Ngày 30-10-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sức mạnh hoán cải của tình thương
Lm. Đan Vinh
08:42 30/10/2013
HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C

Kn 11,22-12,2 ; 2Tx 1,11-2,2 ; Lc 19,1-10.

SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 19,1-10

(1) Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. (2) Và kìa, có một người tên là Da-kêu. Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông lại lùn. (4) Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. (5) Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. (6) Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” (8) Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. (9) Đức Giê-su nói với ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham. (10) Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay nhằm chứng minh Đưc Giê-su là Đấng Thiên Sai, với sứ mệnh “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Cụ thể là ông Da-kêu thủ lãnh các người thu thuế ở Giê-ri-khô, nhờ gặp được Đức Giê-su nên đã được ơn hoán cải. Do thành tâm đi tìm, nên ông đã gặp được Người và được Người ưu ái đến ở trọ tại nhà ông. Trước tình thương của Đức Giê-su, ông đã quyết tâm hoán cải, thể hiện qua việc tình nguyện quảng đại chia phân nửa gia sản phân phát cho người nghèo và sẵn sàng đền bù cho những người đã bị ông làm thiệt hại trước đây.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-4: + Đức Giê-su vào thành Giê-ri-khô và đi ngang qua thành: Giê-ri-khô là một thành phố cách Giê-ru-sa-lem 37 cây số. Có hai thành Giê-ri-khô: Một thành cũ đã bị ông Gio-su-ê phá huỷ, và một thành mới do vua Hê-rô-đê xây dựng cách nơi cũ không xa. + Có một người tên là Da-kêu: Tên Da-kêu nghĩa là “Người trong sạch”. Ong đứng đầu ngành thu thuế tại thành Giê-ri-khô, nên bị người Do thái liệt vào hạng người tội lỗi.

- C 5-7: + Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi. Vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”: Đức Giê-su đã biết rõ về con người của Da-kêu trước khi ông gặp Người. Người đã nhìn thấy ông giữa muôn người, biết tên và công khai gọi tên ông. Nhất là Người còn đến ở trọ tại nhà của ông. + Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người: Cảm động trước tình thương và sự ưu ái quan tâm của Đức Giê-su, ông Da-kêu vội vàng tụt xuống khỏi cây sung và đón rước Người về nhà. Da-kêu chỉ muốn thấy mặt Đức Giê-su, nhưng ông lại được Người thương đến ở trọ tại nhà của ông. Lòng ưu ái của Người vượt quá sự mong ước của ông. + Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !”: Theo quan niệm của người Do thái, ai lui tới giao thiệp với người tội lỗi cũng trở nên ô uế và bị khiển trách (x. Lc 5,30). Ở đây, Đức Giê-su không những đã tiếp xúc nói chuyện, mà còn đến ở trọ tại nhà của ông trưởng ngành thu thuế Da-kêu, nên không tránh khỏi sự xầm xì phản đối của đám đông. Qua hành động này, Đức Giê-su cho thấy sứ vụ của Người là đi tìm và cứu chữa những người tội lỗi mà Da-kêu là đại diện.

- C 8-10: + Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo...: Cảm động trước tình thương của Đức Giê-su, Da-kêu đã biểu lộ quyết tâm hoán cải qua việc đền bù những tội lỗi trước đó. Ông tự nguyện chia nửa tài sản để phân phát cho người nghèo và đền trả gấp bốn lần những thiệt hại đã gây ra, trong khi Luật Mô-sê chỉ buộc đền gấp bốn cho tội trộm chiên mà thôi (x. Xh 21,37). + Hôm nay Ơn cứu độ đã đến cho nhà này: Nhờ sự hiện diện của Đức Giê-su mà cả nhà ông Da-kêu đã được cứu độ. + Con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham: Do làm nghề thu thuế nên Da-kêu bị coi là kẻ tội lỗi không còn thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham. Nhưng khi ông đã hồi tâm sám hối, ông lại được Đức Giê-su trả lại quyền được làm con cháu của Tổ phụ Áp-ra-ham như trước. + Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất: Câu này cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su là đến để tìm kiếm và giúp những kẻ tội lỗi ăn năn sam hối để được cứu độ.

4. CÂU HỎI: 1) Tên Da-kêu nghĩa là gì ? 2) Thiện chí của ông Da-kêu được biều lộ qua hành động nào ? 3) Tại sao dân chúng lại trách Đức Giê-su về việc đến ở trọ tại nhà Da-kêu ? 4) Tại sao ông Da-kêu lại được Đức Giê-su tuyên bố là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham và được cứu độ ? 5) Câu nào nói lên sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

2. CÂU CHUYỆN:

-NHỮNG KẺ KHỐN CÙNG (LES MISÉRABLES)

Đây là tựa đề một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), tường thuật câu chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người đã từng bị ở tù 19 năm. Khi vừa được thả ra, anh đã phải nếm mùi bị mọi người khinh dể xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ tiệm xua đuổi; Vào trong nhà trọ thì người gác cửa đã đóng sập cửa ngay trước mặt; Đi qua ổ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi... Chỉ khi bước vào nhà Đức giám mục My-ri-ê, anh mới được tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không cưỡng nổi lòng tham, nên nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao chuồn mất. Nhìn thay bộ dạng khả nghi của anh, cảnh sát liền đòi khám xét chiếc túi vải anh đang vác trên vai và nhìn thấy mấy cái chân đèn bằng bạc. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng ngài không những không kết tội, mà còn nhận là đã tặng cho anh mấy cái chân đèn bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm hai chân đèn nữa cho đủ bộ và nói nhỏ với anh: “Ta không kết tội con đâu, nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời”. Sau khi được thả, anh luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện. Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người và còn được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng của thành phố. Sở dĩ ông từ một tên tội phạm trở thành mot người lương thiện và được kính nể là do ông đã cảm nghiệm được tình thương của vị giám mục My-ri-ê.

-SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG:

Trong thiền viện của thiền sư SĂNG–GAI (Sengai) có nhiều đệ tử ở chung. Một đệ tử của vị thiền sư có thói quen thỉnh thoảng nửa đêm leo tường ra ngoài đi chơi với chúng bạn mãi đến gần sáng mới quay lại thiền viện. Một đêm kia, thiền sư Săng-gai đi kiểm tra, thấy một chiếc giường trống, rồi còn thấy một chiếc ghế cao để cạnh bức tường cao phía trong thiền viện. Thiền sư liền dời chiếc ghế kia sang chỗ khác và đứng thế vào chỗ đó. Khi anh đệ tử kia quay về, do không thấy thiền sư đang đứng thế chiếc ghế mọi khi, anh ta đã đặt bàn chân lên đầu thầy Săng-gai làm điểm tựa trước khi nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra sự thể thì anh cảm thấy sợ hãi. Nhưng thay vì trách phạt, thiền sư lại mỉm cười nhỏ nhẹ nói với anh rằng: “Trời về sáng đang trở lạnh. Con mau vào phòng mặc áo ấm vào kẻo bị cảm lạnh nhé !” Cảm động trước tấm long từ bi và tình thương khoan dung của thầy, từ ngày đó người đệ tử kia không bao giờ còn dám tái phạm trèo tường đi chơi nữa. Anh chuyên cần học tập và về sau trở thành một học trò giỏi của thiền sư Săng-gai.

3. SUY NIỆM:

Tin mừng Lu-ca Chúa Nhật hôm nay thuật lại câu chuyện hoán cải của ông Da-kêu làm nghề thu thuế. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với bọn trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, vì họ thu thuế phục vụ cho đế quốc Rô-ma, nên người Do thái kết án khinh dể họ. Trái lại, Đức Giê-su có cách hành xử khác. Tin mừng hôm nay cho thấy: Người đã gọi đích danh ông Da-kêu, đã đến ở trọ trong nhà ông và ngồi đồng bàn ăn uống chung với ông. Việc đó khiến dân chúng hiện diện xầm xì phản đối. Tuy nhiên khi xử sự như thế, Đức Giê-su cho thấy sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì hư mất”. Cảm động rrước tấm lòng bao dung nhân hậu của Đức Giê-su, ông Da-kêu đã nhận ra tội lỗi của mình và quyết tâm sám hối nên người công chính.

1) “NÀY ÔNG DA-KÊU XUỐNG MAU ĐI”: Da-kêu là một người giàu có nổi tiếng ở thành Giê-ri-cô. Ông là trưởng ban thu thuế của thành phố này. Dĩ nhiên nếu chỉ là nhân viên làm việc ăn lương thì chắc ông đã không thể giàu có như vậy được. Sở dĩ ông nhiều tiền là vì đã gian lận móc ngoặc với gian thương trong việc thu thuế. Mọi người đều nhìn Da-kêu như một tội phạm đáng khinh, và chính ông cũng cảm thấy lương tâm bất an. Nghe tin Đức Giê-su sắp đi qua khu vực gần nhà, Da-kêu liền chạy tới gần để nhìn xem mặt Người. Nhưng dân chúng quá đông mà Da-kêu lại lùn thấp, nên ông đã chạy về phía trước, trèo lên một cây sung, hy vọng sẽ nhìn thấy Đức Giê-su khi Người đi ngang qua. Khi tới chỗ Da-kêu núp, Đức Giê-su dừng lại ngước nhìn lên và nói với ông rằng: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Da-kêu không ngờ lại được Đức Giê-su ưu ái biết rõ tên và còn ngỏ ý muốn đến ở trọ tại nhà ông là một người tội lỗi ! Ông cảm thấy rất vui khi được Đức Giê-su công khai phục hồi danh dự trước mặt đám đông luôn có thái độ ác cảm và khinh dể ông. Còn Đức Giê-su cũng bỏ ngoài tai những lời xì xầm phản đối của nhiều người để đến trọ tại nhà ông Da-kêu.

Ơn Cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ hai chiều kích: Thiên Chúa ban ơn và tội nhân đón nhận. Nếu Đức Giê-su không thi hành sư mệnh đi tìm chiên lạc thì chẳng ai được ơn cứu độ: “Vì chưng, Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Nhưng dù Đức Giê-su có đi tìm mà tội nhân lại né tránh, thì họ cũng không thể nhận được ơn cứu độ. Ở đây, Đức Giê-su đã đi bước trước qua việc nhìn lên cây sung tìm Da-kêu đang ẩn núp và nói chuyện với ông và ông đã mau chóng đáp lại và cuối cùng ông và gia đình ông đã nhận được ơn cứu độ.

2) “THƯA NGÀI, NÀY ĐÂY PHÂN NỬA TÀI SẢN CỦA TÔI, TÔI CHO NGƯỜI NGHÈO...”: Chính ánh mắt bao dung, lời nói âu yếm và thái độ yêu thương của Đức Giê-su đã đánh động tâm hồn chai lì của Da-kêu; thổi bùng lên ngọn lửa hướng thiện còn đang leo lét trong lòng ông. Quả thật, hoán cải là kết quả của một sự cảm nhận về tình yêu của Chúa. Da-kêu bỗng chốc cảm thấy tâm hồn bình an, nên không còn yêu thích tiền bạc như trước. Ông đã sẵn sàng dâng hiến phân nửa tài sản để chia sẻ cho người nghèo, đồng thời tự nguyện đền trả gấp bốn những thiệt hại đã gây cho kẻ khác. Xin đền gấp bốn nghĩa là Da-kêu nhận biết tội của ông quá nặng và quyết tâm thực thi công bình bác ái. Dù Da-kêu đã trở nên nghèo hơn, nhưng ông lại cảm thấy hạnh phúc hơn vì đã được Đức Giê-su yêu thương đến ở trọ tại nhà ông và ban ơn cứu độ cho cả gia đình ông. Sau đó Người còn trả lại cho ông tư cách là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham như bao người Do thái khác qua lời phán: "Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham" (Lc 19,9). Trong bữa tiệc vui hôm đó, tuy không còn giàu có như trước, nhưng Da-kêu đã cảm thấy được hạnh phúc hơn. Chắc chắn thân thể ông vẫn còn lùn thấp như trước, nhưng tâm hồn ông đã nên cao thượng hơn gấp bội phần.

3) LIÊN QUAN GIỮA HOÁN CẢI VÀ TỪ BỎ: Bất cứ một cuộc hoán cải nào cũng đòi phải từ bỏ: Một người lương muốn theo đạo Công Giáo thì phải từ bỏ ma quỉ, các điều mê tín dị đoan, các đam mê tội lỗi… để chỉ tin thờ một mình Thiên Chúa và tin vào Đấng Ngài sai đến là Đức Giê-su Ki-tô. Một người mắc thói xấu cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách… muốn hồi tâm sám hối cũng phải quyết tâm chừa bỏ các thói hư ấy. Một người thường buôn gian bán lận, muốn hoán cải về với Chúa cũng phải quyết tâm từ bỏ lối làm ăn gian dối ấy… Con tim của Da-kêu đã được hoán cải nhờ sự quan tâm và đối xử nhân từ của Đức Giê-su. Thi hào người Đức Goethe (1749-1832) đã viết như sau : "Nếu đối xử với một người như “người ấy là”, thì người ấy sẽ nên xấu hơn. Nếu đối xử với người ấy như “người ấy phải là”, hoặc như “người ấy muốn là”, thì người ấy sẽ nên tốt hơn". Đức Giê-su hiểu rằng trong tâm hồn Da-kêu còn có phần tốt, muốn làm điều tốt và có khả năng làm điều tốt, nên Người đã khơi phần tốt ấy lên. Mỗi người chúng ta cũng hãy tự hoán cải bằng cách để Đức Giê-su quan tâm đến ta, nói với ta, đến ở trọ trong lòng ta và đánh động con tim của ta.

4) HIỆN NAY VẪN CÒN NHIỀU DA-KÊU: Đó là những người bị mọi người khinh thường hay loại trừ như những người mang tiền án tiền sự, những trẻ em bụi đời lang thang không nhà, những cô gái đứng đường lúc đêm tối, những người đang nghiện sì-ke ma túy, những người đang tìm hưởng lạc thú trong những quán bia ôm, mượn rượu giải sầu... Họ cần những người có trái tim bao dung nhân ái như Đức Giê-su giúp họ hoàn lương giống như ông Da-kêu trong Tin mừng hôm nay. Vậy trong những ngày này chúng ta nên làm gì cụ thể để giúp họ ?

4. THẢO LUẬN: 1)Bạn có thích hai câu chuyện trên hay không ? Tại sao ? 2)Tuần này mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để giúp một tội nhân công khai được ơn hoán cải nên lương thiện hơn ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Ngày nay Chúa vẫn thường đến với chúng con trong hình hài của những người nghèo khó ăn xin, những bệnh nhân liệt giường không tiền chữa trị, những người đau khổ cần được ủi an. Chúa cần chút nước của người phụ nữ Sa-ma-ri để uống cho đã khát, cần năm chiếc bánh và hai con cá của một bé trai để nuôi năm ngàn người ăn no, cần căn nhà của ông Da-kêu để nghỉ qua đêm. Chúa khiêm tốn xin chúng con một chút tiền bạc, một chút lòng hảo tâm, một chút sự thương cảm... để sau đó Chúa lại đổ xuống trên chúng con muôn ngàn phúc lộc thiêng liêng gấp bội.

- LẠY CHÚA. Xin dạy chúng con biết đến với tha nhân, biết khám phá ra một đốm lửa của sự thiện vẫn đang cháy leo lét nơi tâm hồn những người đang lạc xa Chúa. Ước gì chúng con biết nhìn các tội nhân công khai bằng ánh mắt nhân từ bao dung của Chúa, dám hy vọng vào thiện chí hoán cải của họ, và kêu gọi mọi người cùng hợp tác để xua tan cái xấu cái ác ra khỏi gia đình, khu xóm, trường học, và công sở ... Nhờ đó, thế giới hôm nay sẽ được biến đổi ngày một tốt hơn, chan hòa tình người hơn và an bình hạnh phúc hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Hôm nay. . . được ơn cứu độ
Jos. Vinc. Ngọc Biển
16:36 30/10/2013
HÔM NAY...ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ

(Chúa Nhật 31 THƯỜNG NIÊN, C)

Thiên Chúa luôn yêu thương, tha thứ và ban cho con người được ơn cứu độ. Đây chính là bản chất của Thiên Chúa. Bởi vì: “ Thiên Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó” (Kn 11, 23-24).

Bài Tin Mừng hôm nay làm toát lên đặc tính đó khi Đức Giêsu chủ động gọi Giakêu và vào nhà ông cũng như dùng bữa mặc cho người ta sầm xì bàn tán: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi" (Lc 19,7). Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa không quan tâm đến quá khứ của con người, nhưng Ngài để ý đến giây phút hiện tại, sự thiện chí và ngay lành của họ để ban ơn cứu độ.

1. Ý nghĩa Lời Chúa

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu đi ngang qua thành Giêricô, đây là chặng cuối cùng trên đường lên Giêrusalem để thực thi sứ vụ cứu chuộc của Ngài bằng cái chết trên thập giá. Trên lộ trình ấy, có dân chúng theo sau Ngài khá đông. Tuy nhiên, trong đám người đó có Giakêu, ông là: “thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có” (Lc 19, 2). Như vậy, ông là một vị quan chức cấp cao. Nhưng chớ trêu thay, ông lại lùn, mà đám người thì lại quá đông, nên ông ta phải trèo lên cây sung để mong được nhìn thấy Đức Giêsu đi ngang qua, người mà ông đã mong ngóng đợi trông từ lâu.

Nói đến Gia Kêu là người thu thuế, người Do Thái thường có những dị nghị về hạng người như ông và họ xếp ông chung với hạng đĩ điếm, trộm cắp, là những người làm tay sai cho đế quốc La Mã, vì thế họ là những người phản quốc, hại dân. Khi gặp họ, người Do Thái tránh xa như tránh dịch. Không ai được phép giao du với những con người như thế. Bởi vì đây là người tội lỗi tầy trời, đồ thối tha dơ bẩn. Khi đi ngang qua người ấy, người ta sẵn sàng nhổ nước miếng tỏ lòng khinh bỉ...

Tuy bị người ta khinh thị như thế, nhưng ông nhất quyết không chịu khuất phục trước đám đông cũng như vượt lên trên dư luận, và nhất là vượt lên trên mặc cảm tự ty của mình để trèo lên cây sung với hy vọng được tận mắt nhìn thấy Đấng Kitô, Ngài là Cứu Chúa của mình và toàn dân. Để được thấy Chúa, ông phải dùng đến một cách thế xem ra hơi lố bịch với người có địa vị như ông. Thật thế, sự quyết tâm của ông rất mãnh liệt. Sở dĩ ông vượt qua được dư luận như vậy là vì ông đang có một nỗi đam mê lớn lao. Đam mê ấy của ông chính là Giêsu, con người mà ông đang mong đợi. Sự kiên quyết của ông không chỉ đơn thuần là sự tò mò, mà đây còn là khởi điểm của hành trình đức tin nơi ông.

Đức Giêsu đã không để cho ông thất vọng khi gọi chính tên ông: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi" (Lc 19, 5). Theo lối hiểu của Kinh Thánh, gọi tên ai là biểu hiện của việc biết rõ về người ấy và có một mối tương quan thân tình với người được gọi. Hôm nay, Chúa gọi ông, vậy Chúa biết rất rõ lòng ông và muốn ông trở về với con người lương thiện, công chính của ông, bởi vì tên Giakêu tiếng Do thái là “Zakkay” có nghĩa là “người thanh khiết – người công chính”, hơn nữa, Đức Giêsu còn muốn trở thành người nhà của ông khi nói: “hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5). Như vậy, nếu hiểu qua, Giakêu hôm nay đi tìm Chúa, nhưng thực ra Chúa đã đi tìm ông trước.

Thật vậy, người đời thường nói: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn” Đức Giêsu cũng nói: “Đèn của thân thể là con mắt” (Mt 6,22t; x. Lc 11,34t). Hôm nay, Đức Giêsu nhìn Giakêu, nhưng cái nhìn của Chúa là một cái nhìn mang tính chinh phục, cảm hóa tâm hồn, cái nhìn nhân từ, thương xót, cái nhìn cứu độ. Chính cái nhìn này đã đi lọt vào trong tâm hồn của Giakêu và như một lời cật vấn lương tâm của ông. Và cũng chính cái nhìn nhiệm mầu này đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.

Nếu ánh mắt của Đức Giêsu là ánh mắt nhân từ, yêu thương, thì ánh mắt của Giakêu là ánh mắt sám hối, tin tưởng. Chúa Giê su chủ động tìm ông vì Ngài không muốn ông sống mãi trong tình trạng tội lỗi như hiện thời nữa. Đây cũng chính là sứ vụ cứu chuộc của đức Giê su. (x. Lc 19,10). Tội của ông rất lớn, vì ông không phải là một người thu thuế thường, mà lại là một thủ lãnh những người thu thuế. Nhưng: “Sai lầm là bản tính của con người và tha thứ là bản chất của Thiên Chúa” (A.Pope).

"Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi" (Lc 19, 5). Câu nói này của Đức Giêsu làm cho ông không tưởng! Làm sao mình lại được diễm phúc như vậy? Làm sao Chúa lại vào nhà ông, một người tội lỗi tầy trời như thế? Chưa hết bàng hoàng, vì Chúa gọi đúng tên ông, nhưng ông đã mau mắn tụt xuống khỏi cây sung và sẵn sàng mở rộng tấm lòng để đón tiếp Đức Giêsu vào nhà ông. Hành động tụt xuống của ông cho ta thấy, từ đây ông dốc quyết quay lưng lại với con đường tội lỗi, không kiêu ngạo, không bóc lột, không hà hiếp và không làm những điều sai quấy chống lại nhân dân nữa... và, ông đã biểu hiện tấm lòng sám hối chân thành ấy bằng việc thực thi đức công bằng và sống đức bác ái: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19, 8).

Không vui và thay đổi sao được khi cả một xã hội khinh miệt và coi thường ông, thì một Đức Giêsu; một Cứu Chúa lại sẵn sàng vào nhà mình. Giờ đây, với ông, cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp gỡ của tình yêu. Tình yêu đi bước trước là Đức Giêsu, và ông thực sự cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho ông, nên tình yêu đáp trả tình yêu. Tình yêu đã biến đổi ông, tình yêu đã gợi lại cho ông lòng bác ái và lẽ công bằng, và tình yêu đã hướng dẫn ông và dẫn ông đến hành động là đức ái. Tại sao ông lại can đảm để cho lương tâm lên tiếng? Tại sao ông lại có được lòng quảng đại như vậy? Thưa chỉ một lẽ rất đơn giản là vì ông đã được tha thứ và được yêu nhiều. Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã là một lời minh chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ông: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất" (Lc 19, 9).

Thật vậy, Gia kêu hôm nay đã chuộc tội của mình bằng việc bác ái, và ông đáng được hưởng ơn cứu độ: “Bố thí thì cứu cho khỏi tội và khỏi chết” (Tb 4,11). Trong sách Tiên tri Đaniel có viết: “Hãy chuộc tội con bằng bố thí, và bằng sự thương yêu kẻ khó nghèo” (Dn 4,24). Và sách công vụ Tông đồ cũng có câu: “Của bố thí bay lên như hương thơm trước mặt Chúa” (Cv 11,4). Gia kêu đáng cứu độ, vì lòng đơn sơ của ông xuất phát từ sự khiêm nhường, và khiêm nhường lại là linh hồn của đức đơn sơ.

2. Sứ Điệp Lời Chúa Hôm Nay

Đã là con người, ai cũng có những thiếu xót bất toàn. Điều quan trọng là chúng ta có dám tụt xuống khỏi cây sung để gặp được Chúa như Gia Kêu hay không?

Khi Gia kêu trèo lên cây sung, ông nghĩ sẽ nhìn thấy Chúa rõ ràng hơn, nhưng Chúa lại không để ông ở trên đó, có lẽ vì Chúa muốn ông phải trở về cuộc sống đời thường, phải sống thật sự chân thành, khiêm nhường thì mới gặp được Chúa. Bản chất của con người là: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tuy nhiên với năm tháng và môi trường nghề nghiệp, nhiều khi con người dễ bị tha hóa.... Nhưng không phải vì con người tha hóa do môi trường, nghề nghiệp mà không thể hoán cải được. Không! Con người vẫn có thể trở nên tốt nếu họ có cơ hội. Cơ hội đó có thể đến từ chính họ, và đôi khi cũng phải đến từ phía chúng ta...Ông Giakêu hôm nay ông đã gặp được Chúa, nên cuộc đổi đời của ông thành công, còn nếu ông mà gặp người Biệt Phái thì có lẽ ông đã xấu lại còn xấu thêm...

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, chẳng có ai là người trong sạch hoàn toàn. Vấn đề đặt ra đó là thái độ của chúng ta có quyết tâm quay lại với Chúa hay không thôi. Bên giáo lý nhà Phật có câu: “Quay đầu là bờ”, tức là đừng đi theo con đường tỗi lỗi nữa, mà hãy quay lại nẻo chính đường ngay thì mới được giác ngộ. Chúng ta đừng kiêu ngạo và tự cho mình là tốt lành thánh thiện trước mắt Chúa. Chúng ta cũng đừng coi thường hay khinh bỉ người khác như người Do thái khi xưa: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Coi chừng, chính chúng ta đang có nguy cơ xa dần và đánh mất ơn cứu độ ngay trong khi nhân danh sự tốt lành, thánh thiện kiểu mồ mả. Khi nói về sự giả tạo, Đức Giê su đã lấy hình ảnh nấm mồ để vạch trần sự gian trá của những người tự coi mình là đạo đức và coi khinh người khác: “Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình ! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong là giả hình và gian ác” (Mt 23,27-28;x. Lc 11,44). Thánh Phaolô cảnh giác chúng ta : “Ai đang đứng ý tứ kẻo ngã” (1 Cr 10, 12).

Lời Chúa hôm nay cũng muốn cho chúng ta thấy: cần phải có sự cảm thông, xóa bỏ mặc cảm để đến với người tội lỗi với lòng bao dung, tha thứ như Thiên Chúa. Đây cũng chính là liều thuốc bình an mà Đức Giêsu đã dùng cho những người mà Ngài gặp gỡ... Một Đức Giêsu không hề coi thường những người tội lỗi, nào là: đĩ điếm, thu thuế... Ngài không coi thường không có nghĩa là ủng hộ, cổ súy cho những hành vi sai trái của họ, không! Ngài muốn cải hóa họ bằng tình yêu, chỉ có tình yêu mới có thể đem lại cho người ta một sự hoán cải sâu xa mà thôi. Có thể nói: sai lỗi là chuyện bình thường, sa ngã mà không biết chỗi dậy mới là bất bình thường; hay các thánh là ai? Thưa các Ngài là những người 99 lần ngã, nhưng lần cuối cùng thì đứng dạy luôn (x. Đương Hy Vọng).

Ngày hôm nay, biết bao người đang xa dần Thiên Chúa. Họ rời xa Thiên Chúa và Giáo Hội đôi khi chỉ vì những miếng cơm manh áo. Và đôi khi tìm mọi cách để chỉ vì no cái bụng, ấm cái thân mà quên đi công lý, tình thương. Họ sẵn sàng buôn gian bán lậu; chà đạp người khác để mình sống; tham nhũng, bóc lột, nói chung, bất chấp tất cả miễn sao có tiền. Vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và nhân viên trong tiệm thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người, ném xác xuống sông để phi tang là một điển hình cho những người chỉ vì tiền mà không hề có lương tâm...

Mong thay, trong xã hội ngày nay, nhiều người nhận ra và dám sống theo lương tâm; đồng thời bạn và tôi, chúng ta hãy ý thức một điều căn bản là: có một lúc nào đó tiền bạc không đem lại cho ta niềm hạnh phúc thật. Chức quyền không đảm bảo được cuộc sống mai sau. Chỉ có Chúa mới là nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc thật, bởi vì Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn biến đổi như Giakêu khi xưa. Xin cũng ban cho chúng con biết yêu thương mọi người và sẵn sàng thực thi bác ái trong tinh thần Kitô giáo. Được như thế, chúng con tin tưởng và hy vọng sẽ được ơn cứu độ của Chúa như khi xưa Chúa đã chúc phúc và trao ban cho Giakêu. Amen.

 
Hãy cầu nguyện cho các linh hồn
Jos. Vinc. Ngọc Biển
16:37 30/10/2013
HÃY CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN

(LỄ CÁC LINH HỒN 2013)

Người Á Đông chúng ta nói chung và người Việt nam nói riêng, rất coi trọng chữ hiếu. Nhiều nước còn đưa chữ hiếu lên thành đạo. Nói về lòng biết ơn, người ta thường nhắc con cháu ngược dòng lịch sử để nhớ về cội nguồn: “Con người có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”. Hay: “con ai chẳng là con cha, cháu ai là chẳng cháu bà cháu ông” (ca dao tục ngữ Việt Nam). Vì thế, việc tôn kính ông bà tổ tiên là bổn phận phải làm đối với thế hệ hậu sinh.

Người Tây phương, họ không nâng lên thành đạo, nhưng họ lại không dừng lại ở chữ hiếu, mà con dành riêng ra hai ngày để nói lên lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, đó là ngày của mẹ (mother’s. day) vào ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm và ngày của cha (father’s. day) vào ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng sáu.

Còn với Đạo Phật, người ta dành ngày rằm tháng 07 âm lịch và Mùa Vu Lan báo hiếu để nói lên lòng biết ơn Tam Bảo và hiếu nghĩa với mẹ cha.

Với đạo Công Giáo, trong vai trò Giáo Huấn của mình, Giáo Hội luôn nhắc con cái của mình hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên: “Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân”(Cn 6,20,23). Vì thế, Giáo Hội Công Giáo, đã dành trọn tháng 11 hằng năm, để cầu nguyện cho các linh hồn. Trong tháng 11 này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa địa (vườn thánh), chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn và nếu thuận tiện thì nhiều gia đình cũng tảo mộ nữa....

Thánh Công Đồng Vatican II cũng nói trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội như sau: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh..."; "Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". Sự trao đi nhận lại này nói lên tinh thần hiệp thông, bổn phận và đức ái.

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn, tại Việt Nam, nhiều nơi có truyền thống dâng thánh lễ tại nghĩa địa (vườn thánh). Khi tham dự thánh lễ ngoài nghĩa địa như thế, chúng ta quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân. Hẳn lòng không khỏi bùi ngùi khi thắp que nhang, cây nến để tưởng nhớ người đã khuất. Rồi sốt sắng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài sớm được về nơi hạnh phúc và bình an. Lời bài hát mà mỗi khi thánh lễ an táng được cử hành, chúng ta thường hay hát: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”. Khi hát như thế, chúng ta biểu hiện niềm tin của mình thật mạnh mẽ vào sự sống đời sau, vì chết không phải là hết. Chết chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu. Khi cầu nguyện như thế, ấy là lúc chúng ta đang sống niềm tin của mình vào Đấng đã Phục Sinh từ cõi chết và, mong sao người thân của chúng ta đã lìa đời cũng được phục sinh như vậy. Tuy nhiên, Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Như vậy, khi ở bên nấm mồ của người đã khuất, gợi cho chúng ta ý thức về sự linh thiêng và hiệp thông sâu xa trong mầu nhiệm Các Thánh cùng thông công.

Khi sống mầu nhiệm hiệp thông này, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho các ngài, bởi vì các ngài chưa được về cùng Chúa, nên các ngài còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.

Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống với chúng ta. Các ngài là cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là những người ân nhân, thân nhân, là ông hàng xóm, là bà bán rau, là cháu học sinh... Các ngài là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về với nơi mà từ bụi đất mình đã là khởi điểm kiếp người. Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, là sống tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái. Không lẽ chúng ta bỏ mặc các ngài trong khi các ngài không thể làm gì hơn được nữa để cứu lấy chính mình?.

Cầu nguyện cho các linh hồn còn là một bổn phận mà xét theo sự liên đới đây thì đây chính là lẽ công bằng, bởi vì biết bao điều tốt đẹp các ngài đã làm cho chúng ta khi còn sống, đôi khi vì chúng ta, mà các ngài phải chịu liên lụy và phải đền bù trong luyện ngục. Như vậy, trong thiếu xót, bất toàn của các ngài, chúng ta một phần có trách nhiệm, nên việc cầu nguyện cho các linh hồn chính là lẽ công bằng buộc chúng ta phải làm vì lòng biết ơn các ngài... Sự hy sinh của các ngài thật lớn lao, không bút nào viết cho hết, không miệng nào kể cho xuể. Quả thật, chúng ta được lớn khôn và nên người là nhờ vào sự vất vả một nắng hai sương, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của cha mẹ, ông bà.... Từ những đêm thức trắng lo toan, ' Gió mùa thu mẹ ru con ngủ - Năm canh chày thức đủ trọn năm'' đến những ngày ngược xuôi bươn trải để kiếm cho con cháu chén cơm ăn cho ấm lòng, chiếc áo ấm che thân khi trời lạnh, mấy đồng xu cho ta học hành, thuốc thang... Cha mẹ chấp nhận tất cả để miễn sao cho con cái có tiếng cười, được hạnh phúc và bình an. Như vậy trong sự sung túc, niềm vui của chúng ta có đau khổ (sự chết) của đấng sinh thành.

Hãy cầu nguyện cho các linh hồn vì đây là việc làm có giá trị hơn hết, bởi vì trong Giáo Hội, chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông. Hôm nay chúng ta dâng lễ, những hy sinh, lời cầu nguyện cho các linh hồn sớm được siêu thoát, để các ngài trở nên những vị thánh trước tòa Chúa, các ngài lại cầu nguyện cho chúng ta.

Và mỗi khi đứng trước nghĩa địa, trước các phần mộ của người thân, hay chứng kiến một đám tang nào đó, ta hãy nhớ rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ phải chết như họ. Nghĩ được như thế, ấy là dịp chúng ta nghĩ đến thân phận mong manh của kiếp người. Nghĩ được như thế, là ta chuẩn bị cho hành trang về với Chúa qua những cái giấy thông hành được kết tinh từ những những việc lành phúc đức, những hy sinh... Nghĩ được như vậy, là ta đang tiến dần đến sự sống. Nói như thánh Phaolô thì: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”. Đối diện với nó để ta chuẩn bị cho ngày cái chết đến rước chúng ta về với Chúa trong thanh thản và bình an.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con đứng trước nấm mộ của người thân, xin cho chúng con biết nhớ đến các linh hồn để cầu nguyện cho các ngài, và xin cũng cho chúng con ý thức được thân phận mỏng manh của kiếp người để sám hối và chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình có ý nghĩa. Ước gì mai sau chúng con cũng được hợp cùng các bậc tổ tiên để ca ngợi Chúa không ngừng trên Thiên Quốc. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:43 30/10/2013
NỬA NGƯỜI NỬA SƯ TỬ
N2T

Phạn Thiên đã hứa: ma vương Hy Lam A Ca Tây bất luận là ban ngày hay ban đêm, ở trong nhà hay ra ngoài thì đều có thể nhận được sự bảo hộ không bị sát hại.
Ma vương vì lời hứa này mà trở nên vênh vênh váo váo không tôn kính bất cứ vị thần nào, ngay cả con trai của ông ta là Phổ Lạp Hạ Đạt cũng không được kính bái đại thần Tì Thấp Nô, ông ta phái một bầy rắn đi cắn chết Phổ Lạp Hạ Đạt nhưng thất bại; tiếp theo ông ta phái một bầy voi đem Phổ Lạp Hạ Đạt quăng dưới vách núi nhưng cũng không sát hại được Phổ Lạp Hạ Đạt.
Một hôm trời chạng vạng tối, ma vương ở trước cửa cung điện giận dữ vừa đánh cột trụ đá vừa chưởi rủa:
- Thần Tì Thấp Bà vĩ đại trốn ở trong cột đá này sao ?
Lúc ấy đại thần Tì Thấp Bà nổi giận biến thành một con quái vật nửa người nửa sư tử từ trong cột đá nhảy ra vồ lấy ma vương xé nát vụn.
Bởi vì thời gian và địa điểm đó đều không thuộc trong phạm vi Phạn Thiên hứa, cho nên ma vương không được bảo vệ...
(Truyện thần thoại Ấn Độ)

Suy tư:
Truyện thần thoại thì coi tất cả các thiên thần đều không giống nhau, có đại thần và tiểu thần, có thần ác và thần dữ, nhưng các thần vẫn được hưởng chế độ của trời ban. Ma vương thì vẫn cứ là ma vương, dù được cấp trên bao bọc đỡ che nhưng bản chất ma vương vẫn cứ tồn tại tác oai tác quái không coi ai ra gì cả, nên càng bị phạt thê thảm...
Theo lời dạy của Đức Chúa Giê-su thì ma quỷ là loài có thật, giáo huấn của Giáo Hội cũng dạy cho chúng ta biết ma quỷ là sa-tan -đã từng cám dỗ Đức Chúa Giê-su- là nguyên nhân cản bước chúng ta đến với Thiên Chúa, và cám dỗ chúng ta chối bỏ ân sủng của Thiên Chúa để sống theo ý mình trong thế giới vật chất hưởng thụ này.
Trong cuộc sống hằng ngày, người Ki-tô hữu thường luôn tham dự thánh lễ và rước lễ, cầu nguyện, hy sinh, làm việc lành để chống trả với chước cám dỗ của ma quỷ, bởi vì linh hồn của mỗi người rất cao quý, cao quý vì đã được Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su đổ ra để cứu chuộc họ khỏi tay của quỷ thần.
Ma quỷ vẫn cứ là ma quỷ, dù nó mặc dưới hình thức nào cũng vẫn cứ là ma quỷ, do đó mà Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ.
--------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 30/10/2013
Chương 48:

TỬ VÌ ĐẠO


“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16, 25)


N2T

1. Máu của các thánh là hạt giống của giáo hữu, trồng một có thể thu hoạch trăm.

(Hiền sĩ Tertullian)
-------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chính sách ngoại giao của Tòa Thánh Vaticăng trong 50 năm qua
Linh Tiến Khải
10:54 30/10/2013
Phỏng vấn Đức Hồng Y Achille Silvestrini, nguyên Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương

Ngày 25-10-2013 Đức Hồng Y Achille Silvestrini tròn 90 tuổi. Nhân dịp này Đức Hồng Y, nguyên Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, đã dành cho phóng viên Filippo Rizzi của nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, một bài phỏng vấn liên quan tới Công Đồng Chung Vaticăng II và đường lối ngoại giao của Tòa Thánh Vaticăng.

Đức Hồng Y Achille Silvestrini sinh năm 1923, thụ phong linh mục năm 1946. Sau khi đậu tiến sĩ Lưỡng Luật tại đại học Laterano, cha Silvestrini theo học Trường Ngoại Giao Tòa Thánh, và năm 1953 bắt đầu làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đặc trách các nước vùng Đông Nam Á. Từ năm 1958 Đức Ông Silvestrini là thư ký của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Domenico Tardini, và Đức Hồng Y Amleto Giovanni Cicongani cho tới năm 1969.

Như là người đặc trách các tương quan với các tổ chức quốc tế, Đức Ông Silvestrini đã là cộng sự viên của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Agostino Casaroli, và trợ giúp người trong việc thực hiện chính sách cởi mở và đối thoại với các nước cộng sản Đông Âu. Đức Ông đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế như: hội nghị Helsinki về an ninh và cộng tác Âu châu năm 1975, các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị này tại Genève năm 1973, hội nghị Belgrad để kiểm thực việc áp dụng. Đức Ông cũng đã hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh tham dự phiên họp của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sự năm 1971; hội nghị về Thỏa hiệp không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1975.

Năm 1979 Đức Ông Silvestrini được chỉ định làm Thư ký phân bộ liên lạc với các nước của Tòa Thánh và được nâng lên hàng Tổng Giám Mục. Năm 1983 Đức Tổng Giám Muc Silvestrini đại diện Tòa Thánh tham dự Hội nghị an ninh và cộng tác Âu châu lần thứ ba tại Madrid. Ngài cũng là trưởng phái đoàn Tòa Thánh tham dự cuộc họp tái duyệt xét các Thỏa hiệp Laterano với chính phủ Italia năm 1984; cũng như tham dự các cuộc họp liên quan tới việc giải quyết cuộc tranh chấp quần đảo Falklands giữa Anh Quốc và Argentina, và cuộc cách mạng tại Nicaragua. Năm 1988 Đức Gioan Phaolô II vinh thăng Đức Cha Silvestrini làm Hồng Y. Sau đó ngài được chỉ định làm Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, cho tới khi về hưu năm 1999.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, 50 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Gioan XXIII triệu tập Công Đồng Chung Vaticăng II ngày 11 tháng 10 năm 1962. Đức Hồng Y nghĩ gì về thời điểm này?

Đáp: Tôi tin rằng cần phải tái khởi hành từ Công Đồng Chung Vaticăng II, từ tất cả những gì chưa trở thành thực tại và cần được thi hành. Cùng với người bạn thân của tôi là Đức cố Hồng Y Carlo Maria Martini, trong các năm qua, biết bao lần chúng tôi thường tự vấn liên quan tới sự cấp thiết phải tìm ra một thứ ngôn ngữ mới để nói với nhân loại ngày nay, một cách đặc biệt với các thế hệ trẻ, và đưa ra các câu trả lời thích đáng cho xã hội tân tiến hiện nay. Thách đố chờ đợi Giáo Hội là ra khỏi các môi trường chật hẹp của các phòng thánh, trong một nghĩa nào đó là ”tự giải trừ giáo sĩ” cả với giáo dân nữa và sống Tin Mừng một cách đích thực. Tôi cho rằng Âu châu không còn có thể ghi dấu các biên giới của Giáo Hội học nữa. Một thí dụ? Việc bầu Đức Bergoglio làm Giáo Hoàng đã không chỉ có nghĩa của sự mới mẻ: người Kế vị thánh Phêrô đến từ một nước xa xôi. Cung cách là Giám Mục Roma không chỉ gợi ý việc tái phục hồi tính cách hoàn vũ trong sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo, mà cũng mời gọi tất cả mọi kitô hữu canh tân ngôn ngữ loan báo đức tin, như chúng ta đã thấy trong nền thần học cho đến nay. Việc bầu Đức Bergoglio, là người gắn bó với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, có lẽ thúc giục chúng ta lấy lại các đề tài đã từng là trọng tâm của các cuộc thảo luận thời Công Đồng; tái khám phá ra bằng cách tiếp thu các bài học của những ngôn sứ như Lercaro và Dossetti, và vài ưu tiên làm thành căn tính của Giáo Hội, dấu ấn của Cộng Đồng Chung Vaticăng II như việc lựa chọn bênh vực người nghèo, theo đuổi hòa bình giữa các dân tộc và đối thoại với những người ở xa và những người không tin. Trong nền tảng, đó là việc thời sự hóa Công Đồng, trong các ý hướng của Đức Gioan XXIII. Nó đã và vẫn là một nhiệm vụ còn rộng mở ngày nay: khiến cho Tin Mừng đến với con tim của tất cả mọi người.

Hỏi: Đức Hồng Y có các kỷ niệm đặc biệt nào về các năm giao động thời Công Đồng Chung Vaticăng II hay không?

Đáp: Đó đã là các năm hoạt động rất mạnh mẽ, cho phép tôi, như là người soạn thảo các công văn của Tòa thánh thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, học hỏi từ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh thời đó là Đức Hồng Y Domenico Tardini, không chỉ liên quan tới tầm quan trọng của ngành ngoại giao, mà cả việc lắng nghe các tác nhân đối thoại nữa, trong thái độ dành ưu tiên cho tình bác ái. Tôi cũng không thể quên được việc chấp nhận vĩnh viễn tài liệu về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae đã quan trọng thế nào đối với Đức Ông Pietro Pavan. Tôi thường nghĩ tới sự cay đắng và tiếng khóc của cha Pavan, khi người ta báo cho cha biết là tài liệu chắc sẽ không được chấp thuận. Nhưng trái lại ngày 21 tháng 9 năm 1965 tài liệu đã được các Nghị Phụ chấp thuận. Và thế là tiếng khóc của cha bất thình lình biến thành niềm vui.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có rất ít người biết rằng bài phỏng vấn đầu tiên mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đồng ý cho nhà báo Alberto Cavallari của nhật báo ”Người đưa tin chiều” thực hiện, đã do trung gian của Đức Hồng Y. Đức Hồng Y có thể giải thích cho biết cuộc gặp gỡ này đã xảy ra như thế nào không?

Đáp: Tôi nhớ rằng nhà báo Alberto Cavallari đã được Đức Ông Pasquale Macchi, thư ký của Đức Phaolô VI, giới thiệu với tôi. Hồi đó ông ta đang làm một cuộc tìm hiểu sinh hoạt của nhiều cơ quan trung ương Tòa Thánh, và viết cuốn sách nổi tiếng tựa đề ”Vaticăng thay đổi”. Chính trong bối cảnh ấy đã nảy sinh ra một cuộc nói chuyện giữa ông Cavallari và Đức Phaolô VI, vị Giáo Hoàng vĩ đại người vùng Brescia. Tôi nhớ rằng ông Alfio Russo, Giám đốc nhật báo ”Người đưa tin chiều” đã gửi ông Cavallari tới Roma để theo dõi Công Đồng Chung Vaticăng II, để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra trong Giáo Hội. Tôi tin rằng từ đó đã nảy sinh ra cuộc điều tra của ông ta, đạt tột đỉnh với bài phỏng vấn Đức Phaolô VI, trước khi Đức Phaolô VI viếng thăm Liên Hiệp Quốc và đọc diễn văn tại đây. Đây cũng là cuộc phỏng vấn đầu tiên, mà một vị Giáo Hoàng dành cho giới báo chí kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Và nhà báo Alberto Cavallari đã viết lại một mạch bài phỏng vấn trong một quán giải khát ở đại lộ Hòa Giải. Ông Cavallari sau này đã trở thành bạn thân của tôi.

Hỏi: Trong các năm làm việc Đức Hồng Y đã gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, từ việc ký các thỏa hiệp quan trọng, nhưng nhất là một cuộc sống như nhân viên ngoại giao của Tòa Thánh và như là một mục tử. Đức Hồng Y có các kỷ niệm nào trong các năm đó, và khi nào thì đã xảy ra sự tan giá băng giữa Liên Bang Xô Viết và Tòa Thánh Vaticăng?

Đáp: Chính Công Đồng Chung Vaticăng II và thông điệp ”Hòa Bình dưới thế” trong các năm đó đã giúp thay đổi bầu khí với Liên Xô và mở ra các cuộc đối thoại. Dĩ nhiên là một gương mặt đặc sủng và trí thức tinh tế như Agostino Casaroli, Hồng Y tương lai, đã là một trong các kiến trúc sư của cuộc tan giá băng này. Nó đã đươc hướng dẫn bởi chính sách từng bước nhỏ. nhưng cũng được hướng dẫn bởi niềm hy vọng của những điều có thể làm được, như chính sách cởi mở đối với Đông Âu gọi là ”Ostpolitik”. Tôi nghĩ tới sự cẩn trọng của người như chuyến đi năm 1963 từ Vienne sang Buudapest, hay sự cẩn trọng và kiên nhẫn của người trong các hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng ta muốn nhận ra ý nghĩa của nền ngoại giao của Tòa Thánh Vaticăng, thì phải tìm nó trong chính các năm này. Nếu không có chúng, thì đã không có biến cố ngày mùng 6 tháng 10 năm 1978, khi Đức Karol Wojtila được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên hiệu là Gioan Phaolô II. Trong đặc sủng của Đức Karol Wojtila, sự hiệp nhất tinh thần của Âu châu được báo trước. Ngài có đức tin và sức mạnh của vị ngôn sứ. Thân thể của người và các cử chỉ của người cùng với các lời nói hiệp nhất một cách bất thình lình điều đã bị gạt bỏ với yêu sách của ý thức hệ. Dĩ nhiên còn có môt kinh nghiệm quan trọng khác nữa trong đời tôi. Đó là khi tôi thuộc phái đoàn Tòa Thánh ký Thỏa hiệp năm 1984, và trong dịp đó tôi đã kinh nghiệm được sự tuyệt tác của ngành ngoại giao, được xây dựng trong các năm trước đó.

Hỏi: Đức Hồng Y có muốn nhắn gửi sứ điệp nào cho các người trẻ và cho Giáo Hội tương lai hay không?

Đáp: Tôi tin rằng, như tôi đã nói, sứ điệp là lấy lại những gì chưa được thực hiện do Công Đồng Chung Vaticăng II đề ra. Đã có rất nhiều điều bị Đức Phaolô VI bỏ dở. Chúng vẫn còn đó. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Một trong các thách đố rộng mở cho nền văn hóa ngày nay, có lẽ có thể là thách đố đem nền thần học vào trong các khả năng của giáo dân để tạo thuận tiện cho một việc nghiên cứu được dưỡng nuôi bởi sự đối chiếu các khác biệt. Thế rồi tôi cũng tin rằng thật là quan trọng biết tiếp nhận các dấu chỉ thời đại và niềm hy vọng, mà ngày nay các Giáo Hội trẻ của Á chậu và châu Mỹ Latinh biết khơi dậy. Có lẽ từ đó cũng có thể tái sinh và tái khẳng định trong đại lục Tây Âu già nua và mệt mỏi của chúng ta tương lai của Kitô giáo. Như tôi đã nói cách đây nhiều năm, khi được một nhà báo hỏi, thật là đẹp nếu một ngày kia Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được cử hành bên Trung Quốc. Đây là môt giấc mơ mà chúng ta hy vọng trở thành thực tại.

(Avvenire 25-10-2013)
 
Sự hiệp thông của các thánh
Linh Tiến Khải
10:55 30/10/2013
Sự hiệp thông của các thánh nảy sinh từ sự hiệp thông với Thiên Chúa và niềm tin nơi Chúa Kitô. Nó nối kết giữa các tín hữu còn lữ hành trên trần gian này với các tín hữu đang được thanh luyện trong Luyện ngục và các thánh trên Thiên Đàng trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiến kiến chung sáng thứ tư 30-10-2013 tại quảng trường thánh Phêrô. Đã có hàng chục ngàn tín hữu phải đứng ngoài quảng trường Pio XII và đường Hòa Giải. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có hai nhóm Việt Nam đến từ Đức và Hoa Kỳ. Đặc biệt có phái đoàn các nhóm tôn giáo Irak do Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn hướng dẫn, đang tham sự khóa họp tại Roma.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”sự hiệp thông của các thánh”, là một thực tại rất đẹp của đức tin. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng kiểu nói này diễn tả hai thực tại: sự hiệp thông giữa các điều thánh thiện, và sự hiệp thông giữa các người thánh thiện (s. 948). Ý nghĩa thứ hai này là một trong những sự thật trao ban an ủi nhất trong đức tin của chúng ta, bởi vì nó nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chúng ta không cô đơn, nhưng có một sự hiệp thông sự sống giữa tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô. Đó là một sự hiệp thông nảy sinh từ lòng tin. Thật thế, từ ”các thánh” quy chiếu về những người tin nơi Chúa Giêsu và được tháp nhập vào Người trong Giáo Hội qua bí tích Rửa Tội. Vì thế các kitô hữu tiên khởi cũng đã được gọi là ”các thánh” (x. Cv 9,13.32.41; Rm 8,27; 1 Cr 6,1).

Phúc âm thánh Gioan chứng thực rằng trước cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu đã cầu xin Thiên Chúa Cha cho sự hiệp thông giữa các môn đệ, với các lời này: ”Để tất cả chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ước gì chúng cũng ở trong chúng ta, để thế giới tin rằng Cha đã sai Con” (Gv 17,21). Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp thông trong Giáo Hội như sau:

Giáo Hội, trong sự thật sâu thẳm nhất của nó, là hiệp thông với Thiên Chúa, sự hiệp thông của tình yêu với Chúa Kitô và với Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, kéo dài trong sự hiệp thông huynh đệ. Tương quan này giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha là ”khuôn mẫu” của sự gắn bó giữa các kitô hữu chúng ta: nếu chúng ta được tháp nhập một cách thân tình vào ”khuôn mẫu” này, vào lò lửa tình yêu nồng cháy là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì khi đó chúng ta có thể thực sự trở thành một con tim một linh hồn giữa chúng ta, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa thiêu rụi các ích kỷ, đốt cháy các thành kiến và các chia rẽ bên trong và bên ngoài của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa cũng thiêu rụi cả các tội lỗi của chúng ta nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Nếu có sự đâm rễ trong suối nguồn Tình Yêu là Thiên Chúa, thì khi đó người ta cũng kiểm thực được sự vận hành hỗ tương: từ các anh chị em tới Thiên Chúa. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Kinh nghiệm của sự hiệp thông huynh đệ dẫn đưa tôi tới sự hiệp thông với Thiên Chúa. Hiệp nhất với nhau dẫn đưa chúng ta tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa, dẫn đưa chúng ta tới mối dây này với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Và đây là khía cạnh thứ hai trong sự hiệp thông của các thánh mà tôi muốn nhần mạnh: đức tin của chúng ta cần sự nâng đỡ của những người khác, đặc biệt trong những lúc gặp khó khăn. Nếu chúng ta hiệp nhất, thì đức tin trở thành mạnh mẽ. Thật là đẹp biết bao nâng đỡ nhau trong cuộc mạo hiểm tuyệt vời của đức tin! Tôi nói điều này bởi vì khuynh hướng khép kín trong riêng tư đã ảnh hưởng trên cả lãnh vực tôn giáo nữa, đến độ nhiều khi thật là vất vả xin sự trợ giúp tinh thần của nhưng người chia sẻ linh nghiệm kitô với chúng ta. Ai trong chúng ta lại đã không sống kinh nghiệm bất an, lạc lõng và cả nghi ngờ trên con đường lòng tin? Chúng ta tất cả đều đã sống kinh nghiệm này, cả tôi nữa: nó là phần của con đường đức tin, là phần của cuộc sống. Tất cả những điều này không được khiến cho

chúng ta ngạc nhiên, bởi vì chúng ta là người, bị ghi dấu bởi sự mỏng giòn và các hạn hẹp. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn ấy cần phải tín thác nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện con thảo, và đồng thời thật là quan trọng tìm ra lòng can đảm và sự khiêm tốn rộng mở chính mình cho người khác, để xin trợ giúp, để xin người khác giúp chúng ta một tay. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã làm điều này và chúng ta đã thành công ra khỏi vấn đề và tìm thấy Thiên Chúa một lần nữa. Trong sự hiệp thông này hiệp thông có nghĩa là hiệp nhất chung.

Đề cập tới khía cạnh thứ ba trong sự hiệp thông của các thánh Đức Thánh Cha khẳng định rằng sự hiệp thông của các thánh đi xa hơn cuộc sống trần gian này, vượt xa hơn cái chết và kéo dài luôn mãi. Nó là một sự hiệp nhất tinh thần nảy sinh từ bí tích Rửa Tội không bị bẻ gẫy bởi cái chết, nhưng nhờ Chúa Kitô phục sinh, nó được chỉ định tìm thấy sự viên mãn trong cuộc sống vĩnh cửu. Có một mối dây sâu xa và không thể chia lìa giữa những người còn lữ hành trên trần gian này và những người đã vượt qua ngưỡng cửa của cái chết để bước vào nơi vĩnh cửu. Tất cả những người đã được rửa tội trên trần gian này, các linh hồn trong Luyện Ngục và tất cả các thánh đã ở trên Thiên Đàng làm thành một gia đình duy nhất. Sự hiệp thông này giữa đất và trời được thực hiện một cách đặc biệt trong lời cầu nguyện bầu cử.

Anh chị em thân mến, chúng ta có vẻ đẹp này. Đó là một thực tại của chúng ta tất cả, khiến cho chúng ta là anh chị em với nhau. Thực tại này đồng hành với chúng ta trên con đường cuộc sống và khiến cho chúng ta tìm thấy nó một lần nữa trên trời. Chúng ta hãy bước đi trên con đường này với sự tin tưởng và niềm vui. Một kitô hữu phải vui tươi, với niềm vui có biết bao nhiêu anh chị em được rửa tội cùng đi với mình. Được nâng đỡ bởi các anh chị em bước đi trên cùng con đường này để về trời. Và với sự trợ giùp của các anh chị em đang ở trên trời và cầu xin Chúa Giêsu cho chúng ta chúng ta hãy tiến lên trên con đường này trong tươi vui!

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau hiện diện tại quảng trường: các phái đoàn hành hương của nhiều giáo phận Pháp, do các Giám Mục hướng dẫn như tổng giáo phận Paris và Rennes. Các phái đoàn đến từ Philippines, Việt Nam và Đông Timor. Các phái đoàn đến từ Châu Mỹ Latinh như Argentina, El Salvador, Mehicô và Brasil. Đức Thánh Cha đã khuyến khích mọi người để cho tình yêu của Thiên Chúa nung nấu để thay đổi bộ mặt của gia đình, xứ đạo và thế giới.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết rằng thứ sáu tới đây là lễ các Thánh. Ước chi chứng tá của các ngài củng cố nơi người trẻ xác tín Thiên Chúa đồng hành với họ trên đường đời; nâng đỡ các anh chị em đau yếu bằng cách làm vơi nhẹ khổ đau của họ; và trợ giúp các cặp vợ chồng mới cưới trong nỗ lực xây dựng gia đình trên niềm tin nơi Thiên Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phèp lành tòa thánh Đức Thành Cha ban cho mọi người.

Cũng như mọi lần đã có hàng chục trẻ em được Đức Thánh Cha hôn. Đức Thánh Cha đã xuống xe díp và chào một nhóm hàng trăm trẻ em giúp lễ thuộc mọi chủng tộc khác nhau. Một chú bé đã xin chữ ký của Đức Thánh Cha và vui sướng reo hò sau khi có được chữ ký của ngài. Trước khi Đức Thánh Cha lên tới khán đài đã có một phái đoàn của một thành phố mặc sắc phục thời Trung Cổ rất đẹp với cờ quạt và trống nghiêng mình chào Đức Thánh Cha trông rất ngoạn mục. Trong khi chào tín hữu đứng hai bên khán đài, có một chú bé đã tặng Đức Thánh Cha cái mũ ca lốt trắng. Ngài nhận chiếc mũ mới và lấy chiếc mũ cũ của ngài đội lên đầu chú bé. Đức Thánh Cha cũng đã dừng lại rất lâu để ôm hôn, chúc lành và an ủi các bệnh nhân ngồi trên xe lăn.
 
Vai trò hòa giải của Giáo hội tại Triều Tiên
Lê Vy
13:54 30/10/2013
Vai trò hòa giải của Giáo Hội tại Triều Tiên

Đại hội lần thứ 10 Hội đồng Đại kết các Giáo Hội (COE), Busan, Hàn Quốc, 30/10/2013

Thời sự tại Châu Á thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhật báo Pháp. Hôm nay, Đại hội lần thứ 10 Hội đồng Đại kết các Giáo Hội (COE) khai mạc tại Busan (Hàn Quốc). Ba ngàn đại biểu từ khắp nơi trên thế giới (600 thanh niên) tham dự đại hội cho đến ngày 8/11. Các đề tài trọng tâm của đại hội là công lý và hòa bình. Báo Công Giáo La Croix dành hai trang lớn cho sự kiện này với dòng tựa : « Vai trò hòa giải của Giáo Hội tại Triều Tiên ».

Bài báo đăng ảnh những thanh niên Bắc Triều Tiên tỵ nạn tại Hàn Quốc cầu nguyện trong một giáo đường tại Séoul vì hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Báo La Croix nhận định, cả Giáo Hội Công Giáo lẫn Tin Lành Hàn Quốc đều giúp đỡ cư dân Bắc Triều Tiên bằng mọi phương tiện, đặc biệt là những người người đào thoát sang biên giới Trung Quốc. Đặc phái viên tờ báo trích dẫn một nhân chứng giấu tên, nói chị ta vô cùng biết ơn những người người Thiên Chúa giáo tại Hàn Quốc, vì họ đã giúp đỡ chị cùng với ba chị em sau khi họ đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc. Chị tâm sự : « Cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn, lúc nào cũng đói khát. Chúng tôi nghe một số người đào thoát sang Trung Quốc nên chúng tôi cũng bắt chước ».

Trong quá trình bôn ba sang Trung Quốc, chị đã liên lạc với một tổ chức chuyên giúp đỡ những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đi sang Lào, Thái Lan và từ đó đã quen biết được một vị linh mục người Pháp sống tại ngoại ô Seoul, mà tờ báo cũng xin giấu tên vì các lý do an ninh. Vị linh mục này thuật lại : « Phần đông người tỵ nạn thiếu ăn, mắc các chứng bệnh như sốt rét, lao, bệnh da liễu, cộng với các chứng lo âu, trầm cảm, do phải sống lẫn trốn trong nhiều năm ». Trong thời gian tha hương, người tỵ nạn bằng mọi giá cố tránh bị cảnh sát bắt. Nếu không, họ sẽ bị buộc hồi hương và bị tra tấn, tử hình. Vị linh mục kể lại : « Ai cũng có một con dao lam trong túi để tự sát khi bị rơi vào tay cảnh sát ».

Rất nhiều người Tin Lành Hàn Quốc đã giúp đỡ người tỵ nạn và một số đã phải trả giá đắt. Ví dụ như mục sư Han-il, sau nhiều lần đi đi về về từ Bắc chí Nam Trung Quốc, ông đã bị cảnh sát Trung Quốc bỏ tù và hành hạ trong vòng 18 tháng.

Một khi đến Thái Lan, người tỵ nạn được các đại sứ quán tiếp nhận và có thể nhập cư Hàn Quốc hay Bắc Mỹ. Trong một trung tâm hội nhập tại Hàn Quốc, người tỵ nạn được chăm sóc trong vòng ba tháng để hồi phục sức khỏe thể xác lẫn tinh thần. Sau đó, họ được cấp giấy tờ cư trú hợp pháp, được học nghề và bắt đầu làm quen với thế giới tư bản…

Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo lẫn Tin Lành, đều giúp đỡ dân Bắc Triều Tiên qua các hoạt động nhân đạo. Họ gửi hàng cứu trợ đều đặn thông qua tổ chức Caritas. Thế nhưng, họ phải chấp nhận sự kiểm duyệt và các điều kiện khắc nghiệt của Bình Nhưỡng. Nhóm tình nguyện viên y tế phải đi đường vòng sang Trung Quốc rồi mới đến được Bình Nhưỡng, do không có tuyến bay thẳng đến Bình Nhưỡng. Đức Giám Mục Seoul nhận định : « Chúng tôi thường xuyên gửi lương thực, thuốc men va các nhu yếu phẩm khác. Thế nhưng, đôi khi chúng tôi buộc phải ngưng hoạt động khi quan hệ ngoại giao hai miền Triều Tiên trở nên căng thẳng ».

Giáo Hội còn giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập vào cuộc sống tại Hàn Quốc do tại đây, nếu người tỵ nạn không hội nhập được vào khuôn khổ xã hội Hàn Quốc, thì sẽ bị gạt sang một bên, bị khinh bỉ. Người Bắc Triều Tiên thường bị rơi vào tình trạng này khi mới đến Hàn Quốc. Khi ra khỏi trại tỵ nạn, mỗi người còn được chính phủ Hàn Quốc cấp cho khoảng 5000 euro, hay được ở miễn phí vài tháng tiền nhà.
 
Các Giám Mục Nam Phi Châu chống nạn tham nhũng
Bùi Hữu Thư
17:52 30/10/2013
CAPE TOWN, Nam Phi Châu (CNS) – Các giám mục tại Nam Phi Châu nói: nạn tham nhũng đang lan tràn khắp trong vùng và kêu gọi tất cả mọi người Công Giáo hãy cam kết không nộp tiền hay đề nghị hối lộ cho bất cứ một ai.

Các giám mục Nam Phi Châu, Botswana và Swaziland kêu gọi trong một lá thư mục vụ như sau: "Nếu các bạn biết có vụ tham nhũng xẩy ra, xin hãy tố cáo ngay. Những vụ hối lộ, và các hình thức tham nhũng đang bành trướng mạnh mẽ trong các hoàn cảnh có sự giữ kín và che dấu, và sẽ tồn tại nếu chúng ta để yên cho tiếp diễn.”

Tham nhũng “phá hủy niềm tin của chúng ta” và làm nguy hại cho cộng đồng. Các giám mục ghi nhận rằng “khi hối lộ trở thành một đường lối sống của các công chức, các thương gia, hay nhân viên Giáo Hội, thì trách nhiệm chính của họ bị bỏ qua một bên, nhường chỗ cho sự theo đuổi lợi ích riêng tư của họ.”

Tông thư của Hội Đồng Giám Mục Nam Phi Châu “Lời kêu gọi tự duyệt xét lương tâm mình trong tình trạng tham nhũng bành trướng,” được đọc trong các nhà thờ vào trung tuần tháng 10, và là một phần của chương trình Hội Đồng Giám Mục muốn lật mặt nạ những vụ tham nhũng.

Trong tông thư của các giám mục ghi nhận có thống kê nêu cao “vấn nạn hết sức trầm trọng chúng ta đang phải đối phó về tình trạng tham nhũng” tại Nam Phi Châu, và đã có báo cáo là “gần 50 phần trăm công dân tại các quốc gia trong vùng Nam Phi Châu đã công nhận phải hối lộ, đa số là cho các cảnh sát viên và các giới chức trong chính phủ."

Lá thư viết “Tất cả mọi người phải làm một điều gì trong phạm vi quyền hạn của mình để ngăn chặn tệ nạn tham nhũng.”

Các giám mục viết: “Cần có một sự biến cải tâm hồn” và cùng duyệt xét lại “chính thái độ của chúng ta là những công dân bên trong gia đình, xã hội và Giáo Hội.”

Các ngài viết: “Tham nhũng là một hình thức bóc lột người nghèo khổ. Tiền bạc đổ vào túi của những tên tham nhũng có thể được dùng để giúp đỡ những người vô gia cư, để cung cấp thuốc men cho người bệnh tật hay cho các nhu cầu khác."

Các giám mục kêu gọi người Công Giáo “hãy cam kết không trả tiến hối lộ hay đề nghị hối lộ cho bất cứ một ai, dù cho có lý do quan trọng đến mức nào vào lúc đó."

Các giám mục nói: Mỗi khi có người đút lót để được đi tắt lên hàng đầu để xin nhà cửa hay một giấy phép, thì tất cả mọi người khác đều bị đẩy lui, “nhất là những người không tự bảo vệ mình được: người già yếu, trẻ em và người tị nạn.”

Tham nhũng “không chỉ là vấn nạn của chính phủ mà thôi, mà còn là vấn đề của chúng ta nữa,” các giám mục ghi nhận là họ chú tâm vào việc “lôi kéo sự chú ý của mọi người đến những thiệt hại gây ra cho xã hội và Giáo Hội vì nạn tham nhũng hoành hành, và khuyến khích tất cả mọi người hợp tác trong việc diệt trừ nạn tham nhũng."

Các giám mục nói: Tham nhũng “làm cho chúng ta nghĩ xấu về người khác, và nghi kỵ những người chúng ta coi là các vị lãnh đạo và là những người đáng kính.”

Linh mục Dòng Đa Minh Mike Deeb, giám đốc văn phòng công lý và hòa bình của Hội Đồng Giám Mục nói trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại ngày 21 tháng 10 tại Pretoria: Tất cả các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng tại Nam Phi Châu đều ‘nặng mùi’ tham nhũng.”

Cha Deeb nói: Tham nhũng “đã trở thành một thủ tục ‘đầu tiên’ bình thường đối với nhiều người. Cha ghi nhận là “chúng ta dường như đã có một nền văn hóa của thói quen ‘nếu bạn không thắng được chúng thì nên nhập bọn với chúng.'"

Đức Giám Mục Abel Gabuza ở Kimberley, Nam Phi Châu, Chủ Tịch Văn Phòng Công Lý và Hòa Bình nói: thiếu sự kiểm xoát ngân khoản dành cho việc xây cất hệ thống xa lộ mới có lệ phí (toll road) đã dẫn đưa đến việc tham nhũng và gian lận.

Ngài nói trong một thông cáo ngày 18 tháng 10: "Mặc dầu một vài tình trạng tham nhũng đã được những cuộc điều tra hạn chế của Uỷ Ban Cạnh Tranh của Quốc Gia tố cáo, vẫn còn phải làm rất nhiều để lột mặt nạ những người đang hưởng lợi qua công trình xây cất hệ thống xa lộ rất tốn tiền và hữu hiệu này.”

Luật về việc trả tiền lệ phí dùng xa lộ cho phép thu tiền bằng phương pháp điện tử và truy tố những ai không trả tiền.

Đức Giám Mục Gabuza nói: "Việc chúng tôi yêu cầu chính phủ điều tra nguồn gốc của sự “nặng mùi” này, đã không được lắng nghe, khiến cho nhiều người phải nghi ngờ rằng, sự thối nát đã xâm nhập vào các cơ quan công quyền.”

Ngài kêu gọi các vị lãnh tụ chính trị hãy từ bỏ “đường lối làm việc này và đang nắm quyền điều khiển các lộ trình trọng yếu của quốc gia, nối liền các trung tâm thương mại và kỹ nghệ -- để cho những ai có thể trả tiền có thể tiếp tục xử dụng các xa lộ này."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tập huấn Giới trẻ hạt Đông Tháp tại giáo xứ Nghi Lộc
Giáo Xứ Nghi Lộc
08:48 30/10/2013
Tập huấn Giới trẻ hạt Đông Tháp tại giáo xứ Nghi Lộc: "Thêm bàn tay để siết chặt vòng tay!"

Để tạo cơ hội thuận tiện cho các bạn trẻ trong toàn giáo hạt Đông Tháp có điều kiện cùng giao lưu, trao đổi và chia sẻ những vấn đề về lĩnh vực sinh hoạt giới trẻ Công Giáo. Bên cạnh đó là những câu chuyện trong đời sống giới trẻ, những hành trang, những kinh nghiệm để có thể bước vào đời, làm chứng nhân cho Chúa giữa cuộc sống hôm nay. Ban Mục vụ Giới trẻ giáo hạt Đông Tháp tổ chức chương trình tập huấn cho giới trẻ trong toàn giáo hạt tại giáo xứ Nghi Lộc.

Chương trình tập huấn và giao lưu diễn ra vào chiều Chúa Nhật 27.10.2013.

Ngay từ đầu giờ chiều, các bạn trẻ thuộc 15 giáo xứ trong giáo hạt đã lần lượt tập trung về thánh đường Nghi Lộc. Trước cổng ngôi thánh đường là băngrôn chào mừng “Giới trẻ giáo xứ Nghi Lộc hân hoan chào đón giới trẻ giáo hạt Đông Tháp”. Sau khi đến nơi, các bạn trẻ có khoảng một tiếng đồng hồ để làm quen, thăm hỏi và gặp gỡ cá nhân.

Lúc 14 giờ, thánh lễ khai mạc đã diễn ra tại thánh đường giáo xứ Nghi Lộc. Thánh lễ do Cha quản xứ JB. Đinh Công Đoàn cử hành. Ngài gửi lời chào và thăm hỏi đến các bạn trẻ đã về tham dự chương trình tập huấn, giao lưu. Đồng thời cầu chúc cho chương trình diễn ra tốt đẹp theo kế hoạch, ngõ hầu đem lại nhiều ơn ích cho người trẻ.

Sau khi thánh lễ kết thúc, các bạn trẻ đã cùng giao lưu và chơi các trò chơi sinh hoạt cộng đồng tại sân nhà thờ. Mỗi bạn trẻ, trong màu áo đồng phục của giáo xứ mình, đã thể hiện một tinh thần hăng say, đầy nhiệt huyết, mạnh dạn thể hiện bản thân và đem niềm vui đến với bạn bè xung quanh.

Lúc 16 giờ 30, chương trình tĩnh tâm cho anh chị em giới trẻ đã diễn ra tại trường giáo lý Thiên Khải Đường. Cha Antôn Nguyễn Quang Trung, quản xứ Vạn Phần, đồng thời là Trưởng ban Mục vụ Giới trẻ Giáo phận Vinh, đã giảng tĩnh tâm cho cộng đoàn tham dự. Tuy chỉ diễn ra trong hơn một giờ đồng hồ, nhưng cuộc tĩnh tâm đã giúp cho các bạn trẻ có cơ hội thuận lợi để cùng nhìn lại bản thân, rũ bỏ những ồn ào, xô bồ của cuộc sống để tìm lại những giá trị của Đức tin mà mỗi người được Thiên Chúa trao ban. Ngang qua những sinh hoạt, những việc làm hàng ngày, những hành động mà người trẻ dấn thân, các bạn được mời gọi làm chứng tá cho Thiên Chúa trong xã hội Việt Nam nhiều biến động, cạm bẫy.

Sau giờ cơm tối, các bạn trẻ cùng cộng đoàn giáo xứ Nghi Lộc tham dự giờ Chầu Thánh Thể trang nghiêm, sốt sắng. Sau giờ chầu là buổi thắp nến cầu nguyện cho sự thật, công lý, hòa bình do Ca đoàn Cecilia giáo xứ Nghi Lộc phục vụ.

Trong lời nguyện có đoạn: “Những biến cố lớn xảy đến trong lòng Giáo Hội, cách riêng tại giáo phận Vinh những năm gần đây làm chúng con không khỏi bàng hoàng. Vẫn còn đó nỗi đau Tam Tòa. Vẫn còn đó nỗi đau Con Cuông. Và gần đây nhất là việc nhà cầm quyền dùng bạo lực khủng bố, đàn áp anh chị em giáo dân tại Mỹ Yên. Có cảm tưởng rằng những gì đang ở trong tay mình cũng đều có thể bị tước đoạt, cũng

đều có thể bị giày xéo. Có cảm tưởng rằng ánh sáng, công lý, sự thật, những điều tốt đẹp và cả sự thiện chí, không phải đương nhiên hiển lộ và không phải lúc nào cũng đạt được đích điểm cuối cùng.

Nhưng ta tin trong mỗi phút giây cuộc sống luôn có Thiên Chúa hiện hữu. Có Thiên Chúa, chúng ta thêm vững vàng trong mỗi bước đi, trong mỗi hành động. Xin Chúa cho chúng con biết sẵn sàng sống theo lời Chúa dạy một cách vững vàng kiên trung. Xin cho chúng con biết nhiệt thành làm chứng cho tình yêu bằng cách can đảm bảo vệ hòa bình, sự thật.

Sau giờ Chầu Thánh Thể và buổi thắp nến cầu nguyện, các bạn trẻ đã tập trung về trước lễ đài Đức Mẹ, cùng tham gia chương trình đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ. Những màn cử điệu sôi động, những trò chơi sinh hoạt cộng đồng mang “đậm” phong cách tuổi trẻ Công Giáo đã tạo nên một bầu khí đầy hân hoan, gần gũi.

Lúc 22 giờ, chương trình lửa trại khép lại bằng phút cầu nguyện cuối ngày qua giai điệu của bài thánh ca du dương Chạm lòng con Chúa ơi. Sau một ngày đầy sự kiện, các bạn trẻ cùng ngồi lại bên nhau, dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện thầm kín, lắng đọng.

Cảm nhận chung của Ban Tổ chức, các bạn trẻ tham dự và bà con giáo dân đều nhận định rằng chương trình tập huấn, giao lưu của giới trẻ giáo hạt Đông Tháp tại giáo xứ Nghi Lộc vừa qua đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo được nhiều dấu ấn. Một điều đặc biệt dễ nhận thấy là mối dây gắn kết giữa các bạn trẻ trong giáo hạt đã được siết chặt thêm!
 
Anh em dân tộc thiểu số hạt Phương Lâm hành hương năm Đức Tin
Lm. Matthêu.
09:07 30/10/2013
ANH EM DÂN TỘC THIỂU SỐ HẠT PHƯƠNG LÂM

HÀNH HƯƠNG NĂM ĐỨC TIN 2013


Để hưởng ứng chương trình mục vụ NĂM ĐỨC TIN VÀ KẾ HOẠCH NGŨ NIÊN CỦA GP. XUÂN LỘC, sáng ngày 27.10.2013, gần 700 anh chị em dân tộc thiểu số đến từ các giáo xứ, giáo sóc thuộc giáo hạt Phương Lâm đã quy tụ về Nhà Thờ Phương Lâm (nhà thờ Cha Quản hạt) để tham dự Ngày hành hương Năm Đức Tin dành cho đồng bào mình.

Trong bầu khí hân hoan, anh chị em dân tộc ít người được dịp gặp gỡ nhau và nhất là được gặp gỡ Cha Quản Hạt, quý cha Đặc trách mảng “dân tộc” của giáo xứ, giáo sóc mình. Anh chị em được lắng nghe những chia sẻ rất gần gũi và thiết thực về chủ đề Sống Năm Đức Tin từ quý Cha.

Mở đầu chương trình ngày hành hương là lời chào thân ái gửi đến anh chị em dân tộc của Cha Quản hạt, chánh xứ Phương Lâm. Ngài nói: Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên giáo hạt Phương Lâm có ngày gặp mặt đầy đủ của các anh chị em dân tộc ít người thuộc các giáo xứ, giáo sóc trong giáo hạt. Ngài cầu chúc mọi người trong buôn, sóc luôn sống yêu thương nhau theo tinh thần Tin Mừng. Ngài cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của mình đến anh chị em dân tộc và Ngài tâm sự: “anh chị em luôn ở trong trái tim của giáo phận, cách riêng của quí Đức Cha và quí Cha…”.

Sau lời phát biểu khai mạc và ban huấn từ là phần chia sẻ đề tài: “Năm Đức Tin” của cha Giuse Lê Trần Đình Vũ, đặc trách giáo họ Tà Lài. Bằng kinh nghiệm đồng hành mục vụ cùng với anh chị em giáo dân đồng bào ít người trong Sóc Tà Lài những năm qua, Cha đã gửi đến anh chị em những bài chia sẻ về Năm Đức Tin bằng chương trình powerpoint rất sống động, gần gũi, dễ thực hành… trong cuộc sống vốn nhiều bấp bênh của các tín hữu đồng bào ít người.

Cao điểm của ngày hành hương là Thánh lễ đồng tế lúc 10 giờ do Cha Antôn Nguyễn Văn Thục, Quản hạt Phương Lâm chủ tế. Đồng tế với ngài còn có Cha Đaminh Nguyễn Minh Phương, chánh xứ Quang Lâm, đặc trách anh chị em dân tộc Sóc Bon Gõ, Cha Giuse Lê Trần Đình Vũ, Phó xứ Thạch Lâm, đặc trách Sóc Tà Lài, cha Antôn Bùi Văn Tới, phó xứ Phú Lâm, cha Matthêu Nguyễn Đại Tài, phó xứ Phương Lâm.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng lễ Chúa Nhật 30 Thường Niên, Cha Đaminh Nguyễn Minh Phương, chánh xứ Quang Lâm, đặc trách anh chị em dân tộc Sóc Bon Gõ, đã nhắc nhớ lại cho cộng đoàn phụng vụ Thư Mục Vụ Năm Đức Tin 2012-2013 của quý Đức Cha giáo phận, Năm Đức Tin Và Kế Hoạch Ngũ Niên Của Gp. Xuân Lộc: “Năm Đức Tin là lời mời gọi hãy hoán cải một cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới…” (PF, số 6).

Nhân ngày hành hương giáo hạt dành cho anh chị em dân tộc ít người, Cha Đaminh cũng mời gọi anh chị em dân tộc canh tân công cuộc Phúc Âm Hóa và thông truyền lại cho thế hệ con cháu của mình kho tàng Đức tin quý báu. Liên hệ với bài Tin Mừng Chúa Nhật 30 Thường Niên, ngài mời gọi anh chị em sống tâm tình của người thu thuế: khiêm nhường, hiền hành. Vì đó là thái độ Chúa yêu mến và chúc lành.

Cuối cùng, ngài chúc toàn thể anh chị em giáo dân đồng bào ít người tràn đầy ơn Chúa, có nhiều sức mạnh của Đức Tin để biết loan truyền Lời Chúa cho mọi người, nhất là trong giáo sóc, trong gia đình của mình, làm gương sáng đức tin cho vợ, cho con cháu mình….

Toàn bộ các bài Thánh ca trong Thánh lễ và bộ lễ được hát bằng tiếng dân tộc, do ca đoàn Sóc Tà Lài phụ trách. Ca trưởng do quý Dì Dòng Đaminh Tam Hiệp đảm nhận.

Thánh lễ kết thúc bằng phép lành toàn xá dành cho những người tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Cha Quản Hạt trong Năm Đức Tin. Tâm ca Truyền giáo vang lên như lời cầu khẩn mà quý anh chị em dân tộc dâng lên Thiên Chúa: “Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên tông đồ nhiệt thành mở nước Chúa Trời….”.

Nếu phần chia sẻ chủ đề năm Đức Tin và Thánh lễ đồng tế mang tính cách trang nghiêm, linh thánh, thì bữa cơm trưa đạm bạc lại vui tươi, sinh động bởi các tiết mục văn nghệ đặc sắc của bà con giáo dân các Sóc. Những tiết mục thánh vũ, thánh ca của các Sóc: La Hủ, Bon Gõ, Tà Lài được đầu tư công phu từ vũ điệu, trang phục, dụng cụ…. đã làm cho bầu không khí buổi liên hoan thêm sinh động phấn khởi.

Mọi người ra về trong niềm vui của ngày hội hành hương. Tất cả đều mong ước sẽ có lần gặp mặt thứ hai và những lần kế tiếp. Để họ – những anh chị em dân tộc thiểu số được tắm mình trong dòng sông Hiệp Thông – Yêu Thương của Giáo Hội.

Lm. Matthêu.
 
Buổi giao lưu các ca đoàn vùng Jylland, Đan Mạch
Hồn Nhỏ
09:33 30/10/2013
BUỔI GIAO LƯU CÁC CA ĐOÀN VÙNG JYLLAND, ĐAN MẠCH.

Chiều thứ bảy ngày 26 tháng 10 vừa qua, cha Giuse Nguyễn Minh Quang cùng với các anh chị em trong ca đoàn Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã tổ chức một buổi giao lưu cho 6 ca đoàn khác ở Hjørring, Aalborg, Århus, Horsens, Esbjerg và Åbenrå thuộc vùng Jylland, Đan Mạch.

Xem Hình

Tổng số ca của các ca đoàn tới tham dự khoảng 150 người. Mọi người đã có mặt đông đủ trước lúc 15g00 để cùng tham dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Viborg với phần thánh ca do ca đoàn chủ nhà Viborg đảm trách. Nhà thờ hôm nay hình như nhỏ hơn thường ngày khi được vinh dự tiếp đón nhiều vị khách quý cùng đến tham dự thánh lễ. Mọi người đã tham dự thánh lễ trong bầu không khí nghiêm trang và sốt sắng.

Thánh lễ kết thúc lúc 16g10, sau đó mọi người đã cùng nhau tới hội trường để khai mạc chương trình giao lưu. Đúng 17g00 cha Giuse Nguyễn Minh Quang đã chính thức khai mạc chương trình. Ngài đã ngõ lời chào mừng tới tất cả mọi người đã đáp lại lời mời và đã tới tham dự buổi giao lưu hôm nay. Ca đoàn Viborg muốn tổ chức buổi giao lưu văn nghệ hôm nay để anh chị em các ca đoàn có dịp gặp gỡ, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cho nhau. 2 thành viên trong ca đoàn Viborg đó là anh Hải và chị Liễu đã giúp điều khiển chương trình cho buổi giao lưu.

Các anh chị em các ca đoàn đã hát với tất cả con tim và khả năng của mình, và đã được sự đáp trả nồng nhiệt của mọi người bằng những tràng pháo tay thật lớn. Có tất cả 18 tiết mục mà phần lớn là hợp ca, được biểu diễn trong khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ. Các bài hát hầu hết là Thánh ca, chỉ có 1,2 bài nhạc sinh hoạt gọi là cho vui vẻ và thay đổi không khí. So với những lần giao lưu trước đây thì các ca đoàn đã có sự tiến bộ rất nhiều về nhiều phương diện từ trang phục, cách trình diễn cũng như khả năng chuyên môn. Tóm lại ai và ca đoàn nào cũng được. .. khen cả, mọi người tham dự đều thích thú và bày tỏ mong muốn sẽ còn nhiều dịp vui như thế này được tổ chức trong các lần sau. Một số người vì ở xa và có con nhỏ nên về trước, còn nhiều người vẫn còn ham vui nên ở lại sinh hoạt tới hơn 23g00 mới giải tán. Mọi người chia tay ra về trong bầu không khi vui tươi, quyến luyến và hẹn gặp lại nhau lần tới được tổ chức vào ngày 24 tháng 5 năm tới tại Århus.
 
Dòng Chúa Cứu Thế họp mặt nhân dịp đặc biệt
Anmai, CSsR
09:39 30/10/2013
DÒNG CHÚA CỨU THẾ HỌP MẶT NHÂN DỊP ĐẶC BIỆT

Năm nào cũng vậy, có những dịp mừng những kỷ niệm trong Tỉnh Dòng. Năm 2013, Tỉnh Dòng mừng khá nhiều biến cố quan trọng:

Xem Hình

- 50 năm hình thành Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam

- 80 năm thành lập Tu Viện DCCT Sài Gòn

- 60 năm dâng hiến Đền Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

- 50 năm khởi sự và xây dựng giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

- 50 năm khởi sự và xây dựng giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

- 50 năm thành lập Tu Viện DCCT Châu Ổ

- Mừng quý cha quý thầy có ngày lễ kỷ niệm đặc biệt trong năm.

Ngày 30 tháng 10 năm nay chính là ngày mừng những biến cố đặc biệt trong năm 2013 này.

Vài ngày trước Đại Lễ, quý cha quý thầy đang phục vụ ở những miền truyền giáo, những miền xa đã về với ngôi nhà Mẹ của Tỉnh Dòng để chuẩn bị mừng Lễ.

8 g 30 sáng hôm nay, tại hội trường thánh Anphongsô, hiện diện rất đông đủ quý cha quý thầy trong Tỉnh Dòng về nhà Mẹ thân thương.

12 g 15, tại nhà cơm, anh em cùng nhau chia sẻ bữa cơm thân mật nhân dịp họp mặt trọng đại này.

Trong bữa cơm thân mật, chương trình văn nghệ do quý thầy Học Viện cùng các em Dự Tu đảm nhiệm. Hết sức hào hứng, sôi động với sự góp mặt của Cha Giuse Tiến Lộc.

Kế đến là phần tặng quà cho Cha Bề Trên Tổng Quyền và quý cha trong ban Kinh Lược. Sau đó là phần tặng quà cho quý cha quý thầy có ngày lễ kỷ niệm đặc biệt trong năm: Cửu Tuần, Bát Tuần, Thất Tuần, Ngọc Khánh, Kim Khánh Khấn Dòng, Ngân Khánh linh mục. ...

16 g 30, tại phòng chung của Tu Viện, quý cha chuẩn bị phẩm phục cho Thánh Lễ tạ ơn chiều nay.

17 g 00, đoàn đồng tế cất bước từ sân Tu Viện. Chủ tế Thánh Lễ chiều nay là Cha Giám Tỉnh, cùng đồng tế với Cha Giám Tỉnh là rất đông quý cha từ mọi miền của đất nước về nhà Mẹ nhân ngày họp mặt. Đặc biệt, đồng tế trong Thánh Lễ chiều nay có sự hiện diện của Cha Tổng Quyền Michael Brehl, ban Kinh Lược và một số cha khách thân quen với Nhà Dòng, với quý cha quý thầy có ngày mừng đặc biệt trong năm.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Giám Tỉnh Vinhsơn Phạm Trung Thành có đôi lời chào mừng cộng đoàn đến tham dự Thánh Lễ. Cha Giám Tỉnh chào mừng quý cha, quý tu sĩ nam nữ, cộng đoàn dân Chúa và đặc biệt là thân nhân, ân nhân của quý cha quý thầy có dịp mừng Lễ đặc biệt trong năm nay. Đặc biệt nhất, Cha Giám Tỉnh giới thiệu sự hiện diện của Cha Bề Trên Tổng Quyền và Đoàn Kinh Lược đến từ Trung Ương Tỉnh.

Cha Giám Tỉnh nói lên ý Lễ của Thánh Lễ hôm nay là mừng ngày thành lập Dòng và phụng vụ Thánh Lễ là cung hiến Thánh Đường Latêranô.

Chia sẻ trong Thánh Lễ này là Cha Tổng Quyền. Chuyển dịch sang tiếng Việt bài giảng của Cha Tổng Quyền là Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng.

Cha Tổng Quyền có lời chào cộng đoàn và cám ơn người thông dịch. ..

Cha chia sẻ về ý định chọn ngày thành lập Dòng của Cha Thánh Anphongsô đó là ngày Lễ cung hiến Thánh Đường Latêranô. Với ý tưởng đó, bài Tin Mừng cộng đoàn nghe về việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ. Đền Thờ chính là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và Thiên Chúa gặp gỡ con người. .. Đền Thờ do con người xây nên thì bị phá hủy nhưng Đền Thờ Thiên Chúa nơi mỗi con người. .. Như bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nói mỗi người là thân mình của Chúa Giêsu. .. Nước sự sống như trong bài đọc thứ nhất được khởi đi từ Chúa Giêsu để nước đó lan tỏa đi khắp nơi để mang ơn cứu độ cho mọi người. .. Chúng tôi vui mừng vì được góp phần mình hiến thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo. .. Cảm ơn sự cộng tác của anh chị em đã cùng với chúng tôi hiến mình phục vụ cho ơn cứu độ. ..

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, Cha Giám Tỉnh có đôi lời cảm ơn Cha Bề Trên Tổng Quyền, Đoàn Kinh Lược và cộng đoàn. .. Lẵng hoa tươi dâng lên Cha Bề Trên Tổng Quyền tượng trưng cho tấm lòng của cộng đoàn.

Cha Bề Trên Tổng Quyền đáp từ bằng những lời cảm ơn rất dễ thương. Cha nói nếu như phải cảm ơn từng người thì lâu lắm, chỉ biết nói cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn và cảm ơn từng người một.

Sau phép lành cuối Lễ, những tấm hình kỷ niệm được lưu lại.

Nghỉ giải lao một chút sau Thánh Lễ, 19 g 20 chương trình văn nghệ với chủ đề "Đêm nhạc loan báo Tin Mừng theo cách mới: niềm hy vọng con tim và cấu trúc được đổi mới vì sứ vụ" được bắt đầu.

Cộng đoàn chào đón tốp ca cùng đoàn múa phụ họa "Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời. .." của linh mục Hoàng Đức.

Cha Giám Tỉnh Vinhsơn Phạm Trung Thành nói ý nghĩa và chủ đề đêm nhạc hôm nay, Cha mời cộng đoàn cùng dâng lời nguyện với kinh Lạy Cha.

Theo chủ đề của đêm nhạc, các tác phẩm của các linh mục nhạc sĩ Giuse Trần Sĩ Tín, Phêrô Nguyễn Đức Mầu, Phêrô Nguyễn Thành Tâm được quý thầy Học Viện cùng các ca viên của các ca đoàn trong giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đặc biệt là chính các tác giả là các cha Sĩ Tín, Hoàng Đức (Nguyễn Đức Mầu), Thành Tâm đã trình bày tác phẩm của mình. Giữa các tiết mục có phần phỏng vấn quý cha nhạc sĩ. Quý cha trả lời hoàn cảnh cho ra đời các tác phẩm của quý cha. ..

Cộng đoàn cùng lắng đọng kết hợp tâm tình dâng hiến mừng ngày đặc biệt của quý cha quý thầy với ca đoàn tổng hợp giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp qua bài "Tôi kết hiệp" của cố linh mục nhạc sĩ Phêrô Hoàng Diệp.

Cha Giám Đốc Dự Tu cùng quý thầy Dự Tu cùng trình bày tác phẩm mới của linh mục Giuse Hoàng Phúc.

Cha Giuse Tiến Lộc và Cha Quang Uy cùng gởi đến cộng đoàn một bài hát hết sức bình dị qua trò chơi âm nhạc. Cả cộng đoàn cùng hát theo với sự điều khiển linh hoạt và dễ thương thu hút cả khán phòng.

Đêm nhạc khép lại với phép lành của Cha Bề Trên Tổng Quyền.

Anmai, CSsR
 
Chầu Mình Thánh Chúa tại Giáo xứ Thượng Lâm
Tin Yêu
10:45 30/10/2013
HÀ NỘI - Chúa Nhật 27/10/2013 - Giáo xứ Thượng Lâm thuộc hạt Thanh Oai, TGP Hà Nội đã Chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo Phận.

Xem hình ảnh

Ngày chầu được khai mạc với thánh lễ lúc 6h30 sáng. Sau thánh lễ là giờ chầu của các hội đoàn trong xứ và của các giáo xứ trong miền.

Cao điểm của ngày chầu là thánh lễ đồng lúc 10h00. Thánh lễ do Phêrô Bùi Ngọc Tuấn (chính xứ Phủ lý – Quản Hạt Hà Nam) chủ tế. Cùng đồng tế với ngài có cha quản xứ Gioan Nguyễn Trọng Viên và 9 quý cha khác trong Tổng Giáo Phận.

Sau Thánh lễ, linh mục chủ sự đã đặt Mình Thánh để cộng đoàn tiếp tục tôn vinh Thánh Thể.

Sau giờ chầu tạ ơn lúc 16h00 là thánh lễ tạ ơn kết thúc ngày chầu. Tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã thương ban cho giáo xứ.
 
Hội Bạn Thái Hà cùng với Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Mỹ Yên
Tài Liệu - Sưu Khảo
Các thuyết nhân vị của Kant, của Scheler và của Đức Gioan Phaolô II (1)
Vũ Văn An
22:42 30/10/2013
Câu hỏi chủ yếu đối với những người yêu Thần Học Thân Xác (THTX) của Đức Gioan Phaolô II là: họ nên đọc nền thần học này trong ngữ cảnh nào.

Hầu như người ta có thể trả lời câu hỏi ấy một cách tiên thiên. THTX là giáo lý của Giám Mục Rôma dành cho cả Giáo Hội Hoàn Vũ. Giống mọi bản văn huấn quyền khác, ta nên đọc nó trong ngữ cảnh truyền thống của Giáo Hội qua các thời đại, và ngược lại, phải đọc lại toàn bộ truyền thống của Giáo Hội qua THTX.

Một số người hoài nghi điều trên. Thí dụ, một tác giả đã đọc THTX trong ngữ cảnh nhân vị, là trường phái ông cho đã thoát thai từ Kant và Scheler, một trường phái phá hoại các nền tảng Tôma của truyền thống thần học Công Giáo, đem lại nhiều hiệu quả tai hại về mục vụ (1).

Một tác giả khác ca ngợi sự hiện diện của thuyết nhân vị tiến bộ trong THTX, nhưng cho rằng nó là mảnh da cừu dùng để ngụy trang cho chó sói Tôma (2). Lại có tác giả nghĩ rằng giáo huấn truyền thống Công Giáo về hôn nhân đầy “sầu buồn, bệnh hoạn và đáng hoài nghi, một thêu dệt chân lý làm hại tới phúc lợi lứa đôi qua mọi thời đại”. Tác giả này cho rằng chỉ tới các thập niên đầu thế kỷ 20, cuộc cách mạng nhân vị mới diễn ra trong đó, Dietrich von Hildebrand và Herbert Doms (3), lần đầu tiên trong lịch sử truyền thống Công Giáo, nối kết việc giao hợp với tình yêu, và do đó, cho thấy tính hợp luân lý của việc thụ thai. Việc Đức Gioan Phaolô II ủng hộ Humanae Vitae cho thấy: ngài không ủng hộ thuyết nhân vị một cách trọn vẹn và chưa thoát khỏi giáo huấn tiêu cực của Thánh Augustinô và Thánh Tôma về hôn nhân (4).

Tình huống quả không rõ ràng. Một số người cho rằng Đức Gioan Phaolô II là một người theo thuyết nhân vị hơn là theo thuyết Tôma; lại có người bảo rằng ngài là người theo thuyết Tôma chứ không theo thuyết nhân vị.

Mục đích của bài này là xét xem Đức Giaon Phaolô thực sự ủng hộ thứ thuyết nhân vị nào, và sau cùng để chứng minh rằng người ta nên đọc THTX dưới ánh sáng truyền thống Công Giáo. Muốn thế, thiết tưởng ta nên so sánh thuyết nhân vị của ngài với các thuyết nhân vị của Kant và Scheler, là hai thuyết nhân vị chống chọi nhau (5). Thiển nghĩ ta sẽ hiểu thuyết nhân vị của Đức Gioan Phaolô II cách tốt nhất, không hẳn dưới ánh sáng của Kant và Scheler, mà là dưới ánh sáng của Vatican II và truyền thống Giáo Hội với "triết lý muôn thuở" bắt nguồn từ Platông và Aristốt.

1. Vatican II, Vui Mừng và Hy Vọng 24:3

Vui Mừng và Hy Vọng 24:3 đóng vai trò quan trọng nơi Đức Gioan Phaolô II (6). Khi định nghĩa thuyết nhân vị đích thật, ngài dựa vào bản văn này. Bài ca tình yêu trong Thư Thứ Nhất gừi Tín Hữu Côrintô vốn là Đại Hiến Chương của văn minh tình yêu. Trong quan niệm này, điều quan trọng là triệt để chấp nhận việc hiểu con người như một nhân vị biết “tìm ra mình” qua việc thành thực cho mình đi (VMHV 24:3). Dĩ nhiên, cho đi bao giờ cũng là cho người khác: đây là chiều kích quan trọng nhất của văn minh tình yêu. Nhờ thế, ta đạt tới chính tâm điểm của chân lý Tin Mừng về tự do. Không thể hiểu tự do như giấy phép được tuyệt đối làm bất cứ điều gì; nó có nghĩa cho mình đi. Còn hơn thế nữa, nó đòi ta một kỷ luật cho đi từ bên trong. Ý tưởng cho đi không những bao hàm sáng kiến tự do của chủ thể, mà còn cả khía cạnh nghĩa vụ nữa. Tất cả những điều này trở thành thực tại trong “hiệp thông nhân vị”. Tiếp diễn dòng suy tư này, ta sẽ gặp phản đề giữa chủ nghĩa cá nhân và cử nghĩa nhân vị. Tình yêu, văn minh tình yêu, được cột chặt với thuyết nhân vị. Sao lại với thuyết nhân vị? Và tại sao chủ nghĩa cá nhân lại đe dọa văn minh tình yêu? Ta thấy chìa khóa cho câu trả lời nằm ở kiểu nói của Công Đồng “thành thực cho đi” (VMHV 24:3) (7).

THTX trích dẫn VMHV 24:3 nhiều lần và ở những chỗ quan yếu. Thí dụ, VMHV 24:3 giải thích tại sao thân xác con người lại có ý nghĩa phu thê. “Người ta chỉ có thể hiểu ý nghĩa ‘phu thê’ (spousal) này trong ngữ cảnh nhân vị. Thân xác có ý nghĩa phu thê vì nhân vị, như Công Đồng từng dạy, là tạo vật được Thiên Chúa muốn vì chính nó và đồng thời là tạo vật chỉ thực sự tìm thấy mình qua việc cho mình đi (VMHV 24:3)” (THTX 15:5) (8).

Dựa vào những bản văn này và nhiều bản văn tương tự, ta có thể định nghĩa thuyết nhân vị của Đức Gioan Phaolô II là thuyết nhân vị của việc thành thực cho mình đi theo cái hiểu của VMHV 24:3, nghĩa là một thuyết nhân vị bén rễ trong sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa và trong việc Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta. Đó là một thuyết nhân vị được lên khuôn bởi điều THTX gọi là “khoa giải thích việc cho đi” (hermeneutics of the gift) (THTX 13:2) nghĩa là một giải thích thực tại toàn bộ theo chiều cho đi. Dĩ nhiên, khoa giải thích việc cho đi này cũng là khoa giải thích tính tiếp nhận và tình hiệp thông. Cho đi và tiếp nhận có liên hệ hỗ tương còn hiệp thông là thành quả của chúng (9).

Ta hãy xem sét VMHV 24:3 một cách chi tiết hơn. Thực vậy, Chúa Giêsu, khi cầu nguyện cùng Chúa Cha ‘cho chúng nên một như chúng ta là một’ (Ga 17:21-22), đã cho thấy một sự tương tự giữa việc hợp nhất của Ba Ngôi và việc hợp nhất của con cái Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu. Sự tương tự này cho thấy con người, vốn là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa muốn vì chính họ, chỉ có thể tìm thấy mình qua việc thành thực cho mình đi (xem Lc 17:33).

Đức Gioan Phaolô II thường chú trọng 2 điểm sau đây trong bản văn này: (1) Con người là tạo vật duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa muốn vì chính họ. (2) Con người chỉ thực sự tìm ra mình một cách trọn vẹn qua việc thành thực cho mình đi. Theo Đức Gioan Phaolô II, hai câu này chứa đựng ‘trọn bộ chân lý’, ‘trọn bộ chân lý về con người’ (xem THTX, Mục Lục các từ ‘trọn bộ’ (integral) và ‘chân lý’). Đó chính là hai định luật nền tảng của cuộc sống con người như những nhân vị.

Để nhìn trọn tính toàn bộ của nó, ta phải xét điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc của nó đồng thời không quên điểm nằm ở giữa. Hai định luật của cuộc sống con người trong VMHV 24:3 liên hệ với nhau như khởi điểm và kết thúc cũng như điểm ở giữa chúng nữa.

a) Khởi điểm: Qui luật nhân vị

‘Thiên Chúa muốn con người vì chính họ’ nằm ngay ở khởi đầu cuộc sống một con người. Nó nối kết với bản nhiên hữu lý, nhờ đó, con người là con người trước hết. Bản chất hợp lý giúp các hữu thể có nó khả năng biết và yêu sự thiện. Do đó, chỉ với họ, Thiên Chúa mới thực sự muốn sự thiện cho chính họ. Wojtyla gọi định luật đầu tiên của cuộc sống con người này là ‘qui luật nhân vị’ (personalistic norm) (10). Aristốt bàn tới qui luật này khi thảo luận về tình bạn.

Ta không dùng hạn từ ‘tình bạn’ cho việc yêu những vật không có sự sống; vì đó không phải là tình yêu hỗ tương, cũng không phải là muốn sự thiện cho người khác… chỉ với một người bạn, ta mới nói ta muốn sự thiện cho họ vì họ mà thôi (11).

Theo Thánh Tôma, chính với tình yêu bằng hữu ấy, Thiên Chúa đã lo liệu cho các tạo vật để từ bản chất, chúng có khả năng hiểu biết và có ý chí. ‘Thiên Chúa quan phòng lo liệu cho các tạo vật có lý trí vì chính chúng, còn đối với các tạo vật khác, Người lo liệu cho chúng vì các tạo vật có lý trí này’. Bởi thế, trong vũ trụ, chỉ bản chất có lý trí mới được tìm kiếm vì chính nó, còn các sự vật khác được tìm kiếm vì bản chất có lý trí này (12).

Dĩ nhiên, dù qui luật nhân vị nằm ngay tại khởi điểm của sự sống con người, nhưng nó đồng hành với sự sống ấy dọc dài qua suốt quãng giữa cho tới điểm cuối cùng. Thành thử điều mãi mãi vẫn đúng là con người phải được yêu thương vì chính họ. Thậm chí cũng đúng khi họ tự yêu họ cách đó, như Platông và Aristốt từng chủ trương.

Để thấy rõ sức mạnh của qui luật nhân vị trong việc tạo ra ‘viễn kiến toàn bộ’ về con người, ta phải nhìn mối tương quan của nó với giới răn yêu thương. Xét theo khía cạnh tiêu cực, qui luật này cho rằng con người là loại sự thiện không chấp nhận bị sử dụng và không thể bị đối xử như là vật bị sử dụng, nghĩa là như một phương tiện đạt một mục đích. Xét theo khía cạnh tích cực, qui luật nhân vị xác nhận điều này: con người là một sự thiện mà đối với nó thái độ duy nhất thích đáng và thoả đáng là yêu thương (13).

Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, giới răn “Con phải yêu người lân cận như chính con” (Lv 19:18; Mt 19:19) đã tóm tắt trọn lề luật. “Vì đây là lề luật và các tiên tri” (Mt 7:12). Đời sống luân lý như một toàn bộ trở nên khả niệm là nhờ giới răn này. “Hãy yêu thương rồi làm bất cứ điều gì bạn muốn! Dilige et quod vis fac” (14). Qui luật nhân vị quả là hoàng đạo để bước vào “viễn kiến toàn diện về con người”.

b) Điểm cuối: Luật cho đi

Câu thứ hai ‘chỉ tìm thấy mình trọn vẹn qua việc thành thực cho mình đi’ không liên quan tới khởi điểm, mà tới tận điểm đời sống con người. ‘Thấy mình trọn vẹn’ chỉ việc hoàn thành hay hoàn thiện. Hoàn thiện cần phải đạt được và chỉ đạt được ở tận điểm.

Luận điểm của VMHV 24:3 cho định luật thứ hai này của đời sống con người là một luận điểm hoàn toàn thần học. Trong lời cầu cùng Chúa Cha ‘để chúng nên một như Chúng Ta là một’, Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy một tương tự giữa sự hợp nhất của Ba Ngôi và sự hợp nhất của những con người nhân bản. Sự tương tự giữa việc hiệp thông Ba Ngôi và nhân bản các ngôi vị này chứng minh chân lý của định luật cho đi. Công Đồng nhấn mạnh rõ ràng sự mới mẻ của mạc khải do Chúa Giêsu đem tới. Người vạch mở các viễn ảnh vốn bị khóa kín đối với con người. Người vạch mở cuộc sống nội thẳm của trái tim Thiên Chúa, một điều chưa ai từng được nghe. Rất có thể định luật ‘cho đi và tiếp nhận’ cũng được phản ảnh cả trong trật tự tự nhiên, nhưng VMHV 24:3 không lưu ý tới điều đó. Nó đặt ta trực tiếp vào ngay cung thánh sâu thẳm nhất của thần học Ba Ngôi. “Tình yêu, một cho đi bất tạo, là thành phần mầu nhiệm nội thẳm của Thiên Chúa và là chính hạt nhân của thần học” (15).

VMHV 24:3 vắn tắt nhắc tới đặc tính của cung thánh sâu thẳm này qua câu ‘như Chúng Ta là một’ và ‘sự hợp nhất của các Ngôi Vị Thiên Chúa’. Lối trình bày trước đó của bản văn còn minh nhiên hơn nữa: “Thực thế, học lý Công Giáo, khi vạch mở các viễn ảnh vốn khóa kín đối với con người, đã dạy rằng Thiên Chúa, dù là một, nhưng đã tồn hữu (subsists) trong ba ngôi vị, mỗi ngôi sống vì ngôi khác một cách đến nỗi đã được xác định bằng chính mối tương quan này. Người ta có thể diễn dịch rằng các ngôi vị nhân bản, vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa duy nhất nhưng ba ngôi và được cải tạo theo hình ảnh này, tự chứng tỏ đã mô phỏng theo Người. Như thế, dù con người là tạo vật duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa muốn vì chính họ, nhưng chính họ đã ra khỏi mình để hướng về người khác một cách đến nỗi chỉ tìm thấy mình qua việc cho mình đi” (16).

Bản văn cuối cùng của VMHV 24:3 có tính Thánh Kinh nhiều hơn, ít khai triển theo thần học hơn, nhưng chủ điểm thì vẫn là một (17). Theo VMHV 24:3, Ba Ngôi đã được Chúa Kitô làm môi giới một cách đúng đắn. Công Đồng diễn tả điều này bằng cách tham chiếu thêm Lc 17:33: “ai muốn cứu mạng sống mình sẽ mất nó, nhưng ai mất mạng sống vì Thầy sẽ cứu được nó”. Đây là một trong rất ít câu nói của Chúa Giêsu được cả bốn Tin Mừng thuật lại. Cách lên công thức cho câu nói trong Tin Mừng Mátthêu gần nhất với lối lên công thức được VMHV 24:3 chọn: “Ai tìm sự sống mình sẽ mất nó ai mất sự sống mình vì Thầy sẽ tìm được nó” (Mt 10:39).

Trong các Tin Mừng Mátthêu, Máccô và Luca 9, ngay trước câu nói này, Chúa Giêsu nói về việc làm một đệ, từ bỏ mình, vác thánh giá mình và theo Người. Định luật mất và tìm thấy, mà Người phát biểu thành luật tổng quát của đời người, chính là lời giải thích việc làm môn đệ này nhất là việc vác thánh giá. Ta cần ghi nhớ hậu cảnh có tính Ba Ngôi và Kitô học sâu sắc này khi đọc điều mà Đức Gioan Phaolô gọi là “cho mình đi” trong THTX.

Cùng với Jean Danielou, Wojtyla có trách nhiệm đưa ra dự thảo đầu tiên cho VMHV ở thời điểm chủ yếu nhất của lịch sử soạn thảo (18). Ngài rất có thể chịu trách nhiệm đối với đoạn liên quan tới hai định luật của đời sống con người này trong hình thức đầu tiên của đoạn trích dẫn trên đây. Dù sao, ta cũng thấy hai định luật của VMHV 24:3 từng được nối kết với nhau cả vài năm trước khi có Công Đồng, trong cuốn Tình Yêu và Trách Nhiệm của Wojtyla rồi. Cuốn này xuất hiện đầu tiên dưới hình thức giảng khóa trong các năm 1957-1959 và được xuất bản năm 1960.

VMHV được công bố 5 năm sau đó. Một đoạn hết sức rõ ràng vì nói về hai định luật chuyên biệt điều hành cuộc hiện sinh và việc phát triển của con người, là qui luật nhân vị và luật cho mình đi: “Một con người có thể cho mình đi, có thể hoàn toàn hiến mình cho người khác, bất kể là cho một con người nhân bản hay cho Thiên Chúa, và một cho đi như thế tạo nên một hình thức chuyên biệt của tình yêu mà ta vốn định nghĩa là tình yêu phu thê. Sự kiện này chứng minh rằng con người tự mình có một động năng tính và có các định luật chuyên biệt điều hành cuộc hiện sinh và tiến hóa của họ. Chúa Kitô nói tới điều này trong một câu nói mà bề mặt xem ra nghịch lý một cách sâu xa: ‘ai muốn cứu mạng sống mình sẽ mất nó, còn ai chịu mất mạng sống mình vì Thầy sẽ lại tìm được nó’ (Mt 10:39)”.

Ngay sau đoạn trên, Wojtyla giải thích nguyên tắc thứ nhất của VMHV 24:3, tức qui luật nhân vị như sau: “Thực vậy, vấn đề tình yêu phu thê quả có chứa một nghịch lý sâu xa, rất thực, chứ không phải chỉ nghịch lý trong ngôn từ: lời lẽ của Tin Mừng cho thấy một thực tại cụ thể, và chân lý chứa trong chúng được tỏ hiện rõ trong đời sống con người. Do đó, tự bản chất, không con người nào bị chuyển giao hay nhường cho một người khác. Trong trật tự tự nhiên, họ được sắp đặt để tự hoàn thiện, để đạt tới một viên mãn mỗi ngày một lớn hơn của cuộc hiện sinh, một hiện sinh, dĩ nhiên, là của một cái ‘tôi’ cụ thể”.

Ta vừa cho rằng việc tự hoàn thiện hóa này tiến hành song song với tình yêu. Cách thế Wojtyla giải thích qui luật nhân vị trong đoạn văn này rất gần gũi với lối hiểu “eros” (dục tính) trong Platông và sự thèm khát hạnh phúc trong Aristốt. Wojtyla sau đó nói tới nguyên tắc thứ hai, định luật cho đi.

Hình thức yêu thương trọn vẹn nhất, không khoan nhượng nhất gồm việc tự cho mình đi, biến cái ‘tôi’không thể bị lấy đi và không thể chuyển nhượng được của mình thành sở hữu của một ai khác.

Điều này nghịch lý tới hai lần: trước nhất ở việc có thể ra khỏi cái ‘tôi’ của mình cách này, và thứ hai, ở việc cái ‘tôi’này thay vì bị tiêu diệt hay xâm hại thực sự đã được mở rộng và phong phú hóa, dĩ nhiên, theo nghĩa siêu thể lý, nghĩa luân lý. Tin Mừng nhấn mạnh điều này rất rõ và không mơ hồ qua các kiểu nói “sẽ mất”, “sẽ tìm được”…

Trong câu văn cuối cùng của đoạn này, Wojtyla liên hệ hai định luật này với nhau: “Bạn sẽ thấy rõ ràng rằng ở đây ta không chỉ có qui luật nhân vị mà còn cả lời khuyên mạnh bạo và minh nhiên giúp ta có thể khuếch đại và chi tiết hóa qui luật ấy. Thế giới con người có những định luật riêng để nó hiện sinh và phát triển” (19).

Một cách rõ ràng đầy đủ, bản văn trên đã nói lên hai định luật của cuộc hiện sinh nhân bản tìm thấy trong VMHV 24:3. Bản văn này diễn tả hai định luật đó như một cặp nguyên tắc toàn bộ soi sáng cho cuộc nhân sinh như một toàn bộ. Wojtyla thậm chí còn dựa vào cùng một câu nói của Chúa Giêsu như VMHV 24:3 từng dựa vào.

Wojtyla chứng minh rằng qui luật nhân vị và luật cho đi không đứng bên nhau mà lại không nối kết với nhau. Luật cho đi “khuếch đại và chi tiết hóa” nhờ qui luật nhân vị. Hai định luật này liên quan tới cùng một thực tại, tức, cuộc sống con người, trước nhất ở khởi điểm của nó và tiềm tàng trong bản chất con người, sau đó ở lúc nó thể hiện được trọn vẹn trong liên hệ với tình yêu thần hóa của các chi thể Chúa Kitô, những người cùng chia sẻ sự sống Chúa Kitô và sự sống Chúa Ba Ngôi. Trong viễn tượng này, người ta thấy rõ tại sao Đức Gioan Phaolô II nhìn ra “toàn bộ chân lý về con người” được diễn tả trong VMHV 24:3. Khởi điểm và tận điểm, trật tự tự nhiên và hoàn thành siêu nhiên, tất cả đều được hai định luật này bao hàm.

Còn tiếp
__________________________________________________________________________________________________________________
Ghi Chú

1 .Toàn bộ luận điểm của Humanae Vitae nằm ở câu này: “Giáo huấn đó, thường do huấn quyền đưa ra, được xây dựng trên sự nối kết không thể phân chia giữa hai ý nghĩa của hành vi phu thê: ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản, vì sự nối kết này do Thiên Chúa thiết lập và không một sáng kiến riêng nào của con người có thể hủy tiêu”. Ta phải nhìn nhận rằng công thức mới này hoàn toàn trái ngược với sự biện minh mà nền thần học Công Giáo truyền thống vốn đưa ra. Việc thay thế ngôn từ truyền thống “cùng đích” hay “mục đích” bằng ý niệm mới mẻ “ý nghĩa” đã cho thấy một tái cấu trúc triệt để… Làm thế nào huấn quyền tiến tới chỗ vất bỏ lối giải thích theo luật tự nhiên về một định chế nền tảng như hôn nhân để thay thế nó bằng một triết lý mới mẻ chưa được thử nghiệm? Câu trả lời chỉ có một chữ “thuyết nhân vị”. Sau khi công bố, Đức HY Wojtyla (sau đó là Đức Gioan Phaolô II) đã làm chứng rộng dài hơn nữa về bản chất hoàn toàn nhân vị của Humanae Vitae. Rõ ràng Humanae Vitae đã hành động như một dàn phóng để thuyết nhân vị phóng ra triết lý mới của nó về hôn nhân, thay thế giáo huấn truyền thống. Từ lúc đó, nó cũng đã thay thế mọi cột chống thường tình của Giáo Hội như lịch sử, truyền thống, thẩm quyền và phẩm trật bằng triết lý tương quan liên bản ngã mà khi áp dụng đã đưa lại nhiều hiệu quả khốc hại. J. Galvin, Humanae Vitae, Heroic, Deficient - or Both, The Latin Mass 11 (2002), p. 14.15.

2. Nếu nền THTX của Đức Gioan Phaolô II đôi khi lưỡng nghĩa là vì trước nhất nó rất cách mạng và độc đáo. Ngài sử dụng ngôn từ của thuyết nhân vị và phương pháp diễn tả của hiện tượng luận để phân tích tính dục. Ngài ít nói tới bản chất và thường nói tới con người, tới phẩm giá và trách nhiệm bản thân, và như thế xem ra đã đứt đoạn với hậu cảnh được giáo dục trong trường phái Tân Thomist của ngài, một trường phái hay nhấn mạnh tới những luật tự nhiên không thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn, ta sẽ thấy Đức Gioan Phaolô II là một người trình bày rất khéo léo và rất cương nghị nền đạo dức học dựa vào luật tự nhiên của trường phái này. Mặc dù sử dụng các ngôn từ như “con người” và “tình yêu” một cách thả dàn, cái hiểu các từ ngữ này của ngài không hẳn là cái hiểu của các độc giả. Giống luận điểm của của ngài, các định nghĩa của ngài luôn nhắc tới tự nhiên. R. Modras, Pope John Paul II’s Theology of the Body, trong Ch.E. Curran, R. A. McCormick (ed.), John Paul II and Moral Theology, New York 1998, p. 150.151.

3 Trên thực tế, Hildebrand là người mạnh mẽ ủng hộ Humanae Vitae; xin xem D. von Hildebrand, The Encyclical Humanae Vitae: A Sign of Contradiction, trong J. Smith (ed.), Why Humanae Vitae was Right: A Reader (Ignatius Press: San Francisco 1993) 47-83. Các ý niệm của Hildebrand về hôn nhân đã gây tác động lớn đối với thần học Công Giáo chủ yếu nhờ Doms, người được huấn luyện trọn vẹn trong truyền thống Kinh Viện, nên cùng nói được một ngôn ngữ như các đồng nghiệp của mình trong giới khoa bảng thần học. Dù nhìn nhận sự lệ thuộc của mình vào Hildebrand (nhất là luận đề của ông này cho rằng “ý nghĩa” đệ nhất đẳng của hôn nhân là sự kết hợp của tình yêu; còn mục đích đệ nhất đẳng là sinh sản), Doms coi mình như người mạnh dạn bước quá bên kia phương pháp của hiện tượng luận. “Dù chúng tôi thừa nhận một cách biết ơn sự thúc đẩy mà các tác giả có khuynh hướng hiện tượng luận (như Hildebrand) đã đem lại cho cuộc thảo luận về hôn nhân trong một ít năm qua, ấy thế nhưng, bằng một tương phản có ý thức, chúng tôi có ý định thực hiện cho bằng được một cái hiểu dứt khoát đặt căn bản trên viễn kiến siêu hình theo nghĩa kinh viện truyền thống”. H. Doms, Vom Sinn und Zweck der Ehe: Eine systematische Studie, Breslau 1935, p. 13.

Suy tư và trước tác từ viễn kiến siêu hình Kinh Viện, Doms đã trả lời câu hỏi “Yếu tính của hành vi phu thê là gì?” bằng cách bác bỏ điều này: từ yếu tính, nó là hành vi của sức mạnh sinh sản nơi con người nhân bản. Ông cho rằng trong ý nghĩa đệ nhất đẳng hay trong yếu tính, nó là hành vi kết hợp, mà việc sinh sản có thể được gắn vào đó như hiệu quả và mục đích là thứ không xác định ra việc hành vi này “là gì”. Trên căn bản này, Doms cũng cho rằng ý nghĩa đệ nhất đẳng và chân thực của hôn nhân, hay yếu tính của nó, hệ ở việc kết hợp yêu thương giữa người chồng và người vợ, trong khi sinh sản là hiệu quả và mục đích đầu tiên của hôn nhân. Các luận giải này của Doms đã bị Huấn Quyền kết án năm 1944 (xem Denzinger-Schönmetzer, Enchiridion Symbolorum, 3838) và cuốn sách của ông bị cấm không được lưu hành.

Doms vẫn tiếp tục duy trì quan điểm của mình và đã trở thành nhà thần học chói sáng về tính dục và hôn nhân thời Vatican II và giai đoạn liền ngay sau đó. Ông cung cấp nền tảng ý niệm cho các nhà thần học sử dụng khởi điểm nhân vị để biện bác cho việc ủng hộ ngừa thai. Zob H. Doms, Gatteneinheit und Nachkommenschaft, Mainz 1965 và Zweigeschlechtlichkeit und Ehe, trong J. Feiner, M. Löhrer (ed.), Mysterium salutis: Grundriss heilsgeschichtlicher Dogmatik, Einsiedeln 1965.

Ông cho biết trọng tâm quan điểm của ông như sau: “do đó tôi đi đến kết luận rằng ‘expressio amoris’ tức việc biểu lộ yêu thương hay như kiểu nói tôi ưa thích: sự biểu lộ hai nên một của vợ chồng trong hành vi chuyên biệt của hôn nhân, chứ không phải ngược lại, ‘generatio prolis’ tức việc sinh sản con cái là ‘finis operis’, hay cùng đích của hành vi phu thê tự nhiên”. H. Doms, Gatteneinheit und Nachkommenschaft, p. 25. Các ý niệm của Thánh Tôma về việc sinh sản của động vật từng bị dứt khoát bác bỏ bởi nhiều quan sát thận trọng trong hậu bán thế kỷ 20. Điều chắc chắn là các tế bào chín mùi để sinh sản tự chúng có năng lực cần để hoặc là phát triển đơn tính (parthenogenetic) hoặc là để thụ tinh (fecundation); còn việc giao hợp (copulation), về phương diện sinh học, chỉ để tạo cơ hội bên ngoài cho các tế bào sinh dục đực và cái gặp nhau, thường là trong thân thể cái. Nơi động vật, không hề có “hành vi sinh sản”, không hề có “actus generativus vel generationis” nơi con cái và con đực đã trưởng thành về tính dục, mà chỉ có hành vi cặp đôi và giao hợp mà thôi… Đã dẫn, p. 97.98.

4. Ý niệm cho rằng nhân loại đặc biệt bị day dứt bởi bộ phận sinh dục nam (theo nghĩa suốt đời, dù trong hay ngoài hôn nhân), rằng đây là một cuộc chiến chống lại những cương cứng vô trật tự dẫn đến tội mê dâm dục, vốn cố hữu trong suy nghĩ của huấn quyền. Đức Gioan Phaolô II có thể đồng cảm với Thánh Augustinô, không hẳn vì kinh nghiệm dâm dật, nhưng vì các vấn đề do bản chất thích giao hợp (nuptial nature) của thân thể trưởng thành của người nam gây ra, khi một thanh niên lành mạnh sống cuộc sống độc thân. Điều này trở nên rõ ràng hơn với cuốn Love and Responsibility của Karol Wotjtyla, ở chương tựa là Siêu Hình Học của Mắc Cỡ. Niềm xác tín của ngài, một niềm xác tín cho rằng giữ được đức trong sạch vợ chồng (tiết dục trong hôn nhân) là cách thắng vượt tội nguyên tổ, vốn xâm hại tới tính dục con người, cũng đã được nói lên trong khá nhiều trước tác khác của ngài viết về các vấn đề tính dục. Theo cách nhìn này, việc kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên (NFP) có thể khuyến cáo được vì nó đòi hỏi loại trong sạch vợ chồng này, trong khi ngừa thai chỉ gia trọng thêm tội nguyên tổ. “Thiếu các kinh nghiệm bí tích, không hề vô ngộ, giáo huấn cổ truyền buồn bã, bệnh hoạn và đáng nghi, một nhại bản chân lý phá hoại phúc lợi các cặp vợ chồng xuyên suốt bao thế hệ đã qua. Thay vì coi giao hợp tính dục như thành phần thánh thiêng nội tại ngay trong việc kết hợp của vợ chồng, nó bị coi là mầm hủ hóa chuyên chở tội nguyên tổ, chỉ được sử dụng cho việc sinh sản con cái. Nay ta biết được rằng sự tuôn tràn của tình yêu phong phú đó nhằm cung cấp phúc lợi cảm xúc cho chính các đứa con của họ, mà nếu không có nó, chúng sẽ lớn lên với một khuyết tật xúc cảm trầm trọng”. Lần đầu tiên, Giáo Hội nối kết giao hợp tính dục với tình yêu là lúc nào? Câu trả lời làm nhiều người ngạc nhiên là thập niên 1920. Nhờ Dietrich Von Hildebrand, tác giả cuốn Marriage, the Mystery of Faithful Love. Ông diễn thuyết ở Ulm, Đức, đưa ra sự phân biệt giữa tình yêu như ý nghĩa của hôn nhân và sinh sản như mục đích của nó. Ông định nghĩa hôn nhân như một “cộng đồng tình yêu”, một cộng đồng tìm thấy “mục đích của mình trong sinh sản”. Năm 1935, Herbert Doms viết cuốn Vom Sinn und Zweck der Ehe, trong tiếng Anh dịch là The Meaning of Marriage (Ý Nghĩa Hôn Nhân). Doms gợi ý rằng năng lực của giao hợp hệ ở khả năng tạo ra sự cho mình đi toàn diện. Vì tinh trùng và trứng không gặp nhau trong mọi hành động giao hợp, nên mục đích thứ nhất của hôn nhân là việc kết hợp của vợ chồng với hai động lực không ai nói ra là việc thành toàn (fulfillment) bản thân như những con người và việc thụ thai một đứa con. Phương thức của Doms không phải chỉ là khai triển học lý truyền thống, nhưng có thể coi như một thay đổi trong cái hiểu của Giáo Hội về hôn nhân. Không lạ gì khi công trình của Doms bị Bộ Văn Phòng Thánh cấm không được lưu hành ở đầu thập niên 1940. E. Price, Seeing Sin Where None Is (Catholics for a Changing Church, 2000), http://www.womenpriests.org/body/price.asp (16-12-2008).

5. Đức Gioan Phaolô II thường nói tới thuyết nhân vị bằng những từ ngữ tích cực, nhưng có những đoạn văn trong đó, ngài nhắc tới các loại thuyết nhân vị sai lạc hay khiến người ta ra sai lạc. Hai ngày sau khi đọc bài giáo lý cuối cùng về THTX, ngài có một bài diễn văn trong đó, ngài cảnh báo về sự nguy hiểm của “các thuyết nhân vị giả dối trong phụng vụ”. Diễn văn cho Trung Hành Động Phụng Vụ, 30 Tháng 11, năm 1984, Insegnamenti 7/2 (1984), p. 1340.1343.

Trong một bài nói chuyện với các tu sĩ mấy tháng sau, ngài nói tới “Các thuyết nhân vị vị kỷ”. Diễn văn cho các tu sĩ, Quito (Ecuador), 30 tháng 1, 1985, Insegnamenti 8/1 (1985), p. 273.277, §4.

Điều đáng lưu ý là Đức Gioan Phaolô II sử dụng thuyết nhân vị ở số nhiều. “Thuyết nhân vị”của Kant chẳng hạn, là loại thuyết nhân vị đặc thù, tức “thuyết nhân vị duy hình thức” (formalistic personalism). Xin xem K. Wojtyla, The Acting Person (Boston and London 1979), p 22, ghi chú 8 ở p. 302 và
Love and Responsibility (San Francisco 1960 [1993]), p. 133.

6. P. Ide, Une théologie du don: Les occurrences de Gaudium et spes, n. 24, §3 chez Jean-Paul II, Anthropotes 17 (2001), p. 149.178, 313.344.

7. Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam sane, 14; xem Diễn Văn cho Toà Tối Cao Rôma, 27 tháng 1, 1997, §4.

8. Muốn biết nhiều thí dụ khác về việc sử dụng VMHV 24:3 trong THTX, xin xem Mục Lục ở chữ Gaudium.

9. Giáo Hội Học Hiệp Thông: đây là ý niệm trung tâm mà Giáo Hội tái đề xuất tại Vatican II, như Thượng Hội Đồng năm 1985 nhân kỷ niệm 20 năm Công Đồng này đã nhắc nhở ta: “Giáo Hội Học Hiệp Thông là ý niệm trung tâm và nền tảng trong các văn kiện của Công Đồng”. Đức Gioan Phaolô II, Christifideles Laici, 19. Khi giải thích chìa khóa này, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh trước nhất tới gốc rễ của mọi hiệp thông nơi Chúa Ba Ngôi, theo VMHV 24:3. Nếu ta muốn theo dõi sợi chỉ xuyên suốt trong tư tưởng Công Đồng, mọi điều Công Đồng nói về phẩm trật, hàng ngũ giáo dân và các dòng tu trong Giáo Hội phải được đọc lại dưới ánh sáng thực tại hiệp thông như là cộng đồng Dân Chúa. “Vì các thành viên của Dân Chúa đều được mời gọi chia sẻ các thiện ích của mình, và lời lẽ của Thánh Tông Đồ cũng áp dụng cho mỗi Giáo Hội, tùy theo hồng ân mà mỗi Giáo Hội đã nhận được, hãy ban cho nhau như những người quản lý tốt các ơn đa dạng của Thiên Chúa” (1Pr 5:10). Như thế, ta có communio ecclesiarum [hiệp thông các Giáo Hội] và communio munerum [hiệp thông các ơn phúc, các trách vụ hay các chức vụ] và qua các hiệp thông này là communio personarum [hiệp thông mọi người]. Đây là hình ảnh về Giáo Hội được Công Đồng trình bày. Kiểu kết hợp và hợp nhất riêng cho cộng đồng Giáo Hội hiểu như Dân Chúa sẽ xác định ra bản chất của cộng đồng này. Do chính các tiền đề căn bản nhất của nó cũng như bản chất cộng đoàn của nó, Giáo Hội như Dân Chúa được sắp xếp để hướng về một sự tương tự cần phải có giữa “sự kết hợp của con cái Thiên Chúa trong sự thật và trong tình yêu” (VMHV 24:3) và sự hợp nhất theo yếu tính của các ngôi vị Thiên Chúa, in communione Sanctissimae Trinitatis. K. Wojtyla, Sources of Renewal: The Implementation of the Second Vatican Council (San Francisco 1980), p. 420. Xem John Paul II, Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body, Boston 2000, Dẫn Nhập của M. Waldstein, p. 87-94.

10. K. Wojtyla, Love and Responsibility, San Francisco 1960 [1993]), p. 27.28, 40.44.

11. Aristotle, Nicomachean Ethics, 8.2, 1155b.30.31.

12. St. Thomas, Contra gentiles, 3.112.2.3.

13. K. Wojtyla, Love and Responsibility, p. 41.

14. St. Augustine, In Iohannis epistulam tractatus, 7.8.

15. K. Wojtyla, Sign of Contradiction, New York 1979, s. 55.

16. Xem F.G. Hellín, Concilii Vaticani II synopsis, in ordinem redigens schemata cum relationibus necnon Patrum orationes atque animadversiones: Gaudium et spes, Rome 2003, p. 171.

17. Muốn biết các luận bác của một số Nghị Phụ đối với bản văn trước, thậm chí chống lại cả bản văn cuối cùng, xin xem F. Bechina, Die Kirche als «Familie Gottes»: Die Stellung dieses theologischen Konzeptes in Zweiten Vatikanischen Konzil und in den Bischofssynoden von 1974 bis 1994 im Hinblick auf eine «Familia-Dei-Ekklesiologie», Rome1998, p. 221 ghi chú 129. Một tường trình bổ túc các luận bác này được trình bày trong P. d.Ornellas, Liberté, que dis-tu de toi-même: Une lecture des travaux du Concile Vatican II, 25 janvier 1959 - 8 Décembre 1965, Paris 1999, p. 538.542.

18. Xin xem P. d.Ornellas, Liberté, nhất là pp. 22, 447.454, 481.483.

19. K. Wojtyla, Love and Responsibility, p. 97.
 
Đối thoại năm Đức Tin : Về sự tiền định của Thiên Chúa và về tội lỗi của con người
Lm. Đan Vinh
08:45 30/10/2013
ĐỐI THOẠI NĂM ĐỨC TIN: VỀ SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA Thiên Chúa VÀ VỀ TỘI LỖI CỦA CON NGƯỜI

VẤN ĐÊ 20 A:

Tin có Thiên Chúa sẽ làm cho con người trở nên ỷ nại, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại vì tin mọi sự xảy ra đều do Chúa định, mà không cố gắng vượt qua số phận để đạt tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn.

GIẢI ĐÁP :

1.Ý nghĩa của hai chữ “Chúa định” là gi ? :

Người Công Giáo thường nói: “Mọi sự đều do Chúa định”. Vậy phải chăng con người không có tự do quyết định vận mệnh của mình ? Phải chăng con người sẽ trở thành nô lệ cho một vị Thiên Chúa độc đoán, và họ chỉ còn biết ỷ nại vào sự định đoạt của Thiên Chúa, mà không có thể vượt qua số phận bất hạnh gặp phải, hầu đạt tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn ?

1) Thế nào là “Chúa định”: Chúa định hhông đồng nghĩa với tất định như có người lầm tưởng, mà chỉ có nghĩa là biết trước, thấy trước những gì xảy ra.

Nếu thực sự Thiên Chúa định đoạt tất cả mọi việc lớn nhỏ trong vũ trụ thiên nhiên, định đoạt só phận của nhân loại và cá nhân mỗi người… mà dù muốn dù không chúng ta buộc phải chấp nhận, thì khi ấy con người không khác chi một cái máy vô hồn, hoặc như thú vật hoạt động hoàn tòan theo bản năng hay như một trẻ thơ ấu trĩ chỉ biết hoàn toàn cậy nhờ vào sự bao bọc của cha mẹ… đúng như có người đã chỉ trích nói trên.

Nhưng trong thực tế, ai trong chúng ta cũng đều ý thức về sự tự do của mình: tự do làm hay không làm một việc nào đó, tự do quyết định làm một việc tốt hay làm điều xấu. Ai cũng cảm thấy mình có khả năng làm chủ vận mệnh cuộc đời của mình chứ không phó mặc hoàn toàn cho số phận may rủi. Vậy hai chữ “Chúa định” chỉ có nghĩa là sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và hằng quan tâm săn sóc để chúng tồn tại và tiến hóa theo các định luật thiên nhiên như Ngài đã an bài. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra không gian và thời gian trong vũ trụ, nên Ngài không ở trong không gian và thời gian, cũng không bị lệ thuộc vào không gian thời gian ấy. Nơi Thiên Chúa không có quá khứ hay tương lai, nhưng luôn là hiện tại. Thiên Chúa nhìn thấu suốt mọi sự đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sắp xảy ra trong tương lai trong một cái nhìn “hic et nunc” (ở đây và bây giờ). Ngài nhìn thấu suốt vận mệnh của nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người chúng ta trong một cái nhin. Ngài hằng quan tâm săn sóc, ban ơn giúp đỡ như một người cha yêu thương con cái để ban ơn cứu độ cho họ như thánh Phao-lô đã viết trong thư Ti-mô-thê: Trước hết tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin khấn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp, mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Tuy nhiên, dù muốn cứu độ hết mọi người nhưng Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do quyết định làm hay không làm, làm điều tốt hay điều xấu, nên họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Cho nên thánh Au-gút-ti-nô đã nói: “Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần sự cộng tác của chúng ta; nhưng Ngài không thể cứu chuộc chúng ta, nếu chúng ta không cộng tác với Ngài”.

2)Thiên Chúa quan phòng tiền định theo sách Tin mừng:

Trong Tin mừng, Đức Giê-su nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc Chúa Cha hằng quan tâm săn sóc tất cả mọi tạo vật nhất là loài người là dưỡng tử của Ngài:

a)Thiên Chúa yêu thương săn sóc mọi loài:

-“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin !” (Mt 6, 26 - 30).

-“Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” (Mt 10,29).

-Đức Giê-su đáp: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

b)Thiên Chúa đặc biệt săn sóc loài người:

-“Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,30-31).

-“Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).

Như vậy, người tín hữu tin “Chúa định” cũng là tin “Chúa biết trước”: Ngài hằng săn sóc mọi loài mọi vật do ngài đã dựng nên, đặc biệt là loài người chúng ta. Một khi tin chắc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu sẽ thêm lòng tin cậy mến, thể hiện qua thái độ năng tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài ban ơn để được cứu độ.

Tuy nhiên, có người lại đặt vấn đề: Phải chăng tin có Thiên Chúa tiền định, quan phòng biết trước như thế sẽ làm cho con người trở thành ỷ nại, không muốn làm việc để làm chủ thiên nhiên, vượt qua vận mệnh của mình để đạt tới một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ?

2.Đức tin không tiêu diệt sự làm việc và ý chí tự do của con người:

Tin vào sự quan phòng, biết trước của Thiên Chúa không những không làm cho con người ỷ nại vào sự sắp xếp của Thiên Chúa, nhưng trái lại, còn thúc đẩy con người cố gắng làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên và làm chủ vận mệnh của mình như sau:

a)Dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh:

-Con người được tạo dựng khác hẳn mọi loài khác: Mở sách Sáng thế, ta đọc thấy: Thiên Chúa đã ưu đãi con người, chỉ tạo nên con người sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi sự: Dựng nên vũ trụ để làm chỗ cho con người trú ẩn; Dựng nên các sinh vật như thảo mộc hoa màu để làm thức ăn nuôi sống và dựng nên muôn thú vật để làm bạn với con người; Vũ trụ và muôn vật phải tuân theo định luật hay bản năng thiên nhiên (Stk chương 1 và 2), đang khi con người được phú cho linh hồn thiêng liêng với hai tài năng là trí khôn suy nghĩ và ý chí tự do vượt trổi mọi loài vật khác: “Chúa phán: Ngươi được ăn mọi thứ cây trong vườn, nhưng cây biết lành biết dữ thì đừng ăn, vì ngày nào ngươi ăn vào thì ngươi sẽ phải chết” (Stk 2,7; 2,16). Con người có trí khôn hiểu biết sự lành sự dữ, đồng thời còn có ý chí tự do quyết định: làm hay không làm, chọn làm lành để được phúc và chọn làm ác sẽ phải chết.

-Các khả năng khác: Ngoài trí khôn và ý muốn nói trên, con người còn được Thiên Chúa ban cho có tay chân với khả năng làm việc hữu hiệu dưới sự điều động của trí khôn hơn mọi loài. Ngài cũng trao cho con người quyền làm bá chủ vũ trụ vạn vật như sách Sáng Thế ghi lại: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất’. Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy” (St 1,28-30).

Qua đó, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và đặc biệt ưu đãi đối với con người. Ngài ban cho họ có tay chân và hai tài năng siêu việt là lý trí suy luận và ý chí tự do là nhằm khuyến khích họ hãy làm việc, chứ không khoanh tay ngồi chờ, ỷ nại vào Thiên Chúa, giống như loài thú vật hoạt động theo bản năng, hoặc như vũ trụ vô tri vô giác, hoàn toàn tuân theo các định luật thiên nhiên cách máy móc.

b)Dựa vào sự hợp lý:

Một tín hữu tin có Thiên Chúa, tin rằng sau cuộc sống trần gian hôm nay vẫn còn một cuộc sống khác tồn tại vĩnh hằng… thì chắc chắn ngay từ cuộc sống hiện tại đã phải cố gắng làm việc, phải ăn ở lương thiện hơn những người bất tín, không chấp nhận có Đấng Tạo Hóa sẽ phán xét công minh, cũng không tin có sự thưởng phạt thiên đàng hỏa ngục đời sau… Vì người tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ có động lực thúc đẩy hăng hái làm việc, có lòng mến yêu và sự ao ước được về với Thiên Chúa sau khi chết, đang khi người vô tín sống không có lý tưởng, hoặc nếu có thì chỉ nhắm những mục đích mang tính vụ lợi ích kỷ… họ chỉ biết làm ra nhiều tiền, rồi lại dùng tiền ấy để thỏa mãn những đam mê lạc thú tầm thường mà thôi.

TÓM LẠI: Tin có Thiên Chúa không những không làm cho con người lười biếng, ỷ nại vào một quyền lực siêu phàm bên ngoài, mà trái lại, chính niềm tin ấy lại là động lực thúc đẩy người tín hữu làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên, và cố gắng sống lương thiện ăn ngay ở lành để hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng đời sau. Trái lại, những người không tin có Thiên Chúa sẽ chỉ biết hưởng thụ, chỉ đi tìm lợi lộc vật chất cho mình dù phải sử dụng phiương thế bất nhân thất đức. Họ sẽ trở thành những kẻ nguy hiểm cho xã hội, vì không tin có sự thưởng phạt đời sau. Na-pô-lê-ông Đại Đế cũng nói tương tự: “Một dân tộc không có niềm tin tôn giáo sẽ phải được cai trị bằng sung đạn, nhà tù và bạo lực !”

PHÚT HỒI TÂM:

-LỜI CHÚA:

Đức Giê-su nói: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin !” (Mt 6,26-30).

-LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Cha đã dựng nên muôn vật muôn loài để chuẩn bị trước khi dựng nên loài người chúng con. Cha lại còn an bài để mọi tạo vật có thể tồn tại trong trật tự và ngày một tiến hóa theo thánh ý Cha. Đặc biệt Cha đã thương yêu săn sóc loài người là dưỡng tử của Cha và trao quyền làm chủ mọi loài. Rồi khi nguyên tổ phạm tội phải chịu án chết, Cha lại hứa ban Đấng Cứu Thế là Giê-su Ki-tô. Xin giúp chúng con tin vào Con Cha là Đức Giê-su và noi gương Người sống tình con thảo với Cha và tình huynh đệ với nhau, đồng thời quyết tâm theo con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Người, hầu sau này được về thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Người. A-MEN.

LM ĐAN VINH - HHTM

VẤN ĐỀ 20 B:

Không có tội lỗi theo nghĩa tôn giáo. Chỉ có những lỗi lầm đối với xã hội như lười biếng, hèn nhát, ích kỷ… mà thôi.

GIẢI ĐÁP :

1.Thế nào là tội lỗi theo nghĩa tôn giáo ?

Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Tội là khi cố tình lỗi giới răn của Thiên Chúa, hay lỗi các điều răn Hội Thánh dạy biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa.

Lỗi giới răn Thiên Chúa là tội thực sự vì:

-Là một hành động phản nghịch: một người cố ý không tuân giữ luật lệ của quốc gia có tội với quốc gia thế nào, thì một người cố tình lỗi giới răn Thiên Chúa cũng có tội với Ngài như vậy, vì chống lại thánh ý của Ngài.

-Là một hành vi bất hiếu: cũng như con cái không vâng lời cha mẹ dạy dỗ… là một đứa con bất hiếu thế nào, thì một người cố tình không tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa cũng là đứa con bất hiếu với Ngài như vậy.

2.Những hành vi nào là có tội?

Đức Giê-su đã thâu tóm tất cả mọi giới răn của Thiên Chúa trong hai điều này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điểu răn ấy” (Mt 22,37-40).

Do đó, tất cả những hành vi nào cố tình lỗi hai giới răn mến Chúa yêu người nói trên đều có tội: Những lỗi lầm đối với xã hội như: lười biếng, hèn nhát, ích kỷ, gian dối bất công… là những tội lỗi giới răn “yêu người thân cận như chính mình”, nên đều có tội và đáng bị trừng phạt. Tuy nhiên, cả những tội bất hiếu với Thiên Chúa, cố tình nhắm mắt bịt tai để khỏi nhận biết những kỳ công của Ngài mà tin thờ Ngài cũng là tội bất hiếu nặng nề nữa. Đến ngày tận thế, khi mọi người được sống lại và chịu phán xét chung, những người cố tình không tin sẽ không tránh khỏi hình phạt cân xứng với tội cứng lòng của họ như lời Đức Giê-su nói với các người Pha-ri-sêu trong Đền thờ rằng: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này vì “Giờ” đã đến. “Giờ” mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó. Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống. Ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28–29).

Đức Giê-su cũng cảnh báo về các hình phạt những kẻ cứng lòng tin sẽ phải chịu như sau: “Tôi đã nói với các ông là: các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24). Chết ở đây là cái chết do bị mất ơn cứu độ và phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục, chung số phận với ma quỷ như Đức Giê-su sẽ phán với những kẻ ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

PHÚT HỒI TÂM:

LỜI CHÚA:

Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,5-6).

LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói rằng: "Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn". Xin mở lượng hải hà xoá bỏ các tội của con. Xin tạo cho con quả tim trong sạch và gìn giữ con đừng cố tình phạm tội, để tâm hồn con luôn thanh sạch, hầu xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa và luôn được ở trong tình thương của Ngài. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. A-MEN.

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Giải đáp phụng vụ: Dùng cái gì để rảy Nước thánh?
Nguyễn Trọng Đa
08:56 30/10/2013
Giải đáp phụng vụ: Dùng cái gì để rảy Nước thánh?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi tự hỏi là dụng cụ nào được dùng để làm phép và rảy nước thánh. Tôi đã thấy người ta sử dụng nhành lá làm cây rảy nước thánh. Liệu có hướng dẫn chính thức nào về việc này không? Tôi đã đọc trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nhưng không thấy nói gì. - J. H. , Coventry, Anh.


Đáp: Hình như không có qui định chính xác về việc chế tạo và sử dụng cây rảy nước thánh.

Đức Ông (nay là Giám mục) Peter Elliott, trong sách nghi thức của mình, đã đưa ra lời khuyên tốt sau đây, nhưng không cung cấp qui chiếu chính thức nào:

"Cây rảy nước thánh có hình dáng một bàn chải hoặc một quả cầu tròn đục rỗng, có thể chứa trong đó một miếng bọt biển. Nhưng cây rảy nước thánh có kích thước bỏ túi, vốn được sử dụng một cách thuận tiện trong các tình huống mục vụ, xem ra là không thích hợp cho các buổi lễ trong nhà thờ".

Một số sách hướng dẫn cũ, dành cho hình thức ngoại thường, cũng nói rằng ngoài nhành lá hoặc quả cầu tròn đục rỗng, "một nhành lá hương thảo (hyssop) hoặc nhánh cây nhỏ khác cũng có thể được sử dụng”.

Các nguồn trích dẫn khác hạn chế sự chọn lựa cuối này, cho các cuộc lễ quan trọng, chẳng hạn việc cung hiến một nhà thờ mới hoặc làm phép nghĩa trang. Việc sử dụng trên đã được đặc biệt nói đến trong các nghi thức cung hiến, nhưng không nhất thiết phải hạn chế việc sử dụng nó trong các dịp khác.

Hình thức lâu đời nhất của việc rảy Nước thánh là rõ ràng sử dụng nhành lá hương thảo hoặc nhành cây nhỏ khác - một sự sử dụng như thế cũng được tìm thấy trong Kinh Thánh.

Hình dạng bàn chải, nay ít được sử dụng, thường được dùng trong thời Trung Cổ, và được chứng minh bằng nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn trên một bức phù điêu thuộc thế kỷ XII trong nhà thờ chính tòa Modena ở Ý. Hình thức hiện đại với quả cầu tròn đục rỗng xuất hiện sớm nhất là từ thế kỷ XV.

Các Đức Giáo Hoàng gần đây đều sử dụng cả nhành lá và quả cầu tròn đục rỗng trong việc rảy Nước thánh. (Zenit.org 29-10-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Các thuyết nhân vị của Kant, của Scheler và của Đức Gioan Phaolô II (2)
Vũ Văn An
22:43 30/10/2013
2. Thuyết nhân vị của Kant xây dựng trên định luật thứ nhất

Khi bàn về kết hợp tính dục và hôn nhân, Kant cũng sử dụng một cặp nguyên tắc tương tự, dù theo cách ngược hẳn với VMHV 24:3 và lối giải thích cho đi của Đức Gioan Phaolô II.

Việc một giới tính sử dụng dục quan của giới tính kia là một vui hưởng mà vì nó người này hiến thân cho người khác. Trong hành vi này, một hữu thể nhân bản tự biến mình thành một sự vật, một việc trái ngược với quyền của bản nhiên con người đối với con người của chính mình. Điều này chỉ có thể xẩy ra với điều kiện duy nhất này: khi một con người bị người khác chiếm hữu như cách ngang với một sự vật, thì người ấy cũng chiếm hữu người này tương tự (như trong khế ước hôn nhân), vì nhờ cách này, người ta lấy lại được mình và lập lại được tư cách người của mình. Vả lại, việc chiếm hữu một phần thân thể của hữu thể nhân bản đồng thời cũng là chiếm hữu toàn bộ con người của họ, vì con người vốn là một đơn nhất tuyết đối (20).

Đối với Kant, giao hợp tính dục là một tự hiến trái ngược với phẩm giá nhân vị. Trong mọi liên hệ tính dục, bất kể trong hay ngoài hôn nhân, cả hai con người đều tự biến thành đồ vật qua việc cho đi dục quan của mình, và do đó, chính con người của mình, trái với quyền mà mọi người đều có đối với mình. Con người phải được đối xử như những cùng đích, chứ không phải phương tiện.

Dù con người chẳng thánh thiêng gì, nhưng nhân tính trong con người của họ phải thánh thiêng đối với họ. Trong khắp cả sáng thế, mọi vật người ta muốn và có thế lực trên đó đều có thể được dùng làm phương tiện. Chỉ có con người và với họ, mọi tạo vật có lý trí, là cùng đích ngay trong nó. Vì, do tính độc lập của tự do, họ là chủ thể của luật luân lý, một luật thánh thiêng (21).

Phương thuốc duy nhất chữa cho việc mất độc lập trong tính dục là hôn nhân. Nhờ hôn nhân, tôi mãi mãi chiếm hữu người phối ngẫu của tôi như một sự vật. Do đó, tôi bù trừ việc để mất mình vì nàng như một sự vật khi nàng “vui hưởng” tôi trong giao hợp tính dục. Nhờ khế ước vĩnh viễn, tôi sở hữu người định kỳ sở hữu tôi. Bằng cách này, tôi lấy lại tôi và tính độc lập của tôi. Giống một người muốn đánh bạc, nhưng lại sợ mất tiền. Thành thử anh ta mua luôn cả nhà chứa cờ bạc.

Qui luật nhân vị, theo cách hiểu của Kant, tương đương với lệnh truyền tuyệt đối (categorical imperative), “Hành động cách nào đó để bất cứ lúc nào phương châm của ý chí bạn đồng thời cũng có giá trị như một nguyên tắc của luật phổ quát” (22). Kant cho rằng nhờ hành động phù hợp với lệnh truyền tuyệt đối, ta nắm được chính phẩm giá ta như một con người độc lập, biết tự chuyển động một cách triệt để bao nhiêu có thể, nghĩa là như một nhà làm luật phổ quát cho hết mọi người. Trong tính tự lập này, ta phải thấy được nhân tính luân lý trong ta như là vật duy nhất có giá trị tuyệt đối, cùng đích duy nhất tối hậu của toàn bộ vũ trụ. Hệ luận tức khắc là ta phải khẳng nhận phẩm giá của người khác nữa. Ta chỉ có thể nhất quán với ta trong việc khẳng nhận phẩm giá của riêng mình như là nhà làm luật phổ quát, nếu ta ban cấp cho người khác cùng một phẩm giá như vậy (23).

Trong áp dụng, qui luật nhân vị của Kant giống như luật vàng trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Hãy làm cho người khác điều anh em muốn họ làm cho anh em” (Lc 6:31). “Trong mọi sự, anh em hãy làm cho người khác như anh em muốn họ làm cho anh em; vì đó là lề luật và các tiên tri” (Mt 7:12).

Ấy thế nhưng, sự tương tự này song hành với mối tương khắc sâu xa giữa Kant và Tin Mừng. Sự tương khắc này trở thành rõ ràng khi ta xem sét luận điểm bênh vực qui luật nhân vị của Wojtyla. “Con người không thể chỉ là phương tiện để người khác đạt mục đích. Điều này bị chính bản chất nhân vị, tức điều làm nên con người, loại bỏ. Vì con người là chủ thể suy nghĩ, có khả năng đưa ra quyết định: Đó là những thuộc tính ta thấy rõ trong bản ngã nội thẳm của con người. Như thế, mọi con người, tự bản chất, vốn có khả năng xác định được các mục tiêu của mình. Bất cứ ai đối xử với một con người như là phương thế đạt mục đích đều vi phạm chính yếu tính của người khác, chính điều tạo nên quyền tự nhiên của họ (24).

Điều đáng lưu ý trong luận điểm bênh vực qui luật nhân vị này là việc chú trọng tới khả năng của con người, nhờ bản chất hữu lý của họ, có thể hiểu được sự thiện, hiểu được các mục đích hay các cùng đích và theo đuổi chúng. Nơi Kant, chủ điểm không phải là con người có thể hiểu và theo đuổi sự thiện, nhưng con người là cùng đích tối hậu của toàn thể vũ trụ (25).

Immanuel Kant đưa ra lệnh truyền sau đây: hãy luôn hành động cách nào đó để người khác là cùng đích chứ không phải chỉ là dụng cụ cho bạn hành động. Dưới ánh sáng luận điểm trước đó, nguyên tắc này nên được diễn tả lại dưới hình thức khác với hình thức của Kant, như sau: bất cứ khi nào con người là đối tượng cho hành động của bạn, thì hãy nhớ rằng bạn không được đối xử với họ chỉ như một phương tiện để đạt mục đích, một dụng cụ, nhưng phải lưu ý tới sự kiện này họ cũng có hay ít nhất nên có những cùng đích bản thân riêng biệt (26).

Cái hiểu của Wojtyla về qui luật nhân vị quả “khá khác” với cái hiểu của Kant. Là cùng đích có khác với có cùng đích, là thiện ích cao nhất có khác với là người hưởng thiện ích cao nhất, là Thiên Chúa có khác với có Thiên Chúa làm cùng đích đời mình. Aristốt từng nhận xét rằng nếu “và chỉ nếu thôi” con người là hữu thể cao cả nhất, thì kiến thức thực dụng phải là hình thức tối cao của kiến thức. Hình như ông đang nói về Kant (27).

Tóm lại, chìa khóa hiểu thuyết nhân vị của Kant là tuyệt đối hóa phẩm giá tự lập của con người, coi nó như cùng đích cao cả nhất. Con người phải được đối xử như cùng đích sau cùng, chứ không phải phương tiện. Cái hiểu của Đức Gioan Phaolô II về qui luật nhân vị xung khắc với Kant chính ở điểm đó. Nó gần với cái hiểu của Aristốt và Thánh Tôma về tình yêu bằng hữu, theo đó, con người có các cùng đích và cách đối xử đúng đắn đối với họ là yêu thương họ và muốn điều tốt cho họ, vì chính họ.

3. Thuyết nhân vị của Scheler xây trên định luật thứ hai.

Nếu chủ điểm thuyết nhân vị của Kant tương tự như định luật thứ nhất trong hai định luật điều hòa cuộc sống con người như đã thấy trong VMHV 24:3, thì chủ điểm thuyết nhân vị của Scheler tương tự như định luật thứ hai, tức định luật cho đi. Khó thấy hai tư tưởng gia nào khác nhau hơn Kant và Scheler. Đã đành, cả hai đều thuộc dòng dõi triết lý hữu thức trải dài từ Descartes qua Kant tới Hegel, nhưng không phải là phụ thuộc khi Kant xuất thân từ Miền Bắc Thệ Phản, thì Scheler xuất thân từ Miền Nam Công Giáo thuộc Đức, một gốc gác không hề bị xóa nhòa dù về cuối đời, ông đã từ bỏ đức tin Công Giáo “cách ngoạn mục” (28). Hans Urs von Balthasar, khi bàn về thuyết nhân vị của Scheler, đã chứng tỏ rằng theo triết gia này, hình thức yêu thương cao cả nhất và hoàn hảo nhất là tình yêu tự hiến của Thiên Chúa như đã được mạc khải nơi Chúa Giêsu (29). Theo Scheler, ta có thể thấy sự đảo ngược triệt để trong chuyển động yêu thương căn bản khi so sánh cái hiểu của Platông và Aristốt với cái hiểu của Kitô Giáo về tình yêu (30). Nơi Platông và Aristốt, tình yêu (eros) có một chuyển động đi lên, mong được thành toàn (fulfillment), một thành toàn ở chính ngay cùng đích bằng sự thiện vô hạn, vốn là mục tiêu hay đối tượng của mọi cố gắng nhân bản. Theo Scheler, nơi Kitô Giáo, mọi chú ý đều tập trung vào tình yêu đi xuống của Thiên Chúa (agape) trong đó, viên mãn là trước nhất và tự hiến là một dư tràn thiết yếu (necessary overflow). Balthasar tóm tắt như sau:

Chỉ trong sự tự hiến đầy hào phóng trong tự do này, tính tự vinh (self-glory) và tính tối thượng của tình yêu “không bị bất cứ điều gì trói buộc cũng như không mang nợ bất cứ điều gì” đã được mạc khải.

Một khi “sự đảo ngược trong chuyển động của tình yêu” này đã được Chúa Kitô khai mở, nó liền trở thành đường đích thực dẫn tới giá trị tối cao: Chỉ khi nào “thực thi hành vi ‘cúi mình’ để mình tuột xuống, để ‘mình mất đi’ này, con người mới đạt được giá trị tối cao là ‘trở nên giống Thiên Chúa’”. Điều còn đáng ngạc nhiên đối với Scheler hơn nữa là “biểu thức tri thức và triết học của cuộc cách mạng độc đáo về tinh thần con người này đã thất bại một cách gần như không thể nào hiểu nổi. Định nghĩa của Platông coi tình yêu như một vươn lên đã được chuyển giao cho triết học kinh viện, trái với các ý hướng thâm sâu nhất của Kitô Giáo, đến nỗi sẽ không bao giờ có, hay cùng lắm chỉ có thể có một khởi đầu rất yếu ớt, một cái hiểu triết học về thế giới và sự sống nguyên khởi và bộc phát phát sinh từ kinh nghiệm Kitô Giáo” (31).

Tham vọng của Scheler, ít nhất trong thời ông còn theo Công Giáo, là đem lại một cái hiểu y hệt như thế, không bị ràng buộc bởi các thêm thắt của triết lý Hy Lạp và triết lý Kinh Viện. Ông cho rằng nền đạo đức học của ông “tiền giả định việc Kant tiêu diệt các hình thức đạo đức này (Hy Lạp và Kinh Viện)” (32). Qui luạt nhân vị như Wojtyla giải thích (“ta phải đối xử với con người như chủ thể có một cùng đích”) bao hàm chính cái hiểu tình yêu của người Hy Lạp.

Một trong các quan tâm dẫn đầu trong thuyết nhân vị của Scheler về tình yêu tự hiến là trả lời các luận điểm bác bỏ Kitô Giáo của Nietzsche, theo đó, tình yêu của Kitô Giáo phát sinh từ việc người yếu ghét người mạnh. Nietzsche lý luận rằng việc thiếu sinh khí (vitality) đã làm cho các Kitô hữu không có khả năng vui hưởng cuộc đời và do đó, vì thù ghét, họ đã chuyển hóa yếu đuối và thảm hại thành nhân đức (33). Scheler phản công rằng tình yêu Kitô Giáo không hề có những thù ghét như thế vì nó là chuyển động của một cho đi tự do phát sinh từ viên mãn; nó là một đi xuống không vị kỷ từ cao tới thấp.

Người trưởng giả, tức người “muốn trở nên một điều gì” và là người âm thầm để mình bị các ông chủ và vua chúa cân đo ngay cả khi nổi loạn chống lại họ, người này có thể biết được gì về việc tự hạ mình một cách tự nguyện, về cái thúc ép dịu ngọt muốn đổ hết mình ra của những người vốn là một điều gì rồi (tức bậc quân tử, chính nhân, the noble), những người coi mình đứng trên cao chỉ vì họ đương nhiên đang đứng trên cao? Khiêm nhường, đây chính là chuyển động tự hạ mình, một chuyển động từ cao xuống thấp, một chuyển động phát xuất từ trên cao, một chuyển động của Thiên Chúa tự để mình tuột xuống hàng nhân loại, một chuyển động của đấng thánh xuống hàng tội lỗi, cái chuyển động tự do, dám làm, không sợ sệt của một tinh thần mà sự viên mãn, một viên mãn chiếm hữu được một cách tự nhiên, khiến chủ thể, đến hiểu ý niệm hào phóng cho mình đi và tự phung phí chính mình cũng không hiểu nổi (34).

Công trình của Scheler cực kỳ phong phú và đa dạng. Thuyết nhân vị của ông có thể khai mở theo nhiều hướng, như Balthasar đã chứng tỏ trong khảo cứu bậc thầy của ông. Thí dụ, Scheler có cái hiểu sâu sắc về liên đới, từng gợi hứng cho tư duy và hành động xã hội của Đức Gioan Phaolô II (Solidarnosz). Ông có một cái hiểu sâu sắc về kinh nghiệm sống có ý thức của nhân vị, một cái hiểu đã gợi hứng cho thuyết nhân vị của Wojtyla ngay từ thời viết cuốn The Acting Person. Ông cũng có sự hiểu biết sâu sắc về cách phát biểu của con người bằng thân xác, một cái hiểu đã gợi hứng cho quan điểm của Đức Gioan Phaolô II trong THTX. Cả kinh nghiệm xấu hổ cũng được ông thấu hiểu và được phản ảnh trong THTX (35). Việc mô phỏng Chúa Kitô, cũng thế, cũng được ông thấu hiểu, nhất là khi thảo luận về Thánh Phanxicô thành Assisi. Ta còn có thể nhắc đến nhiều thí dụ khác cho thấy cái hiểu sâu sắc của Scheler và ảnh hưởng của ông đối với Đức Gioan Phaolô II. “Chắc chắn, Wojtyla đã học được rất nhiều điều tích cực từ Scheler và ta có thể lần rở được nhiều ảnh hưởng của ông” (36).

Trong luận án thần học luân lý về Scheler, Wojtyla chọn làm khởi điểm giáo huấn của Scheler về việc mô phỏng Chúa Kitô. Câu hỏi chính được ngài nêu ra là “Ta có thể hay có thể tới mức nào giải thích được nền đạo đức học Kitô Giáo với sự trợ giúp của hệ thống Scheler không?” (37). Khi nêu ra câu hỏi này, Wojtyla đã gặp Scheler ở một điểm không hẳn phụ thuộc mà sâu xa bén rễ ngay trong ý hướng của chính Scheler. Vì cố gắng phi Hy Lạp Hóa và phi Kinh Viện Hóa nền triết lý để vươn tới cái hiểu triết lý có tính nhân vị về thế giới, một cái hiểu vốn nguyên khởi và đột phá phát xuất từ kinh nghiệm Kitô Giáo về tình yêu tự hiến, chỉ có thể và phải được thử nghiệm một cách thích đáng bằng cách nêu ra câu hỏi này.

Khi lên kết cấu cho luận điểm của mình, Wojtyla theo 4 nguyên nhân của Aristốt (ngoại trừ nguyên nhân chất thể, matter). Chương Một của luận án cho ta cái nhìn tổng quát. Chương Hai khảo sát cách trình bày của Scheler về nguyên nhân mô thức (formal cause) của sự thiện luân lý. Chương Ba là trình bày của ngài về nguyên nhân tác thành (efficient cause) và Chương Bốn nói về nguyên nhân cứu cánh (final cause). Kết cấu kiểu Aristốt này xem ra khá gây chú ý trong một tác phẩm nói về một triết gia vốn có dự án giải phóng triết lý Kitô Giáo khỏi triết lý Hy Lạp và Trung Cổ, nhất là triết lý Aristốt. Xét chung, kết luận của Wojtyla khá tiêu cực.

Ta hãy xem đoạn cuối trong luận điểm của Wojtyla nói về Thiên Chúa như cùng đích của đời sống luân lý. Điểm này liên hệ nhiều nhất tới hướng đi chính trong thuyết nhân vị của Scheler: agape ngược với eros, tình yêu tự hiến từ viên mãn đi xuống ngược với tình yêu vươn lên của triết lý Hy Lạp, nhất là Platông và Aristốt.

Scheler đồng ý với Kant rằng hạnh phúc không thể là mục tiêu của sự thiện luân lý. Ấy thế nhưng, trong khi Kant định vị hạnh phúc xa hẳn cốt lõi con người, coi nó như đối tượng phi lý của các xu hướng nhục thể, thì Scheler lại dành cho nó vị trí hết sức trung tâm trong tinh thần con người, coi nó như nguồn gốc mọi hành vi tốt về luân lý.

Trong chính hữu thể của chúng, hạnh phúc sâu xa nhất và cực lạc (bliss) tùy thuộc ở ý thức con người về chính sự thiện luân lý của mình. “Chỉ người tốt mới cực lạc”. Điều này không loại bỏ khả thể này: cực lạc này chính là cội rễ và cội nguồn của mọi ước muốn của ý chí và hành động. Nhưng hạnh phúc không bao giờ có thể là một mục tiêu, thậm chí một “mục đích” của ý chí và hành động. “Chỉ người hạnh phúc mới hành động tốt về luân lý”. Do đó, hạnh phúc không hề là “phần thưởng cho nhân đức” (38), mà nhân đức cũng không phải là phương tiện để đạt hạnh phúc.

Đúng hơn, hạnh phúc là gốc rễ và nguồn gốc của nhân đức, dù nó chỉ là hậu quả của sự thiện bên trong của con người (39). Theo Scheler, nguồn sâu thẳm nhất của hạnh phúc là tham dự vào bản tính Thiên Chúa khi ta hành động “trong Thiên Chúa”. Sự tham dự vào bản tính Thiên Chúa này là dòng suối bất tận của hạnh phúc miên viễn. Không phần thưởng nào sánh với hạnh phúc cực lạc này được.

Trong cuộc hiện sinh và các hành vi của mình, người “tốt” trực tiếp dự phần vào bản tính Thiên Chúa, theo nghĩa velle in deo [muốn trong Chúa] hay amare in deo [yêu trong Chúa], và họ hạnh phúc trong việc dự phần này. Một “phần thưởng” từ Chúa chỉ đặt một sự thiện nhỏ hơn và thấp hơn vào chỗ một sự thiện cao hơn, và một cảm nhận hời hợt vào chỗ một khoái cảm sâu xa hơn (40).

Wojtyla chỉ cho thấy khó có thể hoà giải cái hiểu về hạnh phúc bất tận này với giáo huấn Tin Mừng về thưởng phạt, trong đó, hạnh phúc cực lạc, hiểu như việc nhãn tiền được thấy Chúa (beatific vision), đã được hứa như một phần thưởng.

Ta thấy rằng trong giáo huấn của mạc khải, mọi nhấn mạnh trong học lý về hạnh phúc miên viễn đời đời đều nói về đối tượng của hạnh phúc tức bản tính Thiên Chúa. Dĩ nhiên, trong hệ thống hiện tượng học của Scheler, học lý này không thể nắm và diễn tả được. “Không sự thiện phát xuất từ bên ngoài con người nào có thể là sự thiện lớn hơn sự thiện mà con người tìm thấy nơi chính mình khi họ cảm nhận mình như là nguồn gốc của hành vi tốt về luân lý”. Hạnh phúc lớn nhất và đau khổ lớn nhất đều do con người lấy ra từ chính họ, chính họ là nguồn gốc cho chính họ. Quan điểm này xem ra đã tách biệt ta hoàn toàn ra khỏi giáo huấn Kitô Giáo. Trước một quan điểm như thế, liệu ta có thể thiết lập được điểm tiếp xúc nào với chân lý mạc khải, theo đó, đối tượng của hạnh phúc sau cùng của con người là bản tính Thiên Chúa? (41).

Câu trả lời của Wojtyla cuối cùng là không. Thuyết nhân vị nào trong đó tình yêu nhân bản là một tự ý đi xuống từ viên mãn và hân hoan bên trong đều không thể hoà giải với đức tin Kitô Giáo.

Tóm lại, giống Kant, Scheler gán một giá rị gần như thần thánh cho con người nhân bản. Hình như, sự quá trớn này một phần do quan tâm của ông muốn trả lời cuộc tấn công chống Kitô Giáo của Nietzsche. Để bảo vệ Kitô Giáo khỏi bị cáo buộc là chuyển hóa yếu đuối và đau khổ thành nhân đức, ông đã vẽ một bức tranh gần như thần thánh cho con người nhân bản. Chìa khóa thuyết nhân vị của Scheler là hạnh phúc cực lạc của người tốt về luân lý, là người cảm nhận được giá trị cá thể trong yếu tính của mình như một viên mãn tuyệt đối. Đó là một cực lạc không cần, không muốn được Chúa tưởng thưởng. Con người đã có cùng đích sau hết của họ ngay bên trong mình và đi xuống với những con người nhân bản khác từ cái viên mãn này trong một tình yêu hoàn toàn tự hiến. Như thế, giống thuyết nhân vị của Kant, thuyết nhân vị của Scheler cũng có tính phản Ba Ngôi. Sự lệ thuộc và tính tiếp nhận hàm nghĩa trong chức phận làm con không đóng một vai trò cấu tạo nào trong nó.

Kết luận

Thuyết nhân vị của Đức Gioan Phaolô II được xây dựng trên hai định luật của đời sống con người, được diễn tả trong VMHV 24:3. Thuyết nhân vị của Kant được xây dựng trên một nguyên tắc bề ngoài tương tự, nhưng thực ra xung khắc một cách sâu xa, với nguyên tắc thứ nhất trong VMHV 24:3, tức qui luật nhân vị. Theo Kant, phẩm giá tuyệt đối luân lý của con người nhân bản trong tư cách tác nhân tự lập là cùng đích tối hậu của toàn bộ vũ trụ. Thuyết nhân bản của Scheler được xây dựng trên một nguyên tắc bề ngoài tương tự, nhưng thực tế xung khắc một cách sâu xa, với nguyên tắc thứ hai của VMHV 24:3, tức luật cho đi. Trong cố gắng thanh tẩy triết lý Kitô Giáo khỏi quan niệm Hy Lạp và Trung Cổ về eros để bảo toàn agape tự hiến tinh ròng, Scheler cho rằng cùng đích cao cả nhất nằm ngay trong con người trước bất cứ phần thưởng nào của Thiên Chúa.

Khó có thể tưởng tượng một bất đồng nào triệt để và căn bản hơn sự bất đồng giữa một bên là Đức Gioan Phaolô II, và bên kia là Kant và Scheler. Cùng đích tối hậu xác định mọi sự. Thuyết nhân vị nào coi Thiên Chúa là cùng đích tối hậu thì triệt để khác với các thuyết nhân vị chủ trương cùng đích tối hậu có thể tìm thấy ngay trong con người nhân bản.

Thuyết nhân vị của Đức Gioan Phaolô II gần hơn với thuyết nhân vị của triết và thần học Hy Lạp và Trung Cổ, nhất là triết và thần học của Platông, Aristốt và Thánh Tôma (42). Trong một khảo luận, Wojtyla từng gọi mình là “chúng tôi trong trường phái Thomist, trường phái của triết học muôn thuở” (43). Ngài gặp gỡ tư tưởng của Thánh Tôma trong các trước tác của Thánh Gioan Thánh Giá chứ không hẳn trong các sách giáo khoa của trường phái Tân Thomist. Thánh Gioan Thánh Giá trình bày một cách đọc lại Thánh Tôma rất cảm nghiệm và theo nghĩa này rất nhân vị, tập chú vào việc hiến thân có tính phu thê và nguồn gốc tối hậu của nó là Ba Ngôi (44).

Ta có thể đọc được các chủ đề trên trong Lời Nói Đầu của cuốn The Acting Person, trong đó, Wojtyla viết: “Cho dù tác giả rất quen thuộc với tư tưởng truyền thống Aristốt, tuy nhiên, chính công trình của Max Scheler đã là ảnh hưởng lớn đối với các suy tư của mình. Trong quan niệm tổng thể của tôi về con người nhìn dưới các cơ chế của hệ thống hoạt động nơi họ và các dị bản của chúng, như đã được trình bày ở đây, người ta có thể nhìn ra nền tảng của Scheler đã được nghiên cứu trong một tác phẩm trước đây của tôi” (45).

Theo lời nói đầu đó, Wojtyla đứng về phía Scheler nhiều hơn là về phía Aristốt. Ấy thế nhưng, người ta hoài nghi không chắc lời trên có thực sự là của Wojtyla hay không (46). Không ai hoài nghi Wojtyla học hỏi nhiều từ Scheler và thấy mình mang nhiều ơn đối với triết gia này. Không một chỗ nào, thậm chí ngay trong một luận án nói về Scheler, ta tìm được dấu vết nào chống chọi Scheler; không chỗ nào, ta tìm được một lời bác bỏ Scheler hoàn toàn. Tuy nhiên, The Acting Person là điển hình để ta đo lường sự gần gũi và xa cách nói chung giữa Wojtyla và Scheler. Khi so sánh The Acting Person với luận án của Wojtyla về Scheler, ta thấy ngay điều này: xét toàn bộ, tác phẩm này tập trung vào việc thiết lập ra chính điều Wojtyla thấy thiếu sót trong lời phê bình thứ hai về Scheler, tức nguyên nhân tác thành có trách nhiệm của con người. Tác giả làm thế một phần là nhờ sử dụng phương pháp hiện tượng học một cách khéo hơn, đến nỗi dù trong chỉ trích, ngài vẫn mang ơn Scheler.

Tình thế tổng quan khá rõ ràng. Đối diện với những thuyết nhân vị không thân thiện với đức tin Kitô Giáo, như của Kant và Scheler, Wojtyla /Gioan Phaolô II đã ủng hộ thuyết nhân vị của truyền thống Công Giáo và của triết lý muôn thuở như đã được Vatican II (đặc biệt trong VMHV) tái xác nhận một cách mới mẻ (47). Thuyết nhân vị này có mặt trong Thánh Kinh và trong phụng vụ. Thí dụ, theo Đức Gioan Phaolô II: Thư Êphêsô có tính nhân vị theo nghĩa đầy đủ nhất của hạn từ này.

“[Êphêsô 5] có tính nhân vị theo nghĩa đầy đủ nhất của hạn từ, một điều đã được chứng tỏ trong các phân tích trước đây về bản văn. Ngôn ngữ phụng vụ cũng có tính nhân vị không kém, cả khi xem sét Tôbít lẫn xem sét phụng vụ hôn phối hiện hành của Giáo Hội” (THTX 117:3).

Kết luận này đem ta trở lại với câu hỏi ở đầu bài này. Những ai yêu mến nền thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II, tức những người học hỏi và giảng dạy nó, nên đọc nó trong ngữ cảnh nào? Qui luật căn bản trong việc giải thích mọi văn kiện huấn quyền cũng đã được nhắc ở đầu bài này: phải đọc chúng dưới sự soi sáng của truyền thống và ngược lại phải đọc lại truyền thống dưới sự soi sáng của chúng. Giờ đây, ta có thể an tâm kết luận rằng phải đọc THTX theo cách này.
_______________________________________________________________________________________________________________________
Ghi Chú

20. Sau đây là ngữ cảnh lớn hơn của chủ trương này: “giao hợp tính dục là việc sử dụng hỗ tương mà một con người nhân bản sử dụng bộ phận và cơ năng sinh dục của một người khác. Đó có thể là một sử dụng tự nhiên, nhờ đó, một hữu thể có cùng một bản chất được thụ thai, hay cũng có thể là một sử dụng không tự nhiên hoặc với một người đồng tính hoặc với một con vật không thuộc chủng loại nhân bản. Những vi phạm luật lệ này, vốn có tên là tội không tự nhiên (crimina carnis contra naturam) và tội không thể được nhắc tới, phải bị bác bỏ hoàn toàn, không có khoan nhượng hay miễn chước, vì chúng xâm hại tới bản tính nhân bản của chính con người chúng ta. Do đó, sự kết hợp tự nhiên giữa các giới tính chỉ có thể xẩy ra hoặc theo bản chất thú vật (vaga libido, venus volgivaga, fornicatio) hoặc theo luật lệ… Lối sau chính là hôn nhân nghĩa là sự kết hợp của hai con người để sở hữu hỗ tương suốt đời các đặc điểm tính dục của nhau... Mục đích sinh sản và giáo dục con cái có thể là lý do khiến bản nhiên ghi khắc xu hướng hỗ tương hướng về nhau trong các giới tính, nhưng để có được tính hợp pháp cho sự kết hợp này, người kết hôn không buộc phải có ý định này cho chính mình, vì nếu bị bó buộc, chẳng hóa ra hôn nhân sẽ tự hủy tiêu khi việc sinh con chấm dứt. Dù dựa trên khoái lạc do việc sử dụng hỗ tương các đặc điểm tính dục của nhau, khế ước hôn nhân lại không phải là chuyện tùy thể (accidental), nhưng là chuyện tất yếu (necessary) phù hợp với các nguyên tắc hợp luật của thuần lý (pure reason). Nghĩa là, khi người đàn ông và người đàn bà muốn hưởng thụ nhau trong các đặc điểm tính dục của họ, họ nhất thiết phải cưới nhau. Sự nhất thiết này phát sinh từ các nguyên tắc hợp luật của thuần lý. Vì, việc sử dụng tự nhiên mà giới tính này thực hiện với bộ phận sinh dục của giới tính kia là một vui hưởng mà vì đó, một người phối ngẫu trao thân cho người kia. Trong hành vi này, con người nhân bản tự biến mình thành một sự vật, một điều trái ngược hẳn với quyền có bản nhiên nhân bản cho con người riêng của mỗi người. Điều này chỉ có thể có với một điều kiện duy nhất: khi một người bị người khác chiếm hữu giống như chiếm hữu một đồ vật, thì họ cũng chiếm hữu người khác kia như thế, nên bằng cách này, họ lấy lại được mình và tái tạo lại nhân vị tính của mình. Ngoài ra, chiếm hữu một bộ phận thân xác của một con người nhân bản cũng đồng thời là chiếm hữu trọn con người của họ, vì con người là một đơn nhất tuyệt đối. Vì lý do này, việc cho đi và tiếp nhận một giới tính để giới tính khác vui hưởng không những chỉ được phép trong điều kiện duy nhất của hôn nhân, mà nó còn chỉ có thể có trong cùng điều kiện này. Như thế rõ ràng quyền bản vị này đồng thời cũng là quyền như quyền đối với một đồ vật, vì khi một trong hai người phối ngẫu chạy ra khỏi mình hay tự hiến mình để người khác sở hữu mình, họ cũng có quyền, bất cứ lúc nào và không có bất cứ điều kiện nào, lấy lại người kia làm sở hữu của mình như một đồ vật. Vì cùng lý do này, mối tương quan giữa những người kết hôn là mối tương quan sở hữu bình đẳng, bình đẳng cả trong việc sở hữu lẫn nhau (chỉ trong đơn hôn thôi, vì trong đa hôn, khi cho mình đi, người vợ chỉ lấy lại được một phần người đàn ông mà bà đã trở thành sở hữu trọn vẹn và do đó đã rút gọn mình chỉ còn là một đồ vật) lẫn trong các sự thiện bên ngoài”. I. Kant, Die Metaphysik der Sitten [Siêu hình học luân lý], Gesammelte Schriften, vol. 6 Berlin [1793] 1902-, p. 277-278.

21. I. Kant, Kritik der praktischen Vernunft [Phê Bình Lý Trí Thực Tiễn], Gesammelte Schriften, vol. 5, Berlin 1785 (1902-), 5.87, cf. 5.131. Xem thêm I. Kant, Siêu Hình Học Luân Lý, 6.434.

22. I. Kant, Phê Bình Lý Trí Thực Tiễn, 5.30.

23. Vì, theo lý luận của Kant, giả sử ta không ban phẩm giá này cho người khác, mà chỉ ban cho ta thôi. Phương châm của ta, tức nguyên tắc thực tiễn phổ quát có giá trị cho chính ta, trong trường hợp này, sẽ là: tôi chỉ nên khẳng nhận phẩm giá riêng của tôi mà thôi, chứ không khẳng nhận phẩm giá của người khác. Bây giờ, nếu áp dụng lệnh truyền tuyệt đối qua đó, phương châm này được nâng lên hàng một luật phổ quát, thì kết quả sẽ là: mọi người chỉ nên khẳng nhận phẩm giá riêng của mình, chứ không khẳng nhận phẩm giá của người khác. Luật phổ quát này tự mâu thuẫn với chính nó. Khi người khác tuân theo luật này, họ sẽ không coi tôi như một cùng đích trong chính tôi, trong khi tôi tự coi tôi như một cùng đích trong chính mình. Tôi chỉ có thể và tiếp tục tự lập nếu tôi không đi ngược lại ý chí của riêng tôi bằng cách ra luật bắt người khác không được khẳng nhận phẩm giá mà chính tôi tự gán cho mình. Đó là lý do tại sao tôi phải coi người khác có phẩm giá của con người.

Khi Wojtyla, theo gương Scheler, gọi thuyết nhân vị của Kant là thuyết nhân vị duy hình thức (K. Wojtyla, Love and Responsibility, p. 133.), ngài có ý nói tới việc thu gọn tiêu chuẩn luân lý trên vào hình thức phổ quát hợp luận lý của nó tách biệt khỏi bất cứ nội dung nào (như sự thiện cho người lân cận tôi). Kant từng viết “Mệnh lệnh luân lý và do đó tuyệt đối… phải tách (abstract) khỏi đối tượng [i.e. bất cứ “chất thể” (matter) nào của hành vi ý chí hay sự thiện], nghĩa là đối tượng không hề có một ảnh hưởng nào đối với ý chí, để đừng rút gọn lý trí thực tiễn vào khả năng phục vụ một ích lợi xa lạ với nó. [Mệnh lệnh luân lý] phải chứng tỏ được phẩm giá tối thượng của mình như một luật cao cả nhất. Thí dụ, tôi phải tìm cách làm người khác được hạnh phúc không phải vì hạnh phúc của họ có ích lợi gì cho tôi “hoặc vì xu hướng hoặc vì một sảng khoái nào đó ảnh hưởng đến tôi một cách gián tiếp qua lý trí của tôi’, mà chỉ vì phương châm nào loại bỏ hạnh phúc này sẽ không thể được hiểu là luật phổ quát trong cùng một ý chí” I. Kant, Grundlegung zur Metaphysik der Sitten [Công trình xây nền cho Siêu Hình Học Luân Lý], Gesammelte Schriften, Berlin 1785 (1902-), 4.441.

Scheler đưa ra lời phê bình rất sáng chói đối với thuyết duy hình thức này “Đối với Kant, tốt xấu, tìm cách thể hiện điều cao thượng hay điều tầm thường, hạnh phúc hay sầu buồn, có ích hay có hại, tất cả chỉ là vấn đề dửng dưng hoàn toàn. Vì ý nghĩa của các chữ tốt và xấu hoàn toàn nằm trong hình thức hợp luật hay không hợp luật”. Ta chẳng cần phải xem sét xa hơn nữa sự quái dị của xác quyết này, một xác quyết cho rằng các mục đích của ma qủy cũng chẳng kém có tính “hệ thống” hơn các mục đích của Thiên Chúa. Lầm lẫn đầu tiên của Kant là chối bỏ điều này: sự thiện hay sự ác [luân lý] vốn là các giá trị chất thể… M. Scheler, Formalism in Ethics and Non-Formal Ethics of Values: A New Attempt toward the Foundation of an Ethical Personalism, 5th ed., Evanston 1916 91973), 24.5, G 46.7.

Frings dịch chất thể (material) là “bất mô thức” (non-formal). “Chất thể” chỉ nội dung của ý chí, tức sự thiện hay sự ác tìm thấy trong kinh nghiệm, hơn là hình thức phổ quát của mệnh lệnh.

24. K. Wojtyla, Love and Responsibility, s. 26.27.

25. Liên quan đến con người (và do đó đến mọi hữu thể có lý rí trên thế giới) như một hữu thể luân lý, ta không thể hỏi thêm “Họ hiện hữu vì mục đích gì?” Sự hiện hữu của họ có một mục đích cao nhất ngay trong chính nó. Họ có thể bắt toàn bộ thiên nhiên phải phụ thuộc mục tiêu này. “Nếu các hữu thể trên thế giới trong tư cách hữu thể hiện hữu một cách bất tất (contingent) cần tới một nguyên nhân cao nhất có thể hành động theo một mục đích, thì con người chính là mục đích cuối cùng của tạo thế. Vì, nếu không có con người, chuỗi mục đích tùy thuộc lẫn nhau sẽ không được giải thích một cách trọn vẹn. Chỉ ở nơi con người, và chỉ ở nơi con người như chủ thể luân lý mà thôi, luật lệ vô điều kiện liên quan tới các mục đích mới được tìm thấy, luật lệ này khiến một mình con người trở thành mục đích cuối cùng mà toàn bộ thiên nhiên phải tùy thuộc về phương diện cứu cánh”. I. Kant, Von einem neuerdings erhobenen vornehmen Ton in der Philosophie [Về Cung Giọng Gần Đây Được Coi Là Cao Quí Trong Triết Học], Gesammelte Schriften, vol. 8, Berlin1796 (1902-), 5.435.436.

26. K. Wojtyla, Love and Responsibility, p. 27.28.

27. Xem Aristotle, Nicomachean Ethics, 6.7. Muốn biết chủ trương minh nhiên của Kant cho rằng nhận thức thực tiễn là hình thức nhận thức tối cao, nên xem I. Kant, Critique of Practical Reason, 5.108.

28. Xem D. von Hildebrand, Max Scheler’s Philosophie und Persönlichkeit, trong: idem, Die Menschheit am Scheideweg: Gesammelte Abhandlungen und Vorträge, herausgegeben und eingeleitet von Karla Mertens, Regensburg 1954, p. 587.639.

29. Chương tựa là “Personalismus” là chương sau cùng trong khảo luận của Balthasar về Scheler. H. Urs von Balthasar, Apokalypse der deutschen Seele: Studien zu einer Lehre von letzten Haltungen, vol. 3, Einsiedeln-Freiburg 1937-39 [in lại 1998], p. 84-192.

30. Xem ra Scheler chịu ảnh hưởng lớn của P. Rousselot, The Problem of Love in the Middle Ages: A Historical Contribution. Marquette 1908 [2001] là cuốn cho rằng hai cái hiểu không thể nào hòa giải với nhau về tình yêu đã kình chống nhau ngay từ thời Trung Cổ rồi, đó là tình yêu hiểu như một tự hiến hoàn toàn có tính hy sinh và tình yêu hiểu như một khẳng nhận chính mình không hơn không kém trong việc theo đuổi một sự thiện vì chính mình mà thôi. Sau Scheler, một luận đề tương tự về tình yêu đã được đề xuất bởi nhà thần học nổi tiếng của phái Luthêrô là A. Nygren, Agape and Eros, Philadelphia 1953.

31. H. Urs von Balthasar, Apokalypse der deutschen Seele, 3.153. Các trích dẫn của Balthasar lấy từ M. Scheler, Das Ressentiment im Aufbau der Moralen, trong: Vom Umsturz der Werte: Abhandlungen und Aufsätze, Gesammelte Werke 3, Bern 1912 [1955].

32. Trọn bản văn như sau: “Aristốt không nhìn nhận sự phân biệt rõ rệt giữa “sự thiện” và “giá trị”. Trên bình diện cao hơn, Ông cũng không có ý niệm nào về giá trị độc lập với tồn hữu (subsistence) và mức độ của hiện hữu (tức mức đo sự hoàn hảo trong việc cố gắng của tiềm thể (entelechial striving) nhằm một cùng đích vốn nằm tại nền tảng mỗi sự vật). Đạo đức học của Aristốt, trong yếu tính, vốn là nền đạo đức học về “các sự thiện” và “các mục đích khách quan”, tức nền đạo đức mà tôi bác bỏ trong “Formalism in Ethics” với những luận cứ chi tiết nhất. Bởi đó, nền đạo đức học chất thể về các giá trị [tức nền đạo đức của riêng Scheler] đã hoàn toàn thuộc nền triết học “hiện đại” và không thể dùng như dàn nhún để trở về với chủ nghĩa duy khách quan cổ xưa có tính tĩnh định về sự thiện (vốn là ý muốn của chủ nghĩa kinh viện Công Giáo) mà cũng không thể dùng làm nền tảng cho một “tổng hợp các nền đạo đức xưa và nay”. Chỉ sau sự sụp đổ của mọi hình thức đạo đức học sự thiện và mục đích, với các thế giới sự thiện tự nhận là “tuyệt đối”, các nền “đạo đức học giá trị không chính thức” (non-formal value-ethics) mới xuất hiện được. Nó tiền giả thiết việc Kant tiêu hủy các hình thức đạo đức học này”. M. Scheler, Formalism, xxviii, bản tiếng Đức 20.

Học giả về Scheler, Manfred Frings, chủ biên tuyển tập các công trình của Scheler bằng tiếng Đức và là người phiên dịch một số công trình này sang tiếng Anh, đã tóm lược mối liên hệ của Scheler với Aristốt và trường phái Kinh Viện như sau: “[Scheler] bác bỏ các nền tảng Aristốt trong nền thần học Công Giáo. Chủ nghĩa Aristốt không thừa nhận vai trò nổi bật của tình yêu trong Kitô Giáo. Aristốt sống trước Chúa Kitô ba thế kỷ. Chúa Kitô không lưu tâm tới triết học của Aristốt hay triết học Hy Lạp. Ảnh hưởng Hy Lạp đối với thần học Kitô Giáo, nhất là thần học Kitô Giáo thời Trung Cổ, đáng than trách vì nó làm mờ cả yếu tính tình yêu nơi con người và tính điển hình tinh ròng nơi đấng thánh và nơi Đức Kitô bằng lý tính. Theo Thánh Tôma, trước nhất con người phải biết một điều gì đó mới yêu được nó. Tuy nhiên, theo Scheler, con người chỉ có thể biết được một điều gì đó bằng cách trước hết bị giá trị của điều muốn biết lôi cuốn… Xu hướng Hy Lạp cổ trong nền thần học Kitô Giáo cũng đem lại nhiều hậu quả xã hội học đáng than trách đối với cơ cấu của Giáo Hội. Các giáo hoàng, giám mục, linh mục và các người phục dịch công cộng được mô tả như “các vua chúa Rôma”… Thậm chí họ còn giữ một “chức vụ” (office) và tuân thủ nhiều qui định của “luật pháp” đi ngược lại yếu tính của tình yêu.

Cứu chuộc phải được tin theo “tín điều”. Yếu tính của con người nhân bản giả thiết phải là “bản thể” (substance) (Aristốt) hơn là người mang tình yêu. Bác ái và yêu thương có xu hướng được tuân thủ như một thành phần trong ý chí Thiên Chúa, chứ không theo lối Samaritanô đầy tự do và bất vị kỷ. Scheler cho rằng trong tất cả những điều này có một sự mù mờ trong tình yêu của Kitô Giáo và trong hệ thống cứu cánh của Aristốt, mà tột đỉnh là sự mù mờ thần học về Thiên Chúa của Aristốt, coi Người một đàng như “tư duy của mọi tư duy” hay “chuyển động thể không bị chuyển động” (unmoving mover), đàng khác lại là tòa yêu thương”. M. Frings, The Mind of Max Scheler: The First Comprehensive Guide Based on the Complete Works, 2nd ed., Marquette 2001, p. 116.

33. Đặc biệt xem F. Nietzsche, The Genealogy of Morals, essay 1, chapter 14.

34. M. Scheler, Zur Rehabilitierung der Tugend, trong: Vom Umsturz der Werte: Abhandlungen und Aufsätze. Gesammelte Werke 3, Bern 1915 [1955], p. 25. Sau đoạn văn này, Scheler tiếp tục suy luận rằng ý muốn thực sự của kẻ yếu là thống trị. Họ chỉ phục vụ chủ nhân mình vì họ quá yếu không thống trị được ông ta.

Tính nô phục (servility) là bản tính thứ hai đối với họ vì chính sự yếu đuối của họ. Ngược lại, lòng khiêm nhường là nhân đức của những ông chúa tự nhiên. Ông chúa tự nhiên khiêm nhường khi ông thống trị. Ông khiêm nhường ngay trong cốt lõi hữu thể của mình trước mặt Thiên Chúa. Đối với một con người như thế, ý muốn phục vụ nằm ở tâm điểm hữu thể của họ, trong khi đối với người thấp hèn và có tính nô phục, nó là một thái độ ở ngoại vi áp đặt lên họ nhân sự yếu đuối của họ. Ý muốn thống trị nằm ở tâm điểm hữu thể của người có tinh thần nô phục, trong khi đối với người khiêm nhường chân thực, chính khả thể ngoại vi này là khả thể họ không tích cực theo đuổi, vì họ vốn đã đứng ơ trên cao.

35. Khi so sánh phân tích của Scheler và của Wojtyla về xấu hổ, ta thấy có sự dị biệt đáng kể: nơi Wojtyla, đó là tầm quan trọng của “tư dục” (concupiscence), theo quan điểm của Thánh Augustinô, còn nơi Scheler, ta không thấy phạm trù này; phân tích của ông có tính duy tự nhiên hơn.

36. M. Waldstein, Introduction to TOB, p.78.

37. K. Wojtyla, [Lượng Giá Khả Thể Xây Dựng Một Đạo Đức Học Kitô Giáo Trên Các Giả Định Của Hệ Thống Triết Học Max Scheler] Über die Möglichkeit eine christliche Ethik in Anlehnung an Max Scheler zu schaffen, J. Stroynowski chủ biên, Primat des Geistes: Philosophische Schriften, Stuttgart 1953 [1980]), p. 65.

38 .[Hạnh phúc là] … phần thưởng và cùng đích của nhân đức… Aristotle, Nicomachean Ethics, 1.9;
1099b.16.17.

39. M. Scheler, Formalism, 359, G 359.60.

40. M. Scheler, Formalism, 368, G 368.

41. K. Wojtyla, Scheler, p. 183.184.

42. Xem K. Wojtyla, Thomistic Personalism, in Person and Community: Selected Essays, New York 1961 [1993]).

43. K. Wojtyla, The Human Person and Natural Law, in: Person and Community: Selected Essays, New York 1970 [1993], here p. 181.

44. Xem M. Waldstein, Introduction to TOB, p. 23.34. Muốn biết sự phân tích về việc “cho mình đi” trong thần học của Thánh Tôma, xin xem các tiểu luận W. Waldstein, John Paul II and St. Thomas on Love and the Trinity, Anthropotes 18 (2002), p. 113-138, 269-286 và The Analogy of Mission and Obedience: A Central Point in the Relation between Theologia and Oikonomia in St. Thomas Aquinas’s “Commentary on John”, trong: M. Dauphinais, M. Levering (chủ biên), Reading John with St. Thomas Aquinas, Washington, DC 2005, p. 92.112.

45. K. Wojtyla, The Acting Person, viii.

46. Trong một ghi chú hiệu đính, người chủ biên là Anna-Teresa Tymieniecka phân biệt “bản thảo nguyên thuỷ của lời nói đầu” (in tại các tr. xi-xiv) và “bản sau cùng của lời nói đầu của tác giả” (in tại các tr. vii-ix). Bản thảo nguyên thủy không có tuyên bố nào về Scheler và Aristốt. Tymieniecka nhận định rằng Wojtyla không những không sửa bản in của “bản sau cùng”, mà còn thêm nhiều suy nghĩ riêng khác nữa. Bà không nói rõ liệu ngài có đọc lại “bản sau cùng” không và có chấp nhận nó một cách tạm thời trước khi sửa lại bản in hay không. Nếu các suy nghĩ riêng đã chỉ được thêm vào ở giai đoạn đọc lại để sửa bản in, thì rõ ràng chúng vốn không có trong “bản sau cùng” trước khi đọc lại để sửa bản in. Lần tái bản có thế giá lần thứ ba bằng tiếng Ba Lan và bản có thế không kém bằng tiếng Ý không có lời nói đầu này.

47. Một lần nữa, không thể và không nên bác bỏ rằng Wojtyla đã học hỏi rất nhiều từ Kant và Scheler. Ấy thế nhưng, hình thức căn bản trong triết học của ngài phù hợp với Thánh Tôma hơn là với Kant và Scheler.

Viết theo MICHAEL WALDSTEIN, Ave Maria University, Florida, USA (FORUM TEOLOGICZNE X. 2009 PL ISSN 1641.1196)

 
Văn Hóa
Thập Giá
Bùi Hữu Thư
11:11 30/10/2013

Mỗi lần trên đường đời con vấp ngã,
Là một lần con đánh mất niềm tin.
Con tự hỏi, thầm trách mình vội vã,
Sao lại chọn con đường này, tối đen?

Nếu kẻ nào muốn theo chân Chúa,
Nên từ bỏ tất cả mọi sự trên đời.
Vác thập giá mỗi ngày theo chân Chúa,
Cố gắng theo kịp bước chân Người.

Từ bỏ mình và mang thập giá,
Sẵn sàng lãnh nhận thập giá của con.
Vác mang trên đường đời muôn ngả,
Vẫn vui dù qụy ngã trên đường mòn.

Những yếu đuối của con, xin chấp nhận,
Dâng lên Người như của lễ nghèo nàn.
Con sẽ không thương thân và trách phận,
Ðể Người vui, con chẳng dám than.

Lạy Chúa của con! Nếu Người muốn,
Chúa có thể biến đổi đời con.
Biến thập giá của vũng lầy đen đuốc,
Thành thập giá vinh quang và sáng trong.

Lạy Chúa! Nếu trên đường con đang tiến,
Thập giá này, con suốt đời phải mang.
Thì xin cho Thánh Ý Người thể hiện,
Con mãi mãi xin vâng, chẳng dám màng.

Tất cả niềm vui, bình an, và hạnh phúc,
Cùng năng lực của con đến từ Ai?
Như Phêrô đi trên biển ngày trước,
Nhắm thẳng vào Chúa, con tiến tới Ngài.

Nhắm thẳng vào Ngài là một cách,
Ðể ở thế gian, con không thuộc thế gian.
Thập giá buồn, trong chiều hôm giá lạnh,
Con chợt vui, vì Ngài đã ủi an.
 
Chúng ta được mời gọi nên thánh
Hà Minh Thảo
11:18 30/10/2013
CHÚNG TA ĐƯỢC MỜI NÊN THÁNH

Hàng năm, Giáo Hội Công Giáo dành ngày 01 tháng 11 để Kính Trọng thể Lễ các Thánh Nam Nữ. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh theo lờiù các Tông đồ: ‘Điều Chúa muốn là sự nên thánh của anh em’ (Tx 4,3; Ep 1,4; L.G. 39). {L.G. : Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân), Hiến chế Tín lý về Giáo Hội của Công đồng chung Vaticanô II}.

I.- NÊN THÁNH.

A. Chúa chọn tôi.


Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và nhân loại từ Nguyên thủy và ủy nhiệm Tổ tiên chúng ta cai quản và hưởng thụ những hoa quả phát sinh từ vũ trụ đó. Nhưng hai Đấng đã không giữ những cam kết với Thiên Chúa, nên đã phải rời Thiên cảnh... Do đó, Thiên Chúa Cha đã sai con là Ngôi Hai xuống thế và làm người như chúng ta, chết và Sống Lại để cứu chuộc chúng ta. Ngày nay, việc cứu chuộc ấy ‘Thiên Chúa ẩn mình’ (Is 45,15) cần sự cộng tác của chúng ta. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa tự ý đến với nhân loại, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được mỗi người hoàn toàn tự do đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, để được cứu độ.

Việc Chúa chọn và chúng ta tự do chấp nhận hoàn toàn được thể hiện qua Bí tích Thánh tẩy xóa bỏ tội Tổ tiên và những tội chúng ta phạm, hầu trở nên con Chúa và gia nhập gia đình Công Giáo.

B. Hãy nên trọn lành (thánh thiện).

Chúa Kitô thượng tế chọn từ loài người (Dt 5, 1-5) để tạo nên một dân mới, một vương quốc tư tế cho Người và Thiên Chúa Cha (Kh 1,6; 5,9-10). Vì những Kitô hữu đã được thanh tẩy đều được thánh hiến để nên ngôi nhà linh thiêng của Đấng đã kêu gọi họ vào ánh sáng tuyệt vời của Người, bởi việc tái sinh và xức dấu của Thánh Linh (1P 2,4-10… L.G 10). « Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành. » (Mt 5,48).

Sự Nên Thánh không là đặc ân cho một số người, riêng cho những đặc sủng khác thường, nhưng là một sự thật vừa khả năng hầu mọi người đạt tới, không cần đi xa hay lìa bỏ nghề nghiệp mình, không cần phải từ bỏ những tình yêu hay những giấc mơ lớn lao. Mọi người có thể thánh hóa bản thân bằng chính làm tốt công việc hay chu toàn trách nhiệm được giao phó hàng ngày. Chúa Kitô ghi nhận sự cố gắng của từng người, tùy theo khả năng, sức khỏe của từng cá nhân.

II.- ƠN GỌI KITÔ HỮU.

A./ Các Thánh và Á Thánh Giáo Hội Công Giáo.


Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo có khoảng 3.300 Chân phước (hay Á Thánh, được tôn kính trong nước) và 1.100 Thánh (hay Hiển Thánh, được tôn kính trên thế giới) đã tuyên phong từ năm 1588 khi Đức Giáo Hoàng Sixte-Quint thành lập Thánh Bộ Nghi Lễ, nay đã đổi tên : Thánh Bộ Phong Thánh. Ngày hôm nay, đời sống các Thánh và Chân Phước trở thành những gương sáng cho chúng ta noi theo để đáp lời Thiên Chúa mời gọi Nên Thánh như ý nguyện của chúng ta khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Đức Thánh Cha Gian Phaolô II đã tuyên phong 482 Thánh và 1.341 Chân phước; Đức Biển Đức XVI tuyên phong 39 Thánh và 130 Chân phước ; Đức Phanxicô phong 378 Thánh (trong có một lần gồm 360 tử đạo người Tây ban nha) và 803 Chân phước chỉ trong một lần ngày 12.05.2013 (trong đó có 801 tử đạo người Ý). Việt Nam hiện đang có 117 Thánh Tử Đạo, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong ngày 19.06.1988 tại Rôma và Chân Phước Anrê Phú Yên cũng do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong, ngày 05.03.2000, tại Rôma. Ngoài ra, Hồng Y Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vừa kết thúc hồ sơ cấp Giáo phận Rôma ngày 05.07.2013. Ngày 27.04.2014, Chúa Nhật Lễ Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ tế Thánh Lễ phong Hiển Thánh cho hai Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, với sự hiện diện của Đức Biển Đức XVI.

Với chừng ấy số Chân Phước và Thánh, trong gần 2000 năm qua, đã tốn bao nhiêu công và của, thì kết quả của Chương trình Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại thật là quá ít, nếu không muốn nói là thất bại.

Xin đừng bi quan. Cùng nhau, chúng ta hãy mở Sách Lễ ngày mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, Thánh Gioan viết trong sách Khải huyền: « tôi đã thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên. »

Đoạn Sách Thánh nầy xác nhận số người lên Thiên đàng là hằng hằng lớp lớp. Chính vì thế Giáo Hội đã dành ngày 01 tháng 11 hằng năm để Kính Trọng thể tất cả các Thánh Nam Nữ của Giáo Hội Công Giáo. Trong đó, cần kể đến các tiền nhân chúng ta trong các Gíáo xứ trong nước và các Cộng đoàn hải ngoại, ông bà trong gia đình chúng ta đã được Chúa gọi về Nhà Cha. Đó là những linh hồn những vị đã được Rửa tội và có đời sống phù hợp Tin Mừng Đức Kitô và Giáo lý dạy để đáp trả lời mời Nên Thánh của Đức Chúa Trời qua Mười Điều Răn của Người được tóm về hai điều : Kính Chúa và Yêu Người. Còn các Thánh và Á Thánh được Giáo Hội tuyên phong là những người có đời sống thánh thiện với những Nhân Đức hay Hành Vi can trường, được Ơn Chúa tác động đặc biệt, gần giống Đức Giêsu Kitô là Thầy Chí Thánh.

B./ Những hướng dẫn để Nên Thánh.

Trong Phúc Âm ngày Lễ các Thánh Nam Nữ, Thánh sử Matthêu đã tường thuật việc Chúa Giêsu giảng ‘Tám Mối Phúc Thật’, còn gọi là bài giảng Trên Núi. Đó là những chỉ dẩn mà chính Đức Kitô đề nghị chúng ta thực hành hay phải gánh nhận để nên Thánh. Chúng ta có tự do hoàn toàn để chấp nhận hay từ chối.

Khi giảng bài này, Đức Kitô đã dùng cho mỗi mối phúc với một câu văn dùng ‘điều kiện cách’ để diễn tả, gồm hai vế: một về điều kiện: ‘Ai xây dựng hòa bình’ và một về thành quả : ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’. Các mối phúc chỉ là những khích lệ về mặt luân lý trong hiện tại (thời điểm thực hiện), nhưng thành quả thường là những phần thưởng hạnh phúc tinh thần trong tương lai. Phúc lành mà các mối phúc nói đến việc viên mãn của một lời hứa dành cho tất cả những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của chân lý, công bình và bác ái.

C./ Một trường hợp Nên Thánh.

Là những tín hữu Tin vào Lời Chúa hứa, xin mời, chúng ta nhìn vào gương Tổng thống Ngô Đình Diệm, người bị thảm sát cách đây đúng 50 năm, ngày 02.11.1963, bởi những kẻ được trả tiền để ra lịnh thuộc hạ giết ông.

Gần đây, ngày 16.09.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích ‘Một người Công Giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị’ và ‘Những nhà cầm quyền ‘phải yêu thương người dân của họ’ bởi vì ‘một lãnh đạo mà không yêu thương dân thì chẳng thể nào cầm quyền được’. Để chuẩn bị ‘tham gia vào chính trị’, từ thời niên thiếu đã học tập, khi làm quan đến lúc lãnh đạo Dân Việt luôn được soi sáng bởi những nhân đức chân lý, công bình và bác ái, ông Diệm đã hấp thụ những điều kiện phải có của một người ‘yêu thương người dân’. Ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho giáo và Thiên Chúa giáo. Thực vậy, chính Nho giáo đã hun đúc ông thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực và giáo dục Thiên Chúa Giáo đã đào tạo ông Diệm thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

Quốc trưởng Bảo Đại viết trong Hồi ký ‘Le Dragon d’Annam’ (Con Rồng Việt Nam) : « Ngày 18.06.1954, khi hội nghị Genève đang tiếp diễn, với viễn ảnh đen tối, nếu không nói là tuyệt vọng, cho tôi và phe quốc gia, Quốc Trưởng lại một lần nữa tìm đến ‘người mà tôi tin cẩn’. Ông đã thuật lại đầu đuôi câu chuyện như sau: « …Tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:

– Cứ mỗi khi tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.
– Thưa Hoàng thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…
– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.
Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp:
–Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.
Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá tôi bảo ông ta:
– Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.
Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:
–Tôi xin thề ».

Quốc trưởng Bảo Đại đã trao cho ông Diệm toàn quyền dân sự và quân sự để đối phó với tình hình cực kỳ khó khăn lúc ấy vì Người biết ông Diệm xuất thân từ một gia đình Công Giáo đạo đức và yêu nước mà thân phụ ông, Tổng quan Ngô đình Khả, được Vua Thành Thá i giao việc tổ chức Trường Quốc học với chức Trưởng giáo.

Ngày 08.07.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện cuộc viếng thăm mục vụ tại đảo Lampedusa, cực nam Italia, để gặp gỡ những người di dân và cử hành Thánh Lễ tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả cùng thức tỉnh lương tâm nhiều người trên thế giới, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di dân và tị nạn. Thãm trạng này là hậu quả sự thiếu tổ chức và bất lực của lãnh đạo các quốc gia trên thế giới. Hồi tưởng lại thời gian, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã hoàn tất tốt đẹp cuộc tiếp đón, tạm cư và định cư với công ăn, việc làm cho ngót một triệu đồng bào, bất phân biệt tôn giáo. Người đặc biệt lưu tâm đến việc giáo dục : các sinh viên được phi cơ đưa thẳng vào Sài gòn để kịp niên khóa đọc và, phòng học các trường trung và tiểu học trước đó dành cho hai nhóm trò, sáng và chiều, nay được tăng lên ba để các em vừa có dịp tương trợ lẫn nhau (sáng bắt đầu sớm hơn ; chiều về trể hơn) để cùng nhau đồng tiến.

Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người và Người giao cho con người cai quản vũ trụ để làm nơi sinh sống. Vâng lệnh Thiên Chúa và thương đồng bào đi tìm Tự do từ miền Bắc, chính phủ ông Diệm cung cấp phương tiện cơ giới để người di cư khai khẩn rừng hoang hầu xây cất nhà ở và được cấp quyền sở hữu (nhớ rằng : đây là ‘quyền sở hữu người dân’ chớ không là ‘quyền sở hữu toàn dân’). Sự thành công mỹ mãn của Tổng thống Ngô Đình Diệm là nhờ sự phù trợ của Thánh Odilon, Bổn mạng những người tị nạn, mà vị sáng lập nền Cộng hòa Việt Nam đã chọn cho mình khi tuyên khấn trong bậc oblat tại đan viện dòng Biển Đức Saint–André de Bruges (Vương quốc Bỉ) ngày 01.01.1954. Ngoài ra, Thánh Odilon còn là vị Linh mục đã bắt đầu cử hành Thánh Lễ Cầu cho các Linh hồn ngày 2 tháng 11 mỗi năm cũng chính là ngày ông Diệm qua đời năm 1963.

Nhân dịp Ngày Hoà Bình Thế Giới lần thứ 46 ngày 01.01.2013, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gởi đến chúng ta Sứ điệp có chủ đề ‘Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình’. Trong đó, Người viết : « Phẩm giá con người và các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội, đòi hỏi chúng ta tiếp tục ‘ưu tiên mục tiêu tạo ra việc làm ổn định cho mọi người’ bằng phải có cái nhìn mới về lao động, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và những giá trị tinh thần, xem khái niệm lao động là một thiện ích cơ bản đối với cá nhân, gia đình và xã hội… Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay đang đưa đến sự bất bình đẳng ngày càng lớn hơn,… Bên cạnh những khả năng tri thức và nghề nghiệp, sự phát triển kinh tế nhân bản đích thực và sống động còn cần phải là nguyên tắc và ý nghĩa của quà tặng được biểu lộ như tình huynh đệ… trong lĩnh vực kinh tế, người kiến tạo hòa bình là người thiết lập nên mối dây công bình và tương trợ lẫn nhau nơi các công ty, công nhân, khách hàng và người tiêu thụ. Họ dấn thân vào hoạt động kinh tế vì thiện ích chung ».

Ý thức những điều đó, ngay từ khi nhậm chức, dù vừa phải chống giặc trong (các giáo phái võ trang, cộng phỉ) và đối phó với ngoại nhân (Pháp, Mỹ), Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu đã cấp tốc thiết lập xây dựng một nền Giáo dục nhân bản, dân tộc, và khai phóng giúp phát triển toàn diện cá nhân và tinh thần quốc gia. Đồng thời, chánh phủ tiêu diệt các tệ đoan cờ bạc, mãi dâm, hút á phiện để lành mạnh hóa xã hội. Chỉ trong thời gian hơn hai năm cầm quyền, Tổng thống Ngô Đình Diệm vừa thu hồi chủ quyền quốc gia từ tay người Pháp, độc lập và hòa bình cho Dân tộc, kinh tế tự túc và phát triển. Nền Cộng hòa được tuyên bố cho Việt Nam ngày 26.10.1955 và Hiến Pháp tự do, dân chủ và tiến bộ với tam quyền phân lập, Quân đội phi đảng phái được ban hành ngày 26.10.1956. Điểm đặc biệt, Tổng thống Diệm đã tiết kiệm chi tiêu Ngân sách tới mức tối đa, có thể không chính phủ nào có thể thực hiện được khi Phái đoàn Tổng thống chính thức viếng thăm Hoa kỳ vào tháng 05 năm 1960 chỉ gồm có 7 thành viên.

Đức Kitô là Đấng Chân Thật, Người hứa ‘Phúc cho ai xây dựng hòa bình’ thì ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’, nên người Công Giáo tốt Ngô Đình Diệm đã ‘xây dựng hòa bình’ qua việc tham gia vào chính trị xứng đáng ‘được gọi là con Thiên Chúa’. Do đó, ngày 02.11.1963, trước khi chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian, người ‘con Thiên Chúa’ Ngô Đình Diệm, sau khi gặp Linh mục (là Đức Kitô thứ hai) để lãnh nhận những Bí tích cuối cùng và Của Ăn đi đường, xứng đáng được Ơn Chết Lành hầu Linh hồn Gioan Baotixita Nên Thánh được Ngôi Hai Thiên Chúa đón vào Thiên Đàng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoàng Hôn Nộ Cuồng
Nguyễn Hùng
21:24 30/10/2013
HOÀNG HÔN NỘ CUỒNG
Ảnh của Nguyễn Hùng
Còn đâu vàng óng bình minh
Còn đâu dịu ngọt êm đểm hoàng hôn
Thời gian thôi hết kiên chờ
Thời gian đã điểm hoàng hôn nộ cuồng.
(Pleiksor nth)