ cho đồng bào nơi quê nhà.

Kết thúc Thánh lễ, mọi người được mời ở lại dùng bữa chung với cộng đoàn qua bữa ăn BBQ. Bữa ăn do các thiện nguyện viên đã chuẩn bị sẵn, được phục vụ rất nhanh, mọi người mang thức ăn về lều để vừa dùng bữa, vừa thưởng thức phần văn nghệ, vừa dự chương trình đấu giá các bức tranh hiếm, vừa dự phần xổ số.

Phần văn nghệ được mở đầu bằng bản hợp ca hùng tráng của Ca đoàn Thánh Linh với bài: “Trả lại cho dân.” Đã được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng bằng những cánh tay giơ lên. Các em thiếu nhi đến các bàn xin ủng hộ qua việc bán vé số. Tất cả mọi sinh hoạt hôm nay đều nằm trong chủ đề: Thương về miền Trung.

Được biết, nhằm giúp đỡ giải quyết những khó khăn của đồng bào vùng lũ lụt, tại Melbourne sẽ có những buổi quyên góp qua Thánh lễ vào tuần tới tại Nhà thờ Good Shepherd số 88 South Circular Rd, Gladstone Park 3043 xin mời mọi người đến tham dự.




 
Đại hội Giới trẻ Liên hạt - Gò vấp, Sàigòn 2016
Bách Thập
07:33 30/10/2016
Đại hội Giới trẻ Liên hạt - Gò vấp 2016

Chiều 29/10/2016 tại Giáo xứ Xóm Thuốc (213 Quang Trung - Gò Vấp - TP.HCM) diễn ra Đại hội Giới trẻ Liên hạt thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn, gồm ba nội dung chính: Lòng thương xót Chúa khoan dung tha thứ, Lòng thương xót Chúa mời gọi sám hối trở về, Nguời trẻ làm chứng cho lòng thương xót.

Với chủ đề “Tình yêu và tha thứ”, hơn 2.500 bạn trẻ tham gia trong Đại hội lần này, thuộc 7 giáo hạt: Gia Định, Gò Vấp, Xóm Mới, Tân Định, Hóc Môn, Chí Hòa, Sài Gòn - Chợ Quán và nhiều bạn trẻ khác trong và ngoài Giáo phận.

Đặc biệt, Đại hội Giới trẻ Liên hạt năm nay có sự hiện diện, đồng hành của ba Đức Giám Mục đại diện cho ba Giáo tỉnh miền Bắc Trung Nam: Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên (Giáo phận Hải Phòng) - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Giới trẻ Hội đồng Giám mục Việt Nam hiện nay là Phó Tổng Thư ký HĐGMVN, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng (Tổng Giáo phận Huế) và Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (Tổng Giáo phận Sài Gòn).

Cha Quản hạt Gò Vấp, Giuse Nguyễn Văn Chủ - Chánh xứ Giáo xứ Xóm Thuốc tuyên bố khai mạc Đại hội Giới trẻ Liên hạt thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn, sau đó là những tiết mục sôi động, hoành tráng mang phong cách đặc trưng ba miền đến từ các bạn trẻ thuộc 7 Giáo hạt.

Tiếp đến, Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên (Giáo phận Hải Phòng) chia sẻ ba ý tưởng cho các bạn trẻ trong ngày Đại hội: Mối tương quan giữa Năm Thánh Lòng Thương Xót đối với các bạn trẻ, khái niệm Lòng Thương Xót trong cuộc sống đời thường, và mỗi bạn trẻ chúng ta phải làm gì đối với Năm Thánh Lòng Thương Xót kể cả khi Năm Thánh đang dần dần khép lại. Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng (Tổng Giáo phận Huế) giải đáp và chia sẻ đề tài trở về lúc sám hối để được tha thứ, được trở lại với Chúa là nguồn tình yêu. Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc giải đáp những câu hỏi về đời sống giới trẻ hiện nay, đặc biệt là sống xa gia đình. Ngài khuyên các bạn trẻ xin ơn sức mạnh Chúa Thánh Thần để hỗ trợ niềm tin vào Chúa.

Cuối cùng là Thánh lễ Đại hội Giới trẻ Liên hạt do Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ sự, Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên chia sẻ trong bài giảng Thánh Lễ: “Mỗi bạn trẻ khi tham dự Đại hội, không phải như tham dự một sự kiện giải trí nhưng là một biến cố của Đức tin, vì thế phải nên để cho Thiên Chúa chạm đến mình, và bản thân mình cũng chạm tới Lòng Thương Xót của Chúa”.

Sau Thánh Lễ, Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên bày tỏ tâm tình như sau: “Con đã tham dự nhiều Đại hội quốc tế, quốc gia. Ngày hôm nay, tuy là Đại hội này thu nhỏ lại có 7 Giáo hạt của Tổng Giáo phận Sài Gòn, nhưng con nghĩ đây là một Đại hội mang tầm cỡ quốc gia vì có đại diện ba miền Bắc Trung Nam”.

Và đây cũng là lần đầu tiên, Ban Giới Trẻ Giáo xứ Xóm Thuốc đại diện tổ chức Ngày Đại hội Giới trẻ Liên hạt, sau 12 lần Giáo xứ tổ chức Ngày Đại hội Giới trẻ cấp Giáo hạt.

Bách Thập
 
Cung hiến nhà thờ giáo xứ Nam Dư, Hà Nội
Triết Giang
16:45 30/10/2016
Cung hiến nhà thờ giáo xứ Nam Dư, Hà Nội

Nhận được giấy mời của giáo xứ Nam Dư (Hà Nội), ngày 27-10-2016, chúng tôi đã đến xứ Nam Dư thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai để chia vui với bà con giáo xứ.

Chúng tôi đã đến chia vui với giáo xứ năm 2015 khi nhà thờ cơ bản được hoàn thành nhưng nay các hạng mục được hoàn thiện như sân nhà thờ, nhà mục vụ. Khắp nơi rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu. Cùng với nhiều đoàn khác, chúng tôi tặng hoa và quà chúc mừng giáo xứ đã có một công trình đẹp để tôn vinh Thiên Chúa và hôm nay được cung hiến.

Đúng 9h30, sau khi làm phép nhà Mục vụ, Đức Hồng Y cùng đoàn đồng tế theo đoàn rước trọng thể tiến vào nhà thờ. Do lượng người quá đông nên nghi thức mở cửa nhà thờ diễn ra nhanh chóng. Chủ tế hôm nay là Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn- TGM Hà Nội. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Phụ tá Lorenso Chu Văn Minh và nhiều linh mục trong giáo phận. Mở đầu thánh lễ, Đức Hồng Y đã long trọng tuyên bố, hôm nay, anh chị em sẽ được chứng kiến một nghi lễ trang trọng của Phụng vụ Giáo Hội đó là cung hiến ngôi nhà thờ được dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa. Đức Hồng Y đã đọc lời nguyện để cung hiến nhà thờ, xức dầu thánh bàn thờ. Các linh mục cũng được ban dầu thánh để đi xức các cột nhà thờ. Đức Hồng Y đã trao chìa khóa nhà thờ cho linh mục Phaolô Nguyễn Trung Thiên như một ấn tín trao phó quyền mục vụ giáo xứ trong tiếng vỗ tay hân hoan của cộng đoàn.

Giáo xứ Nam Dư đã có một ngôi nhà thờ nhỏ được xây dựng từ năm 1915. Trải qua thời gian nắng mưa nên xuống cấp nghiêm trọng không thể xây dựng được. Từ năm 2003, thời cha Phêrô Bùi Ngọc Tuấn coi sóc, giáo xứ đã quyết tâm xây dựng nhà thờ mới. Một chương trình tiết kiệm được đưa ra cho từng gia đình, từng giáo họ để dành tiền cho công trình. Cha Giuse Nguyễn Văn Tuyền về thay thế cha Phêrô tiếp tục chương trình “thắt lưng, buộc bụng” đó. Khi cha Phaolô Nguyễn Trung Thiên về coi giáo xứ thì tiến hành các thủ tục đạo, đời. Ngày 15-8-2013, đúng ngày lễ Đức Mẹ lên trời, công trình được khởi công. Giáo dân cả xứ đóng góp công sức, vật liệu. Đền thờ thánh Antôn ở giữa sân nhà thờ cũ được di dời thủ công để lấy mặt bằng xây nhà thờ mới. Sau 3 năm ròng rã thi công, nhà thờ và các công trình liền kề đã hoàn thành. Trong lời cảm ơn của giáo xứ, vị đại diện cho biết, ông Lý Thực là tín đồ đầu tiên của giáo xứ đã đi học đạo ở trại phong Khuyến Lương với Cố Căn, nơi các nữ tu coi sóc thế kỷ XX. Nam dư hiện có 3 giáo họ là Khuyến Lương, Yên Lương và Yên Duyên với 1472 giáo dân. Nhà thờ được thiết kế theo kiến trúc gothic với tháp nhọn. Mặt tiền nhà thờ gắn đồng hồ lớn. Giữa sân nhà thờ là tượng Đức Mẹ Ban ơn.

Nhà thờ giáo xứ Nam Dư là nhà thờ cấp giáo xứ đầu tiên được xây dựng ở nội thành Hà Nội kể từ năm 1954. Trước đó có nhà thờ giáo họ Trung Trí và Tân Lạc ở quận Hai Bà Trưng đã được xây dựng những năm 2000 và sắp tới nhà thờ xứ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) cũng sắp hoàn thành.

Triết Giang
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Kitô hữu Việt hãy đồng hành trong tháng 11
Hà Minh Thảo
16:32 30/10/2016
KITÔ HỮU VIỆT HÃY ĐỒNG HÀNH TRONG THÁNG 11…

Trong ‘Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa 2016’, các Giám mục viết : « … chính sách kinh tế duy lợi nhuận, không lưu ý đến môi trường sống của người dân; sự thiếu minh bạch trong việc quản lý kinh tế và điều hành xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng và các tệ nạn khác; khuynh hướng sử dụng bạo lực dưới nhiều hình thức để giải quyết vấn đề hơn là lắng nghe và đối thoại… Ðặc biệt hiện nay, chúng tôi nghĩ đến những đau khổ mà đồng bào 4 tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu vì thảm hoạ môi trường biển. Ước mong nhà cầm quyền lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của người dân cũng như những góp ý chân thành của các nhân sĩ, trí thức, để thực sự xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà mọi người mong ước ». Ðó là sự kiện nhà nước cộng sản đang bảo vệ công ty Formosa, thủ phạm xả nước thải có độc chất ra môi trường giết hàng loạt cá và các hải sản khác. Do lợi ích bổng lộc ngoại bang ban cho, các ‘chóp bu’ cộng sản không ngần ngại chống lại đồng bào nạn nhân như đã đánh đập người biểu tình, vu cáo Giám mục Giáo phận Vinh và yêu cầu Ðức cha thuyên chuyển Linh mục Ðặng Hữu Nam ra khỏi Giáo xứ Phú Yên. Gần đây, ngày 10.10.2016, chúng bắt giam chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo điều 88 bộ Hình luật ‘Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, chỉ vì Chị phản đối Formosa mà thôi. Hoa kỳ và các nước Liên hiệp Âu châu đều có lên tiếng cũng chỉ chiếu lệ mà thôi vì họ còn phải … ủng hộ và buôn bán với cộng sản việt trên trường quốc tế.

Trước thềm tháng 11/2016, chúng ta suy nghĩ về các ngày 01, 02 và 24 tháng này để tưởng nhớ Quê hương, Giáo Hội và hiệp thông cầu nguyện cho Dân tộc Việt Nam.

I.- LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ.

Giáo Hội dành ngày 01 tháng 11 hằng năm để Kính Trọng thể tất cả các Thánh Nam Nữ của Giáo Hội Công Giáo (từ các Thánh Anh Hài, ‘người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa’, … đến những người công chính vừa lìa trầøn gian’.

A. Sự Thánh Thiện trong Giáo Hội.

Trong Chương V Hiến chế ‘Ánh sáng muôn dân’ (Lumen Gentium) có tựa đề ‘Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội’, các Nghị phụ tham dự Công đồng Vaticanô II xác tín Giáo Hội có tính cách thánh thiện. Thật vậy, Ðức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là ‘Đấng thánh duy nhất’, đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo Hội (x. Eph 5,25-26). Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo Hội đều được kêu gọi Nên Thánh : ‘Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa’ (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo Hội luôn được và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Đức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Đặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo Hội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội.

1. Nên Thánh là tham dự vào đời sống thần linh Thiên Chúa.

Từ gần 2000 năm nay, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thế làm người và chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta. Vì yêu thương, Đức Kitô tự ý đến với con người, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời. ‘Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha. Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô’ (Ga 17,3). Tuy nhiên, để việc cứu chuộc được thực hiện, Thiên Chúa cần sự cộng tác của từng người chúng ta. Nhờ một dịp nào đó, chúng ta bắt đầu nhận biết ‘Thiên Chúa ẩn mình’ (Is 45,15), rồi tìm hiểu nhiều hơn Đạo Công Giáo qua việc học biết Giáo Lý và, sau cùng, hoàn toàn tự do đáp lời tham gia tiến trình cứu chuộc khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích Đức Tin, để thực sự trở nên Kitô hữu, con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh, tức vào nước Thiên đàng.

Như vậy, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, để chúng ta tự ý đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, mà được cứu độ. Sự thánh thiện này là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô theo ý định: « Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. » (Ep 1,10) Vì thế, Chúa Giêsu là tác giả, là Đấng hoàn thành sự thánh thiện trong Hội Thánh (Ánh sáng muôn dân số 40). Chính Người đã lấy Máu Thánh mà chuộc tội cho chúng ta và ban Thánh Thần cho chúng ta.

2. Mọi người được kêu gọi sống thánh thiện.

Chúa Giêsu, Thầy dạy và Mẫu mực của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho chúng ta, bất luận ở hoàn cảnh nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng ban phát vừa là Đấng hoàn tất: ‘Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời’ (Mt 5,48). Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức họ (x. Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (x. Gio 13,34; 15,12). Được Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các Kitô-hữu được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở Nên Thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận, sống ‘xứng đáng như những vị Thánh’ (Eph 5,3). Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm lỗi (x. Giac 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện ‘xin Chúa tha nợ chúng tôi’ (Mt 6,12).

Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn. Để đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị Thánh.

3. Nhiều hình thức thực hành sự thánh thiện duy nhất.

Chúng ta được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Người trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy đều theo đuổi cùng một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường Đức Tin sống động, Đức Tin khơi động Đức Cậy và hoạt động nhờ Đức Ái.

Có nhiều cách thực hành các lời khuyên trong Phúc Âm và những lời khuyên đó không phải chỉ dành cho giáo sĩ, tu sĩ. Nhưng, người giáo dân cũng được chỉ định cho những cách thế riêng để nên thánh. Vợ chồng, người góa, người độc thân, người lao động, người đau ốm, tất cả đều có thể Nên Thánh theo hoàn cảnh và bậc sống của riêng mình. Do đó, Giáo Hội được trau dồi bằng những vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc. Mẫu mực thánh thiện chỉ có một, nhưng cách ‘họa lại’ mẫu mực ấy thì ‘thiên hình vạn trạng’.

4. Đường lối và phương tiện Nên Thánh.

‘Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy’ (1Gio 4,16), Thiên Chúa đã đổ tràn Đức Ái Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là bác ái. Đức Ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức.

Thật vậy, Đức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Col 3,14; Rm 13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế Nên Thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích. Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính Đức Kitô.

Việc noi theo và làm chứng Đức Ái cùng sự khiêm hạ của Đức Kitô cần được các Kitô hữu thực hiện không ngừng; nên Giáo Hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Đấng Cứu Thế. Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận Nên Thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình.

B. Giáo Hội Khải hoàn.

Khi chúng ta rời cỏi đời nầy, linh hồn lìa khỏi xác, đến trước tòa Thiên Chúa để được phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng hạnh phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời. (x. Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 1022). Được hưởng hạnh phúc trên trời, được chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa nơi Thiên đàng, chúng ta đã đạt được mục đích Nên Thánh.

Trong những người Nên Thánh, Giáo Hội chọn phong Chân Phước (hay Á Thánh, được tôn kính trong nước) rồi phong Thánh (hay Hiển Thánh được tôn kính khắp thế giới) cho những Kitô hữu đã có một đời sống đặc biệt đồng dạng Thầy Chí Thánh, Đức Kitô, và đã được Giáo Hội điều tra qua một thủ tục khắt khe và một thời gian điều tra vô tư, với các nhân chứng và phép lạ mà, nhờ sự can thiệp của các Vị đó, Thiên Chúa đã ban cho tha nhân.

Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo có khoảng 3.800 Chân phước và 1.600 Thánh đã được tuyên phong từ năm 1588 khi Đức Giáo Hoàng Sixte-Quint thành lập Thánh Bộ Nghi Lễ, nay đã đổi tên : Thánh Bộ Phong Thánh. Ngày nay, đời sống các Thánh và Chân Phước trở thành những gương sáng cho chúng ta noi theo để đáp lời Thiên Chúa mời gọi Nên Thánh như ý nguyện của chúng ta khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Việt Nam hiện đang có 117 Thánh Tử Đạo, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong ngày 19.06.1988 tại Rôma và Chân Phước Anrê Phú Yên cũng do Người phong, ngày 05.03.2000, tại Rôma. Ngoài ra, cuộc điều tra tuyên Thánh cho Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn (từ năm 1997), cho Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (2007, kết thúc hồ sơ cấp Giáo phận Rôma ngày 05.07.2013) và cho Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp (2012).

Với chừng ấy số Chân Phước và Thánh, trong gần 2000 năm qua, đã tốn bao nhiêu công và của, thì kết quả Chương trình ‘Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại’ thật là quá ít, nếu không muốn nói là thất bại.

Xin đừng bi quan. Cùng nhau, chúng ta hãy mở Sách Lễ ngày mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, Thánh Gioan viết trong sách Khải huyền: « tôi đã thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên ». Đoạn Sách Thánh nầy xác nhận số người lên Thiên đàng là hằng hằng lớp lớp. Chính vì thế Giáo Hội đã dành ngày Lễ Kính Trọng thể tất cả các Thánh Nam Nữ. Trong đó, phải kể đến các tiền nhân chúng ta trong các Gíáo xứ trong nước và các Cộng đoàn hải ngoại, ông bà trong gia đình chúng ta đã được Chúa gọi về Nhà Cha. Đó là những linh hồn những vị đã được Rửa tội và có đời sống phù hợp Tin Mừng Đức Kitô và Giáo lý dạy để đáp trả lời mời Nên Thánh của Thiên Chúa.

II. NGÀY 02 THÁNG 11 NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT.

A./ Một trường hợp Nên Thánh.

Ngày 16.09.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói ‘Một người Công Giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị’ và ‘Những nhà cầm quyền ‘phải yêu thương người dân của họ’ bởi vì ‘một lãnh đạo mà không yêu thương dân thì chẳng thể nào cầm quyền được’. Để chuẩn bị sứ vụ đó, từ thời niên thiếu, ông Ngô Ðình Diệm chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho giáo và Thiên Chúa giáo. Thực vậy, chính Nho giáo đã giúp ông thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực và giáo dục Thiên Chúa giáo đã đào tạo ông Diệm thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

Quốc trưởng Bảo Đại viết trong Hồi ký ‘Le Dragon d’Annam’ (Con Rồng Việt Nam) : « Ngày 18.06.1954, khi hội nghị Genève đang tiếp diễn, với viễn ảnh đen tối, nếu không nói là tuyệt vọng, cho tôi và phe quốc gia. Ông lại, một lần nữa tìm đến ‘người mà tôi tin cẩn’. Ông đã thuật tiếp : « …Tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo :

– Cứ mỗi khi tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.

– Thưa Hoàng thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…

– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.

Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp:

–Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.

Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá tôi bảo ông ta:

– Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.

Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:

–Tôi xin thề ».

Quốc trưởng Bảo Đại đã trao cho ông Diệm toàn quyền dân sự và quân sự để đối phó với tình hình cực kỳ khó khăn lúc ấy vì Người biết ông Diệm xuất thân từ một gia đình Công Giáo đạo đức và yêu nước mà thân phụ ông, Tổng quan Ngô đình Khả, được Vua Thành Thái giao việc tổ chức Trường Quốc học với chức Trưởng giáo.

Trong Phúc âm ngày Lễ các Thánh Nam Nữ, Thánh sử Matthêu đã tường thuật việc Chúa Giêsu giảng ‘Tám Mối Phúc Thật’, còn gọi là bài giảng Trên Núi, gồm có tinh thần nghèo khó, hiền lành, đau khổ, đói khát điều công chính, hay thương xót người, lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa, bách hại vì lẽ công chính và ‘Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác.’ Ðức Kitô khẳng định : ‘Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời’. Đó là những chỉ dẩn mà Đức Kitô đề nghị chúng ta thực hành hay phải gánh nhận để Nên Thánh mà mình có tự do hoàn toàn để chấp nhận hay từ chối. Khi giảng bài này, Người đã dùng cho mỗi mối phúc với một câu văn ‘điều kiện cách’ để diễn tả, gồm hai vế: một về điều kiện: ‘Ai xây dựng hòa bình’ và một về thành quả : ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’. Các mối phúc chỉ là những khích lệ về mặt luân lý trong hiện tại (thời điểm thực hiện), nhưng thành quả thường là những phần thưởng hạnh phúc tinh thần trong tương lai. Phúc lành mà các mối phúc nói đến việc viên mãn của một lời hứa dành cho tất cả những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của chân lý, công bình và bác ái.

Ý thức những điều đó, ngay từ khi nhậm chức, dù vừa phải chống giặc trong (các giáo phái võ trang, cộng phỉ) và đối phó với ngoại nhân (Pháp, Mỹ), Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cấp tốc xây dựng một nền Giáo dục nhân bản, dân tộc, và khai phóng giúp phát triển toàn diện cá nhân và tinh thần quốc gia. Đồng thời, chánh phủ tiêu diệt các tệ đoan cờ bạc, mãi dâm, hút á phiện để lành mạnh hóa xã hội. Chỉ trong thời gian hơn hai năm cầm quyền, Tổng thống Ngô Đình Diệm vừa thu hồi chủ quyền quốc gia từ tay người Pháp, độc lập và hòa bình cho Dân tộc, kinh tế tự túc và phát triển. Nền Cộng hòa được tuyên bố cho Việt Nam ngày 26.10.1955 và Hiến Pháp tự do, dân chủ và tiến bộ với tam quyền phân lập, Quân đội phi đảng phái được ban hành ngày 26.10.1956. Điểm đặc biệt, Tổng thống Diệm đã tiết kiệm chi tiêu Ngân sách tới mức tối đa, không chính phủ nào có thể thực hiện được như khi Phái đoàn Tổng thống chính thức viếng thăm Hoa kỳ vào tháng 05 năm 1960 chỉ gồm có 7 thành viên. Ngoài ra, nếu ‘bọn Mỹ ở Tòa Bạch ốc’ nghe lời Người đừng gởi quân sang Việt Nam thì Hoa kỳ đã không phải hy sinh 58.000 quân nhân.

Đức Kitô là Đấng Chân Thật, Người hứa ‘Phúc cho ai xây dựng hòa bình’ thì ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’, nên người Công Giáo tốt Ngô Đình Diệm đã ‘xây dựng hòa bình’ qua việc tham gia vào chính trị xứng đáng ‘được gọi là con Thiên Chúa’. Do đó, ngày 02.11.1963, trước khi chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian, người ‘con Thiên Chúa’ Ngô Đình Diệm, sau khi gặp Linh mục (là Đức Kitô thứ hai) để lãnh nhận những Bí tích cuối cùng và Của Ăn đi đường, xứng đáng được Ơn Chết Lành hầu Linh hồn Gioan Baotixita Nên Thánh được Ngôi Hai Thiên Chúa đón vào Thiên Đàng.

Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người và Người giao cho con người cai quản vũ trụ để làm nơi sinh sống. Vâng lệnh Thiên Chúa và thương đồng bào đi tìm Tự do từ miền Bắc, chính phủ ông Diệm cung cấp phương tiện cơ giới để người di cư khai khẩn rừng hoang hầu xây cất nhà ở và được cấp quyền sở hữu (nhớ rằng : đây là ‘quyền sở hữu người dân’ chớ không là ‘quyền sở hữu toàn dân’). Sự thành công mỹ mãn của Tổng thống Ngô Đình Diệm là nhờ sự phù trợ của Thánh Odilon, Bổn mạng những người tị nạn, mà vị sáng lập nền Cộng hòa Việt Nam đã chọn cho mình khi tuyên khấn trong bậc oblat tại Ðan viện dòng Biển Đức Saint–André de Bruges (Vương quốc Bỉ) ngày 01.01.1954. Ngoài ra, Thánh Odilon còn là vị Linh mục, từ năm 998, đã bắt đầu cử hành Thánh Lễ Cầu cho các Linh hồn vào ngày 2 tháng 11 mỗi năm cũng chính là ngày ông Diệm qua đời năm 1963.

Hôm đó, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị kẻ sát nhân giết chết trong khi thi hành nhiệm vụ dân cử giống như, ngày 26.07.2016, Linh mục Jacques Hamel bị kẻ khủng bố cắt cổ chết khi đang thi hành sứ vụ thừa tác trong Nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray (Pháp).

B./ Lễ Các Đẳng Linh hồn.

Giáo Hội dành ngày 2 tháng 11 hàng năm để tưởng nhớ đặc biệt đến các tín hữu đã qua đời, và dành trọn cả tháng Mười Một để cầu cho các linh hồn còn ở luyện nơi luyện hình (Giáo Hội đau khổ) vì chưa đủ ‘Nên Thánh’ để vào Nước Trời, nhưng chắc chắn sẽ lên Thiên đàng.

Nhờ mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, chúng ta, những Kitô hữu đang sống ở trần gian (Giáo Hội chiến đấu, nhưng chỉ chiến đấu với ‘chính mình’!) có bổn phận cầu nguyện, làm việc lành để nhường cho các linh hồn này. Các linh hồn đó có thể là thân nhân, bè bạn hay ân nhân chúng ta. Hãy nhớ: ‘Nay người, mai ta’. Đó là quy luật muôn đời bất biến!

Lòng Chúa Thương Xót hoạt động tích cực. Các linh hồn luyện hình cần người khác giúp đỡ để được giảm án hay phóng thích và Thiên Chúa cũng mong mỏi ban phát Ơn Cứu Độ, như Ngài đã mạc khải cho thánh Faustina: “Cha khao khát cứu các linh hồn”.

III. LỄ CHƯ THÁNH TỬ ÐẠO TẠI VIỆT NAM NGÀY 24.11.2016.

Giáo Hội Công Giáo Toàn cầu chọn ngày 24 tháng 11 hàng năm để mừng kính ‘Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn Việt Nam, Tử Ðạo’ tại Việt Nam vì là ngày Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam ngày 24.11.1960.

Theo Giáo sử Công Giáo Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã tử đạo để làm chứng cho đức tin Kitô giáo vào thế kỷ 18 và 19. Trong số đó, có 117 vị đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên Hiển Thánh ngày 19.06.1988, và Anrê Phú Yên được phong Á Thánh ngày 05.03.2000.

Từ năm 1857 đến 1862, có khoảng 5.000 Kitô hữu bị giết, khoảng 40.000 giáo dân cùng 215 giáo sĩ và tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo. Số 117 vị, tử đạo từ 1745 đến 1862, được Giáo Hội Công Giáo tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:

- Ngày 27.05.1900 : 64 vị bởi Ðức Thánh Cha Lêô XIII ;

- Ngày 20.05.1906 : 8 vị bởi Thánh Giáo hoàng Piô X) :

- Ngày 02.05.1909 : 20 vị bởi Thánh Giáo hoàng Piô X ;

- Ngày 29.04.1951 : 25 vị bởi Ðấng Ðáng Kính Giáo hoàng Piô XII).

A./ Tín hữu Công Giáo tốt cũng là công dân tốt.

Ðó là lời Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã nói với các Giám mục Việt Nam ngày 27.06.2009, nhân dịp Ad Limina lần cuối. Tuy nhiên, Người đã nhắc như vậy trong khung cảnh ‘cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích’. Thế mà, người cộng sản ‘chóp bu’ lợi dụng lời khuyên đó để giải thích ‘công dân tốt’ phải là người lúc nào cũng tuân theo luật lệ do Quốc hội ‘đảng cử dân bầu’ làm ra. Bởi thế, ngày 22.03.2014, việt cộng Nguyễn Sinh Hùng đã nói với Ðức Thánh Cha Phanxicô : « mong muốn, với uy tín, vị thế của mình, Đức Giáo hoàng tiếp tục quan tâm, huấn dụ chỉ dẫn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện đường hướng ‘Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc’, ‘người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt’, phát huy những mặt tích cực của Giáo Hội Công Giáo, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước Việt Nam ». Thật hỗn láo !

Vậy các Thánh Tử đạo tại Việt Nam có phải là những ‘người Công Giáo tốt’ hay không khi quý Vị này không phải là ‘người công dân tốt’ vì đã không tuân theo các luật bắt đạo dã man, dù phải can đảm chấp nhận cái chết những hình phạt thật đau đớn ?

Cũng thế, ngày nay, có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân đang cùng đồng bào Việt Nam đối phó với bọn cầm quyền vi phạm cả Hiến pháp lẫn Luật lệ để đe dọa và trấn áp người dân Việt, nạn nhân thảm họa môi trường do công ty Formosa sả thải hóa chất độc hại vào nước sông và biển.

B./ Trách nhiệm chúng ta.

1. Kitô hữu sống đạo trong nước.

Đồng bào hãy khẩn cầu Mẹ Maria, Nữ vương các Thánh Tử đạo, và Chư Thánh Tử đạo tại Quê hương để, nhờ sự can thiệp của Chư Vị, Thiên Chúa nhậm lời hầu nhà nước cộng sản, dù đã cướp chính quyền, cũng phải biết bảo vệ chủ quyền Quốc gia và đem An bình đến cho Toàn dân Việt. Hãy đoàn kết để noi gương Tiền Nhân anh dũng, dưới sự hướng dẫn của tân Hội đồng Giám mục với Chủ tịch là Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Huế, kiêm Giám quản Giáo phận Thanh hóa.

2. Kitô hữu sống đạo tại các quốc gia tạm dung.

Tại các nước này, Thánh Lễ mừng kính Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn Việt Nam, Tử Ðạo cử hành trọng thể bằng tiếng Việt (tòng nhân với các sách phụng vụ do Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn) và, do đó, có thể được dời vào ngày Chúa Nhật thường vào Tháng 11, nhưng tránh Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Vua (năm nay vào ngày 20.11.2016, Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ C). Thánh Lễ này cử hành bằng tiếng địa phương (tòng thổ) và chỉ ở bậc ‘lễ nhớ’ vào đúng ngày 24 tháng 11 hàng năm. Tại Hoa kỳ, nhiều Giáo xứ tòng nhân cử hành trọng thể Lễ này vào ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là ngày nghỉ toàn Hoa kỳ.

Việc hình thành các Giáo xứ hay Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam để cử hành bằng tiếng Việt định kỳ là một đặc ân do Ðức Giám mục Giáo phận ban cho. Mục đích để chúng ta thấm nhuần phụng vụ, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.

Nhân Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, những Kitô hữu ở xa Quê hương được mời hiệp dâng Thánh Lễ trọng thể tiếng Việt để cầu nguyện cho Ðất Nước được trường tồn, Dân tộc được Bình an, tránh thực phẩm độc và, cuối cùng, cho người cộng sản biết sống ‘tử tế’. Khi rời nước ra đi, nhiều Kitô hữu trong số những người tị nạn nói ‘mình đi tìm tự do tôn giáo’, ngày nay, vì có ‘trục trặc’ trong Cộng đoàn (đó là điều thường thấy trong các ‘tập thể con người’, dù là Công Giáo). Lòng Chúa Thương Xót đã cứu chuộc và luôn tha thứ tội chúng ta, sao chúng ta không thể làm một nghĩa cử ‘đẹp’ trong Năm Thánh này ? Dĩ nhiên, chúng tôi tôn trọng tự do của những Kitô hữu tham dự Thánh Lễ tòng thổ với người bản xứ, trừ những người có lý do bất khả kháng. Dù sao, mỗi cá nhân có trách nhiệm đối với họ vì đây không là Lễ buộc.

Chúa Nhật ngày 25.09.2015, nhiều Linh mục và giáo dân Việt Nam đã đến dự Thánh Lễ nhận chức Giám quản Giáo xứ của một Linh mục đồng bào. Sau Thánh Lễ, Ðức Giám mục và giáo dân địa phương được mời chung vui trong một bửa ăn Việt. Khách mời rất vui vẽ cho biết đây là lần đầu ăn và ngon như vậy. Sự đoàn kết của người Việt mang lại niềm vui cho mọi người và đáng khuyến khích.

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Có nơi nào là hỏa ngục không, và ở đâu?
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
16:02 30/10/2016
CÓ NƠI GỌI LÀ HỎA NGỤC KHÔNG, VÀ Ở ĐÂU?

Hỏi: Nhân tháng cầu cho các linh hồn (tháng 11) xin cha giải thích rõ về nơi gọi là hỏa ngục.

Trả lời:

Trong niềm tin Kitô Giáo, căn cứ vào Kinh Thánh và Giáo lý của Giáo Hội thì chắc chắn phải có ba nơi gọi là Thiên Đàng, Luyện ngục và hỏa ngục (hell) mà những người chết đi trong thân xác sẽ phải bị phán xét để đến một trong ba nơi này.

Thật vây. trước hết là Luyên ngục hay Luyện tội (purgatory) là nơi mà các linh hồn thánh (holy souls) đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa được hoàn hảo đủ để vào ngay Thiên đàng. Các linh hồn này phải “tạm trú” trong nơi gọi là Luyện tội để được thanh tẩy một thời gian dài ngắn tùy theo mức hoàn hảo đòi hỏi trước khi được vào Thiên Đàng vui hưởng Thánh Nhan Chúa cùng các Thánh các Thiên Thần.. Dù chưa vào Thiên Đàng, nhưng các linh hồn thánh ở đây có thể cầu xin đắc lực cho các tín hữu còn sống, và ngược lại các tín hữu có thể cứu giúp các linh hồn bằng các việc lành như cầu nguyện, lần chuỗi , cứu giúp người nghèo khó, nhất là xin lễ cầu cho các linh hồn đặc biệt làm trong tháng cầu cho các linh hồn (tháng 11 dương lịch).

Khác với luyện ngục và hỏa ngục, Thiên Đàng là nơi dành cho những ai , khi sống trên trần gian này, đã quyết tâm đi tìm Chúa và sống theo đường lối của Người, để xa lánh mọi sự dữ, sự tội và bước đi theo Chúa Kitô, là: “Con đường là Sự thật và sự Sống” (Ga 14: 6).

Ngược lại, hỏa ngục là nơi dành cho những kẻ -khi còn sống- đã hoàn toàn khước từ Thiên Chúa để sống theo ý muốn của mình , và buông mình theo những quyến rũ của ma quỉ và thế gian để làm những sự dữ như giết người, giết thai nhi, thù hận, cướp của , cờ bạc, bất công, bóc lột, dâm ô thác loạn, khủng bố, gây ra chiến tranh, giết hại dân lành, trẻ em.. buôn bán phụ nữ và trẻ nữ để bán cho bọn bất lương hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi, như thực trạng của thế giới vô luân , vô đạo ngày nay… Nếu bọn này không sám hối và từ bỏ những con đường tội lỗi kia để xin tha thứ, thì chúng sẽ kết thúc đời mình trong nơi gọi là hỏa ngục.

Sau đây là bằng chứng có nơi gọi là hỏa ngục:

I- Thánh Kinh đã cho ta biết về nơi gọi là hỏa ngục như sau:

“Khi ra vê, mọi người sẽ thấy xác những kẻ phản loạn chống lại Ta,vi giòi bọ rúc tỉa, chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không tàn lụi. Chúng sẽ là đồ ghê tởm cho mọi người phàm.” (Ís 60:24)

Khi đến trần gian rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu cũng đã đôi lần nói đến hỏa ngục và hình phạt ở nơi này như sau:

“Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã, thì móc nó đi; thà chột một mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết, lửa không hề tắt.” (Mc 9: 47-48)

Nơi khác, Chúa còn nói rõ hơn nữa:

“Anh em đừng sợ những kẻ giết chết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn , anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục . (Mt 10: 28; Lc 11: 4-5)

II- Giáo lý của Giáo Hội về Hỏa ngục

Giáo lý của Giáo Hội nói rõ hỏa ngục là “ nơi này dành cho những ai- cho đến lúc chết- vẫn từ chối tin và trở lại. Đó là nơi cả hồn lẫn xác sẽ bị hư mất . Và danh từ “ hỏa ngục “ được dùng để chỉ tình trạng ly khai chung cuộc khỏi mọi hiệp thông với Thiên Chúa và các Thánh ở trên Trời”, (x. SGLGHCG số 633, 1033).

Vì thế, Giáo Hội luôn cảnh giác các tin hữu về thảm họa đáng sợ này để mong mọi người ý thức rõ và quyết tâm sống đẹp lòng Chúa ở trần gian này hầu tránh hậu quả phải hư mất đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục. Cụ thể , giáo lý của Giáo Hội nói rõ thêm như sau:

“Linh hồn của những người chết trong tình trạng đang có tội trọng, sẽ lập tức xuống hỏa ngục, lửa vĩnh viễn.” (x. SGLGHCG số 1035)

Nghĩa là những ai sa xuống hỏa ngục thì vĩnh viễn phải xa lìa Chúa và không ai có thể làm gì để cứu họ được nữa, vì không có sự hiệp thông nào giữa hỏa ngục và Thiên Đàng kể cả với các tín hữu còn sống trên trần gian hay đang còn được tinh luyện trong Luyện tội.

Các Thánh trên trời chỉ có thể nguyện giúp cầu thay cho các linh hồn trong Luyện tội và cho các tín hữu còn sống trên trần thế, trong Giáo Hội. Các linh hồn có thể cầu xin đắc lực cho các tín hữu còn sống, và ngược lại, các tín hữu có thể cứu giúp các linh hồn bằng việc lành như cầu nguyện, làm việc bác ái, xin lễ cầu cho các linh hồn được mau chóng tiếp nhận vào Thiên đàng. Đây là nội dung tín điều các Thánh thông công mà Giáo Hội dạy cho con cái mình sống và thực hành để mưu ích cho mình và cho các linh hồn trong luyện tội.

Thiên Chúa không muốn phạt ai trong hỏa ngục,vì Người “ là Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” như Thánh Phalô đã quả quyết. (1 Tm 2: 4)

Nhưng vì con người có tự do để sống theo lương tâm, theo đường lối của Chúa, hay khước từ Chúa để làm những sự dữ, sự tội mà không biết sám hối ăn năn cho đến lúc phải lìa đời, nên đã tự ý chọn hỏa ngục cho mình, chứ không phải vì Chúâ muốn phạt ai ở chốn đau khổ vĩnh viễn này. Chắc chắn như vậy.

Tuy nhiên, không cần phải đợi đến chết mới biết có hỏa ngục.Ngược lại, hỏa ngục có mặt ngay trên trần gian tục hóa, vô luân vô đạo này và ở những nơi sau đây:

1- Buôn người, mãi dâm và ấu dâm (prostitution & child prostitution):

Mãi dâm thì đã có từ khi có con người trên trần thế này.Nhưng buôn bán phụ nữ cho nô lê tình dục (sexual slavery) và ấu dâm (child prostitution) thì mới có trong thời đại vô luân tục hóa ngày nay mà thôi.

Thật vậy, ở khắp nơi đang có những kẻ đi tìm thú vui xác thit nơi các trẻ em còn thơ dại và nơi những phụ nữ bị lừa dối ,dụ dỗ cho đi làm có lương , nhưng thực tế là để làm nô lệ tình dục do bọn ma cô và tú bà khai thác để làm tiền trên thân sác và tinh thần đau khổ của các nạn nhân. Đây là tội ác vô cùng khốn nạn đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ. Và Việt Nam, là một trong những nguồn cung cấp trẻ em và phụ nữ cho hoạt động đầy tội ác này.

Điều đáng buồn hơn nữa là có những cha mẹ đã mất hết lương tri, và bản chất con người (human nature) nên đã lạm dụng tình dục với chính con cái của mình. Tệ hại hơn nữa là có những người cha đã hiếp dâm con gái của mình mới --6-7 -8 tuổi rồi bán chúng cho bọn buôn người đem đi bán lại cho bọn ma cô, tú bà đang hành nghề “ấu dâm” ở trong và ngoài nước; theo như tin cho biết của một linh mục đang dấn thân lo cứu giúp các trẻ em nạn nhân này.

Như thế, tất cả cha mẹ liên hệ, bọn ma cô buôn người và các kẻ đi tìm thú vui vô cùng khốn nạn và tội lỗi trên, đều đang sống trong hỏa ngục do chính chúng tạo ra ngay ở trên trần gian này, chứ không cần phải đợi đến chết mới được xuống hỏa ngục để bị thiêu đốt đời đời. Tội lỗi của bọn này thật ghê sợ vì không những chúng tạo hỏa ngục cho chúng, mà còn mang hỏa ngục đó đến cho các nạn nhân đáng thương, là những trẻ thơ còn trong trắng, nhưng đã bất hạnh sa vào cạm bẫy tội lỗi của chúng, khiến thể xác bị thương tật và tinh thần bị trấn thương nặng . Đây là tội ác chỉ có trong thời đại vô luân vô đạo hiên nay mà thôi. Và những kẻ đang làm sự dữ này đã phỉ nhổ vào mọi niềm tin có Thượng Đế, có Thiên Chúa là Đấng cực tốt cực lành, đầy yêu thương, nhưng chê ghét mọi tội lỗi và sự dữ.

Cho nên, chúng xứng đáng để nghe lời chúc dữ sau đây của Chúa Giêsu:

“Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã. Những khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này vấp ngã.” (Lc 17: 1-2)

Thánh Phaolô cũng lên án tội dâm ô và các tội khác như sau:

“Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ: đó là dâm bôn ô uế, phóng đãng … và những điều khác giống như vậy. Tôi báo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (Gl 5: 19-21)

Những sự dữ mà bọn người nói trên đang làm là một tội vô cùng lớn lao, vì nó đi ngược lại hoàn toàn với bản chất thánh thiện , trọn tốt trọn lành của Thiên Chúa, và chỉ thích hợp với bản chất của ma quỷ, tức bè lũ Sa tăng,Lu-ci-fe, kẻ thù của Thiên Chúa, đã bị Tổng lãnh Thiên Thần Mi-ca-e đánh đuổi ra khỏi Thiên đàng vì tội kiêu căng dám chống lại Thiên Chúa.

Thực tế đã cho biết là các đường dây buôn người, buôn bán phụ nữ và trẻ em đang hoạt động mạnh ở trong và ngoài nước để cung cấp thú vui vô luân vô đạo cho bọn người đang bán linh hồn cho ma quỉ và giữ chỗ trước trong hỏa ngục đời sau.

Tại sao lại có những cha mẹ đem bán con cái (con gái) của mình cho bọn buôn người nói trên???. Thật là điều đau buồn mà những ai còn chút lương tri phải rùng mình ghê sợ và lên án, vì đây là thảm trạng chưa từng thấy trong xã hội loài người từ xưa đên nay.Chỉ có loài thú vật mới không biết gì là liêm sỉ, vì không có lý trí và lương tâm nên chúng có thể ăn thịt nhau và làm tình lẫn lộn với nhau mà không hề biết xấu hổ.

Nhưng là con người , và là cha mẹ mà đem bán cái cái cho bọn buôn người , nhất là lại hãm hiếp con gái trước khi bán chúng cho bọn bất lương, thì quả thật là điều ghê tởm không thể tưởng tượng được, như đang xẩy ra trong hoàn cảnh của một xã hội phi luân, vô đạo hiện nay.Những cha mẹ này cùng với bọn ma cô, tú bà và những kẻ đi tìm thú vui vô cùng khốn nạn kia quả thực đang tạo hỏa ngục cho các nạn nhân của chúng khi nhẫn tâm xô đẩy biết bao trẻ em thơ dại,và phụ nữ bị lường gạt vào cái hỏa ngục của bọn chúng. Do đó, những vui thú mà bọn người man rợ kia đi tìm - tức khách mua vui đủ mọi lớp tuổi, cùng với tiền bạc mà bọn buôn người , bọn ma cô tú bà kiếm được nhờ hoạt động tội lỗi này, đã giúp cho bọn chúng có dư tiền và điều kiện để mua lò hỏa ngục tối tân cho chúng được thiêu đốt đời đời mai sau.Chắc chắn như vậy.

Nhưng tại sao lại có loại hỏa ngục này?

Phải chăng vì môi trường xã hội đã quá hư thối không còn chất luân lý, đạo đức nào như thực trạng bên nhà , hoặc vì tự do quá trớn và luật pháp có nhiều khe hở như ở Hoa kỳ này, đã làm phát sinh những thảm họa như nạn buôn người- hay nói đúng hơn, là buôn phụ nữ và trẻ em bán cho bọn ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Á Châu, như Trung cộng, Ấn Độ, Cambốt Thai Lan, Lào, Sri Lanka, Phi luật Tân, Mã lai và Việt Nam..

2- Nạn bất công, bóc lột và hà hiếp người thấp cổ bé miệng

Thiên Chúa là sự công bằng, chính trực tuyết đối, nên ai bất công, bóc lột sức lao động và tiền bạc của người khác là xúc pham đến sự công bằng của Chúa.

Thật vậy, chỉ vì có những kẻ muốn vơ vét của cải cho đầy túi tham mà nạn bóc lột xảy ra trong chế độ cai trị hà khắc, bất công, vô nhân đạo và bạo tàn. Đây là thứ hỏa ngục khác đang tồn tại ở những nơi có bất công xã hội, vắng bóng luân lý và đạo đức, vì người cai trị cố bám lầy quyền bính để kéo dài sự đau khổ và bất công cho người dân không may rơi vào ách thống trị của tập đoàn trộm cướ p, núp dưới danh nghĩa giải phóng , dân chủ giả hiệu, nhưng thực chất chỉ để thỏa mãn tham vọng quyền lực và vơ vét của cải , làm giầu cho bọn chúng trên xương máu của người dân xấu số. Chúng không có lương tri nên không hề quan tâm gì đến phúc lợi của người dân, cách riêng của người nghèo đói, nạn nhân của chế độ bóc lột và bất công như thực trạng đang phơi bày ở nơi có hỏa ngục này.

3- Khủng bố vì cuồng tin tôn giáo và tham vọng chính trị:

Thế giới đang sống trong đe dọa của khủng bố (terrorism), vì bọn cuồng tín tôn giáo- tức bọn Hồi giáo quá khich (ISIS) muốn độc tôn giáo phái của mình, nên tìm mọi cách để triệt hạ các tôn giáo khác bằng hành động khủng bố, bắt cóc, giết người, chặt đầu con tin, hiếp dâm và đốt phá cơ sở thờ phượng của các tôn giáo khác. Đây là tai họa lớn đang xảy ra cho các Kitô hữu (Christians) thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Chính Thống giáo và Tin Lành ở các nước Iraq, Iran, Ai Cập, Syria ,Lybia , Sudan...mà cộng đồng thế giới , đặc biệt là Mỹ và Âu Châu, đang làm ngơ khiến cho các Kitô hữu thiểu số ở các nước có đông Hồi giáo nói trên phải khốn khổ vì bị bách hại và giệt chủng (genocide) bởi những kẻ cuồng tín muốn tiêu diệt KitôGiao(Christianity) để độc quyền thống trị cả về tôn giáo lẫn chính trị. Đây là hỏa ngục mà bọn cuồng tín kia đang gây ra cho những người mà chúng coi là kẻ thù phải thanh toán, để chúng được độc tôn truyền bá tôn giáo và tham vọng chính trị của chúng .

Sau hết, những kẻ đang cai trị độc ác , cha truyền con nối ở một số nơi trên thế giới, cũng tạo hỏa ngục cho chính người dân chẳng may sống dưới ách cai trị độc đoán và bất lương của chúng. Bọn cai trị độc ác này cũng đang mua trước cho chúng một chỗ an nghỉ đời đời trong chốn hỏa ngục , nếu chúng không biết ăn năn sám hối kịp thời để từ bỏ con đường gian ác.

Tóm lại, trong thế giới tục hóa, vô luân ngày nay, con người đã tạo hỏa ngục ở nhiều nơi cho chính mình và cho người khác, chẳng may sa vào vòng tay tội lỗi của họ. Dù họ có niềm tin hay không, nhưng cách sống của họ chắc chắn đã vô tình nói lên khát vọng muốn được thiêu đốt đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục. Và chắc chắn phải có nơi này, vì tội ác của những kẻ đang làm những sự dữ nói trên sẽ dẫn đưa chúng cuối cùng phải dừng chân ở chốn này, để được thiêu đốt cho xứng với những sự dữ mà chúng đang làm, đang tạo hỏa ngục cho người khác - đặc biệt là cho các trẻ em nạn nhân của thú “ấu dâm”vô cùng khốn nạn, cũng như cho các nạn nhân của bọn cuồng tín tôn giáo và độc tài chính trị.

Là người tín hữu Chúa Kitô, Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện để xin Chúa sớm phá tan những sự dữ nói trên, hầu cho con người ở khắp nơi được sống trong lành mạnh, an bình, tự do và nhân ái để phát huy mọi giá trị tinh thần và đạo đức, xứng đáng với nhân phẩm và phù hợp với niềm tin có Thiên Chúa hayThượng Đế, là Đấng tối cao chê ghét mọi tội lỗi và sự dữ do ma quỷ xúi dục và con ngưởi mất lương tri đang tích cực cộng tác ở khắp nơi trên thế giới phi nhân và phi luân này.
 
Thông Báo
Mời tham dự Lễ cầu cho Các Linh hồn và Đại lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Orange County
LM Trần Văn Kiểm
08:02 30/10/2016
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Giáo Phận Orange xin mời giáo dân tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tổ chức vào lúc 12 giờ trưa Thứ Tư ngày mùng 2 tháng 11 năm 2016 tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành (Góc đường Beach và Talbert). Các cha sẽ mặc phẩm phục màu trắng.

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Giáo Phận Orange xin mời giáo dân tham dự Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tổ chức vào Chúa Nhật ngày 13 tháng 11 năm 2016 lúc 11 giờ 30 sáng, tức là Chúa Nhật 33 Thường Niên, tại Bren Events Center: 100 Mesa Rd, Irvine, CA 92697. Các cha mặc phẩm phục màu đỏ.

Chương trình kiệu rước và các chương trình khác bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng và thánh lễ là lúc 11:30 sáng.
 
Văn Hóa
Lễ các Linh Hồn : Chiêu Hồn Lục Thân
Lê Đình Thông
07:41 30/10/2016
CHIÊU HỒN LỤC THÂN
招 魂 六 親
Vanitas vanitatum et omnia vanitas
(Gv 1,2)

Làn sương sớm thu đông buồn bã
Nhớ lục thân1 lã chã lệ rơi
Nghĩa trang hàng liễu chơi vơi
Vành tang trắng xóa cuối trời mây bay.

Lá ngô đồng lung lay rớt rụng
Sách Giảng viên kinh tụng lời ru:
‘‘Cuộc đời kiếp sống phù du
Tứ thời bát tiết sầu thu thở dài’’.

Tháng năm cũ âm giai đồng chuyển
Mà đến nay xao xuyến cung đàn
Cung thương ai oán muộn màng
Lòng buồn xất bất xang bang xứ người.

Kiếp phù sinh thắm tươi nội cỏ
Buổi chiều hôm cuốn gió chơi vơi. 3
Mây bay hoa rụng tơi bời
Nửa vầng trăng khuyết rã rời trùng khơi 4.

Tiễn đưa nhau cuộc đời thấm mệt
Khói nhang chia cách biệt mờ xa
Người đi khuất bóng phôi pha
‘‘Thác là thể phách còn là tinh anh’’. (Nguyễn Du)

Đừng khóc nữa mong manh sầu khổ 5
Chúa từ nhân cứu độ chúng sinh
Người đi kiếp sống trường sinh
Thiên thần chung tiếng có mình có ta.

Giáo Xứ Paris, ngày 01/11/2016
Lê Đình Thông

---
1 Lục thân (六親): cha mẹ, vợ chồng, anh em.
2 Thất quốc tha bang (失國他邦): nước mất xa nhà.
3 Tv 103,15.
4 Y ! Vân tán tuyết tiêu hoa tàn nguyệt khuyết (Mạc Đĩnh Chi)
5 Ne pleure pas si tu m’aimes (Saint Augustin)


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đêm Halloween
Nguyễn Bá Khanh
20:03 30/10/2016
ĐÊM HALLOWEEN
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Hằng năm ba mốt tháng mười
Bao nhiêu ma quỉ thăm vời trần gian
Quỉ La Sát, quỉ Đại Thân
Dạ Xoa, Tì Xá, Nhập Tràng, Đan Na
Ma thời có đủ loại ma
Ma Da, ma Xó, ma Gà, ma Lai
Ma Le, ma Đói ,ma Lài
Chân không chạm đất, lưỡi dài máu me…
(KD)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 25–31/10/2016: Liên Hiệp Quốc âu lo về thảm họa nhân đạo tại Mosul
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:01 30/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Liên Hiệp Quốc âu lo về thảm họa nhân đạo tại Mosul

Cuộc tấn công giải phóng Mosul bắt đầu từ hôm thứ Hai 17 tháng 10 dự kiến sẽ trở thành trận chiến lớn nhất tại Iraq kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu vào năm 2003 và có thể cần phải có một hoạt động cứu trợ nhân đạo rất lớn.

Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 1.5 triệu cư dân đang bị kẹt lại trong thành phố và trường hợp xấu nhất có thể là một triệu người phải di dời khỏi vùng xảy ra chiến cuộc. Văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ hôm thứ Sáu cho biết khoảng 550 gia đình ở vùng ngoại ô thành phố Mosul đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt buộc dọn vào trong thành phố để làm bia đỡ đạn cho chúng.

Quân đội Iraq đang cố gắng tiến từ phía Nam và phía Đông trong khi các chiến binh người Kurd tiến từ phía Đông và phía Bắc. Đơn vị tiền tiêu của người Kurd chỉ còn cách Mosul có 5km. Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền người Kurd, là ông Karim Sinjar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy ở Erbil, rằng tin tức tình báo cho biết dân chúng trong thành phố Mosul đã bắt đầu có những hoạt động nổi loạn chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại trước tin tức từ trong thành phố Mosul cho thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã xử tử 284 người đàn ông, kể cả một số trẻ nhỏ.

2. Đức Thánh Cha lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS sát hại trẻ em

Trước hành động dã man này của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2016, với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cùng hợp ý cầu nguyện cho dân nước Iraq. Ngài nói:

Trong các giờ thê thảm này, tôi gần gũi toàn dân Iraq, đặc biệt dân thành Mossul. Tâm hồn chúng ta bị rúng động bởi các hành động bạo lực người ta đang vi phạm từ quá lâu chống lại dân chúng vô tội, Hồi giáo cũng như Kitô, thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau.

Tôi đau đớn nghe tin việc sát hại lạnh lùng nhiều người con của vùng đất thân yêu này, trong đó có biết bao nhiêu là trẻ em. Sự tàn ác này khiến cho chúng ta khóc và không nói lên lời. Cùng với tình liên đới là việc bảo đảm của tôi nhớ tới họ trong lời cầu nguyện, để Iraq, tuy bị đánh phá khốc liệt, nhưng mạnh mẽ và vững vàng trong niềm hy vọng có thể tiến tới một tương lai an ninh, hoà giải và hoà bình. Vì thế xin tất cả mọi người hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.

Sau một chút thinh lặng Đức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện theo ý chỉ này.

3. Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng tu nghị Dòng Tên

Sáng ngày 24 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm Tổng tu nghị thứ 36 của Dòng Tên đang tiến hành ở Roma, và khích lệ các tu sĩ của dòng tiếp tục tiến bước, trong “tự do và vâng phục”.

Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng của Cha Tân Bề trên Tổng Quyền Arturo Sosa, Đức Thánh Cha nhắc đến các sứ điệp của các vị Tiền Nhiệm gửi các Tổng tu nghị của dòng Tên, từ Đức Phaolô 6 tới Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16. Ngài nhắc nhở các tu sĩ của dòng về sứ mạng “đồng hành với Giáo Hoàng, “tự do và vâng phục, đi tới những khu vực ven biên ngoại ô mà những người khác không đi tới, dưới cái nhìn của Chúa Giêsu và nhìn về chân trời làm vinh danh Chúa vinh danh Chúa hơn, Đấng không ngừng làm cho chúng ta ngạc nhiên”.

Đức Thánh Cha cũng nói đến ơn gọi của tu sĩ dòng Tên là “đi khắp thế giới và sống tại bất kỳ nơi nào có hy vọng phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ các linh hồn” (Hiến pháp, 304). Ngài trích câu nói của một cha dòng Tên xưa kia, Jerome Nadal, “Đối với dòng Tên, toàn thế giới là nhà của chúng ta”.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha nhắc Dòng Tên về tầm quan trọng mà thánh Ignatio Loyola dành cho các công việc từ bi thương xót - chăm sóc các bệnh nhân ở nhà thương, xin làm phúc bố thí, chia sẻ, dạy giáo lý cho trẻ em, và kiện nhẫn chịu đau khổ vì bị lăng mạ.. đó là cơm bánh hằng ngày của thánh Ignatio và các bạn đồng hành đầu tiên. Các vị quan tâm làm sao để không một công việc từ bi bác ái nào trở thành chướng ngại!”.

Đức Thánh Cha nói rằng “Năm Thánh Lòng Thương xót là thời điểm thích hợp để suy tư về các công việc từ bi thương xót. Tôi nói từ này ở số nhiều, vì thương xót không phải là một từ trừu tượng, nhưng là một lối sống đặt những cử chỉ cụ thể trước lời nói. Những cử chỉ này liên hệ đến thân mình người láng giềng và được qui định trong các công việc từ bi thương xót”.

Đức Thánh Cha cũng nói với Tổng tu nghị 36 rằng dòng Tên có một sứ vụ quan trọng là mang an ủi và vui mừng vào trong cuộc sống của dân Chúa.. an ủi dân Chúa và giúp đỡ họ qua sự phân định để kẻ thù của bản tính con người không cướp mất niềm vui của chúng ta, niềm vui loan báo Tin Mừng, niềm vui gia đình, niềm vui của Giáo Hội, niềm vui của thiên nhiên”.

4. Ðức Hồng Y Muller viết cuốn sách mới về Ðức Bênêđictô XVI và Ðức Phanxicô.

Ðức Hồng Y Gerhard Muller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, vừa viết một cuốn sách mới nói về Ðức Bênêđíctô XVI và Ðức Phanxicô, lưu ý người đọc tới trọng điểm của hai vị là “sự độc tài của thuyết duy tương đối” và “tình trạng hoàn cầu hóa sự dửng dưng”.

Trong cuốn sách tựa là Bênêđíctô và Phanxicô, Các Vị Kế Nhiệm Phêrô trong Việc Phục Vụ Giáo Hội, Ðức Hồng Y Tổng Trưởng đã đưa ra “một cuộc phân tích và một sự suy nghĩ thành thực” về các thách thức mà các xã hội và nền văn hóa đương thời đang đặt ra cho Giáo Hội dưới ánh sáng hai triều giáo hoàng.

Đây là một cuốn sách bao gồm nhiều bài tiểu luận bàn về “vai trò của ngôi vị giáo hoàng ngày nay, giá trị của chủ nghĩa thế tục đối với Kitô hữu, sự lưỡng phân biểu kiến giữa tính duy nhất của Giáo Hội do Chúa Giêsu Thành Nadarét lập ra và tính đại kết, và ơn gọi phổ quát làm tông đồ và nên thánh giữa các đòi hỏi của 'tân phúc âm hóa'“.

Nhiều quan sát viên cho rằng “Trước các điển hình trên, các vị giáo hoàng, trong đó có Ðức Bênêđíctô XVI và Ðức Phanxicô, mỗi người đáp ứng bằng một đặc sủng riêng, được tác giả muốn nhấn mạnh”.

5. Đức Hồng Y Raymond Burke thúc giục các cử tri Công Giáo đi bầu cử

“Hãy nghiên cứu kỹ lập trường của cả hai ứng cử viên, càng kỹ càng tốt, để coi ai trong họ sẽ đẩy mạnh, ít nhất là ở một mức độ nào đó, việc phục hồi nền văn minh sự sống và tình yêu trong đất nước của chúng ta.”

Theo LifeSiteNews, vào ngày 30 tháng 8, 2016, Đức Hồng Y Raymond Burke, một trong những vị hăng say nhất trong việc bảo vệ giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về sự sống, hôn nhân, phái tính và gia đình đã cân nhắc về cuộc bầu cử Hoa Kỳ sắp tới, khi ngài nói với các phóng viên tham dự đại hội viễn liên quốc tế, được tổ chức Carmel Communications với sự tham dự của LifeSiteNews, rằng các tín hữu phải bỏ phiếu cho ứng cử viên nào sẽ làm nhiều nhất để “đẩy mạnh” việc bảo vệ sự sống con người, bảo vệ gia đình, tôn trọng tự do, và chăm sóc cho người nghèo.”

Ngài nói, “Tôi nghĩ rằng điều mà chúng ta phải làm trong lúc này là hãy nhìn vào cả hai ứng cử viên, xem có ai trong họ, ít nhất là một cách nào đó, cổ võ cho công ích, cả về việc bảo vệ sự sống con người, sự tốt lành của gia đình, sự tự do lương tâm, chăm sóc cho người nghèo, và hãy điều nghiên thật cẩn thận.”

Ngài tiếp, “Chắc chắn rằng chúng ta sẽ kết luận rằng không có một ứng cử viên nào đáp ứng một cách lý tưởng tất cả những đòi hỏi này theo cách mà chúng ta mong muốn. Nhưng với bản chất của chính quyền của chúng ta, theo lương tâm, chúng ta có thể ủng hộ một trong các ứng cử viên, là người, trong khi có thể không hỗ trợ tất cả mọi điều mà chúng ta tin và biết là quan trọng, nhưng ít nhất sẽ hỗ trợ chúng đến một mức độ nào đó, với hy vọng rằng người ấy có thể được thuyết phục chấp nhận trọn vẹn công ích.”

Đức Hồng Y Burke cảnh báo người Công Giáo về việc không bỏ phiếu hay viết tên của một ứng cử viên mà mình thích trên lá phiếu, vì làm như thế có thể vô tình khiến cho một ứng cử viên không tôn trọng sự sống, gia đình và tự do đắc cử.

Ngài giải thích, “Tôi hiểu rất rõ những tâm trạng này. Nhưng chúng ta cũng phải hết sức thận trọng, và biết rằng bằng cách không bỏ phiếu cho ai cả, anh chị em sẽ làm cho một ứng cử viên được nhiều phiếu hơn ứng cử viên kia”. Ngài thêm vào đó cả việc người Công Giáo viết tên của một ứng cử viên mà họ thích, khi ứng cử viên ấy không có hy vọng đắc cử.

“Sức nặng luân lý của việc bầu cử thực sự là rất nặng nề. Nói cách khác, mỗi lá phiếu đều quan trọng”.

Đức Hồng Y thúc giục người Công Giáo hãy nghiên cứu kỹ lưỡng lập trường của cả hai ứng cử viên trước khi bỏ phiếu.

“Đó là những cân nhắc thật khó khăn, và tôi không nói rằng điều ấy dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ rằng người Công Giáo cần rất thận trọng một cách đặc biệt và không chỉ đơn thuần không bầu cho ai cả; hoặc những người phò sự sống và những người ủng hộ gia đình cũng thế, không thể đơn thuần đầu hàng. Tôi chỉ nài nỉ họ hãy nghiên cứu kỹ lập trường của cả hai ứng cử viên, càng kỹ càng tốt, để coi ai trong họ sẽ đẩy mạnh, ít nhất là ở một mức độ nào đó, việc phục hồi nền văn minh sự sống và tình yêu trong đất nước của chúng ta.”

6. Trong cuộc tranh luận cuối cùng, hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ khác nhau rõ rệt về phá thai

Trong cuộc tranh luận cuối cùng vào hôm thứ Tư 19 tháng 10 vừa qua, các ứng cử viên của hai đảng chính đã dồn dập được yêu cầu giải thích chủ trương của họ về phá thai. Hillary Clinton bênh vực việc bà ủng hộ phá thai ở thai kỳ chót (partial-birth abortion), trong khi Donald Trump nhắc lại điều ông đã tuyên bố trước đây rằng mình là người phò sự sống. Ông nói trong cuộc tranh luận rằng: “tôi là người phò sự sống và tôi sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống (cho Tối Cao Pháp Viện).

Vị tổng thống kế tiếp sẽ bổ nhiệm ít nhất một chánh án cho Tòa Án Tối Cao. Ngay lúc khởi đầu cuộc tranh luận, ông Trump và bà Clinton đã được hỏi nếu được bầu làm tổng thống, họ có muốn Tòa Án Tối Cao bãi bỏ phán quyết Roe v. Wade của Tòa này năm 1973, tức phán quyết nhìn nhận quyền phá thai của một người đàn bà, hay không.

Ông Trump trả lời rằng ông sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống. Còn bà Clinton thì tuyên bố rằng bà ủng hộ phán quyết Roe và cả Planned Parenthood nữa, tức tổ chức “chăm sóc sức khỏe sinh sản” mà thực chất là tổ chức phá thai lớn nhất Hoa Kỳ.

7. Xổ số Toà Thánh lần thứ tư

Toà Thánh Vatican sẽ tổ chức xổ số để giúp đỡ những người không nhà và các nạn nhân của thiên tai.

Ðây là năm thứ tư liên tiếp, Toà Thánh tổ chức xổ số để giúp Quỹ Bác ái của Ðức giáo hoàng. Theo mong muốn của Ðức Thánh Cha Phanxicô, tiền thu được lần này sẽ dành cho công tác trợ giúp những người không nhà và những nạn nhân của trận động đất xảy ra tại miền Trung Italia hồi tháng Tám năm 2016 khiến gần 300 người thiệt mạng. Chính Ðức Thánh Cha đã đến thăm và an ủi các cư dân của vùng động đất vào ngày 4 tháng Mười năm 2016.

Sẽ có bốn mươi giải trúng, giải nhất là một xe Opel Karl trị giá 12,000 euro, rồi đến xe đạp đua, bút Montblanc, xe đạp điện ...

Giá bán mỗi vé là 10 euro và được bán đến ngày 2 tháng Hai năm 2017, là ngày mở số, tại các cửa hàng chính của Vatican và trên trang web của Thành quốc Vatican, www.vaticanstate.va.

8. Cộng đồng Thánh Egidio chống lại quyết định của Unesco về Núi Ðền thờ Giêrusalem.

Trong chương trình Giáo Hội Năm Châu tuần qua chúng tôi đã đưa tin hôm 13 tháng 10 năm 2016 Unesco đã đưa ra một phán quyết liên quan đến việc “bảo vệ di sản văn hóa của Palestin và nét độc đáo của 'Núi Ðền thờ' ở phía đông Giêrusalem.”

Do Thái đã chống lại quyết định này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: “Với quyết định vô lý này, Unesco đánh mất tính hợp pháp của mình.” “Nếu họ không muốn đọc Kinh thánh, ít nhất hãy nhìn vào những gì được mô tả trên khải hoàn môn Titô ở Roma, và Menorah (chân đèn nhiều ngành của Do thái) mà người Roma đã lấy cắp từ đền thờ ở Giêrusalem. Ngay cả hoàng đế Titô cũng làm việc tuyên truyền?” “Phủ nhận mối liên hệ của Do thái với Núi Đền thờ thì giống như phủ nhận liên hệ của Trung quốc với Vạn lý trường thành hay liên hệ của người Ai cập với kim tự tháp.”

Cộng đồng thánh Egidio cũng lên tiếng không chấp nhận phán quyết này. Cộng đồng đã phê bình: việc chọn lựa chỉ sử dụng tên “Ðền thờ cao quý”, mà theo tiếng Ả rập nó chỉ ngôi đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, và bỏ qua danh từ tiếng Do thái “Núi Ðền thờ” là trái ngược với sứ mạng của tổ chức quốc tế được trao sứ mệnh bảo vệ di sản văn hóa thế giới khi bày tỏ các mục đích chính trị.

Văn bản được ban chấp hành Unesco chấp nhận phủ nhận mối liên hệ ngàn năm của dân tộc Israel với các nơi mà Ðền thờ đã được xây. Bằng cách này, ngoài việc xúc phạm đến sự nhạy cảm tôn giáo của hàng triệu người Do Thái, các yếu tố lịch sử và khảo cổ học không thể chối cãi cũng bị bỏ qua; họ không đặt vấn đề về sự thánh thiện của nơi chốn này đối với tín hữu của các tôn giáo khác. Giêrusalem, có nghĩa là “thành phố của hòa bình”, không còn được sử dụng cho mục đích chính trị, nhưng trở thành một nơi gặp gỡ và chung sống trong việc tìm kiếm lại hòa bình qua cuộc đối thoại cần thiết giữa các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo.