Ngày 20-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chuá Nhật 30 TN C : Sự tưởng lầm
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
09:50 20/10/2016
CN 30C TN : SỰ TƯỞNG LẦM

(dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện)

Trong đời thường, con người vẫn dễ tưởng lầm. Có những cái lầm bé, nhưng cũng có những “bé cái lầm,” tức là những cái lầm lớn, lầm không ngờ. Nên ngạn ngữ La-tinh mới có câu “errare est humanum”: lầm lẫn là bản tính của con người. Nếu trong cuộc sống đời tạm ta hay lầm lẫn thì với cuộc sống đời đời, tức cuộc sống trong tương giao với Chúa, chúng ta vẫn có thể không thoát khỏi tưởng lầm. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện : một người biệt phái, một người sở thuế, ta đã nghe nhiều. Và ta cũng đã được rút ra nhiều bài học từ dụ ngôn này, như bài học về cầu nguyện, khiêm nhường, tư thế cầu nguyện. Hôm nay tôi xin rút ra một bài học khác: bài học “tưởng lầm”.

Người biệt phái đã tưởng lầm thế nào về mình trong tương giao với Chúa ? Và người biệt phái đã tưởng lầm thế nào về người khác cũng trong tương giao người đó với Chúa ?

1. Tưởng lầm về mình.

Đây là tưởng lầm về mình trong tương giao với Chúa tức là tưởng lầm về cuộc sống đời đời. Nghĩa là mình tưởng cứ xử sự như vậy với Chúa là mình sẽ được công chính hoá, được Nước Trời. Ta hãy nghe lời cầu nguyện 4 không 2 có của người biệt phái. 4 không : không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, và không như tên thu thuế kia (cái không cuối cùng này là cái không tai hại, mà ta sẽ nói sau). Và 2 cái có: có ăn chay và có nộp huê lợi một phần mười (1/10).

Hai cái có này đều vượt điều mà luật Môsê đòi hỏi: Luật buộc mỗi năm ăn chay một lần trong ngày xá tội Kippur, thì ông biệt phái ăn chay gấp 100 lần: mỗi tuần 2 (x 52) lần. Luật buộc nộp 1/10 hoa lợi, tức là những gì mình làm ra như rau cỏ, lúa má, bạc hà, vân hương (x. Mt 23,23; Lc 11,42) thì ông biệt phái này chứng tỏ mình không trùm sò với Chúa, mình nộp 1/10 cả những gì mình sắm được. Thay vì chỉ nộp thuế sản xuất thì nộp cho đền thờ cả thuế tiêu thụ luôn. Cái tưởng lầm của người biệt phái nằm ở chỗ tưởng Chúa thích lễ vật, quà cáp hay nói theo kiểu thời sự có thể hối lộ cho Thiên Chúa. Hối lộ là làm hơn điều cần làm. Thủ tục thì đòi như vậy, ta làm hơn thủ tục yêu cầu (tức là có cả thủ tục “đầu tiên”). Vậy là tưởng rằng thế nào cũng được nhận lời, thế nào cũng được việc. Và cái tưởng lầm của người biệt phái còn nằm ở chỗ tưởng rằng chỉ cần chu toàn bổn phận với Chúa là đủ, mà không cần biết gì đến người khác. Hay nếu biết đến, chỉ là biết để khinh chê. “Con tạ ơn Chúa vì con không như bao người khác” – nhất là không như tên thu thuế kia. 3 cái không còn lại: không tham lam, không bất chính, không ngoại tình… là khá tốt, nhưng chỉ mới dừng ở phạm vi tiêu cực, phạm vi “không” : không đụng tới ai, không làm hại ai, không phiền ai kể cả không cần tới ai nữa.

Hai cái có : không nhắc gì tới việc bác ái. Ăn chay hai lần mỗi tuần. Nếu ăn chay để có ý dành tiền làm việc bác ái, góp quỹ truyền giáo hay cứu lũ lụt.. thì hay biết mấy, còn ở đây ăn chay nhiều lần để thêm con số vào thành tích, cũng như nộp thuế cả những cái không phải nộp là nhằm có tên có tuổi trong danh sách những ân nhân của đền thờ.

2. Tưởng lầm về người khác :

Đây cũng là tưởng lầm về người khác trong tương giao người đó với Chúa. Người biệt phái tưởng lầm rằng chỉ có mình được công chính, còn người thu thuế tội lỗi kia thì không thể nào xớ rớ tới được ngưỡng cửa công chính, ngạch cổng Nước Trời. Và Chúa Giêsu đã nói cho ông biệt phái biết ông đã lầm : “Tôi nói cho các ông biết: người thu thuế đi về nhà đã được công chính, còn người kia (biệt phái) thì không.”

Người ta kể có một người sau thời gian dài ở luyện ngục mà vẫn chưa thanh luyện đủ, nhưng ngày kia được phép đi tham quan thiên đàng. Cảnh đẹp lạ lùng khiến ông ngất ngây. Nhưng trong khi đi ông chợt thấy một người quen quen (tức là người này đang ở trên thiên đàng). Lục lọi trí nhớ mãi, ông mới nghĩ ra đó là kẻ làm công cho ông ngày xưa mà có lần đã can phạm tội giết người. Sao anh ta lại được ở đây ? Ông vội đi tìm thánh Phêrô để phân bua : “Xin ngài hãy nhìn đến con, suốt đời con sống thật ngay thẳng, con không dám nói con thánh thiện, nhưng ít nhất con đã chẳng bao giờ nhờ vả ai, con luôn như vậy. Con chỉ đòi sự công bằng. Nếu con muốn có tiền, con đi làm. Con nhờ ai, con trả công. Con chỉ đòi quyền lợi phần con. Con chẳng thương ai mà cũng chẳng cần ai thương xót.”

Nghe thế, Phê-rô liền chặn lời: Vậy thì bây giờ là lúc con hiểu: “Có lúc con cần sự thương xót của Chúa !”

Người biệt phái tưởng lầm về Chúa, nên cũng lầm luôn về lòng thương xót của Ngài. Năm nay là Năm Lòng Thương Xót. Đối với những kẻ nài đến lòng thương xót của Chúa thì Chúa sẽ luôn xót thương. Lời cầu nguyện của người biệt phái không nài van gì đến lòng thương xót của Chúa, nên không được nhận lời. Còn lời cầu nguyện của người thu thuế thì “Lạy Chúa xin thương xót con, vì con tội lỗi”. Tức khắc được công chính.

Khi cuộc đời đã về chiều, sau bao bôn ba phục vụ Tin Mừng, thánh Phaolô càng nghiệm thấy rõ hơn: Được nên công chính, không phải do giữ luật, do công lao sự nghiệp, mà là do lòng thương xót của Chúa. Chị thánh Têrêxa Hài đồng thì dùng hình ảnh mà ta có thể coi như một cung âm của Tin Mừng. Chị thấy đường lên tới Chúa cao xa, nhiều bậc, chị nhắm đi không nổi, nên chị xin Chúa đưa chị lên bằng thang máy, nghĩa là Chúa cúi xuống bồng ngay chị vào lòng thương xót của Người.

Có một lời dạy của một vị thầy (Đạo sĩ) làm người nghe vừa bối rối vừa thích thú : “Thiên Chúa ở gần kẻ tội lỗi hơn là ở gần người thánh thiện.” Và thầy giải thích : “Thiên Chúa ở trên trời giữ mỗi người chúng ta bằng một sợi dây. Khi phạm tội, ta cắt đứt sợi dây ấy. Ta hối lỗi, Thiên Chúa nối lại làm thành một cái gút, như thế sợi dây ngắn hơn và ta gần Thiên Chúa hơn.”. Cứ thế, bao lần phạm tội là bấy lần cắt dây, ta hối hận, Thiên Chúa nối lại thành nút, sợi dây càng ngắn thêm và người tội lỗi hối cải lại gần Thiên Chúa hơn.

Xin Chúa cho chúng ta đừng tưởng lầm rằng mình thánh thiện, tưởng lầm rằng công lao mình lập được có thể hối lộ được Chúa, và cũng đừng tưởng lầm rằng kẻ tội lỗi làm sao mà hưởng được lòng xót thương của Chúa !

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:21 20/10/2016
51. BẰNG MẬT THÍCH HỒ.
Thời Nam Đường, Bằng Mật cùng với các lão thần trong nội các đọc sách tiêu khiển, lúc nói đến việc Đường Huyền Tôn chúc mừng và ban phong cho Hạ Trí Chương vùng đất Kính Hồ, Bằng Mật nói:
- “Sau này về hưu, nếu tôi được vùng sau của đất Hồ là có thể mãn nguyện lắm rồi.”
Người ngồi bên là Huyễn nói:
- “Chủ của tôi tôn trọng hiền tài kẻ sĩ, lẽ nào lại tiếc rẻ một Hồ sao ? Chỉ là thiếu hiền tài để có thể xứng đáng như Hạ Trí Chương mà thôi.”
Bằng Mật xấu hổ không thôi.
(Thiện Huyết tập)

Suy tư 51:
Con người ta, đôi lúc vì quá chú trọng đến quyền lợi của mình mà quên mất những tình cảm của người khác dành cho mình, mà tình cảm thì chắc chắn là quý giá hơn vật chất rất nhiều.
Có nhiều Ki-tô hữu vì quá chú trọng đến vật chất, nên khi cầu nguyện thì chỉ xin cho được giàu có, địa vị, vợ đẹp con ngoan, mà không cần chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ tình thương mà Thiên Chúa đã ban cho mình hằng ngày trong cuộc sống.
Có một vài giáo dân rất ít khi tham gia công việc của giáo xứ mình, nhưng thường kiến nghị với cha sở nên làm như thế này cho đẹp mặt giáo xứ, làm như thế kia cho nổi, họ muốn làm “giám mục” của cha sở mà không nhìn thấy cha sở đang rầu vì mình không tích cực tham gia sinh hoạt với giáo xứ.
Tôi thấy có một bà Xơ đã tuyên bố với một bà lão giáo dân như thế này: “Bà không được đi rước lễ, vì bà không đến quét nhà thờ”. Bà Xơ này không biết rằng, mỗi tuần bà lão này đều quét nhà thờ và đi dâng lễ mỗi ngày hơn cả bà Xơ chỉ có đến nhà thờ của giáo xứ ngày Chúa Nhật.
Tôi cũng nghe một thầy giúp xứ nọ của một giáo phận có số giáo dân nhiều nhất nước, nói với ông trùm họ rằng: “Ê, ông trùm, đây là ông thầy bạn của tớ, có gì lai rai không ?”, một lúc sau lại nói: “Đây mới chỉ là “súc miệng” thôi, trưa nay đến nhà ông lai rai nhé !”, ông trùm khúm núm dạ dạ... Ông thầy giúp xứ này chỉ thấy giáo dân kính trọng mình, mà không thấy họ kính trọng mình chỉ vì mình là “người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa”, chứ bản thân mình thì chẳng có gì đáng để người khác kính trọng như thế; ông thầy giúp xứ này chỉ thấy ông trùm khúm núm với mình, mà không thấy mình chỉ đáng làm con cháu của ông ta mà thôi...
Thiên Chúa rất công bằng, Ngài không để cho ai theo Ngài mà phải chịu thiệt thòi đâu, hãy yêu mến, phụng thờ Chúa và phục vụ Ngài trong tha nhân trước, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau, không lỗ đâu mà sợ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 20/10/2016

36. Ma quỷ nhìn thấy người đi rước lễ thì thất vọng giận dữ phẫn nộ, như tức muốn chết vậy.

(Thánh Bruno)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Chaput: căn tính và bầu cử
Vũ Văn An
00:39 20/10/2016
Cuộc tranh cử chức tổng thống Hoa Kỳ đang đi vào những ngày cuối cùng, trước khi cử tri quyết định dành lá phiếu của mình cho ai. Càng ngày, hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân Chủ càng làm cử tri thất vọng thêm và khiến họ không biết phải ứng xử ra sao. Rất có thể số người không đi bầu lần này sẽ đạt tới con số kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Điều chắc chắn là những người đi bầu vào ngày 8 tháng 11 sẽ bầu cho một trong hai ứng cử viên hàng đầu hiện nay, chỉ vì họ không thích ứng cử viên kia.

Về phần các vị lãnh đạo Giáo Hội Hoa Kỳ, không ít vị cho rằng cả hai ứng cử viên đều không đáng lá phiếu của người Công Giáo. Nhưng có lẽ vượt lên trên những chuyện đời tư hay tính tình của các ứng cử viên, và chỉ lưu tâm tới vấn đề chính sách, trong mấy ngày gần đây, ta thấy nhiều vị giám mục lên tiếng xa gần nghiêng về phía ứng cử viên Cộng Hòa.
Thực vậy, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas, ngày 17 tháng Mười vừa qua, lên tiếng cho rằng ứng cử viên phó tổng thống của Dân Chủ, Tim Kaine, là một “người Công Giáo của quán ăn nhiều món” (cafeteria Catholic): chỉ chọn những điều hợp khẩu vị, chuyên hỗ trợ phá thai theo yêu cầu trong khi rình mò rao bán đức tin Công Giáo của mình.

Nhân tiện, ngài khuyên người Công Giáo nên nhớ điều này: bỏ phiếu có nghĩa chọn “không những một tổng thống mà cả một chính phủ”. Các ứng cử viên của cả hai đảng chính đều “rất khuyết điểm” nhưng khi bỏ phiếu, “tôi khuyến khích anh chị em không chỉ nghĩ tới ứng cử viên, mà nghĩ tới cả những người họ sẽ bổ nhiệm vào nội các và các chức vụ có quyền hành trong chính phủ nếu họ trở thành tổng thống”. Ở đây, chắc chắn ngài muốn ám chỉ những tay chân "phản Công Giáo" của Clinton trong vụ rì rỏ điện thư của Wikileaks vừa qua. Cũng có thể ngài nghĩ tới lời hứa của Trump sẽ bổ nhiệm chánh án tối cao theo khuôn mẫu Scalia.

Ngài nói thêm: “anh chị em hãy đề phòng các ứng cử viên nào tự nhận cho mình vai trò ấn định điều người Công Giáo tin hay nên tin. Bất hạnh thay, cuộc tranh luận của các ứng viên phó tổng thống cho thấy người Công Giáo tranh chức vụ cao thứ hai tại xứ sở ta là một đảng viên chính thống của đảng ông ta, hoàn toàn ủng hộ cương lĩnh của đảng mình, nhưng lại là một người Công Giáo của quán ăn nhiều món, lựa và chọn những giáo huấn nào của Giáo Hội Công Giáo thuận lợi cho chính sách cuả mình”.

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver, ngày 12 tháng Mười, cho hay: dù chán ngán cả hai ứng cử viên, nhưng ngài kêu gọi người Công Giáo “suy nghĩ về cương lĩnh của cả hai đảng, với việc nhấn mạnh tới các vấn đề về sự sống con người” khi họ chuẩn bị bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ngài nói rằng “người Công Giáo có lương tâm tốt không thể ủng hộ các ứng cử viên sẽ đẩy mạnh việc phá thai (khi thắng cử)”. Đức Tổng Giám Mục không nêu tên ứng cử viên này, nhưng ai cũng biết ngài ám chỉ Hillary Clinton, người không những ủng hộ phá thai như ông chồng Bill Clinton, mà còn đi xa hơn nữa bằng cách chủ trương bãi bỏ tu chính án Hyde là tu chính án ngăn cấm việc sử dụng tiền liên bang để hỗ trợ các vụ phá thai ở trong nước và ở ngoài nước.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, cũng thế, rất chán ngán đối với cả hai ứng cử viên tổng thống: “một người, theo quan điểm của nhiều người, là một người mị dân hung hãn rất khó tự chế. Còn người kia, cũng theo quan điểm của nhiều người, là một kẻ nói láo gây tội ác (criminal liar), rất giầu các ý tưởng hôi thối và các ưu tiên xấu xa”. Nhưng ngài khuyên người Công Giáo không nên thờ ơ với cuộc bầu cử năm nay vì như thế là “trao trứng cho ác”. Họ có nhiệm vụ làm cho đất nước này mỗi ngày trở nên tốt hơn. Nhưng cụ thể phải làm gì trong cuộc bầu cử này, thì ngài chỉ nêu các nguyên tắc tổng quát như đã làm trong bài nói chuyện tại Đại Học Notre Dame ngày 15 tháng 9.

Trong các nguyên tắc tổng quát nói trên, ngài bảo: “ngay trong năm có những ứng viên tổng thống xấu, các ứng viên tốt cho các chức vụ công cộng khác vẫn đang hiện hữu trong cả hai đảng. Vị tổng thống sắp tới sẽ bổ nhiệm một số chánh án cho Toà Án Tối Cao, đưa ra các quyết định chủ yếu về ngoại giao, và khuôn định bộ máy hành chánh liên bang khổng lồ theo những cách mà Quốc Hội rất ít quyền kiểm soát. Nên nhớ rằng Quốc Hội không tạo ra chỉ thị HHS (Obamacare) đầy tính hận thù về chính trị. Bạch Ốc của Obama đã tạo ra nó”.

Khi ám chỉ Hillary Clinton, và đảng Dân Chủ nói chung, là người nói láo gây tội ác, chắc chắn Đức Tổng Giám Mục Chaput có ý nói đến những láo khoét liên quan tới ý niệm tự do và do đó phá thai. Ngài nói: “Những vấn đề ấy (tình dục, gia đình, sự sống con người…) là những vấn đề sinh tử mang theo các hậu quả thực sự cho con người. Và trong tư duy Công Giáo, chính phủ có vai trò phải đóng trong việc làm dịu các vấn đề này, nhưng họ sẽ không làm thế khi dựa vào các ý niệm què quặt trong việc định nghĩa thế nào là con người, thế nào là hôn nhân, và thế nào là gia đình. Họ sẽ không làm thế khi cố tình khuôn định cách chính sách của họ để can thiệp vào và kiểm soát các định chế trung gian trong xã hội dân chính vốn đang phục vụ công chúng cách tốt đẹp. Điều này chẳng may đang mô tả nhiều hành động của chính phủ hiện tại trong suốt 7 năm qua.

“Viết đại diện cho phe đa số trong vụ Casey, Chánh Án Tối Cao Anthony Kennedy cho rằng: ‘ở tâm điểm tự do, là quyền được xác định ý niệm riêng của mình về hiện hữu, về ý nghĩa, về vũ trụ, và về mầu nhiệm sự sống con người’. Bản tuyên ngôn hoàn hảo của phe mơ tưởng dân chủ cấp tiến là đây: cái tôi tối cao, tự tạo. Nhưng nó là một dối trá. Nó hoàn toàn trái ngược với quyền tự do theo Kitô Giáo. Và tùy theo mức độ ta bào chữa hay hợp tác với nó, ta cũng biến mình thành những người dối trá.

“Tin Mừng Gioan nhắc nhở ta rằng sự thật, và chỉ có sự thật mới làm ta thành tự do. Chúng ta chỉ là người và được tự do trọn vẹn khi sống dưới thẩm quyền sự thật. Và dưới ánh sáng này, không có vấn đề nào làm ta bất trung thực và kém tự do trong tư cách tín hữu và trong tư cách quốc gia hơn nạn phá thai”.

Theo ngài, đã đành giáo huấn Công Giáo không phải chỉ đề cập tới phá thai, “nhưng nó bắt đầu và phải bắt đầu từ đó. Nói theo lời một cựu sinh viên ưu tú của Notre Dame: phá thai vốn là ‘đầu cầu đổ bộ cho toàn bộ nền đạo đức vốn thù nghịch với sự sống, thù nghịch với hôn nhân và, như ta thấy trong chỉ thị ngừa thai [HHS], càng ngày càng thù nghịch với tôn giáo, với người Hoa Kỳ có tôn giáo và với các định chế tôn giáo’. Phá thai chuốc độc mọi sự. Không bao giờ có bất cứ thứ gì là ‘tiến bộ’ trong việc sát hại một đứa trẻ chưa sinh ra đời, hay dửng dưng đứng đó trong khi người khác sát hại em”.

Ngày 19 tháng Mười hôm qua, Đức Tổng Giám Mục Chaput lại lên tiếng một lần nữa về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ hiện nay trong một bài nói chuyện tựa là “Hãy nhớ ta là ai và lịch sử ta thuộc về là gì” tại Hội Nghị Chuyên Đề năm 2016 của Các Giám Mục Hoa Kỳ, cũng tại Đại Học Notre Dame.

Lần này, ngài nói đích danh đến “Ông Trump” và “Bà Clinton”: “Ở đây, tôi thấy có chuyện lạ. Do phong thái khó coi của Ông Trump và sự thù nghịch ông tạo ra nơi giới truyền thông, đáng lẽ sự dẫn đầu của Bà Clinton phải lớn hơn mới đúng. Nhưng không phải thế. Và đây là một bài học. Bài học đó là: dù nhiều người ghét điều Ông Trump đại biểu cho, nhưng xem ra họ lại thích cái tài ông ấy bẻ cong con dao của giai cấp ưu tú đang lãnh đạo nước Mỹ và cái tinh thần ưa chuộng quyền lợi của giai cấp này, hiện thân trong con người của Hillary Clinton”.

“Người Mỹ không đần độn. Họ nhậy cảm về khứu giác khi sự việc không ổn. Và một trong các sự việc không ổn đối với đất nước ta ngay lúc này là việc làm ruỗng hết và tái mài dũa mọi từ ngữ chủ yếu trong ngôn từ công cộng của xứ sở này: những từ ngữ như ‘dân chủ’, ‘chính quyền đại biểu’, ‘tự do’, ‘công lý’, ‘diễn trình thích đáng’ (due process), ‘tự do tôn giáo’ và ‘các che chở hiến định’. Ngôn ngữ chính trị của ta cũng thế. Nội dung các từ ngữ đã ra khác. Việc bỏ phiếu vẫn là việc quan trọng. Các cuộc phản đối và thư từ của công chúng gửi tới các thành viên của Quốc Hội vẫn có hiệu quả. Nhưng càng ngày đời sống của đất nước ta càng bị cai trị bởi lệnh của hành pháp, cánh tay dài của tư pháp và các cơ quan hành chánh, với thật ít việc tính sổ đối với Quốc Hội”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết thêm: “Cuộc bầu cử năm 2016 là một trong các khoảnh khắc họa hiếm khi bản chất đáng khinh của cả hai ứng cử viên tổng thống khiến mọi người chúng ta phải xem xem mảnh đất canh tác của quốc gia ta thực sự như thế nào. Và quang cảnh chẳng lấy gì làm vui. Giai cấp ưu tú về văn hóa và chính trị nói khá nhiều về bình đẳng, cơ hội và công lý. Nhưng họ hành xử như giai cấp ưu đãi, với thẩm quyền dựa vào nối kết và kỹ sảo. Và một khi được giới truyền thông tỏ thiện cảm, họ đang biến xứ sở này thành một điều rất khác so với bất cứ điều gì phần lớn chúng ta có thể nhớ hay các quốc phụ có thể tưởng tượng”.

Nói chung chung nhưng ai cũng hiểu là có ý nói tới Đảng Dân Chủ như trên rồi, Đức Tổng Giám Mục Chaput, liền sau đó, đã chĩa thẳng mũi dùi vào ứng cử viên của Đảng này: “việc công bố điện thư của đoàn tùy tùng Clinton vào tuần rồi của WikiLeaks nói khá nhiều về việc nhóm ưu tú ưa chuộng giai cấp này coi những người như những vị ngồi trong phòng này (các giám mục) ra sao. Không được thân thiện lắm”.

Trong một bài báo đăng ngày 13 tháng Mười, ngài cho rằng cũng chính những người trên đã giúp người Hoa Kỳ “bầu chọn một chính phủ (Obama) được coi là bất thân thiện một cách ương ngạnh nhất đối với các tín hữu, các định chế, các quan tâm và tự do tôn giáo trong nhiều thế hệ”.
 
Buổi họp báo đầu tiên của cha tân Bề Trên Cả Dòng Tên
Hải Âu
09:44 20/10/2016
Buổi họp báo đầu tiên của Cha tân Bề Trên Cả Dòng Tên

Vài ngày sau khi được bầu, Cha Bề Trên Cả Arturo Sosa đã gặp gỡ 70 nhà báo lần đầu tiên trên cương vị Tổng Quyền của Dòng Tên tại phòng họp của Tổng Hội hôm 18/10/2016. Ngài được cha Federico Lombardi giới thiệu và cho biết thêm rằng Cha Bề Trên Cả từng là thành viên trẻ nhất của Tổng Hội 33 vào năm 1983. Cha Lombardi cũng nhấn mạnh mối tương quan tốt đẹp giữa cha Sosa và vị tiền nhiệm, cha Adolfo Nicolás. Ngài nói rằng cha Sosa vị Bề Trên Cả đầu tiên của Dòng Tên không phải là người Châu Âu.

Trong lời chia sẻ đầu tiên, Cha Bề Trên Tổng Quyền cho biết ngài cảm thấy bình an. Mặc dù ngài không mong muốn được bầu, nhưng ngài tin tưởng vào Thiên Chúa và sẵn sàng phục vụ dòng Tên và Giáo Hội trong vai trò mới. Thay mặt cho toàn thể dòng, ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với vị tiền nhiệm của ngài: cha Adolfo Nicolás, người đã toàn tâm phục vụ hội dòng. Ngài còn cho biết rằng vị tiền nhiệm của ngài sẽ trở lại phục vụ theo hướng dẫn của các vị bề trên như bất kỳ một tu sĩ dòng Tên nào khác cũng thực hiện theo trách nhiệm của mình trong dòng. Cuối cùng, ngài nói rằng Tổng Hội này không nhằm thay đổi hướng đi mà Dòng Tên đã dấn thân trong những thập kỷ gần đây, đó là phục vụ đức tin và thăng tiến công bình. Đúng hơn, cần phải tìm ra cách tốt nhất và hiệu quả nhất để phục vụ trong một thế giới phức tạp và đa văn hóa hôm nay cũng như trong bối cảnh đòi hỏi nhiều cách thức cộng tác.

Cuộc họp báo dành 40 phút cho các phóng viên đặt câu hỏi. Có 12 câu hỏi được đặt ra bởi các nhà báo đến từ nhiều quốc gia trong đó có Tây Ban Nha, Chile, Argentina, Mỹ và Ý.

Câu hỏi đầu tiên khá bất ngờ: Cha tân Bề Trên Cả nói gì về tình trạng của đất nước Venezuela? Cha Sosa thừa nhận rằng ngài đã dành thời gian dài để nghiên cứu và bình luận về đời sống chính trị của Venezuela. Ngài đã giải thích ngắn gọn về việc một đất nước chỉ sống dựa vào nguồn thu từ một nguồn tự nhiên, trong một hệ thống hoàn toàn được chính phủ quản lý, không thể nào dễ dàng sống trong một nền dân chủ thật sự. Mặt khác, ngài khẳng định một thực tế rằng phần đa người dân đang mong chờ những nhịp cầu mới để một cuộc đối thoại thật sự có thể bắt đầu trong nhãn quan xây dựng một cái gì đó mang lại lợi ích cho mọi người.

Có hai hoặc ba câu hỏi liên quan đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô, về mối tương quan sắp tới giữa Cha Bề Trên Cả với Đức Thánh Cha và rộng hơn là mối tương quan giữa các tu sĩ dòng Tên đối với vị giáo hoàng mà họ đã khấn vâng phục. Cha Bề Trên Cả cũng được hỏi rằng liệu ngài có thích được gọi là “Giáo Hoàng đen” không. Với câu hỏi cuối cùng này, cha cho biết mình không thích cách gọi này. Cha giải thích rằng từ lúc mới thành lập, các tu sĩ dòng Tên đã muốn đáp lại bài sai Đức Giáo Hoàng để phục vụ những nơi đang cần phục vụ, vì họ tin vào tầm nhìn phổ quát của Đức Thánh Cha trong tư cách là vị mục tử toàn cầu. Cha cũng đề cập đến việc đã có nhiều cơ hội được gặp vị Giáo Hoàng đương nhiệm, đầu tiên là dịp họp Tổng Hội 33, sau đó trong bối cảnh làm việc tại các trung tâm xã hội ở Châu Mỹ La Tinh, tại Argentina, và gần đây hơn là trong trách vụ Thụ uỷ Bề Trên Cả đặc trách các Nhà và Sứ vụ tại Rôma. Các cuộc gặp gỡ luôn diễn ra trong tình thân ái và tốt đẹp.

Cha Bề Trên Cả cũng được hỏi về cách thức ngài được bầu chọn, lý do việc từ nhiệm của vị tiền nhiệm và việc ngài được bầu suốt đời, về những công việc ưu tiên của ngài, về những thách đố mà Dòng Tên đang phải đối diện. Đối với từng câu hỏi, ngài cho thấy rõ ý nghĩa về trách nhiệm của ngài và hơn nữa về sự dấn thân của Dòng Tên trong việc phục vụ một cách khiêm tốn và qua sự gắn kết với Chúa Giê-su, để xây dựng một thế giới dành ưu tiên cho từng con người.

Chuyển ngữ: Hải Âu

 
Người Việt bầu cho Clinton hay Trump?
Lữ Giang
09:50 20/10/2016
Trên BBC News ngày 14.10.2016, ký giả Jasmine Taylor-Coleman đã viết: “Ít ứng viên tổng thống Mỹ nào lại bị ghét như Donald Trump và Hillary Clinton”. Còn sử gia nghiên cứu ngôn ngữ chính trị, Jennifer Mercieca, nói rằng ngôn ngữ trong bầu cử lần này đã đi quá xa: "Khi ta xem chính trị như thể thao hay chiến tranh, thế là ta tự xem mình là fan hay người lính, cổ vũ, la ó hay vâng lệnh. Khi ta xem chính trị giống thế, những người có quan điểm khác ta không còn là sai, mà là kẻ xấu. Họ là kẻ thù."

Tình trạng quái đản này cũng đang xảy ra trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Một cuộc tranh luận gay cấn đang diễn ra trong cộng đồng nầy: Bầu cho Clinton hay bầu cho Trump? Có nhiều nhóm đang quyết ăn thua đủ với nhau. Nhiều người đã gọi vào các cơ quan truyền thông Việt ngữ ra lệnh đừng loan các tin bất lợi cho Trump...

Những cuộc thăm dò cho thấy đa số giới trẻ và những người có trình độ hiểu biết về chính trị có khuynh hướng bầu cho bà Clinton. Trong khi đó, đa số người lớn tuổi và những người “đấu tranh” lại rất thích Trump, vì cho rằng Obama và bà Clinton quá yếu. Phải có một người như Trump mới có thể đương đầu với Trung Quốc và Cộng Sản được. Nhiều người Công Giáo Việt Nam cũng nói phải bầu cho Trump, vì đảng Cộng Hòa Pro Life, còn đảng Dân Chủ Pro Choise!

Nhưng nói như vậy là nói theo cảm tính, tức theo mình muốn, chứ không suy nghĩ và hành động dựa theo những sự kiện thực tế: Nếu nhìn vào thể thức bầu cử tổng thống ở Mỹ và tỷ lệ của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, chúng ta sẽ thấy, mặc dầu có nhiều người đang quyết ăn thua đủ với nhau, cộng đồng này dù bỏ phiếu cho ai, Trump hay Clinton, có đi bỏ phiếu hay không đi bỏ phiếu, cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cả!

CÁC TIỂU BANG BẦU TỔNG THỐNG

Những người mới qua thì không nói, có người đã ở trên đất Mỹ 40 năm và có nhiều người đã đi bầu tổng thống Mỹ đền 9 lần, nhưng vẫn chưa biết nước Mỹ đã bấu cử thổng thống như thế nào và lá phiếu của mình có ảnh hưởng gì đến cuộc bầu cử đó hay không.

Điều quan trọng phải biết là ở Mỹ, các tiểu bang bấu tổng thống chứ không phải mỗi cử tri bầu tổng thống như ở dưới thời VNCH. Nói cách rõ ràng hơn, nước Mỹ không bầu tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu (universal suffrage) mà các cử tri đoàn (electoral colleges) của các tiểu bang mới có quyền bầu tổng thống.

Thể thức bầu cử tổng thống Mỹ được quy định trong Điều II Khoản 1 và trong các tu chính án XII, XXII, và XXIII của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Chúng tôi xin tóm lược những nét chính như sau:

Mỗi bang sẽ cử ra một cử tri đoàn bằng tổng số Nghị sĩ và Dân biểu của bang đó tại Quốc hội Liên bang. Nhưng không một Nghị sĩ, Dân biểu hoặc một viên chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức, được chọn vào cử tri đoàn.

Hiện nay mỗi bang có 2 nghị sĩ, còn số dân biểu của các tiểu bang được ấn định tùy dân số của mỗi tiểu bang, 10 năm ấn định một lần. Thí dụ California có 53 dân biểu, New York 27, Arizona 9, Ohio 16, Florida 27, v.v.

Hiện nay nước Mỹ có 100 nghị sĩ, 535 dân biểu, cộng thêm 3 đại biểu của Washington DC thành 538 đại biểu. Các tiểu bang có số cử tri đoàn lớn nhất là California 55 người (2 + 53), Texas 38 người, New York 29 người, Florida 29 người, Illinois 20 người, Pennsylvania 20 người, v.v.

Hiến pháp quy định rằng “Người nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ là Tổng thống, nếu như số phiếu bầu này chiếm đa số trong tổng số các cử tri đoàn được bầu ra.” Như vậy muốn được chọn làm tổng thống, ứng cử viên phải có số phiếu quá bán.

Hiện nay tổng số phiếu là 538, chia hai thành 269. Do đó, muốn đắc cử tổng thống phải được từ 270 (269 + 1) phiếu trở lên.

Chúng ta nhớ lại, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 7.11.2000, ứng cử viên Al Gore hơn ứng cử viên George W. Bush khoảng 540.000 phiếu phổ thông. Nhưng khi cử tri đoàn bầu thì Bush giành được 271 phiếu còn Gore 266 phiếu nên Gore bị thua.

NGƯỜI VIỆT CHẲNG CÓ XƠ MÚI GÌ

Tổng số dân Mỹ năm 2014 là 318.900.000 người, trong đó có 1.737.433 người Việt, tức chỉ chiếm 0.54% dân số, một tỷ lệ quá nhỏ.

Nước Mỹ hiện có hai tiểu bang lớn nhất là California và Texas và đây cũng là hai tiểu bang có đông người Việt nhất. Chúng ta thử nhìn vào hai tiểu bang này xem người Việt có đóng vai trò nào trong cuộc bấu cử tổng thống Mỹ hay không.

1.- Về dân số và sắc tộc

Dân số California năm 2014 khoảng 38.340.000 người, có 581.946 người Việt. Texas có 26.960.000 người, chỉ có 210.913 người Việt. Nếu so với các sắc tộc khác, tỷ lệ này quá nhỏ bé:

Tai California, da trắng có 15.763.625 người, chiếm 42.3%; Mỹ Latino 14.013.719, chiếm 37.6%; Á Châu (đa số người Tàu) 4.861.007, chiếm 13%; Phi Châu 2.299.072 chiếm 6%, trong khi người Việt chỉ có 581.946 người, chiếm 1.51%.

Tại Texas, da trắng có 17.701.552 người, chiến 70%; Mỹ Latino 9.460.921, chiếm 37%, Phi Châu 2.979.598, chiếm 11%; Á Châu (đa số người Tàu) 964.596, chiếm 3%, trong khi người Việt chỉ có 210.913 người, chiếm 0,78%.

2.- Về đảng phái

Tại California, Dân Chủ chiếm 44.8%, Cộng Hòa chiếm 27.3%. Tại Texas, Dân Chủ chiếm 41.4%, Cộng Hòa chiếm 57.2%.

Nhìn lên bản đồ bầu cử, cứ thấy tiểu bang nào sơn màu đỏ, chúng ta biết tiểu bang đó thuộc Cộng Hòa (như Florida, Virginia, Nebraska, Neveda, v,v.); tiểu bang nào sơn màu xanh thuộc Dân Chủ (như California, New York, Illinois, Michigan, v.v.).

Đảng nào có đa số phiếu tại một tiểu bang sẽ nắm trọn số đại biểu (electors) của tiểu bang đó, như đảng Cộng Hòa được đa số phiều tại Texas sẽ chiếm được 38 đại biểu của bang này, còn đảng Dân Chủ có đa số phiếu tại California sẽ ôm trọn 55 đại biểu của tiểu bang đó.

Trong những năm gần đây, California luôn thuộc về Dân Chủ, còn Texas thuộc về Cộng Hòa. Nhưng năm nay, tình trạng của Texas có thể thay đổi, vì rất nhiều người theo Cộng Hòa không muốn bầu cho Donald Trump.

Cho đến hôm Chúa Nhật 15.10.2016, bà Clinton đã được 250 phiếu cử tri đoàn, còn ông Trump chỉ mới được 163 phiếu.

Với tỷ lệ quá nhỏ bé (0,54%, 0,78% hay 1,51%), dù người Việt có bỏ phiếu cho Clinton, Trump hay chẳng bỏ phiếu cho ai cả, kết quả cuộc bầu cử tại tiểu bang họ cư ngụ cũng chẳng thay đổi gì cả. Ngay cả khi họ bỏ nón cối xuống và vác mã tấu đi đâm chém nhau để bênh vực cho Trump hay Clinton, tình trạng cũng vẫn thế thôi.

Tuy nhiên, cử tri người Việt vẫn phải đi bầu để góp phần vào việc quyết định các đại diện tại liên bang hay tiểu bang như nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, giám sát viên, nghị viên, thị trưởng, v.v.

VẠN SỰ GIAI DO TIỀN ĐỊNH!

Báo New York Times nói rằng Donald Trump khi cầm cái BÚA trong tay cứ tưởng mọi thứ đều là ĐINH, ông muốn đóng chỗ nào thì đóng. Lúc ông bảo cho xây bức tường giữa Mexicô và Mỹ và bắt Mexicô phải trả tiền, lúc ông tuyên bố sẽ đem quân Mỹ qua Syria “đấm vào mặt bọn ISIS”, lúc ông đòi Châu Âu và Châu Á phải tự bảo vệ mình nếu họ không chịu bù đắp thêm ngân sách cho Mỹ, lúc ông dòi bắt các nhà đầu tư Mỹ ở Trung Quốc và Mexico phải quay về Mỹ, khi khác ông đòi bắt giam bà Clinton… Thử hỏi một người gần như chẳng biết gì về luật pháp Mỹ cũng như luật pháp quốc tế, không hiểu gì vế kinh tế, chính trị, bang giao quốc tế, an ninh thế giới… như thế mà nhảy lên lãnh đạo nước Mỹ và lãnh đạo thế giới giới, đất nước này và thế giới này sẽ đi về đâu?

Nước Mỹ có những chính sách và chiến lược có khi 5 năm, có khi 10 năm, có khi 30 năm, có khi 50 năm…, không phải mỗi người khi lên làm tổng thống muốn làm gì thì làm. Nếu mỗi tổng thống đều tự do hành động theo quan điểm và đường lối riêng, nước Mỹ đã sụp đổ từ lâu rồi.

Khi ra tranh cử, khẩu hiệu của ông Obama là “Change” (thay đổi), nhưng trong suốt 8 năm làm tổng thống, ông mới chỉ làm được đạo luật Obamacare, còn những cái khác như kế hoạch “Một Trung Đông mới”, chuyển từ chiến lược can thiệp bằng quân sự (military intervention) qua chiến lược chiến tranh ủy nhiệm (proxy war), chính sách ngoại thương với Trung Quốc… ông vẫn phải đi theo các chiến lược đã được ấn định từ trước. Không theo là đi đời nhà ma.

Mặc dầu đã ở Mỹ trên đất Mỹ 40 năm, ĐA SỐ NGƯỜI VIỆT VẪN CHƯA BỎ ĐƯỢC TẬP QUÁN SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG THEO CẢM TÍNH với tầm nhìn ngắn, tức suy nghĩ, nói, viết và làm theo mình mình muốn, bất chấp thực tế như thế nào. Ai nói khác, làm khác hay có thể tranh chỗ đứng của họ đều có thể bị coi là tay sai cộng sản hay đặc công cộng sản nằm vùng. Họ đã tự biến từ người "CHỐNG CỘNG” thành người “GIỐNG CỘNG”!

Trước 30.4.1975, miền Nam có chính phủ, có quân đội thiện chiến và có tinh thần chiến đấu rất cao, nhưng người lãnh đạo là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại luôn suy nghĩ và hành động theo cảm tính, bất chấp “Đồng Minh” và “Địch” đang làm gì, nên Miền Nam đã mất chỉ trong 40 ngày. Bây giờ qua Mỹ, với tỷ số 0,54% dân số Hoa Kỳ, một số người Việt đấu tranh lại tin rằng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp đến, họ có thể lật ngược thế cờ, đưa Donald Trump lên cầm quyền để dẫn quân đi đánh Trung Quốc và điệt CSVN! Ai bầu cho bên kia đều là “địch”.

Nhưng “Qu’est sera sera”. Việc gì sẽ đến thì sẽ đến, bất chấp người Việt nghĩ gì và muốn gì.

Ngày 20.10.2016
 
Video ĐTC tiếp kiến chung ngày 19/10/2016: Huấn đức về “cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống”.
VietCatholic Network
16:07 20/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm nay thứ Tư lúc 9 giờ sáng ngày 19 tháng 10 năm 2016, trong buổi tiếp kiến với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châuvề Roma, Đức Thánh Cha đã nói rằng: “Trên thế giới ngày này có biết bao nhiêu người đói khát, không có thực phẩm và nước uống. Trợ giúp họ là một bổn phận luân lý, vì nó diễn tả các quyền nền tảng đại đồng của con người. Tương quan của chúng ta vói Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống.

Trong bài huấn ĐTC đã bắt đầu khai triển các việc thương xót đối với thân xác, trước hết là “cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống”.

ĐTC nói: Một trong các hậu quả của cái gọi là “thoải mái” là việc dẫn đưa con người tới chỗ khép kín trong chính mình, thờ ơ với các đòi hỏi của tha nhân. Người ta làm mọi cách để lừa dối chúng bằng cách giới thiệu các mô thức sống phù du, biến mất sau vài năm, làm như thể cuộc sống của chúng ta là một mốt thởi thượng cần chạy theo và thay đổi theo mùa. Không phải thế. Cần tiếp nhận thực tại như nó là, và thường khi nó khiến chúng ta gặp các tình trạng cần cấp bách trợ giúp. Chính vì thế mà trong các công việc của lòng thương xót có nhắc tới sự đói khát: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Ngày này có nhiều người đói khát lắm.

Biết bao lần các phương tiện truyền thông cho chúng ta biết tin tức liên quan tới các dân tộc khổ đau vì thiếu thực phẩm và nước uống, với các hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với các trẻ em.

Trước vài tin tức và đặc biệt là trước vài hình ảnh, dư luận công cộng cảm động và thỉnh thoảng phát động các chiến dịch trợ giúp để kích thích tình liên đới. Các đóng góp quảng đại và nhờ đó có thể góp phần thoa dịu phần nào nỗi khổ đau của biết bao người. Hình thức bác ái này quan trọng, nhưng nó không liên lụy một cách trực tiếp. Trái lại, khi ra ngoài đường chúng ta gặp một người cần sự trợ giúp, hay khi có một người nghèo đến gõ cửa nhà chúng ta, thì rất khác, bởi vì tôi không đứng trước một hình ảnh, mà chính tôi bị liên lụy. Không còn có khoảng cách nào giữa tôi và người đàn ông hay người đàn bà đó nữa, nhưng tôi cảm thấy mình bị gọi hỏi. Sự nghèo khó trừu tượng không gọi hỏi chúng ta, nhưng khiến cho chúng ta suy tư, làm cho chúng ta than van; nhưng khi bạn trông thấy sự nghèo túng trên thịt xác một người nam, một người nữ, một trẻ em, điều này gọi hỏi bạn! Và vì thế cái thói quen mà chúng ta có là chạy trốn trước nguời nghèo, không tới gần họ, hay tô son đánh phấn một chút thực tại của các người nghèo với các thói quen của mốt thởi thượng biến mất. Bởi khi làm như thế là chúng ta xa rời thực tại đó. Trái lại, ở đây không còn có khoảng cách nào nữa giữa tôi và người nghèo khi tôi gặp họ.

Trong các trường hợp này, tôi phản ứng ra sao? Quay mặt nhìn đi nơi khác hay bỏ qua? Hay tôi dừng lại nói chuyện và lo lắng cho tình trạng của người ấy? Và nếu bạn làm điều này, thì sẽ không thiếu ai đó nói: “Ông này điên, nói chuyện với một người nghèo!”

Tôi có xem mình có thể tiếp đón người ấy một cách nào đó, hay tìm cách tự giải thoát một cách mau chóng nhất hay không? Nhưng có lẽ người ấy chỉ xin điều cần thiết thôi: một cái gì đó để ăn hay để uống. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: có biết bao lần chúng ta đọc Kinh Lậy Cha, nhưng không thực sự chú ý tới các lời: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong Thánh Kinh, có một thánh vịnh nói rằng Thiên Chúa là Đấng “ban lương thực cho mọi sinh vật” (Tv 136,25). Kinh nghiệm đói rất gay go. Ai đã sống trong thời chiến tranh hay đói kém thì biết nó. Tuy nhiên, kinh nghiệm này lập lại mỗi ngày bên cạnh sự trù phú và phung phí thực phẩm. Các lời của tông đồ Giacôbê vẫn còn luôn luôn thời sự: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,14-17): họ không có khả năng làm các công việc, sống bác ái, sống tình yêu.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Luôn luôn có ai đó đói khát và cần đền tôi. Tôi không thể nhường trách nhiệm cho ai khác. Người nghèo này cần đến tôi, cần sự giúp đỡ của tôi, cần lời nói của tôi, cần sự dấn thân của tôi. Chúng ta tất cả đều bị liên lụy trong điềy này. Đó cũng là giáo huấn của trang Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu khi trông thấy biết bao dân chúng theo ngài từ nhiều giờ, nên xin các môn đệ: “Chúng ta có thể mua bánh ở đâu để họ có thể ăn?” (Ga 6,5). Và các môn đệ trả lời: “Không thể được, tốt hơn nên cho họ đi…”. Trái lại Chúa Giêsu nói với các ông: “Không. Các con hãy cho họ ăn đi” (Mc 14,16). Ngài khiến họ đưa cho Ngài ít chiếc bánh và cá họ có, chúc lành, bẻ ra và đưa cho các ông phân phát cho mọi người. Và ĐTC nói:

Đây là một bài học rất quan trọng cho chúng ta. Nó nói với chúng ta rằng sự ít ỏi mà chúng ta có, nếu chúng ta giao phó trong tay của Chúa Giêsu và chia sẻ nó với lòng tin, thì nó trở thành một sự giầu có tràn đầy.

Trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” ĐTC Biển Đức XVI khẳng đinh rằng: “Cho kẻ đói ăn là một lệnh truyền luân lý đối với Giáo Hội, … Quyền có thực phẩm, cũng như có nước uống có một vai trò quan trọng đối với việc đạt các quyền khác… Vì thế cần chín mùi một ý thức liên đới duy trì thực phẩm và có nước uống như các quyền đại đồng của tất cả mọi người, không phân biệt, cũng không kỳ thị” (s. 27). Chúng ta đừng quên các lời của Chúa Giêsu: “Thầy là bánh sự sống” (Ga 6,35), và “Ai khát hãy đến cùng Thầy” (Ga 7,37). Chúng là một khiêu khích đối với tất cả chúng ta là tín hữu, các lời này, một khiêu khích thừa nhận rằng tương quan của chúng ta với Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống, một Thiên Chúa đã mạc khải nơi Đức Giêsu gương mặt thương xót của Ngài.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

ĐTC đã chào nhiều phái đoàn khác nhau.

Trong số các phái đoàn đến từ các nước Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ, ĐTC đã đặc biệt chào các linh mục giáo phận Orléans do ĐC Jacques Blaquart hướng dẫn. Ngài cũng chào các phái đoàn đến từ Anh quốc, Êcốt, Ailen, Dan Mạch, Phần Lan, Hoà Lan, Malta, Ghana, Uganda, Nam Phi, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Trung quốc, Singapore và Hoa Kỳ.

Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào đặc biệt ca đoàn nhà thờ chính toà giáo phận Mainz, đông đảo bạn trẻ, các trẻ em giúp lễ và học sinh trường trung học Damme. Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ngài chào tín hữu các giáo xứ Mogi Guaçu và Pereiras. ĐTC cầu chúc cuộc hành hương Roma trong Năm Thánh giúp họ sống ý thức Giáo Hội đại đồng và hăng say làm chứng tá cho lòng thương xót Chúa.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc tới lễ nhớ chân phước linh mục Popieluszko, tuyên uý Công đoàn Độc lập Liên Đới đã bị mật vụ Ba Lan bắt cóc và giết chết. Ngài là người đã đứng mũi chịu sào bệnh vực các công nhân và gia đình họ, bằng cách yêu cầu công lý, các điều kiện sống xứng đáng, tự do dân sự và tôn giáo cho họ. Khẩu hiểu mục vụ của ngài là lời thánh Phaolô nói với tín hữu Roma: “Đừng để cho sự dữ chiến thắng, nhưng hãy chiến thắng sự dữ với sự thiện” (Rm 12,21). ĐTC nói: Ước chi các lời này hôm nay đối với anh chị em và tất cả mọi gia đình và toàn dân Ba Lan là một thách đố giúp xây dựng trật tự xã hội công bằng trong việc kiếm tìm sự thiện phúc âm trong cuộc sống thường ngày.

Trong số các nhóm Hoà Lan ĐTC đặc biệt chào các chủng sinh tổng giáo phận Utrecht và các giáo phận Rotterdem và Breda, cũng như đại diện Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô Hoà Lan.

Trong số các đoàn hành hương Italia ngài chào tín hữu giáo phận Caltagirone do ĐC Calogeri Peri hướng dẫn về hành hương Roma nhân kỷ niệm 200 thành lập giáo phận; các trẻ em chịu phép Thêm Sức giáo phận Faenza-Modighiana, các tham sự viên khoá hội học do Đại học Thánh Giá tổ chức; giới trẻ Công Giáo tiến hành giáo phận Brindisi-Ostuni; các nữ tu Thánh Gioan Tẩy Giả về Roma dự lễ phong thánh Đấng sáng lập là cha Alfonso Maria Fusco; các sĩ quan trường huấn luyện Modena; và các thành viên của nhiều hiệp hội, trong đó có hiệp hội người tàn tật.

Nhắc tới lễ nhớ thánh Phaolô Thánh Giá sáng lập viên dòng các cha dòng Khổ Nạn hôm qua, ĐTC cầu chúc các bạn trẻ biết suy niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa để học biết tình yêu cao cả Chúa dành cho nhân loại; các người bệnh biết vác thánh giá kết hiệp với Chúa Kitô để được vơi nhẹ trong thử thách; và các cặp vợ chồng mới cưới biết dành thời giờ cầu nguyện để cuộc sống hôn nhân trở thành con đường hoàn thiện kitô. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về vấn đề chuyển đổi giới tính.
Giuse Thẩm Nguyễn
20:33 20/10/2016
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về vấn đề chuyển đổi giới tính.

(US.News and World Report). Ký giả Curt Mills viết tin cho mạng lưới US. News.com cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến việc chuyển đổi giới tính vào cuối tuần qua và Ngài nhận định rằng “thuyết về giới tính” là điều bất lợi cho hôn nhân gia đình, nhưng những người trong cộng đồng này sẽ không bị bỏ quên.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các phóng viên trên chuyến bay của ngài rằng “Những người chuyển giới này cũng phải được đồng hành với Chúa Giêsu. Khi những người trong hoàn cảnh này đến với Chúa Giêsu, chắc chắn là Chúa sẽ không bao giờ nói “hãy tránh xa vì các người là những người đồng tính’.

Đức Giáo Hoàng lưu ý với các nhà báo rằng “xin đừng viết là Đức Giáo Hoàng chúc lành cho đồng tính nhé!”.(Francis cautioned, however, "Please don't write 'The pope blesses trans.' Please.")

Vào hôm Thứ Bảy Đức Giáo Hoàng đã xác quyết là ngài hoàn toàn không đồng ý với việc dạy cho các trẻ em về việc các em có thể thay đổi giới tính.

Khi một người phụ nữ trong buổi tiếp kiến chung với các tín hữu Công Giáo ở nước Georgia, hỏi ngài về việc giáo dục trẻ thơ, thì vị Giáo Hoàng 79 tuổi của chúng ta đã trả lời là “Con đã nhắc đến một kẻ thù nguy hiểm của hôn nhân là thuyết về giới tính. Ngày nay có một cuộc chiến toàn cầu nhằm phá hủy hôn nhân gia đình… không phải bằng vũ khí nhưng bằng những tư tưởng. Chúng ta phải tự bảo vệ mình để tránh khỏi ý thức hệ chiếm đoạt.”

Vào ngày Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại việc ngài đã phục vụ cho những người trong cộng đồng chuyển giới trong suốt hành trình mục vụ của ngài, và rằng tuy ngài đã không đồng ý với “thuyết về giới tính” nhưng ngài tin rằng những người chuyển giới cần được quan tâm.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng bình luận về cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ với các phóng viên, kêu gọi các cử tri hãy bầu chọn theo “lương tâm,”.

Ngài nói rằng ngài sẽ không bao giờ ủng hộ cho một phía trong cuộc bầu cử này vì “quyền tối thượng của người dân.

Ngài thêm rằng “Tôi chỉ có thể nói như thế này: hãy nghiên cứu các đề án kỹ lưỡng, cầu nguyện và bầu chọn theo lương tâm.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Trong cuộc tranh luận cuối cùng, hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ khác nhau rõ rệt về phá thai
Vũ Văn An
21:52 20/10/2016
Theo CNA/EWTN News, trong cuộc tranh luận cuối cùng vào hôm thứ Tư vừa qua, các ứng cử viên của hai đảng chính đã dồn dập được yêu cầu giải thích chủ trương của họ về phá thai. Hillary Clinton bênh vực việc bà ủng hộ phá thai ở thai kỳ chót (partial-birth abortion), trong khi Donald Trump nhắc lại điều ông đã tuyên bố trước đây rằng mình là người phò sự sống. Ông nói trong cuộc tranh luận rằng: “tôi là người phò sự sống và tôi sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống (cho Tối Cao Pháp Viện).

Clinton thì đề cập tới quyết định phá thai của các bà mẹ. Bà bảo: “tôi không nghĩ chính phủ Hoa Kỳ lại nên can thiệp vào và đưa ra các quyết định hết sức có tính bản thân này”.

Ông Trump và bà Clinton tranh luận lần chót vào tối thứ Tư vừa qua tại Đại Học Nevada, Las Vegas. Họ trả lời các câu hỏi của người điều hợp là Chris Wallace của Đài Fox News về các vấn đề phá thai, Tối Cao Pháp Viện, chính sách ngoại giao và chăm sóc y tế.

Vị tổng thống kế tiếp sẽ bổ nhiệm ít nhất một chánh án cho Tòa Án Tối Cao. Ngay lúc khởi đầu cuộc tranh luận, Wallace đã hỏi ông Trump rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông có muốn Tòa Án Tối Cao bãi bỏ phán quyết Roe v. Wade của Tòa này năm 1973, tức phán quyết nhìn nhận quyền phá thai của một người đàn bà, hay không.

Ông Trump trả lời rằng ông sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống, nhưng không cho biết ông có muốn Tòa này bãi bỏ phán quyết Roe hay không. Ông nói: “nếu điều này xẩy ra, vì tôi là người phò sự sống và tôi sẽ bổ nhiệm các chánh án phò sự sống, nên nó [tính hợp pháp của phá thai] sẽ được trả về cho các tiểu bang cá thể”.

Còn bà Clinton thì tuyên bố rằng bà ủng hộ phán quyết Roe và cả Planned Parenthood nữa, tức tổ chức “chăm sóc sức khỏe sinh sản” mà thực chất là tổ chức phá thai lớn nhất Hoa Kỳ. Bà nói: “Quá nhiều tiểu bang đang đặt ra các qui định rất nghiêm ngặt đối với các phụ nữ nhằm ngăn cản họ không thi hành được các lựa chọn của họ đến độ họ đã thôi không tài trợ cho Planned Parenthood nữa, một tổ chức, lẽ dĩ nhiên, cung cấp đủ loại xét nghiệm ung thư và các phúc lợi khác cho các phụ nữ trong nước”. Thực ra Planned Parenthood không hề cung cấp khám nghiệm (screening) ung thư, chỉ gửi thư giới thiệu mà thôi.

Sau đó, Wallace đã hỏi bà Clinton về việc phá thai ở thai kỳ chót: “Bà đã được người ta trích dẫn nói rằng thai nhi không có các quyền hiến định. Bà cũng đã phủ quyết lệnh cấm phá thai vào thai kỳ chót. Tại sao?”

Clinton bênh vực lá phiếu của mình khi nói rằng: “Vì Roe v. Wade rõ ràng qui định rằng có thể có các qui định về phá thai miễn là sự sống và sức khỏe của người mẹ được xem xét. Và khi tôi bỏ phiếu trong tư cách thượng nghị sĩ, tôi không nghĩ đây là trường hợp đó”.

Trump bèn hoạnh Clinton về vấn đề phá thai ở thai kỳ chót. Ông bảo: “Nếu qúy vị đồng ý với điều Hillary nói, đến tháng thứ chín, qúy vị vẫn lấy đứa bé và xé nát đứa bé ra khỏi dạ mẹ, ngay trước khi em được sinh ra, nay qúy vị có thể nói việc ấy o.k. và Hillary có thể nói việc này o.k, nhưng nó không o.k đối với tôi”.

Clinton không chịu lối mô tả trên, cho rằng đó là ‘ngôn từ gây sợ hãi’ nhưng không cung cấp lối mô tả của riêng mình. Thay vào đó, bà khăng khăng cho rằng đối với các bà mẹ mang thai, quyết định trục thai là ‘một trong những quyết định tệ nhất có thể có’ mà họ phải làm, “và tôi không tin chính phủ nên làm việc đó”.

Phá thai vốn là một vấn đề gây tranh cãi trong chiến dịch tranh cử năm nay. Clinton vẫn luôn là một người hết mình ủng hộ phá thai. Trump thì trước đây có ca ngợi Planned Parenthood đã làm “một việc rất tốt” cho phụ nữ và bênh vực cả việc phá thai ở thai kỳ chót nữa. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử này, ông cho hay, ông đã thay đổi tâm tư và nay là người phò sự sống. Ông tuyên bố sẽ ủng hộ việc không cho Planned Parenthood hưởng trợ cấp của Liên Bang.

Marjorie Dannenfelser, Chủ Tịch của nhóm phò sự sống Susan B. Anthony List và là nhà lãnh đạo của liên minh phò sự sống trong chiến dịch tranh cử của Trump, cho hay: “lập trường của Clinton về phá thai hoàn toàn lạc điệu đối với đa số dân chúng Hoa Kỳ, là những người, vì cảm thương, chỉ ủng hộ có giới hạn việc phá thai tới lúc thai nhi 5 tháng, nhưng không muốn tiền đóng thuế của họ được dùng để tài trợ cho các vụ phá thai theo yêu cầu”.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh: gần đây, ít nhất đã có 3 vị giám mục Hoa Kỳ chính thức lên tiếng khuyến khích người Công Giáo tham gia bầu cử lần này, nhưng nhất định không bầu cho ứng viên nào ủng hộ phá thai. Đó là các Đức Tổng Giám Mục Chaput của Philadelphia, Aquila của Denver và Naumann của Kansas City.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ nhận chức chính xứ giáo xứ Lai Khê GP Phú Cường
Nguyễn Hữu Lộc
10:00 20/10/2016
THÁNH LỄ NHẬN XỨ CỦA CHA GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN HIẾU THẢO TẠI GIÁO XỨ LAI KHÊ, HẠT BẾN CÁT.

Sáng ngày 18.10.2016, Giáo xứ Lai Khê vinh dự hân hoan chào đón Đức Cha Giuse - giám mục Giáo phận Phú Cường - về Giáo xứ Lai Khê chủ tế Thánh lễ tạ ơn, với nghi thức Nhận Xứ của cha G.B Nguyễn Hiếu Thảo. Đồng tế với Đức Cha Giuse ngài sự có mặt của Cha An tôn Hà Văn Minh chánh xứ Lái Thiêu – nơi Cha G.B đang phục vụ, cha quản hạt Bến Cát Vinh sơn Hoàng Trung Đoàn cũng là Cha nguyên chánh xứ Lai Khê,Quý cha trong hạt Bình Long, Tây Ninh ……..

Xem Hình

Giáo xứ Lai Khê là một giáo xứ nhỏ thuộc Giáo hạt Bến Cát chỉ có 542 giáo dân. Ngược dòng lịch sử, thì: vào năm 1938 người Pháp tới khai hoang để lập đồn điền cao su, rồi chiêu mộ công nhân từ miền Bắc vào làm “Công tra” cho các chủ đồn điền trong đó có nhiều người là Công Giáo. Năm 1945 các giáo dân cùng nhau xây dựng 01 Nhà nguyện để cùng nhau sớm hôm đọc kinh cầu nguyện. Sau đó, có các Dì MTG Thủ Thiêm về giúp. Cha Gioan.B Lê Quang Bạch từ Quản Lợi (Bình Long) về dâng lễ mỗi tuần.

Nhận thấy giáo dân gia tăng ngày càng đông, Cha Giuse Nguyễn Hữu Huân, Cha xứ Bến Cát đã xây dựng một ngôi nhà thờ mới và tới dâng thánh lễ cho bà con mỗi tuần.

Sau biến cố lịch sử 30/4/1975 Giáo dân tản mát khắp nơi, các Dì rút về nhà Dòng, nhà thờ đóng cửa. Đến năm 2006, sau khi được Nhà nước trả lại các cơ sở của Giáo xứ, Cha Phêrô Trương Huy Hoàng đứng ra xây dựng Nhà thờ mới trên nền nhà thờ củ. Ngày 10.8.2008 Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục Giáo phận Phú Cường đã có Nghị định Thành lập Giáo xứ Lai Khê và cung hiến Nhà thờ Giáo xứ với tước hiệu: “Đức Mẹ Vô Nhiễm” vào ngày 13.9.2008. Và cũng chính từ ngày này Cha Vinh sơn Hoàng Trung Đoàn về làm Cha chánh xứ Tiên khởi cho đến ngày hôm nay.

Thánh lễ nhận xứ diễn ra trong bầu khí đạo đức và hân hoan, với sự có mặt của đông đảo bà con giáo dân Giáo xứ Lai Khê, Giáo xứ Lái Thiêu (nơi Cha G.B là Cha Phó xứ từ ngày 08.11.2014 cho đến nay); Giáo xứ Tây Ninh – Giáo xứ Long Bình (giáo hạt Tây Ninh – nơi Cha làm Phó xứ từ 05.11.2013 cho đến ngày 08.11.2014), cùng các đoàn thể với đồng phục của hội đoàn mình, các Ban Mục Vụ cũ mới với trang phục trang trọng để chào đón Đức Cha, quý cha, quý khách và nhất là để đón nhận Cha Sở mới của giáo xứ. Trong Thánh lễ này, Giáo xứ Lai Khê cũng rất vui mừng chào đón cha Vinh sơn Nguyễn Trung Đoàn nguyên Chánh xứ Lai Khê từ ngày thánh lập Giáo xứ cho đến nay.

Đúng 9g30, đoàn đồng tế được rước từ nhà xứ tiến vào nhà thờ với muôn vàn lời ca của cả cộng đoàn "Ngay nơi đây Chúa ban tình thương..."

Mở đầu Nghi thức nhận xứ, Cha Quản Hạt Bến Cát Vinh sơn Hoàng Trung Đoàn, công bố Văn Thư Bổ Nhiệm của Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận Phú Cường. Cộng đoàn hân hoan chào cha sở mới với tiếng vỗ tay giòn giã. Tiếp đến, Đức Cha giới thiệu cha Gioan.B với cộng đoàn và trao chìa khóa nhà thờ cho cha Gioan.B, lại một tràng vỗ tay nữa vang lên. Kế đến, Cha tân quản xứ Gioan.B quỳ trước bàn thờ đọc bản tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành..

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse chia sẽ với cộng đoàn về Mầu nhiệm vô nhiễm nguyên tội mà Chúa đã ưu ái ban cho Mẹ Maria. Và Đức Cha Giuse cũng nhấn mạnh mầu nhiệm này trước đây Thiên Chúa cũng đã thương ban cho Loài người chúng ta, nhưng gì loài người chúng ta xa ngã trước cám dỗ của Tội lỗi. Và cũng qua đó, Đức Cha Giuse đã cho chúng ta thấy được Hồng ân mà Thiên Chúa đã ban xuống cho Cha Tân chánh xứ Gioan Baotixita ngày hôm nay là một niềm vui nhưng cũng là một thử thách, gì vâng lời như xưa kia Mẹ Maria đã “xin vâng” với Thiên Chúa mà Cha G.B đã từ bỏ cuộc sống thành thị tại Giáo xứ Lái Thiêu để đến với Giáo xứ Lai Khê một giáo xứ thuộc vùng xa xôi hẻo lánh với chỉ có 542 giáo dân.

Ngay sau phần hiệp lễ, ông chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã thay mặt cộng đoàn có lời chúc mừng và cám ơn đến Đức Cha Giuse, quý cha quản hạt, quý cha đồng tế, quý tu sĩ, ông bà cố, thân nhân và gia đình cha Gioan.B và cộng đoàn các Giáo xứ có mặt trong thánh lễ ngày hôm nay đã hiệp thông và cầu nguyện cho giáo xứ, cách riêng cho Cha Gioan.B trong sứ vụ mới.

Với lòng cảm mến tri ân, Cha tân chánh xứ cũng đã biểu lộ tâm tình tri ân đến Đức Cha, quý cha, ông bà cố và cộng đoàn.

Trong tâm tình của mình, Đức Cha nhắc tới công lao của cha quản xứ cũ là Cha Vinh sơn Hoàng Trung Đoàn. Ngài đã từng phục vụ giáo xứ Lai Khê hơn 08 năm 01 tháng, một giáo xứ khi đó mới thành lập nhưng ngài đã làm tất cả vì lòng yêu mến Chúa mà chúng ta đã có được ngôi thánh đường khang trang như ngày hôm nay và còn nữa các công trình khác trong khuôn viên nhà thờ rất đẹp và xanh tươi. Giáo xứ hãy nhớ tới công ơn Ngài đã phục vụ trong Giáo xứ, cầu nguyện nhiều cho Ngài đến nhiệm sở mới là Giáo xứ Tân Uyên còn rất nhiều khó khăn.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ của Đức Cha, Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã dâng lên Đức Cha và cha tân chánh xứ những đóa hoa tươi thắm như bày tỏ lòng biết ơn, lời chúc mừng và lòng vâng phục đến các vị chủ chăn.

Như lời Đức Cha giáo phận đã từng nói nói: Việc thuyên chuyển các cha xứ là một ơn của Chúa Thánh Thần; là cơ hội để canh tân giáo xứ, giáo phận; là hồng ân để các cha thực thi đời sống dấn thân và làm đẹp hình ảnh người mục tử của Chúa. Nguyện xin cho Cha tân quản xứ luôn một lòng tin yêu phó thác, thanh thoát bước trên con đường dấn thân phục vụ theo gương Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tối Cao.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc

Truyền thông Giáo phận Phú Cường.
 
Mời tham dự Đại hội Thánh Mẫu La Vang Las Vegas: ngày 21.22.23 tháng 10 năm 2016
La Vang Las Vegas
16:20 20/10/2016
Trọng kính Quý Ân Thân Nhân,
Quý Khách Hành Hương quý mến,

Trong tâm tình tri ân và cảm tạ bao Hồng Ân Thiên Chúa, Đền Thánh Mẹ La Vang - Las Vegas hân hoan báo tin đến quý Ân Thân Nhân cùng toàn thể Cộng Đồng về Đại Hội La Vang 2016 với chủ đề: Cùng Mẹ Tín Thác Vào Lòng Chúa Xót Thương và xin kính mời quý Ân Thân Nhân cùng toàn thể quý Cộng Đồng cố gắng thu xếp thời giờ về tham dự Đại Hội.

Địa điểm:
Đền Thánh Mẹ La Vang - Las Vegas
4835 S. Pearl St., Las Vegas, NV 89121. Tel. (702) 821-1459
(Trên đường Tropicana * giữa đường Pecos và Sandhill)

Thời gian:
Thánh Lễ khai mạc thứ Sáu lúc 4:30 chiều ngày 21 tháng 10 và bế mạc sau Thánh Lễ Chúa Nhật lúc 9:30 sáng ngày 23 tháng 10 năm 2016.

Ẩm Thực:
Đền Thánh Mẹ La Vang sẽ đài thọ thực phẩm và nước uống trong 3 ngày Đại Hội.

Văn Nghệ:
Chương trình văn nghệ rất đặc sắc và ý nghĩa qua nhiều tài năng đóng góp từ nhiều vũ đoàn và tiếng hát chân thành Tạ Ơn Chúa từ trái tim của những ca sĩ Công Giáo.

Xổ Số:
Xổ Số giúp xây nhà thờ mới hay mua đất nhà kế bên nhà xứ và phát triển Đền Thánh sẽ được kêu gọi trong 2 chương trình văn nghệ. Riêng lô độc đắc với vé khứ hồi cho hai người về thăm Quê Hương Việt Nam và nhiều lô giá trị sẽ xổ vào Chúa Nhật sau Thánh Lễ bế mạc.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Biết rồi khổ lắm nói mãi !
Phạm Trần
09:38 20/10/2016
BIẾT RỒI KHỔ LẮM NÓI MÃI

Bệnh di căn Tham nhũng chưa trị xong mà trận cuồng phong “tự diễn biến” và “tự chuyền hóa” đã vùi dập đảng đến thập tử nhất sinh thì liệu đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) có qua khỏi cơn bĩ cực này chăng ?

Đó là mối ưu tư hàng đầu đang đè nặng lên giới Lãnh đạo nhà nước Việt Nam, đứng đầu bởi Tồng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.

Tình trạng này đã thể hiện trong Thông báo kết thúc Hội nghị Trung ương 4, khoá XII, từ ngày 09 đến 14/10/2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.”

Lý do đảng phải triệu tập Hội nghị này, vì theo lời ông Trọng:”Tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.”

Nên biêt cách nay 4 năm (2012), Khóa đảng XI cũng họp lần thứ 4 để bàn và ra Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” .

Nghị quyết của Hội nghị này, phổ biến ngày 16/1/2012, thừa nhận :”công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”

4 NĂM TRƯỚC NHƯ THẾ NÀO ?

Ngoài chuyện quen thuộc đổ tội cho “các thế lực thù địch chống phá” và “mặt trái của kinh tế thị trường” đã làm xiêu lòng những cán bộ đảng viên thiếu bản lĩnh, đảng cũng thú nhận còn có các yếu tố chủ quan như:
1.- “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.”
2.- “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém.”
3. “Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao.”

Sau đó, đảng ra lệnh cho tòan đảng ưu tiên hàng đầu phải : “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.”
KHỦNG HỎANG 2016

Nhưng 4 năm trôi qua mà mọi chuyện vẫn như nước chảy qua cầu. Tình trạng suy thoái tòan diện của cán bộ, đảng viên đã xuống cấp và tồi tệ hơn bao giờ hết. Thông báo Hội nghị 4 năm 2016 cho biết :”Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.”

Như thế thì đảng CSVN đã mục nát để tan hoang chưa hay còn xứng đáng hồi sinh ?

Nhưng suy thoái, xuống cấp bắt nguồn từ đâu ? Ban Chấp hành Trung ương giải thích:” Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc. Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác.”
Như vậy thì có gì mới đâu, nếu so với Nghị quyết năm 2012 ? Tòan là những chứng bệnh ai cũng đã “biết rồi khổ lắm nói mãi” !

Vậy giải pháp lần này của đảng là gì ? Ban Chấp hành nói họ đã :”Thống nhất tập trung vào 4 nhóm: Về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, "lợi ích nhóm".

Cũng chẳng có gì là bộc phát, mới mẻ gì. Chuyện “tự phê bình và phê bình” rất ồn ào trong nội bộ đảng khóa XI cũng chẳng “chết thằng Tây nào”. Rồi phong trào chống “chủ nghĩa cá nhân” cũng chỉ để đẻ thêm ra “lợi ích nhóm" để nuôi tham nhũng ăn béo ngủ ngon.

THAM NHŨNG –VÒI BẠCH TUỘC

Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), tổ chức tại Hà Nội ngày 12/7/2016 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nói hụych toẹt rằng:” Cùng với những kết quả đạt được, công cuộc đổi mới đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Công tác PCTN hiện nay chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo.”

Ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ báo cáo trong suốt 10 năm đã phát hiện gần 60.000 tỉ đồng tham nhũng và trên 400 ha đất. Nhưng đến nay chỉ thu được là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất.

Báo trong nước viết :”Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, theo báo cáo là do nhiều nguyên nhân, việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn; nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản.”

Vì vậy, ông Sáu cho biết:” Qua 10 năm, tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, đã xác minh được gần 5.000 trường hợp trong đó đã phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.”

Chỉ tìm ra có 17 người khai không thật trong 10 năm thì qủa là mắt đảng cũng cần phải thay. Tuy nhiên ông Sáu cũng đã nhìn nhận:”Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.”

Tổng Thanh tra Chính phủ đã nói thật lòng, nhưng không bằng những tuyên bố của Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC).

Ông Độ nói thẳng:”10 năm qua, tham nhũng ngày càng “phát triển”, hầu như lĩnh vực nào cũng có, quy mô rất lớn khi có những vụ lên tới cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, còn tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Chính vì thế tôi cho rằng phải sớm thành lập Ủy ban Điều tra tham nhũng độc lập và có sức mạnh.” (theo báo Dân Trí, 16/08/2016)

Ông Độ đã đề nghị như thế tại cuộc họp thẩm tra dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mà cả ông và nhiều người khác đã phê bình “không có gì mới và sẽ chẳng giải quyết được những việc cần phải làm.”

Tướng Độ nhận xét:”10 năm qua, mặc dù chúng ta có nhiều cơ quan chỉ đạo của Đảng, các cơ quan chống tham nhũng ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao, cơ quan thanh tra ở các bộ ngành, địa phương nhưng thực tế đều hoạt động không hiệu quả. Đối tượng tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt trong những vụ tham nhũng lớn thì “dây mơ rễ má” rất lớn, những tổ chức, cơ quan thông thường không đủ quyền lực, quyền hạn để phát hiện, điều tra và xử lý.”
Ông nói:”Đặc biệt là việc phát hiện tham nhũng thông qua kiểm toán, thanh tra, phải có cơ quan áp dụng điều tra đặc biệt để đưa những vụ án đấy ra ánh sáng. Có như vậy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới hiệu quả hơn.”

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, khi còn tại chức, đã than phiền có những cán bộ, đảng viên "ăn của dân không từ cái gì". Rồi nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cũng đã từng nói trước diễn đàn Quốc hội rằng "tiền ăn, chơi, chạy chạy không phải từ tham nhũng thì từ đâu ?"

Ngay đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói :"Sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng…. Lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc...Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu" (báo VNNET,27/09/2013)

TỪ TỔNG TRỌNG ĐẾN ÔNG HUYNH

Rồi bây giờ, 3 năm sau, vào ngày 17/10/2016 ông vẫn thản nhiên than phiền với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội:” "Đây là vấn đề lớn, đặt ra từ lâu, nay lại tiếp tục lưu ý, nói phải đi đôi với làm…Chúng tôi tha thiết muốn làm hiệu quả, vì nói mà không làm là mất uy tín, không của cá nhân ai mà của Đảng, Nhà nước. Nhưng thực tế vô vùng khó khăn. Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta. Ai dám nhận kỷ luật, chỉ kiểm điểm nghiêm túc rồi thôi".
"Thực tế cuộc sống là thế nên chống tham nhũng chưa được như mong muốn. Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh và thông cảm với cái chung".

Rồi ông kêu gọi : "Mỗi người tự xem mình có suy thoái không, có thích khen sợ chê không, có tham ô, có ham chức quyền không?"
(báo VNNET, 17/10/2016)

Nghe ông Tổng Bí thư nói, có lẽ nhiều kẻ tham nhũng đã cười khà bên bàn nhậu đâu đó ở Hà Nội. Bởi vì người dân Thủ đô đã nghe quen câu 'Hà Nội không vội được đâu' nên nói là chuyện của ông còn tham nhũng để ăn nhậu là chuyện của người khác, cứ đường ai nấy đi cho tiện việc sổ sách.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì cũng đã một lân, được báo chí thuật lại qua cuộc tiếp xúc của ông với cử tri Sài Gòn ngày 10/05/2016.

Ông nói:” Đảng và Nhà nước đã xác định tham nhũng là quốc nạn, 1 trong 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.”

Rồi ông cũng nhìn nhận :”Khâu khó nhất hiện nay là phát hiện tham nhũng” nên ông “mong cử tri và cơ quan báo chí vào cuộc chống tham nhũng.”

Ông Quang cũng đồng tình rằng:”Đi liền xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng thì phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng.”

Ông nói với người Sài Gòn y hệt như khi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm dân Sài Gòn khi còn nắm quyền:” Chúng ta chống tham nhũng với tinh thần là không có vùng cấm.”

Nghe điệp khúc “không có vùng cấm” chống tham nhũng từ miệng ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truyền cho người kế vị Trần Đại Quang mà có ai ở Sài Gòn thấy mát lòng mát ruột đâu.

Câu nói này không còn ý nghĩa gì nữa vì tham nhũng đã có mặt ở mọi địa bàn thì còn hở chỗ nào đâu mà cấm với đóan ?”

Người đứng hàng thứ ba trong “tứ trụ triều đình” CSVN, Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã cho biết quan điểm của mình, khi được một nhà báo hỏi :”Trong phát biểu phiên khai mạc Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các ĐBQH kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bà sẽ tạo điều kiện thế nào cho các ĐBQH đấu tranh chống tham nhũng?”
Bà Ngân đáp:”Khi tuyên thệ chúng tôi không nhắc đến quan liêu, tham nhũng, nhưng nói “Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân” chính là chống quan liêu, tham nhũng, rà soát chính sách cho phù hợp để không còn kẽ hở cho tham nhũng. Chúng ta cũng đang thực hiện chương trình cải cách hành chính cả về chính sách, con người và pháp luật. Luật ban hành rồi thì Quốc hội phải đi giám sát xem việc vận dụng luật có đúng hay không.” (theo báo Giao Thông,23/07/2016)

Nói đến giám sát là chuyện dài vô tận của Quốc hội Việt Nam. Ngay đến Mặt trận Tổ quốc, cơ quan quy tụ hàng trăm Tổ chức chính trị và Xã hội, thay mặt nhân dân để giám sát đảng và nhà nước mà chưa làm được việc gì ra hồn huống chi các Đại biểu Quốc hội.
Nếu đảng không tin thì cứ hỏi Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trong nhiều năm để biết có ai giám sát được ai không ?
Hay cũng vì “lỗi hệ thống” nên không ai bảo được ai ? Hầu hết Đại biểu Quốc hội là đảng viên nên trong thực tế đã chứng minh rất hiếm khi thấy gà cùng một mẹ lại đá nhau khi kẻ tham nhũng cũng là đảng viên ? Vì vậy chuyện mỉa mai vừa đá bóng vừa thổi còi chưa bao giờ kết thúc trong hệ thống cầm quyền ở Việt Nam.

Người thứ tư trong hệ thống quyền lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã hứa với Quốc hội khi nhận chức ngày 07/04/2016 rằng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ông là “nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”.

Trung Chương trình hành động 6 điểm của Nội các Nguyễn Xuân Phúc có câu:”Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.”
Ông Phúc cũng hứa sẽ : “Xây dựng Chính phủ trong sạch vững mạnh, đoàn kết nhất trí, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo, hiệu lực hiệu quả; hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân.” (theo Thông tin Chính phủ)

Ông Phúc hứa bấy nhiêu đã nhiều lắm rồi, nhưng ông có làm được hay không lại là chuyện khác vì ông cũng là người của hệ thống và phải làm theo lệnh đảng.
Ngoài ra, ta cũng nên nghe thêm lời hát chống tham nhũng và cách chống quốc nạn này của Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh.

Ông nói:” Phải tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng không chịu nổi, chứ tham nhũng mà chưa bị lên án một cách quyết liệt, áp lực xã hội chưa đủ mạnh thì lúc đó chúng ta chưa thể ngăn chặn và đẩy lùi được." (VNNET, 12/09/2016)

Nhưng “ai lên án ai” và “áp lực xã hội” lấy từ đâu ? “Tệ nạn tham nhũng” năm nao đã thành “quốc nạn tham nhũng” bây giờ và kẻ tham nhũng thì như họa châu chấu phá họai mùa màng. Chỗ nào trên đất nước Việt Nam cũng có kẻ tham nhũng thì có cho vàng dân cũng không dám đưa đầu ra cho chúng báng.

Ông Đinh Thế Huynh, người còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1953 tại xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Với chức vụ đầy quyền lực này, ông còn chỉ huy tổng qúat hệ thống lý luận và thông tin-tuyên truyền cho đảng. Ông là người được nói là thân Trung Quốc như ông Trọng và sẽ có cơ may nhảy lên chức Tổng Bí thư đảng, một khi ông Nguyễn Phú Trọng thôi chức.

Thế nhưng khi nói về công tác chống tham nhũng thì ông Huynh, lại quen giọng tuyên giáo khi ra lệnh cho đội ngũ cán bộ Hà Nội:”Phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động, phải xây dựng được một văn hóa, nếp sống khinh bỉ những kẻ tham nhũng, hành vi tham nhũng.”

Nói nghe thì dễ mà làm có được gì đâu, bởi vì những lời ông Huynh nói đã có nhiều lãnh đạo khác nói rồi. Những lối chỉ tay năm ngón “phải thế này, phải thế kia” của những kẻ trên nói với người dưới cũng đã nhan nhản dưới thời các Tổng Bí thư Đỗ Mười,Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh. Tổng cộng trên 20 năm mà tham nhũng vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt thênh thang bước sang thời Tổng Bí thư Trọng từ khoá đảng XI, năm 2011, đến bây giờ lại tiếp tục sống vinh quang ở khóa đảng XII (2016-2021).

Vì vậy mà chính ông Huynh cũng phải nói rằng:”Trong tất cả thăm dò dư luận xã hội hiện nay, điều mà nhân dân băn khoăn nhất, lo lắng nhất bao giờ cũng là nạn tham nhũng. Các phiếu thăm dò, đợt thăm dò dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo TƯ, Viện nghiên cứu dư luận xã hội Ban Tuyên giáo TƯ tiến hành ở quy mô lớn cho thấy, nạn tham nhũng bao giờ cũng chiếm mối quan tâm lo lắng hàng đầu". (theo VNNET, 12/09/2016)
Như vậy thì có khổ cho dân không ? Ai cũng chỉ biết than vì tham nhũng nhiều qúa chịu không thấu. Đã vậy còn phải vểnh tai ra mà nghe những điều “biết rồi khổ lắm nói mãi” của các quan chức thì có chán mớ đời không ? -/-


Phạm Trần
(10/016)





 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sắc Thu Dịu Dàng
Tấn Đạt
20:45 20/10/2016
SẮC THU DỊU DÀNG
Ảnh của Tấn Đạt
Thu về tuyệt lắm bạn ơi,
Hãy cùng tận hưởng tiết trời mùa thu!
(Trích thơ của Hương Nam)