Ngày 23-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 24/10: Tỉnh Thức và Đợi Chờ – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
01:12 23/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:44 23/10/2023

33. Các trinh nữ phải bắt đầu tận sức gìn giữ trinh khiết, bền chí đến cùng, triệt để thủy chung, nếu muốn được ân thưởng to lớn thì phải băng thanh ngọc khiết, không tì vết.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:46 23/10/2023
81. THỨC ĂN CỦA CỐNG NGẦM

Vương Phụ là đại thần năm cuối thời bắc Tống, nhà ở của ông ta gần bên một ngôi chùa.

Có một hoà thượng, mỗi ngày đều vớt những hạt cơm từ ống cống của nhà Vương Phụ chảy ra, rửa sạch phơi khô để ăn, qua được mấy năm không ngờ tích trử được một vựa.

Đời Tịnh Đường năm thứ hai, quân Kim đánh phá đô thành bắc Tống là Biện Lương (nay là phủ Khai Phong), vợ con của nhà Vương Phụ bị cắt lương thực đói meo, vị hoà thượng ấy bèn lấy cơm đã tích trử được một vựa ấy đem biếu nhà Vương Phụ. Cả nhà lớn nhỏ của Vương Phụ ăn ngon và thấy rất thơm, cám ơn luôn miệng, họ có biết đâu những đồ vật mà họ ăn đó là từ cống ngầm của họ mà ra.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 81:

Có người khi giàu có thì tiêu xài phung phí không tiết kiệm tích trử phòng khi bệnh hoạn tai nạn đột xuất, nên khi chuyện xảy ra thì than trời than đất.

Có những ngừơi nhiều tiền lắm của khi ăn cơm thì chỉ nhúng đũa vào rồi chê dài chê ngắn, quát tháo nạt nộ, họ không nghĩ đến những người nghèo khó đang ăn xin bên vệ đường…

Hôm nay “nhặt” một việc lành, ngày mai làm một việc tốt, mỗi ngày làm một việc thiện thì sẽ có ích cho mọi người, đó chính là tích trử kho tàng trên trời vậy.

Hôm nay ăn bát cơm đầy thì nên để tâm đến ngày mai đói khát, đó là người khôn ngoan; hôm nay ăn một nửa bát cơm để giúp người nửa bát cơm đó là người thánh thiện; hôm nay rộng tay bố thí thì được Thiên Chúa trả công đời này và đời sau, đó là người con của Thiên Chúa.

Hạt cơm thừa của người giàu có đổ ra lại trở thành hạt ngọc trong tay hoà thượng, cũng vậy việc lành của người Ki-tô hữu thực hiện sẽ trở thành phép lạ đem lại niềm vui cho mọi người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một đời không ngủ
Lm. Minh Anh
14:11 23/10/2023

MỘT ĐỜI KHÔNG NGỦ
“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ!”.

Trong nội chiến Hoa Kỳ, thế giới biết đến vị tướng ‘huyền thoại’ Stonewall Jackson, “Tường Đá”. Các sử gia coi Stonewall là một trong những chỉ huy tài năng nhất của lịch sử Mỹ. Brinsley viết, “Chiến trường là nơi chết chóc; thế nhưng, sẽ thật ngây thơ nếu bảo Stonewall chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi trước cái chết. Tuy nhiên, dưới lửa đạn, sự bình tĩnh của ông thật phi thường, sâu sắc, không thể tin được. Việc Stonewall coi nhẹ hiểm nguy là một bí ẩn! Sau trận Manassas, ai đó đã hỏi, làm sao có thể như thế! Ông trả lời, “Niềm tin vào Chúa làm tôi an lòng; tôi luôn sẵn sàng, Ngài canh thức tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng “Ngài canh thức tôi!”, khác nào nói ‘Ngài không ngủ vì tôi!’; nói rằng “Tôi luôn sẵn sàng!”, khác nào nói, ‘Tôi không ngủ vì Ngài!’. Sẽ rất thú vị, nếu những “canh” Chúa Giêsu đề cập trong Tin Mừng hôm nay là ba giai đoạn ‘không ngủ’ của một cuộc đời, thì cuộc đời theo Chúa Kitô của người môn đệ quả là ‘một đời không ngủ!’.

Giữa những ‘canh đời’, chủ có thể bất chợt trở về. Vì thế, “Các con hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn!”. “Hãy thắt lưng!” nói đến một người với chiếc áo choàng dài, khó khăn trong việc di chuyển; vì vậy, cần buộc chặt lưng để chuẩn bị cho một số hoạt động thể chất. Với người lính, là chuẩn bị chiến đấu; nghĩa là sẵn sàng cho một khó khăn hoặc thử thách. “Thắp đèn cho sẵn!” nghĩa là đừng ở trong bóng tối tội lỗi hoặc sự ngu dốt! Hãy giữ mình sạch tội, khôn ngoan và sẵn sàng làm điều Chúa muốn!

Hành trình nên thánh là một hành trình không bao giờ kết thúc, nhưng liên tục tiến đến chỗ sâu sắc hơn. Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu người môn đệ Kitô biết “thắt lưng” và “thắp đèn cho sẵn” suốt cả cuộc đời; nghĩa là phải liên lỉ chú ý đến ngọn đèn đức tin, và sẵn sàng hành động mỗi khi Thiên Chúa gợi hứng, hầu trong mọi hoàn cảnh, làm sao bạn và tôi vẫn có thể thưa lên “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca. Được như thế, đời môn đệ quả là ‘một đời không ngủ!’.

‘Một đời không ngủ’ còn mang một ý nghĩa tuyệt vời khác là sống trong ân sủng Chúa! Thư Rôma hôm nay cho biết, do một người mà “tội đã nhập vào thế gian”; cũng do một người mà “ân sủng đổ xuống đầy tràn”. Ai sống trong ân sủng Chúa Kitô, nghĩa là ai tỉnh thức, giữ mình trong trắng, người ấy sống sự sống mới của con cái Thiên Chúa.

Anh Chị em,

“Thật là phúc cho họ!”, nghĩa là phúc cho những tôi tớ ‘không ngủ vì Chúa!’. Như vậy, Kitô hữu, không chỉ được sinh ra trong đức tin, nhưng còn làm điều Chúa muốn trong mọi ‘canh đời’ mình; và ngày càng đào sâu đức tin đó hơn để “Niềm tin vào Chúa làm tôi an lòng”. Nếu bạn trung thành ở những giai đoạn cuộc đời, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục! Nhược bằng thiếu đức tin, mất cảnh giác với điều Chúa muốn, bạn hãy thống hối và đặt điều đó trong bàn tay thương xót của Ngài hầu quyết tâm làm tất cả những gì có thể cho đẹp lòng Chúa. Đừng sợ! ‘Ngài không ngủ vì tôi!’, Ngài thức để bổ sức cho bạn và tôi. Lời Ngài soi sáng; Thánh Thần Ngài dẫn dắt; và Thánh Thể Ngài nuôi dưỡng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng không ngủ vì con, cho con dám nói, ‘Con không ngủ vì Chúa’, hầu con có thể làm tất cả những gì Chúa muốn; và điều Chúa muốn là con nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Một tình yêu hai mặt
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
22:21 23/10/2023

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 22,34-40

Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn quan trọng nhất?”.

Đức Giê-su đáp : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí không ngươi. Đó là điều răn trọng nhất, và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.



MỘT TÌNH YÊU HAI MẶT.

Một trong những cuộc tranh luận lớn lao của thời đại ta là phải chăng giữa Thiên Chúa và con người, nên chọn một bỏ một? Đây là thách thức tập thể mà phía vô thần lẫn phía tín hữu đưa ra cho nhau. Quả thật là chúng ta bị cám dỗ theo “phe Thiên Chúa” mà coi nhẹ chuyện theo “phe con người”. Phản ứng lại, lắm kẻ thời nay mạnh mẽ dấn thân phục vụ con người, nhưng bằng cách chối bỏ Thiên Chúa như thể Người là một cản trở trong việc thật sự phục vụ nhân loại. Cuộc tranh luận tập thể này cũng là một trong những vấn đề thường gặp nhất nơi cuộc sống cá nhân : chúng ta dễ để mình bị các bận tâm vật chất xâm chiếm, đến độ coi TC như một thứ đối thủ, một kẻ quấy rầy được ta hà tiện thí cho một góc ti xíu trong thời gian và quả tim của mình.

Đó cũng đã là một vấn đề nóng bỏng thời Đức Giê-su : Đâu là giới răn quan trọng nhất? Thiên Chúa hay con người? Đâu phải là trung tâm cuộc sống chúng ta : thần nghiệm (kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa) hay chính trị? Ai có lý : kẻ nhân bản vô thần hoàn toàn hiến thân cho việc thăng tiến anh em, hay nhà tu đức thoát xác/xuất thế trú mình trong Thiên Chúa? Và nếu vấn đề được đặt ra không đúng? Đức Giê-su sẽ trả lời thế nào?

1. Yêu Thiên Chúa mới có thể yêu thật con người.

“Những người Pha-ri-sêu họp nhau lại, rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người…”. Không Ki-tô hữu nào mà không gặp phải hoàn cảnh này vào một lúc nào đó. Ở gia đình, tại công ty, nơi trại lính, trong một cuộc đi lại giữa sinh viên, hay tình cờ trong một cuộc bàn luận công việc… người ta đã đặt cho bạn câu hỏi: “Anh chị tin cái gì nào?” Thông thường chúng ta chẳng mấy thích mình bị chất vấn như thế, nhất là khi câu hỏi có ác ý, và người đối thoại thiếu thành tâm.

Đức Giê-su đã không thoát khỏi loại bẫy này. Tất cả giới trí thức thủ đô rình chực Người để làm cho Người sai phạm : các đảng chính trị, các nhóm tôn giáo, nhất nhất liên kết chống lại Người ! Có nên nộp thuế cho Xê-da chăng? (x. Mt 22,15-22). Có nên tin vào sự sống lại chăng? (x. Mt 22,23-30). Cuộc tấn công đầy ác ý tiếp tục. Và này đây, khi thấy các đối thủ Xa-đốc của mình bị Đức Giê-su khóa miệng, người Pha-ri-sêu (Biệt phái) đã đứng lên tiếp nối; họ ủy phái một trong các chuyên gia của mình, một tay thông luật để hỏi Người xem giới răn nào quan trọng nhất.

Trong Kinh Thánh, các giáo sĩ Do-thái đã liệt kê ra được 613 điều luật : 365 giới cấm… và 248 lệnh truyền. Các nghĩa vụ vô số, các thực hành đầy dẫy này biến tín hữu Do-thái trung thành nên một con người suốt ngày không ngớt nghĩ tới Thiên Chúa. Nhưng có mối nguy lớn là rơi vào một thứ vụ hình thức tỉ mỉ. Do mong muốn trung thành, Biệt phái thành thử đã tìm cách thiết lập một thứ bậc trong các điều luật ấy : luật nào trọng hơn, luật nào trọng kém? Song các cuộc tranh cãi giữa họ thường tỉ mỉ và bất tận.

Phải chăng tôi cũng tìm đâu là cái chủ yếu trong mọi bổn phận của tôi? Phải chăng tôi cũng lập một thứ bậc trong các công việc mình làm để bảo đảm những gì quan trọng nhất? Đâu là nguyên tắc căn bản nhất của tôi, chọn lựa nền tảng nhất của tôi? Người ta bảo mọi sự đều thay đổi trong tôn giáo, văn minh cũng như trong các giá trị quanh ta… Còn gì vững chãi? Đâu là giá trị nền tảng của đời tôi, giữa bao biến chuyển ngoại diện đủ loại?

“Đức Giê-su đáp : Ngươi phải yêu mến…”. Tất cả cuộc sống, công việc Đức Giê-su đều tóm lại trong mấy chữ này. Người nói lên cho chúng ta bí quyết đời Người nơi đây. Quá vắn đến nỗi chúng ta liều mình lướt vội. Tôi phải để thời gian nhìn lại đời mình dưới ánh sáng gay gắt của mấy tiếng đơn giản đó: “Ngươi phải yêu mến”. Tuần này chẳng hạn! Cái chi đã là “tình yêu” đích thực nơi tôi? Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã làm cho chúng con tin tưởng tình yêu trong thời buổi bạo lực này ! Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã mời gọi chúng con chú ý tới tha nhân trong thời buổi dửng dưng này ! Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã nhắc cho chúng con nhớ tương lai thuộc về lòng nhân ái trong thời buổi thất vọng ủ ê này ! Trước khi đi xa hơn nữa, ta hãy tự hỏi một Ki-tô hữu trung bình sẽ đáp lại ra sao câu hỏi giản đơn này : “Đâu là giới răn quan trọng nhất của Chúa Ki-tô?” Phần tôi, tôi sẽ trả lời thế nào sau khi suy nghĩ và nhớ lại? Có thể đánh cuộc được rằng phần lớn chúng ta sẽ đáp: “Yêu tha nhân như chính mình!” Nhưng phải chăng đó đúng là điều Đức Giê-su đã bảo? Đâu là giới răn quan trọng nhất?

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Ở đây Đức Giê-su trích lời cầu nguyện hằng ngày của dân Do-thái, kinh “Shema Israel” (“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en…” Đnl 6,4-7). Người xem ra không cần suy nghĩ. Câu đáp của Người đã vọt ra từ bản thân trong một sự bộc phát tuyệt đối. Người cô đọng qua công thức này cái mình đã sống trong kiếp đời thường nhật : Đức Giê-su chính là con người trọn vẹn “quy về Thiên Chúa”, là hữu thể ly tâm khỏi chính mình và tuyệt đối hướng về Đấng Toàn Tha. Người mang danh “Con” chính là do vậy ! Nhưng vì nhập thể, Đức Giê-su phải diễn tả theo kiểu nhân loại (nghĩa là trong tư tưởng, phản ứng tình cảm, hoạt động ý chí) kiểu tương quan khôn tả vốn lôi kéo Chúa Con về Chúa Cha giữa lòng Ba Ngôi. Vâng, mối tình lớn, mối tình đầu của Đức Giê-su chính là Thiên Chúa. Thật trơ tráo nếu bóp méo tư tưởng của Người mà cho đó chỉ là một dây liên đới, một tình huynh đệ. Thiên Chúa phải là Đấng ta phục vụ trước hết, yêu mến tiên khởi! Vì có yêu mến phục vụ TC trước mới mong nói đến việc yêu thương đích thật con người.

Và ta không thể không nhận thấy sức mạnh của kiểu nói có chữ “hết” lặp lại ba lần : ngươi phải yêu mến hết tâm lòng, hết linh hồn và hết trí khôn! Tâm lòng, linh hồn và trí khôn… Ba từ dồn lại để nói lên rằng chúng ta phải yêu với trọn hữu thể. Phải chăng tôi yêu mến Thiên Chúa như vậy? Hay chỉ với một phần nhỏ cuộc đời tôi và thời gian của tôi? Phải chăng tôi yêu mến Thiên Chúa với nghề nghiệp, với các quan hệ gia đình, với những thú vui giải trí, với các sách báo của tôi…?

2. Yêu con người là dấu chỉ yêu thật Thiên Chúa.

Nhưng mặc dầu câu hỏi của vị tiến sĩ Luật chỉ nhắm tới điều răn trọng “nhất”, Đức Giê-su vẫn thêm một điều răn “thứ hai”, cũng rút từ Kinh Thánh (x. Lv 19,18). Thành thử rõ rệt là ta không thể lấy một diệt một, như vài kẻ đã cố gắng đã làm. Thật rất tiện nếu miễn được cho mình một trong hai giới răn bằng cách nói: chỉ cần yêu mến Thiên Chúa … hay chỉ phải yêu mến anh em mình. Đối với Đức Giê-su, có hai giới răn chứ không phải một. Và khi thiên hạ yêu cầu Người “một”, Người lại đưa ra giới răn “hai”… và thêm rằng quả thật giới sau cũng “giống” giới đầu: “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi”. Hiển nhiên, Đức Giê-su vừa thiết lập một thứ bậc vừa đặt ra một mối dây giữa hai điều đó.

Nay ta thấy rõ hơn rằng hai câu hỏi có tính cách “độc hữu” đã nêu ban đầu là những câu hỏi đặt sai : đâu có chuyện chọn Thiên Chúa hay con người, thần nghiệm hay chính trị, cầu nguyện hay nghĩa đệ huynh. Cây thập giá trên đồi Gôn-gô-tha bao gồm hai thanh đấy chứ, một “dọc” hướng lên trời… một “ngang” ôm chầm tất cả nhân loại. Đức Giê-su diễn tả tình yêu đối với Chúa Cha và tình yêu đối với anh em trong cùng một hành vi hiến tế cao cả. Một tình yêu duy nhất, chạy theo hai hướng.

Lý thuyết yêu tha nhân đến độ bất cần Thiên Chúa là một lý thuyết chẳng liên can gì với tư tưởng Đức Giê-su. Kiểu “nhân ái vô thần” này rất dễ nhiễm độc bởi thói kiêu căng và lòng ích kỷ. Nhưng ngược lại, lý thuyết yêu Thiên Chúa đến độ bỏ quên tha nhân cũng tuyệt đối trái ngược với Tin Mừng. Môn đồ đích thực của Đức Giê-su nhận lãnh từ Thầy hai giới răn : một “lòng yêu tha nhân” chứng tỏ tính cách nhưng không và phổ quát của mình qua việc dành nhiều thời gian tuyệt đối vô cầu để hầu Thiên Chúa …một “lòng yêu Thiên Chúa” chứng tỏ tính cách chân thực của mình qua việc gặp gỡ và phục vụ tha nhân… “Ai không thương anh em thì làm sao có thể mến Thiên Chúa được?” (1Ga 4,20). Hai tình yêu giống nhau, nhưng chẳng bao giờ loại trừ nhau. Chúng không hoán đổi cho nhau được, vì cả hai đều cần. Đối với Đức Giê-su, con người toàn diện được đặt trước Thiên Chúa và trước anh em. Đương sự vừa phải chọn Thiên Chúa vừa phải chọn con người, vừa phụng sự Cha Thánh vừa phục vụ anh em.

Đó là tóm tắt tất cả Lề luật và các ngôn sứ. Phải chăng như thế là nói Đức Giê-su yêu cầu chúng ta chẳng cần quan tâm đến những giới lệnh khác nữa? Đức Giê-su đã bảo Người không đến để hủy bỏ gì. Nhưng hai điều răn đó (Thiên Chúa và tha nhân) là động lực và linh hồn của mọi giới răn khác. “Hãy yêu thương! Rồi muốn làm gì thì làm!”, thánh Au-gút-ti-nô một ngày kia sẽ nói vậy. Thay vì biện minh các sự dễ dãi ích kỷ chúng ta tự ban cho mình, công thức này nhắc ta nhớ tình yêu là một đòi hỏi vô biên, đi xa hơn mọi giới cấm và điều buộc. Người ta có bao giờ mà yêu cho đủ !

“Ý thức về con người” xem ra dễ dàng đối với một vài tính khí, chớ gì lúc ấy họ nhấn mạnh “ý thức về Thiên Chúa” mà họ thấy khó hơn. “Ý thức về Thiên Chúa” xem ra bột phát hơn đối với vài tính khí khác, chớ gì lúc ấy họ nhấn mạnh việc “dấn thân phục vụ tha nhân” vốn có vẻ ít bột phát hơn đối với họ. Nếu không tự nhấn mạnh cho mình nổi thì họ hãy cầu nguyện như nhà thi sĩ sau đây :

“Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời “không”. Người nói Người chẳng phải là kẻ cất sự kiêu hãnh mà chính tôi phải phấn đấu để vượt thắng nó. Tôi đã xin Chúa cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa đã trả lời “không”. Người nói tinh thần mới cần lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ, lo lắng thái quá cho nó làm gì. Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời “không”. Người nói kiên nhẫn là hoa trái của thử thách, Người chẳng ban mà để tôi tự đạt lấy. Tôi đã xin Chúa ban cho tôi hạnh phúc và Chúa đã trả lời “không”. Người nói tôi sẽ được ban ân phúc, còn hạnh phúc hay không là tùy mình. Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời “không”. Người nói tôi phải tự phát triển, nhưng Người sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái. Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Người đã trả lời “không”. Người nói đau khổ giúp tôi xa cách với những vướng bận trần thế và mang tôi đến gần Người. Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến Chúa và tha nhân như Người đã yêu thương tôi và Chúa nói: “Sau cùng, con đã xin đúng điều Ta chờ đợi”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội đồng ngày 21 tháng 10: Giám mục Đức nói rằng Truyền thống tông đồ cần phải được gạt sang một bên
Vũ Văn An
14:15 23/10/2023

Bản tin ngày 23 tháng 10 của hãng tin Catholic World News cho hay: ngày 21 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 đã kết thúc cuộc thảo luận của họ về chủ đề thứ tư của Thượng hội đồng: “Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền. Có những tiến trình, cơ cấu và định chế nào trong một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?”



Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, tiết lộ rằng con số tham gia Thượng hội đồng có giảm: chỉ có 329 trong số 364 thành viên bỏ phiếu tham dự phiên họp chiều ngày 20 tháng 10 (ít hơn 21 so với chiều hôm trước), và chỉ có 310 tham dự phiên họp vào sáng 21/10 (ít hơn 33 người so với sáng hôm trước). Như thế, 15% thành viên bỏ phiếu của Thượng Hội đồng đã vắng mặt trong phiên họp ngày 21 tháng 10.

Họp báo

Tại cuộc họp báo ngày 21 tháng 10, Ông Ruffini nói rằng có “một số chứng từ rất mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết và sâu sắc từ những nơi có chiến tranh hoặc đau khổ như Trung Đông, Ukraine, Amazon và v.v...”. Ruffini và những người tham gia khác cho biết các chủ đề sau đây đã được thảo luận:

*“sự phân định trong các mối liên hệ ra quyết định giữa các thẩm quyền và tính đồng trách nhiệm”

*tính đồng nghị “không loại bỏ nhưng lên bối cảnh cho thẩm quyền”

*những người có thẩm quyền không nên “sợ tìm cách thảo luận hoặc bị bất đồng”

*tầm quan trọng của việc lắng nghe lẫn nhau, “bắt đầu từ những người cảm thấy họ không thể được chào đón trong Giáo hội hoặc được cho biết rằng họ không thuộc về Giáo hội”, chẳng hạn như “những người di cư thuộc các tôn giáo khác”, người nghèo, những người bị phân biệt đối xử, người khuyết tật và người bản địa

*“nghĩa vụ chào đón” và bác bỏ bạo lực đối với “các cá nhân LGBTQ”

*tầm quan trọng của “sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng”: những người không “có sự hiệp thông cơ bản” với Đức Giáo Hoàng “làm tổn thương thân thể của Chúa Kitô, tức Giáo hội”

*“vai trò của phụ nữ và các cá nhân thánh hiến, đặc biệt nhấn mạnh đến khả năng tiếng nói của họ được lắng nghe trong quá trình đưa ra quyết định”

*“Chủ nghĩa giáo sĩ trị một lần nữa lại là trung tâm của những suy tư, với những khuyến nghị về việc đào tạo liên tục cũng cho phép giải quyết vấn đề lạm dụng”

*“sự cần thiết của các cơ cấu thích hợp để chống lại sự lạm dụng”

*lòng biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì “đã đưa ra những cơ cấu mới để giải quyết thảm kịch lạm dụng”

*“tầm quan trọng của việc cổ vũ các sáng kiến ở mọi bình diện để bảo vệ mọi cá nhân, cả người lớn lẫn trẻ em”

*“sứ mệnh trong thời đại kỹ thuật số, không nên hoàn toàn ảo vì nó liên quan đến con người trong cuộc sống thực của họ”

*“tái khẳng định sứ mệnh phục vụ người nghèo của Giáo hội, với ý thức rằng Chúa sẽ phán xét chúng ta dựa trên việc chúng ta yêu thương những người bé nhỏ nhất trong chúng ta như thế nào, chứ không phải dựa trên kiến thức tích lũy được”

Giám mục Overbeck

Đức Hồng Y Pedro Ricardo Barreto Jimeno, SJ, của Huancayo (Peru), chủ tịch Hội đồng Giáo hội Amazon; Giám mục Jean-Marc Eychenne Địa phận Grenoble-Vienne (Pháp); Sơ Maria Nirmalini, Bề Trên Tổng Quyền Tông Tòa Car-mel (Ấn Độ); và Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Essen (Đức) đã nói về kinh nghiệm của họ về tính đồng nghị. Đức Hồng Y Barreto Jimeno đã nói về Hội nghị Giáo hội Am-azon – hội nghị đầu tiên trong lịch sử Giáo hội – một cơ cấu trong đó những người không phải giám mục đều là thành viên đầy đủ, không giống như các hội đồng giám mục.

Đức Giám Mục Overbeck cho biết rằng trong 13 năm làm giám mục, ngài đã chôn cất 300 linh mục và chỉ truyền chức cho 15 linh mục, và hiện tại ngài không có chủng sinh nào.

Đức Giám Mục Overbeck nói khi đề cập đến Con Đường Đồng Nghị của Đức, vốn kêu gọi thay đổi tín lý và kỷ luật Công Giáo, “Nhiều người đã hỏi tôi, ‘Đức Cha vẫn là người Công Giáo và là một phần của Giáo Hội Công Giáo phải không?’. Và tôi trả lời, ‘Vâng, tất nhiên, chúng tôi là người Công Giáo, và chúng tôi vẫn ở đây.”

Ngài nói thêm: “Lý do chúng tôi bắt đầu con đường này, là vì số lượng lớn các vụ lạm dụng được phát hiện trong nước”.

Đức Giám Mục Overbeck cho biết bối cảnh “hậu thế tục” của Đức “thay đổi toàn bộ khuôn khổ cho các vấn đề mà chúng tôi đang thực hiện”, đồng thời nói thêm rằng nếu giáo huấn Công Giáo mâu thuẫn với “các dấu hiệu của thời đại” thì “không ai sẽ được thuyết phục” bởi sự hướng dẫn của Giáo Hội.

Đức Giám Mục Overbeck kêu gọi “trở lại với những nguồn kiến thức thần học, bắt đầu với chứng từ của Kinh thánh và truyền thống Công Giáo, qua những phát hiện của thần học học thuật, với đức tin của các tín hữu và những dấu chỉ của thời đại cần được giải thích dưới ánh sáng của Tin Mừng để làm cho lời rao giảng Kitô giáo trở nên đáng tin cậy.”

Ngài nói tiếp: “Nếu thần học, Huấn Quyền, hay truyền thống và các dấu hiệu của thời đại, có những mâu thuẫn không thể giải quyết và không thể hòa giải, thì điều này sẽ không thuyết phục được ai và không thể đưa ra hướng dẫn cho người Công Giáo”.

Theo Edward Pentin, người phụ trách Thượng Hội đồng cho tờ National Catholic Register, Đức Giám Mục Overbeck cũng nói rằng “chúng tôi luôn đặt Chúa Kitô ở trung tâm đức tin của mình, nhưng chúng tôi gạt bỏ truyền thống và thói quen sang một bên. Điều quan trọng là phẩm trật các sự thật.”

Nhà báo Diane Montagna, người có mặt tại cuộc họp báo, đã tweet:

“Tóm tắt lời phát biểu của Đức Giám Mục Over-beck (và mời ngài sửa tôi nếu tôi hiểu sai ý ngài), tôi hỏi ngài ‘truyền thống’ nghĩa là gì, và liệu ngài có ý nói Truyền thống Tông đồ không?

“Tôi không hiểu rõ ý của Giám mục Overbeck trong câu trả lời của ngài, vì vậy ngay sau khi cuộc họp báo kết thúc, tôi đến gặp ngài và hai lần hỏi rõ ràng liệu ngài có ý muốn gạt bỏ Truyền thống Tông đồ sang một bên hay không - và hai lần ngài nói ‘có’, đây chính là ý của ngài”.

Kinh Mân Côi

Vào tối ngày 21 tháng 10, những người tham gia Thượng Hội Đồng đã được mời tham gia lần hạt Mân Côi ngoài trời.

Đức Tổng Giám Mục Charles Palmer-Buckle của Cape Coast (Ghana), người lần hạt Mân Côi hai lần mỗi ngày, đã nói với tờ The Pillar:

“Trong giai đoạn đầu tiên này [của Thượng Hội đồng], chúng ta đang lắng nghe nhau. Và nghe nhau nói về những lo lắng, thử thách, khó khăn ở mọi nơi trên thế giới – tôi tin rằng chúng ta sẽ trở về nhà với nhận thức này và cầu nguyện cho nhau tốt hơn. Có lẽ khi đó chúng ta có thể thấy chúng ta cần loại chữa lành nào trong Giáo hội”.

Ngài nói thêm: “Tôi không nghĩ chúng ta phải thay đổi Giáo hội để phù hợp với chúng ta. Thay vào đó, chúng ta phải phù hợp với Chúa Giêsu Kitô và những gì Người muốn nơi chúng ta, thông qua sự giúp đỡ của Giáo hội.”

Không có cuộc họp Thượng Hội đồng nào diễn ra vào Chúa nhật ngày 22 tháng 10.
 
Thượng Hội đồng ngày 20 tháng 10: các tham dự viên thảo luận về thẩm quyền và nền độc tài
Vũ Văn An
17:06 23/10/2023

Bản tin ngày 23 tháng 10 năm 2023 của hãng tin Catholic World News tường trình rằng ngày 20 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 tiếp tục thảo luận về chủ đề thứ tư của Thượng hội đồng: “Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền. Có những tiến trình, cơ cấu và thể chế nào trong một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?”



Mỗi nhóm trong số 35 nhóm làm việc (nhóm nhỏ) đang thảo luận một trong năm câu hỏi trong bảng câu hỏi:

*B 3.1 Làm thế nào chúng ta có thể đổi mới thừa tác vụ thẩm quyền và thực thi trách nhiệm trong một Giáo hội truyền giáo có tính đồng nghị?

*B 3.2 Làm thế nào chúng ta có thể phát triển các thực hành phân định và các quá trình đưa ra quyết định theo cách thức đồng nghị đích thực, tôn trọng vai trò chính của Chúa Thánh Thần?

*B 3.3. Những cơ cấu nào có thể được phát triển để củng cố một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

*B 3.4 Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra cấu trúc cho các trường hợp về tính đồng nghị và tính hợp đoàn liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương?

*B 3.5 Làm thế nào định chế Thượng Hội đồng có thể được củng cố để nó trở thành biểu thức của tính hợp đoàn giám mục trong một Giáo hội toàn đồng nghị?

Báo cáo tổng hợp phiên họp thứ nhất của Thượng Hội đồng (4-29/10) sẽ ảnh hưởng đến nghị trình của phiên họp thứ hai (tháng 10 năm 2024).

341 trong số 364 thành viên bỏ phiếu của Thượng Hội đồng đã tham dự các cuộc họp chiều 19/10; 343 người tham dự vào sáng 20/10.

Trong cuộc họp báo, Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, nói rằng “Văn phòng Tổng Thư ký đang ưu tiên phát biểu cho những người chưa tham gia vào công việc cho đến nay”. Thông báo này phù hợp với các quy tắc của Thượng Hội đồng, trong đó quy định rằng “những người đã phát biểu và yêu cầu phát biểu lại—trong cùng một cùng một cuộc họp toàn thể, hoặc trong một một cuộc họp toàn thể tiếp theo, trong cùng một đơn vị thảo luận, hoặc trong một đơn vị tiếp theo—sẽ chỉ được phát biểu sau khi kết thúc phần phát biểu của những người lần đầu phát biểu, nếu còn thời gian” (Điều 21.4).

Họp báo

Những người tham gia cuộc họp báo ngày 20 tháng 10 cho biết các chủ đề sau đây đang được thảo luận:

*Thẩm quyền như một “phục vụ” được thực hiện “chân trần”

*“Thẩm quyền không phải là sự thống trị mà là sự phục vụ”

*một giám mục “có lời cuối cùng nhưng không phải là lời duy nhất”

*người có thẩm quyền “không được kiểm soát mọi việc nhưng có khả năng ủy quyền”

*“Vai trò của các mục tử trong việc phục vụ người nghèo”

*“Các giám mục phải kêu gọi hoán cải tâm hồn để tình cảm nhân đạo được khơi dậy nơi những người, bằng cách buôn bán vũ khí, đã góp phần vào ‘chiến tranh thế giới thứ ba’ gây ra đau khổ cho hàng triệu người”

*“trách nhiệm”: “sự tham gia và phối hợp của các đặc sủng”, nhấn mạnh vào “tầm quan trọng của việc đề cao các nhân vật, năng lực và đặc biệt là sự cam kết của giáo dân”

*“những thay đổi cần thiết để đạt được sự minh bạch hơn trong cơ cấu tài chính và kinh tế; việc sửa đổi giáo luật cũng như một số văn bản đã lỗi thời”

*“sự lạm dụng quyền lực, lương tâm, kinh tế và tình dục,” gắn liền với “chủ nghĩa giáo sĩ trị, ngay cả trong giáo dân”

*“sự cấp bách của việc củng cố các cơ cấu hiện có, chẳng hạn như các hội đồng mục vụ, đã được ghi nhận, chú ý không nhượng bộ trước những khuynh hướng chủ nghĩa nghị viện”

*“hiện diện bên cạnh những người trẻ trong môi trường kỹ thuật số, một nơi truyền giáo đích thực để mang những người ở những vùng ngoại vi xa xôi đến gần hơn”; “gặp gỡ những người trẻ này ở nơi họ đang ở, cụ thể là trên các mạng xã hội khác nhau”

Những người tham gia cuộc họp báo đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về tính đồng nghị ở Châu Phi, Châu Âu, Trung Đông và Châu Á. Điều mà họ mô tả là “tính đồng nghị” đôi khi chỉ đơn giản là tham khảo ý kiến và lắng nghe - những thực hành đã được thảo luận cách đây 15 thế kỷ trong Tu luật của Thánh Biển Đức (Chương III).

Theo Vatican News, Đức Tổng Giám Mục Tar-cisio Isao Kikuchi Địa phận Tokyo đã nói về những thách thức trong việc cổ vũ các cuộc thảo luận thượng hội đồng trong bối cảnh châu Á, nơi mọi người đã quen với việc im lặng. Ngài nói rằng “tính đồng nghị không có nghĩa là độc dạng, nhưng đòi hỏi phải tôn trọng các cá nhân và nền văn hóa một cách thích hợp”.

Nữ phó tế

Theo Vatican News, Sơ Mary Teresa Barron (Ái Nhĩ Lan), chủ tịch Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, “lưu ý rằng vấn đề [nữ phó tế] đang được thảo luận để phân định theo tính đồng nghị”. Bà nói thêm: “Đặc điểm vẻ đẹp của Giáo Hội Công Giáo là có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong khi chúng đang được thảo luận, bà nói thêm, sẽ không đúng nếu nói ra ngoài không gian này”.

Hai ngày sau khi giảng về sự cần thiết phải tiếp nhận Tin Mừng “theo điều kiện của Thiên Chúa, chứ không phải của con người”, Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas của Vilnius (Lithuania) cho biết “cuộc tranh luận về các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo hội là một phần của cuộc trao đổi rất rộng rãi này tại Thượng Hội đồng.”

Vatican News đưa tin: “ngài nói, thông thường, người ta hay tìm kiếm câu trả lời như có hoặc không, đen hoặc trắng. Rõ ràng là có những khác biệt về quan điểm vốn phụ thuộc vào hậu cảnh văn hóa nên quá sớm để đưa ra quyết định ở giai đoạn này.”

Đức Tổng Giám Mục Grušas, chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE) và Hội đồng Giám mục Litva nói thêm “Tôi không tin rằng ở giai đoạn này, hoặc thậm chí trước năm 2024, sẽ có những quyết định cuối cùng. Nhưng nếu chúng ta phát triển và sống trong tính đồng nghị thì những điều đó sẽ đến, vì chúng ta không tìm kiếm những kết luận tín điều, nên không có định kiến nào về việc Thượng hội đồng này sẽ như thế nào. Mặc dù mọi người đều muốn có những quyết định nhưng diễn trình vẫn quan trọng hơn những quyết định.”
 
Ngược với Con đường Đồng nghị Đức, nhà thần học Úc coi truyền thống ‘năng động’ của Vatican II là kim chỉ nam
Vũ Văn An
18:53 23/10/2023

Hannah Brockhaus trên CNA, ngày 23 tháng 10 năm 2023, tường trình rằng Cha Ormond Rush, một đại biểu Úc tham dự Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị đã phát biểu trước các thành viên Thượng Hội đồng và Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 23 tháng 10 trước khi họ xem xét bản thảo tài liệu tóm tắt các cuộc trò chuyện của họ trong ba tuần qua.

Cha thần học người Úc Ormond Rush phát biểu tại Đại hội đồng Thượng hội đồng về Tính đồng nghị vào ngày 23 tháng 10 năm 2023, tại Hội trường Phaolô VI của Vatican. [ảnh của Vatican Media]


Cha Rush phát biểu với các đại biểu khi tuần cuối cùng của hội nghị bắt đầu hôm thứ Hai rằng cuộc thảo luận về truyền thống của Vatican II là thẩm quyền cho các suy tư của Thượng hội đồng hôm nay.

Ngài nói, “Sau khi lắng nghe các bạn trong ba tuần qua, tôi có ấn tượng rằng một số bạn đang lao đao với khái niệm truyền thống, dưới ánh sáng tình yêu chân lý của các bạn”.

Ngài nói thêm rằng truyền thống “là một điểm thảo luận chính tại Công đồng Vatican II. Đối với chúng ta, câu trả lời của họ là thẩm quyền trong việc hướng dẫn các suy gẫm của chúng ta về các vấn đề mà chúng ta phải đối diện ngày nay.”

Ngài gọi cuộc họp từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 là “sự phân định liên quan đến tương lai Giáo hội” của các đại biểu.

Cha Rush đã phát biểu trước các thành viên Thượng Hội đồng và Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 23 tháng 10 trước khi họ xem xét bản thảo tài liệu tóm tắt các cuộc đàm luận của họ trong ba tuần qua. Phiên họp sẽ bỏ phiếu thông qua tài liệu này vào thứ Bảy, ngay trước khi nó dự kiến được công bố công khai.

Nói về sự phân định, nhà thần học nói với các đại biểu Thượng Hội đồng rằng họ nên cố gắng nhìn bằng đôi mắt của Chúa Giêsu. Ngài cũng cảnh báo họ về những “cạm bẫy” nơi họ có thể “bị lôi kéo vào những lối suy nghĩ không phải ‘của Thiên Chúa’”.

Ngài nói: “Những cạm bẫy này có thể hệ ở việc chỉ bám chặt quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc không mở ra cho sự thật trọn vẹn của Thiên Chúa trong tương lai mà Thần Khí sự thật đang dẫn dắt Giáo hội. Phân định được sự khác biệt giữa cơ hội và cạm bẫy là nhiệm vụ của tất cả các tín hữu – giáo dân, giám mục và thần học – tất cả mọi người.”

Cha Rush nói về sự căng thẳng trong Công đồng Vatican II liên quan đến hai cách tiếp cận truyền thống. Đức Bênêđíctô XVI, lúc đó là Cha Joseph Ratzinger, là cố vấn thần học tại Vatican II. Ngài viết về “cách hiểu ‘tĩnh’ về truyền thống và cách hiểu ‘năng động’”, Cha Rush nói.

Nhà thần học này mô tả, “Cách trước mang tính duy pháp lý, đề xuất và phi lịch sử (tức là phù hợp với mọi thời đại và địa điểm). Cách sau có tính bản vị, bí tích, và bắt nguồn trong lịch sử và do đó phải được giải thích theo ý thức lịch sử. Cách trước có xu hướng tập trung vào quá khứ, cách sau nhìn quá khứ được thể hiện trong hiện tại, nhưng vẫn mở ra một tương lai chưa được tiết lộ.”

Cha Rush trích dẫn đoạn 8 của Dei Verbum, hiến chế tín lý của Vatican II về mạc khải Thiên Chúa, và sự phát triển của các tông đồ về truyền thống của Giáo hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: “Có một sự tăng trưởng trong cái nhìn sâu sắc vào các thực tại và những lời nói được truyền lại.”

Ngài nói: “Và [hiến chế tín lý] tiếp tục nói về ba cách liên quan với nhau qua đó Chúa Thánh Thần hướng dẫn sự phát triển của truyền thống tông đồ: công việc của các nhà thần học, kinh nghiệm sống của các tín hữu, và sự giám sát của huấn quyền. Nghe giống như một Giáo hội đồng nghị, phải không?”

Một nhà thần học khác của Thượng Hội đồng, Cha Dario Vitali, cũng đã phát biểu với Thượng Hội đồng về việc, trong một Giáo hội có tính đồng nghị, cần có sự đóng góp kinh nghiệm sống của người Công Giáo, huấn quyền và các nhà thần học. Vitali đã nói vào tuần trước rằng “khả thể phát triển một phong cách và một hình thức đồng nghị của Giáo hội phụ thuộc vào tính luân lưu [circularity] đầy nhân đức của ‘sensus fidei’ [cảm thức đức tin], huấn quyền và thần học”.

Cha Rush gọi Thượng Hội đồng là “một cuộc đối thoại với Thiên Chúa” và nói với các đại biểu rằng trong tài liệu tổng hợp cuối cùng mà họ sẽ xem xét trong tuần này, “Thiên Chúa đang chờ đợi” câu trả lời của họ.

“Vào cuối tuần tổng hợp này, bạn có thể muốn bắt đầu phần tổng hợp đó bằng cách nói, giống như Công đồng Giêrusalem đầu tiên, được mô tả trong Công vụ 15: 'Điều đó có vẻ tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi...'” Cha Rush cho biết, đề cập đến công đồng tông đồ được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ, liên quan đến câu hỏi liệu các tín đồ người ngoại có nên bắt buộc phải cắt bì hay không.

Nhà thần học cho biết, các tông đồ đã đề cập trong một lá thư gửi các giáo hội “một vấn đề mà chính Chúa Giêsu đã không để lại hướng dẫn cụ thể nào cho nó. Họ và Chúa Thánh Thần phải cùng nhau đi đến một sự thích ứng mới với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô liên quan đến câu hỏi mới đó, điều chưa từng được dự tính trước đây”.

Cha Rush, một trong 62 “chuyên gia và điều phối viên” của Thượng Hội đồng, là phó giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Australian ở Brisbane và là linh mục của Giáo phận Towns-ville.

Ngài đã xuất bản các cuốn sách và bài báo về Công đồng Vatican II, “sensus fidei” (cảm thức về đức tin) và về tính đồng nghị.
 
VietCatholic TV
31 xe tăng Abrams đã đến Kyiv. Tai họa khi lính Nga tự chế súng cối dã chiến. Báo cáo về TQ gây sốc
VietCatholic Media
01:42 23/10/2023


1. Xe tăng Abrams của Ukraine có thể đã quá muộn

Những chiếc xe tăng Abrams cuối cùng do Mỹ cung cấp đã đến Ukraine và sẵn sàng tung ra chiến trường, nhưng chúng khó có thể bảo đảm được những lợi ích lãnh thổ đáng kể mà Kyiv đã bỏ qua trong cuộc phản công kéo dài nhiều tháng.

Quân đội Mỹ xác nhận hồi đầu tuần này rằng chiếc xe tăng Abrams đầu tiên được chờ đợi từ lâu đã đến Ukraine vào cuối tháng 9, cùng với 31 xe tăng còn lại được hứa hẹn sẽ gia nhập kể từ thứ Hai 23 tháng 10.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine vào Tháng Giêng, điều này khiến Đức gửi xe tăng Leopard 2 mà lực lượng vũ trang Kyiv đã sử dụng trong nhiều tháng.

Đại tá Martin O'Donnell, phát ngôn nhân của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu và Phi Châu, nói với VOA: “Chúng tôi đã thực hiện đúng thỏa thuận”. Ông nói với ấn phẩm này rằng tất cả các chiến binh Ukraine được huấn luyện trên xe tăng do Mỹ sản xuất đã trở về Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng xe tăng đã được gửi cùng với đạn dược và phụ tùng thay thế.

Ông O'Donnell nói: Từ giờ trở đi, Ukraine “sẽ quyết định khi nào và ở đâu họ sẽ cung cấp khả năng này”.

Trong khi xe tăng mang lại cho lực lượng Ukraine sự hỗ trợ quý giá cho các cuộc diễn tập vũ trang kết hợp chống lại Nga, một số chuyên gia phương Tây và quan chức Ukraine cho rằng số lượng, thời gian và vấn đề hậu cần hiện đã làm giảm phần lớn tác động mà xe tăng Abrams có thể gây ra cho Ukraine.

Oleksiy Goncharenko, một thành viên quốc hội Ukraine, cho biết tổng cộng 31 xe tăng “không thể tạo ra sự khác biệt”, mặc dù Kyiv “rất biết ơn” vì sự đóng góp.

Ông nói với Newsweek: “Trong năm nay, có vẻ như đã quá muộn” để gia đình Abrams tạo được ảnh hưởng thực sự trong những nỗ lực mệt mỏi của Ukraine ở miền nam và miền đông Ukraine. Ông nói thêm: “Nhưng rõ ràng là cuộc chiến sẽ không kết thúc trong năm nay”.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, Vương quốc Anh, cho biết thêm: “Chỉ tạo ra sự khác biệt đáng kể ở Ukraine là chưa đủ”.

Bà nói với Newsweek rằng 31 xe tăng này chỉ đủ trang bị cho hai đại đội xe tăng, Ukraine cần tạo ra các đường cung cấp mới về đạn dược và các bộ phận thay thế, cũng như bảo đảm có đủ xe chở nhiên liệu cho các xe tăng Abrams ở Ukraine.

Bà nói: “Tất cả những điều này không chỉ tạo ra vấn đề cho chuỗi cung ứng mà còn tạo ra các mục tiêu hấp dẫn cho pháo binh và máy bay không người lái của Nga”.

Các nhà phân tích từ lâu đã xác định một số đặc điểm của xe tăng Abrams khiến xe tăng chiến đấu chủ lực của Mỹ ít phù hợp hơn với nhu cầu của Ukraine. Nặng hơn nhiều so với các loại xe tương đương của Nga và các mẫu xe thời Liên Xô mà Ukraine đã sử dụng, các nhà hoạch định quân sự của Ukraine sẽ cần phải bảo đảm rằng nó có thể vượt qua những cây cầu không được thiết kế cho xe tăng có trọng lượng như vậy và phải luôn cung cấp đầy đủ cho chiếc xe tăng uống rất nhiều “nhiên liệu”.

“Tôi không nghĩ rằng đây sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Hoàn toàn ngược lại,” Miron lập luận. “Nó tạo ra nhiều vấn đề cho lực lượng Ukraine hơn là lợi ích.”

Thời gian luôn là vấn đề được quan tâm cấp bách. Vào giữa tháng 3, Ngũ Giác Đài cho biết họ sẽ không gửi xe tăng M1A2 Abrams thế hệ sau mà thay vào đó là xe tăng M1A1 được tân trang lại. Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết: “Đây là việc sớm đưa khả năng chiến đấu quan trọng này vào tay người Ukraine”.

Nhưng chiếc xe tăng cuối cùng xuất hiện đúng vào mùa bùn lầy khét tiếng ở Ukraine và điều kiện mùa đông khắc nghiệt hơn bắt đầu ảnh hưởng đến tiền tuyến. Miron cho biết, những chiếc Abrams hạng nặng sẽ bị sa lầy với “khả năng di chuyển hạn chế” trên địa hình lầy lội và có thể sẽ cần các phương tiện phục hồi bọc thép để cạy nó ra khỏi bùn - miễn là kíp lái của xe tăng không bị bắn.

Ukraine đã tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu bất chấp thời tiết đang thay đổi. Trung Tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết hồi tháng 9: “Trong thời tiết lạnh, ẩm ướt và bùn lầy, việc chiến đấu càng khó khăn hơn”. Tuy nhiên, “giao tranh sẽ tiếp tục, cuộc phản công sẽ tiếp tục”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, xe tăng Abrams sẽ cần phải được sử dụng theo “một cách rất phù hợp cho các hoạt động rất cụ thể và được tổ chức tốt”, nếu không, 31 xe tăng sẽ không tồn tại được lâu trên tiền tuyến, Budanov cho biết vào tháng trước. Ông nói: “Chúng cần được sử dụng trong các hoạt động mang tính đột phá đó nhưng phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng”.

O'Donnell của quân đội Mỹ cho biết hồi đầu tuần: “Tôi nghĩ Ukraine sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và địa điểm họ sử dụng nó”. “Xe tăng Abrams là một phương tiện bọc thép tuyệt vời, nhưng nó không phải là viên đạn bạc. Cuối cùng, quyết tâm vượt qua của Ukraine mới là điều quan trọng nhất.”

Tuy nhiên, thời tiết không phải là vấn đề thời gian duy nhất. Volodymyr Omelyan, một đại úy trong quân đội Ukraine và cựu bộ trưởng cơ sở hạ tầng, nói với Newsweek rằng Abrams có thể là một “bản nâng cấp và nâng cấp tuyệt vời cho quân đội của chúng tôi”, nhưng có thể là một yêu cầu khó khăn để thử các hoạt động tấn công mà không có ưu thế trên không.

2. Cuộc chiến thầm lặng ít ai biết của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Hidden Drone War”, nghĩa là “Cuộc chiến máy bay không người lái thầm lặng của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Máy bay không người lái có mặt ở khắp mọi nơi ở Ukraine – máy bay không người lái kamikaze bay qua lại trên chiến tuyến và máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất cung cấp tầm nhìn về chiến trường cho các nhà quan sát ở bên kia thế giới.

Nhưng có một biên giới thứ hai trong cuộc chiến công nghệ không người lái. Các thiết kế máy bay không người lái đang thay đổi mỗi ngày, nhưng có những công nghệ ít được biết đến hơn cũng đang cố gắng hạ gục chúng.

Oleg Vornik, giám đốc điều hành của công ty DroneShield của Úc và Mỹ, là công ty có hàng trăm thiết bị chống máy bay không người lái trên khắp các tuyến đầu toàn cầu, đã nói chuyện với Newsweek. Vornik nói: “Chúng tôi đang nhận ra rằng chiến lược 'hãy để tôi lấy súng trường ra và bắn hạ máy bay không người lái' không phải là một chiến lược hiệu quả, so với các thiết bị chuyên dụng cần thiết để vừa phát hiện vừa đánh bại”.

Arun Arumugam, giám đốc kinh doanh của các chuyên gia radar Advanced Protection Systems, gọi tắt là APS, có trụ sở tại Ba Lan, cho biết thêm: “Tình hình địa chính trị đã thay đổi hoàn toàn thị trường chống máy bay không người lái tấn công, thường được gọi là UAS”. Ông nói với Newsweek: “Mọi người đều nhận ra tầm quan trọng của việc phải tăng cường khả năng phòng không của mình vì những mối đe dọa mà họ nhận thấy rằng máy bay không người lái có thể gây ra, như hiện nay ở Ukraine”.

Arumugam nói thêm, cuộc chiến ở Ukraine “đã thực sự mở rộng tầm mắt của chúng tôi” về tầm quan trọng của máy bay không người lái và việc phát hiện chúng. Quan trọng nhất, giờ đây mọi người đánh giá cao việc sở hữu một chiếc máy bay không người lái và biến nó thành một mối đe dọa thật dễ dàng và rẻ tiền. “Vì vậy, tôi nghĩ các công ty như chúng tôi thực sự cần phải nỗ lực hơn nữa,” Arumugam nói, đồng thời cho biết thêm công ty đã “phát triển khá đáng kể” kể từ khi cuộc chiến tổng lực ở Ukraine bùng nổ.

Chuyên gia về máy bay không người lái có trụ sở tại Anh, Steve Wright, nói với Newsweek rằng “chưa có câu trả lời duy nhất và có lẽ sẽ không bao giờ có” về cách hạ gục các máy bay không người lái đang lao tới. “Kết quả là mọi người ở mọi phía đều phải tùy cơ ứng biến.”

Ukraine nhanh chóng chứng minh rằng họ thực sự có thể lấy súng trường và sử dụng chúng để làm sạch bầu trời. Kyiv đã sử dụng pháo phòng không tự hành Gepard và pháo cỡ nòng lớn do Đức cung cấp để chống lại các máy bay không người lái bay thấp và chậm, đồng thời các hệ thống phòng không dựa trên hỏa tiễn của họ thường xuyên hạ gục các mối đe dọa sắp tới, bao gồm cả máy bay không người lái tấn công.

Nhưng việc bắn hỏa tiễn từ các hệ thống phòng không đắt tiền để loại bỏ các máy bay không người lái rẻ tiền, chỉ dùng một lần, đơn giản là không có ý nghĩa kinh tế khi đối mặt với một cuộc tấn công hàng loạt hoặc một bầy UAS.

Wright nói: “Các cuộc tấn công của 'Hải ly' vào Mạc Tư Khoa là một ví dụ hoàn hảo về điều này. Kyiv đã liên tục tấn công vào thủ đô của Nga bằng máy bay không người lái cảm tử 'Hải ly' được sản xuất trong nước trong năm nay, một số đã né tránh lực lượng phòng không của Nga để tàn phá thành phố. Wright nói thêm: “Các máy bay không người lái rõ ràng sẽ không bao giờ có khả năng ném bom để buộc Mạc Tư Khoa phải khuất phục, nhưng chúng đã làm Nga mất đi kho hỏa tiễn rất đắt tiền dành cho máy bay phản lực siêu thanh một cách rất hiệu quả”.

Do đó, tầm quan trọng của công nghệ chống máy bay không người lái đóng một vai trò quan trọng nhưng bị đánh giá thấp trong nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Vornik cho biết, cũng giống như máy bay không người lái, thiết bị chống máy bay không người lái cần phải có giá cả phải chăng. Nhưng nó cũng cần phải đáng tin cậy, triển khai nhanh chóng và lan rộng trên một phạm vi rộng, ông nói thêm.

Cả hai bên đều phải củng cố công nghệ hệ thống máy bay không người lái của mình và điều này được đánh giá cao nhờ viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong suốt gần 20 tháng chiến tranh.

Trong số hơn 43,9 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ an ninh kể từ tháng 2 năm ngoái, Washington đã gửi một số hệ thống VAMPIRE C-UAS, hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser c-UAS di động, súng chuyên dụng C-UAS và “các thiết bị C-UAS khác”.

Công nghệ chống máy bay không người lái rất đa dạng; nó có thể có nghĩa là súng phòng không được đề cập ở trên, nhưng cũng có thể là máy bay không người lái đánh chặn hoặc đột nhập vào các phương tiện không người lái khi chúng lao về phía mục tiêu hoặc dựa vào tác chiến điện tử và bảo đảm rằng máy bay không người lái được phát hiện kịp thời.

Nga thường xuyên cho biết các hệ thống tác chiến điện tử của họ đã tiêu diệt các máy bay không người lái của Ukraine. Theo đồng sáng lập và giám đốc điều hành APS, Maciej Klemm, với hàng nghìn máy bay trên bầu trời Ukraine mỗi tháng, hầu hết các máy bay không người lái do cả hai bên vận hành sẽ bị hạ gục bởi tác chiến điện tử.

APS, có các hệ thống như hệ thống điều khiển máy bay không người lái SKY “toàn diện” hiện đang hoạt động ở Ukraine, đặc biệt tập trung vào việc xác định các mục tiêu trên không ở tầm thấp, chậm và nhỏ. Arumugam cho biết công nghệ này giúp người vận hành nhanh chóng xác định liệu một vật thể là mối đe dọa hay thứ gì đó vô hại hơn nhiều, chẳng hạn như một con chim.

Có lẽ trong số những loại máy bay không người lái khét tiếng nhất của Nga có loại bom bay không người lái Shahed-131 và Shahed-136 do Iran thiết kế. Thường được quân đội Mạc Tư Khoa sử dụng trong các cuộc tấn công vào ban đêm, Ukraine thường sử dụng súng cỡ nòng lớn để hạ gục họ khỏi bầu trời.

Uzi Rubin, thuộc Viện Chiến lược và An ninh Giêrusalem và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin Sadat, trước đó đã nói với Newsweek: “Khi bạn tìm thấy chúng, bạn sẽ bắn chúng”. Tuy nhiên, “nếu bạn không nhìn thấy chúng, bạn không thể bắn chúng. Và hầu hết là bạn không nhìn thấy chúng,” Rubin nói thêm.

Tuy nhiên, đây không phải là những thứ mà hệ thống chống máy bay không người lái khó phát hiện nhất, Klemm của APS nói với Newsweek. Ông nói, chính những chiếc máy bay không người lái có chất nổ cải tiến được mua trên thị trường mới đặt ra thách thức lớn nhất.

Wright cho biết thêm, đây là loại máy bay không người lái dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các xung điện từ, loại xung này sử dụng luồng sóng vô tuyến rất mạnh để gây rối loạn hệ thống liên lạc hoặc thiết bị điện tử trên máy bay. Wright cho biết: “Những điều này dựa trên thực tế là hầu hết máy bay không người lái hiện chỉ sử dụng thiết bị điện tử tiêu dùng với rất ít biện pháp bảo vệ bổ sung,” đồng thời cho biết thêm rằng các phương pháp chống lại công nghệ chống máy bay không người lái đã xuất hiện.

Giống như quá trình phát triển máy bay không người lái đang phát triển mỗi ngày, các hệ thống cũng được tạo ra để đánh bật chúng khỏi bầu trời. Ukraine có thể đang xây dựng “đội quân máy bay không người lái” nhưng nước này cũng đang để mắt đến công nghệ được thiết kế để đánh bại máy bay không người lái của Nga.

“Tóm lại: cuộc chạy đua vũ trang chỉ mới bắt đầu,” Wright nói.

3. Ben Wallace cảnh báo các nước vùng Baltic về nguy cơ các nước lớn trong Liên Hiệp Âu Châu sẽ không giữ cam kết chi tiêu của NATO

Ký giả STUART LAU của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Former UK defense chief warns big EU countries won’t keep NATO spending pledges”, nghĩa là “Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh cảnh báo rằng các nước lớn trong Liên Hiệp Âu Châu sẽ không giữ cam kết chi tiêu của NATO”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Ben Wallace đã tận dụng lần xuất hiện quốc tế đầu tiên của mình kể từ khi từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Anh để tiến hành một cuộc tấn công vào “một số quốc gia khá lớn ở Âu Châu”, cảnh báo rằng họ sẽ không tuân thủ những lời hứa chi tiêu quốc phòng của mình.

Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Riga ở Latvia, một sự kiện tập trung vào an ninh, Wallace khuyên các nước Baltic nên gây áp lực buộc các đối tác Âu Châu giàu có của họ phải thực sự chi 2% GDP của họ cho quốc phòng. Ông cảnh báo rằng ý chí chính trị nhằm tăng cường các khoản chi tiêu như vậy - được thúc đẩy sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga - có thể mất đà.

“Có một số quốc gia khá lớn ở Âu Châu mà tôi không nghĩ sẽ duy trì mức 2% trong thời gian dài và tôi nghĩ sẽ có một số cam kết thậm chí sẽ không được thực hiện hoặc không được làm đến nơi đến chốn ngay trong năm 2030 này,” Wallace nói, khi trả lời câu hỏi về các ưu tiên hàng đầu mà các nước NATO phải đối mặt.

Anh ta nói thêm: “Tôi đã thấy ngôn ngữ này ở một số quốc gia lớn nhất ở Âu Châu. Họ đang rút lại những cam kết của mình và sẽ rất thú vị để xem liệu họ có thực sự sẵn sàng duy trì ngân sách 2% của mình hay không.”

Trong khi Wallace không nêu rõ quốc gia, hai thành viên giàu nhất Liên Hiệp Âu Châu – Đức và Pháp – đều hứa sẽ tăng chi tiêu quốc phòng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz năm ngoái đã công bố kế hoạch thay đổi chi tiêu quốc phòng mang tên Zeitenwende, cam kết dành 100 tỷ euro, gần gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm, để bắt đầu nâng cấp quân sự. Cho đến nay, Đức đã cam kết - mặc dù chưa chi tiêu - khoảng 30 tỷ euro trong số 100 tỷ euro, Berlin cho biết hồi đầu năm nay, đồng thời cho biết thêm số tiền này sẽ chỉ được chuyển khi máy bay, đồng phục và các thiết bị được đặt hàng khác thành hiện thực.

Bất chấp sự thúc đẩy đó, Đức sẽ chỉ chi 1,57% GDP cho quốc phòng trong năm nay, theo ước tính của NATO công bố vào tháng 7.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào Tháng Giêng đã công bố kế hoạch tăng cường tài trợ 413 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội từ năm 2024-2030, tăng từ mức 295 tỷ euro trong ngân sách trước đó. Tuy nhiên, chi tiêu hàng năm của Pháp chỉ lên tới 1,9% GDP.

Chỉ có 11 trong số 31 thành viên của liên minh dự kiến sẽ đạt mức chi tiêu 2% trong năm nay - mặc dù đó là một sự cải thiện so với năm ngoái, khi chỉ có 7 thành viên đi đúng hướng để đạt được cam kết.

Vương quốc Anh trong lịch sử đã ở trên mức đó; năm nay ngân sách quốc phòng ước tính khoảng 2,07% GDP.

Phát biểu trên một hội thảo riêng, Trợ lý Tổng thư ký Tình báo và An ninh của NATO David Cattler tỏ ra lạc quan hơn: “Chắc chắn giữa hội nghị thượng đỉnh Madrid năm ngoái và Vilnius năm nay đã trở nên rất rõ ràng rằng 2% phải là mức thấp nhất.

“Khi các nhà lãnh đạo của các đồng minh thảo luận về vấn đề này, họ cũng nhận ra rằng có một số chi phí, một số chi phí mà các quốc gia và đồng minh nói chung phải gánh chịu để bắt kịp, khắc phục những thiếu sót và để phát triển năng lực bổ sung,” Cattler nói.. “Đó là lý do tại sao bạn sẽ thấy ngày càng có nhiều đồng minh không chỉ đạt 2% mà còn vượt qua nó.”

Wallace kêu gọi các nước NATO hãy “cho Putin thấy rằng chúng ta nghiêm túc, rằng chúng ta đang trang bị vũ khí và các thiết bị, sau đó thực sự tập trận cùng nhau… Trước Ukraine, NATO gần như đã hành động như một con ốc sên nếu tính về nhịp độ.”

“Chúng ta cần bắt kịp. Và đó là những gì chúng ta đang tiêu tiền của mình vào,” anh ta tiếp tục. “Chúng ta cũng cần bắt đầu thực hiện bằng cách thực sự phân bổ lực lượng cho các kế hoạch, nhưng không phải theo kiểu giấy tờ.”

Wallace rời khỏi chính phủ Anh vào tháng 7, nói rằng ông sẽ không tham gia cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Tên của ông đã nằm trong danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho vị trí tổng thư ký tiếp theo của NATO trước khi liên minh quốc phòng này đồng ý gia hạn nhiệm kỳ của Jens Stoltenberg thêm một năm vào đầu tháng 7.

Trước đó họ nói: 'Không có chiến binh hay phi công nào của Nhóm Wagner trên máy bay.'

4. Quân đội thứ hai thế giới mà binh sĩ phải tự chế tạo súng cối bằng ống cống ngay trên chiến trường

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russian Troops Are Packing Homemade Mortars. Expect Accidental Explosions.”, nghĩa là “Quân Nga đang tự chế súng cối. Mong đợi sẽ có những vụ nổ bất ngờ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một số binh sĩ Nga ở Ukraine dường như đã tự chế tạo súng cối cho riêng mình. Đó là một ý tưởng rất, rất tồi.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội hôm thứ Năm mô tả hai binh sĩ Nga thả những viên đạn 82 ly vào thứ mà thoạt nhìn có vẻ giống như súng cối bộ binh tiêu chuẩn.

Nhìn kỹ hơn. Đó không phải là các ống kim loại, nhưng đơn giản là một ống cống, hay một ống xi măng từ vật liệu xây dựng, có gắn tay cầm, được hàn không tốt vào một cái đế có bản lề. Có lẽ có một chốt bắn ở đáy ống.

Tại sao binh lính Nga lại tự chế tạo súng cối vẫn chưa rõ ràng. Có thể người Nga đang cạn kiệt súng cối chuyên dụng, giống như họ cũng đang cạn kiệt xe tăng và phương tiện chiến đấu hiện đại.

Dù thế nào, rõ ràng là các binh sĩ Nga không nên tự chế tạo súng cối. Bên cạnh việc cực kỳ không chính xác, súng cối tự chế còn cực kỳ nguy hiểm cho người vận hành. Bất kỳ một trục trặc nhỏ nào trong ống đều có thể khiến viên đạn phát nổ bên trong nó – gây ra hậu quả thảm khốc cho người bắn.

Người Nga có thể sử dụng súng cối 2B14 là súng cối 82 ly tiêu chuẩn của họ, có lẽ những binh sĩ này lại muốn thứ gì đó dễ di chuyển hơn: thứ mà binh lính gọi là “súng cối đặc công”.

Trong mọi trường hợp hầu hết súng cối bộ binh yêu cầu ít nhất hai người để vận chuyển, lắp ráp và vận hành — và 2B14 thường cần bốn người — còn súng cối biệt kích có kích thước dành cho một người lính. Quân đội Liên Xô đã phát hành súng cối biệt kích 37 ly trong Thế chiến thứ hai. Ngày nay, nhiều quân đội sản xuất súng cối biệt kích 51 ly hoặc 60 ly.

Nhưng không phải người Nga. Loại súng cối nhỏ nhất của Nga bắn được đạn 82 ly. Điều này có thể phản ánh truyền thống. Trong nhiều quân đội, người điều khiển súng cối bộ binh nhỏ nhất thực sự là bộ binh, còn trong quân đội Nga, tất cả các đội súng cối đều thuộc quân đoàn pháo binh.

Điều đó không có nghĩa là súng cối không hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị nhỏ. Súng cối 82 ly của Nga thường được dùng vào giai đoạn cuối của cuộc tấn công bộ binh. Jack Watling và Nick Reynolds lưu ý trong một báo cáo tháng 5 cho Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở Luân Đôn: “Đợt tiến công cuối cùng được bao phủ bởi súng cối bộ binh và sau đó sử dụng lựu đạn trước khi tiến vào vị trí mục tiêu”.

Không khó để thấy một khẩu súng cối nhỏ hơn, cơ động hơn có thể hữu ích như thế nào trong tình trạng căng thẳng và hỗn loạn của một trận cận chiến. Một người lính có thể quỳ xuống, đặt khẩu súng cối của mình xuống đất, và bắn ra một vài viên đạn.

Việc cải tiến súng cối đặc công từ vật liệu xây dựng có khả năng tạo ra ống bị bẩn, cong vênh và dễ vỡ. Chỉ cần một trục trặc nhỏ là có thể làm nổ tung khẩu súng cối và người điều khiển nó.

5. Tình báo Mỹ cho biết Nga đang làm suy yếu niềm tin vào các cuộc bầu cử trên toàn cầu

Mạc Tư Khoa sử dụng mạng lưới gián điệp, phương tiện truyền thông nhà nước và phương tiện truyền thông xã hội để làm lung lay niềm tin vào nền dân chủ, Giám đốc CIA William Burns cho biết như trên trong một báo cáo được gửi tới 100 quốc gia.

Ông nhấn mạnh rằng Nga đang sử dụng mạng lưới gián điệp, phương tiện truyền thông nhà nước và mạng xã hội để làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các cuộc bầu cử trên toàn thế giới.

Báo cáo công bố hôm thứ Sáu cho biết: “Nga đang tập trung thực hiện các hoạt động nhằm làm suy giảm niềm tin của công chúng về tính liêm chính trong bầu cử”.

“Đây là một hiện tượng toàn cầu. Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng các quan chức cao cấp của chính phủ Nga, bao gồm cả Điện Cẩm Linh, nhìn thấy giá trị của loại hoạt động gây ảnh hưởng này và nhận thấy nó có hiệu quả”.

Đánh giá này được gửi dưới dạng điện tín tới đại sứ quán của khoảng 100 quốc gia ở Âu Châu, Á Châu, Phi Châu và Bắc Mỹ, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Mạc Tư Khoa về cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Báo cáo cho biết Nga đã thực hiện một “nỗ lực phối hợp” từ năm 2020 đến năm 2022 nhằm làm suy yếu niềm tin của công chúng vào ít nhất 11 cuộc bầu cử ở 9 nền dân chủ, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Ông cho biết thêm, 17 nền dân chủ khác đã bị tấn công thông qua các phương pháp “ít rõ ràng hơn” liên quan đến hoạt động nhắn tin và truyền thông xã hội của Nga nhằm tìm cách khuếch đại các câu chuyện trong nước liên quan đến tính liêm chính trong bầu cử.

Không nêu tên các quốc gia mục tiêu, báo cáo cho biết chính phủ Mỹ đã chia sẻ với họ thông tin về các hoạt động của Nga.

Ông cáo buộc Nga sử dụng cả “cơ chế bí mật và công khai” để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Điều đó bao gồm các mạng lưới ảnh hưởng do cơ quan an ninh của họ, Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, quản lý, đã bí mật cố gắng đe dọa các nhân viên chiến dịch trong cuộc bầu cử năm 2020 ở một quốc gia Âu Châu không được nêu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.

Truyền thông nhà nước Nga đã phóng đại “những tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử” trong nhiều cuộc bầu cử ở Á Châu, Âu Châu, Trung Đông và Nam Mỹ vào năm 2020 và 2021, báo cáo nói thêm.

Báo cáo cho biết, Nga cũng khai thác các nền tảng truyền thông xã hội và “trang web ủy quyền” để gây nghi ngờ về tính trung thực của cuộc bầu cử ở một quốc gia Nam Mỹ vào năm ngoái.

Báo cáo nhấn mạnh rằng: “Đối với Nga, lợi ích của các hoạt động này có hai mục tiêu: thứ nhất là gieo rắc sự bất ổn trong xã hội dân chủ và thứ hai là mô tả các cuộc bầu cử dân chủ là gian lận và các chính phủ được cử lên là bất hợp pháp”.

Báo cáo cho biết, Hoa Kỳ nhận ra “điểm yếu của mình trước mối đe dọa này”, đồng thời nhắc lại rằng các tác nhân Nga đã tìm cách làm suy yếu niềm tin của công chúng vào cuộc bầu cử năm 2020.

Trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Nga được khuyến khích thúc đẩy các hoạt động gây ảnh hưởng đến bầu cử sau khi được cho là đã thành công trong việc truyền bá thông tin sai lệch về cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và đại dịch Covid-19.

“ Nga đang tận dụng những gì họ cho là thành công tương đối rẻ tiền vào năm 2020 ở Hoa Kỳ để thực hiện điều này một cách rộng rãi hơn trên toàn cầu”.

Không có phản ứng ngay lập tức đối với báo cáo từ chính phủ Nga.

6. Báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Trung Quốc phản ứng quyết liệt.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Chinese Media Issues Ominous War Warning to US: 'Global Scale'“, nghĩa là “Truyền thông Trung Quốc đưa ra cảnh báo chiến tranh đáng lo ngại với Mỹ: 'Quy mô toàn cầu'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Một tờ báo Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đáng ngại cho Hoa Kỳ, cho rằng Mỹ đang “kích động nguy cơ chiến tranh trên quy mô toàn cầu”.

Một bài xã luận hôm thứ Sáu của tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo bằng tiếng Anh theo chủ nghĩa dân tộc do bộ phận tuyên truyền của Đảng Cộng sản cầm quyền xuất bản, đã chỉ trích báo cáo thường niên của Ngũ Giác Đài trước Quốc hội về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Báo cáo của Ngũ Giác Đài được công bố hôm thứ Năm nêu chi tiết về việc Trung Quốc tăng cường năng lực hạt nhân, chống lại liên lạc quân sự với quân đội Mỹ, mở rộng sức mạnh quốc gia, tăng cường quan hệ với Nga cũng như các hành động khiêu khích của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương., đặc biệt là trong và xung quanh eo biển Đài Loan.

Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo có quan điểm không phải lúc nào cũng phản ánh chính sách chính thức ở Trung Quốc, đã gọi thông tin tình báo thu thập được trong báo cáo của Ngũ Giác Đài là “những suy đoán và bôi nhọ độc hại”, đồng thời nói thêm rằng Mỹ đang cố gắng “tạo ra một hình ảnh đáng sợ về Trung Quốc”.

Phát biểu về việc Trung Quốc tăng cường phô trương lực lượng quân sự tại Đài Loan trong những năm gần đây, mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mô tả chi tiết là các chuyến phóng hỏa tiễn đạn đạo, tăng cường các chuyến bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và thực hiện các mô phỏng phong tỏa quy mô lớn và các hoạt động tấn công, báo cáo của Ngũ Giác Đài nêu ra sáu kịch bản có thể khiến Trung Quốc thực hiện hành động quân sự.

Tuy nhiên, Hoàn cầu Thời báo tuyên bố trong bài xã luận có tiêu đề: “Sức mạnh quân sự của Trung Quốc chỉ khiến những kẻ có mục đích xấu cảm thấy 'bị đe dọa'“, rằng chính Mỹ mới là bên gây căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Trong năm qua, hành động của quân đội Mỹ đã làm rõ hơn mối đe dọa leo thang ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương thực sự đến từ đâu và điều gì đặt ra thách thức lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở khu vực đó”, phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chi hơn 9 tỷ Mỹ Kim cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương, nhằm mục đích duy trì sự cởi mở của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ còn gửi “hệ thống vũ khí hiện đại và có năng lực nhất” tới khu vực.

Cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, cảnh báo trong tuần này rằng Trung Quốc có thể cố gắng xâm chiếm Đài Loan trong thập kỷ này. Trong khi đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hồi đầu tháng cho biết hòa bình với Trung Quốc là “lựa chọn duy nhất”.

Trong bài xã luận hôm thứ Sáu, tờ Hoàn cầu Thời báo cũng cảnh báo rằng “mối nguy hiểm thực sự mà Mỹ đang đối mặt không thực sự xuất phát từ thách thức tưởng tượng của Hoa Kỳ đối với vị trí lãnh đạo của Trung Quốc. Đúng hơn, nó phát sinh từ sự can thiệp quá mức và hậu quả từ việc tạo ra căng thẳng và kích động nguy cơ chiến tranh trên quy mô toàn cầu.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng và Bộ Quốc phòng Trung Quốc qua email để yêu cầu bình luận.

7. Tại sao Hamas tấn công vào lúc này? Nhận định của Tổng thống Joe Biden

Ký giả Giselle Ruhiyyih Ewing của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Biden says Hamas attacks aimed to halt Israel-Saudi Arabia agreement”, nghĩa là “Biden nói rằng các cuộc tấn công của Hamas nhằm ngăn chặn thỏa thuận Israel-Saudi Arabia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Joe Biden nói rằng các cuộc tấn công của Hamas vào Israel một phần nhằm mục đích phá hoại khả năng bình thường hóa quan hệ giữa đồng minh của Mỹ với Ả Rập Saudi.

“Một trong những lý do khiến Hamas tấn công Israel… là vì họ biết rằng tôi sắp ngồi lại với người Saudi,” Biden nói tại một sự kiện tranh cử tối thứ Sáu, theo báo cáo của nhóm. “Hãy đoán xem cái gì? Người Saudi muốn công nhận Israel”, tổng thống nói thêm.

Cách đây chưa đầy một tháng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng bày tỏ sự lạc quan về khả năng giảm căng thẳng, nói với Biden rằng “hòa bình lịch sử” giữa hai nước dường như có thể đạt được.

Quá trình thúc đẩy bình thường hóa bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump và được đặt tên là Hiệp định Abraham.

Nhưng cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào ngày 7 tháng 10 nhằm vào Israel và sự trả đũa kéo dài từ Lực lượng Phòng vệ Israel ở Gaza đã đẩy khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập láng giềng ra xa tầm tay.

Hôm thứ Bảy, 20 xe tải đầu tiên chở khoảng 3.000 tấn viện trợ đã đi qua cửa khẩu biên giới Rafah từ Ai Cập vào thứ Bảy, mang theo sự hỗ trợ nhân đạo cho người dân Gaza, những người đang phải sống nhờ vào việc phân phát lương thực, nước uống và dựa vào nguồn cung cấp y tế đang cạn kiệt trong bối cảnh các cuộc không kích của Israel.

Trong bài phát biểu tại buổi gây quỹ ở Washington, DC, Biden nhấn mạnh cam kết của chính quyền ông trong việc hỗ trợ sự trường tồn của nhà nước Israel.

“Tôi bị thuyết phục đến từng thớ thịt của mình: Nếu không có Israel, sẽ không có người Do Thái nào an toàn trên thế giới - không phải trên toàn thế giới... kể cả Hoa Kỳ,” Biden nói.

So sánh cuộc xung đột mới nhất với việc Nga xâm lược Ukraine, như ông đã làm trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục tối thứ Năm, Biden nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc cung cấp viện trợ cho cả hai đồng minh, một lần nữa viện dẫn cựu ngoại trưởng Madeleine Albright gọi Mỹ là “quốc gia thiết yếu”.

“Ukraine là một ví dụ về những gì các bạo chúa làm khi không có ai cản đường họ. Vì vậy, tôi quyết tâm phải đáp trả”, Biden nói. “Và chúng tôi đã làm được. Và bây giờ, có rất nhiều cuộc thảo luận về việc liệu nó có đáng hay không. Lý do tôi - đưa ra bài phát biểu tối qua là để chứng minh rằng về cơ bản nó là: Nếu chúng ta không làm vậy thì sẽ không có ai khác làm vậy.”
 
Phe phò sinh, ủng hộ Ukraine, đã thất bại trong cuộc bầu cử ở Ba Lan. Paris có tân Giám Mục Phụ Tá
VietCatholic Media
05:29 23/10/2023


1. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho giáo xứ Công Giáo ở Gaza

Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện thoại cho giáo dân và tu sĩ thuộc Giáo xứ Công Giáo Thánh Gia ở Gaza, Đức Thánh Cha bày tỏ sự đồng cảm của ngài trước những thương đau của cộng đoàn.

Nữ tu Nabila Saleh thuộc Dòng Mân côi Giêrusalem đã tóm lược cuộc điện thoại nhận được từ Đức Thánh Cha Phanxicô vào tối thứ Hai.

Sơ đang phục vụ tại Giáo xứ Thánh Gia, là giáo xứ theo nghi lễ Latinh duy nhất ở Gaza.

Trong cuộc phỏng vấn với đài Vatican, Sơ Saleh cho biết Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại cho Cha Yusuf, người sau đó đã đưa điện thoại cho sơ “để sơ có thể nói chuyện trực tiếp với Đức Thánh Cha vì cha ấy nói tiếng Ý không sàng sõi lắm.”

Mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với người dân Gaza

Sơ cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô muốn biết có bao nhiêu người đang trú ẩn trong các cơ sở của giáo xứ.

Sơ nói: “Có khoảng 500 người, bao gồm người bệnh, gia đình, trẻ em, người khuyết tật, những người mất nhà cửa và tài sản”. “Thật là một điều may mắn khi được nói chuyện với Đức Thánh Cha. Ngài khích lệ chúng tôi hãy can đảm và tín thác trong lời cầu nguyện.”

Sơ Saleh đã xin Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi hòa bình và nói với ngài rằng người Công Giáo ở Gaza đang dâng hiến những đau khổ của mình “để cầu xin Chúa chấm dứt chiến tranh, vì hòa bình, vì nhu cầu của Giáo hội và vì Thượng hội đồng đang diễn ra”.

Sơ nói: “Giáo dân chúng con an lòng. “Chúng con biết rằng Đức Thánh Cha đang làm việc vì hòa bình và lợi ích của cộng đồng Kitô giáo ở Gaza.”

Khi được hỏi về tình hình ở Gaza, Sơ Saleh cho biết mọi người đang cố gắng hỗ trợ lẫn nhau trong những khó khăn và tha thiết cầu nguyện cho hòa bình.

“Mỗi ngày chúng con có hai Thánh lễ,” sơ cho hay. “Chúng con cũng luôn lần hạt Mân Côi với các em và gia đình các em.”

Vào tối Chúa nhật, linh mục chính xứ cử hành Thánh lễ và rửa tội cho một em gia nhập vào Giáo hội Kitô giáo.

Sơ nói: “Người mẹ sợ điều gì nguy hiểm có thể xảy ra nên đã yêu cầu rửa tội cho con bà”. “Đó là khoảnh khắc hồi sinh và tái sinh về mặt tinh thần đối với tất cả chúng tôi.”

Sơ Saleh kết thúc cuộc phỏng vấn bằng lời kêu gọi hòa bình và công lý cho Palestine.

“Chúng con muốn hòa bình vì chiến tranh chẳng mang lại lợi ích gì cho ai cả. Chúng con muốn cuộc chiến tàn khốc này kết thúc”, sơ nói. “Nhiều người đã mất đi người thân, nhà cửa và mọi thứ họ có. Chúng con cầu xin cho công lý và hòa bình. Người dân Palestine cũng có quyền được sống. Chúng con yêu cầu đừng tàn sát dân chúng vì một nhóm cuồng tín. Chúng con cũng xin mọi người cầu nguyện cho chúng con.”

2. Cuộc bầu cử Ba Lan chỉ ra sự thay đổi có thể xảy ra trong luật phá thai của đất nước

Các đảng đối lập tự do đã giành được chiến thắng chính trị quan trọng trước Đảng Công lý và Luật pháp bảo thủ của Ba Lan vào hôm Chúa Nhật, giành được đa số trong Quốc hội quốc gia và làm tăng khả năng mở rộng phá thai sắp xảy ra ở nước này.

Theo Ủy ban bầu cử quốc gia Ba Lan, các đảng đối lập đã giành được tổng cộng 53,71% phiếu bầu, giáng một đòn mạnh vào đảng cầm quyền bảo thủ.

Hạ viện của Quốc hội Ba Lan, được gọi là Sejm, có 460 ghế chủ yếu được lấp đầy bởi các đảng chính trị lớn của đất nước. Để chiếm đa số, một đảng hoặc liên minh phải nắm giữ ít nhất 231 ghế tại Hạ viện.

Đảng Luật pháp và Công lý bảo thủ (được biết đến với tên viết tắt tiếng Ba Lan là PiS), có cương lĩnh dựa trên “quyền sống, quyền tự do và quyền bình đẳng,” đã nắm quyền từ năm 2015. Dưới thời PiS, Ba Lan đã mở rộng các biện pháp bảo vệ sự sống trong nước.

Mặc dù PiS giành được tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất với 35,38%, nhưng điều này chỉ mang lại cho đảng này 198 ghế trong Quốc hội, thiếu đa số cần thiết để thành lập chính phủ mới.

Trong khi đó, ba đảng lớn nhất tiếp theo dự kiến sẽ hợp tác để thành lập chính phủ mới nhằm lật đổ PiS. Các đảng tự do dự kiến sẽ kết hợp lực lượng là Liên minh Dân sự giành được 30,7% phiếu bầu; Con đường trung dung thứ ba chiếm 14,4%; và Đảng Cánh tả, kiếm được 8,61%. Điều này mang lại cho liên minh tự do một đa số mạnh mẽ trong Sejm.

Sébastien Meuwissen, phát ngôn nhân của Viện nghiên cứu bảo thủ Ba Lan Ordo Iuris, nói với CNA rằng “kịch bản có thể xảy ra nhất vào lúc này” là ba đảng sẽ kết hợp để thành lập một chính phủ đảo ngược tiến trình phá thai.

Tuy nhiên, Meuwissen lưu ý rằng Tổng thống Ba Lan hiện tại Andrzej Duda, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2025, “vẫn là một người bảo thủ và có quyền phủ quyết, điều này khiến việc các đảng tự do “làm bất cứ điều gì họ muốn” trở nên phức tạp hơn.

Meuwissen nói: “Hai năm tới nhiều khả năng sẽ là thời điểm xảy ra những xung đột chính trị nghiêm trọng.

Vì đảng đa số thường có quyền quyết định thủ tướng nên lãnh đạo Liên minh dân sự Donald Tusk có thể sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Ba Lan. Tusk từng giữ chức thủ tướng Ba Lan từ năm 2007 đến 2014 và là chủ tịch Hội đồng Âu Châu của Liên Hiệp Âu Châu từ năm 2014 đến năm 2019.

Tusk đã ăn mừng tin này vào Chúa Nhật, tuyên bố chiến thắng hoàn toàn và nói: “Ba Lan đã thắng, nền dân chủ đã thắng”.

Phá thai hiện là bất hợp pháp ở Ba Lan ngoại trừ các trường hợp hiếp dâm, loạn luân và khi tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm.

Vào năm 2020, Tòa án Hiến pháp Ba Lan, hiện gồm 15 thẩm phán, tất cả đều do PiS Sejm bầu chọn, đã bãi bỏ luật cho phép phá thai trong các trường hợp thai nhi dị tật.

Theo nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 và 2022 bởi nguồn tin Ba Lan Notes from Ba Lan, sự thay đổi này đã chấm dứt khoảng 90% trong số khoảng 1.000 ca phá thai hàng năm diễn ra ở nước này.

Meuwissen nói với CNA rằng “hầu hết người Ba Lan dường như không hài lòng với phán quyết của Tòa án Hiến pháp năm 2020 về phá thai”, điều này, theo ông, “phần nào giải thích tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao”.

Trong khi đó, Liên minh Dân sự, Đảng Cánh tả và Con đường Thứ ba đã hứa sẽ đưa ra luật hợp pháp hóa việc phá thai.

OKO Press, một nguồn tin tức của Ba Lan, đưa tin rằng Liên minh Dân sự đã hứa sẽ hợp pháp hóa việc phá thai cho đến khi thai nhi được 12 tuần.

Theo báo cáo của Guardian, Tusk cho biết vào mùa xuân rằng “việc phá thai là quyết định của phụ nữ, không phải của linh mục, công tố viên, cảnh sát hay nhà hoạt động đảng phái”.

Tusk hứa sẽ ưu tiên việc hợp pháp hóa việc phá thai, nói rằng: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng đề xuất nó với Hạ viện vào ngày đầu tiên sau cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo”.

Về phần mình, Đảng cánh tả hứa hẹn “đưa ra quyền chấm dứt thai kỳ cho đến tuần thứ 12” và “sau tuần thứ 12 của thai kỳ” trong trường hợp “có mối đe dọa đến tính mạng hoặc sức khỏe của người phụ nữ hoặc dị tật thai nhi nghiêm trọng”..”

Con đường thứ ba cũng đã hứa sẽ xem xét mở rộng quyền phá thai. Trên trang web của mình, Con đường thứ ba hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong vòng 100 ngày đầu tiên của chính phủ mới để quyết định câu hỏi “khôi phục tình trạng pháp lý về khả năng chấm dứt thai kỳ”.

Ngoài việc hợp pháp hóa việc phá thai cho đến 12 tuần, Meuwissen tin rằng chính phủ mới sẽ cố gắng mở rộng việc phá thai bằng cách mở rộng ngoại lệ về “sức khỏe của người mẹ” hiện đang có hiệu lực để bao gồm cả “sức khỏe tâm thần của người mẹ”.

Meuwissen nói: “Đây có thể là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới việc phá thai theo yêu cầu ở Ba Lan.

Đối với trường hợp ngoại lệ về dị tật thai nhi, Meuwissen cho biết chính phủ mới “chắc chắn sẽ không thể lật ngược phán quyết năm 2020 nhắc nhở rằng việc phá thai theo thuyết ưu sinh là vi hiến, do thiếu đa số theo hiến pháp”.

Ba Lan, với 85% là người Công Giáo, đã xung đột với Liên minh Âu Châu (Liên Hiệp Âu Châu) trong những năm gần đây vì luật ủng hộ sự sống của đất nước, sự bác bỏ ý thức hệ LGBTQ+ và các chính sách chống nhập cư nghiêm ngặt.


Source:National Catholic Register

3. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá cho Paris

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Emmanuel Tois làm tân Giám Mục Phụ Tá của Paris.

Vị Tân Giám Mục Phụ Tá cho đến gần đây đã là tổng đại diện của Tổng giáo phận Paris, do Đức Tổng Giám Mục Laurent Bernard Ulrich lãnh đạo. Ngài đảm nhận tổng giáo phận lớn nhất này của Pháp vào tháng 5 năm 2022 sau khi tổng giám mục, Michel Aupetit, từ chức.

Lễ tấn phong giám mục cho Cha Tois sẽ diễn ra vào ngày 17 tháng 11 tại Nhà thờ Saint-Sulpice mà người Việt Nam thường gọi là Thánh Xuân Bích. Tổng giáo phận Paris từ nay sẽ có hai Giám Mục Phụ Tá. Vị Giám Mục Phụ Tá khác là Đức Cha Philippe Marsset.

Cha Tois sinh ngày 28 tháng 9 năm 1965 tại thị trấn Le Petit-Quevilly thuộc Tổng giáo phận Rouen. Ngài năm nay 58 tuổi.

Ngài đã học luật tại Đại học Rennes và là sinh viên của Trường Tư pháp Quốc gia. Sau một thời gian làm thẩm phán tòa án, ngài vào chủng viện Paris và lấy bằng cử nhân thần học. Ngài được thụ phong linh mục cho Tổng giáo phận Paris vào ngày 30 tháng 6 năm 2012.

Trong số những chức vụ khác, ngài đã đảm nhiệm các chức vụ sau: cha sở Giáo xứ Đức Mẹ Thánh Giá; tuyên úy của Hiệp hội Thẩm phán và Quan chức Tư pháp Công Giáo Paris; chánh xứ Giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi. Từ năm 2021, ngài là tổng đại diện của Tổng giáo phận Paris.

4. Đức Thánh Cha lo âu về tình hình miền Nagorno Karabakh

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo âu về thảm trạng tại miền Nagorno Karabakh, nơi có hàng trăm ngàn người Armenia phải chạy về Cộng hòa Armenia láng giềng để lánh nạn, vì phần đất của họ bị người Azerbaijan xâm lược từ ngày 19 tháng Chín năm nay.

Lên tiếng trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 15 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh Cha nói: “Bên cạnh tình trạng tại Thánh địa, tôi cũng đang lo âu vì cuộc khủng hoảng ở vùng Nagorno Karabakh. Ngoài tình trạng nhân đạo của những người tản cư ở mức độ trầm trọng, tôi cũng muốn đặc biệt kêu gọi bảo vệ các Đan viện và những nơi thờ phượng trong miền này. Tôi cầu mong rằng từ phía chính quyền, từ mọi người dân có sự tôn trọng và bảo vệ các nơi ấy, như thành phần của nền văn hóa địa phương, những biểu hiện tín ngưỡng và là dấu chỉ huynh đệ làm cho dân chúng có thể sống chung trong những khác biệt”.

Nagorno Karabakh là vùng có đa số dân là người Armenia theo Kitô giáo, trong khi những người Azerbaijan đến chiếm miền này là những người Hồi giáo. Đã xảy ra những vụ phá hủy các nơi thờ phượng, Đan viện và di tích văn hóa, tôn giáo của người Armenia.

Chính phủ Armenia đã tạo điều kiện dễ dàng cho người Armenia từ Nagorno Karabakh tị nạn được trú ngụ, không những ở vùng thủ đô Yerevan, nhưng cả tại các làng mạc, với những thân nhân của họ. Nhiều người khác tạm trú trong các trường học và hội trường thể thao.

Sau giai đoạn khẩn cấp, tới vấn đề tìm giải pháp cư trú cho người tị nạn. Để được vậy, cần một nguồn tài chánh rất lớn. Ngoài ra, có vấn đề tâm lý của những người tị nạn, sau chín tháng bị chấn thương vì bao vây, bị pháo kích và bị trục xuất khỏi quê cha đất tổ. Nhiều người ít có hy vọng trở về miền Nagorno Karabakh.

Tổ chức Nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef đã gửi phái bộ đầu tiên đến Armenia. Cả hệ thống Caritas cũng động viên để cứu trợ người tị nạn.
 
Radar 10 triệu USD của Putin nổ tung. Chiến trường rối loạn, thiết giáp Nga húc vào quân Nga bỏ chạy
VietCatholic Media
16:18 23/10/2023


1. Cầu Crimea đã trở thành 'gánh nặng an ninh đáng kể' đối với Nga

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, cây cầu eo biển Kerch nối Nga với Crimea sáp nhập, nơi đã hai lần bị lực lượng của Kyiv tấn công, đã trở thành gánh nặng an ninh đáng kể đối với Mạc Tư Khoa.

Cây cầu là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng Nga và là tuyến đường bộ duy nhất của Mạc Tư Khoa với Crimea, là bán đảo Hắc Hải bị Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập vào năm 2014.

Ukraine đã tấn công cây cầu đường bộ và đường sắt dài 19 km vào tháng 10 năm 2022 và một lần nữa vào tháng 7. Cây cầu có đường 4 làn xe và một cây cầu đường sắt có 2 đường ray, rất quan trọng để duy trì các cuộc tấn công quân sự của Mạc Tư Khoa ở miền nam Ukraine. Các bức ảnh vệ tinh mà Newsweek thu được cho thấy tuyến đường sắt bị hư hại sau cuộc tấn công thứ hai của Kyiv.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo hôm thứ Năm rằng Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin đã tuyên bố thiệt hại từ cuộc tấn công hồi tháng 7 đã được sửa chữa trước thời hạn.

Các quan chức quốc phòng cho biết: “Mặc dù đã hoạt động hoàn toàn nhưng việc sử dụng cây cầu vẫn bị hạn chế do các thủ tục được ban hành sau vụ tấn công đầu tiên của Ukraine vào tháng 10 năm 2022. Xe tải, thiết vị và nhiên liệu tiếp tục được di chuyển bằng phà”.

Các quan chức Anh cho biết, mặc dù cây cầu sẽ vẫn là một mắt xích quan trọng trong việc duy trì sự xâm lược của Nga ở Crimea và các lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine, nhưng giờ đây nó “gần như chắc chắn là một gánh nặng an ninh đáng kể cần được bảo vệ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc sử dụng các hệ thống phòng không và các biện pháp phòng không đang bó chân những phi hành đoàn lẽ ra sẽ được triển khai ở nơi khác.”

Bộ Quốc phòng nói thêm: “Niềm tin của lực lượng an ninh Nga vào khả năng bảo vệ công trình lớn và dễ bị tổn thương này sẽ tiếp tục bị đe dọa bởi sự khéo léo của các cơ quan quân sự và an ninh Ukraine”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, nói với Newsweek rằng việc tấn công vào cây cầu là một phần trong cuộc phản công “đa miền” của Kyiv nhằm đòi lại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, bao gồm cả Crimea.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết đảo ngược việc Nga sáp nhập Crimea.

“Cuộc phản công không chỉ dừng lại ở phần lãnh thổ, nơi họ băng qua các bãi mìn trong chiến hào. Đó là một phần quan trọng. Nhưng đó là một phần mà tôi nghĩ là nhằm mục đích cắt đứt cái gọi là cầu đất liền,” Hodges nói.

Hodges nói: “Tất cả điều này là một phần khiến Crimea không thể trụ được, không thể sử dụng được đối với quân đội Nga, cho đến khi người Ukraine có đủ sức mạnh chiến đấu để họ thực sự có thể giải phóng bán đảo”.

“Vậy là có ba bước. Một là sự cô lập. Thứ hai là làm cho hạm đội Hắc Hải phải bố trí lại, Không quân Nga phải bố trí lại, lực lượng hậu cần của Nga phải bố trí lại khỏi Crimea. Thứ ba, là tái chiếm bán đảo này”

2. Hối hả tháo chạy, xe thiết giáp của Nga cán qua quân mình trước khi phát nổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Armored Vehicle Drives Over Own Troops Before Exploding: Video”, nghĩa là “Video cho thấy xe thiết giáp của Nga cán qua quân mình trước khi phát nổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một chiếc xe thiết giáp của Nga đã cán qua một số binh sĩ của Putin trước khi phát nổ, một đoạn phim mới xuất hiện cho thấy, đây có vẻ là tai nạn mới nhất của lực lượng Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Đoạn clip do đơn vị đặc biệt “Kraken” của Ukraine đăng lên ứng dụng nhắn tin Telegram, dường như cho thấy một chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga nhanh chóng de lại và quay đầu, cán qua một số binh sĩ nằm trên mặt đất. Một số người cố gắng di chuyển ra khỏi đường đi của phương tiện trước khi nó phóng nhanh khỏi hiện trường.

Đoạn video sau đó được cắt sang một góc rộng hơn, cho thấy chiếc xe phát nổ. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra quả cầu lửa trong đoạn clip ngắn và nó được quay ở đâu.

Video do Newsweek mô tả thuộc dạng copyright-protected

Newsweek không thể xác minh độc lập các chi tiết của video và đã liên hệ với các quan chức quân sự Ukraine và Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Nga đã chịu tổn thất nặng nề về thiết bị trong suốt cuộc xâm lược Ukraine kéo dài gần 20 tháng, bao gồm cả cuộc tấn công tốn kém vào thị trấn Avdiivka của Donetsk trong tháng này.

Hôm thứ Hai, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết quân đội Nga đã mất 22 xe thiết giáp trong 24 giờ qua, nâng tổng số thiệt hại về xe thiết giáp của Mạc Tư Khoa ở Kyiv lên 9.653. Nga không chia sẻ tổn thất về xe thiết giáp của mình nhưng hôm Chúa Nhật cho biết Ukraine đã mất 12.869 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác kể từ tháng 2 năm 2022. Con số do Nga đưa ra bị cho là phi thực tế vì người Ukraine không thể có đến một số lượng xe tăng và xe thiết giáp lớn như thế. Số liệu thống kê chiến trường do mỗi bên cung cấp không thể được xác minh độc lập.

Theo cơ quan tình báo nguồn mở Hà Lan, Oryx, từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực vào tháng 2 năm 2022 đến đầu tháng 10 năm 2023, Nga đã mất 1.055 chiếc IFV BMP-2 được xác nhận.

Trong khi đó, quân đội Nga tiếp tục nỗ lực bao vây thị trấn phía đông Avdiivka, nhưng binh sĩ Ukraine đang “gây cho đối phương tổn thất đáng kể” và giữ vững các tuyến phòng thủ của họ, Bộ Tổng tham mưu Kyiv cho biết hôm thứ Hai.

Giao tranh “đặc biệt dữ dội” xung quanh Avdiivka, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối hôm Chúa Nhật. Ông nói đã có “nhiều cuộc tấn công của Nga” xung quanh thị trấn và nói thêm: “Nhưng các vị trí của chúng ta vẫn được giữ vững”.

Avdiivka đã trở thành một vấn đề đối với Nga kể từ khi lực lượng ủy nhiệm của nước này nổi lên ở Donetsk vào năm 2014 và Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea vào phía nam lục địa Ukraine. Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, Vương quốc Anh, trước đây đã nói rằng trong 9 năm, quân đội Kyiv đã có thời gian để xây dựng hệ thống phòng thủ của thị trấn và “rất khó để thay thế được họ”.

Việc kiểm soát Avdiivka sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược quan trọng đối với Nga, nhưng các nhà phân tích phương Tây nghi ngờ rằng quân đội Mạc Tư Khoa sẽ có đủ nguồn lực để làm điều đó trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Nga đang “điều động thêm lực lượng” vào cuộc chiến giành Avdiivka sau khi thất bại trong “cú tấn công mới nhất” vào tuần trước, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ.

3. Radar 10 triệu Mỹ Kim của Nga bị máy bay không người lái một ngàn Mỹ Kim phá hủy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Valuable Zoopark Radar Destroyed in East Ukraine: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Radar Zoopark đắt tiền của Nga bị phá hủy ở Đông Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Quân đội Kyiv cho biết quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy một trong những hệ thống radar phản pháo được đánh giá cao của Nga trong cuộc giao tranh dọc mặt trận phía đông ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

“Chúng tôi đã loại bỏ thành công hệ thống Zoopark có giá trị của Nga, trị giá hơn 10 triệu đô la”, Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine, cho biết trong bài phát biểu được hãng truyền thông Ukraine RBC đăng tải hôm thứ Hai. Thiết bị chiến tranh 10 triệu Mỹ Kim đã bị một máy bay không người lái chưa tới một ngàn Mỹ Kim phá hủy.

Các hệ thống radar phản pháo Zoopark của Nga là mục tiêu quan trọng đối với Ukraine vì chúng giúp quân đội Mạc Tư Khoa tìm kiếm và phá hủy các hệ thống pháo binh có vai trò quan trọng đối với thành công của Ukraine. Cuộc xung đột, sắp chạm mốc 20 tháng, được coi là một “cuộc chiến pháo binh”, trong đó hỏa lực là rất quan trọng đối với cả hai bên.

Vào cuối tháng 3, lực lượng hoạt động đặc biệt của Ukraine cho biết họ đã hạ gục hệ thống Zoopark-2 và chia sẻ các đoạn phim cho thấy cuộc tấn công. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Anh mô tả những hệ thống này “tương đối ít về số lượng” nhưng là một thiết bị “quan trọng” trên chiến trường.

Vào thời điểm đó, Ukraine đã phá hủy ít nhất 6 hệ thống và Nga “có thể chỉ còn lại một số lượng rất hạn chế” ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, chính phủ Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo đăng trên mạng xã hội.

Giao tranh dọc theo hướng Tavria, bao gồm thị trấn Avdiivka của Donetsk, đang bị bao vây, đã tăng vọt trong những tuần gần đây, sau khi Nga phát động nỗ lực tấn công lớn đầu tiên kể từ khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào đầu tháng 6.

Mạc Tư Khoa đã đổ nguồn lực vào thị trấn luyện than cốc Donetsk ở trung tâm công nghiệp của Ukraine, đây sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến thuật quan trọng đối với Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây hiện đang hoài nghi về việc lực lượng Mạc Tư Khoa có thể giành quyền kiểm soát thị trấn, nơi đã trải qua gần một thập kỷ nằm trên chiến tuyến giữa Kyiv và các lực lượng được Nga hậu thuẫn.

Ukraine đã xây dựng hệ thống phòng thủ của mình ở Avdiivka một cách tỉ mỉ và “rất khó để đánh bật được họ”, Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, Anh, trước đây nói với Newsweek.

Đại tá Shtupun nói với Newsweek vào đầu tuần trước rằng các cuộc tấn công của Nga vào Avdiivka đã “giảm phần nào” sau khoảng một tuần tấn công và được báo cáo tổn thất nặng nề.

Tuy nhiên, các lực lượng Nga đã phát động một “cuộc tấn công mới” xung quanh thị trấn vào hôm thứ Sáu, cho thấy Mạc Tư Khoa vẫn hy vọng chiếm được Avdiivka mặc dù số thương vong cao và tổn thất thiết bị đáng kể, theo đánh giá của Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW.

Trong bản cập nhật mới nhất của mình, ISW gọi việc tăng gấp đôi lực lượng của Nga ở Avdiivka vào hôm thứ Sáu là một “thất bại”, nhưng nói thêm rằng Nga hiện đang “điều thêm lực lượng tới mặt trận Avdiivka”.

Giao tranh “đặc biệt dữ dội” xung quanh Avdiivka, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối hôm Chúa Nhật. Ông nói đã có “nhiều cuộc tấn công của Nga” xung quanh thị trấn và nói thêm: “Nhưng các vị trí của chúng ta vẫn được giữ vững”.

4. Hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đang giao tranh với Nga ở thị trấn Krynky phía Đông sông Dnipro

Trong bản cập nhật mới nhất vào hôm Chúa Nhật 22 tháng 10, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Ukraine số 35 và 36 đã chiếm được thị trấn Krynky, cách Kherson 30km về phía đông bắc và cách sông Dnipro 2km.

Tờ Kyiv Independent đưa tin, nếu thành công, việc kiểm soát khu định cư này sẽ cung cấp cho các đơn vị tiền phương một chỗ đứng chiến lược để bắt đầu một chiến lược tấn công rộng hơn, với mục tiêu chia cắt lực lượng Nga và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế của họ.

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk, cho biết Ukraine duy trì lệnh cấm thông tin liên quan đến các hoạt động quân sự đang diễn ra ở phía Đông sông Dnipro.

Hôm 11 tháng 11 năm ngoái, 2022, quân Ukraine đã tái chiếm được phần phía Tây của sông Dnipro, bao gồm thành phố Kherson. Nga tháo chạy sang bờ phía Đông con sông, được dùng làm giới tuyến tạm thời.

5. Tin vui cho Ukraine: Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện tán thành đề xuất viện trợ cho Ukraine và Israel 106 tỷ Mỹ Kim của Tổng thống Biden

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell hôm Chúa Nhật đã đưa ra sự tán thành mạnh mẽ đối với đề xuất viện trợ trị giá 106 tỷ Mỹ Kim của Tổng thống Joe Biden cho Israel và Ukraine, và nói rằng ông và tổng thống về cơ bản “cùng quan điểm” về vấn đề này.

McConnell, nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cũng bác bỏ ý kiến của một số đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của ông tại Thượng viện, những người đã kêu gọi một gói hỗ trợ tách biệt cho hai nước, và nói rằng đó sẽ là “một sai lầm” trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Face the Nation của CBS.

Nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đề nghị ủng hộ đáng kể yêu cầu 106 tỷ Mỹ Kim của Tòa Bạch Ốc, bao gồm 14 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ cho Israel, 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Ukraine và 14 tỷ Mỹ Kim khác để cải thiện an ninh ở biên giới Mỹ - Mễ Tây Cơ. Thêm 10 tỷ Mỹ Kim sẽ được phân bổ cho cứu trợ nhân đạo cũng như 7 tỷ Mỹ Kim bổ sung cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chín thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã viết một lá thư cho McConnell hôm thứ Năm nói rằng viện trợ của Ukraine và Israel không nên đi đôi với nhau. Nhóm này viết: “Đây là hai cuộc xung đột riêng biệt và sẽ là sai lầm khi tận dụng sự hỗ trợ viện trợ cho Israel nhằm cố gắng có thêm viện trợ cho Ukraine”.

McConnell đã bác bỏ quan điểm đó vào hôm Chúa Nhật.

Ông nói: “Tôi xem nó như tất cả được kết nối với nhau. Nếu bạn nhìn vào sự hỗ trợ của Ukraine, hãy nói về việc tiền thực sự sẽ đi về đâu. Một phần đáng kể trong số đó được chi tiêu ở Hoa Kỳ ở 38 bang khác nhau, thay thế số vũ khí mà chúng ta gửi tới Ukraine bằng những vũ khí hiện đại hơn. Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng lại cơ sở công nghiệp của mình.

Không có người Mỹ nào bị giết ở Ukraine. Chúng tôi đang xây dựng lại cơ sở công nghiệp của mình. Người Ukraine đang tiêu diệt quân đội của một trong những đối thủ lớn nhất của chúng ta. Tôi không thể nào tìm ra có điều gì sai trái với điều đó. Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi họ đang tự bảo vệ mình.”

6. Thống đốc khu vực cho biết lực lượng Nga đang pháo kích thị trấn Kupiansk, Kharkiv

Thống đốc khu vực Oleh Syniehubov cho biết trên Telegram: Lực lượng Nga đã pháo kích vào thị trấn Kupiansk ở khu vực Kharkiv vào khoảng 7 giờ tối Chúa Nhật, tấn công các tòa nhà dân cư và làm 3 người bị thương.

Trong số những người bị thương có hai thiếu niên 15 và 17 tuổi và một phụ nữ 63 tuổi.

Syniehubov cho biết cả ba người đều phải vào bệnh viện sau vụ tấn công. Người phụ nữ và thiếu niên 15 tuổi được cho là đang trong tình trạng nguy kịch.

Lực lượng Ukraine đã bắn hạ 3 máy bay không người lái cảm tử Shahed và một hỏa tiễn hành trình Kh-59 dẫn đường mà Nga phóng nhằm vào Ukraine trong đêm, lực lượng không quân Ukraine cho biết.

Các máy bay không người lái đã được phóng từ Chauda ở vùng Crimea bị tạm chiếm, trong khi một máy bay Su-34 của Nga đã bắn hỏa tiễn dẫn đường từ khu vực bị tạm chiếm của tỉnh Zaporizhzhia, Kyiv Independent đưa tin.

Ngoài máy bay không người lái Shahed, Nga còn tấn công Ukraine bằng hai máy bay không người lái không xác định được phóng từ hướng bắc, cũng như bắn 8 hỏa tiễn S-300 từ tỉnh Belgorod và các khu vực bị tạm chiếm của tỉnh Donetsk

7. Hung Gia Lợi giúp Nga duy trì cuộc chiến bằng cách mua thêm khí đốt và đẩy mạnh giao thương.

Hãng thông tấn Tass dẫn lời Alexei Miller, chủ tịch của Gazprom, là công ty năng lượng lớn nhất của Nga, cho biết công ty sẽ cung cấp thêm khí đốt cho Hung Gia Lợi trong mùa đông tới và cũng sẽ cung cấp cho Trung Quốc thêm 600 triệu mét khối trong năm nay ngoài các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp lãnh đạo hai nước trong chuyến công du tới Trung Quốc vào tuần trước và Miller nằm trong số những giám đốc kinh doanh đi cùng ông trong chuyến đi.

Gazprom đang tìm cách bù đắp cho việc mất hầu hết thị trường ở Âu Châu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Nga ở Ukraine, phần lớn là do vụ nổ làm hư hại nghiêm trọng đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic vào năm ngoái. Các cuộc điều tra vẫn chưa xác định được ai là người chịu trách nhiệm.

Hung Gia Lợi là thành viên duy nhất của Liên Hiệp Âu Châu mà lãnh đạo nước này duy trì mối quan hệ thân thiện với Putin kể từ khi xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Hung Gia Lợi cũng là thành viên của NATO.

Hung Gia Lợi được coi là đối thủ tiềm năng chính đối với quyết định vào tháng 12 về việc có nên mở các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu với Ukraine hay không, điều này đòi hỏi sự ủng hộ đồng thanh của 27 thành viên khối.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine, Oleg Nikolenko, than thở rằng “Hung Gia Lợi giúp Nga duy trì cuộc chiến bằng cách mua thêm khí đốt của Nga và đẩy mạnh giao thương.” Tiền bán khí đốt của Nga cho Hung Gia Lợi, và các giao dịch khác chắc chắn không đủ cho cuộc chiến tiêu hao của Nga. Tuy nhiên, nếu nước nào cũng hành xử như Hung Gia Lợi thì Nga dư sức kéo dài cuộc chiến này. Lời than thở của ông Nikolenko cũng cho thấy người Ukraine ngao ngán trước thái độ của Victor Orbán.

8. Ukraine lo ngại tình trạng thiếu máy bay không người lái do động thái của Trung Quốc nhằm hạn chế xuất khẩu.

Cuộc chiến ở Ukraine là cuộc xung đột vũ trang đầu tiên chứng kiến việc sử dụng rộng rãi máy bay không người lái như vậy, vốn được cả hai bên sử dụng. Nhiều trong số chúng được sản xuất thương mại ở Trung Quốc và được mua sẵn, và nguồn cung cấp mới rất quan trọng vì số lượng lớn đã bị mất trong cuộc chiến.

Theo Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (Rusi), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Luân Đôn, Ukraine đang mất khoảng 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy số lượng máy bay không người lái của Trung Quốc và các bộ phận được cung cấp cho cả Ukraine và Nga đều giảm, theo báo cáo của BBC Monitor.

Các hạn chế mà Trung Quốc áp đặt vào ngày 1 tháng 9 áp dụng đối với máy bay không người lái tầm xa nặng hơn 4kg, cũng như các thiết bị liên quan đến máy bay không người lái như một số máy ảnh và mô-đun vô tuyến.

BBC đưa tin, các nhà sản xuất Trung Quốc hiện phải xin giấy phép xuất khẩu và cung cấp giấy chứng nhận cho người dùng cuối, và chính phủ Bắc Kinh - nơi không lên án việc Nga xâm chiếm Ukraine - nói rằng máy bay không người lái thương mại của Trung Quốc không được sử dụng cho mục đích quân sự.

Các tình nguyện viên và binh sĩ Ukraine cho biết những hạn chế mới nhất của Trung Quốc cho đến nay chỉ có tác động tối thiểu đến sự sẵn có của máy bay không người lái, đặc biệt là loại Mavic hạng nhẹ phổ biến do công ty Trung Quốc DJI sản xuất. Tuy nhiên, họ cho biết nguồn cung cấp linh kiện đã bị ảnh hưởng và họ cũng lo ngại tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

9. Đại sứ Mỹ tại Ukraine lên án người Nga quá sức tàn bạo trong vụ tấn công vào bưu điện Kharkiv

Các quan chức địa phương cho biết 6 người đã thiệt mạng và 16 người bị thương sau khi hỏa tiễn của Nga tấn công một trung tâm phân phối bưu chính ở khu vực Kharkiv, phía đông bắc Ukraine.

Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Bridget Brink, đã lên án vụ tấn công này. Cô nhận xét rằng người Nga quá tàn bạo, bất chấp các công ước về chiến tranh mà họ đã ký kết. Cô nói: “Đây rõ ràng là một tội ác chống nhân loại mà những kẻ gây ra phải chịu trách nhiệm trước công lý.”

Theo các báo cáo trước đó, vụ tấn công vào một kho bưu điện diễn ra vào hôm thứ Bẩy, đã khiến 6 người thiệt mạng, và 16 người bị thương, 7 người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã chia sẻ một đoạn video vào tối thứ Bảy cho thấy một nhà kho bị hư hỏng nặng được bao quanh bởi đống đổ nát và xe tải màu đỏ với dòng chữ Nova Poshta được viết bằng tiếng Ukraine.

Zelenskiy nói:

Hỏa tiễn Nga đã bắn trúng trung tâm Nova Poshta, một địa điểm dân sự bình thường. Chúng ta cần đáp trả sự khủng bố của Nga mỗi ngày bằng những kết quả ở tuyến đầu. Và hơn thế nữa, chúng ta cần tăng cường sự đoàn kết toàn cầu để đấu tranh chống lại nạn khủng bố này.

Thống đốc vùng Kharkiv, Oleh Syniehubov, cho biết những người thiệt mạng và bị thương đều là nhân viên của dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính tư nhân Ukraine Nova Poshta.

Trong một tuyên bố, Nova Poshta cho biết còi báo động không kích đã vang lên ngay trước cuộc tấn công, khiến các nhân viên không có thời gian để đến nơi trú ẩn. Chúa Nhật là một ngày để tang cho công ty.

Sergiy Nozhka, một nhân viên tại Nova Poshta, nói với hãng tin AFP rằng một hỏa tiễn “đã bay vào kho hàng lân cận, nhưng kho của chúng tôi cũng vậy – cửa sổ và cửa chớp bay ra ngoài”. Ông nói thêm: “Đây không phải là lần đầu tiên”.

Theo văn phòng công tố khu vực, lực lượng Nga ở khu vực Belgorod phía bắc Kharkiv đã bắn hỏa tiễn S-300, hai trong số đó đã bắn trúng nhà kho.

Phát ngôn nhân Dmytro Chubenko nói với đài truyền hình nhà nước Suspilne: “Việc phân tích các mảnh vỡ vẫn tiếp tục diễn ra tại hiện trường nhằm xác định chính xác số người bị thương và thiệt mạng”.

10. Bộ Quốc phòng Anh cho biết các Kỹ sư của quân đội Anh đào tạo các kỹ sư dân dụng Ukraine để bảo vệ lĩnh vực năng lượng

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các Kỹ sư của quân đội Anh đã đào tạo các kỹ sư dân sự Ukraine về cách bảo vệ ngành năng lượng của họ khỏi các cuộc tấn công của Nga vào mùa đông này.

Thiệt hại và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia do các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tính mạng và sự an toàn của thường dân Ukraine kể từ cuộc xâm lược.

Gói đào tạo kéo dài hai tuần được phát triển sau khi có yêu cầu từ Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết, cuộc huấn luyện này là “cần thiết” để bảo vệ dân thường Ukraine khi mùa đông đến gần.

Bộ Quốc phòng cho biết, các chuyên gia dự bị làm việc trong lĩnh vực các cơ sở hạ tầng dân sự của Vương quốc Anh đã sử dụng kinh nghiệm chuyên môn của họ để thực hiện các nội dung đào tạo tại một nhà máy khí đốt, một phi đạo quân sự và một cơ sở cảng của Vương quốc Anh.

11. Một quan chức Nga cho biết lực lượng Nga đã bắn hạ ba hỏa tiễn nhắm vào bán đảo Crimea vào Chúa Nhật.

Vladimir Saldo, tên phản bội, được Nga bổ nhiệm làm Thống Đốc khu vực Kherson cho biết:

“Ba hỏa tiễn của đối phương hướng tới Crimea đã bị bắn hạ vào rạng sáng ngày Chúa Nhật, ngay trên lãnh thổ Kherson.”

Ông cho biết như trên trong khi Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, cho biết có những tiếng nổ rất lớn vào hôm Chúa Nhật 22 tháng 10. Aksyonov nói không có thiệt hại nhân mạng hay vật chất nào.

Nếu Saldo nói đúng thì có thể hiểu là quân Ukraine bắn nhiều hơn 3 hỏa tiễn, 3 cái bị đánh chặn ở Kherson, và số còn lại đến được bán đảo Crimea.

Bán đảo Crimea mà Mạc Tư Khoa sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc tấn công quân sự của Nga, vừa cung cấp hậu cần cho quân đội Nga ở miền nam Ukraine, vừa thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn từ biển vào lãnh thổ Ukraine.

Đây là mục tiêu thường xuyên của Kyiv và các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự ở đó ngày càng gia tăng khi Ukraine thề sẽ chiếm lại bán đảo.

Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn chưa từng có vào trụ sở hải quân trên bán đảo vào tháng trước.

12. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến chi tiêu quốc phòng của Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Chi tiêu của chính phủ Nga ngày càng tập trung vào chi phí cho cuộc chiến ở Ukraine. Ngân sách đề xuất năm 2024 của quốc gia dự kiến mức tăng chi tiêu quốc phòng theo kế hoạch khoảng 68% so với mức được phân bổ cho năm 2023 - điều này khiến chi tiêu quốc phòng cho năm 2024 ở mức khoảng 6% GDP. Ngược lại, chi tiêu cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe sẽ bị đóng băng ở mức phân bổ năm 2023, tương đương với việc cắt giảm chi tiêu trong thời hạn thực tế do lạm phát.

Sẽ cần phải phân bổ nhiều chi tiêu hơn để tài trợ cho các khoản thanh toán và chi phí chăm sóc sức khỏe cho số lượng binh sĩ bị thương và gia đình của những người thiệt mạng trong cuộc xung đột ngày càng tăng. Thứ trưởng Bộ Lao động Alexei Vovchenko tuyên bố vào ngày 17 tháng 10 năm 2023 rằng hơn một nửa số binh sĩ bị thương nặng cần được chăm sóc y tế lâu dài đã bị mất tứ chi, cứ năm người thì có một người phải cắt cụt chi trên.

Chi tiêu quân sự tăng cao liên tục sẽ rất có thể góp phần gây áp lực lạm phát ở Nga. Hơn nữa, việc tiếp tục tăng chi tiêu quân sự sẽ buộc chính phủ Nga phải đưa ra những quyết định khó khăn về cách tài trợ cho chiến tranh, có khả năng làm tăng áp lực tài chính lên các doanh nghiệp Nga. Tuy nhiên, bất kỳ sự cắt giảm đáng kể nào trong chi tiêu quân sự trong tương lai đều có thể sẽ loại bỏ động lực ngày càng quan trọng đối với hoạt động kinh tế của Nga trước các lệnh trừng phạt.

13. Ngoại trưởng Nga tới thăm Tehran vào thứ Hai

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tới Tehran vào thứ Hai để hội đàm với các đối tác trong khu vực.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran trước đó đưa tin rằng ngoại trưởng các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Armenia đã được mời tham gia đàm phán.

“Chúng tôi xác nhận các cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch của ông Lavrov tại Tehran vào thứ Hai,” Maria Zakharova nói với các hãng tin TASS và RIA.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông và những tranh chấp chưa được giải quyết giữa Armenia và Azerbaijan, nơi đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng chống lại phe ly khai Armenia ở Nagorno-Karabakh vào tháng trước.

Kể từ khi phát động cuộc tấn công vào Ukraine vào năm ngoái, Nga đã chuyển sang tìm kiếm hỗ trợ quân sự và hợp tác kinh tế từ Iran khi cả hai nước phải đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các nước phương Tây cáo buộc Tehran hỗ trợ cuộc tấn công của Nga ở Ukraine bằng cách cung cấp cho nước này số lượng lớn máy bay không người lái và các loại vũ khí khác.
 
Tranh cử Tổng thống Argentina: Người thường xuyên chống báng Đức Giáo Hoàng lại được người Công Giáo dồn phiếu
VietCatholic Media
18:38 23/10/2023


1. Ứng cử viên Tổng thống Á Căn Đình, thường xuyên xúc phạm Đức Giáo Hoàng, chưa thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống

Nhà dân túy cực hữu lập dị Javier Milei đã không thể giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Á Căn Đình, khi Bộ trưởng tài chính trung dung Sergio Massa bất ngờ đánh bại đối thủ cấp tiến của ông.

Những người ủng hộ Milei, một người ngoài chính trị mồm mép được mô tả là sự kết hợp người Á Căn Đình của Donald Trump, Jair Bolsonaro và Boris Johnson, đã hy vọng ông ấy sẽ hướng tới một chiến thắng hoàn toàn giật gân tương tự như chiến thắng gây sốc của Bolsonaro ở Brazil vào năm 2018.

Tuy là người Công Giáo, Milei thường xuyên chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô, với những từ ngữ không thể lặp lại ở đây. Tình hình nghiêm trọng đến mức tờ Crux nhận xét rằng cuộc bầu cử Tổng thống ở Á Căn Đình là một cuộc trưng cầu dân ý về mức độ tín nhiệm của người dân Á Căn Đình đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nếu Milei thắng, điều đó có thể hiểu là dân chúng Á Căn Đình đã quay lưng lại với Đức Giáo Hoàng, khi dồn phiếu cho một người chỉ trích ngài nặng nề như thế.

Tuy nhiên, với 93% số phiếu được kiểm vào tối Chúa Nhật, đối thủ theo chủ nghĩa Peron của ông là Massa đã giành chiến thắng trong ngày với 36,4% trong tổng số 24,6 triệu phiếu bầu. Milei - người đã hứa bãi bỏ ngân hàng trung ương Á Căn Đình và tránh xa các đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc và Brazil - đứng thứ hai với 30,1%. Ứng cử viên tiếp theo là cựu bộ trưởng an ninh theo đường lối bảo thủ, Patricia Bullrich, đứng thứ ba với khoảng 23,8%. Massa, 51 tuổi và Milei, 53 tuổi, sẽ đối đầu ở vòng hai vào ngày 19 tháng 11

Chủ nghĩa Peron có thể được mô tả như một hệ ý thức hệ ở vị trí thứ ba vì nó bác bỏ cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa Peron tán thành việc hòa giải căng thẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, trong đó nhà nước chịu trách nhiệm đàm phán thỏa hiệp trong xung đột giữa người quản lý và người lao động

Theo hiến pháp Á Căn Đình, để giành chiến thắng hoàn toàn ngay trong vòng đầu, một ứng cử viên phải cần hơn 45% số phiếu bầu hoặc hơn 40% cũng được nhưng phải dẫn trước đối thủ gần nhất của mình hơn 10%.

Kết quả này khiến Á Căn Đình phải đối mặt với một tháng bất ổn sâu sắc, hỗn loạn kinh tế và tin giả trước cuộc đọ sức giữa Massa và Milei, một nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do, người chỉ mới bước chân vào thế giới chính trị hai năm trước khi ông được bầu vào quốc hội. Chiến thắng của Massa không được bảo đảm vì nhiều cử tri cánh hữu của Bullrich có thể chuyển sang ủng hộ cho tay Milei.

Khi bỏ phiếu vào Chúa Nhật, Milei, người nổi tiếng với tư cách là một chuyên gia truyền hình có khuynh hướng say sưa về tình dục, tuyên bố rằng ông có thể lãnh đạo “chính phủ tốt nhất trong lịch sử” nếu được bầu.

“Chúng ta sẽ quyết định xem liệu chúng ta có thể biến Á Căn Đình trở thành một cường quốc hay biến mình thành khu ổ chuột lớn nhất trên Trái đất,” nhà dân túy có mái tóc bù xù nói sau khi chen lấn qua biển người ủng hộ và nhà báo để đến điểm bỏ phiếu của trường đại học.

Marcela Pagano, một nhà báo truyền hình đang tranh cử một vị trí trong quốc hội cho đảng La Libertad Avanza (Những tiến bộ tự do) của Milei, dự đoán những cử tri giận dữ sẽ sẵn sàng “loại bỏ” các chính trị gia truyền thống bị nhiều người đổ lỗi vì đã đẩy 40% công dân vào tình trạng nghèo đói và tỷ lệ lạm phát ở mức ba con số.

“Tôi tin rằng anh ta là người duy nhất có thể đưa Á Căn Đình lên khỏi mặt đất,” Pagano nói về Milei, người đã biến chiếc cưa máy trở thành một trong những biểu tượng chính trong chiến dịch tranh cử của mình - được cho là tượng trưng cho kế hoạch cắt giảm chi tiêu và chia cắt cơ sở chính trị.

Các thành viên nổi tiếng của phe cực hữu Nam Mỹ đã bay tới Á Căn Đình với hy vọng giành được chiến thắng ở Milei để thúc đẩy phong trào của họ sau khi người dẫn đầu, Bolsonaro của Brazil, mất quyền lực vào tay phe cánh tả Luiz Inácio Lula da Silva vào tháng 10 năm 2022.

Con trai nghị sĩ Bolsonaro, Eduardo Bolsonaro, đã tới Buenos Aires để ca ngợi “phong trào không thể ngăn cản” của Milei – đó là lời bình luận mà tờ báo Á Căn Đình Clarín cho rằng đã vi phạm luật bầu cử của nước này. “Hiện tượng bạn nhìn thấy trên đường phố cũng giống như hiện tượng mà chúng tôi đã trải qua ở Brazil vào năm 2018,” Eduardo Bolsonaro tuyên bố khi đề cập đến chiến thắng vang dội của cha mình.

José Antonio Kast, chính trị gia Chí Lợi cực kỳ bảo thủ, người đã không thể trở thành tổng thống nước mình vào năm 2021, cũng tán thành Milei. “Á Căn Đình sẽ không thay đổi với những người cũ,” Kast viết, nhắc lại một trong những khẩu hiệu tranh cử quan trọng của người Á Căn Đình.

Những người cánh tả Nam Mỹ cũng đã xuất hiện ở Buenos Aires trước cuộc bầu cử nhằm củng cố chiến dịch chậm chạp ban đầu của Massa, bao gồm một số bác sĩ quay phim người Brazil đã giúp Lula vượt qua Bolsonaro trong cuộc bầu cử lịch sử năm ngoái.

Một video trên mạng xã hội do Brazil sản xuất được phát hành vào đêm trước cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật đã so sánh Milei với Bolsonaro và kêu gọi cử tri Á Căn Đình phản đối Milei. “Bolsonaro đã được bầu ở Brazil và đó là một cơn ác mộng,” một người kể chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha nói về chính quyền của Bolsonaro, trong đó hàng trăm nghìn người đã chết vì Covid và Brazil trở thành một quốc gia bị quốc tế ruồng bỏ. “Á Căn Đình không cần phải trải qua chuyện này”.

Một chiến dịch áp phích của Massa đã cảnh báo người dân về những ý tưởng cấp tiến nhất của Milei, bao gồm việc hợp pháp hóa việc bán nội tạng người và tuyên bố ông sẽ đẩy Á Căn Đình vào cuộc khủng hoảng kinh tế kiểu năm 2001. Một người nói: “Tờ The Economist nói rằng Milei là một rủi ro đối với nền dân chủ Á Căn Đình”. “Bạn có thực sự nghiêm chỉnh khi bỏ phiếu cho anh ta không?”

Massa và các đồng minh của ông đã đẩy mạnh chiến dịch của họ sau chiến thắng gây ấn tượng mạnh của Milei trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 8

Những nỗ lực đó dường như đã mang lại kết quả vào hôm Chúa Nhật khi các cử tri đi bầu tổng thống và phó tổng thống mới của Á Căn Đình cũng như khoảng một nửa trong số 257 thành viên quốc hội, một phần ba thượng viện và một số thống đốc, bao gồm cả các tỉnh và thành phố. của Buenos Aires.

Axel Kicillof, một đồng minh của Massa đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là thống đốc Buenos Aires - một chiến trường bầu cử quan trọng, nơi sinh sống của gần 40% tổng số cử tri Á Căn Đình - cũng có kết quả tốt hơn mong đợi, giành chiến thắng với tỷ lệ chênh lệch gần 20%. Ứng cử viên của Milei đứng thứ ba. “Cuộc bỏ phiếu này có nghĩa là chế độ độc tài sẽ không bao giờ xảy ra nữa,” Kicillof nói với những người ủng hộ khi đề cập đến quyết định của Milei nhằm hạ thấp số người thiệt mạng trong chế độ quân sự của Á Căn Đình trong chiến dịch tranh cử của ông.

Ứng cử viên của Milei để trở thành thị trưởng thành phố Buenos Aires, Ramiro Marra, đứng ở vị trí thứ ba với chỉ 13,9% phiếu bầu.

Người đồng tranh cử phó tổng thống của Milei, luật sư cực kỳ bảo thủ Victoria Villaruel, đã tỏ ra dũng cảm trong một đêm đáng thất vọng bên ngoài trụ sở chiến dịch tranh cử của họ trong khách sạn năm sao “Liberator Hotel”. Theo tờ báo Clarín của Á Căn Đình, cô nói: “Chúng tôi cảm thấy mình như những người chiến thắng.”

2. Javier Milei, người có thể là Tổng thống Á Căn Đình vào ngày 19 tháng 11, là ai?

Nhân vật theo chủ nghĩa tự do Javier Milei đã khiến cả thế giới ngạc nhiên vào mùa hè này, khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ quốc gia vào ngày 13 tháng 8.

Joaquín Núñez, một nhà báo người Á Căn Đình, nói với The Pillar, “Milei trở nên nổi tiếng với tư cách là một nhà phân tích kinh tế trên truyền hình, đặc biệt là vì phong cách cực kỳ sóng gió và kiểu tóc của anh, hay đúng hơn là việc thiếu kiểu tóc. Anh xúc phạm mọi người, xúc động, la hét và luôn tấn công chủ nghĩa xã hội”.

Milei, có biệt danh là “Bộ tóc giả” vì kiểu tóc lập dị – mà anh nói rằng anh tạo kiểu bằng bàn tay vô hình của Adam Smith – đã được bầu làm đại biểu cho cơ quan lập pháp quốc gia Á Căn Đình vào năm 2021 và ứng cử tổng thống trong năm nay.

Milei là cựu thủ môn trẻ của một đội túc cầu địa phương và là ca sĩ trong ban nhạc chuyên chơi nhạc của ban Rolling Stones. Anh cũng là một người Công Giáo - mặc dù thỉnh thoảng anh nói rằng anh đang cân nhắc việc chuyển sang đạo Do Thái.

Với cương lĩnh tự do đậm âm hưởng bảo thủ ủng hộ việc giảm thuế, đô la hóa nền kinh tế, giảm dấu chân của chính phủ, phản đối việc phá thai và ý thức hệ phái tính, “Tóc Giả” có thể trở thành tổng thống mới của Á Căn Đình.

Nhưng phong cách gây trầy da tróc vẩy của anh đã đụng đến người Á Căn Đình nổi tiếng nhất hiện nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô - người mà Milei gọi là “kẻ cánh tả ghê tởm”, cùng với nhiều danh hiệu khác.

Điều đó đã khiến các linh mục bùn lầy nước đọng của Buenos Aires – những người chăm sóc mục vụ cho những khu vực dễ bị tổn thương nhất của thành phố – cử hành Thánh lễ đền tạ vì những cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng của anh ta.

Milei cũng có thể gây nguy hiểm cho khả thể Đức Phanxicô trở lại Á Căn Đình vào năm tới.

Nhưng điều phức tạp hơn nữa là Milei nhận được sự ủng hộ của nhiều người Công Giáo, ngay cả trong các khu ổ chuột - theo truyền thống thiên tả và theo chủ nghĩa Peron - và có nhiều người Công Giáo trong số các bộ trưởng và ứng cử viên vào Quốc hội của anh.

Ngay cả trước khi thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, Milei đã có rất nhiều điều để nói về Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Vào năm 2017, khi đề cập đến giáo hoàng, Milei nói rằng Đức Phanxicô là một “kẻ ngu ngốc”, một “duy tả bẩn thỉu” và một “người cộng sản không thể diễn tả được”, người “thúc đẩy các ý tưởng đố kỵ, hận thù, oán giận, đối xử bất bình đẳng trước pháp luật, trộm cắp và diệt chủng.”

Trong một cuộc phỏng vấn cùng năm đó, Milei nói rằng Đức Phanxicô “là đại diện của ma quỷ trên Trái đất”. Vào năm 2021, anh nói rằng Đức Giáo Hoàng “luôn đứng về phía cái ác” và “mô hình của ông ấy là nghèo đói”.

Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson, Milei nói rằng Đức Giáo Hoàng “có thiện cảm với những kẻ cộng sản sát nhân”. Đầu tuần này, tại một sự kiện tranh cử, Alberto Benegas Lynch, một trong những cố vấn chính của Milei, đã đề nghị Á Căn Đình đình chỉ quan hệ ngoại giao với Vatican “chừng nào tinh thần toàn trị còn ngự trị trong người đứng đầu Vatican”.

Hàng nghìn người theo dõi Milei đã đáp lại bằng những tràng pháo tay, hô vang “tự do, tự do” mặc dù chỉ một ngày sau, Milei tỏ ra xa rời ý tưởng đó và nói trong một cuộc phỏng vấn rằng đề nghị như vậy sẽ là “vô trách nhiệm”.

Theo hiến pháp Á Căn Đình, để giành chiến thắng hoàn toàn ngay trong vòng đầu, một ứng cử viên phải cần hơn 45% số phiếu bầu hoặc hơn 40% cũng được nhưng phải dẫn trước đối thủ gần nhất của mình hơn 10%.

Trong cuộc bỏ phiếu hôm 22 tháng 10, Sergio Massa giành được 36,4%. Milei giành được 30.1%. Ứng cử viên tiếp theo là cựu bộ trưởng an ninh theo đường lối bảo thủ, Patricia Bullrich, đứng thứ ba với khoảng 23,8%. Massa, 51 tuổi và Milei, 53 tuổi, sẽ đối đầu ở vòng hai vào ngày 19 tháng 11. Nhiều người tin rằng Milei có thể thắng vì sau khi Bullrich thua, những người ủng hộ cho ông ta sẽ quay sang ủng hộ cho Milei.
 
Thánh Ca
Ave Maria - Lòng sùng kính Đức Mẹ qua việc lần chuỗi
Giáo Hội Năm Châu
01:08 23/10/2023
 
TV 17
Lm. Thái Nguyên
02:54 23/10/2023

 
Một đời như Chúa
Lm. Thái Nguyên
02:56 23/10/2023