Ngày 17-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đồng tiền có hai mặt, dùng mặt này làm sáng mặt kia.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
16:28 17/10/2020
Đồng tiền có hai mặt, dùng mặt này làm sáng mặt kia.

Nếu có dịp được qua Anh Quốc, ghé vào bảo tàng viện Manchester, ta đi thẳng đến khu trưng bày các đồng tiền cổ của đế quốc Roma, sẽ gặp ở đó một đồng tiền bằng bạc có niên hiệu vào khoảng thời đại Giêsu. Đó chính là đồng bạc người Do Thái thời Chúa Giêsu đã dùng (chuyên môn gọi là đồng bạc Denarius nặng 3,8g).

Nếu được cầm đồng bạc đó trên tay, ta nhớ đến dụ ngôn người Samaritano nhân lành mà thánh Luca kể, đã trao hai đồng bạc đó cho người chủ quán để săn sóc người bị cướp đánh dọc đường.

Nếu được cầm đồng bạc đó trên tay, ta cũng nhớ đến dụ ngôn những thợ làm vườn nho mà thánh Matthêu kể : Cuối ngày mỗi người ai nấy đều được một đồng, dù là vào làm sớm tinh sương hay vào làm lúc chiều đã tà. Nhất là hôm nay nếu được cầm đồng bạc đó trên tay, ta nhớ đến đồng bạc mà hai phe vốn kình địch nhau, phe Herode và phe Pharisêu, nhưng đứng trước một đối thủ chung là Chúa Giêsu, thì đã tạm hợp lực để giăng bẫy Chúa và trao cho Chúa cũng chính đồng bạc đó.

Cầm đồng bạc đó trên tay, một mặt ta thấy hình Hoàng đế Tiberius Caesar. Hoàng đế này trị vì đế quốc Roma trong thời gian hoạt động công khai của Chúa; một mặt là hình bà Livia, mẹ của hoàng đế (Hoàng thái hậu). Bà xuất hiện trong tư thế ngồi, và tay cầm cành lá ôliu tượng trưng cho hoà bình.

Đó là đồng tiền.

Và đây là bối cảnh. Có 3 hạng người trên đất nước Israel thời Chúa Giêsu : công dân Roma; người tự do nhưng không có quốc tịch Roma; và người nô lệ. Chỉ có loại thứ hai mới phải đóng thuế, và đây là thuế thân, từ 14-65 tuổi là phải nộp. Phái Sađốc và bè Herode sẵn sàng nộp, vì chính quyền Roma là chỗ dựa của họ. Bè Pharisêu thì miễn cưỡng nộp. Còn phái Nhiệt Thành mà một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu, ông Simon Zelot thuộc phái này, nhất định không nộp. Kẻ nộp, người không, kẻ miễn cưỡng nộp : vậy có nộp thuế thân, một dấu chỉ thần phục, hay không?

trả lời “nộp” : là kẻ bán nước, phản quốc

trả lời “không” : là người xúi loạn, phản động.

Họ đặt bẫy, thế nào Chúa cũng bị, lại còn cho dầu mỡ trơn tru để thế nào Chúa cũng tuột vào bằng một câu rào đón nịnh hót : Thầy là người chân thật, dạy đường lối Thiên Chúa cách chân thật, không thiên tư vị nể ai, không đánh giá người theo bề ngoài. Vậy Thầy hãy dạy chúng tôi, có được phép nộp thuế cho Cesar không?

Chúa Giêsu đã không trơn tuột vào mà dừng lại : “Hãy đưa cho ta xem đồng tiền.” Họ đưa cho Chúa Giêsu đồng Denarius như mô tả trên đây.

Kính thưa anh chị em,

Đồng tiền nào cũng có hai mặt. Huy chương nào cũng có hai phía. Và câu trả lời của Chúa Giêsu khi người ta giăng bẫy bằng câu hỏi “có được phép nộp thuế cho Cesar không” cũng có hai vế : Của Cesar hãy trả cho Cesar. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.

Linh mục G. Bornkamin rất nhạy bén để nhìn thấy chữ “hình ảnh” móc nối cho cả hai vế :

-đồng tiền mang hình của Cesar = hãy trả cho Cesar thuế thân đó. Chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa = hãy trả cho Thiên Chúa bản thân mình.

Nhưng chúng ta mắt hướng về trời mà chân vẫn còn đạp đất, vì thế chúng ta mang trong mình hai hình ảnh - hai bổn phận – hai quốc tịch. Là công dân của hai nước : Nước Trời và nước Đất, phải sống sao tốt đời đẹp đạo. Bình thường hai nước đó với hai bổn phận đi song song nhau, nhưng cũng có khi xung đột. Lúc xung đột ta đã biết ta phải ưu tiên cho bổn phận nào rồi, nhưng hay nhất là chẳng những đừng để xung đột tranh chấp mà lại biết hỗ trợ nhau, như Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn người quản lý bị đuổi việc. Hãy dùng tiền bạc ở đời này mà mua lấy bạn hữu để họ đón anh em vào Nước Trời đời sau.

Câu nói : Đồng tiền có hai mặt. Theo nghĩa chặt cũng đúng như đồng tiền Denarius thời Chúa Giêsu : một mặt hình hoàng đế Tiberius, vua chinh chiến. Một mặt hình bà hoàng thái hậu Livia cầm nhành ô liu mang lại hòa bình. Đồng tiền có hai mặt theo nghĩa bóng thì cũng dễ hiểu: có thể dùng đồng tiền mua súng ống gây chiến tranh, mà cũng có thể dùng đồng tiền mua lúa gạo tạo an lành. Có thể dùng đồng tiền thuê người tạt a-xít trả thù, nhưng cũng có thể dùng đồng tiền tạo công ăn việc làm giúp đỡ kẻ nghèo người khổ. Có thể dùng đồng tiền gian dối mà mua lấy vé vào Nước Trời đích thật (x. Lc 16,9).

Phải làm sao biết dùng hình của đồng tiền để làm sáng, làm bóng cái hình (ảnh) của Thiên Chúa mà chúng ta mang trong mình.

Hôm nay là Chúa nhật Truyền giáo. Truyền giáo có nhiều nghĩa. Nhưng hôm nay ta hiểu theo nghĩa này: Truyền giáo là giới thiệu khuôn mặt Chúa Giêsu cho người khác. Khuôn mặt đó, hình ảnh đó, ta mang sẵn trong người mình, vì mình là con Chúa (Giêsu cũng là Con Chúa) khi lãnh nhận Phép Rửa. Vậy truyền giáo là làm sáng lên khuôn mặt, hình ảnh Giêsu, Con Chúa và cũng là hình ảnh Thiên Chúa có nơi mình, bằng những hành vi bác ái, tức là dùng hình đồng tiền làm sáng lên, làm bóng lên hình con Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta. Ước được như vậy. Amen

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:56 17/10/2020

4. Phàm người luôn gìn giữ hành vi chân chính, thì có thể được bình an với mọi người.

(Thánh Francis Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:04 17/10/2020
54. NGHIÊM CHỈNH CỦA CHẤP TỬ

. Một hôm Ngải tử đi dạo bên ngoài vùng quê, có hai đồ đệ là Thông tử và Chấp tử đi hai bên.

Ngải tử miệng đã thấy khát nước bèn sai Chấp tử đi vào nông gia để kiếm nước uống. Có một cụ già đang ngồi đọc sách trước cổng, Chấp tử chấp tay xá chào hỏi, cụ già chỉ chữ “thật (實)" trong sách hỏi Chấp tử:

- “Nếu anh biết chữ này thì ta sẽ cho anh nước uống”.

Chấp tử trả lời:

- “Đó là chữ “thật”.

Cụ già nghe xong thì rất giận và không cho nước uống, Chấp tử bèn trở về bẩm báo.

Ngải tử nói:

- “Chấp tử không được thì Thông tử đi vậy”.

Thông tử chấp tay xá cụ già và xin nước, cụ già vẫn lấy chữ “thật” ra hỏi anh ta có biết không. Thông tử trả lời:

- “Đây là hai chữ “người thật”.

Cụ già rất vui vẻ, lấy rượu ngon trong nhà làm biếu cho Thông tử.

Ngải tử uống rượu, cảm thấy mùi vị rất ngọt ngào, bèn khen ngợi:

- “Thông tử thật thông minh, nếu anh ta cứ như Chấp tử rất “nghiêm chỉnh” thì ta ngay cả nước lã cũng không có mà uống !”

(Ngải tử hậu ngữ)

Suy tư 55:

Người quá thật thà thì đôi lúc người ta cho là dại dột, bởi vì họ không biết dùng ba tấc lưỡi để dối người và dối lòng mình, hạng người này trên thế gian không thiếu, nhưng vì con người ta không thích chuộng sự thật nên không muốn thấy mà thôi. Con người ta –bất kể là người xấu hay người tốt- đều thích sự thật thà nhưng có rất ít người sống thật thà, bởi vì theo suy nghĩ của họ: thật thà thì không có rượu ngon để uống, không có xe hơi đời mới để đi, không có nhà cao cửa lớn để ở, không có tình yêu của thời đại...

Có một số người thường hay nói đùa là

“Chúa thương những kẻ ngù ngờ (khù khờ)”, ngẫm nghĩ mà đúng vậy, bởi vì phúc cho những ai ăn ở hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”, Đất Hứa là thiên đàng mai sau và là sự hạnh phúc ở đời này, mà Thiên Chúa hứa ban cho những kẻ thật thà mà người đời cho là “ngù ngờ”.

Ngải tử vì được rượu ngon mà khen sự thông minh của Thông tử và chê cái thật thà của Chấp tử, bởi vì ông ta chỉ thấy rượu ngon thì có lợi hơn cái thật thà nghiêm chỉnh; người Ki-tô hữu thì luôn tập cho mình có cái nhìn của Thiên Chúa, tức là nhìn thấy sự đơn sơ thật thà nơi người khác để giúp đỡ, hơn là ăn hiếp họ vì họ quá thật thà...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 29 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:06 17/10/2020
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 15-21.

“ Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.


Anh chị em thân mến,

Làm người, ai cũng có những bổn phận phải làm và những trách nhiệm phải chu toàn; làm người ai cũng có những cái tốt và cái xấu, ai cũng có những khuyết điểm và ưu điểm; bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đã nói với chúng ta như sau: của Xê-da thì trả về cho Xê-da và của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa, đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ luôn trong cuộc sống của mình.

Mỗi người là một đồng tiền có hai mặt: mặt trái và mặt phải, mặt trái thì đi ngược lại với những giáo huấn của Đức Chúa Giê-su và của Giáo Hội, luôn xúi giục con người làm điều ác và đối nghịch lại với Thiên Chúa, luôn tìm cách hãm hại tha nhân và sống trong sự bất an. Mặt phải thì luôn muốn thực hành lời của Đức Chúa Giê-su và Giáo Hội dạy, luôn tìm cách giúp đỡ tha nhân và sống hiền hòa với mọi người.

Mỗi người có hai bổn phận phải chu toàn: bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với xã hội. Tất cả mọi người đều có bổn phận thờ kinh Thiên Chúa –nhất là những người Ki-tô hữu- vì Ngài là Đấng tạo thành vũ trụ và là Cha của mọi người, bổn phận của người Ki-tô hữu là làm chứng cho mọi người biết có một Thiên Chúa là Cha muôn loài, yêu thương hết mọi loài, và sống xứng đáng với bổn phận làm người Ki-tô hữu của mình. Bổn phận đối với tổ quốc, với xã hội và với những người thân cận chung quanh chúng ta, chúng ta sẽ không làm tròn bổn phận của một người Ki-tô hữu nếu chúng ta không chu toàn bổn phận đối với xã hội, bởi vì khi chúng ta nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh chị em thì chỉ là lời nói dối.

Của Xê-ra trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa, của Xê-da là những lo toan tính toán trong cuộc sống, của Xê-da là những đố kỵ ghen tương với người khác, của Xê-da là những tham vọng ăn trên ngồi trước.v.v...tất cả những thứ đó hãy trả lại cho Xê-da.

Của Thiên Chúa là yêu thương và phục vụ, của Thiên Chúa là chu toàn bổn phận mục tử của linh mục và tu sĩ, là chu toàn bổn phận của người Ki-tô hữu; của Thiên Chúa là lòng xót thương trước cảnh bất công đói nghèo của tha nhân, tất cả những cái đó là của Thiên Chúa nơi người Ki-tô hữu, hãy trả về cho Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Của ai thì trả về cho người ấy, nhưng trong cuộc sống chúng ta thường đi đôi với sự dữ hơn là sự lành, đi đôi với ma quỷ hơn là với Thiên Chúa, chúng ta hồi tâm lại thử xét mình xem sao, để rồi thấy được mình đã đi quá đà tự do mà Thiên Chúa ban cho để chối bỏ hoặc quên mất Thiên Chúa:

1. Tôi thích làm những gì tôi thích hơn là làm theo lời của Đức Chúa Giê-su dạy, chẳng hạn như Ngài dạy tôi phải sẵn lòng bỏ qua những lỗi lầm của tha nhân, nhưng tôi vẫn cứ nhớ căm căm trong lòng...

2. Của Thiên Chúa là thánh lễ ngày chủ nhật và các ân sủng của bí tích, nhưng tôi thường lợi dụng ngày chúa nhật để đàn đúm ăn chơi, để thỏa mãn dục vọng con người nên tôi bỏ cả thánh lễ, thế là tôi chỉ trả về cho Xê-da mà không trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài đó là chu toàn lề luật của ngày chủ nhật...

3. Của Xê-da là tham danh tham vọng, là ham tài háo sắc, những việc ấy tôi tích cực tìm kiếm, nhưng của Thiên Chúa là khiêm tốn là nhẫn nại, là bao dung, thì tôi lại không kiếm tìm...


`Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa nhật lễ Truyền Giáo
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 17/10/2020
CHÚA NHẬT LỄ TRUYỀN GIÁO

Tin mừng : Mt 28, 19-20.

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.


Anh chị em thân mến,

Mỗi năm một lần, giáo hội –trong ngày truyền giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.

Truyền giáo ở đâu? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.

1/ Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...

Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2/ Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của giáo hội và của Thiên Chúa !

Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người công giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.

Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

3/ Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.

Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.

Anh chị em thân mến,

Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là những người Ki-tô hữu chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Đức Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đừng Để Chúa Buồn Vì Chả Thấy Gì
LM. Giuse Trương Đình Hiền
08:28 17/10/2020
Đừng Để Chúa Buồn Vì “Chả Thấy Gì”

(Chúa Nhật 29 thường niên A 2020)

(Khánh Nhật Truyền Giáo)

Lễ Tạ Ơn hay Hy Tế Thánh Thể (Eucharistia) hôm nay được cử hành với chủ đích: cầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng mà truyền thống của Giáo Hội gọi là “Khánh Nhật Truyền Giáo”; và trọng tâm nầy, một cách nào đó, được khai triển và quy hướng về chính đối tượng: Thiên Chúa và con người mà lời phát biểu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu như một câu tục ngữ đã tóm gọn: “của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, … của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Thật vậy, ý nghĩa cuối cùng của sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh nào chẳng phải là “làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa trần gian”, là làm cho muôn dân nhận biết và trở lại tôn thờ Ngài: “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”; đồng thời chu toàn nghĩa vụ trần thế qua nẻo yêu thương và phục vụ con người: “Của Cêsarê hãy trả lại cho Cêsarê”.

Tuy nhiên, để rọi sáng cho ý nghĩa và nội dung sứ điệp trên, Bàn Tiệc Lời Chúa của Chúa Nhật 29 Thường niên chu kỳ Năm A hôm nay lại được lồng trong khung cảnh lịch sử cứu độ qua những nhân vật, những con người rất cụ thể: vua Cyro của đế quốc Ba Tư, Hoàng đế Cesare của đế quốc La mã hay những nhà truyền giáo thuở ban đầu của Kitô giáo: Phaolô, Silvanô và Timôthê…

Trước hết, qua bài đọc 1 và bài Tin Mừng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay được đặt trong một bối cảnh lịch sử thật dài của dân Do Thái mà điểm nhấn ở 2 đầu lịch sử đó lại là hai nhân vật trọng yếu của 2 đế quốc hùng mạnh: Cyrô và Cesare.

- Bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia kể lại một biến cố quan trọng trong lịch sử dân Do Thái: Khoảng năm 538 trước Công nguyên, vua Cyrô của đế quốc Ba Tư, một ông hoàng ngoại giáo lại được ngôn sứ Isaia gọi là “Đấng được xức dầu” (Mêsia) và được “Thiên Chúa cầm tay dẫn dắt” để dạy cho biết “chẳng có ai là Thiên Chúa ngoại trừ Ta”; và ông đã nhất nhất vâng lệnh Chúa truyền khi đem Dân Chúa trở về quê cũ và tái lập việc phượng thờ Giavê sau cuộc lưu đày lần thứ 1 ở Babylon. Cyrô đã trở nên dấu chỉ của quyền lực và thánh ý Thiên Chúa để muôn dân thiên hạ ngoan nguỳ vâng phục, muôn dân tộc được quy tụ về trong một mái nhà chung, như cách diễn tả mang tính tượng hình cụ thể của Isaia: “bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại”.

Qua sự kiện “ơn gọi và sứ mệnh của Cyro” chúng ta bỗng nhận ra ý nghĩa của “mầu nhiệm ơn gọi và sứ mệnh “ra đi loan báo Tin Mừng trong Hội Thánh”. Vâng, mỗi người Kitô hữu, qua Bí tích Rửa Tội, được xức dầu thánh hiến và được cầm tay sai đi thi hành sứ mệnh của Chúa là chăm sóc dẫn dắt “đoàn người lưu lạc trở về quê thật”. Đây chính là một ân huệ nhưng không, một cái nhìn đến từ lòng ưu ái của Thiên Chúa chứ không phải là “sự lựa chọn chủ quan của con người”: “Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta …Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác…”. Cũng như thời vua Cyro, thế giới hôm nay còn biết bao đoàn người đang “bơ vơ lầm lạc trong cảnh nô lệ lưu đày”; họ phải đang cần những người “được chọn như Cyro” dẫn lối đưa đường về “quê thật”.

- Từ “câu chuyện Cyro”, Lời Chúa lại đưa chúng ta đến với Tin mừng Matthêô qua câu chuyện “nộp thuế”, một cái bẫy tinh vi của nhóm “liên minh ma quỷ Biệt Phái-Hêrôđê”, nhằm đặt nhà tiên tri Giê-su-Na-da-rét vào “tử lộ của một vụ án chính trị - xã hội”: nộp thuế: Có hoặc không? Có nộp là phản quốc; không nộp là phản động. Đàng nào cũng dẫn tới “cửa tử”. Trước hết, sự kiện nầy lại cho thấy: đây là thời đại đất nước Ít-ra-en đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, tượng trưng cho sức mạnh của trần tục, thế gian mà biểu tượng hoàng đế Cesare trên đồng bạc đang lưu hành chính là dấu chứng. Thế nhưng, cũng qua biểu tượng đồng bạc có in hình Cesare đó, Chúa Giêsu lại mở ra một chân trời bao la khác, một viễn tượng huyền nhiệm khác liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa và phần rỗi đời đời của con người: “Trả lại cho Cesare, trả về cho Thiên Chúa”. Nói cách khác, Tin mừng của Chúa, Giáo Hội của Chúa cần được sai đến với một thế giới mênh mông mà đế quốc ngoại giáo và trần tục Rôma là đại diện…; và các môn sinh của Chúa Kitô được sai vào thế giới như một phương dược chữa lành, như men trong bột, như ánh sáng soi đường, như một cuộc “đi ra” theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium): “tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (EG 20).

Vâng, “tất cả chúng ta, không trừ ai, được kêu gọi tham gia vào cuộc đi ra”, đến với mọi biên cương “Cesare” để trả lại cho “địa chỉ” đó những điều nó đang cần: Tin mừng và chân lý cứu độ, sự phục vụ và yêu thương…. Trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo nầy, chúng ta tiếp tục cầu nguyện để Giáo Hội luôn có nhiều tông đồ nhiệt thành và đầy “lửa truyền giáo”, đầy nhiệt tình “đi ra”, một sự “đi ra dứt khoát khỏi cái tôi của mình” để đến với những “vùng ngoại vi” đang cần những đôi tay yêu thương phục vụ. Vâng, “Trả lại cho Cesare và trả về cho Thiên Chúa” chính là cuộc “đi ra” dài dài như thế trong cuộc đời, ơn gọi và sứ vụ của mọi người Kitô hữu!

- Ở giữa hai câu chuyện lịch sử xoay quanh hai cái tên “Cyrô” và “Cesare” đó cùng với sứ điệp “trả lại Cêsare trả về Thiên Chúa”, bức thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gởi giáo đoàn Thêxalônica lại khắc hoạ gương mặt những nhà truyền giáo đầu tiên, cũng là những Giám Mục, Linh mục của thời kỳ khai nguyên Kitô giáo: Phaolô, Silvanô, Timôthêô. Qua chứng từ của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư nầy, đặc biệt, qua những gương mặt tông đồ tiền bối đó, chúng ta thấy được hoa trái diệu kỳ của công cuộc loan báo Tin Mừng chính là công trình của Chúa Thánh Thần; và đó chính là một gợi hứng, một điểm tựa, một niềm trông cậy vững vàng của Hội Thánh trong sứ mệnh truyền giáo muôn nơi muôn thuở: “Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô…. Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em….bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.”.

Suốt 2000 năm nay, và trên muôn nẻo đường thế giới, đã có không biết bao nhiêu những Phaolô, Silvanô và Timôthê đã sẵn sàng đáp lại tiếng gọi mời để dấn thân cho công cuộc xây dựng Vương quốc Nước Trời và loan báo Tin Mừng cho thế giới. Chính trong ý nghĩa đó mà Đức Thánh Cha Phaxicô đã chọn lời của ngôn sứ Isaia “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8) làm chủ đề cho sứ điệp Truyền Giáo 2020; và ngài đã quảng diễn: “Trong năm nay, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, con đường truyền giáo này của toàn Giáo hội tiếp tục được tìm thấy dưới ánh sáng trong tường thuật ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Đây là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay”.

Và như thế, kính thưa cộng đoàn, ước gì qua sứ điệp Lời Chúa được vang lên trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta sẽ không làm cho Chúa buồn vì “chả thấy gì” trước câu hỏi mà Ngài một lần nữa ân cần lặp lại; và riêng chúng ta thì “chỉ thấy già” với cuộc sống đầy những vết hằn của lười biếng, đam mê, dục vọng trần tục. Không, chúng ta hãy làm cho Chúa thật vui khi mỗi người chúng ta lại ngẩng đầu lên, hân hoan lặp lại một lời đáp trả đầy nhiệt huyết trẻ trung: “Dạ con đây, xin sai con đi”.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều ý thức rằng: với thân phận yếu đuối mỏng dòn, rất nhiều khi “lời đáp trả” của chúng ta sẽ không thành hiện thực hoặc chẳng “tới nơi tới chốn”; vì thế, chúng ta hãy đặt “lời đáp lên đường”, hay công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh hôm nay, trong sự bảo bọc của Mẹ Maria, người Mẹ đã đi trọn con đường đáp trả tiếng gọi mời của Thiên Chúa bằng tiếng “Xin Vâng” trọn hảo. Amen.

Trương Đình Hiền (18.10.2020).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thêm một Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi anh chị em giáo dân đặt nặng vấn đề phá thai trong cuộc bầu cử sắp đến
Đặng Tự Do
16:15 17/10/2020


Phá thai là một “mối đe dọa nền tảng cho sự khởi đầu của chính cuộc sống” và người Công Giáo không thể thụ động trước các vấn nạn trầm kha liên quan đến nhân quyền căn bản nhất là quyền được sống, Đức Giám Mục Felipe Estevez của giáo phận Thánh Augustinô đã nói như trên trong một lá thư mục vụ liên quan đến cuộc bầu cử sắp đến.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ rằng không có quyền nào khác quan trọng hơn quyền sống mà chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá. Ngài cũng nói rằng phá thai không phải chỉ là vấn đề của người Công Giáo hay thậm chí không phải chỉ là vấn đề liên quan đến các tôn giáo: đó là vấn đề nhân quyền trước nhất và quan trọng nhất,” Đức Cha Estevez nói trong lá thư ngày 7 tháng 10.

Ngài cũng bác bỏ tuyên bố của những người nói rằng, “về vấn đề đức tin, tôi chống phá thai, nhưng tôi không thể áp đặt niềm tin của mình lên người khác”. Những tuyên bố như vậy phản ánh một “niềm tin sai lầm” rằng trên cõi đời này có một số người không đáng được pháp luật bảo vệ.

“Đó không phải là vấn đề áp đặt một niềm tin, nhưng là dấn thân cho sự thật về đời sống con người bắt đầu từ lúc được thụ thai như khoa học sinh học đã xác nhận.”

Trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập, Đức Cha Estevez cho biết những người sáng lập Hoa Kỳ biết rằng quyền được sống “có tầm quan trọng cao hơn tất cả các quyền khác” bởi vì “không có quyền được sống thì không còn quyền nào khác có thể được bảo vệ”.

Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Quyền được sống là một nhân quyền ưu việt”.

Ngài cho biết các giám mục Hoa Kỳ đang cầu nguyện cho những người Công Giáo, những người tìm cách trở thành những cử tri có học thức với lương tâm tốt.

“Đây là một thời gian khó khăn cho đất nước chúng ta và là một thời gian quan trọng đối với những ai không chỉ thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng còn muốn làm như vậy với sự liêm chính hết sức có thể.”

Bàn về tầm quan trọng của việc tham gia vào đời sống công cộng, Đức Cha Estevez nói rằng chính trị là nhằm “bảo đảm công lý trong xã hội” và do đó “về cơ bản là một hoạt động đạo đức”.

“Mặc dù Giáo hội và các giáo sĩ không thể công khai ủng hộ một ứng viên hoặc một đảng phái chính trị cụ thể nào, nhưng chúng tôi có trách nhiệm khuyến khích anh chị em hiểu các vấn đề trong bối cảnh giáo huấn của Giáo hội và giúp anh chị em trong lĩnh vực 'hình thành lương tâm của mình'“

“Là người Công Giáo, niềm tin của chúng ta dựa trên những sự thật cơ bản về con người và xã hội mà cả đức tin và lý trí đều có thể tiếp cận được. Do đó, chúng ta có quyền và nghĩa vụ tham gia vào bầu khí công cộng theo cách phản ánh những sự thật này, vì lợi ích của cộng đồng chúng ta và vì vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã tác thành ra chúng ta”


Source:Catholic News Agency
 
Tượng Thánh Junipero Serra bị vẽ bậy, và bị kéo xuống vào Ngày của người bản địa
Đặng Tự Do
16:18 17/10/2020


Hôm thứ Hai, một nhóm những kẻ quá khích ở gần San Francisco đã vẽ bậy lên bức tượng Thánh Junipero Serra được đặt trong sân nhà thờ bằng sơn xịt màu đỏ trước khi giật sập bức tượng xuống đất.

Thánh Serra, là một linh mục và một nhà truyền giáo dòng Phanxicô sống vào thế kỷ 18, bị một người quá khích coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và sự ngược đãi mà nhiều người Mỹ bản địa phải gánh chịu trong cuộc tiếp xúc với văn minh Tây phương. Tuy nhiên, các nhà sử học nói rằng nhà truyền giáo là người luôn bênh vực dân bản địa, phản đối sự lạm dụng và tìm cách chống lại sự áp bức của thực dân.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone hôm thứ Ba đã lên tiếng chỉ trích “não trạng đám đông cuồng loạn” dẫn đến việc bức tượng của vị thánh đã bị “một đám đông nhỏ đầy bạo lực vẽ bậy và giật sập một cách vô ý thức”.

“Hành vi kiểu này không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội văn minh nào. Trong khi cảnh sát đã may mắn bắt giữ được năm thủ phạm, những gì xảy ra tiếp theo là rất quan trọng, vì nếu những kẻ này bị coi là vi phạm tài sản nhỏ, thì điều này đã bỏ sót một điểm quan trọng: các biểu tượng đức tin của chúng ta đang bị tấn công không chỉ ở các nơi công cộng, mà ngay trên cả các phần đất riêng của chúng ta và thậm chí ngay bên trong các nhà thờ của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói hôm 13 tháng 10.

Cuộc bạo loạn dẫn đến việc phá hủy bức tượng diễn ra vào ngày 12 tháng 10 tại cứ điểm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael ở San Rafael, CA, phía bắc vịnh San Francisco. Mặc dù chính Thánh Serra không thành lập cứ điểm truyền giáo San Rafael này, cứ điểm vẫn được coi là di sản của Thánh Serra, vì do các hậu nhân của ngài từ chín cứ điểm đầu tiên do ngài thành lập mà ngày nay trở thành California.

Cuộc biểu tình kéo dài một giờ do các thành viên của bộ lạc Coast Miwok tổ chức, đánh dấu Ngày của Người bản địa, ngày lễ mà nhiều tiểu bang và thành phố do đảng Dân Chủ cầm đầu đã chỉ định để thay thế Ngày Columbus.

Một nhân viên bảo trì nhà thờ đã che bức tượng bằng băng keo trước cuộc biểu tình để bảo vệ bức tượng khỏi bị vẽ bậy. Nhiều bức tượng của vị thánh đã bị phá hoại hoặc phá hủy trong năm nay, hầu hết là ở California.

Những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đã bóc băng keo và phun sơn đỏ vào mặt bức tượng.

Những người biểu tình đã cố gắng ngăn các máy quay tin tức địa phương quay cảnh vụ lật đổ, nhưng Fox2 đã quay được cảnh tượng này. Ít nhất năm người có thể được nhìn thấy đang kéo đầu bức tượng bằng dây thừng.

Đoạn băng dường như cho thấy bức tượng rơi vào một trong những người biểu tình, mặc dù không có bất kỳ trường hợp thương tích nào được báo cáo.

Cảnh sát đã bắt giữ 5 phụ nữ liên quan đến vụ việc này và buộc họ tội phá hoại với tình tiết nghiêm trọng.

“Chúng ta không thể cho phép một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật không được ai bầu có quyền quyết định những biểu tượng thiêng liêng nào những người Công Giáo hoặc tín hữu các tôn giáo khác được phép trưng bày và sử dụng để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Điều này phải dừng lại,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

“Việc tấn công các biểu tượng đức tin của hàng triệu người Công Giáo, những người đa dạng về sắc tộc như bất kỳ tín ngưỡng nào ở Mỹ, là phản tác dụng. Nó cũng chỉ đơn giản là sai”.


Source:Catholic News Agency
 
Một buổi tối tháng 10 đã làm thay đổi thế giới! Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên ngôi
Thanh Quảng sdb
16:35 17/10/2020
Một buổi tối tháng 10 đã làm thay đổi thế giới! Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên ngôi.

Năm nay, kỷ niệm Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được bầu lên làm giáo hoàng: hai sự kiện được Giáo hội trên khắp thế giới mừng là kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của ngài và những khoảnh khắc đáng nhớ của buổi tối khó quên nhân ngày Đức Gioan Phaolô đắc cử Giáo hoàng ngày 16 tháng 10 năm 1978.

(Tin Vatican - Alessandro Di Bussolo)

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, 42 năm trước đây là ngày thứ Hai. Lúc trời đã sập tối, lúc 18 giờ 18 phút, một làn khói trắng bốc ra từ ống khói của Nhà nguyện Sistina, sau những làn khói đen đã bốc lên bảy lần trước đó.

Rồi chưa đầy nửa giờ sau đó, lúc 6:45 tối, Hồng Y phó tế Pericles Felici đã công bố việc bầu chọn Hồng Y Karol Wojtyla, dưới tên Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo, là Giám mục của Rôma và người kế vị của Thánh Phêrô.

Lúc đầu, vị Hồng Y Tổng Giám mục thứ 58 của Krakow có ý chọn tên Stanislaus I để tôn vinh vị thánh bảo trợ của Ba Lan, nhưng Hồng Y đoàn cho Ngài hay biệt danh ấy không phù hợp với truyền thống La Mã, Đức Wojtyła đã chọn “Gioan Phaolô” để tưởng nhớ vị tiền nhiệm Albino Luciani, đã qua đời sau đúng 33 ngày lên ngôi Giáo hoàng.

Vài phút trước 7 giờ tối, nhìn ra cửa đền thờ thánh Phêrô, nơi các vị Giáo hoàng thường xuất hiện để ban Phép lành. Đức tân Giáo hoàng đã trình diện đám đông đang tụ tập tại Quảng trường. Ngài nhắc lại nỗi đau của mọi người "sau cái chết đôt ngột của vị tiền nhiệm Giáo hoàng John Paul I kính yêu" và nhấn mạnh rằng các Hồng Y đã bầu chọn một vị giám mục mới cho Giáo phận Rome, sau một thời gian dài được các vị Giám mục người Ý cai quản trong nhiều thế kỷ qua, thì nay một Giám mục "từ một đất nước xa xôi, nhưng luôn gần gũi hiệp thông trong niềm tin và truyền thống Kitô giáo." ĐTC kể lại nỗi sợ hãi của mình khi trúng thăm, nhưng ngài đã chấp nhận vì vâng lời Chúa Giêsu và "hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Mẹ Maria, người Mẹ Chí Thánh."

"Cha không biết liệu cha có thể giải bày rõ rệt về bản thân của cha bằng tiếng Ý hay không. Hãy sửa cha, nếu cha nói sai... Vì vậy cha giới thiệu chính cha cho anh chị em, để chúng ta cùng tuyên xưng niềm tin, niềm hy vọng, sự tin tưởng của chúng ta vào Đức Maira, Mẹ của Chúa Kitô và Mẹ của Giáo hội, và cũng để khởi đầu một con đường lịch sử mới trong sự trợ giúp của Chúa và của mọi người."

Những lễ hội kỷ niệm, đặc biệt 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Ngày nay, hầu như tất cả những ai khoảng 50 tuổi trở lên vẫn còn nhớ cái cảm xúc khi nghe những lời công bố một vị Giáo hoàng không phải người Ý lên ngôi sau nhiều thế kỷ. Đây là một cảm xúc mà ngày kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn vang vọng qua nhiều lễ hội được các Giáo hội trên thế giới cử hành.

Đương nhiên, lễ hội tại quê hương của Đức Karol Wojtyla là nổi bật, như năm ngoái ngày 11 tháng 10 đã mừng kéo dài 20 ngày về vị Giáo hoàng có phương châm “Toàn thân con thuộc về Mẹ” (Totus Tuus).

Nhà xuất bản Vatican cũng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với việc phát hành ấn phẩm "Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - Ngôn từ và Hình ảnh".

Cuốn Bước vào Thiên niên kỷ thứ ba ngàn

Những ký ức 42 năm trước về ngày 16 tháng 10 như đan kẽ đi vào lịch sử của một triều đại giáo hoàng lâu dài với một nét cá tính mạnh mẽ và phóng khoáng, ngài đã tạo được những quan hệ trực tiếp và hấp dẫn với những người Kitô giáo và thậm chí còn vươn xa tới toàn thế giới.

Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã nhắc đến một vị được coi là linh hồn của đất nước ngài, Hồng Y Wyszynski, chính vị Hồng Y cạo cội này đã nói với Ngài trong những giờ phút bắt đầu triều đại của Ngài rằng: “Đức Thánh Cha sẽ giới thiệu Giáo hội và dẫn đưa Giáo hội vào thiên niên kỷ thứ ba”, và chuyện này đã xảy ra...

Bất chấp những thử thách và đau yếu

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lãnh đạo một Giáo hội không khép kín, với lòng can đảm ngài đã thúc đẩy Giáo hội mở tung cánh cửa ra, dù phải đối diện với những thử thách của thời đại! Huy hiệu "Đừng sợ" và “Ra khơi” của triều đại giáo hoàng của Ngài là hải đăng hướng dẫn con thuyền Giáo hội tung cánh ra khơi!" Những năm kế tiếp sau đó, Đức Wojtyla đã hướng dẫn Giáo hội hăng say loan báo Chúa Kitô, không chút sợ hãi, cho một thế giới rộng lớn và đầy khó khăn, nhưng luôn được Thiên Chúa yêu thương chở che ngay cả trong thiên niên kỷ thứ ba này.
 
Toàn văn Thông điệp Fratelli Tutti, chương bốn, tiếp theo
Vũ Văn An
18:09 17/10/2020

ĐỊA PHƯƠNG VÀ HOÀN VŨ

142. Cần lưu ý rằng “hiện có sự căng thẳng cố hữu giữa việc hoàn cầu hóa và địa phương hóa. Chúng ta cần chú ý đến khía cạnh hoàn cầu để tránh sự hẹp hòi và tầm thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn khía cạnh địa phương, nơi giữ chúng ta luôn ở thế có cơ sở thực tiễn. Cùng với nhau, cả hai khía cạnh ngăn chúng ta rơi vào một trong hai thái cực sau đây: Đầu tiên, con người bị cuốn vào một chủ nghĩa vũ trụ trừu tượng, hoàn cầu hóa… Mặt khác, họ tự biến mình thành một viện bảo tàng văn hóa dân gian ẩn dật khép kín, cứ phải lặp đi lặp lại cùng những điều y như nhau, không có khả năng để mình bị chất vấn bởi những gì khác biệt, hoặc đánh giá được vẻ đẹp mà Thiên Chúa vốn ban tặng ở bên ngoài biên giới của họ” [124]. Chúng ta cần có một cái nhìn hoàn cầu để tự cứu chúng ta khỏi chủ nghĩa tỉnh lẻ nhỏ nhen. Khi ngôi nhà của chúng ta không còn là một ngôi nhà và bắt đầu trở thành một khu bị rào vây quanh, một phòng giam, thì nhân tố hoàn cầu sẽ đến giải cứu chúng ta, như một “chính nghĩa cuối cùng” lôi kéo chúng ta hướng đến việc viên mãn của mình. Trong khicùng một lúc, nhân tố địa phương cũng cần được đón nhận một cách thiết tha, vì nó có một điều mà nhân tố hoàn cầu không có được: nó có khả năng là một chất men, đem lại sự phong phú hóa, phát khởi các cơ chế phụ đới. Vì vậy, tình huynh đệ phổ quát và tình bạn xã hội là hai cực không thể tách rời và quan trọng như nhau trong mọi xã hội. Tách chúng ra sẽ làm biến dạng mọi điều và tạo ra sự phân cực đầy thành kiến.

Hương vị địa phương

143. Giải pháp không phải là một sự cởi mở nhằm bác bỏ sự phong phú của chính mình. Cũng như không thể có cuộc đối thoại với “những người khác” nếu không có ý thức về bản sắc riêng của chúng ta, vì vậy không thể có sự cởi mở giữa các dân tộc ngoại trừ trên cơ sở tình yêu đối với mảnh đất của riêng mình, dân tộc mình, cội nguồn văn hóa của riêng mình. Tôi không thể thực sự gặp gỡ người khác trừ khi tôi đứng trên những nền tảng vững chắc, vì chính dựa trên cơ sở của những điều này, tôi mới có thể chấp nhận tặng phẩm mà người kia mang lại và đến lượt mình, tôi tặng một tặng phẩm đích thực của riêng tôi. Tôi có thể chào đón những người khác, những người khác biệt, và đánh giá cao việc đóng góp độc đáo mà họ sẽ thực hiện, chỉ khi nào tôi bén rễ vững chắc vào chính dân tộc và văn hóa của mình. Mọi người đều yêu và quan tâm đến quê hương và làng mạc của mình, cũng như họ yêu và chăm sóc cho ngôi nhà của họ và đích thân chịu trách nhiệm đối với việc duy trì nó. Lợi ích chung cũng thế, đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ và yêu thương quê hương của chúng ta. Nếu không, các hậu quả của một thảm họa ở một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Tất cả điều này mang lại ý nghĩa tích cực cho quyền đối với tài sản: Tôi chăm sóc và vun đắp một điều được tôi sở hữu, một cách khiến nó có thể đóng góp vào lợi ích của mọi người.

144. Nó cũng làm nảy sinh các trao đổi lành mạnh và làm ta phong phú. Kinh nghiệm được lớn lên ở một nơi đặc thù và chia sẻ nền văn hóa đặc thù đem lại cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc vào các khía cạnh của thực tại mà những người khác không thể dễ dàng tri nhận. Yếu tố hoàn vũ không nhất thiết có nghĩa là nhạt nhẽo, độc dạng và được tiêu chuẩn hóa, dựa trên một mô hình văn hóa đơn nhất đương thịnh, vì điều này cuối cùng sẽ dẫn đến việc mất đi một bảng phong phú gồm nhiều sắc thái và màu sắc, và kết quả là một đơn điệu hoàn toàn. Đó là cơn cám dỗ được nhắc đến trong câu chuyện xưa về Tháp Babel. Nỗ lực xây dựng một tòa tháp có thể vươn tới trời không phải là biểu hiện của sự thống nhất giữa các dân tộc khác nhau nói với nhau từ tính đa dạng của họ. Thay vào đó, đó là một nỗ lực sai lầm, phát sinh từ niềm kiêu căng và tham vọng, muốn tạo ra một sự thống nhất khác với sự thống nhất được Thiên Chúa mong muốn trong kế hoạch quan phòng của Người cho các quốc gia (xem St 11: 1-9).

145. Có thể có một sự cởi mở sai lầm đối với yếu tố hoàn vũ, phát sinh từ sự nông cạn của những người thiếu cái nhìn sâu sắc vào thiên tài của quê hương họ hoặc nuôi dưỡng sự oán hận chưa được giải quyết nhằm vào dân tộc họ. Dù thế nào đi nữa, “chúng ta liên tục phải mở rộng các chân trời của chúng ta và nhìn thấy điều tốt đẹp hơn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Nhưng điều này phải được thực hiện mà không tránh né hoặc mất gốc. Chúng ta cần phải cắm rễ sâu hơn vào mảnh đất và lịch sử màu mỡ của quê hương, vốn là hồng phúc của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm việc trên một quy mô nhỏ, trong khu vực lân cận của chúng ta, nhưng với viễn ảnh rộng lớn hơn… Yếu tố hoàn cầu không cần phải gò bó, mà yếu tố đặc thù cũng không cần phải chứng tỏ là cằn cỗi” [125]; mô hình của chúng ta phải là một hình đa diện, trong đó giá trị của mỗi cá nhân được tôn trọng, nơi “toàn thể lớn hơn bộ phận, nhưng cũng lớn hơn tổng số các bộ phận của nó” [126].

Một chân trời phổ quát

146. Có một loại yêu mình thái quá có tính “địa phương” không liên quan đến tình yêu lành mạnh đối với dân tộc và văn hóa riêng của mình. Nó phát sinh từ một nỗi bất an và sợ hãi nào đó về người khác dẫn đến việc bác bỏ và mong muốn dựng lên những bức tường để tự vệ. Tuy nhiên, không thể “địa phương” một cách lành mạnh nếu không chân thành cởi mở đối với phổ quát, không cảm thấy được thách thức bởi những gì đang xảy ra ở những nơi khác, không có sự cởi mở để làm giàu bởi các nền văn hóa khác, và không có tình liên đới và quan tâm đến những thảm kịch đang ảnh hưởng đến các dân tộc khác. Thay vào đó, “lòng yêu mình thái quá địa phương” chỉ lưu tâm đến một số ý tưởng, phong tục và hình thức an ninh hạn chế; không có khả năng chiêm ngưỡng tiềm năng rộng lớn và vẻ đẹp được thế giới rộng lớn hơn cung cấp, nó thiếu hẳn một tinh thần liên đới chân chính và quảng đại. Cuộc sống ở bình diện địa phương vì vậy ngày càng trở nên ít chào đón hơn, người ta ít cởi mở hơn đối với việc bổ túc cho nhau. Các khả thể phát triển của nó hẹp dần; nó trở nên mệt mỏi và ốm yếu. Mặt khác, một nền văn hóa lành mạnh, tự bản chất của nó, có tính cởi mở và chào đón; quả tình, “một nền văn hóa nếu không có các giá trị phổ quát thì không thực sự là một nền văn hóa” [127].

147. Chúng ta hãy nhận ra rằng khi tâm trí chúng ta càng hạn hẹp, thì khả năng hiểu thế giới xung quanh càng kém đi. Nếu không gặp gỡ và tương quan với các khác biệt, thì khó mà đạt được một sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về chính bản thân và quê hương của chúng ta. Các nền văn hóa khác không phải là “kẻ thù” mà chúng ta cần phải tự vệ chống lại, mà là những phản ảnh khác nhau của một sự phong phú vô tận của sự sống con người. Nhìn bản thân chúng ta theo quan điểm của người khác, của một người khác biệt, chúng ta có thể nhận ra tốt hơn những nét độc đáo của chúng ta và của nền văn hóa chúng ta: sự phong phú, các khả thể và hạn chế của nó. Kinh nghiệm địa phương của chúng ta cần phát triển “tương phản với” và “hài hòa với” các kinh nghiệm của những người khác sống trong các bối cảnh văn hóa đa dạng [128].

148. Thực thế, sự cởi mở lành mạnh không bao giờ đe dọa bản sắc riêng của người ta. Một nền văn hóa sống động, được làm giàu bởi các yếu tố từ những nơi khác, không du nhập một bản sao đơn thuần các yếu tố mới đó, mà hòa nhập chúng một cách độc đáo riêng của nó. Kết quả là một cuộc tổng hợp mới, một cuộc tổng hợp, cuối cùng, có lợi cho mọi người, vì nền văn hóa nguyên gốc kết cục được nuôi dưỡng. Đó là lý do tại sao tôi đã thúc giục người dân bản địa trân quí cội nguồn và văn hóa tổ tiên của họ. Mặc dù, cùng một lúc, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tôi không có ý định đề nghị “một ‘chủ nghĩa duy bản địa’ hoàn toàn khép kín, phi lịch sử, tĩnh tụ, muốn bác bỏ bất cứ kiểu pha trộn nào (mestizaje)”. Vì “bản sắc văn hóa riêng của chúng ta được củng cố và làm giầu nhờ đối thoại với những người không giống chúng ta. Danh tính chân chính của chúng ta cũng không được bảo tồn bởi một sự cô lập nghèo nàn” [129]. Thế giới phát triển và tràn ngập vẻ đẹp mới, nhờ các cuộc tổng hợp tiếp theo nhau được tạo ra giữa các nền văn hóa biết cởi mở và không có bất cứ hình thức áp đặt văn hóa nào.

149. Đối với mối tương quan lành mạnh giữa tình yêu quê hương đất nước và cảm thức lành mạnh được thuộc về một gia đình nhân loại lớn hơn của chúng ta, điều hữu ích là ghi nhớ rằng xã hội hoàn cầu không phải là tổng số các quốc gia khác nhau, mà là sự hiệp thông hiện hữu giữa họ. Cảm thức hổ tương được thuộc về nhau có trước việc xuất hiện các nhóm cá thể. Mỗi nhóm đặc thù trở thành một phần của cơ cấu hiệp thông phổ quát và ở đó khám phá ra vẻ đẹp riêng của nó. Mọi cá nhân, bất kể nguồn gốc, đều biết rằng họ là một phần của gia đình nhân loại lớn hơn, nếu không có gia đình này, họ sẽ không thể hiểu được chính họ một cách đầy đủ.

150. Nhìn sự việc theo cách này mang lại niềm vui nhận ra rằng không một dân tộc, một nền văn hóa hay cá nhân nào có thể tự mình đạt được mọi sự: để đạt được sự viên mãn trong cuộc sống, chúng ta cần những người khác. Việc ý thức được các hạn chế và sự thiếu hoàn thiện của chính chúng ta, không hề là một đe dọa, nhưng trở thành chìa khóa để dự kiến và theo đuổi một dự án chung. Vì “con người là một hữu thể vừa có biên giới, vừa vô biên giới” [130].

Bắt đầu với khu vực của chúng ta

151. Nhờ việc trao đổi ở bình diện khu vực, qua đó, các nước nghèo hơn trở nên cởi mở đối với thế giới rộng lớn hơn, mà tính phổ quát không hẳn sẽ làm giảm các đặc điểm riêng biệt của họ. Sự cởi mở thích hợp và chân chính với thế giới giả định khả năng cởi mở với hàng xóm của mình trong gia đình các quốc gia. Do đó, hội nhập văn hóa, kinh tế và chính trị với các dân tộc láng giềng nên đi kèm với một diễn trình giáo dục biết cổ vũ giá trị của tình yêu thương đối với láng giềng của mình, bước đầu tiên không thể thiếu để đạt được sự hội nhập hoàn cầu lành mạnh.

152. Ở một số khu vực của các thành phố của chúng ta, vẫn còn một cảm thức khu xóm sống động. Mỗi người tự nhiên tri nhận được bổn phận phải đồng hành và giúp đỡ người người lân cận của mình. Ở những nơi mà những giá trị cộng đồng này được duy trì, người ta cảm nghiệm được một sự gần gũi mang đặc điểm của lòng biết ơn, tình liên đới và sự hỗ tương. Tình khu xóm mang lại cho họ một cảm thức về bản sắc chung [131]. Ước chi các quốc gia lân bang có thể khuyến khích một tinh thần láng giềng tương tự giữa các dân tộc của họ! Tuy nhiên, tinh thần cá nhân chủ nghĩa cũng ảnh hưởng đến các tương quan giữa các quốc gia. Sự nguy hiểm khi nghĩ rằng chúng ta phải tự vệ chống lại nhau, coi người khác là đối thủ cạnh tranh hoặc là kẻ thù nguy hiểm, cũng ảnh hưởng đến các tương quan giữa các dân tộc trong cùng một khu vực. Có lẽ chúng ta đã được huấn luyện kiểu sợ hãi và ngờ vực này.

153. Có những quốc gia hùng mạnh và những doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ sự cô lập này và thích đàm phán riêng với từng quốc gia. Mặt khác, các nước nhỏ hoặc nghèo có thể ký các thỏa hiệp với các nước láng giềng trong khu vực giúp họ đàm phán như một khối và do đó tránh bị cắt đứt, cô lập và phụ thuộc vào các cường quốc. Ngày nay, không quốc gia nào có thể bảo đảm lợi ích chung cho dân mình nếu cứ mãi cô lập.

Kỳ tới: CHƯƠNG NĂM: MỘT LOẠI CHÍNH TRỊ TỐT HƠN
 
Chuyện vui xả hơi mùa bầu cử Mỹ: số bánh tiên đoán đúng phóc ai thắng cuộc bầu cử.
Trần Mạnh Trác
18:41 17/10/2020
Theo tin cuả Fox News thì một tiệm bánh ở Pennsylvania (PA) tuyên bố rằng số bánh quy mà họ bán ra đã dự đoán đúng mọi cuộc bầu cử tổng thống trong quá khứ.

Tiệm Lochel's Bakery đã tiến hành 'cuộc thăm dò bằng bánh cookie’ trong ba kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, mà lần nào cũng đoàn trúng phóc, theo lời bà chủ tiệm tên là Kathleen Lochel.

Nhưng cho dù cuộc bầu cử năm 2020 này có kết quả như thế nào chăng nữa, thì chắc chắn người chiến thắng thực sự vẫn là tiệm bánh này, vì doanh số thu hoạch cuả họ đã vượt qua mọi dự kiến.

Tiệm bánh Lochel's Bakery nằm ở quận ‘Montgomery County,’ phía bắc Philadelphia, đã khởi động "cuộc thăm dò bằng bánh cookie" được sáu tuần rồi. Họ cung cấp hai loại cookie "Trump 2020" màu đỏ và "Biden 2020" màu xanh. Tuy nhiên, số hàng bán ra năm nay đã không giống như bất cứ điều gì mà họ đã trải nghiệm qua bốn chu kỳ bầu cử trước.

Bà chủ Kathleen Lochel nói với Fox News rằng ý tưởng chỉ là "một trò đùa cho vui" bắt đầu vào năm 2008.

Nhưng kỳ này thì “Mọi người đang phát điên lên vì chúng,” bà Kathleen Lochel cho biết. “ trước đây cửa hàng thường chỉ bán được vài trăm chiếc bánh mỗi kỳ bầu cử”.

Tuy nhiên năm nay, tiệm Lochel's đã bán ra nhiều nghìn chiếc bánh - và nhu cầu dường như không giảm đi. Vào sáng thứ Sáu, tiệm đã phải đăng thông báo trên Facebook rằng họ đã bán hết hàng, buộc phải đóng cửa sớm để "tiếp tục nướng bánh cho ngày hôm sau."

“Chúng tôi sẽ mở cửa vào lúc 6 giờ sáng cho đến khi nào [không rõ] bởi vì chúng tôi có thể bán hết sớm như ngày hôm nay,” thông báo viết. "Nếu chúng tôi bán hết, chúng tôi sẽ phải đóng cửa sớm."

Thậm chí tiệm Lochel's đã phải ra giới hạn cho khách hàng.

Giới hạn là 6 chiếc bánh cho tất cả khách hàng đi tới tiệm. Còn ai muốn đặt hàng trước thì phải đặt từ 100 chiếc bánh trở lên.

Nói như vậy không có nghĩa là tiệm không muốn phục vụ thực khách gần xa. Tiệm Lochel's hiện đã gửi hàng đi tới nhiều tiểu bang và bà Kathleen cho biết sự phổ biến như vậy là do ở phương tiện truyền miệng và các mạng xã hội.

Bà ấy cũng lấy làm thích thú mỗi khi kiểm kê doanh số bán hàng để theo dõi cuộc bầu cử.

"Tính đến 10 giờ sáng, thì ông Trump đang dẫn trước 3: 1", bà nói với Fox News vào sáng thứ Sáu.

Tiệm Lochel's Bakery tuyên bố rằng "cuộc thăm dò bằng bánh cookie" của họ không nhằm một mục đích chính trị nào. mà chỉ là cung cấp một lối thoát xả hơi thú vị cho cộng đồng.

"Chúng tôi KHÔNG ủng hộ một ứng cử viên nào, chúng tôi KHÔNG thể hiện cảm xúc cá nhân hoặc bình luận về người mà chúng tôi muốn giành chiến thắng," Bà Kathleen nói với Fox News. "Những gì chúng tôi đang làm là giành chiến thắng cho tiệm bánh", bà nói thêm, giải thích rằng doanh số bán hàng đã bù đắp cho những tổn thất ban đầu mà doanh nghiệp phải chịu khi bắt đầu đại dịch. Trên thực tế, Lochel's Bakery đã phải thuê thêm nhân công để đáp ứng nhu cầu, và bà Kathleen nói rằng bà ấy tự hào có thể cung cấp thêm công việc và trả lương phụ trội cho nhân viên của mình "trong thời gian khó khăn này."
“Chúng tôi cần tiếp tục cung cấp cho nhân viên, cộng đồng và quan trọng nhất là mang lại cho mọi người cảm giác bình thường,” bà nói.

Cuộc thăm dò bằng bánh cookie cũng không phản ánh kết quả chính trị ở Quận Montgomery. Hồi bầu cử trước (2016), mặc dù doanh số bán hàng đã dự đoán chính xác rằng ông Trump sẽ thắng, nhưng ở quận Montgomery thì cử tri đã dồn phiếu cho bà Hillary Clinton là 58,38%.
 
Cảnh sát Pháp tiết lộ thân thế của người giáo viên vừa bị thảm sát: Thầy giáo Samuel Paty, 47 tuổi
Đặng Tự Do
06:33 17/10/2020


Người giáo viên bị giết trong vụ thảm sát kinh hoàng tại Paris chiều thứ Sáu 16 tháng 10 là anh Samuel Paty, 47 tuổi và kẻ giết anh được xác định là Aboulakh A, 18 tuổi, quốc tịch Nga gốc Chechnya.

Các giáo viên trong trường cho biết thầy giáo Paty đã nhận được những lời đe dọa trước khi bị giết thật ghê rợn.

Bản thân tên khủng bố Hồi giáo đã bị cảnh sát tiêu diệt sau khi chặt đầu nạn nhân bằng một con dao làm bếp ở Conflans-Sainte-Honorine, ngoại ô Paris vào chiều thứ Sáu.

Thủ tướng Jean Castex tuyên bố rằng Pháp sẽ phản ứng với “sự cứng rắn lớn nhất” để công dân của mình được sống trong “tự do”.

Sáng thứ Bảy, một giáo viên tại trường trung học Bois-d'Aulne, nơi anh Paty đã dạy lịch sử và địa lý, xác nhận rằng đồng nghiệp của ông đã “lo lắng cho sự an toàn của mình”.

Một số phụ huynh cho biết thầy giáo Paty đã cho học sinh xem một bức biếm họa vào đầu tháng này. Bức biếm họa này đã được Charlie Hebdo, một tạp chí châm biếm xuất bản trước khi bị một tay súng có liên hệ với al-Qaeda tấn công vào năm 2015.

Mười hai người đã bị sát hại xung quanh tòa soạn của Charlie Hebdo ở Paris, sau khi những kẻ khủng bố buộc tội các ký giả trong tòa báo này báng bổ tiên tri Muhammad.

Đối với người Hồi giáo, bất kỳ miêu tả nào về nhà tiên tri đều là báng bổ.

Trong vụ tấn công mới nhất, người ta nghe thấy Aboulakh hét lên 'Allahu Akbar' - tiếng Ả Rập có nghĩa là “Chúa là vĩ đại nhất”- trong đoạn video cho thấy thầy giáo Paty đã bị y chặt đầu.

Các nhà điều tra đang cố gắng xác định xem kẻ tấn công đã hành động một mình hay có đồng bọn.

Chín người, bao gồm các thành viên trong gia đình trực hệ của Aboulakh, đã bị tạm giữ vào đầu giờ sáng thứ Bảy.

Bốn người thân của kẻ tấn công, bao gồm cả một trẻ vị thành niên, đã bị giam giữ trong vài giờ ngay sau vụ tấn công ở vùng ngoại ô dành cho những người trung lưu.

Năm người khác bị giam giữ qua đêm, trong số đó có hai phụ huynh của các học sinh tại trường Bois d'Aulne, nơi thầy giáo Paty giảng dạy.

Một trong những người bị bắt là cha của một học sinh tại trường Bois-d'Aulne, là người đã đăng một video trên YouTube kêu gọi mọi người phàn nàn về hành vi của thầy Paty trong lớp và gọi giáo viên này là “một kẻ côn đồ”.

Các công tố viên chống khủng bố đang điều tra vụ tấn công, và liên kết nó với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Hàng ngàn người tị nạn Chechnya thiện chiến, trong đó có nhiều người Hồi giáo sùng đạo, đã được vào Pháp vào đầu những năm 2000 sau hai cuộc chiến đẫm máu chống lại Nga.

Khám nhà của tên sát nhân, cảnh sát cho biết kẻ giết người đã đăng các tin nhắn nặc danh trực tuyến mô tả tổng thống Pháp Emmanuel Macron là “lãnh đạo của những kẻ vô đạo”.

Phản ứng trước tin này, ông Macron nói: “Không phải ngẫu nhiên mà tên khủng bố giết một giáo viên vì hắn muốn giết nước Cộng hòa và các giá trị của nó”.

Một buổi lễ tưởng niệm dành cho anh Patay đang được lên kế hoạch.

Ông Castex, thủ tướng, cho biết Pháp sẽ “không bao giờ bỏ cuộc” khi đáp trả các các cuộc tấn công khủng bố.

Ông đã tweet vào hôm thứ Bảy: “Khi giết một một trong những người bảo vệ tự do của chúng ta, khủng bố Hồi giáo đã đánh vào trái tim của nền Cộng hòa này”.

“Trong tình đoàn kết với các giáo viên trên toàn quốc, chính phủ sẽ phản ứng với một sự kiên quyết lớn nhất để nước Cộng hòa và công dân của nó được sống trong tự do! Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Không bao giờ”.

Các phụ huynh cho biết thầy Paty đã cho các học sinh xem một bức biếm họa của tờ Charlie Hebdo trong một lớp học về quyền tự do ngôn luận vào đầu tháng này.

Ông Nordine Chaouadi nói với Reuters rằng ông ta là cha của một cậu học sinh 13 tuổi có mặt trong lớp học này. Theo ông Chaouadi, thầy Paty đã yêu cầu các học sinh theo đạo Hồi giơ tay lên và mời họ ra khỏi lớp, vì thầy sắp chiếu một bức tranh biếm họa về Mohammad có thể gây xúc phạm đối với họ.

Người cha cho biết con trai ông, một người Hồi giáo, giải thích hành động của thầy Paty như cử chỉ được thực hiện vì lòng tốt và sự tôn trọng đức tin của họ.

“Ông đã làm điều đó để bảo vệ trẻ em, không để gây sốc cho họ,” ông Chaouadi nói.

Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn cảm thấy bị xúc phạm. Hai hoặc ba ngày sau, họ tổ chức một cuộc họp tại trường với giáo viên, hiệu trưởng nhà trường và một quan chức của cơ quan giáo dục địa phương.

Ông Chaouadi nói thêm: “Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Không có tiếng la hét hay lời qua tiếng lại. Vợ tôi đã tham gia buổi họp đó.”

Một người đàn ông nói rằng con gái của ông ta đang ở trong lớp đã kể lại về buổi học này tương tự như thế. Tuy nhiên, ông ta cho rằng giáo viên dạy lịch sử là một tên côn đồ và đăng một video lên mạng xã hội kêu gọi người Hồi Giáo phản đối thầy Paty. Video này được chia sẻ rộng rãi bởi một nhà thờ Hồi giáo ở Paris.

Trong video, người đàn ông nói: “Nếu bạn muốn hợp lực và muốn nói ‘dừng lại, đừng chạm vào con của chúng tôi’, thì hãy gửi tin nhắn cho tôi”.

“Tên côn đồ này không nên ở trong hệ thống giáo dục quốc dân, không nên dạy con chúng ta nữa. Hắn nên về nhà tự dạy bảo lại chính mình”.

Các nhà lập pháp và liên đoàn giáo viên ca ngợi lòng dũng cảm của giáo viên bị giết vì đã đối mặt với những điều cấm kỵ đầy thách thức trong xã hội Pháp.

Họ nói, tự do ngôn luận là nguyên lý cốt lõi của nền dân chủ.

Jean-Remi Girard, chủ tịch Liên minh Giáo viên các trường công lập, nói với BFM TV rằng trẻ em cần hiểu rằng sự báng bổ có thể gây sốc, nhưng là hợp pháp.


Source:Mirror
 
Công bố logo Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisboa 2023
Chân Phương
08:33 17/10/2020
Vatican - Hôm Thứ Sáu 16 tháng 10 năm 2020, logo (biểu trưng) của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisboa 2023 đã được công bố ra công chúng, với ý tưởng làm nổi bật câu chủ đề "Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường" (Lc 1,39) do Đức Thánh Cha Phanxicô lựa chọn.

Sở dĩ Ban Tố Chức chọn ngày 16 tháng 10 để công bố là nhằm kỷ niệm ngày Thánh Gioan Phaolô II - đấng sáng lập ra Đại Hội Giới Trẻ - được bầu làm giáo hoàng (năm 1978).

Yếu tố chủ đạo của logo là cây Thánh Giá với một con đường vắt ngang qua, nơi có Chúa Thánh Thần đồng hành. Đây là lời mời gọi giới trẻ đừng thụ động mà hãy đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới công bằng và giàu tình huynh đệ hơn. Các màu sắc (xanh lá cây, đỏ và vàng) gợi lên quốc kỳ của đất nước Bồ Đào Nha.

Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon 2023 là đoạn Kinh Thánh nói về việc Đức Maria đi thăm viếng bà Elizabeth, cho thấy Mẹ đã sẵn sàng sống theo thánh ý Chúa, sẵn sàng phục vụ tha nhân, thúc giục những người trẻ đổi mới sức sống, ước mơ, niềm nhiệt huyết, sự lạc quan và lòng quảng đại (theo Tông Huấn Christus Vivit 20).

Hình ảnh lần Chuỗi Mân Côi nhấn mạnh rằng tâm hồn người dân Bồ Đào Nha luôn có sự sùng kính Đức Mẹ Fátima.

Đức Maria được diễn họa như một thiếu nữ, tượng trưng cho hình ảnh của Mẹ trong đoạn Phúc Âm Luca (Lc 1,39) trẻ trung, hòa điệu với đặc tính của giới trẻ. Cách thiết kế này thể hiện sự trong sáng của Đức Maria, của một người chưa làm mẹ nhưng đã mang trong cung lòng mình Ánh Sáng thế gian là Chúa Kitô. Hình dáng hơi nghiêng thể hiện thái độ nhiệt thành đáp lời xin vâng của Đức Trinh Nữ Maria.

Tác giả logo này là cô Beatriz Roque Antunez - một nhà thiết kế trẻ 24 tuổi người Bồ Đào Nha. Sau khi học ngành thiết kế ở London, cô hiện đang làm việc cho một công ty truyền thông ở Lisbon.

Cô chia sẻ: "Như câu Kinh Thánh chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisboa 2023, Đức Maria đã không chịu ngồi yên; thay vào đó, Mẹ quyết định đến thăm người chị họ mình. Đó cũng là lời mời gọi dành cho giới trẻ: đừng thụ động, đừng để mọi việc tự nó xảy ra, mà hãy xây dựng thế giới chứ đừng đẩy trách nhiệm này cho người khác”.

(Chân Phương)

Ý nghĩa của logo (biểu trưng) Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisboa 2023

Thánh Giá

Thánh Giá Kitô giáo, biểu tượng của lòng từ ái hải hà của Thiên Chúa dành cho nhân loại, đây là điều cốt lõi tác thành nên mọi vật mọi loài.

Con đường

Đoạn Kinh Thánh kể về cuộc đi thăm viếng của Đức Mẹ chính là chủ đề ĐHGTTG Lisboa 2023, nó cho chúng ta thấy rằng Đức Maria đã sẵn sàng sống theo thánh ý của Thiên Chúa, sẵn sàng phục vụ tha nhân là bà Elizabeth. Cuộc lên đường này nhấn mạnh lời mời gọi giới trẻ hãy đổi mới “sức sống nội tâm, các ước mơ, niềm nhiệt huyết, sự lạc quan và lòng quảng đại” (Tông Huấn Christus Vivit, 20). Bên cạnh con đường ấy cũng có hình ảnh biểu tượng cho Chúa Thánh Thần.

Chuỗi Mân Côi

Lựa chọn hình ảnh Chuỗi Mân Côi để nhấn mạnh rằng trong tâm hồn người dân Bồ Đào Nha luôn hiện hữu lòng sùng kính Đức Mẹ Fátima. Chuỗi Mân Côi được đặt trên con đường để tạo thành sự trải nghiệm rất đáng nhớ về cuộc hành hương ở đất nước Bồ Đào Nha.

Đức Maria

Đức Maria được miêu tả bằng hình ảnh một thiếu nữ để liên hệ với đoạn Phúc Âm Luca (Lc 1, 39) và cũng để tạo sự tương đồng với giới trẻ. Hình ảnh này thể hiện sự trong sáng của độ tuổi, đó là đặc điểm của một người chưa từng làm mẹ, nhưng đang mang trong cung lòng mình Ánh Sáng của thế gian. Hình ảnh hơi nghiêng một chút để thể hiện tâm thế xin vâng của Đức Trinh Nữ Maria. (https://www.facebook.com/DaiHoiGioiTre/)
 
Thống kê Giáo Hội Công Giáo năm 2020
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:37 17/10/2020
Ngày 31/5/2020, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2020 lần thứ 94 sẽ được cử hành vào Chúa nhật 18/10 với Chủ đề “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). ĐTC viết: Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định cách cầu nguyện, suy tư và giúp đỡ vật chất cho công cuộc loan báo Tin Mừng; là cơ hội để tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người.”

Hãng tin Fides đưa ra một số thống kê được chọn để trình bầy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội truyền giáo trên toàn thế giới. Các bảng này được lấy từ ấn bản mới nhất của «Sách thống kê của Giáo hội» cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 về các thành viên của Giáo hội, cấu trúc nhà thờ, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và giáo dục. Xin lưu ý rằng các biến thể được biểu thị trong ngoặc, tăng (+) hoặc giảm (-) so với năm 2016.

Đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, dân số thế giới là 7.496.394.000 người, tăng 88.020.000 người so với năm trước. Người Công Giáo trên thế giới đã lên tới con số 1.328.993.000 đơn vị, tổng số tăng là 15.716.000 so với năm trước. Sự gia tăng ảnh hưởng đến tất cả các lục địa. Tuy nhiên, tỷ lệ người Công Giáo trên thế giới vẫn không thay đổi, ở mức 17,73%.

Tổng số Giám mục trên thế giới giảm 12 đơn vị, còn 5.377. Các Giám mục Giáo phận tăng (+6) và các Giám mục Dòng tu giảm (-18).

Tổng số linh mục trên thế giới còn 414.065, giảm 517 trong năm nay,. Châu lục ghi nhận mức giảm lớn một lần nữa là Châu u (- 2,675 cũng như Châu Mỹ (-104). Mức tăng đã được ghi nhận ở Châu Phi (+1.391), Châu Á (+823) và Châu Đại Dương (+48). Số lượng linh mục Giáo phận còn 50,941, giảm 594 đơn vị trong sáu năm liên tiếp, Mức giảm được ghi nhận ở Châu u (-591), Châu Mỹ (-290) và Châu Đại Dương (-17). Mức tăng ở Châu Phi (+217) và Châu Á (+87).

Ngay cả năm nay, tổng số nữ tu nói chung còn 641.661 người, giảm đi 7.249 đơn vị giống như năm trước,. Mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+2.220) và ở Châu Á (+1.218). Mức giảm ở Châu u (-7.167), Châu Mỹ (-3.253) và Châu Đại Dương (–267).

Tổng số giáo dân truyền giáo trên thế giới là 376.188 người, với số tăng là 20.388 đơn vị, tăng ở Châu u (+128), Châu Mỹ (+8.129), Châu Á (+12.433), giảm ở Châu Đại Dương (-12) và ở Châu Phi (- 290).

Giáo lý viên trên thế giới giảm 43.697 đơn vị, với tổng số 3.076.624. Số lượt giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-40,846), Châu u (-9,418), Châu Đại Dương (-321), mức tăng được đăng ký ở Châu Phi (+5,133) và ở Châu Á (+1,755).

Số đại chủng sinh, giáo phận và dòng tu trong năm nay tăng lên trên toàn cầu là 552 đơn vị, đạt tổng số 115.880. Mức tăng đã được ghi nhận ở Châu Phi (+964), Châu Á (+354) và Châu Đại Dương (+52). Mức giảm ở Châu u (-696) và ở Châu Mỹ (-122).

Tổng số tiểu chủng sinh, giáo phận và dòng tu tiếp tục giảm vào năm thứ ba với 617 đơn vị, xuống còn 100.164 người. Tăng ở Châu Á (+340). Giảm tổng thể ở Châu Mỹ (-529), Châu Phi (-226), Châu u (-169) và ở Châu Đại Dương (-33).

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo Hội Công Giáo có 73.164 trường mẫu giáo với 7.376.858 học sinh; 103.146 trường tiểu học với 35.011,999 học sinh; 49.541 trường trung học với 19.307.298 học sinh. Giáo hội cũng quan tâm đến 2.251.600 học sinh trung học và 3.707.559 sinh viên đại học.

Các trung tâm từ thiện và chăm sóc sức khỏe trên thế giới do Giáo hội điều hành bao gồm: 5.192 bệnh viện, 15.481 trạm y tế, 577 Nhà chăm sóc người bị bệnh phong, 15.423 Nhà cho người già, người bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật, 9.295 trại trẻ mồ côi, 10.747 mái ấm, 12.515 trung tâm tư vấn hôn nhân, 3.225 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 31.091 học viện khác.

Các thiết định Giáo hội phụ thuộc vào Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc (CEP) là 1.119. Hầu hết các thiết định Giáo hội được giao cho các Hội Dòng Truyền bá Đức tin ở Châu Phi (516) và ở Châu Á (484), tiếp theo là Châu Mỹ (73) và Châu Đại Dương (46).

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tâm thư gởi các cử tri Công Giáo của Hệ thống Truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN
J.B. Đặng Minh An dịch
22:20 17/10/2020
Hệ thống Truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN, tức là Lời Vĩnh Cửu, vừa đưa ra một bức tâm thư gởi các tín hữu Công Giáo là cử tri trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 11 tới đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, sự lựa chọn không thực sự chỉ là giữa tổng thống Donald Trump và Joe Biden mà thôi. Nhưng đó còn là sự lựa chọn giữa hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về nước Mỹ. Sự khác biệt đó là về triết học, chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề cá nhân ai sẽ là tổng thống.

Một chiến dịch tranh cử đã xây dựng trên ý tưởng theo đó Mỹ là một đất nước tuyệt vời, có nhiều điều để mang đến cho thế giới. Viễn kiến này bao gồm một tầm nhìn coi việc thực hành tôn giáo và niềm tin vào Chúa là trọng tâm trong đời sống riêng tư và cả trong đời sống công cộng của đất nước. Theo cách hiểu về nước Mỹ này, đức tin không phải là thứ cần được bảo vệ bằng cách xây nên các “bức tường ngăn cách” được thiết kế để che chắn cho các Kitô hữu. Thay vào đó, đức tin - và bản thân Kitô Giáo - được coi là yếu tố then chốt đối với sự hưng thịnh của đất nước chúng ta theo quan điểm được chia sẻ bởi nhiều quốc phụ sáng lập đất nước này. Đây là sự hiểu biết của những vĩ nhân như Samuel Adams, James Madison, Patrick Henry và George Washington.

Tiêu biểu cho suy nghĩ đó là những lời sau đây của Charles Carroll. Ông là người Công Giáo đã ký tên trong Tuyên ngôn Độc lập, và là người đã viết vào năm 1800 rằng: “Không có đạo đức, một nền cộng hòa không thể tồn tại trong bất kỳ thời điểm nào; vì thế, những ai đang chê bai Kitô Giáo là đang phá hoại nền tảng đạo đức vững chắc, sự an toàn tốt nhất cho sự bền vững của các chính phủ tự do”.

Theo quan điểm này về Hoa Kỳ, Kitô hữu và những người có đức tin khác được coi là một phần rất lớn và quan yếu trong giải pháp cho những thách thức mà đất nước chúng ta phải đối mặt, giống như họ đã từng là trung tâm của rất nhiều phong trào tích cực trong lịch sử của Hoa Kỳ - từ cuộc vận động phò sinh trong bốn thập kỷ qua cho đến biết bao các cuộc vận động to lớn vì công lý và nhân quyền trong các thế kỷ 19, 20 và 21.

Không có gì ngạc nhiên khi quan điểm truyền thống về đất nước chúng ta cho rằng cần bảo vệ các bảo đảm hiến định về tự do tôn giáo, rằng những người có đức tin không thể bị phân biệt đối xử vì tín ngưỡng của họ, và tất cả người Mỹ, kể cả những người chưa sinh ra, đều có quyền do Chúa ban là quyền được sống – là quyền đầu tiên được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập.

Theo quan điểm này, Hiến pháp được xem như một văn bản được soạn thảo kỹ lưỡng để tiếp tục phục vụ đất nước một cách hiệu quả và nên được hiểu là văn bản - không thể bị điều chỉnh và thay đổi để đáp ứng các trào lưu hoặc xu hướng hiện nay.

Viễn kiến này về đất nước chúng ta tin rằng các giá trị mà Hoa Kỳ ủng hộ thông qua các chính sách đối ngoại của chúng ta và sự hỗ trợ ở nước ngoài phải là các giá trị như tự do tôn giáo chứ không phải là phá thai. Chúng ta tin vào sự bình đẳng về cơ hội, phản đối bạo loạn và chống lại các nhà sử học theo chủ nghĩa xét lại, những người sẽ phá hoại mọi thứ ở Mỹ để làm ô nhiễm di sản của đất nước đến mức biến Hoa Kỳ thành thảm họa.

Quan điểm này không cho rằng mọi thứ ở Mỹ đều hoàn hảo, hay mọi người sáng lập đất nước hay các nhà lãnh đạo của chúng ta tán thành quan điểm này đều là các bậc thánh nhân, nhưng nó tin vào sự vĩ đại của đất nước và vào ý tưởng cho rằng có các khí cụ tồn tại trong Hiến pháp và hệ thống chính phủ của chúng ta để khắc phục những vấn đề nảy sinh mà không cần đến bạo loạn hay bất cứ sách lược nào nhằm thay đổi hoàn toàn hệ thống luật pháp và chính phủ của chúng ta. Đây là quan điểm truyền thống của người Mỹ.

Chống lại quan điểm này là một tầm nhìn cực đoan ngày càng phổ biến trong nhiều trường cao đẳng và đại học, trên các phương tiện truyền thông báo chí, và giữa những người biểu tình và bạo loạn, và thậm chí ngay cả trong giới chính trị, bao gồm cả một chiến dịch tranh cử tổng thống.

Trong cách nhìn cực đoan này về lịch sử của chúng ta, nước Mỹ có nhiều điều để chuộc lỗi và chẳng có bao nhiêu điều đáng để tự hào. Các giá trị tôn giáo truyền thống và Kitô giáo bị coi như một hình thức hoặc một phương tiện tạo ra phân biệt đối xử trong xã hội, chứ không phải là yếu tố trung tâm của đất nước. Phá thai không chỉ được tuyên dương; nó còn được xuất khẩu bằng tiền đóng thuế của người dân và được tin là một thứ nhân quyền cao cả. Theo quan điểm này, tránh thai là một quyền cơ bản vượt trội hơn cả các quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp như trong trường hợp các nữ tu Dòng Các Tiểu Muội Người Nghèo. Sự phản đối theo lương tâm bị gạt bỏ, và tôn giáo được coi là thứ cần phải bị đàn áp và kỳ thị, chứ không phải là điều đáng được ca tụng vì những gì tôn giáo là và những gì tôn giáo tin tưởng. Trên thực tế, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước, và các giá trị tôn giáo bị coi là lạc lõng so với “các giá trị cấp tiến mới xuất hiện của Mỹ”.

Tiến bộ của Mỹ trong các lĩnh vực bình đẳng chủng tộc bị đánh giá thấp, và trong khi đất nước tiếp tục cố gắng cải tiến các vấn đề pháp lý liên quan đến chủng tộc, nhóm này lại bác bỏ mọi hy vọng cải thiện trong hệ thống hiện tại. Đối với họ, chỉ có thể chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn hệ thống của Mỹ, bất kể hệ thống này đã hoạt động tốt như thế nào so với rất nhiều quốc gia đương đại khác và bất kể mức độ hấp dẫn của nó đã khiến biết bao người bị áp bức trên toàn thế giới tìm đến đây vào bao nhiêu người khác mơ được đến sống ở quốc gia này.

Việc xác định lại các giá trị liên quan đến tính dục và chính gia đình là trung tâm của thế giới quan này - và những người có niềm tin tôn giáo không đồng ý với chương trình nghị sự như vậy bị coi là cố chấp. Hoa Kỳ bị họ công khai chỉ trích là “đế quốc Mỹ”, trong khi họ nhắm mắt làm ngơ trước chủ nghĩa đế quốc thực sự của các nước cộng sản. Hoa Kỳ là quốc gia đón nhận niềm tin tôn giáo, tin rằng quyền của người dân đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ nhà cầm quyền. Nhưng nhóm này đánh giá thấp quan điểm đó và đề cao một thứ nhà cầm quyền thay Trời hành đạo. Như một bộ phim tài liệu gần đây của EWTN đã chỉ ra, khi các chính phủ cố gắng giết Chúa, họ thường quay sang giết người trước.

Theo quan điểm này, tôn giáo phải phục tùng các chính trị gia và nhà nước. Chấm hết. Miễn bàn cãi.

Và sự phục tùng sẽ luôn luôn tăng lên, bởi vì đối với đám đông cực đoan này, tiến hóa là tất cả. Các giá trị của chính họ - và chính cả các từ vựng của họ - ngày này sang ngày khác liên tục bị thay thế bằng các giá trị mới và các ngôn từ mới. Mục tiêu của họ không phải là tĩnh mà là động, nhưng nhất quán đi theo con đường chống lại Kitô Giáo. Các chính trị gia trong nhóm này trước đây đã từng ủng hộ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân, Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo, hoặc Tu chính án Hyde cách đây vài thập kỷ giờ đây lại cho rằng tất cả những điều này đều đáng khinh bỉ. Đối với những người ủng hộ quan điểm này về nước Mỹ, các giá trị không phải là bất biến, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi tùy thuộc vào trào lưu chính trị và xu hướng văn hóa.

Quan điểm này về nước Mỹ đang tìm cách loại bỏ vai trò của Thiên Chúa và tầm quan trọng, tính độc đáo và sự vĩ đại của lịch sử lập quốc và các phát triển sau đó của nước Mỹ - là một quan điểm cực đoan tai hại cho đất nước chúng ta.

Điều này - hơn cả chính các ứng cử viên - là những gì được thể hiện trên lá phiếu. Anh chị em đang bỏ phiếu năm nay cho tầm nhìn dài hạn của nước Mỹ, chứ không phải chỉ cho một người. Hãy ghi nhớ điều đó: Hãy cầu nguyện và bỏ phiếu - vì tương lai của đất nước anh chị em.

Xin Chúa phù hộ anh chị em.

Michael Warsaw

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành

Mạng lưới Công Giáo Toàn cầu EWTN

Giám Đốc Nhà xuất bản National Catholic Register.



Source:National Catholic Register
 
Top Stories
Vietnam: À l’issue de leur assemblée bi-annuelle, les évêques vietnamiens appellent les fidèles à la communion
Églises d'Asie
08:25 17/10/2020
Du 12 au 16 octobre au centre pastoral de l’archidiocèse d’Hô-Chi-Minh-Ville, dans le sud du Vietnam, les évêques des 27 diocèses du pays étaient réunis pour leur assemblée biannuelle – leur rencontre d’avril avait dû être annulée en raison de la pandémie. Le 16 octobre, à l’issue de leur rencontre, les évêques ont publié une lettre pastorale destinée aux fidèles vietnamiens. Ils appellent notamment à servir et répandre la communion dans l’Église locale, en utilisant les médias et les réseaux sociaux au service d’une « civilisation de l’amour ». L’Église au Vietnam compte aujourd’hui 27 diocèses et 7 millions de fidèles.

Les évêques vietnamiens étaient réunis au centre pastoral de l’archidiocèse d’Hô-Chi-Minh-Ville du 12 au 16 octobre pour leur assemblée semestrielle – leur rencontre d’avril avait dû être annulée à cause de la pandémie. Le 16 octobre, à l’issue de l’assemblée bi-annuelle, les 27 évêques et archevêques du pays ont appelé les catholiques vietnamiens à renforcer et répandre la communion dans l’Église, en utilisant les réseaux sociaux afin de construire une « civilisation de l’amour et de la vie ». Les évêques vietnamiens ont également rappelé que l’Église locale célèbre un anniversaire spécial cette année – les vicariats apostoliques ont été supprimés en novembre 1960 et érigés en diocèses par le pape Jean XXIII. En 1960, le Vietnam comptait 17 diocèses et 1,5 million de catholiques. Aujourd’hui, l’Église locale compte 27 diocèses et 7 millions de fidèles. À l’issue de leur assemblée, les évêques ont souligné que cette évolution montre la vitalité de l’Église locale, même s’ils estiment que le travail d’évangélisation reste trop limité au Vietnam. « Nous remercions Dieu, source de grâces, et nous sommes reconnaissants envers nos ancêtres qui nous ont offert un héritage précieux en n’épargnant par leur sang, leur sueur et leurs larmes au nom de leur foi », ont-ils déclaré. Ils ont ajouté que les catholiques sont invités à vivre et soutenir la communion ecclésiale, et à se mettre au service de la mission en vivant comme « le sel de la terre et la lumière du monde ».

Communion et solidarité

Les évêques vietnamiens ont invité les fidèles à « prendre part activement aux interventions d’urgence auprès des victimes des graves inondations survenues dans les provinces centrales », à « adopter les mesures sanitaires recommandées contre la pandémie » et à « contribuer à la construction d’une société saine ». Ils ont également demandé aux catholiques d’utiliser les réseaux sociaux afin de servir la vérité, la communion et la charité, pour un développement humain holistique. Ils ont mis en garde contre l’utilisation des médias qui répandent la division plutôt que l’unité, ou qui incitent à la haine ou provoquent la confusion. Ils ont incité à imiter le nouveau bienheureux Carlo Acutis, un adolescent italien décédé à l’âge de 15 ans, qui a utilisé ses compétences en informatique afin de répandre la Bonne Nouvelle sur Internet. Les évêques ont également annoncé une année spéciale pour 2021, sur le thème « marcher avec les jeunes en famille ». Ils ont souligné que la famille est un lieu où les jeunes peuvent apprendre à tisser une relation avec Dieu, et à renforcer leurs liens avec leurs parents et leurs frères et sœurs. « La famille est aussi un lieu où les jeunes apprennent les valeurs humaines comme l’honnêteté, la générosité, le sens du service et la responsabilité », ont-ils ajouté. « Nous souhaitons que les jeunes et leurs parents veillent sur leurs familles comme des foyers de prière et d’amour, afin de former des personnes pleinement accomplies », ont insisté les évêques dans leur lettre pastorale, publiée après leur rencontre d’octobre.

Durant l’assemblée de cinq jours, Mgr Alfonse Nguyen Huu Long, évêque de Vinh, a été nommé à la tête de la Société missionnaire du Vietnam (Vietnam Missionary Society), pour un mandat de cinq ans. Les évêques ont également décidé de fonder une bibliothèque nationale pour l’Église locale, basée à l’archevêché d’Hô-Chi-Minh-Ville. Mgr Joseph Nguyen Duc Cuong, évêque de Thanh Hoa et responsable de la commission épiscopale pour la Justice et la Paix, a également suggéré de développer des programmes de sensibilisation sur la Doctrine sociale de l’Église. Par ailleurs, Mgr Thomas Vu Dinh Hieu, évêque de Bui Chu, responsable de Caritas Vietnam, a offert 1 milliard de dongs (36 885 euros) à Mgr Joseph Nguyen Chi Linh, président de la conférence épiscopale vietnamienne, afin de contribuer à l’aide d’urgence destinée aux victimes des inondations qui ont frappé l’archidiocèse de Hué ainsi que les diocèses de Da Nang et de Ha Tinh. Mgr Joseph Vu Van Thien, archevêque de Hanoï et secrétaire général adjoint de la conférence épiscopale vietnamienne, a également expliqué que Mgr Marek Zalewski, basé à Singapour et représentant pontifical non-résident au Vietnam, n’a pas pu participer à la rencontre en raison de la pandémie. L’envoyé du Vatican a envoyé une lettre de recommandation aux évêques, afin de souligner l’importance de la formation sacerdotale et de la pratique de la foi, particulièrement en ce temps de crise sanitaire. Mgr Thien a confié que la rencontre semestrielle était destinée à donner des directions pastorales afin de répondre aux besoins spirituels des catholiques vietnamiens, selon les différentes situations rencontrées dans les 27 diocèses du pays.

(Églises d'Asie - le 17/10/2020, Avec Ucanews, Saigon)
 
VietCatholic TV
Tiết lộ mới nhất của cảnh sát Pháp chung quanh vụ thảm sát kinh hoàng một thầy giáo tại Paris
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:14 17/10/2020


1. Cảnh sát Pháp tiết lộ thân thế của người giáo viên vừa bị thảm sát: Thầy giáo Samuel Paty, 47 tuổi

Người giáo viên bị giết trong vụ thảm sát kinh hoàng tại Paris chiều thứ Sáu 16 tháng 10 là anh Samuel Paty, 47 tuổi và kẻ giết anh được xác định là Aboulakh A, 18 tuổi, quốc tịch Nga gốc Chechnya.

Các giáo viên trong trường cho biết thầy giáo Paty đã nhận được những lời đe dọa trước khi bị giết thật ghê rợn.

Bản thân tên khủng bố Hồi giáo đã bị cảnh sát tiêu diệt sau khi chặt đầu nạn nhân bằng một con dao làm bếp ở Conflans-Sainte-Honorine, ngoại ô Paris vào chiều thứ Sáu.

Thủ tướng Jean Castex tuyên bố rằng Pháp sẽ phản ứng với “sự cứng rắn lớn nhất” để công dân của mình được sống trong “tự do”.

Sáng thứ Bảy, một giáo viên tại trường trung học Bois-d'Aulne, nơi anh Paty đã dạy lịch sử và địa lý, xác nhận rằng đồng nghiệp của ông đã “lo lắng cho sự an toàn của mình”.

Một số phụ huynh cho biết thầy giáo Paty đã cho học sinh xem một bức biếm họa vào đầu tháng này. Bức biếm họa này đã được Charlie Hebdo, một tạp chí châm biếm xuất bản trước khi bị một tay súng có liên hệ với al-Qaeda tấn công vào năm 2015.

Mười hai người đã bị sát hại xung quanh tòa soạn của Charlie Hebdo ở Paris, sau khi những kẻ khủng bố buộc tội các ký giả trong tòa báo này báng bổ tiên tri Muhammad.

Đối với người Hồi giáo, bất kỳ miêu tả nào về nhà tiên tri đều là báng bổ.

Trong vụ tấn công mới nhất, người ta nghe thấy Aboulakh hét lên 'Allahu Akbar' - tiếng Ả Rập có nghĩa là “Chúa là vĩ đại nhất”- trong đoạn video cho thấy thầy giáo Paty đã bị y chặt đầu.

Các nhà điều tra đang cố gắng xác định xem kẻ tấn công đã hành động một mình hay có đồng bọn.

Chín người, bao gồm các thành viên trong gia đình trực hệ của Aboulakh, đã bị tạm giữ vào đầu giờ sáng thứ Bảy.

Bốn người thân của kẻ tấn công, bao gồm cả một trẻ vị thành niên, đã bị giam giữ trong vài giờ ngay sau vụ tấn công ở vùng ngoại ô dành cho những người trung lưu.

Năm người khác bị giam giữ qua đêm, trong số đó có hai phụ huynh của các học sinh tại trường Bois d'Aulne, nơi thầy giáo Paty giảng dạy.

Một trong những người bị bắt là cha của một học sinh tại trường Bois-d'Aulne, là người đã đăng một video trên YouTube kêu gọi mọi người phàn nàn về hành vi của thầy Paty trong lớp và gọi giáo viên này là “một kẻ côn đồ”.

Các công tố viên chống khủng bố đang điều tra vụ tấn công, và liên kết nó với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Hàng ngàn người tị nạn Chechnya thiện chiến, trong đó có nhiều người Hồi giáo sùng đạo, đã được vào Pháp vào đầu những năm 2000 sau hai cuộc chiến đẫm máu chống lại Nga.

Khám nhà của tên sát nhân, cảnh sát cho biết kẻ giết người đã đăng các tin nhắn nặc danh trực tuyến mô tả tổng thống Pháp Emmanuel Macron là “lãnh đạo của những kẻ vô đạo”.

Phản ứng trước tin này, ông Macron nói: “Không phải ngẫu nhiên mà tên khủng bố giết một giáo viên vì hắn muốn giết nước Cộng hòa và các giá trị của nó”.

Một buổi lễ tưởng niệm dành cho anh Patay đang được lên kế hoạch.

Ông Castex, thủ tướng, cho biết Pháp sẽ “không bao giờ bỏ cuộc” khi đáp trả các các cuộc tấn công khủng bố.

Ông đã tweet vào hôm thứ Bảy: “Khi giết một một trong những người bảo vệ tự do của chúng ta, khủng bố Hồi giáo đã đánh vào trái tim của nền Cộng hòa này”.

“Trong tình đoàn kết với các giáo viên trên toàn quốc, chính phủ sẽ phản ứng với một sự kiên quyết lớn nhất để nước Cộng hòa và công dân của nó được sống trong tự do! Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Không bao giờ”.

Các phụ huynh cho biết thầy Paty đã cho các học sinh xem một bức biếm họa của tờ Charlie Hebdo trong một lớp học về quyền tự do ngôn luận vào đầu tháng này.

Ông Nordine Chaouadi nói với Reuters rằng ông ta là cha của một cậu học sinh 13 tuổi có mặt trong lớp học này. Theo ông Chaouadi, thầy Paty đã yêu cầu các học sinh theo đạo Hồi giơ tay lên và mời họ ra khỏi lớp, vì thầy sắp chiếu một bức tranh biếm họa về Mohammad có thể gây xúc phạm đối với họ.

Người cha cho biết con trai ông, một người Hồi giáo, giải thích hành động của thầy Paty như cử chỉ được thực hiện vì lòng tốt và sự tôn trọng đức tin của họ.

“Ông đã làm điều đó để bảo vệ trẻ em, không để gây sốc cho họ,” ông Chaouadi nói.

Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn cảm thấy bị xúc phạm. Hai hoặc ba ngày sau, họ tổ chức một cuộc họp tại trường với giáo viên, hiệu trưởng nhà trường và một quan chức của cơ quan giáo dục địa phương.

Ông Chaouadi nói thêm: “Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Không có tiếng la hét hay lời qua tiếng lại. Vợ tôi đã tham gia buổi họp đó.”

Một người đàn ông nói rằng con gái của ông ta đang ở trong lớp đã kể lại về buổi học này tương tự như thế. Tuy nhiên, ông ta cho rằng giáo viên dạy lịch sử là một tên côn đồ và đăng một video lên mạng xã hội kêu gọi người Hồi Giáo phản đối thầy Paty. Video này được chia sẻ rộng rãi bởi một nhà thờ Hồi giáo ở Paris.

Trong video, người đàn ông nói: “Nếu bạn muốn hợp lực và muốn nói ‘dừng lại, đừng chạm vào con của chúng tôi’, thì hãy gửi tin nhắn cho tôi”.

“Tên côn đồ này không nên ở trong hệ thống giáo dục quốc dân, không nên dạy con chúng ta nữa. Hắn nên về nhà tự dạy bảo lại chính mình”.

Các nhà lập pháp và liên đoàn giáo viên ca ngợi lòng dũng cảm của giáo viên bị giết vì đã đối mặt với những điều cấm kỵ đầy thách thức trong xã hội Pháp.

Họ nói, tự do ngôn luận là nguyên lý cốt lõi của nền dân chủ.

Jean-Remi Girard, chủ tịch Liên minh Giáo viên các trường công lập, nói với BFM TV rằng trẻ em cần hiểu rằng sự báng bổ có thể gây sốc, nhưng là hợp pháp.


Source:Mirror

2. Bốn Tổng giám mục Ái Nhĩ Lan xin gặp thủ tướng về vấn đề thánh lễ.

Bốn vị Tổng giám mục đứng đầu bốn giáo tỉnh tại Ái Nhĩ Lan đã gửi thư xin gặp thủ tướng Michael Martin để bày tỏ quan tâm vì những hạn chế liên quan đến thánh lễ vì lý do đại dịch Covid-19. Theo qui định của chính phủ Ái Nhĩ Lan, ở mức độ 3, tất cả các buổi lễ tôn giáo chỉ được cử hành trực tuyến, tuy rằng các nơi thờ phượng có thể được mở cửa để tín hữu đến cầu nguyện riêng.

Thư của bốn vị Tổng giám mục gửi thủ tướng chính phủ khẳng định rằng việc cử hành thánh lễ và các bí tích, dù ở mức độ hạn chế, là điều có ý nghĩa tối quan trọng đối với một cộng đoàn Kitô... “ Chúng tôi muốn dấn thân một cách xây dựng với chính quyền dân sự để các tín hữu chúng tôi được tiếp tục nâng đỡ nhờ thánh lễ và các bí tích, cũng như được lương thực thiêng liêng thiết yếu trong thời kỳ nhiều thử thách hiện nay”.

Bức thư mang chữ ký của các vị Tổng giám mục bốn giáo tỉnh Armagh, Dublin, Tuam, và Cashel & Emly bao trùm toàn đảo Ái Nhĩ Lan, trong đó các vị bày tỏ sự ủng hộ những chỉ dẫn của nhà chức trách y tế nhưng đồng thời nói lên mối quan tâm về việc các thánh lễ chỉ có thể cử hành trực tuyến. Các vị giải thích rằng: “Thánh lễ không phải chỉ là một cuộc tập họp dân chúng, nhưng là một sự biểu lộ sâu xa cộng đồng Giáo hội là ai. Chúng tôi rất ý thức rằng đối với các giáo xứ và cá nhân các tín hữu Công Giáo, sự đánh mất nguồn nâng đỡ tinh thần có thể là một nguyên do gây ra lo âu và sợ hãi lớn lao, và có thể có ảnh hưởng tai hại đối với sức khỏe và an sinh nói chung của họ. Chúng tôi biết ơn nếu được gặp gỡ với thủ tướng trong những ngày tới đây và có cuộc thảo luận xây dựng về những vấn đề nói trên”.

3. Thêm một Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi anh chị em giáo dân đặt nặng vấn đề phá thai trong cuộc bầu cử sắp đến

Phá thai là một “mối đe dọa nền tảng cho sự khởi đầu của chính cuộc sống” và người Công Giáo không thể thụ động trước các vấn nạn trầm kha liên quan đến nhân quyền căn bản nhất là quyền được sống, Đức Giám Mục Felipe Estevez của giáo phận Thánh Augustinô đã nói như trên trong một lá thư mục vụ liên quan đến cuộc bầu cử sắp đến.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ rằng không có quyền nào khác quan trọng hơn quyền sống mà chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá. Ngài cũng nói rằng phá thai không phải chỉ là vấn đề của người Công Giáo hay thậm chí không phải chỉ là vấn đề liên quan đến các tôn giáo: đó là vấn đề nhân quyền trước nhất và quan trọng nhất,” Đức Cha Estevez nói trong lá thư ngày 7 tháng 10.

Ngài cũng bác bỏ tuyên bố của những người nói rằng, “về vấn đề đức tin, tôi chống phá thai, nhưng tôi không thể áp đặt niềm tin của mình lên người khác”. Những tuyên bố như vậy phản ánh một “niềm tin sai lầm” rằng trên cõi đời này có một số người không đáng được pháp luật bảo vệ.

“Đó không phải là vấn đề áp đặt một niềm tin, nhưng là dấn thân cho sự thật về đời sống con người bắt đầu từ lúc được thụ thai như khoa học sinh học đã xác nhận.”

Trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập, Đức Cha Estevez cho biết những người sáng lập Hoa Kỳ biết rằng quyền được sống “có tầm quan trọng cao hơn tất cả các quyền khác” bởi vì “không có quyền được sống thì không còn quyền nào khác có thể được bảo vệ”.

Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Quyền được sống là một nhân quyền ưu việt”.

Ngài cho biết các giám mục Hoa Kỳ đang cầu nguyện cho những người Công Giáo, những người tìm cách trở thành những cử tri có học thức với lương tâm tốt.

“Đây là một thời gian khó khăn cho đất nước chúng ta và là một thời gian quan trọng đối với những ai không chỉ thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng còn muốn làm như vậy với sự liêm chính hết sức có thể.”

Bàn về tầm quan trọng của việc tham gia vào đời sống công cộng, Đức Cha Estevez nói rằng chính trị là nhằm “bảo đảm công lý trong xã hội” và do đó “về cơ bản là một hoạt động đạo đức”.

“Mặc dù Giáo hội và các giáo sĩ không thể công khai ủng hộ một ứng viên hoặc một đảng phái chính trị cụ thể nào, nhưng chúng tôi có trách nhiệm khuyến khích anh chị em hiểu các vấn đề trong bối cảnh giáo huấn của Giáo hội và giúp anh chị em trong lĩnh vực 'hình thành lương tâm của mình'“

“Là người Công Giáo, niềm tin của chúng ta dựa trên những sự thật cơ bản về con người và xã hội mà cả đức tin và lý trí đều có thể tiếp cận được. Do đó, chúng ta có quyền và nghĩa vụ tham gia vào bầu khí công cộng theo cách phản ánh những sự thật này, vì lợi ích của cộng đồng chúng ta và vì vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã tác thành ra chúng ta”


Source:Catholic News Agency

4. Tượng Thánh Junipero Serra bị vẽ bậy, và bị kéo xuống vào Ngày của người bản địa

Hôm thứ Hai, một nhóm những kẻ quá khích ở gần San Francisco đã vẽ bậy lên bức tượng Thánh Junipero Serra được đặt trong sân nhà thờ bằng sơn xịt màu đỏ trước khi giật sập bức tượng xuống đất.

Thánh Serra, là một linh mục và một nhà truyền giáo dòng Phanxicô sống vào thế kỷ 18, bị một người quá khích coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và sự ngược đãi mà nhiều người Mỹ bản địa phải gánh chịu trong cuộc tiếp xúc với văn minh Tây phương. Tuy nhiên, các nhà sử học nói rằng nhà truyền giáo là người luôn bênh vực dân bản địa, phản đối sự lạm dụng và tìm cách chống lại sự áp bức của thực dân.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone hôm thứ Ba đã lên tiếng chỉ trích “não trạng đám đông cuồng loạn” dẫn đến việc bức tượng của vị thánh đã bị “một đám đông nhỏ đầy bạo lực vẽ bậy và giật sập một cách vô ý thức”.

“Hành vi kiểu này không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội văn minh nào. Trong khi cảnh sát đã may mắn bắt giữ được năm thủ phạm, những gì xảy ra tiếp theo là rất quan trọng, vì nếu những kẻ này bị coi là vi phạm tài sản nhỏ, thì điều này đã bỏ sót một điểm quan trọng: các biểu tượng đức tin của chúng ta đang bị tấn công không chỉ ở các nơi công cộng, mà ngay trên cả các phần đất riêng của chúng ta và thậm chí ngay bên trong các nhà thờ của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói hôm 13 tháng 10.

Cuộc bạo loạn dẫn đến việc phá hủy bức tượng diễn ra vào ngày 12 tháng 10 tại cứ điểm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael ở San Rafael, CA, phía bắc vịnh San Francisco. Mặc dù chính Thánh Serra không thành lập cứ điểm truyền giáo San Rafael này, cứ điểm vẫn được coi là di sản của Thánh Serra, vì do các hậu nhân của ngài từ chín cứ điểm đầu tiên do ngài thành lập mà ngày nay trở thành California.

Cuộc biểu tình kéo dài một giờ do các thành viên của bộ lạc Coast Miwok tổ chức, đánh dấu Ngày của Người bản địa, ngày lễ mà nhiều tiểu bang và thành phố do đảng Dân Chủ cầm đầu đã chỉ định để thay thế Ngày Columbus.

Một nhân viên bảo trì nhà thờ đã che bức tượng bằng băng keo trước cuộc biểu tình để bảo vệ bức tượng khỏi bị vẽ bậy. Nhiều bức tượng của vị thánh đã bị phá hoại hoặc phá hủy trong năm nay, hầu hết là ở California.

Những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đã bóc băng keo và phun sơn đỏ vào mặt bức tượng.

Những người biểu tình đã cố gắng ngăn các máy quay tin tức địa phương quay cảnh vụ lật đổ, nhưng Fox2 đã quay được cảnh tượng này. Ít nhất năm người có thể được nhìn thấy đang kéo đầu bức tượng bằng dây thừng.

Đoạn băng dường như cho thấy bức tượng rơi vào một trong những người biểu tình, mặc dù không có bất kỳ trường hợp thương tích nào được báo cáo.

Cảnh sát đã bắt giữ 5 phụ nữ liên quan đến vụ việc này và buộc họ tội phá hoại với tình tiết nghiêm trọng.

“Chúng ta không thể cho phép một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật không được ai bầu có quyền quyết định những biểu tượng thiêng liêng nào những người Công Giáo hoặc tín hữu các tôn giáo khác được phép trưng bày và sử dụng để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Điều này phải dừng lại,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

“Việc tấn công các biểu tượng đức tin của hàng triệu người Công Giáo, những người đa dạng về sắc tộc như bất kỳ tín ngưỡng nào ở Mỹ, là phản tác dụng. Nó cũng chỉ đơn giản là sai”.


Source:Catholic News Agency
 
Chương trình Lời Ca Nguyện Cầu 17/10/2020
Giáo Hội Năm Châu
06:37 17/10/2020