Ngày 25-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người thu thuế và Người Pharisêu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:24 25/10/2019
Chúa Nhật XXX Thường Niên
Hc 35,15b-17.20-22a; 2 Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9,14

Tin Mừng Chúa Nhật này là dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế. Câu đầu tiên giới thiệu về hai nhân vật: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.”

Câu cuối mô tả về kết quả của cả hai nhân vật này: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; con người kia thì không.”

Khi vào đền thờ, dẫu thuộc về cấp bậc tôn giáo và địa vị xã hội khác nhau, cả hai nhân vật quả thực rất giống nhau. Nhưng khi ra khỏi đền thờ, họ trở thành những người hoàn toàn khác nhau. Một người ‘được nên công chính,’ nghĩa là được tha thứ, được hòa giải với Thiên Chúa; còn người kia thì vẫn như cũ, và có lẽ tình trạng của ông còn tệ hơn trước Thiên Chúa. Một người nhận được ơn cứu độ, người kia thì không.
Hai người đã làm gì trong khi cầu nguyện ở đền thờ mà đưa đến kết quả như thế? Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta điều này khi nói về cách thức cầu nguyện của hai người.

1- Thái độ của người Pharisêu

Trước hết, người Pharisêu cầu nguyện như sau: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”

Chúng ta cần phân tích lời cầu nguyện của người Pharisêu. Ông bắt đầu nói: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa.” Khởi đầu rất tốt. Ông cầu nguyện bằng cách tạ ơn Chúa, đây là một điều rất tốt đẹp. Nhưng tại sao người Pharisêu tạ ơn Thiên Chúa? Có phải vì ơn Thiên Chúa không? Hoàn toàn không!

Vây, người Pharisêu đã làm gì? Có thể nói rằng ông này là người chỉ dựa vào việc giữ luật để đánh giá những gì xung quanh mình theo thước đo này: ai là công chính và ai là bất chính, ai tốt và ai xấu. Ông tự cho mình là người không như những kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình; ông ăn chay hai lần một tuần và đóng thuế thập phân. Ông tự vẽ chân dung, tự cho mình là công chính nhờ việc làm của mình. Vì thế, ông cho mình là hơn người và xứng đáng.

Nhưng người Pharisêu lại quên một điều quan trọng, một giới răn quan trọng đó là yêu mến tha nhân như chính mình. Đó là tình yêu đối với người thân cận. Lòng bác ái không có chỗ trong lý tưởng hoàn hảo của người Pharisêu, nên ông khinh miệt người khác là những người tham lam, bất chính, và ngoại tình. Dẫu ông biết rất rõ rằng yêu người thân cận như chính mình là luật quan trọng nhất trong các giới răn (x. Lc 10,25tt).

Người Pharisêu có thái độ sai lầm vì một lý do còn nghiêm trọng hơn. Ông tự đảo lộn vị trí giữa mình và Thiên Chúa. Ông tự coi Thiên Chúa như chủ nợ và ông là một con nợ. Ông đã làm những việc tốt lành và bây giờ ông đến với Thiên Chúa để đòi lại những gì ông phải được hoàn lại. Thiên Chúa phải làm gì trong hoàn cảnh này? Người không làm gì khác hơn là phải giao lại món hàng cho con nợ. Đây là một quan niệm méo mó của người Pharisêu về Thiên Chúa.

2- Thái độ của người thu thuế

Giờ đây, chúng ta chuyển sang thái độ của người thu thuế:

“Còn người thu thuế thì đứng ở đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Người này chỉ đến trước nhan Thiên Chúa, không dám so sánh với người khác như người Pharisêu đã làm, nhưng chỉ một mình với Thiên Chúa. Ông không dám tiến lên cao, vì ý thức mình không dám tới gần Thiên Chúa và cũng không dám ngước mặt lên trời nữa. Ông đấm ngực ăn năn tội. Từ trái tim, ông thốt ra một lời cầu nguyện rất ngắn, nhưng là lời cầu phát xuất từ một tấm lòng hoán cải và khiêm tốn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói đến hai hạng người quan niệm khác nhau về ơn cứu độ. Người Pharisêu là đại diện cho những người cho rằng mình sẽ được cứu độ chỉ nhờ vào việc mình làm; người thu thuế là đại diện cho những người quan niệm rằng ơn cứu độ là hồng ân và quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô là một ví dụ điển hình cho hai quan niệm này. Trước khi chưa gặp Đức Giêsu, Phaolô là một người Pharisêu rất trung thành với lề luật, nhưng sau khi gặp Đức Kitô, ngài coi sự công chính nhờ việc tuân giữ lề luật là thua thiệt và rác rưởi so với sự thánh thiện đến từ đức tin vào Chúa Kitô (Pl 3,5-9).

3- Thái độ của chúng ta

Hai hình thức quan niệm về ơn cứu độ vẫn còn hiện diện và phổ biến trong đời sống đạo của người Kitô hữu hôm nay. Nhiều người hôm nay vẫn còn quan niệm ơn cứu độ như là thành quả cá nhân đạt được nhờ việc giữ luật, khổ chết và hiểu biết của mình. Kitô giáo dạy rằng ơn cứu độ là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đức tin này đòi hỏi những nỗ lực cá nhân để tuân giữ các giới răn, như là sự đáp trả đối với ân sủng Thiên Chúa.

Giờ đây, chúng ta liên hệ đến đời sống mỗi người. Có lẽ người ta rất dễ đồng hóa người thu thuế với những người Kitô hữu và người Pharisêu với những người khác. Sự khác biệt ở đây rất tế nhị. Ngay cả giữa những người Kitô hữu, có một số người thuộc loại người Pharisêu, những người khác lại thuộc người thu thuế. Nơi chúng ta không ai hoàn toàn là người Pharisêu và không ai hoàn toàn là người thu thuế. Ít hay nhiều chúng ta có một phần của người Pharisêu và một phần của người thu thuế. Nhiều khi chúng ta hành xử vừa như người Pharisêu, vừa như người thu thuế.

Ngày nay, nhiều người đến tòa xưng tội như thế này: “Con không có ăn cắp, không có giết người, không có làm điều xấu cho bất cứ ai.” Khi nói như thế, chúng ta đã rơi vào thái độ của người Pharisêu. Chúng ta tự tha thứ cho mình và cũng chẳng cần xin ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Một mặt, chúng ta học nơi người Pharisêu là không gian tham, bất chính và ngoại tình, cố gắng giữ các giới răn của Thiên Chúa trong đời sống mình.

Mặt khác, chúng ta học nơi người thu thuế về thái độ khiêm tốn khi đối diện trước Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của người thu thuế rất đơn giản nhưng rất hiệu quả: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Con người luôn có tội. Thiên Chúa luôn thương xót. Một lời cầu nguyện như thế đầy sự khiêm tốn và tin tưởng sẽ đi thẳng tới trái tim của Thiên Chúa. Như thế tại sao chúng ta không lặp lại những lời đó mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa? Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 30 Mùa Thường Niên 27/10/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
23:36 25/10/2019


Bài Ðọc I: Hc 35, 15b-17. 20-22a

"Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây".

Trích sách Huấn Ca.

Chúa là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.

Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Ðấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 17-18. 19 và 28

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo.

Xướng: Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18

"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 9-14

"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa yêu kẻ khiêm nhường
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
23:41 25/10/2019
Chúa Nhật XXX Thường Niên năm C


"Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ" (Lc 1, 51-52).

Lời kinh Ngợi khen của Đức Mẹ phản ánh rõ nét lòng Thiên Chúa nghiêng về phía kẻ sống khiêm nhường và đứng bên ngoài những ai nặng lòng kiêu căng.

Thánh Kinh luôn cho thấy sự tương phản giữa con người và Thiên Chúa về sự kiêu căng và khiêm nhường:

- Con người ham thích quyền cao, chức trọng; Thiên Chúa yêu mến kẻ hèn kém, khiêm nhường.

- Con người thích được mọi người phục vụ; Thiên Chúa yêu mến kẻ phục vụ mọi người.

- Con người tìm kiếm những thứ mà họ cho là khoa bảng, uyên thâm; Thiên Chúa yêu mến những người thuộc thế giới bình dân, chân quê, chất phác.

- Con người thích lối sống sang trọng, xa hoa, đài cát; Thiên Chúa yêu và chọn tinh thần nghèo khó. Người xem đó là mối phúc đầu tiên trong tất cả mọi điều phúc đức.

- Con người thích chơi với kẻ sang, kẻ quyền thế. Họ xem đó là danh dự của họ. Còn Chúa Giêsu, suốt những năm tháng rao giảng Tin Mừng, thường xuyên đi lại với đám người nghèo, đám người bị bỏ rơi và rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho họ.

- Con người tìm kiếm và hãnh diện về sự học, sự hiểu, sự giàu, sự được cất nhắc, được thế giá... Trong khi lịch sử cứu độ lại cho thấy Thiên Chúa chỉ tuyển chọn những ai đói khát sự công chính như: các tổ phụ, các tiên tri, Đức Mẹ, thánh Giuse, các thánh tông đồ, linh mục chánh xứ Ars, thầy dòng Martinô, nữ tu Têrêsa Calcutta... Bởi các ngài là những người, suốt một đời chỉ biết nương nhờ bàn tay quan phòng của Chúa, không nghĩ gì cho riêng bản thân mình.

- Chính bài đọc I hôm nay cũng nêu bậc thánh ý Chúa: Chúa lắng nghe và thương xót những người nghèo hèn, biết vâng phục, biết trao phó đời mình cho Chúa: "Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa" (Hc 35, 13-14).

Thánh ý của Chúa trong Kinh Thánh đã quá rõ ràng, vậy mà người Pharisêu (hơn ai hết, Pharisêu là những người nắm giữ Thánh Kinh, họ gần như những "chuyên viên" về Thánh Kinh) trong Tin Mừng, lại không thể học thuộc bài học về lòng khiêm nhường mà Chúa luôn răn dạy và nêu gương.

Người Pharisêu, được gọi là đang cầu nguyện, nhưng thực ra ông đang khoe khoang: "Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". Vì thái độ lố lăng trong khi cầu nguyện của ông mà Chúa phán: "Không được nên công chính". Bởi "ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống".

Còn kẻ mà người Phrisêu miệt thị là "tên thu thuế kia", lại được Chúa thông báo: "Đã được nên công chính rồi". Bởi "ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên".

Có nhiều thứ làm cho con người hạnh phúc. Có tiền, có quyền, có địa vị, có danh vọng, có trí thức..., đều có thể mang lại cho người sở hữu chúng niềm vui, hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy không bền. Nhất là khi vì những thứ mình có, họ dễ sinh ra kiêu ngạo, thì hạnh phúc của người ấy tiêu tan khi phải ra trình diện trước tòa Chúa.

Hãy bắt chước Đức Mẹ, luôn ý thức Chúa yêu kẻ khiêm nhường, Người đánh đổ kẻ kiêu căng, kẻ quyền thế, mà một đời làm người của ta, sẽ nỗ lực tiến bước trong sự khiêm nhường trước mặt Chúa, trước mặt anh chị em đồng loại.

Hãy suy nghĩ thật nhiều về hình ảnh người thu thuế khiêm nhường đối nghịch hoàn toàn hình ảnh người Pharisêu kiêu ngạo trong dụ ngôn của Chúa Giêsu hôm nay mà chỉnh đốn cuộc đời mình, sao cho nên giống Chúa, phù hợp thánh ý Chúa trong đời sống hằng ngày.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nội bộ thông tấn xã Công Giáo Á Châu bất hòa, chia hai ngay trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
05:41 25/10/2019
UCA News đã tách ra làm hai, tin tức này gây ngỡ ngàng cho nhiều người. UCA News là thông tấn xã Công Giáo lớn nhất ở Á Châu đã hoạt động trong lãnh vực truyền thông suốt 40 năm qua. Đây là một cơ quan thông tin đa ngôn ngữ. Ngoài tiếng Anh, còn có 8 ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt. Không chỉ là một cơ quan thông tin, UCA News còn phối hợp với Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, gọi tắt là FABC, để giúp đào tạo các phóng viên chuyên nghiệp cho các quốc gia Á Châu.

Cuối tháng Chín vừa qua, cha Michael Kelly, linh mục Dòng Tên, chủ tịch thông tấn xã UCA News đã loan báo việc bổ nhiệm ông George Iype, một tín hữu Công Giáo Ấn, làm giám đốc điều hành. Việc bổ nhiệm này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10. Ngài cũng loan báo rằng ngày 30 tháng 9 là chấm dứt nhiệm kỳ giám đốc điều hành của ông Peter Chai-na-rong Monthienvichienchai, người Thái Lan.

Ngay sau đó, ông Monthienvichienchai đã được bổ nhiệm làm phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan.

Trong cuộc họp báo vào hôm 6 tháng 10 tại Bangkok, các ký giả nêu thắc mắc là cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Hoàng Gia Thái Lan được ghi là một cuộc tiếp kiến riêng chứ không phải là một cuộc tiếp kiến chính thức. Họ bày tỏ âu lo là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không được hưởng cùng một mức độ danh dự ngoại giao như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm 35 năm trước trước đó.

Đức Cha Wissanu giải thích rằng:

“Đức Thánh Cha là người duy nhất trên thế giới có vị thế rất đặc biệt. Ngài vừa là người đứng đầu của cả Giáo Hội Công Giáo và đồng thời là người đứng đầu nhà nước Vatican. Vì vậy, có một sự chồng chéo ở đây. Vì vậy, chúng tôi gọi nó chuyến viếng thăm này là chuyến tông du, nghĩa là muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thứ hai.”

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm vương quốc Thái Lan vào năm 1984, ngài được xem là quốc khách của Đức vua Bhumibol và Hoàng hậu Sirikit.

Ông Monthienvichienchai đã gây ngạc nhiên cho các ký giả khi đưa ra một nhận xét rất chuyên nghiệp rằng “người Công Giáo ở Thái chỉ có thể mô tả Đức Giáo Hoàng là quốc khách nếu chính quyền Thái dùng từ ngữ này trước.”

Cho đến lúc ấy nhiều ký giả vẫn chưa biết ông Monthienvichienchai là một ký giả chuyên nghiệp, từng làm giám đốc điều hành UCA News.

Câu chuyện UCA News đã tách ra làm hai bùng nổ sau khi UCA News chính gốc cho biết ông Montheinvicheinchai đã rời khỏi UCA News và lập ra một thông tấn xã khác cũng lấy tên là UCA News đặt trụ sở tại Bangkok, Thái Lan. Trong khi đó, UCA News chính cống đặt trụ sở tại Hương Cảng.

Cha Michael Kelly cáo buộc ông Monthienvichienchai đã cướp mất tên miền hay là domain name của ngài. Cụ thể, khi đánh địa chỉ http://ucanews.com thì rơi vào web site mới của ông Montheinvicheinchai; còn đánh http://ucanews.org thì vào trang của cha Kelly.

Nhiều người âu lo là liệu cha Kelly có thể tham gia tường thuật chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Thái Lan hay không trong tình trạng tranh chấp hiện nay. Sau một số trở ngại, cha Kelly khẳng định UCA News chính cống của ngài sẽ có mặt tại Bangkok.

Đương nhiên UCA News mới của ông Monthienvichienchai sẽ tường thuật chuyến tông du của Đức Thánh Cha. Ông Monthienvichienchai là cư dân Bangkok và là một thành viên trong ban tổ chức.


Source:Matters India
 
ĐTC bổ nhiệm một nữ giáo sư Hoa Kỳ làm thành viên Hàn Lâm Viện Khoa Học Giáo Hoàng
Nguyễn Long Thao
09:51 25/10/2019
Bản tin ngày 24 tháng 10 của Tòa Thánh Vatican loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm giáo sư Frances Hamilton Arnold của Hoa Kỳ làm thành viên Viện Hàn Lâm Khoa Học Giáo hoàng.

Nữ giáo sư Frances Hamilton Arnold hiện là giảng viên về kỹ thuật hóa học, kỹ thuật sinh học và hóa sinh tại Viện Công nghệ California ở Pasadena, California.

Nữ giáo sư sinh năm 1956 tại Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và hàng không vũ trụ tại Đại học Princeton và năm 1985, tốt nghiệp tiến sĩ về kỹ thuật hóa học của Đại học California, Berkeley;

Từ năm 1986 tới nay, cô là giáo sư kỹ thuật hóa học, kỹ thuật sinh học và hóa sinh tại Viện Công nghệ Linus Pauling ở California ở Pasadena.

Năm 2016 cô nhận được giải thưởng Thiên Niên Kỳ Kỹ Thuật Millennium Technology Prize và năm 2018 cô được giải thưởng Nobel về Hóa Học

Cô là người đồng sáng lập Gevo. Inc., một công ty sản xuất nhiên liệu và các sản phẩm hóa học từ các nguồn tái tạo.

Nguyễn Long Thao
 
Đức Giáo Hoàng xin lỗi về vụ đánh cắp tượng Pachamama và nói rằng tượng ấy có thể quay lại vào hôm Chúa Nhật
Đặng Tự Do
17:37 25/10/2019
Khi khai mạc phiên họp vào chiều thứ Sáu 25 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vụ đánh cắp các bức tượng vào ngày 21 tháng Mười. Ngài cho biết các bức tượng này đã được cảnh sát Ý vớt lên và có thể được trưng bày trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

John Allen, ký giả kỳ cựu về Vatican của tờ Crux, có bài nhận định về biến cố này. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Pope apologizes for theft of Pachamama, says she could be back Sunday
John Allen

Đức Giáo Hoàng xin lỗi về vụ đánh cắp tượng Pachamama và nói rằng tượng ấy có thể quay lại vào hôm Chúa Nhật


Bi kịch xoay quanh vụ Pachamama – tức là vụ các bức tượng phụ nữ mang thai khỏa thân của người bản địa bị đánh cắp từ một nhà thờ ở Rôma và bị ném xuống sông Tiber – đã trở thành cốt truyện mang tính biểu tượng cho Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon năm 2019, và hôm thứ Sáu, bi kịch này lại có một khúc quanh khác nữa với một lời xin lỗi bất ngờ từ Đức Giáo Hoàng.

Khi khai mạc phiên họp vào chiều thứ Sáu 25 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vụ đánh cắp các bức tượng vào ngày 21 tháng Mười.

Với tư cách là Giám mục của thành Rôma, nghĩa là người đứng đầu Giáo Hội địa phương ở Thành phố vĩnh cửu, Đức Phanxicô đã gởi lời xin lỗi đến bất kỳ ai cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi trộm cắp các bức tượng và ném chúng xuống sông.

Trong một đoạn video được nhanh chóng loan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Phanxicô cho biết những bức tượng đã được trưng bày không có ý thờ ngẫu tượng trong Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, nằm ở giữa đường Đại Lộ Hòa Giải dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô cũng nói thêm rằng các quan chức thực thi pháp luật tại Rôma đã thu hồi những bức tượng bị vứt xuống sống và đang giữ chúng tại một đồn cảnh sát.

Lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng vào hôm Thứ Sáu là diễn biến mới nhất trong một bộ phim dài gần cả tháng xung quanh các bức tượng này. Lần đầu tiên chúng xuất hiện trong một buổi cầu nguyện của người bản địa vào ngày 4 tháng Mười được tổ chức trong khu vườn của Vatican trước sự chứng kiến của Đức Giáo Hoàng.

Các nhà phê bình truyền thống và bảo thủ ngay lập tức phản đối những gì họ cho rằng một thần tượng ngoại giáo đang được tôn kính ngay trên sân Vatican, trong khi một số người bảo vệ Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng hình ảnh này thực sự là một mô tả của người bản địa về Đức Mẹ đi thăm bà Thánh Elizabeth, người chị họ của Mẹ, đang mang thai Thánh Gioan Tẩy Giả.

Cuối cùng, các phát ngôn viên của Vatican đã bác bỏ cả hai lời giải thích đó, nói rằng những hình ảnh chỉ cao khoảng một mét rưỡi này, chỉ đơn giản thể hiện sự tôn kính của người bản địa đối với cuộc sống và không có ý nghĩa tôn giáo hay tâm linh cụ thể nào.

Ông Paolo Ruffini, một giáo dân người Ý, là quan chức truyền thông hàng đầu của Vatican nói:

“Chúng ta biết rằng một số điều trong lịch sử có thể có nhiều cách giải thích, và ngay cả trong Giáo hội, bạn cũng có thể tìm thấy những điều như thế trong quá khứ, nhưng bức tượng chỉ đơn giản là đại diện cho sự sống, chấm hết, trong khi đó các cố gắng lùng kiếm các biểu tượng ngoại giáo là đang nhìn thấy điều ác nơi nó không có ở đó”.

Tuy nhiên, cách giải thích của ông không làm nguôi cuộc tranh cãi, và ý kiến của cả hai phía trong cuộc tranh luận gay gắt này đã bùng phát cả trên cả các phương tiện truyền thông xã hội và trên các hãng thông tấn Công Giáo.

Trong khi đó, những hình tượng này tiếp tục được cung nghinh trong cuộc rước hôm 6 tháng Mười từ Đền Thờ Thánh Phêrô đến Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục của Vatican, và được trưng bày trong nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, nơi một số giám mục tham gia Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon thường đến cử hành các thánh lễ sau khi kết thúc công việc hàng ngày của Thượng Hội Đồng.

Hôm thứ Ba, một người Ý đã công khai nhìn nhận hành vi trộm cắp và ném các ảnh tượng này xuống sông Tiber: Anh ta tên Davide Fabbri, 53 tuổi, người có biệt danh “Padre Davide”, và thường tự xưng mình là một “phó tế trừ tà”, nhưng các phương tiện truyền thông Ý nói rằng anh ta thực sự chưa được Giáo Hội Công Giáo phong chức này.

Fabbri đã đưa ra một tin nhắn video trên Youtube nói rằng anh ta là người đã lấy các bức tượng này, và tuyên bố rằng các bức tượng ấy đại diện cho giáo phái Satan.

Fabbri là một nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị cực hữu ở Ý. Anh ta đã từng bị kết án tù treo và phạt tiền vì công khai biện minh cho chủ nghĩa phát xít, và như thế là vi phạm luật ngôn luận thù hận của Ý. Anh ta còn tuyên bố, mà không có gì xác nhận, rằng mình là họ hàng xa của Benito Mussolini. Người ta cũng thấy Fabbri mặc trang phục giáo sĩ trong các cuộc mít tinh chính trị được tổ chức bởi Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Lega cực hữu của Ý. Ông Matteo Salvini là người nổi tiếng với lập trường chống người nhập cư cứng rắn và là cựu Phó Thủ tướng Ý.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các thành viên của Thượng hội đồng vào chiều thứ Sáu rằng chỉ huy hiến binh Ý ở Rôma, là người đang giữ các bức tượng, cho biết các tượng này có thể được trưng bày trong Thánh lễ bế mạc vào ngày Chúa Nhật, và ngài yêu cầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trả lời.


Source:Crux
 
Phiên họp toàn thể thứ 15 và cuộc họp báo ngày 25 tháng 10 tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon
Vũ Văn An
20:37 25/10/2019
Theo Vatican News, phiên họp toàn thể thứ 15 của Thượng Hội Đồng đặc biệt về Vùng Amazon đã diễn ra ngày 25 tháng 10 dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tại phiên họp buổi chiều, tài liệu cuối cùng đã được trình bầy với các nghị phụ Thượng Hội Đồng. 182 nghị phụ đã có mặt tại phòng họp Thượng Hội Đồng.



Phiên họp toàn thể thứ 16

Trong phiên họp trên, cũng đã diễn ra việc bầu 13 thành viên cho Hội đồng Hậu Thượng Hội Đồng, theo nguyên tắc đa số tuyệt đối. Các Thành viên mới được bầu đại diện cho các quốc gia chính của Khu vực: bốn người đến từ Batây; hai người từ mỗi nước Bolivia, Colombia và Peru; và một người từ Peru, Antilles, Venezuela và Ecuador. Ngoài những người được bầu, ba Thành viên khác sẽ được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm. Hội đồng có nhiệm vụ thực thi các chỉ thị của Thượng hội đồng.

Trình bày Tài liệu

Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Tường trình viên của Thượng hội đồng và là Chủ tịch Mạng lưới Giáo hội Pan-Amazon (REPAM) đã trình bày Tài liệu cuối cùng để các nghị phụ xem xét. Khi giới thiệu bản văn, Đức Hồng Y đã nêu bật công việc to lớn của Ủy ban soạn thảo Tài liệu cuối cùng, cũng như của các Nhóm nhỏ, đã đưa ra nhiều sửa đổi. Ngài nói, bản văn, được đặt trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng sinh thái cấp bách, khiến ta cần phải hành động không chậm trễ. Theo ngài, việc bảo tồn Amazon là điều nền tảng cho sự lành mạnh của hành tinh; và Giáo hội thừa nhận điều này, vì ý thức được rằng một sự hoán cải toàn diện đối với một hệ sinh thái toàn diện là điều cần thiết. Ngài nói rằng Giáo hội nghe thấy tiếng kêu của Amazon và tiếng kêu của trái đất, cả hai vốn là cùng một tiếng kêu, và cũng là biểu thức của một niềm hy vọng lớn lao. Đức Hồng Y Hummes kết luận, Thượng hội đồng nhằm mục đích đạt được sự hiệp thông giáo hội, với Phêrô và dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.

Cuộc bầu phiếu cuối cùng được định vào thứ Bảy

Các nghị phụ Thượng Hội Đồng sẽ dành thì giờ để đọc bản văn vào sáng thứ Bảy. Việc bỏ phiếu thông qua Tài liệu cuối cùng sẽ được tổ chức vào buổi chiều, trong Phiên họp toàn thể thứ 16 của Thượng hội đồng.

Cuối cùng, theo truyền thống của Thượng hội đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng mỗi người tham gia Thượng hội đồng một món quà đặc biệt: huy chương của triều Giáo hoàng cho năm 2019, có hình vùng Amazon.

Cuộc họp báo ngày 25/10: Phụ nữ, đại kết, và các vị tử đạo

Thượng hội đồng giám mục cho vùng Amazon bước vào giai đoạn kết thúc với các nghị phụ dự kiến sẽ bỏ phiếu cho tài liệu cuối cùng vào chiều thứ Bảy. Trong khi đó, tại Văn phòng Báo chí Tòa thánh, năm tham dự viên chia sẻ quan điểm của họ về nhiều vấn đề khác nhau: từ vai trò phụ nữ, đến phong trào đại kết ở Amazon.

Trong ba tuần qua, các cuộc họp báo hàng ngày đã mang đến cơ hội được nghe, tận tai, các kinh nghiệm và phản ứng của các tham dự viên Thượng Hội Đồng phát xuất từ hoặc dấn thân vào Vùng Amazon.

Nữ tu Inés Azucena Zambrano Jara, MMI

Nữ tu Inés Azucena Zambrano Jara là một Nữ tu Truyền giáo Đức Mẹ Vô nhiễm, có nguồn gốc từ Ecuador, nhưng làm việc tại Colombia. Là một phụ nữ tại Thượng Hội Đồng, bà nói rằng bà cảm thấy “được tin tưởng và lắng nghe”. Nữ tu Inés đã mô tả bầu không khí tại Thượng hội đồng như là một bàu không khí “tích cực lắng nghe ... Thiên Chúa, Amazon, người dân và nỗi đau của mẹ trái đất”.

Nữ tu Inés cho biết những người phụ nữ tham gia Thượng hội đồng đang tự gọi mình là “nghị mẫu Thượng Hội Đồng”, phản ảnh cảm thức gia đình và việc thuộc về.

Hy vọng của bà sau Thượng hội đồng bao gồm “xây dựng một Giáo Hội bản địa với khuôn mặt Amazon - và một trái tim Amazon. Bà nói, để làm được như vậy, chúng ta cần “đào sâu nền thần học bản địa và lắng nghe người nghèo”. Bà nói thêm, việc học hỏi các ngôn ngữ địa phương là điều rất quan trọng vì nó cho phép chúng ta bước vào trải nghiệm tâm linh bản địa. Bà nói, trong khi tiếp tục làm việc để bảo vệ quyền lợi của họ, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng người dân bản địa đang yêu cầu “được đứng trên hai chân của họ”.

Cha Miguel Heinz, SVD

Cha Miguel Heinz, SVD, là một nhà truyền giáo của Dòng Ngôi Lời và là Chủ tịch của Adveniat, cơ quan cứu trợ của các giám mục Đức cho khu vực Mỹ Latinh, vốn nhằm giúp đỡ “xây dựng cầu nối”, tài trợ cho các dự án giáo dục và nhân quyền, và nhiều dự án khác.

Cha Heinz nói, chúng ta không thể tách biệt hệ sinh thái toàn diện khỏi lối sống của chúng ta. Ngài nói thêm, điều này có nghĩa trên hết phải hỗ trợ thiên nhiên và con người. Cha Heinz xác nhận rằng Châu Mỹ Latinh “đã có những tiến bộ vượt bậc” kể từ Công đồng Vatican thứ hai, “nêu gương sáng” trong việc hiểu cách sống “theo lối làm Giáo hội mới”.

Mục sư Nicolau Nascimento de Paiva

Mục sư Nicolau Nascimento de Paiva là một mục sư của Giáo hội Tin Lành thuộc Tuyên tín Luthêrô ở Batây. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô giáo vùng Amazon, và là một trong các “đại biểu anh em” được mời tham dự Thượng hội đồng.

Ông nói về sự quen thuộc cá nhân của mình với phong trào đại kết ở Vùng Amazon, nơi có “sự tôn trọng hỗ tương đối với các ý tưởng khác nhau”. Ông nói, có nhiều điều hợp nhất chúng ta hơn là chia rẽ chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải làm việc về các vấn đề có chung theo góc độ đức tin: sinh thái toàn diện, các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế. Ông nói thêm, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta là nhiệm vụ của mọi người.

Đức Giám Mục Evaristo Pascoal Spengler, OFM

Đức Giám Mục Evaristo Pascoal Spengler xuất phát từ Marajó, “một quần đảo bao gồm hàng ngàn hòn đảo”, thuộc Batây. Phần thuyết trình của ngài tập trung vào điều ngài gọi là “sự hiện diện có tính quyết định của phụ nữ trong lịch sử sơ khai của Giáo hội”. Ngài nói, “Thiên Chúa sử dụng phụ nữ trong lịch sử cứu rỗi”, và ngài đưa ra những thí dụ về các vị tiên tri, các thủ lãnh, các thánh và các tiến sĩ Giáo hội.

Đức Giám Mục Spengler cho biết hơn 60% cộng đồng ở Vùng Amazon do phụ nữ lãnh đạo, phục vụ với tư cách giáo lý viên, thừa tác viên Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, đặc biệt ở các khu vực nơi các linh mục chỉ có thể đến thăm “ít hơn hai lần một năm”. Ngài nói thêm, việc phong chức cho các phó tế nam “có thể là điều hữu ích”, để tạo ra “một Giáo Hội hiện diện”. Đức Giám Mục cho hay, vai trò phụ nữ “cũng phải được mở rộng”; ngài trích dẫn Thánh Phaolô, người đã đề cập đến các phó tế phụ nữ trong các lá thư của ngài.

Đức Giám Mục Spengler đã đề cập đến việc sửa đổi Bộ Giáo luật của Đức Bênêđíctô XVI [trong Tự sắc năm 2009, Omnium in mentem, Art. 2], trong đó, sứ mệnh phó tế phục vụ dân Chúa “trong các thừa tác vụ phụng vụ, Lời Chúa và bác ái”, tách biệt với sứ mệnh của hàng giám mục và hàng linh mục là hành động "trong con người Chúa Kitô”. Ngài nói, điều này cho phép mở ra một con đường dẫn đến chức phó tế nữ.

Đức Giám Mục Joaquín Humberto Pinzón Güiza IMC

Đức Giám Mục Joaquín Humberto Pinzón Güiza thuộc Dòng Truyền Giáo Consolota và là một Đại diện Tông tòa của Puerto Leguizamo-Solano ở Colombia. Ngài nói, qua Thượng Hội Đồng này, “cộng đồng Amazon chúng tôi cảm thấy họ là trung tâm của Giáo hội và của mọi người”.

Đức Giám Mục nhấn mạnh mối liên kết giữa người bản địa và khái niệm “buen vivir” (sống tốt). Đức cha Pinzón Güiza nói, đối với họ, “buen vivir” bao gồm nền sinh thái toàn diện, “một lời mời bước vào tình huynh đệ phổ quát”. Đối với người bản địa, nó có nghĩa “một điều gì đó có thực chất”: giữ cho Amazon được lành mạnh, bảo vệ nó khỏi bị bóc lột. Đức Giám Mục nói, sống ở một vùng đất lành mạnh cho phép người dân bản địa “nhận biết Thiên Chúa Tạo Hóa” và chăm sóc trái đất.

Câu hỏi về truyền thông

Trả lời một câu hỏi về việc Thượng hội đồng đã được truyền thông ra sao, đặc biệt liên quan đến buổi lễ tại Công viên Vatican vào ngày 4 tháng 10, Bộ trưởng Truyền thông, Tiến sĩ Paolo Ruffini, một lần nữa tuyên bố rằng “không có nghi thức nào” đã diễn ra tại đó.

Mục sư Lutheran Nicolau Nascimento de Paiva, đã xác nhận việc, ở Vùng Amazon, “truyền thông phụ thuộc vào bối cảnh”, và nhiều người phải được dạy cách đọc trước khi có thể được dẫn nhập vào Kinh thánh. Ông nhắc lại sự tôn trọng lẫn nhau vốn được cảm nhận giữa các hệ phái Kitô giáo và người bản địa; ông cho rằng nó “có tác động đến cuộc sống của họ, kích thích việc truyền thông, trở thành cơ hội để học hỏi và làm phong phú thêm việc trao đổi”.

Câu hỏi về các bài học học được

Nữ tu Inés được hỏi về những gì bà học được ở Thượng hội đồng này. Bà trả lời bằng cách liệt kê những kho tàng văn hóa lớn lao và các thực tại tinh thần đa dạng. Bà xác nhận sự đa dạng của các vấn đề mà Vùng Amazon phải đối diện, từ bóc lột đến di dân. Bà nói quan trọng nhất, bà học được cách chia sẻ một mục tiêu chung, đó là “lắng nghe và hợp nhất vì cùng một chính nghĩa”.

Cha Heinz cho biết thêm, ngài đã học được một điều gì đó về áp lực phải gánh “của những người đang bảo vệ người dân bản địa”. Ngài nói quả hết sức “xúc động” khi hiện diện giữa những người đang bị đe dọa và có nguy cơ bị giết vì bảo vệ quyền lợi của mình.

Câu hỏi về những thách đố đang đặt ra cho người bản địa

Khi được hỏi làm thế nào Giáo hội giải quyết các vấn đề mà người bản địa đang phải đối diện, Nữ tu Inés đưa ra lời chứng của mình trong tư cách một nữ tu; bà nói rằng đặc sủng của bà là cùng bước đi với người bản địa khi đối diện với sự bất công và phân biệt chủng tộc, nhưng cũng để tăng sức cho họ trở thành các nhân vật chủ đạo. Bà nói, người dân bản địa rất có tinh thần trách nhiệm, với các chính sách công rõ ràng. Họ đã nói rằng: “Đây là lượt của chúng tôi”.



Câu hỏi về đối thoại đại kết

Mục sư của giáo phái Luthêrô Nicolau Nascimento de Paiva đã trả lời một câu hỏi về việc Thượng hội đồng có thể thúc đẩy cuộc đối thoại đại kết ở Amazon ra sao. Ông nói, chúng ta đã hợp nhất qua “việc học hỏi, cầu nguyện, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm”. Các Giáo Hội trong vùng hợp tác về nhiều vấn đề, bao gồm làm việc với di dân từ nông thôn vào thành phố, chào đón họ và đáp ứng nhu cầu căn bản của họ.

Đức Giám Mục Joaquín Pinzón Güiza nói thêm “Cam kết chung trong việc tìm ra những nẻo đường mới cho Giáo hội và hệ sinh thái toàn diện có thể hợp nhất chúng ta” như thế nào. Ngài nói, việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta “đã cho phép chúng ta bước vào cuộc đối thoại với các giáo phái khác và quyết định về các hành động trong tương lai”.

Câu hỏi về một nghi lễ Amazon

Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Tiến sĩ Paolo Ruffini, đã trả lời câu hỏi của nhà báo về việc áp dụng nghi lễ Amazon. Ông đã minh xác rằng “một điều phức tạp như thế này không thể được chứa trong một đoạn văn duy nhất, nếu có một đoạn văn như thế”. Ông nói tiếp, cuộc thảo luận tại Thượng hội đồng liên quan đến nghi lễ Amazon chỉ đơn giản “là một bước trong hướng đó”.

Thư ký của Ủy ban Thông tin Thượng hội đồng, Cha Giacomo Costa, Dòng Tên, nói thêm rằng, “nhiều điều kiện” sẽ được áp dụng đối với một nghi lễ như vậy, và dù sao, “chính Đức Thánh Cha có lời nói sau cùng”.

Câu hỏi về các vị tử đạo Amazon

Sau cùng, Cha Miguel Heinz đã trả lời một câu hỏi về các vị tử đạo Amazon. Cha nói, hình ảnh các ngài đã được trưng bầy trong suốt các diễn tiến tại Hội trường Thượng hội đồng, và điều này có nghĩa, “các ngài luôn có mặt”. Cha nói, các vị tử đạo của Amazon đã “làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống của họ”, và Thượng hội đồng bày tỏ sự nhạy cảm lớn lao đối với chủ đề này.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mỗi người có đời sống khác nhau
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:26 25/10/2019
Đó đây có tâm tư so sánh: Nhìn lên cao không bằng ai, nhưng nhìn xuống vẫn còn hơn nhiều người, xin cám ơn Chúa!

Thoạt nghe qua tâm tư so sánh này như có vẻ biểu lộ một nếp sống đạo đức lòng khiêm cung. Nhưng đàng sau lại ẩn chứa điều gì tự xét đoán đề cao mình!

Trong đời sống có những luật lệ đạo cũng như pháp luật xã hội. Con người dựa vào để thi hành trong cuộc sống cho chính đáng trật tự hợp ý nghĩa tình và lý.

Và như thế có được sắp xếp xét đoán không?

Nơi công đường tòa án việc tranh cãi kiện tụng được các vị thẩm phán có trách nhiệm phân định xét sử cho rõ ràng dựa theo luật lệ cùng tập tục đời sống xã hội.

Trong đức tin tôn giáo đời sống tinh thần thiêng liêng nơi trần gian không có việc kiện tụng xét sử ai là người công chính, ai là người sống đẹp lòng Chúa, ai là người có đời sống bác ái. Ai hơn ai kém.

Giáo Hội Công Giáo lập ra Tòa hòa giải để nhắc nhở cảnh tỉnh những trường hợp sai phạm về kỷ luật trong nếp sống đức tin.

Chỉ mình Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên đời sống con người, nuôi sống con người mới có thẩm quyền xét đoán về đời sống tinh thần con người thôi.

Giáo hội của Chúa luôn nhắc nhớ con người là tạo vật do Chúa tạo thành cùng được Thiên Chúa phú bẩm ban cho cơ hội khả năng sinh sống. Nhưng mỗi người đều có giới hạn về mọi khía cạnh từ thân xác đến tinh thần. Mỗi người là một tác phẩm hình ảnh do Chúa tạo thành, từ thân xác hình hài đến trí khôn tinh thần khác biệt không giống nhau.

Không ai là người có thể biết cùng làm được tất cả, và cũng không ai không thể làm được gì. Không ai có tất cả, và cũng không ai không có gì.

Lòng biết ơn cảm tạ Thiên Chúa là việc đạo đức cần thiết trong đời sống đức tin tinh thần. Nhưng so sánh với đời sống người khác là điều không xứng hợp với ý Chúa. Trong so sánh ẩn chứa ý nghĩ hơn kém, bình phẩm đề cao. Điều này nằm ngoài khả năng của mỗi con người là tạo vật có giới hạn.

Chân thành nhận rõ lằn ranh giới hạn khả năng đời sống mình là điều cần thiết cùng đạo đức trong tương quan sống với Thiên Chúa, đấng tạo dựng phú ban cho sự sống, và cùng trong tương quan tình liên đới với những người cùng chung sống.

Thánh Phaolô đã viết về cung cách sống tinh thần chân thành cho học trò Timotheo với Thiên Chúa qua chính bản thân cuộc sống của mình:

„ Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện (2 Tm4,6-8).

Chân thành khiêm cung cùng đầy lòng tin tưởng phó thác vào bàn tay Thiên Chúa như thế khó có thể hơn được.

Và đó cũng là kim chỉ nam cho đời sống tinh thần đạo giáo của người tín hữu Chúa Kitô.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Thông Báo
Phân ưu: Anh Giuse Võ Tấn Hải vừa tạ thế tại Fountain Valley, California
LM John Trần Công Nghị
13:05 25/10/2019
PHÂN ƯU

“Ta là sự sống lại và là sự sống, Ai tin Ta,
sẽ không chết đời đời.”
(Gioan 11:15)


Xin cầu cho Linh hồn
GIUSE VÕ TẤN HẢI
Sớm hưởng nhan thánh Chúa.

Ông Giuse Võ Tấn Hải
Sinh ngày 28 tháng 11 năm 1958 tại Ninh Hòa, Việt Nam.
Đã được Chúa gọi lúc 7 giờ tối ngày 23.10.2019 tại Fountain Valley, California, USA.
Hưởng thọ 61 tuổi.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ:
tại Holy Spirit Catholic Church, 17270 Ward Street, Fountain Valley, CA 92708
Thứ Sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2019
5:15 pm: Nghi Thức Phát Tang
5:45 pm – Thánh Lễ
6:15 pm - 9:00 pm: Thăm Viếng và Cầu Nguyện

Thứ Bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2019
6:30 am: Thánh Lễ An Táng tại Holy Spirit Catholic Church.

Sau Thánh Lễ, Linh cữu sẽ được an táng tại
THE GOOD SHEPHERD CEMETERY
8301 Talbert Avenue., Huntington Beach, CA 92646

Gia đình VietCatholic Network xin thành kính phân ưu cùng
Đại gia đình Chị Kim Hạnh Đào, cộng tác viên của VietCatholic,
Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ đón linh hồn Giuse hưởng vinh phúc ngàn thu trên Nước Trời.
Xin hiệp ý cầu nguyện với Gia đình:


Chị Kim Hạnh Đào (vợ)
Các con: Bảo Huy Võ (quá cố); Kevin Võ, Jimmy Võ, Jane Võ

Và các Anh Chị Em trong gia đình:
Võ Tấn Anh, vợ và các con - USA
Võ Thu Hà, chồng (quá cố) và các con - USA Võ Xuân Lan, chồng và các con - USA
Võ Tấn Thạch, vợ và các con - USA
Võ Tấn Bích, vợ và các con - USA Võ Tấn Sơn - USA
Đào Thị Tuyết, chồng và các con -VN
Đào Văn Hương, vợ và các con -VN
Đào Thị Kim Lan, chồng và các con -VN
Đào Thị Kim Nhung, chồng và các con - USA Đào Thị Kim Oanh, chồng và các con -VN

LM John Trần Công Nghị và VietCatholic Network

 
Văn Hóa
Chúa Ơi, Xin Hãy Đến!
Lệ Hằng
08:23 25/10/2019
Bày tỏ sự tưởng niệm và lòng tôn kính đối với Đấng Đáng Kính Antonietta Meo – Nennolina – Một “em bé nêu gương thánh thiện” khi mới được 7 tuổi đầu (sinh ngày 15 tháng 12 năm 1930 – mất ngày 3 tháng 7 năm 1937)

“…Lạy Chúa là Cha ở trên trời
này đây
trái tim con
là đóa hoa không biết tỏa hương
nhưng xin Cha rỏ xuống
một giọt nhỏ tình thương.
Đáy tim con, giọt đọng
như thể giọt sương
long lanh trong suốt
để trái tim lạnh buốt
uống giọt ấm tình Cha
hóa cành hoa trắng muốt
ngát hương.

Và đây,
linh hồn con
là ngọn đèn leo lắt
nhưng xin Cha hãy giữ
và tiếp lửa vào bấc
cho ngọn đèn bùng lên tỏ rạng
cho hồn con hòa vào dòng ánh sáng
dưới chân Cha yêu dấu vĩnh hằng.

Là trăng rằm hay đêm tối ba mươi
là bình minh hay chiều tà đỏ mọng
hãy đến trong tim con
và giữ lấy hồn con!
Nỗi đau không là nước
thấm ướt linh hồn
ngập lụt mênh mông
trong cơn hồng thủy.
Nỗi đau không là lửa
cháy cạn hồn con
đốt đến tận cùng
tình yêu con nhận lấy từ Ngài.
Nhưng nỗi đau là vải
càng bền càng quý
và nỗi đau cứu rỗi
và nỗi đau phục sinh
đồi Gôn-gô-tha còn tiếng gọi uy linh
từ trên thập giá.

Hãy cho con trái tim
hãy cho con linh hồn
hãy cho con tình yêu
hãy cho con sức mạnh
vác Thập giá cùng Ngài.

Chúa ơi, xin hãy đến…

Lệ Hằng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Quê Tần Tảo
Nguyễn Trung Tây Lm.
22:03 25/10/2019
MẸ QUÊ TẦN TẢO
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

“Mẹ quê vất vả trăm chiều,
Nuôi một đàn con chắt chiu”
(Trích ca khúc Bà Mẹ Quê của Phạm Duy)