Ngày 30-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chuyện Bác Chuyện Em: Tám Mối Phúc Thật
Nguyễn Trung Tây, SVD
05:30 30/10/2009

Chuyện Bác Chuyện Em: Tám mối phúc thật

Tĩnh lặng, Ảnh NTT

Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra khắp nơi. Bác và Em có thể sống ở một thôn làng Việt Nam. Bác và Em cũng xuất hiện tại Hoa Kỳ, và tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Tám Mối Phúc Thật kể lại Chuyện Bác Chuyện Em trong chuyến hành hương tại Do Thái, cạnh ngay Biển Hồ Galilê.

— Sang tới bên đất thánh, tự nhiên tôi lại đâm ra cứ nghĩ ngợi vớ vẩn.

— Em tưởng cần chi phải sang tới đất thánh, ở bên làng ta là bác cũng đã vớ vẩn tợn rồi đấy chứ.

— Ông thì cứ mở miệng ra là đâm bị thóc, chọc bị gạo. Có bữa chọc nhằm ngay hũ mắm tôm thì thơm đời nhé!

— Gớm, mới giỡn chơi có mấy câu mà bác đã khó chịu. Thì thôi, bác nói đi.

— Thì đấy, ông nhớ cái hôm cụ dẫn mình tới nhà thờ Tám Mối Phúc Thật gần sát Biển Galilê hay không? Tới sân nhà thờ, ông hướng dẫn viên mới bắt đầu kể về sự tích của ngôi nhà thờ và câu chuyện Tám Mối Phúc Thật trong Phúc Âm. Tôi nhớ ông ấy nói thật ra cũng không ai rõ là Chúa đã giảng Tám Mối Phúc Thật ở đâu. Bởi theo như thánh Luca thì từ trên núi Chúa đi xuống đất bằng, tại đây Chúa mới giảng Tám Mối Phúc Thật (Luke 6:12-17). Còn ông thánh Mátthêu thì lại nói Chúa ngồi giảng Tám Mối Phúc ở ngay trên ngọn núi (Matt 5:1). Nghe ông hướng dẫn viên nói, tớ mới bật ngửa người ra. Chết chửa, sao lại có chuyện lạ kỳ như vậy. Người nói thế này, kẻ bảo thế kia, biết ai đúng ai sai bây giờ?!

— À, thì ra là vậy. Hèn chi bác nói giờ sang tới bên đất thánh lại đâm ra như người vớ vẩn là thế.

— Ông khéo là nhiều trò. Tôi nói là “nghĩ ngợi vớ vẩn”, chứ không phải “như người vớ vẩn”.

— Vâng, vâng, em nhầm miệng, cho em chữa lại, bác nghĩ ngợi vớ vẩn bởi không biết chỗ nào mới là cái nơi Chúa giảng bài giảng Tám Mối Phúc Thật.

— Chứ còn gì nữa. Thì đấy, cái lúc mà ông hướng dẫn viên đang nói, ông cũng đứng cạnh ngay bên tôi, làm gì ông không nghe thủng nhời của người ta. Mà họ là hướng dẫn viên có bằng cấp hẳn hoi chứ đâu có phải nói chuyện thằng Tí thằng Tèo...

— Vâng, em biết. Em đâu có điếc lác để mà nghe không rõ nhời người ta nói. Nhưng bác có nhớ trong thánh lễ cụ cũng có nói, “Chúa giảng Tám Mối Phúc Thật ở trên núi cao hay dưới đất bằng cũng không quan trọng. Quan trọng là Chúa đã giảng Tám Mối Phúc Thật. Và bài giảng của Chúa đã được cả hai ông thánh sử ghi lại trong sách Phúc Âm rõ ràng hẳn hoi cơ mà”.

— (Nghi ngờ) Có thật là cụ đã nói như vậy hay không đó?

— Bác rõ đến là chán như cơm nếp nhão. Chẳng lẽ bác lại nghĩ em nói điêu. Hay là bác đi kiếm cụ mà hỏi cho ra nhẽ nhé. Đây, đây điện thoại di động của em đây, bác cứ cầm lấy mà gọi cụ đi. Tiền điện thoại mắc thì mắc, cứ để em trả…

— (Cười chữa thẹn) Nào dám. Nhưng quả thật là tôi không có nhớ...

— Bác cũng dự một ván lễ với em, mà làm sao lại không nhớ nhời cụ giảng? Vậy là ngay cả bài giảng Tám Mối Phúc Thật của cụ trong thánh lễ, bác cũng quên tuốt luốt rồi.

— (Nói nho nhỏ) Chỗ anh em tớ nói thiệt, lúc đó quả là tớ có hơi chia trí...

— (Làm mặt kịch) Bác đến là liều, sao lại có thể lơ đãng trong lúc cụ giảng Lời Chúa như vậy? Vậy là phải dự một ván lễ khác bù vào cho trọn đấy nhé.

— (Nổi sùng) Ông đừng có ở đó mà nói thánh nói tướng. Đêm hôm trước, ông rủ tôi xuống căng tin khách sạn lai rai mấy xị rượu vang với thịt dê nướng. Nửa đêm mò về được tới phòng, tôi say bí tỉ. Sáng còn lết được đi theo phái đoàn tới nhà thờ Tám Mối Phúc là phúc lắm rồi đấy. (Gắt gỏng) Mà đã nói với ông rõ ràng hẳn hoi rồi, “Thôi, thôi, tôi đủ rồi”. Ông thì cứ cố nài với ép, “Bác phải vui với em, có mấy thủa mà mình đến được Biển Galilê ngồi nhậu với thịt dê như thế này”…

— Thì thôi, lỗi của em. Vậy là bác không có nhớ cụ giảng chi sất?

— (Sẵng giọng) Nhớ gì! Lúc cụ giảng, tôi thăng thiên lên thẳng tới thiên đàng.

— Lên thẳng tới thiên đàng cơ à, thế sao bác không đi mà hỏi Chúa, “Chúa ơi, Chúa giảng bài giảng Tám Mối Phúc ở đâu? Trên núi hay dưới đồng bằng?” Gặp Chúa ba mặt một nhời như vậy thì chắc bác đã thôi, không còn vớ vẩn…

— Ông hay lắm, sao ông không lên đó mà hỏi Chúa?

— Thôi, thôi, được rồi, để em nhắc lại cho bác rõ, kẻo không có bữa cụ hỏi thì lại kẹt. Bữa đó cụ giảng như thế này đây nè…

Suy Niệm 1

Sống Tám Mối Phúc thật là:

(1). Sống nghèo khó như thánh Phanxicô một đời sống khó nghèo, trên màn trời dưới chiếu đất, nhận mặt trời là anh, gọi mặt trăng là chị, yêu thương tha nhân và thú vật với cả một tấm lòng đơn sơ chân thành. Vác bình bát đi ăn xin, gặp người vác gậy đuổi đi, thánh nhân không buồn, nhưng tiếp tục cất giọng hát bài Kinh Hòa Bình, “Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”.

(2). Sống hiền lành như Đức Mẹ, lúc nào cũng cúi đầu xin vâng theo thánh ý Chúa. Sống thương người như Mẹ, nhận được tin chị Elizabeth mang thai, Mẹ từ bắc Galilê lên dốc xuống đồi lần xuống miền Nam Giuđêa săn sóc người chị bụng mang dạ chửa.

(3). Sống công chính như thánh Giuse, thà là yên lặng bỏ đi, chứ không nỡ lòng mang người bạn đời đang mang thai ra đầu làng ném đá. Thánh Giuse công chính đặt danh dự và thể diện tha nhân lên trước bản ngã của mình, thà là mình bị thiệt còn hơn người khác bị thiệt thòi.

(4). Sống sầu khổ nhưng kiên trì như thánh Monica, một đời nguyện cầu cho người con hoang đàng. Bởi những giọt nước mắt và lòng bền đổ vào lời kinh, cuối cùng Augustine cũng quay về lại với mẹ và với Chúa.

(5). Sống tử tế như người Samaria nhân hậu dám bỏ tất cả hiềm thù riêng tư giữa hai dân tộc để lo cho một mạng người Do Thái đang dở sống dở chết nằm bên vệ đường.

(6). Sống trong sạch như Chúa Giêsu một đời khiết tịnh, lúc nào Chúa cũng tôn trọng phẩm giá của phụ nữ và trẻ em, không kỳ thị chủng tộc coi thường người khác văn hóa với mình. Gặp người nghèo đói, bệnh tật, tội lỗi, Chúa không ngoảnh mặt làm lơ, gặp người giàu sang quyền quý, Chúa không a dua xu nịnh.

(7). Sống đời hòa bình như Dr. Martin Luther King một đời tranh đấu bất bạo động cho công lý và nhân phẩm. Trong dòng lịch sử thế giới, tên của chiến sĩ hòa bình Dr. Martin Luther King khắc sâu chữ vàng.

(8). Sống tử vì đạo như thánh Dũng Lạc một đời tuyên xưng đạo Chúa dù phải đầu rơi chốn pháp trường. Hạt máu tử đạo của thánh Dũng Lạc đổ xuống biến thành đá tảng xây dựng nền nhà Giáo hội Việt Nam đời đời bền vững.


Suy Niệm 2

Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ.

Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp.

Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc cho ai khát khao công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho ai bị bách hại vì sự công chính, vì nước Trời là của họ (Matt 5:3-10).


www.nguyentrungtay.com
 
Tháng Mười Một: cầu nguyện cho các linh hồn
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
10:49 30/10/2009
Trong năm có mười hai tháng, ngày tháng nào cũng có cầu nguyện cho các linh hồn, riêng tháng mười một lại là tháng nhớ nhất trong năm, tháng của các linh hồn. Có lẽ lời thánh nữ Monica vẫn âm vang đâu đó: “Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng thánh lễ” không chỉ nhớ về mẹ mà còn nhớ những người đã khuất.

Nhờ vào mầu nhiệm các thánh thông công mà những hy sinh trong tháng này dành cho các linh hồn cách đặc biệt hơn. Trọng tâm bao giờ cũng là thánh lễ, mỗi lễ dâng hàm chứa trong đó bao tâm tình của nhiều người hướng về dâng lên. Tâm tình của những người con mất mẹ, vắng cha, tâm tình của những con người yêu thương nhau, không còn nhau trong đời, tâm tình của những anh chị em không còn nhau hoặc chưa kịp làm gì để trợ giúp nhau.

Những tâm tình kết lại trong mỗi hy sinh, nhịn một bữa ăn, làm hòa với nhau những người còn sống, chia sẻ với những người thiếu ăn, khổ đau, lãnh nhận những bổn phận trong tinh thần cầu nguyện hy sinh. Có biết bao cách để làm nên lễ vật hy sinh cầu nguyện cho người đã khuất.

Tháng mười một, người người tuôn về các nghĩa trang, ở đó có những người thân của mình, có những người thân quen, đến để đặt vài cành hoa, thắp lên những nén nhang cho người thân và những người bên cạnh, đọc những câu kinh, những hình ảnh ấy gợi lên biết bao tình thương mến, xa mặt nhưng không cách lòng, đã khuất mà không chết trong tâm khảm của những người còn sống. Vẫn hòa quyện trong làn hương, lời kinh dâng lên, đối với tâm tình ấy, không ai nghĩ người thân của mình đã lìa xa.

Nhớ đến người đã khuất như là để sống lại những lời khuyên, sửa mình lại trong những sai trái, ướp mình lại trong những hy sinh. Đó là làm hồi sinh những nỗ lực của người đã khuất chưa kịp hoàn tất trong cuộc đời mình, những người sống đang cố gắng hoàn thành. Không chỉ giúp nhau khi còn sống mà còn giúp nhau ngay khi không còn. Nỗ lực của những cố gắng này phải chăng đang làm đậm nét của nền văn hóa tình thương, khi chính tình thương ấy biểu lộ xa mặt nhưng không cách lòng.

Nhớ về người đã khuất cũng là nhớ về tháng ngày cũ như muốn sống lại thời còn có nhau trong đời. Những kỷ niệm buồn vui, những ngày bên cạnh nhau để nghe trong đó bao tình tự của năm tháng gởi trao và nhận ra rằng trong đời có một triết lý để sống: “Rồi sẽ qua tất cả nhưng tình yêu vẫn tồn tại” và từ ấy cuộc sống bao dung, đại lượng hơn. Có lẽ thế mà trong nét văn hóa Việt Nam vẫn còn mang tính hiếu hòa để còn sống với nhau.

Có lẽ tháng mười một gợi nhắc rất nhiều về bài học cho người sống, những bài học từ vở kịch “tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ nhắc đến trong lời của trông coi nghĩa trang: “hỡi những ông lớn bà lớn, khi chết ông bà cũng sống dưới quyền tôi”. Hơn thua trong đời có được gì đâu ngoài năm ba tấc đất, sống với nhau cho đàng hoàng tử tế, sao chẳng sống để chết đi còn có nhau trong đời.

Nhiều lắm những bài học, từ tình thương cho đến những cuộc đời. Tháng mười một về, hãy thắp những nén nhang lòng để nghe đời rộn rã mời gọi: “sống sao cho nên người và nên thánh”.

Xin Chúa thương đến các linh hồn và đến chúng con.
 
Đời người chiếc lá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:55 30/10/2009
Những ngày cuối tháng 10, Đất Thánh các Giáo xứ đông người đi tảo mộ. Bên người thân yêu đang an nghĩ, con cháu, thân nhân thành kính đốt nến, thắp nhang cầu nguyện.

Mỗi chiều, tôi ra Đất Thánh của Giáo xứ cùng mọi người dọn dẹp cỏ rác, phát quang bụi rậm, sữa sang lễ đài, chuẩn bị cho ngày lễ các đẳng linh hồn.

Nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng khắp Nghĩa Trang, tôi nghĩ về mùa thu, nghĩ về đời người và chiếc lá.

Nhớ bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư:

Em nghe không mùa thu.
Lá thu rơi xào xạc.
Con nai vàng ngơ ngác.
Đạp trên lá vàng khô.
(Tiếng thu)

Màu vàng của lá, màu úa của cỏ, nắng nhạt gió chiều là hình ảnh đặc trưng của mùa thu. Mùa “chịu tang” của những chiếc lá vàng. Ngồi nhìn lá rơi, mỗi chiếc lá chọn cho mình một cách “chia tay”. Có những chiếc lá ra đi trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng bịn rịn như thể không muốn lìa cành; có những chiếc lá “hấp hối” loạng choạng buông mình cách nặng nề nghiêng ngã trên mặt đất. Lại có những chiếc lá ra đi cách nhẹ nhàng trong dáng điệu thướt tha buông mình theo gió. Những chiếc lá khác không bàng hoàng hối hả mà chậm rãi, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể một bông hoa say trong giấc ngủ yên lành. Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng xuống. Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành.

Đời người có khác chi một chiếc lá cuối thu. Có những người ra đi trong bấn loạn, hối tiếc, khổ đau, nặng nhọc. Lại có người ra đi về với cội nguồn một cách thanh thản nhẹ nhàng thanh thản. “Lá rụng về cội”. Lá rơi bên gốc cây. Lá chờ đợi một quá trình sinh học để trở thành dinh dưỡng nuôi cây. Lá góp thân xác tàn úa để trả ơn cho cây. Đời lá ngắn ngũi mà đầy ý nghĩa nhân sinh.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Kinh: “Có thời sinh ra, có thời chết đi” (Gv 3,2). Mỗi loài thụ tạo đều có thời hạn của nó. Đời người như chiếc lá mỏng manh, ngắn ngủi. Chỗ dựa trần gian chẳng an toàn vững chắc.Tiền bạc vật chất, bằng cấp, kiến thức, chức quyền đều chóng tàn phai. Sức khoẻ, sắc đẹp hao mòn rồi rệu rã theo tuổi đời năm tháng.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết. Nó chẳng từ ai, chẳng thương tiếc ai. Nó đến bất ngờ làm ta bang hoàng. Phải bỏ lại tất cả mọi thứ ta gắn bó và gom góp suốt đời để ra đi với hai bàn tay trắng. Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng. Một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, một chuyến đi nghỉ hè đôi ba ngày…tôi đã phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi? Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Vịnh: “Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích” (Tv 102,15-16). Dù văn minh đến dâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu … ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết. Suy tư về cái chết là suy tư về sự sống. Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng. Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người. Không ai có thể sống mãi mà không chết. Các vua chúa ngày xưa đã cố công đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng chết. Để sống cách trọn vẹn, phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.

Đời người ngắn ngủi như chiếc lá như lời Thánh Vịnh:

Đời con là một kiếp phù du,
Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.
Sống làm người ai không phải chết,
Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty ?
(Tv 88,48-49)

Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Sống và chết là kỳ công và đều bởi Thiên Chúa. Sự sống là mong manh, thế mà Thiên Chúa lại phải đánh đổi bằng máu của các tiên tri, bằng mạng sống của Con yêu dấu là Chúa Giêsu.

Nhìn lá vàng rơi ta nghĩ về cuộc đời lữ thứ. Xin đừng mưu mô tính toán mà làm gì. Xin đừng chia rẽ và thù ghét làm chi. Cuộc đời này thật ngắn, tiền bạc trên thế gian này nhiều lắm, bàn tay ta có tham mấy cũng chẳng vơ vét hết được. Rồi đến lúc bàn tay xuôi xuống, lạnh cóng, cô đơn, chẳng nắm giữ được gì.

Để có được sự ra đi trong thảnh thơi nhẹ nhàng và đong đầy niềm tin hy vọng ngày mai tươi sáng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”. Ta hãy chọn phương châm “sống với” chứ đừng “sống vì”. Thấu cảm được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền. Như ai đó đã từng nói:“Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười ta khóc. Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc ta cười”.
 
Ngày 2.11: Ngày báo hiếu mẹ cha
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
10:59 30/10/2009
Có một mẩu chuyện có thật được ghi lại trên một trang blog như sau:

Bạn tôi mở ngăn tủ của chồng mình và lấy ra một gói nhỏ. Gói kỹ càng trong lớp giấy lụa. Chị bảo: Đây không phải là gói đồ bình thường, đây là một chiếc áo thật đẹp. Chị vứt lớp giấy bọc, và lấy ra chiếc áo mịn màng và bảo: Tôi mua chiếc áo này tặng anh ấy, lần đầu tiên chúng tôi sang New York, cách đây 8 - 9 năm rồi, nhưng anh ấy chưa bao giờ mặc! Anh ấy muốn dành cho một dịp nào đặc biệt. Vậy thì hôm nay, tôi nghĩ là dịp đặc biệt nhất rồi. Chị đến cạnh giường và đặt gói áo ấy cạnh những món đồ mà tí nữa sẽ được bỏ vào áo quan mà liệm. Chồng chị vừa mới qua đời.. .

Quay sang tôi, chị bảo: Đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả. Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi! Có thể sẽ không có dịp nào đặc biệt như ngày hôm nay. Thế nên, điều gì đáng bỏ công, đáng làm, hãy làm từ ngày hôm nay. Điều gì chúng ta muốn làm cho anh em mình, hãy làm ngày hôm nay, đừng để ngày mai khi mà chúng ta không còn cơ hội để tỏ lòng quan tâm, yêu thương chăm sóc anh em mình. Đừng để những giọt nước mắt của nuối tiếc chảy dài trước chiếc quan tài mà người ta yêu đã nằm bất động chẳng còn có thể hạnh phúc khi được chúng ta quan tâm, chăm sóc, yêu thương.


Vâng, có lẽ lúc này, chúng ta cũng nuối tiếc một điều gì đó khi đứng trước nấm mồ của người thân yêu chúng ta. Có những điều, những việc, những lời nói đáng lý chúng ta phải dành cho họ, nhưng chúng ta lại chần chừ, lại trì hoãn. Nhưng giờ đây, chúng ta không còn cơ hội để làm điều gì đó cho họ. Họ cũng không còn cần những điều ấy nơi chúng ta. Họ đã ra đi và bỏ lại tất cả những vui buồn của kiếp người. Họ không còn cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta đối xử ân cần, chân thành với họ. Họ cũng không còn những giọt nước mắt tủi hận vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chúng ta. Đối với họ giờ đây, những tình cảm, những vật chất mau qua đã không còn giá trị, đã không đủ mang lại niềm vui hay buồn đau cho họ. Vậy giờ đây, họ cần điều gì nơi chúng ta ?

Trong đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu. Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình. Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình. Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.

Dầu vậy, trong chuyến đi này, chúng ta cũng cần được thanh luyện, như vàng được thử trong lửa. Vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần, tôi cũng đã không sống trong ân sủng của Ngài, tôi đã để những quyến luyến của tạo vật làm chủ trái tim tôi, đóng những lớp bụi trần trên con người thật của tôi. Tôi sinh đến trong đời với hai bàn tay trắng, và khi ra đi, tôi cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ công phúc và tội lỗi. Giai đoạn thanh tẩy này gọi là Luyện Tội, nơi chúng ta được tái tạo lại theo hình ảnh của Thiên Chúa. “Lửa” luyện tội sẽ đốt cháy tất cả những lớp bụi bặm, sơn phết mà tôi đã tô vẽ cho mình trong cuộc sống.

Như vậy, người đã chết cần nơi chúng ta lời cầu nguyện, cần thánh lễ chúng ta dâng để thanh tẩy họ, cần việc lành phúc đức chúng ta làm thay cho họ, để nhờ công phúc của chúng ta kết hợp với hiến tế của Con Chiên Thiên Chúa, giúp họ thoát khỏi những đau khổ của luyện tội. Đây cũng có thể là những nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta có thể dành cho những người thân yêu ở cõi vĩnh hằng. Đây cũng là cách chúng ta tỏ lòng thảo hiếu với công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ. Vì đạo hiếu Việt Nam luôn đề cao công đức sinh thành. Đạo hiếu dạy phải ‘thờ cha kính mẹ mới là đạo con”. Đó còn là công bằng phải trả cho ông bà cha mẹ, vì “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó còn là cách chúng ta để đức về sau: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Vì vậy, người khôn ngoan không ai lại không thảo kính cha mẹ. Người khôn ngoan luôn làm mọi cách để báo hiếu cha mẹ khi còn sống và cả khi các ngài đã qua đời. Khi sống quan tâm, chăm sóc. Khi chết dâng lễ, cầu nguyện.

Chính vì lẽ đó, tháng 11 là dịp để chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành, để đền đáp ơn nghĩa chín chữ cù lao mà các ngài đã dành cho chúng ta bằng những thánh lễ chúng ta dâng, bằng những hy sinh, những việc lành phúc đức chúng ta làm cho các ngài. Người Phật giáo có mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Người Công giáo cũng có thể nói tháng 11 là mùa báo hiếu để chúng ta làm tất cả những gì có thể để đền đáp ân nghĩa mẹ cha, mà nay đã qua đời. Với ý nghĩa đó, giờ đây chúng ta cùng nhìn lại một chút công ơn mà ông bà cha mẹ đã dành cho chúng ta qua những lời ca dao, những vần thơ trong kho tàng văn học Việt Nam.

Trước tiên là ân nghĩa sinh thành:

"Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân".


Những bậc làm cha mẹ thường đánh mất chính mình để lo cho con có cơm có áo, có những ngày đến trường để bằng bạn bằng bè. Cha mẹ chẳng tiếc gì những giọt mồ hôi rơi rớt trên nương đồng, lai láng trên công trường:

"Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con".


Thế nên, phận làm con phải hiếu để bù đắp lại phần nào những đắng cay vất vả mà các ngài đã sẵn lòng vì ta bằng cách:

"Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con".


Và dù không được ở gần cha mẹ, thì người con thảo hiếu luôn dành cho cha mẹ những tình cảm chân thành từ những cây nhà lá vườn, những hoa trái đầu mùa dâng tặng mẹ cha:

"Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giầy,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi".


Vâng, đứng trước biết bao ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ, phận làm con phải thảo hiếu. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: những gì chúng ta có là do công cha nghĩa mẹ. Mỗi người chúng ta đều có nguồn cội. Mỗi người chúng ta đều phải khắc ghi trong lòng ân sâu nghĩa nặng mẹ cha. Với tâm tình đó, chúng ta cùng hát với nhau bài “Ơn nghĩa sinh thành” để ghi khắc mãi trong tim về tình yêu trời bể của cha mẹ đã dành cho chúng ta.

Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Anh ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng.
Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân
Vì ai ta nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai mà có ta. Uống nước ….'
 
Tình Chúa
Lm Vũđình Tường
15:37 30/10/2009
Chúng ta không thể nói về một người nếu không nói về cuộc đời người đó. Không thể nói về cuộc đời người đó nếu không nói về công việc họ làm. Không thể nói về công việc họ làm nếu không nhắc đến công việc làm hàng ngày. Chính việc làm hàng ngày giúp Kitô hữu nên thánh khi công việc đó thể hiện tình yêu Chúa.

Khuôn mặt tình yêu

Tình yêu Chúa được cụ thể hoá qua công việc, lối sống hàng ngày của các Kitô hữu. Tình Chúa yêu ta không còn là khái niệm trừu tượng mà thể hiện qua hành động cụ thể, qua bàn tay, ánh mắt, nụ cười, lòng mến, thôi thúc bởi con tim yêu mến nồng nàn. Tình Chúa không ẩn náu mà thể hiện qua cử chỉ bác ái, yêu thương.

Việc nhỏ thành quả to

Những việc mà Thánh Kinh ghi rõ trong ngày phán xét đều là những việc phát xuất từ lòng bác ái, từ tâm. Bác ái, từ tâm lại đến từ con tim. Cử chỉ tốt lành và hành động yêu thương tồn tại đến muôn đời, qua muôn thế hệ. Lứa tuổi nào cũng cần đến, giai cấp nào cũng đón nhận và hoàn cảnh nào cũng được đón chào, dù hoàn cảnh bất an hay an bình. Tình yêu cho đi không bao giờ phai. Hành động bác ái, cử chỉ yêu thương là những việc dễ làm, luôn gần kề, lúc nào cũng cần thiết, thời nào cũng thích. Bao lâu đau thương trên đời còn tồn tại, bấy lâu cử chỉ yêu thương còn cần thiết. Nơi đâu coi nhẹ tình yêu, lòng mến. Nơi đâu coi nhẹ đức tin, lơ là tình Chúa. Nơi đó dư bàn tay hung bạo, thiếu tình thương.

Việc bác ái xem ra nhẹ nhàng, nhỏ bé và khiêm nhường nhưng có thành quả vĩ đại khôn lường. Viếng người đau bệnh, chăm sóc kẻ đơn côi, cho kẻ đói ăn, khát uống, tặng áo ấm mùa đông, băng bó vết thương rỉ máu, hôi tanh, đón kẻ lỡ độ đường, giúp người tật nguyền. Những hành động thực tiễn, gần cuộc sống này, ai cũng có thể thực hiện nhiều lần trong đời.

Giầu nhân đức

Mừng các thánh Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về công đức, khi còn tại thế, thánh nhân thực hiện trong cuộc sống. Các ngài nên thánh không nhờ vào tài trí, khôn ngoan trần thế. Các ngài nhận hào quang Thiên Quốc vì sống thực thi ý Chúa: mến Chúa, yêu người. Tu thân, tích đức. Để tích trữ của cải vật chất, người ta cần thu góp, tàng trữ. Trái với lối tích trữ xã hội. Tích trữ nhân đức không phải nhận vào mà là cho đi không điều kiện, không mong trả: cho đi tình yêu và lòng mến. Cho càng nhiều, càng giầu nhân đức. Nhờ cho đi mà hàng năm dưới thế Giáo Hội mừng kính; trên trời ban thưởng triều thiên. Không công việc nào nơi trần thế có thành quả lâu dài, vững bền bằng việc bác ái. Bác ái bắt đầu dưới đất, thành quả ở tận trời cao, ngự nơi thiên quốc.

Để trở thành con cái ánh sáng, con cái Thiên Chúa chúng ta cần có tinh thần của chính Đức Kitô. Tinh thần của Đức Kitô được tóm gọn trong

HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI.

  • Tâm hồn nghèo khó.
  • Ăn ở hiền lành.
  • Khao khát công chính.
  • Xót thương người.
  • Tâm hồn trong sạch.
  • Xây dựng hoà bình.
  • Bách hại vì sự công chính
  • Bách hại vì Đức Kiô.


Chuyển cầu

Các thánh không phải là đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đức Kitô là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Các thánh làm nhiệm vụ nguyện thay, cầu giúp, chuyển lời cầu của ta lên trước tôn nhan Chúa. Khi lời cầu xin của con người không rõ ràng mạch lạc. Các ngài sửa lời cầu cho trong sáng trước khi dâng lên Thiên Chúa cho thích hợp. Các ngài không có kho thiêng riêng để ban phát nhưng làm công việc: chuyển lời cầu và chuyển ơn Chúa đến người kêu xin.

Thiêng hay không thiêng

Kitô hữu thường kháo nhau, đồn thổi thánh này thiêng lắm, xin là được. Nhiều người nhận ơn thiêng từ lời cầu xin, nhất là dân ngoại. Đây là một ngộ nhận cần tránh. Tôi xác tín một điều. Các thánh đều thiêng.

Làm sao giải thích lời đồn thổi trên? Trong cuộc sống nên thánh có ngài thiên về đời sống chiêm niệm. Có thánh nổi bật về diễn giải Kinh Thánh. Có thánh có tài hùng biện. Có thánh lừng danh việc bác ái, xã hội. Có thánh không mệt mỏi trong toà cáo giải. Có thánh ghi dấu chân khắp năm châu truyền giáo. Lại cũng có thánh hết lòng trung tín trong gian nan thử thách.

Chúng ta xin các Ngài chuyển lời cầu. Mỗi ngài đáp lại lời cầu theo cách riêng, không ai giống ai. Có cách dễ nhận ra; lại cũng có cách thần bí, tâm trí u mê không cảm được. Từ đó cảm nhận thánh này thiêng hơn. Không cảm được ơn xin có thể do tội, cộng thêm trí khôn nông cạn, đức tin yếu kém hơn là do thánh nhân không đáp lại lời cầu xin.

Mừng lễ các thánh chúng ta mừng kính sự tốt lành, trọn hảo và tình Chúa thể hiện qua hành động bác ái với tha nhân. Chính tình yêu Chúa tràn đầy thôi thúc các ngài sống tha thứ, yêu thương. Các ngài đặt niềm tin vào một tình yêu tuyệt hảo. Mạnh hơn tất cả khó khăn. Khắc chế mọi nguy hiểm. Mạnh hơn cả sự chết. Xác tín trên thúc đẩy các ngài sống đời chứng nhân, không mệt mỏi phát tình yêu Chúa cho tha nhân. Đời sống các ngài làm cho tình Chúa trở nên gần gũi với con người.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:53 30/10/2009
ĐÔI GIÀY CỦA PHÚ ÔNG

N2T


Một phú ông theo đạo Hồi, sau khi tham gia bữa tiệc thịnh soạn thì đi vào trong nhà thờ cầu nguyện, ông ta phải cởi đôi giày rất đắc tiền của mình bỏ ngoài cửa. Khi ông ta cầu nguyện xong bước ra cửa nhà thờ, thì phát hiện đôi giày của mình không cánh mà bay mất tiêu.

- “Tôi thật lơ đãng quá, đem đôi giày bỏ bên ngoài cửa, đúng là tạo cơ hội cho kẻ trộm cắp.”

- “Tôi rất muốn đem đôi giày tặng cho đối phương, nhưng thật đáng tiếc, tôi lại làm cho nhân loại nhiều thêm một đứa ăn cắp. “

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Một đôi giày bị mất cắp mà có hai câu trả lời: một câu thì trách mình sao quá lơ đãng, và một câu khác nói để an ủi mình.

Con người ta thường là như thế, khi của cải đầy nhà đầy kho thì không hề bố thí giúp đỡ người khác, đến khi bị mất của thì lại nói với người khác để đỡ thẹn: tôi định bố thí cho người nghèo, nhưng bây giờ thì mất hết rồi, hoặc là, tôi muốn giúp họ nhưng e rằng tạo cơ hội cho họ làm biếng thêm...

Làm việc bác ái thì không đợi đến ngày mai, cứu giúp người khác thì không đợi đến sang năm hay đợi đến có cơ hội thuận tiện, bởi vì “một miếng khi đói bằng gói khi no”.

Bác ái là đồng phục của người Ki-tô hữu, nhung có những người Ki-tô hữu chỉ có bác ái trong nhà thờ mà thôi: họ bỏ tiền thau rất nhiều và cúng nhà thờ cũng lắm, để được tiếng khen; họ chỉ có bác ái giúp đỡ mấy ông cha sở vốn đã giàu có lại giàu có thêm, còn những người nghèo nằm lê lết bên vệ đường trước mặt họ thì họ lại nhìn mà không thấy...ha ha ha...

Hành động của bác ái là nếu giúp được thì lập tức ra tay giúp đỡ, bằng không được thì cũng nói lời an ủi.

Ai mà không vui khi họ đã thấy tấm lòng của mình luôn quan tâm đến họ chứ !

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Các Thánh Nam Nữ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:54 30/10/2009
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Tin Mừng: Mt 5, 1-12a.

“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”


Bạn thân mến,

Mục đích của chúng ta sống ở đời này chính là thực hành thánh ý của Thiên Chúa, xây dựng cuộc sống ở trần gian tốt đẹp đầy hơn, đầy tình huynh đệ hơn giữa mọi người, để ngày sau được hưởng phúc thiên đàng với Thiên Chúa. Và các thánh nam nữ trên thiên đàng của chúng ta, cũng đã làm trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa ngay khi con ở thế gian này.

1. Nên thánh là bổn phận của người Ki-tô hữu.

Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng trọn lành ở trên trời”. Cốt lõi cuộc sống của bạn và tôi cũng như của tất cả mọi người Ki-tô hữu là ở đó: sống lành thánh như Chúa Giê-su đã dạy. Do đó mà tất cả những ai là người Ki-tô hữu đều có bổn phận phải trở nên trọn lành ở trong cuộc sống của mình, để sau này khi từ giã cõi đời thì được sum vầy hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng.

Các thánh nam nữ mà Giáo Hội Công Giáo của chúng ta đang mừng kính hôm nay, là những người đã thực hiện trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa khi còn ở đời này. Các ngài đã anh dũng và yêu mến thực hành Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giê-su dạy; các ngài đã hy sinh tất cả những gì mình có để sống nghèo khó như Chúa Giê-su, đã yêu thương tha nhân như Chúa Giê-su, đã vì công chính mà bị bắt bớ hành hạ và bị giết như Chúa Giê-su, đã xây dựng tinh thần Phúc Âm ở trong cuộc sống của mình như Chúa Giê-su, đã vì anh em đồng loại mà bị vu họa cáo gian.v.v...để rồi giờ đây các ngài như những ánh sao sáng trên trời, trở thành gương mẫu yêu Chúa yêu người cho tất cả mọi người chúng ta.

2. Nên thánh, phải bắt đầu từ bây giờ.

Các thánh nam nữ là những con người đầy những yếu đuối và bất toàn như bạn và tôi, các ngài cũng có những giây phút yếu lòng trước cám dỗ, cũng có những lần phạm những tội trọng, trở nên gương xấu cho người khác. Nhưng các ngài đã biết trông cậy vào ơn Chúa để đứng dậy sau mỗi lấn phạm tội, các ngài đã biết bất đầu từ nơi té ngã mà quyết tâm đứng lên, vì các ngài đã hiểu được Lời Chúa qua lời giảng dạy thánh Phao-lô tông đồ: ở đâu tội lỗi ngập tràn thì ở đó tràn đầy ân sủng.

Các thánh nam nữ là những người đã quyết tâm làm lại cuộc sống từ đầu, cho nên các ngài đã trở thành những bạn hữu thân tình của Chúa Giê-su, bởi vì những ai yêu mến và thực hành điều Ngài dạy, thì sẽ trở nên những bạn hữu của Ngài.

Bạn thân mến,

Tín điều các thánh thông công mà Giáo Hội dạy chúng ta giờ đây nổi bật nhất trong tháng 11 này. Hôm nay (1.11) Giáo Hội trên trần gian là chúng ta (Giáo Hội lữ thứ) mừng kinh các thánh nam nữ trên thiên đàng (Giáo Hội khải hoàn), ngày mai (2.11) chúng ta lại nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục (Giáo Hội đau khổ) để cầu nguyện cho các ngài. Đó chính là hiệp nhất của Giáo Hội làm nổi bật thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-su trong Giáo Hội của Ngài.

Bạn và tôi cũng như những người Ki-tô hữu khác, luôn nhớ đến cầu xin các thánh nam nữ trên thiên đàng cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta được sống tốt lành như các ngài đã sống, để ngày sau hưởng phúc thiên đàng với Thiên Chúa, với Đức Mẹ Maria và với các thánh nam nữ của chúng ta.

Lạy các thánh nam nữ trên trời, xin cầu bàu cho chúng con.

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:56 30/10/2009
N2T


95. Con người ta cần phải khiêm tốn mới có thể nhận biết Thiên Chúa. Muốn thăng lên cao thì cần phải hạ mình xuống.

(Chân phước Giles Mary)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:00 30/10/2009
N2T


267. Làm một hy vọng thật tốt, ôm mối dự định thật đẹp, và sau đó đối diện với thực tế sắp đến.

 
Kinh: Tâm Vui Vẻ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:20 30/10/2009
TÂM VUI VẺ



Không oán trách, nên cám ơn.

Không buồn bực, nên lạc quan.

Không nhớ hận, nên tha thứ.

Không sợ hãi, nên an tâm.

Không ghen ghét, nên thưởng thức.

Không so đo, nên khoan hồng.

Không tự tư, nên từ bỏ.

Không nhụt chí, nên phấn chấn.

Không tham lam, nên biết đủ.

Không tranh công, nên chia sẻ.

Không phê bình, nên ca tụng.

Không vọng động, nên nhẫn nại.

Không nổi giận, nên mĩm cười.

Không dây dưa, nên tích cực.

Không khoe mình, nên khiêm tốn.

Không lường gạt, nên thành tín.

-------------

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

dịch từ tiếng Hoa

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Sự sống đời sau
Lm Giacôbê Tạ Chúc
21:05 30/10/2009
Con người là một hữu thể biết suy tư. Vì thế, tự trong sâu thẳm của cỏi lòng, mãi mãi những câu hỏi chất vấn chính mình luôn canh cánh: “Tôi sống để làm gì? Và đằng sau cái chết có còn gì nữa không?”. Triết học, thần học và các tôn giáo đưa ra nhiều giải thích. Kinh Thánh không phải chỉ trong Tân ước mà từ thời Cựu ước đã nói đến sự sống đời đời. Sách Giáo lý toàn cầu viết: “Nhận biết sự hiệp thông này trong lòng toàn Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, ngay từ buổi đầu của Kitô Giáo, Hội Thánh lữ hành hết lòng kính mến, tưởng nhớ những người đã chết và dâng lời cầu cho họ, “vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh”. Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn” (Số 958 ).

Từ trong Cựu ước

Sách Mac-ca-bê quyển thứ hai, được viết vào thế kỷ thứ hai đã nói đến sự sống đời sau, khi kể rằng ông Giuđa đã lạc quyên một số tiền gởi về đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện cho những người đã chết: “Đoạn ông quyên tiền nơi mỗi người và gởi về Giêrusalem lối hai ngàn quan tiền để dâng lễ đền tội: Ông đã làm một điều rất tốt lành và cao quý, bởi nghĩ đến sự sống lại” (2 Mcb 12, 43). Cũng vậy, trong sách Đaniel, đặt niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau: “Và trong những kẻ nằm ngủ trong đất bụi, nhiều người sẽ thức dậy. Kẻ thì dành cho sự hằng sống. Kẻ sẽ chuốc lấy ô nhục, làm đồ gớm ghiếc muôn đời” (Đn 12, 2 ). Sách khôn ngoan thì khẳng định những người công chính, ăn ở ngay lành luôn được chúc phúc và cứu rỗi: “Hồn những người đức nghĩa ở trong tay Thiên Chúa và khổ hình không đụng chạm tới họ” (Kng 3, 1). Như vậy cựu ước đã đề cập đến vấn nạn sự sống, linh hồn bất tử.

Đến Tân ước

Trong các sách Tin mừng Nhất lãm hoặc phúc âm của Thánh Gioan Tông đồ, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều những bản văn nói về sự sống bên kia thế giới. Trong tin mừng của Thánh Gioan, ở chương thứ mười một. Sau khi cho Lazarô sống lại, Chúa Giêsu khẳng định: “Đức Giêsu nói với Martha: Phục sinh và sự sống, chính là Ta. Ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống; và mọi kẻ sống cùng tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ. Ngươi có tin thế không?” (Ga 11, 25-26). Các phép lạ Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại, một cách nào đó cũng giúp mỗi người hiểu được về sự sống vĩnh cửu trong Nước trời. Sách Công vụ Tông đồ dùng từ: “Apokatastasis”, để chỉ Thiên Chúa sẽ: “cho đến thời Phục hồi vạn vật”, hoặc: “cho đến thời phục hồi tất cả những gì Thiên Chúa nói qua các ngôn sứ của Ngài (Cvtđ 3, 21).

Trong tiếng Hy-lạp, từ “Apokatastasis” mang nhiều ý nghĩa:
-Y học: sức khỏe được bình phục
-Pháp lý: trao trả con tin trở về nơi nguyên quán
-Chính trị: khôi phục lại tất cả
- văn: sự trở lại vị trí ban đầu của các hành tinh, nói lên sự kết thúc một năm dài
-Triết học và vũ trụ: sự trở lại của một kỷ nguyên, đối với thế giới.
Thế giới bên kia của sự chết vẫn là một bí ẩn đối với tầm nhìn hạn hẹp của con người. Kinh Thánh và Huấn quyền của Giáo hội, luôn cho ta một giải đáp tối ưu của các vấn nạn liên quan đến cuộc sống đằng sau nấm mộ.

Tháng các Đẳng linh hồn, Giáo hội mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người quá cố, với hai ngày khởi đầu bằng lễ các Thánh (1/11) và lễ các Linh hồn (2/11), phải chăng đó cũng là lời cầu nguyện cho tất cả mọi người còn sống cũng như đã ly trần.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 31 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
22:34 30/10/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 31 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã nhập thể mang lấy thân phận con người. Chúa còn trở nên đồng hình đồng dạng với những người khổ đau, nghèo đói. Xin giúp chúng con luôn nhận ra Chúa nơi tha nhân để chúng con phục vụ nhau như là đang phục vụ cho Chúa.

Lạy Chúa, người đời thường đòi bình đẳng, “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Người đời thường đòi “bánh ú đi, bánh dì lại”. Nhưng lòng yêu thương của Chúa luôn vượt qua những toan tính nhỏ bé tầm thường của chúng con. Chúa tạo dựng chúng con từ hư vô. Chúa cho chúng con biết bao ân huệ giữa cuộc đời dương gian. Thế nhưng, Chúa không cần chúng con đền đáp cho Chúa. Chúa chỉ đòi hỏi chúng con hãy lấy tình yêu đó mà đối xử tốt với nhau. Chúa muốn chúng con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng cho đi bằng tình yêu quảng đại và vô bờ bến. Xin giúp chúng con biết sống tinh thần vô vị lợi Chúa dạy. Xin cho chúng con luôn thể hiện tình yêu với tha nhân trong hành động của mình. Xin loại trừ nơi chúng con sự ích kỷ tầm thường. Xin giúp chúng con biết nâng đỡ, trợ giúp nhau trong tình nghĩa anh em con một Cha trên trời.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để chúng con cũng yêu tha nhân là hình ảnh của Chúa như chính mình. Amen

Thứ Ba sau Chúa nhật 31 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được tham dự bàn tiệc Thánh Thể Chúa. Chúa ban cho chúng con chính sự sống phục sinh của Chúa làm lương thực nuôi dưỡng hồn xác chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết dành thời giờ để tìm kiếm Nước Chúa hơn là những thực tại trần gian mau qua.

Lạy Chúa, kẻ khờ dại thường tìm kiếm những của phù du mau qua. Kẻ khờ dại thường bỏ lỡ cơ hội chiếm hữu những giá trị vĩnh cửu mà họ chỉ lo tìm kiếm những nhu cầu trước mắt. Họ lo cái ăn, cái mặc. Họ lo tìm kiếm vật chất. Họ quên một nhu cầu mà họ phải đánh đổi cả cuộc đời để có được nó: chính là sự sống đời đời. Xin giúp chúng con luôn nhớ đến cùng đích của đời người, để chúng con biết dành ưu tiên trước hết cho Nước Trời và sự công chính, rồi mới đến các giá trị trần thế khác. Xin dạy chúng con biết tìm kiến nước trời hơn là của cải trần gian mau qua. Xin giúp chúng con thắng vượt những đam mê trần thế, những bon chen tầm thường để có được một tâm hồn thanh cao, an bình.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự để chúng con phó dâng trọn cuộc đời trong tay Chúa. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 31 thường niên

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa đã từ bỏ mọi vinh quang của một vì Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người như chúng con. Chúa đã từ bỏ vinh quang của cõi trời để sống khiêm tốn giữa thế gian tội tình. Chúa từ bỏ mình, để ý Chúa Cha được thực hiện trọn vẹn nơi Chúa. Xin giúp chúng con biết từ bỏ những ràng buộc của bản tính lười biếng, trì trệ, để chu toàn bổn phận hằng ngày theo ý Chúa. Xin cho chúng con biết từ bỏ những quyến luyến tội lỗi để chúng con sống thanh sạch trong tư tưởng, lời nói, việc làm của mình.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, để từ bỏ con phải biết chọn lựa. Chọn lựa Chúa hơn là chọn lựa những của cải của trần gian. Chọn sống trung thành với Chúa hơn là chạy theo danh vọng trần gian. Chọn sống cao thượng hơn là sống hèn hạ đánh mất tính người. Xin giúp chúng con đủ khôn ngoan để chọn lựa theo thánh ý Chúa. Xin ban cho chúng con ơn can đảm để chúng con dám sống điều chúng con đã chọn lựa.

Lạy Chúa, chúng con là những người muốn theo Chúa trong tư cách là người môn đệ tín trung. Xin cho chúng con biết từ bỏ mọi sự để phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Amen.

Thứ Năm sau Chúa nhật 31 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Chúa còn cho chúng con trở nên con cái Chúa. Chúa còn cho chúng con sống trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con được ở lại trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết quay trở về với Chúa mỗi khi chúng con lầm đường lạc lối.

Nhưng Chúa ơi, cuộc đời chúng con nhiều lần đã lạc bước xa Chúa. Những tội lỗi, những đam mê lầm lạc đã cuốn hút chúng con xa rời tình Chúa. Chúng con đánh mất ân sủng làm con Chúa. Chúng con đánh mất vẻ đẹp của hình ảnh Chúa nơi chúng con trong những thói đời ích kỷ và hưởng thụ. Chúng con đã để cho những niềm vui thể xác trói buộc tinh thần chúng con trong đam mê truỵ lạc. Xin ban ơn tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con thật lòng quay về với Chúa để đón nhận tình yêu thứ tha.

Lạy Chúa, Chúa hằng tha thứ cho chúng con. Xin dạy chúng con cũng biết tha thứ cho nhau, biết sống bao dung với nhau. Xin cho gia đình chúng con cũng biết đón nhận nhau trong thứ tha để gia đình chúng con luôn thuận hoà và tràn đầy niềm vui của yêu thương và an bình. Amen.

Thứ Sáu sau Chúa nhật 31 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là cùng đích cuộc đời chúng con. Chúa là hạnh phúc đời đời mà thánh Augustino đã ao ước “chỉ trong Thiên Chúa, mới có hạnh phúc đời đời”. Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, biết tìm kiếm Chúa trong cuộc sống hôm nay, biết thực thi ý Chúa để mai sau chúng con cũng được kết hiệp đời đời với Chúa trong Nhà Chúa ở trên quê trời.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Xin cho chúng con biết tìm kiếm và xây dựng cuộc sống đời sau, vì đó mới là gia tài không bị ai lấy mất. Xin giúp chúng con chiến thắng những tham lam vô độ, những bon chen bất chính, khiến chúng con đánh mất ơn nghĩa làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban là tài năng, là thời giờ và sức khoẻ để phụng sự Chúa, để sử dụng theo thánh ý Chúa. Xin ban cho chúng con nghị lực để chúng con luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi ý Chúa trong cuộc sống.

Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ. Xin ở lại cùng chúng con luôn mãi. Xin Mình Thánh Chúa luôn nâng đỡ những yếu đuối trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn trung tín với Chúa hôm nay và suốt cuộc đời. Amen.

Thứ bảy sau Chúa nhật 31 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cám ơn Chúa đã trở nên tấm bánh đơn hèn để giúp chúng con biết yêu mến những điều nhỏ bé tầm thường. Chúa là Đấng cao sang vô cùng. Chúa là Đấng toàn năng, chí thánh, thế mà lại chọn cuộc sống nghèo như số đông nhân loại nghèo của chúng con. Xin giúp chúng con biết yêu quý với giây phút hiện tại của chính mình. Xin dạy chúng con biết vui với phận mình để không cam ràm kêu than với cuộc sống hiện tại và sẵn lòng đón nhận thập giá cuộc đời với niềm tin sắt son.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, tiền bạc, danh vọng luôn là nỗi khát khao của con người. Chúng con cần tiền, cần danh vọng để thể hiện đẳng cấp cao sang của mình trước mặt người đời. Có nhiều người vì tiền mà khổ, vì danh vọng mà hèn. Có nhiều người vì danh lợi thú mà đánh mất nhân phẩm, nhân vị của mình. Xin giúp chúng con biết dùng của cải để mua lấy bạn hữu nước trời. Xin giúp chúng con đừng bao giờ vì tiền mà làm hại người khác, vì danh vọng mà bán rẻ anh em. Xin giúp chúng con thắng vượt lòng tham vô bổ để sống công bình và bác ái với tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của chúng con. Xin cho chúng con biết chọn lựa Chúa hơn là những vinh hoa phú quý mau qua trần gian. Xin dạy chúng con biết đối xử với nhau trọng tình hơn trọng tiền, biết dùng tiền để nối kết tình người hơn là vì nó mà đánh mất anh em, bạn bè. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mã Lai: 15,000 quyển Thánh Kinh bị tịch thu vì dùng từ Allah
Nguyễn Long Thao
08:33 30/10/2009
KUALA LUMPUR, Malaysia — Thông tấn xã AP trích dẫn tin của một Mục Sư cho biết nhà cầm quyền Mã Lai đã tịch thu 15,000 quyển Thánh Kinh Kitô Giáo vì đã dùng từ Allah để chỉ Thiên Chúa.

Mục Sư Hermen Shastri, Tổng Thư Ký Hội Đồng Các Giáo Hội tại Mã Lai cho biết vào ngày 11 tháng 9 vừa qua, chính quyền đã tịch thu 10,000 ấn bản Thánh Kinh được gửi từ Nam Dương tới Sarawak, Mã lai.

Một giới chức khác xin được dấu tên vì sợ nhà cầm quyền Mã Lai trả thù nói rằng vào tháng 3 vừa qua chính quyền cũng đã tịch thu 5,100 quyển Thánh Kinh nhập cảng từ Nam Dương.

Ở Nam Dương, các ấn bản Thánh Kinh đều dùng từ Allah để chỉ Thiên Chúa, và việc chính quyền Mã Lai tịch thu số sách trên chỉ vì lý do đã dùng từ Allah để chỉ Thiên Chúa

Tiếng Nam Dương cũng giống tiếng Mã Lai, để chỉ Thiên Chúa người ta đều dùng từ Allah. Tuy nhiên, ở Nam Dương là nước đông người Hồi Giáo nhất thế giới, người Kitô Giáo có thể dùng từ Allah để chỉ Thiên Chúa, còn tại Mã Lãi, chính quyền lại cho rằng chỉ có người Hồi Giáo mới được phép dùng từ Allah.

Chính quyền Mã Lai viện lẽ rằng Kính Thánh Kitô Giáo dùng từ Allah sẽ làm người Hồi Giáo nổi giận. Dân số Mã Lai là 28 triệu dân trong đó 60% là người Hồi Giáo. Số còn lại 25% là người Trung Hoa, 8% là người Ấn Độ hầu hết theo Kitô Giáo, Phật Giáo hay Ấn Giáo.

Giáo Hội Công Giáo tại Mã Lai đã đưa vụ này ra tòa án với luận chứng rằng từ Allah đã được dùng từ lâu tại các nước Ả Rập, trước cả khi Hồi Giáo xuất hiện. Và việc cấm người Kitô Giáo dùng từ Allah là vi hiến vì kỳ thị người Kitô giáo. Sau phiên xử đầu tiên cách đây 2 năm, vụ án đã được ngưng lai.

Chính quyền Mã Lãi luôn lên tiếng là họ có lập trường trung dung về tôn giáo, nhưng nếu luật quốc gia trái với luật của Hồi Giáo thì người dân phải theo luật Hồi Giáo. Nhiều người không phải Hồi Giáo nhưng khi chết phải chôn cất theo nghi thức Hồi Giáo vì cộng đồng Hồi Giáo ở đó bảo người này trước khi chết đã bí mật theo Hồi Giáo.

Người Ấn Giáo cũng lên tiếng phàn nàn nhiều đền thờ của họ tại Mã lai bị chính quyền phá hủy.
 
Các giám mục Hoa Kỳ khởi động nỗ lực tranh đấu cho những ưu tư về Cải Tổ Y Tế
Trần Mạnh Trác
11:29 30/10/2009
Washington DC, ngày 30 tháng 10 2009 / 5:27 (CNA). - Sau khi cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp về cải cách chăm sóc sức khỏe một cách vô hiệu, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã khởi xướng một chiến dịch để huy động giáo dân khắp nước. Nỗ lực này bao gồm những thông cáo, bài giảng, quảng cáo trên web và việc các giám mục đích thân kháng cáo tới từng cá nhân các nhà lập pháp đang phục vụ trong giáo phận của họ.

ĐHY Francis George và ba giám mục Chủ tịch ủy ban 'tham gia vào các cải cách chăm sóc sức khỏe’ đã viết cho tất cả các giám mục Hoa Kỳ ngày 28 tháng 10: "Các cuộc tranh luận và quyết định về cải cách chăm sóc sức khỏe đã đi đến giây phút quyết định." Để đảm bảo rằng không có tài trợ phá thai bằng quĩ liên bang, luật lương tâm được bảo vệ và giá cả cho việc chăm sóc y tế là phải chăng cho tất cả mọi người, các vị lãnh đạo USCCB yêu cầu mỗi giám mục đích thân có hành động và hỗ trợ những mục tiêu này.

Các văn bản chính thức gửi cho các giám mục Hoa Kỳ bao gồm một thông cáo, một truyền đơn, đơn xin cầu nguyện và thông báo trên toà giảng. Ngoài ra, các giám mục được yêu cầu đích thân gửi thư, email và nói chuyện với các nhà lập pháp phục vụ trong giáo phận của họ.

Bức thư cũng yêu cầu các giám mục chuyển cho tất cả các giáo xứ trong giáo phận để đính kèm hay in lại thông cáo cuả USCCB "càng sớm càng tốt," bởi vì việc biểu quyết về các biện pháp chăm sóc sức khỏe hiện nay có khả năng sẽ diễn ra vào tháng mười một.

Thông cáo cho biết, các Giám mục Công giáo đã kêu gọi cải cách y tế trong nhiều năm qua "Đạo đức truyền thống Công giáo dạy rằng chăm sóc sức khỏe là một quyền cơ bản cuả con người, cần thiết để bảo vệ sự sống và nhân phẩm", các giám mục Công giáo trích dẫn nhiều thành quả cuả Công giáo trong việc thiết lập những phòng cấp cứu, nơi tạm trú, phòng khám, và các việc từ thiện để "sửa sai một hệ thống y tế hư hỏng như hiện nay. "

Mặc dù cải cách chăm sóc sức khỏe là cần thiết “một cách tuyệt vọng”, Hội Đồng giám mục Hoa Kỳ kết luận rằng tất cả các dự luật đã được chấp thuận tại các ủy ban đang thiếu sự nghiêm túc về những vấn đề phá thai và quyền lương tâm, và không cung cấp quyền truy cập đầy đủ cho người nhập cư và người nghèo.

Nếu những vấn đề này không được cứu xét, các giám mục cam kết mạnh mẽ sẽ chống lại các cải cách hiện nay.

Mặc dù có bảo đảm từ tổng thống và quốc hội rằng phá thai sẽ không được tài trợ bằng tiền đóng thuế, nhưng không có đề nghị nào có những hạn chế rõ ràng như vậy. Tu chính án Capps đã được viết bằng những ngôn từ để tiền quỹ có thể bị xáo trộn cho mục đích phá thai trong khi bề ngoài có vẻ như thể là không làm như vậy. Hiện nay, không dự luật nào cung cấp các điều khoản để bảo vệ lương tâm hoặc bảo đảm cho người nhập cư hợp pháp có quyền truy cập vào chăm sóc sức khỏe.

Thông cáo cuả USCCB gởi tới giáo dân yêu cầu mọi người Công giáo tiếp xúc với các Thượng nghị sĩ và yêu cầu họ lắng nghe những quan tâm cuả người Công giáo. "Trong cuộc tranh luận trên sàn Quốc Hội về Cải tổ Y Tế sắp tới, xin Nghị sĩ vui lòng hỗ trợ một tu chánh án có sự kết nạp các chính sách lâu đời về kinh phí phá thai và về quyền lương tâm. Nếu những mối ưu tư nghiêm trọng này không được lưu tâm, chúng tôi sẽ phản đối dự luật chung kết.”

Một thông điệp tương tự cũng được gởi tới các thành viên của Hạ viện yêu cầu "hỗ trợ Tu Chánh Án Stupak, là dự luật nhằm giải toả các ưu tư về phá thai và quyền lương tâm. Và giúp hội đủ thủ tục nội qui để cho phép một cuộc bỏ phiếu về việc sửa đổi này. "

Tu Chánh Án Stupak cố gắng áp dụng những từ ngữ của Tu chính án Hyde, để cấm liên bang tài trợ cho phá thai, cũng như để bảo vệ quyền lương tâm cuả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ cũng phát hành một biểu ngữ có thể dùng tại các trang web cá nhân để khuyến khích người đọc hành động và hỗ trợ các cải cách tôn trọng sự sống.

Những thông tin khác có thể được tìm thấy tại: http://www.usccb.org/healthcare/official_documents.shtml#alerts
 
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới khóa họp đặc biệt cho Phi Châu
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
11:44 30/10/2009
THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI
KHÓA HỌP ĐẶC BIỆT CHO PHI CHÂU
Từ ngày 4-25 tháng10 năm 2009, tại Vatican


Giáo Hội tại Phi Châu, để phục vụ sự hòa giải, công lý và hòa bình”,
“Các con là muối cho thế gian.. . các con là ánh sáng cho đời
” (Mt 5, 13.14)

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới (= THĐGMTG), khóa họp đặc biệt cho Phi Châu lần thứ II (= THĐGMTGPCII) [1] đã được khai mạc ngày 4 tháng 10 năm 2009, với Thánh Lễ đồng tế tại Nhà Thờ Thánh Phêrô tại Vatican, và kết thúc ngày Chúa Nhật 25-10-2009, với Thánh Lễ đồng tế do các Giám Mục tham dự viên. Cả hai Thánh Lễ đều do Đức Thánh Cha Beneđictô XVI chủ sự.

Sau đây là một vài thông tin về THĐGMTGPCII để chúng ta cùng hiệp thông với Giáo Hội tại Phi Châu, đồng thời ý thức cuộc họp này là một hoạt động của Giáo Hội hoàn vũ, tuy đặc biệt nói về Phi Châu. Và như vậy chúng ta không ở ngoài biến cố của Giáo Hội và luôn sống trong tình hiệp thông Giáo hội tại Phi Châu và Giáo Hội hoàn vũ.

Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa đặc biệt cho Phi Châu lần thứ II này được các Nghị phụ coi như là một ơn huệ cũng như là ý muốn và chúc thư của Tôi tớ Chúa, Đức Gioan Phaolô II trối lại cho Giáo Hội tại Phi Châu (xem Sứ điệp của các Nghị phụ THĐGMTGPCII [ = Sứ điệp], s. 1). Ngày 13-11-2004, Ngài cho biết ý định sẽ triệu tập một THĐGMTGPCII. Quyết định này đã được thực hiện và chủ đề đã được trình bày cho thấy đại cương nội dung của THĐGMTGPCII: “Giáo Hội tại Phi Châu, để phục vụ sự hòa giải, công lý và hòa bình”, “Các con là muối cho thế gian.. . các con là ánh sáng cho đời” (Mt 5, 13.14). Rồi Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đã tái xác nhận quyết định này vào ngày 22-6-2005, như là quyết định quan trọng thứ hai của triều đại Giáo hoàng của Ngài (Sứ điệp, s. 1). Đây là THĐGMTGPC thứ II, vì năm 1994, THĐGMTGPC thứ nhất đã được cử hành cho Phi Châu, và sau đó Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục, mang tựa đề Giáo Hội tại Phi Châu ((Ecclesia in Africa) được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố ngày 14-9-1995.

1. Một vài con số

Ngày 25-10-2009, Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (THĐGMTG) đã phổ biến các con số sau đây về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới cho Phi Châu Kỳ II (THĐGMTGPCII) [2]:

244 Nghị phụ được mời tham dự THĐGMTGPCII.
236 Nghị phụ đến Rôma; 8 Nghị phụ vắng mặt vì lý do sức khỏe; 5 Nghị phụ bị đau khi đang tham dự khóa họp; 231: con số Nghị phụ tham dự thực sự; 111: trong số 231 Nghị phụ tham dự lần đầu tiên một Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Phi Châu
227: con số Nghị phụ tham dự cao nhất vào khóa họp của THĐGMTGPCII (96%); 209: con số Nghị phụ tham dự thấp nhất vào khóa họp của THĐGMTGPCII (88, 5 %)
4 Bài giảng do Đức Thánh Cha Beneđicto XVI; 11 Bài suy niệm trong các buổi cử hành Giờ Kinh Trưa do các Nghị phụ thực hiện
191 bài phát biểu trong suốt 18 Đại Hội; 15 bài phát biểu viết; 5 lần phát biểu do các Phái đoàn Anh Em Kitô hữu khác được mời; 47 lần phát biểu do các Dự thính viên.
103 Nghị phụ phát biểu trong các lần có phát biểu tự do.
17 bài tường trình trong suốt khóa họp; 3 bài tường trình do các vị được mời đặc biệt.

Các Nghị phụ đã bỏ phiếu chấp thuận 57 đề nghị tóm lại các điểm được bàn thảo trong các phiên họp khoáng đại cũng như các cuộc họp nhóm. Các đề nghị này sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha để Ngài có thể dựa vào đó soạn thảo một Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Phi Châu kỳ II. Với cách làm việc của Đức đương kim Giáo Hoàng, như với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa và về Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã cho phép in và công bố tạm thời các đề nghị này, thay vì giữ kín như trước đây.

Sứ điệp gửi toàn thể Giáo Hội hoàn vũ [3], trừ phần mở và phần kết, gồm 42 số, chia ra làm 7 phần. Sứ điệp mang tựa đề “Phi Châu, hãy đứng dậy và bước đi” (Africa, alzati e cammina!).

2. Sứ điệp của THĐGMTGPCII gửi toàn thể Giáo Hội

Ngày 23 tháng 10 năm 2009, bản văn Sứ điệp đã được các Nghị phụ chấp thuận trong phiên họp khoáng đại thứ 18 với việc bỏ phiếu bằng cách thức vỗ tay sau khi đọc bản văn. Sau đó vào lúc trưa cùng ngày, tại Phòng báo chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo trình bày sơ lược về Sứ điệp của THĐGMTGPCII gửi toàn thể Giáo Hội, chứ không phải riêng cho Phi Châu mà thôi (Sứ điệp, s. 11). Bản văn tiếng Ý của Sứ điệp đã được phổ biến trong Báo L’Osservatore Romano, số ngày Chúa Nhật 25-10-2009, trang 6 và 7. Sứ điệp mang tựa đề “Phi Châu, hãy đứng dậy và bước đi” (Africa, alzati e cammina!) trích lời Phúc âm theo Thánh Gioan (Ga 5, 8), khi Chúa Giêsu nói với người bất toại mà Ngài làm phép lạ chữa bệnh cho.

Cơ cấu của Sứ điệp được trình bày như sau:

Mở đầu
Phần I: Một thoáng nhìn về Phi Châu ngày nay
Phần II: Dưới ánh sáng đức tin
Phần III: Gửi tới Giáo Hội hoàn vũ
Phần IV: Giáo Hội tại Phi Châu
Phần V: Một lời kêu gọi gửi tới Cộng đồng quốc tế
Phần VI: Hỡi Phi Châu, hãy đứng dậy!
Phần VII: Hiệp nhất các sức lực thiêng liêng
Kết luận.


Trong cuộc họp báo để trình bày sứ điệp, Đức Cha John Olorunfemy Onaiyekan, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Sứ điệp, đã nói như sau về lối văn của Sứ điệp là “nói một cách rất trực tiếp, rất rõ ràng, rất cụ thể” các vấn đề, những đề nghị, những lời tố cáo cần thiết. Như vậy người đọc cũng phải theo các chỉ dẫn này để tiếp cận với Sứ điệp.

Trên đây chúng ta đã biết cấu trúc của Sứ điệp một cách vắn gọn. Sau đây, Đức Cha Onaiyekan nói cho các ký giả biết thêm về mỗi phần. Trong phần thứ nhất, Sứ điệp muốn tóm kết lại thực tại cụ thể của lục địa Phi Châu, mà không giấu giếm các điểm sáng, cũng như điểm tối của lục địa này.

Sau đó, trong phần thứ hai, Sứ điệp cho biết Giáo Hội tại Phi Châu đã làm gì
- để thực hiện việc hòa giải giữa các con cái mình,
- để thăng tiến một bầu khí tràn đầy công lý
- để, sau cùng, người dân ở đây có thể sống trong hòa bình.

Sau khi nói tới thực tại của Phi Châu và sự cần thiết phải thực hiện sự hòa giải, công lý và hòa bình, Sứ điệp, trong phần thứ hai, đặt nền tảng cho tất cả mọi công tác, đó là ánh sáng đức tin, các chỉ dẫn của Tông huấn Giáo Hội tại Phi Châu (14-9-1995), và các chỉ dẫn gần nhất của Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI.

Tiếp theo, trong phần thứ III, Sứ điệp đặt Phi Châu trong bối cảnh chung của toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Sứ điệp diễn tả tâm tình của các Giám Mục Phi Châu với các Giáo Hội Chị Em ngoài Phi Châu như sau: “Chúng tôi mến chào với tâm tình huynh đệ tất cả Giáo Hội ngoài bờ biển Phi Châu, tất cả chúng ta là thành viên của cùng một Gia đình của Thiên Chúa rải rác khắp nơi trên thế giới. Sự hiện diện và sự tham dự tích cực của các Đoàn đại biểu từ các Châu Lục khác đến trong Đại Hội này, xác quyết mối dây liên kết chúng ta trong mối tình giám mục đoàn (collegialità) hữu hiệu và thân ái. Chúng tôi cám ơn tất cả các Giáo Hội địa phương đã dấn thân phục vụ tại Phi Châu và cho Phi Châu, trong phạm vi thiêng liêng cũng như vật chất” (Sứ điệp, s. 11). Sứ điệp còn gióng lên niềm hãnh diện khác của mình như sau: “Người ta nói rằng cái nôi của nhân loại nằm ở Phi Châu. Châu Lục của chúng ta có một lịch sử lâu dài của các vương quốc lớn và của các nền văn hóa thời danh” (Sứ điệp, s. 34).

Trong phần thứ IV Sứ điệp nói lên niềm hãnh diện khác vì Kitô giáo đã hiện diện tại Phi Châu ngay từ các thế kỷ đầu tại Ai Cập và Etiopia (Sứ điệp, s. 14). Sứ điệp kêu gọi chính Gia đình Phi Châu dấn thân để lo rao giảng Tin Mừng, để thực hiện các mục tiêu liên hệ tới hòa giải, công lý và hòa bình trong tinh thần cộng tác và liên đới. Sứ điệp kêu gọi các phần tử trong Giáo Hội thể hiện các phận vụ riêng của mình, từ các Giám Mục (Sứ điệp, s.19), linh mục (Sứ điệp, s.20), tu sĩ (Sứ điệp, s.21), giáo dân (Sứ điệp, s. 22tt.). Một lời kêu gọi của Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi tới các Giám Mục tại Phi Châu được diễn tả như sau: “Sự hiệp nhất của Hàng Giám Mục là nguồn suối lớn lao, trong khi thiếu sự hiệp nhất này sẽ làm hư hao các năng lực, làm cho nên các cố gắng ra vô ích và mở ra cho kẻ thù của Giáo Hội có được khoảng trống làm vô hiệu chứng tá của chúngg ta” (Sứ điệp, s. 19).

Đi ra ngoài lục địa Phi Châu, Sứ điệp, trong phần thứ V, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp sức với Phi Châu để thực hiện các công tác lớn lao, ngoài khả năng và giới hạn của mình. Sứ điệp nói cách thật rõ ràng: “Gia đình của Thiên Chúa lan rộng ra ngoài biên giới của Giáo Hội, Gia đình này bao gồm toàn thể nhân loại. Khi chúng tôi nghĩ tới các chủ đề như hoà giải, công lý và hòa bình, tất cả chúng ta đều gặp gỡ nhau ở mức độ sâu xa hơn của toàn thể nhân loại. Dự án này liên hệ tới tất cả mọi người và đòi hỏi phải hành động chung với nhau.Vậy chúng ta hãy gióng tiếng của chúng ta lên thật to để kêu gọi mọi người nam nữ có thiện chí. Cách đặc biệt chúng tôi ngỏ lời với những ai cùng chúng tôi tuyên xưng một đức tin vào Đức Giêsu Kitô và tới cả những người có niềm tin khác” (Sứ điệp, s. 29).

Phần thứ VI của Sứ điệp lặp lại tựa đề để quảng diễn thêm ý nghĩa của nó khi trình bày tiềm năng phong phú của Phi Châu và nói với Phi Châu, đừng sợ và hãy đứng dậy mà đi. Vì đây là cơ hội thuận tiện, là thời điểm sẵn sàng cho việc thăng tiến Phi Châu. Sứ điệp nói: “Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng ta khi ban cho chúng ta tài nguyên thiên nhiên và con người thật lớn lao” (Sứ điệp, s. 34). Nhưng các Nghị phụ cũng không giấu giếm sự hổ thẹn của mình trước một số tình huống còn thật bi đát vì chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, di dân trong và ngoài nước, di dân bất hợp pháp, tẩu tán bao nhiêu trí tuệ tài ba, buôn bán khí giới, ma túy lậu.. . (Sứ điệp, s. 35). Sứ điệp nói: “Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu nhận định với tất cả nỗi buồn rầu hoàn cảnh của một số nước thật là đáng tủi nhục,.. . như ở Somalia,.. . Vùng Đại Hồ bên Nigeria.. . “ (Sứ điệp, s. 35).

Nhưng để có thể đứng dậy và bước đi trong hiên ngang hãnh diện, Phi Châu phải kết hiệp các sức mạnh tinh thần, loại bỏ những thái độ quá khích về tôn giáo, óc bè phái bộ tộc, không rơi vào chủ thuyết duy vật, biết chọn con đường đối thoại. Đó là nội dung của phần thứ bảy và phần cuối cùng của Sứ điệp.

Lời kết luận được diễn tả trong một đoạn rất ngắn những thật thống thiết và mang tính cách thục giục như sau: “Thưa Anh Em thân mến trong hàng Giám mục, thưa con cái nam nữ của Giáo Hội, Gia đình của Thiên Chúa tại Phi Châu, thưa mọi người thiện chí nam cũng như nữ, tại Phi Châu và các nơi khác, chúng tôi chia sẻ với Anh Chị Em xác tín thật mạnh mẽ của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới này, đó là: Phi Châu không bất lực. Số mệnh của chúng ta vẫn nằm trong tay chúng ta. Tất cả những gì Phi Châu xin là một khoảng không gian để hít thở và để trở nên thịnh vượng. Phi Châu đã nổ cho máy chạy rồi và Giáo Hội cùng khởi động với Phi Châu, hiến tặng cho Phi Châu ánh sáng của Tin Mừng. Sóng nước có thể động mạnh xô đẩy, nhưng với con mắt nhắm thẳng vào Đức Kitô là Chúa (xem Mt 14, 28-32) chúng ta sẽ tới đích an toàn nơi đó có hòa giải, công lý và hòa bình. Hỡi Phi Châu, hãy vác giường của mình, đứng thẳng lên mà đi!” (Ga 5, 8). Ngoài ra, anh em hãy vui mừng, hãy tiến tới sự trọn lành, hãy thúc đẩy nhau sống can đảm, hãy cócùng một tâm tình như nhau, hãy sống trong bình an và Thiên Chúa tình yêu và hòa bình sẽ ở cùng anh em” (2Cr 13, 11). Amen”.

3. Một vài cảm nghĩ về Sứ điệp của THĐGMTGPCII

Trong phần vừa trình bày chúng ta đã nhận ra nội dung phong phú của Sứ điệp THĐGMTGPCII. Sau đây chúng tôi muốn ghi lại một vài cảm nghĩ về Sứ điệp của THĐGMTGPCII.

1) Một Sứ điệp nói thẳng và nói thật, mang tính cách mổ sẻ đau đớn để mong chữa lành cho cơn bệnh và vết thương của mình. Như chúng ta nói trên đây, Sứ điệp “nói một cách rất trực tiếp, rất rõ ràng, rất cụ thể” các vấn đề, những cảnh huống đau thương, những đề nghị, những lời tố cáo cần thiết. Đây là một biểu hiện của tâm lý người Phi Châu, nhưng cũng biểu lộ một thái độ can đảm của các Giám Mục đến họp tại THĐGMTGPCII.

Sứ điệp dùng những từ ngữ thật mạnh để nói lên ý muốn của mình như: “tình trạng thật bi thảm.. . “ (Sứ điệp, s. 4); sống “trong cơn khủng hoảng và hỗn độn”; “những người không có lo lắng gì cho lợi ích chung và do đó lo lắng gì tới các cuộc đồng lõa và đồng phạm trong tội ác giữa các người có trách nhiệm địa phương và mưu ích bên ngoài” (Sứ điệp, s. 5). Tình huống thật đáng hổ thẹn (Sứ điệp, s. 36). Hoặc những tiếng mời gọi rõ ràng: “Nhưng Châu Phi không việc gì mà phải thất vọng” (Sứ điệp, s. 6). Sứ điệp nói rõ tầm quan trọng của sự hiệp nhất và cổ võ sự hiệp nhất giữa các Giám mục của một quốc gia và giữa các Hội Đồng Giám mục của các nước khác nhau (xem Sứ điệp, s. 18).

Tôi chỉ trích dẫn một số từ ngữ và cách diễn tả để cho thấy các Giám Mục Phi Châu đã “nói một cách rất trực tiếp, rất rõ ràng, rất cụ thể” trong Sứ điệp mới này, cùng với sự kính trọng các người nói tới và cung cách trình bày thanh thản về các vấn đề. Các Ngài cũng thẳng thắn lên án những chương trình, ngay cả của các cơ quan quốc tế lớn lao như của Liên Hiệp Quốc (Sứ điệp, s. 30), làm băng hoại các giá trị văn hóa, lành mạnh, truyền thống gia đình tích cực của Phi Châu. Xin đan cử một thí dụ của Sứ điệp: “Xét chung, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc có những hoạt động tốt đẹp tại Phi Châu, để giúp phát triển, gìn giữ hòa bình, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của phụ nữ, của trẻ em, trong việc chống nghèo đói, bệnh tật, bệnh HIV/AIDS, bệnh sốt rét rừng, bệnh lao và các thứ bệnh khác. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới ca ngợi các công tác tích cực mà các cơ quan này đang làm. Nhưng chúng tôi xin họ hãy hòa hợp hơn và trong sáng trong khi thực hiện các chương trình này. Chúng tôi nhắn nhủ cách mạnh mẽ các nước Phi Châu hãy đánh giá với một sự chú ý cẩn trọng các dịch vụ trợ giúp mang đến cho dân chúng của chúng ta, cho thấy là chúng thực sự tốt cho dân của chúng ta. Một cách đặc biệt Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới này tố cáo mọi cố gắng mưu lược để phá bỏ và dày đạp các giá trị của Phi Châu trong gia đình và trong đời sống con người (thí dụ: điều khoản đáng ghét bỏ của Hiệp thương tại Maputo [4] và các loại hiệp thương khác tương tự) (Sứ điệp, s. 30). Lên tiếng tố cáo rõ ràng như vậy chắc chắn làm mất lòng các người liên hệ, sẽ bị thiệt thòi trong việc trợ giúp, nhưng sứ vụ Giám Mục đòi buộc các Ngài phải nói để bảo tồn văn hóa và đức tin con cái mình. Một đòi hỏi chính đáng và không úp mở, không nhân nhượng trong chức vụ giám mục của mình.

2) Với các linh mục, Sứ điệp cũng kêu gọi sự hiệp nhất này và loại bỏ mọi kỳ thị giữa các bộ tộc, phe phái, kêu gọi sự đón nhận ngay cả vị Giám Mục thuộc bộ tộc khác, nhưng được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục tại giáo phận của mình. Sứ điệp nói rõ ràng như sau: “Gương sống chung giữa anh em linh mục với nhau và sống trong hòa bình, vượt lên mọi mọi rào cản do tinh thần bộ tộc và chủng tộc, có thể là chứng tá rất mạnh cho người khác. Điều này được tỏ lộ ra thí dụ trong việc vui mừng tiếp nhận bất cứ ai được Tòa Thánh đặt làm giám mục của anh em, mà không phân biệt nguồn gốc sinh ra ở đâu” (Sứ điệp, s. 18). Sứ điệp cũng nhắn nhủ thêm như sau: “Sự trung thành của Anh Em với các dấn thân của chức vụ linh mục, đặc biệt trong đời sống độc thân trong việc giữ đức khiết tịnh, cũng như việc không dính bén với của cải vật chất là một chứng tá hùng hồn đối với Dân Thiên Chúa” (Sứ điệp, s. 20).

3) Còn với các người thánh hiến, trong Sứ điệp, các Giám Mục cũng kêu gọi và nói thẳng với họ như sau: “Thượng Hội Đồng Giám Mục khuyên Anh Chị Em thể hiện một cách thật hữu hiệu trong việc tông đồ của Anh Chị Em qua cung cách sống hiệp thông thật lương thiện và hết sức dấn thân với hàng giáo phẩm địa phương” (Sứ điệp, s. 21).

4) Một dấn thân rõ ràng để đem sức sống vào các lãnh vực trần thế

Các Giám Mục Phi Châu muốn làm sao để thực sự Tin mừng là men bột và muối cho đời (xem Sứ điệp, s. 22). Điều này được thấy rõ ràng khi các Giám Mục Phi Châu nói với tín hữu giáo dân. Các Giám Mục xác nhận với tín hữu giáo dân như sau: “Anh Chị Em là Giáo Hội của Thiên Chúa trong mọi môi trường công cộng của xã hội. Chính trong Anh Chị Em và qua Anh Chị Em mà sự sống và chứng tá của Giáo Hội trở nên hữu hình trước mặt thế giới” (s. 22). Các môi trường chứng tá của giáo dân là: gia đình, việc làm, nghề nghiệp, chính trị và đời sống công cộng. Trong tất cả giáo dân “phải làm sao để đức tin của Anh Chị Em thấm nhập vào khía cạnh và mọi góc độ của đời sống Anh Chị Em” (Sứ điệp, s. 22).
Nhưng để được như thế, người giáo dân phải ý thức rằng đó là việc khó khăn, nên phải dùng các phương tiện mà Giáo Hội giới thiệu cho họ: đó là đời sống bí tích và nhu cầu cần được huấn luyện kỹ càng (Sứ điệp, s. 22). Sứ điệp nói: “Đó không phải là cuộc dấn thân dễ dàng. Vì thế Anh Chị Em phải chuyên cần chạy đến với nguồn ơn thánh, qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích” (Sứ điệp, s. 22).

Về việc huấn luyện giáo dân Sứ điệp phát biểu cách rõ ràng: “Ngoài việc cầu nguyện, Anh Chị Em còn phải được trang bị với vốn kiến thức đủ về đức tin Kitô giáo để có khả năng ‘cho thấy chứng tá niềm hy vọng mà anh chị em mang theo mình’ (1Pr 3, 15) tại các chỗ công cộng nơi thành hình các suy tư. Những ai càng ở các địa vị cao, càng có bổn phận lớn phải có được mức độ tương đương về kiến thức tôn giáo. Đặc biệt chúng tôi ân cần giới thiệu các nguồn chính của đức tin Kitô giáo: đó là Kinh Thánh, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, và điều có tính cách liên hệ hơn với đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đó là cuốb Cảm nang, tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội”(xem Compendium doctrinae socialis Ecclesiae, chú thích của tôi). Tất cả các nguồn này rất dễ kiếm ra và với giá có thể mua được. Người ta không thể tha lỗi cho mình để sống mãi trong tình trạng ngu dốt về đức tin của mình” (Sứ điệp, s. 22).

Các Giám Mục Phi Châu cám ơn tín hữu giáo dân về sự đóng góp vào công việc của Giáo Hội, nhưng lúc này các Ngài không muốn để sự đóng góp này thể hiện một các thiếu nền tảng trí thức, mà cần thăng tiến giáo dân cả về mặt trí thức. Ưu tư này thật chính đáng và cấp bách với Giáo Hội tại Phi Châu.

5) Một ưu tư đặc biệt với các người trẻ tại Phi Châu

Một mối ưu tư khác mà các Giám Mục Phi Châu đã biểu lộ trong Sứ điệp của mình, đó là Mục vụ cho Người trẻ tại Phi Châu. Họ đang bị lôi cuốn bởi các hấp dẫn khác từ ngoài đem vào, làm cho người trẻ bỏ đi các giá trị chân chính, tốt đẹp của xã hội cha ông của họ để lại cho họ, họ đang lao vào các con đường chạy theo các ý thức hệ ngoại lai mà quên bổn phận xây dựng xã hội của mình. Sứ điệp nói: “Sau cùng, chúng tôi hướng tới ngỏ lời với các bạn, con cái của chúng tôi, giới trẻ trong các cộng đoàn của chúng tôi. Các Bạn không chỉ là tương lai của Giáo Hội: nhưng các Bạn đang là hiện tại của Giáo Hội với con số thật lớn lao. Trong số lớn các nước tại Phi Châu, hơn 60 phần trăm dân số dưới 15 tuổi. Số phần trăm trong Giáo Hội không khác cho lắm. Các Bạn phải là dụng cụ của hòa bình và người tiền phong để đổi mới xã hội cách tích cực. Chúng tôi cảm thấy có bổn phận phải lưu tâm đặc biệt tới các Bạn trẻ, những người trẻ đã lớn. Các Bạn thường bị bỏ rơi, thường bị bỏ làm mồi cho các ý thức hệ và các giáo phái đủ loại. Các Bạn rất hay bị xung vào đạo ngũ để thực hiện các hành động bạo lực. Vì thế chúng tôi khuyên nhủ các Giáo Hội địa phương hãy chú ý tới việc tông đồ cho giới trẻ như là mối lo lắng ưu tiên thật khẩn cấp” (Sứ điệp, s. 27). Các Giám Mục cũng khẳng định rõ ràng như sau: “Bây giờ Phi Châu phải đương đầu với thách đố là làm sao cho con cái mình một mức độ xứng đáng của các điều kiện để sống” (Sứ điệp, s. 34). Lời nhắn nhủ trên đây cho thấy một thao thức lớn lao của người mục tử trong Giáo Hội tại Phi Châu: thao thức về người trẻ. Mối ưu tư cho người trẻ không chỉ là một ưu tiên mà lại là một ưu tiên quan trọng hơn hết. Các người trẻ được chăm lo cách lành mạnh bao nhiêu, thì xã hội càng thăng tiến bấy nhiêu. Mọi chế độ xã hội, nhất là các chế độ độc tài xưa và nay, đều nắm bắt được điều này và đã tài trợ rất nhiều năng lực và tài lực, tiền của cho việc lôi kéo và huấn luyện người trẻ theo ý thức hệ của mình. Giáo Hội tại một vài nơi hay quên vấn đề mục vụ giới trẻ, và đó là một thiếu sót lớn lao.

6) Một nhạy cảm với quyền tự do tôn giáo

Sống giữa một khối đa số theo Hồi Giáo, và đang có những giáo phái lan tràn tại Phi Châu, các Giám Mục công giáo tại Phi Châu trong THĐGMTGPCII đã lớn tiếng để xin được quyền tự do tôn giáo, tự do hành đạo theo xác tín tôn giáo của mình. Một thí dụ: khi những người Công giáo bỏ đức tin của mình theo các tôn giáo khác, thì được hoan nghênh, trái lại khi những người bỏ tôn giáo khác để theo Công giáo thì lại bị lên án, có khi bị đóng đinh (xem Sứ điệp, s. 39). Mọi hình thức duy vật và quá khích đều bị THĐGMTGPCII lên án (xem Sứ điệp, s. 38). Các Giám Mục Phi Châu rất trân trọng lời nói của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI trong bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc THĐGMTGPCII, ngày 4-10-2009, khi Ngài nói: “Chúng tôi muốn nhắc lại đây một lần nữa điều mà Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã nói trong bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ khai mạc THĐGMTGPCII: Phi Châu là “buồng phổi siêu nhiên” của nhân loại ngày nay. Đây là một nguồn tài năng quý hóa, còn quý hơn các mỏ kim khí và dầu lửa của chúng tôi (xem Sứ điệp, s. 5). Nhưng Đức Thánh Cha đã đề phòng chúng tôi đừng để cho buồng phổi này rơi vào nguy hiểm là bị nhiễm độc bởi hai loại vi khuẩn của chủ thuyết duy vật và tâm thức quá khích tôn giáo” (Sứ điệp, s. 38).

Đó là một số cảm nghĩ của tôi khi đọc Sứ điệp của THĐGMTGPC II gửi cho Phi Châu và cho thế giới. Khi viết bài này, tôi muốn thông tin một biến cố của Giáo Hội, đó là THĐGMTGPCII và từ Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục này tôi muốn chia sẻ với người khác một số điểm có tính cách đặc biệt trong đời sống đức tin, có giá trị cho Phi Châu và cho các nơi khác – thay đổi hoàn cảnh theo từng trường hợp (mutatis mutandis). Chúng ta cầu xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho Phi Châu (xem Sứ điệp, s. 6. 34) và cho Giáo Hội tại đó phát triển thêm mỗi ngày trong sự hiệp thông với Giáo Họi hoàn vũ, trong ý chí luôn thăng tiến con cái của mình và trong thái độ tôn trong sự thật của Phúc âm.

Rôma, ngày 27-10-2009.

Ch thích:
[1] Khóa họp THĐGMTGPC kỳ I được cử hành vào năm 1994, Sau đó Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu “Giáo Hội tại Phi Châu” được công bố vào năm 1995.
[2] Báo L’Osservatore Romano, số ngày Chúa Nhật 25 tháng 10 năm 2009, tr. 8.
[3] Ibidem, tr. 6 và 7.
[4] Quy Ước Maputo (Protocol Maputo) do các Nước Phi Châu soạn thảo nhày 11-7-2004, và chính thức có hiệu lực năm 2005. Đây là Quy Ước về các quyền của Phụ Nữ tại Phi Châu, trong đó cho phép dùng các phương phương thế ngừa thai nhân tạo.
 
Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời
Bùi Hữu Thư
12:58 30/10/2009
Ngày Thứ Năm 5 tháng 11 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô

Rôma, Thứ Sáu 30 tháng 10, 2009 (Le Monde vu de Rome) – Như thông lệ mỗi năm, Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ chủ tế một Thánh Lễ tưởng niệm các hồng y và giám mục đã qua đời trong năm, vào ngày thứ năm 5 tháng 11 sắp tới, lúc 11 giờ 30 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Đây là điều Văn Phòng Nghi Thức Phụng Tự Giáo Hoàng đã tuyên bố hôm nay. Đức Thánh Cha sẽ đồng tế trong Thánh Lễ với các thành viên của Hồng Y Đoàn.

Đức Thánh Cha đã khẳng định vào năm 2008, nhân ngày Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời: “Trong dịp Lễ Các Thánh, Giáo Hội mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người quá cố vì niềm hy vọng Kitô “không bao giờ chỉ có tính cách cá nhân, mà còn là niềm hy vọng cho tất cả mọi người khác.”

Giáo Hội mời gọi việc cầu nguyện cho các người quá cố vì “sự hiện hữu của chúng ta được liên kết với nhau, và những việc lành và việc dữ mỗi người làm đều có ảnh hưởng đến kẻ khác.” Ngài giải thích: “Vì thế lời cầu nguyện của một linh hồn đang lữ hành trên trần thế có thể trợ giúp một linh hồn khác đang được thanh tẩy sau cái chết.”
 
Đấu tranh cho nền văn hóa sự sống
+ TGM Raymond Burke - Nguyễn Kim Ngân dịch
14:49 30/10/2009
Bài suy tư của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Raymond L. Burke, D.D., J.C.D., Chánh Án Toà Án Tối Cao

Đây là hai bản tin từ hãng AP đăng tải sáng 29 tháng 10, 2009. Bản tin thứ nhất cho biết Chủ Tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi, hết sức phấn khởi tiết lộ rằng: sau nhiều tháng trời vật lộn, cuối cùng thì bản dự luật cải tổ y tế chắc chắn sẽ được Hạ Viện thông qua nội trong tuần tới, bất chấp sự chống đối nhất loạt của phía Cộng Hòa. Lý do là bản dự thảo này rất hợp với đường hướng mà TT Obama đã ấp ủ bấy lâu, đó là trải rộng bảo hiểm sức khỏe cho hàng triệu người đang cần đến mà chưa được, cũng như tạo ra một lối bảo hiểm kiểu ‘quốc doanh’ (tức bảo hiểm công do chính phủ quản lý). Con số lạc quan được đưa ra là: sau khi thi hành và áp dụng trong nhiều năm tháng, qua nhiều giai đoạn, ước tính tỉ lệ dân chúng được bảo hiểm sức khỏe sẽ lên đến 96 phần trăm dân số Hoa Kỳ. Với viễn ảnh sáng chói như thế, việc thông qua dự luật cải tổ y tế phải được coi là “thời điểm lịch sử” (Pelosi: new health care bill is ‘historic moment,’ xem http://news.yahoo.com/s/ap/20091029"> )

Bản tin thứ hai thì không được vui: một công nhân làm việc cho Home Depot tại Florida bị sa thải vì đeo một cái khuy có mang dòng chữ “One Nation under God, indivisible.” (tạm dịch “Một Quốc Gia dưới (sự che chở của) Chúa, bất khả phân.” Bản tin cho biết: từ tháng Ba năm 2008, anh Trevor Keezor đã đeo cái khuy đó trên tấm tạp dề của anh trong khi làm công tác thâu ngân. Công ty bảo là anh không được phép biểu lộ niềm tin cá nhân như thế. Một ngày đầu tháng 10 năm nay, khi thấy anh mang cuốn Kinh Thánh ra đọc vào giờ ăn trưa, nhân viên ban quản trị đã nhân cơ hội yêu cầu anh cởi bỏ cái khuy có mang dòng chữ trên. Bản tin cho biết, sau khi từ chối, anh đã bị sa thải vào ngày 23 tháng Mười vừa qua, với lý do “vi phạm luật ăn mặc tại sở làm.” (Xem http://news.yahoo.com/s/ap/us_god_button_home_depot )

Bản tin về cải tổ y tế chính là bối cảnh để chúng ta cùng đọc những suy tư của Đức TGM Raymond Leo Burke, D.D., J.C.D., nguyên TGM Saint Louis, hiện đang giữ chức Chánh Án Toà Án Tối Cao tại Roma. Bài suy tư này được phát biểu ngày 18 tháng 9 năm 2009, trong Bữa Tối nhân kỷ niệm 14 năm thành lập ‘InsideCatholic,’ một nhóm chủ trương gióng lên tiếng nói Công giáo chân chính về đức tin, văn hoá lẫn chính trị giữa dòng đời hôm nay tại đất nước này ( Xem http://insidecatholic.com, ngày 26 tháng 9 năm 2009). Phải, nền văn hóa tại Hoa Kỳ, cũng giống như tại Châu Âu, đã thấm nhuần đậm đà và sâu xa truyền thống Kitô giáo trong hầu hết mọi khía cạnh của đời sống và sinh hoạt thường nhật, từ trong gia đinh, học đường, ra đến ngoài xã hội. Thế mà, với trào lưu tục hóa, người ta đang tìm đủ mọi cách bôi xóa hết tất cả những gì mang chút hơi hướng, những dấu vết gì khơi gợi người ta nhớ đếnThiên Chúa. Điều này không biết có thực hiện được hay không, hoặc cho tới một tầm mức nào. Tuy nhiên, điều chắc chắn là: khi chối bỏ Thiên Chúa, người ta đang tự tiêu diệt, bởi vì người ta đang phá hủy chính nguồn gốc và lịch sử của mình, để hoàn toàn rơi vào tình trạng mất hướng. Cứ đà này, chuyến xe định mệnh của con người, nếu không có phép mầu, tất không thể không lao xuống vực thẳm đang mở toang ở ngay trước mắt mà con người không muốn nhận ra. Không còn Thiên Chúa thì nói đến luân lý, đạo đức, phong hóa, thiện ác, tốt xấu để làm gì? Không còn Thiên Chúa thì chuyện gì là không được phép làm? Khi không còn một quyền lực nào ở trên mình, thì con người là chủ tể duy nhất và tuyệt đối của thế giới này; con người phải đứng lên dành lại hết mọi tự do xưa nay đã bị Thiên Chúa cấm cản. Và chuyện gì phải đến, tất sẽ đến. Trong tâm tình này, xin mời bạn đọc cùng lắng đọng với những suy tư rất thời sự của Đức TGM Raymond Burke sau đây.


Chúng ta đang trải qua một thời kỳ đấu tranh căng thẳng và có tính quyết định trong việc đẩy mạnh nền văn hóa sự sống tại đất nước này. Chính quyền liên bang đang công khai và hùng hổ theo đuổi một nghị trình duy thế tục. Cho dù họ vẫn sử dụng ngôn từ tôn giáo, kể cả việc kêu cầu danh thánh Chúa, họ vẫn đề xướng các chương trình và chính sách cho toàn dân mà không hề tỏ dấu kiêng nể Thiên Chúa và Luật lệ của Ngài. Nói theo ngôn ngữ của Tôi tớ Chúa, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan-Phaolô II, thì họ cứ thẳng tiến “y như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu” (xem Tông Huấn ‘Christifideles Laici’--Về Ơn Gọi và Sứ Mệnh của Giáo Dân trong Giáo Hội và thế giới,” ngày 30 tháng 12 năm 1988, số 34).

Cùng lúc ấy, lại thấy thiếu sự hợp nhất giữa những người đang hiến thân đẩy mạnh một nền văn hóa hoàn toàn trân quý món quà sự sống và tôn trọng nguồn gốc của nó là sự sinh sản, nghĩa là trong sự hợp tác của người nam và người nữ với Thiên Chúa qua sự kết hợp vợ chồng cũng như qua việc giáo dục tại gia, thành quả hôn nhân của họ. Những xôn xao mới đây, khởi đi từ tang lễ cố Thượng Nghị Sĩ Edward M. Kennedy, đã cho thấy mối bất đồng sâu xa, kể cả những phê phán gay gắt, ngay giữa những người công khai dấn thân cho Tin Mừng Sự Sống.

Vì cùng chia sẻ sự cam kết nuôi dưỡng lòng tôn trọng sự sống con người và sự toàn vẹn của hôn nhân và gia đình, tôi xin cống hiến một vài suy tư nền tảng về phương cách đẩy mạnh nền văn hóa sự sống trong đất nước chúng ta. Những suy tư này không hề bao quát tất cả. Tôi chỉ hy vọng rằng, tuy nhỏ bé và khiêm tốn, những suy tư này có thể giúp chúng ta vừa gửi được Tin Mừng Sự Sống một cách hữu hiệu đến cho giới lãnh đạo chính trị của chúng ta, lại vừa gây được tình hợp nhất với tất cả những ai đang thực sự hiến thân nhằm thăng tiến lòng tôn trọng sự sống con người và sự toàn vẹn của hôn nhân cùng với hoa trái của nó là đời sống gia đình.

Sau cùng, như một lời giới thiệu, tôi muốn liên kết những suy tư này lại với Thông Điệp ‘Caritas in Veritate’—“Về Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện trong Bác Ái và Chân Lý--BACL”--của ĐGH Bênêđictô XVI, gửi ra ngày 29 tháng Sáu năm 2009. Tôi cho rằng việc phát triển mà Chúa nhắm đến khi tạo dựng con người đã được thành tựu trong sự thiết lập nền văn hóa sự sống. Đây là lời của chính ĐGH Bênêđictô XVI: “Vì thế, bác ái và chân lý đặt chúng ta trước một trách nhiệm hoàn toàn mới và đầy sức sáng tạo, chắc chắn sẽ rộng lớn và phức tạp. Đó là phải khai triển lý trí và giúp lý trí có khả năng nhận ra và hướng dẫn những năng động mới đầy ấn tượng, bằng cách linh động hóa những sức mạnh này từ bên trong theo viễn tượng nền “văn minh tình thương” mà Thiên Chúa đã gieo trong mỗi dân tộc và trong mỗi nền văn hóa.” (BACL số 33--Bản dịch của: UB Giáo Lý Đức Tin & TT Mục Vụ TGP Saigon)

Nỗ lực không mỏi mệt của chúng ta để cổ súy nền văn hóa sự sống phải thực sự đáp lại đúng nguyện vọng sâu xa nhất nơi mỗi người, và nơi mỗi xã hội. Nó khai mở và chuẩn bị “một trời mới và đất mới” mà Chúa Giêsu Kitô sẽ khai mạc khi Ngài lại đến (Khải Huyền 21:1).

HOÀN CẢNH GỢI SUY TƯ

Hoàn cảnh khơi gợi những suy tư này là sự thật (cho rằng) cuộc đấu tranh chống lại sự tục hóa toàn diện của quốc gia này thì hoàn toàn vô ích, chẳng có cách gì thành công được. Tại đất nước này, bất chấp tình huống bi thảm của việc tấn công vào những trẻ thơ vô tội, phá hủy đời sống của những kẻ không thể tự vệ được cũng như trực tiếp đánh thẳng vào sự toàn vẹn của hôn nhân xét như sự kết hợp của người nam và người nữ trong mối dây tình yêu trọn đời, thủy chung và tạo sinh, vẫn còn đó một tiếng nói vững mạnh vang lên nhằm bảo vệ những người anh chị em nhỏ bé nhất và dễ tổn thương nhất của chúng ta—không ranh giới, không luật trừ--cũng như bảo vệ chân lý về sự kết hợp phu thê như đã được Thiên Chúa tạo dựng ngay từ đầu. Tiếng nói Kitô giáo, tiếng nói của Chúa Kitô, nhờ các Tông Đồ thông truyền, vẫn còn vang vọng mãnh liệt tại đất nước này. Đó cũng là tiếng nói của những người có lòng thiện tâm—nam cũng như nữ--những người biết nhìn nhận và tuân thủ luật lệ của Thiên Chúa vốn đã được ghi khắc vào tâm khảm của mỗi chúng ta.

Là một người đang sống tại Âu Châu, bên ngoài đất nước Hoa Kỳ, tôi có thể tuyên bố không một chút do dự rằng: khi nhận ra vụ phá sản nhân bản của nền văn hóa duy thế tục, nhiều người đang đặt kỳ vọng vào quốc gia Hoa Kỳ, với hy vọng rằng dân tộc chúng ta sẽ tái lập và canh tân những nền móng dân chủ mang đầy chất Kitô giáo và đầy niềm kính úy đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng nên ta để ta chọn lựa sự sống; Chúa Con Nhập Thể đã mang lại cuộc chiến thắng của sự sống, cuộc chiến thắng trên tội lỗi và nỗi chết đời đời (x. Dt 30:19; Jn 10:10). Do đó, chúng ta không bao giờ đầu hàng cuộc đấu tranh nhằm đẩy mạnh nền văn hóa chọn lựa sự sống, điều Thiên Chúa đã khắc ghi vào tâm khảm ta, cũng như đấu tranh dành chiến thắng cho sự sống, điều Chúa Kitô đã đắc thủ nơi bản tính con người. Quả vậy, hàng ngày chúng ta đều chứng kiến những người Hoa Kỳ có lòng kính sợ Chúa biết dấn thân vào công cuộc thăng tiến lý tưởng về sự sống và gia đình ngay trong gia đình mình, hoặc nơi cộng đoàn địa phương cũng như trong toàn thể quốc gia này.

Về phần các nền tảng dân chủ, đôi khi có nhận định rằng, cho dù các vị có công lập quốc đã sử dụng ngôn từ tôn giáo, nhưng niềm tin của các vị ấy lại không phải hoàn toàn mang tính Kitô giáo, theo nghĩa là nó đã mang đậm tầm ảnh hưởng triết lý duy thế tục của thời kỳ Ánh Sáng. Nói khác đi, cho dù tin Chúa, các vị ấy vẫn hiểu rằng Ngài ở xa con người và thế giới, để mặc con người tự nhiên sống theo bản tính của mình, tự tạo lấy mình và cải tạo thế giới này. Một cách đặc thù, cái lập trường cho rằng quốc gia chúng ta đây không thực sự được xây dựng trên nền móng đức tin vào Thiên Chúa, lập trường này phải được kiểm nhận bằng ngôn ngữ của Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, trong đó không hề thấy đả động gì đến Danh Thiên Chúa cũng như Luật Pháp của Ngài. Lập trường này thường được dùng để xác nhận rằng nền móng của quốc gia chúng ta đây không hề được xây dựng trên luật luân lý tự nhiên, mà trên nền tảng là nguyện vọng của đại đa số quần chúng thời ấy, phù hợp với một nền triết lý duy lý và duy thế tục.

Dù các nhà lập quốc có riêng một thứ triết lý nào chăng nữa, sự thực rõ ràng vẫn là: điều đã khởi hứng cho việc lập quốc chính là một niềm tin đã được cống bố dõng dạc, niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin tưởng nơi các quyền bất khả nhượng mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người, như đã được diễn đạt trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 4 tháng 7 năm 1776. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập minh chứng rằng chính phủ hiện hữu để bảo vệ các quyền bất khả nhượng của con người, vốn phát nguồn từ nơi Thiên Chúa và được Luật Ngài bảo vệ. Các vị đại diện đất nước chúng ta, ngay từ đầu, đã kết luận Bản Tuyên Ngôn Độc Lập với lời kêu cầu “Vị Thẩm Phán Tối Cao của trần thế” và “với niềm tin kiên cường vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa Quan Phòng,” các vị đã cam kết cùng nhau dành cả đời sống, của cải, và danh vọng làm bảo chứng cho tất cả những gì mình đã tuyên bố. Bởi thế, cho dù liên tục bị ảnh hưởng dữ dội của trào lưu tục hóa, các công dân đất nước chúng ta vẫn trung kiên biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa và phó thác cho sự quan phòng của Ngài. Niềm tin và hy vọng cũng giúp họ, như đã từng giúp các nhà lập quốc, sẵn sàng hiến mạng để bảo vệ các quyền mà Chúa đã ban cho mình, đó là quyền “sống, tự do, và theo đuổi hạnh phúc.” Chối bỏ nền tảng Kitô giáo trong dòng sinh mệnh của quốc gia chúng ta tức là chối bỏ chính dòng lịch sử của ta vậy.

Mô tả khung cảnh khơi gợi những dòng suy tư này, tôi không hề muốn chối bỏ sự đóng góp của các tôn giáo bạn và của những người thiện chí đã cống hiến cho dòng sinh mệnh quốc gia. Thừa nhận niềm tin Kitô giáo đã gây cảm hứng cho việc lập quốc và kiến quốc không đồng nghĩa với việc tuyên bố phải nhẫn nhục chịu đựng đối với những vị ngoài Kitô giáo. Bởi lẽ, tự bản chất của niềm tin Kitô giáo là tình thương đối với con người, một tình thương vượt mọi biên cương và không loại trừ bất kỳ ai. Luật Vàng mà Chúa Giêsu đã dậy cho thấy người Kitô hữu yêu thương mọi người, bất chấp biên cương, không hề loại trừ ai (x. Mt 7:12). Với người Kitô hữu, việc chấp nhận những người không cùng chung tín ngưỡng không hề là vấn đề nhẫn nhục chịu đựng, mà là tình thương dính liền với chân lý của niềm tin trong khi tôn trọng tín ngưỡng của những người không thuộc Kitô giáo, miễn là tín ngưỡng này cùng nhất quán trong luật luân lý tự nhiên, nghĩa là phù hợp với sự tôn trọng các quyền bất khả nhượng mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người. Tình thương Kitô hữu không hề xây dựng trên sự nhẫn nhục mù quáng đối với tha nhân, đối với những suy nghĩ, nói năng, và hành động của họ, mà là xây dựng trên nền tảng hiểu biết sâu xa đối với người khác, với tín ngưỡng của họ, và việc nhìn nhận một cách lương thiện các khác biệt trong tín ngưỡng, nhất là trong điều có thể đem lại sự thỏa hiệp trong nếp sinh hoạt của quốc gia chúng ta.

Bối cảnh thứ hai khơi gợi các suy tư của tôi chính là mối liên hệ then chốt giữa việc tôn trọng sự sống con người và sự toàn vẹn của hôn nhân và gia đinh. Việc tấn công vào mạng sống các trẻ em chưa được sinh ra, hoàn toàn vô tội, và chưa hề biết tự vệ khởi phát từ một quan điểm sai lạc về tính dục con người, đưa đến việc sử dụng các phương tiện cơ giới hoặc hóa học để triệt hạ bản chất sinh sản thiết yếu của hành vi vợ chồng. Sự sai lạc là cho rằng hành vi vợ chồng--vốn đã bị xoay lệch đi một cách ngụy tạo--vẫn còn giữ được tính toàn vẹn của nó. Ngụy biện nằm ở chỗ bảo rằng hành vi vợ chồng ấy vẫn mang nặng tính kết hợp trong khi bản chất sinh sản đã bị xâm phạm một cách trắng trợn. Thực ra, hành vi ấy không hề mang tính kết hợp, do bởi một hoặc cả hai người phối ngẫu đều giữ lại cái phần thiết yếu của món quà vốn là căn cốt của việc kết hợp vợ chồng. Cái não trạng mệnh danh là “ngừa thai ” thì đích thị chống lại sự sống. Rất nhiều hình thức mệnh danh là ngừa thai--mà thực chất chỉ là phá thai—nghĩa là, ngay từ đầu đã hủy hoại đi một mầm sống vừa mới tượng hình.

Việc lạm dụng hành vi vợ chồng, như ĐGH Phaolô VI tiên báo, đã dẫn đến nhiều hình thức bạo hành nhắm vào đời sống hôn nhân và gia đinh (x. Humanae Vitae, số 17). Khi não trạng ngừa thai đã lan tràn, nhất là giữa giới trẻ, thì tính dục con người không còn được coi là món quà của Thiên Chúa nữa, hiểu như điều lôi kéo nam nữ đến với nhau, trong mối dây tình yêu chung thủy trọn đời, mà tột đỉnh là món quà của một mầm sống mới được khai sinh. Tính dục chỉ còn là một dụng cụ thỏa mãn cá nhân. Một khi sự kết hợp tính dục không còn được nhìn nhận đúng như bản chất của nó là sinh sản nữa, thì tính dục con người sẽ bị lạm dụng bằng nhiều cách thức, đưa đến thiệt hại sâu xa, có khi còn hủy hoại con người và cả xã hội nữa. Cứ thử nghĩ đến sự tác hại mà nền kỹ nghệ tranh ảnh khỏa thân trị giá hàng triệu Mỹ Kim đang gây ra cho đất nước này mà xem. Muốn thăng tiến nền văn hóa sự sống, điều thiết yếu chính là công bố sự thật về việc kết hợp vợ chồng, bao hàm đủ mọi khía cạnh, đồng thời sửa sai cái lối ‘suy nghĩ ngừa thai’ đang làm cho người ta hãi sợ sự sống, e ngại sanh đẻ. Đó chính là điều ĐGH Bênêđíctô XVI đã ghi nhận trong Thông điệp “Bác Ái trong Chân Lý”, khi ngài nói đến Thông Điệp “Humanae Vitae” của ĐGH Gioan-Phaolô II, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “việc nói lên nội dung sự phát triển con người toàn diện theo đề nghị của Giáo hội (BACL, số 15). ĐGH Bênêđictô XVI minh định rằng giáo huấn trong ‘Humanae Vitae’ “không phải chỉ là luân lý cá nhân,” mà còn “cho thấy những liên hệ chặt chẽ giữa đạo đức của sự sống và đạo đức xã hội, khai mở một đề tài giáo huấn được triển khai trong nhiều tài liệu của huấn quyền, và mới đây nhất, trong Thông điệp Evangelium Vitae—Tin Mừng Sự Sống--của ĐGH Gioan-Phaolô II.

Ngài nhắc nhở chúng ta một điểm then chốt: một nhận thức đúng đắn về tính dục chỉ có thể có được trong sự phát triển con người toàn diện. Nói về vấn đề sinh sản, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhận thức đúng đắn về tính dục, hôn nhân và gia đình, như sau: “Vì quan tâm đến sự phát triển đích thực của con người, Giáo hội thúc giục con người phải tôn trọng đầy đủ những giá trị nhân bản trong hành động tính dục. Tính dục không thể bị giảm thiểu thành khoái lạc hay giải trí thuần túy, cũng thế, giáo dục phái tính không thể chỉ là hướng dẫn về kỹ thuật với mục đích duy nhất là làm sao khỏi bị bệnh và tránh được “nguy cơ” thụ thai. Làm như thế là coi thường và nghèo nàn hóa ý nghĩa sâu xa của tính dục, vốn là ý nghĩa cần phải được nhìn nhận và thực hiện cách có trách nhiệm, không những đối với các cá nhân mà cả với cộng đồng (BACL, số 44).

(còn tiếp hai kỳ, Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ)

Ngày 10/29/09 Kính nhớ Á Thánh Don Rua, người đầu tiên kế vị Cha Thánh Gioan Bosco
 
Thông Báo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Dự Luật Cải Tổ Y Tế
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
15:35 30/10/2009

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HOA KỲ



Quốc Hội Hoa Kỳ đang chuẩn bị thảo luận về luật cải tổ Y Tế cả ở Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Việc cải tổ Y Tế chân chính phải bảo vệ sự sống và phẩm giá của tất cả mọi người từ lúc được thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã kết luận rằng tất cả các dự luật hiện được các tiểu ban chấp thuận đều khiếm khuyết cách trầm trọng về vấn đề phá thai và lương tâm, cùng không cung cấp đầy đủ về việc chăm sóc sức khỏe cho những người di dân và nghèo khó. Tất cả các dự luật này cần phải được thay đổi nếu không các Giám Mục hứa là sẽ chống lại chúng.

Quốc gia chúng ta đi đang đến một bước quyết định. Các chính sách được áp dụng trong việc cải tổ y tế sẽ có một ảnh hưởng tốt hay xấu rất lớn cho những năm sắp tới. Không có một dự luật nào giữ lại những chính sách cố hữu chống lại việc tài trợ phá thai hay buộc bảo hiểm phải trả tiền phá thai, và cũng không có dự luật nào hoàn toàn bảo vệ quyền làm theo lương tâm trong lãnh vực y tế.

Như thư của các Giám Mục Hoa Kỳ đề ngày 8 tháng 10 đã viết:

“Không ai bị bắt buộc phải trả tiền cho hoặc phải tham dự vào việc phá thai. Điều thiết yếu là cơ quan lập pháp phải áp dụng một cách rõ rệt vào chương trình mới này những giới hạn có tính cách liên bang đã có từ lâu đời và được ủng hộ một cách rộng rãi về việc tài trợ cho phá thai và luật lệ về phá thai, cùng bảo vệ quyền làm theo lương tâm. Không có một dự luật nào hiện nay đáp ứng lại điều này… Nếu chúng tôi không tìm thấy những ngôn từ có thể chấp nhận được trong những lãnh vực này trong dự luật cải tổ y tế thì chúng tôi phải mãnh liệt chống lại nó.”

Để đọc toàn thể thư này và biết thêm về những dự luật và việc ủng hộ cải tổ y tế chân chính, xin vào trang web: www.usccb.org/healthcare. (Bức thư trên cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đăng ở: http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=71964.

Các nhà lãnh đạo Quốc Hội đang cố gắng đưa ra những dự luật cuối cùng để bỏ phiếu tại Lưỡng Viện. Yêu cầu anh chị em hãy liên lạc với các Dân Biểu và Nghị Sĩ ngay hôm nay cùng thúc giục họ sửa chữa lại những dự luật này bằng những tu chính phò sự sống được ghi chú dưới đây. Nếu không chúng ta phải chống lại việc cải tổ y tế rất cần thiết này. Cải tổ y tế phải cứu mạng sống con người chứ không hủy hoại chúng.

HÀNH ĐỘNG: Hãy liên lạc với các Thành Phần [Quốc Hội] qua email, điện thoại hay Fax,

• Để gưỉ thư đã viết sẵn, email ngay cho Quốc Hội xin vào: www.usccb.org/action.

• Gọi điện thoại cho tổng đài Quốc Hội tại: 202-224-3121 hay gọi văn phòng địa phương của các Dân Biểu, Nghị Sĩ.

• Muốn biết thêm những chi tiết khác về việc liên lạc với Thành Viện Quốc Hội xin vào www.house.gov & www.senate.gov.

LỜI NHẮN VỚI THƯỢNG NGHỊ VIỆN:

“Trong buổi tranh luận về dự luật cải tổ y tế, làm ơn ủng hộ một tu chính có những chính sách cố hữu chống lại việc tài trợ phá thai và ủng hộ quyền làm theo lương tâm. Nếu những ưu tư quan trọng này không được đề cập đến, thì hãy chống lại dự luật cuối cùng.”

LỜI NHẮN VỚI HẠ NGHỊ VIỆN

“Làm ơn ủng hộ Tu Chính Stupak là tu chính nói lên những ưu tư chính của phò sự sống về việc tài trợ phá thai và quyền làm theo lương tâm trong dự luật cải tổ y tế. Làm ơn giúp đỡ để đảm bảo rằng Quy Luật về dự luật cho phép một cuộc bỏ phiếu về tu chính này. Nếu những ưu tư nghiêm trọng này không được đề cập đến, thì dự luật cuối cùng phải bị chống lại.”

KHI NÀO: Cả Hạ Viện và Thượng Viện đang sửa soạn để bỏ phiếu nay mai. Hãy hành động ngay hôm nay. Cám ơn

Dịch từ: http://www.usccb.org/healthcare/hc-bulletin-insert-10-23-09-final.pdf
 
Nhóm Phò Sự Sống kêu gọi tẩy chay công ty mỹ phẩm Neocutis vì sử dụng các bào thai
Trần Mạnh Trác
17:35 30/10/2009
Murfreesboro, Tenn, Ngày 29 Tháng 10 2009 / 5:28 (CNA). - Tổ chức Children of God for Life (Những trẻ em của Thiên Chúa cho cuộc sống) phát hành một tuyên bố ngày Thứ ba chỉ trích công ty dược phẩm Neocutis sử dụng các tế bào thu hoạch từ một bào thai bị hủy bỏ để biến chế kem chống lão hóa. Nhóm Phò Sự Sống này kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của công ty.

Bà Debi Vinnedge, giám đốc điều hành của Children of God for Life, tố cáo công ty đã coi thường sự sống: "Neocutis hoàn toàn đánh trách khi khai thác xác của một em bé bị cố tình tàn sát cho không có gì khác hơn là một lý do phù phiếm và lợi nhuận. Không có thể biện minh cho hành động này. "

Việc "chế biến da protein" (Processed Skin Proteins: PSPs) được Neocutis sử dụng để chữa trị 'vết bỏng và vết thương’ đã được lấy ra từ một thai nhi nam 14 tuần bị thải bỏ do Bệnh viện cuả Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ.

Các tế bào cuả cậu bé con đã được sử dụng để tạo ra một ngân hàng tế bào bằng cách sinh sôi chúng trong phòng thí nghiệm cho đến khi số tế bào tăng đến hàng trăm triệu.

Theo thông tin hiện có về tiến trình trên trang web Neocutis, "mẫu da đang ở trong giai đoạn ‘vết thương đang được chữa lành mà không để lại vết thẹo’ đã được lấy với sự tuân thủ các quy định pháp lý và đạo đức của Bệnh viện Đại học Lausanne (Thụy Sĩ)."

Trong một bài báo y tế của bệnh viện xuất bản trong năm 2006, các nhà nghiên cứu ủng hộ việc thành lập ngân hàng tế bào dùng tế bào thai nhi sau khi quan sát rằng, "các tế bào thai nhi có khả năng tăng trưởng bất thường," mà "từ một cơ quan có thể sản xuất thành vài trăm triệu cấu trúc da (bào thai). "

Bài báo giải thích thêm rằng các tế bào da thai nhi "có sức đề kháng về thể chất chống lại căng thẳng và oxy hoá khi so sánh với các tế bào người lớn theo các điều kiện tương tự", do đó thay thế các kỹ thuật (ít gây tranh cãi) khác để khai thác và sản xuất PSPs là một nguồn lợi đáng kể.

Ngân hàng tế bào thai nhi "ban đầu được thành lập để chữa lành vết thương và điều trị bỏng," bệnh viện cho biết.

Tuy nhiên, một sử dụng khác cuả các tế bào thai nhi là để sản xuất mỹ phẩm chống lão hóa.

"Hoàn toàn không có một lý do nào để bào chữa cho việc sử dụng các em bé bị hủy bỏ như vậy cho một động cơ ích kỷ," Bà Vinnedge đã nêu ra. "Đây là chống sự sống, chống người phụ nữ và Neocutis sẽ thấy là nó phản tác dụng!"

Bà Vinnedge cảnh báo rằng sẽ có ảnh hưởng xấu cho Neocutis, "Chúng tôi biết nhiều công ty sử dụng các nguồn cung cấp đạo đức để sản xuất collagen và protein da. Chúng tôi dự định sẽ công khai thúc đẩy các công ty mỹ phẩm khác cạnh tranh với Neocutis.." Bà cam kết rằng các công ty cạnh tranh sẵn sàng xác nhận rằng sản phẩm của họ có "đạo đức sản xuất" sẽ được tổ chức Children of God for Life chứng thực.

Bà cũng mời các khách hàng phản ứng ngay lập tức, van nài rằng "những phụ nữ đang sử dụng sản phẩm Neocutis hãy ném chúng vào thùng rác và liên lạc với công ty này để bày tỏ mối quan ngại của họ."

Điện thoại xin phỏng vấn với Neocutis đã không được trả lời.
 
Ngày 13 kể chuyện Fatima
Peter Nguyễn Minh Trung
19:59 30/10/2009
SAN FRANCISCO, 27-10-2009 (ZENIT) - Một bộ phim mới về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima vừa được mời xem trước với các nhóm đặc biệt trước khi DVD của phim này được tung ra ở Bắc Mỹ.

"Ngày 13" kể những câu chuyện có thật về các cuộc hiện ra ở Fatima từ 13-05 đến 13-10 năm 1917 với 3 trẻ Lucia Santos và hai em họ Francisco, Jacinta Marto. Bộ phim được làm dựa trên những hồi ký của Lucia sau khi chị trở thành nữ tu.

Ignatius Press, một hãng phân phối phim ở vùng Bắc Mỹ, hiện đang mời các giáo phận, giáo xứ, trường học và các tổ chức Công giáo khác xem trình chiếu của bộ phim "Ngày 13" trước khi nó được đưa ra cho công chúng.

Anthony Ryan, Giám đốc Marketing của Ignatius Press, cho biết "những cái nhìn đặc biệt trong bộ phim có ảnh hưởng đặc biệt đối với việc dạy giáo lý, định hình đức tin, xây dựng nền tảng cũng như có giá trị giải trí gia đình."

Các tổ chức tham gia vào ngày công chiếu thử sẽ mua giấy phép trình chiếu bộ phim trong một năm và được phép chiếu "Ngày 13" bất cứ khi nào họ muốn trong cả năm đó. Các poster, sách hướng dẫn, postcard, hình thẻ cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima và áo T-shirt cũng sẽ được phát hành nhân dịp bộ phim ra mắt. Một số ấn phẩm đặc biệt của bộ DVD có phụ đề tùy chọn tiếng Tây Ban Nha này sẽ là một tập sách nhỏ 24 trang về các câu chuyện kể, và những cuộc phỏng vấn với các chuyên gia, nhân vật chủ chốt trong sự kiện Fatima.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 100 nhà thiên văn quốc tế
LM Giuse Trần Đức Anh, OP
21:07 30/10/2009
VATICAN - Sáng 30-10-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 100 nhà thiên văn quốc tế về Roma tham dự cuộc hội thảo do Đài Thiên Văn Vatican tổ chức nhân dịp kỷ niệm 400 năm Galileo Galilei sử dụng các viễn vọng kính để quan sát bầu trời.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đề cao trách nhiệm của các nhà khoa học nói chung, và các nhà thiên văn nói riêng, ”đối với tương lai của nhân loại, vì - ngài nói - sự tôn trọng thiên nhiên và thế giới quanh chung ta, ngày nay hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự quan sát kỹ lưỡng, phán đoán phê bình, kiên nhẫn và kỷ luật.

ĐTC cũng nhận định rằng: ”Các nhà khoa học thuộc thời đại có nhiều khám phá nhắc nhở chúng ta rằng kiến thức chân thực luôn hướng về sự khôn ngoan, thay vì thu hẹp con mắt của trí tuệ, đồng thời họ mời gọi chúng ta hướng mắt lên nhắm nhìn thế giới cao cả hơn của tinh thần”.

Sau cùng ĐTC cầu mong rằng ”sự ngưỡng mộ mà Năm Quốc Tế về thiên văn hiện nay khơi lên sẽ dẫn chúng ta đi xa hơn sự chiêm ngắm các kỳ công thiên nhiên để đi tới sự chiêm ngắm Đấng Tạo Hóa và tình yêu của Thiên Chúa là động lực thúc đẩy công trình sáng tạo của Chúa.”

Cuộc hội thảo do Đài thiên văn Vatican cùng với Phủ Thống Đốc Vatican tổ chức diễn ra trong hai ngày 30 và 31-10-2009.

Giáo sư John Huchra, thuộc Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Mỹ, kiêm chủ tịch Hội Thiên Văn Hoa Kỳ, đã thuyết trình về đề tài ”Từ Galileo đến kính viễn vọng không gian Hubble: Thiên Văn học trong thế kỷ 21”.

Các tham dự viên cũng được mời thăm Tháp Gió trong Nội Thành Vatican được kiến thiết hồi năm 1582 vào thời ĐGH Gregorio cải tổ lịch và là trụ sở đầu tiên của Đài thiên văn Vatican, thăm Văn khố mật của Vatican, nhà nguyện Sistina và cuộc triển lãm Astrum 2009 tại Bảo tàng viện Vatican với 130 vật dụng, kể cả các thủ bản của Galileo ghi lại những chi tiết khi quan sát Mặt Trăng.

Sau cùng, trong ngày 31-10-2009, các tham dự thăm trụ sở mới của Đài thiên văn Vatican ở Castel Gandolfo, mới được ĐTC làm phép khánh thành ngày 16-9 vừa qua (SD 30-10-2009)
 
Top Stories
La Iglesia en Vietnam celebra un año jubilar
Zenit.org
13:05 30/10/2009
Del 24 de noviembre de 2009 al 6 de enero de 2011

HO CHI MINH, viernes 30 de octubre de 2009 (ZENIT.org).- Con motivo del 350 aniversario de la creación de los dos vicariatos apostólicos de Tonkín y la Cochinchina (en 1659) y de los 50 años de la institución de la jerarquía católica en Vietnam (en 1960), la Conferencia Episcopal del país ha impulsado un Jubileo.

El próximo 24 de noviembre, fiesta de los santos mártires de Vietnam Andrea Dung Lac y 116 compañeros beatificados por Juan Pablo II en 1988, empezará ese año especial de gracias, que concluirá el 6 de enero de 2011.

En la carta dirigida a la comunidad católica del país para proclamar el Jubileo, los obispos vietnamitas recuerdan que “para desarrollar el espíritu de comunión en el seno de la Iglesia, el Papa les ha exhortado a “dedicar una atención particular” a algunos ámbitos, sobre todo al ejercicio de la cardidad, “característica esencial de la Iglesia de Cristo”, informó L'Osservatore Romano.

“Hará falta además ofrecer un cuidado particular a la juventud, sobre todo a los jóvenes de nuestros campos, que, actualmente, se hacinan en las grandes ciudades para continuar sus estudios o encontrar trabajo”, añaden los prelados.

La tarea principal, destacan, es el anuncio del Evangelio. “Cumpliendo esta misión, la Iglesia contribuye al desarrollo de la persona, no sólo en el plano humano y espiritual, sino también en el plano social”.

Cuando construyen la propia vida “sobre la base de valores evangélicos como la caridad, la honestidad y el respeto al bien común”, los fieles “participan activamente en la construcción de una sociedad justa, solidaria y equitativa”, destacan en la carta.

Gran Asamblea

El momento central del Jubileo de la Iglesia en Vietnam será la “gran asamblea del pueblo de Dios”, “basada en el modelo del Sínodo de los Obispos” y organizada por la archidiócesis de Ciudad Ho Chi Minh para los días entre el 21 y el 25 de noviembre.

Participarán en ella unos 200 delegados, en representación de la comunidad católica vietnamita, que constituye el 7% de los 87 millones de habitantes.

La Conferencia Episcopal enviará a las diócesis, parroquias y comunidades religiosas unos documentos de estudio para promover la participación activa de los fieles. Sus contribuciones representarán la base para la discusión de la asamblea.

“El año santo nos anima a compartir la alegría de nuestra fe con todos los miembros de la nación vietnamita”, declaran los obispos del país.

Para hacerlo, explican, “tenemos que despertar en nosotros el don de la fe” y “renovar los métodos de evangelización para responder a las fuertes transformaciones de nuestra época”.

El modelo en el que inspirarse se basa en “comunión y participación”, añaden. “La comunión encuentra su origen en el misterio de la Trinidad”, que “nos hace pueblo de Dios, Cuerpo de Cristo, Templo del Espíritu Santo”.

También destacan que la celebración del evento, según informa AsiaNews, “es un tiempo propicio para una mirada retrospectiva al objetivo de agradecer a Dios, aprender las lecciones de la historia” y “debatir la situación actual de la Iglesia”, “para mirar al futuro con la determinación de construir una Iglesia que discierne y obedece la voluntad de Dios”.

Para preparar a los fieles al Jubileo, la Iglesia hará una novena de oración, para los días anteriores al inicio del Jubileo, del 15 al 23 de noviembre.

El Jubileo se abrirá el 24 de noviembre en la parroquia de So Kien de Hanoi, y concluirá el día de Epifanía de 2011 en el santuario mariano nacional de La Vang.
 
Hanoi continues to see religious freedom as a challenge
Asia-News
15:21 30/10/2009
State Department report on religious freedom highlights the problem. Whilst recognising improvements in Vietnamese government policies, it says abuses are still taking place, like the failure to return land and properties owned by Catholic parishes.

Hanoi (AsiaNews) – Vietnam’s government still perceives religious activities “as a challenge to its rule or to the authority of the Communist Party,” but “[r]espect for religious freedom and practice continued to improve in some regards during the reporting period”. Even so, “significant problems” and “restrictions remained on the organized activities of many religious groups,” said the 2009 Annual Report on International Religious Freedom released by the US State Department last Monday. The report elicited an expected response from the Foreign Ministry in Hanoi, which complained again about Washington’s interference in the internal affairs of Vietnam.

“Reports of abuses of religious freedom continued to diminish; however, some religious believers continued to experience harassment or repression, particularly those who had not applied for or been granted legal sanction,” the report said.

The report noted that the government has not returned lands and properties to the parishes of Tam Toa (Vinh diocese), Ly Loan (Hue), Thai Ha and the old apostolic delegation in Hanoi.

“The U.S. Embassy in Hanoi and the U.S. Consulate General in Ho Chi Minh City maintain regular dialogue with senior and working-level government officials to advocate for greater religious freedom. U.S. officials met and communicated regularly with religious leaders, including religious activists under government scrutiny,” the report said. Overall, the Vietnamese government has taken steps expand the scope of the 2004 Ordinance on Religion and Belief.

In 2008 and 2009, a number of religious organisations like Caritas allowed to register.

Problems remain in terms of enforcing the Ordinance at the local level. In some areas, local authorities impose limitations, restrictions and difficulties on religious organisations.

Recently, authorities in the north-eastern province of Tra Vinh used force to put an end to some controversial issues. Catholic parishioners, Buddhists and Protestant groups have been prevented from meeting.

On 14 October, the US Embassy in Hanoi issued a statement saying, “the local government forced the monks from Bat Nha Monastery in Lam Dong Province, and the government did not protect them from attacks. It is against Vietnam government’s commitment and the international standards that are recognized on human rights and the rule of the law.”

Since 2006, the United States has taken Vietnam off a list of “countries of particular concerns” on the issue of religious freedom. But in the time, some members of the National Congress have called Obama to list Vietnam as “countries of particular concerns.

The current list of countries violating religious freedom includes China, Myanmar, Eritrea, Iran, North Korea, Saudi Arabia, Sudan and Uzbekistan.

The United States continues to keep channels open with Vietnam, hoping it can broaden the scope of human rights and religious freedom.

Michael Posner, Assistant Secretary of State for Democracy, Human Rights, and Labor, plans to visit Vietnam in the near future.
 
Hanoi continua a vedere la libertà religiosa come una sfida
Asia-News
15:22 30/10/2009
E’ quanto afferma l’annuale rapporto del Dipartimento di Stato sulla libertà religiosa nel mondo. Il documento riconosce che ci sono dei miglioramenti nell’atteggiamento del governo vietnamita, ma restano “violazioni”, come nei casi di mancata restituzione dei terreni a parrocchie cattoliche.

Hanoi (AsiaNews) - Il governo vietnamita “pensa alle attività religiose come una sfda all’autorità del governo stesso e del Partito comunista”; ciò malgrado, è migliore, in generale, il rispetto della libertà religiosa, anche se ci sono ancora “violazioni” e i gruppi religiosi incontrano “difficoltà e limitazioni nell’organizzare attività religiose”. E’ quanto afferma l’annuale Rapporto sulla libertà religiosa nel mondo, diffuso dal Dipartimento degli affari esteri degli Stati Uniti il 26 ottobre.

Il rapporto ha suscitato la protesta del Ministero degli esteri di Hanoi, con la consueta affermazione che Washington interferisce negli affari interni del Vietnam.

“Continuano a ridursi - si legge nel rapporto statunitense - le violazioni della libertà religiosa in Vietnam, ma alcune organizzazioni religiose non sono riconosciute dalle autorità e il governo prosegue nella persecuzione e nella sopraffazione contro tali gruppi”. Scendendo ai casi concreti, il documento rileva che “il governo non ha restituito I terreni della parrocchia di Tam Toa, nella diocesi di Vinh, della parrocchia di Ly Loan a Hue, della parrocchia di Thai Ha e della ex delegazione apostolica a Hanoi”.

“L’ambasciata degli Stati Uniti e il consolato a Ho Chi Minh City hanno un regolare dialogo con alti funzionari del governo vietnamita per promuovere sempre di più la libertà religiosa e abituali incontri con gli esponenti religiosi, compresei quelli che sono sotto la censura governativa”.

In effetti, in generale il governo ha compiuto passi per allargare l’Ordinanza sulle convinzioni e le religioni del 2004. Nel 2008 e nel 2009 alcune organizzazioni religiose sono state riconosciute e autorizzate. Così è per la Caritas, ma restano diversi problemi nell’applicazione dell’Ordinanza in provincia. Le organizzazioni religiose locali subiscono limitazioni, impedimenti o difficoltà da parte delle autorità locali.

Negli ultimi tempi, le autorità provinciali hanno usato la forza per porre termine alle controversie e alle riunnioni di parrocchie cattoliche, di buddisti e di gruppi protestanti nella provinca di Tra Vinh e nel Nordest. Le controversie con i cattolici, in particolare, non sono ancora state risolte e quando i cattolici si riuniscono per pregare, le autorità hanno usato la forza per impedirlo.

Il 14 ottobre la stessa ambasciata Usa ha dichiarato che “il governo locale ha usato la forza contro i monaci del monastero di Bat Nha, nella provincia di Lam Dong e il governo non li ha protetti dagli attacchi. Ciò è contrario agli impegni del governo vietnamita e a quanto riconosciuto a livello internazionale riguardo ai diritti umani e al rispetto della legge”.

Dal 2006 gli Stati Uniti hanno tolto il Vietnam dall’elenco dei “Paesi con particolare preoccupazione” in materia di rispetto della libertà religiosa, ma, a volte, alcuni membri del Conhresso hanno chiesto al presidente Obama di ricollocare il Vietnam nell’elenco. Attualmente la lista dei Paesi che violano gravemente la libertà religiosa comprende Cina, Myanmar, Eritrea, Iran, Corea del Nord, Arabia Saiduta, Sudan e Uzbekistan.

Gli Stati Uniti mantengono il dialogo con il Vietnam per incrementare le aree dei diritti umani e della libertà religiosa. Michael Posner, sottosegretario di Stato Usa per la democrazia, i diritti umani e il lavoro, ha intenzione di visitare il Vietnam in un prossimo futuro.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
TGP Hà Nội hối hả chuẫn bị Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010
TGP Hà Nội
10:47 30/10/2009
SỞ KIỆN, HÀ NỘI 30/10/2009, Các trưởng ban thuộc ban tổ chức Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010 đã cùng về Sở Kiện để cùng nhau nối kết các khâu chuẩn bị của các ban và cùng rà soát xem còn công việc gì cần triển khai.

Sau cuộc gặp của tất cả các ban trong ban tổ chức cách đây 2 tuần tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, hôm nay các cha trưởng ban, các cha trong hạt Hà Nam và hai Đức Cha phó ban tổ chức đã về Sở Kiện. Trong suốt buổi sáng, các cha trưởng ban đã lần lượt trình bày các chi tiết bổ xung của ban mình.

Ngay sau cuộc họp thống nhất và bổ xung các khiếm khuyết của từng ban, tòan bộ các cha và các thầy đã ra hiện trường để cùng tìm ra những giải pháp tối ưu có thể cho từng hạng mục.

Việc tổ chức một thánh lễ lớn tại một địa điểm đã lâu năm ngưng hoạt động là điều rất vất vả cho ban tổ chức. Tất cả mọi công việc đều phải lo chuẩn bị từ đầu tại chỗ hoặc đưa từ xa tới. Hơn nữa, đây là chương trình có sự tham gia của 10 Giáo phận Miền Bắc nên có những chương trình phải gắn kết nhân sự từ rất nhiều tỉnh thành khác nhau, đặc biệt là đêm diễn nguyện.

Công việc sửa lại các ngôi nhà thuộc Tòa Giám Mục và Đại Chủng Viện trước đây đang được khẩn trương hòan thiện để làm khu di tích và trưng bày di vật của các Đấng Tử Vì Đạo. Trong những năm qua, những ngôi nhà thuộc Tòa Giám Mục cũ này do nhà nước sử dụng làm trường học. Khuôn viên mặt bằng dùng làm quảng trường cho buổi lễ cũng đang được san lấp.

Kết thúc cuộc gặp gỡ hôm nay, tất cả mọi thành viên trong ban tổ chức đều tỏ ra ưu tư cho phần việc của mình. Càng gần đến ngày diễn ra ngày lễ, mỗi người đều cảm thấy rõ hơn tầm quan trọng trong mỗi công việc mình đảm nhận. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nơi ban tổ chức là sự gắn kết và sẵn sàng hỗ trợ nhau khi có khó khăn xuất hiện.
 
Bốn mươi năm ngậm ngùi
Trương Phú Thứ
10:51 30/10/2009
LTS: Nhân dịp lễ giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, VietCatholic xin giới thiệu một bài báo cũ được tác giả Trương Phú Thứ viết cách đây sáu năm để kính nhớ một vị lãnh đạo hết lòng vì dân vì nước và đã oai hùng hiến dâng ngay chính mạng sống mình cho quê hương và dân tộc Việt Nam.

BỐN MƯƠI NĂM NGẬM NGÙI

Bốn mươi năm trước đây, vào khoảng lúc 9 giờ sáng ngày 2/11/1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị bọn phản loạn thảm sát. Cái chết thảm thương của một vị tổng thống đạo đức thánh thiện, hết lòng vì dân vì nước đã chấn động lương tâm nhân loại. Cái chết của một vĩ nhân đã làm sửng sốt những người yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình thế giới. TT Ngô Đình Diệm đã oai hùng hy sinh ngay chính cả mạng sống mình vì quyền lợi tổ quốc và danh dự dân tộc. Cuộc đời của một lãnh tụ ngoại hạng đã kết thúc trong đau thương với lòng thương tiếc vô vàn của bao nhiêu người mến yêu và kính phục. Bài báo này đến tay độc gỉa thì khắp nơi trên thế giới tự do chỗ nào có người Việt cư trú đều có những buổi lễ tưởng niệm vị anh hùng dân tộc một lòng tận tụy với dân với nước. Vẫn có những người nghĩ rằng vì TT Diệm là tín hữu công giáo nên các nhà thờ công giáo tổ chức cầu nguyện cho linh hồn người đồng đạo. Đó là một nhận định rất ngờ nghệch. TT Nguyễn văn Thiệu cũng là một tín hữu công giáo nhưng có ai cho một lời nguyện cầu hay giọt nước mắt tiếc thương. Anh linh TT Diệm đã ở lại với con dân nước Việt và vượt ra ngoài ranh giới tôn giáo và ngay cả thành lũy của chủ nghĩa. Cụ Ưng Thị Mai, một Phật tử đã trên 80 tuổi, hiện sinh sống ở Đan Mạch, viết: “tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo và tôi cũng không chịu ơn Cụ Ngô Đình Diệm nhưng tôi rất thương Cụ Diệm, vì trong những năm Cụ Diệm cầm quyền, người dân Việt Nam an cư lạc nghiệp. Tôi có lập bàn thờ Cụ Diệm. Tuần rằm mùng một tôi cúng Phật cũng cúng Cụ Diệm.”

Cho đến ngày hôm nay vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra về những giây phút cuối cùng của TT Diệm. Tôi đã được hầu chuyện Cụ Cao Xuân Vỹ, vị cựu lãnh tụ Thanh Niên Cộng Hòa là người duy nhất đã vào Dinh Gia Long để tìm cách đối phó với bọn phản loạn. Tôi cũng đã nhiều lần được nói chuyện với cựu Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, nguyên tư lệnh phó lữ đoàn phòng vệ phủ tổng thống, người đã một lòng trung hiếu bảo vệ nền cộng hòa đến khi có lệnh buông súng đế tránh đổ máu, vì TT Diệm không muốn nhìn thấy cảnh anh em cùng chiến tuyến quay súng bắn giết lẫn nhau.

Theo Cụ Cao Xuân Vỹ thì vào buổi chiều tối ngày 1/11/1963, lúc pháo binh sư đoàn 5 được lệnh của Đại Tá Nguyễn văn Thiệu nã đạn vào thành Cộng Hòa và trụ sở bộ Quốc Phòng gần sát Dinh Gia Long thì chính Cụ Vỹ đã đề nghị TT Diệm nên dịch cư. Cụ Vỹ nhấn mạnh dùng chữ dịch cư là đi đến một chỗ an toàn tránh đạn đại bác và hoàn toàn không có nghĩa là chạy trốn. TT Diệm cương quyết không đi khỏi Dinh Gia Long. Tổng thống xác quyết Ông được dân bầu lên vào chức vụ lãnh đạo quốc gia và dinh Gia Long tượng trưng cho uy quyền quốc gia, với cương vị của một nguyên thủ Ông có nhiệm vụ và bổn phận phải giữ và bảo toàn uy quyền quốc gia trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cụ Vỹ không thuyết phục được TT Diệm nên đi ra ngoài tòa Đô Chánh. Trong lúc ở tòa Đô Chánh, Cụ Vỹ được điện thoại của Ông cố vấn Ngô Đình Nhu cho biết TT Diệm đã đổi ý và bằng lòng dịch cư. Chắc chắn TT Diệm đã nghe lời Ông Nhu giải bày hơn thiệt nên mới chấp nhận quyết định lịch sử này. Theo Cụ Vỹ thì Ông Nhu, một chính trị gia uyên bác, lập luận rằng “tất cả những cuộc đảo chánh sau 24 tiếng đồng hồ mà không đạt được mục đích thì tự nó sẽ rối loạn và thất bại. Bọn phản loạn vào Dinh Gia Long mà không bắt được Ông tổng thống là sẽ tự đánh đá lẫn nhau rồi chạy trồn.”

Ngay sau khi được điện thoại của Ông Nhu, Cụ Vỹ vội trở vào Dinh Gia Long để sắp xếp. Tại Dinh Gia Long, Cụ Vỹ điện thoại cho Trung Tá Phước là phó Đô Trưởng Nội An yêu cầu mang một cái xe vào. Chỉ độ mười phút sau, một sĩ quan mặc thưòng phục lái chiếc xe hai ngựa kiểu chở hàng vào sân trước dinh Gia Long. TT Diệm, Ông cố vấn Nhu, sĩ quan tùy viên Đỗ Thọ đã lên chiếc xe này đi khỏi dinh Gia Long.

Tôi đã đặt câu hỏi với Cụ Vỹ là tại sao lại mang một chiếc xe loại chở hàng, mà người Tàu ở Chợ Lớn thường dùng để chở lông vịt, chạy chậm và rất yếu để đưa đón Tổng Thống như vậy. Cụ Vỹ nói, Trung Tá Phước nghĩ rằng chắc trong Dinh cần một cái xe để di chuyển chứ đâu biết lấy xe để đưa Tổng Thống đi khỏi dinh Gia Long. Khi chiếc xe hai ngựa kiểu chở hàng đến thì Cụ Vỹ lại thấy thích hợp với hoàn cảnh vì không ai có thể tin rằng Tổng Thống ngồi trên chiếc xe tồi tàn đó. Cụ Vỹ cũng cho biết là cùng đi với chiếc xe chở Tổng Thống còn có hai xe cận vệ và một xe truyền tin.

Câu hỏi thứ hai tôi đặt ra với Cụ Cao Xuân Vỹ lý do gì lại đưa Tổng Thống đến nhà Tổng Bang Trưởng Mã Tuyên? Cụ Vỹ trả lời: nhà ông Mã Tuyên ở trong Chợ Lớn, phố xá chằng chịt rất khó tìm. Hơn nữa người Tàu rất kín đáo và trung tín. Khi tiếng súng của bọn phản loạn vừa nổ tìm đâu cũng không ra một ông bộ trưởng hay là một người thân cận với Tổng Thống. Cụ Vỹ nói thêm: “mấy thằng tướng mà Ông Cụ coi như người nhà làm phản hết rồi, các ông bộ trưởng trốn như chuột. Vậy thì còn tin được ai nữa!” Cụ Vỹ là người quyết định đưa Tổng Thống đến nhà ông Mã Tuyên ở Chợ Lớn. Cụ Vỹ đã không đi cùng với Tổng Thống đến nhà ông Mã Tuyên nhưng sau đó có đên để chắc chắn mọi việc được xếp đặt như dự liệu, thấy Tổng Thống và Ông Cố Vấn Nhu bình thản ngồi uống nước trà với Tổng Bang Trưởng Mã Tuyên thì Cụ Vỹ yên tâm trở về tòa Đô Chánh.

Chuyện xảy ra sau đó thì độc gỉa đều đã biết là sáng ngày 2/11/1963, TT Diệm và Ông cố vấn Nhu rời nhà ông Mã Tuyên đến nhà thờ cha Tam dâng thánh lễ. Bọn phản loạn cho xe đến “đón” và hai vị khai sáng và lãnh đạo nền Đệ Nhất Cộng Hòa VN đã bị tên Nguyễn Văn Nhung và Dương Hiếu Nghĩa trói quặt tay ra phía sau rồi thảm sát bằng dao găm và súng trong lòng chiếc xe bọc sắt M113. Nhung đã tự tử hoặc bị thắt cổ chết khi Nguyễn Khánh chỉnh lý vào ngày 30/1/64. Nghĩa hiện đang sống ở vùng Tri-Cities thuộc tiểu bang Washington.

Cuộc đời của TT Ngô Đình Diêm là một mẫu mực của đức tính liêm khiết, trong sạch và khó nghèo bên cạnh những khả năng vượt bậc về hành chánh, chính trị, kinh tế và quân sự. Học gỉa Vương Hồng Sển trong tác phẩm Hơn Nửa Đời Hư đã diễn tả cảnh sống khó nghèo của TT Diệm: “mặc bộ đồ tussor may kiểu áo bốn nút cổ lỗ sĩ, đã trổ vàng vì qúa lâu năm, cổ vai đã xùi”. Linh mục Đỗ Minh Tâm hiện giúp một xứ đạo Mỹ tại Saint Paul, MN kể lại: “lễ Chúa Giáng sinh năm 1958, TT Diệm dự lễ tại một khu dinh điền ở tỉnh Kiến Hòa. Lễ xong thì TT và tôi ăn cơm nếp với thịt gà còn các binh sĩ ăn thịt con bò thui. TT Diệm cởi giầy ngồi trên cỏ, tôi thấy Ngài mang một đội vớ rách.”

Tổng thống đã được sự nể trọng của các lãnh tụ trên thế giới không kể lằn ranh quốc cộng và lòng kính mến thương yêu của đồng bào. Trong chuyến công du Hoa Kỳ vào năm 1958, TT Diệm đã được TT Eisenhower ra tận sân bay đón tiếp. Đây là một vinh dự rất hiếm hoi mà một vị quốc khách đến Hoa Kỳ được trọng vọng như vậy. Khi TT Diệm thăm thành phố New York thì dân Mỹ đứng hai bên lề đường vẫy tay chào đón, những người đứng trên lầu cao thả bông hoa giấy ngợp cả phố phường dưới cổng chào hình vòng cung mang hàng chữ “Welcome President Ngo Dinh Diem”. Khi nghe tin TT Diệm bị thảm sát, trùm CS Mao Trạch Đông đã bày tỏ lòng chân thành ngưỡng mộ và thương tiếc. Đạo đức và uy thế của TT Diệm đã vượt qua ngay cả lằn ranh chủ nghĩa.

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, người dân miền Nam đã sống trong những điều kiện ổn định. Chính quyền đã tạo những điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội phát triển trên mọi lãnh vực, tuy nhiên cũng có những hạn chế cần thiết vì đất nước đang phải đối đầu với hiểm họa CS. Sau ngày TT Diệm bị thảm sát, người dân miền Nam đã phải chịu đựng những thống khổ của một cuộc chiến mà những người trực tiếp cầm súng đã không được dự phần vào những định đoạt trên mạng sống của chính họ bên cạnh những nghiệt ngã trầm luân của những vấn đề luân lý xã hội. Bọn tay sai và cai thầu chiến tranh đã tiến hành và nuôi dưỡng cuộc chiến đến khi quyền lợi của chúng được thanh thỏa và cuối cùng là cả dân tộc VN bị chủ nghỉa CS dày xéo. Bọn cai thầu chiến tranh ở Hoa Thịnh Đốn và bọn khố xanh khố đỏ tay sai ở Saigon đã không có được một tri thức cao hơn gót giầy của TT Ngô Đình Diệm.

Bà Hoa Vũ ở tiểu bang New Jersey, người đã mang chân dung TT Diệm từ Mỹ về tận Lái Thiêu. Bà Hoa đã đặt bức chân dung trên một TT Diệm chụp hình và sau đó phổ biến tới báo chí hải ngoại. Bà Hoa đã viết thư cho cựu Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ “…em không nhớ rõ là năm nào 1960 hay 1961, lúc đó em đang may ở tiệm Thanh Lịch gần chợ Bàn Cờ thì chợ bị cháy lớn. Vài hôm sau thì Cụ có đi thăm chợ và đồng bào nạn nhân. Cụ đi thẳng đến tiệm Thanh Lịch, lúc đó bà Phạm Bích Thuần là chủ tiệm may qúa xúc động vừa khóc vừa nói: kìa, Vua đến nhà mình, cô Hoa bao dạn ra chào Vua đi. Khi tổng thống bước lên thềm nhà thì em ra đứng khoanh tay cúi đầu nói: “con kính chào Tổng Thống.” Người hỏi: “cháy có sợ không?” Thưa Tổng Thống con sợ lắm ạ.” Người lại hỏi: “may có khá không?” Em trình: “thưa tổng thống, khá lắm.” Trong lúc đó thì bà chủ cứ khóc vì qúa xúc động được Vua tới thăm. Cụ nói: “ngoan hỷ.” Rồi đi ra hướng đường Bàn Cờ. Ôi! Kể lại một chút kỷ niệm mà lòng em dâng lên một niềm thương nhớ Cụ vô cùng. Thời gian ngắn sau đó em gia nhập Thanh Nữ Cộng Hòa. Năm 1963 có cuộc triển lãm ở tòa Đô Chánh, em được đứng trong đội danh dự và đứng hàng đầu. Khi Tổng Thống xuống xe thì có tiếng hô: chị Hoa làm chuẩn. Nghiêm. Chào. Cụ tiến đến gần em và nói: “Đứng nắng lắm hỉ?” Ôi! Chao ôi! Nhớ thương vô cùng, Cụ ơi! …”

Phần mộ của TT Ngô Đình Diệm hiện ở quận Lái Thiêu, bên quốc lộ số 5, lối đi hướng về quận Hóa An (quận Dĩ An cũ). Nơi đây đã và sẽ là một địa điểm lui tới của đồng bào trong nước và những người sống ở nước ngoài. Rải rác từ hai phía từ quân Lái Thiêu đi ra và từ hướng quận Hóa An đi tới đã có những nhóm người sống bằng công việc chỉ dẫn đưa đường cho khách thập phương kính viếng mộ Ông Huynh Đệ chính là phần mộ TT Ngô Đình Diệm và Ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Nhà cầm quyền địa phương biết chuyện nhưng cũng không có hành động hay biện pháp nào ngăn cản vì họ thừa biết rằng những gì đi ngược lại với lòng dân sẽ tự nó gây ra những hậu qủa không thể nào lường trước được. Chính tôi đã nghe một cán bộ làm to có đứa con bị bệnh ngặt nghèo đã bế cháu bé đến phần một TT Diệm để xin anh linh người đã chết vì dân vì nước phù hộ.

Cựu thẩm phán Nguyễn Kim Khánh, bút hiệu Phan Thiết viết trong “Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt”: “Trên cõi Hằng Sống, Ngài đã thấy rõ lòng dạ của những quân ăn cháo đá bát, bọn lừa thầy phản bạn. Ngài cũng thấy rõ lòng dân mên mộ Ngài, dân đã đánh gía Ngài qua những lầm than và khốn khổ họ phải chịu kể từ ngày Ngài bị thảm sát.” Và tôi xin được viết thêm: “xin Ngài phù hộ cho con dân nước Việt mà Ngài đã một đời tận tụy yêu thương chăm sóc được thực sự sống trong an bình, mọi người yêu thương giúp đỡ bao bọc lẫn nhau để cùng nối tiếp thực hiện ước nguyện của Ngài đến ngày thành công.”
 
Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại tổ chức Thánh lễ giổ cho Cố TT Ngô Đình Diệm
Cao Xuân Vỹ
11:20 30/10/2009
Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại sẽ tổ chức:

Lễ Tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
và các Quân, Dân, Cán, Chính và đồng hương
đã hy sinh vì Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc


1- Thứ Bảy, 31 – 10 – 2009, lúc 12 giờ 00 trưa, Thánh Lễ Giỗ tại nhà thờ Blessed Sacrament, tức Cộng Đoàn Westminster, 14072 S. Olive Street, Westminster, CA 92683, Tel. # 714-892-4489/ 5986, do Giám Mục Mai Thanh Lương chủ tế và LM Phạm Ngọc Hùng, Chánh Xứ La Purisima, Orange, chia sẻ Phúc Âm., với Ca Đoàn Magnifica Chorale cùng một dàn nhạc hòa tấu của người Mỹ, cho Thánh Lễ Giỗ thêm phần long trọng khi chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, cầu nguyện cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam.

2- Thứ Bảy, 31-10-2009 lúc 6 giờ chiều, Lễ Tưởng Niệm tại Công Viên TỰ DO Tượng Đài Chiến Sỹ Mỹ-Việt, Westminster, với một ban tổ chức gồm nhiều đoàn thể trong cộng đồng người Việt của chúng ta tại vùng Little Saigon và phụ cận.

3- Chúa nhật, 1-11-2009, từ 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều, HỘI THẢO về CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VN & NGUY CƠ TRUNG CỘNG. Nguy cơ này đã được ông NGÔ ĐÌNH NHU nhìn thấy cách nay ngót 50 năm và được ghi lại trong tài liệu học tập của Đệ I/VNCH “CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM”. Tài liệu này cũng là Chủ Đề của Đặc San 2009 và của cuộc Hội Thảo tại Hội Quán Đài Truyền Hình SBTN, 10501 Garden Grove Blvd., Garden Grove, Ca 92843. Buổi Hội Thảo sẽ được SBTN trực tiếp truyền hình khắp Hoa Kỳ & Canada trên hệ thống truyền hình Direct TV, và đài địa phương SET, và trên Trang Nhà Internet .

Trân trọng kính mời quý Vị tích cực hưởng ứng tham dự Lễ Giỗ, Lễ Tưởng Niệm và theo dõi Hội Thảo trên Đài TV/SBTN vào ngày giờ ghi trên!

CaoXuân Vỹ
Hội Trưởng (714)897-4716



Thư Mời: BUỔI HỘI LUẬN VỀ CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM

Ngày 22 tháng 10 năm 2009

Đúng 55 năm về trước, lần đầu tiên Việt Nam có được nền độc lập đúng nghĩa, nhưng chỉ trên phân nửa miền Nam của lãnh thổ. Khi ấy, lãnh đạo của Việt Nam phải giải quyết như thế nào bài toán xây dựng một quốc gia tân tiến? Vào hoàn cảnh thực sự là rất mới và cực khó, thế hệ Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã nhận lãnh trách nhiệm đó, với nan đề là phải chủ động canh tân cả xã hội vẫn còn bị phân hoá, đồng thời bảo vệ được miền Nam chống lại sự xâm lược của cộng sản từ miền Bắc. Khi ấy, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã tiên đoán rằng nếu miền Nam bị mất tự do vào tay Cộng Sản thì Việt Nam sẽ mất chủ quyền vào tay Trung Quốc....

Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại trân trọng kính mời quý vị vui lòng bớt chút thì giờ quý báu đến tham dự Buổi Hội Luận về Chính Đề Việt Nam để biết rõ những bài toán của thế hệ đi trước, những bài toán và giải đáp đã được vạch ra trong cuốn "Chính Đề Việt Nam" do ông Ngô Đình Nhu cùng một số nhà lý luận biên soạn như một tài liệu hướng dẫn. Khi đọc lại, chúng ta phải bàng hoàng vì cách nhìn quả là độc đáo và sáng suốt của người xưa.
Ngày: Chúa nhật, 1-11-2009
Giờ: 1 giờ 00 trưa đến 4 giờ 00 chiều
Tại: Hội Quán Đài Truyền Hình SBTN
10501 Garden Grove Blvd.,, Garden Grove, CA 92843 * 714-636-1121


Hội Quán SBTN chỉ có 150 ghế mà thôi và buổi Hội Luận của một số diễn giả chọn lọc sẽ được trực tiếp phát hình, cho nên xin quý vị quan khách vui lòng đến sớm từ 12 giờ trưa, ai đến trước sẽ được mời vào trước. Ban Giám Đốc Đài SBTN thành thật xin lỗi phải từ chối khi hết chỗ ngồi trong Hội Quán, và tuyệt đối không nhận khách đến sau 12 giờ 50 cho dù còn ghế trống.

Tuy nhiên, quý vị có thể xem Buổi Hội Luận trên Direct TV, Đài SBTN, băng tần # 2072, hay trên Internet tại địa chỉ www.sbtn.tv, hoặc đài địa phương SET # 57.4 ngay tại nhà.
Trân trọng cám ơn Quý Vị.

Hội Trưởng
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng
Hoàng Tụy
07:24 30/10/2009
Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng

1. Giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền mà vì quản lý kém

Sau một mùa thi THPT và ĐH-CĐ nặng nề, căng thẳng giả tạo và lãng phí vô lối, không có ở đâu ngoài Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21, trường học chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức đã bước vào khai giảng năm học mới, khởi động một chu kỳ khổ dịch đầy lo âu cho cả thầy lẫn trò.

Giữa lúc đời sống trăm mối tơ vò mà trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đầy rẫy những bản tin chữ to nào là học phí cao, tiền trường leo thang, tiểu học công lập có nơi thu học phí 70-80 nghìn đồng/tháng, THCS, THPT vừa đầu năm học phụ huynh phải è cổ đóng góp cả chục khoản tiền “tự nguyện” bắt buộc. Trong khi đó chương trình học đã nhiều năm bị phê phán quá tải vẫn chưa hề giảm tải, sách giáo khoa sai sót đến mức đính chính không xuể vẫn cứ phải dùng, chương trình phân ban THPT bộc lộ bất cập ngay khi mới đưa ra thực hiện nhưng vẫn sẽ giữ nguyên cho đến 2015.

Khẩu hiệu “trường học thân thiện, học sinh tích cực” nghe thì hay, nhưng băn khoăn lớn là làm thế nào trong hai năm tới chấm dứt được nạn “đọc, chép” trong khi mọi thứ khác, từ chương trình, sách giáo khoa, tổ chức học tập cho đến thi cử và nhiều chuyện cốt lõi khác về tư duy giáo dục vẫn căn bản gần y nguyên như nửa thế kỷ trước. Thật xót xa khi học sinh được khuyên “học làm người trước khi học chữ” mà có nơi nhân danh chuẩn hóa giáo viên người ta buộc các thầy cô chưa đạt chuẩn phải đeo trước ngực tấm biển “giáo viên chưa đạt chuẩn” khi vào lớp. Quản lý thiếu nhân tính như thế tránh sao được những chuyện đau lòng như thầy bắt trò liếm ghế, trò tạt a-xit thầy, học sinh lớp 11-12 đâm chém nhau ngay trước cổng trường, v.v. Nói chống bệnh thành tích mà trước kia tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông đạt trên 90%, nay sau hai năm thi cử nghiêm túc hơn, tỉ lệ đó cũng đã dần dần trở lại xấp xỉ… 90%, không biết phép lạ nào đã nâng cao chất lượng học tập nhanh chóng như vậy.

Giáo dục phổ thông đã thế, giáo dục đại học, cao đẳng còn nhiều chuyện ly kỳ hơn: khắp nước, kể cả đại học quốc gia, tràn lan và bát nháo “đào tạo liên kết”, môn học một học kỳ chỉ cần 3-4 ngày xong hết cả học và thi, nên ai cũng học được, trường trung cấp cũng đào tạo thạc sĩ là chuyện hi hữu trên thế giới. Hóa ra ta hiểu đại chúng hóa, thị trường hóa đại học là thế. Chẳng lạ gì chỉ trong vài năm đã xuất hiện hàng mấy trăm đại học mới. Lạ nhất là đề án tiến sĩ hóa, thạc sĩ hóa 100% cán bộ công chức của thủ đô để “đột phá tư duy lãnh đạo” (may mà kế hoạch này đã tạm rút lại sau khi bị phản đối kịch liệt). Cái não trạng sính bằng cấp và thói hư học thâm căn cố đế bị lợi dụng triệt để, biến kinh doanh chữ nghĩa thành một nghề phát đạt chưa từng thấy: trường công chiêu sinh “ngoài ngân sách” một số lượng lớn sinh viên với học phí gấp mấy lần bình thường, rồi nay mai theo xu hướng đó sẽ tiến lên cổ phần hóa theo chiến lược đổi mới đại học của Bộ GD&ĐT; trường tư được tự do chạy theo lợi nhuận, bất kể chất lượng nào chỉ cần trưng biển “đại học quốc tế …” tha hồ đặt ra những khoản thu kỳ dị bóc lột người học. Gần 4 trăm đại học chỉ mới thỏa mãn được chưa đến 20% yêu cầu, trong lúc đó trường nghề tuy rất ít vẫn sống ngắc ngoải vì ai cũng chỉ muốn làm thầy, hoặc làm công bộc của dân, không ai thích làm thợ. Có nơi như ở Dung Quất nhà máy cần rất nhiều thợ hàn, mở lớp đào tạo được một khóa 160 người đã đóng cửa, dù đời sống người dân địa phương vẫn rất lam lũ do không có nghề sau khi nhường đất xây dựng khu công nghiệp.

Các quan chức giáo dục bảo những hiện tượng không hay chỉ là riêng lẻ, và để cho công bằng phải nhắc đến biết bao gương tốt hằng ngày vẫn âm thầm diễn ra. Đúng thế thật, song tiếc thay điều đó chỉ càng nói lên khoảng cách lớn giữa tiềm năng với thực tế - một khoảng cách không thể chấp nhận được mà nguyên nhân, như Chính phủ đã chỉ rõ gần đây, là do quản lý bất cập.

2. Cần cải cách có hệ thống, chứ không phải đổi mới vụn vặt

Nói cho đúng, thực trạng giáo dục như thế nào đã rõ như ban ngày, chẳng qua chúng ta mê ngủ nên chưa thấy, hoặc có thấy nhưng vì những ràng buộc, áp lực nào đó nên cứ phải bịt mắt, giả mê để tự dối mình, dối người khác và yên vị.

Giờ là lúc cần trung thực nhìn thẳng vào sự thật. Đó là lương tâm, là trách nhiệm chẳng những đối với xã hội hiện tại mà còn đối với lịch sử, đối với nhiều thế hệ mai sau.

Xin cảnh báo: tình hình giáo dục hiện nay cũng tương tự như tình hình kinh tế xã hội của đất nước giữa những năm 80 thế kỷ trước. Thử tưởng tượng lúc đó nếu chúng ta cứ một mực nhắm mắt trước thực tế đời sống bi đát của người dân mà không đổi mới thì đất nước có tồn tại được đến ngày nay không? Rõ ràng chỉ nhờ nhìn thẳng vào khủng hoảng kinh tế xã hội chúng ta mới thấy được giải pháp, mới có đầy đủ quyết tâm thoát ra bế tắc, cứu đất nước khỏi sự sụp đổ.

Thật đáng tiếc ngành giáo dục chưa học được bao nhiêu bài học đắt giá đó. Hai mươi năm qua, hết đời bộ trưởng này đến đời bộ trưởng khác vẫn tiếp tục ca cái điệp khúc “thành tựu giáo dục là vĩ đại, bên cạnh đó còn nhiều bất cập”. Căn nhà giáo dục đã cũ nát thảm hại nhưng cứ loay hoay nay cơi nới chỗ này, mai sửa chữa chỗ kia, rốt cuộc thành ra căn nhà dị dạng chẳng ai muốn ở. Gia đình nào có khả năng đều tìm cách gửi con em ra nước ngoài để chạy trốn giáo dục trong nước. Chẳng thế mà có người nói vui nhưng thật cay đắng: nên có luật cấm quan chức cấp cao gửi con em du học nước ngoài thì may ra giáo dục mới có cơ hội được chấn hưng.

Điều rất lạ là các nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị TƯ 3, 7, 9 đều đòi hỏi phải tiến hành cải cách giáo dục như một yêu cầu bức thiết của xã hội, nhưng những vị nhận trách nhiệm trực tiếp thì lại chẳng hề quan tâm thực hiện các nghị quyết ấy, thậm chí còn nói ngược lại. Chiến lược giáo dục dự thảo đến lần thứ 15 vẫn chỉ thấy lặp lại những quan niệm, tư duy cũ rích, tuy ngôn từ và số liệu có thay đổi cho hợp thời trang (như từ “đổi mới” xuất hiện với tần số kỷ lục). Bên cạnh đó, có những mục tiêu nghe thật hoành tráng, nào là từ nay đến 2020 (tức trong 11 năm tới) đào tạo 20.000 tiến sĩ, xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, 1 trường vào tốp 200 thế giới, v.v... Song người dân vẫn phân vân: 3 năm qua ta đã làm được gì mà có thể đặt kỳ vọng cao như thế cho 11 năm tới? hay là ta đang mơ mộng thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm, và căn bệnh thành tích từ ngoài da đã đi vào xương tủy?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhiều lần đỏi hỏi phải thực hiện những biến đổi có tính cách mạng để chấn hưng giáo dục. Trong một bài viết đăng trên báo Tiền Phong số 25 ngày 18-6-2006, cố GS Lê Văn Giạng, một cựu lãnh đạo có uy tín của ngành đại học, cũng đã phát biểu: “Đã đến lúc phải chuẩn bị tiến hành một cuộc cải cách giáo dục thực sự nghiêm túc và thực sự khoa học để ra khỏi tình hình khủng hoảng triền miên của giáo dục 20 năm vừa rồi, để bước vào thời kỳ chấn hưng giáo dục như Nghị quyết của Đại hội Đảng X vừa yêu cầu”. Đó là chưa kể nhiều kiến nghị tương tự của nhiều bậc thức giả trong nước và Việt kiều, đặc biệt bản điều trần của 24 trí thức năm 2004 và bản kiến nghị đầu năm 2009 của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (nay đã giải thể). Thiết nghĩ chỉ những ai quá vô tâm với đất nước mới có thể yên lòng trước tình hình giáo dục hiện nay.

Có ý kiến biện bạch rằng hàng loạt cải tiến, đổi mới lớn nhỏ mà ngành giáo dục đang thực hiện cũng là cải cách. Phải công nhận hai chữ “đổi mới” nhan nhản trong hầu hết các đề án công tác của ngành giáo dục, nào là đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo, đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức triển khai hoạt động khoa học công nghệ, v.v. Chỉ có điều đổi mới thế nào thì chẳng ai giải thích nổi, chẳng ai biết rõ, cho nên cứ đổi mới tùy hứng, tùy tiện, tùy nghi, theo kiểu đầu Ngô mình Sở. Vả chăng cần thấy rằng cái cày chìa vôi dù có cải tiến giỏi đến đâu vẫn không thể biến thành cái máy cày hiện đại được; căn nhà tập thể thời bao cấp dù sửa chữa tân tạo hết mức vẫn không thể thành một chung cư tiện nghi hiện đại.

3. Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm

Từ lâu ngành giáo dục đã có thói quen xem học sinh như những con chuột bạch để làm thí nghiệm thoải mái, mà điển hình là mười mấy năm liền thí nghiệm các chương trình phân ban trung học phổ thông. Thí nghiệm đi thí nghiệm lại không biết bao nhiêu lần, tốn kém bạc tỉ và không tính được hết thiệt hại cho các thế hệ học sinh nạn nhân thí nghiệm. Rất khó hiểu tại sao lợi ích của học sinh bị xem thường đến vậy.

Thử nghĩ có hãng hàng không nào dám mạo hiểm đưa máy bay mới ra chỉ để thí điểm xem chở khách có an toàn không? Vậy tại sao Bộ GD&ĐT có quyền thực hiện thí điểm các chương trình phân ban cho hàng nghìn, thậm chí hàng vạn học sinh trong cả hơn chục năm trời ? Mỗi lần thí điểm đều kết luận chưa thành công, kết quả chưa tốt, thế mà người ta vẫn vô tư tiếp tục thí điểm.

Tại sao sau ba mươi năm mà các quy chế đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, hay công nhận, bổ nhiệm GS, PGS của ta vẫn còn nhiều điểm ấu trĩ so với ngay cả một số nước trong khu vực ? Tại sao nhiều quy định sai lầm đến buồn cười trong các quy chế ấy vẫn tồn tại dai dẳng thời gian dài trước đây và có nhiều cái tồn tại mãi đến tận hôm nay? Có người bảo rằng ta không thể máy móc sao chép cách làm của nước ngoài cho nên phải sáng tác cách làm riêng phù hợp với điều kiện của ta. Nghe rất có lý, nhưng phải xét hậu quả thực tế là với cách quản lý ấy ta đã đào tạo ra hàng ngàn tiến sĩ giấy và xây dựng được một đội ngũ PGS, GS với trình độ, chất lượng ra sao ai cũng biết. Ngay gần đây tôi được biết chúng ta có cả những cơ sở đào tạo tiến sĩ về quản lý giáo dục. Cái tin ấy thật sự làm tôi ngỡ ngàng: rồi đây số tiến sĩ ấy đương nhiên sẽ đóng góp vào con số 20.000 tiến sĩ ta dự định đào tạo trong 11 năm tới.

Quan điểm coi thường lợi ích của xã hội thể hiện trong nhiều chủ trương giáo dục mà nếu mô tả là “ngoan cố” có lẽ cũng không sai lắm. Về hàng loạt vấn đề quan trọng như quy chế công nhận, bổ nhiệm GS, PGS, quy chế tổ chức Hội đồng Giáo dục Quốc gia, chuyện biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa, chuyện thi cử, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, v.v… đã có biết bao đề xuất hợp lý bị bỏ ngoài tai, phải chờ đợi đến cả chục năm trời hay hơn mới được nghiên cứu để tiếp thu. Dù là bậc trí lự cao siêu, thì những người lãnh đạo ngành GD&ĐT cũng không thể luôn luôn sáng suốt. Huống chi, nhìn vào bảng chi tiêu của ngành giáo dục thấy quá nhiều khoản chi lớn để “nâng cấp năng lực quản lý”, cử cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước, chứng tỏ điều ngược lại có lẽ đúng hơn.

Như đã nói trên, nguyên nhân sa sút của giáo dục là quản lý yếu kém, song cần nói cụ thể hơn là quản lý yếu kém như thế nào.

Trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, giữa muôn vàn khó khăn, giáo dục nói chung và đại học nói riêng vẫn phát triển tốt là nhờ có được những vị tư lệnh hiểu biết sâu sắc giáo dục, có tầm nhìn xa, có uy tín cao trong ngành về cả đức độ và tài năng. Sau này chúng ta thường xuyên gặp khó khăn cũng chính là vì tâm và tầm của cơ quan quản lý giáo dục. Nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải hết sức coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo giáo dục. Người được giao phó nhiệm vụ này chẳng những phải hiểu biết sâu sắc giáo dục hiện đại mà còn phải có điều kiện tập trung toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ ấy. Không thể giao nhiệm vụ quan trọng trong quản lý giáo dục cho những người chưa biết việc, chưa thạo việc.

Trong giáo dục, khoa học có những vấn đề mà tranh luận cả ngày cũng không kết luận nổi, nếu vốn hiểu biết và vốn văn hóa phổ quát quá khác nhau. Cho nên cần, rất cần chờ đợi và lắng nghe nhau, song trước hết phải được thẳng thắn trao đổi ý kiến.

Hoàng Tụy

Nguồn:Tia Sáng Online, ngày 05/10/2009
 
Hồi ký: Những câu chuyện về một thời: Một số kinh nghiệm riêng tư về cải cách
+GM. Lê Đắc Trọng
09:40 30/10/2009
Hồi ký: Những câu chuyện về một thời: Một số kinh nghiệm riêng tư về cải cách

Ngoài xứ Nam Định là chính, tôi còn phụ trách hai xứ Phú ốc và Tường Loan, hai xứ thuộc nông thôn nên có cải cách ruộng đất.

Tôi vẫn đi lại xứ Phú ốc một cách dễ dàng, vì chỉ cách chỗ tôi ở thường xuyên có 3 km. Chủ Nhật nào tôi cũng lên đó dâng lễ, cả thứ Sáu thứ Bẩy đầu tháng. Còn như là bắt buộc phải đến các ngày lễ đó. Theo đội cải cách, đang làm việc gì, ở đâu ngày nào thì cứ việc làm, nếu bỏ thì y như là phá cải cách, làm cho cải cách mang tiếng là phá đạo.

Đạp xe đạp lên Phú ốc, cứ đến bờ hồ trước nhà thờ, thì lần nào cũng có chị đội cải cách đứng đón ở dưới gốc cây bàng. Chị mặc quần áo đen, đeo túi, và nói với tôi cách nh• nhặn: “Mời ninh mục vào hội ý”. Tôi bước theo chị, sang xóm bên lương, vào một túp lều, chắc là ngôi nhà của vị bần cố nông Đội đã bắt rễ. Ngủ nghỉ ăn làm, bếp nước là trong căn lều đó. Tôi ngồi trên nệm rơm với Anh Đội bên cạnh bếp. Trong cuộc hội ý, anh ân cần nhắc nhở tôi, lần nào cũng một tư tưởng: “Linh mục về làm lễ, cứ như thường, linh mục lưu ý là ở đây có nhiều phần tử xấu. Trong khi giảng đạo linh mục không được nói gì gây chia rẽ”. Nghe xong, tôi đứng dậy, ra dắt xe vào nhà thờ dâng lễ. Cả việc rước kiệu cũng phải giữ, không được bỏ.

Tình hình cải cách ở đây xem ra không gay gắt như ở các nơi khác. Dân cư ở đây, nhất là người có đạo, hiền lành tử tế hơn. Bà thẩm phán là bà Thứ, gặp tôi vẫn chào hỏi như các con chiên tốt lành khác. Mấy anh du kích như: Trường, Vu v.v… bà con sau này kêu là quá đáng, vì có những cách đối xử tàn bạo với những người bị quy là địa chủ. Nhân danh trong xứ đi Nam hầu hết, chỉ còn lại gần năm trăm, thế mà cũng có người bị quy là địa chủ. Địa chủ thường, chỉ bị đấu tố thôi.

Trong ba ông, già nhất là ông Chánh Lục, ông cũng làm thày Lang, hiền lành đạo đức. Thế mà ông cũng bị tố là đã cho thuốc độc vào quả táo để đầu độc đội cán bộ.

Ông thứ hai là ông Chuân, trước kia có đi lính thời Pháp, ông có râu nên bị trẻ con giật râu, bắt ông phải chào hỏi theo lối đội cải cách (trẻ con mặc quần thủng đũng) “Con chào ông bà nông dân ạ!”. Ông có người anh là ông Cao, làm hiệu trưởng Trường Lục Quân, con trai làm cán bộ trung ương, song chẳng ai thèm ngó tới ông.

Ông thứ ba là ông Kiều, công nhân nhà máy dệt Nam Định, như thế là ông thuộc giai cấp lãnh đạo, giai cấp công nông (búa liềm) chỉ vì ông hay nói, và có nói không đúng ý chính sách, nên ông bị quy “tội phản động”, và bị tố là đã cho thuốc độc vào quả táo để sát hại nhân dân.

Tôi cũng trông thấy đám nhi đồng quàng khăn đỏ, chiều chiều đi đánh trống phát động phong trào, tối đến bà con đi họp đông đủ.

ở Tường Loan (Ba Trại) phong trào cải cách tương đối mạnh mẽ, gay gắt hơn. Đến làm lễ Chúa Nhật ở đó, thường là phải xin phép trước, xin phép cơ quan thành phố Nam Định, chứ không phải xin phép Đội.

Một cuộc cử hành lễ Chầu Lượt điển hình tại Ba Trại. Đó là vào dịp Tết Nguyên Đán năm Bính Thân (1956). Ngày Chủ Nhật Chầu Lượt, rơi vào chính ngày Mồng Một Tết. Một tuần trước, tôi đến Ba Trại để giải tội (vì cho rằng ngày Mồng Một Tết không có thì giờ giải tội).

Theo lệ, đến đâu là phải đến chào Đội ngay để “hội ý” Xong công việc, khi trở về, cũng phải ra chào Đội. Bởi vì chào lúc đi, rồi sắp trở lại ngày Tết. Đội nói với tôi: “Lần sau ông ra, có gì xẩy ra ở đây, ông phải chịu trách nhiệm”.

Ông nói thế, thì cũng như cấm tôi ra đây. Tôi vấn lại: “Ông nói thế cũng là một cách cấm”. Tôi ví dụ: Nếu ông treo ở cổng làng tấm bảng đề: “Ai vào làng này sẽ phải chịu trách nhiệm về cái gì xẩy ra nơi đây”. Nhìn tấm yết thị như thế, ai còn dám vào làng? Tôi cũng không dám!

Ông cứ việc đến, có thế nào thì sẽ xét…

Anh Đội đấu dịu: “Ông nói thế thì được, chứ không đóng sống cho bất kể ai vào làng này đâu!”

Có lẽ chỉ mình tôi dám ý kiến thẳng với Đội. Nhất Đội nhì Trời cơ mà. Ai dám nho nhe!

Ngày thứ Bẩy trước Chủ Nhật lễ Chầu, tức là ngày 30 Tết, tôi xin giấy ra Ba Trại làm lễ Chầu. Đến Khu phố, Khu phố bảo đến Công an. Đến Công an, công an bảo đến Mặt trận. Nộp đưa các đơn có phải là dễ đâu. Biết thân phận mình thuộc thành phần rốt hết, nên đơn nộp phải cẩn thận, đặt dưới cùng đống đơn bà con đến trước đã dầy cộm. Cán bộ cứ lần lượt xét, giải quyết từ trên xuống dưới. Cuối cùng đến lượt mình, may mà còn thì giờ nên đơn được cầm lên. Nếu hết giờ, chưa đến lượt, thì về không, sáng đến chiều, chiều đến hôm sau, cứ mỗi buổi đơn thêm nhiều bao nhiêu, của mình vẫn ở cuối cùng. May mà lần này, vẫn còn giờ, nhưng lại được đẩy đến cơ quan khác, trong một ngày 30 Tết đó, tôi được đẩy đi qua hết mọi cơ sở hữu quan, có nơi đến lần thứ hai. Đến chiều khi mọi cơ quan đều đóng cửa về ăn tết. Tôi vẫn… không bị từ chối, nhưng bị đẩy đi các cửa, cho đến khi các cơ quan đóng cửa hết, tôi đành cầm đơn về không. Thế là ngày mai Ba Trại không có lễ Chầu!

Tối như đêm 30 Tết. Kẻ trộm cũng rình mò tối hôm đó, hơn các đêm khác. Trong dân gian cứ lưu truyền thế. Tất tả suốt ngày, đêm đến giấc ngủ đang ngon thì bỗng có tiếng gọi cổng nhà xứ. Công an gọi tôi cấp tốc ra đồn. Có việc gì mà khẩn cấp thế, mắt còn đang cay xè, tôi bước theo anh công an. Đi thế này, trong đêm tối thường chỉ là bị bắt và điệu đi giam. Thế mà sao lúc này, tôi chẳng có ý nghĩ gì về chuyện đó, nên không thấy bị xao xuyến gì. Một số cán bộ ngồi đó cho biết, Toà Giám Mục Hà Nội vừa cho ra một Thư Chung phản động.

Thư Chung Đức Cha Khuê vừa viết là về đề tài Tình Yêu. Họ giải thích đó là bức thư chống cải cách ruộng đất, đặc biệt là sự tha thứ cho thù địch và như thế là tha thứ cho địa chủ, bọn phản động, cường hào ác bá.

Tình Yêu, yêu mọi người, cả kẻ thù nghịch, đó là luật căn bản của đạo Phúc Âm. Cuộc tranh luận nổ ra ngay ban đêm. Giữa một bên là cha chính Nhân và tôi và bên kia là cán bộ của Uỷ Ban. Không thể và không dám bắt chúng tôi bỏ đi lề luật căn bản đó về đạo. Họ chỉ đòi chúng tôi là không được đọc thư đó, và nộp cho họ các bức thư. Chúng tôi không nộp.

Sau đó họ hỏi tôi có làm lễ Chầu ở Ba Trại không?

Tôi nói các ông có cấp giấy đâu mà đi, tôi đã đi suốt ngày để xin giấy, cho đến lúc các cửa cơ quan đều đóng cửa cả mà không nơi nào giải quyết. Họ nói: “Sáng mai ra đồn Công an lấy giấy”.

Sáng hôm sau, Chủ Nhật Mồng Một Tết. Tôi và cha chính Nhân thỏa thuận tóm tắt Thư Chung và nói, như thế mọi người đều hiểu căn bản về bức thư.

Lễ xong tôi ra đồn xin giấy. Đến đồn, chưa ai thức dậy, tôi phải đánh thức họ, một anh công an hỏi tôi cần gì? Tôi nói đêm qua, Uỷ Ban Thành Phố có bảo tôi: “Sáng nay ra đồn lấy giấy”.

“Hôm nay không cấp giấy!”, anh công an nói.

Tôi biết, hôm nay ngày Tết, chỉ có kẻ nào không có trí khôn mới đến cơ quan xin giấy. Nhưng vì tối qua Uỷ Ban báo sáng nay ra đồn lấy giấy, nên tôi mới đến.

“Được rồi! Ông cứ về đi”. Chúng tôi còn xét…

Tôi về nhà được độ 5 phút, có tiếng gọi rối rít ở sân:

“Ông Trọng ơi! Ông Trọng ơi! Ra đồn lấy giấy”.

Tôi vội vàng đi theo anh công an ra đồn. Đến văn phòng, ngay ở cửa, thấy chiếc bàn trên có bày la liệt bánh kẹo, ấm chén.

Một anh công an ở buồng trong đi ra, có lẽ là đồn trưởng, anh chúc mừng năm mới tôi, rồi tôi chúc mừng đáp lại. Trong vòng 10 phút mà quang cảnh rất khác nhau. Anh đồn trưởng mời tôi ăn bánh kẹo, uống nước trà để mừng xuân, cùng nhau vui xuân một lúc. Anh đưa cho tôi giấy thông hành có giá trị ba ngày. Tôi xin phép đi, anh ân cần hỏi:

- Linh mục có phương tiện gì không?

- Có, tôi vẫn đi xe đạp.

- Tôi vừa nói xong, thì một người từ cổng chạy vào nói:

- Có tôi giúp linh mục.

- Tôi nhận ra người đó là anh đội cải cách, tôi đã gặp ở Ba Trại.

Tôi về nhà lấy xe đạp, cùng sánh vai với anh đội cải cách, qua các đường phố. Đường phố lúc này còn vắng vẻ, chưa tới giờ xuất hành mà!

Ra khỏi thành phố, trên con đường qua cánh đồng để đi tới Ba Trại, tuyệt không một bóng người. Nhưng trên cánh đồng, ở đàng xa, lủi thủi mấy bóng người. Tôi đoán có lẽ là những địa chủ, đã bị tịch thu hết nhà cửa tài sản, không được vui tết với ai cả, đành lang thang trên cánh đồng.

Đến gần nhà thờ, trước cửa nhà ông Sặt, một gia đình được Đội coi là thân thiện. Anh Đội chia tay tôi, để tôi một mình vào nhà xứ. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, các màn kịch diễn ra thay đổi như trở bàn tay. Lúc thì xua đuổi, lúc thì ân cần đón tiếp, săn sóc đến nơi đến chốn, để rồi đưa vào cạm bẫy.

Những màn sau đây cũng được sắp xếp, nhưng có đầy tình nghĩa, song lại được lái vào những mục tiêu gian dối và thâm độc hơn.

Tới nhà xứ, ba gian nhà khách đã đầy ắp người, im lặng như đang có cái gì. Hay nói đúng hơn, với dáng dấp sợ sệt, không ai hé môi.

Một ông dắt xe đạp của tôi, để vào một chỗ. Một bà bưng chậu nước nóng để tôi rửa mặt rửa tay, trời lạnh mà! Tôi biết tên hai người: Ông Lộc, bần cố nông nay đội cải cách cắt làm Trùm. Bà Giảng, cũng là bần cố nông nay được cất làm bà Quản giáo. Ông Lộc, bà Giảng hôm nay được Đội chỉ định để hầu hạ tôi.

Tôi vào ngồi giữa nhà, bà con tất cả ngồi chung quanh, chen nhau trong nhà, không ai ngồi hè. Anh Chung, con người tôi chưa biết, thay mặt cho mọi người chúc tết tôi, rồi anh tuyên bố: “Thưa Cha, những người đội lốt, đã bị lột mặt nạ, và đội đã tống giam cả rồi. Xin cha cứ yên trí ở lại với chúng con, nghỉ lại đêm Mồng Một với chúng con”.

Nhìn chung quanh, không thấy ông Chánh Trương Huỳnh, ông Trùm Tứ, ông Quản giáo Luỹ, ông cựu trùm Trạch. Tôi biết ngay những người đội lốt là ai?

Thấy thế, tôi định tâm không dám ở lại đêm nữa, mặc dù tôi có giấy và có ý nghĩ từ trước.

Thấy trước mặt tôi có người lạ, tôi chưa biết, nên hỏi anh:

- Anh là người thế nào? Tôi chưa biết, còn dân xứ đây tôi biết hết.

- Thưa Cha, con ở Phủ Lý về đây!

- Sao đang ở Phủ Lý lại về đây?

- Con xin thú thực với Cha, con là người Thanh Hoá, gia đình con kéo nhau đi Nam. Đến Phủ Lý con bị cản lại, nên con về đây!

- Anh cứ ở đây, đất lành chim đậu, đi Nam làm gì?

- Khi mọi người giải tán, lên nhà thờ, ông trùm Lộc thắc mắc với tôi?

- Sao ban nãy Cha lại nói chuyện với người lạ?

- Tôi thấy người đó lạ, tôi phải hỏi.

- Anh ta không có nhiệm vụ, mà anh dám vào tiếp xúc với cha. Cái này con phải ra trình Đội.

Rồi tôi ra nhà thờ cử hành Thánh lễ, lễ xong đặt Mình Thánh chầu. Lễ Chầu năm nay chỉ có những người trong xứ chầu Mình Thánh với nhau, trong bầu không khí buồn tẻ sợ hãi. Ngoài việc giải tội những người không đi kịp tuần trước, không một ai đến tiếp xúc với tôi, trừ ông trùm Lộc, bà Giảng lo liệu việc cơm nước cho tôi. Thêm anh Chung, lúc nào cũng săn đón tôi để xin xưng tội, dù bị giãn. Anh là đội cải cách hoạt động ở vùng Gia Trạng, Đại Lại, không biết bị thất sủng hay được sai về làm việc ở quê. Nếu được làm việc ở quê thì cũng khác thường, vì hầu như là quy luật, đội cải cách phải hoạt động xa quê quán của mình, để dễ “khách quan”.

Đến 5 giờ chiều, tôi trở về Nam Định. Không dám ở lại đêm như đã dự định, vì những người thân quen làm việc bên tôi, đã bị bắt giam hết.

Còn truyện ông trùm Lộc đi báo cáo với đội về anh Long nào đó, tức là người lạ mặt mà tôi hỏi chuyện trong buổi chúc mừng tết ở Ba Trại hôm đó. Ông trùm Lộc không có lòng độc ác đâu. Ông chỉ quá thật thà làm theo kế hoạch Đội đặt ra mà ông không biết.

Kế hoạch là làm thế nào bắt anh Long với những bằng chứng rành rành không thể chối cãi được. Trước hết anh có mặt trong buổi họp, nơi anh không được phép đến, trừ ra Đội cho phép hoặc thúc đẩy. Đến chỗ họp, anh được xếp ngồi một mình trước mặt linh mục, để linh mục phải bó buộc bắt chuyện. Giả sử không có cuộc tiếp xúc đi nữa, cũng không sao. Nguyên việc anh là người lạ, mà có mặt bên những người con chiên của Cha, là anh đã trà trộn vào đó với ý đồ gì? Sự có mặt, việc tiếp xúc đó, ông Trùm là người có nhiệm vụ phải quan sát tất cả, và đúng là mọi cái không qua mắt ông, dù ông là người chột mắt. Ông đi báo cáo với Đội. Thế là tội anh Long có đủ bằng chứng không thể chối c•i được. Nghe đâu anh đã bị bắt giam ngay, và trong khi bị giam anh đã khai:

- Tôi đã gặp linh mục, linh mục có trao cho tôi một chai axít, để đổ vào cán bộ, tôi ra khỏi sân nhà thờ, đến bờ ao, tôi đã ném xuống ao rồi.

Cán bộ cũng không bắt anh phải xuống ao mò chai axít đó, vì làm gì có? Có xuống mò thì cái gian dối lại thò đuôi ra.

Mặc dù thế, anh vẫn bị kết án. Giá người có tội thật thì phải xử bắn. Nhưng tội của anh, chỉ là trong kế hoạch thu xếp của Đội, không có thật. Dù thế, anh vẫn bị ba tháng tù, rồi bị đuổi về Thanh Hoá, quê quán của anh.

Nói chung, những người bị bắt dưới thời cải cách, hầu hết rơi vào tình trạng phạm tội như thế.

Cũng ở Ba Trại, một anh thanh niên tên là Ghi con bà Hồi, còn bị khép tội một cách trâng tráo hơn nhiều.

Một buổi chiều nọ, trong tháng 3 năm 1956, đội đưa anh Ghi xuống Nam Định, đến cổng trại An Phong, Đội bảo anh vào gặp linh mục. Lúc này là cha già Nguyễn Phúc Hạnh, anh ngơ ngác, rụt rè một mình đến với cha, cha hỏi:

- Anh ở đâu, có việc gì ?

- Anh ấp úng đáp:

- Con ở Ba Trại, trình... trình. ... cha..

- Cha Hạnh đuổi ngay.

- Ba Trại thì xuống cha xứ mà trình, tôi không biết.

- Anh lủi thủi đi ra cổng, vẫn gặp anh Đội đã đưa mình đi. Anh Đội bắt nghiến lấy với tội danh: “Đã đến tiếp xúc với linh mục, nhận chỉ thị để về gây tội ác”. Vì tội đó, anh bị giam thời gian một năm. Chuyện thật trăm phần trăm.

Cả đến đồng chí Chủ Tịch Uỷ Ban Xã Mỹ Tân (Ba Trại). Đồng chí Đán cũng bị bắt giam với tội danh bỏ trứng sâu vào ruộng ngô, anh còn phải diễn lại “tội ác” bằng cách cầm một hộp bích quy đựng tro và rắc trên ruộng trước ống kính nhà nhiếp ảnh. Thật là nhọ nhem!

Tất cả các viên chức hàng xứ Ba Trại đều bị khép tội như thế. Ông Huỳnh, ông Tứ, ông Lũy, ông Nguyệt, ông Trạch....quy địa chủ, bị bắt giam một thời gian mấy tháng. Các ông đều làm giấy xin tôi tha tội, vì trong khi bị giam các ông đã “dại dột” đổ tội cho tôi đã đưa trứng sâu cho các ông để bỏ vào lúa.

Những chuyện có vẻ trẻ con đó mà hậu quả thì rất nghiêm trọng, chắc chắn đã diễn ra trên khắp miền Bắc. Đó là chính sách cải cách ruộng đất, đâu đâu cũng phải thực hành theo cùng một cung cách như nhau. Anh Đội nào, địa phương nào mà dám làm khác, và con số những người bị vu khống oan ức như thế, phải lên đến hàng triệu.

Người trần gian mà làm ông tổ của nói dối, vu khống là nhà đại văn hào Pháp (Voltaire), đã đưa ra một khẩu hiệu: “Bạn cứ nói dối, nói dối khoẻ hơn nữa đi, thế nào cũng còn cái gì!”. Phải, thế nào cũng còn cái gì!

Quần chúng phẫn nộ trước sự gian dối độc ác. Khi việc cải cách phải sửa sai, họ đi tìm những Đội mà rạch mép, những cái mồm mép đã phun ra bao là dối trá, vu khống. Cũng may mà chỉ tìm ra được số ít, vì không biết họ từ đâu mà đến, để gieo rắc bao tai họa cho thôn làng. Nhưng mấy tên bị rạch mép cũng đủ làm im đi những môi mép đã phun ra bao nọc độc chết chóc.

Còn tiếp
 
Thông cáo Báo chí của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF)
Lê Minh phỏng dịch
10:45 30/10/2009
(Washington, DC - ngày 26/10/2009) - Hôm nay Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) hoan nghênh việc công bố bản Báo cáo về Tự do Tôn giáo đầu tiên của chính phủ Obama, và thúc giục việc áp đặt “Những quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPCs), cũng như việc thực thi những chính sách đã đề ra đối với các quốc gia này.

Ông Leonard Leo, chủ tịch USCIRF nói: “Cho đến hôm nay, Tổng thống Obama vẫn thường xuyên đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo trong các bài diễn văn của mình ở hải ngoại nhưng hầu như chưa có hành động cụ thể nào, và chúng tôi hy vọng rằng bản báo cáo này sẽ là hành động thiết thực của chính phủ Obama. Bản báo cáo này có thể là luận cứ vững chắc để xác định việc thực thi hữu hiệu chính sách của Hoa Kỳ đối với các quốc gia vi phạm. Bản báo cáo chỉ rõ rằng Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện tình hình”.

Bộ luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 (IRFA) đòi hỏi Bộ Ngoại giao Hoa kỳ phải tiến hành thẩm định hằng năm đối với các quốc gia để “xác định xem chính phủ của quốc gia đó có hay không vi phạm hoặc dung túng việc vi phạm tự do tôn giáo”. Bất cứ quốc gia nào rơi vào khung định nghĩa đó đều bị xem là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC), và chính phủ Hoa Kỳ phải có những hành động cụ thể đối với những quốc gia CPC này. Bộ luật IRFA cũng đưa ra một số khung hành động cụ thể, chẳng hạn như thương thảo hai chiều hoặc cấm vận.

Ông Leonard Leo cũng nói rằng “Cả hai chính phủ Cộng Hòa và Dân Chủ đã không triệt để áp đặt khung “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC). Theo như những điều được nêu ra trong bản báo cáo đầu tiên của chính phủ Obama thì tự do tôn giáo vẫn bị trù dập tại các quốc gia đã bị áp đặt khung CPC. Nhưng có điều là bản báo cáo cũng đã đưa ra nhiều chi tiết cho thấy là cả Pakistan và Việt Nam đều lọt vào khung CPC nên cần phải đưa vào danh sách”.

Các thành viên ủy ban này cũng đã có cuộc gặp gỡ bà bộ trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton vào tháng 6 vừa qua về việc Ủy Ban tiếp tục khuyến cáo bà nên tiếp tục giữ tên 13 quốc gia nằm trong danh sách, đó là: Miến Điện, Eritrea, Iran, Iraq, Nigeria, Bắc hàn, Pakistan, Trung Quốc, Ả-Rập, Sudan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

Ủy Ban USCIRF cũng khuyến cáo rằng cần phải có các biện pháp cứng rắn hơn đối với tám quốc gia hiện đang nằm trong danh sách CPC mới nhất của Bộ Ngoai giao, đó là Miến Điện, Eritrea, Iran, Bắc hàn, Trung Quốc, Ả-Rập, Sudan, và Uzbekistan.

Ủy Ban USCIRF cũng tiếp tục có nhiều quan điểm dị biệt với Bộ Ngoại giao về việc thẩm định các điều kiện tự do tôn giáo tại các quốc gia này và các biện pháp thực thi.

Những dị biệt này bao gồm:

• Bộ Ngoại giao chính thức thông báo trong năm 2006 rằng chính phủ Ả-Rập xác định đã đưa ra hằng loạt chính sách cho phép các hoạt động tôn giáo rộng rãi hơn tại vương quốc này. Hơn 3 năm sau, hầu như chẳng có chính sách nào được thực thi cả. Duy nhất một điều được thực thi đó là các lời lẽ gay gắt cực doan được rút bỏ khỏi sách giáo khoa. Kỳ hạn đã đáo vào tháng Bảy 2008. Hồ sơ nhân quyền của Bộ Ngoại giao công bố năm nay đã kết luận rằng sách giáo khoa của chính phủ Ả-Rập “vẫn còn một số ngôn từ không dung dưỡng các bản sắc tôn giáo khác,... và trong một số trường hợp còn đưa ra ngụy biện cho các hành động bạo động đối với các nhóm tôn giáo khác”. Một cuộc kiểm tra sách giáo khoa tôn giáo được sử dụng trong năm học 2008-2009 cho thấy hầu như không có gì thay đổi. Kể từ năm 2005, Hoa Kỳ đã vì quyền lợi quốc gia mà nương tay đối với các vi phạm như vậy.

Ông Leo nói rằng: “Đã đến lúc Hoa Kỳ phải dẹp bỏ việc nương tay và phải có biện pháp hành xử theo Bộ luật IRFA. Làm được điều này, có nghĩa là chính phủ Obama thật sự quan tâm đến vấn đề và nó sẽ cho Hoa Kỳ thêm lực bẩy để thúc bách Ả-Rập phải thực sự cải tổ hệ thống giáo dục của mình. Đó mới thực sự là quyền lợi quốc gia của chúng ta”.

• Kể từ năm 2002 Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng Pakistan phải bị áp đặt khung “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC)”, nhưng Bộ Ngoại giao đã không làm theo khuyến cáo đó.

Một số bộ luật, bao gồm Bộ luật chống Hồi giáo, luật chống phỉ báng, đã tước đi quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng và châm thêm dầu vào lửa khiến bạo động leo thang, mà Pakistan đang đưa ra để áp đặt vào các nhóm tôn giáo thiểu số có quan điểm khác biệt. Sau một vụ việc mới đây, mà theo đó người ta đã truy tố oan tội phỉ báng, đưa đến hàng loạt bạo động đốt nhà giết người xảy ra sau đó, khiến cho chính phủ Pakistan phải tuyên bố là sẽ xem xét lại bộ luật chống phỉ báng.

Bà Nina Shea, thành viên Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ nói “Vì đây là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách, chính phủ Hoa Kỳ cần phải làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ những nỗ lực của chúng ta. Những điều luật này rất dễ bị người ta xem nhẹ, do đó sẽ tạo cơ hội cho những kẻ cực đoan quyền kiểm soát xã hội dân sự và sẽ làm phương hại đến mục tiêu của các chính sách đối ngoại tại các quốc gia và khu vực”.

• Một phái đoàn Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam tháng 5 năm 2009 và qua chuyến đi này đã cho thấy mức độ trù dập của công an đối với các hoạt động tôn giáo. Ủy Ban nhận thấy nhà nước Việt Nam sử dụng việc giam cầm các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như các hành động trù dập khác, để thực thi chính sách trấn áp, kềm chế sự lớn mạnh của các tôn giáo như Phật giáo, Hòa Hảo, và các nhóm Tin Lành. Như thế thì rõ ràng là Việt Nam phải bị liệt kê là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC). Kể từ sau chuyến đi vừa rồi của Uỷ Ban thì lại xảy ra thêm nhiều sự việc khác nữa: nhiều lãnh đạo Tin Lành bị giam giữ, công an lục soát một số nhà thờ Tin Lành và chùa Phật giáo, đuổi sư sãi ra khỏi nơi tu hành và sử dụng bạo lực để đàn áp các giáo dân Công giáo cầu nguyện trong ôn hòa trên các mảnh đất của họ.

Riêng ông Michael Cromartie, phó chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ phát biểu: “Chính phủ không thể nào bào chữa cho việc không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Chứng cớ đã quá rõ ràng đối với các vi phạm tự do tôn giáo và trong quá khứ việc áp đặt vào danh sách CPC đã chứng tỏ hữu hiệu trong việc giúp đem đến những thay đổi rõ ràng mà không ảnh hưởng đến các quyền lợi song phương”.

Các đánh giá của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ được ghi rõ trong bản báo cáo Thường niên năm 2009, và có tại http://www.uscirf.gov

Ông Leo nói “Mặc dầu có những khác biệt trong chính sách, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ vẫn khuyến cáo Bộ Ngoại giao, Sở chuyên trách vấn đề Tự do Tôn giáo Quốc tế và các nhà ngoại giao trên khắp thế giới hãy cố gắng giám sát vấn đề trù dập và giới hạn tự do tôn giáo trên toàn thế giới”.

Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) là một tổ chức độc lập trực thuộc chính phủ, chịu sự quản lý của cả hai đảng. Các thành viên Ủy ban là do Tổng thống và các lãnh tụ lưỡng đảng tại Hạ viện & Thượng viện chỉ định. Trách nhiệm chính của Ủy Ban là xem xét, thẩm định các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo trên khắp thế giới và đưa ra những khuyến cáo lên Tổng thống, Ngoại trưởng và Hạ Viện.

(Nguồn: http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20091028_01.htm)
 
Tin Đáng Chú Ý
Khu Thương Mại Việt tại Sacramento: Dự Định Biến Thành Một Little Saigon Mới
Joan Kim Ngân Lê
12:31 30/10/2009
Sacramento (CA) -- Một phiên họp sơ khởi được diễn ra giữa một số nhà hoạt động trong cộng đồng Việt và
Ông Kevin McCarty thảo luận về dự án (Photo: Danny Martinez
Nghị Viên Kevin McCarty để thảo luận về dự án thành lập một khu vực thương mại và văn hóa đặc biệt dành cho cộng đồng Việt sống ở Thủ Phủ Sacramento tại Trung Tâm Sinh Hoạt Á Châu, phía Nam Sacramento, vào chiều thứ Tư vừa qua.

Vì lịch trình không cho phép, Dân Biểu cử đại diên tham dự và giúp Ban Tổ Chức mời nhiều đại diện đoàn thể, và giới truyền thông tham dự buổi hội gồm ông Melvin Demoff (Bach Viet Association), ông Tim Đỗ (Vietnamese American Community of Sacramento), ông Lợi Việt (Vietnamese American Community of Sacramento), ông Tommy Phong (Welco), ông Terre Johnson (Stockton Blvd Partnership), ông Dương Phan (Invaild Veterans & Widows of Republic of Vietnam Relief Association), cô Steppahnie Nguyễn (Asian Resources, Inc) và nhiều nhân sĩ trong cộng đồng.

Hiện nay, có khoảng 400 cơ sở thương mại do người Việt làm chủ trên đường Stockton, giữa khoảng đường Florin và Fruitridge. Nghị viên Kevin McCarty đề nghị khu vực này thuộc địa hạt 6 do ông đang làm đại diện, có thể trở thành một đặc khu thương mại và văn hóa cho người Việt tại Sacramento.

Tất cả tham dự viên trong buổi họp đã đồng thuận với Nghị Viên Kevin McCarty lấy tên khu thương mại và văn hoá này là Little Saigon.

Thành phố Sacramento là Thủ phủ chính trị của Tiểu Bang California, được thành lập từ năm 1849, là một trong những thành phố cổ nhất và lớn hàng thứ 7 của Tiểu bang, với dân số khoảng 500,000 người, tương đương với dân số mỗi đơn vị dân biểu tiểu bang.

Thủ phủ Sacramento cũng là một trong hàng trăm các thành phố khác tại Hoa Kỳ đã công nhận và vinh danh lá Cờ Vàng ba Sọc Đỏ là biểu tượng tự do và văn hoá của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại đây.

Hiện nay, có khoảng 30,000 người Việt sinh sống rải rác chung quanh Sacramento và con số này còn đang gia tăng nhanh chóng vì nơi đây có đời sống hiền hòa và giá nhà đất còn thấp so với các vùng khác có đông người Việt tại California. Phần lớn giao dịch thương mại của người Việt trong vùng tập trung tại khu vực này và có triển vọng phát triển nhanh chóng trong tương lai.

Nghị Viên Kevin McCarty mời Dân Biểu Văn trong vai trò cố vấn tham gia vào dự án đặt tên khu thương mại và văn hoá của người Việt tại Sacramento, để chia sẻ những kinh nghiệm và bỏ túc thêm cho dự án những dữ kiện lịch sử đặt tên Little Saigon tại các địa phương khác.

Đại diện Văn phòng Dân biểu Văn đã chuyển lại tất cả văn kiện lịch sử những ngày đầu tiên thành lập Little Saigon tại Westminster, Garden Grove và Santa Ana cũng như các nghị quyết thành lập Little Saigon của các thành phố nói trên.

“Với sự phát triển nhanh của khu vực, cộng thêm số người Việt trong khu vực gia tăng nhanh chóng, tôi đã góp ý với Nghị Viên McCarty nên thành lập một Little Saigon đặc biệt cho người Mỹ gốc Việt tương tự như San Francisco, San Jose hoặc Quận Cam.” Dân biểu Văn phát biểu “Cộng đồng Việt Nam đã ổn định tại Hoa Kỳ hơn 1/3 thế kỷ, chúng ta cần cùng góp tay, tạo thêm sức mạnh kinh tế, chính trị và bảo tồn văn hóa, ở những nơi có đông người Việt sinh sống. Đó là lý do tôi đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện dễ dàng cho cộng đồng Việt tại Sacramento có cơ hội phát triển, đóng góp cho nền kinh tế địa phương ngày thêm phồn thịnh như mọi người đều nhìn thấy thành quả tại Little Saigon ở Quận Cam và Bắc California.”

Nghị Viên Kevin McCarty cho biết tổ chức “Stockton Blvd Development Parnership” có chút quan tâm về một số cơ sở thương mại mà chủ nhân không phải là người Việt làm chủ nằm trong khu vực dự định được thành lập thành Little Saigon. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo phát triển khu vực cho biết sẽ cố gắng tìm một giải pháp dung hòa cho dự án vào phiên họp vào trung tuần tháng 11 sắp đến.

Rút kinh nghiệm những khó khăn khi thành lập Little Saigon tại San Jose, Nghị viên McCarty cho biết ông sẽ cẩn trọng hơn, tham khảo với mọi người để có sự hợp tác của đa số giúp cho khu vực có sự phát triển, phồn thịnh chung.

Nên biết, Dân Biểu Văn đã cùng Cộng Đồng Việt tại Quận Cam lập bảng chỉ dẫn Little Saigon trên các Xa lộ 22 và 405 vào năm 1987-1988 lúc ông là phụ tá lập pháp cho Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Ed Royce, và sau này, khi là Phó Thị Trưởng Thành Phố Gatcen Grove, thúc đẩy những nỗ lực lập bảng chào mừng Little Saigon tại 2 thành phố Garden Grove và Westminster vào năm 2003-2004.

Buổi họp đã kết thúc cùng ngày, mọi người ra về với hy vọng việc thành lập Little Saigon tại Sacramento sẽ được thông suốt và được thành hình sớm vào đầu năm tới.

(Nguồn: Dân biểu Van Tran Press Release)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mùa Thu Cúc Vàng
Nguyễn Ngọc Danh
10:33 30/10/2009

Mùa Thu – Cúc Vàng



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Em hỡi Thu về nằng tơ vương

Một chút bâng khuâng rất lạ thường

Bỗng dưng nhớ quá hồn cố quốc

Chậu cúc hiền nhà - Tết quê hương

Ngọc Danh

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Điệu Vũ Lễ Hội Mùa Thu
Sông Thanh
16:01 30/10/2009

ĐIỆU VŨ LỄ HỘI MÙA THU



Ảnh của Sông Thanh

Nàng Thời Tiết dẫn đầu điệu vũ

Chị Thu Phong trổi nhạc bừng bừng..

(Trích thơ của George Cooper)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hạt Kinh
Trần Ngọc Thu
22:24 30/10/2009

HẠT KINH



Ảnh của Trần Ngọc Thu

Tháng mười lần chuỗi hạt kinh

Cầu cho người khuất thiêng linh cõi trời.

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền