Ngày 20-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kiên Định
Lm Vũđình Tường
02:53 20/10/2021
Người ta thường nói khi cánh cửa này đóng lại thì cánh kia lại mở ra. Điều này rất đúng với người mù thành Bartimê. Anh không đọc được nhưng trí nhớ của anh tuyệt vời. Anh nhớ điều Thiên Chúa hứa, sai Đấng Thiên Sai xuống quy tụ Mười Hai Chi Tộc con cái Israel. Anh còn nhớ chi tiết Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đavid. Dù mù nhưng anh biết rõ biến cố xảy ra quanh vùng. Ngày kia anh nghe người ta kháo với nhau về Đức Kitô, Người mở mắt cho anh mù thành Bethsaida (Mc 8:22-26). Kể từ ngày đó, ngày đêm anh mong gặp Đức Kitô. Anh tin tưởng ngoài Đấng Thiên Sai ra không ai có thể chữa mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Từ nhận thức khôn ngoan nội tâm đó, anh tin Đức Kitô chính là Đấng Thiên Sai. Niềm tin của anh đã giúp anh. Chính Ngài. Dù chưa gặp Đức Kitô nhưng tâm anh thuộc về Đức Kitô.

Anh tin chắc Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, khi Ngài đi về phía anh. Anh lớn tiếng nài van.

'Lậy Đức Kitô, con vua Đavid, xin thương đến tôi' c.47.

Anh không mốn gặp người trùng tên Kitô. Để chắc ăn, anh kêu rõ xin gặp Đức Kitô, con Vua Đavid. Điều này chứng tỏ anh xin gặp đúng người. Đám đông ngăn cấm anh, anh càng kêu lớn hơn. Niềm tin nơi Đức Kitô trong anh mạnh hơn sự sợ hãi ngăn cấm của đám đông. Chính Đức Kitô xác nhận,

'Đức tin con đã cứu con' c.52.

Đức Kitô mở mắt anh và anh tin theo Ngài.

Không phải nhìn thấy, mà chính là nghe giúp anh Bartimê tin Đức Kitô là Đấng Thiên Sai. Nhờ sức mạnh nội tâm nuôi dưỡng đức tin anh. Đám đông ngăn cản anh đến gặp Đức Kitô. Anh một thân, một mình kêu át tiếng đám đông. Đức Kitô ban cho anh mắt sáng. Anh tin theo Đức Kitô. Về phương diện đức tin, đa số không phải luôn đúng. í kiến đám đông đã sai ngăn cản anh mù Bartimê đến cùng Đức Kitô. Khi giảng dậy Đức Kitô dậy đám đông nhưng kêu gọi tin theo, Đức Kitô kêu gọi từng cá nhân, từng người một. Ngài không bao giờ gọi một nhóm đi theo, nhưng gọi từng cá nhân, từng người và họ tụ họp lại thành nhóm. như thế đức tin là quà tặng Chúa ban cho từng cá nhân.

Quăng bỏ áo choàng là dấu chỉ cho biết từ nay anh đổi đời. Anh có cuộc sống mới, cuộc sống tin theo Đức Kitô. Anh không cần gia tài cũ, cái áo choàng cũ. Anh mặc áo vô hình, áo công chính, áo đức tin, áo nội tâm trong tâm hồn anh. Không giống những người mù khác, họ xin cơm áo, gạo tiền. Anh mù Bartimê xin cho được sáng mắt.(c.51). Anh cũng đổi cách xưng hô từ 'Đức Kitô, con Vua Đavid, sang Thầy'. Từ nay anh có người 'Thầy' mới. Anh chính thức là học trò, nhưng trong tâm anh, anh đã là học trò từ trước khi gặp Đức Kitô. Vì thế, dù là học trò mới, anh trưởng thành trong đức tin, đủ mạnh dạn, can đảm tin theo Đức Kitô vào thành thánh chứng kiến cuộc tử nạn của Thầy Mình.

Đức Kitô, ba lần, công bố về cuộc tử nạn của Ngài. Biến cố trọng đại này đặt giữa hai dụ ngôn người mù. Người mù thành Bethsaida ( Mc 8:22-26) và người mù thành Giêricô ( Mc 10). Điều này cho biết mù phần xác không ngăn cản con người nhận biết Đức Kitô là Đấng Thiên Sai. Mù tâm linh ngăn cản con người đến với Đức Kitô. Có gặp cũng không nhận ra Ngài, đây chính là cái nhìn của đám đông ngăn cản anh mù Bartimê đến cùng Đức Kitô.

TiengChuong.org

Persistence
We hear people say when one door is shut, a new door is opened. This belief applied well to Bartimaeus, the blind man of Jericho. He couldn't read but his memory was incredible. He knew God has promised to send a Messiah to reunite the Twelve Tribes of Israel, and the Promised Messiah would come from the line of King David. Bartimaeus was well aware of what was going on around him. One day he heard people talking about the man named Jesus, Who opened the eyes of a blind man of Bethsaida (Mk 8:22-26). Since that day onward, the name Jesus stuck in his mind. Day and night he wondered Who the man Jesus was. No one could give sight to a man blind from birth. Jesus gave sight to the blind man of Jericho, He must be the Promised Messiah. This insight gave Bartimaeus hope. In his heart, he had already accepted Jesus as His Lord.

With faith in Jesus, Bartimaeus recognised Jesus as the promised Messiah. When Jesus was on his way. He yelled out aloud 'Son of David, Jesus, have pity on me' v.47. He wanted to be sure, nobody else, but Jesus, Son of David, was the One he was longing to follow. This point alone certified that Bartimaeus believed, apart from the Messiah, no one could help him. The crowd scolded him for crying out for help, but he would not stop. He cried out even louder. His faith overcame his fear of the crowd. Jesus confirmed his faith, saying 'Your faith has saved you' v.52. Jesus gave him his sight, and he followed Jesus.

Bartimaeus' faith in Jesus came not from seeing, but hearing. Hearing gave him insight. This insight fostered knowledge which nurtured his faith. The crowd was wrong when they challenged his faith. Bartimaeus was a lone voice, but his voice was loud and clear. Jesus saved him. On the matter of faith, it is wise not to follow the crowd. Jesus preached to the crowds but when He called someone to follow, He never called a group. No, He called each person as an individual to follow. The crowd stopped Bartimaeus crying out for help, indicating blind people of that society had no voice, - even a desperate voice calling out for help would be suppressed.

Throwing off his cloak was a sign of hope and confidence. It implied Bartemaeus discarded his former life to have a new life. He strongly believed, Jesus would give him a new life. He would need the cloak no more. His hope in Jesus was fulfilled. He was hoping to meet Jesus when he first heard about Jesus, Who gave sight to another man before him. Unlike other beggars, they begged for food and money; Bartemaeus begged for the sight- 'Master, let me see again' v.51. The change of title from 'Jesus, Son of David to master' revealed from now on Jesus became the man's Master. He enrolled at the new school, the school of faith trained by Master, Jesus. Bartemaeus followed Jesus to enter the Holy City. His faith was mature enough to accept the cost of discipleship. The Passion of Jesus was sandwiched between the two stories of blindness: the blind man of Bethsaida and the blind man of Jericho. In between there were the triple predictions of the Passion. Physical blindness would not stop a person from having faith in Jesus, but spiritual blindness does.
 
Ngày 21/10: Ta đến để chia rẽ. Suy Niệm: Linh mục Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
04:23 20/10/2021

PHÚC ÂM: Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Đó là lời Chúa.
 
Cuộc viếng thăm lần ba
Lm. Minh Anh
05:07 20/10/2021
CUỘC VIẾNG THĂM LẦN BA

“Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi chúng ta nói đến những ‘cuộc viếng thăm lần ba’ của Chúa Giêsu, nhân việc Ngài gợi lên hình ảnh ‘trộm viếng đêm khuya’ qua Tin Mừng hôm nay, “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức”.

Tiếp nối dụ ngôn ông chủ đi ăn cưới về bất chợt giữa đêm của Phúc Âm hôm qua; Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta phải tỉnh thức vì không biết giờ nào, ngày nào, Ngài đến với mỗi người. Ngài đã đến với nhân loại lần thứ nhất vào ngày Giáng Sinh; sẽ đến với thế giới lần thứ hai trong ngày thế mạt; giữa hai lần đến đó, Chúa Giêsu vẫn liên tục đến với chúng ta qua những ‘cuộc viếng thăm lần ba!’.

Những ‘cuộc viếng thăm lần ba’ của Chúa Giêsu đến với chúng ta xảy ra liên lỉ, hằng giây, hằng phút trong đời sống mỗi người. Trước hết, khi chúng ta cầu nguyện bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào; khi chúng ta dâng tâm hồn lên Chúa, phụng thờ Ngài và lắng nghe Lời Ngài.

Những cuộc viếng thăm này còn được gọi là những cuộc viếng thăm của ân sủng, chúng đang diễn ra mỗi ngày trên các bàn thờ khi chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ; ở đó, cùng với Chúa Giêsu Tư Tế, Linh mục Thượng Phẩm, chúng ta dâng lên Chúa Cha hy tế đời mình hiệp với hy tế tử nạn của Con Thiên Chúa. Những cuộc viếng thăm của Ngài còn diễn ra qua các Bí tích, khi chúng ta hưởng nhận ân sủng của Ngài cách này, cách khác; chẳng hạn, Bí tích Giải Tội, qua đó, chính Chúa Giêsu đang ban ơn tha thứ và chữa lành chúng ta. Những ‘cuộc viếng thăm lần ba’ này còn diễn ra trong cuộc sống mỗi ngày, khi chúng ta gặp gỡ tha nhân; cách riêng, những người nghèo khó với ý thức rằng, chính những anh chị em này là hiện thân của Ngài.

Qua thư Rôma hôm nay, thánh Phaolô cũng nói đến một cảm thức về việc được Thiên Chúa viếng thăm; một cuộc viếng thăm với ân sủng dư tràn. Ân sủng lớn nhất của Ngài là cứu thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi, “Vì chưng, tội lỗi không còn bá chủ được anh em”; để từ đó, chúng ta trở nên công chính trong ơn nghĩa Chúa, trở nên tôi tớ phục vụ Ngài, “Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em được nhận vào phục vụ đức công chính”. Rõ ràng, “Ơn phù trợ chúng ta ở nơi danh Chúa!” như tâm tình biết ơn của Thánh Vịnh đáp ca.

Mỗi lần viếng thăm, Chúa Giêsu mang theo ân sủng. Suối nguồn ân sủng Giêsu đang đến với chúng ta như dòng suối đi tìm con người; dòng suối lượn lờ, va đập, gõ vào tim chúng ta hằng giây hằng phút. Ngài mong mỏi chúng ta mở ngay cửa cho Ngài, và Ngài sẵn sàng ùa vào, dùng bữa tối với chúng ta. Ở đây, ngạc nhiên thay, cuộc đón tiếp lại đổi vai; không phải chúng ta đón lấy Giêsu; nhưng chính Ngài, dòng suối ấy lại đón lấy chúng ta, ôm ấp và rửa sạch chúng ta. Chính Ngài đã từng nói, “Chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng”.

Ngày kia, Tổng thống Gerald Ford đến thăm Đại học Northeastern State ở Oklahoma. Khi ông chuẩn bị điểm tâm với một số đại diện sinh viên và học sinh Trung học, thì một trong các nữ sinh vướng vào thảm cỏ; cô ấy đâm sầm vào Ford. Cô liên tục xin lỗi khi Tổng thống giúp cô đứng lên; ông mỉm cười thông cảm và nói nhỏ vào tai cô, “Đừng sợ; tôi hoàn toàn hiểu!”.

Anh Chị em,

“Đừng sợ; tôi hoàn toàn hiểu!”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đang thì thầm với chúng ta trong những ‘cuộc viếng thăm lần ba’ của Ngài; và còn hơn thế nữa, Ngài không chỉ không trách chúng ta giả vờ đâm sầm vào Ngài, nhưng muốn chúng ta mạnh dạn ôm chầm Ngài. Vòng tay Ngài đang dang ra, chờ đợi chúng ta. Đừng sợ! Hãy can đảm trước Ngài, dẫu chúng ta có bất xứng yếu hèn đến đâu. Ngài sẽ sẵn sàng bổ sức, ban ân sủng, vỗ về chúng ta, để chúng ta mạnh mẽ trở nên những tôi tớ trung thành của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đến thăm con mỗi ngày không biết bao nhiêu lần, nhưng buồn thay, không mấy lần, con nhận ra Ngài; bằng chứng là con chưa nên thánh. Xin mở mắt đức tin cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đôi mắt tâm hồn
Lm. Thái Nguyên
05:12 20/10/2021
suy niem va cau nguyen CN 30 TN B



ĐÔI MẮT TÂM HỒN

Chúa Nhật 30 Thường Niên năm B: Mc 10, 46-52

Cầu nguyện

Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ thật dễ cảm và ý nghĩa thật sâu xa: Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Mẹ cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ, để ghen để hờn. Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn, là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt, là tuyệt tác của thiên nhiên… Thi sĩ Lưu trọng Lư cũng đã viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt: “Mắt em là một dòng sông. Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em”.

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Đôi mắt là vẻ đẹp tuyệt vời mà Thiên Chúa làm nên cho con người, để nhìn ngắm biết bao điều huyền diệu trong thế giới. Không có gì đau khổ và bất hạnh cho bằng bị mù lòa. Quả thật, người mù đã không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không được nhìn ngắm người thân bạn bè, mà còn bị mặc cảm lệ thuộc kẻ khác, sống bên lề xã hội.

Bài Phúc Âm hôm nay kể cho ta nghe về anh mù Báctimê, “ngồi bên vệ đường” ăn xin, nghe biết Đức Giêsu đi qua, anh thống thiết kêu van: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh càng kêu to: “Hỡi con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Đức Giêsu đứng lại và cho gọi anh đến. Anh sung sướng, liệng áo choàng, đứng phắt dậy và đến với Ngài. Báctimê tuy mù đôi mắt thân xác nhưng lại sáng đôi mắt tâm hồn. Anh thấy điều mà người sáng mắt không thấy. Anh thấy Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế nên gọi Ngài là “con vua Đavít”; anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Sự thật đã xảy ra như thế. Anh được sáng mắt và bước đi theo Chúa. Như vậy, bất hạnh lớn nhất không phải là bị mù, mà là có mắt nhưng không nhìn thấy.

Xem ra trước khi có được ánh sáng bên ngoài, thì anh đã có được ánh sáng bên trong, ánh sáng của tâm hồn, cũng là ánh sáng đức tin. Nhưng đó không phải là chuyện tự nhiên, mà anh đã kiên trì tìm kiếm và chờ đợi bao năm. Anh ta không ngã lòng, không buông xuôi, không than trời trách đất, không buồn chán vì thế thái nhân tình, mà trái lại, còn chủ động và tích cực tìm kiếm cơ may cho đời mình. Khi muốn đến với Chúa anh ta còn bị cản trở bởi đám đông, họ miệt thị anh ta, muốn bịt miệng anh ta. Quả là một đám đông vô tâm, vô cảm.

Con người ngày nay đã có một ý thức sâu xa về nhân phẩm, nhưng xem ra cũng chẳng hơn gì người xưa. Vẫn có một vùng tối rất đáng sợ trong tâm hồn con người che mất sự hiện diện của Thiên chúa, mà Thánh Gioan Phalô II đã từng gọi tên nó là “lối sống vô cảm”, không còn động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của anh chị em mình. Lạ thay, đứng trước sự vô cảm, nhưng người mù Báctimê không mặc cảm, không tự ái, không buồn phiền hay thù hằn những người cấm cản anh ta, nhưng càng tỏ ra bản lãnh và vững vàng hơn nữa trong sự kêu cầu và tin tưởng vào Đức Giêsu. Sự kiên trì và lòng kiên quyết đã giúp anh vượt qua sự ngăn chặn của đám đông, và thoát khỏi vòng tăm tối của cuộc đời, để vươn tới miền ánh sáng. Lòng tin quyết liệt vào Đức Giêsu đã đưa anh vào khung trời an vui và hạnh phúc.

Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian, Ngài đến không nhằm chữa lành đôi mắt thân xác cho bằng đem lại ánh sáng cho đôi mắt tâm hồn. Ngài đã mở mắt cho Giakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi để rồi ông tự động đem phân nửa tài sản mình phân phát cho người nghèo (Lc 9, 1-10). Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm để sống một đời sống mới (x. Lc 7, 36-50). Ngài mở mắt cho người trộm lành để anh ta nhận ra lòng Chúa xót thương, để rồi nhờ sám hối và tin cậy mà anh được hưởng ngay phúc thiên đàng (Lc 23, 32-43). Có bao điều đang che phủ đời sống ta, đang ngăn chặn ta, đang lôi kéo ta. Cần nhận ra sự mù tối, sự cứng đọng hay sự lệch lạc của tâm hồn mình, để ta can đảm đến với Chúa như anh mù Báctimê, xin Ngài khai quang mở lối cho ta tiến đến một đời sống mới trong ánh sáng ánh sáng chân lý và tình yêu của Ngài. “Chính nhờ ánh sáng của Chúa, mà chúng ta được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Chúa cho con đôi mắt thật tuyệt vời,

nhiều khi đôi mắt nói thay lời,

diễn tả tâm tư tình cảm ở mọi nơi,

sáng lên khuôn mặt vẻ rạng ngời.

Đôi mắt như cửa sổ của tâm hồn,

là trái tim thứ hai tinh tế và đa ngôn,

nói lên những sâu kín ở bên trong,

nụ cười hay lời nói có thể là giả dối,

nhưng đôi mắt là biểu hiện rất thật lòng.

Đôi mắt có mọi cung bậc của cảm xúc,

cho thấy sự hiện diện trong từng lúc,

thấy được tình ngay hay ý gian,

thấy được điều sâu xa hay nông cạn.

Mỗi sớm mai con thức dậy,

hạnh phúc đầu ngày là được mở mắt ra,

để nhìn thấy bao nhiêu điều mới lạ,

thấy lại người thân và vũ trụ bao la,

thấy anh em và tình nghĩa của mẹ cha,

lòng con hớn hở cất lời kinh cảm tạ.

Đôi mắt thân xác thật tuyệt vời,

nhưng rồi cũng chỉ là tạm thời,

Chúa còn cho con đôi mắt của đời đời,

là đôi mắt đức tin có thể nhìn thấy Chúa,

đang sống và hành động ở mọi nơi.

Nhưng đôi mắt ấy nơi con còn mờ tối,

xin Chúa thương soi đường mở lối,

thoát khỏi những tội lỗi phủ vây,

khỏi những thứ giả hình và che đậy,

để thấy Chúa đang đến với con đây,

đang làm mới lại cuộc sống này. Amen.
 
Gán Ghép Vội Vàng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:46 20/10/2021
Gán Ghép Vội Vàng

(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXIX TN – Lc 13,1-9)

Gán ghép nguyên lý nhân quả cách “vô tội vạ” là thói quen không tốt nhưng lại khá phổ biến trong dân gian. Hễ thấy một ai hay những ai đó bỗng nhiên gặp tai ương hay lâm cơn hoạn nạn thì rất dễ bị gán cho là “trời phạt”. Dĩ nhiên kéo theo luận suy là vì họ tội lỗi, gieo nghiệp xấu nên hứng lấy quả báo. Nhiều người ở thời Chúa Giêsu cũng vậy, khi thấy một số người Galilê bị quan Philatô đàn áp, giết chết cách tàn nhẫn và thấy một số người bỗng dưng bị tháp Silôê đổ xuống đè chết thì người ta đã vội nghĩ rằng họ bị trừng phạt vì tội lỗi của họ.

Chúa Giêsu đã chấn chỉnh và sửa sai việc áp dụng nguyên lý nhân quả cách hồ đồ và thiếu hiểu biết này. Sự dữ xảy ra thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh tật, đau khổ hay cái chết của một hay nhiều người có thể là do định luật tự nhiên, có thể là do hành vi độc ác của kẻ xấu, cũng có thể chính đương sự gây ra vì cuộc sống không lành mạnh của mình…Một kết quả có thể do một nguyên nhân mà cũng có thể do nhiều nguyên nhân dệt thành. Khi thấy sự dữ mà áp dụng nguyên lý nhân quả cách vội vàng, hồ đồ thì chúng ta không chỉ dễ sai lầm trong việc gán ghép tội lỗi cách bất công cho nạn nhân mà chính chúng ta cũng dễ lầm tưởng về tình trạng sống của mình. Mình không gặp nạn là mình còn lành, còn tốt hơn họ!

Trong cơn dịch bệnh côvid 19 đang hoành hành, chuyện xưa, gán ghép nhân quả hồ đồ, thiếu suy nghĩ nay lại đang tái diễn dưới nhiều hình thức. Nghe tin nơi này F0 tăng nhiều thì vội phỏng đoán lý do trong đó có việc thầm kết tội kẻ này người kia. Và ắt có tâm trạng thỏa lòng vì vùng mình chưa hoặc ít người bị nhiễm virus. Nghe tin xứ này, cha kia bị Chính quyền “quản lý” chặt, “ bị làm việc” thì tín hữu giáo dân và thậm chí các đấng bậc cũng vội luận suy: “chắc là có lỗi, có tội gì đây rồi!” Sự thường khi luận suy vội vàng như thế luôn kèm theo thái độ hả hê vì mình còn tốt, còn khôn ngoan, cẩn trọng và nghiêm túc hơn nhiều.

Trước các sự dữ đang xảy ra cho tha nhân, thái độ tốt nhất theo lời Chúa Giêsu dạy là hãy xét mình, kiểm điểm bản thân để sám hối ăn năn. Vì sao phải ăn năn sám hối? Chắc chắn có đó nhiều sự dữ xảy ra là do lỗi tội của chúng ta cách trực tiếp hay gián tiếp. Nếu do tội của chúng ta cách trực tiếp gây ra thì dễ nhận diện. Tuy nhiên có nhiều sự dữ mà tha nhân gánh chịu là do chúng ta thiếu sự liên đới. Đây là thứ tội chúng ta thường xuyên thú nhận trước khi dâng Thánh Lễ đó là tội thiếu sót, nghĩa là xao lãng, bỏ qua những việc phải làm đáng làm, nên làm trong khả năng và hoàn cảnh của mình (in what I have failed to do). Vì nếu mình biết sống tình liên đới và can đảm thực hiện điều phải làm thì hẳn sự dữ đã không ra hoặc nếu xảy ra thì hậu quả không đến nỗi tồi tệ, xấu xa như thế.

Một sự dữ đang xảy ra đó là tình cảnh khốn khổ của rất nhiều người, không chỉ là những người nhiễm bệnh Côvid 19 mà rất, rất nhiều người đang gánh bao tai ương do các kiểu cách chống dịch “quan liêu, chủ quan, duy ý chí”, thậm chí là thiếu khoa học, thiếu tình người. Nếu thành thật xét mình cách nghiêm túc, hẳn bạn và tôi, chúng ta phải đấm ngực ăn năn sám hối về nhiều thứ tội, nhất là tội thiếu sự liên đới, bỏ qua nhiều việc đáng ra phải làm. Dĩ nhiên hầu hết các việc đáng làm và phải làm luôn có đó cái giá phải trả.

Ăn năn tội bằng việc đấm ngực khóc lóc: dễ quá! Sám hối bằng việc ăn chay hãm mình: không quá khó. Nghe dụ ngôn cây vả không ra trái của Chúa Giêsu, hẳn chúng ta nhớ lại lời của thánh Gioan Tẩy giả:“Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng:“Chúng ta đã có tổ phụ Abraham”. Vì tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.”(Mt 3,8-10).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:43 20/10/2021

40. Lòng yêu mến vật chất thế gian là một loại keo dính buộc, làm cho linh hồn không bay thẳng lên được với Thiên Chúa.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:50 20/10/2021
88. NHỔ LÔNG BÁCH LINH

Người phương bắc gọi chim Bách Xà là chim Bách Linh, nó khôn khéo lanh lợi, các loại âm thanh của chim, loại nào nó cũng đều bắt chước y chang.

Có một thầy giáo rất thích chim Bách Linh, thuê một thằng nhỏ làm công chuyên môn nuôi nó và thường đem con chim quý đi chơi trên phố. Ngày nọ trời nóng, ông ta cho chim Bách Linh tắm, dặn dò thằng nhỏ làm công:

- “Cẩn thận coi nó, nếu rơi một cái lông thì đánh gãy chân mày đó.”

Nói xong thì đi.

Vợ ông ta muốn thằng đầy tớ đi làm việc, thằng đầy tớ nói:

- “Tiểu nhân không dám bỏ đi, nếu mà chim Bách Linh rơi một cái lông, thì ông chủ sẽ đánh gãy chân tôi”.

Lão gia rất sợ vợ, cho nên khi nghe đầy tớ nói thì bà đem con chim Bách Linh trong lồng ra, nhổ sạch lông và bỏ vào lại trong lồng. Lão gia trở về, nhìn thấy con chim Bách Linh không còn cái lông nào thì giận dữ nói:

- “Đứa nào nhổ lông nó?”

Tên đầy tớ nhỏ không dám nói, bà vợ lên tiếng:

- “Tôi nhổ đó, ông tính sao đây?”

Lão gia mặt một đống rất tức cười, nói:

- “Nhổ rất giỏi, mát mẻ hơn cả tắm nữa !”

(Hi đàm lục)

Suy tư 88:

Có những ông chồng thích làm tướng làm tá với người ngoài, về nhà thì sợ vợ như sợ cọp cái; có những ông chồng thường hay nạt nộ cấp dưới nịnh hót cấp trên, nhưng vợ trừng mắt một cái thì mặt mày...xanh lè, người ta gọi những ông chồng này là “anh hùng sợ vợ”.

Con chim Bích Linh là loại chim quý, ông thầy giáo thích là phải, nhưng cái thích này đã bị cái hung hăng của bà vợ làm cho tê tái cõi lòng...

Ước gì tất cả mọi người –không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng- đều có ơn Kính Sợ Thiên Chúa của Thánh Thần, để dù cho họ làm tổng thống, làm chủ tịch nước, làm bộ trưởng, hoặc làm bề trên, hoặc có chức quyền trong xã hội, thì đều vì ơn Kính Sợ này, mà mưu ích lợi cho mọi người, kiến tạo hòa bình cho thế giới, đem bình an cho các thành viên trong cộng đoàn, trở thành mẫu mực cho mọi người...

Mà người Ki-tô hữu thì luôn có ơn Kính Sợ Thiên Chúa này từ khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Xin ơn sáng mắt sáng lòng để đi theo Chúa
Lm. Đan Vinh
23:04 20/10/2021

CHÚA NHẬT 30 TN B
Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52
XIN ƠN SÁNG MẮT SÁNG LÒNG ĐỂ ĐI THEO CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 10,46-52

(46) Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giêricô. khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêricô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. (47) Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. (49) Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy, mà đến gần Đức Giê-su. (51) Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. (52) Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

2. Ý CHÍNH:

Trên bước đường đi về Giêrusalem để chịu tử nạn và phục sinh, thì tại thành Giêricô, Đức Giê-su đã chữa cho một người mù tên là Báctimê, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, vì anh đã tin cậy nơi Người. Qua phép lạ mở mắt người mù này, Người muốn mở mắt đức tin cho các môn đệ, để họ thấy được ý nghĩa cao cả của sứ mạng cứu thế mà Người sắp thực hiện tại Giêrusalem là: “Qua đau khổ thập giá để vào trong vinh quang phục sinh”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 46: + thành Giêricô: Giêricô có nghĩa là “mặt trăng”, một thành ở thung lũng sông Gio-đan, cách biển Chết 5 cây số và cách Giêrusalem khoảng 25 cây số. Thời Xuất hành, Giêricô là thành đầu tiên mà con cháu Gia-cóp, dưới sự lãnh đạo của Giosuê tiến chiếm được (x. Gs 5,13tt). Dụ ngôn người Samari tốt lành cũng nhắc đến đoạn đường từ Giêrusalem xuống Giêricô (x. Lc 10,30). + có một người hành khất mù: Hành khất là người ăn xin. Đây là một người đói khổ về vật chất, đang cần được giúp đỡ. Anh ta còn bị mù, tượng trưng cho người đang đi trong tăm tối vì chưa nhận biết và tin Đức Giê-su. Có thể Đức Giê-su chữa một lúc hai người mù (x Mt 20,30), nhưng ở đây Mác-cô chỉ ghi lại một người và nêu rõ tên là Báctimê. + ở vệ đường: đồng nghĩa với “đầu đường xó chợ”, nói lên hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa của ngươi mù. anh ta tượng trưng cho số phận đau khổ của “Người nghèo của Đức Giavê”, đối tượng được Đức Giê-su ưu tiên mời gia nhập vào Nước Trời của Người.
- C 47-48: + Đức Giê-su Nadarét: Giê-su nghĩa là “Giavê cứu độ”. trong Thánh Kinh có một số người cũng tên là Giê-su (x.Hc 50,27; Lc 3,29; Cl 4,11). Để phân biệt, người ta thường thêm tên quê hương vào sau tên gọi. Giê-su nói đây chính là Đức Giê-su quê làng Nadarét. + Con Vua Đavít: Anh mù gọi Đức Giê-su kèm tước hiệu “Con Vua Đavít” cho thấy nhiều người Do thái đã tin Đức Giê-su là “Đấng Thiên Sai”, nhưng họ lại đang mong đợi một Đấng Thiên Sai trần thế, đến giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rô-ma (x. Mt 22,42; Ga 7,42). + “Xin dủ lòng thương tôi”: Lời cầu xin này nói lên sự khiêm hạ và lòng tin mạnh mẽ của anh mù vào quyền năng Đức Giê-su. Anh trông cậy Người sẽ làm cho anh được sáng mắt như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò...” (Is 35,5-6). + Nhiều người quát nạt bảo anh im đi: Một số người ở gần anh mù tỏ vẻ bực tức trước việc anh ta kêu la lớn tiếng. Họ bắt anh mù phải im lặng để họ nghe được lời Đức Giê-su lúc đó đang vừa đi đường vừa giảng dạy. + Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đavít! Xin dủ lòng thương tôi”: Vì tin vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su Thiên Sai, nên anh mù bất chấp mọi rào cản: Người ta càng cấm, thì anh lại càng kêu la thống thiết hơn: “Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.
- C 49-50: + Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy! Người gọi anh đấy”: Thái độ của đám đông đối với anh mù đã thay đổi: Từ khinh thường nạt nộ đến tôn trọng và nhỏ nhẹ hơn với anh. + Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su: Áo choàng là một vật thiết thân đối với khách bộ hành và người ăn xin. Nó thường được dùng làm dù che cơn nắng gắt ban ngày và làm mền đắp cho ấm ban đêm. Vậy mà khi nghe nói “Người gọi anh đấy”, anh ta liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà chạy mau về phía Đức Giê-su, như thể anh đã được sáng mắt rồi vậy.
- C 51-52: + “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”: Dù đã biết rõ anh mù muốn xin gì rồi, nhưng Đức Giê-su vẫn tạo cơ hội để anh ta biểu lộ đức tin. + “Xin cho tôi nhìn thấy được”: Anh mù không xin tiền bạc hay đồ ăn thức uống như mọi khi, mà chỉ xin được sáng mắt, được nhìn thấy mọi sự như bao người khác. + “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”: Điều kiện để được Đức Giê-su cứu chữa là phải có đức tin, như khi Người chữa lành cho hai người mù (x. Mt 9,29), chữa người phong cùi (x. Lc 17,9)... + Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi: Anh mù chỉ xin được sáng mắt thể xác, nhưng Đức Giê-su lại ban cho anh được sáng cả mắt linh hồn, để anh có đức tin trọn vẹn, nhìn thấy được con đường Người sắp đi và can đảm bước theo Người lên Giêrusalem, trải qua mầu nhiệm “qua đau khổ vào vinh quang” để sau này được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

4. CÂU HỎI:

1- Thành Giêricô là thành nào? Sách Xuất hành đề cập tới tên thành này trong trường hợp nào? Đức Giê-su cũng nói tới tên thành này trong dụ ngôn nào?
2- Số người mù được Đức Giê-su chữa lành trong 2 Tin Mừng Matthêu và Mác-cô có giống nhau không? Tại sao?
3- “ngồi ở vệ đường” nói lên hòan cảnh của người mù này ra sao?
4- Tên gọi Giê-su nghĩa là gì? Tại sao Đức Giê-su được người mù gọi là Giê-su Nadarét?
5- Qua việc kêu cầu Đức Giê-su với danh hiệu “Con Vua Đavít”, người mù biểu lộ đức tin thế nào về Người? Còn dân Do Thái lại đang trông mong một Đấng Thiên Sai theo nghĩa nào?
6-Lời kêu xin của người mù cho thấy đức tin của anh vào Đức Giê-su ra sao?
7- Tại sao dân chúng lại cấm anh mù kêu lớn tiếng? Lý do nào khiến anh mù càng kêu la thống thiết hơn?
8- Anh mù đã phản ứng thế nào với chiếc áo chòang thiết thân khi nghe biết Đức Giê-su đang gọi anh đến với Người?
9- Tại sao Đức Giê-su lại hỏi anh mù muốn được Người làm gì dù đã nghe rõ lời kêu xin của anh?
10- Trong Tin Mừng, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có điều kiện gì để được Người làm phép lạ? 11-Ngòai việc được sáng mắt thể xác, anh mù còn được Người ban ơn gì về linh hồn?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà đến gần Đức Giê-su (Mc 10,50):

2. CÂU CHUYỆN:

1) AI MỚI LÀ NGƯỜI BỊ MÙ?
Một anh mù kia đến nhà bạn chơi. Lâu rồi không gặp nên hai người nói chuyện mãi đến quên cả thời gian. Khi trời tối mịt thì anh mù mới từ giã bạn ra về. Thấy đường làng tối thui, người bạn liền bảo anh mù: “Này anh bạn, hãy để tôi thắp cho anh một cây đèn dầu, vì bên ngoài trời đã tối quá rồi”. Anh mù nghĩ bạn muốn trêu đùa nên trả lời: “Anh nói gì vậy? Tôi bị mù thì có cầm đèn sáng trên tay hay không đâu có khác gì nhau?”. Anh bạn kia liền nói: “Ý tôi là anh nên cầm cái đèn cháy sáng để người khác nhìn thấy ánh đèn sẽ tránh không đụng vào bạn”. Anh mù nghe ra liền cám ơn bạn và vui vẻ cầm đèn ra về. Nhưng mới đi được một đoạn thì bỗng anh mù bị một người đi ngược chiều đụng phải và bị té. Quá tức giận, anh lồm cồm bò dậy và chửi đổng: “Mù hay sao mà không thấy cây đèn ta cầm trên tay?”. Người kia liền đáp lại: “Mi mới thật là kẻ mù ! Đèn trên tay mi đã tắt lâu rồi mà sao mi còn dám mắng ta?”.
Cái đáng thương của anh mù là đã không biết cây đèn trên tay mình đã bị tắt. Mù đôi mắt là một nỗi bất hạnh. Nhưng bệnh mù tâm hồn còn bất hạnh hơn. Bệnh mù tâm hồn là khi một người tuy đang sống trong tội lỗi, nhưng vẫn không nhận ra cái sai của mình và tiếp tục ở lỳ trong tội lỗi, nên đã gây bao đau khổ cho bản thân và người chung quanh.

2) NGƯỜI MÙ TÌM THẤY MẸ NHỜ CON MẮT TÌNH YÊU:
Vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Verona nước Italia, có khá đông dân chúng đang tập trung tại sân ga và náo nức chờ đón một số binh lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Lúc đó, một người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu to lên: “Mẹ!”, và rồi hai mẹ con đã ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con trai đã bị mù hòan tòan, bà mẹ liền hỏi: “Con ơi, mắt con đã bị mù như thế mà sao lúc nãy con lại nhìn thấy mẹ giữa bao nhiêu người khác và kêu lên vậy?”. Anh lính trẻ liền đáp: “Thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy mặt mẹ như trước đây, nhưng chính trái tim đã mách bảo con là mẹ cũng đang có mặt tại đây và đang chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc con linh cảm chắc chắn mẹ đang ở rất gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la to lên “Mẹ!” và quả thật con đã gặp lại được mẹ như mẹ đã thấy đó”.

3) ĐÔI MẮT XANH CỦA CHỊ NỮ TU:
Trong thế chiến thứ hai, quân phát xít Đức đã chiếm cứ được nhiều nơi. Một viên tướng Phát xít đến một nhà dòng kia, yêu cầu kêu Mẹ Bề trên cho ông ta gặp… Khi vừa dốc cạn ly nước từ tay Mẹ Bề trên, viên tướng Phát xít liền nói:
- Xin bà cho tôi gặp chị Ma-ri-a.
Khi Bà bề trên bấm chuông gọi chị ấy ra thì ông tướng liền vui vẻ nói:
- Tôi yêu cầu bà hãy trao ngay cho tôi chị này, Tôi rất say mê chị.
Hai mẹ con nhìn nhau lúng túng. Chị Ma-ri-a vội đỡ lời:
- Tôi chỉ là một nữ tu tầm thường, nào có gì để ông phải say mê. Xin ông hãy tìm ở ngoài đời, có biết bao người đep nhan sắc lộng lẫy…”.
- Không! Không! Tôi yêu chị vì chị có đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi rất say mê chị !
- Không! Xin lỗi ông, không bao giờ tôi chấp nhận điều ấy.
- Nếu chị không chấp nhận, nội ngày mai, tôi sẽ ra lệnh quân lính đến triệt phá cả nhà dòng này!
Sau đó ông tướng đứng lên và bảo:
- Tôi cho một đêm suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại. Phải trả lời dứt khoát, nếu không tôi sẽ…”.
Ngày hôm ấy, cả Nhà Dòng thiết tha cầu nguyện. Thâu đêm chị Ma-ri-a không thể chợp mắt được. Chị nghĩ: “Chẳng lẽ vì mình mà cả nhà phải bị tiêu diệt sao? Không, không thể được! hay tôi phải bỏ nhà dòng, bỏ tình yêu Chúa Ki-tô, bỏ đức trinh khiết? Không, không bao giờ như thế!”.
Sáng hôm sau, khi chị em còn đang nguyện kinh thì ông tướng Phát xít đã có mặt ở phòng khách. Bấy giờ từ đầu hành lang, Chị Ma-ri-a đang tiến lại gần, nhưng… lại có một người khác cầm tay dẫn đi, hai tay chị Ma-ri-a đang cầm một cái đĩa. Viên tướng há hốc mồm, trố mắt kinh ngạc. Khi chị bước vào phòng khách, mà ông vẫn không ngớt ngẩn ngơ. Chị Ma-ri-a khuôn mặt đầy máu me, sờ soạng đặt cái dĩa trên mặt bàn và nhỏ nhẹ nói:
- Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi… nên tôi xin biếu ông cặp mắt ấy… trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa rồi.
Viên tướng Phát xít vừa bàng hoàng kinh ngạc lại vừa cảm phục. Ông xấu hổ đứng dậy bỏ ra về và từ ngày đó ông đã không còn đến quấy rầy nhà dòng nữa.
Nữ tu Ma-ri-a đã hy sinh đôi mắt xanh tuyệt đẹp để “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm” của cõi lòng viên tướng. Nhờ vậy, ông ta đã được sáng mắt tâm hồn để nhìn thấy sự cao cả của một tâm hồn thanh khiết.

4) NĂM ANH MÙ ĐI XEM VOI:
Có một câu chuyện kể về các người mù rủ nhau đi xem voi. Xem xong thì cùng nhau ngồi lại bàn tán, mô tả xem con voi nó giống như cái gì?
Anh sờ được cái chân thì dõng dạc tuyên bố: con voi nó giống như cái cột nhà.
Anh khác thì oang oang: con voi nó giống như cái quạt. Vì anh này rờ được ngay cái tai của nó.
Còn anh sờ được cái bụng thì nói con voi giống như một cái trống.
Anh sờ thấy cái vòi thì nói nó giống như một con trăn.
Anh sờ thấy cái đuôi thì nói nó giống như cái chổi rễ.
Chúng ta có thể sẽ rơi vào tình trạng mù về mặt tinh thần, có nghĩa là ta không nhìn thấy được chân lý toàn diện về cuộc sống. Ta chỉ nhìn thấy chân lý phiến diện như anh mù mô tả con voi “nó giống như cái cột nhà”. Cần phải biết lắng nghe ý kiến của người khác thì mới hy vong có cài nhìn toàn diện được.

3. THẢO LUẬN:

1) Làm thế nào để nhận ra ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta?
2) Khi gặp phải tai nạn hay một điều rủi ro trái ý, bạn cần làm gì để theo đúng con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Đức Giê-su?

4. SUY NIỆM:

1) Anh mù gặp Chúa đã được sáng mắt sáng lòng:
- Tin mừng hôm nay ghi nhận câu chuyện về người mù thành Giêricô đã chạy đến với Đức Giê-su không nhờ con mắt thể xác nhưng nhờ con mắt đức tin của anh. Tuy mắt anh không nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng chính con mắt đức tin đã mách bảo và dẫn đường để anh chạy đến với Người. Trước đó anh đã nghe đồn Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và anh đã ao ước gặp Người để xin Người chữa anh khỏi bị mù. Vì thế khi nghe thấy một đám đông đang tiến đến gần chỗ anh đang ngồi ăn xin bên vệ đường và anh nghe tiếng của một ráp-bi đang vừa đi đường vừa giảng, thì anh liền dò hỏi người chung quanh. Khi biết vị tôn sư kia chinh là Đức Giê-su Nadarét, là người mà anh đã nghe biết và mong sớm được gặp mặt.
- Bấy giờ anh mù liền kêu to: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Dù bị nhiều người đi trước cấm nói to, nhưng anh mù lại càng la to hơn với hy vọng được Đức Giê-su nghe thấy. Quả thật Đức Giê-su đã nghe thấy tiếng kêu cứu của anh và Người cho gọi anh đến gặp Người. Nghe vậy anh mù liền quăng chiếc áo choàng đang khoác trên mình lại, để nhảy chồm dậy chạy mau đến gặp Người như trước đó anh chưa hề bị mù. Sau khi biết về lòng tin và mong ước của anh, Đức Giê-su liền tuyên bố: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”.
- Lập tức anh mù đã được sáng mắt để thấy được đường đi, mà anh còn được sáng lòng để tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và tình nguyện theo Người đi lên Giêrusalem để cùng Người đi con đường “qua đau khổ thập giá vào trong vinh quang phục sinh”.

2) Hãy xin Chúa mở mắt đức tin cho chúng ta:
- Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh mù thể xác, và Người cũng chữa lành bệnh mù tâm hồn. Chính bệnh mù tối tâm hồn này còn tác hại nhiều hơn bệnh mù ngoài thể xác. Nó được biểu hiện qua thái độ không chấp nhận sự thật của đức Tin, không nhận ra tình thương và những sự thiện hảo nơi người khác. Vậy mỗi người chúng ta cần tự hỏi mình vào buổi tối trước khi đi ngủ: « Hiện giờ tôi có bị bệnh mù tối tâm hồn hay không? » Nếu có, hãy xin Chúa chữa lành như người mù trong Tin Mừng hôm nay bằng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa. Xin hãy mở mắt linh hồn con ra để con biết nghĩ đến người khác và biết cảm thông để chia sẻ tình yêu thương phục vụ cho họ”.
- Trong gia đình, vợ chồng cần sáng mắt tâm hồn khi biết quan tâm cảm thông với nhau và động viên nhau chu toàn nhiệm vụ lo cho gia đình được hòa hợp hạnh phúc...
- Trong giao tiếp xã hội, mỗi người chúng ta thay vì chỉ nhìn thấy khuyết điểm lầm lỗi của kẻ khác, chúng ta hãy quan tâm tìm kiếm mặt tốt của họ. Cần ý thức rằng: Dù là một kẻ xấu xa phạm tội cướp của giết người không gớm tay thì trong lòng họ vẫn còn ít nhất 5 phần trăm tốt. Điều quan trọng là chúng ta phải khám phá ra và nhân rộng những điều tốt này lên để giúp họ loại trừ dần 95 phần trăm điều xấu tội lỗi kia. Bởi đó, cùng với anh mù trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội và ban cho con được sáng mắt đức tin để nhận biết Chúa đang hiện thân trong anh chị em con và giúp họ ngày càng càng nên tốt lành giống Chúa nhiều hơn”.

3) Đừng ngăn cản lương dân và những người tội lỗi đến với Chúa:
- Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy thái độ không tốt của những người đang đi trước Đức Giê-su, khi nghe anh mù la to: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” thì họ đã quát nạt bắt anh phải im lặng. Khi lời kêu cầu của anh mù đã được Đức Giê-su nghe và truyền dẫn anh đến gặp Người thì những người kia mới dịu giọng và giúp anh đến gặp Người. Những người này đã trở thành rào cản anh mù đến với Đức Giê-su. Họ giống như những đầu mục Do thái đã bị Đức Giê-su quở trách: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào” (Mt 23,13).
- Còn chúng ta cũng trở thành rào cản đáng trách, khi chúng ta ngăn chặn anh em tội nhân đến với Chúa bằng những câu nói nghi kỵ và khinh dể tội nhân… Chẳng hạn: Khi thấy một người đã từng nghiện rượu, cờ bạc, hút sách, trộm cắp giờ muốn hoàn lương… Lẽ ra phải khích lệ thì chúng ta lại nghi ngờ và nói những lời không tin lòng thành của họ muốn đến với Chúa.
Ngoài ra, các tín hữu chúng ta cũng gián tiếp ngăn cản người lương đến với Chúa khi sống bê tha tội lỗi hơn người lương, khiến nhiều người đang muốn theo đạo bị khựng lại khi họ chứng kiến sự gian tham, ăn ở bất công độc ác và hà hiếp bóc lột người dưới, hoặc khi thấy có vị mục tử bị đưa ra tòa xét xử vì những tội ác xấu xa… Bấy giờ chúng ta đã trở thành người phản chứng, thành rào cản khiến cho anh em lương dân khó lòng tin theo Chúa.

4) Cần làm gì để đi theo Chúa noi gương người mù hôm nay?:
- Mỗi ngày chúng ta hãy xin Chúa mở mắt linh hồn để nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong những kỳ công Người đã làm trong vũ trụ thiên nhiên, nơi bản thân ta và nơi tha nhân… rồi dâng lời ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa.
- Mỗi khi gặp tình huống khó giải quyết, không biết phải chọn đi đường nào, chúng ta hãy xin Chúa Giê-su mở mắt đức tin bằng việc lắng nghe Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng theo ý Chúa. Khi gặp rủi ro thất bại, chúng ta hãy tín thác cậy trông vào Chúa quan phòng và sẵn sàng chấp nhận đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” noi gương người mù trong Tin Mừng hôm nay.
- Trong mọi giây phút cuộc đời, chúng ta hãy luôn biết khiêm tốn chạy đến xin Chúa Giê-su mở con mắt đức tin để thấy được sự thật toàn vẹn. Bấy giờ Người sẽ chỉ cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha và nhận ra mọi người đều là anh chị em con của một Cha chung trên trời là Thiên Chúa. Người sẽ dẫn đường cho chúng ta về trời qua con đường hẹp, leo dốc nhiều gai chông sỏi đá, vác thập giá hằng ngày; Đi con đường yêu thương hy sinh phục vụ tha nhân. Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Giê-su thì cũng sẽ được phục sinh với Người sau này.

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su.
Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong lòng con, để con biết năng đến tâm sự với Chúa.
Xin cũng mở mắt đức tin giúp con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thiên nhiên, để con dâng lời ngợi khen Chúa.
Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thánh lễ và nơi Nhà Tạm để con năng đến nghe Lời Chúa dạy và được kết hiệp mật thiết với Chúa nhờ việc rước lễ và biết chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho tha nhân.
Xin cho con sáng mắt đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo hèn, khuyết tật hay đang bị bỏ rơi và tuyệt vọng… để con động viên an ủi và ân cần phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu con chu toàn sứ vụ làm chứng nhân cho tình thương của Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đảo Lesvos vào tháng tới
Đặng Tự Do
16:13 20/10/2021


Hòn đảo Mytilini được đưa vào danh sách các điểm đến trong chuyến công du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô. Hãng thông tấn Athens-Macedonian vừa cho biết như trên.

Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Hy Lạp dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.

Để chuẩn bị cho chuyến thăm, các Hồng Y sẽ đến hòn đảo vào thứ Năm tuần này cùng với các quan chức Bộ Di trú và Tị nạn Hy Lạp. Họ sẽ đến thăm trại tị nạn tạm thời Mavrovouni trên đảo Kara Tepe, nằm trong hành trình của Đức Giáo Hoàng khi đến thăm Hy Lạp.

Trong khi đó, Tổng Giám mục Công Giáo của Quần đảo Aegean Iosif Printesis, bao gồm các đảo Naxos, Tinos, Andros và Mykonos, đã đến Lesvos hôm thứ Tư.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Lesvos lần cuối vào tháng 4 năm 2016, khi ngài gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Tổng Giám mục Athens & Toàn Hy Lạp Hieronymos.

Trong một diễn biến khác, Tòa thánh đã tham gia vào một nhóm công tác về chống buôn người di cư do Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và các Tội phạm tổ chức.

Tòa thánh đã bày tỏ lo ngại về “các khoản thanh toán không được kiểm soát thông qua việc sử dụng tiền điện tử không được kiểm soát trong việc buôn lậu người di cư”.
Source:Arma
 
Một trăm vụ phá hoại được báo cáo tại các nhà thờ Công Giáo ở Hoa Kỳ kể từ tháng 5 năm 2020
Đặng Tự Do
16:14 20/10/2021


WASHINGTON - Vào tháng 5 năm 2020, Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) bắt đầu theo dõi các vụ tấn công, đốt phá, và vẽ bậy tại các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ. Ngày 10 tháng 10 đánh dấu sự cố thứ 100: satan và những hình vẽ bậy bạ đầy thù hận khác được vẽ nguệch ngoạc trên tường trước Thánh lễ Chúa Nhật tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver, Colorado.

Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, và Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Những vụ phá hoại này giao động từ bi thảm đến tục tĩu, từ minh bạch đến không thể giải thích được. Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về hiện tượng này, nhưng ít nhất, chúng nhấn mạnh rằng xã hội của chúng ta đang rất cần ân sủng của Thiên Chúa”.

“Trong mọi trường hợp, chúng ta phải tiếp cận với thủ phạm bằng lời cầu nguyện và sự tha thứ. Đúng là trong một số trường hợp động cơ là sự đáp trả cho một số lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải hòa giải. Cũng có các trường hợp trong đó có sự hiểu lầm về giáo lý của chúng ta, gây ra sự tức giận đối với chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải cung cấp sự giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, những trò phá hủy này phải dừng lại. Đây không phải là cách.”

“Chúng tôi kêu gọi các quan chức được bầu của chúng tôi bước ra và lên án những vụ tấn công này. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta đã điều tra những vụ này và thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn tổn hại thêm. Chúng tôi cũng kêu gọi các thành viên cộng đồng giúp đỡ. Đây không phải là tội phạm tài sản đơn thuần - đây là sự tấn công nhằm hạ giảm những biểu hiện hữu hình đức tin Công Giáo của chúng ta. Đây là những hành động gây thù hận”.

Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB và Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn trước đây đã ban hành một tuyên bố về hành vi phá hoại các ngôi thánh đường vào ngày 22 tháng 7 năm 2020.

Dự án “Chữa lành vẻ đẹp” của Ủy ban Tự do Tôn giáo, được khởi động để phản ứng với việc phá hủy các bức tượng Công Giáo, có các videos từ các giáo phận khác nhau thảo luận về tầm quan trọng của nghệ thuật thánh.

Các ủy ban đang vận động để tăng cường tài trợ cho Chương trình Tài trợ An ninh Phi lợi nhuận của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
Source:USCCB
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về Thư gửi tín hữu Galát: Tự do thể hiện trong tình yêu
Vũ Văn An
17:01 20/10/2021

Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung Thứ Tư, 20 tháng 10, diễn ra tại Đại sảnh Phaolô VI trong nội thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thư Thánh Phaolô VI gửi tín hữu Galát. Tuần này ngài nhấn mạnh tới khía cạnh tự do Kitô giáo được thể hiện trong tình yêu, trong đức ái. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong những ngày này, chúng ta đang nói về tự do của đức tin, khi lắng nghe Thư gửi tín hữu Galát. Nhưng tôi nhớ lại điều Chúa Giêsu nói về tính tự phát và tự do của trẻ em, khi em bé này được tự do lên đây và chạy nhẩy như thể em đang ở nhà... Và Chúa Giêsu nói với chúng ta: “anh chị em cũng vậy, nếu anh chị em không xử sự như trẻ em, anh chị em sẽ không được vào Nước Trời”. Sự can đảm đến gần Chúa, cởi mở với Chúa, không sợ hãi Chúa: Tôi cảm ơn em bé này về bài học mà em đã cho tất cả chúng ta. Và cầu xin Chúa giúp em trong sự hạn chế của em, trong việc lớn lên của em vì em đã cho chúng ta lời chứng phát xuất từ trái tim của em. Trẻ em vốn không cần một phiên dịch viên tự động từ trái tim ra cuộc sống: trái tim dẫn đầu. Cảm ơn con.

Thánh Tông Đồ Phaolô, với thư gửi tín hữu Galát, dần dần dẫn chúng ta vào sự mới mẻ tuyệt vời của đức tin. Từ từ, từng bước… đó là tính mới mẻ của đức tin. Nó thực sự là một điều mới mẻ tuyệt vời, vì nó không chỉ đổi mới một vài khía cạnh của cuộc sống, mà đúng hơn dẫn chúng ta vào “cuộc sống mới” mà chúng ta đã lãnh nhận với Bí tích Rửa tội. Ở đó, hồng ân lớn nhất, đó là được trở thành con cái của Thiên Chúa, đã được tuôn đổ xuống chúng ta. Được tái sinh trong Chúa Kitô, chúng ta đã từ một tôn giáo được tạo thành từ các giới luật - chúng ta đã từ một lòng đạo được tạo thành từ các giới luật – bước sang một đức tin sống động, mà tâm điểm là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta, nghĩa là, tình yêu. Chúng ta đã từ ách nô lệ sợ hãi và tội lỗi bước vào tự do của con cái Thiên Chúa. Ở đây, một lần nữa, là chữ tự do…

Hôm nay chúng ta sẽ cố gắng hiểu rõ hơn, đối với Thánh Tông đồ, đâu là tâm điểm của tự do này, đâu là cốt lõi của nó. Thánh Phaolô khẳng định rằng nó không hề là “cơ hội cho xác thịt” (Gl 5:13): do đó, tự do không phải là một lối sống phóng túng, theo xác thịt hay theo bản năng, ham muốn cá nhân hay những thôi thúc ích kỷ của người ta; không, trái lại, Thánh Tông Đồ viết, sự tự do của Chúa Giêsu dẫn chúng ta trở thành “tôi tớ của nhau” (đd). Nhưng đây có phải là nô lệ chăng? Đúng vậy, tự do trong Chúa Kitô có một yếu tố nô lệ, một chiều kích dẫn chúng ta đến việc phục vụ, đến chỗ sống cho người khác. Nói cách khác, tự do đích thực được thể hiện trọn vẹn trong tình yêu. Tuy nhiên, một lần nữa, chúng ta thấy mình phải đối diện với nghịch lý của Tin Mừng: chúng ta được giải phóng bằng cách phục vụ, chứ không phải làm bất cứ điều gì chúng ta muốn. Chúng ta tự do trong việc phục vụ, và tự do phát xuất từ đó; chúng ta tìm thấy mình trọn vẹn ở mức độ chúng ta tự cho mình đi. Chúng ta tìm thấy mình trọn vẹn ở mức độ chúng ta tự cho mình đi, ở mức độ chúng ta có đủ can đảm để cho chính mình đi; chúng ta có sự sống nếu chúng ta mất nó đi (x. Mc 8:35). Đấy là Ti Mừng tinh tuyền.

Nhưng phải giải thích ra sao nghịch lý này? Vì nó là một nghịch lý! Câu trả lời của Thánh Tông đồ vừa đơn giản vừa rất đòi hỏi: “bằng tình yêu thương” (Gl 5:13). Không có tự do nếu không có tình yêu. Tự do ích kỷ làm những gì mình muốn không phải là tự do, vì nó tự hướng vào chính mình, nó không sinh hoa kết trái. Nhờ tình yêu: chính tình yêu của Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta và chính tình yêu cũng giải phóng chúng ta khỏi chế độ nô lệ tồi tệ nhất, đó là sự nô lệ bản thân; do đó, tự do gia tăng cùng với tình yêu. Nhưng hãy cẩn thận: không phải bằng tình yêu vị kỷ, bằng tình yêu của một vở kịch ướt át, không phải bằng niềm đam mê chỉ tìm kiếm những gì chúng ta muốn và thích: không phải bằng điều đó, nhưng bằng tình yêu chúng ta thấy nơi Chúa Kitô, đức bác ái - đây là tình yêu thực sự tự do và giải thoát. Đó là tình yêu tỏa sáng trong việc phục vụ nhưng không, mô phỏng theo tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã rửa chân cho các môn đệ và nói: “Thầy đã nêu gương cho các con, các con cũng hãy làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13 : 15). Phục vụ lẫn nhau.

Vì vậy, đối với Thánh Phaolô, tự do không phải là “làm những gì anh chị em muốn và những gì anh chị em thích”: không. Loại tự do này, không có mục tiêu và không có điểm qui chiếu, sẽ là một thứ tự do trống rỗng, một thứ tự do của rạp xiếc: nó không tốt. Và quả thực, nó để lại sự trống rỗng bên trong: biết bao lần, sau khi chỉ làm theo bản năng, chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta chỉ còn lại một sự trống rỗng lớn bên trong và chúng ta đã sử dụng một cách tồi tệ kho tàng tự do của mình, vẻ đẹp của việc có thể chọn điều tốt thực sự cho cho chính chúng ta và cho những người khác. Tự do đích thực luôn giải phóng chúng ta, trong khi nếu chúng ta thực hành quyền tự do đó đối với những gì chúng ta thích và không thích, cuối cùng chúng ta vẫn trống rỗng. Chỉ có sự tự do này là hoàn toàn, chân chính và đưa chúng ta vào cuộc sống hàng ngày thực sự.

Trong một bức thư khác, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Thánh Tông Đồ trả lời những người ủng hộ ý niệm không đúng về tự do. "Tất cả mọi thứ đều hợp pháp!" À, tất cả mọi thứ đều hợp pháp, có thể thực hiện chúng. Không: đó là một ý niệm sai lầm. Câu trả lời sẽ là "Đúng, nhưng không phải tất cả mọi thứ đều hữu ích". Thánh Phaolô trả lời “Tất cả mọi thứ đều hợp pháp nhưng không phải tất cả mọi thứ đều hữu ích!”. Thánh Tông Đồ phản bác, “Tất cả mọi thứ đều đúng luật, đúng, nhưng không phải tất cả mọi thứ đều xây dựng”. Sau đó, ngài nói thêm: "Đừng ai tìm kiếm lợi ích của mình, nhưng tìm kiếm lợi ích của người lân cận"(1 Cr 10: 23-24). Đó là quy luật để vạch mặt bất cứ kiểu tự do ích kỷ nào. Ngoài ra, đối với những người bị cám dỗ muốn giản lược tự do vào sở thích của riêng họ, Thánh Phaolô đặt trước họ nhu cầu tình yêu. Tự do được hướng dẫn bởi tình yêu là thứ tự do duy nhất giúp cho người khác và chính chúng ta được tự do, biết lắng nghe mà không áp đặt, biết yêu thương mà không ép buộc, biết xây dựng và không phá hủy, không bóc lột người khác vì sự thuận tiện của mình và làm điều tốt, mà không tìm kiếm lợi ích của riêng mình. Nói tóm lại, nếu tự do không phục vụ - đây là thước đo - nếu tự do không phục vụ điều tốt, nó có nguy cơ bị cằn cỗi và không sinh hoa kết quả. Nếu tự do không phục vụ điều thiện, nó không sinh hoa kết quả. Mặt khác, tự do được tình yêu linh hứng sẽ dẫn đến người nghèo, nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô trên khuôn mặt của họ. Do đó, việc phục vụ lẫn nhau này cho phép Thánh Phaolô, khi viết cho tín hữu Galát, nhấn mạnh một điều không hề có nghĩa thứ yếu: theo cách này, khi nói về sự tự do mà các Tông Đồ khác đã trao cho ngài để rao giảng Tin Mừng, ngài nhấn mạnh rằng họ chỉ khuyến nghị một điều: nhớ đến người nghèo (x. Gl 2:10). Thật là đáng lưu ý, những gì các Tông Đồ nói sau cuộc chiến ý thức hệ giữa Thánh Phaolô và các Tông Đồ, các ngài đồng ý: “Hãy lên đường, hãy lên đường và đừng quên những người nghèo khó”, nghĩa là, mong sự tự do của bạn với tư cách một nhà rao giảng là một tự do trong việc phục vụ người khác, không phải phục vụ chính mình, làm theo ý mình.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một trong những quan niệm hiện đại phổ biến nhất về tự do là: “tự do của tôi kết thúc nơi tự do của bạn bắt đầu”. Nhưng ở đây thiếu mối tương quan! Đó là một tầm nhìn theo chủ nghĩa cá nhân. Mặt khác, những người đã nhận được hồng ân tự do của Chúa Giêsu mang đến không thể nghĩ rằng tự do hệ ở việc tránh xa những người khác, như thể họ là một mối phiền toái; con người không thể bị coi như bị giam hãm trong chính mình, nhưng luôn luôn là một phần của cộng đồng. Chiều kích xã hội là nền tảng đối với Kitô hữu, và nó giúp họ hướng đến lợi ích chung chứ không quan tâm đến lợi ích riêng.

Đặc biệt trong thời điểm lịch sử này, chúng ta cần khám phá lại chiều kích tự do cộng đồng, chứ không phải chiều kích cá nhân chủ nghĩa: đại dịch đã dạy chúng ta rằng chúng ta cần có nhau, nhưng biết điều này mà thôi không đủ; chúng ta cần phải lựa chọn nó một cách hữu hình, để quyết định bước đi trên con đường đó, mỗi ngày. Chúng ta hãy nói và tin rằng những người khác không phải là một trở ngại cho tự do của tôi, mà đúng hơn họ là khả thể hoàn toàn thể hiện được nó. Vì tự do của chúng ta phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa và lớn lên trong đức bác ái. Cảm ơn anh chị em.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Tại Pháp Kỳ 44
Pt. Phạm Bá Nha
09:58 20/10/2021
Đại Hội Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Tại Pháp Kỳ 44

Đề tài : ‘Mục Vụ Đồng Hành Thiêng Liêng’

Hàng năm các Linh mục, Phó tế vĩnh viễn, Nữ tu trong Tuyên úy tổ chức Đại Hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiêm mục vụ. Thông thường ấn định vào tuần thứ hai, tháng 10, và nơi họp thì luân phiên ở những nơi có tuyên úy. Năm 2020, Đại Hội được tổ chức tại Bordeaux, 12-16.10. 2020. Năm nay, Đại hội được tổ chức tại Vannes, xa Paris hơn 500 cs, từ thứ Hai, 11.10 đến thứ Sáu, 15.10. 2021. Có 22 Tuyên Úy VN về tham dự. Tại Maison Diosèsaine – Espace Montcalm. Vannes. 55 rue Mgr Tréhiou. 56007 Vannes. Đề tài : ‘Mục Vụ Đồng Hành Thiêng Liêng’

Lo chuẩn bị tổ chức do hai cha : Cha Gilbert Nguyễn Kim Sang, Đại diện Tuyên Úy đoàn : lo phần ghi danh, sắp xếp chương trình, mời các người thuyết trình, mời Giám Mục và những người phụ trách Mục Vụ Ngoại Kiều trong Giáo phận cũng như các vị thuộc Ủy Ban Giám Mục phụ trách Mục Vụ Ngoại Kiều của Hội Đồng Giám Mục Pháp. Còn cha Giuse Đỗ Văn Lượng, Tuyên úy Vannes, lo liên lạc với địa phận, giữ chỗ, cộng đoàn VN Vannes và đưa đón các tuyên úy. Không phải dễ, có việc phải mất cả năm trước.

Trung tâm Espace Montcalm trước đây là là Đại Chủng Viện của Giáo phận Vannes. Có lúc lên đến ba trăm Đại Chủng Sinh học tập tại đây. Vì thế cơ sở rộng, có parking rộng, tha hồ đậu xe, phòng ốc được tân trang theo luật hiện hành. Trung tâm dành cho Tuyên Úy đoàn phòng họp sinh hoạt thoải mái. Hai bên bàn chủ tọa, có hình Đức Mẹ La Vang và hình tượng 117 Anh Hùng Tử Đạo VN, do một điêu khắc gia thực hiện dịp mừng kỷ niệm 30 năm Phong Thánh.

Chương trình ba ngày dầy đặc, gồm 3 phần chính :

A. Phụng Vụ

Mỗi ngày có Thánh Lễ và Kinh Phụn Vụ : kinh sáng, chiều và tối. Trong lễ, các Tuyên úy thương nhớ và cầu nguyện cho các Tuyên Úy đã ra đi như ĐÔ Mai Đức Vinh (cựu Giám đốc GXVN Paris), cha Vũ Văn Thơ (cựu Tuyên úy cộng đoàn Châteauroux) hay những người thân của các Tuyên úy như ông cố Gioan Vianê Vũ Công Pháp, thân sinh cha Vũ Minh Sinh.

Các Tuyên úy không quên cầu nguyện cho cha Gioan Baotixita Etcharren, cựu Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris, và cũng là một người rất có công giúp đỡ Giáo Hội VN.

Từ hừng sáng tôi đã khẩn cầu.
Lạy Chúa Trời tôi, Đức Chúa tôi.
Này thần trí tôi những khao khát Người
Hồng ân Người vượt trên sự sống
Miệng lưỡi tôi tụng ca Chúa hoài.
Đôi tay hằng nâng tới Danh Người
Để chúc tụng ngợi khen trọn đời

(Lm Kim Long. Từ Hừng Đông)

Riêng chiều 13.10, có Chầu Thánh Thể, những giây phút thinh lặng trước Thánh Thể là dịp thân thưa với Chúa về trách nhiệm trong tinh phục vụ đoàn chiên mà Ngài giao phó, tạ ơn, xin ơn, xin cho quên mình mà chỉ nghĩ đến anh em.

B. Việt Nam với Việt Nam (ngày 12.10. 2021, nói tiếng Việt)

Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Quang, Dòng Tên, thuyết trình về đề tài của đại hội : ‘Mục Vụ Đồng Hành Thiêng Liêng’. Dàn bài: 1) Định nghĩa. 2) Đồng hành thiêng liêng (căn cứ vào tông huấn Gaudium Evangeli). 3) Một con đường đồng hành. 4) Người đồng hành trở thành Môn đệ của Chúa.

Sau phần lý thuyết là phần hỏi-trả lời, rất thích thú. Kế đến có 4 bài tập, hay và thực tế: 1) Giao tiếp. 2) Không biết phải làm sao. 3) Tiếp chuyện. 4) Lắng nghe (đề tài rút thăm). Buổi nói chuyện này mới chỉ “chấm phá” thôi. Cần học hỏi thêm…để hiểu hết việc đồng hành thiêng liêng hữu ích trong bốì cảnh bệnh dịch Covid hiện nay làm bao người hoang mang, lo sợ, cần được giúp đỡ.

Được biết Cha Quang đã viết 8 tác phẩm, mỏng 158 trang, dầy 560 trang. Và nhiều bài báo trong Dòng Tên (theo Bibliographie, chính cha phổ biến). Trong năm, Cha còn tổ chức các khóa tiếng Việt hay Pháp tại trụ sở Dòng Tên, Marseille, hay các nơi khác. Như: Écouter l’autre et parler de soi (10 người). Trở nên chính mình để sống cộng đồng (10 người)

C. Việt Nam với Pháp (ngày 13.10.20221, nói tiếng Pháp)

Buổi sáng, ĐC Raymond Centène bận đi hành hương Lộ Đức với phái đoàn Giáo phận. Cha Tổng Đại Diện Philippe le Bigot, đến thăm các Tuyên úy và chia sẻ về ‘Đường hướng di dân trong Giáo Phận’. Cha nhấn mạnh cần phải dấn thân và tìm người cộng tác, mới có kết qủa mong muốn.

Vì Cha Tổng Đại diện bận, cha Carlos Caentano giám đốc UB Mục Vụ Ngoại Kiều chủ lễ. Sau thánh lễ có bữa cơm đặc sản quê hương do cộng đoàn Vannes khoản đãi. Phòng ăn thoáng mát lại thêm đầy tình người. Khó quên.

Buổi chiều, Cha Carlos Caentano và bà Annie Josse, Mục Vụ Ngoại Kiều nói về ‘Thượng Hội Đồng về Hiệp Thông trong Giáo Hội’ (Synode sur la Synodalité dans l’Eglise) mà ĐTC đã kêu gọi các Giáo Phận trên thế giới phải chuẩn bị cho THĐ các GM năm 2023. Thời gian chuẩn bị bắt đầu từ 17.10. 2021, với chủ đề : Vì một Giáo Hội mang tình Hiệp hành : Hiệp Thông- Cộng Tác- Truyền Giáo (Pour une Eglise synodale : Comunion, Participation, Mission). Cha Carlos kêu gọi các cộng đoàn VN nện tham gia vảo các giai đoạn chuẩn bị để có tiếng nói người ngoại kiều. Hai video ngắn của cha Hugues de Voillemont, Tổng Thơ Ký HĐGM Pháp và ĐHY Mario Grech, Tổng Thơ Ký của THĐ các GM, giúp tìm hiểu lý do chuẩn bị này. Sau buổi chuyện có 3 câu hỏi thảo luận :1) Những kinh nghiệm trong cộng đoàn. 2) Vui buồn, trở ngại, thương tổn. 3) Ơn Chúa Thánh Thần bện trong nâng đỡ mục vụ.

Du ngoạn, chiều 14.10.2021, Vannes là miền biển, vùng Normandie, Le Havre và Saint-Malo khí hậu mát, nước biển trong xanh ấm áp. Miền có những làng đẹp nhất nước Pháp. Để khám phá miền biển này, cha Lượng đã tổ chức cho các Tuyên Úy du thuyền gần 2 tiếng đồng hồ. Gió biển trong lành, cứ muốn ngồi mãi trong du thuyền ngắm cảnh đầy thơ mộng không muốn lên bờ. Khen ai khéo chọn du ngoạn lần này.

Tối 14.10. 2021, trước ngày chia tay, các Tuyên Úy vui tình anh em, mừng Cha Giuse Vũ Thái Hòa (Rennes) 30 năm Linh mục, Cha Gilbert Nguyễn Kim Sang (Paris) 25 năm Linh mục và Cha Antôn Nguyễn Thái Bình (Rouen) 10 năm Linh mục. Ba sơ thuộc Tu Hội Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ múa tặng các Tuyên Úy bài về ‘ơn gọi’, tuyệt vời. Sau đó, văn nghệ ‘bỏ túi’ kết thúc Đại Hội. Năm tới, 2022, các tuyên úy sẽ gặp nhau tại Marseille.

Kết luận bằng lời cảm tạ về hồng ân Chúa ban và xin ơn trung thành trong ơn gọi. Xin cho có thêm thợ gặt nhiệt thành đáp ứng nhu cầu cánh đồng truyền giáo cấp bách hiện nay. Nhất là thêm can đảm sức mạnh làm tôi Chúa.

Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi
Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường.
Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng
Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười
Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới
Loan tình thương tình thương Chúa Trờ
Loan niềm vui cứu đời, cho mọi người và mọi nơi.

Trong vùng Vannes, Bretagne, từ trung tâm Espace Montcalm, nơi tổ chức đại hội Tuyên Úy đoàn vừa rồi, đi xe khoảng 25 phút, có trung tâm hành hương Sainte-Anne- d’Auray (9 rue de Vannes, 56400 Sainte-Anne-d’Auray). Nơi đây, vào những năm 1623-1625, thánh Anne đã hiện ra nhiều lần với nông dân Yvon Nicolazic (Pluneret, 1591-1645) trong ngôi làng nhỏ tên là Ker Anna, trong cánh đồng Boscenno. Yvon có vợ là Guillemetta Leroux, chưa có con, sau này có 2 con. Tại làng này Thánh Anne chỉ cho Yvon, tìm thấy Thánh tích của Thánh Anne bị vùi dưới đất vì cách mạng Pháp. Thánh Tích của Thánh Anne hiện có trưng bày bên bàn thờ cạnh, tay phải của Thánh Đường, trên bàn thờ có tượng Thánh Anne dẫn Đức Mẹ Maria và tượng gỗ ông Yvon qùi dưới chân bàn thờ. Năm Thánh Anne hiện ra, ông Yvon mới 34 tuổi. Năm 1636, Ông mới gia nhập Giáo Hội. Hồ sợ xin phong thánh cho Yvon khởi sự từ 1937, làm lại 1997 và gửi về Vatican, 2000, do ĐC François Mathuas Gouvés.

Khuôn viên trung tâm hành hương rộng như Lộ Đức, có Vương Cung Thánh Đường, tức ngôi làng xưa với nhà của ông Yvon Nicolazic và tới 14 căn nhà nhỏ ghi dấu vết sự việc xẩy ra nơi làng cũ năm xưa. Ngày 20.9.1996, Thánh GH Gioan PhaolôII đã dến viếng Vương Cung Thánh Đường nguy nga này với 150. 000 khách hành hương. (Viết theo tài liệu phổ biến)

Phó Tế Phạm Bá Nha

 
VietCatholic TV
Cẩn thận: Sa tan tung chiến dịch tuyển mộ đầy tớ. Nghĩa vụ cầu nguyện cho những người quá cố
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:28 20/10/2021


1. 'Một triệu trẻ em lần chuỗi Mân Côi': Trẻ em tham gia sáng kiến lần hạt được lấy cảm hứng từ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh

Trẻ em ở Nam Sudan, Miến Điện và Liban đã tham gia một sáng kiến trên toàn thế giới để kêu gọi một triệu trẻ em đọc kinh Mân Côi vào ngày 18 tháng 10 năm nay.

“Một triệu trẻ em lần chuỗi Mân Côi” là một chiến dịch cầu nguyện của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ được tổ chức hàng năm vào ngày lễ Thánh Luca.

Năm nay, tổ chức đã cung cấp các bài suy niệm về các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi cho trẻ em bằng 24 ngôn ngữ, cùng với các trang màu có thể in ra được và lời cầu nguyện với Thánh Giuse.

Hơn 100,000 trẻ em từ 44 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Kenya, Ấn Độ, Colombia và Phi Luật Tân, đã ghi danh tham gia chiến dịch Mân Côi, theo một bản đồ trực tuyến do ACN công bố.

Trong số các giáo phận tham gia có một cộng đồng Công Giáo ở Miến Điện. Một nhà lãnh đạo Công Giáo từ quốc gia Đông Nam Á đã viết thư cho ACN nói rằng chuỗi hạt Mân Côi là nguồn sức mạnh giữa những thời điểm khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt sau khi trải qua một cuộc đảo chính.

“Tình hình đã tồi tệ trong nhiều tháng nay. Đại dịch cũng khá nghiêm trọng trong khu vực của chúng tôi. Tất cả các ngôi làng đều bị khóa. Cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi hàng ngày là nguồn sức mạnh duy nhất về thể chất và tâm lý trong các ngôi làng,” vị giáo sĩ Miến Điện, người muốn giấu tên vì lý do an ninh cho biết như trên.

“Giáo phận của chúng tôi sẽ tham gia cùng anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em và cho những ý cầu nguyện của anh chị em. Tôi luôn biết ơn anh chị em vì tất cả sự quan tâm, tình yêu thương, lòng tốt và sự hỗ trợ hào phóng,” ngài nói.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ là một tổ chức giáo hoàng, được thành lập vào năm 1947, chuyên giúp đỡ các tín hữu Kitô bị đàn áp trên khắp thế giới.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza, chủ tịch của ACN, nói rằng chiến dịch Kinh Mân Côi năm 2021 tìm cách khuyến khích trẻ em cầu nguyện “nắm chặt tay Đức Mẹ và dưới sự bảo vệ của Thánh Giuse.”

Ngài nói rằng Thánh Giuse là “một tấm gương tuyệt vời cho chúng ta về cách Thiên Chúa có thể biến mọi sự trở nên tốt đẹp thông qua lời cầu nguyện của chúng ta, lòng trung thành và sự tuân theo Lời Ngài.”

Sáng kiến kinh Mân Côi ACN bắt nguồn từ thủ đô Caracas của Venezuela vào năm 2005. Theo trang web chính thức, trẻ em đang cầu nguyện chuỗi hạt tại một ngôi đền bên cạnh khi “một số phụ nữ tham dự cảm thấy sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria thật mạnh mẽ.”

Họ nghĩ ngay đến lời hứa của Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh: Khi một triệu trẻ em lần hạt Mân Côi, thế giới sẽ thay đổi.

Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh được biết đến với lòng sùng kính sâu sắc khi đọc kinh mân côi hàng ngày. Người ta thường thấy vị linh mục dòng Phanxicô quê ở Pietrelcina, Ý với tràng hạt quấn quanh tay và có những tràng hạt khác dưới gối và trên tủ đầu giường.

Hai ngày trước khi qua đời vào năm 1968, Cha Pio đã khuyến khích những người con thiêng liêng của mình lần hạt Mân Côi và nói rằng: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và làm cho Mẹ được yêu mến. Hãy đọc kinh Mân Côi và hãy đọc luôn và nhiều nhất có thể”.

2. Suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cầu nguyện cho các linh hồn đã chết vì coronavirus

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân tháng các linh hồn sắp tới, đặc biệt là trong bối cảnh có quá nhiều người bị thiệt mạng vì coronavirus tại quê hương Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cầu nguyện cho các linh hồn đã chết vì coronavirus.

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã chết, những người mất mạng vì virus. Cách riêng, tôi muốn chúng ta cầu nguyện cho các nhân viên y tế đã chết trong những ngày này. Họ đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ người bệnh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung các suy tư của ngài về bài Tin mừng trong ngày, và nhắc nhớ rằng Thiên Chúa của chúng ta luôn gần gũi với dân Người và trong những thời điểm khó khăn như thế này, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta phải gần gũi với nhau.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 5, 17-19)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chủ đề của hai bài đọc hôm nay là Lề Luật. Luật pháp mà Chúa ban cho dân của mình. Luật pháp mà Chúa muốn ban cho chúng ta và Chúa Giêsu muốn mang đến sự hoàn hảo tối thượng. Điều thu hút sự chú ý của chúng ta là cách mà Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài. Trên thực tế, Môisê đã ngạc nhiên trước sự gần gũi của Thiên Chúa và không có quốc gia nào khác có Thiên Chúa của mình gần gũi như Chúa, Thiên Chúa của chúng ta bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài. Ông Môisê nói: “Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài bằng cách đến gần họ. Lề Luật Chúa không phải là một bản liệt kê các luật lệ được đưa ra bởi một nhà cai trị, là người xa cách người dân, hay bởi một nhà độc tài. Và chúng ta biết qua mặc khải rằng sự gần gũi của Thiên Chúa là sự gần gũi của một người cha đồng hành cùng với dân Ngài, ban cho họ Lề Luật như một ân sủng. Thiên Chúa luôn gần gũi với dân Ngài.

Chúa bảo vệ dân Ngài trong cuộc hành trình xuyên qua sa mạc dưới hình dạng các đám mây và các cột lửa. Thiên Chúa đồng hành cùng với dân Ngài trong cuộc hành trình.

Thiên Chúa không phải là một vị thần để lại những quy định pháp luật bằng văn bản và sau đó bỏ đi. Ngài viết ra các Lề Luật bằng ngón tay của mình trên đá. Rồi Ngài ban cho dân khi trao cho ông Môisê. Ngài không ném cho họ và sau đó bỏ đi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng con người có một xu hướng được thể hiện trên những trang đầu tiên của Kinh thánh. Chúa càng đến gần, chúng ta càng có xu hướng xa cách Ngài. Cách đầu tiên để xa cách Chúa là chúng ta là che giấu bản thân, cách thứ hai là giết người khác như Cain đã làm.

Tội lỗi dẫn chúng ta đến việc trốn tránh Thiên Chúa, không muốn gần Ngài. Vì vậy, nhiều lần chúng ta chấp nhận một thứ thần học nghĩ rằng Thiên Chúa là một vị thẩm phán. Và thế là tôi bỏ trốn, vì tôi sợ. Sợ hãi là phản ứng ức chế mọi sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa. Con người khước từ sự gần gũi của Chúa. Chúng ta muốn được quyền kiểm soát các mối quan hệ. Các mối quan hệ luôn mang theo một số loại tổn thương nào đó. Khi Chúa đến gần chúng ta Ngài làm cho mình nên yếu đuối. Và Ngài càng đến gần, Ngài càng yếu đuối. Khi Ngài đến sống giữa chúng ta, Ngài làm cho chính Ngài trở thành phàm nhân, là một trong chúng ta. Ngài làm cho mình nên yếu đuối. Ngài mang điểm yếu đó đến độ phải chết, với một cái chết tàn khốc nhất.

Sự gần gũi của Thiên Chúa thể hiện sự khiêm nhường của Ngài. Đức Chúa Trời làm nhục chính Ngài để đến với chúng ta, để giúp chúng ta. Như Môisê đã nói, Ngài không phải là một vị thần ở đâu đó trên thiên đàng. Ngài ở ngay trong nhà chúng ta. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều này. Chúa Giêsu, Thiên Chúa hóa thành nhục thể, đồng hành với các môn đệ Ngài, dạy bảo họ và sửa sai họ một cách từ ái. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta gần gũi với nhau hơn là xa cách nhau.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng có nhiều cách gần gũi nhau, vượt xa sự gần gũi về mặt thể lý.

Trong thời điểm khủng hoảng vì đại dịch mà chúng ta đang gặp phải, sự gần gũi này đòi hỏi phải được biểu hiện nhiều hơn nữa. Có lẽ chúng ta không thể gần gũi với người khác vì sợ lây bệnh, nhưng chúng ta có thể khơi dậy thói quen gần gũi với người khác qua lời cầu nguyện, và sự giúp đỡ lẫn nhau. Có biết bao những cách thức đa dạng để gần gũi với nhau trong hoàn cảnh này.

Lý do tại sao chúng ta phải gần gũi nhau là vì Chúa đã tự mình đến gần để đồng hành cùng chúng ta. Phần gia nghiệp mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa là thế này: chúng ta là những người lân cận với nhau, chúng ta không sống biệt lập.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng gần gũi nhau, không lẩn trốn, không rửa tay như Cain đã làm.

3. Có những kẻ thích làm đầy tớ của Satan

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #141: Servants of Satan”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 141. Những đầy tớ của Satan”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Tôi luôn ngạc nhiên khi gặp những người sẵn sàng hiến thân phục vụ cho Satan. Có những người đấu tranh chống lại các chước cám dỗ nhưng chẳng may sa vào vòng xoáy tội lỗi của Satan. Nhưng cũng có những kẻ sẵn sàng đi theo nó. Đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Cha của những lời dối trá không mong gì hơn khi gặp những kẻ sẵn sàng đi theo nó. Satan do lòng kiêu ngạo, đã tìm cách trở thành thượng đế và muốn mọi người phục vụ mình. Vì vậy, nó đã cám dỗ Chúa Giêsu rằng: “Tất cả các nước trên thế gian này, Ta sẽ ban cho ngươi, nếu ngươi chịu sấp mình thờ lạy Ta” (Mt 4: 9).

Trong vài tuần qua, chúng tôi đã trực tiếp đụng độ với một nhóm theo giáo phái Satan. * Họ đã chiêu mộ tín đồ bằng cách đe dọa và ép buộc. Họ đã hung hăng chửi bới và thao túng các phụ nữ trẻ. Chúng tôi đã hỗ trợ một người đang dũng cảm kháng cự. Một số kẻ theo giáo phái Satan đã bị bắt, nhưng còn nhiều kẻ vẫn đang nhởn nhơ bên ngoài.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là có thể xác nhận một cách rõ rệt sự hợp tác của các thành viên giáo phái này với Satan. Họ có các kiến thức huyền bí liên quan đến mục tiêu của họ do ma quỷ cung cấp, và họ sử dụng nó để quấy rối và thao túng mọi người. Rõ ràng rằng hành động của họ cuối cùng là do những con quỷ cấp cao chỉ đạo, những hình xăm và hình ảnh được hiển thị nổi bật trên cơ thể và nơi ở của họ chứng minh cho nhận định này.

Một trong những thành viên giáo phái bị bắt đã tuyên bố đang nhận được “ân huệ tình dục” từ một gái mại dâm đã sa xuống địa ngục. Thực ra, điều này không phải là không thể. Mặc dù ma quỷ không có cơ thể và không thể quan hệ tình dục thể xác với con người, nhưng chúng có thể thao túng tâm trí con người và kích thích tình dục (xem Nhật ký # 127).

Thứ hai, chúng tôi đã gặp những phù thủy cũng có kiến thức huyền bí, những lời nguyền rủa và hành hạ con người. Họ cũng liên minh với Satan. Họ nhận được kiến thức huyền bí từ những con quỷ chỉ đạo hành động phù thủy, và làm cho lời nguyền của họ trở nên mạnh mẽ.

Thứ ba, nhóm của chúng tôi đã chạm trán với hai tay sai của Satan, không hề quen biết nhau, chúng đã đi riêng rẽ từ các tiểu bang khác để nhắm vào một cá nhân cụ thể trong khu vực của chúng tôi. Rõ ràng là họ đang thực hiện một nhiệm vụ cụ thể từ Satan và sử dụng kiến thức huyền bí của mình để tìm và quấy rối một người thánh thiện, người có năng lực làm thất bại kế hoạch của Satan. Nói về cô ấy, một trong những con quỷ đã thốt lên, “Cô ấy đang làm hỏng những nỗ lực của chúng tôi!”

Trong mỗi trường hợp này, Satan có những mục tiêu cụ thể trong tâm trí. Nó chỉ đạo các tay sai của mình thực hiện ý muốn của mình và tiếp sức cho những hành động xấu xa của chúng nhờ sự giúp đỡ của những con quỷ nhỏ hơn. Cho đến nay, các nỗ lực này của những người phục vụ Satan đều vô ích. Những cá nhân bị tấn công đã thành công đến với Chúa thật sự để được giúp đỡ. Satan cám dỗ và quấy rối, nhưng Chúa Giêsu đã cứu họ.

Nhưng tôi tớ của Satan là gì? Liệu Vua Địa Ngục có biết ơn và ban thưởng cho họ không? Satan là một kẻ rất tự ái. Nó chỉ làm những gì phục vụ cho nó; không có lòng biết ơn. Nó còn là một kẻ tàn bạo có được khoái cảm từ việc thống trị, chiếm hữu và hành hạ. Những ai phục vụ Satan trên trái đất này có thể được hứa ban cho phần thưởng lớn, nhưng cuối cùng, tất cả những gì nó có thể cung cấp cho họ là đau đớn, dằn vặt và tuyệt vọng. Satan không có gì khác để cho.

Một số tỏ ra nghi ngờ trước những tiết lộ này về tay sai của Satan. Tôi chỉ có thể nói rằng đây là những kinh nghiệm trực tiếp của chúng tôi. Một người từng bị phù thủy nguyền rủa đã nói với tôi, “Tôi sẽ không bao giờ tin điều đó cho đến khi chính tôi trải nghiệm nó.” Gia đình của các thành viên trong giáo phái Satan cũng bị choáng váng trước sự hợp tác có tổ chức giữa ma quỷ và tay sai của Satan trong việc tấn công họ.

Cá nhân tôi, tôi thất vọng khi gặp phải những người sẵn sàng phục tùng mình cho Hoàng tử bóng tối. Sao họ có thể mù quáng như vậy? Đối với những người phục vụ Satan, bất chấp những lời hứa ngược lại, họ sẽ không bao giờ có một kết thúc tốt đẹp.

*Đáng buồn thay, giáo phái Satan này nằm trong quân đội. Tôi được biết rằng giáo phái Satan là một giáo phái được công nhận trong quân đội Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ những Người sáng lập ra Quốc gia của chúng ta lại có suy nghĩ như vậy khi họ đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo.


Source:Catholic Exorcism
 
Diễn biến bất thường: ĐTC phản ứng ra sao khi đứa bé xông lên khán đài, và đòi lấy mũ sọ của ngài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:34 20/10/2021


Lúc 9:15 phút sáng thứ Tư 20 tháng 10 theo giờ Rôma, tức là 2:15 chiều giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần với các tín hữu. Trong buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh rằng ý tưởng hiện đại về tự do còn thiếu một thứ gì đó.

Phát biểu tại buổi tiếp kiến chung tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, Đức Giáo Hoàng nói rằng đại dịch coronavirus đã bộc lộ một lỗ hổng trong quan niệm về tự do đang thống trị xã hội.

Ngài nói: “Chúng ta biết rằng một trong những quan niệm hiện đại phổ biến nhất về tự do là: 'Sự tự do của tôi kết thúc khi tự do của bạn bắt đầu.' Nhưng ở đây thiếu mối quan hệ! Suy nghĩ như thế một tầm nhìn theo chủ nghĩa cá nhân”.

“Mặt khác, những người đã nhận được ân sủng tự do được Chúa Giêsu trao ban không thể nghĩ rằng tự do bao gồm việc tránh xa những người khác, như thể họ là một mối phiền toái; con người không thể được coi là một hữu thể giới hạn trong chính mình, nhưng luôn luôn là một phần của cộng đồng. Chiều kích xã hội là nền tảng đối với các Kitô Hữu, và nó cho phép họ hướng đến thiện ích chung chứ không phải tư lợi cá nhân”.

Ngài nói tiếp: “Đặc biệt trong thời điểm lịch sử này, chúng ta cần phải khám phá lại chiều kích tự do của cộng đồng, không phải thứ tự do theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng là tự do mang tính cộng đồng. Đại dịch đã dạy chúng ta rằng chúng ta cần nhau, nhưng biết điều này thôi thì chưa đủ đâu; chúng ta cần phải lựa chọn điều đó một cách hữu hình, và quyết định đi trên con đường đó, mỗi ngày”.

“Chúng ta hãy nói và tin rằng những người khác không phải là trở ngại cho sự tự do của tôi, mà họ là khả năng để nhận ra điều đó một cách trọn vẹn. Bởi vì tự do của chúng ta được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa và lớn lên trong lòng bác ái”.

Bài phát biểu được phát trực tiếp của Đức Thánh Cha, dành riêng cho chủ đề “Tự do được thực hiện trong tình yêu,” là bài phát biểu thứ 12 trong chương trình dạy giáo lý của ngài về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát.

Khi bắt đầu buổi tiếp kiến, các linh mục đã đọc thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Galát chương 5: hai câu 13 và 14 bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, một đoạn trong đó vị Tông đồ kêu gọi các tín hữu Kitô không lạm dụng tự do của mình mà thay vào đó “trở thành nô lệ cho nhau” qua tình yêu thương.

Khi những lời này được đọc bằng tiếng Đức, một cậu bé mặc bộ đồ thể thao màu đen, đeo kính và đeo khẩu trang y tế đến gần Đức Thánh Cha Phanxicô. Cậu bé mỉm cười và nắm chặt tay ngài. Đức Ông Leonardo Sapienza, nhiếp chính của Phủ Giáo hoàng, người thường ngồi bên phải Đức Giáo Hoàng trong các buổi tiếp kiến chung, đứng dậy và nhường ghế cho cậu bé.

Đứa trẻ ngồi một lúc, sau đó đứng lên và chỉ vào chiếc mũ zucchetto của Đức Giáo Hoàng. Một lúc, cậu bé toan giật chiếc mũ nhưng Đức Giáo Hoàng đã giữ chặt lại. Sau đó, cậu bé còn dẫn vị linh mục phụ trách đọc các bản văn bằng tiếng Bồ Đào Nha đến chỗ Đức Giáo Hoàng và yêu cầu vị linh mục lấy chiếc mũ sọ của Đức Giáo Hoàng trao cho cậu ta. Cuối cùng, cậu bé bước xuống khỏi khán đài một cách đắc thắng và tự hào vì có ai đó đã cho cậu một chiếc zucchetto.

Đức Giáo Hoàng bắt đầu bài huấn dụ của mình bằng cách ứng khẩu trình bày các suy tư về hành động của cậu bé.

Ngài nói: “Trong những ngày này, chúng ta đang nói về tự do đức tin, trong khi lắng nghe Thư gửi tín hữu Galát. Nhưng tôi nhớ lại những gì Chúa Giêsu đang nói về tính tự phát và tự do của trẻ em, khi đứa trẻ này có quyền tự do đến gần và di chuyển như thể nó đang ở nhà... Và Chúa Giêsu nói với chúng ta: 'Cả anh em nữa, nếu anh em không nên như những trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Thiên đàng’”.

“Sự can đảm đến gần Chúa, cởi mở với Chúa, không sợ hãi Chúa: Tôi cảm ơn đứa trẻ này về bài học mà nó đã cho tất cả chúng ta. Và cầu xin Chúa giúp cậu bé trong sự hạn chế của cậu, trong sự trưởng thành của cậu bé bởi vì cậu ta đã đưa ra lời chứng này đến từ trái tim của mình. Trẻ em không có một phiên dịch tự động từ trái tim đến cuộc sống: trái tim luôn dẫn đầu”.

Trong bài giáo lý của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng trong lá thư của mình, Thánh Phaolô tiết lộ “sự mới lạ tuyệt vời của đức tin.”

Ngài nói: “Đó thực sự là một điều mới lạ tuyệt vời, bởi vì nó không chỉ đổi mới một vài khía cạnh của cuộc sống, mà còn dẫn dắt chúng ta vào 'cuộc sống mới' mà chúng ta đã nhận được khi chịu phép Rửa Tội”.

“Ở đó, món quà lớn nhất, đó là được trở thành con cái của Thiên Chúa, đã được tuôn đổ cho chúng ta. Được tái sinh trong Chúa Kitô, chúng ta đã chuyển từ một tôn giáo được tạo thành từ các giới luật sang một đức tin sống động, có trung tâm là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta, nghĩa là, đang yêu. Chúng ta đã vượt khỏi tình trạng nô lệ cho sự sợ hãi và tội lỗi để đến với sự tự do của con cái Chúa “.

Ngài lưu ý rằng Thánh Phaolô định nghĩa tự do là cơ hội để phục vụ người khác, thay vì tuân theo những động lực ích kỷ.
Source:Catholic News Agency
 
Các GM Mỹ thắc mắc: Cảnh sát New York nổi danh như thế lại không bắt được người đàn bà phá tượng?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:12 20/10/2021


1. Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đảo Lesvos vào tháng tới

Hòn đảo Mytilini được đưa vào danh sách các điểm đến trong chuyến công du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô. Hãng thông tấn Athens-Macedonian vừa cho biết như trên.

Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Hy Lạp dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.

Để chuẩn bị cho chuyến thăm, các Hồng Y sẽ đến hòn đảo vào thứ Năm tuần này cùng với các quan chức Bộ Di trú và Tị nạn Hy Lạp. Họ sẽ đến thăm trại tị nạn tạm thời Mavrovouni trên đảo Kara Tepe, nằm trong hành trình của Đức Giáo Hoàng khi đến thăm Hy Lạp.

Trong khi đó, Tổng Giám mục Công Giáo của Quần đảo Aegean Iosif Printesis, bao gồm các đảo Naxos, Tinos, Andros và Mykonos, đã đến Lesvos hôm thứ Tư.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Lesvos lần cuối vào tháng 4 năm 2016, khi ngài gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Tổng Giám mục Athens & Toàn Hy Lạp Hieronymos.

Trong một diễn biến khác, Tòa thánh đã tham gia vào một nhóm công tác về chống buôn người di cư do Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và các Tội phạm tổ chức.

Tòa thánh đã bày tỏ lo ngại về “các khoản thanh toán không được kiểm soát thông qua việc sử dụng tiền điện tử không được kiểm soát trong việc buôn lậu người di cư”.


Source:Arma

2. Qui luật chính thức đầu tiên về thỉnh nguyện viên phong thánh

Từ ngày 11/10 vừa qua, bản qui luật đầu tiên về các thỉnh nguyện viên án phong thánh do Bộ này ban hành bắt đầu có hiệu lực.

Cho đến nay, chỉ có các tập chỉ nam do chính các thỉnh nguyện viên phong thánh soạn thảo, với sự cộng tác của một số chức sắc của Bộ Phong thánh và nay lần đầu tiên có bản qui luật chính thức, đã được đệ trình Đức Thánh Cha và ngài cho phép Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh ban hành.

Có hai điểm mới nhất về các vị thỉnh nguyện viên đó là: mỗi thỉnh nguyện không được đảm trách quá 30 án phong; tiếp đến các Hồng Y, giám mục, viên chức của Bộ Phong thánh cũng như các cố vấn thần học, và cố vấn sử học, các bác sĩ của Bộ không thể được bổ nhiệm làm thỉnh nguyện viên án phong thánh.

Qui luật cũng xác định thỉnh nguyện viên án phong là người thay mặt chủ án, tức là các giáo phận, các dòng tu, đứng ra theo dõi và xúc tiến án phong. Qui luật cũng nói về vai trò của thỉnh nguyện viên trong giai đoạn ở giáo phận, sau đó trong giai đoạn Roma nơi Bộ Phong thánh. Qui luật cũng xác định vai trò của vị này trong các án xin phong chân phước, hiển thánh, hoặc xin phong tước hiệu “Tiến sĩ Hội thánh”.

Sau cùng, bản qui luật kết thúc với những nhận xét về vai trò của vị thỉnh nguyện viên phong thánh đối với các thánh tích và di hài của các vị chân phước và hiển thánh.

Hiện nay, tại Bộ Phong thánh có hơn 2.000 án phong chân phước và hiển thánh đang được cứu xét.
Source:Catholic News Agency
3. Một trăm vụ phá hoại được báo cáo tại các nhà thờ Công Giáo ở Hoa Kỳ kể từ tháng 5 năm 2020

WASHINGTON - Vào tháng 5 năm 2020, Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) bắt đầu theo dõi các vụ tấn công, đốt phá, và vẽ bậy tại các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ. Ngày 10 tháng 10 đánh dấu sự cố thứ 100: satan và những hình vẽ bậy bạ đầy thù hận khác được vẽ nguệch ngoạc trên tường trước Thánh lễ Chúa Nhật tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver, Colorado.

Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, và Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Những vụ phá hoại này giao động từ bi thảm đến tục tĩu, từ minh bạch đến không thể giải thích được. Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về hiện tượng này, nhưng ít nhất, chúng nhấn mạnh rằng xã hội của chúng ta đang rất cần ân sủng của Thiên Chúa”.

“Trong mọi trường hợp, chúng ta phải tiếp cận với thủ phạm bằng lời cầu nguyện và sự tha thứ. Đúng là trong một số trường hợp động cơ là sự đáp trả cho một số lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải hòa giải. Cũng có các trường hợp trong đó có sự hiểu lầm về giáo lý của chúng ta, gây ra sự tức giận đối với chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải cung cấp sự giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, những trò phá hủy này phải dừng lại. Đây không phải là cách.”

“Chúng tôi kêu gọi các quan chức được bầu của chúng tôi bước ra và lên án những vụ tấn công này. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta đã điều tra những vụ này và thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn tổn hại thêm. Chúng tôi cũng kêu gọi các thành viên cộng đồng giúp đỡ. Đây không phải là tội phạm tài sản đơn thuần - đây là sự tấn công nhằm hạ giảm những biểu hiện hữu hình đức tin Công Giáo của chúng ta. Đây là những hành động gây thù hận”.

Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB và Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn trước đây đã ban hành một tuyên bố về hành vi phá hoại các ngôi thánh đường vào ngày 22 tháng 7 năm 2020.

Dự án “Chữa lành vẻ đẹp” của Ủy ban Tự do Tôn giáo, được khởi động để phản ứng với việc phá hủy các bức tượng Công Giáo, có các videos từ các giáo phận khác nhau thảo luận về tầm quan trọng của nghệ thuật thánh.

Các ủy ban đang vận động để tăng cường tài trợ cho Chương trình Tài trợ An ninh Phi lợi nhuận của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.


Source:USCCB