Ngày 28-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con người được đổi mới
Lm Giuse Đinh lập Liễm
04:55 28/10/2010
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C

A. DẪN NHẬP.

“Thiên Chúa yêu thương và cứu chữa mọi người”, đó là chủ đề của Lời Chúa hôm nay.

Thiên Chúa yêu thương mọi loài. Lý do: nếu Chúa không yêu thương thì Ngài đã không tạo dựng, nếu Ngài ghét bỏ thì Ngài đã không bảo tồn (bài đọc 1). Câu chuyện ông Giakêu là một minh họa sống động và cụ thể cho tư tưởng trên đây. Quả thật, Thiên Chúa không thiên vị ai, không khinh bỉ ai, Ngài chỉ nhìn đến thiện chí của người ta và ban ơn cứu độ.

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta câu chuyện của ông Giakêu trở lại như thế nào. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với hạng người trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, vì họ làm việc cho người La mã, nên người ta cho họ là những kẻ phản bội và ruồng bỏ họ. Trái lại, Đức Giêsu lại có lối hành xử khác, Ngài kêu gọi ông, lại còn đến ăn uống và trọ trong nhà ông nữa. Việc này làm cho người Do thái rất tức giận. Ngài xử sự như thế để tỏ rõ sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì hư mất”. Cảm động bởi lòng nhân hậu của Đức Giêsu, Giakêu đã nhận thấy những sai lầm của mình và quyết tâm sửa đổi.

“Sai lầm là bản tính của con người và tha thứ là bản tính của Thiên Chúa”(A.Pope). Đối với những người tội lỗi, chúng ta hãy có thái độ khoan dung và tạo điều kiện cho họ ăn năn hối cải. Còn đối với từng người chúng ta, không ai dám nhận là mình hoàn toàn trong sạch, không bao giờ lầm lỗi. Hãy tin vào lòng nhân hậu và thương xót của Chúa, hãy tìm đến gặp Ngài và quyết chí thay đổi cuộc sống của mình để nên tốt hơn.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Kn 11,22-12,2: Kết luận một trình thuật về cuộc Xuất hành, câu chuyện khá độc đáo ở điểm tác giả nhấn mạnh việc Thiên Chúa nương tay đối với người Ai cập (Kn 11,15-20). Vì sao Ngài nương tay ? Bởi vì Thiên Chúa thương yêu “tất cả những gì hiện hữu”; nếu không, Ngài đã không tạo thành. Vì thế, Thiên Chúa yêu thương mọi người bất kỳ ai và mời gọi họ hoán cải.

Nhìn lại lịch sử, tác giả sách Khôn ngoan khám phá được đường lối hành xử của Thiên Chúa: Ngài tỏ ra rất khoan hồng đối với những người tội lỗi. Đây là một giảng dạy ngược với cách sống khép kín của dân Do thái lưu lạc, họ không muốn tỏ cho lương dân thấy Thiên Chúa không ngừng yêu thương họ.

+ Bài đọc 2: 2Tx 1,11-2,2.: Các Kitô hữu ở Thessalonica hoang mang bởi những lời tiên tri, những câu chuyện và những lá thư được gán cho thánh Phaolô nói đến ngày tận thế đã gần kề. Vì thế, họ đâm ra lười biếng không muốn làm việc nữa.

Để giải tỏa những lo lắng của họ, thánh Phaolô viết lá thư thứ hai này khuyên họ đừng tin vào những luận điệu mơ hồ ấy.

+ Bài Tin mừng: Lc 19,1-10.: Câu chuyện ông Giakêu là một minh họa cụ thể những khẳng định của sách Khôn ngoan: ”Chúa xót thương mọi người và tạo điều kiện cho họ ăn năn hối cải”.

Giakêu là một người đứng đầu những người thu thuế, ông rất giầu. Ông muốn tìm cách để biết xem Đức Giêsu là người thế nào. Thiện chí của ông đã được đáp ứng: Đức Giêsu hứa sẽ đến nhà thăm ông. Việc này đã làm cho nhiều người khó chịu, họ xầm xì với nhau:”Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”!

Được Chúa thương vào nhà thăm, ông rất phấn khởi và tỏ ra quảng đại, ông đã tự nguyện hứa với Chúa: lấy nửa tài sản mà phân phát cho người nghèo và nếu làm hại đến ai thì xin đền gấp bốn.

Đức Giêsu đã chấp nhận lòng quảng đại của ông và đã tuyên bố: ”Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ”. Lời tuyên bố này phù hợp với lời Ngài đã phán:”Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Nhờ Đức Kitô, ông Giakêu không những đã được giải hòa cùng Thiên Chúa mà còn được làm hòa cùng anh em đồng loại nữa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Xanh vỏ đỏ lòng.

I. ĐỨC GIÊSU KÊU GỌI ÔNG GIAKÊU.

Bài Tin mừng hôm nay nhằm nói lên sứ mạng của Đức Giêsu là “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Ông Giakêu đã là người được cứu chữa. Ông là thủ lãnh những người thu thuế ở Giêricô, nhờ gặp được Đức Giêsu nên đã được ơn hoán cải. Do thành tâm đi tìm biết Đức Giêsu, nên ông đã được gặp và còn được Ngài đến thăm nhà mình nữa. Trước tình thương của Đức Giêsu, ông đã tỏ ra quảng đại, chia nửa phần tài sản cho kẻ khó và đền bù gấp bốn những ai ông đã làm hại. Vì thế Đức Giêsu đã tuyện bố: ”Hôm này, nhà này được ơn cứu độ”.

1. Hoàn cảnh.

Giêricô có biệt danh thật thơ mộng và đẹp đẽ là “Moon city”: thành phố Nguyệt Nga, một thành phố quan trọng ở phía Bắc của Biển chết, ở cách Giêrusalem 37 km, thấp hơn mặt biển 256 mét. Giêricô là thành phố cuối cùng trong cuộc hành trình của những người hành hương lên Giêrusalem.

Trên con đường dẫn vào thành phố Giêricô có hai hàng cây đổ bóng mát. Loại cây thường được trồng có tên là sycamore – cây sung. Sung là một loại cây kết hợp hình thù của cây vả và cây dâu, với những cành to lớn không cách xa khỏi mặt đất, rất dễ trèo lên, dù người thấp bé và lùn như Giakêu.

“Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy” để đi lên Giêrusalem và đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình. Ngài lên Giêrusalem và chịu tử nạn ở đó. Trong cuộc hành trình này, tình cờ Ngài đã gặp ông Giakêu.

2. Con người ông Giakêu.

Ông là người Do thái, tên Giakêu tiếng Do thái là “Zakkay” có nghĩa là “người thanh khiết – người công chính”. Phải chăng là một sự hài hước, hoặc chế diễu ? Ông không thanh khiết tí nào vì lòng ham mê tiền bạc, tham nhũng, hối lộ, và hà hiếp dân lành ?

Nhưng chúng ta hãy chờ cho câu chuyện chấm dứt.

Giakêu là trưởng ty thuế vụ giầu có ở Giêricô. Thu thuế là một nghề bị người Do thái khinh chê, ghét bỏ. Ngay cả những người Rôma cũng không muốn làm nghề này, nên họ mướn những người Do thái làm. Kẻ làm nghề thu thuế bị coi là người phản bội lại dân tộc, chạy theo đế quốc Rôma. Họ bóc lột tiền bạc của dân chúng càng nhiều càng tốt để chính họ có thể tránh né khỏi phải trả thuế.

Giakêu, một con người bị tránh xa như dịch. Kẻ tội lỗi hoàn toàn bị hư mất. Đồ thối tha. Cấm không được giao du với con người hư hỏng ấy. Người ta nhổ xuống đất và quay mặt đi khi đi ngang qua con người ấy.

Ta thử tưởng tượng điều gì có thể thúc đẩy Giakêu bất chấp sự chế diễu, đã xắn chiếc áo thụng của một ông trưởng giả Do thái và có lẽ cái áo choàng La mã để leo lên cây sung như một thằng nhóc tầm thường. Vì tính tò mò chăng ? Vì sự lôi cuốn mầu nhiệm chăng ? Vì nỗi khắc khoải mơ hồ và chán chường cuộc sống của mình chăng ? Phải nói rằng đây là cử chỉ nói lên lòng khao khát của Giakêu muốn nhìn thấy Đức Giêsu tận mắt, chứ không chỉ nghe thấy tiếng vang của Ngài đối với người bình thường. Cử chỉ này không có gì đáng nói, nhưng đối với Giakêu, một người thu thuế tội lỗi bị người ta khinh bỉ và sống cách biệt, mà lại có lòng khao khát như vậy thì quả là một người có thiện chí và lòng ngay.

3. Đức Giêsu gọi tên ông.

Đứng trên cây sung, Giakêu đang trố mắt nhìn xuống Đức Giêsu, nhưng đồng thời Đức Giêsu cũng trố mắt nhìn lên Giakêu. Bốn con mắt nhìn nhau thật thắm tình. Đức Giêsu lên tiếng gọi: ”Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Một lời kêu gọi bất ngờ đối với Giakêu vì Ngài gọi tên riêng ông, nhưng đối với Chúa thì không. Ta nhận thấy Đức Giêsu biết rõ con người của ông, chứ không phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ, ngẫu nhiên, Chúa đã gọi đúng tên ông như đã quen biết ông từ lâu rồi. Chúa tỏ ý muốn vào nhà thăm và ở lại với ông như người bạn thân.

Nghe được lời mời gọi này, Giakêu quá sung sướng nên vội vã tụt xuống. Vì quá lòng mong ước, nên Giakêu cũng có một lòng hiếu khách, một đức tính sẵn có trong dòng máu Do thái, ông đã mời Đức Giêsu vào nhà và tiếp đãi rất ân cần.

Việc Đức Giêsu vào nhà ông Giakêu ăn tiệc, lại còn muốn trọ tại nhà ông mấy bữa làm cho mấy người biệt phái ưa chỉ trích rất bất mãn; vì theo quan niệm của người Do thái, việc giao thiệp với người tội lỗi đưa đến sự dơ bẩn (Lc 5,30; 7,34; 15,2). Việc lẩm bẩm chỉ trích như vậy tỏ thái độ khắt khe của con người đối với tội nhân, nhưng cử chỉ đón nhận của Đức Giêsu đối với tấm lòng ngay và thiện chí của Giakêu lại là thái độ đầy tình thương và cứu độ của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Thấy thái độ thành thực của Giakêu, Đức Giêsu đã tuyên bố: ”Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Giakêu trở thành kiểu mẫu đón nhận ơn cứu độ và là cơ hội để Đức Giêsu khẳng định sứ mạng của Ngài:”Con Người đến đi tìm và cứu những gì đã hư mất”. Giakêu là con cái Abraham, nhưng đối với Giakêu, người Do thái cho là tội lỗi, không thuộc về dòng dõi Abraham nữa, thì nay nhờ ơn cứu độ lại là con cái Abraham một cách đúng nghĩa: Con cái Abraham không phải theo xác thịt nhưng là người được Thiên Chúa cứu độ.

II. CON NGƯỜI ĐƯỢC ĐỔI MỚI.

1. Tiếng gọi của Thiên Chúa.

Người ta nói: ”Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Câu nói văn hoa và thâm thúy này chắc hẳn bắt nguồn từ Lời Đức Kitô:”Đèn của thân thể là con mắt…”(Mt 6,22t; Lc 11,34t). Hiểu được ánh mắt của một người quả là không mấy dễ dàng (có chăng là ánh mắt tuổi thơ). Vì ánh mắt của một người là biểu lộ của chính tâm hồn người đó… Mà mấy ai trong chúng ta dám cho rằng mình hiểu được tâm hồn ai ? Dĩ nhiên là tùy vào cách xử sự và hành động… Như qua bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, trong khi những người biệt phái chỉ nhìn các người thu thuế (như Giakêu) bằng cái nhìn khinh thị kết án – Thì Đức Kitô, với cái nhìn tuyệt vời không những đã làm đổi mới cuộc đời ông và gia đình, mà còn bao điều tốt đẹp cho những người từng bị điêu đứng vì Giakêu. Cao qúi biết bao chỉ một cái nhìn…

Cái nhìn của Đức Giêsu là cái nhìn chinh phục, cái nhìn của tình thương muốn cứu vớt, một cái nhìn có sức cảm hóa tâm hồn, một cái nhìn nhân từ, như không thấy tội gì trong ông. Chính cái nhìn đầu tiên chân tình và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.

Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước, con người theo sau. Người ta có thể gọi cây sung là “nơi hai ánh mắt gặp nhau”. Bề ngoài, cái nhìn đầu tiên là của Giakêu, đang cháy bỏng ước muốn xem Đức Giêsu. Nhưng sẽ không có gì xẩy ra nếu Đức Giêsu không ngước mắt nhìn lên Giakêu ở cây sung. Chúng ta tưởng rằng chúng ta tìm kiếm Chúa trong khi mà chính Ngài tìm kiếm chúng ta trước, tự muôn đời.

2. Sự đáp trả của con người.

Được đón nhận lòng nhân hậu và thương xót của Đức Giêsu, Giakêu đã tỏ bầy một tâm trạng muốn hoán cải đời sống bằng cách ông muốn thực hiện ngay việc bác ái và công bằng. Ông quyết định đem nửa phần gia tài mình phân phát cho người nghèo, và nửa phần còn lại ông cũng không định giữ riêng cho ông, song ông sẽ dùng để đền bù cho tất cả những gian lận mà ông tự thú đã phạm.

Trong việc đền trả này ông lại còn đi xa hơn điều luật pháp đòi hỏi. Chỉ khi nào trộm là một hành động bạo lực và dụng tâm gây tàn hại, bấy giờ mới phải đền bù gấp bốn (x. Xh 22,1). Nếu chỉ là việc trộm cắp thường và nguyên vật không thể hoàn trả, thì phải tính gấp đôi mà đền (x. Xh 22,4.7). Nếu bị can tự thú và tình nguyện hoàn trả thì chỉ phải trả theo giá nguyên vật, cộng thêm một phần năm nữa thôi (x. Lv 6,5; Ds 5,7). Giakêu nhất định làm nhiều hơn điều luật pháp đòi hỏi. Bằng hành động, ông tỏ ra đã được biến cải.

Giakêu đã tỏ ra là con người quảng đại sau khi đã hoán cải. Việc bố thí cho người nghèo sinh ích lợi nhiều cho ông. Thánh Kinh đã làm chứng: ”Bố thí thì cứu cho khỏi tội và khỏi chết” (Tb 4,11).

Tiên tri Đaniel viết theo: ”Hãy chuộc tội con bằng bố thí, và bằng sự thương yêu kẻ khó nghèo”(Dn 4,24).

Nơi khác lại khen: ”Của bố thí bay lên như hương thơm trước mặt Chúa”(Cv 11,4).

Đức Giêsu hứa:”Hãy bố thí, rồi mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các con”(Lc 11,41).

Khi ở thành Rages về, sứ thần Raphael bảo cha con ông Tobia: ”Nước mắt ông chảy ra cũng như của làm phúc bố thí với những lần bỏ bữa ăn đi chôn xác kẻ chết, Ta đã thu lượm và dâng lên trước mặt Thiên Chúa… bây giờ Ta về với Đấng đã sai Ta, ông hãy tạ ơn Thiên Chúa”(Tb 12,12-13).

3. Khả năng đổi mới của con người.

Sách Tam tự kinh có viết: ”Nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn”. Bản tính của con người lúc đầu là tốt nhưng vì hoàn cảnh mà trở nên xấu. Đây là chủ trương lạc quan của Mạnh Tử. Trái lại, Mặc Tử lại chủ trương: ”Nhân chi sơ tính bản ác”. Nếu bản tính con người vốn tốt mà vì hoàn cảnh mà trở nên xấu thì dễ sửa hơn, còn nếu bản tính mà xấu rồi thì sẽ sửa làm sao ?

Chúng ta phải khẳng định rằng con người xấu có thể trở nên tốt được bởi vì bản tính vốn là tốt, và nếu có ơn Chúa trợ giúp nữa thì sẽ dễ dàng. Chúng ta hãy lấy trường hợp ông Giakêu ra làm điển hình. Người Do thái coi ông là một người tội lỗi, ô uế, phải tránh xa, đã xấu thì cho xấu luôn, không thương tiếc.

Nhưng sau cuộc gặp gỡ Đức Giêsu, Giakêu đã nhận thấy tình yêu và lòng thương xót của Chúa đối với mình, ông nhận ra con người thật của ông: một con người xấu xa tội lỗi, đáng bị nguyền rủa. Nhưng ông thấy rằng mình có thể sửa đổi được, có thể cải tà qui chính, và ông thực sự đã hoán cải. Do đó, Đức Giêsu đã tuyên bố rằng: ”Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”. Nhìn vào cuộc đời của Giakêu lúc này chúng ta phải lấy câu tục ngữ Việt nam mà khen ông:

Xanh vỏ đỏ lòng (Tục ngữ)

Câu tục ngữ này có ý nói những cái bề ngòai xem ra xấu xa nhưng bên trong thì tốt. Người ta chỉ có thể thấy cái bên ngoài của một người mà không biết được lòng người ta.

Người ta muốn đánh giá Giakêu thế nào cũng được, nhưng Đức Giêsu có cái nhìn thấu suốt, không nhìn cái vẻ bề ngoài của con người mà Ngài nhìn rõ cả bên trong, cho nên Đức Giêsu sẽ khen cho Giakêu một câu chắc nịch như đinh đóng cột:

Xù xì da cóc trong bọc trứng tiên (câu đố).

Đây là một câu đố bình dân mà người ta thường đố nhau. Vậy “xù xì da cóc trong bọc trứng tiên” là cái gì ? Chúng ta hãy giải đáp xem nó là cái gì. Nhưng cho dù nó là cái gì thì lúc nào cũng có ý nói rằng bề ngoài xem ra xấu xa nhưng bên trong thì tốt, giống như câu “Xanh vỏ đỏ lòng” vậy.

Nếu chúng ta có gặp được Giakêu sau khi nhờ ơn Chúa trở lại rồi thì ông sẽ tâm sự cho chúng ta nghe. Ông cho biết nhờ ơn Chúa ông đã thực sự sửa đổi con người của mình. Đời ông không còn như xưa nữa, nay đã trở nên con người mới hoàn toàn. Có thể bề ngòai không giống nhau, nhưng thực sự bề trong đã được đổi mới hoàn toàn:

Thân em như quả ấu gai,

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi, nếm thử mà xem,

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.
(Ca dao)

Truyện: Harold Hughes trở lại.

Harold Hughes xưa kia là Thống đốc tiểu bang Iowa, và là một nghị sĩ của Hoa kỳ. Nhưng cuộc đời của ông đã không luôn luôn thành công. Trong tập tự truyện, Hughes kể lại rằng thời trai trẻ ông đã là “một người nghiện rượu, dối trá và lừa đảo”. Vào một thời điểm trong đời ông, đã phá hủy tất cả mọi sự, và mất tất cả.

Một đêm nọ ông nhảy vào bồn tắm và chuẩn bị tự tử. Ông dí khẩu súng shotgun vào bụng, rồi nhốt cái chùi giẻ vào miệng. Khi ông sắp sửa bóp cò súng, thình lình ông nhớ lại Thánh Kinh đã nói giết mạng sống mình là sai. Và ông đã cố cắt nghĩa với Chúa lý do tại sao ông lại làm điều kinh tởm này. Ông trèo ra khỏi bồn tắm, qùi xuống nền gạch lạnh lẽo, và gục đầu trên thành bồn tắm. Trong tư thế đó, ông nói chuyện với Chúa đang khi khóc nức nở. Sau đó có một điều gì đã xẩy ra mà ông chưa bao giờ cảm nghiệm thấy trong đời. Ông viết trong cuốn tự truyện như sau:

“Một sự bình an ấm áp dường như bao phủ lấy tôi. Những tội lỗi của tôi dường như tan biến. Thiên Chúa cúi xuống và ôm lấy tôi. Giống như một đứa trẻ bị thất lạc trong cơn giông bão, thình lình tôi bị vấp chân ngã vào cánh tay ấm áp của Cha tôi. Đang khi quì gối trên nền nhà tắm, tôi đã hiến dâng hoàn toàn con người của tôi cho Thiên Chúa, và tôi nói với Ngài,”Bất cứ việc gì Ngài sai con làm, lạy Cha, con sẽ thực thi thánh ý Cha”.

Kinh nghiệm đáng nhớ muôn đời đó đã bắt đầu một sự biến đổi hoàn toàn đối với Harold Hughes. Mười năm sau, ông được bầu làm Thống đốc tiểu bang Iowa. Bảy năm sau nữa, ông được bầu vào Thượng viện của Hoa kỳ. Sau cùng, vào năm 1975, ông rút lui khỏi hậu trường chính trị, về hưu và làm việc trọn ngày cho chương trình giúp đỡ những người cai thuốc phiện và nghiện rượu (Nguyễn văn Thái).

4. Thái độ với kẻ tội lỗi.

Vấn đề chính của con người là ở chỗ chúng ta có thể thay đổi tâm hồn và học yêu thương người khác như thế nào. Phải có một tâm hồn cảm kích, mềm mại xúc động mới làm cho tâm hồn ấy mở ra và sau cùng chia sẻ sự phong phú, cảm thông. Một sự tiếp cận khắt khe làm cho tâm hồn khép kín và chai cứng. Một sự tiếp cận nhân từ, như cách Đức Giêsu thực hiện với Giakêu làm cho tâm hồn mềm mại và cởi mở không có gì có thể làm thay đổi tâm hồn bằng chính tâm hồn. Theo cách thức đó, ông Goethe đã phát biểu: ”Đối xử với một người như người đang là sẽ làm cho người ấy trở nên tệ hơn, đối xử với người ấy như người ấy phải trở thành hoặc như người ấy mong ước trở thành sẽ làm cho người ấy trở nên tốt hơn, bởi vì khát vọng của chúng ta là phần chúng ta thật sự đã đóng góp”.

Như vậy, gần gũi và biểu lộ tình thương với người tội lỗi là tốt nhất. Đây là thái độ Đức Giêsu thường xử sự đối với người tội lỗi, và hầu như luôn luôn có tác dụng tốt. Ngài không hề xa tránh những người thu thuế, bọn đĩ điếm, vốn bị coi là hạng người tội lỗi, như những biệt phái và luật sĩ thường làm. Kết quả của thái độ nhân từ đó là biết bao người tội lỗi trở lại con đường ngay chính, say mê nghe Ngài rao giảng Tin mừng, mà bài Tin mừng hôm nay kể ra một trường hợp điển hình. Chính vì Đức Giêsu sẵn sàng vào nhà ông Giakêu, một kẻ bị coi là tội lỗi, ăn uống và trọ lại nhà ông, mà con người ông đã hoàn toàn thay đổi. Thử tưởng tượng xem, nếu Ngài cũng đối xử với Giakêu như cách mà người Do thái thường làm là tẩy chay và xa lánh ông, thì kết quả ra sao !

Truyện: Thiền sư Sengai và đệ tử.

Nhiều đệ tử đang theo học thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.

Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo:

- Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy.

Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.

5. Công cuộc đổi mới của mỗi người.

Như ở trên chúng ta đã nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện” thì con người có hư hỏng rồi cũng có thể cải thiện được. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta đã được trở nên tinh tuyền, đã được mặc lấy Chúa Kitô và có thể nói là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, nhưng chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đã được tha tội nguyên tổ nhưng không thể tránh được hậu quả của tội ấy, do đó con người chúng ta trở nên yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội. Vì vậy, thánh Phaolô cảnh giác chúng ta: ”Ai đang đứng ý tứ kẻo ngã”.

“Sai phạm là bản tính của con người, còn tha thứ là bản tính của Thiên Chúa”(A. Pope). Vì thế chúng ta có thể nói: sai lỗi là chuyện bình thường, sa ngã mà không biết chỗi dậy mới là bất bình thường. Có biết bao nhiêu gương sa ngã mà đã chỗi dậy nhờ ơn Chúa. Người lành thánh mà còn sai phạm một ngày ít là 7 lần, chúng ta chưa lành thánh là bao, có sai lỗi thì cũng là chuyện bình thường, không đáng lo, cứ cậy trông vào ơn Chúa và quyết tâm hoán cải.

Truyện: Leonard da Vinci vẽ hình.

Danh họa Leonard de Vinci đang thực hiện tuyệt tác “Bữa Tiệc ly”. Nhưng để diễn tả một phần nào đúng chân dung của Chúa và 12 vị tông đồ, danh họa phải đi tìm những nét mặt đó nơi những người đương thời. Một hôm, họa sĩ bắt gặp trong thánh đường ở Rôma, một vị kinh sĩ trẻ tuổi có gương mặt thanh tú, trong sạch tuyệt vời hợp với chân dung thánh Gioan. Thế là ông đi theo và xin vị Kinh sĩ ngồi làm mẫu cho mình vẽ. Vị Kinh sĩ bằng lòng và họa sĩ đã vẽ được một gương mặt đẹp như Thiên thần.

Vài năm sau, bức tranh “Bữa Tiệc ly” vẫn chưa hoàn thành vì không tìm ra người mẫu để vẽ chân dung độc đáo của Giuđa. Tình cờ, trên đường phố, họa sĩ gặp một người ăn mày, áo quần rách tả tơi với vẻ mặt quái đản, gian ác đến độ vừa kinh ngạc vừa mừng thầm tự chủ: ”Trời ơi, người mẫu này thật lý tưởng, ta sẽ vẻ mặt gian xảo này cho thật mâu thuẫnvới vẻ mặt Thiên thần của chàng trai trước đây”. Sau khi thương lượng với giá cao, người ăn mày bằng lòng làm mẫu cho họa sĩ vẽ. Vẽ xong, họa sĩ sung sướng lấy chân dung chàng trai trẻ đặt bên chân dung người ăn mày mà ngắm nghía. Còn người hành khất giật mình chết lặng, rồi hai dòng nước mắt chảy dài trên hai gò má đen đủi và nghẹn ngào nói:”Bức chân dung người trẻ kia chính là tôi mà ông đã vẽ cách đây mấy năm. Khi đó trông tôi tốt lành, trong trắng dường nào, nhưng bây giờ tôi là một tên ăn mày, cờ bạc rượu chè say sưa”. Nói xong, anh ta bỏ đi thật tội nghiệp.

Nếu chẳng may chúng ta đã để cho mình trở nên xấu như chàng ăn mày kia, chúng ta hãy bắt chước ông Giakêu tìm đến gặp gỡ Đức Giêsu. Phía Chúa Ngài luôn khẳng định là Ngài xuống thế cốt tìm kiếm và cứu kẻ tội lỗi, nên Ngài luôn luôn hiện diện mọi nơi mọi lúc, sẵn sàng theo dõi, đợi chờ con người tỏ dấu ăn năn thì Ngài sẽ hành động ngay.

Nhưng nếu chỉ gặp Chúa mà thôi thì chưa đủ, cần phải có hành động cụ thể. Muốn biến cuộc gặp gỡ thành một cuộc tình gắn bó, một cuộc liên kết chặt chẽ, lâu dài thì phải thực hiện một công đoạn tiếp theo là đổi mới cuộc sống. Như Giakêu, ông ta không dừng lại ở chỗ gặp Chúa, trái lại ông ta muốn tiến xa hơn là thay đổi cuộc sống bằng cách bố thí và thực hiện đức công bằng. Cũng thế, để nhận được sự tha thứ và sự bình an của Chúa trao tặng, mỗi người chúng ta phải đổi mới ngay cuộc sống của mình bằng những cố gắng thực tế như: bỏ dần những tính hư tật xấu, cắt đứt ngay những liên hệ xấu xa, sửa lại những lầm lạc sai phạm, rồi dũng cảm thực hiện các việc đạo đức bình thường như đọc kinh, xem lễ, lần hạt và đi xưng tội, rước lễ…
 
Bầu khí Bác ái của Truyền giáo
+ GM Gioan B. Bùi Tuần
05:04 28/10/2010
Chúa nhật vừa qua (24-10-2010), mọi nơi trong Hội Thánh Việt Nam đều tổ chức lễ Truyền giáo một cách trọng thể. Dịp này, nhiều nơi Công giáo đã tự thuật. Với nhiều hình ảnh khác nhau, như một Hội Thánh chiến thắng, một Hội Thánh tự vệ, một Hội Thánh phát triển, một Hội Thánh bất khuất, một Hội Thánh của các thánh tử đạo, một Hội Thánh của Đức Mẹ La Vang.

Tự thuật là công khai. Nội bộ Công giáo nghe. Người ngoài Công giáo nghe. Các tôn giáo khác nghe. Các khuynh hướng chính trị cũng nghe. Tại một số nơi phản ứng nhận thấy là không mấy thuận lợi cho việc truyền giáo nói riêng và cho Hội Thánh Công giáo nói chung.

Đang khi đó, một bầu khí phấn khởi chan hoà đã được nhận thấy ở những nơi lễ Truyền giáo được tổ chức với những hình ảnh dễ đi vào lòng người. Đó là hình ảnh về Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót, và hình ảnh về người Công giáo phục vụ bác ái.

Lễ Truyền giáo đã qua rồi. Nhưng công việc truyền giáo vẫn tiếp tục. Vì thế, xin suy nghĩ thêm về hai hình ảnh đã gây được nhiều ảnh hưởng tốt trong lễ truyền giáo. Mục đích là để gợi ý cho người truyền giáo thêm động lực và sáng kiến trên cuộc hành trình dài của sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay.

1/ Hình ảnh vê Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót

Hình ảnh này được chính Chúa mạc khải trong Phúc Âm. Chúa là người Cha. "Cha chúng con ở trên trời, Đấng khiến mặt trời mọc lên cho những người lành và những kẻ dữ, Đấng làm mưa xuống cho những người công chính và những người tội lỗi" (Mt 5,45).

Thiên Chúa là "Đấng nhân hậu với cả những người vô ân và độc ác" (Lc 6,35).

Thiên Chúa là Đấng còn đi xa hơn lòng nhân hậu, khi dạy chúng ta rằng: "Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác. Nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa" (Mt 5,39).

Thiên Chúa Cha đã sai Con mình xuống thế làm Đấng cứu thế. Chúa Cứu thế đã hạ mình xuống đến bậc thấp nhất, chia sẻ thân phận khổ đau của con người, đã dâng mình chịu chết trên thánh giá, để đền tội cứu chuộc nhân loại.

Thiên Chúa là Đấng đã hứa: "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho" (Mt 7,7).

Chúa Cứu thế là Đấng thực hiện lời ngôn sứ Isaia đã nói xưa: "Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha. Cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức" (Lc 4,18-19).

Trên đây, chỉ là vài nét về Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót rút ra từ Phúc Âm. Còn những chứng từ xưa rày về lòng thương xót Chúa thì vô kể. Những thánh ca ngợi khen Thiên Chúa tình yêu càng ngày càng phong phú.

Giới thiệu Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót chỉ là bước đầu của truyền giáo. Bước tiếp theo, là giúp người ta đến với Chúa tình yêu. Đến để cùng Chúa mà thương yêu mọi người.

Ngoài việc giới thiệu Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót, người truyền giáo còn giới thiệu người tin theo Chúa hôm nay.

2/ Hình ảnh về người tin theo Chúa giàu lòng thương xót

Họ là người sống điều răn mới của Chúa Giêsu: "Thầy ban cho các con một điều răn mới, là chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15,12).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong thông điệp "Thiên Chúa là bác ái" công bố ngày 25/12/2005, đã mô tả người môn đệ Chúa sống bác ái sẽ phải thế này:

Họ là những người đã được Chúa Kitô chinh phục bằng tình yêu, đã được Chúa Kitô đánh thức trong lòng họ tình yêu đối với tha nhân.

Họ là những người có thể nói như thánh Phaolô: "Tình yêu Đức Kitô thúc giục tôi" (2 Cr 5,14).

Họ là những người ý thức sâu xa rằng: Thiên Chúa đã ban tặng mình cho họ, đến chết vì họ. Ý thức đó đưa họ đến việc không còn sống cho mình, mà chỉ sống cho Chúa và với Chúa vì những kẻ khác.

Như thế, người tin theo Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn tìm nguồn bác ái nơi Thiên Chúa, để rồi họ yêu thương nhau trong nội bộ, và phục vụ mọi người với chính sự sống bác ái của Chúa, mà Chúa chia sẻ cho họ.

Sự sống bác ái đó không đồng nghĩa với việc làm việc từ thiện. Thánh Phaolô viết: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có bác ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1 Cr 13,3).

Sự sống bác ái không dừng lại ở những việc từ thiện, mà còn đi xa vào những lãnh vực sâu của con người và xã hội.

Sự sống bác ái của Chúa trong họ chính là hồn và là động lực của mọi lời nói, việc làm, thái độ và mọi chọn lựa trong mọi tương quan. Đến nỗi có thể nói: Khi họ yêu thương bác ái đối với người khác, thì họ không những yêu thương bác ái đối với người ấy, mà họ còn đã yêu thương bác ái đối với chính Chúa Giêsu (x. Mt 25,34).

3/ Truyền giáo bằng bác ái là một thách đố

Một thoáng nhìn trên đây về truyền giáo bằng bác ái cho phép chúng ta nhận định thế này: Truyền giáo bằng con đường bác ái là một chọn lựa hay và đúng, nhưng mà khó. Khó nhất là vì chính người truyền giáo nhiều khi không có đủ sự sống bác ái trong bản thân mình.

Chúng ta chưa sống thực sự mật thiết với Chúa Giêsu. Chúng ta chưa cảm nghiệm được tâm tình yêu thương của Chúa. Chúng ta chưa chia sẻ được thực sự mầu nhiệm thánh giá trong tình yêu cứu độ của Chúa. Chúng ta chưa thực sự yêu thương người khác, như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Người truyền giáo đáng lẽ phải thường xuyên đào tạo chính mình để nên giống Chúa Kitô là tình yêu cứu độ, thì rất nhiều khi, chúng ta lại quá lo những việc bề ngoài, mà lơ là việc chăm lo đời sống nội tâm.

Một vị giáo sĩ chuyên về linh đạo mới nói với tôi: Ngài đi rất nhiều nơi trong một miền rộng lớn của Hội Thánh Việt Nam. Ngài tiếp xúc với rất nhiều người. Ngài thấy nhà thờ nhiều, cơ sở tu cũng nhiều. Nhưng mà hầu như không gặp được chân dung sống động của Chúa Kitô.

Nghe tâm sự đó, tôi rất buồn. Nhất là đúng lúc tôi đang lo và buồn, vì hiện tượng phân hoá và tục hoá tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam. Nhưng, biết buồn biết lo cũng là một khởi đầu cho niềm hy vọng. Chứ tự đắc và vô cảm thì coi như không còn hy vọng. Hy vọng chính đáng nhất của người truyền giáo là: "Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời". Những nơi như thế vẫn là những niềm hy vọng của Tin Mừng.
 
Thiên Chúa ban sự cứu rỗi cho tất cả
Jos. Tú Nạc, NMS
05:07 28/10/2010
Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm C (Wisdom 11: 22-12:0 2; Thessalonians 1: 11- 02; Luke 19: 1-10)

Nhiều người đã nhìn lên những vì sao và đã đánh mất đức tin của họ - trong bối cảnh bao la vô tận mà chúng ta đang tồn tại là gì? Tuy nhiên, những người khác cùng chiêm ngưỡng những vì tinh tú đó và trải nghiệm những gì mà chỉ có thể được gọi là sự chiếu sáng huyền bí.

Tác giả của sách Khôn Ngoan có thể được gộp vào những nhóm sau đó. Sự nhận thức trong trạng thái ngất ngây của ông mặc dù đó là sự hạn hữu hiển nhiên và vô nghĩa của chúng ta được đánh giá cao và được yêu thương. Thế giới này phải được tính đến sự kỳ vĩ của Thiên Chúa – ăn cắp câu của Gerard Manley Hopkins. Nó cũng được tính đến một số khả năng nhận thức tiềm ẩn uyên thâm và sự sáng tạo của Thiên chúa. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi điều đang tồn tại, không ghét bỏ bất cứ điều gì mà Người đã tạo ra. Tinh thần bất diệt của Thiên Chúa sống trong tất cả mọi thứ, Thiên Chúa thể hiện lòng từ bi và nhân hậu cho tất cả mọi sự sáng tạo mà không có sự phân biệt.

Tất cả những điều này có thể được xem như duy nhất một số bài thơ trác tuyệt về Thiên Chúa, nhưng cũng có một số hậu quả sâu sắc mà suy ra từ thần học. Chúng ta chê bai một cách thích đáng những thuyết thần học và hệ thống tư duy mà coi thường chất liệu sáng tạo. Vả lại nữa, chúng ta đối xử với trật tự sáng tạo với một phong cách chai lì và ngạo mạn như thể nó là điều gì đó để khai thác và xử lý theo ý muốn.

Nếu chúng ta tiếp nhận sách Khôn Ngoan một cách đúng đắn rồi từ phương thức ấy để chúng ta hành xử hướng về sự sáng tạo không thể bị chia cắt đường lối để chúng ta quan hệ với Thiên Chúa mà tâm hồn của chúng ta tồn tại trong tất cả mọi điều. Và vì Thiên Chúa từ bi, đầy nhận hậu và nhẫn nại đối với tất cả mọi người – và Thánh Linh của Người ngự trị trong tất cả mọi người – để rồi bằng cách nào chúng ta ứng xử với tha nhân mà không bị tách biệt với phong cách mà chúng ta đối xử với Thiên Chúa. Chúng ta tất cả đều thuộc mối quan hệ tương tác – con người, sự sáng tạo và Thiên Chúa – và cả ba đều phải được tôn trọng, vinh danh và yêu mến. Sự thù ghét người khác, ý tưởng bệnh hoạn lo sợ trừng phạt, sợ hãi Thiên Chúa và cùng với thái độ ích kỷ, độc quyền không bắt nguồn từ Thiên Chúa và cũng không dẫn đến Người.

Môn đệ của Thánh Phao-lô người mà đã viết 2 Thessalonians đã có những tư tưởng tương tự trong tiềm thức khi ông khuyên những độc giả của mình đừng bị lung lạc bởi sợ hãi và lo âu. Nhiều người đã dùng ngôn ngữ tôn giáo để quấy nhiễu và gây hoảng sợ, thường với một mong muốn thống trị và kiểm soát. Khi hành động và tư tưởng của chúng ta ăn sâu vào trong tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân thì hoàn toàn không còn phải sợ hãi. Sau cùng, Chúa Giê-su được vinh hiển trong chúng ta và chúng ta ở trong người.

Không nơi nào mà sự liên kết của mọi sự sáng tạo và sự tất cả sự sống loài người mà lại hiển nhiên hơn so với thái độ của Chúa Giê-su. Xu hướng nhân loại là phải phân chia con người thành từng loại: thiện và ác (phàm những ai chúng ta không thích hoặc những ai khác biệt), được cứu rỗi và không được cứu rỗi, được chấp nhân và không được chấp nhận, vân vân và vân vân. “Những thảo luận” trong phương tiện truyền thông, chính trị hoặc trong giới tôn giáo tất cả đều mang một nhân chứng nghiệt ngã đối với cách nghĩ phán xét này. Ai là những loại người mà xúc phạm đến sự nhạy cảm của chúng ta, sự chính thống, lòng ái quốc hoặc thái độ đúng đắn của ai mà chúng ta có thể làm mất uy tín và khước từ?

Vào thế kỷ thứ nhất, xứ Judea không ai bị khinh miệt và ghét bỏ hơn người thu thuế. Những danh hiệu tự nó trói buộc một cách dễ dàng đối với những cá nhân này: kẻ tống tiền hut máu, tên phản bội và người cộng tác vô danh tiểu tốt.

Và khi ấy tất cả những người “thiện hảo” và “khả kính” trong thị trấn, Chúa Giê-su chọn viếng thăm nhà của Zacchaeus, người thu thuế và dùng cơm với ông ta. Những điều như vậy đơn giản đã không được thực hiện. Hầu như người ta có thể nghe những tiếng thở hổn hển của tập thể và những tiếng thì thầm cáu giận khi Chúa Giê-su thông báo ý định của Người. Nhưng một điều gì đó kỳ diệu đã xảy ra với Zacchaeus. Đã được sự chấp nhận và yêu thương vô điều kiện và giờ đây ông đã có một ý nghĩ mới đối với chính mình. Được khuyến khích bằng nhận thức mới của mình, ông đề nghị chia một nửa số tài sản của ông cho người nghèo và thực hiện bồi thường gấp bốn lần cho bất cứ ai mà ông đã gian lận. Chúa Giê-su nhận ra rằng ơn cứu độ đã đến với Zacchaeus bởi ông ta cũng là con cái Abraham.

Nói một cách khác, thậm chí những ai mà cuộc sống của họ trong cảnh hỗn mang thì địa vị và thân thế cũng không mất vì là những thành viên thuộc gia đình Thiên Chúa và Thiên Chúa không lãnh đạm, thờ ơ đối với họ.

Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng Người là sứ vụ giải cứu – ném dây an toàn cho những ai đang trong cơn chết đuối, không đứng trên bờ biển mà lý luận đạo đức và lên án, và đó là điểm nổi bật của ba bài đọc: Thiên Chúa không bao giờ chia cắt hoặc tách biết bất cứ thành phần nào thuộc sự sáng tạo của Người và Thiên Chúa cũng không quay lưng đối với bất kỳ ai mà người làm việc không ngừng cho sự cứu rỗi và hàn gắn cho tất cả mọi người.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Sống Và Chia Sẻ Lời Chúa - Tôi Đã Gặp Đức Kitô
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
05:33 28/10/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA-CN31TN/C

Cần cho Cá nhân-Gia đình-Nhóm-Hội đoàn-Phong trào

BẠN ĐƯỢC TÁI SINH TRONG ĐỨC KITÔ -

“TÔI ĐÃ GẶP ĐƯỢC CHÚA GIÊSU”

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ theo sự dẫn dắt của Thánh Linh:

Bài đọc 2: Sách Khôn ngoan 11:22-26;12:2= Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài… (câu 2)

Con chỉ là hạt cát trong vũ trụ, nhưng Chúa lại thương yêu con và tất cả mọi người,. Nhiều lúc Chúa nhắm mắt làm ngơ; như không nhìn thấy tội của tôi, để chờ tôi ăn năn sám hối. Chúa sửa dạy tôi từ từ, Ngài cảnh cáo tôi bằng những biến cố lớn nhỏ xảy ra trong đời sống, để tôi bỏ tội mà trở về với Chúa.

1/ Tôi nhận thấy mình là gì trước mặt Chúa, để trở về với Ngài?

2/ Những dấu chỉ nào đã xảy ra để bạn sám hối trở về cùng Chúa?

Bài đọc 2: 2 Thê-xa-lô-ni-ca 1:11-12; 2:1-2= Xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi. (Câu 11)

* Ơn gọi mà tôi đang có là làm người Tín hữu trưởng thành, với ba chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Thánh Thần ban cho từ ngày tôi chịu phép Rửa tôi. Chúa cũng muốn tôi thực hiện ba ơn này bằng việc làm cụ thể, để làm chứng cho Chúa trong đời sống.

* Giáo huấn số 48 nói: Đào tạo người Kitô hũu trưởng thành là một việc hết sức quan trọng, vì nếu chưa có những người Kitô hữu sống đạo trưởng thành là làm chứng bằng lời nói, việc làm về Chúa Kitô ở giữa trần thế, thì Tin Mừng không thể bén rễ sâu trong đời sống sinh hoạt của mọi người trong xã hội mình sống được.

* Thật vậy, họ phải biểu lộ con người mới, đã được dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống trong công chính và thánh thiện. (x. Êp 4: 24). Nhưng họ phải diễn tả nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hóa của quê hương theo truyền thống của dân tộc mình và làm cho hoàn hảo trong Đức Kitô, để niềm tin ấy không còn xa lạ nhưng được thấm nhập và cải hoá với xã hội mà họ đang sống.

(Trích sắc lệnh về truyền giáo theo CĐ Vatican II ngày 7-12-65)

1/ Đời sống của tôi làm chứng cho Chúa hàng ngày bằng những gì?

2/Bạn đả thực hiện ba chức vụ Chúa ban qua những việc làm nào?

Tin Mừng: Luca 19:1-10= Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì người sắp đi qua đó. (câu 4)

Hành động quyết tâm của ông Giakêu là tìm gặp cho được Đức Giêsu là bằng cách chạy tới, leo lên, để xem Đức Giêsu, (câu 4) - Chúa liền nhìn lên và nói với ông: …Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông ! (câu 5) Như vậy ông đã gặp được Đức Giêsu rồi, ông đã được tái sinh bằng lời nói và việc làm cụ thể như sau: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo, và nếu tôi có chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”(câu 7)

1- Chia sẻ phương tiện tôi tìm gặp gỡ, tâm sự với Chúa hàng ngày?

2/Những quyết tâm thay đổi của bạn, khi bạn đã được gặp gỡ Chúa?

3/ Tôi đã đền tài sản tinh thần như nói xấu, hà hiếp vu oan những ai?

B- Câu Kinh thúc đẩy bạn và tôi chọn làm Châm ngôn Sống:

NẾU TÔI CHIẾM ĐOẠT CỦA AI CÁI GÌ, TÔI XIN ĐỀN GẤP BỐN. / If I have extorted anything from anyone I shall repay it four times over. (Lc 19, 8)

1/ Tôi trả nợ ngay về vật chất những người tôi đã bóc lột, tham lam.

2/ Bạn trả nợ về tinh thần người bạn đã làm họ buồn lòng, đau khổ.

C- Bạn và tôi cùng cầu nguyện với Lời Chúa:

Lạy Cha, Đức Giêsu đã nói: Này ông Giakêu, hãy xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà của ông ! Xin giúp con quyết tâm trở lại với Chúa bằng hành động tích cực, với một tâm hồn thật sự sám hối, để Chúa mở rộng lòng thương xót vỗ về, cho đầy ân sủng để con được tái sinh ngay tức khắc trong tình yêu của Ngài. Con noi gương Đức Maria ca tụng Chúa, vì từ đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Amen…

Lời hay ý đẹp: AI TRÔNG ĐỢI CHÚA SẼ ĐƯỢC SỨC ĐỔI MỚI

“Those who wait upon the Lord shall renew their strength”

BẠN VÀ TÔI CÙNG HÁT: * Gặp gỡ Đức Kito, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh.

* Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh. (2 lần)

CHÚA PHẢI ĐƯỢC LỚN LÊN, CÒN TÔI NHỎ ĐI. (Ga 3, 30)

Phó tế: GB. Maria Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Suy tư tháng Mười Một
Trầm Thiên Thu
07:59 28/10/2010
Tháng Mân Côi sắp qua, Tháng Cầu Hồn đang đến. Tháng Cầu Hồn dành riêng cầu cho các linh hồn, nhưng không chỉ cầu nguyện cho những người đã vào cõi vĩnh hằng mà còn là lời nhắc nhở chính mình “là bụi tro và chắc chắn sẽ trở về bụi tro” – dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù quyền thế hay cô thân, dù tài hoa hay bình thường, dù xinh đẹp hay xấu xí, dù bề trên hay bề dưới… Đó là định-luật-muôn-thuở!

Vẫn biết “sinh ký, tử qui” (sống là GỬI, chết là VỀ). Có ai lại không muốn “về” sau những ngày “lưu vong”? Nhưng có lẽ nhiều người vẫn ngần ngại khi đến lúc “lên đường về quê”. Đó là lẽ thường tình của nhân sinh.

Cố Ns Trịnh Công Sơn đã trăn trở: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi?” Và hạt đó cũng có luc thấy “mệt nhoài”, khó hiểu, vì không biết “tiếng động nào gõ nhịp trong tôi”.

Bất kỳ ai cũng một lần đối diện Tử thần, dù đang ở độ tuổi nào, có sinh ắt có tử, có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Tháng Mười Một không chỉ cầu cho các linh hồn mà còn mời gọi chúng ta suy tư về sự chết, nhìn lại thân phận bất túc, nhỏ bé, yếu đuối và mỏng dòn của mình để nỗ lực “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”, không được quên “mình là cát bụi và sẽ trở về cát bụi”.

Cuộc sống không nên tính bằng chiều dài mà bằng chiều sâu và chiều rộng. Có cái chết vô ích và có cái chết ý nghĩa. Có người chết trẻ mà được khâm phục và nhớ mãi, nhưng có người chết già mà không được ai quan tâm hoặc nhắc đến. Têrêsa Hài đồng Giêsu chỉ sống 24 tuổi. Lm M. Kolbe đã sẵn sàng chết thay một bạn tù ở Đức, vì ngài thương anh ta còn vợ con. Chính cựu tù nhân đó đã đến dự lễ phong thánh cho ngài do cố GH Gioan-Phaolô II cử hành. Chiara Luce Badona chỉ sống 19 năm (1971-1990) nhưng đã sống trọn Ý Chúa, ĐGH Benedict XVI đã tôn phong chân phước cho Chiara ngày 25/9/2010. Đức Kitô đã xác định: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).

Trần gian cho đó là ngu dại, là điên khùng, là thua thiệt. Nhưng chính Đức Giêsu đã tiên phong nêu gương khi thực hiện như vậy. Với con người là ngu xuẩn thì với Thiên Chúa lại là khôn ngoan.

Thánh Phaolô nói: “Chết là giải thoát, là một mối lợi”. Có sống tốt thì cái chết mới thực sự lợi ích. Nói dễ, làm khó. Sống tốt không chỉ là tránh điều ác mà còn phải tích cực làm điều thiện. Thật không hề đơn giản! Trong thư gởi cho cha, thiên tài âm nhạc Mozart đã viết: “Con không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ rằng có thể con không còn thấy ngày mai nữa. Sự chết là mục đích thực sự của đời sống. Từ vài năm qua, con đã quen với người bạn tuyệt vời đó. Hình ảnh người bạn đó không làm con sợ mà còn cảm thấy người bạn đó hiền lành và cởi mở”.

Là con người, có lẽ ai cũng từng hơn một lần khắc khoải về thân phận mình. Thánh Augustinô có kinh nghiệm: “Hồn con luôn bồi hồi xao xuyến cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”. Thánh Catharine so sánh: “Đời sống là cây cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó”. Cuộc đời là tạm bợ, Nước Trời mới là Quê Thật của những ai theo Chúa, thuộc về Chúa và hành động đúng Ý Chúa. Quả thật: Bỏ Ngài thì con biết theo ai? Vì không có Ngài thì con không làm được gì!

Cụ thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đó cũng là trăn trở về thân phận con người, người Công giáo chân nhận đó là Thánh Ý Chúa. Khó là chúng ta có can đảm vui nhận hay không.

Trong Kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô Assisi nhận định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chết không là thua thiệt, chết không là hết, mà chết chỉ là chấm dứt cuộc đời dương thế để chuyển bước vào cuộc sống vĩnh hằng, tận hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, chiêm ngưỡng Tôn Nhan Thiên Chúa và thuộc về Ngài vĩnh viễn.

Lạy Thiên Chúa Phục sinh, xin xót thương cho các linh hồn về hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời, xin cho chúng con thêm vững mạnh ba đức đối thần (Tin, Cậy, Mến) và phát triển các đức đối nhân (yêu thương, nhịn nhục, chịu lụy, đại lượng, nhân hậu, cảm thông, tha thứ, chia sẻ,…) để sống trọn Thiên Ý theo lệnh Ngài truyền dạy: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Amen.
 
Tháng các linh hồn: Hẻm xéo
Chiều Triên
08:03 28/10/2010
Từ Hẻm Xéo Bình Hưng Hòa

Tháng mười một, tháng các linh hồn. Trong nghĩa trang, người ta kéo đến viếng mộ những người quá cố đông hơn ngày thường. Những ngôi mộ được quét dọn sạch sẽ, bông cỏ được trồng lại xanh tốt. Nghi ngút khói nhang nơi phần mộ người thân cùng lời nguyện cầu cho những linh hồn người đi trước mau hưởng vinh phúc thiên đàng. Viếng mộ và cầu nguyện cho người thân qua đời là việc tôi vẫn thường làm, nhưng lo hậu sự cho những người chưa từng quen biết, nhất là những người ngoại đạo thì đây là việc đầu tiên trong đời tôi. Có những việc lướt qua cuộc đời tôi và ngay tức khắc tôi nhận ra rằng sự việc đó ý nghĩa và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời tôi như thế nào nếu tôi có tấm lòng nhạy cảm biết xót thương, dù tôi không biết những sự việc và những con người này từ đâu đến.

Cơn mưa dầm đêm nay làm tôi không sao ngủ được, người mệt nhoài. Nghĩ lại quãng thời gian “tiếp sức mùa thi”, mệt nhưng vui vì được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, nhiều con người khác nhau, với bao thăng trầm của những mảnh đời đã để lại cho tôi rất nhiều bài học về cuộc sống. Mỉm cười, tôi thầm lên một kế hoạch đi nghỉ ngơi đâu đó vài ngày để lấy sức tiếp tục dong duổi trong những chuyến công tác bác ái loan truyền Lòng Thương Xót của Chúa đến những vùng sâu vùng xa, nơi đèo heo hút gió với người linh mục lãng tử và các bạn trong Đội Quân Áo Xanh.

… Kém 7 phút 12 giờ khuya. Tiếng nhạc chuông điện thoại reo lên quá quen thuộc vào bất cứ giờ nào. Bên kia đầu giây, tiếng người đàn ông giọng gấp gáp: “Anh Chiêu đó phải không?” Tôi ừ khô khốc (vì mệt thôi), “Anh có thể nói với cha Long giúp chúng tôi một việc…?”

Trời mờ sáng, tôi lật đật chạy ngay đến địa chỉ đã hẹn trước đêm qua. Vòng vèo vài con hẻm, tôi dừng lại trước căn nhà ọp ẹp bên bô rác của lò thiêu nổi tiếng “Bình Hưng Hòa”. Tiếng khóc trẻ thơ xen lẫn tiếng người lớn bàn tán phát ra từ trong căn nhà lụp xụp ở hẻm xéo, làm tôi quên luôn ly café sáng nay. Khom mình bước vào trong căn nhà tồi tàn của người quá cố nằm khuất sau nghĩa trang, thấy thật cám cảnh. Trong túp lều tranh ấy chẳng có gì đáng giá. Tôi xuống bếp thấy mấy cái nồi móp méo chơ vơ bên hũ gạo đã cạn. Những cơn gió lùa qua khe hở của vách nhà thổi vào một xác thân phủ khăn trắng nằm giữa nhà càng làm khung cảnh thêm hoang lạnh. Tôi bất giác rùng mình!

Gia đình chị C về đây cũng đã lâu, sống nhờ vào cái bô rác bên cạnh nhà. Bốn mẹ con quây quần chui ra chui vào trong túp lều nơi hẻm xéo này. Người cha trong gia đình phải đi làm xa lâu lâu mới về. Chị mang trong mình một căn bệnh quái ác. Bệnh ung thư. Căn bệnh mà với người giàu cũng chỉ kéo dài sự sống được vài tháng. Huống chi là chị, một thân nuôi con ăn học cho biết chữ không thôi cũng đã đủ mệt, lấy tiền đâu mà hoá trị hay xạ trị. Mấy hôm trước, chị than mệt nên nhờ người hàng xóm đưa đi bệnh viện. Căn bệnh nan y đã không tha chị, đã cướp đi người mẹ của 3 đứa con. Một người trong Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Bình Thuận hay tin điện thoại cho tôi nhờ cộng đoàn Lòng Thương Xót Chí Hoà hỗ trợ ma chay, vì chị cũng là một thành viên của cộng đoàn và hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn ngặt nghèo.

Nghe qua câu chuyện, tôi xót xa không cầm được nước mắt, vội báo cho cha linh hướng để chia sẻ nỗi khó khăn với gia đình chị. Cộng Đoàn Lòng Thương Xót Chí Hòa đã đến nơi chia buồn và đứng ra lo toàn bộ chi phí ma chay cho chị, từ cỗ quan tài đến xe đưa ra tận nghĩa trang. Trong thánh lễ an táng chị, người thân xúc động nghẹn ngào không ngờ được Chúa xót thương như thế qua sự chăm sóc ân cần của cộng đoàn Lòng Xót Thương.

Nhìn đàn con nheo nhóc của chị khi cùng vài người thân và Nhóm Áo Xanh của Cộng Đoàn Lòng Thương Xót Chí Hòa dâng lời cầu nguyện trước lúc tiễn biệt chị, tim tôi thắt lại, đồng cảm của cảnh mất mẹ của ba đứa con thơ ngơ ngác chít lên đầu vành khăn trắng:

Từ nay con hết thấy
Trên trán mẹ hôn con
Những khi con phải đòn
Đau lòng mẹ la mắng
Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm mẹ con không thấy
Khi buồn biết trốn đâu…


Đến Hẻm Xéo Bến Lức Long An

Vừa lo ma chay êm đẹp cho người chị em ở hẻm xéo Bình Hưng Hoà, chưa kịp đi nghỉ như dự định thì một cuộc gọi nửa đêm đánh thức tôi dậy đến môt hẻm xéo khác.

Trên chiếc xe cà tàng, tôi và một em trong Nhóm Áo Xanh hỏi thăm đi vòng vèo mất hơn một tiếng đồng hồ mới tìm được đến nơi. Hẻm xéo này ở Bến Lức Long An, nơi vùng đất phù sa của miền Tây Nam Bộ. Khi anh em chúng tôi bước vào mái nhà lụp xụp xiêu vẹo chơ vơ giữa đồng không mông quạnh, phản ứng tự nhiên là đưa tay che mũi vì mùi hôi tanh nồng nặc xông lên. Trong chiếc mùng cũ kỹ, hoen mốc được giăng giữa nhà, anh H nằm đó thoi thóp với “căn bệnh thế kỷ”. Anh thều thào: “Tôi biết sức lực của tôi đã tàn rồi, không còn sống bao lâu nữa. Tôi cảm thấy mình như người… sắp sửa đi xa. Tội nghiệp vợ con tôi ở lại không biết nương tựa vào ai. Tôi không có đạo, nhưng nghe nói trên Sài gòn có ông cha và cộng đoàn mấy người có đạo gì đó hay làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo, tôi nhờ người điện thoại hỏi liều… Ai dè, mấy anh xuống liền. Tui mừng quá, giờ có nhắm mắt ra đi cũng an lòng!”

Tôi nhìn quanh căn nhà trống trơn toang hoác, bếp núc lạnh tanh. Lòng quặn thắt lại. Không biết những ngày qua họ sống thế nào? Chúa giầu lòng thương xót đã đưa chúng tôi đến hẻm xéo này để tỏ lòng xót thương của Ngài trên những người con chưa nhận biết Chúa. Chúng tôi phải bắt tay vào việc thôi.

Anh em chúng tôi lặn lội qua sông đến chợ mua cho họ gạo, mì, mắm muối, và những nhu yếu phẩm cần thiết để gia đình sống tạm trong một thời gian. Cả gia đình và bà con lối xóm ngỡ ngàng khi thấy lương thực chở về nhà. Chúng tôi lặng lẽ ra về để lòng thương xót Chúa ở lại ấp ủ gia đình khốn khó này.

Rồi một ngày mưa dầm, căn bệnh thế kỷ đã lấy đi cuộc đời anh. Trong căn nhà dột nát không để được chiếc quan tài, phải để nhờ nhà của một người hàng xóm. Đơn côi, lạnh lẽo, không một vòng hoa phúng điếu nào khác ngoài vòng hoa của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa. Đám tang anh H cũng được cộng đoàn giúp đỡ mọi chi phí, lo cho mồ yên mả đẹp. Ngày anh vĩnh biệt vợ con đi xa, cơn mưa chiều đổ xuống.

Đám tang ai giữa mưa dầm gió lạnh
Bốn người khiêng lắt lẻo chiếc quan tài
Người vợ kêu trời khan cả giọng
Ẵm con thơ lần bước dưới mưa rơi.


Tôi nhớ từng khoảnh khắc hai sự việc nơi hẻm xéo mà sau này có thể tôi không còn có cơ hội để trải qua nữa. Từ ngày tham gia vào Đội Quân Áo Xanh của cộng đoàn Lòng Thương Xót xứ Chí Hoà, trong những chuyến công tác bác ái, có dịp tiếp xúc với những con người bệnh tật đau khổ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, chứng kiến những hoàn cảnh bi ai, tôi được biến đổi nhiều. Tôi đã biết mở lòng ra với tha nhân, không còn sống ích kỷ, khép kín nữa. Trái tim tôi đã biết yêu thương và tín thác tất cả vào lòng thương xót của Chúa.

Tôi tin rằng dù cuộc đời còn đầy những lối mòn lầy lội, những con hẻm heo hút, những căn bệnh hiểm nghèo, những cơ cực đeo bám... nhưng chính những hẻm xéo cuộc đời lại đậm đặc ý nghĩa vì qua đó Lòng Thương Xót của Chúa được tỏ hiện qua tình người trao nhau. Nếu không có những hẻm xéo đó, cuộc đời này chỉ là một lối đi thẳng tắp, là một con đường êm đềm, an toàn và dễ chịu, nhưng như vậy sẽ rất nhàm chán và vô nghĩa.
 
Đứ Giêsu là nguồn ơn cứu độ
Phanxicô Xaviê
09:36 28/10/2010
Bị bao quanh bởi chủ nghĩa vật chất, con người dễ đánh mất lòng tin vào tình yêu Thiên Chúa, dễ ngộ nhận Thiên Chúa đã thất bại trong chương trình của Ngài và không thể nào có ơn tha thứ cũng như không thể cứu chữa những gì đã hư mất. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương. Tình yêu của Ngài sẽ chiến thắng tất cả.

Những ngày cuối của năm Phụng vụ, Giáo hội thường hướng suy nghĩ của chúng ta về ngày thế mạt. Thế mạt theo Kitô giáo không phải là làm cho thế giới này tan biến đi và đến chỗ mạt vận, nhưng là thế giới này sẽ chuyển biến và thay đổi hoàn toàn để giũ bỏ hết mọi hư ảo và mặc lấy các đặc tính trường sinh. Thế mạt theo Kitô giáo có thể giúp chúng ta sống có ý thức hơn và còn đổi mới được những sinh hoạt hiện tại, làm cho đời sống thêm vui tươi hạnh phúc. Như vậy, thế mạt cũng có nghĩa là đổi đời. Và quan niệm này luôn là một cám dỗ. Con người không bằng lòng với hiện tại và muốn đổi khác. Điều quan trọng nhất, chẳng phải là chúng ta muốn thấy sự dữ và kẻ dữ ra đi sao? Nhưng làm thế nào? Chúng ta hãy nghe câu trả lời của các bài đọc Kinh Thánh trong Chúa nhật XXXI thường niên.

Tác giả sách Khôn ngoan đọc thấy cái tâm lý tự nhiên này trong suy nghĩ của con cái Israel ở bên Ai cập. Họ ghét cay ghét đắng những người cai thầu và đốc công, tay sai của Pharaon. Họ sung sướng khi thấy một chàng thanh niên có tên là Môsê thẳng tay hạ sát một tên Ai cập để bênh vực một người Do thái. Môsê xuất hiện và ông đã nói với con cái Israel hãy chuẩn bị ra khỏi xứ nô lệ này. Ông đi lại nhiều lần để gặp gỡ, thương lượng với vua Pharaon việc giải thoát dân Israel. Ông vừa mừng vì những kết quả bước đầu đã đạt được, nhưng cũng vừa ấm ức vì tại sao Chúa chậm chạp, không dùng ngay các biện pháp mạnh và quyết liệt hơn. Con cái Israel nóng ruột, như chúng ta thường cũng nóng ruột chỉ muốn đổi đời ngay tức khắc. Nhưng bài sách Khôn ngoan hôm nay mạc khải cho chúng ta thấy tâm tư của Chúa thì khác. Người dựng nên mọi sự vì yêu mến. Chính tình yêu của Chúa ban cho mà mọi loài được hiện hữu và bảo tồn mọi loài trong sự hiện hữu ấy. Không gì xuất hiện và tồn tại được nếu Người không muốn. Thế nên kẻ dữ còn đó là vì tình thương của Thiên Chúa. Người không ghét bỏ những gì đã tạo ra. Thái độ của Thiên Chúa có vẻ thong thả là để kéo dài việc sửa dạy những kẻ sa ngã, giúp chúng trở lại mà được sự sống đời đời.

Tác giả sách Khôn ngoan không những đã lý luận như thế, ông còn cầu nguyện để hiểu ý Chúa, và ông cũng muốn chúng ta, thay vì nhìn vào kẻ dữ như những cái gai trước mắt và như nguyên nhân cản trở hạnh phúc của chúng ta, hãy nhìn vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ hiểu người hơn để cùng chia sẻ tâm tư với Chúa giống như ông. Vì ông hiểu Thiên Chúa là ĐấngToànNăng, toàn thể vũ trụ trước mặt Người như hạt sương rơi trên mặt đất, Người thương xót họ, nên làm ngơ, không coi thái độ của kẻ dữ là quan trọng mà kiên nhẫn chờ đợi họ trở lại.

Câu chuyện ông Giakêu trong bài Tin mừng Lc 19, 1-10 sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thế Chúa cứu độ nhân loại, để từ đó sửa sai chính những thái độ sống hiện nay của mình. Ông Giakêu làm Trưởng ty thuế vụ thành Giêrikhô, giàu có và hẳn cũng gây nhiều nợ mồ hôi nước mắt với người dân trong vùng. Tuy nhiên con người có chiều cao khiêm tốn này lại trở thành một gương sáng cho ta. Vì ông không an vui hay thỏa mãn trong sự giàu sang. Ông chú ý lắng nghe dư luận về Đức Kitô. Để rồi đem lòng ngưỡng mộ, muốn được diện kiến với Chúa – Chuyện ông trèo lên cây để nhìn Đức Kitô cho rõ là một cố gắng đáng khâm phục.

Hôm ấy khi nghe tin Đức Giêsu đi ngang qua Giêrikhô. Tò mò muốn thấy Chúa, nhưng ông lại nhỏ con nên không sao nhìn được vì thiên hạ bu đầy xung quanh Người, ông liền trèo lên một thân cây gần đó. Và ngay lúc ấy Chúa đã lên tiếng gọi ông:”Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Thiên hạ kinh ngạc vì Chúa mà lại vào nhà một người tội lỗi sao? Còn Giakêu thì vui mừng. Ông nhận ra tình thương của Chúa, ông được cảm hóa nên đã sám hối và muốn đền bù tất cả những gì nếu ông có gây hại cho người khác. Để diễn tả lòng cảm mến đối với Chúa, ông không ngần ngại nói thật lòng mình:”Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đó là phản ứng của một con người quyết tâm đổi đời. Trước đây vơ vét nhiều của cải, bây giờ ông bỏ ra và cho đi. Trước đây ông có gian lận, thì bây giờ ông xin đền bù quá mức luật pháp đòi hỏi. Quả thật ông xứng đáng nhận được ơn cứu độ. Ngay sau lời Chúa phán:”Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham.”, ông không còn là tội nhân, nhưng đã trở thành con cái của Abraham, con cái của những người đồng thừa tự một Lời Hứa về Nước trời. Sở dĩ như vậy vì “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Đức Giêsu đến để tìm và cứu kẻ có tội. Người chính là ơn cứu độ Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại. Chúa đến để thực hiện những điều mà sách Khôn ngoan đã viết: bằng tấm lòng nhân ái, Người sẽ làm cho tội nhân trở lại. Hôm nay Chúa đã làm cho Giakêu trở lại khi đang trên đường lên Giêrusalem. Gặp được Chúa, Giakêu đã nhìn ra con người thật của mình, ông đã thay đổi cuộc sống, hướng về tha nhân bằng lòng quảng đại.

Chúng ta ngày nay đã có đức tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa cứu thế. Chúng ta phải làm gì để ơn cứu độ của Người cũng ảnh hưởng đổi đời một cách sâu rộng? Trong thư gừi giáo đoàn Thessalonica, thánh Phaolô đã khuyên bảo họ phải cầu nguyện luôn: xin Thiên Chúa làm cho chúng ta được sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu. Và hãy bày tỏ vinh quang của Đức Kitô nơi bản thân mỗi người. Mọi người cũng đừng vội giao động theo những lời tiên tri, những bức thư giả mạo nói về ngày Chúa quang lâm. Biết rằng chắc chắn sẽ có ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm, chúng ta phải biết chuẩn bị cho ngày ấy bằng đời sống đức tin ngay từ bây giờ. Có đức tin vững mạnh thì ngày ấy đến vào giờ nào, như thế nào sẽ không còn quan trọng. Bởi vì chúng ta đã có nguồn ơn cứu độ là chính Đức Giêsu Kitô.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:08 28/10/2010
SẤY KHÔ THẺ TRE

N2T


Trước khi giấy chưa được phát minh thì người ta viết chữ trên thẻ tre, bởi vì vỏ tre rất trơn nên khi viết sai thì có thể xóa đi viết lại, cho nên ngay từ đầu người ta viết nháp trên thẻ tre trước, đợi khi sửa chữa xong thì gọt đi vỏ xanh và viết bản chính thức trên màu trắng của thẻ tre, quá trình này gọi là “sấy khô thẻ tre”, cho nên, cái gọi là “sấy khô thẻ tre” chính là gọt đi màu xanh của vỏ cây tre vậy.

Ngoài ra, trong quá trình chế bến chè xanh, bước thứ nhất là hái những lá non bỏ vào trong nồi có nhiệt độ cao, hoặc bỏ trong thùng rồi sao nóng trộn đều để đề phòng trong lá chè có mốc, làm cho lá chè giữ được màu xanh ban đầu, và khiến cho hàm lượng nước chưng cất thay đổi nhẹ nên dễ mịn màng, cũng gọi là “sao chè”.

(Biệt lục)

Suy tư:

Phàm chế tạo cái gì cũng đếu có công đoạn của nó, không thể hái lá chè về là tự nhiên có gói trà thơm ngon đế uống; cũng không phải gặt lúa về nhà thì tự nhiên có chén cơm trắng thơm ngon ăn, nhưng tất cả đều phải qua quá trình chế biến rồi cuối cùng mới thành sản phẩm tiêu dùng để con người hưởng dùng.

Tiến trình nên thánh của người Ki-tô hữu cũng không ngoại lệ, phải qua nhiều quá trình tôi luyện trong đức tin đức cậy và đức mến.

Trước hết là tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là người thật, trên thực tế có nhiều người tin vào Ngài nhưng vẫn không nên thánh, bởi vì họ tin Ngài nhưng không thực hành lời Ngài dạy trong cuộc sống; họ tin Ngài nhưng không coi trọng và tin tưởng vào lời Ngài dạy...

Tiếp đến là trông cậy vào tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại, qua Đức Ki-tô, bởi vì một khi đã tin thì phải trông cậy và phó thác, nhưng có nhiều người Ki-tô hữu chỉ nói tin Chúa bằng miệng mà không phó thác cuộc sống của mình cho Ngài, họ phó thác cuộc đời mình trong tay thầy bói, họ phó thác mạng sống mình cho khoa học kỷ thuật; và cuối cùng quá trình nên thánh phải kinh qua đức mến.

Đối tượng của đức mến trước hết là Thiên Chúa và tiếp theo là con người, nhưng Chúa Giê-su Ki-tô đã đem “kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em đồng loại” thành một, cho nên trong quá trình nên thánh đây là “công đoạn” rất khó khăn của người Ki-tô hữu, bởi vì khi thực hành đức ái thì phải có đức tin và đức cậy, đức tin càng mạnh thì đức cậy càng lớn, và đức ái thì càng quảng đại hơn nữa.

Đó là quá trình nên thánh của người Ki-tô hữu vậy.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 28/10/2010
N2T


16. Trong gian khổ có thể im lặng không nói, nội tâm hướng thượng, không để ý lời người khác phê bình, đó chính là minh triết.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Xuân tâm hồn
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:17 28/10/2010
Chúa Nhật Thứ 31 Mùa Thường Niên, Năm C

Có hai thứ mùa xuân. Xuân đất trời và xuân tâm hồn. Xuân đất trời cho cây cối đâm chồi, nảy lộc, ra hoa kết trái. Xuân tâm hồn cho lòng người thanh thản, bình an, chan chứa niềm vui. Tâm hồn Gia-kêu.phơi phới mùa xuân về. Đón nhận Ơn Cứu Ðộ nhờ gặp gỡ Chúa Giê-su. Gia-kêu.được biến đổi từ một cuộc đời ích kỷ chỉ lo thu góp thành cuộc sống quảng đại, phục vụ nhờ tình thương của Chúa Giê-su.

1. Tình thương biến đổi.

Chúa Giê-su đi qua Giê-ri-khô, tiến về Giê-ru-sa-lem với đoàn người hành hương đông đảo, chuẩn bị bước vào khổ nạn. Chúa ngước mắt lên cây sung, ánh mắt Chúa và ánh mắt Gia-kêu.gặp nhau. Ánh mắt Gia-kêu.bộc bạch tất cả tấm lòng và cuộc đời của mình: một người thu thuế; một người bị vạ tuyệt thông cách ly; một tâm hồn khát khao muốn gặp Chúa; một con chiên lạc đang tìm lối về... Lòng Chúa xao xuyến, thương mến vô vàn, một tâm hồn mà Chúa đang muốn tìm về đây. Niềm vui của Ðấng Cứu Ðộ “đi tìm và cứu chữa những gì hư mất” đã bật thành lời; "Hỡi Gia-kêu.hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Gia-kêu.cười sung sướng, nhảy xuống đất, chạy mau về nhà, làm tiệc tiếp đãi khách quý.

Trước đây Da-kêu chỉ nghĩ đến tiền và sống ích kỷ cho riêng mình, không nghĩ đến người khác. Trước đây Gia-kêu.vốn tham lam, bất lương, lòng quảng đại bị chôn vùi qua bao năm tháng. Hôm nay, gặp được Chúa Giê-su, ông đã biết sống trao ban cho người khác, quan tâm đến người nghèo, sống công bằng với mọi người. Lòng quảng đại đó được bộc phát cách rõ ràng: "Tôi xin bố thí phần nữa của cải của tôi cho người nghèo, và nếu tôi có gian lận gì của ai, tôi xin đền lại gấp bốn". Quả là mùa xuân về trong tâm hồn Gia-kêu.. Ngập tràn ánh nắng. Ngây ngất niềm vui. Bình minh Ơn Cứu Ðộ chan hoà lòng trí ông, gia đình ông.

2. Thao thức hoán cải.

Trong sách (Lv 5, 20-26; Xh 21, 37; Ds 5, 6) đều nói đến khoản luật phải trả lại, đền bù cho người nghèo, cho kẻ bị thiệt hại một số của cải. Ðó là luật trong Cựu Ước. Gia-kêu.trình bày ngay vấn đề, điều đó cho thấy có lẽ ông đã nghiên cứu Thánh Kinh, biết được các luật lệ đó. Tiếng lòng hồi sinh và như vậy ông đã có thao thức thầm kín, có băn khoăn và chờ đợi. Trong cuộc sống dư giả vật chất, bân rộn với công việc làm ăn, ông vẫn thấy lòng trĩu nặng ưu tư, để rồi hôm nay có cơ hội ông tìm kiếm Chúa mong làm lại cuộc đời mới.

Thánh Luca đã nói rõ: ông là thủ lãnh của những người thu thuế. Giê-ri-khô bấy giờ là hải cảng, thu thuế nơi xuất nhập cảng phồn thịnh phải là một tay có thế lực. Trong nghề nghiệp đó, bạn bè của ông phải là những người thu thuế, các sĩ quan Rô-ma. Vậy tại sao ông lại vất vả chen lấn với đám đông để mong gặp một người tên là Giê-su, kẻ hoàn toàn khác địa vị xã hội với ông?. Là người giàu có, sang trọng, tại sao ông bỏ cả thể hiện sẵn sàng trèo lên cây sung như một đứa trẻ để nhìn cho được Chúa Giê-su đi qua?. Hơn nữa, vốn bị dân chúng thù ghét, ông có thể bị nguy hiểm tính mạng khi đối diện với quần chúng giữa đám đông. Như thế ông phải liều, và bỏ ngoài tai mọi phê bình. Ðộng lực nào thúc đẩy ông đi tìm Chúa Giê-su ?Chắc chắn không phải vì sự tò mò, nhưng có lẽ nhờ lời Thánh Kinh đánh động. Tâm hồn mong hoán cải đã thúc bách ông lên đường tìm Chúa ! Hoán cải là kết quả của một cảm nhận về tình yêu, một ưu tư thao thức tìm kiếm. Hoán cải là từ bỏ. Bất cứ cuộc trở lại nào, dù lớn dù nhỏ, cũng đòi phải từ bỏ. Gia-kêu.tích cực đi tìm Chúa: "Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung". Khi nghe tiếng Chúa gọi, ông đã nhanh chóng và vui mừng đáp lại: "Ông vội vàng tụt xuống". Ông còn "vui mừng đón rước Ngài về nhà". Ông nhìn nhận tội lỗi của mình.Ông đền bù những thiệt hại mình gây cho kẻ khác. Ông còn lấy tài sản bố thí cho người nghèo. Hoán cải là một hành trình: từ bỏ những tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và canh tân đời sống.

3. Tình thương cảm hóa.

Chúa Giê-su là Vị Thầy cảm hoá lòng người. Tôn trọng, yêu thương có sức cảm hoá đến kỳ diệu. Ánh mắt, lời nói và thái độ của Chúa Giê-su đem mùa xuân về cho tâm hồn Gia-kêu.. Những gì xưa nay trói buộc ông, làm cho ông say mê kiếm tìm giờ trở nên vô vị. Gia-kêu.trở nên nghèo hơn trước, nhưng ông lại hạnh phúc hơn xưa nhiều lần. Thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Từ một người đáng khinh, Gia-kêu.bỗng trở thành một người đáng khâm phục. Bởi lẽ, Ông đã gặp được Chúa, được nhận lãnh Ơn Cứu Ðộ của người Mục Tử Nhân Lành đi tìm con chiên lạc.

Kho tàng văn học Thiền có ghi lại câu chuyện sau đây. Thiền sư Sengai có một anh đệ tử hư hỏng, đêm đêm thường leo tường trốn ra ngoài chơi đêm. Vị thiền sư biết được điều đó nên vào đêm nọ, sau khi phát hiện người đệ tử vượt tường bằng cách leo lên một chiếc ghế khá cao, vị thiền sư đi đến vị trí đặt ghế, nhắc chiếc ghế bỏ sang bên rồi đứng vào chỗ đó.

Trong đêm tối, người học trò leo tường trở vào, rồi theo thói quen đặt chân lên ghế để nhảy xuống, không dè lại đặt chân lên lưng thầy. Khi phát hiện thầy đứng ngay trước mặt, anh học trò hoảng sợ chờ đợi những lời khiển trách nặng nề. Thế nhưng cuối cùng vị thầy chỉ nói mấy lời yêu thương: “Áo con ướt đẫm sương đêm rồi! Mau vào thay áo ngay kẻo cảm lạnh!”. Thế là từ đó, người học trò không bao giờ còn đi chơi đêm nữa.

Những lời trách móc, lên án, những thái độ khinh bỉ hay loại trừ chỉ tạo nên nguy cơ làm cho những con người tội lỗi lún sâu vào con đường lầm lạc. Nhưng chính thái độ tôn trọng và tấm lòng yêu thương sẽ tạo nên sức cảm hoá diệu kỳ. Gia-kêu rất cảm động trước sự trân trọng và yêu thương của Chúa Giê-su. Gia-kêu quyết tâm trở về con đường ngay chính, trước tiên bằng việc thực thi bác ái và công bằng. Cung cách đối xử chan chứa tình người mới là yếu tố chính yếu đem lại thành công trong công việc tông đồ. Đó là nghệ thuật cảm hoá lòng người mà Chúa Giê-su đã sử dụng để làm nên phép lạ nơi con người Gia-kêu.

Lạy Chúa Giê-su, khi làm tông đồ, chúng con cứ ngỡ điều quan trọng là phải nói hay viết về Chúa cho hay, cho thuyết phục mới đem lại kết quả. Nhưng câu chuyện của Gia-kêu.cho thấy không phải như vậy. Chính thái độ ân cần, yêu thương và đầy tôn trọng của Chúa đối với Gia-kêu.đã đánh động lòng ông hùng hồn và hữu hiệu gấp hàng trăm lần những bài giảng hay, những lời khuyên chân tình. Vậy, xin Chúa hãy giúp chúng con ý thức được tầm quan trọng của tình yêu đích thực trong công việc tông đồ để chúng con luôn đem mùa xuân tâm hồn đến cho anh em chúng con. Amen.(JKN).
 
Nguyện Thiên Chúa Đấng Cứu Tinh
Tuyết Mai
21:29 28/10/2010
Lậy Thiên Chúa Đấng Cứu Tinh của chúng con!

Sáng sớm khi chúng con mở con mắt thức dậy, nhìn mọi sự vật chung quanh, thấy hơi thở của mình vẫn đều trong thân xác an lành, nhìn thấy mọi người trong gia đình vui vẻ chuẩn bị cho một buổi sáng và cho một ngày, chúng con liền nghĩ đến Chúa và dành cho Chúa vài phút để cảm tạ Thiên Chúa là Đấng Cứu Tinh của tất cả toàn thể nhân loại của chúng con.

Chúa ơi! Còn sự khiếm khuyết và thiếu sót nào hơn, khi chúng con không sấp mình mà thờ lạy Chúa, vì chính Chúa đã ban cho chúng con hơi thở quý giá nhất cho cuộc đời ngày lại ngày của chúng con một cách nhưng không, đến đỗi không một ai trong chúng con còn nhớ đến để biết quý trọng nó còn hơn vàng hơn bạc; hơn tất cả mọi thứ quý giá khác trên trần gian này thưa lạy Chúa!. Và kìa ngoài hơi thở là thứ cần thiết và là nhu cầu thiết thực nhất Chúa ban, Chúa lại còn ban cho chúng con có được sức khoẻ khả quan để người thì đi học người thì đi làm. Vì nhờ có sức khoẻ Chúa ban mà chúng con được trở thành người hữu dụng và hữu ích cho chính chúng con, gia đình, xã hội, và đóng góp ít nhiều cho những anh chị em chúng con có nhu cầu ở khắp nẻo khắp nơi trên khắp cùng thế giới.

Thật phải khi chúng con đâu có ai nghèo đến độ mà không có được gì để giúp người cùng khốn rất cần đến sự giúp đỡ của chúng con. Tuần này trong bài Tin Mừng Chúa dậy chúng con thấy rõ rằng tuy ông Giakêu là người đang sống trong tội lỗi và là người bị nhiều người nguyền rủa và khinh chê, nhưng khi được diện kiến Chúa, được Ơn Cứu Độ của Chúa, hẳn ông đã được Chúa biến đổi và trở nên tốt lành, nên có những lời lẽ như biết ăn năn, sám hối, và đền bù tội lỗi của mình bằng cách hứa sẽ hoàn bồi những gì trước kia ông đã xiết cổ, đánh thuế nặng, và làm thiệt hại nhiều cho dân.

Trong thế giới hiện nay khi mà kinh tế và thị trường chứng khoán đang tuột dốc cách trầm trọng, mọi thứ vật giá đều leo thang, nhưng người người khắp mọi nơi phải bị thất nghiệp, có phải đây cũng là cái nạn thật trầm trọng và nguy cơ tương đương với thiên tai lũ lụt và động đất đang xảy ra khắp mọi nơi hay không?. Trong thời buổi có nhiều hoạn nạn và biến loạn như thế này, chúng con trên khắp cùng thế giới, chỉ biết cầu xin và mong mỏi có những ông Giakêu được Chúa đụng chạm đến và biến đổi ông, để thế giới nhờ những người này ra tay giúp đỡ. Hy vọng họ hy sinh một chút tiền của mà họ cả đời thu góp và tích lũy của dân, nay đem ra trả lại cho dân, bằng nhiều hình thức giúp ích cho xã hội người người có công ăn việc làm, cùng những công ích khác như y tế, trường học, và nhà trú cho tất cả những ai không nhà không cửa, v.v.v......

Ai nói người giầu có không có trái tim biết xót thương? Không có sao Mẹ Thánh Têrêsa túi không có một xu, nhưng hiện giờ ngài có biết bao nhiêu nhà thương, tu hội, và những nhà để chứa chấp những người cùng khốn từ trẻ thơ bị cha mẹ bỏ rơi cho chết cho đến mọi thành phần nghèo khổ bị đời khinh rẻ trên khắp cùng mọi nơi. Có phải những người giầu có Giakêu này được Thiên Chúa biến đổi họ, và cách đền bù tội lỗi của họ đều giống y nhau như thế chăng? Chứ tông đồ của Chúa thì ai cũng biết, tất cả những ai theo Chúa, phải bỏ nhà cửa, bỏ cha mẹ, thì làm gì có của!. Đi theo Chúa là phải bỏ tất cả!. Hành trang mang theo bên mình chỉ duy nhất là tấm lòng nhiệt huyết, lý tưởng, bác ái, và đức tin tuyệt đối sống cho Chúa và vì Chúa. Cho nên những ông Giakêu giầu xụ kia, rất cần sự biến đổi của Chúa, để công trình xây dựng Nước Thiên Chúa luôn luôn được tiếp nối; để Hội Thánh Chúa được thêm người và thêm vững mạnh; để cùng đích là tất cả con Chúa cùng hướng lòng về Quê Cha đất tổ của chúng ta là Nhà Cha là Thiên Đàng chúng ta ở trên Trời. Đưa nhau lên cùng một chiếc thang, mục đích là không ai bị bỏ ở lại, cùng nối tay nhau mà lên, và có phải đó cũng là ý Thiên Chúa muốn chúng ta làm vậy!? Để Công Trình của Chúa Giêsu xuống thế gian làm người suốt 33 năm và chết cho tội lỗi chúng ta không luống công.

Lạy Thiên Chúa luôn yêu thương của chúng con! Lời cảm tạ Thiên Chúa là tâm tình chân thật của chúng con dâng lên Thiên Chúa trong ngày hôm nay và suốt cả cuộc đời của chúng con. Môi miệng của chúng con không ngớt lời ngợi ca Thiên Chúa. Trái tim chúng con luôn ngập tràn tình yêu thương của Ngài. Tâm hồn chúng con luôn được an bình vì có Ngài. Và tấm lòng chúng con xin được nên giống Ngài để tấm lòng chúng con luôn được rộng mở và biết xót thương. Biết mở rộng đôi bàn tay ra phân phát, chia sẻ, cho đi, và làm bao nhiêu việc lành thánh. Đôi chân siêng năng dẫn chúng con đến những nơi khốn cùng và những nơi cần đến sự giúp đỡ của chúng con. Amen.
 
Đức Giêsu luôn đi bước trước
Lm Jude Siciliano OP
22:01 28/10/2010
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN -C-

Kn 11: 22-12:2; Tv 145; 2 Thes1: 11-22; Lc 19: 1-10

Đức Giêsu Luôn Thấy Kẻ Tìm Kiếm Người, và Người Đi Bước Trước

Điều gì đã khiến chúng ta khựng lại? Gần đây ở Raleigh, nơi tôi sống, một đại lý xe hơi bắt đầu bán loại xe Maserati. Giá khởi điểm cho mỗi xe là 100.000 Mỹ kim – hoặc hơn nếu như quý vị muốn thêm những phụ kiện. Tờ báo địa phương có đăng tải bức ảnh của một trong những chiếc xe hơi đắt tiền, bóng bảy màu đỏ này. Giả như một chiếc Maserati chạy xuống đường phố của quý vị, liệu hình ảnh đó có khiến cho những khách bộ hành khựng lại dòng suy nghĩ của mình hay không. Có phải nó bắt mắt không? Gần đây, tôi đi cùng với chị tôi ngang qua một cửa hàng. Tôi thấy một cậu bé hai tuổi đang bám lấy áo khoác của mẹ. Thấy thế, chị tôi dừng lại, reo lên “Ôi, dễ thương quá đi thôi!”Rồi chị khen bà mẹ đó. Ngay cả lúc chúng ta đang vội vã thì một vài thứ cũng tóm lấy chúng ta và khiến chúng ta khựng lại.

Bài Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng đức Giêsu “cố ý” đi ngang qua Giêricô. Nhưng Ngài dừng lại. Không phải vì một cỗ sa mã nhanh nhất và hiện đại nhất chạy ngang qua. Cũng chẳng phải vì một cậu bé hai tuổi cực kỳ dễ thương đã gọi Ngài – dù có Ngài dừng lại vì điều đó. Nhưng là một vị trí ngớ ngẩn của một người trưởng thành, một người lớn giàu có, đang ở trên một cây sung – tất cả chỉ có thế! Những người khác cũng bận tâm đến hình ảnh của Giakêu ở trên cây. Có lẽ họ đã nhìn lên ông đầy khinh bỉ. Dân chúng trong vùng chắc là chẳng ưa gì ông – ông “đứng đầu những người thu thuế”.

Những người thu thuế là người Dothái nhưng lại đi thu thuế cho người Rôma. Họ biết rõ hoàn cảnh địa phương nên biết cánh đồng nào thu hoạch được nhiều, và dân chúng có bao nhiêu chiên, dê. Họ biết làm thế nào để tận thu từng đồng Seken (tiền của người Dothái)- tất cả để phục vụ cho quân đội, cho sự đàn áp của Rôma và để tiếp tục đô hộ những người láng giềng Dothái của họ. Thế nên, người dân trong vùng đã chẳng thích Giakêu một tí nào, và người ta có thể không ngần ngại chỉ vào Giakêu ở Hội đường và nói toặc ra với nhau rằng “Hãy nhìn tên thu thuế này, và tất cả tiền bạc của hắn ta, và hắn đang hành xử như một tên ngốc”.

Nhưng khi đức Giêsu nhìn thấy Giakêu, Ngài đã dừng lại. Ngài có lẽ đã nhìn thấy người đàn ông giàu có ăn mặc đẹp. Ngài có thể nhìn thấy một kẻ phản bội dân tộc của Ngài. Dĩ nhiên, Ngài nhìn thấy những gì láng giềng của ông ta nhìn thấy – người đàn ông đó đang cử xử như một tên ngốc. Tại sao Giakêu lại làm hành vi ngờ nghệch như vậy nơi công cộng? Kinh thánh nói ông đang: “tìm cách để xem Đức Giêsu là ai.” Đó là điều khiến Đức Giêsu dừng lại. Giakêu là một người tìm kiếm; ông bước ra ngoài để tìm gặp Đức Giêsu.

Có lẽ Giakêu muốn thấy liệu Đức Giêsu có thứ mà ông đang tìm kiếm hay không. Đó có thể là gì? Có phải ông đã chán ngấy lối sống của ông? Có phải ông chán dù có nhiều tiền của và tất cả mọi thứ đều được cung cấp nhưng vì khi ông có mọi thứ ông muốn thì ông lại không thể có thứ ông cần – một cuộc sống chân thật. Ông cũng không được bà con láng giềng tôn trọng. Phải chăng gia đình ông cũng bị tẩy chay? - “Có vợ và các con của người thu thuế không tốt đó.” Ông ta biết mình làm giàu trên công sức của những người láng giềng. Ông ta cũng biết mình đã quay lưng lại với Đức Chúa, vì ông đã giúp đỡ ủng hộ người ngoại bang. Ông “đứng đầu những người thu thuế” như thánh Luca cho chúng ta biết. Ông có rất nhiều vàng bạc trong túi nhưng lại chẳng có một tẹo Thánh Thần. Vì thế, chúng ta thấy ông chạy ra ngoài để cố gắng gặp đức Giêsu.

Ý định của Giakêu có thể không hoàn hảo. Chúng ta cũng không nhất định phải hoàn hảo để được Thiên Chúa chú ý hay quan tâm. Có phải chính cuộc sống bất tiện của ông đã đưa ông ra bên ngoài ngày hôm ấy? Có lẽ đức Giêsu đã thấy sự bất mãn hay khốn khổ trên gương mặt Giakêu. Có phải có cả sự tò mò trong đó nữa? Và Đức Giêsu có lẽ cũng thấy sự căm thù và khinh bỉ trên nét mặt của những người hàng xóm của Giakêu. Trong khi ông ta không phải là mẫu người cần được tha thứ (vì Ngài chẳng gọi ông ta ra để nhận sự tha thứ), tuy nhiên Đức Giêsu đã dừng lại và tác động đến ông ta, Ngài tự mình vào nhà kẻ tội lỗi.

Điều gì khiến cho dân chúng thấy buồn vì Đức Giêsu vào trong nhà của Giakêu? Bởi vì trong thế giới Trung Đông của Đức Giêsu, bước vào nhà một người, “bẻ bánh” cùng với họ, là bước vào một không gian linh thánh và riêng tư. Ngay cả nhà của một kẻ nghèo cũng là nơi thánh. Kẻ thù không được phép vào. Bước vào trong nhà, như Đức Giêsu làm, là trở nên thành viên của gia đình đó. Nếu kẻ thù được mời vào trong nhà để bẻ bánh, dùng bữa, thì đó được xem như hành động hòa giải. Nghĩa là, quá khứ được bỏ qua, và tương quan mới được dựng nên.

Thánh Thể đến từ truyền thống Trung Đông, nơi đó khi kẻ thù ăn uống cùng nhau thì được hòa giải. Đó là điều mà chúng ta cần nghĩ đến trong mỗi thánh lễ chúng ta tham dự. Ai là người chia sẻ cùng một bữa tiệc với chúng ta? Nhìn xung quanh, đón nhận, và hành động trong sự hòa giải với những gì đang xảy ra.

Đức Giêsu nhìn thấy kẻ tìm kiếm và đã đi bước trước. Ngài chẳng quan tâm xem Giakêu đã tự chuẩn bị nhiều như thế nào. Ngài cũng chẳng cần ông phải công khai bày tỏ đức tin, hay “ăn năn cách trọn”. Đức Giêsu lấp đầy chỗ trống và chỗ thiếu và bước vào nhà ông Giakêu cũng như chính cuộc đời của ông. Đức Giêsu bảo Giakêu: “hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này”. Tất cả mọi người trong gia đình đều được hưởng ơn phúc khi mà chỉ mình người này mời Đức Giêsu vào cuộc đời ông. Chúng ta biết đến kinh nghiệm như thế khi mà một người có đức tin trong gia đình có ảnh hưởng đến tất cả những người khác xung quanh họ…khi mà một người tin thì phúc lành đổ xuống cho tất cả mọi người sống dưới cùng một mái nhà đó.

Giakêu không hoàn hảo, ông ta cũng bất tất, linh tinh và chưa đâu vào đâu. Thế mà Thần Khí của Đức Chúa đã đánh động ông để hôm ấy ông rời nhà mình và trở thành kẻ tìm kiếm. Ông ta nghĩ mình sẽ nhìn Đức Giêsu bằng cặp mắt thể lý của mình. Nhưng việc xảy ra cho ông còn nhiều hơn thế: khi Đức Giêsu nhìn thấy Giakêu, Ngài khựng lại và đón nhận ông như chính ông, rồi bước vào cuộc đời của ông và cuộc sống của gia đình ông.

Giống như Giakêu, tất cả chúng ta cũng được Thánh Thần thúc đẩy. Thực ra, sự thúc đẩy này bắt đầu ngay từ khi chúng ta được rửa tội, khi chúng ta được thanh tẩy để bước vào cuộc sống thần linh. Và chúng ta được tác động luôn mãi. Được tác động khi chúng ta gặp một người cần chúng ta giúp, hay cần chúng ta chia sẻ, lắng nghe. Được thúc đầy khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng mùa đông và vẫn cố gắng đến nhà thờ. Được thúc đẩy khi chúng ta đứng lên bảo vệ cho những người áp bức hay bị bỏ rơi. Được Thánh Thần thúc đẩy khi chúng ta tình nguyện đến nhà thờ để “giúp một chút xíu” và điều đó biến thành rất nhiều – và chúng ta thích làm thế! Được thúc đẩy khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua những thử thách và đau khổ. Được thúc đẩy để phá vỡ những thói quen mà dường như chúng ta cảm thấy không thể thay đổi, và chúng ta đã làm được.

Còn những cách khác mà chúng ta kinh nghiệm được sự thúc đẩy của Thánh Thần. Chúng ta nhận ra rằng tinh thần của chúng ta đang đói và chúng ta bắt đầu tìm kiếm thức ăn. Có lẽ chúng ta tham dự tĩnh tâm cuối tuần; đọc sách thiêng liêng do một người bạn đề nghị; nói đến linh hướng, đặt mua báo về đời sống thiêng liêng; tìm kiếm trên Internet những chủ đề về cầu nguyện, … Khi chúng ta đáp lại những thúc đẩy như thế, chúng ta giống như Giakêu, người đã trèo lên trên cây. Chúng ta trở thành kẻ tìm kiếm và nóng lòng muốn lấp đầy cơn đói khát bên trong chúng ta. Chúng ta nhận ra mình đang ở khúc ngoặt của cuộc đời mình và muốn nhìn thấy Đức Giêsu.

Nhưng lại giống như Giakêu, khi chúng ta còn đang tìm kiếm Đức Giêsu thì Ngài đã dừng lại vì chúng ta rồi. Ngài luôn nhìn thấy chúng ta, dù chúng ta còn lâu mới hoàn hảo và còn bất toàn, linh tinh, điên cuồng hay tội lỗi. Ngài biết chúng ta đang tìm kiếm và Ngài đáp lại chúng ta, với chính con người của chúng ta. Ngài muốn vào nhà chúng ta, như vào nhà ông Giakêu, theo cách đầy ngạc nhiên và mới mẻ. Và chúng ta cũng muốn những gì xảy ra cho Giakêu thì cũng xảy đến cho chúng ta: là cả gia đình chúng ta đều được chúc phúc: bỏ qua một bên quá khứ đau buồn, mọi thành viên trong nhà được hòa giải và trái tim bao dung hơn với nhau.

Có một khoảnh khắc trong câu chuyện của Giakêu khi quý vị chứng kiến việc trao đổi ánh mắt giữa ông Giakêu với Đức Giêsu. Cái nhìn trao đổi đó cũng xảy mỗi khoảnh khắc trong mọi ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì khi cảm nghiệm ánh mắt của Ngài nhìn chúng ta. Chúng ta có đang tìm kiếm Ngài không? Tại sao chúng ta lại không nói với Đức Giêsu như cách chúng ta mời khách vào nhà chúng ta… “Xin mời vào. Hãy cứ tự nhiên như ở nhà. Rất vui được gặp anh/chị”.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
 
Đón rước
Lm Vũđình Tường
22:25 28/10/2010
Hầu như ai cũng có kinh nghiệm đón rước thân nhân, thân hữu hay khách quí, đến từ xa, lâu ngày không gặp. Xưa kia đón rước xảy ra nơi bến cảng, bến đò, bến chợ. Tân tiến hơn đón tiếp tại bến xe, quán ăn, nhà hàng. Ngày nay đón tiếp khách phương xa thường xảy ra tại sân bay phi trường.

Lúc đầu gặp nhau là lúc thể hiện tâm tình nồng nàn nhất. Khách bàng quan có thể đoán biết mức độ mến yêu qua những hình ảnh quen thuộc. Bộc trực, rõ ràng biểu lộ tình cảm con người, thường là nụ cười trên môi hay giọt nước mắt vắn dài. Theo sau là nụ hôn nồng ấm hay cái bắt tay thân thiết hoặc ôm hôn chào nhau. Ngôn ngữ thân xác đóng vai trò quan trọng trong việc đón rước. Dường như khi quá xúc động, quá vui ngôn ngữ bị khô cạn, không đủ từ diễn tả tình cảm mà cần phải biểu lộ qua giọt nước mắt vơi đầy, qua vòng tay ôm nối kết tình người, qua bàn tay xiết chặt, truyền đạt hơi ấm đầy ắp lòng người.

Tặng hoa, trao bông, vỗ tay, phát biểu chào mừng và mọi hình thức khác có pha tính xã hội, giao tế, không thuần tình cảm. Có lẽ tình cảm, tâm tình con người đóng vai trò quan trọng, đầy đủ ý nghĩa nhất, không gì thay thế được trong việc đón rước.

Tâm tình Zacchaeus

Chưa hề gặp Đức Kitô, chỉ được nghe nói về Ngài, Zacchaeus đem lòng quí mến, ước ao ngày nào đó được gặp Chúa. Nghe tin Chúa vào làng Jericho, Zacchaeus bỏ cả việc đi tìm gặp Ngài. Đến nơi mới biết cả đoàn lũ người chung tư tưởng đó. Không để lỡ cơ hội ngàn năm, cũng không còn chọn lựa nào tốt hơn, Zacchaeus leo lên cành cây cao nhìn. Với ai khác leo cây có lẽ cũng thường thôi. Với tư cách trưởng phòng thuế một tỉnh nhiều thương thuyền, nơi đây thương gia trao đổi tin sốt dẻo hàng ngày, nơi mọi đồn lan tràn mau chóng, leo cây nhìn người quả là bất thường.

Ước ao nhìn Đức Kitô quan trọng hơn cả hiểm nguy, xấu hổ. Ông trưởng phòng thuế bất chấp lời đồn. Mặc kệ uy tín cá nhân có thể bị phương hại. Nhất là bỏ sở làm vì lí do cá nhân, Zacchaeus quyết tâm làm việc táo bạo đó. Từ đàng xa Đức kitô biết rõ tâm tư thầm kín, lòng mến chân thành của ông, Ngài tiến lại gần, bốn mắt gặp nhau, nói với ông.

Zacchaeus, xuống mau đi, vì hôm nay tôi ở lại nhà ông

Mừng rơi lệ, vội vã đến hấp tấp, Zacchaeus ước mong gặp Đức Kitô phút giây, Ngài cho ông vạn lần hơn lòng mơ ước. Không phải đơn giản gặp mặt mà gặp tấm lòng. Hai mươi bốn giờ hiểu là một ngày tròn thì việc đón Chúa trọn đêm tại nhà hiểu là từ nay trọn đời con thuộc về Chúa. Gia đình ông từ nay không còn là đêm đen nữa mà có Chúa ở cùng. Gia đình ông thuộc về Chúa và Chúa là gia nghiệp đời ông. Gia nghiệp của ông trước đây là của cải, vật chất và thế lực. Ông từ bỏ gia nghiệp cũ đổi lấy gia nghiệp mới tốt hơn vạn lần. Đổi bằng cách

Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa của cải tôi mà cho người nghèo

Đức tin chân chính là đức tin hoạt động. Hoạt động đây là thực thi đức ái. Thói thường người ta trao quà tận tay khách quí. Zacchaeus không làm điều đó. Giả như ông cho Chúa nửa gia tài có lẽ Chúa không nhận. Đàng này ông cho Chúa qua người nghèo. Ông có lòng mến Chúa, giờ đây ông tỏ ra yêu người. Đặc biệt là người cùng khổ. Gặp Đức Kitô ông làm tròn giới răn quan trọng nhất: Mến Chúa, yêu người. Phân nửa gia nghiệp còn lại ông cũng không cầm giữ mà để trả khi có người khiếu nại, kêu oan.

Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn

Xét mình

Zacchaeus xét mình không nhớ mình có mắc nợ ai, có làm ai thiệt hai. Không nhớ được nên ông dùng từ nếu. Giả như ông chủ trương làm ai thiệt hại, điều đó dễ gì quên. Nếu làm thiệt hại nhiều người, ông không dám hứa đền gấp bốn lần, không đủ của để trả. Lương tâm chẳng thiên vị ai. Hại người lương tâm cắn rứt khôn nguôi. Zacchaeus không nhớ có làm thiệt hại ai. Nếu có chỉ là vô tình mà không cố ý nên ông dùng từ nếu. Nếu có chiếm đoạt của ai, ông sẵn sàng đền trả hơn đến bốn lần. Quả là một tâm hồn rộng lượng.

Từ nay ông vui mừng ca bài Chúa Là Gia Nghiệp Đời Con. Ông cho đi gia nghiệp trần gian, nhận gia nghiệp thiên quốc. Thiên hạ ghét ông vì ông là người thu thuế, cộng tác với bọn đô hộ, đế quốc Roma. Đức Kitô không nhìn bề ngoài, Ngài nhìn thấu tâm hồn. Nhận biết lời nói hành động của Zacchaeus là chân thành, Ngài đem lòng quí mến.

Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham

Bữa tiệc đầu đời

Cuộc đời ông thay đổi trọn vẹn từ lúc gặp gỡ Đức Kitô. Phúc Âm thuật lại, ông mừng rỡ đón rước Người vào nhà mình. Đám đông nhìn khuôn mặt tươi rói của chú lùn Zacchaeus, đem lòng ghen tức. Họ ghét vì ông làm nghề thu thuế, cộng tác với ngoại bang, mưu lợi riêng. Đám đông ghét Zacchaeus, ghét lây sang Đức Kitô

Mọi người xì xầm với nhau: nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ

Đám đông phân rẽ, chia giai cấp, loại bỏ. Đức Kitô đến để

Tìm và cứu những gì đã mất

Đức Kitô gây kinh ngạc cho mọi người khi Ngài cho thấy ân sủng, tình thương và lòng thương xót Chúa vĩ đại hơn trí óc con người có thể mường tượng được.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phụ nữ biến gia đình thành Giáo Hội tại gia
Linh Tiến Khải
10:16 28/10/2010
Rất thường khi phụ nữ biến gia đình thành Giáo Hội tại gia, vì linh đạo hôn nhân khiến cho các cặp vơ chồng, được trợ giúp bởi ơn thánh của Bí Tích Hôn Phối, cùng nhau bước đi trên con đường thánh thiện, bằng cách sống theo các giá trị của Tin Mừng: yêu thương, hiền dịu, trợ giúp lẫn nhau, sinh con cái và giáo dục chúng, cởi mở và liên đới với thế giới, tham dự vào cuộc sống Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một vị thánh nổi tiếng thuộc thế kỷ XIV: đó là thánh nữ Brigida nước Thụy Điển. Thánh nữ sinh năm 1303 tai Finster bên Thụỵ điển và qua đời năm 1373 tại Roma. Theo tiểu sử do các con cái thiêng liêng của thánh nữ thu thập cho án phong thánh của thánh nữ, có thể chia cuộc sống của người thành ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu là cuộc sống của một phụ nữ lập gia đình hạnh phúc. Chồng thánh nữ là ông Ulf, quan thống đốc một quận của vương quốc Thụy Điển. Cuộc sống hôn nhân kéo dài 28 năm, và hai người có 8 người con. Con gái thứ hai là Karin cũng được tôn kính như vị thánh. Sự khôn ngoan sư phạm của thánh nữ được vua Magnus Thuy Điển đánh giá cao, và nhà vua mời Brigida vào hoàng cung sống một thời gian để hướng dẫn hoàng hậu Bianca thành Namur trong việc hiểu biết nền văn hóa Thụy Điển. Đức Thánh Cha nói về cuộc sống của thánh Brigida như sau:

Được hướng dẫn trên đường thiêng liêng bởi một tu sĩ thông thái với việc học Kinh Thánh, Brigida có ảnh hưởng rất tích cực trên gia đình mình. Nhờ sự hiện diện của thánh nữ, nó trở thành một ”giáo hội tại gia” đích thật. Thánh nữ cùng chồng sống theo luật Dòng Ba Phanxicô, quảng đại làm việc bác ái đối với người nghèo, và xây cả một nhà thương nữa. Bên cạnh vợ, thống đốc Ulf tập cải tiến tình tình của mình và tấn tới trong cuộc sống kitô. Năm 1241 sau một cuộc hành hương dài tới Santiago di Compostella

cùng với các thành phần khác trong gia đình, hai vợ chồng dự định sống tiết dục, nhưng ít lâu sau thống đốc Ulf kết thúc cuộc đời dương thế trong an bình tại một đan viện, nơi ông đã lui vào sống ẩn dật.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói giai đoạn thứ nhất trong cuộc sống của thánh nữ Brigida giúp chúng ta trân qúy điều có thể gọi là ”linh đạo hôn nhân”: các cặp vợ chồng kitô có thể cùng nhau đi trên con đường của sự thánh thiện, được trợ giúp bởi ơn thánh của Bí Tích Hôn Phối. Rất nhiều khi, như đã xảy ra trong cuộc sống của thánh nữ Brigida, với sự nhậy cảm tôn giáo, lòng tế nhị và dịu hiền của mình, chính người phụ nữ thành công trong việc cùng chồng bước đi trên con đường đức tin. Cả ngày nay nữa cũng có biết bao phụ nữ soi sáng cuộc sống gia đình với chứng tá kitô của họ. Ước chi Thần Khí của Chúa có thể khơi dậy sự thánh thiện của các căp vợ chồng kitô, để cho thế giới thấy vẻ đẹp của hôn nhân sống theo các gia trị của Tin Mừng: yêu thương, hiền dịu, trợ giúp lẫn nhau, sinh con cái phong phú và giáo dục chúng, cởi mở và liên đới với thế giới, tham dự vào cuộc sống Giáo Hội.

Giai đoạn hai trong cuộc sóng của thánh Brigida là cuộc sống góa bụa. Thánh nữ khước từ tái lập gia đình để đào sâu sư kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện, hãm mình và làm các công tác bác ái. Cả các góa phụ cũng có thể tìm thấy nơi thánh nữ một mẫu gương để noi theo. Thật thế, sau khi chồng qua đời, Brigida đã phân phát của cải cho người nghèo, và tuy không bao giờ trở thành tu sĩ, thánh nhân đến sống gần một đan viện Xitô tại Alvastra. Chính tại đây người nhận được các mạc khải của Thiên Chúa cho tới cuối đời. Chúng được thánh nữ đọc cho các vị giải tội thư ký viết, và được dịch từ tiếng Thụy điển sang tiếng Latinh, gộp lại thành 8 cuốn tựa đề là ”Các mặc khải”. Thêm vào đó là một phần phụ khác gọi là ”Các mạc khải phụ”.

Chúng có nội dung rất khác nhau: nhiều khi mạc khải được trình bầy dưới hình thức các cuộc đối thoại giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ, các thánh, cả ma qủy nữa và có sự tham dự của thánh nữ. Nhiều lần khác đó là trình thuật một thị kiến đặc biệt, rồi nhiều lần khác nữa là những gì Đức Trinh Nữ Maria mạc khải cho thánh nữ liên quan tới cuộc sống và các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Giá trị của chúng được Giáo Hội coi như là kinh nghiệm riêng của thánh nữ.

Các mạc khải này bao gồm nhiều đề tài quan trọng như Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, mà thánh nữ đặc biệt tôn kính và chiêm ngắm nơi đó tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa đối với loài người. Thành nữ táo bạo đặt trên môi miệng Chúa các lời cảm động sau đây: ”Ôi các bạn của Ta, Ta yêu thương các chiên của Ta tới độ, nếu có thể, Ta muốn chết biết bao nhiêu lần khác nữa cho từng con chiên một, với cùng cái chết mà Ta đã chịu để cứu rỗi tất cả” (Revelationes, Libro I, c.59). Chức làm mẹ khổ đau của Đức Maria cũng là đề tài hay được nói tới trong Các Mạc Khải. Thánh nữ ý thức được đó là một ơn lớn lao Thiên Chúa ban cho mình một cách đặc tuyển để xây dựng Giáo Hội. Đức Thánh Cha khai triển điểm này như sau:

Chính vì lý do đó, không ít các mạc khải được tỏ lộ cho thánh nữ dưới hình thức các lời đe dọa nghiêm nghị đối với các tín hữu thời bấy giờ, bao gồm cả các giới chức tôn giáo và chính trị, để cho họ biết sống xứng đáng cuộc sống kitô. Nhưng thánh nữ luôn làm điều này với một thái độ tôn trọng và trung thành hoàn toàn với Huấn Quyền Giáo Hội, đặc biệt là đối với Người Kế Vị Tông Đồ Phêrô.

Năm 1349 Brigida vĩnh viễn rời Thụy điển để hành hương về Roma, không chỉ để tham dự Năm Thánh 1350 mà cũng ước mong Đức Giáo Hoàng chuẩn y Luật một Dòng gọi là dòng Cứu Thế Thánh, mà thánh nữ muốn thành lập cho cả các nam đan sĩ và nữ đan sĩ, dưới sự hướng dẫn của một Viện mẫu. Chúng ta không nên ngạc nhiên vì vào thời Trung Cổ có các dòng loại này được thành lập. Trong tuyền thống kitô phẩm giá riêng của nữ giới đựơc thừa nhận và luôn luôn noi gương Đức Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, họ có chỗ đứng trong Giáo Hội, tuy không trùng hợp với chức linh mục thừa tác, nhưng cũng quan trọng đối với sự trưởng thành thiêng liêng của cộng đồng Dân Chúa. Ngoài ra sự cộng tác giữa các người nam nữ sống đời thánh hiến có tầm quan trọng lớn đối với thế giới ngày nay.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: tại Roma, cùng với con gái là Karin, thánh nữ Brigida tận hiến cuộc sống cho công tác tông đồ và đời cầu nguyện. Thánh nữ hành hương tới các đền thành khác nhau của Italia, đặc biệt là Assisi, quê hương của thánh Phanxicô, mà thánh nữ rất sùng kính. Sau cùng, năm 1371 thánh nữ cùng với các con cái thiêng liêng hành hương Thánh Địa. Trong các năm đó các Đức Giáo Hoàng sống tại Avignon bên Pháp, xa Roma. Thánh Brigida thỉnh cầu các vị về Roma, Kinh thành muôn thuở nơi có ngai tòa của thánh Phêrô. Thánh nữ qua đời năm 1373 trước khi Đức Giáo Hoàng Gregorio XI vĩnh viễn trở về Roma. Người được chôn cất tạm trong nhà thờ thánh Lorenzo in Panisperna, nhưng năm 1374 các con của thánh nữ là Birger và Karin đem thi hài thánh nữ về về chôn cất tại đan viện Vadstena, là nơi có trụ sởẹ của dòng do thánh nữ thành lập. Năm 1391 Đức Giáo Hoàng Bonifacio IX tôn phong hiển thánh cho thánh nữ.

Sự thánh thiện và nhiều ơn cũng như kinh nghiệm đã khiến cho thánh nữ Brigida trở thành một gương mặt trổi vượt trong lịch sử Âu châu. Khi tuyên bố thánh nữ đồng bổn mạng Âu châu, Đức Gioan Phaolô II cầu mong rằng thánh nữ Brigida, sống vào thế kỷ XIV khi Kitô giáo chưa chia rẽ, có thể bầu cử một cách hữu hiệu bên tòa Chúa cho ơn hiệp nhất trọn vẹn giữa các tín hữu kitô. Đó cũng là ước mong của chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khẩn nài sự chuyển cầu của thánh nữ Brigida nước Thụy Điển, môn đệ trung thành của Thiên Chúa, để cho Âu châu luôn biết dưỡng nuôi chính mình từ các gốc rễ kitô của mình.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croat, Slovac, Hungari, Nga, Lituani, Ucraine, và Ý. Ngài cũng đã kệu gọi cộng đồng quốc tế liên đới với các nạn nhân núi lửa và sóng thần tại Indonesia, cũng như với các nạn nhân lũ lụt tại Benin bên Phi châu. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hàn Lâm viện Tòa Thánh về khoa học
LM Trần Đức Anh, OP
10:17 28/10/2010
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 cổ võ phương pháp nghiên cứu liên ngành trong khoa học và làm sao để những thành đạt của khoa học mang sắc thái huynh đệ và hòa bình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 28-10-2010 dành cho 65 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, về chủ đề ”gia sản khoa học của thế kỷ 20”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận định rằng ”trong thế kỷ vừa qua, người ta đạt được nhiều tiến bộ hơn toàn thể lịch sử trước đó của nhân loại, tuy không luôn luôn đạt được những tiến bộ trong sự hiểu biết về bản thân và về Thiên Chúa, nhưng chắc chắn là có nhiều thành tựu trong sự hiểu biết về vũ trụ bên ngoài và tiểu vũ trụ bên trong con người. Cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta là một bằng chứng về sự quí chuộng của Giáo Hội đối với những nghiên cứu khoa học và lòng biết ơn của Giáo Hội đối với những nỗ lực khoa học... Giáo Hội cũng xác tín rằng hoạt động khoa học, xét cho cùng, cũng được lợi ích nhờ nhìn nhận chiều kích tinh thần của con người và sự tìm kiếm những câu trả lời cho những vấn nạn sau hết, giúp nhận biết một thế giới hiện hữu độc lập với chúng ta mà chúng ta không hiểu hoán toàn và chỉ có thể hiểu thế giới ấy bao lâu chúng ta hiểu nược logíc nội tại của nói”.

ĐTC nhận xét rằng kinh nghiệm của nhà khoa học, như một con người, là nhận thấy có một điều thường hằng, một luật, một logos không do họ tạo ra, nhưng nhà khoa học quan sát thấy: sự kiện đó dẫn chúng ta tới chỗ nhìn nhận sự hiện hữu của một Lý Trí toàn năng, khác với con người, và nâng đỡ thế giới này. Đó là điểm gặp gỡ giữa khoa học thiên nhiên và tôn giáo. Kết quả là khoa học trở thành nơi đối thoại, gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên, và có thể là giữa con người và Đấng Tạo Hóa.

Liên quan tới thế kỷ 21, ĐTC đề nghị hai tư tưởng để suy tư: trước tiên là: giữa lúc có sự gia tăng những thành quả khoa học đào sâu sự kinh ngạc của chúng ta về sự phức tạp của thiên nhiên, cần có một lối tiếp cận liên ngành gắn liền với suy tư triết học, để dẫn tới một tổng hợp ngày càng dễ nhận thức hơn; thứ hai là những thành tựu khoa học trong thế kỷ 21 này phải luôn được hình thành nhờ những qui luật của tình huynh đệ và hòa bình, giúp giải quyết những vấn đề lớn của nhân loại và hướng cố bắng của mỗi người về lợi ích chân thực của con người và sự phát triển toàn diện các dân tộc trên thế giới” (SD 28-10-2010)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Brazil mạnh dạn lên tiếng
LM Trần Đức Anh, OP
10:18 28/10/2010
VATICAN - Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 28-10-2010, dành cho 15 GM Brazil, ĐTC nồng nhiệt khích lệ các vị dấn thân bênh vực sự sống con người đang bị đe dọa dưới nhiều hình thức.

15 GM thuộc miền Đông Bắc Brazil 5, về Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc lại giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2, trong số 76 của Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng, theo đó ”khi các quyền căn bản của con người hoặc phần rỗi của các linh hồn đòi hỏi, các vị chủ chăn có nhiệm vụ hệ trọng phải đưa ra một phán đoán luân lý, cả trong các vấn đề chính trị”.

ĐTC cũng nhắc lại nguyên tắc: mục tiêu không biện minh cho phương thế. Vì thế, ngài nói, ”thật là một điều hoàn toàn sai lầm và ảo tưởng khi muốn bảo vệ các quyền chính trị, kinh tế và xã hội mà không kèm theo thái độ quyết liệt bảo vệ quyền sống từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên.. Khi các dự án chính trị, ngấm ngầm hoặc công khai, cho phép phá thai hoặc làm cho chết êm dịu, thì đó là một sự phản bội chính nền tảng của mình”.

Và ĐTC nói thêm rằng: ”Anh em thân mến trong hàng GM, khi bênh vực sự sống, anh em đừng sợ sự chống đối hoặc không được lòng dân, hãy loại bỏ mọi thái độ thỏa hiệp hoặc mập mờ làm cho chúng ta chiều theo não trạng của thế gian này”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng cổ võ các GM Brazil tăng cường việc huyến luyện cho giáo dân về giáo huấn xã hội Công Giáo, để họ dấn thân thăng tiến công bằng xã hội (SD 28-10-2010)
 
Đức Thánh Cha nói: các giám mục cần giảng dậy giáo dân chống lại việc phá thai
Bùi Hữu Thư
15:11 28/10/2010
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha nói với các giám mục Ba Tây: các giám mục phải hướng dẫn các tín hữu biết sử dụng lá phiếu của họ để chống lại các nỗ lực hợp pháp hóa việc phá thai và an lạc tử.

Đức Thánh Cha nói ngày 28 tháng 10 trong buổi tiếp kiến các giám mục đến từ miền Bắc Ba Tây: "Các giám mục anh em thân mến, muốn bảo vệ đời sống, chúng ta không được sợ hãi những sự thù nghịch hay bị mất cảm tình, và chúng ta cần phải từ chối bất cứ một thỏa hiệp hay mơ hồ nào khiến cho chúng ta đồng ý với những đường lối suy nghĩ của thế gian.”

Các giám mục này đang có mặt tại Rôma nhân dịp về trình diện "ad limina" để báo cáo về tình trạng của các giáo phận của họ.

Đức Thánh Cha Benedict không đề cập đến sự kiện là người dân Ba Tây sẽ đi bỏ phiếu ngày 30 tháng 10 để bầu một tổng thống, nhưng ngài nói ngài muốn thảo luận với các giám mục về bổn phận của họ là giúp cho các tín hữu có các dữ kiện và hướng dẫn về đạo lý để đảm bảo cho họ có những quyết định về chính trị hầu đóng góp cho sự thiện hảo chân chính của nhân loại.

Cả hai ứng viên tổng thống Ba Tây, Dilma Rousseff và Jose Serra, đều đã tuyên bố họ sẽ chống lại việc giải trừ những hạn chế trong việc phá thai, nhưng các đạo luật chống phá thai của Ba Tây vẫn là chủ đề hiện hành trong cuộc vận động tranh cử của họ.

Đức Thánh Cha Benedict nói với các giám mục Ba Tây là trong khi sự tham gia trực tiếp vào chính trị là trách nhiệm của giáo dân, “các chủ chăn có bổn phận thiết thực là phải làm những phán đoán về luân lý ngay cả trong các vấn đề chính trị, khi những quyền lợi căn bản của con người hay sự cứu độ các linh hồn đòi hỏi.”

Đức Thánh Cha nói: Một vài hành động và chính sách chính trị, như phá thai và an lạc tử, “chính là sự dữ và không phù hợp với phẩm giá con người,” và không thể nào cho là chính đáng vì bất cứ lý do nào.

Ngài nói: trong khi một số người có thể cho hay họ hỗ trợ việc phá thai hay an lạc tử là để bảo vệ cho những người yếu đuối và nghèo khó, “ai là kẻ yếu đuối hơn một thai nhi hay một bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê hay hấp hối?”

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với các giám mục Ba Tây: "Khi các lập trường chính trị hiển nhiên hay che dấu có những kế hoạch hợp pháp hóa việc phá thai và an lạc tử, thì lý tưởng dân chủ -- chỉ thực sự dân chủ khi công nhận và bảo vệ nhân phẩm của mọi con người – đã bị phản bội ngay tại nền tảng.”

Ngài nói: các giám mục và linh mục có bổn phận giúp đỡ các giáo dân sống theo đường lối trung thành với Phúc Âm trong mọi lãnh vực đời sống, kể cả các lựa chọn về chính trị. “Điều này có nghĩa là trong một vài trường hợp các chủ chăn phải nhắc nhớ tất cả mọi công dân về quyền lợi và bổn phận của họ là sử dụng lá phiếu để hộ trợ cho tiện ích chung.”
 
Đức Thánh Cha Hành Hương: Hành trình đi Tây Ban Nha đề cao truyền thống đức tin hiện đại.
Bùi Hữu Thư
20:23 28/10/2010
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nói ngài sẽ đi Tây Ban Nha như một khách hành hương trong hai ngày 6 và 7 tháng 11, và chuyến đi giúp cho ngài có dịp để tham gia vào cuộc hành hương đi bộ rất phổ thông tại Âu Châu, mệnh danh là “camino” hay hành trình đi tới Santiago de Compostela.

Cuộc hành hương của ngài cũng giúp cho ngài có cơ hội chào mừng một hình thức thể hiện đức tin Tây Ban Nha mới khi ngài đến Barcelona để cung hiến Đền Thánh Thánh Gia của Kiến Trúc Sư Gaudi, được biết nhiều hơn với tên tiếng Ban Nha là Sagrada Familia.

Như một khách hành hương, Đức Thánh Cha ước muốn đề cao nhân đức hy vọng và sứ mệnh bác ái trong một quốc gia ngày càng thế tục hóa.

Là một quốc gia có truyền thống Công Giáo, Tây Ban Nha đã khởi sự một số chính sách khiến cho các giám mục điạ phương phải lo lắng.

Kể từ khi thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero nắm quyền năm 2004, các giới lãnh đạo giáo hội đã chống đối việc loại bỏ môn dậy tôn giáo trong giáo trình của quốc gia và cắt giảm việc tài trợ các trường tư tại Tây Ban Nha. Họ cũng đối chọi với chính quyền qua việc nới lỏng các đạo luật về ly dị, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và các đạo luật khiến cho việc phá thai được dễ dàng hơn.

Đức Thánh Cha Benedict dĩ nhiên sẽ có dịp nói về đường hướng Tây Ban Nha đang đi tới và chuyến viếng thăm của ngài -- là chuyến xuất ngoại thứ 18 của Đức Thánh Cha – và chắc sẽ bao gồm những yêu cầu là người Tây Ban Nha công nhận rằng đức tin đã và đang tiếp tục đóng góp cho quốc gia này, một chủ đề Đức Thánh Cha Benedict đã tiếp tục làm sáng tỏ trong triều đại của ngài.

Cao điểm của chuyến đi sẽ là khi Đức Thánh Cha đến Santiago de Compostela 6 tháng 11 để viếng thăm một điạ điểm phổ thông nhất của Giáo Hội Công Giáo trong số các nơi hành hương xưa cổ nhất.

Truyền thống cho biết các thánh tích của Thánh Giacôbê Tông Đồ-- tiếng Tây Ban Nha là Santiago – đang được chôn cất tại nhà thờ chánh tòa của thành phố. Thành phố này đã là nơi đến của các cuộc hành hương trong 11 thế kỷ và ngày hôm nay, hàng năm vẫn có hàng ngàn người đi bộ, đi xe đạp hay cưỡi lừa ngựa để viếng thăm nhà thờ chánh tòa Santiago.

Vì ngày lễ kính Thánh Giacôbê là ngày 25 tháng 7, năm nay rơi vào một ngày Chúa Nhật, năm 2010 đánh dấu một năm thánh khi một cánh cổng đặc biệt được mở để mọi người bước vào nhà thờ chánh tòa.

Một điện văn gửi cho hội nghị mới đây về việc chăm sóc mục vụ cho các cuộc hành hương và các vương cung thánh đường, Đức Thánh Cha nói ngài trông đợi được viếng thăm ngôi mộ của Thánh Giacôbê. Ngài nói, ngay từ khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã muốn sống đời mục vụ của ngài “với tâm tình của một khách hành hương du hành trên các đường lộ trên thế giới với niềm hy vọng và tâm hồn bình dị, được mang trên môi và trong trái tim của ngài sứ điệp cứu chuộc của Chúa Kitô Phục Sinh, và tăng cường đức tin của các anh chị em.”

Điểm chú tâm khác trong chuyến đi của ngài là việc thánh hiến thánh đường Thánh Gia ngày 6 tháng 11, tác phẩm chưa hoàn thành của Gaudi. Là một điạ điểm của Di Sản Quốc Tế UNESCO, một ngôi nhà thờ đồ sộ với các mặt tiền được chạm trổ thật hết sức tinh vi, thu hút con số khoảng 10.000 khách thăm viếng hàng năm.

Nhà thờ được cung hiến cho Thánh Gia được khởi sự từ năm 1882. Nhưng Gaudi qua đời năm 1926 trước khi hoàn tất. Bây giờ việc hoàn thành được dự trù vào năm 2026, là năm kỷ niệm 100 năm kiến trúc sư qua đời. Mặc dầu các sinh hoạt phụng vụ đã được tổ chức trong nhà thờ chưa hoàn tất này, nhà thờ chưa được chính thức cung hiến.

Gaudi là người Công Giáo từ bỏ việc sáng tác các tác phẩm đời vào những năm cuối cuộc đời và dành đa số thời gian trung niên cho việc xây dựng nhà thờ này. Khi được hỏi về thời gian xây cất lâu dài, ông đã trả lời: “thân chủ của tôi không có vội vàng.”

Hồ sơ phong thánh cho ông Guadi đã được khởi sự. Những người hỗ trợ việc phong chân phước cho ông đang soạn thảo một tiểu sử chi tiết về cuộc đời và sự lành thánh của ông Gaudi.

Cuộc viếng thăm 31 giờ của Đức Thánh Cha sẽ rất giản dị: hai Thánh Lễ, một bữa trưa với các Hồng Y và linh mục Tây Ban Nha, các cuộc tiếp kiến riêng với nhà vua và hoàng hậu Tây Ban Nha, hoàng tử và công chúa Asturias, và một cuộc viếng thăm một trung tâm Công Giiáo tại Barcelona cung cấp các trợ giúp xã hội, giáo dục và y tế.

Sẽ không có dịp tiếp xúc thủ tướng Zapatero, được dự trù tiễn đưa Đức Thánh Cha tại phi trường ngày 7 tháng 11. Tuy nhiên hai vị lãnh đạo đã gặp gỡ nhau một vài lần, và gần đây vào tháng 6 tại Vatican.

Chính phủ Zapatero đã soạn thảo một đạo luật về tự do tôn giáo, sẽ tăng cường tính cách thế tục của quốc gia, kể cả việc huỷ bỏ các biểu tượng tôn giáo trên các tòa nhà của chính quyền. Tuy nhiên, hiển nhiên không có hành động nào về đạo luật được thi hành truớc chuyến thăm của Đức Thánh Benedict.
 
Top Stories
US criticizes Vietnam jailing of activists and Catholics
M&C News
01:29 28/10/2010
Hanoi - The US Embassy in Hanoi expressed 'concern' Thursday over the arrests and convictions this week of several labour activists and bloggers, as well as a group of Catholics involved in a clash with police in May.

The statement said the arrests and trials 'contradict Vietnam's own commitment to internationally accepted standards of human rights.'

The criticism came as US Secretary of State Hillary Rodham Clinton prepared to visit Hanoi on Saturday for an Asian summit meeting.

On Wednesday, a court in Ho Chi Minh City sentenced three independent labour activists to up to nine years in jail for organizing strikes and handing out leaflets criticizing the government.

Also Wednesday, six Catholic parishioners from a village in central Vietnam were convicted of causing public disorder. The parishioners were among hundreds who clashed with police when they tried to hold a funeral in a Catholic cemetery that local authorities had shut to build a tourism resort.

Two of the parishioners received sentences of nine months to a year, while the rest were given suspended sentences. Villagers' relatives this summer told the US Congress that police had beaten at least one villager to death.

A lawyer for the parishioners, Cu Huy Ha Vu, said the court in the city of Danang had refused to let him defend his clients, saying his documents were not in order.

'This is a form of discrimination against Catholics,' Vu said.

Earlier this week, police arrested society blogger Le Nguyen Huong Tra, after she alleged a senior police official had granted favours to singers and actresses romantically linked to his son.

Political blogger Phan Thanh Hai was arrested Monday, and authorities have refused to release Nguyen Van Hai, another political blogger sentenced to 30 months in prison for tax evasion, after his sentence ended October 20.

In letters sent this week, US Senator Barbara Boxer and four members of the US House of Representatives urged Clinton to take up human rights issues when she attends the East Asia Summit in Hanoi on Saturday.

The US and Vietnam have grown closer in recent months over shared concerns about rising Chinese power. In a visit to an earlier summit in Hanoi in July, Clinton expressed US support for Vietnam's approach to resolving maritime territorial disputes with China, a hot-button issue that has preoccupied the region over the past year.
 
Vietnam: Le tribunal populaire de Cam Lê condamne six paroissiens de Côn Dâu à des peines de prison ferme et avec sursis
Eglises d'Asie
04:57 28/10/2010
Eglises d'Asie, 27 octobre 2010 - Le procès annoncé contre les paroissiens de Côn Dâu a bien eu lieu dans la journée du 27 octobre. Les sentences prononcées ont été connues vers 17 h 30 (heure locale); deux des accusés ont été condamnés à des peines de prison ferme: 12 mois pour M. Nguyên Huu Minh et neuf mois pour Mme Phan Thi Nhân. Les quatre autres inculpés ont été condamnés à des peines avec sursis.

À part cette sentence révélée par des parents des accusés, présents dans la salle d’audience du tribunal, on sait très peu de choses encore du déroulement du procès, sur lequel, avant comme après, la presse officielle comme les autorités locales ont gardé un silence absolu. Certains avaient voulu croire que ce procès n’aurait pas lieu. Mais rien n’a pu empêcher son déroulement: ni la mise en garde de la commission « Justice et Paix » demandant de l’ajourner (1), ni les multiples dénonciations des diverses illégalités qui ont entaché la procédure suivie par les instances judiciaires, ni les dénonciations mises en ligne aussi bien par les avocats que par les accusés lesquels ont également envoyé une lettre ouverte destinée au pouvoir central.

A l’heure qu’il est, on sait seulement que le procès des six paroissiens de Côn Dâu s’est ouvert tôt dans la matinée ce 27 octobre 2010, au tribunal populaire de l’arrondissement de Cam Lê (ville de Da Nang). Le tribunal a ouvert ses portes à 7 h 45 (heure locale). Quelques milliers de personnes étaient déjà présentes dans la rue sous une pluie battante. Cette foule était étroitement surveillée par des policiers en uniforme, également présents à l’intérieur du tribunal. Des agents de la Sécurité en civil étaient disséminés aussi bien sur les trottoirs que dans les cafés et les petits restaurants environnants.

On a rapporté qu’un avocat du barreau de Da Nang (sans doute commis d’office) était censé assurer la défense des six paroissiens sans que l’on sache de quelle façon il a accompli sa tâche. Le président du tribunal a concentré son interrogatoire sur les deux chefs d’accusation retenus par le tribunal: troubles de l’ordre public et agression contre des agents de l’État dans l’exercice de leurs fonctions. Il a conduit les débats de façon à montrer la participation active des prévenus au convoi funéraire de Maria Tan le 4 mai dernier, et la pression exercée par eux sur les membres de la famille pour conduire le convoi funéraire vers le cimetière du village. Le procureur aurait essayé de prouver que les accusés étaient les principaux responsables des heurts ayant eu lieu à la porte du cimetière. N’ayant reçu l’aide d’aucun avocat, les accusés, en particulier les deux femmes, se sont trouvés dans une situation d’infériorité pour se défendre contre les accusations portées contre eux.

Dès avant le procès, certains observateurs avaient mis en lumière les nombreuses illégalités entachant la procédure, la principale concernant la défense des accusés. Après avoir pris connaissance de l’imminence d’un procès, les parents et proches des six accusés se sont préoccupés de trouver un avocat pour assurer leur défense. Des menaces directes ont été proférées contre eux. Après un premier refus, la parenté des accusés s’est adressée au bureau de Maître Cu Huy Ha Vu. Celui-ci a accepté d’assurer la défense. Cependant, lorsque les juristes de son cabinet se sont présentés pour la première fois au tribunal populaire de Cam Lê afin d’accomplir les formalités d’inscription, ils n’ont pas été reçus. Le 23 octobre, le tribunal faisait savoir aux avocats que leur demande d’autorisation était refusée, car c’étaient les accusés eux-mêmes qui devaient solliciter l’assistance d’un avocat.

Bien que l’expression de la solidarité des catholiques n’ait pas été aussi voyante que lors du procès des paroissiens de Thai Ha, elle s’est cependant manifesté largement, individuellement et collectivement, surtout ces derniers jours où au nom de la Conférence épiscopale, la commission « Justice et Paix » a réclamé l’ajournement du procès. Les deux grandes paroisses rédemptoristes du Vietnam, à Hanoi et à Saigon, ont chacune organisé officiellement, dans les jours précédant le procès, de grandes assemblées de prière pour les paroissiens de Con Dâu comparaissant devant le tribunal populaire.

(1) Voir dépêche EDA du 26 octobre 2010

(Source: Eglises d'Asie, 27 octobre 2010)
 
Vietnam: six catholiques condamnés
Le Firago
04:58 28/10/2010
Six catholiques vietnamiens, dont deux femmes, ont été condamnés à des peines allant de neuf mois de prison avec sursis à un an de prison ferme dans une affaire liée au déplacement d'un cimetière, a-t-on appris aujourd'hui de sources familiales.

Ces catholiques de la paroisse de Con Dau, près de la ville de Danang, jugés en moins d'une journée, étaient accusés de "troubles à l'ordre public" et de résistance à des agents publics, a indiqué à l'AFP Phan Le Nguyen Nhung, épouse de l'un des condamnés.

Nguyen Huu Minh et Phan Thi Nhan ont été condamnés respectivement à 12 mois et neuf mois de prison ferme et les quatre autres catholiques à neuf mois de prison avec sursis, a précisé Mme Nhung. "Mon mari a rejeté toutes les accusations portées contre lui et il fera appel", a affirmé Huynh Thi Phung, la femme de Minh. Cette condamnation est liée à des incidents survenus au mois de mai.

Des témoins avaient alors indiqué que les accusés avaient été battus, blessés ou détenus par la police lors d'affrontements dans le cadre d'une dispute avec les autorités sur un cimetière de la ville. L'incident serait survenu dans cette paroisse de Con Dau alors que des habitants tentaient d'enterrer une femme de 82 ans. Les autorités, qui veulent déplacer le cimetière pour construire une résidence, se seraient emparées du corps, l'auraient incinéré et auraient battu des villageois, selon les témoignages.

Des proches des victimes avaient témoigné devant le Congrès américain. Des parlementaires américains ont ensuite demandé aux dirigeants du pays communiste d'intervenir dans leur procès et réclamé leur libération immédiate. Les autorités vietnamiennes avaient démenti qu'il y ait eu des blessés lors de cet incident qu'elles ont qualifié de dispute à propos d'un terrain, sans aucun lien avec la religion.

L'organisation Human Rights Watch a appelé la Secrétaire d'Etat américaine, Hillary Clinton à s'exprimer contre une répression accrue vis-à-vis des blogueurs et militants pacifiques au Vietnam, lors de sa visite vendredi à Hanoï pour une réunion avec les dirigeants de la région.

(Source: http://www.lefigaro.fr/flash-actu/2010/10/27/97001-20101027FILWWW00528-vietnam-six-catholiques-condamnes.php)
 
Vietnam: Solidarität für angeklagte Katholiken
Zenit
04:59 28/10/2010
Menschenrechtsorganisation spricht von "brachialer Staatsgewalt"DA NANG, Vietnam/ FRANKFURT, 26. Oktober 2010 (ZENIT.org). - Tausende Katholiken haben sich am Sonntag vor einem Redemptoristenkloster in der vietnamesischen Hauptstadt Hanoi zu einer Gebetskundgebung versammelt - aus Solidarität mit sieben katholischen Glaubensbrüdern, die sich ab Mittwoch wegen angeblicher Störung der öffentlichen Ordnung vor Gericht verantworten müssen. Wenige Tage vor Prozessbeginn haben die Angeklagten nicht einmal einen Verteidiger. Am Freitag wurde den beiden Anwälten, Duong Ha and Cu Huy Ha Vu, die die seit 4. Mai Inhaftierten vertreten wollten, die Verteidigung untersagt.

Der Bischof von Da Nang, Joseph Chau Ngoc Tri, zu dessen Bistum die sieben Katholiken gehören, schilderte die Vorgänge bereits am 6. Mai als „Menschenjagd". Der Vorsitzende der neu eingerichteten „Komission Justitia et Pax", Bischof Nguyen Thai Hop, appellierte an die vietnamesischen Behörden unter, den Prozess zu vertagen und faire Prozessbedingungen zu schaffen. Der Bischof kritisierte auch, dass die Regierung sich in eine Angelegenheit eingemischt habe, die anfangs nur die Bürger und ein privates Unternehmen betraf.

Den sieben angeklagten Katholiken - fünf Männer: Doan Cang (45 Jahre), Le Thanh Lam (31), Nguyen Huu Liem (47), Nguyen Huu Minh (46), Tran Thanh Viet (39) und zwei Frauen: Nguyen Thi The (50) und Phan Thi Nhan (45) - wird vorgeworfen, sie hätten ein verstorbenes Gemeindemitglied am 4. Mai auf ihrem Friedhof bestatten wollen, als das Areal von den Behörden bereits beschlagnahmt war. (ZENIT berichtete.) Damals hatten Polizei und Milizen mit brutaler Gewalt die Trauerprozession auseinandergejagt und den Sarg mit der Toten beschlagnahmt. Rund 70 Personen wurden verhaftet und gefoltert, der leitende Sargträger Nguyen Thanh Nam zu Tode geprügelt. In der Anklage, die der Internationalen Gesellschaft für Menschenrechte (IGFM) in Frankfurt am Main vorliegt, wirft die Staatsanwaltschaft den Angeklagten vor, Beamte „tätlich angegriffen und beleidigt" zu haben.

Beobachter, so auch die IGFM, die von Anwendung "brachialer Staatsgewalt" spricht, zweifeln am Wahrheitsgehalt dieses Vorwurfs, der mit verschiedenen Ungereimtheiten verbunden ist: Laut der in der Anklageschrift aufgestellten Behauptung der Staatsanwaltschaft verzichteten die angeblich verletzten Beamten auf medizinische Gutachten und Klage gegen die angeblichen Täter. Auch sei keine Forderung nach Entschädigung für die angebliche Beschädigung eines Polizeiwagens, der den beschlagnahmten Sarg wegtransportiert hat, erhoben worden.

Die Familien der Angeklagten sind Drohungen und Einschüchterung seitens der Polizei ausgesetzt. Nicht nur die Kirche, auch deutsche Politiker sind inzwischen alarmiert: Mitglieder des Bundestagsausschusses für Menschenrechte und Humanitäre Hilfe, Christoph Strässer (SPD), Wolfgang Gunkel (SPD) und Volkmar Klein (CDU), appellieren an den vietnamesischen Premierminister, die Katholiken unverzüglich und bedingungslos freizulassen. Zudem riefen die drei Bundestagsabgeordneten Vietnam auf, den Vorfall in Con Dau vollständig aufzuklären, in dem es einen Toten, acht Inhaftierungen, Hunderte Fälle von Folter, eine sehr hohe Zahl von Verletzten und Dutzende von Vertriebenen gab. Die gewaltsame und willkürliche Enteignung der katholischen Gemeinde Con Dau zwecks Errichtung einer ökologischen Touristen- und Wohnanlage hat die IGFM prangert die IGFM nach Prüfung der Fälle ab Ende August an. Jetzt wollen die Menschenrechtler erreichen, dass EU-Botschaften in Vietnam Beobachter zu dem Prozess entsenden. (mk)

(Source: http://www.zenit.org/article-21685?l=german)
 
Harsh sentences for six Con Dau parishioners
Asia-News
06:44 28/10/2010
Twelve months for two of the accused, 9 for the other four. The trial lasted only one day and the defendants had no defense because, as a source of the People's Court explained, the decision had already been decided and approved by local authorities and the Communist Party.

Candlelight Vigil in Saigon
Hanoi (AsiaNews) - Harsh sentences yesterday in Da Nang, against the six Catholics involved in the incident last May in Con Dau, two of them have to serve 12 months in prison, the other four will spend nine months in prison. Hundreds of police in riot gear were deployed around the People's Court.

The President of the Court, Tan Thi Thu Dung, found them guilty of inciting riots, falsely accusing the government and inciting others to attack the police. The defendants protested their innocence, pointing out that the incidents were caused by officers who had attacked a peaceful funeral.

The accused could not have a lawyer because the lawyer Cu Huy Vu, who offered to take on their defense was demied permission to do so. The lawyer reported that an anonymous source in the same court explained to defendants that their defense was not necessary because the sentence for each of them had been previously decided and approved by the local government and the Communist Party.

Thousands of Catholics, yesterday, took part in prayer vigils to protest against the ruling in Hanoi and Ho Chi Minh City (see photo). They were also joined non-Catholics, outraged by the unjust sentence.

Yesterday, the postponement of the trial and the request for an explanation of "how it is legally possible to take possession of land, houses, a church and cemetery and hand them over to a company, Sun Investment Corporation, which intends to build a tourist resort” had been advanced by the President of Justice and Peace Commission of the Vietnamese bishops, Mgr. Paul Nguyen Thai Hop.

An explanation was provided by lawyer Cu Huy Ha Vu. Speaking to the BBC, the lawyer said that the real cause of the Con Dau incident is the widespread and bold seizure of land by local authorities. Now, according to law, "all land belongs to the people and the state manages it”. In fact, local authorities take lands that wet the appetites of companies and hand them over to businesses. In a country where every Party assembly promises to fight corruption.
 
Dure condanne per i sei parrocchiani di Con Dau
Asia-News
06:46 28/10/2010
Prigione per 12 mesi per due degli accusati, 9 per gli altri quattro. Il processo è durato solo un giorno e gli imputati non avevano difensore perché, come ha spiegato una fonte del Tribunale del popolo, la sentenza era stata già decisa e approvata dalle autorità locali e dal Partito comunista.

Candlelight Vigil in Saigon


Hanoi (AsiaNews) – Dure condanne, ieri a Da Nang, contro i sei cattolici coinvolti negli incidenti del maggio scorso a Con Dau: due di loro dovranno scontare 12 mesi di prigione, gli altri quattro passeranno in carcere nove mesi. Centinaia di agenti in tenuta antisommossa erano schierati intorno alla sede del Tribunale del popolo.

Il presidente del Tribunale, Tan Thi Thu Dung, li ha riconosciuti colpevoli di aver incitato sommosse, aver falsamente accusato il governo e aver istigato altri ad attaccare le forze dell’ordine. Gli imputati hanno protestato la loro innocenza, evidenziando come gli incidenti erano stati provocati dagli agenti che avevano attaccato un pacifico funerale.

Gli accusati non hanno potuto avere un difensore, in quanto l’avvocato Cu Huy Ha Vu, che si era offerto di svolgere tale compito, non ha avuto il permesso di farlo. Il legale ha riferito che una fonte anonima dello stesso tribunale ha spiegato agli imputati che il difensore non era necessario, in quanto la sentenza per ognuno di loro era stata decisa in precedenza e approvata da parte dei responsabili del governo locale e del Partito comunista.

Migliaia di cattolici, ieri, hanno preso parte a veglie di preghiera per protestate contro la sentenza si sono svolte a Hanoi e Ho Chi Minh City (nella foto). A loro si sono uniti anche non cattolici, indignati per la ingiusta condanna.

Ieri, il rinvio del processo e la richiesta di avere spiegazioni di “come sia legalmente possibile appropriarsi di terreni, case, chiesa e cimitero per consegnarli a una società, la Sun Investment Corporation”, che intende costruire un centro turistico erano stati avanzati dal presidente della Commissione giustizia e pace dell’episcopato vietnamita, mons. Paul Nguyen Thai Hop.

Una spiegazione è stata data proprio dall’avvocato Cu Huy Ha Vu. Parlando alla BBC, il legale ha spiegato che dietro ala vicenda di Con Dau e alle altre simili che accadono nel Paese c’è la grande crescita di valore dei terreni. Ora, secondo la legge, “tutta la terra appartiene al popolo” e lo Stato la gestisce. Di fatto, le autorità locali si prendono quei terreni che sono appetiti da compagnie e li concedono alle imprese. In un Paese nel quale ogni assemblea del Partito si impegna a combattere la corruzione.
 
As Clinton visit nears, Vietnam arrests bloggers, sentences activists
Washington Post
06:49 28/10/2010
By John Pomfret

Washington Post Staff Writer

Thursday, October 28, 2010; 6:11 AM


HANOI -- In the run-up to a visit by Secretary of State Hillary Rodham Clinton, Vietnam has arrested two bloggers, refused to release another blogger after he completed a prison sentence and convicted three labor activists and six Catholic villagers on human rights-related offenses.

The cases, which all occurred this week and which the U.S. embassy expressed concern about in a statement on Thursday, threaten the significant progress that has been made between the United States and Vietnam in recent months.

Pushed together by a shared concern over the rise of China, officials from both countries boast that the relationship is better than ever. With her two-day visit starting Friday, Clinton will have been to Vietnam twice in the past four months. Secretary of Defense Robert M. Gates was here for talks two weeks ago, and Washington and Hanoi held their first-ever security dialogue between defense officials in August.

Analysts are split about the meanings of this week's arrests and court cases. Some, generally Western diplomats, say they are part of a yearlong crackdown on dissent as Vietnam's Communist Party readies for its first party congress in five years in January. Since last October, 21 people have been sent to jail for crimes involving a peaceful expression of their views.

Other analysts, generally Vietnamese, believe that the activity this week is part of a pattern related to an internal struggle within the Vietnamese Communist Party over its relations with the United States. Vietnam has moved closer to the United States as a hedge against aggressive behavior by China. But that shift is controversial within a party that remains deeply influenced by China and fears that the United States is committed to overthrowing the Vietnamese political system.

So, often as important meetings with U.S. officials approach, Vietnamese security services crack down on dissent, wrong-footing generally pro-American politicians. In 2007, a month before the first state visit to the United States by Vietnamese President Nguyen Minh Triet, Vietnamese judicial authorities opened court proceedings in the central city of Hue to foreign journalists for the first time in the one-day trial of the Rev. Nguyen Van Ly. The Catholic priest was sentenced to eight years on charges of disseminating information to undermine the state, and the trial generated a famous photograph of Ly being muzzled by a security official as he shouted "Down with the Communist Party."

A year later, in May 2008, Vietnamese authorities arrested two investigative journalists reporting on one of the country's biggest corruption cases a month before Prime Minister Nguyen Tan Dung visited the United States. An official who accompanied Dung on his U.S. trip said the prime minister was uncomfortable about the arrests.

In the cases this week, a court in southern Vietnam on Tuesday sentenced three labor activists to up to nine years in prison for instigating strikes and distributing anti-government leaflets. Nguyen Hoang Quoc Hung, 29, was convicted of disrupting security and given a nine-year sentence. Two others, Doan Huy Chuong and Do Thi Minh Hanh, both 25, will serve seven years. The three were accused of organizing a strike at a shoe factory in Tra Vinh Province last year and of sending photographs of the strikes to post on the Internet.

In the other case, six Catholic villagers were convicted in a one-day trial in the central city of Danang after a dispute over a cemetery. The dispute occurred when villagers tried to bury an 82-year-old woman. Four of the accused received nine-month suspended jail terms, but two others were sent to jail for terms of nine months and one year, respectively. Several U.S. congressmen alleged that police had beaten the Catholics.

In the blogging cases, a well-known gossip columnist, Le Nguyen Huong Tra, was arrested Tuesday in Ho Chi Minh City on charges of defamation after she posted an item alleging that the son of a senior security official had had affairs with beauty queens and dancers.

Also in Ho Chi Minh City, police continued to squeeze two other bloggers known for posts criticizing China. Phan Thanh Hai was taken into custody on Monday, and police continued to detain Nguyen Van Hai, who writes under the name of Dieu Cay. Dieu Cay was supposed to be released from jail on Oct. 20 after a 2½ year sentence on tax evasion charges. Dieu Cay was arrested for a series of blogs calling for anti-China demonstrations before the Beijing Summer Olympics.

Vietnam is estimated to have around 50 people in jail for politically related crimes. While Vietnam's human rights policies are often a target of criticism in the United States -- Sen. Barbara Boxer (D-Calif.) called on Clinton this week to raise the issue during her trip - Hanoi boasts a significantly more rambunctious political system than Burma, North Korea or even China. The National Assembly engages in real debates over policies, and the media are arguably less censored.

Some U.S. experts worry that if the Obama administration presses Vietnam too much on human rights, it could derail the hard-won progress in the relationship.

For many people in non-government organizations and the human rights community, "Vietnam is a kickable China," said Brantly Womack, professor of politics at the University of Virginia. "It's an easy target."
 
US urges Vietnam to release activists
Radio Australia
06:51 28/10/2010
The American secretary of state, Hillary Clinton, is attending meetings Hanoi and ahead of her arrival the US has called on Vietnam to release a number of activists which it says have been arrested or convicted unfairly. This week alone, nine people have faced legal proceedings for apparently having caused public disorder, including three labour activists jailed for up to nine years, and six Catholic parishioners. But while the US embassy has said it's 'concerned', American officials have economic interests with Vietnam that both sides will want to protect, so it's a fine line they are having to walk.
 
Jail, arrests contradict Vietnam rights commitments: US
Agence France-Presse
06:52 28/10/2010
Vietnam's jailing of activists and arrests of bloggers contradicts the country's commitment to human rights, the US embassy said Thursday ahead of Secretary of State Hillary Clinton's visit.

The comment came as the wife of another dissident -- a former Communist Party official -- told AFP that he was the latest to be arrested.

Vi Duc Hoi, 54, was detained Wednesday at the family home in northern Lang Son province bordering China, said his wife, Hoang Thi Tuoi.

His arrest came on the same day that communist Vietnam, after a trial lasting less than a day, jailed three labour activists who reportedly organised strikes and gave out "reactionary" leaflets.

One was jailed for nine years while the other two received seven-year sentences, said a court official in the southern Mekong Delta.

In a statement, the US embassy said it was concerned by the convictions and also troubled by the arrest of two bloggers and re-arrest of a third.

Those actions, together with the trial on Wednesday of several Catholic parishioners, "contradict Vietnam's own commitment to internationally accepted standards of human rights. We urge the government of Vietnam to release these individuals," the embassy said.

It said three of the accused parishioners were denied their right to legal representation under Vietnamese law.

Official media reported that, after a trial in the central city of Danang on Wednesday, the villagers were convicted with the most severe sentence of one year in jail. Another person was jailed for nine months while the rest had their sentences suspended, the reports said, adding that all of the accused were involved in a public disturbance.

Residents said in May that the villagers were arrested after a clash with a large group of police over a cemetery in Con Dau Catholic parish, near Danang.

Three US Congressmen alleged the villagers had been tortured, and asked top Vietnamese leaders to intervene and consider granting their unconditional and immediate release.

Other US lawmakers on Wednesday called on Clinton to raise human rights with Vietnam during her visit to the country beginning Friday.

The latest appeal was led in part by Representative Loretta Sanchez.

She and three other members of Congress asked Clinton to "raise specific cases and demand actual progress" when she meets Vietnamese leaders on the sidelines of a summit between leaders of the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) and other countries in the region.

British-based global rights watchdog Amnesty International said Vietnam must "stop this needless crackdown on government critics and peaceful activists".

US-based Human Rights Watch called for Clinton, during her visit, to speak out against an "intensifying campaign of harassment, arrest, beatings in custody, unfair trials, and long prison terms" against peaceful bloggers, community activists and others.

Watchdogs say there have been a series of rights violations against politically-oriented bloggers in Vietnam.

The blogs typically touch on official corruption, a controversial bauxite mining development, and relations with China, said Phil Robertson, the deputy director of Human Rights Watch's Asia division.

Tuoi, wife of the latest detainee, said that, as far as she knew, her husband had written articles "about general anti-corruption issues".

She said he told her that he was arrested on a charge of propaganda against the state, which carries a maximum 20-years prison term.
 
Vietnam: dure condanne per i sei parrocchiani di Con Dau
Radio Vaticana
07:38 28/10/2010
Dure condanne, ieri a Da Nang, contro i sei cattolici coinvolti negli incidenti del maggio scorso a Con Dau: due di loro dovranno scontare 12 mesi di prigione, gli altri quattro passeranno in carcere nove mesi. Centinaia di agenti in tenuta antisommossa erano schierati intorno alla sede del Tribunale del popolo. Il presidente del Tribunale, Tan Thi Thu Dung, li ha riconosciuti colpevoli di aver incitato sommosse, aver falsamente accusato il governo e aver istigato altri ad attaccare le forze dell’ordine. Gli imputati - riferisce l'agenzia AsiaNews - hanno protestato la loro innocenza, evidenziando come gli incidenti erano stati provocati dagli agenti che avevano attaccato un pacifico funerale. Gli accusati non hanno potuto avere un difensore, in quanto l’avvocato Cu Huy Ha Vu, che si era offerto di svolgere tale compito, non ha avuto il permesso di farlo. Migliaia di cattolici, ieri, hanno preso parte a veglie di preghiera ad Hanoi e Ho Chi Minh City, per protestate contro la sentenza. A loro si sono uniti anche non cattolici, indignati per l'ingiusta condanna. Ieri, il rinvio del processo e la richiesta di avere spiegazioni di “come sia legalmente possibile appropriarsi di terreni, case, chiesa e cimitero per consegnarli a una società, la Sun Investment Corporation”, che intende costruire un centro turistico, erano stati avanzati dal presidente della Commissione giustizia e pace dell’episcopato vietnamita, mons. Paul Nguyen Thai Hop. (R.P.)
 
Wietnam: Pokazowy proces w Wietnamie
Naszdziennik.pl
09:52 28/10/2010
Wietnamscy katolicy apelują o modlitwę w intencji sześciorga katolików, którzy dzisiaj - po niemal półrocznym pobycie w więzieniu - mają stanąć przed sądem. Wyrażają również zdecydowany sprzeciw wobec nieustannej manipulacji systemem sądowniczym będącym na usługach komunistycznego rządu.

W ostatnich dniach sprawą prześladowanych katolików w parafii Con Dau zajęła się rada komisji "Iustitia et Pax" przy Episkopacie Wietnamu. Jej przewodniczący ks. bp Paul Nguyýn Thai Hop wystosował pismo do władz miasta i sądu mającego prowadzić sprawę sześciorga oskarżonych o to, co zwykle, czyli o "zakłócanie porządku publicznego, pieniactwo i napaść na funkcjonariuszy bezpieczeństwa państwa". W mocnych słowach ks. bp Thai Hop zwrócił się do rządu o odłożenie rozprawy w związku z licznymi kwestiami, które wymagają wyjaśnienia. Wyraził ubolewanie, że władze dopuściły się przemocy w czasie rozwiązywania konfliktu.

Wskutek transakcji, jaką władze miasta zawarły ze spółką Sun Investment Corporation, postanowiono o przekształceniu rejonu parafii w "tereny ekologiczne", sprzyjające celom turystycznym. W bezprecedensowy sposób zagrabiono grunty rolne i zadecydowano o wyburzeniu wszystkich domów w parafii istniejącej tam od 130 lat. Terenem wyjątkowo pożądanym stał się okoliczny cmentarz. 4 maja odbywał się tam pogrzeb Marii Dang Thi Tan. Kondukt żałobny został zaatakowany przez oddziały policji chcące uniemożliwić pochówek. Starcia trwały ponad godzinę, aresztowano ok. 70 osób. Policja przeprowadziła serię brutalnych przesłuchań, w wyniku których zmarła jedna osoba. Ostatecznie władze uwięziły 6 parafian. Tysiące katolików zgromadziło się na modlitwie na terenie klasztoru Ojców Redemptorystów w Thai Ha, aby dać wyraz swego poparcia dla sześciorga parafian z Con Dau.

(Source: http://www.naszdziennik.pl/index.php?dat=20101027&typ=wi&id=wi13.txt)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa tập huấn chăm sóc tâm lý xã hội cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Hải Phòng
Caritas Hải Phòng
05:25 28/10/2010
HẢI PHÒNG - Ngày 26 tháng 10 vừa qua, Caritas Hải Phòng đã tổ chức khóa tập huấn “ Chăm sóc tâm lý xã hội cho trẻ nhiễm và trẻ ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”. Tham dự khóa tập huấn này có 37 tình nguyện viên của Caritas giáo xứ, giáo họ.

Hiện nay các tình nguyện viên ở Hải Phòng đang chăm sóc 242 trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Chính vì thế ban điều phối Carias giáo phận, cũng mong muốn đào tạo cho các tình nguyện viên của các giáo hạt Quảng Ninh, Hải Dương, biết kiến thức cũng như kỹ năng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng, để khi có những trường hợp cụ thể các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ cho các em một cách có hiệu quả nhất.

Sau khóa tập huấn này, các tình nguyện viên có kiến thức, kỹ năng để tư vấn và chăm sóc tâm lý xã hội cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
 
Caritas giáo phận Thanh Hóa và quý ân nhân đến với bà con dân tộc Thái tại huyện Thường Xuân.
Caritas Thanh Hóa
08:04 28/10/2010
Caritas giáo phận Thanh Hóa và quý ân nhân đến với bà con dân tộc Thái tại huyện Thường Xuân.

Trong tình thần bác ái sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là những người dân nghèo đang sinh sống tại các vùng núi – nơi điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn vì đường xá cách trở, ít hiểu biết, nghèo và hầu như bị lãng quên khi nhìn về cuộc sống nơi đây với mầu xanh ngút ngàn của cây rừng và cứ thầm nghĩ sau rặng cây đó là cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Nhưng đến và chứng kiến cuộc sống của những người dân nơi đây mới cảm nhận được cái đói, cái nghèo luôn là một “sự đồng hành” thường trực theo suốt kiếp của họ.

Xem hình

Để sẻ chia chút tình thương cũng như mang chút hơi ấm tình người bằng những món quà do các ân nhân tài trợ, sáng ngày 21 tháng 10 vừa qua, Ban bác ái xã hội – Caritas giáo phận cùng với quý sơ Hội dòng Mến thánh giá Thanh Hóa, các bạn sinh viên Công giáo và các anh chị thiện nguyện tại giáo xứ Chính Tòa đã đến với bà con dân tộc Thái tại nằm trên địa bàn thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, cách TGM Thanh Hoá hơn 100 km về phía Tây.

“Đến – xem – cảm nhận”, mới thấu hiểu thế nào là cuộc sống của những người chân lấm tay bùn, suốt cuộc đời chỉ biết đi sau con trâu cái cày. Gia tài của họ chỉ là ngôi nhà lá đơn sơ với bộ bàn nghế, cái gường, những manh quần áo cũ, một vài bó ngô khô treo lủng lẳng trên xà nhà, nếu nhà nào khá hơn thì có thêm con trâu, đàn gà và một vài con bò. Khi chứng kiến bữa ăn của người dân với cơm độn sắn, rau rừng và bắt nước cơm pha muối mới hiểu được thân hình nhỏ bé, trẻ em còi cọc, mắt tóe là do thiếu dinh dưỡng… Cảm thương và muốn sẻ chia thật nhiều, nhưng do hạn chế về tài chính, hạn chế về sức người và nhiều lý do khách quan khác, chúng tôi cũng chỉ cho họ được “con cá” với mục đích cho họ được no cái bụng tạm thời, còn cho “cần câu” thì cả một vấn đề cần sự ủng hộ đồng bộ của nhiều tấm lòng, nhiều thành phần và nhiều có trách nhiệm.

Sau hơn 4 giờ phát quà: Gạo, muối, bột ngọt, sách bút, giầy dép và một số thuốc thông dụng cho bà con nơi đây, phái đoàn trở về với nhiều ưu tư về cuộc sống mà những người dân nghèo đang chịu đựng. Dâng một lời kinh và lời ước nguyện cho quý ân nhân và cho nhiều tấm lòng rộng mở, sẻ chia với anh em đồng loại…
 
Lễ tang Cha giáo Phêrô Cao Văn Đạt
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:59 28/10/2010
SAIGÒN - Hôm nay 28.10.2010, Thánh Lễ An Táng Cha Phêrô Cao Văn Đạt được cử hành tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là Thánh Tử Đạo Việt Nam, Linh mục Gioan Đạt (+1798) được mừng kính trong ngày này.

Xem hình ảnh tang lễ

Thánh Gioan Ðạt sinh năm 1765 tại Thanh Hóa. Mồ côi cha từ nhỏ, cậu được nhận vào nhà Ðức Chúa Trời rất sớm để học hành kinh sách, giáo lý, triết lý và cuối cùng, tháng 3-1798, ngài được chịu chức linh mục. Cùng năm đó, có lệnh bắt đạo dưới đời Cảnh Thịnh. Ngày 25-8-1798, ngài bị bắt cùng với mấy thầy giảng và một số giáo dân. Thời gian trong ngục, ngài tỏ ra rất bình tĩnh. Càng gần ngày xử án, ngài càng vui mừng. Ngày 28-10-1798, ngài bị dẫn ra pháp trường Chợ Rạ, Thanh Hóa. Số giáo hữu đi theo từ biệt ngài rất đông. Tại nơi xử án, ngài không bị trói, và đang khi ngài cầu nguyện sốt sắng, lý hình đã chém lìa đầu ngài. Liền sau đó, giáo hữu được lãnh xác ngài về chôn cất.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27-5-1900 và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19-6-1988. (Châu-Kiên-Long).

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn sáng nay có rất nhiều những vành khăn sô tiễn biệt. Những vòng hoa thương tiếc trang trọng giữa lối đi từ cổng vào Nhà nguyện Đại Chủng Viện và sân lễ đài. Các thầy Đại Chủng Sinh, các thân nhân đeo khăn tang, nét mặt trầm tư tiếc thương. Mọi người về đây hiệp dâng thánh lễ và muốn dâng lên áng hương lòng để tưởng nhớ cha giáo đã về với Chúa.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, hơn 400 linh mục, cùng đông đảo Chủng sinh tu sĩ nam nữ, thân nhân, giáo dân từ các giáo xứ đã đến hiệp dâng Thánh Lễ và tiễn đưa linh cửu cha Phêrô đến an nghĩ tại nghĩa trang Giáo xứ Trung chánh.

Cha Phêrô đã bước qua ngưỡng cửa sự chết để về với Thiên Chúa sau khi đã đi qua 73 năm tuổi đời, 44 năm linh mục.

Sau khi đoàn rước linh cửu từ nhà nguyện sang lễ đài, thầy Phó Tế đọc tiểu sử Cha Cố Phêrô Cao Văn Đạt.

- Sinh ngày 04 tháng 12 năm 1937, tại Bút đông (Trác bút, Châu giang, Duy tiên, Hà nam).

- Vào Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên (Hà nội) tháng 9 năm 1949.

- Từ 1952-1954, học Tiểu chủng Viện Piô XII (Hà nội)

- Từ 1959-1961, học Triết tại ĐCV Xuân Bích.

- Từ 1961-1962, dạy học tại Tiểu Chủng Viện Vũng Tàu

- 1962-1963, học Thần học năm I

- Chịu chức Linh mục ngày 19.4.1966, sau đó dạy học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

- Năm 1968, du học tại Đại học Salésien-Rôma, chuyên nghành Tâm lý giáo dục.

- Năm 1971, tốt nghiệp Cử nhân Tâm lý học.

- Năm 1973, lấy bằng Tiến sĩ Tâm lý Giáo dục.

- Từ 1973-1974, tu nghiệp tại Hoa Kỳ.

- Ngày 05.7.1974, về Việt Nam, phục vụ tại Tiểu chủng Viện.

- Từ 1976-1991, giúp Giáo xứ Hàng Sanh và phục vụ tại ĐCV Thánh Giuse Sài gòn.

- Năm 1992, tu nghiệp tại Philippin.

- Từ 1976-2000 là Giáo sư ĐCV Thánh Giuse Sài gòn.

- Về nhà cha ngày 25.10.2010 (nhằm ngày 18 tháng 9 năm Canh Dần).

- Hưởng thọ 73 tuổi, 44 năm Linh mục.

Đức Cha Phêrô, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sài gòn chủ tế và giảng lễ.

- Kính thưa quý Đức Cha,

- Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ cùng tất cả quý ông bà anh chị em, cách riêng là quý thân bằng quyến thuộc của Cha giáo Phêrô Cao Văn Đạt.

Sáng hôm nay cộng đoàn chúng ta quy tụ ở đây, quây quần chung quanh bàn Thánh Chúa, chung quanh linh cữu của Cha giáo Phêrô với tất cả nỗi niềm thương tiếc. Đức Hồng Y Gioan Baotixita rất muốn có mặt ở đây để chủ sự thánh lễ này nhưng vì ngài phải chuẩn bị cuộc họp của các Giám mục trong giáo tỉnh Sàigòn sáng hôm nay nên ngài không thể đến được, nhưng ngài muốn hiệp thông với cộng đồng chúng ta ở đây. Chúng ta quy tụ ở đây không chỉ để tiễn biệt một người thân yêu mà còn là để dâng lời tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho Cha giáo Phêrô. Có một trùng hợp ngẫu nhiên là hôm nay cũng là ngày kính nhớ một trong các vị thánh tử đạo Việt Nam lại mang tên là Thánh Đạt, sự trùng hợp đó khiến cho chúng ta tin tưởng dâng lời tạ ơn Chúa về cuộc sống, về sứ mạng mà Cha giáo Phêrô đã hoàn tất một cách tốt đẹp. Và xin Chúa dẫn đưa ngài vào mối hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Và thưa anh chị em, giờ đây tất cả chúng ta khiêm tốn nhìn nhận những tội lỗi, thiếu sót còn lại trong đời sống của mình, xin Chúa tha thứ cho chúng ta xứng đáng cử hành thánh lễ.

- “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt”. Thưa anh chị em, đây là một lời Thánh kinh rất quen thuộc đối với tất cả chúng ta, và Chúa Giêsu đã công bố lời này trong bối cảnh cuộc thương khó gần kề. Chính vì thế mà lời này thường được hiểu và được áp dụng cho những cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thế nhưng tôi nghĩ rằng, cần phải hiểu lời này trong một bối cảnh lớn hơn, cần phải hiểu lời này như hình ảnh áp dụng cho toàn bộ cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, và mạnh hơn nữa, tôi dám nói rằng, hình ảnh này là hình ảnh diễn tả chính mầu nhiệm của Thiên Chúa là tình yêu. Hạt lúa Giêsu được Chúa Cha gieo vào lòng thế giới này và ngay từ giây phút đầu tiên nhập thể trong cung lòng thanh khiết của Mẹ Maria, hạt lúa Giêsu đã bắt đầu đi vào trong hành trình hủy mình ra không, chấp nhận thối rữa đi để có thể sinh nhiều bông hạt. Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã thấu hiểu được điều này, cho nên họ hát lên trong thánh thi Philip rằng: Đức Giêsu Kitô phận là Thiên Chúa nhưng đã không đòi cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại, Người đã chấp nhận hủy mình ra không. Mang lấy thân phận con người, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Có nghĩa là mầu nhiệm hủy mình ra không, mầu nhiệm của hạt lúa chấp nhận được gieo vào lòng đất và thối rữa đi. Mầu nhiệm ấy không chỉ xuất hiện trên đồi Calvê, nhưng mầu nhiệm ấy đã bắt đầu từ ngày truyền tin cho Đức Maria, đã bắt đầu từ ngày giáng sinh, rồi trải dài qua cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu và đạt đến đỉnh cao trọn vẹn nơi đồi Calvê, nơi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, và cũng từ đấy để hoa trái của ơn cứu độ được tuôn đổ phong phú trên tất cả nhân loại và từng người chúng ta.

Thưa anh chị em, hôm nay Cha giáo Phêrô Cao Văn Đạt tham dự thánh lễ chung với cộng đoàn, chỉ mỗi một điều khác biệt, cộng đoàn đứng, cộng đoàn ngồi, còn ngài thì nằm bất động. Nhưng nhớ lại cách đây 44 năm về trước, cũng có một ngày trong một thánh lễ mà tất cả cộng đoàn thì đứng mà Cha Phêrô cũng nằm, nằm sấp mặt xuống đất, phủ phục trước bàn thờ. Đó là ngày ngài được phong chức Linh mục. Và hành trình của mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất mà chấp nhận thối rữa đi đã bắt đầu từ ngày hôm ấy, chứ không chỉ ngày hôm nay. Cha giáo Phêrô ý thức rằng, được Chúa gọi, được Chúa chọn làm Linh mục là chấp nhận sống quy luật của hạt lúa: gieo vào lòng đất và bị thối rữa đi. Ngài đã cố gắng sống quy luật ấy trong suốt đời Linh mục của mình. Một cách cụ thể, ngài sống quy luật đó trong nhiệm vụ của một Cha giáo Chủng viện. Cả cuộc đời của Cha Phêrô gắn với Tiểu Chủng viện, rồi Đại Chủng viện. Biết bao nhiêu học trò ngồi đây, bản thân tôi cũng là học trò.

Ai trong chúng ta cũng biết rằng Giáo hội ý thức tầm quan trọng của việc đào tạo linh mục. Cho nên, Giám hội luôn luôn chọn những linh mục ưu tú nhất và có phẩm chất cao quý nhất để trao cho trách nhiệm đào tạo linh mục. Bởi lẽ, đào tạo linh mục không chỉ cung cấp kiến thức chuyên ngành giống như ở các trường đại học, nhưng đào tạo linh mục là huấn luyện những con người trưởng thành về nhân bản, chín chắn trong hiểu biết, vững vàng trong đời sống thiêng liêng, và khôn ngoan trong lãnh đạo. Chính vì thế mà vai trò của nhà đào tạo rất quan trọng. Giáo hội luôn luôn chọn những linh mục ưu tú nhất và có phẩm chất cao quý để trao cho trách nhiệm lớn lao này. Và cũng vì thế, mang tên gọi là Cha giáo, mang tên gọi là nhà đào tạo linh mục là cả một tên gọi và danh hiệu hết sức cao quý. Nhưng thưa anh chị em, hàm ẩn trong danh hiệu và tên gọi cao quý đó là rất nhiều hy sinh từ bỏ. Hy sinh và từ bỏ vì cuộc sống rất đỗi âm thầm đến nổi lặng lẽ và buồn tẻ, nhất là khi kéo dài năm này qua năm khác. Hy sinh và buồn tẻ vì luôn luôn phải làm gương mẫu cho học trò, ý thức rằng việc đào tạo các linh mục tương lai không chỉ bằng lý thuyết suông mà bằng chính cuộc sống của nhà đào tạo, bằng chính gương mẫu của các Cha giáo, cho nên chấp nhận rất nhiều hy sinh từ bỏ âm thầm, và có khi người ở bên ngoài nhìn vào không thểthấy hết được

Cha giáo Phêrô Cao Văn Đạt đã cố gắng sống quy luật của hạt lúa gieo vào lòng đất chấp nhận thối rữa đi trong chức năng của một nhà giáo Chủng viện, chức năng của một nhà đào tạo linh mục, và cũng chính nhờ những hy sinh và từ bỏ âm thầm lặng lẽ ấy mà có bao nhiêu anh em linh mục đã được đào tạo để trở thành những linh mục tốt lành, phục vụ trong cánh đồng truyền giáo, phục vụ cho Hội thánh của Chúa.

Vì thế, thưa anh chị em, khi chúng ta nhìn lại mầu nhiệm hủy mình ra không của Chúa Giêsu, mầu nhiệm của hạt lúa được gieo vào lòng đất và chấp nhận thối rữa đi trong tầm nhìn như vậy đó thì cái chết của Cha giáo Phêrô tưởng như bất ngờ mà lại không bất ngờ. Tưởng như bất ngờ bởi ai trong chúng ta nghe tin ngài ra đi cũng ngỡ ngàng. Bản thân tôi mới tuần trước cùng với ngài, cùng với Cha Giám đốc Đại Chủng viện đi về xứ Lạng Sơn, Xóm Mới làm lễ an táng cho Cha Giuse Thân Văn Tường, cũng là một Cha giáo sư lâu năm của Đại Chủng viện Thánh Giuse, Sàigòn. Trên đường về, ngồi chung xe, ngài kể cho tôi nhiều chuyện rất vui rất phấn khởi. Ngài kể là sắp đi ra Phan Thiết, mấy ngày ở với một Cha bạn, rồi sau đó sẽ đến Tòa Giám Mục để mừng lễ của Đức Cha Giuse rất thân thương, và ngài còn nói với tôi dự định là, có lẽ thời gian sắp tới có thể tập đi honda lại được, rất vui mừng, rất phấn khởi. Và vì thế khi nghe tin ngài qua đời, làm sao lại không ngỡ ngàng? Cái chết này quá đỗi bất ngờ. Nhưng đồng thời cái chết này không bất ngờ chút nào nếu hiểu cái chết ở đây là sống mầu nhiệm hủy mình ra không của Chúa Giêsu, sống quy luật của hạt lúa được gieo vào lòng đất và chấp nhận thối rữa đi thì có bất ngờ đâu, bởi vì Cha giáo Phêrô đã sống quy luật đó từ lâu rồi, suốt 44 năm đời linh mục của mình. Chính vì thế, chúng ta họp nhau đây xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta một linh mục tận tụy với ơn gọi, với sứ mạng, với nhiệm vụ của mình cho đến hơi thở cuối cùng. Xin tạ ơn Chúa vì những hồng ân Chúa ban cho Hội thánh qua sự góp phần của Cha giáo Phêrô, và xin Chúa cũng cho mỗi người chúng ta, cho bậc sống, cho ơn gọi, cho nhiệm vụ của mình được ý thức lại và sống sâu sắc hơn quy luật của hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận thối rữa đi. Bởi vì có như thế thì chính ý nghĩa cuộc đời chúng ta sẽ nên phong phú hơn, và cũng hy vọng góp phần nhỏ bé của mình vào đời sống Hội thánh Chúa và góp phần xây dựng Nước Chúa trên trần gian này.

Cuối thánh lễ, Cha Giám Đốc Ernest dâng lời tri ân. Sau đó Cha Phó Giám đốc cử hành nghi thức tiễn biệt, mọi người tiễn đưa linh cửu cha Phêrô đến trước núi Đức Mẹ Nhà Truyền Thống, vì như lời Cha Giám Đốc: sinh thời ngài thường viếng núi Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi. Cộng đoàn hòa vang bài ca “Xin Vâng” như gói trọn tâm tình xin vâng như Mẹ Maria của cha giáo Phêrô trong suốt hành trình phục vụ. Sau đó nhiều người ngậm ngùi tiễn đưa ngài đến an nghĩ tại nghĩa trang giáo xứ Trung chánh.

Nhìn đông đảo các linh mục môn sinh đến đồng tế thánh lễ an táng cha Phêrô, tôi thấy ấm lên tình thấy trò, nghĩa tri ân giữa khung cảnh chia ly mất mát. Cha Phêrô đã ra đi và bước vào thế giới của lòng mến. Mọi người ở lại trong thế giới của lòng tin. Người sống và kẻ chết vẫn gặp nhau trong mầu nhiệm hiệp thông Giáo hội.

Đức Giêsu là Đường (Ga 14,6), là Cửa (Ga10,9) dẫn đưa Cha Phêrô vào sự sống thật muôn đời và sự sống ấy cũng chính là Đức Giêsu vì “ Người là sự sống lại và là sự sống”, những ai tin vào Người thì “dù đã chết cũng sẽ được sống” ( Ga 11,25).Từ nay Cha Phêrô vĩnh viễn thuộc về Chúa, hiện hữu trong Chúa, hạnh phúc miên trường trong Chúa.
 
Các Hội đồng giáo xứ GP Thái Thành họp tổng kết năm 2010
Nguyễn Giang
10:06 28/10/2010
THÁI BÌNH - Sáng nay ngày 28/10/2010, tại nhà thờ Chính Toà giáo phận Thái Bình, hội đồng giáo xứ toàn giáo phận Thái Bình đã tổng kết cuối năm 2010, và chuẩn bị đường hướng mục vụ cho năm 2011, dưới sự hướng dẫn của Đức giám mục giáo phận Phêrô Nguyễn Văn Đệ.

Đúng 8 giờ, bài hát cầu xin ơn Chúa Thánh Thần được cất lên mở đầu cho buổi tổng kết cuối năm đầy ý nghĩa này.

Tham dự buổi tổng kết cuối năm hôm nay có 400 vị chánh phó ban hội đồng mục vụ của 102 giáo xứ trong giáo phận Thái Bình. Mục đích của buổi tổng kết hôm nay là nhìn lại những hoạt động của năm qua, để rút ra bài học cho năm tới. Những ưu điểm cần được nhân lên, những khuyết điểm thì cần sửa chữa, đồng thời góp ý kiến xây dựng cho cuốn Kim Chỉ Nam của giáo phận ngày một hoàn thiện hơn.

Mở đầu buổi thảo luận, Đức cha cám ơn các đại biểu đã về tham dự đông đủ buổi tổng kết hôm nay, cám ơn sự hy sinh, đóng góp công của cho giáo xứ, giáo phận. Sau đó, ngài lắng nghe những đóng góp ý kiến của các đại biểu và cùng nhau bàn hỏi, giải quyết những thắc mắc của các tham dự viên nêu ra.

Tiếp đến phần thảo luận và góp ý về phụng vụ trong giáo phận, cha Vincent Ngô Thái Phong đã nêu lên những điều cần lưu ý về phụng vụ, nhất là khi cử hành thánh lễ trong các nhà thờ giáo xứ, giáo họ.

Sau đó, cha Giuse Trịnh Tiến Thành đã chia sẻ với các tham dự viên về một số phương pháp làm việc, tổ chức, điều hành trong giáo xứ. Với thời lượng không nhiều, cha Thành chỉ nêu một vài điểm chính để mọi người có thể áp dụng riêng cho từng hoàn cảnh, từng giáo xứ.

Bài tổng kết các ý kiến khép lại buổi thảo luận, mọi người có thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho thánh lễ.

Đúng 11 giờ, Đức cha cùng quý cha và cộng đoàn cùng hiệp dâng thánh lễ. Buổi tổng kết hôm nay trùng với ngày lễ kính hai thánh Simon và Giuđa tông đồ. Ngỏ lời với cộng đoàn trong thánh lễ, Đức cha nói về đời sống theo Chúa của hai thánh tông đồ. Các tông đồ là những con người như chúng ta: yếu đuối, tội lỗi, sợ sệt, bất toàn. Nhưng nhờ ơn Chúa, được Chúa huấn luyện, các ngài đã trở thành khí cụ sắc bén của Chúa. Đức cha kêu gọi quý chức hãy noi gương các tông đồ, dù là phận người yếu đuối nhưng có Chúa, hãy cố gắng hết mình, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần quý vị có thể làm được mọi sự.

Thánh lễ kết thúc, bài hát xin dâng lời cảm tạ được hát lên theo tiếng đàn du dương trầm bổng. Tạ ơn Chúa vì biết bao ơn lành Chúa ban cho mỗi quý vị trong ban hội đồng giáo xứ toàn giáo phận trong năm qua. Các tham dự viên cùng trở nhà vòm Toà giám mục dùng cơm trưa trong tình cha con đầm ấm ngày gặp mặt.
 
Đêm thắp nến cầu nguyện cho nạn nhân Lũ Lụt và giáo dân Cồn Dầu tại Sydney
Diệp Hải Dung
18:36 28/10/2010
SYDNEY - Tối thứ Năm 28/10/2010 rất đông đủ mọi người trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân đang bị áp bức tại Giáo Xứ Cồn Dầu và các nạn nhân bão lụt ở Việt Nam.

Xem hình ảnh

Trước khi khai mạc Thánh lễ, mọi người được xem những đoạn Video Clip trình chiếu về những cảnh đàn áp Giáo Dân tại Giáo Xứ Cồn Dầu và cảnh thiên tai lũ lụt tại miền Trung Việt Nam. Sau 3 hồi chiêng trống, đoàn phụng vụ và quý Cha tiến lên bàn thờ cùng với toàn thể Cộng Đồng thắp lên những ánh nến linh thiêng để hiệp thông, chia sẻ, và cầu nguyện cho các nạn nhân Giáo Xứ Cồn Dầu và các nạn nhân lũ lụt tại Việt Nam.

Kế tiếp quý Cha và quý Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney cùng thắp lên nén hương và dâng lên bàn thờ Tổ Quốc Việt Nam kính nhớ các bậc tiền nhân và cầu nguyện rất sốt sắng cho Giáo Xứ Cồn Dầu và các nạn nhân lũ lụt. Sau đó, đại diện 3 giới cao niên, trung niên, và giới trẻ, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin tha thiết, đồng thời, tất cả mọi người trong nhà thờ giơ cao những ánh nến lung linh cùng với Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh dâng lên Thiên Chúa bài hát Kinh Hòa Bình cầu nguyện cho các nạn nhân Giáo Xứ Cồn Dầu và các nạn nhân lũ lụt.

Sau đó quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Mai Đào Hiền và Cha Nguyễn Thái Hoạch cùng hiệp dâng Thánh lễ. Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi chia sẻ về những nỗi đau thương của các nạn nhân Giáo Xứ Cồn Dầu bị nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp bất công và những nạn nhân bị thiên tai bão lụt tại miền Trung. Ngài nhắc tới bài hát Con Có Một Tổ Quốc Việt Nam với lời ca của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đặc biệt 2 câu tiêu biểu:

Con có một Tổ Quốc Việt Nam.
Quê Hương Con Yêu Quý Ngàn Đời.


Với tâm tình tha thiết của câu kết như một tâm niệm:

Vui Niềm Vui Đồng Bào.
Buồn nỗi buồn Dân Tộc.


Mặc dù với sự can thiệp của ĐGM Nguyễn Thái Hợp, sự can thiệp của 3 thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ, các cơ quan Nhân Quyền thế giới, các phản ứng trong nước cũng như quốc tế để ngăn cản phiên tòa bất công xử án vụ Cốn Dầu, nhưng phiên tòa không có công lý vẫn kết án oan khiên 6 nạn nhân Giáo Dân tại Cồn Dầu.

Trước khi Thánh lễ kết thúc Cha Paul Văn Chi ngỏ lời cám ơn Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, quý Cha, quý Hội Đồng Mục Vụ và toàn thể mọi người đã đến tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho những nạn nhân Giáo Xứ Cồn Dầu và các nạn nhân lũ lụt. Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn cũng thông báo số tiền quyên góp giúp nạn nhân lũ lụt được $16, 101.00 Úc kim đã gởi cấp tốc về Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp để kịp thời cứu trơ cho các nạn nhân lũ lụt đau thương.

Sau đó, Thánh lễ kết thúc với Bài Hát Nguyện Cầu Mẹ La Vang cầu nguyện cho Quê Hương, Dân Tộc và Giáo Hội Việt Nam.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bão lũ trên Cồn
Gioan Vinh
05:03 28/10/2010
BÃO LŨ TRÊN CỒN

Kêu ai nữa những con người khốn khổ?
Phận định rồi giờ lặng lẽ bước đi
Nước mắt nào dù có chảy ướt mi
Trần thế này cũng lặng im nhẫn nhục

Mong chi nữa những con người oan ức
Như Giêsu, cứ lên thành không phản ứng than van
Người vẫn đi, dù nhìn thấy những gian nan
Không ai cản bước chân Người cứu độ

Thật đáng buồn người cầm cân giữa chợ
Sai hôm nay rồi đúng ở ngày mai
Đúng bây giờ rồi chiều xuống lại sai
Vẫn nhìn quanh, nhưng đâu rồi sự thật

Thật đáng buồn người được giao chăn dắt
Vẫn làm ngơ, dù tiếng khóc vang vang
Chiều đồi vắng người có nặng bước chân
Khi chiên con sa vào vòng khổ luỵ ?

Thật đáng buồn người đi rao bình an công lý
Hoà bình đâu và công lý ở nơi đâu?
Người có nghe chua xót những niềm đau?
Nhưng lạnh lùng người cười chưa chớm nụ

Giêsu đi, buổi chiều ngàn hoa ủ rũ
Bước lên đồi, màn bỗng xé làm đôi
Mấy ngày sau hoa lại nở, chim hoan ca trên đồi
Và ánh sáng, ánh rực vàng ngày hồng phúc.

Cồn Dầu ơi, đừng lo âu cũng đừng phủ phục
Trước con người dù có lắm quyền uy
Một ngày kia, rồi ai cũng phải ra đi
Ngươi lại đứng, bên Con Chiên chiến thắng.

Chiều hôm nay thấy lòng mình chợt đắng.
Anh em tôi quê nghèo sao số phận đơn côi
Lũ lụt kia, bão bùng kia, còn hung hãn sục sôi
Mà ở đây, bão lụt tràn lên mảnh đời lam lũ?
 
“Tại sao không phải thân nhân của bà Hồ Nhu (tại Cồn Dầu) mà lại tham gia đám tang?“
Hà Long
05:10 28/10/2010
Một câu hỏi của vị chánh án vô lương tri ở tòa án nhân dân Quận Cẩm Lệ - tạm gọi là không còn trái tim của con người: “Tại sao không phải thân nhân của bà Hồ Nhu (tại Cồn Dầu) mà lại tham gia đám tang?“ Người đọc không hình dung ra được vị chánh án diện mạo ra sao, nhưng câu hỏi trên đã cho thấy tình nghĩa xóm làng đùm bọc lẫn nhau và nghĩa tử là nghĩa tận đã bị bào mòn đến tận cùng trong tâm thức của người cộng sản Việt Nam.

Ngược lại trong ngày hôm qua, thứ ba, 26/10/2010 toàn quốc đọc được thư của gia đình tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi lời cảm ơn sau lễ tang phu nhân tổng bí thư. Toàn văn lời cám ơn ghi như sau theo TTXVN: Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể Trung ương và địa phương, Ban Tổ chức lễ tang, các cơ quan ngoại giao và bạn bè quốc tế, họ hàng nội ngoại cùng thân bằng cố hữu đã đến viếng, gửi vòng hoa, điện chia buồn, dự lễ truy điệu và tiễn đưa người thân chúng tôi là bà Lý Thị Bang, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ngày 7/12/1942, mất ngày 24/10/2010, hưởng thọ 69 tuổi về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ suất, gia đình xin được lượng thứ. Thay mặt gia đình.
(Chồng: Nông Đức Mạnh)

Câu hỏi “Tại sao không phải thân nhân của bà Hồ Nhu (tại Cồn Dầu) mà lại tham gia đám tang?“ của vị chánh án ở tòa án nhân dân Quận Cẩm Lệ bây giờ được đặt ra cho tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nông Đức Mạnh: “Tại sao không phải thân nhân của bà Lý Thị Bang mà tất cả cá nhân và đoàn thể đến dự lễ truy điệu và tiễn đưa được gia đình tang gia nhận được lời cám ơn trang trọng như thế?“

Cùng một việc tham dự tiễn đưa và chôn một người chết: một bên thành tội đồ, một bên thành công ơn.

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) hôm thứ ba, 26/10/2010 kêu gọi Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton lên tiếng về vụ Cồn Dầu khi bà đến Hà Nội vào cuối tuần này.

Ông Leonard Leo, Chủ tịch của USCIRF cho biết: “Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Clinton nêu vấn đề với Việt Nam, vừa công khai vừa riêng tư, về vụ Cồn Dầu và đưa ra tuyên bố công khai lên án việc các cộng đồng tôn giáo Việt Nam tiếp tục đối mặt với bạo động và đối xử thô bạo.”

Cùng ngày 26/10/2010, các Dân Biểu Christopher Smith, Frank Wolf và Cao Quang Ánh kêu gọi trực tiếp chủ tịch Nguyễn Minh Triết và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng can thiệp để tránh gây khó khăn cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ:

„Quốc Hội Hoa Kỳ đã thu thập rất nhiều báo cáo đáng tin cậy từ những giáo dân Cồn Dầu phải đối đầu với bạo lực, bắt bớ, và hăm dọa của công an bởi vì chính quyền địa phương muốn xây dựng một khu du lịch sinh thái. Thêm nữa, một giáo dân đã bị thiệt mạng sau khi bị công an tra tấn đánh đập nhiều lần, và hai phụ nữ đã bị sẩy thai. Trong khi quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt-Mỹ trên đà gia tăng, chúng tôi thiết nghĩ rằng sự tiến triển ấy không thể nào được biện minh bằng những hành động đàn áp như trên.“

Cuối thư các Dân Biểu Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo chính quyền Việt Nam về đàn áp nhân quyền:

„Chúng tôi vẫn tin tưởng vào một quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt-Mỹ, nhưng, chúng tôi và nhiều vị đồng viện trong trong Quốc Hội vẫn chủ trương rằng vấn đề nhân quyền là một quan tâm hàng đầu trong chính sách của Hoa Kỳ và là điểm trọng yếu trong quan hệ song phương giữa hai nước.“

Không ai tin được trong thế kỷ 21 có một vị chánh án Việt Nam vô lương tri đến thế!
 
Luật sư Cù Huy Hà Vũ đề nghị khởi tố hình sự Chánh án TAND Quận Cẩm Lệ
Luật sư Cù Huy Hà
08:00 28/10/2010
 
Văn Hóa
Hôn nhân lành mạnh và bền vững
Trầm Thiên Thu
05:06 28/10/2010
Đa số các tâm lý gia đều đồng ý rằng mục đích tối hậu của các thân chủ là Hạnh Phúc và Hôn nhân bền vững là quan yếu. Là điều cốt lõi của hôn nhân hạnh phúc, mối quan hệ tốt đẹp giúp dễ dàng tận hưởng cuộc sống và thành đạt trong nghề nghiệp vì biết rằng mình có người bạn đời thông cảm và tận tụy.

Đây là những điều cần thiết để khả dĩ có mối quan hệ hôn nhân bền vững:

1. Biên độ. Đây là điều quan trọng. Phải có các quy luật tuyệt đối được “quy ước” sớm như điều kiện “ắt có và đủ”. Khi hẹn hò, chúng ta đưa ra những điều kiện “phải làm” hoặc “không được làm”. Trước khi kết hôn, phụ nữ có quyền “làm giá”, nhưng chỉ là “yêu cầu” chứ không là “đòi hỏi”. Cần có thỏa thuận chung và cần được chấp nhận, biết mình và biết người để hiểu nhau và thông cảm nhau. Giới hạn đó là “biên độ” cần thiết để khả dĩ quyết định đến với nhau hay không.

2. Chấp nhận. Bạn phải chấp nhận chính con người của người bạn đời. Muốn vậy, bạn phải hiểu rằng mỗi người đều có những “cái riêng”, cả tính tốt lẫn tính xấu. Khó tập một tính tốt thì cũng khó bỏ một tính xấu. Với quyết tâm và nỗ lực cao thì khả thi. Tuy nhiên, đừng bắt nhau thay đổi trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian.

3. Xác quyết lời cam kết. Khi đã kết hôn, nghĩa là đã “cam kết” yêu thương nhau: Khi an vui cũng như lúc gian lao, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe,... để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đới. Cả hai có quyền như nhau và có trách nhiệm với nhau. Lời cam kết đó không chỉ một lần mà phải được củng cố hằng ngày. Có vậy thì mối quan hệ mới khả dĩ bền vững, tránh được nguy cơ “chia đôi lời ru”.

4. Chia sẻ mối quan tâm. Nếu chồng hâm mộ bóng đá, có lúc vợ sẽ phải hỏi chồng nghĩ gì về đội bóng mà chồng ủng hộ. Không hiểu nhiều thì vợ cũng cần hiểu cơ bản về bóng đá để có thể hiểu tại sao chồng mình lại mê như vậy. Hoặc nếu vợ thích xem phim Hàn quốc thì chồng cũng cần chia sẻ đôi chút về bộ phim mà vợ đang say sưa theo dõi từng ngày. Hai con người, hai giới tính, tất nhiên có cách nghĩ, sở thích và đam mê khác nhau. Đừng chê nhau thế này, thế nọ, mà phải biết chia sẻ điều người khác quan tâm – dù có thể mình không thích.

5. Chia sẻ dự định. Đời sống chung luôn có những kế hoạch chung cho tương lai. Do vậy mà rất cần thỏa hiệp chung, chia sẻ và thảo luận dự định của mình. Dự định đó có thể là một hoạt động nào đó cho gia đình, con cái, cha mẹ đôi bên, việc từ thiện,… Dù dự định đó quan trọng hay đơn giản thì vẫn cần được chia sẻ để tránh nghi ngờ hoặc hiểu lầm nhau.

6. Khỏang riêng. Ai cũng cần có “khoảng riêng”. Khoảng riêng vừa mang tính không gian vừa mang tính tinh thần. Đó là “nơi” tĩnh mịch sâu thẳm rất riêng tư cần được tôn trọng. Cũng chính “khoảng riêng” đó cần thiết để cân bằng cuộc sống, cân bằng tâm sinh lý. Mức cân bằng khả dĩ cứu vãn hôn nhân.

7. Xử lý cơn nóng giận. Nếu chồng/vợ làm mình tức giận, bạn phải biết cách xử trí và xử lý khéo léo. Nếu bạn không thỏa mãn với cách làm của chồng/vợ khiến bạn nổi điên, bạn phải phân tích sự việc và cách thảo luận để tìm ra nguyên nhân đích xác. Cách nói rất quan trọng, kể cả ngôn từ, vì nó có thể mang lại hệ quả tốt hay xấu. Tránh kiểu nói gay gắt, vòng vo, mỉa mai hay “nói mát”.

8. Thân mật phu thê. Dù cuộc sống bộn bề và vất vả (với công việc và con cái) thì cũng vẫn cần có “khoảng riêng phu thê” để sưởi ấm nhau. Đó là cái ích-kỷ-hợp-lý-và-xứng-đáng. Khi đó, vợ chồng tâm sự mọi điều và thân mật cả tinh thần lẫn thể lý. Đó là lý do mà tình dục rất đặc biệt trong quan hệ một vợ một chồng (đơn hôn), vì vậy mà không thể chấp nhận sự phản bội nhau – dù chỉ trong ý nghĩ.

9. Luôn vui vẻ. Có được người bạn đời đích thực nghĩa là không thể căng thẳng và không dám mạo hiểm. Tính khôi hài luôn cần thiết và hữu ích trong đời sống hôn nhân. Việc cười đùa và sự vui vẻ, thậm chí là thọc léc nhau, không thể thiếu trong mối quan hệ phu thê hạnh phúc, nhờ đó mà khả dĩ tạo một tổ ấm đúng nghĩa.

10. Cách nhìn. Điều quan yếu nhất là phải có cách nhìn tích cực về nhau, vì tuy là hai người nhưng đã nên một, cần tin tưởng nhau và chia sẻ mọi nỗi vui buồn của cuộc sống, luôn biết tôn trọng nhau và cởi mở với nhau để có sự thân mật thực sự. Đó là cách nhìn thâm sâu, cùng nhìn về một hướng, chứ không chỉ nhìn nhau theo cách nhìn sinh học.
 
Người nô lệ muôn dân
Phanxicô Xaviê
10:07 28/10/2010
NGƯỜI NÔ LỆ MUÔN DÂN
Kính nhớ tôi tớ Chúa: H.Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Nam kỳ khởi nghĩa, Công Lý mất,
Sài Gòn đồng khởi, mất Tự Do.
Muôn người phải sống trong lây lất,
Lang thang phố chợ, chốn nương nhờ.

Thương người, sớm hôm trong ngục thất,
Mười ba năm ấy, một chữ tình.
Vì yêu công lý, yêu sự thật,
Nên nỗi trần ai vướng lụy phiền.

Vâng nghe tiếng gọi Thầy Chí Thánh:
Theo Ta, phải từ bỏ chính mình !
Quên mình nghĩ đến muôn người khác,
Tình yêu đích thực phải hy sinh.
Nghiệt ngã phận người, tôi tớ Chúa,
Vinh quang Thiên Quốc, hưởng thanh nhàn.
Tình yêu nuôi dưỡng bằng cuộc sống,
Lao tù nguy khó, vẫn hiên ngang.

Một đời nhân ái luôn tha thứ:
Nguyện cầu Thiên Chúa rộng thương ban.
Hồng ân thánh hóa cho tôi tớ,
Những người tìm kiếm, bách hại con !

Một người tự do, không lệ thuộc,
Nhưng thành nô lệ của muôn dân.
Quy tụ muôn người thành một Nước,
Thông chia phần phúc một niềm tin.

(Sài gòn, ngày 3/12/2008)
 
Chuyện đời sau
Trầm Thiên Thu
21:24 28/10/2010
Lc 20:27-38

.

Có mấy người Xa-đốc

Đến gặp Đức Giêsu

Họ không tin sống lại

Nên thử tìm thực, hư

.

Họ hỏi Chúa Giêsu:

Ông Môsê có viết

Cho chúng ta điều luật

Anh em nào chết đi

Có vợ không con chi

Thì phải lấy nàng đó

Để trở thành chồng vợ

Mong sinh con nối dòng

Nhà bảy anh em nọ

Lấy vợ mà không con

Bảy người đều chết non

Không có con nào hết

Phụ nữ nọ cũng chết

Ngày sống lại thì sao

Nàng là vợ người nào

Vì bảy chồng, một vợ?

.

Chúa Giêsu đáp liền:

Đời cưới vợ, lấy chồng

Còn ai hưởng vinh quang

Sống lại từ cõi chết

Không vợ chồng chi hết

Họ không chết nữa đâu

Là con Đấng Tối Cao

Là con cái sống lại

Hưởng Tôn Nhan mãi mãi

Ngang hàng với thiên thần

.

Chúa là Đấng từ nhân

Chúa của các Tổ phụ

Không còn cái chết nữa

Tất cả đang sống thôi

.

Xin thương con, Chúa ơi!

Thêm niềm Tin, Cậy, Mến

Để con sống trọn vẹn

Đẹp Tình Chúa, tình người
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Buổi Sáng An Bình – A Beautiful Early Morning!
Nguyễn Đức Cung
14:01 28/10/2010
BUỔI SÁNG AN BÌNH – A Beautiful Early Morning!

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Thiên nhiên chẳng phụ lòng người;

Có chăng tâm thức ơ hờ đấy thôi.

(nđc phóng ngữ)

Nature never deceives us; it is we who deceive ourselves.

- Jean-Jacques Rousseau

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Rừng Thu
Đặng Đức Cương
14:14 28/10/2010
RỪNG THU

Ảnh của Đặng Đức Cương


Có phải em là Mùa Thu muôn thuở

Trải lá vàng trên khắp nẻo trần gian

Để hồn ta một lữ khách lang thang

Đem cung bậc gửi vào trang huyền sử.

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n