Ngày 19-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 29 Quanh Năm 18/10/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
00:00 19/10/2020


Bài Ðọc I: Is 45, 1. 4-6

"Ta đã cầm tay hữu của Cyrô để bắt các dân suy phục trước mặt nó".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:

Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c

Ðáp: Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang (c. 7b).

Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Ðáp.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. - Ðáp.

Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa. - Ðáp.

Xướng: Mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Tx 1, 1-5b

"Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em".

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.

Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 22, 15-21

"Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?" Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: "Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế". Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: "Hình tượng và danh hiệu này là của ai?" Họ thưa rằng: "Của Cêsarê". Bấy giờ Người bảo họ rằng: "Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.
 
Thứ Ba 20/10 – Sẵn sàng cho ngày Chúa đến – Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Minh-Ước SJ
Giáo Hội Năm Châu
05:53 19/10/2020


Phúc Âm: Lc 12, 35-38

"Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy".
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 19/10/2020
Chương 29:

THẬN TRỌNG

LỜI NÓI



“Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối long mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1, 26)

1. Người không hết lòng gìn giữ miệng lưỡi, thì rất dễ dàng rơi vào sự cám dỗ của ma quỷ.

(Thánh Albert the Great)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 19/10/2020
56. CON CHÁU CỦA NGẢI TỬ

Ngải tử có đứa cháu nội mười tuổi tính khí rất xấu, ông ta thường đánh nó nhưng nó vẫn không thay đổi tính nết.

Bởi vì nó là con một, ba nó sợ đánh nó chết nên thường khóc xin Ngải tử tha thứ cho nó, Ngải tử giận dữ đánh thằng cháu càng tợn hơn.

Một sáng sớm nọ tuyết rơi nhiều, thằng cháu lại lấy tuyết vo tùng cục mà đùa giỡn trên tuyết, Ngải tử bèn lấy áo quần của nó và bắt nó quỳ trên đất tuyết lạnh đến run lẩy bẩy, con trai của ông cũng cởi áo quỳ một bên.

Ngải tử kinh ngạc hỏi:

- “Con mày có lỗi thì nó chịu phạt, tại sao mày lại chịu khổ như thế hử?”

Con trai khóc nói:

- “Trời lạnh cóng ba phạt con của con, con cũng phạt lại con của ba phải lạnh cóng như thế !”

Ngải tử cười lớn, miễn cho đứa cháu hình phạt.

(Ngải tử hậu ngữ)

Suy tư 57:

Đời cha, đời con và đời cháu là sự liên hệ máu mủ thân thiết gần gũi nhất trong gia tộc, cho nên sự vinh nhục đều có liên hệ với nhau, như khi có tội với triều đình thì bị tru di tam tộc, hoặc khi được thăng quan tiến chức thì một người làm quan cả họ được nhờ, hoặc là đời cha ăn mặn thì đời con khát nước.v.v...chính là để nói lên sự gắn bó mật thiết với nhau trong gia tộc.

Có những cha mẹ dạy con nhưng ông bà lại bênh vực chúng nó, đó là ông bà bắc cầu để cháu vượt ra khỏi kỷ cương gia đình trở thành mối an nguy cho xã hội sau này; có những ông bà sửa phạt cháu nhưng cha mẹ lại công khai bênh vực chúng nó, thế là cha mẹ đã gieo mầm ích kỷ nổi loạn trong lòng con cái của mình. Gia đình là nền tảng giáo dục nhân bản của con cái, nó cũng là nơi mà Thiên Chúa chúc phúc nhiều nhất cho cha mẹ và con cái qua các bí tích, để gia đình trở nên cái nôi hạnh phúc và yêu thương, không những cho con cái mà thôi, nhưng còn là cho xã hội và cho mọi người.

Giáo dục trẻ em không là độc quyền của ai, nhưng là bổn phận trực tiếp nhất, cấp thiết nhất và trách nhiệm nhất là của cha mẹ, do đó mà cha mẹ phải biết cám ơn những người đã gián tiếp dạy dỗ con mình, đó là các đoàn thể trong giáo xứ, các thầy cô ở nhà trường, đó là các đoàn thể trong Giáo Hội và ngoài xã hội.v.v...

Không một cha mẹ nào mà không biết dạy dỗ con cái, nhưng chỉ có những cha mẹ chỉ biết nuông chiều con mới không biết dạy con cái nên người mà thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mến Chúa, Yêu Người
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:18 19/10/2020

Mến Chúa, Yêu Người
Chúa Nhật 30 Thường Niên A

“Mến Chúa, yêu người” là nét độc đáo nhất của Kitô giáo. Hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học. Tin Mừng của Chúa Giêsu muốn loan truyền đến mọi người là tình yêu thương. Khi công bố giới luật yêu thương, Chúa Giêsu cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để chúng ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc trao đổi giữa những người Pharisêu và Chúa Giêsu về hai điều răn trong Cựu Ước như sau: Khi một người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào trọng nhất?”, Chúa Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả lòng dạ của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu mến người thân cận của ngươi như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.

Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước:

(1) Điều răn yêu mến Thiên Chúa được lấy trong sách Đệ Nhị Luật 6,5: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với tất cả lòng dạ của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi”.

(2) Điều răn yêu thương người thân cận được lấy trong sách Lêvi 19,18b. Đức Chúa phán: “Ngươi yêu thương người thân cận của ngươi như chính ngươi” (Lv 19,18).

Hai giới răn này được biết đến rất nhiều; tuy nhiên, qua câu trả lời của Chúa Giêsu, ta thấy có một sự mới mẻ ở đây, đó là Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh shema ở sách Đệ nhị luật với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi.Cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu chính là sự liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau.

Khi nói đến “giới răn thứ nhất và lớn nhất”, Người muốn nói rằng giới răn này là quan trọng nhất và tạo ý nghĩa cho tất cả các giới răn khác. Còn về giới thứ hai, nó “giống” với giới răn thứ nhất, nghĩa là cũng quan trọng như giới răn thứ nhất. Chúa Giêsu khẳng định “Tất cả luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy”.

Lời khẳng định này có nghĩa là: “Tất cả các giới luật khác có thể được suy ra từ hai giới răn yêu thương, hay ngược lại, có thể quy về hai giới răn này; nói khác đi, ai thi hành các giới răn này thì ‘làm trọn’ Kinh Thánh và vì thế làm trọn ý Thiên Chúa”. Chỉ có những người yêu mến tha nhân mới thể hiện thật sự là người yêu mến Thiên Chúa. Việc đặt để giới răn yêu thương người thân cận ở mức ngang tầm với giới răn yêu mến Thiên Chúa quả là một điều vượt ngoài sức tưởng tượng của những người Do Thái lúc bấy giờ.

Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 22,36-40 // Mc 12,28-34 // Lc 10,25-28) nhắc lại hai điều răn “Mến Chúa yêu người” trong Cựu Ước, đây là hai điều răn quan trọng nhất. Tân Ước cũng áp dụng hai điều răn này cho các môn đệ: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Nhưng câu hỏi đặt ra là người thân cận là ai? Trong Cựu Ước, “người thân cận” chỉ giới hạn trong dân Israel. “Người thân cận” là đồng bào Israel, những người thuộc Dân Chúa. Người ngoại bang không phải là người thân cận của dân Israel. Vậy Tân Ước áp dụng điều răn “yêu thương người thân cận” như thế nào?

Tin Mừng Luca thuật lại câu chuyện liên quan đến điều răn yêu thương ở Lc 10,25-28. Nhưng vấn đề hóc búa đặt ra: “Ai là người thân cận của tôi?” Đây là câu hỏi rất hay mà các môn đệ Chúa Giêsu cần biết. Sau khi người thông luật nhắc lại điều răn “yêu thương người thân cận như chính mình”, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29).

Câu hỏi khó trả lời đối với Kitô hữu, vì khi chỉ ra ai là người thân cận, cũng có nghĩa là có người không phải là người thân cận của tôi. Khi truyền thống Cựu Ước định nghĩa người thân cận là dân Israel thì đương nhiên tất cả những người không thuộc về dân Israel bị loại trừ. Dân ngoại không phải là người thân cận của dân Israel.

Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi này bằng cách kể dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,30-35). Sau đó Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10,36) Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (10,37a). Chúa Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi và hãy làm như thế” (Lc 10,37b). Lời của Chúa Giêsu đảo ngược câu hỏi của người thông luật lúc đầu. Thay vì Chúa Giêsu trả lời câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?” thì Người nói: Hãy làm cho mình trở thành người thân cận của người khác như người Samari nhân hậu đã làm.

Chi tiết người Samari không thuộc dân Do Thái, cho thấy Chúa Giêsu đã mở rộng khái niệm “người thân cận” để áp dụng cho các môn đệ của Người. Từ nay người thân cận không chỉ giới hạn trong dân Israel là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, mà bất kỳ ai cũng có thể là người thân cận của tôi. Thay vì đặt câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?”, Chúa Giêsu mời gọi đặt câu hỏi: “Tôi là người thân cận của ai?”, nghĩa là tôi đã làm gì để trở thành người thân cận của người khác?

Như thế, trong Tân Ước, người thân cận là tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc. Tân Ước đã áp dụng hai điều răn trong Cựu Ước và mở rộng nghĩa của từ “người thân cận” đến tất cả mọi người. Để tránh rơi vào tình trạng phân biệt ai là người thân cận, ai là kẻ đối nghịch, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: Hãy làm cho mình trở thành người thân cận của mọi người, nhất là hãy là người thân cận của những người đang gặp hoạn nạn, như nạn nhân trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10,30-35).

Truyền thống Kitô giáo đã mở rộng nghĩa của từ “người thân cận”, khi nói “yêu thương người thân cận” là nói đến tình yêu giữa các môn đệ Đức Giêsu với nhau và tình yêu giữa các môn đệ với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc. “Người thân cận” theo nghĩa rộng là tất cả mọi người. Như thế, “yêu thương người thân cận” trong Ki-tô Giáo có chiều kích phổ quát, không loại trừ ai (x. Mt 5,34; 19,19; 22,39; Mc 12,31; 12,33; Lc 10,27; Rm 13,9; Gl 5,14; Jc 2,8)…

“Yêu mến Thiên Chúa”, “yêu mến tha nhân” và “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”: tất cả đây là lý tưởng sống đạo của người tín hữu.

Có thể nói đến ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh.

1. Yêu mến Đức Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình trong Cựu Ước (Đnl 6,5; Lv 19,18).

2. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình trong Tân Ước. Trong đó, khái niệm “người thân cận” được mở rộng đến tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai.

3. “Yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương” (điều răn mới) là điều răn của Đức Giêsu và chỉ dành cho các môn đệ. Đây không phải là tình yêu khép kín, mà là yêu thương để mọi người nhận ra môn đệ Đức Giêsu (x. Ga 13,35). (x.Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh, Giuse Lê Minh Thông, OP).

Yêu Chúa và yêu người có một động từ chung là yêu. Đối tượng của động từ yêu này có vẻ khác biệt nhưng lại không phân biệt. Hai điều răn ấy tuy hai mà một, giống như hai trang của cùng một tờ giấy, tuy hai mặt khác nhau nhưng cũng chỉ là một tờ giấy duy nhất. Yêu người là yêu Chúa và yêu Chúa là yêu người. Người Kitô hữu có đức tin sẽ nhìn thấy Thiên Chúa nơi anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày, yêu Chúa nơi họ.

Hai điều răn mến Chúa, yêu người không thể tách rời nhau.Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân.Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên lòng yêu mến Thiên Chúa.Người Kitô hữu đi từ nhà thờ ra nơi cuộc sống rồi từ cuộc sống đi vào nhà thờ.Ngoài cuộc đời, họ gặp Chúa nơi anh em.Trong nhà thờ, họ gặp anh em nơi Chúa.Thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Do đó, “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (Ga 4,21).

Tất cả mọi điều răn khác đều quy về hai điều răn này. Nếu ta giữ trọn vẹn giới răn này, không những ta chu toàn Lề Luật mà còn góp phần xây dựng một thế giới chan hòa yêu thương, chan chứa tình người. Và đó chính là khởi điểm của thiên đàng mai sau.

“Mến Chúa, yêu người” là trung tâm của mọi giới răn, vì tất cả các giới răn khác đều quy hướng về hai giới răn quan trọng này; đồng thời đây cũng là giới răn tối thượng bao trùm hết mọi giới răn khác. Vì thế, ai giữ trọn giới răn này thì được xem là đã giữ trọn tất cả các điều răn khác như lời Thánh Phaolô: "Thật thế, các điều răn như: ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 9-10).

Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân làm nên một giới luật duy nhất là tình yêu. ĐGH Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta hãy noi gương mẹ Têrêxa Calcutta, luôn canh tân khả năng yêu thương tha nhân của mình từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.(x.Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu dạy: “Việc công bình, bác ái và thương xót phải gắn bó mật thiết với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực, và thật vậy, chính cũng một tu đức này là nguồn suối của mọi công trình rao giảng Tin Mừng của chúng ta”.

Tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật. Như câu kết của kinh Mười Điều Răn: "Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy".

Lạy Chúa, hằng ngày chúng con đọc kinh Tin Cậy Mến, và thân thưa với Chúa rằng“chúng con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình”, nhưng trong cuộc sống chúng con vẫn chưa thực hiện trọn vẹn lời kinh này. Xin Chúa giúp chúng con cố gắng thực hiện trọn vẹn lời kinh này. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Brazil - Một linh mục trẻ được thụ phong vừa tròn 5 tháng, bị giết thật thảm thương!
Thanh Quảng sdb
05:27 19/10/2020
Brazil - Một linh mục trẻ được thụ phong vừa tròn 5 tháng, bị giết thật thảm thương!

Theo Thông tấn xã Fides loan đi từ Caratinga thì "Giáo phận Caratinga vô cùng thương tiếc loan tin về cái chết bi thương của cha Adriano da Silva Barros, cha phó giáo xứ São Simão, ở Simonésia. Cha Adriano đã mất tích vào chiều ngày 13 tháng 10, lần cuối giáo dân thấy cha ở Reduto. Đêm 14/10, thi thể bất động bị cháy đen của cha được tìm thấy ở khu vực lân cận của vùng Manhumirim. Giả thuyết “cha bị một nhóm cướp vũ trang cướp rồi thủ tiêu!” đang được cơ quan cảnh sát điều tra”. Đó cũng là thông báo của giáo phận Caratinga, Brazil, về cái chết rất thương tâm của linh mục Adriano.

Tuyên cáo được gửi cho Thông tấn xã Fides là: "Trong niềm hy vọng phục sinh, chúng tôi chúc tụng Chúa, vì thiên chức vụ linh mục của cha Adriano, cha đã sống đời linh mục với lòng sốt mến và nhiệt thành, trong năm tháng ngắn ngủi từ khi cha được thụ phong vào ngày 3/5/2020".

Theo tin của cảnh sát thì cha Adriano da Silva Barros 36 tuổi, bị giết bằng dao, và sau đó thi thể của ngài bị thiêu đốt đi! Một nông dân ở vùng nông thôn Manhumirin, đã phát hiện ra đám cháy và đã thông báo cho cảnh sát!
Đức Cha Emanuel Messias de Oliveira, Giám mục Caratinga chủ tế tang lễ

Tang lễ của cha sẽ được cử hành vào thứ Năm ngày 15’’10/2020 tại giáo xứ Martins Soares, quê hương của ngài, do Đức Cha Emanuel Messias de Oliveira, Giám mục Caratinga chủ tế và cùng đồng tế có các linh mục trong giáo phận. (Agenzia Fides, 16/10/2020)
 
Chí Lợi, Đức Tổng Giám Mục lên án các cuộc tấn công đốt phá các nhà thờ Công Giáo
Thanh Quảng sdb
15:29 19/10/2020
Chí Lợi, Đức Tổng Giám Mục lên án các cuộc tấn công đốt phá các nhà thờ Công Giáo

Một số nhà thờ ở Chí Lợi đã bị tấn công và cướp phá trong bối cảnh của các cuộc biểu tình.

(CAN – Aci Prensa)

Nhà thờ ở Santiago, Chí Lợi bị đốt ngày 18 tháng 10.

Santiago, Chí Lợi – Đức Tổng Giám Mục Santiago đã lên án các cuộc tấn công đốt phá hai nhà thờ vào hôm Chủ nhật (18/10/2020), và kêu gọi người Công Giáo hãy rộng tay và chung tay xây dựng lại các thánh đường đó!

Vào ngày 18 tháng 10, các nhóm biểu tình bịt mặt xông vào hai nhà thờ ở thủ đô của Chí Lợi, phóng hỏa đốt nhà thờ thánh Phanxicô Borgia, và Nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh Maria... Cả hai nhà thờ đều là những nhà thờ lâu đời nhất ở Santiago.

Trong khi ngọn tháp của nhà thờ bị sụp đổ, thì những người biểu tình phản đối tụ họp bên ngoài đó reo hò mừng rỡ... Bên trong nhà thờ thánh Phanxicô Borgia đã bị thiêu rụi hoàn toàn, và cả hai ngôi thánh đường này đều có thể sửa chữa lại được.

Các cuộc tấn công xảy ra khi những người biểu tình trên khắp đất nước đòi hỏi cải tổ hiến pháp, và đánh dấu một năm các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn diễn ra khắp nơi ở Chí Lợi vào năm ngoái, trong đó bạo loạn cũng đập phá các siêu thị và các cơ sở kinh doanh khác, và các cuộc biểu tình đã khiến cho hơn 30 người bị tử vong!

Các cuộc biểu tình được bùng nổ vào tháng 10 năm ngoái ở Santiago vì việc tăng giá vé tàu điện ngầm... Cuộc biểu tình đã lan sang các khu vực khác tham gia vào các cuộc biểu tình, thêm vào lý do khác nữa là chống đối việc bất bình đẳng về y tế sức khỏe.

Một số nhà thờ khác ở Chí Lợi cũng bị tấn công và cướp phá trong các cuộc biểu tình này.

Những kẻ bạo loạn đã phóng hỏa đốt nhà thờ thánh Phanxicô Borgia vào tháng Giêng, đã ngăn chặn không cho lính cứu hỏa đến dập tắt ngọn lửa đang thiêu rụi nhà thờ.

Trong một tuyên bố được công bố vào Chủ nhật 18/10/2020, Đức Tổng Giám Mục Celestino Aós đã lên án các vụ tấn công. Ngài nói:

“Bạo lực tự nó đã là xấu xa, và bất cứ ai gieo rắc bạo lực sẽ chỉ gặt hái được sự hủy diệt, đau khổ và chết chóc. Chúng ta đừng bao giờ biện minh cho bất kỳ sự bạo lực nào” dù vì mục đích chính trị hoặc xã hội.

"Người nghèo là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất" bởi những hành động phá hoại này, Đức Tổng Giám Mục nói, khi ngài chia sẻ tình đoàn kết với giáo dân của cả hai nhà thờ bị đốt phá này!

Đức Tổng Giám Mục Aós kêu gọi người Công Giáo đừng đánh mất niềm tin hay hy vọng, bởi vì “tình yêu thì mạnh mẽ hơn”.

Ngài nói: “Chúng ta không biện minh cho điều không chính đáng. Thiên Chúa không muốn bạo lực. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện các hành vi tha thứ và dấn thân vì chúng ta là một cộng đồng đức tin.”
 
ĐTGM Salvatore Cordileone: Không thể cho phép một nhóm côn đồ có quyền quyết định những biểu tượng nào chúng ta được thờ
Đặng Tự Do
16:13 19/10/2020


Người Công Giáo ở California đã tập hợp trong một cuộc biểu tình ôn hòa vào tối thứ Ba tại địa điểm cũ của một bức tượng của Thánh Junipero Serra, mà một nhóm những kẻ quá khích đã phá hoại và kéo xuống hồi đầu tuần qua.

Cha Kyle Faller, cha sở giáo hạt, đã lần hạt Mân Côi và phát biểu trước đám đông khoảng 75 đến 100 người vào ngày 13 tháng 10, nhiều người trong số họ đã cầm những tấm biển ghi “Giải phóng các Thánh lễ”, liên quan đến các hạn chế COVID-19 của thành phố đối với việc thờ phượng nơi công cộng, mà Đức Tổng Giám Mục của San Francisco đã gọi là bất công.

Cha Faller cũng chủ sự một buổi cầu nguyện tại nơi bức tượng bị phá hủy, trong đó có lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã dâng lễ cầu nguyện trừ tà tại địa điểm cũ của bức tượng vào ngày 17 tháng 10.

“Hãy coi đó là một thời gian cho tất cả chúng ta suy tư nhưng hãy vững lòng và đừng sợ, như vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vĩ đại của chúng ta từng nói,” Cha Faller nói với đám đông.

“Điều này có nghĩa là đức tin của chúng ta không thể bị giới hạn trong đời sống riêng tư hoặc đóng kín trong 4 bức tường nhà thờ. Đức tin của chúng ta phải được sống trong nhà thờ nhưng cũng phải được sống trên đường phố, trong nhà của chúng ta, và nơi làm việc của chúng ta”.

Tưởng cũng nên nhắc lại hôm thứ Hai 12 tháng 10, một nhóm những kẻ quá khích ở gần San Francisco đã vẽ bậy lên bức tượng Thánh Junipero Serra được đặt trong sân nhà thờ bằng sơn xịt màu đỏ trước khi giật sập bức tượng xuống đất.

Thánh Serra, là một linh mục và một nhà truyền giáo dòng Phanxicô sống vào thế kỷ 18, bị một người quá khích coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và sự ngược đãi mà nhiều người Mỹ bản địa phải gánh chịu trong cuộc tiếp xúc với văn minh Tây phương. Tuy nhiên, các nhà sử học nói rằng nhà truyền giáo là người luôn bênh vực dân bản địa, phản đối sự lạm dụng và tìm cách chống lại sự áp bức của thực dân.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone hôm thứ Ba đã lên tiếng chỉ trích “não trạng đám đông cuồng loạn” dẫn đến việc bức tượng của vị thánh đã bị “một đám đông nhỏ đầy bạo lực vẽ bậy và giật sập một cách vô ý thức”.

“Hành vi kiểu này không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội văn minh nào. Trong khi cảnh sát đã may mắn bắt giữ được năm thủ phạm, những gì xảy ra tiếp theo là rất quan trọng, vì nếu những kẻ này bị coi là vi phạm tài sản nhỏ, thì điều này đã bỏ sót một điểm quan trọng: các biểu tượng đức tin của chúng ta đang bị tấn công không chỉ ở các nơi công cộng, mà ngay trên cả các phần đất riêng của chúng ta và thậm chí ngay bên trong các nhà thờ của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói hôm 13 tháng 10.

Cuộc bạo loạn dẫn đến việc phá hủy bức tượng diễn ra vào ngày 12 tháng 10 tại cứ điểm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael ở San Rafael, CA, phía bắc vịnh San Francisco. Mặc dù chính Thánh Serra không thành lập cứ điểm truyền giáo San Rafael này, cứ điểm vẫn được coi là di sản của Thánh Serra, vì do các hậu nhân của ngài từ chín cứ điểm đầu tiên do ngài thành lập mà ngày nay trở thành California.

Cuộc biểu tình kéo dài một giờ do các thành viên của bộ lạc Coast Miwok tổ chức, đánh dấu Ngày của Người bản địa, ngày lễ mà nhiều tiểu bang và thành phố do đảng Dân Chủ cầm đầu đã chỉ định để thay thế Ngày Columbus.

Một nhân viên bảo trì nhà thờ đã che bức tượng bằng băng keo trước cuộc biểu tình để bảo vệ bức tượng khỏi bị vẽ bậy. Nhiều bức tượng của vị thánh đã bị phá hoại hoặc phá hủy trong năm nay, hầu hết là ở California.

Những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đã bóc băng keo và phun sơn đỏ vào mặt bức tượng.

Những người biểu tình đã cố gắng ngăn các máy quay tin tức địa phương quay cảnh vụ lật đổ, nhưng Fox2 đã quay được cảnh tượng này. Ít nhất năm người có thể được nhìn thấy đang kéo đầu bức tượng bằng dây thừng.

Đoạn băng dường như cho thấy bức tượng rơi vào một trong những người biểu tình, mặc dù không có bất kỳ trường hợp thương tích nào được báo cáo.

Cảnh sát đã bắt giữ 5 phụ nữ liên quan đến vụ việc này và buộc họ tội phá hoại với tình tiết nghiêm trọng.

“Chúng ta không thể cho phép một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật không được ai bầu có quyền quyết định những biểu tượng thiêng liêng nào những người Công Giáo hoặc tín hữu các tôn giáo khác được phép trưng bày và sử dụng để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Điều này phải dừng lại,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

“Việc tấn công các biểu tượng đức tin của hàng triệu người Công Giáo, những người đa dạng về sắc tộc như bất kỳ tín ngưỡng nào ở Mỹ, là phản tác dụng. Nó cũng chỉ đơn giản là sai”.


Source:Catholic News Agency
 
Bầu cử Mỹ 2020: Lần đầu tiên ông Trump tiên đoán sẽ thắng lớn. Có thể vậy chăng?
Trần Mạnh Trác
16:56 19/10/2020
Lạc quan cuả ông Trump:

Hôm thứ Hai, ngỏ lời với các vận động viên, ông Trump tuyên bố:"Chúng ta sẽ thắng, và chúng ta sẽ thắng lớn."

“Tôi không thể nói với quí bạn như thế hai hoặc ba tuần trước,” Ông Trump nói, “Hôm nay tôi vui mừng hơn so với hai tuần trước”.

“Hai tuần trước, tôi phải vào bệnh viện và mọi người đã rất sốc vì tôi lành bệnh quá nhanh và quá khỏe - đó không phải là điều dễ dàng, các bạn ạ.”

Nhắc lại vào đầu tháng, ông Trump đã xét nghiệm dương tính với coronavirus và phải nhập viện tại Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed trong vài ngày, rồi kết thúc quá trình hồi phục và điều trị tại toà Bạch Cung.

“Thưa quý vị, quý bà và các bạn trẻ, các bạn có một tương lai tuyệt vời,” Trump nói. “Tôi rất vui, đây là ngày mà tôi cảm thấy tuyệt vời nhất. Bởi vì chúng ta đang chiến thắng ở nhiều tiểu bang ”.

Ông Trump đã đề cập đến các cuộc xuất hiện tranh cử ở North Carolina, Pennsylvania, Ohio và Iowa, và cho biết có “một viễn tượng thực sự tốt ở New Hampshire.” Ông cũng cho biết ông đang "dẫn đầu ở Michigan với các cuộc bỏ phiếu sớm", và gọi đó là "chưa từng có."

Ông cũng tin rằng ông có thể giành chiến thắng ở New Mexico và Minnesota, những nơi mà ông gọi là các tiểu bang “không có truyền thống bỏ phiếu” cho đảng Cộng hòa.

“Chúng tôi sẽ xuất hành - chúng tôi sẽ đến Florida, Nam Carolina, Georgia - chúng ta đang làm rất, rất tốt,” Ông Trump nói. "Chúng ta đang ở trong một trạng thái tốt nhất chưa từng có."

Ông Trump đoan quyết rằng "nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngày hôm nay, chúng ta sẽ thắng."

“Chúng ta có những tiểu bang khó khăn, có thể đi theo một trong hai chiều – nhưng tôi có khả năng đến những tiểu bang đó và tập hợp – Còn ông Biden thì không.”

Ông Trump nói thêm rằng đối thủ đảng Dân chủ “không có nhiệt tình”.

Những dấu hiệu khách quan:

Hãy bỏ qua những lời tuyên truyền chủ quan cuả hai bên, một số dấu hiệu khách quan trong ngày thứ Hai này, lần đầu tiên cho thấy có một lộ trình khả thi để cho ông Trump thắng cử.

Tuy rằng tính theo trung bình toàn quốc (cuả RealClearPolitics và cuả FiveThirtyEight) thì ông Biden vẫn dẫn đầu 51.3% so với 42.4% cuả ông Trump. Nhưng đó là ‘trung bình của Toàn Quốc’, mà cái ‘trung bình’ này chưa đủ để cho ông Biden có đủ 270 phiếu ‘cử tri đoàn’, cho nên sự định đoạt thắng thua sẽ tuỳ vào những chiến thắng trên chiến tuyến cuả các tiểu bang ‘xôi đậu’.

Những tiểu bang mà ông Trump đề cập ở trên phần lớn là các tiểu bang thuộc danh sách ‘xôi đậu’.

Tính trung bình các cuộc thăm dò từ trước đến nay, bù trừ đi khoảng 3% sai số, thì ông Trump có khả năng thắng ở các tiều bang ‘xôi đậu’ AZ, FL, GA, IA,NC, OH, PA, và TX. Ông ta sẽ có 278 phiếu Cử Tri Đoàn, tức là dư 8 phiếu.

Nhưng đó là con số ‘lạc quan’ nhất, chỉ cho thấy ông Trump có ‘một con đường’ chứ không hoàn toàn là ông ta sẽ thắng cả.

Cũng cần nói thêm là kinh nghiệm quá khứ cho biết kết quả các cuộc thăm dò đã không chính xác, khi mà ông Trump trung bình thua tới 4% trong cuộc bầu cử 2016 nhưng ông ta lại thắng.

Những dấu hiệu lạc quan.

Có người đã tin vào các mẫu chuyện như ‘số bánh qui’ quảng cáo cho Trump được bán nhiều hơn ‘số bánh qui’ quảng cáo cho Biden, hoặc là tin từ hiệp hội các tài xế xe tải đã công bố một quan sát là các tài xế lái xe xuyên bang đã ghi nhận rằng số bảng quảng cáo cho Trump thì nhiều gấp 3 lần số bảng cho Biden trên các tuyến đường họ đi qua. Dĩ nhiên điều đó cho thấy có nhiều người ủng hộ ông Trump biểu lộ nhiệt tình cuả họ ra ngoài, nhưng không có chứng cớ khoa học nào cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa ‘số bánh qui’ và ‘số phiếu bầu’ cả.

Một dấu hiệu khoa học hơn là cuộc nghiên cứu về cử tri của ông Geoffrey Skelley và bà Anna Wiederkehr, là 2 chuyên gia phân tích bầu cử cuả website FiveThirtyEight. Họ cho thấy có nhiều dấu hiệu rõ ràng rằng ông Trump đang mất đi một số phiếu cuả người Da Trắng, nhưng trái lại một cách rất bất ngờ, ông ta có thêm phiếu cuả người Da Đen và người gốc Nam Mỹ (Latin, Hispanic). Và điều đó sẽ giúp ông có cơ hội thắng cử.

Về những cử tri Da Trắng thì mọi người đều biết rằng năm 2016, ông Trump đã thắng một phần lớn là do ông được những cử tri da trắng không có bằng đại học hậu thuẫn với một tỷ lệ áp đảo. Sang qua năm 2018 thì số cử tri da trắng bắt đầu chuyển qua đảng Dân Chủ, nhất là những cử tri có bằng đại học, và họ đã giúp đảng Dân Chủ chiếm lại Hạ Viện.

Số cử tri Da Trắng bị mất đi bao nhiêu là một câu hỏi khá phiền phức? vì từ năm 2018 cho tới nay, lại có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều cử tri phụ nữ từng xác định mình là đảng viên Dân chủ thì nay lại nghiêng về Cộng hòa nhiều hơn, và một số dữ liệu cũng cho thấy ông Trump hiện đang lấy lại được khá nhiều cử tri Da Trắng có bằng đại học.

Trong khi đó, mặc dù các cử tri Da đen lớn tuổi chắc chắn sẽ dồn phiếu cho ông Biden, thì sự ủng hộ của ông Trump trong số các cử tri Da đen trẻ tuổi (18 đến 44) đã tăng từ khoảng 10% vào năm 2016 lên 21% trong cuộc thăm dò của UCLA Nationscape. Các cử tri da đen noí chung vẫn nghiêng về đảng Dân chủ, nhưng việc suy giảm đáng kể của giới trẻ vẫn có thể là một vấn đề cho ông Biden.

Các cử tri da đen trẻ tuổi dường như không cảm thấy tiêu cực về ông Trump. Một cuộc thăm dò ý kiến đầu tháng 7 tại các bang xôi đậu cho thấy 35% người da đen từ 18 đến 29 tuổi đồng ý rằng mặc dù họ không phải lúc nào cũng thích các chính sách của ông Trump, nhưng họ thích phong thái mạnh mẽ và sự thách thức của ông.

Đó cũng là một câu chuyện tương tự đối với những người Mỹ gốc Tây Ban Nha trẻ, là nhóm mà ông Trump đã thu hút. Theo cuộc thăm dò của UCLA Nationscape, ông Trump đang thu hút 35% cử tri gốc Tây Ban Nha dưới 45 tuổi, tăng từ 22% 4 năm trước theo dữ liệu CCES.

Sự ủng hộ ông Trump dường như đã tăng cao nhất trong số các cử tri gốc Tây Ban Nha có bằng đại học bốn năm. Tuy họ chỉ chiếm khoảng 2% dân số Hispanic từ 25 tuổi trở lên - nhưng họ tập trung không cân đối ở một tiểu bang đặc biệt quan trọng là Florida, là nơi họ chiếm tới 24 phần trăm dân số gốc Tây Ban Nha. Vì vậy, dù ông Trump không được hậu thuẫn cao trong số các cử tri da trắng lớn tuổi, thì số cử tri gốc Tây Ban Nha, với đa số có học vấn cao, có thể đem lại chiến thằng cho ông ở tiểu bang nắng đẹp này.

Một điểm cuối cùng về việc ông Trump đã giành thêm sự ủng hộ cuả cử tri Da đen và Tây Ban Nha là ông đã làm việc đặc biệt tốt với những người Da đen và Tây Ban Nha, chiến dịch của ông tích cực thu hút họ. Ví dụ, năm nay, Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa đã mời nhiều người Da đen làm diễn giả. Và Politico đã nói chuyện với hơn 20 chiến lược gia, nhà lập pháp, nhà thăm dò ý kiến và nhà hoạt động của đảng Dân chủ, thì họ giải thích rằng nhiều người Da đen và Latinh sẵn sàng ủng hộ Trump vì họ nghĩ rằng Đảng Dân chủ coi họ là đương nhiên…Kinh nghiệm lịch sử cho biết sự ‘khinh thường coi là đương nhiên và không mời mọc' ấy vào năm 2016 đã làm cho bà Clinton mất đi một tiểu bang xôi đậu quan trọng là Michigan.
 
Toàn văn Thông điệp Fratelli Tutti, Chương năm, tiếp theo
Vũ Văn An
19:06 19/10/2020

QUYỀN LỰC QUỐC TẾ

170. Một lần nữa tôi cho rằng “cuộc khủng hoảng tài chính 2007-08 đã cung cấp cơ hội để phát triển một nền kinh tế mới, chú ý nhiều hơn đến các nguyên tắc đạo đức và nhiều cách thức mới để điều chỉnh các thực hành tài chính đầu cơ và của cải ảo. Nhưng phản ứng đối với cuộc khủng hoảng không bao gồm việc xem xét lại các tiêu chuẩn lỗi thời vẫn tiếp tục thống trị thế giới ” [147]. Thật vậy, có vẻ như các chiến lược thực tế được phát triển khắp thế giới sau cuộc khủng hoảng đã cổ vũ chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, ít hội nhập hơn và tăng cường tự do cho những người thực sự có quyền lực, những người luôn tìm cách trốn thoát mà không hề hấn chi.

171. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng “dành cho mỗi người phần của họ - trích dẫn định nghĩa cổ điển về công lý - có nghĩa là không một cá nhân hay nhóm người nào có thể coi mình là tuyệt đối, có quyền phớt lờ phẩm giá và quyền lợi của các cá nhân khác hoặc các nhóm xã hội của họ. Sự phân bổ hữu hiệu quyền lực (nhất là quyền lực chính trị, kinh tế, quốc phòng và kỹ thuật) giữa tính đa nguyên của nhiều chủ thể và việc tạo ra một hệ thống pháp lý để điều chỉnh các yêu sách và quyền lợi, là một trong những cách cụ thể để hạn chế quyền lực. Tuy nhiên, thế giới ngày nay trình bầy với chúng ta nhiều quyền lợi sai lầm và - đồng thời - nhiều bộ phận to lớn dễ bị tổn thương, nạn nhân của quyền lực bị thi hành một cách tồi tệ” [148].

172. Thế kỷ XXI “đang chứng kiến sự suy yếu quyền lực của các nhà nước quốc gia, chủ yếu vì các bộ phận kinh tế và tài chính, vốn có tính đa quốc gia, có xu hướng lấn lướt bộ phận chính trị. Trước tình hình đó, điều chủ yếu là thiết kế các định chế quốc tế được tổ chức mạnh mẽ và hữu hiệu hơn, với các viên chức được bổ nhiệm một cách công bằng theo thỏa thuận giữa các chính phủ quốc gia và được quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt” [149]. Khi chúng ta nói tới việc có thể có một số hình thức thẩm quyền thế giới được luật pháp quy định [150], chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến một thẩm quyền cá nhân. Tuy nhiên, một cơ quan như vậy ít nhất phải cổ vũ các cơ quan thế giới hữu hiệu hơn, được trang bị quyền được cung ứng cho lợi ích chung hoàn cầu, xóa bỏ đói nghèo và bảo vệ chắc chắn các nhân quyền căn bản.

173. Về khía cạnh này, tôi cũng xin lưu ý sự cần thiết phải cải tổ “Cơ quan Liên hiệp quốc, cũng như các định chế kinh tế và tài chính quốc tế tương tự, để khái niệm gia đình các quốc gia có thể có được thực tại” [151]. Không cần phải nói, điều này đòi hỏi phải có những giới hạn pháp lý rõ ràng để tránh quyền lực chỉ được đồng chọn bởi một số quốc gia và ngăn chặn những áp đặt văn hóa hoặc hạn chế các quyền tự do căn bản của các quốc gia yếu hơn trên cơ sở các khác biệt ý thức hệ. Vì “cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý được thành lập dựa trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không bị ràng buộc bởi một sự phụ thuộc đến phủ nhận hoặc hạn chế sự độc lập của quốc gia đó” [152]. Đồng thời, “công việc của Liên hiệp quốc, theo các nguyên tắc nêu trong Lời mở đầu và các Điều khoản đầu tiên của Hiến chương thành lập, có thể được coi như sự phát triển và cổ vũ việc thượng tôn pháp luật, dựa trên việc nhận ra rằng công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ phổ quát… Cần phải bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật không bị thách thức và không mệt mỏi sử dụng thương lượng, hòa giải và trọng tài, như Hiến chương Liên hiệp quốc đã đề xướng, những điều vốn thực sự tạo nên một qui phạm pháp lý nền tảng” [153]. Cần phải ngăn chặn việc Cơ quan này bị phi hợp pháp hóa, vì các vấn đề và thiếu sót của nó có thể được cùng nhau bàn thảo và giải quyết.

174. Lòng can đảm và sự rộng lượng là những điều cần thiết để tự do thiết lập các mục tiêu chung và bảo đảm việc tuân thủ khắp thế giới các chuẩn mực thiết yếu nào đó. Để điều này thực sự hữu ích, điều cần thiết là phải đề cao “sự cần thiết phải trung thành với các thỏa thuận đã được ký kết (pacta sunt servanda [các hiệp định phải được phục vụ])” [154], và tránh “cơn cám dỗ muốn nại tới luật sức mạnh hơn là sức mạnh của luật ” [155]. Điều này có nghĩa phải củng cố “các công cụ có tính quy phạm để giải quyết hòa bình các tranh cãi… để tăng cường phạm vi và sức trói buộc của chúng” [156]. Trong số các công cụ có tính quy phạm này, nên dành ưu tiên cho các hiệp định đa phương giữa các quốc gia, vì, hơn các hiệp định song phương, các hiệp định này bảo đảm việc cổ vũ một lợi ích chung thực sự phổ quát và bảo vệ các quốc gia yếu hơn.

175. Nhờ Chúa quan phòng, nhiều nhóm và tổ chức trong xã hội dân sự giúp bù đắp các thiếu sót của cộng đồng quốc tế, sự thiếu phối hợp của nó trong các tình huống phức tạp, sự thiếu quan tâm của nó đến các nhân quyền căn bản và các nhu cầu thiết yếu của một số nhóm nào đó. Ở đây, chúng ta có thể thấy một ứng dụng cụ thể của nguyên tắc phụ đới, một nguyên tắc biện minh cho sự tham gia và hoạt động của các cộng đồng và tổ chức ở cấp thấp hơn như một phương tiện để tích hợp và bổ sung cho hoạt động của nhà nước. Các nhóm và tổ chức này thường thực hiện những nỗ lực đáng khen ngợi trong việc phục vụ lợi ích chung và các thành viên của họ đôi khi chứng tỏ một tính anh hùng thực sự, cho thấy một điều gì đó vĩ đại mà nhân loại của chúng ta vẫn còn có khả năng thực hiện.

BÁC ÁI XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ

176. Đối với nhiều người ngày nay, chính trị là một chữ gây khó chịu, thường là vì các sai lầm, tham nhũng và kém hiệu quả của một số chính trị gia. Cũng có những cố gắng làm mất uy tín chính trị, thay thế nó bằng kinh tế học hoặc bóp méo nó thành ý thức hệ này hay ý thức hệ nọ. Tuy nhiên, liệu thế giới của chúng ta có thể hoạt động mà không cần tới chính trị hay không? Liệu có thể có một diễn trình tăng trưởng hữu hiệu hướng tới tình huynh đệ phổ quát và hòa bình xã hội mà không cần một sinh hoạt chính trị lành mạnh hay không? [157].

Nền chính trị chúng ta cần

177. Ở đây một lần nữa tôi xin nhận xét rằng “chính trị không nên phụ thuộc kinh tế, mà kinh tế cũng không nên phụ thuộc sự sai khiến của một mô hình kỹ trị dựa trên hiệu năng” [158]. Mặc dù rõ ràng phải bác bỏ việc lạm dụng quyền lực, tham nhũng, coi thường luật pháp và thiếu hiệu năng, nhưng “kinh tế mà không có chính trị thì không thể biện minh, vì điều này sẽ khiến chúng ta không thể ủng hộ các cách khác trong việc xử lý các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng hiện nay” [159]. Thay vào đó, “điều cần thiết là một nền chính trị có tầm nhìn xa và có khả năng thực hiện một phương thức mới, toàn diện và liên ngành để xử lý các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng” [160]. Nói cách khác, một “nền chính trị lành mạnh… có khả năng cải cách và phối hợp các định chế, cổ vũ các thực hành tốt nhất và vượt qua áp lực không xứng đáng và sức trì trệ bàn giấy” [161]. Chúng ta không thể mong đợi kinh tế làm được điều này, cũng như không thể cho phép kinh tế tiếp quản quyền lực thực sự của nhà nước.

178. Trước nhiều hình thức chính trị nhỏ mọn chi biết tập chú vào lợi ích trước mắt, tôi xin nhắc lại rằng “nghệ thuật lãnh đạo đất nước chân thực được biểu lộ rõ ràng khi, trong những thời điểm khó khăn, chúng ta đề cao các nguyên tắc cao cả và nghĩ đến lợi ích chung lâu dài. Các thế lực chính trị không thấy việc đảm nhận nhiệm vụ này trong công cuộc xây dựng đất nước là chuyện dễ dàng” [162], càng không dễ dàng trong việc tạo dựng một dự án chung cho gia đình nhân loại, ngay lúc này và trong tương lai. Nghĩ tới những người sẽ đến sau chúng ta không phục vụ mục đích bầu cử, nhưng đó là điều công lý chân chính đòi hỏi. Như các Giám mục Bồ Đào Nha từng dạy, trái đất “là một vay mượn mà mỗi thế hệ đã tiếp nhận để trao lại cho thế hệ đến sau” [163].

179. Xã hội hoàn cầu đang mắc phải những khiếm khuyết nghiêm trọng về cơ cấu, những khiếm khuyết không thể giải quyết bằng các giải pháp từng phần hoặc sửa chữa nhanh chóng. Nhiều điều cần phải thay đổi, qua cải cách từ nền tảng và canh tân lớn lao. Chỉ một nền chính trị lành mạnh, bao gồm phần lớn các lĩnh vực và kỹ năng đa dạng nhất, mới có khả năng giám sát diễn trình này. Nền kinh tế nào chịu làm một bộ phận tạo thành chương trình chính trị, xã hội, văn hóa và đại chúng hướng đến lợi ích chung mới có thể mở đường cho “những khả thể khác nhau không liên quan đến việc ngăn cản óc sáng tạo của con người và các lý tưởng tiến bộ của nó, nhưng đúng hơn liên quan đến việc hướng năng lực đó theo những đường hướng mới” [164].

Tình yêu chính trị

180. Thừa nhận rằng mọi người đều là anh chị em của chúng ta, và tìm kiếm các hình thức hữu nghị xã hội bao gồm mọi người, không phải chỉ là điều không tưởng. Nó đòi hỏi một cam kết cương quyết để thiết kế ra các phương tiện hữu hiệu cho mục đích này. Mọi nỗ lực theo những đường hướng này đều trở thành một việc thực thi đức ái cao thượng. Vì trong khi các cá nhân có thể giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn, khi họ cùng tham gia vào việc khởi xướng các tiến trình xã hội cổ vũ tình huynh đệ và công bằng cho mọi người, họ quả tình đã bước vào “lĩnh vực bác ái ở bình diện rộng lớn nhất, tức bác ái chính trị” [165]. Điều này bao hàm việc ta phải làm việc cho một trật tự xã hội và chính trị mà linh hồn của nó chính là đức bác ái xã hội [166]. Một lần nữa, tôi xin kêu gọi sự đánh giá lại chính trị như “một ơn gọi cao cả và như một trong những hình thức bác ái cao nhất, vì nó tìm kiếm lợi ích chung” [167].

181. Mọi cam kết được gợi hứng bởi học thuyết xã hội của Giáo hội đều “phát xuất từ lòng bác ái, một lòng bác ái, theo lời dạy của Chúa Giêsu, vốn là tổng hợp của toàn bộ Lề luật (x. Mt 22: 36-40)” [168]. Điều này có nghĩa thừa nhận rằng “tình yêu, tràn ngập những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt lẫn nhau, cũng mang tính dân sự và chính trị, và nó thể hiện trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” [169]. Vì lý do này, lòng bác ái được phát biểu không những trong các mối liên hệ gần gũi và thân thiết mà còn trong “các mối liên hệ vĩ mô: có tính xã hội, kinh tế và chính trị” [170].

182. Lòng bác ái chính trị này phát sinh từ một ý thức xã hội vượt lên trên mọi tư duy cá nhân chủ nghĩa: “Lòng bác ái xã hội làm cho chúng ta yêu công ích', nó khiến chúng ta tìm kiếm một cách hữu hiệu lợi ích của mọi người, được coi không những như các cá nhân hay tư nhân, mà còn trong chiều kích xã hội nhằm hợp nhất họ” [171]. Mỗi chúng ta hoàn toàn là một con người khi chúng ta là một phần của một dân tộc; đồng thời, không có dân tộc nào mà không tôn trọng cá tính riêng của mỗi con người. "Dân tộc" và "con người" là các thuật ngữ có tương quan qua lại với nhau. Tuy nhiên, ngày nay đang có những mưu toan nhằm giản lược con người thành những cá nhân cô lập dễ bị thao túng bởi các quyền lực chỉ biết theo đuổi lợi ích giả mạo. Nền chính trị tốt sẽ tìm cách xây dựng các cộng đồng ở mọi bình diện của đời sống xã hội, nhằm điều chỉnh và định hướng lại việc hoàn cầu hóa và do đó tránh được những hậu quả phá hoại nó.

Tình yêu hữu hiệu

183. “Tình yêu xã hội” [172] làm cho chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy được kêu gọi tiến vào. Lòng bác ái, với sự thúc đẩy của nó hướng tới tính phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới [173]. Không phải là thứ tình cảm đơn thuần, nó là phương tiện tốt nhất để khám phá những nẻo đường hữu hiệu để mọi người phát triển. Tình yêu xã hội là một “sức mạnh có khả năng gây cảm hứng cho những cách thức mới trong việc tiếp cận các vấn đề của thế giới ngày nay, trong việc đổi mới một cách sâu sắc các cơ cấu, các tổ chức xã hội và các hệ thống luật pháp từ bên trong” [174].

184. Bác ái nằm ở trung tâm mọi xã hội lành mạnh và cởi mở, tuy nhiên ngày nay “nó dễ bị bác bỏ như là không thích hợp để giải thích và đưa ra định hướng cho trách nhiệm đạo đức” [175]. Bác ái, khi đi kèm với cam kết đối với sự thật, không chỉ là cảm giác cá nhân, và do đó, không cần phải “trở thành mồi cho những cảm xúc và ý kiến chủ quan ngẫu nhiên” [176]. Thật vậy, mối liên hệ chặt chẽ của nó với chân lý cổ vũ tính phổ quát của nó và giữ cho nó khỏi bị “giới hạn trong một lĩnh vực hẹp hòi thiếu các mối liên hệ” [177]. Nếu không, nó sẽ bị “loại khỏi các kế hoạch và diễn trình cổ vũ sự phát triển con người ở phạm vi hoàn cầu, trong cuộc đối thoại giữa nhận thức và thực hành” [178]. Không có chân lý, xúc cảm thiếu nội dung liên hệ và xã hội. Sự cởi mở của bác ái đối với sự thật, do đó, bảo vệ nó khỏi “chủ nghĩa duy tín (fideism) vốn tước đoạt chiều kích nhân bản và phổ quát của nó” [179].

185. Bác ái cần ánh sáng của sự thật mà chúng ta không ngừng tìm kiếm. “Ánh sáng đó vừa là ánh sáng của lý trí vừa là ánh sáng của đức tin” [180], và không thừa nhận bất cứ hình thức nào của thuyết duy tương đối. Tuy nhiên, nó cũng tôn trọng sự phát triển của các ngành khoa học và sự đóng góp thiết yếu của chúng trong việc tìm ra các phương tiện chắc chắn nhất và thực tiễn nhất để đạt được các kết quả mong muốn. Vì khi lợi ích của người khác bị đe dọa, các ý định tốt mà thôi chưa đủ. Các cố gắng cụ thể phải được thực hiện để mang lại bất cứ điều gì họ và các quốc gia của họ cần để phát triển.

Kỳ tới: Thực thi tình yêu chính trị
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng Vấn Cha Giuse Ngô Sĩ Đình, Op. Tân Giám Đốc Caritas Việt Nam
Nt. Minh Du
07:54 19/10/2020
Ngày 12/10/2020 vừa qua, Đức cha Toma Vũ Đình Hiệu chủ tịch UBBAXH trao quyết định bổ nhiệm cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP. làm Tổng thư ký UBBAXH, Giám đốc Caritas Việt Nam, thay thế cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng đã phục vụ 10 năm. VietCatholic được cha Tân giám đốc Caritas Việt Nam dành cho cuộc phỏng vấn đầu tiên trong chức vụ mới

Nt. Minh Du: Thưa cha, lời đầu tiên VietCatholic xin chúc mừng cha.

Cha có bất ngờ khi Đức cha Toma Vũ Đình Hiệu mời cha làm giám đốc Caritas Việt Nam không ạ? Và “duyên” nào đã làm cho Đức cha Toma “để ý” và “ngỏ lời” với cha?

Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Chào Sơ. Trước tiên xin cám ơn Chị đã cho tôi có cơ hội thưa chuyện với độc giả VietCatholic. Chị hỏi tôi có bất ngờ hay không, thú thực tôi rất bất ngờ khi Đức cha chủ tịch UBBAXH ngỏ ý nhờ đảm nhận vai trò giám đốc Caritas Việt Nam. Bất ngờ vì tôi cứ nghĩ rằng hiện nay mình chỉ có thể đóng góp trong lãnh vực giảng dạy thần học, bây giờ lại tham gia lãnh vực bác ái xã hội. Còn “duyên” nào mà Đức cha chủ tịch đề nghị tôi làm giám đốc Caritas, thì tôi cũng chưa kịp hỏi ngài, và cũng không có ý hỏi. Tôi chỉ xin có thời gian để lượng sức mình và hỏi ý kiến các bề trên trong dòng thôi.

Nt. Minh Du: Cha đã đón nhận công việc với tâm trạng nào ạ?

Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Thưa Chị, tâm trạng đầu tiên là lo sợ vì tôi chưa quen với lãnh vực này, không biết mình có đáp ứng được những đòi hỏi của công việc được giao hay không. Nhưng tôi nhớ lại khi đi học thần học ở Đại học Công Giáo Paris, một giáo sư là nữ tu Geneviève đã nhắc nhở chúng tôi rằng các anh làm thần học thì trong đầu mỗi người các anh phải có hình ảnh ít nhất là của một người nghèo, nếu không, thứ thần học của các anh sẽ xa rời thực tế cuộc sống con người. Khi trở về Việt Nam và tham gia giảng dạy, tôi quên mất điều đó. Đến khi Đức cha chủ tịch UBBAXH đặt vấn đề thì tôi mới sực nhớ lại, phải chăng đây là lúc Chúa nhắc tôi thực hiện lời dạy của vị giáo sư khả kính kia. Nhưng dù sao vẫn lo lắng, lo hơn cả khi được bầu làm giám tỉnh, có lẽ nỗi lo giống như khi tôi còn học trung học mà được bầu làm lớp trưởng ! Khi được bầu làm giám tỉnh, tôi cũng đã biết đôi chút phải làm gì, vì mình ở trong dòng lâu rồi mà. Còn làm bác ái xã hội thì chưa quen. Tôi cũng nghĩ tới trường hợp của Đức cha chủ tịch, ngài chưa từng làm cha xứ bao giờ cho đến khi được đặt làm giám mục ! Tấm gương can đảm và phó thác của ngài cũng là một trong những động lực thúc đẩy tôi và giải toả phần nào tâm trạng lo lắng của tôi.

Nt. Minh Du: Cha sẽ chính thức bắt tay vào công việc khi nào và những lớp học tại các học viện cha sẽ còn tiếp tục giúp quý soeurs và quý thầy không, thưa cha?

Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Thưa Chị, công việc của tôi tại văn phòng Caritas bắt đầu từ ngày 12/10/2020. Thực ra thì Đức cha chủ tịch đã có ý bổ nhiệm chính thức từ giữa tháng 8/2020, dịp lễ thánh Anton Nguyễn Đích, bổn mạng Caritas Việt Nam, nhưng vì dịch Covid, nên tạm hoãn vô thời hạn. Do đó, tôi vẫn tiếp tục nhận công tác giảng dạy. Tôi đã thưa với Đức cha và được ngài đồng ý là tôi vừa giảng dạy vừa làm việc tại văn phòng Caritas ít là cho hết học kỳ này. Tôi nghĩ sở dĩ Đức cha chấp nhận điều này, vì hiện nay các anh chị em làm việc tại văn phòng Caritas đã được huấn luyện khá chuyên nghiệp, nên họ có thể đảm nhận tốt các công tác của văn phòng Caritas và các chương trình vẫn được vận hành đều đặn.

Nt. Minh Du: Điều gì làm cha lo ngại nhất trong vai trò Giám đốc Caritas VN và chương trình sắp tới của cha là gì trong cương vị mới?

Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Điều gì lo ngại nhất trong vai trò giám đốc, thì tôi không dám nói vì có thể chưa biết hết, còn những lo ngại chủ quan thì tôi đã nói trên kia. Riêng câu hỏi về chương trình sắp tới thì xin thưa là tôi đảm nhận những công việc của Giám đốc như đã được qui định trong điều lệ của Caritas Việt Nam. Tôi xin giới thiệu đôi chút về tổ chức Caritas để Chị hiểu rõ hơn. Caritas Việt Nam là một tổ chức trực thuộc HĐGM Việt Nam, và là thành viên của tổ chức Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis), hiện nay có 165 thành viên hoạt động trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trụ sở chính đặt tại Roma, có văn phòng tại New York (Hoa Kỳ) và tại Geneva (Thụy Sỹ). Chị có thể tìm hiểu thêm về Caritas tại trang Web caritasvietnam.org. Tại Việt Nam, văn phòng Caritas Việt Nam hiện đặt tại số 319, quốc lộ 13, quận Thủ Đức, gần nhà thờ Fatima Bình Triệu, giáo phận Sài Gòn. Ngoài ra, mỗi giáo phận còn có vị giám đốc Caritas giáo phận, văn phòng Caritas giáo phận cũng như các hội Caritas tại các giáo xứ. Các vị tiền nhiệm của tôi đã có công hình thành tổ chức Caritas với các cơ cấu khá vững chắc nên tôi cũng an tâm.

Về nguồn lực, trước đây tôi cứ nghĩ Caritas là tổ chức nhận các nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế rồi phân phối cho các dự án từ thiện tại Việt Nam. Nhưng thực sự không hoàn toàn như vậy. Caritas thực hiện một vài dự án với nguồn hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện nước ngoài, nhưng phần chính yếu vẫn là dựa vào lòng quảng đại của anh chị em giáo dân và các mạnh thường quân tại Việt Nam. Do đó chúng tôi cần tìm ra những phương thức vận động được sự giúp đỡ của nhiều người, và chúng tôi có vai trò làm cầu nối cho những tấm lòng đó đến với những người có nhu cầu thực sự.

Về lãnh vực hoạt động, Caritas tập trung vào các lãnh vực như cứu trợ khẩn cấp, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và xây dựng hòa bình.

Đặc biệt, năm tới là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Caritas Quốc tế (1951-2021), ngoài những công việc đang làm, chúng tôi hướng tới một số dự án liên hệ đến các chương trình sau. Một là vận động anh chị em Công Giáo, đặc biệt các hội viên Caritas tại các giáo xứ, học hỏi tinh thần bác ái tin mừng, và thể hiện tinh thần đó trong những dự án cụ thể trong khả năng của mình. Chúng ta đều ý thức rằng bác ái không là công việc của riêng ai, nhưng là sứ vụ của toàn Giáo hội và của mỗi người Kitô hữu, do đó, Caritas Việt Nam có chương trình vận động các hội viên Caritas và giới trẻ thực hiện những dự án trong khả năng của mình. Không có việc nhỏ, chỉ có những công việc được thực hiện với tình yêu lớn hay nhỏ mà thôi.

Thứ đến, chúng tôi tìm cách gây ý thức cho mọi người hiểu ý nghĩa Caritas. Caritas là chính tên gọi của Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã viết một thông điệp tựa đề là Deus Caritas est. Thiên Chúa là Caritas. Do đó khi tham gia Caritas, không phải chúng ta làm từ thiện, mà đúng hơn là chia sẻ tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Trước đây tôi đã có thời gian ngắn công tác cho một tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Họ giải thích cho chúng tôi rằng không phải họ đưa tiền đến giúp người Việt mà họ chỉ trả lại những gì thuộc về người Việt, những người nghèo ở Việt Nam. Theo họ, tài nguyên trên trái đất là của chung, do đó, người có nhiều hơn phải san sẻ cho người có ít hơn. Bác ái không phải là cho người khác những gì mình có mà đúng hơn trả lại cho người khác tình yêu mà Chúa đã ban cho họ qua chúng ta.

Nt. Minh Du: Hiện nay hậu quả của cơn bão số 6 và số 7 cũng như những ngày mưa đặc biệt lớn ở miền Trung, Caritas có chương trình tương trợ khẩn cấp và dài lâu ra sao, thưa cha!?

Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Tôi bắt đầu công việc từ ngày 12/10, khi cơn bão số 6 vừa suy yếu thì miền Trung lại tiếp tục oằn mình dưới giông gió của cơn bão số 7. Caritas có ban cứu trợ khẩn cấp và cứu trợ phục hồi. Trong những ngày qua, chúng tôi trao đổi thông tin với các vị giám đốc Caritas tại các giáo phận Đà Nẵng, Huế và Hà Tĩnh và cũng đã hỗ trợ các đơn vị này. Caritas tại các giáo phận cũng đã khẩn trương thăm viếng và cứu trợ những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chúng ta đều biết thiệt hại do thiên tai như thế là không nhỏ, mà khả năng của Caritas rất giới hạn, do đó, có những lời kêu gọi mà chúng tôi cảm thấy buồn vì không đáp ứng được. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã vận động một số đơn vị giáo xứ hoặc hội dòng, tổ chức những chuyến cứu trợ đến các vùng bị thiên tai, phối hợp với các vị giám đốc Caritas giáo phận.

VietCatholic một lần nữa cám ơn Cha đã chia sẻ những tâm tình trong những ngày đầu nhận sứ vụ mới. Xin Thiên Chúa chúc lành và ban nhiều sức khỏe thể xác và tinh thần cho cha

Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Cám ơn Chị nhiều. Xin Chị và quý độc giả VietCatholic cầu nguyện nhiều và hỗ trợ cho các công tác bác ái của Caritas Việt Nam.
 
Giáo họ Đông Mỹ, Gx. Tụy Hiền rước kiệu tháng Mân Côi
Gx. Tụy Hiền
08:39 19/10/2020
Cách đây đúng tròn 103 năm, ngày 13/10/1917 đã đi vào lịch sử thế giới và không ngừng được nhắc tới sự kiện Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima. Biến cố này tưởng chừng đã bị rơi vào quên lãng vì chính quyền cấm đoán. Tuy nhiên, sứ điệp Fatima vẫn vang vọng trong lòng mọi người khi Lucia hỏi Bà Đẹp : Bà muốn con làm gì?

Mẹ đáp : Ta là Đức Mẹ Mân Côi. Hãy cải thiện đời sống, xin ơn tha thứ mọi tội lỗi. Đừng phạm đến Chúa nữa, vì Chúa đã bị xúc phậm quá nhiều. Hãy tiếp tục lần hạt hàng ngày, cầu nguyện, hy sinh cho tội nhân được ơn trở lại và nhất là nguyện cầu cho thế giới được hòa bình.

Xem Hình

Thực hành lời Mẹ dạy, con cái Mẹ tại giáo xứ Tụy Hiền đã qui tụ nhau tại nhà thờ Đông Mỹ vào buổi chiều ngày 13 tháng 10, chầu Thánh Thể, lần Hạt Mân Côi, mỗi chục kinh là những ý nguyện cầu.

Tiếp đến là thánh ca hát kèm theo vũ điệu dâng hoa : “Lạy Mẹ Fatima, Mẹ nỉ non bao lần…”, con cái Mẹ nam cũng như nữ, thay nhau rước kiệu tung hô tượng Mẹ Fatima qua các ngả đường, như muốn gửi gắm cho Mẹ hết mọi gia đình, và thế giới, cùng với Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Mẹ Fatima.

Lạy Đức Mẹ Fatima, xin cầu cho chúng con. Amen.

Gx. Tụy Hiền

Ảnh : Gia Huy
 
Thông Báo
Thông báo TTCGVN GP Orange: Quyên tiền cứu trợ đồng bào Miền Trung đang bị lũ lụt
LM Phạm Ngọc Hùng
16:27 19/10/2020
Cứu Trợ Đồng Bào Miền Trung

Kính thưa quý anh chị em tín hữu:

Trong tinh thần máu chảy ruột mềm, kính mong quý anh chị em quảng đại cứu trợ đồng bào Miền Trung đang bị thiên tai lũ lụt tàn phá. Hơn hai tuần qua nước lũ càng ngày càng dâng cao, đã và đang gây thiệt hại đến nhiều mạng sống của con người và gia cầm. Nhiều thành phố, làng mạc, và ruộng đồng bị nước lũ phủ kín. Nhiều người cho rằng đây là trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử của Miền Trung Việt Nam.

Cùng hiệp thông với nỗi thống khổ này, Đức Cha Kevin Vann, Giám Mục Giáo Phận Orange, đã cho phép các cộng đoàn Việt Nam được xin tiền lần thứ hai trong Thánh Lễ Chúa Nhật tuần này hoặc tuần tới để cộng tác vào công cuộc cứu trợ. Kính mong quý ông bà và anh chị em góp một bàn tay, lá lành đùm lá rách. Quý vị vui lòng đóng góp trực tiếp tại cộng đoàn của mình hay tại Trung Tâm Công Giáo. Số tiền thu được sẽ được chuyển về Tòa Giám Mục GP Orange, và Đức Cha Nguyễn Thái Thành sẽ chuyển thẳng về cho các giáo phận Miền Trung. Chúng tôi sẽ báo cáo hàng tuần trên Bản Tin Hiệp Thông về số tiền thu được tại các cộng đoàn.

Xin quý ông bà và anh chị em RẤT CẨN THẬN với những cá nhân hay tổ chức lạ, đang lợi dụng hoàn cảnh này để lường gạt.

Chân thành cám ơn tinh thần bác ai cáo quý của quý ông bà và anh chị em. Kính xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho quý vị và quý quyến.

Nay kính,

LM Vincentê Phạm Ngọc Hùng
Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo
 
VietCatholic TV
Thánh Ca: Hạt Giống Tình Yêu – Trình Bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic
02:11 19/10/2020


 
Phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa – Đức Thánh Cha kêu gọi trưa Chúa Nhật 18/10
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:01 19/10/2020


Phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa – Đức Thánh Cha kêu gọi trưa Chúa Nhật 18/10

Chúa Nhật 18 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 29 Mùa Thường Niên với bài Phúc Âm sau trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu:

Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Mở đầu bài huấn đức ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Chào anh chị em, chúc một ngày tốt lành!

Tin mừng Chúa Nhật hôm nay (xc. Mt 22,15-21), trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chống lại thói giả hình của những người chống đối Ngài ra sao. Đầu tiên, họ ca ngợi Ngài nhiều điều nhưng rồi đặt một câu hỏi gài bẫy để gây khó khăn và để làm Ngài bị mất uy tín trước mặt dân. Họ hỏi Ngài: “Có được phép nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê hay không?” Thời đó tại Palestine, dân chúng không chấp nhận ách thống trị của đế quốc Roma, vì họ là những kẻ xâm lược, và cũng có cả các lý do tôn giáo nữa. Việc tôn thờ hoàng đế đã được làm nổi bật với hình của ông ta in trên đồng tiền. Đối với dân chúng, đó thực là một điều xúc phạm đến Thiên Chúa của Israel. Những người đối thoại với Chúa Giêsu xác tín rằng không có lối thoát nào cho vấn nạn của họ: hoặc là đồng ý hoặc là không. Nhưng Chúa biết sự nham hiểm của họ và Ngài thoát khỏi cạm bẫy. Ngài yêu cầu họ cho xem một đồng tiền thuế, Ngài cầm tiền trong tay và hỏi xem hình in trên đồng tiền là của ai. Họ trả lời là của Cêsarê. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời: “Vậy hãy trả cho Cêsarê những gì thuộc Cêsarê và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.

Với câu trả lời như thế, Chúa Giêsu đặt mình lên trên cuộc tranh luận. Một đàng, Ngài nhìn nhận cần trả thuế cho Cêsarê vì hình trên đồng tiền là của ông; nhưng nhất là Ngài nhắc nhớ rằng mỗi người đều mang trong mình một hình ảnh khác, hình ảnh Thiên Chúa, và vì thế, mỗi người đều mắc nợ cuộc sống của mình đối với Chúa và chỉ mình Chúa mà thôi.

Trong phán quyết ấy của Chúa Giêsu, không những có tiêu chuẩn phân biệt rạch ròi giữa hai lãnh vực chính trị và tôn giáo, nhưng còn cho thấy những đường hướng rõ ràng trong sứ mạng của các tín hữu thuộc mọi thời đại, và cả thời nay nữa. Trả thuế là một nghĩa vụ của công dân, cũng như việc tuân giữ những luật lệ công chính của quốc gia. Đồng thời, cần khẳng định quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống con người và trong lịch sử, tôn trọng quyền của Chúa đối với những gì thuộc về Ngài.

Từ đó phát sinh sứ mạng của Giáo hội và các tín hữu Kitô là nói về Thiên Chúa và làm chứng về Chúa cho những người nam nữ trong thời đại của mình. Mỗi người, do bí tích Rửa tội, được kêu gọi trở thành một sự hiện diện sinh động trong xã hội, linh hoạt xã hội bằng Tin mừng và bằng nhựa sống của Chúa Thánh Linh. Vấn đề ở đây là khiêm tốn dấn thân, và đồng thời can đảm đóng góp phần của mình vào việc xây dựng nền văn minh tình thương, trong đó có công lý và tình huynh đệ hiển trị.

Xin Đức Mẹ Maria rất thánh giúp tất cả chúng con xa tránh mọi sự giả hình và trở thành những công dân lương thiện và xây dựng. Xin Mẹ giúp chúng con thành những môn đệ của Chúa Kitô trong sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa là trung tâm và là ý nghĩa của cuộc sống.


Source:Holy See Press Office

Tâm thư gởi các cử tri Công Giáo của Hệ thống Truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN

Hệ thống Truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN, tức là Lời Vĩnh Cửu, vừa đưa ra một bức tâm thư gởi các tín hữu Công Giáo là cử tri trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 11 tới đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, sự lựa chọn không thực sự chỉ là giữa tổng thống Donald Trump và Joe Biden mà thôi. Nhưng đó còn là sự lựa chọn giữa hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về nước Mỹ. Sự khác biệt đó là về triết học, chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề cá nhân ai sẽ là tổng thống.

Một chiến dịch tranh cử đã xây dựng trên ý tưởng theo đó Mỹ là một đất nước tuyệt vời, có nhiều điều để mang đến cho thế giới. Viễn kiến này bao gồm một tầm nhìn coi việc thực hành tôn giáo và niềm tin vào Chúa là trọng tâm trong đời sống riêng tư và cả trong đời sống công cộng của đất nước. Theo cách hiểu về nước Mỹ này, đức tin không phải là thứ cần được bảo vệ bằng cách xây nên các “bức tường ngăn cách” được thiết kế để che chắn cho các Kitô hữu. Thay vào đó, đức tin - và bản thân Kitô Giáo - được coi là yếu tố then chốt đối với sự hưng thịnh của đất nước chúng ta theo quan điểm được chia sẻ bởi nhiều quốc phụ sáng lập đất nước này. Đây là sự hiểu biết của những vĩ nhân như Samuel Adams, James Madison, Patrick Henry và George Washington.

Tiêu biểu cho suy nghĩ đó là những lời sau đây của Charles Carroll. Ông là người Công Giáo đã ký tên trong Tuyên ngôn Độc lập, và là người đã viết vào năm 1800 rằng: “Không có đạo đức, một nền cộng hòa không thể tồn tại trong bất kỳ thời điểm nào; vì thế, những ai đang chê bai Kitô Giáo là đang phá hoại nền tảng đạo đức vững chắc, sự an toàn tốt nhất cho sự bền vững của các chính phủ tự do”.

Theo quan điểm này về Hoa Kỳ, Kitô hữu và những người có đức tin khác được coi là một phần rất lớn và quan yếu trong giải pháp cho những thách thức mà đất nước chúng ta phải đối mặt, giống như họ đã từng là trung tâm của rất nhiều phong trào tích cực trong lịch sử của Hoa Kỳ - từ cuộc vận động phò sinh trong bốn thập kỷ qua cho đến biết bao các cuộc vận động to lớn vì công lý và nhân quyền trong các thế kỷ 19, 20 và 21.

Không có gì ngạc nhiên khi quan điểm truyền thống về đất nước chúng ta cho rằng cần bảo vệ các bảo đảm hiến định về tự do tôn giáo, rằng những người có đức tin không thể bị phân biệt đối xử vì tín ngưỡng của họ, và tất cả người Mỹ, kể cả những người chưa sinh ra, đều có quyền do Chúa ban là quyền được sống – là quyền đầu tiên được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập.

Theo quan điểm này, Hiến pháp được xem như một văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng để tiếp tục phục vụ đất nước một cách hiệu quả và nên được hiểu là văn bản - không thể bị điều chỉnh và thay đổi để đáp ứng các trào lưu hoặc xu hướng hiện nay.

Viễn kiến này về đất nước chúng ta tin rằng các giá trị mà Hoa Kỳ ủng hộ thông qua các chính sách đối ngoại của chúng ta và sự hỗ trợ ở nước ngoài phải là các giá trị như tự do tôn giáo chứ không phải là phá thai. Chúng ta tin vào sự bình đẳng về cơ hội, phản đối bạo loạn và chống lại các nhà sử học theo chủ nghĩa xét lại, những người sẽ phá hoại mọi thứ ở Mỹ để làm ô nhiễm di sản của đất nước đến mức biến Hoa Kỳ thành thảm họa.

Quan điểm này không cho rằng mọi thứ ở Mỹ đều hoàn hảo, hay mọi người sáng lập đất nước hay các nhà lãnh đạo của chúng ta tán thành quan điểm này đều là các bậc thánh nhân, nhưng nó tin vào sự vĩ đại của đất nước và vào ý tưởng cho rằng có các khí cụ tồn tại trong Hiến pháp và hệ thống chính phủ của chúng ta để khắc phục những vấn đề nảy sinh mà không cần đến bạo loạn hay bất cứ sách lược nào nhằm thay đổi hoàn toàn hệ thống luật pháp và chính phủ của chúng ta. Đây là quan điểm truyền thống của người Mỹ.

Chống lại quan điểm này là một tầm nhìn cực đoan ngày càng phổ biến trong nhiều trường cao đẳng và đại học, trên các phương tiện truyền thông báo chí, và giữa những người biểu tình và bạo loạn, và thậm chí ngay cả trong giới chính trị, bao gồm cả một chiến dịch tranh cử tổng thống.

Trong cách nhìn cực đoan này về lịch sử của chúng ta, nước Mỹ có nhiều điều để chuộc lỗi và chẳng có bao nhiêu điều đáng để tự hào. Các giá trị tôn giáo truyền thống và Kitô giáo bị coi như một hình thức hoặc một phương tiện tạo ra phân biệt đối xử trong xã hội, chứ không phải là yếu tố trung tâm của đất nước. Phá thai không chỉ được tuyên dương; nó còn được xuất khẩu bằng tiền đóng thuế của người dân và được tin là một thứ nhân quyền cao cả. Theo quan điểm này, tránh thai là một quyền cơ bản vượt trội hơn cả các quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp như trong trường hợp các nữ tu Dòng Các Tiểu Muội Người Nghèo. Sự phản đối theo lương tâm bị gạt bỏ, và tôn giáo được coi là thứ cần phải bị đàn áp và kỳ thị, chứ không phải là điều đáng được ca tụng vì những gì tôn giáo là và những gì tôn giáo tin tưởng. Trên thực tế, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước, và các giá trị tôn giáo bị coi là lạc lõng so với “các giá trị cấp tiến mới xuất hiện của Mỹ”.

Tiến bộ của Mỹ trong các lĩnh vực bình đẳng chủng tộc bị đánh giá thấp, và trong khi đất nước tiếp tục cố gắng cải tiến các vấn đề pháp lý liên quan đến chủng tộc, nhóm này lại bác bỏ mọi hy vọng cải thiện trong hệ thống hiện tại. Đối với họ, chỉ có thể chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn hệ thống của Mỹ, bất kể hệ thống này đã hoạt động tốt như thế nào so với rất nhiều quốc gia đương đại khác và bất kể mức độ hấp dẫn của nó đã khiến biết bao người bị áp bức trên toàn thế giới tìm đến đây vào bao nhiêu người khác mơ được đến sống ở quốc gia này.

Việc xác định lại các giá trị liên quan đến tính dục và chính gia đình là trung tâm của thế giới quan này - và những người có niềm tin tôn giáo không đồng ý với chương trình nghị sự như vậy bị coi là cố chấp. Hoa Kỳ bị họ công khai chỉ trích là “đế quốc Mỹ”, trong khi họ nhắm mắt làm ngơ trước chủ nghĩa đế quốc thực sự của các nước cộng sản. Hoa Kỳ là quốc gia đón nhận niềm tin tôn giáo, tin rằng quyền của người dân đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ nhà cầm quyền. Nhưng nhóm này đánh giá thấp quan điểm đó và đề cao một thứ nhà cầm quyền thay Trời hành đạo. Như một bộ phim tài liệu gần đây của EWTN đã chỉ ra, khi các chính phủ cố gắng giết Chúa, họ thường quay sang giết người trước.

Theo quan điểm này, tôn giáo phải phục tùng các chính trị gia và nhà nước. Chấm hết. Miễn bàn cãi.

Và sự phục tùng sẽ luôn luôn tăng lên, bởi vì đối với đám đông cực đoan này, tiến hóa là tất cả. Các giá trị của chính họ - và chính cả các từ vựng của họ - ngày này sang ngày khác liên tục bị thay thế bằng các giá trị mới và các ngôn từ mới. Mục tiêu của họ không phải là tĩnh mà là động, nhưng nhất quán đi theo con đường chống lại Kitô Giáo. Các chính trị gia trong nhóm này trước đây đã từng ủng hộ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân, Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo, hoặc Tu chính án Hyde cách đây vài thập kỷ giờ đây lại cho rằng tất cả những điều này đều đáng khinh bỉ. Đối với những người ủng hộ quan điểm này về nước Mỹ, các giá trị không phải là bất biến, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi tùy thuộc vào trào lưu chính trị và xu hướng văn hóa.

Quan điểm này về nước Mỹ đang tìm cách loại bỏ vai trò của Thiên Chúa và tầm quan trọng, tính độc đáo và sự vĩ đại của lịch sử lập quốc và các phát triển sau đó của nước Mỹ - là một quan điểm cực đoan tai hại cho đất nước chúng ta.

Điều này - hơn cả chính các ứng cử viên - là những gì được thể hiện trên lá phiếu. Anh chị em đang bỏ phiếu năm nay cho tầm nhìn dài hạn của nước Mỹ, chứ không phải chỉ cho một người. Hãy ghi nhớ điều đó: Hãy cầu nguyện và bỏ phiếu - vì tương lai của đất nước anh chị em.

Xin Chúa phù hộ anh chị em.

Michael Warsaw

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành

Mạng lưới Công Giáo Toàn cầu EWTN

Giám Đốc Nhà xuất bản National Catholic Register.



Source:National Catholic Register
 
Lạ lùng: Nhà thờ cháy rụi nhưng Bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi còn nguyên vẹn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:09 19/10/2020

1. Lạ lùng: Nhà thờ cháy rụi nhưng Bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi còn nguyên vẹn

Theo thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, một bức tranh lịch sử Đức Mẹ Sầu Bi đã còn nguyên vẹn một cách lạ lùng sau trận hỏa hoạn kinh hoàng tại một nhà thờ truyền giáo ở California. Tổng giáo phận Los Angeles đã cho biết như trên.

Bức tranh là một trong hai bức họa Đức Mẹ Sầu Bi tại cứ điểm truyền giáo này, bức còn lại trong quá khứ từng được cho là liên quan đến nhiều phép lạ và đã được di chuyển đến một địa điểm khác nhằm chuẩn bị kỷ niệm 250 năm xây dựng ngôi thánh đường này.

Cứ điểm truyền giáo San Gabriel Arcángel hay Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel, do Thánh Junipero Serra thành lập vào năm 1771, đã bị nhóm BLM đốt cháy ngày 11 tháng 7 trong một vụ hỏa hoạn đang được điều tra.

Các nỗ lực phục hồi cho cứ điểm truyền giáo này vẫn đang trong giai đoạn dọn dẹp các đống đổ nát. Theo Angelus News, việc xây dựng lại toàn bộ ngôi thánh đường có thể mất ít nhất một năm. Vụ hỏa hoạn lên đến mức báo động cấp bốn tại cứ điểm truyền giáo này có sự tham gia của 50 lính cứu hỏa và phá hủy mái nhà và nội thất bằng gỗ của ngôi thánh đường.

Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật trong ngôi thánh đường đã được dỡ bỏ vài tháng trước đám cháy như một phần của quá trình trùng tu đang diễn ra, trước thềm lễ kỷ niệm 250 năm của nhà thờ được lên kế hoạch vào tháng 9 năm 2021.

Trong số các tác phẩm còn được lưu lại trong ngôi thánh đường, bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi, mô tả Đức Trinh Nữ Maria trong một khung cảnh u ám, tăm tối, là tác phẩm nghệ thuật duy nhất còn sót lại sau trận hỏa hoạn.

Vào tháng 9, các công nhân đã phát hiện ra bức tranh còn nguyên vẹn dưới xà ngang bị cháy, chỉ bị hư hại nhẹ.

Angelus News cho biết một bản kiểm kê gần đây về các tác phẩm nghệ thuật của cứ điểm truyền giáo do Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles tiến hành đã xác định bức tranh này có niên đại từ thế kỷ 18, mặc dù ngày chính xác và danh tính của nghệ sĩ vẫn chưa được biết.

Một trong những tác phẩm nghệ thuật được đưa đi khỏi nhà thờ trước vụ hỏa hoạn là một bức tranh khác về Đức Mẹ Sầu Bi có tên là “La Dolorosa”.


Source:Catholic News Agency

2. Người Công Giáo California cầu nguyện, và phản đối vụ phá hủy tượng Thánh Junipero Serra

Người Công Giáo ở California đã tập hợp trong một cuộc biểu tình ôn hòa vào tối thứ Ba tại địa điểm cũ của một bức tượng của Thánh Junipero Serra, mà một nhóm những kẻ quá khích đã phá hoại và kéo xuống hồi đầu tuần qua.

Cha Kyle Faller, cha sở giáo hạt, đã lần hạt Mân Côi và phát biểu trước đám đông khoảng 75 đến 100 người vào ngày 13 tháng 10, nhiều người trong số họ đã cầm những tấm biển ghi “Giải phóng các Thánh lễ”, liên quan đến các hạn chế COVID-19 của thành phố đối với việc thờ phượng nơi công cộng, mà Đức Tổng Giám Mục của San Francisco đã gọi là bất công.

Cha Faller cũng chủ sự một buổi cầu nguyện tại nơi bức tượng bị phá hủy, trong đó có lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã dâng lễ cầu nguyện trừ tà tại địa điểm cũ của bức tượng vào ngày 17 tháng 10.

“Hãy coi đó là một thời gian cho tất cả chúng ta suy tư nhưng hãy vững lòng và đừng sợ, như vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vĩ đại của chúng ta từng nói,” Cha Faller nói với đám đông.

“Điều này có nghĩa là đức tin của chúng ta không thể bị giới hạn trong đời sống riêng tư hoặc đóng kín trong 4 bức tường nhà thờ. Đức tin của chúng ta phải được sống trong nhà thờ nhưng cũng phải được sống trên đường phố, trong nhà của chúng ta, và nơi làm việc của chúng ta”.

Tưởng cũng nên nhắc lại hôm thứ Hai 12 tháng 10, một nhóm những kẻ quá khích ở gần San Francisco đã vẽ bậy lên bức tượng Thánh Junipero Serra được đặt trong sân nhà thờ bằng sơn xịt màu đỏ trước khi giật sập bức tượng xuống đất.

Thánh Serra, là một linh mục và một nhà truyền giáo dòng Phanxicô sống vào thế kỷ 18, bị một người quá khích coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và sự ngược đãi mà nhiều người Mỹ bản địa phải gánh chịu trong cuộc tiếp xúc với văn minh Tây phương. Tuy nhiên, các nhà sử học nói rằng nhà truyền giáo là người luôn bênh vực dân bản địa, phản đối sự lạm dụng và tìm cách chống lại sự áp bức của thực dân.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone hôm thứ Ba đã lên tiếng chỉ trích “não trạng đám đông cuồng loạn” dẫn đến việc bức tượng của vị thánh đã bị “một đám đông nhỏ đầy bạo lực vẽ bậy và giật sập một cách vô ý thức”.

“Hành vi kiểu này không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội văn minh nào. Trong khi cảnh sát đã may mắn bắt giữ được năm thủ phạm, những gì xảy ra tiếp theo là rất quan trọng, vì nếu những kẻ này bị coi là vi phạm tài sản nhỏ, thì điều này đã bỏ sót một điểm quan trọng: các biểu tượng đức tin của chúng ta đang bị tấn công không chỉ ở các nơi công cộng, mà ngay trên cả các phần đất riêng của chúng ta và thậm chí ngay bên trong các nhà thờ của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói hôm 13 tháng 10.

Cuộc bạo loạn dẫn đến việc phá hủy bức tượng diễn ra vào ngày 12 tháng 10 tại cứ điểm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael ở San Rafael, CA, phía bắc vịnh San Francisco. Mặc dù chính Thánh Serra không thành lập cứ điểm truyền giáo San Rafael này, cứ điểm vẫn được coi là di sản của Thánh Serra, vì do các hậu nhân của ngài từ chín cứ điểm đầu tiên do ngài thành lập mà ngày nay trở thành California.

Cuộc biểu tình kéo dài một giờ do các thành viên của bộ lạc Coast Miwok tổ chức, đánh dấu Ngày của Người bản địa, ngày lễ mà nhiều tiểu bang và thành phố do đảng Dân Chủ cầm đầu đã chỉ định để thay thế Ngày Columbus.

Một nhân viên bảo trì nhà thờ đã che bức tượng bằng băng keo trước cuộc biểu tình để bảo vệ bức tượng khỏi bị vẽ bậy. Nhiều bức tượng của vị thánh đã bị phá hoại hoặc phá hủy trong năm nay, hầu hết là ở California.

Những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đã bóc băng keo và phun sơn đỏ vào mặt bức tượng.

Những người biểu tình đã cố gắng ngăn các máy quay tin tức địa phương quay cảnh vụ lật đổ, nhưng Fox2 đã quay được cảnh tượng này. Ít nhất năm người có thể được nhìn thấy đang kéo đầu bức tượng bằng dây thừng.

Đoạn băng dường như cho thấy bức tượng rơi vào một trong những người biểu tình, mặc dù không có bất kỳ trường hợp thương tích nào được báo cáo.

Cảnh sát đã bắt giữ 5 phụ nữ liên quan đến vụ việc này và buộc họ tội phá hoại với tình tiết nghiêm trọng.

“Chúng ta không thể cho phép một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật không được ai bầu có quyền quyết định những biểu tượng thiêng liêng nào những người Công Giáo hoặc tín hữu các tôn giáo khác được phép trưng bày và sử dụng để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Điều này phải dừng lại,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

“Việc tấn công các biểu tượng đức tin của hàng triệu người Công Giáo, những người đa dạng về sắc tộc như bất kỳ tín ngưỡng nào ở Mỹ, là phản tác dụng. Nó cũng chỉ đơn giản là sai”.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Hạt Giống Tình Yêu – Trình Bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic
02:12 19/10/2020